Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2018

Khúc Nhớ Nhung Sau Cùng - Nguyễn Tâm Hàn - Lâm MinhNgọc


Sánh Tác:Nguyễn Tâm Hàn
Guitarist : Hoàng Minh
Violist : Thanh Thảo
Tiếng Hát:Lâm MinhNgọc

Nghe Thu



Nghe gió heo may khẻ dịu dàng
Ru từng khóm trúc gọi mùa sang
Lá thu đã chín vàng nhan sắc
Rụng xuống hồ xanh chạm tiếng đàn
Vắt vẻo lưng trời mây trắng hạc
Vi vu diều sáo lộng không gian
Lặng trong trống vẳng lời ru mẹ
Hiu hắt canh trường lệ chứa chan

Bằng Bùi Nguyên

Chân Dung Bác Sĩ Australia - Người Cuối Cùng Rời Khỏi Hang Tham Luang

Bác sỹ Richard Harris là người cuối cùng rời khỏi hang Thang Luang để đảm bảo toàn bộ đội giải cứu được an toàn. (Ảnh:APP).

Bác sĩ Richard Harris là người cuối cùng trong đội cứu hộ ra khỏi hang sau khi chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan hôm qua thành công trọn vẹn.

Trong lúc cả thế giới đang mừng rơi nước mắt khi nhóm cầu thủ và HLV đội bóng Lợn Rừng của Thái Lan được giải cứu an toàn khỏi hang Tham Luang, thì bác sĩ người Australia Richard Harris vẫn cùng 3 thành viên biệt đội SEAL vẫn ở trong hang. Họ ra ngoài vài tiếng sau đó, là những người cuối cùng rời khỏi hang để đảm bảo cuộc giải cứu kết thúc một cách trọn vẹn.
Richard Harris, 53 tuổi, là một bác sĩ gây mê nhưng cũng đồng thời là người ham mê khám phá. Ông đã có 30 năm kinh nghiệm lặn. Trong vụ giải cứu thành viên đội bóng đá nhí Thái Lan lần này, ông được đánh giá là người có vai trò chủ chốt.

Ông chính là người đã đảo ngược kế hoạch, thay vì đưa các em có sức khỏe tốt, ông đã quyết định đưa các em có sức khỏe yếu hơn ra ngoài trước trong đợt giải cứu đầu tiên. Và trong đợt giải cứu cuối ông cũng là người ra ngoài sau cùng chỉ để đảm bảo rằng không chỉ các em nhỏ mà tất cả các thành viên của đội giải cứu đều an toàn.

Trước lời kêu gọi giúp đỡ của chính quyền Thái Lan, bác sĩ Richard Harris đã bỏ kỳ nghỉ của gia đình để tới miền Bắc Thái Lan, lặn 4km trong làn nước lạnh, tối và xuyên qua các khe hẹp của hang để đến được với các em nhỏ. Ông đã ở trong hang 3 ngày để kiểm tra sức khỏe trước khi quyết định đưa các em vào hành trình quay trở lại đầy hiểm nguy.

Kinh nghiệm, kiến thức dày dặn về y khoa và bơi lặn trong suốt 30 năm qua được bác sĩ Richard Harris sử dụng để đánh giá thể lực của các em nhỏ trước khi quyết định chọn từng em cho mỗi đợt giải cứu.


Richard Harris cũng là một trong 19 thợ lặn đã giúp 5 thành viên cuối cùng của đội bóng ra khỏi hang Tham Luang vào tối 10/7 trong nhiệm vụ giải cứu vô cùng hiểm nguy mà Thái Lan triển khai trong những ngày qua.

Bác sĩ Richard Harris là thành viên của nhóm 20 người Australia tham gia giải cứu 13 thành viên đội bóng Lợn Rừng. Đội cứu hộ Australia còn có 2 thợ lặn thuộc lực lượng cảnh sát Australia cùng các nhân viên khác thuộc lực lượng không quân, nhóm giải cứu khủng hoảng thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop khẳng định, những người Australia tham gia vụ giải cứu này đều xứng đáng được công nhận vì những đóng góp của họ. Bà Bishop nhấn mạnh: “Đây là kết quả tuyệt vời mà nhóm đã nỗ lực mang lại. Bác sĩ Harris có vai trò rất quan trọng và tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ có dịp để nói lời cảm ơn tới nhóm giải cứu Australia khi họ trở về nước”.

Ngoại trưởng Julie Bishop cũng cho biết, bác sĩ Richard Harris “được quốc tế công nhận là chuyên gia hàng đầu trong giải cứu hang động”. Ông cũng là gương mặt quen thuộc đối với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia khi là thành viên của Nhóm hỗ trợ y tế của Bộ, tham gia các chương trình viện trợ để giúp đỡ các nước đang phát triển.

Ngày 11/7, trên các trang mạng xã hội, hàng trăm người Australia đã đề nghị trao tặng bác sĩ Richard Harris danh hiệu “Người Australia của năm” vì những đóng góp vô cùng quan trọng của ông trong đợt giải cứu lần này.

Trên Twitter, một người viết: “Nếu một ai xứng đáng được nhận danh hiệu “Người Australia của năm” thì bác sĩ Harris chính là người đó khi ông đã thể hiện đúng tinh thần của đất nước này”.

“Không có ngôn từ nào có thể diễn ra tả nổi niềm tự hào của tôi đối với người đàn ông đã làm cho tôi cảm thấy mình là người Australia”, một người khác lại viết.

“Trong một thế giới mà đôi lúc người nào đó được vinh danh vì những lý do vô cùng lớn lao thì tôi chắc chắn rằng đây chính là lúc mà chúng ta ghi nhận những đóng góp của người anh hùng thật sự, Richard Harris”, dòng Tweet ca ngợi bác sĩ Harris.

Đây không phải là lần đầu tiên bác sĩ Richard Harris là người đóng vai trò quan trọng trong một chiến dịch giải cứu. Ông đã từng tham gia vào một vụ giải cứu vô cùng khó khăn, thậm chí đe dọa đến tính mạng vào năm 2011 để cứu bạn gái của mình, cũng là một thợ lặn Agnes Milowkak thoát khỏi hiểm nguy. Trong lúc vào thám hiểm tại hang Tank, gần núi Gambier, ở Nam Australia, Agnes Milowka đã bị hết dưỡng khí. Khi đó, bác sĩ Richard Harris đã phải gỡ bỏ mặt nạ của mình để nhường cho bạn gái.

Bác sỹ Richard Harris đang được nhiều người Australia đề cử là "Người Australia" của năm. (Ảnh: Twitter monicaperrett).

Đây chỉ là một trong nhiều cuộc giải cứu mà bác sĩ Harris đã thực hiện trong nhiều năm qua cho thấy ông là một trong những người đi đầu trong giải cứu thợ lặn trong hang động. Vì có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng quý báu nên ông được các thợ lặn Anh, là những người dẫn đầu trong vụ giải cứu lần này lựa chọn để tham gia vụ giải cứu các cầu thủ nhí Thái Lan lần này.

Andrew Pearce, Giám đốc trung tâm y tế MedSTAR, nơi bác sĩ Richard Harris làm việc nói với báo chí Thái Lan rằng, Harris “là một nhân cách tuyệt vời”, ông “luôn nghĩ đến người khác. Ông là một người vô cùng cẩn thận. Ông rất ít nói nhưng lại là người mà có thể cho đi tất cả”.

Còn chỉ huy chiến dịch cứu hộ tại Thái Lan ông Narongsak Osottanakorn khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình 9News của Australia cũng đã đánh giá cao đóng góp của bác sĩ Harris khi khẳng định, bác sĩ “đã giúp đỡ rất nhiều và không chỉ là rất tốt mà là tốt nhất”.

Tuy nhiên, niềm vui khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kéo dài chẳng được bao lâu khi sáng 11/7, trung tâm y tế MedSTAR thông báo tin buồn, Bố của bác sĩ Harris đã qua đời chỉ ít phút sau khi toàn bộ đội bóng và HLV được giải cứu. Bác sĩ Richard Harris sẽ quay trở về nhà sớm nhất để ở bên cạnh gia đình trong giai đoạn khó khăn này./.

Việt Nga/VOV-Sydney 
11/07/2018

Chuyện Đời - Nguyễn Công Trứ


Bài Xướng:
Chuyện Đời

Vất vất vơ vơ cũng nực cười
Căm căm cúi cúi có hơn ai
Nay còn chị chị anh anh đó
Mai đã ông ông mụ mụ rồi
Có có không không, lo hết kiếp
Khôn khôn dại dại, chết xong đời
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy
Ngủ ngủ, ăn ăn, nói chuyện chơi.

Nguyễn Công Trứ 

Dương Quảng Hàm ghi là của Nguyễn Công Trứ, trong khi đó sách "Nam Thi Hợp Tuyển" (Nguyễn Văn Ngọc, NXB Bốn Phương, Hà Nội, 1951) ghi tác giả là vô danh và tiêu đề là "Đời Người".
***
 Bài cảm tác:
Cuộc Sống

Khăn khăn Khó khó vẫn vui cười
Mắm mắm rau rau thỏa dạ rồi !
Nhớ nhớ thương thương ngời đất mẹ
Thù thù hận hận héo tình đời
Buông buông xả xả lòng tươi thắm
Kính kính yêu yêu mộng thái lai
Nghĩa nghĩa nhân nhân hòa cuộc sống
Trăng trăng nước nước thả hồn chơi.

Đức Hạnh 
 26 04 2018
***
Tâm An Lạc

Muối muối dưa dưa há ngại cười!
Đơn đơn giản giản bụng vui rồi!
May may rủi rủi nào than phận
Thiệt thiệt hơn hơn chẳng nhớ đời
Vội vội vàng vàng chôn quá khứ
Nhanh nhanh nhẹn nhẹn xoá tương lai
An an lạc lạc hồn phơi phới
Dạt dạt dào dào tiếp vận chơi.

Như Thu 
26 04 2018
 ***
Tỉnh Mộng

Thẩn thẩn thơ thơ vắng nét cười.
Mơ mơ tỉnh tỉnh chẳng nhìn ai.
Sớm đà đẹp đẹp tươi tươi rói.
Chiều bỗng phai phai nhạt nhạt rồi.
Lợi lợi danh danh tàn bọt biển.
Tình tình nghĩa nghĩa trổ duyên đời
Thôi không mộng mộng hoa hoa nữa.
Nhạc nhạc thi thi kết bạn chơi.

Trúc Lệ Trần Lệ Khánh 
26 04 2018
***
Buông

Ê ê ẩm ẩm chẳng ưa cười
Thế thế thời thời buốt lắm ôi
Giận giận khinh khinh người đổi thế
Buồn buồn chán chán cảnh thay đời
Quăng quăng ném ném lòng thư thản
Dụt dụt chôn chôn dạ nhẹ hời
Ngắm ngắm, ru ru hồn viễn mộng
Mây mây nguyệt nguyệt hoạ thơ chơi

Minh Thuý
Tháng 4_ 2018
***
Chuyện Tình 

Bướm bướm hoa hoa nở nụ cười
Mây mây gió gió tỏ lòng ai !
Đêm xuân mộng mộng mơ mơ đấy
Ngày hạ thương thương nhớ nhớ rồi
Nắng nắng mưa mưa còn ngập lối
Trăng trăng nước nước đã trao đời
Danh danh lợi lợi mù nhân tính
Nghĩa nghĩa tình tình thỏa cuộc chơi.

Hồng Xuyến 
27 04 2018
***
Che Giấu

Giấu giấu che che thấy tức cười
Lui lui tới tới chỉ đùa chơi
Mai mai mốt mốt về bên ấy
Nhớ nhớ thương thương suốt cả đời
Gắn ước tìm vui vui lắm lắm
Chia tay để tiếc tiếc khơi khơi
Rầu rầu ngắm ngắm trời mây xám
Gió gió mưa mưa tưởng bóng người!

Thiên Hậu

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Chia Tay Tình Đầu - Sáng Tác : Nguyễn Ngọc Thiện - Ca Sĩ: Tuấn Ngọc


Sáng Tác : Nguyễn Ngọc Thiện
Ca Sĩ: Tuấn Ngọc
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Xin Cho Em



Xin cho em còn chiếc nơ trên tóc
Để tháng ngày vơi bớt nỗi xanh xao.
Quên đớn đau những dối gian lừa lọc
Đời còn tin vẫn đẹp một phương nào….
Xin cho em về giấc mơ tuổi nhỏ
Thuở môi hồng mắt ngọc chửa âu lo
Áo trắng bay cành phượng thắm học trò
Nghiêng nắng hạ ngập sân trường ngày đó.
Xin cho em đồng xanh mùa gặt mới
Thả diều bay trong tiếng gió vi vu
Chiều làng quê hoàng hôn tím chân trời
Không gian vọng hồi chuông chùa xóm cũ.
Vui lên em hỡi nụ hoa cỏ dại
Cố vươn mình dù lỡ gót vực sâu
Rồi cũng qua hết khúc quanh thời đại
về sông xưa đời sẽ giải nỗi sầu.

Đỗ Bình

U Hoài



Tay mãi vân vê tà áo lụa
Lòng buồn rười rượi mặc gió lùa
Chín mươi ngày hạ màu đơn lẻ
Áo trắng trinh nguyên đợi chuyển mùa
Phượng hết thắm rồi em trở lại
Trường xưa sân cũ mắt tìm ai
Tuổi thơ những tưởng toàn vui thú
Dựa góc tường vôi vướng u hoài
Chợt thấy lòng mình sao vương vấn
Bao lần thầm nhủ chẳng mong thân
Che hờ chiếc nón tay ôm cặp
Chân bước thẩn thờ trí bâng khuâng

Nguyễn Cao Khải

Tình Muộn - Muộn Màng



Bài Xướng:

Tình Muộn


Yêu người yêu quá những vần thơ
Cách trở đò đưa khó thể chờ
Bắt nhịp dạt dào câu xướng họa
Ru lòng diệu vợi tiếng dây tơ
Hoàng hôn nhạt nắng bờ hiu quạnh
Mái ấm lam chiều khói xác xơ
Tiếc điệu cầm tranh không sớm hợp
Muộn màng hư ảo chút duyên hờ.

Cao Linh Tử
29/6/2018
***
Bài Họa:

Muộn Màng

Ước vọng muộn màng mượn vận thơ
Trải bao khắc khoải với mong chờ
Đàn lòng réo rắc từng dây xướng
Cung bậc dạt dào mỗi phím tơ
Sáu khắc qua tâm nghiêng trí ngửa
Năm canh tàn ý xác thân xơ
Cành hương thoát gảy tình hư ảo
Khéo dệt nên chi giấc mộng hờ

Kim Phượng

Lộn Mùng


Bây giờ đã là mùa hè đúng lý ra trời phải nóng đổ lửa nhưng cái xứ San Francisco nầy nó kỳ cục lắm "mưa nắng bất thường" đang nắng nóng mấy hôm liền, trời ấm áp vô cùng tui định rủ vài đứa bạn ra bãi biến xem tiên cá tắm nắng nhưng chưa kịp đi thì hôm nay trời bổng nổi lạnh bất thình lình.

Những cơn gió lanh thổi tới làm tôi rùng mình nhưng cũng muốn ra mảnh vườn nhỏ sau nhà làm cỏ đôi chút, chăm sóc mấy cây cà chua, mấy cây bắp cải cho vui. Vừa cầm cây len lên chưa có đào được gốc cỏ nào thì chuông điện thoại trong túi áo reo lên. Tôi lẩm bẩm một mình:
- Ở không cả tuần không có ma nào tìm, mới vừa định nhổ cỏ thì có người kiếm.

Kéo cái phone cũ xì ra, nhìn thử xem nhân vật nào mà dám phá đám, làm chậm chạp tiến trình trồng trọt của tôi. Ạ! Thì ra là lão Lục, thằng bạn học từ nhỏ tới lớn của tôi đang sống bên Houston:
- Hôm nay không sửa xe à? Bộ ế dữ lắm sao mà giờ nầy kiếm tao để chọc ghẹo?

Nó cười hì hì:
- Đang ăn cơm trưa.
- Ăn trưa không lo, mà lo đi kiếm người phá. Muốn gạt tao chuyện gì nữa đây?

Nó vẫn còn cười:
- Ai mà gạt mầy cho nổi. Tao chỉ cho mầy hay tháng tới tao về Việt Nam.

Tôi la lên:
- Về gì mà về liền xì vậy? Tao nhớ mới mấy tháng trước mầy vừa mới trở qua mà bây giờ lại về nữa, bộ dính với em nào ở bển rồi hả?
- Mới gì mà mới, sáu tháng rồi chứ bộ ít ỏi gì đâu?
Tôi rủa thầm, sáu tháng mà nó nói lâu, điệu nầy làm bao nhiêu tiền đổ vô vé máy bay ráo trọi, bởi vậy giờ nầy nó vẫn còn đi cày. Mà ở Mỹ nó cày ngày còn chưa đủ, nên ráng lết về Việt Nam tranh thủ cày đêm, nó đúng là tuổi con trâu mà...
Thấy tôi làm thinh, nó lại kể chuyện lần trước về nước, quen được một cô cùng quê bên ngoại nó, để lần nầy nó phải về cưới nàng. Nó là đứa thích chọc phá bạn bè cho nên lần nầy nghe nó kể tôi bèn ôm bụng cười mà chọc lại. Nghe tôi cười lớn nó nổi nóng:
- Làm gì mà mầy cười dữ vậy? Tao kể thiệt mà.
- Tao đâu có nói mầy kể giả.
- Vậy sao cười dữ vậy hả thằng quỉ?
- À! Tao đang tưởng tượng tới cái cảnh "Có một ông sồn sồn đang dắt một thằng cũng sồn sồn đến đồn công an thưa vì cái tội chung lộn mùng lúc đi ngủ".

Nó liền cự tôi:
- Tao đang nói chuyện đàng hoàng tử tế, tại sao lại suy nghĩ chuyện viết bài bậy bạ của mầy vậy? Bộ quởn lắm hả?
- Hổng quởn, nhưng tao đố mầy thằng cha nào sồn sồn đang bị dẫn tới đồn công an vậy? Mầy mà biết thì tao chịu công nhận là thông minh bậc nhất trên đời.
Nó còn đang suy nghĩ tôi bồi thêm một câu:
- Mầy còn nhớ bầu Công hông?
Nghe tôi nhắc bầu Công nó la lớn:
- Thằng quỉ sống, mầy nói tao chung mùng con gái người ta rồi bị công an bắt được nên buộc lòng phải đi về cưới vợ chứ gì. Chuyện đó là hồi ở thế kỹ trước kìa ông ơi, bây giờ xưa quá rồi, đâu còn cái màn kì cục đó nữa mà mầy nói. Bây giờ con trai, con gái ở bển sống thử với nhau là chuyện bình thường. Chuyện gì cũng có cụ Hồ xếp đặt hết mà cụ Hồ thì thua xa cụ "Wa" nghe mậy...

Tán dóc với tôi tới đó thì nó có khách tới sửa xe, bỏ lại mình tôi bơ vơ với cây len cùn. Buồn tình tôi vừa đào gốc cỏ vừa nhớ về thằng bạn học ở gần nhà nó nhưng xa nhà tôi tới 4, 5 cây số...


Năm học 68-69 bọn tôi đang học đệ Tam. Nhà tụi nó thì khá giả, có tiền nên Nội thằng Lục mua cho nó chiếc Honda 67 chạy nhong nhong đi học làm con gái trong xóm nó ao ước được ngồi trên chiếc xe mới mà lượn vòng quanh thành phố.
Còn thằng Công thì nhà giàu, ruộng đất cò bay thẳng cánh, lớp cho mướn đất lấy lúa ruộng, lớp thì mướn nhân công làm ruộng mặt tình mà thu lúa về... Vườn tượt cây trái đủ thứ, mà nó lại là con Út, chuyện xài tiền thì nó giỏi nhất cái gì cũng tính được nên bọn tôi đặt cho nó là ông bầu.
Vì nhà có tiền nên nó thích chơi hơn thích học, tụi tôi càng lớn thì nó biết đủ "thập bát bang võ nghệ" vì vậy hai bác không dám mua xe cho nó. Ổng bả sợ nó mang đi cầm hay đi bán rồi mất công đi chuộc lại...
Từ khi "anh Lục" của nhà chúng tôi có xe mới thì xóm kinh 5 hai đứa nó ăn trùm hết thảy, không còn ai sánh bằng, vừa là học sinh trường quận, đứa thì con nhà giàu, đứa thì có xe mới vì vậy đám con gái xóm đó theo tụi nó rần rần...
Mỗi sáng đi học hai thằng nó lượn xe Honda đôi khi đám con trai ở xóm còn phải ngứa mắt. Tôi ở xa tụi nó hằng 4, 5 cây số mà lại ngược đường đến trường, vì vậy chỉ khi nào đường lộ bị Việt cộng đấp mô thì tụi nó mới đảo xuống rước tôi đi học, còn không thì tôi phải đu xe đò hay xe lam mà tới trường...

Một hôm tan học hai đứa nó rủ tôi về chung, khi tới chợ kinh 5, bầu Công mời vô uống cà phê. Khi hai thằng tôi đang quậy hai ly phê đá thì bầu Công tuyên bố:
- Qua Tết nầy là tao nghỉ học luôn rồi.
Hai đứa tôi la lên một lượt:
- Giỡn chơi mậy. Đang học ngon lành tại sao lại nghỉ? Hay là nghỉ học ở nhà lấy vợ? Con gái mới bỏ học ngang xương mà đi lấy chồng, còn mầy con trai mà, sao lại có vụ đó?
Nó kéo ghế ngồi sát hai thằng tôi nói nhỏ như sợ có người ngoài nghe:
- Tao bị kẹt rồi.
Hai đứa tôi cũng chụm đầu vô nó, hỏi nhỏ:
- Vụ gì mà kẹt? Kể lại tụi tao nhe coi.
- Hai đứa mầy biết con Cúc em thằng Thọ ngang nhà tao hông?
- Phải cái nhà có vườn bông lớn tổ chảng đó không? Tôi giả bộ hỏi.
Thằng Lục thì thật thà hơn:
- Ngang nhà nó làm gì có cái vườn bông nào đâu? Tao đoán là nhà con Cúc thợ may, em thằng Thọ chị con Huệ với con Lan...
Tôi cười hì hì:
- Lan, Huệ, Cúc cùng với Vạn Thọ không hợp lại thành vườn bông, hổng lẻ thành vườn chè sao?
Thằng Lục lấy cái muỗng cà phê đánh gió vô đầu tôi:
- Mầy cà rởn quá đi, để nó nói nghe coi chuyện gì mà nó kẹt 

  
Bầu Công cái mặt sượng trân không biết là vui hay buồn nó kể:
- Ông Thọ đó, hổng biết chứng gì mà từ khi tụi mình nghỉ hè, y cứ rủ rê tao nhậu và đi chơi chung hoài, có khi còn mời tao về nhà ngủ nữa.
- Thì tại mầy có tiền, hay bao nhậu nên nó rủ mầy, chứ nghèo kiết xác như tao ai mà thèm rủ rê.
Bầu Công binh liền:
- Hổng phải vậy đâu, có khi nó cũng bao lại chứ bộ, nhứt là ở nhà nó, ba, má nó o bế tao lắm, còn cô Cúc thường giăng mùng dùm tao, khi tao xỉn cô ta đấp khăn nóng rồi pha nước chanh đường cho tao uống nữa kìa.
Thấy chuyện hấp dẩn hai đứa tôi nôn nóng hỏi tới:
- Vậy thì đã quá trời rồi, kiếm ở đâu ra, vậy sao mầy nói kẹt?

Bầu Công vừa gãi đầu vừa trả lời:
- Thì đã quá mới bị kẹt. Kẹt cái chổ cô Cúc vì muốn lo cho tao chu đáo nên giăng mùng trên bộ ván ngựa đối diện mùng tao mà ngủ.
- Vậy thì tốt quá trời còn gì nữa mà mầy than kẹt. Thằng Lục nói.
Bầu Công la lớn:
- Sao hai thằng mầy chậm tiêu quá dzậy. Tao bị kẹt cái chỗ, tới khuya khi tao thức dậy đi tè, lúc trở vô, mùng tao, tao không vô mà vô lộn nhằm mùng của Cô Cúc...
Hai thằng tôi cố nín cười hỏi nó:
- Vậy rồi có sao đâu? Mầy xỉn mà bất quá trở qua mùng mấy chứ có gì đâu?
Bầu Công đổ quạo:
- Tao xỉn nhưng nàng thì không. Mà có phải đi lộn một lần đâu, cứ vài ngày là tao kiếm chuyện qua nhậu, mà mỗi lần nhậu thì bị lộn mùng hoài, cho tới khi nàng thèm ăn xoài sống với mắm đường thì ba má nàng buộc tao phải cưới gấp...

Bầu Công cưới vợ xong là nghỉ học luôn ở nhà lo canh tác lúa, nhưng bản tánh vốn phong lưu chơi nhiều hơn làm, thay vì sản xuất ra lúa gạo nhiều thì hai đứa nó lại sản xuất ra con nít hàng năm một...
Còn tôi cứ ám ảnh chuyện lộn mùng của nó, cho nên mỗi khi nhậu ở nhà mình thì tôi uống xả láng còn nhậu chỗ khác thì tôi luôn luôn chừa đường về không bao giờ dám cho hoắc cần câu để khỏi sợ chuyện đi lộn mùng như nó...

Lanh Nguyễn

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Cơn Mưa Hạ - Sáng Tác Trúc Hồ - Tiếng Hát Lâm Thúy Vân



Sáng Tác: Trúc Hồ 
Tiếng Hát: Lâm Thúy Vân
Thực Hiện: Đặng Hùng


Người Trong Cơn Mưa Hạ



Người trong cơn mưa hạ
Một bóng xám trên đường
Xạc xào đưa nhánh lá
Xanh xác rụng chân tường

Người tay dù che tóc
Sợi mềm buông phủ vai
Mắt đôi giòng châu khóc
Sầu thương ai... nhớ ai!!!

Người trong cơn mưa hạ
Chiều nhạt bóng trên đường
Gió xạc xào nhánh lá
Xanh xác rụng chân tường


Nhị(Cố Quận)

Tuổi Thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 13


Năm 76 chế ba lấy chồng, con của người kế nhà tôi không thấy họ thương yêu hẹn hò gì cả, chỉ thấy họ đánh tiếng một hai lần thì chế ưng (không biết vì thời cuộc hay thấy lớn cũng muốn lấy chồng phức cho rồi, thế rồi chế theo chồng về trong ruộng (máy nước) cũng gần chợ rạch giá, tôi thì vẫn ngày hai buổi đi làm và tiếp chế hai phụ việc nhà với má. Ba má thì ở nhà lo cơm nước (tự nhiên thất nghiệp ngang xương) giờ phải thắt lưng buộc bụng rau cháo qua ngày, ba thì lúc nào cũng lo âu cũng lo sợ.

Bước qua năm 77 thì tôi đi làm cũng gần một năm, lúc này cũng quen việc .Phòng thì không rộng lắm, hàng bên này bốn bàn (loại bàn làm việc có hộc tủ hai bên chính giữa trống)để ghế ngồi, bên kia cũng bốn bàn, có hai cửa ra vào.
Bàn anh trưởng phòng thì ngay góc giữa, bàn tôi kế bàn chị Huệ đối diện bàn A Mùi, Mùi thì làm kế toán lương cả ty tỉnh và huyện nên cũng khá bận rộn, những khi rảnh việc tôi và Huệ thường phụ cộng sổ giúp Mùi, không khí làm việc cũng dễ thở, tôi thường hay giỡn với M, lúc nghỉ học Liên có tặng tôi chiếc nhẫn tròn mõng như cọng bún để làm kỷ niệm A Mùi mượn đeo thử rồi cởi không ra được tôi đòi y ta bảo để kêu bà già mua đền chiếc khác tặng thêm đôi bông, tôi cũng không chịu đòi cho bằng đựơc chiếc nhẫn bạn tôi, có lần y ta đang bận kẻ danh sách bản lương dài thoòng, tôi ngồi bên này không có việc gì làm lấy giấy xếp cứng vươn dây thun làm đạn bắn, mình định bắn chéo ngang đầu cho y giật mình chơi.

Nhưng mới vừa vươn thun nhắm thì y ta ngó lên làm hết hồn hạ dàn thun xuống thấp ai ngờ bắn ngay khoảng giữa ghế ngồi, may là có bản lương dài che lại nếu không thì trúng ngay trung tâm điểm của y ta rồi, mặt M đỏ gay vì thẹn còn mình thì cũng ngượng ngùng:
Y ta hỏi sao A Toàn phá quá dzậy? (muốn làm tui bí tiểu à). Vô duyên chưa ....làm gì đến nổi thế ...
Chị Huệ thì cười quá chừng, anh trưởng phòng thì bảo giờ làm việc không phải giờ giỡn, vừa phải thôi .... sao tôi lớn rồi mà vẫn không bỏ được tính phá, dẫu đời sống khó khăn, chế độ khác xưa, mà tôi vẫn chưa lớn được (21 tuổi rồi chớ nhỏ nhít gì) vẫn phá nếu có dịp, cở tuổi tôi có đứa đã lấy chồng hay cũng có người yêu rồi.

Kim Liên vẫn còn đi học cho hết bậc trung học, rồi lên đại học Cần Thơ. Ở Cần Thơ Liên ở nội trú trong trường, lâu lâu cũng có về Rạch Giá thăm nhà và xin tiếp tế gia đình, thỉnh thoảng ghé thăm tôi và Diệu. Lâu lâu tôi cũng lên thăm nó, nhưng ít lắm vì mua vé xe rất khó, Liên cũng hiểu nên không trách tụi tui tình bạn thì vẫn còn đó, cất riêng một góc giờ phải lo cho cái bao tử trước.


Đến giữa năm tôi được lệnh đi Nha Trang tu nghiệp mười ngày với Hương và anh trưởng phòng chi phí ăn ở thì ty đài thọ, lần đầu tiên tôi đi xa nhà và xa quê lâu vậy (trước 75 xin đi chơi ba đều không cho lúc nào cũng nói tình hình không yên ổn, con gái con lứa đi xa hỏng tốt) giờ đi làm Ty có lệnh đi, nói không đi ba cũng biểu đi: mày cải cho người ta bắt à, rồi làm khó dễ tới gia đình 
Trời Ơi! Thiệt là khổ ... ba tôi cái gì cũng sợ ... có một căn nhà mà lúc nào cũng sợ mất ...

Nha Trang: một thành phố biển rất đẹp có Hải Học Viện, có Tháp Chàm cầu bóng, chợ Đầm, con đường Lý Tự Trọng có hàng cây phượng rợp bóng hai bên đường, mình đi dưới hàng cây trời mưa phùn vẫn không làm ướt áo, ven đường có vài chiếc xe bán nước mía ép trái dâu tây Đà Lạt và những ly chè đậu xanh đánh chè đậu váng mà quê mình không có bán .

Ty bưu điện thì nằm cuối con đường ven biển cùng với con đường của hải học viện (tôi quên tên đường) lên đó thì thấy tất cả các tỉnh phía nam đều lên Nha Trang thụ huấn, chúng tôi (Hương và Tôi) làm quen với các chị các bạn gái cùng phòng, tôi quen với Sue người tỉnh Tây Ninh, sáng sáng thì cũng lên lớp nghe người ta giảng bài cũng ghi ghi chép chép, người giảng đa số là những người làm việc của chế độ trước dạy (thì ra họ chưa rành công việc ngành nghề của bưu điện nên phải tập làm quen với công việc, còn những đứa mới được tuyển dụng như chúng tôi cũng cần phải học.

Cơm nước thì có nhà bếp anh nuôi chị nuôi nấu cả rồi, hết giờ học thì từng tốp từng tốp vào phòng ăn, mỗi buổi chiều sau giờ học, ăn cơm xong tôi và Sue và vài chị tỉnh khác đi bách bộ ven bờ biển, ghé thăm quan khu hải học viện. 
Gió biển thổi rì rào, thường thường ven biển có những hàng dương nên cảnh trí rất nên thơ, tôi nhớ có một đêm trăng rằm và đêm mười sáu, trăng to và sáng vằng vặc tôi Sue cùng vài cô bạn trải khăn nằm dài trên bãi cát mà ngắm trăng. 
Vì ty bưu điện Nha Trang nằm cuối con đường ven biển nên rất vắng tiếng xe
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao mà bài hát “ Biển Tình" của nhạc sĩ L  am Phương hay đến thế:


Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa
Bọt tràn theo từng làn gió đưa
Một vầng trăng sáng với tình yêu chúng ta....

Chúng tôi nằm ngắm trăng sáng đến nửa đêm, đến khi anh trưởng phòng của tôi xuống kêu thì tụi tui mới chịu lên vì ngày mai chúng tôi ai về tỉnh nấy biết có còn gặp lại nhau, mà thật ra chỉ gặp nhau võn vẹn một tuần. 
Một kỷ niệm khó quên, một chuyến đi xa để lại bao điều nhung nhớ.
Ai nhớ nhung ai thì tôi không biết?.
Riêng tôi thì vẫn vô tình.. vì tôi có để ý ai đâu mà biết, tôi chỉ thích mơ mộng chuyện trời mây non nước, tôi lãng mạn với thi văn, buồn vui cùng mưa nắng. 
Nhìn mưa rơi tích tách thì tôi ngỡ những giọt nước mắt trời khóc cho thân phận con người, có khi nhìn một đám mây bay ngang tôi cũng tưởng tượng giống một con vật hay một cách chim, hay một thiên thần có đôi cánh trắng, tôi ước mơ nếu có một ngày mình sẽ như cánh chim bay khắp nhân gian nhìn trời cao rộng, những suy tư những mơ ước trong đầu không ai ngăn cấm được. Tôi tự tạo cho mình niềm vui trong cuộc sống dẫu cuộc đời nhiều nỗi đắng cay 

Nhưng có một người lại đem lòng thương nhớ, dẫu mỗi ngày đều nhìn thấy bản mặt tôi, biết tôi thích ăn bò bía ngọt thường hay mua để trong hộc tủ bàn làm việc của tôi, cho thì ăn ai cấm (mình đâu có xin), không biết các bạn có nhớ loại bò bía này không?...
Da nó làm bằng bột gì mềm hơi dẻo (không giống bánh tráng)
Đường thì kéo thành miếng nhỏ xốp xốp ( không giống kẹo kéo)
Dừa nạo có sợi có sợi ( không vụn )
Đậu phọng rang giòn giã nhuyển thêm chút mè rang đậu phọng và mè rang, rồi cuộn lại thành từng cuốn nho nhỏ, ăn rất ngon, bùi bùi béo béo
Loại bánh này hình như tuyệt chủng, sau này tôi không thấy bán, có khi mình nói nhiều người còn không biết, tưởng bò bía mặn (có lạt xưỡng tôm khô củ sắn đậu phọng) thưa không phải đâu ạ......
Loại bò bía mặn cũng rất ngon tụi học trò rất thích, trưa trưa ngồi quán bên đường ăn bò bía chấm tương ớt cay cay uống thêm ly nước mía thì tuyệt cú mèo.... Ôi nhớ làm sao cái thời cắp sách đến trường 

Tôi nói sang đâu rồi nhỉ? đang nói chuyện tình yêu tình si lại quẹo qua món ăn (chắc thèm quá) tôi đàn bà con gái lại không thích nấu ăn (còn ăn thì quá thích) chị ta không biết nấu nhưng biết thưởng thức lắm nha..
Giống như một người ca sĩ biết ca mà không biết sáng tác, nhưng lại biết diễn tả tâm trạng buồn vui của người nhạc sĩ, thả hồn theo cũng bậc bổng trầm đưa bài ca đi khắp muôn phương, mở nhà hàng mà không có khách thưởng thức thì cũng phí tài đầu bếp .....

Trở lại chuyện anh trưởng phòng của tôi, sau khi đi Nha Trang về thì anh ta thay đổi, suy tư và tư lự không thích tôi giỡn với M, làm sao cấm được vì tụi tui cùng trang lứa cùng là dân lỡ vận lỡ thời (cuộc) phải hoà mình với đời sống mới để kiếm miếng cơm....
Rồi có một ngày trong tủ tôi lại có một bức thư tỏ tình dài ba trang giấy (anh này có tuồng chữ rất đẹp) nói lên niềm thương nỗi nhớ 
Ôi !! Lại thêm một cây si lại ươm mầm....làm tôi lo sợ ...
Nên trong bài thơ “NgăCách” có đoạn:

Thư tình anh viết ba trang giấy 
Giấy mỏng tình sâu dạ có sầu
Làm sao thương được mà nhung nhớ
Bức tường tư tưởng đã ngăn đôi ......

Thôi xin hẹn kỳ 14 cuộc đời sẽ ra sao, cô thư ký trẻ.

Hình Toàn

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Tình Đã Vụt Bay


Thì thầm ríu rít tình đông
Đôi lòng tri kỷ mặn nồng khó phai


Vầng dương rực rỡ ban mai
Ai đi để lại cho ai ngậm ngùi


Thơ & Hình Ảnh: Kim Phượng
(Tasmania - Úc Châu)


Tình Đã Vụt Bay - Tình Xuân Thắm Nở - Giọt Mưa Tháng 7



Bài Xướng:

Tình Đã Vụt Bay

Thì thầm ríu rít tình đông
Đôi lòng tri kỷ mặn nồng khó phai
Vầng dương rực rỡ ban mai
Ai đi để lại cho ai ngậm ngùi

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Tình Xuân Thắm Nở


Giọt mưa rỉ rả chào đông
Khung trời kỷ niệm thắm nồng chẳng phai
Nàng xuân tung cánh hoa mai
Tình yêu thắm nở lòng ai hết ngùi…

Đức Hạnh 

30.06.2018
***
Thơ Cảm Tác:

Giọt Mưa Tháng 7

Cám ơn nhà thơ Đức Hạnh đã gợi ý cho tôi "mần " bài thơ nầy sáng Chủ Nhật 01/07/2018

Thu về oằn oại cỏ nhàu
Giọt mưa rơi rụng gieo sầu lãng quên
Tháng 7 về - gió nhẹ tênh
Lưng trời mây trắng lênh đênh phận buồn.

Thời gian như níu mù sương
Cánh hoa rơi rụng bên đường bơ vơ
Giọt mưa trên lá hững hờ
Đậu trên mái tóc xuống bờ vai em.

Mưa về con phố phía trên
Chảy về kênh rạch cạnh bên hiên nhà
Giọt mưa rơi nhẹ mượt mà
Đọng lên khuôn mặt kiêu sa mịn màng.

Thu về nghiêng nắng hanh vàng
Hàng cây lá đỏ bên đàng rụng rơi
Mưa về ướt sợi tóc rời
Mắt em ướp mộng trọn đời đồi hoang.

Em còn má thắm dung nhan
Để tôi tim héo bên đàng vui lên!
Mưa về thổn thức từng đêm
Ngõ hồn hoang lạnh như đèn hắt hiu.

Dương hồng Thủy

01/07/2018

Hạ Nhật Giao Hành 夏日郊行 - Phạm Đình Hổ



夏日郊行       Hạ Nhật Giao Hành

家鄉何處是    Gia hương hà xứ thị
日在天之東    Nhật tại thiên chi đông
注望不可見    Chú vọng bất khả kiến
我心空沖沖    Ngã tâm không xung xung
長空多白雲    Trường không đa bạch vân
曠野多飄風    Khoáng dã đa phiêu phong
跱立倍惆悵    Trĩ lập bội trù trướng
無繼寄征鴻。Vô kế ký chinh hồng.

範廷琥             Phạm Đình Hổ

Dịch nghĩa:

Quê nhà nơi đâu nhỉ?Vầng dương đang ở bên trời đôngChăm chú nhìn mà không thể thấy đượcLòng ta luống buồn rầu
Trên khoảng không mênh mông thật nhiều mây trắngDưới cánh đồng khoáng đãng đầy gió lang thangĐứng lặng người, lòng thêm thổn thứcKhông có cách nào gửi theo cánh chim hồng

Dịch Thơ:

Ngày Hè Đi Chơi

Quê nhà giờ đâu nhỉ?
Mặt trời đang tại đông
Chăm chú mà không thấy,
Cho ta phút chạnh lòng.
Trên không chùm mây trắng,
Gió vi vu trên đồng.
Lặng người trong sầu lắng
Làm sao nhắn chim hồng?

Mailoc phỏng dịch
***
Ngày Hè Đi Chơi

Quê nhà ở tại phương nào nhỉ ?
Sáng rực mặt trời đang hướng đông
Chói lọi mắt nhìn không thấy ảnh
Bùi ngùi dạ nghĩ chẳng an tâm
Tầng không mây tụ đan trùng điệp
Ruộng rẫy gió qua thổi lộng lồng
Đứng lặng bên đường, tim thổn thức
Làm sao nhắn được cánh chim hồng?

Phương Hà phỏng dịch
***
Ngày Hè Dạo Chơi


Quê hương giờ ở phương nào nhỉ ?
Ánh nắng mặt trời chiếu hướng Đông
Tìm hoài chẳng thấy - như không
Khiến ta giây phút chạnh lòng chẳng an
Nhìn mây trắng bay đang vần vũ
Gió vi vu như phủ ngập đồng
Lặng người thổn thức trong lòng
Làm sao nhắn được chim hồng cho quê ??

Song Quang
***
Dạo Chơi Ngày Hè


Vầng dương vừa ló dạng
Quê cũ ở phương nào
Dõi mắt tìm không thấy
Khiến lòng càng quặn đau
Tầng không mây trắng trắng
Đồng trống gió ào ào
Đứng mãi thêm sầu muộn
Nhờ chim hồng cách nao.

Quên Đi
***
Hè Dã Ngoại

Quê hương giờ có biết nơi nào?
Trời mọc phương đông chóng vánh cao
Chú ý trông nhà không thể thấy
Nhìn chi mỏi mắt luống thương đau
Không gian mây trắng bay nhiều lắm
Đồng trống gió lùa thổi rất mau
Thổn thức con tim người đứng lặng
Cánh hồng bay bổng nhắn làm sao!

Mai Xuân Thanh
Ngày 29 tháng 06 năm 2018
***
Ngày Hè Dạo Chơi

Quê hương ở nơi nao
Vầng dương ló dạng chào
Hoài trông tìm không thấy
Ruột bào quặn thắt đau
Trên cao mây trắng trôi
Đồng mênh mông gió thổi
Đứng lặng trong ngậm ngùi
Chim hồng nhắn hộ tôi?

Kim Oanh
***
Hạ Nhật Giao Hành 
* CHÚ THÍCH:
- Hạ Nhật : là Ngày Hè, tức là Mùa Hè. Hạ Nhật Giao Hành là Mùa Hè đi dạo ở ngoại thành.

- Chú Vọng : Chăm chú mà nhìn ngắm.
- Trường Không : Bầu trời dài, ý chỉ Bầu trời rộng lớn.
- Khoáng Dã : là Ngoài đồng trống.
- Trĩ Lập : Đứng thẳng, đứng yên một chỗ.
- Trù Trướng : là Bàng Hoàng, Ngơ ngẩn.
- Vô Kế : là Không có kế sách gì cả, ý chỉ Không có cách chi, Không biết phải làm sao.
- Chinh Hồng : là Chim hồng nhạn bay về cỏi trời xa. Ngày xưa dùng chim Hồng Nhạn để đưa tin, nên Tin Nhạn còn có nghĩa là tin thơ từ phương xa gởi đến.

* DỊCH NGHĨA:
Ngày Hè Đi Dạo Ở Ngoại Thành
Quê hương ở tận nơi nào ? Mặt trời đang mọc ở hướng trời đông, ta dõi mắt trông về nơi đó mà không thấy được gì cả, làm cho lòng ta cảm thấy trống trải bồn chồn. Trên bầu trời rộng lớn nổi trôi nhiều mây trắng, và ngoài đồng trống mênh mông gió vi vút thổi nhiều. Ta đứng lặng nhìn mà lòng càng bàng hoàng ngơ ngẩn, vì không biết làm sao để gởi cánh chim hồng nhạn mang nỗi lòng của ta về tận quê nhà ! 

* DIỄN NÔM :
Ngày Hè Đi Dạo Ngoại Ô

Quê nhà nơi đâu nhỉ ?
Mặt trời rạng hướng đông.
Mõi mắt nhìn không thấy,
Lòng ta những phập phòng.
Mây trắng bay vội vả,
Gió lộng ngoài đồng không.
Đứng lặng nhìn cánh nhạn,
Làm sao gởi chút lòng !?

Lục bát:
Quê hương ở tận nơi đâu?

Mặt trời chiếu sáng trên đầu hướng đông.
Trông theo nào thấy mà trông,
Lòng ta luống những nhớ mong bồi hồi.
Về đâu mây trắng đầy trời,
Gió ngoài đồng trống tựa lời thiết tha.
Đứng yên ngơ ngẩn nhớ nhà,
Làm sao gởi cánh chim xa bay về !?

Đỗ Chiêu Đức

Đất Phương Nam I - Trần Thượng Xuyên Và Vùng Đất Cù Lao Phố


Tổng Quan Về Cù Lao Phố: 

Cù lao Phố không phải là phố cảng đầu tiên được thành lập bởi người Hoa tại Việt Nam, mà vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVII trước đó, sau khi chúa Nguyễn Phúc Lan cho dời dinh chúa từ Phước Yên vào Kim Long (Huế) vào năm 1636, chúa đã cho phép thành lập phố Thanh Hà gồm những cư dân người Việt và người Hoa. Theo quyển “Nam Bộ Nhìn Về Lịch Sử Nhìn Vào Hiện Tại Nhìn Ra Khu Vực”, phố cảng 

Thanh Hà đã có từ thời nhà Trần, vì dọc theo bờ sông gần Thanh Hà và thành Hóa Châu người ta tìm thấy hàng trăm đồng tiền thời Trần mang niên hiệu Thiệu Phong (1341-1357) và Đại Trị (1358-1369). Đến giữa thế kỷ thứ XVII, những người Hoa di dân được chúa Nguyễn cho phát triển phố Thanh Hà mà thế hệ đầu tiên có Trần Dưỡng Thuần (1610-1688), quê quán phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến. Chính Alexandre de Rhodes đã thừa nhận, mặc dầu không lớn như Kim Long, nhưng Thanh Hà là một phố cảng lớn thời đó với tên là “Đại Minh Khách Phố”. Đến cuối thế kỷ thứ XVII, phố cảng Thanh Hà đã nghiễm nhiên trở thành phố cảng quan trọng của xứ Đàng Trong. Các tay thương buôn Hoa kiều thường vào Hội An mua hàng hóa nước ngoài về Thanh Hà bán lại cho vùng Thuận Hóa(1).

Đến khoảng hậu bán thế kỷ thứ XVII khi vùng biên trấn của xứ Đàng Trong là phủ Thuận Thành thì lưu dân Việt Nam đã đi đến những vùng xa hơn về phương Nam và cư ngụ chung đụng với người Chân Lạp, nhưng chúa Hiền Vương lúc ấy phải đương đầu với nhiều vấn đề về phía mặt Bắc nên chưa rảnh tay để tính chuyện trong Nam. Năm 1644, thời chúa Nguyễn Phúc Tần thì chúa Hiền Vương đã có công đánh tan Hải Quân Hòa Lan tại cửa biển Thuận An. Sau khi lên ngôi chúa năm 1648, chúa Hiền Vương lại phải đánh nhiều trận với quân chúa Trịnh từ năm 1648 đến năm 1672 nên kế hoạch lưu dân về phương Nam bị đình trệ. Năm 1679, có nhiều nhóm cựu thần nhà Minh vì không phục Thanh Triều nên dong buồm xuôi Nam tìm nơi tỵ nạn. Trong số những nhóm này, đáng kể nhất là Tổng Binh Trấn Thủ Thủy Lục ở Long Môn là Dương Ngạn Địch và Phó Tướng của ông là Hoàng Tấn, va quan Tổng Binh Trấn Thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên, còn gọi là Trần Thắng Tài, cùng phó tướng là Trần An Bình, đem gia quyến và tùy tùng trên 3.000 người và 50 chiến thuyền đến cửa Từ Dung và cửa Đà Nẳng, xin yết kiến chúa Hiền Vương để xin tỵ nạn. 

Thoạt đầu chúa muốn từ chối vì thấy không tiện khi cho hai đạo binh khá lớn ở sát kinh thành, lại nữa nếu chứa chấp họ, có thể bị rắc rối với Thanh Triều. Nhưng về sau tính lại, Chúa đồng ý cho hai ông một về miệt Mỹ Tho và một về vùng Đồng Nai, để vừa giúp đám lưu dân Việt Nam đang ở chung đụng với người Chân Lạp, vừa tiếp tục khai khẩn những vùng đất hãy còn hoang vu, mà cũng vừa trấn át quân Xiêm và Chân Lạp lúc nào cũng lăm le quấy phá vùng đất mới này. Gia Định Thành Thông Chí có chép: “Khi ấy Bắc Hà có nhiều việc biến loạn, mà quan binh của họ ở xa tới, chưa biết hư thực thế nào, huống chi họ lại y phục khác, tiếng nói khác, khó sử dụng. Nhưng họ trong lúc thế cùng nên phải chạy sang, khẩn khoản bày tỏ tấm lòng thì cũng không nên cự tuyệt... Vả lại địa phương Giản Phố (Gia Định) đất ruộng tươi tốt kể đến ngàn dặm, triều đình chưa rành kinh lý, chi bằng nay ta lợi dụng sức mạnh của họ, cho khai phá đất đai để ở, cũng là một việc mà được ba điều lợi.” Vì thế Chúa Hiền ra lệnh khoản đãi và cho họ giữ nguyên chức tước như cũ. 
Sau đó Chúa ban chiếu chỉ cho Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tấn theo các cửa Tiểu và cửa Đại đi lên khai phá hướng Mỹ Tho. Trong khi chiếu chỉ cho Trần Thượng Xuyên và Phó tướng Trần An Bình theo cửa Cần Giờ vào khai phá xứ Nông Nại(2) . Đây quả là một quyết định hết sức quan trọng của Chúa Hiền về cả hai mặt kinh tế và chiến lược. Nhờ hai đạo quân hùng mạnh giữ an ninh trật tự nên chẳng mấy chốc, các sắc tộc Việt, Miên và Hoa cùng nhau khai phá, phát triển và biến những vùng đất này thành một trong những vùng đất trù phú nhất Nam Kỳ thời đó. Khác với những nhóm lưu dân người Việt đến đó trước đây là chỉ lưu tâm đến phá rừng làm ruộng rẫy, những nhóm người Hoa mới đến này họ vừa phá rừng làm ruộng rẫy, vừa làm thương mại buôn bán. Hai nhóm người Hoa này đến Việt Nam thời đó đi theo rất nhiều nhà khoa bảng bất mãn với Thanh triều nên chẳng mấy chốc hai vùng Đồng Nai và Mỹ Tho biến thành hai thành phố vừa lớn mạnh về các mặt nông nghiệp, thương mại, và văn hóa. 

Họ biến hai vùng này thành hai trung tâm thương mại và giao dịch với nước ngoài lớn nhất vùng Nam Kỳ. Cũng như Mạc Cửu ở Hà Tiên, họ giao dịch với người với người Tân Gia Ba, Hương Cảng, Nhật Bản, và người Tây Dương, tức người từ các xứ Âu châu. Thuyền buôn các xứ này tới lui vùng Mỹ Tho và Đồng Nai tấp nập. Vào đầu thế kỷ thứ XVII, tại vùng Đồng Nai thì người Minh Hương tập trung nhiều ở vùng cù lao Phố. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển Thượng: “Cù Lao Phố chỗ sông sâu thuận tiện cho tàu biển đậu. Trần Thượng Xuyên chiêu tập thương buôn nước Tàu, xây dựng đường sá, nhà lầu đôi tầng, rực rỡ bên sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ, nhai lớn ở giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, và nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng, bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội.” Đa số người Hoa tập trung ở vùng Cù Lao Phố, dọc theo bờ sông Đồng Nai, mở mang cho phố nầy ngày càng thêm thịnh vượng, thu hút nhiều thương nhân ngoại quốc như Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Mã Lai, và rất nhiều người Âu Châu. Trần Thượng Xuyên lại khéo chỉ huy và tổ chức, quy tụ các thương nhân người Hoa ở các nước khác đã có mối quan hệ từ trước, các nhà buôn bán chuyên nghiệp có vốn lớn, giàu kinh nghiệm đến xây dựng Cù Lao Phố thành một thương cảng quốc tế phồn thịnh vào bậc nhất đất Gia Định thời đó, được mang tên là “Châu Đại Phố Cảng.” 

Ngày nay đi đâu đến đâu trong vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh, chúng ta cũng đều nghe văng vẳng hai câu ca dao: 

“Nhà Bè nước chảy chia hai 
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.” 

Nói đúng hơn đây là những điệu hát câu hò chèo ghe cho đỡ buồn chán vào thời cha anh chúng ta đi mở cõi về phương Nam. Tuy nhiên, theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, thì ở ngã ba Tam Giang là một điểm mà ba con sông lớn gặp nhau. Đó là về phía Nam có sông Đồng Nai(3), về phía bắc có sông Tân Bình(4), gặp với sông Nhà Bè thành một điểm giao thủy với tàu bè đi lại tấp nập. Chính những dòng sông nầy đã là nơi quyến rũ, là điểm đến của những lưu dân Thuận Quảng đến vùng Sài Gòn-Gia Định khẩn hoang lập nghiệp. 
Tại sao lưu dân thuở đó chỉ nói đến Gia Định và Đồng Nai mà không hề đề cập đến Sài Gòn? Ngược dòng lịch sử, vào năm 1679, chúa Nguyễn cho phép nhóm di thần của nhà Minh là Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ, rồi lên đồn trú ở vùng Bàn Lân thuộc xứ Đồng Nai thời đó. Họ đã khai phá đất hoang, lập nên phố chợ thương mãi rất phồn thịnh, thông thương với người Hoa tại Đài Loan, người Nhật, người Ấn, cũng như người Âu Châu. Đó là khu Giản Phố hay Cù Lao Phố, hay nói đúng ra là cả vùng Biên Hòa ngày nay. Cù Lao Phố là một giang cảng nằm sâu trong đất liền, cách bờ biển khoảng trên 100 cây số. Thời đó sở dĩ nó có được vị trí thuận lợi là vì nó là khu thương mại đầu mối, vì từ đó người ta có thể dự trữ và đưa nông lâm sản đi các nơi khác rất dễ dàng. 
Nông Nại Đại Phố đã sớm trở thành một trung tâm thương mãi có nhiều tàu ngoại quốc tới lui buôn bán. Vùng Nông Nại Đại Phố lúc nầy cũng đã sẵn có người Việt Nam ở đây làm ăn khá đông. Việc thương mại của vùng Nông Nại Đại Phố lúc nầy phần lớn dựa vào nghề nông của người Việt và cư dân bản địa. Thật tình mà nói, vùng Nông Nại Đại Phố lúc nầy trù phú và cường thịnh nhưng không vượt nổi vùng Prei Nokor do người Việt Nam khai phá từ trước, vì Prei Nokor nằm gần cửa biển hơn Nông Nại Đại Phố đến hàng mấy chục cây số. Tuy nhiên, do tài giao tiếp của tướng Trần Thượng Xuyên nên chẳng mấy chốc mà cù lao Phố đã nghiễm nhiên trở thành một thương cảng lớn và quan trọng nhất của Nam Kỳ thời đó. Cù lao Phố tiếp tục phát triển trong suốt gần một thế kỷ, kể từ năm 1679 đến 1776. Năm 1698, khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn vào kinh lược đất Nông Nại thì vùng cù lao Phố đang hưng thịnh. Mặc dầu lúc ấy hầu như các đồn binh của xứ Đàng Trong đều đóng ở vùng Prei Nokor và Kas Krobei, tức Chợ Lớn và Sài Gòn ngày nay, nhưng Nguyễn Hữu Cảnh đã kéo thủy quân vào cửa Cần Giờ rồi theo dòng Đồng Nai mà đi ngược lên vùng Nông Nại và đóng quân tại cù lao Phố trong suốt thời gian ông làm Kinh Lược tại vùng đất nầy. Có lẽ chính vì vậy mà sau khi ông qua đời tại vùng Rạch Gầm, quan tài của ông đã được đưa về quàn tại cù lao Phố trước khi được đưa về chôn cất tại Quảng Bình. Ngày nay nơi quàn quan tài của ông người ta đã lập nên một phần mộ, mặc dầu không phải là mộ thật, nhưng đồng bào địa phương rất kính ngưỡng và tôn kính ông nên lúc nào nơi nầy cũng khói hương nghi ngút. 

Năm 1747, một thương gia người Phước Kiến tên Lý văn Quang nổi lên mong biến vùng nầy thành một khu tự trị của người Hoa; rồi tiếp theo đó là đại quân Tây Sơn vào đánh chiếm và thiêu hủy toàn bộ Giản Phố(5). Người ta phải dời vùng đất trung tâm về một nơi gần miền tây hơn, chính vì vậy mà khu Bến Nghé-Sài Gòn được chọn và đồng thời vùng Nông Nại bị lãng quên một cách nhanh chóng hơn. Đến khi vùng miền Tây Nam Phần được khai phá và trải qua bao cuộc bể dâu thì Giản Phố bị tàn phá không còn xây dựng lại được nữa. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ thì cù lao Phố không còn lưu lại vết tích gì của một thương cảng đã có thời cực thịnh trên vùng đất nầy. Tuy nhiên, hiện nay, những đình chùa cổ trong địa bàn xã Hiệp Hòa của thành phố Biên Hòa hãy còn rất nhiều. 

Trần Thượng Xuyên Và Vùng Đất Cù Lao Phố: 

Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, cùng với Mạc Cửu là những người Minh Hương tiên phong đã góp phần không nhỏ trong việc mở mang, khai phá và phát triển vùng đất Nam Kỳ, đáng được toàn dân Việt Nam nói chung và con dân Nam Kỳ nói riêng ghi nhớ công đức và lập đền thờ lưu lại cho hậu thế. Trần Thượng Xuyên, tự là Thắng Tài, làm quan dưới thời vua Nghi Tôn nhà Minh, bên Trung Hoa, tới chức Tổng Binh 3 châu: Cao, Lôi và Liêm, thuộc tỉnh Quảng Tây. Khi quân Mãn Thanh vào chiếm Trung Hoa, vua Nghi Tôn tự vẫn mà chết, những vị vua nối nghiệp cuối đời nhà Minh bỏ kinh thành mà chạy đến Hoài An, Phúc Châu hay Đài Loan, nhưng tất cả đều lần lượt bị quân nhà Thanh bắt giết. Quan Tổng binh Trần Thượng Xuyên không chịu thần phục nhà Thanh, nên cùng Phó Tướng Trần An Bình và một số thuộc hạ chạy sang xứ Đàng Trong vào khoảng năm 1679, dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Chúa đã cho phép ông được giữ nguyên chức Tổng binh và cùng bộ tướng đi vào khai phá vùng đất Nông Nại, tức vùng Đồng Nai-Biên Hòa ngày nay. Có thể nói Trần Thượng Xuyên là một trong những người đi tiên phong trong việc khai phá hoang địa tại miền Nam. Ông chẳng những có công trong việc khai hoang lập ấp, mà còn góp phần rất đắc lực trong việc chấn chỉnh và kiện toàn bộ máy hành chánh tại vùng Biên Hòa ngày nay. Lúc ông và phó tướng Trần An Bình tới vùng Nông Nại thì vùng đất nầy hãy còn là một hoang địa, đất rộng người thưa. 

Trên đường lên thượng nguồn sông Đồng Nai, đến khúc Cù Lao Phố, Trần Thượng Xuyên đã ra lệnh hạ trại và khởi công khai khẩn đất hoang. Đây là một vùng đất nằm trên khu đất mầu mỡ nhất giữa lưu vực sông Đồng Nai. Nhờ đất đai đầy phù sa mầu mỡ nên việc khai thác cũng rất dễ dàng. Lại thêm có ưu thế giao thông đường thủy rất thuận tiện, nên chẳng bao lâu sau đó Cù Lao Phố đã nổi tiếng khắp miền Nam. Tại đây, tướng Trần Thượng Xuyên đã tập trung nhiều người Minh Hương ở vùng cù lao Phố, cùng nhau khai khẩn đất hoang để làm ruộng và lập nên phố phường buôn bán rất sầm uất. Dần dần thu hút được rất nhiều lưu dân Việt Nam đến sinh cơ lập nghiệp, nên chỉ không đầy một thập niên sau đó, cù lao Phố đã trở thành một trung tâm đô hội rất phồn thịnh. Khoảng những năm 1689, 1690, phó tướng của Dương Ngạn Địch là Hoàng Tiến nổi lên giết chủ tướng rồi kéo về vùng Rạch Than cho xây dựng đồn lũy để chống lại với quân xứ Đàng Trong. Đồng thời vua Nặc Thu bên Cao Miên cũng phá bỏ lệ triều cống hàng năm, và thường mang quân sang đánh phá vùng Gia Định. 

Chúa Nguyễn Phúc Trăn bèn sai Mai vạn Long, Nguyễn Hữu Hào và Trần Thượng Xuyên cất quân đi đánh dẹp. Trần Thượng Xuyên đến nơi chiêu dụ được rất nhiều quân Long Môn, và được chúa Nguyễn Phúc Trăn giao cho ông và con là Trần Đại Định tiếp tục cai quản quân Long Môn để tiến quân dẹp loạn Nặc Thu. Năm 1690, quân của tướng Trần Thượng Xuyên đã đuổi Nặc Thu chạy về Nam Vang. Từ đó, Nặc Thu lại xin tiếp tục triều cống như xưa. Mùa thu năm Kỷ Mão 1699, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Nặc Thu lại làm phản, không chịu triều cống và thường mang quân sang quấy phá vùng Nông Nại. 
Chúc Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh phối hợp với 7 đội binh thuyền của Quảng Nam và quân Long Môn của Trần Thượng Xuyên sang đánh Cao Miên. Năm 1700, tướng Trần Thượng Xuyên đánh dẹp xong quân Cao Miên , Nặc Thu và Nặc Nộn xin đầu hàng. Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân vào Nam Vang cho Nặc Thu tiếp tục làm vua nước Cao Miên. Năm 1705, Nặc Thu nhường ngôi cho con là Nặc Thâm, nhưng Nặc Thâm vì sợ Nặc Yêm và Nặc Nộn làm phản nên đã dựa vào thế lực của quân Xiêm La để đánh nhau với Nặc Yêm. Nặc Yêm bỏ chạy sang Gia Định cầu cứu với chúa Nguyễn. Chúa sai Nguyễn cửu Vân sang đánh quân Xiêm và đưa Nặc Yêm về Nam Vang lên ngôi vua. 

Nặc Thâm bỏ chạy sang Xiêm, đến năm 1711 lại đưa quân Xiêm La trở về đánh chiếm Nam Vang. Sau khi nhận được thư cầu viện của Nặc Yêm, năm 1714, chúa Nguyễn cử Trần Thượng Xuyên cùng với Phó tướng Nguyễn Cửu Phú đem quân sang vây đánh Nặc Ông Thâm tại thành La Bích. Trần Thượng Xuyên chẳng những có công rất lớn trong việc khai khẩn đất đai ở miền Nam, mà ông còn lập được nhiều công lớn trong việc bình định nước Chân Lạp. Ông đã nhiều lần vào sanh ra tử và đã đem lại ổn định cho cả miền Nam lẫn Chân Lạp. Ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách nên được chúa Nguyễn phong chức Đô Đốc Thắng Tài Hầu, và được bổ nhiệm vào chức Trấn thủ Phiên Trấn cho đến khi ông qua đời vào năm 1720(6). 
Ông được an táng tại vùng Phước Bình, Tân Uyên, thuộc phủ Phước Long, ngày nay nằm trong địa phận tỉnh Biên Hòa. Khi mất, Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn ban đặc ân là ‘Nguyên Vị Vương Trần Vi Tướng, Đại Đại Công Thần Bất Tuyệt,’ và sắc phong ‘Phụ Quốc Đô Đốc Trần Phù Quân Thượng Đẳng Thần,’ đồng thời cho lập đền thờ ông tại vùng Biên Hòa. Không riêng gì con dân vùng Biên Hòa, mà tất cả con dân miền Nam đều phải nghiêng mình nhớ đến ân đức của tướng Trần Thượng Xuyên, một trong những bậc tiền bối, khai quốc công thần đã có công nối liền miền Nam thành một dãy sơn hà gấm vóc cho tổ quốc Việt Nam. Chính vì vậy mà không riêng gì tại Biên Hòa, mà tại các vùng Gia Định và Vĩnh Long đều có đền thờ tướng Trần Thượng Xuyên. Riêng tại Biên Hòa, ngôi đền thờ của ông vẫn hằng ngày khói hương nghi ngút tại đình làng Tân Lân(7). Hằng năm cứ đến ngày 23 tháng 10 âm lịch thì khách thập phương đổ xô nhau đến đình Tân Lân để dự lễ vía đức ông ‘Trần Thượng Xuyên’ rất linh đình.

Người Long Hồ 
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011 
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Nhấp vào Links:

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Thơ Tranh: Tìm


Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Hữu Đức

Hạ Lại Về Đây


Hạ lại về đây phượng đỏ trời
Chợt nghe xao xuyến tiếng ve rơi
Vòng vèo nỗi nhớ quanh trường cũ
Áo trắng ai nghiêng trắng chỗ ngồi

Hạ lại về đây nắng chói chang
Đỏ bừng ký ức nhớ lang thang
Góc phố ly cà phê khuấy nhớ
Một làn tóc xõa chấm vai ngoan

Nhớ đong đưa vành nón nghiêng che
Nụ cười rực đỏ cánh phượng hè
Em về êm dịu bàn chân bước
Má đỏ môi hồng da nõn khoe

Hạ lại về đây sũng ướt mưa
Nhớ mái hiên che ngọn gió lùa
Ta nép vào nhau thêm ấm áp
Sũng ướt một thời chẳng muốn khô

Hạ lại về đây góc phố buồn
Nhớ ly xí muội sớt chia thương
Ngọt lịm như bờ môi lịm ngọt
Lòng ngát hương chiều phố ngát hương

Hạ lại về đây mưa xót rơi
Em nỡ nào đi biệt xứ người
Bỏ quên lối cũ tình đưa đón
Lúng liếng bờ môi đỏ nụ cười

Hạ lại về trong nỗi nhớ mong
Hàng cây mòn mỏi đứng chờ trông
Em về tà áo nghiêng mưa nắng
Phất phới tình mây gió phải lòng

Trầm Vân

Tìm Bóng Quê Hương (Phần1)


                             (Hình Ảnh - Bảo Trâm)

Bài Xướng:
Tìm Bóng Quê Hương


  Sen hồ nở rộ gió hòa lơi
Thánh thiện vươn cao hướng cuộc đời
Nhụy trắng khai hoa vừa hé mở
Bông hồng chớm sắc cũng dâng phơi
Lầy bùn chẳng bám luôn nhàn nhã
Dính đất đâu sà vẫn thảnh thơi
Cội gốc ...quê người say nắng hạ
Hương thơm thoát luỵ nhuốm mây trời

Minh Thúy
Tháng 7 _2018
***
Các Bài Họa:
Hương Tỏa Vì Ai

Cánh mở trên hồ chẳng lả lơi
Thanh tao nền nã dáng yêu đời
Chẳng chờ đông giá dầm mưa ủ
Hay đợi xuân tràn trải nắng phơi
Với đất mồ hôi bao giọt thấm
Cùng em nước mắt mấy dòng thơi
Để qua khốc liệt hương càng ngát
Duyên nợ vì ai tỏa đất trời 

Phan Tự Trí
Tháng 7 _2018
***
Hồ Sen

Mặt hồ sóng gợn gió khôn lơi
Nụ nhấp nhô đầy sức sống phơi
Sắc tỏa diễm kiều từ đáy vũng
Hương đưa ngào ngạt tới mây trời
Sáng ra ngắm ruộng đồng quê tĩnh
Chiều lại thưởng trà nước giếng thơi
Chỉ thiếu ve sầu ca nắng hạ
Sen hồng lộng lẫy đủ tô đời!

Thanh Hoà
***
Màu Tóc Quê Hương

Ngày xưa em tóc xõa buông lơi
Mang bóng quê hương thắm ý đời
Sợi cuốn theo mây duyên hé lộ
Sợi bay cùng gió sắc khoe phơi
Sợi tình e ấp câu tha thiết
Sợi nhớ dạt dào tiếng nhẹ thơi
Một đóa sen hồng trăng ướm mộng
Lung linh sợ̣i nắng nhả tơ trời

Toronto 6/7/2018
Nguyên Trần
***
Cùng Sen Thanh Khiết

Thuyền dù lắc lẻo chớ buông lơi,
Nhàn nhã mà đi khắp chợ đời.
Giữa chốn trần ai thong thả bước,
Trong vòng nghiệp quả nhẹ nhàng phơi.
Dạt dào cuộc sống như hoa nở,
Hiền dịu tấc lòng tựa giếng thơi.
Gặp cảnh bùn nhơ thân chẳng vướng…
Cùng sen thanh khiết một phương trời!

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân
***
Dạo Đầm Sen

Thưởng ngoạn quanh hồ mắt chẳng lơi
Đầm sen nhụy thắm điểm tô đời
Rộn ràng gió gọi hương nồng thoảng
Lẳng lặng mây nhìn cánh mởn phơi
Giũ bụi đường xa chào bạn thiết
Ru hồn khách lạ thỏa lòng thơi
Xem kìa hoa trổ xinh cành quá!
Ong bướm lao xao một góc trời...

Như Thu
***
Màu Sen

Tỉnh Tâm sen nở chẳng hề lơi
Phẩm chất thanh cao sánh với đời
Đỏ thắm con tim tình hé mở
Hồng tươi đạo hạnh dáng bày phơi
Xanh lơ trí tuệ càng minh mẫn
Trắng toát tinh thần mãi thớ thơi
Thuần khiết linh hồn nơi thế tục
Liên hoa khoe sắc khắp phương trời

Thanh Trương
***
Sen Trắng

Rẽ sóng ngoi mình giữa lửng lơi
Đài xanh cánh trắng chiếu soi trời
Phiêu vân mượn gió lừng hương tỏa
Lãng thủy nương hồ đượm sắc phơi
Lễ Phật hoa đằm chưng tịnh khiết
Chung trà nhụy thắm ướp nhàn thơi
Sen nhờ trưởng dưỡng trong lòng nước
Lặng lẽ chung thân tận hiến đời

Lý Đức Quỳnh
***
Hoa Sen

Trang nhã nào vương chút lả lơi
Thanh cao, quý phái nhất trên đời
Trắng trong, cánh mỏng hương thơm tỏa
Vàng óng, nhụy mềm phấn nõn phơi
Ong bướm rộn ràng say thưởng thức
Khách du thong thả đến nhàn thơi
Quốc hoa biểu tượng quê hương Việt
Đẹp mãi non sông giữa đất trời.

Sông Thu
***
Tiếng Quốc Bên Trời

Hồn thơ thấp thoáng gió buông lơi
Tưởng lúc bâng khuâng ngẫm lẽ đời
Sắc núi mênh mông mùa hạ chuyển
Hương rừng bát ngát ý xuân phơi
Người đi hứng cạn mây thành cổ
Kẻ ở chong tàn nắng giếng thơi
Một đoá sen vàng trao khách lữ
Về thôi, nghe quốc gọi bên trời ...

Hawthorne. 7 - 7 – 2018
Cao Mỵ Nhân


Tìm Bóng Quê Hương (Phần 2)


                                       (Hình Ảnh - Bảo Trâm)
Bài Xướng:
Tìm Bóng Quê Hương

 Sen hồ nở rộ gió hòa lơi 
Thánh thiện vươn cao hướng cuộc đời 
Nhụy trắng khai hoa vừa hé mở 
Bông hồng chớm sắc cũng dâng phơi
Lầy bùn chẳng bám luôn nhàn nhã 
Dính đất đâu sà vẫn thảnh thơi
Cội gốc ...quê người say nắng hạ 
Hương thơm thoát luỵ nhuốm mây trời 

Minh Thúy 
Tháng 7 _2018
***
Các Bài Họa:
Quốc Hoa

Hạ lắng hồn Sen rợp cánh lơi 

Gió dâng ngào ngạt thẫm hương đời! 
Lá hoa nồng thắm dầm sương dãi 
Sinh sắc rạng ngời trải nắng phơi! 
Hữu xạ giấu mình lưu phẩm giá 
Kiệm lời kín tiếng mọc thanh thơi! 
Sinh từ bùn đất xanh từ đất 
Khả kính Quốc Hoa tỏa ngát trời! 

8-7-2018 
Nguyễn Huy Khôi
***
Sen Thánh Thiện
(Tung Hoành Trục Khoán)

"Sen thắm đẵm hương toàn cõi Phật
Thiện duyên bừng sáng khắp phương trời” 

SEN soi bóng nước cánh hồng lơi 
THẮM rực liên hoa sắc kiến đời 
ĐẪM vị,liên tu trần bất nhiễm 
HƯƠNG nồng,liên nhục trược nào phơi 
TOÀN bùn, liên ngẫu tâm thông rỗng 
CÕI uế, liên phòng dáng vẫn thơi 
PHẬT ngự liên tòa ban đạo pháp 
THIỆN DUYÊN BỪNG SÁNG KHẮP PHƯƠNG TRỜI 

Phương Hoa 
07/2018
***
Hương Sắc Quê Ta

Nẩy nở trong bùn sắc chẳng lơi 
Biểu trưng cốt cách dẫu cành phơi.. 
Nồng nàn tao nhã trên đầm nước 
Thắm thiết thanh cao giữa cuộc đời 
Thuần túy bông sen ngời đất Mẹ 
Dịu dàng lá nụ thắm ngàn khơi 
Dòng hoa khiết tịnh người yêu quý 
Cánh trổ hương lừng tỏa khắp trời. 

Đức Hạnh 
09 07 2018 
***
Sen Đoá
(Tung Hoành Trục Khoán)

"Sen thắm ngát hương toàn cõi Phật
Thiện duyên bừng sáng khắp phương trời”

SEN đóa khiêm nhường hé cánh lơi 
THẮM mầu tươi sắc tỏa dâng đời! 
NGÁT mùa sinh trưởng bung đài mở 
HƯƠNG thậm trường tồn né nhụy phơi. 
TOÀN thế khơi trong tàng xạ nức 
CÕI trần gạn đục rộ bông thơi! 
PHẬT Pháp tôn vinh nơi đại điện 
THIÊN DUYÊN BỪNG SÁNG KHẮP PHƯƠNG TRỜI! 

9-7-2018 
Nguyễn Huy Khôi
***
Sen Và Người

Thơm lòng muôn thuở chẳng khi lơi 
Sâu lắng thiêng liêng với mọi đời. 
Rực rỡ sen hoa xòe nghĩa gọi 
Ngon lành sen hạt mở tình phơi. 
Đã tô đẹp cảnh quê hương dậy 
Lại giúp tươi hồn tâm trí thơi. 
Đâu có phô trương hương sắc diệu 
Thực tài khiêm tốn dưới khung trời . 

Trần Như Tùng
***
Tiếng Vọng Cuối Chân Trời

(Tặng chị Minh Thúy)

Quê hương tình nặng chẳng buông lơi 
Dẫu ở nơi xa vẫn nhớ đời 
Hè chớm ao sen vừa kịp nở 
Thu sang đồng lúa trải vàng phơi 
Xuân về cánh nhạn bay thong thả 
Đông tận cườm cu gáy thảnh thơi 
Đôi lúc nhớ nhà ra đứng ngọ 
Bỗng nghe tiếng vọng cuối chân trời. 

Huy Phương 
10/7/2018, Thành phố Vinh, Nghệ An

Không Còn...
(Họa 4 vần) 

Âm thầm lặng lẽ ý buồn lơi 
Nhớ tới ngày xưa, với chuyện đời 
Hạnh phúc tầm tay vừa chớm nở 
Hương tình hiện hữu mới bày phơi 
Đâu ngờ phận mỏng thành mây khói 
Chả hiểu duyên sơ biến cuối trời 
Cứ mỗi chiều trong làn nắng nhẹ 
Một mình thờ thẫn ngắm sầu rơi! 

Trịnh Cơ Paris 
***
Mùa Sen

Nở rộ Sen hồng đón gió lơi
Hòa cùng vạn vật thắm mây trời
Trong xanh hé nụ khoe màu sáng
Đậm nhạt vờn cành tỏ sắc thơi
Phó nháy ghi hình in cảnh đẹp
Nhà thơ chọn vận tả hoa phơi
Quanh hồ mấy kẻ trầm ngâm nghĩ
Thấu lẽ huyền vi của cuộc đời 

Bảo Trâm

***
Duyên Sen
(Tung Hoành Trục Khoán)

"Sen thắm ngát hương trên cõi Phật
Thiện duyên bừng sáng khắp phương trời"

SEN hồng rộ nở gió vờn lơi
THẮM đậm liên thông với cảnh đời
NGÁT tỏa liên tình an dạ tịnh
HƯƠNG lan liên mến tỉnh lòng thơi
TRÊN cao liên rãi ơn ban đủ
CÕI dưới liên nguyền cảm tạ phơi
PHÂT tánh liên sinh tâm lắng đọng
THIỆN DUYÊN BỪNG SÁNG KHẮP PHƯƠNG TRỜI

Bảo Trâm

Tuổi Thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 12


Những năm tháng ấy đời sống thật khó khăn, nhà nhà đều túng quẩn không ai làm ăn được chợ búa hàng quán đều đóng cửa, rồi từ từ người dân cũng tìm cách thích nghi với cuộc sống, tất cả mọi giao tiếp đổi chác bán buôn đều diễn ra trên góc đường bên hè phố, những tấm nylon trải vội bên đường.

Những thúng những xề bưng bê mà buôn bán. Chợ họp nơi này một nhóm, đầu kia một tụm, diễn ra chóng nhánh, nhà có gì bán được cũng khuân ra chợ trời
Chợ chồm hổm mà rao bán, từ tỉnh này sang tỉnh khác phải xin giấy đi đường, hàng hoá không được lưu thông, tỉnh nào lo tỉnh nấy, cho nên có nhiều nơi có gạo mà không có rau cải, trái cây ....

Nói về tôi ngày hai buổi đi làm, thật ra tôi cũng chưa hiểu mình phải làm gì
Không đứng bán tem( thời buổi này ai có nhu cầu gởi thư nhiều đâu chứ, điện tín thì lại càng ít hơn, ai có trường hợp gì khẩn cấp đâu mà đánh điện cho tốn tiền). Tôi được xếp vào phòng kế toán cơ bản ( thực ra cho đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu kế toán cơ bản là làm gì, chỉ hiểu hai từ kế toán là cộng sổ sách, là những con số cộng trừ nhân chia cho đúng rồi trình lên trưởng phòng.
Trong phòng làm việc thì cũng gần mười người, nhưng đa phần là nhưng nhân viên cũ già của chế độ trước còn giữ lại, chỉ tuyển thêm vài đứa trẻ như tôi, chị Huệ, Mùi, Hương( người bắc vào) tính tình cũng dễ chịu cũng trạc tuổi tôi nhưng hơi mập, trưởng phòng giao việc gì thì làm nấy, chỉ là những hoá đơn của các huyện, các xã đem lên thanh toán tiền nong, mình chỉ cộng trừ cho đúng, rồi họ đi thủ quỷ lấy tiền, không có gì phải nhức đầu cả, công việc nhẹ nhàn chỉ bận rộn lúc giửa tháng hoặc cuối tháng .

Lương mỗi tháng tôi lãnh được hai mươi mấy đồng, và được mua nhu yếu phẩm (đường sữa bột ngọt...).Vậy là phần tôi cũng tạm yên, phụ cha mẹ được chút tiền còm tuy không đáng là bao trong thời gạo châu củi quế... em trai út tôi giờ đi không được, cả hai chân bị liệt, đi đâu cũng có người bồng, còn không nó phải lết theo, nhìn em mà rơi nước mắt từ một đứa trẻ bình thường chạy nhảy vui chơi giờ ngồi một chổ, nhìn em mà rơi lệ...

Má tôi là người đau khổ và ăn năn nhứt( vì lúc sanh em năm 72 nằm nhà bảo sanh tư, lúc ấy gia đình cũng khá rồi, nằm ở đó một tuần lễ, có trồng trái chích ngừa rồi, nhưng khi về cô điều dưỡng dặn tháng sau bồng bé trở lại chích ngừa sốt tê liệt (Polio).tháng sau các chế nhắc má bồng đi chích ngừa, nhưng má bảo nói lề : tao sanh chín mười đứa rồi có chích chíc gì đâu mà nuôi tụi bây cũng tới lớn ... có sao đâu ...vậy là má bỏ qua ....
Giờ không có sao mà có Trăng... má tự trách mình, trách trời, trách đất... rồi lại đổ thừa tại số!!!

Cho nên về sau tôi rất ghét. ai gì cũng bảo tại cái số, nghèo cũng đổ thừa tại số
Bị chồng ăn hiếp cũng bảo tại cái số... số gì ?. tôi không tin số phận !!
Mình phải tự cứu mình, tuy mình không thể thay đổi được “ SỐ MẠNG”
Nhưng số phận của mình mình tự quyết ....

Tỷ như: lúc sinh ra đời những đứa trẻ không có quyền chọn cha mẹ hay anh chị em, trời già sắp đặt an bài ...
Nhưng còn vợ chồng mình có quyền lựa chọn, không ai bắt mình phải sống chung với người tệ bạc hay đánh đập mình, cam tâm khuất phục để người ta hành hạ, rồi chịu khổ suốt một đời, vợ chồng giống như chiếc áo, không vừa thì thay áo khác, ai bắt mình mặc áo tả tơi .
Lựa chọn thứ hai: là không ai bắt mình phải chơi với bạn bè xấu, mình có thể lánh xa bởi vậy mới có câu: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng"
Giờ má tôi ân hận thì đã muộn màng .Cả đời em tôi chịu cảnh tật nguyền...
Sau này má tôi lặn lội bồng em đi trị bịnh (châm cứu, chạy điện, bồng đi BS( nhưng chỉ cửa lén vì lúc ấy không có phòng mạch nào mở cửa). Giờ má tôi không dám tin đồng bóng, thầy bà ... ôi giờ biết ra thì đã muộn.

Chạy chữa một hai năm em bớt được chân mặt, đi được, bắp thịt bắt đầu nở nang, còn chân trái thì đành chịu, vì gân bị giản, chân treo lặt lìa
Ôi dầu sao cũng còn đi đứng được dù chỉ 50%
Niềm đau ấy tới giờ khi má già rồi, có nhiều lúc em về thăm má, khi má ngũ tôi thỉnh thoảng vẫn nghe má lẩm bẩm một mình: tại mình!! tại mình!!! mà nó có tật !!!...Phải bồng nó đi chích thì đâu có sao?.

May mà lúc sau này vượt thoát bằng mọi giá tôi cũng quyết cõng em đi
Nên có một đoạn trong bài thơ Vĩnh Biệt có câu:
Nhớ ngày chị cõng em đi
Xuống tàu vượt biển đi tìm tự do
Đi tìm một chút tia hy vọng
Ở cuối chân trời hay ở đâu ???

Thôi chuyện ấy sẽ kể sau giờ trở lại chuyện tôi đi làm, và những gì sẽ xãy ra trong cuộc đời tôi một đứa con gái vừa tròn hai mươi tuổi, chưa học xong trung học, chưa có một mảnh bằng, chưa làm gì để báo đáp ơn cha nghĩa mẹ, chưa biết yêu ai, dẫu biết rằng lắm kẻ si tình, thì dòng đời đưa đẩy phải lo cơm áo gạo tiền, cuộc sống rất chật vật, nhưng người ta thì vẫn phải sống phải làm quen và thích nghi với nó, cơm không đủ no thì độn thêm khoai sắn

Muốn cho chắc bụng thì trộn với bo bo, thịt cá khan hiếm thì kho hơi mặn cho đở tốn, không có đủ xà bông giặt thì mặcáo nâu sòng ( các màu tối ) để đở tốn xà phòng giặt, tóc để dài gội lâu và tốn dầu gội thì cắt ngắn, vừa mát vừa gọn vừa tiết kiệm đủ thứ, áo vải quần ny lon , chân đi dép nhựa , thì hợp thời hợp cảnh hợp túi tiền, càng đơn giản thì đời sống cũng đở hơn nhiều

Thôi xin hẹn kỳ 13 kể tiếp nếp sống mới của cô thư ký trẻ đi làm kiếm cơm trong thời kỳ khó khăn chung của đất nước...

Xin mời xem tiếp: