Viết vào thời điểm 100 peso = 5 USD = 5 €
Ở Âu châu, nếu nghe ai đó nói đi du lịch Mexico, khi hỏi lại, thường là nghe họ kể đi tắm biển Cancun vùng Yucatán, lướt sóng, thăm thủ đô Mexico City, xem kim tự tháp và các di tích của dân Aztec…. Cao lắm là đi một vòng các tỉnh phía bắc và đông bắc. Dân Âu châu – ngoại trừ Tây Ban Nha – hoàn toàn xa lạ với Oaxaca, thành phố độc đáo với sự pha trộn của nhiều giống dân khác nhau và có một nền ẩm thực riêng. Tôi không thích biển, còn kim tự tháp xem đã nhiều, do đó đã chọn Oaxaca trong chuyến du lịch này, mặc dù không thể nào tìm ra một tour Oaxaca khởi hành từ Amsterdam, có hướng dẫn viên. Thì tự đi vậy, một phần cũng vì muốn xem tận mắt ngày Día de los Muertos (Ngày của Người Chết), một ngày lễ hội Mexico, và đặc biệt của vùng này.
***
Từ phi trường Xox Ocotlán về thủ phủ Oaxaca, xe chạy trên đường xa lộ còn mới, dọc hai bên đường là hàng cây xương rồng thẳng đứng như những chiếc cọc hàng rào san sát nhau, phía trong xa rải rác những cây agave có lá gai to mập màu xanh mốc. Trong đầu tôi chợt vang lên bài hát lúc nhỏ tôi thường nghe là bài Chiếc Thuyền Nan, của nhạc sĩ Minh Lương & Hồ Tuấn Vinh: “Tính tính tính tình tang tang tang, cuộc đời mình như chiếc thuyền nan, trôi nó trôi bềnh bồng…. Ði tới Mexico, mình thấy anh đấu bò, đội nón sombrero. Mexico, Mexico, bò là bò với sombrero”. Rồi lan man tự nghĩ: đấu bò thời đại này chắc gì còn nữa. Còn nón sombrero, thứ nón tròn cao, vành rộng, tại sao suốt quãng đường chục cây số tôi chẳng thấy ai đội? Xe bắt đầu vào thành phố, hai bên nhà cửa xẹo xọ nhếch nhác, cái nhô ra, cái thụt vô trong, còn vỉa hè thì khấp khểnh; phố xá trông từa tựa như vùng ngoại ô Saigon khi xưa. Chỉ có khác là không thấy xe đạp, còn xe máy cũng rất ít.
Càng vào gần phố, đường càng xấu, và bắt đầu kẹt xe khủng khiếp. Đường trong khu trung tâm phần lớn chỉ cho chạy một chiều, đường nào cũng quá hẹp, đầy dẫy ổ gà lẫn ổ voi. Xe bus len lách, mỗi bên chỉ còn dư chưa đầy nửa thước! Những con đường vùng ngoại ô và đường liên tỉnh thì thoải mái hơn, nhưng có rất nhiều ‘con lươn’ bê tông chắn ngang đường tại những khu có nhà hoặc có hàng quán, một hình thức rẻ tiền mà hữu hiệu, bắt xe phải giảm tốc độ nếu không muốn bị tung lên trời, móp lườn hoặc bể bánh xe. Chạy xe kiểu này rất mau mòn thắng và dễ bị nứt bánh. Không thấy nơi nào có dịch vụ tán bố thắng, nhưng có rất nhiều tiệm treo bảng nhận đắp vỏ xe.
Để bù lại thời gian bị mất, dân lái xe hơi rất bạo tay, cúp đầu, thúc sau đít, lạng qua tuốt làn bên trái để tránh ổ gà, người đi xe máy hoặc xe đạp xứ này dễ bị nạp mạng. Nhưng họ lại rất ‘hiền’ với người đi bộ muốn băng qua đường, và ‘biết điều với nhau’ nơi ngã tư theo một quy luật nhường quyền ưu tiên tương tự như ở Hoa Kỳ. Đèn giao thông nơi ngã tư rất hiếm, cảnh sát cũng không nhiều, tự xử với nhau là chính. Nhưng lính trang bị tiểu liên – và cả lựu đạn – hiện diện đây đó, cho du khách một cảm giác bất an.
Thực tế, suốt thời gian 3 tuần ở đây, tôi không cảm nhận sự ‘bất an’, chỉ thấy bực mình khi phải len qua những chiếc xe hàng do các nghiệp đoàn mang tới, suốt ngày đậu chình ình chắn ngang một số đường huyết mạch trong trung tâm, trong những vụ biểu tình đòi tăng lương và đòi quyền lợi, mà chẳng có ai giải tỏa. Xe rác thành phố cũng đình công vài ngày, tạo những núi rác mất thẩm mỹ, may là thành phố có rất ít chó to, phần lớn là chó chihuahua nhỏ xíu – thú cưng nổi tiếng, gốc Mexico – có thể bỏ gọn trong giỏ xách đeo bên mình! Về an ninh, đúng là chỉ vài năm trước đây, Oaxaca có những khu xóm là sào huyệt của các băng đảng, tệ nạn thanh toán, cướp giựt, hút xách v.v. cũng có, nhưng theo người dân cho biết, hai năm lockdown triệt để vừa qua đã khiến những thành phần này cụt đường làm ăn, nhiều người trong bọn họ đã tạo lập gia đình và từ đó làm những việc ‘lương thiện’ hơn, khiến cho tệ nạn xã hội giờ đây đã giảm bớt hẳn. Không rõ ở Việt Nam có nghiên cứu nào về vụ này? Covid-19 hóa ra có vài tác động tích cực, trị con nghiện và trộm cắp bằng cách ‘cho cai suông’ và ‘giam nhốt’.
***
Oaxaca là tỉnh cực nam Mexico, giáp với Thái Bình Dương. Với gần 94.000km2, tỉnh Oaxaca chiếm chưa tới 5% diện tích Mexico, nhưng nó lớn hơn miền nam Việt Nam (Nam Bộ) và lớn hơn gấp đôi nước Hòa Lan! Nói vậy để bạn đọc có khái niệm một chút về địa lý.
Thủ phủ của tỉnh có tên chính thức là Oaxaca de Juárez, nhưng người ta thường gọi tắt là Oaxaca. Thành phố này nằm lọt trong thung lũng, giữa hai rặng núi song song chạy từ đông sang tây. Ở cao độ hơn 1500m, thành phố Oaxaca ban ngày nắng nóng rát mặt, đêm lạnh và có gió gây gây, mới bốn năm giờ chiều mặt trời đã chực rớt xuống sau mấy rặng núi và màn đêm buông xuống rất nhanh. Thành phố có rất nhiều cây cổ thụ hai ba người ôm, nhiều cây phượng vĩ, cây bông gòn, và những giàn hoa giấy trĩu nặng những chùm bông đỏ thắm… Ngoài ra còn một thứ cây to, trông tựa cây điệp, bông trắng mọc thành chùm, người dân ở đây gọi nó là cây (phiên âm tiếng Việt) ‘oa-hăk’. Tìm trong sách thực vật, mới biết đây là một loại cây keo (keo dậu – tên La-tinh là Leucaena leucocephala). Đây là cây đặc trưng của vùng này, và tên nó đã trở thành tên của thành phố Oaxaca. Đây đó có những cây ổi và cây lựu, trồng để lấy bóng mát là chính, vì nó cho trái nhỏ xíu. Trong công viên ở trung tâm ngôi làng nhỏ Santa María del Tule phía nam thủ phủ Oaxaca, cách nửa giờ xe, nhiều người tới ngắm nhìn và chụp hình cây phong cổ thụ Ahuehuete nổi tiếng, hơn 2000 năm tuổi, với thân cây được coi là lớn nhất thế giới, chu vi bằng 30 người nắm tay nhau (Wikipedia ghi chu vi thân cây 42m, đo năm 2005). Cây này người ta đồn là có ma, nhưng ban ngày chỉ có mấy em bé ‘ma lem’ cầm đèn pin chỉ chỏ cho du khách xem những chỗ lồi lõm của thân cây được người ta gán cho những tên như ‘con voi’, ‘đầu cọp’, ‘trái thơm’…, có cả ‘Chúa Jesus bị đóng đinh’, để lấy ít tiền thưởng!
Cây cổ thụ ‘Árbol de Tule’
Ngang đây phải nói một chút về tiếng Tây Ban Nha. Vần ‘x’ – trừ vài ngoại lệ – được phát âm như ‘h’. Oaxaca phải đọc là ‘Oa-hak-ka’, cũng như Mexico theo tiếng Tây Ban Nha phải đọc là ‘Mê-hi-cô’. Chuyện này làm tôi nhớ lại những năm bắt đầu phải đụng chạm với những từ do miền Bắc du nhập vào, trong đó có ‘Mê-hi-cô’ khiến tôi rất bực bội… cho tới khi biết được sự thực. Tuy nhiên, nhiều du khách ở đây vẫn quen miệng nói ‘Mê-xi-cô’ và ‘Oa-xa-ca’, mà mọi người đều hiểu!
Phố xá
Oaxaca nổi tiếng nhờ những dãy phố với các căn nhà sơn màu sặc sỡ. Tuy nhiên, nó chỉ giới hạn ở một số đường trong khu trung tâm. Bốn màu chính được dân chúng dùng sơn tường – ngoài màu trắng – là xanh da trời, vàng, hồng-tím và màu gạch cua. Nhiều bức tường được trang trí bằng tranh mỹ thuật, quảng cáo hoặc sơn vẽ những châm ngôn, hầu như không có tranh graffiti loại phá phách nghịch ngợm. Những ngôi nhà đồ sộ kiến trúc theo kiểu Âu châu trong khu này ghi dấu một thời bị Tây Ban Nha đô hộ. Khi Mexico nổi lên giành độc lập vào giữa thế kỷ 19, người Tây Ban Nha cuốn gói về nước, dân Mễ tiếp quản khu trung tâm thành phố, người ta đồn là dưới đất những ‘ngôi nhà thực dân’ này có chôn vàng bạc châu báu, nên họ rào song sắt các cửa sổ và đào tung sàn nhà lên tìm kho tàng, không rõ kết quả ra sao, chỉ còn những khung cửa có chấn song kiên cố làm chứng nhân.
Một góc phố trung tâm Oaxaca, gần khu Zócalo
Khu được coi là điểm hẹn chính của mọi người, cũng là nơi nghỉ chân thư giãn và hóng mát buổi chiều, là khu quảng trường Zócalo, nơi có nhà thờ chính tòa Oaxaca. Đây là một khoảng công viên rất rộng, nhiều bóng mát, có hàng quán tiệm tùng, dãy sạp bán đồ lưu niệm, mấy chục chiếc băng dài… Kế đó không xa là một công viên khác, cũng nổi tiếng nhờ nhà thờ La Soledad (tên đầy đủ là Basílica de Nuestra Señora de la Soledad, Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Cô Đơn – ám chỉ nỗi cô đơn khổ sở của Mẹ Maria sau khi Chúa Jesus bị đóng đinh), xây vào thế kỷ 17. Sân nhà thờ nơi đây thường được dùng làm nơi trình diễn nhạc và kịch. Đi ngược lại, về phía bên kia Zócalo là con đường đi bộ thanh lịch Macedonia Alcalá rộng rãi, mặt đường lát đá cục to, nơi dập dìu du khách dạo chơi, vào thăm những cửa tiệm thời trang nổi tiếng hay dùng bữa tại những nhà hàng sang trọng, nơi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Cuối đường là nhà thờ Santo Domingo de Guzmán với kiến trúc baroque, được các giáo sĩ dòng Đa Minh xây vào thế kỷ 16. Khu vực ba nhà thờ kể trên được coi là nơi sinh hoạt buổi chiều của dân Oaxaca. Những buổi trưa nóng rát mặt, đổ mồ hôi, Vương cung Thánh đường là chỗ nghỉ chân tuyệt vời. Điểm làm tôi chú ý là nghi thức làm dấu thánh giá ở đây không kết thúc bằng cách chắp tay và nguyện ‘Amen’ như Việt Nam mà họ đặt nhẹ mấy ngón tay lên môi. Có lẽ để tỏ dấu yêu kính Đức Chúa Trời chăng.
Người nào muốn tìm hiểu thêm về những nhà thờ cổ của vùng này, có thể theo dấu chân các giáo sĩ Đa Minh ngày xưa đi truyền giáo qua một số nhà thờ họ đã xây lên, dọc con đường hành hương Ruta dominica. Trong lần đi thăm làng Zaachila, chúng tôi có ghé qua nhà thờ Cuilapam trên con đường này, nhưng không thu thập được gì, vì nếu không có người hướng dẫn giải thích thì như mù xem voi, tựa như một người ngoại quốc đến Việt Nam, được dẫn đi thăm nhà thờ Phát Diệm và nhà thờ La Vang mà không có một lời giải thích về lịch sử và nét cấu trúc độc đáo, cuối cùng chỉ nhìn loanh quanh và chụp mấy tấm ảnh cất trong máy.
Có một màn hấp dẫn du khách nơi ba nhà thờ này, thường vào lúc xế chiều, là các màn nhảy múa ngoài trời của các cặp tân hôn, một tiết mục không thể thiếu trong lễ cưới của những gia đình khá giả. Trong màn nhảy múa này, điểm nổi bật là hai hình nhân nam nữ bằng vải, gắn trùm bên ngoài khung nhôm hoặc gỗ, cao tới 3-4 thước, thêm vào đó là một cặp đèn lồng hình trái cầu, có cây cắm đặt trên đai da đeo trước bụng. Hai trái cầu này được quay tít suốt buổi lễ, hai hình nhân cũng được quay vòng vòng và nhảy múa đung đưa đôi tay trong tiếng nhạc xập xình và hò reo của mọi người. Múa lân ở Việt Nam không thấm gì khi so với trò này, tôi đã thử nhắc cái khung chưa có hình nhân, nó nặng trên 20kg, vậy mà họ quay cả tiếng đồng hồ không biết mỏi, tuy thỉnh thoảng phải thay người múa, vì cả đám sẽ đi từ nhà thờ này tới nhà thờ khác, mỗi nơi nhảy một chập trong cái nắng gay gắt. Nghe nói mỗi hình nhân có giá trên dưới 1000USD, gần nửa năm lương công nhân lao động chứ đâu phải ít! Những trái cầu và hình nhân tương tự cũng được dùng trong một số lễ hội ngoài trời.
Gia đình và khách mời dự đám cưới của cặp Shelby và Joey chụp hình chung trong màn nhảy múa ngoài trời
Trong phố trung tâm có nhiều người xin ăn, những người thấy rõ là già cả ốm yếu…, tôi để ý tìm nhưng không thấy khuôn mặt nào có vẻ là những người di dân từ Nam Mỹ đang trên đường ‘mạo hiểm tới thiên đường Hoa Kỳ’ của họ, mặc dù Oaxaca nằm trên con đường xa lộ Liên Mỹ (Pan America Highway dài 48.000km, từ Alaska xuống tới mũi cực nam Argentina), có lẽ phong trào di dân này đã xẹp đi nhiều. Mà giả sử có ghé tạm qua Oaxaca, họ lấy gì mà sống qua ngày, trong một thành phố nhiều người bán hơn người mua?
Vui nhộn thực ra chỉ tập trung nơi một khoảng chừng bốn năm km2 trung tâm thành phố. Ra ngoài một chút, đường xá vắng teo, tiêu điều, và thấy rõ nét xã hội Mexico chia thành nhiều giai cấp. Ban đêm đi vào những khu này dễ có cảm giác bất an, bởi vậy cẩm nang du lịch cũng khuyên là đừng nên ra đường sau 9 giờ tối. Giới nhà giàu, thường có da màu lợt, ở nhà biệt thự ‘kín cổng cao tường’ đúng nghĩa. Giới nghèo, da ngăm, ở nhà lụp xụp, trong những con đường nhỏ lồi lõm. Những khu tân lập trông khá hơn, nhà cửa tương đối thẳng thớm, đường xá ngăn nắp. Người ta nói như thế là khá lắm rồi. Năm sáu chục năm trước những người ‘công dân hạng hai’ này còn bị hạn chế nhiều trong những sinh hoạt xã hội, một ông tài xế taxi kể là hồi nhỏ ông phải học lớp đêm vì lớp ngày chỉ dành cho con nhà khá giả. Trong một xóm, tôi còn thấy có nhà làm nghề xay bột, nhìn vào trong chỉ thấy một chiếc máy nhỏ chạy điện cũ xì. Và có lần đưa quần áo cho một nhà giặt ủi trong xóm nghèo, họ giặt, phơi gấp và bỏ bao cẩn thận, giá có 15 peso/kg, tức 75 cent tiền Mỹ, không hiểu họ xoay xở cách nào để sống!
Chợ… và chợ
Hình ảnh đập vào mắt những du khách tới Oaxaca lần đầu có lẽ là số lượng chợ tại đây. Ngôi chợ lớn nhất thành phố, Mercado de Abastos, nằm trong khu thương mại cùng tên, cạnh bến xe bus trung tâm, nổi tiếng do câu nói ‘nếu không thấy bán ở Abastos thì có tìm khắp Oaxaca cũng không ra’. Nhưng nó quá rộng, quá hỗn tạp. Với du khách, có lời khuyên ‘đừng đến đó’, lời cảnh báo cho tệ nạn móc túi theo nghĩa đen tại nơi này.
Bù lại, Oaxaca có nhiều ngôi chợ rải rác. Hai chợ nhà lồng trong khu trung tâm thu hút du khách là chợ ‘20 tháng 11’ (20/11/1910 là ngày cách mạng Mexico bắt đầu nổi dậy chống lại chế độ chuyên quyền của tổng thống Porfirio Díaz kéo dài 26 năm) và chợ Benito Juárez trong block nhà kế bên. Hai chợ này có 4 cửa giống chợ Bến Thành. Ngoài quần áo, đồ dùng…, chợ ‘20 tháng 11’ có bán những đồ ăn thức uống làm sẵn, do đó khi mới bước vào chợ phải qua trạm rửa tay với nước sát trùng. Ăn trong những quán hàng bên trong chợ này rất rẻ, và nấu ngon, tuy nhiên phải chịu nóng hầm và phải quen tai một chút, vì họ làm món ăn theo yêu cầu của khách, ngay cả đồ uống cũng vậy, ít có vụ chỉ chỏ. Chợ Benito Juárez bán những thực phẩm tươi sống, thịt thà rau củ v.v., vì thế không cần rửa tay. Trái cây bán trong hai khu chợ này rẻ và là trái chín cây, nhất là có nhiều loại chuối, tôi tình cờ biết được thêm một điều là trái sa-pô-chê (hồng xiêm) có nguồn gốc từ Mexico, và tên của nó là do dân Zapotec gọi – trái Tzapoti (trái của người Zapotec?). Rất tiếc, mùa trái trứng gà (lêkima – lucuma) đã qua, trái này cũng có gốc từ miền nam Mexico. Củ sắn (củ đậu) cũng có nguồn gốc từ Mexico, tên của nó ở xứ này là Jicama, bày bán ê hề, bó thành từng bó to có cả lá xanh cho thấy là mới nhổ lên, giá vài chục peso. Ở Âu châu, tiệm Á đông gọi nó bằng tên Indonesia, Bangkwang.
Benito Juárez là vị tổng thống Mexico đầu tiên có gốc là dân bản địa Zapotec. Ông được dân Mexico coi là vị quốc trưởng thương dân nhất, do đó tên ông đã được đặt cho nhiều con đường chính, chợ, trường học, bệnh viện v.v. ở khắp Mexico. Phi trường quốc tế ở thủ đô Mexico City cũng mang tên ông.
Ở block xéo bên chợ ‘20 tháng 11’ là Chợ Sản phẩm Thủ công Mỹ nghệ (Mercado de Artesanias) nhà lồng chợ nhỏ hơn một chút, tràn đầy màu sắc với các đồ may thêu, xâu chuỗi, mũ áo, thảm và khăn v.v., đường chỉ mũi kim tương đối sắc sảo, nhất là hàng thêu và đồ dệt. Nhưng đây là ‘hàng chợ’, rẻ tiền và trình độ mỹ thuật không cao. Muốn xem hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp, có ‘Ngôi nhà Thủ công Mỹ nghệ Oaxaca’ (La Casa de las Artesanias de Oaxaca) ở khoảng giữa công viên Zócalo và nhà thờ Santo Domingo, có nhiều gian phòng, mỗi gian trưng bày một ngành nghề thủ công, đặc sắc nhất theo tôi là những bức tượng thú vật bằng gỗ, sơn màu sắc sặc sỡ, tên là alebrije, thường mang dáng vẻ thần bí, là sản phẩm mỹ thuật đặc biệt của vùng này, nhưng giá tại đây gấp mấy chục lần so với hàng chợ (rất tiếc họ không cho chụp hình!). Cũng như nếu bạn muốn xem thêm về thảm và nghề dệt thảm thì phải chịu khó tới làng Teotitlán del Valle cách một giờ xe; xem nghề làm đồ sành màu đen đặc biệt của vùng nam Mexico thì nên tới làng San Bartolo Coyotepec nằm ở phía nam Oaxaca mà ngắm cho mãn nhãn.
Một ngôi chợ quê ở làng Zaachila, một bức tượng alebrije, và trong một tiệm bán đồ sành màu đen tại làng San Bartolo Coyotepec
Ngoài những ngôi chợ nhà lồng, thành phố Oaxaca còn có rất nhiều khu có sạp bán đồ lưu niệm cho du khách, và ở những khu dân cư ngoại vi thành phố cũng có những chợ địa phương trong nhà lồng hoặc trong lều, nhỏ nhưng bán khá đủ món hàng thông dụng.
Ảnh hưởng Covid-19 trên sinh hoạt xã hội
Với 7,1 triệu ca nhiễm và hơn 330 ngàn tử vong (tính đến cuối năm 2022) trên dân số 123 triệu, có thể nói là Mexico chịu nạn covid-19 rất nặng (đứng hàng thứ 3 trong các quốc gia châu Mỹ La-tinh và hàng thứ 5 trên toàn thế giới). Tuy nhiên, người dân Mexico nhìn dịch covid với con mắt khác.
Họ nhìn lên anh hàng xóm phía bắc là Hoa Kỳ, với 98 triệu ca nhiễm và 1,1 triệu tử vong trên số dân 332 triệu, thì thấy đây là mối đe dọa khủng khiếp. Kinh tế Mexico phụ thuộc phần lớn vào ngành du lịch. Sản xuất và thương mại phần lớn trong khuôn khổ gia đình hoặc họ hàng, khiến chính phủ đối mặt với bài toán nan giải: đóng hay mở. Sau hai năm bó buộc chạy theo hướng toàn cầu là đóng cửa ngừa và dập dịch, bắt đầu 2022 Mexico đã dần dần mở cửa đón khách du lịch và cho sinh hoạt lại gần như cũ vì chịu hết nổi (mặc dù trong năm vẫn còn phải hứng 2 đợt dịch tháng 2 và tháng 8). Bắt đầu từ tháng 6/2022, bó buộc về test hoặc chích ngừa khi nhập cảnh đã hoàn toàn bãi bỏ. Trong khi đó, khách du lịch đến Mexico đa phần là từ Hoa Kỳ, họ sợ nhất là dân du lịch từ Texas tới, với định kiến trong đầu là nhiều người ở tiểu bang này nghe những lời tuyên bố của tổng thống Trump về covid, cho nên không chích ngừa. Tại tỉnh Oaxaca còn có thêm một yếu tố nữa góp phần đáng kể: tỉnh này có rất nhiều sắc dân thiểu số, họ sinh sống trong những vùng núi non hẻo lánh, ít tiếp xúc với cộng đồng chung, nhiều người hoàn toàn mù tịt tin tức, nói gì tới chuyện chích hay không chích. Bởi thế, dân trong thủ phủ Oaxaca – nơi dân tứ phương tới – tuân thủ lời kêu gọi đeo khẩu trang triệt để, tôi thấy có lẽ trên 80%. Những nơi công cộng thường có treo bảng bắt buộc mang khẩu trang, nhưng không có nhân viên canh chừng và nhắc nhở. Một số nhà hàng, viện bảo tàng và cửa tiệm có người chực trước cửa để bắt khách rửa tay với nước sát trùng, có nơi còn bắt xịt thuốc quanh người, hay nhúng giày trong bồn nước thuốc. Tóm lại dân ở Oaxaca vẫn còn cảnh giác cao độ, nhưng ở những vùng du khách chiếm đa số thì coi như thoải mái 100%, nhân viên phục vụ cũng bỏ khẩu trang gần hết rồi (tháng 11/2022).
Nhìn kỹ, ta phải tự hỏi có quá đáng không trong biến chuyển hiện tại của dịch bệnh và đã có dấu hiệu của sự ‘miễn dịch cộng đồng’? Nhiều tiệm dọc đường có bán khẩu trang ‘dùng 1 lần’, mỗi chiếc được bọc kỹ lưỡng trong bao nylon. Như vậy có nghĩa là ‘đeo để cho thấy là có đeo’. Người Mexico không nhận thấy sự khác nhau giữa người Việt và người Tàu, cho nên tốt hơn là đeo, để tránh cặp mắt thiếu thiện cảm của người chung quanh.
Xét kỹ, ý thức về vệ sinh phòng dịch của dân chúng tại thành phố này khá cao. Mua một cái bánh ngọt, hoặc một ổ bánh mì nhỏ, họ cũng bỏ bao nylon cẩn thận. Khi nhận tiền giấy, họ dùng bao nylon lót tay và rửa tay liên tục (tiền cắc thì không, chắc họ nghĩ chất đồng trong tiền cắc có tính diệt trùng?). Hoặc cho người nhà (chồng hay con) giữ nhiệm vụ nhận tiền, không đụng vào đồ ăn thức uống. Không rõ trước khi có dịch covid có như vậy không, nhưng buôn bán gia đình kiểu này rất tốn nhân công, nhất là trẻ em, em nào phải giúp cha mẹ thì không thể tới trường được. Nhiều bà mẹ bán hàng rong địu con bên hông, hoặc dắt theo đứa nhỏ vài tuổi cho nó lẩn quẩn cạnh bên, hoặc ngồi sạp và giao cho mấy đứa con 7-8 tuổi mang hàng đi chào. Đừng nói với họ chuyện ‘bắt trẻ em lao động’. Muốn chết đói hay muốn đi làm? Được cái là tôi không thấy nam giới ở đây lê la quán xá nhậu nhẹt.
Ẩm thực
Nhà cửa, chợ búa, văn hóa ở Oaxaca nhiều màu sắc, thì ăn uống cũng không kém. Nhưng nó vừa đa dạng, lại vừa đơn điệu.
Đa dạng ở chỗ người ta chế biến ra đủ thứ món ăn bằng phương cách giản dị: trộn với nhau và nếm thử. Trong tiệm ăn bình dân, người ta có thể gọi một món ăn bằng cách diễn tả, kiểu như ở Việt Nam, gọi ‘cho dĩa cơm sườn nướng, lấy nhiều đồ chua chút, đừng cho cay quá, thêm chút nước mắm v.v.’. Mua khúc bánh mì kẹp nơi xe bán rong ngoài đường, nói từng bước: cho sốt chút thôi, lấy gà nướng, phô-mai quesillo, khỏi bỏ ớt, không lấy mole đen mà lấy mole đỏ, thêm cà chua nữa, có rau không, salsa chừng đó đủ rồi. Bao nhiêu tiền vậy? Làm một tràng liên tục, chẳng khác nào gọi ly cà phê Starbucks! Nói quíu cả lưỡi, vì rất ít người biết tiếng Anh, họ cho là tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ số 4 trên thế giới mà, muốn tới chơi thì phải ráng học ngôn ngữ của họ.
Với những người hoàn toàn không biết tiếng Tây Ban Nha hoặc trước một vấn đề phức tạp, có cách giải quyết khác, rất giản dị. Đó là móc điện thoại ra, có Google Translate cài sẵn trong đó, gần như nhân viên văn phòng và người ngồi quầy trong tiệm nào cũng có. Xe hơi cho mướn bây giờ cũng không còn máy định vị GPS chỉ đường nữa, và cũng không còn CD trong xe, vì ai nấy đều dùng Google Maps và stream nhạc qua Bluetooth.
Trong hàng quán bình dân, nếu không nói được tiếng Anh, bạn có thể chỉ các hình vẽ, nhưng coi chừng, họ sẽ hỏi lại thì ngọng luôn, bởi vì hình vẽ trên bảng hoặc trong thực đơn thường chỉ cho biết đó là loại món ăn nào mà thôi. Nếu chắc ăn, vào những nhà hàng cho du khách ở quanh khu Zócalo, thực đơn có thêm tiếng Anh bên cạnh, nhưng… rất nhiều nhà hàng không còn thực đơn trên giấy nữa, mà phải scan cái QR-code và tự xem trong điện thoại. Đương nhiên những nhà hàng này mắc gấp mấy lần. Sang trọng sạch sẽ thực đấy, nhưng những món bình dân của Mexico hoặc đặc biệt của vùng Oaxaca chưa chắc đã ngon bằng ăn chợ. Khúc bánh mì kẹp tả trên đây, mua tại xe bán rong, giá 20 peso. Trong một quán ăn bình dân, gọi dĩa cơm có phần tư con gà nướng lửa than, có thêm spaghetti, kèm chai Pepsi nửa lít, giá 35 peso. Hai người vào những nhà hàng đặc sản Oaxaca hạng sang ở phố Alcalá, 1000 peso bay lúc nào không biết, đó là chưa dám rớ tới rượu nho. Nhà hàng Hostería Alcalá nghĩ ra thứ cà-phê cầu kỳ mang tên café diablo, giá 330 peso. (Ăn trong nhà hàng Mexico phải trả thêm 10-15% tiền típ, nếu trả bằng card, họ hỏi thẳng ‘tiền típ bao nhiêu %?’). Với tiền típ khi uống ly cà phê này, bạn có thể ăn cơm gà no bụng.
Nhà hàng thì nhắm nhiều vào khoản rượu. Trừ bia ra, các loại rượu tương đối mắc. Vùng này đặc biệt có rượu Mezcal, làm từ nước mật trong cây agave. Mezcal và Tequila đều là rượu mạnh phổ thông ở Mexico, nhưng Mezcal khác rượu Tequila ở chỗ Tequila được làm từ duy nhất một giống cây agave màu xanh dương, luật còn cho phép được pha thêm rượu làm từ mía, miễn là dưới 50%. Mezcal không bị bó buộc về giống cây agave, nhưng phải thuần là agave, do đó nó có nhiều mùi vị hơn. Tequila phần lớn được sản xuất ở vùng trung và bắc Mexico, vùng nam Mexico chuyên về Mezcal.
Người nào muốn xem tận mắt cách làm rượu Mezcal và thử rượu thì có thể tới làng Santiago Matatlán, cách thành phố Oaxaca hơn 50km về phía đông nam. Dọc con đường xa lộ 190 có cả trăm nơi bán rượu Mezcal của các lò rượu gia đình, một số nơi có bán tour đi thăm ruộng agave của họ, còn xem cách làm rượu, muốn nếm thử rượu thì khỏi trả tiền. Đúng là làm theo kiểu thủ công, thuê nhân công dùng dao rựa chặt nhỏ thân cây sau khi đã cắt bỏ hết lá, hầm bằng than củi cháy riu riu trong hố mấy ngày, rồi xúc vào cối đá, cho ngựa kéo cối xay đống này cho tới nát nhừ, cho lên men tự nhiên trong thùng gỗ rồi chưng cất 2 lần, xong cất trong thùng whisky hoặc rum cho đậm mùi thêm trước khi vô chai. Chỉ một công thức thôi, nhưng mùi vị mỗi nơi một khác, tùy thuộc bí quyết từng gia đình. Lò rượu gia đình lớn lắm cũng chỉ làm được vài trăm thùng mỗi năm.
Trong ruộng agave, và thợ nấu rượu đang xúc các mảnh thân cây agave từ hố than để cho vào cối nghiền, khi vừa hầm xong
Trên lý thuyết, Mezcal có thể được làm từ đủ loại cây agave trộn chung nhau, nhưng đi xem thực tế, nơi nào cũng nói làm bằng agave Espadin! Tới một lò, gặng hỏi, mới biết là vì agave Espadin lớn nhanh và cho sản lượng cao, mỗi thân cây – mà tiếng trong nghề là ‘trái thơm’ vì nó có hình dạng tựa trái thơm – có thể nặng tới 250kg hoặc hơn nữa. Thân các loại agave khác, nhất là các loại agave mọc hoang trong rừng, chỉ khoảng 80-100kg, mà khô hơn, cho ít mật. À ra thế. Họ vui vẻ lấy một chai Mezcal làm từ nhiều loại agave cho nhắp thử, thơm hơn thật. Hỏi giá mấy chai này, chai nào cũng trên 200€. Chào thua, mắc gấp 5-10 lần Mezcal từ agave Espadin, mà chắc gì họ nói thiệt! Hèn chi Mezcal trong nhà hàng giá mắc là phải, nhất là Mezcal pha với các thứ trái cây hoặc hương liệu, thành cocktail, gọi là Mezcalini. Các lò rượu cũng có nhiều sáng kiến, trong lần chưng cất thứ 2, người ta có thể cho thêm vào các loại trái cây để tạo mùi, và… có nhiều nơi cho vào đó cả thịt gà tây, thịt heo, thịt thỏ, thịt nai… và cả con đuông trong cây agave nữa. Những thứ rượu pha thịt này có mùi gây gây.
Một món khác, được trộn tùm lum là kem. Bạn có thể thấy người ta dùng tay trần nhào trộn kem với màu và mùi trong chảo gang ướp lạnh giữa thanh thiên bạch nhật. Ngoài những mùi vị thường thấy ở Âu châu, còn có một số mùi lạ như me, sa-pô-chê, ớt, đậu, agave, rau ngò, rượu mezcal, tuna. Coi chừng, lầm chết! Tuna ngoài nghĩa thông thường là cá ngừ, ở Mexico còn một nghĩa khác, là trái cây của một loại xương rồng, ăn nhớt và vị hơi đắng. Rồi người ta còn trộn vào kem một thứ có lẽ không nơi nào khác có, đó là... châu chấu. Kem là món giải khát tương đối mắc, nhưng tiệm kem La Soledad ở cạnh nhà thờ cùng tên đã nổi tiếng tới mức có câu ‘chưa biết tiệm La Soledad là chưa biết Oaxaca’.
Tôi vừa đề cập đến châu chấu. Đây là một trong những món ăn đặc biệt, phổ thông ở vùng nam Mexico này. Đây là loại châu chấu nhỏ, người Mexico gọi nó là Chapuline.
Châu chấu Chapuline được nuôi trong những cánh đồng trồng cỏ alfafa. Khi chúng tôi đến Oaxaca, mùa châu chấu vừa chấm dứt, nhưng ở chợ còn bán rất nhiều. Chúng được rang với ớt, muối, tỏi trong chảo sành đến khô queo, thêm chút nước chanh cho bán mùi, để trong rổ hoặc thúng, theo cỡ lớn nhỏ. Nếu bỏ được ấn tượng đang ăn côn trùng, thì thấy cũng được, không có cảm giác nhờn nhợn trong cổ như ăn nhện tarantula chiên ở Cambodia. Chapulines chưa trưởng thành, mập bằng đầu đũa, ăn hơi giống tép rang, mắc nhất. Càng lớn giá càng rẻ, tới con lớn nhất mập cỡ ngón tay út, ăn xảm vì chân và cánh của chúng quá lớn. Chapulines được chế thành rất nhiều món ăn. Tôi đã thử vài món: bọc trong phô-mai rồi lăn bột chiên giòn, hoặc trộn với gia vị và rải lên bánh tortilla cùng phô mai quesillo, hoặc nghiền nhỏ làm nước sốt chấm, và ngay cả ăn luôn món rang muối không chế biến, nhưng thú thực nó không gây ấn tượng gì đặc biệt. Ở Việt Nam, hiện nay con nhộng tằm cũng được chế biến thành nhiều món.
Châu chấu Chapuline rang muối, chấm với sốt trái bơ
Vùng Oaxaca, cũng như vài tỉnh miền nam Mexico, còn có vài món đặc biệt: Tlayuda là một biến thể từ món taco, bánh tortilla được nướng giòn mà không xếp lại như taco, nhân để lên trên; Tamale là bánh bột ngô có nhân ngọt hoặc mặn (thịt, rau, phô-mai, trái cây v.v.), gói trong vỏ áo trái bắp hoặc trong lá chuối và hấp như các loại bánh lá; phô-mai Quesillo là một loại phô mai dai, ít béo, hơi giống mozzarella, từ chữ này có món Quesadillas là bánh tortilla bên trên có rải Quesillo với những thứ phụ tùng khác v.v. và v.v.… Ngoài ra còn cả trăm thứ sốt Mole, và nhiều thứ nước chấm Salsa. Có người nào đó, chẳng biết có phải linh mục hay không, đã nghĩ ra món tortilla nướng giòn, đặc biệt có nhân thịt heo nướng kiểu kebab, trộn với thơm nướng, gọi là Pastel de Pastor, hiện nay đã trở thành món đặc sản của Oaxaca, có đăng ký sản phẩm đàng hoàng. Oaxaca có thương hiệu chocolate nổi tiếng khắp xứ Mễ, Mayordomo, nhưng vị của nó hơi lạ, vì không có mùi thơm của vanille. Trong sốt mole ngọt thường có trộn thêm chocolate. Bởi vậy trong khu ăn uống suốt ngày nồng nực mùi chocolate và mole.
Đọc tới đây, có thể bạn sẽ thắc mắc: món ăn phong phú như thế, sao lại nói là đơn điệu. Thưa bạn, đơn điệu ở chỗ nhiều thứ thực đấy, nhưng chỉ có một cách nấu, và món ăn, xét kỹ, chỉ là sự trộn chung những thứ này lại với nhau, tùy khẩu vị mỗi người. Rất khác với ẩm thực Việt Nam: tuy là món kho, nhưng heo kho, bò kho, cá kho, thịt quay kho, tôm kho tàu, cho tới đu đủ xanh kho, đậu hủ kho…, mỗi món có cách nấu khác nhau.
Và cũng đơn điệu ở chỗ: người Oaxaca rất thích dùng bánh tortilla cuốn các thức ăn. Nếu ông Tây bà đầm Paris nào tới đây, vào nhà hàng thấy họ kêu món beefsteak bò đen Angus, rồi cắt vụn ra, cuốn vào miếng tortilla chung với phô-mai quesillo, quẹt thêm mole, rau xắt nhỏ, rồi chấm salsa ăn, chắc kêu trời.
Người Mễ thích ăn đậu, nấu nhừ và tán nhuyễn, hoặc nấu thành súp. Người Việt ở Mỹ có câu: ‘Không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ không phải Việt Nam’. Đúng ra phải nói là: không ăn ớt không phải Mễ. Gần như món nào cũng có ớt, cả ớt cay lẫn ớt ngọt. Ngay cả trái cây: ăn thơm, ăn ổi hoặc xoài xanh với ớt thì dân Việt mình cũng có ăn, còn ở đây xoài chín cũng ớt, củ sắn cũng rắc ớt, cả dừa cũng rắc ớt cay nữa thì chịu thua luôn.
Thức ăn Mễ đa dạng và có nhiều mùi vị đặc biệt, cho nên các nền ẩm thực khác khó chen vào. Giới trẻ có McDonald’s, người muốn đổi khẩu vị thì có thể vào các nhà hàng Ý ăn pizza. Người Mễ đã thử làm sushi theo kiểu Mễ, nhưng chắc chỉ có họ ăn. Tiệm Tàu, Ấn Độ và tiệm Hồi giáo nơi tỉnh này hiếm có, nhưng ít nhất có một tiệm Việt Nam, quán ‘Nước’ ở phố biển Puerto Escondido, nhưng nấu quấy quá.
Phố biển
Dân Oaxaca muốn đi biển ‘đổi gió’ thường tới Puerto Escondido, thành phố biển trên bờ Thái Bình Dương. Bảy tám tiếng đồng hồ ngồi xe đò nhỏ 15 chỗ, 300km đường đèo vượt qua dãy núi phía nam là tới, giá 140 peso mỗi chuyến, quá rẻ. Không khí Mễ Tây Cơ nơi đây đã mờ dần, nói chung thành phố biển nào cũng chỉ có bãi tắm, khách sạn, phố đi dạo và mua sắm. Nhưng vì núi sát biển và sóng rất dữ, nơi này ít có bãi tắm được, ngoài vài cái vịnh thiên nhiên có bãi cát hẹp. Chỉ có dân trượt nước là thích. Bãi đẹp nhất vùng này (và là một trong những bãi đẹp nhất Mexico) là bãi ở làng Mazunte, cách Puerto Escondido hơn 60km về phía đông. Đi thêm hơn chục cây số nữa là bãi Zipolite, dân tắm truồng tụ tập về đây. Đi thêm chút nữa là tới Santa Cruz, thành phố biển của giới nhiều tiền, du thuyền cruise cũng ghé nơi đây. Tới đó là hết tỉnh Oaxaca.
Trong vùng biển này, vài nơi có hiện tượng phát quang sinh học do sinh vật phù du (plankton). Muốn xem, phải mua vé, có ghe chở ra giữa đầm nước ngọt, nơi đó có dựng mấy cái bè căng bạt kín mít, tựa như bè canh lưới miệt đồng bằng sông Cửu Long, bơi vào trong tối om om, quơ tay quơ chân để thấy nước phát ánh sáng lờ mờ, không giống ảnh trong quảng cáo chút nào, chắc họ dùng photoshop tăng độ sáng. Chục phút phù du ngắn ngủi, nhưng nên coi cho biết, vì trên thế giới không mấy nơi có thể trải nghiệm hiện tượng này.
Người nào yêu thiên nhiên, có thể đi thăm một số trại nuôi dưỡng những thú đang bị đe dọa trong vùng như cá sấu, nai đuôi trắng, cự đà v.v., hoặc đến một số trại rùa xem cách thức họ lượm trứng trên bãi, ấp và dưỡng rùa mới nở để thả lại xuống biển. Theo lời kể của những người quản lý, họ thuộc các hội đoàn tình nguyện, và tiền của khách đến thăm sẽ được dùng trong việc bảo tồn thú vật.
Dân Oaxaca nào thích ngâm nước và không muốn đi xa, có thể tới Hierve el Agua, khoảng hơn 70km phía đông nam thành phố Oaxaca, để tắm nước khoáng, tổ chức picnic hoặc đi dạo trong khu rừng cạnh đó. Đường tới thắng cảnh này khó đi bằng phương tiện chuyên chở công cộng, còn thuê taxi nói họ chờ đưa mình về thì quá mắc, tốt nhất là đặt tour du lịch. Nơi đây có hai ‘thác hóa đá’ (lớn và nhỏ – Grande và Chica), thực ra đó là nước rỉ ra từ khe núi, khô đi và để lại trầm tích đá vôi tương tự sự hình thành thạch nhũ, nhưng nó không nằm trong hang động mà nằm lộ thiên trông giống thác nước. Dưới thác là mấy hồ nước khoáng đậm đặc, nước có vị hơi ngọt.
Cascade Grande (thác lớn) trong Hierve el Agua
Lễ hội cho người chết
Chúng tôi tới Oaxaca vào cuối tháng mười, thành phố đang rộn ràng chuẩn bị cho ‘Ngày của Người Chết’ (Día de los Muertos). Đây là một lễ hội có nguồn gốc từ khoảng 3000 năm trước, nguyên thủy là của sắc dân Aztec và vài sắc dân khác, được tổ chức vào cuối mùa hè đầu mùa thu. Khi người Tây Ban Nha đô hộ vùng Trung và Nam Mỹ, họ cố ép buộc để đưa ngày lễ này cho trùng với ngày Lễ Các Đẳng Linh Hồn của Công giáo La Mã (02/11), cho nên hiện nay ngày hội Día de los Muertos được tổ chức vào những ngày cuối tháng 10 (thường là 31/10), đầu tháng 11 (1, 2 và 6/11), và trở nên phổ thông khắp Mexico cùng các quốc gia khác trong vùng Trung Mỹ và một số quốc gia trên thế giới. Oaxaca là một trong những thành phố Mexico tổ chức ngày lễ hội này rầm rộ nhất.
Dân bản địa Mexico thời xưa tin là người chết sẽ sang một thế giới khác, gọi là Chicunamiclán – Xứ của Người Chết, và mỗi năm họ có thể trở lại trần gian thăm bà con bạn bè. Tại Xứ của Người Chết, linh hồn của họ sẽ qua nhiều chặng thử thách để có thể cuối cùng nhập vào cõi vĩnh hằng Mictlán.
Giống như Việt Nam, hoa vạn thọ, hoa mồng gà đỏ và hoa cúc được dùng cho tang lễ, mộ phần và bàn thờ. Hoa vạn thọ ở Mexico rất to, cây cao tới 2 thước. Người Mexico từ nhỏ đã được làm quen với xương người và đầu lâu, các cửa tiệm giờ đây được trang trí bằng các cổng chào kết hoa, treo hình sọ người và các bộ xương ở đủ mọi tư thế. Trong nhà, trong tiệm bắt đầu thấy họ chưng dọn bàn thờ, có nhiều từng (dường như chỉ có số lẻ – 3, 5 hoặc 7 từng), có hình người quá cố (và có những bộ xương tượng trưng cho tổ tiên của giòng họ), chưng hoa, thắp đèn cầy, bày các lễ vật là trái cây, bánh, chuẩn bị đón thân nhân từ cõi bên kia trở về. Trong những thứ bánh, có loại bánh ngọt gọi là Pan de Muerto (bánh của người chết), người mua hoặc làm bánh này có nguyện thầm trong đầu là bánh sẽ dành cho ai, như kiểu người mình nấu đồ ăn đem để lên bàn thờ trước, gọi là dâng cho cha mẹ ông bà. Những góc trống nhỏ trên bàn thờ được tô điểm bằng vật trang trí có liên quan đến cái chết, như sọ người, hình ma…, những vật nhỏ này có giá vài chục peso, giúp cho các em nhỏ có được cảm giác đã góp phần cho việc đón người chết trở về. Các em học sinh cũng được tập diễn kịch, dự những cuộc thi trang trí những mộ phần đắp giả. Gia đình cũng tới mộ phần của thân nhân để dọn dẹp và bầy hoa cùng lễ vật trên mộ.
Một bàn thờ để trong hành lang trong nhà thờ; những vật nhỏ để bày trên bàn thờ; các em trong vườn trẻ diễn kịch linh hồn ra khỏi mộ rồi trở vào mộ lại
‘Công lý phải là một quyền chứ không phải một đặc ân,’ được ghi nơi bàn thờ đặt trên đường, của một tổ chức tranh đấu cho sự công chính để tưởng nhớ tới một nhân vật tích cực trong tổ chức
Cụm từ ‘Ngày của Người Chết’ hiện nay không đúng lắm, vì người ta có thể đặt hình thú cưng đã chết hoặc con thú nhồi bông lên bàn thờ để nhớ tới ‘chú/cô bạn nhỏ’.
Tại khu công viên Zócalo, một sân khấu được dựng lên cho các ban nhạc luân phiên trình diễn suốt ngày. Tôi nhiều lần ngồi uống cà-phê ăn sáng ở các quán cạnh đó, nghe không chán những bản Rumba-Bolero quen thuộc, thỉnh thoảng có những ban nhạc đệm theo kiểu cổ điển đưa tôi trở về những ngày xưa nơi quê nhà. Có một bản nhạc khác gây xúc động mạnh, là bản nhạc dân gian nổi tiếng của Mexico, La Llorona (tạm dịch: Kỳ Nữ Khóc Than), viết theo truyện thần thoại về một bà mẹ, không rõ vì lý do gì, trấn nước mấy đứa con của bà tới chết, để rồi sau này hóa điên, đi lang thang cố tìm lại chúng. Bản nhạc này bây giờ tôi được nghe trình bày theo nhiều kiểu, từ hát opera, dàn nhạc giao hưởng hòa tấu, hát kiểu tình cảm lãng mạn cho tới điệu buồn ray rứt, ballade kể chuyện và cả theo phong cách nhạc pop hiện đại, mỗi phiên bản đều có cái hay riêng, chẳng trách gì nó nổi tiếng và trong những ngày này được phát thanh khắp nơi, với tần suất nhiều hơn cả Ave Maria trong dịp Giáng Sinh!
Mỗi ngày qua đi, thành phố Oaxaca dường như mặc thêm áo, đường phố, nhà thờ, cửa tiệm, nhà dân… ngày càng được trang trí nhiều hơn. Du khách từ các nơi đổ về nườm nượp, buổi chiều mọi người túa ra đường, vẽ mày vẽ mặt thành kinh dị hoặc ngộ nghĩnh, đặc biệt là vẽ hàm răng rất to nhe ra. Dọc trên đường trong khu phố trung tâm có những tốp chơi nhạc hai ba người, già lẫn trẻ, và các ‘chuyên viên vẽ mặt’ với bộ đồ nghề sơn cọ để một đống, nhưng nhiều cô gái dường như thích đến những nhà trang điểm nổi tiếng, họ vẽ rất khéo, nhìn rất hay, và các cô cũng thích dừng lại cười duyên cho người ta khen và chụp hình. Các khách sạn vào thời điểm này tha hồ đẩy giá lên, mà vẫn không còn chỗ (nếu đặt qua các website tiếng Anh – tốt hơn là phải tự tìm qua Google Maps và thương lượng thẳng với họ). Tối 23/10 thành phố mở hội khai mạc lễ hội. Bắt đầu từ 6 giờ chiều đã có rất nhiều toán rước xuất phát khắp nơi, kèn trống vang trời, những hình nhân ma quỷ được mang ra múa may nhún nhảy, bên cạnh những trái cầu quay tít. Pháo nổ đì đùng và roi gắn pháo quất xuống mặt đường lốp bốp để phô trương thêm thanh thế. Nhiều hội đoàn tổ chức đã lập những đoàn diễn hành riêng, như những đoàn rước của vài khu xóm, của trường học, của hãng xưởng v.v.. Rồi lại có những đoàn rước lạ kỳ, chẳng hạn như đội ngũ dân giao thức ăn nhất loạt đeo túi UberEats, rồi toán của hội đua xe đạp, toán của tiếp viên hàng không…, có cả đoàn của dân LGBT+! Khi đó những bực cấp bao quanh sân nhà thờ La Soledad đã chật ních người ngồi chờ màn diễn, ban nhạc đã sẵn sàng kèn trống. Đúng 8 giờ tối, các toán diễn hành từ khắp hướng đổ vào sân qua hai ngả, như thác nước tràn. Trong thoáng chốc, sân nhà thờ lớn hơn sân banh đã ngập người, rồi nhạc theo kiểu Banda (gồm dàn kèn đồng và trống tambourin chơi theo điệu vui nhộn) của Mexico nổi lên, cả đám mấy ngàn người dưới sân quay cuồng nhảy múa cùng mấy con ma vải, nhộn hết sức. Có những người đội cả mâm pháo quay cho pháo bắn vãi ra xung quanh, rất kinh. Tiếng pháo, tiếng ca, tiếng nhạc, tiếng hò reo vang dậy, nhưng trên tất cả, vẫn là tiếng kèn tuba ‘bòm… bòm… bom… bòm’ làm nhịp. Cuộc vui kéo dài tới khuya, nhưng đặc biệt rất ít người uống rượu!
Từ đó cho tới đầu tháng 11, chiều tối nào cũng có những đám rước, nhỏ thì hai ba chục người, lớn thì cả mấy trăm, có xe cảnh sát mở đường, có ban nhạc kèn đồng đi theo, thường thì họ chơi điệu Banda vui nhộn, đôi khi nghe được một vài bản nhạc quen, lạ nhất là thỉnh thoảng họ cũng hòa tấu bản dân ca nổi tiếng của Nga, ‘Tình ca Cachiusa’, chắc nhiều bạn còn nhớ bản này, một thời rất thịnh hành ở Việt Nam, nhưng tôi không rõ vì sao nó lại góp mặt ở đây? Một số nhà thờ, nhà hàng, sân diễn công cộng… cũng tổ chức hòa nhạc, ca hát hoặc trình diễn những vũ điệu của các sắc dân trong vùng. Sau tối mở màn, sân nhà thờ La Soledad đã trở thành một bãi triển lãm với những hình đắp nổi bằng cát.
Sân nhà thờ La Soledad trong ngày khai mạc lễ hội Día de los Muertos và một đám rước trên đường
Tối ngày 31/10, được biết ở nghĩa trang Santa Cruz Xoxocotlán gần phi trường có tổ chức lễ hội viếng nghĩa trang rất lớn, chúng tôi lò mò tới xem. Dọc đường ghé sạp bán bông, trả 20 peso lấy một ôm to bông vạn thọ đã héo, xe hơi nhích từng chút, tới nơi đã thấy bãi đậu chật nứt, người đi như nước cuốn. Nhưng… nó không giống những gì tôi tưởng tượng. Nó giống một ngày hội chợ như bất kỳ hội chợ nào khác. Hai bên đường là dãy lều bán đèn đuốc, mặt nạ, áo thun quảng cáo, trò giải trí… rồi lại có rất nhiều nơi bán bia rượu, khán đài trình diễn nhạc. Trên đường đi có những đám múa hình nhân ma quỷ. Mọi người la hét nhảy nhót ồn ào, bia rượu trên tay.
Nhìn lại, chỉ có mình tôi ôm bông, với ý định là sẽ vào nghĩa trang đặt lên những mộ nào không có thân nhân chăm sóc. Nhưng giờ thấy mình không giống ai, và đường vào nghĩa trang giờ đây đã đặc nghẹt người. Tự dưng tôi thấy mất cả hứng thú, chợt nhớ tới cảnh chen lấn đi chùa Tam Chúc hay chùa Ba Vàng ở Việt Nam, những lễ hội tôn giáo đã trở thành nơi nhốn nháo làm giàu cho đám con buôn, mất ý nghĩa nguyên thủy. Và rồi lại nhớ đến mới 2 ngày trước đây, trong lễ hội Halloween ở Hàn Quốc đã có hơn 150 người chết vì đạp nhầu lên nhau, và ngày hôm qua đã có gần 70 người chết tại Ấn Độ do chen nhau trên cầu làm cầu đứt dây treo. Nếu vì lý do gì đó, cả đám người dự lễ hội trong nghĩa trang này ùn ùn chạy ra, thì chưa biết chuyện gì sẽ tới. Khi mới đến, tôi đã thấy bên ngoài ba xe cơ giới chở một tiểu đội lính võ trang M16 đang ở tư thế sẵn sàng, nếu có loạn họ dám bắn thiệt, chớ không bắn dọa đâu. Vì vậy tôi đặt bó bông lên một ngôi mộ nơi cửa vào nghĩa trang, và tự nhủ: về thôi, sẽ tìm xem trong YouTube. (Ghi chú: khi viết tới đây, tôi có lục tìm trong YouTube, nhưng rất ít clip quay trong năm nay, dưới đây là ảnh chụp màn hình – https://www.youtube.com/watch?v=LMDrAzr2LX8 , clip cho thấy thân nhân ngồi quanh các ngôi mộ tại nghĩa trang chúng tôi đã tới, được thắp sáng bằng đèn cầy, chuyện trò với nhau, có gia đình thuê cả ban nhạc tới hát bên cạnh giúp vui…).
Ba tuần lang thang ở Oaxaca là một trải nghiệm khó quên. Nhờ chuyến du lịch này, có những điều tôi hiểu lầm về Mexico nay đã được điều chỉnh lại. Như trước đây tôi vẫn nghĩ Mexico xưa kia là đất của dân Aztec, do truyền thuyết đã được ghi trên quốc huy Mexico và có in trên quốc kỳ: một vị thần báo cho dân Aztec biết là khi nào thấy con đại bàng quắp con rắn đậu xuống cây xương rồng, thì nơi đó sẽ là thủ đô của dân Aztec, đó là lý do vì sao có hình con đại bàng, con rắn và nhánh cây xương rồng trên lá cờ Mexico. Nay, qua du lịch, mới biết dân Aztec chỉ thống trị miền bắc và miền trung Mexico, khi họ tràn xuống vùng đất phía nam – trong đó có Oaxaca, thì ảnh hưởng của nền văn hóa này đã bắt đầu lụi tàn. Oaxaca chỉ chịu ảnh hưởng của Aztec khoảng 30 năm. Trong số 60-70 sắc dân sống trên vùng đất hiện nay là nước Mexico, ở Oaxaca người ta thấy còn khoảng 17-18 sắc dân, đông nhất và có ảnh hưởng nhất là dân Zapotec, sau đó tới dân Mixtec. Tại Viện bảo tàng Dệt May Oaxaca (Museo Textil de Oaxaca) ta có thể xem sự khác nhau trong y phục của 18 sắc dân này. Sát thành phố Oaxaca có phế tích Monte Albán, cố đô của dân Zapotec, nằm trên đỉnh núi, với những công trình kiến trúc bằng đá, trước kia là nơi dành cho việc thờ cúng và nơi chôn cất của giới quý tộc Zapotec, chỗ này có thể đi taxi tới. Đi xa hơn nữa, tới khoảng Hierve el Agua và khu làng có những lò rượu Mezcal là phế tích Mitlán, nhiều đền đài hơn và có cả hang động, cũng của dân Zapotec, xen lẫn với văn hóa Mixtec. Nơi này được cho là cửa ngõ đi vào cõi bên kia. Rất tiếc, cả hai nơi này chỉ có bảng chỉ dẫn bằng tiếng Tây Ban Nha và thổ ngữ Zapotec, và chỉ được phép đi vòng xa xa quanh các kiến trúc để nhìn. Nếu muốn tìm hiểu thêm, có thể tới viện bảo tàng văn hóa trong nhà thờ Santo Domingo, nơi một số cổ vật có liên quan tới văn hóa Zapotec tại Monte Albán đã được mang về triển lãm trong ‘Khu hầm mộ số 7’.
Phế tích Monte Albán
Điểm thứ hai là thấy được sự ghê rợn của phong trào tìm thuộc địa ở châu Mỹ. Ở Hoa Kỳ không cần kể lại, vì nhiều người đã biết. Ở Mexico, năm 1521 các đội quân conquistador Tây Ban Nha đã chiếm trọn đế quốc Aztec của vùng Bắc Mỹ sau nhiều cuộc chiến đẫm máu, trong 10 năm có tới 1 triệu người chết, cùng lúc với dịch đậu mùa, sởi và bệnh dịch hạch tàn phá vùng đất hiện nay là Mexico. Trong 100 năm kể từ 1520, dân số vùng này từ hơn 25 triệu, chỉ còn khoảng 700 ngàn, tức là chết 97%, đó là chưa điều chỉnh với sinh suất trong 100 năm đó!
Xã hội Mexico vốn là tập hợp của sáu bảy chục sắc dân, mỗi sắc dân hùng cứ một địa phương, trong đó chỉ có vài sắc dân nổi trội. Do đặc tính này, một cố gắng thống nhất rất khó thực hiện; mà khổ thay, người thống nhất lại thường có khuynh hướng làm giàu cho bản thân cùng tay chân bộ hạ của mình. Nạn tham nhũng cửa quyền do đó rất khó diệt trừ. Thống kê của Tổ chức Minh bạch Thế giới (Transparency International) năm 2021 đã xếp Mexico ở hạng 124/180 quốc gia được khảo sát (Việt Nam: 87/180, Hoa Kỳ: 27/180, 3 nước đầu bảng: Phần Lan, Đan Mạch và New-Zealand). Nạn tham nhũng cũng là một giới hạn cho ngành du lịch.
Một trở ngại lớn khác trong khi du lịch Oaxaca là ngôn ngữ. Người dân ở đây chỉ nói tiếng Tây Ban Nha, và rất ít có chỉ dẫn tiếng Anh. Ra khỏi thành phố Oaxaca sẽ nghe người dân nói tiếng thổ ngữ của họ. Trong vườn thảo mộc bản địa Jardín Etnobotanico, với cả rừng đủ loại cây agave và xương rồng – cây đặc trưng của Mexico, còn không có cả bảng ghi tên cây, khách vào thăm bị bắt buộc phải đi theo tour có hướng dẫn nói láp nháp, đa phần chỉ có tour tiếng Tây Ban Nha. City tour cũng chỉ có tiếng Tây Ban Nha, mỗi tuần 2 lần có tour nói tiếng Anh. TV trong các khách sạn chúng tôi ở đều chỉ có đài nói tiếng Tây Ban Nha, ngay cả CNN cũng là phiên bản Mễ. Nếu thông thạo tiếng Tây Ban Nha, tôi nghĩ sẽ phát hiện nhiều điểm tương đồng giữa người dân ở đây với người Việt Nam, vì sự phát triển của văn minh thế giới thường đi theo một tiến trình tương tự nhau. Nhưng vấn đề đó để cho bạn nào có dịp tìm hiểu sâu thêm. Bài này chỉ là kể lại những điều mắt thấy tai nghe nơi một vùng đất lạ.
Nguyễn Hiền