tiêu đề Nhãn
- BIÊN KHẢO
- CÂU ĐỐI
- CỔ THI
- GIA CHÁNH
- GIẢI TRÍ
- HÌNH ẢNH HỘI NGỘ
- HÌNH ẢNH NAY
- HÌNH ẢNH XƯA
- HỘI HỌA
- KHOA HỌC
- LỊCH SỬ
- LỜI HAY Ý ĐẸP
- LƯU NIỆM
- NHẠC
- SỨC KHOẺ
- SƯU TẦM
- THƠ
- THƠ CẢM TÁC
- THƠ DỊCH
- THƠ DIỄN NGÂM
- THƠ NHẠC
- THƠ PHỔ NHẠC
- THƠ SƯU TẦM
- THƠ TRANH
- THƠ TRANH NGHỆ SĨ
- TIN BUỒN
- TIN VUI
- VĂN
- VŨ HỐI THƯ HỌA
- VƯỜN THƠ VIÊN NGOẠI
- XƯỚNG HỌA
- YOUTUBE
Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021
Mùa Xuân Trên Tóc Mẹ
Con đã thấy mùa xuân trên tóc mẹ
Đã bạc màu năm tháng thoảng trôi qua
Từng sợi thoáng nghe những hồn năm cũ
Vẫn lênh đênh một thời đó rất xa
Con đã thấy tà áo vờn trong gió
Phải hương thơm ngày ấy vẫn còn đây
Trong gió tàn đông một chút xuân gầy
Vẫn nuối tiếc một thời trong mắt mẹ
Con đã thấy đôi hài xưa bước nhẹ
Nắm tay con mẹ ôm cả mùa xuân
Trong nắng sớm mai vàng đang nở rộ
Và pháo hương hoa ngát một trời mơ
Con vẫn thấy ý thơ tràn trên tóc
Mái tóc dài trong mùa hạ xôn xao
Rồi trong thơ bỗng thấy nghẹn ngào
Tóc đã bới tuyết sương đầy mộng ảo
Rồi chinh chiến ngập tràn trong khói lửa
Trong tay mẹ đã lạc mất mùa xuân
Lạc trong con năm tháng qua dần
Con đếm mãi bao mùa xuân trên tóc mẹ
Lê Mỹ Hoàn
Có Những Ân Tình
Đối chữ văn thơ còn lúng túng
Tìm vần niêm luật vẫn hoang mang
Ơn Huynh nâng đỡ lời vàng quý
Nghĩa Tỷ đón chào tiếng ngọc vang
Có những ân tình che bóng mát
Tạ lòng Thi Hữu tỏa hương lan
Minh Thúy
4/2017
Tia Nắng Đầu Xuân
Không đợi Xuân về mới chúc nhau
Vườn thơ, mời nhé hãy cùng vào
Lời hay ý đẹp cùng trao gởi
Ấm tia nắng sáng, đêm ngàn sao
Ngẫm giờ tóc đã nhuốm bạc màu
Thời gian ta có được là bao
Hãy thơ, hãy văn, cứ thoải mái
Nụ cười lây lan vạn sắc màu
Để có một ngày vẫy tay chào
Về vùng vô định hay chốn cao
Chuyến đi xa đó ai nào biết
Nên giờ vui nhé ... đợi khi nao
Trúc Lan KTP
Mừng Xuân Tân Sửu 2021
Mừng Năm Tân Sửu 2021
Tân Sửu chào xuân năm mới sang,
Kim Ngưu đích thị chú trâu vàng!
Chúc cho thế giới qua Cô-Vít,
Mong ước nhân sinh tốt mọi đàng.
Thân hữu trong ngoài đều phát đạt,
Đồng môn nội ngoại thảy bình an.
Hòa bình khắp chốn vui như...Tết!
Bỏ hết ngoài tai chuyện cũ càng.
Đỗ Chiêu Đức
Xuân 2021
***
Chúc Mừng Xuân Tân Sửu
Vườn rộn hoa đào Xuân đã sang
Chúc nhau thơ, đối, thiệp mai vàng
Tân Niên tài đến xài vung vít
Trừ Tịch lộc vô trải ngút đàng
Tiễn Tý nơi nơi đều hỷ lạc
Chào Ngưu chốn chốn đặng khương an
Giao Thừa lân pháo xôn xao ngõ
Tết Sửu càng vui Năm Sửu càng...
Phương Hoa
JAN 13th 2021
***
Chào xuân hỷ họa chúc Trâu Vàng
Rộn rã trong lòng chuẩn bước sang
Xếp đủ gom đầy vui chuộng lão
Cày suôn xới mạnh giỏi thông đàng
Bao lần rỗi rảnh tìm thư thái
Những lượt sai lầm cảm bất an
Bỏ gánh phiền nhen thời nhiễu dịch
Làm xe chạy tránh thủ căng càng.
Mai Thắng
Những Kỷ Niệm Không Tên
Những kỷ niệm thời tuổi thơ thật êm đềm và đẹp. Với tôi ấn tượng nhất, nhớ thương chất ngất vẫn là những kỷ niệm về Tết dính liền với ông bà ngoại. Gia đình tôi vốn xuất thân từ ngoài Bắc, lại có ông bà ngoại ở cùng, nên chúng tôi mang rất nhiều những tập quán phong tục ngoài Bắc, tạm gọi là thói lề quê cũ, theo vào trong nam, nói theo ngôn ngữ văn vẻ của người Việt ở Cali bên Mỹ là “chúng ta đi mang theo quê hương”.
Bà ngoại tôi, đảm đang tháo vát, buôn bán tính toán rất giỏi, dù không được học qua 1 trường lớp kinh tế nào cả. Thậm chí bà còn tạm gọi là mù chữ nữa, vì thời bà con gái mấy ai được đi học, bà chỉ biết chữ nho cổ xưa.
Khi vào nam định cư, bà ngoại tôi đã khéo léo xoay sở buôn bán. Miền nam mưa nắng 2 mùa, khi mùa mưa bà bán áo mưa. Đến tết Trung Thu thì bà bán lồng đèn, con giống và bánh trung thu, bánh dẻo bánh nướng. Đến gần tết thì bà bán bánh mứt, rượu và nhất là pháo. Những phong pháo toan hồng khi nổ lên tỏa ra những xác pháo màu hồng tươi như những cánh hoa đào. Theo thông lệ hàng năm, khoảng tháng 9, khi thương vụ bánh trung thu chưa hoàn tất, bà đã lo liên hệ với những nhà làm pháo ở khu Xóm Củi Gò Vấp đặt mua pháo. Bà chỉ muốn buôn tận gốc, bán tận ngọn cơ. Chẳng hạn những cái lồng đèn quai nón bà bày bán dịp trung thu là do ông ngoại và cậu tôi vẽ kiểu, bà ngoại xếp, cắt, dán, thủ công hoàn toàn bằng tay rất đặc sắc nên đắt giá. Tôi nhớ các ông người Mỹ đặt mua rất nhiều, phân phát cho các cô nhi viện VN. Có nhiều người đặt mua đặc biệt để đem về Mỹ nữa. Những lồng đèn bán không hết, bà để đến Tết Nguyên Đán, bày treo lên chung với bánh pháo, mặc cho các con các cháu cằn nhằn, bảo bà kỳ quá, Tết ai lại bán lồng đèn, nhưng bà bảo, cứ treo đèn lên cho tiệm đẹp mắt, tươi vui.
Thành ra cửa tiệm bán pháo của bà tôi, thật “không giống ai“, nhưng nhờ đó lại đông khách vì đầy vẻ nghệ sĩ. Tuy bán pháo nhưng ai hỏi thăm lồng đèn bà không ngại quảng cáo và sẵn sàng bán luôn lồng đèn. Khách hàng mua đèn lúc đó đa phần là ngoại quốc Mỹ, Anh, Pháp, Úc và cả Phi Luật Tân, Đại Hàn nữa chứ! Họ mua để đem về nước làm kỷ niệm. Tôi nhớ mãi có ông Mỹ hỏi mua đèn, bà không nói được tiếng Mỹ, bà vẫn tỉnh bơ giải thích bằng tiếng Việt và bằng động từ “to quơ” với 2 tay. Khi hiểu ra được đèn này làm bằng tay và do chính bà làm ra, ông ta nhất định trả tiền gấp đôi là 200 đồng.
Thời 1964, 65 số tiền đó rất lớn. Một tô hủ tiếu bình dân giá chỉ có 10 đồng thôi mà. Dù bận buôn bán, bà vẫn chỉ đạo cho con cháu gói bánh chưng để biếu bà con họ hàng và dành ăn trong mấy ngày Tết, vì chỉ bánh chưng nhà gói mới hợp khẩu vị của ông ngoại tôi! Bà chìu ông ngoại tôi lắm. Bà từng kể tôi nghe, ông thì thích ăn cơm nhão, bà lại thích cơm khô. Tôi hỏi, vậy bà phải nấu cơm chìu theo ý ông? Bà bảo có khó gì, cứ canh lúc cơm sôi thì kênh nồi cơm nghiêng về 1 phía thì sẽ có 1 bên cơm khô một bên cơm nhão! Thật tôi phải bái phục bà đầy sáng kiến! Để gói được những chiếc bánh chưng “giống như ngày xưa ở ngoài Bắc”, từ hôm 23 tết (tức 23 tháng Chạp), sau khi cúng ông Táo về trời xong, mẹ tôi đã phải lùng các chợ mua cho được những chiếc lá dong to bản và xanh mướt.
Nhà tôi gần chợ An Đông, nhưng chợ này đa số là người Hoa và người Nam Kỳ buôn bán, nên không có lá dong, chỉ toàn bán lá chuối. Theo ông ngoại bánh chưng mà gói bằng lá chuối thì không còn là bánh chưng. Rồi cả nhà phải lo rửa từng chiếc lá và lau khô thật kỹ, nếu không bánh sẽ chóng bị mốc. Đậu xanh và nếp thì chẳng biết mẹ đã phải đong từ lúc nào rồi. Tối hôm 25 mẹ phải đồ mấy chõ đậu xanh, giã nhuyễn, rồi nắm lại thành từng nắm khoảng to hơn quả banh Tennis một chút. Những công đoạn này năm nào cũng như năm nấy, cũng lặp đi lặp lại để “giống như ngoài Bắc”, chẳng canh tân cơ giới hoá gì cả, bất chấp con cháu đề nghị cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, vừa nhanh gọn vệ sinh.
Các cụ nhất định bảo phải giã bằng cối đá, giống như giò lụa vậy, phải giã bằng tay mới ngon, “cho vào máy xay, ăn chẳng ra cái gì”! Sáng sớm 26 tết, mẹ tôi mới đi chợ mua thịt heo ba chỉ nửa nạc nửa mỡ để gói cho tươi ngon. Cả nhà nhộn nhịp lo gói bánh. Bà và mẹ, lại cứ thích “giống như ngày xưa ngoài Bắc”, không chịu gói bằng khuôn, mà chỉ thích gói “tay” nên 2, 3 chiếc đầu méo mó ọp ẹp, theo thẩm mỹ của tôi thì … không đẹp bằng tiệm họ gọi khuôn. Nhưng ông bênh bà, khen gói tay ăn mới thấy ngon, nhìn chiếc bánh biết ngay ai gói. Quả thật tính tình ai đều lộ qua hình thù chiếc bánh gói! Ông ngoại là nhà giáo lại rất nghiêm khắc, nên chiếc bánh nào cũng như nhau, vuông vành vạnh. Cậu tôi là sinh viên, tính tình lãng mạn mơ mộng, nên gói chiếc to chiếc nhỏ, chiếc thì hình thang, chiếc thì hình bình hành, hiếm có chiếc nào vuông vắn. Bọn con nít tụi tôi cứ len lén, lấy mấy chiếc lá nhỏ, lá rách, gói những chiếc bánh nhỏ xíu, chiếc thì thiếu thịt, chiếc thì thiếu đỗ, lại lỏng lẻo, mẹ tôi cứ phải gói lại! Ông ngoại trừng mắt thì mẹ lại đỡ, “thôi cho chúng nó tập gói cho quen, ông ạ!”.
Đến khoảng 3 giờ chiều cả nhà phải gói xong để còn luộc bánh khoảng 10 tiếng đồng hồ. Bà lại chép miệng nhớ lại “hồi xưa ngoài Bắc, nhà ta nấu trên 12 tiếng đồng hồ, bánh nó mới dền ngon”. Cái thùng phi to 100 lít cất xó nhà lại được đem ra trước cửa để luộc bánh, dưới đáy nồi phải chêm những cuống lá dong cho khỏi cháy. Từng chiếc bánh được xếp ngay ngắn vào thùng nước. Mấy chiếc nhỏ xíu của tụi tôi được mẹ chêm vào những khe trống trong nồi luộc bánh. Cũng giống như món chè trôi nước, lũ trẻ con chúng tôi chỉ thích ăn mấy viên bột nho nhỏ không nhân.
Khi trời sập tối, tụi tôi thích ngồi quanh nồi bánh chưng nghe ông bà, ba mẹ kể chuyện và lúc nào cũng bắt đầu câu chuyện bằng điệp khúc “ngày xưa ở ngoài Bắc”! Thế là tui tôi lại được tha hồ thả hồn đến thế giới ngày xưa ngoài Bắc của ông bà, bố mẹ rất hoang vu nhưng đầy thơ mộng lãng mạn, nào là những mưa phùn gió bấc, nào là trường Bưởi và hồ Hoàn Kiếm với bánh tôm Cổ Ngư, chả cá Lã Vọng, và tưởng tượng về Hà Nội 36 phố phường với phố Hàng Ngang, Hàng Đào trong tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam … thời Tự Lực Văn Đoàn mà đứa nào cũng từng đọc và phải làm trần thuyết trong những năm trung học ở miền Nam. Thường thì lũ trẻ con chúng tôi không còn sức thức đến lúc bánh chín để được thưởng thức cái bánh đầu tiên nóng hổi vừa vớt từ nồi ra mà theo mẹ tôi diễn tả luôn là chiếc bánh ngon nhất!
Đến trưa 30 tết pháo đã bán hết, bà phải giữ để dành vài phong pháo cho gia đình đốt ngày mùng một. Buổi chiều tụi tôi lo chà sân trước cửa nhà sạch sẽ, trong khi bà và mẹ nấu nướng cúng cho đêm giao thừa. Tôi nhớ mấy mâm cỗ cúng giao thừa bao giờ cũng có 1 con gà luộc còn nguyên cả đầu và chân (các bạn ở ngoại quốc nhìn con gà chắc lạ lắm)! Cỗ bàn cúng luôn có 4 món canh: canh gà nấu bóng với su hào, cà rốt thái hoa, canh miến gà, rồi canh măng và canh mọc. Ngoài món xôi gấc, xôi vò còn có gỏi gà, lòng gà xào dứa, thịt heo xào đậu, rồi chả giò tức nem rán, chả lụa thái hình quả trám. Ăn với bánh chưng thì phải có dưa hành muối. Theo ông bà thì cỗ bàn Việt Nam luôn phải có 4 món chủ yếu là giò, nem, ninh, mọc!
Những năm 65, 66 … là thời hoàng kim của bà ngoại tôi, bà bán pháo rất phát đạt, lời kinh khủng thành ra bà để dành 1 nồi pháo đại lớn nhất để dành đốt ăn mừng lấy hên hôm mùng một Tết. Đó là 1 chùm pháo dài gắn thêm rất nhiều những quả pháo đại to. Có ai ngờ vì nồi pháo đó mà đem đến tai họa phiền phức cho gia đình? Như thường lệ sáng mồng một ba tôi trèo phong pháo đại từ trên lầu cao nhất thòng xuống trước sân nhà. Khi đốt thỉnh thoảng có những cây pháo đại (pháo đùng) to đặc biệt và nổ cũng rất đặc biệt. Ông bà bắt chúng tôi đứng thật xa, thậm chí phải đứng bên sân nhà hàng xóm để tránh nguy hiểm, nhưng lũ trẻ con gần nhà thì chẳng biết sợ là gì, cứ lăn xả vào cướp pháo. Một cậu bé con khoảng 12 tuổi đã lao vào chùm pháo đang đốt để cố gắng cướp quả pháo đại to nhất. Đúng lúc thằng nhỏ đưa tay ra dứt thì quả pháo đại nổ tung, cắt đứt nó mất 3 ngón tay. “May” là cậu ta chỉ bị đứt 3 ngón giữa, áp út và út. Nhà tôi Tết năm đó đang vui vẻ vì bán pháo rất phát đạt, bỗng dưng biến thành sầu thảm chỉ vì chuyện không may này xảy ra. Mẹ thằng nhỏ đòi nhà tôi phải bồi thường 10.000 đồng với lý do pháo đó của nhà tôi. Bố tôi nhất định không chịu vì pháo cả ngàn nhà đốt có sao đâu, tại thằng nhỏ tham pháo nhảy vào giành giật nên mới bị thương tật. Cãi qua cãi lại, rốt cuộc thì bố mẹ tôi cũng đành chịu bồi thường 7.000 đồng cho gia đình họ vì không muốn “vô phúc đáo tụng đình”! Thế là bao nhiêu tiền lời bán pháo của bà ngoại tiêu tùng theo cái tai nạn bất ngờ này! Tết năm đó, nhà như có đám tang, chẳng ai thiết ăn uống, đi chơi thăm họ hàng như thông lệ nữa. Lũ con nít chúng tôi buồn nhất vì chẳng được tiền lì xì nhiều như mọi năm.
Bẵng đi mấy năm, khoảng năm 1974 cũng vào dịp Tết, bỗng dưng bà hàng xóm đó đến thăm gia đình chúng tôi dẫn theo 1 cậu thanh niên cao lớn, đem bao nhiêu là quà quý giá đến biếu bà và bố mẹ tôi và không hết lời cảm ơn, vì nhờ bị … đứt 3 ngón tay mà anh chàng ta không bị động viên đi lính. Theo bà ta kể bao nhiêu bạn của anh ta bị đi lính chết “hết trơn”, thành ra họ nhớ đến nhà tôi và xin “đền ơn cứu mạng”! Thiệt đúng là “tái ông thất mã”, chuyện nghe thật khôi hài nhưng có thật “chăm phần chăm” đấy các bạn! Đúng là trong cái may có cái rủi mà trong cái rủi lại ẩn nấp đâu đó cái may, mấy ai biết trước. Họa và phúc tương sinh với nhau và sự chuyển hóa này khó lường được. Bởi vậy năm mới tết đến để kết thúc bài này tôi xin chúc các bạn dồi dào sức khỏe và xin không chúc may mắn gì nhé. Hy vọng các bạn “mua vui cũng được vài … phút giây” đón mừng Tết!!!
Châu Liên
Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021
Đánh Thức Tầm Xuân - Dương Thụ - Hồng Nhung
Nhớ Mẹ Hiền
Tết năm đó con về quê thăm
Mẹ Mẹ nghẹn ngào ôm con mãi vào lòng
Đón mừng con Mẹ mặc chếc áo bông
Con biếu Mẹ từ khi chưa mất nước
Mẹ dẫn con thăm quanh nhà sau trước
Này bụi tre kia gốc chuối sau vườn
Mẹ gầy gò chân run rẫy thật thương
Con quay mặt che nhanh đôi dòng lệ
Đêm hôm ấy con ngủ chung giường Mẹ
Như ngày xưa lúc con chửa lấy chồng
Mẹ ầu ơ tiếng hát chẳng còn trong
Ru con ngủ tay lần trong áo Mẹ
Từ đến nay sáu năm hơn có lẽ
Con biết đâu là lần cuối trong đời
Mẹ đi rồi con thương nhớ không nguôi
Xin lạy Mẹ, Mẹ ngủ yên Mẹ nhé!
Những Câu Đối Thú Vị
Tôi xin giới thiệu ra đây cùng Các Vị giải trí trong những ngày đầu năm mới.
1 - Hồ Xuân Hương với anh người Tàu
vế ra: Chân đi hài Hán - tay bán bánh Đường - miệng hát líu Lương - ngây Ngô ngây ngố
Câu
này do Hồ Xuân Hương ra cho 1 anh người Tàu sang An Nam bán bánh có ý
trêu ghẹo bà, trong đó có tên 4 triều đại Trung Quốc là: Hán, Đường,
Lương, Ngô khiến chú khách kia tẽn tò chuồn thẳng
Vế đối này
phải tới hơn 200 năm sau mới có ông Trường Văn Nguyễn Phước Thắng đối
lại giúp anh người Tàu, trong đó sử dụng tên 4 triều đại của Việt Nam
là: Đinh, Triệu, Lý, Mạc rất chỉnh:
Tóc cắt đầu Đinh - vai
nghinh lá Triệu - bụng liệu lẽ Lý - mộc Mạc mộc mà
Nếu nói phải hơn
200 năm sau mới có ông Trường Văn Nguyễn Phước Thắng đối lại! Như thế
có cường điệu quá chăng?
Có thể do câu đối này của Hồ Xuân Hương ít được biết đến nên không có người đối.
Theo Tôi,
Vế
Ra này được xướng theo lối Vè, Vế Ra ngoài chữ Hán gieo vần với chữ
Bán, còn có chữ Đường gieo vần với chữ Lương. Nhưng vì lý do khách quan
nên Vế Đối trên không thể rất chỉnh mà chỉ tương đối chỉnh mà thôi.
Nếu đối như trên, dầu biết không thể chỉnh, Tôi xin mạn phép đối cho vui:
Mình mặc áo Hồng - Nhà trống thôn Mạc - Lời khoát muôn Triệu - Nói Lý nói vè.
Tôi cũng dùng 4 triều đại của Việt Nam để đối lại: Hồng Bàng, Mạc,
Triệu và Lý để đối. Đúng ra, chữ cuối của đoạn 3 là Triệu phải bắc vần
với chữ cuối của đoạn 2 là Mạc. Nhưng vương triều Việt Nam quá ít nên đành chịu.
(Huỳnh Hữu Đức)
***
Bấy
Giờ ở kinh đô Thăng Long có bốn danh sĩ được gọi là "Trường An Tứ Hổ"
gồm Vũ Diệm, Nguyễn Bá Lân, Nhữ Đình Hiền cùng Nguyễn Công Thái rủ nhau
đến nhà bà Đoàn Thị Điểm để thử tài. Bà ra câu đối:
Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang
(Trước
sân, thiếu nữ mời ăn trầu). Tân lang(*) là trầu cau, lại đồng âm (Hán)
với tân lang là chàng rể mới. Tràng An Tứ Hổ đều chịu phục không nghĩ ra
câu đối lại. Phải chờ đến gần 300 năm sau khi văn hóa phương Tây
đã xâm nhập vào Việt Nam mới có người là Trường Văn Nguyễn Phước Thắng
đối lại được câu trên như sau:
Các hậu trưởng nam hoài cựu ước
(Sau
lầu, người con trai lớn nhớ lời nguyện ước cũ) (Cựu ước là lời ước
nguyện cũ, cũng có nghĩa là Kinh Cựu Ước trong đạo Thiên Chúa)
Trường hợp Vế Ra này của Đoàn Thị Điểm cũng tương tự như Vế Ra ở bên
trên của Hồ Xuân Hương. Nhưng đây là vế đối thơ, tôi cũng mạn phép đối:
Thư nội tiểu sinh tầm hậu nghệ
(Từ
trong sách cậu học trò tìm học nghề cho mai sau . Hậu nghệ ngoài nghĩa
nghề nghiệp mai sau, còn là tên của chồng Hằng Nga: Hậu Nghệ).
(*) Tân Lang: ý chỉ cây cau không phải là trầu cau
(Huỳnh Hữu Đức)
3 - Bà Đoàn Thị Điểm và Trạng Quỳnh:
Trạng Quỳnh rất si mê Đoàn Thị Điểm… Một lần biết bà đang tắm,
Quỳnh liền đến bên nhà tắm và đòi bà cho vào ‘xem’. Bà một mực từ chối,
nhưng Quỳnh cứ nằng nặc, năn nỉ đòi vào. Nhanh trí bà nghĩ ra một cách
đối phó, bà nói sẽ ra một vế đối, nếu Quỳnh đối được sẽ cho vào xem,
không thì từ lần sau phải xách cho bà tắm. Quỳnh đồng ý.
Vế ra:
Da trắng vỗ bì bạch.
Từ ‘bì bạch’ theo nghĩa tiếng Hán cũng chính là ‘da trắng’, như
vậy bản thân vế đối này đã chính là một câu đối. Từ ‘bì bạch’ còn là một
từ tượng thanh mô tả tiếng kêu của tay vỗ vào mình khi có nước chảy.
Vậy thì bì bạch ở đây vừa là tượng hình (da trắng) vừa là tượng thanh
(tiếng động). Trạng Quỳnh nghĩ nát óc không tìm ra vế đối lại, cho đến
lúc Đoàn Thị Điểm tắm xong bước ra ngoài vẫn còn thấy đang đứng nghĩ
trán vã cả mồ hôi, từ đó mỗi lần cô Điểm tắm đều có mặt Trạng Quỳnh
nhưng Quan Trạng chỉ đóng vai trò là người xách nước
Trời xanh màu thiên thanh (tương truyền là của Trạng Quỳnh sau đó rất lâu mới nghĩ ra)
Quạ vàng đội kim ô (không rõ)
Tay tơ sờ tí ti (khuyết danh)
Nhà vàng ngồi đường hoàng (không rõ)
Áo vàng mặc trang hoàng (khuyết danh)
Đêm đen sờ dạ thâm (không rõ)
Đêm đen nhìn tối thui (chưa biết)
Mây đen quyện ô vân (Phạm Tuyên)
Gấu vàng ăn Hùng Hoàng (chưa rõ)
Tóc xanh thấy phát thương (chưa rõ)
Béo phù thở phì phò (Lê Anh Chí)
Áo xanh lay lục phục (Lê Anh Chí)
Quần áo vung phùng phục (Lê Anh Chí)
Đá chàm sờ lam nham (Lê Anh Chí)
Suối đỏ khoan thông hồng (khuyết danh)
Biển Tây có Hải Âu (khuyết danh)
Lên núi gặp thượng sơn (khuyết danh)
Bắp vàng đợi ngô huỳnh (khuyết danh)
Mực đen dính mặc huyền (khuyết danh)
Giấy đỏ viết chu da (khuyết danh)
Sen xấu mọc liên tục (khuyết danh)
Bẩy xanh la thất thanh (khuyết danh)
Lưỡi đỏ ngó thiệt hồng (khuyết danh)
Ra vào đòi giao hợp (khuyết danh)
Mũi thấp hun tị ti (khuyết danh)
Giếng nhỏ bé tỉnh tinh (khuyết danh)
"Da trắng vỗ bì bạch" Đây mới quả thật là Vế Ra hóc búa.
Nhìn lên trên, chúng ta thấy có mấy mươi Vế Đối. Tuy đã có nhiều Vế Đối như thế, nhưng Tôi cho rằng chưa có vế đối được.
Ngoài những ý nghĩa về tượng hình tượng thanh như ở trên đã nêu,
còn một điều rất quan trọng mà bài viết bên trên chưa nêu ra.
Đó chính là:Vế Ra là Câu Đối Thơ.
Đây câu 5 chữ trong Đường Luật Thi. Khi ra Vế Đối, ta phải tuân thủ Luật Bằng Trắc.
- Chữ thứ hai (trắng), chữ thứ năm (bạch) cả hai là Vần Trắc, ta phải sử dụng vần Bằng để đối lại.
- Chữ thứ tư (bì) vần Bằng, ta phải đối lại là vần Trắc.
Chúng ta nhìn lại mấy mươi Vế đối trên, không có một vế nào hội đủ
các điều kiện về tượng hình, tượng thanh, luật bằng trắc..để đối lại
cả.
Như thế tính đến ngày hôm nay, Vế Ra của Bà Đoàn Thị Điểm vẫn chưa có ai đối được.
Huỳnh Hữu Đức
Ồ Ta Nghĩ
Ta nghĩ.- ồ mai Tết lại về
Ta ngồi dưới tuyết cảm hơi tê
Ta nghe trong gió lời ai oán
Ta thấy bên kia cảnh não nề
Ta chắng cam đành cùng bạn hữu
Ta sao dưng dửng với trời quê
Ta xin tạ tội này xuân nhé
Ta nghĩ - ồ mai Tết lại về.
Thái Huy
Chúc Mừng Xuân Tân Sửu 2021
Chúc Mừng Xuân Tân Sửu 2021
Trâu về đuổi Chuột chạy đi xa
Vận tốt hanh thông ,xui xẻo qua
Covid chủng ngừa vơi truyền nhiễm
Nạn tai tránh khỏi ,thịnh hưng đà
Từ bi độ lượng tâm vô ngại
Hỷ xả khoan dung hạnh thứ tha
Phước Lộc nở hoa trên vạn lối
Nơi nơi an tịnh,thế nhân hoà
Nơi nơi an tịnh,thế nhân hoà
Nâng chén rượu mừng chúc tụng ca
Bình đẳng bình quyền tràn thôn xóm
Tự do dân chủ ngát hương trà
Xuân về mến tặng tình thân ái
Tết đến thương trao hạnh vị tha
Dâu bể vô thường nơi cõi tạm
Yêu nhau chân thật mới lâu mà
Văn Ngọc
17-01-2021
***
Họa: Y Đề
Chuột thấy Trâu về, vội lánh xa
Vì thời vận Chuột đã đi qua
Cả năm léo nhéo buông tiếng xấu
Còn xúi Tàu quân muốn vượt đà
Xin theo tâm Phật, tâm vô ngại
Thiên thủ thiên nhãn tâm thứ tha
Thương chúng sinh, vị tha vạn lối
Đem về an lạc đắc nhân hoà
Đem về an lạc đắc nhân hoà
Chén rượu bàn đào, tiên múa ca
Tây phương cực lạc về thôn xóm
Xuân lai, phúc lại, nhấp ngụm trà
Quên điều sân hận dìu thân ái
Bốn bễ muôn nhà, thắm vị tha
Nhân thế vô thường là cỏi tạm
Ta tìm cực lạc chốn mặn mà
Mình Nhựt
Tết Trên Gác Trọ
Tết đến buồn lòng người viễn xứ
Xuân về xót dạ kẻ xa nhà.
Thế mà,
Vừa hết Tết Tây, tới Tết ta
Nhớ thuở xưa kia ở quê nhà
Hăm lăm tháng Chạp, ngày tảo mộ
Tiễn Táo Quân vào tối hăm ba
Bánh chưng xanh, thịt kho, dưa giá
Chiều ba mươi cúng rước Ông Bà.
Mừng Xuân trong cảnh kẻ không nhà
Đầu Năm đón Tết trên gác trọ
Mua cơm hàng quán cúng Ông Bà
Lặng nhìn hương khói lòng thương nhớ
Thân nhân quá cố, nhớ Mẹ Cha
Con cháu đi làm không được nghỉ
Sở Mỹ không cho nghỉ Tết ta
Tối đêm mồng một, đầu Năm mới
Điện thoại, điện thư chúc thọ Cha.
Giữa đêm trừ tịch không tiếng pháo
Nâng cốc mừng Xuân, Ta với Ta.
Hoa Đô, Tết Tân Sủu 2021
Lão Mã Sơn
Con Trâu Trong Đời Sống Nông Thôn Việt
1.Dẫn nhập
Khi nói về loài trâu, ta liên tưởng ngay đến những loài trâu cày ruộng trên đất thấp trồng lúa ở Đông Nam Á. Thực ra, trâu cũng gặp ở tận bên Phi châu, nhưng đó là loài trâu rừng, sống theo đàn. Trên thế giới có hai nhóm trâu: trâu rừng châu Phi (Cape buffalo) và trâu châu Á, tức trâu nước. Đây là hai loài riêng biệt thuộc chi Syncerus (trâu châu Phi) và Bubalus (trâu châu Á) ở hai vùng địa lý cách biệt. Bản thân người viết cũng đã gặp từng đàn trâu rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên các xứ Phi châu như Kenya, Rwanda ... Châu Á là bản địa của loài trâu với 95% tổng số trâu trên thế giới. Khoảng phân nửa số này sống ở Ấn Độ.
Có lẽ chỉ ở một vùng có nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời mới có những phong tục, lễ hội như chọi trâu, thi trâu, đâm trâu, tạ ơn trâu … Và như một lẽ tự nhiên con trâu đã đi vào nghệ thuật, trở thành đề tài, nguồn cảm hứng phong phú của văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc …
Trâu được nuôi lấy sức cày ruộng, lấy thịt và sữa. Sữa trâu có lượng mỡ béo cao nhất trong các loại sữa gia súc. Cả hai nhóm trâu nhà có mặt tại Á châu: trâu sông và trâu đầm. Trâu sông sống ở vùng cao như Nepal còn trâu đầm phổ biến khắp miền nhiệt đới.
Loài trâu sinh sống thành công vì có thể tận dụng thức ăn kém chất dinh dưỡng mà lại có sức sản xuất cao. Về việc đồng áng cày bừa thì trâu kéo cày khỏe hơn bò (Bos taurus) nhất là ở những vùng ruộng sâu nên ở Việt Nam có câu tục ngữ: Yếu trâu hơn khỏe bò.
Hình dạng sừng khác biệt
giữa trâu rừng châu Phi (trên) và trâu nước (dưới)
2. Trâu trong đời sống nông dân Việt
Ngành trồng lúa nước đã có từ rất lâu ở Á Châu. Những câu tục ngữ, thành ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Tậu trâu cưới vợ, làm nhà”, “Ruộng sâu, trâu nái”, “Chín đụn mười trâu”, … đã nói lên vị trí, vai trò quan trọng của con trâu đối với sản nghiệp người nông dân. Làm việc phải đúng thời vì “Trâu chậm uống nước đục”. Những người có sức khỏe, người ta thường nói “khỏe như trâu”.
Mà nói về lúa nước trồng trên những loại ruông sâu, úng thủy thì chỉ có loài trâu mới có sức kéo mạnh để giúp cho người nông dân trong việc cày cấy:
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Từ buổi đầu lịch sử, khi dân ta biết trồng cây lúa nước, con trâu đã là người bạn thân thiết gắn bó với nông dân. Trâu sớm được thuần hóa, gần gũi thân thiết với con người, giúp con người trong việc đồng áng nên người nông dân coi trâu như người bạn.
Có lẽ không người Việt nào không biết đến những câu ca dao chan chứa tình cảm này:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cày cấy vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Trâu thay sức người làm công việc đồng áng nên việc mua sắm trâu là việc hệ trọng. Nhà nghèo thường khó sắm được trâu để làm mùa, phần nhiều là mướn trâu:
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà.
Cả ba việc ấy đều là khó thay.
Thế nên trong cơ nghiệp nhà nông con trâu được xếp hạng nhất: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Từ việc ví von về tuổi tác đến việc đồng áng, tình yêu nam nữ... đều có mặt trâu. Nông dân rất quý con trâu, nó là một phần tài sản của họ nên con trâu đã được đưa ra so sánh đánh giá sự giàu nghèo:
Thằng bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu …
Và hình ảnh thằng Cuội chăn trâu cũng thật thà đáng thương:
Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vồng.
Hoặc tỏ thái độ mỉa mai, châm biếm:
Thật thà như thể lái trâu,
Yêu nhau như thể nàng dâu mẹ chồng.
Lại có câu ca dành cho người thích lấy vợ dại, ngoan hiền:
Vợ dại thì đẻ con khôn
Trâu chăm lắm thịt, rựa cùn chịu băm.
Một đàn trâu ngâm mình trong đầm
Khi ca dao khuyên con người không nên ỷ lại mà chỉ nên tin vào sức mình, ca dao khuyên ta:
Trâu ta ăn cỏ đồng ta
Tuy rằng cỏ cụt nhưng là cỏ thơm.
Hình ảnh con trâu cũng còn có trong ca dao:
“Ai bảo chăn trâu là khổ / Không, chăn trâu sướng lắm chứ?”
Con trâu cũng là đề tài để người ta trêu chọc nhau một cách tình tứ trong những lúc lao động để quên đi nỗi mệt nhọc, vất vả:
Trâu kia kén cỏ bờ ao
Anh kia không vợ đời nào có con
Người ta có trước có sau
Thân anh không vợ như cau không buồng
Cau không buồng như tuồng cau đực
Trai không vợ cực lắm anh ơi
Người ta đi đón, về đôi
Thân anh đi lẻ, về loi một mình.
Hoặc để gợi chuyện làm quen nhau:
Hỡi cô cắt cỏ bên đồng
Nuôi trâu cho béo làm giàu cho cha
Giàu thì chia bảy chia ba
Thân em là gái được là bao nhiêu?
Các cô gái cũng hóm hĩnh, đáo để không kém:
Cưới em tám vạn trâu bò
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm.
Đến khi có vợ rồi nên một lòng một dạ không nên bắt chước những người đi trước năm thê bảy thiếp để rồi gặp phải cảnh:
Ba vợ năm bảy nàng hầu
Đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi.
Trâu anh con cưỡi con dòng
Có con đi trước lòng thòng theo sau.
Và đôi khi là những hình ảnh ẩn dụ về những ngang trái mà con trâu phải gánh chịu:
Con trâu có một hàm răng
Ăn cỏ đồng bằng uống nước bờ ao
Thời sống mày đã thương tao
Bây giờ mày chết cầm dao xẻ mày…
Thịt mày tao nấu linh đình
Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa
Sừng mày tao tiện con cờ
Làm dao, cán mác, lược dày, lược thưa…
Những câu ca dao trên nói lên chuyện con trâu đi liền với đời sống của nông dân Việt. Cày bừa trên ruộng thì phải dùng trâu, còn trên đất cao, không úng thủy thì mới dùng bò. Và con trâu mạnh hơn bò và sức kéo nhiều hơn. Vì trâu rất đa năng: ngoài công việc kéo cày, kéo bừa trong ruộng nước, trâu còn kéo xe, đạp lúa khi gặt hái xong; trâu dùng để kéo dụng cụ ép mía.
Con trâu gắn bó mật thiết với người nông dân.
Sự gần gũi đã tạo nên quan hệ gắn bó của người với trâu. Nhưng có lẽ chính quá trình lao động bên nhau cùng những nét tương đồng về số phận, tính cách giữa người nông dân và con trâu mới là yếu tố quan trọng khiến cho trâu và người trở thành đôi bạn thân thiết, thủy chung. Con trâu hiền lành chăm chỉ, vất vả một nắng hai sương như người, trâu cũng thật thà, chất phác, chịu thiệt thòi do “trâu chậm uống nước đục”. “Khoẻ như trâu”, chỉ người có sức khỏe. “Đàn gảy tai trâu” cũng là một thành ngữ thường dùng.
3. Vài giống trâu
Hai nhóm trâu: trâu rừng và trâu nước. Trâu rừng thuộc chi Syncerus còn trâu nước thuộc chi Bubalus. Trâu rừng gặp ở Phi châu còn trâu nước gặp ở Đông Nam Á. Riêng trong trâu nước, còn phân biệt trâu đầm với 48 nhiễm sắc thể và trâu sông có 50 nhiễm sắc thể và hai loài này khó lai giống với nhau.
Trong trâu nước, ta phân biệt:
- trâu be, có tầm vóc trên dưới 700kg, dùng để kéo gỗ trên rừng hoặc kéo máy ép mía ở các lò đường
- trâu bưng nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long, gặp vùng Long Xuyên, ngủ trong mùng vì muỗi nhiều
- trâu sông phân bố chủ yếu miền bắc Ấn Độ và thuần dưỡng chuyên hướng lấy sữa, như giống trâu Mura (Bubalus bubalis).
Giống trâu Mura là giống trâu cho sữa nhiều chất béo nên bên Ý có nhiều nông trại nuôi để bán sữa làm loại pho mát Mozzarella rất đặc thù. Lượng sữa một chu kỳ: 1300-1600kg.
Trâu lai giữa trâu cái địa phương với trâu đực Mura thường có ưu thế lai rõ rệt, cho lượng sữa 900-1100 kg chu kỳ 300 ngày, tỷ lệ mỡ trong sữa 7.5-7.8%.
Trâu trắng là tên gọi những trâu có lông màu trắng.
4. Con trâu và các lễ hội
Có lẽ chỉ ở một vùng có nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời mới có những phong tục, lễ hội như chọi trâu, thi trâu, đâm trâu, tạ ơn trâu…
Riêng về chọi trâu, phải kể một di sản văn hóa nổi bật: lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - một lễ hội không chỉ có giá trị văn hóa, tín ngưỡng, độc đáo mà còn là điểm du lịch hấp dẫn với mọi người. Lễ hội được tổ chức chính thức vào mùng 9 tháng 8 âm lịch hằng năm, trước đó còn có hai cuộc đấu loại vào trung tuần tháng 5 và mùng 8 tháng 6 âm lịch.
5. Thay lời kết
Biểu tượng con Trâu rất thích hợp với xu hướng phát triển “chậm mà chắc”, với xu hướng coi trọng những giá trị tinh thần làm nền tảng của đạo đức xã hội như: hiền lành, hài hòa, chất phác, chăm chỉ, cần cù lao động, tình nghĩa thủy chung, kiên cường. Gốc có bền, cây mới vươn cao, nền móng có chắc chắn thì ngôi nhà mới vững chãi được. Dân giàu, nước mạnh; dân yên, nước vững bền. Con người ngày nay sống vội vã quá, cha mẹ dạy cho con cái ứng xử cho vừa lòng cấp trên mà coi nhẹ giáo dục lòng trung thực, tính cần cù, nghĩa là đang rời xa “văn hoá Trâu”.
Trong Phật học, có pháp môn chăn trâu, áp dụng triệt để lời dạy của Ðức Phật, trong cuộc sống hằng ngày của người Phật Tử, tại gia hay xuất gia. Khi hiểu được và hành được pháp môn này, người Phật Tử sẽ thấy được con đường vào đạo, tâm sẽ được nhập lưu, tức là nhập vào dòng thánh, khác với dòng đời, tuy thân vẫn sống ở đời, như bao nhiêu người khác, mà tâm không hề khổ đau lụy phiền. Người không biết cách chăn trâu sẽ đuổi theo vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm đó, đem ra thực hiện, tức là tiếp tục, tạo thêm nghiệp mới! Người tu tâm dưỡng tánh, biết cách chăn trâu, sẽ lập tức tự quở trách chính mình. Khi hiểu được và hành được pháp môn này, trí tuệ sáng ra, người Phật Tử đối với Chánh Pháp, sẽ phát tâm tu dưỡng, phát nguyện chăn trâu, việc ác ngưng làm, quyết làm việc thiện, không còn mặc cảm, tự tôn tự ti, chân trời an lạc và hạnh phúc bắt đầu ló dạng.
Thái Công Tụng
Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021
Sớ Táo Quân Long Hồ Vĩnh Long 2021
Dạ! Dạ!Bẩm tấu Ngọc HoàngTháng Chạp Hăm BaTân Sửu sắp sangVượt ngàn dặm xaTừ lục địa Úc Thần chạy hụt hơiĐến tận Thiên ĐìnhKhấn đầu bái kiếnBái kiến...cái mà... bái kiếnTáo thần Kim PhượngLàm việc không lươngNhưng bởi yêu thươngNặng lòng nhân áiChẳng ngại gian laoRảo bước Trang NhàLong Hồ Vĩnh LongHầu rõ sự tìnhTáo thần bẩm báo Bẩm báo...cái mà...bẩm báoDạ! Dạ!Tròn một năm quaTình hình sôi độngDịch bệnh lan trànBất ổn hoang mangTrăm điều lo lắngNhưng…Trang nhà gắngMang đến thức ănNuôi dưỡng tinh thầnNgười người tâm anÝ vững lòng bềnKết chặt tình thânBằng hữu thêm đôngTiết mục cho đủTác giả gần xaTrải lòng sáng tácQuí vị Độc giảThâm tình đóng gópCho Trang nhà nhỏĐạt thành ý toNgày càng thi vịLà do góp sứcNăm tháng kề nhauCủa hết mọi ngườiMang lại niềm vuiNụ cười ấm ápẤm áp... cái mà... ấm ápXuân này Long HồTrăm hoa đua nởNgười tuổi xuân quaNgòi bút vẫn sắcTrào tuôn mực đậmBao cây bút trẻMặc dù không chuyênHọc hỏi liên miênNối gót ông chaGiữ gìn tiếng ViệtTiếng Việt...cái mà...tiếng ViệtThần xin thú thiệtTrang nhà Long Hồ Toàn gồm Thầy Cô Cố nhân tri kỷAnh Chị đồng mônRộn ràng Đệ TửTrước lạ sau quenNhư trăm ngọn đènBừng lên tỏa sángNgành nghề chẳng phânKẻ lạ tình gầnThi Sĩ Nhà VănBác Sĩ Kỹ SưDược Nha Kiến TrúcNhạc Sĩ thôi thúcHải Lục Không QuânHọa Sĩ Kỹ ThuậtNgười khắp mọi miềnTừ Bắc Trung NamQuê Nhà Hải NgoạiTất cả họp lạiThả rong con chữHóa thân kiếp tằmOằn mình lòng kénNhả nốt đường tơKết vuông lụa vàngMịn màng óng ảĐiểm tô căn nhàỐ ồ đẹp lạLong Hồ Vĩnh LongLồng vào ca khúc Réo rắc tiếng lòngNgười tìm đến ngườiNối rộng vòng tayNgày ngày thơ vănÂm ấp tình đầyGửi hết vào đâyKính trao Ngọc HoàngGhé mắt thử xemKèm lời commentCho Người hạ giớiTáo thần đa tạĐa tạ... cái mà...đa tạTrước khi giã từTrở lại Long HồTrước khi thần “go”Xin ban lì xìChút đỉnh...cái mà...chút đỉnhKính chúc Ngọc HoàngNăm Mới an khangVạn điều như ýNgọc Hoàng vạn tuếVạn vạn tuế… cái mà vạn tuế
Thần Táo Kim Phượng 2021