Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

Thơ Thanh: Thị Lộ

 

Tranh Vẽ: Mùi Quý Bồng
Thơ Tranh: Trần Xuân Dũng


Hương Thu


Rừng Thu buông lá Thu rơi
Suối tuôn róc rách tải mùa về đâu?
Cho em gặm nhấm Thu sầu
Thu xưa trở lại, anh đâu quay về!
Sương Thu giăng mắc sơn khê
Buồn như buổi ấy cận kề từ ly
Vô thường anh bước chân đi
Thong dong Cõi Tịnh nhớ gì hay không?
Từ sâu thẳm, tận đáy lòng 
Giọt sầu lưu luyến tình chung năm nào
Anh về đâu? - Anh ở đâu?
Sao quanh em mãi đượm màu Thu xưa
Nhớ thương đong mấy cho vừa
Âm dương cách trở mà chua xót lòng!
Quạnh hiu gối chiếc cô phòng 
Trăng Thu đồng cảm nên không rạng ngời
Đang Thu, em vẫn trông chờ
Như đêm ngày cứ thẫn thờ đợi anh…
Gió Thu thoảng nhẹ qua mành
Vui như bất chợt thấy anh trở về
Nhìn em…và cười thật tươi
Như xưa thệ nguyện suốt đời thương yêu
Dù trong cô quạnh hoang liêu
Em nghe vương vấn…ít nhiều Hương Thu…

Thanh Song Kim Phú

Trăng Thu Vàng Vọt

  

Trăng ngà vàng vọt rớt bên hiên
Nhớ dáng hoa yêu nét dịu hiền
Thuở biệt trúc mai làn gió giận
Lúc chia loan phụng khóm mây phiền
Anh buồn bước lả nhoà đêm tối
Em khóc lệ câm đẫm mắt huyền
Thương lắm nỡ nào tao đứt sợi
Khiến tình vật vã với truân chuyên.

Phương Hoa

Tình Khúc Thứ Nhất - Vũ Thành An - Kim Trúc


Sáng Tác: Vũ Thành An
Trình Bày: Kim Trúc

Bộ Tranh Vẽ Cuộc Sống Người Việt Vào Thập Niên 1930(Phần 3)

    

Bộ Chuyên khảo bằng tranh vẽ về Đông Dương (Monographie dessinée de l’Indochine) là một series đồ sộ gồm 520 bức vẽ bằng bút chì, in li-tô và phần lớn đều tô màu. Nội dung tranh mô tả phong cảnh, cách sinh sống của người Việt vào khoảng đầu thập niên 1930. Nói chính xác thì có 4 bộ về xứ Bắc, 1 bộ về miền Trung, 6 bộ về miền Nam và 2 bộ về Cao Miên và Ai Lao.

Tranh vẽ theo sự gợi ý của ông Jules Gustave Besson, Chánh Thanh tra các Trường Mỹ thuật và Mỹ nghệ ở miền Nam và cũng là Hiệu trưởng của Trường Mỹ thuật Gia Định đến hơn 10 năm. Học sinh của trường Vẽ Gia Định đã tham gia đông đảo để thực hiện chương trình này, tác phẩm của họ đã được Hội Ấn nghiệp và Trang Trí tập họp lại và in thành “Vựng tập về Thương mại, Văn hóa, Lãnh thổ, và Con người đất Gia Định”. Sách do Nhà xuất bản Paul Geuthner in theo các bản vẽ đã thực hiện trong các năm 1935-1938-1943.

@AAVH.J.C

(Nguyễn Tích Lai Sưu Tầm)

Phần 1:
Phần 2:
Phần 3

Sài Gòn Ơi, Nhớ Quá


Xướng:

Sài Gòn Ơi, Nhớ Quá

Nhớ Sài Gòn, nhớ quá trời ơi
Nhớ mãi cảnh xưa nhớ mãi người
Nhớ sáng oi nồng tràn nắng đổ
Nhớ trưa tầm tã trút mưa rơi
Nhớ thôn xóm rộn ràng câu hát*
Nhớ bạn bè ròn rã tiếng cười
Nhớ lúc cúp cua, tập tán gái
Nhớ tình thơ dại buổi đầu đời

Nhất Hùng
*Sài Gòn đẹp lắm…Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi…
***
Họa:

Thủ Đô Ngàn Đời

Nhớ Thủ Đô màu sắc thắm ơi!
Nhớ con đường cũ quá đông người
Nhớ màu Hạ tím vương hoa rụng
Nhớ sắc Thu vàng nhặt lá rơi
Nhớ dáng giai nhân ngời mắt biếc
Nhớ hình mỹ nữ thắm môi cười
Nhớ chiều đến đón em tan học
Nhớ nụ hôn say ngất ý đời./.

Toronto 19/10/2021
Nguyên Trần

Tình, Tiền…Té!

 

Ðặt chưn tới Úc, ai cũng được chánh phủ cho đi học tiếng Anh 510 giờ miễn phí. Học “cầu vừa đủ xài”. Ðể không phải cái gì cũng động từ “to quơ”. Biết “Yes” và “No” để đi làm cu li cho Úc.

Mới đầu Úc hỏi cái gì, tui cũng “yes” hết ráo. Nói “no” sợ nó giận; nó đì mình sói trán. Sau thấy trả lời “yes” là mình ngu. Vì có lần thằng boss nó cự nự: “Chú mầy say “yes”; đồng ý rồi sao không làm?”. Tui đâu có hiểu nó sai cái gì đâu mà làm? Từ đó, nó hỏi cái gì tui cũng nói: “No”. Làm nó hết sai tui luôn. Quá phẻ!

Sau khi học tiếng Anh chút đỉnh để dằn bụng, huỡn huỡn tui tìm hiểu cái hệ thống chánh trị của Úc coi nó tròn méo ra sao mà dám vỗ ngực, xưng hùng, xưng bá là tự do dân chủ! Chưa tới 4 năm là nó nắm đầu bắt tui đi bầu tiểu bang rồi tới liên bang. Hổng đi bầu, nó phạt gần cả trăm đô chớ có ít đâu!

Bà con mình ai cũng biết dân Úc rặt hồi xưa vốn là dân chôm chỉa bên Anh bị đày qua đây. Truyền thống chôm chỉa đó vẫn còn nhe. Thấy thiên hạ có cái gì hay hay là Úc nó chôm về xài. Mắc công suy nghĩ sáng chế mà chi? Ðể thời giờ uống bia vì đời ngắn lắm mà!

Ai cũng biết chôm dễ nhứt là chôm của má mình. Chính vì vậy, Úc chôm của mẫu quốc Anh cái hệ thống chánh trị kiểu Westminster. Theo hệ thống đó, đảng nào có nhiều dân biểu thì có quyền thành lập chánh phủ. Ðảng có số ghế dân biểu đứng hàng thứ hai là đảng đối lập. Quanh năm suốt tháng, hai đảng họp hành ở Hạ viện, cãi nhau chí chóe như khỉ, sùi bọt mép như con nít.

Úc còn tiện tay chôm của chú Sam cái hệ thống tiểu bang và vùng lãnh thổ. Cái khác là Thống đốc được dân Mỹ trực tiếp bầu. Thủ hiến thì Úc chọn theo hệ thống Westminster.

Bà con mình thường nghĩ Thủ tướng bao giờ cũng quyền lực hơn Thủ hiến. Trật lất! Thời ôn dịch nầy, Thủ hiến có quyền nhốt dân. Như tiểu bang Victoria của tui bị nhốt lâu nhứt trên thế giới. Nhốt nhiều lần, hơn 230 ngày và vẫn còn đang nhốt. Hổng biết tới ngày nào mới được tự do đi nhậu để nói dóc như xưa?

Mới sáng ngày đầu tháng Mười, Gladys Berejiklian, Thủ hiến New South Wales, đông dân nhứt nước Úc, được tờ The Financial Review phong là một trong “10 người quyền lực nhất ở Úc trong năm 2021”.

Nhưng oái oăm thay tới 1 giờ trưa, thay vì họp báo về số người nhiễm và chết vì COVID-19, phải nhốt ai thì nàng đột ngột rủ áo từ quan, lên non tìm động hoa vàng với anh, làm ai nấy đều chưng hửng!

Gladys Berejiklian, cái tên dài thòng khó đọc vì nàng vốn là một đứa bé 5 tuổi người Armenia nhập cư. Vào tiểu học, Gladys mới học nói tiếng Anh. Gladys Berejiklian sinh nhựt năm 20 tuổi mặc chiếc áo “Superman”, chứng tỏ nàng rất đam mê quyền lực.

Ðời mà! Làm đàn bà, con gái đẹp thì đi làm tài tử đóng phim. Còn Trời không cho đẹp thì đi làm chánh trị. Gladys Berejiklian bắt đầu hoạn lộ công danh bằng con đường làm chánh trị. Tốt nghiệp Ðại học Sydney năm 1993, lúc 23 tuổi, chỉ cần 4 năm, nàng đã làm Chủ tịch đoàn Thanh niên Ðảng Tự do NSW. Lần đầu tiên tranh cử vào Quốc hội NSW, năm 2003, Gladys Berejiklian thắng sít sao, vỏn vẹn có 144 phiếu. Nhưng các cuộc bầu cử tiếp theo ghế đơn vị Willoughby, Gladys đã thắng một cách dễ dàng.

Mới nhiệm kỳ đầu, Gladys Berejiklian đã được giao làm Bộ trưởng Giao thông đối lập năm 2006. Năm 2015, làm Bộ trưởng Ngân Khố, nàng chấm dứt việc ngân sách bị thâm thủng dài hàng thập kỷ. Năm 2017, Gladys Berejiklian làm Thủ hiến tiểu bang NSW.

Cuối năm 2019, những đám cháy rừng nghiêm trọng vào mùa Hè xứ Úc là một thử thách rất lớn. Nhưng với tài lãnh đạo, Berejiklian đã thành công trong việc đối phó với thảm họa cháy rừng do biến đổi khí hậu gây ra.

Lửa rừng, khói chưa kịp tan hết thì đại dịch COVID-19 ập đến. Berejiklian buộc phải cô lập tiểu bang. Một mặt tăng tốc việc chích ngừa cho dân. Số ca nhiễm COVID-19 đang cao, giảm từ từ và nàng định ra thời điểm tiểu bang sẽ mở cửa trở lại.

Thủ tướng Scott Morrison và người dân ai nấy cũng đều ca ngợi, tuyên xưng Berejiklian là “Người phụ nữ đã cứu nước Úc”. Ðàn bà dễ có mấy tay?

Nhưng giờ đây Gladys Berejiklian lại không thể cứu được cái “job” thơm như múi mít của mình. Nàng té ghế, vì nàng chỉ là một nhi nữ thường tình, lụy bởi một chữ tình.

Bởi cuộc đời rắc rối, cuộc tình rối rắm, ôi biết nói gì, thì đành nói dối. Mối tình lãng mạn kéo dài 5 năm trong bí mật. Không ai biết cho đến khi nàng bị Ủy ban độc lập điều tra về tham nhũng triệu tập ra làm nhân chứng trong vụ anh yêu, dân biểu vùng Wagga Wagga, là hạm, đụng gì táp nấy.

Từ chức dân biểu, anh yêu chuẩn bị vác chiếu ra Tòa. Còn nàng như ngồi trên trái bom hẹn giờ, nổ chậm. Và giờ định mệnh đã điểm. Ủy ban độc lập điều tra về tham nhũng đang coi nàng là một nhân vật cần phải điều tra. Họ đang xem xét coi bà Thủ hiến có hành vi xung đột giữa thi hành công vụ và thủ lợi riêng tư, vi phạm lòng tin của quần chúng không. Vì lúc làm Bộ trưởng Ngân khố, Berejiklian đã cấp 5 triệu đô cho một câu lạc bộ ở khu vực bầu cử của anh yêu vào năm 2017. (Hành động nầy giống như xài tiền thuế của nhân dân để mua phiếu cho bồ Tèo của mình)

o O o

Vậy là từ hoạn lộ thênh thang, nàng đành rủ áo từ quan! Mắt mũi đỏ hoe, cố kềm tiếng khóc, Thủ hiến Gladys Berejiklian tuyên bố: “Tôi rất đau lòng khi thông báo rằng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức Thủ hiến, không còn làm dân biểu nữa. Nhưng tôi khẳng định một cách rõ ràng, tôi luôn hành động với mức độ chính trực cao nhất. Từ chức Thủ hiến không có nghĩa là tôi có tội”.

Nói xong, Berejiklian với vẻ đau khổ hằn sâu trên khuôn mặt, nàng bước vào hậu trường. Cửa đóng lại. Hoàng hôn đã sụp xuống. Ðàn đứt ngang cung, cuộc đời chánh trị của một người chỉ mới có 51 cái xuân nồng.

Em Ba Lùn, “se” phòng nhà tui, bất ngờ nghe tin dữ về thần tượng, mắt em cũng đỏ hoe như đi đám ma. Em hỉ mũi rột rột thấy gớm. Tui cười khè khè, nói: “Thần tượng của em Ba làm bằng đất sét bỗng gặp mưa. Nên nó rã bèn ra! Em Ba dư nước mắt khóc như cha chết mà không sợ người đời chê mình kém trí? Há em không nhớ: chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài hay sao?”.

Nghe tui chọc quê như vậy, em Ba Lùn tức ói máu, nên rống họng, lên lớp tui một bài về chánh trị nhập môn. Em nói là: “Bà Thủ hiến từ chức để cho Ủy ban điều tra là đúng. Trước khi Ủy ban điều tra kết luận là bà chưa có tội. Anh đừng vội kết luận gì cả.”.

Tui cãi: “Không có cái Ủy ban bài trừ tham nhũng nào dám rớ tới cọng lông chưn của Thủ hiến; nếu bà ấy không có làm gì sai trái? Nếu là em, không làm gì trật em có chịu từ chức, bỏ cái “job” thơm như múi mít hay không?”.

Người dân đã bị gạt quá nhiều bởi các chánh trị gia. Cứ mỗi lần mở miệng ra là sống liêm khiết, là sống vì nước, vì dân. Nhưng sự thực lại không phải vậy! Người dân tiểu bang NSW hào phóng trả cho Thủ hiến tiểu bang New South Wales một năm tới $407,980. Rồi đủ thứ phụ cấp nữa. Không đủ hay sao mà còn ngắt véo đầu nầy, đầu nọ? Thiệt là làm anh thất vọng não nề!

Khi bàn về một chánh trị gia, em Ba đừng để cảm tính che lấp mất tánh khách quan. Ðuối lý, em Ba Lùn thua me, gỡ bài cào nói: “Tại em yêu anh lầm lỡ? Em trao duyên lầm tướng cướp. Em nghe lời thằng chả xúi bậy!”. Tui hỏi móc họng: “Bộ thần tượng của em là con gái mới tới tuổi dậy thì hay sao?”.

Chính những người dân ngu khu đen NSW chổng khu đóng thuế, mới trao duyên nhầm tướng cướp. Cãi không lại, em Ba Lùn tuyên bố: “Từ rày về sau, nhậu cửng cửng về, đừng có xin tui cho hun một cái nữa nhe”.

Đoàn Xuân Thu


Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

Mừng Sinh Nhựt Ngọc Hạnh & Phan Lang

 

Mừng Sinh Nhựt Ngọc Hạnh

Hăm bốn, tháng Mười, ngày sinh nhựt
Nhà văn Ngọc Hạnh, bạn của tôi
Xin mời tất cả cùng nâng cốc
Ta cùng cạn chén để chia vui

Chúc cho Ngọc-Hạnh nhiều sức khỏe
Du sơn, du thủy khắp phương trời.
Bình an, hạnh phúc bên con, cháu
Sống Vui, sống Khỏe, Sống Đời đời.

Hoa Đô, 24 October
Trần Công/Lão Mã Sơn

***

Mừng Sinh Nhựt Phan Lang

Hai mươi, tháng Mười, ngày rất vui.
Là ngày SINH NHỰT của bạn tôi
Thi sĩ/nhà văn Phan Lang Phạm
Tôi nâng cốc thành tâm chúc Bạn:
“Hạnh phúc bên con cháu, hưởng nhàn
Vui ở Cali, buồn thì sang Đảo (Hawai)
Mãi mãi được an lạc thân tâm
Sống vui, sống khỏe, Sống Trăm Năm”.

Hoa Đô, October 24…
Trần Công /Lão Mã Sơn

Sinh Nhật Phan Lang & Ngọc Hạnh


Hôm nay cô cháu dâu làm thức ăn mời mấy bà bạn cao niên mừng Sinh Nhật Hạnh.
Mình diện khăn quàng của Hồng Thủy tặng, chụp hình gởi cho Hông Thủy và các cô em thân mến xem. Thật cảm động khi nhớ tình thân thương của HT và các cô Phương Hoa,PhanLang, Minh Thúy, Phương Thúy, Thúy M, bé Phú, H. Dung dành cho hôm qua. Xin cám ơn rất nhiều.

Mấy chị bạn mình khen Hồng Thủy lắm lắm, về sư hiếu khách, khéo léo đảm đang, tổ chức là thành công...
Xin chúc Anh Viên nhiều sức khỏe, Hông Thủy,Phan Lang và các chị em yêu quý gần xa nhiều niềm vui, may mắn , hạnh phúc


Cám ơn anh Viên, Hông Thủy,Phan Lang, Hoang Dung, Thuy M, các chi em Cali và bà Bầu rất nhiều.
Ngày Đại Hội Văn Bút và tiêc SN đều rất vui. Tiệc nào có Hông Thủy là nhất đinh thành công
Cung Lan , Hồng Thủy và Phương Thúy là những super women. Viêc nhà việc sở và lu bu với những việc " vác ngà voi khác..."nhưng lúc nào cũng ăn mặc tươm tất, tươi cười, hoàn thành tốt công việc của mình.

Anh Viên làm "trưởng đoàn" du lịch, thăm viếng thắng cảnh, nhất đinh quý vị sẽ thich, hài lòng . Khen anh cũng như khen" phò mã tốt áo " mà thôi.
Cam ơn Phan Lang. Các hinh ảnh Phan Lang cho lên diễn đàn rất đẹp. Xin gọi Phan Lang là người đẹp đa tài: làm thơ, viết văn,nhiếp ảnh ...
Xin cám ơn và chúc tât cả quý vịmột ngày thật vui tươi nhứ ý
Rất quý mến.


Ngọc Hạnh

Sinh Nhật PhanLang & Chị Ngọc Hạnh Tại Nhà Anh Chị Viên & Hồng Thủy, MD -


Sau một tuần ở nhà anh chị Viên & HThủy cùng với các bạn Phương Hoa, Minh Thúy và chị Bé Phú, PL về lại Nam Cali tối hôm qua. Đang từ không khí vui nhộn, cười nói xôn xao về lại căn nhà im vắng, PL có chút hụt hẫng, lòng buồn buồn nhớ lại những ngày vui qua mau.

Một tuần đã trôi qua rất nhanh cho những bân rộn tham dự Đại Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Kỳ XII, Hội Sách triễn lãm, bán và tặng do Nhà Việt Nam tổ chúc, họp mặt nhà Cung Lan, thăm Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Lộ Đức ở MD để cầu nguyện cho Ngọc Hà, họp mặt CGV nhà BB Phương Thúy, thăm lá vàng Skyline Drive và ngày cuối, 20/10 trước khi về lại nhà hôm sau, PL được anh Viên & chị Hồng Thủy tổ chức Sinh Nhật cho PL và chị Ngọc Hạnh tại tư gia với sự tham dự của cựu GS Gia Long Hồng Ngọc, NS Vĩnh Điện, v/c BB PThúy & Khánh, v/c Cung Lan & Hiệp, Hoàng Dung "Dị", Thúy M, Trịnh Bình An cùng với gia chủ anh chị Viên & HThủy, khách tại gia chị Bé Phú, Phương Hoa, Minh Thúy và hai birthday girls Ngọc Hạnh & PL, vị chi 17 người, vui thật là vui. Mọi người cười nói râm ran, gọi nhau tạo dáng chụp hình ơi ới, lại được nghe Hoàng Dung Dị kể chuyện tiếu lâm cười muốn pể bụng...


Buổi tiệc Sinh Nhật gồm có Mì Xào Dòn Thịt Bò, Bún Riêu Cua, Tôm Nướng, Tôm Luộc do chị Hồng Thủy kỳ công nấu nướng từ sáng sớm. Ngoài ra còn có Bánh Cuốn Nhân Thịt do chị Ngọc Hạnh mang đến và ba bánh Sinh Nhậ̣t: bánh Tiramisu ̣(BB PThúy tặng), bánh Thạch do Thúy M đặc biệt ordered và Carrot Cake. Tất cả các món ăn và bánh Sinh Nhật đều ngon tuyệt hảo, đặc biệt là Bún Riêu Cua, món "Signature" của chị Hồng Thủy, bảo đảm ai được ăn sẽ không quên hương vị đậm đà của cua biển, sườn heo non ninh mềm và vị chua chua của cà chua lột vỏ (PL ăn liên tiếp ba ngày và vẫn còn muốn ăn thêm nữa, hihi....). À còn món Bánh Cá Nướng nóng dòn của anh Viên không kém phần hấp dẫn và nho tươi to, đẹp, ngon ngọt...


PL xin chân thành cám ơn chị Ngọc Hạnh, chị Hồng Ngọc, anh Vĩnh Điện, BB PThúy & Khánh, CLan & Hiệp, Thúy M, chị Bé Phú, Phương Hoa, Minh Thúy, TBình An đã tặng quà/bánh/chúc lành và đến chung vui giúp ngày SN thứ 71 của PL thêm phần ý nghĩa, hạnh phúc. PL cám ơn Hoàng Dung thật nhiều đã thể theo lời yêu cầu "rất mong muốn được gặp của PL" do chị HThủy chuyển đạt đã tức tốc đáp chuyến bay từ Nam Cali về lại DC để gặp "phái đoàn Cali", "giúp vui" bằng những câu chuyện tiếu lâm ý nhị trong ngày SN và nhất là những trao đổi tâm tình ý nghĩa, cảm động kéo dài đến quá nửa đêm... mãi đến gần 3, 4 giờ sáng mới đi ngủ. Để rồi sáng dậy thật sớm ăn điểm tâm với Bánh Mì, Paté Pháp, Scrambled Eggs W/ Ham, Cafe, Trà Nóng... do anh Viên phụ trách nấu nướng như mọi buổi sáng, ân cần thương mến giục các em ăn uống, chỉ sợ các em đói bụng. 9:15 sáng Hoàng Dung chở PL ra phi trường Dulles. Trên quãng đường dài, hai chị em lại có dịp tâm sự nên tuy mới gặp HD lần đầu mà PL tưởng như đã quen biết, cảm thông và thương mến từ rất lâu...


Lời cuối PL xin được đặc biệt cám ơn anh Viên và chị Hồng Thủy với sự kính quí, thương yêu và biết ơn chân thành nhất. Trong một tuần lễ ngắn ngủi ở với anh chị, em đã học được rất nhiều về sự thông thái, vị tha, bao dung, kiên nhẫn, độ lượng... Em sẽ không bao giờ quên sự thương yêu, ân cần và chăm sóc của anh chị đành cho tụi em mà mỗi lần nghĩ đến là em lại rưng rưng cảm động...Cho nên hai tiếng "cám ơn" giản dị không đủ để diễn tả được tình cảm của em đối với anh chị, chỉ xin anh chị biết là từ nay trong trái tim em đã có thêm một ngăn dành cho anh chị như những người thân thương của em.
Cả ngày hôm nay PL đã cố gắng edit hình chụp ngày SN của PL và chị Ngọc Hạnh để gửi đến quí chị em MCTĐ và CGV xem lúc còn khá "nóng" cho vui. PL xin thành thật cám ơn tất cả quí chị và các bạn Sao Khuê, Đỗ Dung, Tiểu Thu, Ngọc Thúy, Kim Loan, Thanh Dương, Hồng Thủy, Sương Lam, Ngân Bình, KMH, Thêm... và có lẽ còn nhiều nhiều nữa mà nhất thời PL không nhớ hết, xin vui lòng lượng thứ cho PL.


Xin mời xem album hình SN bên dưới và đón xem hình của những album họp mặt khác trong vài ngày tới.

Mến chúc an vui và ngủ ngon với nhiều mộng đẹp.
Thân quý,

PhamPhanLang

Họp Mặt Nhà Anh Chị BC Viên - Hồng Thủy


PL đến DC tối hôm qua, được anh Viên đón về nhà. Vừa bước chân vào nhà đã nghe mùi Bún Riêu Tôm Cua thơm phức do chi Hồng Thủy kỳ công nấu nướng, lại có Thúy M "thợ vịn" thái rau bắp chuối...


Đang đói bụng lại hơi mệt sau chuyến bay hơn 7 tiếng, được ăn tô Bún Riêu ngon đậm đà của chị HThủy, PL tỉnh hẳn người, hihi... Bún Riêu ngon đến nỗi PL yêu cầu chị HT cho ăn lại trưa hôm nay. Ăn trưa xong, hai chị em rủ nhau chụp mấy tấm hình ở deck sau nhà để gửi lên MCTD và CGV "báo cáo", chia sẻ...

Tối nay nhóm Phương Hoa, Minh Thúy và chị Bé Phú sẽ đến và sẽ có thêm nhiều hình "xí xọn" của cả bọn để gửi quý chị em xem cho vui.
Mến chúc bình an.





Hình Ảnh: PhamPhanLang
 

Giọt Thu Thơ -Thơ: Hồng Thúy Nhạc: Lâm Kim Cương Hòa Âm: Đỗ Hải


Thơ: Hồng Thúy 
Nhạc: Lâm Kim Cương 
Hòa Âm: Đỗ Hải 
Ca Sĩ: Thùy Dương 
Slideshow: Duy Hân

Tiếng Buồn Trong Thu

 

Bình minh se se lạnh
Nắng rơi chạm cành sương
Cúc vươn mình khoe sắc
Thơm thoảng hương dịu hương
Trong vườn thu chiều muộn
Nhìn xác lá vàng rơi
Nghe tiếng hoa cỏ khóc
Tiếng mưa buồn rơi rơi...
Hoàng hôn trên sông thu
Lan tỏa khói sương mù
Vài bóng thuyền lặng lẽ
Rời bến đời thực hư!
Gió đưa mây ngàn bay
Mây cuốn trôi tháng ngày
Còn lại trang kỷ niệm
Tiếng thu buồn đêm nay!

Yên Dạ Thảo
Mùa thu 2021

Vĩnh Long Kỷ Niệm


Ảnh: Kim Phượng (Trường Tống Phước Hiệp Vĩnh Long 2011)


Có ai về đến quê Vĩnh Long
Hãy nhắn dùm tôi gởi thật lòng
Hỏi thăm thầy cô bè bạn cũ
Những lời thân thiết nhớ đợi mong

Mái trường xưa phượng đỏ đầy sân
Tà Áo trắng bay nhẹ lân lân
Khắc khoải trong lòng thở xưa đó
Bùi ngùi kỷ niệm vẫn phân vân

Huỳnh Phương Trạch


自君之出矣其一 Tự Quân Chi Xuất Hĩ Kỳ 1,3,4 - Tác Giả: Khuyết Danh


Nguyên bản           Dịch âm

自君之出矣其一 Tự Quân Chi Xuất Hĩ Kỳ 1

自君之出矣        Tự quân chi xuất hĩ,
千山只等閒        Thiên San chỉ đẳng nhàn.
托與相思夢        Thác dữ tương tư mộng,
一宵數迴還        Nhất tiêu sổ hồi hoàn.

Tác giả:Khuyết Danh
***
Chú giải

宵 tiêu, tiểu: Có 2 nghĩa: 1. Đêm, thí dụ: trung tiêu 中宵 nửa đêm. 2. Nhỏ bé, kẻ tiểu nhân gọi là tiêu nhân 宵人.
數 sổ: Đếm, tính. Thí dụ: Trang Tử 莊子: Phún tắc đại giả như châu, tiểu giả như vụ, tạp nhi hạ giả, bất khả thắng sổ dã” 噴則大者如珠, 小者如霧, 雜而下

者, 不可勝數也 (Thu thủy 秋水) Phun ra giọt lớn bằng hạt trai, giọt nhỏ như hạt sương mù, lộn xộn rơi xuống, không thể đếm xuể.

Dịch nghĩa:

Từ Thuở Chàng Ra Đi Kỳ 1

Từ khi chàng ra đi,
Những lúc nhàn dỗi thiếp chỉ nhìn ngàn núi.
Đem nỗi nhớ gởi trong mộng,
Mỗi đêm ngóng chàng về.

Dịch thơ:

Từ Thuở Chàng Ra Đi Kỳ 1

Từ khi chàng xa thiếp,
Ngàn non buồn tái tê.
Tương tư đành gởi mộng,
Mỗi đêm ngóng chàng về.


***
Nguyên bản             Dịch âm


自君之出矣其三 Từ Khi Chàng Ra Đi Kỳ 3

自君之出矣          Tự quân chi xuất hĩ,
紅妝誰人看          Hồng trang thuỳ nhân khan.
可憐石榴裙          Khả liên thạch lựu quần,
久置心亦寒         Cửu trí tâm diệc hàn.

Chú giải

置 trí: ① Ðể, cầm đồ gì để yên vào đâu đều gọi là trí. ② Vứt bỏ, như phế trí
廢置 bỏ đi, các trí 擱置 gác bỏ.
③ Yên để, như thố trí 措置 đặt để, vị trí 位置 ngôi ở, nghĩa là đặt để ngôi nào
vào chỗ ấy. 久置 cửu trí: mặc, bận lâu.

Dịch nghĩa

Từ Khi Chàng Ra Đi Kỳ 3


Từ khi chàng ra đi,
Thiếp trang điểm cho ai nhìn?
Khá thương cho cái quần màu thạch lựu (đỏ),
Càng bận lâu lòng càng lạnh lùng.

Dịch thơ

Từ Khi Chàng Ra Đi Kỳ 3


Từ khi chàng xa thiếp.
Trang điểm để ai nhìn?
Khá thương quần thạch lựu,
Càng bận càng buồn thêm.


***
Nguyên bản            Dịch âm

自君之出矣其四   Tự quân chi xuất hĩ kỳ 4

自君之出矣          Tự quân chi xuất hĩ,
香苑絕人煙          Hương uyển tuyệt nhân yên.
天上有七夕         Thiên thượng hữu thất tịch,
心海無渡船         Tâm hải vô độ thuyền.

Dịch nghĩa

Từ Khi Chàng Ra Đi Kỳ 4


Từ khi chàng ra đi
Vườn thơm vắng hơi người
Trên trời có dằm tháng bảy
Nhưng thiếp thì như con thuyền giữa biển mênh mông không bờ

Dịch thơ

Từ Khi Chàng Ra Đi Kỳ 4


Từ khi chàng xa thiếp,
Vườn tình vắng hơi người.
Trời có rằm tháng Bảy,
Biển không bờ thuyền ơi!


Đây là 3 trong 4 bài Tự Quân Chi Xuất Hĩ kỳ 1, 3, 4 tả phản ứng cổ điển của thiếu phụ vắng chồng. Cả 3 bài đều có chung câu 1 (Từ khi chàng xa thiếp) Tuy ý và lời trong 3 câu cuối của mỗi kỳ khác nhau nhưng chúng lại giống nhau ở chỗ chỉ than vãn nỗi sầu muộn khi vắng chồng (chứ không có thái độ cứng rắn như kỳ 2).

Bài 1:
Thường ngày thỉ khuây khỏa trong công việc nội trợ; mỗi khi nhàn rỗi thì chỉ nhìn rặng núi xa xôi mà buồn rầu. Ban đêm thì gởi nỗi nhớ vào giấc mộng.
Bài 3:

Vắng chàng thì thiếp trang điểm cho ai nhìn? Quần màu thạch lựu là thứ mà chàng ưa nhìn nhất nhưng từ nay thiếp không dùng nữa; càng bận càng buồn thêm.

Bài 4:
Vắng chàng, vườn hoa không còn hơi người nữa. Sông Ngân Hà, nơi vắng vẻ nhất trên trời còn được chứng kiến vợ chồng Ngâu gặp nhau mỗi năm một lần;thiếp như con thuyền lênh đênh trên đại dương không bờ bến, chả biết ghé bến nào.

Con Cò
***
Từ Ngày Chàng Ra Đi

Từ anh cất bước lên đàng,
Còn vì ai phải điểm trang má đào?
Thương cho chiếc áo lụa mầu,
Để lâu chẳng mặc, ôm sầu giá băng.


Bát Sách.
***
1- 
Từ lúc chàng xa thiếp,
Khi nhàn ngắm núi non,
Tương tư đành gửi mộng,
Đêm ngóng chàng mỏi mòn.


3- 
Từ lúc chàng xa thiếp,
Điểm trang chẳng kẻ nhìn,
Khá thương quần sắc lựu,
Cứ mặc lại sầu thêm


4- 
Từ lúc chàng xa thiếp,
Vườn hoa bặt hơi người,
Trời cao có tháng bảy,
Không bến đỗ lòng khơi.


Mỹ Ngọc.

Oct. 7/2021.
***
1-
Mơ được gặp chàng
Từ xa nhau núi non nào khác
Nhớ thương chàng ký thác mộng lòng
Đêm đêm mơ giấc tương phùng


3- 
Xa chàng, gương lược cũng buồn lây
Vắng chàng
Xiêm áo bẽ bàng
Tô hồng chuốc lục
Điểm trang
Ai nhìn?


4- 
Chơi vơi
Vắng bóng chàng vườn hương ngắt tạnh
Thuyền lênh đênh hiu quạnh bến bờ
Châu về hiệp phố bao giờ?


Yên Nhiên
***
1-
Từ Chàng Xa Vắng Đó

Từ chàng xa vắng đó
Thiên san ngóng lúc nhàn
Gởi mộng niềm thương nhớ
Một đêm thỏa dăm lần!


3-
Từ Chàng Xa Vắng Đó

Từ chàng xa vắng đó
Không người ngắm điểm trang
Thương thay quần lựu đỏ
Để lâu buốt lạnh tràn!


4-
Từ Chàng Xa Vắng Đó

Từ chàng xa vắng đó
Vườn hết hơi người quen
Trời cao rằm tháng bảy
Trùng dương chẳng bến thuyền!


Lộc Bắc
***
Từ Khi Chàng Đi Xa

Từ khi chàng đi xa
Núi non rộng bao la
luôn nhớ chàng trong mộng
Mong chàng mau về nhà

LạcThủyÐỗQuýBái

Paris Chiều Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật


Vào ngày 25/7/21 tại Hội Quán Hội Y Sĩ - thư viện Diên Hồng 7 rue du Disque - 75013 Paris, Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris đã tổ chức chiều sinh hoạt văn học nghệ thuật quy tụ nhiều khuôn mặt quen thuộc nổi tiếng trong cộng đồng ở Paris. Có những vị khách dù cao tuổi đã không quản ngại đường xa, trời lúc mưa lúc âm u và dịch bệnh mà vẫn đến tham dự.Tất cả đều đến trước giờ đứng đầy hành lang và ngoài sân vui vẻ hàn huyên với nhau. Sinh hoạt văn học nghệ thuật chiều nay gồm: 

Phần 1:Tác giả & Tác phẩm. 

Phần 2 Thuyết trình đề tài:"Xây dựng một căn bản hiểu biết và suy luận nhờ minh triết Đông Tây", do BS Nguyễn Tối Thiện diễn thuyết.

Mở đầu chương trình là nghi lễ truyền thống quốc ca quốc kỳ và phút Mặc Niệm do KS Lê Minh Triết phụ trách. Không khí trong khán phòng thật nồng ấm tình bằng hữu, sau hơn một năm Paris bị giãn cách vì đại dịch. Tươi mát hơn vì buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật chiều nay có người điều khiển chương trình thật duyên dáng và xinh đẹp. Bước vào chương trình sinh hoạt văn học MC Thẩm Thái Hà đã giới thiệu TS Nguyễn Thị Phượng Anh là thành viên trong CLB VHVNP, thay mặt ban tổ chức ngỏ lời cám ơn đến tất cả quý khách tham dự.

Nha sĩ Thẩm Thái Hà cũng là thành viên trong ban biên tập thực hiện cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Hải Ngoại, và đã đọc lá thư ngỏ:

THƯ NGỎ

Biến cố tháng Tư 1975 người Việt bỏ nước ra đi đã đánh đổi mạng sống và tất cả để có một cuộc sống tự do nhân bản. Để bảo tồn văn hóa và bản sắc dân tộc nơi xứ người, một số Cộng Đồng Người Việt ở hải ngoại đã hình thành tại các nước thuộc Thế giới Tự Do. Nhờ cuộc sống mới này, các trào lưu Văn Hóa người Việt hải ngoại có thêm điều kiện thể hiện Tính Người và Tình Người phong phú hơn.

Thời gian qua, trong hai năm từ 2015 đến 2017 chúng tôi đã thực hiện cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris. Cuốn sách dầy 610 trang, đã trình bày Con Người và Tác Phẩm những nhà văn hóa tiêu biểu của Paris. Nhưng vì số trang sách giới hạn mà những nhà văn hóa thì nhiều. Do đó chúng tôi tiếp tục thực hiện cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại, bắt đầu từ 2017 và hoàn tất năm 2022. Mục đích thực hiện cuốn Sách là nhằm lưu lại cho những thế hệ mai sau làm tài liệu nghiêm chỉnh nghiên cứu, muốn biết về công việc bảo tồn văn hóa dân tộc của người Việt ở hải ngoại.
Những Tác giả có trong cuốn sách này được chúng tôi đưa ra thảo luận rất lâu, và có sự góp ý của một số Vị trong giới làm văn hóa ở khắp hải ngoại.

Đây là cuốn sách nhằm vinh danh Sự Nghiệp những người làm văn hóa đã tận tụy, liên tục đóng góp công sức cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc từ trước năm 1975 cho đến sau này ở hải ngoại. Về những Tác giả đã khuất núi hoặc không liên lạc được, chúng tôi đã cố gắng viết những nhận định khách quan về tác phẩm và tác giả đó.

Thực hiện cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại là một việc rất nhiêu khê. Đây là một công trình rất khó khăn vì số người làm văn hóa ở hải ngoại quá đông. Sau một năm thảo luận, xin tạm chọn một số tiêu chuẩn:

- Những người hoạt động văn hóa có thành tích trước 1975, nay sang hải ngoại vẫn tiếp tục hoạt động, làm ra tác phẩm, đồng thời tham gia vào những tổ chức, hội đoàn nhằm thực hiện các công trình phổ biến Văn Hóa Việt Nam nơi các xứ sở đã định cư.

- Những người sáng tác văn học nghệ thuật, nghiên cứu, biên khảo, hoặc trình diễn... trong lãnh vực Văn Hóa, sau năm 1975 ở hải ngoại đã có những công trình lớn, những tác phẩm giá trị mang tính nhân văn.

- Cũng như cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Paris, trong cuốn sách này chúng tôi cũng không thể trình bày đầy đủ các tác giả, các nhà văn hóa vì số trang giới hạn! Những tác giả được trình bày trong sách là những khuôn mặt tiêu biểu. Chúng tôi không viết nhận định về tác giả vì Tiểu sử và quá trình hoạt động đã nói lên giá trị của họ. Đối với những tác giả, những nhà văn hóa đã khuất núi hoặc không liên lạc được, chúng tôi đã Vinh Danh trong những bài sinh hoạt cộng đồng ở hải ngoại.

- Để thực hiện cuốn sách, ngoài những thành viên trong Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris, chúng tôi đã mời thêm một số nhà văn hóa ở hải ngoại từ Âu Châu, Mỹ, Canada, Úc Châu vào Ban Chủ Trương. Đặc biệt chúng tôi xin ghi ơn các Vị đã quá cố, đã đóng góp ý kiến, bài vở và mong chờ cuốn sách thành công : BS Nguyễn Bá Hậu, Nhà văn Hồ Trường An, Nhà văn Nhật Tiến, TS Trần Bích San, GS Nguyễn Văn Nhiệm, GS Nguyễn Song Thuận, GS Trần Văn Thu, Nhà nghiên cứu Phật Học Minh Nhật.

Chúng tôi xin chân thành ghi ơn tất cả quý vị đã góp ý kiến, công sức và vật chất cho cuốn sách. Cám ơn Ban Biên Tập đã đóng góp cụ thể, công sức cho cuốn sách.

Thay mặt Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris
Nhà văn Đỗ Bình

Thay mặt Ban Biên Tập
TS Nguyễn Thị Phượng Anh



Tiếp theo MC Thẩm Thái Hà giới thiệu nhạc sĩ Cát Tưởng và đã đọc lời giới thiệu của nhà văn Đỗ Bình về nhạc sĩ Cát Tưởng:

"Cát Tưởng khi mới vào tuổi đôi mươi là lúc quê hương chịu một biến cố đau buồn nên đã bị cuốn theo cơn lốc của đất nước. Có lẽ những hình ảnh của quê hương luôn ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn người thiếu nữ tha hương đã tạo sự rung động mãnh liệt. Từ đó trái tim nghệ sĩ của Cát Tưởng đã hòa nhập những vui buồn với tha nhân, với cuộc đời và đất nước để viết lên những vần thơ những ca khúc. Trong nghệ thuật Cát Tưởng đã tìm cho mình một lối để đi mà ca từ giai điệu và những ngôn ngữ thơ đã hòa quyện tạo thành một cõi riêng cõi của Cát Tưởng không trùng vào muôn ngàn lời ca, ý nhạc khác, của thế giới bao la nghệ thuật. Cát Tưởng là người nhạc sĩ khởi đầu viết về nhạc trữ tình trong đó chất chứa khung trời hình ảnh quê hương nên ca từ có chút triết lý nhân sinh. Sau nhiều năm sáng tác tâm hồn nhạc sĩ như những trái chín chứa nhiều vị ngọt hướng về Thiền và cách sống Thiền. Nhưng theo tôn giáo tu là giải thoát, lánh đời, mà tư tưởng Thiền có tính cách phá chấp, rất tự do thiên về cái đẹp của nghệ thuật. Người có tư tưởng thiền rất tự do phóng khoáng đi gần với cái Chân Thiện Mỹ. Cát Tưởng có tư tưởng và cách sống có màu sắc thiền. Qua bao nhiêu mùa trôi đi, sự biến đổi của thiên nhiên, cuộc đời, tình nhân thế, thế mà dòng nhạc của Cát Tưởng hôm nay giai điệu vẫn mượt mà, Cát Tưởng vẫn đam mê, mơ mộng nên chất thơ nhạc vẫn bồng bềnh còn lãng mạn truyền cảm. Những ca khúc: Khép Cơn Mê Địa Đàng, Tim Nuông Nụ Hồng và Người Ơi Tình Ơi....


Nhạc sĩ Cát Tưởng tự hòa âm & phối khí, một ngành rất khó của âm nhạc. Tác giả chơi đàn và trình bày. Tiếng hát đượm chất buồn xa vắng hòa trong nhạc cảnh đã giúp cho giai điệu nhạc phẩm thêm chất thơ."

MC Thẩm Thái Hà đã trao đổi đôi lời với nhạc sĩ Cát Tưởng và mời nhạc sĩ trình bày ca khúc đắc ý. Trong buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật chiều nay, Nhạc sĩ muốn giới thiệu đến khách qúy chọn lọc một ca khúc trữ tình đợm màu triết lý, do bà mới sáng tác mang tên "Sương Khói Hạnh Phúc". Nhạc sĩ Cát Tưởng vừa chơi đàn guitare vừa diễn tả bằng một giọng hát truyền cảm xúc động.

Tiếp theo Kỹ sư, nhà văn Lucien Trọng, là tác giả cuốn Enfer Rouge mon Amour, Hồi Ký trại cải tạo, Vẽ Bộ Sách Tranh. Và DS, nhạc sĩ Đặng Mộng Lan, là học trò của cố nhạc sĩ Xuân Vinh và theo học đàn Tranh của GS Nguyễn Thanh Vân. Chiều nay Lucien Trọng và Đặng Mộng Lan đã hát, và sử dụng những loại đàn cổ để trình bày về Dân Ca Ba Miền.

Một nghệ sĩ tài năng của CLBVHVNP phục vụ quý vị đó là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Đỗ Bình độc tấu một bài cổ điển của Francisco Tarrega để tưởng nhớ hai nhạc sĩ thường chơi nhạc cổ điển Tây Phương trong Câu Lạc Bộ, đã quá cố là GS Phạm Đình Liên và đạo diễn, nhạc sĩ Lê Phương.

Tiếp theo Nhà biên khảo Nguyễn Đức Tăng đã nói về con người và tác phẩm của nhà thơ Hàn Mặc Tử và ngâm bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ của thi sĩ Hàn Mặc Tử.

Qua phần 2: thuyết trình và thảo luận đề tài Xây dựng một căn bản hiểu biết và suy luận, rèn luyện trí tuệ nhờ Minh Triết Đông Tây, do BS Nguyễn Tối Thiện diễn thuyết, với sự điều hợp của BS Nguyễn Bá Linh và NS Thẩm Thái Hà.

BS Nguyễn Bá Linh phát biểu:

"Đề tài này thật ra nặng chất hàn lâm nên rất mong quý khách chịu lắng nghe để có thể trao đổi với nhau về cách suy tư và lối sống ở đời."
sau hơn một giờ nói chuyện, bài thuyết trình của BS Nguyễn Tối Thiện đã nêu ra đưọc những điều căn bản hiểu biết để suy tư, nhất là sự phân tích về ý nghĩa: Thật giả, Đúng sai, Thiện ác, Những phương pháp suy luận, Nhầm lẫn giữa nhận xét và phê bình.

BS Nguyễn Tối thiện nói về : Những phương pháp suy luận:

"Suy luận bắt đầu bằng sự hiểu biết. Càng có nhiều kiến thức thì lý luận càng sắc bén và chính xác. Lý luận cũng dựa trên ngôn ngữ, ngôn ngữ phải rõ ràng, mạch lạc và đúng với ngữ pháp (văn phạm). Cho nên phải học, học phải hỏi, hỏi để hiểu, hiểu để nhớ, nhớ để không lầm lẫn, để hành động hợp lẽ phải và xứng đáng với phẩm cách con người.

Có nhiều pháp lý luận:

a- Pháp Qui nạp (induction): lý luận qui nạp đi từ những nhận xét cá thể riêng biệt để đi tới một kết luận tổng quát. Thí dụ : con quạ ở VN màu đen, quạ ở Phi châu màu đen, quạ ở Âu châu màu đen, vậy tất cả quạ trên thế giới đều màu đen.

b- Pháp Suy diễn (déduction) : lý luận suy diễn đi từ một ý tưởng tổng quát để đưa ra những đề nghị riêng biệt. Như Tam Đoạn Luận của Aristote (Syllogisme)
.Tất cả con người đều chết
.Socrate là người
.Vậy Socrate cũng chết

c- Pháp Loại suy (suy diễn giả thuyết, abduction ou hypothético-déduction) : theo triết gia Charles Sanders Peirce là lối suy luận bẩm sinh của con người, có khả năng đưa ra những giả thuyết khác hơn những gì quan sát được, thường là những điều không thể quan sát trực tiếp được, nhưng có thể giải thích những sự kiện hay hiện tượng muốn nghiên cứu.

d- Pháp So sánh: lý luận nhằm nhấn mạnh những điểm giống nhau hoặc khác nhau của 2 sự vật, 2 sự kiện, 2 con người…với điều kiện là phải so sánh những gì có thể so sánh được.

e- Pháp Phân tích: đi từ cái tập hợp tổng thể phân chia dần tới các đơn vị chi tiết. Thí dụ từ bộ phận –> mô –> tế bào –> nhân –> bào tương –> thành phần cấu tạo của nhân và bào tương.

f- Pháp Tổng hợp: nhằm đưa ra một ý tưởng tổng quát hoặc một ý niệm khái-quát-hóa (conceptualisé)bao trùm các đơn vị chi tiết. Thí dụ : khái niệm Toàn-cầu-hóa bao gồm tất cả những sinh hoạt kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa...

g- Pháp Phê phán: vạch ra những điểm yếu, những sai lầm hoặc những điểm mạnh, điểm hay của đối phương, của sự việc.

h- Pháp Biện chứng: lý luận cân nhắc giữa những luận cứ tốt, thuận lợi hoặc những dữ kiện xấu, bất lợi cho một vấn đề.

i- Pháp Ngụy biện (sophisme) : lý luận dựa trên những dữ kiện không xác đáng, không có thật hoặc lý luận ba phải nói hàng hai.

j- Pháp Bác bỏ: đưa ra những dữ kiện phi lý hoặc những hậu quả tai hại của giải pháp hay ý tưởng đó để bác bỏ nó.

k- Pháp Nhượng bộ: chấp nhận một phần những luận cứ của đối phương nhưng lại đưa ra những luận cứ đối nghịch khác để bác bỏ phần còn lại »….

Bài viết của BS Nguyễn Tối Thiện rất công phu và phong phú. Trong trang giấy này chúng ta không thể đi sâu vào từng chi tiết, mà chỉ điểm qua những nét chính của bài thuyết trình.


Mời qúy Bạn cùng chúng tôi bước vào phần thảo luận qua lời mở đầu của BS Nguyễn Tối Thiện:

"Tất cả mọi sự hiểu biết đều bắt đầu bằng sự quan sát không những chỉ bằng mắt mà bằng cả 5 giác quan. Như các vị đã biết công dụng của 5 giác quan, xin hỏi có ai biết giác quan thứ 6 là gì không?"

KS Nguyễn Kim Lan trả lời: "Đó là Ý thức".

NS Thẩm Thái Hà góp ý:

"Tâm lý học bao gồm nhận thức về nội tâm và nhận thức ngoại cảnh. Đó là trạng thái hay đặc tính của sự nhận thức."

BS Nguyễn Tối Thiện giải thích:

"Có 4 tầng tri thức (hiểu biết)
Tri thức do quan sát : thức tri.
Tri thức do học hỏi, ghi nhớ: tưởng tri.
Tri thức do suy tư: tuệ tri.
Tri thức do trực giác: giác tri.”

Ông giải thích thêm:

“Tầng tri thức sau tùy thuộc tầng tri thức trước và mỗi tầng có những điều kiện của nó. Nếu tầng trước sai thì các tầng sau cũng sai luôn.

Những điều kiện của tri thức là do sự quan sát, do sự học hỏi ghi nhớ, do suy nghĩ, do trực giác”

Nhà văn Đỗ Bình hỏi:

“Phần trên BS Nguyễn Tối Thiện đã nhắc đến một số ý niệm về đúng sai, thật giả, thiện ác, nhưng Thế nào là hiểu đúng? Trong lãnh vực Triết học theo nguyên ngữ Tây phương là yêu sự khôn ngoan hay còn gọi là sự hiểu biết, mà các triết gia gọi là hữu thể ( Être), nói theo Đông Phương là Đạo. Anh có thể nói rõ về ý nghĩa của sự hiểu biết?”

BS Nguyễn Tối Thiện trả lời:

"Có 3 mức độ hiểu (compréhension)

a/- Hiểu theo danh từ: nghĩa là theo hình vị (morphème) của chữ viết hay theo hình tướng của sự vật. Cái hiểu nầy diễn tả theo thực tại qui ước (réalité conventionnelle), nghĩa là theo bề ngoài, chưa có sự suy nghĩ sâu sắc bên trong; như cái hiểu của người thư ký đánh máy, thấy sao biết vậy để đánh máy cho trúng mà không cần hiểu ý nghĩa sâu xa, ngầm chứa bên trong.

b /- Hiểu theo sự diễn dịch của người nghe hay thấy. Cái hiểu nầy tùy thuộc trình độ văn hóa và hiểu biết của người đó, đôi khi nó không đúng với ý muốn diễn tả của người nói hay viết và có thể không đúng cả với sự thật nữa. Đây là cái hiểu của người thường hay của một học sinh trung học khi làm phân tích một đoạn văn.

c/ - Hiểu sự vật đúng như nó là như vậy (la réalité telle qu'elle est) hay đúng với ý muốn diễn đạt của tác giả. Đây là cái hiểu của người làm phê bình văn học, phải đặt mình vào hoàn cảnh và tâm trạng của tác giả khi viết bài văn nầy, biết hành trình tư tưởng của tác giả, biết ý muốn của tác giả diễn đạt đàng sau những câu viết và đồng thời phải biết sự thật khách quan của vấn đề.

Về sự hiểu biết ta cũng có 3 mức độ:

Có những nghề nghiệp cần phải có sự hiểu biết rộng, như các bác sĩ toàn khoa để hướng dẫn bịnh nhân đúng theo qui trình định bịnh và trị bịnh. Còn các bác sĩ chuyên khoa cần hiểu biết chuyên sâu về ngành nghề của mình. Riêng các bậc thầy thì phải hiểu biết vừa rộng vừa sâu để giảng dạy và nghiên cứu. Sự hiểu biết sâu rộng là hiểu biết tổng hợp về lịch sử tư tưởng loài người trên một địa hạt nào đó, để thấy sự diễn biến, hành trình tư tưởng con người qua những giai đoạn lịch sử từ sơ khai đến ngày nay, để nhìn thấy những bế tắc và lỗ hổng của nhân loại hầu phát minh những giải đáp."

BS Nguyễn Bá Linh:
"Xin anh cho biết Khoa học có tìm được Sự thật?

Câu thứ hai: lý trí ý thức có tìm được sự thật không?"

BS Nguyễn Tối Thiện:

"Khoa học là môn học để tìm tới thực chất của sự vật. nên phương pháp khoa học là khách quan, không lệ thuộc con người. Tuy nhiên sự thật vẫn còn tùy thuộc trình độ hiểu biết của thời đại. Phương pháp khoa học là tốt nhất để tìm sự thật nhưng vẫn chỉ là tương đối."

"Lý trí, ý thức hai từ này hơi khác nghĩa nhau:
-Lý trí bao gồm cả 3 ý niệm: ý thức, tri giác, suy luận.
-Ý thức theo tôi có 3 ý nghĩa:
*- là sự nhận biết, nắm bắt một đối tượng khi nó lọt vào 6 cửa của giác quan
*- là sự nhận thức về thực chất, về tầm quan trọng của sự việc.
*- theo Tâm lý học PG Ý thức bao gồm tất cả các loại tâm."

GS Nguyễn Bảo Hưng:

“Thưa các anh chị,

Tôi có được tham dự vào buổi thuyết trình về đề tài "Rèn luyện trí tuệ nhờ Minh Triết Đông Tây". Đúng như anh Đỗ Bình nhận định, đề tài không chỉ rộng lớn mà còn thâm trầm sâu sắc nữa, nên một buổi hội luận trong vòng 4 giờ không thể bàn thảo vấn đề cho tới cùng. Về phần tôi, nay xin nêu lên một vài thắc mắc liên quan đến hai điểm chính trong bài thuyết trình như sau:

1) Tầm công dụng hữu ích của các phương pháp suy luận

Trong bài thuyết trình BS Thiện có nêu ra một số qui tắc hay pháp suy luận như pháp so sánh, pháp phân tích, pháp tổng hợp, pháp biện chứng v.v... giúp ta biết cách suy luận để biết cách phân biệt cái đúng cái sai, cái phải cái trái ... Vậy các pháp suy luận này, một khi đã nắm vững và áp dụng đúng, có bảo đảm là giúp ta nhìn ra Sự thật hay không? Sở dĩ có thắc mắc này vì, theo tôi, có sự khác biệt giữa Sự Thật và những sự thật. Nếu không thì ta đã chẳng nghe nói "Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay" , mà cả sư lẫn vãi trong khi cãi vã đều biết áp dụng các pháp suy luận kể trên

2) "Sự Thật" là gì? Làm sao để phân biệt được nó với những "sự thật".

Nếu chúng ta có câu "Sư nói sư phải vãi nói vãi hay", thì bên trời âu nhà thần học kiêm triết gia Blaise Pascal, ngay từ thế kỷ 17 cũng đã có câu phát biểu :"Vérité au deçà des Pyrénées, erreur au delà" “Bên này dãy Pyrénées là chân lý, thì bên kia dãy lại là lầm lạc". Vật Sự Thật hay Chân Lý là gì? Làm sao để phân biệt được nó với những sự thật ở đời, và liệu ta có thể đạt được Chân Lý hay không?

Trên đây là một vài câu hỏi nêu lên mà tôi nghĩ rằng, mọi ý kiến đóng góp đều giúp chúng ta đào sâu và tìm hiểu hơn đề tài thuyết trình đặc sắc của B.S Nguyễn Tối Thiện. Thân chào quí anh chị."

TS Nguyễn Thị Phượng Anh:

“Tôi rất đồng ý với ý kiến của giáo sư Nguyễn Bảo Hưng. Xin BS Thiện cho biết sự Phân biệt giữa thiện và ác? Thế nào là điều thiện theo quan niệm Phật Giáo?Cám ơn anh.”

Theo Khổng Giáo nói về Thiện và Ác.

Đó là thuyết Chính Danh. Chính Danh thì thân phải chính mà ngôn cũng phải chính nữa. Lý tưởng của đạo Khổng là trở thành một Đại Nhân, Quân tử. Muốn thế thì phải học, Khổng Tử rất yêu thích sự học, ông học suốt đời : học để làm sáng tỏ cái Đức sáng, để cải hóa người khác, để cố gắng tìm kiếm sự tuyệt thiện (Minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện- sách Đại Học) .

BS Nguyễn Tối Thiện:

“Chúng ta có thể đối chiếu với Đạo Phật, nhưng lý tưởng tột cùng của Phật Giáo là sự giải thoát, nó mang 4 sắc thái:
- Giải thoát khỏi những ràng buộc, ham muốn
- Khỏi những phiền muộn, khổ đau
-Khỏi những quan kiến sai lầm
- Khỏi vòng sanh tử luân hồi (Niết Bàn)

Chư Phật 3 đời đều dạy con người, muốn giải thoát phải thực hành 3 điều: làm lành (bố thí, phục vụ…), lánh dữ (giữ gìn giới luật), Thanh lọc tâm (tham thiền). Trên con đường thực hành 3 điều trên con người phải biết phân biệt thế nào là Thiện và Bất Thiện (ác). Bởi vì có thể bố thí hay hành thiền mà không đúng cách với một tâm ý không trong sạch sẽ là một trở ngại không nhỏ.

Thiện là những yếu tố hỗ trợ, giúp đỡ ta tiến bước dễ dàng trên con đường giải thoát. Bất Thiện là bất cứ nghịch duyên do tư tưởng, lời nói hay hành động làm ngăn trở sự tu tiến của ta. Và Tâm lý học PG đưa ra 5 tiêu chuẩn bao gồm trong điều Thiện như sau:

- Lành mạnh, không phát sinh từ các phiền não (tham,sân,si)
- Có lợi ích cho cá nhân và tập thể,
- Có tính cách khôn ngoan sáng suốt
- Không làm cho bậc thiện-trí phiền trách, tự mình cũng không ăn năn hối tiếc
- Có kết quả là an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người.

Thế nào là điều Bất Thiện: BT trái với định nghĩa trên đây về điều Thiện, nhưng bản thể của nó không ra ngoài Tham, Sân, Si. Đôi khi chúng mang những tên gọi khác nhau tùy theo ngữ cảnh như : phiền não, lậu hoặc, triền cái, chấp thủ, tà kiến…”

GS Nguyễn Minh Cầm:

“Xin BS Nguyễn Tối Thiện cho biết sự khác nhau giữa nhận xét và phê bình? ”

BS Nguyễn Tối Thiện:

“Nhầm lẫn giữa nhận xét và phê bình:

- Nhận xét là quan sát, ghi nhận, mô tả sự vật, sự kiện, con người.
- Phê bình là đưa ra những đánh giá về giá trị tốt hay xấu theo quan điểm của người phê bình.

+ Nhầm lẫn giữa bản chất và hình tướng:

- Bản chất: thực thể, thể tính của con người hay sự vật (cụ thể hay trừu tượng) có thể dùng để Định nghĩa hay Phân loại sự vật ấy.
- hình tướng: dáng dấp, hình dạng, thể hiện bề ngoài.

+ Nhầm lẫn giữa ngụy biện và ngộ biện:

-Ngụy biện: cố ý đưa ra những lý lẽ không đúng sự thật để bào chữa. (sophisme)
-Ngộ biện: lý luận sai lầm nhưng không cố ý (paralogisme)”

Cuộc hội luận rất hào hứng.

Nhà văn nhà thơ Đỗ Bình góp ý: “đề tài thảo luận thì rộng lớn, một buổi chiều không đủ để đào sâu đến tận cùng ý nghĩa của vấn đề. Chúng ta sẽ trở lại đề tài này ở những buổi hội thảo khác”.

MC Thẩm Thái Hà tuyên bố chấm dứt buổi sinh hoạt lúc 18 H00.

Thật là ở xứ lạ quê người tình đồng hương là quý, có những buổi gặp gỡ, họp mặt bằng hữu gặp lại nhau là một hạnh ngộ.

Nguyễn Thị Phượng Anh

 

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

Bà Christine Nguyễn Thị Mai Anh, Phu Nhân của Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu Đã Qua Đời


Bà Christine Nguyễn Thị Mai Anh
Phu Nhân của Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
. Sinh 1931
. Tại Mỹ Tho, Định Tường,
. Chúa gọi về 15 tháng 10, 2021
. Tại Nam California, Hoa Kỳ
. Hưởng thọ: 90 tuổi

Con cái:
. Trưởng Nữ Nguyễn Thị Tuấn Anh
. Trưởng Nam Nguyễn Quang Lộc
. Thứ Nam Nguyễn Thiệu Long

***

Sinh Hoạt Của Bà Nguyễn Thị Mai Anh (Đệ Nhất Phu Nhân Tống Thống Nguyễn Văn Thiệu)

 











Ban Biên Tập Sưu Tầm từ Internet