Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

Giọt Buồn - Nhạc Sĩ Vũ Hoàng - Tiếng Hát Khánh Hà


Sáng Tác: Vũ Hoàng
Ca Sĩ: Khánh Hà
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Chiều Bolsa Nắng Ấm



Bốn mươi năm xưa
Chân đồi 230
Dưới mái hiên nhà trọ
Nhìn đôm đốm bay
Anh nói :
Ngày xưa ,anh dùng đôm đốm làm đèn
Em hỏi :
Anh nói thật sao ?
Nhìn hỏa châu rơi
Anh ước ao :
Ước chi đó là hoa đăng ngày cưới
Em cười

Sau đêm hôm đó
Anh và em
Mỗi người đi một hướng
Anh phải ra chiến trường
Em trở về thành phố
Rồi đi ngút ngàn khơi
Em ơi em đã đi rồi
Bỏ anh một mình ra ngẩn vào ngơ

Bốn mươi năm sau
Tình cờ
Đất khách gặp lại nhau
Chiều Bolsa nắng ấm
Bốn mắt ta nhìn nhau
Ngoại ơi Sao ngoại khóc
Bốn mắt không rời nhau
Nội ơi Coi chừng ngả

Bốn mươi năm qua
Đời mình nhiều phong ba
Gặp nhau nơi xứ lạ
Cảm thấy mình chưa già

Tháng 6/2007

Hoàng Long

Con Thiêu Thân Nhớ Vết Thương



Ai đem nắng rải trong sương,
Chia nhau nỗi nhớ, niềm thương mỏi mòn,
Khúc tình ca, lối cỏ hồng,
Lòng như cơn gió, mưa hồn rưng rưng.
Mùa thu sương nắng vấn vương
Con thiêu thân nhớ vết thương
Bởi vì
Trái tim nguyên thủy
(phải chi trái tim bằng đá)
hoài nghi nụ tình!
Bình thanh thứ nhất, lời khuyên
Lên non múc nước suối tiên bốn mùa

Sương mai - giọt lệ không mầu 
Mời anh, vườn mộng, mưa sao, đá quỳ.
Tỉnh giấc, bài ca biệt ly.
Thềm trăng, hạt cát u mê vết sầu.
Sương đêm độc dược, ví dầu
Ly cà phê giận, hồn mầu nắng quên.
Mười câu lục bát trên ngàn,
Lạnh đầy cơn gió, hoa tàn, bỗng dưng!
Nếu những con mắt trần gian
Giả vờ như đá ngàn năm bất cần,
Bên cửa sổ, chiều cuối tuần,
Chỉ còn có nhớ thương thềm trăng
Quên
tô son điểm phấn hương đêm.
Như loài ong:
nửa nhớ, quên đường mòn.

Mùi Quý Bồng
(viết bằng tựa đề những bài thơ trong hai thi tập
Trăng Mộng và Thơ Tình Sương Mai của Nữ Thi Sĩ Sương Mai)


Đời Tôi Là Những Bước Đi - Bước Đi Mẹ Dạy



Đời Tôi Là Những Bước Đi

Đời tôi là những bước đi
Đèo cao, dốc đứng, mệt nhoài tấm thân
Khi vui bước lẹ qua cầu
Khi buồn nặng bước đêm thâu mệt nhoài.

Sống trong ngày,-biết hôm nay
Nào ai đoán được ngày mai của mình
Thăng trầm một kiếp phù sinh
Sáng chiều gần gũi nhân tình éo le.

Đêm nằm nghe dế tỉ tê
Trách sao trí lực vụng về mà đau
Trông lên nhiều kẻ sang giàu
Nhìn xuống đau đớn nghẹn ngào phận ta.

Người ta áo gấm thêu hoa
Riêng tôi áo vải bà ba nhăn đùm
Xin ơn trên mách bảo dùm
Để tôi chuẩn bị bắt đầu… tập đi!

Dương hồng Thủy
03/06/2020
***
Bước Đi Mẹ Dạy

Vào đời Mẹ dạy tập đi
Bước chân chập chững kéo ghì cái thân
Cha dìu khi bước lên cầu
Đôi khi vấp ngã vết đau khóc nhoài

Đến khi khôn lớn ngày nay
Chân đi đã vững,đúng sai do mình
Vào đời hoà nhập nhân sinh
Đắng cay hiểu rõ đường tình éo le

Lặng buồn lòng xót tái tê
Giận mình bất lực...vỗ về niềm đau
Đừng nhìn danh vọng tiền giàu
Hãy nên thủ phận ngó vào số ta

Mặc ai áo gấm vẽ hoa
Dù mình áo rách bà ba vá đùm
Cũng đừng mặc cảm thương dùm
Đường ngay nẻo thẳng ngẩn đầu mà đi

songquang
20200612

4000 Năm Văn Hiến


Từ ngày bước vào ngưỡng cửa trung học, chúng ta ai cũng được học về lịch sử cội nguồn dân tộc, với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, sinh trăm người con, sau đó 50 người con theo cha xuống biển và 50 người con theo mẹ lên núi. Theo truyền thuyết, chúng ta là dòng dõi con rồng cháu tiên và có một nền văn hiến lâu đời hơn 4000 năm. 

Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, nền văn hiến Việt Nam hơn 4000 năm được đánh dấu bắt đầu từ năm Nhâm Tuất, tức vào năm 2879 trước Tây Lịch (TL), năm Kinh Dương Vương lên ngôi nước Xích Quỷ. 

Trong khuôn khổ bài viết ngắn, chúng ta thử tìm hiểu thực hư như thế nào về mốc thời gian 2879 trước TL, là năm đầu của nền văn hiến đất nước. Đâu là những mâu thuẫn lịch sử và trong hoàn cảnh đất nước như thế nào, sử gia ta đã ghi chép ngày tháng về những nhân vật truyền thuyết, tổ tiên dân tộc Việt Nam.

Tài liệu về 4000 năm văn hiến

Sử gia nước ta ngày xưa phần lớn không có nhiều tài liệu để nghiên cứu. Đọc sách của người trước, thường ghi chép lại nguyên bản, đôi lúc sửa đổi vì áp lực của vua chúa hay đạo đức luân lý xã hội thời đó, nhưng thường không ghi chú thêm cho đầy đủ mọi góc cạnh sự kiện lịch sử. Như trong sách Lĩnh Nam Chích Quái ghi Âu Cơ là vợ của Đế Lai, nhưng sau này, khi Ngô Sĩ Liên viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã sửa lại Âu Cơ là con gái của Đế Lai. Do đó, nếu nguồn sử liệu không đúng, sai từ ban đầu, thì những cuốn sử sau, các sử gia vẫn tiếp tục ghi chép lại những sai lầm đó, may ra có ghi thêm vài cảm nghĩ của mình. 

Trong sách Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, do bộ giáo dục Trung Tâm Học Liệu xuất bản lần thứ nhất, năm 1971, cụ viết Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào năm 2879 trước TL, lấy Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua, xưng là Lạc Long Quân, lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, sinh một lần được một trăm người con. 

Cụ Trần Trọng Kim tiếp tục mắc cái lỗi ghi chép lại, không tra cứu thêm, khi chính cụ trong mục Đề Tựa cuốn sách, đã viết “những nhà chép sử đời trước cũng theo tục truyền mà chép lại chứ không có di tích gì mà khảo cứu cho đích xác. Tuy vậy, soạn giả cũng theo sử cũ mà chép lại....”.

Sách Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim về Kinh Dương Vương đã dựa theo cuốn sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên. Sử gia Ngô Sĩ Liên, đỗ tiến sĩ trong khoa thi đời vua Lê Thái Tông (1442), một học giả Nho gia thời Hậu Lê, được vua Lê Thánh Tông giao nhiệm vụ biên soạn quốc sử. Trong mục lục kỷ niên, chương Kỷ Hồng Bàng Thị cho phần Ngoại Kỷ của bộ sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sử gia Ngô Sĩ Liên đã ghi như sau:

“.....Trở lên là kỷ Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối đời vua Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57, tức năm Quý Mão (258 trước Công Nguyên) thì hết. Tất cả là 2622 năm (2879 – 258 trước TL)” .

Ngô Sĩ Liên đã không ghi “nguồn” sử liệu nào đã dùng để khẳng định Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ bắt đầu năm 2879 trước Tây lịch. 

Sau 1000 năm bị đô hộ, gần 300 năm độc lập sau đó, đất nước mới ra mắt bộ chính sử Đại Việt Sử Ký do Lê văn Hưu biên soạn lần đầu tiên, hoàn tất vào năm 1272 dưới đời vua Trần Thánh Tông. Sách Đại Việt Sử Ký ghi chép bắt đầu từ thời Triệu Đà nước Nam Việt cho đến Lý Chiêu Hoàng. Sách không có viết về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, cũng như về vua Hùng Vương.

Sau đó, một cuốn sử khác có tên là Việt Sử Lược của một tác giả khuyết danh, ra đời vào thế kỷ 14, cuối triều đại nhà Trần (khoảng từ 1377–1388 theo dịch giả Nguyễn Gia Tường, 1972). Đây là bộ sách sử đầu tiên ghi chép về vua Hùng Vương và nước Văn Lang, nhưng cũng tuyệt nhiên không có đề cập đến nhân vật Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân. 

Hai bộ sử nói trên, Đại Việt Sử Ký và Việt Sử Lược bị thất lạc khi nhà Minh xâm chiếm Đại Việt (1418 – 1427), nhưng sau này may mắn được tìm thấy trong kho lưu trử nhà Thanh và được vua Càn Long cho in khắc lại. 

Khoảng đầu thế kỷ 15, trong một cuốn sách tên là Lĩnh Nam Chích Quái, nhân vật Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, và truyền thuyết trăm trứng lần đầu tiên xuất hiện. Lĩnh Nam Chích Quái cũng có ghi chép những truyền thuyết khác như là truyện Phù Đổng Thiên Vương, Nhất Dạ Trạch, bánh chưng, dưa hấu, truyện núi Tản Viên, Sơn Tinh – Thủy Tinh v.v… Vì là tập truyện viết về những truyền thuyết có nhiều tính chất tưởng tượng hoang đường, Lĩnh Nam Chích Quái không được các vua và sử gia xem là chính sử của nước ta. Tương truyền Trần Thế Pháp, một danh sĩ cuối đời nhà Trần là tác giả sách Lĩnh Nam Chích Quái. 

Trích một đoạn viết về Lạc Long Quân và Âu Cơ trong Lĩnh Nam Chích Quái, để chúng ta thấy tính cách hoang đường của câu chuyện. 

“.....Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm sinh ra một bọc trứng cho là điềm không may nên đem bỏ ra ngoài đồng nội, hơn bảy ngày trong bọc nở ra trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, bà đem về nuôi nấng, không cho ăn cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng uy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường...”

Sách Lĩnh Nam Chích Quái không có ghi chép ngày tháng liên quan đến những nhân vật Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Đến thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), Ngô Sĩ Liên hoàn tất bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vào năm 1479. Khi viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sử gia Ngô Sĩ Liên không biết về hai bộ sử viết trước ông đó là Đại Việt Sử Ký và Việt Sử Lược vì đã bị giặc Minh mang về Tàu. Ngô Sĩ Liên chỉ có thể dựa vào Lĩnh Nam Chích Quái để viết thêm về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Như đã nói ở trên, vì Lĩnh Nam Chích Quái không có ghi ngày tháng, Ngô Sĩ Liên đã phải tự ý chọn năm 2879 trước TL, để đưa Kinh Dương Vương vào sách sử, đó là năm Kinh Dương Vương lên ngôi làm vua nước Xích Quỷ, mở màn cho nền văn hiến đất nước.

Kế đến, sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, bộ chính sử nhà Nguyễn do Quốc Sử quán triều Nguyễn soạn thảo (1856 – 1884), được đánh giá là bộ sử lớn thứ hai của đất nước sau Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đã có quan điểm về Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân như sau: “...danh xưng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân trong Hồng Bàng thị kỷ, vốn từ thời thượng cổ, thuộc thuở hồng hoang, tác giả căn cứ vào cái không và làm ra có, sợ rằng không đủ độ tin cậy...”. 

Vua Tự Đức, theo chuẩn tấu của các sử quan, đã nhận định đây là những “câu truyện đến ma trâu, thần rắn, hoang đường không có chuẩn tắc” và quyết định loại truyền thuyết Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân ra khỏi chính sử bằng cách đưa xuống phần phụ chú trong mục lục niên kỷ Hùng Vương, để “cho hợp với nghĩa lấy nghi truyền nghi”.

Giả thuyết về năm 2879 trước Tây lịch



Ngày xưa nhà làm sử cũng là người làm quan, vua sai coi việc viết sử, cho nên việc ghi chép sử sách không được tự do thường phải theo ý vua. Hơn nữa, cách ghi chép sự kiện lịch sử thường theo lối biên niên của Tàu, nghĩa là năm tháng nào có chuyện gì quan trọng thì nhà làm sử chép vào sách. Chép vắn tắt chứ thường không giải thích cái gốc ngọn và sự tương quan, liên hệ việc này với việc kia như thế nào. Nhà viết sử Ngô Sĩ Liên, ghi năm 2879 trước TL, năm Kinh Dương Vương lên làm vua nước Xích Quỷ quá vắn tắt, không một lời giải thích, để lại cho hậu thế một “bí ẩn” lịch sử về 18 đời vua Hùng Vương kéo dài 2622 năm (2879 – 258 trước TL), rồi từ đó, con cháu đều tự hào đất nước Việt Nam với 4000 năm văn hiến. 

Ngô Sĩ Liên hoàn tất bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vào hậu bán thế kỷ 15 dưới đời vua Lê Thánh Tông, một minh quân của nhà Hậu Lê. Sau 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, Lê Lợi dành lại độc lập cho Đại Việt lên ngôi lập nhà Hậu Lệ, tức vua Lê Thái Tổ, mở đầu thời kỳ cực thịnh cho đất nước. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, Đại Việt phát triển mọi mặt, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quân sự. Thời kỳ này được gọi là Hồng Đức Thịnh Thế. 

Để có một vị trí văn minh ngang hàng với người Tàu (nhà Minh lúc này bắt đầu yếu thế và đã dời kinh thành từ Nam Kinh trở về lại Bắc Kinh, xa Thăng Long), có thể do mặc cảm tự tôn sau khi đại thắng quân Minh, và cũng vì tự ái dân tộc, Ngô Sĩ Liên có lẽ đã vâng mệnh vua Lê Thánh Tông, định năm 2879 trước TL là năm Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỹ, có bờ cõi mênh mông từ Động Đình Hồ phía bắc cho đến giáp bể Nam Hải phía đông. Lại ghi Thần Nông là ông tổ của Lạc Long Quân, tức bà con xa gần với người Tàu. Theo Ngô Sĩ Liên, năm 2879 trước TL, năm đánh dấu hai anh em, Đế Nghi, là anh lên làm vua phương bắc và Kinh Dương Vương làm vua phương nam. 

Phải chăng, trong lúc đất nước thịnh vượng, vua Lê Thánh Tông muốn con dân Đại Việt hãnh diện có nền văn minh lâu đời không thua kém gì người Tàu ở phương bắc?

Như chúng ta thấy, năm 2879 trước TL chỉ là một mốc thời gian tự ý lựa chọn, không có căn cứ của Ngô Sĩ Liên theo mệnh lệnh vua Lê Thánh Tôn. Do đó, 4000 năm văn hiến của đất nước Việt Nam bắt đầu từ năm 2879 trước TL cũng là chuyện “hoang đường không có chuẩn tắc”, như vua Tự Đức đã nhận định và đã quyết định không cho vào chính sử.

Tuy nhiên, nếu Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân là chuyện hoang đường, không có thật, vậy thì 18 đời vua Hùng Vương có thật hay không, hay cũng là chuyện hoang đường?

Hùng Vương và Nước Văn Lang

Như đã đề cập ở trên, cuốn sách Việt Sử Lược ra đời vào thế kỷ 14 cuối triều đại nhà Trần bị thất lạc (nhà Minh mang về Tàu), có ghi chép về nước Văn Lang. Trong Quyển I của Việt Sử Lược viết “...đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682) trước TL ở bộ Gia Ninh (phần đất Mê Linh), có người lạ dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đống đô ở Văn Lang, đặc quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút. Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương ”. 

Theo sử sách, đời thứ 18 vua Hùng Vương của nước Văn Lang chấm dứt vào năm Giáp Thìn, tức là năm 257 trước TL, sau khi bị Thục Phán An Dương Vương xâm chiếm, rồi đổi quốc hiệu là Âu Lạc. 

Trong sách Việt Sử Lược, nước Văn Lang với 18 đời vua Hùng Vương trong thời gian là 400 năm, có vẻ hợp lý và thuyết phục hơn là sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, kéo dài tới 2622 năm. Hiện nay nhiều người vẫn tìm cách giải thích loanh quanh về 18 đời vua Hùng Vương trong thời gian dài 2622 năm. Cho rằng 18 đời vua thật ra là 18 chi (nhánh hay ngành), mỗi chi có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu. Tức là, mỗi chi trung bình trị vì khoảng 145 năm. Không thấy sử liệu nào của đất nước ghi chép về 18 chi thời vua Hùng Vương.

Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, lễ giỗ tổ Hùng Vương đều được tổ chức trọng thể, vì vua Hùng Vương và nước Văn Lang có ghi rõ trong sử sách. Tuy nhiên, trong nghi lễ giỗ tổ Hùng Vương, thường không nhắc đến Kinh Dương Vương cũng như Lạc Long Quân và Âu Cơ trong ngày lễ hội. Những nhân vật trên chỉ được nhắc nhở trên sách vở, trong phần huyền sử của đất nước. 

Phần Nhận Định và Kết 

Quả thật, khi đọc và nhận định một cách khách quan những sử liệu cổ, nhất là hai cuốn sách Lĩnh Nam Chính Quái và Đại Việt Sử Kỷ Toàn Thư, 4000 năm văn hiến của đất nước thật khó thuyết phục, nếu không muốn nói là hoang đường. Hơn trăm năm qua, người dân Việt Nam, già trẻ luôn luôn tự hào về đất nước với 4000 năm văn hiến, khi chính những vị quan viết sử, cũng như vua Tự Đức đều ghi nhận “căn cứ vào cái không và làm ra có”. Thật vậy, 4000 năm văn hiến chỉ thuộc về phần huyền sử của đất nước, dựa trên những sự kiện chưa được xác nhận, kiểm chứng bởi các sử gia, những nhà khảo cổ của đất nước và của những nhà nghiên cứu lịch sử trên thế giới. 

Nếu căn cứ vào sách Việt Sử Lược, triều đại Hùng Vương bắt đầu từ thế kỷ thứ 7 trước TL cho đến ngày nay, chúng ta chỉ có hơn 2500 năm văn hiến. Còn nếu loại bỏ 1000 năm bị đô hộ, thì số năm văn hiến nước ta chưa tới 1500 năm.

Giáo sư Liam C. Kelley, nhà sử gia chuyên về lịch sử cổ đại Á Châu và Việt Nam đã nhận xét như sau “dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc, những truyền thuyết được sáng tạo đã và đang trở thành những sự thực khó thay đổi”. 

Trong tinh thần tôn trọng lịch sử, khi chúng ta viết hay nói chuyện trước quần chúng về 4000 năm văn hiến, đừng quên rằng 4000 năm văn hiến thuộc phần huyền sử của đất nước. Đề cập đến 4000 văn hiến trong tinh thần đã được vua Tự Đức viết “cho hợp với nghĩa lấy nghi truyền nghi”.

Trần Phước Đạt
Tháng 6 2020, Florida
-------------------------------------
Tài Liệu Tham Khảo

Việt Sử Lược cũng có tên là Đại Việt Sử Lược của một tác giả khuyết danh, ra đời vào khoảng thời nhà Trần (theo dịch giả Nguyễn Gia Tường, 1972. Bộ sử này và Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu bị thất lạc khi nhà Minh xâm chiếm nước ta, nhưng sau này được tìm thấy trong kho lưu trử nhà Thanh và đã được vua Càn Long cho in khắc lại. 

Lĩnh Nam Chích Quái (những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam) là tập truyện ghi chép lại những truyền thuyết và cổ tích nước Văn Lang bắt đầu từ chuyện Kinh Dương Vương, đến Lạc Long Quân và Âu Cơ, tiếp đó là truyện Phù Đổng Thiên Vương, Nhất Dạ Trạch, bánh chưng, dưa hấu, truyện núi Tản Viên: Sơn Tinh – Thủy Tinh”. 

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên ra đời sau Việt Sử Lược và Lĩnh Nam Chích Quái. làm vua nước Xích Quỷ?

Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục là bộ chính sử nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thảo (1856 – 1884)

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Hoa Biển - Trần Thiện Thanh & Anh Thy - Tiếng Hát Pham Cao Tùng



Nhạc Sĩ: Trần Thiện Thanh & Anh Thy 
Tiếng Hát: Phm Cao Tùng

Tiếng Đêm Mưa


Lặng ngồi trong bóng đêm
Nghe tiếng mưa bên thềm
Gió rít như hờn dỗi
Khiến lòng khó dịu êm
Im lìm căn gác nhỏ
Luyến tiếc đôi môi mềm
Vương vấn lòng như mãi
Thêm


Quên Đi

Trời Bắt Ta Nhớ Mãi



Nhớ mãi những năm xưa
Sóng xô về tim héo
Trời ngả mầu sương rơi
Tóc buông lời êm ái
Ta bay bay theo gió
Níu vài hạt sương rơi
Rồi nhủ mãi mây trời
Nhớ và quên cũng tội
Một mình ta chơi vơi

Chân Diện Mục

Sợi Nhớ



Em đi rồi, anh dật dờ rêu mốc
Thơ vẫn làm, biết ai đọc nữa đây!
Chẳng thiết tha, mặc kệ ngày tiếp ngày
Nơi phương đó, tựa vai ai em khóc ?

Trời xám ngắt, tưởng như màu tang tóc
Rét cô phòng, bốc lạnh thấu tâm cang
Nhớ lây lan, đan quấn quít nhẹ nhàng
Càng rên rỉ, sợi nhớ càng bủa chặt

Bạn đã từng bị nhớ nhung vằn vặt
Đêm lẫn ngày, trói quyển quặc lặng câm
Nhớ giăng tơ, đau ray rức âm thầm
Lúc cào cấu, khi dập bầm mơn trớn

Nàng nhớ ơi, van em đừng đùa giỡn
Chớ dày dò, bởn cợt tôi từng đêm
Mượn men cay, mình ru giấc mộng êm
Ngày xưa cũ, êm đềm như huyền thoại
Kỷ niệm đó, chỉ quay về mỗi tối
Rượu mềm môi, tôi đối bóng tự tình
Thân héo gầy, tưởng như được hồi sinh
Mộng vụt biến, khi bình minh hiện hữu

Trúc Lan KTP 
06/20

"Bên Đời Hiu Quạnh" Cảm



Bài Xướng:

"Bên Đời Hiu Quạnh" Cảm

Một bận chợt nghe quê quán xưa
Rồi phen khăn gói, gót xa nhà
Giọng người níu gọi nhu mì quá
Hồn dạ lê đi thắt quặn là…
Tưởng thật bình yên, đâu gợn vướng
Mà sao buồn bã, mãi theo và…
Giật mình ngơ tỉnh ta ngồi hát…
Lại xót thương mình khóe lệ sa…

Cao Bồi Già
05-06-2020
***
Các Bài Họa:

Lỗi Hẹn Cùng Bảo Lộc

Ta hẹn trở về thăm chốn xưa
Một nơi yêu dấu tựa quê nhà
Tình đầu êm đẹp dường như chẳng...
Hạnh phúc miên man cứ ngỡ là...
Chinh chiến từng ngày lo sợ mãi
Mưu sinh mỗi lúc nghĩ suy và
Cuối đời chưa trọn điều mong ước
Bảo Lộc đồi trà sương vẫn sa?

Sông Thu
( 06/06/2020 )
***
Tình Quê

Gợi nhớ...nỗi lòng quặn thắt xưa
Một hôm cất bước,bỏ quê nhà
Bình yên,ngoại cảnh chưa thay lắm
Quạnh vắng tâm tư đã cảm là...
Tiếng nhạc vang âm,thôi thúc nhớ
Câu ca dẫn lối trở về và...
Hồn thơ vẫn biếc phương trời lạ
Thức giấc, long lanh...giọt nắng sa

Thanh Hoà
***
Nhạc Lòng Nhớ Lại

Nào ngờ nghe lại nhạc năm xưa
Ray rứt hồn ta chạnh nhớ nhà
Réo rắc cung đàn xao xuyến quá
Nhẹ êm tiếng hát luyến lưu là....
Đi vào thế giới mơ huyền mãi....
Lạc lối trần gian ảo mộng và....
Bất chợt lòng mình ngơ ngát lạ
Thương đời lận đận hạt châu sa

songquang
***
Giai Điệu

Ký ức tuổi thơ ,con phố xưa
Bềnh bồng chao đảo kẻ không nhà
Nhớ nhung kỷ niệm êm đềm ấy
Luyến tiếc mùi hương ấm áp là
Mắt biếc mơ màng chăn gối vướng
Môi thơm âu yếm dặm trường và
Vẳng nghe giai điệu trong bài hát
Nức nở ,u hoài nước mắt sa!

Phượng Hồng
***
Đêm Buồn

Trằn trọc đêm dài, nhớ chuyện xưa.
Chập chờn mộng mị trở thăm nhà.
Cuộc đời ngắn ngủi chừng như đã...
Kiếp sống mong manh mới thật là...
Khắc khoải tuổi vàng chua xót, cũng...
U hoài vận nước mến thương, và...
Đêm buồn tỉnh giấc màn song vén
Bàng bạc hiên ngoài bóng nguyệt sa!

MaiLoc
***

Khi Nào Về

Đêm vắng ai đàn khúc nhạc xưa
Khiến ta ray rức nhớ quê là …
Bao năm tá túc phương trời lạ
Mấy lúc nguôi ngoai xứ sở nhà
Giấc ngủ chập chờn khơi nhớ mãi
Cơn mê lãng đãng gợi thương và
Bỗng dưng tỉnh dậy hồn ngơ ngác
Lặng lẽ quanh mình nước mắt sa …

Thiên Lý
***
Lưới Nhện Sa 

Hiu quạnh bần thần ngẫm chuyện xưa
Thôn trang, đường phố, những ngôi nhà
Cây cầu xóm dưới dường như đã ...
Cô gái làng bên ngỡ sẽ là ...
Rồi bỗng đâu ngờ cơ cực cứ ...
Đã dần đưa đến biệt ly và ...
Nếu đừng, mà thế thì sao phải
Lặng lẽ bây giờ lưới nhện sa.

Trần Như Tùng
***

Xa Xứ

Từ ngày xa xứ nhớ quê xưa,
Lối xóm bà con ở nước nhà.
Thân thích vui buồn lo phụ giúp,
Gia đình hiếu đễ chẳng lơ là.
Người dưng nước lã vô tình quá,
Đất khách tha phương lạnh lẽo và...
Hiu quạnh bên đời sao chán nản,
Hướng về cố quốc lệ thầm sa.

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc.
June 6/2020.
***
Nỗi Nhớ Ngậm Ngùi

Một mình ngơ ngác giữa đường xưa
Có phải rằng ta đã đến nhà ?
Trước ngõ...lá bàng rơi lả tả
Sau hè...khóm trúc rũ la đà
Cha già chống gậy mừng vui lắm
Chó mực cong đuôi hớn hở và...
Tỉnh giấc ngậm ngùi trong ngấn lệ
Hiên đời đẫm ướt giọt mưa sa !

Thy lệ Trang
***
Chỉ Là Mơ

Tâm hồn thả nhớ chuyện ngày xưa
Hạ ghé chuyền mơ trở lại nhà
Tới bến Sông Hương ngồi thích đã 
Về khu Bến Ngự bước mê là
Con đường Phượng Vỹ êm đềm lắm
Cửa chợ Đông Ba nhộn nhịp và
Bạn cũ mừng nhau vào quán nước
Ôi kìa ...tỉnh mộng lệ thầm sa

Minh Thuý
Tháng 6/7/2020
***
Chắc Có Vẻ Gì

Bỗng dưng lại nhớ chuyện ngày xưa
Thủa đến thăm anh, thấy vắng nhà
Chắc có vẻ gì, xa cách lắm ...
Hay không chi cả, tưởng như là...
Bữa cơm hôm đó, ăn hơi vội...
Buổi hẹn chiều nay, bước lỡ và...
Thôi cứ an tâm về phố đợi
Năm cùng tháng tận gạt buồn sa ...

Hawthorne 19 - 6 - 2020
Cao Mỵ Nhân

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

Huế Buồn Chi - Thơ Hoàng Xuân Sơn - Nhạc Phạm Anh Dũng - Hòa Âm: Quốc Dũng


Nhạc: Phạm Anh Dũng
Hòa Âm: Quốc Dũng 

Tiếng Hát: Vân Khánh
Video: Nguyễn Nam Sơn


Vàng Thu Huế


(Cảm tác từ ảnh)

Vàng thu Huế giăng mưa thơ mộng
Ướt áo O vọng động lòng ai
Răng gió đi để lại nơi này
Sợi dài ngắn căng da nỗi nhớ

Này O nhé nếu ai có lỡ
Van xin trời mưa mãi đừng ngưng
Ai hoá mưa ôm nhẹ vòng lưng
Mặt O bỗng đỏ hừng hương lửa

Vàng thu Huế gặp O một bữa
Suốt hành trình nghiêng ngửa hồn ai
Răng O đi lòng chừ ngoảnh lại
Để giọt tình vụng dại mưa thu

Kim Oanh

Hỏi Em


(Trường thiên Tứ Tuyệt)

Em có đạp xe đường Vỹ Dạ
Sầu Đông rụng bám nhẹ vai gầy
Mây chiều bảng lảng mờ sương khói
Gọi nắng phai tàn bóng cỏ cây

Em có đạp xe qua Bảo Quốc
Nghe chuông Chùa vọng cõi hư không
Lòng an dạ ổn tan niềm tục
Cực lạc phương tây ánh sắc hồng

Em có đạp xe ngang bến nước
Giòng Hương Giang sóng lặng hiền hoà
Trường Tiền gió lộng buông lơi tóc
Áo lụa phơi màu trắng nhẹ qua

Em có đạp xe vô Đại Nội
Nhìn Sen nở rộ đẹp bên hồ
Thành xưa phủ kín màu rêu úa
Phượng đỏ lưng trời Hạ thắm tô

Em chở ngàn hoa tìm lối mộng
Mưa Thu nắng Hạ tím con đường
Đôi điều muốn hỏi thầm nơi Huế
Gởi ánh mắt buồn vọng cố hương 

Minh Thúy
6/14/2019

Hoa Và Người


Hoa đẹp hay người đẹp
Ta biết rồi từ lâu
Nhưng lặng im không nói
Vì chẳng muốn ai sầu

Hồ Tịnh Tâm Thành Nội
Hương hạ ướp không gian
Còn âm thầm nhớ mãi
Một mùa xưa bên Nàng

Sen nở đóa tinh khiết
Em dịu dàng thân quen
Hoa, người cùng thắm thiết
Môi hồng như cánh sen

Muôn ngàn lời hối lỗi
Từ dạo kẻ đi xa
Như sông Hương núi Ngự
Còn thấm đẫm hồn ta

Tiếng hò dâng vời vợi
Hoa ngát hương còn lưa
Giọng nói vui chim hót
Ôi hoa, người năm xưa!

Locphuc

Mưa Xứ Huế!


Mưa dầm dề buồn ơi xứ Huế!
Đến một lần bén rễ không hay.
Trường Tiền áo trắng mưa bay
Bờ vai tóc mượt xoả dài thướt tha.

Bước lần theo Đông Ba, Gia Hội
Phút ban đầu bối rối làm quen.
Vui mừng được biết tên em
Loài hoa ta thích chữ M mỹ miều.

Trời mưa Huế bỗng yêu từ đấy
Mưa càng dài đẹp thấy trong ta.
Mô-tê-răng-rứa ôi cha!
Líu lo nằng nặng như là tiếng ru.

Cầu Bạch Hổ âm u trầm lắng
Chùa Linh Mụ văng vẳng chuông ngân
Hương Giang sóng nước mơ màng
Bao nhiêu thổn thức một lần bên ai.

Gặp một lần chia tay khổ sở
Lòng âm thầm như ngỡ mối duyên.
Nhìn theo lặng lẽ bước tiên
Đường về xa lắc mắt huyền khó quên!

MaiLoc
6-15-2020

Đi Tìm Cuốn Sách Dịch Đã Mất Hay Thế Sự Thăng Trầm Quân Mạc Vấn (VI) -(Phần 2)


Máy bay còn đang lượn vòng chờ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, từ ghế ngồi dòm xuống tôi đã bị choáng ngợp trước bộ mặt thay đổi của thành phố Sài Gòn với những tòa cao tầng mọc lên như nấm cùng với một vài cây cầu kiến trúc hiện đại dẫn vào thành phố. Rồi tới khi ngồi trên chiếc tắc xi " uber " đưa tôi về khách sạn quang cảnh phố phường cùng với nhịp độ sinh hoạt ở đây càng khiến tôi thêm bị "ấn tượng"  (4). Nhiều tòa nhà lầu đồ sộ, kiến trúc hiện đại lần lượt thay thế ngạo nghễ bên cạnh những căn nhà cũ chật hẹp tường vàng ố trước đây, khiến nhiều con phố vốn rất quen thuộc với tôi, nhiều lúc nay không còn nhận ra. Đường phố cũng nhộn nhịp tấp nập hơn với đủ loại xe lưu thông nhiều khi vô kỷ luật, vô trật tự khiến tình trạng bị tắt nghẹn hầu như cơm bữa. Không chỉ có xe cộ, khách bộ hành cũng vậy. Trên những con đường nườm nượp đủ loại xe qua lại, tôi được chứng kiến cảnh một vài khách bộ hành thoải mái băng qua đường rất là vô tư, bất chấp những tiếng còi bóp inh ỏi, làm như họ đã thuộc nằm lòng cái luật giao thông ở đây: " Xe có bổn phận tránh người, chứ người không việc gì phải tìm cách né xe ". Cảnh tượng hi hữu hầu như độc nhất vô nhị ấy đã khiến một vài du khách vội lôi smartphone ra thu hình, chắc là để lưu niệm. 

Tuy nhiên bên cạnh cảnh tượng thân thương mang dấu ấn cây nhà lá vườn ấy, không thể phủ nhận là Việt Nam nay đã có khuôn mặt của một đất nước trên đà phát triển và hiện đại hóa. Đường phố khá sạch sẽ, không đến nỗi bụi bậm và ô nhiễm như tôi tưởng. Nơi tôi tạm nghỉ là một khách sạn ngay bên hông chợ Bến Thành. Nơi đây nay đã trở thành khu " Tây ba lô " mới nên tôi thường gặp đủ loại du khách nước ngoài. Còn khu Bùi Viện hay " Tây ba lô " cũ giờ hầu như đã trở thành một thứ chợ " Sex ", nhất là về đêm, dành cho khách lạ bốn phương muốn biết mùi vị hương xa của lạ Việt Nam, tương tự xóm Pigalle của Paris trước đây. Còn lại, những nơi khác trong thành phố tôi đặt chân tới, đều là những cửa hàng trưng bày khá mỹ thuật, bằng không hầu hết đều là nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê, hay quán nhạc karaoké. 
Về phần khu " Tây ba lô " mới nơi tôi tạm trú, khách sạn và chi cuộc du lịch mọc lên nhan nhản. Một vài nơi tôi ghé lại tham khảo đều được nhân viên tiếp đón nhã nhặn, hướng dẫn tận tình. Vào thăm Chợ Bến Thành, tôi nhận thấy các quày hàng bày biện tươm tất; đặc biệt là khu dành cho trái cây, ở bên trong cũng như bên ngoài chợ, các loại trái cây được sắp xếp ngay hàng thẳng lối, thứ nào ra thứ nấy nom rất mỹ thuật bắt mắt. Giá cả tương đối ổn định, không quá nói thách bắt khách mua hàng phải mất công trả giá như trước đây. Cũng tại những nơi này tôi ít gặp hành khất và cũng chưa là nạn nhân của một vụ trộm cắp hay cướp giật như lần đầu về, khi Việt Nam mới bước sang giai đoạn mở cửa. Điều này không có nghĩa là các tệ nạn này không có ở Việt Nam. Nạn móc túi hay cướp giật ở đâu mà chẳng có. Ngay tại Paris, kinh đô của ánh sáng, cũng xảy ra vô số những vụ cướp giật, móc túi, đặc biệt là các hầm métro, các nơi tập trung du khách như Tháp Eiffel, đại lộ Champs Elysée khiến giới hữu trách phải có lời cảnh báo du khách nên thận trọng mỗi khi lai vãng các khu vực này. Tuy nhiên, tôi có cảm giác là tệ nạn xã hội kể trên, ít ra theo cảm nhận của riêng tôi, tại Việt Nam có phần đã giảm đi nhiều. Tôi cho rằng tình trạng cải thiện này là do người dân đã ý thức được rằng mọi phong cách sử xự lịch thiệp, đúng đắn với du khách là để phục vụ cho quyền lợi của chính họ. Càng giở trò chặt chém, lường gạt bao nhiêu, họ càng làm cạn đi nguồn tài nguyên ngoại nhập bấy nhiêu. Tóm lại, về mặt phát triển và hiện đại hóa, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Mức sống người dân trong nước, nói chung, cho thấy có dấu hiệu được nâng cao và cải thiện. Tuy nhiên, niềm lạc quan phấn khởi của tôi trước một hình ảnh tốt đẹp ấy về Việt Nam đã giảm dần để trở thành phần nào quan ngại khi đi sâu vào tìm hiểu về đời sống tinh thần và tâm linh của xã hội Việt. 

Cũng như bao người Việt khác sống xa quê hương, và dù nay được mang nhãn hiệu Việt Kiều, tôi không vì thế mà để mất căn cước tính Việt Nam (identité vietnamienne) của mình. Trái lại là đằng khác. Càng sống xa quê hương bao nhiêu, tôi càng luyến nhớ những hình ảnh thân quen của thời thơ ấu cũ : lũy tre xanh đùm bọc thôn xã, cây đa với mái chùa cổ đầu làng, con trâu hiền lành nhai cỏ bên bác nông phu mơ màng say khói thuốc, quán tranh nghèo với cô hàng môi đỏ màu trầu đon đả mời chào khách qua sông... Đó là những hình ảnh tiêu biểu cho một nếp sống bình dị mộc mạc của một đất nước còn chưa phát triển, nhưng không hề lạc hậu vì vẫn duy trì được một truyền thống văn hóa cao đẹp. Tiếc thay những hình ảnh đẹp đẽ đó, cũng như truyền thống văn hóa cao đẹp đó đang ngày thêm xóa mờ.
Nay ai có trở về thăm Việt Nam, chắc khó tìm ra được một lũy tre xanh tại những vùng quanh các đô thị lớn. Ngay cả ngôi chùa cổ với vị sư già hiền từ trong tấm áo nâu sòng bạc màu cũng khó lòng tìm lại. Thay vào đó là những đền đài sơn son thiếp vàng với những bậc " cẳng tu " (xin được dùng chữ nôm thay hai chữ " chân tu " lai Hán), ăn mặc lòe loẹt như diễn viên phường chèo, mỗi tuần chay lại tổ chức đại nhạc hội " karaoké " lên bục cầm micro hát " Ai cho tôi tình yêu " gọi là để làm công tác xã hội gây chùa. Không chỉ có vậy, các bậc " cẳng tu " ấy còn dụng ý biến các ngôi chùa hoành tráng mới dựng lên thành một môi trường kinh doanh. Lợi dụng lòng tín ngưỡng của khách thập phương, họ đã làm sống lại những hủ tục dị đoan đã một thời bị xóa bỏ như tục đốt vàng mã, lễ cầu siêu, lễ cầu an, lễ giải hạn v.v...(Coi bài của Trần Văn trên Đài VOA ngày 13-2-2019). 
Lẽ dĩ nhiên những buổi lễ cúng kiến linh đình ấy chỉ dành cho những thành phần có máu mặt, nhiều tiền của. Càng bỏ tiền cúng dường để phô trương sự giàu sang, quyền thế của mình bao nhiêu, họ càng được trọng đãi bấy nhiêu. Còn đám dân nghèo làm ăn chân chỉnh, đến chùa vào những dịp lễ hay ngày rằm, để mong được sống với niềm tin tôn giáo, khó mà mon men tới được các chốn ấy, nếu không muốn nói là bị gạt ra bên lề. Về mặt tâm linh tín ngưỡng còn bị sa đọa như vậy, thế còn đời sống tinh thần đặc biệt về mặt sinh hoạt văn học, nghệ thuật thì sao ? Càng đào sâu tìm hiểu, tôi càng có cảm giác trong nỗ lực đổi mới để phát triển và tiến bộ, Việt Nam hay đúng ra là một giai tầng xã hội, đang đua đòi chạy theo nếp sống xa hoa của xã hội tiêu thụ để bị đồng hóa, thậm chí đôi khi còn là tha hóa hơn là hội nhập một thế giới thực sự văn minh tiến bộ. 

Hội nhập là khi ta biết thủ đắc cái hay cái đẹp, cái tinh hoa nơi người, biết cách tiêu hóa những thứ đó làm cho cái tinh hoa nơi ta được phát huy, ngày một thêm phong phú, nhưng không vì thế mà làm mất đi cái bản ngã của ta. Trong truyền thống sinh hoạt văn hóa, nhân dân ta đã hai lần chứng tỏ có một khả năng hội nhập cao. Thời kỳ đầu là " một ngàn năm đô hộ giặc Tàu ", tức là thời kỳ chịu nhiều ảnh hưởng Hán học. Thời kỳ này, chữ Nho được trọng dụng, nhưng không vì thế tiếng Việt bị lơ là để ngày thêm mai một. Trái lại là đằng khác. Dù chịu ảnh hưởng nhiều của Hán học, nhân dân ta đã khôn ngoan mượn một số từ ngữ Hán kết hợp với một số từ thuần Việt để làm giàu ngôn ngữ, giúp ta tăng cường khả năng chuyển đạt, diễn ý. Để chứng minh, tưởng chỉ cần nhắc đến Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du là đủ. Tuy phỏng theo một truyện cổ Trung Hoa và dựa trên nhiều điển tích Trung Hoa, nhưng tác phẩm lại được diễn tả với tâm hồn Việt Nam dựa trên thể lục bát dân gian cùng với hình ảnh và âm thanh luyến láy gợi cảm. Phải chăng vì vậy mà bất cứ bà mẹ quê nào cũng biết à ới ngân nga dăm ba câu thơ Kiều trong lúc đong đưa chiếc võng ru con ngủ. Và phải chăng cũng vì bản chất tâm hồn Việt Nam ấy nên Truyện Kiều mới được xếp vào hàng di sản văn hóa quốc gia. 

Nhưng để trình bày cho cụ thể, đề nghi chúng ta hãy khảo sát bốn câu thơ dưới đây mở đầu cho bài " Chiều hôm nhớ nhà " của Bà Huyện Thanh Quan nói lên nỗi nhớ nhà của một khách tha hương : 

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn 
Tiếng ốc xa đưa, vẳng trống đồn 
Gác mái ngư ông về viễn phố 
Gõ sừng mục tử lại cô thôn... 

Ngay câu mở đầu, chữ chiều đặt trước chữ trời, tôi cho là có dụng ý hẳn hoi. Ở vị thế đảo ngữ này, chữ chiều hẳn muốn nhắc nhở ta rằng chính khoảnh khắc thời gian (vào lúc chiều tàn) mới là tác nhân làm sống dậy nỗi buồn nhớ nhà nơi tác giả; chứ không phải khung cảnh trời đất của buổi chiều. Tiếp đến, hai chữ bảng lảng gợi cho ta một khung cảnh ánh sáng chập chờn huyền ảo khiến buổi chiều hôm càng khơi dậy nỗi buồn nhung nhớ. Vậy mà về sau, mỗi lần nhắc tới bài thơ, tôi đã vô tình đổi câu thơ thành: Trời chiều thoi thóp ánh hoàng hôn, và rồi quen thói, đinh ninh đó chính là câu thơ của tác giả. Sở dĩ tôi không hề mảy may thắc mắc vì thoi thóp ánh nghe mới hợp tai, hợp nhãn, hợp khẩu vị. Hợp khẩu vị, vì thoi thóp ánh là một hình tượng so sánh đẹp, rất đẹp nên được các tao nhân mặc khách thích vay mượn (cũng như một sô bình luân gia chính trị thích quanh quẩn với một số từ ngữ luận điệu cố hữu). Riết trở thành thói quen, khiến hình tượng mỗi lúc một trở thành sáo mòn ước lệ, để cuối cùng chỉ đem đến cho ta một thứ cảm xạ công thức. Bị sửa đổi như vậy, câu thơ của Bà Huyên Thanh Quan sẽ bị tước đoạt thi tính rất nhiều. Hình tượng thoi thóp ánh đẹp thì có đẹp, đậm nét có đậm nét, nhưng là kết quả của một hoạt động tư duy để mô tả bằng so sánh. Trái lại chỉ có bảng lảng bóng mới nói lên sự tiếp nhận trực tiếp của thị giác, mới gợi cho ta cái ấn tượng ánh sánh chập chờn lẩn khuất vào lúc hoàng hôn chạng vạng. Chính cái cảm giác hãy còn nhập nhòa thiên về gợi cảm hơn là mô tả, cái ấn tượng hãy còn lung linh mờ ảo mà ở đó " cái Mơ hồ được hòa nhập với cái Chính xác " (Où l'Indécis au Précis se joint) mới truyền đạt cho ta chất thơ, theo L'Art poétique của Verlaine. Nhưng cảnh chiều hôm không chỉ được họa bằng ánh sánh và màu sắc. Bức tranh toàn cảnh huyền ảo đó còn được bổ túc bằng thanh âm trong câu hai : Tiếng ốc xa đưa, vẳng trống đồn. Bình thường tiếng ốc (tù và), tiếng trống đều là những âm thanh chát chúa mỗi lần nổi lên. Nhưng nhờ vào các động từ xa đưa, vẳng chúng chỉ còn là những vang vọng xa xôi khiến ta liên tưởng tới một không gian mênh mông trống trải như muốn làm tăng thêm cảm giác cô đơn nơi lữ khách. 

Từ toàn cảnh thời gian, không gian trải rộng, ống kính sáp lại gần hơn trong câu ba và bốn để đưa ta trở về với cái không khí an lạc hài hòa của đời sống thôn dã. Gác mái (c.3), gõ sừng (c.4) là những nhóm từ chỉ động tác ; nhưng phần năm chữ còn lại của mỗi câu thơ lại gợi cho ta dáng đi thư thái an nhàn của ông lão đánh cá, cũng như hành động hồn nhiên của đứa bé chăn trâu. Thêm vào đó, cách phân bố cân xứng hài hòa từ lời, từ âm tới mạch điệu (2/5) cũng như hình ảnh, đã tạo cho bức tranh vẻ đẹp của của một cuộc sống an lạc hài hòa thôn dã khiến ta nao nao muốn được, như Proust, làm cuộc hành trình" đi tìm thời gian đã mất " (A la recherche du temps perdu). 

Bốn câu thơ trên đây, như chúng ta đều biết, là khổ đầu của bài thơ tuyệt tác theo thể thất ngôn bát cú Đường Thi. Đây là một thể thơ Trung Hoa kinh điển với niêm luật khắt khe, chỉ những bậc thi nhân tài hoa mới làm ra những bài thơ để đời. Sự thành công của bài Chiều hôm nhớ nhà cũng không thoát khỏi qui luật này. Xin được dẫn chứng bằng hai câu thơ dưới đây: 

(3) Gác mái,/ ngư ông về viễn phố 
(4) Gõ sừng,/ mục tử lại cô thôn) 

Có thể nói đây là hai câu thơ thuộc loại tuyệt tác nhất của Bà Huyện Thanh Quan. Tuyệt tác, trước hết bởi vì nó đáp ứng được các đòi hỏi khắt khe của niêm luật cổ thi về mặt đối xứng : nhịp đối nhịp (2/5) ; động tác đối động tác (Gác mái / gõ sừng), từ ngữ đối từ ngữ (ngư ông/ mục tử), hình tượng đối hình tượng (về viễn phố/lại cô thôn)... Tiếp đến là thành tựu của bài thơ về mặt niêm luật cổ thi như vậy không chỉ dành cho các cụ đồ sinh nho vừa ngâm nga vừa nhấp ngụm trà thưởng thức. Nó còn được lưu truyền và phổ biến rộng rãi trong dân gian do bài thơ là bức họa một khung cảnh thôn dã đậm đà bản sắc dân tộc với dáng đi thư thái an nhàn của ông lão đánh cá cũng như động tác hồn nhiên vô tư của đứa bé chăn trâu. Hình ảnh gợi lên quá bình dân gần gũi dến độ các từ ngữ Hán ngày một trở nên quen thuộc để cuối cùng được sử dụng như một thành phần ngôn ngữ Việt (viễn du, viễn khách, viễn xứ, viễn chinh...). Ta có thể nói bài thơ trên đây là thành tựu của sự hội nhập một nền văn hóa cao, nhưng không để bị đồng hóa. Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu đã vậy. Thế còn một trăm năm nô lệ giặc Tây thì sao ? 

Dù người Pháp đặt chân tới Việt Nam là nhằm mục đích xâm lược, nhưng nhân dân ta đã không bỏ lỡ cơ hội được tiếp xúc với nền văn hóa Tây phương để gia tăng nhận thức và mở rộng cảm quan thưởng ngoạn của mình. Khỏi cần nhắc tới Tự Lực Văn Đoàn, hẳn ai cũng biết cả rồi. Tôi chỉ xin trích dẫn vài câu thơ dưới đây trong bài Hổ nhớ rừng của Thế Lữ để có cơ sở kiểm chứng : 

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối 
Ta say mồi uống ánh trăng tan ?... 
................................................ 
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng 
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt, 
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật? 

Cũng là bài thơ nói lên nỗi niềm tiếc nhớ, nhưng bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan gợi lên cho ta một bức tranh êm đẹp hài hòa bao nhiêu, thi mấy câu thơ của Thế Lữ lại bày ra trước mắt ta một cảnh tượng man rợ, hung bạo bấy nhiêu. Không chỉ bằng từ ngữ (lênh láng máu sau rừng), mà còn bằng âm sắc và mạch điệu nữa. Thí dụ như câu: Ta đợi chết/ mảnh mặt tròi gay gắt. Câu thơ tám chữ, thì năm chữ lại thuộc âm trắc (đợi, chết, mảnh, mặt, gắt); hơn thế hai chữ chết và gắt lại được đặt ở vị trí nghỉ hay ngắt nhịp. Cách bố trí mạch điệu này càng làm dấy nơi ta cái cảm giác hung bạo mang bản chất dã thú man rợ. 

Hai bài thơ trên đây được sáng tác vào hai thời kỳ khác nhau với hai kỹ thuật diễn tả khác nhau cho thấy chịu ảnh hưởng hai nền văn hóa khác nhau. Nhưng cả hai đều là những bài thơ tuyệt tác. Điều này chứng tỏ nhân dân ta là một dân tộc có nội lực và khả năng hội nhập cao. Nhưng không chỉ riêng có lãnh vực văn chương chữ nghĩa; mà còn cả một số lãnh vực văn hóa, nghệ thuật khác. Xin được bước qua lãnh vực âm nhạc để dẫn chứng. Do sự có mặt của người Pháp, cũng như văn thơ, âm nhạc Việt Nam như được thổi một luồng gió mới đem lại một sinh khí mới với các bản nhạc như Thuyền mơ, Áng mây chiều của Dương Thiệu Tước, hoặc Con thuyền không bến, Đêm thu của Đặng Thế Phong... Toàn là những tiết tấu giai điệu mới mang âm hưởng nhạc thính phòng Tây phương. Bất kỳ ai, khi nghe vọng lên các giai điệu ấy không thể không cảm thây tâm hồn rung động cho được. Đặc biệt là bản Đêm thu của Đặng Thế Phong. Mở đầu là nhịp Slow rồi đến nhịp Valse, toàn là những giai điệu hoàn toàn tây phương. Nhưng với kỹ thuật điêu luyện tiếp thu và bằng rung cảm tâm hồn dận tộc, bản nhạc đã có sức mạnh truyền cảm và gợi cảm không thua gì bản Sonate au clair de lune của Beethoven. Chỉ cần nghe những nốt nhạc vọng lên cũng đủ khiến tôi hình dung ra cảnh tượng một đêm thu, mặt trăng êm ả từ chân trời hiện lên soi sáng cả khu vườn. 
Tiếp đến là điệu valse nhịp nhàng rộn rã làm tôi liên tưởng cảnh trăng lên tới đỉnh cao ánh sáng rực rỡ, cùng lúc gió bắt đầu trổi lên khiến hoa, lá lao xao lay động như muốn nhảy múa chào mừng ánh trăng. Nhưng có lẽ cũng nên kể thêm một bản nhạc khác hầu như nay đã chìm trong quên lãng, mang tựa đề Ngày xưa của Nguyễn Văn Quý hay Nguyễn Văn Quỳ tôi không nhớ lắm, nhưng vẫn còn nhớ lời mây câu mở đầu như sau : " Giòng sông Hát ánh trăng mờ chiếu. êm đềm trôi về đến nơi nao. Sóng đưa lăn tăn con thuyền xa bến....". Cũng với một giai điệu khiêu vũ tây phương, nhưng bằng một âm điệu nhịp nhàng êm dịu, tác giả đã diễn tả nỗi buồn sâu lắng của mình bên giòng sông Hát khi tưởng nhớ tới hai chị em Bà Trưng đã anh dũng đứng dậy chống quân Bắc xâm lược để trả thù nhà, rồi chọn cái chết để đền nợ nước và bảo vệ thanh danh, tiết hạnh. 

Một vài dẫn chứng trên tưởng cũng đủ cho thấy nhân dân ta là một dân tộc bản lãnh và dồi dào khả năng hội nhập. Bản lãnh ở chỗ nhân dân ta, dù phải sống dưới nhiều ách thống trị của ngoại nhân vẫn không quản ngại khó khăn đương đầu đê giành lại chủ quyền cho đất nước. Dồi dào khả năng hội nhập là vì nhân dân ta không bỏ lợi cơ hội được tiếp xúc với các nền văn minh mới, văn hóa mới đã chịu khó học hỏi trau giồi kiến thức, để nâng cao khiếu thẩm mỹ (sens esthétique) và mở rộng cảm quan thưởng ngoạn (jouissance esthétique) ; nhưng không vì thế mà để cho bị đồng hóa. Thế còn Việt Nam ngày nay, với nhiều điều kiện giao tiếp thuận lợi hơn với thế giới bên ngoài, có thực hiện thêm được tiến bộ hội nhập đáng kể nào chăng, hay là chỉ biết chạy theo đua đòi để trở thành bị đồng hóa? 

Bị đồng hóa là khi thấy bất kỳ cái gì mới lạ ta đều cho là hay, là đẹp và, do mặc cảm thua kém, ta nhắm mắt đua đòi chạy theo mà không tự vấn những cái mà ta cho là hay là đẹp đó có có cần chế biến cho phù hợp với lục phủ ngũ tạng truyền thống văn hóa của ta hay không. Hay là sự đua đòi bắt chước máy móc mù quáng ấy chỉ đem lại hậu quả là để cho những cái mới lạ đó lần lần lấn át, làm biến đổi cái phẩm chất, cái tinh hoa nơi ta. Đó là hiện tượng đã xảy ra, ngày một thêm phổ biến tại Việt Nam. Trớ trêu thay, hiện tượng này được nhận thấy không phải nơi thành phần đại chúng, mà là thuộc giới trưởng giả, thượng lưu, tựu trung là những thành phần thuộc về thương tầng kiến trúc, theo nghĩa kinh điển của học thuyết mác xít. 

Thoạt nghe, nhận định trên có vẻ là một nghịch lý. Bởi vì, ngay dưới hai thời kỳ bị chiếm đóng lâu dài, nhân dân ta đã chẳng chứng tỏ được khả năng hội nhập cao đó sao? Vậy mà ngày nay đất nước chẳng những đã thống nhất, giành được chủ quyền rồi, lại thêm kỹ thuật truyền thông tiên tiến hiện đại, nhân dân ta được tiếp xúc dễ dàng với đủ nền văn minh, văn hóa trên thế giới. Với những điều kiện học hỏi thuận lợi như vậy, nhân dân ta phải càng có thêm cơ hội để hội nhập thế giới văn minh tiến bộ chứ. Tại sao lại nói là có hiện tượng văn hóa suy thoái để trở thành nguy cơ bị đồng hóa? 

Muốn có câu trả lời thỏa đáng, có lẽ ta cần trở về với nền tảng giá trị tinh thần và cơ cấu xây dựng tòa nhà Việt Nam. Dân tộc ta có truyền thống tôn trọng phẩm cách con người và lấy phần đóng góp cho lợi ích chung làm tiêu chuẩn đánh giá, nên đã phân định xã hội ra làm bốn thành phần :sĩ, nông, công, thương theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau: nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ phú. 

- Nhất sĩ: sĩ đây là sĩ phu, sĩ tử, là những người có trình độ học vấn cao, hiểu biết nhiều, dù đỗ đạt được bổ nhiệm làm quan, hay chỉ là ông đồ nho sống ẩn dật lấy văn thơ cùng việc dạy dỗ con trẻ làm niềm vui thú. Nhưng cả hai giới này đều có chung một điểm là lấy hai chữ liêm khiết, chính trực làm phương châm sử thế, nên hết lòng đem vốn kiến thức của mình để khai hóa đất nước, nâng cao trình độ nhận thức cho toàn dân. Bởi vậy họ mới đươc tôn lên hàng thượng lưu xã hội, - Nhì nông: nhà nông, dưới con mắt người đời, thường bị coi là quê mùa cục mịch, không biết dùng lời hoa mỹ nên bị liệt vào hạng cùng đinh xã hội. Không lấy làm buồn, người nông dân vẫn chăm lo công việc đồng áng, và dành những lúc được nghỉ ngơi để tâm tình bàu bạn với con trâu bằng những lời lẽ chân quê mộc mạc, vậy mà nay đọc lại, tôi thấy sao đậm đà chất thơ: 

Trâu ơi, ta bảo trâu này 

Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta 
Cày cấy vốn nghiệp nông gia 
Ta đây trâu đấy ai mà quản công 
Bao giờ lúa chín đầy đồng 
Ta ra ngoài ruộng lấy rạ trâu ăn. 
(Theo Quốc văn giáo khoa thư) 

Mãi chăm lo công việc đồng áng và chỉ biết tâm tình thủ thỉ với con trâu, bác nông phu đâu có ngờ rằng xã hội truyền thống của ta lại xếp bác vào bậc hai, chỉ sau giới thượng lưu trí thức. Lý do cũng dễ hiểu thôi, nước ta vốn là một nước nông nghiệp, mà bác nông dân lại là thành phàn có công đóng góp lớn nhất vào việc cung cấp lương thực cho cả nước. Sự quí trọng vai trò xã hội của người nông dân còn được biểu lộ qua câu hát vần vè trong dân gian như sau 

Nhất sĩ nhì nông, 
Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ. 

- Tam công: côngđây là thợ thủ công nghệ, những người làm việc bằng tay chân, nhưng không thuộc thành phần nông dân, như thợ mộc, thợ nề, thợ chăn tầm dệt vải, thợ vẽ, thợ điêu khắc v.v... Thành phần này được xếp vào hạng ba trong bậc thang xã hội bởi vì việc làm của họ không chỉ hữu ích cho xã hội, mà còn đóng góp phần nào cho bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc qua các công trình xây cất đền đài, những bản điêu khắc chạm trổ, những tấm tơ lụa, những bức tranh Đông Hồ... 

- Tứ phú: phú đây là phú thương, phú hộ, tức là thành phần xã hội làm giàu chỉ nhờ vào buôn bán, hoặc là những tay điền chủ, đại điền chủ sống nhàn hạ trên lưng các nông dân nghèo khó phải làm thuê cấy mướn cho họ. Tuy là thành phần có tiền có của được ăn trên ngồi trốc thiên hạ, những họ bị liệt xuống hạng cùng bậc thang xã hội, bởi vì sự giàu sang của họ không giúp ích được gì cho xã hội, nếu không muốn nói tiền của đó đôi khi chỉ là thành quả của mánh lới làm ăn lươn lẹo hay bóc lột sức lao động người khác.

Sự đánh giá và phân định các thành phần xã hội theo bậc thang thứ tự trên cho thấy trong những giai đoạn lịch sử trước đây, xã hội ta là một xã hội nhân bản, chú trọng tới phẩm cách con người. Nhân dân ta không coi trọng quyền lực, danh vọng hay của cải, mà chỉ coi trọng những bậc sĩ phu quân tử, bất kỳ thuộc giai tầng xã hội nào, biết lấy câu "trọng nghĩa khinh tài" và câu "tiên học lễ, hậu học văn" làm đạo đức sống, đồng thời làm tiêu chuẩn đánh giá con người. Phải chăng đặc tính nhân bản này đã giúp nhân dân ta có một sức đề kháng (anti corps) cao, giúp đất nước ta chống trả lại được mọi mưu toan xâm lược, thống trị bất kỳ dưới hình thức nào, dù bằng vũ lực hay văn hóa. Và phải chăng đó cũng là lý do khiến nhân dân ta đă có khả năng hội nhập cao, bởi vì thành phần được coi thuộc về thượng lưu xã hội luôn luôn tìm cách học hỏi để mở rộng kiến, nâng cao trình độ văn hóa của mình để đóng góp hữu ích cho xã hội. Trường hợp mấy câu thơ trong bài "Chiều hôm nhớ nhà" của Bà Huyện Thanh Quan, hoặc trong bài "Hổ nhớ rừng" của Thế Lữ qua hai giai đoạn lịch sử nêu trên, cho thấy sức mạnh đề kháng của nhân dân ta như thế nào, trong khi vẫn nỗ lực bắt kịp trào lưu tiến hóa về mặt đời sống văn hóa và tinh thần. Trong những hoàn cảnh đất nước gặp khó khăn như vậy, nhân dân ta không chỉ biết bảo tồn mà còn phát huy được bản sắc dân tộc để vươn lên theo kịp đà tiến hóa nhân loại. Vậy mà với những điều kiện thuận lợi hiện nay, sao lại nói nhân dân ta có nguy cơ bị đồng hóa? Câu hỏi trên thực ra không có gì là nghịch lý cả, nếu ta chịu bỏ công tìm hiểu về các điều kiện hoàn cảnh và thời điểm luồng gió mới được thổi vào, thực chất nó ra sao và do ai đem tới? 

(còn tiếp)

Nguyễn Bảo Hưng

------------------------------------------------------
- (4) Từ ấn tượng ở đây không theo nghĩa được dùng phổ biến hiện nay ở Việt Nam, Trái lại, xin hiểu theo nghĩa từ impression lần đâu tiên nhà phê bình Leroy dùng để nói lên cảm nhận của ông trước bức họa "Soleil levant" của danh họa Claude Monet, một trong những nhà khai sáng ra trường phái hội họa ấn tượng (L'Impressionimsme). Leroy dùng từ này để nói lên cái cảm giác bị choáng ngợp trước cảnh tượng bình minh hào quang rực rỡ. Đây chỉ là cảm nhận trong khoảnh khắc, tức thời theo thị giác; chứ không phải là hình ảnh của hiện thực theo nhận định của trí tuệ. Bởi vậy từ ấn tượng không phải lúc nào cũng là một lời ca tụng, khen ngợi; trái lại đôi khi còn là một ngụ ý châm biếm, riễu cợt. Thí dụ như trong câu nói sau "Trên sân khấu, nữ diễn viên danh tiếng một thời ấy, vẫn làm khán giả phải choáng ngợp trước vẻ đẹp ấn tượng của cô ta; nhưng nếu tình cờ được thấy cổ khi vừa thức giấc, chắc ta không khỏi giật mình". Xin mời đọc thêm bài " Trường phái ấn tượng hay là ngôn ngữ hội họa sáng tạo" của người viết đã được phổ biến trên một số diễn đàn mạng.



Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

Chiều Trên Sông Seine


Chiều tà ươm nắng tơ,

Thu về soi bóng sông Seine lững lờ.
Chuyện tình như áng mây
theo cánh chim xưa em về phương nao?
Đợi nhau vàng giấc mơ,
nắng phai nghiêng thành phố.
Kiếp tha hương buồn tênh,
người quanh ta hững hờ!
Em như sóng nghìn trùng
có về con sông cũ?
Ta phiêu gót ngàn xa
lòng héo hon ngàn dặm!
Bóng quê ngả trên đồi,
gởi hồn theo mây trôi!
Ôi phố nhỏ ngày xưa
tình lẫn trong sương chiều.
Sợi buồn vương nắng thu,
Em về bên đó xa xăm mịt mù!
Một lần xin thấy nhau,
Cho giấc xanh xưa vỗ về nỗi nhớ.
Chiều vàng dâng ý thơ,
Lá thu rơi đầy lối,
bến sông Seine hoàng hôn
Tình lẫn trong sương chiều.

Đỗ Bình

Giọt Buồn Đêm Mưa - Lời: Hoàng Ngọc Quỳnh Giao - Nhạc: Nguyễn Tuấn


Lời: Hoàng Ngọc Quỳnh Giao
Nhạc: Nguyễn Tuấn
Trình bày: Hương Giang


May Mà



May mà có tiếng chuông thiền
Để ta quên bớt đảo điên cuộc đời
May mà có những nụ cười
Để ta quên bớt lẻ loi lệ buồn

May mà có những nụ hôn
Để nghiêng vào nhớ ngày bồn chồn xa
May mà có đám cỏ hoa
Để ta còn thấy mượt mà bên nhau

May mà có giấc chiêm bao
Để lòng chia bớt cồn cào nhớ thương
May mà có bóng ngôi trường
Để bao tình nghĩa vấn vương thầy trò

May mà có những bến đò
Cho vầng trăng trú cơn mơ êm đềm
May mà ta có tình em
Để câu thơ mãi đắp mền nhớ nhung

Trầm Vân


Mấy Độ Đông Tàn


(Ảnh: Kim Phượng)

Bên thềm tiết chuyển sang đông
Lay cành thu đọng giọt mong manh chờ
Lặng buồn đối bóng ngẩn ngơ
Tình thôi chẳng nói tìm nhờ chiêm bao
Từng cơn buốt lạnh mưa rào
Bồi hồi mở ngõ nôn nao mộng về
Dài đêm thêm nhớ ủ ê
Đông tàn mấy độ trăng thề bẻ đôi. 


Kim Phượng

Đóa Tâm Hồng

(Hình Ảnh: Kim Oanh)
Đề Thơ:

Đóa Tâm Hồng

Vẫn một tình yêu tha thiết nồng
Giữa trời giá lạnh tiết sang đông
Vì ai ngời sắc mang xuân đến
Hạnh phúc tâm trao vẹn cánh hồng!

Kim Oanh
6/2020
***
Tâm Hồng không đẹp bằng tình nồng,
Thổi sạch giá băng của tiết Đông,
Ta vẫn ngồi đây chờ em đến
Dù biết tình ta chẳng còn hồng!

Lê Xuân Cảnh
6/2020.
***
Hoa vẫn còn thua tình ý nồng
Hương thơ gió cuốn tít trời đông
Hoa/ Thơ: cảm tạ người mang đến
Nên trái tim ta vẫn thắm hồng.

Hoàng Xuân Thảo
***
Hoa vẫn thơm và tình vẫn nồng
Tình em sưởi ấm suốt mùa đông
Xuân về em lại mang hoa đến
Hớn hở trao anh cập má hồng.

Con Cò
***
Đón Đóa Tâm Hồng

Hoa vừa hàm tiếu đã thơm nồng!
Theo gió hương bay tới biển đông,
Chúm chím nụ cười tươi vẻ ngọc 
líu lô oanh hót cạnh giàn hồng

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái
***
Tha thiết yêu ai yêu mặn nồng,
Dù trời giá lạnh giữa mùa đông.
Vì yêu lòng ngỡ xuân đang đến,
Hoa cũng vì ai nở đóa hồng.

Sông-Hương
***
Tuần Hoàn

Làm sao quên được hạ trưa nồng
Hoa thắm, ve kêu nay tiết đông
Vườn cúc tả tơi thu mới dứt
Xuân sau tai kiếp mắt môi hồng?

Lộc Bắc
06/2020
***
Nàng Thơ

Say đắm nàng thơ hơn rượu nồng,
Dãi dầu nóng lạnh hạ thu đông.
Thủy chung một dạ có trời biết,
Khoắc khoải canh khuya tựa má hồng. 

Phí Minh Tâm
(17/6/20)
***
Tặng Em Một Đoá Hoa Hồng...

Vẫn biết yêu em chẳng mặn nồng!
Chăn đơn gối chiếc lạnh mùa đông...
Cố nhân gặp lại xuân đang độ...
Tình cũ nên duyên tặng đóa hồng!


Mai Xuân Thanh
Ngày 18/06/2020

Bạc Tình Nổi Tiếng Đường Thi - Nguyên Chẩn


Tằng kinh thương hải nan vi thủy, 曾經滄海難爲水,
Trừ khước Vu sơn bất thị vân. 除卻巫山不是雲。

Hai câu thơ trên có nghĩa: 
Chẳng là biển rộng không là nước,
Trừ bỏ Vu Sơn chẳng phải mây!

Ý của lời thơ là :"Nếu không phải là nước của biển xanh mênh mông thì không phải là nước. Ngoại trừ những mây mù trên đỉnh Vu Sơn ra, còn lại đều không phải là mây !" Tác giả là NGUYÊN CHẨN một đại văn thi sĩ đời Đường đã làm thơ khóc vợ với 2 câu thơ trên. Ý của ông là :"Ngoại trừ vợ ông ra, thì không có người đàn bà nào trên đời nầy đáng cho ông yêu nữa cả !". Chung tình đến thế, yêu vợ đến thế là cùng. Nhưng ... khóc vợ chết thì nói thế, chứ đời sống thực tế của ông thì ông là ... KẺ BẠC TÌNH NHẤT trong tất cả những đàn ông bạc tình ở trên đời nầy ! Mời đọc tiểu sử của ông dưới đây sẽ rõ ...

NGUYÊN CHẨN (779-831), người đất Lạc Dương Hà Nam, từ nhỏ đã thông minh cơ trí hơn người, nổi tiếng học giỏi, là Tiến sĩ cùng khoa với Bạch Cư Dị. Hai người là bạn thơ thân thiết với nhau suốt đời, cùng vận động và đề xướng ra NGUYÊN HÒA THỂ 元和體 trong nhạc phủ. Người đời xưng tụng là Thể NGUYÊN BẠCH 元白, cho thấy ông được xếp đứng trước cả Thi Bá Bạch Cư Dị.
Thành tựu về mặt văn thơ của Nguyên Chẩn thì không còn gì nghi ngờ và phải bàn cải nữa; Nhưng về mặt tình cảm lăng nhăng lãng mạn "Bạc tình nổi tiếng lầu xanh" thì cũng không còn gì để bàn cải nữa! Nguyên Chẩn là anh chàng phụ tình có một không hai trong đời Đường, trên từ tiểu thơ con nhà quyền qúy, đến các cô gái nhà lành khuê môn bất xuất, rồi đến các nữ sĩ đạo cô tài hoa phóng đãng cho đến các ca kỹ nổi tiếng lầu xanh ... Tất cả đều bị ruồng rẫy bầm dập dày dò và chết dưới tay của chàng lãng tử tài hoa nầy.
Đầu tiên là Thôi Song Văn 崔雙文, tức là nàng Thôi Oanh Oanh 崔鶯鶯, còn Nguyên Chẩn tức là Trương Quân Thụy 張君瑞 tức Trương Sinh 張生, mà sau nầy nhà văn Vương Thực Phủ 王實甫 đã viết thành truyện TÂY SƯƠNG KÝ 西廂記 nổi tiếng vào đời nhà Nguyên. Năm Trinh Nguyên thứ 15 (799), Nhà của một bà dì bà con xa bên mẹ, vì chiến loạn phải chạy đến tạm lánh ở nhà Nguyên Chẩn. Chẩn trông thấy cô biểu muội họ xa tài mạo song toàn, vừa đẹp vừa xinh lại có tài văn thơ, bèn kết ngay từ giây phút đầu gặp gỡ. Tiểu thơ họ Thôi cũng phải lòng ngay cái anh biểu huynh tài hoa đẹp trai "Văn chương nết đất thông minh tính trời" mới có 21 tuổi nầy. Hai người rất nhanh đã ngã vào lòng nhau sau những lời thề non hẹn biển. Nhưng rồi chàng phải lên đường lai kinh ứng thí, nàng phải gạt lệ luyến lưu đưa tiễn người yêu bên ngoài mười dặm trường đình. Nhưng rồi ...

Mái Tây để lạnh hương nguyền,
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng!


Chờ đợi mỏi mòn, cuối cùng nàng cũng được tin: Mặc dù chàng thi rớt, nhưng lại được quan lớn hai đời là Kinh Triệu Doãn Vi Hạ Khanh biết đến tài, tin tưởng rằng Nguyên Chẩn sẽ phát tích trong tương lai, nên mới gã cho cô con gái út là Vi Tùng. Nên chàng lưu lại đất Trường an để chờ đợi khoa thi sau.

Vi Tùng 韋叢 tự là Huệ Tùng 蕙叢, mặc dù là tiểu thơ con nhà quan nhưng rất hiền thục, không ham phú quý hư vinh, hết lòng thương yêu chăm sóc và giúp đỡ cho chồng dùi mài kinh sử để chờ đợi khoa thi. Thế mà khi Nguyên Chẩn đã thi đậu làm quan lớn rồi thì Vi Tùng lại vắn số chết đi khi mới vừa 27 tuổi. Trong ba bài thơ KHIỂN BI HOÀI 遣悲懷 làm để điếu tang vợ, thì bài thứ nhất Nguyên Chẩn đã tả lại cảnh chịu thương chịu khó của vợ như sau :

謝公最小偏憐女, Tạ công tối tiểu thiên lân nữ,
自嫁黔婁百事乖。 Tự gía kiềm lâu bách sự quai.
顧我無衣搜藎篋, Cố ngã vô y sưu tẫn giáp,
泥他沽酒拔金釵。 Nệ tha cô tửu bạt kim thoa.
野蔬充膳甘長藿, Dã sơ sung thiện cam trường hoắc,
落葉添薪仰古槐。 Lạc diệp thiêm tân ngưỡng cổ hoài.
今日俸錢過十萬, Kim nhật bổng tiền qúa thập vạn,
與君營奠復營齋。 Dữ quân doanh điện phục doanh trai.

Có nghĩa:

Gái út Tạ công được mến yêu,
Gã cho hàn sĩ lắm tiêu điều.
Lo ta áo cũ moi rương nát,
Vì mỗ rượu ghiền bán lược yêu.
Rau cháo đỡ lòng ăn xí xóa,
Lá cây làm củi ước rơi nhiều.
Nay ta bổng lộc hơn mười vạn,
Phúng điếu mong nàng sớm độ siêu!

Tình nghĩa vợ chồng thật thắm thiết mặn nồng, đọc thơ ai dám bảo đây là ông chồng phong lưu lãng tử bạc tình ? Ấy thế, mà trong khoảng thời gian vợ nằm bệnh cũng chính là thời gian Nguyên Chẩn đang dan díu với Đệ nhất Nữ Tài Tử đời Đường là Tiết Đào 薛濤, khi ông đang giữ chức Án Sát Ngự Sử ở đất Tây Xuyên. Thế mà lại khóc vợ thảm thiết với 2 câu thơ để đời thiên cổ đã nêu ở đầu bài : 

Tằng kinh thương hải nan vi thủy, 曾經滄海難爲水,
Trừ khước Vu sơn bất thị vân. 除卻巫山不是雲。

Rất nhiều người thắc mắc là : Không biết hai câu thơ trên đây Nguyên Chẩn làm để khóc vợ hay khóc cho mối "tình chị em" nhưng không kém phần say đắm với Tiết Đào, hay là khóc cho tiểu thơ Thôi Oanh Oanh đang mõi mòn chờ đợi ở dưới Mái Tây. Chỉ biết không chỉ Tiết Đào mê đắm Nguyên Chẩn mà Nguyên Chẩn cũng rất say mê bà chị ca kỹ tài danh lớn hơn mình đến 11 tuổi nầy, chàng đã vắt óc tổn hao tâm tư để viết nên một bài thất ngôn luật thi để "Ký Tặng Tiết Đào 寄贈薛濤" như sau:

錦江滑膩蛾眉秀, Cẩm Giang hoạt nhị nga mi tú,
幻出文君與薛濤。 Huyễn xuất Văn Quân dữ Tiết Đào.
言語巧偷鸚鵡舌, Ngôn ngữ xảo thâu anh vũ thiệt,
文章分得鳳凰毛。 Văn chương phân đắc phụng hoàng mao.
紛紛辭客多停筆, Phân phân từ khách đa đình bút,
個個公卿欲夢刀。 Cá cá công khanh dục mộng đao.
別後相思隔煙水, Biệt hậu tương tư cách yên thủy,
菖蒲花發五雲高。 Xương bồ hoa phát ngũ vân cao.

Có nghĩa:

Cẩm Giang làm mượt nga my,
Có Tiết Đào đẹp thua gì Văn Quân.
Nói năng anh vũ hót xuân,
Văn chương phụng múa xa gần đều khen.
Văn nhân chẳng dám đua chen,
Công hầu đều phục mấy phen mộng hồn.
Chia thay nhung nhớ bồn chồn,
Xương bồ hoa tỏa ngát hơn mây trời!


Nhưng hạnh phúc lại chẳng dài lâu, chỉ vỏn vẹn đến với nàng trong 3 tháng. Vì tháng 7 năm đó, chàng Giám Sát Ngự Sử Nguyên Chẩn lại được lệnh vua điều đến Lạc Dương. Tiết Đào vô cùng thất vọng, nàng như hụt hẫng khi hạnh phúc vuột khỏi tầm tay. Cũng may là sau đó ít lâu thì lại nhận ngay được thơ của Nguyên Chẩn tỏ tình lưu luyến nhớ thương. Cứ thế tình yêu của lứa đôi tuy xa cách phương trời, nhưng lại được trải lòng trên những câu thơ trăm nhớ ngàn thương của thư đi tin lại. Chính thời gian nầy Tiết Đào đã nghĩ ra việc sáng chế một mẫu giấy chỉ đủ để chép một bài thơ cho gọn đẹp, đó là TIẾT ĐÀO TIÊN 薛濤箋 và sáng chế nầy còn lưu truyền mãi cho đến hiện nay. Nhưng rồi người tình tài hoa trẻ tuổi đẹp trai cũng bặt vô âm tín, mặc dù thơ của Tiết Đào đã gởi đi mấy lượt:

風花日將老, Phong hoa nhựt tương lão,
佳期猶渺渺。 Giai kỳ do miễu miễu.
不結同心人, Bất kết đồng tâm nhân, 
空結同心草. Không kết đồng tâm thảo.

Có nghĩa:

Gió đưa hoa rụng về đâu,
Giai kỳ biết đến khi nào gặp đây?
Đồng tâm người ở chân mây,
Đồng tâm cỏ kết còn đây rành rành.

Cuối xuân năm Nguyên Hòa thứ 6 (811), Nguyên Chẩn đến Giang lăng thăm bạn đồng liêu là Lý Cảnh Kiệm. Kiêm biết Chẩn vừa mới chết vợ, đời sống neo đơn, không ai chăm sóc cho cái ăn cái mặc, bèn làm mai biểu muội của mình là An Tiên Tần 安仙嬪 gã cho Nguyên Chẩn làm trắc thất (vợ lẽ). Cũng trong năm đó, Tễ Tướng Bùi Độ qua đời, Nguyên Chẩn mất đi chỗ dựa, bèn theo Kinh Nam Tiết Độ Sứ đi chinh phạt một nhóm dân tộc thiểu số đứng lên bạo động làm phản ở Hồ Nam. Chỉ được mấy năm An Tiên Tần cũng cởi hạc quy tiên ở Giang Lăng, sau khi để lại cho Nguyên Chẩn một đứa con. Chàng cũng đã thương nhớ người thứ thất nầy qua ba bài thơ "Giang Lăng Tam Mộng 江陵三夢" với các câu như:

平生每相夢, Bình sinh mỗi tương mộng,
不省两相知。 Bất tỉnh lưỡng tương tri.
况乃幽明隔, Huống nãi u minh cách,
夢魂徒尔为。 Mộng hồn đồ nhĩ vi.

Có nghĩa:

Bình sinh mỗi lúc cùng mơ,
Hai người tri kỷ dật dờ hai phương.
Huống nay cách trở âm dương,
Mộng hồn ngơ ngẩn người thương đâu rồi!

Hoặc như:

君骨久为土, Quân cốt cửu vi thổ,
我心長似灰。 Ngã tâm trường tự hôi.
百年何处尽, Bách niên hà xứ tận,
三夜夢中来。 Tam dạ mộng trung lai.

Có nghĩa:

Xương nàng đã hóa bụi hồng,
Tim ta cũng tắt lửa lòng từ lâu.
Trăm năm nào có gì đâu,
Ba canh hồn mộng đêm sầu khôn vơi!

Sầu thảm khóc thương thê thiếp thì nói thế chớ không phải thế. Mùa xuân năm Nguyên Hòa thứ 11 (816) Nguyên Chẩn 37 tuổi, lại được thượng cấp là Sơn Nam Tây Đạo Tiết Độ Sứ Quyền Đức Dự làm mai để cưới một tiểu thơ con nhà khuê các khác là Bùi Thục 裴淑. Bùi Thục là con của ngự sử Bùi Vân, trên đường đi nhậm chức ghé qua ra mắt Quyền Đức Dự, Trong buổi tiệc chiêu đãi Nguyên Chẩn và Bùi Thục phải lòng nhau, nên mới có mối lương duyên nầy. Lần thứ ba tân hôn, Nguyên Chẩn ngây ngất với hạnh phúc tràn đầy bên cô dâu trẻ, mãi đến khi sinh con được ba tháng mới trở về Thông Châu, nhậm chức Quắc Châu Trưởng Sử.

Tuy đã ba lần kết hôn, hai lần ruồng rẫy người yêu, Nguyên Chẩn vẫn chưa chịu yên thân. Năm Trường Khánh thứ 3 (823) Nguyên Chẩn cải nhậm Thứ Sử Việt Châu kiêm Chiết Đông Quan Sát Sứ. Một lần nữa đi về nơi sông nước, Nguyên Chẩn chợt nhớ đến Tiết Đào, người tình xưa nay đã qúa tuổi năm mươi. Nhưng chưa kịp gặp lại thì đã gặp ngay được nàng ca kỹ, ca linh, ca sĩ nổi tiếng nhất xứ Việt Châu là Lưu Thái Xuân 劉采春. Vốn xuất thân trong giới bình dân, là một cô đào vừa diễn vừa ca, có chồng là Châu Qúy Sùng cũng là một linh công (kép diễn tuồng). Mặc dù tuổi đã gần 30, nhưng phong tư còn yểu điệu, đặc biệt là giọng hát vút cao như bay theo làn gió cuốn vút tận mây xanh, được giới mộ điệu khen tặng là "Bán nhập giang phong bán nhập vân 半入江風半入雲" ( Nửa theo làn gió của sông nước nửa như bay bổng tận mây xanh), nên...
Khi quan lớn Thứ sử kiêm Quan Sát Sứ Nguyên Chẩn lúc bấy giờ đã ngoại 40, vừa gặp mặt lần đầu đã chết mê chết mệt ngay với cô ca linh tài hoa hương trời sắc nước nầy, quên mất tiêu người tình cũ Tiết Đào vẫn còn đang làm thơ chép trên giấy "Tiết Đào Tiên" để gởi đến cho mình lời thơ nhung nhớ. Nguyên Chẩn "rước" Lưu Thái Xuân về "dinh" với quan lớn, bỏ lại gánh hát, bỏ chồng bỏ con, bỏ cả vùng sông nước nơi đã hun đúc nên giọng hát thiên phú tài hoa của nàng. Những tưởng cuộc sống giàu sang phú qúy sẽ đem lại hạnh phúc mãi mãi với ông chồng quan lớn lại vừa là thi nhân tài tử đã có những lời thơ ca ngợi giọng hát của nàng như:

更有惱人腸斷處, Cánh hữu não nhân trường đoạn xứ,
選詞能唱"望夫歌"。 Tuyển từ năng xướng VỌNG PHU CA!

Có nghĩa:

Cất giọng khiến người sầu đứt ruột,
Chọn từ nên khúc "Vọng Phu Ca"! 


Nào ngờ...
Cuộc sống tưởng chừng như hạnh phúc sẽ miên trường kia chỉ kéo dài được có 7 năm. Năm Công Nguyên 829, Nguyên Chẩn được điều về Trường An, hồi triều để giữ chức Thượng Thư Tả Thừa. Bỏ lại Lưu Thái Xuân chờ đợi mõi mòn ròng rã suốt hai năm trường. Khi biết ra thì Nguyên Chẩn đã có người yêu khác là Linh Lung, một hồng nhan tì thiếp của Bạch Cư Dị. Thẹn với chồng với con, với đoàn ca kịch, với sông nước Giang Nam... Khoảng năm Công Nguyên 831, Lưu Thái Xuân đã nhảy xuống sông tự trầm để kết liễu đời mình khi chỉ mới hơn ba mươi tuổi...

Không cần biết là với thủ thuật nào (mua chuộc, ép buộc hay cưởng chiếm...) Ngài quan lớn Nguyên Chẩn vẫn phải chịu trách nhiệm là kẻ phá hoại gia cang người khác, là kẻ bạc tình lang sẵn sàng vứt bỏ người yêu không thương tiếc để chạy theo công danh hoặc chạy theo một bóng hình khác. Sau cô đào Lưu Thái Xuân, Nguyên Chẩn còn một cuộc tình không chính đáng nữa với Linh Lung 玲瓏, một tì thiếp của Bạch Cư Dị...
Nguyên và Bạch ngoài việc cùng xướng họa văn thơ, và cùng sáng tạo ra thể nhạc phủ "Nguyên Hòa Thể 元和體" ra, ngày thường đôi tri kỷ tri âm nầy còn có một trò chơi vượt ngoài tầm cho phép của Nho Gia là : Cùng trao đổi tì thiếp với nhau. Nên nhân biết Bạch Cư Dị có một nàng tì thiếp là Linh Lung 玲瓏, xuất thân là ca kỷ ở Hàng Châu rất đẹp và nổi tiếng. Nguyên Chẩn bèn tìm gặp, thì qủa nhiên là một giai nhân tài sắc kiêm toàn, bèn "mượn" nàng về nhà để "chi dụng" qua hơn một tháng mới trả lại cho Bạch Cư Dị. Thật là hết nói cho tính phong lưu lãng tử buông thả không câu nệ của cặp đôi bằng hữu nầy, đã dám vượt lên trên lễ giáo để đi trước thời đại.

Về phần Nguyên Chẩn, suốt một đời phong hoa tuyết nguyệt, thưởng ngoạn biết bao là non xanh nước biếc, rượu ngon gái đẹp. Chàng lãng tử nổi tiếng là bạc tình nầy vừa thề non hẹn biển với người yêu (Thôi tiểu thơ), vừa làm thơ khóc điếu vợ chết (Vi Tùng), vừa dan díu với đạo cô nữ sĩ (Tiết Đào), vừa về kinh cưới con nhà khuê các (An Tiên Tần), vừa cưới con nhà quyền qúy khi trắc thất An Tiên Tần qua đời (Bùi Thục), rồi khi đến vùng sông nước lại chiếm đoạt phá hoại gia cang người khác (Lưu Thái Xuân), cuối cùng thì lại tằng tịu với tì thiếp của bạn (Linh Lung)... Quả là tiêu biểu cho một kẻ...

BẠC TÌNH nổi tiếng trong ĐƯỜNH THI, không còn phải biện minh gì nữa cả !

Hẹn bài viết tới:
" NGUYÊN CHẨN : Người chồng khóc vợ chân tình nhất !"

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

Mầu Mắt - Thơ Đỗ Bình - Phổ nhạc & Đệm Đàn Nguyễn Minh Châu


Thơ: Đỗ Bình
Phổ Nhạc & Đệm Đàn: Nguyễn Minh Châu 
Tiếng Hát: Quỳnh Dao

Nghe Trong Tĩnh Lặng



Đời buồn ai tưởng đời vui
Chiếc thân tứ đại bùi ngùi về đâu
Thơ nào cạn hết u sầu
Mưa nào gội hết bụi nhầu áo hoa

Ta về, ta lại hỏi ta
Luân hồi bao kiếp lệ nhòa hoen mi
Cội nguồn nào Ý huyền vi
Nghe Trong Tĩnh Lặng Từ Bi Nhiệm Mầu

Dọn mình, tự sửa, tự chau
Tịnh Tâm,Tịnh Ý đạo mầu nhiếp tu
Kính Lậy Phật Mẫu Đại Từ
Khai tâm mở lối đèn từ rọi soi

Con từ vô thỉ bao đời
Nghiệp sâu chướng nặng luân hồi đến nay
Được làm Người kiếp đời này
Cầu xin ân phước cao dầy Thế Tôn

Cho Con An Tịnh tâm hồn
Độ con dứt nghiệp không còn Sân Si
Phật Ngài Cao Cả Từ Bi
Kính xin minh chứng con ghi ân Ngài

Nam Mô Thích-Ca-Như-Lai
Đại Bi, Đại Dũng cứu đời trầm luân
Tâm Hương, Thành Kính con Dâng
Cầu xin xả hết nghiệp trần u mê

Nguyện Tâm Thanh Tịnh Bồ Đề
Chân Như Khai Ngộ Lối Về Giác Hoa...

Tuệ Nga

Thương Thầy

"Đọc liền một mạch và đang vừa gõ trả lời mà vừa khóc, vui lắm Thầy ơi! Ai nói vui không khóc.... thương Thầy!" Đây là thư của em Đức, đại diện nhóm CHS PTG 1968-75 Cần Thơ, mới vừa gửi cho tôi, sau khi em đọc "Thêm Một Câu Chuyệ̣n Về Thầy Trò Chúng Tôi" nói về khoảng thời gian 1955-62 tôi về dạy Toán ở Trung Học Sa Đéc. Nhân đây, xin được chép lại mấy vần thơ vụng đến ngô nghê (!) ngày tôi về họp mặt chung vui với các em 5 năm trước đây 04/19/2015 ở Cần Thơ. Lúc này đọc lại, thực tình, vẫn không khỏi ngậm ngùi, vẫn còn cảm thấy nhiều xót xa về thân phận nhà giáo thời loạn. Chỉ còn mong mọi chuyện rồi cũng sẽ qua đi, và chỉ riêng Yêu Thương còn lại mãi mãi trong lòng mọi người. Đức ơi, đọc thư em, thầy rất xúc động, cũng rất vui đến muốn khóc. Và ,cũng rất muốn được nói thành lời "thương em, thương tất cả các em !" 



Nhất Phiến Băng Tâm Cảm Tác

Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ,
Chút thân nhà giáo vốn ngu ngơ.
Ba chìm bảy nổi một đời lỡ,
Vẫn khóc vẫn cười với nắng mưa.

Xa xứ bao năm trời lận đận,
Gió sương đất khách kể sao vừa.
Quê nhà ai thấu tình con đỏ,
Đầu bạc ngồi buồn nhớ tuyết xưa.

Bốn chục năm trời đâu cách biệt,
Nửa vòng trái đất nhớ thương nhau.
Trò yêu bạn quý ai còn mất,
Ngơ ngáo tháng ngày với bể dâu.

Em ạ, thầy em giờ vẫn vậy,
Vẫn khờ vẫn dại vẫn ngu ngơ.
Vẫn tấm lòng thầy như ngày trước,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ!

Phạm Khắc Trí 
Mây Tần 04/12/2020
Lời Thêm: Làm người thầy, có gì đâu đến nỗi phải thanh minh là "nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ". Vâng, xót xa lắm.