Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Chúc Xuân




Dang tay ta đón lấy xuân về
Trời đất giao hòa vui hả hê
Lộc biếc vun cây xòa mởn lá
Hoa tươi ươm nụ giữa lòng quê
An lành mạnh khỏe chung lời chúc
Hạnh phúc giàu sang vẹn mọi bề
Bè bạn gần xa hoài nghĩa nặng
Tình đời muôn thuở sáng sao khuê.

Hương Ngọc



Những Mẫu Chuyện Về Táo Quân Phần 2



Tại Sao Ông Táo Cỡi Cá Chép Về Trời 

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.
Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể. Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời. Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.
Càng tiến dần vào trong Nam thì tục cúng ông Táo về trời có một chút thay đổi. Nhưng lễ cúng Táo Quân ở miền Bắc với một nghi lễ không thể thiếu là Cá Chép là mang tính nguyên thủy hơn cả.

Theo truyền thuyết, thần Táo cỡi cá chép về chầu Ngọc Hoàng. Trong các món đồ cúng ông Táo có món cá chép còn sống bơi trong chậu nước để ông Táo dùng làm phương tiện di chuyển về trời. Tại sao Thần Táo lại cưỡi cá chép? Ông Táo có thể cỡi cá chép bay về trời vì cá chép có thể hóa ra rồng bay lên mây, lên trời được. Cá chép “hóa rồng” thấy qua câu ca dao sau này:

Bao giờ cá chép hóa rồng,
Bõ công cha mẹ bế bồng ngày xưa.

Theo truyền thuyết thì:   

Mồng bốn cá đi ăn thề,
Mồng tám cá về, cá vượt Vũ-môn.
 


Tại sao về trời mà Táo quân lại cưỡi cá chép? Sao không phải là cưỡi chim? Ông cha ta có lầm lẫn gì không? Hoàn toàn không! Khi mà tổ tiên người Việt đã để lại cho hậu thế một nền văn hiến vĩ đại. Con cá chép thuộc hành thủy. Trong những di sản văn hóa phi vật thể là những bức tranh dân gian Việt chúng ta thấy trang đàn lợn với một lợn mẹ và năm lợn con. Đây chính là hình tượng của "Thiên Nhất sinh thủy - Địa lục thành chi". Chúng ta cũng thấy hình tượng này trong tranh cá chép làng Đông hồ: Một con cá mẹ với năm con cá con
.

Quẻ Hỏa Thủy Vị Tế.
Biểu tượng Táo Quân (Hỏa)
cưỡi trên lưng cá chép (Thủy).
Thiên Nhất Sinh Thuỷ: Cá thuộc hành Thủy, tượng của quẻ Khảm:
 

Táo thuộc lửa mạng hoả, tượng của quẻ Ly


Địa Lục Thành Chi : hình tượng Táo quân cưỡi cá chép, chính là biểu tượng của quẻ Hỏa Thủy Vị tế trong kinh Dịch. ( Quẻ Khảm nằm trên, Quẻ Ly nằm dưới )

Đây là quẻ cuối cùng kết thúc một chu kỳ 64 tư quẻ Dịch. Biểu tượng cho chu kỳ tuần hoàn của tạo hoá trong một năm đã kết thúc và chuyển sang một chu kỳ mới và mọi việc vẫn còn tiếp tục để một năm mới tốt lành. Đó là tinh thần của quẻ Vị Tế.
( Theo http://tuanvietnam.net )

Sự tích ông Táo cưỡi cá chép lên trời
Ngày xửa ngày xưa rõ là lâu rồi nhé các ông Táo chưa biết cưỡi cá chép lên trời, nên toàn phải leo cầu thang bộ lên trời , mất rất nhiều thời gian. Có khi đến hết tết rồi mà ông Táo vẫn chưa về đến trần gian để ăn cỗ cùng các gia đình…
Cá chép thấy thế thì thương các ông Táo lắm, bèn nghĩ cách để giúp ông Táo lên trời.
Truyền thuyết kể rằng ở Vũ môn, tức nơi giáp ranh giữa các con sông và biển có một Gò Sóng dữ, rất cao…
Nếu có con cá nào dũng cảm nhảy qua được Gò Sóng đó thì sẽ được tặng một đôi cánh và hóa rồng bay lên…
Thế là Cá chép quyết tâm sẽ nhảy qua được Gò Sóng để hóa rồng đưa các ông Táo lên trời…
Chú cá Chép bé nhỏ, cứ bơi mãi, bơi mãi theo dòng sông, hết một mùa sấu chín mời đến cuối cửa sông…
Ở đây rất ồn ào, tiếng sóng biển ầm ào xô ngược dòng nước vào sông mặn chan chát, tiếng những chú cá voi gầm gừ mê ngủ và cả tiếng gào của những con cá Mập to con và nhút nhát…
Chú cá chép bé nhỏ chững lại một chút, nhưng chú lại nhớ tới hình ảnh những ông Táo mồ hôi nhễ nhại leo thang lên trời để đi báo cáo thành tích cho những gia đình dưới hạ giới, chú lại quyết tâm thử sức mình…
Chú cứ vẫy mãi những chiếc vây bé nhỏ, cố nhảy qua Gò Sóng dữ, nhưng mãi không vượt qua nổi….
Cứ thế, cứ thế, chú làm đi làm lại nhiều lần, càng ngày càng nhảy cao hơn, nhưng vẫn chưa vượt qua được Gò Sóng…
Gần như nản chí, chú cá chép bé nhỏ quay lại, bơi ngược dòng nước, lòng buồn vô hạn, chú nghĩ rằng, mình sẽ chẳng bao giờ giúp được những ông Táo quân đáng kính…
Bỗng nhiên, chú chợt nhớ lại lời mẹ dặn mỗi khi chú bước chân khỏi nhà “Cá chép xinh của mẹ, không có việc gì trên đời là khó, nếu ta có một lòng quyết tâm mạnh mẽ từ trong sâu thẳm trái tim”.
Thế là Cá chép nhỏ quay ngược lại, lấy hết sức mình bơi theo dòng nước và đến cửa sông, chú quẫy mình xoay một vòng, ưỡn lưng, nhảy vọt qua Gò Sóng…
Oa, thật là tuyệt, chú cá bé nhỏ đã nhảy vượt qua Gò Sóng, và ngay lập tức, bầu trời hiện lên những chiếc cầu vồng bảy sắc, và trên lưng chú cá chép mọc lên một đôi cánh.
Khi chú cá chép nhỏ, hít một hơi thật sâu đầy lồng ngực không khí giữa bầu trời, thì thân thể chú bỗng lấp lánh những sắc màu óng ánh, chú dài ra, to ra và hóa thành một con rồng ngũ sắc xinh đẹp tuyệt vời…
Chú quẫy đuôi (vì chưa quen mình là rồng) và bay ngược về nơi các ông Táo đang đứng chờ, nhẹ nhàng đáp xuống để các ông Táo lên lưng và bay vút vào tầng không, kịp đưa các ông Táo lên trời báo cáo…
Thế là từ đó trở đi, mỗi dịp xuân về, khi các ông Táo lên trời báo cáo, các chú cá chép sẽ được đi theo cùng, để hóa rồng, chở các ông Táo lên trời.
( Theo http://kienthucgiadinh.com.vn )



Vì Sao Táo Việt Không Mặc Quần?

Truyền thuyết kể lại rằng ông Táo ở truồng không mặc quần. Ông Táo chỉ đội mũ, đi hia không mặc quần như thấy qua câu thơ của một nhà văn:  

Đội mũ đi hia, chẳng mặc quần.

Tranh ảnh, hình vẽ, đồ mã diễn tả ông Táo không bao giờ có quần. Câu ca dao dưới đây cho thấy ông Táo ở trong bếp  “ít mặc”,  không cần mặc quần và ở trong bếp nên cũng không phải lo về vấn đề ăn uống. Ông Táo không phải lo ăn, lo mặc nên chẳng phải lo gì nhiều so với ông Cả:
Ông Cả ngồi trên sập vàng, 
Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo. 
Ông Bếp ngồi trong đống tro,
Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm.

Bức tranh dân gian Việt ở trên vẽ ba vị Táo Quân, đều mặc quần nghiêm chỉnh, với những hàng chữ Hán phía trên. Bức tranh này hẳn được sáng tác kể hàng ngàn năm sau khi nền văn minh Văn Lang sụp đổ ở miến Nam sông Dương Tử. Bởi vì, trong phong tục còn giữ lại được đến ngày nay trong dân gian Việt thì Táo Quân không mặc quần. Điều này cũng giống như hàng ngàn năm trôi qua, những con rối nước trong văn hóa dân gian Việt được vẽ cái vạt áo bên phải vậy. Hiếm lắm, trong kho tàng chất những con rối nước cổ bỏ đi, may ra còn những con rối xưa cài vạt áo bên trái. Vậy Táo Quân không mặc quần có ý nghĩa gì trong truyền thống Việt?
Lịch sử Trung Hoa ghi lại: Chính cái quần là của các dân tộc phía Bắc Trung Hoa và không thuộc về y phục Hán cổ. Vào cuối thời Xuân Thu, đầu thời Chiến Quốc, Triệu Vũ Vương mới đưa cái quần vào làm y phục chính thức của nước Triệu. Và y phục này thích hợp với các chiến binh trong các cuộc chiến liên miên giữa các quốc gia so với vải quây che phần thần dưới trước đó. Sau này chiếc quần mới phổ biến trong thất Quốc và do các chiến binh mặc và trở thánh y phục của Trung Hoa. Nhưng Người Việt, với tư cách là một nhà nước độc lập ở Nam Dương Tử, tất nhiên không thể tiếp thu một cách nhanh chóng y phục quần của các dân tộc phi Hán ở Phương Bắc Trung Quốc. Điều này cho thấy rằng: Phong Tục thờ Táo Quân phải có từ rất lâu, trước cả khi dân tộc Hán bị xâm nhập văn hóa mắc quần của các dân tộc phái Bắc này và còn giữ đến bây giờ. Và điều này như tôi đã phân tích ở trên: Nó phải có trước thời Vua Hùng Vương Thứ VI quyết định dùng bánh Chưng bánh Dầy vào lễ Tết của dân tộc Việt. Còn nếu như thời Hùng Vương chỉ ra đời vào Thiên Niên kỷ thứ nhất trước CN và Tết Việt Nam là văn hóa Hán là chủ nhân đích thực của văn hóa Đông phương thì ông Táo Việt đã mặc quần như bức tranh dân gian sáng tác về sau này mà bạn đọc đã nhìn thấy ở trên.
Qua sự minh chứng và phân tích ở trên, chúng ta cũng nhận thấy rằng: Đằng sau một phong tục cổ truyền của dân tộc Việt - tục cúng "Ông Táo về trời" là cả một sự minh triết liên quan chặt chẽ đến nền Lý học Đông phương - mà từ lâu tôi đã minh chứng - thuộc về nền văn hiến huyền vĩ Việt, một thời huy hoàng ở miến Nam sông Dương Tử. Có thể nói rằng: Không phải ngẫu nhiên mà có sự trùng khớp hợp lý gần như toàn bộ những nét chính của phong tục cúng ông Công, ông Táo với những quan niệm có tính nguyên lý của Học thuật cổ Đông phương. Sở dĩ có sự trùng khớp hợp lý đến kỳ lạ này, chính vì nó là hệ quả của nền minh Đông Phương thuộc về nền văn hiến Việt được đưa vào cuộc sống văn hóa Việt qua phong tục cúng đưa "Ông Công, Ông Táo về trời".
Vấn đề cũng không chỉ dừng lại ở đây. Khí chính chiếc mũ Ông Công, Ông Táo được bán đầy ở khắp kẻ chợ , thôn quê ngày nay lại là một hình tượng được cách điệu bằng giấy của chiếc mũ các vua Hùng trên trống đồng Lạc Việt
Hết Phần 2
Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm
 

Tết Mồ Côi



Mỗi năm Tết đến má phải lo
Nhà nghèo tiền bạc chẳng dư thừa
Bán hết vịt, gà, con heo lứa
Sắm tết chồng con, nợ chắc vừa

Nhẩm tính chắt chiu mới dám mua
Bộ đồ cho Tía cúng giao thừa
Áo mới đàn con vui ngày tết
Má chỉ khăn rằn đội nắng mưa

Bọn trẻ lớn dần, qua biển cả
Má sớm già hơn bởi đợi chờ
Giao thừa ôm áo con hồi nhỏ
Mong chúng sẽ về trong giấc mơ

Năm nầy tết đến đã.....mồ côi
Tía má còn đâu để đấp bồi
Cúng cha giỗ mẹ....mâm đầy cỗ

Có nhẹ được lòng?....Tâm thảnh thơi ?....

Phủ Hiền

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Tết Hải Ngoại




Ai nhắc mùa Xuân tới
Lệ sầu vương đôi mi
Ai đón mùa Xuân tới
Cho tan giấc mộng đương thì.
Mùa Xuân ơi!

Hôm nay mồng một Tết,
Đón Xuân về giữa Đông.
Chẳng đì đẹt pháo tét,
Chẳng mai,cúc,đào, hồng.


Ngoài trời tuyết trắng xoá,
Cây anh đào khẳng khiu.
Gió chilly buốt giá,
Lòng ta buồn quạnh hiu.
 

Nhưng trên bàn thờ tổ,
Vẫn nghi ngút hương bay.
Chén trà bên đĩa quả,
Thêm bánh mứt đủ đầy.


Thiếu chăng: tình lối xóm,
Bà con với họ hàng.
Ngàn trùng xa cách trở,
Ôi nhớ trời trời quê hương!

ChinhNguyen/H.N.T. 

USA, 2013-14

Câu Đối:Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014 - Quên Đi 3


Câu Đối : Quên Đi
Trình Bày: Huỳnh Hữu Đức


Ca Dao 1




Chồng giận thì vợ lui lời
Cơm sôi nhỏ lửa chả rơi hạt nào

Đừng nghĩ thấp chớ nghĩ cao
Không nên câu nệ thế nào cũng xong

Bài làm:

Ca dao: 

Chi bằng thuận vợ thuận chồng
Đan gầu tát cạn Bể Đông là thường
Việc đời dẫu có đôi đường
Lúc Thân lúc Khuất phải nương theo chiều
Việc đời phức tạp thực nhiều phương
Nóng Lạnh Buồn Vui đủ mọi đường
Chồng giận vợ thường nên dịu giọng
Cơm sôi nhỏ lửa hạt nào vương
Đan gầu thiên hạ thường ca tụng
Lấp bể người đời khó đảm đương
Trái phải đôi đường mau xếp lại
Thuận chồng thuận vợ để làm gương

Lúc 19 giờ đêm (10-1-2012
Thái Hanh(Viên Ngoại)


Điệp Khúc Buồn - Trúc Hồ - Ý Lan

    Bài hát là tâm trạng của người con gái trông chờ và nhớ người yêu đã đi xa,lúc naò cũng nhớ nhớ thương thương,mòn mõi trông chờ người yêu mình trở lại.dú năm tháng kéo dài bao lâu cô gái ấy vẫn đợi và hy vọng.Với giọng hát nức nở tưởng chừng như sắp khóc của Ý Lan dễ cho ta cảm nhận được bài hát.
Có người vẫn cho rằng giọng ca Ý Lan hay nhưng hơi "điệu" không thích lắm, nét đặc biệt này nếu không "điệu" thì không phải là Ý Lan . . .


Sáng Tác: Trúc Hồ
Tiếng Hát Ý Lan
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Xuân Nhớ


Gió chướng rao rao nhớ quê nhà
Một lần xuân nữa lại xuân qua
Con nơi đất khách trời xa lạ
Tuyết trắng rơi đầy dạ xót xa

 
Con nhớ Mẹ Cha nhớ Ông Bà
Đầu năm sum họp cả nhà ta
Quây quần tíu tít bên mâm cúng
Chờ nước đầy sông cúng ông bà

 
Dưa hành củ kiệu đơm ra sẵn
Bày diã thịt kho canh khổ qua
Dưa hấu đỏ tươi hên ngày Tết
Chuối cây rau húng trộn thịt gà

 
Nồi cháo mẹ nêm vừa chín tới
Rắc thêm tiêu sọ với hành hoa
Ao sâu ba bắt tôm càng lửa
Sâm sấp vùng ươm lẫu nước dừa

 
Mứt chuối thèo lèo với hạt dưa
Một mâm ngũ quả vừa đầy cứng
Tạ lễ đất trời cặp bánh chưng
Mùng một lên Chùa đi lễ Phật

 
Con không về được nhớ quá chừng
Còn bao nỗi nhớ ..bỗng rưng rưng
Mắt cay nhang khói hương trầm Tết
Lạc lõng hồn con giữa ngày Xuân.


Hoàng Lam

Mời Rượu Đầu Xuân




Này đây, chén rượu đầu xuân
Nâng ly xin chúc quê hương thái hòa
Họ hàng, thân tộc gần xa
Gia đình đoàn tụ, nhà nhà ấm no

Hai tay nâng chén rượu nho
Nhẹ nhàng đặt ở bàn thờ mẹ cha
Nhang trầm, khói tỏa hương xa
Cội nguồn tưởng nhớ, nếp nhà khắc ghi.

Rượu mừng,bạn cũ cạn ly
Thời gian đã chẳng là gì với ta
Ủ lâu, rượu lại đậm đà
Quen lâu, tình bạn mặn mà thêm lên.

Ly này cùng bạn mới quen
Thi ca xướng họa ấm êm tuổi già
Hồn thơ lai láng chan hòa
Cành khô lại bỗng nở hoa rạng ngời.

Rượu tình, xin gởi bạn đời
Nồng như chén rượu giao bôi năm nào
Một đời đầm ấm bên nhau
Nghe trong vị rượu ngọt ngào hương yêu...

Lộc Mai (Phương Hà)


Những Mẫu Chuyện về Táo Quân Phần 1


 Táo Quân (Trung灶君 <灶君> (Táo quân)Zào jūn); Táo Vương (灶王) hay Ông Táo trong tín ngưỡng dân gian Việt NamTrung Hoa được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà; Táo (灶) có nghĩa là bếp. Việt Nam và Trung Hoa có những truyền thuyết về Táo Quân khác nhau.
Trung Hoa có những truyền thuyết về Táo Quân như sau:
  • Theo Lã Thị Xuân Thu: Chúc Dung là thần quản lý lửa do Viêm Đế mang tới, khi chết người dân thờ làm thần lửa
  • Theo Ngũ Kinh Di Nghĩa: Táo Quân tên Tô Cát Lợi, vợ là Vương Thị
  • Theo Dũ Dương Tạp Trở: thần lửa trông như một cô gái đẹp, tên là Ổi hay Trương Đan, tên chữ là Tử Quách, những ngày không trăng thường lên trời tâu về việc người nào có lỗi...
  • Theo Hoài Nam Tử: Viêm Đế (tức Thần Nông) mang lửa đến cho dân nên khi chết được thờ làm thần bếp
Về giới tính, người dân Phúc Kiến, Giang Tây cho rằng Táo là nữ thần, gọi là "Táo Quân Lão mẫu" hoặc "Táo Quân Thái thái". Theo Thái Bình Ngũ Lãm trích từ Ngũ Kinh dĩ nghĩa, Trịnh Huyền cho Táo Thần là “lão phụ” tức một người đàn bà. Hứa Thận, nhà ngôn ngữ đời Đông Hán, thì cho rằng: "Táo Thần họ Tô tên Cát Lợi, phu nhân của Táo Thần họ Vương tên Bác Giáp" và hình tượng Táo Thần là người đàn ông. Nhưng người vùng Ninh Hóa và một số vùng khác thì vẫn tôn thờ nữ thần, có thể do họ chịu ảnh hưởng của Trịnh Huyền hoặc cho Táo Thần chuyên lo việc bếp núc, điều tra tội nhỏ, là việc của nữ giới

Thờ cúng

Người Trung Quốc cho rằng trước kia mỗi tháng vua bếp lên trời một lần vào ngày tối (ngày cuối tháng âm lịch) để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình nhưng sau này, mỗi năm vua chỉ lên trời một lần vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp. Vào ngày đó, người Trung Quốc bày bàn thờ gần bếp, cúng vua bếp bằng thịt, cá, rượu nếp, bánh kẹo. Ngoài ra còn có nước và cỏ khô cho ngựa của vua bếp "ăn" để bay và chở vua lên trời

Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo.Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.
Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết.
( Theo http://vi.wikipedia.org )

Sau đây là hai Truyện điển hình.

Truyện thứ nhất

Mấy trăm năm trước đây có một cặp vợ chồng rất nghèo. Anh chồng làm không đủ ăn nên đâm ra buồn bã và tìm giải sầu trong men rượu. Khi nhậu say thì về nhà đánh đập vợ. Người đàn bà bất hạnh không chiụ đựng nổi, đành bỏ nhà ra đi. sự tích việt nam
Một hôm đi lạc trong rừng suốt mấy ngày, đói lả và mệt mã. Sau cùng bà tìm thấy nhà của một anh thợ săn. Người thợ săn này rất tử tế, cho bà ăn uống đầy đủ lại còn bảo bà ta ở lại nhà ông ta nghỉ ngơi. Bà ta ở đó và dọn dẹp nhà cửa cho anh. Sau một thời gian, họ nên vợ chồng và sống thật hạnh phúc. Người đàn bà đã quên người chồng cũ rồi.
Một ngày kia, trong khi người chồng thợ săn đang đi săn trong rừng, thì một người đàn ông trông có vẻ đau yếu, quần áo tả tơi bẩn thỉu đến nhà xin ăn. Người đàn bà động lòng thương mời vào nhà cho ăn. Trong khi anh ta ăn uống bà ta mới quan sát kỹ hơn và nhận ra đó là người chồng trước của bà. Bà cảm thấy thương hại anh ta, nên cho đồ ăn và một ít tiền bạc. Vừa lúc đó người chồng thợ săn trở về trông thấy vợ mình đưa cho người đàn ông lạ mặt vật gì liền sinh ra nghi ngờ. Anh ta cho là vợ mình lăng nhăng và không còn tin cậy nữa.
Bà vợ cố gắng giải thích cho chồng nghe nhưng ông chồng không tin, không nghe. Bà vợ buồn rầu lắm. Một hôm trong khi nấu ăn bà ta nhảy vào lửa tự tử. truyen co tich
Khi người chồng thứ nhất nghe tin vợ chết thì cảm thấy hối hận vì cho rằng đó là lỗi mình gây ra. Thế rồi anh ta cũng tự thiêu chết theo vợ.
Người chồng thứ hai lúc bấy giờ mới tin vợ là người ngay lành. Anh ta cảm thấy hổ thẹn về thái độ của mình và buồn phiền về cái chết của vợ mình. Anh ta thấy không thể tiếp tục sống cô đơn nữa bèn tự thiêu chết theo vợ. truyện cổ tích
Ngọc Hoàng trên trời biết được chuyện yêu đương tam giác và những lỗi lầm của họ nên cho họ biến thành “táo quân” (3 người thành 3 đầu chụm lại đỡ nồi nấu ở trên) có nhiệm vụ theo dõi việc nội bộ của các gia đình dưới trần gian. Vào cuối năm âm lịch, ngày 23 tháng chạp, táo quân lên chầu Ngọc Hoàng tâu lại mọi điều đã xảy ra trong nhà mình ở. Ngày đó, dân chúng dọn bữa cơm ngon để cúng, đưa ông táo về trời. Họ cũng đốt giấy bằng bạc, áo quần bằng giấy, vì cho rằng chuyện đó sẽ giúp ông táo trong cuộc hành trình về chầu Ngọc Hoàng.
               ( http://truyencotich.vn )

Truyện Thứ Hai

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc:
Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.
Từ đó, ba vị Thần Táo được coi là 3 vị thần định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bài vị thờ vua Bếp thường được ghi vắn tắt là "Định Phúc táo Quân" nghĩa là thần định mọi sự hạnh phúc.
Mỗi năm, cứ đến tết ông Công ông Táo vào 23 tháng chạp, Táo Quân lên trời báo cáo Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian, những hành vi, việc làm tốt, xấu của các thành viên trong gia đình trong năm một cách khách quan, trung thực.
( Theo http://www.truyenngan.com.vn )

Cúng Tiễn Táo Quân

Không biết tục cúng Ông Táo đã có từ bao giờ nhưng theo các vị cao niên kể lại thì đây là phong tục đã có từ rất lâu; có lẽ từ thủa còn chế độ mẫu hệ, khi tổ tiên người Việt đã biết làm nông nghiệp và sử dụng lửa trong việc nấu nướng món ăn thức uống. Sở dĩ khẳng định là vậy bởi theo tích xưa truyền
Phong tục thờ cúng Táo Công thường  bắt đầu từ chiều 22 hoặc sáng 23 tháng Chạp, các gia đình làm lễ để ông Táo lên chầu trời (Tiễn Táo) để tấu trình mọi việc của gia chủ với Ngọc hoàng thượng đế, đến trưa 30 Tết thì ông Táo lại có mặt ở hạ giới để tiếp tục công việc. 
  
Lễ vật cúng Ông Táo được chuẩn bị vô cùng chu đáo và trang trọng thể hiện sự thành kính của các gia chủ. Lễ vật gồm có: mũ Táo Quân thường có 3 cỗ (chiếc) gồm một của nữ thần không có cánh chuồn, 2 của nam thần có cánh chuồn, kèm theo áo quan, hia (hài), tiền vàng, tiền bạc cùng bệ bằng giấy. Nhưng để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) kèm theo một chiếc áo và một đôi hia. Theo sách "Nam Định địa dư chí" của tiến sĩ đốc học Khiếu Năng Tĩnh thế kỷ XIX, thì mũ, áo, hia của Táo Quân màu vàng. Nhưng có sách lại nói màu sắc tùy thuộc từng năm, ứng với các hành Kim (vàng), Mộc (trắng), Thủy (xanh), Hỏa (đỏ), Thổ (đen).

 
Ngoài những đồ “vàng mã” sẽ được hóa vàng sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ để lập bài vị mới thì lễ vật còn có hoa quả (chuối, bưởi, quất vàng, hoa cúc…), trầu cau, hương đèn, cỗ mặn (xôi, thịt, rượu), và cá chép sống ở miền Bắc, ngựa với đầy đủ dây cương, yên ở miền Trung. Theo quan niệm của người miền Bắc thì ông Công, ông Táo khi đi lên thiên đình phải cưỡi cá chép vì chỉ có cá chép mới có thể vượt vũ môn hóa rồng bay lên trời. Cá chép được mua thường là chép nhỏ màu đen tuyền hoặc vàng đỏ khỏe mạnh, sau đó được bỏ vào trong chậu xinh xinh để lên trên bàn thờ cúng cùng các lễ vật khác. Đến chiều thì phóng sinh cá ra ao hồ, sông suối…
   
 Cùng với các lễ vật chay thì mâm cỗ mặn để cúng tiễn ông Táo đi nhanh về sớm cũng được các gia chủ chuẩn bị rất chu đáo. Dù khó khăn hay khá giả, các gia đình vẫn cố gắng sắm một mâm cỗ với đầy đủ các món ăn truyền thống để tỏ lòng biết ơn với các vị Định phúc Táo Quân. Mâm cỗ cúng ông Táo truyền thống gồm có: Xôi gấc, thịt nấu đông, nem rán, giò nạc, cá chép rán, thịt lợn luộc, lòng gà nấu măng, món xào, dưa cải, rượu trắng, chè sen ở miền Bắc còn trong Nam có thêm xôi chè, trám hoặc thịt kho tàu, giò xào, dưa kiệu….Đặc biệt, theo tục xưa còn truyền thì mâm cỗ cúng không thể thiếu một con gà luộc ngậm hoa hồng, nhưng gà cúng ông Táo phải là gà cồ mới gáy bởi các gia chủ  muốn cầu xin Táo Quân lên tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho con trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy!

Ngày nay, phong tục cúng ông Táo, ông Công vẫn còn được lưu giữ nhưng không được tổ chức chu đáo và nhiều nghi lễ như xưa. Có thể do bản sắc văn hóa làng xã Việt đang dần bị mai một; xã hội càng phát triển, các đô thị, thành phố mới được mọc lên nhiều làm cho  làng xã Việt – vốn là nơi lưu giữ những tinh hoa văn hóa dân tộc bị thu hẹp lại. Những gia đình Việt hiên đại trong ngày lễ ông Táo, ông Công thường làm cho có lệ, đơn giản và sơ sài. Có chăng chỉ là một chậu cá để  chiều về phóng sinh hay mâm cỗ đơn giản với  gà luộc, xôi gấc, chè kho mua sẵn, còn lại chỉ nấu một vài món mặn là xong mâm cỗ. Vô tình như vậy đã làm mất đi bao ý nghĩa tốt đẹp của phong tục này. Thiết nghĩ, tết ông Táo là một phong tục đẹp cần được bảo tồn và giữ gìn. Chỉ cần một tấm lòng thành, một sự ngưỡng vọng, nhớ ơn đến tổ tiên và các vị thần đã bảo vệ cho gia đình mình một năm an bình, thịnh vượng thì chắc chắn ngày tết ông Táo sẽ thêm phần ý nghĩa.
( Theo http://tapchimonngon.com )

Hết Phần 1

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm


Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Xuân Nhớ Ca Dao Mẹ - Sáng Tác Dương Thượng Trúc - Xuân Phú Ca




Sáng Tác & Trình Bày: Dương Thượng Trúc
Ca Sĩ: Xuân Phú

Chờ Một Mùa Xuân


39 năm – không có mùa Xuân
vì bị cướp mất một lần năm đó
tụi chúng mình chịu tang chung dòng họ
dù Xuân vẫn về rực rỡ hàng năm.

Nhớ ngày xưa bè bạn cùng chung hầm
dưới công sự - đồn biên phòng giá buốt
thế mà ấm - chia nhau từng điếu thuốc
ngắm ngàn mai dưới triền núi trổ hoa.

Tết đời lính trên phố núi xa nhà
cũng nhận được tấm hình con áo mới
lá thư nhỏ của vợ hiền mong đợi
lửa yêu thương nghe thơ thới trong lòng.

Xuân năm nay ngoài phố vẫn tưng bừng
những chiếc xe con ngập ngừng phố chợ
cạnh đó đám dân nghèo không kịp thở
bon chen mua từng lít gạo mỗi ngày.

Bến Ninh Kiều nở rộ một rừng mai
vẫn thấy buồn kiếp tôi đòi thế hệ
chúng ta đợi một ngày mai quê Mẹ
vạn nụ cười sống khỏe đón chào Xuân.

Dương Hồng Thủy


Nỗi Niềm



Hồn mãi mơ về miền đất lạ
Bồi hồi thương nhớ suốt mùa đông
Nơi đây sương phủ mờ hoa lá
Chốn ấy mưa rơi ngập cõi lòng?
Người chắc chưa quên lời ước hẹn?
Ta còn mãi giữ nỗi chờ mong
Trà sen độc ẩm đêm cô quạnh
Trăng lạc bên thềm, úa khoảng không.

Lộc Mai (Phương Hà)

Đoản Văn Cuối Cùng Cho Bố

 Để kỷ niệm cho riêng tôi 
và tặng cho những ai vừa mất bố  (LA )

      Thế là sau vài tháng chống đối trong tuyệt vọng với căn bệnh ung thư, bố tôi đã vĩnh biệt con cháu để đến một thế giới yên bình nào đó với mẹ tôi. Người mà bố tôi đã phải đau đớn rời xa khi tuổi mới chớm hoàng hôn để nhận lấy gần 30 năm trời, sống trong sự cô đơn, buồn tẻ vừa qua.
      Bố tôi ra đi để lại cho tôi một cảm giác ân hận. Vì vướng bận với công việc sinh nhai, tôi đã không thể về kịp gặp bố trong những ngày bệnh hoạn cuối đời của bố. Tuy vậy trong thời gian bố bệnh, gần như ngày nào tôi cũng liên hệ điện thư hay điện thoại để theo dõi tình trạng của bố. Hình như nhiều năm qua, linh cảm đã đến, day dứt, báo trước cho tôi biết sẽ vì một lý do nào đó, ngày bố ra đi có thể tôi sẽ không có điều kiện về thăm. Chính vì vậy hơn 10 năm qua, năm nào tôi cũng dành thời gian về thăm bố như để bù trừ cho sự khiếm khuyết đó.


      Trong cảm giác ân hận, dĩ vãng kéo tôi về với 35 năm về trước. Ngày mà tôi đang còn cao ngạo với vài thành công trong lứa tuổi mới lớn, vừa bước vào đời. Mừng vui với may mắn được rời xa đất nước, đi Nhật bản tu nghiệp. Tôi còn nhớ rất rõ lần tiễn đưa tôi ở phi trường Tân Sơn Nhất. Ông nội buồn rầu nhìn tôi mà nói, chắc ngày tôi về không còn gắp ông tôi nữa. Đúng như vậy, sau khoảng 2 năm ông tôi mất. Lúc đó tôi đang cực nhọc, phải làm đủ mọi công việc để kiếm sống vào những năm 1975, 1976 . Từ phu đổ rác trong khu kỹ nghệ thành phố đến thân phận kẻ lao công, lái xe nâng hàng trong những nhà kho đông lạnh ...Tôi đều đã trải qua ở Nhật bản để kiếm tiền cho việc ăn học của chính mình và gửi về nước cưu mang gia đình.

      Cũng trong lần tiễn đưa đó. Mẹ tôi lại nhìn vào tôi, đứa con trai trưởng với sự an toàn, đầy tự tin hơn.Tôi không quên, lúc sửa soạn bước vào khu vực ngăn cách kẻ ra đi, người ở lại. Mẹ ân cần nói nhỏ với tôi: “ Mẹ rất tin vào sự khôn ngoan và biết tính toán của con, giúp con hiểu rằng cả gia đình đang trông chờ nơi con mà cố gắng học hành, đừng theo chúng bạn ăn chơi!“ . Tôi cũng không ngờ lần tạm biệt, với lời dặn dò đó là câu nói cuối cùng vĩnh biệt, mẹ đã dành cho tôi . Mẹ tôi mất khi tầm tay với của tôi vừa chạm vào chiếc cọc an cư, lạc nghiệp của đời tôi, khi vừa đến Thụy Sĩ. Lúc đó tôi vừa lập gia đình, đứa con trai đầu lòng của tôi, cũng là đứa cháu đầu tiên của mẹ chưa kịp chào đời. Trong nỗi đau buồn, mất mát to lớn đó, tôi cũng chẳng có điều kiện giấy tờ để về Việt Nam dự đám táng của mẹ!

      Sau đó tôi đổ dồn lo lắng, báo nghĩa ân tình vào bố tôi, mong ước bù lấp phần nào những khiếm khuyết với sự ra đi của ông nội và mẹ tôi. Tôi đã tìm đủ mọi cách tạo dựng cho bố có cuộc sống thanh nhàn, sung túc trong gần 30 năm từ ngày mẹ tôi mất. Nhưng với cá tính thiếu sâu sắc cố hữu của mình, tôi đã không hiểu thực sự về bố. Tôi đã không nhìn thấy sự cô đơn, buồn tẻ của bố, người bố chỉ vừa qua tuổi trung niên đã phải sống kiếp hẩm hiu đơn chiếc. Mãi sau này khi cuộc sống và cái nhìn của xã hội Tây phương đã giúp tôi thông hiểu hơn về bố thì đã muộn màng. Thời gian và tuổi già đã đưa đến cho Bố chữ yên phận,chỉ muốn được sống vui với con cháu và bạn bè cùng lứa tuổi ở địa phương.

      Bây giờ khi bố mẹ đã mất, đời tôi đã đi qua với 35 năm sống tha hương. Quay nhìn lại thời gian trải dài phía đằng sau. Mới ngày nào còn ở tuổi thanh niên với giòng máu nóng cuồn cuộn trong cơ thể. Cũng như biết bao nhiêu thanh niên khác được may mắn có dịp ra hải ngoại học hành, mở mang kiến thức. Tôi ôm mộng ước cho ngày trở lại quê hương để làm việc cho nơi mình đã sinh ra, lớn lên đang trong khói mù của chiến tranh. Nơi mà tôi đã có quá nhiều kỷ niệm buồn vui , đã từng nhìn rất rõ nỗi nhọc nhằn nghèo túng của mẹ cha . Nhưng hoàn cảnh thế sự đã khác, ngày ra đi, tôi không thể hình dung được cũng là ngày tôi rời xa biền biệt, để những lần trở về chỉ là những cuộc rong chơi của người khách nhàn du. Mấy chục năm vừa qua, tôi về thăm Bố, thăm quê hương của chính mình nhưng vẫn trong thân phận một con người khác hoàn cảnh. Tôi chỉ ở VN vài tuần lễ để đuổi đi phần nào nỗi buồn nhớ cố hương , sự cô đơn của cuộc sống hải ngoại ... rồi lại ra đi (dù trong lòng mình vẫn có cái gì vướng víu ?!)

      Kể từ nay, bố không còn nữa, tôi đã mất đi cái cảm giác về quê hương thăm bố. Nhưng tôi vẫn còn quá nhiều lý do, sự ham muốn từ quê hương réo gọi, bởi vì Việt Nam vẫn là nơi có quá nhiều hoài niệm và đầy ước mơ của tôi.
      Dĩ nhiên những lần về nước sau này, ít hay nhiều tôi cũng không còn những mong đợi thời gian cho đến ngày lên máy bay như trước nữa , lúc bố tôi còn sống . Tôi cũng không còn phải để dành những hộp chocolate thật ngon, những lọ sâm Cao Ly rất tốt... dàng riêng cho bố nữa. Rồi khi ở VN, những lần vui với bạn bè đến quá nửa đêm khi trở về nhà. Tôi không còn dịp để xúc động mỗi khi thấy bố còn chong đèn, nửa thức nửa ngủ chờ mở cửa cho tôi, không một lời trách mắng. Rồi còn đâu những lần dẫn vợ con cùng về. Bố biết con dâu, cháu nội thích ăn xôi, cơm nếp, đã thức dậy từ 3,4 giờ sáng vo gạo đãi đậu phục vụ cho con cháu ăn mà lòng bố tràn đầy hạnh phúc. Tất cả không còn nữa !

      Tôi cũng vậy, những lần theo bạn bè du lịch, khi ra Bắc chẳng bao giờ tôi quên mang về vài gói cốm Hà nội, bánh đậu xanh Hải Dương làm quà cho bố. Những lần thăm viếng xứ Huế, đất cố đô, tôi mua về vài gói kẹo lạc, mè xửng dành cho bố uống trà . Khi xuống miền Nam, nơi tôi đã khởi nghiệp bước công danh của gần 40 năm về trước. Dù có bận rộn thế nào tôi vẫn phải mang về cho bố những đòn bánh tét , những gói cá khô thiều đặc sản địa phương. Rồi biết bao lần, khi có dịp qua đường Nguyễn Văn Hai, ngã ba Ông Tạ tôi chưa bao giờ quên cái món bê thui để mua về một gói, đó là món ăn bố tôi rất thích. Bây giờ, bố đã mất rồi, mọi sự việc là những ký ức đẹp đẽ sẽ được thời gian đẩy xa dần vào dĩ vãng và mãi mãi là những kỷ niệm trong lòng tôi về bố. Người bố mà tôi chẳng muốn quên.
      Trong thời gian bị bệnh cũng như lúc được tiễn đưa đến nơi yên nghỉ mãi mãi, bố đã được săn sóc ân cần của con cháu, sự thân tình thăm viếng của đông đảo họ hàng, bạn bè. Tất cả mọi người đã đến với bố bằng sự thân tình quí mến chân thành. Đây có lẽ là một niềm vui và hãnh diện của bố.


      Tôi tự hỏi, 10 năm, 20 năm hay 30 năm sau, khi tôi 70, 80 hay 90 tuổi, dĩ nhiên tôi cũng sẽ phải ra đi như bố, như tất cả nhân gian để hợp với lẽ biến đổi không ngừng của kiếp vô thường trong Phật pháp. Rất có thể một lần về thăm Việt Nam, quê hương với biết bao nhiêu giấc mơ dang dở trong lòng tôi. Vì một nguyên nhân nào đó tôi sẽ ra đi, nằm lại với quê hương và tôi sẽ không còn là kẻ tha phương kiếm sống nữa. Nhưng cũng có thể định số lại đưa thân xác tôi về nơi quê vợ, Nhật bản. Nơi tôi đã khởi đầu một cuộc đi xa trong đời để rồi phải nhìn về VN dưới cái nhìn cố quốc. Nhưng biết đâu sau vài cơn đau đớn cái chết đến với tôi ở Thụy Sĩ quê hương thứ hai của tôi. Nơi đã đưa vòng tay nhân ái, nồng nàn cho tôi được dịp thi thố tài năng và học hỏi của mình trong hơn 30 năm qua.Tất cả là chữ nếu, không có gì lạ lùng khi xẩy ra cho đời tôi.

      Nhưng dù xuôi tay từ giã cuộc sống ở bất cứ nơi nào. Việt Nam, Nhật bản hay Thụy sĩ... Tôi chắc chắn, tôi sẽ không có được những ân tình nồng nàn của đông đảo con cháu, họ hàng và bạn bè tiễn đưa, thân thiện như bố tôi. Rất dễ hiểu bởi vì bố tôi là một người có quá nhiều đức tính của bao dung, thân thiện và đạo đức ... làm sao tôi có thể so sánh được ?! Từ lúc sinh ra, tôi chưa bao giờ học hỏi được một cái gì dù rất nhỏ liên quan đến văn chương, khoa học từ bố ... Nhưng chắc chắn đức tính làm người chân thật, tốt lòng và đạo đức của Bố với mọi người đã làm tôi cảm phục, kính nể .Tôi chắc chắn chẳng bao giờ đủ tài năng để theo được Bố tôi. Ông bố quê mùa, kém học thức nhưng lại là ông bố tuyệt vời mãi mãi ngự trị trong lòng tôi -/-


Lưu An
(Zuerich , March 2008)