Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Thơ Tranh: Muộn


Thơ: Khúc Giang
Thơ Tranh: Kim Oanh

Sân Hoa Sau Nhà


Ước gì nghe được tiếng hoa tươi
Rãi rác trong sân vắng nụ cười
Thiên Thần chắp cánh còn ngơ ngác
Héo úa hồng nát tuổi đôi mươi

Cây ép xác thu người thuở nhỏ
Giấu làm sao hình tỏa già nua
Trái tim kia cằn cỗi theo mùa
Tô sắc mới gượng đùa năm tháng

Nói đi hoa! Khi vầng trăng sáng
Kẽo ấm tình chết dáng mùa Đông
Nói đi hoa! Phật trông mòn mỏi
Thú vô hồn về cõi xa xăm

Ong bướm lặng vườn câm tiếng hót
Gục mặt sầu đau xót lòng hoa
Đêm tịnh tâm rỏ thấy mình già
Lòng hướng thượng vị tha biển cả

Về đi hoa! Quê nhà vẫn đợi
Dẫu rơi vài kỷ niệm ngày thơ
Sợ bóng câu chân già run rẩy
Làm lật thuyền bến ấy sông xưa

Nói đi hoa! Trời sẽ ban mưa!

CA.Sanjose 2008
Lê Kim Hiệp


Trăng Tàn Vườn Thuý


Bài Thơ Xướng

Trăng Tàn Vườn Thuý

Vườn thúy trăng tàn mãi thẩn thơ
Thiên thai Lưu Nguyễn nao nao chờ
Tình thơ bến mộng hoài lưu luyến
Lạc lối vườn xuân tỉnh mộng hờ

Uyên Thuỵ Vũ Tuyết Hoa

Các Bài Thơ Họa:
Vườn Trăng

Trăng vàng rọi sáng mảnh vườn thơ
Rọi nẻo đường hoa dẫn khách chờ
Bến mộng lung linh màu huyễn ảo
Tình thơ sưởi ấm mối duyên hờ!

Nguyễn Đắc Thắng
20161215
***
Nguyệt Viên Lãm Thuý

Vườn trăng lãm Thuý mấy vầng Thơ
Dưới nguyệt chàng Kim háo hức chờ
Năm tháng mộng mơ còn ấp ủ
Đàn gieo lỗi nhịp mối duyên hờ

Quên Đi

Đêm Xuân - Phạm Duy - Sĩ Phú


Sáng Tác:Phạm Duy
Tiếng Hát:Sĩ Phú
Thực Hiện: Hoàng Khai Nhan


Ông Già Tứ Cang


Hò hơ....
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền,
Anh có thương em thì cho bạc cho tiền,
Đừng cho lúa gạo ...ờ ... hò hơ ...
Đừng cho lúa gạo...ờ... Xóm giềng họ cười chê!

Tôi sinh ra ở xã Thường Thạnh, Ba Láng, tức là ấp Yên Thượng của Thị Trấn Cái Răng, huyện Châu Thành, tỉnh Phong Dinh, nên nghe thuộc lòng câu hò trên từ lúc còn chưa vào lớp Đồng Ấu. BA LÁNG quê tôi, nơi đây lúc tôi còn nhỏ, trong làng xóm còn có những vị tiền bối chức sắc của tổ chức xã hội trước kia, như : Hương Quản, Hương Sư... Đặc biệt nhất là ông Ba Hương Sư, tác phong nghiêm chỉnh, đạo mạo. Theo nghĩa của chữ Sư, thì chắc hồi xưa ông Ba là Thầy dạy chữ Nho trong làng. 

Khi tôi khoảng 11, 12 tuổi gì đó, thì ông Ba làm nghề thầy thuốc, bắt mạch cho toa rất nổi tiếng, có thể là lúc bấy giờ đã không còn có người học chữ Nho nữa, nên ông xoay sang nghề làm thầy thuốc chăng?! Bây giờ thì không nói về những vị Hương Thân đạo mạo khả kính nữa, tôi xin kể về một ông Hương Thân rất vui tính ở trong làng để các bạn nghe chơi tiêu khiển trong những ngày cuối năm chờ Tết đến !...

Hương Chức Hội Tề Hương Sư
Không biết xưa kia giữ chức vụ gì trong Hương Chức Hội Tề, Ông Sáu rất được mọi người trong xóm kính trọng, giỏi chữ Nho, am tường về phong tục tập quán cổ truyền, tính tình vui vẻ thích nói chơi, nên rất được thanh thiếu niên trong xóm yêu mến...
Cũng không biết ưu thời mẫn thế như thế nào, Ông Sáu hay nói ngược lại những câu chữ Nho của người xưa. Ví dụ như câu:

Tiền tài như phân thổ,       錢 財 如 糞 土,
Nhơn nghĩa trị thiên kim. 仁 義 值 千 金。
Nghĩa là: 
Tiền của tài sản thì như là đất là phân, không đáng quí trọng.
Nhân nghĩa ở đời mới đáng giá ngàn vàng!

thì ông Sáu cũng nhại lại cái âm của câu nói mà nói ngược lại là:
Tiền tài như ...ông Tiên Tổ,
Nhân nghĩa tợ... cục cức khô!
để mĩa mai thói đời xem trọng kim tiền mà coi nhẹ nghĩa nhân. Hoặc như câu:

Nhất ngôn ký xuất, 一 言 既 出,
Tứ mã nan truy. 四 馬 難 追。

Nghĩa là:
Một lời đã nói ra thì Xe bốn ngựa ( phương tiện giao thông nhanh nhất ngày xưa ) cũng không thể rượt theo mà lấy lại lời nói đó cho được!
Thì ông nói thành:

Nhất ngôn ký xuất, 一 言 既 出,
TỬ ... mã nan truy . 死 ...馬 難 追。

Hàm Ý con ngựa Chết thì làm sao rượt theo mà lấy lại lời nói cho được, cho nên cứ nói càn !...
Nhiều khi Ông chỉ sửa những câu chữ Nho để nói chơi cho vui mà thôi. Ví dụ như câu:

Bần cư náo thị vô nhân vấn, 貧 居 鬧 市 無 人 問,
Phú tại thâm sơn hữu viễn thân. 富 在 深 山 有 遠 親。
Có nghĩa: 
Nghèo mà ở nơi chợ búa náo nhiệt cũng không có ai thèm hỏi tới, còn...
Giàu mà ở nơi núi sâu rừng thẳm, cũng có bà con xa tìm đến thăm!

thì Ông nói thành:
Bần cưa ván ngựa đen như sắn,
Cú tại màng tang đứng chết trân! 
hoặc như câu:

Đạo cao long hổ phục, 道 高 龍 虎 伏,
Đức trọng quỉ thần kinh. 德 重 鬼 神 驚。
Nghĩa là:
Đạo pháp mà cao cường thì rồng cọp cũng phải phủ phục mà chịu phép. Cái đức của con người mà cao trọng thì quỉ thần cũng phải kinh sợ (mà không dám làm hại).
Đạo cao long hổ phục, Đào ao lên đất cục,

thì Ông nói lại cho vui là:
Đào ao lên đất cục,
Đứt họng cổ lòi gân!

Hương Chức Hội Tề Hương Sư

Nghe Ông nói, lúc đó tôi bèn quay sang nói nhỏ với thằng bạn là: "Đạo cao long hổ phục, mà ổng nói thành Đào ao lên đất cục kìa !". Nhè đâu ông Sáu nghe thấy, mới quay lại nói với tôi là : "Cái thằng nầy, Đào ao không lên đất cục thì lên cái gì mậy? Mà nầy, mầy học chữ Nho mà mầy có biết " TAM CANG " là gì không ? ". Tôi được dịp, bèn đáp một cách hãnh diện:
- Thưa Ông Sáu, TAM CANG là Quân thần cang, Phụ tử cang và Phu thê cang. Bà con ta hay nói tắt TAM CANG là: Quân thần, Phụ Tử, Phu Phụ. 
Ông Sáu cười cười gằn giọng:
- Mầy giỏi quá há! Vậy tao hỏi mầy, mầy có biết TỨ CANG không?
Tôi há hốc, ngạc nhiên quá hỏi lại:
- Sao có Tứ Cang nữa ông Sáu?. Ông Sáu cười lớn nói:
- Cái thằng nầy không biết gì hết, TỨ CANG là cái lớn nhất không thể CAN được Tôi càng ngạc nhiên hơn, hỏi:
- Cái gì mà hổng CAN được ông Sáu ? Ông Sáu nghiêm mặt lại nói:
- TAM CANG là Quân thần Cang, Vua đánh tôi, có người CAN được. Phụ Tử Cang, Cha đánh con, cũng CAN được. Phu Thê Cang, Chồng đánh Vợ, cũng còn CAN được. Nhưng, Ông đánh thì vô phương CAN !... Tôi làm tài khôn nhanh nhẩu chen vào :
- Ông đánh thì cũng CAN được chớ sao không? Ông Sáu phá lên cười lớn:
- Thằng nầy, Ong Vò Vẻ đánh làm sao ai dám CAN. Ong đánh là TỨ CAN đó biết không?!... 

Vừa lúc đó anh Ba từ ngoài vườn chạy vào, hai tay che đầu miệng la oai oái, có mấy con Ong bay theo phía sau... Ông Sáu cười ngất nói:
- Đó, đó! Thằng Ba nó bị TỨ CANG đó, mầy giỏi mầy vô CAN đi!
Thì ra ...
Gần Tết, anh Ba ra vườn sửa sang lại vườn tược cho gọn ghẽ sáng sủa để Ăn Tết, kéo nhằm ổ ONG BẦN, nên bị NÓ rượt chạy vào... 

Thì ra, ONG ĐÁNH là TỨ CANG. Ong đánh thì không ai dám CAN cả!!!
Từ đó, Tôi và các bạn trong xóm gọi ông Sáu là ÔNG GIÀ TỨ CANG!

Đây là chuyện có thật, tên cúng cơm của Ông Sáu là ĐỰC. Mọi người trong xóm đều gọi là Ông Sáu Đực. Bà con bên ngoại của Má tôi, nên Má tôi gọi ông là Cậu Sáu.
Vì là dân Nam Kỳ Luc Tỉnh, nên nói chuyện phát âm không có phân biệt giữa CAN và CANG hay ONG và ÔNG gì cả!

Bây giờ, đã hơn 60 năm qua, ông Sáu đã không còn nữa. Gần Tết, tha hương đất khách, ngồi đây nhớ lại chuyện xưa, lòng bồi hồi xúc động. Đâu rồi thời gian thơ ấu, đâu rồi những phong hóa cũ, đâu rồi những tập tục của ngàn xưa, đâu rồi ÔNG SÁU của dạo nào?!... đành ngậm ngùi đọc lại 2 câu thơ cuối của Vũ Đình Liên trong bài thơ Ông Đồ là:

Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ ?!!! ..........

Đỗ Chiêu Đức 
Viết lại cuối năm Bính Thân 2016.

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Thơ Tranh: Xuân Tha Hương ( 23 Tháng Chạp Xuân Đinh Dậu)


Thơ: Mai Xuân Thanh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Táo Thất Nghiệp - Quên Đi


Một lần mỗi năm
Táo được lên thăm
Ngọc Hoàng Thượng Đế
Cùng chuyện trần thế
Báo đến cõi tiên.
Ôi thật là phiền
Cung trời vắng tanh
Chẳng thấy một anh
Giờ đến lúc chầu
Lo gầy sòng nhậu
Y hệt thế gian
Chuyện nước chuyện làng
Dù lớn dù nhỏ
Nếu muốn làm rõ
Cứ vào bàn tiệc
Tính toán sự việc
Quan thầy vui vẻ
Tất cả rồi sẽ
Giải quyết êm xuôi
Táo thấy ngậm ngùi
Điểm lại năm qua
Chuyện Formosa
Lại thêm thuỷ điện
Xả nước như điên
Dân tình oán trách
Táo chỉ còn cách
Hăm ba chầu trời
Nhưng khi tới nơi
Trên dưới đều vậy
Chẳng biết sao đây
Táo đành lui gót.
Lui gót cái mà lui gót...

Quên Đi

Táo Quân Sớ - Kim Phượng


Dạ... dạ...
Táo thần Kim Phượng
Đường xa chẳng quản
Trong Tiết Đại Hàn
Ngày lành khắc đến
Hăm Ba tháng Chạp
Leo lưng cá chép
Trực chỉ thiên đình
Bẩm báo tình hình
Trần gian thế sự
Thế sự... cái mà thế sự


Dạ... dạ...
Muôn tâu Ngọc Hoàng
Trước là thỉnh an
Sau dâng sớ tấu
Bính Thân sắp qua
Đinh Dậu bước tới
Lòng người phơi phới
Chào đón Chúa Xuân
Nhưng nơi thật gần
Úc châu vào Hạ
Phượng tím đầy hoa
Thế mà cha chả
Nắng cháy bỏng da
Thình lình sa mưa
Phố phường lênh láng
Lênh láng... cái mà lênh láng
Gây lắm ưu phiền
Cho người dân hiền
Riêng thần khổ sở
Bởi tròn năm qua
Nơi Vườn Thơ Thẩn
Thi nhân ào ào
Ra vào mài mực
Hạ bút thơ đề
Thả mộng trao mơ
Thần theo hổng kịp
Bó tay chấm com
Chỉ dòm đỡ tủi...
Cái mà đỡ tủi
Thần xin kể tiếp
Chuyện quả đau đầu

Dạ dạ...
Chuyện quả đau đầu
Thần rầu thúi ruột
Thúi ruột... cái mà thúi ruột
Sự thế như vầy
Bầy trẻ quê nhà
Tận cả hải ngoại
Về tài ăn nói
Tiếng Việt của mình
Đôi lúc thất kinh
Bối rối chữ nghĩa
Nói đông hiểu tây
Nói vầy nghĩa khác
Ù ù cạc cạc
Ngác ngác ngơ ngơ
Thật đáng thương thay
Nhưng mà thế này
Trẻ đâu bất tài
Nếu cha dạy kỹ
Mẹ giảng rõ ràng
Cô dốc hết sức
Thầy cùng họp lực
Tất cả đồng lòng
Yêu tiếng nước tôi
Nguyện ước thần mong

Kính xin Ngọc Hoàng
Vui lòng hổ trợ
Có được như thế
Lũ trẻ được nhờ
Nối nghiệp Văn Thơ
Ông cha để lại
Cho trăm hoa nở
Trong Vườn Thơ Thẩn
Thêm những chồi non
Trên trang Long Hồ
Lời thật báo cáo
Gót hài thần đáo
Trở lại trần gian
Năm mới kính chúc
Ngọc Hoàng an khang
Tung hô vạn tuế
Vạn tuế cái mà vạn tuế

Kim Phượng
Xuân Đinh Dậu 2017

Quên...Nhớ?


- Mẹ ơi, cơm chưa nấu!
Thức ăn đã dọn ra bàn cả rồi, thế mà đứa con gọi với một câu gọn lỏn. Thì ra tôi "quên" bật điện nấu cơm.
- À mẹ "nhớ ". Hai đứa con nhìn nhau trò xoe đôi mắt.
- Nhớ là sao mẹ? Tôi phì cười, chắc các con tưởng tôi gìa đến nơi....
- Thì mẹ "quên" bật điện nấu cơm, nhưng "nhớ" chuyện hôm qua. Thôi đổ nước ra bớt rồi nấu, nãy giờ để lâu gạo nở, mình không bớt nước cơm sẽ nhão đó con. Rồi mẹ kể cho nghe
- Vậy mẹ nói chuyện hôm qua là sao?
- Thì hôm qua là ngày đưa Ông Táo về trời.
- Thì phải rồi mẹ đưa ổng đi không có cơm là đúng rồi. Con trai vừa nói vừa tủm tỉm cười...
- Chính vì mẹ quên đưa mới bị vậy đó. Con nè, mẹ hổng tin dị đoan cũng hổng được nhe.
Hôm qua là ngày 23 tháng Chạp, theo phong tục thì mình cúng đưa Ông Táo về Trời, nhưng mẹ quên. Me nghĩ, ở đây nấu bằng lò ga lò điện, thôi thì chắc không sao, làm gì có chuyện cơm khê cơm khét chớ.
- Thì có cơm đâu mà khê, khét hé mẹ, hùa theo con....Ờ thỉ hổng có cơm ăn thôi......cùng nhau phá ra cười...Đó là chuyện vui của mấy mươi năm trước.

Nhưng dù quên, hàng năm ngày đưa Ông Táo cũng trở lại... nhưng các con tôi nay đã lớn, đã xa bay và kỷ niệm quây quần bên mâm cơm xưa chẳng tìm lại được bao giờ. Cố nhạc sĩ Anh Bằng nói đúng quá mà....
"Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm
Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ
Mơ vui là lúc ngàn đắng cay ... xé tâm hồn "


Thôi thì...
Chiều nay 23 tháng Chạp năm Đinh Dậu đây, phải nhớ đưa Ông Táo, mong ông tâu lên Ngọc Hoàng, mang những muộn phiền bay xa, xin cho nhà nhà được an hoà, xuân hạnh phúc!

Kim Oanh
Úc Châu, ngày 23 tháng Chạp năm Đinh Dậu

Sớ Táo Bà


Bớ ông Ngọc Hoàng
Thiếp là Táo Nữ
Thật vô tích sự
Hai chồng ba hoa
Thiếp cho ở nhà
Hầu hạ bếp núc
Thiếp không sợ cực
Dọt xe lên trời
Tâu dăm ba lời
Để ông thấy rõ
Thật là mắc cỡ
Cái năm khỉ rồi
Nước thiếp lôi thôi
Toàn chuyện quá ẹ
Mắc cười thấy mẹ
Lại muốn hơn người
Xếp đặt ỉ ôi
Thật là bát nháo
Thế rồi bá cáo
Thành tựu lên mây
Thóc lúa chất đầy
Chật nhà quan lớn
Dân đen quá ớn
Bởi ăn ngô khoai
Than vắn than dài
Nam Tào đâu hiểu
Bởi ông trí thiểu
Chỉ thích phong bì
Trí thức sầu bi
Viết toàn lề trái
Ai mà chẳng ngại
Cái chuyện thanh tra
Sợ nhất ấy là
Cái ông kiển duyệt
Ngọc Hoàng có biết
Hay lại giả vờ
Hoặc giã làm ngơ
Mặc chúng xâu xé
Nhắc nhỏ ông nhé
Sang năm con Gà
Khắp chốn gần xa
Đua nhau tiếng gáy
Sợ điếc tai hãy
Lấy bông nhét vào
Mặc thế lao xao
Rồi ông nằm khểnh
Thiếp thấy tình cảnh
Nhắm việc không xong
Để dân khỏi mong
Lên xe dông tuốt

Chân Diện Mục sao lục

Tống Cựu Nghinh Tân


Đời thường mãn nhiệm phải bàn giao,
Nước Mỹ siêu cường, lãnh đạo trao.
Thắng cử đăng quang làm Tổng Thống,
Nghinh tân tống cựu ý dân cao...
Đương nhiên trùng hợp năm Thân Khỉ,
Đắc thế Thiên thời Đinh Dậu sao !
Ông Táo về trời tâu Thánh Thượng,
Giao Thừa pháo nổ đón Kê vào...

Mai Xuân Thanh

Ngày 07 tháng 01 năm 2017

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Thơ Tranh: Nhớ Web Long Hồ


Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Quang

Sơn Phòng Mạn Hứng - Trần Nhân Tông (1258 - 1308)


Sơn Phòng Mạn Hứng
Trần Nhân Tông (1258 - 1308)


Thùy phược cánh tương cầu giải thoát
Bất phàm hà tất mịch thần tiên
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão
Y cựu vân trang nhất tháp thiền

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tuỳ dạ vũ hàn
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn

Ý Nghĩa:
Mạn Hứng Ở Sơn Phòng

Có ai trói buộc mình đâu mà phải cầu giải thoát / Bụi trần đã không còn vướng mắc rồi thì hà tất đi tìm thần tiên làm chi nữa / Bày vượn nhởn nhơ , con ngựa đã mỏi , người nay đã già / Am mây và chiếc giường thiền ngày nào vẫn còn đó / / Nỗi thị phi phải quấy đã rũ bỏ theo từng cánh hoa rụng rơi ban sáng / Niềm hám danh hám lợi đã gửi theo từng đợt mưa lạnh trong đêm / Hoa đã rụng hết , mưa đã tạnh hẳn , núi non tịch mịch trước mắt / Một tiếng chim hót , ừ nhỉ , cái vòng tuần hoàn trời đất , xuân đến rồi đi 

Bài Dịch:
Sơn Phòng Mạn Hứng
PKT - Mây Tần 2015

Ai trói buộc đâu mà cầu giải thoát
Lòng đã thoát phàm hà tất tìm Tiên
Vượn nhàn, ngựa mỏi, thân lão
Chốn cũ, am mây, một chiếc giường thiền

Sáng ngắm hoa rơi, thị phi rũ bỏ
Ðêm nghe mưa lạnh , danh lợi buông trôi
Hoa tàn, mưa tạnh, núi vắng
Một tiếng chim hót tiễn Xuân lưng trời

Lời Thêm: Ðây là một bài thơ, mạn hứng của vua Trần nhân Tông, Sư Tổ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một vị Phật nước Việt Nam ta, người đã đắc đạo, bất phàm, ngoài vòng thị phi danh lợi và đã ngộ được lẽ tuần hoàn sinh diệt của Tạo Hóa. Còn chúng ta? Những ngày cuối năm, tôi xin được mạo muội chia sẻ cùng với thân quen và tất cả các anh chị em con cháu trong nhà một niềm mong ước. Là phàm tục đời thường, sống trong vòng thị phi danh lợi, không mấy ai tránh khỏi được chuyện khen chê tốt xấu. Nếu như chỉ nên biết đến chuyện tốt của nhau thôi thì có lẽ chúng ta sẽ có nhiều hy vọng được sống vui với mình và với người trong thông cảm, tôn trọng, và thương yêu lẫn nhau hơn. Vâng, năm mới, xuân mới, hy vọng mới, mong là sẽ được như vậy. Cầu chúc an vui. 

Phạm Khắc Trí
 01/18/2017




Tri Khac Pham

Nhận Định Về Các Thể Loại Ngâm(Bình), Kể Truyện(Lẩy), Nói Thơ, Hò Thai Trong Dân Ca Việt Nam


Dân ca Việt Nam được hình thành từ những bài thơ bốn hay năm chữ, lục bát hay song thất lục bát, và tùy theo sự khác biệt nhau về xuất xứ, nhịp điệu mà chia ra nhiều thể loại như ca, hò, lý… 

Khi cần đọc những lời thơ cho có âm điệu, người miền Bắc và miền Trung gọi là ngâm, còn người Nam Bộ gọi là nói thơ. Ngâm (hay nói thơ) có nghĩa là đọc lên những lời thơ mà chưa cần tạo ra tiết điệu. Người ngâm (hay nói thơ) chỉ cần dựa theo vận tiết của thơ, tức là thơ có bao nhiêu chữ thì ngâm bấy nhiêu, không cần phải thêm vào tiếng lót hay tiếng đệm. Riêng đối với những bài phú là một thể loại văn vần, khi đọc lên cho có âm điệu, người ta không gọi là ngâm mà gọi tên là bình.

Kể truyện là tên gọi khi người ta “ngâm” cả một truyện thơ, chẳng hạn như truyện Kiều. Truyện Kiều đã tạo riêng một lối ngâm hay kể Kiều. Và khi không ngâm cả một truyện thơ mà chỉ kể lại một vài đoạn, người ta gọi lối trích truyện thơ ra để ngâm như vậy là lẩy. Còn ở Nam Bộ, khi đọc truyện Lục Vân Tiên của nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, người ta sáng tác ra một lối hát kể truyện gọi là nói thơ Vân Tiên. Đồng thời, một trò chơi dân gian có tên gọi là đánh lô tô cũng đã tạo ra một lối ngâm những câu thơ chỉ định các con số gọi là nói lô tô.

Hò thai là tên gọi của lối ngâm những câu đố chữ ở Trung Bộ.

Những bài Đường thi thường được ngâm theo lối cổ phong, với giai điệu nằm trong ngũ cung RE FA SOL LA DO, nét nhạc dựa vào ba cung chính LA RE FA.

Ngâm Kiều (kể Kiều hay lẩy Kiều) cũng sử dụng ngũ cung, nhưng với hai nét nhạc: một dùng ngũ cung DO RE FA SOL LA và một dùng ngũ cung RE FA SOL LA DO.

Khi ngâm những bài thơ lục bát hay song thất lục bát, người ta dùng lối ngâm sa mạc hoặc bồng mạc. Nếu những câu lục bát được ngâm theo giọng sa mạc, thì dùng ngũ cung RE FA SOL LA DO. Còn đối với những câu thơ song thất lục bát hay một bài thơ nào đó được ngâm theo giọng bồng mạc, thì nét nhạc sẽ chuyển sang ngũ cung RE MI SOL LA SI.

Khi nói thơ theo lối Nam Bộ, người ta dùng ngũ cung có giai điệu hơi Nam giọng Oán, khác hẳn với ngũ cung miền Bắc: DO MI FA(già) SOL LA. Nói lô tô cũng dùng ngũ cung Oán này!

Vùng Quảng Trị, Thừa Thiên có lối ngâm Huế, và với lối ngâm những câu hò thai (tức thơ đố) dùng ngũ cung hơi Nam giọng Ai. Ngũ cung này cũng thay đổi, không giống ngũ cung Bắc và ngũ cung Oán: DO RE(non) FA(rung) SOL LA(non).

Ngày nay, các nghệ sĩ khi ngâm thơ đã tổng hợp nhiều lối ngâm gọi là ngâm thơ Tao đàn để diễn đạt một bài thơ. Họ dùng tất cả những lối ngâm: cổ phong, ngâm Kiều, ngâm sa mạc, bồng mạc, ngâm theo hơi Nam giọng Oán… Các nghệ sĩ: Thu Hiền, Khắc Tư, Thúy Mùi, Hồng Vân… là những người có giọng ngâm thơ xuất sắc ở nước ta!

Tại thành phố Vĩnh Long, trong số đội ngũ những người ngâm thơ, nổi trội nhất là cô Ánh Thoa. Được đào tạo bài bản từ trường Nghệ thuật Sân khấu II, với chất giọng ngâm thơ cao vút, cô đã thể hiện thành công nhiều bài thơ của các tác giả tỉnh nhà! Tiếp đến là cô Thy Cúc, mặc dù chỉ là nghệ nhân dân gian, nhưng do là gốc người miền Bắc cộng với năng khiếu bẩm sinh, cô đã kết hợp các lối ngâm cổ phong, sa mạc và bồng mạc để thể hiện một số bài thơ, trong đó có bài “Núi đôi” của thi sĩ Vũ Cao.

(16/5/2016)
Tín Đức



Bốn Mùa An Vui! - Khúc Nhạc Xuân




Bốn Mùa An Vui!

Chưa hề chạm được nụ tầm xuân
Chới với loay hoay cứ ngại ngần
Nắng hạ ru mây còn hốt hoảng
Mưa Lào dỗ gió mãi phân vân
Cơn may quăng xuống màu nghèo khổ
Ngọn bấc xán thêm cảnh túng bần
Mặc kệ bốn mùa – xin tĩnh lặng
Chợt nghe tròn trịa giọng sương ngân!

Lê Đăng Mành
***
Khúc Nhạc Xuân

Không đợi không chờ vẫn cứ xuân,
Tiếng thơ vang vọng thật trong ngần,
Thiên nhiên khéo chọn màu tô thủy,
Vũ trụ lựa trao sắc điểm vân.
Hạnh phúc sẽ về bên kẻ khó,
Đủ đầy mong đến với anh bần.
Chồi non lộc biếc đua chen nở,
Sự sống bừng lên trổi giọng ngân!

Hoành Trần

Còn Gì Nữa Đâu - Phạm Duy - Lệ Thu


Sáng Tác: Phạm Duy 
Tiếng Hát:Lệ Thu
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Mình



Chữ "Mình" thân thiết làm sao!
Vợ mình, mình gọi ý nào yêu hơn
Bạn thân: "Minh-tớ" có hồn
"Mình ơi!" anh gọi yêu thương nhường nào
Ái ân thống khoái lên cao
"Anh thương mình lắm" hồn xao xuyến hồn
Những khi ta giận, em hờn
"Mình xin lỗi nhé!" bồn chồn tâm tư
Tiếng "Mình", tiếng Việt khôn chừ!
Văn phong, văn hóa ngôn từ Việt Nam
Hỏi ai! Ai hỏi thế gian?
Chữ "Mình" liệu có luận bàn nghĩa văn?
Mình ơi! Mình chớ băn khoăn
Ta-Mình tuy một riêng phần là hai
Tuy hai mà một chung vai
Dựng xây hạnh phúc tương lai vững bền
Nhắn rằng dân Việt chớ nên
Tự quyền thay đổi hoại nền văn hoa
Hiểu sâu ý nghĩa "Mình-Ta"
Chớ dùng loạn xạ mà ra dốt đần!

Nguyên Khang
06/01/2017

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Huỳnh Hữu Đức Chúc Xuân Vườn Thơ Thẩn


Huỳnh Hữu Đức

Cuộc Tình Không Nguôi - Nhạc & Lời Yên Sơn - Huy Luân Ca


Nhạc và Thơ: Yên-Sơn
Ca-Sỹ: Huy-Luân
Trình Bày: Khiêm Pham

Chào



Chào em cánh bướm vàng ngây
Gọi hương mùa nhớ say say men tình
Nụ hoa nồng thắm hương trinh
Tình hoa gửi bột phấn tinh cho đời
Chào em ngọn gió ngàn khơi
Về qua ruộng lúa thắm tươi nạ đòng
Lúa oằn sai ngọn trĩu bông
Gió đem ẩm mát cho đồng mãi xanh
Chào em những áng mây lành
Nằm phơi ngáng cản trời hanh nóng cuồng
Đàn chim soãi cánh ngàn phương
In nền mây trắng tàng vương bóng chiều
Chào em sợi nắng ngàn phiêu
Xua tan bóng tối mang yêu cho đời
Nắng đi đến cuối chân trời
Xuyên hàng lá biếc soi người tình chung
Chào em giọt mưa mông lung
Tải dòng nước mát tự trùng dương xa
Tải lên đồng ruộng mái nhà
Tải tình gắn bó hiền hòa yêu thương
Chào em ngọn thủy triều vươn
Cho dòng nước mát khơi nguồn triều dâng
Cho hồn sông nước lâng lâng
Cho tình đất mẹ bâng khuâng đêm tàn
Chào em ánh nguyệt cung Hằng
Ánh vàng soi lối đêm vàng đó đây
Hoa quỳnh nở rộ hương say
Hoa tình nở rộ đêm ngây tiếng lòng.

Mai Thắng 
170105

Thay Lời Chúc Tết Năm Đinh Dậu 2017


Thay lời chúc Tết năm Đinh Dậu 2017 Còn chẳng bao lâu nữa là năm con gà Đinh Dậu 2017, chúng ta cũng nên có vài hàng nói về con vật này. Gà, đặc biệt gà trống, là loại gia súc thường được đề cập trong văn hoá Đông phương lẫn Tây phương. 

Văn chương bình dân và truyền khẩu nước mình có nhiều thành ngữ, tục ngữ hoặc ca dao liên quan đến gà như: Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau - Con gà cục tác lá chanh - Bút sa gà chết - Gà nuốt dây thun … 
Tranh Đông Hồ vẽ gà rất được ưa chuộng, nhiều người mua về nhà để treo vào dịp Tết như Tú Xương diễn tả qua hai câu thơ: Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột Om sòm trên vách bức tranh gà. Gà Gô-loa (Le cop gaulois) trong văn hoá Pháp biểu tượng cho sự đúng giờ giấc, sự cảnh giác và sự dũng cảm. Áo thun cầu thủ có in hình con gà trống được giới hâm mộ thể thao thích mặc. Cổ động viên thường thả gà trên sân vận động trước trận đá, nhất là trong các trận banh bầu dục (rugby). Cầu thủ Pháp được người nước ngoài gọi là «các chú gà trống Gô-loa». Có lần đi đá ở Đại Hàn, đội tuyển Pháp, đã từng là vô địch thế giới, lại bị loại ngay ở vòng đầu nên khi về nước xấu hổ phải lén ra cửa sau ở phi trường CDG khiến dư luận, báo chí chọc là gà Gô-loa đã trở thành «gà trống thiến» (Le cop gaulois devient le chapon). 

Vào dịp năm hết Tết đến, những người xa quê hương nhiều năm có tuổi như chúng tôi hay hướng về quá khứ, hồi tưởng các kỷ niệm xưa, bị dằn vặt bởi nhiều trăn trở, buồn vui lẫn lộn: Buồn là «mỗi năm người thân mỗi vắng...» trong đó có nhiều đồng nghiệp đã quá cố như GS NVP, TQM, PĐT, TĐB… và gần đây GS VHN tác giả danh từ «Việt Kẹt» (1). Đó là nguyên nhân tạo những khoảng trống vắng trong lòng tôi vì thiếu tri kỷ cùng lứa tuổi, hiểu nhau, quen biết nhau lâu rồi, lại cùng nghề nữa, «đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu » mà, do đó tôi cảm thấy nhiều lúc lẻ loi cô đơn, chỉ muốn cuộn mình trong «tháp ngà» (tour d'ivoire), né tránh chỗ đông người để không vướng mắc vào những lời thị phi…. May thay tôi còn biết đạo, có bạn đời hiểu mình bên cạnh và con cái, sử dụng được internet để liên lạc với đồng nghiệp xưa, học trò cũ sinh đang sống rải rác khắp mọi nơi trên thế giới! Tôi nhận thường xuyên quà tặng của quý bạn như những vần thơ trữ tình, trẻ trung của Trầm Vân được các khung sĩ trình bày rất mỹ thuật, các mẫu chuyện vui gửi hàng tuần của Nguyễn Duy Tại mang lại nhiều năng lượng cho người đọc, những bài cổ thi, mà xưa kia thân phụ tôi thường nhắc nhở, do Phạm Khắc Trí chuyển qua thơ mới với lời chú thích dễ hiểu, biểu lộ khía cạnh uyên bác của vị cựu giáo sư toán, các "pô" ảnh sinh động của quê hương và đó đây do Hồ Trung Thành chia sẻ thể hiện tài năng như một nghệ sĩ nghiệp dư, các thư và thiệp chứa chan biết bao tình cảm trong những lời chúc mừng vào dịp ngày nhà giáo 20-11, lễ Giáng Sinh, đầu năm Dương Lịch hoặc Tết Âm Lịch   của các CHS nhóm Tuyết Nga, Tuý Nga, Hồng Nga, Hoàng Nương cùng các bạn NK 61-68 Phan Thanh Giản - Đoàn Thị Điểm, của cặp uyên ương "ít trẻ" Danh-Nguyệt, của Nguyễn Thị Lài, Nguyễn Phép, Lương Chí Vinh….Đặc biệt đối với tôi là CHS Bùi Hữu Trạng từ Úc châu đi du lịch Âu châu cũng dành thì giờ lại nhà thăm tôi. Những tấm chân tình này nuôi dưỡng tôi rất nhiều, sưởi ấm lòng kẻ tha hương định cư tại Pháp gần bốn chục năm trong lúc chờ đón Xuân Đinh Dậu vì Tết Nguyên Đán năm nay rơi nhằm ngày 28-01-2017 DL vào giữa mùa Đông lạnh lẽo ở Tây phương. 

Nhớ người xưa, tôi liên tưởng đến các câu đố, những mẩu chuyện vui tếú lúc hàn huyên trao đổi tâm sự với các đồng nghiệp trong phòng họp GS, trên sân trường dưới bức tượng cụ Phan Thanh Giản, khi dạo chơi ở Bến Ninh Kiều thơ mộng hoặc qua các cuộc gặp gỡ trong các chuyến về thăm quê hương (Tôi xin lược kể lại vài mẩu chuyện đó ở cuối bài viết này để chia sẻ niềm vui nhân dịp Xuân về). Vui là mình lại được thêm 365 ngày trong quỹ thời gian để mỗi ngày sống tích cực, sống an vui, sống cho mình và cho người thân. Cá nhân tôi cũng như đa số bạn bè xưa, học trò cũ bây giờ đều có tuổi, sức khoẻ giảm sút, cần lắng nghe tiếng nói của cơ thể mình (Ecouter son corps / Listen to your body ) mà «đói ăn, mệt ngủ» (2), đừng phí sức khi «lực bất tòng tâm», nên bỏ qua những việc làm mệt trí lẫn mệt thân, coi đó là sự giải thoát! Già có cái vui của tuổi già, như trái chín cây thơm ngon hơn trái cây dú, cần phải đón nhận một cách vui vẻ «Già ơi chào mi» (Bonjour Vieillesse), như Françoise Sagan đã chọn tựa cho một tác phẩm của bà «Buồn ơi, chào mi» ( Bonjour Tristesse), thân già nhưng tâm không già, tìm cho mình một hoạt động thích nghi với thân và tâm như đi bộ, tập thể dục, đi bơi, đọc sách, nghe nhạc, nghe kinh, học viết thư pháp, học vẽ…Tôi bây giờ đã đạt được tuổi «bát thập thủ lai hy», diễn tả theo kiểu nhà văn Võ Hồng trong bữa tiệc mừng ông được 70. Ông khôi hài chỉ cổ mà nói «thất thập cổ lai hy» rồi từ từ đưa tay xuống dưới xoa ngực, lục thập ngực lai hy, xoa bụng, ngũ thập bụng lai hy … chỉ dừng lại sau một tiếng la lớn «stop» kèm theo những tràng cười rộn rã! Tôi nay hơn nhà văn Võ Hồng hồi đó thập niên nên phải đưa tay lên rờ đầu (thủ) cám ơn đời cho mình thọ đến tuổi «thủ lai hy». Hưu trí đã vài năm, con cái thành đạt, có công việc làm vững chắc, tôi quẳng được gánh lo đi, sống thong dong thảnh thơi, hưởng hạnh phúc trời cho và tỉnh thức để trân quý những ngày còn lại vì Cuộc đời còn có là bao, Sống trong tỉnh thức ngày nào cũng vui! Đầu xuân người Á đông chúng ta thường có tục lệ đi chùa hái lộc, đến đền thánh bốc quẻ khấn nguyện, cầu xin, người Tây phương cũng có ý tưởng tương tự khi bắt đầu năm mới (faire un vœu ). Chúng ta cũng không nên để tuổi già nhàn rỗi ù lì, không tốt cho thân và tâm, mà tự hứa chọn cho mình một công việc nhẹ nhàng phù hợp cho tuổi tác, sức khoẻ để thực hiện suốt năm nhằm tạo thêm ý nghĩa, phẩm chất cho cuộc sống. 

Riêng đối với các bạn trong Ban Biên Tập Đặc San và Ban Tổ Chức Đại Hội trong đại gia đình Phan-Đoàn, tôi chỉ có lời ca ngợi, thán phục vì các bạn đã bỏ nhiều công sức, thì giờ, tài chánh, kiên trì tổ chức Đại Hội, thực hiện Đặc San liên tục, ròng rã suốt hơn mươi năm dài, mong rằng các bạn sẽ truyền ngọn lửa hăng say, bầu nhiệt huyết nóng bỏng này cho thế hệ nối tiếp. Mỗi lần đi trên đại lộ Champs-Elysée ở Pháp ngắm nhìn ánh lửa lung linh cháy không bao giờ tắt trên mộ người chiến sĩ vô danh dưới Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe), tôi liên tưởng đến ngọn lửa nơi các bạn! Các bạn là những người con cháu rất xứng đáng của cụ Phan, bà Đoàn ở hải ngoại! Tôi xin chia sẻ với các thân hữu, qua bài viết này, tâm tình cuối năm để cùng chung vui đón mừng xuân Đinh Dậu. Rất trân quý Pháp quốc một ngày cuối năm Bính Thân 2016 

Hoài Việt (DHĐ) 

Ghi chú: (1) Danh từ «Việt Kẹt» được GS VHN sáng tác thay thế cho từ «Việt Kiều» để diễn tả tâm trạng của những người muốn đi tìm tự do, nhưng bị kẹt ở lại nên đành cam chịu số phận! (2)Trích trong bài «Cư trần lạc đạo» của vua Trần Nhân Tôn: Cư trần lạc đạo thả tùy duyên - Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, Cơ tắc xan hề khốn tắc miên - Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền. Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch -Có báu trong nhà thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền. -Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền.A/-Vài câu đố -Phi long, phi ly, phi hổ, phi xà, phi loại cầm thú; tại sơn lâm, bất tại hà, năng thực nhục, bất năng ẩm tửu. (Không phải rồng, không phải cọp, không phải rắn, không phải chim chóc, thú vật; sống tại rừng nhưng không sống dưới nước; hay ăn thịt nhưng không hay uống rượu) Đố là vật gì? - Câu trả lời: Cái thớt gỗ -Khi xưa em ở thổ hà; ai ai cũng gọi em là con quan; dốc lòng việc nước lo toan, đầy vơi cũng mặc thế gian ít nhiều. (thổ hà: đất sét lấy ở dưới sông- con quan:còn gọi là «cậu ấm») - Câu trả lời: Cái ấm đất hay còn gọi là siêu đất -Je suis à la tête de 25 soldats. Sans moi Paris sera pris. Qui suis-je? (Tôi điều khiển 25 người lính. Không có tôi thì Paris sẽ bị chiếm đóng. Tôi là ai?) - Câu trả lời: Tôi là chữ A vì mẫu tự tiếng Pháp có 26 chữ cái và A đứng đầu nên PARIS lấy đi chữ A thì thành chữ PRIS B/-Ít mẩu chuyện vui, tếu - Dương Khuê hữu ý khuy toàn biến, Yên Đổ vô tình thức bán luân. Các cụ ngày xưa diễn tả một cách văn chương cảnh hai cụ tình cờ gặp cô thôn nữ "tè" ở dưới ruộng đầu làng , một cụ cố ý thì thấy trọn vẹn trăng tròn đêm rằm (khuy toàn biến "khuy" trong cụm từ hán việt "thâu khuy" 偷窺, nghĩa là nhìn trộm), còn một cụ vô tình chỉ thấy trăng khuyết nửa vầng (thức bán luân)! - Trước còn ngồi xa, sau lân la ngồi gần, vô tình khoe "của" nên lũ chúng con "kiến kỳ". Đây là chuyện hai cậu học trò ngày xưa lại nhà thầy đồ học chữ nho nhưng ông thầy phải đi ăn đám giỗ dặn học trò coi nhà giùm và ôn bài. Sau đó hai cậu lấy cờ ra chơi , cô thôn nữ cạnh nhà có dịp sang thăm, chuyện trò thân mật, vô ý để "hớ hênh" nên hai cậu thấy "của lạ" (Hồi xưa ở thôn quê miền Bắc phái nữ mặc váy nhưng không có slip). Kỳ 碁có nghĩa là cờ (chơi) nhưng còn nghĩa khác kỳ 竒 là kỳ lạ, lạ lùng. Hai cậu học trò này muốn nói là "chúng con chơi cờ và thấy của lạ". Cụ đồ bèn than nho nhỏ "Thế mà không có tôi"! - Đồ Sơn không hơn đồ nhà! Chưa đi chưa biết Đồ Sơn, Đến nơi mới biết không hơn đồ nhà! Đồ nhà tuy xấu, tuy già, Nhưng là đồ thật, không là đồ sơn! Bốn câu thơ trên rất "tếu" nhưng cũng nói lên một ý tưởng sâu sắc là đâu phải đi xa vì "Đồ Sơn không hơn đồ nhà!", mà chỉ cần tìm hiểu người bạn đời bên cạnh, từng chung sống với nhau nhiều chục năm tình nghĩa đậm đà, tuy nhiên vẫn còn những điều không hiểu nhau... nếu không mai sau, âm dương đôi ngả, nuối tiếc thì cũng muộn màng! Câu chuyện vui tếu còn rất nhiều, tôi chỉ kể tượng trưng và xin được kết thúc bằng câu chúc: "Tiền vô như nước sông Đà - Tiền ra rỉ rả như cà phê phin!".

Về Thăm Ngoại



Theo mẹ con về thăm quê ngoại
Đường đi cạnh ruộng lúa mênh mông
Xa xa cò trắng đang rình cá
Đàn sáo lăng xăng giữa cánh đồng.

Nước ròng con rạch trơ màu đất
Xóm ngoại đầu thôn lúc quẹo vào
Lối giữa - hai hàng trầu mát mắt
Gần bên - hào rộng nước đầy ao.

Ngoại đang dùng tàu mo cau rụng
Ốp lại làm gàu tưới đám trầu
Mừng rỡ ngoại quăng gàu xuống nước
Trong khi mẹ đứng - mắt phai mầu…

Nọc trầu ngoại trồng theo hàng bốn
Hai phía bằng nhau khoảng bốn tầm (*)
Lá biếc trầu vàng trông mơn mởn
Như nàng con gái tuổi mười lăm !

Bạn bè của ngoại nhà lân cận
Thỉnh thoảng lội sang chuyện giải sầu
Tình nghĩa đậm đà nên ngoại hái
Ốp trầu ngoại tặng nghĩa thâm sâu.

Lửa bừng chinh chiến về thôn ấp
Đạn cối, bom bay nổ thật gần
Mái lá, vườn trầu thành cát bụi
Ngoại đi từ đó …tết Mậu Thân.

Con trở về thăm miền quê ngoại
Cảnh vật hoang tàn lắm đổi thay
Nền xưa chỉ còn ngôi mộ nhỏ
Cúi lạy mà nghe đôi mắt cay…

Dương hồng Thủy
* (1 tầm = 2 mét 60)

Màu Áo Tình Yêu



Sáng nay em mặc áo gì
Áo hoa hay trắng xuân thì ngày xưa
Nhớ dài giọt nắng làn mưa
Tình anh ngây ngất đón đưa em về

Hay là màu đỏ bùa mê
Đỏ bầu trời đỏ phượng hè xôn xao
Đỏ lời chim hót vẫy chào
Đỏ làn môi thắm thiết trao lời tình

Hay là màu áo dịu xinh
Màu hường phơn phớt bồng bềnh nắng rơi
Dịu hồng màu thỏi son môi
Cho thơ anh nhẹ đâm chồi nụ thu

Hay là màu áo xanh mơ
Sóng tình ngát vỗ đôi bờ trùng dương
Hay là màu tím sim buồn
Áo bay đôi vạt dỗi hờn tình xa

Cho thơ anh thả nhớ qua
Gửi theo tiếng gió quê nhà ru êm
Vần thơ thương nhớ đắp mền
Ru em tròn giấc mơ đêm ngọt ngào

Sáng nay em mặc áo nào
Thơ anh, màu ấy, nôn nao khoác lòng
Tiếng chim rộn hót bên song
Tình anh ríu rít từ trong ra ngoài

Trầm Vân

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Vĩnh Long, Hoa Xuống Đường Sớm


Chạp năm nay Bính Thân, hoa trở lại xen lẫn kiểng tết ngay trên bờ sông tiền thuộc phường 1 như ba bốn năm về trước, bà con thích thú thuận tiện khi mua sắm, nhà vườn trưng bày cũng vừa lòng vì người mua sau khi chọn hoa, có thể chọn thêm kiểng kề bên rồi lên xe thoải mái mang về nhà không phải chạy vòng vo tam quốc.

Khoảng 12 Chạp các chậu quí đã ngự một bên hông tây nam của quảng trường Vĩnh Long, song chưa thấy người đến xem mắt, những dãy phong lan bên hông phía đông bắc quảng trường, người mua đến thăm hỏi loại Dentro, viếng Hồ Điệp là có khách trả giá, mà Hồ Điệp thì sang trọng và thanh nhã, khách xem đều chuộng. 

Hôm nay 19 Chạp hoa chậu các loại đã bày ra đường khá nhiều, Cúc hoa nhỏ cây cao khoảng 1 thước với khoảng 10 cây cho chung một chậu sành, có lẽ cao giá vì có chậu thuận tiện cho khách mua chưng trước hoặc trong nhà, cho đến Vạn Thọ, thông thường khoảng 25 Chạp mới đông đủ mặt, hôm nay đã xuất hiện.

Bờ sông phường 2 năm ngoái cùng những năm trước dành riêng hoa tết, năm nay hiện tại chưa thấy kiểng bày bán, vì kiểng hiện đang xuống khu vực phường 1 xen cùng hoa. Nghe đồn năm nay hoa mắc hơn năm rồi do thời tiết, thiên tai, nhưng hiện nay hoa chưa xuống nhiều, những cặp hoa vài trăm ngàn xem như bình thường, và người mua cảm thấy không bình thường chỉ hỏi mà chưa mua, có lẽ lại chờ cận tết chăng!!

Trương Văn Phú

Vài hình ảnh chợ Hoa Tết 19/Tháng Chạp 











Hình Ảnh: Trương Văn Phú

Rèm Hồng



Ơi này! cửa sổ bên kia
ai người vừa đến mà che rèm hồng
cho ta nhìn thoáng được không
chỉ là để thỏa chút lòng mà thôi

Hồm qua ta định đi rồi
xa con phố hẹp mà người quá đông
lẽ nào khung cửa chớm hồng
mà lòng ta quyết xoay vòng chuyển lưu

Chỉ vì giữa nỗi buồn hiu
mong mình đối diện những chiều có ai
tâm ngăn được sóng thở dài
trong con mắt ngó lạc ngoài cõi riêng

Nhắn cùng cửa sổ đời bên
có người đang ngắm từ hiên đối lòng
gió ơi vờn nhẹ rèm hồng
cho Xuân len nắng qua song chào người!

Cao Nguyên

Gửi Một Nỗi Đau - Giữ Giùm Em - San Sẻ Một Niềm Đau


Bài Xướng: Gửi Một Nỗi Đau

Hãy cất giùm tôi một nỗi đau
Khi làn môi nhạt lệ tuôn trào
Vơi đi nỗi khổ đang dằng dặc
Sống lại mộng thường luôn khát khao
Cái thuở ban đầu còn bỡ ngỡ
Như thời thơ dại biết xôn xao
Giang đầu nếu chẳng giao giang vĩ
Người hiểu xin đừng hỏi tại sao

Kim Phượng
***
Các Bài Họa:
Giữ Giùm Em


(Xin tặng cô 6 Kim Phượng để chia sẻ)

Vì em,tôi giữ lại niềm đau 
Để mắt,môi tươi lệ hết trào 
Nỗi khổ thời gian hàn gắn lại 
Mộng thường năm tháng sẽ ban khao 
Trả em cái thuở ban đầu đó 
Bở ngỡ tình đầu phút xuyến xao 
Chung một dòng sông,đầu với vĩ 
Nước hòa xuôi chảy...có đâu sao!!

Song Quang
1/11/17
***
San Sẻ Một Niềm Đau

Nàng ơi! San sẻ một niềm đau,
Khô héo lá gan nước mắt trào.
Họp mặt rộn ràng duyên gặp gở,
Xa nhau lặng lẽ nợ ăn khao!
Thương ai đứng lớp người ngoan Đạo,
Mến bạn đi thuyền sóng nước xao.
Thiếp đợi bờ sông chàng xuống bến,
Ai ngờ lạc lõng một mình sao!

Mai Xuân Thanh
Ngày 11 tháng 01 năm 2017
***
Giữ Một Niềm Đau

Xin dùm cất giữ một niềm đau
Tự thuở phong ba đỉnh cuộn trào
Gió lốc quay mòng cơn bảo thét
Mưa cuồng oán hận phút lòng xao
Ra đi giải ách dìm căm phẩn
Bỏ lại ưu thời nghẹn khát khao
Khúc bạo tàn vang thiên huyết lệ
Mong đừng phải hỏi tại vì sao!

Mai Thắng
170116

Chuyện Chúng Mình(1)


Em
Có nhớ
Chuyện chúng mình
Từ thưở bình minh
Yêu nhau tình chất ngất
Từ độ trăng soi bóng nguyệt
Chỉ yêu và chỉ yêu mình em 
Em có biết hay là em không hiểu
Cho anh chút mộng nhé em ơi!
Làm sao viết được lời yêu
Chỉ trong một buổi chiều
Thế là được yêu
Được em thương
Nhớ em
Anh

Lý tòng Tôn 
 3/7/13 

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Thơ Tranh: Vui Xuân

Con rất vui và kính chúc Bác dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc bên con cháu mừng Sinh Nhật Thượng Thọ 91 tuổi của Bác. Kính tặng bác món quà nhỏ chung vui và chúc Bác một Mùa Xuân đầm ấm, vạn sự may lành, an khang và trường thọ,(Con Kim Oanh)



Thơ: Bùi Văn Thân
Thơ Tranh: Kim Oanh


Gọi Ới... Ơi!!



Bướm ơi! ta gọi đến đây!
" Vườn thơ thẩn" ngát hương bay ngút trời
Nhụy tơ chờ phấn gieo mời
Để cho quả mộng thơm đời ngất ngây

Gió ơi! lên ruộng cho say
Lúa non lả ngọn đó đây đòng đòng
Dập dờn sóng lượn vờn bông
Phất phơ tà áo cưới hồng em ta

Mây ơi! phiêu lãng chi xa?
Về đây chim đợi bay qua tháp tùng
Mong manh cánh mỏi sức cùn
Theo về phương ấy để cùng ngắm hoa

Long lanh giọt nắng chan hòa
Đọng trên cành biếc la đà lá non
Vươn mầm sống nẩy cây con
Ánh mai trổi dậy vẫn còn màn sương

Mưa ơi! tưới ướt ruộng vườn
Cho cây sai quả, ngát hương hoa mầu
Hồi sinh đất cổi xanh xao
Nông gia hoan hỷ, thóc trao mùa vàng

Nước ơi! tuông chảy ngập tràn
Cho thuyền chuyển bến sông sang kết tình
Luyến lưu là nghĩa dân sinh
Ấm lòng bao kẻ đăng trình chốn xa

Trăng ơi! về rọi sân nhà
Để cho ánh sang chan hòa thềm hoa
Cho tình thơ đẹp mượt mà
Tròn câu ước nguyện tình xa mà gần

Song Quang

Chuyện Mình Cuối Năm



Ôn lại chuyện mình lúc cuối năm
Nhiều đêm thao thức lệ tuông thầm
Bơ vơ đất khách xuân nào biết
Lạc lỏng chợ đời hạ nắng hâm
Thu đến! lá rơi buồn viễn xứ
Đông về! tuyết đổ rét căm căm
Niềm đau ray rứt, giao thừa đến
Ước nguyện sang năm hết dập bầm

Lý Lệ MAI


Bài Thơ Thơ Thẩn



Bài Xướng:Bài Thơ Thơ Thẩn

Tà tà thơ thẩn Bướm bay
Lượn qua, lượn lại hút say hương tình
Nhụy hoa hương phấn cho mình
Ai ngờ kết quả chúng sinh hưởng nhờ
Lúa vàng đẹp tựa như mơ
Thiệp hồng ngày cưới là lời thề mong
Bao giờ lúa trổ đòng đòng
Chúng mình ra ruộng hút dòng sửa tươi
Gọi mưa, gọi nắng đừng lười
Mưa sa xuống đất ta cười hả hê
Nắng lên trao vội lời thề
Một ngày nào đó ta về vinh quang.

Một ngày tháng giêng 2017
Lý Tòng Tôn
***
Bài Họa:Ngẩn Ngơ Xuân


Thẩn thờ nhìn én lượn bay
Chàng ong cánh bướm đang say men tình
Hoa khai nào để riêng mình
Hương nồng sắc thắm nhân sinh đều nhờ
Có gì mà phải mộng mơ
Nàng xuân tự đến khỏi chờ* khỏi mong
Khoan khoái dạo tay đánh đòng
Hân hoan trước mắt bao dòng hoa tươi
Lòng ngơ ngẩn phải đâu lười
Cảnh tiên dừng bước ngắm cười ha hê
Mai đào có lẽ từng thề
Chờ mùa xuân đến mới về toả quang.

Quên Đi
***
Bài Họa:Mộng Ngày Xuân


Sáng nay ngắm bướm vờn bay
Vườn thơm ngan ngát chợt say chút tình
Thơ thẩn nhớ chuyện chúng mình
Mái nhà mưa đổ học sinh trú nhờ
Tù đấy hai trái tim mơ
Hẹn mùa xuân thắm thôi chờ* đợi mong
Chợ Tết khoe sắc trổ đòng
Đôi ta hạnh phúc giữa dòng hoa tươi
Giã bộ chậm bước chân lười
Tâm đầu ý họp thoả cười hê hê ...
Giấc hồng hoa bướm lỗi thề
Mộng xuân ly khách ngày về trời quang

Kim Oanh

* Xin đổi câu 6 "lời=chờ" nhé anh Lý Tòng Tôn
***
Bài cảm tác:Xuân Thanh Bình

Non sông gấm vóc én bay,
Danh lam thắng cảnh cũng say xuân tình.
Nắng xuân tô điểm quê mình,
Như tranh thủy mạc nhơn sanh mới nhờ.
Dậy thì sớm muộn cũng mơ
Có chàng Bạch Mã đợi chờ ước mong...
Đồng xanh lúa tốt lên đòng,
Chăn nuôi bò sửa thấy lòng thêm tươi.
Người đông, đất chật chớ lười,
Không còn bom đạn, nói cười tung hê!
Mưa hòa gió thuận ước thề,
Thái bình đất nước trở về dương quang...!

Mai Xuân Thanh
Ngày 10 tháng 01 năm 2017

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

Ông Đồ Houston 2017


Mỗi năm hoa đào nở, Lại thấy ông đồ già" là thơ của Vũ Đình Liên để tưởng nhớ về ÔNG ĐỒ của thời "... muôn năm cũ ". Còn bây giờ, trước mắt Houston chỉ có Ông Đồ Dõm mà thôi! 

Ông Đồ Dõm

Mỗi năm mai vàng nở,
Bắt chước ông đồ già.
Bày giấy màu nghiên bút,
Hội chợ đông người qua.

Cũng áo dài khăn đóng,
Cũng mực đỏ mực đen.
Cũng chữ vàng chữ nhũ.
Phải điệu ông đồ quen !

Cũng chữ Nho, thư pháp,
Quốc ngữ lẫn tiếng Anh.
Cất bút rồng bay lộn,
Phượng múa khắp chung quanh!

Thế cũng đông người gớm,
Thuê viết để cầu hên.
Tiền cúng chùa, gây quỹ,
Mỗi năm mỗi hơn lên !

Cần Thơ, Phan Thanh Giản,
Việt Mỹ , Hội Cao Niên,
Tịnh Luật, chùa ăn Tết,
Hội chợ cứ liên miên ... 

Năm nay mai vừa nở,
Là đã thấy ông rồi.
Viết hoài hoài viết mãi ...
Viết hết gân ... thì thôi!

Đỗ Chiêu Đức 
Xuân 2017

TB: 
Mãi đến hôm nay, khi nhận được điện thoại của Ban Tổ Chức Hội Xuân chùa Tịnh Luật mời viết liễn gây quỹ cho chùa, thì ... mới biết rằng năm ngoái ( Tết 2016 ) viết liễn gây quỹ cho chùa được 1.045 usd (Một ngàn lẻ bốn mươi lăm đô). Hú hồn!

Thư Họa: Lê Đăng Mành


Thư Họa: Lê Đăng Mành


Từ Nước Lã Đến Cà Phê


Thuở áo cụt quần đùi đi chân đất
Cơm nguội sáng ngày ‘ba hột’ lót lòng
Vùng quê mùa…trò dại…thầy chân chất
Đến trường… quá giang vì lớp cách sông.

Vẫn quần đùi áo sơ mi ‘dép nhật’
Vẫn ‘nước lu’ chan cơm nguội điểm tâm
Trường học xa nhà đi nhờ xuồng bạn
Buồn vui chen tuổi dại bám mái dầm.

Thuở áo trắng quần xanh chân giày nhựa
Sáng đôi khi uống nước lã đến trường
Ra tỉnh thành ‘con nhà nghèo’ ở đậu
Tám năm dài bao tình nghĩa thân thương.

Rồi có lúc cuộc đời cho may mắn
Ăn sáng bánh mì…’sửa tí cà phê’
Xe đạp ‘cà tàng’ giảng đường đại học
Thêm bạn bè thêm ước vọng đam mê.

Vào đời mênh mông lắm điều mới lạ
Xấu tốt nhập nhằng sàng lọc gian nan
Thuốc lá cà phê giao tình kết nghĩa
Tháng ngày trôi chất chứa nặng hành trang.

Bốn mùa xoay vần nhanh như ánh chớp
Tuổi đã ‘vàng’ quanh quẩn dưới trời thu
Sáng tối cà phê một mình đắng nghét.
Ngắm lá vàng rơi nghe gió vi vu!

Anh Tú
06/11/2016

Gọi - Đỗ Chiêu Đức



Gọi bướm vàng bay đến,
Vườn ta ngát hương bay.
Nhuy tơ chờ gieo phấn,
Qủa tròn thơm ngất ngây!

Gọi gió về đồng ruộng,
Cho lúa trổ đòng đòng.
Cho hương vui mùa cưới,
Phất phơ vạt áo hồng!

Gọi mây trời lãng đãng,
Đưa cánh nhạn bay qua.
Về phương xa ... xa lắm ...
Nơi nắng ấm chan hòa !


Gọi nắng long lanh chiếu,
Trên lá biếc sương đêm.
Cho chồi non bừng sống,
Sáng hồng rộn tiếng chim!

Gọi mưa về khắp chốn,
Cho đất mới hồi sinh.
Cho trái sai oằn nhánh,
Cho hoa nở đầy cành!

Gọi thuỷ triều đúng hẹn,
Tấp nập kẻ sang ngang.
Luyến lưu bao tình nghĩa,
Đoàn viên hết bẽ bàng!

Gọi trăng thanh gió mát,
Ngập tràn lá cỏ hoa,
Yêu nhau tròn nguyện ước,
Hạnh phúc mãi chan hòa!

Đỗ Chiêu Đức
03-12-2017