Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Trang Nhà Long Hồ Vĩnh Long Chúc Mừng Năm Mới 2025


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh


Lời Đầu Năm 2025



Năm mới đến gởi trao lời chúc phúc
Chỗ Tương giao chẳng phút nào quên
Luôn khắc câu nghĩa trọng tình bền
Ghi nhớ mãi những tháng ngày duyên bút mực.

Quên Đi 


Tinh Cầu Ước Mơ


Giây phút tân niên chén rượu nồng
Rộn ràng hương mới những chờ mong
Xôn xao làn gió lay nhè nhẹ
Rạng nắng gót son nguyện thỏa lòng

Hồn giăng tô chuốt không gian ấy
Tỏa sáng ước nguyền sắc pháo hoa
Giao hưởng tuyệt vời thêm réo rắt
Kỳ duyên chăng hỡi phút giao hòa

Gõ cửa bình an tiếng vẫy chào
Niềm tin vững dạ sánh vai trao
Thiên đường lưu luyến ôi tiền kiếp
Rộn rã tin yêu mãi dạt dào

Kim Phượng

Chúc Mừng Tân Niên 2025


Thơ: Ngư Sĩ
Trình Bày: BB

Ước Vọng Tân Niên

 

 
Năm đi năm đến cứ vần xoay
Kỳ vọng năm này có đổi thay
Tống cựu mong xua bao tháng rủi
Nghinh tân thầm ước một niên may
Bớt can qua bớt nguồn đau khổ
Vơi đói nghèo vơi gốc đắng cay
Cầu dứt thiên tai tiêu dịch họa
Để mừng xuân nhấc chén cùng say

Nhất Hùng


Khai Bút Đầu Năm 2025


Xướng:

Khai Bút Đầu Năm 2025

CHÚC hết đồng hương bạn hữu xa,
MỪNG xuân Ất Tỵ khắp muôn nhà.
NĂM qua đồng tiễn đi phiền não,
MỚI đến cùng an hưởng thái hòa.
HAI chữ bình an luôn hạnh ngộ,
KHÔNG người bệnh tật thảy hoan ca.
HAI bờ hai bến chung xuân sắc,
NĂM phước đến nhà vui với ta!

Đỗ Chiêu Đức
Sau NOEL 2024
***
Họa:

Mừng Xuân Mới

MỪNG chúc nơi gần lẫn chốn xa
XUÂN vui Ất Tỵ đến thăm nhà
HẠNH đầy, nhân loại hoài nhân ái
PHÚC mãn, gia cang mãi thuận hòa
NON thẳm, rừng xa bừng nhánh lộc
SÔNG xanh, biển bạc rộn bài ca
THÁI an, cuộc sống như ngày hội
BÌNH ổn yên lành khắp nước ta.

Phương Hà
(28/12/2024)
***
Mừng Năm Mới 2025

Chúc người đang ở cuối trời xa

Mừng sắp hồi quy trở lại nhà
Năm sẽ chẳng còn nghe khổ lụy
Mới nên cầu mãi được an hòa
Hai thời mong ước ngày tương kiến
Không phút trông chờ thủa hợp ca
Hai cảnh đôi nơi nay nhập cuộc
Năm tuần ngó lịch gọi Xuân ta …

Hawthorne 27 - 12 - 2024

Cao Mỵ Nhân


Cuối Năm Rồi Bạn Ơi!



Cám ơn một tình cảm
Nghe tin buồn đi tìm
Bạn-chung-cầu-thang-máy:
-Mười năm vẫn trong tim!

Mình đồng nghiệp kế toán
Nói chi nghe mềm lòng?
Đừng vượt qua giới hạn
Một tình bạn rất trong!

Tôi vẫn không mềm mỏng,
Cứng rắn số trội chi
Tình đã trao Người Ấy
Xuất quỹ, tim còn gì?

Bội thu chẳng minh bạch
Sao cân bằng về… Không?
Cuối năm cùng kết toán
Chớ để tình lòng vòng!

Cám ơn tim bạn nhé!

Á Nghi, 
25.12.2024



Tờ Lịch Cuối Năm



Tôi vẫn xé mỗi tờ lịch mỗi ngày,
Tờ lịch mỏng tưởng hững hờ vô nghĩa,
Vo tròn tờ lịch tôi vô tình qúa,
Một ngày của tôi đã mất đi rồi..

Hôm nay tôi nhìn tờ lịch bồi hồi,
Tờ lịch cuối của một năm sắp hết,
Như chiếc lá cuối cùng mùa Thu chết,
Tờ lịch là những chiếc lá thời gian..

Tờ lịch ghi ngày tháng của âm dương,
Ngày tây ngày ta theo cơn gió thoảng,
Tôi biết tìm đâu những ngày hôm trước?
Tôi biết tìm đâu tuổi đời đã qua?

Bàn tay tôi chạm tờ lịch ngẩn ngơ,
Không nỡ xé sợ lòng mình khô héo,
Không nỡ xé sợ lòng mình tiếc nuối,
Bao nhiêu tờ lịch đã vào hư không.

Tờ lịch vui buồn theo tôi cả năm,
Có những ngày đẹp lòng tôi kỷ niệm,
Có những ngày tôi không chờ mong đến,
Tờ lịch ghi từng hơi thở cuộc đời.

Đêm nay đêm cuối cùng tháng mười hai,
Tờ lịch mỏng lẻ loi còn ở lại,
Trên màn hình countdown chờ năm mới,
Tờ lịch ơi có khóc lúc giao thừa?

Pháo hoa tưng bừng ”Happy New Year”,
Rượu sâm banh tràn trề và khiêu vũ,
Tờ lịch cuối cùng bàn tay tôi xé,
Tờ lịch ơi tôi khóc lúc giao thừa.


Nguyễn Thị Thanh Dương.


Rắn…


Thuở còn bé nhỏ nơi quê nhà Sao Khuê thường hay chơi trò rồng rắn với các anh chị em. Quý vị còn nhớ trò chơi này không, chừng mươi đứa trẻ xếp thành hàng dài, nắm đuôi áo nhau rồi vừa đi vừa hát “ rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc, có nhà điểm binh”, sau đó dừng bên cạnh một người làm thầy thuốc mà hỏi “thầy thuốc có nhà không”?… Lúc đó Sao Khuê thíchđóng vai thầy thuốc bởi vậy lớn lên Sao Khuê theo học về ngànhthuốc. Biểu tượng của ngành thuốc luôn có con rắn đấy ạ.

Theo truyền thuyết Hy Lạp, Esculape trong một lần đi thăm bạn, giữa đường gặp một con rắn, ông nghĩ là rắn độc nên đưa cây​ gậy ra, con rắn bò lên, quấn lấy cây gậy, ông đập cây gậy để giếtcon rắn. Sau đó ông thấy có một con rắn khác bò ra, miệng ngậm một loại lá cây, làm cho con rắn này sống lại.Từ đó ôngdùng loại lá cây này để trị bệnh và cứu sống được nhiều người.

Ngành thuốc đã dùng con rắn quấn quanh cây gậy làm biểu tượng. Từ năm 1805, y khoa Hoa Kỳ dùng biểu tượng hai con rắn quấn quanh gậy với đôi cánh xòe. Ngành dược khoa dùng​ hình con rắn bò quanh cái ly tượng trưng cho ly thuốc của nữ thần sức khoẻ Hygieia.


Rắn là một con vật khôn ngoan nhất. Vì con rắn đã dụ dỗ Eva ăn trái cấm nên rắn hiện thân cho sự cám dỗ và bị Chúa nguyền “mày sẽ không còn đi được, phải bò bằng bụng và phải ăn bụi​ suốt cuộc đời”. Đức Chúa cũng dạy các con chiên “khôn ngoan như rắn và hiền như bồ câu”.

Rắn, quý vị đã từng trông thấy, tròn nhỏ và dài, bò ngoằn ngoèo trên mặt đất. Rắn hiện diện khắp nơi trên thế giới. Có 20 họ rắn với trên 3500 loài, dài từ 10 cm đến 8,7 m. Rắn là loài bò sát lưỡng tính, có thể tự thụ tinh mà không cần con đực.

“Người già người chết, rắn già rắn lột”, mỗi năm rắn lột xác bốn lần, sau khi lột rắn trở nên khỏe mạnh hơn. Rắn sống được từ 10 đến 25 năm, những con lớn thì có thể sống đến 100 năm. Rắn, có loại có nọc độc và loại không độc. Loại không có nọc độc giết chết con mồi bằng cách siết chặt. Do khả năng lột da (khả năng tái sinh), có nọc độc giết người, thân thẳng đuột nhưng lại bò ngoằn nghèo và có thể cuộn tròn nên người ta gán cho rắnn​ hiều tính xấu và cả tính tốt: Rắn khôn ngoan nhưng ác độc, lươn lẹo, xảo trá, đa nghi, nham hiểm (khẩu Phật tâm xà). Rắn tượng trưng cho sinh tử, âm dương, thiện ác, luân hồi.
• Vị thần của sự Khôn ngoan biểu hiện là Nữ thần đang soi gương và trên cánh tay có một con rắn.
• Khả năng lưỡng tính của rắn tượng trưng cho sự khởi đầu của vũ trụ,
• Khả năng kéo thẳng, cuộn tròn biểu hiện cho vòng luân hồi của kiếp sống, không có khởi đầu hay kết thúc…

Đố quý vị nước nào nhiều rắn nhất?

Sao Khuê cứ tưởng là Canada, lạnh ngắt, sẽ không có rắn vi tại Montreal Sao Khuê chả thấy con rắn nào trong khi nghe nói ở Florida rắn búa xua, nằm cả trong giày, trong garage, trước cửa, trong vườn…Ai dè, vừa hỏi Google thì Sao Khuê mới biết tỉnh bang Manitoba, vùng Narcisse có một động rắn khổng lồ chứa tới 70.000 con rắn sọc đỏ, may mà chúng không độc. Mùa đông chúng ngủ trong hang, khi trời ấm thì tranh nhau bò ra giành vợ, 50 trai mới có một gái mà.

Đảo ​llha De Queimada Grande ở Brazil là nơi nguy hiểm nhấtthế giới. Nhà nước tuyệt đối cấm người lai vãng, trừ những nhà khảo cứu. Nơi đây có trên 400.000 rắn cực độc. Tuy vậy nhữngkẻ bắt trộm rắn vẫn lén đến đây để bắt rắn vì giá con rắn độc ở đây, rắn hổ lục đầu vàng, nọc độc gấp 5 lần rắn độc khác, lên tới 30.000 USD.
Nọc rắn chủ yếu dùng để chế huyết thanh điều trị người hay vật bị rắn độc cắn.




Theo tài liệu trên mạng thì:

Nọc độc của rắn được chia làm 3 nhóm chính: cytotoxin, neurotoxin và hemotoxin. Khi tấn công con mồi, rắn thường đểkệ cho con mồi chạy hoặc giãy giụa khiến chất độc lan nhanh​ theo máu. Neurotoxin sẽ làm tê liệt thần kinh, hemotoxin phá​ hủy tế bào hồng cầu, còn cytotoxin ngăn cản các enzyme tế bào hô hấp. Khi con mồi ngất ngư, rắn chỉ việc há hàm và nuốt trọn. Nọc độc của 1 con rắn có thể giết chết chừng 100 người.

Nhiều người thắc mắc: Rắn độc như vậy thì ăn thịt nó có nguy​ hiểm không? Thưa không, bởi nọc độc là hai tuyến nằm ở hàm​ của rắn chứ không nằm ở thịt. Theo y học cổ truyền: "Thịt rắn có vị ngọt, mặn, tính ôn, có tác dụng trừ phong thấp, giảmđau, tiêu độc", người xưa ăn thịt rắn thấy giảm đau là vìvậy. Nọc rắn làm giảm đau nhưng không gây nghiện hay tác dụng phụ như thuốc Tây.

Khi đem rắn ngâm rượu thì người ta ngâm nguyên cả đầu với cái miệng há ra dữ tợn, vậy liệu nọc độc trong miệng ấy có gâyhại cho các đệ tử lưu linh không? Quý vị hãy yên tâm vì alcoolcủa rượu đã hủy tác dụng độc trong nọc.
 

Loài rắn độc nhất trên mặt đất là "Rắn dữ" (Fierce Snake), còn được biết là “Taipan nội địa”. Đây là loài rắn có nọc độc thuộc hạng nhất so với bất kỳ loài rắn sống trên cạn nào trên thế giới. Lượng nọc tối đa của một vết cắn là 110 mg, đủ để giết chết 100 người, hay 250.000 con chuột… 

Rắn hổ mang chúa, dài 5.4 m, dài nhất trong các loài rắn.

Theo WHO, Ấn Độ là nước mà người dân bị rắn độc làm hại nhiều nhất, chiếm ½ trường hợp trên toàn cầu và số người chết cũng trên một nửa của cả thế giới. Từ năm 2000 đến năm 2019, khoảng 1,2 triệu người Ấn Độ bỏ mạng vì rắn cắn.

Tại làng Gauriganj, miền bắc Ấn Độ, trẻ em được dạy cách“chơi” với những con rắn từ lúc hai tuổi. Những người thôimiên rắn trong làng cho rằng trẻ nhỏ cần được tiếp xúc với rắn càng sớm càng tốt.

Người thôi miên rắn còn được coi là hiện thân của Thần SIVA - vị thần được mô tả có làn da màu xanh và có con rắn hổ mang quấn quanh cổ. Nhiều người tin rằng các thầy “phủ thuỷ” này có khả năng chữa lành mọi thứ. Các thầy “phù thủy” trên phố thường tạo ra bầu không khí thần bí, mặc trang phục cổ truyềnvà đem theo một chiếc giỏ chứa những con rắn hổ mang. Họchơi một thứ nhạc cụ gọi là kèn pungi, con rắn di chuyển theo âm nhạc và người xem cho rằng chúng bị thôi miên. Sự thật làrắn không có tai ngoài và cũng không hề nghe thấy tiếng nhạc. Chúng tưởng chiếc kèn Punji là vật nguy hiểm nên đứng thẳng lên, phùng mang để đối phó. Chúng lắc lư theo sự di chuyển các ngón tay của người phù thủy trên cây kèn.


Những con rắn hổ mang này đều đã bị nhổ răng độc hoặc khâu miệng, chúng bị chết trong vòng 2 tháng do tiêu hóa yếu đi.

Có thuyết cho rằng rắn là hậu duệ của rồng, không biết là cháu mấy đời vì người ta chỉ nhìn thấy rắn chưa thấy rồng dù người Việt mình vốn con rồng cháu tiên. Lạc Long Quân đã từng xuống biển chém ngư xà tức là con cá rắn hay con rắn nướchung dữ tức là con thuồng luồng : * Thuồng luồng là rắn nước, sách Lĩnh Nam Chích Quái ghi là Giao Long, và kể rằng vuaHùng đã dạy dân chúng " lấy mực xăm vào mình hình (Lạc) Long Quân, giống dạng thuỷ quái " để thuồng luồng tránh xa.

Năm rồi, 2024, Sao Khuê ở Chiangmai – Thaïlande 2 tuần, ngày nào cũng đi thăm chùa. Thiệt khó hiểu khi thấy tượng rắn khắp nơi được thờ cúng. Hôm nay mới vỡ lẽ, đó là tượng rắn thần Naga. Có cả tượng Phật Thích Ca được rắn thần che mưa nắng.

Naga, gốc tiếng Phạn, chỉ một vị thần hay một sinh vật có hình​ dạng là con rắn “mang bành chúa” khởi đầu được thấy trong văn hóa Hindu sau rất phổ biến trong kinh văn, trong Phật thoại và trong nghệ thuật tạo tượng nơi các chùa chiền Phật giáo ở hầu hết các quốc gia châu Á.

Rắn Naga 5 đầu là biểu tượng kim – mộc – thủy – hỏa – thổ. Ảnh Phạm Ngọc Dương

Trong các công trình cổ, có các hình tượng rắn 3 đầu, 5 đầu, 6 đầu, 7 đầu và 9 đầu. Rắn 3 đầu tượng trưng cho thiên – địa – nhân; 5 đầu là kim – mộc – thủy – hỏa – thổ; 6 đầu biểu trưngcho nữ giới, trái đất, thể xác và sự chết chóc; 7 đầu tượng trưngcho sự đắc đạo trong tu hành và 9 đầu chính là con đường dẫn lên thiên đàng.

Trong những ngôi chùa ở xứ sở chùa tháp, rắn thần Naga xuất hiện khắp nơi, từ cổng chùa đến nóc chùa, đầu đao ở nóc chùa, thậm chí trên những cánh cửa tủ đựng kinh sách…


Trong dân gian, rắn Naga cũng xuất hiện ở nhiều nơi. Những chiếc xe tang luôn có hình ảnh rắn Naga, để đưa linh hồn người chết về cõi Niết Bàn.\

Trong kinh Maha, khi Đức Phật hạ thế, có con rắn (một số truyền thuyết gọi là rồng) 9 đầu phun nước thơm tắm cho Đức Phật.
Vào tuần thứ 6, sau khi thành đạo, bỗng nhiên có trận mưa to, gió lớn, trời tối sầm sập, mây đen kéo đến, mãng xà vương Mucakinda​ từ ổ chui ra, uốn mình quấn quanh Đức Phật để bảo vệ cho Ngài. Đầu rắn bạnh ra che mưa cho Ngài. Vì thế, mưa gió không ảnh​ hưởng đến quá trình tu tập của Đức Phật.

Ngày thứ 7, khi trời quang, mây tạnh, rắn thần rời bỏ Đức Phật, hóa thân thành một thanh niên tuấn tú, đọc lời khai sáng cho Đức Phật.
Rắn Naga còn tượng trưng cho sự thịnh vượng nên được phong làm vị thần bảo vệ mùa màng, mang nước vào sông và đồng ruộng.

Rắn Naga thường được đắp ở cổng chùa, mái chùa. Ảnh Phạm Ngọc Dương Vùng Bình Trị Thiên có câu ca dao tựa như lời chồng mắng vợ:

Con rắn không chưng (chân) nó lượn năm rừng bảy rú
Con gà không vú nó nuôi đặng chín mười con
Anh tưởng em má phấn môi son
Ai ngờ má mỏng môi mòn thế ni...


Để trả lời cho một vị vua đến hỏi Đức​ Phật là có nên mang binh lính đi đánh nước láng giềng vì tội xâm lăng không thì Đức Phật bèn kể cho nhà vua nghe câu chuyện con rắn độc: Trong một làng nọ, có một con rắn độc rất hung dữ. Nó đã cắn chết rất nhiều người. Một hôm có vị tu sĩ đi ngang qua ngôi làng, ngồinghỉ dưới bóng mát của gốc cây, chợt con rắn độc bò ra định cắn vị tu sĩ. Thấy sắc mặt của vị tu sĩ vẫn thản nhiên không sợ hãi, nó rất kinh ngạc.

Vị tu sĩ giảng cho nó rằng khi con cắn người là gây tổn thương cho họ, họ sẽ vô cùng đau đớn thậm chí là mất mạng. Rắn độc liền khởi tâm từ bi, từ đó nó quyết định sẽ không bao giờ hại người nữa: khẩu xà tâm Phật.

Khi thấy rắn độc không cắn người, người ở trong làng dần dần hết sợ. Họ bắt đầu trêu trọc nó, trẻ con dùng chân đạp lên đuôi, rồi ném đá khiến nó bị thương rất nặng. Nhưng dù vậy, nó vẫn không hề làm tổn thương ai và không hề muốn báo thù. Đói khát, và đau đớn khiến nó kiệt sức.

Một ngày kia, vị tu sĩ nọ lại đến, thấy tình cảnh của con rắn, thầy rất đau lòng. Sau khi đắp thuốc chữa trị, vị tu sĩ mới hỏi “tại sao con lại lâm vào cảnh ngộ này”. Rắn độc trả lời “con đã ngộ được đạo nên không cắn người nữa.”

Vị tu sĩ mỉm cười và nói rằng “ta bảo con kiềm chế bản tính hung dữ nhưng con lại làm mất luôn cả tính tự vệ của con.
Con không cắn người thì cũng phải thè lưỡi ra để mà dọa họ chứ”.
Khiếp! nhìn cái lưỡi mỏng lét, nhọn hoắt, dài thòong lòong le ra,qua trái, qua phải… thoăn thoắt, kinh thấy mồ, sợ phát ớn, đúng không quý vị?
Vậy quý vị nhớ nhé, đánh thì đau tay, cắn thì đau răng, chỉ cần hét to để dọa thôi, thêm trợn mắt nữa thì tốt.
Tại sao nữ hoàng Cleopatra lại chọn rắn Aspis để tự sát? Vì nó cắn không đau và rất đẹp quý vị ạ. Nó còn có thể leo lên cây và biết bơi. Thiệt tình, người đẹp chết cũng còn muốn rắn đẹp cắn mới chịu.


Trở về nước Việt Nam mình thì có huyền thoại cho rằng Thị Lộ vốn là con rắn hóa thân người để báo thù Nguyễn Trãi, khi ngài để các gia nhân vô tình nổi lửa giết chết bầy rắn con, khiến khai quốc công thần Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.

Quý vị có nhớ chuyện nhà bác học Lê Quý Đôn nháy mắt làm xong bài thơ “ Rắn đầu biếng học” không ạ:

Chẳng phải “liu điu” vẫn giống nhà
“Rắn” đầu biếng học quyết không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét “mai gầm” rát cổ cha
“Ráo” mép chỉ quen tuồng lếu láo
“Lằn” lưng chẳng khỏi vết roi da
Từ nay “Trâu” “Lỗ”* xin siêng học
Kẻo “hổ mang” danh tiếng thế gia.

*Trâu, Lỗ: chỉ rắn hổ trâu. Trâu cũng chỉ nước Chu, quê hương thầy Mạnh Tử và nước Lỗ là quê Khổng Tử. “…” là tên các loài rắn

Việt Nam có khoảng 140 loài rắn, trong đó khoảng 18 loài rắn độc ở đất liền và 13 loại rắn độc ở biển. Nọc rắn độc gồm hơn 20 thành phần khác nhau, chủ yếu là protein chứa các men và độc tố polypeptide; tùy loại rắn mà thành phần chất độc cũng khác nhau. Mùa mưa là mùa sinh sản của rắn, đặc biệt, khi rắn mang bầu thì nọc độc cao hơn bình thường…

Quý vị đã thấy hình thần rắn Naga, không hiểu rắn có đi tu không. Việt Nam mình thì thường đồn nhau rằng những cặp rắn cứ chiều tối là bò vào chánh điện của sư cụ để nghe kinh. BênTầu thì có rắn tu thành người. Đó là truyện Thanh xà Bạch xà, Hai con rắn lớn màu xanh và màu trắng tu thành người, kết nghĩa với nhau như hai chị em. Bạch xà lấy được chàng thư sinh tên Hứa Tiên, sau có Pháp Hải hòa thượng vốn là con rùa đen hóa thân, bắt nhốt Bạch xà vào tháp Lôi Phong, chùa Kim Sơn thuộc Hàng Châu .

“Nam nhâm, nữ quý”, quý vị tuổi quý tị thường nhàn nhã phong lưu, khôn ngoan tuy đa nghi một tí đủ để ông chồng, bà vợ không dám đi khuya về tắt…

Thú thật với quý vị, Sao Khuê sợ rắn nhất, nhưng năm mới là năm Quý Tỵ nên Sao Khuê gồng mình, đỏ mắt viết bài này chứ nhìn hình mấy con rắn lúc nhúc, trơn trượt, rùng cả mình…Thôi, chả dám viết tiếp nữa đâu.

Sao Khuê
• Viết theo Hình ảnh và Tài liệu lấy từ trên mạng Internet.
 

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Say Noel - Sáng Tác: Lm. Kim Long - Xuân Ly Băng - Hải Linh


Sáng Tác: Lm. Kim Long
Xuân Ly Băng
Hải Linh

Nửa Đêm Nguyện Cầu!

  

Nửa đêm thánh thót chuông ngân
Giáo đường chào đón giáng trần Ngôi Hai
Khẩn cầu tha thiết van nài
Tâm tình dâng trọn trong bài Thánh ca

Bao mùa Lễ đã trôi qua

Say lòng con vẫn thiết tha đợi chờ
Say người cứ mãi là thơ
Say Noel cũ hoài mơ bóng hình

Đêm nay sao sáng lung linh

Dưới trời lấp lánh một mình lẻ loi
Có Chúa con chẳng đơn côi
Vì trong tình Chúa cả trời huyền siêu

Ban đến những người con yêu
An lành, hạnh phúc vạn điều ước mong...
Xin tạ ơn Chúa Hài Đồng
Một mùa thánh thiện, trong vòng tay nâng.
Amen!

Kim Oanh
Noel 2024

Đêm Noel

 

Đêm Noel giữa mùa đông lạnh lẽo,

Không gian mờ, lạnh buốt chơi vơi.

Mặt đất liền, tuyết trắng xóa trải phơi,

Mặn nồng, ôm-ấp từng dãy nhà thân yêu!


Đường yên lặng, cây trụi lá hắt-hiu,

Thì thầm, rả rích, buồn thiêu đợi chờ.

Trong nhà ánh sáng chói lơ mơ,

Nhạc vàng êm dịu, tiếng tơ ngọt ngào


Cành cây thông, hoa lá xôn xao,

Lập lòe ánh sáng, đón chào Noel

Dưới gốc cây, quà tặng huyên thiên,

Chờ người đón nhận ân riêng của mình.


Tiếng đồng hồ gõ nhịp vui mừng,

Mọi người phấn khởi, rộn vang hoa lòng!

Tạ ơn Đấng CHRIST phúc huệ ngọc vàng,

Tươi vui, hạnh-phúc, hy vọng một năm an lành.


Những món quà tặng quý giá trâm anh

Tình thương mang  mác,trong xanh mây trời!

Trong lòng Cha, nhạc vàng thánh thót thảnh thơi

Gia đình êm ấm, cuộc đời hanh thông!


Tô Đình Đài

Tiếng Gọi Đêm Giáng Sinh - Tiếng Buồn Đêm Đông

 

Tiếng Gọi Đêm Giáng Sinh

Vô phương tìm kiếm người ta
Giáng Sinh về khắp mọi nhà người ơi
Người đang ở tận phương trời
Có nghe tiếng gọi của tôi .... nhớ người..???
Giáo Đường vắng bóng ai rồi
Bên hàng bạch lạp tôi ngồi tự soi
Bóng tôi hoà lẫn bóng người
Nhưng đôi lòng vẫn tách rời hai phương
Hồi chuông vang vọng Thánh Đường
Tim tôi hoà nhịp nghìn thương trăm lời
Tiếng ca vang đến vạn nơi
Nguyện xin Ân Chúa cho vơi nỗi sầu

Kim Oanh
***
Cảm Tác:

Tiếng Buồn Đêm Đông

Tiếng lòng vang vọng canh thâu
Nửa buồn xa vắng nửa sầu dư đêm
Tiếng thơ rơi nhẹ bên thềm
Từ Xuân đến Hạ êm đềm mùa sang
Tiếng thời gian tiếng Thu tàn
Mênh mông tuyết trắng mênh mang tơ lòng!

Yên Dạ Thảo
28.12.2024

Đêm Đông

 

Nguyệt xế đầu non bóng đã tà
Đêm về hơi lạnh gió đưa qua
Canh tàn khắc khoải thương quê cũ
Gác vắng bồi hồi nhớ xứ xa
Khói trắng sương mờ thơ chẳng ý
Trời cao đất rộng kiếp không nhà
Đông sang buốt giá lòng cô lữ
Tri kỷ đâu rồi chỉ một ta


ThanhSong KimPhú
CA 30/12/2022

Tản Mạn: Một Nén Tâm Hương Tưởng Nhớ Người


Với tất cả lòng thành kính, ngưỡng phục, con–một chúng sinh vô danh– hướng về Đức Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ, một bậc Đại trí giả vừa rời cõi tạm trần gian*. TH 

*Bài viết nầy cách nay hơn 1 năm (06/12/2023)

1/-

Khung trời cũ (Không đề)
Tác giả: Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ


*Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn

               


Trong một bài tản mạn mùa đông tôi đem bốn câu thơ đoạn II bài thơ trên của vị đại Thiền sư, thi sĩ, Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ vào phần mở đầu, và định sẽ đăng trọn bài thơ phần kết thúc bài tản mạn- bài thơ mà một đại-thi-sĩ khác –Bùi Giáng– đã hết lời ca ngợi và nhận xét: ”Chỉ một bài thơ Tuệ Sỹ đã trùm hết mọi chân trời mới cũ từ Đường Thi Trung Hoa sang Siêu Thực Tây Phương”.

Giai thoại chính thi sĩ Bùi Giáng kể về “thi sĩ, thiền sư” Tuệ Sỹ vào năm 1969 khi ông vừa đọc xong bài ”Khung trời cũ”, mà lúc đầu tựa là Không Đề, rằng: “ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề có bao giờ vướng luỵ, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm?”

Chỉ mới nghe bốn câu đầu thôi đã khiến Bùi Giáng ”cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ”, “đã khiến khiếp vía mất ăn mất ngủ”

Và thi sĩ Bùi Giáng đã ”hoảng vía đề nghị rằng: Đại sư nên gác bỏ viết sách và làm thơ tiếp nhiều cho, nếu không thì nền thi ca mất một thiên tài quá lớn”


Sau thi sĩ Bùi Giáng, còn ai khác ngoài triết gia Phạm Công Thiện đủ thẩm quyền để nói về HT Tuệ Sỹ: ”Tôi xin gọi hai vị (còn 1 người khác mà tôi không kể ra đây) là hai thiền sư lỗi lạc nhất, thông minh nhất, uyên bác nhất, trong sạch nhất….với tất cả đắn đo thận trọng, với tất cả ý nghĩa cao đẹp và như thực của một danh xưng xung thiên chí”

“Tuệ Sỹ có tâm hồn thi sĩ chơi vơi, sống trọn vẹn trong thế giới nghệ thuật và thi ca, thổi sáo, chơi dương cầm, làm thơ…” 


2/-

Buổi chiều thứ sáu ngày 24.11.2023 tôi viết tản mạn Thi Ca Mùa Đông phần I coi như hoàn tất chỉ còn loay hoay chỉnh sửa cho gọn gàng câu văn thì tôi nhận hung tin Thầy tạ thế. Một người bạn MK tức tốc gởi cho tôi file PDF gồm 12 bài viết trích trong Kỷ yếu tri ân HT Thích Tuệ Sỹ do những Hoà Thượng, nhân sĩ tri thức, triết gia…đã từng là đồng nghiệp, môn huynh, môn đệ, học trò hay từng tu tập cận kề với Thầy viết cảm tưởng. Tâm trạng tôi bàng hoàng, xúc động, tiếc nuối– như mỗi lần hay tin một nhân vật tài giỏi có tâm huyết bỏ nhiều công lao cống hiến cho nền văn hoá VN rời bỏ chúng ta trở về tro bụi–


Nhưng lần này, nỗi xúc cảm tôi càng mạnh nhiều hơn. Bởi đây là một vị chân tu tài, đức, trí uyên bác lỗi lạc về mọi phương diện: Hoà Thượng, Thiền sư, Học giả, Thi sĩ, Nhạc sĩ Thích Tuệ Sỹ được cả thế giới kính trọng, chia buồn trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.


*Nỗi xúc động chưa kịp lắng thì sáng 30 tháng 11.2023 lại hay tin văn, thi, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn qua đời. Trời ơi, trùng hợp với việc tôi sắp sửa viết một bài nhắc đến ông cùng tác phẩm, bởi liên quan với chủ đề tôi nghĩ. Tôi đã thảo sẵn mấy nét chính để đừng quên. Sao mà lần lượt từng người chúng ta kính yêu ngưỡng mộ “rủ nhau” ra đi cùng lúc vậy. Sao không nán lại trần gian ít lâu nữa, để làm đầy thêm gia tài những tinh hoa kiến thức quí báu lưu truyền cho hậu thế.


Nỗi xúc cảm thứ nhì cộng vào nỗi xúc cảm thứ nhất, lồng vào không gian bên ngoài ngập tràn tuyết trắng rơi không ngớt từ hai tuần nay khiến tâm tư tôi thêm nặng trĩu. Quẩn quanh trong đầu câu hỏi: Sống để làm gì ? Theo cái vòng Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Vô lý quá. Sinh ký, tử qui–Sống gởi, thác về– Người rời bỏ xác thân tứ đại ở cõi tạm thì đã yên bình nơi chốn vĩnh hằng, để người còn ở lại tiếc thương, sầu khổ*


*Tôi bắt quàng xiên, vì cùng lúc nghĩ đến chồng. Mười năm trước, vào giữa tháng 12 cũng tuyết rơi trắng ngập lối đường, cảnh vật buồn thiu giống như bây giờ, anh đã bỏ tôi mà về với tro bụi, với cõi hư không huyễn mộng.


3/-


Tôi chỉ là một chúng sinh vô danh, không có may mắn diện kiến với Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ 


và sẽ không bao giờ được trên cõi đời nầy nữa. Nhưng tôi có thể “nhận vơ” là có duyên may “gặp” thi sĩ Tuệ Sỹ từ hai năm nay rồi đó.


Thật ra, tôi đã từng nghe nhắc đến Người rất, rất lâu trên danh vị Thiền sư, Giáo sư giảng dạy tại Đại học Vạn Hạnh từ năm 1970 có làm nhiều bài thơ trác tuyệt. Với sự nông cạn hời hợt, tôi nghĩ chúng ta có thơ của các ông Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng. Nghĩa là viết về thiền, đạo, về lẽ nhiệm mầu vô vi vạn vật, về lối sống thung dung tự tại phóng khoáng của người Ngộ Đạo…những vần thơ thanh thoát, vượt ngoài cương toả tục luỵ, giờ thêm thiền sư Tuệ Sỹ.


Thời đi học tôi chưa có dịp đọc bất cứ bài thơ nào của Thiền sư–bởi tâm hồn nữ sinh mới lớn trong veo như tờ giấy trắng chỉ thích tìm đọc thơ trữ tình của Nguyên Sa, Lưu Trọng Lư, Quang Dũng, Đinh Hùng, Tagore… thả hồn mơ mộng chuyện tình-yêu-tuổi-học-trò là chính.


Giả dụ thuở ấy tôi có diễm phúc được đọc thơ của Thầy chắc cũng mông lung ngơ ngáo chưa hiểu hết ý nghĩa thâm sâu chứa ẩn trong ngôn từ. Chỉ khi người ta lớn dần theo năm tháng, trải qua nhiều thăng trầm khổ nạn cuộc đời thì mới thấu hiểu–chỉ phần nào thôi– những gì Thầy gởi gấm vào câu chữ tưởng là đơn giản nhưng chứa đựng bao tư tưởng vi diệu. Nhạc sĩ Vũ Thành An viết trong Đời Đá Vàng:


Có một lần mất mát mới thương người đơn độc
Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu…
…Xuống tận cùng dưới đáy, thấy mênh mông rộng cõi trời
Hãy mở lòng chúng ta đón nhận biển tình yêu…

Tôi nói “gặp” thi sĩ Tuệ Sỹ từ hai năm nay. Chính xác là tôi “gặp thơ” của thi sĩ chứ không phải gặp chính bản thân Thầy. Một hôm tôi vào diễn đàn quen thuộc đọc sách, truyện, thơ như thường lệ. Những quyển nào hay thì tôi đã đọc cả rồi, đang lục lọi tìm tòi những tác phẩm mới in bỗng gặp bài thơ gồm 4 đoạn 16 câu. Chỉ cái tựa đề thôi đã nghe rất trữ tình, mềm mượt, dịu dàng:


Nhớ Con Đường Thơm Ngọt Môi Em

Tóc em tung bay sương chiều khói biếc
Dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng
Tình hay mộng khi Trường Sơn xa hút
Đến bao giờ mây trắng gởi tin sang

Hồn tôi đi trong rừng lang thang
Vọng lời ru từ ánh trăng tàn
Mắt em nhỏ ngại ngùng song cửa
Nghe tình ca trên giọt sương tan

Bóng tôi xa đêm dài phố thị
Nhớ con đường thơm ngọt môi em
Ơi là máu, tủi hờn nô lệ
Bóng tôi mờ suối nhỏ đêm đêm

Gót chân em nắng vàng xua viễn phố
Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim
Ôi ta nhớ như đêm dài thượng cổ
Sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim

Bài thơ thu hút sự chú ý của tôi. Tìm tên tác giả bên dưới. Thiền sư Tuệ Sỹ. Làm ở giai đoạn 1976-1977. Tôi ngạc nhiên, một ngạc nhiên đầy thú vị. Kêu thầm: Trời ơi sao thiền sư mà làm thơ tình hay quá, đâu thua gì các thi-sĩ-tình-yêu khác. Bài thơ nhắc đến một người con gái với tóc bay bồng bềnh sương khói, với gót chân trong nắng vàng qua phố cũ, với đôi mắt ngại ngùng bên song cửa… Nàng đây có thể là 1 người có thật ngoài đời, có thể chỉ là 1 bóng hình tưởng tượng(là tôi tự đoán). Đoạn III:


Bóng tôi xa đêm dài phố thị
Nhớ con đường thơm ngọt môi em

Câu “nhớ con đường thơm ngọt môi em” đậm chất lãng mạn khiến lòng tôi tràn ngập cảm xúc bâng khuâng, thì bỗng liền kề hai câu bên dưới:


Ơi là máu, tủi hờn nô lệ
Bóng tôi mờ suối nhỏ đêm đêm

Khó hiểu quá. Vì sao “có máu, tủi hờn nô lệ” với “bóng tôi (tác giả) mờ suối nhỏ đêm đêm” xen vào giữa những câu thơ tình tuyệt vời như thế? Tò mò tôi lục tìm đọc tác phẩm & tiểu sử cuộc đời Thầy. Mới khám phá nhiều điều phi thường về Hòa thượng. 


Thì ra Thầy không phải chỉ là một nhà sư-thi-sĩ đơn thuần như tôi từng ngộ nhận, mà trong thân thể gầy gò bình dị với đôi mắt tinh anh sáng quắc cho đến cuối đời chứa đựng một bộ óc thông thái xuất chúng, ngoại hạng, lỗi lạc của một đại học giả nghiên cứu Phật học, triết gia, từng là giảng sư Đại Học Vạn Hạnh Saigon khi mới 26 tuổi. Là một thi sĩ, nhạc sĩ với các áng thơ văn thâm trầm, thanh thoát…. Đáng ngưỡng mộ là Thầy tự học thông thạo hơn chục ngoại ngữ kể cả cổ ngữ Phạn, Pali, Hán..tự học đàn piano, violon, guitar, thổi sáo đều thuần thục. Tôi đã thấy trên video phong cách Thầy ngồi đàn khúc Moonlight Sonata của Beethoven bằng 10 ngón tay thoăn thoắt nhuần nhuyễn lướt trên phím dương cầm một cách say sưa. Và càng hoan hỉ khi Thầy nhả âm thanh thánh thót bài Tout l’amour (Pháp) mà cả thế giới đều biết qua tiếng ca Dalida:


Tout l’amour que j’ai pour toi
Est brulant comme un feu
Il est grand et plein d’éclats
C’est si bon d’être heureux…

Dịch: 

Đến đây với nhau những khi buồn
Về bên anh, về bên anh
Nhớ thương mới hay biết đêm dài
Vì yêu ai, vẫn yêu hoài…*

(Lời Việt: Nguyễn Duy Biên)

*Không hiểu sao lời Việt chẳng chút gì tương quan với lời Pháp, chắc để cho hoà hợp với giai điệu các nốt nhạc.


Thầy là một trong rất hiếm hoi bậc hiền giả, chân tu ngoại hạng. Sự ra đi của Thầy để lại một khoảng trống, một mất mát cho Phật học và văn hoá Việt Nam vô cùng lớn.

Tôi sẽ không ca tụng tán thán về Thầy nhiều nữa, vì chắc chắn mọi người đều đã biết, nghe về tiểu sử cuộc đời của Thầy. Về những công trình nghiên cứu Phật giáo mà Thầy để lại như dịch thuật Đại Tạng Kinh, Duy Ma Cật, kinh Hoa Nghiêm, Tập A Hàm… Những bài chính luận về đạo học, văn hoá, giáo dục, xã hội. Về triết Đông triết Tây…


Tài năng, trí tuệ, phẩm hạnh của Thầy thì “bất khả tư nghị”. Bất khả tư nghị là một thuật ngữ trong Phật giáo, có nghĩa đơn giản là “không thể nghĩ bàn”khi nói tới điều gì không thể hiểu được, vượt lên trên lý luận. Tả cái Tuyệt đối, chỉ người giác ngộ mới hiểu hết. 

Trình độ hiểu biết của tôi còn quá yếu kém nên tôi chỉ dám nhắc về những bài thơ nào mà tôi rất yêu thích ngưỡng mộ–mặc dầu tôi không hiểu hết ý nghĩa Thầy chuyên chở, chỉ biết là vần điệu câu chữ đọc lúc trữ tình, ngọt lịm lúc man mác, sâu sắc, u uẩn làm lay động cả lòng.

 

Theo thiển ý, đã gọi là thơ thì khó mà giải thích, cắt nghĩa trần trụi như môn khoa học. Ta chỉ cảm nhận bằng giác quan thứ sáu, bằng sự đồng cảm của trái tim thôi chứ nếu phân tích rõ từng câu chữ thì sao còn gọi là thơ được nữa.


4/-

Tôi có thói quen thường hay trích đoạn thơ, nhạc đem vào bài viết. Bởi chữ nghĩa tôi nghèo nàn kém cỏi quá không đủ khả năng để diễn tả trọn vẹn điều mình muốn nói, nên mượn lời thơ điệu nhạc mới truyền tải được hết ý. Qua đó người đọc sẽ thấu cảm dễ dàng điều tôi gởi gắm, không bị nhàm chán bởi câu văn viết dở, vừa được ôn đọc lại những câu thơ lời nhạc quen thuộc. Một mũi tên mà trúng hai con chim là vậy.


Tôi có diễm phúc đọc thơ Thầy Tuệ Sỹ, tâm hồn nhạy cảm của tôi đón nhận các vần thơ ấy ngay tức khắc–như tôi từng đón nhận các bài thơ hay của nhiều thi sĩ khác– Chẳng hạn hai câu mở đầu cho quyển thơ Giấc Mơ Trường Sơn 1968–1974:


Anh ôm giấc mộng đi hoang
Biết đâu mà kiếm trăng ngàn cho em

(Phương Trời Viễn Mộng)


Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về

(Kết Từ)

Giống như radio bị nhiễu sóng những khi thời tiết xấu không nghe được. Ta thử lần mò xoay nút trong ngổn ngang âm thanh láo nháo, bỗng may mắn chộp đúng tần số (longueur d’onde), thế là giọng nói nổi lên. Trong thi ca hay âm nhạc cũng vậy, tư tưởng hay tâm hồn giữa con người cũng phải cùng một cảm nhận, một thẩm âm, một”tần số” thì mới bắt được nhịp sóng, mới say mê thích thú lắng nghe điệu nhạc lời thơ đó. Có thể câu thơ lời nhạc kia là tuyệt vời với người này nhưng người khác thì không cùng cảm nhận, bởi không cùng “tần số”.


Tuy nhiên không phải câu nào tôi cũng hiểu hết ý nghĩa. Có câu tôi chỉ hiểu lờ mờ.Tư tưởng của Thầy quá thâm sâu bát ngát, tôi chỉ như cọng cỏ may nhỏ nhoi dưới gốc đại thụ thiên niên làm sao có thể hiểu tường tận. Đừng hỏi vì sao tôi thích câu thơ nầy, câu thơ nọ. Chỉ biết thích là thích, thế thôi. 

     
Thiên Lý Độc Hành

Ta về một cõi tâm không
Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn
Còn yêu một thuở đi hoang
Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya

Ta đi dẫm nắng bên đèo
Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều…

…Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn
Bóng người cô độc dẫm hoàng hôn
Bởi ta hồn đá phơi màu nắng
Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn…

…Từ thuở hồng hoang ta ở đâu
Quanh ta cây lá đã thay màu
Chợt nghe xao xuyến từng hơi thở
Thấp thoáng hồn ai trong khóm lau…
(Thơ Tuệ Sỹ, 2011–2012)

Một bài thơ trùng tựa với thơ của thi sĩ Thâm Tâm:


Tống Biệt Hành

Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình nước lạnh sao?

Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi

Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhoà

Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhuỵ trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh?

Trong thơ, thi sĩ thường hay nhắc đến 


Cuộc Lữ:


Nằm ôm một bóng trăng gầy
Vai nghiêng tủi nhục hờn lay mộng tàn
Rừng sâu mấy nhịp Trường Sơn
Biển đông mấy độ triều dâng ráng hồng

Khóc tràn cuộc lữ long đong
Người đi còn một tấm lòng đơn sơ…
(Một Bóng Trăng Gầy)

Cuộc lữ? Trong tác phẩm của Hòa Thượng Tuệ Sỹ: “Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng”HT đã viết tựa, mở đầu bằng hai câu thơ:


Trong ta là núi là rừng
Là trăm tiếng hát đã dừng trên môi
(Thân Phận)

Tiếp theo Thầy giải thích, tôi sơ lược:


“Âm hưởng của Thi là tiếng vang của nhịp bước trong cuộc Lữ.

Thảm hoạ lịch sử, những tham vọng cuồng dại si ngốc của con người càng lúc càng đổ dồn lên cuộc Lữ…Cuộc Lữ trở thành cuộc đày ải; Thi cũng trở thành ẩn tình hoài vọng quê hương; hoài vọng những phương trời viễn mộng của quê hương”:


*Mười Năm Trong Cuộc Lữ

Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn…

…Mười năm sau anh băng ngàn vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu giữa đồng hoang…

…Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương

*Mộng Trường Sinh


Đá mòn phơi nẻo tà dương
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi
Nghìn năm vang một nỗi đời
Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương

Càng đọc các bài thơ của Thầy tôi càng bị thu hút, đắm chìm vào cõi Thơ phiêu nhiên tinh tế khó dứt. Ngôn ngữ thi ca thường có nhiều ẩn dụ mà chỉ chính tác giả mới hiểu rõ hơn hết điều muốn diễn tả. Chúng ta lãnh hội rồi suy diễn theo cảm nhận riêng của mỗi người. 


5/-


Thơ của Thầy ảo diệu quá, tôi xin ngưng bởi “có nói cũng không cùng”. Để kết thúc bài viết tôi 

kể một sự việc nho nhỏ. Buổi chiều ngày 24.11.2023 hay tin HT Tuệ Sỹ qua đời. Dù theo dõi tin tức biết Thầy đã rất yếu mấy ngày trước nhưng lòng vẫn bàng hoàng thương tiếc. Tuy mới hơn 4 giờ chiều mà trời đã mờ tối, phải bật đèn. Lát sau có cô bạn gọi điện hỏi thăm nơi tôi tuyết đổ nhiều hay ít– cô bạn nầy đạo Công giáo, không biết nhiều về HT–nhân đó tôi kể cho bạn nghe về cuộc đời ngoại hạng, trí tuệ uyên thâm, cùng sự ra đi của bậc chân tu khiến xao động hằng triệu con tim ra sao..v..v..Đang thao thao nói theo nỗi xúc động bỗng nghe tiếng động…bụp… căn phòng đang sáng vụt mờ đi. Hơi giật mình, nhìn quanh quất..cái gì vậy nhỉ? Ngó lên trần. Thì ra ngọn đèn chùm ba bóng chiếu ba góc rọi vào mấy chục bức tượng do chồng tôi điêu khắc chưng trong phòng khách bị đứt hết một bóng. Đúng vào lúc tôi đang nhắc đến HT Thích Tuệ Sỹ. 

Biết chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đèn xử dụng lâu thì đứt bóng là chuyện bình thường nhưng vẫn nao nao tấc dạ.


Tôi thử làm mấy câu thơ hồi hướng đến Thầy:


Một nén tâm hương tưởng nhớ Người
Con thuyền cuộc lữ*ngưng giòng trôi
Từ nay thanh thản, rời cõi tạm

Chép nốt bài thơ ngọt mộng đời**

*Chữ của Thầy hay nhắc trong thơ

**Theo hai câu thơ của Thầy Tuệ Sỹ trong bài “Cho Ta Chép Nốt Bài Thơ Ấy”:

Là ta chép nốt bài thơ ấy

Để giết tình yêu cả mộng đời


Thanh Hà

La Chaux-de-Fonds

06.Dec.2023



Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Lời Nguyện Bên Máng Cỏ - Thơ: Vũ Thủy - Nhạc: Phạm Trung - Ca Đoàn Sao Biển


Thơ: Vũ Thủy
Nhạc: Phạm Trung
Ca Đoàn Sao Biển

Giáng Sinh Năm Nhâm Tý

 

Phước-long 1972

Khi con còn nhỏ bé,
Thường theo mẹ đi lễ nhà Thờ,
Mẹ buồn vì năm ấy đồng khô
Cầu xin Chúa, thương dân nghèo khổ !
Cha con ngáp dài quạu quọ
Đã tàn canh, còn mãi đọc kinh !
Vì ngẩn ngơ thế đứng của mình,
Con lặng lẽ vào phòng ru ngủ.

Vào năm ấy con vừa đi học,
Chiến sự dập dồn, giai đoạn phản công.
Cha con theo gót tùng chinh,
Mẹ nức nở bên ruộng vườn hoang vắng !
Đêm đêm mẹ con cầu nguyện
Xin Chúa trời thương xót thế nhân !
Tuổi thơ ngây gót nhỏ bâng khuâng,
Đêm thức trắng nguyện cầu theo mẹ.

Con lớn lên nghe lòng cay đắng !
Mẹ nghẹn ngào trong buổi tiễn đưa !
Nhìn quê hương nước mắt như mưa
Ôi tất cả còn đâu ! nhà thờ nhỏ bé
Quá đau lòng, châu thân tê dại
Sỏi đá buồn còn biết về đâu !
Mắt rưng rưng, mẹ cố nguyện cầu
Xin Cha xót thương cõi đời khổ lụy !

Năm nay, mùa Giáng sinh Nhâm-tý
Khói lửa sôi bùng, chiến sự dằn co..
Lòng bâng khuâng mây tím giăng về,
Chiều Bệnh-viện buồn vương não ruột!
Bàn tay con, bàn tay Thầy- thuốc
Vẫn óc tim mơ ước thuở nào
Lòng thành xin khấn nguyện trời cao
Xót thương, che chở những người hiền lương!

Mùa Giáng-sinh, mùa của yêu thương,
Xin ánh sáng soi đường dẫn lối
Thức tỉnh những kẻ lạc đường tội lỗi
Sớm quay về theo ánh-sáng của Cha.
Cho trần gian bớt nỗi can qua, 
Điều nhân loại vào đường vĩnh cữu
Đa tạ ơn Đấng CHRIST, tình thương nặng trĩu,
Con cháu Lạc-hồng mãi mãi ghi ơn!!

Tô Đình Đài