Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Gọi Là…Một Chút


(Cảm tác từ “Một chút” của Khiếu Long)

Gọi là một chút nhớ thương
Để cho tim ấm con đường tình qua
Gọi là một chút cách xa
Để mong hoài niệm mãi là trong nhau
Gọi là một chút xót đau
Để ôm cay đắng ngậm sầu với em
Gọi là một chút thân quen
Để vương ánh mắt môi mềm tình rơi
Gọi là một chút tại…nhưng
Để đời sỏi đá cũng đừng dối gian

 7/2014
Thiên Thu

Bạn Đã Đi Rồi


( Gởi về TBT Houston – TX . USA)
  
Mới ngày nào chúng ta cùng họp mặt
Đối diện nhau nhắc mãi tuổi học trò
Bạn định cư bên trời xa đất khách
Tôi quê nhà cày sỏi đá âu lo.

Tiếp các bạn  điểm dừng chân chợ nổi
Với ông và bà nữ sĩ Nguyên Nhung
Cơn nắng Hạ hâm ân tình nóng hổi
Vì thật lâu mới có dịp tương phùng.

Vài ngày sau chúng ta cùng gặp lại
Bên dòng sông hiền dịu của Bà Vèn
Anh Sáu Thành với thửa vườn rộng mát
Nhà cao cửa rộng ngồi mãi… chưa quen.

Trưa hôm nay mở máy vui gặp bạn
Đã về nhà bận bịu chuyện hàng ngày
Nắng vẫn ấm hôn dòng sông quê Mẹ
Mà bạn ta xa tít … buổi chiều nay !

Bạn trở về mang ân tình bất tận
Bạn ra đi đem niềm vui nhỏ đi theo
Không biết năm sau hay năm sau nữa
Chúng tôi còn …tiếp bạn ở quê nghèo?!

Dương Hồng Thủy

Wir Fuhren Allein Im Dunkeln Heinrich Heine - Anh Và Em Không Hẹn


Wir Fuhren Allein Im Dunkeln

Wir fuhren allein im dunkeln
Postwagen die ganze Nacht;
Wir ruhten einander am Herzen,
Wir haben gescherzt und gelacht.

Doch als es Morgens tagte,
Mein Kind, wie staunten wir!
Denn zwischen uns saß Amor,
Der blinde Passagier.

Heinrich Heine
* * *
Dịch Thơ:
Anh Và Em Không Hẹn


Anh và em không hẹn,
Cùng đi chuyến xe đêm.
Hai đứa cười vui vẻ,
Chỉ mình anh với em.

Sáng ra ta kinh ngạc,
Thấy người khách thứ ba
Là tình yêu lậu vé
Lén vào ngồi bên ta.


Thái Bá Tân
(Kim Oanh sưu tầm)

Lake Oconee-USA Giống Hồ Than-Thở-Việt Nam

Một trong số những chùm chime
Lake Oconee/USA giống Hồ Than-Thở/Việt Nam
Kiến trúc pha kim cổ

ChinhNguyen/H.N.T. 
GA, 2011-14



Thói Quen Trễ Giờ


      Viết về đề tài này cũng giống như món ăn dễ nhai nhưng khó nuốt, hoặc y như mình tình nguyện bước chân vào ổ kiến lửa, bởi nó không dễ dàng được người khác “cảm tình”.
Người Việt Nam nào cũng than phiền về tình trạng trễ giờ của “phe ta”, nhưng ngay những người than phiền về điều này cũng không tránh khỏi thói quen mà chính họ không… ưa. Người viết cho rằng đây là một “thói quen”, vì nhiều bằng chứng cho thấy những ai “trễ hẹn” là vì họ muốn như thế chứ không do hoàn cảnh khiến họ phải trễ giờ. Khi cần, người Việt Nam rất đúng giờ. Ít ai thấy người Việt Nam đến muộn trong những vụ hẹn hò có tính cách ảnh hưởng đến “nồi cơm” của họ.
      Ngay người bản xứ cũng biết cái “bệnh trễ giờ”, hay “thói quen trễ giờ” của người Á đông hay người Việt Nam chúng ta. Có một thành ngữ  bằng tiếng Anh: “Better late than never, but never late is better”. Tạm dịch: “Trễ giờ vẫn còn tốt hơn không bao giờ, nhưng không  bao giờ trễ giờ vẫn tốt hơn trễ giờ.”
Trong những cuộc hẹn hò giữa đôi tình nhân, người trễ giờ thì không sao, nhưng người chờ đợi thấy thời gian nó dài lắm. Cho nên Thi Sĩ Hồ Dzếnh có mấy câu Thơ:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé.
Để lòng buồn anh dạo khắp quanh sân.
Trên tay anh điếu thuốc cháy lụi dần.
Anh khẻ bảo: gớm, sao mà nhớ thế.

      Đó là sự trễ giờ giữa đôi trai gái yêu nhau, và sự trễ hẹn đó không sao, có khi còn là chuyện hay hay, nhưng trong sinh hoạt của con người, tình trạng trễ giờ cần phải được xem lại. Vì sự trễ giờ thật sự đã tạo thêm nhiều rắc rối, có khi là những hệ lụy khôn lường. Trong những cuộc vượt biên tìm tự do, người đến điểm hẹn không đúng lúc, đã bị bỏ lại và phải mất hằng chục năm mới gặp lại người thân, hoặc họ chẳng bao giờ gặp nhau sau lần trễ hẹn đó.
Tại hải ngoại, sự trễ giờ một cách triền miên của người Việt Nam đã làm mất thì giờ của nhau một cách vô lý trong những tiệc cưới hay những buổi hội họp. Có người kể cho tôi nghe, tại Oregon (nơi người viết đang cư ngụ) có một vị Mục Sư Việt Nam làm tiệc cưới cho con ông. Có lẽ ông muốn làm một cuộc thay đổi về tình trạng trễ giờ, nên ông nói trước với những tín hữu mà ông là mục sư của họ rằng: Ông sẽ tổ chức đúng giờ, nếu anh chị em nào đến trễ giờ, ông xin lỗi trước, bởi ông sẽ không chờ. Kết quả, tiệc cưới không thể tiến hành đúng giờ, vì đã trễ hơn một tiếng mà chỉ có vợ chồng ông và xe của cô dâu chú rể có mặt, còn hầu hết những người thuộc nội, ngoại, xa gần cùng tín hữu vẫn chưa thấy tăm hơi. Trước hoàn cảnh đó, tiệc cuới không thể tiến hành và xem như hoài bảo làm một cuộc “cách mạng” về việc đúng giờ của vị mục sư khả kính đó đã trở nên thất bại “thê thảm”.
      Có lần tôi tổ chức tiệc vui trong ngày “Tết Nguyên Đán” tại Salem, Oregon, nơi tôi khởi sự mục vụ rao giảng về sự cứu rỗi của Chúa. Trong bữa tiệc này, có khoảng 30% quan khách là người bản xứ. Vì biết cái tật của “phe ta” nên trong thư mời, tôi ghi giờ mời người Mỹ trễ hơn người Việt Nam một tiếng đồng hồ. Dù đã ghi trong thiệp như thế nhưng tôi vẫn chưa an tâm. Gần đến ngày tổ chức, tôi đích thân gọi từng gia đình Việt Nam và xin họ cố gắng đến đúng giờ để ban tổ chức khỏi phải áy náy với người bản xứ. Vì thấy tôi “năn nỉ” tha thiết quá nên có khoảng 40% khách Việt Nam đến trước giờ khai mạc khoảng 15-30 phút, và 60% còn lại đến rất đúng giờ. Rốt cuộc, tất cả người bản xứ đều đến sau người Việt Nam. Nhưng lần chờ đợi đó, phe ta vui lắm, vì đó là lần đầu tiên “bất chiến tự nhiên thành”.
Như đã nói, người Việt Nam nào cũng than phiền về tình trạng trễ giờ của những người Việt Nam khác, nhưng tại sao nhiều người Việt Nam vẫn cứ trễ giờ? Thực tế thì người Việt Nam rất đúng giờ, có khi còn đến sớm cả giờ để ngồi chờ, trong những trường hợp sau đây:

      Hẹn thi quốc tịch hay tuyên thệ trở thành công dân Hoa Kỳ. Ra phi trường đón người yêu hay đón vợ từ Việt Nam mới sang. Hẹn phỏng vấn cho công việc làm. Hẹn phỏng vấn xin tiền trợ cấp xã hội…
Nếu vì thiếu giờ nên trễ giờ thì không nói chi, nhưng còn dư giờ mà cũng trễ giờ một cách triền miên thì phải tìm cách thay đổi. Nhiều trường hợp cho thấy, không ít người bị tai nạn xe cộ chỉ vì hối hả trong lúc lái xe. Có những trường hợp người ta gây ra hoả hoạn chỉ vì hối hả ra khỏi nhà, nên quên kiểm soát điện đài hoặc không nhớ tắt đèn, tắt bếp.
      Trở lại câu hỏi, tại sao người Việt Nam hay trễ giờ? Xin thưa, tại vì người Việt Nam muốn trễ giờ trong các tiệc cưới hay sinh hoạt trong cộng đồng. Người viết từng thăm dò về tình trạng này thì hầu hết ai cũng nghĩ, mình có đến trước cũng phải chờ người khác, nên việc gì phải đúng giờ? Mặt khác, thì giờ dự trù ra khỏi nhà để đến điểm hẹn quá khít khao nên luôn luôn trễ.

      Đi chơi trễ giờ, tham dự những buổi tổ chức trong cộng đồng, các tiệc cưới hỏi trễ giờ đã đành, mà đến đến Nhà Thờ hay Thánh Đường để thờ phượng Chúa cũng trễ giờ. Tôi từng sinh hoạt tại một nhà Tin Lành tại Portland, Oregon. Tôi chứng kiến, có người vào nhà thờ đã trễ cả nửa tiếng. Họ bước vào nhà thờ  trong lúc ông mục sư đang giảng luận. Đáng lẽ họ phải giữ im lặng và tìm cho mình một chỗ ngồi thì họ lại đi “tà”, “tà” như không chuyện gì xảy ra. Chưa hết, họ còn ung dung tấp bên này bắt tay người này, tấp qua bên nọ bắt tay hay chào hỏi người kia thật lớn tiếng, khiến người giảng luận và người nghe giảng luận cũng phải giật mình.
      Thử hỏi, là con dân Chúa, chúng ta có một cuộc hẹn với thị trưởng thành phố hay thống đốc tiểu bang chúng ta có dám trễ giờ không? Vậy mà hằng tuần đến nhà thờ ra mắt Chúa, chúng ta luôn hay thường trễ giờ là sao? Nếu chúng ta mong đợi và vui mừng cho việc chờ đến ngày Chúa Nhật để được đến nhà thờ thờ phượng Chúa thì khó trễ giờ lắm.
      Tôi thấy trong các mùa lễ lớn tại Hoa Kỳ, có người vì muốn mua cho bằng được hàng hoá “on sales” nên phải đến trước xếp hàng cả giờ. Có người đến trước tiệm, dựng lều để chờ sáng sớm vào trước mua được món hàng giá rẻ, nhưng khi cần đúng giờ cho những việc khác thì lại không quan tâm. Nói chung, tất cả sự trễ nải là do chúng ta mà thôi. Trước khi kết luận bài viết “dễ mích lòng” này, tôi xin kể câu chuyện về sự “trễ giờ” của tôi.

      Khoảng năm 1998, tôi tham dự một buổi nói chuyện và giải đáp thắc mắc về chương trình “cải cách an sinh xã hội” (welfare reform) của chính phủ Mỹ tại Portland, Oregon. Tôi đến địa điểm tổ chức trước giờ khai mạc khoảng ba mươi phút. Đây là thói quen của tôi. Trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, tôi luôn cố gắng đến trước giờ tổ chức để quan sát và tạo dịp tâm tình, xã giao với đồng hương mình. Lần đó đến địa điểm tổ chức vừa đậu xe xong, bước ra khỏi xe tôi gặp ngay một vài đồng hương Việt Nam gồm những vị rất cảm tình và luôn ủng hộ các việc làm của tôi. Các vị giữ tôi lại và hỏi han nhiều vấn đề, từ chuyện cộng đồng cho đến chuyện cá nhân. Khoảng mười phút chuyện trò tôi mới nói với các vị ấy rằng: “Thôi chúng ta cũng nên vào trong cho ấm hơn và để tiếp tay với ban tổ chức nếu họ có điều gì cần giúp…”. Khi chúng tôi bước vào hội trường thì tôi mới “té ngửa” là mình lại trở thành kẻ “trễ giờ” so với hằng trăm người ngồi chật nít trong hội trường. Lần đó tôi nhìn thấy những khuôn mặt thật xa lạ, hoặc những người tôi từng quen biết trong sinh hoạt cộng đồng, trong nhà thờ Tin Lành, ngay cả những người từng tuyên bố “không thích chuyện chính trị” cũng đến đó trước tôi. Họ quá đúng giờ và đến thật đông vì buổi nói chuyện đó thật sự có liên quan đến nồi cơm của họ. Tôi không nói điều này tốt hay xấu, nhưng tôi chỉ muốn nói, trễ giờ hay đúng giờ đều cho chúng ta quyết định cả.


      Kết luận: Luật pháp không đó điều khoảng nào buộc tội người “trễ giờ” nhưng sự trễ giờ thường tạo ra nhiều điều tiêu cực cho chính người đó và những người chung quanh. Ai không tin, cứ thử đến trễ trong vụ hẹn thi quốc tịch Mỹ, hoặc tuyên thệ trở thành công dân Hoa Kỳ, hoặc có mặt trong một phiên Tòa, hoặc cuộc phỏng vấn tìm việc làm… thì biết. Tôi cũng từng trễ giờ, và nếu tôi phải đến trễ, tôi cố tìm cách thông báo cho ban tổ chức hay người mời tôi rõ hoàn cảnh của tôi. Tôi càng ý thức rằng, không thể chỉ vì sự trễ nải của tôi mà làm ảnh hưởng đến nhiều người khác.
      Đừng nên trễ giờ trong các sinh hoạt chung và cũng đừng nên trễ nải trong đức tin nếu người đó đang tìm kiếm một nơi vĩnh cửu cho linh hồn sau khi lìa trần. Ý tôi muốn nói là đừng trễ nải cho quyết định tiếp nhận sự cứu rỗi của Chúa. Đừng chờ ngày mai, vì ngày mai có khi không đến với chúng ta. Chỉ cần một trận động đất, sóng thần, một tai nạn, một cơn bệnh, chúng ta sẽ không còn cơ hội để đạt được những gì đáng lẽ chúng ta phải đạt được khi còn hơi thở. Chúng ta có thể chậm trễ điều gì chứ việc chung, hay công việc Chúa thì không nên trễ nải.

Huỳnh Quốc Bình

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Dạ Khúc (Sérénade - Franz Schubert) - Phạm Duy - Lệ Thu


Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
Thơ Tranh & Youtube: Kim Oanh

1/ Sérénade - Franz Schubert 

 

2/ Dạ Khúc - Lời Việt Phạm Duy, Tiếng Hát Lê Thu 


Dạo Khúc Bên Hồ

(Một trong số những chùm chime)

Như Lamartine trong bài thơ Le Lac,
Ta ngồi đây bên Lake Oconee.
Sóng lăn tăn theo gíó buồn hiu hắt,
Mấy chùm chime văng vẳng tiếng ngân dài.

Hồ nằm dưới chân đồi nghiêng thoai thoải,
Những hàng cây thân thẳng vút trời cao.
Dãy kiến trúc năm tầng pha kim cổ,
Như điện đài là khách sạn năm sao.

Thời tiết buổi giao mùa nên chớm lạnh,
Tấm màn mây che khuất ánh mặt trời,
Gió nhè nhẹ se lòng ta cô quạnh,
Nhớ hồ xưa_Than-Thở_sớm sương mờ.

Kìa có một chiếc xuồng đang lướt nước,
Tận ngoài xa vỗ sóng nhẹ xô bờ.
Một chim trắng đang là là bay lượn,
Chạnh lòng ta thương hại kiếp chim đơn.

Hỡi thời gian hãy ngừng dang cánh rộng,*
Cho hồn ta lắng đọng phút trầm tư.
Hãy yêu mau*...lời Thi-Nhân kêu gọi,
Giòng thời gian cuốn mạnh cõi phù du.

Rồi mai sẽ hình hài tan biến hết,
Chẳng còn chi ở lại chốn dương trần.
Cái tồn tại...là hồn ta vĩnh viễn,
Cùng Oconee hiện hữu mãi ngàn năm.

*Le Lac/Lamartine(Méditations):
O temps,suspends ton vol...suspendez votre cours...
Aimons donc...hâtons nous,jouissons.

ChinhNguyen/H.N.T. GA, 2011-14

Rạch Nước Quê Tôi - Đồng Tháp










Phủ Hiền

Tình Khúc Toán Học

LGT:

      Tống Ngọc Nhan là cháu nội của Ông Tống Hữu Định, Cựu nữ sinh trường Trung Học Tống Phước Hiệp, lớp 6/7, niên khóa 1973 -1974 Vĩnh Long, Việt Nam.

     Từ khi còn đi học, Ngọc Nhan đã sưu tầm, chép lại những bài thơ xưa. Trong những bài thơ ấy Ngọc Nhan đã sưu tầm những bài Tình Toán Học, cô đã gìn giữ suốt 35 năm qua.
     Chân thành cảm ơn Ngọc Nhan đã lưu giữ những bài thơ hiếm quý từ xa xưa để lưu truyền mãi về sau.

Trân trọng
Kim Oanh


Tình Khúc Toán Học



Anh có biết tình ta luôn “tọa độ”
Sao anh còn làm “biện số” đi hoang
“Tỉ lệ thức” tình yêu anh có biết
“Thương số” là gì anh vẫn đa mang
Là con gái lòng em luôn “định hướng”
Yêu một lần chỉ “một điểm” thôi anh
Mặc bao tháng “đồ thị” vẻ lanh quanh
Kìa “mặt phẳng” cứ lạnh lùng tiến tới
Em lại bảo tình anh luôn “tọa độ”
Thiên hạ đồn em chỉ thích “Vectơ”
Này anh hỏi sao không khai “tích số”
Tình yêu là gì? một “ẩn số” hay sao?
Đời “vô nghiệm” sao anh không chịu hiểu
“Hệ thống phương trình” nào có nghĩa chi đâu
“Đường thẳng” cứ đi tình yêu sẽ tới

“Đa thức” làm gì một kiếp sống mong manh
Anh có biết em yêu “hằng đẳng thức”
“Hệ thống” hai phương trình em muốn bốn
Khi thấy anh đứng yên như “một trục”
Em chợt hiểu tình yêu “y=ax”
Nhưng anh ơi tình yêu trong “đa thức”
Cũng chỉ là “hàm số” đương thời
Vậy “căn số” anh ơi tình “đại số”
“Đại số” muôn đời anh ước mơ

(Khuyết Danh)
Tống Ngọc Nhan sưu tầm


***
Những Bài thơ Tình Toán Học tiếp

1/ Tình Toán Học
2/ Tình Yêu ax2+bx+c=0
3/ Tình Yêu Toán Học
4/Tình Qua Toán Học


Một Mảnh Đời Cô Quạnh - Phần 1

(Viết dành tặng riêng cho T.)  
Lời giới thiệu:
Ước mơ, và cả những ảo ảnh là những điều không thật nhưng đôi khi rất cần cho người ta. Với nó người ta tìm được nguồn vui để sống, giúp họ quên đi được những bất hạnh đớn đau, những đầy đọa của số phận mà đời họ đã không may mắn phải nhận chịu.
Đó là hình ảnh của một cố bé gái xấu xí dung nhan, tàn phế thân thể lại thêm căn bệnh đau tim trầm trọng đã bị cha mẹ ruồng rẫy, phủi bỏ. Cô ta vẫn ôm ấp giấc mơ khi có đủ lớn khôn sẽ đi tìm mẹ và có được một người thương yêu trong mộng. Nhưng bất hạnh thay, cuối cùng ước mơ của cô bé vẫn là mộng tưởng và ảo ảnh thì chẳng bao giờ có thật ?!
Câu truyện này đã được kể bởi một cô giáo, đầy lòng nhân đạo. Cô ta đã giúp đỡ và làm việc cho một cơ sở trông coi những đứa trẻ bất hạnh tàn tật ở VN vào những năm gần đây. ( LA)

* * *


      Vài đám mây trắng đục che phủ bầu trời cùng làn gió nhè nhẹ thổi qua làm giảm đi rất nhiều cái nóng cháy rát da của Sàigòn giữa tháng 8, mùa mưa, mang cho tôi cái dễ chịu sau mấy giờ dạy học. Về nhà sớm cũng chẳng làm gì, đứa con trai duy nhất hôm nay lại bận rộn vì tiệc sinh nhật của người bạn cho biết đến khuya mới về.
      Trong cái dễ chịu, nhàn nhã đó, tôi muốn đi bộ một lúc để thải ra ngoài cơ thể cái mệt nhọc của mấy giờ liền dậy học. Vừa quẹo vào con đường Yên Đổ, một cảnh tượng hiện ra trước mắt đã làm tôi ngẩn ngơ đứng lại nhìn với cảm giác ái ngại, xót xa.
      Một đoàn trẻ tàn tật, khoảng hơn 50 đứa, lớn bé khác nhau đang xếp hàng nối đuôi nhau băng qua con đường. Một rừng xe gắn máy dừng lại, những cặp mắt mở lớn nhìn lũ trẻ bất hạnh di chuyển như một đàn thú trong đoàn xiếc. Vài đứa uốn cong người, dùng đôi cánh tay lăn bánh chiếc xe lăn của chính mình. Vài đứa khác chân thấp, chân cao cố giữ cân bằng để khỏi té mỗi khi di chuyển. Có đứa ôm sát cặp nạng gỗ vào dưới nách cố gắng chia sớt sức nặng của tấm thân trên cặp chân lỏng thỏng, không tí sức lực như cặp dây thung bị đứt... Đoàn trẻ lặng thinh, không một tiếng cười đùa. Chúng chăm chú lê lết tấm thân tàn tật của mình trong khói xe mùa mịt.
      Trong lúc tôi đang ngẩn ngơ, ái ngại nhìn đoàn trẻ bất hạnh, một tiếng la đau đớn phát ra từ đám trẻ làm tôi giật mình. Hai chiếc nạng gỗ văng ra khỏi hàng, đứa bé gái ngã nằm sõng xoài trên mặt đường nhựa đang cố gắng lồm cồm tìm cách ngồi dậy.Tôi chạy lại, nâng con bé ngồi dậy. Một bên má bị tím bầm, đôi môi sưng to,lem luốc vì giòng máu đang rỉ ra từ hai lỗ mũi. Rút vội chiếc khăn tay trong túi, tôi lau nhẹ trên khuôn mặt ngăm đen, trầy trụa dính máu và đất cát của con bé, ân cần tôi hỏi :
-Con có đau lắm không, để cô giúp con.
      Nói xong tôi cố kéo nó đứng dậy, con bé phải tựa vào thân mình tôi vì chỉ còn một cái chân phải duy nhất tạm gọi là có tí bắp thịt để chống đỡ trên mặt đất. Chân bên kia xuôi lơ, không sức lực đong đưa theo di động của thân mình nó.
      Dù vẫn còn nét đau đớn hiện rõ trên khuôn mặt, nhưng con bé vẫn cố gắng đưa tay ra như cố nắm lấy cặp nạng gỗ của mình mà tôi đang cầm trong tay:
-Cám ơn cô, cô đưa nạng cho con !
      Ngay lúc đó một trong hai bà nhân viên dẫn dắt lũ trẻ cũng vừa đến. Với giọng trách mắng bà ta nói với con bé :
-Thiên Phúc,con thấy chưa ? Cô đã bao nhiêu lần nói con phải mang xe lăn, mà con không nghe! Thôi ráng đứng dậy, tự đi đi ! Cô không thể giúp con được vì còn phải đẩy xe cho con Nguyệt ở phía trước.
Tôi quay sang nhìn bà nhân viên như mong bà ta thông cảm cho cái té đau của con bé :
-Em nó còn đau lắm! Thôi chị để tôi giúp nó một tí. Tôi cũng đang rỗi rãi chẳng có gì bận rộn cả.
-Cám ơn chị lắm.
Rồi hơi cau mày, co vẻ bực bội bà nhân viên nói tiếp :
-Con nhỏ này cứng đầu lắm , không phải đây là lần đầu tiên đâu. Chỉ dậy cho nó nhưng không bao giờ nó nghe lời, nhiều khi bực mình lắm !
Hình như câu phân trần và nét mặt sợ xệt, vẫn còn đau đớn của con bé đã làm bà nhân viên bớt bực mình. Bà ta hạ giọng nhỏ nhẹ nói với tôi :
-Nếu vậy thì tốt quá, xin chị giúp chúng tôi một tí. Cũng không còn xa nữa, qua con đường này vài trăm mét nữa là đến rồi.

      Nói xong bà nhân viên vội vã chạy lên phía trước cầm lấy chiếc xe lăn đang đứng trơ trọi giữa đường. Trên đó một đứa bé gái khác thân hình còm cõi ngồi như dán vào chiếc yên xe.
      Lúc này tôi mới nhìn rõ đứa bé tàn tật đang đứng tựa vào thân tôi. Con bé khoảng 15, 16 tuổi, nước da ngăm đen, hai gò má nhô cao làm cho cái mũi hơi hếch vốn dĩ đã thấp lại như bị ép sát hơn vào khôn mặt. Trên cái đầu khá to, mái tóc lưa thưa, quăn queo rối bời có lẽ vì ít được bới chải... Tất cả cái đó, cùng với đôi chân tật nguyền của con bé thể hiện một hình hài bất hạnh của đứa con gái xấu xí. Nhưng nếu nhìn thật kỹ trên khuôn mặt không cân đối của con bé. Người ta sẽ thấy trên khuôn mặt xấu xí đó, cặp mắt một mí rất sáng, luôn luôn ươn ướt được mở ra, khép vào bởi cặp lông mi khá dài hơi cong, làm cho nó có cái gì dễ mến, có duyên. Đôi mắt uớt và sáng long lanh đó hình như chứa đựng vẻ buồn bã, suy tư lộ hẳn ra bên ngoài, diễn tả rất rõ ràng loại người sống rất nhiều với nội tâm.
Đúng như bà nhân viên nói, chỉ băng qua con đường, lũ trẻ được dẫn vào một cơ sở dậy nghề hớt tóc trong một ngõ hẻm khá rộng. Nơi đây chúng được hớt tóc miễn phí vì cơ sở cần những chiếc đầu có tóc của chúng để cho những học viên thực tập.
      Qua lời tâm sự của hai người nhân viên. Đám trẻ thuộc ngôi trường nuôi dậy trẻ tàn tật về tứ chi của thành phố. Chúng có thể được đến từ những gia đình tư nhân, với lý do nào đó cha mẹ chúng không muốn cưu mang đứa con tàn tật. Họ gửi đến nhà trường trong nom bằng chi phí mà họ thanh toán từng tháng. Chúng cũng có thể là những đứa bé tàn tật bị bỏ rơi trên đường phố hay bệnh viện, nhà bảo sinh... dưới dạng những đứa con vô thừa nhận. Nhưng cũng có thể là những đứa con khiếm khuyết tứ chi do đạn mìn, tai nạn xe cô, bệnh tê liệt... Cha mẹ chúng, quá nghèo khổ phải lo sinh kế không thể nuôi dưỡng chúng được.
Nhân viên làm trong trường được trả lương như một công nhân viên của thành phố. Tài chánh cũng như vật dụng của nhà trường đều do quỹ của thành phố hay qua sự giúp đỡ của các hội đoàn từ thiện trong và ngoài nước. Ngoài việc nuôi dưỡng, nhà trường cũng tổ chức những lớp học căn bản, mục đích giúp chúng biết đọc, biết viết và tính toán tương đương với bậc tiểu học. Với những đứa trẻ có ý hướng và khả năng học cao hơn ( cấp hai và cấp ba ), chúng phải ra ngoài theo các trường phổ thông cùng những trẻ bình thường ngoài xã hội.

      Đặc biệt, vài đứa trẻ sống thời gian lâu và trưởng thành trong trường. Có thể do một đưa đẩy nào đó, chúng thương yêu nhau. Nhà trường sẽ kết hợp chúng, dành cho vợ chồng chúng một căn phòng nhỏ riêng biệt trong trường. Nếu có đứa nào may mắn hơn, chúng kết hôn với người bình thường ngoài xã hội, nhà trường sẽ tạo dịp cho chúng ra ngoài sinh sống.
      Từ khi hệ thống bao cấp được bãi bỏ. Nhà trường không còn thuần túy là một cơ sở từ thiện nữa. Bên cạnh sự nuôi dậy trẻ bất túc, nhà trường còn hoạt động trong lãnh vực kinh tế để kiếm tài chánh chi dụng thêm cho hoạt động của cơ sở. Chẳng hạn như nhận những đơn đặt hàng từ các cơ sở thương mại để sản xuất như may, thêu quần áo. Đan, móc hay chế tạo các đồ vật lưu niệm dưới dạng gia công. Những đứa trẻ ngoài việc học hành, ăn ngủ chúng còn phải làm việc theo khả năng cũng như tình trạng tật nguyền của chúng để đóng góp cho cơ sở hoạt động.
      Tôi ái ngại ngồi nhìn lũ trẻ tật nguyền lẳng lặng luân phiên đưa mái tóc cho người ta thực tập. Chúng chấp nhận đẹp, xấu không một tiếng than vãn hay yêu cầu. Cảm giác xót đau xâm chiếm tâm hồn. Tôi chợt nhớ đến những mất mát, thua kém của đời mình. Mới 5 tuổi, tôi đã phải nhìn thấy mẹ tôi mất. Rồi biết bao nhiêu dại khờ tiếp theo, chỉ vì thiếu sự chỉ dậy, khôn ngoan cuả mẹ. Tôi đã kinh hoàng trong 7 năm chung sống với người chồng bệnh hoạn về tâm lý, chỉ biết say sưa, cờ bạc và đầy đoạ vợ con. Đã gần 10 năm qua, từ ngày chồng chết, hình ảnh kinh sợ của kiếp làm vợ vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ, làm tôi trốn chạy tất cả những vương vấn tình cảm. Tôi đổ dồn cuộc đời và ước mơ của mình cho đứa con trai duy nhất như là niềm vui của cuộc sống.
      Nhưng hôm nay, tôi cảm thấy mình vẫn có quá nhiều hạnh phúc và may mắn hơn lũ trẻ tàn tật và bất hạnh này. Tôi có ý định dành một khoảng thời gian rảnh rỗi dùng khả năng của mình để giúp đỡ chúng, như là sự cảm thông, chia xẻ một phần nào nỗi đau khổ của chúng. Hai bà nhân viên tỏ ra rất vui mừng, họ cám ơn tôi rối rít với ý định thiện nguyện của tôi. Họ cho tôi biết điều kiện để mướn thêm nhân viên được coi là một vấn đề rất khó khăn của nhà trường. Những người làm việc tự nguyện luôn luôn được chờ đón nồng hậu. Cuối cùng họ xếp đặt để cho tôi gặp mặt trực tiếp với bà hiệu trưởng của nhà trường vào tuần tới.
&
      Đúng ngày hẹn, tôi đến ngôi trường nuôi dậy trẻ bất túc của thành phố. Một cơ sở khá đồ sộ, gồm nhiều dẫy nhà bao quanh một chiếc sân rộng tráng ciment, thoáng khoát ở giữa. Dù buổi trưa, trời nắng chang chang, vẫn có vài đứa bé tật nguyền quây quần chơi đùa dưới gốc vài cây bàng khá lớn trong sân. Xa xa trên hiên nhà, vài đứa bé khác lê lết đôi chân hay khấp khễnh đôi nạng gỗ đi đi , lại lại chơi đùa với nhau.

      Hình như đã chuẩn bị trước, khi tôi vừa gõ nhẹ vài tiếng vào cánh cửa văn phòng, chị nhân viên vui vẻ bước ra chào đón tôi:

-Chị có phải là Diễm không ạ ? Mời chị vào, bà hiệu trưởng đang chờ chị đó.
Chưa kịp trả lời chị nhân viên, bà hiệu trưởng đã từ văn phòng bước ra, niềm nở nắm lấy cánh tay tôi, thân mật như quen biết từ lâu:
-Tôi có nghe chị Hải, nhân viên của tôi cho biết chị đã giúp đỡ cháu Thiên Phúc, khi cháu bị té trên đường đi hớt tóc. Chị ấy cũng cho biết chị có thiện ý muốn giúp đỡ chúng tôi trong vấn đề chăm sóc các em tần tật. Thật cám ơn lòng tốt của chị lắm.
-Không dám, chẳng có gì đáng để bà phải cám ơn cả.
Sau đó bà ta hỏi tôi về khả năng chuyên môn cũng như gia cảnh và cả những nguyên nhân nào thúc đẩy tôi tự nguyện muốn giúp đỡ cơ quan của bà ta. Cuối cùng, bà hiệu trưởng cho tôi biết, nhà trường rất cần sự giúp đỡ của tôi vào những ngày cuối tuần và ngày lễ vì nhân viên viên cơ hữu phải thay phiên nhau nghỉ. Công việc chỉ chơi đùa, trông nom hay nếu được giúp lũ trẻ tí chút về việc học văn hoá. Những việc khác như nấu ăn, lau chùi... đã có nhân viên cơ hữu đảm nhận. Rồi bà ta ra dấu cho cô nhân viên đi gọi con bé Thiên Phúc đến để cám ơn tôi.
Khi chiếc xe lăn vừa xuất hiện trước thềm cửa căn phòng , bà hiệu trưởng đã lên tiếng
-Thiên Phúc, con đến chào cô Diễm, cám ơn cô đã giúp đỡ con vừa rồi đi !
Con bé ngước mắt nhìn về hướng tôi, lăn chiếc xe chậm chạp đến sát bên tôi. Vẫn đôi mắt ươn ướt một mí buồn bã, mái tóc thưa thớt, lờm xờm càng làm xấu thêm khuôn mặt không đều đặn mầu da bánh mật... Nó nhỏ nhẹ nói với tôi:
-Con chào cô, cám ơn cô đã quá tốt, giúp đỡ con vừa qua !
Tôi im lặng nhìn con bé mỉm cười, đưa tay kéo chiếc xe lăn của nó sát hơn vào mình. Thái độ thân thiện, tình cảm của tôi có lẽ đã làm con bé cảm động, sung sướng. Nó di chuyển chiếc xe lăn đến sát hơn, đầu hơi ngả vào tôi. Bàn tay nắm nhẹ lấy cánh tay tôi như muốn hưởng trọn vẹn cảm giác đụng chạm thương yêu mà tôi đang dành cho nó.
Tôi vuốt nhẹ đầu con bé, cúi xuống gần sát tai nó với giọng nói thân thương, tôi hỏi :
-Con còn đau không ?Vết thương trên môi đã thật sự khỏi chưa ?
-Cám ơn cô, đã khỏi rồi cô ạ. Khi nào rảnh rỗi cô đến chơi với con...
Con bé định nói tiếp, nhưng bà hiệu trưởng đã ngắt lời :
-Thiên Phúc, thôi con ra ngoài chơi, để cô nói chuyện. Cô Diễm sẽ còn đến đây giúp đỡ các con nữa.
Khi con bé vừa biến mất sau cánh cửa, bà hiệu trưởng ngước mắt nhìn tôi, với giọng đều đặn bà ta kể lể :
-Con bé đã sống ở đây hơn 10 năm rồi, hoàn cảnh cũng như cá tính của nó rất đặc biệt. Khác hoàn toàn với những đứa trẻ khác và hình như rất khó hiểu!...

      Qua lời bà hiệu trưởng, Thiên Phúc đã được mẹ chở bằng xe hơi đến đây hơn 10 năm về trước, khi nó mới 5 tuổi. Mẹ nó là một ngườ đàn bà khá đẹp, giầu có và hình như là vợ của một cán bộ cao cấp ở một địa phương nào đó.Không biết vì lý do gì mà bà ta phải mang nó đến đây. Có thể nó là đứa con tư sinh của bà ta, chồng bà ta không vừa ý nuôi dưỡng ? Nhưng cũng có thể vì sĩ diện với xã hội do sự tàn tật của đứa con mà cha mẹ nó không muốn nhận nó là con... Ngày mà bà ta đến đây, nhà trường mới thành lập, thiếu thốn đủ mọi thứ. Những giúp đỡ của các cơ quan từ thiện cũng như của chính quyền chưa được đầy đủ. Vì vậy khi nhận nó vào, ngoài việc trả tiền chi phí rất cao và trả trước cho hẳn một năm, mẹ nó còn giúp đỡ nhà trường nhiều vật dụng như giường chiếu, bàn ghế... Vì vậy nó đã được nhà trường đón nhận với nhiều mong muốn.
Sau đó, thỉnh thoảng bà ta cũng đến thăm nom, mang cho con bé quần áo và đồ ăn. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sự thăm viếng thưa dần, cho đến một lần, vào khoảng giữa năm. Mẹ nó cho nhà trường biết vì phải đi công tác xa không thể trông nom nó thường xuyên được. Bà ta đóng phí tổn cho hẳn một năm sắp tới. Rồi từ đó đã 8 năm, nhà trường không còn gặp lại bà ta và cũng không đóng tiền cho nhà trường nữa. Nhà trường sai người đến địa chỉ trong hồ sơ xin nhập trường của con bé, nhưng chỉ là địa chỉ ngụy tạo mà thôi. Chính vì vậy hiện nay nó được xếp vào thành phần trẻ tàn tật vô thừa nhận, không cha, không mẹ được cưu mang dưới dạng nhân đạo.
      Đặc biệt cá tính của nó rất vững mạnh, đời sống có vẻ khép kín. Thường tìm cách tách rời khỏi những cuộc chơi đùa với những đứa trẻ khác cùng lứa. Trí não của nó không có gì đặc biệt của một đứa trẻ thông minh. Nhưng hình như nó rất tự tin và có chút kiêu ngạo so với lũ trẻ khác. Sau khi học xong phổ thông cấp một của nhà trường, con bé nằng nặc đòi học lên cấp 2. Vì vậy, hàng ngày phải ra ngoài, đến trường phổ thông cấp 2 , học với trẻ em bình thường. Nó chấp nhận làm việc nhiều hơn trong cơ sở sản xuất của nhà trường để cung ứng phí tổn cho việc học cao hơn. Điều bất hạnh hơn cho nó là ngoài tình trạng tàn tật đôi chân, con bé còn mang theo một căn bệnh đau tim khá nặng, đã mấy lần phải vào bệnh viện cấp cứu.
&
      Thấm thoát tôi đã đều đặn giúp đỡ cho lũ trẻ bất hạnh được gần một năm trời vào những ngày cuối tuần. Những chiếc bánh ngọt, nồi chè đơn sơ, cũng như những thùng quần áo cũ thu gom từ các gia đình quen biết khác, nơi mà tôi dậy học luôn luôn là những món quà rất ý nghĩa mang vui mừng cho lũ trẻ khốn khổ đó.
Mỗi khi tôi đến làm việc đều được chúng vui mừng chờ đón. Đặc biệt con bé Thiên Phúc, giữa tôi và nó hình như có rất nhiều cảm thông, gần gũi. Với nó tôi có cảm tưởng như là một người bạn mà tôi đã chẳng ngại ngần thổ lộ khá nhiều tâm sự riêng tư của mình cho nó nghe. Con người và cá tánh của con bé đã mang đến cho tôi khá nhiều ấn tượng. Vẻ trầm lặng, đôi mắt ướt một mí buồn tẻ, luôn luôn chứa đựng nét suy tư, làm cho tôi có đôi chút tò mò về con người thầm kín của nó.
      Trong những cuộc chơi đùa tập thể, con bé thường tránh xa hay chỉ tham dự lấy lệ. Nhưng mỗi khi tôi đứng một mình hay ngồi nghỉ ở một chỗ nào đó. Y như rằng, nó lại lân la đến gần, hỏi han tâm sự hay đứng nấp ở một góc kín đáo nhìn tôi với đôi mắt khó hiểu.
Một lần,sau bữa cơm tối, ánh mặt trời gần biến mất để trả lại cái mát mẻ của bóng tối mù mờ từ vài ngọn đèn từ ngoài đuờng hắt vào sân trường. Tôi đang chỉ dẫn, bày trò chơi cho nhóm trẻ ở trước dẫy nhà chính. Không biết tại sao tôi có cảm giác là lạ, cảm giác như đang bị một người nào đó đứng bên ngoài soi mói, quan sát tác động của mình. Tôi quay lại, nhìn lên phía lan can của dẫy nhà. Sau cánh cửa của căn phòng, dưới ánh đèn mù mờ từ xa chiếu lại, một cặp mắt rất buồn bã hình như chứa đựng đầy rẫy suy tư đang chú ý vào tôi. Chỉ nhìn thấy nửa chiếc xe lăn lấp ló bên cạnh cửa, cái đầu với mái tóc lưa thưa cũng cho tôi biết là con bé Thiên phúc. Tôi tự nhiên cảm thấy thương xót con bé. Nhìn thấy nỗi cô đơn, buồn bã khó hiểu của nó dưới bóng tối nhập nhoè trong tiếng nô đùa cười vui cuả những đứa trẻ khác.

      Tôi đứng dậy, thủng thẳng đi đến bên nó, để tay lên vai kéo sát nó vào thân tôi. Bàn tay khác, tôi âu yếm vuốt nhẹ mái đầu và đôi má sạm đen của nó. Con bé im lặng, ngả sát đầu sát hơn vào tôi như muốn tận hưởng trọn vẹn sự vuốt ve âu yếm của tôi.
-Thiên Phúc, tại sao con không ra chơi đùa với các bạn ? Con có chuyện gì buồn, hãy nói cho cô nghe đi.
-Con muốn đứng xa ngắm nhìn cô...
Chỉ nói có thế rồi nó im lặng, ngước mắt lên nhìn tôi, đưa bàn tay nắm lấy cánh tay tôi vuốt nắn ra chiều thân thiết. Tôi giật mình, muốn rút tay ra khỏi bàn tay của con bé vì cảm thấy đau đớn khi nó xoa lên cánh tay tôi. Nhưng tôi đã kịp kìm chế, im lặng chịu đau, để yên cho nó vuốt ve. Lúc này tôi mới biết bàn tay của nó rất thô, xấu xí và lộm cộm những mảnh da chai cứng như những cái vẩy đâm vào lớp da mỏng mềm của tôi. Có lẽ những lần trước, nó cũng đã vuốt tay tôi nhưng vì thường mặc áo dài tay cho nên tôi không cảm nhận được.
-Cô có nét đẹp giống như mẹ của con lắm,cô Diễm ạ. Mẹ con cũng có mái tóc đen nhánh, uốn cong tự nhiên, thả dài xuống đôi vai như cô. Cũng có bàn tay trắng mềm thường vuốt ve , âu yếm con khi con đến gần.
Tôi không trả lời, nhưng đưa vuốt đầu nó ra vẻ cảm thông, đợi chờ lời tâm sự của nó mà tôi đang muốn nghe.
-Con sẽ phải thoát khỏi nơi đây. Con không muốn đời mình phải chôn vùi trong cái không khí bệnh hoạn, tù túng và giả dối này cô ạ .
Nói đến đó, con bé im lặng, đưa mắt nhìn bâng quơ, không chủ đích ra hướng ngoài sân, rồi nó tiếp :
-Con sẽ phải tìm cho chính mình một cuộc sống bình thường. Lớn lên, phải có một người yêu thương dưới một mái gia đình vợ chồng và đàn con. Con sẽ như mọi người khác, rồi ngày nào đó con sẽ đi tìm mẹ của con, sẽ tha thứ cho mẹ vì đã bỏ bê con !...

      Con bé nói một tràng rất dài về những dự tính và ước mơ với giọng đều đặn, như không hề chú ý đến sự hiện diện của tôi, đang đứng bên nó với đôi mắt ngẩn ngơ nhiều ngạc nhiên. Cuối cùng ngước đôi mắt lên, nhìn về hướng tôi, nó hỏi nhẹ :
-Cô không tin sao ? Không phải là những ước mơ hão huyền của con đâu cô ạ. Con đã và đang theo đuổi với những cố gắng của mình đó!
Thấy tôi vẫn im lặng, nó nắm nhẹ lấy bàn tay tôi lắc nhẹ như muốn tôi chú ý vào lời tâm sự của nó hơn :
-Cô có biết tại sao con quyết tâm xin đi học phổ thông cấp hai không ? Những ngày nghỉ con thường tìm cách đi ra ngoài, khỏi 4 bức tường bao quanh đây để học hỏi. Chuẩn bị cho một ngày nào đó đủ lớn khôn và may mắn con sẽ ra đi khỏi nơi đây.
      Lời nói của con bé đã làm tôi lo sợ, cảm thấy nó không phải là đứa bé tàn tật dại khờ, thiếu tính suy, không đủ can đảm để làm những việc mà nó muốn làm nữa. Tôi quay nhìn thẳng vào đôi mắt một mí ươn ướt của nó. Tôi chợt tìm thấy trong vẻ buồn cô hữu đó tiềm ẩn ánh mắt quyết liệt vững mạnh. Im lặng tí chút, nhỏ nhẹ tôi nói vừa đủ cho nó nghe :

-Con nên suy nghĩ rất kỹ lưỡng, sự liều lĩnh và sai lầm sẽ mang rất nhiều phiền phức và nguy hiểm cho con.     Nơi đây dù sao cũng là một cơ sở từ thiện, ít ra con cũng tìm được những nhu cầu tối thiểu cho đời sống tàn tật của con !...
Con bé mỉm cười, ngắt lời tôi, với giọng chua cay :
-Từ thiện! Cô tưởng họ làm từ thiện sao? Cô hãy nhìn bàn tay của con, của những đứa trẻ khác. Dù tàn tật ở mức độ nào miễn là còn một tí sức lực để làm việc, để sản xuất... Đều phải tạo ra sản phẩm cho những hợp đồng gia công từ các công ty gửi đến để kiếm tiền cho nhà trường. Cho những nhân viên mà họ mệnh danh là những người làm việc từ thiện!
      Tôi giật mình, đưa bàn tay tỏ ý ngăn cản không cho nó nói tiếp. Nhưng con bé nhìn tôi với ánh mắt quyết liệt: 
-Cô tưởng họ nhận, họ nuôi con ở đây họ bị lỗ sao ? Mỗi ngày bao nhiêu chiếc áo con phải may, bao nhiêu chiếc túi xách tay, giỏ đi chợ con phải đan, phải móc để cung ứng cho hai bữa cơm, một chiếc giường ngủ ? Con phải làm cho đến bao giờ ? Không lẽ phải đợi cho đến ngày đôi chân tàn tật của con mọc ra những bắp thịt khoẻ mạnh như người bình thường để ra đi sao cô ?!

      Rồi cứ thế, với giọng cay đắng nó nói tất cả những cái xấu xa trong bóng tối, đằng sau cơ sở nơi nó đã sống và nhìn rất rõ trong hơn 10 năm qua. Cuối cùng nhìn tôi với giọng rất nhẹ nhàng, thân quí :
-Nơi đây, chỉ có cô mới thật sự là người tốt, đúng nghĩa chữ từ thiện, lòng nhân đạo mà thôi. Còn lại chỉ có bề mặt! Một lũ giả đạo đức! Con mong muốn những điều con nói ra không là sự thật. Nhưng buồn làm sao nó đúng như vậy, cô Diễm ạ .
Tôi lịm người, im lặng kéo sát đầu nó vào lòng mình tỏ vẻ thông cảm với những điều nó nói. Buông tiếng thở dài tôi an ủi :
-Nhưng biết làm sao hơn, lực bất tòng tâm Thiên Phúc ạ.
-Không, con phải vươn lên, phải đi vào xã hội cố tìm cho mình một người bình thường yêu thương con. Anh ta sẽ kéo con ra khỏi 4 bức tường giả dối này. Con sẽ có cuộc sống như bất cứ người đàn bà nào khác trên thế gian. Có chồng và vài đứa con. Khí giới của con là lòng quyết liệt và ước mơ. Ước mơ là nguyên liệu cho cố gắng. Quyết liệt là kiên nhẫn giúp con đi tới cùng.
Dừng lại một chút như suy tư, với giọng buồn bã như muốn khóc, nó tiếp :
-Cô tưởng rằng sự tàn tật đôi chân, xấu xí hình dạng là những vật cản ngăn được ước mơ của con sao ? Không! Dù con biết rõ,đó là những thiệt thòi của mình, nhưng con vẫn không nghĩ rằng nó đủ ngăn cản được cố gắng của con. Nỗi buồn đau, lo lắng nhất của con là căn bệnh đau tim, chỉ có nó mới hủy diệt được sức sống và làm con gục ngã mà thôi!…
Muốn tránh những lời tâm sự mà tôi nghĩ quá đáng, quá sức của nó. Tôi giả bộ quay sang hướng khác cầm lấy cán chiếc xe lăn :
-Để cô đẩy còn ra góc bên kia hàng hiên, nơi đó mát mẻ hơn nhé.

      Rồi chẳng đợi nó đồng ý tôi đẩy chiếc xe lăn đến góc hàng hiên, sáng sủa hơn vì ánh trăng sao từ bầu trời chiếu xuống. Tôi đứng tựa vào chiếc xe đưa mắt nhìn kỹ bóng đánh con bé mà hôm nay tôi mới thực sự nhìn rõ được tâm tư nó. Con bé hình như hiểu tôi cố ý muốn chấm dứt lời tâm sự của nó thì phải. Khuôn mặt ngăm đen và đôi mắt một mí lại trở về bao phủ vơi nỗi buồn cố hữu.
Bầu không khí im lặng phủ trùm lấy tôi và nó. Chúng tôi, mỗi người đeo đuổi một ý nghĩ riêng tư, dù khác nhau nhưng chắc chắn đều nhắm vào hoàn cảnh bất hạnh đau buồn của nó.
Mãi một lúc sau, hình như tiếng thở dài nhẹ của tôi đã kéo con bé ra khỏi suy tư, ngước mắt lên chăm chú nhìn tôi khá lâu, tôi nó hỏi :
-Cô Diễm, chồng cô chết đã hơn 10 năm rồi, tại sao cô không tái giá ?
Thấy tôi im lặng, nó hỏi tiếp :
-Hay ít ra, sao cô không tìm lấy một người yêu ? Cô còn đẹp lắm mà.
Tôi nhìn thẳng vào mắt con bé, chậm rãi trả lời :
-Thành thật với con, sau 7 năm đời sống chồng vợ đã làm cô kinh hoàng. Mười năm qua cô sống đơn độc, im lìm, tránh xa những vướng bận tình cảm, vì cô nghi ngờ và kinh sợ đàn ông,Thiên Phúc ạ.

Trả lời xong, tôi cảm thấy mình ngượng ngùng vì nghĩ rằng đã nói dối đứa bé đáng thương, đã can đảm bầy tỏ tâm hồn với mình. Tôi ngần ngừ một chút rồi nói tiếp :
-Nhưng mới đây, vài tháng trước. Cô vừa vướng vào tình yêu Thiên Phúc ạ!
Con bé nghe tôi nói, mở to đôi mắt một mí tỏ vẻ mừng vui nhưng cũng không dấu được ánh mắt tò mò :
-Chắc chú phải là người đẹp trai và rất mềm mỏng chiều chuộng cô lắm?
Nghe con bé nói, tôi phì cười :
-Tại sao con đoán như vậy ?
-Thì cô đẹp và quá hiền, người yêu cô phải tốt như cô chứ ? Hơn nữa cô đã chờ đợi, lựa chọn hơn 10 năm trời mà !?
Tôi lấy bàn tay tát nhẹ vào má con bé, vui vẻ với lối suy luận ngô nghê của nó. Tôi trả lời :
-Không như con nói đâu. Anh ấy xấu trai và có vẻ rất khó tính, không biết chiều chuộng cô như con tưởng đâu.
Con bé lắc đầu không tin:
-Con muốn gặp mặt chú, có được không?
-Không được con à. Anh ấy ở rất xa, ngay cô muốn gặp cũng không dễ dàng.
-Ở ngoại quốc sao cô ?
Tôi bâng quơ gật đầu, tỏ vẻ chấp nhận lời ước đoán của nó. Lưỡng lự một chút, tôi tâm sự :
-Có thể cứ 2 năm hay 3 năm hay lâu hơn nữa anh ấy mới về VN một lần, nhưng với cô điều đó không quan trọng Thiên Phúc ạ. Ngay cả không bao giờ gặp được nhau cô vẫn không buồn... Cô chỉ biết rằng cô yêu anh ấy và ngược lại anh ấy cũng yêu cô, thế là đã mãn nguyện rồi.
Con bé giương mắt nhìn tôi ra vẻ không tin. Tôi vỗ nhẹ vào cái đầu lưa thưa tóc của nó, rồi tiếp :
-Đôi khi người ta nên nhận lấy cảm giác đẹp đẽ của mơ mộng, đợi chờ, nhớ thương từ tình yêu vẫn hơn cảm giác hoan lạc thực tiễn gần nhau rồi sinh ra nhàm chán, con ạ.

      Khi nghe tôi nói xong, không hiểu sao con bé tự nhiên phát ra vài câu hát :
'' Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời, hỏi gíó phiêu du qua bao đỉnh trời. Hỏi những đêm sâu , đèn vàng héo hắt, ái ân bây giờ là nước mắt, cuối hồn một thoáng nhớ mong manh... Từ những cơn mê xa trong cuộc đời, từ những cơn vui tan theo nụ cười. Từ phút trao đi cuộc tình thứ nhất, giá băng khi tuổi hồng đã mất, dâu bèo chìm giữa sóng xa khơi...'' ( Nhạc Trần Trịnh )
      Giọng hát của nó không hay, nhưng những câu hát thật buồn len lỏi vào tim làm cho tôi ngẩn ngơ vì suy tư.Rồi không hiểu sao nó cầm lấy chiếc giỏ xách tay bằng da của tôi, đang để trên thành lan can:
-Con muốn mở ra xem được không cô ?
Tôi mĩm cười dễ dải :
-Tự nhiên, con có thể coi tất cả những gì cô đựng trong đó .
      Chẳng một chút ngại ngần nó kéo rất nhanh chiếc dây kéo (fermature ) nhìn vào trong chiếc giỏ với đôi mắt khá thích thú tò mò. Con bé lấy ra vài tờ giấy bạc mà tôi để lung tung trong đó. Nó vuốt nắn cho thẳng những tờ giấy bạc, sắp xếp lại đàng hoàng, ngước mặt lên nói với tôi :
-Sao cô bỏ tiền bạc lung tung như vậy ? Cô không sợ người ta lấy mất sao ?
-Có ai lấy của cô đâu mà sợ, nhà cô chỉ có cô và đứa con trai, nó chẳng bao giờ biết lấy trộm của cô cái gì cả...
      Con bé mỉm cười khi nghe tôi trả lời, nhìn tôi nó nói:
-Nhưng tiền bạc mà không biết giữ gìn đàng hoàng thì không thể làm giầu được cô ạ...
Tôi cười to, vì nhận xét có vẻ đùa dỡn nhưng rất chí lý :
-Có lẽ con nói đúng, cô chưa bao giờ giầu có cả ! Mà cô cũng chẳng ham làm giầu.
Hình như chẳng để ý đến câu trả lời của tôi, con bé tiếp tục lục lọi, cầm cái bóp nhỏ xách tay của tôi, chẳng cần hỏi mở ra và bỏ mấy tờ giấy bạc vào một ngăn, rồi mở ngăn khác. Lúc đó tôi mới giật mình khi nó kéo ra một xấp ảnh mà tôi đã bỏ trong chiếc bóp. Với vẻ mặt khoái chí, ngước mắt lên nhìn tôi ra ý dò hỏi :
-Con có thể xem được chứ ?
Hơi ngần ngừ một tí, nhưng rồi tôi cũng bằng lòng:
-Đó là những tấm ảnh chụp trong lần cô đi ăn tiệc với nhóm bạn của cô đó.
Nó xem rất kỹ lưỡng từng tấm một, sau đó hỏi tôi :
-Có người yêu của cô và con trai cô trong ảnh không ?
Lưỡng tự một chút rôi chậm rãi tôi trả lời :
-Con trai cuả cô không có trong đó... Nhưng anh ấy thì có.
Con bé im lặng, nhưng không dấu được vui mừng hiện ra trên nét mặt.Nó chậm rãi ngắm nghía từng người trong tất cả tấm ảnh. Cuối cùng không biết vì thần giao cách cảm hay vì trực giác quá nhậy bén. Nó rút ra một tấm ảnh chụp lúc Vĩnh đứng bên cạnh tôi, giữa một đám bạn bè trai gái hơn 10 người, chỉ ngay vào Vĩnh và khẳng định:
-Con chắc người này là người yêu của cô, phải không ?

      Tôi thật sự giật mình, giương mắt nhìn nó đến độ ngẩn ngơ. Trong 6 tấm ảnh chụp bữa tiệc kỷ niệm, chỉ có một tấm duy nhất Vĩnh đứng bên cạnh tôi và cũng chẳng có gì đặc biệt. Hoàn toàn bình thường, mấy tấm khác tôi cũng đứng sát cạnh vài người đàn ông khác. Tôi nhìn thẳng vào mặt nó khẽ gật đầu và hỏi :
-Tại sao em đoán đúng như vậy ? Có điểm gì để em thấy khác lạ hay sao ?
-Con cũng không biết tại sao ... Nhưng hình như nhìn nét mặt của cô trong tấm ảnh này có cái gì khác lạ so với những tấm ảnh kia thì phải ?!
Rồi cũng chẳng cần chú ý đến thái độ ngạc nhiên của tôi, con bé nói tiếp :
-Cô cho con tấm ảnh này được không ?
Tôi giật mình, không phải vì tiếc tấm ảnh kỷ niệm của tôi và Vĩnh chụp trong lần anh về nước vừa rồi. Nhưng tôi cảm thấy lạ kỳ, nó muốn xin để làm gì. Hình như con bé hiểu ý tôi:
-Con sẽ cắt tấm ảnh, chỗ cô và chú, con sẽ đẽo một cái khuôn nhỏ bằng gỗ ,dính tấm ảnh đó vào, nối với một chiếc khoen treo chìa khoá ( Key holder ) để tặng cô làm kỷ niệm.
-Thế thì được, con cứ lấy đi, cô sẽ viết thư cho anh ấy gửi cho cô tấm khác.
Con bé vui mừng , bỏ ngay tấm ảnh vào túi áo. Xếp tất cả dụng cụ của tôi vào chiếc xách tay, đưa lại cho tôi. Rồi không biết vì sao nó kéo tay tôi ra sát lan can hơn, ngước mặt lên bầu trời, đưa ngón tay chỉ vào một ngôi sao khá sáng , lấp lánh tách biệt hẳn các chùm sao khác. Nó nói :
-Đó, ngôi sao đó là ngôi sao thân phận của con đó ! Từ nơi đó con sẽ tìm được người mẹ mà con luôn luôn mong đợi, một người đàn ông mà con yêu trong mộng. Anh ta sẽ kéo con ra khỏi cuộc sống tù túng, mót nhặt tình thương từ những người giả dối. Chúng con sẽ có một mái gia đình với vài đứa con mũm mỉm, xinh đẹp ...
      Tôi đảo ánh mắt nhìn vào khuôn mặt khốn khổ, xấu xí của nó. Hình như nét buồn cố hữu trong đôi mắt một mí luôn luôn ẩm ướt đã biến mất. Thay vào đó, nét vui tươi hoan lạc trên khuôn mặt đang hoà hợp với tiếng nói đều đặn thành một bản hoà âm toàn là những tấu khúc vui tươi và mơ mộng.
&
      Mấy tuần lễ sau đó, tôi vẫn đến trường chơi đùa với lũ trẻ tàn tật vào cuối tuần, nhưng tôi không hề thấy con bé Thiên Phúc. Dù có tí chút trông mong , nhưng tôi nghĩ vì bận rộn với việc học hành hay phải làm việc cho nên nó không ra sân chơi đúng vào lúc tôi đến trường.
Nhưng vào buổi chiều ngày thứ tư, khi vừa đi dậy học về nhà. Đang định đi ngủ một tí cho khoẻ rồi soạn bài giảng dậy cho ngày mai, thì con bé điện thoại đến. Nó hỏi tôi có rảnh rỗi không và có ý định nhờ tôi dẫn nó đi phố để mua vài cuốn sách. Dù vẫn còn mệt nhưng nhớ đến lần nói chuyện vừa qua, tôi có cảm tưởng nó không phải là đứa bé dại khờ tàn tật không thể làm bạn được. Ngược lại nơi nó hình như thấp thoáng bóng dáng khôn ngoan mà tôi có thể tâm sự buồn vui như một người bạn tâm giao. Vì vậy tôi đã vui mừng nhận lời ngay.
      Khi tôi đang đẩy chiếc xe lăn qua một tiệm bán hoa tươi ngay phía sau chợ Sàigòn, con bé quay lai nói:
-Cô Diễm, con muốn mua mấy bông hoa cô ạ.
Tôi cau mày, giương mắt ngạc nhiên nhìn :
-Con mua hoa để làm gì ? Con nói cô là đi mua sách mà?
-Cô chiều con một tí !
      Không làm sao được, miễn cưỡng tôi đẩy nó đến gần quầy hoa rồi tò mò đứng nhìn. Con bé thò tay vào chậu đựng hoa hồng, chẳng ngại ngần lấy lên 2 nhánh hoa, một mầu trắng và một mầu hồng rồi móc túi trả tiền bà bán hàng không một lời trả giá ! Kỳ lạ hơn nữa, nó lấy ngón tay ngắt bỏ cành và lá hoa, chỉ để lại một khúc ngắn dưới cuống hoa mà thôi. Rồi ra dấu cho tôi cúi xuống gần, con bé lấy bông hoa hồng mầu trắng cài rất chắc chắn vào khuyên cúc áo trên ngực tôi. Còn bông hoa mầu hồng mầu hồng thắm, nó tự cài vào áo của mình! Tôi mỉm cười với cái cái lối mầu mè kỳ lạ của nó ! Nhưng tôi đã giật mình nhìn sững,cảm động khi nghe con bé tàn tật giải thích :
-Cô biết tại sao không ?
Chẳng cần tôi trả lời nó tiếp :
-Mấy ngày vừa qua, con đi nghe một bài thuyết pháp ở ngôi chùa gần trường. Sư bà nói về phong tục tặng hoa hồng trong dịp lễ Vu lan. Vì quí mến cô, hiểu hoàn cảnh của cô... Con muốn dành cho cô một tí ngạc nhiên mà thôi !

      Nhìn hai mầu hoa trên ngực áo của mình và của nó, tôi ngạc nhiên, cảm động đến độ ngẩn ngơ. Con bé lớn khôn hơn tôi tưởng dù nó chỉ mới 17 tuổi, với thân dạng tàn tật sống nhờ vả vào nơi từ thiện thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Nhưng nó đã tìm được sự khôn lanh, tế nhị mà những đứa trẻ bình thường chưa chắc có được. Nó đã không quên hoàn cảnh của tôi, biết tôi mồ côi mẹ lúc lên 5 tuổi. Hôm nay, mùa báo hiếu, nó tặng cho tôi bông hoa hồng mầu trắng như lời chia buồn sự mất mát to lớn của đời tôi . Nhưng nó cũng chẳng giận buồn người mẹ bất nhân của chính nó, đã sinh ra nó trong hình hài dị dạng, đã nhẫn tâm ruồng bỏ nó hơn 10 năm qua. Nó vẫn dành cho chính mình bông hoa mầu hồng để mừng vui vì còn mẹ. Có lẽ cũng để nhắc nhở giấc mơ một ngày nào đó, khi có điều kiện sẽ đi tìm gặp mẹ của nó.
      Tôi thừ người ra, từ khoé mắt tôi hai giòng lệ chảy dài xuống gò má. Tôi đờ đẫn nhìn hai bông hoa mầu sắc khác nhau trên áo nó, trên áo tôi...Cảm giác buồn đau thấm suốt vào tâm hồn, làm tôi nhớ lại một buổi tối trời mưa, hơn 30 năm về trước. Bên chiếc giường bệnh viện tôi đã phải khóc lóc vĩnh biệt người mẹ yêu dấu. Cũng từ ngày đó đời tôi đã bước vào gió bão !Tôi chuyển ánh mắt nhìn vào tấm thân xấu xí, gầy gò của con bé bất hạnh, từ khoé đôi mắt một mí sáng trong của nó cũng lung linh đôi giòng lệ. Khoảng khác im lặng mang theo biết bao nhiêu cảm thông phủ trùm lên tôi và nó.Cho đến khi con bé buông tiếng thở dài, đưa bàn tay chai đá, cứng khô nắm nhẹ lấy cánh tay tôi. Trong giọng nói rất buồn nó giả vờ đánh trống lảng :
-Thôi, chúng ta đi mua sách cô ạ !
&


      Dẫn con bé vào tiệm sách, dù tôi đã quá mỏi chân vì phải đẩy xe cho nó quá lâu. Nhưng tôi tự nhiên tò mò, muốn tìm hiểu hơn về con bé tàn tật bất hạnh này. Tôi manh nha hiểu rằng, ở nó có rất nhiều điều mà tôi mong muốn khám phá và học hỏi. Tôi vẫn đẩy chiếc xe, đứng im lặng đợi chờ không một tí sốt ruột nhìn nó lựa chọn sách từ hết kệ sách này đến kệ sách khác.
Cuối cùng , nó quay lại nói với tôi :
-Con đã chọn được sách rồi cô ạ !
      Nhìn 2 cuốn sách trong tay nó, tôi chẳng dấu được vẻ ngạc nhiên và thắc mắc hiện ra nét mặt : Cuốn '' Nhị Thập Tứ Hiếu '' của Lý văn Phức và cuốn tiểu thuyết '' Mùa Thu lá Bay '' của Quỳnh Giao. Con bé chẳng cần tôi hỏi han nó bình thản nói với tôi :
-Con muốn đọc cuốn Nhị thập tứ hiếu cho lòng mình cứng mạnh hơn, không quên được việc đi tìm mẹ. Còn cuốn Mùa thu lá bay, con đã đọc nhiều lần ở thư viện, nhưng con muốn mua cho riêng con. Trong đó con tìm đươc hình bóng và ước mơ của mình với nhân vật Hàn Ni. Cũng như cô ta, sẽ có một ngày nào đó con sẽ tìm được một người yêu như Vân Lâu... !
      Lời giải thích phân trần của con bé đã làm tôi đờ đẫn. Hôm nay tôi đã hiểu con người nó quá quá nhiều. Trong cái nhân dạng méo mó, bất hạnh đang dán mình vào chiếc xe lăn dành cho người tàn tật. Nó không phải là đứa bé tầm thường xin xỏ ân huệ , tình thương rơi rớt của xã hội nữa. Con bé hiện thân là một người có trái tim rất nồng nàn tình yêu mẫu tử. Một ý chí kiên cường của một kẻ cứng mạnh muốn vươn lên, muốn chinh phục nỗi hẩm hiu của chính nó trước tàn độc của định mệnh. Tôi âu yếm vuốt nhẹ khuôn mặt, đôi má của nó như muốn dành cho nó lời chúc tụng chân thành và quí mến của tôi cho giấc mơ của nó được thành hình.
      Bước ra khỏi tiệm sách, tôi và Thiên Phúc không nói với nhau một lời. Tôi bận rộn suy tư vì những khám phá về đứa bé tàn tật mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gặp. Còn con bé đang nghĩ suy gì làm sao tôi biết được ? Nhưng chắc chắn trong cái đầu với mái tóc lưa thưa đó phải có những hình ảnh đẹp đẽ với những giấc mơ.

      Khi về gần đến nơi nó cư ngụ, quá mỏi chân sau mấy tiếng đồng hồ với chiếc xe lăn, tôi dẫn nó vào một quán nước bình dân. Chúng tôi ngồi ở cái bàn phía trong , sát với bức tường ngăn chia phần buôn bán ở phía trước và đàng sau là căn phòng sinh sống của gia đình chủ quán.
      Xuyên qua khung cửa ra vào, tôi và con bé nhìn thấy một bà già cỡ trung niên trong tình trạng bệnh hoạn, ốm yếu. Thân hình bà ta gần như chỉ còn da bọc xương, ủ rũ ngồi trên chiếc giường cũ kỹ, lưng tựa vào vách tường. Ngồi bên cạnh bà ta,một người đàn ông cùng lứa tuổi, khoẻ mạnh hơn, trên tay ông ta một chiếc bát cơm trộn lẫn thức ăn.
      Người đàn ông nhìn bà ta, ánh mắt đầy thương yêu, săn sóc. Một tay cầm bát cơm, tay kia cầm chiếc thìa, ông ta múc miếng cơm đưa sát tận miệng người đàn bà, với lời lẽ như cầu khẩn :
-Bà thương tôi bà ăn đi. Bà phải ăn, bà phải sống cho tôi và cho những đứa con của tôi và bà. Chúng nó sẽ về thăm chúng ta, bà phải sống để nhìn thấy những đứa con của chúng ta chứ ? Bà ăn đi cho khoẻ!
      Bà vợ, hình như cảm động với lời lẽ quá chân tình của ông chồng. Trên khoé mắt bà ta hai giòng lệ chẩy dài xuống đôi gò má xương xẩu, xanh xao. Bà ta cố há miệng nhận lấy thìa cơm từ bàn tay người chồng, chậm chạp nhai . Ông chồng có vẻ vừa lòng, im lặng nhìn người vợ. Mãi một lúc sau, bà vợ rất mệt nhọc nói với chồng :
-Ông khổ sở vì tôi quá ! Bao nhiêu năm nay, bệnh hoạn của tôi tốn kém đã làm cho ông bán cả nhà lo lắng cho tôi...!
       Người đàn ông đưa tay lên che lấy miệng vợ ra ý không muốn cho bà ta nói thêm. Ông ta ngắt lời :
-Bà nói kỳ thật ! Tình nghĩa vợ chồng, bà ở với tôi mấy mươi năm không đủ hay sao ? Tiền bạc, nhà cửa mà làm gì, chết có mang đi được không ? Nếu tôi chia xẻ được sự sống cho bà, tôi vẫn không từ nan , huống chi là nhà cửa, tiền bạc... Nếu bà thương tôi, thương những đứa con của chúng ta, bà hay cố gắng ăn uống, chăm sóc sức khoẻ của bà...
      Rồi cứ thế người chồng chậm rãi đút từng miếng cơm cho bà vợ cùng nhưng lời khuyên răn chí tình, cảm động.
      Bên ngoài tôi và con bé Thiên Phúc im lặng ngẩn ngơ nhìn trọn vẹn cảnh tượng đau buồn vì bệnh tật nhưng đẹp đẽ, hạnh phúc tuyệt vời với cảnh người chồng lo lắng đút cơm cho vợ. Khi bát cơm đã hết, người chồng đứng dậy lấy tay thu gom vài hạt cơm vãi trên mặt chiếu, rồi ông quay lại nói với vợ :
-Để tôi bế bà đi tiểu tiện nhé !
Chẳng để cho người vợ trả lời, ông ta cúi xuống cẩn thận ôm người vợ lên, chậm chạp đi vào phía sâu trong căn nhà. Không biết vì sao, tôi chợt buông tiếng thở dài. Con bé Thiên Phúc hơi quay đầu lại nhìn tôi, nó nói rất nhỏ với tôi hay với chính nó:
-Cô thấy không ?Trên đời bên cạnh những ồn ào của ích kỷ, bất nhân , lường đảo, giả dối ... Vẫn còn những con người thánh thiện, tình sâu, nghĩa nặng làm cuộc sống của nhân gian ý nghĩa và tươi đẹp hơn...
Tôi không nói gì, tỏ vẻ chờ đợi. Nó tiếp :
-Chắc chắn con sẽ tìm được một người đàn ông ở dạng thánh thiện đó. Anh ta sẽ yêu thương và săn sóc cho con như vậy...
      Tôi nắm nhẹ lấy bàn tay thô dầy, lơn cợn vẩy da chai cứng của con bé bóp nhẹ như cảm thông và đồng tình với giấc mơ của nó. Cuối cùng tôi nhìn nó, miệng tôi nở nụ cười rạng rỡ vui tươi dành tặng riêng cho nó.
&
      Sau đó, tôi phải bận rộn với gia đình người em gái từ Mỹ về thăm. Rồi lại bị cảm cúm và áp suất máu xuống thấp đến nỗi tôi phải vào bệnh viện cấp cứu mất mấy ngày. Tôi phải bỏ Điện thọai di đông vì bác sĩ khuyên không nên dùng để tránh ảnh hưởng của âm ba cho tình trạng nhức đầu triền miên của tôi.
Suốt trong khoảng hơn 5 tuần lễ, tôi không có thì giờ đến trường bất túc và cũng không liên lạc hay biết tin tức gì về con bé Thiên Phúc.Bất thình lình,vào một buổi sáng, tôi vẫn còn hơi choáng váng vì thực sự bệnh chưa khỏi hẳn. Tôi nhận được lá thư, nhìn dạng chữ xấu xí không tròn trịa ngoài phong bì, tôi biết thư của con bé Thiên Phúc. Linh cảm báo cho tôi biết có điều gì không vui trong lá thư đầu tiên của nó:


        Cô Diễm thương mến,
      Có lẽ cô rất ngạc nhiên khi nhận được lá thư của con lắm phải không ? Suốt mấy tuần lễ vừa qua, con luôn trông chờ, nhưng không thấy cô đến. Con rất lo sợ có điều gì bất thường xẩy đến cho cô lắm! Mấy lần con điện thoại theo số di động của cô nhưng tổng đài cho biết đường dây không còn hiệu lực nữa. Con dự tính tuần này sẽ tìm cách đến nhà cô để thăm hỏi, gặp gỡ cô cho đỡ nhớ.
Nhưng bất thình lình hai ngày trước, chứng đau tim của con lại tái phát, làm con quá đau đớn và ngất xỉu nhiều lần. Nhà trường đã phải chờ con vào bệnh viện cấp cứu. Nhìn thái độ buông xuôi của bác sĩ và lời nói của mấy chị điều dưỡng thì sự sống của con chắc không còn hy vọng nữa cô à. Tỉnh táo được một chút rồi cơn đau xé rách lồng ngực lại đến, làm con rơi vào mê man.
Cô Diễm thương yêu của con. Thôi thì đành vậy chứ làm sao hơn được khi phần số của con đã quyết định với quá nhiều hẩm hiu, thua thiệt ! Hôm nay con cố đè nén cơn đau nhè nhẹ của mình nhờ vào vài viên thuốc, viết lá thư đầu tiên nhưng cũng là cuối cùng cho cô đây. Lá thư gửi gấm tất cả sự quí mến, biết ơn của đứa bé tàn tật, bất hạnh đã tìm thấy êm dịu, ngọt bùi của lòng từ thiện, bao dung mà cô đã dành cho nó.
      Lá thư cũng báo hiệu chấm dứt tất cả những ước mơ và cố gắng của con đã nuôi dưỡng từ khi manh nha hiểu biết sự thật về hoàn cảnh đau xót của mình. Hoàn cảnh vớí thân dạng tật nguyền mà mẹ con đã không may mắn sinh ra để rồi vì lý do nào đó con đã bị bỏ rơi ! Nhưng trong hoàn cảnh thương đau đó con vẫn cố tìm lý do để tha thứ cho mẹ con với lời ước nguyện, khi khôn lớn con sẽ đi tìm, gặp lại mẹ con.
      Cũng trong cái trạng huống thiệt thòi đó, con vẫn có ước mơ được hưởng thụ những ngọt bùi rung động của tình yêu.Con sẽ có một người tình như lòng mình ước muốn. Anh ta yêu thương con. Sẽ kéo con ra khỏi bốn bức tường tù túng của ngôi trường dành cho những con người bất hạnh mà con không bao giờ muốn mình là thành viên trong đó !Nhưng hôm nay, tất cả sẽ qua đi trong lở dở rồi, cô Diễm ạ ! Căn bệnh tim mạch của con đang xoá bỏ những dự tính, ước mơ của con rồi !
Cô Diễm thương, con không biết có dịp nào để gặp được cô nữa hay không. Nếu không thì lá thư này là lời tâm sự cuối cùng của con với cô đó. Trước khi vĩnh biệt, để mãi mãi xa cô, con có một món quà dành riêng cho cô, trong ngăn tủ riêng của con . Trong đó có một cuốn nhật ký mà con viết rất nhiều về con, về mẹ con , về cô và cả vài người nhân viên trong ngôi trường bất túc mà con đã hiểu rõ nhiều ý nghĩa của chữ từ thiện của họ.
      Ngoài ra con còn để lại trong đó một món tiền khoảng gần 1 triệu đồng. Món tiền do sự tiết kiệm và làm việc cật lực của con cũng như do cô đã cho con trong suốt gần một năm vừa qua. Con tưởng rằng món tiền đó sẽ to dần lên mãi với thời gian sống và làm việc của mình. Rồi một ngày nào đó con sẽ dùng nó để đi tìm mẹ con và gây tạo đời sống của mình khi có chồng con. Nhưng đến hôm nay mộng ước của con đã tan rã rồi! Tất cả ước mơ đã chỉ là ảo ảnh ! Con gửi lại biếu cô để làm quà mừng vui cho cô trong một lần nào cô gặp được chú, người yêu của cô.
Thôi, con chúc cô ở lại dương gian với may mắn và hạnh phúc. Con sẽ mang theo hình bóng và lòng tốt của cô khi nhắm mắt.
Kính thư
( Thiên Phúc )

      Đọc xong lá thư, sự bồn chồn, lo sợ cho con bé phủ trùm lấy tâm tư, làm tôi choáng váng mặt mày. Phải ngồi xuống một lúc, im lặng lấy lại bình tĩnh trước khi quay điện thoại đến văn phòng bà hiệu trưởng của trường bất túc.
      Chỉ sau vài câu chào hỏi bà hiệu trưởng đã cho tôi biết con bé Thiên Phúc mới mất vào chiều hôm qua sau một cơn đau tim mà bác sĩ không thể nào cứu chữa được. Xác nó hiện vẫn để trong nhà xác của bịnh viện.Vì tế nhị, tôi không đề cập đến món tiền dành dụm của con bé mà chỉ cho bà ta biết, tôi vừa nhận được thư của nó. Nó có dặn để lại cho tôi vài món quà làm kỷ niệm. Bà hiệu trưởng khuyên tôi cố gắng đến nhà xác thăm nó lần cuối và tham dự cuộc hoả thiêu xác nó vào ngày mai. Còn các món quà tặng của nó, tôi có thể đến trường lấy vào bất cứ lúc nào.
&
      Tôi đã phải can đảm lắm, mới dám bước theo người nhân viên vào căn nhà xác lạnh lẽo của bệnh viện. Trên chiếc bàn bằng gạch mầu trắng đã ngả mầu vì thời gian.Thân xác ốm nhỏ của con bé Thiên Phúc được phủ bởi một tấm vải trắng. Người nhân viên trong chiếc áo blouse dơ bẩn với bộ mặt lạnh lùng, không cảm giác, ông ta đưa bàn tay cầm lấy góc miếng vải lật qua một bên.
      Thân mình con bé gần như bị teo nhỏ lại, dính sát xuống mặt bàn. Chiếc đầu hơi ngửa về phía ót làm cho khuôn mặt, hơi xanh hất lên phía trên. Đôi mắt một mí với hàng lông mi khá dài khép kín làm biến mất nét duyên dáng duy nhất nhờ tròng mắt ươn ướt trên khuôn mặt xấu xí của con bé lúc còn sống. Nhìn nét mặt không có một nếp nhăn nhúm, tôi có cảm tưởng nó đang dìm mình trong giấy ngủ thật yên bình, phẳng lặng, vô tư lự. Điều làm tôi giật mình cảm động đến độ nước mắt tôi trào ra chẩy xuống gò má khi tôi nhìn thấy bộ quần áo mầu hồng nhạt trên cơ thể mà nó đang mặc. Bộ quần áo mà tôi đã mua tặng làm quà sinh nhật cho nó năm vừa rồi...
      Rời căn nhà xác, hình ảnh cô đơn, lạnh lẽo của con bé và mùi thuốc thang nồng nặc vẫn còn theo tôi với những cảm giác khó chịu.
Sáng sớm hôm sau, dù tôi rất muốn đến với nó lần cuối cùng trong buổi lễ hoả thiêu. Nhưng căn bệnh nhức đầu, chóng mặt vì áp suất máu lại hạ thấp đã làm tôi chỉ biết ân hận nằm trên giường mà hồi tưởng đến nó mà thôi.

      Mãi đến mấy ngày sau, tâm hồn đã tạm nguôi ngoai tôi mới đến ngôi trường bất túc, dự tính hỏi lấy những món kỷ vật của nó. Khi vừa thấy tôi, sau vài câu chào hỏi thông thường, bà hiệu trưởng có lẽ đã biết mục đích của tôi. Với giọng phân trần, tí chút ân hận bà ta cho tôi biết :
-Chúng tôi rất làm tiếc là đã không báo tin chị biết trước.Tất cả những sách vở, vật dụng cá nhân trừ quần áo của con bé Thiên Phúc đã được thu gom và hoả thiêu cùng với nó rồi !
Tôi bàng hoàng với lời nói khó tin, bất nhất của bà ta. Ngần ngừ một tí tôi hỏi:
-Thưa bà... Chắc cuốn nhật ký của nó vẫn còn ?
Cố ra vẻ bình thản bà ta trả lời :
-Nó cũng đã bị thiêu cùng với vài cuốn truyện rồi chị Diễm à.
Rồi bà ta chép miệng ra vẻ không có gì đáng giá :
-Thật ra cũng chẳng có gì ngoài vài trang giấy, con bé viết lăng nhăng về đám bạn của nó trong trường học mà thôi .
      Tôi im lặng, cố tỏ thái độ bình thản, nở nụ cười buồn bã trên môi. Tôi biết trong cuốn nhật ký đó, con bé tàn tật bất hạnh đã viết rất nhiều điều không tốt về những nhân viên trong trường, chắc chắn bà hiệu trưởng không là người ngoại trừ. Đã thế với món tiền dành dụm của nó từ việc làm và từ những lần tôi cho nó... dù chẳng đáng bao nhiêu nhưng cũng là nguyên nhân không minh bạch của họ.
      Hình như nhìn thấy vẻ không vui, chấp nhận miễn cưỡng của tôi. Bà hiệu trưởng lấy từ túi áo ra một tấm ảnh 6x4 chụp bán thân con bé trong dịp làm thẻ học sinh. Đưa tấm ảnh cho tôi, bà ta nói :
-Tôi chỉ giữa lại một tấm ảnh này cho chị để làm kỷ niệm mà thôi.
       Cầm lấy tấm ảnh, buồn bã ngắm nhìn nó trong hình, với nụ cười thiếu tự nhiên, đôi mắt nó hơi liếc nhìn về một bên, có lẽ vì thiếu tự tin không quen thuộc trước ống kính. Cảm thấy chẳng còn gì để ở lại lâu hơn, tôi nói vài câu cám ơn lấy lệ rồi chào bà hiệu trưởng ra về. Bà hiệu trưởng đưa tôi đến ngưỡng cửa căn phòng, trước khi vài câu từ giã lấy lệ, bà ta hỏi tôi:
-Chúng tôi mong mỏi chị Diễm tiếp tục dành thời gian giúp đỡ chúng tôi. Coi như công việc từ thiện, hàn gắn thiệt thòi cho những đứa bé tàn tật, không may mắn trong xã hội nhé.
-Cám ơn bà đã có lòng tin tưởng nơi tôi. Nhưng thời gian gần đây sức khoẻ tôi không được khá lắm. Đã vậy lại còn bận rộn với việc sinh nhai, có lẽ tôi không thể đến giúp bà được nữa. Mong bà thông cảm.

      Tôi từ giã bà hiệu trưởng, ra khỏi chiếc cổng bằng xi măng khá lớn của ngôi trường bất túc trong cảm giác không mấy vui. Khi bước sang bên kia đường, tôi đứng lại, quay nhìn thật kỹ lần cuối mấy dẫy nhà buồn tẻ ,im lìm của ngôi trường mà lòng tôi quặn đau. Tôi tự nhủ với mình, có lẽ bất cứ đâu trên trái đất này đều có những kẻ mất may mắn đáng thương ở một dạng thức nào đó. Rồi nhờ những hội đoàn, cơ quan chính phủ hay một vài cá nhân giầu có bạc tiền và lòng nhân đạo. Họ lập ra những cơ sở với mục đích hàn gắn phần nào nỗi xót đau của những kẻ mất may mắn, bất hạnh đó. Nhưng trong cái khung cảnh đẹp đẽ, lý tưởng đó đôi khi cũng có những con sâu đục khoét bằng những lợi dụng mà người ta khi biết đến chẳng làm gì hơn với vài tiếng thở dài chán nản mà thôi.

      Không biết vì một đưa đẩy tâm linh hay vì ngẫu nhiên lạ kỳ nào đó đã dẫn bước chân tôi đến một ngôi chùa nữ tu ở trong một con hẻm khá khang trang không quá xa ngôi trường. Nơi đó con bé Thiên Phúc thường chống nạng đến đó khi rảnh rỗi để nghe tụng kinh, thuyết pháp hay nhìn ngắm vẻ xầm uất trong những ngày lễ hội. Từ trong chùa tiếng tụng kinh trầm bổng hoà trộn với tiếng mõ đều đặn vang ra ngoài. Tiếng tụng kinh rót nhẹ vào tai làm cho tôi cảm thấy nhẹ nhàng, quên đi được phần nào nỗi buồn trong lòng mình sau khi rời ngôi trường bất túc.
      Trong cảm giác thoáng khoát đó, tôi chợt nẩy ra một ý muốn vào trong chùa. Nhờ một vị ni sư nào đó đọc cho bài kinh siêu thoát, như là món quà cuối cùng mà tôi dành tặng cho con bé bất hạnh. Đứa bé mà tôi đã có nhiều gần gũi cảm tình trong hơn một năm vừa qua.

      Sau khi ghi tên tuổi và vài chi tiết của con bé vào một tờ giấy nhỏ đưa cho vi ni sư. Tôi ngồi thả hồn theo âm thanh của bài kinh cầu siêu mà tôi không mang một tí kiến thức. Cho đến khi tiếng tụng kinh chấm dứt, vị ni sư chậm rãi đứng dậy, đến bên tôi bà nhỏ nhẹ hỏi:
-Chắc cô bé vừa mất là con của tín hữu ?
-Không phải, thưa ni sư ạ, Cô ta chỉ là đứa bé tàn tật, không người thân, mà tôi quen biết trong ngôi trường nuôi dưỡng trẻ con bất túc, ở gần đây mà thôi !
Câu trả lời của tôi hình như làm cho vị sư ni ngạc nhiên. Bà đưa đôi mắt hiền từ nhìn tôi ra ý dò hỏi :
-Thỉnh thoảng nơi đây cũng có một cô bé tàn tật với đôi nạng gỗ từ ngôi trường bất túc đó đến đây cúng vái...
      Vị ni sư im lặng ra chiều không muốn đưa ra lời ước đoán vu vơ, nhưng lại nhìn tôi như muốn tôi giải thích thêm. Tôi móc túi lấy tấm ảnh 4X6 của con bé đưa tận tay vị ni sư. Chỉ nhìn dáng mặt đổi khác với vẻ thương tâm của người nữ tu, tôi biết ngay đứa bé tàn tật với đôi nạng gỗ mà bà ta biết mặt chính là con bé Thiên Phúc bất hạnh này.

      Sau khi nghe vài lời kể lể của tôi về thân thế con bé, vị ni sư thở dài cảm thương rồi bà nói với tôi :
-Thôi cũng là một cơ duyên xếp đặt. Cô ta đã nhiều lần đến đây và tôi cũng đã biết mặt. Nếu thiện hữu bằng lòng, tôi xin tấm ảnh của cô ta cho vào danh sách tin hữu quá cố của chùa. Rồi vào những dịp lễ kỵ của chùa, chúng tôi sẽ tụng kinh giúp cô ta giảm được phần nào thân nghiệp sớm về nơi tịnh độ của đất Phật.
      Tôi mừng rỡ ra mặt, vì nghĩ rằng ít ra cuộc đời buồn bã, thiệt thòi của con bé cuối cùng cũng đã được một nơi an lành cưu mang. Ở nơi đây chắc chắn nó sẽ không phải ngồi gò lưng, bàn tay đóng vẩy chai cứng vì những công việc sản xuất mà nó đã nhìn thấy mặt trái của hai chữ từ thiện !
      Vị nữ tu, đưa mắt tỏ ý cho tôi đi theo. Đến một tấm bảng treo trên tường mầu vàng nhạt. Trên đó có những nẹp bằng plastic trong suốt bắt ngang tấm bảng kẹp giữ những tấm ảnh của những người quá cố. Nhìn lên tấm bảng, vài hàng nẹp ở phía trên đầu bảng đã kẹp đầy ảnh, không có một chỗ trống. Nhưng trên dẫy nẹp thứ nhất, không hiểu sao lại có một khoảng còn trống. Vị ni sư kẹp chiếc ảnh của con bé vào khoang trống đó.

      Không biết vì một ngẫu nhiên hay vì sự linh thiêng đưa dắt nào. Ngay cạnh khoảng trống đó có tấm ảnh của một cậu con trai cỡ tuổi Thiên Phúc. Cặp mắt của cậu ta trong ảnh cũng nhìn nghiêng sang một bên, hướng về phía con bé Thiên Phúc. Ngược lại con bé Thiên Phúc trong hình lại nhìn sang bên người con trai. Nhìn hai tấm ảnh, rõ ràng hai đứa nhìn nhau, miệng cả hai đứa như mỉm cười với nhau! Tôi ngẫn ngơ nhìn sững sự ngẫu nhiên, vô tình xếp đặt của vị ni sư với cảm giác lạ kỳ. Vị ni sư hoàn toàn không để ý đến sự kiện vô tình đó, bà kẹp xong tấm ảnh rồi cúi đầu chào tôi chậm rãi đi vào phía sau hậu điện.

      Lúc đó bầu trời đã xâm xẩm tối. Tôi ngước mắt nhìn lên trên khuôn cửa sổ bằng kính trong suốt khá lớn nối tiếp giữa phần sau và phần trước của ngôi chùa.Bầu trời lấp lánh ánh sao. Tôi càng bàng hoàng hơn khi nhìn thấy ngôi sao riêng rẽ mà một lần Thiên Phúc đã chỉ cho tôi, đó là ngôi sao định mệnh của nó. Nó nói từ vị trí đơn độc đó,sẽ tìm cho nó một người yêu thương, kết thành vợ chồng dưới mái ấm gia đình hạnh phúc.
      Tôi đưa mắt nhìn lại hai tấp ảnh trên tấm bảng.Nhìn nụ cười , ánh mắt của hai đứa bé, hình như rất sống động và giao nhau. Tôi có cảm tưởng chúng đang dành cho nhau ánh nhìn ái ân, ngọt ngào của tao ngộ, tương phùng. Tự nhiên tôi mường tượng nghe thấy âm thanh nhỏ nhẹ của con bé tàn tật, nhiều ước mơ bên tai tôi:
-Cô thấy không, con đã tìm thấy người yêu trong mộng của con rồi!

Lưu-An ( Suisse Nov. 2002 )