Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Đi Giữa Phố Xưa - Thơ Khiếu Long - Nhạc Trần Chương Lương


Thơ: Khiếu Long
Nhạc: Trần Chương Lương
Hòa Âm: Phan Thanh Hùng
Ca Sĩ: Duy Linh

Gọi Hồn Xứ Việt



( Kính tặng Bác Vũ Hối - Kỷ niệm Xuân 2011)

Melbourne rực rỡ hoa lòng
Rồng bay Phượng múa trời hồng Úc Châu
Vườn thơ tô điểm muôn màu
Ai đem nét bút lộn nhào thời gian

Cảo thơm Vũ Hối vang vang
Gọi hồn xứ Việt sang trang sử đời
" Việt Nam quê Mẹ ta ơi
Trong từng nhịp thở đất trời trở trăn" (*)

Lời tình con chữ giăng giăng
"Vân tự" lơ lững băn khoăn lữ hành
" Thủy tự" vượt sóng chòng chành
" Phong tự" hương gió thơm lành vấn vương

" Hoả tự" hừng hực yêu thương
" Trúc tự" bay lượn quê hương khải hoàn
Cảm ơn Người đôi tay vàng
Lấp sông vá biển giang san chẳng dời.

Kim Oanh
(* )Cảm xúc với lời thơ của Bác Vũ Hối viết tặng Kim Oanh - Melbourne 15/02/2011

Lộc Vừng Mùa Hạ


 (Ảnh Hoa Lộc Vừng- Lê Đăng Mành)

Xướng: Lộc Vừng Mùa Hạ

Muôn đời an phận cùng quê
Nghiêng bên lùng lác dẫu thê thiết chiều
Nõn nà sương tẩm phiêu diêu
Không đài các cũng đượm kiêu sa màu

Mùa bông nở giữa bể dâu
Thu đông tê tái hạ đau đớn lùa
Sắc vô ưu mặc gió mưa
Thả chùm rừng rực đong đưa vô thường

An nhiên sống giữa ruộng đồng
Mọc cây bát ngát vít mông quạnh đùa
Chưa hề nứt nụ hơn thua
Mặc hoa kẻ chợ chìa đưa đón người

Bên đàn trâu tựa thảnh thơi
Chiều gom chuổi hạt sáng tươi tắn xòe
Gió quăng xác đỏ triền đê
Phong tư nhàn nhã đượm quê quán mình

Như Thị - Lê Đăng Mành
***

Các Bài Họa:
Đẹp Lắm Lộc Vừng Ơi..!

Lộc Vừng tô điểm làng Quê.
Đất Cây đã kết phu thê sớm chiều.
Bạn cùng gió phất mây diêu.
Thắm bông rực rỡ thêm kiêu sắc màu.

Mặc tình bãi bể nương dâu..
Thu buồn đông lạnh hạ đau bão lùa.
Càng thắm tươi giữa sương mưa.
Ngời bao đóa lửa hương đưa khác thường.

Gắn cùng thôn xóm nương đồng.
Cây xanh chim hót mênh mông nắng đùa.
Chùm bông đồng nội chi thua...
Ngàn hoa phô sắc đón đưa tay người.

Ung dung thả bóng dòng thơi
Chào vầng dương ấm nụ tươi nở xòe.
Gió đùa rắc cánh ven đê.
Cỏ xanh điểm đỏ đẹp quê hương mình

Trần Lệ Khánh
15-7-2017
***
Lộc Vừng

Khiêm nhường bình dị hoa quê
Thưởng trăng giỡn gió thỏa thê sớm chiều
Khuất mình lá mảnh bông diêu
Bừng trong nắng mật "thầm kiêu" sắc mầu.

Cũng đời bãi bể nương dâu
Cũng thân chìm nổi sầu đau sương lùa!
Từ trong dầu dãi nắng mưa
Bung ra chồi nụ đung đưa...đời thường.

Chìm trong hương ngát nội đồng
Mút tầm cò lả mênh mông gió đùa!
Cần chi mày mặt được thua
Hay gì ngã giá đong đưa thói người(!?)

Hòa muôn cây cỏ thanh, thơi
xúng xa xúng xính nụ tươi nở xòe
Thắm đằm triền bãi ven đê
Lộc vừng ủ ấm hồn Quê Hương mình!

Hạ 2017 
Nguyễn Huy Khôi
***
Lộc Vừng Tình Quê

Bếp nhà yên ả miền quê
Từng soi bóng chụm phu thê sớm chiều
Một thời ta kiếm bông diêu
Ngờ đâu đời nỡ tự kiêu hương màu

Để rồi đau đáu ngàn dâu
Mưa chan phên dậu rét đau gió lùa
Bây giờ mưa xối mặc mưa
Đêm tàn hương vẫn còn đưa lạ thường

Cùng ai thắm trải bên đồng
Mặc ai khoe mẽ cành mông cợt đùa
Chẳng tự ti dẫu còn thua
Cùng vui tình bạn từng đưa nghĩa người

Trăng vàng dõi bóng giếng thơi
Càng xinh chuỗi ngọc càng tươi nụ xòe
Gái trai nườm nượp bờ đê
Lộc vừng dào dạt tình quê đất mình.

Phan Tự Trí
***
Loài Hoa Thôn Dã

Hiền hoà sống giữa làng quê
Vui đùa bắt bướm thoả thê mỗi chiều
Kiếm tìm hái lá bông diêu
Lại thương chùm rũ nét kiêu đậm màu

Nhân gian trải bước ngàn dâu
Bao mùa đón nhận nỗi đau ập lùa
Xoay vần nước , lửa , bão , mưa
Nghĩa chi mấy đoá dập đưa đời thường

Duyên theo mọc giữa cánh đồng
Ngắm Trăng , hứng cảnh mênh mông hoà đùa
Chẳng màng so sánh hơn thua
Khoe nhau bày chợ bán mua mời người

Giữa trời đất sống lơi thơi
Đêm khuya khép nép sáng tươi bung xoè
Gió lay xác đỏ đường đê
Lộc Vừng góp ý nghĩa thêm quê mình 

Minh Thuý
Tháng 7_2017
***
Em Cũng Là Hoa

Em hoa mộc mạc chân quê
Đong đưa trước gió thỏa thê nắng chiều
Đêm trăng giỡn bóng tiêu diêu
Liêu trai uống mộng dáng kiêu đẹp màu

Thời loạn trôi giữa biển dâu
Ba chìm bảy nổi thương đau sóng lùa
Tan tác gục ngã trong mưa
Định mệnh phủ xuống đẩy đưa thất thường

Gắng gượng da sắt mình đồng
Vượt qua biến động mênh mông cợt đùa
Kiên cường nhất dạ chẳng thua
Can qua thân dẫu xuôi đưa xứ người

Tự do cuộc sống thảnh thơi
Tương lai rực sáng thắm tươi cánh xòe
Bay về làng cũ bờ đê
Giấc mộng ấp ủ tình quê hương mình

Kim Oanh
***
Về Nhé Mưng Ơi! 

Nghiêng mình đỏ thắm đường quê
Đong đưa nhè nhẹ lê thê gió chiều
Lộc Vừng mơ thú tiêu diêu
Chùm hoa e ấp chẳng kiêu rực màu

Bóng người đã khuất ngàn dâu!
Có hay thôn vắng nhành đau gió lùa?
Bao lần tắm gội dưới mưa
Sắc xanh mơn mởn dáng đưa lạ thường!

Bình minh chào đón cánh đồng
Đàn chim xoải cánh mênh mông nô đùa
Tâm nào dám nghĩ được thua
Nhụy hoa toả ngát hương đưa tặng người!

Gọi thầm nầy hỡi giếng thơi
Ngắm bông nở rộ đài tươi cánh xoè
Một lần ta ghé bờ đê
Hỏi mưng có đợi về quê với mình? 

Như Thu
***
Cây Vông Đồng 

Trơ vơ giữa cánh đồng quê
Bao la nắng sớm lê thê mưa chiều
Không như danh ảo lá diêu
Mượn lời đỏm dáng làm kiêu sắc màu

Lớn cùng ruộng lúa nương dâu
Từng cơn bão tố xoắn đau dập lùa
Vông đồng chở nắng che mưa
Làm nơi trú ngụ đón đưa dân thường

Dẫu thân lặng lẽ ngoài đồng
Mà lòng phơi phới mênh mông chơi đùa
Vô tranh chẳng thắng,chẳng thua
Chỉ mong chốn trọ còn đưa bước người

Hoàng hôn vẫn dáng thanh thơi
Bình minh nắng rạng lại tươi ánh xòe
Cánh đồng ngút ngát con đê
Đi vào muôn thuở hồn quê của mình

Lý Đức Quỳnh
***
Liễu Bên Hồ 

Xanh xanh liễu rũ miền quê
Là đà chạm đất lê thê nắng chiều
Mặt hồ phản ảnh bóng diêu
Giọt sương lóng lánh như khiêu khích màu

Rừng cây biến đổi vườn dâu
Lá tươi muôn thuở chẳng âu gió lùa
Bốn mùa tuyết lạnh nắng mưa
Hàng cây lặng lẽ đu đưa lạ thường

Lang thang khắp cả cánh đồng
Mặc cho sóng nước bên sông cợt đùa
Chẳng bao giờ héo hắt thua
Quanh năm đứng đó để đưa đón người

Lơ thơ phủ xuống đồi mơ
Ghẹo trêu hoa dại xinh tươi nở xòe
Một đàn cò trắng bờ đê
Làm ta tưởng nhớ đến quê hương mình! 

NS-CANADA


Thoảng Chút Suy Tư


 

Đời người, thân thể mình là quý giá nhất, nhất định đừng thẹn với mình. Tâm tình mình là trân quý nhất, nhất định đừng phá hỏng. Sinh mệnh của mình là trân quý nhất, nhất định đừng lãng phí…

Con người sinh ra có người Phước nghiệp tốt, có xe, có nhà, còn có tiền. Có người sinh ra đã là mệnh mỏng, không ai để ý, không ai chăm sóc, không ai dựa vào. Thế nhưng, bất luận sau này như thế nào, cũng đừng nên xem nhẹ bản thân mình. Kiên trì nhiều hơn, nỗ lực nhiều... hơn thì nhất định sẽ đưa mình đến nơi cao nhất. Bất luận tình huống gì cũng đừng bỏ cuộc, sự đời thay đổi vô thường, rồi sẽ có một ngày ta thành người xuất sắc.

- Có tiền chưa hẳn trên mặt có nụ cười, nổi khổ của họ ta không thể nào biết được .
Không có tiền chưa chắc mỗi ngày đều không tốt, niềm hạnh phúc của ta là tự tâm ta biết rõ.
Ăn mặc sang trọng thì đã sao, bình bình giản dị thì như thế nào? Chỉ cần ta biết đủ, thì cái gì cũng không thiếu.
Áo gấm cơm ngọc có thể làm gì, trà thô cơm nhạt thì có làm sao? Chỉ cần ta vui vẻ, thì cái gì cũng không thiếu.

Tiền là gì? 
Tiền là do người kiếm được, cũng là để cho người tiêu xài. Ăn uống tiết kiệm để dành nhiều tiền, thấy món đồ mình thích cũng không dám mua, sống như vậy thiếu hay không thiếu. Vất vả kiếm tiền thật nhiều, cuối cùng tiền còn người mất, sống như vậy có đáng giá hay không?

Nhà là cái gì? 
Nhà là nơi để ta ở, không phải là gánh nặng, mỗi tháng còn phải trả nợ, sống như vậy áp lực thật lớn. Sống mà lúc nào cũng phải để tâm vào những thứ đó, như vậy trong tâm có mệt hay không? Nhà không cần lớn hay nhỏ, chỉ cần thoải mái dễ chịu. Nhà không quan trọng ở vị trí tốt hay xấu, mà chỉ cần có hoa có cỏ.

Xe là gì? 
Xe là phương tiện đi lại của con người, không phải là thứ để lấy ra khoe khoang. Ngồi xe điện, không hẳn là không có tiền gửi ngân hàng. Mua xe sang trọng chưa hẳn là không đi vay ngân hàng. Có loại xe gì không quan trọng, quan trọng là không nợ nần. Mua xe gì không quan trọng, quan trọng là đi được an toàn.

Cuộc sống là gì? 
Cuộc sống không nhất định là phải đại phú đại quý, mà là cần sống sao cho có ý nghĩa.

Hạnh phúc là gì? 
Hạnh phúc không nhất định phải so sánh với người khác, mà là chậm rãi dùng tâm cảm nhận.

Vui vẻ là cái gì? 
Vui vẻ không nhất định do người khác tạo nên, mà là cần chân thành từ nội tâm mình.

Nhiều lắm trăm năm một kiếp người
Đến rồi ai cũng phaỉ đi thôi
Hãy sống sao cho đầy ý nghĩa
Để buổi xuôi tay miệng mỉm cười...


Như Nhiên- T T Tuệ
​Lê Bửu Trân sưu tầm​

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Tưởng Nhớ Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm - Quýdenver


Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, tác giả “Gọi Người Yêu Dấu,” 
Sinh ngày 30 Tháng Sáu năm 1930 tại Nam Định. 

Ông gia nhập quân đội năm 1951, theo học khóa 1 trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, cấp bậc cuối cùng là Trung Tá, Huấn Luyện Viên Tiếp Vận, Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Đà Lạt- Long Bình, quân đội VNCH.

Ông vừa qua đời tại San Jose, miền Bắc California, vào sáng Thứ Hai, 24 Tháng Bảy 2017, hưởng thọ 87 tuổi.


Trong một khu vườn trăm hoa đua nở, thông thường những bông hoa sặc sỡ, hương thơm ngào ngạt hoặc có một kích thước dễ được nhìn thấy, thường được tự phô bầy ngay trước mắt khiến mọi người có thể nhận thức được ngay khi mới bước vào vườn hoa.Còn có những loài hoa với hương thơm nhẹ diụ quyến rũ và với những mầu sắc hài hoà thanh nhã, tuy đã hiện hữu cùng với những loài hoa khác, nhưng loài hoa hiếm quí này không dễ gì mà thấy chúng dễ dàng được? 

Trong vườn hoa âm nhạc, Vũ Đức Nghiêm là một trong những loài hoa hiếm quí ấy. Nhạc cuả ông thanh nhã, tiết điệu rất tuyêt vời, không quá cầu kỳ để trở thành diêm dúa lố bịch, nhưng cũng không giản dị mộc mạc thái quá để dễ bị đồng hoá với hình ảnh của người "nhà quê đi guốc mộc". Nhạc của Vũ Đức Nghiêm có một sức quyến rũ lạ thường rất dễ thông cảm, càng nghe càng thấm thía và thích thú. Nhạc cuả Vũ Đức Nghiêm không ồn ào xô bồ, mà lãng đãng như mây trời, có khi như tiếng suối reo, có khi ầm ì như sóng biển vỗ trên ghềnh đá và đôi lúc tuôn trào như thác lũ. Cũng có chút thoáng buồn nhưng không cay đắng. Bằng thanh âm trầm bổng trong tiếng nhạc Vũ Đức Nghiêm đã diễn tả tài tình một "Tình Yêu" thanh nhã, thật lãng mạn nhưng cũng không kém đam mê. Tình yêu qua nhạc Vũ Đức Nghiêm quả thật là những bông hồng, những nụ hồng hiếm, thật đẹp, trân quí và nồng nàn cho "người yêu dấu". 

Vũ Đức Nghiêm, một tên tuổi đi vào lòng người không bằng xảo thuật cuả thương trường âm nhạc, không bằng những quảng cáo ồn ào nặng mùi thương mại, mà bằng những nét nhạc trong sáng, nhẹ nhàng đầm ấm, rất dễ ru hồn người vào những cơn mộng ảo của "Tình Yêu."... 

Trích bài viết của Hương Kiều Loan
Thực Hiện: Quýdenver

Chút Bâng Khuâng! - Giấc Mơ Đồng Tháp



Bài Xướng: Chút Bâng Khuâng!
(Tung hoành trục khoán)

Đồng Tháp oai hung nghinh mặc khách
Cửu Long phong phú tiễn tao nhân (*)

Đồng khô cỏ cháy biết bao lần
Tháp phủ rêu mờ đổ trước sân
Oai dũng tổ tiên dường phảng phất
Hùng anh hậu bối bỗng phân vân
Nghinh chào đổi xác hồn sông núi
Mặc niệm  lưu danh tiếng phúc Thần
Khách đến reo mừng rơi nước mắt
Cửu Long phong phú tiễn tao nhân.

Cao Linh Tử
16/7/2017
(*)Cặp đối cỗng chào năm xưa tại Châu Thành Cao Lãnh
***
 Bài Họa:

Giấc Mơ Đồng Tháp
Đồng Tháp oai hung nghinh mặc khách
Cửu Long phong phú tiễn tao nhân 

Đồng
 sâu đất trũng nước phèn dâng
Tháp cổ từng lưu vết rạng ngần
Oai vệ vươn mình chăm đất ruộng
Hùng thiêng vượt bóng phủ vùng sân
Nghinh nguồn nắng mới trời mơ biển
Mặc áo ngàn xưa vóc hiện thần
Khách đến mời vui hòa cảm nhận
Cửu Long phong phú tiễn tao nhân.

Mai Thắng
 170717

Đây Miền Phong Nhã



(Tung hoành trục khoán)

Đồng Tháp hữu tình nghinh mặc khách
Vĩnh Long hoà nhã quí tao nhân

Đồng song xướng hoạ biết bao lần
Tháp bút thi đề trải mấy sân
Hữu ý thảo từ đây phượng vũ
Tình nồng cú pháp nọ hành vân
Nghinh phong dưới các chờ tri kỷ
Mặc thuỷ nơi nghiên đợi nét thần
Khách viễn phương ơi về gặp gỡ
Vĩnh Long hoà nhã quí tao nhân.

Quên Đi


Cuộc Sống Quê Nghèo



(Tung hoành trục khoán)

Quê tôi nghèo,việc đồng lam lũ
Sống nhọc nhằn chỉ đủ sắn khoai

Quê mẹ mong chờ ánh nắng mai
Tôi yêu đất nước mãi u hoài
Nghèo nàn bám víu đời cơ cực
Việc kiếm miếng cơm tạm mỗi ngày
Đống áng nặng nề ai thấu hiểu ?
Lam chiều vây kín phủ bờ vai
Lũ về quét sạch niềm hy vọng
Sống nhọc nhằn chỉ đủ sắn khoai

Song MAI Lý Lệ

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Thơ Tranh: Nghe Trong Khói Thuốc



Thơ: Chân Diện Mục
Thơ Tranh: Kim Oanh

Từng Cơn Ác Mộng



Lại những ngày dài lê thê
Từng cơn ác mộng trở về đêm đêm
Chập chờn giấc ngủ lênh đênh
Nổi chìm trong cõi bồng bềnh nguợc xuôi
Thời gian cứ lạnh lùng trôi
Từng giây, từng phút qua rồi lại qua
Nguời xa, nguời thật đã xa
Một mình tôi giữa bao la, mịt mùng
Tìm đâu, trời đất vô cùng
Thiên thai, hải giấc trùng trùng gió lên

Khánh Hà
***
Tiếng Lòng Thống Thiết
(Dòng cảm xúc từ thơ Khánh Hà)


Như tiếng nhạn côi kêu nhớ bạn
Âm vang thống thiết xé lòng người
Lứa đôi bất hạnh không tròn lối
Để góc trời xa vắng nụ cười

Anh Tú
July 30, 2017

Chiều Nhớ Tình Nhân - Thơ Hoài Ziang Duy - Nhạc Vĩnh Điện


Thơ: Hoài Ziang Duy
Nhạc: Vĩnh Điện
Ca sĩ: Đông Nguyễn
Thực Hiện: Tranai2008

Độc Ẩm



Độc Ẩm

Nửa chén trăng bên trời độc ẩm,
Một mình ngồi ngơ ngẩn cùng đêm.
Sao khuya rơi rụng trên thềm,
Kêu sương tiếng quạ cho mềm nhớ nhung.

Sương mờ rơi mông lung đêm vắng,
Tiếng dương cầm càng lắng càng hay.
Đàn lòng thổn thức từng dây
Nỗi niềm tri kỷ như đầy như vơi.

Đêm thanh vắng tiếng rơi hoa lá,
Xao xuyến lòng, khuấy cả hồn đêm.
Bên hè tiếng gió như rên,
Ai đem sương trắng nhuộm thêm mái đầu.

Trăng ngả nghiêng ly sầu mãi rót,
Xuân rồi hạ nối gót thu phong.
Thời gian nhanh quá lạnh lùng,
Người vui trên ấy có còn làm thơ?

Mailoc
***
Các Bài Họa:

Độc Ẩm


Sau cuộc chiến lấy ai đối ẩm
Binh lửa làm trăng ngẩn ngơ đêm
Ánh mờ loáng thoáng qua thềm
Sương khuya dầy phủ cho mềm y nhung

Trăng ướt đẫm ánh lung linh vắng
Tiếng tơ chùng trầm lắng nào hay
Nâng đàn nắn phím so dây
Men cay độc ẩm mới đầy lại vơi

Cung buồn nhả rớt rơi trên lá
Như âm xưa vọng cả màn đêm
Não nề tiếng vạc kêu rên
Tàn rồi chinh chiến tóc thêm trắng đầu

Đàn vẫn tấu chén sầu vẫn rót
Tri âm ơi ôi gót rêu phong
Gặp chăng vào giấc mơ lùng
Bóng người đâu thấy chỉ còn tiếng thơ.

Quên Đi
***
Đối Ẩm

Không tri kỷ lấy ai đối ẩm
Ngồi một mình ngớ ngẩn tàn đêm
Ứớc gì chân nhẹ trước thềm
Cho thôi khắc khoải môi mềm mắt nhung

Mượn chén cay nghĩ lung canh vắng
Khúc u trầm sâu lắng có hay
Tim đau oằn xuống sáu dây
Gửi niềm tâm sự khi đầy lúc vơi

Tiếng khoan nhặt rớt rơi trên lá
Lẫn vào hồn buốt cả sương đêm
Thương vay gió rít cứ rên
Thời gian nhuộm thấm tóc thêm trắng đầu

Bầu rượu cạn giọt sầu mãi rót
Mong ngày về phủ gót rêu phong
Liêu trai mộng giấc lạ lùng
Thiên thu chốn ấy người còn yêu thơ

Kim Phượng
***
Đối Ẩm


Gió se buồn tìm quên đối ẩm
Ngọc Lan hương đọng ngẩn ngơ đêm
Trăng hoa bóng phủ xuống thềm
Ghé hôn âu yếm mi mềm tóc nhung

Hạnh phúc lệ đêm lung linh vắng
Lòng rộn ràng êm lắng người hay
Tình yêu xâu chuổi thành dây
Bắt cầu Ô Thước tình đầy khó vơi

Tháng Bảy mưa rơi xanh lá
Hai tâm hồn bừng cả giấc đêm
Quên thời gian chẳng sầu rên
Niềm vui chan chứa thấm thêm đôi đầu

Rượu tâm giao cùng trao cùng rót
Ao ước mùa dời gót đông phong
Yêu thương huyền dịu lạ lùng
Muôn trùng cách biệt tình còn trong thơ!

Kim Oanh
***
Các Bài Cảm Tác:

Đối Ẩm Trong Mơ


Mơ sẽ lại cùng ai đối ẩm
Trước hiên nhà vui ngắm quỳnh đêm
Sương rơi thấm đẫm bên thềm
Dòng trăng tuôn chảy trên triền cỏ nhung.

Lá rơi rụng mông lung vườn vắng
Gió lên rồi lòng vẫn không hay
Bạn xưa dường vẫn đâu đây
Bao nhiêu kỷ niệm tràn đầy khó vơi.

Như có bước chân ai trên lá
Hơi thở gần ấm cả trời đêm
Kề vai tâm sự nỗi niềm
Sợi thương sợi nhớ bạc thêm trên đầu.

Chén hội ngộ quên sầu xin rót
Rượu tương phùng tựa giọt mật phong
Ngọt say thấm đượm lạ lùng
Vẫn như ngày trước, ta cùng đọc thơ.

Phương Hà
***
Nhớ Bạn Tri Âm

Vắng bạn tri âm ai đối ẩm
Rượu còn nguyên lẩn thẩm qua đêm
Mảnh trăng rớt xuống bên thềm
Hồ sen bán nguyệt gối mềm bọc nhung

Sương giăng đất lạnh lùng khuya vắng
Người đi xa cay đắng ai hay
Nâng đàn ta khảy đứt dây
Nhớ thương tri kỷ đêm ngày chưa vơi

Thoáng nghe cành gảy rơi nhánh lá
Giật mình tỉnh mộng quá nửa đêm
Ai còn nức nở khóc rên
Trong mơ gặp bạn đôi bên trắng đầu

Chiêm bao chén lệ sầu tay rót
Cách biệt lâu vàng vọt rừng phong
Âm dương cách biệt truy lùng
Chẳng hay thượng giới bạn cùng tiên thơ ?

Mai Xuân Thanh
Ngày 09 tháng 07 năm 2017
***
Gọi Người Đối Ẩm

(Để tưởng nhớ Thầy Quang Tuấn)

Gọi tri âm cùng ta đối ẩm
Kể chuyện đời,suy gẫm thâu đêm
Trăng khuya rọi sáng bên thềm
Để cho cạn hết nổi niềm nhớ nhung.

Kể từ lúc lao lung bóng vắng
Thiếu thơ người cũng chẳng ai hay !
Vậy mà,quanh quẩn đâu đây
Hương thơ phản phất khi đầy khi vơi

Nhiều lúc thấy sao* rơi trên lá
Tưởng hơi người đang phả hương đêm
Côn trùng rỉ rả như rên
Ngỡ hồn thơ củ đượm thêm buổi đầu

Có những lúc đeo sầu trót rót
Niềm ưu tư như giọt mưa phong
Ước mơ chi quá lạ lùng !
Người đâu đến được,chỉ còn có thơ

Song Quang
7/10/17
***
Độc Ẩm

Nửa chén bên trời độc ẩm,
Một mình ngơ ngẩn trong đêm.
Sao khuya rơi rụng bên thềm,
Tiếng qụa kêu sương gợi nhớ.

Mông lung sương mờ đêm vắng,
Đàn lòng thổn thức từng dây.
Dương cầm nhà ai sâu lắng,
Nỗi niềm tri kỷ ai hay?!

Vắng tiếng đêm thanh hoa lá,
Xuyến xao khuấy cả hồn đêm.
Như rên bên hè tiếng gió,
Mái đầu sương trắng nhuộm thêm!

Trăng ngã nghiêng ly mãi rót,
Xuân qua hạ nối thu đông.
Người còn làm thơ trên ấy,
Có còn vui thấy đông phong?

Đỗ Chiêu Đức

Về Miền Tây - Phần 2



Đến thời Pháp thuộc, sau khi xâm chiếm toàn bộ Nam Kỳ, chúng chia vùng này ra làm 20 tỉnh để dễ bề kiểm soát. Pháp chia Biên Hòa ra làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Biên Hòa (một phần của phủ Phước Long cũ), Bà Rịa (phủ Phước Tuy cũ), và Thủ Dầu Một (một phần của phủ Phước Long cũ); chia Gia Định làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Tây Ninh (phủ Tây Ninh cũ), Chợ Lớn (một phần của phủ Tân Bình cũ), và Gia Định (một phần của phủ Tân Bình cũ); chia Định Tường ra làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Mỹ Tho (huyện Kiến Hưng cũ), Gò Công (huyện Kiến Hòa cũ), và Sa Đéc (huyện Kiến Đăng cũ); chia tỉnh Vĩnh Long cũ ra làm ba (04) tỉnh gồm Vĩnh Long (phủ Định Viễn cũ), Bến Tre (phủ Hoằng Trị và phủ Hoằng An cũ), Trà Vinh (phủ Lạc Hóa cũ), và tỉnh Tam Cần (một phần vùng Trà Ôn thuộc phủ Lạc Hóa và một phần vùng Cần Thơ thuộc Trấn Giang); chia tỉnh An Giang ra làm ba (02) tỉnh gồm Long Xuyên và Châu Đốc; chia tỉnh Hà Tiên cũ ra làm bốn (04) tỉnh gồm Long Xuyên (phần đất Cà Mau thuộc huyện Long Xuyên cũ), Hà Tiên (huyện Hà Châu cũ), Rạch Giá (huyện Kiến Giang cũ), và Bạc Liêu (một phần đất của huyện Long Xuyên cũ).

Về sau vì nhu cầu trị an, Pháp lại cắt một phần của tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên ra để sáp nhập vào hai tỉnh An Giang (tỉnh Long Xuyên bây giờ) và tỉnh Châu Đốc. Sau đó ít lâu thì tỉnh Tam Cần bị xóa tên và sáp nhập vào tỉnh mới thàngh lập là Cần Thơ (gồm quận Trà Ôn và một phần Trấn Giang cũ). Cũng trong thời gian này Pháp cho thành lập tỉnh Sóc Trăng (lấy từ một phần đất của Bạc Liêu). Năm 1944, khi Nhật đã chiếm đóng toàn bộ Việt Nam, vì lý do an ninh, họ bắt người Pháp thành lập thêm tỉnh Tân Bình ở vùng Gia Định, lấy một phần đất của Gia Định, Thủ Thiêm và Nhà Bè để thành lập, và tỉnh lỵ đặt tại Tân Bình, tuy nhiên, sau khi Nhật thất trận, năm 1946 thì tỉnh Tân Bình lại bị xóa tên.

Trong thời Đệ nhứt Cộng Hòa, tỉnh Hà Tiên trở thành quận và sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá. Năm 1956, vì nhu cầu trị an và hành chánh, Tổng Thống Ngô Đình Diệm lại cắt tỉnh Biên Hòa ra để lập thêm 3 tỉnh mới nữa là Long Khánh (phần đất của quận Xuân Lộc), Phước Long (quận Bà Rá) và Bình Long (quận Hớn Quản). Cùng năm ấy, Hà Tiên và Phú Quốc bị sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang). Năm 1959, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cắt quận Tân Uyên, Hiếu Liêm và Phú Giáo của tỉnh Bình Dương để thành lập tỉnh Phước Thành. Cũng năm đó, Bà Rịa được nhập vào Vũng Tàu để thành tỉnh Phước Tuy. Cùng năm ấy, tỉnh Sa Đéc bị tách phần tả ngạn sông Tiền Giang ra để thành lập tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh), sau đó chính quyền lại lấy một phần của Tân An và một phần của Kiến Phong để thành lập tỉnh Kiến Tường (Mộc Hóa). Năm 1963 (ngày 15 tháng 10) chánh quyền cho thành lập hai tỉnh Chương Thiện và Hậu Nghĩa. Tỉnh Hậu Nghĩa gồm các quận Đức Huệ, Đức Hòa (tách ra từ tỉnh Long An), Củ Chi (tách ra từ tỉnh Bình Dương) và Trảng Bàng (tách ra từ tỉnh Tây Ninh). Tỉnh Chương Thiện gồm các quận Đức Long (khu trù mật Vị Thanh cũ), Long Mỹ, Kiên Hưng (Gò Quao), Kiên Long và Kiến Thiện. Có lẽ ngày đó người Pháp muốn dễ dàng kiểm soát tàu bè đi lại trên sông rạch miền Nam nên chúng đã đặt số cho từng tỉnh một và bắt ghe tàu phải sơn chữ tắt và số của tỉnh, như Gia Định mang số một (01) và ghe tàu phải sơn chữ GĐ-01, Châu Đốc (CĐ-02), Hà Tiên (HT-03), Rạch Giá (RG-04), Trà Vinh (TV-05), Sa Đéc (SĐ-06), Bến Tre (BT-07), Long Xuyên (LX-08),Tân An (TA-09), Sóc Trăng (ST-10), Thủ Dầu Một (TDM-11), Tây Ninh (TN-12), Biên Hòa (BH-13), Mỹ Tho (MT-14), Bà Rịa (BR-15), Chợ Lớn (CL-16), Vĩnh Long (VL-17), Gò Công (GC-18), Cần Thơ (CT-19), và Bạc Liêu (BL-20). Sau này, khi chánh quyền VNCH cho thành lập thêm 9 tỉnh nữa là Long Khánh, Phước Long, Bình Long, Phước Thành, Phước Tuy, Kiến Phong, Kiến Tường, Chương Thiện và Hậu Nghĩa nữa không biết ghe tàu ở năm tỉnh này có phải mang số 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 và 29 hay không?


Nói về địa danh của các vùng thuộc Nam Kỳ Lục Tỉnh và Nam Kỳ thời cận đại với 29 tỉnh có nhiều sự thay đi đổi lại như thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho lấy lại các tên cũ đã từng được gọi trong Đại Nam Nhất Thống Chí như quận Núi Sập lấy lại tên Huệ Đức (An Giang), Quận Cái Nhum lấy lại tên Minh Đức (Vĩnh Long), quận Bãi Xàu thành Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), quận Mộc Hóa thành Kiến Tường (tỉnh Kiến Tường), quận Cái bè thành Sùng Hiếu (Mỹ Tho), quận Cai Lậy thành Khiêm Ích (Mỹ Tho), quận An Hữu thành Giáo Đức (Mỹ Tho), tỉnh Bà Rịa thành Phước Tuy, tỉnh Sóc Trăng thành Ba Xuyên, tỉnh Cà Mau thành An Xuyên, vân vân. Nói chung, đất Nam Kỳ đến năm 1945, đa phần đã thành đất thuộc và có cư dân từ lâu đời, chứ không còn hoang vu như thời các Chúa Nguyễn cho lưu dân và quan quân vào định cư hồi những thế kỷ thứ 17, 18 và 19 nữa. Tuy về sau này, dưới thời VNCH, chính quyền có phân định lại ranh giới và đặt thêm những tỉnh mới, nhưng đó chỉ vì lý do hành chánh và trị an mà thôi, chứ không vì lý do dân số hay khai hoang nữa. Khi quân Pháp lấn chiếm Nam Kỳ thì toàn bộ dân số vùng này là 1.850.034 người (1.732.316 người Việt và Hoa, và 117.718 người Khmer). Đến năm 2.000 thì dân số trong vùng đã lên đến hơn 31.000.000. Như vậy trong vòng chưa đầy một thế kỷ rưởi dân số Nam Kỳ tăng gấp 28 lần.

Một đặc điểm của miền Tây Nam Việt, đặc biệt là vùng sông Tiền và sông Hậu, vì đây là một vùng sông nước bao la, kinh rạch chằng chịt, nên thời ông cha ta mới đi khai khẩn đất hoang, chưa có đường giao thông trên bộ, phương tiện duy nhất của mọi người thời ấy là chiếc xuồng hay chiếc ghe. Trong buổi hồng hoang đi mở nước, hầu như nhà nào cũng có một trong hai thứ ấy, thậm chí có những gia đình chỉ sống trên chiếc ghe và tự do rong ruổi đó đây. Chính vì thế mà đa phần chợ búa đều được xây dựng ngay bên bờ sông, gần đầu cầu, hoặc bên này hoặc bên kia đầu cầu. Rất nhiều nơi người ta họp chợ ngay trên sông, gọi là “Chợ Nổi”. Từng đoàn ghe thương hồ neo lại tại bờ sông, ghe nào cũng dựng lên một cây sào cao khoảng sáu bảy thước, trên ngọn sào treo tất cả những sản phẩm mà người ta muốn bán, như rau cải, bắp cải, củ cải, khoai lang, cà rốt, cà tím, bí rợ, bí đao, bầu, mướp, cá kho, vân vân. Truyền thống “chợ nổi” được tiếp nối cho mãi đến hôm nay tại miền Tây Nam Việt, như ở Cái Bè (Mỹ Tho) có chợ nổi Tân Phong, ở Vĩnh Long có chợ nổi Bình Minh (Cái Dồn) và Trà Ôn, ở Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng, Phong Điền và Phụng Hiệp, và ở Cà Mau có chợ nổi Cà Mau. Trong suốt chiều dài lịch sử khai khẩn miền Nam, phù sa sông Cửu Long đã hun đúc và tạo ra biết bao nhiêu lớp người của đồng bằng miền Nam trải qua hơn ba thế kỷ nay, từng lớp người đã được sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, đã đổ mồ hôi nước mắt và đem công sức mình ra trộn với phù sa của hai vùng Đồng Nai và Cửu Long, chẳng những biến vùng đất này thành một vùng trù phú thịnh vượng, mà còn là một vựa lúa cho toàn thể đất nước.Trong tiến trình Nam tiến, các chúa nhà Nguyễn đã dùng phương cách thứ nhất là đưa lưu dân Việt Nam đến các vùng có người Chân Lạp cư ngụ để làm “tằm ăn dâu,” và thứ hai là lợi dụng vào sự suy yếu của các triều vua Chân Lạp thời bấy giờ. Sở dĩ các chúa chấm dứt cuộc Nam tiến ở đây, không phải vì các chúa không muốn tiếp tục xâm lấn thêm những vùng còn lại của Chân Lạp, mà vì vùng Thủy Chân Lạp quá bao la, các chúa cần một thời gian để khai khẩn và ổn định để biến vùng này trở thành đất thuộc của Việt Nam. Vì có lúc các chúa đã chiếm cứ hết các vùng Kompong Som và Kampot, nhưng không giữ nổi vì không đủ người đến khai khẩn, nên cuối cùng những vùng này lại trở về với Chân Lạp. Đến khi đất Nam Kỳ đã ổn định, có lúc Việt Nam đã đô hộ và biến toàn bộ Lục Chân Lạp thành Trấn Tây Thành. Tuy nhiên, lúc đó vương triều nhà Nguyễn đã suy yếu, dù nhiều lần đã chinh phục nốt phần đất còn lại của Chân Lạp, nhưng rốt rồi cũng không giữ được. Kịp đến liên quân Pháp và I pha Nho xâm chiếm Việt Nam, thì hầu như các vua chúa nhà Nguyễn không còn sức chống cự nữa, mà chỉ biết buông giáo buông mác để đầu hàng. Nói gì thì nói, không ai phủ nhận được công lao của các chúa Nguyễn với công cuộc Nam tiến và mở mang bờ cõi về phương Nam. Tuy nhiên, đất nước này nào phải của riêng ai! Nếu Nguyễn Phúc Ánh nhận thức được như vậy mà không rước Xiêm, rước Tàu rồi rước Tây về dày xéo đất nước, làm cho chẳng những quân đội của ấu chúa Tây Sơn suy yếu và cuối cùng sụp đổ và dân tình đồ thán thì có lẽ giờ này đất nước Việt Nam chúng ta đã có một bộ mặt khác hơn bây giờ nhiều lắm. Trong suốt thời gian 26 năm cố giành giựt lại giang san trong tay nhà Tây Sơn, rồi ấu chúa Tây Sơn, từ năm 1777 đến 1802, Nguyễn Ánh đã gây ra không biết bao nhiêu là cảnh núi xương sông máu cho nhân dân Nam Kỳ Lục Tỉnh, khói lửa chiến tranh của một dòng họ đã vùi dập không biết là bao nhiêu xương máu của nhân dân miền Nam, tham vọng “bá đồ vương” của một con người ích kỷ hẹp hòi đã gây ra vô vàn tang tóc đau thương cho dân chúng miền Nam với những trận đánh đẫm máu, nhứt là dân chúng các vùng Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ và Cà Mau. Nói chung ở miền Nam, hễ nơi nào có dấu vết của Nguyễn Ánh là nơi đó có xảy ra những cuộc chiến đẫm máu với Tây Sơn. Nguyễn Ánh đã không từ bỏ bất cứ một phương cách nào trong việc giành giựt lại giang sơn trong tay nhà Tây Sơn, kể cả việc rước voi về dày mả tổ hay cõng rắn cắn gà nhà. Chính vì thế mà hết rước Xiêm rồi rước Tây, thậm chí có lần Nguyễn Ánh đã ăn “ké” với sự cầu viện của Lê Chiêu Thống, bằng cách gửi 500 xe lương cho quan quân xâm lược nhà Thanh khi họ tiến vào Thăng Long. Có người đã ngụy biện nhằm khỏa lấp những tội lỗi của Nguyễn Ánh, họ cho rằng Nguyễn Ánh là người có công thống nhất đất nước. Thật sự ngoài cái công giành giựt lại toàn bộ giang san cho dòng họ mình từ trong tay ấu chúa Tây Sơn, Nguyễn Ánh chả có công cán gì khác cho quốc gia dân tộc. Những kẻ ngụy biện ấy quên rằng chính vị anh hùng áo vải đất Tây Sơn mới là người đánh lộng thần Trương Phúc Loan cũng như giặc Xiêm và lũ cõng rắn Xiêm ở phương Nam tại trận Rạch Gầm Xoài Mút, rồi sau đó phải kéo quân về Bắc để một lần nữa dẹp tan lộng chúa Trịnh và Mạc và giặc Thanh do Lê Chiêu Thống cõng về, để gom toàn bộ giang san về một mối. Họ lại còn hàm hồ cho rằng sự phân chia quyền hành cai quản đất nước cho hai người anh em khác của Nguyễn Huệ là Nguyễn Nhạc ở vùng Qui Nhơn và Nguyễn Lữ ở vùng Gia Định là sự phân chia Việt Nam ra làm ba nước, quả là một nhận định hàm hồ và thiên lệch có dụng ý làm lợi cho ý đồ giành giựt lại giang sơn của Nguyễn Ánh (nếu nói như họ thì hóa ra ngày trước VNCH có bốn vùng chiến thuật do bốn ông tướng cai quản là bốn nước khác nhau à?). Thôi thì lịch sử đã sang trang, việc đó hãy để cho lịch sử suy xét, bây giờ chúng ta hãy nói về miền Tây thân yêu của chúng ta.

Về phía Nam Đông Nam Sài Gòn Gia Định khoảng 50 cây số là vùng Tân An. Tân An là cửa ngỏ của đồng bằng sông Cửu Long, đi về miền Tây trù phú, với những cánh đồng ngút ngàn. Tân An nằm giữa lưu vực hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nối liền với Đồng Tháp Mười. Dưới thời các chúa Nguyễn thì Tân An trực thuộc châu Định Viễn của dinh Long Hồ và dân số trong vùng chưa đầy 5.000 người. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây vào năm 2.000, thì dân số toàn tỉnh Tân An đã lên tới 1.306.202 người. Dưới thời Tự Đức, Tân An trở thành phủ thuộc tỉnh Gia Định với hai huyện Cửu An và Phước Lộc. Tân An nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, với phần lớn đất đai của Đồng Tháp Mười. Về vị trí thì phía Bắc Tân An giáp Cao Miên (vào thời Pháp thuộc, họ tách một phần phía Bắc của tỉnh Tân An để thành lập tỉnh Chợ Lớn), Nam giáp Mỹ Tho (Tiền Giang), Đông giáp Sài Gòn và Tây giáp Cao Lãnh và Sa Đéc (bây giờ là tỉnh Đồng Tháp). Thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ, khi họ mới bắt đầu chia miền Nam ra làm 20 tỉnh, thì diện tích toàn tỉnh Tân An là 380.000 mẫu Tây, nhưng chỉ có 80.000 mẫu Tây ruộng đất ở phía Nam của tỉnh có đất đai phì nhiêu, còn lại đa phần là những vùng trũng thấp, ủng nước trong nhiều năm, với những đầm lầy đầy cỏ lác, cỏ năng, hoặc những loại sen mọc hoang dại. Đồng bằng sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây) nằm giữa hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Cửu Long, nên đất đai của Tân An rất mầu mở, phong phú và được thiên nhiên ưu đãi về mọi mặt. Ngay khi giặc Pháp chiếm Nam Kỳ, nhất là sau vụ anh hùng Nguyễn Trung Trực tấn công tàu Espérance trên sông Vàm Cỏ, Pháp bèn chia tỉnh Định Tường ra làm ba tỉnh Mỹ Tho, Tân An và Gò Công. Pháp cắt các vùng Bến Lức, Bình Phước, Thủ Thừa, và Mộc Hóa (cả 4 vùng ấy có cả thảy 10 tổng và 64 xã) để thành lập tỉnh Tân An, để có đủ cấp số quân đội, hầu dễ dàng kiểm soát vùng đất mà chúng cho là có nhiều quân phiến loạn (quân kháng chiến chống Pháp) hoạt động. 


Hết Phần 2 (trang 5-7) 
Người Long Hồ

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Còn Lại Mình Tao

(Để nhớ hai bạn thân Ngô Thành Hoàng và Nguyễn Phú Thạnh)

(Công viên Vĩnh Long 57-58 Ngô Thành Hoàng, Nguyễn Hồng Ẩn)
(Bìa trái: Nguyễn Phú Thạnh, bìa mặt Nguyễn Hồng Ấn_1963)

Chúng mình ba đứa* một thuở bên nhau
Chung lớp giỡn đùa sớt chia sách vở
Lang thang ngày tháng “đấu láo” nghêu ngao
Tóc ngắn tóc dài vô tư ngắm nghía.

Một khi kết thân suốt đời trọn nghĩa
Chia tay ra đời luôn tạc vào lòng
Những đóm lữa hồng bùng lên có dịp
Mong ngày tái ngộ từng phút mong trông.

Một đứa ra khơi** hai thằng lóng ngóng
Kiếm tìm khắp chốn nhưng vẫn bặt tăm
Từ giã cuộc chơi đã thêm thằng nữa
Còn lại mình tao lòng héo dạ bầm.

Tháng bảy nắng nồng trời cao thăm thẳm
Nhắc nhở tin buồn mới đó một năm***
Viết vội đôi dòng gởi cho hai bạn
Yên nghỉ bình an thiên giới xa xăm!

Anh Tú
July 23, 2017

*Ngô Thành Hoàng, Nguyễn Phú Thạnh và Nguyễn Hồng Ẩn
**Mất dấu Ngô Thành Hoàng từ 1975.
***Nguyễn Phú Thạnh từ trần ngày 25 tháng 7, 2016

***
Nhìn cái hình chụp ở công viên Vĩnh long, thấy ngậm ngùi quá. Đó là nơi mà những giờ tình cờ đuợc nghỉ( khi thầy, cô bị bệnh chẳng hạn), các bạn cùng lớp hay ra đây ngồi chơi, duới giàn hoa Quỳnh Anh này. Cái cửa sổ đóng kín đàng sau là của tòa án. Giữa công viên có đài Chiến sĩ trận vong....Bài thơ kèm theo tấm hình rất cảm động

Công viên, băng đá, hoa vàng
Duới giàn hoa đó hai chàng thư sinh
Nay còn một nguời, một mình
Bạn xưa tuyệt tích, nghĩa tình còn đây
Bài thơ thắm thiết "Nhớ mầy"
Nhớ sao là nhớ những ngày cùng nhau

Khánh Hà

Ðêm Cuối Cùng - Phạm Đình Chương - Tuấn Ngọc


Sáng Tác: Phạm Đình Chương
Ca Sĩ: Tuấn Ngọc
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Nhớ Mãi Vòng Tay


Lần đầu thăm anh đến Nha Trang
Bãi cát chạy dài tận Ba Làng
Gió dịu dàng nắng chiều rơi nhẹ
Chúng mình ngồi trò chuyện mênh mang.

Dựa đầu bên anh đến đêm về
Cơn gió lạnh rùng mình tái tê
Vòng tay ấm ôm em thật chặt
Khi màn đêm buông thả bốn bề.

Biển mênh mông tối đen thật xa
Bỗng đâu đèn đóm như nở hoa
Bừng sáng dậy rừng ghe câu mực
Như đường phố đêm ở thật gần.

Em nhớ hoài kỷ niệm đầu đời
Ngồi với anh nhìn ra biển khơi
Thật hạnh phúc ngày xưa anh nhỉ
Biển thanh bình tình cũng xinh tươi.

Đêm nay em về bờ biển cũ
Rừng đèn lặng ngắt màn trời đêm
Đâu còn anh nữa ngồi tâm sự
Và nhớ vòng tay mãi chưa quên…

Dương hồng Thủy

Nỗi Cô Đơn


Bài Xướng:
Nỗi Cô Đơn

Vầng trăng ai xẻ nỡ mây trôi
Duyên nợ ba sinh dẫu hết rồi
Vẫn đượm bên hồn bao lửa thốt
Và vui giữa phách bấy hương cười!
Người đi phải chịu vùi khan giọng
Ai ở sao đành gọi rát hơi
Một dải Ngân Hà nao ẩn bóng
Chòm sao Chức Nữ dạt ngang đời.

Phan Tự Trí
***
Các Bài Họa:
Đôi Dòng Tâm Sự

Ngoảnh lại giật mình năm tháng trôi
Thu vàng bóng lá thoắt bay rồi!
Đã nhầu đắng đót chìm mưa móc
Lại đắm sầu thương ngậm khóc cười!
Chẳng đặng sớm mai khi tráng kiện,
Mong gì chiều tối lúc tàn hơi "?"
Nhân tình nhạt thếch câu nhân nghĩa
Thế thái buồn tênh chuyện thói đời!

Nguyễn Huy Khôi 

 7-2017
***
Khuyên Mình


Trăm điều nào cứ được xuôi trôi
Phấn đấu vương lên dẫu quỵ rồi
Chớ phủi càn khôn lời tiếc hối
Đừng ôm oán giận tiếng đùa cười
Nhân tâm phải lẻ chờ duyên tới
Nghĩa cử không lo chuyện dở hơi
Còn sống là vui tìm đổi mới
Nhú lòng tha thiết với tình đời


Hải Rừng 
11/7/2017
***
Nỗi Cô Đơn

Thời gian thoáng vụt chuỗi ngày trôi...
Bạn hữu người thân vắng cả rồi !
Nhớ lúc Thơ hòa tươi nét chữ
Và khi nhạc trỗi ấm môi cười.
Lầu Phong Khách Mực nay thưa Vắng...
Gác Nguyệt Lư Trầm hết tỏa hơi !
Thấm nỗi cô đơn chiều lãng đãng.
Âm thầm vây bủa...lạnh trang đời..!

Trần Lệ Khánh

11-7-2017.
***
Tôi Với Tôi

Tựa mảnh mây chiều loáng thoáng trôi
Ngày theo dĩ vãng ỉm im rồi
Bàng quan ngọn rũ không còn khóc
Lãnh cảm cành khô đã hết cười
Khổ não dầm dề neo trọ bóng
Ưu phiền ngút ngát giữ cầm hơi
Đau làm hãi sợ thân mòn sống
Luẩn quẩn tôi thêm tích nợ đời

Lý Đức Quỳnh
***
Rọi Bóng Dòng Xa

Gió nhẹ đưa thuyền lặng lẽ trôi
Từng qua sóng cả nghĩ yên rồi
Đôi bờ vắng vẻ đâu lời hát
Mấy khoảng rềnh rang chỉ tiếng cười
Sáo hót lầu son mờ giọt nắng
Sương vờn mặt nước thoảng làn hơi
Bâng khuâng cá lội dồn con nước
Rọi bóng dòng xa dệt mộng đời

Phạm Duy Lương,

7 – 2017
***
Vịnh Đá Băng

Con thuyền giảm tốc lững lờ trôi
Kìa ! Vịnh Đá Băng* đã đến rồi
Dòng thác long lanh, tay chỉ trỏ
Mặt hồ nhẹ gợn, miệng tươi cười
Núi non trước mắt đan màu tuyết
Ống khói sau lưng nhả bóng hơi
Mượn buổi viễn du vùng giá lạnh
Tạm quên nắng hạ để vui đời

(*) Glacier Bay
Trương Ngọc Thạch
11 tháng 7, 2017
***
Một Phần Đời

Dương Gian một bước đã tàn trôi
Thử kiếp con người quá đủ rồi
Nếm trãi những cơn đau thống khổ
Kinh qua nhiều cảnh điệu vui cười
Thôi đành an phận vơi tàn niệm
Đừng để úa tàn đến ngất hơi
Rồi sẽ vươn qua bao nghiệt ngã
Cùng nhau vươt bước khỏi trần đời

Bảo Trâm
***
May Và Rủi


Thân này sống tựa lục bình trôi
Phiêu bạt giang hồ khắp chốn rồi
Có lúc buồn tình lên tiếng khóc
Đôi khi vui thú hé môi cười
Gia tài quẩn bách nên xì khói
Cơ nghiệp tan tành phải cạn hơi
Canh bạc hên xui nào biết được
Nhào vô mới rõ cảnh trần đời.

Trịnh Cơ

11 Juil.2017
***
Cô Lẻ 

Âm thầm còn lại nửa đời trôi
Một thuở chờ nhau quá muộn rồi
Mấy lúc lệ vơi trong giấc ngủ
Bao khi mi đọng giữa cơn cười
Đìu hiu tiếng thở như tàn sức
Khắc khoải lời than đến cạn hơi
Gió thổi máy bay về bốn hướng
Khát khao vẫy gọi giấc mơ đời 

Minh Thuý
Tháng 7_2017 
***
Chặng Cuối Đường Đời

Vô tình năm tháng cứ dần trôi
Nay quỹ thời gian sắp cạn rồi
Trước mắt biển sâu tràn sóng nước
Sau lưng rừng rậm tỏa sương hơi
Miên man kỷ niệm vương niềm nhớ
Trĩu nặng tâm tư vắng tiếng cười
Bạn hữu đồng hành còn mấy kẻ
Cùng ta đi nốt quãng đường đời?

Sông Thu

***
Cảm Tạ Đời

“Họa 4 vần”

Ngắc ngoải bên chiều vẫy bóng trôi
Biết thân đang bệnh đã lâu rồi
Đêm vo cánh gió mà chia chữ
Khuya vít cành trăng cũng góp lời
Những đợi ca ngâm chăm cuộc sống
Còn mong xướng họa dưỡng làn hơi
Chờ người trao tặng vài câu để
Thầm nhủ lòng luôn cảm tạ đời.


Như Thị

Danh Ngôn Về Phụ Nữ (Phần 2)


-Tình cảm của người đàn bà là một thứ tình khó hiểu. Khi ra đường mà có người khen đẹp thì tự cao, khi không có người hỏi đến thì tự cho là mình bạc số
[Clémenceau]

-Người đàn bà luôn luôn được coi như ngang hàng với vua chúa Người đời nịnh bợ họ vì lợi chứ không phải vì yêu
[Rochebrune]

-Nếu trừng trị người đàn bà thì người đời cho là vũ phu. Còn không trừng trị người đàn bà thì bị người đời cho là sợ vợ
[Scott Fitgérald]

-Người ta sẵn sàng tha thứ tất cả đối với người đàn bà mình thật lòng yêu mến. Và chính vì thế mà tình yêu trở nên khó thở
[J. Chardonnes]

Đàn bà thường vướng vào mình năm cái sợ:
--- Sợ già
--- Sợ xấu
--- Sợ nghèo
--- Sợ bị bỏ rơi
--- Sợ chết
[Montesquieu]

-Lòng người đàn bà là một biển thẳm, mà đáy biển còn có thể dò được, nhưng lòng dạ đàn bà thì không.
[Riccoboni]

-Đàn bà cũng như cái mền về mùa hạ, đắp vào thì quá nóng nhưng bỏ ra thì lạnh.
[Danh ngôn Nigri]

-Sức mạnh của đàn bà là ở chỗ nói nhiều
[Danh ngôn Nigri]

-Người đàn bà khôn ngoan là người có nhiều điều muốn nói nhưng không nói ra
[Danh ngôn Ba Tư]

-Chim họa mi có thể quên hót, chứ đàn bà không thể quên nóị
[Danh ngôn Tây Ban Nha]

-Muốn cho người đàn bà nói, có hàng ngàn cách khác nhau, nhưng không có cách nào làm họ câm miệng hết.
[Guillaume Bouchet]

-Khen đàn bà thì cứ tha hồ nói dối, họ sẽ tin hết mình.
[Danh ngôn Pháp]

-Người đàn bà đẹp, ba phần là do cái đẹp trời cho, còn bảy phần là nhờ đồ trang sức.
[Danh ngôn Trung Hoa]

-Những người đàn bà mà đeo qúa nhiều đồ trang sức thì thật là khó mà biết được họ yêu ta vì cái gì
[Bà DE RIEUX]

-Người con gái thích được khen dù xấụ Vì thế cho nên người đàn bà nào cũng thường hay chết vì người đàn ông am tường điều đó
[PASCAL]

-Lòng tự ái làm nên tai họa cho phần đông đàn bà hơn là tình yêu
[LA ROCHEFOUCAULD]

-Mỗi người đàn bà đều có một nét quyến rũ kỳ bí, nếu họ không kiêu hãnh và bướng bỉnh
-- JOANNA BAILLIE

-Người đàn bà không bao giờ thấy điều gì mình làm cho họ, họ chỉ thấy điều mà mình không làm
-- G. COURTELINE

-Phần đông những người đàn bà đoan chính là những kho tàng bí mật, chỉ được gìn giữ chắc chắn khi không có ai biết tìm đến
-- LA ROCHEFOUCAULD

-Người đàn bà tha thứ được những sự thiệt hại cho họ, nhưng không bao giơ quên được những sự khinh miệt
-- HALIBURTON

-Ánh mắt của phụ nữ nói lên với nhiều duyên dáng, một cách rất ân cần cái điều mà miệng họ không dám thốt ra
-- MAURIVAUX

-Yêu tất cả moi đàn bà dễ hơn là yêu một người độc nhất
-- ETIENNE RAY

-Tình yêu thành thật làm cho người đàn bà trở nên kín đáo và ít bộc lộ
-- BARTHE

-Tham vọng của người đàn bà là chiếm được lòng yêu của người những kẻ chung quanh và kế cận bên mình, chứ không cần lòng kính cẩn tôn sùng của những người xa lạ
-- GINA LOMBROSO

-Ðàn bà luôn luôn sẵn lòng hy sinh nếu bạn cho họ có cơ hộị Sở trường của họ chính là nhường nhịn
-- SOMERSET MAUGHAM

Đau khổ là lò hun đúc tâm hồn người đàn bà để trở thành cao cả
-- GINA LOMBROSO

-Người đàn bà không sợ chết, không sợ đau khổ, nhưng chỉ lo sợ khi mình chết mà chưa được người mình thương yêu biết đến tình yêu của mình.
-- GINA LOMBROSO

-Quả tim của người đàn bà không bao giờ gìa cỗi, và một khi nó không yêu nữa thì đó là vì nó đã ngừng đập
-- P. ROCHEPEDRE

-Cảm rồi yêu, đau khổ rồi lại hy sinh. Đó là những đề tài chính trong cuộc đời của người đàn bà.
-- GOETHE

-Rung động, yêu thương, đau khổ, hy sinh, tất cả sẽ mãi mãi là những trang tình sử của người đàn bà.
-- HONORE DE BALZAC

-Một người đàn bà hoặc yêu hay ghét, họ không lưng chừng.
-- PUBLILIUS SYRUS

-Nhà không có đàn bà như thân xác mà thiếu linh hồn.
-- Danh Ngôn Pháp

-Người đàn bà như cái hoa, chỉ nhả mùi thơm trong bóng tốị
-- LAMENAIS

-Có ba thứ làm cho con tim ta mát ruợi và quên hết mọi nỗi buồn: đó là nước, hoa và sắc đẹp của đàn bà.
--PHAN

-Kẻ nói tốt cho phụ nữ là kẻ chưa biết rỏ phụ nữ, còn kẻ nói xấu phụ nữ là kẻ không biết gì cả về phụ nữ.
-- PIGAULT LEBRUN

-Cái khó khăn chính đối với người đàn bà đức hạnh không phải là chinh phục họ, mà là đưa họ vào một nơi khép kín. Cái đức hạnh của họ làm bằng những cánh cửa nửa mở nửa đóng.
-- JEAN GIRADOUX

-Một người đàn bà chỉ có thể giử được tình yêu, không phải tình yêu mà nàng cảm hứng, nhưng là tình yêu mà nàng hoài bảo, chỉ có kim cương mới rạch được kim cương, chỉ có tình yêu mới đủ mạnh để chống lại tình yêụ
-- G.A CAILLAVET & R. DE FLERS

-Đàn bà chỉ trao cho tình bạn cái gì mà họ mượn được ở tình yêụ
-- CHAMFORT
-Cái lỗi lầm lớn của người đàn bà là luôn luôn tìm cách kết bạn với người đàn ông họ yêu, thay vì kiếm một người đàn ông yêu họ
-- LA BRUYERE

-Phụ nữ rất thích tiết kiệm.......trong sự hoang phí của họ
-- FRIEDRICH HEBBEL

-Nước mắt chính là tài hùng biện của đàn bà.
-- Thánh EVREMOND

-Nước mắt đàn bà che giấu nhiều cạm bẩy
-- DENYS CATON

-Một bông hoa không mùi thơm cũng chẳng được qúi trọng gì hơn một người đàn bà đẹp mà vô duyên
-- ẠV. ARNAULT

-Ðàn bà đẹp làm vui mắt, đàn bà hiền làm vui lòng. Người trước là một thứ nữ trang, còn người sau là một kho tàng.
-- NAPOLEON ler

-Trong những lần yêu đầu tiên, người đàn bà yêu người tình, nhưng trong những lần sau thì họ chỉ yêu tình yêu
-- LA ROCHEFOUCAULD

-Nên ca ngợi ngày đẹp trời vào lúc tối, nên ca ngợi người đàn bà đẹp vào buổi sáng
-- Danh Ngôn Đức

-Không phải cái đẹp của người đàn bà đã làm ta ngây dại, mà chính là tính tình cao thượng của bà ta.
-- EURIPIDE

-Ðàn bà đã xấu thì không gì xấu xa hơn, nhưng nếu đã tốt thì không gì tốt bằng
-- EURIPIDE

-Ðàn bà rất cay nghiệt với đàn bà
-- TENNYSON

-Người đàn bà được khen ngợi nhiều nhất là người không được người ta nói đến bao giờ
-- Danh Ngôn TRUNG HOA

-Ðàn bà lương thiện mà lại xinh đẹp thì trở nên lương thiện gấp đôi
-- P.J. STAHL

-Ðối với đàn bà, im lặng là đồ trang sức đẹp nhất.
-- JEAN JACQUES ROUSSEAU

-Ðàn bà chỉ tha thứ sau khi trừng phạt xong.
-- Bà DE GIRARDIN

-Trong đời người đàn bà chỉ có hai lần làm cho họ điên lên, đó là khi họ bắt đầu yêu và khi họ bạc tóc
-- Danh Ngôn BA LAN

-Không có người đàn bà nào gìa cả. Tất cả phụ nữ ở mọi lứa tuổi, nếu họ yêu mình và họ là người tốt, thì họ sẽ đem đến cho mình những giây phút tuyệt vờị
-- JULES MICHELET

-Phải chọn lựa giữa hai điều: một là yêu đàn bà, hai là tìm hiểu họ
-- CHAMFORT

-Ðàn bà mà im lặng chính là của trời cho
-- THÁNH KINH

-Người đàn bà lương thiện không thể tự an ủi được về những lỗi lầm mà họ đã làm
-- SACHA GUITRY

-Người đàn bà có thể đem hạnh phúc đến cho người này và đem tai họa đến cho kẻ khác
-- Tục ngữ NGA

-Tranh đấu để chống lại trái tim của người đàn bà khó khăn không thua gì uống hết một biển nước
-- RICHARD DE FOURNIVAL

-Trong chuyện tình yêu, người đàn bà luôn luôn cố tình chịu thua
-- PAUL GERALDY

-Ðức tính đầu tiên và quan trọng nhất của phụ nữ là dịu dàng
-- JEAN JACQUES ROUSSEAU

-Người đàn bà mà không biết trang điểm thì chỉ giống như thửa ruộng khô cằn.
-- Tục ngữ ẤN ĐỘ

-Sắc đẹp là tặng phẩm của tạo hóa đã ban cho người đàn bà, và chính sắc đẹp cũng là vật đầu tiên mà tạo hóa cướp đi trong đời người đàn bà
-- MERE

-Trên đời có ba thứ nguy hiểm nhất:
-Rượu ngon làm ta mất trí.
-Tiền nhiều thì làm ta bất chính.
-Vợ đẹp thì làm ta đau khổ nhiều nhất.
Vì:
-Rượu ngon khiến ta thích uống.
-Tiền nhiều thường làm mờ át lương trị
-Vợ đẹp thường hay phản bộị
Do đó tốt nhất là nên mất cả bạ
[Jean Paul Sartre]

- Khi đàn bà khen một người tình củ trước mặt bạn, nên xa lánh ho ngay vì tại sao người đó tốt họ không giữ gìn mà bỏ đi tìm tình yêu khác. JPK

- Đừng níu kéo người đàn bà khi họ bắt đầu có dấu hiệu muốn xa lánh bạn, tránh xa họ thì tâm mới bình an. Ngạn ngữ

 ​TNS-Lệnh Hồ Công Tử,  Sưu tầm


Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Phạm Khắc Trí Thành Kính Chia Buồn Gia Đình Bạn Dương Hồng Đức

Kính thưa quý anh chị em,

Lúc sinh thời, anh Dương Hồng Đức, Cựu Giáo Sư Phan Thanh Giản Cần Thơ, đối với chúng tôi là một người bạn qúy, đã một đời nhà giáo mẫu mực.
   ̣ Mấy hôm nay nhận tin anh từ Paris vừa thoát trần về cõi Phật, lòng riêng Dallas tôi không khỏi thương tiếc ngậm ngùi.
  ̣ Mong được chia xẻ ít nhiều nỗi niềm này đến chị Đức, các cháu, các bạn, và các học trò của anh ̣ 

Phạm Khắc Trí 
07/24/2017


Tiếc Thương Thầy Dương Hồng Đức Kính Mến


Kính gửi Hương Linh Thầy Dương Hồng Đức và Tang quyến!

Thầy Dương Hồng Đức, với Bút Hiệu Hoài Việt (DHĐ),Thầy thường gửi bài viết chia xẻ với trang Blog Long Hồ Vĩnh Long, nhưng riêng em, Thầy lúc nào cũng tỏ ra ân cần và nói những điều đạo nghĩa trong cách xử thế.

Thầy chia niềm vui hạnh phúc của gia đình Thầy Cô, Nhất là khi đứa cháu đầu tiên của Thầy Cô ra đời.
Khi Thầy trò nói về phước phần và ân đức, mình được Trời cao ban thưởng cho mỗi gia đình. Em còn nhớ lời thầy:"Cám ơn em có cùng chung một tầng số với thầy (sur les mêmes ondes).Phước do trời cho, mà cũng do mình tạo, mới hưởng được ... "
Thầy ơi, từ Thầy em học được lòng tử tế, tính khiêm cung và sự lạc quan về cuộc sống.

Mỗi lần đăng bài giúp Thầy, Thầy luôn viết lời cảm ơn và thích thú với cách trình bài của em. Đó cũng là điều em hạnh phúc nhất, không phải vì được Thầy khen mà vì em vui với niểm vui của Thầy. và cũng là niềm an ủi, động viên tinh thần em, bao nhiêu mệt nhọc trong lúc biên tập bay xa. Em Cảm ơn Thầy mới đúng Thầy ạ.

Thầy vắng email, em vội thăm hỏi sức khoẻ, nhưng Thầy không hồi âm, em cũng lo ngại, cách nay vài tuần Thầy viết cho em và một học trò thầy vắn tắt đôi câu, Thầy về nơi dưỡng bệnh và đang tập đi lại để hồi phục sức khoẻ. Em mừng quá. 

Nhưng sáng nay em được tin từ Thầy Phạm Khắc Trí.
Thầy vĩnh viễn ra đi, thật sự em bàng hoàng, và rơi nước mắt với sự mất mát này. 
Tuy em chưa được học với Thầy giờ nào, em may mắn được Thầy cho em làm học trò, thầy đã để lại trong em lòng kính trọng vô biên.

Em thành kính nguyện cầu cho Hương Linh Thầy Dương Hồng Đức, được đời đời an nghỉ, sớm hưởng thảnh thơi nơi Cõi Vĩnh Hằng.

Thành kính chia nỗi đau buồn với Cô, các Em và Tang quyến, mong Cô, các em có đầy sức khoẻ và nghị lực để vượt qua trong lúc này.

Kính nguyện!

Học trò Lê Thị Kim Oanh
Úc Châu 25/7/2017

BBT Long Hồ Vĩnh Long Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Cựu Giáo Sư Dương Hồng Đức Và Tang Quyến



Toàn thể Ban Biên Tập Trang Blog Long Hồ Vĩnh Long vừa hay tin Thầy Dương Hồng Đức, Cựu Giáo Sư PhanThanh Giản đã mãn phần:

Cựu Giáo Sư: DƯƠNG HỒNG ĐỨC
Pháp danh CHÂN LINH NHĨ 

- Sanh 28/8/1937 tại Hà Nội
-Mất  lúc 1 giờ 20 sáng 
- Ngày 21/7/2017 
Tại Bịnh viện Avicenne, Pháp Quốc 
- Hưởng thọ:80 tuổi

Trước lúc ra đi GS Dương Hồng Đức đã ước nguyện hiến thân xác cho khoa học nên tang gia không có lễ an táng mà chỉ làm Thất cho người quá cố.

Trước tin quá đau buồn và sự mất mát quá lớn lao nầy, Toàn thể Ban Biên Tập thành kính chia buồn và đồng hàng cùng Tang Quyến. 
Chúng em hiệp nguyện  Hương Linh Thầy sớm về Miền lạc cảnh, an nghỉ thảnh thơi.


Hiệp nguyện

Ban Biên Tập longhovinhlong.blogspot.com

Về Miền Tây - Bài 1




Viết bài này để xin kính cẩn tưởng niệm đến hương linh của ông ngoại và ông chú Ba, những con dân kỳ cựu của Vĩnh Long, đã kể lại cho cháu nghe về “Thành Xưa Tích Cũ” và những vùng đất mà hai ông đã đi qua trong khắp các vùng Miền Tây, cũng như tưởng nhớ đến hai anh Hứa Hoành và Nguyễn hữu Trí với những đêm trà đàm “Nhớ Về Miền Tây” tại vùng 9, trại tỵ nạn Bataan, Philippines, vào những tháng ngày cuối năm 1984. Người viết xin thành thật cáo lỗi trước, vì đây không phải là một bài biên khảo, mà chỉ là những chi tiết được ông bà kể lại hay những mẩu chuyện được các bậc đàn anh kể cho nghe trong những buổi trà mạn đàm, nên có thể không chính xác về địa danh hay niên đại.

Nói đến Miền Tây Nam Việt mà không nói một chút về Sông Cửu Long quả là một thiếu sót lớn lao, vì sông Cửu Long chính là “Mẹ” đẻ ra cả vùng đồng bằng trù phú miền Nam nói riêng, và nói chung là cả một vùng chạy dài từ cao nguyên Tây Tạng ra tận đến biển Đông. Sông Cửu Long phát nguyên từ Tây Tạng, vượt qua trăm ngàn ghềnh thác từ thượng nguồn Tây Tạng, qua Trung Hoa, đến Miến Điện, Thái Lan, Lào, Miên, rồi cuối cùng chảy qua Việt Nam và đổ ra biển với chín cửa. Trước khi chảy vào Việt Nam, dòng Cửu Long chia làm hai nhánh là sông Tiền và sông Hậu. Sông Tiền sâu và rộng, chảy qua các tỉnh Châu Đốc, Cao Lãnh, Sa Đéc, Vĩnh Long, Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, và đổ ra biển bằng sáu cửa là những cửa Tiểu (nằm trong tỉnh Mỹ Tho, bây giờ là Tiền Giang), Đại (nằm trong hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang), Ba Lai (Bến Tre), Hàm Luông (Bến Tre), Cổ Chiên (Trà Vinh và Bến Tre) và Cung Hầu (Trà Vinh). Sông Hậu nằm về phía Nam của sông Tiền, nhỏ và cạn hơn, chảy qua các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, và đổ ra biển bằng ba cửa Định An (Trà Vinh và Sóc Trăng), Ba Thắc và Tranh Đề (Sóc Trăng). Đây là một vùng đất bao la phù sa mầu mỡ, với sông nước bao la, kinh rạch chằng chịt. Trong thời Nam tiến và ngay cả đến hồi Pháp thuộc, vùng này đầy dẫy thú hoang như voi, cọp, cá sấu, trâu rừng, heo rừng, nai, khỉ, rắn, rùa, cua đinh, càng đước, vân vân. Năm 1865 tại Sài Gòn có triển lãm một cặp ngà voi Đồng Tháp nặng đến 140 kí lô. Năm 1880, chỉ trong vòng hai tháng mà 189 con cá sấu đã bị dân chúng giết để lãnh thưởng tại Rạch Cò thuộc tỉnh Sóc Trăng. Hàng năm đến mùa nước nổi, voi tràn xuống cánh đồng Phụng Hiệp và bị người ta bắn hạ đến trên 40 con. Khi kinh Phụng Hiệp được đào từ năm 1903 thì voi tại đây mất môi trường sống, nên chúng di chuyển về Sóc Trăng, người Pháp phải nhờ thợ săn voi giỏi từ Cao Miên xuống vùng này để tiêu diệt số voi còn lại.

Lịch sử của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long hay Nam Kỳ đã được thành hình từ lâu đời, tuy vậy, con người chỉ xuất hiện trong vùng này khoảng trên dưới 4.000 năm nay mà thôi. Nam Kỳ Lục Tỉnh, sản phẩm bồi đắp của sông Cửu Long, là một vùng đất bao la mầu mỡ và trù phú, là vựa lúa cho cả nước, đã bao lần thay ngôi đổi chủ. Trước thế kỷ thứ 5, vùng Bà Rịa thuộc vương quốc Bà Lợi (theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì vương quốc Bà Lợi là một vương quốc nhỏ nằm trong vùng mà có lẽ bây giờ là vùng Đồng Nai và Bà Rịa) và Nam Kỳ thuộc vương quốc Phù Nam (vương quốc này được thành lập vào thế kỷ thứ nhất Tây lịch). Khoảng những năm 545-627, sau chiến tranh giữa Chân Lạp và Phù Nam thì hai vương quốc Bà Lợi và Phù Nam suy yếu thì vùng Bà Rịa và Nam kỳ bị Chân Lạp lấn chiếm. Ngày nay người ta tìm thấy ở các vùng Ốc Eo (Long Xuyên) rất nhiều di tích của dân tộc Phù Nam. Nối chân người Phù Nam là dân Thủy Chân Lạp. Tuy nhiên, họ không khẩn đất lập dinh điền như chúng ta, mà họ chỉ là những dân bán du mục, đi đó đi đây thu hái hoa màu thiên nhiên để sống. Bắt đầu thế kỷ 17 trở về sau này, dân Việt Nam bắt đầu tiến dần về phía Nam, khai khẩn những vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Trung phần như Mô Xoài (Bà Rịa) và Trấn Biên (Biên Hòa). Sau đó chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1619-1687) gả hoàng nữ thứ 9 là công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp để đổi lấy hai vùng Tầm Bôn (Tân An) và Lôi Lạp (Gò Công). Sau đó vào năm 1623, chúa gửi quân sang giúp rể là vua Miên Chei Chetta II chống lại sự xâm lăng của quân Xiêm, nên Vua Chetta cho dân Việt di cư vào vùng Đồng Nai sinh sống. Lúc ấy, dân Miên tuy có oán hận vua của mình chỉ vì lấy một bà công chúa mà để mất đi một vùng đất bao la bát ngát. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, công chúa Ngọc Vạn rất được sự kính mến của dân Miên và dân Miên quen gọi bà là Cô Chín Xinh, có lẽ vì thế mà sau này người Pháp đọc trại ra Nam Kỳ là Cochinchine.

Lại có một giả thuyết khác cho rằng năm 1863 khi Pháp cho một phái đoàn do Doudart de Lagréé đến vương quốc Cao Miên để thương lượng việc bảo hộ và được vua xứ này chấp thuận ngay. Khi Doudart hỏi vua Norodom “phần đất Nam Kỳ gọi là gì để ghi vào hiệp ước bảo hộ?” Vua Norodom trả lời ngay “Cô Chín” nên người Pháp phiên âm thành Cochin, về sau vì có sự trùng tên Cochin với một thuộc địa Bồ Đào Nha bên bán đảo Ấn Độ, nên họ gọi Nam Kỳ là Cochinchine, tức là Cochin Trung Hoa để phân biệt với Cochin-Indo.

Cho tới bây giờ vẫn chưa có tài liệu đích xác về khởi điểm của cuộc Nam tiến; tuy nhiên, cuộc Nam tiến của dân Nam diễn ra rất sớm, có lẽ trước thời các chúa Nguyễn đặt chân đến Nam Kỳ rất lâu. Theo sử liệu thì trước khi người Phù Nam lập quốc vào những năm trước đầu Tây lịch thì vùng đất này đã có những dân tộc cổ đại sinh sống như người Stieng và người Mạ. Tuy nhiên, đến khi người Việt bắt đầu cuộc Nam tiến vào thế kỷ thứ 17, có năm sắc dân chính là Việt Nam, Chiêm Thành, Lão Qua, Phù Nam và Chân Lạp, về dân số thì các dân tộc này ngang ngữa về số lượng. Sau một thời gian thì dân Việt lại tăng vượt trội hơn các dân tộc khác, trong khi các dân tộc khác chẳng những không tăng mà có phần suy giảm vì do sự du canh và điều kiện rừng thiêng nước độc ở các vùng này. Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn bị áp lực từ phương Bắc, nên muốn sinh tồn Việt Nam không có con đường nào khác hơn là mở đất về phương Nam. Thế nên từ khi nhà Ngô giành lại độc lập năm 939 (sau gần 1.000 năm Bắc thuộc từ năm 110 trước Tây lịch đến năm 939 sau Tây lịch), đất nước ta bắt đầu mở ra một kỷ nguyên độc lập với các triều đại nối tiếp về sau này như Đinh, Lê, Lý, Trần...

Lúc đó tổ tiên chúng ta còn ở quanh vùng Bắc Việt, từ Thanh Hóa trở ra. Không đầy 2 thế kỷ sau đó, Việt Nam đã tiến xuống Quảng Bình và Quảng Trị (năm 1069). Đến năm 1307 thì vua nhà Trần gã công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm để đổi lấy hai châu Ô Lý (bây giờ là vùng Bắc Thừa Thiên). Năm 1425, Việt Nam chiếm Thuận Hóa (vùng phía trung và nam Thừa Thiên bây giờ). Năm 1471 chiếm Qui Nhơn, 1611 đến Phú Yên, 1653 đến Nha Trang. Năm 1658, Chân Lạp xin thần phục chúa Nguyễn. Năm 1680, chúa Nguyễn chính thức cho nhóm quan quân lưu vong của nhà Minh bên Tàu khai khẩn vùng đất Đồng Nai. Năm 1693 quân chúa Nguyễn tiến đến Phan Thiết. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn hữu Kỉnh (có sách viết là Nguyễn Hữu Cảnh) là Kinh Lược đất Chân Lạp và chia đất Đông Phố ra làm dinh huyện để tiện việc cai trị. Ông lấy đất Đông Phố để lập ra huyện Phước Long, Biên Hòa lập ra dinh Trấn Biên, và đặt Sài Gòn là huyện Tân Bình. Sau đó đặt ra 2 dinh là Trấn Biên (Biên Hòa) và Trấn Phiên (Gia Định). Năm 1705, ông đem quân tiếp nhận vùng đất Tầm Phong Long (nay là hai vùng Long Xuyên và Châu Đốc). Nghĩa là trong khoảng 7 năm từ năm 1698 đến 1705, quan Thống Suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã chính thức tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên phần đất Nam Kỳ với đầy đủ những thủ tục hành chánh mà chưa có dân tộc nào đã làm trước đây, như đặt địa danh, kiểm tra dân số và thiết lập bộ máy hành chánh cho đến ngày nay. Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên, chúa Nguyễn chỉ nhận trên danh nghĩa, nhưng vẫn để cho dòng họ Mạc trấn giữ đất Hà Tiên. Năm 1753, nhân cơ hội vua Chân Lạp là Nặc Ông Nguyên lấn hiếp người Côn Man, chúa Nguyễn bèn sai Nguyễn Cư Trinh vào dàn xếp và lãnh lệnh chúa Nguyễn ở lại tiếp tục khai khẩn đất hoang và lập khu dinh điền mới. Từ đó coi như phần lớn đất đai của xứ Thủy Chân Lạp đã nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam. Trong khi đó Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tứ tiếp tục khai khẩn những vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Long Xuyên (Cà Mau), Rạch Giá, Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Sóc Trăng và Bạc Liêu). Năm 1755, các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô nhơn Tịnh và Lê quang Định cũng lập ra thi xã, thắp sáng ngọn đuốc văn hiến nơi góc trời cực Nam của tổ quốc. Đến năm 1780 thì Mạc Thiên Tứ chính thức dâng đất Hà Tiên (bấy giờ bao gồm các vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ). Đến đây coi như cuộc Nam tiến đến chót mũi Cà Mau và Hà Tiên đã hoàn tất. Mặc dù thời ấy dân ta hãy còn rất ít so với người dân bản địa ở đây như người Phù Nam và Chân Lạp, nhưng người Nam sống rất hài hòa với các dân tộc khác. Kỳ thật ngay sau khi Lê Lợi giành được độc lập từ tay giặc Minh thì các vua nhà Lê đã nghĩ đến việc Nam tiến để giải quyết nạn dân số tăng quá nhanh. Tuy nhiên, bấy giờ chỉ có những người bị tội lưu đày biệt xứ thì mới phải đi vào trong Nam, rồi về sau này vào thời vua Lê Thánh Tôn, ngài mới chính thức lập ra chức quan gọi là “Thu Ngự Kinh Lược Sứ” với nhiệm vụ chiêu tập lưu dân gồm những người tình nguyện, những tội phạm lưu đày và những người trốn lính trốn sưu, để khai khẩn đất hoang ở phương Nam. Những lưu dân này cứ lấn dần và lấn dần về phương Nam. Thoạt tiên, họ lấn qua Chiêm Thành, rồi đến Thủy Chân Lạp, hễ nơi nào đất đai trù phú là họ di cư đến. Thuở đó đất rộng người thưa, nên ai muốn đi đâu thì đi, muốn khai khẩn vùng nào thì tự nhiên khai khẩn mà không hề bị một rắc rối nào với chính quyền. Lại nữa, đất Nam kỳ ngày trước cũng không thuộc Chân Lạp, mà là đất của Phù Nam, đã bị tiêu diệt hồi thế kỷ thứ 7. Sau các chúa Nguyễn dùng lưu dân như cách “tằm ăn dâu,” đi thẳng vào những vùng có cư dân Chân Lạp mà ở chung với họ. Một thời gian sau, vì phong tục tập quán khác biệt nên đa số dân Chân Lạp (Miên), hoặc rút về Lục Chân Lạp, hoặc tìm cách co cụm với nhau thành những phum hay sóc, sống biệt lập với người Nam. Trước khi chúa Võ Vương gã công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp thì các vùng Tầm Bôn (Tân An), Lôi Lạp (Gò Công), Ba Thắc, Sóc Trăng, Trà Vang (Trà Vinh), Bạc Liêu và Bến Tre vẫn còn trực thuộc Chân Lạp. Một thời gian sau khi vua Chân Lạp dâng 2 vùng Tân An và Gò Công, thì một biến cố xãy ra là vua Nặc Ông Tôn bị Nặc Hinh đánh đuổi, bèn chạy về Hà Tiên cầu cứu với Mặc Thiên Tứ, Thiên Tứ cho người dâng sớ về triều Nguyễn xin cứu giúp Nặc Ông Tôn. Chúa Nguyễn sai Trương Phúc Du đem binh đánh dẹp và đưa Ông Tôn về làm vua Chân Lạp. Nên sau đó Nặc Ông Tôn hiến đất Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc) cho chúa Nguyễn. Cùng lúc ấy, Mạc Thiên Tứ cũng đã ổn định xong các vùng Ba Thắc, Trà Vang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Bến Tre. Như vậy là toàn bộ đất Nam Kỳ đã thuộc quyền chúa Nguyễn.


Nói về cuộc Nam tiến ngoài quan Thống Suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ra thì Nguyễn Cư Trinh là người có công rất lớn trong việc đánh dẹp cũng như bình định lãnh thổ. Về phía người Minh Hương ngoài 2 ông Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ ra, còn có các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô nhơn Tịnh và Lê quang Định cũng có công rất lớn. Đến thời Gia Long thì đất Nam Kỳ vẫn còn chia làm 3 dinh và 1 trấn là Trấn Biên dinh (Biên Hòa), Trấn Phiên dinh (Gia Định), Long Hồ dinh (cả miền Tây ngoại trừ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Hà Tiên), và Hà Tiên Trấn, lúc đó bao gồm Hà Tiên, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Mãi đến đời Minh Mạng, sau khi tổng trấn Gia Định thành là Lê văn Duyệt qua đời, nhà vua mới đổi dinh và trấn ra tỉnh. Lúc đó Nam kỳ mới chính thức được gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh, gồm các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Trong hai thời kỳ làm Tổng Trấn Gia Định thành, Đức Khâm Sai Chưởng Tả Quận Công Lê Văn Duyệt đã đem hết tài sức của mình ra để biến cho miền Nam có một bộ mặt mới tươi sáng và rực rỡ hơn bao giờ hết. Ngài chẳng những là một vị văn quan thanh liêm chánh trực, mà còn là một võ tướng có tài dẹp loạn trị an, qua những cuộc bình trị “Mọi Vách Đá” năm 1807, rồi Kinh Lược Trấn Thanh Nghệ, dẹp tan đám tham quan ô lại Lê Quốc Huy. Ngài còn “Vì dân trừ bạo”, ngang nhiên dám xử trảm tên Huỳnh Công Lý (cha của một thứ phi rất được Minh Mạng sủng ái). Lòng can đảm của Đức Tả Quân còn lộ rõ qua việc dâng sớ xin tha cho bà Tống thị Quyên (vợ của Hoàng tử Cảnh) và hai lần vua Minh Mạng cử người vào Gia Định để giữ những chức vụ quan trọng đều bị Ngài từ chối và trả về với lời lý do rằng đó là những tên “hại dân hại nước”. Một trong những người đó là Bạch Xuân Nguyên là người đã đưa đến cuộc bạo loạn thành Gia Định của Lê văn Khôi vào năm 1833. Trong khi ở triều đình thì vua Minh Mạng u mê nghe theo nịnh thần, chỉ một bề cấm đạo và giết hại các giáo sĩ, thì ở trong Nam không có sự cấm đạo cũng như không có sự bế môn tỏa cảng trong suốt hai thời làm Tổng Trấn của Ngài. Nói tóm lại, sự phát triển nhanh chóng và phồn thịnh của miền Nam một phần lớn nhờ ở sự ưu đãi của thiên nhiên, nhưng một phần khác cũng nhờ vào tài cai trị khéo léo của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt. Thay vì bế môn tỏa cảng thì Ngài đã chấp nhận giao thương với các tàu buôn Tây phương và các nước quanh vùng như Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan. Hơn nữa, Ngài không chịu thi hành lệnh cấm đạo của triều đình. Về nội trị thì Ngài rất quan tâm đến đời sống của dân chúng. Ngài cho đào kinh dẫn thủy nhập điền, khuyến khích dân chúng khai khẩn hoang địa, và tạo điều kiện tốt cho những sắc dân khác sinh sống bên cạnh người Việt. Chính Ngài đã biến Nam Kỳ thành một vùng đất trù phú, mầu mỡ và là một vựa lúa khổng lồ cho cả nước. Tuy nhiên, ngay khi Ngài vừa mất thì vua Minh Mạng vì tư thù hẹp hòi, bãi bỏ ngay chức Tổng Trấn, đưa Bạch Xuân Nguyên vào làm Bố Chánh thành Phiên An, và đây cũng chính là đầu dây mối nhợ của một cuộc tao loạn làm hủy hoại tiềm lực cả vùng Nam Kỳ và đây cũng là một trong những lỗ hỏng quân sự và phòng thủ chính khiến cho Pháp lấn chiếm Nam Kỳ về sau này. Vụ án Lê văn Duyệt cho chúng ta thấy Minh Mạng cũng thù hiềm nhỏ nhen, ích kỷ hẹp hòi không kém gì vua cha Gia Long của ông. Khi Lê văn Khôi và nhân dân Nam Kỳ bị Bạch Xuân Nguyên bức hiếp phải nổi lên làm giặc thì ở kinh thành, Minh Mạng chỉ một bề vì tư thù và sự tự ái với Đức Tả Quân mà khoâng cần truy nguyên căn cố thế nào, chỉ hạ lệnh đem toàn bộ 1831 người, kể cả đàn bà trẻ nít trong thành ra chém sạch rồi chôn chung vào một mã gọi là “Mã Ngụy” Đức Tả Quân là một Đại Khai Quốc Công Thần của vương triều nhà Nguyễn, mà ngay cả Gia Long còn phải miễn bái. Đáng lý ra Minh Mạng phải kính nể Ngài như Gia Long không sai khác, đằng này vì hẹp hòi ích kỷ nhỏ nhen, mà Minh Mạng đã hành xử với Đức Tả Quân còn thua cách hành xử của một kẻ tiểu nhân. Thật tình mà nói, nếu muốn nói cho hết sự hẹp hòi ích kỷ của vương triều nhà Nguyễn thì không biết phải nói đến bao giờ mới hết. Các chúa thời Nguyễn sơ đã có công mở đất phương Nam bấy nhiêu, thì con cháu của các Ngài về sau này có tội với tiền đồ và dân tộc bấy nhiêu. Thôi thì những công những tội ấy hãy để cho lịch sử phê phán. Bây giờ chúng ta chỉ nói về Nam Kỳ Lục Tỉnh thân yêu của chúng ta mà thôi.

Hết Phần 1 (từ trang 1- 4)
Người Long Hồ