Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Thơ Tranh: Người Dưng



Thơ: Lâm Hảo Khôi
Thơ Tranh: Kim Oanh

Bài Thơ Haiku Nhật Bản


Ghi vội cảm xúc một chiều ở Kyoto (Japan) trước một cảnh chùa xưa

Lưng núi xanh cổ tích
Bóng chiều đá trắng lối chùa xưa
Suối tiễn nước về đâu


Phạm Khắc Trí
4-7-2015
***
Phù Du


Đường đời dâu bể
Nhân sinh ba vạn ngắn hay dài?
Có còn chăng?

Quên Đi
***
Quê hương còn khó nhọc
Thời gian ba vạn đang sắp hết
Làm gì không?


Nguyễn Đắc Thắng
20150713

***
 Chùa Xưa Thắng Cảnh

Núi xanh vươn vách đứng,
Tà dương thắng cảnh chứng chùa xưa.
Tri kỷ nữa tìm đâu ...


Mai Xuân Thanh
***
 Chim Chiều

Lẻ bạn mỏi cánh bay
Chập chùng đồi núi sương mờ ảo
Tổ ấm nào biết đâu

Kim Phượng

Đôi Điều Về Đại Hội XIX Tại Toronto, Canada


Sau Đại Hội Thế Giới XVIII tại thành phố Phượng Hoàng ở Arizona gần một năm, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trường Trung Học Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Cần Thơ Vùng New England của chúng tôi chuẩn bị một số anh chị em đi tham dự Đại Hội XIX tại thành phố Toronto, Canada vào dịp lễ Độc Lập Hoa Kỳ năm 2015. Toronto là thành phố đông dân nhất tại Canada và là tỉnh lỵ của Ontario với dân số ngót nghét 2 triệu 7 trăm ngàn. Tuy thuộc nước Canada nhưng Toronto rất gần tiểu bang Massachusetts thuộc vùng New England của chúng tôi vì từ Springfield hay Boston, MA qua Toronto chỉ mất tối đa khoảng 9 giờ lái xe hơi. Vì khá gần như vậy nên anh CHS/Bác sĩ Thái ngọc Ẩn và phu nhân là CHS/Dược sĩ Nguyễn thị Gấm đề nghị mướn xe minivan để nhóm cựu học sinh chúng tôi đi phó hội bắt đầu từ sáng ngày Thứ Năm, 2 tháng 7 năm 2015 (và trở về Massachusetts vào Chủ Nhật, ngày 5 tháng 7 năm 2015) hầu có dịp ngắm cảnh dọc đường và nghỉ đêm gần thác Niagara (Niagara Falls) trước khi vượt biên…giới qua Canada sáng sớm ngày hôm sau. Tham dự đại hội lần này, Hội chúng tôi có 14 người, riêng toán đi minivan gồm 9 người, cộng thêm 4 người dùng phương tiện riêng bằng đường bộ và một CHS bằng đường hàng không). 

Đến thác Niagara trên lãnh thổ Hoa Kỳ vào khoảng 3 giờ trưa nên chúng tôi cùng nhau đi thăm ngọn thác nổi tiếng chung của cả nước Mỹ và Canada, dĩ nhiên không thiếu việc đi tàu để có cái cảm giác thích thú khi mặc cái áo mưa màu xanh dương, trong khi ở phía bên kia du khách Canada mặc áo mưa màu đỏ để dễ phân biệt. Thật thú vị khi nghe âm thanh những giọt nước nhỏ li ti như hơi sương nhỏ tí tách trên đầu chúng tôi qua chiếc áo mưa mỏng dính, tuy thế hai nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp trong đoàn là cặp uyên ương CHS Ánh và Liên vẫn không quên ghi lại những hình ảnh đẹp trong khoảnh khắc tuyệt vời này. 

Thác Niagara 

Sáng sớm hôm sau, Thứ Sáu, 3 tháng 7 năm 2015, chúng tôi “vượt biên” sang lãnh thổ nước Canada láng giềng trên cây cầu biên giới không quên mang theo hộ chiếu kẽo bị cho quay về cố hương thì phiền phức. Thời gian qua cầu cũng khá lâu nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến Canada bình an vô sự. Để tự tưởng thưởng, nhóm chúng tôi dùng điểm tâm tại một tiệm Dim Sum khá lớn trong vùng, thường được gọi nôm na là Điểm Sấm, do người Hoa quản lý trong khi chờ đợi đáo nhậm đơn vị mới, ủa quên, trong khi chờ đợi đến khách sạn Sandman Signature Missisauga Hotel ở Toronto để nghỉ ngơi.

Năm nay, Đại Hội Thế Giới XIX được luân lưu tổ chức tại Toronto, Canada trong 3 ngày: 

· Thứ Sáu, 3 tháng 7 năm 2015 (Tiền Hội), 
· Thứ Bảy, 4 tháng 7 năm 2015 (Đại Hội) và
· Chủ Nhật, 5 tháng 7 năm 2015 (Du Ngoạn).

Ngoài chương trình chánh thức 3 ngày kể trên còn có thêm chương trình Hậu Đại Hội (không bắt buộc) từ ngày Thứ Hai, 6/7/2015 đến ngày Thứ Sáu, 10/7/2015 trong đó có thăm viếng thủ đô Ottawa, Montreal và trở về Toronto, Canada. Montreal (hay tiếng Pháp là Montréal) là thành phố lớn nhất của tỉnh bang Québec, một thành phố đông dân thứ nhì của Canada và là thành phố nói tiếng Pháp đứng thứ nhì trên thế giới sau thủ đô Paris của Pháp, đặc biệt tọa lạc ngay giữa thành phố là ngọn núi nhỏ Mont Réal, từ đó tên Montréal được ra đời.

Đại Hội lần thứ 19 năm 2015 được quy tụ khoảng hơn 300 cựu học sinh đồng môn/thân hữu và trên 20 giáo sư từ Âu Châu, Úc Châu, Hoa Kỳ và Canada.

Chương trình đêm Tiền Hội (Thứ Sáu, 3/7/2015) được long trọng bắt đầu từ 7 giờ tối đến 12 giờ đêm tại Applewood Hill Auditorium gồm thành phần MC rất sáng giá và hùng hậu với CHS/GS rất hùng biện Nguyễn Công Danh đến từ Houston, TX nắng ấm tình nồng cùng sự hiện diện của vị GS đẹp trai, trẻ trung, nói năng lưu loát như thác Niagara và có vẻ “điệu dễ sợ” đến từ thành phố nóng lạnh bất thường với con “kangourou kềnh càng” là GS Bùi Hữu Việt. Ngoài hai cây cổ thụ MC đực rựa này cò một nữ MC rất duyên dáng phụ trách phần văn nghệ là phu nhân của vị giáo sư Nguyễn văn Lễ vừa qua đời tại Canada. Ngoài ra sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến anh CHS Trưởng Ban Tổ Chức Nguyễn Văn Phép đã phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng với hai MC, nhất là với người đồng môn tài ba Nguyễn Công Danh, nên đã đem đến kết quả tuyệt vời cho đêm Tiền Hội. Điều đặc biệt trong đêm Tiền Hội là thầy trò ngồi chung lẫn lộn để tâm sự với nhau chứ không xếp chỗ ngồi theo thứ tự giáo sư và đồng môn/thân hữu..

Toronto Harbour Front

Qua ngày thứ hai vào Thứ Hai, 4/7/2015, ngày Đại Hội và cũng là ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, chương trình được bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 2 giờ trưa với cuộc thăm viếng Toronto Harbour Front và Central Island nên phải qua phà để đến điểm hẹn. Tại đây, quý vị giáo sư và các đồng môn/thân hữu tự do lựa chọn hoặc đi xe đạp hai chỗ ngồi (như anh chị Bùi Hữu Trạng), đi tàu thuyền (boat), đi tàu hỏa mini (không có ống khói) hay đi bách bộ cho giản gân cốt (như thầy Nguyễn Trung Quân và tôi). Rời bến phà lúc 2 giờ trưa, các thầy trò quay về khách sạn để chuẩn bị ăn mặc chỉnh tề cho đêm Đại Hội sẽ dự trù bắt đầu từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm tại nhà hàng Kinsley Restaurant.

Đêm Đại Hội chính thức được diễn tiến một cách tỉ mỉ và long trọng qua 12 tiết mục từ phần Giới Thiệu Thành Phần Tham Dự, Nghi Lễ Khai Mạc (chào cờ, niệm và dâng hương, cung nghinh linh ảnh cụ Lương Khê Phan Thanh Giản và linh vị Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm) với việc trao plaque luân lưu Đại Hội cho CHS Nguyễn Văn Phép, Trưởng Ban Tổ Chức cho đến phần cuối cùng chương trình là Chụp Ảnh Lưu Niệm. 

Sau phần tuyên bố khai mạc ĐH XIX của đồng môn Trưởng Ban Tổ Chức là phần trao quà cho từng GS được kết nối qua lời phát biểu của GS Nguyễn Như Hùng, đại diện quý vị giáo sư và phần phát biểu của các phái đoàn tham dự Đại Hội. 

Tiếp theo phần phát biểu của đại diến các phái đoàn Úc Châu, Pháp là phần phát biểu của CHS//BS Thái ngọc Ẩn, đại diện Hội Ái Hữu Vùng New England: sau lời chào mừng, đồng môn Ẩn trình bày dự kiến (đã được GS Nguyễn trung Quân cùng vài vị GS khác khởi xướng trong ĐH XVIII tại Arizona) về việc thành lập Hội Văn Hóa Giáo Dục Phan Thanh Giản (Phan Thanh Gian Foundation/ Culture & Education) nhằm trở thành một tổ chức bất vụ lợi (non-profit organization) được hưởng quy chế miễn thuế (tax-exempt). Ý kiến này sẽ được tham khảo sâu rộng trước khi đem ra áp dụng.

Sau lời phát biểu của các phái đoàn khác là phần văn nghệ (với phần họat cảnh Hòn Vọng Phu và cải lương thật xuất sắc) được tiến hành đồng thời với việc dùng cơm tối. 

(Ảnh của Phượng Trắng ghi lại)

Ngoài phần ngâm thơ rất truyền nhiễm, ủa quên, là truyền cảm chớ bộ, của GS Bùi Hữu Việt cùng lời phát biểu của các phái đoàn khác là một tiết mục rất độc đáo do các chị trong Gia Đình PTGĐTĐ HOUSTON, TX thực hiện áo dài khi tham dự Đại Hội mà năm nay CHS/MC Nguyễn Công Danh đã mời các anh chị ra trình diễn lại những mẫu áo dài đủ màu sắc từ những năm 1997, 1998, 1999 đến các năm 2000, 2007, 2011, 2012, 2014 và 2015 trông thật đẹp mắt không chê vào đâu được.

Chương trình được tiếp nối với phần bán đấu giá tranh “Tình Hoài Hương” của ĐTĐ Họa sĩ Nhã Phương để giúp các thầy cô và đồng môn già yếu trong hoàn cảnh ngặt nghèo tại quê nhà và nghi thức Phát Hành Đặc San 20 cùng với phần tường trình của thủ quỹ về chi, thu cho Đại Hội.

Phần tuyên bố về Đại Hội XX vào năm 2016 đã được chuyển hướng về Châu Đại Dương (Brisbane, Queensland, Úc Châu) sau khi Nam, Bắc Cali khước từ tổ chức.

Đại Hội chính thức bế mạc sau lời Cảm Tạ của Ban Tổ Chức cùng với việc thông báo cho chuyến Du Ngoạn Hậu Đại Hội (Niagara Fall cùng Montreal/Québec), việc phân phối Đạc San 20 và tiển đưa quan khách.

Để thay lời kết, người viết xin chân thành cám ơn đồng môn niên đệ Trưởng Ban Tổ Chức Nguyễn văn Phép và niên đệ Nguyễn công Danh đã cung cấp những thông tin cần thiết đồng thời xin mạn phépbắt chước quý thầy cô và đồng môn/thân hữu được ghi nhận cảm nghĩ của mình về Đại Hội XX trong chữ ngắn gọn “TUYỆT VỜI”.

CHS Trần Bá Xử
Springfield, MA, mùa hè 2015

Chuyện Sau Vườn

Con chó nhà tôi được đặt tên là Vẹm. Tôi không nhớ là cha mẹ tôi có lý do gì trước khi đặt tên cho nó hay không. Nhưng tôi chỉ biết và quen gọi nó là Vẹm. Bộ lông nó ngắn và đen từ đầu xuống đến ngực, còn lại thì nơi trắng nơi đen. Thường thì nó rất hăng sủa. Cứ mỗi khi đàn gà của chúng tôi ồn ào thì nó sủa ồn lên từ trong nhà vì bị nhốt . Có một điều lạ là khi nó sủa thì con chó bên hàng xóm cũng ngầu ngầu sủa theo. Mà khi con chó hàng xóm sủa thì con Vẹm tôi lại nín bặt và xuôi lơ không còn hứng thú để sủa. Đối với thằng con nít như tôi thì chuyện chó mèo chả đâu mà tìm hiểu tại sao.

Nhà tôi ở một tỉnh nhỏ, một mảnh sân trước mở rộng ra con lộ chính, liên tỉnh, còn mảnh sân sau có hàng rào tre rất khít khao bao bọc chung quanh mà chúng tôi gọi là vườn. Tuy chẳng phải nhà tôi kín cỗng cao tường chi, mà chỉ để phòng ăn trộm và giữ bầy xúc vật mẹ tôi nuôi khỏi đi lạc. Cũng vì thế tôi hay ra sau vườn nhìn đàn gà và ném thóc cho chúng ăn . Những buổi trưa hè oi ả, tôi thường hay ra đung đưa trên chiếc võng cột giữa hai gốc cây mận mà lim dim theo gió nhẹ .

Hôm đó tôi cũng ra ngồi và con Vẹm cũng quanh quẩn bên tôi. Trong lúc đang lim dim vì gió hiu hiu thì tiếng kêu quang quác của mấy con gà làm tôi bừng tỉnh. Ôi thôi! Con gà nòi cưng của ông anh đã bay lên đậu tận đỉnh cây chùm ruột ở cuối vườn, còn đám gà mái, gà con thì chạy tán loạn tránh sự đuổi bắt của con Vẹm .

- Vẹm! Vẹm! Hê Vẹm!

Cũng may là con chó của tôi còn biết nghe lời và tôi bắt nó vào nhà đóng then cửa lại rồi trở ra tìm cách dụ con gà nòi của ông anh xuống. Tôi cứ thấp thỏm lo sợ là lỡ nó nhảy ra khỏi rào đi mất là ông anh sẽ mắng cho tôi một trận. Rải mấy hạt thóc và gọi cái đám gà mái, gà con lại ăn để con gà nòi thấy mà nhảy xuống. Thấy bọn gà gom lại ăn có vẻ bình yên, con gà nòi cũng nhảy vèo xuống . Gà nòi là loại gà đá nó không bay cao, chỉ vì sợ con chó mà bay cao đến thế. Còn con Vẹm thì ít khi thấy nó hung hăng với mấy con gà như vậy.

Tôi chỉ là một đứa con nít nên chuyện rồi cũng quên đi vì mọi sự đã trở về nề nếp cũ . Nhưng ba tuần sau đó, một chú gà con vừa thay lông đã bị xé xác nằm trong bụi sã . Mẹ tôi nói .

- Con gì nó vào vườn nhà mình mà giết chú gà kia, không biết. Hay là diều hâu?! Nhưng diều hâu chỉ sớt gà con ăn chứ đâu có giết chú gà đã lớn thay lông . Mà nó giết thì nó đã mang xác đi ăn chứ đâu bỏ nguyên lại đó.

Tôi đâm ra tò mò như một nhà trinh thám trong mớ truyện tôi đọc . Tôi bắt đầu điều tra dấu vết . Tìm vết máu loang . Tìm lông rơi rụng . Tìm vết cỏ bị dẫm . Tuy cỏ hơi xây sát và chút lông chút máu gần đó nhưng tôi chẳng tìm ra được gì khác hơn . Tuần sau một con gà trổ mã nữa cũng bị phanh xác nơi cuối góc vườn, sau cây chùm ruột . Và nhà thám tử bé con tôi cũng chả tìm được thủ phạm nào .

Một hôm ngồi trong nhà nhìn cái khe cửa mà nghĩ ngợi lung tung và nhớ bạn bè ở trường học. Lúc đi học thì muốn được nghỉ nhưng nghỉ hè thì lại nhớ trường. Tôi lẩn thẩn thế. Đang lơ đãng nhìn, thì cái khe cửa bỗng phụt tối đi rồi sáng lại. À! Thì ra, khi chòm mây đi ngang. Tôi lại muốn đóng cái tuồng làm thám tử tí hon của tôi. Tôi nhón nhén như đóng vai một tay trinh thám đang tiến đến cửa để chỉa súng vào một địch thủ đang đi tới, địch thủ đó là bóng mây. Tôi đến sát bên cửa rồi chờ. Bóng mây vừa che khuất mặt trời thì khe cửa cũng tối lại. Tôi giả vờ như giương súng, rồi ghé mắt nhìn qua. Nắng cũng vừa trở lại. Thế là tôi định ngưng cuộc đóng tuồng của mình nhưng qua khe cửa tôi thấy con Vẹm ở đàng sau vườn. Nó không hùng hổ đuổi bầy gà thì tôi yên tâm. Bầy gà tìm ăn đến bên cái tô thức ăn còn thừa vài hạt cơm của nó mà tranh nhau mỗ lia. Con Vẹm dường như đang ngủ. Nhưng xoạt. Cái mõm nó đã cắn nát một chú gà không kịp kêu. Những con khác chỉ kêu quác một tiếng rồi chạy ra xa. Yên lặng trở về như chẳng có chuyện chi xảy ra. Con Vẹm lần vào đám môn ngọt, bạc hà rồi trở ra như chẳng có chuyện gì. Mõm nó không còn chú gà chết nữa.

Tôi kéo then cửa chạy vọt ra, kéo mõm con Vẹm vẫn còn dính máu. Thì ra thủ phạm là nó mà tôi có bao giờ ngờ được. Vì thế cái tài thám tử của tôi vẫn còn con nít. Tôi rẽ những lá môn và bạc hà vào gần sát hàng rào và lôi ra xác con gà đã chết. Tôi báo cho mẹ hay là đừng thả con Vẹm ra ngoài.

Từ đó mỗi lần thả con Vẹm ra cho tiểu tiện là chúng tôi phải lùa đàn gà vào chuồng để tránh tổn thất . Con Vẹm thì như biết thân cũng ngoan ngoản và vẩy đuôi tíu tít khi được chạy rong bên ngoài .

Một hôm cũng như thường lệ, con Vẹm đòi đi làm chuyện của nó mà kêu i ỉ. Tôi gom đàn gà vào chuồng rồi thả nó ra . Nó chạy loắn xoắn quanh chân tôi và liếm liếm như cảm ơn . Rồi chạy vụt ra góc vườn, ngứi ngửi rồi giỡ chân sau lên làm chuyện của nó . Tôi vẫn chờ cho nó làm xong chuyện kia mới bắt nó vào . Nó thì tung tắng chạy từ trái qua phải, từ cuối vườn trở lại tôi . Bỗng nhiên nó chui vào bụi mồng tơi rồi không thấy trở ra . Con chó bên nhà hàng xóm cất tiếng gừ gừ sủa và giống như cắn nhau . Xen lẩn trong tiếng con chó hàng xóm, tựa như có tiếng của con Vẹm . Chó nhà hàng xóm gầm gừ, ồn ào như thế là thường, mà rào nhà tôi kín bưng thì con Vẹm làm sao qua bên kia, nên tôi chẳng để ý chuyện bên hàng xóm . Chờ thêm mươi phút cũng chẳng thấy con Vẹm trở ra . Tôi ngạc nhiên và lần mò đến tìm nó .

Thì ra dưới đám mồng tơi rậm rạp kia, có một lỗ hỏng. Hàng rào đã bị gãy mấy thanh phía gần mặt đất . Tôi nghĩ chẳng lẻ con Vẹm nó chui qua hàng rào. Nếu không thì sao không thấy nó nữa . Tôi dán mắt qua khe rào. Ô kìa! Con Vẹm đang liếm liếm vào ngực con chó nhà hàng xóm . Trong lúc con chó hàng xóm thì gừ gừ như còn chút tức bực, cũng như chút được ve vãn . Tôi kiễng chân lên gọi con Vẹm trở về. Nó nghe tiếng tôi cụp đuôi chạy thoắt về hàng rào và chui tuột qua lỗ hỏng . Con chó nhà hàng xóm thì sủa lồng lộn, chạy sát lại hàng rào để sủa với theo .

Kéo con Vẹm ra để dẩn vào nhà. Máu. Máu rướm một bên hàm dưới của nó. Tôi lật lên xem cho kỷ thì ra nó bị con chó nhà hàng xóm cắn. Thế mà tại sao lúc tôi nhìn qua thì con chó kia đứng im cho nó liếm. Lạ thật. Có lẻ nhờ vậy mà nó chưa chết vì con chó kia to hơn nó gấp ba lần .

Đó là câu chuyện sau vườn của nhà tôi, thời còn nhỏ . Bây giờ nghĩ lại thì câu chuyện cũng chẳng khác nào chuyện cuộc đời tôi đã đi qua .

Hoài Tử  

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Ngập Ngừng Bước Xuân- Trăng Ơi! - Bâng Khuâng - Hương Chiều Diễn Ngâm


Mời nhấp vào Link thưởng thức:


Thơ: Ngập Ngừng Bước Xuân - Yên Dạ Thảo
Thơ: Trăng Ơi - Phong Tâm
Thơ:  Bâng Khuâng - Đỗ Hữu Tài
Diễn ngâm: Hương Chiều

Thơ Tranh: Tuyệt Cú Đỗ Phủ - Kim Phượng Dịch Thơ


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tình Hồng Vụt Bay


Chiều tàn tắt nắng
Lòng vắng mênh mông
Tình hồng vụt bay
Hoang phế lưu đày

Lần về trường cũ
Bàn ghế bụi mù
Trắng phủ bảng đen
Xoá dấu chân quen

Nhìn về quá khứ
Tìm chút dư hương
Áo trắng vấn vương
Lao xao cuối đường

Lục tìm ký ức
Môi mắt ai ngoan
Nụ hôn ngỡ ngàng
Hạnh phúc miên man

Giật mình đánh mất
Bóng dáng hương xưa
Tình cuốn theo mưa
Ngọn cỏ gió lùa

Gục đầu tiếc nhớ
Một thuở ngây thơ
Tình trần bơ vơ
Áo trắng phai mờ.

Kim Oanh
2-5-2010

Nàng Thơ

Tôi bắt đầu làm thơ ở tuổi mười lăm. Cái tuổi của mộng mơ, của kiếm tìm. Thực ra, mộng mơ điều gì đó? kiếm tìm điều gì đó? Với tôi, thuở đó –không thể giải bày được. Có lẽ, không thể giải bày được, nên tôi mới lao đầu vào thơ. Tập tành làm thơ. Tìm một “sư phụ” để cố vấn cho ước muốn của mình.
“Sư phụ” tôi chẳng ai xa lạ, là ông anh láng giềng – anh Lường – lớn hơn tôi khoảng vài ba tuổi. Nhà anh Lường ở mặt tiền. Cửa nhìn ra lộ. Nhìn thẳng phía bên kia, là cây me keo xanh biếc, lúc nào cũng soi bóng mơ màng xuống dòng kinh phẳng lì, nước trong leo lẻo. Nhà tôi nghèo, nằm đằng sau nhà anh, cách nhau bởi một lối đi nhỏ vòng vèo. Anh Lường thường bắt ghế trước hiên, hút thuốc liên miên. Mỗi lần hút thuốc, tôi thấy anh luôn ngó ra dòng kinh, như thả hồn theo gió mây, rồi loay hoay xé bao thuốc lá ra, hí hoáy viết lên trên đó. Mỗi lần viết xong, anh rung đùi liên hồi, đọc đi đọc lại, có vẻ thích thú lắm. Một hôm, sau khi hí hoáy xong, anh khoan khoái áp bao thuốc lá vào ngực, mắt lim dim như đang thả hồn vào cõi bồng lai sâu thẳm nào. Không dằn được tính tò mò, tôi nhẹ nhàng nín thở, lê bước đến gần…


Chưa kịp xác định được những dòng ngoằn ngoèo kỳ diệu trên bao thuốc, tôi đã bị anh chộp ngực la lớn:
- Mày…mày định…ám sát tau, phải không?
Tôi lính quính, đưa hai tay lên trời:
- Không, oan cho em! Em định đến gần anh để xem anh viết hay vẽ chi trên bao thuốc?
Anh đẩy tôi té nhào xuống nền đất, rồi dí bao thuốc vào mặt tôi:
- Tau vẽ bùa, viết phép. Mà không, những cái này còn thiêng hơn bùa phép. Mày còn con nít, chưa hiểu đâu?
- Em đã quá mười lăm. Lớn chồng ngồng rồi.
Anh Lường tát nhẹ vào mặt tôi một cái:
- Lớn chồng ngồng cũng chưa chắc hiểu được. Nếu kẻ đó không biết chi về Thơ!
Tôi lặng lẽ nhìn anh Lường một cách khâm phục:
- Thơ? Nhưng tại sao nó thiêng hơn bùa, hơn phép vậy anh?
- Bùa phép có thể dùng để kiếm tình yêu. Nhưng với Thơ, tự nhiên tình yêu sẽ tìm đến với mình.
Tôi hí hửng, tuôn trào:
- Em cũng thích thơ. Anh làm ơn dạy em đi!
Anh Lường làm thinh, lặng lẽ móc trong túi ra ít tiền, trao tôi:
- Này, mày đi mua dùm tau nửa gói thuốc!
Tôi lắc đầu, không nhận. Rồi ba chân bốn cẳng, chạy nhanh đến tiệm, hào phóng mua nguyên gói thuốc thơm cho anh Lường. Tôi hân hoan tặng anh. Hân hoan hối lộ một gói thuốc. Bởi tôi biết, làm thơ chẳng phải dễ. Rất hiếm hoi thi sĩ trên trái đất này, trên cõi đời này. 
Tôi ngồi bẹp xuống thềm nhà, bên anh Lường, chăm chỉ và chờ đợi những lời chỉ giáo vàng ngọc của anh. Nhưng anh vẫn im lặng, trầm tư nhìn lên cây me keo bên dòng kinh phẳng lặng. Lát sau, thật lâu, anh từ từ rút điếu thuốc ra, lặng lẽ đưa lên môi, bật diêm, khoan thai rít một hơi dài. Lúc làn khói trắng, từ mũi và miệng anh, ẻo lả bay ra, cuồn cuộn lan cao – anh mới thật sự thì thầm:
- Muốn làm thơ, mày phải có Nàng Thơ.
Tôi băn khoăn:
- Nàng Thơ? Em…kiếm ở đâu ra?
- Ở trong thế gian này, trong cõi đời này, trong xóm này, trong trường mày, trong lớp mày…Trong bất cứ nơi đâu…
Tôi vẫn băn khoăn:
- Xin anh nói rõ hơn. Em chưa hình dung được.
- Gần gũi với mày nhất, là lớp học. Mày nên tìm Nàng Thơ ở trong lớp mày học.
- Nhưng…Nàng Thơ phải ra sao? Hình dáng như thế nào?
- Dĩ nhiên nàng phải đẹp, phải mặt hoa da phấn. Dáng dấp phải kiêu sang. Nói năng phải dịu dàng.
- Nhưng con gái loại đó, làm sao em “cua” được?
Anh Lường “cốc” lên đầu tôi. Cái mu bàn tay anh cứng quá, làm đau nhói cả vùng thái dương.
- Mày ngu quá! Ai bảo mày “cua”? “Cua” được thì hết chuyện. Làm thơ chi cho mệt?
Tôi gãi đầu, xoa xoa chỗ đau:
- Vậy chớ…kiếm Nàng Thơ để làm gì?
- Ðể…trồng cây si, để…thất tình. Chỉ có đau khổ, người ta mới làm thơ được. Mày không thấy những thi sĩ nổi tiếng trên trái đất này, đều có trái tim rướm máu như nhau sao?
Chuyện kiếm Nàng Thơ theo tiêu chuẩn của anh Lường – đối với tôi – khó hơn chuyện mò kim dưới đáy biển. Phái nữ lớp tôi, đa số là dân ruộng, từ quê lên tỉnh học. Chị nào chị nấy đều trải qua quá trình lao động, dãi nắng dầm sương, suốt ngày ngoài đồng. Ðâu có ai còn giữ dáng dấp kiêu sang, mặt hoa da phấn? Vả lại, vì thời cuộc, vì chiến tranh, các chị phải đi học trễ. Nên tuy cùng lớp, họ đã thuộc thế hệ đàn chị, lớn tuổi hơn tôi nhiều.

Thời gian trôi qua, rất lâu, tôi vẫn chưa kiếm được Nàng Thơ một cách toại nguyện. Các bài thơ vẫn lỡ điệu thất vần. Có câu gượng ép. Có chữ sáo ngữ. Anh Lường hậm hực mỗi ngày, mặc dù trên môi anh, lúc nào cũng có điếu thuốc thơm của tôi thường trực đem đến.
Chợt một hôm, có chiếc xe Jeep cảnh sát chạy tới, đậu trước cổng trường. Vị sĩ quan trung niên vừa mở cửa bước xuống, lẽo đẽo theo sau là một cô bé tóc dài, thướt tha trong tà áo dài khuê các. Hai người khoan thai bước vào hiên trường, rồi dừng lại trước lớp tôi.
- Tôi xin giới thiệu. Ðây! Em Công Tằng Tôn Nữ Thư Há vừa theo ba mẹ từ Huế, thuyên chuyển về đây. Chúng ta vỗ tay, hân hoan chào đón bạn mới.
Thầy tôi vừa dứt lời, Thư Há bẽn lẽn bước đến chỗ ngồi, giữa những tràng pháo tay vang dội khắp lớp. Tôi biết, lời giới thiệu trịnh trọng của thầy tôi, chứng tỏ cô học trò mới thuộc gia đình có thế lực. Hay ít ra – cũng là một tiểu thư lá ngọc cành vàng.

Trong vườn hoa cằn cỗi, chỉ cần đóa hoa dại nào đó biết thắm sắc tỏa hương, cũng được thiên hạ tôn vinh là đóa hoa đẹp. Thư Há nằm trong tình trạng này. Nàng nghiễm nhiên trở thành thần tượng của bọn con trai. Nàng làm xôn xao trường học. Làm bọn đàn chị ganh tỵ. Làm các bậc tu mi điêu đứng. Làm tôi một phen phải quắt quay, xính vính. Cả lớp học từng có không khí nghiêm trang ngày xưa, bây giờ sôi động hẳn lên, như có giông tố, gió bão từ đâu thổi về.
Riêng tôi, mừng quá, vì đã kiếm được Nàng Thơ cho mình, theo đúng tiêu chuẩn của anh Lường. Tôi hí hửng tìm sư phụ, báo cáo kết quả.
- Anh ơi, em đã có Nàng Thơ. Nàng vừa từ xa đến, học lớp em.
Anh Lường lôi tôi ra cây me keo, ấn tôi ngồi xuống gốc, rồi mơ màng nhìn ra dòng kinh phẳng lặng:
- Em thế nào? Dung nhan ra sao? Nói rõ ràng đi!
Tôi cố nhớ hình ảnh Thư Há. Cố nhớ những điều làm tôi rung động, ngay từ lúc nàng rón rén, bước những bước đầu tiên vào lớp học. Nhưng tôi cứ lắp bắp, ấp a ấp úng, không thể nào diễn tả nhan sắc Thư Há một cách xuông xẻ, theo ước muốn của anh Lường.
- Mẹ, mày ăn nói úp úp mở mở như thế kia, làm sao tau hình dung được cái gì? Ðược rồi, ngày mai tau sẽ đến tận lớp, đứng bên cửa sổ nhìn vô. Mày chỉ nàng cho tau nhé!

Ngày mai, anh Lường đến lớp thật. Anh đứng tựa cửa, hút thuốc, nhìn chăm chăm về Thư Há, như muốn ăn tươi nuốt sống nàng. Biết có người đang ngắm nghía mình, Thư Há vuốt nhẹ mái tóc, môi dưới trề ra, miệng nở nụ cười mím chi, đôi mắt chớp chớp như cố tình đá lông nheo với anh Lường.
Chiều về, anh Lường mò đến nhà, lẳng lặng kéo tôi ra sân, thân mật dúi vào tay tôi một điếu thuốc thơm.
- Nàng Thơ mày quả thật tuyệt vời! Tuy không đẹp như Tây Thi, nhưng có làn da trắng trẻo, đôi mắt lãng mạn, nụ cười đa tình. Ngần thứ ấy, đủ để mày làm thơ suốt đời.
- Ðôi mắt lãng mạn là thế nào? Nụ cười đa tình là ra sao, vậy anh Lường?
- Mẹ, mày ngu như bò. Mày không thấy khi nhìn trai, đôi mắt nàng lờ đờ như đôi mắt cá ươn sao? Và nụ cười, nụ cười lúc nào cũng nửa miệng. Như mời gọi, như đón chờ, như đưa người ta vào cõi thôi miên vô tận?
Tôi vỗ đùi, khoái trá:
- Ừ, em biết rồi! Như nàng có bùa, phải không? Bọn con trai lớp em mê nàng đến điên cuồng. Thằng nào thằng nấy cũng sẵn sàng nhào vô, chết vì nàng.

Từ khi có Nàng Thơ, tôi bắt đầu tư lự, bỏ học dài dài. Theo anh Lường, muốn làm thơ hay, phải trồng cây si, phải thất tình. Trồng cây si, với tôi, có khó chi đâu? Buổi sáng, chịu khó ôm cặp, lẽo đẽo theo Thư Há đến trường. Hoặc mỗi đêm, lòng vòng quanh nhà nàng, rồi len lén đứng núp sau hàng rào dâm bụt, nhìn trộm bóng dáng nàng , lung linh lúng lính dưới ánh đèn nơi bàn học. Anh Lường còn nói, thỉnh thoảng phải có chút rượu làm chất xúc tác cho thơ. Rượu là men đời, là thần sầu. Có nó, ta đi vào thơ một cách dễ dàng và kỳ diệu.
Tôi lại bắt đầu uống rượu. Cái gì, lúc bắt đầu cũng quá khó khăn, khổ sở. Nhưng sau đó, quen dần, quen đến độ như ghiền. Những ly rượu đế cay xè, được bè bạn chuyền tay nhau đưa lên môi, sao khó khăn hơn uống độc dược? Những ngụm rượu đụng vào lưỡi đã tê điếng các giác quan. Nuốt đến cổ, chưa chi đã nóng ran cả lồng ngực, cháy xé cả ruột gan. Vậy mà, chẳng bao lâu, hết xị này đến xị khác, tôi nốc lia chia, cho đến khi hình ảnh Thư Há hiện lên, chập chờn dẫn tôi vào cõi thơ.

Trong lúc tôi gắn bó với Nàng Thơ, say sưa với ước muốn đầu đời, thì anh Lường – bỗng dưng – biến đâu mất tăm. Nhà anh, suốt ngày, đóng cửa thin thít. Trước hiên, cái ghế anh thường ngồi làm thơ, bây giờ bụi đóng loang loáng. Vài mẩu giấy vụn, quanh đó, vung vãi. Lâu rồi, chúng vẫn còn nằm trơ, y nguyên một chỗ. Chỉ có buổi tối, thỉnh thoảng, rất khuya, bên nhà tôi nhìn sang, mới thấy bóng anh Lường nhấp nha dưới bếp. Anh nuốt vội những thìa cơm nguội muộn màng, để cho kịp giấc ngủ đang chực chờ lao nhanh đến. 

Cho tới một hôm, bất chợt, có tiếng con gái cười khúc khích, từ trong nhà anh vọng ra. Tiếng cười quen thuộc, thân thương – hình như tôi từng nghe loáng thoáng nơi đâu? Phải chăng, đôi lúc nó vút cao như tiếng chim họa mi cuống cuồng tìm bạn, rồi chợt rơi xuống đến tận cùng âm thanh, tiếng cười bỗng trầm đục như tiếng vỡ của chiếc bình cổ quí giá. Tôi cố lục dần trí nhớ. Ðúng rồi! Tiếng cười của Thư Há. Của thần tượng. Của Nàng Thơ tôi.
Tôi đứng chết trân trên lối đi vòng vèo, phía sau nhà anh Lường. Tôi cố áp tai vào vách, lắng nghe điều gì sẽ xảy ra, sau cái âm thanh khúc khích kiêu sa đó. Và tôi chỉ nghe hơi thở Thư Há quyện cùng hơi thở anh Lường, lúc dồn dập, lúc khắc khoải, như nhịp đập của trái tim sắp tung ra khỏi lồng ngực.

***
Tôi đợi con bé ở tầng dưới thư viện. Chắc chắn giờ này, con bé sẽ đến. Cái cầu thang thoai thoải, uốn cong như con rắn khoanh tròn, dường như, nó muốn xoải lưng cất cao, chờ mong bàn chân tiểu thư của con bé dẫm lên. Tôi đứng ở đây, mỗi chiều, vào giờ này, suốt hai tháng trời. Từ khi tôi bắt gặp con bé cầm quyển việt ngữ trên tay, chăm chú đọc từng trang. Từ khi con bé ngước lên nhìn tôi. Mái tóc buông lơi, phất phơ theo gió. Có những sợi tóc mai mỏng mảnh bám nhẹ vào môi. Vành môi đỏ hồng phía dưới trề ra, để lộ nụ cười nửa miệng, nhếch nhác. Cùng lúc, đôi mắt ngơ ngác, nghệch ngạc đến độ gượng gạo. Rồi thình lình, đôi mắt ấy ánh lên một màu vàng đùn đục, tương tự màu nắng hoàng hôn đang lồng lộn giẫy giụa giữa sóng nước trùng khơi. Thoáng chốc, tôi sửng sốt, bàng hoàng, muốn rơi rụng cả chân tay. Con bé như bản copy tuyệt hảo nhất của tạo hóa. Con bé giống Thư Há như đúc, như in.
- Chú ơi, cháu muốn ra biển với chú, chiều nay.
Cái cầu thang như lập cập động đậy. Con rắn uốn cong, trở mình. Bàn chân nõn nà vừa dẫm lên, một nấc, hai nấc. Tôi nghe tiếng phần phật từ vạt áo con bé, tự nhiên chạm vào tay tôi, rát rạt.
- Cháu không ở thư viện đọc sách sao?
- Ngưng một bữa chú ạ! Cháu vừa có tin vui. Má cháu ngày mai qua đây. Vui quá, cháu chỉ muốn đi lòng vòng, với chú.

Tôi bỗng muốn quỵ xuống, mừng rỡ đến run cả đôi chân. Mai này, tôi sẽ gặp lại Thư Há. Tôi sẽ thật sự đối diện với Nàng Thơ, mà 42 năm qua, đã có một thời làm ngôn ngữ tôi bật khóc. Rồi trong cơn chập choạng của trí nhớ, tôi luống cuống nắm chặt cánh tay con bé, chạy như bay ra bãi đậu xe.
Biển, chiều nay, không đẹp. Mây vần vũ bên kia, làm mù đục góc trời. Ngoài khơi, sóng tung tăng như bầy ngựa hung hăng, bờm dựng lên trắng xóa, đua nhau phi thẳng vào bờ. Âm thanh đì đục, đùng đùng, vang dội khắp đất trời, dường như phá tung cả hư không. Tôi cởi giày, chạy theo con bé. Cát mềm nhũn dưới chân. Nó lão nhão, sền sệt như lớp phù sa nào đó, trên đồng bằng Cửu Long ngày trước. Tôi cứ nhắm màu áo con bé chạy tới, cho đến khi con bé lăn đùng bên gờ một đụn cát. 
- Chú ơi, cháu có đọc thơ chú trên báo. Nhưng bài thơ nào chú cũng viết về biển. Tại sao biển luôn canh cánh trong lòng chú vậy?
- Ơ, dễ thôi! Vì ngày xưa chú là lính biển. Biển luôn bên cạnh chú, luôn thao thức với chú từng tháng rộng, năm dài.
- Riêng cháu, cháu ghét biển vô cùng.
Tôi nhìn vào mắt con bé. Biển lung linh trong đó. Giông tố, bão bùng khuấy động trong đó.
- Sao vậy cháu? Sao ghét biển đến vô cùng thế?
- Biển đã cướp mất người cha thân yêu của cháu, trên chuyến vượt biên. Mẹ cháu từng tuyệt vọng, hóa điên cuồng.
- Nhưng biển đã dẫn gia đình cháu đến bờ bến tự do…

Con bé gục xuống đụn cát. Cánh tay vươn ra phía trước. Ðôi vai nhô lên như miếng bánh tráng căng phồng trong ngọn lửa. Chiếc cổ nõn nà, phập phều theo tiếng nấc ràn rụa của con bé. Tôi bùi ngùi, loay hoay quỳ xuống đụn cát. Gió thốc tháo, cuồng bạo, hốt tung váy con bé lên cao. Tôi nhắm nghiến mắt lại, để không muốn nhìn thấy đôi chân trắng nõn lộ ra, mềm mại chạy dài lên đến đỉnh đùi. Bỗng dưng, con bé xoay lại, xoải hai cánh tay nuột nà ôm chầm lấy tôi. Hương tóc, hương da thịt…và hình như, cả hương nước mắt nữa…đua nhau xộc vào mũi tôi, khiến tôi cứ lềnh bềnh ngất ngây trôi trên vùng cảm giác tuyệt vời.

***

Tôi chọn mua bó hoa rực rỡ nhất, rồi lẽo đẽo theo con bé ra phi trường. Lối vào gate đầy người. Ðèn xanh, đèn đỏ nhấp nha nhấp nháy trên các máy rà soát hành lý. Những đôi giày tháo tung. Những chiếc vớ tụt xuống. Những bàn chân trần lộ ra, trước cặp mắt dò xét của security. Ngành du lịch Mỹ đã mất đi vẻ thú vị tự do, sau đại nạn khủng bố năm 2001. Tuy vậy, con bé vẫn lẩn vào đám đông, chen về phía trước, đứng nhấp nhỏm ở lối ra để đón mẹ.
Tôi co rúm như con sâu, ngồi thu lu nơi góc ghế, chăm chú nhìn theo con bé. Bó hoa hồng rực rỡ đang nằm trong tay. Tôi ôm nó vào lòng, siết chặt, như cảm thấy trái tim Thư Há bên cạnh trái tim mình. Ôi, ấm áp và thân thương biết bao! 42 năm trôi qua, sau cái đêm chợt nghe tiếng cười khúc khích kiêu sa của nàng, vọng ra từ nhà anh Lường. Chúng tôi biền biệt xa nhau. Không gặp nhau lần nào nữa. 42 năm mất Nàng Thơ, thơ tôi mãi đau đáu khơi dòng. Mỗi ý tưởng, mỗi vần điệu vẫn quằn quại bóng dáng nàng, vẫn phảng phất hơi hướm Thư Há. Tôi còng lưng vác túi thơ như vác thập giá đi khắp bốn phương trời. Thần tượng đã sụp đổ. Nhưng nỗi đau sụp đổ mãi còn nằm đó. Nằm trong từng con chữ, từng dấu ấn của thơ.

Con bé chợt kêu lớn, rồi nhào đến ôm chầm một người đàn bà lạ. Tôi luống cuống đứng dậy. Trái tim tự dưng đập liên hồi. Hai tay run rẩy, đến nỗi bó hoa muốn chực rơi xuống nền gạch. Trời ơi! Thư Há đây sao? Một lão già còm cõi đang khục khặc ho trong vòng tay nhỏ nhắn của con bé. Mùa này, trời đang nóng, thế mà Thư Há khoác trên mình cái áo ấm dày cộm. Ðã vậy, xung quanh cổ còn quấn thêm lớp khăn choàng màu rêu xậm. Tôi cắn chặt vành môi, mở to mắt để cố xác định sự thật phũ phàng. Ðâu rồi bóng dáng kiêu sa với mái tóc thướt tha ngày trước? Ðâu rồi nụ cười nửa miệng, đôi mắt lãng mạn thăm thẳm trời sầu? Tất cả cái đẹp mất hết. Tất cả đều lùi vào quá khứ, chôn kín, mất tăm, theo bóng ma kỷ niệm. Tôi buông bó hoa rơi xuống ghế, lảo đảo ngó Thư Há một lần nữa. Tôi chỉ nhìn thấy cái lưng khom khom của lão già nào đó. Cái khuôn mặt tan tác hom hem của thời gian khắc nghiệt. Và mái tóc bạc phếu xác xơ đang giãy giụa mỏi mòn trên vầng trán khô khan nhựa sống. Bỗng nhiên, tôi nấc lên một hơi dài, rồi ôm mặt chạy như điên ra khỏi phi trường.

Nắng hừng hực trên các ngọn cây, đổ hào quang xuống thềm đường, lấp la lấp lánh trong những lòng kính nơi parking lot. Chiếc xe, lúc này, nóng phừng phừng như có lửa đốt. Tôi chui vào ghế, gục đầu xuống tay lái, nghe quá khứ và hiện tại đua nhau cấu xé trong lòng. Thần tượng sụp đổ. Nàng Thơ già cỗi. Không lẽ đành để thơ tôi đi vất vưỡng vào ngõ cuối cuộc đời? Tôi chợt nhớ lời nói anh Lường năm xưa. Làm thơ phải có Nàng Thơ. Nàng Thơ phải đẹp, phải mặt hoa da phấn, dáng dấp kiêu sang…Ðúng rồi, muốn cứu thơ tôi ra khỏi cơn hấp hối, tôi đành đi tìm Nàng Thơ khác. Và tôi chợt nghĩ đến con bé. Chỉ có con bé là bản copy tuyệt hảo nhất của tạo hóa. Chỉ có con bé, trong lúc này, mới đủ tầm vóc lên ngôi thần tượng.

Như có sức mạnh ma quái nào đó kéo tôi bật dậy, tôi mở toang cửa xe, ngó thẳng lên trời cao thăm thẳm. Rồi dường đắc chí điều chi, tôi chợt vuốt râu, cười hào sảng với mình. Phải chi có thuốc cải lão hoàn đồng thật sự, tôi sẽ nhắm mắt tu một hơi, cho trẻ lại như cậu thiếu niên ngày trước.


Phạm Hồng Ân
(San Diego, 26/10/2007)

Phượng Hồng Tháng Bảy


Tháng Bảy về nghe đỏ tiếng ve
Phượng hồng nghiêng cánh nép bên hè
Con đường nhớ bước chân thon thả
Đôi tà áo lượn nón nghiêng che

Tháng Bảy về rơi giọt nắng vàng
Tiếng chim rộn rã đón hè sang
Sao lòng ta mãi rưng lưu luyến
Thương nhớ tình vương sợi tóc ngoan

Thuở ấy đôi ta chung mái trường
Cùng chung lớp học mái che thương
Hộc bàn em giấu lời âu yếm
Tôi giấu vần thơ chải tóc buông

Tình trót rơi vào đôi mắt nhau
Thơ tôi bơi giữa mắt huyền sâu
Từng đêm thao thức tràn nhung nhớ
Tà áo em bay trắng mộng đầu

Ép vào trang giấy cánh hoa tươi
Bài thơ ngần ngại chẳng trao người
Mối tình thầm lặng như sương khói
Lạc chuyến đò ngang, lạc nước trôi

Tháng ngày thơ mộng cũng phiêu bay
Mái tóc phong sương đã bạc đầy
Tháng Bảy lại về nhen lửa nhớ
Phượng rơi kỷ niệm đỏ đầy tay

Em ở đâu rồi, em ở đâu ?
Tóc buồn có rẽ lệch bờ ngâu?
Thơ tôi làm nắng hồng ve vuốt
Hong lại tình xưa tóc biếc màu


Trầm Vân

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Thơ Tranh: Bịn Rịn


Thơ Quên Đi
Tranh Thơ Hữu Đức

Người Dưng


Khi không nhắm mắt thương người
Lên cao nhặt lá đốt trời buồn xưa
Khi không nắng lại làm mưa
Ai đi bỏ lại sương mờ áo phai
Khi không ngày ngắn đêm dài
Ai đi bỏ lại cơn say âm thầm
Khi không làm khuyết trăng rằm
Ai đi bỏ lại chổ nằm mình ên...

Lâm Hảo Khôi

Tản Mạn Về Ngôi Trường Khuất Dạng


 alt
         Rốp!     “bénissez nous seigneur, benissez nos parents, nos maitres et notre patrie”
     “Ngồi xuống!”
      Cả lớp cùng ngồi và bắt đầu vào tiết học. Buổi sáng cũng như buổi chiều, đầu giờ thì đọc lời nguyện. Bên lớp Anh văn thì đọc bằng tiếng Anh.

      Cả hai mùa mưa nắng, cho đến hết năm học, rồi lại sang năm lên lớp, bạn cũ vơi đi, bạn mới lại vào, luân chuyển như thời tiết. Cây me trước lớp cũng thả lá từng đám nhảy múa khi có cơn gió dẩu nhẹ thoảng đủ làm đám học trò đang ngồi học thấy mát. Rồi trái bắt đầu lớn dần, khoe thân đầy tán lá, không biết tụi bạn hái trái hồi nào, mà khi giờ ra chơi cầm trái me nhai rào rạo. Trời đất ơi, tui đứng gần, dầu nghe tiếng nhai đã cảm thấy ê răng rồi, mà tuyến nước bọt của tôi bỗng thức giấc bơm nước thả ga, có muốn ngưng nó cứng đầu không chịu ngưng, ôi ngượng.

      Chung quanh trường chúng tôi trồng khá nhiều me, trước lớp đệ lục đệ ngũ là hai cây me khá to chẳng biết được trồng từ bao giờ, sau nhà thờ lại có một cây vú sữa, có điều tôi chưa thấy được trái nào. Khi đến trường bằng xe đạp, bọn học sinh chúng tôi dựng xe quanh gốc cây, hoặc bên hông cửa lớp. Có lần tan học, các cô túa ra dắt xe, một cô bạn hai tay cầm gi-đông nâng xe cao lên để qua bậc thềm. Trời đất! Cái bánh trước lại chạy trước thân xe, cô nàng đứng bối rối, hai tay vẫn cầm cái gi-đông trống lỏng... phía dưới! Rồi một bạn nam đến, lấp lại giùm. Tôi độ chắc tay này muốn người đẹp khắc cốt ghi tâm (anh hùng cứu mỹ nhân), và rằng thủ phạm chính là đây... Cũng chợt nhớ chuyện tay Tiến nhà mình. Một hôm, tan trường về, Tuấn Tiến chơi rất thân nhau, hai cụ ôm cặp đi bộ về, gần đến ngã ba trước cửa trường, thì cô Nhi của Tiến bị ngã xe (bấy giờ còn là bạn chớ chưa phải sau nầy là nội tướng của Tiến), Tiến chạy vội đến galant đáo để, mau mau đở nàng Nhi lên, phủi tay chân áo sóng, rất ư quan tâm an ủi hỏi thăm (chỉ lo có bao nhiêu đó, mà không thèm thấy các việc khác mới ghê chớ!). Tui đi sau phải lo dựng xe lên, lại còn nhắc Tuấn nhặt cặp cầm giùm, rồi hai vị tướng tiếp tục phò cô Nhi đi tà tà về, khà...khà..
***
      Trước mặt nhà thờ là quãng sân, giờ nghỉ giải lao các học sinh tụ tập rất đông nơi đây, chiếm cả trước cửa và bên hành lang nhà thờ. Riêng tôi thích đứng nhìn qua hàng rào kẻm gai được căng rất thẳng, nhìn say mê bờ sông. Không biết kiếp xưa tôi có chơi thân với cụ Hà Bá không, mà khoái nhìn sông, nắng cũng như mưa, bất kể sáng hay chiều, vẻ đẹp luôn biến đổi. Mãi đến giờ tôi vẫn mê sức cuốn hút, cuối đầu sông nối cuối chân trời, cùng hàng cây xanh mờ xa xôi diệu vợi. Những ngày tàn xuân sang hạ, mây trắng từng đám nhỏ rong chơi đuổi nhau về hướng tây, nhìn lên tháp giáo đường, ngọn tháp giáo đường trôi ngược lại, (mây trôi hay giáo đường trôi nhỉ). TUYỆT!
      Bên trái nhà thờ, giữa hai cây me cùng cây vú sữa là lạch nước làm bến đậu cho hai chiếc canô dành cho Cha đi làm lễ ở họ đạo nhỏ (Cái Mơn và những nơi khác). Đến nay, quãng trường Vĩnh Long vẫn còn hai cây me đó (không tin các bạn có thể đến hỏi hai cây me đang đong đưa trái)
Trường có một kiosque bán thức uống cho học sinh phía bên trái nhà thờ, do một bà trung niên đứng bán, gọi là dì Bảy, trong giờ tạm nghỉ, các nữ sinh hay túm tụm nơi nầy, vừa uống đá bào si rộp, vừa (tám) inh ỏi, âm thanh vang đến nỗi gác chuông cạnh bên cũng muốn góp chuyện.
      Các nữ sinh xưa với áo dài truyền thống, trông nhu mì thướt tha, dịu dàng vô cùng, gọi là tiên nữ chắc cũng không quá cường điệu.
      Nói đến tiên thì cũng nên mông lung một chút: Bình sinh tôi chỉ thấy hình tiên qua hộp bánh trung thu, sau đó là tiên trong phim bộ (Tây du ký) của Tàu với áo nhiều lớp dài nhằng ẻo lã, có lẽ ai cũng khoái hình ảnh tiên nữ. Nhưng nếu chẳng may đêm có việc về khuya, đường vắng chỉ mình ta, đang rảo bước dưới hàng cổ thụ già, chợt nhìn lên ngọn cây, thấy tiên nữ áo trắng thướt tha tà tà trên đầu… Ôi thôi, co giò vọt cùng với sức phản lực phần hạ chi để (chạy trối chết). Nói hơi nhảm, song thắc mắc của tui thế nầy: Chuyện Tàu hay cáp đôi: tiên ông - tiên bà / tiên đồng - ngọc nữ / tiên cô (nhưng lại thiếu tiên cậu). Phải chăng là hiểu ngầm quý tiên ông muốn độc quyền luôn tiên cô?

***

      
      Trường mỗi năm có thông lệ làm Lễ Bổn Mạng (tựa như Ngày Truyền Thống).
      Trước đó vài hôm, mỗi chiều chúng tôi tập thánh ca để đến hôm lễ, vào nhà thờ cùng hát. Bài tập hát do thầy Ẩn hướng dẫn. Buổi sáng ngày lễ Bổn mạng trường, một dãy bàn dài đặt trước chính diện của nhà thờ. Ngồi giữa là cha Quang Hiệu Trưởng, bên trái là quí Cô, bên phải là quí Thầy. Thầy Ẩn dùng micro hướng dẫn buổi lễ cùng các trò vui sau đó: kéo co, đập nồi, xỏ kim, trèo cột thoa mỡ bò, nhảy bao bố, v..v..Tất cả học sinh của trường cùng tham dự. Môn đập nồi mới khổ cho tay tham dự, nồi treo lũng lẵng cách hàng năm người tham dự khoảng 5m, mắt bịt kín, lò mò đi dưới sự ó ré ủng hộ hướng dẫn từ xa, bên trái, rồi bên phải, năm ông tham gia không biết hướng nào mà đập, tay nào đập trúng nồi, vật thưởng văng tứ tung, bên ngoái quần hùng ào vào lượm sạch. Người chơi tháo vải mắt ra, tẻn tò chẳng thấy món quà của mình!

      Vui nhất là mục đọc thơ, mà tôi còn nhớ mãi đến giờ… Gồm bốn hàng, mỗi hàng có bốn bạn xếp đứng dọc cách nhau khoảng hai mét, bốn bạn cuối chụm đầu chú ý nghe thầy Sản đọc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, thơ hán nôm mới ác liệt. Giọng của thầy là giọng rặc một địa phương miền Bắc, chứ không phải nhẹ như âm ngữ của Hà Nội, có lẽ thầy cố ý đọc khó nghe. Thầy đọc ba lần, các bạn vội đi nhanh đến người đứng trước mình, kề mỏ vô lỗ tai bạn nhóp nhép (sợ kẻ địch copy), đến phiên bạn cuối cùng thì bước lên bàn chủ tọa, viết vào giấy trình thầy. Sau đó bài thơ của mỗi hàng được tuần tư đọc lên. Sai tùm lum, mới đó đã tam sao thất bổn, sai lời mà cũng sai ý, khiến cứ mỗi bài đều có tiếng cười rộn rã.
      Riêng một bài tôi còn nhớ loáng thoáng, mà khi gặp chị Trân cũng có nhắc lại, đại ý như sau:
“ Bà Hạnh thì thầm gọi Ông Đức,
Chiều nay đúng bảy giờ tại Ngã Ba Ông Cảnh
Bà Nhan lãi bãi kêu dì Bảy đi bắt ghen ”
(Tuấn ơi chớ giận nghe, nhắc lại chuyện vui của trường mình thôi)

***
 
      Xem trên hình các Thầy Cô, thấy có cô Hương khiến tôi nhớ lại một chuyện không hay: Khi cô Hương mới vào dạy lớp Đệ ngũ, trong giờ cô dạy Hóa, cô gọi một bạn tên BH lên bảng viết phản ứng hóa học. Có lẽ trong lòng bạn này chê cô mới dạy, nên có phản ứng bằng cách viết công thức với nét chữ thiệt to trên bảng. Bạn nào cùng lớp còn trên đời này hoặc tình cờ đọc được chuyện này, nên thông cảm và tha thứ cho bạn BH, bởi sau đó cô Hương đã khóc, và cuối năm đó không thấy bạn BH nữa.
      Tôi đọc lại một câu cuối bài thơ lục bát, học từ những năm lớp Đồng Ấu:
      Những phường bội bạc sau nầy ra chi?
      Hiện giờ tôi cũng chẳng ra chi trong cuộc sống, có lẽ tôi cũng phạm điều bội bạc nào đó mà tôi không biết?
      Thỉnh cầu ơn trên cho chúng tôi được rõ những điều bội bạc mà tôi vô tình gây khổ cho người khác..........

Trương Văn Phú 

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791)

Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn ông (1). Sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý (11-12-1720) tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Nay là xã Hoàng Hữu Nam huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, ông sống nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) ở quê mẹ xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn và cũng qua đời ở đây vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791) thọ 71 tuổi. Mộ ông nay còn nằm ở Khe nước cạn chân núi Minh Từ thuộc huyện Hương Sơn (cách phố Châu huyện lỵ Hương Sơn 4 cây số).

Lê Hữu Trác là con thứ bảy của Lê Hữu Mưu và bà Bùi Thị Thưởng.

Dòng họ của ông có truyền thống khoa bảng; ông nội, bác, chú (Lê Hữu Kiều), anh và em họ đều đỗ tiến sĩ và làm quan to. Cha Lê Hữu Trác đỗ đệ tam giáp tiến sĩ làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức ngự sử, tước bá, khi mất được truy tặng Thượng thư.

Năm Kỷ Mùi (1739) Lê Hữu Trác 20 tuổi thì cha qua đời, ông rời kinh thành về nhà, vừa trông nom gia đình vừa chăm chỉ đèn sách, thi vào tam trường, sau đó không thi nữa.

Năm 1739 cũng là năm mở ra quy mô lớn của phong trào nông dân nổi dậy chống phong kiến, chỉ một năm sau (1740) nghĩa quân của Hoàng Công Chất đánh sát huyện ông. Chàng thư sinh trẻ tuổi Lê Hữu Trác đang mê mải đèn sách phải lánh đi nơi khác đọc sách. Có người thấy thế đã bảo ông "Binh lửa khắp nơi, con trai thời loạn há chịu già đời ở trong phòng sách mãi sao?" và khuyên ông nên theo nghề võ. Từ đó ông vừa dùi mài kinh sử vừa nghiên cứu binh thư. Sau nhờ ẩn sĩ họ Vũ ở Đặng Xá dạy vũ thuật âm dương (phép bói toán độn số), ông "nghiên cứu trong vài năm cũng biết được đại khái, mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình" (Tựa "Tâm lĩnh").

Chiến tranh phong kiến đã gây đau thương chết chóc cho biết bao nhiêu gia đình làng xóm, nó không đem lại gì cho nhân dân, cho đất nước; đã làm cho Lê Hữu Trác chán nản muốn ra khỏi quân đội, nên ông đã nhiều lần từ chối sự đề bạt của tướng nhà Trịnh. Ông nhận ra theo Lê hay Trịnh cũng là chí theo đuổi chiến tranh "cốt nhục tương tàn"; cái chí mạnh "xung Ngưu Đẩu" của ông cũng hóa "ngông cuồng" mà thôi. (Đọc bài thơ trong lời tựa bộ "Tâm lĩnh"). Cho nên năm 1746 khi người anh ở Hương Sơn mất, ông liền viện cớ về nuôi mẹ già, cháu nhỏ thay anh, để xin ra khỏi quân đội, thực sự "bẻ tên cởi giáp" theo đuổi chí hướng mới.

Lê Hữu Trác bị bệnh từ lúc ở trong quân đội, giải ngũ về phải gánh vác công việc vất vả "trăm việc đổ dồn vào mình, sức ngày một yếu" (Lời tựa "Tâm lĩnh"), lại sớm khuya đèn sách không chịu nghỉ ngơi, sau mắc cảm nặng, chạy chữa tới hai năm mà không khỏi. Sau nhờ lương y Trần Độc, người Nghệ An là bậc lão nho, học rộng biết nhiều nhưng thi không đỗ, trở về học thuốc, nhiệt tình chữa khỏi.

Trong hơn một năm chữa bệnh, nhân khi rảnh rỗi ông đọc sách thuốc "Phùng thị cẩm nang" hiểu được chỗ sâu xa của sách thuốc. Ông Trần Độc thấy lạ, muốn đem hết cái hiểu thấu về y học truyền cho ông. Vốn là người thông minh học rộng, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ lợi ích cho mình mà có thể giúp người đời, nên ông quyết chí học thuốc.

ở Hương Sơn, ông làm nhà cạnh rừng đặt tên hiệu Lãn ông (ông lười) ý nói lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích gắn bó.

Giữa cảnh thiên nhiên tĩnh mịch của núi rừng Hương Sơn, sớm khuya mê mải đọc các sách thuốc: Y học nhập môn, Cảnh nhạc toàn thư, Nam dược thần hiệu (của Tuệ Tĩnh), Bảo sinh diệu toản yếu... thật là:

Sá chi vinh nhục việc đời,
Đem thân đạo nghĩa vào nơi lâm tuyền.

(Bất can vinh nhục sự
Bảo đao nhập cùng lâm.
An bần - Y lý thâu nhàn)

Hải Thượng Lãn ông muốn tìm thầy, tìm bạn để học thêm nhưng nơi núi rừng hẻo lánh "trên không có thầy giỏi để học, dưới không có bạn hiền giúp, chỉ một mình nói với mình, tự hỏi tự đáp mò mẫm tưởng tượng đủ thứ" (Lời tựa "Tâm lĩnh") để tìm ra chân lý. Sau ông nhờ một ông lang ở làng bên đi lại thân mật, giúp ông giải đáp những mắc mớ, vài ba năm sau ông đã chữa được một số bệnh thông thường trong gia đình và làng xóm.

Mùa thu năm Bính Tý (1754) Lê Hữu Trác ra kinh đô mong tìm thầy để học thêm vì ông thấy y lý mênh mông nhưng không gặp được thầy giỏi, ông đành bỏ tiền mua một số phương thuốc gia truyền, trở về Hương Sơn "từ khước sự giao du, đóng cửa để đọc sách" (Tựa "Tâm lĩnh"), vừa học tập và chữa bệnh. Mười năm sau tiếng tăm của ông đã nổi ở vùng Hoan Châu (Nghệ An).

Sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, Hải Thượng Lãn ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ; tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc; kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc. Sau hơn chục năm viết nên bộ "Lãn ông tâm lĩnh" gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học: Y đức - Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng. Phần quan trọng nữa của bộ sách phản ảnh sự nghiệp văn học và tư tưởng của Hải thượng Lãn ông.

Ngày 12 tháng giêng năm Cảnh Hưng 43 (1782) Lãn ông nhận được lệnh chúa triệu về kinh. Lúc này ông đã 62 tuổi, sức cũng yếu lại là người chăm lo chữa bệnh cho trăm họ, nhất là ông đã quyết chí xa lánh công danh, theo đuổi nghiệp y đã mấy chục năm nên ông nhận chiếu chỉ của chúa Trịnh với tâm trạng vừa lo lắng, vừa chán nản; mãi sau nghĩ đến bộ "Tâm lĩnh" chưa in được, mà ông "không dám truyền thụ riêng ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết, nhưng việc thì nặng sức lại mỏng, khó mà làm được" (Thượng kinh ký sự), nên ông hy vọng lần đi ra kinh đô có thể thực hiện việc in bộ sách, phần "con cái trong nhà cũng hết sức van nài", ông tạm làm vui từ giã gia đình, học trò rời Hương Sơn lên đường.

Ra kinh vào phủ chúa xem mạch và kê đơn cho thế tử Trịnh Cán, ông được Trịnh Sâm khen "hiểu sâu y lý" ban thưởng cho ông 20 xuất lính hầu, và bổng lộc ngang với chức quan kiểm soát bộ Hộ để giữ ông lại. Nhưng Lãn ông thấy nếu nhận thưởng chịu ơn thì khó lòng rời kinh đô trở lại Hương Sơn được, nên ông giả ốm không vào chầu, sau lại viện cớ tuổi già mắt hoa, tai điếc thường ốm yếu để được trọ ở ngoài.

Bọn ngự y ghen tỵ với Lãn ông không chịu chữa theo đơn của ông, nên thế tử không khỏi, ông biết thế nhưng không hề thắc mắc với bọn thầy thuốc thiếu lương tâm này, mặt nữa ông không thật nhiệt tình chữa, kết quả để sớm thoát khỏi vòng cương tỏa của quyền thần, danh lợi.

Thời gian ở kinh đô, Lãn ông muốn về thăm cố hương Hải Dương của mình, nhưng mãi đến tháng 9 năm 1782, sau chúa Trịnh mới cho phép ông về. Sau hơn 20 năm xa cách, được trở về mảnh đất "chôn nhau cắt rốn".

Đang sống giữa quê hương, ông lại có lệnh triệu về kinh vì Trịnh Sâm ốm nặng. Nhận được lệnh triệu, ông đành phải rời quê hương.

Về kinh ông chữa cho Trịnh Sâm khỏi và cũng miễn cưỡng chữa tiếp cho Trịnh Cán. Trịnh Sâm lại trọng thưởng cho ông. Ông bắt buộc phải nhận nhưng bụng nghĩ: "Mình tuy không phải đã bỏ quên việc ẩn cư, nhưng nay hãy tạm nhận phần thưởng rồi sau vứt đi cũng được" (Thượng kinh ký sự).

Trịnh Sâm chết vì bệnh lâu ngày sức yếu, Trịnh Cán lên thay, nhưng Trịnh Cán cũng ốm dai dẳng nên "khí lực khô kiệt", khó lòng khỏe được, lại nóng lòng trở về Hương Sơn, Lãn ông đang tìm kế thoái lui, thì may có người tiến cử một lương y mới, ông liền lấy cớ người nhà ốm nặng rời kinh.

Hải Thượng Lãn ông trở về Hương Sơn bằng đường thủy, nhưng sợ triều đình bắt trở lại ông phao tin đi đường bộ. Thoát khỏi kinh đô ông sung sướng như "chim sổ lồng, cá thoát lưới", lòng chỉ muốn "bay nhanh" về quê nhà:

Lên đường từ giã long lâu
Gươm đàn nửa gánh ra ngay đô thành,
Ngựa quen đường cũ về nhanh,
Quay thuyền khó lúc lênh đênh giữa dòng.
Mây qua đường để bớt nồng
Núi non mở mặt như lòng vì ai
Xanh xanh một dải non đoài
Giống non ta cũ chỉ vài hòn thôi.

(Thượng kinh ký sự).

Ngày 2 tháng 11 (năm 1782) Lãn ông về đến Hương Sơn.

Gần một năm sống giữa kinh đô phong kiến biết bao công danh phú quý lôi kéo, nhưng ông "thung dung" ra đi lại "ngất ngưởng" trở về, lòng trong không hề đục, chí lớn không hề sờn.

Năm 1783 ông viết xong tập "Thượng kinh ký sự" ghi lại tỉ mỉ chuyến đi kinh, tập ký ấy là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá. Mặc dầu tuổi già, công việc lại nhiều: chữa bệnh, dạy học, nhưng ông vẫn tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, viết thêm (tập Vân khi bí điển, năm 1786) để hoàn chỉnh bộ "Tâm lĩnh". Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại.
---------------------

(1) Hải Thượng Lãn ông: Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xã Bầu Thượng quê mẹ. Lãn ông nghĩa là "ông lười", ngụ ý lười biếng với danh lợi.
Kết luận:
Ông là nhà y học có học vấn uyên bác, nhà dược học nổi tiếng, nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân đạo, có ý chí độc lập sáng tạo trong nghiên cứu.
Phát huy truyền thống của Tuệ Tĩnh, ông đã sưu tầm phát hiện thêm 300 vị thuốc nam (Lĩnh Nam bản thảo) đồng thời tổng hợp thêm 2854 phương thuốc kinh nghiệm phổ biến cho nhân dân áp dụng "Hành giản trân nhu và Bách gia trân tàng". Ông cũng đã có những sáng tạo đặc sắc trong việc vận dụng lý luận y học vào thực tiễn Việt Nam.
Cái quý nhất trong việc đào tạo lớp lương y mới, Lãn Ông chú trọng xây dựng y đức người thầy thuốc, ông thường nói 
"Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình không nên cầu lợi kể công"
Những lời răn của Hải Thượng Lãn Ông
"Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình không nên cầu lợi kể công...
"Thường thấy kẻ làm thuốc, hoặc nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo, hoặc bắt bí người ta lúc đêm tối, trời mưa, có bệnh nguy cấp; bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó chữa bảo là không chữa được, giở lối quỉ quyệt ấy nhằm thoả mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương. Chữa cho nhà giàu sang, thì tỏ tính sốt sắng, mong được lợi nhiều, chữa cho nhà nghèo hèn thì ra ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay. Than ôi, đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được...
"Nghề làm thuốc là nhân thuật, thầy thuốc hẳn phải lấy việc giúp người làm điều hay. Cứu được một người thì khoa chân, múa tay cho mọi người biết) nhỡ có thất bại thì giấu đi. Thường người ta hay giấu các điều xấu của mình mà không đem sự thực nói với người khác. Riêng tôi dám nói là thoát khỏi những thói đó chăng, là vì tôi không theo con đường khoa cử nối dõi nghiệp nhà, chuyển hướng ra làm thuốc nên chỉ muốn hết sức làm những việc đáng làm, may ra khỏi hổ thẹn với đất trời, đâu dám e ngại sự chê khen, để phải hối hận với bổn phận...
"Nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người. sống chết trong tay mình nắm, họa phúc trong tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà làm liều lĩnh học đòi cái nghề cao quí đó chăng".
8 tội người thầy thuốc cần tránh:
- Có bệnh xem xét đã rồi mới cho thuốc, vì ngại đêm mưa vất vả không chịu thăm mà đã cho phương, đó là tội lười.
- Có bệnh cần dùng thứ thuốc nào đó mới cứu được nhưng sợ con bệnh nghèo túng không trả được vốn nên chỉ cho thuốc rẻ tiền, đó là tội bủn xỉn.
- Khi thấy bệnh chết đã rõ, không bảo thực lại nói lơ mơ để làm tiền, đó là tội tham lam.
- Thấy bệnh dễ chữa nói dối là khó chữa, dọa người ta sợ để lấy nhiều tiền, đó là tội lừa dối.
- Thấy bệnh khó đáng lẽ nói thực rồi hết lòng cứu chữa nhưng lại sợ mang tiếng không biết thuốc, vả lại chưa chắc chắn đã thành công, không được hậu lời nên không chịu chữa đến nỗi người ta bó tay chịu chết, đó là tội bất nhân.
- Có trường hợp người bệnh ngày thường có bất bình với mình khi mắc bệnh phải nhờ đến mình liền nghĩ ra ý nghĩ oán thù không chịu chữa hết lòng, đó là tội hẹp hòi.
- Thấy kẻ mồ côi goá bụa, người hiền, con hiếm mà nghèo đói ốm đau cho là chữa mất công vô ích không chịu hết lòng, đó là tội thất đức.
- Lại như xét bệnh còn lơ mơ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát.
Hải Thượng Lãn ông đã đề ra 9 điều dạy trong "Y huấn cách ngôn" để rănn dạy người thây thuốc mà hiện nay vẫn còn nguyên giá trị, thí dụ:
- Phàm người mời đi thăm bệnh, nên tùy bệnh kíp hay không mà sắp đặt thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hay nghèo hèn mà nơi đến trước, chỗ tới sau hoặc bốc thuốc lại phân biệt nơi hơn kém.
- Khi đến xem bệnh ở nhà nghèo túng, hay những người mồ côi, goá bụa hiếm hoi, càng nên chǎm sóc đặc biệt; vì những người giàu sang không lo không có người chữa; còn người nghèo hèn, thì không đủ sức đón được thày giỏi, vậy ta để tâm một chút, họ sẽ được sống một đời, còn những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc mà không có ăn, thì vẫn đi đến chỗ chết.

- Khi chữa bệnh cho ai khỏi rồi, chớ có mưu cầu quà cáp, vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh ra nể nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang, tính khí thất thường mà mình cầu cạnh thường hay bị khinh rẻ. Còn việc tâng bốc người ta để cầu lợi thường hay sinh chuyện. Cho nên nghề thuốc là nghề thanh cao, ta càng phải giữ khí tiết cho trong sạch

(theo vietsciences.free.f/vietnam/vanhoa/)

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm

Vẫn Là Mưa Nắng Thất Thường


Em ơi sáng nay mưa,
chắc vì trăng đã khuất
những tàng cây nghiêng ngửa
giữa gió lồng đong đưa

Anh sợ ngày nguyệt lặn
chìm sâu trong lòng đau
anh sợ mưa và nắng
làm hoa lá đổi màu

Em ơi đêm nay lạnh
ta không còn bên nhau
lúc cận kề sao lại
như xa cách hai đầu

mùi thơm còn quấn quít
chỗ em ngồi hôm qua
bàn tay anh quá nhỏ
không đong đầy hương xa

Em ơi anh trở bệnh
vì mưa nắng hay là
trong đáy lòng hiu quạnh
không ánh sáng nguyệt tà

ngăn tim riêng đã mở
cũng chỉ là trống không
như vực sâu vô hạn
như đất trời mênh mông

em ơi đêm ngạt thở
ngày u uất gió gào
đời xôn xao ai nhớ
chút riêng mình lao đao

Rất gần sao lạ quá
vẫn giang vĩ giang đầu
khoảng cách không thâu ngắn
vẫn dài như từ lâu

Anh một mình vấn lệ
tự hỏi thầm trong đêm
là ai mà lạ nhỉ
tiếng thở dài sâu thêm

Ơi đêm tàn nguyệt lặn
mai nắng gió về đâu
thêm một lần hứng chịu
vết cắt ngọt và sâu

Dù sao thì… cũng vẫn
ơn em tận ngàn sau
đến đi như gió thoảng
qua đời anh ngất đau

Túy Hà
14-9-14