Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Người Tình Trong Thơ - Thơ Hoa Văn - Nhạc: LMST


Thơ: Hoa Văn 
Nhạc: LMST 
Trình bày: Quang Châu 
PPS: Hương Hoài Điệp

Mùa Bão Lũ



Đồng xa vội vội về gặt sớm
Nước lớn đùng đùng rầm rập mưa
Mái lá trơ vơ dìm xuống lụt
Một đàn dáo dác ném trong khuya!

Cuồn cuộn xé lòng vỡ bờ trôi
Nước gầm như thác đổ về xuôi
Đau sông quằn quại mùa bão lũ
Gia biến trăm con một cảnh đời!

Giông tố rập rình đã lắm khi
Trùng dương cưỡi sóng một lần đi
Xa khơi bão nổi gào duyên hải
Ái tử, vọng phu hận biệt ly!

Ngày một vùi tro tờ lịch cũ
Ấm xuân! Rợn ý cảnh tình đông
Đau thương còn đó trong huyết mạch
Đâu dễ ngày vui thỏa đến lòng!

Lý Đức Quỳnh

Cà Tím & Đậu Hủ Chiên


NGUYÊN LIỆU:

- 4 trái cà tím dài, 1 trái cà tím hình bầu, 8 đến 10 trái cà tím tròn nhỏ
- 2 đến 3 miếng đậu hủ tươi
- 4 tép tỏi xắt lát hơi dầy, 5 cọng hành lá
- 1 miếng nhỏ gừng, ớt hiểm tươi, ngò
- Dầu olive hay dầu rau cải

Nước Chấm: Maggie hoặc xì dầu hay tương xay (loại tương ăn phở), dắm rượu và dắm gừng.

CÁCH LÀM:

Cà Tím: Sau khi rửa sạch cà, trái hình bầu xắt khoanh tròn dầy khoảng 2 cm, trái nhỏ và trái dài xẻ đôi (trái dài xắt khúc nhỏ). Ngâm trong thau nước lạnh có nhỏ thêm vài giọt nước chanh tươi cho cà được trắng và sẽ không bị hút nhiều dầu khi chiên. Ngâm độ 10-15 phút, rửa lại nước lạnh và để ráu. Cho vài khoanh tỏi khử trong chảo dầu trước khi cho cà vào chiên vàng đều 2 mặt (Đừng chiên quá nhiều dầu, chỉ rưới thêm một ít dầu trong lúc chiên khi thấy cà bị khô). Cà chín lấy ra để trên giấy (paper towel) cho ráu dầu. 

Đậu Hủ: Đậu hủ tươi rửa sạch để ráu và xắt làm 2- 4 miếng nhỏ. Khử vài khoanh tỏi vào trong chảo dầu, sau đó cho đậu hủ vào chiên vàng đều 4 mặt. Đậu hủ chín lấy ra để trên giấy (paper towel) cho ráu dầu.

Hành, Gừng, Ớt: Hành lá 1 cọng xắt khúc, tướt sợi. Phần còn lại xắt hột lựu khử với dầu làm dầu hành (Bắt son dầu hành ra khỏi mặt lò/stove để hành không bị ngã vàng). Gừng xắt sợi nhuyễn và ớt xắt xéo.

Nước Chấm: Tùy sở thích, bạn có thể làm nước chấm một trong ba cách như sau:
Maggie hoặc xì dầu: Không cần pha chế. 
Xì dầu pha với dấm rượu và dắm gừng: 3 muỗng canh nước xì dầu, ½ muỗng café dắm rươu, ½ muỗng café dấm gừng. 
Tương xay pha với xì dầu, dắm rượu và dắm gừng: 1½ - 2 muỗng café tương xay, 3 muỗng canh xì dầu, 1 muỗng café dắm rươu, 1 muỗng café dắm gừng. Cho vào son nhỏ nấu lửa vừa cho đến khi tương hơi sệt thì tắt lửa. Quậy đều tay trong lúc nấu để tránh bị khét đích nồi. Nêm lại cho vừa khẩu vị, nếu bạn thích ngọt, có thể nêm thêm đường. 

CÁCH TRÌNH BÀY:

Cà và đậu hủ sau khi chiên xong để vào dĩa trình bày theo sở thích. Trên mặt, lần lượt cho tỏi chiên vàng, dầu hành, hành lá tươi và gừng xắt sợi, ớt hiểm, ngò và tiêu. Nước chấm có thể cho vào dĩa cà hoặc chấm riêng 

Khúc Giang

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Lại Đến Mưa Ngâu



(Bài Họa)

Thương cho hai đứa ở hai nơi,
Lại một mùa ngâu nữa đến rồi,
Nối lại nhịp cầu vui gặp gỡ,
Kết tình phu phụ để rong chơi,
Đã cho hợp cẩn thành duyên phận!
Sao phải lìa chia rẽ bến đời,
Chức Nữ Ngưu Lang rơi lệ ngọc,
Hòa mưa hờn tủi khóc buông lơi!

Hoành Trần 9/7/17

Không Tên 5.



Xin cho tôi một ngày được bình yên,
Một ngày thôi tôi âm thầm lặng lẽ,
Ở hư không không chút gì xao xuyến,
Tôi nguyện cầu cho phép lạ hiện về.

Ánh mắt ấy là trời trong mây biếc,
Vậy mà là nỗi buồn từ muôn kiếp,
Của khổ đau nghèo đói trên thân người,
Ánh mắt còn, một tình yêu tha thiết.

Một tình yêu cuộc đời cần phải sống,
Nên tôi nhìn được tiếng cười biển rộng,
Lúc buồn vui sóng xao động lòng tôi,
Nụ cười còn, là hạnh phúc bên trong.

Một gương mặt nhân gian đẹp lạ lùng,
Tôi chợt khám phá như một điềm lành,
Bởi tình yêu vẫn còn mãi trong đời,
Gương mặt còn, một niềm tin mênh mông.

Tôi yêu không bởi chỉ vì cám dỗ,
Bởi sắc màu nâng phẩm cách trời cho,
Tâm hồn tôi không chỉ một nhánh suông,
Con tim còn, có nhau trong cùng khổ.

Phép nhiệm mầu tôi biết là ảo mộng,
Với nguyện cầu tôi thấy một dòng sông,
Mang tình người về muôn lối xẻ chia,
Ánh mắt còn, tôi yêu thật vô cùng.

Hải Rừng
Oakland, 6 Nov 2011.
Tặng cho người đem một cánh hồng
Rủ hương khắp lối trên quê hương tôi.

Sang Hạ - Hạ Ngông



Bài Xướng:
Sang Hạ

Xuân đi, hạ lại đến nơi rồi
Chầm chậm thu vàng ngại lá rơi
Mạch bút còn vương hình nguyệt rạng
Lời thơ vẫn đọng ánh dương ngời
Kỳ hoa dị thảo, vui nhìn ngắm
Thắng cảnh danh lam,thích dạo chơi
"Ba vạn sáu ngàn ngày" được mấy ?
Nhịp tim còn đập- vẫn yêu đời.

Ngọc Ẩn Nhi Huyền
 2013

Bài Họa: 
Hạ Ngông

Mộng cũ theo năm tháng mất rồi
Còn đây lặng lẽ bóng chiều rơi
Mây gom nỗi nhớ, mây vàng úa
Hạ góp vần thơ, hạ trắng ngời
Nguyệt lão se duyên- duyên lạc lối
Tơ hồng trói kiếp- kiếp rong chơi
Mênh mang một cõi sầu xa xứ
Lệ cắn chưa tan...mãi tiếc đời...

Thy Lệ Trang

Cạn Ao, Bèo Ăn Đất


Niên khóa 1951-1952, các bạn của tôi được gửi đi học tại Đại chủng viện Phát Diệm, cha Giám đốc Đệ tử Châu Sơn yêu cầu tôi ở lại, tổ chức dạy học cho các chú đệ tử, từ Châu Sơn, Nho quan di cư xuống làng Như Tân, Phát Diệm. 

Đệ tử viện lúc đó có khoảng mười mấy em học sinh (thường gọi là các chú, tu sinh ); chia làm ba lớp: Đệ lục, Đệ ngũ và Đệ tứ; mỗi lớp chỉ có bốn, năm học sinh. Các đệ tử của dòng, trước đó chủ yếu là học La ngữ và Pháp văn, còn các môn khác, khi có giáo viên môn nào thì học môn đó, không có thì bỏ luôn. 
Để thực hiện chương trình học cho năm đó, tôi đề nghị với cha Giám đốc cho các tu sinh học theo chương trình của chính phủ, cuối năm lớp Đệ tứ sẽ dự thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Với sự chấp thuận của ngài, tôi bắt đầu xếp thời khắc biểu, soạn thảo chương trình, tìm mua sách giáo khoa cho ba cấp lớp… Điều tôi lo nhất là vấn đề nhân sự! Nhìn đi ngó lại, nhà trường chỉ có tôi và một ông bạn là thủ quỹ cho Đệ tử viện, ông ấy chỉ nhận dạy giúp tôi hai môn: Sử và địa, còn bao nhiêu tôi phải cáng đáng hết; lúc đó tôi lâm vào cảnh “cưỡi lưng cọp!” Đành phải đánh nước liều! Vì phải dạy tới năm môn chánh: Việt, Anh, Toán, Lý và Hóa cho ba cấp lớp khác nhau, tôi liền nghĩ ra cách xếp thời khắc biểu làm sao để cho các lớp có giờ học, giờ làm bài, xen kẽ với giờ lên lớp, như thế tôi mới có thể đi từ lớp này sang lớp khác, giảng bài được. Một trở ngại lớn nữa đối với tôi là các học sinh đều mất căn bản về các môn tôi đảm nhiệm; như tôi đã đề cập tới ở trên, từ trước tới nay Tu viện chỉ chú trọng dạy các tu sinh học Pháp văn và La ngữ, còn các môn khác coi như ngoài chương trình. Vì chính bản thân tôi cũng đã là nạn nhân của sự mất căn bản về các môn học trên, nên tôi mới có được kinh nghiệm trong việc lấy lại căn bản cho các học sinh đó. 
Trong suốt niên khóa, tôi dồn mọi khả năng dạy cho Đệ tứ, lớp phải dự thi tốt nghiệp cuối năm; còn hai lớp kia, tôi chỉ cố gắng giúp các em lấy lại căn bản và học cho hết trương trình thôi. Để đạt được mục tiêu trên, tôi đã tìm mọi cách, mua cho bằng được những sách bài tập, có bài giải sẵn, về đủ các môn, nhất là cho lớp Đệ tứ, (Tập làm văn Đệ tứ của Giáo sư Nghiêm Toản; Dịch Việt Anh, Anh Việt Đệ tứ của Giáo sư Lê Bá Kông; bài tập đại số và hình học Đệ tứ của Giáo sư Nguyễn Dương Đôn; bài tập Lý, Hóa Đệ tứ của Giáo sư Bùi Phượng Trì…) Tôi yêu cầu các em chia nhau đọc và làm các bài đó cho đến khi gần như thuộc lòng…Mỗi tuần các học sinh phải làm một bài thi cho từng môn, chấm bài xong, tôi thấy bài nào được điểm cao nhất, đọc cho cả lớp nghe, lấy đó làm mẫu cho mọi người nghiên cứu và học hỏi.
Niên học vừa chấm dứt, tôi cùng cha Giám đốc đưa bốn học sinh Đệ tứ, đáp tầu thủy lên Nam Định để dự thi; kết quả: Một được vào vấn đáp và đậu, còn ba trượt vỏ chuối; may mà đậu được một, chứ không thì ê mặt cả thầy lẫn trò! Trên tầu thủy trở về Như tân, tình cờ tôi gặp một em học sinh; hỏi chuyện ra mới biết, em là học sinh trường Trần Lục, Phát Diệm, em cũng lên Nam định để thi; tôi thắc mắc hỏi,” Tại sao em lại về một mình?” Em trả lời, “Lớp em có 20 học sinh dự thi, nhưng chỉ có một mình em được vào vấn đáp và đậu, nên các bạn của em đã về nhà trước rồi."Nghe em học sinh ấy nói, tôi tự nghĩ, thế ra mình dạy cũng chưa đến nỗi tệ lắm! 

Một trường trung học, tầm cỡ địa phận, có một hàng ngũ đầy đủ các giáo sư tài ba, lỗi lạc, mỗi thầy dạy chuyên một môn, mà tỷ số đậu chỉ có 1 trên 20; còn mình, đơn thương độc mã, lại đậu được 1 trên 4; vậy là quá sức tưởng tượng rồi, còn đòi hỏi gì nữa! Tôi thầm nghĩ, “Trường hợp của mình là (Cạn ao, bèo ăn đất) so sánh làm sao được!”Bây giờ hồi tưởng lại tôi mới thấy, mình, thật to gan, đã làm một việc mà chưa ai làm được, và cũng chẳng ai dám làm.

THẠCH TRONG (HĐN)


Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Thơ Tranh: Nếu


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh


Cau Xanh Phụ Trầu - Tình Xanh Cau Trầu



Thương anh mười ngón tay gầy
Cút côi phận bạc thương vay khóc thầm
Nợ tình vay trả trăm năm
Như còn dan díu như tằm nhả tơ.

Dốc khuya dứng đợi bơ vơ
Đèn đêm ngã bóng lơ thơ cuối đường
Dặm ngàn anh mãi tơ vương
Người đi mang hết mùa thương bẽ bàng.

Trái sầu rơi rụng ngập tràn
Cho em lầu vắng ngỡ ngàng đêm nay
Mây buồn nhỏ giọt mưa bay
Một người trăn trở chờ ai hẹn hò.

Muốn qua sông phải lụy đò
Nhưng ai vắng bóng đôi bờ quạnh hiu
Đêm nay em nhớ thật nhiều
Thương anh từ lúc buổi chiều chia tay.

Em về nốc chén men cay
Bước chân khập khểnh tháng ngày buồn tênh
Buộc anh sợi chỉ mỏng manh
Tơ mành dễ đứt - cau xanh phụ trầu!

Dương hồng Thủy
***
Cảm Tác:
Tình Xanh Cau Trầu



Xót thương dáng nhỏ hao gầy
Bạc phần duyên nợ trả vay tủi thầm
Cái khổ bám lấy tháng năm
Cam tâm đành chịu kiếp tằm vương tơ

Đêm đêm chiếc bóng chơ vơ
Một thân bồng bế con thơ dặm đường
Canh cánh ôm nặng vấn vương
Đợi chờ mòn mỏi khóc thương bẽ bàng

Bão đâu bỗng chốc ập tràn
Phút giây chia biệt lỡ làng đến nay
Gửi lòng theo cánh chim bay
Đêm ru điệu nhớ gửi ai câu hò

Hò ơi, bìm bịp gọi đò
Đi xa đừng phụ bến bờ đìu hiu
Dòng châu nhung nhớ dâng nhiều
Mái chèo mong ngóng đò chiều chung tay

Dẫu đời cô lái đắng cay
Nỗi đau cắt cứa ngày dài lạnh tanh
Xin ai đừng chê chiếu manh
Tình nghèo khắn khít - cau xanh với trầu

Kim Oanh

Độ Long Vĩ Giang 渡龍尾江- Nguyễn Du


(Dưới Chân Núi Hồng)
1796-1802

Độ Long Vĩ Giang *
Nguyễn Du


Cố quốc hồi đầu lệ,
Tây phong nhất lộ trần.
Tài qua Long Vĩ thủy,
Tiện thị dị hương nhân.
Bạch phát sa trung kiến,
Ly hồng hải thượng văn.
Thân bằng tân khẩu vọng,
Vị ngã nhất triêm cân.

Dịch nghĩa:
Ngoảnh nhìn quê hương nước mắt rơi,
Gió tây thổi bụi suốt dọc đường.
Vừa qua sông Long Vĩ,
Đã là người đất khách.
Đi giữa bãi cát, càng trông càng rõ mái tóc bạc,
Nghe chim hồng lìa đàn ngoài biển kêu.
Bạn bè thân thích đứng trên bến nhìn theo,
Vì ta mà nước mắt ướt khăn.

*Long Vĩ giang: chỉ khúc sông Lam ở gần quê hương của cụ Nguyễn Du phía gần biển

Dịch Thơ:
Qua Sông Long-Vĩ

Ngoảnh nhìn lại quê nhà lệ ngấn,
Gió tây về bụi vẩn đường mờ.
Vừa qua Long-vĩ bến bờ,
Đã nghe thân khách bơ vơ vương sầu.
Giữa cát vàng bạc đầu rõ nét,
Nhạn hồng lạc thảm thiết biển khơi.
Thân quen dõi mãi bóng người,
Vì ta khăn ướt lệ rơi khôn cầm.

Mailoc phỏng dịch

Quê nhà mặt ngoảnh lại,
Gió tây tung bụi đường.
Vừa qua bến Long Vĩ
Thân khách đã sầu vương.
Cát vàng rõ đầu bạc,
Hông nhạn lạc kêu sương.
Người thân còn đứng ngóng,
Vì ta lệ cảm thương 

Mailoc
8-16-17
* * *
Qua bờ sông Long Vỹ

Ngó lại quê nhà nước mắt tuông !
Gió Tây bụi bốc phủ mờ đường
Qua sông Long Vỹ thành thân khách
Đất lạ,xứ người dạ vấn vương
Giữa cát,bạc đầu càng lộ rõ
Chim hồng lạc bạn phải tha phương
Người thân dõi mắt nhìn theo mãi
Khăn lệ khôn nhòa dấu cố hương

Song Quang
8/16/2017
* * *
Qua Sông Long Vĩ

Nhìn lại cố hương đẫm lệ tràn
Dặm đường bụi bốc gió tây sang
Qua sông Lòng Vĩ còn chân ướt
Dừng bước quê người cũng ngỡ ngàng
Đầu bạc nổi lên vàng bãi cát
Chim hồng lạc giữa biển kêu đàn
Bạn bè dõi mắt xa bờ khuất
Giọt lệ thấm khăn dạ xốn xang

2/
Quê hương ngoãnh mặt lại
Bụi đường bay gió tây
Qua sông mới Long Vĩ
Xa xứ lạ chân mây
Cát vàng bạc đầu tóc
Hồng nhạn biển khơi bay
Anh em nhìn khuất bóng
Ướt khăn đẫm lệ này
3/
Xa nhà ngó lại khóc ròng
Dọc đường bụi bốc tây phong thổi về
Qua sông Long Vĩ tái tê
Mới hay đất khách ủ ê quê người
Cát pha tóc bạc giữa trời
Chim kêu lẻ bạn biển khơi lạc đàn
Bến quê thân thích ngóng sang
Vì ta đỗ lệ bàng hoàng thấm khăn



Mai Xuân Thanh
Ngày 16 tháng 08 năm 2017
* * *
Qua Sông Long Vỹ

1/
Lệ đổ nhìn quê hương
Gió Tây tốc bụi đường
Vừa qua Long Vỹ bến
Thành khách lạ tha phương
Trên cát trơ đầu bạc
Tiếng chim ngoài đại dương
Người thân còn đứng tiễn
Buồn ướt đẫm khăn hường.

2/
Ngoái nhìn quê cũ lệ sa
Gió Tây theo bước đường xa bụi mờ
Qua sông Long Vỹ thẩn thờ
Chỉ vừa mới đó mà giờ tha hương
Trên bãi cát rõ tóc sương
Biển khơi vẳng tiếng bi thương chim Hồng
Người thân trên bến còn trông
Khăn đầm nước mắt đau lòng tiễn ta.

Quên Đi
* * *
Qua Sông Long Vĩ
1/
(Sông Lam)
Ngoãnh mặt nhìn quê cũ
Gió tây cuốn bụi đường
Sông Lam vừa quá bến
Lữ thứ đã ly hương
Cát trắng in màu tóc
Chim hồng lạc khúc thương
Bến xưa bè bạn tiễn
Khăn lệ dầm hơi sương

2/
Ngoãnh nhìn quê cũ thân thương
Gió tây cuốn hút bụi đường dần xa
Sông Lam vừa mới bước qua
Làm thân lữ thứ khúc ca sông dài
Tóc in màu cát bạc phai
Tiếng chim hồng hót lạc loài vọng đưa
Bạn bè ra tận bến xưa
Vì ta lặng xót lệ vừa thấm khăn.


Mai Thắng 
* * *
渡龍尾江         Độ Long Vĩ Giang 

故國回頭淚, Cố quốc hồi đầu lệ, 
西風一路塵。 Tây phong nhất lộ trần.
纔過龍尾水, Tài qúa Long Vĩ Thủy,
便是異鄕人。 Tiện thị dị hương nhân. 
白髮沙中見, Bạch phát sa trung kiến,
離鴻海上聞。 Li hồng hải thượng văn. 
親朋津口望, Thân bằng tân khẩu vọng, 
為我一沾巾。 Vị ngã nhất triêm cân.

阮攸 Nguyễn Du

2. Chú Thích:
* CỐ QUỐC 故國 : là Nước Cũ, cũng có nghĩa là Quê Cũ.
* LỆ 淚 : là Nước mắt. Động từ có nghĩa là : Rơi nước mắt.
* TRẦN 塵 : là Cát Bụi. Nhất Lộ Trần là Dọc đường gió bụi.
* TÀI 纔 : là Mới, là Mới vừa.
* TIỆN 便 : là Bèn. Tiện Thị : Bèn là ...
* TÂN KHẨU 津口 : là Bến nước, Bến đò.
* TRIÊM CÂN 沾巾 : là Ướt Khăn, ý nói lệ rơi thấm ướt khăn. 

3. Nghĩa Bài Thơ:
Qua Sông Long Vĩ

Long Vĩ Giang là khúc sông Lam gần quê hương của Nguyễn Du, cạnh biển. Sông Lam từ nguồn cho đến ngã ba Hưng Nguyên còn có tên gọi là Thanh Long giang.
Ngoảnh đầu trông lại quê hương mà khôn ngăn hai hàng lệ nhỏ. Lại thêm gió tây thổi suốt dọc đường gió bụi. Vừa qua khỏi sông Long Vĩ thì thân ta đã là người tha hương rồi. Làn tóc bạc in rõ trên bãi cát trắng và tiếng chim hồng nhạn lìa đàn còn oang oác ở ven sông. Bạn bè thân thích còn đứng ngóng trông ta bên bến nước, vì ta mà lệ rơi ướt cả khăn là.
Tình cảm luyến lưu ướt át đến thế là cùng, thảo nào người ta thường bảo Nguyễn Du thuộc "túp" nòi tình chính hiệu!

4. Diễn Nôm:

Ngoảnh đầu quê cũ lệ rơi,
Dọc đường cát bụi tơi bời gió tây.
Vừa qua Long Vĩ mới đây,
Thoát đà đã hóa ra người tha hương!
Tóc mây cát trắng còn vương,
Lìa đàn tiếng nhạn kêu thương não lòng.
Thân bằng bến nước vời trông,
Vì ta ướt cả khăn hồng lệ rơi! 


Đỗ Chiêu Đức 
* * *
Độ Long Vĩ Giang

Qua cuối khúc sông rồng
Triều Lê, nhớ rơi lệ !
Tây sơn, khổ một thời:
Mới qua khúc Long vĩ,
Đã thành khách quê người.
Cát lầm, tóc trắng xóa;
Biển xa, hồng chơi vơi.
Ngó bà con trên bến;
Khiến ta, khăn đẫm rồi

Danh Hữu
(Paris, 19 août 2017)

Ghi chú:
Bài thơ này nằm ở phần cuối tập Thanh Hiên tiền hậu tập, là tập thơ gồm hai tập, tập đầu, thơ làm trong vòng 10 năm sống ở quê vợ, tập này còn 26 bài, và tập sau, là làm trong những ngày ông về sống ở quê cha vùng Nghệ Tĩnh, tập này còn 33 bài và đây là bài thứ 31. Theo nội dung, ta có thể thấy, bài thơ này làm lúc ông đang sắp muốn rời Nghệ Tĩnh để đi Huế làm quan.

Thơ Nguyễn Du đa số là thơ tâm sự, bài này cũng là bài giải bày tâm sự của ông. Nó thể hiện nỗi lòng của ông đối với chuyện quá khứ mà ông đã phải chịu đựng trước khi ông rẻ bước qua một đời sống khác, phục vụ một thể chế mới.

Bài thơ này ông làm khi sắp tách bến, vào đầu bài thơ, ông đã rơi lệ khi nhớ về nhà Lê (cố quốc) và một thời (nhất lộ) sống dưới phong trào Tây sơn (Tây phong), một triều đại mà cha, anh của ông đã phục vụ, kể cả ông dù trong thời gian không dài. Cuối bài thơ, ông cũng để lệ rơi. Một bài thơ mà câu đầu, câu cuối đều nói đến sự mũi lòng, là một bài thơ khá đặc biệt. Câu đầu, ông khóc cho Triều đại nhà Lê mà ông đã phục vụ, câu cuối, ông khóc, mừng cho bản thân đã sắp chấm dứt những ngày khổ ải.

Ngoài ra, tựa bài thơ là Độ quá Long Vĩ Giang, do đó các sách đều dựa theo Lời chú của các ông Lê Thước, Trương Chính, bảo đó là tên chỉ khúc sông Lam từ ngã ba Hưng Nguyên trở xuống vùng quê tác giả, còn khúc sông đi qua làng Tiên Điền (làng của Nguyễn Du) thì có tên là Long vĩ giang. Chúng ta không ở Nghệ Tĩnh, nên không biết lời chú đó có đủ tin cậy không. Tại sao sông Lam lại có một khúc mang tên là Long Giang, rồi khúc khác gần biển lại có tên Long vĩ giang ? Nếu đã có Long vĩ tất phải có Long đầu chứ ! Vậy Long đầu là ở khúc sông nào ? Tôi cho đây chỉ là ông Lê Thước tưởng tượng ra thôi vì bài thơ này ông đã dịch không thoát. Cụm từ "Long Giang" ở đây, theo tôi là từ ám chỉ "non sông Việt" chứ không có khúc sông nào tên là Long giang và Long giang vĩ cả. Long có thể hàm ý Thăng Long, vĩ là cái đuôi, là cuối đường. Độ quá Long vĩ giang = Đã đi qua hết thời của Thăng Long (hàm ý nhà Lê). Nghĩa là dù có luyến tiếc chế độ cũ (non sông nhà Lê), nhưng nó đã qua rồi, ta nên đoạn tuyệt thôi.

Bài thơ này, tóm lại, tôi nghĩ, là một bài ông trình bày nỗi lòng của một trí thức đang có ý định qua sông : từ một thể chế cũ, Triều Lê, bước sang phục vụ một thể chế mới, Triều Nguyễn (Gia Long). Giữa 2 thể chế đó là Triều đại Tây Sơn của 15 năm ông phải chịu đựng mà ông tóm lược trong 2 cặp đối. Ở Triều đại đó, ông chỉ là người khách lạ trên chính quê hương của mình, ông đã sớm bạc đầu vì khổ cực, ông phải sống im ắng như con chim hồng lìa bể khơi, không còn đất vùng vẫy.



Về Miền Tây Bài - Phần 8


Vì dinh Long Hồ ngày xưa là một dinh lớn, là kinh đô của cả miền Tây nên thành Vĩnh Long lúc bấy giờ được dân địa phương gọi là hoàng cung mà mặt tiền nằm khoảng giữa hai con đường Đồng Khánh và Trương Vĩnh Ký (tên đường trước năm 1975), còn cửa hậu thuộc địa phận Bình Minh xưa (bây giờ là quanh vùng rạch Cái Cá) với những thôn xóm trù phú như xóm Chài, xóm Lưới, xóm Bún, xóm Đập, vân vân. Bây giờ đã qua bao cuộc bể dâu nhưng chúng ta vẫn có thể hồi tưởng lại bóng dáng huy hoàng ngày nào của một ngôi thành uy nghi, nay đã theo bóng thời gian mà chìm vào dĩ vãng. Ngày ấy thành Vĩnh Long chiếm trọn bốn thôn Long Châu, Long Hồ, Bình Minh và Bình Lữ, thuộc tổng Bình Long, phủ Định Viễn. Năm 1836, vua Minh Mạng cho lập ụ ghe tàu dọc theo bờ sông Long Hồ từ Vàm đến khoảng gần Văn Thánh Miếu. Đến khi Pháp chiếm Vĩnh Long, họ đã san bằng tất cả thành quách, để xây cất những dinh thự mới cho chính phủ thuộc địa.

Đi về phía bắc Cổ Chiên, hiện còn nền một ngôi đình nằm sát bên bờ sông Cổ Chiên, gọi là Đình Khao. Theo lời các bô lão trong vùng kể lại thì đình được khởi xây từ năm Gia Long 16 (1817). Đây là chỗ khao quân của các quan đàng cựu. Nơi đây cũng chính là nơi mà các quan triều đình đã hành quyết linh mục Phan Văn Minh, người mà về sau này được Tòa Thánh La Mã phong Thánh Tử Đạo. Sau khi chiếm trọn Nam Kỳ, Pháp đã san bằng Đình Khao, cột kèo thì đem về cất tòa bố Vĩnh Long (nằm ngay trong khuôn trường Trung Học Tống Phước Hiệp bây giờ). Từ khi ngôi đình bị triệt hạ, nền đất trơ trụi bao quanh bởi mấy gốc dương cổ thụ trơ gan cùng tuế nguyệt, vừa chứng kiến những thăng trầm của lịch sử, mà cũng vừa thách thức thiên nhiên. Nhưng rồi một thời gian sau thì nước dòng Cổ Chiên cũng cuống phăng mất bờ dương và những mô súng thần công. Dân chúng trong vùng thấy vậy dựng lên nơi nền đình cũ một ngôi chùa gọi là Bảo Tâm Tự. Hiện tại trong chùa người ta còn thờ “Cây Dầm Thiêng Liêng” của ông Đạo Ngà, vị tổ khai sơn ngôi Bảo Tâm Tự. Ngôi Bảo Tâm Tự cũng nhiều phen thăng trầm với dòng sinh mệnh của nhân dân Vĩnh Long. Có một thời khi Pháp vừa tái chiếm lại miền Nam, trong khi đi tuần trên lộ Cổ Chiên, một viên thiếu úy Pháp đã vướng phải lựu đạn của thanh niên Tiền Phong mà chết, chúng đã điên cuồng đốt hết cả xóm nhà, khoảng 30 căn, kể cả chùa Bảo Tâm. Năm 1961, cư sĩ Mai văn Nghiệp đã quyên tiền xây dựng lại ngôi chùa trên nền cũ. Ngày nay dù Đình Khao đã không còn, dân chúng trong vùng vẫn lưu luyến với hai chữ “Đình Khao” nên đã đặt bến đò Cổ Chiên là đò Đình Khao. Từ chợ Vĩnh Long đi về hướng Cổ Chiên, khoảng 3 cây số, trước khi tới đò Đình Khao bây giờ, bên tả ngạn sông Cổ Chiên, cách bờ khoảng 100 thước, có một cái miếu, mặt tiền hướng về phía rạch Cái Sơn, đây là Miếu Công Thần, trước miếu có đặt một khẩu thần công, xung quanh là những gốc dương cổ thụ.

Bên trong miếu có thờ 85 là sắc phong của vua nhà Nguyễn truy phong cho 85 vị khai quốc công thần đã giúp vua Gia Long chiếm được giang sơn từ tay nhà Tây Sơn. Ngày trước sắc phong của chư vị được thờ trong Đình Khao. Sau khi lấn chiếm xong Nam Kỳ, Pháp quân cho triệt hạ Miếu Công Thần, dân chúng trong vùng cho dời 85 sắc phong thần về Thành Hoàng Thiềng Đức. Đến năm 1915, Đốc Phủ Phạm văn Tươi, quận trưởng Châu Thành Vĩnh Long, đứng ra quyên tiền dựng một ngôi miếu riêng để thờ 85 vị khai quốc công thần của triều Nguyễn. Nhờ bà Phủ Y hợp sức với bà Phủ Tươi vận động nên Soái Phủ Nam Kỳ đã chấp thuận cho xây lại miếu Công Thần trên cuộc đất của điền chủ Nguyễn văn Kỹ vào năm 1918. Ngày nay ngôi miếu này vẫn còn khói hương nghi ngút.

Dưới thời Gia Long, tại vàm sông Cái Cá, bên bờ sông Cổ Chiên, có ngôi đình làng Tân Giai, là ngôi đình lớn nhất Vĩnh Long thời bấy giờ. Mặt tiền đình hướng ra bờ sông lớn. Trong suốt thời gian Pháp chiếm Nam Kỳ, ngôi đình vẫn sừng sững trơ gan thách đố. Tuy nhiên, ngôi đình lại bị nước sông Cổ Chiên xoáy lở nên ban Hội Tề trong làng, trong đó có ông Ngô văn Công, quyết định dời ngôi đình vào sâu trong đất liền, gần mé rạch Cái Cá và Cầu Kinh Cụt. Năm 1962, chánh điện của đình bị phát cháy làm hư hao một phần lớn ngôi đình. Dân tộc Việt Nam có truyền thống sống rất gần gủi với mái chùa hay ngôi đình làng, nên sau vụ hỏa hoạn ngôi đình đã được tái thiết và hiện nay lúc nào ngôi đình cũng khói hương nghi ngút.

Dân cư ở Vĩnh Long thì đại đa số là người Việt (Kinh) chiếm trên 95%, họ sinh sống bằng đủ thứ ngành nghề từ những nghề chuyên môn, đến nghề văn phòng, thầy giáo và ngay cả buôn bán, nhưng đa số vẫn làm nghề nông, và sống một cuộc sống thật đơn sơ mộc mạc. Tôn giáo chính là Phật giáo chiếm đa số, kế đó là Hòa Hảo, Thiên Chúa, Tin Lành và Cao Đài. Một thiểu số nhỏ là người Việt gốc Miên, chiếm khoảng gần 3% dân số toàn tỉnh, hiện đang sống nhiều ở vùng Tam Bình, Vũng Liêm và Trà Ôn, đa phần làm ruộng rẫy, và tôn giáo chính của họ là Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada). Họ sống thành từng “sóc,” mỗi sóc đều có một ngôi chùa và vị lục cả rất có uy tín với dân trong sóc.

Tuy nói là theo đạo Phật, nhưng đa số người Việt gốc Miên còn chịu ảnh hưởng của những tập tục cổ truyền mê tín dị đoan như bùa, ngải, thư tôm, trù ếm, vân vân. Vì theo Phật giáo Nguyên Thủy nên tất cả những người xuất gia đều ăn mặn; tuy nhiên, họ cử ăn những con thú như chó, rắn, rùa, voi, ngựa, cọp, beo, vân vân. Ngày nay họ cũng ăn tết dương lịch nhưng vẫn giữ ngày tết chính của họ vào khoảng 15 tháng tư dương lịch là ngày Chaul Chnam Thmay. Ngoài ra người Miên còn có nhiều lễ hội khác như lễ cúng Ông Bà (lễ Đôlta) từ 29 tháng 8 đến 1 tháng 9 âm lịch, lễ cúng Trăng (Ók-Om-Bok và đua ghe ngo) vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Tuy chiếm tỷ lệ nhỏ dân số, nhưng người Việt gốc Miên là dân tộc có nhiều lễ hội nhất trong số những dân tộc sống trong tỉnh Vĩnh Long.

Vào những ngày lễ hội, người Việt gốc Miên thường tổ chức hoặc đua ghe, hoặc nhảy múa theo điệu “lam thôn.” Thường thì lời ca theo nhịp của họ gần giống như điệu hò ca dao và thơ của người Việt. Người Miên có ngôn ngữ và chữ viết riêng, theo lối chữ Sanscrit (chữ Phạn), nhưng ngày nay đa số cũng theo học chữ quốc ngữ và hòa đồng vào lối sống của người Việt. Chúng ta ít thấy ở Vĩnh Long những ngôi chùa Miên cổ kính, nhưng càng đi về hướng Trà Vinh thì càng có nhiều ngôi chùa Miên với lối kiến trúc và nghệ thuật trang trí thật độc đáo. Người Miên ở Vĩnh Long có một sắc thái đặc biệt hơn người Miên ở những nơi khác, vì Vĩnh Long là vùng sông nước mênh mông, là xứ của những dòng sông, là một thế giới nước, vì chính hai con sông lớn đã ôm trọn tỉnh này vào lòng, nên lễ hội của người Khmer tại đây hãy còn phưởng phất nhiều dấu ấn của những câu chuyện thần kỳ về thần Nagar (thần rắn) của Vương Quốc Phù Nam vào những năm đầu công nguyên hơn là sinh hoạt của anh em họ tại vùng Lục Chân Lạp (Cao Miên ngày nay). Sau cùng là người Việt gốc Hoa, chiếm khoảng trên 2% dân số toàn tỉnh, đa số họ làm nghề buôn bán ở các phố chợ, và tôn giáo chính của họ là Phật giáo Bắc tông. Người Việt gốc Hoa có một đặc điểm là dù họ ở đâu, họ cũng mở trường dạy tiếng Hoa cho con cháu của họ và dù làm gì đi nữa bên ngoài xã hội, đến khi về nhà họ chỉ nói tiếng Hoa chứ không nói tiếng Việt. Người Việt gốc Hoa ở Vĩnh Long cũng như hầu hết người Việt gốc Hoa ở các nơi khác, họ sống co cụm thành nhóm và lập thành những bang hội, mỗi bang có một bang trưởng lãnh đạo. Họ sống rất đoàn kết, nếu cần thì bang của họ có thể đứng ra giúp đở về tài chánh để họ cùng làm ăn vươn lên với nhau. Chính vì vậy mà đa phần họ làm kinh tế rất mạnh. 



Dinh Long hồ khi xưa là một dinh lớn của miền Nam, sau này cũng là một tỉnh lớn trong Nam Kỳ Lục Tỉnh. Dĩ nhiên, Vĩnh Long tổ chức rất quy mô về mọi mặt từ hành chánh, đến văn hóa và quân sự. Thành lũy thì kiên cố. Ngày nay chúng ta cũng còn thấy rãi rác khắp nơi trong tỉnh những khẩu thần công của cựu trào. Ngay tại Văn Thánh Miếu bây giờ vẫn còn hai ba khẩu thần công, trên đường đi Bắc Cổ Chiên cũng có vài khẩu. Vĩnh Long là đất văn vật từ xưa trong đất Nam Kỳ. Chẳng những Vĩnh Long có nhiều di tích lịch sử quý báu, mà cho tới bây giờ Vĩnh Long vẫn còn là đất của trai thanh gái lịch. Ngay trong thời Pháp thuộc, dù phải ôm hận vong quốc, dù không trực diện với quân thù bằng súng đạn, người Vĩnh Long luôn có sức đối kháng bằng lòng kiên nhẫn, qua cuộc sống cần cù và khắc phục mọi hoàn cảnh, dù hoàn cảnh có khó khăn cơ cực đến đâu.

Trong suốt thời Pháp thuộc, Vĩnh Long nổi tiếng với những bến phà, từ bến phà Mỹ Thuận đến phà Hậu Giang. Năm 1997, chính phủ Úc Đại Lợi xây dựng cầu Mỹ Thuận để tặng cho nhân dân Việt Nam, cầu được hoàn thành vào ngày 21 tháng 5 năm 2000. Cầu dài 1535 mét, cao 123,5 mét. Độ cao cho ghe tàu có thể qua lại được là 37,5 mét. Đây là chiếc cầu hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Úc, một công trình kiến trúc tuyệt mỹ của thế kỷ. Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Vĩnh Long của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp:

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Thơ Tranh: Thà



Thơ : Nguyễn Gia Khanh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mây Khói



Bây giờ cũng chẳng còn gì
Hồn xưa đã lạc duyên thơ lá vàng
Ngày lên đất thở trời than
Đêm nghe từ những điêu tàn trăm năm

Sầu đi vương sợi tơ tằm
Sầu về lá xác xơ nằm hư vô
Mai về gom lại ưu tư
Ngổn ngang trong giấc mộng từ cõi hoa

Lời xa chớ nhạt đừng nhoà
Xế chiều đã trắng bóng tà dương rơi
Buồn nào cũng hắt hiu thôi
Tình nào còn lại chút ngùi ngậm xưa

Hương bay ngào ngọt mấy mùa
Nghe vu vơ rụng vỡ mù không gian
Có chi nay úa mai tàn
Đời như mây, khói, sương ngàn, gió bay.

Hoa Văn

Mơ Hoang


(Tung hoành trục khoán)

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà


Ở góc trời kia bóng xế tà
Đây chiều ráng đỏ vệt mù xa
Sương dày phủ kín trời hư ảo
Khói tỏa vờn bay cuộn nhạt nhòa
Mờ ánh mơ vàng trăng lẫn khuất
Nhân sầu vọng tưởng khúc hoàn ca
Ảnh xưa người cũ đời phiêu bạt
Ai biết tình ai có đậm đà?

Mai Thắng 

Ký Ức Đêm Trăng



Bài Xướng:
Ký Ức Đêm Trăng
(Ngũ Ngôn Bát Cú)

Ánh nguyệt rót bên thềm
Làn hương dịu dịu êm
Lạnh se cơn gió bấc
Trắng điểm cánh cò đêm
Ta ngẫu thơ tràn hứng
Ai bày cảnh hữu duyên
Chắc người quên khắc ấy?
Đây đọng biết bao niềm

Cao Bồi Già
05-07-2017
***
Các Bài Họa:
Thao Thức
Trăng chiếu rọi hiên thềm
Hàng cây bóng ngả êm
Làn sương sa nhạt cảnh
Cánh bướm lẫn mờ đêm
Số kiếp còn vương nợ
Nhân tình mãi bận duyên
Trời khuya càng giá lạnh
Thao thức bấy nhiêu niềm…

Thanh Trương
***
K
ý Ức Quê

Trong veo sáng tỏa thềm
Thôn dã thật lành êm
Gió thoảng cha ngồi nước
Trăng ngời mẹ vá đêm
Chắt chiu lòng giữ phận
Gắng gỏi ý trao duyên
Kết chuỗi thanh bình điệu
Đời vui rộn rã niềm

Lý Đức Quỳnh
***
Em...


Dòng trăng bạc trước thềm
Lấp lánh chảy êm êm
Dế hát trong lùm cỏ
Hoa cười với gió đêm
Khóe môi hồng gởi mộng
Ánh mắt ngọc đưa duyên
Đắm đuối lời tha thiết
Em trao trọn nỗi niềm...

Sông Thu
***
Ti
ếng Đêm

Lao xao gió lướt thềm
Như giọng hát ru êm
Lay động hàng tre nứa
Nỉ non tiếng dế đêm
Canh trường bao nỗi nhớ
Số phận thật vô duyên
Lặng lẽ đời cô quạnh
Buồn hiu lắm nỗi niềm!

Thiên Hậu
***
Nhớ Đêm Trăng Ấy

Nâng cốc vui trên thềm
Luận bàn thơ vận êm.
Lòng khen sâu ý bạn
Trăng tỏ xua màn đêm.
Hào hứng , lời trao thiệp
Bâng khuâng , phút gặp duyên.
Cùng nhau ghi khúc họa
Gửi xướng vạn muôn niềm 

Trần Như Tùng
***
Chia Tay...


Tay buông nhẹ trước thềm
Vướng chút lệ sầu êm
Mây đã che vầng núi
Nguyệt vừa khuất bóng đêm
Ngậm ngùi câu hội ngộ
Ngơ ngẩn chữ thiên duyên
Cúi mặt hồn se lạnh
̣Đường xa vạn nỗi niềm!


Thy Lệ Trang

***
Trăng Khuya

Sao trời toả lặng êm
Gió rì rào cỏ lá
Trúc lóng lánh sương đêm
Sầu dạ hoài vô phước
Tủi lòng mãi bạc duyên
Thẩn thơ nhìn bóng tối
Tiếng thở chứa muôn niềm

Minh Thuý 

20 Cách Tích Đức Thay Đổi Vận Mệnh


Người xưa có điều rằng: “Có đức mặc sức mà ăn”, học được cách tích đức, tức là ta đã học được cách cải biên số phận của mình, mang lại phước lộc dồi dào. Vậy làm thế nào để tích đức ngay cả khi không có điều kiện vật chất? Dưới đây là 20 cách tích đức cải tạo vận mệnh mà ai cũng làm được

1. Tích đức từ lời nói
Lời nói cần phải thể hiện sự khoan dung độ lượng đối với người khác. Lời nói thẳng: Có thể chuyển sang cách nói “vòng, nói giảm, nói tránh” một chút. Lời nói lạnh như băng: Hãy hâm nóng lên một chút trước khi nói. Lời nói phê bình người khác: Trước khi nói hãy chú ý cân nhắc đến lòng tự tôn của người nghe. Một lời khen ngợi đúng lúc có giá trị ngàn vàng.

2. Tích đức từ việc giữ lễ tiết
Người có lễ tiết đi khắp thiên hạ cũng khó có người trách mắng, không ưng ý.

3. Tích đức từ chung thủy
Phàm là vợ chồng, nên sống chung thủy, không ngoại tình, không hãm hại hôn nhân của người khác, nếu ta làm vậy thì về sau bản thân ta và con cháu luôn bị người khác phản bội và phá hoại hạnh phúc của mình. Rồi lại sẽ gặp quả báo đau khổ.

4. Tích đức từ tính cách khiêm nhượng
Người xưa nói: Người kiêu căng ngạo mạn, thích thể hiện tài năng thì đi đâu cũng có kẻ địch. Tránh khoe khoang tài năng của mình mọi lúc mọi nơi. Buông bỏ kiêu căng, giảm bớt tự kỷ. Không nên ở trước mặt người đang thất ý mà đàm luận về đắc ý của mình. Làm người, trước là đừng khoa trương tùy tiện, sau đừng đắc ý, nên khiêm nhượng một chút.

5. Tích đức từ việc cứu người
Khi gặp người bị nạn, gặp khó khăn, rơi đồ xuống đường, nên đến giúp đỡ, nếu ta bỏ đi thì ắt về sau sẽ gặp quả báo.
Nhìn thấy những đoạn đường hư, lở,… Chúng ta nên mở lòng bồi đường, đắp lộ để cho nhiều người đi qua được bình an.

6. Tích đức từ việc hạn chế sát sinh
Sát sinh là tội ác thất đức trên đời. Nên buông dao xuống và nhớ rằng: Sinh mạng của chúng cũng như chúng ta, ăn đồ sát sinh, nên nghĩ đến là khi cầm dao giết nó, nó đã kêu lên thảm thiết và đau đớn cầu xin chúng ta như thế nào, nó chẳng khác gì chúng ta khi bị kẻ thù cầm dao cắt cổ rồi ăn xác chết của nó.

7. Tích đức từ việc làm ăn lương thiện
Nếu kinh doanh mà làm ăn lừa đảo, trốn thuế, cân sai, ăn bớt, thay linh kiện kém, sản phẩm gây độc hại cho nhiều người sử dụng, dùng âm mưu hãm hại đối thủ, bán cho xong tay, rồi mặc cho sự đau khổ của người khác thì những việc làm thất đức của bản thân, về sau ta và con cháu của ta phải gánh chịu Quả Báo rất nặng. Làm ăn chân chính và Tích Đức thì có Phúc lớn về sau.

8. Tích đức từ việc thành thật với mọi người
Không thành thật sẽ khó tồn tại, người giả dối tất sẽ không có bạn chân thành. Luôn lấy thành tín làm gốc, coi trọng thành tín trong mọi mối quan hệ. Dùng thành tín thu phục người khác, sẽ dễ đạt được thành công. Một người nếu như mất đi sự thành thật thì làm việc gì cũng khó. Bất kể lý do gì cũng không thể giải thích được lý do sự giả dối của bản thân.

9. Tích đức từ việc tôn trọng người khác
Đem lòng tự tôn của người khác đặt ở vị trí cao nhất. Cố gắng để người khác cảm nhận thấy sự tôn nghiêm của bản thân mình. Tôn trọng người yếu kém hơn mình càng là đáng quý. Địa vị càng cao thì càng không thể khinh thường người khác.

10. Tích đức từ giữ thể diện cho người khác
Ở một số tình huống việc “không nể mặt” là một thái độ vô lễ lớn nhất.
Người phương đông rất xem trọng thể diện vì vậy ở bất cả thời điểm nào cũng nên giành cho người khác một “lối thoát” để giữ thể diện.
Nhìn thấy rõ một người cũng đừng nên chỉ thẳng ra, hãy lựa lúc mà nói.
Hãy nhớ đừng bao giờ làm tổn thương thể diện của người khác bởi hậu quả của nó là khôn lường.
Trong một số tình huống, vạch trần người khác là một cái tội đẩy người ta đến đường cùng.

11. Tích đức từ việc tín nhiệm người khác
Người có tính đa nghi trời sinh thì khó có người bạn chân thành.
Được người khác tin tưởng, tín nhiệm là một loại hạnh phúc.
Người có bao nhiêu tín nhiệm thì sẽ có bấy nhiêu cơ hội thành công.
Người xưa nói: “Đã nghi ngờ người thì không kết giao, đã kết giao thì không nên nghi ngờ người.”

12. Tích đức từ việc cho người khác sự thuận lợi
Cho người khác được lợi cũng chính là làm lợi cho mình.
Thời điểm người khác cần bạn nhất, hãy sẵn sàng cho họ một bờ vai để nương tựa.
Suy nghĩ cho người khác cũng chính là suy nghĩ cho bản thân mình.

13. Tích đức từ việc hiểu người khác
Mọi người, ai cũng mong muốn người khác hiểu và thừa nhận mình.Hiểu người khác cũng chính là một cách đem lại lợi ích cho người khác.

14. Tích đức từ việc giúp đỡ người khác
Ở vào thời khắc quan trọng, ai mà không hy vọng có người trợ giúp mình?
“Vì người khác” sẽ luôn luôn chiến thắng “vì mình”.
Lòng tốt sẽ luôn luôn được người khác khắc sâu, nhớ kỹ.
Khi giúp đỡ người khác cũng phải tìm cách để đối phương vui cười mà tiếp nhận.

15. Tích đức từ việc biết cảm ơn người
Cảm ơn là một cách ngợi ca cuộc đời.
Trong cuộc sống, lời cảm ơn kịp thời sẽ khiến mọi người thân thiện với nhau hơn.
Cảm ơn đối thủ là một cách thể hiện của người có chí khí.

16. Tích đức từ đôi tay
Học cách ca ngợi, vỗ tay tán thưởng người khác.
Mỗi người đều cần tiếng vỗ tay của người khác bởi vì ủng hộ, khen ngợi người khác là điều cần có ở mỗi người.
Không biết vỗ tay, khen ngợi người khác thì đời người thực sự quá nhỏ hẹp.
Cho người khác tiếng vỗ tay kỳ thực là cho chính bản thân mình.

17. Tích đức từ lòng nhân ái của bản thân
Mỗi người đều nên tu dưỡng lòng nhân ái trong mình. Bởi người có tấm lòng nhân ái luôn sống nhẹ nhàng mà lại dễ dàng nhận được sự hợp tác từ người khác.

18. Tích đức từ lòng lương thiện
Không có ai là không muốn làm bạn, làm hàng xóm hay hợp tác với người có tấm lòng lương thiện.
Người lương thiện có thể thu phục người khác. Chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm.

19. Tích đức từ sự biết lắng nghe
Người xưa có câu: “Nhìn nhiều, nghe nhiều và nói ít”. Người biết lắng nghe thường được lòng người khác bởi lắng nghe là một cách lấy lòng người khác tốt nhất.

20. Tích đức từ lòng khoan dung
Không thể khoan dung người khác có thể là bởi vì lòng dạ của mình còn quá nhỏ hẹp! Dùng khoan dung có thể cải biến một con người lầm lỗi. Người có lòng khoan dung sẽ dễ dàng chiếm được lòng người khác. Hãy học cách tha thứ khuyết điểm của người khác. Đôi lúc, một quan hệ tốt đẹp là từ nhẫn mà sinh ra đấy!

​Từ​ Tâm​
Yên Đỗ sưu tầm

Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Bãi Nắng - Nhạc Sĩ Lam Phương Tiếng hát Lưu Hồng



Nhạc Sĩ Lam Phương 
Tiếng hát Lưu Hồng
Thực Hiện: Đặng Hùng

Chuyện Chúng Mình



Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Người xa người rồi tội lắm người ơi
Anh ra đi em để lỡ một thời
Tuổi mười tám hoa nở rồi phai sắc

Quen nhau thuở mình còn lắc chắc
Học cùng trường anh trước em sau
Nhà của mình thì ở ngang nhau
Nên trong mắt là người hàng xóm

Có những lúc vui đùa nghịch ngợm
Mình vô tư bơi lội tung tăng
Theo thời gian anh có nhớ chăng
Mình đã lớn dần cùng năm tháng

Rồi bắt đầu nhiều đêm trăng sáng
Em vẳng nghe tiếng thổi sáo buồn
Tiếng sáo đều như mạch sầu tuôn
Và em biết được người đã thổi

Lớn lên mình không còn bơi lội
Biết thẹn thùng e ấp nhìn nhau
Biết ghép tên hai đứa vần đầu
Biết mơ ước xây nhiều mộng tưởng

Thời gian nữa anh xa trường xa xóm
Cô Láng giềng ở lại buồn thiu
Từ bấy giờ mới biết mình yêu
Anh hàng xóm lâu rồi sao nhỉ ?

Người trong xóm bắt đầu dị nghị
Hai đứa này chắc đã yêu nhau
Kẻ nói ra người lại nói vào
Anh xa mãi xứ người biền biệt

Em ở lại làm người chịu thiệt
Ngóng trông hoài một bóng hình ai
Dẫu biết rằng mình chẳng gì sai
Sao anh lại không về chốn cũ

Mối tình kia mình em ấp ủ
Ôm nhớ thương trọn bốn mươi năm
Dõi theo anh một kiếp âm thầm
Mong sẽ được một lần tái ngộ

Ôm anh sát vào lòng thố lộ
Nỗi niềm riêng em vẫn vương mang
Bởi vì sao duyên số bẽ bàng?
Cuộc tình ấy sẽ không tàn theo năm tháng.

Nguyễn Diêu Anh & Biện Công Danh

Tháng Sáu Độc Hành - Không Đề - Dạ Hành


Bài Xướng:
( Trích từ bài thơ Tháng Sáu Độc Hành)

Một kiếp phù sinh mộng chửa thành
Tàn hương cuộn khói sợi mong manh
Bờ mi lệ ướt chưa nguôi nhớ
Sương phụ bơ vơ bước độc hành

Kim Phượng
***
Các Bài Họa:


Nhân sinh số kiếp mộng không thành!
Làn khói hương đời cuốn mỏng manh
Giọt lệ thương thân tràn mắt ướt
Ai người tri kỷ bước song hành???

Song Quang

***
Dạ Hành


Duyên nợ ba sinh đã chẳng thành
Hương tình phản phất quá mong manh
Cho nên,mắt ướt tràn mi lệ
Đêm gối chăn đơn mộng dạ hành

Song MAI Lý Lệ

Đông Đình Nhàn Vọng 東亭閑望 - Bạch Cư Dị



Đông Đình Nhàn Vọng
Nguyên tác: Bạch Cư Dị

東亭閑望

東亭盡日坐,
誰伴寂寥人?
綠桂為佳客,
紅蕉當美人.
笑言雖不接,
情狀似相親.
不作悠悠想,
如何度晚春?
白居易

Đông đình tận nhật tọa,
Thùy bạn tịch liêu nhân?
Lục quế vi giai khách,
Hồng tiêu đáng mỹ nhân.
Tiếu ngôn tuy bất tiếp,
Tình trạng tự tương thân.
Bất tác du du tưởng,
Như hà độ vãn xuân?

Dịch nghĩa:
Nhàn Ngắm Từ Đình Phía Đông

Cả ngày ngồi ở đình phía đông,
ai sẽ là bạn cho kẻ nhàn nhã này?
Cây quế xanh có thể là vị khách quý,
cây chuối hồng đáng mặt người đẹp.
Tuy không trực tiếp nói cười được,
nhưng tình trạng như thật thân thiết.
Nếu không tưởng tượng rộng rãi như vậy,
làm sao ta có thể qua được những ngày xuân muộn này?


Bản dịch của MaiLộc
***

Ngồi suốt ngày đình đông lặng lẽ
Ai bạn nhàn với kẻ nầy đây?
Quế xanh khách qúi nầy nầy
Chuối hồng người đẹp hây hây bạn lòng
Tuy chẳng cười cũng không giao tiếp
Nhưng tình thân thắm thiết vô cùng
Nếu không tưởng tuợng mông lung
Làm sao chống chỏi nỗi buồn cuối xuân?

Mailoc
***
Ngắm cảnh từ Đông Đình

Suốt ngày nhàn tản ở Đông Đình
Biết có ai đâu bạn với mình
Quế biếc xem như người khách quý
Chuối hồng nào khác kẻ đoan trinh
Nói cười tuy chẳng cùng giao tiếp
Thân thiết dường như đã trọn tình
Nếu chẳng hình dung ra sự thể
Làm sao qua được buổi xuân tàn ?


Phương Hà phỏng dịch
***
Phía Đông Của Đình Ngắm

Ngồi nơi đình phía đông
Cảnh vắng bạn thì không
Quế biếc làm thân khách
Người xinh ấy chuối hồng
Nói cười tuy chúng chẳng
Nhưng cũng thấy vui lòng
Đành phải nghĩ như thế
Để xuân được chút nồng

Quên Đi
***
Nơi Đình Phía Đông

Lặng ngắm nơi Đình cảnh hướng Đông
Bạn nhàn đâu thấy lạnh trong lòng
Hoá ra cây quế nay làm khách
Mơ tưởng giai nhân chuối bóng hồng
Liễu sẽ không bao giờ biết nói
Chuối còn chẳng nở nụ bên song
Tuy nhiên tha thiết quen thân lắm
Mường tượng xuân tàn muộn đỡ mong...

Mai Xuân Thanh

Thăm Thành Phố Amsterdam & Đi Canal Tour 18-5-2017

Thăm thành phố Amsterdam (18/5) Từ hotel , lấy xe tram #2 để đi vào trung tâm thành phố, mất 45 phút. Hôm nay chúng tôi mua vé 24 hr để đi bus, tram, metro, nhưng chỉ đi trong thành phố nên vé thấp hơn đi ngoại ô như ngày hôm qua, chỉ có 7.5 Euro. Trạm cuối cùng cuả xe tram nằm ngay trước mặt Centraal station. Kiến trúc cuả Centraal station có vẽ cổ điển và có thể nói là một trong những building đẹp nhất ở Amsterdam. Được xây năm1889, là nhà gas lớn thứ nhì sau Utrecht Centraal. Nhà ga trung tâm nầy là nơi xuất phát các chuyến xe lửa đi Paris , Brussels, Berlin, Cologne, phi trường Schiphol, các thành phố khác ở Hoà Lan. Ngoài xe lửa , nó còn là bến xe metro, xe bus, xe tram. Sau lưng nhà ga là bến phà chở khách ra các đảo lân cận. Dạo chơi ở đây một lát rồi lên xe tram đi đến Museum Square. Nơi đây tập trung nhiều Viện bảo tàng như Rijksmuseum, Van Gogh Museum . Đối diện với Rijksmuseum là Royal Concertgebouw (Concert Hall), cả hai đều rất đẹp, chỉ có Van Gogh Museum là mới xây sau nầy nên thấy cũng tầm thường. Chúng tôi không mua vé vào xem các viện bảo tàng ở đây vì có chủ ý, trong chuyến đi nầy khi tới Paris sẽ có rất nhiều viện bảo tàng " nặng ký " hơn nhiều, đáng để xem hơn. Thăm khu bảo tàng xong, lấy xe tram quày trở về Centraal station để đi Canal tour


Đi Canal tour Ngay trước mặt tiền cuả Centraal station là con kênh, nơi đó là bến cuả nhiều tàu chở khách du-lich . Giá cả cũng rất khác biệt, tùy theo hãng, làm khách cũng phân vân không biết chọn hãng nào. Chúng tôi chọn một tàu với giá vé là 11 Euro/ người, đi tour 1 giờ (vé mắc nhứt là 22 Euro/người). Amsterdam có rất nhiều kênh đào, chằng chịch như mạng nhện, giống như ở Venice (Ý), tuy nhiên có cái khác biệt là ở Venice bạn không thể đi xe hơi vì đưòng phố và cầu nhỏ hẹp, cho nên phương tiện di chuyển duy nhất trong thành phố chỉ là tàu (water bus) , còn ở Amsterdam đường xá rộng rãi nên di chuyển bằng mọi phương tiện đều được.. Ngồi 1 giờ trên tàu để xem sinh hoạt 2 bên bờ kênh cũng chỉ là "cởi ngựa xem hoa " thôi. Nhà cửa, building, quán ăn nằm sát bờ kênh mà nước không bị ô nhiễm, hôi thối, không có rác rưới trôi lềnh bềnh , chứng tỏ người dân có ý thức cao. Đi xong tour mới biết tàu mắc tiền hay rẽ tiền cũng đều đi cùng một tuyến đường, với thời gian như nhau.





Kinh Luân

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Thơ Tranh: À Ơi Khúc Hát Ca Dao


Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Quang


Mùa Đông Về



Sương lạnh về rồi trắng tựa bông
Trên ngàn lá biếc những đồi thông
Nghe từng buốt giá luồn trong gió
Chạnh nỗi niềm riêng chạm giấc nồng
Tùng đứng bên trời ôm lá rét
Em ngồi tựa cửa vọng hoài mong
Quê hương khuất bóng xa nghìn dặm
Xin nhóm cho nhau bếp lửa lòng.

Bằng Bùi Nguyên

Chỉ Có Vầng Trăng



Một người, một tách, một bình trà
Trăng đã nhạt nhoà, đêm sắp qua
Rỉ rả côn trùng trong bụi cỏ
Còi tàu văng vẳng khúc quanh xa

Dã quỳ đến hẹn lại đơm hoa
Mộc mạc, đơn sơ chẳng mượt mà
Sao gợi lòng em bao nỗi nhớ
Áo vàng thuở ấy nắng vàng pha

Hai đứa che chung một chiếc dù
Sương rơi nhè nhẹ tựa lời ru
Êm đềm sánh bước trên đồi vắng
Lạo xạo chân trần dẫm lá thu

Bao nhiêu nhung nhớ bấy năm trời
Bảo Lộc đêm buồn sương vẫn rơi
Em trở về đây tìm kỷ niệm
Rưng rưng mắt lệ nhạt môi cười

Từng khắc thời gian lặng lẽ trôi
Sương rơi ướt đẫm ghế em ngồi
Núi đồi hờ hững trong câm nín
Chỉ có vầng trăng an ủi thôi...

Phương Hà

Lan Man Chuyện Sáng Tâm


Ngày xưa trong kinh tạng của Phật, ngài tuyên thuyết chúng sanh có tám vạn bốn ngàn trần lao, cái kết tiếp theo là có tám vạn bốn ngàn pháp môn để mà tri thức vô minh trong mỗi con người, chọn một pháp môn cho riêng mình. Nếu được duyên may, sau vài chục năm gắng công lục lạo tìm kiếm bốn phương, trong lòng cũng như ngoại giới, ta tình cờ được đặt vào cõi an lạc sáng suốt trong ngần, từng niệm một hiện ra theo ý mình, tròn trịa sáng tỏ niệm đó, ta thấy cuộc sống vốn cân bằng an lạc, nhân nào tròn trịa quả nấy, nhân duyên quả vốn xưa nay đã tự vê tròn hồi đời kiếp nào rồi, năm dài qua tháng lụn lại mọi sự việc sáng tỏ êm ái ngày xưa bổng mất dấu, vết tích vẫn còn mà tìm lại không không thấy tăm hơi, chợt nhớ ngày sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma trước khi lên đường về Tây Thiên có bảo các đệ tử bày giãi sở đắc của mình trình lên cho tổ sư, vị đệ tử thứ hai là Bà Ni Tổng Trì trình - Theo chổ con thấy, như đức A Nan nhìn vào cõi Phật A Súc, thấy một lần không thấy lại đươc " Cõi Phật A Súc là cõi Phật bất động "

Vào khoảng gần cuối thập niên sáu mươi cúa thếkỷ trước,một nhóm giáo sư của khu vực Huế có phong trào ăn Osawa, đọc sách Thiền, phong trào này sớm lan tỏa khắp miền nam, như một cơ duyên, các bản nghiên cứu thiền, một nhánh Phật giáo thuộc Tâm Tông, được phát hành rất nhiều, đủ chủng loại sách.Khoảng năm 1970 tôi tình cờ được người bạn cho mượn tập sách tóm lượt với tựa đề " Đạo Phật Tinh Hoa " dừơng như của học giả Nguyễn Duy Cần, trong đó có đoạn phê bình ngắn lời đại nguyện của bồ tát " Nếu các chúng sinh chưa thành Phật ta nguyện không thành Phật " Câu phê bình tiếp theo " Phải chăng lời đại nguyện là lời đại láo ", chính câu này đã khiến tôi dốc hết sức toàn tâm toàn ý, bao nhiêu công việc ngoài ráng làm xong sớm, rồi gắng tìm đọc các bản kinh, các bản sớ giải, các bản luận đều dành cho mục đích giải minh về Phật đạo của bản thân mình, tìm ắt gặp dù một chút xíu, nhưng cái cưc nhỏ ít ỏi đó lại là chổ tín tâm của chính mình, biết chắc chắn đúng chơn thật như thực.

Nhân xem lại bản dịch TÂM THIỀN của giáo sư Suzuki do thầy Như Hạnh dịch, đây là bài hướng dẫn người sơ cơ cũng như nhắc lại cho người thâm cứu trong Phật đạo, phương pháp giữ tâm chớ có la cà nhà ma động quỹ, tôi chép lại mục đích giới thiệu đến các bằng hữu, bản văn ngắn nhưng xúc tích của một giáo sư người Nhật, ông có nội chứng hay không qua bản văn sau, tùy vào duyên các bạn.

Trương Văn Phú


TÂM THIỀN của SUZUKI  
Người ta nói rằng tu tập Thiền khó, nhưng người ta lại hiểu lầm lý do việc ấy. Không phải khó vì khó ngồi kiết già, hay đạt đến giác ngộ. Khó vì khó giữ tâm và sự tu tập của mình tinh thuần theo đúng ý nghĩa nền tảng của nó. Thiền Tông đã phát triển theo nhiều lối sau khi thiết lập ở Trung Hoa nhưng đồng thời càng ngày Thiền càng mất thuần túy. Nhưng ở đây tôi không muốn nói về Thiền Trung Hoa hay lịch sử Thiền. Tôi lưu ý đến việc giúp các bạn giữ việc tu tập của mình khỏi tạp loạn.

Ở Nhật, chúng tôi có từ ngữ SƠ TÂM, có nghĩa là, " tâm của người sơ học ". Mục tiêu của việc tu tập là luôn giữ cái SƠ TÂM của mình. Giả sử bạn chỉ tụng kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa có một lần. Đó có thể là một bài tụng hay. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra cho bạn nếu bạn tụng Kinh hai, ba, bốn lần hay hơn nữa. Có lẽ bạn dễ dàng mất đi cái thái độ ban sơ của mình đối với Kinh. Trong việc tu tập Thiền của bạn cũng vậy. Trong chốc lát bạn hẳn giữ được Sơ Tâm, nhưng nếu bạn tiếp tục tu tập một, hai, ba năm hay lâu hơn nữa, mặc dù bạn có thể tiến triển đôi chút, bạn dễ dàng đánh mất cái ý nghĩa vô hạn của bản tâm.

Đối với những người học Thiền điều quan trọng nhất là không được có đầu óc nhị nguyên. Cái " bản tâm " của chúng ta bao hàm tất cả trong nó. Nó luôn luôn phong phú và mãn túc trong chính nó. Bạn không được đánh mất cái tâm trạng TỰ TÚC này. Đó không có nghĩa là một tâm thức khép kín, mà thực ra là một tâm thức trống không, nó luôn luôn sẵn sàng cho bất cứ việc gì, nó mở rộng cho tất cả mọi cái. TRONG TÂM KẺ SƠ HỌC CÓ RẤT NHIỀU KHẢ TÍNH, TRONG TÂM MỘT CHUYÊN GIA LẠI RẤT ÍT.

Nếu bạn phân biện nhiều quá, bạn tự giới hạn mình. Nếu bạn quá đòi hỏi hay quá tham lam, tâm bạn không phong phú và TỰ TÚC. Nếu chúng ta đánh mất cái tâm TỰ TÚC bản nguyên của mình, chúng ta hẳn mất đi tất cả mọi huấn lệnh. Khi tâm bạn trở nên đòi hỏi, khi bạn trông mong một cái gì, rốt cuộc bạn hẳn vi phạm các huấn lệnh của chính mình : Không nói dối, không trộm cắp, không sát hại, không vô luân,..v.v.. Nếu bạn giữ được bản tâm, các huấn lệnh sẽ được duy trì.

Trong tâm kẻ sơ học không có ý tưởng như : "Ta đã được một cái gì ". Tất cả các tư tưởng qui kỷ hạn hẹp cái tâm bao la của mình. Khi chúng ta không có ý tưởng về NGÃ chúng ta là những người sơ học chân chính, lúc ấy chúng ta mới thực sự học được một cái gì. Sơ tâm là Bi tâm. Khi tâm chúng ta từ bi, nó vô biên. Đạo Nguyên Thiền sư luôn luôn nhấn mạnh sự quan trọng của việc khôi phục cái bản tâm vô biên của mình. Lúc ấy chúng ta luôn thành thực với mình, thiện cảm với tất cả mọi chúng sinh và có thể thực sự tu tập.

Nên điều khó nhất là luôn luôn giữ cái SƠ TÂM của mình. Không cần phải có một kiến thức sâu sắc về Thiền. Dù cho bạn đọc nhiều văn học Thiền, bạn phải đọc mỗi câu với một tâm thức mới mẻ. Bạn không được nói " Tôi biết Thiền là gì ", hoặc " tôi đã đạt được ngộ ". Đây là bí quyết thực sự của nghệ thuật : Luôn luôn là kẻ bắt đầu. Xin cẩn trọng nhiều về điểm này. Nếu bạn bắt đầu tập tọa Thiền, bạn hẳn bắt đầu hân thưởng cái SƠ TÂM của mình. Đó là bí quyết của việc tu tập Thiền.

Y theo bản dịch của Như Hạnh.

Như Hạnh  

Em Hãy Về - Cuộc Chia Ly Màu Tím


1
Nhớ mãi một chiều hoa lá rơi
Mắt em lệ ướt mịt chân trời
Người đi sầu đọng màu lam khói
Kẻ ở buồn vương ngọn sóng khơi
Tử biệt bao trùm lên mọi nẻo
Sanh ly phủ kín khắp cùng nơi
Thái lai bỉ cực bao năm tháng
Ký ức còn đây suốt cuộc đời
2
Ký ức còn đây suốt cuộc đời
Lẻ loi thân phận, lá vàng rơi
Người nơi xứ lạ vui khôn tả
Kẻ ở quê nhà buồn chẳng vơi
Nhớ bạn trong hình, đành lặng tiếng
Ngắm ai qua ảnh, chẳng nên lời
Biết làm sao được khi dang dở
Mong mỏi chiều tàn chút nắng rơi
3
Mong mỏi chiều tàn chút nắng rơi
Miền xa lữ khách thấy yêu đời
Người xưa ngóng đợi bên lầu cổ
Hoàng hạc bay xa phía góc trời
Giấc mộng Hồng Lâu còn luyến tiếc
Mối tình Châu Ngọc vẫn trong ngời
Cuộc đời mộng ảo trên trần thế
Bầu rượu túi thơ sẽ thảnh thơi
4
Bầu rượu túi thơ sẽ thảnh thơi
Nơi nào em ở, hỡi em ơi!
Ta mơ em đến, thôi đêm mộng
Nàng hãy quay về, bỏ cuộc chơi
Khoảng cách lâu nay thêm gắn bó
Cuộc tình ngày ấy chẳng xa vời
Mơ hoa một giấc, đời đen bạc
Mái tóc hoa râm... hết thật rồi..!

Thanh Trương
***
Bài Họa:
Cuộc Chia Ly Màu Tím

1
Thu tàn nắng nhạt,tím chiều rơi
Nhạn mãi mù tăm tận cuối trời
Lác đác trong vườn hoa úa rụng
Là đà dưới suối liễu sầu khơi
Chim từ giã tổ chia ngàn lối
Nước biệt ly nguồn cách mấy nơi
Chẳng biết đoàn viên ngày ước hẹn
Còn bao tuế nguyệt thỏa vui đời ?!
2
Còn bao tuế nguyệt thỏa vui đời ?
Ngõ vắng im lìm dưới lá rơi
Ngày đến ơ thờ thêm lắm nữa
Đêm về lãnh đạm mãi nào vơi
Sầu quyên mãn nhật không hòa tiếng
Xót cuốc tàn khuya cũng bặt lời
Giục giã mùa đi vào khoảng lặng
Xuân tình héo nụ thẫn thờ rơi
3
Xuân tình héo nụ thẫn thờ rơi
Bão tố cuồng gieo đã ngập trời
Luyến cuộc chia ly màu tím Huế
Hờn phen vĩnh biệt sắc tang đời
Hoàng thành áo gấm tàn y lạnh
Cổ nguyệt hồn mơ lộng ánh ngời
Ảm đạm thu về trăng chết đuối
Con thuyền mắc cạn giữa dòng thơi
4
Con thuyền mắc cạn giữa dòng thơi
Cội đã xa nguồn,non nước ơi
Bầu rượu túi thơ đành trả mộng
Canh bài xới bạc cũng thôi chơi
Khổ đau gánh núi hoài quanh quẩn
Hạnh phúc mò kim mãi vợi vời
Một thuở Trường Sơn dài xẻ dọc
Chừ văn minh bến viễn ly rồi…

Lý Đức Quỳnh

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

Vĩnh Biệt Mùa Hè - Thanh Tùng - Thu Hà


Sáng Tác: Thanh Tùng
Ca Sĩ: Thu Hà
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Nắng Lên



Ánh sáng đầu ngày chứa chan ân sủng
Ban tặng thế nhân hạnh phúc tuyệt vời
Xin người cùng tôi hân hoan đón hưởng
Vui thêm ngày nữa... cảm tạ ơn trời.

Anh Tú
August 13, 2017

Nghiêng Cành Phượng Nhớ


Đêm buồn ngồi nhớ mông lung
Mặc cho con phố người dưng sáng đèn
Con đường lối cũ vắng em
Trơ hàng cây đứng bên thềm rong rêu

Vòng vèo khói thuốc đăm chiêu
Tiếng thơ anh thả vòng vèo gió đưa
Lặng thầm ngồi nhớ cơn mưa
Nép vào nhau ấm cho vừa dù che

Ngả nghiêng cánh phượng bên hè
Sắp sang tháng Sáu tiếng ve gọi buồn
Phương trời xa tím hoàng hôn
Tóc em có xõa nhớ thương ngậm ngùi ?

Sao lòng anh ngát hương rơi
Vọng về dào dạt tiếng cười xa xăm
Phượng xa nghiêng tím rất gần
Với tay chạm tiếng chim ngân xa vời

Đêm buồn ngồi nhớ xa xôi
Quán khua tiếng nhạc bồi hồi gọi nhau
Vầng trăng khuyết ngả về đâu
Nghiêng cành phượng nhớ bắc cầu hạ qua

Trầm Vân

Gặp


Xướng: Gặp


Em chờ đợi đã bao lâu
Khi ta tìm được tóc màu gió sương
Phải chăng vì đã sai đường
Nên mình cách biệt hai phương xa rời
Giờ đây mỗi kẻ mỗi nơi
Câu thơ đối đáp kết lời giao duyên.

Quên Đi
***
Các Bài Họa:
Hoa Và Gió

Hữu duyên ắt gặp từ lâu
Đâu chờ đến lúc phai màu tóc sương
Em như hoa mọc bên đường
Anh, cơn gió thổi muôn phương chẳng rời
Cuối mùa, gió ghé đến nơi
Hoa đâu còn thắm cho lời trao duyên!

Phương Hà
***
Cuối Đời


Cuộc đời phát họa từ lâu
Thay đen đổi trắng phai màu bạc sương
Sa chân lỡ bước cùn đường
Đắc nhân tâm độ muôn phương khổ rời
Cuối đời về lại một nơi
Đừng quên chén tạc trót lời kết duyên

Kim Oanh
***
Gặp


Trăng tàn hè phố đã lâu
Trôi qua ngày tháng trắng màu tuyết sương
Chim lồng lối tắt cùn đường
Hướng dương hoa chỉ một phương chẳng rời
Dù trời chia cách đôi nơi
Trúc mai kết nghĩa thơ lời bén duyên

Kim Phượng
***
Cảm Tác:
Chia Tay


Chia tay biệt xứ cũng lâu
Gặp nhau hai đứa ôm sầu tuyết sương
Tình xưa nghĩa cũ đôi đường
"Châu về Hợp Phố" cung thương rã rời
Cố nhân vương vấn chung nơi
Thỏa lòng mơ ước ở đời nên duyên...

Mai Xuân Thanh

Ngày 22 tháng 07 năm 2017
***
Tự Tình

Đời còn lại được bao lâu
Vẫn trông bóng nhớ đón tàu hồi quê
Vườn xưa hoa thắm vẫn về
Thu xưa ánh thắm trăng thề vẫn say
Người như trái tượng trên cây
Qua mùa chín mãn rụng đầy trước sân
Ngước nhìn trời rộng bâng khuâng
Cánh dìu đã xếp người thân phương nào

Dù đời còn chẳng bao lâu
Giữ hồn xưa cũ, gìn màu thủy chung
Quê hương nỗi tủi khôn cùng
Lòng nhân vô cảm, nét hùng dở ương
Ngậm ngùi con sóng trùng dương
Đưa tình tách bến, chờ thương trở về!

Mai Thắng

170724

Về Miền Tây Bài - Phần 7


Mãi đến đầu thế kỷ thứ 18, tuy người Việt đã sinh sống khắp Nam Việt, nhưng hãy còn một dãy đất rộng lớn nằm giữa hai sông Tiền và sông Hậu cũng như vùng Thất Sơn giáp đến Cần Thơ vẫn còn trực thuộc vương triều Cao Miên. Đến năm 1759, quốc vương Chân Lạp là Nặc Ông Tôn nhờ chúa Nguyễn đem quân sang trợ giúp chống lại quân Xiêm đang lăm le dòm ngó. Sau khi đuổi quân Xiêm ra khỏi bờ cõi Chân Lạp, vua Nặc Tôn bèn dâng phần đất Tầm Phong Long gồm năm tỉnh bây giờ là Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Vĩnh Long và Trà Vinh lên chúa Nguyễn. Kể từ đó, toàn bộ Nam Kỳ đã thuộc về Chúa Nguyễn, và đất nước Việt Nam, dù bị Trịnh Nguyễn xâu xé, là một dãy đất chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Từ đó các chúa Nguyễn cho sáp nhập toàn vùng Châu Đốc, Long Xuyên và Trà Vinh vào dinh Long Hồ. Như vậy, thuở đó dinh Long Hồ là một trong ba dinh lớn của vùng Nam Kỳ. Đến đời Minh Mạng thứ 13 thì nhà vua chia Nam Kỳ ra làm 6 tỉnh. Tỉnh Vĩnh Long lúc ấy gồm hầu như toàn bộ đất đai trực thuộc dinh Long Hồ xưa, phía Đông Bắc giáp tỉnh Định Tường, Đông Nam giáp biển Đông, Tây Nam giáp tỉnh An Giang. Sau khi Pháp chiếm xong toàn bộ Nam Kỳ, chúng chia Vĩnh Long ra làm bốn tỉnh là Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, và Tam Cần (một phần của quận Trà Ôn và một phần của thành phố Cần Thơ và tỉnh Cần Thơ sau này).
Hiện tại thì Vĩnh Long chỉ còn là một tỉnh nhỏ nằm giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, cách Sài Gòn khoảng 136 cây số và tổng số diện tích khoảng 1.487 cây số vuông. Địa đầu của thị xã Vĩnh Long là vùng Mỹ Thuận, giao điểm của quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) và quốc lộ 53 (đi về Sa Đéc), là đầu mối giao thông quan trọng giữa Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Đây là một vùng châu thổ đã được thành hình lâu đời, mặt đất ở đây bằng phẳng nhưng không cao hơn mặt nước biển trung bình là bao nhiêu, chỉ vào khoảng từ 1 đến 2 thước (khoảng từ 3 đến 6 bộ Anh), thậm chí có nơi chỉ cao bằng mực nước biển mà thôi. Địa thế Vĩnh Long như một cù lao, Bắc giáp sông Tiền, Tây Bắc giáp Cái Tàu, Nam giáp sông Hậu, Tây Nam giáp Cần Thơ, Đông Nam giáp Trà Vinh. Diện tích toàn tỉnh hiện nay khoảng chừng 159.584 mẫu, vào khoảng 1.487 cây số vuông (dựa theo bản đồ phân chia ranh giới tỉnh dưới thời đệ nhị Cộng Hòa vào năm 1967), gồm 7 quận: Châu Thành, Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm, Chợ Lách, Bình Minh và Cái Nhum (Minh Đức). Sau năm 1975, hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh được nhập làm một với tên Cửu Long, nhưng những năm về sau này thì lại tách ra làm hai tỉnh như cũ. Hiện một phần của quận Chợ Lách thuộc tỉnh Bến Tre.

Dưới thời các Chúa Nguyễn, Vĩnh Long từng có tên Long Hồ Dinh, rất rộng lớn, bao gồm các vùng đất Vĩnh Long ngày nay, một phần phía Nam của Bến Tre và Gò Công, Trà Vinh, Trấn Giang (bây giờ là Cần Thơ), Trấn Di (bây giờ là Bạc Liêu), Châu Đốc, Long Xuyện, một phần của Rạch Giá và Cà Mau. Vào thuở đó, đất Nam Kỳ chỉ gồm có 3 dinh và 1 trấn là Trấn Biên dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn dinh (Gia Định), Long Hồ dinh (Vĩnh Long), và Hà Tiên trấn. Ngày đó, thị xã Vĩnh Long hiện nay giống như Cần Thơ bây giờ, đã từng là trung tâm văn hóa, chánh trị và quân sự của dinh Long Hồ hay cả miền Tây (ngoại trừ Hà Tiên trấn). Ngay như Cần Thơ xưa cũng chỉ là một huyện của dinh Long Hồ mà thôi. Sau những cuộc thư hùng giữa quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn, vào năm 1786, dinh Long Hồ thuộc quyền kiểm soát của Tây Sơn. Đến năm 1787, Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm, kéo đại quân về tiến chiếm Tiền Giang và Hậu Giang cũng như toàn bộ dinh Long Hồ. Dù quân Xiêm bị quân của Nguyễn Huệ đánh tan tát ở Rạch Gầm Xoài Mút, nhưng nhà Tây Sơn phải kéo toàn quân về ngăn giặc xâm lăng phương Bắc (do Lê Chiêu Thống cầu viện và Nguyễn Ánh gửi giúp 500 xe lương thực), nên Nguyễn Ánh lại kéo quân về đánh chiếm Bãi Tiên (bên kia sông tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ), rồi ổn định vùng dinh Long Hồ và biến nơi đây thành kho lương cho cuộc tranh giành giang sơn về sau này. Sau khi Nguyễn Ánh đã thu phục cả miền Nam thì đổi tên miền Nam thành đất Gia Định và chia ra làm 4 dinh: Phiên Trấn (Gia Định), Trấn Biên (Biên Hòa), Vĩnh Trấn (Long Hồ) và Trấn Định.

Tỉnh Vĩnh Long được khai phá từ năm 1732, khi các chúa Nguyễn bắt đầu dựng dinh Long Hồ. Thủ phủ lâu đời nhất của dinh Long Hồ được đặt tại thôn Long Hồ (khoảng tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ). Đến năm 1804, vua Gia Long đổi Long Hồ thành Vĩnh Thanh Trấn, chỉ bao gồm Vĩnh Long và An Giang, gồm phủ Định Viễn và 4 huyện Định Viễn, Vĩnh An, Tân An và Vĩnh Định, các vùng Rạch Giá và Cà Mau thì sáp nhập vào Hà Tiên Trấn. Vị Tổng Trấn đầu tiên của Vĩnh Thanh Trấn là cụ Nguyễn văn Nhân (1801-1805). Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) thì nhà vua đổi Vĩnh Thanh trấn làm Vĩnh Long trấn, gồm 4 phủ có 8 huyện: phủ Định Viễn gồm 2 huyện Vĩnh Bình và Vĩnh Trị, phủ Hoằng An gồm 2 huyện Tân Minh và Duy Minh, phủ Hoằng Trị gồm 2 huyện Bảo Hựu và Bảo An, phủ Lạc Hóa gồm 2 huyện Tuân Nghĩa và Trà Vinh. Tên Vĩnh Long được giữ đến ngày nay, dù diện tích có khi bị thu hẹp hay nới rộng thêm ra. Ngay sau khi Tổng Trấn Gia Định là Lê văn Duyệt qua đời thì vua Minh Mạng bãi bỏ chức Tổng Trấn và đổi các trấn ra làm tỉnh, chia đất miền Nam ra làm 6 tỉnh là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

Từ đó mới có tên Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ranh giới giữa các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Hà Tiên thì vẫn giữ như cũ, riêng tỉnh An Giang thì lấy đất Tân Châu, Châu Đốc và 2 huyện của phủ Định Viễn cũ. Như vậy dưới thời Minh Mạng, tỉnh Vĩnh Long đã bị thu hẹp lại rất nhiều. Năm Minh Mạng thứ 7, Vĩnh Long đã có Học Xá do quan Đốc Học điều khiển. Vào các triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, Vĩnh Long không có thay đổi gì đáng kể về mặt địa lý. Dưới thời Tự Đức, về hành chánh thì có Tổng Đốc Long Tường trông coi hai tỉnh Vĩnh Long và Định Tường, thủ phủ đặt tại tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ. Sau khi Pháp tiến chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường) thì Vĩnh Long trở thành tuyến đầu của ba tỉnh miền Tây. Vua Tự Đức phái cụ Phan Thanh Giản vào làm Kinh Lược Sứ 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên), bản doanh đặt tại tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ.
Những người không chịu sống chung với Pháp thì tản cư qua 3 tỉnh miền Tây, hãy còn do triều đình kiểm soát. Bấy giờ Vĩnh Long nghiễm nhiên trở thành tỉnh địa đầu của Nam Kỳ. Nhưng rồi sau đó vào năm 1867, quân ta thế cô sức yếu và vũ khí thô sơ, nên 3 tỉnh miền Tây cũng lại thất thủ và rơi vào tay giặc Pháp. Từ đó về sau này, về mặt địa đồ hành chánh, Vĩnh Long có lúc thay đổi, có lúc Sa Đéc thuộc Vĩnh Long, có lúc lại tách ra làm tỉnh riêng. Đến thời đệ nhị Cộng Hòa, Sa Đéc lại được tách ra làm tỉnh.

Sông Cửu Long chảy đến Châu Đốc thì phân ra làm hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang. Đến Vĩnh Long, sông Tiền chia làm nhiều nhánh và chảy ra biển bằng 6 cửa: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu. Còn sông Hậu nằm về phía Nam Vĩnh Long cũng chảy ra biển bằng 3 cửa: Định An, Ba Thắc và Tranh Đề (chính vì thế mà gọi là Cửu Long hay chín con rồng). Vĩnh Long có cái may mắn là được nằm ngay giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang nên khí hậu rất ôn hòa, đất đai phì nhiêu, màu mỡ. Trên thì bạt ngàn đồng lúa và vườn cây ăn trái xanh tươi quanh năm, dưới nước thì cá tôm dẫy đầy trong các kinh rạch, nên đời sống vật chất của dân chúng rất phong phú, có lẽ cũng chính vì vậy mà tánh tình dân Vĩnh Long cũng rất phóng khoáng, thuần hậu và hiền hòa.



Có thể nói Vĩnh Long là tỉnh vùng châu thổ sông Cửu Long với kinh rạch chằng chịt nhau. Đặc biệt là khi người Pháp vừa lấn chiếm xong Nam Kỳ, họ đã cho đào những con kinh mới mà trước kia chỉ là những lạch nước nhỏ như kinh Bocquét, kinh Lộc Hòa, kinh Đội Hổ, kinh Phó Tế, kinh Ruột Ngựa (còn gọi là Kinh Cụt). Mục đích chính của họ khi cho đào những con kinh này không phải với hảo ý là để dẫn thủy nhập điền nhằm tăng thu hoạch cho dân ta đâu, mà mục đích chính của họ là đào thêm kinh với đường nước rộng rãi để tàu bè của họ có thể đến tận những nơi xa xôi mà thu chở lúa cho dễ dàng. Nhưng rồi theo luật đào thải, họ chỉ đè đầu đè cổ dân ta được một thời gian thôi, còn thì nước vẫn tiếp tục từ những dòng kinh đó tuôn chảy vào những cánh đồng ủng phèn, biến những nơi này thành những cánh đồng trù phú bạt ngàn.

Như trên đã nói, Vĩnh Long là vùng đất hiền hòa, từ nhân văn đến khí hậu. Trong lịch sử, Vĩnh Long ít khi bị bão tố hay lụt lội hạn hán vì nhờ có nhiều sông rạch. Ngày trước khi dân cư hãy còn thưa thớt và đất đai phì nhiêu thì người ta chỉ cần làm mỗi năm một mùa lúa cũng dư ăn dư để, thường thì gieo mạ vào tháng 6, cấy tháng 8 và gặt vào tháng giêng. Ngày nay với đà dân số tăng nhanh, người dân các nơi chứ không riêng gì Vĩnh Long, ai nấy đều phải làm lúa thần nông, có khi đến hai hay ba vụ một năm. Nói rằng Nam Kỳ là vựa lúa cho cả nước cũng không phải là quá đáng, tuy nhiên, không phải vùng nào của Nam Kỳ cũng đều trù phú như nhau. Có những vùng như Đồng Tháp, U Minh Thượng và U Minh Hạ, đa phần đất đai ở những vùng này hãy còn quá trũng và úng quá nhiều phèn, nên chỉ có những loại cây như tràm, mắm, giá là có thể mọc được mà thôi. Dù Vĩnh Long nằm trong trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, mặt đất lại không cao so với mực nước biển, nhưng ít khi Vĩnh Long bi nạn lũ lụt như những tỉnh An Giang, Châu Đốc và Đồng Tháp, vì Vĩnh Long có cái may mắn là sông rạch và kinh nước chằng chịt như mạng nhện, nên nước từ sông Cửu Long đổ xuống bao nhiêu cũng được thẩm thấu bởi hệ thống sông, kinh, rạch này.

Chẳng những vậy, nhờ những kinh rạch này mà vùng Vĩnh Long được sông Cửu Long bồi đắp rất nhiều phù sa hơn nhiều vùng khác trong vùng châu thổ. Và cũng chính vì thế mà Vĩnh Long là quê hương của rất nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam như nhãn, xoài, mít, ổi, mận, cam, quít, sầu riêng, măng cụt, sa bô chê, chôm chôm, vân vân. Bên kia sông Tiền Giang là cù lao An Bình (An Thành) chạy dài về Đồng Phú, gồm bốn xã là An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú. Đất đai thật màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, với những vườn cây ăn trái say oằn quanh năm. Dân cư trên cù lao đã trải qua bao đời nên ai cũng an cư lạc nghiệp. Trên khắp cù lao, ngoài những vườn cây ăn trái xanh tươi và những ao nuôi cá (nhiều nhất là cá tai tượng), thấp thoáng chúng ta cũng nhìn thấy những vườn hoa được chăm bón kỹ lưỡng, từ mai chiếu thủy, mai vàng, lài, lan, đến các loại cúc, hồng...

Ngoài ra, quận tại Bình Minh, bên cù lao Mỹ Hòa, cách thị xã Vĩnh Long chừng 30 cây số, dân tại đây chuyên trồng bưởi năm roi, một loại bưởi nổi tiếng ngon nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong thời Tây Sơn hưng khởi thì Vĩnh Long cũng như toàn thể đất Nam Kỳ đều chịu chung số phận làm con dân hai chủ. Hễ anh em Tây Sơn kéo quân vào thì Nguyễn Ánh bỏ chạy về vùng Cà Mau hay Phú Quốc, hoặc qua Xiêm. Đến lúc anh em Tây Sơn phải kéo quân về Bắc để diệt Trịnh hay để chống giặc Thanh thì Nguyễn Ánh lại kéo quân về cát cứ vùng Gia Định. Cứ thế mà trò chơi cút bắt này lập đi lập lại làm cho dân tình ngày càng điêu đứng hơn.
Có thể nói khắp các miền Nam Kỳ Lục Tỉnh, không có nơi nào là không có vết chân bôn tẩu của Nguyễn Ánh, từ Cần Giờ, Giồng Tài (Bến Tre), Ba Vát, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Cà Mau, vân vân. Nói gì thì nói, không ai trong chúng ta phủ nhận công ơn khai mở đất đai của các chúa Nguyễn, nhưng đất nước này nào phải của riêng ai. Nếu không có sức chịu đựng và lòng nhẫn nại của tiền nhân chúng ta thì thử hỏi các chúa Nguyễn đã tiến được đến đâu về phương Nam? Thế mà một người trong dòng họ của các chúa Nguyễn, chỉ vì muốn giành giựt lại giang sơn trong tay nhà Tây Sơn, nên hết rước Xiêm, rước Tàu, rồi rước Tây về dày xéo mả tổ, chỉ với một mục đích duy nhất là giành lại giang sơn, để rồi đưa đất nước chúng ta đến chỗ điêu linh đồ thán, mà mãi cho đến ngày hôm nay hậu quả vẫn còn tàn phá đất nước và dân tộc.

Chính Nguyễn Ánh đã nợ quá nhiều người dân Nam Kỳ trong suốt thời kỳ bôn tẩu để lẩn trốn nhà Tây Sơn, thế mà khi lên ngôi, Nguyễn Ánh đã quay mặt, nếu không nói là không ban cho đất Nam Kỳ một đặc ân nào, ngay cả chuyện xây thành đắp lũy để phòng thủ bảo vệ vùng đất đã từng cưu mang Nguyễn Ánh. Rồi các vua chúa Nguyễn triều về sau này chẳng những cứ y như vậy mà đối xử với đất và người Nam Kỳ, mà còn có phần khắc khe hơn những nơi khác nữa, khiến sau này đã xãy ra không biết bao nhiêu là cuộc tao loạn khác như chuyện xiềng mã Tả Quân Lê văn Duyệt và sau đó Lê Văn Khôi uất ức nổi lên làm loạn chẳng hạn. Thôi thì chuyện lịch sử hãy để cho lịch sử sau này phê phán, bây giờ chúng ta trở lại chuyện Nam Kỳ mến yêu của chúng ta.

Về di tích lịch sử tại Vĩnh Long, nếu kể từ thời còn mang tên Long Hồ dinh thì thôi quá nhiều. Tuy nhiên, cũng có nhiều di tích quan trọng ngày nay đã hoàn toàn mất dấu như Thành Long Hồ, nằm trọn trên khoảng đất mà ngày nay là phường một của thị xã Vĩnh Long, cửa hậu day ra sông Cổ Chiên, cửa tiền quay về phía Cầu Lầu, cửa tả quay ra sông Long Hồ, còn cửa hữu thì hiện nay người ta gọi là “Cây Da Cửa Hữu.” Ngoài ra, xưa kia còn có hai đồn khác trấn giữ sông Cổ Chiên, một nằm về phía Đông của Bãi Tiên là đồn Vĩnh Tòng, và một là đồn Vàm Tuần ở xóm Vĩnh Mỹ Thành, ngày nay đã bị phù sa bồi đắp mất. Tuy nhiên, thành cũ đồn xưa đã hoàn toàn bi giặc Pháp phá hủy sau trận lấn chiếm 3 tỉnh miền Tây năm 1867. Hiện tại thì di tích Cây Da Cửa Hữu vẫn còn một nền đất cao và một ngôi miếu nhỏ mà dân địa phương gọi là “Miếu Bảy Bà.” Ngày trước cửa hữu rộng khoảng 4 công đất, bốn phía là ao vũng sình lầy. Bên kia sông Tiền Giang, đối mặt với Cầu Tàu Vĩnh Long là chùa Tiên Châu (thuộc địa phận cù lao An Thành). Chùa do Hòa Thượng Đức Hội xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ thứ 19 trên một khu đất rộng rải. người dân địa phương còn gọi là chùa Di Đà hay chùa Tô Châu.

Cách tỉnh lỵ Vĩnh Long chừng một cây số có một cây cầu hãy còn tên gọi Cầu Lầu, dù cầu Lầu ngày xưa đã không còn mà thay vào bằng một cây cầu đúc, nhưng danh từ Cầu Lầu vẫn là danh từ thân thương đặc biệt của người dân đất Vĩnh vì nơi đây đã từng có cây Cầu Lầu bằng ván ghi lại dấu vết của thành Vĩnh Long thuở xa xưa. Đây cũng là chòi canh chính dòm ra dòng sông Long Hồ. Ngày xưa cầu được lót bằng ván bên dưới cho khách bộ hành, khoảng giữa cầu có 4 cây cột cao, bên trên là chòi canh, lợp bằng ngói âm dương, bốn vách đều có lỗ châu mai. Cầu Lầu và Cầu Lộ bây giờ ngày xưa là hai cửa của thành Vĩnh Long, là những nơi quan yếu nhứt trong thành. Bên kia rạch Cầu Lầu là rạch Cá Trê chảy vào làng Phước Hậu. Ngay đầu Cầu Lầu và con đường dọc theo bờ sông đi về xóm lò Rèn là ngôi chợ Chiều. Chợ chỉ nhóm vào buổi chiều nên gọi là chợ chiều. Ông bà già xưa kể lại, chính tại xóm lò rèn này là nơi mà cựu trào dùng để đúc binh khí cho binh lính. Nhưng khi người Pháp chiếm Vĩnh Long, họ đã phá hủy Cầu Lầu và làm lại bằng cầu bê tông cốt sắt.

Ngày xưa con đường từ Cầu Lầu đi về ngã ba Long Hồ, là huyết mạch chính nối liền Vĩnh Long Trà Vinh nên xe cộ đông đúc và sinh hoạt tấp nập, nhưng ngày nay đã thưa thớt xe chạy vì đã có lộ cầu Vồng lớn hơn nối liền Liên Tỉnh Lộ Vĩnh Long Trà Vinh. Năm 1864, cụ Phan Thanh Giản sai quan Đốc Học Nguyễn Thông xây dựng Văn Thánh Miếu, đến năm 1865 thì xây xong. Hiện nay khu di tích Văn Thánh Miếu vẫn còn ở phường 4 thị xã Vĩnh Long, phía Bắc ngó ra sông Long Hồ. Đây là một trong số rất ít văn miếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Từ ngoài đi thẳng vào trong nội điện (ba gian hai chái trông rất cổ kính) là nơi thờ Đức Khổng Phu Tử, chứng tỏ ảnh hưởng Nho giáo rất sâu đậm vào thời nhà Nguyễn. Ngay khi bước vào cổng phía bên phải là Văn Xương Các, nơi thờ các cụ Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản là những người có công đối với nền giáo dục Khổng Mạnh của nước nhà thời bấy giờ. Trên giữa đường đi vào Văn Miếu có bia ký ghi lại tiến trình xây dựng Văn Miếu. Thường thì giữa tháng 2 và tháng 8 âm lịch thì Văn Miếu có tổ chức hai ngày lễ hội truyền thống. Văn Thánh Miếu chẳng những là một di tích văn hóa, mà còn là một điểm son, nơi một thời là điểm hội tụ của các nhà cách mạng yêu nước, nói là hội họp tao đàn, chứ thật ra là họp bàn phương án chống trả giặc Tây.

Đối diện với Văn Thánh Miếu, bên kia sông Long Hồ là đình Long Thanh, nay thuộc phường 5 thị xã Vĩnh Long, cách trung tâm thị xã chừng 3 cây số. Ngôi đình được xây dựng trước thời các chúa Nguyễn chính thức làm chủ vùng đất này. vào khoảng năm 1720 tại vùng này có nhiều người Việt sinh sống lẫn lộn với người Khmer, nên các quan Nam triều thời bấy giờ đã cho xây dựng ngôi đình để dân chúng có nơi tụ họp sinh hoạt lễ hội. Đình Long Thanh là một trong những ngôi đình cổ nhất tại miền Nam còn tồn tại đến ngày nay. Ngoài ra, ở ấp Đông Phú, xã Ngãi Tứ, quận Trà Ôn, hiện còn ngôi chùa Phước Hậu, được xây dựng từ hậu bán thế kỷ thứ 18. Vào các năm 1895 và 1910, thiền sư Hoàn Chỉnh từ Quảng Ngãi vào trùng tu và trụ trì tại đây. Sau đó năm 1939 Hòa Thượng Khánh Anh trùng tu lại. Từ năm 1961 đến năm 1972, Hòa Thượng Thiện Hoa trụ trì tại đây. Thiền Sư Thích Thanh Từ, một thiền sư nổi tiếng thời cận đại là một trong những đại để tử của Thầy Thiện Hoa. Hiện nay tại quận Tam Bình còn một ngôi chùa cổ rất lớn, đó là chùa Kỳ Sơn, được xây vào khoảng năm 1812.

Đây là ngôi chùa chính làm nơi sinh hoạt và lễ hội của người Việt gốc Miên tại quận Tam Bình. Ngoài ra, ở Vũng Liêm còn có chùa chùa Vũng Liêm hay chùa Sanghamangala, nhiều tài liệu cho thấy đây là ngôi chùa Miên cổ nhất còn tồn tại. Chùa được xây vào năm 1339. Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá nên năm 1964 và 1974 chùa được hai lần trùng tu. Ngay tại thị xã Vĩnh Long còn có những chuađược xây vào đầu hay giữa thế kỷ 20 như chùa Long Viễn, chùa Viên Giác, chùa Giác Thiên, chùa Pháp Hải, và tịnh xá Ngọc Viên. Bên cạnh những ngôi chùa cổ, Vĩnh Long còn có một nhà thờ chánh tòa rất lớn, được Đức Cha Ngô Đình Thục xây dựng vào năm 1957, và Thánh Thất Cao Đài nằm đối diện với trường Trung Học Nguyễn Thông (nay là trường Lê Quý Đôn).                
  
Người Long Hồ
(Chương Vĩnh Long Phần Đầu - Trang 33-35)