Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2024

Tình Khúc Buồn - Thơ Duy Quang - Sáng Tác: Ngô Thụy Miên - Tiếng Hát: Đình Lộc


Sáng Tác: Ngô Thụy Miên
Tiếng Hát: Đình Lộc

Bước Lưu Vong

 

Anh hỏi thăm tôi mùa Xuân đến?
Giật mình ngỏanh lại thấy Xuân sang
Năm tháng qua mau ồ! nhanh quá
Ta chợt nhìn ta thấy ngỡ ngàng
Nước mất tha hương đời tị nạn
Cuộc đời còn lại có như không
Ta đi thơ thẩn tìm quên lãng
Dấu vết ngày xưa cũng nhạt nhòa
Không biết nơi nào? Em còn nhớ
Một đêm Xuân nọ Em kiêu sa
Hai mảnh linh hồn hòa làm một
Chìm đắm trong đêm, đêm ngọc ngà
Xuân đến Xuân đi Xuân lại đến
Âm thầm vắng lặng chút bâng khuâng
Giang tay mò mẫm Xuân đâu nhỉ?
Gió lạnh quê người chẳng thấy Xuân!

Mặc Khách

Thuở Ấy & Bây Giờ

 

(Tặng Ngọc Thuỳ Giang)

Nhớ những ngày xuôi ngược ở Long Thành (ĐN).

Thưở ấy gặp nhau
Đời không vướng bận.
Như nước như mây,
Mặc tình bể dâu.

Anh tìm tôi những chiều bên Suối Cạn
Mái tranh xưa nghiêng bóng đổ hoàng hôn.
Những cung bậc dặm đời phiêu bạt,
Để lời thơ lãng đãng với sương hôm.

Đến giũa khuya trăng tà soi gác vắng
Khi giấc đời vừa tàn cuộc tiêu pha.
Gió hôn lạnh lên nỗi niềm sâu lắng,
Đốt cháy lòng đêm xao xác mấy canh gà.

Tôi tìm anh qua căn nhà xiêu vẹo
Vách phên thưa gió lọt lạnh từng đêm.
Vẫn đủ ấm khi đem vần thơ vá víu,
Bên chiếc võng trần lay lắc lời tim.

Rồi những lúc tiếng đàn khuya rơi tỏm
Vào hồn trăng cho nát mấy cung sầu !
Anh hát, tôi nghe quanh đời bề bộn,
Cõi thơ tràn tơ phím nhập đêm sâu.

Bây giờ,

Tháng năm qua rồi xa lắc
Mỗi người mỗi cảnh nỗi lo toan.
Kiếp tằm trót nợ dâu xanh ấy,
Nhưng với vần thơ vẫn sắc son.

Nay võng xưa cuốn lại,
Gác tranh xưa bỏ rồi.
Chỉ có thơ còn mãi,
Theo vầng trăng lên khơi.

Long Thành (ĐN) 2001
Mặc Phương Tử

Búi Tóc

  
(Ảnh:Búi Tóc- Nguyễn Thành Tài)


Bài Xướng:

Búi Tóc

Một thuở tóc chấm ngang vai
Là lúc lòng đã vì ai thẹn thùng
Từ khi hứa hẹn thủy chung
Búi tóc thệ ước tương phùng sánh duyên
Dù cho chẳng vẹn hương nguyền
Trăm năm ướp mộng tóc huyền ấp yêu!

Kim Oanh
***
Bài Họa:

Người Anh gặp tóc chấm vai
Bỗng dưng nhìn tóc, lòng Ai thẹn thùng
Anh mơ cùng Tóc đi chung
Hẹn hò thuở trước trùng phùng xe duyên!?
Thế rồi hai đứa ước nguyền
Tóc dù thay sắc đổi huyền vẫn yêu!

Nguyễn Thành Tài

Người Làm Công Tác Văn Hóa Hôm Nay, Ông Là Ai ?


Tháng 12-1657,  tại Stockholm, thủ đô Thụy Điển,  nhà văn Albert Camus có đọc hai bài diễn từ vào dịp ông được trao tặng giải thưởng văn học Nobel. Cả hai bài được biết dưới tưa để chung Discours de Suède. Trong bài phát biểu đầu tiên ngày 10-12-57, Camus bày tỏ lòng biết ơn Ban giám khảo đã dành cho ông phần thưởng cao quý này. Ông cho rằng sở dĩ ông có được cái vinh dự đó là vì ông đã ý thức được vai trò và trách nhiệm của người làm công tác văn hóa ngày nay. Nghĩa vụ đó, theo Camus, là không đứng về phe những kẻ nuôi tham vọng làm nên lịch sử. Trái lại anh ta phải chọn đứng về phía các nạn nhân của lịch sử để đóng góp vào nỗ lực chung hầu giúp cho thế giới khỏi bị tan rã. Và ông đã dành buổi nói chuyện ngày 14-12-1057 tại đại giảng đường đại học Upsal với chủ đề " L'artiste et son temps" để làm sáng tỏ quan niệm của ông về chức năng và trách nhiệm của người nghệ sĩ với thời đại của anh ta, Từ l'artiste, dùng ở đây, nên hiểu theo nghĩa rộng để chỉ tất cả những ai làm công tác văn hóa nói chung,

Mở đầu bài nói chuyện tại giảng đường đại học Upsal, Camus nhắc tới lời cầu nguyện hàng ngày của một hiền triết đông phương xin các thần linh tránh cho ông ta khỏi phải sống trong một thời đại đáng chú ý. Về phần mình, Camus cho rằng thế hệ ông không may mắn nên  phải sống trong một thời đại đáng chú ý  với hai cuộc Đại Thế Chiến. Trước những cảnh điêu tàn đổ vỡ, chết chóc tang thương ấy, Camus cho rằng người nghệ sĩ nói chung, hay người cầm bút nói riêng, không thể cứ quanh quẩn mãi trong tháp ngà để được một mình tự sướng đi tìm lời lẽ văn chương hoa mỹ để ca ngợi trăng sao hay kể lể những câu chuyện tình mùi mẫn ướt  át. Trái lại, anh ta phải đặt mình vào cương vị là người trong cuộc để có ý thức về nghĩa vụ của một người cầm bút chân chính. Cái nghĩa vụ ấy, Camus đã nêu rõ trong bài diễn từ khi nhận giải thưởng. Đó là, xin nhắc lại,: " Không đứng về phe những kẻ nuôi tham vọng làm nên lịch sử, mà phải chọn đứng về phía những người  là nạn nhân  lịch sử để gìn giữ cho thế giới khỏi bị tan rã" . ( Par définition, l'  écrivain ne peut se mettre au service de ceux qui font l' histoire. Il est  au service de ceux qui la subissent. - Albert Camus - ESSAIS -- p. 1072 - Bibliothèque de la Pleiade - Gallimard 1966). Đứng về phía những kẻ phải hứng chịu lịch sử, theo Camus, không phải là một lưa chọn dễ dàng, nên ông mới dành buổi nói chuyện tại giảng đường đại học Upsal để làm sáng tỏ quan điểm của ông. 

Trước hết, để đảm nhiệm vai trò và chức năng của một người làm công tác văn hóa, người cầm bút phải coi mình là kẻ đã đặt chân xuống tàu, tức embarqué hay người trong cuộc.  Từ embarqué, Camus dùng ở đây, mang một ý nghĩa đặc biệt nên xin có thêm một đôi lời để soi tỏ.

Embarqué, với Camus, không đồng nghĩa với từ dấn thân, theo nghĩa văn chương dấn thân  (litterature engagée) của J. P. Sartre. Dấn thân là thái độ của một người ngoại cuộc muốn đứng ra cổ võ hay bày tỏ quan điểm, lập trường của mình liên quan đến một ý thức hệ, một chủ nghĩa hay một chế độ chính trị nào. Nhưng sự dấn thân đó có thể là một phiêu lưu mù quáng chẳng đem lại lợi ích gì. Ta có thể nêu trường hợp của André Gide. Lúc đầu, bị mê hoặc bởi kỹ thuật tuyên truyền xảo trá của Staline, nhà văn Pháp này đã không ngần ngại lên tiếng ca ngọi hay cổ võ cho cái được gọi là xã hội thiên đường cộng sản. Chỉ sau khi đi thăm Liên Xô trở về, với cặp mắt nhận xét sắc bén, A. Gide mới nhận thức được sai lầm của mình và thú nhận trong cuốn Retour de l'URSS.(1936). Embarqué cũng không đồng nghĩa với tham dự (participer) như là chứng nhân trong cương vị một người ngoại cuộc. Thí dụ như, với tư cách là phóng viên, ta tình nguyện có mặt tại chiến trường. Nhưng chỉ để ghi nhận những gì ta được tai nghe mắt thấy mà thôi. Còn với từ embarqué hay người trong cuộc, ta phải coi mình như là kẻ đã đặt chân xuống một con tàu lênh đênh giữa biển cả đầy sóng gió. Gặp cơn phong ba bão táp, cũng như mọi khách đồng hành, ta phải có nghĩa vụ đóng góp vào nỗ lực chung để gìn giữ cho con tàu khỏi bị đắm chìm. Nhưng chỉ với tư cách là một hành khách trên tàu mà thôi. Đừng có bon chen giành giật tay lái như những kẻ có tham vọng làm nên lịch sử, khiến con tàu đang chao đảo, lại có thể bị lật chìm. Nói khác đi, với tư cách là người trong cuộc hay embarqué, Camus muốn ta phải tự đặt mình vào thân phận của những người đi chung cùng một chuyến tàu với ta, chia xẻ với họ những buồn vui hay bất hạnh mà họ phải hứng chịu. Để cho cụ thể, ta hãy xét về những động thái khác nhau đối với hai biến cố lịch sử mới đây: Đó là cuộc chiến tại Ukraine do tham vọng bành trướng lãnh thổ của Poutine, và cuộc xung đột giữa quân khủng bố Hamas Palestine và nhà nước Do Thái do tranh chấp về giải Gaza.  

Là kẻ dấn thân, khi ta chọn đứng về một phía, hoặc lên án hoặc biên minh cho hành động gây hấn của Poutine. Cũng vậy, sau vụ tàn sát tàn bạo và bắt giũ con tin của quân khủng bố Hamas, ta có thể coi cuộc truy lùng quân khủng bố Palestine trên giải Gaza của Do Thái là hợp lý. Nhưng khi dội bom tiêu hủy hàng loạt các thành phố Palestine trên giải Gaza, thì hành động gọi là tự vệ  của Do Thái có còn là chính đáng hay không . Là kẻ tham dự khác, với tư cách là phóng viên, ta tình nguyện có mặt tại chiến trường để chứng kiến tận mắt những gì đang xảy ra ngõ hầu có được  bản tường trình đầy đủ, nhưng chỉ trong cương vị một kẻ ngoại cuộc. Chỉ là người trong cuộc hay embarqué, khi người cầm bút, tuy không trực tiếp tham gia cuộc chiến, nhưng biết tự đặt mình vào cảnh ngộ của những đám thường dân  Palestine chỉ là nạn nhân vô tội, nhưng lại phải gánh mọi hậu quả chiến tranh, Có thế, người cầm bút mới cảm nhận hết được những đau khổ, mất mát của người dân Ukraine hay Palestine để, từ đó lên tiếng kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Có ý thức được  vai trò và trách nhiệm của mình là vậy, người cầm bút mới không biến những điều mình viết ra thành một thứ xa xỉ phẩm dối trá (un luxe mensonger). Camus cho rằng đây là một công tác vô cùng khó khăn, và người cầm bút ngày nay cần cảnh giác để khỏi bị sa lầy vào  cái bẫy do thời đại chúng ta giăng ra.

Cái bẫy thời đại, đó là do tiến bộ của khoa học điện tử, chúng ta nay đã bước vào kỷ nguyên thế giới ảo rồi. Ngay từ thời ông, Camus đa ghi nhận rằng người ta không đánh giá tài sản sự giàu sang của nhân vật nào đó bằng số lượng đất đai sở hữu, mà bằng con số tài khoản trong những trương mục của ông ta. Nhận định này càng đúng với thời đại chúng ta hơn, khi ta thấy tấm giấy bạc ngày càng được thay thế bằng tâm ngân phiếu, rồi tấm thẻ tín dụng, và nay mai chỉ cần bấm vào cái nút trên smartphone là đủ. Điều này có nghĩa là, dù muốn dù không, ta cũng phải tập làm quen với nếp sống ngày càng bị chi phối bởi các ký hiệu. Con người, do đó, ngày càng bị xô đẩy vào thế giới ảo, ngày càng sống tách biệt với thế giới tự nhiên, xa rời với lối sống giao tiếp thân hữu giữa con người với con người. (1).

Nhưng không chi có thế. Cũng như đời sống ngày càng ít bám rễ vào thực tại, các từ ngữ  ngày càng bị tước đoạt ý nghĩa nội dung nguyên thủy của chúng, để trở thành những khái niệm mơ hồ trừu tượng. Sự kiện này đã tạo điều kiện cho những kẻ có dụng ý xấu, lam dụng chúng, bóp méo ý nghĩa chính xác và cụ thể của chúng  để phục vụ cho mục đích hay tham vọng cá nhân. Cụ thể là tại các nước bị áp đặt dưới chế độ độc tài toàn trị, người ta đã coi tự do như là quyền tùy tiện vu khống, bắt giũ hay bỏ tù những ai không đồng quan điểm hay chống đói mình. Bởi vậy Camus mới cho rằng, tại các nước này hai chữ "tư do" đã trở thành một thứ từ ngữ tha hóa hay điếm đàng (prostitué), chữ của Camus. Và chỉ khi nào chúng  trở thành một hiểm họa, thì mới không còn là thứ từ ngữ tha hóa hay điếm đàng ( Si la liberté est devenue dangereuse, alors est en passe de ne plus être prostituée. Sdd. tr. 1095) Có thể nói đây là trường hợp của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm vào thời Cải Cách Ruộng Đất tại miền Bắc (1956), hoặc của tất cả các nhà đấu tranh tù nhân lương tâm tại bất cứ nước nào bị đặt dưới chế độ độc tài toàn tri. Điển hình là thái độ dũng cảm của một số phụ nữ tại Afghanistan hay Iran. Bất chấp những hình phạt khắc nghiệt dành cho họ, thậm chí có thể bị ném đá đên chết, một  số phụ nữ tại hai quốc gia này đã không ngần ngại đứng lên biểu tình chống lại  những luật lệ khắc nghiệt của giáo điều Đạo Hồi đã dành cho họ. Chỉ có những con người này mới thực sự hiểu được ý nghĩa thực sự của hai chữ tự do.  Còn cho tự do là quyền tùy tiện phát biểu theo sở thích  riêng để, ưa ai không tiếc lời bốc lên tận trới xanh, còn ghét ai thì cứ  việc quạc miệng ra mà vu khống mạ ly, Một thái độ hành sử như vậy chỉ là biểu lộ cho thấy hai chữ tư do, với đám người này, đã được suy diễn phần nào theo nghĩa tha hóa hay điếm đàng mà thôi.

Nhưng đâu chỉ có hai chữ tự do. Thời đại chúng ta còn được chứng kiến không biết bao từ ngữ thanh cao như dân chủ, độc lập, tổ quốc, dân tộc..., đã bị lạm dụng như thế nào để trở thành hoen ố. Chỉ cần những khẩu hiệu được Poutine tung ra để thúc đẩy công dân Nga nhập ngũ làm bia đỡ đạn cho tham vọng tái lập đế chế Liên Xô của ông ta cũng đủ thấy. Người cầm bút chân chính, do đó, phải biết hoặc dám tìm cách phục hồi tiết hạnh cho các từ ngữ thanh cao này.

Bên cạnh cái bẫy nêu trên, còn một bẫy khác đang chực sẵn. Đó là kỷ nguyên văn minh tin học cũng là kỷ nguyên thông tin đại chúng. Điều này có nghĩa là nó tạo điều kiện cho việc phổ biến tin tức hay tri thức văn hóa được phổ biến rộng rãi hơn, dễ đàng tới quảng đại quần chúng hơn. Chính vì thế nó trở thành phương tiện tranh củ hữu hiệu cho những ứng cử theo chủ nghĩa dân túy (populisme). Thay vì dùng lập luận chính đáng để thuyết phục người dân, họ lại chỉ thích tung ra những khẩu hiệu nghe bùi tai nom bắt mắt tác động tới cảm xúc hơn là lý trí, để lôi kéo cử tri dồn phiếu cho họ. Về phần những người muốn làm công tác văn hóa cũng vậy. Thay vì tìm tòi sáng tạo để nâng cao trình độ thưởng ngoạn chung, anh ta lại chỉ muốn sớm được nổi danh, sớm được nhiều người nhắc đến tên tuổi. Bởi vậy anh ta chỉ lo kể những mẩu giai thoại ly kỳ hấp dẫn liên quan đến một vài nhân vật tên tuổi để câu độc giả, để được nhiều người tò mò muốn đọc. Nào là đại gia này có thú nuôi hàng trăm con mèo trong nhà để vuốt ve nghe chúng kêu meo meo. Nào là cô đào kia đã trải qua không biết bao đời chồng, hoặc anh tài tử nọ thay bồ  như thay áo. Nếu chỉ chăm lo viết lách như vậy, anh ta đâu có biết rằng cái giá anh phải trả cho việc mua danh ba vạn bán danh ba đồng ấy, đó là anh ta đã trở thành một kẻ nào khác mạo danh anh ta, chứ không phải là người làm công tác văn hóa chân chính nơi anh ta. Như Camus đã lên tiếng cảnh báo trong đoạn văn sau đây : " La plus grande célébrité aujourd'hui consiste à être admiré sans avoir être lu. Tout artiste qui se mêle de vouloir être célèbre dans notre société doit savoir que ce n'est pas lui qui le sera, mais quelqu'un d'autre sous son nom, qui finira par lui échapper et, peut-être, un jour tuer en lui le vrai artiste."  -Sdd. 1083. (Sự nổi danh ngày nay thường là do được người đời hay nhắc đến, chứ không phải vì được nhiều người tìm đọc. Bởi vậy bất kỳ người làm công tác văn hóa nào hôm nay, cần nhận thức được  rằng không phải là anh ta được nổi danh, mà là một ai đó đã mạo tên anh ta,  để rồi cuối cùng, sẽ làm chết đi con người làm công tác văn hóa chân chính nơi anh ta.)

Để kết thúc, tôi xin tạm tóm lược, theo cảm nhận của riêng tôi, nội dung thông điệp Camus muốn gửi đến chúng ta như sau : Trước bối cảnh lịch sử đầy biến động như cuộc chiến tại Ukraine hay cuộc xung đột tại Gaza giữa quân khủng bố Hamas và Do Thái còn đang diễn ra, người cầm bút chân chính không thể quay mặt làm ngơ cho được. Anh ta cũng không thẻ dùng ngòi bút để bênh vực phe này hay phe kia, hoặc theo dõi để tường thuật như một người ngoại cuộc. Trái lại, anh ta phải coi mình là kẻ đã đặt chân xuống tàu (embarqué), nghĩa là người trong cuộc như mọi hành khách trên cùng chuyến tàu với mình. Điều này có nghĩa là anh ta phải biết sống hòa mình với đám quần chúng vô danh thấp cổ bé miệng, lắng nghe những tiếng thở than thầm kín của họ, để cảm nhận và chia  xẻ những đớn đau, tủi nhục, mất mát mà họ   chỉ là nạn nhân vô tội do tham vọng của những kẻ muốn làm nên lịch sử gây ra.  Có thế, người cầm bút chân chính mới cảm thấy nhu cầu lên tiếng báo động để mọi người thức tỉnh, chú ý tới thân phận của đám người thấp cổ bé miệng ấy, mà mà lên tiếng kêu gọi phải sớm tìm giải pháp chung giúp họ sớm thoát khỏi tai họa họ đang phải gánh chịu. Đó cũng là nhắn nhủ Camus muốn gửi đến chúng ta trong phần kết của buổi nói chuyện qua đoạn  văn trừu tượng nhưng được diễn tả bằng hình ảnh  linh hoạt ngoạn mục, khiến ta không khỏi liên tưởng tới những nốt nhạc rộn ràng trổi lên  kết thúc cho một bản đại hòa tấu cổ điển : " Les grandes idées, on l' a dit, viennent dans le monde sur des pattes de colombe. Peut-être alors, si nous prêtions l'oreille, entendrons nous,   au milieu du vacarme des empires  et des nations, comme un faible bruit  d'ailes, le doux remue ménage de la vie et de l' espoir. Les uns diront que cet espoir est porté par un peuple, d' autres par un homme. Je crois qu' il est au contraire suscité, ranimé, entretenue par des millions de solitaires dont les actions et les oeuvres, chaque jour, nient les frontières et les plus grossières apparences de l' histoire, pour faire resplendir fugitivement la  vérité toujours menacée que chacun, sur ses  souffrances et sur ses joies, élève pour tous."  
(Sdd.-1096) (Những tư tưởng lớn thường lại đến bằng những bước chân nhẹ nhàng của bày chim bồ câu. Chỉ khi đó, nếu ta chịu khó lắng tai, ta sẽ không chỉ nghe thấy những tiếng khua vang ầm ĩ của những kẻ ôm tham vọng dựng lên những đế quốc nhân danh  nhan dân họ. Trái lại, bên cạnh những lời khua môi múa mỏ ấy, ta còn nghe thấy cái âm thanh nhỏ nhẹ như tiếng vỗ cánh nhẹ nhàng, của  những lời than thở thầm lặng và ước vọng dấy lên từ hàng triệu trái tim cô đơn, nhưng mỗi lúc lại được làm sống dậy,  thêm khua động, duy trì hơn để mỗi lúc trở thành lớn mạnh hơn. Nhờ vào hành động và việc làm của họ nên, mỗi ngày. làn ranh giả tạo giữa các biên giới lịch sử, sẽ bị xóa bỏ. để làm sáng tỏ hơn cái chân lý chập chờn thường xuyên bị đe dọa, mà mỗi cá nhân, bằng những nỗi đau và niềm vui riêng, đã trở thành tiếng nói cho toàn thể.) 

Nguyễn Bảo Hưng
---------------------------
 (1) Ta có thể nêu vụ án nữ tỷ phú Trương Mỹ Lan nguyên chủ tịch Công ty Vạn Thinh Phát và ngân hàng SCB tại Việt Nam làm thí dụ điển hình. Năm 1986, bà Trương Mỹ Lan còn là dân bán vải tại chợ Bến Thành. Nhưng nhờ có óc kinh doanh  tinh khôn lanh lợi nên năm 1992 đã cùng chồng là Chu Lập Cơ thành lập công ty Vạn Thịnh Phát rồi ngân hàng SCB với lãi xuất cao để thu hút tiền tiết kiệm của người dân. Sau đó họ đã dùng số tiền ký thác làm vốn đầu tư vào các cơ sở kinh doanh ma, đặc biệt là trong lãnh vực bất động sản. Không chỉ dùng tiền ký thác của người dân, họ còn mượn tiền của ngân hàng nhà để khuyếch đại phô trương tài sản. Kết quả của mánh lới kinh doanh này là không đóng góp hữu ích được gì cho phát triển kinh tế đất nước,  chỉ dựng lên những khu biệt thự xa hoa hoành tráng, nhưng một số lại bị bỏ hoang. Hậu quả là đương sự cuối cùng bị truy tố và tạm giam về tội chiếm đoạt 364 ngàn tỉ đồng tương đương với 13 ngàn tỷ đô la của nhà nước và tiền tiết kiệm ký thác của người dân. Giờ đây phải ngồi trong tù chắc can phạm Trương Mỹ Lan đã có đủ thì giờ suy ngẫm để nhớ lại những lúc mình được đon đả mời chào khách hàng và vui vẻ chuyện trò với họ hay các bạn đồng nghiệp. Dù chỉ là những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống bình thường thôi, nhưng nay mình lại thấy chúng chính là nguồn vui hạnh phúc. Phải chi hồi đó mình đứng có mê muội chạy theo danh vọng với tước hiệu tỷ phú ảo ảnh cùng những con số bạc tỷ trong các chương mục, nhưng nay cũng chỉ là cát bụi, có phải hơn không ? Phải chi hồi đó mình đừng có quá tham lam ích kỷ, biết nghĩ tới tha nhân một chút nhất là những người phải sống trong cảnh bần hàn quanh ta. Chỉ cần dành một số tiền vụn vặt  giúp họ, đem lại niềm vui cho họ và lấy đó làm nguồn vui hạnh phúc cho ta, thì đâu đến nỗi phải rơi vào cảnh ngộ này. Nhưng nay dẫu có ân hận hối tiếc thì cũng đã muộn rồi. 
(Để biết rõ về vụ án Trương Mỹ Lan chỉ cần gõ trên Youtube : "Vụ án Trương Mỹ Lan", đặc biệt là mục "Tất tần tật về vụ án Vạn Thịnh Phát" trên trang mạng Kiến Thức Thú Vị để biết các mánh lới làm ăn của bà ta như thế nào.)

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

Đỉnh Yêu Thương - Sáng Tác &Trình Bày: Trương Minh Cường


Sáng Tác &Trình Bày: Trương Minh Cường LNAT

Tháng Giêng

 

Tháng giêng trời xanh bỏ ngõ
Gọi mời hoa bướm vào chơi
Sắc màu xanh vàng tím đỏ
Em hồng má thắm đôi môi
Tháng giêng thì thầm gọi gió
Sang mùa vần vũ trùng khơi
Có loài chim di bé nhỏ
Vật vờ đôi cánh tả tơi
Tháng giêng người đi ra biển
Nhớ về dĩ vãng khôn nguôi

Xa nhau cuối mùa chinh chiến
Ai dòng ngược ai nẻo xuôi
Tháng giêng đứng bên bờ núi
Mỏi cổ trông về cố hương
Đâu rồi quê cha đất tổ
Xa tắp ở tận mười phương

Tháng giêng đi vào phố chợ
Nhớ mẹ dặm miếng trầu cau
Trĩu lưng đã dài năm tháng
Chập chùng bãi cát nương dâu

Tháng giêng vọng hồn tử sĩ
Bây giờ hồn phách nơi đâu
Có nghe trùng trùng sông núi
Quê hương gánh nặng nỗi sầu

Phong Châu

Hoàng Hôn Trên Biển Vắng

 

Từng cơn sóng vỗ về đời ly xứ 
Hoàng hôn về trên biển vắng tình người 
Dấu chân buồn in từng bước ra khơi 
Đếm bọt biển như dã tràng se cát 

Đời ly xứ vết hờn in trên mắt 
Nơi xứ người hằn dấu tích chân hoang 
Nhớ ngày xưa - Ôi! Phố mộng Nha Trang 
Biển cát trắng cho anh từng hơi thở 

Hàng dừa xanh xỏa tóc thề óng ả 
Bờ môi em ngọt lịm ánh tà dương 
Hoàng hôn về ta sánh bước chung đường 
Em khuất bóng sau giàn hoa thiên lý 

Đêm từng đêm dệt vần thơ ngỏ ý 
Để sáng ngày trao vội mảnh hoa tiên 
Em bâng khuâng thả mái tóc nhung huyền 
Che đôi má đang thắm hồng vì thẹn 

Rồi cơn lốc cuốn đời anh xa bến 
Để hoàng hôn trên biển lạ thiếu em 
Bao năm qua anh tìm dấu chân quen 
Nhưng biển cát lạnh lùng như sa mạc ...

Lâm Hoài Vũ
(Trích Thi Tập Lưu Vong Trường Khúc)



Một Đêm Hè - Xuân Nhớ Mẹ

 

Xướng:

Một Đêm Hè

Hạ đến đầu mùa những giọt thưa
Nỗi buồn nhớ Má nói sao vừa
Phất phơ tàu lá rung rung động
Ra rả nhạc sành thổn thức đưa
Má vẫn ru em trong tiếng gió
Tôi còn gạo vở giữa đêm mưa
Đì đùng bom đạn ngoài kia mãi
Má đợi Ba về nay vẫn chưa!

Quên Đi
***
Họa:

Xuân Nhớ Mẹ

Đầu Xuân mùa đến giọt sương thưa
Thương má ,lòng con nhớ chẳng vừa
Nghe pháo đì đùng lòng bức rức
Nhìn lân nhảy múa dạ buồn đưa
Con ngồi nhẩm đọc hoà âm gió
Mẹ hát ru hời lẫn tiếng mưa
Chinh chiến một thời trong khói lửa
Thanh bình mẹ hưởng - chút gì chưa?

Song Quang
20240117

Ngôn Sứ Ngôi Lời


Thơ là cõi bềnh bồng mà thi nhân là người có tâm hồn đa cảm nên đã tìm vào cõi mộng. Nguồn thơ là một phẩm vật tinh thần của trời ban đến với thi nhân nào có hẹn thời gian hay độ tuổi, tâm hồn thi nhân dù ở thời thanh xuân hay lúc xế chiều thì nguồn cảm hứng vẫn dạt dào cuồn cuộn. Nhà thơ Vân Uyên tuổi đời đã cao mới bắt đầu làm thơ nhưng thơ ông mượt mà, kỹ thuật vững vàng điêu luyện. Ông làm thơ không nhiều nhưng thơ của ông lại mang tính độc đáo vì ông quan niệm «cầu tinh bất cầu đa » nên rất cẩn trọng tỉ mỉ chọn lựa từng câu chữ, ngữ nghĩa cho ý thơ. Hơn nữa do tích lũy vốn sống và kiến thức rộng, ông lại thích nghiên cứu đọc rất nhiều sách của nhiều tác giả trên thế giới nên đã tự tìm cho mình một hướng đi riêng trên con đường Thi Ca.

Nhà thơ Vân Uyên tên thật: Nguyễn Văn Ái, sinh năm 1920 tại Hà Nội và mất năm 2015 tại Paris. Sang Pháp học Y Khoa vào giữa thập niên 40 và đã tốt nghiệp bác sĩ trở về nước năm 1955 của thế kỷ trước. Ông nguyên là viện trưởng viện Pasteur Việt Nam (Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang 1955 1975), giáo sư Y Khoa Đại Học Sài Gòn bộ môn Vi- Sinh- Vật- Học, từ năm 1955- 1975. Ông là anh ruột của thi nhạc sĩ Tử Phác, người từng vang bóng một thời có những nhạc phẩm tiền chiến :Tiếng Hát Quay Tơ ,Tiếng Hát Lênh Đênh..vv…. Tử Phác là thư ký tờ báo Nhân Văn Giai Phẩm, và cũng là nạn nhân bị tù đày trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm năm xưa!

Nhà thơ Vân Uyên là tác giả 4 thi tập: Những Vần Thơ Lưu Niệm, Tình Thơ Paris, Duyên Kiếp Thiên Tình,Nghĩa Nợ Tình.
Những tác phẩm trước năm 75: Khoa Học và Đức Tin, Giới Thiệu Tư Tưởng của Teilhard de “Chardin”do Kim Lai Ấn Quán xuất bản Sài Gòn 1965.

Giáo sư Nguyễn Văn Ái dù là một nhà Khoa học nhưng mang tâm hồn thi sĩ luôn hướng đến một "chân trời lãng du". Tuy ông rất thích đọc thơ, nhất là cổ thi và những bài bình luận thơ nhưng Vân Uyên không bao giờ nghĩ sẽ có ngày làm thơ. Bất ngờ BS Tuyết Lan người ngẫu phối mà Vân Uyên yêu mến với biết bao kỷ niệm đẹp của thuở trẻ, thời cùng du học ở Paris hai tâm hồn như một, nguyện cùng đồng hành trọn đường cho đến ngày tóc bạc dù cho đường đời có trần bổng. Từ khi "Song song nhất thể lại rồi chia hai", sự ra đi của người bạn đời vào năm 1996 khiến Nguyễn Văn Ái cảm nhận tận cùng nỗi đau của sự mất mát, và thấm thía nỗi cô đơn nên những lúc hồi tưởng nhớ người bạn đời ngồi ghi lại một vài kỷ niệm tự nhiên thấy thơ từ nỗi đau sâu kín nhất ùa đầy trong tâm hồn theo dòng cảm thành suối thơ, và từ đó Vân Uyên làm thơ. Có lẽ chỉ có thơ mới chia sẻ được nỗi cô đơn, và những lúc cô đơn hồn dễ xúc cảm những ý hay. Chữ tình là điều thiêng liêng nhất mà con người không thể thiếu và tách rời từ đó khởi nguyên của những nỗi buồn vui đau khổ hay hạnh phúc. Trong tình yêu có tình yêu cha mẹ, yêu tổ quốc, yêu thiên nhiên, tình yêu lứa đôi và còn nhiều thứ tình khác….

Trong tình yêu lứa đôi có tình phu thê là nặng nghĩa, mãnh liệt, tha thiết, đôi khi vượt lên mọi thứ tình khác, Đối với đức tin của một số tôn giáo tình nghĩa phu thê thật thiêng liêng vì là họ xương thịt của nhau.

Trong tập Thơ Vân Uyên ngoài những bài quê hương, tâm linh còn có những bài thơ tình về sự nhất thể, tình phu thê đậm sâu tính tôn giáo. Thơ Tình của Vân Uyên thuộc loại tâm linh nhưng đầy lãng mạn nói về sự chung thủy. Đây là những bài thơ tình độc đáo nói về tình yêu nối kết giữa người còn sống và người đã khuất, giữa sự hoang mang và đức tin.

"Tình chỉ tình, khi tình chung thủy
Có yêu nhau hồn xác mới là yêu
Có yêu nhau sống thác mới là yêu
Tình người ghép mối thiên tình "

Nhà thơ Vân Uyên ngước mặt nhìn trời nguyện cầu trong bài Tình Chỉ Tình:
"Con của Trời biết khổ vẫn yêu."
Chữ Tình thật bao la và vĩ đại , tình của Người, tình của Trời. Khi tơ duyên vợ chồng của Vân Uyên bị đứt đoạn nhà thơ đau khổ vì yêu thương nhớ người bạn đời đã mất ông viết:"Con của Người biết yêu là khổ". Là một tín đồ công giáo nên câu thơ Con của Người là con cái Chúa, và nỗi khổ đó chỉ đơn thuần là tình lứa đôi; Nhưng Thiên Chúa Con của Trời mang một tình yêu vĩ đại yêu nhân loại. Ngài biết thế gian đầy khổ ải nhưng vẫn xuống thế để chuộc tội cho nhân loại:"Con của Trời biết khổ vẫn yêu".

Nợ Tình là bài thơ tâm linh giữa người dương gian và người thiên thu:
Có yêu nhau sống thác mới là yêu.

Giữa đức tin và khoa học trong con người tín hữu GSTS Nguyễn văn Ái. Tình yêu lứa đôi dù tuyệt đẹp so với đời người thì cũng ngắn ngủi.
" Tình đến gặp tình một kiếp thôi" Tình yêu lứa đôi chỉ ở kiếp này bên nhau mới thật hạnh phúc, nhà thơ ngại rằng ở cõi khác nếu có gặp nhau chắc gì còn tình lứa đôi!

"Đâu chung đâu thủy đâu trời nhỉ
Ai thấy hôn ai ở chốn nao ?"

Nhà thơ tự hỏi: "Đâu chung đâu thủy đâu trời nhỉ?" "Con người từ nhất thể song đôi tại sao trời bắt phân ly? Phải chăng định luật của tạo hóa con người vẫn phải phân ly, cho dù sự phân ly đó chỉ ở phần thể xác, còn phần hồn vẫn quyến luyến không tách rời nhau?
"Nhẹ bụi điêu linh vẫn xót thương,trong đêm thoáng động dây tơ vương. Trở về gỡ mối tương tư cũ, điểm mộng vào thơ phảng phất hương. » Đoạn thơ tình tuyệt vời; nhưng "Ai thấy hồn ai ở chốn nao"
Có lẽ con người khoa học trong nhà thơ trỗi dậy đâm hoang mang!

Nợ Tình

"Gió thoảng hồn du phiếm hiếm cao
Bao la mở ánh huyền huyền sao
Đâu chung đâu thủy đâu trời nhỉ
Ai thấy hồn ai ở chốn nao?
Nhẹ bụi điêu linh vẫn xót thương.
Tong đêm thoáng động dây tơ vương
Trở về gỡ mối tương tư cũ
Điểm mộng vào thơ phảng phất hương.
Tình đến gặp tình một kiếp thôi
Từ yêu sáng thế tình song đôi
Tâm in phúc hứa Thần linh ước
Trí tích vinh danh vịnh Thánh Ngôi.
Thập ác, huyền thân, tử ,phục sinh
Tình Trời duyên Tội lẽ u minh
Hồn về thử hỏi nơi nguyên tạo
Tân Cựu thiên thu nghĩa nợ tình."

Trong bài Khói Trầm Bay nhà thơ Vân Uyên tả lại cảm xúc khi nhìn thấy đôi chim khuyên mà chợt bùi ngùi nhớ người bạn đời xưa vì mỗi độ xuân về có đôi chim khuyên bay đến lượn hót trong vườn. Xuân này đôi chim khuyên lại đến nhưng thiếu tiếng người bạn đời gọi ra xem:

"Đôi khuyên chim chíp song song
Dâu lời âu yếm tay lồng sóng đôi
Đường đời còn mấy nổi trôi
Khôn ngoan nước bước đứng ngồi hỏi ai.
thôi thì đến thế thì thôi
Tinh anh thể phách kiếp người biết sao!
Thiên nhan ước hẹn trời cao
Mặt nào nhìn mặt tay nào cầm tay.
Nguyện cầu hương khói trầm bay
Đưa về vĩnh phúc tình này tới đâu?
Kiếp này đành gẫy nhịp cầu
Thấm đau niềm nhớ ngậm sầu niềm vui.
( Khói Trầm Bay)

Bài thơ tình đầy tha thiết diễn tả nỗi lòng tác giả khi nhìn cảnh cũ chợt tiếc nuối người xưa có sầu nhưng không bi lụy vì tác giả dựa vào đức tin sẽ có một ngày sẽ gặp lại người xưa ở Nước Chúa. Hai câu thơ:

"Thiên nhan hẹn ước trời cao,
Mặt nào nhìn mặt tay nào cầm tay."

Hai câu thơ đã nói lên niềm hy vọng tôn giáo sẽ gặp nhau trước mặt Thiên Chúa, dù tin tưởng nhưng tâm hồn thi sĩ đa cảm vẫn thắc mắc ở nơi huyền bí đó về thân phận của hai người có còn là vợ chồng nữa không ? (mặt nào, tay nào). Từ đó cùng với việc làm thơ đời sống đạo của Vân Uyên chuyển hướng về nội tâm, tuy bề ngoài trong khuôn khổ Giáo Hội vẫn là một con chiên ngoan đạo. Vân Uyên diễn tả nếp sống đạo nội tâm qua những vần thơ, không những trong những bài thuần túy tôn giáo: Cây Thập Tự, Tấm Mồ Không, Người Là Ai, Tình Ta Với Tình, Thiên Chi Đạo, Sách Khải Huyền, nhưng cả trong những bài thơ tình đời hay tả cảnh. Bài thơ Đọc Phúc Âm đã nói lên niềm tin và suy nghĩ của Vân Uyên:

Gặp ai khi đọc phúc âm
Khi nghe nhắn nhủ thì thầm tiếng yêu
Ngọc châu tòa giảng tín điều
Hướng đi niềm sống ít nhiều thấm trôi.
Hai ngàn năm thuyết ngược xuôi
Ý trào như sóng ngập lời người xưa..
Khởi đầu từ bốn chứng thư
Cộng đồng Dân Chúa tôn thờ thành kinh.
Nguyện cầu thành khẩn tâm tình
Xin ơn tín ngưỡng dâng mình vào mơ
Bí huyền khôn tả lời thơ
Tình người thập tự bên bờ xót thương.
Người, Trời sống chết tơ vương
Phúc Âm là phúc chung đường cùng Ai.
(Đọc Phúc Âm)

Nhà thơ Vân Uyên có thời làm bộ trưởng trong chính quyền VNCH và có thời gian dài bị tù đày dưới chế độ Cộng Sản nên khi qua định cư ở Pháp ông chán ngán thế sự. Nhà thơ đọc rất nhiều sách, trong đó có cuốn Đạo Đức Kinh do triết gia Lão Tử viết ra 600 năm trước Công Nguyên. Theo truyền thuyết thì Lão Tử chán thế sự nên cưỡi trâu đi ở ẩn. Ông Doãn Hỷ đang làm quan giữ ải Hàm Cốc níu lại "nếu ngài quyết đi đi ẩn cư xin vì tôi để lại bộ sách." Lão Tử ở lại của ải Hàm Cốc viết ra bộ sách "Đạo Đức Kinh" dặn Doãn Hỷ cứ tu theo đó thì đắc đạo. Do đó Đạo Đức Kinh còn được gọi là sách Lão Tử.(Trích nguồn)

Bài thơ Thiên Chi Đạo nói lên sự chọn lựa cách sống thanh tịnh của ông:

Thâm thúy phi thường đạo đức kinh
Khí từ man mác gió thần linh
Trường sinh ẩn hiện đời hằng sống
Cương nhược lung linh ánh nước tình
Cây cả ngọn cao mầm hạt bụi
Trí bình tâm thản thuở sơ sinh
Công thành sự toại vô vi đợi
Thanh thoát huyền đồng thắng bất tranh.
(Thiên Chi Đạo)

Thơ của Vần Uyên thấm những tư tưởng của Lão Tử, trong bài Thiên Chi Đạo nhà thơ đã đưa tư tưởng đạo trời của Lão Tử và phúc âm của Thiên Chúa giáo vào thơ:"Đạo không thể dùng lời để diễn tả":

"Đạo khả đạo phi thường đạo
Danh khả danh phi thường danh"

Câu:" Trường sinh ẩn hiện đời hằng sống"
Câu thơ chứa lời của đạo đức kinh (trường sinh) và lời của phúc âm (hằng sống).

Câu:" Cương nhược lung linh ánh nước tình"

Cương nhược là tư tưởng trong Đạo Đức kinh
Nhược nhi thắng cường. Nhu nhi thắng cương.( ĐĐK)
(Yếu thắng mạnh, mền thắng rắn)
Nước tình: Royaume de l'amour (Mt)

Câu:"Cây cả ngọn cao mần hạt bụi"
Hợp bão chi mộc sinh u hào mạt (ĐĐK)
( Cây gỗ tay ôm mọc lên từ từ cái mầm nhỏ)

Câu: "Công thành sự toại vô vi đợi"
Công thành sự toại thân thoái thiên chi đạo (ĐĐK)
(Khi công thành sự toại thân trở về với nguồn là Đạo
của Trời.)

Bài thơ nầy tương đối dễ hiểu nhất trong số thơ ông. Với ông, thi ca là những "rung động của tâm tư bắt nguồn từ những 'tín hiệu' (informations) của Ngôi Lời (le Verbe), cái Ngôi Lời đã tạo nên Sự Sống nơi thế gian rồi gọi mời thế gian trở về với cảnh giới Ngôi Lời". Qua thơ của ông, ta có thể nghĩ "Vân Uyên là 'ngôn sứ của Ngôi Lời ".

Trong một lần Hội Ba Lê Thi Xã hội thảo bàn về thơ Tâm Linh, nhà thơ Vân Uyên góp ý bằng cách đọc một bài thơ của ông để ca ngợi 4 người “đặc biệt” đã trải qua vòng tử sinh mà nhà thơ gặp trong đời, bài thơ mang tên:Đọc Thơ Bốn Người, trong đó có những đoạn về thi sĩ Hàn Mặc Tử:

"Đốt trầm hương tựa án thư,
Ý tình sinh tử đọc thơ bốn người.
Uống trăng say mộng khóc cười,
Hú hồn gánh huyết giữa trời hư vô.
‘ Máu đã khô rồi thơ cũng khô!
Hồn ơi! Phiêu lạc đến bao giờ"
(Đọc Thơ Bốn Người)

Do ông rất rõ căn bệnh phong nan y, ông giải thích hai câu thơ sau của Hàn Mạc Tử:
“ Khi làm câu thơ ấy tâm hồn Hàn Mặc Tử đau đớn tột độ vì nguồn thơ sắp cạn, thi sĩ biết mình đã kiệt lực sắp chết trong lúc tuổi đời còn đang kết trái nở hoa! Hàn Mặc Tử là người công giáo có đức tin mãnh liệt nhưng theo tôi thi sĩ chưa thực sự hiểu đạo. Câu thơ:
"Hồn ơi! Phiêu lạc đến bao giờ"; đã minh họa sự vô định của Hồn sau khi lìa xác; thay vì phải về Nước Chúa".

Trong làng thơ Việt ở Paris nhà thơ Vân Uyên được các bạn thơ trong nhóm Ba Lê Thi Xã qúy mến gọi là “ẩn sĩ ”vì ít tham dự đám đông, thỉnh thoảng ông mới họp thơ và có những lời góp ý là những vần thơ độc đáo. Mỗi lần xuất hiện ông luôn tươi cười, tiếng cười âm vang rộn rã khắp phòng làm mọi người vui lây. Hội thơ Ba Lê Thi Xã đã ngưng sinh hoạt vì rất nhiều thi sĩ đã giã từ cõi đời Hiện nay chỉ còn vài người, tôi là người trẻ nhất trong hội nhưng các vị đó xem tôi là bạn thơ, là tri kỷ. Thi sĩ Bằng Vân Trần Văn Bảng, thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, thi sĩ Phương Du Nguyễn Bá Hậu và tôi rất hợp nhau, chúng tôi thường hay bàn luận về một bài thơ hay,một tác phẩm nghệ thuật giá trị. GS Trần Văn Bảng, GS Nguyễn Văn Ái, GS Thái Hạc Oanh đã về với thiên cổ, BS Nguyễn Bá Hậu đang ở bệnh viện cũng sắp đi, tôi tóc đã bạc bỗng trở nên cô đơn!

Năm 2000 nhà thơ Vân Uyên 80 tuổi, để mừng thượng thọ con cháu của ông đã tổ chức đại lễ thượng thọ mời gia đình và bằng hữu của thi sĩ đến chung vui hơn cả trăm người. Hôm đó có một số ít nhân sĩ được mời lên phát biểu cảm tưởng, tôi đã lên đọc một bài thơ làm tặng thi sĩ Vân Uyên. Năm 2010, thi sĩ Vân Uyên 90 tuổi, lần này con cháu của ông cũng tổ chức lễ đại thượng thọ, ngoài đại gia đình đến mừng tho, số khách mời được hi sĩ Vân Uyên yêu cầu giới hạn trong vòng thân hữu, là những người mà thi sĩ Vân Uyên qúy mến thường gặp gỡ, đó là:Nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, Ông Bà BS Tạ Thanh Minh, GS Lê Đình Thông, GS Trần Văn Cảnh, nghệ sĩ Thúy Hằng và tôi. Hôm đó tôi cũng làm một bài thơ tặng thi sĩ. Hai bài thơ cách nhau 10 năm đã được thi sĩ đưa vào thi tập hơn trăm bài thơ Vân Uyên, thi tập mang tên:"Nghĩa Nợ Tình" xuất bản tại Paris năm 2011. 

Bằng hữu văn nghệ biết tôi biết âm nhạc nên có ít người muốn tôi phổ cho họ một bài thơ nhưng tôi đã từ chối, vì sợ mình không đủ khả năng làm đẹp âm thanh thành giai điệu đẹp cho bài thơ. Nếu tôi phổ chỉ để làm hài lòng bạn sẽ làm hỏng nghệ thuật, lời thơ hay ý đẹp của thi sĩ, dù rằng tôi sử dụng quen thuộc dương cầm và guitare và thỉnh thoảng có viết ca khúc nhưng chưa bao giờ dám phổ thơ của ai! Vào mùa hè năm 2015 gia đình thi sĩ Vân Uyên muốn tổ chức mừng thượng thọ 95 tuổi tại tư gia một biệt thự ngoại ô Paris và đã mời một số khách do chính thi sĩ chọn. Tôi và Thúy Hằng được mời, lần này tôi không thể làm thơ vì những ý hay lời đẹp tôi đều viết ở hai bài thơ trước, nếu làm thêm sẽ trùng ý và không thể hay! Do đó tôi đem những thi tập của Vân Uyên ra đọc nhiều lần để tìm cảm hứng phổ nhạc. Tôi đã thích bài Nợ Tình vì diễn tả tình đời ý đạo, và thi sĩ Vân Uyên cũng thích bài thơ này vì tính độc đáo của nó về sự huyền bí của Tình Trời Tình Người. Hôm đó con cháu của thi sĩ đến hơn trăm người, nhưng số khách chỉ có 4 người là: GS Trương Công Cừu người bạn thâm niên thuở còn du học ở Paris với thi sĩ, ông có thời làm bộ trưởng thời VNCH và là giáo sư các trường đại học ở Sài Gòn trước năm 1975. 
Ba người thuộc thế hệ sau: GS Trần Văn Cảnh, Thúy Hằng và tôi. Chiều hôm đó tôi đã đàn và hát tặng thi sĩ bài thơ phổ nhạc lần đầu của tôi. Thi sĩ Vân Uyên rất vui vì thơ nhạc đã giao hòa phát lên âm thanh giai điệu về ý nghĩa Tình Đời Lẽ Đao. Hơn hai tuần sau thi sĩ Vân Uyên đã giã từ cõi trần về gặp người thương nơi Nước Chúa. Bài thơ Tín Điều Trần Ai như một lờ giã từ.

Tóc sương đâu biết ngày đi
Đôi vần cầu nguyện đến thì thì thôi
Đường đời đã cuối chân trời
Hồn nương theo gió những lời Phú Âm
Mai sau lưu lại đạo tâm
Vọng vang lời gọi, thì thầm tiếng yêu
Tình trời tình đất bấy nhiêu
Mỗi đời mỗi ngả tín điều trần aì.
(Tín Điều Trần Ai)

Đỗ Bình
Paris 20.08.2018

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2024

Bài Tình Ca Bốn Mùa - Nhạc&Lời: Trần Văn Khang (Khanh Phương)- Trình Bày: Bảo Yến & Quang Minh


Nhạc&Lời: Trần Văn Khang (Khanh Phương)
Trình Bày: Bảo Yến & Quang Minh

Tháng Giêng Gọi Đông Về - Nhạc&Lời: Tuyết Phan - Hòa Âm: VCD - Ca Sĩ: Quốc Duy


Nhạc&Lời: Tuyết Phan
Hòa Âm: VCD
Ca Sĩ: Quốc Duy

Thơ Và Tôi

 

Ta buồn thơ lại đến cùng ta
Tình nghĩa ôi chao quá đậm đà
Có lúc ngỡ như hình với bóng
Đôi khi tưởng đấy bướm và hoa
Có hương thêm sắc hồn tiên nữ
Kết chữ nên câu chuỗi ngọc ngà
Bởi thế làm sao rời bỏ được
Thì thôi giữ kỹ thú đây mà...

Quên Đi

Vỡ Tiếng Cười

 

Nhip gõ thời gian đã điểm rồi
Năm tàn, năm vẫn tiếp dòng trôi.
Có ai ngày trước mơ xuân mộng,
Cho kẻ ngàn sau thã giấc đời.
Chung đỉnh bao phen, rồi được mất,
Nhục vinh mấy cuộc, những đầy vơi.
Mới hay trò diễn tuồng dâu bể,
Ta lại cùng nhau vỡ tiếng cười!

South Dakota, 1/1/2021.
Mặc Phương Tử

Em Đừng Hỏi(3)

 

Em đừng hỏi ... sao Đông về giá lạnh?
Thánh nhạc buồn gợi nhớ kỷ niệm xưa
Đi bên nhau ta kể chuyện vui đùa
Giờ xa vắng ...Giáng sinh buồn cô lẽ

Em đừng hỏi ... khi xa rồi tuổi trẻ?
Biết bao giờ có lại thuở bên nhau?
Tình chia xa ...ngày ấy phút ban đầu
Nơi đất khách tha hương buồn héo hắt

Em đừng hỏi ... sao tim lòng phai nhạt?
Dỗi hờn anh, em cúi mặt làm ngơ
Để vần thơ anh viết lời vu vơ
Đông giá lạnh anh mong tìm hơi ấm

Em đừng hỏi ... bao giờ ta hàn gắn?
Trái tim lòng vương vấn phút chia tay
Tình xa bay còn đâu những tháng ngày
Anh chỉ biết tình ta giờ tan vỡ

Tại tình ta vẫn hoài chưa bày tỏ
Nên tim lòng ấp ủ nỗi niềm đau
Để Giáng Sinh đón Chúa gợi thêm sầu
Thơ anh viết vẫn hoài trong nỗi nhớ ...

Em đừng hỏi vì sao tình dang dở?
Để không còn giây phút được gần nhau
Để Giáng sinh thiếu vắng thuở ban đầu
Và tình mãi chia tay không đoạn kết

Nguyễn Vạn Thắng

Người Hành Khất

 

Lang thang ông hướng  về đâu
Hỡi ông hành khất đi cầu lòng thương?
Ở đây trăm vạn nẻo đường
Thành đô lắm bụi, phố phường lắm xe
Lê thê trên các vỉa hè
Năm năm lê kiếp não nề đơn côi
Chiều nay đói mệt ra rời
Dửng dưng qua lại, ít người ngó cho
Tay nương gậy, mắt mù lờ
Thân tàn lặn hụp thờ ơ biển đời
Kinh đô đèn cháy rực trời
Mà đây có một kiếp người lầm than.


Cao Minh Nguyệt.
Sai Gòn, Năm 1956 


Dạ Túc Sơn Tự 夜宿山寺 - Lý Bạch(Thịnh Đường)


Lý Bạch 李白 (701-762) tự Thái Bạch 太白, hiệu Thanh Liên cư sĩ 青蓮居士, sinh ở Tứ Xuyên (làng Thanh Liên, huyện Chương Minh, nay là huyện Miện Dương). Lý Bạch xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có. Lúc nhỏ học đạo, múa kiếm, lớn lên thích giang hồ ngao du sơn thuỷ, 25 tuổi "chống kiếm viễn du", đến núi Nga Mi ngắm trăng, ngâm thơ rồi xuôi Trường Giang qua hồ Động Đình, lên Sơn Tây, Sơn Đông cùng năm người bạn lên núi Thái Sơn "ẩm tửu hàm ca" (uống rượu ca hát), người đời gọi là Trúc khê lục dật. Sau đó được người bạn tiến cử với Đường Minh Hoàng, ông về kinh đô Trường An ba năm, nhưng nhà vua chỉ dùng ông như một "văn nhân ngự dụng" nên bất mãn, bỏ đi ngao du sơn thuỷ.

Đến Lạc Dương, gặp Đỗ Phủ kết làm bạn vong niên (Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi). Họ cùng Cao Thích vui chơi, thưởng trăng ngắm hoa, săn bắn được nửa năm. Rồi ông lại tiếp tục chia tay Đỗ Phủ viễn du về phương nam. Những năm cuối đời ông ẩn cư ở Lư Sơn. Tương truyền năm 61 tuổi ông đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch, tỉnh An Huy, uống say, thấy trăng lung linh đáy nước, nhảy xuống ôm trăng mà chết đuối. Nay còn Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng) ở huyện Đăng Đồ, An Huy, là địa điểm du lịch nổi tiếng. Người đời phong danh hiệu cho ông là Thi tiên, Trích tiên, Tửu trung tiên,...

Sau khi ông qua đời, Lý Đăng Dương sưu tầm thơ ông, được khoảng 20.000 bài, nhưng không để tâm cất giữ nên nay chỉ còn khoảng 1.800 bài. Thơ ông viết về đủ mọi đề tài: vịnh cảnh, thưởng hoa, tình bạn, nỗi khổ đau của người dân, nỗi cay đắng của người vợ trẻ xa chồng (chinh phụ, thương phụ), của người cung nữ, nỗi cô đơn và bất lực trước vũ trụ vô cùng vô tận, nỗi cay đắng vì có tài mà không được dùng... Đề tài nào cũng có những bài tuyệt tác.

Lời phi lộ

Hôm nay mời các bạn bàn tới kỹ thuật tả độ cao trong thơ của Lý Bạch.

Trong bài Thục Đạo Nan, câu mà Lý Bạch đã dùng để tả độ cao của nóc đường sạn Đạo, 捫參歷井仰脅息 Môn Sâm, lịch Tỉnh ngưỡng hiếp tức (mà Con Cò dịch là Sao Tâm sao Tỉnh với tay khều) đã làm mê mẩn độc giả khắp 5 Châu.

Trong bài Dạ Túc Sơn Tự, ngoài kỹ thuật dùng cảm giác sờ mó (Sờ tay với sao đêm), Lý Bạch còn dùng thêm thính giác (Không dám cười lớn tiếng, Sợ kinh động thần tiên), làm cho thơ tả độ cao linh hoạt cực kỳ.

Bài thơ 夜宿山寺 Dạ Túc Sơn Tự tả một ngôi chùa cao xây trên một ngọn núi cao. Hai độ cao nối tiếp nhau, phò trợ cho nhau thì tất nhiên phải cao lắm. Cái khó khăn là phải mô tả cái độ cao tuyệt đỉnh ấy bằng một bài thơ chỉ có 20 chữ. Vì vậy cho nên bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt này, ngay từ lúc vừa sanh ra, đã là yêu tinh rồi, chả cần phải tu luyện lâu năm cho mất thì giờ.

Nguyên tác Dịch âm

夜宿山寺 Dạ Túc Sơn Tự

危樓高百尺 Nguy lâu cao bách xích
手可摘星辰 Thủ khả trích tinh thần
不敢高聲語 Bất cảm cao thanh ngữ
恐驚天上人 Khủng kinh thiên thượng nhân

Dịch nghĩa

Lầu cao vòi vọi trăm thước,
(với) Tay có thể hái được trăng sao.
Không dám nói lớn tiếng,
Sợ làm kinh động đến người trên trời (thần tiên).

Dịch thơ

Đêm Trú Chùa Núi

Vòi vọi lầu trăm thước*
Với tay hái sao đêm
Không dám cười lớn tiếng
Sợ kinh động thần tiên

*100 thước Tàu dài bằng 40m, muốn nói tới một lầu cao bằng một tòa nhà 13 tầng ngày nay.

Lời bàn

Đề tài là ngủ đêm trên chùa núi mà tuyệt đối không có chữ nào liên quan tới chùa. Không phải họ Lý thiếu chỗ để tả chùa; ông chỉ muốn tả cái độ cao của chùa ấy thôi. Độ cao này được mường tượng trong suốt 4 câu (lầu cao vòi vọi trăm thước, với tay cũng hái được sao đêm, không dám cười lớn tiếng ở trên đó, vì sẽ kinh động thần tiên).

Nhà chọc trời ở Nữu Ước, tuy trên thực tế, cao gấp 8 lần, nhưng trong bài thơ, không cao bằng ngôi chùa này. Nói cách khác, lên đến tầng thứ 100 của tòa nhà chọc trời New York cũng chưa mó được sao đêm và dù chơi nhạc Rock trên ấy thần tiên cũng không nghe thấy (bởi vì nó còn qúa thấp); trong khi chỉ cười lớn một chút trên gác Sơn tự là sẽ làm kinh động thần tiên (bởi vì chùa quá cao).

Chưa thấy chùa nào cao bằng chùa Túc Sơn!
Chưa thấy bài thơ nào tả độ cao tinh vi như bài thơ này!
Gọn khỏi chê. Hay cực kỳ. Cao ngất trời.

Con Cò
***
Những Bài Dịch Khác:

Trọ Đêm Chùa Núi.

Ngất nghểu lầu trăm thước,
Giơ tay hái được sao.
Dám đâu to tiếng nói,
Hoảng sợ người trên cao.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.

Jan. 6/2024.
***
Nhận được bài của LB gửi, đọc lời bàn của ÔC, BS đang định lên tiếng thì lại nhận được góp ý của Đạo Mò gửi rất sớm, nên phải tra cứu chút đỉnh, và vận trí nhớ để bàn luận cho vui.

# ÔC nói “trăm thước Tàu dài 40 mét” thì BS không đồng ý. Một thước hay XÍCH của Tàu là 1/3 mét, hay 33.33 phân (centimètres). Vậy bách xích chỉ hơn 33 mét thôi.
# Như anh Giám nói, trong y học, khi nói về huyệt đạo, thì xích không phải là đơn vị đo chiều dài. (cũng như trong tiếng Pháp, cellule là phòng giam tù, trong y học là tế bào), nhưng ngoài ra thì nó là 1/3 mét.
# Nhân nói về chiều dài, BS nhớ tới truyện của Kim Dung (Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp) kể về 3 anh em nhà họ Cừu, có tên bằng các đơn vị đo chiều dài, theo thứ tự từ dài tới ngắn.

1) Anh cả là Cừu Thiên LÝ. (Lý là 500 mét). Anh chàng này không có tài cán gì, chuyên giả làm người em để lừa thiên hạ.

2) Anh hai là Cừu Thiên NHẬN. (Nhận là thước đời Chu, bằng 7 xích, cỡ 2.33

mét): Nhận là bang chủ Bang Thiết Chưởng, có 2 môn độc đáo là thiết chưởng và khinh công nên có hiệu là Thiết Chưởng Thuỷ Thượng Phiêu. Nhận rất tàn ác, đã giết con tư sinh của Lưu Phi và Châu Bá Thông, dù đứa nhỏ chưa tới 1 tuổi.
(Lưu Phi là phi tần của Đoàn Nam Đế. Sau Nam Đế đi tu, pháp danh là Nhất Đăng Đại Sư, và Cừu Thiên Nhận lại theo Nhất Đăng đi tu luôn, pháp danh Từ Ân)

3) Cô em út là Cừu Thiên XÍCH: Bà này cũng giỏi võ, lấy Công Tôn Chỉ, chủ Tuyệt Tình Cốc, bị hắn phụ bạc, cho uống mê dược, cắt gân chân tay, thả xuống hang sâu khoảng 20 năm…

# Anh Giám giảng về chữ NGUY rất đúng, có nghĩa là nguy hiểm, còn có nghĩa là cao và không chắc chắn. Câu đầu dùng cả hai chữ nguy và cao, rất khó dịch, chỉ có Bùi Khánh Đản dùng chữ CHÊNH VÊNH là hết xẩy, nên BS sẽ bắt chước.
# Anh Giám thắc mắc về thiên thượng nhân, tôi thì không. Có thể là ngọc hoàng, các vị tiên…hay bất cứ ai cũng vậy thôi.

Đêm Ở Chùa Trên Núi

Chênh vênh lầu trăm thước,
Tay với được trăng sao,
Chẳng dám lên to tiếng,
Sợ kinh người trên cao.

Bát Sách.
(Ngày 06/01/2024)
***
Đêm Ngủ Chùa Núi

Chọc trời cao vợi vợi
Tay vói chạm ngàn sao
Chẳng dám xì xào nói
Ngại kinh động thánh cao

Kiều Mộng Hà
Austin,Texas
***
Ngôi Chùa Trên Núi

Lầu cao vút mây ngàn
Tay với tinh tú chạm
Khe khẽ trò chuyện thôi
Cõi yên tĩnh tiên thần

Thanh Vân
***
Qua Đêm Noi Sơn Tự
 
Lầu cao chót vót đầu non,
Dễ chừng trăm thước, dạ hồn đảo chao.
Tay ngà với được trăng sao,
Muôn vì tinh tú, lao xao canh tàn.
Dám đâu lớn tiếng cười vang,
Sợ e kinh động thiên đàng thượng tiên.

Khánh- Hưng
***
Đêm Trọ Chùa Núi

Ngất ngưởng lầu trăm thước
Trăng sao tay hái liền
Lời to không dám thốt
E động đến thiên tiên!

Lộc Bắc
Jan24
***

Nguyên Tác: Phiên Âm:

夜宿山寺-李白 * Dạ Túc Sơn Tự - Lý Bạch

危樓高百尺 Nguy lâu cao bách xích
手可摘星辰 Thủ khả trích tinh thần
不敢高聲語 Bất cảm cao thanh ngữ
恐驚天上人 Khủng kinh thiên thượng nhân

Ghi chú:

Nguy lâu: tòa nhà cao tầng (nguy hiểm)
Xích: thước thời cổ Trung Hoa, dài khoảng 1/3 mét
Tinh thần: tên gọi chung các ngôi sao
Bất cảm: không dám, không có can đảm để làm điều gì đó
Cao thanh: lớn tiếng
Thiên thượng: bầu trời
Thiên thượng nhân: người sống chung một bầu trời; các vị trời

Dịch Nghĩa:

Dạ Túc Sơn Tự Đêm Ở Chùa Trên Núi

Nguy lâu cao bách xích Lầu cao vòi vọi trăm thước,
Thủ khả trích tinh thần Tay có thể hái được trăng sao tinh tú.
Bất cảm cao thanh ngữ Không dám nói lớn tiếng,
Khủng kinh thiên thượng nhân Sợ làm kinh động đến người trên trời.

Night At The Mountain Temple by Li Bai

The high tower is hundreds of feet tall,
One's hand could pluck the stars.
I dare not speak loud,
For fear of disturbing the Gods in heaven.

Dịch Thơ:

Đêm Ở Chùa Trên Núi

Lầu cao trăm bộ tít chơi vơi,
Vói hái được sao thật dễ ơi.
Không dám nói năng to tiếng quá,
Sợ làm kinh động các người trời.


*Tựa và Tác Giả Bài Thơ:

Bài ngũ ngôn tứ tuyệt bên trên là một tuyệt tác thường được cho là thơ của Lý Bạch cũng không phải là vô cớ. Các trang web bên dưới và nhiều trang web khác cũng đồng ý như thế:

全文_解釋_中華古詩文古書籍網 (arteducation.com.tw)
夜宿山寺(李白诗作)_百度百科 (baidu.com)
夜宿山寺原文、翻译及赏析_李白古诗_古诗文网 (gushiwen.cn)
Bài thơ: Dạ túc sơn tự - 夜宿山寺 (Lý Bạch - 李白) (thivien.net)


Trang Bách Khoa Bách Độ bên trên cho bài thơ là tác phẩm của Lý Bạch làm ở huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc viết về Giang Tâm Tự trên đỉnh Thái Sơn.

Sách Lý Thái Bạch Tập Chú - Đường - Lý Bạch 李太白集注-唐-李白 có chép 2 câu cuối và trang 17b tiếp theo cho câu 1 Nguy lâu cao bách xích 危樓高百尺 của bài thơ.

Sách Ngự Định Bội Văn Trai Vịnh Vật Thi Tuyển - Thanh - Trương Ngọc Thư 御定佩文齋詠物詩選-清-張玉書 cho mộc bản có ghi thi nhân là Đường Lý Bạch.

Tuy nhiên bài thơ không được Ngự Định Toàn Đường Thi của nhà Thanh công nhận là thơ của Lý Bạch và không có trong NĐTĐT cũng như trong Toàn Đương Thi Khố.

Trang Sưu Vân cho bài thơ này là của Dương Ức楊億 đời Tống với tựa là Đăng Lâu登樓. Bài của Dương Ức có mộc bản trong các sách:

Xích Thành Chí - Tống - Trần Kỳ Khanh 赤城志-宋-陳耆卿
Sự Thật Loại Uyển - Tống - Giang Thiểu Ngu 事實類苑-宋-江少虞
Thị Tộc Đại Toàn - Nguyên - Khuyết Danh 氏族大全-元-闕名
Từ Thị Bút Tinh - Minh - Từ Bột 徐氏筆精-明-徐𤊹
Toàn Mân Thi Thoại - Thanh - Trịnh Phương Khôn 全閩詩話-清-鄭方坤

Trang Sưu Vân còn cho bài sau đây mới là thơ của Lý Bạch:

烏牙寺 - 李白 Ô Nha Tự - Lý Bạch

夜宿烏牙寺 Dạ túc Ô Nha tự
舉手捫星辰 Cử thủ môn tinh thần
不敢高聲語 Bất cảm cao thanh ngữ
恐驚天上人 Khủng kinh thiên thượng nhân

Chùa Ô Nha

Ngủ đêm ở chùa Ô Nha,
Giơ tay hái được trăng sao tinh tú.
Không dám nói lớn tiếng,
Sợ làm kinh động đến người trên trời.

Bài thơ này có 2 câu chót giống như bài Dạ Túc Sơn Tự và có mộc bản trong các sách:

Chủ Sử - Tống - Vương Đắc Thần 麈史-宋-王得臣
Mạn Đường Tập - Tống - Lưu Tể 漫塘集-宋-劉宰
Vĩnh Nhạc Đại Điển 永樂大典

và được các trang web bên dưới sử dụng:

Chùa Ô Nha -_Lý Bạch (shuzhai.org)
"Ô Nha Tự" Lý Bạch (ximizi.com)
Thơ cổ chùa Ô Nha - Lý Bạch (shicizhi.com)

Điều đáng lưu ý là không thấy sách nào của Lý Bạch ghi chép bài thơ với tựa Ô Nha Tự.

Một bài thơ khác được chép trong sách Lý Thái Bạch Tập Chú - Đường - Lý Bạch 李太白集注-唐-李白:

題峰頂寺 Đề Phong Đính Tự

夜宿峰頂寺 Dạ túc Phong Đính tự
舉手捫星辰 Cử thủ môn tinh thần
不敢高聲語 Bất cảm cao thanh ngữ
恐驚天上人 Khủng kinh thiên thượng nhân

Bài thơ này chỉ khác bài Ô Nha Tự ở cái tựa và hai chữ Phong Đính thay vì Ô Nha trong câu 1. Bài này cũng không được công nhận trong NĐTĐT và không có trong Toàn Đường Thi Khố.

Kết luận:

Tất cả các bài thơ dù với tựa Dạ Túc Sơn Tự, Đăng Lâu, Ô Nha Tự hay Đề Phong Đính Tự đều có chung 2 câu thơ chót. Ý trong 2 câu đầu cũng gần giống nhau. NĐTĐT của nhà Thanh chu đáo và bao quát, nhưng không công nhận bài thơ này là của Lý Bạch. Sách Lý Bạch thời Đường có ghi nhiều ý của bài thơ, nhưng không có ghi chép trọn vẹn như các bài thơ khác. Gần 300 năm sau, Dương Ức đã dùng những ý này và viết thành thơ và phổ biến chính thức. Ngày nay nhờ internet và các phương tiên truyền thông, chúng ta có thể xem các sách cổ xưa để biết nguyên bản, tác giả và xuất xứ tương đối chính xác hơn.

Xét dưới khía cạnh niêm luật Đường Thi, nếu 2 câu cuối đã cố định thì bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt phải theo luật bằng (thanh của chữ 2 câu 1). Bài Dạ Túc Sơn Tự đúng niêm luật. Hai bài Ô Nha Tự và Đề Phong Đính Tự thất luật và thất niêm ngay ở câu 1, không như phong cách của thơ Lý Bạch.

Phí Minh Tâm
***

Góp ý:

危樓高百尺 nguy lâu cao bách xích.'Cao bách xích' là cao bao nhiêu?

Lối viết 危=nguy tương đối mới, không có trong giáp cốt văn và ra đời trong thời Chiến Quốc, vẽ hình một người đứng trên một đỉnh núi ngụ ý tình cảnh nguy hiểm; lối viết trong tiểu triện là lối hội ý vẽ hình một người quỳ trên vách núi.


Từ nguy về sau cũng được hiểu là cao (như trong nguy lâu), và cái nghĩa hiểm nghèo vẫn còn trong đó. Mặc dù nhiều bàn luận chữ Hán về bài thơ hiểu nguy lâu là lầu cao ngất ngưỡng, không từ điển cổ nào cho từ 危 nghĩa cao cả. Và một điều tạo khó khăn khi tìm cách hiểu cổ thư/thi là vì ta không biết người xưa dùng từ ngữ với nghĩa nào; rất có thể rằng thời Đường chưa có nghĩa cao cho chữ 危!

Các nhà nghiên cứu ngữ học vẫn chưa biết ngữ nguyên của chữ 尺=xích là gì, có lẽ chữ 尺 luôn được hiểu như là một đơn vị đo chiều dài (Thuyết Văn: xích, thập thốn dã; thốn, thập phân dã). Điều phiền toái là thế này: không ai biết chắc phân, thốn, xích dài bao nhiêu, một phần có lẽ vì thời nguyên thủy, thốn không phải là một đơn vị đo lường mà là một từ để chỉ một trong ba điểm chẩm mạch trong y học Hoa Lục, vì chữ 寸vẽ hình một bàn tay với một nét ngang chỉ thốn khẩu (寸口) hay thốn mạch (寸脈), hai điểm kia là 關=quan và 尺=xích. [quan cũng là styloid process, mấu xương tận cùng gần bàn tay của radius]. Theo ngữ nguyên trên, xích này không thể là một đơn vị đo chiều dài.

Cho dù độ dài của xích đã thay đổi nhiều qua lịch sử, nó thường được xem tương đương với 1/3 mét. Và trung bình mỗi người đi 3 bước mỗi mét. Nếu hiểu như thế thì ta có thể đoán rằng người Tàu thời xưa vẽ hình một người đang bước để tượng hình xích và xích nghĩa là bước (step, pace).


Dù sao chăng nữa, 百尺=bách xích tương đương với 30-33 mét - trừ trường hợp ta nhớ rằng bách cũng là một từ để chỉ số nhiều, không hẳn 100 - và 30 mét thì không cao ngất ngưỡng gì lắm; cái sơn tự này chỉ chọc trời vì nó tọa lạc trên đỉnh núi. Xây chùa trên đỉnh núi để được gần, với được ... trời, hay được yên tĩnh để tu hành thì mạnh ai nấy đoán. Trời, thương đế là những khái niệm văn hóa của Hoa Lục vì đạo Phật không thờ trời, thế thì 天上人=thiên thượng nhân của Lý Bạch là ai?

Sau khi bị Đường Huyền Tông tặng vàng bạc, cho uống rượu khắp nơi miễn phí (theo giai thoại) và mời ra khỏi triều đình khoảng tuổi 43-44, Lý Bạch tiếp tục sống cuộc đời lang bạt kỳ hồ và trở thành đạo sĩ. Rất tiếc rằng ta không biết ông làm bài Dạ Túc Sơn Tự này lúc nào nhưng ta có thể để ý rằng cho dù tựa đề có chữ tự, bài thơ không tả cảnh chùa ngoài chữ nguy đầu câu nhất. Nếu chữ nguy không có nghĩa là cao và nguy lâu có nghĩa là một cái lầu điêu tàn, có nguy cơ bị sập thì người đọc nên hiểu bài thơ thế nào? Cảnh chùa điêu tàn vì không có khách thập phương cúng dường hay vì Phật không độ? Chùa có một cái lầu cao với tới tinh hà nhưng người ở đó không dám nói lớn tiếng vì sợ kinh động thánh thần. Nếu sợ làm kinh động thánh thần thì xây lầu chọc trời trên núi cao để làm gì? Người nào sợ, du khách Lý Bạch hay thầy tu trong sơn tự?

Lý Bạch làm bài thơ này trong tư cách đạo sĩ hay triết gia?

Huỳnh Kim Giám


Giai Thoại Văn Chương:Thơ Đề Trên Lá


Đầu những năm Thịnh Đường, hậu cung của nhà vua tuyển rất nhiều cung nữ, nhất là ở Thượng Dương Cung, là một cung lớn và đẹp lúc bấy giờ, phía nam cung giáp với dòng Lạc Thủy, phía bắc nối liền với Bắc Uyển của Ngự Hoa Viên, hoa lá cỏ cây xinh tươi, chim muông ca hót, nhã nhạc vang lừng, khiến cho Tiến sĩ Vương Kiến 王建(767—830)một thi nhân đời Đường đi ngang qua phía ngoài cung đã cảm tác bài thơ tứ tuyệt sau đây :

上陽花木不曾秋, Thượng Dương hoa mộc bất tằng thu,
洛水穿宮處處流。 Lạc Thủy xuyên cung xứ xứ lưu.
畫閣紅樓宮女笑, Họa các hồng lâu cung nữ tiếu,
玉簫金管路人愁。 Ngọc tiêu kim quản lộ nhân sầu !

Có nghĩa:

- Hoa cỏ trong cung Thượng Dương như chẳng từng có mùa thu.
- Dòng Lạc Thủy chảy xuyên qua cung rồi chảy đi khắp nơi.
- Trong lầu son gác tía vẳng ra tiếng nói cười của các cung nữ...
- Hoà với tiếng tiêu ngọc sáo vàng làm cho người qua đường buồn muốn đứt ruột !...

Thượng Dương hoa cỏ vẫn xinh tươi,
Lạc Thủy xuyên cung chảy khắp nơi.
Gác tía lầu son cung nữ hát...
Tiêu vàng sáo ngọc xót lòng người!

Lòng người xót xa vì thương cho thân phận của những cung nhân trong lầu son gác tía kia như những con chim oanh bị nhốt trong lòng son, suốt đời lắm người còn chưa từng trông thấy mặt vua ra sao cả !

Theo sách "Cựu Đường Thư 舊唐書" tiết lộ cho ta một con số vô cùng kinh hãi : Những năm Khai Nguyên và Thiên Bảo của buổi Thịnh Đường, kể cả hậu cung và hành cung ở khắp nơi trên đất nước, tổng số cung nhân lên đến trên bốn vạn (40.000) người. Đây là con số không tiền khoáng hậu của các triều đại Trung Hoa và cả khắp các nơi trên thế giới nữa; chưa có ông vua nào, triều đại nào có số cung nhân cao đến như thế cả ! Theo Đào Cốc 陶谷 của đời Bắc Tống ghi lại trong "Thanh Dị Lục 清異錄" : Những năm Khai Nguyên, mỗi đêm vì cung nhân qúa đông, không biết chọn ai để thị tẩm, Thái giám Tổng quản phải cho các người đẹp thi đổ xúc xắc, ai thắng cuối cùng thì sẽ được độc quyền thị tẩm với Đường Huyền Tông đêm hôm đó. Đó là những phi tần ở gần vua còn những cô khác ở xa hơn, nhất là các cô ở các hành cung xa xôi hơn thì đành chịu suốt đời phòng không chiếc bóng như trong bài "Hành Cung 行宮" của Nguyên Chẩn vậy:


寥落古行宮, Liêu lạc cổ hành cung,
宮花寂寞紅。 Cung hoa tịch mịch hồng.
白頭宮女在, Bạch đầu cung nữ tại,
閒坐說玄宗。 Nhàn tọa thuyết Huyền Tông.

Có nghĩa:

Lơ thơ lạnh lẽo hành cung,
Cung hoa đỏ thắm lạnh lùng lặng yên.
Bạc đầu cung nữ huyên thuyên,
Ngồi buồn nhắc những chuyện Huyền Tông xưa.

Cuộc đời của những người đẹp trong cung, đến khi đầu bạc chỉ còn lại những hoài niệm và nuối tiếc mà thôi ! Nên chi, ba ngàn giai lệ với cuộc sống xa hoa nhàn hạ suốt ngày bị giam hãm trong cung sâu, rất nhiều người đẹp đã nhặt những chiếc lá vàng lá đỏ rơi rụng trong cung đề thơ để giải tỏa nỗi lòng u ẩn, để bày tỏ những ước vọng sâu kín trong lòng, rồi thả theo dòng nước ngự câu cho trôi ra ngoài đến chốn nhân gian tự do tự tại.
Theo "Bổn Sự Thi 本事詩" cuả Mạnh Khải 孟棨, có 2 nguồn chính về "Hồng Diệp Đề Thi 紅葉題詩" là đề thơ lên lá đỏ như sau:

Lá đỏ đề thơ ở Thượng Dương Cung

* CỐ HUỐNG 顧況(725—814)tự là Bô Ông 逋翁, hiệu là Hoa Dương Chân Dật 華陽真逸. Đậu Tiến sĩ năm Chí Đức thứ 2 đời Đường Túc Tông. Khi ở Lạc Dương, lúc rảnh rỗi cùng ba người bạn dạo chơi bên ngoài Thượng Dương Cung. Bỗng nhìn thấy một chiếc lá ngô đồng màu đỏ từ trong cung trôi ra trên đó thấp thoáng có chữ viết, bèn vớt lên thì thấy có bài thơ :

一入深宮裏, Nhất nhập thâm cung lý,
年年不見春。 Niên niên bất kiến xuân.
聊題一片葉, Liêu đề nhất phiến diệp,
寄與有情人。 Ký dữ hữu tình nhân !

Có nghĩa:

Đã vào cung cấm thâm sâu,
Năm năm chẳng thấy xuân đâu bao giờ.
Buồn đề trên lá bài thơ,
Gởi cho ai đó đợi chờ hữu duyên.

Hôm sau, Cố Huống lên phía trên dòng nước, nhặt một lá đỏ đề bài thơ tứ tuyệt sau đây gởi ngươc vào trong cung:

花落深宮鶯亦悲, Hoa lạc thâm cung oanh diệc bi,
上陽宮女斷腸時。 Thượng Dương cung nữ đoạn trường thì.
君恩不閉東流水, Quân ân bất bế đông lưu thủy,
葉上題詩寄與誰?    Diệp thượng đề thi ký dữ thuỳ?

Có nghĩa:

Hoa rụng cung sâu oanh cũng sầu,
Thượng Dương cung nữ quặn lòng đau.
Ơn vua chẳng bế dòng lưu thủy,
Trên lá đề thơ gởi đến đâu?


Qua mấy hôm sau, có người bạn biết chuyện Cố Huống đề thơ gởi vào cung, khi đi dạo chơi bên bờ Ngự câu, lại nhặt được một bài thơ từ trong cung trôi ra, đem đến cho Cố Huống xem:

一葉題詩出禁城, Nhất diệp đề thi xuất cấm thành,
誰人酬和獨含情。 Thùy nhân thù họa độc hàm tình.
自嗟不及波中葉, Tự ta bất cập ba trung diệp,
盪漾乘春取次行。 Đảng dạng thừa xuân thủ thứ hành!

Có nghĩa:

Một lá đề thơ ra cấm thành,
Ai người họa vận thật chân tình.
Thân ta tiếc chẳng trôi như lá,
Theo sóng chập chờn xuân vẫn xanh!

* Một nguồn khác về cung nữ đề thơ là vào những năm Khai Nguyên, vua Đường Huyền Tông hạ chiếu cho hơn chục ngàn cung nhân ở hậu cung, mỗi người may vài bộ quân bào (áo của lính mặc) để gởi ra ngoài biên ải cho các quân nhân đang trấn thủ lưu đồn không về ăn Tết được. Một quân nhân ở vùng biên tái đã phát hiện ra trong đoản bào (áo lót ngắn) có một bài thơ như sau :

沙場征戍客, Sa trường chinh thú khách,
寒苦若為眠。 Hàn khổ nhược vi miên.
戰袍經手作, Chiến bào kinh thủ tác,
知落阿誰邊。 Tri lạc a thùy biên.
畜意多添線, Súc ý đa thiêm tuyến,
含情更著綿。 Hàm tình cánh chước miên.
今生已過也, Kim sanh dĩ quá dã,
重結後生緣。 Trùng kết hậu sanh duyên.

Có nghĩa:

Lính thú sa trường khách,
Lạnh khổ bởi vì đâu.
Chiến bào may cho chắc,
Biết lọt vào tay nào.
Có ý thêm làn chỉ,
Hàm tình bông ấm sao.
Kiếp nầy thôi đà lở,
Đành hẹn đến kiếp sau!

Không dám che dấu, người binh sĩ trình chiếc áo có bài thơ lên cho tướng soái. Nguyên soái trấn thủ biên ải lại trình về kinh thành. Vua Huyền Tông cho triệu tập hết lục cung phi tần lại, đưa bài thơ ra và phán rằng : Ai đã làm bài thơ nầy, nếu nói thật thì sẽ không bị giáng tôi. Một cung nhân trẻ đẹp đã bật khóc và bước ra nhận tội chết. Đường Huyền Tông đã rất cảm động và đồng tình, bèn hạ chiếu tha tội và cho triệu người binh sĩ đó về và ban hôn cho hai người được đoàn tụ ở kiếp nầy, chớ không cần phải đợi đến kiếp sau.

THƠ ĐỀ LÁ ĐỎ hay HỒNG DIỆP ĐỀ THI còn có 3 xuất xứ như sau :

1. Theo THỊ NHI TIỂU DANH LỤC 侍兒小名錄:

Con gái nuôi của tài nhân nhà Phụng Ân Vương 奉恩王 đời Đường là Phượng Nhi 鳳兒 thường đề thơ trên lá đỏ, rồi thả trên dòng nước từ cung vua trôi ra ngoài. Tiến sĩ Giả Toàn Hư 賈全虛 bắt được lá. Quan Kim Ngô tâu việc ấy lên vua. Nhà vua bèn gả Phượng Nhi cho Giả Toàn Hư và phong cho chức Kim Ngô.

2. Theo sách VĂN KHÊ HỮU NGHỊ 云溪友議:

Thư sinh Lư Ốc 盧渥 đi ngang qua ngự câu (dòng nước chảy từ cung vua ra ngoài), Ngẫu nhiên vớt được một chiếc lá đỏ trên đó có đề một bài thơ. Ốc nâng niu và cất vào trong tráp. Khi vua Đường thải cung nữ cho đi lấy chồng. Lư Ốc lấy được một cô, lại đúng là người thả chiếc lá kia. Lúc trông thấy chiếc lá đỏ trong trap, người vợ nói :” Khi ấy thiếp chỉ ngẫu nhiên đề thơ, không ngờ chàng lại chính là người đã bắt được !”.

3. Theo THANH TỎA CAO NGHỊ 青瑣高議:

Cung nhân Hàn Thị 韓氏 đề một bài thơ trên lá đỏ, thả trên dòng nước từ cung vua trôi ra ngoài. Thư sinh Vu Hựu 于佑 nhặt được đem cất đi. Hựu lại viết hai câu thơ, rồi đợi nước lớn thả ngược vào trong cung. Hàn Thị bắt được lá cũng cất vào trong rương. Sau vua Đường cho thải ba ngàn cung nhân, Hàn Thị được thải ra và rất tình cờ lấy được Vu Hựu làm chồng. Khi phát hiện ra lá đỏ của nhau, vợ cùng cùng cảm động mà nói với nhau rằng :”Chúng ta phải tạ ơn cho hai người mai mối, chính là hai cái lá đỏ nầy đây“.
Cả ba xuất xứ trên của điển tích Lá Thắm đều có nội dung tương tự như nhau. Nhưng truyền tụng rộng rãi trong dân gian và được mọi người yêu thích nhất là Xuất Xứ Thứ 3 : Truyện của chàng thư sinh Vu Hựu 于佑 và cung nhân Hàn Thị 韓氏. Truyện được kể như sau :

Đời vua Đường Hi Tông 唐僖宗 (874-888). Thiên hạ loạn lạc. Giặc giã nổi lên khắp nơi, vì thế mà kẻ sĩ là những người chân yếu tay mềm đều nhập kinh lánh nạn, một số cũng nhân cơ hội nầy đợi kỳ ứng thí để tìm chút công danh. Trong số đó có chàng nho sinh Vu Hựu 于佑.
Sau khi lưu lạc ở đất Trường An, Vu Hựu cũng không tìm được việc làm thích hợp. Chàng hay lang thang đi về những nơi hẻo lánh của chốn kinh thành. Một buổi chiều thu, khi thả bộ bên dòng Ngự câu từ trong cung chảy ra, ngắm những lá phong vàng bị gió thu cuốn rơi lả tả trôi theo dòng nước. Cảm khái với thân phận của mình cũng giống như những chiếc lá vàng kia. Chàng bèn ngồi xuống một tảng đá bên bờ ngự câu mà nhìn lá rơi nước cuốn. Những chiếc lá phong đỏ rực lắp lánh bên dòng nước thu hút sự chú ý của chàng. Chàng chợt thấy thắp thoáng trên một chiếc lá phong ẩn hiện như có dòng chữ viết, bèn vội vả vớt lên xem, thì thấy có bốn câu Ngũ ngôn Tứ tuyệt sau đây :

Lưu thuỷ hà thái cấp ? 流水何太急 ?
Thâm cung tận nhật nhàn. 深宮盡日閒。
Ân cần tạ hồng diệp, 殷勤謝紅葉,
Hảo khứ đáo nhân gian ! 好去到人間!

Có nghĩa 

Nước chảy sao vội thế?
Trong cung suốt buổi nhàn.
Ân cần nhờ là đỏ,
Đưa đến chốn nhơn gian!


Lời thơ thanh tân mà chất chứa bao nỗi u ẩn ở trong lòng : Nước ơi, sao mà chảy vội vả thế, trong cung cấm ta nhàn rỗi suốt cả ngày, nên mới ân cần nhờ chiếc lá đỏ gởi những dòng tâm sự nầy ra đến cỏi dân gian ! Vu Hựu cảm thương cho người cung nữ tài hoa, nàng đã gọi thế giới bên ngoài là " Nhơn Gian ", thế thì ở trong cung cấm là gì ?" Địa Ngục " sao ?. Chàng cứ ray rức ngẩn ngơ thương cho nàng cung nữ bất hạnh, bèn lên phía thượng lưu của ngự câu, chọn một chiếc lá thật đẹp, rồi thả trở vào cung hai câu thơ thất ngôn sau đây :

Tằng văn diệp thượng đề hồng oán, 曾聞葉上題紅怨
Diệp thượng đề thi ký A thùy ? 葉上題詩寄阿誰?

Có nghĩa:

Từng nghe lá đỏ đề thơ oán,
Lá đỏ đề thơ gởi đến ai?

Bạn bè biết được sự si tình của Vu Hựu, lại chế giễu chàng bằng hai câu thơ sau đây :
Quân ân bất cấm đông lưu thủy, 君恩不禁東流水
Lưu xuất cung tình thị thử câu. 流出宮情是此溝.

Có nghĩa:

Vua không ngăn nước về đông,
Thả tình cung cấm theo dòng chảy ra!

Mặc cho bạn bè cười cợt, Vu Hựu vẫn mang chiếc lá về cất kỹ trong rương. Rồi từ đó về sau chàng đi thi mãi mà vẫn không đậu đạt gì cả. Vì cuộc sống khó khăn nên chàng mới xin vào làm gia khách, gia sư cho một qúy nhân ở Hà Trung là Hàn Vĩnh 韓泳. Hàn rất kính trọng về nhân phẩm và học vấn của Vu Hựu nên đối với chàng rất tốt.
Mười năm sau, trong cung vua thải ra ba ngàn cung nhân, cho về quê lấy chồng sinh sống. Trong số đó có Hàn Thị 韓氏 là em họ của Hàn Vĩnh. Vĩnh biết Hựu chưa lập gia đình nên mới làm mai Hàn Thị cho chàng. Hàn Thị ở trong cung lâu ngày nên cũng tích lũy được một ít tài vật, lại có nhan sắc. Vu Hựu vốn là thư sinh cùng đồ mạt vận, nay bỗng được vợ đẹp lại có của thì còn gì sung sướng cho bằng. Còn Hàn Thị thì ngoài ba mươi mới lấy chồng, nên hết lòng thương yêu chăm sóc cho Vu Hựu. Sau tân hôn họ sống với nhau rất là hạnh phúc.
Một hôm, Hàn Thị sắp xếp lại sách vở cho chồng, bỗng phát hiện ra chiếc lá đỏ có đề thơ của mình được kẹp trong một quyển sách. Nàng rất ngạc nhiên mà hỏi chàng về lai lịch của chiếc lá. Vu Hựu bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện ngày xưa. Hàn Thị bèn cho chàng biết đó là bài thơ của mình, đồng thời cũng lấy từ trong trap ra chiếc lá có hai câu thơ của Vu Hựu mà nàng đã vớt được sau đó. Cả hai đều rất kinh ngạc và cảm khái cho duyên số đã an bài. Hàn Thị bèn từ trong trap lấy ra thêm một bài thơ nữa và nói với chồng rằng: “Đây là bài thơ của thiếp làm sau khi vớt được chiếc lá của chàng!”. Vu Hựu bèn đọc bài thơ như sau:

Độc bộ thiên câu ngạn, 獨步天溝岸,
Lâm lưu đắc diệp thì. 臨流得葉時.
Thử tình thùy khả đắc, 此情誰可得
Trường đoản nhất liên thi ! 腸斷一聯詩 !

Có nghĩa:

Lẻ loi bước giữa dòng câu,
Bên bờ vớt lá nghe sầu mênh mang.
Tình nầy ai thấu can tràng,
Đau lòng cung nữ đôi hàng thơ ai !

Hôm sau, vợ chồng Vu Hựu bèn đem chuyện Lá Đỏ Đề Thơ nói cho Hàn Vĩnh biết. Nghe xong Hàn Vĩnh cả cười, cầm bút lên viết ngay một bài thất ngôn tuyệt cú như sau :

Nhất liên giai cú tùy lưu thủy, 一聯佳句隨流水,
Thập tải u tư mãn tố hoài. 十載幽思滿素懷.
Kim nhật khước thành loan phượng hữu, 今日卻成鸞鳳友,
Phương tri hồng diệp thị lương mai. 方知紅葉是良媒.

Có nghĩa:

Đôi câu thơ đẹp chảy theo dòng,
Ấp ủ lòng son suốt chục năm.
May mắn hôm nay loan phụng hợp,
Mới hay lá đỏ chính mai dong !

Sau đó, Hàn Vĩnh còn cho tổ chức một Hồng Diệp Hội (một Party về Lá Đỏ) cho hai vợ chồng Vu Hựu và còn công khai chuyện Lá Đỏ Đề Thơ ra ngoài. Các văn nhân thi sĩ ở Trường An lúc bấy giờ hưởng ứng rất đông.
Chẳng bao lâu sau, gặp loạn Hoàng Sào. Đường Hi Tông cùng bá quan văn võ lià bỏ kinh thành chạy loạn vào đất Thục. Vợ chồng Vu Hựu cũng cùng với Hàn Vĩnh theo phò giá. Vì trước kia từng ở trong cung nên rất am tường về nề nếp sinh hoạt của hoàng gia, vì thế Hàn Thị được vua triệu kiến. Nhà vua bèn hỏi nàng về chuyện đề thơ trên lá. Hàn Thị bèn kể lại chuyện mình. Vua lại triệu kiến Vu Hựu. Thấy chàng ăn nói chửng chạc đối đáp lưu loát, có văn tài, bèn cho theo làm tùy tùng bên cạnh vua.
Khi loạn Hoàng Sào được dẹp yên. Vu Hựu vì theo phò giá có công, nên được phong làm Thần Sách Quân Ngu Hầu. Mặc dù quan chức không lớn, nhưng khi trở lại trường an, vợ chồng Vu Hựu nổi tiếng với câu chuyện Lá Đỏ Đề Thơ của mình. Họ sống với nhau rất hạnh phúc trong cảnh phú qúy vinh hoa và mặc dù đã trên ba mươi mới lấy chồng, Hàn Thị vẫn sinh được năm trai hai gái. Đến khi con cái lớn lên và đã thành đạt cả rồi mà câu chuyện Lá Đỏ Đề Thơ vẫn còn được dân gian nhắc mãi.
Tương truyền là Hàn Thị mất trước. Trước lúc lâm chung, bà còn yêu cầu chồng cho chôn chung chiếc lá đỏ với mình. Lá đỏ giờ đã phai màu, nhưng câu chuyện " Hồng Diệp Đề Thi " của họ vẫn thắm đượm mãi trong dân gian…
Lúc bấy giờ, Thừa Tướng đương triều là Trương Tuấn 張濬 biết được việc nầy đã cảm khái mà viết nên bài ca sau đây :

Trường an bách vạn hộ, 長安百萬戶,
Ngự thủy nhật đông chú. 御水日東注。
Thủy thượng hữu hồng diệp, 水上有紅葉,
Tử độc đắc giai cú. 子獨得佳句。
Tử phục đề thoát diệp, 子復題脫葉,
Lưu nhập cung trung khứ. 流入宮中去。
Hán cung thiên vạn nhân, 漢宮千萬人,
Diệp quy Hàn Thị xứ. 葉歸韓氏處.
Xuất cung tam thiên nhân, 出宮三千人,
Hàn Thị tịch trung số. 韓氏藉中數。
Hồi thủ tạ quân ân, 回首謝君恩,
Lệ sái yên chi vũ. 淚灑胭脂雨。
Ngụ cư qúy nhân gia, 寓居貴人家,
Phương dữ tử tương ngộ, 方與子相遇。
Thông môi lục lễ cụ, 通媒六禮俱。
Bách tuế vi phu phụ. 百歲為夫婦。
Nhi nữ mãn nhản tiền, 兒女滿眼前,
Thanh tử doanh môn hộ. 青紫盈門戶。
Tư sự tự tiền vô, 茲事自前無,
Khả dĩ truyền thiên cổ ! 可以傳千古!

* DIỄN NÔM:


Thành Trường An dân đông bách hộ,
Dòng ngự câu vẫn đổ về đông.
Chảy xuôi lá đỏ theo dòng,
Chàng Vu bắt được bâng khuâng sớm chiều.

Viết đôi câu đánh liều thả ngược,
Trôi vào cung theo nước phản hồi.
Lãnh cung nhan nhản những người,
Lá về Hàn Thị tìm vui cung buồn.

Thải về nguồn ba ngàn cung nữ,
Hàn Thị về vui chữ đoàn viên.
Cúi đầu lạy tạ ơn trên,
Lệ rơi ướt má hết phiền hết lo.

Đem thân trọ nhà anh Hàn Vĩnh,
Gặp chàng Vu định mối lương duyên.
Mối mai sáu lễ đã yên,
Trăm năm chồng vợ phỉ nguyền sánh đôi.

Con đàn cháu đống thảnh thơi,
Nên danh áo tía lộc trời vinh hoa.
Duyên lành LÁ ĐỎ đồn xa,
Lưu danh thiên cổ ai mà chẳng khen!

Sau bài ca nầy, câu chuyện “Hồng Diệp Nhân Duyên"(Nhân duyên nhờ vào lá đỏ) của Vu Hựu và Hàn Thị được loan truyền khắp cả nước và … mãi mãi cho đến ngày nay !
Trong văn chương Việt Nam ta gọi lá đỏ là LÁ THẮM, như trong phần đầu Truyện Kiều, khi dò la chỗ ở của Thúy Kiều, Kim Trọng đã đụng phải :

Thăm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng LÁ THẮM dứt đường chim xanh!

Lá Thắm là từ Nôm của từ “Hồng Diệp 紅葉” là Lá đỏ thắm; mà Hồng Diệp lại là từ nói gọn lại của nhóm từ “Hồng Diệp Đề Thi 紅葉題詩” là “Lá Đỏ Đề Thơ”, hay là “Thơ Bài Lá Đỏ” như trong thơ của Hoàng Sĩ Khải:

Thực nhân tình THƠ BÀI LÁ ĐỎ,
Mạch sầu kia hầu tỏ cùng ai.

Vì lá đỏ đề thơ rồi thả trôi theo dòng nước, nên còn được nói trại đi thành “Thả Lá Doành Câu” như trong Bích Câu Kỳ Ngộ là 

Trông hoa lặng ngắt giờ lâu,
Ấy ai THẢ LÁ DOÀNH CÂU ghẹo người?!

Hồng Diệp đôi khi còn được nói thành nửa Hán nửa Nôm là “Lá Hồng”, như trong Hoa Tiên Truyện của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :

Gớm nơi ngôi bảng duềnh khơi,
LÁ HỒNG bỗng đến chi nơi nổi chìm.

Hồng Diệp còn thường đi chung với Xích Thằng, thành “Hồng Diệp Xích Thằng 紅葉赤繩”, như lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng:

Nàng rằng HỒNG DIỆP Xích Thằng,
Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri!

Và như trong Tây Sương Ký:

Sự đâu nói gió bàn trăng,
Mà nghe HỒNG DIỆP Xích Thằng như chơi!

Hồng Diệp Xích Thằng nói Nôm na thành ra “Lá Thắm Chỉ Hồng”, cũng lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng khi Kim tỏ tình:

Dù cho LÁ THẮM Chỉ Hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

Ta thấy, điển tích HỒNG DIỆP ĐỀ THI 紅葉題詩 được sử dụng hết sức rộng rãi trong văn học cổ Việt Nam ta, và được biến thể rất đa dạng từ Hồng Diệp đến Lá Thắm, Lá Hồng, Hồng Diệp Đề Thi, Thư Bài Lá Đỏ, Hồng Diệp Xích Thằng … Nên muốn hiểu hết, cảm nhận hết ý nghĩa của các câu thơ trên, ta phải tìm hiểu xuất xứ của điển tích này để thấy được hết cái hay ho, ý vị hàm chứa trong các câu thơ đó...

Hẹn bài viết tới !

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức