Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Uống Nước Bên Bờ Suối - Sáng Tác Lê Uyên Phương - Tiếng Hát Ân Nguyễn

(Lê Uyên &Phương)


Sáng Tác Lê Uyên Phương 
Đàn & Hát: Ân Nguyễn


Mỗi Tháng Tư


(Tranh: Họa Sĩ Mai Văn Nhơn)

Mỗi Tháng Tư về tiếp nối nhau

Máu tim âm ỉ cứ tuôn trào
Ai đem ly biệt tô màu nhớ
Cho kẻ đợi chờ chạm vết đau
Chiến sĩ can trường từ thuở ấy
Chân dung bi tráng mãi ngàn sau
Cơ trời vận nước trên đầu sóng
Mẹ khóc con chung giọt máu đào


Kim Phượng


Mái Trường Dấu Yêu



Đi đâu cũng nhớ mái trường
Cõi lòng ngan ngát làn hương điệp vàng
Nhớ trò ánh mắt hiền ngoan
Từng dòng mực tím tập trang dại khờ

Nhớ hoài dáng vóc ngây thơ
Tóc dài em rẽ đôi bờ gió mây
Nghiêng nghiêng chiếc cặp bên vai
Quần xanh áo trắng chân dài ước mơ

Thương hoài cái tuổi chưa lo
Tan trường phố ngóng mẹ chờ cha mong
Bước chân se giọt nắng hồng
Cho làn gió mát xoay vòng nhẹ qua

Thương trò chân chất thực thà
Cuộc đời chưa lấm bụi nhòa trắng trong
Xuân về trong buổi lạnh đông
Những bông hoa nở trong lòng thơ ngây

Mến sao em khép vòng tay
Dịu dàng kính quí thưa thầy thưa cô
Những người mê mải đưa đò
Chở bao nhiêu lớp học trò qua sông

Xa trường bao lúc lạnh lùng
Nhớ thương gửi giọt nắng hong tuổi chiều
Lòng còn rối tiếng chim reo
Hót vào lớp học hót theo tiếng cười

Trầm Vân

Mỹ Tho Trong Miền Ký Ức



1) Đường Đinh Bộ Lĩnh: 

Chạy dài từ Ngả Tư Chợ Cũ tới dốc đầu Cầu Quây. Ngay Chợ Cũ có phòng mạch bác sĩ Nguyễn Văn Bỉnh, kế bên là nhà thuốc tây Bùi Khắc Từ. Đoạn giữa đường là rạp hát Viễn Trường ít chiếu phim Tây Phương, phần lớn là phim Tàu và Việt Nam. Rạp cũng thường cho mướn tổ chức đại nhạc hội, kịch ban Dân Nam, Túy Hồng… và các đoàn cải lương Thanh Minh, Dạ Lý Hương, Kim Chưởng… 

Đối diện rạp Viễn Trường là tiệm chụp hình Lâm Tuấn của người đẹp Lâm thị Nhàn. Xéo rạp Viễn Trường là trại hòm bà Bảy Nhiểu. Nghe mấy người láng giềng đồn rằng mỗi khi bị ế ẩm thì đêm tối bà xõa tóc vào ngồi trong chiếc hòm trống khấn vái thì hôm sao đắc hàng luôn. Không biết chuyệt thiệt giả ra làm sao nhưng nghe kể cũng thấy ớn.

Qua khỏi trại hòm là phòng mạch thầy Tư Giao chuyện về thuốc nam. 

Bên kia đường, xích lên trên một chút về phía rạp Viễn Trường là chùa Ông (Đức Quan Thánh) mà nhiều người Tàu cũng như Việt thường tới cúng bái và xin xăm Ông. 

Sát chùa Ông là dãy nhà 2 căn lầu mà một căn trong đó giáo sư Lý Công Chuẩn mướn mở lớp dạy Anh Văn còn căn kia là trường dạy đánh máy William Minh. 

Bỏ con hẻm cạnh bên là dãy phố trệt khoảng 10 căn đa số là cơ sở kinh doanh thương mại như: tiệm hớt tóc và quán cơm tấm bì Bảy Hạp, tiệm cầm đồ Bình Dân của gia đình Võ Ba, nhà may Mỹ Công, tạp hóa Trang Xuân, dépôt nước đá Huê Hưng. Trang Xuân là nhà của bạn Nguyễn Thế Xuân tốt nghiệp ban Sử Điạ Đại Học Sư Phạm, chồng chị Nhàn tiệm chụp hình Lâm Tuấn. 

Đối diện là nhà thuốc tây Trần Kiêm Loan do dược sĩ Loan là vợ của dược sĩ Bùi Khắc Từ (nhà thuốc tây Chợ Cũ) mướn phần trước của căn nhà lầu bác Chín Phụng. Kế đó là hảng xà bông Việt Nam. 

Đến đây thì chúng ta đã tới Ngã Tư Quốc Tế nổi tiếng rồi đó. Góc Tây Bắc của Ngã Tư là các các gánh cơm tấm bì, bánh canh, xôi trước mặt dãy phố của các tiệm thuốc bắc của người đẹp Hồ Phi Yến, kế đó là tiệm nước Nam Hoa nổi tiếng món banh bao xí mại, tiệm mì chú Ngầu (em chú Phánh) rồi tới biệt thự ông Huyện Hương, tiếp theo là hủ tiếu Phánh Ký ngon nhất nước, tiệm bi da banh bàn Ngọc Thạch rồi tiệm nước Hòa Thạnh. 

Bên kia đường tức là cạnh Nam đường Đinh Bộ Lĩnh có tiệm radio Mỹ Tuyến, hàn xì gió đá Tám Danh, nhà thuốc Hồ Duy Thiệt phòng mạch bác sĩ Võ Văn Cẩn mà ông ta không bỏ dấu nên có người gọi đùa là Vo Van Can. Sát vách là tiệm phở Đồng Thanh mà món bò kho xem như đệ nhất Mỹ Tho.


2) Đường Trịnh Hoài Đức: 

Đây là con đường cắt ngang đường Đinh Bộ Lĩnh mà sau này có cái tên là Ngã Tư Quốc Tế. “. Ngay đầu Ngả Tư là nhà thuốc tậy Trần Kiêm Loan cũng là tư gia của một người đẹp khuê các lầu hoa đã làm chết mê chết mệt bao chàng trai trong xóm. Điều đáng nói là tất cả cây si trồng quanh nhà nàng, không biết có phải do thổ nhưỡng xung khắc hay sao mà chẳng có cây nào lớn lên được, khiến sau cùng người đẹp bước xuống thuyền hoa vượt qua sông Bắc Mỹ Thuận lấy chồng Vĩnh Long bỏ lại sau lưng bao cây si ngẩn ngơ ủ rủ thật là tội nghiệp.
Xéo mặt hông nhà thuốc tây là dãy phố bà sáu Đức trong đó có căn phố gia đình chị Đỗ Thanh Vân mướn. Chị Vân hiện định cư tại Đức thường viết truyện dưới bút hiệu Vinh Lan. Đối diện nhà chị Thanh Vân là nhà thuốc bắc Đồng An Đường của gia đình họ Chung. Xích vô trong một chút là xóm Chùa Chà của tôi tập họp đủ mọi thành phần xã hội thượng vàng hạ cám. Chạy tới gần cuối đường là đình Điều Hòa nơi thờ phượng linh thiêng mà rất đông người Mỹ Tho tới cúng bái cầu xin nhất là trong dịp lễ Kỳ Yên hằng năm. 

Nằm giữa đường Trịnh Hoài Đức là trường Tàu Tân Dân có đội bóng rổ nổi tiếng thường mời các đội bóng chuyên nghiệp Sài Gòn như Tinh Võ, Quảng Triệu xuống đấu giao hữu. Đặc biệt đội bóng rổ Tân Dân có một đấu thủ Việt Nam là anh Đức (đen) hiện còn ở Mỹ Tho. 

3) Đường Phan Thanh Giản:


(Cầu Quây)

Cắt ngang đường Đinh Bộ Lĩnh ngay dốc Cầu Quây. Con đường nầy chạy dọc theo bờ sông Bảo Định từ Vàm Tiền Giang tới đường Học Lạc. Nằm dọc theo bờ sông là các vựa cá và vưa trái cây để ghe thuyền ở khắp nơi đổ xô về bỏ mối. Vưa cá lớn nhất là vưa bác Tư Ngôn. Bác Tư là người vui tính lanh lợi, đặc biệt nhất là bác đặt tên mấy người con toàn là kiểu gây hấn như: Xô, Lấn, Trì, Đẩy, Níu, Kéo, Cản… mà trong đó Đẩy và Kéo là hai cầu thủ nối tiếng của đội Bưu Điện và Thương Cảng Sài Gòn. 

Đối diện là các dãy phố nhà ở xen kẻ các cơ sở thương mại như tiệm tương ông bang Cửng, tiệm tương Chí Mỹ, vựa củi và vật liệu xây cất Chí Nguyên… Gần ngả tư Đinh Bộ Lĩnh là trường Tàu Sùng Chính mà một số bạn lối xóm người Việt gốc Hoa của tôi theo học. 

4) Đường Trưng Trắc: Vừa qua khỏi Cầu Quây là đường Trưng Trắc. Đường nầy song song với đường Phan Thanh Giản nhưng ở phía bên kia bờ sông Bảo Định. Có thể nói đây là con đường buôn bán sầm uất nhất ở Mỹ Tho. Đường Trưng Trắc chạy dài từ đầu vàm Tiền Giang cho tới đường Nguyễn Trãi thì được nối liền bởi đường Alexandre de Rhôdes. 

Kể từ đầu Vàm (tiếp giáp đường Gia Long) tới tận đầu Cầu Quây nằm dọc theo bờ sông thì phải kể tới tất cả những kiosques bán đồ ăn thức uống giống như là một food court. Chắc các bạn vẫn còn nhớ những quán ăn uống nổi tiếng như mì xào A Lục, quán nhậu Trung Thành, kem Duyên Thắm, Anh Đào, cháo bồ dục Anh Chui, bò viên sâm bổ lượng Cầu Ký… 

Đối diện phía bên kia đường có nhà thuốc tây ông Phan, tiệm chụp hình Thiện Ký mà con rể sau nầy là hề Thanh Việt, tiệm may Văn Minh với nhiều design thật chic, tiệm nước Nam Sơn (chủ là chú 5 Vìn cũng ở xóm Chùa Chà) với tuyệt chiêu cá hầm vĩ, tiệm bánh Thuận Phát (chủ tiệm là chị Ba dâu nhà thuốc Đồng An Đường-Trịnh Hoài Đức), tiệm Đức Nguyên bán máy đuôi tôm máy cày, tiệm giày Bata, rạp chiếu bóng Định Tường, tiệm vàng Khương Hữu ngay ngả ba Trưng Trắc- Lý Thường Kiệt. Tiệm vàng nầy có cô cháu ngoại là người đẹp hoa khôi Mỹ Tho Huỳnh Thị Nguyệt Thu. 

Xích lại gần Cầu Quây có khách sạn Minh Cảnh, tiệm chụp hình Thiện Lai, tiệm thuốc bắc Đức Sanh Đường, tiệm bánh Khương Lạc, lò bánh mì Khánh Chương. Khu vực nầy thời Pháp thuộc có một nhà hàng Tây dành cho người Pháp mang tên La Pagode m à l úc c òn nh ỏ b ọn nh óc chúng tôi thường vào lượm…nút khoén các chai rượu đắc tiền để đánh bài cào bằng…nút khoén.


(Ty Điền Địa)

Gần đầu Cầu Quây là Sở Bảo Thủ Điền Thổ sau đổi là Ty Điền Địa. Ngay dốc cầu có Phòng Thông Tin Mỹ Tho đầy đủ sách báo. Đặc biệt nhật báo được treo trên mấy cái giá thẳng đứng để người đọc có thể xem từ hai phía. Kế Phòng Thông Tin là nhà sách Mai Liên của hai người đẹp Mai Liên chuyên làm Hai Bà Trưng trong ngày lễ hai bà. Ngay trước nhà sách là hảng xe bus Cosara chạy đường Sài Gòn Mỹ Tho, nổi tiếng nhờ sạch sẽ khang trang và chạy rất đúng giờ hơn xe đò Á Đông, Ngọc Châu …nhiều. Vô trong phía chợ dãy bờ sông có nhà sách Lê Tạc của đại gia đình Công, Thành, Danh, Toại- Phỉ (cô 5 Phỉ), Chí, Nam (cô Bảy Nam, má kịch sĩ Kim Cương), Nhi; Bia (cô 9 Bia), Truyền, Tạc, Để (cậu Út Để, chồng nghệ sĩ Kim Hoàng). Đối diện là dãy phố buôn bán: tiệm kiếng Huê Việt, tiệm bazaar Mỹ Đạt Hàng, qua khỏi đường Lý Công Uẩn là tiệm thuốc bắc Tân Minh Tế, các tiệm tạp hóa Nam Sanh, Hiệp Hòa Sanh (gia đình ca sĩ Tuấn Anh), đối diện khu nầy là tiêm khô Mỹ Hường, quay bán thit quay xá xíu rồi tới nhà lồng chơ cá, hàng rau cải… 

4) Đường Alexandre de Rhôdes:

Nối liền đường Trưng Trắc ngay khu bán rau cải chạy dọc theo rạch Bảo Định tới ngả ba Đài Chiến Sĩ đại lộ Hùng Vương. Hai bên đường nầy toàn la khu gia cư, đặc biệt trường trung học tư thục Trúc Giang của giáo sư Trúc Giang nằm bên dãy đối diện bờ rạch. 

5) Đường Lý Công Uẩn:



Bắt đầu từ tiệm bazaar Mỹ Đạt Hàng tới tiệm trà Ích Phong, rạp ciné Vĩnh Lợi (ngày xưa là rạp hát cải lương Thầy Năm Tú), tiệm cơm chay Hòa Bình, nhà bảo sanh bác sĩ Trần Công Trực tới phòng răng nha công Trần văn Mạnh. Ngay phía đối diện là dãy phố trệt chạy dài tới đường Nguyễn Huệ là tiệm vàng Phước Tín, quán cháo vịt bên hông. Đối diện nhà bảo sanh bác sĩ Trực là gia đình Huỳnh Quang. Các anh Huỳnh Quang Tòng, Huỳnh Quang Huy, Huỳnh Quang Áng (học cùng thời với tôi) hiện ở tại thành phố Toronto, Canada. 

Tưởng cũng nên nói thêm là tiệm cơm chay Hòa Bình là của dì Hai Nhung, con của ông bác Đồng An Đường và là má của tụi con Oanh con Phụng ở xéo nhà tôi, thường ngồi chung xích lô đi học trường Cầu Bắc với tôi. Sau nầy Oanh Phụng đi tu trở thành cô Tố cô Sáng. 

6) Đường Nguyễn Huệ: 

Chạy dài từ rạp Vĩnh Lợi tới ngả ba Alexandre De Rhôdes, mở đầu là tiệm bán vật liệu xây cất Hoa Lệ, tiệm vải Kim Điền đi dài tới tiệm bazaar Đức Thái, rồi Huỳnh Thái Dũ, tiệm nước Kỳ Hương, tiệm thuốc bắc Thọ Nam Đường mà chủ tiệm là dì Năm Binh của chị Ngà,chị Hoàng, con Cúc ổ lộ đá gần xóm tôi. Đối diện là nhà lồng chợ Mỹ Tho trong đó có rất nhiều sạp bán vải và quầy thức ăn mà nổi tiếng nhất là món bún Gỏi Và Bà Ba với lại bánh đậu bánh giá chị Huệ. 

Xích tới một chút là trụ sở xã Điều Hòa, một tòa nhà rộng lớn sau ngăn hơn 3/4 làm văn phòng tòa thị chánh Mỹ Tho. Đối diện có tiệm may Trung Thành của chú Ba Mạch, ba thằng Mạnh học chung lớp tôi, và là cậu thằng Nguyễn văn Hường sau tốt nghiệp cao học Hành Chánh. Khi qua khỏi đường Châu văn Tiếp thì đường Nguyễn Huệ không còn là khu thương mại nữa mà chỉ là nhà cửa dân chúng như nhà Dì Ba lục sự vợ ông lục sự Hường, nhà chị Bé Long học cùng thời với tôi, vài nhà của gia đình bên vợ ông commis Huấn phó tỉnh trưởng. 

7) Đường Thủ Khoa Huân:

Đường nầy chạy dài từ đầu cầy Quây tới đường ông bà Nguyễn Trung Long. 
Kế Phòng Thông Tin là nhà thuốc tây Ông Khánh là một trong hai nhà thuốc tây xưa nhất Mỹ Tho. Tiếp đến là tiệm Đức Đồng Lợi bán máy đuôi tôm và bôm nước. Gần đó là tiệm Thành Đạt chuyên bán các hiệu xe gắn máy như Puch, Goebel…và đồ phụ tùng. Tới góc ngả tư Lê Lợi là biệt thư lầu ty Quan Thuế. Phía đối diện có tiệm chụp hình Phong Lan, Cảnh Trung, nhà sách Do Quang, tiệm vàng Huỳnh Anh, phòng mạch bác sĩ Trần văn Bửu. Xéo góc ty Quan Thuế là Sở Trước Bạ. Tưởng cũng nên nói thêm là tiệm chụp hình Cảnh Trung là tiệm chụp hình đẹp nhất thời bấy giờ. 

Bên kia đường, đối diện Sở Trước Bạ là dãy phố công chức trong đó có nhà thầy Bùi văn Mạnh , thầy Nguyễn văn Châu cả hai thầy cùng dạy Pháp Văn, thầy Đỗ Trung Ruyên, thầy Vũ Mộng Hà đều dạy Lý Hóa, thầy Nguyễn Cao Cảo dạy Toán. 

Thầy Mạnh đặt tên con toàn là Bùi Ngọc như Bùi Ngọc Quang là thầy dạy Pháp Văn của tôi, Bùi Ngọc Đường, Bùi Ngọc Điệp (bác sĩ còn hành nghề ở Cali), Bùi Ngọc Lan. Thầy Mạnh sau qua làm hiệu trưởng trường Trung Học Kiến Hòa. 

Lên phía trên một chút là nhà bảo sanh Mỹ Tho (sau đổi thành bệnh viện 3 dã chiến), xéo góc là nhà thương. 

Rồi sau đó, đường Thủ Khoa Huân chạy bên hông sân banh cho tới khu gia binh tiếp giáp đường Ô.B. Nguyễn Trung Long.


8) Đường Lê Lợi: 

Có lẽ đây là con đường nên thơ nhất với hai hàng me đoạn Tòa Án và Phố Nóc Bằng nơi mà một thời chắc quý bạn đã từng đi bên cạnh người yêu với lá me rơi lất phất trên suối tóc huyền tha thướt. 

Xích lại gần ngã tư Lý Thường Kiệt có ty Hiến Binh mà anh Lê Minh Bá (em thẩm phán Lê Minh Liên cựu tổng trưởng Giáo Dục) con bác giáo Mực, nhà ở đường Trịnh Hoài Đức ngay đầu hẻm Chùa Chà làm chỉ huy trưởng. Nhân nói tới anh Bá, chắc các bạn cùng lứa với tôi không quên vụ thảm sát (massacre) kinh hoàng giữa thâp niên 50 làm chấn động dư luận. Đó là chuyện chàng trung sĩ hải quân giang đoàn 21 đóng tại Mỹ Tho vì thất tình cô Marie nhà ở hảng xáng Cầu Bắc nên xách súng tới hạ sát chẳng những cô Marie mà còn bà mẹ và bà chị Odette của cô. Chị Odette là vị hôn thê của anh Bá nên khi đưa đám , chiếc xe tang được sắp xếp cho chạy trên đường Trịnh Hoài Đức ngang nhà anh Bá để hương linh chị Odette thăm nhà vị hôn phu lần cuối cùng. 

Xéo ty Hiến Binh là dãy phố Nóc Bằng trong đó có nhà ông Vệ Giang có cô con gái là chị Jane, chị thằng Albert học chung với tôi. Chị Jane nổi tiếng là người đẹp và cao lớn. Có lẽ vì vậy nên chị chỉ giao du với các sĩ quan Pháp mà thôi. 

Băng qua đường Nguyễn Bỉnh Khiêm là Tòa Án Mỹ Tho mà đối diện là văn phòng luật sư Nguyễn Lâm Sanh và Trần Ngọc Liễng cũng như phòng mạch bác sĩ Trần văn Chuẩn. Hồi còn là đấng nhi đồng cứu quốc, tôi có xem Tòa Án Mỹ Tho xử anh Lê văn Hữu đâm chết người yêu và cũng là em cô cậu ruột là chị Hải Đường, hoa khôi Mỹ Tho thời bấy giờ. Mặc dù bà luật sư Nguyễn Phước Đại tận tình biện hộ nhưng anh Hữu vẫn bị kết án 25 năm tù. 

Qua khỏi ngã tư Thủ Khoa Huân là phòng mạch bác sĩ Nguyễn Kiển Bá, nhà thuốc tây Lâm Danh Mộc, bác sĩ Nguyễn Kiển Mỹ Hương, phòng răng nha sĩ Nhan Văn Túc, nhà thuốc tây Dư Yên Trí. Dược sĩ Trí là con của giáo sư Dư văn An, dạy toán chúng tôi ở lớp Đệ Tứ. 

Trở lại con đường Lê Lợi, đi một đổi nữa là tới trụ sở xã Điều Hòa, đối diện trường trung học Nguyễn Đình Chiểu. Qua khỏi ngả tư Ngô Quyền là dãy phố nhà thầy Huỳnh văn Đồ thầy dạy học tôi lớp Tiếp Liên. Thầy có đứa con trai cùng lứa với tôi là Huỳnh Minh Đức nghe nói là tốt nghiệp HEC Paris (Haute Étude Commerciale). Xéo xuống phía dưới là biệt thự bác sĩ Nguyễn Kiển Bá, biệt thự quá rộng nên ông cho mấy cô giáo ở xa mướn. Cách đó lối 50m là trường Lễ Nghi học hiệu của ông đốc Cấp là thân phụ kỹ sư Dương Kích Nhưỡng cựu tổng trưởng Công Chánh, kỹ sư Dương Mộng Ảo cựu tổng giám đốc Xi Măng Hà Tiên. Sát bên là trường tư thục tàu Quảng Triệu. 

Cũng nên nói thêm là đường Nguyễn Trãi đoạn ở gần đại lộ Hùng Vương thì hai bên đường có trồng nhiều cây xoài nên còn có tên là lộ Hàng Xoài. Vào cuối thập niên 60, ở cuối đường Nguyễn Trãi tiếp giáp với rạch Bảo Định, một cây cầu sắt được dựng lên nối liền luôn với đường đi chùa Vĩnh Tràng. 

9) Đường Châu Văn Tiếp:

Con đường tuy ngắn nhưng là một trong những huyết mạch của tỉnh Mỹ Tho. Chỗ ngả ba Lê Lợi là mặt sau của trường trung học Nguyễn Đình Chiểu (thực ra ngày xưa là mặt trước khi trường còn mang tên Lycée Nguyễn đình Chiểu), ở đầu kia tiếp giáp với đường Nguyễn Huệ. Nguyên cả mặt hông trụ sở xã Điều Hòa (sau chia một nữa cho thị chánh Mỹ Tho) chiếm trọn chiều dài con đường lối 150m. 

Đặc biệt tiệm phở Hy Lập của anh Tư Thẹo nằm trên đường Châu văn Tiếp gần góc đường Lê Lợi ngọn nổi tiếng không thua bất cứ tiệm phở nào ở Sài Gòn. 

10) Đường Trương Công Định: 

Là con đường chạy ngang bệnh viện 3 dã chiến, nó chạy dài từ nhà xác (gọi tên khoa học là cơ thể học viện), nhà đèn, rồi băng ngang qua đường Thủ Khoa Huân là biệt thự bác sĩ Dũ ngay ngả tư, tới nhà các bạn Chánh, Hòa, Thảo, nhà Chiêu Hòa Chiêu Thuận con thầy Bảy Chánh, nhà cô Tư Huê, thầy Đoàn văn Viễn, các chị Phụng Nga, Phụng Mỹ… đối diện bệnh viện 3 dã chiến. Tới ngả ba Nguyễn Bĩnh Khiêm là nhà bảo sanh tư bác sĩ Tải. Chạy qua khỏi Lý Thường Kiệt ngang hông sân tennis, hông ty Bưu Điện rồi chấm dứt ở ngả ba Gia Long.

11) Đại lộ Hùng Vương: 


Trung Học Nguyễn Đình Chiểu

Có thể gọi đây là con đường của tuổi yêu đương hò hẹn học trò vì hai trường nam Trung Học Nguyễn Đình Chiểu và nữ trung học Lê Ngọc Hân nằm hai bên của con đường ngay góc Ngô Quyền nên các nam thanh nữ tú dễ có cơ hội đá bóng với nhau lắm (phải vậy hôn mấy anh mấy chị đồng môn của tui?). Nhưng buồn thay đa phần các cuộc tình nầy đều không đi tới nơi tới chốn, trong đó có cả tui luôn nữa mới đau. Họa hoằng lắm mới có vài cặp chịu hát câu”ta về ta tắm ao ta” như Lê văn Trinh-Lê thị Hóa, Lê Trường Phước (em anh Lê Tài Sinh bác sĩ)-Nguyễn thị Hòa. Nhắc tới Lê Trường Phước mà không nói tới cái tài thổi sáo bằng hai bàn tay của anh chàng là cả một điều thiếu sót. Phước có biệt tài chụm hai bàn tay chung quanh miệng rồi không biết anh di chuyển thế nào mà phát ra âm thành thành bản nhạc như bản Hận Đồ Bàn của Xuân Tiên, Trở về của Châu Kỳ. Nếu ngày xưa tiếng sáo thiệt của Trương Chi làm nàng Mỵ Nương đau tương tư thì thời bấy giờ tiếng sáo miệng của Lê Trường Phước chắc cũng khiến cho lắm nàng Lê Ngọc Hân mê mệt chàng ta lắm đó nha. Từ đó Phước có biệt danh là “Phước thổi sáo” mà đúng ra phải là “Phước thổi tay”. Phước hiện giờ ở tại Mõ Cày Bến Tre. 
Trở lại đại lộ Hùng Vương thì con đường nầy chạy từ dinh tỉnh trưởng (ngả ba Lý Thường Kiệt) cho tới tận đài chiến chiến sĩ (ngả ba Alexandre de Rhodes. Xích lên một chút phía trái là doanh trại Phù Đổng Thiên Vương của binh chủng thiết giáp. Qua khỏi ngả tư Thủ Khoa Huân cũng phía trái là sân banh mà phía trước là Công Viên Dân Chủ. Đối diện là bệnh viện Mỹ Tho và Ty Y Tế. Tới ngả tư Lê Đại Hành là trường thiếu sinh quân, sau đổi thành trường Nam Tiểu Học. 

Kế bên Ty Tiểu Học là trường Lê Ngọc Hân và đối diện là trường Nguyễn đình Chiểu và các biệt thự lầu của các thầy Phạm văn Lược, Võ Quang Định, Huỳnh Đình Tràng, Trần văn Dinh, thầy Nguyễn Ngọc Quang … 

Qua khỏi ngã tư Nguyễn Trãi là nhà thờ chánh Tòa phía tay mặt và đối diện là Trường Thánh Giu-Se. Nhắc tới nhà thờ Chánh Tòa là tôi không bao giờ quên không khí rộn rịp vào lễ Giáng Sinh ngoài thánh lễ trang trọng còn là dịp bao trai thanh gái lịch Mỹ Tho công cũng như lương cùng “ xuống đường” tìm vui và tìm duyên.



12) Đường Ngô Quyền: 

Có thể nói rằng con đường nầy là con đường của những nhà tai mắt Mỹ Tho. Đường nầy chạy dài từ rạch Bảo Định cho tới ngả ba Nguyễn Trung Long. Gần ngả tư Nguyễn Huệ là nhà thuốc tây Huỳnh Hữu Tạo. Qua khỏi ngả tư Lê Lợi phía mặt là sirôp Trương văn Hoài, chung quanh có nhà cô Huỳnh thị Trị, chị Nguyễn Khai và một số bạn tôi là tụi thằng Trần Thảo Lư, Nguyễn Minh Hiền (em bác sĩ Nguyễn Minh Tiên),Nguyễn Trọng Khâm (vô địch chạy bộ Mỹ Tho) và Ngô Ngọc Vĩnh cũng là đồng môn. Vĩnh một thời là hội trưởng hội NĐC-LNH Nam Cali. Tưởng cũng nên biết là cô Trị và chị Nguyễn Khai đều du học bên Mỹ và trở về dạy trường Lê Ngọc Hân. 

Gần đó, là dãy biệt thự trong đó có nhà thầy Võ văn Liễu, chồng cô Lê thị Hai hiệu trưởng Nữ Tiểu Học Mỹ Tho. Chị Võ Bạch Mai giáo sư Đệ Nhị Cấp là vợ của giáo sư Lê Hà Quảng Lan (con nhà văn Vita). Cạnh bên là ông commis Tùng (em thầy Liễu). Hai nhà nầy là hai đại gia Võ Ngọc và Võ Bá. 

Đối diện là dãy phố tư gia của thầy Đinh văn Của, thầy Trương Ngọc Sâm (b0a của Trương Ngọc Khôi học chung lớp tôi). 

Qua khỏi ngả tư Hùng Vương, phía tay trái là trường Lê Ngọc Hân, phía tay mặt là chùa Phật Ân. Gần đó là nhà của thầy Giản cô Huỳnh, thân sinh anh Lâm Trí Chánh một thời là hội trưởng NDC-LNH Âu Châu. 

Kế bên là một khu nhà thấp hơn mặt đường của trường Bá Nghệ và ty Canh Nông. Trong đó có các nhà của cô Bảy Tốt, cô Nữ chị của Chánh học chung với tôi, nhà cô Ba Trương là thân mẫu của chị Ánh Quách, Quách Tinh Cần (thủ khoa khoá 20 trường võ bị Đà Lạt), Quách Tinh Võ (cùng lớp Đệ Tam B10 với tôi), Quách Tinh Văn.



13) Đường Gia Long:

Nếu ai hỏi tôi con đường nào đẹp nhất Mỹ Tho, tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng đó là con đường Gia Long. Phải! Chỉ mỗi việc con đường chạy dọc theo sông Tiền Giang đã nói lên được điều nầy rồi. 

Khởi đầu từ Vườn Hoa Lạc Hồng là chỗ hẹn hò của bao cặp trai gái ngồi bên nhau trên chiếc ghế đá công viên nghe tiếng sóng vỗ rì rào trên bờ đá , hít thở làn gió hiu hiu dịu mát từ mặt nước sông Tiền Giang để cùng nhau mơ chuyện tương lai lứa đôi. Vườn Hoa Lạc Hồng ngày xưa là nhà ga xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho, một phương tiện chuyển vận đã đóng góp phần lớn vào việc phát triển nền kinh tế tỉnh nhà. Từ đó có câu ca dao tình tứ như:
"Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành 
Tàu Tây lủng đáy anh mới đành xa em"

Đối diện Vườn Hoa Lạc Hồng là nhà thuốc tây ông Phan là một trong hai nhà thuốc tây lâu đời nhất Mỹ Tho, kế bên là hotel Bungalow. Qua khỏi ngả ba Huyện Toại có nhà may Huy Hoàng của thằng Thành học chung tiểu học với tôi, Thành tuy còn nhỏ tuổi mà dữ dằn du côn lắm., tiệm cơm Viễn Đông. Cũng có hai ba phòng ngủ ở khu nầy mà tôi chỉ còn nhớ có một là Hạnh Huê. Qua khỏi dãy phố lầu nầy là Ty Ngân Khố, đối diện bên kia đường Lê Lợi là ty Bưu Điện. 

Nhắc tới Ty Bưu Điện là tôi nhớ ngay tới anh Phạm Phú Lộc ở cùng xóm Trịnh Hoài Đức với tôi làm trưởng ty Bưu Điện Mỹ Tho. Anh ở nhà vợ khu Chợ Cũ gần Bến Tắm Ngựa, thế nên mỗi ngày anh đón đò máy dưới Bình Đại lên để đi tới Vườn Hoa Lạc Hồng rồi đi bộ tới ty Bưư Điện làm việc cả hai lượt đi về nên bạn bè gọi anh là ông trưởng ty “đò máy”. 

Cách ty Bưu Điện không xa là 3 biệt thự của quý ông Chánh Án, Biện Lý và Dự Thẩm Tòa Án Mỹ Tho. Điểm đáng nhớ của 3 ngôi biệt thự nầy là có rất nhiều cây hoa ngọc lan hương thơm bát ngát. Ngang qua một con đường nhỏ (mà tôi không thể nhớ tên) là dinh Tỉnh Trưởng. Đối diện là căn cứ Giang Đoàn 21 xung phong và công viên Cầu Tàu là chỗ tắm sông lý tưởng của dân Mỹ Tho. 

Kế Cầu Tàu là Ty Thanh Niên, khu cư xá công chức, Ty Công Chánh, Ty Cấp Thủy, Ty Thủy Nông. Đối diện là Tòa Hành Chánh tỉnh Định Tường mà phía sau là tư dinh Phó Tỉnh Trưởng. 

Đường Gia Long chấm dứt ở ngay ngã tư Nguyễn Trung Long thường được gọi là ngã tư Cầu Bắc mà trường tiểu học Cầu Bắc (nhà lá) tọa lạc ngay gốc Tây Bắc. 

14) Đường Ông Bà Nguyễn Trung Long:

Con đường nầy chạy dài từ Ngã Tư Cây Xăng tới tận cầu Bắc đi Rạch Miễu. Ngay ngã Ba Ngô Quyền là trường Bách Nghệ và Ty Canh Nông. Xuống tới Ngã Ba Lê Đại Hành là trường Nữ Tiểu Học.

Tới Ngã Tư Lý Thường Kiệt là tư gia phu nhân cố tổng thống Thiệu (biệt thự thầy Năm Thưởng, xéo góc là nhà vãng lai tỉnh mà sát một bên là Ty Thuế Vụ rồi tới đường rầy xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho. 

Xích tới một chút khỏi nhà bà Thiệu là trường Tiểu Học Cầu Bắc hay còn gọi trường Nhà Lá thời xa xưa mà chắc các bạn không quên hai cây còng to lớn lá xanh um cùng với bông màu tím thẳm nằm hai bên sân trường. 

Qua khỏi ngã tư đường Gia Long một bên và Ngô Tùng Châu một bên (đường Ông Bà Nguyễn Trung Long chia cắt hai đường Gia Long và Ngô Tùng Châu) là Bến Bắc Mỹ Tho-Rạch Miễu mà hai bên có nhiều quán xá bán thức ăn. 

15) Đường Ngô Tùng Châu:

Là đường nối dài của đường Gia Long kể từ đường Ông Bà Nguyễn Trung Long chạy lên tận Vòng Nhỏ. Gần ngả tư Cầu Cầu Bắc về phía tay trái là hảng Xáng chuyên sửa chửa tàu bè, phía ngoài một chút là Lò Sát Sinh mà dân Mỹ Tho quen gọi là Phú De (Fourière).

Khu vực Hảng Xáng ngày xưa đã xảy ra vụ thảm sát cô Marie mà tôi có dịp trình bày ở đoạn trên. 

Đối diện vùng nầy là Giếng Nước thứ hai. Giếng Nước thứ nhất nằm ngang Đất Thánh Tây chạy dài tới đường Nguyễn Tri Phương. Hai giếng nước được ngăn cách bỡi đường rầy xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho (bấy giờ là đường Lý Thường Kiệt gần nhà ông thầy Năm Thưởng là nhạc phụ cố Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu). 

Đường Ngô Tùng Châu chạy dài tới ngả tư chợ Vòng Nhỏ ngang qua nhà các cô Chín Nhãn (chủ xe đò Ngọc Châu chạy đường Sài Gòn Mỹ Tho), cô Ba Đê, thầy Nhiêu dạy trường Tiểu Học Nhà Lá. Cũng có nhà dì Tám Lịch má của anh em Khải, Hoàn. Dì Tám Lịch là đồng nghiệp nữ hô sinh với bà ngoại tôi tại bảo sanh viện Mỹ Tho (sau đổi thành bệnh viện 3 dã chiến). 

Điểm đặc biệt nhất của con đường Ngô Tùng Châu là hai bên đường có những cây phượng vĩ tuyệt đẹp. 

Đường Ngô Tùng Châu khi chạy qua khỏi Chợ Vòng Nhỏ gần tới Cầu Dầu là giang sơn của hảng nước mắm Cửu Long với hai chị em người đẹp mà nghe cái tên không cũng đã thấy "phê” lắm rồi, đó là Thương Hương và Tiếc Ngọc mà bạn Lê văn Cầu của tôi có may mắn là phu quân của chị Tiếc Ngọc. 

Dãy nhà bên trái là các nhà may Huy Hoàng,quán cơm Viễn Đông, khách sạn Hạnh Huê, Bungalow, nhà thuốc tây ông Phan ở cuối dãy. 

Thưa quý niên trưởng và các bạn, 

Từ nãy giờ, quý vị và các bạn đã cùng tôi trở về Mỹ Tho thân yêu qua hình ảnh sinh hoạt của một thời hoa mộng trên những con đường chính của thành phố, những con đường một thời đã in hình gót chân bay nhảy của tuổi thơ và thanh xuân nhưng chắc chắn rằng Mỹ Tho luôn luôn khắc ghi trong tâm tưởng những người đã gắn bó một phần đời hay cả đời với thành phố yêu dấu. 

Hy vọng qua bài viết nầy, quý vị và các bạn có được giây phút nhẹ nhàng thả hồn về một vùng trời quá khứ với chính hình bóng của mình./.

Nguyên Trần
(Hồi ức một đời)

Nhớ Một Mùa Hè



Bài Xướng:
Nhớ Một Mùa Hè

Kiếp trước ta nào có hẹn nhau
Ngày nay mình lại ngẩn ngơ sầu
Cho là như đã từng yêu mến
Để phải âm thầm nén lệ đau.

Hè đến, trời hồng, gió thoảng mau
Về đây tìm kỷ niệm năm nào
Sông xưa bến vắng con đò nhỏ
Rặng liễu mơ hồ nhánh trĩu sâu.

Em nhớ ngày nào dưới đám rau
Quê hương êm ái nắng lên màu
Hương thơm ngào ngạt mùi nồng ấm
Gặp gỡ tình Hè chắc đã lâu.

Trịnh Cơ
Paris 04 Juillet 2018
***
Các Bài Họa:

Cô Sầu


Nhật nguyệt đôi bờ mãi đợi nhau
Chờ trong thăm thẳm nỗi cô sầu
Tương phùng khoảnh khắc ghì yêu nuốt*
Rồi lại muôn trùng gặm đớn đau

Gặp gỡ đôi mình chẳng phải mau
Lòng như buốt giá kỷ băng nào
Nghe mầm luyến ái nghìn năm cũ
Dưới tảng lạnh lùng nén thật sâu

Cần mẫn chăm từ thủa luống rau
Phôi thai biếc mọng lá đơm màu
Đời sao tình chẳng niềm hoa trái
Mộng ướm thiên đường dệt bấy lâu!

Lý Đức Quỳnh 
*Hiện tượng nguyệt thực,nhật thực.
***
Người Dưng

Không hẹn thì sao gọi mất nhau
Chẳng là duyên số cớ chi sầu?
Xem như chưa gặp và quen biết
Nào có gì đâu phải khổ đau?

Thời gian mỗi lúc lại thêm mau
Tuổi tác làm sao kéo lại nào ?
Lãng mạn còn đâu mà ngóng đợi
Niềm riêng thôi nhé, hãy chôn sâu!

Đàn gà, cây chuối với vườn rau
Hoa trái thơm ngon đủ sắc màu
Hai quả tim vàng trong mái lá
Qua rồi mơ ước ấy từ lâu.

Sông Thu
***

Khúc Hạ Sầu

Phương trời cách biệt vẫn chờ nhau!
Gác lạnh, đèn chong...ngấn lệ sầu!
Nguyện ước chung đường sao lỗi hẹn?
Tơ vò trăm mối gợi hồn đau!

Mong người thấu hiểu gắng về mau
Nối lại bài ca dệt thủa nào
Thương kiếp phiêu bồng chân có mỏi?
Đêm về tủi phận mắt quầng sâu!

Hanh vàng nắng trải khắp vườn rau
Phượng đỏ nhà ai rực thắm màu
Ta đã yêu em từ dạo ấy 
Duyên tình đôi lứa chẳng bền lâu!

Như Thu
***

Hẹn Lại

Thương nhau hò hẹn chốn vườn rau 
Cây lá xanh tươi ngát một màu 
Gắn bó đôi lời thề suốt kiếp 
Mong rằng duyên nợ sẽ bền lâu 

Thời gian vùn vụt thoáng qua mau 
Cứ tưởng tình yêu mới thủa nào 
Năm tháng xoá nhoà bao kỷ niệm 
Âm thầm chất chứa nỗi niềm đau 

Thôi rồi mình đã cách xa nhau 
Mỗi đứa một nơi đượm nỗi sầu 
Biết đến khi mô ta gặp lại 
Cuộc đời còn có nghĩa chi đâu! 

Thiên Hậu
***
Sắc Hạ


Buồn quá vì chưng cách biệt nhau 
Hôm xưa cười nụ, nay vương sầu 
Hè ơi, mầu tím đầy sân phượng 
Thơ khổ vì hoa nhuốm sắc đau 

Ba tháng thôi mà vẫn thấy mau 
Người đi ai biết tới phương nào 
Để ta ngó mãi bờ hiu quạnh 
Lau trắng thay lời tiễn lắng sâu 

Vườn hạ thường ươm nắng biếc rau 
Chén canh mâm đợi mướt xanh màu 
Mưa chưa kịp tới, cơ hồ nóng 
Mới hẹn mà nghe thoáng tưởng lâu ... 

Hawthone 6 - 7 – 2018 
Cao Mỵ Nhân
***
Cái Thuở… 


Cái Thuở ban đầu mới gặp nhau 
Tình thơ vụng dại biết chi sầu 
Vô tình chạm mắt lòng vương vấn 
Sao nỡ ơ hờ tim nhói đau 

Châm bước người ơi chớ vội mau 
Cho đây cùng lối tí đi nào 
Sánh đôi chung bóng duyên ngàn dặm 
Chăn gối hương nồng giấc mộng sâu… 

Vẫn đấy vườn xưa xanh luống rau 
Tóc người năm cũ bạc phơ màu 
Ôm vùng kỷ niệm nhoà phai sắc 
Chờ đợi mỏi mòn đã bấy lâu! 

Kim Oanh 
Melbourne 7/7/2018
***
Nhớ Một Mùa Phượng Vỹ

Thân quen thuở ấy hẹn hò nhau
Bè bạn hôm nay vỡ mộng sầu
Kẻ sống xa nhà buồn lữ thứ
Người đi xuất cảnh nhớ thương đau

Hè về phượng vỹ thoáng qua mau
Bạn ghé anh em thử thế nào
Bến vắng qua sông đò phải lụy
Khách thưa mát mái nước trong sâu

Nhà quê đồng áng tưới vườn rau
Cỏ biếc trời xanh điểm sắc màu
Lão giả an chi bên cháu chắt
Chăn đơn gối chiếc cũng hơi lâu!

Mai Xuân Thanh
Ngày 07 tháng 07 năm 2018
***
Màu Kỷ Niệm 

Biết đến khi nào gặp lại nhau
Buồn chi...Phượng nở với Ve sầu
Hè mang kỷ niệm nào quên được
Nhớ buổi người đi dấu nỗi đau

Thấm thoát dòng đời chạy lướt mau
Ai ơi có nhớ buổi chiều nào
Kề vai sánh bước trao thề hẹn
Nắng ngập ngừng rơi góc phố sâu

Cảnh cũ vườn xưa với luống rau
Giàn hoa giấy tím sắc tươi màu
Lòng em héo hắt niềm nhung nhớ
Mấy Hạ hương lòng vẫn thắm lâu

Minh Thuý
Tháng 7- 2018
***
Ảo Vọng

Còn gì đâu nữa để tìm nhau
Xa cách bao năm đã nhuốm sầu
Nhớ buổi ra đi người chẳng hẹn
Khiến lòng tôi mãi nhói tim đau

Thời gian như gió thoảng qua mau
Thư chẳng gởi trao một chữ nào
Mà vẫn bao lần tôi ước vọng
Và tình vắng bặt,cứ chìm sâu

Vườn xưa ngày ấy những vồng rau
Giờ cỏ mọc xanh để thế màu
Bởi chẳng còn người vun xới nữa
Mong ai dựng lại....chắc còn lâu

Song Quang
7/9/18
***
Kỷ Niệm Ngày Hè

Giã từ mới nếm nỗi buồn đau
Rỉ rả rền vang não tiếng sầu
Phượng đỏ ngất ngây say nắng hạ
Đề vào lưu bút” luyến thương” nhau

Thế rồi nhung nhớ cũng qua mau
Anh đến thăm, tình lại thấm sâu
Đuổi chim bắt bướm như hồi nhỏ
Đùa rỡn tung tăng giống thuở nào

Còn nhớ không em những nhánh rau,
Dưa leo bóng bẩy mướt xanh mầu
Chúng mình chung hái,bao vui thú
Ao ước ngày này cứ mãi lâu

Thanh Hoà
***
Vườn Nhà Thủa Bé

Kỳ ngộ như là đã hẹn nhau
Cùng chung tâm sự mối u sầu
Lang thang đất khách đời heo hút
Vất vưởng quê nhà lòng quặn đau

Phượng nở ve kêu nhạc duổi mau
Hè vế các bạn ở phương nào
Hải hồ mây nước giong buồm gió
Tình biển nghĩa sông nặng trĩu sâu

Thủa bé vườn nhà ngắm đám rau
Bướm vàng bay lượn cải xanh màu
Thanh bình ngày ấy quê hương cũ
Thoáng chốc thời gian thấy chẳng lâu

Uyên Quang

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Quỳnh Hoa -Thơ Sao Khuê - Diễn Ngâm Hồng Vân



Thơ Sao Khuê 
Diễn Ngâm Hồng Vân
Thực Hiện: Cung ThLan

Bài Thơ Sáu Đoạn Gửi Người Xa



Lấy gì mà đắp nhớ nhung.
Nửa hồn trăn trở, nỗi lòng chia xa.
Hạ nhớ, hỏi người, hỏi ta,
Bài thơ nhật ký, nàng thơ ơi, buồn!

Tương tư nước chảy xuôi dòng,
Mưa San José nhớ bông lục bình.
Không chừng thơ lại hoá tranh
Kiếp sau thôi chẳng yêu anh dại khờ.

Hoa Ô Môi, bức tranh thu,
Tân thế kỷ, nhớ Cần Thơ, gọi người.
Quạnh hiu, hoa tuyết tan rồi,
Bài thơ sáu đoạn gửi người đã xa.

Ngày mai kể chuyện tương tư,
Lệ rơi thành biển mặn ru cơn sầu.
Đường tình mây khói giăng mù,
Không gian, ồ, cũng nắng mưa trở mùa!

Lời tình tự, chỉ là thơ,
Đôi tình nhân và mùa thu? Hết rồi!
Còn em và giấc ngủ vùi,
Rủ nhau đi trốn cuộc đời đắng cay!

Trưa buồn nhìn thấy mộng bay,
Dấu giầy ta bỏ lại đây: chữ tình.
Em nhớ quá bông lục bình,
Tương tư dòng lệ đỏ -Tình phôi pha!

Mùi Quý Bồng

(viết bằng tựa đề những bài thơ trong hai thì tập
Hoa Ô Môi và Nhẹ Bước Vào Thơ của Nữ Thi Sĩ
Thảo Chi Bùi Mỹ Hoa)

Loại Hoa Dị Kỳ


Bài Xướng:

Loài Hoa Dị Kỳ


Cành cao hoa nắng huy hoàng

Ép vào cuối vở mộng ngàn trên cao
Lòng sâu lưu bút xôn xao

Ướp hương tình hạ nôn nao đợi chờ
Nâng niu chép mấy vầng thơ
Trải trang giấy trắng tinh mơ hôm nào
Thời gian nhẹ bước chiêm bao
Loài hoa sắc máu phượng màu biệt ly


Kim Phượng
***
Bài Họa:

Một Chùm Hoa Phượng


Một chùm phượng đỏ trang hoàng...
Ép hoa kỷ niệm mộng vàng bay cao
Cành vươn oanh yến lao xao
Ngây thơ tình Hạ nao nao nhớ chờ
Ủ hương dệt đẹp bài thơ
Trải lòng mực tím mộng mơ khi nào..!
Thầy yêu bạn quý biết bao
Nhớ mùa Phượng Vĩ tô màu chia tay

Mai Xuân Thanh
Ngày 07/04/2020

Tự Khuyến 自勸 - Bạch Cư Dị



Nguyên tác          Dịch âm

自勸                     Tự Khuyến

憶昔羈貧應舉年 Ức tích cơ bần ứng cử niên,
脫衣典酒麯江邊 Thoát y điển tửu Khúc Giang biên
十千一斗猶賒飲 Thập niên nhất đẩu do xa ẩm,
何況官供不著錢 Hà huống quan cung bất trước tiền.


Bạch Cư Dị
***
Dịch thơ

Tự Khuyên Mình

Nhớ lúc đi thi quá đói nghèo,
Áo cầm bến Khúc rượu cân theo,
Chục năm một đấu* xưa mua chịu.
Chả nhẽ nay quan chẳng dám tiêu?

Họa thơ:

Tự trách mình

Cậu tú đi thi qúa đói nghèo,
Muốn cây Pilot vợ chiều theo,
Gía tiền tám chục gồng mình sắm.
Tới lúc đền ơn vợ mất tiêu!

Ngày 14-5-2019
Con Cò

*Đấu: 10 lít. Câu 3 muốn nói rằng, ngày xưa (10 năm trước) chỉ muốn có một đấu rượu mà phải mua chịu.
***
Dịch nghĩa: Tự Khuyên

Nhớ lại năm xưa đi thi đang lúc nghèo đói
Cởi áo ra cầm lấy tiền mua rượu ở tiệm bên bờ hồ Khúc Giang.
Mười nghìn một đấu rượu mà còn dám mua chịu để uống.
Hà huống bây giờ làm quan có bổng lộc đâu cần tích trữ tiền nữa.

Dịch thơ: Tự Nhũ

Năm xưa nghèo khó lúc đi thi
Thích rượu áo cầm chẳng ngại chi
Đấu rượu mười ngàn còn uống được
Nay đầy bổng lộc dám ai khi.

Phí Minh Tâm
Chú thích:
Tự Khuyến: còn có tựa là Phủ Tửu Ngũ Tuyệt 府酒五絕
Cơ 饑/飢 : đói không phải cơ 羈 khí. Nguyễn Du: Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da.
Khúc曲: chỗ sông quanh co không phải khúc 麯 men rượu
Khúc Giang: Tên ao đời Đường ở đông nam Trường An, phía đông phố Chu Tước. Ao dài như con sông ngắn, khúc khuỷu quanh co, nên gọi Khúc Giang.
Đấu/Đẩu鬥: phồn thể cả bài thơ.
Xa 賒: Mua chịu. Nguyễn Trãi 阮廌: Đồ giác hồ trung phong nguyệt hảo, Niên niên bất dụng nhất tiền xa 徒覺壺中風月好, 年年不用一錢賒 Chỉ biết gió trăng trong bầu là đẹp, Mỗi năm không mất đồng tiền nào để mua.
Trị 値: Đánh giá. Tô Thức: Xuân tiêu nhất khắc trị thiên kim 春宵刻値千金 Đêm xuân một khắc đáng giá ngàn vàng.
***
Tự Nhủ Ta

Đi Thi nhớ thủa quá hàn vi 
Bến Khúc rượu thèm áo tiếc chi? 
Một đấu mười ngàn còn dám uống
Bây giờ quan lớn giữ tiền chi? 

Lạc Thủy
***
Tự Nhủ

Nhớ buổi đi thi nghèo mạt rệp
Áo cầm đổi rượu uống bên ao
Mười ngàn một đấu quen xa xỉ
Nay bổng lộc đầy bộ tiếc sao.

Hoàng Xuân Thảo

Lời Tự Tình Trong Thi Nhạc


Tự nghìn xưa thi ca và âm nhạc đã thể hiện tiếng nói mang niềm rung cảm dạt dào, sâu đậm của con tim. Ngôn ngữ thi nhạc tuy ngắn gọn nhưng đã truyền đạt được tâm tư, tình cảm, tâm tình dâng hiến cho nhau trong trái tim, trong cuộc sống con người. Nếu tình yêu là chiếc cầu thì tình tự là nhịp cầu nối kết với nhau và, tiếng nói yêu đương khởi đi qua lời tự tình. Theo thần thoại Hy Lạp, trong chín vị thần nữ thì năm vị thần chiếm ngự thi ca mà ba vị chi phối nguồn tình ái, lãng mạn, trữ tình... Vì vậy, ngôn ngữ của thi ca dễ được cảm nhận, dễ dàng bày tỏ. Và, khi ngôn ngữ đó có vần điệu, mang âm hưởng trầm bổng, nó dễ dàng đi vào cung bậc, ru thế nhân vào suối nguồn âm thanh.

Khuynh hướng lãng mạn được hình thành ở Âu Châu vào thế kỷ XVIII được đề cao về sự thăng hoa tình cảm và trí tưởng trong sáng tạo nghệ thuật. Đem thực tại từ cuộc sống, tình cảm cá nhân tô điểm bởi mộng mơ, bày tỏ tiếng nói trung thực của trái tim ra khỏi khuôn phép bị trói buộc từ thuở xa xưa. Từ đó văn học nghệ thuật nói chung, thi ca và âm nhạc nói riêng đã tạo ảnh hưởng sâu rộng đến khắp nơi. Những khuôn mặt lớn trong thi ca như Chateaubriand, Lamartine, Alfred de Musset, Alfred de Vigny, Victor Hugo, Avers... Và, những nhạc sĩ tài danh như Wolfgang A. Mozart, Robert Schumann, F. Schubert, Carl M.V Weber, Felix Mendelssohn, Hector Berlioz, Claude Debusy, G. Bizet, R. Wagner, Franz Liszt, F. Chopin, J. Brahms... gieo thi hứng và hồn nhạc chu du bốn phương.

Vào tiền bán thế kỷ XX, không khí lãng mạn, trữ tình được du nhập vào Việt Nam tạo dựng khung trời mới trong thi ca và nét nhạc trữ tình trong bước khởi đầu nền tân nhạc được đánh dấu vào thời tiền chiến. Qua năm tháng, dần đà trải rộng trên đất nước, ảnh hưởng mạnh mẽ cho đến nay.

Tình yêu, trái tim và ngôn ngữ thi nhạc được thổ lộ, dàn trải qua tâm sự, nỗi niềm đôi lứa, ảnh hưởng từ làn gió mới Tây phương được du nhập vào đất nước.

Nhiều khuôn mặt sáng tạo trong thi ca và âm nhạc đã tô điểm trong vườn hoa Văn Học Nghệ Thuật qua dòng thơ và ý nhạc trữ tình đã vượt thời gian và không gian trong cơn thăng trầm của lịch sử. Có người tự trói buộc, vong thân, chối bỏ thời hoa mộng với con tim nhưng tác phẩm nghệ thuật vẫn là chứng tích của thời kỳ phát triển trong buổi bình minh. Có người được sống trong bầu trời tự do để tiếp nối niềm rung cảm sâu xa của con tim để làm cho vườn hoa nghệ thuật càng thêm phong phú.


Theo dòng thời gian và theo tiếng vọng của con tim trong tình yêu, lời tự tình được bàng bạc thể hiện qua thi nhạc:

Nhà thơ Hồ Dzếnh mở cửa với lời tỏ:

"Em ạ, lòng tôi, tôi ngỡ đâu
Đã dâng em hết buổi ban đầu;
Trời xưa huyễn mộng màu hoa nắng
Trong thoáng thơ vàng, len ý đau ..."

Bài thơ Nhạc của Bích Khê:

“Nàng ơi! Đừng động... có nhạc trong giây,
Nhạc gây hoa mộng, nhạc ngát trong mây;
Nhạc lên cung hường, nhạc vô đào động,
Ô nàng tiên nương! - Hớp nhạc đầy hương.”

Xuân Diệu đa tình, đa cảm với Tương Tư, Chiều:

"Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em ...
... Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi".

Lưu Trọng Lư trong phong trào thơ mới không còn rụt rè, bộc lộ cụ thể với Giang Hồ:

"Hãy nhích lại đưa tay ta nắm
Hãy buông ra đằm thắm nhìn nhau
Rồi trong những phút giây lâu
Mắt sầu gợn sóng, lòng đau rộn tình".

Và, hình ảnh đó được bắt gặp ở Vũ Hoàng Chương, nhà thơ phiêu lãng trong men rượu và men tình trong bài Quên:

"Đã hẹn với em rồi; Không tưởng tiếc
Quãng đời xưa, không than khóc gì đâu!
Hãy buông lại gần đây làn tóc biếc
Rát gần đây, gần nữa, cặp môi nâu".

Nhà thơ Hàn Mặc Tử, con người mang nhiều bất hạnh trong cuộc sống, đã bày tỏ trong Âm Thầm:

"Em có ngờ đâu trong những đêm
Trăng ngà giải bóng mặt hồ êm
Anh đi thơ thẩn như ngây dại
Hứng lấy hương nồng trong áo em"

Cùng thời điểm và cũng bạn thơ với nhau, Bích Khê tỏ tình qua Tỳ Bà:

"Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm đào nguyên cho xa xôi
Đào nguyên trong lòng nàng đây thôi"

Một trong những bài thơ tuyệt vời trở thành thân quen thời tiến chiến và được nhắc mãi đến mai sau như Tống Biệt Hành, thơ của Thâm Tâm:

"Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?"

Hoàng Trúc Ly, được xem là một trong những nhà thơ tình hay nhất xứ Quảng như bài thơ Cơn Mê

“Có phải vì em đang gỡ tóc
Cho mây từng sợi rối chân chim
Có phải hoa bay đầy cánh bướm
Vì em khua gió áo bay lên”

Trong bài Ca Sĩ, tuy không đề cập nhưng thời đó nhiều người cho rắng với tiếng hát Thanh Thúy:

“Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau”

Lời tự tình cho nhau không chỉ dành riêng phái nam mà ở nữ giới. Nhà thơ Ngọc Tuyết, qua 3 thi phẩm Giọt Đầy Giọt Vơi, Lá Trở và Sang Mùa, mang tâm sự của mình để dàn trải với tha nhân. Và, lời tự tình được bày tỏ:

“Vô tư anh rắc hạt yêu
Để thơ ngái ngủ trong chiều hư không
Dẫu mai phố chật người đông
Anh qua xin nhớ đã từng có em”...

Có muôn vàn bài thơ, có hàng trăm tình khúc đã đi vào trái tim giới thưởng ngoạn qua bao năm tháng, âm nhạc là nghệ thuật dễ truyền đạt nhất từ trái tim sáng tạo đến trái tim thưởng thức. Ở đó, lời tự tình như sự mê hoặc lôi cuốn hấp dẫn, điển hình với:

Ca khúc Đừng Xa Nhau của Phạm Duy:

"Đừng xa nhau! Đừng quên nhau!
Đừng rẻ khúc tình nghèo
Đừng chia nhau nỗi vui, niềm đau
... Đừng im hơi đắng cay rời nhau"

Dòng thơ của khuôn mặt sớm đa tình Hoàng Cầm trong tuổi ấu thơ, nòi tình đó vẫn còn nóng bỏng cho đến tuổi già với Tình Cầm, được Phạm Duy phổ thành ca khúc:

"Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Rồi những chiều vàng phơ phất lại
Anh đàn, em hát níu xuân xanh"

Quang Dũng nổi tiếng với dòng thơ đầy hào khí và lãng mạn ở thập niên 40, bài Đôi Mắt Người Sơn Tây qua dòng nhạc của Phạm Đình Chương làm sống lại tên tuổi của Quang Dũng khi ở bên kia vỹ tuyến:

“Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương"

Ca khúc Mộng Dưới Hoa của Phạm Đình Chương được phổ rất tuyệt qua dòng thơ Đinh Hùng:

"Nếu bước chân ngà có mỏi,
Xin em dựa sát lòng anh.
Ta đi vào tận rừng xanh
Vớt cánh dong vàng bên suối" 

Bài thơ Cần Thiết của Nguyên Sa, Song Ngọc phổ nhạc:

"Không có anh lấy ai đua em đi học về
Lấy ai viết thơ cho em mang vào lớp học
Ai lau nước mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa"

Anh Bằng dựa vào ý thơ viết thành ca khúc Nếu Vắng Anh:

"Nếu vắng anh, ai dìu em đi chơi trong chiều lộng gió
Nếu vắng anh, ai đợi chờ em khi sương mờ nẻo phố
Nếu vắng anh, ai đón em khi tan trường về
Kề bóng em ven sông chiều chiều, gọi tên người yêu"

Mang hình ảnh lãng mạn ở Pháp, giữa thập niên 50, thơ Nguyên Sa được xem như những trang thư cho tình yêu cho tuổi trẻ, Paris Có Gì Lạ Không Em được Ngô Thụy Miên phổ nhạc:

"Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay"

Ngô Thụy Miên đem vào cung bậc chất ngất yêu thương trong Tháng Sáu Trời Mưa, thơ Nguyên Sa:

"Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu"

Hoàng Thanh Tâm phổ thành ca khúc bài thơ trên và tô điểm thêm:

"Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến
Sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn
Mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng vỗ
Hãy biến cuộc đời bằng những tối tân hôn"

Du Tử Lê đến với thơ tình từ thập niên 60, và trở thành khuôn mặt tên tuổi nơi hải ngoại. Với Du Tử Lê, ngôn ngữ, tình yêu là lẽ sống mầu nhiệm trong sáng tạo nghệ thuật. Với Hiến Chương Tình Yêu, thơ Du Tử Lê, "còn lời đường mật nào hay hơn, quyến rũ hơn"? được Nguyên Bích viết thành nhạc phẩm:

"Khi em lạnh tôi biến thành ngọn lửa
Đốt yêu thương than nóng hực ân tình
Cả nghìn chương chỉ chép chuyện đôi ta
Khi em viết tôi biến thành giấy bút".

Chàng Du Tử nòi tình nầy ru tình nhân qua Một đời Để Nhớ, nhạc của Song Ngọc 

"Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Buổi chiều chăn gối thiếu hơi ai
Em đi để lại hồn thơ dại
Tôi vó câu buồn sâu sớm mai"

Bên cạnh Song Ngọc, Trần Duy Đức phổ thành ca khúc Chỉ Nhớ người Thôi Đủ hết Đời

Từ nơi xa xôi, Thái Tú Hạp ngỏ lời thăm hỏi qua Chiều Nhớ Hoàng Thành, Khúc Lan đem dòng thơ vào nét nhạc:

"Em vẫn giữ bài thơ trong chiếc nón
Dù cho đời mưa nắng đuc Kim Luông
Mưa có buồn trên đôi bờ thương bạc
Em vẫn còn thắp lửa đợi chờ anh?”

Những dòng thơ trong bài Ma Soeur của Nguyễn Tất Nhiên được Phạm Duy đưa vào cung bậc làm thăng hoa tình yêu giữa tâm hồn lãng tử với người tình bé nhỏ qua ca khúc Em Hiền Như Ma Soeur:

"Ta nhờ em ru ta
Hãy ru tên vô đạo
Hãy ru tên khờ khạo
Em yêu nầy em yêu"
***

Trong hai thập niên của thời chinh chiến, nhiều nhạc sĩ đã khoác áo chiến binh, vẽ lên hình ảnh tình yêu lứa đôi khi kẻ ở tiền tuyến người yêu nơi hậu phương đẹp vô cùng.

Đâu đó tư tưởng về tình yêu được thể hiện qua: Tiếng thổn thức của một trái tim đang yêu là một nhạc điệu du dương, thánh thót nhất trong các loại âm nhạc ở trần gian (Beecher Towe). Chỉ có niềm đau ly biệt mới làm sâu đậm thêm tình yêu đôi lứa (George Eliot). Chia ly, có thể tăng thêm niềm vui; xa cách, có thể làm cho những người yêu nhau rút ngắn khoảng cách con tim (Bateer). Chia ly, có thể tăng thêm niềm vui; xa cách, có thể làm cho những người yêu nhau rút ngắn khoảng cách con tim (Bateer). Tình yêu là hành vi cao cả nhất của tâm hồn và là kiệt tác của con người (M. Garcon). Sự xa cách đối với tình yêu cũng như gió đối với lửa. Nó thổi tắt ngọn lửa nhỏ, nhưng thổi bùng ngọn lửa lớn (R. Rabutin). Những trái tim chịu nhiều đau khổ và dũng cảm chính là những trái tim cao cả (R. Bazin)…

Cao dao Việt Nam có câu: Yêu nhau mấy núi cũng trèo. Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua" thì hình ảnh đó thể hện qua ca khúc Mấy Dặm Sơn Khê của Nguyễn Văn Đông:

"Em đến thăm, áo anh mùi thuốc súng 
Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê 
Non nước ơi, bèo trôi theo sóng đưa 
Hiến thân đời gió bụi, nghìn sau nối nghìn xưa...".

Và, tâm trạng người lính rất lãng mạn nơi núi rừng như ca khúc Đêm Dài Chiến Tuyến của Lam Phương: 

“Một đêm dài nhớ em 
Một đêm dài trắng đêm
Nhìn sao rừng nhớ em
Nhìn núi đồi thấy em
Người em yêu trọn đời”.

Trong ca khúc Chuyến Đò Vỹ Tuyến của Lam Phương tuy không đề cập đến người tình ra nơi địa đầu giới tuyến nhưng trong lời ca cũng cảm nhận được hình ảnh đó:

"Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi
Tim em lạnh lẽo như chiều đông ngoài biên thùy
Ai gieo chi khúc hát lâm ly
Như khơi niềm nhớ cuộc từ ly lòng não nùng".

Nhạc trữ tình của Trần Thiện Thanh rất tuyệt, trpng chia cách tâm sự của người yêu nơi hậu phương qua ca khúc Anh Nhớ Về Thăm Em:

“Anh nhớ về thăm em, dù đường xa mênh mang 
Anh nhớ về thăm em, kể chuyện một chuyến đi 
Anh nhớ về thăm em, một chiều thu thương nhớ 
Nụ hoa xinh hé nở, em cài lên vai áo”.

Và, trong thời buổi chinh chiến, làm sao hẹn được gặp nhau nhưng người yêu vẫn Bảy Ngày Đợi Mong mà Trần Thiện Thanh bày tỏ:

“Anh hẹn em cuối tuần 
Chờ anh nơi cuối phố
Biết anh thích màu trời
Em đã bồi hồi chọn màu áo xanh”

Duy Khánh thay lời người lính trận nơi xa chia sẻ tâm tình:

"Em ở nơi nào có còn mùa xuân không em
Rừng ngàn lá gió từng đêm nhắc nhở thì thầm
Mai lỡ không về chắc em buồn biết mấy
Dáng nhỏ xuân xưa cũng nhớ đêm ngày".

Và, Lê Dinh cũng thổ lộ nỗi niềm qua ca khúc Bài Ca Này Cho Em:

“Thương em nhớ em nhiều lắm 
Anh thức cả đêm viết lên tâm tình này 
Biên cương gió mưa lạnh lẽo 
Cây rừng rũ buồn cho lòng người buồn lây”…

Chỉ đơn cử vài nhạc phẩm tiêu biểu ở trên cũng thể hiện tình yêu đôi lứa khi ngăn cách trong thời chinh chiến.

***
Ngày nay, ở hải ngoại rất nhiều bài thơ được phổ thành ca khúc, nhiều nhạc phẩm nói lên tiếng nói của con tim đầy ngọt ngào yêu thương để chia xẻ, an ủi vỗ về cho nhau trong tháng ngày lưu lạc, trong cuộc sống tha hương. Từ nghìn xưa cho đến nay, từ Đông sang Tây, ngôn ngữ tình yêu không có gì thay đổi, không có gì khác lạ, nếu có, chỉ thay đổi từ rụt rè, e ấp sang dạn dĩ, táo bạo, từ lời lẻ bóng gió, ẩn dụ, nên thơ sang gợi dục, cuồng nhiệt, đam mê... Lời tự tình có khi chứa đựng sự đường mật, lừa dối, quyến rũ, ru ngủ để lôi kéo đối tượng vào vòng tay ân tình nhưng vẫn là nhịp cầu trao đổi để làm đẹp lòng nhau, dù biết lọc lừa nhưng có còn hơn không! Nghệ sĩ sáng tạo cho tâm sự của mình cho tha nhân, và không có gì đẹp bằng mượn nó để tỏ bày từ tiếng vọng trái tim.

Vương Trùng Dương

P.S: Bài nầy viết đã lâu (khoảng hai thập niên về trước) nhưng theo lời một số thân hữu đề nghị nên có vài đoạn bổ túc thêm vào dịp Thanksgiving để cảm ơn tình yêu. 

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Rong Chơi Cuối Đời Quên Lãng - Hoàng Thi Thơ - Tiếng Hát Thiên Kim



Nhạc Sĩ: Hoàng Thi Thơ
Tiếng Hát Thiên Kim

Ngang Trường Xưa



Hôm nay nghe nỗi niềm riêng
Khi ngang trường cũ,
Chiều nghiêng nghiêng buồn.
Bạn bè mỗi đứa một phương
Chia tay từ buổi mùa hương thu nào!
Đứa thì vui kiếp cần lao
Đứa lo công tác, đứa vào kinh doanh.
Đứa thì lấm bụi đô thành
Bôn ba cuộc sống chạy quanh nẽo đời.
Cũng từ lớp học nầy thôi
Mà sao mỗi đứa phương trời khác nhau!?

Ai đi đâu,
Ai về đâu?
Vẫn là xanh của một màu quê hương!
Chiều nay ngang qua sân trường
Mây nghiêng lối nhỏ, nắng vương cuối trời.
Thầy xưa, bạn cũ đâu rồi,
Chỉ âm thầm bước nhớ thời thời xưa xa!

Hoà Đồng, Tiền Giang, Hè 1998.
Mặc Phương Tử

Cơm Tháng Tư



Guigoz lon sữa thế gà mênh
Đựng món canh cua nấu đọt dền
Cơm vắt mo cau khô sặc nướng
Đường mòn chân đất mặt trời lên
Ăn trưa nghe lá dừa khua nhẹ
Ngắm nắng đùa sao bóng ngả kềnh
Tháng tận về nương đồng giúp mẹ
Nhờ ơn … khó khổ chẳng hề quên!

Cao Linh Tử
12/4/2019

Tiếng Trùng




Bài Xướng:

Tiếng Trùng


Tiếng trùng não nuột suốt đêm thâu
Lắm kẻ vô tư cũng vướng sầu
Có phải tim mình ai khuấy động
Tiếng trùng so với thấm vào đâu

Kim Phượng
***
Các Bài Họa:


Tình Thôi

Luyến tiếc tình ai khó nhận thâu
Đành thôi vương vấn chỉ thêm sầu
Thương thay nghịch cảnh gieo tan vỡ
Kỷ niệm đã từng biết gởi đâu

Quên Đi
***
Đêm Viễn Xứ

Côn trùng rả rích suốt canh thâu
Lắng tiếng đêm buông nhỏ lệ sầu
Viễn xứ thương mình thân lạc nẻo
Cuộc đời chẳng biết sẽ về đâu?

Songquang
 ***
Tiếng Lòng


Thạch sùng chắc lưỡi suốt canh thâu
Sương phụ thở than luống nghẹn sầu
Hiu hắt đèn khuya chờ đợi bóng
Cô phòng trơ trọi nhớ vì đâu...

Kim Oanh
***
Tiếng Gọi Trong Tim

Trăng tàn sắp dứt một đêm thâu
Tráng sĩ băng băng những dặm sầu
Chân bước vương vương lòng thiếu phụ
Lo chàng sống chết ở nơi đâu?

ChinhNguyen/H.N.T., 
 Apr.24.20
***
Duyên Nợ

Chập chờn giấc mộng trắng canh thâu
Lo lắng tương tư một mối sầu
Phải nợ trần ai sao quyến luyến
Tùy duyên tục lụy tại vì đâu

Mai Xuân Thanh
Ngày 24/04/2020
***
Tiếng Trùng

Còn đây thao thức suốt canh thâu
Nghe trọn tỉ tê giọng cổ sầu
Chẳng thể nguôi ngoai cơn mộng dữ
Xưa xa ấy nhỉ biết tìm đâu ?

Thái Huy
4/25/20

Giai Điệu Cho Dương Cầm



Nay mùa đông
Mai mùa hạ
Buồn chăng?
(Thơ Tuệ Sỹ)


Chùm hoa dại vẫn mãi hoài tự tại
Chuyện đời tư ủ mờ mắt ai cay
Hoa đó đây hồn nhiên nào đâu khác
Chỉ tâm người trong, đục với riêng tây

Khúc biến tấu đẹp sắc mầu giai điệu
Phiếm trắng đen chuyển tối sáng đêm ngày
Âm thanh chỏi do lòng ai mê ngủ

Phút yếu lòng xô nghiệp cả lung lay!

Tiếng ve ve mùa hạ nào chẳng thế
Tình động buồn vui, ngữa, sấp; mai,nay
Ve hè hòa ca đúng mùa hợp tiết
Trách ai kia du thủ vẫn hoài say*

Sông suối ơi mau quay về biển cả
Lất lây chi mang chuỗi nhịp lưu đày**
Giòng hoằng hóa réo gọi người ra rả
Bốn hướng chờ 'người- chắp- lại- đôi- tay'.


Hà Nguyên Lãng
*du thủ: chữ dùng của Nhà thơ Bùi Giáng nói về Tuệ Sỹ
**chuỗi nhịp lưu đày: chữ dùng trong thơ Tuệ Sỹ

Câu Chuyện Về Tình Người Giữa Đại Dịch Trên Thế Giới

 Với 1.426.609 trường hợp nhiễm virus corona và 81.995 ca tử vong được xác nhận trên toàn cầu, thật khó khiến chúng ta giữ vững được tinh thần. Nhưng cũng không tệ đến thế! Vẫn còn đây những mẫu tin ấm áp giữa thời virus corona, giúp khôi phục lòng tin của chúng ta vào nhân loại. Bored Panda đã tổng hợp một danh sách những câu chuyện về virus corona cảm động nhất, chứng minh tình yêu và lòng tốt vẫn đang tồn tại trong thời điểm khó khăn này. 

1.Một phụ nữ người Bỉ, Suzanne Hoylaerts, đã qua đời ở tuổi 90 vì COVID-19 sau khi từ chối dùng máy thở, bà đã nói với các bác sĩ của mình: “Hãy dành nó cho những người trẻ tuổi, những người đang cần nó nhất. Tôi đã có một cuộc đời đẹp rồi.” Bạn thấy đấy, không phải tất cả các anh hùng đều mặc áo choàng!


(Ảnh: Arafatdotyeasin) 

2.“Họ cần sự có mặt của tôi và tôi đồng ý. Khi bạn quyết định đời này sẽ làm một bác sĩ thì bạn phải có trách nhiệm với điều ấy. Tôi đã lập một lời thề y đức. Nếu bạn sợ lây bệnh thì tốt hơn hết đừng nên làm một bác sĩ.” – Giampiero giron, 85 tuổi. Ông ấy đã quá tuổi nghỉ hưu của mình nhưng vẫn quay lại để hỗ trợ trong thời điểm dịch bệnh này... Người đàn ông này đã từng là một huyền thoại khi thực hiện ca ghép tim đầu tiên ở Ý.


(Ảnh: reddit.com) 

3.Một chàng trai nhập cư người Ả Rập sống ở Ý và co' một cửa hàng trái cây. Anh ấy đang tặng trái cây miễn phí với dòng chữ: “Các bạn đã chào đón tôi vào đất nước của các bạn trong suốt 10 năm qua. Hôm nay tôi trả ơn này cho các bạn.”


(Ảnh: robin_stevenson) 

4.Nhớ lại năm 2016, chúng tôi đã tài trợ cho một gia đình tị nạn nhập cư vào Canada. Ngày hôm nay, biết rằng chúng tôi đang tự cách ly, họ đã mang những túi thức ăn đến đặt trước hiên nhà tôi. Đậu, chà là, mì, đậu lăng, sốt mè, rau, thịt và cả kẹo cho lũ trẻ của chúng tôi nữa. Thật là tử tế … và tôi rất lấy làm biết ơn.

(Ảnh: robin_stevenson) 

5..Hôm qua tôi đã gõ cửa phòng người thuê nhà của mình và bảo anh ấy có thể ở lại đó mà không cần phải trả tiền nhà trong 5 tháng tới. Anh ấy là một người tự doanh và phải nuôi 4 đứa trẻ. Không cần Thủ tướng Boris phải bảo, tôi vẫn biết đạo đức là gì. Này các bạn chủ nhà, nếu bạn có thể, hãy làm gì đó đi, và làm nhiều thêm nữa.


(Ảnh: bradshaaaw) 

6/ Đây là tôi và mẹ, bà ấy đã sống qua thời của Hitler, qua ca phẫu thuật hở van tim, đã bị thay thế xương 2 đầu gối và 2 bên hông. Vài tuần trước, bà ấy bị ngã gãy xương hông, 2 xương sườn và xương cột sống. Tuần vừa rồi, bà lại bị chẩn đoán nhiễm COVID-19 và phải mất một tuần điều trị tăng cường khi ở tuổi 86… Hôm nay bà đã khỏe mạnh hoàn toàn, đây là điều mà các kênh truyền thông nên quan tâm để truyền hy vọng đến với mọi người.

(Ảnh: Richard Briley) 

7/ 8 ngày trước chúng tôi sản xuất rượu Bourbon để kiếm sống.
5 ngày trước, chúng tôi phải ngừng sản xuất, tuân thủ theo yêu cầu của nhà nước.
4 ngày trước, chúng tôi học cách làm nước rửa tay diệt khuẩn.
3 ngày trước, chúng tôi đã hoàn thành một lô hàng kiểm thử..

Hôm qua chúng tôi bắt đầu đóng chai nước rửa tay diệt khuẩn và hôm nay chúng tôi đã giao 4.300 chai nước rửa tay đến bệnh viện Rochester, các văn phòng bác sĩ, các nhân viên y tế và nhân viên bưu điện.

Tuần tới, mục tiêu của chúng tôi là sản xuất thêm 15.000 chai nữa.
Hãy xem chỉ một tuần vừa qua chúng tôi đã làm được gì nào.
Gửi lời cảm ơn đến đội ngũ nhân viên của chúng tôi, tất cả những người đã giúp điều này thành hiện thực. Chúng ta là một Đại Gia Đình.


(Ảnh: Jason Barret) 

8/ Một người đàn ông ở Morristown, NJ đã đứng ngoài phòng cấp cứu cùng với tấm biển này. [Ảnh: Cảm ơn tất cả nhân viên cấp cứu đã cứu mạng vợ tôi. Tôi yêu tất cả các bạn.] Hãy nhớ nói lời cảm ơn đến những người ở tuyến đầu nhé!

(Ảnh: reddit.com) 


9.Hãy gặp gỡ Wynn, một chú chó phục vụ được huấn luyện bởi bác sĩ Ryan For (tổ chức huấn luyện chó CCI), đang an ủi các nhân viên y tế tuyến đầu trong trận chiến chống virus corona tại Denver. Chú chó giúp các bác sĩ và nhân viên giảm bớt căng thẳng với sự cống hiến của mình. Không phải tất cả các anh hùng đều mặc áo choàng.


(Ảnh: KarthiPrabha23) 

10/ [Ảnh: Gửi tất cả những khách hàng lớn tuổi của chúng tôi. Vui lòng cứ hỏi nếu bạn cần bất kỳ món đồ gì vì chúng tôi đã giữ riêng chúng lại cho bạn.]
Những người theo đạo Sikh khắp thế giới mang những bữa ăn đến hàng ngàn người đang bị cách ly vì virus corona. Nhóm ‘Những người Úc mang khăn xếp’ cũng đã quyên tặng hơn 1,5 tấn thực phẩm.

(Ảnh: Sikh Volunteers Australia

11/ Đứa con học lớp 6 của tôi đã gửi email cho giáo viên toán của cháu để được giúp đỡ, vì thế thầy ấy đã đến và giải quyết bài toán cho cháu trước hiên nhà chúng tôi.


(Ảnh: DakSt8Football) 

12/Tôi đang khóc tại siêu thị Winn Dixie. Người phụ nữ mặc quần jeans đã bước tới và thanh toán tiền hàng cho chàng trai trẻ đứng trước cô vì thẻ tín dụng của anh ấy bị từ chối, trong khi anh ấy đang hốt hoảng gọi điện tìm cách kiếm tiền để trả. Cô ấy nói: “Tất cả chúng ta đều từng có những lúc như thế này.” Mọi người thật tuyệt vời!


(Ảnh: AnniePNJ) 

13.CEO chuỗi nhà hàng Texas Roadhouse đã dành toàn bộ mức lương 6 chữ số (USD) của mình để chi trả cho các nhân viên tuyến đầu


(Ảnh: TheRickyDavila) 

14/ Một bác sĩ đang phải điều trị cho những bệnh nhân tại một bệnh viện có nguy cơ cao ở Arkansas. Anh ấy đang sống xa gia đình và phải lái xe mất một giờ đồng hồ để về thăm đứa con nhỏ mới chập chững biết đi của mình. Đây là khoảnh khắc đặc biệt khi họ được gặp nhau.

(Ảnh: Lewis McFadden)

Yên Đỗ Sưu Tầm