Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Có Một Thời Để Nhớ


Tư thục Tân Hưng rất tuyệt vời
Sừng sững hiên ngang đứng giữa Trời
Nằm ngay quốc lộ người đông đúc
Sân trường áo trắng nhỡn nhơ chơi

Thầy cô lúc đó chắc đôi mươi?
Ai nấy nhìn nhau nhoẻn miệng cười
Thầy Phổ, cô Dung chào Hiệu Trưởng
Lâm Hòa, Kệt, Điền, ai cũng tươi

Đồng nghiệp ngày xưa của tôi ơi!
Thời gian chồng chất lên tuổi đời
Đầu xanh giờ đã 2 thứ tóc
Gánh nặng trên vai chắc đã vơi?

Áo trắng năm xưa đâu mất rồi?
Những thiên thần yêu quý của tôi
Ngày ngày quấn quýt bên cô giáo
Hạnh phúc, niềm vui, được nhân đôi

Cho tôi trở lại được như xưa
Hí hửng thu gom chút duyên thừa
Nụ cười, ánh mắt còn đọng lại
Nhìn trò qua khe hở song thưa

Gặp lại học sinh của một thời
Thành đạt, công danh, giúp ích đời
Có em, giờ đã thành đồng nghiệp
Kiến thức trồng người gieo khắp nơi

Nhớ thời dạy học của chúng mình
Xin viết lên đây gợi chút tình
Hy vọng một ngày ta xum họp
Ríu rít giòn tan chuyện linh tinh

Quay ngược nửa vòng với thời gian
Cuộc sống tuy nghèo vẫn bình an
Thầy trò cầu nối dây bền chặt
Đồng nghiệp tìm nhau nhận bạn vàng

4/11/2014
Hồ Nguyễn

Chuyện Tinh Buồn - Phạm Duy - Quốc Khanh

Câu chuyện tình này buồn thật,vì hai người trong một xóm đạo yêu nhau đã từng có chúa chừng giám những lời thề thốt của họ, thế mà vì cuộc sống chàng trai ra đi chưa kip quay về cùng người yêu thì cô gái đã đi lấy chồng.
Nhưng mãi năm năm sau vào một buổi chiều hắt hiu xóm đạo, nghe tiếng chuông giáo đường vang lẵng lẽ tìm về chốn cũ biết tin cô gái đã đi lấy chồng ,chàng trai vẫn yêu dù bây giờ em đã trở thanh góa phụ bên sông và . . .đã tay bế tay bồng . . không biết khi sáng tác bài hát này nhạc sĩ Phạm Duy có cho họ sum hop hay không,
Tôi nghỉ chắc là không vì nếu như vậy thì chuyện tình đâu có buồn phải không các bạn..nhưng với tình trạng chàng trai thì trở về chưa vợ còn nàng thì đã góa bụa cũng chưa biết chuyện gì xảy ra. ..


Sáng Tác: Phạm Duy 
Tiếng Hát: Quốc Khanh

Ngày Tháng Cô Đơn


Ta úp mặt lên gối
Tìm hương tóc người yêu
Phấn hương còn thoang thoảng
Trên chăn gối buồn thiu.

Ta chán đời lang bạt
Em mỏi gót lưu đày
Gặp nhau như bèo nước
Giữa chợ đời đắng cay.

Ngỡ thuyền say bến đổ
Trên dòng suối bình yên
Cho hoa lòng chớm nở
Trên nhánh cây muộn phiền.

Nhưng sóng đời bão nổi
Tàn giấc mộng trăm năm
Tình xưa giờ quên lối
Chỉ còn thoáng dư âm.

Trong đêm sâu hun hút
Nghe gối chăn giỗi hờn
Nghe vòng tay thấm lạnh
Ôm tháng ngày cô đơn.

Anh Vân

Bến Chờ


Xướng: Lãng Quên

Cải trời vàng rực đường đi                          
Bước chân nhẹ hẩng thầm thì lối quen        
Chìa vôi ngồi đứng không yên                     
Trách ai lỗi hẹn nở quên đường về.

Mưa phùn rơi nhẹ bốn bề
Đêm mù sương tỏa tỉ tê đắng lòng
Nhìn sang bến đợi bên sông
Chờ ai mòn mõi bóng hồng còn xa.

Đâu đây vang tiếng lời ca
“Bậu đi phận bậu để ta một mình"
Thương cây trúc mọc bên đình
Tháng ngày đơn lẻ chung tình với ai ?

Thôi đành vàng đá nhạt phai
Nửa đêm trở giấc thở dài nhớ em
Lặng thầm ngõ vắng mông mênh
Dư hương người cũ còn bên… lối nầy.

Dương Hồng Thủy

( 12/10/2014)
***
Bài Họa: Bến Chờ



Tình cờ chung một lối đi
Gặp nhau ngoảnh mặt thôi thì chẳng quen
Cầu trời ai đó bình yên
Cam tâm phận chịu mình quên lối về

Từ nay mỗi ngã yên bề
Nhủ thầm như thế sao tê tái lòng
Vui gì khi bước sang sông
Thuyền hoa một chuyến tuổi hồng vụt xa

Một thời ríu rít sơn ca
Ước thề xây mộng chỉ ta với mình
Thiết tha bụi trúc mái đình
Chứng nhân hò hẹn lời tình của ai

Còn đâu đá nát vàng phai
Đèn đêm hiu hắt đổ dài bóng em
Đò tình cuộn nước mông mênh
Vì sao ta lại đến bên bờ nầy

Kim Phượng

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Họ Đạo Thiềng Đức - Vĩnh Long



     Vào giữa năm 1974, cha Phao Lồ Trọng xin đất làng trong địa phận Phường 5 (ngày xưa là hộ 5) xây dựng một nhà thờ dành cho giáo dân trong phường, để đở vất vả khi dự lễ xa bất tiện. Được tỉnh trưởng thời đó chấp thuận cho phép xây dựng trên thửa đất số 167, đây là khu đất nghĩa địa của làng khá rộng, thửa này nằm bên trái con đường nhỏ, tính từ lộ cũ đi về hướng sông Cổ Chiên. Trước mặt là vô số mộ, sau lưng cũng là khu vực mồ mã của chùa Long Thiền. Bởi là đất làng nên sậy, đế, cây cỏ tạp chen xen nhau trên miếng đất ẩm thấp, lồi lõm với nhiều vũng nước tù dọng đầy đĩa và muỗi mòng.

      Ngày khởi công vào tháng 12 năm 1974, vật liệu là sắt tiền chế cũ, dự định khánh thành ngày 01-05-1975, nhưng 30-04-1975 là ngày giải phóng, thành thử được tự miễn lễ khánh thành. Trong thời gian vừa xong nhà thờ được mang tên Họ đạo Thiềng Đức, đức giám mục Gia cô bê Mầu có bổ nhiệm một linh mục coi sóc nhà thờ Thiềng Đức, nhưng vì họ đạo còn nghèo lại không phương tiện sinh sống, hơn nữa tòa giám mục không cung cấp tiền hàng tháng, nên vị linh mục này không nhận. Lúc này cha Mầu mời linh mục Giu se Đinh quang Lục, ông nhận thấy nhà thờ thiếu đủ thứ nên năn nỉ giám mục giúp đở phần nào về vật dụng cho nhà thờ sắp nhận, thời gian này rất thiếu thốn, nên vị giám mục Mầu nói vui nhưng thực có lẽ hơi chua cùng linh mục Lục – Độc lập đi chú ơi ! Tôi không lo nỗi, chú tự lo – Đức giám mục khuyên ông Lục độc lập mà lo.

      Ngày 08-05- 1975 LM Phan bạn học cùng cấp chở cha Lục sang nhận nhà thờ họ đạo Thiềng đức với nhiều không, không điện, không nước, không bàn ghế, thậm chí chiếu ngồi cũng không đủ, phương tiện sinh tồn tự lo..v..v…
      Tự đào đất cất chuồng nuôi dê lấy sữa, xin lá so đủa tự mang vác về, vựa củi, và xin phân heo gánh về trồng rau cùng nhiều công việc khác nữa, vào thời gian đó người dân địa phương gọi – Ông cha chuồng dê

      Với lực khỏe, cao to, ông cán đáng mọi việc cho nhà thờ phát triển, mà giáo dân địa phương vốn nghèo, thiếu thốn nhiều hơn đủ ăn, lại không đông, bởi chung quanh khu vực đình, chùa, miếu khá là áp đảo. Sau nhiều năm tận tụy, họ đạo Thiềng Đức đã khang trang với nhà ở một tầng cạnh giáo đường dành cho các soeur, một gác chuông bên phải, nhà nuôi dạy trẻ phía sau, và một lớp học tình thương do các soeur chăm sóc, một gian riêng dưới gác chuông dành nơi tiếp khách, có đặt một máy lọc nước sạch dùng cho giáo dân và người địa phương nghèo cần nước sạch không phân biệt lương hay giáo. Chung quanh được rào bằng tường gạch với cửa vào rất vừa mắt.

      Qua thời gian, khu nghĩa địa trở thành khu dân cư vượt lũ, nền được nâng cao lên khoảng 1 thước, do vậy trong khu vực nhà thờ trở nên vùng trủng, ẩm thấp, mùa nước nổi ngập trầm trọng. Nhận thấy sự xuống cấp, Lm Lục xin đức cha Toma cho phép xây nhà thờ mới và xây theo dự án của đức cha Toma. Được chuẩn thuận. Cha Lục đi Hoa Kỳ vào tháng 4 – 2007 cha xin được gần 60.000 USD dành cho xây cất nhà thờ Thiềng Đức, cùng lúc cha Lục cũng xin thêm được một số tiền dùng cho xây cất nhà thờ An Bình, tháng 8 cùng năm thì về lại họ đạo Thiềng Đức.
      Tòa thánh cho 12.000  USD 
      Giáo dân họ đạo quyên góp được 60 triệu tiền VN.
      Sau chuyến xuất ngoại và có kinh phí xây dựng hai nhà thờ , Thiềng Đức và An Bình. Cha Lục khởi công xây nhà thờ An Bình trước tiên.

      Khoảng đầu năm 2013 Lm Trần Ngọc Xưa từ Mỹ Chánh về sửa soạn cho việc khởi công xây dựng nhà thờ Thiềng Đức. Được biết thêm một việc rất vui là lễ đặt viên đá đầu tiên để khởi công, Sư cô chùa Thanh Châu là xóm riềng gần nhà thờ có đến tham dự và chúc mừng linh mục Xưa cùng giáo dân họ đạo, tiếp theo đó ngày 8 tháng 3 năm 2014 sư cô chùa Thanh Châu làm lễ khởi công cất chùa, đích thân cha Xưa lái máy cào giúp chùa dọn dẹp quang đảng và thu gom gọn hiện trường sắp xây dựng chùa,

      Ngày 26 tháng 10 năm 2014 khởi công đổ bê tông sàn, vì đường vào chật hẹp, không thể sử dụng xe đổ bê tông như những công trình cận đường, Cha Xưa đã vận động giáo dân các họ đạo Thiềng Đức- Mỷ chánh- Hựu Thành- Mai Phốp, hiệp công cho nhanh, được biết số lượng giáo dân giúp công lên đến khoảng 200 người.
      Ngày 08 tháng 11 năm 2014 khởi công đổ bê tông Cung Thánh
     Khi viết những dòng này thì đã xong hai công trình bê tông, được biết, phần phía dưới sàn dùng làm nơi để xe, tiếp khách và hội họp.

      Thân mời các bạn cùng xem vài hình ảnh cho một giai đoạn xây dựng nhà thờ họ đạo Thiềng Đức

Loạt ảnh đổ sàn ngày 26-10-2014 do Lê Trí Dũng chụp






Phía trống bên trái dự trù là Cung Thánh sẽ được đổ bê tông sau khi đã xong phần sàn

Kế tiếp là những ảnh đổ bê tông cung thánh Trương Văn Phú chụp








      Hình ảnh LM Trần Ngọc Xưa lái máy cào-xúc, rất chuyên nghiệp trong công trường xây dựng ngôi nhà chung họ đạo Thiềng Đức. Tôi đang chụp thì nhác thấy vị tài xế của xe ngoắc tôi ra dấu chụp ảnh, tôi đứng trên chụp, sau đó xuống phía dưới chụp, cũng không biết ai, hỏi bạn Trí Dũng – Cha sở Xưa đó, ổng có bằng lái máy cào-xúc

Trương văn Phú

Tình Đã Vụt Bay - Vũ Tuấn Đức - Trần Thái Hòa


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Sáng Tác: Vũ Tuấn Đức
Tiếng Hát: Trần Thái Hòa
Thực Hiện Youtube: Tuong La


Môi Trần Thiếu Phụ


Biết người nắm trong tay thời tiết
Ta cõng nôn nao theo cá nhảy hầm
Xin phù thủy làm cơn mưa nhỏ
Nước về đất nhớ chảy thành sông

Sẽ chết khô như cá trên đồng
Đôi mắt thở cháy mùa hạn đỏ
Về vén dung nhan ngồi bên bờ mẫu
Chạm hơi người cá sẽ quẫy đuôi

Thử buông đời nhắm con nước xuôi
Như bầy cá giang hồ đáo bến
Dù nắm chặt trong tay tờ định mệnh
Cũng gặp người say cho khẳm cơn đau

Về vén dung nhan môi trần thiếu phụ
Còn vang bóng sắc lạnh trời mây
Lũ cá cạn đồng khô chờm thức dậy
Đánh hơi người. Lóc xuống huyệt vừa xây…

Lâm Hảo Khôi
2011

Thu Đưa Tiễn


Tàn Thu vở mộng lệ đôi hàng,
Đưa tiễn người xưa giọt chứa chan.
Lẻ bạn buồn theo năm tháng đợi,
Cô đơn soi bóng chuyến đò ngang.

Mù sương bến vắng thuyền không lái,
Khói tỏa đôi bờ lạnh gió ngàn.
Biển mặn trùng khơi xa tít tắp,
Nhìn về đất mẹ nhớ mơ màng.

Mai Xuân Thanh
Ngày 12 tháng 11 năm 2014

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Xóm Nhỏ Chờ Ai


Xóm nhỏ mờ xa vắng lam chiều
Núi rừng vây phủ nét đìu hiu
Giữa trời lộng gió nhiều sương lạnh
Quạnh nhớ năm xưa cũng chốn này

Vui buồn ấp ủ chín từng mây
Thời trai phiêu bạt gây thương nhớ
Vở kịch đời khoe sắc vạn hương
Đường trở lại xóm buồn vắng bếp

Xếp tàn y quên lãng điều gì
Thâm tình đợi năm dài khổ lụy
Có còn chi nát mãnh sơn hà
Nhà không bếp lam chiều vắng bóng

Xóm nhỏ ơi! Lòng này ân hận
Hứa cận kề gợi giấc mơ xưa
Thiêng đàng cũ đưa người về lại
Lạnh mưa chiều thực tại ấm êm

Đếm Thu qua....lòng già nuối tiếc
Hẹn đêm ngày trồng riết rừng mai
Dựng lại bếp hồng xưa sưởi ấm
Tâm tình lữ khách vướng chiều lam!

Tương lai xóm nhỏ rời ảm đạm
Cảm ơn đời! Tình cũ trời ban!

Pleiku 21-8-2010
Lê Kim Hiệp

Lời Viên Sỏi


Lời hứa như viên sỏi ném ra sông
Từ trọng tâm xoay tròn lăn tăn sóng
Tợ chiếc nhẫn đính hôn chẳng có gút
Thì đời mình không có lúc rời nhau

Nhưng vòng xoáy loang xa xa rộng mãi
Không đứt ngang mà mờ nhạt theo dòng
Viên sỏi chìm nghỉm dưới đáy bám rong
Đôi mắt lệch nên mong gì ai thấy

Nước lớn nước ròng sỏi nằm yên đấy
Người ném đi làm khuấy cả đại dương
Vô vàn xáo động bao nỗi tổn thương
Trả một giá mà ta không tưởng tượng

Kim Oanh

Thơ Tranh: Hạt Cát

Cảm tác từ Lời Viên Sỏi của Kim Oanh

Thơ: Dương Hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh


Sơn Hành 山行 - Đỗ Mục

          山行                        Sơn Hành
                  杜牧                             Đỗ Mục 
遠上寒山石徑斜,    Viễn thướng hàn sơn thạch kính tà,
白雲生處有人家。     Bạch vân sanh xứ hữu nhân gia.
停車坐愛楓林晚,     Đình xa toạ ái phong lâm vãn,
霜葉紅於二月花。     Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa.

Dịch Nghĩa : Đi Đường Núi

Núi lạnh đi lên theo đường nhỏ đá thoai thoải
Nơi vùng mây trắng này lại có nhà ai
Vì thích cảnh chiều của rừng phong nên dừng xe ngồi ngắm
Đẫm sương lá trở nên màu đỏ như những bông hoa vào tháng hai.

Dịch Thơ: 


           Đi Đường Núi
(1)
Núi dốc đường mòn đá lạnh vây 
Trong mây thấp thoáng mái tranh gầy 
Dừng xe chiều ngắm rừng phong quạnh 
Sương nhuộm lá hồng vượt tháng Hai 
                                          Mailoc
(2)
Núi đá lạnh , chênh vênh đường dốc 
Mây lững lờ một nóc nhà ai.
Rừng phong dừng ngắm chiều phai 
Nhuộm sương lá đỏ tháng Hai hoa nhường 
                                              Mailoc

        Đi Đường Núi
Núi lạnh men theo đường đá dốc
Nơi vùng mây trắng thoáng nhà ai
Dừng xe say ngắm rừng phong xế
Lá đẫm sương dường hoa tháng Hai.

                              Quên Đi


                 Lên Núi
Đường lên núi lạnh triền thoai thoải
Mây trắng từ xa hiện mái nhà
Dừng xe ngắm cảnh chiều buông xuống 
Lá đẫm sương hồng tựa sắc hoa
Nguyễn ĐắcThắng  phỏng dịch

      Đi Trên Đường Núi
Xa tít núi cao lối đá bày,
Nhà ai thấp thoáng dưới mây bay.
Dừng xe ngắm rừng phong chiều xuống,
Lá đỏ còn hơn hoa tháng Hai!
                               Đỗ Chiêu Đức  

        Đường Lên Núi
Núi đá đường lên dốc thoải xa
Trong mây ẩn hiện một ngôi nhà
Rừng phong hiu quanh ,dừng xe ngắm
Sương lá đỏ màu tựa đoá hoa.
                               Song Quang

       Đi Đường Núi 
Con dốc núi phà hơi thở lạnh
Trắng mây trời ẩn hiện nhà ai
Rừng phong bóng xế dừng xe ngắm
Lá ngậm sương dường hoa tháng Hai
                              Kim Phượng

              Lên Núi
Nghiêng nghiêng đường lên núi lạnh
Trong mây thấp thoáng nhà ai.
Rừng phong trời chiều sương đẫm,

Đỏ như hoa thắm tháng Hai! 
                    Phương Hà phỏng dịch


            Lên Núi
Đi lên núi lạnh đường mòn
Nhà ai mây trắng gió luồn thong dong
Dừng xe chiều ngắm rừng phong
Đẫm sương lá đỏ như hồng tháng Hai
                                           Trầm Vân

Bệnh và Lỗi Trong Thơ Đường Luật - Phần 1

 Đường xưa gấm lụa Tiền Nhân trải
Lối mới chông mô Hậu Thế bày.
                                      Quên Đi

Thơ Đường Luật chỉ với 5 qui tắc : Vần, Luật Bằng Trắc (Thanh ), Niêm, Đối Ngẫu, Bố Cục, đã khiến cho người làm thơ phải khó khăn khi làm được một bài không phạm 5 qui tắc này. Cũng chính vì sự khó khăn của Chính Luật, nên chúng ta được thừa hưởng Kim Bài miễn tội, đó là "Nhất Tam Ngũ Bất Luận, Nhị Tứ Lục Phân Minh".
Thế nhưng trong thời gian gần đây, lưu truyền đầy dẫy trên mạng Internet những bài viết về "Bệnh và Lỗi Trong Thơ Đường Luật". Giờ có thêm tôi chắc cũng không làm cho mọi chuyện rối hơn lên.
Qua những gì đã đọc, tôi thấy có nhiều điều rất quen, có cái như quen mà lạ, có cái như lạ mà quen, cũng như không ít cái mới mẻ so với những gì mình học hỏi từ thuở trước.


 Bệnh Trong Thơ Đường Luật
 

Thơ Đường Luật là một thể thơ gây nhiều khó khăn nhất cho người tập làm thơ.
Ðể giúp cho người làm thơ khỏi lạc đường và tới đích mau chóng, các học giả Trung Hoa đã soạn nhiều bộ Thi Vận Tập Thành, thường gọi là sách Quan vận, là Vận thư. Ðời Tùy có sách Thiết Vận; đời Ðường có sách Ðường vận, Quảng Vận; đời Tống theo những bộ sách đời trước, soạn ra bộ Lễ Bộ Vận Lược, được triều đình dùng làm chữ an tắc cho thi vận trong việc khảo thí. Các đời sau cũng theo gương đời Tống, soạn ra những sách Quan vận mới. Nhà Nguyên có sách Trung Nguyên Âm Vận; nhà Thanh có sách Bội Văn Vận Phủ; Trung Hoa dân quốc có Trung Hoa Tân Vận ...Sách Trung Hoa Tân Vận chưa được đem ra áp dụng . Ðược thông dụng nhất là Bội Văn Vận Phủ.
Nước Việt Nam chưa có sách Quan vận. Các cụ ngày xưa đều dùng sách Tàu khi làm thơ chữ Nôm cũng như khi làm thơ chữ Hán.
Thầy  Dương Quảng Hàm có viết trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu:

"Thơ nôm ta làm theo phép tắc thơ Tàu, mà âm thanh tiếng ta cũng tương tự tiếng Tàu (cũng là thứ tiếng đơn âm và cũng chia làm tiếng bằng tiếng trắc). nên thi pháp của ta tức là thi pháp của Tàu và các niêm luật của thơ ta cũng phỏng theo thơ Tàu cả . Trong lối thơ Đường luật, có năm điều này phải xét 1) Vần; 2) Đối ngẫu; 3) Thanh; 4) Niêm; 5) Cách Bố cục "

Mãi đến thập niên 40 của thế kỷ 20 trở lại đây, vấn đề Thi Bệnh được các nhà Thơ Việt Nam đem ra bàn tán và mổ sẻ sôi nổi. Trong đó đáng chú ý nhất là quan điểm của Nhà thơ Quách Tấn.
 

Vậy Thi Bệnh là gì?
Theo cách nghĩ của các thi nhân từ xưa, Thi Bệnh là những khuyết điểm khi xướng lên sẽ làm bài thơ mất hay.
Người đầu tiên đề xướng là Thẩm Ước ( 441-513 ) sống vào thời Nam Bắc Triều (420-589), trước đời Nhà Tuỳ bên Tàu.  Ông đã đề xướng thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh áp dụng cho các thể thơ Cổ Thể (những thể thơ có trước Thơ Đường  Luật ).


Tứ Thanh Bát Bệnh có nghĩa là những lỗi về âm thanh, khi đọc hay ngâm nga bài thơ nghe không hay hoặc chói tai. Mỗi Thanh có hai Bệnh :

1. Bình Đầu - Thượng Vỹ
2. Phong Yêu - Hạc Tất
3. Chánh Nữu - Bàng Nữu
4. Đại Vận - Tiểu Vận

Sau khi Thẩm Ước đề xướng thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh, Thi sĩ hưởng ứng rất sôi nổi. Các Thi Nhân thời Sơ Đường dựa vào thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh này bổ sung và dần hoàn chỉnh Luật Bằng Trắc, Luật Niêm trong Đường Luật Thi. Các thế hệ thi nhân đã hoàn chỉnh và ngày nay chúng ta đang sử dụng.


Ở Việt Nam từ những thập niên đầu của thế kỷ 20 trở về trước, các nhà thơ không quan tâm đến thi bệnh. Chỉ mãi đến thập niên 30-40 trở lại đây, thi bệnh được quan tâm rất kỹ. Hiện nay, đối với Thi Bệnh trong Thơ Đường Luật, mỗi người mỗi ý, có người cho là có 8 bệnh , có người 14 bệnh, cũng có người 17 bệnh, lại có người đề ra 34 bệnh...
Nhưng tất cả các bệnh mà các nhà Thơ Việt đưa thêm vào cũng chỉ là đào sâu vào Thanh (luật Bằng Trắc), Niêm và Vận, vì cả 3 quy tắc này trong Đường Luật đều liên quan đến Thanh âm.
Nhìn chung, những bệnh trong Thơ Đường Luật được đề cập nhiều chỉ
là 8 bệnh như của Thẩm Ước mà thôi.
 

8 Bệnh trong Thơ Đường Luật
 

1 - Bình Đầu : có nghĩa là bằng nhau ở đầu câu, 3 chữ đầu câu của 4 câu liên tiếp cùng tự loại như danh từ, động từ...
2 - Thượng Vỹ : Đuôi cao lên, 3 chữ cuối hoặc 3 chữ thứ 5 của 4 câu liên tiếp cùng tự loại
3 - Phong Yêu : eo con Ong, chữ thứ 2 và chữ thứ 7 trong cùng một câu cùng thanh(dấu)
4 - Hạc Tất : đầu gối chim Hạc, chữ thứ 4 và 7 trong cùng một câu cùng thanh (dấu)
5 - Chánh Nữu : phạm lỗi này khi trong 1 câu có 3 chữ
có phụ âm hay nguyên âm đầu giống nhau. Ngoại trừ các chữ láy, ghép.
6 - Bàng Nữu: trong 4 câu liên tiếp có từ 4 chữ 
có phụ âm hay nguyên âm đầu giống nhau  .Ngoại trừ các chữ láy, ghép.
7 - Đại Vận : Chữ thứ 4 và 7 trong cùng một câu trùng vần với nhau
8 - Tiểu Vận
: Chữ thứ 2 và 7 trong cùng một câu trùng vần với nhau.


Thí dụ : Qua Đèo Ngang là một bài thơ rất nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan,dựa vào 8 Bệnh của  Thơ Đường Luật, chúng ta thử xem bài thơ này có bao nhiêu Bệnh:
Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
- Bệnh Bình Đầu : Chữ đầu câu của 4 câu cuối có 3 chữ Nhớ-Thương-Dừng cùng tự loại là Động từ

- Bệnh Thượng Vỹ
: Chữ cuối 4 câu trên có 3 chữ Hoa-Chú-Nhà cùng là danh từ

- Bệnh Phong Yêu
: ở câu 2 có chữ CâyHoa cùng dấu thanh. Câu 5 có chữ NướcQuốc cùng dấu thanh 


- Bệnh Hạc Tất : Câu 3 có chữ thứ 4 và chữ thứ 7 cùng dấu thanh. Câu 8 cũng thế.

- Bệnh Chánh Nữu :
Câu cuối có 3 chữ cùng phụ âm t

- Bệnh Bàng Nữu
: ở 4 câu cuối bị bệnh này,  5 chữ mang cùng phụ âm đầu là 5 chữ t và 4 chữ m, 5 chữ n

- Bệnh Đại Vận
: câu thứ 2 có chữ thứ 4 là đá chữ thứ 7 là hoa trùng vần

- Bệnh Tiểu Vận
:  Câu thứ 6 có chữ thứ 2 là nhà và chữ thứ 7 là gia trùng vần.



Giờ chúng ta thử đến với bài "Đón Tết" của cụ Tú "Có chăng chừa rượu với chừa chè"

Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh chưng sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu.
Thôi thế thì thôi đành tết khác,
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo.

- Bệnh Bình Đầu : 4 câu đầu, 4 câu giữa và 4 câu cuối đều mắc phải lỗi vì có danh từ ở đầu câu.

- Bệnh Thượng Vỹ : 4 câu đầu có 3 chữ cuối là động từ : tiêu, quẩy, kiêu.

- Bệnh Phong Yêu : bị lỗi ở câu thứ 4: sen, kiêu  và thứ câu 7: thế, khác

- Bệnh Hạc Tất :lỗi ở câu 2: kho, tiêu.

- Bệnh Chánh Nữu : Câu 7 có  3 phụ âm trở lên  th :
Thôi, thế, thì, thôi

- Bệnh Bàng Nữu : 4 câu cuối cùng phụ âm t : toan, tết, tết, tôi.

Với bài này Cụ Tú Xương nhà ta bị mắc phải 6/8 bịnh.

Chúng ta cùng tiếp tục với thơ của Quách Tấn trong bài " Đêm Tình"
 

Giấc thắm tình duyên non gối nước,
Mán sương để lọt ánh sao băng.
Hồn hoa chợp mộng thơm hồn gió;
Tóc liễu dừng thơ đón tóc trăng.
Muôn điệu tơ lòng run sẽ sẽ,
Nửa vời sóng nhạc giợn lâng lâng.
Phòng hương thương kẻ ngồi nương triện
Tình gởi mây xa lệ ngập ngừng.


- Bệnh Bình Đầu
:
Chữ đầu câu của 4 câu đầu có 3 chữ trở lên cùng tự loại là danh từ

- Bệnh Thượng Vỹ
: chữ cuối câu của 4 câu
đầu có 3 chữ trở lên cùng tự loại là danh từ. 3 chữ thứ 5 của 4 câu giữa và  4 câu cuối cùng là động từ.


-Bệnh Phong Yêu : Câu 1 thắm - nước; câu 2 sương - băng
- Bệnh Hạc Tất : Câu 4 thơ - trăng
 

- Bệnh Chánh Nữu : Câu 4 có cùng 3 phụ âm h : hồn - hoa - hồn
 

- Bệnh Bàng Nữu : 4 câu cuối có cùng phụ âm l : lòng - lâng - lâng - lệ.     

Như thế, "Đêm Tình" cũng bị 6/8 Bệnh  

Qua mổ xẻ để định bịnh. Một bài thơ hay nổi tiếng Qua Đèo Ngang đã mang trên mình 8/8 bịnh. Bài Thơ của Trần Tế Xương thì bị 6/8 bệnh. Quách Tấn một trong những người đề xướng "Bệnh và Lỗi Trong Thơ Đường Luật" cũng vướng 6/8 Bệnh.
 
Đó là chúng ta mới định bịnh thôi, chưa nói đến trên dưới 10 lỗi trong thơ Đường Luật nữa mà các nhà thơ, nhà nghiên cứu hay học giả của thế hệ chúng ta vạch ra để người làm thơ Đường Luật  phải tránh.

Hết Phần 1

Huỳnh Hữu Đức

Nhấp vào Link: Bệnh Và Lỗi Trong Thơ Đường Luật - Phần 2