(Kính dâng Cậu Mợ)
Quê ngoại tôi ở Ninh Bình, một tỉnh nhỏ phía nam Hà Nội. Ông ngoại tôi mất sớm, lúc bà tôi trên dưới 30. Cụ ở vậy tảo tần nuôi ba người con. Người con gái lớn, chúng tôi gọi là bá, lập gia đình sớm, rồi theo chồng vào Nam. Bà mất trước đợt di cư 54 nên tôi không biết mặt bà, chỉ thấy ảnh, bà đẹp và rất giống mẹ tôi. Người con thứ hai là bác Sử, bạn học của cha tôi, do đó mới có mối nhân duyên kéo dài tới nay đã 63 năm, đúng như người ta chúc ‘Sắt cầm hoà hợp, đầu bạc răng long”. Mẹ tôi là con út. Nghe nói ngày hai người gặp nhau, mẹ tôi không dám nhìn cha tôi, chỉ bưng nước, bánh trái ra, rồi lủi mất, mà cha tôi cũng không dám nhìn thằng, chờ mẹ tôi quay vào rồi mới lén nhìn theo, chỉ mê vì cái gáy trắng và mấy sợi tóc mai loà xoà.
Cha mẹ tôi thành hôn năm 1933. Sau khi sanh được hai chị tôi, mẹ tôi bị tắc ống dẫn trứng, không mang thai được nữa. Cha tôi lo lắm, tìm thầy, chạy thuốc lung tung, may gặp được một ông bác sĩ già người Pháp là ông Paterson chữa khỏi nên mới có tôi. Tôi bị “tràng hoa quấn cổ, nghĩa là cuống nhau quấn quanh cổ một vòng nên lúc tôi lọt lòng, kéo theo lá nhau làm mẹ tôi bị băng huyết, gần chết. Tôi ra đời trong mùa khói lửa., Đệ nhị thế chiến đang lúc mãnh liệt. Người Pháp tuy vẫn giữ các cơ quan hành chánh, nhưng bị Nhật cai quản, chỉ huy. Kinh tế suy sụp, dân chúng bắt đầu kiệt quệ. Cha tôi nhờ làm công chức, lại có ít ruộng ở quê cho thuê, nên còn phong lưu, có khả năng giúp đỡ họ hàng và nuôi nấng chúng tôi đầy đủ. Qua năm 1946, hoà bình trở lại, mẹ tôi sanh thêm một em trai, nhưng tôi bị bệnh nặng, viêm màng óc. Trong vòng mấy ngày, tôi sốt liên miên, rồi mê man, tay bắt chuồn chuồn, cả nhà đều tuyệt vọng. Tôi nằm ở bệnh viện tư, do bác sĩ Quát làm Giám đốc, ông này sau làm đến Thủ Tướng VNCH. Y sĩ điều trị của tôi là bác sĩ Chất. Lúc đó Pénicilline vừa được phát minh, tôi nhờ thứ trụ sinh mới này mà thoát chết.
Khoảng cuối năm 1946, phong trào kháng chiến chống Pháp giành độc lập đang lên mạnh. Cha tôi cũng như bao người cùng lứa tuổi, vì lòng yêu nước, hăng hái tham gia kháng chiến: Ông bỏ sở vào chiến khu, theo đơn vị di chuyển lung tung, Nghĩa Lộ, Nho Quan, Hoà Bình...
Mẹ tôi dẫn chúng tôi về quê nội, một làng nhỏ cách tỉnh lỵ Bắc Giang khoảng 2 cây số. Nhà tôi tọa lạc trên một khu đất rộng, có tường bao quanh. Từ cổng vào, phía bên trái là giếng nước, bên phải là nhà bếp. Căn nhà 3 gian, 2 chái nằm ở phía trái, cuối sân là vườn mà mẹ tôi để một phần trồng dâu, nuôi tằm, một phần nuôi gà vịt. Góc sân, xế cửa nhà là một cây soan cổ thụ. Cây soan ở trong Nam không có, miền Trung gọi là cây sầu đông. Khoảng tháng Giêng, tháng Hai hoa soan nở đầy, những cánh hoa màu tím nhạt theo gió bay tơi tả, rồi phủ kín cả một góc sân. Tôi chưa tới tuổi đi học, cả ngày chỉ lò mò đi bắt mấy con sâu dâu, nướng ăn, hoặc mải mê ngồi cạnh mấy nong tằm, nhìn chúng ăn lá, nghe rào rào như tiếng mưa.
Lũ tằm mau lớn lắm, mới đầu nhỏ xíu màu xanh, chỉ ít lâu sau chúng đã lớn bằng đầu đũa, đổi màu vàng rồi kéo kén. Khi kén đã chín, mẹ tôi kéo tơ đem bán, còn lại mấy con nhộng bà biến chế thành những món ăn rất hấp dẫn. Những con nhộng vừa thơm vừa bùi này, đã gần 50 năm nay, tôi chưa có dịp thưởng thức lại. Trong thời gian này cô Tổng ở chung với chúng tôi. Cô là chị ruột của cha tôi, goá chồng sớm, không có con, nên rất thân với gia đình chúng tôi; cô chiều tôi còn hơn mẹ tôi nữa. Chúng tôi sống an lành được khoảng 1 năm thì tang tóc xảy ra: em trai tôi bất hạnh bị bệnh đậu mùa và qua đời. Mẹ tôi buồn bã, mất ăn, mất ngủ, người gầy xọm. Tôi còn quá nhỏ để hiểu thấm thía nỗi buồn tử biệt, nhưng sau này, mỗi khi hồi tưởng lại chuyện xưa, lòng tôi lại dâng lên một niềm đau xót khó tả.
Chiến tranh mỗi ngày một mãnh liệt, quân Pháp mở rộng phạm vi hoạt động, làng tôi đã nhiều phen trở thành bãi chiến trường. Khi giặc càn quét, mẹ tôi và hai chị tôi chạy bộ, cô tôi gánh quang chạy theo, một bên tôi ngồi, một bên là bao gạo; phía sau đạn bắn tơi bời. Mấy anh du kích, thấy bóng Tây thì chạy có cờ, nhưng Tây rút đi là về hoạch hoạ đám dân đen: tuần lễ vàng, tuần lễ bạc, tiêu thổ kháng chiến, diệt chó...Ai không tuân lệnh thì bị gán là Việt gian! Người nào giàu, có nhà lớn là bị đốt; chó bị đập chết hết, con chó nhà tôi cũng không thoát, dù đã được dấu kỹ trong kho lúa. Thấy tình hình bất ổn, gia đình tôi dắt díu nhau lên Sơn Tây, gần chỗ cha tôi đóng cơ quan. Sơn Tây đất cằn cỗi, toàn đá ong, có những giếng nước trong nhìn thấy đáy, có những đồi sim hoa tím bạt ngàn. Nhưng ở đây cũng không yên, vì Pháp tấn công liên miên, thả bom hoặc nhảy dù càn quét, chúng tôi lại quay về Nhã Nam, tá túc ở nhà Cụ Chánh Cán, thân phụ của một người bạn học của cha tôi. Lúc đó tôi học ở gần nhà, hai chị tôi học ở trường Ngô Sĩ Liên, bên Luộc Hạ. Ngày ngày hai chị đi bộ 8, 9 cây số đến trường, chiều về lo cơm nước. Mẹ tôi buôn bán hàng tấm, nghĩa là đi chợ mua vải, rồi gánh đi bán rong ở các làng. Ngày nào bà cũng đi từ sớm, đến khuya mới về. Đôi khi bà về trễ, chị em tôi lo sợ cuống cuồng, ra tận cổng làng đứng ngóng, đến khi thấy bóng dáng gầy gò quen thuộc của bà, chúng tôi ùa ra đón. Các chị tôi gánh hàng, tôi níu tay mẹ đòi quà. Lúc nào tôi cũng có vài cái kẹo lạc, kẹo vừng hay cái bánh đa. Đến nhà mẹ tôi lấy cơm nguội ra ăn, thường chỉ toàn là rau muống luộc, cà chua xanh. Mẹ tôi vẫn tươi cười hỏi về sinh hoạt của các con trong ngày, hỏi về sự học hành, về giao tình với thầy, với bạn. Nhưng một đôi khi, bên ánh đèn dầu vàng vọt, tôi thoáng nghe tiếng mẹ thở dài, bóng bà gầy gò cô đơn chập chờn trên vách.
Nước mắt tôi trào ra, tôi thương mẹ, nhớ cha, chỉ mong cha tôi bỏ kháng chiến, bỏ cơ quan để về xum họp với gia đình. Ước vọng của tôi chỉ là ảo vọng. Mẹ tôi vẫn âm thầm tần tảo nuôi con, cha tôi vẫn miệt mài theo kháng chiến. Ông leo tới chức Chủ tịch Huyện Quốc Oai! Đó là thời tiểu tư sản trí thức còn được cộng sản o bế để lợi dụng. Chúng theo đúng chiến thuật vắt chanh bỏ vỏ nên những người đầy công trạng này dần dần bị thanh trừng, khai trừ, hoặc hạ tầng công tác. Đến năm 1952, cha tôi hiểu được bộ mặt gian manh của cộng sản, viện cớ mẹ tôi bị bệnh nặng để xin nghỉ phép nhiều lần rồi sau cùng xin từ dịch. Khi cha tôi trở về với gia đình cũng là lúc tôi bị sốt rét nặng, phải nằm nhà thương, 2 mông chích đầy quinine nên bị thọt, đi cà nhắc, phải chống gậy. Phi cơ Pháp oanh tạc hàng ngày, chúng tôi phải học đêm. Con nít 9, 10 tuổi đi học xa 2, 3 cây số, đêm không có đèn mà phải qua vùng cây cối rậm rạp, qua bãi tha ma thì đứa nào chả sợ! Tôi có mấy đứa bạn đi cùng đường, nhưng chúng ác lắm, thấy tôi chân yếu không đi nhanh được, nên khi qua chỗ nguy hiểm là chúng hè nhau bỏ chạy, để tôi khóc sướt mướt vì sợ. Khi cha tôi biết chuyện, đêm nào ông cũng chống ba-toong đến đón tận trường.
Đến cuối năm 1952, gia đình tôi dọn về Trị Cụ, xây một căn nhà nhỏ vách đất, mái rơm. Thời gian đó tôi sống rất hạnh phúc, vì được gần cả cha lẫn mẹ, lại có đứa em để bồng bế nâng niu. Khi em tôi được khoảng 6 tháng, đang bụ sữa dễ thương, thì mẹ và em “dinh tê” tức là về vùng tề, do Pháp kiểm soát. Mẹ tôi mở cửa hàng bán gạo và tạp hoá ở tỉnh lỵ Bắc Giang, cha con tôi ở lại Trị Cụ. Thời gian khổ sở nhất trong tuổi ấu thơ của tôi bắt đầu. Tôi xa cha đã nhiều lần, đây là lần đầu tiên tôi xa mẹ. Đối với cha, tôi vừa yêu vừa sợ, vì cha tôi vốn nghiêm khắc. Đối với mẹ, tôi chỉ yêu mà không sợ, bà là người che chở, bênh vực cho tôi mỗi khi cha tôi nổi trận lôi đình. Cha tôi vẫn đi dạy học, buổi tối thường phải họp hành, học tập do đó, lúc nào tôi cũng lủi thủi một mình, cơm nước nhiều khi phải tự lực. Tôi thèm bàn tay dịu dàng vuốt ve của mẹ, nhớ những món ăn hấp dẫn, ao ước những món quà nho nhỏ mỗi khi mẹ về chợ...Đêm đêm tôi thường gặp mẹ trong mơ. Một lần tôi mơ thấy mẹ bồng em đi trên con đường làng, tôi vừa chạy theo, vừa gọi, muốn hụt hơi mà mẹ không thưa, đến khi tôi mệt xỉu thì mẹ mới quay lại, ôm tội và đưa tay vuốt má. Tôi giật mình tỉnh dậy, thấy cha đang vuốt má tôi, đôi mắt ông long lanh ngấn lệ. Ông dỗ tôi: “Thôi nín đi con, vài tháng nữa mình sẽ về với mę và em”.
Có hôm nắng ráo, đẹp trời, cha tôi đem phơi quần áo cũ. Khi đi học về, tôi thấy chiếc áo bông của mẹ để lại. Lúc đó trời đã hoàng hôn, chim chóc xào xạc về tổ, gà mái cục cục gọi con, lòng tôi buồn tê tái. Tôi ôm chiếc áo bông của mẹ vào lòng, nghe mùi hơi quen thuộc mà đầm đìa nước mắt...
Lúc đó tôi học lớp 4 theo chương trình cộng sản, tương đương với lớp nhất của Quốc gia. Sau khi đậu vào lớp 5 của trường Ngô Sĩ Liên, tôi học ở đây được mấy tháng thì xảy ra trận Điện Biên Phủ, rồi Hiệp định Geneve chia đôi đất nước.
Phe cộng sản lúc đó say men chiến thắng, dương dương tự đắc việc kiểm soát lơ là, chúng tôi mới có cơ hội về quê. Mới thấy thấp thoáng cây đa đầu làng là lòng tôi đã rộn lên một cảm giác xao xuyến khó tả. Làng cũ, nhà xưa không có gì thay đổi. Em tôi lớn hơn nhiều, đã bập bẹ biết nói, nó nhìn chúng tôi rồi khóc oà lên vì lạ. Mẹ tôi có vẻ gầy, tóc điểm vài sợi bạc. Bà ôm tôi vuốt ve, nước mắt rưng rưng.
Gia đình chúng tôi quyết định di cư vào Nam. Cha tôi và tôi đi trước để lo nơi ăn chốn ở, mẹ và chị em tôi sẽ đi sau. Thế là tôi lại phải xa mẹ. Chúng tôi ra Hà Nội để chạy giấy tờ, ở nhờ một người bạn của cha tôi, bên bờ hồ Trúc Bạch. Ngoài hậu phương không có gì đọc, ở Hà Nội, báo chí, sách, truyện tràn đầy, tôi đọc say mê, quên ăn, quên ngủ, đến nỗi trong mấy tuần lễ ở đây, tôi không bước ra khỏi cửa, nên chẳng biết mặt mũi Hà Nội nó ra sao. Ngày lên đường, chiếc Dakota cất cánh từ phi trường Gia Lâm. Nhìn qua cửa kính, tôi thấy Hà Nội nhỏ dần và xa dần, dòng sông Hồng như một sợi chỉ đỏ, uốn khúc giữa những thuở ruộng xanh bát ngát...Tôi hớn hở, chạy lăng xăng, nào đã biết buồn viễn xứ, nhưng khi quay lại phía cha tôi, thấy ông ngồi bất động, mắt nhìn vào khoảng không, buồn vời vợi, tôi sợ hãi ngồi yên. Sau này tôi mới hiểu tâm trạng của ông lúc đó, chắc cũng như tâm trạng của tôi, 21 năm sau, đêm 30-4-75 khi tôi ngồi trên chiếc tàu há mồm, xuôi dòng Tiền Giang di tản.
Đến Saigon, chúng tôi đi tìm nhà bác rể của tôi, là chồng của Bá. Vì mất liên lạc từ lâu, không có địa chỉ, chỉ nhớ máng là hai bác ở Tân Định. Tôi ngồi giữ hành lý ở cạnh nhà thờ, đường Hai Bà Trưng, cha tôi lò mò đi hỏi thăm khắp hang cùng ngõ hẻm, vậy mà cũng tìm ra nhà bác. Chúng tôi ở tạm đây ít lâu thì thuê được một căn nhà ở Gia Định, gần chợ Bà
Chiểu. Đây là một xóm nghèo, nhưng dân cư thật hiền lành, khả ái, họ đối với chúng tôi bằng một tấm lòng bao dung, chân thành. Cha tôi làm đơn xin hồi ngạch, nhưng vì theo kháng chiến lâu năm, bị điều tra hơi kỹ, nên cả năm sau ông mới được thu dụng. Trong khi chờ đợi, mẹ tôi may thuê, vá mướn, kiếm ăn. Đêm đêm bà thức tới 2, 3 giờ sáng lịch kịch bên bàn máy may, dưới ánh điện câu vàng vọt. Cha tôi đi làm công nhật ở sở Ba Xoong. Sở này lúc đó còn Tây. Tụi Tây ăn uống sang trọng lắm, thịt cá ê hề. Cha tôi trưa nào cũng dở món trường kỳ là cơm mắm, muối vừng ra ăn, nhưng với nét mặt hãnh diện, ngạo nghễ. Tụi Tây thích cha tôi lắm, vì tiếng Tây trường Bưởi của ông rất ngọt. Họ thường mời cha tôi ăn cùng, nhưng bao giờ ông cũng từ chối, nói rằng ông muốn ăn những thứ chính tay mẹ tôi làm. Có lần họ mời ông một trái táo, ông nhận nhưng không ăn, gói ghém cẩn thận mang về cho con. Ôi trái táo thủa hàn vi của cha tôi, tôi vẫn nhớ suốt đời...
Khi được hồi ngạch, cha tôi bị đổi đi làm mấy năm ở Long Xuyên, Long An rồi về làm Đầu phỏng Biện Lý Tòa Saigon. Mẹ tôi đỡ vất vả, bà để hết thì giờ cho con cái và sanh thêm được một bé trai, là đứa em út của tôi bây giờ.
Thời gian qua mau, chị em chúng tôi lần lượt trưởng thành. Các chị tôi xong Đại học Sư Phạm, rồi xong Luật. Tôi học Y khoa, năm 67 ra trường. Trong 2 năm theo đơn vị tác chiến, cha mẹ tôi lo lắng, chỉ sợ rủi ro xảy đến cho tôi. Biết bao nhiêu đồng nghiệp đàn anh của tôi như Đỗ Vinh, Trần Ngọc Minh, Nghiêm Sĩ Tuấn...đã gục ngã nơi chiến trường.
Khoảng đầu thập niên 70, phong trào du học lên đến cực điểm, nên cha mẹ tôi dù nghèo cũng gồng mình cho hai đứa em của tôi xuất ngoại. Tôi vốn tính hoang đàng, ham chơi, nên tiền lương, tiền phòng mạch còm cứ theo nhau mà vào bàn bài, quán nhậu và xóm yên hoa. Tôi không giúp gia đình được một xu nhỏ. Mỗi khi về phép tôi thường báo trước, nên lúc nào đến nhà cũng thấy cơm gà, cá gỏi. Ăn cơm nhà được một hai bữa là tôi lại biến đi du hý. Khi nào thấy tôi nằm nhà là mẹ tôi biết quý tử yếu địa, lại dúi cho mấy trăm. Tôi ngây thơ, cứ tưởng cha mẹ tôi còn phong lưu! Một lần đi công tác, về bất chợt, gặp bữa cơm, tôi thấy trên mâm chỉ có cá khô và rau luộc. Tôi hối hận lắm tự hứa với lòng là sẽ để dành tiền, giúp đỡ cha mẹ, nhưng rồi chứng nào tật nấy, tiền giúp gia đình chẳng được bao nhiêu, khi có khi không. Cha mẹ tôi cũng muốn tôi lập gia đình để có người cột chân tôi, để ông bà sớm có cháu bế, nhưng tôi như con ngựa chứng, đám nào cũng lắc nên cha mẹ tôi rất buồn lòng.
Rồi tháng Tư đen năm 1975 ập tới, tôi chạy thoát một mình từ Cần Thơ. Cha tôi xuống hỏi thăm, người thì người ta nói tôi đã di tản, người thì nói tôi đã chết, vì chiếc xe jeep tôi thường đi bị bắn cháy nát trên đường Trà Nóc, Cần Thơ. Lúc đó cha tôi ngất xỉu. Khi tỉnh lại, ông thất thểu trở về, yên trí đã mất đứa con. Mãi 8 tháng sau cha mẹ tôi mới biết là tôi còn sống. Sau mấy lần vượt biên thất bại, vốn liếng đã cạn, cha mẹ tôi đành cam phận sống dưới gông cùm. Ở Canada, vừa có việc là tôi làm giấy bảo lãnh, nhưng mãi đến tháng 5 năm 82, cha mẹ và chị tôi mới được sang đoàn tụ. Nhờ ơn Trời, cha mẹ tôi còn khoẻ mạnh. Bây giờ tôi đã lớn tuổi, tình thương của ông bà dồn xuống các cháu. Nhìn ông bà săn sóc mấy đứa con tôi, dĩ vãng lại hiện về, những hình ảnh của 40 năm xưa còn đậm nét. Nước mắt vốn chảy xuôi...và đứa con hư, cho đến bây giờ, có lẽ vẫn chưa làm được điều gì để báo đáp lại lòng cha mẹ.
(Bài đã đăng trên TSYS số 132, tháng 8 năm 1996)
Bát Sách