Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài - Sáng Tác: Phạm Duy - Trình Bày: Kim Trúc


Nhạc Sĩ: Phạm Duy
Trình Bày: Kim Trúc

Lên Cao



Săn mây ta chẳng cấp kỳ
Theo chân "hiệp lộ" cùng đi vào ngàn
Núi cao chót vót thênh thang
Khi chiều ngả bóng gió đan mây về
"Ô Quy Hồ" đẹp sơn khê
"Bản Hang Đá" cũng cận kề đầu non
Bềnh bồng biển xốp chon von
Gió reo, chim hót cho tròn giấc mơ
Bồng Lai như hẹn bao giờ
Thiên Thai động phủ cũng ngờ đâu đây
Vàng, hồng, tím thẫm chuyển xoay
Bụi trần những tưởng đã bay ngàn trùng


Chung Văn
( Đăng thơ để tưởng nhớ Tác Giả )

Mãi Mãi Là Bao Lâu

 

Mãi mãi là bao lâu
trong lòng con ốc nhỏ
qua bao miền cát gió
hồn về đâu, về đâu..?

Mãi mãi là bao lâu
treo trên màu mắt ngó
những thơ dại tình đầu
thời gian trôi từ đó

Mãi mãi là bao lâu
tận cùng trong nỗi nhớ
hay chiều dài hơi thở
giữa bờ môi tìm nhau

Mãi mãi là bao lâu
ta hẹn nhau lần nữa
trong ba sinh hương lửa
như thể mới hôm nào...

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long

Trăng Thu Cuối Mùa

 

ớng:

Trăng Thu Cuối Mùa


(thất ngôn tứ tuyệt trường thiên)

Mười bốn lại về rọi ánh trăng
Ta, em nhìn nhé! Dáng nàng Hằng
Trăng thu vời vợi lòng nhung nhớ
Vẫn mãi âm thầm mơ…biết chăng?!

Thân nghèo khó thể mua bằng bạc *
Thưởng Nguyệt thì ta khỏi trả tiền
Chiêm ngưỡng nàng trăng ôm ấp mộng
Cuộc đời bần sĩ sướng như tiên

Ta muốn đem tình gởi đến em
Trăng ơi! Xin hãy ngã bên thềm
Duyên thơ tao ngộ cùng chung ý
Lòng chỉ mơ tìm bóng Nguyệt xem

Trăng đã cuối mùa thu đến đây!
Còn bao nhiêu nữa bóng trăng đầy?
Lung linh dáng Nguyệt lay làn sóng
Gió gợn thu buồn dạ đắm say

Song cửa trăng soi đẹp tuyệt vời
Nguyệt về rạng chiếu khắp muôn nơi
Gác đơn thầm nhủ em nhìn đó
Thả mấy vần thơ tỏ ít lời!

Songquang 
(20241015)
***
Họa: Trăng Tròn

Nhớ người ra đứng dưới vầng trăng,
Thấy bóng xa xa dáng chị Hằng.
Chú Cuội mắt sầu ôm gốc ngó,
Tình song đôi đó có còn chăng?

Trần thế quyện sầu nổi nhớ riêng,
Mua trăng sao khó trả bằng tiền.
Tiền đây đâu có mà xây mộng,
Mộng vở tan rồi buông dáng tiên.

Ta ngồi trăng ngắm nhớ về em,
Từng giọt bóng soi rớt bậc thềm.
Từng cái ưu tư từng cái đắng,
Làm gì chi nữa chỉ chờ xem!

Khi nào trăng hiện bóng về đây,
Lại khiến ưu tư chất ngất đầy.
Trăng khuyết sớt chia cay đắng buốt,
Trăng tròn chất nặng đắng tình say.

Thu sang rực chiếu ánh cao vời,
Đem hạnh phúc về cho khắp nơi.
Riêng trái tim ta sao quặn thắt,
Nhìn trăng nhớ đó khó trao lời.

Hồ Nguyễn
(17-10-2024)

Return To Void(Trần Việt Long) - Về Với Hư Vô(Hạ Anh) - Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không*(Lê Thu Lan)


Sau khi tham dự Tang lễ Cố Đồng môn Bùi Huy Long, ĐS-22, ngày 27-09-2024 tại San Jose rồi về nhà thì tôi cảm thấy thật buồn cho nỗi niềm sinh ly tử biệt về đời sống vô thường của con người, tự nhiên tôi có một thôi thúc phải viết ra một bài thơ tưởng niệm người bạn vừa ra đi vĩnh biệt.

Return To Void

Return to void, a journey bleak and cold,
A cycle of life, its story left untold.
The leaves descend like tears that stain the sky,
Their whispers carried on the winds that sigh.

In temple’s courtyard, I, with mindful care,
Sweep autumn’s remnants, fragile in the air.
The void calls softly with a beckoning hand,
Drawing me back to where all things began.

Oh leaves, what secrets in your fall reside,
Of love once known, and sorrow yet denied?
In nothingness, I tread through time’s decay,
Listening for echoes lost in yesterday.

The dance of birth and death, a mournful tune,
Unfolds beneath the cold and distant moon,
And as I sweep, I feel their silent grace,
A fleeting life, dissolved without a trace.

San Jose, September 27, 2024
Trần Việt Long
***
Dịch Thơ:

Về Với Hư Vô

Về với hư vô, hành trình ảm đạm,
Theo thời gian, ngày tháng cũng lặng chìm,
Chiếc lá rơi, trời đổ giọt mưa đêm,
Mang tâm sự thì thầm cùng với gió.

Góc sân chùa, ngồi lặng im bóng nhỏ,
Nhìn lá mong manh phủ ngập xuống đời.
Cuộc vô thường … xuôi ngược mãi không thôi,
Đi và đến một vòng tròn vô tận.

Ôi ! chiếc lá rơi có từng ân hận?
Tình yêu dở dang, nỗi nhớ còn đầy!
Từ cõi đời nào… cất bước về đây,
Nghe vang vọng lời tiền thân vẫy gọi.

Sinh tử xoay xoay điệu buồn mệt mỏi,
Vầng trăng khuya lạnh lẽo dõi phương nào?
Quét sạch lá sầu, thả mộng bay cao,
Đời bỗng chốc hoá phù du … cánh mỏng!

Hạ Anh 
October 06, 2024
***
Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không*

Khi hơi thở hóa thinh không
Một màu ảm đạm buồn trong mây trời
Lá rơi chới với giữa đời
Về đâu ngọn gió mang lời thở than

Tôi ngồi giữa chốn nhân gian
Mùa thu mỏng mảnh đã tàn trước sân
Tiếng rơi của lá nhẹ dần
Đưa tôi về với trong ngần thời gian

Ôi em, những chiếc lá vàng
Đã bao giờ khóc lỡ làng mơ xưa
Trong hư không những âm thừa
Chơi vơi lạc giữa mấy mùa vô thanh

Rã rời trong điệu tử-sanh
Bước chân của lá - dưới trăng lạnh lùng
Ơn em, ơn đến vô cùng
Tan theo hư huyễn - nhẹ không dấu hài…

07.10.2024
 lelanthu
* Tên một tác phẩm của Paul Kalanithi

***
Xin cám ơn quý Vi hữu đã dịch thơ, chia buồn và đồng cảm với nỗi niềm ly biệt.

Bóng đêm vờn theo ngọn gió,
Mây trôi nhẹ khắp trời xa,
Người đi biết bao thương nhớ,
Thầm thì theo tiếng Thu qua.

Trần Việt Long

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Thành Ngữ Bị Hiểu Sai Hơn Một Ngàn Năm Qua

Trang Tử với Tề Vật Luận

Trong văn học cổ Trung Hoa, thành ngữ đánh giá phẩm bình cao nhất về dung mạo của nữ giới là "Trầm Ngư Lạc Nhạn, Bế Nguyệt Tu Hoa 沉魚落雁,閉月羞花" mà ta thường nói một cách nôm na là "Cá lặn chim sa, Nguyệt thẹn hoa nhường". Chỉ cần nhắc đến câu nói nầy thì tự nhiên mọi người đều nghĩ ngay đến bốn người đẹp cổ điển "Tứ Đại Mỹ Nhân 四大美人" là : Tây Thi 西施、Vương Chiêu Quân 王昭君、Điêu Thuyền 貂嬋、và Dương Ngọc Hoàn 楊玉環 (Dương Qúy Phi)。Với lý giải thường thấy như sau:

TÂY THI, gái nước Việt, khi ra bờ khe giặt lụa, cá dưới khe thấy được cái bóng đẹp đẽ của nàng ở dưới nước nên không bơi nổi nữa mà từ từ chìm xuống đáy khe (Trầm Ngư). Đến đời Hán thì có người đẹp VƯƠNG CHIÊU QUÂN 王昭君 được chọn để cống Hồ. Khi ra đến ải Nhạn Môn Quan các con nhạn đang bay thấy nàng đẹp quá nên không vổ cánh nổi mà cùng rơi cả xuống bãi cát (Lạc Nhạn). Cuối đời Hán, con gái nuôi của quan Tư Đồ Vương Doãn là ĐIÊU THUYỀN khi đêm cúng trăng ở hoa viên; Trăng thấy nàng qúa đẹp nên không dám chiếu thẳng mà lẫn vào trong trong đám mây để che mặt lại (Bế Nguyệt). Đến đời Đường, Qúy Phi của Đường Minh Hoàng là DƯƠNG NGỌC HOÀN khi đi dạo ở Đình Trầm Hương trong ngự hoa viên; các loài hoa thấy nàng đẹp qúa đều e thẹn mà rủ cả xuống không dám nở ra khoe sắc (Tu Hoa).

Tứ Đại Mỹ Nhân

Bốn người đẹp nầy có thật sự đẹp đến nỗi "Chim sa cá lặn hoa nhường nguyệt thẹn" hay không; điều đó không ai có thể chắc chắn biết được, vì đâu có ai nhìn thấy được bốn người đẹp đó bao giờ đâu !? Nhưng có một điều có thể chắc chắn là tám chữ "TRẦM NGƯ, LẠC NHẠN, BẾ NGUYỆT, TU HOA" không phải đến từ sắc đẹp của bốn người đẹp đó bao giờ !

Truy nguyên về xuất xứ của "TRẦM NGƯ, LẠC NHẠN, BẾ NGUYỆT, TU HOA" ta không khỏi ngạc nhiên, vì nó có nguồn gốc xuất xứ từ ba nhân vật lừng lẫy tiếng tăm nhất của nền văn hóa văn học Trung Hoa cổ xưa. Đó chính là TRANG TỬ trong học thuyết Lão Trang thời Chiến Quốc, TÀO THỰC có Tài Cao Bát Đấu cuối đời Hán và Thi Tiên LÝ BẠCH ở thời Thịnh Đường. Bốn điển cố trên, ngoài điển cố TRẦM NGƯ có liên quan chút đỉnh với người đẹp Tây Thi ra, ba điển cố còn lại được các hí kịch gia, tiểu thuyết gia đời Nguyên, Minh gán ghép vào trong các tuồng tích, rồi được quảng đại quần chúng truyền tụng mà thành. Đại thể như sau :

Điển cố "TRẦM NGƯ LẠC NHẠN 沉魚落雁" có gốc gác từ một câu của chương "Tề Vật Luận 齊物論" trong Nam Hoa Kinh 南華經 của Trang Tử 莊子 như sau :"Mao Tường, Li Cơ, nhân chi sở mỹ dã, ngư kiến chi thâm nhập, điểu kiến chi cao phi, mi lộc kiến chi quyết sậu. Tứ giả thục tri thiên hạ chi chính sắc tai. 毛嫱、驪姬,人之所美也,魚見之深入,鳥見之高飛,麋鹿見之决驟。四者孰知天下之正色哉". Có nghĩa : "Mao Tường và Li Cơ là người đẹp của loài người, cá thấy thì lặn sâu, chim thấy thì bay cao, hươu nai thấy thì chạy nhanh. Bốn loài đó làm sao biết được cái sắc đẹp chính trong thiên hạ nầy !".
TỀ VẬT LUẬN 齊物論 của Trang Tử trong Nam Hoa Kinh 南華經 với chủ đề chính là "VẠN VẬT TỀ NHẤT 萬物齊一". Có nghĩa : Muôn loài muôn vật đều ngang bằng như nhau; Mỗi loài mỗi vật đều có tốt xấu ưu khuyết như nhau... Nên câu nói trên có nghĩa : Mao Tường và Li Cơ là người đẹp của loài người, chớ đối với cá thì cá đâu có biết được cái đẹp của con người đâu; nên mặc dù thấy người đẹp cá vẫn dửng dưng bơi lội và lặn sâu xuống nước, chớ không bị sắc đẹp của con người lôi cuốn. Chim cũng thế, vì không bị cuốn hút bởi sắc đẹp của con người, nên mới lạnh lùng vổ cánh bay cao. Hươu nai cũng không thấy được vẻ đẹp của giai nhân, nên khi thấy bóng người là nhanh chân bỏ chạy !

Mao Tường

Câu nói của Trang Tử là : "Khi Mao Tường (là ái cơ của Việt Vương) và Li Cơ (là sủng phi của Tấn Hiến Công). Khi hai người đẹp nầy xuất hiện thì cá lặn sâu, chim bay cao và hươu nai chạy mất, vì bốn loài vật đó không biết được cái sắc đẹp của con người". Nhưng quảng đại quần chúng và các giới văn nhân thi sĩ, kịch tác gia, tiểu thuyết gia... đời Nguyên, Minh, Thanh sau nầy thì hiểu ngược lại. Họ cho là "Cá lặn, Chim bay, Hươu chạy" là do thấy người đẹp. Câu "Ngư kiến chi thâm nhập, Điểu kiến chi cao phi 魚見之深入,鳥見之高飛" được sửa và nói gọn lại thành "Trầm Ngư Lạc Nhạn 沉魚落雁" dùng để diễn tả cho thích hợp với hai người đẹp Tây Thi và Vương Chiêu Quân mà thôi.

Còn điển cố BẾ NGUYỆT 閉月 có xuất xứ từ bài《Lạc Thần Phú 洛神賦》của Tào Thực 曹植, tự là Tử Kiến 子建, con trai thứ của Tào Tháo. Ba cha con họ Tào được xếp ngang hàng với Kiến An Thất Tử 建安七子 (Bảy văn tài nổi tiếng thời Kiến An) được Tạ Linh Vận 謝靈運 thời Lục Triều tôn xưng là "Tài Cao Bát Đấu 才高八斗". Trong bài Lạc Thần Phú 洛神賦, khi tả sự xuất hiện của nữ thần xinh đẹp là Lạc Thần, Tào Tử Kiến đã hạ câu :
髣髴兮如輕雲之蔽月, Phưởng phất hề như khinh vân chi TẾ NGUYỆT,
飄颻兮若流風之回雪。 Phiêu diêu hề nhược lưu phong chi hồi tuyết.
Có nghĩa :
- Phảng phất như có làn mây nhẹ che phủ lấy vầng trăng,
- Phơi phới như có làn gió thổi mang tuyết trắng trở về.

Trăng bị che mờ đi vì sắc đẹp rực rỡ của nữ thần xinh đẹp. Sau được hiểu là vì sắc đẹp lộng lẫy của nữ thần làm cho trăng cảm thấy thẹn thùa mà trốn vào trong mây. TẾ NGUYỆT 蔽月 là Trăng bị mây che phủ; còn BẾ NGUYỆT 閉月 là vầng trăng bị đóng lại. Từ kép "Tế Bế 蔽閉" có nghĩa là Che Khuất. Điển cố nầy thường dùng để chỉ người đẹp thời đầu Tam Quốc là Điêu Thuyền.

Lạc Thần Phú

Về điển cố TU HOA 羞花 thì có xuất xứ từ bài thơ cổ phong TÂY THI của Thi Tiên Lý Bạch đời Thịnh Đường với bốn câu mở đầu bài thơ như sau:

西施越溪女, Tây Thi Việt khê nữ,
出自苎萝山。 Xuất tự Trữ La San.
秀色掩今古, Tú sắc yểm kim cổ,
荷花羞玉颜。 HÀ HOA TU NGỌC NHAN!...

Có nghĩa:
Tây Thi gái đất Việt Khê,
Trữ La Thôn đó đi về hôm mai.
Sắc đẹp che lắp xưa nay,
Hoa sen cũng thẹn mặt mày hơn hoa.

"荷花羞玉颜 HÀ HOA TU NGỌC NHAN" là Hoa sen cũng phải then thùa trước vẻ mặt đẹp như ngọc của Tây Thi. Nên điển cố TU HOA cũng dùng để chỉ người đẹp Tây Thi, nhưng song song với việc ca ngợi sắc đẹp của Tây Thi thì Thi Tiên Lý Bạch trong ba bài Thanh Bình Điệu cũng ca ngợi về sắc đẹp của Dương Qúy Phi bằng câu :"Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan 名花傾國两相歡", là "Hoa Mẫu đơn nổi tiếng và người đẹp khuynh quốc khuynh thành đều cùng vui với nhau". Vì Tây Thi đã có từ "Trầm Ngư" để diễn tả rồi, nên Từ TU HOA thường được dùng để chỉ sắc đẹp của Dương Qúy Phi là vì thế.

Hà hoa tu ngọc nhan

Nhắc đến văn học và thi ca Trung Hoa, ta hay nghe câu "Đường Thi, Tống Từ, Nguyên Khúc, Minh Thanh Tiểu Thuyết. Có nghĩa : Đời Đường thì nổi tiếng về THƠ; đời Tống thì nổi tiếng về TỪ; đời Nguyên thì nổi tiếng về các CA KHÚC, HÍ KHÚC (các kịch bản ca hát trên sân khấu); đời Minh đời Thanh thì nổi tiếng về Tiểu thuyết. Nên nhóm từ "TRẦM NGƯ, LẠC NHẠN, BẾ NGUYỆT, TU HOA" là do các kịch tác gia, hí kịch gia cuối đời Tống đầu đời Nguyên... đưa vào sử dụng trong một vở Nam kịch có tên là "Hoạn môn tử đệ thác lập thân 宦門子弟錯立身" với câu :"Khả thán nễ trầm ngư lạc nhạn chi dung, bế nguyệt tu hoa chi mạo... 可嘆你沉魚落雁之容,閉月羞花之貌...”. Có nghĩa :"Đáng thương thay cho nàng có dung nhan chim sa cá lặn, có nhan sắc nguyệt thẹn hoa nhường..." Từ đó về sau, nhóm từ "TRẦM NGƯ, LẠC NHẠN, BẾ NGUYỆT, TU HOA" được hình thành và thường xuyên xuất hiện trong các Truyện truyền kỳ, Hí kịch, Tiểu thuyết... và vì muốn phong phú thêm cho các tình tiết và các kịch bản được hấp dẫn hơn, nên mới nương theo chiều dài của dòng lịch sử mà tìm ra các người đẹp Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Qúy Phi để ghép đôi vào với cách nói trên. Cho đến đời Thanh và mãi cho đến hiện nay, hễ nhắc đến Tứ Đại Mỹ Nhân là người ta sẽ nghĩ ngay đến : Tây Thi TRẦM NGƯ, Vương Chiêu Quân LẠC NHẠN, Điêu Thuyền BẾ NGUYỆT và Dương Qúy Phi TU HOA.

Nếu truy nguyên thì ta sẽ thấy rằng câu "Ngư kiến chi Thâm nhập 魚見之深入" là "Cá thấy thì lặn sâu xuống" là câu dùng để chỉ người đẹp Mao Tường, ái cơ của Việt Vương thời Tiền Chiến Quốc, và Li Cơ sủng phi của Tấn Hiến Công khoảng Thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên; được đem gán cho Tây Thi là người đẹp của Trữ La Thôn thời Hậu Chiến Quốc, khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, cách nhau khoảng ba trăm năm. Vì Tây Thi thường giặt lụa bên bờ khe, cá thấy nàng đẹp qúa nên không bơi nổi mà chìm sâu xuống nước, nên mới đổi câu "Ngư kiến chi Thâm nhập" thành TRẦM NGƯ 沉魚. Rồi vào khoảng năm trăm năm sau đó, vào thời Hán Nguyên Đế (76-33 trước CN) Khi người đẹp Vương Chiêu Quân được tuyển chọn để đi cống Hồ. Khi ra khỏi ải Nhạn Môn Quan, thấy gió thu hiu hắt trên sa mạc mênh mông khiến cho nàng xúc cảnh sinh tình mà gãy nên khúc tì bà bi thương, làm cho các con chim nhạn đang bay về Nam để tránh lạnh không bay nổi, có một con sa xuống trước đầu ngựa. Các tùy tùng mới kháo nhau về sắc đẹp của nàng và đổi câu "Điểu kiến chi cao phi 鳥見之高飛" thành LẠC NHẠN 落雁. Như hai câu thơ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều tả về sắc đẹp của nàng cung phi tài hoa là:

Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa!

Trầm ngư Lạc nhạn

Còn Điêu Thuyền là người đẹp được hư cấu, không có thật trong chính sử. Các kịch tác gia đời nhà Nguyên dựa theo truyền thuyết dân gian mà hư cấu nên hình tượng của người đẹp Điêu Thuyền, lại được La Quán Trung một tiểu thuyết gia tài hoa thêm thắt chi tiết khúc chiết rồi đưa vào trong truyện "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa" cho làm nghĩa nữ của quan Tư Đồ Vương Doãn. Vì Điêu Thuyền hay bái nguyệt, thích cúng trăng ban đêm, mà trăng thì thường hay bị mây che, cho nên mới kháo nhau là trăng vì xấu hổ trước người đẹp Điêu Thuyền nên mới lẫn vào trong mây để giấu mặt. Vì vậy mà dùng từ TẾ NGUYỆT 蔽月 trong Lạc Thần Phú của Tào Thực để chỉ vẻ đẹp của Điêu Thuyền như là Thần nữ Lạc Thần vậy. Và vì âm TẾ 蔽 và âm BẾ 閉 trong tiếng Quan Thoại phát âm gần như nhau. Trong dân gian lại thường dùng từ BẾ hơn là TẾ, nên mới có từ BẾ NGUYỆT 閉月 được dùng riêng để chỉ cho người đẹp thích bái nguyệt nầy.

Về từ TU HOA 羞花, ngoài thơ của Thi Tiên Lý Bạch ra, dân gian còn có truyền thuyết là : Khi được tuyển chọn vào cung cấm, mặc dù có sắc đẹp hơn người, nhưng Dương Ngọc Hoàn vẫn chưa được nhà vua biết đến. Một hôm đang cùng các cung nhân dạo chơi trong vườn thượng uyển, trông thấy các loài hoa muôn hồng ngàn tía đang nở rộ, Dương Ngọc Hoàn xúc cảnh sinh tình cảm thương cho thân phận của mình, không biết ngày mai sẽ ra sao mà âm thầm rơi lệ, rồi ngồi xuống bên đám cỏ dại đưa tay mân mê những chùm hoa hường đang kheo sắc. Không ngờ đó là bụi Hàm Tu Thảo 含羞草 (Hoa Mắc Cở), nên cả lá hoa đều rủ cả xuống như thẹn thùa mắc cở. Các cung nhân khác trông thấy đều rất ngạc nhiên mà truyền tụng nhau Dương Ngọc Hoàn đẹp đến đổi hoa trông thấy nàng thì đều hổ ngươi mà rủ cả xuống. Đường Minh Hoàng nghe tiếng bèn triệu kiến và ngất ngây mê mệt trước sắc đẹp của nàng, nên chẳng bao lâu sau thì trong ngoài cung đều kháo nhau về Dương Qúy Phi có sắc đẹp TU HOA 羞花.

Bế Nguyệt Tu Hoa

Từ những câu truyện trên, cho ta thấy tám chữ "TRẦM NGƯ, LẠC NHẠN, BẾ NGUYỆT, TU HOA" mặc dù dùng để chỉ Tứ Đại Mỹ Nhân, nhưng đều là "Râu bà nọ cắm càm bà kia" chả ăn đâu vào đâu cả, thậm chí TỪ và NGƯỜI đều cách nhau đến mấy trăm năm, có khi đến hơn cả ngàn năm. Như Điêu Thuyền là nhân vật được hư cấu vào đời nhà Nguyên (1271-1368) nhưng từ BẾ NGUYỆT có xuất xứ từ thời Kiến An nhà Hán (132-167). Từ TU HOA xuất xứ từ câu thơ HÀ HOA TU NGỌC NHAN 荷花羞玉颜 của Thi Tiên Lý Bạch chỉ Tây Thi, nhưng lại dùng để chỉ Dương Qúy Phi. Từ TRẦM NGƯ chỉ cá dửng dưng lặn sâu xuống nước khi Mao Tường và Li Cơ xuất hiện, thì lại được dùng để tả sắc đẹp của Tây Thi. Chim bay cao thì được nói thành LẠC NHẠN để chỉ Vương Chiêu Quân khi ra cửa ải Nhạn Môn Quan; Mây che khuất vầng trăng khi Điêu Thuyền cúng trăng thì gọi là BẾ NGUYỆT...

Những điều phiếm luận lan man phía trên cho ta thấy rằng, cái TẬP QUÁN NGÔN NGỮ của quần chúng nhân dân NÓ mạnh biết chừng nào ! Điều gì đó cứ được lặp đi lặp lại mãi một thời gian dài, thì dù đó là điều sai trái cũng trở thành đúng đắn, vì đều được mọi người chấp nhận và xem đó như là một sự thật hiển nhiên. Từ một câu nói trong "Tề Vật Luận" của Trang Tử với ý "Vạn vật tề nhất" chớ không có ý ca ngợi sắc đẹp gì cả, lại diễn tiến một cách tích cực trong dân gian và trong giới kịch nghệ để trở thành câu nói mang biểu tượng của "Tứ Đại Mỹ Nhân Trung Hoa" qua các thời đại và mãi cho đến hiện nay; hễ nhắc đến "TRẦM NGƯ, LẠC NHẠN, BẾ NGUYỆT, TU HOA" là giới văn học biết ngay đó là Tứ Đại Mỹ Nhân : Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Qúy Phi với sắc đẹp Cá lặn, Chim sa, Nguyệt thẹn, Hoa nhường!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Mùa Thu Đi Thăm Ngoại Ô


Sau những ngày nắng hè oi bức, mùa thu mang đến sự mát mẻ dễ chịu cả đêm lẫn ngày. Ra đường phải mặc thêm áo khoác nhẹ, choàng cái khăn quanh cổ. Năm nay đặc biệt thời tiết thay đổi. Vùng Hoa Thịnh Đốn mưa nắng bất thường. Mưa liên miên mấy hôm liền dù không lớn nhưng trời âm u, ẩm ướt, không mấy khi có nắng cả ngày. Tuy nhiên nhờ có mưa, các sân cỏ vàng hoe mấy tháng hè vì thiếu nước nay xanh tươi trở lại. Hoa cúc, trồng từ những năm trước, ra hoa rực rỡ màu sắc. Mấy cây cà, cây ớt vẫn còn tươi tốt chưa bị ảnh hưởng thời tiết se lạnh mùa thu. Lá cây trên cành vẫn còn xanh tuy đã vào tháng 10. Thấy thời tiết tương đối dễ chịu nên ngày cuối tuần, con gái Vân rủ Mẹ đi thăm nhà nghỉ mát của người bạn ở ngoại ô Maryland trên hòn đảo nhỏ, cách nhà khoảng 90 phút lái xe.

Hôm ấy trời đẹp, không mưa, mấy mẹ con rời nhà khoảng 9 giờ. Xe chạy ngang qua các con đường trong thành phố nhà san sát, cao ốc chi chít cái nọ gần cái kia, những cầu vượt ngoằn ngèo trong các khoảng đường xe đông đúc. Cuối tuần nhưng vẫn nhiều xe qua lại tuy có vắng hơn ngày thường chút ít. Khoảng 40 phút sau, ra ngoại ô, xe bớt dần dần. Hai bên đường xe chạy khi là những hàng cây xanh, có phố xá nhà cửa nhưng thưa thớt. Xa hơn nữa phần lớn là đồng ruộng xanh um, nhưng có khu lá vàng như ruộng bắp đến mùa thu hoạch. Có những nhà nho nhỏ đơn sơ cất rải rác trên các cánh đồng bát ngát. Có ruộng trồng toàn bắp, đậu hoặc các loại hoa màu khác. Có thửa ruộng trồng toàn hoa bên cạnh các nhà ở vệ đường. Tuy nhỏ hơn ruộng bắp nhưng cũng khá rộng. Hoa hướng dương ở các nursery bán chậu nhỏ (khoảng 15 cm) 10$, chậu lớn 15$ hay 20$ một chậu. Nơi này nhiều vô số, có lẽ họ trồng để làm dầu ăn nếu hoa quá lứa, người mua không tiêu thụ hết? Ngoài ra còn có khu vườn trồng toàn hoa Coneflower, màu vàng, màu hồng hay tím rất đẹp. Có lẽ họ trồng để bỏ mối cho các siêu thị và các nursery. Tuy nhiên nếu mùa thu họ không bán hết, cuối tháng 10 hoa sẽ tàn, phải cày lên vứt bỏ, thật tội nghiệp cho người trồng hoa

Lúc xe chạy ngang qua ruộng bắp, Vân thấy người ta đang gặt bắp bằng máy. Cái máy khổng lồ bề ngang có lẽ gần 3 mét do một người lái, di chuyển từ từ trên ruộng bắp. Máy đến đâu ruộng bắp trống trơn, nhẵn nhụi đến đó. Những cây bắp ngay hàng thẳng lối bị máy nuốt mất tiêu. Con rể Vân cho biết máy không những cắt cây bắp, nhặt trái bắp ra mà còn tự động chọn bắp to, nhỏ riêng ra theo từng loại. Nghe như chuyện phong thần, không thể tin đươc. Vân đã thấy máy ủi, máy cày nhưng máy nhặt bắp mới thấy lần đầu. Tưởng tượng vào mùa thu hoạch, người chủ phải tìm công nhân đi hái bắp. Bao nhiêu ngày và bao nhiêu nhân công mới hái xong ruộng bắp? Kế đến còn chia loại ra lớn nhỏ nếu muốn. Ngoài ra còn phải đốn, thu dọn những thân cây bắp khô còn lại để có thể làm mùa mới khi đông tàn xuân đến…

Trên đường đến nhà nghỉ mát, Vân thấy 1 quầy nho nhỏ, có nóc che, bán nông phẩm như cà chua, dưa hấu, rau, đậu hoe (green bean). Dưa leo, cantaloupe, bí đỏ, táo, mận bắp… rẻ hơn các siêu thi ở Virginia. Thí dụ quả dưa hấu to bán 3$ trong khi siêu Virginia bán từ 5$ - 8$ một quả. Bắp rất ngọt và rẻ. Họ bán nhiều loại hoa trong chậu nhỏ để mua về trồng hay treo lên để ngắm cũng được: hoa cúc nhiều lắm (đủ màu, chậu to, chậu bé), impatient, petunia, hydrangia, ớt, cà chua… giá rẻ có khi bằng 1/2 giá so với siêu thị VA. Cũng có hoa cắt sẵn ngâm trong nước. Đặc biệt là không có người bán. Họ để giá sẵn trên mỗi loại hàng, nơi đựng bao và cái cọc chôn xuống đất, phía trên là hộp dựng tiền hay ngân phiếu có khóa. Người mua lai rai, kẻ đến người đi. Vân đến nơi này mấy lần, quầy hàng vẫn còn với nông phẩm tươi ngon. Vân nghĩ họ không mất tiền nên quầy hàng mới tồn tại, người chủ tiếp tục tin tưởng người mua lương thiện không lấp cắp nông phẩm của mình.


LỄ HỘi MÙA THU (Fall Festival)

Lần đi này Vân thấy nơi đó có Fall Festival. Con đường nhỏ từ ngoài mặt lộ đi vào khu festival được dọn dẹp, rãi đá nhỏ sạch sẽ. Nhiều nông sản hoa quả. Họ bán thêm các loại nước trái cây: nước táo, mật ong, nước cam, các loại mứt, … Bí đỏ lớn nhỏ nhiều lắm. Có nhiều trái bắp khô và tươi. Những cây bắp khô queo được bó lại gọn gàng. Mỗi bó có 3 cây bắp, giá 6$. Lại có hình các bộ xương khô, đầu lâu… chuẩn bị cho ngày lễ “Ma Quỷ”(Hallowen) vào cuối tháng. Có nơi cho trẻ con vui đùa: những cái đu, nơi trốn tìm, những bánh xe lớn nhỏ, màu mè xanh đỏ xếp cạnh nhau cho các em leo trèo, những bàn ghế thấp cho khách ngồi giải khát… Mấy người an ninh mặc sắc phục đi tới lui và nhân viên có huy hiệu trước ngực hướng dẫn nơi đậu xe. Bãi đậu xe khá đông. Nếu đến để chụp hình hay mua nông phẩm thì khỏi mua vé. Ai muốn tham dự các trò chơi phải mua vé nhưng Vân không biết bao nhiêu tiền 1 vé. Cô hướng dẫn cho biết sau 3 giờ chiều có nhiều trò chơi cho trẻ con và người lớn…

Tuy là ngọai ô nhưng cũng có khu buôn bán nhỏ, nhà thuốc, tiệm bán thức ăn nhanh, nhà hàng Tàu, trạm xăng nằm dọc theo con đường. Nhà thờ khang trang, trường học, khách sạn, rải rác trên đường đến nhà nghỉ mát.

COBB ISLAND


Xe chúng tôi chạy qua cây cầu khá dài nối đất liền và đảo Cobb Island ở sông Potomac thuộc tiểu bang Maryland. Cái đảo này nhỏ khoảng hơn 1000 dân cư. Trước khi đến cầu có nhà hàng bán hải sản (seafood restaurant) khá rộng nằm cạnh bờ sông.
Dưới bến rất nhiều cầu tàu và tàu nhỏ. Có lẽ nơi đây họ cho thuê tàu chăng? Nhiều tàu nhỏ đậu trên bờ, trên khoảng đất rộng cạnh nhà hàng. Con gái cô bạn cho biết cô thường đến đó mua cua luộc sẵn mang về nhà ăn thoải mái hơn nhưng phải điện thoại trước cho nhà hàng biết. Trên đường vào đảo cây cối xanh um râm rạp. Nhà bưu điện, trạm chữa lửa, siêu thị nho nhỏ nằm gần cầu. Trên đảo giống như thôn quê Việt Nam. Nhà nào cũng có sân trồng cây kiểng lu bù, mặt tiền quay ra đường, phía sau là nước. Có nhà nuôi gà thả chạy loanh quanh ngoài sân. Gần sáng nghe tiếng gà gáy. Nhà nào sân quay mặt ra sông là có cây cầu dài từ bờ cỏ ra mặt nước. Cuối cầu, chủ nhà làm cái sân gỗ rộng đủ chứa cây dù, cái băng gỗ hay mấy cái ghế để họ câu cá hay ngắm trời, mây nước. Cái thuyền nhỏ chừng 2 người ngồi, để bên cạnh sân gỗ trên cái bệ. Khi nào muốn cho thuyền lên hay xuống mặt nước, họ chỉ bấm cái nút trên thành cầu, cái bệ sẽ di chuyển theo ý người điều khiển. Vân nhà quê nên thấy lạ và phục sự văn minh, tiện nghi xứ Cờ Hoa. 

Trên đảo có 3 chủ nhà người Việt. Hai người mua nhà hơn 10 năm, người thứ ba mới mua được 2 năm thôi. Thường họ chỉ đến đó vào những ngày cuối tuần hay tháng hè. Trên đảo lúc hoàng hôn thì đẹp khi ánh nắng chiều phản chiếu trên mặt nước. Hàng ngày nhin ra mặt hồ mênh mông, phẳng lặng, thỉnh thoảng có vài tàu nhỏ qua lại hay thuyền đi câu cua, câu cá. Mùa hè có trò lướt thuyền (water skiing) trên nước thì vui vui một chút. Ngoài ra thật vắng và buồn nhưng những người trẻ tuổi có vẻ thích nơi này. Tuy đảo nhỏ nhưng có nơi không nhìn thấy bên kia bờ đối diện, mênh mông. Vân nghĩ, có lẽ các cô cậu sinh ra nơi thành phố, chưa từng sống ở thôn quê mới mua nhà nơi vắng vẻ như thế. Lâu lâu ra ngôi nhà ngoại ô một lần, họ phải dọn dẹp cây kiểng cho gọn gàng, trồng thêm hay bỏ bớt những cây cỏ xấu mọc không ngay hàng thẳng lối, bận biu cả buổi. Người cắt cỏ không có trách nhiệm với bồn hoa. Ngoài ra còn chăm sóc các vật dụng trong nhà. Ông hàng xóm, bạn con gái Vân cho biết vì lâu lâu mới đến nhà đảo một lần nên chuột cắn hư dây điện. Ông phải gọi thợ đến sửa tốn một số tiền.

Vân cầu chúc đồng bào quê nhà như hải ngoại được bình an hạnh phúc; các nạn nhân bão lụt sớm được giúp đỡ để ổn định đời sống; con em được đến trường; đất nước Việt Nam ngày càng văn minh tiến bộ như xứ Cờ Hoa.

Ngọc Hạnh
Mùa thu, năm 2024

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

Một Lần Nào Cho Em Gặp Lại Anh! - Sáng Tác : Vũ Thành An - Trình Bày: Kim Oanh(Canada)


Sáng Tác : Vũ Thành An
Trình Bày: Kim Oanh Canada

Thu Về Nhè Nhẹ Rồi Anh!

 

Vàng trong nắng, lá thu vừa đổi sắc
Đẹp làm sao: vàng, tím, đỏ, cam, xanh…
Lá rơi rơi, gió chao nhẹ lá, cành
Chút lành lạnh, mây trắng xanh mỏng mảnh.

Ý Nga
20.10.2017

Ta Đã Già

 

Ta biết ta đã già
Khi thôi hát tình ca
Tiếng chim hót buổi sớm
Tai không còn nhận ra

Giai nhân như cánh bướm
Hồn hoa cũng nhạt nhòa
Vật thể trôi mờ ảo
Những kỷ niệm phôi pha

Như bé con thèm ẵm
Muốn được mẹ ru ca
Ông già thành bé bỏng
Tập bước trong phòng nhà

Ông cũng thèm nghe hát
Là gió thổi vu vơ
Ông cũng thích biển rộng
Qua sóng nước ven bờ

Bàn chân đi đã mỏi
Thời gian trôi ngất ngư
Tuổi trăm năm đã đến
Ông trở về thiên thu...

Locphuc

Thương Người Em Xóm Đạo


Tôi về qua xóm đao
Không gặp lại người xưa
Cùng yêu thương một dạo
Chung bước biết bao mùa!

Xưa hái cành hoa trắng
Cài lên áo màu em
Em mơ màu hoa cưới
Cùng nhau sống êm đềm!

Tôi cùng chung mơ ước
Hạnh phúc buổi thanh bình.
Nhưng giặc vào xóm đạo
Đành mặc áo chiến bình!

Nàng khóc chiều ly biệt
Tôi đau buổi lâm hành
Tình chúng tôi tha thiết
Tàn héo cảnh chiến tranh!

Mãi say dời sương gió
Biền biệt buổi tao phùng.
Nay trở về xóm cũ
Chiều sương gió mịt mùng!

Xóm đạo buồn hoang vắng
Em tôi bỏ cuộc đời
Trong ngày đầy khói lửa
Thật đau xót lòng tôi!

Giờ hái cành hoa trắng
Đâu còn em để trao
Đành cắm trên ngôi mộ
Mắt lệ tôi dâng trào!

14-10-2024
Hàn Thiên Lương


Xin Được Phép Giao Bôi

 

Bài Xướng:

Xin Được Phép Giao Bôi


Cám ơn quý vị họa thơ tôi,
Thơ của anh chàng Lạc Thủy tồi
Lép bép chuyên quen nghề rắc rối,
Xềnh xoàng lại lắm truyện lôi thôi!
Leo teo may được huynh tha lỗi
Luẩn quẩn hên ghê tỷ tặng xôi
Bát tự đồng âm liều viết vội
Cùng nhau xin được phép giao bôi

LTĐQB
***
Bài Họa:

Đường Thi


Họa thơ các bạn chớ cười tôi
Hay dở chung vui ý có tồi
Chữ nghĩa chưa thông càng thấy rối
Trắc bằng không hiểu cũng đành thôi
Đường thi gò bó sao kham nổi
Niêm luật khắc khe khó nuốt xôi“nuốt xuôi”
Bát tự đồng âm nhờ dẩn lối
Vườn Thơ kết chặt há ly bôi.

Nguyễn Thành Tài
15-9-2018

 

Sẽ Có Ngày Trùng Hoan



Nhắc lại càng thêm thương nhớ ơi!
Quân trường yêu dấu suốt trong đời 
Cho dù ở lại vùng quê Mẹ 
Hay phải lưu đầy khắp mọi nơi 
Tình vẫn sắt son về Thủ Đức.
Nghĩa còn thắm mãi tận ngàn khơi 
Bao giờ cả nước bừng khai hội!
Chiến hữu trùng hoan thật tuyệt vời!

Lâm Hoài Vũ

Chuyện Mất Gà Ở Mỹ


l
Gần đến sinh nhật 16 của con gái thì hỏi nó muốn quà gì. Chị ta xin một cái chuồng gà nuôi vài chị đẻ trứng cho vui. Cô ả lại còn lên mạng tìm kiểu thiết kế, đòi chuồng phải là “nhà lầu”, tường sơn trắng, cửa sổ viền đỏ, có cầu thang lên xuống, có sân chơi quanh “nhà”, rào lưới để các chị gà chơi đùa thoải mái. Mẹ chìu con, gọi ông bạn quen làm thầu xây cất: “Tôi biết anh chuyên xây nhà to đùng, chuyện này không đáng, nhưng anh ráng giúp dùm cháu!” Chuồng xây hết $1600. Con bé lái xe lên trại tuyển bốn con gà con vàng tơ, mỗi con $10. Họ bảo đảm nếu lớn lên mà thành gà trống thì cho mang lên trả lại. Giời ơi! Một con gà nuôi béo, quay vàng ươm thơm phức tại Costco chỉ có 5-6 đồng một con. Chưa nuôi đã thấy lỗ lã to rồi con ơi. Thôi thì cho nó làm nông dân còn hơn nó cầm tiền ra đường xì ke ma túy!

Luật tạo hóa đã định, chỉ vài tháng sau là chị ta chán, từ đó mẹ lo chăm nuôi,dọn dẹp, hầu hạ mấy chị gà. Một buổi sáng mùa đông ra dọn chuồng bỗng thấy lờ mờ một vật gì giống như bao giấy dầu nằm trên mặt tuyết. Đến gần thì hỡi ôi, chị gà mái vàng đang nằm bất động. Con trúng gió bất tử hồi nào mà chiều qua còn đẻ cho quả trứng, sáng nay đã một đi không trở lại thế này!

Sáng mồng hai Tết năm rồi ra chuồng gà cho các chị ăn thì chỉ còn có hai chị, chị thứ ba biến đâu mất. Bụng bảo thầm thôi rồi hôm qua mồng một thả ra vườn cho chơi Tết cả ngày, chắc chú cáo đến thộp rồi. Lại lo không biết nó ăn rồi bỏ xương, bỏ lông nơi mô, mai này vào xuân ấm áp, giòi bọ kéo đến nhung nhúc, hàng xóm lại la oai oải. Đầu năm mất của, rõ bực mình! Chẳng thể xắn váy lên dài giọng bài chửi mất gà cho hả tức được. Một phần vì mình không biết chửi mất gà bằng tiếng Anh, mà quan trọng hơn là biết hàng xóm ở đây chẳng ai tham của theo nguyên tắc ở Việt nam “của Cézar mà vào nhà bà là của bà”. Mấy bà nội trợ Mỹ ấy à, thử cho mấy bà một con gà còn sống bảo bà cắt tiết vặt lông rồi quay vàng cho chồng con ăn, thì bảo đảm bà nào bà nấy lăn đùng ra xỉu mất, chứ lại ở đó mà đi bắt gà đi lạc của mình cho vào nồi. Lại cứ nghĩ mà thương con bé. Nó lanh lẹ nhất trong 3 đứa, mỗi lần mình ra sau kêu "cúc cúc" là nó 3 chân 4 cẳng chạy về một mạch, hai chị kia lù đù lục đục chạy theo sau.

Hai hôm sau con gái báo:
– Mẹ ơi, Sở Bảo vệ Súc vật bắt được gà của mình, đưa hình nó lên mạng kìa.
– Ủa, sao con biết?
– Con Suzy bên cạnh cho con biết. Nó làm thiện nguyện tại các nơi chăm lo cho súc vật.

Lên mạng tìm thì quả nhiên thấy mặt mẹt của chị, nhưng lại được Sở Bảo vệ Súc vật khai chị là anh gà trống. Giời ạ, mang danh bảo vệ súc vật mà lại trông gà hóa cuốc, trông gà mái hóa gà tồ như thế! Chị gà nhà mình làm bản tự khai: "Tôi được tìm thấy ở khoảng số nhà 9600 đường T……., đã về đây từ ngày 9 tháng 2". Cạnh đó có anh gà trống đăng hình " tôi đã về đây từ ngày 15 tháng 12", v.v. Một lũ các anh chị chó mèo khác, mỗi “người” một kiểu tạo dáng, tranh nhau tự khai lý lịch trích ngang, ngày “thoát ly”, địa điểm nơi “tập kết”, ngồi xem cũng vui đáo để.

Thế là ghi số nhân thân của chị, sáng hôm sau nghỉ làm, chuẩn bị một thùng giấy to lót nhật trình đến Sở Bảo vệ Súc vật xin chuộc chị về.
Nhân viên cẩn thận hỏi đi hỏi lại, sợ mình là mẹ mìn đến bắt "con người ta".
– Con gà của bà tên gì?
– Dào, tôi không có thói quen đặt tên cho gà đâu. Nhưng mà con tôi nó đặt ba đứa tên Hilda, Zelda, Arabella.
– Thế con này tên gì?
– Không biết nữa, thôi cứ cho nó là Arabella đi. À mà này, con gà của tôi là gà mái, không phải gà trống đâu cô nhé.
– À vâng, chúng tôi biết rồi. Cô nhân viên bẽn lẽn trả lời.
Chắc hẳn ba ngày nay chị đã đẻ cho các cô 1 , 2 quả trứng để minh chứng cho giới tính của mình.

 

Họ lại hỏi có giấy tờ tậu các chị ngày nào không, có giấy chủng ngừa không, nếu không có thì có gì chứng minh con gà này là của bà không. Mình phải đưa phone cho xem hình ngày xưa còn bé của chị, hình chụp "nhà lầu" xây cho chị ở vườn sau, có cầu thang đi lên xuống, và đưa bằng lái xe cho thấy nhà ở số 9628 đường T……, gần nơi chị được nhặt về.

Cô nhân viên gật gù hài lòng, bảo ngồi đợi chút. Lát sau cô vẫy lại cho biết:
– Yêu cầu bà đóng tiền “cháu nó” ở trọ mỗi ngày 20 đồng cho 3 ngày, cộng với tiền thử phân xem nó có bệnh hoạn gì không, 21 đồng, tổng cộng là 81 đồng. Hiện giờ kết quả thử nghiệm chưa có, nhưng vài ngày nữa bà có thể gọi lại để biết kết quả.

Trời ơi, đến đây thì đã quá muộn, không thể thối lui bỏ về được nữa. Mình đã định bụng nếu họ xin đóng góp thì mình sẽ bỏ vào "thùng phước sương" 20 chục tì. Ai ngờ đâu đến tám mươi mốt tì, đau quá! Mèn, một con gà quay vàng rực thơm phức ở chợ chỉ có 5-6 tì! Hèn gì lúc lái xe vào cổng thấy dinh thự đồ sộ quá, trưng bày tác phẩm nghệ thuật các anh chó, chị mèo to đùng trên tường, lại còn cẩn các viên gạch chạm nổi các dấu chân của các anh chị.

Đành móc ví ra thôi, giờ phút này không có can đảm mặt dày giả vờ quên ví, để về nhà lấy rồi trở lại sau. Bây giờ thì họ đã có số phone, bản sao bằng lái xe, địa chỉ đàng hoàng trong computer của họ rồi. Lưới công an Mỹ lồng lộng, lại còn "tai mắt nhân dân" Suzy ở cạnh nhà nữa chứ.

Trên đường về mình và bà ngoại bàn với nhau, thật không có cái dại nào giống cái dại nào. Đáng lẽ phe lờ đừng đi nhận chị về, và sẵn dịp tuần sau lại "thả" hai em kia luôn, mỗi tuần một em, để Sở Bảo vệ Súc vật nhặt hộ. Họ giữ một thời gian không ai nhận thì phải tìm cách “gả" các chị về nhà khác, mình khỏi phải cho ăn uống, dọn vệ sinh vào những ngày đông rét mướt. Tiếc tiền quá đi! Tuy nhiên bạn mình nghe kể chuyện thì bảo hãy cứ mừng là chỉ có một chị đi hoang. Cả ba chị mà bị túm vào bót hết thì lại phải chuộc đến 243 đồng, bằng tiền mua một con dê!

Hiện giờ thì trẻ lạc đã sung sướng tung cánh gà tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đầm ấm. Còn con gái thì mừng rỡ cảm ơn mẹ rối rít! Thôi thì đầu năm mất của mà tìm lại được cũng là điềm tốt, mặc dù bị lỗ lả nặng!

Only in America!

Thuy Messegee
2014

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

Bài Học Yêu Đương - Thơ: Quách Như Nguyệt - Diễn ngâm: Kim Kiểm


Thơ: Quách Như Nguyệt
Diễn ngâm: Kim Kiểm

Chúc Mừng Sinh Nhât Tám Ba

 
(Chúc mừng Sinh Nhật nhà thơ Tha Nhân)

Sinh Nhật chúc mừng tuổi tám ba
Tuổi của cao niên chẳng phải già
Trao đổi văn thơ cùng bạn hữu
Vui con vui cháu gần và xa
Lúc trẻ phụng sự cho quốc gia
Muộn phiền khi sống xa quê nhà
Cầu mong văn hữu tâm an lạc
Quẳng gánh lo đi, hạnh phúc nha

Virginia ngày 10/10/ 24
Ngoc Hạnh

Thiên Tai


1/
Năm Thìn siêu bão lắm thiên tai,
Khắp chốn năm châu chết khổ dài.
Nhà phố nát tan, xe chìm biển.
Dân cư vùi lấp, cảnh trần ai.
Vùng nao may thoát, yên vui sống,
Đem tấm lòng nhân tỏ đức tài.
Bác ái công bình luôn thể hiện,
Giúp đời hy vọng đẹp ngày mai.

2/
Khắp nơi hứng chịu đủ thiên tai.
Mưa lũ, cuồng phong, đất động dài.
Nước cuốn nhà xe trôi biển cả,
Dân tình chìm chết quá bi ai.
Mừng ta được trú nơi yên ổn,
Tạ Phật Trời cho vẫn phúc tài.
Lòng phải vị tha ngang vị kỷ,
Giúp đời tươi đẹp dựng tương lai.

Nhật Quang Phi Hồ 
(Oct24)


Đêm Huyền Ảo

 

Mê mẩn, tôi nhìn những ánh sao
Lung linh huyền ảo giữa trời cao
Từng viên ngọc quý đầy mê hoặc
Những khối tinh cầu gợi ước ao
Nhắm mắt phiêu du miền diễm tuyệt
Thả hồn say đắm mộng xôn xao
Bềnh bồng...nhẹ hẫng...êm ru lướt
Thanh thản rong chơi thế giới nào.


Sông Thu
(07/10/2024)

Suối Tương Tư


Dưới bầu trời xám ảm đạm, Phượng lững thững đi dọc theo bức tường bằng đá ghi chi chít tên những quân nhân Mỹ đã bỏ mình trong cuộc chiến Việt Nam. Một cơn gió lạnh thổi qua khiến nàng rùng mình. Nàng ngừng lại và đặt một nhánh hoa dại màu vàng xuống sàn xi măng, trước khoảng tường có một tên bắt đầu bằng vần M. Nàng thì thầm: “ Hoa của riêng Minh đấy! Có ai thích hoa dại bao giờ? Thế là Minh được độc quyền nhé!”

Đã từ lâu, nàng đã có thói quen viếng thăm bức tường này vào ngày giỗ của Minh, người mà nàng yêu tha thiết. Chàng cũng đã bỏ mình trong trận đánh ở An Khê năm xưa khi hai người đang chuẩn bị đám cưới. Mỗi lần đứng trước bức tường đá lạnh lẽo với những cái tên xa lạ, nàng thường tự hỏi: “ Có bức tường nào dài đủ để ghi tên Minh và những người Việt Nam đã chết trong cuộc chiến tranh thảm khốc đó?”

Phượng đưa mắt hững hờ nhìn những du khách đang bước vội vã bên bức tường đá lặng câm. Nàng thả hồn vào quá khứ xa xăm mà tưởng chừng như vừa mới hôm qua, như vừa buổi sáng…

Phượng chào “Tù Trưởng Muốn” một lần nữa rồi lễ mễ ôm quả mít no tròn và thơm lừng đi về phía bác tài xế đã đậu xe chờ nàng bên bờ suối. Vừa đi, nàng vừa tủm tỉm cười vì cái tên ngộ nghĩnh mà bố con nàng đã gọi Tù Trưởng của buôn thượng này. Sở dĩ ông được gọi như thế vì mỗi khi gặp bố nàng, ông ta nói rất nhiều lần tiếng “ Tôi muốn”. Thực ra, mọi thứ ông xin, đều là xin cho dân làng nhưng vì không biết nhiều tiếng Việt nên ông chỉ nói “Tôi muốn”, rồi dùng tay ra hiệu hoặc chỉ vào những thứ mà ông muốn.

Từ ngày đơn vị của bố nàng đóng quân tại vùng cao nguyên Pleiku, nàng vẫn thường theo bố vào các buôn thượng lân cận để giúp đỡ những người dân bản xứ, khi bố nàng có giờ rảnh rỗi. Lúc đầu, nàng chỉ đi cùng bố cho vui. Lâu dần, nàng cảm thấy thương mến những người dân miền núi thật thà chất phác nên nàng đã dành rất nhiều thời giờ cho công việc này. Phượng là y tá nên dân làng rất cần sự giúp đỡ của nàng. Do đó, mỗi khi thấy Phượng tới, họ vui mừng gọi tên nàng ơi ới và tiếp đãi thật nồng hậu. Những buổi chiều nhạt nắng, từ trại gia binh, nhìn những làn khói lam tỏa ra từ những ngôi nhà sàn, Phượng lại thèm ăn một ống nứa cơm thơm thơm mà nàng thường được mời mỗi khi vào thăm các gia đình người thượng.

Bố nàng đã ra lệnh cấm không được đi riêng lẻ vào buôn vì lý do an ninh. Nhưng nhiều lần Phượng đã trái lệnh. Đối với nàng, những ngôi nhà sàn mái lá nâu sậm, chênh vênh trên những cây cột gỗ cao lênh khênh và đống củi khô chất đầy phía dưới, bên cạnh những cây mít, cây mận sai chúc chíu đã trở nên thân quen, mời gọi

Chiều nay, sau khi ra khỏi quân y viện, Phượng năn nỉ bác tài xế, cho nàng ghé vào buôn một lúc để gặp “Tù Trưởng Muốn”. Nàng muốn báo cho ông một tin vui là nàng đã xin được một số quần áo và tặng phẩm của một hội nhà thờ để phát cho dân làng vào dịp Giáng Sinh sắp tới. Nàng tiếc là không có thời giờ để ở lại ăn cơm cùng gia đình ông Tù trưởng, mặc dù họ ân cần mời mọc. Nàng vừa dùng tay ra hiệu vừa nói với họ bằng tiếng Thượng:
-Tôi ở lại đây, bố tôi cắt cái đầu!

Nghe Phượng nói tiếng của ông, “Tù Trưởng Muốn” cười ha hả, để lộ mấy cái răng vàng chói. Rồi ông bảo vợ hái quả mít chín và to nhất tặng cho nàng.

Phượng đi loanh quanh qua những con đường đất đỏ bụi mù theo từng cơn gió lốc. Rồi nàng băng qua khu rừng cây um tùm để đến bờ suối. Chiều xuống thật nhanh. Mới lúc nãy hãy còn ánh nắng mà bây giờ đã tối xầm lại. Một vài con chồn, con thỏ…nghe tiếng động, chạy vụt vào trong những lùm cây. Tiếng chim kêu, gió hú đã làm tăng vẻ âm u của vùng rừng núi. Một nỗi sợ hãi đang bủa vây trong tâm hồn Phượng. Nàng không sợ bị bố quở mắng, nhưng nàng đang lo những bất trắc có thể xảy ra tại đây. Nàng ân hận vì đã vào buôn một mình khi trời tối.

Ban ngày, cuộc sống ở đây cũng bình thường và nhộn nhịp lắm. Nhưng khi màn đêm buông xuống thì hình như sự nguy hiểm, chết chóc, rình rập đâu đây. Hơi thở của mỗi người hình như nặng nề hơn, dồn dập hơn và giấc ngủ nào cũng chập chờn những cơn ác mộng. Nhiều đêm, ánh hỏa châu sáng rực cả bầu trời. Tiếng trọng pháo nổ ầm ầm xen lẫn những tiếng súng nhỏ cắc cùm, cắc cùm…khi xa, khi gần, khiến mọi người tỉnh giấc, hốt hoảng chui vào hầm trú ẩn. Hồi hộp muốn vỡ tung lồng ngực nhưng ai nấy vẫn lâm râm niệm Phật, cầu Chúa.

Phượng đi thật nhanh. Nhưng hình như khoảng cách vẫn không thu ngắn được là bao. Cuối cùng, nàng cũng lội được qua con suối, đến bên chiếc xe jeep mà bác tài xế đang đợi nàng. Phượng thở phào nhẹ nhõm, vừa leo lên xe, nàng vừa nói:
- Xin lỗi bác nhé, tôi không ngờ tôi ở trong đó lâu như thế.
Bác tài xế vui vẻ:
- Không sao cô ạ. Tôi chỉ lo lát nữa về nhà bị Đại úy la thôi.
- Bác đừng lo, lỗi của tôi mà!

Chiếc xe chưa kịp chạy, bỗng hai người nghe tiếng rên rỉ khe khẽ. Lương tâm của một y tá đã thắng sự sợ hãi của Phượng. Nàng nhìn quanh và nhận ra một người đàn ông mặc quân phục, bị thương, nằm cách đó không xa. Nàng nhanh nhẹn lấy thùng vật dụng cứu thương, băng bó cho nạn nhân rồi giúp bác tài xế vực ông ta lên xe, đưa về bệnh xá, nơi nàng làm việc

Đêm đã khuya lắm mà Phượng vẫn còn trằn trọc không thể nào ngủ được. Nàng nghe tiếng gió hú từng cơn và tiếng súng từ xa vọng lại. Nàng bỗng nhớ tới người quân nhân bị thương mà nàng đã mang vào bệnh xá hồi tối. Không biết anh chàng đã tỉnh lại chưa? Vết thương khá nặng và máu ra nhiều, nếu nàng không tình cờ gặp thì có lẽ giờ này anh ta đã chết từ lâu rồi. Phượng thở dài nhè nhẹ khi nghĩ tới đồng bào của nàng đã phải sống kinh hoàng trong chiến tranh. Một cuộc chiến tranh mà họ không lựa chọn. Những bom đạn, sản xuất từ một nơi xa xăm nào đó, đã được mang tới đây để tàn phá phần đất nhỏ bé và dân tộc hiền hòa này. Trong lúc thi hành nhiệm vụ, Phượng đã gặp không biết bao nhiêu cảnh thương tâm. Ngoài sự xúc động tận cùng của tâm hồn, nàng chỉ còn biết cầu nguyện và làm hết sức mình để xoa dịu một phần nào vết thương của cuộc chiến.

Phượng vừa chợp mắt được một chút thì chuông đồng hồ reo vang, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Nàng trở dậy sửa soạn qua loa, rồi cùng bố mẹ ăn sáng. Món xôi đậu đen của mẹ còn nóng hổi, ăn với muối mè sao mà ngon thế, nhất là vào những hôm trời trở lạnh như hôm nay.Thấy con gái ăn một loáng là đã hết bát xôi, mẹ Phượng nói đùa:
- Anh xem, con nó ăn giống con nhà chết đói không kìa!
Bố Phượng cười:
- Chưa chết, nhưng đói là cái chắc! Vật giá cứ leo thang mãi như thế này, mai mốt so không có xôi mà ăn nữa đó.
Phượng thắc mắc:-
- Nhà mình hai lương mà còn nghèo thế này, những gia đình lính và những người Thượng làm sao họ sống, bố mẹ nhỉ?
Bố Phượng thở dài:
- Thì bữa đói bữa no chứ còn làm sao nữa. À, hôm qua con lại vào làng Thượng phải không? Bố đã bảo đừng đi một mình mà, nguy hiểm lắm!
- Con ghé có một chút thôi, nhưng sau đó con gặp một người bị thương bên bờ suối. Con và bác tài chở ông ta vào bệnh xá nên về hơi trễ.
Mẹ Phượng lắc đầu, chép miệng:
- Tội nghiệp! Ông ta bị thương có nặng không con?
- Nặng lắm mẹ ạ. Máu ra nhiều lắm, không biết có sống được không?
Sau khi ăn điểm tâm, Phượng chào bố mẹ, rồi ra xe Jeep, bảo bác tài chở nàng lên bệnh xá.
Vừa gặp Bác sĩ trực, nàng đã hấp tấp hỏi:
- Người quân nhân bị thương tối hôm qua tỉnh lại chưa hả Bác sĩ?
- Tỉnh rồi, nhưng còn yếu lắm, đang truyền thêm máu.

Phượng reo lên:
- May quá, thế là chúng ta cứu được ông ấy rồi. Đêm qua, tôi lo quá, không thể nào ngủ được!
- Gặp bệnh nhân nào cô cũng lo như thế thì chẳng mấy lúc cô cũng thành bệnh nhân, cô Phượng ạ.
- Bác sĩ yên tâm, tôi không ốm được đâu. Vì nếu tôi ốm thì ai săn sóc bệnh nhân đây?
- Muốn vậy, cô phải lo giữ gìn sức khỏe và nhất là đừng lang thang vào buôn Thượng một mình, nhỡ gặp Việt Cộng thì phiền lắm đấy.

Từ giã vị Bác sĩ, Phượng đi thẳng tới giường của người quân nhân bị thương tối hôm qua. Nàng chăm chú nhìn người đàn ông đang nằm thiêm thiếp dưới tấm chăn màu trắng đã ngả màu ngà. Khuôn mặt ông ta hơi vuông, nước da ngăm ngăm, đôi lông mày rậm và cái miệng rộng với đôi môi tái nhợt. Bịch máu được treo lủng lẳng trên một cây sắt dựng đứng phía cạnh đầu giường. Những giọt máu đỏ tươi của một người nào đó đang chậm chạp rơi xuống cái ống thủy tinh nhỏ bằng ngón tay út, chạy qua sợi dây nhựa nhỏ xíu, truyền vào mạch máu nơi mu bàn tay đen xạm.

Người đàn ông bỗng cựa mình rồi mở lớn đôi mắt nhìn Phượng. Đôi mắt mệt mỏi nhưng vẫn toát ra vẻ thông minh lanh lợi. Phượng bối rối, chớp chớp đôi mắt mơ màng. Nàng chưa kịp nói gì thì người đàn ông đã cất tiếng hỏi rất nhỏ:
- Tôi đang ở đâu đây, thưa cô?
- Ông đang ở quân y viện, hôm qua tôi gặp ông nằm mê man bên bờ suối, gần buôn Thượng nên tôi đem ông về đây.
Người đàn ông nhíu mày như cố nhớ lại những chuyện đã xảy ra rồi nói:
-Cảm ơn cô. Thế là tôi đã mang ơn cứu mạng của cô rồi. Tôi bị thương có nặng lắm không hả cô?
-Ông yên tâm, tĩnh dưỡng vài ngày là khỏi. À, ông có muốn báo tin cho gia đình không
- Không cô ạ, mẹ tôi ở xa lắm! Vả lại, tôi cũng không muốn cho mẹ tôi biết để mẹ tôi khỏi phải lo lắng.

Nhắc tới mẹ, giọng người đàn ông tràn đầy xúc động. Phượng nhìn bệnh nhân một lần nữa rồi nói sau khi biết tên ông ta trong hồ sơ:
- Chào ông Minh nhé, lát nữa tôi sẽ trở lại. Từ hôm nay, tôi sẽ là y tá của ông trong thời gian ông điều trị tại đây.

Khi bình phục, Minh cảm ơn cứu mạng và sự săn sóc của Phượng bằng một bữa cơm thịnh soạn ở hiệu ăn Diệp Kính. Hiệu ăn tọa lạc ở ngay góc đường Lê Lợi và Hoàng Diệu, khu thương mại đông đúc của thị xã Pleiku, nhất là vào những buổi chiều khi lính Mỹ tủa ra từ những căn cứ quanh vùng. Sau đó, hai người đi nghe nhạc ở quán Mimosa. Phượng e ấp bên Minh, lòng rộn lên một niềm vui nhè nhẹ. Trong căn phòng ánh đèn mờ ảo, tiếng đàn, tiếng hát dìu dặt:”Phố núi cao, phố núi đầy sương…” Phượng như quên hẳn là nàng đang sống trong một vùng chiến tranh sôi động, và người đàn ông ngồi bên nàng không phải mới gặp mà đã thân quen từ muôn kiếp trước.

Đêm hôm ấy, Phượng lại trằn trọc không thể ngủ được. Lần này, không phải vì nàng lo sợ cho sự sống của người quân nhân bị thương bên bờ suối mà vì nụ hôn nồng nàn của Minh khi chia tay, vì đôi mắt to, đen, thông minh lanh lợi.
Thế rồi một mối tình đẹp như mơ, trong như giòng suối nảy nở giữa Minh và Phượng. Tình yêu của họ bị chiến tranh, súng đạn vây quanh, rình rập. Do đó, họ tận hưởng từng giây, từng phút, khi có nhau.

Có những buổi chiều, hai người ngồi bên nhau trên đồi vắng, lắng nghe gió thổi xào xạc qua rừng cây. Ngắm những đám mây trắng như bông lang thang trên bầu trời xanh bao la, rồi tan biến đi không còn một dấu vết. Có những đêm rằm, hai người trải chiếu ra phía sau nhà, ngắm trăng sao, kể cho nhau nghe những vui buồn trong cuộc sống. Có những buổi sáng, hai người vội vã đi tìm nhau để biết rõ người mình yêu còn sống sót sau trận giao tranh đêm hôm trước. Hai người cũng thường vào các buôn Thượng, phát thuốc men, thực phẩm hoặc bất cứ thứ gì mà họ xin được từ các hội từ thiện và các căn cứ Mỹ trong vùng. Minh làm những công việc này với lòng hăng say và một tình thương vô bờ bến. Chàng thường xiết mạnh tay người yêu mỗi khi nhìn thấy những người Thượng làm ruộng, làm rãy với những dụng cụ thô sơ:
- Em trông kìa! Trong lúc người ta lên mặt trăng thì người dân nước mình sống như thời tiền sử!
- Vậy mà em thấy họ hồn nhiên và hạnh phúc.
- Đúng vậy em ạ.Họ hạnh phúc vì họ không biết là họ khổ. Tuy nhiên, những người văn minh đã đem súng đạn tới, cướp đi cái hồn nhiên và hạnh phúc đơn sơ của họ đi nhiều rồi đấy!
Phượng và Minh cũng thường cùng nhau thơ thẩn dạo chơi bên bờ suối, nơi mà họ đã gặp gỡ. Khi yêu nhau, hình như người ta trẻ lại và làm những điều lẩm cẩm.

Trước kia, mỗi khi thấy các bạn khắc tên người yêu lồng vào nhau và vẽ những trái tim với mũi tên đỏ thắm thì Minh đã cười ngất và nói : “Cải lương quá!”. Nhưng từ ngày yêu Phượng Minh lại thích những trò chơi này. Tên của hai người cũng được khắc vào những thân cây gần đó. Con suối cũng được họ đặt cho một cái tên rất là thơ mộng:” Suối Tương Tư “ và hẹn rằng sẽ đến đây mỗi khi nhớ nhau. Hai bản nhạc Suối Mơ của Văn Cao và Còn một Chút Gì để nhớ của Phạm Duy và Vũ Hữu định cũng đã như là của riêng Minh và Phượng. Không lần gặp gỡ nào mà hai người không nghêu ngao hát hai bản nhạc này. Minh cũng thường ngắt những nhánh hoa dại màu vàng bên đường, cài lên tóc người yêu:

- Có ai thích hoa dại bao giờ? Thế là anh được độc quyền, phải không em?
Càng gần Minh, Phượng càng yêu thương chàng. Vòng tay của chàng, như muốn ôm cả thế giới vào lòng.Tình yêu của họ cũng được bố mẹ Phượng tán thành .Ông bà thường khuyên hai người nên tiến tới hôn nhân. Nhưng cả Minh và Phượng cùng dè dặt vì từ trong đáy thẳm của tâm hồn, họ biết cuộc tình của họ mong manh như sương, như khói, như những đám mây trong bầu trời vần vũ...
Chiến tranh chiến vẫn tàn phá núi rừng. Bom đạn vẫn cướp đi những mạng sống hàng ngày, hàng giờ. Những người lính Mỹ xa quê hương, những cô gái bán bar đến từ những làng mạc đã bị tan hoang, yêu cuồng, sống vội. Những trẻ mồ côi lang thang khắp nơi, khắp chốn…

Tình hình chiến sự ngày càng gay go, tinh thần Minh càng suy sụp. Nhất là khi Minh biết gia đình Phượng sẽ đổi về Saigon mà chàng lại phải đi hành quân luôn. Thời gian gặp nhau càng ít ỏi, tình yêu của họ càng đắm say, mạnh mẽ. Nhưng Minh vẫn không muốn hai người thành hôn mặc dầu bố mẹ Phượng thúc dục nhiều lần. chàng thấy mình ích kỷ nếu chàng cưới Phượng. Chàng mong rằng khi theo cha mẹ về Saigon, Phượng sẽ gặp được người chồng đem lại cho nàng cuộc sống êm đềm, hạnh phúc.

Vì thương con, vì quý mến Minh, bố Phượng đã âm thầm vận động với bạn bè để Minh cũng được thuyên chuyển về Saigon.
Minh mừng rỡ đi tìm Phượng để báo tin là chàng cũng được đổi về Saigon và bàn với Phượng là khi về Saigon hai người sẽ lo chuẩn bị đám cưới.

Ngày cuối cùng Phượng ở tại Pleiku, nàng đã được dự một bữa tiệc vô cùng cảm động do “ Tù Trưởng Muốn” khoản đãi. Khi Minh và Phượng đến nơi thì dân làng đã tề tựu khá đông tại ngôi trường vách gỗ, mái tôn mà đơn vị của bố Phượng đã giúp cất lên từ năm ngoái. “Tù Trưởng Muốn “ chạy ra tận nơi đón tiếp và mời hai người uống rượu Cần khai mạc, trong lúc một số người đánh trống, đánh chiêng hát hò inh ỏi. Phượng nói thầm bên tai Minh:
- Em không biết uống rượu, làm sao bây giờ?
- Em đừng lo! Họ mời anh và em uống chung một lúc. Em cứ giả vờ ngậm cái cần, để anh uống hết cho.
Phượng yên tâm, cùng người yêu đến bên lu rượu.
Minh giải thích:
- Họ quý mình lắm nên mới mời mình uống trước tiên đấy! Trong lu rượu, họ để một cây ngang làm dầu, mình phải uống tới mức đó mới được thôi.
- Uống nhiều thế, anh say thì làm sao?
- Bên em, lúc nào anh chẳng say!
Minh và Phượng châu đầu vào nhau, mỗi người ngậm đầu một cái cần cong cong còn đầu kia đã được thả vào lu rượu. Men rượu và đôi mắt mơ màng của Phượng khiến Minh nóng bừng cả mặt. Phượng cũng nhấp thử một ngụm rồi nàng tiếp tục ngậm cây cần cho tới khi Minh uống đến mức quy định mới thôi. Mọi người vỗ tay reo hò ầm ĩ. “Tù Trưởng Muốn “ đến bên hai người, cười ha hả, khen:
- Giỏi lắm!

Sau đó, “ Tù Trưởng Muốn “ và những người lớn tuổi lần lượt uống rượu. Rồi tất cả mọi người được chia phần ăn gồm thịt bê thui, cơm thổi trong ống nứa và một loại mắm làm bằng thịt heo. Bố của Phượng không tới dự. Nhưng ông cũng đã cho người mang tới mấy thùng Coca nên dân làng được một bữa no nê và vui vẻ.
Trước khi rời buôn Thượng, “ Tù Trưởng Muốn” đại diện dân làng, tặng cho phượng một cái ná bằng gỗ nâu đậm và bóng láng cùng một khúc vải dệt bằng tay màu đen có những sọc ngang sặc sỡ. Phượng rơm rớm nước mắt, dơ tay vẫy vẫy, chào từ biệt mọi người rồi lặng lẽ đi bên Minh trên những con đường đất đỏ, bụi mù...

Nắng chiều đã lịm tắt. Màn đêm buông xuống vùng rừng núi tịch mịch hoang liêu. Mãi tới khi băng ngang qua khu rừng để đến bên bờ suối, Phượng mới cất tiếng thì thầm:
-Ngày gặp anh , lúc đi qua đây em sợ lắm, hôm ấy em ôm một quả mít thật to cũng do "tù trưởng muốn" tặng.
Minh choàng tay ôm người yêu:
- Gía như hôm ấy em không cứu anh thì hồn anh bây giờ đã ở đâu rồi em nhỉ?
Phượng cười khúc khích:
- Và như vậy thì em ế chồng rồi, phải không?
- Bây giờ thì em yên tâm chưa? Em về SàiGòn trước, tháng sau anh về, chúng mình sẽ bàn chuyện đám cưới nghe.
- Thế là chúng mình chỉ còn được gần nhau tối nay nữa thôi.
Minh ngây ngất ngắm người yêu:
- Ừ thời gian mình còn lại với nhau ngắn ngủi quá em nhỉ.
Dứt lời, chàng ôm chầm lấy Phượng mà hôn như mưa lên mắt, lên trán, lên môi nàng. Lúc này bóng tối đã bao trùm vạn vật. Chiếc đèn pin Minh đang cầm nơi tay rơi xuống đất, soi sáng một vạt cỏ hiếm hoi trên vùng đất khô cằn. Mùi hương tóc của Phượng hòa với hương cỏ thơm nhè nhẹ tỏa khắp không gian.Tiếng gió thì thầm. Con"suối tương tư " róc rách reo vui như chúc tụng, ngợi ca một mối tình nồng thắm.

Sáng hôm sau, Phượng cùng bố mẹ lên máy bay về Sài Gòn. Tạm biệt mà như vĩnh biệt, Minh và Phượng cùng bịn rịn mãi, chẳng muốn rời xa. Qua ô cửa kính của máy bay, qua màn nước mắt, Phượng thấy Minh đứng cô đơn ngước nhìn nàng, dơ tay vẫy vẫy. Rồi chiếc máy bay bay vút lên không trung, bỏ lại vùng đồi núi Pleiku , đất đỏ sương mù. Bỏ lại con "suối tương tư" nước chảy trong veo. Bỏ lại Minh với những dự tính của một đám cưới không bao giờ được cử hành. Vì một tháng Minh ở lại Pleiku, tuy ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để cho súng đạn cướp đi mạng sống của chàng giữa lúc Phượng đang hân hoan chờ đợi ngày Vu Qui.

Sau khi bố mẹ lần lượt qua đời, Phượng theo làn sóng người tị nạn, đặt chân tới Mỹ. Những mất mát của tuổi trẻ đã làm cho tâm hồn nàng héo úa, tàn tạ như lá mùa thu. Nàng sống lặng lẽ trong một căn nhà nhỏ ở WASHINHTON DC. Thỉnh thoảng nàng viếng thăm bức tường đá lạnh lẽo, ghi chi chít tên những người MỸ đã bỏ mình trong cuộc chiến Việt Nam để thả hồn về dĩ vãng xa xưa với hình ảnh Minh và những tháng ngày hạnh phúc bên nhau.Và lần nào tới đây, nàng cũng đặt một cánh hoa dại mầu vàng xuống sàn xi măng, trước khoảng tường có một tên bắt đầu bằng vần M:"Hoa của riêng Minh đấy" Có ai thích hoa dại bao giờ? Thế là Minh được độc quyền nhé.

Lê Thị Nhị

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

Hoa Tường

 

Trót thân liễu ngõ hoa tường
Lòng bền tâm niệm kỷ cương vững vàng
Hỡi người quân tử dọc ngang
Có thương phận mỏng thẳng đàng mà đi


Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Thu

 

Cam, đỏ, vàng khoe sắc
Mùa chuyển mình sang thu
Đẹp ơi là khoảnh khắc
Gió vờn lá chu du!

Mây trắng, lam nhàn nhạt,
Nắng nhè nhẹ hanh hanh,
Bầy chim xanh vui hát
Trêu sóc nâu chuyền cành.

Mỗi ngày chạy thể dục
Càng thấy yêu thiên nhiên!
Ngắm người người hạnh phúc
Rong chơi như hành thiền.

Bức tranh thu thật tuyệt!
Lá rơi rơi vàng đường
Thương một người xứ Việt
Nhìn thu nhớ quê hương!

Chu kỳ sinh, trụ, diệt
Thể hiện rõ Sắc, Không
Em ra đi biền biệt
Ngày về cội, ai trông?

Ý Nga
20.10.2017


Nỗi Niềm Quê Choa!

 

Anh Em như thể khoai mì
Đã ghim chồi xuống khó gì mọc lên!
Hai ta như sứa thân mềm
Khiến tô mì Quảng ngon thêm vạn lần
Cẩm Hà lân cận rất thân
Có khi nào thử một lần ra chơi
Mời Em một bát đầy vơi
Tấm tình trong vắt sáng ngời đó nhe
Quê ơi quá đỗi ê chề
Sau cơn chinh chiến bộn bề gian nan
Miếng cơm manh áo vạn đàng
Chưa theo được chút giàu sang với người
Vậy mà vá víu cơ ngơi
Cũng đành gói ghém với đời tiếng thơm
Dân Ngũ Phụng tóc chơm bơm
Quan Tề Phi ấy hờm hờm lợi danh
Quê nghèo bưng chén cơm thanh
Cớ sao lại phải đua ganh với đời!
Thưa cùng Em chút ít lời
Gọi là tâm sự cho vơi nỗi lòng!

Thiên Phương
(April, 2009)
( Ghi chú: Quê choa: Quê cha (tiếng địa phương)
- Cẩm Hà: một miền đất nổi danh với món Mì Quảng .
- Ngũ Phụng: Năm con chim phụng ( ý chỉ năm ông Tiến Sĩ đất Quảng) 
- Tề phi: chầu hầu tấm liễng Vua ban .
- Chén cơm thanh: chén cơm độn khoai bảy tám phần)

Khúc Tình Thu

  

Thu khoe dáng sắc màu óng ã
Một trời thơ mơ mộng kiêu sa
Sắc vàng nâu tô thắm mượt mà
Khúc tình sử ngập đường rãi lá....

Hàng ghế đá công viên hoang vắng
Để lá vàng lã chã lìa cành
Hồ soi mình bóng nước trong xanh
Ôm nỗi nhớ một thời dĩ vãng.........!

Bầu trời xanh vầng mây lãng đãng
Trôi về đâu ....bóng ngã sương chiều
Rừng thu vàng phủ bóng cô liêu
Vang tiếng hú lạc loài lẻ bạn......!

Suối róc rách ....dăm đường lá đổ
Gió heo may nỗi nhớ mênh mông
Con đường làng... nhớ cả dòng sông
Nhớ tiếng hát Mẹ ru con ngủ........!

Ngư Sĩ


Nhạc Sĩ Nguyễn Hữu Tân Qua Đời Được Một Năm


Mới đây mà đã một năm qua rồi. Năm ngoái, N đang đi chơi vùng miền Đông Hoa Kỳ, đang ở Delaware, ngủ ở nhà cô bạn; quá nửa khuya thì N nhận được email của chị Thúy Nga cho biết anh Tân đã qua đời (chị Thúy Nga là ca sĩ tài tử, thường hát nhạc của anh Tân).

Vẫn biết ai rồi cũng phải ra đi, không qua khỏi vô thường; tất cả chúng ta ai ai rồi cũng sẽ phải trãi qua
đoạn đường này, nhưng N vẫn thấy buồn ghê lắm! N may mắn được gặp anh một lần khi anh có dịp
xuống quận Cam để lên Tivi trong chương trình nhạc về lính do hai ca sĩ Trang Thanh Lan, Phương Hồng
Quế phụ trách. Cùng đi với anh có thi sĩ Trạch Gầm (con trai của bà Tùng Long).
N có mời một số thân hữu đến chơi. Nhạc sĩ Ngô Quốc Báo, Dương Quang đệm đàn cho buổi party văn nghệ ngày hôm đó (rất tiếc N đã không quay video để làm kỷ niệm)

Bản nhạc đầu tiên anh Tân viết cho thơ của N là bài “Tình yêu nào chẳng đẫm đầy nước mắt”
Tình Yêu Nào Chẳng Đẫm Đầy Nước Mắt
Trình bày: Thùy Dương


Anh Tân viết nhạc quá dễ dàng! Hầu hết những bài thơ của N gửi vào diễn đàn, anh Tân đều có cảm hứng
để viết nhạc. Có bài chỉ vài tiếng, có bài thì một ngày sau, đa số thì 2, 3 ngày. Thơ N làm nhiều quá, anh Tân có để dành lại và thỉnh thoảng mang những bài thơ cũ của N ra để viết thành ca khúc.

N làm thơ đã nhanh mà anh Tân viết nhạc còn ...nhanh hơn nữa, nhanh như chớp, hihi.
Hai chúng tôi “sản xuất” thơ nhạc ào ào, “cho ra lò” không biết bao nhiêu là bản nhạc, vui lắm cơ.
Anh Tân viết hơn một trăm bản nhạc phổ từ thơ của N, chính xác là 116 bài.
Nhiều thi sĩ trên các diễn đàn được anh Tân viết nhạc cho thơ của họ nên các thi sĩ đều rất quý mến, rất cảm kích anh!

Anh Tân viết nhạc, làm thơ, đàn, hát. Nhạc sĩ có nhiều tài lắm nhưng anh luôn khiêm nhượng, là một nghệ sĩ có tính tình
nghệ sĩ thứ thiệt (không hề tính toán, bon chen, cố chấp; xem tất cả mọi việc đều rất nhẹ nhàng). Anh hiền lành, chẳng
bao giờ có chuyện rắc rối gì với bất kỳ ai. Anh luôn dễ chịu, hòa nhã, vui vẻ với tất cả mọi người; luôn viết comments cho những bài thơ, những bài nhạc phổ từ thơ của N để khuyến khích, khích lệ tinh thần N.
N rất nể phục nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân, cho rằng anh mới thật sự là người lãng mạn, lãng mạn hơn những người ...haylãng mạn vớ vẩn (như là N đây nè) 

Năm ngoái, sau khi anh Tân qua đời vài ngày; N có làm bài thơ “Vĩnh Biệt nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân” để tưởng nhớ anh

Vĩnh Biệt nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân
Gửi điện thư không thấy trả lời
Một tuần sau nghe tin anh qua đời
Bất ngờ quá, đâu ngờ anh mất?
Em buồn lắm, buồn miên mang chất ngất!

Hơn hai trăm bài thơ em phổ nhạc
Một nửa là của Nguyễn Hữu Tân
Anh: thi, nhạc sĩ tài ba ân cần
Người hiền hòa ai cũng muốn gần thân

Là nghệ sĩ, tính tình anh nghệ sĩ
Nghệ sĩ mà nên lãng mạn ra gì
Không lãng mạn chẳng thể nào viết nhạc
Không lãng mạn làm sao viết tình thơ?

*Ý tưởng đến...vội vào computer
Gỏ lóc cóc em làm thơ con cóc
Thơ con cóc nhưng có anh thích đọc
Anh đọc rồi còn viết nhạc cho thơ

Anh Tân giỏi, viết nhạc nhanh như chớp
Em làm thơ cũng nhanh nên mình hợp
Thơ tàm tạm được phổ nhạc nên vui
Không còn anh, thơ em lạc lỏng rùi!

Anh viết nhạc, anh hát nháp gửi em
Tim óc anh gửi vào trong bản nhạc
Có nhiều lúc anh hát đi hát lại
Anh miệt mài, tha thiết với nhạc thơ

Bài thơ này không còn anh để đọc
Em mất đi bạn văn nghê, tri âm
Những tưởng rằng em sẽ không thể khóc
Có ngờ đâu nước mắt rơi âm thầm!

Một người anh mà em hằng quý mến
Cảm thấy mình mất mát, tiếc thương anh!
Anh ra đi nhiều thi nhân thương tiếc
Và em đây cũng tưởng tiếc vô cùng!

Vừa làm thơ vừa nhạt nhòe nước mắt
Mất ông anh, em đây buồn se sắt
Mong anh Tân an nghĩ cõi vĩnh hằng
Vĩnh biệt anh, thi nhạc sĩ hiền lành!

Nguyễn Hữu Tân có tài nhưng khiêm nhượng
Vĩnh biệt anh, người nhạc sĩ thân thương!

Quách Như Nguyệt
October 11th, 2023
--------------------

N có nhờ nam nghệ sĩ Hoàng Hoa ngâm một bài thơ của anh Tân để tặng anh

Từ Bài Thơ Em Viết

Có nhiều bản nhạc anh Tân viết cho thơ của N mà N thấy hay. Mời các anh chị, các bạn nghe vài bài nhé.
*Giỗ đầu anh Tân, N viết... vì ngày hôm nay, N thấy tiếc nhớ anh.
Nguyện cầu, cầu mong nhạc sĩ, thi sĩ Nguyễn Hữu Tân hạnh phúc, an vui mãi mãi nơi cõi bình an

Mai Em Lấy Chồng
Trình bầy: Hà Huệ Mẫn

Anh Gửi Tặng Em Trái Tim Mòn Mỏi
Trình bầy: Cao Huy Thế

Lướt Thướt Cứ Mưa Hòai
Ca sĩ: Tâm Thư

Đổi thay
Trình bầy: Thúy Nga