Sáng nay Con Cò nhận được thư của Khổng Viên, quản lý Vườn Thơ Đường, nguyên văn như sau:
Chú Con Cò
Đây là bức thư tình mà anh đã tìm giùm cho chú trong khóm Lý Bạch, Vườn Thơ Đường. Thư này của một người nữ gửi cho Lý Bạch. Nét chữ không phải của vợ Y. Không ký tên nên không rõ gốc tích của người gởi, chỉ biết rằng nàng là tình nhân của họ Lý. Dường như họ Lý đã dựa vào bức thư này để làm bài Cửu Biệt Ly. Anh gửi cho chú để tùy nghi sử dụng.
Khổng Viên.
Dưới đây là nguyên văn bức thư của y thị:
“Anh Bạch yêu dấu,
Anh xa em đã 5 năm rồi đó! 5 năm có lâu không anh? Nếu nghĩ rằng không lâu thì cứ làm một con toán nho nhỏ, lấy 20 tuổi xuân xanh của người con gái chia cho 5 thì anh sẽ biết (4 lần 5 năm là 20). Anh chỉ xa em 4 lần như vậy là hết đời xuân xanh của em. Huống chi, em đã dệt gấm thư đầy nước mắt gửi cho anh.
Nhớ anh đau đứt ruột. Mỗi cơn nhớ như một cơn bão tuyết xoáy trong lòng em. Năm ngoái anh viết thư hứa về. Năm nay em viết thư nhắc nhở. Anh vẫn biệt tăm. Anh như đám mây bay về Đông, càng bay càng xa em!
Em hận gió Đông lắm! Nó không thổi anh về Tây với em. Nó là cơn gió độc. Suốt 5 năm vừa qua, nó chỉ làm rụng hết hoa trong vườn em.
Em của anh”.
(Không ký tên)
Nguyên tác Dịch âm
久別離 Cửu Biệt Ly
別來幾春未還家 Biệt lai kỷ xuân vị hoàn gia,
玉窗五見櫻桃花 Ngọc song ngũ kiến anh đào hoa.
況有錦字書 Huống hữu cẩm tự thư,
開緘使人嗟 Khai giam sử nhân ta.
至此腸斷彼心絕 Chí thử trường đoạn bỉ tâm tuyệt,
雲鬟綠鬢罷梳結 Vân hoàn lục mấn bãi sơ kết,
愁如回飆亂白雪 Sầu như hồi phiêu loạn bạch tuyết.
去年寄書報陽臺 Khứ niên ký thư báo Dương Đài,
年寄書重相催 Kim niên ký thư trùng tương thôi.
東風兮東風 Đông phong hề đông phong
爲我吹行雲使西來 Vị ngã xuy hành vân sử tây lai
待來竟不來 Đãi lai cánh bất lai!
落花寂寂委蒼苔 Lạc hoa tịch tịch uỷ thương đài.
李白 Lý Bạch
***
Dịch nghĩa:
Từ chàng ra đi đã mấy xuân không về,
Trước cửa ngọc đã năm lần thấy hoa anh đào nở.
Huống lại có thư chữ gấm,
Mở ra khiến lòng đau xót.
Tới nay ruột đứt, lòng như cắt lìa,
Tóc mây quên bện, tóc mai biếng tết,
Buồn như cơn gió thổi tung tuyết trắng.
Năm trước đã gửi thư nhắn chốn Dương Đài,
Năm nay lại gửi thư giục giã.
Gió đông chừ gió đông!
Hãy vì ta thổi mây hướng tây bay về,
Đợi hoài mà vẫn chưa thấy người về,
Hoa rơi lặng lẽ phủ rêu xanh.
[Thi Viện]
Dịch thơ:
Xa Cách Lâu
Đã bao xuân chàng chẳng về nhà,
Cửa ngọc năm mùa đào nở hoa.
Huống có thư chữ gấm!*
Mở ra lòng xót xa.
Quặn lòng đứt ruột đau khôn xiết,
Tóc mây biếng chải tóc mai kết,
Buồn như cơn lốc thổi loạn tuyết.
Năm trước nhận thư nhắn Dương Đài,
Năm nay gởi thư giục về hoài.
Gió đông hề gió đông!
Thổi mây bay về tây kẻo ta mong
Hẹn về mãi vẫn không!
Hoa rơi âm thầm** xanh rêu phong.
*Đậu Thao đời Hán đi lính thú lâu năm không được về. Vợ là Tô Huệ dệt bức thư gấm dâng vua. Vua phục tài bèn hạ chiếu cho Đậu Thao về.
**Trong bản thảo là im lìm. Hoàng Xuân Thảo đề nghị sửa nên đã được sửa thành âm thầm.
Lời bàn của Con Cò
Bài thơ cổ phong13 câu này có 3 câu hóc búa gieo vần rất kỳ dị: các câu 5, 6, 7 dùng nhiều chữ vần trắc và gieo vần trắc, tả nỗi buồn đến phát khóc:
- Câu 5: Quặn lòng đứt ruột đau khôn xiết (Chí thử trường đoạn bi tâm tuyệt). Có 4 chữ vần trắc kể cả chữ cuối câu. Buồn muốn khóc.
- Câu 6: Tóc mây biểng chải tóc mai kết (Vân hoàn lục mấn bãi sơ kết). Cũng 4 chữ vần trắc kể cả chữ cuối câu. Sắp khóc rồi.
- Câu 7: Buồn như cơn lốc thổỉ loạn tuyết (Sầu như hồi phiêu loạn bạch tuyết). Tuy chỉ có 3 chữ vần trắc nhưng cả 3 chữ đều ở cuối câu. Bật khóc lên rồi.
Sau 3 câu gieo vần trắc kể trên (câu 5, 6, 7) là 6 câu liên tiếp gieo vần bằng, ngu ý rằng lúc này cô gái đã nín khóc và lau nước mắt để kể lể tiếp.
Gió đông thổi từ biển vào về mùa xuân, rất mát mẻ thoải mái. Nhưng thiếp hận nó vì nó không thổi chàng về với thiếp mà chỉ làm rụng hết hoa trong vườn của thiếp!
Tất cả 13 câu đều bình dị ngoại trừ câu 3 dùng điển thư gấm và câu 8 có chữ Dương Đài chỉ người vợ. Điều thú vị là đại ca Khổng Viên nghi rằng Lý Bạch đã phổ thơ bức thư của người tình.
Rất thắm thiết. Rất chân thành. Rất thê thảm.
Góp ý của Lộc Bắc
Con Cò có nhận xét về vần của bài Cửu Biệt Ly như sau: “Bài thơ cổ phong13 câu này có 3 câu hóc búa gieo vần rất kỳ dị: các câu 5, 6, 7 dùng nhiều chữ vần trắc và gieo vần trắc, tả nỗi buồn đến phát khóc”. Bài này làm theo kiểu trường đoản cú thi, khởi thủy của thể văn Từ; thể văn Từ sau phát triển thành một thể văn đặc biệt vào đời Tống gọi là Tống Từ, nổi danh trong văn học Trung quốc cùng với Hán Phú, Đường Thi, Nguyên Khúc… Từ là lời của bài hát nên các luật về thanh, vần rất nghiêm chỉnh không có bất luận như Đường luật. Từ có nhiều loại, gần cả ngàn loại dài ngắn khác nhau, gieo vần cũng khác nhau. Trong văn học Việt Nam còn lưu lại rất ít bài từ; một phần vì lề luật rất khó khăn, một phần vì không phải thi cử nên các nhà nho, học theo lối thực dụng, không lưu tâm lắm; Ngoài ra ngày xưa giai cấp thượng lưu coi khinh nghề ca hát, xướng ca vô loài. Có sách nói hát ả đào cũng bắt nguồn từ thể Từ, chỉ có vài nhà nho tính khí ngang tàng như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tản Đà… mới dám ghi tên trên bài hát nói của mình!
Con Cò phỏng dịch bài Cửu Biệt Ly rất công phu: tôn trọng số câu, số chữ, gieo vần… tuy vậy vẫn diễn tả bay bướm và đầy đủ ý của tác giả. Không dám đua với Con Cò, Lộc Bắc phải phá lệ phóng tác bài trên theo thể thơ lục bát của Việt Nam như sau:
Nhiều Năm Ly Biệt
Bao năm ly biệt xa nhà
Ngoài song năm bận nở hoa anh đào
Gấm thư vừa mới được trao
Mở ra ruột đứt, lòng đau chín chiều
Tóc tai rũ rượi tiêu điều
Buồn như tuyết loạn gió reo đêm dài
Gửi thư năm ngoái Dương Đài
Lại thêm giục giã năm nay thư về
Gió đông hề, hỡi gió đông
Vì ta hãy thổi mây giông trở về
Hứa về mãi chẳng thấy về
Hoa rơi lặng lẽ khuất che rêu thềm!
Lộc Bắc
Góp ý của Bát Sách Nguyễn Thanh Bình
Kính hai anh đầu nậu, hoặc cai gà: Hai anh vừa đưa bài, lại bắt góp ý liền tức thì, nên tuy cả ngày đi xoa, đêm phải thức khuya để làm nhiệm vụ!
- Cửu Biệt Ly là một bài thơ hay, nhưng anh Bảo cứ nhất định đó là bài Lý làm để tặng bồ, thì Bát Sách không đồng ý. Theo tiểu sử, thì Lý có tới 4 đời vợ, và chỉ có 4 con, tất nhiên việc chăn gối bị lơ là. Lý ham múa kiếm, du lịch cùng trời đất, làm thơ tối ngày, và rượu chè be bét lúc nào cũng say... Nhớ rằng Lý có làm bài thơ Tặng Nội để tỏ lòng hối hận, mà không sao tìm ra, bèn hỏi ông Gù (Google) thì ra ngay, nhờ còn nhớ cái tựa:
Tam bách lục thập nhật,
Nhật nhật tuý như nê,
Tuy vi Lý Bạch phụ,
Hà dị Thái Thường thê.
Ba trăm sáu chục ngày, ngày ngày say như con nê (mềm như bún) tuy là vợ Lý Bạch, đâu khác gì vợ Thái Thường (Thái Thường là chức quan của Chu Trạch đời Hậu Hán, chuyên coi sóc lăng miếu, nên phải trai giới rất kỹ, chỉ ngủ ở trai phòng, bỏ vợ ở một mình )
Trong những bài dịch trên Google, bài của Mai Lang là hay nhất:
Ba trăm sáu chục bữa,
Bữa bữa say như tương,
Tuy đã vợ chàng Lý,
Khác chi vợ Thái Thường.
Bát Sách nghi Cửu Biệt Ly cũng là một bài mà Lý nói giùm nỗi lòng của vợ, chứ không phải của bồ.
- Bài dịch của Con Cò hay lắm, nhưng phải công nhận, gừng càng già càng cay: Anh Khôi đề nghị thay hai chữ lặng lẽ bằng âm thầm, làm bài dịch của Con Cò thêm phần giá trị.
- Xin nói thêm về bài thơ thường được gọi là "Chức Cẩm Hồi Văn" thêu trên gấm, đọc xuôi đọc ngược gì cũng thành thơ, của Tô Huệ.
- Từ hồi còn trẻ, khi Bát Sách còn học lớp đệ tam Chu Văn An, Chinh phụ ngâm nằm trong chương trình Việt Văn, đã mê áng văn chương này, một phần vì bản chữ Hán đã hay, bản dịch thì tuyệt; mà lúc đó, chiến trường đang sôi động, gia đình nào cũng có một vài người đi lính, Chinh Phụ Ngâm đã nói đúng tâm trạng của bao nhiêu người vợ. Đặng Trần Côn đã dùng ý của bài Cửu Biệt Ly này:
Huống hữu cẩm tự thư...
Đãi lai cánh bất lai,
Lạc hoa tịch tịch uỷ thương đài.
Và viết:
Tín lai nhân vị lai,
Dương hoa linh lạc ủy thương đài.
Bà Đoàn Thị Điểm đã dịch:
Tin thường lại, người không thấy lại,
Hoa dương tàn đã trải rêu xanh..
Bát Sách Nguyễn Thanh Bình.
Góp ý của Huỳnh Kim Giám
Có vài từ trong bài thơ mà không thấy các người dịch giải thích nên xin nói đến :
- 錦=cẩm, tiếng Việt là gấm là một thứ hàng lụa đặc biệt thời xưa chỉ hoàng gia được dùng và do những thợ dệt chỉ sản xuất cho triều đình. Các hoa văn trên cẩm-gấm được dệt vào trong tấm lụa chứ không phải là thêu vào sau. Đây là công việc của đàn bà nên từ cẩm thư cho ta hiểu rằng thư gởi đi từ người đàn bà chứ không phải là người đàn ông. Và như thế bài thơ do Lý Bạch viết kể tâm sự của người ở nhà.
- 人= nhân trong câu bốn nói dến người nhận thư và hàm ý hy vọng rằng người nhận sẽ đau lòng mà chịu trở về.
- 回飆= hồi tiêu là gió lốc cuốn (whirlwind), và hai từ này gợi ý tâm sự cũng xoay vần như ngoại cảnh mùa đông.
- 東風= đông phong trong thơ phú có nghĩa là gió xuân, nhưng cảnh bên ngoài là của mùa đông nên cụm từ này gợi ý người ở lại hy vọng sẽ thấy chàng khi xuân về.
- Chữ 陽= dương của 陽臺= Dương Đài có một nghĩa là hướng nam, và có hai tên Dương Đài, một ờ Hán Xuyên, Hồ Bắc, một ở Vu San, Tứ Xuyên, và từ Dương Đài trong bài này nói về thú mây mưa, ám chỉ rằng chàng ta đang có bồ nơi khác.
- Gốc điển cố của dương đài là : đây: 宋玉《高唐赋》:昔楚襄王游 雲梦之夢神女曰:“妾在巫山之陽,高邱之阻。旦爲 朝 雲,暮爲 行雨。朝朝暮暮, 陽臺之下。”
Tống Ngọ《 Cao Đường phú 》: tích Sở Tương Vương du Vân Mộng chi trạch, mộng thần nữ viết:“ thiếp tại Vu San chi dương,Cao Khâu chi trở。 đán vi triêu vân,mộ vi hành vũ。 triêu triêu mộ mộ,dương đài chi hạ 。 ”
(Tiện thiếp ở phía Nam Vu sơn, cách Cao Khâu, ban mai đầy mây buổi sáng, ban chiều đầy mây bay. Sáng sáng chiều chiều, ở dưới lan can.)
Huỳnh Kim Giám