Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Em Đẹp Như Mơ - Lưu Hồng


Sáng Tác: Nhạc Ngoại Quốc Lời Việt Vũ Xuân Hùng
Ca Sĩ: Lưu Hồng
Thực Hiện: Đặng Hùng

Hoa Hướng Dương


                (Ảnh: Kim Phượng)

Nét duyên dáng đẹp tuyệt vời
Hoa vàng tên gọi mặt trời dễ thương
Người đời thường gọi hướng dương
Tấm lòng không đổi một phương hướng về

Huỳnh Phương Trạch

 

Dòng Sông Trăng Mộng Mơ


Ở nơi nào anh đến
Xin cho em đi cùng
Ta lãng du thế giới
Tận góc biển chân trời
Sống cuộc đời buông lơi

Hạnh phúc, không bi lụy
Vui chơi không ủy mị
Ta ngao du sơn thủy
Ngắm sao trời lấp lánh
Trăng và sông long lanh

Trăng hiện trên dòng sông
Dòng sông tình thơ mộng
Lãng du cõi khôn cùng
Sống cuộc đời thoát tục
Anh mơ cùng em không?

Rong chơi quên tháng ngày
Thong dong và tự tại
Yêu nhau không ngần ngại
Không cần biết ngày mai

Hỡi anh, người yêu dấu
Đi đâu, em đi cùng
Hai ta cùng dệt mộng
Cùng sống trong cõi mộng
Và sẽ cùng mơ chung

Dòng sông dài nhiều dm
Gặp nhau trong đời này
Anh là người vẽ mộng
Cũng là người đập nát
Trái tim em, buồn không?

Quách Như Nguyệt


Vitamins - Bác Sĩ Tống Viết Minh


Còn được dân gian nôm na gọi là thuốc bổ và trong y khoa gọi là sinh tố, vitamins gồm một nhóm các chất rất cần cho đời sống con người. Nhờ chúng mà tế bào của cơ thể có thể hoạt động, sinh trưởng cũng như phát triển bình thường.

Vitamins (sinh tố) được chia làm hai nhóm:

1. Các vitamins hòa tan trong mỡ (liposoluble):

Có trong thực phẩm chứa chất béo như dầu, trái ô-liu, dừa, đậu phụng, mè, hạt hướng dương, trái bơ hay bơ, phó mát, thịt mỡ.

Ta có thể kể:

    · Sinh tố A: 

Cần cho hệ thống miễn nhiễm, sinh sản. Ngoài ra sinh tố A còn giúp tim, phổi, thận và các bộ phận khác trong cơ thể hoạt động đúng với chức năng của chúng. Đặc biệt và quan trọng nhất, vitamin A giúp tế bào mắt phát triển bình thường, nhất là trong những năm đầu của các cháu bé.
Ngoài có trong sữa và các chất mỡ kể trên, đặc biệt ở Việt Nam sinh tố A có nhiều trong trái gấc thường dùng để nấu xôi gấc.
Dinh dưỡng thiếu sinh tố A trong những năm đầu đời đã làm nhiều cháu bé phải bị mù.
Nếu dùng sinh tố A quá liều lượng trong một thời gian lâu, sẽ ảnh hưởng đến thị giác, đau nhức xương cốt và nhiều thay đổi trên da. Nếu dùng lâu ngày sẽ có thể làm hư gan, và hại đến óc.

   · Sinh tố D: 

      Cần cho hệ miễn nhiễm cũng như giúp cơ thể hấp thụ chất xương và phosphate, nhờ đó xương phát triển. Vitamin D cũng giúp các bắp thịt trong cơ thể con người hoạt động tốt.

Da của con người trong trạng thái thiên nhiên có chất tiền sinh tố D. Khi tia cực tím của mặt trời chạm đến da, chúng biến đổi chất tiền sinh tố nầy thành sinh tố D3. Theo một chu trình biến hóa qua gan và đến thận, nơi đây sinh tố D3 cuối cùng trở thành calcitriol, chất được xem hữu hiệu nhất của sinh tố D.

    Thiếu sinh tố D sẽ làm bị bệnh còi xương, xương bị mềm, biến dạng ở các cháu bé hoặc dễ gãy và biến dạng ở người lớn. Nhiều nghiên cứu thấy những ai có lượng sinh tố D thấp trong máu, tình trạng được xem là thiếu sinh tố D, những người nầy dễ bị sa sút trí nhớ, bị bệnh quên, lãng (dementia) hoặc bệnh lú lẫn Alzheimer’s. Cũng vì thế, sinh tố D3 được xem là có ảnh hưởng khá lớn trong việc ngăn ngừa bệnh quên, lãng và lú lẫn của tuổi già. Vitamin D3 cũng được xem là có thể giúp cơ thể chống lại virus Vũ Hán (COVID-19), dựa trên những báo cáo cho biết những người có nồng độ vitamin D3 trong máu được xem là thiếu, không những họ dễ có thử nghiệm Covid-19 dương tính mà còn bị bệnh Covid-19 nặng hơn nữa.

Dùng sinh tố D liều quá cao trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến xương, các mô và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Nếu cứ tiếp tục dùng sẽ dẫn đến cao huyết áp, mất xương và hư thận.

    · Sinh tố E
 
     Nhờ tác dụng chống hiện tượng độc hại oxy hóa tế bào, giúp cơ thể chống lại những chất độc gây nên bệnh tim hay ung thư.

Tuy qua các nghiên cứu, người ta thấy sinh tố E có thể làm bệnh Alzheimer’s tiến triển chậm lại, hoặc giúp chữa bệnh gan nhiễm mỡ, thế nhưng ăn uống thường ngày vẫn cho ta đủ lượng sinh tố E, bởi thế cũng không cần phải dùng thêm sinh tố E, vì sẽ có hại hơn là lợi.

Thiếu sinh tố E rất hiếm khi xảy ra, nên không phải là một vấn đề cần phải lưu tâm.

Dư sinh tố E sẽ làm cho máu chậm đông đưa đến những biến chứng nguy hiểm như bị đột quỵ (stroke) do chảy máu. Dùng sinh tố E liều lượng cao có thể đưa đến những hậu quả nguy hiểm khác như ung thư tuyến tiền liệt hoặc tiểu đường.

   · Sinh tố K 

     Rất cần cho sự đông máu và điều hòa lượng chất xương (calcium) trong máu, bởi thế rất quan trọng để cho máu đông cũng như biến dưỡng của xương.

Thiếu sinh tố K xảy ra khi người bệnh bị nhiễm trùng và phải dùng trụ hay kháng sinh trong nhiều ngày. Trụ hay kháng sinh giết các vi trùng có hại, gây bệnh cho con người, nhưng cùng một lúc cũng giết luôn những con vi trùng rất cần nằm trong ruột non, hằng ngày sản xuất ra sinh tố K giữ cho đừng chảy máu. Thiếu sinh tố K, sẽ dễ bị chảy máu.

Nếu dư sinh tố K cơ thể có thể bị da nổi đỏ, ngứa.

2. Vitamins hòa tan trong nước:


    Có tất cả chín loại sinh tố tan trong nước. Mỗi ngày các sinh tố nầy vào cơ thể chúng ta qua lượng thực phẩm chúng ta dùng. Ngoài nhu cầu cho các sinh hoạt cần thiết hằng ngày, chỉ có B.12 là sinh tố duy nhất có thể được dự trữ ở gan trong nhiều năm, các sinh tố khác, cơ thể chỉ giữ lại một số lượng dự trữ nhỏ, số còn lại được xem là dư thừa sẽ bị thải ra ngoài theo nước tiểu. Cũng vì vậy chúng ta phải ăn uống làm sao mỗi ngày để cơ thể chúng ta không bị thiếu hụt chúng. Trong các sinh tố tan trong nước, ta có thể kể nhóm các sinh tố sau đây:

I. Nhóm sinh tố B:

1. Sinh tố B1 (còn có tên là Thiamine)

    Rất cần cho gần như tất cả các tế bào trong cơ thể con người, sinh tố B1 có nhiệm vụ giúp biến đổi thức ăn thành năng lượng cần cho cơ thể. Cơ thể con người không sản xuất ra được B1, nên phải nhờ thức ăn có nhiều loại sinh tố nầy như thịt, các loại hạt đem vào.

Thiếu sinh tố B1 do nghiện rượu, tuổi già, tiểu đường, lọc thận hay dùng thuốc lợi tiểu liều cao. Triệu chứng thiếu B1 gồm: ăn uống không ngon, mệt mỏi, dễ nóng giận, giảm hay mất phản xạ, tê hay cảm giác kiến bò ở tay và chân, yếu các cơ bắp, mờ mắt, buồn nôn hay ói, biến đổi nhịp tim, khó thở, hơi thở ngắn, mê sảng.

    Sinh tố B1 có nhiều trong gan bò, các loại đậu, hạt ngũ cốc, thịt heo. Vỏ ngoài của gạo có rất nhiều sinh tố B1, bởi vậy nếu chà gạo mạnh quá khi xay lúa, hay vo gạo kỹ quá trước khi nấu sẽ mất đi phần ngoài nơi chứa nhiều sinh tố B1.

Thiếu sinh tố B1 thường xảy ra trên những người trong chế độ lao tù khổ sai, ăn uống thiếu thốn làm cho người bệnh phù thủng và làm suy tim.

2. Sinh tố B2 (còn có tên là Riboflavin) 

    Giúp cơ thể biến dưỡng chất đạm, chất mỡ cũng như chất tinh bột, sinh tố B2 có nhiệm vụ quan trọng giúp cơ thể cung cấp nguồn năng lượng cần cho cơ thể. Sinh tố B2 có trong trứng, rau xanh, sữa, thịt, nấm, hạt hạnh nhân.
Sinh tố B2 cũng giúp cho hệ thống màng nhầy trong bộ phận tiêu hóa, mắt, các bắp thịt, dây thần kinh và da hoạt động bình thường.
Thiếu sinh tố B2 có thể làm cho bị chứng nhức đầu đông.

3. Sinh tố B3 (Niacin) 

    Giúp cơ thể biến thức ăn thành năng lượng. Sinh tố B3 giúp hệ thống thần kinh, hệ thống tiêu hóa và da lành mạnh. Niacin thường có trong thức ăn hằng ngày.
Tình trạng thiếu sinh tố b3 rất hiếm khi xảy ra.

4. Sinh tố B5 (Pantothenic acid )

    Cần cho cơ thể biến đổi thức ăn thành năng lượng.

5. Sinh tố B6 (Pyridoxine). 

    Cùng với các sinh tố trong nhóm B, sinh tố B6 góp phần giúp biến đổi thức ăn thành năng lượng cần cho cơ thể. Có trong đậu, thịt, gà, vịt, cá, ngũ cốc, rau lá xanh, đu đủ, chuối.

6. Sinh tố B7 (Biotin) 

    Có lợi ích cho da, tóc, móng.

7. Sinh tố B12 (Cyanocobalamin) 

    Quan trọng giúp các hoạt động biến dưỡng trong cơ thể, ngoài ra sinh tố B12 còn giúp cơ thể làm nên hồng huyết cầu và DNA, cũng như giúp hệ thần kinh trung ương hoạt động bình thường.
Sinh tố B12 có trong thịt, cá, chim muông, trứng.

    Thiếu sinh tố B12 thường xảy ra với người già ăn uống không đầy đủ, nhất là những người ăn chay. Da tái nhợt hay vàng, vì thiếu máu, người mệt mỏi và yếu, dễ bị mệt, cảm thấy kim đâm, vì thiếu B12 ảnh hưởng hại đến các giây của hệ thần kinh. Nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến khả năng giữ cân bằng của cơ thể, người bệnh dễ bị té, hoặc đi đứng khó khăn. Viêm lưỡi hoặc loét miệng, nói năng khó khăn. Thở dốc, mệt và có thể chóng mặt, nhất là khi phải dùng sức vì thiếu hồng huyết cầu để mang oxy. Thiếu B12 cũng ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác làm mắt mờ, không thấy rõ. Ngoài ra còn có thể làm cho bị trầm cảm hay những triệu chứng sinh hoạt yếu kém của não bộ như quên, lãng, lú lẫn hay cao thân nhiệt.

8. Sinh tố (B9) Folate và Folic acid (dạng tổng hợp) 

    Quan trọng trong việc cấu tạo hồng huyết cầu và giúp tế bào sinh hoạt cũng như tăng trưởng tốt lành. Folate và Folic acid rất cần trong thời kỳ thai sản giúp giảm nguy cơ nguy sinh trẻ có não bộ và cột sống bị biến dạng. Folate có trong rau xanh, đậu, các loại hạt. Trái cây như cam, chanh, chuối, dưa hấu và dâu tây. Folic acid là folate dưới dạng tổng hợp.

II. Sinh tố C (Ascorbic acid):

    Là một chất chống tác dụng độc hại oxy hóa, sinh tố C giúp giữ răng và nướu tốt, ngoài ra còn giúp cơ thể hấp thụ chất sắt cần để cơ thể làm ra hồng huyết cầu. Sinh tố C giúp cấu tạo và gìn giữ xương, da, các mạch máu cũng như các mô trong cơ thể hoạt động tốt và là một yếu tố quan trọng giúp vết thương mau lành. Nhờ khả năng giúp hệ thống miễn nhiễm tăng cường hoạt động, sinh tố C rất cần cho cơ thể chống đỡ bệnh nhiễm trùng nhất là do vi khuẩn.

Có thể tóm tắt việc dùng vitamins (thuốc bổ, sinh tố) như sau:


I. Các loại sinh tố tan trong mỡ, chỉ nên dùng liều lượng nhỏ, vì liều lượng cao và dùng lâu ngày sẽ có ảnh hưởng độc hại cho cơ thể.

II. Ngoài trừ sinh tố B 12, các loại sinh tố tan trong nước khác, vì cơ thể không tích trữ được, nên phải ăn uống đầy đủ để cơ thể không thiếu chúng, nhất là những ai ăn chay, nhịn ăn hay ăn uống kiêng khem. Các loại sinh tố nầy không sợ độc hại lắm nếu dùng liều lượng cao, vì cơ thể sẽ thải lượng dư thừa ra theo nước tiểu.

III. Khi dùng Vitamins (thuốc bổ), chúng ta nên để ý đừng dùng một lúc quá nhiều loại, ví dụ đã dùng Multivitamin là loại thuốc đã có hàm lượng của từng loại sinh tố tan trong mỡ và trong nước rồi, nếu không vì một lý do đặc biệt nào đó do bác sĩ khuyến cáo, thì không nên dùng Vit A, D, E, hay B Complex thêm nữa. Dùng như vậy không lợi mà lắm khi không tốt, như trường hợp nhiều sinh tố A, E, K hay ngay cả D chẳng hạn.

BS. Tống Viết Minh

Xuân Tha Hương


Xuân đã về trên khắp núi sông,
Gió xuân xao xuyến ngẩn ngơ lòng.
Muôn dặm mây trôi muôn dặm nhớ,
Quê nhà muôn dặm dõi xa xăm!


Đỗ Chiêu Đức
Tân Sửu 02-12-2021
***
Xuân Tha Hương

Quê nhà muôn dặm dõi xa xăm
Tân sự nhờ thơ tỏ chút lòng
Mơ thấy xuân quê từ vạn dặm
Bao giờ vui tết với non sông.

Quên Đi
***
Đầu Năm Khai Bút
 
Bao giờ vui Tết với non sông
Khắc khoải hoài hương một tấm lòng
Cố lý thân quen còn cách trở
Am mây thảo dã nhớ xin xăm


Mai Xuân Thanh

Ngày 10/02/2021
***
Y Đề

Những dịp xuân về thỉnh lá xăm
Cầu ân đất khách thực an lòng
Khi thằng dịch tễ đang càn lướt
Khó giữ quê nghèo vẹn núi sông

Mai Thắng

Xuân Trong Nỗi Nhớ




Anh có nghe buồn những tháng năm?
Thời gian hờ hững chảy âm thầm
Mấy mươi Xuân đến, đời thôi đã
Mòn mỏi, về đâu những bước chân?

Nhớ thuở xa xưa ta gặp gỡ
Một chiều Xuân mộng dệt tình thơ
Chúng mình hai đứa còn rất trẻ
Cùng hướng tương lai hẹn đợi chờ.

Nhưng rồi chinh chiến tràn máu lửa
Anh rời xóm cũ, bỏ trường xưa
Hiên ngang anh khoác màu áo trận
Em hoài ngóng đợi những chiều mưa.

Làm người yêu lính, buồn biết mấy
Anh vẫn muôn đời như bóng mây
Phiêu lưu trôi mãi chưa dừng lại
U ẩn phương nầy anh có hay?

Anh đã quên đi chuyện chúng mình?
Hay vì say mãi bước trường chinh
Đêm biên cương lạnh dừng quân đó
Có nhớ về em, một bóng hình?

Em vẫn chờ anh, vẫn thiết tha
Tôn thờ kỷ niệm những ngày qua
Vẫn yêu màu áo hoa rừng đó
Dù bóng chiều Xuân đã xế tà

Tất cả xa rồi phải không anh?
Chỉ là kỷ niệm quá mong manh
Nhưng em mãi nhớ và ôm ấp
Sưởi ấm đời qua nẻo độc hành.

Lâu lắm không về thăm chốn cũ
Sống đời lưu lạc kiếp phù du
Bao mùa Xuân vẫn buồn ly biệt
Tìm bóng người xưa, đã mịt mù!

Vi Vân

Chúc Mừng Năm Mới


Chúc Mừng Năm Mới

Bái chào năm mới trước Ông Bà
Kế đến là mừng tuổi Mẹ Cha
Khấn nguyện thầy cô nhiều sức khỏe
Hưởng nhàn đẹp ý mỗi Xuân qua
Lung linh tình thắm soi từng chữ
Sáng chói tâm thành với bạn xa
Mời chị mời anh cùng nâng chén
Miệng mồm túy lúy mắt môi …khà!

Dương hồng Thủy
Ngày cuối năm 2019
***
Chúc Mừng Năm Mới


Năm mới mừng ông lại chúc bà,
An khang vui vẻ mẹ cùng cha.
Nghinh Xuân hoan hỉ lo năm tới,
Đón Tết sum vầy bỏ chuyện qua.
Chia cắt bâng khuâng lo kẻ ở,
Đoàn viên thắm thiết nhớ người xa.
Phương trời nâng chén cùng nhau chúc,
Góc biển mềm môi một tiếng... khà !

Đỗ Chiêu Đức
Xuân 2020

Mối Tình Thơ Ngây

Trên khu rừng cỏ tranh mênh mông, chỉ có một khoảng này là tranh đã được cắt sát gốc, khoảng này cũng lớn lắm cỡ cũng bằng mấy cái sân trường, nghe nói chỗ này tranh già nên người ta đến cắt về lợp nhà. Dưới chân nhỏ Lan tranh đã được cắt sẵn thành từng đống, hết đống nọ đến đống kia gọn ghẽ có đầu có đuôi và tuy tranh được cắt xếp thành từng đống, nhưng những đống đó được tản rộng ra không cao lắm để cho tranh khô, và mỗi đống thuộc về một chủ, người ta rủ nhau ra đây cắt tranh hết một ngày rồi ra về, để tranh lại cho khô và mấy bữa sau sẽ ra lấy, của ai người đó mướn xe chở về.

Nhỏ Lan cũng có mặt ở đây mấy ngày trước, người ta đi bộ một đám đông lắm mỗi gia đình một hai người nếu nhà nào có nhân công, riêng nhà Lan thì không có ai cả, nhưng tất cả những gia đình kia họ sẽ cắt cho nhà Lan một phần, họ cắt không cho gia đình Lan vì bố của Lan lúc còn ở trong trại gia binh của người Pháp đã làm đơn từ giấy tờ giúp cho gia đình họ lãnh được hết số tiền hưu rất lớn họ đã đi lính cho quân đội Pháp mấy chục năm qua, bây giờ quân đội Pháp giải giới về nước theo những gì đã ký kết với chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa, và chính phủ lo cho họ về vùng này định cư, những người này một phần là người Nùng, một phần là người kinh, họ rủ bố của Lan theo họ về khu này, họ sẽ cất cho gia đình Lan một căn nhà, đất thì chính phủ đã chia ra từng lô theo khu phố chạy dọc từ ngoài đường vào, họ đi rừng chặt tre gỗ mang về cất nhà và tất cả những người đó sẽ cất cho bố Lan một căn. Đó là lý do tại sao một đứa bé cỡ 12 tuổi như Lan chưa biết làm gì có mặt ở đây, ở rừng cỏ tranh này. Bố Lan thì không biết làm việc lao động, mẹ Lan thì lại càng không nữa, bà như một tiểu thư, nhà bốn chị em còn nhỏ, Lan lớn hơn cả lại có vẻ cứng cỏi nên bố Lan sai đi để phụ họ mang cơm nước, cũng là để cho mọi người thấy ít ra cũng tham gia được một chút gì. 

    Họ chỉ cắt tranh để đó thôi, gỗ tre thì những người đàn ông và thanh niên vác về được, còn tranh thì phải thuê xe bò chở, nhiều tranh như vậy nên khi thuê xe bò họ chỉ chở cho từng nhà. Hôm nay đến phiên nhà nhỏ Lan, Lan phải theo xe bò đi bởi vì Lan đã theo người ta đi cắt tranh cho nên biết đống tranh nào là của nhà mình.  Có nhà phải đi hai ba chuyến nhưng nhà Lan thì một chuyến thôi, vì chỉ lợp có cái bếp, cái bếp được cất cũng hơi rộng, còn nhà ở thì lợp tôn, bố của Lan đã xin được người Pháp ít tôn cũ, đàng nào họ cũng bỏ đi nhưng chỉ có bố xin xe cam nhông chở số tôn này người Pháp mới cho, cũng lợp được một căn nhà vừa phải.

    Đồng cỏ tranh rộng mênh mông, cũng có nhiều cây mọc cho bóng mát nhưng còn lại là tranh, Lan thường nghe người ta gọi rừng tranh, trong lúc người lái xe bò khoảng chừng 20 tuổi bốc tranh lên cho vào xe thì Lan chạy nhảy chơi khắp nơi, bữa trước nó đã ở đây suốt ngày rồi nên quen chân chạy nhảy lung tung, có khi nó thấy những bụi cây lá xanh, nó biết loại cây này bông trắng thật đẹp, ở ngoài có một cái rèm như tóc tiên, nhưng khi cho trái rồi còn đẹp hơn nữa, hôm nay có nhiều trái chín khi vàng khi đỏ đẹp làm sao, nó vừa nhặt bỏ vội vàng vào túi vừa bỏ vào miệng ăn, trái thật ngọt, hôm trước nó đã thấy nhiều người ăn, hôm nay chỉ có mình nó, nó tha hồ hái,  nhưng nó lại thấy một chùm trái gì lạ mọc trong bụi tranh, nó len lỏi tranh vào lấy mặc dù cỏ tranh sắc nhưng mẹ đã bắt Lan mặc áo dài tay, trời ơi đẹp quá, nho rừng màu tím thẫm, chỉ có hai chùm, nó vội vàng ngắt hết bỏ vào túi, và len lỏi tìm nữa, nhưng nó nghe tiếng gọi:

- Em gái, em gái đi đâu rồi.

Nó la lên:

- Anh Hai em ở đây em ở đây nè.

Nó ở trong bụi tranh chạy ra thì gặp người đánh xe bò đi tìm nó. Mọi người ai cũng gọi người đánh xe bò là anh Hai, nó gọi theo như vậy.

Anh Hai nói:

- Em không đứng ở một chỗ, ở đây em đi đâu lạc là anh Hai tìm không ra đó. 

Anh Hai đã chất hết đống tranh lên xe mà chất gọn gàng đẹp đẽ, anh bảo nó leo lên xe ngồi, lúc đi không có tranh thì nó leo lên đàng sau ngồi một mình, bây giờ đàng sau xe đầy anh Hai cho nó ngồi ở cái càng đàng trước cạnh anh. 

    Anh Hai đánh xe bò đi, con bò vàng to lớn chậm rãi bước, cũng hơi xa nhà cỡ tám chín cây số nó nghe người ta nói vậy, nhưng hôm nay nó được ngồi xe, còn hôm trước nó theo người ta đi bộ, xe bò và người đi khoảng thời gian cũng giống nhau thôi, nhưng nó còn chạy được còn con bò này sao đi chậm quá, nó nghĩ vậy. Nó móc trái cây nhỏ trong túi ra ăn, trái có tên rất hay là Tiên Lạp tại vì bên ngoài có cánh như tiên, nó nghe người ta nói vậy,  rồi nó lại lôi ra chùm nho nho nhỏ màu tím thẫm cầm giơ lên khoe anh Hai. Nó nói:

- Anh Hai ăn đi.

 Anh Hai lắc đầu nói:

- Trái nho rừng này ăn ngon nhưng em gái ăn coi chừng đêm về cổ họng bị ngứa đó.

Nhưng nó đã ăn hết một chùm rồi, nó quay đi quay lại nhìn hai bên đường, con đường đất nhỏ gồ ghề, rừng núi xanh um đẹp làm sao, nó nhìn cái nọ ngắm cái kia, nhưng rồi nó để ý thấy anh Hai ngồi thẳng nhìn về đằng trước không quay đi quay lại, tay cầm cái roi thỉnh thoảng lại đập nhẹ trên lưng con bò làm như sợ nó đau vậy, anh Hai nhìn thẳng tắp đàng trước không để ý đến cái gì, không như nó, anh chỉ thấy con đường và con bò.


    Cứ vậy con bò chậm rãi đi khoảng chừng hơn một tiếng thì sắp về đến nhà, lúc đó nó mới thấy anh  Hai nói:

- Lúc nãy không tìm thấy em gái, rừng tranh này hồi trước kia ông cọp hay đến ngủ, bây giờ đông người ông không về, không thấy em gái anh gọi um xùm, lần sau đi đâu với ai em đừng chạy chơi xa nghe.

Nó hơi rùng mình sợ, nó hay nghe người ta kể chuyện về ông cọp trong rừng, khi đi đâu hơi xa chừng nửa ngày là nguy hiểm, người ta không bao giờ dám nhắc đến tên ông, hay vì có lẽ vậy mà gần về đến nhà anh Hai mới nói, nhưng dù sao thì suốt một quãng đường dài, bây giờ nó mới thấy anh Hai mở miệng. Về đến nhà anh bốc tranh xuống để gọn ghẽ một góc sân, mẹ chạy ra nói chuyện với anh một chút rồi Lan thấy mẹ cảm ơn anh và trả tiền công cho anh.

   


Lúc mới đến, chính phủ họ lo cho mỗi gia đình hoặc hai ba gia đình một căn nhà ở tạm, gia đình Lan được riêng một căn nhà sàn nhỏ, bây giờ nhà đã được những người quen bố cất xong, bếp lợp bằng tranh cũng mới xong, tuy tranh đã khô nhưng còn thơm mùi tranh mới được cắt xén rất đẹp, căn bếp hơi rộng cách xa nhà khoảng một mét nhưng nằm về một bên để ra một khoảng sân rộng, nhà trên trông ra sân và cửa bếp cũng trông ra mặt sân rất vuông vắn, bố vẽ kiểu như vậy, phía trước bếp là khu vườn rộng song song với nhà lớn mở lối đi ra ngoài đường, sau bếp là một khu vườn rất rộng và một cái giếng quay nước, bố mẹ nghe lời thuê người đào. Tuy đi cùng với một số người Nùng về đây nhưng bố xin ở trong khu Phật giáo, từ đường cái đi vào có ba con đường lập thành những khu riêng rẽ, khu của người Công giáo gần nhà thờ, rồi đến khu Phật giáo và có khu của người Nùng, có khu của người Mường Thái, tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có những người ở lẫn lộn xen kẽ. 


    Khu định cư thật là đẹp, những con đường thật rộng nằm vuông góc với đường lớn trông thật là thoải mái, các lô đất cũng rộng lắm nhà nào nhà nấy bằng nhau, ngoài đường lớn thường là những nhà của cư dân địa phương ở đây đã lâu đời, phần lớn nhà của họ vững trãi, rộng rãi và có nhiều kiểu đẹp hơn, và có vẻ giàu có hơn, nhà của anh Hai đánh xe bò cũng nằm mé ngoài đường lớn, nhà anh thuộc loại giàu nên mới có bò và có xe để chở thuê, trước cửa nhà anh rộng lắm, có nhà mé bên cho bò và bên ngoài có chỗ để chiếc xe và một đống cỏ khô, gần hơn lúc ở đường trong quẹo ra cũng có một hai cửa tiệm bán đồ lặt vặt của người mới đến, có lẽ họ ở đây đã mấy năm khi bắt đầu thành lập trại định cư này, ở mé xa bên trên gần chợ nghe nói có nhiều người giàu lắm.


    Gia đình Lan có chỗ ở rồi bắt đầu một cuộc sống mới, nói là bắt đầu nhưng thực ra mới chỉ là sửa soạn vườn tược chung quanh cho sạch sẽ, ngăn sân và trồng ít hoa, và cũng đánh luống được ít đất ở vườn sau để trồng rau. Chính phủ phát cho mỗi gia đình vài sào đất để trồng trọt làm mùa ở xa lắm, đi bộ cũng phải nửa tiếng mới tới, đất đai là của những người thổ dân địa phương, họ có truyền thống làm rẫy một thời gian rồi bỏ đi khai thác chỗ mới, chính phủ lấy rồi chia cho người mới định cư, những người cùng về đây với gia đình Lan nhận đất đã khai thác được một mùa mưa, nhưng gia đình Lan thì chưa ai nhúc nhích làm được gì cả, Lan và các em thì còn nhỏ, mẹ lại càng chưa sửa soạn gì với cách trồng trọt, chỉ mới làm sơ sơ vườn ở nhà, bố thì tham gia làm sổ sách cho ban hành chánh nằm ở khu của người công giáo đã thành lập từ lâu. 


Cho tới bây giờ đã mấy năm sau khi thành lập khu định cư này, Tổng Thống Diệm vẫn kêu gọi người dân về đây sinh sống và vẫn có những chương trình trợ cấp gạo, nhiều gia đình mới đến đều nhận được gạo mỗi tháng, nhiều người  biết làm công việc hành chánh như bố thường thiện nguyện không có ai lãnh lương nhưng được phát thêm gạo, gạo thì luôn luôn là gạo trắng, những hạt gạo trắng ngần, gạo đỏ thì lại còn đẹp nữa, màu hồng tươi, nhưng Lan thường nghe người ta nói không ai ăn gạo đỏ, gạo đỏ để cho heo ăn. Mẹ nói sao mà sung sướng như vậy, ngoài Bắc trước khi mẹ vào Nam, gạo đỏ cũng là quý vô cùng và mẹ thêm vào một câu Miền Nam no ấm thanh bình mà mẹ thường hay nghe người ta nói. Nhà Lan không ai biết làm gì nhưng bố làm thiện nguyện nên có được cho thêm gạo, rau thì trồng đằng sau vườn, hiện giờ mẹ phải bỏ thêm tiền để dành để mua thêm thịt cá. 


Không biết ai ương được những cây Na, mãng cầu ta, mà lại cho bố nhiều như vậy, bố mang về cả hai chục cây mang trồng sau vườn, vườn sau cũng rộng lắm, trồng ngay sau bếp gần giếng rồi mới đến những luống rau. Những cây na mơn mởn lá xanh, lớn mau lắm, khu vườn nhìn lúc nào cũng xanh mát, nhưng không có hàng rào, mé bên tay phải nhà Lan là đường đi, đàng sau cũng là đường đi lớn hơn một chút rồi tới vườn chuối của nhà ai không biết, bên trái là nhà thằng Hiến, họ hay băng khu vườn của Lan cho đỡ một chút đi bộ. Nhà thằng Hiến có làm một cái chuồng gà, gà chạy ra bới lung tung làm hỏng cả vườn rau, Lan và Hiến suốt ngày cãi cọ vì mấy  con gà.  Nhưng cãi nhau rồi lại chơi với nhau. Cũng có những nhà ở lâu họ đã làm thành hàng rào, thằng Hiến rủ Lan hai đứa đi rừng chặt cây về làm hàng rào, nó nói ở mé rừng đàng kia không xa lắm nó sẽ dẫn đi.


               Một hôm Lan và nó đi chặt cây làm hàng rào, nó dẫn đi không xa lắm ở phía bìa rừng, phải đi ngang một đám rừng mà người chủ đất người ta đang khai thác, nó và thằng Hiến đi cả buổi nên mang thức ăn theo và mang theo hai con dao chặt nhỏ vừa với tay mình. Tới bìa rừng cây nhỏ nhiều lắm, ở chỗ này gần không sợ, thằng Hiến nó bắt đầu chặt, nó chỉ cho Lan tìm những cây nhỏ cao đều nhau thì chặt, miễn là làm hàng rào được đừng có cong queo quá, nó chặt cũng nhanh nhưng phải đi tìm suốt dọc mé rừng rồi trở lại gôm thành đống. Suốt một ngày hai đứa cũng chặt được nhiều lắm chứ, nhưng để rào một khu vườn lớn của cả hai nhà nó và thằng Hiếu phải chặt thêm nhiều lắm, phải đi một hai ngày nữa mới đủ, mà nhiều như thế này thì với sức của hai đứa nhỏ không mang được. Chiều về nó bảo thằng Hiếu nói với mẹ hôm nào hai đứa chặt xong thuê xe của anh Hai đi chở về chứ nó và thằng Hiếu thì mang không được, thằng Hiếu đồng ý. Nhỏ Lan vẫn nhớ lần nó được anh Hai chở đi lấy cỏ tranh mà nó cảm thấy vui lắm.


               Cả hai vườn đều rộng lớn bằng nhau, cây làm hàng rào hai đứa chặt mấy ngày cũng được nhiều. Hôm nay anh Hai bằng lòng cho xe bò đi lấy cây, lúc đến nơi anh Hai nói cây nhiều lắm, nặng phải chở làm hai chuyến, không xa nhà và đi hơi sớm nên anh Hai có vẻ thủng thẳng và có vẻ vui, anh bảo hai đứa có muốn đi xem gà rừng không anh dẫn đi, đi bộ thôi nhưng phải đi thật là nhẹ. Dĩ nhiên là Lan và thằng Hiếu chịu hết mình, hai đứa gật đầu lia lịa, anh Hai đi trước tới một chỗ bìa rừng có một con đường mòn nhỏ băng ngang qua một con suối, lối này của người đi rừng, băng ngang suối được một lát, anh Hai bắt đầu ra hiệu cho hai đứa đi rón rén thật nhẹ vào một đám cây um tùm và ở đó đứng không được động đậy. Hai đứa trông theo mắt anh nhìn, ôi chao nhỏ Lan không tin vào mắt mình được trước mặt nó không biết là bao nhiêu con gà rừng tụ nhau lại ở một khoảng trống, đám gà rừng đủ màu đen hoặc nâu, điểm những lông hơi vàng hoặc đỏ v.v.., chạy qua chạy lại kêu quang quác, hình như tụi nó vui đùa nhảy nhót với nhau trong một khung cảnh yên bình, lại có một con công nữa, nó xòe cái đuôi rất đẹp, cụp ra cụp vào, như một công nương giữa những thị tỳ. Nếu không có anh Hai luôn luôn giơ một ngón tay ra hiệu trên miệng thì nhỏ Lan và thằng Hiếu thích quá đã la lên rồi. Xem một lát chừng như biết tụi nhỏ đã mãn nhãn lắm rồi, anh Hai làm bộ rung đám cây thật mạnh, tiếng động làm cho đám gà kêu quang quác thật lớn nháy mắt đã biến đâu mất hết vào trong rừng. 



 Lần này đi ra không phải đi nhẹ nữa, nhỏ Lan nói:

- Đẹp quá anh Hai, làm sao anh biết chỗ này có nhiều gà rừng đẹp như vậy?

Anh chỉ hơi mỉm cười, còn nó và thằng Hiếu vui vẻ nói chuyện vừa đi vừa chạy, còn đuổi nhau nữa làm nhỏ Lan ngã chúi vào bụi hoa mắc cỡ, nó không sao đứng dậy được, anh Hai và thằng Hiếu mỗi người một tay lôi nó ra, bụi hoa đang tươi tắn bỗng nhiên bao nhiêu lá đều úp lại hết, và biết bao nhiêu gai rụng ra đâm vào người nó, hoa mắc cỡ là vậy, ai bảo mắc cỡ là hiền, những chiếc lá khép lại cũng là vừa lúc rụng ra biết bao nhiêu gai để chống đỡ, cũng may khi nào Lan đi đâu mẹ cũng bắt mặc quần dài và tay áo cũng dài, nhưng gai bám đầy vào tay và chân nó, tuy không sâu nhưng rất là nhiều, anh Hai và thằng Hiếu phải giúp nó nhặt ra.

Anh Hai bỏ cây lên xe, cây không nhẹ như cỏ tranh, nhưng anh cũng làm mau lắm, Hiếu giúp anh một tay, nó là con trai lại hơn Lan một tuổi nên có vẻ mạnh hơn, đống cây của nó nhiều hơn nên anh Hai chở trước. Hơn nửa tiếng mới về tới nhà, anh Hai bỏ xuống vào một chỗ vườn nhà Hiếu. 

Đã buổi trưa anh Hai nói về nhà ăn cơm rồi một lát quay lại, Lan và Hiếu cũng vào nhà ăn cơm. Xế trưa anh Hai quay lại, hai đứa lại theo anh đi, anh không vui như buổi sáng. Lan ít thấy khi nào anh buồn, anh chỉ ít nói, mắt khi nào cũng nhìn thẳng về phía trước, anh chỉ thấy con đường và con bò. Lúc đi không có cây Lan và Hiếu ngồi đằng sau, trời buổi trưa nắng gay gắt.


     Không lâu tới nơi, anh Hai và Hiếu sửa soạn chất cây lên xe, bỗng nhiên trời nổi gió và một cơn mưa ở đâu ào kéo đến, mỗi người chỉ có một cái nón trên đầu, nó và thằng Hiếu không chuẩn bị. Bỗng nó thấy anh Hai lấy con dao chặt tầu lá chuối dại lớn gần đó dọc theo sống lá rồi cuộn tròn quanh người nó buộc lại, xong rồi lại cuộn người thằng Hiếu, tuy ở hai đầu lá chuối anh cố tình để lại một chút dây còn tươi dòn nhưng anh làm rất nhanh, rồi anh mới rút cái áo mưa cũ kỹ phủ lên người, nó phục anh vô cùng, mưa không lâu, ở miền Nam thường hay có những cơn mưa như vậy và đây là một cơn mưa cuối mùa hơi lớn, cả ba người chỉ ướt một chút, đó là nhờ anh Hai, anh có kinh nghiệm đi rừng chỗ nào cũng biết, có thể đương đầu với mọi việc xảy ra. Chuyến về anh cho hai đứa ngồi càng xe phía trước cùng với anh, nhưng cả nó và thằng Hiếu đều không nói chuyện. Anh Hai thả cây xuống vườn nhà Lan, hai bà mẹ chạy ra cảm ơn đưa tiền như thường lệ, anh Hai cảm ơn lại, anh luôn lễ phép với người lớn tuổi

               

Cuối mùa mưa, nhà nhà người ta rảnh rỗi hơn, mùa màng đã xong, bắp có con buôn đến tận rẫy mua lúc còn tươi, còn đủ thứ đậu hái về đều phơi khô mấy nắng đập vỏ xong đóng vào bao. Lan đã thuộc việc làm lớp lang của họ, nó và thằng Hiếu không được đi học nhiều vì không đủ lớp, chỉ có em nó và em thằng Hiếu được đi học đều hơn, ở vùng này nhà quê xa xôi, xong tiểu học là hết lớp. Bố thằng Hiếu không phải ra ngoài rẫy nương nên họ bắt đầu dựng hàng rào, họ vào bìa rừng kiếm dây leo để buộc nhỏ Lan cũng đi theo mang về những cuộn dây leo nho nhỏ. Mẹ và nó nhìn theo họ làm bắt chước, bố nó ngày nào cũng đi giúp việc giấy tờ ở khu hành chánh và được hưởng phần gạo phụ trội, ngoài ra cũng có nhiều người mời ông đi chữa bệnh, họ trả bao nhiêu cũng được tuy ông chữa mát tay lắm, nhờ đó có tiền đi chợ, mẹ không phải xài nhiều tiền để dành. Dựng hàng rào, thỉnh thoảng Hiếu và bố nó cũng qua chỉ và giúp đỡ, hai mẹ con làm chậm lắm, nhưng rút cục cũng xong, phải mất hai tháng mấy, có hai cổng, cổng sau vườn ở lối đi giữa hai hàng na ra đường đi bên hông bên phải, cổng còn lại ra mặt đường đằng trước. Hàng rào bên trái sát nhà thằng Hiếu nên nhà Lan không phải làm, bố Hiếu và nó làm đẹp lắm. Về sau này nhỏ Lan và thằng Hiếu ít cãi nhau vì gà nhà nó không còn chạy lung tung bới vườn rau của Lan. 


Hàng rào cũng ngăn lại không cho người ta đi băng góc vườn nhà Lan nữa, những cây na cũng đã hơi cao mọc lá non xanh rờn, khu vườn được bao bọc hàng rào rất đẹp, những luống rau cải, rau tần ô, ớt v.v..đều đặn gọn ghẽ vì Lan rất chăm làm, sân vuông nhỏ cửa sau nhà, bố trồng hai cây đinh lăng và hai cây ngâu để bố lấy hoa pha trà, rồi đến cái giếng quay nước, sân đằng trước mẹ và Lan bắt chước nhà thằng Hiếu làm cái chuồng gà, hai bên cổng trước trồng hai khóm hoa giấy tím trắng hồng lẫn nhau. Buổi chiều ăn cơm xong trong căn bếp rộng vẫn còn thơm mùi tranh mới, bố vui vẻ kể đủ thứ chuyện đông tây, bố làm như cái gì cũng biết kể cho mẹ nghe, các con chầu chung quanh, kiến thức học hành của Lan từ đây mà ra, lại thêm những bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hán Sở Tranh Hùng, Đông Châu Liệt Quốc v.v. trên tủ sách cũ của bố lúc rảnh Lan lấy ra đọc, bố hay mang về tờ báo Tia Sáng, trong tủ sách là những chai rượu người Pháp tặng bố, bố để dành trưng cho đẹp.


Còn hai tháng nữa là mùa mưa tới, nhỏ Lan đã nghe nhiều người họ gặp nhau bàn bạc xem năm nay trồng gì, họ có vẻ phấn khởi lắm, nhà Lan cũng phải lên một kế hoạch dự tính như họ, không thể nào ngồi không ăn mãi như vậy. Bố mẹ sẽ thuê người ta vạt cỏ mắc cở phần đất của mình, bố mẹ và Lan phải ra ngoài nương rẫy để trồng trọt như người ta, bố sẽ sắp xếp để vài ngày có thể ra đồng cùng mẹ và Lan, lúc trước Lan cũng đã theo bố mẹ đi xem mấy sào đất được người ta phát cho.


Cỏ mắc cỡ mọc từng cuộn cao hơn đầu người, ở miền đất đỏ này hễ chỗ đất nào trống là cây mắc cỡ mọc, không giống như những cây mắc cỡ hoa màu tím dễ thương mọc sát đất mà nó thường thấy ở ven những con đường, không nhiều nhưng gai rất cứng đụng vào chúng cũng úp những lá lại. Nơi đây hoa mắc cỡ màu trắng thật nhỏ,trông không đẹp, lẫn vào trong những bụi màu xanh tràn lan đại hải, chỉ cần đi qua lấy cành cây gạt vào một cái là những chiếc lá khép lại thật mau. Hôm trước có người ở sâu tuốt phía trong rẫy nương ra ngoài mời bố đi chữa bệnh cho vợ, xưa kia bố có học trường thuốc, sau này ra làm thương gia, từ khi vào Nam bố hay chữa bệnh cho người ta, lúc đó buổi chiều, bố ra điều kiện chữa bệnh xong phải đưa bố về nhà, nhưng đến nơi thấy người vợ nằm sốt mê man, nhà sáu đứa con nhỏ bố không nỡ nên về một mình, đêm tối bố Lan sợ quá chạy té vào bụi gai mắc cở mấy lần về nhà mình đầy gai, mẹ và chị em nó phải thi nhau nhặt gai ra cho bố, từ đó khi nào nó đi đâu mẹ đều bắt mặc áo tay dài, nhờ vậy mà hôm đó té vào bụi gai nó không bị nặng lắm.


Tháng Năm mùa mưa đã tới, năm nay gia đình Lan không thể ở nhà được nữa, nhờ người ta phát cỏ xong là phải rẫy gốc làm đất cho sạch để gieo hạt giống, nó cũng đã quen hơn với đời sống mới làm được nhiều việc hơn, làm đất xong gieo hạt để trồng, chỉ khoảng hơn hai tháng là bắp đã có thể thâu hoạch được, mọi thứ đậu cũng vậy. Khó nhất là cây nhỏ mọc lên khoảng nửa gang tay là phải làm cỏ vun gốc, nếu không kịp làm những cây cỏ mắc cở,  hạt ở đâu rớt xuống không biết mọc lên nhiều vô cùng, chúng dày đặc lớn rất mau và phủ lên cây trồng, đất đỏ xốp thật dễ làm nhưng phải làm nhanh. Bố mẹ Lan thường nói đất lành chim đậu, trong Nam này đời sống người dân quê dễ dàng sung sướng hơn ngoài Bắc nhiều.

Có khi đang làm cỏ, bất chợt một cơn mưa rào đổ xuống, bố mẹ và nó vội chạy vào một cái lều trú mưa, nó chợt nhớ tới hôm mưa ở bìa rừng anh Hai dọc lá chuối cột lên cổ bọc quanh người nó và thằng Hiếu cho khỏi ướt xong rồi mới đến phiên anh mặc áo mưa, nó cảm thấy trong lòng phục anh Hai, anh còn nhặt gai trên chân nó và dẫn hai đứa đi coi đám gà rừng nhảy múa đẹp làm sao, anh Hai người lớn ghê, nó nhớ nhất khi đánh chiếc xe bò, sao ít khi nào nó thấy anh nhìn xuôi nhìn ngược. Hôm mới đến nó ngồi nghễu nghệ trên càng xe bên cạnh anh lúc chở cỏ tranh, nó nhìn rừng núi đẹp lạ lùng. 

Tuy mọi người chưa quen với cách làm việc nhưng mùa mưa năm nay nhà Lan thâu hoạch cũng không đến nỗi tệ, có lẽ là tại đất mềm xốp dễ trồng trọt, hay tại miền đất đỏ mến yêu này đãi ngộ những người mới đến định cư. Lan nghĩ rằng cuộc đời nó đã ở hẳn ở nơi đây, thỉnh thoảng trong khu định cư có đám cưới, nhất là khu đạo Công Giáo, đám cưới trong nhà thờ rất đẹp, đôi khi vào dịp lễ đặc biệt người ta cũng tổ chức âm nhạc, nó không quên nghĩ là lớn lên nó lấy chồng như họ. Thật là một đời sống thanh bình của nội cỏ, muôn chim ca hát. Năm nay nó còn nhỏ, sang năm nó biết làm nhiều hơn để giúp bố mẹ trồng trọt.




Cũng đã lâu lắm từ lúc ở miền Bắc vào, bố còn làm việc cho người Pháp, di chuyển đây đó mấy chỗ không về thẳng Saigon như các cô chú nó. Năm nay nhà cửa ổn định, một người chú họ ở Saigon đi xe hơi về thăm, cả nhà đón tiếp, bố mẹ mừng rỡ vô cùng, nhưng không biết nghe bố tả cảnh làm sao mà chú khuyên đi khỏi đây để tránh khỏi làm nương rẫy nắng lôi cực khổ và còn cho các con đi học, em trai út của Lan năm nay đã đến tuổi xin đi học rồi. Chú sẽ xin cho bố một việc làm trên Ban Mê Thuột tại tòa hành chánh có bác Cả anh ruột của mẹ làm ở đó, mẹ nghe nói gặp anh ruột thì sung sướng lắm, còn bố như bừng tỉnh một cơn mê, tại sao lại mang vợ con về đây, vào Nam bố đã yếm thế, khi những người bố giúp ở trại gia binh hứa cất tặng bố một căn nhà có sẵn đất chính phủ cho bố nhận lời liền.
Và thế là họ xúc tiến công việc của người lớn, Lan nghe lờ mờ, chỉ hiểu ra khi bố mẹ nói bố đã có công việc trên Ban Mê Thuột, cả nhà sẽ chuẩn bị rời khỏi đây trong vòng hai tháng, sẽ không mang theo gì hết chỉ trừ quần áo và những đồ cần thiết, vì đường đi rất xa phải đổi mấy chuyến xe đò. Lan bồi hồi vô cùng, căn nhà này đã hai năm qua bố mẹ đã bỏ mất bao công lao xây dựng đẹp như thế này mà bây giờ tự nhiên bỏ lại cả một công trình, nó cũng chưa hiểu lắm về việc bố phải có công việc thích hợp với bố mới nuôi được cả nhà và chị em nó cần phải được đi học.

    Nó buồn lắm suốt ngày đi thơ thẩn nhìn chung quanh nhà, cái giếng nước trong nó thường cúi xuống nhìn để thấy mặt mình trong đó, vườn rau mơn mởn trồng xuống rồi lại cắt ăn mỗi ngày, những cây na đã cao to hơn, trổ ra rất nhiều nhánh xanh tươi, người ta đi qua vườn trầm trồ vườn cây này qua năm sẽ ra trái, hai bụi cây hoa giấy đã trổ bông rực rỡ, nó thích hoa lắm, hay đứng bên trong cửa vườn ngắm nghía, thỉnh thoảng lắm nó mới thấy anh Hai đánh xe đi ngang nhà nó để chở đồ cho ai, những lúc đó nó thấy bồi hồi lắm, nó không thể nào quên những lần ngồi chung xe với anh và những lần anh đi qua nó đều đứng trông theo rất lâu, những bông hoa giấy màu tím trắng luẩn quẩn theo mắt nhìn của nó.

Hai tháng bận rộn sắp xếp đồ đạc, bố đã báo tin cho mọi người biết, nhờ những người trên khu hành chánh trông nom nhà, nếu có ai mới lại muốn thuê thì cho thuê giùm vì chú em họ cho biết không nên chần chờ, công việc không phải lúc nào cũng có, người vui nhất là mẹ, họ hàng thì rất nhiều nhưng anh em ruột thì chỉ có bác cả và mẹ là vô Nam được. Nhà luôn luôn có người ghé qua chào từ biệt và chúc cho gia đình Lan đi may mắn bình an, thằng Hiếu cũng chạy qua giúp đỡ nó. Anh Hai nghe người ta nói đi ngang cũng cho con bò đứng lại bước vào nhà từ biệt bố mẹ, anh không nói lời nào từ biệt với nó, anh chỉ nhìn nó một chút rồi vẫy tay, nó cũng nhìn anh vẫy tay lại, anh Hai hà tiện lời nói nhưng riêng nó cảm thấy dạt dào cảm xúc chưa từng có. 

    Chú em họ của bố giúp đỡ rất nhiều, chú đã nghiên cứu và gửi thư về nói rõ đường đi nước bước như thế nào. Bố mẹ phải đón xe đò về Saigon rồi thuê xe đi đến bến xe đò lên Ban Mê Thuột khoảng 5 giờ chiều trước khi khởi hành chuyến xe đêm. Hôm đó cả nhà dậy sớm, mẹ sắp sửa thức ăn  cho mọi người ăn cho khỏi đói rồi lo gói ghém chuẩn bị thức ăn mang theo mà mẹ làm sẵn, phải có thức ăn và thức uống cho cả nhà nguyên một ngày. Cả nhà bắt đầu di chuyển ra đường lớn đón xe đò đi Saigon, bố có người quen giúp đỡ mang đồ ra xe. Lúc xe bắt đầu chuyển bánh, nhỏ Lan âm thầm nhìn lại nơi nó đã sống không lâu lắm nhưng nó đã được chạy nhảy khắp nơi, những khu nhà bìa rừng, những nương rẫy trồng bắp, khoai, đậu, sắn bao la bát ngát và những con đường mòn thật xa...một đồng xanh....một nội cỏ dạt dào trong tim nó, còn những gì gì nữa.


    Cứ theo hướng dẫn của chú, bố mẹ nó đã dẫn các con đến được bến xe đò Saigon – Ban Mê Thuột nhưng sớm hơn, 3 giờ đã đến rồi, bố nói sớm bao nhiêu cũng được, chờ lâu một chút còn hơn trễ.

Cả nhà đã lên xe cho yên ổn, mẹ cho ăn xong, lúc xe chạy được một lát nó đã thấy mắt nhíp lại, các em nó từ từ đứa gục đầu vào bố, đứa gục đầu vào mẹ, rồi bố cũng nhắm mắt, một chuyến xe đêm. 

    Bác Cả vui mừng đón cả nhà buổi sáng hôm đó, bác và mẹ đều rớm nước mắt, từ lúc có cuộc di cư khổng lồ từ Bắc vào Nam, bây giờ hai anh em mới gặp lại nhau, bác sống một mình vì bác gái kẹt lại bên kia vĩ tuyến, người con trai lớn đang là sĩ quan trong quân đội miền Nam.  Bác đã chuẩn bị chỗ cho cả nhà sống một thời gian. 

    Chỉ một tuần lễ sau, bố chính thức nhận một công việc thư ký người em họ đã lo cho, mấy ngày trước bố hỏi thăm các trường học cho các em nó, riêng nó bố dẫn đi xin học lớp nhất ở một trường tư luyện thi tiểu học vì nó đã lớn tuổi. Ngoài trừ giúp mẹ lo cơm nước nó không phải làm việc gì khác, mẹ không còn lo lắng nhiều nữa vì đã có lương của bố, đời sống đỡ cực khổ hơn, có lẽ cũng có truyền thống việc học trong gia đình, nên nó vùi đầu vào học, nó học giỏi và rất thông minh, bác Cả và bố nói vậy. Bố mẹ vẫn còn một số tiền để dành, nên sau một thời sống với bác Cả đã mua được một căn nhà vừa phải ở con phố không xa lắm.


    Giữa năm sau đến mùa thi, nó đậu bằng tiểu học, bác Cả và bố mẹ vui lắm. Được thể nó ghi danh học nhảy để thi Trung Học, vào lúc này chính phủ cho các học sinh tự do lớn tuổi có thể học nhảy để đi thi các bằng cấp, năm sau nó lại đậu thêm bằng thành chung, và tiếp theo hai năm sau nữa nó đậu tú tài I, các em nó đi học cũng đậu đều đều. Bác Cả và bố mẹ nó vui mừng lắm. 

    Năm tới Lan sẽ chuẩn bị học thêm thi tú tài II, đã gần bốn năm qua một hôm bố nhận được thư của người bạn bố nhờ trông nom căn nhà ở trại định cư cũ, họ nói có người mua giá bao nhiêu đó, nếu bố bằng lòng thì cho biết và trở về để ký giấy tờ, người mua cũng là người ở thuê với giá rẻ, vì họ đến sau được chia đất ở xa hơn nên họ muốn mua căn này gần hơn, đẹp và còn được lợp tôn nữa. Họ trả số tiền cũng được lắm, tuy không bao nhiêu nhưng cũng đủ bằng sáu tháng lương bố đi làm nên mẹ sai Lan đi với bố để giữ tiền cho bố. Bố sửa soạn ba ngày nghỉ, Lan phải đi theo, Lan cũng muốn về để thăm đồng xanh cỏ nội của Lan, đi xa đã bốn năm, Lan miệt mài học tập nhưng có những lúc trời mưa Lan lại nhớ đến cơn mưa ở bìa rừng nếu không có anh Hai hôm đó, Lan và thằng Hiếu đã mắc mưa ướt hết, những lúc ngồi xe bò lênh đênh nhìn rừng núi...


    Đến giờ bố và Lan ra xe, chờ thêm một lát đủ người xe chạy, xe chạy suốt đêm đến Saigon lúc sớm, bố và Lan kiếm cái gì ăn tạm rồi lại kiếm xe đi đến bến xe đò đi Long Khánh, khoảng trưa thì đến nơi. Lan theo bố đi lại nhà người quen bố, họ gặp bố mừng lắm, họ lại nhìn Lan đang mặc cái áo dài trắng họ hỏi cháu lớn đây phải không bây giờ lớn quá, hai bố con theo ông ấy đi sang nhà của Lan, bây giờ người ở mới cũng sạch và đẹp lắm, cây hoa giấy đã mọc cao lên nhiều rất đẹp, Lan xin phép người vợ cho đi xem một vòng, mấy cây na ra quả lớn đẹp quá, Bố nói chuyện và làm giấy tờ ký kết với người mua nhà, người ta đếm tiền trả và trả cả những năm thuê về trước nên số tiền cũng khá. Bố đếm và đưa hết cho Lan bỏ vào túi xách. Ngồi nói chuyện rất lâu, bố xin phép đi về còn phải đi thăm mấy chỗ nữa, bà vợ đã ở vườn vào hái cho Lan cả chục trái na lớn gần chín rất đẹp, Lan cảm ơn xin về làm kỷ niệm cho mẹ xem. Bố và Lan chào họ đi ra, Lan xin phép bố ghé lại nhà thằng Hiếu, thằng Hiếu cao lớn nhận cũng không ra Lan, Lan nói chuyện với Hiếu một chút vui vẻ lắm xong chào bố mẹ Hiếu đi ra theo bố. Bố nói bố ghé mấy nhà trên kia chào một chút, Lan nói bố nói chuyện xong ra ngoài mặt đường đón xe, còn Lan vừa đi thả bộ vừa ngó xem những căn nhà hai bên đường thay đổi nhiều không,



Lan cũng ngóng ngóng xem anh Hai có đánh xe đâu đó không, và cứ thế chân bước ra đường đi về phía nhà anh Hai, vừa đi vừa trông chừng biết đâu gặp anh, nhà anh ở xa mé trên, mà hình như anh Hai đánh xe đi đâu mới về, đi ngang mặt Lan, anh vẫn nhìn thẳng vào cái roi trên lưng con bò, Lan mừng quá gọi:

- Anh Hai anh Hai,

Anh Hai quay lại thấy Lan nhận không ra, Lan lại nói:

- Anh Hai em đây mà, em Lan anh nhớ không?

Anh la lên, và bước xuống xe:

-  Lan đó hả, em về hồi nào vậy, em lớn quá mà còn mặc áo dài, anh nhận không ra.

Lan nói:        

- Anh có khỏe không, em thấy hồi này anh lớn hơn lúc trước nhiều, có người mua nhà bố phải về đây ký sang nhượng, cho em đi theo.

Anh Hai nói:

-  Anh khỏe, anh hơi ngó ra một chỗ khác, anh có vợ và một cháu gái rồi.

Lan nhìn anh ngần ngừ nói: 

- Em lên trên tỉnh đi học, em có bằng tú tài I rồi và em chuẩn bị học tú tài II.

Khi anh Hai nhận ra Lan biết Lan đi về mé nhà anh thì anh đã hiểu ra tất cả rồi, chừng như cũng chạm vào đúng tâm tư của anh bao lâu, anh nói không suy nghĩ:

- Em đẹp quá, lúc xưa anh đã thấy em đẹp nhưng em còn rất bé.

Lan nhìn anh cười buồn, anh Hai cũng nhìn lại nó, bốn ánh mắt gặp nhau không biết để vui mừng hay nói lên những lời từ tạ.

Lan nói:

- Em phải đi đây cho kịp xe không bố đợi, em chào anh.

Anh Hai nói, giọng ngập ngừng xa vắng:

- Chào em, em đi mạnh giỏi.


    Leo lên xe đò cùng với bố, Lan lo giữ kỹ giỏ tiền của mình, một lát sau thì bố ngủ, có một cơn mưa rào vừa rớt xuống bay vào cửa xe ướt bờ vai của Lan, nước mắt hơi trào ra, Lan cứ để như vậy và mơ mộng lúc anh Hai quàng lá chuối quanh cổ Lan để cột lại, không còn có ai dẫn đi coi gà rừng nhảy múa. Qua một chuyến xe đêm nay là hai cuộc đời đảo ngược, ngày mai nó lại vùi đầu vào học thi tú tài II và biết đâu còn học cao lên nữa.


Lê Mỹ Hoàn


Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

Én Và Xuân - Én Và Xuân Tha Hương

Xướng:

Én Và Xuân

Xuân về sao Én bơ vơ,
Trời xanh biêng biếc Én chờ ai đây!
Phải chăng Én đã lạc bầy,
Vui xuân sao Én không bay khắp trời!

Thành Tài Nguyễn
Xuân Tân Sửu

(Ảnh: Nguyễn Thành Tài)

Bài Họa:

Én Và Xuân Tha Hương

Tha hương cánh én chơ vơ
Xuân nhà khắc khoải ngóng chờ người đây
Mong ngày tươi sáng họp bầy
Khải hoàn ca khúc tung bay ngất trời…!

Kim Oanh
Xuân Tân Sửu


Én Và Xuân

Én kia sao quá vẩn vơ
Cao xanh xuân thắm lại chờ chi đây?
Vui kìa  đông lắm cả bầy…
Nhớ mau lại nhé hợp bay rợp trời

Thái Huy


Cảm Tác:
Chiều Xuân Lạnh

Cảnh ấy cho hay Én nhớ người
Đành cam bỏ cuộc giữa xuân vui
Ngoái trông biển mặn lòng trăn trở
Nghĩ đến vực sâu dạ ngập ngùi
Mây đã lên cao không ngó lại
Tình thời nhẹ lướt chẳng nhìn lui
Riêng ôm củi mục thân đơn lạnh
Gỉa thử như đây kiếm rượu khui.

Thái Huy
25/2/21

* Hình Ảnh: Nguyễn Thành Tài

Cung Chúc Tân Xuân



CUNG tay đảnh lễ với trần gian
CUNG kính nhân sinh mãi được nhàn
CUNG hiến lộc tài cho cuộc sống
CUNG cầu sức khỏe quý hơn vàng

CHÚC mừng năm mới trải niềm mơ
CHÚC tốt niềm vui đến bất ngờ
CHÚC đẹp muôn nhà luôn rạng rỡ
CHÚC lành tất cả những em thơ

TÂN tạo cuộc đời hết giải nan
TÂN nghênh đón rước thọ hoà tràn
TÂN thành ấm áp niềm tươi sắc
TÂN tiến an bình khắp thế gian

XUÂN phân lại đến thỏa niềm mong
XUÂN cảnh nên thơ đượm sắc nồng
XUÂN kỷ miên trường ghi đậm nét
XUÂN hồng hiền dịu chẳng thành giông

Songquang
20210211

Đành Xuôi? Vẫn Mãi Xa!

 

 Bài Xướng:

Đành Xuôi?

Cách trở người thương mãi hẹn lòng
Đêm buồn khắc khoải dạ hoài mong
Tình vương mắt ngẩn thoi còn dệt
Lệ ướt mi sầu bể đã đong
Gió nhẹ thôi mà, đưa hở vách!
Trăng gầy vậy đó, phủ mờ song!
Vì yêu mải miết nên còn khổ
Rã rượi đành xuôi nước chảy dòng?

dovaden2010
***
Bài Họa:

Vẫn Mãi Xa!


Niềm riêng canh cánh giữ bên lòng
Biết đến bao giờ thỏa ước mong
Hẹn biển mà chi duyên lỡ dở
Thề non cho lắm kiếp long đong
Bóng ai ẩn hiện luôn ngời nét
Thao thức hồn thơ len lén song
Cảnh cũ người đâu hoài ngóng đợi
Thuyền tình trôi mãi bởi xuôi dòng

Kim Phượng


Một Góc Xuân


Bài Xướng:

Một Góc Xuân

Thương chiều nắng lụa trải vàng sân
Mặt biển hoàng hôn vỗ sóng ngần
Gió lửng lơ vòng quanh ngõ lặng
Chuông hờ hững thả cuối làng ngân
Hồn trăng mãi nợ tình nhân thế
Chén tửu còn vương nghĩa tục trần
Xóm nhỏ tiêu sầu trôi chậm rãi
Xuân vừa thoát mộng đảo tầng vân.

LCT 
24/02/2018
***
Bài Họa:
Xuân Còn Giữ Lại

Rực rỡ mây chiều tỏa trước sân
Ngàn tia nắng đỏ đẹp vô ngần
Xuân còn giữ lại câu hò vọng
Tết vẫn lưu về tiếng hát ngân
Xác lá vừa trao tình cõi ảo
Hồn hoa mới gửi mộng duyên trần
Hương nồng thoảng nhẹ theo làn gió
Nguyện ước phiêu bồng tận đỉnh vân

22 - 2 - 2018
Nhung Nguyen
***
Vương Buồn

Dõi ngụm sương tràn ở góc sân,
Và thêm rõ dạng ánh trăng ngần!
Mây thờ thẫn trải ngang đồi lặng,
Gió thẩn thơ lồng giữa động ngân...!
Những tưởng xuân về vui nhộn thế,
Nào hay tết lại vẻ ai trần!
Vương buồn tất dạ âm thầm rãi,
Lỡ mộng nao lòng ngó dải vân!!!

Dư Âm
*** 
Một Góc Xuân

 
Những cánh mai đào rụng đỏ sân
Đầu xuân nhạt nhẽo chẳng trong ngần
Mây thờ thẫn lượn như hờn lộng
Sóng nhởn nhơ đùa tựa dỗi ngân
Gọt rửa càng đau lòng cõi thế
Bồi vun lại nhói cảnh dương trần
Men đời bạc trắng lan tràn chảy
Thẹn khói rơi vào giữa tảng vân..!

NL 24/02/2018
Hữu Thiện
***
Khoảng Xuân

Vạt nắng xuân lùa trải giữa sân
Chiều xa ngọn thác chảy trong ngần
Hồn thi trước cảnh như còn lặng
Phím cảm nơi lòng bỗng nhẹ ngân
Phảng phất mành sương trùm ngọn liễu
Đòng đưa võng mạc thả lưng trần
Đào phai mấy nụ vừa bung xõa
Xóm nhỏ em cười ngỡ lạc vân

Nguyễn Châm 
240218
***
Xuân

Tết đến hoa Đào nhuộm đỏ sân
Xuân sang bạch Cúc nở trắng ngần
Làng trên rạo rực lời ca vọng
Xóm dưới tưng bừng khúc nhạc ngân
Ước nguyện giã từ nơi gió bụi
Cầu mong tạm biệt chốn phong trần
Trăng vàng chênh chếch treo đầu núi
Khói bếp lam chiều quyện tản vân

Đinh Tuấn Minh
*** 
Đối họa cùng các thi hữu
Em Rời Bến Phù Vân

Mây chiều bóng đổ gợn đầu sân
Bé thẫn thờ trong mảnh lụa ngần
Guốc sải qua thềm vang nhịp gõ
Chân về trước cửa vọng lời ngân
Trầm ngâm khoảnh mắt sầu duyên phận
Khắc khoải bờ môi vỡ nợ trần
Đã mấy năm rời xa kỷ niệm
Mong tìm hạnh phúc ngõ phù vân.
***
Mắt Chiều

Lá đã rơi đầy một khoảng sân

Vời theo sợi nắng tỏa trong ngần
Nàng ngơ ngẩn dạo cung đàn nhớ
Sóng mải mê hòa quãng nhạc ngân
Bởi mộng còn vương đời lữ thứ
Mà anh lại mỏi gót phong trần
Cho chiều nhuộm cả màu hoa tím
Để mắt em buồn lạc cõi vân!

Tường Vân 
24/02/18
*** 
Cảm Xuân

Những cánh mai vàng nở rực sân

Trời mây cảnh sắc đẹp vô ngần
Rền câu khấn mãi còn âm hưởng
Vẳng tiếng chuông thường vẫn vọng ngân
Cũng bởi bao trò nơi thế tục
Mà nên lắm khổ tại gian trần
Xuân về cứ ngỡ mang vui lại
Chẳng nghĩ trên đời tựa bóng vân.

Huan Tran 
24-02-2018
***
Tường Vân

Chiều về thả gót đến bìa sân
Bỗng nhận là ai tỏa dáng ngần
Dìu dặt tay đàn sao thánh thót
Nhẹ nhàng cất giọng quá trầm ngân
Như vừa giục thể xa miền tục
Chợt thoáng hồn đưa thoát cõi trần
Đến lúc ta bừng bên thực tại
Ra là nữ sĩ chính Tường Vân

Hà Ngân

Những Ngày Tết Ly Hương


Tôi đã xa quê hương 36 năm, tóc đã đổi màu và… thuyền muốn trở về bến cũ, mặc kệ dòng nước lũ cuộc đời.
Ngược dòng thời gian, tôi mong tìm lại những nguồn tình cảm thân thương, những kỷ niệm ấu thơ còn nhạt nhoà trong ký ức.

Học xong trung học vào mùa hè 1960, năm cuối tôi học Đệ Nhất Chu Văn An tại Saigòn.Tuổi trẻ, tôi mơ ước được đi du lịch, giang hồ mạo hiểm và thích cuộc sống tự lập, xa gia đình. May mắn thay, tôi được học bổng du học ngành kỹ sư ở Úc, sau một cuộc thi tuyển khá gay go. Học ngành Kỹ Sư mà suốt bẩy năm trung học tôi chưa hề nghĩ tới. Trong thời gian chờ đợi, tôi đã đếm từng ngày để được xuất ngoại, nôn nóng xem xứ lạ quê người. Nhưng số bị “tuần triệt”, bị sao quả tạ chiếu, vì trong năm 1961, sau khi dinh Độc Lập bị bỏ bom, cụ Diệm không cho phép một ai xuất ngoại du học. Trình trạng của tôi thật như người ngồi trên đống lửa.

Ở hiền gặp lành, cuối cùng rồi trời cũng thương, tôi được xuất ngoại du học vào cuối năm 1961. Cái Tết xa nhà đầu tiên của nhóm sinh viên du học tụi tôi là ở thành phố Sydney vào đầu năm 1962. Cả thành phố Sydney đất rộng, người đông đó chỉ vỏn vẹn có chừng 15 sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tổ chức Tết. Hai anh bạn và tôi đi xe bus lên phố tầu mua xắm thực phẩm Á động. Muốn có hương vị Tết Việt Nam thì phải có bánh chưng, dưa hành, hạt dưa đỏ… Nhưng hồi đó ở Sydney, kiếm đâu ra những thứ đó, không như bây giờ, thực phẩm Á đông nào cũng có, thật ê hề. Không có bánh chưng, dưa hành, chúng tôi đành tưởng tượng cho đỡ thèm. Chúng tôi ca hát những bản nhạc xuân quê hương, rồi kéo nhau đi ăn cơm Tầu cho đến khuya.

Rời nhà người bạn, tôi kiếm xe bus lên đồi Bellevue Hill nhìn xuống thành phố Sydney. Trong cái khí lạnh của ban đêm, và nhìn những ngọn đèn vàng phía dưới, tự nhiên nhớ nhà chi lạ! Tôi hình dung ra hình ảnh cha tôi đang khăn đóng áo dài đứng lễ trước bàn thờ tổ tiên. Mẹ tôi đã qua đời vào năm 1955, một năm sau khi gia đình tôi tay trắng di cư vào Saigòn. Cha tôi, trong cảnh gà trống nuôi con, chăm sóc cho ba anh em tôi còn nhỏ dại. Lúc đó, ở Việt Nam, chỉ có cha tôi và một em trai 13 tuổi đang sống với nhau. Còn anh tôi, hơn tôi một tuổi, và tôi, mỗi đứa ở một bán cầu xa lạ: Mỹ châu và Úc châu.

Những ngọn đèn vàng lấp lánh dưới chân đồi đưa tôi về dĩ vãng của những năm nhỏ dại. Quê tôi tại Bắc Ninh, mẹ tôi là người con gái Nội Duệ:

Trai Cồng Vồng Yên Thế
Gái Nội Duệ Cầu Lim
 

Tôi còn nhớ mang máng những ngày hạnh phúc nhất của gia đình. Những đêm trước Tết, bố mẹ chúng tôi gói bánh chưng ở làng quê. Hai anh em chúng tôi cố thức để coi nồi bánh chưng và canh trộm trong những ngày tháng “củ mật” cùng với người lớn. Rồi lăn ra ngủ lúc nào không hay. Sáng mồng một Tết, mẹ bắt chúng tôi ăn mặc đàng hoàng để đi chào họ hàng, để được mở hàng và đánh tam cúc cùng với gia đình. Tôi cũng còn lờ mờ nhớ được những đêm sáng trăng, những người thợ gặt vừa đập lúa, vừa hát đố với nhau.

Ngày vui qua mau! Chiến tranh lan tràn đến làng, tôi theo cha đi chạy loạn, mẹ tôi phải ở lại nhà vì mới sinh em trai. Tôi bắt đầu hiểu biết thế nào là ly tán. Hơn 40 năm về sau, tôi đã ghi lại những hình ảnh đó qua những vần thơ mộc mạc:

Tôi sinh ra giữa lúc bom đạn ngang trời,
Người nằm xuống vì bom rơi, vì nạn đói.
Những đêm tối, theo cha tôi đi chạy loạn,
Mẹ ở lại nhà vì vướng bận em thơ.
Buổi tối đói, tôi mong mỏi đợi chờ,
Hình bóng mẹ và im lìm tiếng súng!

Rồi cha tôi bị Tây bắt đi tù, sau đó được thả tù và đi dậy học ở Phúc Yên. Anh em tôi theo cha đi học, lại phải xa mẹ, vì mẹ tôi phải ở lại quê trông nhà cửa, ruộng vườn. Lúc đó, chúng tôi, đứa 9 tuổi, đứa 8 tuổi. Có những buổi chiều, hai anh em tôi leo lên thang gác của những nhà bị bom ném xập, đứng ngó những xe “ca” từ Hà Nội lên Phúc Yên, hy vọng trong xe có mẹ lên thăm. Cuối cùng, gia đình tôi được đoàn tụ tại Hà Nội vào năm 1952.

Căn nhà của cha mẹ chúng tôi ở sát hồ Bẩy Mẫu và tôi học trường Đỗ Hữu Vị. Đường từ nhà tới trường rất xa, nhưng tôi không giám đi tầu điện vì người anh họ của tôi có tính “yiêng hùng” hay thích đánh lộn với những học sinh khác cùng đi một chuyến tầu điện với tụi tội, thành thử tôi phải cuốc bộ từ 5 giờ rưỡi sáng. Trên lộ trình, tôi chỉ còn nhớ mang máng những “villa” rất thơ mộng và những cái lạnh buổi sớm mai của Hà Nội.

(Tết Hà Nội)

Những ngày gần Tết, tôi xin phép bố mẹ cho tôi ghé qua chợ Đồng Xuân xem chợ hoa sau giờ hoc. Tôi bắt đầu mê hoa từ đó. Về sau, trong những năm trung học, tôi đọc đi đọc lại cuốn “Gánh Hàng Hoa” và giờ đây, ở tuổi ngũ tuần, tôi thích trồng phong lan để sống lại những kỷ niệm của tuổi ấu thơ. Những ngày đầu năm, đi lễ đền Ngọc Sơn với mẹ, đội mũ “bê rê”, mặc “blouson” đi chợ phiên cạnh hồ Hoàn Kiếm, tôi chẳng thấy lạnh là gì! Cuộc sống thật êm đềm như một bài thơ.


Nhưng cuộc đời vô thường đầy biến đổi, hiệp nghị Genevè chia đôi đất nước được ký kết, gia đình tôi di cư vào Nam vào tháng 8 năm 1954. Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi được đi máy bạy. Giờ đây, mỗi lần đi máy bay, tôi đều có cảm nghĩ mất mát, xa vắng:

Phi cơ đem đến chờ mong,
Bay đi biền biệt ai lòng buồn ai!

(Tết SàiGòn)


Sung sướng nhất là những năm 57, 58 khi tôi còn học trường Trần Luc. Trước khi nghỉ Tết, trường tổ chức đi xe lửa lên Biên Hoà xem các vườn cây ăn trái. Cùng đi trong toa xe, tôi nhớ nhất là thầy Doãn Quốc Sĩ, mà tôi thương mến từ năm Đệ Lục, Đệ Ngũ. Thầy đã dậy cả hai anh em chúng tôi môn Việt Vặn. Chính nhờ thầy mà tôi thích Việt Vặn từ hồi đó.

Nhắc đến cái Tết tha hương đầu tiên luôn luôn làm tôi xúc động, vì hình như nó đánh dấu khúc quanh quan trọng nhất của cuộc đời tôi? Trước Tết năm 1964 tại Sydney, tôi đã dành dụm đủ tiền mua được chiếc xe Peugeot 203, mà chỉ những vị sồn sồn như tôi mới may ra có thể hình dung nổi cái dáng dấp của nó. Xe le lắm cơ, có cả cái “sân thượng” (dịch từ chữ “sunroof” ý mà)! Đêm ông Táo chầu Trời, tôi chở 4 ông bạn Mít da vàng, mũi tẹt đi chơi bờ biển cho đỡ nhớ nhà. Xe đang ngon trớn thì bị một thầy phú lít mắt xanh mũi lõ bắt tôi ngừng xe. Lúc bấy giờ tôi mới chợt vỡ lẽ là tôi đã đi ngược chiều. Tôi lo quýnh quáng vì nếu thầy biên phạt thì hỏng to, sẽ làm tiêu tan cả cái gia sản của tôi. Tôi cố chấn tĩnh để đối thoại với thầy.

Cảnh sát:
Your driving license, please!
You drove crazy
And didn’t you see:
“One way” only
Hung on a tree?
Chủ xe:
Me Vietnamese
And me buddies
Go to party.
Me did not see
Sign on the tree!
Excuse me please:
“Rộng lòng từ bi
Đừng phạt làm chi,
Ticket costs money
Please let me ‘đi’
I‘ll be damn happy!”
Cảnh sát:
Hey, you, smarty:
You’re crazy
You’d better drive and see!
I let you go free
Enjoy and leave!
Thôi, đi đi!

Sau khi xe chuyển bánh, một Trạng Lợn Vietnam (Dr. Vietnamese Pig) bèn phóng tác ngay một bài thơ để tặng mọi người trong xe, tựa là:

Đi Xem Hội

“Bẩm thưa thầy đội
Em đi xem hội
Cùng mấy cha nội
Chẳng may cây cối
Che mất phố phường
Nên đi ngược đường
Vậy xin thầy thương
Chớ nên biên phạt
Lần sau phạm pháp
Thầy “charge” gấp hai
Thôi nhé bái bai
… Hẹn không gặp lại !”

Cuộc đời lăn như một hòn bi không bao giờ ngừng và từ đó tôi không còn có cái may mắn để ăn Tết ta, tết tây với gia đình, họ hàng nữa.

Sinh viên chúng tôi chỉ có thể tổ chức văn nghệ sinh viên và ăn Tết tập thể với nhau. Cũng có năm, tôi phải đi thực tập tại một công trường trong đại lục Úc châu nên không thể về chung vui ăn Tết Việt Nam với bạn bè được. Sự lạc lõng này đã gợi cho tôi những câu thơ như:

Quê hương tôi giờ này xa lắc
Tôi, một người lạc lối giữa Á và Âu.
Sa mạc này, tôi đã tìm thấy tôi!

Những dự tính của tôi khi còn học hoàn toàn đi trái ngược với thực tế. Tôi đã không đi làm công việc của một kỹ sư công chánh như đã định và tôi cũng chẳng trở về Việt Nam để đoàn tụ với cha già và anh chị em. Tôi đã đến lập nghiệp ở Canada và trở thành một giáo sư dậy ngành công chánh mà tôi chẳng bao giờ định trước!

Hơn 36 năm rồi, xa quê hương, mỗi lần Tết về, tôi cố nhớ lại những gì đã mất. Còn chăng, đó chỉ là những hình ảnh nhạt nhoà của chợ hoa Hà Nội, chợ hoa Saigon, cảnh gói bánh chưng cùng cảnh xum họp gia đình trong ba ngày Têt…

Ðàm Trung Phán
Dec. 1998 / Feb. 2020
Toronto, Canada