Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2025

Nỗi Buồn Cách Xa - Nhạc Và Lời: Nguyễn Tuấn - Ca Sĩ: Vọng Cố Hương


Nhạc Và Lời: Nguyễn Tuấn
Ca Sĩ: Vọng Cố Hương

Không Anh

 

Đêm thâu quạnh quẽ vườn nhà
Soi trăng tìm bóng dẫu là mình em
Thương  người dầm dãi ngoài biên
Dặm trường cách trở tận biền rừng xa

Thời loạn phủ lấy đời hoa
Còn đâu dáng ngọc mượt mà như ai
Hết thời xanh mướt tóc mai
Canh tàn gối chiếc đêm dài mộng du

Ai đi vào chốn mịt mù
Người ở như lá úa thu viú cành
Trần gian vô nghĩa không anh
Thơ lòng huyết lệ tuôn thành bất ngôn

Anh người lính chiến mãi còn
Là vì Sao Sáng xóa buồn đời em!

Kim Oanh

Thành Phố Ấy


Thành phố ấy có lần em đã nói
Nắng đã phai và lá chẳng còn xanh
Những con đường người đi qua rất vội
Nhịp xe đời mất dấu, vẫn tìm quanh

Thành phố ấy có lần em đã nói
Tưởng chừng như đã chết tự bao giờ
Những tội ác ẩn chìm trong bóng tối
Sân trường nào im tiếng nói em thơ

Thành phố ấy có lần em đã nói
Đã nhóm lên những ánh lửa căm thù
Cả thành phố bừng trái tim nóng hổi
Muốn xoá đời nô lệ mãi âm u

Em đã sống những ngày trong hoả ngục
Cũng như anh - mang nặng kiếp lao tù
Xin hãy để lòng lắng đi một chút
Gửi hồn về thành phố - của -ta - xưa!

Nguyễn Kinh Bắc
Trại tù Katum 1976

Tiệc Lính


Còn đây anh lính thủa xưa
Một thời chiến đấu nắng mưa không nề
Danh dự, tổ quốc lời thề
Có người còn sống trở về bình an
Có người thương phế thân tàn
Có người bỏ xác suối vàng nghìn thu

Bảy lăm vận nước đen mù
Các anh số phận tội tù rừng sâu
Dài năm ôm mối hận sầu
Giờ đây tuổi hạc mái đầu nhuộm sương

Đau lòng bỏ lại quê hương
Đồng môn, bạn hữu quý thương nắng tà
Hằng năm họp mặt lính già
Khơi vùng kỷ niệm” chuyện ta“ hết lời

Hoàng hôn nhuộm bóng lưng trời
“ Chi binh huynh đệ “ kết đời tương thân
Tiệc vui thỏa mãn chung gần
Công Hoà anh lính ước ngần ấy thôi 

Minh Thúy Thành Nội
Tháng 6/2024

Lãng Đào Sa 浪淘沙 - Tân Khí Tật 辛棄疾



Bài Tống Từ Chú Giải

浪淘沙 - 辛棄疾 Lãng Đào Sa - Tân Khí Tật
山寺夜半聞鐘     Sơn tự dạ bán văn chung

身世酒杯中。 Thân thế tửu bôi trung.
萬事皆空。 Vạn sự giai không.
古來三五個英雄。 Cổ lai tam ngũ cá anh hùng.
雨打風吹何處是, Vũ đả phong xuy hà xứ thị,
漢殿秦宮。 Hán điện Tần cung.

夢入少年叢。 Mộng nhập thiếu niên tùng.
歌舞匆匆。 Ca vũ thông thông.
老僧夜半誤鳴鐘。 Lão tăng dạ bán ngộ minh chung.
驚起西窗眠不得, Kinh khởi tây song miên bất đắc,
卷地西風。 Quyển địa tây phong.

Chú Thích

1- Lãng đào sa 浪淘沙: tên từ bài. Nguyên là bài hát của Đường giáo phường còn có tên là Lãng Đào Sa Lệnh 浪淘沙令 hay Mại Hoa Thanh賣花聲, thất ngôn tuyệt cú, Lý Dục đổi thành trường đoản cú, tổng cộng 54 chữ, vần bằng. Cách luật:

X T T B B vận
X T B B vận
X B X T T B B vận
X T X B B T T cú
X T B B vận

X T T B B vận
X T B B vận
X B X T T B B vận
X T X B B T T cú
X T B B vận

X=bất luận; T= thanh trắc; B= thanh bằng; cú: hết câu; vận: vần

2- Dạ bán văn chung 夜半聞鐘: mươn ý câu thơ của Trương Kế "Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền 夜半鐘聲到客船: nửa đêm tiếng chuông vọng đến thuyền của khách đậu trên bến".
3- Thân thế 身世: bình sinh, cuộc đời người.
4- Tửu bôi trung 酒杯中: trong chén rượu. Thân thế tửu bôi trung = ý nói mượn rượu tiêu sầu.
5- Hán điện 漢殿: cung điện nhà Hán, ám chỉ Lưu Bang.
6- Tần cung 秦宮: cung điện nhà Tần, ám chỉ Tần Thủy Hoàng.
7- Mộng nhập 夢入: cảnh trong mộng.
8- Thiếu niên tùng 少年叢: đám thiếu niên.
9- Thông thông 匆匆: việc xảy ra vội vàng nhanh chóng.
10- Ngộ 誤: lầm lẫn.
11- Tây song 西窗: cửa sổ ở phiá tây căn nhà, nguyên ý là tưởng nhớ vợ con ở xa. Trong bài này có nghĩa là suy tư tưởng nhớ.
12- Quyển địa 卷地: thường chỉ gió lốc cuốn đất. Ở đây mượn nói bị cuốn vào vòng khốn đốn.
13- Tây phong 西風: gió thu.

Dịch Nghĩa

Suốt ngày uống rượu tiêu sầu.
Muôn sự chỉ là số không. (Một đời loan toan bươm chải nay là con số 0)
Xưa nay chỉ có năm ba người anh hùng.
Gió dâp mưa vùi ở xứ nào đó (Lại bị thời gian chôn vùi.)
(Như) Lưu Bang, Tần Thủy Hoàng.

Đám thiếu niên như trong mộng cảnh. (Đám thiếu niên anh tuấn)
Múa hát vội vàng. (đám thiếu niên nay đã bị hủy diệt chỉ biết múa hát)
(Hoặc giả câu “Mộng nhập thiếu niên tùng, ca vũ thông thông” có người giải thích là “Thiếu niên phồn hoa chỉ như 1 giấc mộng, mà nay tất cả đã bị phá diệt”.
Nửa đêm ông sư già lầm mà đánh chuông.
Sực tỉnh, tưởng nhớ suy tư không ngủ được.
Gió thu cuốn đất.

Phỏng Dịch

1 Lãng Đào Sa - Nửa Đêm Nghe Tiếng Chuông

Thân thế chén rượu nồng,
Muôn sự đều không.
Xưa nay dăm bẩy gã anh hùng.
Gió dập mưa vùi đâu đấy nhỉ,
Hán điện Tần cung.

Mộng cảnh thiếu niên đông,
Múa hát lung tung.
Nửa đêm sư cụ đánh lầm chung.
Sực tỉnh tây song không ngủ được,
Cuộn đất thu phong.


2 Nửa Đêm Nghe Tiếng Chuông

Thân thế nằm trong chén rượu nồng,
Cuộc đời muôn sự cũng là không.
Anh hùng kim cổ bao nhiêu kẻ,
Mưa dập gió vùi Tần Hán cung.

Mộng cảnh thiếu niên múa hát đông,
Nửa đêm sư cụ đánh lầm chuông.
Tây song sực tỉnh không sao ngủ,
Cuộn đất gió thu chuyển lạnh lùng.


HHD 
8-2018
***
Bản Dịch:

Sơn Tự 
Nửa Đêm Nghe Tiếng Chuông

1-

Thân thế chén rượu nồng
Vạn chuyện đều không
Kim cổ ba bẩy kẻ anh hùng.
Gió dập mưa vùi nơi nao đó
Điện Hán, Tần cung.

Nhập mộng trẻ như rừng
Múa hát tưng bừng
Nửa đêm sư cụ nhỡ gióng chuông
Kinh hãi suy tư không ngủ được
Cuốn đất tây phong

2-

Sao chẳng uống rượu nồng
Vạn sự thảy đều không
Xưa nay mấy anh hùng,
Gió bạt, mưa vùi dập
Đất Hán lẫn Tần cung

Rừng thiếu niên nhập mộng
Ca múa nhạc tưng bừng
Sư khuya nhỡ gióng chuông,
Thất kinh không chợp mắt
Gió cuốn bụi mù tung!!

Lộc Bắc
Aug2018


Đạo Phật Giúp Gì Cho Tình Yêu Đôi Lứa?


Kể từ khi đất nước ta bắt đầu có bút tự …thì văn chương, thi phú được dùng để ca ngợi cuộc sống, quê hương, đất nước, ruộng đồng, các gương hiếu học, nề nếp gia phong chẳng hạn như Gia Huấn Ca, đề cao các bậc anh hùng, gái trung trinh tiết liệt chứ không phải dùng để ca ngợi tình yêu. Khi đất nước bị Thực Dân Pháp chiếm đóng và khi nền móng thuộc địa đã vững vàng thì văn hóa Âu Tây tràn vào. Trào lưu văn chương lãng mạn Thế Kỷ 19 lúc bấy giờ làm chóang ngợp thế hệ Tây học và từ đó nền văn hóa cổ truyền xụp đổ.

Phong trào văn chương lãng mạn Pháp điển hình có Chateaubriand, Lamartine, Alfred de Musset…chủ trương than mây, khóc gió, tán dương phụ nữ và những tình cảm lãng mạn. Sự biến đổi bình thường của thời tiết như từ Thu sang Đông đã làm tốn bao giấy mực và nước mắt vì các nhà văn, nhà thơ này cho rằng “Mùa Thu Chết”. Khi Tự Lực Văn Đòan ra đời thì hình ảnh êm đềm của thời xa xưa như “chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”, ôm con hóa đá để chờ chồng của Nàng Tô Thị, “chàng đọc sách ngâm thơ, nàng bên khung cửi” trở thành lạc hậu. Những câu tục ngữ, ca dao như “Chồng giận thì vợ làm lành. Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?” trở thành cổ hủ, cần phải lọai bỏ. Vợ chồng “tân thời theo Tây học” bây giờ không nhường nhịn nhau mà cần phải tranh cãi cho ra lý lẽ. Văn chương, chữ nghĩa không còn được dùng để ca ngợi tình nghĩa vợ chồng, hạnh phúc gia đình mà là để ca ngợi tình yêu. Huy Cận không mơ một mái ấm gia đình mà chỉ mơ được ngồi quạt hầu cho người con gái ngủ ngày:

Nắng chia nửa bãi chiều rồi.
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau.
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.

Trong Trống Mái, Khái Hưng đã dựng lên một truyện tình lãng mạn gần như không tưởng trong một dịp nghí mát của Hiền “một thiếu nữ đẹp và giàu” ở đất Hà Thành làm cho bao chàng, kể cả Lưu – sinh viên năm thứ ba Trường Luật mê mệt. Hiền đã có lúc mê Vọi - một chàng thanh niên đánh cá quê mùa ở Sầm Sơn chỉ với thân hình vạm vỡ. Khi Hiền trở về Hà Nội thì quên mất Vọi, nhưng Vọi lại tương tư Hiền. Trước khi Vọi chết vì cá nhà táng (cá voi), Vọi đã khắc hai chữ V.H (Vọi và Hiền) lên khắp các ghềnh đá ở hai Hòn Trống và Hòn Mái. Đọan kết của câu truyện thật mù mờ…không ngòai mục đích dựng lên một truyện phiêu lưu tình cảm, làm rối rắm thêm cuộc đời và không giúp ích gì cho cuộc sống thực, hạnh phúc thực.

Rồi Đinh Hùng đã thần thánh hóa đàn bà và tình yêu trong Mê Hồn Ca:

Mười ngón tay dâng lửa nguyện cầu
Hỡi ơi hồn chuyển kiếp về đâu?
Ta xin giữ trọn lòng trinh bạch.
Ngưỡng mộ em như nữ chúa sầu!

Rồi khi người Mỹ vào Miền Nam với phim ảnh Holywood tràn ngập, tân nhạc nở rộ, công thêm với ảnh hưởng của Francoise Sagan (Pháp) và Quỳnh Dao của Đài Loan thì tình yêu nhiều lúc không còn là bước khởi đầu để tiến tới hôn nhân, xây dựng gia đình, sinh con nối dõi tông đường mà chỉ là…những đam mê, những phóng túng, những phiêu lưu, những lãng mạn không cần biết ngày mai. Thậm chí còn mơ tưởng đến “thú đau thương” tức là mong cầu có đổ vỡ, tan tác, chia ly để tận hưởng xem sự đau thương thú vị như thế nào:

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề (Hồ Dzếnh)

Như vậy từ thế kỷ trước các văn nghệ sĩ đã “gieo nhân” ngày nay con cháu chúng ta “hái quả” và nghiệp báo chuyển dịch không một sức lực nào ngăn cản nổi.

Ngày nay, tình yêu đã được hằng kho, hằng kho sách vở, báo chí, phim ảnh ca tụng như là một thứ “linh thiêng, thần thánh”, một nguồn hạnh phúc, hoan lạc đẹp nhất của kiếp người. Cứ theo những lời ca ngợi nói ở trên, thật không có gì bất hạnh cho bằng không được yêu hoặc không biết tình yêu là gì. Nhìn chung quanh mình, thấy bạn bè, thiên hạ người ta “được yêu” còn mình thì không biết mùi vị tình yêu như thế nào …thì quả thật không có gì “quê mùa”, thiệt thòi cho bằng. Cô Susan Boyle, một ngôi sao trong cuộc thi tuyển lựa ca sĩ mới đây tại Anh Quốc than thở rằng từ trước đến giờ cô chưa hề được cậu con trai nào hôn cả! Thế nhưng tình yêu – dù chân thật hay lãng mạn - cũng chính là nguyên do gây ra không biết bao nhiêu khổ đau và còn kéo lê, chắc chắn cho đến ngày tận thế.

- Nước mắt mà tình yêu ngang trái đem đến nếu dung chứa được có lẽ cũng ngập tràn Biển Đông. Ngưu Lang và Chức Nữ một năm gặp nhau có một lần mà lệ nhớ thương nhỏ xuống làm ướt cả trần gian trong những trận mưa Ngâu.
- Hận thù vì tình yêu nếu có hình thể, có lẽ cũng chất đầy trái đất.
- Rên xiết vì tình yêu, bay lên, nếu đọng lại, có lẽ còn nhiều hơn mây trời.
- Tiếc thương vì tình yêu “chắp cánh bay đi” hoặc “dang dở” hoặc “duyên kiếp bẽ bàng” v.v.. còn buồn thê thiết và ảo não hơn mùa đông dài hiu hắt, hơn cả những đám tang…khiến người ta không thiết sống, mà chỉ muốn chết đi cho rảnh nợ. Ai thất tình mà nghe bản nhạc “Con Thuyền Không Bến” của Đặng Thế Phong, Mùa Thu Chết, Nếu Một Mai Em Có Qua Đời của Phạm Duy, Đêm Cuối Cùng của Phạm Đình Chương chắc chỉ muốn uống độc dược quyên sinh.
- Rồi thì những lời than vãn vì “tình yêu đơn côi”, “yêu đơn phương “, yêu người mà người chẳng yêu mình, yêu trộm nhớ thầm v.v.. nếu có thể vẽ ra bằng tranh thì chắc chắn không có chỗ mà treo.

Thử vào các khu thương mại Việt Nam ở Hoa Kỳ, hoặc mở bất kỳ một băng Video ca nhạc nào ra, cứ 10 bản nhạc thì đã có tới 7 bản nhạc buồn. Hầu hết đều là những lời lẽ khóc than vì tình yêu ngang trái, bội phản, gian trá, lừa lọc “ xin người cứ gian dối, nhưng xin người đừng lìa xa tôi”, ghen tuông, hờn giận, trách móc, nuối tiếc, nhớ nhung, đòi hỏi. Xa em một ngày mà tim anh lịm chết. Xa anh một ngày mà tưởng chừng như một thế kỷ “đời vắng em rồi say với ai?”. Rồi thì những lời than van thảm thiết “trái tim lẫm lỡ”, “trái tim mù lòa”. Rồi những tiếng gào thét “Em ở đâu? Anh ở đâu?” v.v…Rồi khi tình yêu đổ vỡ, thậm chí còn giận hờn cả thiên nhiên bằng cách “Đem tình yêu trả lại trăng, sao!”.

Đấy là nói về những cặp trai gái yêu nhau rồi bỏ nhau. Còn đối với những cặp trai gái đã yêu nhau thắm thiết, đã trải qua giai đọan thử thách, kết hôn rồi chung sống với nhau, con số ly hôn cũng thật đáng buồn. Tại Hoa Kỳ, theo thống kê năm 2004, khoảng 50% các cuộc hôn nhân chấm dứt bằng ly dị, trong đó lứa tuổi từ 20 -24 chiếm tỷ lệ cao nhất. Các cuộc hôn nhân thứ nhì thì 60% đổ vỡ và 74% các cuộc hôn nhân lần thứ ba cũng chấm dứt nơi tòa án. Còn ở Anh, thống kê 2002 cho biết có 160,000 vụ ly dị tức 70% con số kết hôn lần đầu.

Tại Việt Nam, ly hôn đang trên đà gia tăng. Theo thống kê ngày 26/6/2005, năm 2000 có 51,361 vụ ly dị. Tới năm 2005 đã tăng lên 65,929 vụ. Lý do nổi bật gồm: Mẫu thuẫn về lối sống 27%, ngọai tình 25.9%, kinh tế 13% và bạo lực gia đình (đánh chửi nhau) 6.7%. Bây giờ yêu nhau rồi bỏ nhau vì đời sống khó khăn cho thấy giấc mơ “Một túp lều tranh hai quả tim vàng” hay “Đầu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” đã không còn nữa.

Như vậy hiển nhiên tình yêu không phải là nguồn hoan lạc như người ta tưởng, mà nó còn ẩn chứa, tiềm tàng một nỗi khổ đau khủng khiếp. Tình yêu vừa là dòng suối mát nhưng cùng lúc nó cũng là ngọn núi lửa thiêu đốt. Tình yêu vừa là mật ngọt nhưng nó cũng là chén thuốc đắng. Tình yêu vừa là sự bao dung nhưng nó cũng là cạm bẫy, hận thù. Tình yêu là cam kết muôn đời nhưng nó cũng là sự lừa lọc. Tình yêu khởi đầu bằng lời hứa hẹn nhưng nó hàm chứa gian trá. Gia đình tưởng như một tổ ấm nuôi dưỡng hai trái tim để đi hết cuộc đời, cuối cùng lại trở thành địa ngục. Cái lối định nghĩa “yêu là chết trong lòng một ít” chỉ làm lung linh, mờ ảo, rối rắm thêm tình yêu chứ thực sự không giúp ích gì cho những người đang yêu và những bạn sắp sửa yêu.

Vậy chúng ta thử mổ xẻ, và đặt những câu hỏi thẳng thắn để xem tình yêu là gì? Câu hỏi cần đặt ra là “Trong tình yêu có thiện tánh ( tốt lành) không?”

1) Yêu là hy sinh: Bởi không có sự hy sinh nào lớn lao và bền bỉ cho bằng hy sinh cho người mình yêu. Yêu là sự hy sinh mà chẳng mong cầu đền đáp.
2) Trong khi yêu, người ta lãng quên được cả không gian lẫn thời gian. Con người lúc đó trở về nơi đương xứ - tức cội nguồn xa thẳm. Khi yêu trái tim người ta bất tử.
3) Yêu là bình đẳng: Bởi vì chỉ có tình yêu mới xóa tan đi mọi phân biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, giai cấp, tuổi tác cùng tất cả những ngăn trở do thói đời bày đặt ra để làm khổ con người.
4) Yêu là hòa hợp của lý viên dung: Hai ta tuy hai mà một. Nguồn vui của em cũng là nguồn hạnh phúc của tôi. Nỗi khổ đau của em cũng là nỗi khổ đau của tôi. Khi em vui tôi cũng thấy vui. Khi em buồn thì lòng tôi ảm đạm. Chỗ nào có em nơi đó là thiên đường. Mất có mình em mà tôi cảm thấy như tôi mất cả cuộc đời.
5) Yêu là tuyệt đỉnh của niềm hoan lạc mà người ta không biết nó phát xuất từ đâu mà chỉ có thể nói nó phát xuất từ trái tim con người.
6) Yêu là sự tha thứ. Có tình yêu người ta dễ tha thứ, bỏ qua cho nhau.

Vậy có thể nói trong tình yêu có thiện tánh.

7) Yêu là tột đỉnh của lòng Tham: Yêu là chiếm đoạt toàn diện những gì mà mình thích. Cho nên không thể chia xẻ tình yêu như nhường cơm xẻ áo.
8) Yêu là tột đỉnh của lòng ghen tị (Sân): Yêu là ti tiểu.
9) Yêu là tột đỉnh của lòng kiêu mạn (Mạn): Khi được yêu Cái Tôi ( cái Ngã) được thỏa mãn đầy đủ nhất.
10) Yêu là mặt trái của lòng hận thù (Ác) cho nên từ tình mà đổi thành thù là thế ấy!
11) Yêu là mặt trái của lòng nghi kỵ ẩn tàng (Nghi): Không có sự nghi kỵ nào được khuếch trương lớn cho bằng khi đã nghi kỵ người mình yêu.
12) Yêu là si mê (Si): Bởi nếu không có sự si mê thì tình yêu nhạt nhẽo và có khi chỉ là sự toan tính, trao đổi hay lừa gạt.

Vậy có thể nói trong tình yêu không có thiện tánh.

Tuy nhiên sự phân tích này chỉ mô tả hoặc trình bày cái quả hay hệ quả của tình yêu chứ không nói được tình yêu là gì. Nói một cách khoa học nhất, chúng ta phải định nghĩa tình yêu như thế này: “Tình yêu là lòng ham muốn rồi khát khao chiếm đọat một người đàn ông hay đàn bà - mà người đó ở một thời điểm nào đó - thỏa mãn những khát vọng hoặc về tình dục, hoặc về vật chất hoặc về tinh thần của ta nhất.” Nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa này thì chúng ta rớt ngay vào Lý Duyên Sinh hay Thập Nhị Nhân Duyên mà Đức Phật dạy cách đây hơn 2500 năm. Thập Nhị Nhân Duyên là mối liên hệ nhân quả, khắng khít giải thích chuỗi Sinh, Tử, Luân Hồi, dĩ nhiên gây khổ đau cho chúng sinh. Mười Hai Mối Liên Hệ ấy như sau:

1. Vô Minh: Chúng sinh không nhìn thấy cái Ngã (cái Tôi) không thật mà cho rằng mình có thật, cho rằng mình thật sự hiện hữu. Vì không nhìn thấy Tánh Không của vạn pháp (của muôn vật) cho nên gọi đó là Vô Minh.
2. Hành: Từ Vô Minh mà có hành vi tạo tác, tức tạo nghiệp.
3. Thức: Vì có hành vi tạo tác cho nên có Thức (ý thức, biết). Do đó nếu ta nằm đó như một khúc gỗ, một cục đá thì không có Thức (ý thức).
4. Danh Sắc: Thức sinh Hình Danh, Sắc Tướng.
5. Lục Căn: Hình Danh, Sắc Tướng sinh Lục Căn. (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân Xác và Ý Thức).
6. Xúc: Lục Căn tiếp xúc với thế giới bên ngòai gọi là Xúc.
7. Thụ: Thụ là cảm nhận của con người khi Tiếp Xúc với thế giới bên ngoài.
8. Ái: Vì cảm thụ cho nên sinh Ái (yêu mến)
9. Thủ: Ái sinh Thủ tức là muốn chiếm đọat, nắm giữ cho mình sau khi Ái.
10. Hữu: Thủ dẫn đến Hữu. Vì sở hữu cho nên thấy vạn pháp, muôn vật đều Có.
11. Sinh: Từ Hữu (Có) dẫn đến Sinh, tức là thấy muôn vật sinh ra.
12. Lão Tử: Vì có Sinh cho nên phải dẫn đến Già, Chết tức Diệt.

Vậy thì theo Lý Duyên Sinh của nhà Phật, tình yêu khởi đầu từ Thụ. Vì nhìn thấy, ngửi thấy, nghe thấy, sờ thấy, nếm thấy hoặc tưởng tượng tới một người nào đó - dĩ nhiên tòan hương vị ngọt ngào, tòan những êm ái, tốt lành, mộng mơ, quyến rũ, đáng yêu, quý giá - mà sinh Ái (ham muốn). Từ Ái mà mong muốn chiếm đọat làm của riêng mình. Tha thiết mong cầu (yêu) mà không được thì buồn khổ đã đành, nhưng cho dù có tình yêu, nhưng vì bản tính của nó vốn Vô Thường cho nên sớm muộn gì cũng phải họai diệt (mất). Mà họai diệt thì sinh khổ đau, phiền não. Lúc 16 tuổi, khi Thái Tử Tất Đạt Đa trao chiếc vòng quý giá lưu niệm cho Công Chúa Gia Du Đà La – hoa hậu của các công chúa thì Thái Tử Tất Đạt Đa đã Yêu. Vì yêu thích cho nên sau đó thái tử đã trổ hết tài năng trong một cuộc thi để đọat (Chấp Thủ) cho được công chúa. Sau khi cưới đựơc công chúa rồi thì thái tử đã Hữu, tức làm chủ người đẹp, tức đã Có. Thế nhưng vượt lên hàng chúng sinh, Thái Tử Tất Đạt Đa nhìn thấy cái gọi là Tình Yêu đó (cái Hữu đó) không bền vững, có ngày nó sẽ họai diệt. Cộng thêm với lòng khát khao cứu độ muôn lòai Thái Tử đã từ bỏ Công Chúa Gia Du Đà La lẫn cung vàng điện ngọc để đi tìm Chân Lý.

Nhìn vào cuộc đời của Đức Phật, là người học Phật, tôi không bao giờ khuyên các bạn chớ yêu, nhưng xin các bạn nhớ cho:

1) Tình yêu bị chi phối bởi Luật Vô Thường như lời Phật dạy. Từng giây, từng phút, từng sát na, từng hơi thở, tình yêu biến đổi không ngừng. Sự biến đổi, thay đổi đó là bình thừơng. Tình yêu là chiếc bình pha-lê lung linh với muôn ngàn màu sắc nhưng mỏng manh và dễ vỡ. Ngày người ta yêu bạn là lúc bạn nhiều tiền lắm của. Khi bạn mất hết của cải, không còn bao bọc nổi người ta nữa, liệu tình yêu còn nguyên vẹn không? Ngày bạn yêu người ta, người ta trẻ đẹp, nay nhan sắc tàn phai, liệu bạn có thay lòng đổi dạ không? Yêu nhau thì dễ, nhưng sống chung với nhau mới khó. Bao nhiêu tính xấu lúc này mới lộ ra, liệu chúng ta có thể tha thứ, bỏ qua, chịu đựng với nhau được không? Và chịu đựng tới bao giờ? Rồi thì sự quản trị, nắm giữ tiền bạc, sự tiêu xài, mối quan hệ giữa gia đình chồng, gia đình vợ, anh chị em cũng là nguyên do đổ vỡ. Có vợ, có chồng rồi nhưng vẫn còn trai lơ, mèo mỡ cũng khiến gia đình tan nát. Những sở thích cá nhân kỳ quái cũng là nguyên do cãi cọ, cơm không lành, canh chẳng ngọt. Người chồng cần kiệm còn người vợ thích ăn xài, mua sắm hoang phí cũng khiến gia đình xào xáo. Người chồng thích trầm tư, đọc sách để mở mang kiến thức còn người vợ lại thích Karaokê, nhảy múa, đi vũ trường, xem hát cũng dễ gây xung đột. Người vợ chí thú làm ăn, còn ông chồng thì tụm năm túm ba, nhậu nhẹt, cờ bạc tối ngày, nói mãi không nghe rồi đưa tới bạo hành. Tiền bạc là của chung nhưng lấy để giúp đỡ cha mẹ, anh chị em mình thì không sao, còn giúp đỡ gia đình chồng thì so đo, ngăn cấm cũng dễ gây bất mãn. Lời ăn tiếng nói, cách dạy dỗ con cái cũng là những bất hòa, nếu không khéo lại đưa nhau ra tòa. Bạn già 70 tuổi, về Việt Nam cưới một cô gái 30 qua đây, liệu đó có phải là tình yêu chân chính không? Hay đó chỉ là sự lừa lọc, trao đổi bán buôn? Và còn hằng trăm, hằng ngàn những thứ đau đầu khác nữa.

2) Tình yêu là sự trói buộc, vướng bận vô cùng phiền tóai. Mối liên hệ vợ chồng tưởng chừng như đơn sơ nhưng vô cùng rắc rối do hai cái Tôi (Ngã) đụng nhau. Xã hội càng văn minh, cái Ngã, cái Tôi lại càng to. Tình yêu như chiếc lồng son đầy gạo thóc và nước uống, nhưng khi con chim vào đó rồi mới thấy đây là ngục tù.

3) Xin bạn đừng vui quá khi được yêu và đừng buồn quá khi không được yêu. Xin bạn nhớ cho rằng tình yêu là để thỏa mãn cái Tôi (cái Ngã). Mà cái Tôi có thể được thỏa mãn bằng nhiều cách chứ không phải chỉ có tình yêu. Ngòai ra, không phải chỉ một một mình người đó mới thỏa mãn bạn, mà biết đâu còn nhiều người khác có thể thỏa mãn cái Tôi của bạn. Vậy thì khi bị phụ rẫy, xin bạn hãy bình tĩnh, đừng căm thù, đừng giết hại người mà bạn đã có lần yêu. Hãy theo tinh thần của Đạt Ma Tổ Sư “Tự Lai Tự Khứ”: Còn Duyên Thì Ở Hết Duyên Đi.

Vậy thì:

Hỡi các bạn trẻ đang yêu đương say đắm. Các bạn đừng bao giờ coi tình yêu là thứ trò chơi của tuổi trẻ. Bởi vì trò chơi chỉ là thú giải trí, chán rồi lại bỏ. Đừng bao giờ đánh giá thấp tình yêu như thế các bạn ạ.

Tình yêu là sự giao thoa giữa hai luồng tình cảm và trí tuệ tinh khôi nhất chứ không phải là một thứ nghệ thuật cao để thỏa mãn xác thân. Yêu là gì?

Yêu là yêu mình và yêu người.
Nếu yêu mình ít hơn yêu người - thì tình yêu nguyên vẹn.
Nếu yêu mình lớn hơn yêu người - thì tình yêu gãy đổ.

Nếu cùng lúc hai người đều yêu mình ít hơn yêu người thì tình yêu vuột chạy làm sao được? Bởi thế người ta thường nói tình yêu là sự hy sinh lẫn cho nhau là như thế đó.

Hãy giáo dục nhau qua những chiếc hôn nồng thắm. Các bạn đừng bao giờ để phải rơi vào cái cảnh nhìn người yêu cũ của mình qua đi như một người xa lạ. Bảo là định mệnh trái ngang ư? Không? Đó là sự phản bội, lừa lọc. Bởi một khi lòng người đã quyết thì cái chết chẳng còn sợ hưống chi là những ngăn trở của cuộc đời?

Đừng bao giờ tự biến mình thành một con quỷ tinh khôn. Càng lăn lộn trong tình trường bao nhiêu tâm hồn của bạn càng chai đá bấy nhiêu. Đến một lúc nào đó các bạn sẽ nhìn đời bằng con mắt rã rượi, chán chường. Đừng đánh giá thấp tình yêu như thế. Đừng bao giờ coi tình yêu là thứ trò chơi của tuổi trẻ. Hãy đến với nhau bằng những bước chân của nàng Tiên nhẹ lướt trên mây. Hãy đến với nhau bằng những bước chân mềm như nhung của chú thỏ non ngơ ngác mà tinh khôn. Đừng toan tính. Tuyệt đối đừng toan tính bạn nhé.

Để cuộc đời này đáng sống và sống cho tươi đẹp, xin các bạn cứ Yêu. Nhưng thử tưởng tượng bạn đang ngồi trên một chiếc du thuyền vượt đại dương mà không có phao cấp cứu thì bạn nghĩ thế nào? Giả sử con đường tình ái mà bạn đang đi hòan tòan tốt đẹp cho đến ngày nhắm mắt lìa đời - giống như con tàu cặp bến an toàn thì chẳng cần đến phao cấp cứu làm gì. Nhưng nếu con tàu gặp bão tố và có thể bị chìm đắm thì xin bạn ôm lấy chiếc phao. Chiếc phao cấp cứu ở đây là những lời Phật dạy: Tình yêu giống như vạn vật vốn Vô Thường. Tình yêu chính là cuội nguồn của khổ đau. Ái Dục chính là cội nguồn của Luân Hồi, Sinh Tử tương tục. Khi đó bạn sẽ có lối hành xử nhẹ nhàng, lợi lạc cho mình và không tổn hại cho người. Mất tình yêu lứa đôi chưa phải là mất tất cả. Khi đó bạn có thể dồn hết năng lực, trí tuệ của bạn vào một thứ tình yêu cao cả hơn: Đó là tình yêu cha mẹ, anh chị em, đồng bào, Tổ Quốc và cao hơn nữa là tình yêu đồng lọai.

Đào Văn Bình
(Trích sách Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh xb năm 2017, Amazon phát hành)

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2025

Hoa Bất Tử


Về đây hẹn Hừng Đông vang nhịp trống
Tri ân bi hùng vị quốc vong thân
Cao lửa thiêng thắp sáng giữa cuộc trần
Kìa di sản vô hình hằng tồn tại

Lay lay ngạo nghễ đời hoa Anh Túc
Hòa mình vào thấm đậm sắc máu tươi
Những bàn tay vuốt mặt rạng tiếng cười
Chết oai nghiêm mãi cõi vào bất tử

Cánh đồng Flanders vòng quay lịch sử
Xác ngập đồng tiếng đạn réo thay mưa
Ý xôn xao hoa chóng rộ chợt vừa
Bên máu chảy bên những người đã khuất


Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Kỷ Niệm Anzac Day 25.4.2025

Thư Gửi Nguyễn Hồng Kim Hạnh



Thôi nhé bây giờ mây trắng trôi.
Xót xa cách mấy cũng đành thôi.
Đời này chẳng được nhìn nhau nữa.
Thương nhớ bao nhiêu cũng nửa vời.

Tìm trong tin nhắn lời tha thiết
Buốt lòng đọc lại lúc chia phôi.
Thôi nhé bây giờ như lá rơi
Khi nhựa đời không đến nữa rồi.

Nghiệp Duyên đã hết thì chia cắt
Thanh thản bay đi đến cuối trời
Dõi mắt nhìn theo cơn gió cuốn
Để thương cho kiếp một con người.

Thôi nhé bây giờ như sóng xô
Dập dờn từng lớp phủ lên bờ
Đã đến đã đi và đã sống
Hồn nhiên như tiếng khóc ban sơ

Chiêm nghiệm hiểu cho cùng Lẽ Thật
Chỉ ghé qua như một giấc mơ
Buông bỏ hết đi phiền lụy cũ
Thuyền nhẹ xuyên qua mọi bến bờ.

Thôi nhé bây giờ thôi khát khao
Thôi mơ thôi ước hết mong cầu
Ra đi con nhé về nơi ấy
Nơi mọi người rồi cũng sẽ gặp nhau.

Nguyễn Minh Nữu

15/4/25


Hoa Tháng Tư



Đi trên xa lộ hướng Nam hay Bắc
Hai bên đường đều rực rỡ màu hoa
Bluebonnet xanh tím cả hồn thơ
Bồ Công Anh thả hồn bay trong gió.

Tôi muốn được dừng xe giây phút đó
Hỏi cánh hoa trắng theo gió về đâu
Những câu thơ tôi vội vã theo sau
Những ước mơ tôi bồng bềnh phiêu lãng.

Hoa dại tháng Tư sao mà lãng mạn
Có ai bị cảm nắng với hoa không?
Xanh đỏ tím vàng nở khắp cánh đồng
Hoa làm đẹp đất khô cằn Texas.

Có ai yêu hoa muốn đi cho hết
Những dặm đường hoa dệt thảm như mơ
Ai muốn là người khách lỡ chuyến xe ?
Để ở lại với hoa lâu hơn nữa.

Tạm biệt đường xa tôi về thành phố
Tháng Tư nắng gió như kẻ đa tình
Cây ra hoa và cỏ mọc thêm xanh
Vườn nhà tôi một tình yêu chờ đợi.

Hoa Hồng nở sau vài cơn mưa tới
Hoa thanh xuân cười cợt với mưa Xuân
Hoa dại đường xa, hoa trong vườn gần
Đơn giản thế cũng làm tôi xao xuyến.

Nguyễn Thị Thanh Dương
( April,16, 2025)


Chiều Trong Trại Tį Nạn

Chiều trong trại tị nạn, tôi thấy em
Đôi mắt của một người không quen
Thăm thẳm như hoàng hôn vừa xuống
Ký ức nào em đang muốn quên?

Đêm hãi hùng thuyền gặp sóng lớn
Hải tặc vây quanh chẳng xót thương
Em bé nhỏ, em cố vùng vẫy
Tiếng kêu lạc loài vào đại dương?

Chiều trong trại tį nạn, tôi thấy chị
Lặng lẽ bên rào nhìn xa xăm
Chắc hẳn đêm qua trong mộng mị
Có bóng quê nhà chị ghé thăm?

Người ấy có vẫn đợi chị không
Tình yêu đâu cách trở mấy sông
Nhưng đất nước u mê tăm tối
Tương lai còn mù mịt, mênh mông

Chiều trong trại tį nạn, tôi thấy anh
Điếu thuốc trên tay, khói toả bay
Ngày mai lên đường đi thanh lọc
Kỷ niệm vô vàn gửi lại đây

Chiến hữu gặp nhau nơi xứ lạ
Khắc khoải lời thề nợ máu xương
Giữ vững niềm tin và lý tưởng
Màu cờ vàng rợp bóng quê hương

Chiều trong trại tį nạn, tôi thấy tôi
Dõi theo mây tím cuối chân trời
Mộng mơ với chút hồn thi sỹ
Bỗng thấy thương hơn những mảnh đời

Rồi cũng sẽ là dĩ vãng thôi
Kỷ niệm Trại Tị Nạn xa xôi
Nên trái tim đa sầu đa cảm
Nức nở mong chờ bóng chiều rơi

Kim Loan


Tháng Tư Trong Tôi

Tháng Tư Trong Tôi

Bốn bể trôi thân lạc
Tháng Tư đen u hoài
Quê hương thành mây khói
 Một thời nét tranh phai

Gót lưu vong lạnh giá
Trời tự do chưa xanh
Mắt khô cùng năm tháng
Tim rướm máu không lành

Nghe quê nghèo nức nở
Ngục tù thay mái tranh
Tre già rơi tiếng nấc
Lúa non rụng đầu cành

Thuyền nhân trôi sóng dữ
Xác tan theo mộng lành
Chim bay không thấy tổ
Chỉ còn gió mong manh

Con lớn khôn đất lạ
Cháu quên tiếng mẹ hiền
Ta gom lời thầm lặng
Dệt giấc mộng đoàn viên

Năm mươi năm biệt xứ
Tóc pha sương mịt mù
Tim còn nghe thổn thức
Nhớ một thời hoang thu

Mái tranh xưa rêu phủ
Giếng làng còn đợi ai?
Khóm cau già lặng lẽ
Ngong bóng người lạc loài 

Mơ một ngày đất mẹ
Tan khói lửa, yên lành
Ta trở về thăm lại
Lối nhỏ phủ cỏ xanh

Dẫu chân run, lưng mỏi
Dẫu trán hằn gió sương
Lòng vẫn mang quê cũ
Như thuở còn sân trường

Cầu quê hương thanh bình
Hận thù chóng đi qua
Cho cháu con ca hát
Giữa mảnh trời ông cha

phamphanlang
1/4/2025
***
April  Within Me

Across four seas, I drift, alone—
Dark April casts its mournful tone.
My homeland fades in smoke and haze,
A portrait lost in youthful days.

Exile’s path, so cold and bare,
Freedom’s sky still veiled with care.
Eyes gone dry through endless years,
A heart still bleeds its silent tears.

I hear the cries from poor, scorched lands,
Where prisons rise on thatched-roof strands.
Old bamboo sighs with breaking groan,
Young rice falls from its tender throne.

Boat people lost in storm-swept flight,
Dreams shattered in the endless night.
No nest awaits the wing-worn bird,
Just trembling winds and voices blurred.

Our children grow on foreign shores,
Grandkids forget our native lore.
We gather silent words once more,
To weave the dream we're longing for.

Fifty years in exile’s hold,
Hair now streaked in misty gold.
Yet still the heart can feel the sting
Of autumns lost, of vanished springs.

That mossy thatch of long ago—
Who waits beside the village well?
Old areca trees in silence grow,
Still watching for lost souls to dwell.

I dream one day the war will cease,
Our motherland will rest in peace.
And we return, though frail we be,
To find that path beneath the green.

Though legs may shake, and backs be bowed,
Though time has carved its mark and shroud—
This heart still holds the schoolyard's grace,
That homeland love no age can erase.

May peace at last embrace our land,
May hatred pass like drifting sand.
So children sing with voices free
Beneath the skies of ancestry.

phamphanlang
April 1st, 2025

Lễ Phục Sinh và Bài Tình Thơ Tháng Ba

 

Đây là bài số bảy trăm năm mươi tám (758) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ ORTB.

Chiều nay Thứ Hai 21 tháng 4 năm 2025, cô hàng xóm dễ thương Maria bưng qua cho vợ chồng chúng tôi 2 dĩa thức ăn và 1 dĩa bánh ngọt ngon lành. Cô Maria nói rằng hôm nay cậu con trai của cô về sum họp gia đình để ăn mừng Lễ Easter nên cô nấu ăn cho "công tử" nhà cô và chia sẻ với tôi buổi cơm tối hôm nay.

Cô Maria là cô hàng xóm Romanian rất dễ thương, tốt bụng, luôn giúp đỡ chúng tôi và thường đem qua nhà tôi thức ăn buổi chiều cô nấu để cho 2 vị cao niên khỏi nấu buổi cơm chiều ngày đó. Chúng tôi thật hữu phúc có cô hàng xóm dễ thương như thế.


Tôi đã thực hiện youtube dưói đây tặng cô Maria để cảm ơn lòng tốt của cô Maria. Mời quý bạn cùng vui với tôi.

Youtube Thanks Maria for the yummy Easter dinner food 4-21-25

Tôi là Phật tử nhưng tôi có nhiều bạn hữu thuộc nhiều tôn giáo khác như Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hoà Hảo v...v.. Chúng tôi đến với nhau và quý mến nhau thật tình, không bao giờ tranh luận về các vấn đề tôn giáo vì chúng tôi tôn trọng niềm tin, đời sống tâm linh của chúng tôi vì Chúa Hay Phật đều dạy chúng ta sống trong Tình Thương với Từ Bi Hỷ Xả.

Hôm nay tôi lại có dịp tìm hiểu thêm về Lễ Phục Sinh để mở mang kiến thức. Hy vọng Bạn cũng đồng ý với tôi về quan điểm này.
Thế là bài tâm tình cho mục Một Cõi Thiền Nhàn hôm nay của tôi là tìm hiểu một vài chi tiết liên quan đến ngày Lễ Phục Sinh, Bạn nhé.

Lễ Phục sinh là gì?

Lễ Phục Sinh là kỷ niệm ngày vị ngôn sứ (Chúa Jesus) đã bị xử tử và sống lại của toàn thể tín đồ Thiên Chúa giáo. Vị ngôn sứ này được kinh thánh của đạo cho biết là con của đấng tối cao tạo nên muôn loài. Và cái chết thê thảm của ngài là trả nợ cho tội lỗi của loài người. Đồng thời, lễ này cũng kỷ niệm việc giao ước mới giữa loài người và đấng tối cao.

Lễ Phục sinh (Easter) được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người theo Kitô giáo (Công giáo, Chính thống giáo, Tin lành, Anh giáo). Thời xa xưa người ta gọi lễ hội mùa xuân (Frühlingsfest / spring festival) hay "Ostarum" người Đức gọi là "Ostara" và danh từ "Ostern/ Easter" nguồn gốc từ chữ "Ost/ East" hướng về phương đông mùa xuân mặt trời sắp lên.

Người Do Thái gọi ngày lễ này là "Paschafest" Người Ai Cập (Ägypter) gọi là "Osterlamm/ paschal lamb)" cũng nhằm ngày rằm đầu tiên mùa xuân họ giết cừu ăn mừng được giải phóng khỏi sự đàn áp, thoát khỏi thân phận nô lệ.

Nguồn gốc của Lễ Phục sinh

Lễ Phục sinh thường diễn ra vào một ngày Chủ nhật bất kì khoảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4 để tưởng niệm sự kiện chúa Jesus hồi sinh từ cõi chết sau khi bị đóng đinh trên Thánh giá. Lễ Phục sinh không có ngày cố định mà người dân thường tính lễ Phục sinh diễn ra vào Chủ nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn đầu tiên hoặc sau ngày Xuân phân. Do vậy, lễ Phục sinh còn được coi như lễ hội mùa xuân, mừng đất trời chuyển mùa với rất nhiều màu sắc rực rỡ.

Ý nghĩa của Lễ Phục sinh

Phục Sinh là trọng tâm của niềm tin trong Thiên Chúa Giáo. Người theo đạo Thiên Chúa tin rằng Chúa Jesus chết trên thập tự giá nhưng sau đó, từ cõi chết, Ngài đã sống lại và trở lên Thiên quốc trong khải hoàn ca. Do Chúa Jesus vượt qua được sự chết, và phục sinh nên tín đồ Thiên Chúa Giáo cho rằng chỉ Ngài mới có quyền năng đem lại cho họ đời sống vĩnh cửu. Và niềm tin đó là điều mà người theo Thiên Chúa Giáo cất tiếng xướng lên hằng năm trong lễ Phục Sinh, cũng như hằng tuần trong ngày Chúa Nhật.

Phục Sinh cũng là lễ của niềm hy vọng vì nhằm thời điểm mùa Xuân trở lại với muôn loài. Tạo Hóa thật là kỳ diệu, cây cành trơ trụi suốt mùa Đông lạnh lẽo vậy mà chỉ sau một buổi nắng ấm do nàng Xuân mang lại, các nụ con con, hay lá non đã nhu nhú trên nhành cây…….
(Nguồn: Tìm hiểu về lễ Phục Sinh)
https://khoahoc.tv/nguon-goc-va-y-nghia-cua-le-phuc-sinh-91496 - mcetoc_1e3j635q70)

Tôi lại thấy 2 đứa con nhà hàng xóm đối diện lăng xăng đi lượm những quả trứng mà mẹ chúng ra công dấu ở gốc cây bụi cỏ quanh nhà. Vui thật!
Hèn chi tôi thấy các cửa hàng trưng bày những quả trứng bằng nhựa đủ màu rất đẹp trên kệ hàng để ba mẹ hay các đoàn thể mua về mừng Lễ Easter.

Tôi lại nhớ đến bài viết về trứng của một anh bạn dược sĩ mới gửi đến tôi tuần rồi. Tôi đã đọc và thấy có nhiều chi tiết về Trứng mà tôi không biết rất hay và hữu ích. Tôi xin cảm ơn Dược Sĩ Trần Việt Hưng và xin phép được chuyển tiếp đến các bạn hữu mục MCTN của tôi nhé. Xin mời quý bạn vào đọc bài viết dưới đây:
Trứng nào cũng là trứng-Lý sự cùn
https://tranlyquang.wordpress.com/2025/04/21/chuyen-lan-than-trung-nao-cung-la-trung-ly-su-cun/

Bây giờ là mùa Xuân, hoa Daffodil, hoa tulip, hoa đào, hoa lê vườn nhà tôi nở hoa rất đẹp. Giữa hoa đẹp và người yêu hoa hình như có sự cảm thông. Tôi cũng thường ra vườn sau sân trước nhà tôi thì thầm với hoa và hình như hoa cũng nghe và hiểu nên khoe sắc thắm cho tôi nhìn ngắm.

Mời bạn đọc tâm tình của tôi vào Tháng Ba mùa Xuân dưới đây nhé. Tôi xin cảm ơn.


Bài Tình Thơ Tháng Ba

Tháng Ba đến mùa Xuân nơi xứ Mỹ
Hoa trong vườn trổ nụ đón Xuân sang
Daffodil rực rỡ một màu vàng
Hoa lê trắng, hoa đào hồng tươi thắm

Bạn có biết Xuân xứ người đẹp lắm
Nụ hoa kia ẩn náu suốt mùa Đông
Trong âm thầm hoa kết nụ trong lòng
Thân cây bị cỗi cằn vì sương tuyết

Bạn có biết đời người! Ôi! Diễm tuyệt!
Được tạo nên bằng duyên nghiệp, quả, nhân
Đã âm thầm đưa ta đến cõi trần
Để thọ lảnh đau buồn hay sung sướng

Duyên nghiệp ấy không ảnh hình sắc tướng
Nhưng là mầm tạo tác kiếp nhân sinh
Thiện ác, buồn vui, lục dục, thất tình
Tùy duyên nghiệp mà phát sinh hình tướng

Làm việc thiện thì duyên lành tăng trưởng
Sẽ sống vui, an lạc: trí, thân, tâm
Kẻ gian tà phạm ác tội, lỗi lầm
Luật pháp lẫn lương tâm trừng phạt họ

Hãy nhìn lại hoa đang khoe sắc đó
Hoa lá kia cũng biết trổ màu xinh
Cho nhân gian thưởng ngoạn nét hữu tình
Con người há chẳng bằng loài hoa nọ

Xin dừng lại đừng gây thêm sóng gió
Đem tình thương, vui vẻ đến muôn nơi
Đem nụ cười, hy vọng đến cuộc đời
Hoa Xuân đẹp và Tình Người cũng đẹp
Sương Lam

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi MCTN 758-ORTB 1189-4-22-25)

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2025

Biển Dại - Sáng Tác:Nguyễn Thanh Cảnh - Ca Sĩ: Cao Thế Huy


Sáng Tác:Nguyễn Thanh Cảnh
Ca Sĩ: Cao Thế Huy

Mai Ấy


Sương mờ phủ chòm cây lặng đứng
Mái nhà tôn chìm ngập nắng mai
Điệu nhạc buồn rả rích u-hoài
Tiếng xe cộ dồn cao lạc lõng

Khói thuốc tròn ly caphê ấm giọng
Lòng lâng lâng sương quyện sáo diều
Nắng hanh vàng réo gọi tin yêu
Ta rộn rực như thấy mình trẻ lại

Tôi cúi đầu vần thơ vung vãi
Nỗi suy tư dằn vặt tâm hồn
Cố viết nhiều cho đỡ cô đơn
Xoa giấc ngủ đêm nồng trở lạnh

Tôi buồn nhiều vì mình bất hạnh
Suốt đời người gánh chịu éo le
Biết tìm đâu buổi sáng mùa hè
Tình yêu ấy ỡm ờ ngự trị

Nửa đời người những ngày phi lý
Bước chân mòn vùng đất thân yêu
Đem đau buồn dệt ánh nắng chiều
Chờ xuân đến trời xa biền biệt

Tôi thở dài nghe lòng rên siết
Hàng cây xanh nghiêng bóng lả lơi
Phố rộn ràng chìm ngập hồn tôi
Như kiếp trước tơ tằm nặng nợ

Tô Đình Đài

Chiều Tàn

 
(Ảnh: Tác Giả)

Chiều đi trong hoang vắng
Ngậm ngùi nhớ ai xưa
Mây lang thang theo nắng
Buồn kia mấy cho vừa
Nụ hôn còn bỏ lại
Từ độ tóc còn xanh
Chiều đi sao đi mãi
Để mình em thiếu anh.

Biện Công Danh
24/8/2019

Bài Hành Tháng Tư

 

Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Từ đêm vỡ tuyến lạc ven đô
Người thua trận chót đền trăm tuổi
Ta gánh thù sâu chốn hải hồ
Những tưởng mười năm đời sáng lại
Ta về bươi kiế́m miểng xương khô
Vét hết oan khiên người lỡ vận
Vùi sâu xóa dấu một hoang mồ
Ta đi rong khắp Nam cùng Bắc
Gom hế́t muôn ngàn vải tám thô
May đủ hai hàng cờ lá phướng
Treo lên trắng toát một cơ đồ

Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm đủ lạnh một hương nguyền
Người thơm áo mới mùi hoa vải
Ta cứ u hoài một nỗi riêng
Đã quá xa xôi ngày thất tán
Biển xưa chừng lắng những con thuyền
Ôi trinh tiết gái ngoài hoang đảo
Chắc cũng nhạt nhòa chuyện đảo điên

Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm đánh đổi chuyện keo sơn
Người thân biệt xứ lên rừng núi
Kẻ ngóng đầu non đến mỏi mòn
Thư nhắn trên đầu trang giấy rách
“quên đi mà cứu trẻ măng non
mười năm thân đã mềm như lá
như xác ve sầu đã héo hon
bồng bế con ra ngoài cõi ngoại
giữ lấy giùm nhau chút mộng tròn ”

Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm đổ giậu nát bìm xanh
Mười năm thôn xóm thành hang ổ
Người sống như loài thú mọc nanh
Con lớn hoang đàng theo cỏ dại
Mẹ buồn như cái vạc sang canh
Mẹ gởi con đi ngoài biển lạnh
Bằng như cọng cỏ ném sau gành
Thuyền con mỏng mảnh trời đen kịt
Mẹ thức từng đêm mắt lạnh tanh
Con đi một sống trăm lần chết
Mẹ đứt từng khoanh ruột đoạn đành

Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm ngờ ngợ giữa chiêm bao
Ngày đi tóc rối còn đen mượt
Mắt sáng còn nguyên đốm lửa sao
Lòng đã dặn lòng chờ Câu Tiễn
Gom mộng bình sinh nối chí cao
Ai kẻ mài gươm về đấ́t cũ
Ai mang đoản kiếm nhập Tần sâu
Hẹn nhau xẻ núi dầu sạn đạo
Miễ̃n thấy cờ bay ải địa đầu

Vậy đó tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm nếm đủ vị chua cay
Mười năm mòn lẳn đôi giày cỏ
Ngó lại xem còn mất những ai
Đất khách đãi nhau toàn mật đắng
Tâm giao chưa quá một đêm say
Người ơi … đất nước mà rao bán
Thiên hạ muôn người sợ lấm tay

Vậy đó tưởng quên mà vẫn nhớ
Mươi năm… một giấc mộng không thành
Người chờ cho hết đời cô quạnh
Ta đứng bên trời, lệ chảy nhanh

Cao Vị Khanh

 

Hết Lối Quay Về


Nhớ lại những ngày cuối tháng tư năm 1975 báo chí ở Sài Gòn và radio hay nói về tình hình chiến sự mỗi ngày mỗi bi thảm hơn, người Mỹ đã có kế hoạch cho kiều dân và nhân viên của họ rời Việt Nam.

Vì nhà gần Phi trường Tân Sơn Nhất nên đêm nào chúng tôi cũng nghe tiếng máy bay ù ù bay qua và cũng đoán được đó là những máy bay di tản các nhân viên của Mỹ trở về Mỹ, nghe tiếng máy bay hàng đêm mà lòng vô cùng lo lắng.

Như thường lệ, mỗi thứ ba là ngày tôi đi dậy ở Tân Uyên nên ông xã đưa ra bến xe lửa tại ga Phú Nhuận. Lúc này tình hình bắt đầu nghiêm trọng nên các lớp nhỏ đã được cho nghỉ, riêng vì phụ trách các lớp 12 là lớp đi thi nên tôi vẫn phải đến trường.
Trường Tân Uyên nơi tôi dạy là một trường trung học công lập tại thị xã Tân Uyên thuộc Sở Học Chánh Biên Hòa.

Sáng hôm ấy, thứ ba ngày 22 tháng Tư 1975, nhà tôi đã sẵn sàng để đưa tôi ra bến xe lửa thì hai cô em đi chiếc Suzuki đến bảo” Ba nói Chị Hà ở nhà sửa soạn đi Mỹ”. Nghe vậy tôi vội nói :”Đi Mỹ Tho hả?”, Quỳnh bảo: “Em nói thật đó, chị không tin thì về hỏi Ba”.

Nhà tôi nói thôi để anh đưa em ra ga xe lửa không trễ rồi, sau đó anh ghé về hỏi lại Ba.
Ra nhà ga, sau ít phút chờ đợi, xe lửa xình xịch tiến tới, tôi lên toa hành khách và đã thấy mấy cô bạn cùng đi xe lửa giữ chỗ sẵn sàng cho tôi.

Hoàng Điệp sẽ xuống ga Dĩ An trước, bạn Như thì đi tiếp sau khi tôi xuống.
Tôi xuống ga Chợ Đồn và đón một chiếc xe lam đi Tân Uyên. Qua những câu chuyện của các hành khách cùng xe, tôi được biết hôm thứ năm tuần trước Việt Cộng đã cho phá sập cây cầu bắc qua con sông nhỏ khiến cho các cô giáo thầy giáo phải xuống đò nhỏ để qua sông.
Tôi may mắn về trước một ngày và hôm nay họ đã sửa cầu nên xe vẫn qua lại bình thường.

Buổi học hôm nay anh hiệu trưởng và giám học cho gom 3 lớp 12 (gồm 12A, 12B và 12C) vào làm một, vì thế đáng lẽ phải dạy 6 tiếng, tôi chỉ dậy có 2 tiếng,
Sau khi giảng bài, như thường lệ tôi phát cho các em bài học tóm tắt mà tôi đã soạn và in Ronéo để các em về học. Sau buổi học, tôi lại lên xe lam về Chợ Đồn, trên tuyến đường này lính địa phương quân đắp mô để ngăn xe tăng Việt Cộng, xe phải chạy uốn éo theo đường dích dắc nên đi rất chậm.

Đến ga Chợ Đồn, nghe nói không có xe lửa về lại Sài Gòn nên tôi phải đón xe lam ra xa lộ Biên Hòa và đứng đón ở ven đường, rất nhiều xe đò chạy qua nhưng xe nào cũng đầy ắp người, trên đó rất đông các sinh viên sĩ quan Thủ Đức, Võ Bị Đà Lạt.

Đứng đợi một hồi, may mắn có một xe đò đi đến, chú lơ xe giơ tay vẫy và nói tài xế ngừng cho cô giáo lên (vì tôi xách cặp có mấy quyển sách trong đó, chú lơ xe nhìn quen rồi nên biết là cô giáo).
Xe đò chạy về hướng Sài Gòn, khi đến góc ngã tư Phan Thanh Giản và Trương Minh Giảng, xe ngừng cho tôi xuống, sau đó tôi lên xe bus về nhà Ba Mẹ tại góc Trương Minh Ký và Huỳnh Quang Tiên.

Về đến nhà, Ba tôi bảo ngày mai đem giấy tờ và mấy tấm hình đến để Ba nộp cho ông boss làm giấy đi Mỹ, cũng nói thêm là thời gian đó Ba tôi làm cho DAO (Defense Attache Office) tức là Văn Phòng Tùy Viên Quốc Phòng tại Sài Gòn, là một nhánh chỉ huy liên hợp và tùy viên quân sự của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (DOD The United States Department Of Defense) dưới sự kiểm soát của United States Support Activities Group (USSAG).

Sáng hôm sau hai vợ chồng tôi đem hình ảnh và giấy tờ đưa Ba, sau đó đến nhà ông bác trên đường Hòa Hưng chào Bà Ngoại và hai bác, Ngoại tôi ngậm ngùi:”Thế là các con bỏ Bà đi hả?” nghe Ngoại nói mà tôi muốn khóc. Ba Mẹ tôi muốn đưa Ngoại đi cùng nhưng vì có một bác trai con cả của Ngoại còn kẹt ngoài Bắc có thể sẽ vào Nam để gặp Bà nên không dám đưa Bà đi.

Sau đó vợ chồng tôi lên Lăng Ông nhờ thầy đồ viết sớ cúng xin Đức Ông phù hộ cho chuyến đi được suôn sẻ. Ngày thứ năm, ông xã chở tôi đến nhà ông thư ký của trường để lãnh lương, nhưng vợ ông bảo ông đi vắng, chiều mới về, tôi bảo bà ta là tôi sẽ đợi, thấy tôi lỳ, chừng nửa tiếng sau bà vô nhà và đem ra mốt số tiền kêu tôi cầm đỡ, mai trở lại ông sẽ đưa nốt.

Sáng thứ sáu tức là ngày 25 tháng Tư, gia đình chúng tôi gồm Ba Mẹ, hai vợ chồng người anh lớn, hai vợ chồng tôi cùng 6 người em trai gái tất cả 12 người lên xe đến một biệt thự trên đường Trần Quý Cáp, đây là tư gia của Thống Tướng Westmoreland nhưng khi đó ông đã về Mỹ.

Chúng tôi ở đó hai ngày, Mẹ tôi sang thăm và chào hai Bác Tuân, anh con bà cô của Mẹ, ở gần đó khoảng hai căn biệt thự. Buổi chiều Bác gái cho người đem sang một mâm thức ăn và một nồi cơm cho gia đình, đó là bữa cơm cuối cùng của chúng tôi tại quê nhà Việt Nam.

Sáng thứ bảy ngày 27 tháng tư, gia đình chúng tôi lên xe bus của DAO để vào phi trường Tân Sơn Nhất. Xe bus đưa chúng tôi đến khu vực tập trung trước khi lên máy bay, một sĩ quan Mỹ nhân viên của DAO dặn chúng tôi ở đây chờ khi họ mở cổng thì đi vào để lên máy bay, rồi ông có việc phải đi.

Trong thời gian này, lâu lâu lại có vài người cảnh sát phi trường ghé vào hỏi thăm giấy tờ, một lần họ hỏi và nói anh trai và ông xã phải ở lại để chống giặc vì trong tuổi lính cần ở lại đế chiến đấu rồi họ đưa hai người ra một xe díp để sẵn sàng đưa về bót.
Mấy bà đứng gần nói ra đưa tiền hối lộ để họ thả, Ba Mẹ tôi ra nói chuyện với ho, sau đó Mẹ đưa họ 2 lạng vàng thế là họ thả anh và ông xã tôi cho về với gia đình phía trong.

Cuối cùng cũng đến lúc cổng mở, chúng tôi đi men theo lối nhỏ để lên máy bay. Trên đường đi bên tay phải có hàng rào, tôi nhìn qua hàng rào thì thấy vất nhiều áo lính trên cầu vai vẫn còn lon của các cấp tá,úy VNCH.

Lên được máy bay, mọi người ngồi bệt trên sàn máy bay, vì đây là một máy bay cargo chuyên chở vật dụng và vũ khí nên không có ghế ngồi cho hành khách. Trên gương mặt mọi người đều lộ vẻ lo lắng vì khoảng đầu tháng Tư đã có một máy bay chở Cô Nhi trong chương trình”Babylift” bị rơi gần phi trường. Tôi chắp tay cầu nguyện Đức Quán Thế Âm Bồ Tát gia hộ cho chuyến bay được mọi sự an toàn. Cuối cùng thì máy bay cũng đáp xuống Guam an toàn, chúng tôi nối đuôi nhau xuống. Ra khỏi máy bay đã thấy những người phụ nữ Mỹ trong chiếc áo choàng trắng đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu, rồi bánh kẹo, nước ngọt đầy bàn.
Sau đó họ chuyển chúng tôi lên xe bus về trại với những túp lều đã dựng sẵn, trong lều có những ghế bố của quân đội và những đồ dùng cá nhân như thuốc và bàn chải đánh răng, khăn tắm….

Qua một ngày mệt mỏi vì lo lắng, tôi ngủ say không biết gì, đến khi thức dậy, trời đã sáng hẳn, Ba tôi mở radio nghe đài VOA thì được biết Việt cộng đã vào đến Sài gòn, ai nấy òa khóc, đó là sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Thôi hết rồi! Hết đường trở lại quê nhà! Ôi quê hương ơi, thế là nghìn trùng xa cách, hết lối quay về!!....

Ngọc Hà 
Tháng Tư 1975-Tháng Tư 2025

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2025

Nhiệm Mầu Thánh Ân!


Bao năm lần tìm ánh sáng
Mỗi bước đi lòng lo lắng phân vân
Bày tỏ nhưng mãi ngại ngần
Không biết thế nào để dâng lên Chúa
Đời như lá thu tàn úa
Cuồng phong vùi dập vây bủa tả tơi
Bao phen gục ngã rã rời
Khẽ đến gần Chúa từng lời than thở


Ngài lắng nghe, thương nâng đỡ
Dìu dắt đi từ lầm lỡ đứng lên
Khổ đau có Ngài cạnh bên
Thân tâm thanh thản nhẹ tênh khối sầu
Quỳ bên chân Chúa nguyện cầu
Tạ ơn  con được Nhiệm Mầu Thánh ân.
Amen! 



Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Thứ Năm Tuần Thánh 2025

Đợi Em


(Với TTQT)


Thắc thỏm ta chờ em ghé chơi

Để ta được ngắm nụ em cười

Để ta tíu tít kìa em tới

Để giỡn nắng chiều líu ríu rơi.


Ừ, đến đi nào, đến ngắm chơi

Vườn xuân rúc rích gió vui cười

Kìa đôi én liệng, chừng như đợi

Một dáng kiều thơm, mặt sáng ngời


Ừ, đến đi nào, đến ghé chơi

Để đêm thêm đắm mắt em cười

Để vườn xưa đượm hương gió mới

Để rộn tiếng lòng yêu mến ơi.


Hà Nội, 3G30 - 25/03/2023

Đặng Xuân Xuyến


Tự Than


Bụi đất cát nào…sinh thân tôi!
Màu xanh đất Mẹ…dìu bước đời…
Ôi ngậm ngùi… dòng đời ngang trái…
Bình bồng sóng gió…nổi trôi!

Nổi trôi theo sóng gió chiến tranh!
Bắc Nam… nhịp bước Quân hành…
Xác hồn…đều bi mê hồn trận!
Đau lòng đất Mẹ…lệ long lanh …

Thế rồi… vận nước lại đổi thay!
Tù tội…khô héo… tháng ngày…
Tìm đất lành…chim con đậu…
Ôi cõi đời…sao quá chua cay!

Giờ đây…tóc trắng như vôi!
Vẫn hướng về quê Mẹ bồi hồi…
Máu trong tim con… đừng phai nhạt
Trùng dương xa cách…lệ đầy vơi!

Tạ ơn…đất Mẹ trời Cha
Cho con vóc ngọc thân ngà….
Kiếp người đôi vai trĩu nặng
Phong trần thử thách…mộng nở hoa.

Tô Đình Đài

Nguồn Gốc Loài Người


Tôi là người Việt-Nam,
Một nòi-giống phi-phàm,
Mà tổ-tiên theo sử-sách lưu-truyền
Thì là con Rồng, và là cháu Tiên.

Nhưng Tiên lấy chồng là vua Thần Nông,
Và Rồng lấy vua Kinh Dương Vương làm chồng,
Tức là cả Tiên lẫn Rồng đều làm vợ con-người,
Mà dòng-dõi thì truyền xưống từ phía đàn-ông
Cho nên giống-nòi từ đó là con-người mà thôi:
Chính là dân-tộc Việt-Nam chúng tôi.

Ngày nay, khoa-học đã củng-cố niềm tin
Của loài người, vào thuyết của Charles Darwin:
Đã tìm ra tổ-tiên từ nhiều nhiều triệu năm về trước,
Là loài linh-trưởng, trên cây, trong hang, dưới nước,
Từ Á qua Phi; rồi qua Âu, làm Neanderthal,
Rồi về Á lại, làm Denisovan.
Bây giờ chúng ta có thể đi xem Cụ Tổ “Lucy”
Được triển-lãm ở Houston và 11 thành-phố Hoa-Kỳ.

Điều đáng nói là có người phản-bác,
Cho rằng loài người là do Trời sáng-tác.
Tôi thì tôi đứng giữa, nghĩa là theo cả hai bên:
Bên Tiến-Hóa thì rõ-ràng với bằng-chứng hiển-nhiên;
Còn bên Tạo-Sinh thì tôi đang chờ-đợi,
Cho đến khi nào “Vị” ấy hiện tới,
Thì tôi sẽ chất-vấn, một câu thôi:
Bất-tài, thất-đức, mà sao chưa chịu “biến” cho rồi!

Nói tóm lại, Loài Người là kết-quả
Của một quá-trình chọn-lọc tự-nhiên – Tiến-Hóa –
Không kẻ nào mạo-nhận “đấng khai-sinh”
Để kéo lùi về thời trung-cổ Thế-Giới đã Văn-Minh...

Thanh Thanh

Người Tù Và Ánh Sáng Phục Sinh


Lần đầu tiên gặp anh, tôi tự nhiên cảm mến anh. Không những vì cách ăn nói giản dị và chân thật, giọng nói của anh chậm rãi mà thỉnh thoảng tôi nghe như anh tự nói cho mình hơn là cho người đối diện, ở anh toát ra một vẻ u uẩn với đôi mắt hằn lên sự chịu đựng, và cặp vai gầy như chĩu nặng nhiều đắng cay.

Nhập ngũ vào Thủ Đức sau biến cố Mậu Thân 1968 khi đang theo học năm thứ hai Cao Học Sử Địa tại Văn Khoa Saigon, anh được chọn vào Không Quân, và có lẽ do bản chất yêu thích văn nghệ với sở trường ca hát và đờn địch, anh vào làm việc trong ban Tâm Lý Chiến của Sư Đoàn 3 Không Quân tại Biên Hòa, đi từ cấp bậc Chuẩn Úy cho đến Đại Úy. Đầu năm 1975, anh lấy vợ, một nữ quân nhân phục vụ trong phòng Xã Hội cũng tại sư đoàn 3 Không Quân. Vợ chồng anh ở trong trại sĩ quan của đơn vị cho đến ngày mất nước. Khi anh vào tù, chị trở về quê sống với cha mẹ chị gần Cần Thơ.

Đầu năm 1976, anh bị phân loại và chuyển từ trại Long Giao ở Miền Nam ra Miền Bắc. Trong những năm ngoài Bắc, anh khá hơn các bạn tù mồ côi, vì được anh thứ nhì ra thăm anh một lần. Anh biết thân phận mình nên cũng chẳng lấy làm buồn tủi. Vài lần về thăm nhà vợ trước và sau khi cưới, nhìn thấy căn nhà xiêu vẹo mái tranh vách lá, nhỏ như cái chòi, không có số địa chỉ, nằm bên cạnh một nhánh sông là nơi cha mẹ vợ anh cùng em gái vợ đang sống nghề chài lưới, anh biết vợ anh không thể có đủ khả năng tài chánh đi thăm nuôi anh ở nơi xa. Mặt khác, gia đình phía bên anh, thuộc loại gia thế có tiếng từ Huế vào đến Nha Trang, ngoại đạo, trước đây đã chống đối chuyện anh lấy vợ vì cho rằng hai gia đình không tương xứng với nhau - nay hoàn toàn cắt đứt liên lạc với vợ anh sau khi anh đi tù cải tạo. Trong những năm tháng sống cùng cực tại các trại tù ngoài Miền Bắc, Hoàng Liên Sơn (Yên Báy), Nam Hà (Hà Nam Ninh)… anh đã nhiều lần nghĩ đến buông xuôi và ngay cả chuyện tìm cái chết. Nhưng suy nghĩ lại, đành rằng chết là can đảm tuyệt vời nhưng sống, chấp nhận khổ nhục để chờ một ngày tốt đẹp hơn cũng rất can đảm. Anh tâm sự “Chịu khổ nhục mà không rên rỉ cũng đẹp như một cái chết bất khuất”. Anh chấp nhận thời thế xoay vần mà bản thân như một chiếc lá xanh trong hàng triệu chiếc lá xanh khác bị cuốn lốc trong cơn bão dữ. Tự chấn chỉnh mình, anh chú trọng tìm hiểu các con đường tâm linh khác nhau để từ đó xác định cho mình một hướng đi lạc quan hơn. Một cái nhìn hướng thiện hơn. Một sự cứu vớt cho bản thân trong xác tín niềm tin và hy vọng.

Và trong sự chập chờn của đau đớn thể xác và dày vò tinh thần, anh đã tìm thấy Chúa. Thấy hình ảnh Chúa trong sự hy sinh thân thể Ngài cho loài người. Nhìn thấy ánh sáng hy vọng sẽ cứu độ linh hồn anh. Nhất là anh nhận thấy niềm tin yêu phải phát xuất từ ăn năn sám hối và tha thứ. Sám hối cho những lỗi lầm của mình trong quá khứ. Tha Thứ!? Đúng vậy, Chúa dạy mọi người phải yêu thương nhau. Ngay cả với kẻ thù. Nhưng phải chăng trước khi yêu thương nhau, chúng ta hẳn phải nghĩ đến, học tha thứ. Anh phải thử tập tha thứ trước. Tha thứ cho mình để mình lại được tha thứ. Tha thứ cho chính mình trong những va chạm nhỏ lớn khó tránh với các bạn tù bằng cách cầu nguyện, xin Chúa mở lòng anh ra. Tha thứ và cảm thông những kẻ đang giam cầm anh, vì thật ra họ cũng đáng tội nghiệp như các tù nhân của họ, cho dù hai bên cách nhau một hàng rào kẽm gai, anh trong nhà tù nhỏ thì họ trong nhà tù lớn. Có khác gì nhau bao nhiêu!?

Trong sự thanh hóa bản thân, anh thường xuyên cầu nguyện, xin dâng lên Chúa những cực nhọc thể xác, những ngày dài tăm tối vô vọng, những bất hạnh cuộc sống. Xin Chúa cảm hóa anh cho lòng hận thù nơi anh mất dần. Và từ khi anh bắt đầu ngộ được chân lý của tha thứ và tình yêu thương của Chúa, từ con người ngoại đạo, anh mang lòng thành của một người công giáo, dù chưa được rửa tội. Cũng từ đó, anh cảm nhận thánh giá nhẹ dần trên vai mình, những bước chân băng rừng chặt cây, đốn gỗ của anh trở nên dễ dàng hơn, những cơn đói từng dày vò cơ thể yếu đuối của anh giờ chỉ là những thử thách chợt đến chợt đi. Anh đã tìm thấy đức tin.

Trong những trại tù anh bước qua, anh nhìn thấy các linh mục tuyên úy, nhưng không có cơ hội tiến đến gần để được dìu dắt trong linh hướng. Tuy nhiên, ở trại tù Nam Hà, anh có cơ duyên thân cận với một bạn tù công giáo, là anh Nguyễn Tất Tiến, lớn hơn anh chừng vài tuổi. Qua một thời gian gắn bó, tin tưởng nhau, anh mới tâm sự và nhờ anh Tiến dạy cho mình giáo lý công giáo căn bản cùng những kinh đọc hàng ngày. May mắn thay, vào giữa năm 1982, cả anh Tiến lẫn anh được chuyển vào Nam cùng một lúc, và ở sát cạnh nhau tại trại tù Hàm Tân, Phan Thiết. Anh Nguyễn Tất Tiến vẫn tiếp tục chỉ dẫn anh về giáo lý nhưng rất kín đáo vì trại Hàm Tân có quá nhiều antennes chuyển từ nhiều trại tù về đây. Để chuẩn bị cho việc anh sẽ trở thành tân tòng, anh Tiến chọn sẵn cho anh một tên thánh, là ông thánh Martin De Porres, người thánh đầu tiên da màu của Giáo Hội Công Giáo (thuộc xứ Peru, có cha gốc người Tây Ban Nha và Mẹ có dòng máu lai của nô lệ da đen và dân Inca bản xứ).

Cũng tại trại Hàm Tân này, anh may mắn gặp và làm quen với cha Nguyễn Văn Thanh, một linh mục tuyên úy cũng mới di chuyển từ trại tù ngoài Bắc vào. Sau một thời gian ngắn, anh ngỏ lời xin cha Thanh rửa tội cho anh. Khi được cha Thanh hỏi nguyên nhân anh xin làm phép thanh tẩy, anh trả lời vì anh cảm kích lời rao giảng của Chúa với 10 điều răn, tóm lại chỉ còn 2 điều quan trọng: Kính Chúa trên hết mọi sự, và Yêu Người như yêu mình ta. Và anh tin mình sẽ sống đạo bằng cách cố gắng thực hiện 2 điều răn được tóm tắt như trên – nghe thì đơn giản nhưng khó thực hiện – nếu không có ơn kêu gọi và qua cầu nguyện. 3 ngày sau khi được cha Thanh chấp nhận, lễ rửa tội cho anh được tổ chức trá hình dưới hình thức một buổi ăn chè trong một đêm giữa tháng 4, 1983, tại trại tù Hàm Tân. Tuy chỉ có 3 người là cha Nguyễn Văn Thanh, anh Nguyễn Tất Tiến bọ đỡ đầu của anh và anh, lễ rửa tội kín đáo này không kém phần long trọng và đầy xúc cảm. Sau khi cha Thanh đọc ngầm các kinh, đến phiên anh trả lời rất nhẹ các câu hỏi của cha, và cuối cùng cha cầm một miếng bông gòn thấm ướt nước xoa lên trán anh, theo thể thức của phép bí tích. Anh đã chính thức trở thành một người Công Giáo. Ngay trong mùa lễ Phục Sinh năm 1983.

Vài tháng sau lần thăm nuôi của mạ anh, tháng 8, 1983, anh được thả khỏi trại tù, về nhà của vợ chồng người anh thứ nhì ở Nha Trang, cũng là nơi thầy mạ anh đang được săn sóc chu đáo trong tuổi già. Không được anh chị chấp thuận cho vợ mình về sống chung với anh tại đây, anh lặn lội nhảy tàu nhiều lần từ Nha Trang đến Cần Thơ để thăm vợ, mang theo chút quà, kể cả chiếc nhẫn cưới mới mua từ tiền trợ cấp của các người anh đã định cư tại Mỹ - như một biểu tượng nối lại tình vợ chồng sau bao năm trắc trở xa nhau. Lần đầu gặp lại vợ, anh quá đau xót nhìn thấy vợ mình tàn tạ dù tuổi đời xấp xỉ 30, với ánh mắt chín mùi thua thiệt, khuôn mặt băn khoăn với nhiều nếp nhăn, lưng còng trĩu nặng với khổ đau, thân thể gầy ốm do thiếu dinh dưỡng. Thỉnh thoảng, anh nghe chị ho, một đôi khi với những cơn ho rũ rượi rang cả ngực – mà chị cho là do ảnh hưởng của các chất hóa học nơi chị làm việc.

Anh thầm nghĩ so với những gì anh từng trải nghiệm trong trại tù, bao đọa đày thân xác, bao nhẫn tâm chà đạp lên nhân phẩm, bao triền miên đói ăn đói mặc …cũng chẳng thể so được với những sa sút tâm thần và điều kiện vật chất tồi tệ mà vợ anh đã gánh chịu kể từ ngày xa chồng. Mỗi lần gặp được nhau đôi ba ngày – vì vấn đề hộ khẩu chưa được giải quyết - vợ chồng anh khó có một nơi riêng tư để thầm kín tâm sự, vì trong căn nhà chỉ có độc một cái giường tre nhỏ cho 2 mẹ con chị ngủ chung sau khi đứa em gái rời nhà lấy chồng. Anh có cho chị biết lý do và chi tiết anh trở lại đạo công giáo, ngỏ ý rồi đây anh sẽ hướng dẫn chị vào đạo để cả hai cùng tìm lại niềm tin, hạnh phúc và hy vọng.

Trở về lại Nha Trang, song song với việc tìm đến nhà thờ Phước Hải gần nhà anh ở, tiện cho chuyện đi lễ và cầu nguyện, anh vừa lo tìm việc làm, vừa quyết chí lo chuyện chạy giấy tờ xin chuyển hộ khẩu về sống chung với vợ. Chuyện tưởng là dễ nhưng quá khó vì thiếu thủ tục đầu tiên. Một buổi chiều mùa Thu đầu tháng 12, 1983, anh nhận điện tín từ em gái của chị báo tin chị vừa mất ngày hôm qua, và ngày mai sẽ đem chôn chị. Bàng hoàng trong đau đớn, khóc thương số kiếp vợ quá ngắn, xót xa cho tình cảnh vợ chồng vừa sum họp nay một người ra đi để lại một người bơ vơ bên cuộc đời. Anh nhảy tàu đi suốt đêm. Xế chiều hôm sau, anh đến nơi, xác chị đã được liệm trong hòm đóng kín. Nghe kể lại, chị đột ngột ra đi sau một cơn ho kéo dài kèm theo thổ huyết. Anh chỉ còn thẫn thờ bước những bước chân tê dại sau quan tài đưa vợ mình đến nghĩa trang. Cầm cái nhẫn vàng do em gái vợ đưa lại, anh nhảy xe về Saigon, tìm mua một tấm bia khắc tên chị, và tên anh là chồng. Trở về quê vợ, anh dựng tấm bia ở ngôi mộ vợ anh, ngồi bên cạnh mộ vợ, cầu nguyện và tâm sự. Chúa ơi! Còn thử thách nào đau đớn hơn!? Anh không biết làm gì hơn ngoài dâng tất cả sự khốn cùng của mình cho Chúa.

Trong những năm tháng kế tiếp, anh sinh hoạt nhiều hơn tại giáo xứ Phước Hải, tham gia ca hát với 2 ca đoàn trong nhà thờ, và dấn thân làm công tác xã hội với giáo xứ. Anh nhận được sự thương mến trong giáo xứ. Một số bạn trong ca đoàn bí mật tổ chức vượt biên, biếu không anh một chỗ đi. Chuyến vượt biên tháng 8, 1988 thành công, thuyền được tàu Đan Mạch vớt ngoài biển và đưa về Nhật ở trại Omura (phía nam đảo Cửu Châu). Từ Nhật anh được chuyển qua trại tỵ nạn Bataan ở Phi Luật Tân và sau đó định cư tại Mỹ vào tháng 9, 1989. Chỉ vài tháng sau, vào tháng Giêng 1990, anh may mắn thi đậu làm nhân viên xã hội cho quận hạt Orange County. Một công việc rất thích hợp với tính yêu thương giúp đỡ người của anh. Do sống an phận, bình dị và không đua đòi, anh thư thả về hưu tháng 2, 2014.

Hàng năm, đặc biệt vào mùa Phục Sinh, mùa mà anh được đón nhận Chúa vào lòng lần đầu tiên, anh chân thành cảm nhận ơn Chúa cứu độ anh qua hiện tượng Ngài chết đi và sống lại để cứu chuộc nhân loại. Anh cảm nhận Chúa đã cảm hóa anh và đưa anh vượt qua nhiều đoạn đời đen tối. “Ngài từng nâng con dậy – cho con đứng lại trên đỉnh núi. Ngài đưa con ra đại dương - giúp con vượt giông bão trùng khơi”.

Con xin cảm tạ Chúa cho con sống một cuộc đời mới, theo đúng nghĩa tinh thần công giáo.

**Viết theo tâm tình của cựu tù cải tạo HTN. Mỹ, cư dân Garden Grove, CA.

Mùa Phục Sinh, 2022
Vĩnh Chánh