Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

Bước Chân Việt Nam - Sáng Tác: Trầm Tử Thiêng &Trúc Hồ - Liên Ca Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - TGP Melbourne Trình Bày


Sáng Tác: Nhạc Sĩ: Trầm Tử Thiêng &Trúc Hồ
Trình Bày: Liên Ca Đoàn Các Thánh Việt Nam - TGP Melbourne

Tháng Tư Và Những Oan Nghiệt

 

“...Ôi người lính tầng tầng lẫm liệt 
vác oằn vai oan-nghiệt-Việt-Nam, 
vác đồi, vác núi hờn căm 
vác rừng, vác cả biển trầm luân sâu... " 

Trích Khúc Đoạn Trường 
Cao Vị Khanh

Về Quê

 

Ta đã về… lại Quê xưa

Lòng buồn như chiếc đò đưa!

Ánh mắt mộng mơ…đâu còn nữa!

Ôi, nhớ thương…nói mấy cho vừa!


Nước non còn đó…vẫn hữu tình

Nắng vàng soi bóng lung linh…

Sao tình người… như gương tan vỡ

Biết ai đây…trời đất lặng thin!


Ôi xuyến xao…ngang trái tình đời

Lệ buồn rơi rụng… chiều vơi

Thôn xóm thân yêu…thành xa lạ

Bồng bềnh mây trắng…lạnh lùng trôi!


Bước đi… theo điệu nhạc buồn

Đường làng xào xạc…sỏi đá run run

Em ơi, còn nhận ra người thân cũ

Bờ tre, ruộng lúa…ánh mắt ngại ngùng!


Vườn xưa, nhà cũ …đổi thay

Nhớ thương…mong đợi tháng ngày

Giờ như… qua cầu nước chảy!

Ôi! cõi tạm  này! sao lắm chua cay!!


Tô Đình Đài


Chuyện Chúng Mình

 

Một lần mình gặp gỡ
Ta như còn bỡ ngỡ
Dần dà được bao lâu
Ta thật thân thiết nhau.

Tuổi ngọc ngà thần tiên
Thu gợi nhớ ưu phiền
Khói lam chiều luân chuyển
Nên tình vẫn chưa yên!

Ngày xưa đã qua
Vì mình rời xa
Dòng đời bôi xóa
Ái ân phai nhòa.

Thời gian cách xa
Tình mình và ta
Đành lòng bôi xóa
Nghe từng xót xa!

Thuyền bỗng đã ra khơi
Trên mặt hồ vắng vợi
Mái chèo chia hai lối
Lướt nhẹ lơ lững trôi.

Thuyền rẽ duyên mộng mơ
Sao mình quá dại khờ!
Cho người trong tưởng nhớ
Thả hồn viết câu thơ.

Tàu bỗng thoáng chơi vơi
Trên bầu trời sáng ngời
Cánh bằng chia hai lối
Gió nhẹ mây lướt trôi.

Tàu tiễn chân người đi
Mắt lệ ướt xuân thì
Đôi lời chưa hiểu ý
Nên tình sớm chia ly.

Lệ đá cơn mưa sa
Em khóc cho duyên ta
Nghe hồn mình băng giá
Những ngày tháng xa nhà.

Người nghĩ về tuổi thơ
Cho dẫu là tình cờ
Sao giật mình sực nhớ
Đây thật hay chỉ mơ.

Vũ Lương Đúng (Lãng Du)

Lý Lẽ Của Em


Tháng 8, 2016, tôi tình cờ đọc trên Net một bài thơ tiếng Mỹ “Paradox”. Dù cảm nhận tác giả bài thơ khó có thể là William Shakespeare, một nhà soạn kịch nổi tiếng người Anh thuộc thế kỷ 16-17, tôi vẫn bị quyến rũ bởi lời thơ giản dị nhưng thấm đầy ý nghĩa nghịch lý thông thường của phái nữ, khi nói không nhưng có nghĩa là có, khi nói có lại có nghĩa là không. Khó hiểu vô cùng! Thể như Socrate từng nói “Tôi biết rằng tôi không biết gì hết”. Hoặc như lời tựa bản nhạc nổi tiếng The Sound of Silence, và rằng lời thì thầm cầu kinh đôi khi còn vang lớn hơn cả tiếng la hét của kẻ dữ.

Paradox

You say you love the rain
But you open your umbrella when it rains
You say you love the sun
But you find a shadow spot when the sun shines
You say you love the wind
But you close your windows when the wind blows
This is why I'm afraid
You say that you love me too!
(William Shakespeare)

Tôi thích thú phóng dịch 8 câu thơ trên, đồng thời chuyển tinh thần bao quát của bài thơ nguyên thủy thành một bài thơ tự do, trang trải nỗi niềm yêu đương, tình cảm cá nhân với những lo sợ bâng khuâng, những thắc mắc thiếu tự tin và những cầu mong nguyện ước. Bài “Lý Lẽ Của Em” có mặt trong phần trang thơ của cuốn sách “Tháng Ngày Tao Loạn” xuất bản tháng 7, 2019.

Lý Lẽ Của Em

Em nói yêu mưa
nhưng em cầm dù khi mưa đến
Em nói yêu nắng
nhưng em lại chọn đứng dưới tàng cây
Em nói yêu gió
Nhưng em đóng cửa sổ chận gió len vào
Vì vậy anh mãi lo sợ
khi em nói yêu anh.

Vì vậy anh mới tạo một khung gian nhỏ bé
Ở đó vừa lớn đủ cho đôi ta
không mưa nặng làm em ướt lạnh
Không chói chan khi ánh nắng chen vào
Không gió mạnh làm lòng em lay chuyển...

Chỉ có bình an và bình an
Trong vòng tay che chở của anh
Dưới vòm hoa thơm hiền không gai
Đơm nụ hồng cho tình mình vĩnh cửu.

Tháng 8/24/2016

Nhà Văn Bác Sĩ Nhảy Dù Trang Châu, tác giả của “Y Sĩ Tiền Tuyến’ và từng là chủ tịch Văn Bút Thế Giới trong nhiều nhiệm kỳ, trong Lời Tựa cho “Tháng Ngày Tao Loạn”, đã có lời phê bình hào phóng như sau:

Tôi yêu cái tứ lạ trong bài thơ Lý Lẽ Của Em.
Vĩnh Chánh thắc mắc sao người yêu của mình nói:

"yêu mưa"
nhưng em cầm dù khi mưa đến
"yêu nắng"
nhưng em lại chọn đứng dưới tàng cây”
"yêu gió"
nhưng em đóng cửa chận gió len vào..”

Và vì sao thắc mắc? Vì nghĩ người yêu nói vậy mà làm khác nên nhà thơ của chúng ta:

"lo sợ khi em nói yêu anh…"

Đúng là anh chàng yêu quá hoá thiếu tự tin.
Nhưng sự âu lo vớ vẩn kia đã làm nên một tứ thơ lạ, đọc lên nghe dễ thương làm sao!

Trong phần giữa của “Lý Lẽ Của Em”, tôi tìm mọi cách mua chuộc, quyến rũ Nàng bằng những hứa hẹn đơn giản, thành thật và dễ thực hiện, vẻ ra hình ảnh một căn nhà đơn sơ, vừa đủ lớn cho hai đứa, hòng dễ dàng che chở, bảo vệ và giữ được Nàng qua những thử thách trong cuộc đời.

“Không gió mạnh làm lòng em lay chuyển”

Phần cuối bài thơ nói lên hạnh phúc lứa đôi trong bình an của một tình yêu vĩnh cửu. Như một lời cầu xin và dâng hiến hiền hòa.

“Dưới vòm hoa thơm hiền không gai
Đơm nụ hồng cho tình mình vĩnh cửu”.

Bài thơ tựa như một bức tranh sơn dầu chấm phá với màu sắc thú vị của mưa gió, nóng lạnh trong một cuộc sống bị giao động vì những thì thầm lo sợ viễn vông, lắm khi chủ quan.

Vài năm trước đây, trong mùa Covid, một đàn anh đưa bài thơ Paradox vào diễn đàn Toronto Medical Group, trước là để bàn cải về tác giả mà hầu như mọi người cùng đồng ý không thể là Shakespeare, mà là Bob Marley, và sau để yêu cầu cùng phụ họa phiên dịch bài thơ ấy. Có chừng gần 20 bản dịch, trong đó có bài thơ của tôi.

Từ dạo ấy, bài thơ Lý Lẽ Của Em im lặng ẩn mình trong máy điện toán. Thêm nữa, tôi học được cái hay là trúng sai chưa cần biết, nhưng cái gì Nàng nói ra, đưa ra thì phải luôn chấp hành. Vì lý lẻ của Nàng luôn đúng! Theo đúng nghĩa “Nhất vợ Nhì trời”.

Mươi ngày sau Tết Nguyên Đán 2024, vợ chồng chúng tôi mời anh chị Võ Tá Hân đến nhà dùng trưa. Với tình thân có nhau trong một buổi tiệc bất ngờ, ấm cúng và “Rất Huế” – tên của một bản nhạc bất hủ của người nhạc sĩ tài hoa mà vợ là một Công Tằng, 4 người hiện diện mở đầu tiệc Tân Niên với những câu chuyện về văn chương thi phú. Thế là tôi có dịp đọc vài bài thơ của mình, trong đó có bài Lý Lẽ Của Em. Anh chị Hân đều thích bài thơ này nhất. Và không biết vì thức ăn đậm mùi vị Tết quê hương hay vì bỗng cảm hứng với bài thơ, anh Hân rời bàn ăn, ngồi vào cây đàn piano và trong một thoáng, anh vừa dạo những nốt nhạc vừa hát lời phần đầu của bài thơ. Thật không ngờ anh sáng tác nhanh như vậy! Rỏ ràng âm nhạc luôn chảy lai láng trong người anh

Trong đêm cùng ngày, anh Hân gọi tôi, cho biết cần phải thêm một bài thơ ngắn khác cho phần giữa của bản nhạc Lý Lẽ Của Em. Tôi bèn gởi anh 3 bài thơ khác; anh chọn bài Tình Mùa Đông:

“Anh đứng bên này ở cuối Đông
Nghe hồn giá rét phút chờ mong
Em về tóc ướt tìm hơi ấm
Nhìn nắng phai dần trong nhớ nhung
Xin thật im, đôi vòng ta khép lại
Cho môi mềm, giữ ấm cõi huyền mơ
Mặc gió lạnh tuyết băng đời xuôi ngược
Ta có đôi, chắp cánh bên trời cao”
Mùa Đông, 2017

Chừng 3 ngày sau, anh Hân chính thức gởi tặng vợ chồng chúng tôi bản nhạc Lý Lẽ Của Em, phổ từ 2 bài thơ Lý Lẽ Của Em và Tình Mùa Đông kết hợp với nhau. Với phần kết trong bản nhạc là đoạn cuối của bài thơ Lý Lẽ Của Em.

Thật là tuyệt chiêu! Vì tuy ghép nối từ hai bài thơ, nhưng người nghe khó nhận được kẽ hở hay sự gián đoạn trong âm điệu. Ngược lại, hai bài thơ cùng bổ túc cho nhau, cuộn lại với nhau, hòa với nhau, làm thành một bản nhạc uyển chuyển, có âm vang êm dịu dễ gây cảm giác thanh thoát nhẹ nhàng cho người nghe.

Vợ chồng chúng tôi thật hân hạnh có thêm được một bản nhạc thứ hai phổ từ thơ của mình hiện diện trong vườn âm nhạc mang đầy màu sắc của nhạc sĩ Võ Tá Hân. Bản nhạc đầu tiên “Em Và Trăng” cũng được phổ từ 2 bài thơ nối kết với nhau.


Sáng hôm nay, ngày 3 tháng 5, 2024, tôi bước ra trước nhà, chọn và cắt một đóa hồng đẹp nhất trong bồn hoa, đem vào tặng Nàng. Như một lời chúc mừng nhau tiếp tục có những ngày bình an và bình an trong vòng tay của nhau.

Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm lần thứ 49 ngày đám cưới của vợ chồng chúng tôi, xin hân hoan gởi đến bạn đọc bài viết này kèm theo bản nhạc Lý Lẽ Của Em. Khi bạn đọc và nghe bản nhạc, đó là bạn đang cùng chia sẻ niềm vui và hạnh phúc với chúng tôi.

Rất trân trọng

Ngày 3, tháng 5, 2024
Vĩnh Chánh

秋泉 Thu Tuyền 薛濤 Tiết Đào Xiē Tāo(Trung Đường)

 
 
Nguyên tác Phiên âm

秋泉 Thu Tuyền

冷色初澄一帶烟 Lãnh sắc sơ trừng nhất đới yên
幽聲遥瀉十絲弦 U thanh dao tả thập ty huyền
長來枕上牽情思 Trường lai chẩm thượng khiên tình tứ
不使愁人半夜眠 Bất sử sầu nhân bán dạ miên

Tiết Đào Lý Dã Thi Tập - Đường - Tiết Đào 薛濤李冶詩集-唐-薛濤
Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全 唐詩-清-聖祖玄燁 cho dị bản sầu 愁 thay vì tình 情 trong câu 3.


Ghi chú:

Thu: mùa thu tượng trưng cho buồn, nên Tiết Đào mượn mùa thu để viết về nỗi buồn
Trừng: rõ.
Tả: âm thanh có tính lan tỏa.
Huyền: chỉ đàn dây lớn.
Trường lai: dài hạn, đến thường xuyên, bất tận
Bất sử: đừng làm

Dịch nghĩa:

Suối Mùa Thu

Suối lạnh lẽo, dãi sương mù trên núi dần dần tan biến,
Tiếng suối trong đêm thanh vắng tỏa ra như tiếng đàn mười dây.
Âm thanh vô tận, nằm gối đầu cảm xúc trằn trọc đã lâu,
Hơn nửa đêm người buồn vẫn chưa ngủ được.

Dịch thơ:

Tiếng Thu

Suối lạnh đêm dài khói núi tan,
Đêm thanh róc rách như ai đàn.
Âm thanh bất tận nằm cô quạnh,
Gần sáng tình sầu vẫn chứa chan.

Autumn Spring by Xie Tao

Spring water was cold and clear, and the single layer of smoke (fog) on the mountains slowly disappeared
The running water in the quiet night sounded like the ten-string zither.
The sound was endless; head resting on a pillow, I felt lonely and sad,
And could not fall asleep until past midnight.

Phí Minh Tâm
***
Những Bài Dịch Khác:

Chú giải:

初澄 sơ trừng: vừa mới lắng xuống, trong trẻo..
一帶烟 nhất đới yên: một dải mây.
幽聲 u thanh: âm thanh u-ẩn.
遥瀉 dao tả: diễn tả từ xa xa, xa xa nghe như…
十絲弦 thập ti huyền: cây đàn 10 dây.
長來 trường lai: nghĩa đen là: tới lâu dài, Trong câu này có nghĩa lả ở bất tận.
牽 khiên: Dắt đi; tiến thoái không được tự do cũng gọi là khiên.
牽情思 khiên tình tứ: bị tâm tư dẫn dắt đi bất định; dịch thoát là trằn trọc suy nghĩ.
長來枕上牽情思 Trường lai chẩm thượng khiên tình tứ: Nghĩa đen là: đầu kê trên gối quá lâu, trằn trọc suy nghĩ. Dịch thoát là: kê đầu trên gối nằm trằn trọc.
不使愁人半夜眠 bất sử sầu nhân bán dạ miên: nghĩa đen là: chẳng khiến cho người đang buồn rầu ngủ được suốt nửa đêm đài; dịch thoát là: lòng buồn, tới quá nửa đêm vẫn chưa ngủ được; Dịch gọn là: Quá nửa đêm buồn ngủ chẳng an.

Dịch nghĩa:

Suối thu

Nước suối lạnh, sương khói tan dần,
Tiếng suối reo âm-u như tiếng đàn mười dây.
Kê đầu trên gối nằm trằn trọc đã lâu,
Lòng buồn, tới quá nửa đêm vẫn chưa ngủ được.

Dịch thơ:

Suối Thu

Suối lạnh màn sương khói mới tan,
Âm-u như gẩy chục dây đàn.
Kê đầu trên gối nằm trằn trọc,
Quá nửa đêm buồn ngủ chẳng an. 

Con Cò
***
 

Suối Thu

Suối lạnh núi cao sương dần tan biến
Róc rách đêm thanh như tiếng đàn khơi
Gối đầu trằn trọc âm vọng khôn ngơi
Nửa đêm về sáng chẳng vơi nỗi sầu

Kim Oanh
***
Suối Thu.

Suối lạnh sương mờ khói núi bay,
Tiếng reo vọng lại tưởng đàn dây.
Gối đầu trằn trọc tơ vương mãi,
Quá nửa đêm sầu giấc chẳng say.

Mỹ Ngọc 
Apr. 5/2024.
***
Suối Vào Thu

Suối lạnh khói mờ sương mãn khai
Đêm thanh nước chảy ngỡ đàn ai
Âm trong thánh thót… buồn cô đọng
Trăn trở đêm dài sầu chẳng phai

Kiều Mộng Hà
Austin.4.5.24
***
Suối Thu

Khí lạnh vừa ngưng sợi khói bay
Suối từ thanh vắng tựa đàn dây
Đã lâu bên gối gieo tình tứ
Chẳng khiến người sầu dỗ giấc say!

Lộc Bắc
***
Năm 2019, BS có viết bài “ Lá Gió Cành Chim “, nhắc tới 2 câu thơ của Tiết Đào, làm tiếp thơ của cha là Tiết Trịnh:

Chi nghinh nam bắc điểu,
Diệp tống vãng lai phong,

Mà Tố Như đã mượn ý mà viết trong Kiều:

Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.

BS kể về cuộc đời thăng trầm của nàng và mối tình với Nguyên Chẩn.. Tiết là người có tài, có sắc mà đa truân, sau chán đời, đi tu.

Bài thơ anh Tâm đưa ra rất hay, nhưng dịch hơi khó.
Chữ Thu, anh Giám giải thích khác với Tạ Quang Phát trong “Hán Văn Giải Tự”: thu giả bách cốc thành thục chi kỳ, thu vi thu thành.
Chữ Sầu, là ghép 2 chữ Thu và Tâm: cảnh mùa thu làm lòng người buồn bã.

Suối Thu

Suối lạnh xuôi dòng, khói đã tan,
Âm thanh văng vẳng tựa ai đàn,
Mơ màng trên gối, lòng xao xuyến,
Khiến kẻ u buồn giấc chẳng an.

Bát Sách.
(ngày 06/04/2024)
***
Thơ Cảm Tác:

Mái tôn tí tách mưa đàn
Nhạc trời ủ rũ tuôn màn nước rơi
Em ở đâu? Anh một nơi
Tình nồng nhớ lại hết ngơi đêm dài!

Đồ Cóc
***
Góp Ý:

Tôi không dùng Hán Văn Giải Tự nên không biết Tạ Quang Phát lấy câu "thu giả bách cốc ... " từ đâu ra nhưng câu văn đó là như thế này trong Khâm Định Tứ Khố Toàn Thư: 麦秋至秋者百榖成熟之期此于时虽夏于麦则秋故云麦秋也汲蒙书作小暑至=mạch thu chí thu giả bách cốc thành thục chi kỳ thử vu thì tuy hạ vu mạch tắc thu cố vân mạch thu dã cấp mông thư tác tiểu thử chí. [ 蒙书=mông thư hình như loại sách không rõ xuất xứ, hay không chính xác, và toàn câu lược dịch thành: mạch thu chí là lúc ngũ cốc chín, lúc đó tuy còn là mùa hạ nhưng vì lúa mạch chín nên cũng là mùa thu, và vài sách viết thành tiểu thử chí]

Đây là một đoạn văn nói về tứ thời bát tiết. Vì văn trong Tứ Khố Toàn Thư không có chấm câu, TQ Phát - một người theo Tây học rồi tự hoc chữ Hán! - bắt đầu câu thiếu chữ 麦=mạch ở đầu câu rồi hiểu tào lao; câu đó nói về 至=chí mạch thu, không phải là câu định nghĩa mùa thu hay giải thích ngữ nguyên của từ thu.
***
Mùa thu và nỗi buồn trong văn thơ Hoa Lục.

Nhiều người Tàu dùng câu 秋字下加心是愁=thu tự hạ gia tâm thị sầu [chữ thu thêm tâm ở dưới là sầu] khi bàn về bài Thu Tuyền này y như thể muốn giải thích ngữ nguyên của chữ 愁=sầu, nhưng có đúng vậy không?

Từ 秋=thu bây giờ viết với bộ 禾=hòa và từ 火=hỏa. Đây không phải là lối đặt chữ hình thanh mà có thể xem như là hội ý, hoặc hàm nghĩa lúa chín đầu thu, hay sự kiện người Tàu đốt ruộng lúa sau mùa gặt (để giết trứng côn trùng). Giải thích thứ nhì có vẻ hợp lý hơn vì chữ giáp cốt văn nguyên thủy cho thu vẽ hình một con côn trùng nào đó ở trên núi, hay từ núi đến (h. 1). Quách Mạt Nhược nghĩ rằng đây là hình tượng con dế kêu trong mùa thu; nhưng cũng có thể rằng đây là hình vẽ con cào cào – nạn cào cào cắn lúa là thiên tai tạo nhiều nạn đói xưa nay. Lối viết cho thu thay đổi dần với thời gian, một phần có lẽ vì nạn Tần Thủy Hoàng đốt sách, các bộ 禾 và 火 xuất hiện với hàm ý không rõ, nhưng tôi vẫn tìm được các lối viết này (h. 2,3)
và thế có nghĩa rằng, trong một thời điểm nào đó, người Tàu xem mùa thu là mùa đốt rơm rạ ngoài ruộng để ngừa côn trùng trước mùa trồng trọt tới.

Từ 愁=sầu, trái lại, là một từ hình thanh, viết với bộ 心 và âm 秋, và chỉ có mặt trong tiểu triện, nghĩa là ra đời sau 秋 rất xa.

[《說文》: 憂也。从心,秋聲 Thuyết Văn: ưu dã. tòng tâm, thu thanh ]

Thời bây giờ hai từ 愁=sầu/chóu và 秋=thu/qiū phát âm khác nhau trong tiếng Tàu lẫn Việt nhưng thời cổ cả hai đều phát âm với nguyên/chánh âm /iw/. Và như thế có nghĩa rằng, cho dù mùa thu có thể là hình tượng của nỗi buồn, thu không phải là ngữ nguyên cho sầu.

Huỳnh Kim Giám

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

Tháng Tư Tưởng Nhớ Sài Gòn - Thư Họa Vũ Hối

 

Thư Họa: Vũ Hối

Hành Trình Vượt Biển



Hành trình vượt biển khổ đau
Con tàu sóng gió lao xao bập bềnh
Một ngày tạm biệt quê hương
Tìm đường ra biển không phương bến bờ
Hành trình vất vả ai ngờ
Bao nhiêu gian khổ đang chờ đợi ta
Ra đi từ biệt Mẹ Cha
Nhìn về quá khứ nay ta đã già

Huỳnh Phương Trạch

Đừng Nhé Em

 
(Họa Sĩ Nguyễn Sơn)

đừng nhé em, đừng nhìn sâu quá
vào lòng đêm, em sẽ rất buồn
chân đời bước trên đường băng giá
tâm ngại gì trăm ngả tuyết sương
đừng nhé em, đừng nhìn khung cửa
mà thấy mình đang giữa trùng vây
thân đời đã như rừng bốc lửa
hồn sợ gì một bữa hỏa thiêu
đừng nhé em, đừng nhìn trăm mối
sẽ thấy lòng bối rối vò tơ
sống chẳng sợ đến giờ trăn trối
chết ngại gì giữa cõi hư vô
đã chính ta vịn ta đứng dậy
sao lại tin không đủ sức đi
khi chồn chân, lúc lòng sợ hãi
hãy nhờ thơ hóa giải hoài nghi
vui nhé em, đời đi trọn bước
giữa dọc ngang sau trước thênh thang
tia mắt ngọc nhìn xuyên mây nước
mở lòng ra sẽ thấy yêu thương!

Cao Nguyên

Tôi Về

 
 
Tôi sẽ về thăm lại Việt Nam
Từ Cà Mau đến ải Nam Quan
Kẻo lỡ ngày mai khi tôi chết
Ngậm ngùi không một tiếng thở than

Tôi về mang theo vạn nỗi sầu
Tô bồi thêm cho những thương đau
Chân bước trên nẻo đường đất nước
Tưởng chừng xa lạ chưa quen nhau

Tôi thấy lòng tôi như cõi không
Trời cao đất thấp giữa mênh mông
Người xưa đã biến thành thiên cổ
Nguyễn Triệu Lưu Thần thẫn thờ trông

Dòng cũ phù sa khói phủ mờ
Giọng buồn câu hát điệu hò lơ
Cửu Long dòng cạn vơi con nước
Gió thổi sông Tiền lạc vần thơ

Tôi sẽ ngu ngơ kẻ mất hồn
Lạc vào tăm tối cõi càn khôn
Chốn cũ thành đô đường lạc lối
Sài gòn che phủ bóng hoàng hôn

Theo chuyến đò xuôi dòng sông Hương
Để nghe lời Huế nhớ Huế thương
Gió bụi phủ mờ sân áo tím
Xuân nào ai vẽ cuộc máu xương

Đất Bắc phong ba những tháng ngày
Ngàn năm văn vật đã đổi thay
Thành quách đền đài giờ cô tịch
Xa rồi bóng mát những hàng cây

Tôi sẽ về thăm chốn muôn trùng
Sử xanh huyền thoại cõi mông lung
Vang tiếng oán than lời sông núi
Giáo mác ngời loang máu anh hùng

Tôi cúi đầu lạy các vua Hùng
Nguyện thề xin giữ một lòng trung
Giữ đất cha ông xưa gầy dựng
Máu xương tiên tổ đã chập chùng

Cổ Loa thành quách nay còn đâu
Móng nỏ kim quy cháy thành sầu
Giếng xưa chôn kín hồn Trọng Thủy
Lông ngỗng oan tình dấu Mỵ Châu

Mắt đẫm lệ vương đền Hai Bà
Bên dòng sông Hát vọng lời ca
Thù chồng nợ nước thề phải trả
Cưỡi voi nhi nữ trận xông pha

Tôi đến thăm dòng sông Bạch Đằng
Ngô Quyền dựng nghĩa chống xâm lăng
Cọc nhọn đâm thuyền chôn xác giặc
Trống rền ra trận cánh buồm căng

Tôi viếng đền Đinh Lê Lý Trần
Câu thơ Thường Kiệt đã định phân
Nam quốc sơn hà vua Nam ở
Giữ vững cơ đồ trải ngàn năm

Leo đỉnh non cao khói phủ mờ
Câu kinh Yên Tử quyện vần thơ
Róc rách suối reo hồn mỹ nữ
Trần gian nhung gấm đành hững hờ

Không quên thăm đền thờ vua Lê
Nằm gai nếm mật vẹn lời thề
Mười năm đánh tan quân xâm lược
Đất nước thanh bình qua cơn mê

Cổ miếu đền xưa đã hoang tàn
Côn Sơn rừng núi lời còn vang
Lê Lợi vi quân, thần Nguyễn Trãi
Giọt lệ Chi Viên sao ngỡ ngàng

Tôi sẽ đứng bên giòng sông Gianh
Đôi đàng Trịnh Nguyễn thuở phân tranh
Vì ai chia cắt tình dân tộc
Nước rửa bao giờ sạch máu tanh

Tôi về thăm đất cũ Tây Sơn
Múa côn giục trống nuôi căm hờn
Mồng năm kỷ dậu xua tan giặc
Sông Nhị quân Thanh xác lìa hồn

Lệ phủ mờ thế kỷ hai mươi
Sông núi điêu linh vắng tiếng cười
Bến Hải đôi dòng sông chia cách
Lúa mùa sông Cửu còn tốt tươi?

Tôi về thăm lại thành phố xưa
Những ngày tháng cũ nắng cùng mưa
Ghế đá công viên mờ kỷ niệm
Ấm no hạnh phúc đã về chưa?

Tôi sẽ về thăm các bạn tôi
Chòm mây tóc bạc nhuộm nẻo đời
Kể chuyện bên dòng sông thương nhớ
Nghe chừng mắt lệ cũng đầy vơi…


Phong Châu

Cà Phê Lá Me


Tôi bắt đầu tập uống cà phê và hút thuốc vào cuối năm lớp đệ nhị, lớp 11 bây giờ. Thật lòng mà nói, lúc đó tôi chẳng thấy ngon lành gì, vừa đắng lại vừa khó thở. Nhưng theo đám bạn, không hút thuốc không uống cà phê là chưa thành “người lớn”, chưa đủ điều kiện qua cổng trường con gái trồng cây si. Cà phê thì tôi uống cà phê sữa, cà phê ít sữa nhiều. Thuốc thì tôi thử qua mấy loại của đám bạn rủ rê như Ruby, Bastos... khét và nặng chịu không nổi. Cuối cùng đành phải chọn loại có đầu lọc, thích nhất là Salem, có vị cay the the củạ bạc hà. Thế mà dần dà trở thành thói quen, thành “nghiện”. Loại thuốc lá Salem có đầu lọc rất được ưa chuộng và thông dụng. Thông dụng đến nổi không biết bao giờ, đã được “phụ đề” theo tiếng Việt, đọc xuôi và đọc ngược: "Sao Anh Làm Em Mệt – Mà Em Làm Anh Sướng"! Điều đáng nói là, những người con gái “tôi yêu và yêu tôi”, đều là những cao thủ cà phê thứ thiệt: phin đen đậm đặc, ít đường! Nên mỗi lần đi cà phê với nàng, nhìn tôi thật tội nghiệp. Vậy mà đã thành bao chuyện kể, bao kỷ niệm mai này...

Cà phê Năm Dưỡng

Quán Năm Dưỡng nằm trong hẻm đầu đường Nguyễn Thiện Thuật và Hồng Thập Tự, nối liền với đường Lý Thái Tổ. Đây là quán cà phê rất nổi tiếng của Sài Gòn lúc bấy giờ, từ thành phần công nhân lao động đến quân nhân công chức và nhất là sinh viên học sinh. Cà phê ngon hết cỡ, giá cả bình dân, nên khách sắp hàng, ngồi chen chúc, la liệt ra tới mặt đường. Ly cà phê đen đặc sệt với một cây tăm có miếng “bơ” trên đầu, quấy lên sóng sánh và thơm phức, không thể cầm lòng được. Chung quanh cà phê Năm Dưỡng còn có vài hàng gánh cơm tấm, bánh canh, cháo lòng, rất tiện lợi, vừa ăn sáng ăn trưa vừa uống cà phê luôn thể. Thích nhất là tờ mờ 4, 5 giờ sáng, thả bộ ra quán nhâm nhi một cà phê sữa nóng, bập bẹ vài điếu thuốc và lắng nghe:
“Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm… Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ… Mơ vui là lúc ngàn đắng cay... xé tâm hồn… (Sầu Lẻ Bóng, Anh Bằng) thì cuộc đời “tựa những chiêm bao”. Lại có lời đồn cà phê ở đây, chủ quán có cho chút chất ma-túy gây nghiện. Thực hư thế nào không biết, nhưng có điều cà phê Năm Dưỡng vẫn mãi mãi là bao “chuyện kể” của một Sài Gòn xưa, một thời vang bóng của tuổi trẻ bọn tôi. Nhưng điều làm tôi thích nhất là ở Năm Dưỡng, trên bàn lúc nào cũng để sẵn đường và sữa đặc, tha hồ tự làm một ly cà phê theo ý mà không cần phải gọi xin thêm. Nhất là đối với tôi, hạng uống cà phê ít sữa nhiều! Và đặc biệt là quán cà phê Năm Dưỡng hầu hết khách hàng đều là phái nam. Hiếm hoi lắm mới bắt gặp một “bóng hồng” vào quán. Thêm nữa quán lúc nào cũng ồn ào, nhạc không có gì hấp dẫn và uống cà phê như “chạy giặc”, vì phải nhường bàn cho người khác đang chờ!

Cà phê Cheo Leo

Nằm vạ ở cà phê Năm Dưỡng được nửa năm thì tôi quen với Duy, cùng trường sư phạm khoa sử, quê ở Trà Vinh. Cùng tuổi nhưng Duy từng trải và thổ địa Sài Gòn hơn tôi nhiều. Hắn không mặn với vị cà phê và không khí của quán Năm Dưỡng. Dù giá vừa túi tiền sinh viên nhưng không được ngồi lâu, ồn ào và nhất là nhạc thì quá đỗi nhạt nhẽo, lê thê. Duy rủ rê tôi đến một quán cà phê khác nổi tiếng cũng không kém, gần đó: quán cà phê Cheo Leo. Nằm sâu trong con hẻm cùng trên đường Nguyễn Thiện Thuật gần góc Phan Đình Phùng. Quán cà phê Cheo Leo đẹp, thanh lịch và hầu như dành cho giới nghệ sĩ, công chức, sinh viên học sinh. Cà phê đặc biệt, loại “cứt chồn” từ Buôn Mê Thuộc được mua về, rang và pha chế tại chỗ. Cà phê được pha bằng vợt lẫn phin, nhưng tôi thích pha bằng vợt hơn. Độ nóng vừa tới, nguyên vẹn còn phin thì đậm đặc thật nhưng đôi lúc phải cho vào thêm nước sôi mới đủ độ nóng. Nhạc chọn lọc, không khí phóng khoáng, lãng mạn và nhất là hai cô con gái xinh đẹp của ông chủ quán. Có lẽ vì những điều này nên một ly cà phê Cheo Leo vượt ngoài túi tiên của bọn sinh viên học sinh nghèo, ở trọ xa nhà. Chỉ lâu lâu một chầu, nhịn ăn bóp bụng, mới tới Cheo Leo một lần để thưởng thức cà phê và hai người đẹp. Cô chị đẹp và ăn mặc sexy hơn cô em, nên lần nào nàng ra tính tiền là khoản tiền “bo” cũng cháy túi biết bao cây si (trong đó có cả tôi). Từ ngày theo Duy chuyển qua quán cà phê Cheo Leo, tôi luôn hụt trước thiếu sau, biết nói dối để mượn tiền bà chủ nhà trọ. Còn nhớ cô chị tên Nguyệt và cô em tên Cầm. Tôi thích nét đẹp và dáng dấp dịu hiền của Cầm nhiều hơn.

Mỗi lần ghé quán, tôi làm bộ để chờ đợi Cầm ra mới kêu cà phê và cả lúc tính tiền. Đến nỗi những ngày đến quán sau này, Cầm không cần phải đến hỏi mà mang ra cho tôi ly cà phê sữa nóng, cà phê ít sữa nhiều! Cũng may tình trạng “mê cà phê đến thiếu hụt” không kéo dài được bao lâu thì tôi quen với N.T. Lúc đó tôi đang “tập tành”viết kịch cho đài truyền hình Đắc-Lộ. Đây là đài truyền hình nhỏ của tổ chức công giáo, được sự tài trợ của UNESCO nhằm bảo tồn và phát huy những phong tục tập quán giá trị cổ truyền của quê hương, đất nước. Đang theo học khoa sân khấu kịch nghệ trường Quốc Gia Âm Nhạc, N.T làm thêm và có vài vai diễn cho ban kịch của đài truyền hình Đắc-Lộ. Thường khi viết xong một kịch bản, tôi nhờ N.T đọc lại và đánh máy. Những kịch bản được chọn và phát hình, tôi được trả một món tiền nhuận bút khá lớn, đủ để bao bạn bè và tiêu xài cả tháng. Một lần nhận xong, tôi rủ N.T đi ăn cơm thố Nam Sơn và cà phê quán Cheo Leo:
“... Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau, Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi. Sông này đây chảy một giòng thôi, Mây đầu sông thẵm tóc người cuối sông..." (1)

Tiếng hát tha thiết, vời vợi của Thái Thanh vang lên như xô đẩy cả không gian trong quán nhỏ chìm vào tận cùng của nỗi nhớ. Tôi và N.T chọn chiếc bàn gần cuối dãy, mang theo nhiều ánh mắt nhìn của người chung quanh. Với khuôn mặt trái soan đẹp, chiếc cổ thon cao mái tóc dài, N.T luôn thu hút và làm chủ đám đông khi hiện diện. Không phải đợi lâu, Cầm bước ra nhìn N.T chút ngập ngừng và hỏi uống gì. “Ly cà phê đen, ít đường, để đá riêng”, N.T gọi sành sỏi, không cần nghĩ ngợi. Cầm ghi nhận, quay sang tôi cười cười, rồi đi vào trong. Người mang ra không phải là Cầm mà Nguyệt, tóc búi cao với chiếc váy ngắn, thật ngắn nếu cúi xuống thấp có thể nhìn thấy trọn vẹn cả đôi chân dài nõn nà. “Anh đến đây thường xuyên lắm sao? Quán cà phê nghe nhạc hay cà phê ngắm đùi trần?”, N.T cau mày. Chưa kịp phản ứng, nàng đã kéo ghế đứng lên: “Mình đến quán khác, đi anh!” Tôi ngơ ngác, chưa hiểu gì, vội trả tiền (vẫn còn tiếc ly cà phê sữa nóng). “Mình đi đâu đây em?”. “Cà phê ngon nhất Sài Gòn, cà phê lá me!”

Cà phê lá me


Đó là dãy cà phê vỉa hè nằm dọc theo đường Nguyễn Du, dưới những hàng me rợp bóng. Từ đoạn phía trước tòa án quận 3 kéo dài qua khỏi văn phòng của bà luật sư Ngô Bá Thành, gần đến khúc quẹo vào vườn Tao Đàn. Hầu hết khách hàng là giáo chức, giới văn nghệ sĩ, nhà báo và sinh viên học sinh. Cà phê đủ loại có vợt lẫn phin, gía cả rất ư là bình dân, vỉa hè, vừa vặn túi tiền của mọi người. Đặc điểm nổi bật của cà phê lá me là bạn có thể ngồi “ngâm” một ly cà phê, vài ba bình trà cũng không phiền hà gì ai. Bàn ghế gỗ, nhỏ thấp và có thể tự phục vụ. Buổi trưa trời Sài Gòn nóng như lửa đốt, nhưng nhờ những tán me cổ thụ dọc bên đường, khách cũng thư thả nhâm nhi ly cà phê “đứng gió”. Cả mấy cô thư ký làm trong tòa án quận cũng lấy giờ nghỉ trưa cùng tách cà phê vội. Không ai để ý ai, chỉ tụm ba tụm bốn nhấp từng ngụm cà phê và bàn thảo chuyện bên lề. Hòa quyện vào tiếng cười nói là từng dòng xe cộ chạy rong ruổi trên đường. Tất cả tạo thành không gian âm nhạc của dãy quán cà phê lá me chen lẫn giữa đời. N.T chọn chiếc bàn sát bờ tường chỉ có hai ghế ngồi gỗ thấp. Người chạy bàn là những sinh viên làm thêm, cũng vừa là khách. Ly cà phê đá ít đường cho nàng và cà phê sữa đá, nhiều sữa cho tôi. Cà phê thơm ngào ngạt và rất ngon. Chỉ cần vài ngụm là tất cả giác quan chừng như bùng vỡ, lâng lâng. Ngồi dựa vào tường, nhâm nhi từng ngụm, nhìn N.T hay nhìn bâng quơ cuộc sống đang từng dòng cuốn quanh, thật thú vị, thật “đã”. 
Thỉnh thoảng có vài cơn gió nhẹ, thổi lan man từng đợt lá me bay rụng phủ mặt bàn, mặt đường và rơi lạc lõng trên tóc người yêu dấu. Khuôn mặt N.T đẹp lại càng đẹp thêm. Tôi có thể nhìn rõ từng sợi chân mày vén khéo, vắt ngang dài khỏi đuôi mắt, từng sợi lông tơ trên hai má của nàng. “Làm gì nhìn em dữ dzậy? Anh uống thử chút cà phê của em đi”, vừa nói N.T vừa đổi vị trí hai ly cà phê. “Đắng quá mà em cũng uống được!” Tôi nhăn mặt. “Anh uống cà phê như người ta ăn chè”, nàng cười, chế nhạo. “Uống ly cà phê của em là tối hết ngủ luôn”. “Hết ngủ thì nhớ em”. “Nhớ em, anh sợ mấy anh chàng phi công không quân giội bom nát căn gác của anh! Còn em. Không ngủ được thì em làm gì?” “Không ngủ được, thì em nhớ người... dưng. Hổng thèm nhớ anh đâu mà sợ!”


Cà phê vỉa hè là cả nét văn hóa của người Sài Gòn. Cà phê lá me là cả một “truyền thuyết” thời sinh viên, thời kỳ: “Yêu nhau trong cuộc đời, mơ duyên tình dài gắn bó đôi lời… Ta quen nhau một ngày, thương nhau trọn đời, giữ cho lâu dài (Ngăn Cách – Y Vân)”, của tuổi tôi vừa lớn. Những tháng ngày mơ ước, những bài thơ tình thấm đẫm hương môi, những đợi chờ ngóng cổ, những chuyện đại sự “lấp biển vá trời”... bên ly cà phê có lá me bay bay vương mờ kỷ niệm. Tuổi trẻ của Sài Gòn, tuổi trẻ của thời chiến tranh cùng khắp, tuổi trẻ của những khúc tình ca:

“Theo em xuống phố trưa nay đang còn chất ngất cơn say, Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau... (2)

Hay cả những âm thanh từ quán bar đèn màu khói tỏa phía cuối một góc đường: “As long as I remember, The rain's been comin' down. Clouds of mystery pourin' Confusion on the ground. Good men through the ages, Tryin' to find the sun. And I wonder, still I wonder, Who'll stop the rain (3)
Cà phê lá me trở thành nơi cà phê “xé lẻ” của tôi và N.T. Dần dà tôi đã tập uống được phân nửa ly cà phê đen đắng và N.T thì “ăn chè” một phần cà phê sữa của tôi. Trong đắng có ngọt và trong ngọt có đắng. Bên ly cà phê lá me mỗi trưa, mỗi chiều có nhau hay chỉ một mình, tôi luôn nhìn thấy cuộc sống vây quanh giữa lá bụi đường. Cái vỉa hè như khung trời mở rộng, hơi thở tình yêu tự tại khoảng không. Có lần N.T đưa tôi tới một quán cà phê cửa kiếng máy lạnh nổi tiếng Sài Gòn với nhóm văn nghệ “khá giả” của nàng: quán cà phê Cái Chùa (La Pagode), góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn. Khách toàn là giai nhân tài tử, chính khách tên tuổi, văn nghệ sĩ đi bằng xe hơi, và giá ly cà phê là cả tuần nhịn đói của bọn sinh viên chúng tôi. Không khí mát lạnh giữa Sài Gòn oi bức, như nhốt kín mọi tiếng động, mọi hơi thở của cuộc sống ngoài kia. Trên đường về: “Lần đầu, đây cũng là lần cuối. Anh sẽ chết ngợp vì ly cà phê thiếu khí trời”, tôi nói với N.T. “Nhìn anh, em biết. Sẽ không có lần nữa, anh đừng giận em”. “Không đâu. Đó là mặt khác, có thật của đời sống thôi!” Sau này với T.H cũng vậy, cao thủ cà phê, phin đen đậm đặc, ít đường và không bao giờ uống có đá. Tính tình mạnh mẽ, bốc đồng T.H thích dầm mưa Sài Gòn để… uống cà phê. Khi thì ngồi co ro dưới tán me và cơn mưa tạt ướt cả vai lưng áo hai đứa. Khi thì chạy tuốt lên quán cà phê Hương gần nhà thờ Tân Định ướt mèm tóc tai quần áo, chỉ để uống ly cà phê, chỉ để ngồi lặng im nghe hơi ấm trong tay và nhìn những sợi mưa giăng giăng phủ mặt đời: “… Mưa có buồn bằng đôi mắt em / Tóc em từng sợi nhỏ / Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…” (Như Cánh Vạc Bay – Trịnh Công Sơn).

Những năm tháng bên ly cà phê lá me vỉa hè, tôi học được mọi sự sống trên cuộc đời vô thường này đều cần có tự do và khí trời. Hạnh phúc, tình yêu cũng không ngoại lệ, cần được nuôi dưỡng bởi bầu trời cao rộng của tự do. Vết cắn của N.T có sâu, có rướm máu bao nhiêu, môi tôi cũng kéo lớp da non theo ngày tháng… Tất cả chỉ còn lại những nếp nhăn tận cùng của kỷ niệm, của dĩ vãng lúc chìm khuất, lúc chập chùng trong giấc mơ xa. Mất mát đôi lúc không phải là những khổ đau. “Ai đưa con sáo sang sông, Để cho con sáo sổ lồng bay xa”, xót xa trách móc phải chăng chỉ là sự ước lệ? Hãy để con sáo bay xa, bay cao trong khoảng trời rộng bao la có thể. N.T lấy chồng khi mới vừa hai mươi, chưa kịp tốt nghiệp trường kịch nghệ. Chồng nàng không phải là mấy anh phi công không quân hằng đeo đuổi, mà một viên chức làm trong bộ ngoại giao. Cuối năm 1974, N.T theo chồng sang Tân Gia Ba (Singapore), bỏ hẳn cuộc chơi.

***

Gần đây trong nước với hàng loạt quán cà phê khang trang, sang trọng mở ra cùng khắp và phát động chiến dịch “dọn dẹp” hàng quán vỉa hè, nhất là ở Sài Gòn. Đọc tin tôi buồn, thật buồn và nuối tiếc dưng không. Biết rằng thay đổi là quy luật tất yếu của thời đại và vạn vật, nhưng sao lại khó cầm lòng. Có nhiều nỗi khổ đau con người mong không phải gặp, không phải đối diện. Những nỗi khổ đau lấp chìm mọi ước mơ, mọi nhân phẩm của con người. Nhưng cũng có những niềm đau thương nâng cao tâm hồn và mơ ước của chúng ta đến tầm cao khác. Nỗi đau thương trong tình yêu là một! Tất cả sẽ thoáng qua, sẽ cát bụi đời này. Đến nay, mấy chục năm sau, rong ruổi qua bao biển rộng sông dài, tôi vẫn chưa quen uống ly cà phê đen ít đường. Tôi vẫn một đời, sống với ly cà phê sữa nóng, nhiều sữa ít cà phê.Tôi vẫn sống với bao nhiêu cuộc đời đổi mới, sao lòng vẫn cũ kỹ rêu phong. Vẫn nhiều lúc như đang ngồi bên ly cà phê lá me với N.T, với T.H nhìn gió cuốn nghiêng nghiêng ngàn vạn chiếc lá me bay; rồi tất cả chợt lùi dần, chìm sâu vào khoảng không hun hút bụi đời:

“Giờ đã xa nhau, những kỷ niệm xin vẫy chào, Vùng lá me bay, năm tháng dài thương nhớ ai. Em cố quên đi, thương nhớ làm gì. Tình mình như lá me rơi, trên giòng xuôi biển khơi..." (4)

Nguyễn Vĩnh Long

(1) Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng – Phạm Duy, thơ Phạm Thiên Thư
(2) Vũng Lầy Của Chúng Ta – Lê Uyên Phương
(3) Who’ll Stop the Rain – Creedence Clearwater Revial
(4) Vùng Lá Me Bay – Anh Việt Thanh

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

Mẹ Việt Nam Ơi! Chúng Con Vẫn Còn Đây - Thơ: Hoàng Phong Linh - Phổ Nhạc: Nguyễn Ánh 9 - Liên Ca Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - TGP Melbourne Trình Bày


Thơ: Hoàng Phong Linh
Phổ Nhạc: Nguyễn Ánh 9
Trình Bày: Liên Ca Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - TGP Melbourne

Ru Anh



Luyến lưu đau khổ càng nhiều
Nhớ nhung âm ỉ tim yêu khắc gì
Xé hồn tiễn bước người đi
Chinh y anh khoác kinh kỳ rời xa

Phút cuối chia tay bến phà:
"Thanh bình trở lại gần mà nhé em!"
Hôn lên đôi mắt ướt mềm
Vuốt ve chảy tóc tay êm người tình

"Hòa bình" sao em một mình!
Người đâu biền biệt chẳng tin tức rồi
Lạc đàn một cánh chim côi
Thái lai anh sẽ khứ hồi bên em

Ru anh giấc ngủ bình yên!

Kim Oanh
4.2024 

Đám Tang Không Quan Tài

 

Sáng hôm đó ngàn cây đầy nước mắt
Thành phố vừa gục chết giữa đôi tay
Bên những người vừa tun tiết ai hay
Không hòm gỗ, chẳng quan tài đưa tiễn

Lệ cây lá không chôn người bại chiến
Đủ rữa tan một đôi chữ tự do
Và đủ nhoè hạnh phúc với ấm no
Để trơ lại chấn song tù bưng kín

Đôi tay ta, thành phố nằm câm nín
Viên đạn đồng ru giấc ngủ hùng anh
Người mang theo nợ nước chưa hoàn thành
Đôi vai nhỏ vác nỗi hờn quốc diệt

Tay vuốt mắt. Sài gòn tôi! Vĩnh biệt
Nước mắt nào rửa hết những oan khiên
Cây lá nào lệ đẫm dáng nghiêng nghiêng
Đời đang chết. Khác chi người sau, trước

Sáng hôm đó lễ tang một đất nước
Không quan tài cũng chẳng hố vùi thây
Chỉ mây lam, đây đó những hàng cây
Và lệ đã cong quằn trên lá cỏ

Hoài Tử

Sầu Đong




Người ở đâu đông dài khắc khoải
Những con đường bóng đổ thâm u
Và nơi đó hằn sâu kỷ niệm
Đôi mái đầu ướt đẫm dưới mưa

Người ở đâu đông dài trăn trở
Những con đường vai sát kề vai
Và nơi đó một thời thơ dại
Nay chỉ còn bóng nhỏ đơn côi

Người ở đâu đông dài nức nở
Những con đường gió lạnh sầu đong
Và nơi đó chiều không buông nắng
Tưởng chừng như hơi ấm còn đây 


Kim Phượng
* Ảnh Huỳnh Phương Trạch

Dáng Đứng Quê Hương



(Cảm xúc trước ảnh MSL đứng dưới bài thơ 
Dáng Đứng Một Quê Hương. Thân tặng MinhSơnLê)

Như hình tượng một trượng phu quân tử
trong văn chương cổ điển của ngàn xưa,
anh đứng thẳng hiên ngang đầy tự tín,
phản ảnh chân thành cho dáng đứng một quê hương.
Tổ quốc ta qua bốn ngàn năm lịch sử
lúc thăng lúc trầm vẫn đứng vững góc trời Nam.
Bốn bể năm châu phải nghiêng mình khâm phục
những chiến tích oai hùng chống giặc ngoại xâm.
Là hậu bối của con Hồng cháu Lạc
hãy noi gương tiền nhân bảo vệ giang sơn,
từ Trường-sơn xuống Hồng-hà,Cửu-long,hải đảo.
hãy giữ và phát huy truyền thống đến muôn đời .
Chỉ là một con sóng nhỏ giữa đại dương Facebook,
anh đã tạo sóng ngầm có sức mạnh vô biên.
Rất cảm động trước tấm lòng yêu quê hương tổ quốc,
Ở tận đáy con tim người bạn trẻ nhiệt tình.

CN-HNT
 Apr.30.2024

Hè Về Nỗi Nhớ

 

Hè về nắng đổ áng mây trôi
Lỡ bước tha hương một góc trời
Đất khách tịt mù xa vạn dặm
Quê nhà trùng điệp tít ngàn khơi
Bao lần lỗi hẹn tình quê cũ
Cứ mãi lần khân tóc trắng phơi
Non nước trong ta sầu viễn xứ
Nỗi niềm cố quốc nặng đầy vơi......!


Ngư Sĩ

Lời Nguyện Cầu Tháng Tư

 

Tháng Tư lại đến rồi sao?
Bâng khuâng niềm nhớ dạt dào đáy tim
Tự do khổ nhọc đi tìm
Mênh mông trời nước khôn kềm gót anh

Qua màn sương khói mong manh
Thuyền nan lướt sóng tròng trành bóng ai
Đói cơm khát nước ngày dài
Bến bờ đâu thấy rủi may nào lường

Thẩn thờ nghĩ đến quê hương
Vườn rau, tấc đất, đoạn trường xót xa
Hải âu phi xứ vượt qua
Thập phần sinh tử - giờ là tha phương

49 năm giấc mộng thường
Chiến tranh đà dứt hết đường phân ly
Cớ sao giặc ác vô nghì
Khiến nhiều dân Việt ai bi khổ sầu

Tự do độc lập về đâu?
Biển Đông dậy sóng bạc đầu núi non
Bắc phương tràn dấu đường mòn
Đưa người xâm nhập rút bòn tài nguyên

Kính tiền nhân! Lạy Tổ Tiên!
Hộ trì Việt Quốc khắp miền bình an
Không còn vất vả oán than
Trăng thanh gió mát tiếng đàn ngân vui

Phương Hoa 
APR 2, 2024

Cửu Nhật (Kim Triêu Bả Tửu Phục Trù Trướng) 九日 (今朝把酒復惆悵) - Vi Ứng Vật (Trung Đường)

 

Vi Ứng Vật 韋應物 (737-792) tự Nghĩa Bác 義博, người Đỗ Lăng, Kinh Triệu, lúc đầu làm Tam vệ lang cho Đường Huyền Tông (712-755), về sau chịu khó đọc sách, đến đời Đức Tông (780-804) làm quan thứ sử Tô Châu có nhiều thiện chính. Ông tính cao khiết, thích đốt hương ngồi một mình. Ông cùng Lưu Trường Khanh được người đương thời gọi là 2 thi nhân đại tự nhiên. Thi tập của ông gồm 10 quyển.

Nguyên bản Dịch âm

九日 (今朝把酒復惆悵) Cửu Nhật (Kim Triêu Bả Tửu Phục Trù Trướng)

今朝把酒復惆悵 Kim triêu bả tửu phục trù trướng,
憶在杜陵田舍時 Ức tại Đỗ Lăng điền xá thì.
明年九日知何處 Minh niên cửu nhật tri hà xứ,
世難還家未有期 Thế nạn hoàn gia vị hữu kỳ.

Chú giải:

Đỗ Lăng: Đất ở đông nam thành Trường An, quê quán của tác giả.
Thế nạn: Năm 783 đời Đường Đức Tông, quan tiết độ sứ Kính Nguyên là Diêu
Lệnh Ngôn làm phản, cử binh đánh chiếm Trường An. Vua phải chạy sang
Phụng Thiên cách Trường An hơn trăm dặm lánh nạn. Tác giả lúc này đang làm
thứ sử Trừ Châu (nay là huyện Trừ, tỉnh An Huy) và làm bài thơ này.

Dịch nghĩa:

Mồng chín (Sáng nay nâng chén lại thấy sầu)
Sáng nay nâng chén rượu lại thấy sầu,
Nhớ khi xưa ở điền xá Đỗ Lăng.
Ngày này năm sau không biết sẽ ở nơi nào,
Thời loạn chưa biết ngày nào mới về nhà.
(Cửu nhật: tiết trùng cửu, hay trùng dương, ngày 9-9).

Dịch thơ:

Mồng Chín (Sáng Nay Nâng Chén Lại Thấy Sầu)

Sáng nay nâng chén lại thấy sầu,
Chẳng nhớ Đỗ lăng điền xá sao!
Năm sau tháng chín nơi nào ở?
Thời loạn hồi hương chả chắc đâu.

Lời bàn:

Thơ của Vi Ứng Vật hầu hết đều giản dị sáng sủa. Ngay cả thất ngôn tứ tuyệt ông cũng không dùng điển (thường thì với số chữ rất hạn chế của thơ thất ngôn tứ tuyệt, các tác giả khác hay dùng điển để tiết kiệm lời). Với bài thơ này ông gói ghém tâm sự của mình trong 28 chữ rất bình dị. Tâm sự của ông như sau: đã lâu lắm mình chưa về thăm quê cũ ở Đỗ Lăng. Hôm nay là ngày trùng cửu (mùng 9 tháng 9), mình định về nhưng vì có giặc nên về không được. Thôi chờ đến ngày trùng cửu sang năm sẽ về… Nhưng trong thời loạn ly thì tính trước sao được? Vậy thì sang năm cũng chưa chắc về được… Nâng chén rượu mà uống chẳng vô…
Rất mộc mạc. Rất tự nhiên. Rất cảm động.

Tái bút:

Tâm trạng của Vi Ứng Vật giống tâm trạng của những Việt kiều cao niên đang sống lưu vong khắp thế giới: Năm nào tới ngày 30 tháng Tư cũng buồn thối ruột; đã gần nửa thế kỷ không dám nghĩ tới việc về sống tại quê hương; năm nay định về nhưng tình hình vẫn chưa ổn; thôi chờ sang năm xem sao. Nhưng
sang năm chắc gì tình hình sẽ ổn và chắc gì mình còn sống. Nâng chén rượu mà nuốt không trôi.

Riêng ÔC, vừa quá tuổi 90 được 1 tháng (sinh ngày 29-3-1934), cảm kích làm thêm 6 câu lục bát này:

Tình Non Nước 

Ai làm Non Nước chia ly,
Để Non xa Nước Nước thì quên Non.
Nước Non phận chẳng vuông tròn,
Non côi xót Nước Nước còn chênh vênh.
Rời Non Nước đổ xuống ghềnh,
Non ôm hận Nước Nước đành phụ Non.

Con Cò
***
Các Bài Dịch Khác:

Mồng Chín

Âu sầu chuốc chén lúc ban mai,
Nhớ Đỗ Lăng nhà đất chốn này.
Mồng chín năm sau đâu chỗ ngụ,
Về quê loạn lạc biết đâu ngày.

Mỹ Ngọc
Apr. 20/2024.
***
Trùng Dương

Sáng nay nâng chén buồn tê tái
Nhà cũ Đỗ Lăng cách biệt lâu
Mồng chín sang năm đâu chốn nghỉ
Về quê thời loạn biết khi nào?

Lộc Bắc
***
Nâng Chén Sầu!

Nâng chén sầu lòng sáng sớm nay
Đỗ Lăng quê cũ nhớ đong đầy
Năm sau mùng chín nơi nào rõ?
Loạn lạc hồi hương khó định ngày!

Kim Oanh
Melb. 30.4.2024
***

***
Ngày Trùng Cửu

Nhấp rượu hôm nay sầu có bay?
Đỗ Lăng vời vợi đã bao ngày
Về đâu Trùng Cửu mùa thu tới!
Loạn lạc nhớ nhà… há hẹn mai

Kiều Mộng Hà
Austin.4.21.24
***
Ngày Mồng Chín

Lòng buồn nâng rượu dạ bùi ngùi
Nhớ cảnh Đỗ Lăng xa hắt hiu
Trùng Cửu năm sau lưu lạc chốn?
Mơ về quê cũ ngập niềm vui

Thanh Vân
***
Bài Cảm Tác:

Một sống, hai chết tìm tự do
Xứ người tị nạn vẫn sầu lo
Dù nhà yên ổn, sinh hoạt tốt
Đất nước quê hương vẫn quanh co

Đồ Cóc

***
Cửu Nhật, Cửu Nguyệt, hay tiết Trùng Cửu, Trùng Dương là một huyền thoại của Trung Hoa từ đời Hậu Hán : Hoàng Cảnh học phép tiên với Phí Trường Phòng trong nhiều năm. Một hôm, Phòng nói với Cảnh “ ngày 9 tháng 9 sắp tới, gia đình nhà ngươi phải gặp tai nạn. Vậy hôm đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, mang cành thù du, uống rượu hoa cúc, tối mới trở về.” Cảnh theo lời thầy, khi về nhà thì thấy gà, vịt, heo, chó đều chết cả. Từ đó người Hoa có lệ, vào tiết Trùng Dương thì lên núi tránh nạn.
Đường Thi có nhiều bài về đề tài này, như Cửu Nhật, Cửu Nguyệt Ức Sơn Đông Huynh Đệ của Vương Duy, Cửu Nhật của Đỗ Phủ, và bài của Vi Ứng Vật kỳ này. Anh Giám cho rằng bài thơ của Vi không dính dáng gì tới loạn lạc thời Đường Đức Tông. Thật ra, thời đó, từ năm 781 tới 785, có loạn Tứ Trấn, mà loạn của Lý Hy Liệt là dữ dội nhất. Tôi nghĩ, Vi làm bài thơ vào tiết Trùng Dương, chỉ để than thân mà thôi, không hẳn có ý ám chỉ loạn của Lý, vì còn loạn của 3 trấn nữa, tất cả trong vòng 4 năm.
Lời bàn của ÔC làm BS vô cùng cảm khái… thôi thì anh em mình sẽ như cụ Tôn Thất Thuyết, một ngày nào đó:

Nhất đán hương hồn quy Tượng Quận,
Bách niên tàn cốt ký Long Châu.

Đây là bản dịch của BS:

Ngày Mùng Chín

Sáng nay uống rượu lại thấy sầu,
Nhà ruộng Đỗ Lăng nhớ đã lâu,
Năm sau ngày chín lưu lạc nữa,
Thời loạn, ngày về ai biết đâu.

Bát Sách.
(ngày 22/04/2024)

***
Nguyên tác:        Phiên âm:
九日-韋應物       Cửu Nhật – Vi Ứng Vật

今朝把酒復惆悵 Kim triêu bả tửu phục trù trướng,
憶在杜陵田舍時 Ức tại Đỗ Lăng điền xá thì.
明年九日知何處 Minh niên cửu nhật tri hà xứ,
世難還家未有期 Thế nạn hoàn gia vị hữu kỳ.

 Vi Tô Châu Tập - Đường - Vi Ứng Vật 韋蘇州集-唐-韋應物
 Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-
洪邁
 Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代
詩選-明-曹學佺
 Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐
詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

Cửu nhật: ngày 9 tháng 9 còn gọi là ngày Trùng Cửu hay Tết Trùng Dương.
Hai số 9 (cửu cửu) ý nghĩa sống lâu. Vào ngày này người Trung Hoa xưa thường lên nơi cao, mang heo rượu cúc và lá hoặc hột thù du để được may mắn.
Đỗ Lăng: từ trước năm 65, thời Tây Hán, huyện Đỗ Lăng ở Tây An, Thiểm Tây, quê hương của thi nhân
thế nạn: Vi Ứng Vật là quan nhà Đường. Lúc trẻ, ông từng làm thứ sử Giang Châu, rồi Tô Châu nên được gọi Vi Giang Châu và Vi Tô Châu. Đang làm thứ sử Trừ Châu, An Huy, năm 783 ông viết bài thơ trong quan điểm của triều đình, có lẽ khác suy nghĩ của người dân. Vì chiến tranh, vua phải tạm thời di tản, bỏ Trường An chạy qua Phụng Thiên cách hơn 100 dặm, quan không được rời nhiệm sở về thăm quê hương, nói tóm không được vui hưởng Tết Trùng Cửu.

Dịch nghĩa:
Ngày 9 (Năm 783)

Hôm nay thấy buồn khi nâng chén rượu,
Nhớ lại lúc trước khi sống ở nông trại Đỗ Lăng.
Tôi biết sẽ đi đâu vào ngày 9 năm tới,
Thời loạn lạc không biết lúc nào được về nhà.

Dịch thơ:
Ngày Trùng Cửu

Nâng chén hôm nay chỉ thấy sầu,
Đỗ Lăng ngày ấy đã bao lâu.
Năm sau Trùng Cửu dù toan liệu,
Thời loạn thăm nhà chắc được đâu.

九日-韋應物 The Nineth by Wei Ying Wu

今朝把酒復惆悵 I felt sad when lifting the cup of wine today,
憶在杜陵田舍時 Recalling the time living at Du Ling farmhouse.
明年九日知何處 I know where to go next year on Double Nine Festival,
世難還家未有期 In trouble time, you can not be certain when you can visit

Viết thêm:

Năm 785, Vi Ứng Vật có làm một bài Cửu Nhật khác, 5 chữ 4 câu. Tình thần bài thơ này không còn bi quan “thế nạn” như trong bài 7 chữ 4 câu trước đây. Ông không còn quan tâm đến thời tiết, không biết hoa cúc nở tháng 9, không còn nhớ nhà, bận rộn có nhiều quý khách thăm viếng nhờ mới được thăng chức thái thú Ngô Quận, nay là thành phố Tô Châu, Giang Tô.

九日 Cửu Nhật Ngày 9 (năm 785)

一爲吳郡守 Nhất vi Ngô quận thủ Thái thú quận Ngô ta,
不覺菊花開 Bất giác cúc hoa khai Không hay cúc nở hoa.
始有故園思 Thủy hữu cố viên tư Quá nhiều khách viếng tụng,
且喜衆賓來 Thả hỷ chúng tân lai Giờ có nhớ quê nhà.*

*Người dịch hoán chuyển 2 câu 3 và 4 để giữ vận.

Phí Minh Tâm 
 ***
Góp Ý:

Viết về ngày Cửu nhật:

九日=cửu nhật là một lối gọi 重陽節九日=trùng dương tiết, hay tiết trùng cửu, khi người Tàu ngày xưa có tâp tục leo núi, đeo nhánh sơn thù du và uống rượu cúc để ngừa tai họa. Ngày này cũng là dịp du hí cuối cùng trong năm trước mùa đông. Vi Ứng Vật làm bài thơ trong ngày Trùng Cửu nhưng không nói gì đến chuyện leo núi hay uống rượu cúc mà lại than vì thế nạn!

Vi Ứng Vật làm thứ sử thời Đường Đức Tông. Sáu năm đầu thời Đức Tông luôn luôn loạn lạc vì các phiên trấn thay nhau, hay hùa nhau, nổi loạn. Tháng 8 năm Kính Nguyên thứ tư (783), tiết độ sứ Lý Hi Liệt tấn công Tương Thành, tháng 9 Đức Tông sai tiết độ sứ Diêu Lệnh Ngôn phản công. Diêu đem 5000 quân vào Trường An trong mùa đông giá lạnh; lính đói thay vì được thưởng nên nổi loạn. Những biến cố này xảy ra sau tiết Trùng Củu và không có liên hệ gì với bài thơ Cửu Nhật.

Huỳnh Kim Giám

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

Tháng Tư, Nỗi Buồn Dư -Thơ: Dan Hoàng - Nhạc: Nguyên Bích - Ca Sĩ Mạnh Tuấn


Thơ: Dan Hoàng
Nhạc: Nguyên Bích
Ca Sĩ Mạnh Tuấn

Nhớ Sài Gòn

 

Sài gòn ai hỡi đừng quên
hàng cây, góc phố, những tên, những đường
nhớ khi náo nhiệt phố phường
nhớ cây phượng vỹ, nhớ tường hoa leo
ngọai ô, hẻm vắng xóm nghèo
bãi hoang cỏ dại, tiếng mèo thê lương
nhớ xe nước mía bên đường
tiếng rao quà ngọt ngào thương suốt đời
vu vơ nhớ một nụ cười
ngồi chơi hè phố ai mời uống bia
Nhà Thờ Đức Mẹ còn kia
kìa Dinh Độc Lập bốn bề lặng thinh
Sài gòn sông nước gợi tình
đêm dài bến vắng càng mênh mông sầu
Nhà Bè nước chảy về đâu
Dòng Sông Bến Nghé nông sâu thế nào
chiều xưa có trận mưa rào
bất ngờ hai đứa núp vào mái hiên
rụt rè đánh bạo làm quen
tới khi phố vắng lên đèn mưa tan
sau khi biết được tên nàng
ngờ đâu sẻ nghé tan đàn đôi nơi
bây giờ buốt lạnh sương rơi
một cơn tuyết trắng lấp vùi nỗi đau
nhớ Sài gon, gọi tên nhau
hai mùa mưa nắng biết đâu mà tìm

Đèo Văn Trấn


Bận Lòng



Hỏi còn ai nữa nhớ dòng sông
Hỏi còn ai nữa vẫn bận lòng
Vẫn cứ buồn đau mùa quốc hận
Ngóng về quê cũ vẫn đợi mong

Mong cho trang sử sẽ sang dòng
Tự do, Hạnh phuc tràn như sông
Tình thương nở khắp giang sơn Việt
Luân thường, đạo đức lại đơm bông

Sao Khuê 
 21-4-2024

Bóng Núi Che Ngang

 

Hỏi người mộng mị thành San
Khi mô thì khói sương tan cuối trời
Năm năm hay suốt cuộc đời
Vẫn hằng ấp ủ những lời thủy chung

Mỉm cười ước hẹn mông lung
Chỉ thêm huyễn ảo khiến cùng sót thương
Bao phen gió loạn mưa cuồng
Biệt nhau từ thủa sa trường nào xưa

Hỏi người ngày tháng thoi đưa
Tâm tư cũng tựa gió mưa cạn mùa
Bây giờ tưởng đã thiệt thua
Xem như bão táp đang đùa rỡn thôi

Thành San từ thủa xa người
Lá hoa thu biếc vẫn tươi sắc vàng
Người về hiu hắt theo sang
Mây chia bóng núi che ngang cuộc tình


Cao Mỵ Nhân
Hawthorne 25-10-2015


Rồi Mai Đây

(Tranh: Họa Sĩ ViVi)

Xướng:

Rồi Mai Đây

Bỏ lại quê hương muôn nỗi đau
Mẹ già luống tuổi tóc phai màu
Sớm chiều ngóng đợi bên hàng chuối
Mưa nắng chờ mong cạnh gốc cau
Chẳng biết ra sao trong cuộc sống?
Đâu hay mọi sự ở mai sau?
Đành thôi phó mặc cho căn số,
Bỏ lại quê hương muôn nỗi đau!

Thái Huy 
4/30/24
***
 Họa Vận: 30/04…

Quê hương ở đó nỗi niềm đau
Mẫu tử tình thâm tóc bạc màu
Mưa nắng trông chờ bên giếng nước
Chiều hôm mong đợi giữa vườn cau
Bao điều oan trái qua đời trước
Vạn sự duyên may lại kiếp sau
Chạnh nghĩ tang điền ai cũng khổ
Quê hương ở đó nỗi niềm đau…


Mai Xuân Thanh
Bay Area April 30/04/2024
***
Nỗi Nhớ Miên Man

Đêm dài khắc khoải dạ thầm đau!
Nỗi nhớ làng xưa chẳng nhạt màu!
Mến kẻ ra đồng gieo đám mạ
Thương chiều ngã nắng rọi hàng cau
Nào quên xóm cũ qua đường dốc
Được ngắm trăng mờ khuất ngõ sau
Lữ thứ bâng khuâng buồn nẫu ruột!
Đêm dài khắc khoải dạ thầm đau!

Như Thu
05/01/2024
***
Một Niền Đau

Ba mươi tháng bốn, một niềm đau
Xoáy mãi tâm tư cờ đổi màu
Xứ lạ, người mang nguyên nỗi khổ
Quê mình, ai phá cả vườn cau
Mẹ già cơ cực từ xuân trước
Vợ dại lầm than tới kiếp sau
Biển rộng sông dài bao cách trở
Vẫn đây tồn tại một niềm đau ...

Los Angeles 3 - 5 - 2024
Cao Mỵ Nhân

Buồn Viễn Xứ!



Bài Xướng;

Tứ Tuyệt

“Lưu vong tóc bạc thân mòn mỏi
Quay quắc cố hương luống ngậm ngùi
Ô hay sĩ khí trai thời loạn
Nước mất hề đau tủi phận người”

Tôn Thất Hùng
Hoa Kỳ, 28/04/2024
***
Bài Họa:

Buồn Viễn Xứ!

Mất nước! Lưu vong! Già! Mệt mỏi!
Tha hương! Khắc khoải mãi bùi ngùi!
Thương hoài những phận đời ly loạn!
Mộng thấy vàng bay rợp bóng người!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 29/04/2024
 

Tháng 4 Nhớ Lại


29 tết tôi nhận được thư anh. Chưa kịp hưởng trọn niềm vui tim tôi như run lên bởi những nhịp đập rối loạn trong nỗi lo âu, sợ hãi khi cầm trên tay lá thư dày đặc những dòng chữ viết vội, trong đó có đoạn “Có thể, trong những ngày Tết anh sẽ “thuyên chuyển” về đơn vị mới và trên đường đi sẽ lưu lại thành phố Saigon. Khi đó, nhờ em lo cho anh và 3 người bạn chỗ tạm trú khoảng một tuần. Tất cả chỉ còn biết trông cậy vào em. Được hay không anh vẫn về vì không còn thời gian để chờ em trả lời. Xin lỗi vì anh đã bắt em phải gánh vác một việc quá nặng nề nhưng thật tình anh không thể làm khác hơn vì quá gấp gáp. Anh sẽ về với em. Và về như thế đó. Như trong giấc mộng nhưng là ác mộng phải không em?...”.

Những lời úp mở của anh cho tôi biết dự tính trốn trại của anh sắp được thực hiện như anh đã từng nói với tôi trong lần thăm cuối cùng ở trại Vườn Đào. Là đứa con gái yếu đuối và nhút nhát tôi không biết làm gì khi phải đối diện với một vấn đề nghiêm trọng như thế ngoài việc đưa thư cho ba tôi xem. Nét trầm ngâm trên khuôn mặt không chút thay đổi của ba cho tôi chút an tâm sau câu nói “Đây là chuyện mình phải làm con à! …”. Thế là tôi bắt đầu chờ đợi. Ngày thứ nhất. Ngày thứ hai. Rồi ngày thứ ba -tức mồng hai Tết- anh vẫn biệt tăm. Tôi cùng ba má chuẩn bị về ngoại chúc tết ông bà như mọi năm trong nỗi hoang mang, lo lắng “Nếu anh đến mà tôi không có ở nhà thì sao?”. Ba trấn an khi thấy tôi bồn chồn trong quyết định đi hay ở lại “Tính thì tính vậy, chứ muốn trốn đâu phải dễ ”. Tôi cũng nghĩ thế nhưng vẫn chần chờ chưa chịu thay quần áo thì có tiếng gọi tên tôi. Chạy ra phía trước, mắt tôi nhòa lệ khi nhìn thấy anh đứng ngoài cổng rào với nụ cười thân yêu, quen thuộc.

Cánh cửa mở vội, anh bước nhanh vào nhà. Sau cuộc chuyện trò ngắn ngủi với ba tôi về cuộc vượt trại của anh cùng ba người bạn, anh đứng lên và cho biết, trên đường đi ra Vũng Tàu để tìm lực lượng kháng chiến, anh xin phép người dẫn đường ghé thăm tôi vài mươi phút, bây giờ đã đến lúc anh phải đi. Trong nỗi bàng hoàng chưa dứt, tôi vội vàng mở ví lấy những đồng tiền ít ỏi còn lại dúi vào tay anh. Khi đưa anh ra cửa tôi nghẹn ngào hỏi khẽ:
-Bao giờ mình gặp lại hả anh?
Anh nhìn tôi mắt hoe hoe đỏ, giọng chùng xuống:
-Anh cũng không biết.
Tôi bật khóc khi anh quay lưng. Nhưng chỉ sau vài bước chân anh đã trở lại, nắm chặt tay tôi, bằng giọng ngọt ngào anh nói với ánh mắt sáng ngời:
-Anh tin sẽ có ngày mình gặp lại.

Anh đi rồi những ngày kế tiếp tôi dìm mình trong nỗi nhớ thương chất ngất. Bao nhiêu câu chuyện thảm khốc về những người trốn trại bị bắt lại mà tôi đã từng nghe kể lần lượt hiện về trong trí nhớ với nỗi sợ hãi, lo lắng trùng trùng. Tôi từ chối những cuộc họp mặt tân niên với bạn bè để thu mình trong thế giới riêng. Cái thế giới tràn ngập yêu thương của tôi trong đó có những cánh thư viết từ quân trường, từ các địa danh xa xôi nơi anh đóng quân và miệt mài chiến đấu với bao gian nan, nguy hiểm mà anh và đồng đội, những người Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa phải đối diện từng giây, từng phút. Tôi nâng niu từng kỷ vật anh làm và gửi cho tôi từ trại cải tạo. Này là chiếc lược nhôm đơn sơ với những dòng chữ gửi gắm niềm thương yêu được khắc tỉ mỉ, đầy công phu. Này là chiếc kẹp tóc sắc xảo với hai chữ SN quyện vào nhau như lời hẹn thề gắn bó mà tôi và anh đã trao nhau trong những cánh thư thấm đẫm hương tình. Đặc biệt hơn hết là chiếc nhẫn trắng do anh khéo léo đục đẽo từ chiếc “bi đông” đựng nước và trang trọng đeo cho tôi trong lần thăm đầu tiên trước mặt mẹ anh như một lời cầu hôn chân thành và cảm động.

Nhưng chuyến đi của anh và các bạn không thành vì không liên lạc được với lực lượng kháng chiến. Anh trở lại và xin phép ba má tôi cho tạm trú để tiếp tục tìm nơi anh muốn đến. Đó là thời gian hạnh phúc nhất vì chúng tôi được ở bên nhau dẫu trong xót xa, âu sầu vì không biết lúc nào “Anh sẽ đi” như lời nhắc nhở hàng ngày anh nói bên tai tôi.
Tôi biết nỗi uất hận vẫn còn tràn đầy trong lòng anh qua những dòng thơ ghi vội trên các mảnh giấy rời.

Ta đứng đó rủ buồn như phiến đá
Đội trên đầu bao tủi nhục chua cay
Nhiều đêm dài chợt nghĩ đến tương lai
Ta tự hỏi, đau thương này suốt kiếp?

Và trong anh vẫn còn nguyên lý tưởng kiêu hùng để hăm hở ra đi.
Mai ta đi đòi lại kiếp làm người
Ta sẽ đi!
Ta sẽ đi!
Nhất định ngày mai.

Bên cạnh sự quyết liệt đó là niềm băn khoăn, ray rứt “7 năm dài yêu nhau là bảy năm em đã khóc vì anh -có phải những giọt nước mắt nồng nàn rơi xuống đã vun đắp cho tình yêu chúng ta?. Gần 4 năm ngồi trong tù suy gẫm, anh nhớ cuộc tình thơ mộng của hai đứa mình, nhớ những lần em đến thăm trong nghẹn ngào, nhớ Saigon và em một mình trong cuộc sống đầy chán chường, rồi nhìn lại cuộc đời mình với mấy khung rào thù hận, anh nghĩ mình chẳng bao giờ còn gặp lại nhau nên anh sợ những đợi chờ của em sẽ trở thành mộng ảo. Anh muốn em quên anh dù lòng anh rất đau khi nghĩ đến điều đó và anh cũng biết em đã khóc rất nhiều khi nghe anh nói nhưng anh biết làm sao hơn trong hoàn cảnh này.
Rồi đột nhiên anh lại về với nguyên vẹn hình hài nhưng khác nào một bóng ma giữa Saigon tan tác và anh đã trùm lên một bóng tối đầy hãi hùng cho em….”
Từng chữ từng câu là máu, là nước mắt trong trái tim xao xác nỗi đau, nỗi hận không lối thoát.

Ngày qua ngày, những điều anh nghe nói về lực lượng kháng chiến càng mơ hồ, đồng thời tin tức những chiến sĩ VNCH bị sập bẫy và bị bắt càng nhiều. Hoàn toàn thất vọng trước tấm phao mong manh cuối cùng, anh và 3 người bạn tù quyết định chia tay mỗi người mỗi nẽo, tự lo cuộc sống của riêng mình. Phần anh vẫn tiếp tục sống trong nhà tôi một cách lén lút. Mỗi ngày, lúc ba và tôi đi làm anh lẩn quẩn ở nhà với má tôi. Qua những lần tâm sự, trò chuyện má tôi thương anh nhiều hơn. Tôi nhớ có lần ba má cãi nhau, má tôi cố nhịn để không to tiếng, “Tôi chịu thua vì không muốn thằng S nghĩ rằng vì nó ăn nhờ, ở đậu nhà mình mà tôi với ông bực bội, sanh bất hòa”. Ba tôi cũng cười xòa sau câu nói ấy. Khi má tôi theo người quen tập tành buôn bán ở chợ trời thì anh đảm trách việc nấu nướng và đưa đón. Những người bạn hàng của má cứ tưởng anh là con trai khi thấy anh đỡ đần và chăm sóc má tôi từng chút một. Thỉnh thoảng tôi và anh ra phố chơi thì anh đi cửa trước như một người khách đến thăm rồi ra về, còn tôi đi bằng cửa sau và hai đứa gặp nhau ở ngoài đường lớn. Dần dần, anh bớt dè dặt và dạn dĩ hơn nên thỉnh thoảng đến chỗ làm đón tôi. Những bạn đồng nghiệp đa số đều biết tôi có bồ đang bị tù cải tạo nay bỗng dưng thấy xuất hiện một anh chàng dáng dẻ sạch sẽ với đôi kính cận trí thức, thế là rộ lên tin đồn “Nhỏ N bỏ người yêu “ngụy” rồi. Anh bồ mới này chắc là ‘Ba Tàu Chợ Lớn’ giàu có”. Tôi vui vì đã qua mắt được mọi người nhưng cũng cảm thấy “đau” vì đương không mình trở thành kẻ bạc tình.

Thời gian này, trong sở làm vì thiếu nhân sự nên tôi được giữ lại làm việc trong phòng Tổ Chức Cán Bộ và được bà trưởng phòng tạm tin tưởng giao tất cả những con dấu dùng trong việc ấn ký các văn thư, nhờ đó mà tôi đã cung cấp cho anh những “giấy tờ giả” với “con dấu thật” để có thể đi lại thong dong và cũng từ ngày ấy trong đầu anh banh nha ý tưởng vượt biên.
6 tháng anh cư trú trong nhà tôi cũng đủ dài để má anh từ dưới quê lặn lội lên SG gặp ba má tôi nói lời cảm ơn sâu sắc vì đã cho con trai của bà một chỗ dung thân trong lúc hoạn nạn và xin phép làm lễ hỏi cho chúng tôi sau 7 năm yêu nhau chỉ toàn là đợi chờ và xa cách. Lễ hỏi được tổ chức bí mật và đơn giản trong căn nhà nhỏ với các cánh cửa đóng kín, chỉ vỏn vẹn 10 người thân trong gia đình.
Với tôi, tất cả những gì có được trong ngày tháng ấy là niềm hạnh phúc vô cùng quý báu dù trước mắt con đường tương lai thật mịt mù, đen tối. Nhưng với anh, cái tư tưởng “không thể chấp nhận chế độ này” luôn là niềm thôi thúc khiến anh lặn lội khắp nơi để tìm đường vượt thoát.

Rồi một ngày buồn, lần nữa anh lại ôm xiết lấy tôi nói lời từ biệt.
Anh vẫn là anh với chiếc lưng thẳng và dáng đi mạnh mẽ, với nụ cười âu yếm cùng lời thề hẹn sắt son. Và tôi vẫn là tôi với mắt lung linh buồn sau làn tóc rối, giọt lệ vắn dài như lời thơ nào anh đã từng viết cho tôi trong những ngày vời vợi ngóng tin nhau.


Trăm năm bỗng chốc tình cờ
Cho son phấn nhạt hững hờ dung nhan
Áo em bay lẫn mây ngàn
Chân mênh mông bước biết còn thấy nhau
Ta đi hiu hắt phương nào
Sầu bên khung cửa em vào biển du
Mưa buồn ướt sợi tóc thu
Nghìn sau mắt mỏi mịt mù dáng xưa
Tình sâu biết mấy cho vừa
Đời nghiêng ngã khóc trời lưa thưa sầu.

Ngân Bình
(Trích tập truyện “Hôm Qua, Hôm Nay Và Mãi Mãi”)