Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Long Hồ Vĩnh Long Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Anh Đỗ Quý Bái



Tang Gia Bối Rối Hóa Bần Thần - Đỗ Quý Bái


Bài Họa:

VỢ KHUẤT CÔ ĐƠN HÓA LOẠN THẦN

Vợ khuất cô đơn hóa loạn thần
Đôi lời thưa thốt với người thân
Đền ơn thăm hỏi trang hồng phấn
Đáp lễ hỏi han khách bạt quần
Thơ cổ mừng anh nhiều phấn chấn
Văn nay chúc chị lắm truyền chân*
Thác về, sống gởi đành an phận
Vợ khuất cô đơn hóa loạn thần

*truyền chân điện báo: viết bài online

Lộc Bắc
Sept2020

Thơ Tranh: Mạ


Thơ & Thơ Tranh: Ân Nguyễn

Chớm Thu 2020



Lá đổi màu vạt nắng Hè bớt nóng
Báo tin mùa Thu sắp đến nay mai
Nhớ đứa con mất mùa Thu năm trước
Nghe lòng buồn, tôi buông tiếng thở dài.

Nỗi tiếc thương con vừa mới nguôi ngoai
Mùa Thu nầy sẽ vô tình khơi lại
Thảm cảnh tre già mà khóc măng non.
Lấy chiếc cell phone bấm số gọi con

Nghe lại tiếng con nói trong máy nhắn
Nước mắt tuôn rơi giọt dài, giọt ngắn
Tiếng nói còn đây, con đã mất rồi.
Nỗi buồn nào bằng sanh ly, tử biệt

Cầu đoạn trường ai có qua mới biết
Nỗi đau nào bằng phụ tử chia phôi!

Hoa Đô, chớm Thu 2020
Trần Gò Công/Lão Mã Sơn

Người Muôn Năm Cũ - Văn Thánh Miếu - Vĩnh Long

Tìm đâu năm tháng đã qua
Người muôn năm cũ cách xa nghìn trùng



Mỹ Hạnh và Kim Phượng



Phước - Kim Phượng - Cháu Vân Trường - Cậu Đèo


Mỹ Hạnh ( đã qua đời)- Lý - Kim Phượng - Phước - Cháu Vân Trường

Thơ : Kim Phượng
Ảnh Chụp ở Văn Thánh Miếu - Vĩnh Long, ngày 22 tháng 2 năm 1968

Không Đề


Em thôi học không ngồi bên khung cửa
Nắng sân trường chỉ còn thoáng mơ xưa
Ngày tháng mộng tàn theo hoa phượng đỏ
Lá vàng rơi đường mất dấu hẹn hò. 

Đã xa lắm thuở tóc xanh áo trắng

Những ngày thơ con đường nhỏ vai gầy
Mây bay mãi dòng thời gian vẫn thế
Chỉ còn ta hồn vương vấn câu thề!

Đời biến ảo người tranh đua sớm tối,

Em ngây thơ hồn xuân thắm trên môi.
Đường lên dốc đầy hương thơm cỏ dại
Bước em về màu nắng hạ chưa phai.

Xin cảm ơn có một lần gặp gỡ

Em ngàn trùng tình vẫn đẹp như thơ
Dù chẳng nói nỗi niềm xưa theo gió
Hồn mênh mông quên bến cũ con đò.

Đỗ Bình

Quán Xưa



Bước vào quán như thấy mình trẻ lại
Sài gòn xưa của những năm sáu mươi
Những chiếc xe gắn máy, scooter một thời
Cùng hội ngộ trước dẫy nhà lớn nhỏ

Cô cậu choai choai tóc hippy chờm cổ
Ngài trung niên ngậm ống vố nghiêm trang
Sánh vai cùng người đẹp vẻ đoan trang
Họ vào quán như tự nhiên vẫn thế

Ly cà phê tí tách đong hoang phế
Đời buồn tênh nản tợ cõi hư vô
Từng giọt thơm quyện khói thuốc mơ hồ
Cặp loa phát những âm thanh nức nở

Người ca sĩ giọng ca như hơi thở
Vọng vào hồn cuộc chiến đẫm máu xa
Khi thê lương âm khí bãi tha ma
Lúc rền rĩ một cuộc tình đã mất

Ta yêu em yêu những tuần trăng mật
Yêu môi hồng yêu ánh mắt em xanh
Nụ cười này xin tặng nó cho anh
Không có em đời ta như đánh mất

Ở ngoài kia khi trăng tà lẩn khuất
Những chiếc đồn soi sáng mắt hỏa châu
Lửa đạn bay hầu trọn những đêm thâu
Những người lính đang giữ từng tấc đất

Và cứ thế hỡi ơi hồn non nước
Ngày không quên vĩnh biệt Sài gòn xanh
Để hôm nay ta vào quán một mình
Nghiêng đầu trắng ngồi chiêu niệm quá khứ

Locphuc.

Tưởng Đã Rong Rêu - Nhớ Mái Trường Xưa


Tưởng Đã Rong Rêu

Những tà áo trắng nương làn gió
Chào nắng mai hồng đẫm giọt sương
Tiếng cười rộn rã vang đây đó
Át tiếng đôi chim ríu rít thương.

Có chuỗi mắt e dè phát sóng
Đậm nét tình len lén gởi trao
Ngắn nhưng mạnh ngấm ngầm âu yếm
Đến các đuôi thầm lặng theo sau.

Cổng trường yêu dấu làm nhân chứng
Chào đón hoa xinh cùng bướm ong
Là những mầm tương lai trở lại
Trong thu rộn rã khắp non sông.

Giấc mơ sương khói về trường cũ
Ẩn hiện chập chờn... tôi xế chiều
Buổi tựu trường xa xôi... ký ức
Tưởng rằng đã sỏi đá rong rêu!

Anh Tú
Mùa tựu trường
September 08, 2020
***
Nhớ Mái Trường Xưa

Nắng mùa Thu nhẹ rơi theo gió
Má em hồng lóng lánh giọt sương
Mùa tựu trường tiếng cười nở rộ
Như tiếng đàn luyến láy yêu thương

Hơi thở nhẹ cũng trào ngọn sóng
Ánh mắt huyền len lén thầm trao
Giờ tan học ồn ào thầm lặng
Cũng không quên nhịp bước theo sau.

Mái trường đã xa… ngàn cách biệt
Nơi đủ sắc màu của bướm ong
Trường cũ ô hay ngàn lưu luyến
Như mưa Thu hòa quyện núi sông !

Mời người về viếng thăm trường cũ
Mái tôn, tường mới dưới nắng chiều
Thay đổi hình hài thời yêu dấu
Không hoang tàn mục nát rong rêu…

Dương hồng Thủy
10/09/2020

September 11 2001, The Bloodiest Day Of America!


As leaves, people fell
From the highest floor to the ground
Some hand in hand
In the long fall
On the Course to Heaven
Oh, the Lovers!
Their love will continue
Forever

Then everything was black
People were blind
By fire and smoke
Where are these buildings?
Where are lovers, relatives, friends?
In the cloud of dust
World Trade Center
Manhattan, New York
The city turned upside down
Shouting and crying out
A Hell on Earth!


America mourns!
America's anger!
Hijackers! Terrorisms!
Have you seen that Hell?
Have you heard the groan
Of those injured people?
September 11
The sorrowful day of America
Be patient
Love will triumph.

Locphuc.
9 /11/ 2001

Kỷ Niệm Mùa Thu

Ngày tháng qua nhanh, thấm thoát mùa Hè nóng nực ra đi, Thu lại về với nắng nhẹ, gió mát, trời trong. Sáng sáng trên sân cỏ vài lá vàng rơi rải rác, lá bắt đầu đổi màu từ xanh sang vàng, cam… Hoa cúc rực rỡ đó đây. Khí hậu mùa Thu làm mọi người cảm thấy dễ chiu vui tươi hơn, hoa hồng bắt đầu khỏe trở lại sau những ngày nắng nóng bức mùa hè, có nhiều nụ non bé bé xinh xinh trên cành. Mùa Thu là nguồn cảm hứng của thi nhân, văn nghệ sĩ nhưng có 1 mùa Thu hãi hùng làm đau lòng dân chúng Hoa kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới.

Khủng Bố


Nhớ lại cách đây gần 20 năm vào buổi sáng mùa Thu an lành, không tặc lái phi cơ đâm thẳng Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở Nữu Ước làmTháp Đôi bốc cháy và sụp đổ, khói lửa mịt mù cả một vùng. Theo báo chí, truyền hình gần 3000 người thiệt mạng trong ngày 11 tháng 9 năm 2001. Hàng năm đến ngày kỷ niệm, màn ảnh TV lại chiếu cảnh tang thương Tháp Đôi, Nữu Ước và Lầu 5 Góc (Pentagon) Virginia bị máy bay khủng bố phá hoại hư hỏng, gạch đá ngổn ngang. Có người chụp được cảnh nạn nhân nhảy từ cao ốc xuống đường mong thoát nạn. Mọi người hoang mang, thương xót cho hàng ngàn người kẹt trong cao ốc chết thảm… 

Năm ấy vào ngày kể trên, anh cả Vân từ Cali gọi hỏi thăm xem gia đình có bình an không. Anh thấy TV chiếu hình ảnh Ngũ Giác Đài (Pentagon), Arlington, Virginia bị không tặc tấn công làm hư hại tuy không rõ nhiều ít. Anh biết gia đình có người làm việc ở Ngũ Giác Đài nên rất lo. Cũng may cháu bình an nhưng bạn cháu bị thương và qua đời khi không tặc đâm phi cơ vào Lầu Năm Góc. Con trai đầu lòng nạn nhân lúc ấy được 3 hay 4 tuổi. Từ đó mỗi năm Hoa Kỳ có ngày tưởng niệm các nạn nhân vào mùa Thu, gia đình lại xót xa nhớ đến người thân yêu đã vĩnh viễn ra đi vì cuộc khủng bố bạo tàn ở Trung tâm Thương Mại Nữu Ước và Ngũ Giác Đài . Thật thương cho những gia đình nạn nhân vô tội từ các quốc gia khác, nhất là những người con còn nhỏ dại,những người vợ trẻ, không có mặt lúc người thân ra đi. Nghe kể lại cháu bé con người bạn không biết cha đã mất, chiều chiều bé quen lệ đứng bên trong cửa sổ nhìn ra đường chờ đón cha đi làm về. Nghe mà đau lòng.

“ Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.Vân thương những góa phụ, những trẻ mồ côi cha mẹ nhiều lắm. Hơn 30 năm trước Vân đã hụt hẫng, chới với, bơ vơ vì vắng bóng nguời bạn đời yêu thương, các con thiếu người cha tốt bụng hiền lành .
Vân nhớ như in hình ảnh Tổng Thống Bush thật buồn trên TV khi nghe tin dữ. 
Hằng năm vào ngày 11/9 là giỗ cả ngàn nạn nhân, truyền hình chiếu lại hình ảnh năm xưa. Các báo viết những bài về ngày kinh hoàng làm đau lòng dân chúng Hoa kỳ, và người thân nạn nhân các quốc gia khác. Xin tóm lược địa điểm và hậu quả việc làm bất nhân của bọn khủng bố.


Trung Tâm Thương Mại Thế Giới: 1973-2001 (The World Trade Center)


Gồm 7 bảy cao ốc tọa lạc phía Nam Manhattan, Nữu Ước. Tháp đôi Twin Towers cao nhất trong các cao ốc khu Thương Mại Quốc Tế và các cao ốc khác ở Hoa Kỳ cũng như thế giới thời bấy giờ, có 110 tầng. Cao hơn Empire State Building cho đến lúc tháp Sears ở Chicago ra đời mấy năm sau, rộng 16 mẫu. Mới nhìn tưởng như 2 tháp cao bằng nhau (Twin Towers). Thật ra tháp 1 cao 417m, tháp 2 cao 415m. Khu Trung Tâm Thương Mại có khoảng 50.000 nhân viên làm việc và khoảng hơn 140.000 du khách, người mua bán đi lại thăm viếng hằng ngày. Khi xảy ra tai nạn nhiều người kẹt trong hành lang, văn phòng, thang máy… tuyệt vọng không thể thoát thân. Ngoài đường kẹt cứng người và xe, ai cũng mong sớm được về nhà, thóat nơi nguy hiểm. 

Khu Trung Tâm Thương Mại Thế Giới có ngân hàng, khách sạn, nhà hàng ăn uống, cửa tiệm buôn bán, trụ sở các công ty thương mại lớn của các quốc gia khác nhau, đài truyền thanh, truyền hình và là trung tâm tài chính, kho cất giữ vàng quốc gia trong hầm kiên cố. Tầng hầm có thương xá lớn, rộng rãi, có xe điện ngầm giao thông các nơi.

KHÔNG TẶC:

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, phi cơ hãng American Airline và United Airline bị không tặc uy hiếp phi hành đoàn, cướp máy bay và với tốc độ kinh hoàng đâm thẳng vào Tháp Đôi.Tháp 1 bốc cháy, khói đen mịt mù, lửa đỏ cuồn cuộn , tháp từ từ sụp đổ ... Một phi cơ khác lao vào tháp 2. Cả hai tháp đều cháy, khói lửa , cát, đá, gạch văng tứ tung. Thang máy ngừng hoạt động, nhân viên kẹt trong cao ốc . Cuộc khủng bố này làm thiệt mạng gần 3000 người, trong đó có công dân của hơn 90 quốc gia khác nhau, 343 lính cứu hỏa, 6000 người bị thương ,23 sĩ quan cảnh sát, thiệt hại hàng tỷ mỹ kim, thị trường chứng khoán mất giá... Hơn 14000 nhân viên kẹt trong Tháp Đôi may mắn được cứu sống về nhà an toàn…

Cùng ngày chiếc máy bay khác của hãng America Airline lao thẳng vào tòa nhà Năm Góc (Pentagon) ở Arlington,Virginia làm hư hại một phần tòa nhà, 125 (?) nhân viên thiệt mạng. Hung thủ và phi hành đoàn không một ai sống sót

Một phi cơ United Airline khác cũng bị không tặc uy hiếp, có ý định hướng về Washington DC nhưng bị hành khách chống cự, ý định cướp máy bay bất thành, phi cơ rơi xuống cánh đồng ở Pennsylvania và bốc cháy. Tất cả những người trên phi cơ đều thiệt mạng: hành khách, hung thủ, phi hành đoàn ...

Tái Thiết:



Mất 8 tháng công nhân làm việc ngày đêm dọn dẹp gạch đá, sắt thép vụn rơi rớt khắp nơi khu Tháp Đôi, gom được hơn 7,5 tấn sắt thép. Số kim khí này làm thành tàu chiến USS NEW YORK, chiếc tàu tượng trưng cho sức mạnh Hải quân Hoa kỳ và lòng tưởng nhớ những nạn nhân ngày 11/9/01. Trên tàu có 800 thủy thủ dũng cảm không quên ngày tháng đau thương làm dân lành vô tội chết oan. Bọn khủng bố muốn làm Hoa kỳ ngã gục nhưng họ không thể thực hiện được vì người Hoa kỳ sẽ đứng lên bảo vệ quê hương, xây dựng đất nước ngày thêm tươi đẹp hơn(They knocked us down. They can’t keep us down.We’re going to be back). Tháp Đôi được xây dựng lại mang tên THÁP TỰ DO (Freedom Tower). Ngoài Tháp Tự Do còn có Bảo Tàng Viện và đài Tưởng niệm Quốc gia ... xây cất trong khu Thương Mại Thế Giới .

HẬU QUẢ:

Thời gian qua nhanh, đứa trẻ 3, 4 tuổi ngày xưa mất cha vì bọn người ác đã trưởng thành, học hành tử tế. Không biết cậu có oán giận người chủ trương đã tàn nhẫn làm cho cậu mồ côi cha và mẹ cậu thành góa phụ ở tuổi thanh xuân. Hàng ngàn trẻ em khác mất cha mất mẹ, gia đình tan nát, vợ chồng vĩnh viễn chia ly…

Có lắm nạn nhân được cứu khỏi cao ốc, nhưng sau cũng qua đời vì bệnh phổi do hít phải khói và tro bụi . Các cao ốc ,thương xá gần Tháp Đôi phải đóng cửa một thời gian để sửa chữa các hư hỏng ảnh hưởng sự rung chuyển khi Tháp đôi bị không tặc tấn công.

Sau ngày 11/9/01 người du lịch trong nước và ngoại quốc thưa thớt, phi trường vắng vẻ, ít ai muốn đi xa trừ khi có việc cần thiết. Các hãng du lịch than thở vì thiếu khách, phi cơ cũng vắng người, ngành du lịch thất thu. Số lớn du khách chịu mất tiền hủy bỏ các chuyến du lịch gần xa. Sự tàn bạo bọn khủng bố làm họ lo ngại khi đi phi cơ. Có lần sau 11/9 ít lâu, Vân đi Cali thăm bà con, lúc trở về Washington DC, trên máy bay chỉ có 3 hành khách, nhưng phi cơ cũng cất cánh đúng giờ. Chẳng biết có khi nào bọn khủng bố nhớ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ từ lúc em bé mới ra đời đến khi trưởng thành học hành thành tài, đã dành cho con em rất nhiều tình yêu thương, công sức và hy vọng ... Nếu những người này đem tài trí, sự thông minh, lòng can đảm để phụng sự quốc gia, giúp ích cho nhân loại quý biết bao. Như thế không những bản thân vẻ vang mà gia đình, đất nước cũng được thơm lây…

Sau thời gian ngắn Tháp Đôi hoạt động trở lại và phồn thịnh như xưa, ngành du lịch sống mạnh, đông du khách, các phi trường đông đúc và bao giờ check in cũng phải chờ, sắp hàng cái đuôi dài ngoằn cho đến khi dịch cúm Covid hoành hành, lan rộng khắp nơi trên thế giới vào đầu năm 2020. Thật là tai họa cho nhân loại. Hoa Kỳ và các quốc gia khác ngành du lịch, thương mại, giáo dục… đều bị ảnh hưởng, tạm thời đình trệ hay ngưng hoạt động. Hy vọng các bác sĩ, khoa hoc gia,những vị thông tài trí tìm được thuốc tri bệnh cúm như Hoa kỳ ngăn được khủng bố gần 20 năm qua.

Cầu mong thiên hạ thái bình, không còn kẻ ác giết hại dân lành, bệnh cúm Covid bị diệt trừ để dân chúng Hoa kỳ, mọi người trên thế giới, đồng bào Việt nam sống an lành, ấm no, hạnh phúc. Mùa Thu mãi mãi là “mùa tôi mến yêu” như các thi sĩ văn nhân thường ca tụng.


Bên ngoài trời trong nắng ấm, chim hót líu lo, hứa hẹn những ngày tươi đẹp mùa Thu thay thế mùa hè nóng nực ra đi. Xin có mấy câu văn vần để tưởng nhớ các nạn nhân ngày 11/9/01:

Mùa Thu năm ấy, đã lâu rồi
Không tặc phá tan tòa Tháp Đôi
Người chết ba ngàn trong khói lửa
Bơ vơ góa phụ, trẻ mồ côi

Cứu hỏa hàng trăm người thiệt mạng
Giúp dân, cảnh sát chịu nguy nan
Đau thương còn đó, lo xây dựng
Tự Do cao ốc thật khang trang...

Đài Tưởng Niệm, viện Bảo Tàng, Công viên Tự Do.... đều tráng lệ, xinh đẹp. Các góa phụ, con mồ côi được chính phủ cưu mang, bảo trợ, cho đi học đến khi trưởng thành...Nước Hoa kỳ mãi mãi quang vinh giàu có dù bị kẻ ác phá hoại...

Ngọc Hạnh

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

Thơ Tranh: Vàng Thu Huế


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh


Về Thăm Xứ Huế



Xứ Huế ngàn xưa nét diễm kiều
Đổi đời mang giấc ngủ buồn thiu
Đông Ba thao thức hồn ngơ ngác
Thành Nội trở mình bóng quạnh hiu
Thiên Mụ trơ vơ trời phế tích
Sông Hương lờ lửng nước tiêu điều
Khuynh thành tuyệt sắc em ca kỹ
Bình thủy tương phùng sao vẫn yêu.

Huế 01 tháng 06 năm 2009
Nguyên Trần

Bài Ca Cho Huế - Thơ Hồng Thúy - Liên Bình Định - Diệu Hiền


Thơ: Hồng Thúy
Nhạc: Liên Bình Định
Hòa Âm: Duystudio
Ca Sĩ: Diệu Hiền
PPS: Hùng Đặng

Đêm Nhớ Huế


(Ảnh - Minh Thúy)

Tình xuân nở rộ Huế thơ
Nắm tay chung sức kết mơ xứ người
Các Ôn, các Mệ vui cười
Mấy O, mấy chị xinh tươi sắc màu
Trường Tiền đẹp mấy nhịp cầu
Sông Hương nước chảy dãi dầu nắng mưa
Con đò mái đẩy thuyền đưa
Dựng lên khung cảnh nhớ xưa Hoàng Thành
Cố đô trầm lặng hiền lành
Thăng trầm biến đổi phải đành ra đi
Đau lòng với cảnh biệt ly
Âm thầm cúi mặt ướt mi lệ tràn
Tha hương nỗi nhớ vô vàn
Người dân họp mặt dựng làng quê hương
“Răng tê mô rứa “nghe thương
Ngâm thơ, nhạc Huế vấn vương muôn đàng
Tiếng hò giã gạo dội vang
Bao tà áo tím mộng ngàn hương xưa
Huế ơi kể mấy cho vừa
Đêm nay ...”rất Huế “đón đưa đường về
Mạ ơi trời lạnh lắm thê
Khung trời kỷ niệm vân vê ấm lòng

Minh Thuý
Tháng 2/ 2020

Điệu Buồn Tháng Chín



(Tình khúc mưa số 60)

Tiếng mưa nhẹ như lòng ai thổn thức
Đàn ngân vang trên nỗi nhớ tình ta
Đêm chưa qua còn mơ hoài hình bóng
Khúc ân tình sao lạc lối phù hoa.

Ngàn trùng xa võ vàng màu hoang phế
Đêm cứ dài cho khắc khoải tơ lòng
Tri kỷ đâu , người thương giờ xa vắng
Giấc mơ đời còn u uất hoài mong .

Ngày mai thôi trời sẽ vào tháng chín
Không gian buồn se sắt lá vào thu
Rơi ngập đường xác bay đầy trong gió
Biệt ly tình ngày ấy đã xa mù.

Tháng chín đây rồi mùa mưa tháng chín
Bạt lưng trời trong nuối tiếc vô vàng
Hương tóc thơm dẫu ngày buồn tháng chín
Lửa hương còn ngan ngát mộng chiều hoang.

Mùa thu mưa lá vàng , mùa thu chết
Biết không người là nỗi nhớ vô thường
Đếm lá rơi rã rời chân em bước
Mai anh về tình xa cách muôn phương.

Ngọc Quyên

Ngày Sinh Nhật Của Cu Tí


Cả nhà đều gọi bé là cu TÍ.Tên thật của cu TÍ là Nguyễn Hoài Nam. Bố bảo bố luôn nhớ quê hương nên đặt tên cu TÍ là HOÀI NAM. Mẹ muốn cu Tí có tên Mỹ để lúc đi học cho tiện, ngày xưa mẹ thích coi phim hoạt hoạ PETER PAN nên đặt tên Mỹ cho cu Tí là Peter, thành cu Tí có tên dài thòng là PETER HOÀI NAM NGUYỄN.Bố không hài lòng lắm nên thỉnh thoảng bố cứ lèm bèm "Peter là cái quái gì, tên Việt Nam của người ta hay vậy, tự nhiên cho thêm Peter vào chả ra cái thống chế gì cả".

Mẹ phản công lại liền:"Tên Nam mai mốt con nó đi học, bạn bè gọi là NEM NEM nghe không giống ai hết.Con tôi bảnh trai vậy mà có tên là nem với chả nghe không lọt tai tí nào"
Để bố mẹ khỏi phân bì, bà nội gọi bé là cu Tí. Bố mẹ đều đồng ý vì cái tên nghe dễ thương chi lạ.
Hôm nay cu Tí tròn 5 tuổi. Đêm qua mẹ thức thật khuya trang hoàng nhà cửa, sửa soạn thức ăn cho ngày sinh nhật của cu Tí.Mẹ đã mời tất cả bạn hàng xóm và bạn học thân của cu Tí. Mẹ bảo cu Tí tha hồ mà được nhiều quà.Vì mẹ thức khuya nên cu TÍ cũng nhất định đòi thức theo.Bố phải năn nỉ mãi cu Tí mới chịu đi ngủ trước mẹ.

Thường mẹ vẫn đưa cu Tí vào giường ngủ, nằm bên cạnh kể chuyện cổ tích cho cu Tí nghe, đợi cu Tí ngủ say mẹ mới về phòng với bố.Tối hôm qua mẹ bận nấu ăn nên bố phải thay mẹ kể truyện cổ tích cho cu Tí nghe.Cu Tí được bà nội huấn luyện nên rất giỏi tiếng Việt,nghe và hiểu hết. Bố kể truyện Tấm Cám, đến đoạn Tấm bị mẹ ghẻ hành hạ, cu Tí hỏi tại sao, bố cắt nghĩa: Tại Tấm không phải con ruột bà ấy, nên bà ấy không thương.Bố còn nói thêm là cu Tí rất may mắn, còn đủ cả bố mẹ nên được cưng chiều.
Mẹ thì lo làm tiệc sinh nhật, còn bố hứa sẽ mua cho cu Tí gói quà thật bự, chắc chắn cu Tí sẽ rất thích. Cu Tí sung sướng ngủ thiếp đi, trên môi còn thấp thoáng nụ cười thật tươi.

Sáng nay mẹ đưa cu Tí đi học rồi đến sở làm. Mẹ nói mẹ sẽ mua bánh sinh nhật thật bự rồi về đón cu Tí. Cu Tí hớn hở khoe với cô giáo.Cả lớp hát HAPPY BIRTHDAY thật lớn chúc mừng cu Tí.
Buổi chiều người đến đón cu TÍ không phải là mẹ mà là bà hàng xóm.Bà Nancy cắt nghĩa cho cu Tí nghe mẹ cu Tí bị đau bất thần nên không đi đón cu Tí được.Cu TÍ về nhà thấy mẹ nằm khóc trong phòng. Cu Tí chạy lại ôm mẹ, hỏi tại sao mẹ khóc? Mẹ không trả lời và càng khóc to hơn. Bà Nancy nói mẹ đang đau để mẹ nghỉ ngơi. Bà dỗ dành dắt cu Tí đi chơi mua quà sinh nhật.Bà đưa cu Tí ra TOY'R US mua Power Ranger, rồi dẫn cu Tí đi ăn kem. Gần tối bà mới đưa cu Tí về nhà.
Thấy xe bố trước cửa cu Tí mừng rỡ reo lên:" Daddy đã về, Daddy đã về" rồi chạy vội vào nhà.Nhà vẫn lạnh tanh, cu Tí chạy lòng vòng đi tìm bố, vừa chạy vừa la lớn "Daddy, where's my gift?".Mẹ từ trong phòng bước ra, mẹ đã hết khóc nhưng mặt mẹ tái ngắt.Mẹ ôm cu Tí vào lòng,cu Tí vẫy vùng tuột ra hỏi mẹ "Daddy đâu?".

Mẹ bảo cu Tí ngồi xuống ghế salon.Mẹ ngồi bệt xuống thảm ngay ở chân cu Tí.Mẹ nhìn cu Tí nước mắt mẹ chảy dài, mẹ nói trong tiếng nấc "Bố bỏ mẹ con mình rồi, bố không bao giờ về nữa"
Cu Tí khóc oà lên và hỏi bằng tiếng Mỹ "Why, Why...?"


Nhìn hai mẹ con ôm nhau nức nở, bà Nancy cũng khóc theo...Bà lặng lẽ rời khỏi căn nhà xinh xắn có những chùm bong bóng xanh đỏ lơ lửng khắp nơi, có những giải giấy đủ mầu chăng trên trần nhà bay phất phơ. Có người đàn bà trẻ mới trở thành goá phụ bên thằng bé con ngây thơ vô tội đang thắc mắc"Tại sao bố hứa mua cho nó gói quà sinh nhật thật bự mà bố lại bỏ đi luôn, không trở về?"
Bà Nancy xót xa tự hỏi: Sao người ta lại chọn đúng ngày sinh nhật của thằng bé tội nghiệp để lấy đi mạng sống của cha nó? Từ nay làm sao cu Tí còn có tiệc mừng sinh nhật nữa? Vì ngày sinh nhật của cu Tí, NGÀY 11 THÁNG 9 ĐÃ BIẾN THÀNH NGÀY ĐAU ĐỚN NHẤT ĐỜI của hai mẹ con. Quân khủng bố đã đâm máy bay vào Ngũ giác đài làm tan tành đúng ngay phòng làm việc của bố cu Tí.

Hồng Thuỷ
Cảm Tác từ Đoản Văn"Ngày Sinh Nhật Của Cu Tí":

Những Mảnh Đời Tan Vỡ


Có người đàn bà mới trở thành góa phụ 
Ôm con thơ, nàng ngồi khóc ngẩn ngơ 
Sao lại thế, sao Trời lại ác thế
Ngày sinh con, Bố ra đi không ngờ 

Có thiếu phụ trẻ măng đầu tang trắng
Sao không về dự sinh nhật vợ yêu
Nụ hôn chàng sáng nay như còn nóng 
Sau buổi làm, tin chàng đã phiêu diêu 

Có người mẹ tựa cửa mong con mãi
Ngày giỗ cha sao nó chẳng trở về
Cơn gió thốc lung linh những ngọn nến 
Bà như nghe tiếng nhủ thầm: con vừa đi 

Những người đi gợi rất nhiều thương nhớ
Người ở lại cùng với đám con thơ 
Xin dành cho họ những bàn tay nâng đỡ
Nửa hồn mong manh với bổn phận đang chờ 

Locphuc

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Thơ Tranh: Cùng Em

Chị Cung Lan ơi. 
 Thương gửi chị quà nhỏ Mừng Sinh Nhật.
Chúc chị hạnh phúc bên gia đình thương yêu và xinh tươi mãi nhé chị.


Thơ:Cung Thị Lan
Thơ Tranh: Kim Oanh

Xin Cho Tôi



Xin cho tôi trái tim còn nguyên vẹn
Của yêu thương và nhân ái chan hòa
Để tôi thấy trời xanh còn mây trắng
Và mặt trời luôn là nắng đẹp tươi

Xin cho tôi đôi bàn tay rộng mở
Của vòng ôm độ lượng và can trường
Để tôi thấy cuộc đời là che chở
Người với người mãi mãi sống yêu thương

Xin cho tôi đôi môi cười rạng rỡ
Để ưu phiền tôi được xóa tan đi
Để tôi thấy mình như là hoa nở
Và mỗi người là một vị thần tiên

Xin cho tôi nụ hôn môi thánh thiện
Của người yêu tôi chẳng gặp bao giờ
Để tôi thấy tình yêu là bất diệt
Và thời gian là vô tận của đam mê

Xin cho tôi đôi mắt buồn không nói
Của ngôn từ lặng lẽ tiếng yêu thương
Để tôi trói hồn tôi vào trong ấy
Và theo người về mãi với quê hương

Cung Thị Lan

Thương Quý Chúc Mừng Sinh Nhật Cung Lan


(Dĩ đề vi thủ)

THƯƠNG trao lời chúc BIRTHDAY
QUÝ trang kỳ nữ bàn tay dịu dàng
CHÚC em hạnh phúc ngút ngàn
MỪNG nay PHƯỚC LỘC THỌ tràn gia môn
SINH thần vui đến dập dồn
NHẬT quang tỏa sáng ngập hồn thơ văn
CUNG nghinh quan lộ chức thăng
LAN quỳnh nức tiếng thân bằng đều vui

Phương Hoa 
 Sep 9th 2020

Chúc Mừng Sinh Nhật Cung Lan



Mừng sinh nhật đến bạn Cung Lan
Mở mắt thu chào rạng nét Lan
Nhã nhặn tài tình xinh sắc ngọc
Khiêm nhường khéo léo đẹp màu Lan
Bày văn chữ nghĩa giai nhân tuyệt
Trải ý câu vần mỹ nữ Lan
“Hữu xạ nhiên hương “ vời bốn bể
Thương tràn Hội Bút tặng hoa Lan 


Minh Thúy Thành Nội 
Tháng 9/9/2020

Hồi Ức: Việc Học Hành Thi Cử Của Tôi


Đọc những trang blog bạn bè, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những hình ảnh, văn bằng, học bạ, chứng chỉ của bạn in ra, tôi thật ngưỡng mộ, thích thú như thấy hỉnh ảnh của chính mình thuở còn đi học. Ngày nay tuổi đã xế chiều tôi cũng muốn ôn lại những kỷ niệm thời đi học, những tháng ngày miệt mài học hành thi cử, có khi thức trắng đêm để ôn bài cho kỹ, sáng mai vào trường thi. Có bạn còn giữ nguyên học bạ từ tiểu học cho tới trung học, thật là may mắn! Nhìn học bạ ta có thể hiểu được lúc ấy ta học ra sao qua lời phê của thầy cô dạy lớp. Sự phê bình của thầy cô rất quan trọng, nhất là thầy chủ nhiệm, có thể ảnh hưởng quyết định cuộc đời của học sinh. Nói tới đây tôi lại nhớ tới một người bạn tên P. ( hiện ở Mỹ), anh học giỏi nhưng vì xích mích, hiểu lầm với thầy giáo trẻ dạy Đệ Nhị B vừa là Giáo Sư Hướng Dẫn của anh, khi hai thầy trò cùng có cảm tình với một nữ sinh của trường. Anh cứ tưởng mọi việc rồi cũng đi qua không ngờ khi đậu xong tú tài I, anh chuyển về Sài Gòn xin vô Petrus Ký (vì lúc đó Trung Học công lập Tây Ninh chưa mở Đệ Nhất), trường từ chối vì anh bị giáo sư phê là "học trò vô phép, vô kỷ luật, vô đạo đức". Tới chừng đó anh mới ngã ngửa, không ngờ thầy lại phê như thế! Anh ôm mối hận trong lòng đành ra học trường tư, tốn nhiều tiền nhưng biết làm sao? Năm đó anh đậu dễ dàng Tú Tài II ( năm 1961).


Cá nhân tôi không giữ được học bạ trung học, chỉ còn học bạ trường Sư Phạm Sài Gòn.
Nhìn học bạ tôi bùi ngùi xúc động, nó theo tôi 55 năm, bây giờ mới mở ra xem! Tôi đọc kỹ lời phê và nhận xét của thầy. Nói chung việc học của tôi không đến nổi tệ. Có những tờ giấy ố vàng màu xám xịt, rách lưa tưa, chữ in lem luốt mờ nhạt, khó nhìn ra chữ. Tôi đọc tên từng thầy nhớ từng cử chỉ, lời nói của thầy. Kỷ niệm ngày xưa hiện ra trước mắt. Năm thứ hai, việc học của tôi sa sút không thể tưởng: bị đuổi khỏi nhà trọ vì thiếu tiền, chạy tới chạy lui, tôi không còn tinh thần để tiếp tục học, tôi muốn bỏ cuộc. Nghèo đói bịnh tật, tinh thần sa sút hẳn. Còn lại độ nửa năm mà tôi đuối sức, tôi phải tính cách khác: tự nấu cơm ăn với rau muống mỗi ngày. Trong lớp 44 học sinh cuối năm tôi đứng thứ 40! Thi ra trường nhờ tôi làm trúng câu hỏi phân tích cú pháp một câu cho sẵn (lâu rồi không nhớ): Tôi nói đúng được chủ từ, động từ, túc từ và nhiệm vụ theo văn phạm Việt Nam (túc từ: bổ nghĩa cho động từ). Sách nhà trường, cuốn “Sơ Thảo Ngữ Pháp Việt Nam” không nói rõ phần nầy, chỉ bàn nhiều về phát âm học và khả năng kết hợp các “từ” trong câu (giống sách của học giả Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê). Còn tôi đọc thêm sách “Văn Phạm Việt Nam” của Bùi Đúc Tịnh nên trúng tủ câu nầy! Kết quả tôi đậu hạng 180/344. Hú hồn! tưởng đậu hạng chót đi dạy Cà Mau, Bến Hải!


Nói về kỳ thi vào Đệ Thất trường công năm 1955, tôi thật may mắn nên đậu ngay khóa đầu tiên của trường mới vừa mở. Năm ấy đang học lớp Nhất (lớp Năm bây giờ) trong giờ học, người bạn tên Hai ngồi cạnh tôi kéo ra cuốn sách “147 Đề Thi Đệ Thất" của tác giả Bùi Văn Bảo, tôi ngạc nhiên thích thú. Vốn con nhà nhèo, tôi không hề có một quyển sách để đọc, chỉ học bài trong lớp mà thôi, hơn nũa ba tôi là một công nhân thường, hồi nhỏ do hoàn cảnh nên không tới trường như những đứa trẻ khác do đó ba tôi không biết gì về chuyện học hành của con cái, nói chi tới việc mua sách luyện thi. Tôi mừng trong bụng nên năn nỉ bạn cho mượn sách một tuần để chép bài thi. Bạn từ chối, tôi năn nỉ tiếp, sau cùng bạn cho mượn một đêm, sáng mai nhớ trả nghen! Chiều hôm đó sau khi ăn cơm xong tôi chép bài suốt đêm không ngủ, tính ra được 10 bài. Từ đó tôi cứ luyện những đề thi đó, vậy mà hai tháng sau tôi thi đậu vào Đệ Thất! Còn Luận Văn và câu hỏi Thường Thức thì tôi chỉ trung bình, nhưng nhờ trúng bài Toán nên đậu hạng 80/120. Đề Toán tôi nhớ đại khái: Hai xe chạy ngược chiều, vận tốc xe 1 là 30km/giờ, xe 2 là 40km/giờ. Đoạn đường 170km, xe 1 khời hành lúc 8 giờ sáng, xe 2 khởi hành sau xe 1 là 1 giờ. Hỏi khi gặp nhau mất mấy giờ, khoảng cách từ chỗ gặp tới A, B là bao nhiêu?


Lên Đệ Tứ, hoàn cảnh nhà tôi không có gì khá hơn, trái lại nhà đông con, lớn lên ăn nhiều nên càng hao tốn. Lúc nầy việc học trở nên khó khăn tôi cũng không có một quyển sách Toán Lý Hóa để luyện thi, ngoài chợ Tây Ninh cũng không có nơi nào bán sách. Cuối năm tôi thi rớt dễ dàng! Lúc nầy có vài đứa bạn thi rớt bị gọi đi quân dịch, ba má tôi sợ tôi đi lính trơn nguy hiểm nên cắn răng cho tôi xuống Sài Gòn ở đậu nhà người cô đường Nguyễn Thông để luyện thi trung học và Tú Tài I. Viết tới đây tôi càng thương ba má tôi đã vì con mà hy sinh vật chất, chịu đựng cam khổ lo cho tôi ăn học. Công ơn cha mẹ như trời biền, tôi chưa kip đền đáp thì song thân đã ra người thiên cổ! Dạo đó tôi nghe má tôi nói lương tháng của ba tôi chỉ có 750 đồng (năm 1960). Tôi ghi tên học trường tư thục Phan Sào Nam đường Trần Quý Cáp, bữa nọ sau khi đi học về, ngang qua trường Nguyễn Khuyến thấy quảng cáo sách luyện thi Trung Học Đễ Nhất Cấp môn Đại Số, tác giả Bùi Hữu Đột. Tôi ghé vào mua ngay quyển nầy. Mừng hết sức! Tôi cần thêm một quyển toán Hình Học mà không biết ở đâu bán? Một tháng sau, lúc trời vừa tối, tôi đạp xe xuống trường, thằng tới tư thục Trường Sơn, bất ngờ tôi thấy người ta đổ một đồng sách báo bên lề đường bán “xôn” thật rẻ. Tôi ghé vào ngồi xuống lựa, thấy quyển “Toán luyện thi Trung Học Đễ Nhất Cấp môn Hình Học”, tôi mua ngay rồi vội vã quay về để đọc sách. Đã quá! Toàn là những đề thi toàn quốc từ hơn 20 năm qua thật đặc sắc mà tôi chưa từng nghe nói. Tất cả 100 bài! Lạ nữa là sách in tại Hà Nội sao lại bán xôn trong Nam? Có hai ”bửu bối” trong tay, tôi ôn luyện hằng ngày, cuối năm thi đậu dễ dàng. Thi Tú Tài I không có gì đáng nói. Tú Tài II mới gay go.


Chương trình Tú Tài II ban Toán rất nặng, tôi không có tiền mua sách vở, phải đợi khi ra trường, đi dạy tôi mới có tiền mua đủ bộ sách Toán Lý Hóa luyện thi. Tú Tài II tôi nộp đơn thi khóa 2 (1966) với tư cách thí sinh tự do, khi đậu viết thì phải qua kỳ vấn đáp, thật hồi hộp. Năm đó tôi thi vấn đáp tại trường Petrus Ký Sài Gòn. Cuộc thi bắt đầu 8:30 sáng, nhà tôi cách trường 300m (đường Trần Bình Trọng, sau trường Sư Phạm Thực Hành), không hiểu tại sao tôi cứ đinh ninh rằng cuộc thi bắt đầu 9:00 sáng, mà chủ quan không xem lại phiếu báo danh, nên tôi tới trễ nửa giờ! Cửa trường khép kín, quấn bằng dây lòi tói, khóa bằng ống khóa to tổ bố không cách nào lách vào được. Tôi hoảng hồn la inh ỏi, không ai ra mở cửa, bất chợt ông lao công từ phía trong bước ra hỏi tìm ai? Tôi trả lời: "đi thi vấn đáp!". "Sao giờ nầy mới tới? Thầy cô về hết rồi!". Tôi tá hỏa tam tinh. Khóa nầy mà rớt thì coi như xong, phài đợi sang năm thi lại từ đầu! Tuy nói thế nhưng ông vẫn mở cửa cho tôi vào (sau khi tôi trình giấy báo danh). Tôi phải cám ơn ông rất nhiều vì nếu ông không mở cửa thì tôi đành chịu vì lỗi tại tôi, và thêm cái may nữa là thầy giám khảo vẫn còn ngồi tại lớp đợi tôi.


Tôi không biết phòng thi ở đâu? Trường rộng quá lại có lầu, tôi chạy giáp vòng tầng dưới, không thấy phòng, mất 10 phút mệt lả. Tôi tìm đường lên lầu, chạy nửa vòng thì gặp phòng thi, tôi nhìn thấy ông thầy đi tới đi lui một mình, bên dưới không còn một thí sinh nào hết! Thầy nghiêm mặt hỏi tôi sao tới trễ , 5 phút nữa mà tôi không tới thì thầy đi về! Tôi xin lỗi rồi ngồi xuống bàn đợi thầy hỏi bài (môn Pháp Văn). Thầy đưa sách bảo tôi đọc một đoạn, xong hỏi: Ông Pasteur tìm ra được gì? Tôi đáp: "thuốc ngừa bệnh chó dại". Thầy hỏi tiếp: "Còn gì nữa?" Tôi ú ớ…thầy nói: "Thuốc ngừa bệnh đậu mùa!" Thầy hỏi thêm: "Hằng ngày gọi là gì?" Tôi đáp: "Au jour le jour."  "Còn cách nói khác?" Tôi ú ớ…Thầy nói:" journal". 
Xong rồi! Tôi lật đật chạy qua phòng kế bên thi tiếp môn Toán, nhưng phòng trống trơn! Đàng kia có một thầy vừa trong phòng bước ra, tôi chạy theo xin thầy cho thi, thầy quay vào lớp bảo tôi ngồi đó, đưa giấy cho tôi làm bài.
Hình Học: Câu 1/ Conic là gì? Cho ví dụ mỗi thứ, vẽ hình minh minh họa. Câu 2/ Hình vẽ sẵn, hãy trả lời: nghịch đảo tiếp tuyến là gì? Nghịch đảo vòng tròn là gì? Đáp: Nghịch đảo của tiếp tuyến là vòng tròn và ngược lại.
Đại Số câu 1/ Tính đạo hàm của hàm số dạng y=u/v. Câu 2/ tính nguyên hàm của hàm số y=2x( mũ 3)+3x( mũ 2). Tôi làm 10 phút thì xong, đưa bài cho thầy.
Ra về nghe lòng thanh thản, nhẹ tưng nhưng lại lo không biết có pass nổi môn Pháp Văn không? Chuyện nầy kể lại cho bạn bè nghe có người ngờ vực cho rằng tôi nói dóc! Làm gì có chuyện đi thi trễ giờ? Làm gì mới có nửa giờ mà tan học? (ông lao công nói vậy, chứ thực tế thầy vẫn còn ngồi trong lớp, chưa ra về). Xin thưa: hội đồng thí sinh tự do dành cho người lớn công chức, quân nhân, họ đi thi cốt nghỉ phép, ít người thi lấy bằng cấp vì họ không có thì giờ ôn luyện, nhưng Bộ Giáo Dục vẫn phải tổ chức cuộc thi, một hội đồng dành riêng cho họ. Kỳ đó hội đồng thi đậu có 10 người thôi bà con ơi! cho nên giám khảo chỉ mất nữa giờ là xong! May mắn kỳ đó tôi thi đậu (còn giữ văn bằng làm kỷ niệm).


Năm 1967 tôi bị động viên đi Thủ Đức. Năm 1969, biệt phái về dạy học, năm 1970 thi đậu chứng chỉ Khả Năng Sư Phạm Trung Cấp Sài Gòn (đề thi gồm ba bài viết, bài 1: Luận Văn, bài 2: Sư Phạm lý thuyết, bài 3: Sư Phạm thực hành, cho trước một bài thơ, dựa vào đó soạn một bài lên lớp. Không có thi vấn đáp) cải ngạch giáo sư, dạy trung học, tôi ghi danh học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, đậu Cử Nhân năm 1973. Tôi thích nhất là Văn Chương Việt Hán nên theo học chứng chỉ nầy, đậu năm 1974. Tôi đã học với các thầy: Trần Trọng San, thầy trích một phần trong Tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du để dạy sinh viên, nhiều nhất là trích từ Thanh Hiên Thi Tâp. Thầy vừa giảng vừa đọc cho sinh viên chép. Xin nói thêm về nội dung các phần nầy như sau:

Cùng với kiệt tác Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du còn để lại ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Các thi tập này không chỉ góp phần làm nên diện mạo thơ ca trung đại mà còn là nguồn tư liệu giúp chúng ta tìm hiểu thế giới nội tâm của chính tác giả.
1. Thanh Hiên Thi Tập (清軒詩集, Tập thơ Thanh Hiên) chứa đựng tình cảm quê hương thân thuộc, có khi ốm đau mà chẳng thuốc thang gì, có lúc đói rét phải nhờ cậy vào lòng thương của người khác. Tâm sự của tác giả trong thời kỳ này là một tâm sự buồn rầu, có khi chán nản, uất ức…
2. Nam Trung Tạp Ngâm (南中雜吟, Ngâm nga lặt vặt lúc ở miền Nam) là tập thơ chữ Hán thứ hai (sau Thanh Hiên thi tập) của Nguyễn Du (阮攸, 1765 – 1820), một nhà thơ rất nổi tiếng của Việt Nam.
3. Bắc Hành Tạp Lục (北行雜錄, Ghi chép tản mạn trên đường đi sứ phương Bắc) là tập thơ bao gồm 131 bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian ông dẫn đầu đoàn sứ bộ nhà Nguyễn sang Trung Quốc từ đầu năm Quý Dậu 1813 đến đầu năm Giáp Tuất 1814. Đây là một tập thơ nói lên lòng thương cảm sâu xa những người trung nghĩa bị hãm hại, những người tài hoa bị vùi dập, những người lao động cùng khổ bị đói rét cùng nỗi khinh ghét giới thống trị kiêu căng và tàn bạo, được Nguyễn Du nói lên bằng những vần thơ hết sức sâu sắc.

Thầy Bửu Cầm: Dáng thầy gầy, cao lêu khêu, trưởng ban Văn Chương Việt Hán, thầy đi dạy bằng xe xích lô đạp, chở đến trường, bất kể nắng mưa gì thầy cũng mang theo cây dù thật to. Thầy phụ trách môn Chữ Nôm và Văn chương kháng chiến chống quân Minh. Cụ thể thầy giảng “Bài Ca Côn Sơn” (Côn Sơn Ca) nguyên tác chữ Hán, được Nguyễn Trãi sáng tác trong thời gian ông bị chèn ép, đành phải cáo quan về sống ở Côn Sơn. Thỉnh thoảng thầy trích dẫn những bài thơ cổ bằng chữ Hán từ quyển Hoàng Việt Văn Tuyển.
Thầy Nguyễn Khuê: dạy văn học đời Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, thầy chép bài xong trên bảng rồi bắt đầu giảng. 
Thầy Phạm Văn Diêu: dạy văn học đời Trần, tác phâm tiêu biểu Trần Nguyên Đán. Thầy đang soạn sách Văn học đời Trần gồm 3 quyển chép tay dày cộm. Vào lớp thầy bảo một sinh viên sành chữ Hán chép bài trên bảng, rồi thầy đi đâu đó hoặc uống cà phê dưới câu lạc bộ Sinh Viên, độ một tiếng đồng hồ thầy quay lại lớp giảng bài , trước hết phiên âm chữ Hán sau đó dịch nghĩa, giảng bài . Hai phần đầu thầy nói nhanh lắm không cách nào ghi kịp, Sinh Viên phải phân công mỗi người ghi một câu, sau cùng ghép lại thành bài.Sinh Viên chép bài trên bảng mà sai thì thầy bảo Sinh Viên đó lên bảng sửa lại, tôi không hề thấy thầy cầm phấn viết một chữ Hán trên bảng! 
Thầy Nghiêm Toản: dạy những tác phẩm cổ bằng chữ Hán trong văn học Việt Nam.
Còn vài thầy nữa mà tôi không nhớ tên.
Trong các chứng chỉ theo học tôi thấy chứng chỉ nầy là khó nhất, mình vừa luyện chữ Hán vừa học bài, trong nhà tôi lúc nào cũng đầy giấy nháp chữ Hán!


Sau khi miền Nam thất thủ, tôi trình diện đăng ký diện sĩ quan chế độ cũ ở Nhà Bè. Chị “Út Tịch” mặc đồ đen, tuổi độ 30, khăn rằn quấn quanh cổ, đi tới đi lui đôn đốc cán bộ điều tra lấy lời khai, thu giữ giấy tờ anh em chế độ cũ. Tôi đoán quân hàm của chị chắc cũng khá cao. Chị có một cái túi rút đựng mộc đóng dấu và mực in bỏ vào túi áo, khi nào cần chị lấy ra, đóng dấu rồi cất vào ngay, hình như chị sợ người ta lấy cắp cái mộc đó, nên chị rất cẩn thận. Tôi đang đứng sớ rớ đầu nầy bỗng chị gọi lại, bảo đưa giấy tờ cho chị xem. Chị hỏi: "Thẻ căn cước quân nhân đâu? Quân hàm gì?" ( ngày 30/4/75 khi bộ đội tiến vào thành phố, bà xã tôi gom hết giấy tờ của tôi, căn cước quân nhân đem đốt sạch). Tôi hết hồn ú ớ: "dạ …lúc lộn xộn đánh mất rồi!".  Chị nghiêm giọng: "Giỡn mặt với cách mạng hả? vừa là quân nhân, vừa là giáo sư, vừa là sinh viên, ai tin?" Tôi cãi lại: "Thật mà! tôi dạy học, là thầy giáo!".  Chị bỏ đi một lát rồi quay lại nói: "Tôi cho anh về lấy giấy chứng minh anh là thầy giáo, còn học thêm đại học, rồi trình diện tôi". Tôi vội vã đạp xe thật nhanh về nhà, lục trong tủ kiếm thêm giấy tờ, lấy tờ chứng chỉ Văn Chương Việt Hán đậu năm 1974, quay lại chỗ cũ Nhà Bè, cách nhà độ 8 cây số, may là còn gặp chị, tôi đưa giấy tờ cho chị xem, cố giải thích đây là giấy tờ chứng tỏ tôi đang theo học tại Văn Khoa. Chị ghi trong một tờ giấy, chứng nhận tôi có trình diện tại Nhà Bè rồi lấy mộc ra đóng dấu. Tôi nhận giấy, lòng mừng khôn tả. 

Hôm nay hơn nửa đời người, tôi đâu có màng chứng chỉ nầy chứng chỉ nọ, nay lục lại thấy mất tờ chứng chỉ đó, tôi chợt nhớ ra đã nộp bản chánh cho chị Út Tịch cách nay gần nửa thế kỷ mà dạo đó vì gấp rút tôi không kịp copy bản sao, làm sao đòi chị Út đây hỡi trời!

Nguyễn Cang 
(August 15, 2020)

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Khi Thái Sơn Ngã Bóng Cuối Trời - Sáng Tác: Sr. Trầm Hương - Tiếng Hát: Nguyễn Hồng Ân


Sáng Tác: Sr. Trầm Hương 
Tiếng Hát: Nguyễn Hồng Ân

Bố - Con



Chạy theo con bố bở hơi tai
Bé hạt tiêu cẳng vẫn chưa dài
Mồ côi mẹ, tình dành cho bố
Hai bố con heo hút trần ai

Con bảo thương yêu bố hết mình
Thích bố ẵm bồng mắt long lanh
Sờ cầm, con nói râu bố ráp
Nhìn ngón tay con bố nhớ hình

Mẹ nó ngày xưa nói y lời
Trời mây man mác nắng buông lơi
Người đi kẻ ở còn chút bé
Bé nói bé thương bố cả đời

Tám năm con lớn tuổi dậy thì
Nắng nhuộm hồng trên má trên mi
Đôi mắt nhìn xa biết mơ mộng
Bé biết yêu như gái đương thì

Cánh chim này rồi sẽ bay xa
Buồn hiu bố nghĩ phận về già
Lòng con hướng về miền đất hứa
Nghĩ thế thôi bố chả nói ra

Rồi cũng đến ngày con lấy chồng
Mình bố ra vào căn nhà không
Chiều buông tím cả chân trời tím
Mắt già, mình bố ngắm mơ mòng

Locphuc

Vầng Thơ Tạ Tội



Kính dâng hương linh MẸ kính yêu 
Hương trâm nghi ngút tỏa không gian 
Lung linh đèn nến quyện hương nhang 
Linh thiêng Mẹ hiểu lòng con đã 
Đau đớn muôn vàn lệ chứa chan 

Mẹ hỡi! Từ nay vĩnh biệt rồi 
Âm dương cách biệt đã ngăn đôi 
Mẹ đi sen nở hương hoa tiễn 
Mất Mẹ đời con vắng nụ cười 

Con nhớ sinh tiền Mẹ thích thơ
Vần thơ Mẹ viết:“ Nhớ mong chờ 
Một ngày tái hợp vui đoàn tụ 
Con hãy yên lòng đạt ước mơ”

Sao Mẹ ra đi quá vội vàng?
Con còn mờ mịt chốn hồng hoang 
Nhớ xưa Mẹ vẫn thường hay nhắc:
“ Mẹ sẽ chờ con phút khải hoàn ”

Kính Mẹ thứ tha bất hiếu nhi 
Không về đưa tiễn Mẹ ra đi 
Vần thơ con viết dâng lên Mẹ 
Là máu từ tim ứa thấm mi 

Lâm Hoài Vũ
2000

Mùi Hoa Sữa



Mưa mùa Thu chiều nay sao đến trễ
Khiến cho tôi mong mỏi đến oằn vai
Mưa tháng Chín âm thầm tôi gọi đến
Nhìn hạt mưa sao sợi ngắn, sợi dài !…

Tôi đội nắng cất đi chờ giọt nước
Để mưa rơi thấm nhẹ làn môi em
Như đường u mê đợi dòng lệ chảy
Phố lạnh lùng mong sương phủ màn đêm.

Tôi khẽ gọi tên em lần sau cuối
Đợi em về - không biết có về không
Hạt mưa phất phơ bay ngàn muôn lối
Hạt mưa nào làm ướt lạnh trong lòng ?

Về chiều mưa bằng không đừng về nữa
Cũng đừng về buổi sáng hoặc ban trưa
Hãy mang theo cơn gió mùi hoa sữa
Cho lòng tôi trắng đục buổi giao mùa…

Dương hồng Thủy
01/09/2020

Vắng Lặng




Xướng: Vắng Lặng

Lối vắng canh tàn đã lạnh tanh,
Bao năm thoảng gió cuốn qua mành.
Vườn xưa nguyện ước dù không vẹn,
Nẻo cũ chờ mong dẫu chẳng thành.
Trách cứ người đi hao tuổi trẻ,
Phiền hà kẻ đợi phí xuân xanh.
Thời gian bỏ mặc tình hờ hững,
Hạnh phúc đâu còn dưới mái tranh.

Khuyết Danh
***
Hoạ: Tình Buồn


Đêm về vắng lặng cảnh buồn tanh,
Lách tách mưa rơi gió đẩy mành.
Niềm ước xưa đành cam khuất mất,
Tơ duyên nay chịu bước không thành.
Tình yêu vuột mất thương đời trẻ,
Nổi xót ôm chầm tiếc tuổi xanh.
Có nhớ có buồn tim lặng nín,
Một mình một bóng mái nhà tranh.

Hồ Nguyễn 
(27-8-2020)

Nhân Ngày Giỗ Cha


Cha tôi sinh ngày 15/02/1910,mất ngày 01/12 năm 2009,thiếu 2 tháng rưỡi thì đủ 100 tuổi. Người gầy gò ốm yếu,lại bị suyễn từ nhỏ, nhưng ngoài ra thì rất dẻo dai, không bệnh hoạn gì, tỷ như cao máu,cao mỡ, tiểu đường...Dù đã ngoài 90 tuổi,cụ vẫn đi chợ mua trái cây,đồ ăn nhẹ,làm vườn,trồng hoa.Năm 2001,trong lúc đang trồng cây,cụ bị đau bụng và theo triệu chứng và khám bụng,tôi đoán cụ bị sạn ống dẫn tiểu.
Vào nhà thương, làm scan, thì đúng,nhưng cụ lại bị rất nhiều cục sạn trong bàng quang, mấy cục này, khi thay đổi vị trí,làm bí tiểu.Ngoài ra,nhiếp hộ tuyến cũng rất lớn,bác sĩ chuyên khoa khuyên nên mổ,một phần lớn vì tiểu ra máu, không cầm được.Mổ xong, tới khuya, sút chỉ,chảy máu phải mổ lại,biến chứng tùm lum...Lúc đó là tháng 05/2001. Cụ nằm Soins Intensifs gần 2 tháng, intube, đủ thứ giây nhợ, mà rốt cuộc cụ qua khỏi...

Mợ tôi mất năm 2004, 93 tuổi ta.Lúc đó, chúng tôi nghĩ, cha tôi chỉ trụ được vài ba tháng,nên đã lo hậu sự, giống hệt của mẹ tôi, hũ tro thì có 2 ngăn,một ngăn để trống, phần của ông cụ. Nhưng không ai ngờ, cha tôi trụ được 5 năm...Cha tôi minh mẫn, nhớ đủ thứ chuyện, không ở nhà già ngày nào, anh chị em chúng tôi chia nhau tới ở với cụ, tại căn nhà tôi mua năm 1986 khi tôi đi làm đã có tiền, để hai cụ ở cho thoải mái.(Cụ mất năm 2009, căn nhà bỏ trống, gần 5 năm, tới 2014 tôi mới dụ được con gái tôi về ở, tôi bán cho vợ chồng nó với giá vừa bán vừa cho, và tôi giữ căn nhà đầy kỷ niệm với cha mẹ) 

Khoảng hơn một tháng trước khi mất, chúng tôi phải đưa cụ vào nhà thương, vì không đủ thì giờ và khả năng để lo mọi thứ. Trong thời gian này, cụ hơi lẫn,và có hai điều làm cụ bị ám ảnh:
- Buổi nào tôi bận, không lo cho cụ ăn được là cụ lẩm bẩm: chắc ông Bình lại đi đánh bài rồi. Thì ra thằng con cờ bạc đã ám ảnh cha tôi cả đời..
- Cha tôi đi kháng chiến,hồi cư năm 1954, rồi đi cư vào Nam,xin hồi ngạch công chức,nhưng bị điều tra,cũng mất một thời gian. Trong khi chờ đợi,cha tôi đi làm ở sở Ba Soong,khi đó còn Tây.Buổi trưa,cụ ăn cơm do mẹ tôi sửa soạn từ nhà.
Cha tôi, vốn dân trường Bưởi, nói tiếng Pháp rất hay, tụi Tây có cảm tình, thường mời đồ ăn nhưng cha tôi đều từ chối.. Có một lần cụ nhận quả táo nhưng không ăn, đem về cho con. Tới giờ mỗi khi nhớ tới chuyện này là tôi lại khóc...

Muốn hồi ngạch, cha tôi cần một cái decret của bộ Tư Pháp, cái đó nó làm cụ lo sợ và bị ám ảnh, nên khoảng mấy tuần cuối đời, lâu lâu cụ lại hỏi đã có decret chưa.Có lần, tôi đưa cho cụ cái menu và dỗ "đây rồi,cậu đừng lo". Cha tôi chăm chú đọc,rồi thắc mắc:"decret gì mà có soupe với carotte". Nhớ tới chuyện này, tôi vừa thương cha,vừa cười ra nước mắt.


Cha tôi được chuyển về nhà thương cho người ở thời kỳ cuối,và cụ mất 2 ngày sau. Lúc đó tôi đang ngồi cạnh cụ đọc sách, nghe một tiếng thở dốc và cụ đi,  khoảng gần 2 giờ sáng.
Bài thơ tôi làm năm 2009,không có đề:

Trăm năm luân lạc chốn trần gian,
Một sớm ra đi thật nhẹ nhàng.
Sáu kỷ chăn chung tình lai láng,
Năm năm gối lẻ ,dạ bàng hoàng,
Con buồn tiễn biệt cha dưa muối,
Ta mừng gặp lại bạn tào khang.
Kháng chiến,di cư rồi viễn xứ,
Nơi đây xin gửi nắm xương tàn.


Chú thích:
- Một kỷ là 12 năm.Cha mẹ tôi sống chung 72 năm,là Sáu kỷ.
- Mẹ tôi mất 2004, trước cha tôi 5 năm.
- Cha tôi vốn dân nhà quê,l àng Phúc Tằng,huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Tuy cụ ăn đủ thứ, nhưng vẫn thích những món nhà quê,như cà bung,dưa chua..

Nhân tiện đây, tôi xin nói thêm một chút về mấy người bạn của gia phụ. Cha tôi,quê ở làng Phúc Tằng, huyện Việt Yên,tỉnh Bắc Giang.( Nhà thơ Hoàng Cầm sinh ở đây,ngụ cư,không phải gốc và có tên là Bùi Tằng Việt).
Hồi nhỏ, cha tôi có học chữ nho, về sau mới học quốc ngữ,rồi vào trường Bưởi.
Bạn tiểu học của cụ là bác Nguyễn Kim Trọng,thân phụ của BS Nguyễn Hữu Hiệp và bác Nguyễn Huân Lãng,thân phụ của anh BS Nguyễn Huân Trường, cả hai đều ở Montreal. Còn nhiều lắm, kể hết thì quá dài, tôi chỉ muốn nhắc đến hai bạn thơ, dù cha tôi chưa bao giờ làm thơ:
- Bác Đoàn Văn Thăng, tức nhà thơ Mai Lâm. Bác sinh năm 1915, nhỏ hơn cha tôi 5 tuổi, ở làng Hoàng Mai, gần quê tôi. Làng bác có cây thị rất lớn, nhưng chắc cũng nhiều mai, nên mới lấy Mai Lâm làm bút hiệu. Bác là người vì nghe tin vịt,tưởng Tản Đà qua đời,nên làm thơ viếng. Mấy câu đầu như sau:

Ôi thôi,hỡi bác Tản Đà,
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời.
Xa trông mây nước ngậm ngùi,
Tấm lòng thương nhớ,mấy lời viếng thăm.

(Khi đó bác đang làm công chức ở Lạng Sơn)
Tản Đà đọc xong thì rất thích chí,và trả lời:

Nực cười cho bác Mai Lâm,
Thương nhau chi mấy mà lầm khóc nhau,
Suối vàng ai đã vội đâu,
Mà cho ai nhớ ai sầu hỡi ai.
(Đây cũng là 4 câu đầu)

Trong thời gian đi kháng chiến(không phải cộng sản) chắc bác ở gần cha tôi, miền Sơn Tây, Thái Nguyên, làm nhiều thơ,cha tôi còn giữ một bài,đề tháng 12/1950:

Thoi thóp nắng chiều tắt nẻo khơi,
Núi rừng man mác,tứ u hoài
Thì thầm gió nhắn,đồi lau chạy,
Lặng lẽ cây nhìn bóng nguyệt trôi,
Phút phút mong tin,tin chẳng đến,
Ngày ngày đợi khách,khách là ai,
Ba Vì,Yên Thế,sao xa quá,
Hờ hững sông Đà,nước chảy suôi.

Sau khi di cư vào Nam,bác và cha tôi vẫn qua lại thân thiết.

Bác mất ở Việt Nam,năm 1995. Con gái bác là Đoàn Ngọc Kiều Nga ở Mỹ,  nhưng tôi không có tin tức.
- Bác Đông Xuyên Nguyễn Gia Trụ, người làng Đông Ngạc,sinh năm 1906, hơn cha tôi 4 tuổi. Bác làm nhiều thơ chữ nho, viết trên giấy rất đẹp, nhưng là thơ ca tụng cha tôi nên không giám đưa lên đây.
Sau khi mất nước, bác và bác Mai Lâm vẫn qua lại thường xuyên với cha tôi.
Khoảng cuối 1981, đầu 1982, cha mẹ tôi lo bán nhà,sửa soạn qua Canada, bác tặng bài thơ:

Nghe nói ông anh sắp bán nhà,
Qua Gia Nã Đại,nước người ta,
Tự do muốn kiếm,hoa sai lắm,
Hạnh phúc không kỳ trái nẩy ra,
Há vị áo cơm mà chậy vậy,
Mặc dù sương tuyết cũng xông pha.
Bác đi,tôi ở,ai vui khổ,
Quả đất hai đầu,nhớ bạn xa.
Bác Mai Lâm đã hoạ bài thơ này:
Nước còn phải bỏ,nói chi nhà,
Cảnh ấy riêng gì bọn chúng ta,
Bàn độc một đàn chân nhẩy đến,
Nằm vùng mấy đứa mặt ườn ra,
Chập chờn cơn mộng giang hà tỉnh,
Tan tác dư đồ huyết lệ pha,
Đất lạ rồi đây ai bạn cũ,
Trùng phùng buổi ấy ước không xa.

Bài xướng của bác Đông Xuyên thì bình thường, nói về sự chia ly và nỗi nhớ mong, Bài họa của bác Mai Lâm thì cay đắng, có vẻ rất hận tụi VC và đám nằm vùng.Bác mong ngày trùng phùng,nhưng buồn thay,ngày ấy không bao giờ tới,vì bác qua đời năm 1995,bác Đông Xuyên năm 1994 và cha tôi năm 2009. Thơ tiễn biệt thành thơ vĩnh biệt.

Ngày xưa,cụ Tôn Thất Thuyết,lưu vong và mất ở Long Châu, dân địa phương đã cảm thương mà phúng câu đối:

Nhất đán hương hồn quy Tượng Quận.
Bách niên tàn cốt ký Long Châu.

Cha tôi bây giờ cũng vậy, trăm năm tàn cốt ở nơi xứ lạ quê người...

Nguyễn Thanh Bình

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

Thơ Tranh: Con Thương Mẹ Lắm


Thơ & Thơ Tranh: Ý Nga

Thương



Thương bậu ưa nhìn thực dễ thương
Thương vì đôi má phính mầu hường
Thương lời khướu hót vang muôn hướng 
Thương giọng oanh ca dậy vạn phương
Thương dáng thanh tao bao kẻ tưởng ...
Thương hình yểu điệu lắm người vương 
Thương em hấp dẫn không sao cưỡng!
Thương kính như tân há phải thường!

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái

Cuối Đường Tử Sinh



Cuộc đời có nghĩa chi đâu
Vừa vui sum họp đã sầu chia ly
Lá hoa mới buổi xuân kỳ
Kịp qua lửa hạ tiếng ve đáp buồn

Quốc kêu hồn nước hoàng hôn
Xa quê ta đã cuối đường tử sinh
Mưa bên nàng, tuyết bên anh
Con Tạo luôn vẫn đành hanh trêu người
Thương nhau lẫn tiếng khóc cười
Ngày mai rồi cũng về nơi Tuyền Đài
Thì trao trọn hết bờ vai
Vòng tay siết chặt cho hoài nhớ nhau

Locphuc

Sáu - Tám


Xướng:

Sáu - Tám

Ai đưa câu sáu đi rồi
Bỏ quên câu tám đêm ngồi dưới sương
Trăng xanh khuyết nửa bờ thương
Ngọn mây che một nửa vương mắt người
Nghe trong mông muội tiếng cười
Như rìu chém gió cây đười ươi rung
Giữa không gian lặng vô cùng
Mà thời gian vẫn lạnh lùng đứng yên
Ta vừa lạc mất chữ duyên
Tìm đâu âm tiết tròn nguyên câu tình!

Phong Tâm
12.06.2020
***
Bài Họa:

Câu Tình Lục Bát

Câu tình lục bát gieo rồi
Sao câu tiếp vận còn ngồi hứng sương?
Đôi bờ cách một sông thương
Nửa trăng khuyết mảnh buồn vương bến người
Trong mơ vắng tiếng thơ cười
Trong thu cung lạnh phím rười rượi rung
Nhẹ rơi chiếc lá cuối cùng
Không gian vô tận … lạ lùng tịnh yên!!!
Ai dùm nhặt đóa hoa duyên
Xin gieo cung đẹp vẹn nguyên chữ tình!

Yên Dạ Thảo
21.08.2020

Đồ Sơn Tự Độc Du 涂山寺獨遊 - Bạch Cư Dị

(Ông Cò&Con trai trưởng ung dung hiking trên đường đèo 
ngày thứ Bẩy ở West Virginia)

Nguyên tác      Dịch âm                             Dịch thơ

涂山寺獨遊    Đồ Sơn Tự Độc Du       Dạo Chơi Chùa Đồ Sơn

野徑行無伴    Dã kính hành vô bạn,     Lối vắng đi không bạn.
僧房宿有期    Tăng phòng túc hữu kỳ. Ngủ chùa phải hẹn kỳ.
涂山來往熟    Đồ sơn lai vãng thục,     Đồ Sơn đi về miết.
惟是馬蹄知    Duy thị mã đề tri.           Quen chân ngựa tự đi.
Bạch Cư Dị

Ghi Chú:
Chỉ có 20 chữ mà tả được nhiều thứ quá:
Câu 1:
Tả nỗi cô đơn của một người đi một mình trên đường mòn trong rừng núi hoang vắng ( để lên chùa Đồ Sơn ).
Câu 2:
Lên chùa phải hẹn trước để sư sắp đặt việc ăn nằm ( vì chùa này nhỏ, nghèo và thiếu tiện nghi ).
Câu 3 & 4:
Tác giả thăm chùa hoang vắng này thường xuyên đến nỗi ngựa đã quen đường không cần chủ điều khiển. Con ngựa là một loại yêu tinh trung thành với chủ; nó theo chủ tới mọi nơi, ở mọi lúc để dẫn đường cho chủ và bảo vệ chủ.
Rất thân thiện. Rất kiên trì. Rất dễ thương. Rất trung thành.

 Con Cò
***
Nguyên tác:   Dịch âm:                       Dịch thơ:
涂山寺獨遊    Đồ Sơn Tự Độc Du       Dạo Chùa Đồ Sơn Một Mình

野徑行無伴    Dã kính hành vô bạn     Đường vắng không đồng hành
僧房宿有期    Tăng phòng túc hữu kỳ Ngủ chùa có hẹn trước
涂山來去熟    Đồ sơn lai khứ thục       Đi về lối đã thuộc
惟是馬蹄知    Duy thị mã đề tri           Con ngựa cũng quen bước.
Bạch Cư Dị

Ghi chú:
Đồ sơn: theo ghi chép của lịch sử Trung Hoa cổ đại, Đồ sơn có 3 địa điểm: một ở đông nam huyện Hoài Nguyên, An Huy trên bờ đông sông Hoài; một ở tây bắc huyện Thiệu Hưng, Chiết Giang; và một bên sông Dương Tử ở Trùng Khánh, Tứ Xuyên, còn có tên là Vũ Sơn.
Đồ sơn tự: chùa trên núi Đồ Sơn trên bờ nam sông Dương Tủ ở Trùng Khánh, còn có tên là chùa Sùng Lâm. Tương truyền là Vũ Vương và hoàng hậu Đồ Sơn sống nơi đây để tránh lũ lụt. Sau cách mạng vô sản, ngôi chùa cổ mất lần nhang khói, tượng, và cột sắt đo nước của Vũ Vương. 
Độc du: du ngoạn một mình
Dã kính: đường mòn hoang dã ở thôn quê
Bạn: người cùng đi
Tăng phòng: nơi ở của chư tăng trong chùa
Hữu kỳ: có thời hạn
Lai khứ: đi đi về về
Thục: quen thuộc
Duy: chỉ có
Mã đề: móng ngựa, chỉ con ngựa

Phí Minh Tâm
***
Một Mình Dạo Chùa Đồ Sơn

Không bạn trên dốc vắng
Ngủ chùa hẹn trước thôi
Đô Sơn năng tới viếng
Ngựa cũng thuôc đường rồi

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái
***
Đồ Sơn Tự Mình Đi

Lối vắng không bè bạn
Phòng tăng phải hẹn kỳ
Đồ Sơn qua lại thuộc
Vó ngựa quen đường đi

Lộc Bắc
***
Đồ Sơn Tự Độc Du 

Dã kính hành vô bạn,
Tăng phòng túc hữu kỳ,
Đồ Sơn lai vãng thục,
Duy thị mã đề tri.

Giải Thích:
- Đồ Sơn,tên chùa,không biết ở vùng nào,vì có tới 3 ngôi chùa cùng tên.
- Độc: một mình.
- Du:đi chơi.
-Dã:đồng ruộng,chỗ hoang vu.
- Kính:đường đi,đường nhỏ.
-Tăng:Sư,người tu đạo Phật.
- Thục: quen thuộc,biết rõ.

Dịch Nghĩa:

Một Mình Đi Chơi Chùa Đồ Sơn

Đi trên đường hoang dã,không có bạn.
Muốn ở phòng của sư,phải có hẹn kỳ,
Quen tới lui Đồ Sơn,
Chính là do ngựa quen đường.

Bài này,thú thật,BS đọc mà không mấy cảm xúc,chỉ thấy được nỗi cô đơn của tác giả,ở nơi hoang vắng,không quen ai,chỉ có con ngựa làm bạn.

Dịch Thơ:

Lối hoang bạn chẳng đi cùng,
Phòng sư muốn ở phải thông báo kỳ,
Đồ Sơn lui tới nhiều khi,
Chính nhờ ngựa nhớ đường đi lối về.

Bát Sách.
***
Dạo Đồ Sơn một mình
Đường vắng ta một mình
Đến chùa phải báo trước
Đồ Sơn đã quen thuộc
Ngựa cứ tự bước đi

Thanh Vân
***
Xin góp bài thơ dịch:
Độc hành đường thôn dã
Viếng chùa cần định kỳ
Đồ Sơn đi lại mãi
Ngựa quen đường cũ đi.

Hoàng Xuân Thảo
***

Ngựa quen đường cũ tới chùa
Ở nơi hoang dã gió lùa quanh năm
Nhớ sư cụ nên viếng thăm
Ta bà bàn chuyện trăm năm hững hờ
Thế sự xáo trộn buông lơ
Kiếp người tới bến chẳng chờ thoát siêu
Ngoảnh lại một kiếp tiêu điều
Lên voi xuống ngựa nay diều đứt dây

Đồ Cóc

Imagine - John Lennon (The Beatles)




Imagine there's no heaven
It's easy if you tru
No hell below us
Above us only sky
Imagine all the people
Living for today...

Imagine there's no countries
It isn't hard to do
Nothing to kill or die for
And no religion, too
Imagine all the people
Living life in peace...

You may say I'm a dreamer
But I'm not the only one
I hope someday you'll join us
And the world will be as one

Imagine no possessions
I wonder if you can
No need for greed or hunger
A brotherhood of man
Imagine all the people
Sharing all the world...

You may say I'm a dreamer
But I'm not the only one
I hope someday you'll join us
And the world will live as one

John Lennon
(The Beatles)
***
Phóng Tác: 

Hãy Tưởng Tượng

Hãy tưởng tượng thiên đường không có
Thử mà xem, bạn ạ, dễ thôi
Trên đầu ta chỉ có bầu trời
Dưới ta, âm phủ thôi hiện hữu.
Hãy tưởng như chúng ta, toàn thể
Cùng sống vui như thế hôm nay...

Hãy tưởng tượng mọi quốc gia đây
Không còn nữa, chuyện này không khó.
Và tưởng như những tín ngưỡng nọ
Cũng không còn, hỏi có gì đây
Để giết chóc, để phải xả thây?
Hãy tưởng đi, một ngày nhân loại,
Sống an bình trên toàn thế giới.

Có thể bạn sẽ nói tôi mơ
Nhưng tôi không là người duy nhất
Mong bạn đến một ngày không xa
Biến thế giới chúng ta thành một.

Hãy tưởng như không còn tài sản.
Bạn có chấp nhận thế không cơ?
Không tham lam, không còn đói kém,
Ai cũng là thân thuộc, bạn bè.
Hãy tưởng như tất cả chúng ta
Cùng sẻ chia những gì thế giới
Đã hiến tặng, mọi người, mọi giới.

Có thể bạn sẽ nói tôi mơ
Nhưng tôi không là người duy nhất
Mong bạn đến một ngày không xa
Biến thế giới chúng ta thành một.

Mùi Quý Bồng
07/18/2020