Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

Tôi Lại Minh Tôi - Thơ: Hồng Hà - Nhạc: Phạm Anh Dũng - Hòa Âm: Cao Ngọc Dung - Tiếng HátThùy An


Thơ: Hồng Hà
Nhạc: Phạm Anh Dũng
Hòa Âm: Cao Ngọc Dung
Tiếng HátThùy An

Tình Chỉ Là Mơ

 

Thơ thẩn vì đóa hoa thiếu nắng
Khép mi cho lòng đỡ ngất ngây
Bỗng dưng ta thấy đời im lặng
Như mất nửa hồn theo áng mây!

Em đến từ vầng trăng diễm ảo

Nhập vào thơ lưu luyến duyên tơ
Tình cõi mộng, đường đời huyên náo
Một thoáng phù du, sao hững hờ!

Chẳng lẽ buồn vui đều ngoảnh mặt

Đêm về con chữ sẽ cô liêu
Nhớ em hiu hắt sầu giăng mắt
Em mãi là thơ trong nắng chiều.

Dù lỡ say thơ mà quên lối

Thì đành cho gió cuốn xa khơi.
Tình, chỉ là mơ, sao bối rối?
Quay đi …hồn nhớ mãi nụ cười!

Đỗ Bình



Bóng Thu


Bao lần mùa lại qua mùa…
Lá thay sắc lá, gió đùa …lá rơi!
Thu về vang vọng đất trời
Rưng rưng mắt Hạ đêm vời vợi đêm
Cúc hương đua nở bên thềm
Chiều mưa gió lộng rũ mềm cánh xinh
Tiếng thu xa vắng ru tình
Hay trêu trăng mộng, hoa … mình bóng hoa?
Bờ thu hạt nắng vỡ oà
Nửa vương cành lá nửa nhoà lệ sương!

Yên Dạ Thảo
29.09.2024

Tâm Giao

 

Cám ơn những người bạn quý
Nhã Tình, Tâm Ý đề thơ
Dán lên vách trời tuyệt mỹ
Quán Mây - cõi Thực và Mơ

Mơ mong nhân sinh vô lụy
Thực chờ tri kỷ Núi Sông
Giữa thơ tấm lòng hương nhụy
Vượt qua khắc kỷ trùng khơi

Nhủ đời trăm năm huyễn mộng
Lợi Danh gió lộng cuốn trôi
Chỉ còn Tâm ta tựa Nguyệt
Dạo chơi sóng biếc sông đồi

Thơ vui ấm nồng lời ý
Đời mừng tri kỷ tâm giao
Tình đi về Chân Thiện Mỹ
Phối âm giai điệu ngọt ngào

Cao Nguyên

Nhớ Thương



1/ Nhớ

Cô đơn cung quế thêm buồn tủi
Một bóng Hằng Nga nhớ thế gian
Nào khác mình đang mơ cố quận
Than.

2/ Thương


Đất khách trời cao lạnh khói sương
Niềm riêng tâm sự biết ai tường
Đôi câu thố lộ tình quê cũ
Thương.

Quên Đi

***
1/ Nhớ

Xưa đó bến đưa năm tới về
Bảy năm xa cách chẳng thăm quê
Tai trời, ách nước chia đôi ngả
Thề.


2/ Thương


Hăm ba năm vắng kiếm tìm nhau
Mái tóc mây bay đã nhạt màu
Bôi xóa thời gian, nhìn chẳng rõ
Trao.


Lộc Bắc
***
1/ Nhớ

Đã mấy xuân đi chạnh nhớ người
Cô phòng sương lạnh nỗi đầy vơi
Tâm tư giấu kín nào ai biết
Khơi.

2/ Thương

Một lần cách biệt biết tìm đâu
Chẳng hẹn chờ nhau đến bạc đầu
Mãi đợi suốt đời thương trọn kiếp...
Sau.

Kim Oanh
***
1/ Nhớ

Nỗi nhớ muộn màng cứ dậy lên
Râm ran gọi hạ mãi vang rền
Hồn ta năm cũ hay thôi đã
Quên.

2/ Thương

Hai mái đầu xanh điểm tuyết sương
Tương tư một đóa đẫm vô thường
Muộn phiền sao mãi ôi sao mãi
Vương.

Kim Phượng

Đêm Màu Hồng Virginia

(nguồn: internet)

Quả tình tôi không nhớ nó nằm trong một hotel cao đến 11 tầng, Hotel Catinat, 36 Nguyễn Huệ Sài Gòn. Ông Hoàng hải Thủy cho biết tầng chót (11) là phòng tập Thể Dục Thẩm Mỹ ‘’ Golden Health Club ‘’ của Hotel. Dù chưa bao giờ vào đó nhưng năm xưa,nhiều đêm chạy qua Hotel Catinat, nghe tiếng nhạc vọng xuống, tôi nghĩ ‘’Đêm Màu Hồng’’ nằm ở tầng 1 (?)

Đêm Màu Hồng! Trước 75, cuối thập niên 60s, đầu thập niên 70s, dân Sài Gòn, có ai mà không một lần nghe tên ‘’Đêm Màu Hồng’’? ‘’Phòng trà’’ Đêm Màu Hồng, 1 trong 5 ‘’phòng trà’’ nổi tiếng nhất thủ đô : Queen Bee, Tự Do, Maxim’s, Ritz’s (gọi là ‘’phòng trà ‘’ nhưng không viết ''tee room'' mà là ''night club'' (hộp đêm). Không như các phòng trà khác, đa số ca sĩ chạy qua, chạy lại hát (Khánh Ly, Lệ Thu vv), Đêm Màu Hồng là nơi đóng đô của ban Thăng Long, với Thái Thanh, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Hoài Trung, giản dị vì ‘’Đêm Màu Hồng’’ là của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (thuê trong hotel Catinat của dân biểu Trần quý Phong). Tên phòng trà là tên một trong 2 ca khúc nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ bài thơ ‘’Bài ngợi ca tình yêu’’ (1964) của người bạn thân Thanh Tâm Tuyền : ‘’Đêm Màu Hồng’’ (tặng Thanh Tâm Tuyền và Vũ Khăc Khoan) và ‘’Bài ngợi ca tình yêu’’ ( Tặng cho chính tôi / i.e PĐC/)

Tôi chờ đợi
Lớn lên cùng giông bão
Hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai
Tìm cánh tay nước biển
Con ngựa buồn
Lửa trốn con ngươi
….
Em là lá biếc, là mây cao là tiếng hát
Sớm mai khuya thức nhiều nhớ thương
Em là cánh hoa là sương khói
Đêm màu hồng
…. ‘’
(Bài ngợi ca tình yêu / Thah Tâm Tuyền – 1964 )

‘’Đêm màu hồng’’ cũng là nơi đóng đô của băng ‘’Cái Bang’’: Mai Thảo, (Phạm đình Chương), Thanh Nam, Thanh Tâm Tuyền, Vũ khắc Khoan, Văn Quang, Mặc Đỗ, Phan lạc Phúc vv Ông Phan kể:

‘’ Đây là một phòng trà gợi nhớ. Nhớ về những bài hát xa xưa, về một thuở mộng mơ đã tắt, về một khung cảnh Việt Nam đã xa, về một ban Hợp ca Thăng Long đã tàn. Phạm Đình Chương đi từ bàn này sang bàn khác cụng ly cùng người mộ điệu hoặc lên sân khấu giới thiệu một bài hát vừa được yêu cầu. Cái giọng có mang hơi rượu cùng với nụ cười nhếch mép đã tạo nên không khí Đêm Màu Hồng vì phần lớn khách đến đây đều là thân hữu.

Chúng tôi, những buổi phùng trường tác hí là vào khoảng 9, 10 giờ đêm lại tà tà kéo đến Đêm Màu Hồng. Bạn bè có chỗ ngồi riêng, giá biểu riêng. Khẩu vị như thế nào thì chủ quán biết rồi. Vũ Khắc Khoan thì phải Con Thuyền Không Bến, lúc nào cao hứng lại còn phi lên sân khấu mà ngâm “Hồ Trường, Hồ trường ta biết rót về đâu”. Thanh Tâm Tuyền thì phải Mộng Dưới Hoa. Thanh Nam thì Cô Láng Giềng. Hôm nào có mặt tôi, Thái Thanh lại hỏi: Biệt Ly hay Buồn Tàn Thu đây ông? Có bữa Râu Kẽm cảm khái quá liền ôm đàn guitare mà hát một mình (ít khi lắm). Hát tiếng Tây “Un jour si tu m’abandonnes” (Ngày nào, nếu em bỏ ta). Có khi vui anh vui em, Chương bỏ luôn phòng trà cùng Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo kéo lên “Quang Minh Đỉnh” (*)

Cũng theo ông Phan, ở ‘’Đêm Màu Hồng’’, một lần suýt xảy ra ‘’chuyện lớn’’ giữa một số sỹ quan Nhảy Dù với ‘’thứ trưởng kinh tế’’ Cung thúc Tiến (Cung Tiến). Do ông Thứ-trưởng-nhạc-sĩ đang ngà ngà, chợt nổi hứng, lên sân khấu, gạt người đang đệm piano sang một bên, mà chơi mấy bài serenade cổ điển ! Nhưng kiểng không đỗ mà chỉ có tiếng vỡ của chai la de ! Bất bình vì đang nghe nhạc mà bị ‘’phá đám’’, một ông mũ đỏ bước lên nắm tay Cung Tiến ngăn không cho đàn, thì nhạc sĩ tỉnh bơ, không thèm ngẩng mặt, hất tay ông ‘’Dù’’ qua một bên và bảo ‘’đi chỗ khác chơi’’ ! Thế là : dưới này, có tiếng đập chai rượu ! Nếu không có ông thầy Vũ khắc Khoan nhận ra vị sĩ quan đó là một học trò cũ của mình (ở Chu văn An hay Văn Khoa gì đó ) bước ra can ngăn và người sĩ quan nể thầy ‘’bỏ qua’’, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra ?!

Sau 75, Đêm Màu Hồng trở thành Đêm Màu Đỏ(!). Người chủ dân biểu (phu quân cuối của Thái Thanh) đi tù 9 năm, người thuê nhạc sĩ vượt biên 1979. ĐMH bị ‘’cướp đi, bán lại’’ cho bà Trương Mỹ Lan (tên nghe quen quen) xây khách sạn 6 sao đầu tiên ở Việt Nam : The Reverie ! (**)
2009, Đêm Màu Hồng .. đầu thai ở Virginia (Hoa Kỳ). Chủ nhân của nó cũng là một ông ‘’Râu Kẽm’’ (tên nhóm Cái Bang gọi ông Phạm Đình Chương), cũng tài hoa rất mực, bạn bè yêu mến gọi là Lão Gậy (LG), xuất phát từ hai câu lục bát của tác giả, nói về cây gậy ‘’lúc nhỏ, lúc to’’, đừng chọc Lão giận đánh cho sặc … đàm’’ (sic).

Khác với ĐMH ‘’tiền kiếp’’, ĐMH- Springfield, tôi gọi là ĐMH – Đồng Xuân (spring-field / đồng … xuân là chốn đây/ thiên đàng cỏ cây … ) do chính tay chủ nhân ‘’dựng nên, làm hết’’, tự biên, tự đóng, từ A tới Z. Lão Gậy đã biến cái ‘’basement’’ nhà mình thành ĐMH : dựng sân khấu, quầy rượu, sơn phết, chạy điện, gắn đèn, trang trí, thiết kế, thiết bị âm thanh (cái này khó nhất), ánh sáng ( cái này cũng .. khó nhất ! ), phun khói vv , đều một tay Gậy này cả ( một gậy làm sáng, làm đêm / hai .. tay góp lại thành Đêm Màu Hồng ) ! Không biết chàng bỏ công, sức bao lâu thì mới xong, chỉ nghe bạn-ta kể lại, hè 2008, sang LG chơi, thì dưới ‘’hầm’’ chỉ có cái Đêm Màu … Đen thôi : cái Home-Cinema với gần 10 ghế (bây giờ đã tháo bớt) thượng hạng cùng một đống dây nhợ, đồ đạc lủng củng trong một góc, hỏi thì chàng bảo ‘’chờ hứng để làm phòng ca hát, nghe nhạc, nhảy đầm’’. Thế mà chỉ một năm sau, 2009, là ĐMH đã mở cửa đón bạn bè. Hứng mà làm … nhanh như thế, ở đây, gọi là hứng vui (trái với hứng … buồn, nhiều khi phải đi Bác sĩ !) .Cũng khác với … kiếp trước, ở ĐMH_đồng-xuân (ĐMH_ĐX), nhạc nhiều, ‘’nhậu’’ ít, lại thơm phức mùi … nhang. Không biết những Vi Vân, Diễm Trang, Nguyên Khang, Đoàn Phi, Mai thanh Sơn vv mà tôi thấy xuất hiện trong một số video_ĐMH_ĐX thì sao nhưng các ca, nhạc sĩ còn lại đều là bạn hữu, hát ‘’chùa’’, chơi ‘’chiền’’ thôi ! Nhất là, khác với chủ nhân Phạm đình Chương của ĐMH_SG, chủ nhân Đặng Q.T của ĐMH_VA, dù không biết chơi một nhạc cụ nào, vẫn sắm trống, đàn, keyboard, micros vv cho người khác chơi. ‘’Sang’’ thế đấy. Có bao nhiêu ‘’Mạnh Thường Quân’’ âm nhạc như thế, tôi không biết. Phần tôi, chỉ biết có một : Lão Gậy_ Springfield !

Hỏi tại sao gọi là ĐMH thì chủ nhân trả lời: ‘’Thấy tôi chọn màu hồng để tạo nên môt không gian dễ ‘’ăn’’ ánh sáng, dễ ‘’nhập’’ âm thanh. Nên một anh bạn gọi là Đêm Màu Hồng. Chứ sức mấy mà tôi dám tái lâp một ĐMH có một không hai của nhạc sĩ lớn Phạm Đình Chương ?!’’. Chủ nhân nói sao thì mình nghe vậy nhưng tôi thấy bạn tôi khiêm tốn quá ! Tuy chưa một lần thưởng thức những tiếng hát ĐMH_SG nhưng tôi dám chắc ‘’dàn’’ âm thanh, ‘’dàn’’ đèn của bạn tôi ăn đứt những ‘’dàn’’ xưa. Chả thế mà âm thanh ĐMH_ĐX nổi tiếng nhất ở VA à ?

Điểm chung giữa hai ĐMH (SG – VA) là ‘’Bằng Hữu’’! Làm ĐMH để có chỗ vui với bằng hữu, để bằng hữu vui. Bạn vui. Là tôi vui .Cái ‘’châm ngôn’’ sống đó của LG, anh em Khoa Học đều biết. Mà phải là bạn thật à nghe!

Tết Giáp Thìn năm nay, LG mời 3 cặp Pháp..Sĩ (nhất sĩ , nhì ‘’sư’’ ) chúng tôi ( Genève, Strasbourg, ''Paris'' ) Quy Mã, dự một buổi họp mặt ‘’nhỏ’’ (mini-họp mặt, chữ của LG) giữa những người bạn Khoa Học Sài Gòn năm xưa (Canada, Cali, Virginia, Pháp, Thụy Sĩ , VN). Dĩ nhiên là chúng tôi OK ngay. OK để chuộc tội, vì lý do riêng, năm 2013, đã không sang ĐMH theo lời hứa với LG (2012), dù 3 cặp chúng tôi không ai theo đạo .. hồi cả ! Nói là ‘’nhỏ’’ (mini-họp mặt) nhưng khi nhìn cái liste ‘’tham gia’’ thì tôi hết hồn, cũng đâu 6,7 chục người!

Chương trình họp mặt gồm 3 phần:

1/ Thứ sáu 6/9 (tiền họp-mặt) : Chỉ có dân Khoa Học.
Sáng : viếng ‘’ Air Space Museum’’; Chiều (17h) : chụp hình ( nữ áo dài, nếu được / nam phải mặc quần … dài ), dạ tiệc , dạ .. ca, dạ vũ (‘’one man band’’ / Karaoke )

photo: Dũng ''con''

2/ Thứ bảy (họp mặt) : Thêm khách mời: ban nhạc, một số bạn quen của chủ nhân, và .. Khánh Hà. Vâng, ca sĩ Khánh Hà. Chủ nhân ĐMH chịu chơi, ‘’mời’’ Khánh Hà làm cái đinh cho đêm 7/9, xem như món quà (tinh thần nhé) tặng anh em
Sáng: viếng quốc hội Capitol ; Chiều (18h) : dạ tiệc, dạ vũ, văn nghệ với Khánh Hà và các ca sĩ ĐMH, ban nhạc ĐMH .

 nguồn: H.K.Tiết

3/ Chủ nhật (hậu họp-mặt): dùng trưa / all – you-can eat buffet
Trưa 12h (nhà hàng) / Tối : ghé lại LG ‘’trà dư, tửu hậu’’ nếu muốn.

Với tôi, đêm thứ sáu là đêm ‘’sympa. ‘’ nhất. Bởi chỉ có bạn bè Khoa Học, nếu không chung lớp, chung khoa thì cũng chung trường, chung những giảng đường, chung quán cà phê ! Tha hồ đùa giỡn. Đã thế lại có màn chụp hình. Ngọ đi, về, áo dài tha thướt / Tôi ... chết theo từng bước tiểu thơ !(BP). Dưới ống kính của 2 phó nhòm ‘’chuyên nghiệp’’ Quang_Cali và Dũng _Ottawa : máy ngon, piles tốt . Cám ơn hai ông rất nhiều ! Văn nghệ, tuy cây nhà, lá vườn nhưng cũng tới lắm. Hát hay không bằng hay hát cho nhau

Nhóm Canada có hai ông Dũng: một ông Dũng con, một ông Dũng Dzù. Ông ''con'' thì tôi không biết ''con gì'', tại sao ''con''? Bộ vó chàng thấy còn ngon hơn ông … Ngô Quang Trưởng . Ông ‘’Dzù’’ thì khác, tay này đô con, oai phong lẫm liệt, nhưng không phải vì thế mà được bạn bè tôn vinh là Dzù. Chả qua là nhờ Bố ông thôi (‘’Biết bố mày là ai không‘’? 😂(***). Bác nguyên là một Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Nhảy Dù, tốt nghiệp khóa 4 Cương Quyết (1) Thủ Đức (1953-1954).

Khóa 4 Cương Quyết-1 có lẽ là khóa Thủ Đức cung cấp cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhiều vị Tướng, Tá lẫy lừng nhất : 1 Tư Lệnh Quân Đoàn (Ngô quang Trưởng), 1 Tư Lệnh Nhảy Dù ( Lê quang Lưỡng), 1 Tư Lệnh TQLC ( Bùi thế Lân), 1 Tư Lệnh Sư Đoàn ( Nguyễn văn Điềm/SĐ 1) , 2 Phó Tư Lệnh Sư Đoàn ( Hồ Trung Hậu / SĐ 21 – Hoàng Tích Thông / SĐ 2), 2 Tham mưu trưởng Nhảy Dù ( Nguyễn Trọng Bảo, Nguyễn thu Lương ) ..vv Còn khóa Cương Quyết 2 (4 phụ) có 2 vị tướng : Trần quốc Lịch ( Tư Lệnh SĐ 5) ; Phạm Duy Tất (BĐQ) , 1 Tư lệnh phó ( SĐ 23 / Đại Tá dù Vũ thế Quang) , 2 Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng TQLC : Ngô văn Định, Phạm Văn Chung ( nhà văn Giao Chỉ, Đại tá Vũ văn Lộc cũng tốt nghiệp khóa 4-phụ này ). Như các bạn đồng khóa kể trên, lon lá toàn lên ngoài chiến trường, giữa tháng 4/75, đang nắm Lữ Đoàn 2 Dù ở mặt trận Phan Rang, sau khi đã dẫn mấy đứa con rút khỏi mặt trận, Đại Tá Lương phải quay lại để cứu tướng Nguyễn vĩnh Nghi, thì ‘’hùm thiêng sa cơ’’, chịu tù ngục mười mấy năm ! 49 năm thương hải biến vi tang điền, hiện nay , Sư Đoàn Nhảy Dù chỉ còn bác Nguyễn thu Lương là vị chỉ huy có cấp bậc và chức vụ cao nhất. Năm 80, tôi đọc được trong báo ‘’Văn Nghệ Tiền Phong’’ (Mỹ), một bài viết của một cựu tù nhân ‘’cải tạo’’, trong đó, ông nhắc đến một người sĩ quan Dù cao lớn, đã vác dùm ông bó củi, khi ông té ngã ! Ông tù cải tạo nói, nếu ông nhớ không lầm ‘’ân nhân ông’’ là một ‘’Trung Tá’’ (ông nhớ lộn) Dù tên Nguyễn thu Lương.

Dũng Dzù, tao rất hãnh diện được quen mày, vừa dễ thương, vừa là con bác Lương, dù mày chẳng có hơi gì để dựa 😃 ! Hôm trước, tao nói với LG, ‘’tối thứ sáu tôi định làm Hùng Cường agogo ''Dũng Dzù lên điểm'' (Em biết tại sao lúc này Dũng Dzù lên điểm..) nhưng vì phải về sớm (không định trước) nên lỡ dịp chọc nó.’’ Hẹn mày lần tới nghe (?)!

Phải nói là, đêm thứ sáu, tôi rất ngạc nhiên khi nghe LG giới thiệu ‘’ca sĩ ĐMH’’ V.A, người mà tôi : nhạc kỳ thanh, youtube kỳ hình, cháu cô bạn L.N, có lẽ biết tôi đến từ Paris, nên đã ‘’hát tặng chú BP’’ một ca khúc đầy ý nghĩa của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (cũng là môt cựu sinh viên KHSG): ‘’Nắng Paris, Nắng Sài Gòn’’. Paris. Cám ơn V.A. Cám ơn người hát, cám ơn cả tiểu bang! Cám ơn tiếng hát trẻ trung, lôi cuốn ! Cám ơn tiểu bang hiền hòa, vàng nắng, xanh cây !

Đêm thứ bảy 7/9 thì khác. Đó là một đêm văn nghệ, dạ vũ, vui tươi, đặc sắc . Không chỉ vì có tiếng hát chị Khánh Hà và sự góp mặt của ‘’giáo viên thanh nhạc’’ Hoài Nam (VN), cùng các ca, nhạc sĩ ‘’thân hữu ĐMH’’, mà còn vì sự dẫn dắt chương trình của chủ nhân LG hoạt bát và MC ca sĩ D.Trang duyên dáng (dân KH, ra trường 1978), chuyên viên hái nụ cười khán giả, qua lối kể chuyện, cách pha trò. Như khi chị gọi đám chúng tôi là những ‘’Khoa Học Gia’’ ! Khiến cho nhiều đứa lao nhao : Khoa Học Giả, Khoa Học Già ! Không những thế D.Trang còn là một đầu bếp xuất sắc, đã cùng với chị Lan chủ nhà, làm nhiều món ăn ‘’độc như thịt vịt’’ cho gần trăm thực khách trong hai đêm ‘’Hội ngộ’’ ! Cám ơn các anh chị !

Chủ nhật 8/9, trưa ăn ‘’bao bụng’’ thì không gian hơi ‘’mùa thu chết’’! Hẹn 12h, nhờ LG đặt trước, nên các ‘’Khoa học gia’’ có ‘’riêng một góc trời’’, gần Washington City (… W.C) , nhờ thế mà cũng hơi yên tĩnh ( còn sớm nên ít người ‘’đi’’ ! ) . Bà con tới rải rác, từ từ, chỗ nào trống thì ráp vào, ở nhà hàng thì không thể nào ‘’vô tư’’ như ở ĐMH được. Nhưng trước khi ‘’đôi ngã chia ly, đường ai nấy đi’’ thì có màn chụp hình. Thế là lại lao xao, lao nhao, lít chít, lăng xăng, rối cả lên. Ông Quang_Cali còn vác đồ nghề, bày chân , gắn máy (tôi không nhớ Dũng ‘’con’’ có nhá máy không ?). Cứ y như là sắp thu hình cuộc tranh luận Harris-Trump ! Rồi bà này chụp với bà kia. Ông này khoác vai ông nọ ..vv Chạy qua, chạy lại, máy bấm lia chia. Rồi hôn tới, hôn lui, bóp (vai) qua, bóp lại ( đến bây giờ tôi vẫn còn rát má, đau tay !) ! Goodbye / Au Revoir từ chỗ ăn ra tới parking mà vẫn còn quyến luyến. Thời giờ dùng cơm trưa (1h30 ?) gần bằng khoảng ‘’cảnh biệt ly sao mà .. vui thế’’ (1H ?) ! Buổi tối thì lại khác. Một số nhỏ ‘’tung cánh chim tìm về tổ ấm’’ ĐMH ( K.Tân -V ; Hiển.N ; T.Quang / Cali ; H.Tín / Canada vv ) ! Bên kia bếp, D.Trang bày đồ ra nấu chè, dường như là chè xôi nước (xin lỗi, tôi không hảo ngọt, nên không để ý tới vụ này).Chỉ nhớ là mấy bà tranh nhau khoe ‘’viên vò’’, nói nhỏ với nhau cái gì đó (chắc là nói bậy ?) mà cả đám rú nhau cười ! Bên đây bàn chúng tôi, ngoài mấy chai ‘’dầu xanh’’ ( Heineken) còn sót lại, Cần Sinh Lý xách tới một thùng Corona, vừa lai rai, vừa kể chuyện vui. Khuya tí, thì đám nhà HiếuT- Ng. ( T.Dzù / Tuyết.D) kéo đến nhập bọn. Khiến đêm chủ nhật, 8/9, cũng là một đêm nhớ đời

Lần mini-họp mặt KHSG này, có 4 nhóm chính: Canada, VA, Cali, Tây Âu (+VN). Mỗi nhóm, tôi thấy có 4 ông Trùm (ăn to, nói lớn). Canada với D. Dzù, V : Hưng, Cali: Cần, học dự bị Sinh Lý, nên anh em gọi Cần Sinh Lý. Tên nghe đã quợn, nhìn người càng quợn hơn😃. Tây Âu: Huỳnh.K.T. Trừ ông K.T (hạnh khả phong ?), 3 ông kia quậy tới bến bờ. Đùa cho vui thôi nghe, mấy bố!

Nếu đêm thứ sáu, do lần đầu gặp lại sau nhiều năm, bao nhiêu điều để nói là bao nhiêu lần để ‘’dô’’, nên có một số ‘’lão’’ hết xí quách hôm sau! Như ông Cả chẳng hạn, sáng thứ bảy, gặp chàng ở Capitol, bước ‘’xì lô’’ cà nhắc, mặt mũi yếu xìu, hỏi chi chỉ.. thều thào trả lời, trông không có vẻ gì cần sinh lý cả ! Hỏi thăm thì chàng rên :’’Mẹ, suốt đêm qua nó hành tao không ngủ được ! ‘’. Nói thế chứ tối đó, khi tôi xáp lại định kiếm chút ‘’thuốc kích ..ăn (apéro)’’, thì chàng thò tay vào cái túi thần thông để dưới bàn, nhá một chai vàng óng và bảo ‘’tí nữa tới đi’’ ! Tới thì tới. Làm trai đâu sợ gì ‘’sương gió’’. Chỉ sợ đời không có ‘’gió sương’’ thôi! Nói vậy chứ lúc tôi tới (lúc tiệc sắp tàn) thì đã ‘’em ơi lửa tắt bình khô rượu! ‘’. Mấy bố nạp dữ quá! Nhất là lúc ca sĩ Dạ Lan rên ‘’Em nóng quá ! Em chịu hổng có nổi ‘’, làm cả đám cười ầm, dô thêm. Riêng chị Khánh Hà, thấy cái không khí thân tình, vui nhộn giữa các ''Khoa Học Gia'', hứng chí, chơi đẹp ‘’hát cho không, biếu không’’ thêm nhiều bản ngoài dự định ! Cám ơn chị!

Chúng tôi, những người hiện diện trong ĐMH_VA, đều là sinh viên Khoa Học Sài Gòn (trước 75), đa số vào các lớp dự bị 1974 (Sinh Lý, Sinh Hóa, SPCN, MPC), lớp dự bị cuối cùng của Đại Học Khoa Học Việt Nam Cộng Hòa. Có nghĩa là, tính đến hôm nay, là đúng 50 năm! 50 năm, hơn một nửa đời người!

50 năm trước, bè bạn chúng tôi, những người tuổi trẻ, môi hồng, tóc xanh, bước vào trường với đầy ắp mộng mơ. Thế mà chỉ 7, 8 tháng sau, chưa hết một niên học, là đã tháng 3 xếp bút, tháng 4 tan trường ! Rồi những ngày bỏ học chạy lo áo cơm, xuôi ngược tìm đường ‘’đi xa’’. Bây giờ, sau mấy chục năm lưu lạc, tranh đấu xứ người, khó nhọc xứ mình, chúng tôi hầu như đã vói được (gần hết) những mơ ước (nhỏ nhoi) thời mới lớn (‘’sự nghiệp’’, nhà cửa, con cái, du lịch vv ). Trừ giấc mơ ‘’trở về mái trường xưa’’(come back to … ‘’Khoa Học SaiGon’ ) ! Giản dị là ngôi trường của chúng tôi đã mất tên, mất cả hình hài ! Tối đó tôi đã nói như thế trước các bạn tôi, có lúc phải ngưng, để nuốt lệ vào lòng ! Tôi đã tập nuốt lệ vào lòng từ > 45 năm nay, nhưng, khác với cụ Yên Đỗ , càng lớn tuổi, tôi lại càng mau nước mắt!

Mới đó mà đã 50 năm! Bọn chúng tôi, sắp bước vào tuổi ‘’thất thập’’ ! Nhưng ‘’Nhân sinh thất thập cổ lại hy’’ là chuyện ‘’xưa rồi Diễm’’, thời nay là ‘’ thất thập cổ lai hí ’’, văn tiếp tục cười vui, phá nhau ( ‘’biết bố mày là ai không? ‘’) .Chưa nói là các cô bạn Khoa Học Gia vẫn còn ‘’Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh / Gần …’’đầm’’ mà chẳng già nhanh như ‘’đầm’’. Vẫn còn tươi mát, …. ướt át lắm ! Chỉ hơi … khác tí là, bây giờ, sáng ngồi điểm tâm bên nhau, đứa nào cũng lôi ra mấy viên ‘’Tam cao’’ ( cao mỡ/ cao máu/ cao đường) !
…………………
Cám ơn LG đã sắp xếp cho nhà-tôi và tôi mở đầu chương trình văn nghệ với ca khúc ‘’Tiếng hát Khoa Học’’, tôi viết cho đêm ‘’Họp Mặt Khoa Học’’ (SG), với rất nhiều xúc động. Cho thế hệ bạn bè Khoa Học chúng ta (ra trường hay sắp ra trường cuối thập niên 70s), về một đoạn đời đau thương, nghiệt ngã nhất của tuổi trẻ miền Nam, sau cái ngày ‘’chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ’’ (Trần Dần) ! Ca khúc chỉ để hát khi bạn bè Khoa Học vai bên vai, ngồi hát nhau nghe. Như lần họp mặt này (có chăng lần tới ?) !

Nếu không có ĐMH, không có những người bạn tốt bụng: M.& D.Q.T , L.&D.Q.T đã hoan hỉ đưa, đón, đề nghị ‘’chứa chấp’’ chúng tôi (một cách rất chu đáo) suốt thời gian ở VA, không có tất cả bạn ta hiện diện trong hai đêm đó, nhất là hai ông ‘’Đôi mắt người Sơn Tây’’ Quang-Dũng (con), không có cô bạn D.Trang đã chịu khó nấu ăn, đãi đằng, dắt đi.. ‘’sales’’, dẫn đi viếng nhiều thắng cảnh hay những người bạn Maryland dễ thương của L.T đã vui vẻ‘’mở rộng vòng tay’’, thân tình đón tiếp. Không có các bạn, chúng tôi đã không có những kỷ niệm nhớ đời như lần ‘’Họp Mặt Khoa Học ĐMH này’’. Cám ơn các bạn!

Sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến chị Lan, nữ chủ nhân ĐMH, một bà ‘’Tú Xương tân thời’’. Trong hai đêm tiếp khách, trong khi cả đám cười nói, quay cuồng dưới kia thì trên này, ‘’bà Gậy’’ vẫn ‘’lụi cụi thân cò trong bếp vắng / món bày ra đĩa, món mang hâm’’ vv Sau lưng một Lão Gậy tài ba, yêu bạn là một đóa Lan Gầy đảm đang, quán xuyến, chìu chồng ( chị không phải là dân Khoa Học) ! Tiếc là chị Lan đã không hát cho bạn bè nghe hai đêm đó. Bởi vì chị có một tiếng hát rất thanh, rất êm, rất dễ làm người nghe khó .. quên. Tôi vẫn còn nhớ tiếng hát ‘’Xóm Đêm’’ của chị, chị Lan !

Cũng không thế nào không nhắc đến chú Max, có ‘’đôi mắt tròn đen như búp bế’’ (Nguyễn Tất Nhiên), trên một khuôn mặt ngây thơ, khờ dại, hơn cả lúc ‘’Nga buồn’’ ( như con chó ốm / Nguyên Sa) , vũ sư quay valse khi hài lòng chuyện gì (như buổi sáng thức dậy từ trên lầu chạy xuống, trước khi đi viếng mấy .. gốc cây) , ít … nói, ít .. cười, nhưng đã làm cho cô H. Thụy Sĩ, trên đường ra phi trường đi Canada, đã khóc sướt mướt vì xa … Max ! Khiến cho Lão Gậy buồn 5 phút : ‘’tưởng khóc vì xa mình, hóa ra là vì xa ..chó’’.

Max

Cám ơn tất cả các bạn, lần nữa. Cám ơn Đêm Màu Hồng _VA, tầng dưới (basement) lẫn 2 tầng trên (phòng ăn, phòng ngủ)!

‘’Xin cho sống mãi / sống mãi không hề phai
Đời hợp tan mây / vẫn nhớ nhau đêm này’’
……
Hơn 45 năm rồi nhưng, đôi lúc trong mơ, tôi vẫn nghe bên tai tiếng sóng biển vọng về xen lẫn những âm thanh, tuy không rõ là gì, nhưng lại khiến buồn thêm vời vợi!

Không biết đó là tiếng khóc quê nhà hay tiếng gọi trường ta!?

BP
25/09/2024
(*) Nhớ Phạm đình Chương ( Bè bạn gần xa / Văn Nghệ)
(**) : câu ''thời thượng'' bên nhà , Dũng và Trung hay đùa
P.S : Xin gởi theo đây, bài thơ mẹ cháu đọc, ca khúc ‘’Tiếng hát Khoa Học’’, chúng tôi hát đêm thứ sáu 6/9.
Và ‘’Dancing all night’’ nhạc Nhật) , tôi viết lại lời Việt cho ‘’Đêm Màu Hồng_VA’’. Định là Lão Gậy và tôi sẽ song ca đêm thứ bảy. Nhưng vì không có thời giờ tập dợt, chương trình lại dài. Nên .. thôi ! Rảnh rỗi, các bạn có thể hát version này để nhớ lại ‘’ĐMH-của-chúng-ta’’ .

Ở nhà Lan Trung: 6 & 7/9/2024

 đây, ngày nắng vàng hiên,
trưa xanh bóng mát , tối lên sắc hồng
ở đây, có bạn bè đông,
những bờ vai siết, những vòng tay ôm
ở đây, có tiếng cười giòn
(từ hôm Khoa Học Sài Gòn năm xưa…)

 đây, LAN nở 4 mùa
có TRUNG nam bắc cợt đùa, trêu nhau
ở đây, dẫu tóc phai màu
con tim: vẫn đóa mộng đầu thanh xuân

cám ơn buổi tiệc tương phùng
ơn người đưa …Gậy nối vòng anh em
cám ơn dạ vũ hoa đèn
ơn ban tổ chức, ơn ‘’Đêm Màu Hồng’’ !

03/09/2024
BP
--------


Tiếng Hát Khoa Học

. Gởi các bạn Khoa Học Sài Gòn

Có một người / đôi khi nhớ thương
Nhớ tiếng ve buồn / gọi hạ nóng gieo xuống
Nhớ giảng đường / bao trang sách thơm
Nhớ dáng ai ngồi / môi mắt khua xuân đời

Có một lần / xôn xao bước chân
Những bước thiên thần / rời thành phố hoang vắng
Gốc me già / tương tư dáng hoa
Áo hết đôi tà / thôi gió thơm lụa là

Lang thang tiếp nối / nắng sớm mưa chiều rơi
Sắc tóc phai rồi / mộng đời đã tay vói
Đêm xưa tiếng sóng / vỡ trái tim lạnh căm
Đời dù trăm năm / vẫn vết thương trong lòng!

Hỡi ơi người / bao năm nổi trôi
Có 4 phương trời. Trời nào chửa đi tới?
Có bao giờ / như trong giấc mơ
Bứơc trở lại trường / tìm dấu yêu thiên đường?

Nếu một ngày / khi vai sát vai
Hãy rắc hoa đầy / vào đời sống thân ái
Đêm-Màu-Hồng / đêm vui mải mê
Giữa những bạn bè / nào muốn đâu quay về

Len qua ánh sáng / tiếng hát Khoa Học vang
Tiếng hát thân tình / làm sầu đó câm nín
Xin cho sống mãi / sống mãi không hề phai
Đời hợp tan mây / vẫn phút giây đêm này

Coda:

Xin cho sống mãi / sống mãi không hề phai
Đời hợp tan mây / vẫn nhớ nhau đêm này
Xin cho sống mãi / sống mãi không hề phai
Đời hợp tan mây / vẫn phút giây đêm này!

BP
(2012-2024)
==========
Đêm Màu Hồng (Dancing all night)
Nhạc Nhật / Lời Việt : BP
Tặng Lan Trung
Chachacha

Hẹn hò đưa nhau đến / đến với nhau / cùng ''Đêm màu hồng''
Long lanh trong mắt trong / thấy sao trời lung linh bóng
Nhạc gọi ra sàn gỗ / tiếng hát bùng vỡ / không gian đèn mờ
theo con sóng xô / có biết đâu / là bến / hay bờ!

ĐK:

Dancing đêm nay / cuốn quay / theo vũ điệu này
Dancing đêm nay / trái tim hồng hoang / bốc cháy
Dancing đêm nay / bước chân tìm nhau miệt mài
Dancing đêm nay / thức với đêm nào thấy đêm dài

Từng vòng quay phơi phới/tiếp nối nhau / như những vòng đời
Chachacha réo vui / bỏ quên muộn phiền sương khói
Dìu nhau qua biển sóng / sóng tới rồi sóng lui / ơi người ơi
Bao nhiêu mỏi mong / chớ nói ‘’không’’ / trong Đêm Màu Hồng!

ĐK:

Dancing đêm nay / cuốn quay / theo vũ điệu này
Dancing đêm nay / trái tim hồng hoang / bốc cháy
Dancing đêm nay / bước chân tìm nhau miệt mài
Dancing đêm nay / thức với đêm nào thấy đêm dài

CODA (để hết):

Khi ban mai nắng lên / vẫn muốn thêm / một ‘’Đêm màu hồng ’’
18/4/2024

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Em Cũng Là Hoa: Hoa Hồng

 

Đi đi tìm lại thời thơ mộng
Sánh bước bên nhau khúc khích cười
Tha thiết tiếng yêu lòng rộn rã
Môi ai nở nụ cánh hồng tươi

 

Thơ & Ảnh: Kim Phượng


Nhớ Em

 

Nhớ em ngồi ngắm trăng tròn
Tôi nghe rung động vẫn còn trong tim
Nhớ em đêm xuống lặng im
Tôi nằm thao thức lim dim mơ màng

Nhớ em giọng nói dịu dàng
Tôi chìm vào mộng nhẹ nhàng ngủ mê
Nhớ em lòng dạ ủ ê
Tôi thường thơ thẩn ngô nghê một mình

Nhớ em ánh mắt tự tình
Tôi nghe đắm đuối như nhìn cánh sao
Nhớ em môi mọng khát khao
Tôi tìm lại được nôn nao một thời

Nhớ em nhìn áng mây trời
Tôi mơ là gió ru đời mây bay
Nhớ em thon thả đôi tay
Tôi như chếnh choáng mê say ngọt ngào

Nhớ em cầm cánh hoa đào
Tôi nghe chim hót đang vào mùa xuân
Nhớ em một thoáng bâng khuâng
Tôi nhìn nắng hạ mưa giăng phượng hồng

Nhớ em gió thổi tóc bồng
Tôi thương lá rụng quanh vòng thu phong
Nhớ em ru khúc tình đông
Tôi nhìn hoa tuyết mênh mông nhớ người

Nhớ em xinh xắn nụ cười
Tôi còn xa vắng lòng rười rượi đau
Nhớ em mong muốn gặp nhau
Ta cùng ngồi ngắm đêm thâu trăng tròn

Đỗ Hữu Tài

Wed Mar 05, 2014

Áo Hoa Trên Phố

 


Se sắt vào thu hơi gió lạnh
Áo len khoác nhẹ ấm bên mình
Mỉm cười với bông hoa phù dung
Hè đi trong im lặng
Cơn nóng mới hôm qua
Anh như mùa Thu êm dịu
Tấm khăn san đủ màu vừa quàng cổ
Ước mơ cũng vui trên giá vẽ
Chiếc cọ màu chấm được nụ môi hôn
Tư tưởng của tình yêu rạo rực
Cả sóng mắt trong xanh
Làn da se lạnh gió heo may
Sợi giây nơ buộc áo sau người
Tóc bay thì thầm nghe mùa thu nói
Cỏ hanh vàng rực rỡ bước chân êm
Màu rớt rơi óng ánh mé bên thềm
Qua khung cửa ai vừa nhìn lén
Em chợt thấy thu
Hàng cây gầy đang chuyển lá
Nắng hanh nồng rớt nhẹ
Hè mới đi rồi em khẽ mở
Cánh cửa hồn thu và giấc mơ
Tiếng xôn xao ngoài gió
Những tà áo bay muôn màu 
Đang rực rỡ phố thu lên.

Lê Mỹ Hoàn
9/2024



Niệm Chú Đại Bi

Thơ & Trình Bày: Minh Lương


 

Mùa Thu Bên Em



Thu về ngoạn cảnh bồng lai
Nửa vầng trăng khuyết, nửa bài thơ Thu
Nửa trời khuất áng mây mù
Nửa hồn xao xuyến cảnh Thu não nề
Nửa chừng tỉnh giấc cơn mê
Nửa đồi gió thoảng sơn khê chập chùng
Nửa rừng cảnh sắc mông lung
Nửa vàng lá rụng theo từng gió trôi
Thu về nửa cõi hồn tôi
Nửa đời viễn xứ nửa đời lưu vong
Ai đêm Thu tới não lòng?!
Lá Thu tan tác vàng ong lưng đồi
Buồn ơi! Chi lắm Thu ơi!
Bên Em ta ngắm bầu trời mùa Thu.

Tuyến Lê Sydney

Thụy Khanh – Buồn Xưa Đã Hết

(Tưởng niệm nhà thơ Thụy Khanh 1943-2024)

Thơ Thụy Khanh – Tranh bìa Đinh Cường (An Tiêm 1992)

Buồn xưa bây giờ có còn buồn không?
Câu hỏi đã lan man trong đầu tôi khi hay tin chị mất.

Buồn xưa bây giờ là tựa của một tập thơ. Bây giờ là khoảng thời gian nào? Đã qua chưa hay vẫn là hiện tại, vẫn mãi là những nỗi buồn của người tạo ra nó. Phải chăng tác giả muốn nói rằng nỗi buồn sừng sững đó, không thể phôi phai dù bất cứ lúc nào, ở đâu? Tại sao lại phải như thế?

Đã có lần tôi viết về chị. Một người tôi quen từ những ngày mới bước chân vào thế giới văn chương và thân thiết cho đến bây giờ dù tuổi tác chúng tôi cách nhau khá xa.

Đáng lý tôi sẽ viết nhiều hơn nữa, không chỉ để nói về những cuộc vui của chúng tôi. Những đêm khuya khoắt, ngồi bên nhau trong lòng xe, băng qua những con đường ngoại ô tít tắp, vắng lặng. Chúng tôi đã đuổi theo ánh sáng của vầng trăng trước mặt, hay những đám mây mù mờ chở đầy bóng tối cùng dư âm vọng lại từ một cuộc vui đầy những tiếng cười thú vị… Hay những buổi sáng ngồi bên tách cà phê trong căn bếp ngó ra khu vườn rộng. Vườn rộng, nhưng chỉ rải rác một vài chậu hoa còi cọc. Đó cũng là một nỗi buồn. Khung cảnh và những ngóc ngách của mảnh vườn nhà chị cũng là nơi ít nhiều tôi mang vào cõi viết của mình và chỉ một mình chị hiểu.

Vâng! Đáng lý tôi phải viết nhiều hơn nữa.

Nhưng điều tôi muốn viết là một cuộc đời, mà tôi nghĩ dù thế nào cũng vẫn cần ghi lại. Đời của một người con gái tài-sắc mà hồng nhan thanh xuân ngày đó đã làm say đắm biết bao người. Với tôi, cuộc đời đó như một bức tranh lập thể được lộng kiếng. Mặt kiếng không vì một nguyên nhân nào, tự nó đã có những vết trầy xướt. Có thể ví chúng như những vết thương, những thương tích định mệnh phải có nơi một đời sống thực và chúng không bao giờ giống nhau. Những hình thể, màu sắc trong tranh luôn làm tôi rung động. Nhưng tất cả những gì ẩn chứa nơi những mảng màu tối nhiều hơn sáng ấy, là những riêng tư, bất khả xâm phạm. Tôi tôn trọng không dám đến gần tìm hiểu, hỏi han vị chủ nhân của nó. Tôi chỉ đứng xa nhìn ngắm.

Nên đã bao lần tôi khuyên chị hãy viết về mình.

Từ lúc quen chị, tôi nhận ra cuộc sống chị là những hẹn hò, hẹn với thời gian. Chị mong muốn sẽ thực hiện điều này, điều kia khi xong việc này, việc nọ mà thời gian luôn có những bất ngờ. Tôi không tin thời gian. Thời gian có phép màu hoán đổi những trật tự của đời sống mà con người đã sắp xếp, dàn dựng. Sự bội bạc của thời gian nhiều hơn lòng chung thủy.

Chớp mắt, tuổi trẻ của chúng tôi đã qua đi. Những nhịp đời chậm lại.

Chúng tôi gặp nhau càng ngày càng ít. Điện thoại mỗi lúc mỗi thưa thớt hơn. Nhưng có dịp tôi vẫn khuyên chị viết. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ người viết văn có lẽ ít khi làm được những bài thơ hay. Hai phạm trù văn-thơ khó cân xứng nơi một nghệ sĩ. Là một thi sĩ và chỉ xuất bản duy nhất một thi tập, chị sẽ viết được – tôi vẫn tin –, viết hay như những bài thơ xuôi của chị từng làm tôi rung động khi đọc.

Thi tập Buồn xưa bây giờ được những cây viết tên tuổi như cựu luật sư Trần Thanh Hiệp, nhà văn Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An, Ngọc Khôi, Đoàn Đức Nhân và Vĩnh Đào viết bài giới thiệu. Những bài thơ cũng đã mang bao cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ sáng tác. Nhưng tập thơ ra đời khi chưa có mạng lưới thông tin toàn cầu. Tác giả đã không nghĩ đến việc giới thiệu lại tác phẩm của mình qua những trang mạng điện tử như hiện nay. Vì vậy, ngoài những thân hữu, văn hữu yêu mến chị, tập thơ có lẽ ít được biết đến.

Hơn ba mươi năm, tập thơ dường như đã đi vào quên lãng. Bây giờ, cầm trên tay, giở từng trang đọc lại, tôi thực sự buồn-bã ăn-năn. In ấn vào thời buổi này đâu có gì khó khăn. Tại sao trước đây tôi không nghĩ chuyện khuyến khích, giúp chị tái bản, phổ biến lại tập thơ?

Ta mang hồn phiến cỏ
một đời hoài ăn-năn
những mùa xuân xưa đó
mù bay như khói sương

Đã mất về nơi đâu
những lời xưa chiêm-bao
mà hương gây nỗi nhớ
giờ ngỡ-ngàng trông nhau

Ôi ánh mắt thiên-thần
sáng trong niềm chờ mong
nét môi mềm vụng dại
vùng tóc là mây hoang

Nỗi buồn xưa trở lại
trên ngày tháng muộn phiền
tóc tơ vàng đá cũ
xanh-xao hoài dáng em
Trời mưa bên ấy không
xa rồi người tình chung
xưa hoàng-y rực rỡ
Sao nhung gấm bụi hồng

… Đó là những câu thơ trong bài Buồn xưa, bây giờ mà chị đã dùng để làm tựa cho thi tập. Phải chăng bài thơ này là một bài tâm đắc của tác giả? Tôi không tin như thế. Bởi vì Thụy Khanh còn có những bài thơ mà chữ nghĩa trau chuốt, bóng bẩy hơn bài thơ này. Những con chữ vẽ lên bao hình ảnh thơ mộng trữ tình, thoảng chút hương xưa tiền chiến hay bàng bạc âm điệu cổ thi. Và phải chăng những câu chữ giản dị mới có thể lột tả được tâm tư tình cảm của tác giả?

Hầu như mỗi năm, chúng tôi đều đi dự văn nghệ Tết do Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris tổ chức. Năm nay tôi không thấy chị, tôi nghĩ có lẽ chị bận. Tôi dặn lòng sẽ gọi điện thoại thăm chị. Tôi nào biết chị đang nằm bệnh, đang chống chọi với tử thần.

Tôi nhớ lại lần cuối chúng tôi trò chuyện qua điện thoại. Chị rất vui, chị đang chờ đợi một ngày vui trong bao số ngày đã lỡ lầm đánh mất. Còn tôi, chỉ là người được chị chia sẻ nhưng tôi cũng háo hức đợi chờ như chính tôi là chị. Tất cả cũng nằm trong một hứa hẹn tùy vào ngẫu hứng của thời gian. Tôi mong thời gian sẽ ưu đãi chị hơn bất cứ lúc nào. Lời cầu mong của tôi có đến được với chị không? Tôi tiếc là đã không còn cơ hội được biết để chia sẻ buồn-vui cùng chị.

Nhắc đến chị, dường như trong trí nhớ mỗi người không phải là một Thụy Khanh thi sĩ mà là hình ảnh một Thụy Khanh của âm thanh, đàn, sáo. Quả tình ngâm thơ cũng như ca hát. Chị có một giọng ngân nga luyến láy đầy cảm xúc, dễ làm rung động tâm hồn người thưởng thức.

Hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ lấy được những gì
về bên kia thế giới
ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi và tình ơi[1]

Tôi thích nghe chị hát bài này và tôi cảm thấy chị hát hay hơn những ca khúc khác, có lẽ vì chữ "Thụy" trong bài.

Thụy bây giờ về đâu?
Con đường ngắn có những ngôi nhà đóng cửa, ánh điện vàng hắt ra trong đêm.
Con đường sẽ đem ta đi xa hơn trong mịt-mùng đắm-mê, khi điệu đàn vẳng lên đâu đó, khi cánh tay anh quàng lên vai em, cho những lá me viết trang tình-sử.

Con đường là nỗi nhớ, niềm cô-đơn, một thoáng buồn như ngày mồng một Tết, là tiếng hát ăn- năn cay xé cả đời mình.[2]

Đừng hát nữa những lời ăn-năn cay xé! Mong chị thanh thản ra đi, về với quê nhà, đường xưa phố cũ. Về lại con đường Trần Quý Cáp thuở nào của người em phi hành[3] môi hồng mắt biếc. Nơi cõi thiên thu ấy buồn xưa sẽ quên.

Từ trái sang phải: Đặng Mai Lan, nhà văn Kiệt Tấn, nhà thơ Thụy Khanh và luật sư Trần Thanh Hiệp (Paris tháng 5/2004)

(Paris 15/ 3/2024 – ngày tiễn đưa Thụy Khanh về cõi thiên thu)
[1] Khúc Thụy du (Anh Bằng – Du Tử Lê)
[2] Con đường lá me bay (Thụy Khanh)
[3] Người em phi hành (Thụy Khanh)

Đặng Mai Lan
Trích từ  trang  nhà Văn Việt

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Em, Đêm Và Trăng - Thơ: Ngô Huy Khánh Trân - Nhạc: Nguyên Bích - Ca Sĩ: Thái Hòa


Thơ: Ngô Huy Khánh Trân
Nhạc: Nguyên Bích
Ca Sĩ: Thái Hòa
Piano: Lê Minh Trí


Tiên Điền Nguyễn Du Và Thơ Hoàng Hạc Lâu Khi Đi Sứ TQ

I- Lược sử:

Tiên sinh Nguyễn Du (1766 - 1820). 

Người làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Con Ô. Bà Nguyễn Nghiễm - Trần thị Tần. Ông là con giòng thứ .
Nguyễn Nghiễm làm Tham Tụng, Quận Công dưới triều Lê Trung Hưng.
Mới 13 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ nên Ông phải ở với người anh khác mẹ là Nguyễn Khản. Sau đó, Nguyễn Khản bị bãi chức.

Nguyễn Du được một người thân của cha đón về Sơn Nam Hạ nuôi ăn học, thi đậu Tam trường.
Nguyễn Du có vợ là bà Đoàn Thị Huệ.
Năm (1802), Gia Long lên ngôi, Nguyễn Du được bổ làm Tri huyện Phù Dung, trấn Sơn Nam; tháng 11 thăng làm Tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, Hà Tây.
Năm (1813) được thăng hàm Cần Chánh điện học sĩ, cử đi sứ Trung Quốc, làm Chánh sứ.
Khi đi sứ sang nhà Thanh, ngang qua Hoàng Hạc Lâu, nhân dịp Cụ Nguyễn Du đã viếng ngôi lầu nổi tiếng ấy. Nhờ thế mà ta được đọc thêm một bài thơ Hoàng Hạc Lâu bất hủ của Cụ.

Năm (1814) Cụ trở về nước, có tập thơ “Bắc Hành tạp lục” và được vua Gia Long thăng chức Hữu Tham tri bộ Lễ.
Ông mất ngày ( 6 - 9 - 1820), tại kinh thành Huế, lúc 55 tuổi, đời vua Minh Mạng.
II - Sự Tích HHLvà Bài Thơ HHL Của Thôi Hiệu
Hoàng Hạc Lâu ngôi tháp lịch sử, cất trên vực đá Hoàng Hạc của núi Xà Sơn (Đồi rắn) bên bờ sông Dương Tử, thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, xây từ đời Tam Quốc 223 TL.
Tên gọi " Lầu Hoàng Hạc " do truyền thuyết Ô. Phí Văn Vi, tu sĩ đắc đạo thường cưỡi hạc vàng ngao du sơn thủy.
Một hôm, Tiên Ông bay ngang Vũ Hán và dừng hạc lại trên "Đồi Rắn" để ngắm cảnh đẹp. Bên là cảnh đẹp hùng vĩ của Dương Tử giang và bên kia là Ngũ Hồ chìm trong sương lam diễm ảo.
Người đời sau bèn xây lên một tháp lầu đặt tên là Hoàng Hạc Lâu tại nơi Tiên Ông cưỡi hạc đã đáp và bay đi...
Đến nay suốt 1762 năm đã có 12 lần bị thiêu hủy, 12 lần xây cất lại, mỗi lần lại cao hơn và có nhiều tầng hơn.

Năm 1981, Hoàng Hạc Lâu được tái thiết, năm 1985 khánh thành. Tháp được xây lại bằng vật liệu hiện đại và có một cầu thang máy.
Hoàng Hạc Lâu bây giờ nằm trong Công Viên Hoàng Hạc, và cách vị trí cũ 1 km, thu hút du khách trong và ngoài nước.

II. Thôi Hiệu (704 – 754) 


Ở Biện Châu, đỗ tiến sĩ năm (723)
Bài thơ HHL được viết khi tác giả đến thăm Lầu Hoàng Hạc và dán trên vách.
Sau đây: Hoàng Hạc Lâu là bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu, thi sĩ đời Đường ngang thời với Lý Bạch...

黃鶴樓

昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。

Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
T.H.

Lầu Hoàng Hạc

Cưỡi hạc người xưa bóng mờ mịt / mịt mờ
Để lầu Hoàng - Hạc đứng trơ vơ
Hạc vàng một thoáng mù tăm tích
Mây trắng ngàn năm mãi lửng lơ
Sông biếc Hán - Dương cây diễm ảnh
Bãi xanh Anh - Vũ cỏ ươm mơ
Chiều rồi quê cũ phương nào nhỉ?
Khói sóng ơ hờ... dạ ngẩn ngơ!!
(Nguyễn Minh Thanhcẩn dịch)

III - Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của cụ Nguyễn Du: Trong Bắc Hành Tạp Lục có rất nhiều bài thơ...
Dưới đây là thơ HHL:

黃鶴樓
何處神仙經幾時,
猶留仙跡此江湄?
今來古往廬生夢,
鶴去樓空崔顥詩。
檻外煙波終渺渺,
眼中草樹尚依依。
衷情無限憑誰訴,
明月清風也不知。

Hoàng Hạc Lâu

Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì?
Do lưu tiên tích thử giang mi?
Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng,
Hạc khứ lâu không Thôi Hạo thi.
Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu,
Nhãn trung thảo thụ thượng y y.
Trung tình vô hạn bằng thùy tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
(Nguyễn Du)

Dịch nghĩa:
Lầu Hoàng Hạc

Thần tiên đi đến chốn nào và đã trải qua bao nhiêu đời,
Dấu tiên còn để mãi trên bến sông này.
Nay lại xưa qua (đều chẳng khác) mộng Lư Sinh,
Hạc đi mất lầu trống không (chỉ còn) thơ của Thôi Hạo.
Ngoài lan can khói sóng đều mờ mờ thăm thẳm,
Trong tròng mắt cây cỏ vẫn xanh mướt như xưa.
Mối tình ấp ủ trong lòng thật chứa chan mà không biết bày tỏ cùng ai,
Trăng sáng gió trong cũng không hiểu thấu.

Dịch thơ:
Lầu Hoàng Hạc

Tiên đi đi mãi tự bao giờ?
Dấu cũ còn lưu bến đứng trơ!
Mộng tỉnh Lư Sinh đời thấm thoát
Thơ đề Thôi Hạo hạc mờ mờ
Nước mây trắng xóa trông vời vợi
Cây cỏ xanh um vẫn phất phơ
Chan chứa lòng thành ai tỏ với
Trăng thanh gió mát cũng thờ ơ
Nguyễn Minh Thanh phụng dịch

IV - Vài suy nghĩ về Truyện Kiều: Ưu - Khuyết

A - Ưu Điểm:

Truyện Kiều của Cụ 3254 câu, có nhiểu câu đi vào dân gian thành: tục ngữ, thành ngữ, ca dao. Như là:

- Cho hay muôn sự tại trời
- Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn
- Chồng chung ai dễ ai chiều cho ai
- Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
- " Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài "
- " Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về "
...................................................
....................................................
Có quá nhiều người khen Truyện Kiều, nói thêm bằng thừa...

B - Khuyết Điểm:

Sau đây xin có thiển ý về khuyết điểm của Truyện Kiều như vầy:
Kể từ câu: 2776 - 2792...
Khúc thơ nầy Cụ nhiều lần dùng chữ: " Chàng ", thấy không thuận vai vế trong gia đình . Như:
- " Khóc than kể hết niềm tây
Chàng ôi biết nỗi nước này cho chưa ?"
- " Kiều nhi phận mỏng như tờ,
Một lời đã lỗi tóc tơ với chàng !"
- "Phận sao bạc bấy Kiều nhi !
Chàng Kim về đó con thì đi đâu ? "
........................................................
Phương diện là nhạc phụ, nhạc mẫu mà gọi chàng rể là " Chàng", thấy không ổn chút nào. Thay vì,
- " "Cháu, ( Con )" ôi biết nỗi nước này cho chưa ?"
- "Phận sao bạc bấy Kiều nhi!
- "Chàng Kim về đó con thì đi đâu? "

Thay vì:
- "Phận sao bạc bấy Kiều nhi!
- "Kim " Nhi " về đó con thì đi đâu? "

V - Tâm sự cụ Nguyễn Du:

Có câu: " Văn tức là người ", ta thử đem ứng dụng vào cụ Nguyền Du xem sao.
Trong Kiều, đoạn Kiều khuyên Từ Hải ra hàng, Từ rằng:

" Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu "

Ở đây chữ " hàng thần lơ láo " mô tả rất đúng cái cung cách của một hàng thần: lơ láo lạc lõng. Có người cho rằng đây cũng là tâm sự của Cụ. Vì rằng:
" Tuy chỉ là một võ quan nhỏ tập ấm với người cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên sau khi đỗ tú tài, Nguyễn Du vẫn nghiễm nhiên là cựu thần nhà Lê. Ông cũng đã từng trốn ra Bắc theo Lê Chiêu Thống sang Tàu phục quốc, nhưng không thành "
Ngoài ra, có lần, Cụ bị vua Minh Mạng quở rằng: “Nhà nước dùng người cốt chọn người tài giỏi. Ngươi cùng Ngô Vỵ đã được cân nhắc lên hàng á khanh, biết thì thưa thốt, sao lại khoanh tay chỉ biết dạ dạ vâng vâng”.
Có thể niềm u uất này dính theo Cụ mãi cho đến chết?
Trong bài thơ " Độc Tiểu Thanh Ký ", hai câu kết phải chăng là tiếng than trầm cảm thống thiết của Cụ?!:

"Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?"
( Không biết hơn ba trăm năm sau,
Thiên hạ ai người khóc Tố Như? )

Có điều thú vị, ai cũng biết Nguyễn Du là đại thi hào, không thể nào sáng tác bài " Độc Tiểu Thanh Ký " lại sai " niêm luật ". Hai câu kết của ĐTTK hoàn toàn sai niêm luật.
Có phải Cụ cố ý để hậu sinh chú ý và suy nghĩ những u khuất của Cụ, rồi cảm thông nỗi niềm cho Cụ?
Dưới đây là bài ĐTTK và bài dịch:

Độc Tiểu Thanh Ký ( sai niêm luật 2 câu chót )

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
(Nguyễn Du)

Dịch thơ:

Độc Tiểu Thanh Ký

Hoa kiểng hồ Tây hoá bãi hoang
Bên song bi cảm đọc thư tàn
Hữu thần son phấn chôn còn hận
Vô mệnh văn chương đốt chẳng tan
Kim cổ oán hờn trời khó hỏi
Phong lưu oan khuất tớ ngùi mang
Ba trăm năm nữa... làm sao biết
Ai khóc cho " Ta " nỗi khuất oan?!
(Nguyễn Minh Thanh phụng dịch)

VI - Phần kết:

Cụ Nguyễn Du đã để lại di sản văn chương đồ sộ:

Thơ chữ Hán có 3 tập thơ:
- Thanh Hiên thi tập.
- Nam Trung tạp ngâm
- Bắc Hành tạp lục
Thơ chữ Nôm:
- Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh)
- Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh ...

Nguyễn Du là thi nhân lỗi lạc, là đaị thi hào cuả dân tộc với nhiều thể loại sáng tác.
Với người viết, sự nghiệp cụ Nguyễn Du, bấy giờ quả là hiển hách, rạng rỡ. Tuy nhiên, trong những tác phẩm của Cụ thường có những câu u uất:

- Trung tình vô hạn bằng thùy tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.( HHL )
- Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấpTố Như. ( ĐTT K )
- Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu
.......................................
Làm cho hậu sinh ưu tư...mãi......

Thưa cụ Nguyễn Du, bây giờ là hơn 200 năm sau, năm mất của Cụ ( 1820 ), chưa tới 300 năm, có Hậu bối đang đêm thao thức về Cụ, nghĩ ngợi ngậm ngùi nỗi u uất của Cụ.
Với Cụ, có những khuất chí riêng tây. Nhưng phương danh Đại Thi Hào Nguyễn Du trường tồn vĩnh cửu với núi xinh sông gấm Hồng Lĩnh, Lam Giang, nơi quê hương của Cụ. Cũng như với non nước Lạc Hồng.
Cho đến nay hơn 200 năm sau, chưa có một hậu sinh nào chạm được gót chân ngà của Cụ.
Sau đây, hậu sinh có bài thơ thành kính tưởng niệm Cụ Nguyễn Du:

Tiên Điền Nguyễn Du

Con nhà thế phiệt giống trâm anh
Côi cúc lao đao chuyện học hành
Nương tựa thân bằng lo sự nghiệp
Dồi mài kinh sử lập khoa danh
Tú Tài đổ đạt niềm vinh hạnh
Tri Phủ vẻ vang chí cánh thành
Đi Sứ bao phen tròn trọng nhiệm
Thi văn diễm tuyệt nét đan thanh
(Nguyễn Minh Thanh cẩn bút)

Riêng, hậu sinh cũng có nỗi niềm Núi Sông... muốn tỏ rõ cùng Cụ Tiên Điền Nguyễn Du qua bài thơ:
Chạnh Lòng
Bèo giạt trời Tây mãi chạnh lòng
Ngoảnh nhìn Sông Núi ngập mưa giông
Sâu dân đất hỡi: - bầy nhiều quá
Mọt nước trời ơi: - lũ rất đông
Cỡi cổ thứ dân thu miếng ruộng
Đè đầu lao động bớt tiền công
Tàu Man tàm thực không nghơi nghỉ
Tổ Quốc đang bờ họa diệt vong...!!
(Nguyễn Minh Thanh)

Sau hết, hậu sinh kính viếng Cụ Tiên Điền, bậc tiền bối đức trọng tài cao, văn chương tót chúng qua Câu Đối:
- Hồng Lĩnh non xanh hảo sinh trang nhân kiệt.
- Lam Giang nước biếc hàm dưỡng xứ địa linh.

Nguyễn Minh Thanh biên soạn
(GA, 2023 - 7 - 19)

Bát Điệp Thu

 

Bổng trầm tiếng sáo quyện thu thâu
Lắc cắc mưa thu giọt giọt sầu
Lã chã thu buồn chưa trọn ước
Bàng hoàng thu nhớ chửa tròn câu
Thu thương nghĩa hạ thu vàng lá
Biển nuối tình thu biển tím mầu
Tiếng hạc chào thu buồn chất ngất
Trăng thu ngời nước tỏa giang đầu.

Phương Hoa

TrănTrở Tình Thu

 

Nhớ Thu

Hôm nay mùa Thu đến
Lất phất gió heo may
Lá rụng đầy trước ngõ
Ta buồn Thu nào hay!

Heo may báo Thu sang
Lá đổ dọc ven đàng
Tâm đong đầy nỗi nhớ
Để hồn ta đi hoang

Heo may đã lại về
Chiều vắng dài lê thê
Hàng cây buồn ủ rũ
Chờ lữ khách trở về

Hôm nay bước vào Thu
Đường phố lấp sương mù
Quán khuya đèn hiu hắt
Tiếng nhạc buồn như ru

Nhớ mùa Thu năm xưa
Tiếc nuối đong sao vừa
Em bước sang lối khác
Một mình ta trong mưa!!

Quạnh hiu hàng cây thưa
Lơ lửng chiếc lá đưa
Lặng lẽ đời lữ thứ
Khi nào về hay chưa!?...

Tha Nhân
Camthành Aug 26, 2019
***
Cm Tác:

TrănTrở Tình Thu

Thu về rộn nói chuyện về thu
Thu đến Chương Lương soạn Nhớ Thu
Thu khiến cho người mê mẩn cảnh
Thu làm để bạn vấn vương thu
Thu này khác hẳn thu năm trước
Thu hiện nguyên hình Bốn Chín (*) thu
Thu dáng 45(**) thành đại họa,
Thu càng héo úa lá vàng thu!

(*) 30/4/75 (**) 8/1945
Thái Huy 
9/29/24

Thang Máy Có Thể Nào Rơi Khi Bị Đứt Cable?


Điều cần phải biết khi vào thang máy

Have a nice day
Vào một hôm tôi đang ở trong một thang máy thì bất thình lình thang máy bị hư và rơi xuống từ lầu 13 với một tốc độ thật nhanh.

May mắn là tôi nhớ đã coi trong TiVi về trường hợp này nên tôi vội dùng tay nhấn vào mọi nút nhấn của tất cả mọi tầng lầu. Và thang máy đã ngừng ở lầu 5.

Nếu thang máy bị hư và rơi xuống, có thể bạn nghĩ là mình chỉ có "chờ chết" mà thôi. Tuy nhiên nếu ta bình tĩnh và biết áp dụng một số lời khuyên sau đây thì tình thế sẽ khác hẳn.

1-Trước hết hãy nhanh chóng nhấn mọi nút nhấn trong thang máy. Khi bộ cung cấp điện khẩn cấp được kích động thì thang máy sẽ không rơi thêm nữa.
2-Sau đó hãy nắm chặt thanh nắm (handle) nếu có. Việc này làm bạn giữ được vị trí đứng của mình và không bị ngã hay bị va chạm vào thang máy khi mất thăng bằng.
3-Thứ ba là dựa lưng và đầu vào tường thang máy, tạo thành một đường thẳng đứng. Tựa vào tường để bảo vệ lưng/cột sống.
4-Thứ tư hãy cong đầu gối lại để tạo thế uyển chuyển, giảm thiểu sự chấn động mạnh có thể làm gãy xương chân trầm trọng khi bị va chạm.

Hãy chia sẻ lời khuyên này cho mọi người cùng biết, bạn nhé!

Posted by: Nhut Dinh

-----===o0o===-----


HCD: 
MTC đã bắt con vịt nầy hồi năm 2011, tính tới giờ đã 13 năm rồi. Con vịt không biết là thang máy không rơi tự do từ năm 1853 (từ hơn một trăm sáu mươi năm, tính tới hôm nay) 

Thưa các bạn, ngày nay chuyện các bạn đi thang máy mà bị rơi rất khó gặp, y như bị một viên đá vẫn thạch rớt trúng đầu. Chuyện đi trong vườn dừa bị trái dừa rớt trúng đầu còn dễ gặp hơn.
Mời các bạn nghe chuyên gia về thang máy nói, nhất là một vị kỹ sư Việt Nam anh Đỗ Hùng bàn: 

Câu chuyện thang máy rơi tự do là con vịt cồ do Tây tung ra rồi Việt Nam ta lấy đó mà xào nấu thêm thắt.
Dưới đây là lời nói của chuyên viên an toàn thang máy. Xin các bạn lưu ý cho rằng những điều các chuyên viên nói dưới đây chỉ đúng cho thang máy khắp thế giới mà thôi, thang máy trong nước theo tiêu chuần riêng nên có khi nó rơi như hòn đá chăng, tôi không biết.

Thưa ở các nước tây phương người ta ưa kiện nhau lắm, do vậy khi chế tạo ra món gì thì hãng chế tạo phải nhìn vào sự an toàn cho người xài là ưu tiên số một. Có thể không phải vì coi mạng con người là lớn, mà vì gây ra tai nạn hay làm chết người thì sẽ bị kiện có khi đền bù cho nạn nhân đến độ sập tiệm luôn.

Xe cộ máy móc, thực phẩm, thuốc men, đồ xài trong nhà, đồ chơi trẻ con… khi mà hãng sản xuất xét thấy có khuyết điểm là tự ý thu hồi ngay không cần ai nhắc hết. Thực phẩm thu hồi về tiêu huỷ đi còn rẽ hơn là khi người ta mua vể ăn bị hại đâm đơn kiện, lúc đó tốn hơn bội phần.

Thang máy là thứ dễ gây chết người khi trục trặc, do vậy nhà chế tạo phải làm sao đạt cho được hai chữ “fool proof” hay “fail safe”.

Trong thời đại điện tử ngày nay gần như thang máy không thể nào rơi tự do được hết. Mấy cái giàn đội nâng xe hơi trong các garage sửa xe nếu trục trặc thì chỉ có chiếc xe bị hư hay chết người thợ máy, vậy mà các bạn có thấy tin tai nạn do các giàn nâng xe nầy rơi tự do thường không. Còn thang máy rơi thì có khi chết nhiều người, có hãng thông tấn nào truyền đi tin thang máy rơi tự do vì vịt cồ cắn đứt dây cable không?

-----===o0o===-----

From: Henry Doe [mailto:tokyochiba51]
Sent: Sunday, December 25, 2011 6:35 PM
To: hungngoc2006 @ xyx. com..............

Thang Máy Có Thể Nào Rơi Khi Bị Đứt Cable?

Không thể nào có chuyện này, vì nó đa có 2 hệ thống hãm thắng cực mạnh, để cho nó bám chặt vào 2 đuờng ray 2 bên ngay sau khi giây cable bị đứt hoặc bị cúp điện bất chợt.

Hệ thống này nó muợn của hệ thống thắng xe lửa : Khi xe lửa đang lên dốc, mà rủi chuỗi các toa sau bị tuột móc nối với chuỗi phía truớc, thì nó cung không thể nào chạy xuống dốc đuợc vì hệ thống thắng bằng áp khí sẽ giữ chúng lại ngay sau đó.

Từ cuối thế kỷ 19, 1 Kỹ Sư nguời Anh đa yêu cầu mỗi toa phải có một bình khí nén riêng, để khi nó nhận đuợc tín hiệu khẩn cấp, thì nó bơm hơi vào các gọng kìm tại mỗi bánh xe mà kẹp nó lại. 
Tức là: khi sắp sửa cho tầu hỏa đi, tài xế phải bẻ khóa cho bình hoi chính, bơm hơi đến khắp mọi toa, thì gọng thắng mới há miệng ra.

Riêng tại thang máy có tới 2 hệ thống an toàn:

1- Hệ thống hơi như trên

2- Hệ thống điện : hễ có điện, thì cac kìm thắng há miệng ra, nếu không có điện, chúng ngậm lại kẹp chặt vào 2 đuờng ray.

Dù cho có 2 hệ thống trên, vậy mà ở duới đáy mỗi thang máy còn có 1 cái gối làm bằng 1 nhôm xốp to bằng cái bàn, để hấp thu cú rơi thang máy từ tầng cao nhất.

Đỗ Hùng(1 Kỹ Sư về hưu)

HCD: Cám ơn Kỹ sư Đỗ Hùng

-----===o0o===-----

Và đây là bài của webpage chuyên môn: 


Huỳnh Chiêu Đẳng tóm tắt bản tin:

Thang máy có “thắng điện từ” giữ cho nó dừng lại. Các nam châm điện bình thường giữ cho cái thắng ở vị trí mở, thắng sẽ tự động kẹp lại nếu thang máy mất điện.

Thang máy cũng có hệ thống thắng tự động ở gần đỉnh và đáy thang máy. Nếu thang máy di chuyển quá xa theo một trong hai hướng, thắng sẽ khiến nó dừng lại.

Nếu các bộ phận an toàn vừa kể vẫn thất bại, và thang máy rơi xuống, có một biện pháp an toàn cuối cùng có thể sẽ cứu hành khách. Đáy trục có hệ thống giảm xóc hạng nặng - thường là một piston được gắn trong một xi lanh chứa đầy dầu. Bộ giảm xóc hoạt động như một tấm đệm khổng lồ để làm cho việc “hạ cánh” của thang máy êm hơn.

Kết luận: 

Thang máy ngày nay khó rớt được như hòn đá, nó có nhiều bộ phận giữ cho đừng rơi khi đứt giây, khi mất điện hay trục trặc vì bất cứ lý do nào, Các bạn chớ nghe con vịt già khuyên làm gí khi thang máy rớt nữa. Còn chuyện khuên bấm nút tùm lum là chuyện tưởng tượng của trẻ em không kết quả đâu.

-----===o0o===-----

Còn chuyện khuyên bấm mọi nút để thang máy không rớt thì sao?

HCD: 
Thưa không tác dụng chi hết, bấm tùm lum hay không bấm nút nào hết y chang nhau vì khi trục trặc thắng tự động giữ nó không rơi.

Bình thường mà bấm lung tung thì chuyện gì xảy ra:
( trích - >)

Pressing all the elevator buttons will result in the elevator stopping at every floor, which can slow down the elevator's operation and cause inconvenience for other users. The elevator is designed to efficiently move passengers between floors, so deliberately disrupting its normal function by pressing all the buttons is generally considered rude and inconsiderate behavior. It's best to only press the button for the floor you wish to go to, in order to allow the elevator to operate as intended. (< - hết trích)

Tạm dịch: 

Nhấn tất cả các nút thang máy sẽ dẫn đến việc thang máy dừng ở mọi tầng, điều này có thể làm chậm hoạt động của thang máy và gây bất tiện cho những người khác (đang chờ). Vì vậy cố tình “phá vỡ” chức năng bình thường của nó bằng cách nhấn tất cả các nút thường được coi là “hành vi thô lỗ” và thiếu cân nhắc. Tốt nhất là chỉ nhấn nút cho tầng bạn muốn đến, để cho phép thang máy hoạt động như dự định.

Huỳnh Chiêu Đẳng