Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

Câu Đối: Quý Mão Về (Huỳnh Hữu Đức)

 

Câu Đối: Huỳnh Hữu Đức
Trình Bày: Kim Oanh

Mộng Đêm Xuân

 

Vén màng trừ tịch đón xuân sang
Ước vọng đoàn viên ngấn lệ tràn
Xác pháo giao thừa lay trước gió
Không là pháo đỏ đón tình lang

Lân địa ngoài kia vẫn rộn ràng
Chút gì vương vấn mãi đeo mang
Đêm này người hỡi Ba Mươi Tết
Trao chứng tin yêu chiếc lá vàng

Mơ ước mà thôi chuyện lỡ làng
Hồn chìm tưởng nhớ mộng đi hoang
Phương trời xa ấy ai còn nhớ
Xin...với người phu quét lá vàng

Kim Phượng
Đêm trừ tịch 2023
 Anh Đến Thăm Em Đêm Ba Mươi
Thơ: Nguyễn Đình Sáng Tác: Vũ Thành An
Ca Sĩ: Lâm Nhật Tiến


 

Ảm Đạm Đêm Giao Thừa

  


Mùa Xuân ấy giờ đây như đã mất
Bao năm chờ tiếng pháo thật khai Xuân
Đếm thời gian trôi tối sẫm đêm mừng
Từ xa xăm cõi núi rừng vang vọng

Thuở em xưa đậm làn môi nóng bỏng
Từng chở xe đầy sức sống tràn dâng
Vườn tình xưa gieo lắm hạt hồng trần
Mùa gặt lỡ niềm đau dần chua xót

Rồi người thân đi không lần trở gót
Để giao thừa lành lạnh giọt sương rơi
Nhớ nhung ai hồi tưởng lại khung trời
Đầm ấm cũ! Đêm nay đời vô nghĩa

Đầu năm mới tìm vui nghe mai mỉa
Rượu đắng cay mằn mặn nỗi chia xa!

Vĩnh Long 3-2-2011
Lê Kim Hiệp

Hạnh Phúc Xuân!


Xuân đến trên ngàn cây ngọn cỏ
Xuân mang ánh nắng tỏa không gian
Xuân trải thênh thang bao ước vọng
Xuân trao tình ươm mộng tơ vàng

Xuân vì ai vấn vương nỗi nhớ
Xuân vì ai choáng chỗ buồng tim
Xuân vì ai đắm chìm giấc ngủ
Xuân vì ai ấp ủ mùa say.

Xuân đến xin đừng quay gót bước
Xuân trao đừng từ khước hẹn chờ
Xuân chín muộn hoà chung nhịp thở
Xuân gọi mời rộ nở...tình xuân!

 


Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Xuân Quý Mão 2023


Áo Lụa Hồn Xuân

  

Áo xanh vàng đỏ...Rập rình
Mùa xuân thức giấc giật mình khai hoa
Hương mùa lan tỏa bay xa
Hồn ta chết điếng theo tà áo em

Xuân thì rục rịch khai nguyên
Cành mai hé nở vàng thêm mộng chờ
Ngẩn ngơ áo lụa hồn thơ
Nguồn xuân tiếp nối bên bờ vô ngôn

Ta ngồi nhẩm tuổi hoàng hôn
Tóc mây giờ đã bồn chồn xuân trôi
Tay nâng quá khứ bồi hồi
Cúi hôn xuân sắc nhớ thời xuân xưa

Xuân xưa nhớ tuổi vui đùa
Theo em nhí nhảnh lên chùa nghe kinh
Xuân nay tuổi đã rập rình
Còn vương bóng nhớ mộng tình xuân thơ.


Bằng Bùi Nguyên

Thơ Chúc Tết

 

Tiếng pháo Giao Thừa ý nở hoa 
Chúc mừng năm mới đến toàn gia 
Vạn điều may mắn nhiều tài lộc
Thịnh vượng an bình rộn tiếng ca 
Phước lộc vun đầy thêm tuổi thọ 
Cháu con thành đạt rạng phong gia 
Xuân sang năm mới vui như hội 
Hạnh phúc tràn dâng đẹp cả nhà 

Lâm Hoài Vũ

Chiếc Áo Bỏ Quên

 

Em đến thăm anh
Chiều ba mươi Tết
Khi ra về
Chiếc áo bỏ quên
Ôi! Áo tím ngày xưa
Năm mươi năm rồi
Em vẫn còn giữ
Ngày xưa em nói;
Màu hoa cà tím
Tình mình đẹp mãi ngàn năm
Thế nhưng
Tình mình tan vỡ
Em vâng lệnh song thân
Lấy anh chi
Thằng lính tráng nghèo nàn
Em sẽ chóng thành góa phụ
Em đã lấy người giàu sang
Mong cho cuộc sống an toàn
Nhận được thiệp hồng
Anh nói với em ;
Có sang ngang thì em cứ bước
Giữ hộ anh chiếc áo ngày xưa
Năm mươi năm qua
Áo tím hoa cà vẫn còn đó
Anh sẽ giữ hộ em chiếc áo dài nầy
Như lời em đã nói :
Tình mình đẹp mãi ngàn năm

Hoàng Long
Tết Kỷ Hợi 2019

Tân Niên Tác 新年作 - Lưu Trường Khanh

 

LƯU TRƯỜNG KHANH 劉長卿 (726-786) tự là Văn Phòng, người huyện Tuyên Thành (thuộc tỉnh An Huy ngày nay) giỏi về thơ ngũ ngôn và ngũ ngôn luật. Ông làm quan đến chức Giám Sát Ngự Sử, có giao tình rất hậu với Thi tiên Lý Bạch.
Mùa xuân năm Chí Đức thứ 3 (758), vì chính kiến bất đồng, từ chức Trưởng Châu Úy của Tô Châu, ông bị biếm đến Phan Châu tỉnh Quảng Đông lãnh chức Nam Ba Úy. Tết năm đó ông làm bài thơ dưới đây để bày tỏ nỗi lòng của mình.

新年作              Tân Niên Tác

鄉心新歲切, Hương tâm tân tuế thiết,
天畔獨潸然。 Thiên bạn độc san nhiên.
老至居人下, Lão chí cư nhân hạ,
春歸在客先。 Xuân quy tại khách tiên.
嶺猿同旦暮, Lãnh viên đồng đán mộ,
江柳共風煙。 Giang liễu cộng phong yên.
已似長沙傅, Dĩ tự Trường Sa Phó,
從今又幾年 ? Tòng kim hựu kỷ niên?

劉長卿            Lưu Trường Khanh

* CHÚ THÍCH:
- Hương tâm 鄉心 : là Lòng Quê, là Nỗi lòng tưởng nhớ đến quê hương.
- Tân Tuế 新歲 : là Tuổi mới, là Năm mới, là Tết đến.
- Thiên Bạn 天畔 : là Bên trời, ở đây chỉ bị biếm đến nơi xa xôi.
- San Nhiên 潸然 : chỉ lệ rơi lả chả.
- Lãnh Viên 嶺猿 : chỉ Vượn trên đĩnh núi.
- Đán Mộ 旦暮 : ĐÁN là Ngày, là Buổi Sáng. MỘ là Buổi Chiều.
- Trường Sa Phó 長沙傅 : chỉ GIẢ NGHỊ 賈誼, một nhà tư tưởng, nhà văn học và là một quan Đại Phu nổi tiếng đời Tây Hán, rất được Hán Văn Đế trọng vọng, nhưng bị dèm xiểm đố kỵ, nên có lúc bị đày đến làm Thái Phó của đất Trường Sa, vì thế mới gọi là Trường Sa Phó. Ở đây Lưu Trường Khanh tự ví mình như là Giả Nghị vì dèm xiểm nên bị đày.

* NGHĨA BÀI THƠ :
Sáng Tác Trong Năm Mới

Nỗi lòng tưởng nhớ đến quê hương càng tha thiết hơn trong những ngày Tết đến. Một mình một bóng nơi chân trời xa xôi nầy mà âm thầm nhỏ lệ. Cái già đã sồng sộc đến nơi rồi mà thân phận vẫn cứ lè tè nhỏ nhoi ở dưới người khác; Cũng như nàng xuân luôn luôn đến trước với những người khách tha hương. Ở đây, sớm chiều chỉ cùng bầu bạn với các chú vượn trên các đĩnh núi xa xa, và ngắm cảnh mờ sương gió với các dãy liễu rũ ven sông. Ta tự thấy mình đã giống như là Đại phu Giả Nghị lúc bị đày ở Trường Sa; không biết là từ nay còn phải chịu đến mấy năm nữa đây ?!

Quả là nỗi lòng của kẻ tha hương thật bi thiết trong những ngày năm hết Tết đến, khi nhìn lại thân phận của mình vẫn còn nhỏ nhoi không thực hiện được hoài bão và mùa xuân vẫn không chờ đợi ai mà vẫn cứ ập đến qua hai câu thơ thật phũ phàng thực tế :

老至居人下, Lão chí cư nhân hạ,
春歸在客先。 Xuân quy tại khách tiên.

... làm cho ta cũng nhớ đến thân phận của những kẻ lưu vong nơi xứ lạ quê người như chúng ta hiện nay. Chưa làm được gì cho quê hương thì cái già đã sồng sộc ập xuống trên đầu rồi. Câu "Xuân quy tại khách tiên" ngoài nghĩa " Người khách tha hương cảm nhận mùa xuân về trước hơn những người khác" ra, còn có nghĩa là :"Mùa xuân về đến quê hương trước hơn khi người ở nơi đất khách được về lại quê hương!" Quê hương còn chưa về được, nhưng mùa xuân thì vẫn cứ đến hằng năm không ai có thể cản được như lời thơ của thi sĩ Tiền Chiến Xuân Diệu:

Tôi có chờ đâu có đợi đâu,
Mang chi xuân đến gợi thêm sầu!

* DIỄN NÔM:

 Tân Niên Tác

Lòng quê Tết càng bi thiết,
Bên trời lả chả lệ rơi.
Già đến quan còn bên dưới,
Xuân về khách cảm trước người.
Sớm chiều cùng nghe tiếng vượn,
Sương khói bờ liễu buông lơi.
Đã như Trường Sa Giả Nghị,
Sức còn biết mấy lăm hơi?!

Lục bát:

Lòng quê Tết đến ngậm ngùi,
Bên trời lả chả bồi hồi riêng ta.
Dưới người khi tuổi đã già,
Xuân về trước lúc hồi gia khách sầu.
Sớm chiều tiếng vượn rầu rầu,
Bên bờ liễu rũ nhạt mầu khói sương.
Thân như Giả Nghị sầu vương,
Từ nay, rồi nữa, miên trường bao năm?!
(Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm)

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
***
Năm Mới Viết

1/

Năm mới nhớ nhà thay
Buồn rơi lệ chốn này
Sắp già thêm chức nhỏ
Xuân sớm ở nơi đây
Sáng tối bên đàn vượn
Vui cùng liễu với mây
Giờ đâu khác Giả Nghị
Phải chịu mấy năm đày?

2/

Tết về thêm nhớ quê xa
Một thân đất khách lệ sa đôi dòng
Quan hèn tuổi xế hết mong
Nhìn xuân đến sớm buồn lòng tha hương
Vui cùng đàn khỉ bên đường
Gió mây bờ liễu cũng dường quen nhau
Ta và Giả Nghị khác nào
Trở về chốn cũ còn bao năm dài

Quên Đi
***
Tiếng Lòng Năm Mới 

Nỗi lòng cảm nhớ quê xa
Những ngày Tết đến thiết tha tưởng về
Tha hương một bóng ủ ê
Dưới người chồng chất nhiêu khê tuổi đời
Xuân đến lòng khách sầu khơi
Sớm chiều bầu bạn vượn nơi núi mù
Ta như Già Nghị Đại phu
Sức mòn mỏi đợi bao thu hỡi người.


Kim Oanh
***
Tân Niên Tác

1/


Năm Mới ôi là nhớ
Xứ người dòng lệ sa
Phận hèn thêm luống tuổi
Xuân cảm khách đây mà
Sớm tối vượn bầu bạn
Vui mây liễu lướt qua
Khác chi thân Giả Nghị
Còn chịu mấy năm xa

2/

Quê nhà Năm Mới nhớ sao
Phương trời viễn xứ tuôn trào lệ sa
Chức quan hèn mọn thân già
Xuân dường sớm đến kẻ tha hương nầy
Khi thì làm bạn khỉ bầy
Lúc vui liễu rũ gió mây lững lờ
Sánh cùng Giả Nghị nào ngờ
Ngày về chốn cũ đợi chờ bao lâu

Kim Phượng
***
Tân Niên Tác

Năm Mới nhớ về nhà
Ven trời màng lệ nhòa
Già rồi còn xứ lạ
Xuân đến vẫn quê xa
Sớm tối núi cùng vượn
Gió sương liễu với hoa
Mỏi mòn nơi đất khách
Rồi nữa bao năm qua?

Phạm Khắc Trí

Trở Về Nhà Ngày 30 Tết

 

Tôi khởi hành từ thành phố mùa đông
Bầu trời thấp, quê người giăng tuyết trắng
Bay về Việt Nam ngày ba mươi Tết
Căn nhà xưa ấm áp đợi tôi về

Tôi biết mẹ cũng thấp thỏm đợi chờ
Đứa con xa đã lâu chưa gặp mặt
Tôi bận rộn giữa vòng đời quay quắt
Kỷ niệm có khi là một giấc mơ

Mẹ đã chuẩn bị nấu bánh chưng chưa
Đợi tôi về đêm Ba Mươi nhóm lửa?
Góc bếp năm nào ngày tôi còn bé
Mắt long lanh như bếp lửa bập bùng

Đêm ba mươi Tết huyền diệu vô cùng
Nồi bánh sôi như lòng tôi rạo rực
Chợt tiếng pháo giao thừa về là lúc
Tôi thấy mình vừa mới lớn khôn hơn

Mẹ đã mua chưa những chậu hoa thơm?
Cành mai vàng trong căn phòng khách nhỏ
Tôi vẫn thấy mình đứng bên cửa sổ
Nhìn ra ngoài mơ mộng một trời Xuân

Chuyến bay miệt mài đi giữa màn đêm
Vượt đại dương mang theo hồn lữ thứ
Tạm biệt tuyết rơi, gió lạnh viễn xứ
Đứa con thân yêu đang trở về nhà

Nỗi vui mừng, vội vàng phố tôi qua
Hàng cây cũ nhìn tôi như chào đón
Những khuôn mặt quen bạn bè, lối xóm
Tất cả là ba mươi Tết trong tôi

Đêm nay tôi sẽ thức, sẽ rong chơi
Về quá khứ tìm mùa Xuân đã mất
Xin chào quê hương ngày Ba Mươi Tết
Đêm nay giao thừa tôi trẻ lại như xưa
 
Kim Loan

Câu Đối Tết Qúy Mão 2023


Tiễn Nhâm Dần 2022 đón Qúy Mão 2023, đưa chúa sơn lâm uy vũ hung ác với các thiên tai dịch bệnh đi, để đón về em Qúy Mão hiền lành dễ thương dù là Thỏ hay Mèo gì đều rất biết nhỏng nhẻo với con người. Mong rằng trong năm tới thiên nhiên sẽ ưu đãi, xã hội sẽ an bình, chiến tranh sẽ chấm dứt để cuộc sống của mọi người dân được no ấm yên vui trong cảnh xuân tươi đẹp như câu đối sau đây :

有地有天皆麗日, Hữu địa hữu thiên giai lệ nhật,
無人無處不春風。 Vô nhân vô xứ bất xuân phong.

Có nghĩa:

- Nơi nào có đất có trời là nơi đó có nắng đẹp của mùa xuân;
- Không người nào không nơi nào là không được gió xuân thổi đến!

Mong rằng tất cả mọi người mọi nơi trên trái đất mùa xuâm năm tới nầy đều hưởng được niềm vui của :

人壽年豐歌盛世, Nhân thọ niên phong ca thịnh thế,
山青水秀慶新春。 Sơn thanh thủy tú khánh tân xuân.

Có nghĩa:

- Người sống thọ, năm được mùa, cùng nhau ca ngợi cuộc đời hưng thịnh;
- Núi xanh xanh, nước xinh xinh, cùng nhau mừng đón mùa xuân mới.

Mong rằng tiễn đưa Nhâm Dần 2022 đi, đón năm Qúy Mão 2023 về, sẽ như:

東風放虎歸山去, Đông phong phóng hổ quy sơn khứ,
明月探春引兔來。 Minh nguyệt thám xuân dẫn thố lai.

Có nghĩa:

- Gió xuân thả hổ đi về núi,
- Trăng sáng vào xuân dẫn thỏ về.

Thả hổ về rừng núi để tránh hiểm nguy và để đề phòng hậu hoạn; Mong vầng trăng sáng sẽ nhân mùa xuân mà đem con ngọc thố hiền lành về với mọi người như câu đối sau đây :

玉兔迎春至, Ngọc thố nghinh xuân chí,
黃梅報福來。 Huỳnh mai báo phúc lai.

Có nghĩa:

- Thỏ ngọc mang xuân đến,
- Mai vàng báo phước về.

Và để cập nhật theo như người Việt Nam ta, MÃO là con MÈO, mời xem câu đối sau đây:

虎去威猶在, Hổ khứ uy do tại,
貓來運轉昌。 Miêu lai vận chuyển xương.

Có nghĩa:

- Cọp đi nhưng uy vũ vẫn còn ở lại (Ý chỉ trong năm cọp vừa qua, các thiên tai dịch bệnh vẫn còn để lại nhiều hậu quả).
- Mèo đến chắc chắn vận hạn sẽ được chuyển đổi để khá hơn năm qua.

Chẳng những vận hạn sẽ được chuyển đổi cho khá hơn năm qua, mà còn phải phấn khởi vùng lên để dương uy lập nghiệp :

喜玉兔今年奮起, Hỉ ngọc thố kim niên phấn khởi,
慶御貓此歲揚威。 Khánh ngự miêu thử tuế dương uy.

Có nghĩa:

- Mừng thỏ ngọc năm nay vùng dậy,
- Chúc mèo vua năm mới dương oai!

Ai sinh vào dịp xuân về trong những ngày Tết, thì sẽ được chúc bằng câu đối lý thú sau đây :

福如東海滔滔至, Phước như đông hải thao thao chí;
財似春潮滾滾來。 Tài tự xuân triều cổn cổn lai.

Có nghĩa:

- Phước tợ bể đông cuồn cuộn đến,
- Tiền như sóng biển dập dồn sang.

PHƯỚC NHƯ ĐÔNG HẢI 福如東海 và THỌ TỈ NAM SƠN 壽比南山 là lời chúc thọ cho những người sống trên một Hoa Giáp (60 tuổi) Vì theo tài liệu thống kê, vào đời Đường tuổi thọ của con người chỉ trong khoảng 40 đến 45 mà thôi, nên người nào sống được 60 tuổi trở lên thì gọi là HƯỞNG THỌ, còn chết dưới 60 tuổi thì gọi là HƯỞNG DƯƠNG. Ví dụ :
- Anh A mất, HƯỞNG THỌ 60 tuổi, còn...
- Anh B mất, HƯỞNG DƯƠNG 59 tuổi.
Nên hễ sống trên được 60 tuổi là người ta tìm hết những lời hay ý đẹp để Chúc Thọ như đã nêu trên. Những người sống thọ nếu chịu khó siêng năng cần cù làm ăn dù không giàu sang phú qúy thì cũng có cuộc sống tương đối dễ chịu với con cháu nội ngoại đề huề, nên xuân về Tết đến chỉ mong :

迎喜迎春迎富貴, Nghinh hỉ nghinh xuân nghinh phú qúy,
接財接福接平安。 Tiếp tài tiếp phước tiếp bình an.

Có nghĩa:

- Đón niềm vui, đón xuân về, đón phú qúy đến;
- Nhận tiền tài, nhận phúc lộc, nhận cả sự bình an.

Nghe có vẻ tham lam nhưng lại rất thực tế: Có ai mà không muốn đón xuân về đón cả niềm vui và sự phú qúy đâu ? và cũng không ai từ chối nhận về phúc lộc, tiền tài và cả sự bình an qúy báu cho gia đình cả ! Nhưng ông bà ta cũng đã dạy là "Gia hòa vạn sự hanh 家和萬事亨". Có nghĩa : Gia đình hòa thuận thì muôn việc đều hanh thông suông sẻ. Câu nầy thường "bị" nói trại thành : Gia hòa vạn sự HƯNG 家和萬事興. Có nghĩa: Gia đình hòa thuận thì muôn việc đều hưng vượng. Nói theo ý nào cũng tốt cả, chủ yếu là "HÒA THUẬN" vì "Hòa khí sẽ sanh tài 和氣生財 mà. Nên câu đối sau đây cũng rất được ưa chuộng:

和順滿門生百福, Hòa thuận mãn môn sanh bách phước,
平安二字值千金。 Bình an nhị tự trị thiên kim.
Có nghĩa:

* Mãn môn 滿門 là Đầy cửa đầy nhà, có nghĩa là Một nhà, là Cả nhà.
- Cả nhà hòa thuận sẽ sanh ra trăm ngàn phúc lộc,
- Hai chữ BÌNH AN đáng giá đến ngàn vàng !

Vâng, phải BÌNH AN 平安 mạnh khỏe yên lành thì mới hưởng được vinh hoa phú qúy, còn cứ bệnh rề rề hay gia đình luôn xào xáo thì dù cho có thật nhiều tiền cũng không cảm thấy được cuộc sống vui vẻ đáng yêu và hạnh phúc. Nên VUI VẺ cũng là yếu tố cần thiết cho một gia đình hạnh phúc :

合家歡樂財源進, Hợp gia hoan lạc tài nguyên tấn,
內外平安好運來。 Nội ngoại bình an hảo vận lai.

Có nghĩa:

- Cả nhà vui vẻ thì nguồn tiền sẽ tự tìm đến,
- Nội ngoại đều bình yên thì vận tốt cũng sẽ tự đến nhà.

Cuối cùng là câu đối mừng đón mùa xuân về với đất trời, về với muôn người và về với cảnh trí chung quanh cuộc sống của ta:

處處紅花紅處處; Xứ xứ hồng hoa hồng xứ xứ,
重重綠柳綠重重。 Trùng trùng lục liễu lục trùng trùng!

Có nghĩa:

- Nơi nơi đỏ thắm nơi nơi thắm,
- Lớp lớp liễu xanh lớp lớp xanh!

Xuân về trăm hoa đua nở, hồng thắm khắp nơi, liễu non xanh biếc tràn đầy sức sống. Cầu chúc cho mọi người, mọi giới, mọi miền khắp nơi trên trái đất nầy đều có được một mùa xuân AN KHANH và THỊNH VƯỢNG !

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

* Đây là bài viết đặc biệt cung cấp thêm một số câu đối Tết cho Tiền bối Kahn Bui BXC, vì nghe nói Tiền bối định ra nghề viết CÂU ĐỐI TẾT xuân nay.
Kính chúc Tiền bối thành công và thuận lợi trong việc làm sống lại hình ảnh ÔNG ĐỒ của Vũ Đình Liên xa xưa đã từng vang bóng một thời!
Nay kính,
Đỗ Chiêu Đức

* Viết liễn bằng chữ NHO phải có kèm theo âm Quốc Ngữ, nếu không, người ta sẽ chê vì không biết đọc! Mời xem các mẫu sau đây:


Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Xuân Này Con Không Về - Tân Nhạc: Trịnh Lâm Ngân - Cổ Nhạc: Loan Thảo - Trình Bày: Kim Trúc & Ngọc Trắng


Tân Nhạc: Trịnh Lâm Ngân
Cổ Nhạc: Loan Thảo
Trình Bày: Kim Trúc & Ngọc Trắng


Xuân Đang

 

Xuân tươi xuân sắc sắc xuân đang
Ngàn đóa hoa lay dưới nắng vàng
Cánh én miệt mài đưa đẩy gió
Say sưa hương nhụy bướm mơ màng
Vô tư trẻ nhỏ đang đùa giỡn
Lặng với nỗi buồn ông lão mang
Khi nhớ năm xưa ngày tết đến
Má ngồi nấu bánh đợi canh tàn

Má ngồi nấu bánh đợi canh tàn
Gió bấc theo từng đợt rét lan
Sương xuống đêm về trời buốt lạnh
Nước sôi hơi tỏa tiếng reo vang
Bập bùng ánh lửa soi lên tóc
Cằn cỗi tuổi già Má nặng mang
Chợt thấy niềm vui trong ánh mắt
Khi nồi bánh chín lúc xuân sang...

Quên Đi

Cung Chúc Tân Xuân 2023



Nhâm Dần vội vàng đi từ giã
Quý Mão đang rộn rã về nhà
Chờ đêm trừ tịch canh ba
Chuyển giao cũ mới ôn hòa thiêng liêng
Nếu thấy Bần, nhớ khiêng ra ngõ
Đón ông Phúc Lộc Thọ tưng bừng
Bàn thờ ngày tết bánh chưng
Mai đào ngũ quả sáng trưng nến vàng
Đốt tràng pháo mở màn năm mới
Khai bút vài câu đối đầu xuân
Chúc cho đắc lộc nhân tâm
An khang thịnh vượng muôn phần hanh thông
Đường học vấn mênh mông rộng mở
Đường công danh rạng rỡ không lo
Tình duyên hạnh phúc thăng hoa
Quê cha đất mẹ thuận hòa gió mưa
Tuổi vàng cũng vui đùa tươi trẻ
Chớ bận lòng vì lẽ phù vân
Mỗi ngày trân quý bản thân
Thế gian vạn vật mừng tân niên về
 
Dương Việt-Chỉnh 
 Xuân 2023


Đượm Nồng Hương Cũ



Nửa mảnh trăng trôi lạc cuối trời
Tương phùng ngắn ngủi để chơi vơi
Khi tròn hạnh phúc tràn khung cửa
Lúc khuyết cô đơn gió lạnh bồi

Tri kỷ đâu rồi nhớ đến tôi

Đêm đông giá lạnh nhớ nhung bồi
Tách trà có đượm nồng hương cũ
Chén rượu tương phùng vn thắm môi...

NPaul

Xuân

 

XUÂN

Vân y nguyên.Ta với người,
Mùa xuân vẫn sáng nụ cười cỏ hoa.
Vẫn y nguyên Người với ta,
Long đong hạt bụi vẫn là mùa xuân!

TIN XUÂN

Có khác gì đâu
Trên những cánh hoa,
Khi giữa ngày thường hoa vẫn nở.
Đâu đợi mùa xuân
Trời hoa hội ngộ !
Mỗi ngày đến cùng hoa
Vụt thoáng con Ong
Vẽ ngàn hương lộ,
Báo tin Xuân về mọi phía trời xa...

CỎ CŨNG CHO HOA.

Thời gian
Phủ bạc lên vai áo
Lớp sương đời
Và những lớp bụi đường xa.
Ta đâu đợi mùa xuân
Về trên sắc màu chiếc lá,
Khi đến tiết rồi.
Cỏ cũng cho hoa!

XUÂN CỦA MÙA XUÂN.

Mỗi ngày
Những con đường trong thành phố,
Nặng nề
Chuyên chở bao nhiêu trọng tải xe, người
Những tiếng ồn, và khói bụi không vơi.
Tháng năm
Những lo toan đối mặt cuộc đời
Đấu tranh, từ chối
Chấp nhận, buồn vui.
Vẫn chở chuyên theo suốt kiếp người.
Sức nén thời gian gian
Bật lên tâm hồn ý chí
Có chết đâu, và chẳng mất chi đâu!
Hoang tàn tiêu sơ
Giữa ngàn sỏi đá
Cỏ vẫn cho màu xanh
Hoa vẫn cho mùi hương lạ.
Năng lực tâm hồn
Vẫn mãi phát sinh.
Những cọ xát qua ngàn vòng xoay ý thức,
Sự thoát ra
Là thực tại an bình,
Là Tình Xuân của những mùa Xuân!

Mặc Phương Tử

Mừng Thượng Thọ

 
(Viết tặng anh Đặng Ngọc Thuận tuổi chín mươi)

Kính chúc mừng anh tuổi chín mươi
Đau thương, trầm cảm nhẹ môi cười
Nêu gương can đảm bao gian khó
Mẫu mực trung thành mọi cuộc chơi
Con thảo, vợ hiền người ngưỡng mộ
Thân khen, bạn thưởng biết bao lời
Niềm vui mã tước lòng thanh thản
Cảm nhận phúc âm tự nước Trời!

Lộc Bắc
14Jan23

Tuế Mộ 歳暮 Cuối Năm - Bạch Cư Dị


(Thân tặng quý anh chị thành viên và độc giả của Nhóm LTCD21
Chúc mừng năm mới Quý Mão An Khang Thịnh Vượng)

Nguyên tác: Phiên âm:                            Dịch thơ:

歳暮-白居易 Tuế Mộ - Bạch Cư Dị  Cuối Năm – Phí Minh Tâm

惨澹岁云暮 Thảm đạm tuế vân mộ         Ảm đạm với mây mù
穷阴动经旬 Cùng âm động kinh tuần      Mười ngày trời âm u
霜风裂人面 Sương phong liệt nhân diện Sương gió lạnh xé mặt
冰雪摧车轮 Băng tuyết tồi xa luân          Băng tuyết xe nằm ù.
而我当是时 Nhi ngã đương thị thì           Thời buổi người thiếu ăn
独不知苦辛 Độc bất tri khổ tân               Ta nào biết khó khăn
晨炊廪有米 Thần xuy lẫm hữu mễ          Có cơm nấu buổi sáng
夕爨厨有薪 Tịch thoán trù hữu tân          Chiều củi đốt lăng tăng.
夹帽长覆耳 Giáp mạo trường phúc nhĩ   Mũ dàì che kín tai
重裘宽裹身 Trọng cừu khoan khỏa thân Áo cừu phủ bờ vai
加之一杯酒 Gia chi nhất bôi tửu             Lại thêm chén rượu nóng
煦妪如阳春 Hú ẩu như dương xuân       Ấm áp như nắng mai.
洛城士与庶 Lạc thành sĩ dữ thứ             Ví thử là thứ dân
比屋多饥贫 Bỉ ốc đa cơ bần                   Nghèo đói trong cơ bần
何处炉有火 Hà xử lô hữu hỏa                Bếp lò không có lửa
谁家甑无尘 Thùy gia tắng vô trần          Nồi chảo phủ bụi trần.
如我饱暖者 Như ngã bão noãn giả         No ấm như ta đây
百人无一人 Bách nhân vô nhất nhân      Không một trong trăm thầy
安得不惭愧 An đắc bất tàm quý             Lòng sao không hổ thẹn
放歌聊自陈 Phóng ca liêu tự trần           Nói ra để giải bày.

Mộc bản trong sách:

Bạch Thị Trường Khánh Tập - Đường - Bạch Cư Dị 
白氏長慶集-唐-白居易
Bạch Hương San Thi Tập - Đường - Bạch Cư Dị 
白香山詩集-唐-白居易
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 
御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Luận bàn:

Suy nghĩ và sống như Bạch Cư Dị thật hạnh phúc: Thấy mình có diễm phúc hơn nhiều người.

Dịch nghĩa:

Tuế Mộ


Thảm đạm tuế vân mộ
Cùng âm động kinh tuần
Sương phong liệt nhân diện
Băng tuyết tồi xa luân
Nhi ngã đương thị thì
Độc bất tri khổ tân
Thần xuy lẫm hữu mễ
Tịch thoán trù hữu tân
Giáp mạo trường phúc nhĩ
Trọng cừu khoan khỏa thân
Gia chi nhất bôi tửu
Hú ẩu như dương xuân
Lạc thành sĩ dữ thứ
Bỉ ốc đa cơ bần
Hà xử lô hữu hỏa
Thùy gia tắng vô trần
Như ngã bão noãn giả
Bách nhân vô nhất nhân
An đắc bất tàm quý
Phóng ca liêu tự trần

Cuối Năm

Vạn vật cuối năm ảm đạm,
Mười ngày qua trời thường cực kỳ âm u.
Sương gió lạnh rách nứt mặt người,
Băng tuyết phá gẫy bánh xe.
Vậy mà khi điều đó đang xãy ra,
Một mình, ta không biết cay đắng khổ cực.
Vì buổi sáng ta có gạo nấu cơm,
Buổi chiều có củi đun bếp.
Ta có mũ kín dài che phủ tai,
Có áo lông cừu dày rộng che thân.
Lại có thêm một chén rượu,
Ấp ủ ấm áp như nắng xuân.
Nhưng ví thử thứ dân Lạc Dương,
Đói và nghèo so với ta.
Nhà bếp lò không có lửa,
Nồi niu đầy bụi bậm.
Những người ăn no mặc ấm như ta,
Không được một trong trăm người.
Được an nhàn, nhưng ta thấy hổ thẹn
Nói ra để giải bày.


14/01/2023
Phí Minh Tâm
***
Year's End
Translation by Rewi Alley


A wretched year
comes to end; for the last
ten days there have been but dull grey skies
with wind and frost cutting across people's
faces; going out by cart, wheels break
in the snow and ice; yet such a time,
I feet not the smallest discomfort; my
morning meal is never a problem as
my store is full of grain ;
for the evening cold there is plenty
of fuel; a heavy padded cap
comes down over my ears, while
two thicknesses of fur enwrap
my body ; Ⅰ sit and drink
a cup of wine at leisure -
to me it’s as warm as spring
but most of the lesser gentry
and common folk of Luoyang
ate poor and hungry, one house
hard against the next, with
no smoke rising from any
of their hearths, too often their
family cooking pots thick
with dust; those like myself who
are well fed and clothed
number less than one
in a hundred; how can I
but be ashamed of myself?
I write this poem
to state the matter clearly.

Written in Luoyang, 833
***
Cuối Năm

Cuối năm trời ảm đạm
Âm u chuyển suốt tuần
Gió sương bào rách mặt
Tuyết băng xe gẫy nan

Riêng ta tại lúc này
Đắng cay chẳng lụy thân
Sáng đun kho ắp gạo
Chiều nấu củi khô tràn

Mũ cao tai che kín
Áo cừu dầy phủ thân
Lại thêm một chén rượu
Ủ nồng tựa nắng xuân

Sĩ, dân nơi thành Lạc
Với ta thật cơ hàn
Nơi đâu nhen khói lửa?
Nồi niêu để bụi lan!

Như ta người no ấm
Khó được trong trăm phần
An nhàn nhưng hổ thẹn
Nói ra để phân trần!

Lộc Bắc
Jan23
***
Cuối Năm

Cuối năm mây thảm thê,
Cả chục ngày ủ ê.
Sương gió tái tê mặt,
Tuyết băng lắc lư xe.
Chuyện này đang xẩy ra,
Không nhuốm khổ mình ta.
Có gạo nấu mai sáng,
Có than đốt chiều tà.
Che tai dải mũ dài,
Thân phủ áo cừu dầy.
Lại có thêm ly rượu,
Ấm như trong nắng mai.
Nếu là dân Lạc Dương,
Đói khổ sống thảm thương.
Chẳng bếp nào còn lửa,
Nồi niêu phủ bụi đường.
Người no đủ giống ta,
Trăm kẻ mới tìm ra,
Nhàn nhã nhưng hổ thẹn,
Nói ra cho thỏa mà.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Jan.14/2023.

Chiếc Váy Ngày Tết

 
(Chợ Bà Chiểutrước 1975)

Không khí tết đã rôn ràng cả xóm. Nắng nhẹ nhẹ, gió mơn man và nhạc xuân lan tràn từ radio mọi nhà mọi ngõ. Nhà nhà đều sửa soạn đón xuân về.
Tôi và Bích Hợp hẹn nhau buổi chiều đi chợ Bà Chiểu mua sắm vài thứ. Buổi sáng mẹ sai tôi vo đãi mấy ký lô đậu xanh để gói bánh chưng và quậy nồi chè kho. Tôi làm vội vàng vì nghĩ đến Bích Hợp đang chờ.

Khi tôi giao thành phẩm mẹ tôi phán:
- Chưa sạch còn sót nhiều vỏ quá.
Vỏ đậu xanh còn sót nhiều thật. Tôi vẫn cố cãi mẹ :
- Con đãi kỹ lắm rồi, ai làm mà không sót, mẹ cứ soi mói như là dì ghẻ của cô Tấm ấy . Mẹ……thử ngồi đãi mấy ký lô đậu xanh xem..
Mẹ nổi cáu:
- A, con bé này học đâu ra thói cãi tay đôi với mẹ thế hả…
Tuy mắng con nhưng mẹ không bắt tôi làm lại, mẹ ngồi tỉ mỉ nhặt ra những vỏ đậu xanh còn sót. Tôi thích món chè kho của mẹ nấu. tôi tha hồ ăn các loại mứt tết và không thể thiếu món chè kho ngọt đậm đà. Mẹ nói chè nấu ngọt để được lâu, nên những dĩa chè kho qua tết mà ăn vẫn còn ngon dù nhà tôi không có tủ lạnh.
Thấy tôi sẵn sàng để ra ngoài mẹ dặn theo:
- Đi đâu thì đi, về nhà cắt lá cắt rễ mấy ký củ kiệu kia cho mẹ.
Tôi ngao ngán nhìn mấy bó củ kiệu trong rổ to để ở góc bếp nhưng vẫn phải hứa:
- Bảo đảm con sẽ làm sạch mấy bó kiệu này.

Tôi và Bích Hợp chở nhau trên chiếc xe đạp đi chợ Bà Chiểu. Chợ tết nhộn nhịp và đầy sắc màu tết từ rau xanh đến trái cây, đồ tiêu dùng…Hai đứa vào chợ, say mê len lỏi trong những dãy sạp quần áo, trang sức, thơm mùi quần áo, nước hoa và hơi người, trước là để ngắm cho thỏa thích sau là chọn mua một vài món ưng ý.
Người đâu mà đông thế, cứ chen vai nhau mà đi, cứ xô đẩy nhau mà đi. Tiếng nói cười, tiếng trả giá mua bán tưng bừng huyên náo.
Bích Hợp chỉ một chiếc váy ngắn màu tím treo ở trên cao trong một sạp quần áo và nói với tôi:
- Mình xem thử cái váy này nha?
Tôi cũng thích thú nhưng vẫn ngần ngừ:
- Ừ..ừ..màu tím đẹp đấy..chỉ sợ…nó hở hang, đã ngắn ngắn lại còn sát nách nữa.
- Sợ gì? Đẹp thì mua..
Bà bán hàng dùng cây sào dài “khều” chiếc váy trên cao xuống. Hai đứa trầm trồ giơ váy lên vuốt ve và khen:
- Dễ thương quá..
- Mình vải bằng thun mềm mại co giãn êm ái ghê..
Bích Hợp ướm thử váy lên người và nói với bà bán hàng :
- Nhưng…váy ngắn mới tới đầu gối. Bác ơi có váy nào dài hơn nữa không?
Bà bán hàng giải thích với hai con bé học trò mặt còn non choẹt:
- Đây là mini jupe. Thời trang mà.

Hai đứa tôi chụm đầu vào nhau thì thầm bàn tán rất lâu mới đi đến quyết định…mua chung một cái cho đỡ tốn tiền để mặc 3 ngày tết, vì nếu mặc không vừa hay không thích nữa thì bỏ cũng không tiếc. Thời xưa cuộc sống thật giản dị, mua quần áo ở chợ chỉ nhắm chừng mà mua, không có chỗ thử quần áo và cũng không có luật lệ nào cho trả lại hàng đã mua như bây giờ.
Lần đầu tiên hai đứa bạo gan thử diện mini jupe xem nó ra làm sao..

 

Tôi không dám mang chiếc váy về nhà sợ mẹ trông thấy, Bích Hợp mang về nhà nó. Hôm sau nó len lén mang sang nhà tôi, chiếc váy được gói kỹ trong tờ giấy báo. Hai đứa tôi trèo tót lên căn gác lửng để thử váy.
Bích Hợp mặc váy trước, chiếc váy ôm theo thân người nó thật đẹp và gợi cảm. Nó reo lên khe khẽ sợ dưới nhà mẹ tôi nghe thấy:
- Trời ơi…tớ thích lắm, đẹp ơi là đẹp.
Nó ưỡn ẹo qua lại và nhìn vào gương mà mơ:
- Mặc váy này tớ ước gì được chải tóc cao phồng như mái tóc cô ca sĩ Minh Hiếu nữa cơ. Sang trọng lịch sự lắm.
Tôi vội ngăn cản:
- Chải tóc cao phồng là phải đánh tóc rối, xịt keo, lúc gội đầu cực chết luôn đó Bích Hợp. Với lại kiểu tóc ấy không hợp với tuổi học sinh chúng mình.
Nó vẫn mơ tiếp:
- Hay tớ buông xỏa mái tóc dài sầu mộng như cô Thanh Thúy…?
Mặc kệ nó mơ những mái tóc ca sĩ. Đến lượt tôi mặc váy cũng đẹp, nhưng tôi…co rúm người lại vì váy hở nách và hở đùi. Tôi lo lắng:
- Chết rồi, thế này mẹ tớ không cho mặc đâu .
Bích Hợp khích lệ tôi:
- Yên chí đi. Ngày tết không ai mắng con cái vì sợ xui xẻo cả năm. Vậy hai đứa mình ai sẽ mặc váy trước đây?
- Bích Hợp mặc …thí nghiệm trước đi, khai trương cái váy ngày mồng một tết, tớ sẽ mặc ngày mồng 2 tết, mẹ Bích Hợp không mắng thì chắc mẹ tớ cũng không.
Bích Hợp thắc mắc:
- Thế còn ngày mồng 3 tết ai mặc?
- Mồng 3 tết hai đứa đều không mặc cho …huề. Mặc liên tiếp người ta sẽ phát giác ra hai đứa chỉ có một cái váy màu tím.
- Ừ nhỉ…với lại mình còn mặc thứ khác nữa chứ.
Chợt Bích Hợp băn khoăn:
- Làm sao chúng mình cùng mặc váy đi sở thú chụp hình được nhỉ?

Tôi và Bích Hợp thân nhau lắm, tết năm nào hai chúng tôi cũng rủ nhau đi Thảo Cầm Viên chơi và chụp hình, chụp bên vườn hoa xong thế nào cũng chụp bên chuồng voi, chuồng khỉ, gấu, beo đủ cả… Tết năm nay cũng sẽ đi nhưng chỉ có một chiếc váy đẹp mà cả hai đứa đều thích. Biết làm sao?
Thấy Bích Hợp thích mặc váy quá tôi nhường nó:
- Mồng 3 tết chúng mình đi sở thú và Bích Hợp mặc váy. Còn tớ mặc thứ khác..
Bích Hợp sung sướng gói chiếc váy vào tờ báo mang về nhà đợi ngày tết đến.
Tôi và Bích Hợp, hai đứa chơi thân quấn quýt nhau như hình với bóng. Cùng viết chung cuốn lưu bút ngày xanh, đọc chung tờ tạp chí, cuốn truyện hay. Đi chơi thế nào cũng chụp hình chung làm kỷ niệm dù hàng ngày vẫn thấy mặt nhau tại lớp học hay khi về nhà.
Căn gác lửng nơi mà các chị em tôi ngủ trên này thỉnh thoảng có thêm Bích Hợp qua chơi và ngủ lại dù nhà nó chỉ cách nhà tôi vài bước chân chạy vù một cái là về đến nhà thế mà nó vẫn thích chen chúc ngủ chung với chị em tôi. Hai đứa tôi nằm cạnh nhau thủ thỉ nói chuyện cho tới khuya bên mấy đứa em đang ngon giấc.

***
Mẹ tôi đã chưng bày bàn thờ tết nào bánh chưng chè kho, nải chuối sứ xanh và hoa quả, dĩ nhiên không thể thiếu bình hoa Vạn Thọ sắc vàng rực rỡ .
Trong lòng tôi cũng đang rực rỡ niềm vui khi nghĩ đến mồng 2 tết sẽ được mặc chiếc váy đẹp. Chiếc váy mini thời trang lần đầu tiên trong đời tôi dám …cả gan “hùn vốn” một nửa mua để mặc.
Mồng 1 tết trôi qua, tôi hình dung ra Bích Hợp xinh đẹp trong chiếc váy mini màu tím đi chúc tết người thân nhà nó và được bao người khen ngợi. Rồi tôi hình dung đến lượt tôi, hồi hộp và hào hứng quá.
Theo đúng giao ước buổi tối mồng 1 tết Bích Hợp sẽ mang chiếc váy sang cho tôi và nó đúng hẹn. Hai đứa lại mang gói giấy báo bọc chiếc váy chạy tót lên căn gác lửng. Nhưng lên tới gác thì Bích Hợp buồn buồn thông báo:
- Chiếc váy…bị …tớ ủi cháy rồi ! Tớ cũng chưa được mặc..
Tôi tắt ngúm niềm vui, bàng hoàng ngẩn ngơ và khóc ngay tại chỗ. Thấy tôi khóc Bích Hợp sợ quá cũng khóc theo. Nó mở tờ báo và trải chiếc váy ra trước mặt tôi, chỉ vào vết cháy xém dài trên váy và sụt sùi:
- Đây nè, chiều 30 tết tớ đem giặt và ủi lại cho đẹp để sáng mồng 1 mặc. Ai ngờ vải thun gặp bàn ủi nóng đã cháy và co rúm lại luôn.
Bích Hợp hối hận năn nỉ:
- Tớ không dám sang báo sợ bạn mất vui đêm 30 tết và xui ngày mồng 1 tết, đợi đến tối mới dám sang đây. Thôi, đừng khóc nữa, tớ xin lỗi…
Thấy Bích Hợp buồn, Bích Hợp năn nỉ, tôi dù tiếc rẻ cũng phải ngưng khóc:
- Ngày tết ai mà giận là giận cả năm sao. Tuy chiếc váy bị hư xấu phải bỏ đi nhưng…may mắn là cả hai mình đều được mặc thử và ưng ý. Tết sang năm chúng mình “già” thêm một tuổi nữa, sẽ mạnh dạn mua mỗi đứa một chiếc mini jupe hi vọng mẹ không la.
Bích Hợp quên buồn, nó lại dệt mộng:
- Nhưng khác màu kẻo người ta lại tưởng hai đứa mua chung một váy thì oan lắm. Tết sang năm tớ nhất định sẽ có kiểu tóc thích hợp với chiếc váy mới.
Tôi tò mò:
- Kiểu cô Minh Hiếu hay cô Thanh Thúy?
- Tớ sẽ cắt tóc kiểu Phương Hoài Tâm dễ thương, hợp với lứa tuổi học trò chúng mình và hợp với chiếc váy mini xinh xinh. Đi sở thú ngày tết chụp hình kỷ niệm thật tuyệt vời.


Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Jan. 30, 2022)


Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

Câu Lục Bát Tình Xuân - Thơ Phan Khâm - Phổ Nhạc Trần Đại Bản - Ca Sĩ Vân Khánh


Thơ Phan Khâm  
 Phổ Nhạc Trần Đại Bản   
Ca Sĩ Vân Khánh

Yêu Tết

 

Biết tết từ bao giờ,
Mà tôi yêu đến thế,
Tôi tìm tết mỗi mùa,
Cả một thời thơ trẻ.

Tìm trong tờ lịch mỏng,
Đếm thời gian vơi dần,
Ngày tết xa thăm thẳm,
Để tôi chờ tôi mong.

Đêm ba mươi tôi thức,
Rạo rực đón giao thừa,
Lại sợ mùa xuân hết,
Sẽ tàn một giấc mơ.

Tết từ trong nhà tôi,
Bánh chưng xanh, hoa qủa,
Tết ra ngoài đầu ngõ,
Xác pháo đỏ tiếng cười.

Tết của tuổi đôi mươi,
Tôi tìm trong hoa bướm,
Chưa biết trang điểm đời
Đã thấy mùa xuân thắm.

Tìm trong nắng trong gío,
Từ đất trời về đây,
Trần gian đang mở cửa,
Đón mùa xuân tràn đầy.

Tết đã đi theo tôi,
Trên đường đời vạn nẻo,
Tôi thêm bao tuổi rồi,
Mà lòng chưa khô héo.

Dù cùng trời cuối đất,
Vẫn hướng về một phương,
Tôi vẫn hoài yêu tết,
Vì tết là quê hương.

Nguyễn Thị Thanh Dương


Đợi Chờ

 

Chỉ một bông thôi cũng đủ nhiều
Biết anh chờ ngóng đến bao nhiêu
Sáng nay cánh mỏng vàng tươi mở
Ôi phải trời xanh thấu mọi điều.

Buông mình cánh mỏng ngẩn ngơ rơi
Sau mấy ngày xuân đẹp với đời
Có hẹn năm sau ngày trở lại
Đợi chờ - Em mãi thắm trong tôi.

Phan Tự Trí


Cành Đào Tết



Nổi tiếng năm xưa đào Nhật Tân
Bây giờ vẫn thế hoặc phai dần?
Đây cần một cánh hầu trưng Tết
Đây muốn nguyên cây để đón Xuân
Cho thỏa niềm mơ đời lữ thứ
Để tăng nỗi nhớ cảnh quay quần
Gia đình một mối chi đầm ấm
Tràn ngập niềm vui trong Thánh Ân.

Thái Huy 
Jan/14/23


Mừng Xuân Quý Mão 2023

  

Bài Xướng:

Mừng Xuân Quý Mão 2023

Xuân về Quý Mão đón MÈO ngao,
Bệnh dịch thiên tai đã thoái trào.
MÈO MẢ GÀ ĐỒNG cần chỉnh đốn...
MÈO HOANG CHÓ DẠI phải làm sao...
ĐÁ MÈO QUÈO CHÓ lòng chưa hả...
CHƯỞI CHÓ MẮNG MÈO dạ cũng nao...
Dân Chủ Cộng Hòa, thôi... xít lại,*
MÈO mà cắn MỈU cũng kêu..."NGAO"!!!


Đỗ Chiêu Đức
Xuân Quý Mão 2023
***
Các Bài Họa:

Coi Chừng Chú Mèo

Tết đến hãy cùng đón chú ngao
Cũng ngừa lắm lúc giận tuôn trào
Mèo già hóa cáo coi chừng tránh
Khóc chuột mèo kia chẳng núng nao
Xin hãy chó treo mèo đậy lại
Để mèo thấy mỡ sẽ ra sao
Thôi thôi đừng có bi quan quá
Năm Mão hù hoài thiệt ngán ngao.

Quên Đi
***
Mèo Mã Gà Đồng


Con mỉu con miêu réo tiếng “ngao”…!
Thiên tai dịch họa diệt cao trào
Mèo hoang lang sói nên lo lắng
Mèo mã gà đồng há sợ sao…!
Chửi chó mắng mèo nghe bực tức
Giận mèo ghét chó thấy nôn nao
“Cộng Hoà Dân Chủ“ nên đoàn kết
Con mĩu con mèo thốt gọi “ngao” !

Mai Xuân Thanh
December 29,2022
***
Mèo Quý Mão 2023

Nhanh nhẹn dịu dàng uyển chuyển ngao
Tin vui nhậm chức lệ tuôn trào
Vểnh râu cong vút dò phương hướng
Đảo mắt sáng ngời tợ ánh sao
Quý Mão xuân về thêm háo hức
Giao thừa khắc tới lại nôn nao
Mỉu miêu mão mẹo đều mèo cả
Con giáp ra đời bật tiếng ngao

Kim Phượng
***

Chờ Đón Xuân Mèo

Mừng đón tân xuân Quý Mão. “NGAO”!
Meo meo xướng họa rộn phong trào
Mèo già hóa cáo bao mưu chước
Chuột gặm chân mèo giỏi lắm sao?
Mỡ để miệng mèo không cảnh giới
Mèo nằm xó bếp chẳng nôn nao
Mèo mù cá rán kêu rôm rả
Giấu của im lìm, giấu tiếng ngao!

Lộc Bắc


Quý Mão Trừ Tịch Thư Hoài 癸卯除夕書懷 - Đào Tấn




Sắp tới năm Quý Mão, Bát Sách vô tình đọc được bài thơ hợp tình hợp cảnh nên viết một chút để Anh Chị Em xem chơi.

Đào Tấn tên thật là Đào Đăng Tấn (1845-1907), phải bỏ chữ Đăng vì phạm huý, tự Chỉ Thúc, hiệu Mộng Mai và Tô Giang, biệt hiệu Tiểu Linh Phong và Mai Tăng, quê ở Bình Định. Thầy học của ông là cụ Tú Nguyễn Diêu, người làng Nhơn Ân, vừa dạy chữ đi thi, vừa dậy soạn tuồng, nên năm 19 tuổi, ông đã soạn vở tuồng đầu tay là Tân Dã đồn, rất nổi tiếng.

Năm 23 tuổi, 1868, ông đỗ cử nhân, nhưng đến năm 1871, Tự Đức thứ 24, mới được bổ Điển tịch, sung vào Hiệu thư ở Nội các, là hội nhà văn của triều đình, lo việc biên soạn và sáng tác, do vua là Hội Chủ. Ông làm quan trải 3 triều Tự Đức, Đồng Khánh và Thành Thái, đổi nhiệm sở nhiều lần: 2 lần làm Thừa Thiên Phủ Doãn, 2 lần làm Tổng Đốc An Tĩnh ( Nghệ An- Hà Tĩnh, 2 lần làm Thượng Thư bộ Công, sung Cơ Mật Viện Đại Thần, tước Vinh Quang Tử, mà không lần nào được ở quê nhà. Ông có cảm tình với phe Cần Vương, được thể hiện bằng hành động:

- Khi cụ Phan Đình Phùng mất (1896),cụ làm bài thơ khốc Phan Đình Nguyên và câu đối điếu.
- Khi lãnh tụ Cần Vương Bình Định là Mai Xuân Thưởng tạ thế, ông làm câu đối điếu.
- Thấy Trương Công Định kháng Pháp rất anh hùng, ông làm bài thơ Tặng Trương Công Định lãnh binh.
- Khi Phan Bội Châu muốn ra Bắc gặp Đề Thám, ông cấp cho giấy phép hợp lệ, và khi cụ Phan xuất ngoại, đi Nhật, ông làm bài thơ Ức Phan San.

Ông làm rất nhiều thơ chữ Hán, và là người làm từ nhiều nhất của Việt Nam, với nhiều điệu, như mãn giang hồng, ngư ca tử, bồ tát man, lâm giáng tiên, chá cô thiên….

Những tác phẩm độc đáo của ông là Tuồng, gồm có độ 40 bộ như Tân Dã đồn, Cổ Thành, Diễn Võ Đình, Trầm Hương Các…BS nhớ, mà bây giờ không tìm lại được, là ông có viết tuồng Thằng thân thọ tội. Đây là lối chơi chữ của người xưa. Bốn chữ này có nghĩa là trói mình chịu tội, nhưng đọc theo kiểu nửa Việt nửa Hán thì là “thằng Thân chịu tội”. Thằng Thân là Nguyễn Thân, người đã đem quân đánh và diệt cuộc khởi nghĩa của cụ Phan Đình Phùng, và sàm tấu để vua cách chức Đào Tấn, vào năm 1904. Không chừng vì tên tuồng đụng chạm nên Thân thù mà hại ông.

Ba năm sau, 1907, vua Thành Thái bị Pháp ép thoái vị, ông đau buồn mà qua đời, thọ 62 tuổi.

Còn một chi tiết nhỏ nữa mà các bạn ngành y nên biết: ông Đào Tấn có người con gái giỏi chữ Hán, biết làm thơ, dịch Liêu Trai Chí Dị, bút hiệu là Trúc Tiên. Bà Trúc Tiên là thân mẫu của phu nhân giáo sư Trần Đình Đệ, khuê danh Ngọc Anh, cô Đệ là hàng xóm của ÔC ở DC, Virginia.

Bài thơ Đào Tấn làm năm Quý Mão, tức 1903, Thành Thái thứ 15, một năm trước khi ông bị cách chức, 4 năm trước khi vua bị ép thoái vị.

Vì phải làm quan xa nhà, nên đêm trừ tịch, ông nhớ quê triền miên, thấy thời gian qua mau, và cũng tự hỏi những việc quá khứ mình có gì lầm lẫn?

癸卯除夕書懷         Quý Mão Trừ Tịch Thư Hoài

歲華似驛匆匆往, Tuế hoa tự dịch thông thông vãng,
鄉夢随春冉冉歸。 Hương mộng tuỳ xuân nhiễm nhiễm quy,
自笑浮生週甲子, Tự tiếu phù sinh châu Giáp Tý,
未知五十九年非 Vị tri ngũ thập cửu niên phi.

Tuế hoa: năm tháng, thời gian.

Dịch: viết với bộ mã là trạm cho người mang tin đổi ngựa.
Thông thông: vội vã, nhanh, vùn vụt.
Nhiễm nhiễm: có nhiều nghĩa, như dần dần, từ từ, yếu ớt, mơ hồ, triền miên, man mác….

Châu hay Chu là tuần, hay tròn, như chu niên là tròn một năm. Châu Giáp Tý là tròn 60 tuổi. Theo lịch Tàu, thì Giáp Tý hay Lục Thập Hoa Giáp là kết hợp của 6 chu kỳ hàng Chi với 10 chu kỳ hàng Chi là vừa 60.
Đáng nhẽ phải để bài thơ cho tết sang năm, nhưng sợ chờ lâu quá!

Dịch thơ:

Cuối Năm Quý Mão Viết Nỗi Niềm

Tháng năm vùn vụt như ngựa trạm,
Xuân về man mác mộng quê xưa,
Tự cười nếu sống tròn sáu chục,
Lỗi lầm năm chín biết được chưa?

Bát Sách.
(ngày 14 tháng 01 năm 2023)
***
Giao Thừa Quý Mão Ghi Nhớ

Năm tháng vội qua như ngựa trạm
Theo xuân thấp thoáng mộng quê về
Tự cười nếu sống tròn hoa giáp
Năm chín chưa hay lỗi nặng nề!


Lộc Bắc
Jan23
***
Giao Thừa Quý Mão Ghi Nhớ Lại

Vun vút thời gian như ngựa trạm,
Về quê hồn mộng dõi xuân đi.
Tự cười sáu chục mà còn sống,
Năm chín năm qua đã biết gì?

Mỹ Ngọc 
Jan. 15/2023

Thao Thức Đêm Xuân


Tiếng chuông điện thoại reng, đầu dây bên kia giọng cô con gái như tiếng reo vui:
- Mẹ ạ, năm nay chúng con đã xin được nghỉ vào dịp Tết ta, vợ chồng con đem thằng cu Bi về ăn Tết với bố mẹ nhé!
Bà Khuê cũng vui mừng không kém:
- Thật hả? Các con về bao lâu?
- Tụi con lấy vacation một tuần luôn, cho đã!
Từ ngày được tin con sẽ về nhà ăn Tết bà vui mừng ra mặt, tíu tít bàn bạc với ông việc sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa, đi mua sắm linh tinh. Ông vui lây niềm vui của bà nhưng đôi lúc cũng phải gắt lên:
- Con cháu về chơi chứ có phải ông hoàng bà chúa nào đến thăm mà bà cứ lo cuống lên thế?

Chả là ông bà có ba người con, cô gái đầu lòng rồi đến hai cậu con trai. Cô con gái lập gia đình theo chồng qua Texas làm việc từ mấy năm nay. Hai thằng con trai còn đang học Đại Học ở xa, thằng anh hết năm nay là ra trường còn thằng út mới lên năm thứ hai. Bà đã tưởng là Tết năm nay lại chỉ có hai ông bà già nên đã buồn héo cả người.

Sửa soạn ngày cúng ông Táo xong, bà vào giường nằm mà trằn trọc không ngủ được. Những ngày Tết xa xưa như lần lượt hiện về. Những tiếng ríu rít cười đùa của anh em bà thời thơ ấu, nhà đông anh em, cả lũ ngồi quanh để canh nồi bánh chưng to tướng, sôi sùng sục trên bếp lửa bập bùng, tiếng tí tách của củi cháy to, mùi thơm lan toả.

Bà nhớ đêm Giao Thừa nghi ngút khói hương. Bàn thờ Phật, bàn thờ Tổ Tiên, bàn thờ ông Táo bầy biện gọn ghẽ. Đặc biệt là mâm cỗ cúng ngoài trời đón Chúa Xuân, đón các Vị Thần Linh, Thổ Địa và những vị khuất mặt ngự trị quanh đây. Con gà trống thiến có dáng quỳ thật đẹp, đầu ngóc lên trời, mỏ ngậm một bông lay ơn đỏ nằm trên đĩa xôi gấc. Mâm ngũ quả phải thật tươi tốt và bầy cho thật đẹp. Bà Nội luôn nói rằng mâm cúng Giao Thừa phải tố hảo mới đem niềm vui, hạnh phúc đến cho gia đình quanh năm. Năm nào cụ cũng phải tự tay uốn và luộc con gà cho ưng ý.


Sáng Mùng Một, cả nhà đều xúng xính mặc quần áo mới để chúc tết và lãnh phong bao tiền mừng tuổi. Khuê nhớ rất rõ năm mới di cư vào Nam, ông bố ra trò bốc thăm lấy bao lì xì có số tiền khác biệt nhau từ mười đồng đến một trăm. Năm anh em Khuê với cậu Thái là sáu. Bố bỏ sáu bao, không cho ai biết. Bao ít nhất là 10 đồng rồi tiếp đến là 20, 40, 60, 80, 100. Bố trang đều rồi xoè mấy bao ra như nan quạt, đến lượt bọn nhỏ theo thứ tự lên rút lấy mỗi đứa một bao. Kết quả anh Đại vớ được bao ít nhất, cậu Thái được bao nhiều nhất. Lúc mở bao ra đếm thì có người buồn, người vui. Bà Nội thấy cháu đích tôn bà cưng nhất bị thiệt thòi, Bà trách Bố đầu năm mà làm mất vui đi. Từ đó Bố cũng chơi trò rút thăm nhưng mỗi đứa đều được như nhau còn số tiền sai biệt cho vui thì chỉ dùng mấy tờ một đồng để sự cách nhau không lớn lắm.

Cứ mỗi hai năm Mẹ lại sản xuất thêm một đứa con, nhân số gia tăng dần, những đứa lớn đã biết chơi bài. Sau khi chúc tết và có tiền lì xì bố cho lập sòng. Tha hồ bầu cua, cá ngựa, tam cúc, bài cào... Khi lớn hơn chút nữa có bạn bè đến binh sập sám. Ngày Tết rộn rã tiếng cười đùa. Hết ba ngày Tết là hết. Bố thu hết bài cho vào một hộp cất vào tủ khoá. Ngày Mùng Bốn Khuê được phép mở tiệc đãi bạn bè, thật vui. Những ngày thơ ấu qua mau.

Bà lại nhớ Tết Nguyên Đán năm 1965, như mọi năm, Bà Nội cũng tự tay sửa soạn mâm cỗ cúng Giao Thừa. Cụ đi chợ trước mấy hôm để mua con gà trống thiến thật ưng ý, chiều Ba Mươi Tết cụ uốn nắn con gà cẩn thận rồi bỏ vào nồi luộc như mọi khi. Không hiểu sao khi vớt ra con gà bị hỏng, da rách nát. Mặt cụ tái sạm hẳn đi vì lo lắng. Năm ấy Bà Nội qua đời!

30/4/1975 mất nước, hai cột trụ gia đình là ông bố và ông chồng bà phải đi tù cải tạo tưởng là chỉ một tuần hay một tháng sẽ được trả về. Nhưng đã gần Tết mà chưa biết tin tức gì, bị giam giữ ở đâu, sống chết thế nào. Khoảng Giáng Sinh năm ấy gia đình nhận được giấy cho phép gửi quà, mỗi người được nhận 2 kg với tên người nhận và địa chỉ thì vỏn vẹn là số hòm thư! Hai mẹ con tính toán, cuối cùng mỗi gói qùa bỏ được nửa ký đường thẻ, một ít tôm khô, một cái áo len, một bộ đồ vải và vài thứ thuốc men, dầu gió là đã đủ số cân. Dù gia đình cố chi tiêu dè sẻn nhưng ngồi ăn núi cũng lở nên hai mẹ con phải tìm cách kiếm sống. Bà mẹ đau đớn khi nghĩ đến trách nhiệm với đàn con thơ dại và Tết năm ấy thật thê lương. Mẹ bị gục ngã, lâm bịnh nặng. Nhà như không có Tết, chỉ hương hoa, bánh mứt qua loa trên mấy bàn thờ. Sau Tết hai mẹ con phải bương chải chợ trời.

Năm 1980 chồng bà được thả về và may mắn cả gia đình nhỏ của bà và hai đứa em vượt biển thành công. Tết Nguyên Đán đầu tiên tại Cali bà như được thoát khỏi chốn lao tù đến với thế giới tự do. Năm đó chưa có đông người Việt, chợ buá chưa đầy đủ như bây giờ. Bà cũng đã gói bánh chưng bằng những vật liệu có sẵn. Không có lá dong, lá chuối bà phải nhuộm nếp bằng một chút phẩm mầu xanh và gói bằng giấy bạc. Những chiếc bánh chưng nhỏ để dễ xếp và mau chín trong chiếc nồi đặt trên bếp gas. Đêm Giao Thưà cũng nghi ngút khói hương, hoa tươi, bánh trái nhưng nghĩ đến Bố còn ở trong tù, Mẹ và em còn kẹt lại biết bao giờ đoàn tụ bà đã khóc rưng rức vì thương, vì nhớ.

Ba đứa con cuả bà lớn dần, mỗi năm ông bà vẫn giữ những phong tục truyền thống Việt Nam. Nhà vẫn có bàn thờ và được trang hoàng đặc biệt, nấu những món ăn cổ truyền trong mấy ngày Tết. Các con vẫn chúc Tết và được phong bao, ba chị em theo những lớp học Việt ngữ và phải nói chuyện trong nhà bằng tiếng Việt. Nhưng những con chim non đến lúc lớn phải chắp cánh bay xa. Ở bên này, trẻ con 18 tuổi, xong trung học là phải xa nhà, sống tự lập ở nơi gần trường Đại Học nào mà chúng được nhận hay ở trong ký túc xá của trường. Sau khi tốt nghiệp lại sẽ đến nơi nào có việc làm tốt với môn học của mình. Mọi việc theo một vòng quay mới, không gần gũi nhau như khi xưa ông bà còn ở trong đất nước VN nhỏ bé.

Mỗi ngày Tết đến bà lại bâng khuâng không biết năm nay ăn Tết ra sao, có đứa con nào về được không. Căn nhà bốn phòng này hai ông bà đã trả hết nợ, tương đối khang trang, gọn ghẽ. Vườn tược xinh xắn, các cây ăn trái và cây hoa như bông sứ, ngọc lan nay đã thành cây cổ thụ. Các con bà đã ríu rít sống bên nhau và trưởng thành ở đây cạnh cha mẹ. Có những người bạn đã khuyên bà bán căn nhà lớn này đi mà dọn vào một căn phòng trong chung cư cho khỏe tấm thân già, khỏi phải lo săn sóc vườn tược. Bà không nghĩ thế. Căn nhà đầy những kỷ niệm yêu thương, bà không thể bỏ đi. Có chút vườn để ông bà ngồi uống trà, ngắm cảnh, có công việc cho ông bà vận động chân tay và có thú mỗi buổi sáng ngắm chồi non nẩy mầm hay nụ hoa hé nở; buổi chiều ngồi bên nhau nhìn cảnh chiều tà, mặt trời từ từ lặn, những vạt nắng vàng thoi thóp dần khi màn đêm buông xuống. Ở trong một căn phòng chung cư mà đã về hưu rồi thì chỗ đâu mà đi ra, đi vào. Ngồi thù lù trong nhà hay xem phim bộ suốt ngày thì chỉ mau chết. Hơn nữa căn nhà này như một cái tổ ấm để các con bà có chỗ tụ về. Nếu ông bà ở apartment, khi con cháu về thăm mà mỗi nhà ở một phòng trong khách sạn thì chán chết.
Cứ thế bà trằn trọc, lan man nghĩ từ chuyện này đến chuyện khác. Nằm bên bà ông ngủ khò, điềm nhiên kéo gỗ.


Sáng mai thức dậy bà sẽ bàn với ông và khi cô con gái về ăn Tết với bà thì bà sẽ bàn với con gái, sau đó sẽ thông báo đến hai thằng con trai. Bà sẽ bàn với ông là từ nay gia đình ta sẽ có thông lệ là sum họp ngày Tết Nguyên Đán. Các con sau này khi đi làm hết thì cũng phải có ngày nghỉ hàng năm (vacation). Các con cố thu xếp trước để xin nghỉ vào dịp này. Anh em, con cháu tụ họp nhau để cùng về thăm ông bà, cha mẹ. Như thế nhà bà sẽ rộn rã tiếng cười trẻ thơ và bà không phải thấp thỏm, thắc mắc xem Tết này sẽ có mặt những ai.

Buổi sáng, những vạt nắng vàng tươi phủ trên sườn đồi phía sau nhà.
Bà sửa soạn sên mứt. Bà chỉ làm mứt quất và mứt sen, hai loại này các con bà rất thích. Nghĩ đến thằng cu Bi, bà muốn ôm nó vào lòng mà hôn hít và ghiền cho đã. Ờ, bà chợt nghĩ ra, còn những đứa trẻ cháu của bà lần lượt ra đời và sẽ lớn lên. Chúng phải đi học. Nếu Tết vào ngày thường thì làm sao chúng xin nghỉ cả tuần được!

Bà biết là lát nữa bàn với ông thì ông lại sẽ nói rằng: Thôi đi bà ơi, hãy vui với những gì mình đang có. Đứa nào về được thì mình vui hơn. Nếu không đứa nào về được thì còn có tôi với bà! Bà cứ nghĩ ngợi lôi thôi làm gì cho khổ thân. Đến đâu ta tính đến đó. Hãy vui với ngày hôm nay. Bây giờ và ở đây!

Đỗ Dung


Thương Nữ


Người ta thường nói văn là diễn dịch, thơ là cô đọng mới đúng nghệ thuật của thơ văn. Như vậy, ngoại trừ dạng thơ kể truyện, Đường thi là một trong những dạng thơ đã đi tới tột đỉnh của nghệ thuật. Nhiều khi chỉ cần 4 câu thơ, từ ngữ vô cùng cô đọng, với 28 chữ đơn âm, nhiều nhà thơ đời Đường đã diễn tả tài tình và gợi cảm cảnh trí của một địa danh, đồng thời nói lên được trọn vẹn suy tư , tâm sự hay tình cảm của thi nhân ở một bối cảnh. Thơ Đường có sức truyền đạt mạnh và trung thực những rung cảm tới người đọc, người nghe, người thưởng thức thơ.

Một trong những bài thơ Đường tứ tuyệt vẫn còn được ưa đọc, ngâm nga, nhắc nhở cả trên ngàn năm sau là bài Bạc Tần Hoài hay Tần Hoài Dạ Bạc của thi hào Đỗ Mục (803-852) thời kỳ Vãn Đường:

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa

Tạm dịch: Đêm bên bến Tần Hoài

Khói lồng sông lạnh trăng lồng cát
Đêm đến Tần Hoài cạnh tửu gia
Thương nữ biết chi sầu mất nước
Cách sông hát khúc Hậu Đình Hoa

Học giả Trần Trọng Kim dịch bài này như sau:

Khói lồng nước, bóng trăng lồng cát
Bến Tần Hoài, thuyền sát tửu gia
Gái ca đâu nghĩ nước nhà
Cách sông vẫn hát khúc ca Hậu Đình

Thương nữ trong bài thơ có nghĩa là con hát, là người kỹ nữ ca hát để giúp vui thiên hạ, không phải là nữ thương nhân đi buôn bán.

Bài thơ "hay thì thật là hay", nhưng có người lại nghĩ rằng thi hào Đỗ Mục đã không rộng lượng. Sao nỡ trách cứ một người con gái làm nghề ca kỹ không biết cái sầu vong quốc, cứ bình nhiên ca hát bên sông. Thật ra, nghĩ cho cùng, người kỹ nữ chỉ ca hát để mưu sinh, đồng thời phục vụ nghệ thuật cầm ca. Không thể đòi hỏi người thương nữ nào cũng phải có chí khí như một đấng tu mi nam tử anh hùng, tối ngày suy tư mưu kế cứu nước, phò nguy khi nước mất. Sao không trách mấy công tử, mấy văn nhân, nước mất mà còn đi mua vui, nghe các cô kỹ nữ ca hát. Cũng như bây giờ, đất nước chúng ta có cơ nguy. Hết Ải Nam Quan rồi đến thác Bản Giốc bị mất, hết biển Đông rồi đến Trường Sa Hoàng Sa bị lấn chiếm. Nếu ta lại đi trách các nữ ca sĩ .... chỉ lo ca nhạc, hát hỏng, hết đi show này đến show khác, trách như vậy có lẽ quá đáng và không công bằng.

Bài thơ nói về thương nữ của Đỗ Mục, tự hơn ngàn năm xưa, làm người viết bài này nhớ tới chuyện người thương nữ thời cận đại. Nếu hoàn cảnh và danh tánh của những nhân vật trong truyện ngắn dưới đây có sự trùng hợp ngoài đời, cũng chỉ là do ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của người viết. Truyện được viết theo lời kể của D.

PHIÊN TRỰC ĐẦU NĂM

Ngày mồng một Tết năm ấy, Dũng là Nội Trú trực tại Khu cấp cứu Bệnh Viện Chợ Rẫy. Mới 10 giờ sáng, tiếng còi xe cứu thương vang ngoài cửa. Người Y Tá trực vội vàng mời anh xuống để cứu chữa khẩn cấp cho một bệnh nhân. Dũng từ phòng Nội Trú trên lầu đi như lao xuống phòng cấp cứu, ngay ở tầng dưới của khu nhà gần cổng vào của bệnh viện. Anh sững sờ. Người bệnh nhân nữ trên giường bệnh lại chính là Hồng Vân, người tình của anh. Nàng nhắm mắt, đang nằm mê man, da xanh tái, nhịp thở yếu nhẹ. Mái tóc đen huyền, dài và rất đẹp mọi ngày, xõa trải trên nền gối trắng. Mẹ nàng vẻ lo lắng tột cùng, đứng bên. Thấy anh bà mừng lắm. Bà nắm lấy tay anh:
- Cậu ơi, em Vân nó dại dột uống gần nửa ống thuốc ngủ. Sợ nó chết mất. Cậu ráng lo cứu em.
Anh trấn an bà:
- Dạ, bác để cháu cố lo.

Dũng khẩn cấp chữa trị.... Tiếp dưỡng khí, truyền huyết thanh, lo rửa bao tử, thử máu kiểm chứng các yếu tố quan trọng, rồi xét nghiệm tìm xem có sự mất quân bình của acid và base trong máu hay không ...

TÌNH YÊU THƯƠNG NỮ, từ nơi PHÒNG TRÀ


Ngày ấy đang mùa chinh chiến, nhưng Sài Gòn người lo buôn bán, kẻ lo kinh doanh vẫn tiếp tục làm ăn. Sinh viên học sinh vẫn lo học hành. Nơi tiền tuyến, chiến sĩ cả hai bên vẫn đổ máu từng ngày. Tại hậu phương Sài Gòn, mọi người vẫn sinh hoạt, coi chiến tranh như là chuyện tất yếu phải có giữa hai bên Quốc Cộng. Về đêm nhiều người trong giới nghệ sĩ, giới ăn chơi, những nhà kinh doanh giàu có, những ông lớn nhiều quyền thế ... vẫn lui tới những phòng trà khiêu vũ, quán ăn, quán nhạc ...

Tại đường Cao Thắng, có một phòng trà nhỏ, với gần 20 chiếc bàn thấp. Ánh sáng để vừa đủ, rất ấm cúng về đêm. Phòng trà chỉ có khoảng trên dưới 80 ghế ngồi. Đây là một thính phòng âm nhạc thanh lịch, không ồn ào, không có khiêu vũ. Ban nhạc khi đông nhất chỉ gồm dăm người nhạc công: dương cầm, vĩ cầm, Tây Ban cầm, saxo, hắc tiêu. Đôi khi có vài ca sĩ đã thành danh đến hát rồi lại nhanh chóng đi phòng trà, nhà khiêu vũ khác. Chủ nhân ở đây là một nhạc sĩ lúc đó tuổi trung niên, dáng dấp rất nghệ sĩ. Ông là tác giả vài bài nhạc được nhiều người ưa chuộng. Ông tuyển chọn những cô gái trẻ đẹp, ăn nói dễ thương, thường là từ những miền quê đang loạn lạc, tìm đến Thành Đô. Họ tránh cảnh binh đao khói lửa, nên phải tìm cách mưu sinh nơi đô hội. Ai có năng khiếu, được chủ nhân phòng trà luyện thành những ca sĩ tài tử, chỉ hát riêng cho quán nhạc này. Các cô gái hàng đêm, ngồi uống trà với khách, tiếp chuyện ngọt ngào, trong khi chờ đợi được mời lên ca hát. Đôi khi họ trình bày những bài ca do khách yêu cầu. Phong cách ở đây có vẻ như một nhà hát ả đào, hát cô đầu kiểu mới. Không khí có tính cách nghệ thuật, ấm cúng, khác xa với cảnh "bia ôm", "Karaoke ôm" sau này ...

Dũng năm ấy 25 tuổi, đang học năm thứ 5 trường Y Khoa. Anh yêu nhạc, sáng tác một vài bài nhạc chưa được ai biết đến. Gia đình làm nghề kinh doanh và khá giả. Anh sống phong lưu và chỉ còn hơn một năm nữa là ra trường. Bạn bè vẫn chọc đùa nói anh là "Dũng đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu". Anh và một vài bạn thân hay lui tới phòng trà kể trên vào những cuối tuần rảnh rỗi, không phải trực gác tại bệnh viện. Tại đây, anh gặp Hồng Vân, cô gái 18 tuổi, lưu lạc từ một miền quê vùng Cao Lãnh Tiền Giang đến Thành Đô. Dũng cảm mến nàng ngay từ lần đầu mới gặp. Giọng nàng dễ thương. Mái tóc nhung đen, buông dài, không uốn. Nước da trắng hồng, mịn màng. Cổ cao, dáng cao. Cặp mắt to, hiền ngơ ngác như nai. Vài khách của phòng trà hay dùng chữ "Vân Mắt Nai" khi nói về nàng, khi muốn mời nàng ngồi chung bàn, uống trà, uống rượu. Hồng Vân đã tập hát và một lần nàng trình bày một bài nhạc của Dũng. Bài nhạc, gửi gắm tình cảm của anh với nàng, chẳng được mấy ai chú ý nghe. Nhưng nàng lại nói cùng anh là nàng rất yêu mến nhạc bản này. Dũng cảm động về tình tri âm, tri ngộ ấy. Rồi anh đã yêu nàng.

Ông chủ phòng trà, quen thân, coi Dũng như một người em văn nghệ. Một lần ông thân mật nói với anh:
- Chú coi chừng nghe. Chú có nhiều đối thủ lắm đó. Chưa ai chinh phục được Hồng Vân. Anh biết "em này" còn "gin". Chú biết không, có nhiều ông tướng ông tá, mấy ông thầu khoán, mấy ông xuất nhập cảng mua chuộc đủ thứ, muốn "đưa nàng về dinh" làm phòng nhì mà chưa được đó. Chú em còn là sinh viên, kiểu "hàn nho phong vị phú", khó lắm à.

Dũng tin ông chủ phòng trà. Anh có khó khăn thật, đang sống nhờ sự đùm bọc của gia đình, đâu phải tiền rừng bạc biển của mình. Mặc dù ăn ở đã có bệnh viện lo, ăn chơi nếu biết tính toán tiền lương nội trú cũng tạm dùng. Thiếu thốn đã có gia đình giúp. Tự nhiên anh cũng chú ý về một điểm khác do "ông anh văn nghệ" chủ phòng trà đề cập. Anh học nghề thuốc, cứ nghĩ là phải khám cơ thể hay gần gũi mới biết một người con gái còn trinh trắng hay đã thất thân. Nhưng những người kinh nghiệm, những "võ lâm cao thủ" trong làng ăn chơi, có người nói với anh rằng họ có thể đoán khó sai bằng cách chỉ nhìn dáng đi một người con gái để biết sự còn hay mất trinh trắng của mấy cô gái trẻ.

Hồng Vân đáp lại tình yêu nồng nàn của anh. Họ hẹn hò, dạo mát, đi ăn uống, coi phim ảnh ... Trên đường phố Sài Gòn, ai nhìn hai người sánh vai, cũng thấy đây là hai người tình trẻ tuổi, đẹp đôi.

TRỞ NGẠI

Cuộc tình đẹp của những người yêu nhau thường gặp khó khăn, trắc trở. Trở ngại nhỏ là ông chủ phòng trà e ngại Dũng độc quyền với cô "ca sĩ tài tử" Hồng Vân này. Ông sẽ mất một số khách sang, khách sộp, chỉ lui tới phòng trà vì cảm mến nàng. Dũng phải tìm cách mua chuộc ông chủ quán nhạc. Trở ngại thứ hai là Mẹ của Dũng. Bà thấy anh đã lớn khôn, sắp ra trường, đang muốn tìm chỗ xứng đáng để anh sớm thành gia thất. Bà kinh doanh nên quen biết khá nhiều. Mấy người bạn của mẹ anh có vài bà cũng đánh tiếng, muốn kết thân với gia đình. Dũng nhớ một hôm có phu nhân một ông khá lớn trong chính phủ đến thăm mẹ anh. Mẹ vắng nhà, Dũng đang ngồi đọc sách, học bài hôm ấy. Bà bạn mẹ ân cần hỏi anh:
- Cậu còn bao lâu nữa ra trường nhỉ.
Anh lễ phép trả lời:
- Thưa bác, cháu còn phải học hơn một năm nữa ạ.
- Học xong mà ra tiền tuyến cũng nguy hiểm đó cậu ạ. Đã có mấy bác sĩ ra trường tử trận rồi đó cậu. Bác trai quen biết nhiều, có gì để bác trai lo cho. Chúng tôi mến gia đình cậu lắm.
Rồi bà thân mật nói thẳng:
- Nhà tôi có gì quý nhất chúng tôi muốn để dành cho cậu.

Dũng chỉ ừ ào lễ độ chuyện trò cùng bà bạn của mẹ. Anh nghe nói bà này có một cô gái cưng, đang học văn khoa, và là một người đẹp, anh chưa một lần gặp.

Dũng tìm và biết Hồng Vân cư ngụ ở khu Bàn Cờ, cùng mẹ nàng và hai người em. Lần đầu tiên anh đến tìm thăm nàng vào một sáng Chủ Nhật. Anh biết cha nàng đã mất vài năm trước vì bom rơi, đạn lạc ở miền quê. Nàng một lần thủ thỉ tâm sự với anh. Một quả trái phá rơi nổ gần nhà, do quân đội Quốc Gia trả đũa một tràng bích kích pháo từ du kích Mặt Trận Giải Phóng tấn công một đồn bót của quận lỵ. Dũng đến thăm. Căn nhà nhỏ nghèo nàn, mái lợp tôn. Cô em gái của Vân nói nàng và bà mẹ đang bán hàng ở Chợ Vườn Chuối, khu hàng rau cỏ. Dũng tìm đến chợ. Gặp anh bất ngờ, nàng nhìn anh thẹn thùng như muốn lánh mặt. Anh cũng không ngờ. Một cô "ca sĩ", phấn hương quyến rũ nhiều người buổi tối nơi phòng trà, bây giờ lại có dáng một cô thôn nữ cũng rất dễ thương, không phấn son, áo bà ba màu tím sẫm, làm nổi bật làn da trắng, đang phụ giúp mẹ bán rau...

Mấy hôm sau gặp lại nhau. Nàng ngước mắt nhìn Dũng. Mắt long lanh:
- Anh có quan tâm nhà em nghèo không?
Anh ôm nàng vào lòng:
- Yêu nhau không phải vì giàu nghèo. Yêu nhau là do tình cảm, do lòng thương mến nhau, không giải nghĩa được Vân ạ. Anh may mắn sanh ra trong gia đình sung túc, được đi học. Gia đình em vì chiến tranh, gặp hoàn cảnh không may. Cha em đã mất vì bom đạn, má em phải đưa gia đình về Sài Gòn lánh nạn. Em tiếp tay giúp mẹ và lo cho các em là việc tốt. Anh cảm thông hoàn cảnh em. Nghèo không có gì là xấu. Em hãy tin anh.

Vân cảm động, trao anh một nụ hôn dài ...

Một người bạn của Dũng là Lãm, rất quý mến mẹ anh. Mẹ anh cũng coi Lãm như con cháu trong gia đình. Lãm thấy Dũng có tình cảm sâu đậm với người "thương nữ" Hồng Vân, cô gái để mua vui cho thiên hạ. Lãm lo ngại. Lãm biết gia đình Dũng theo lề lối xưa, không bao giờ tán thành cuộc tình này. Lãm một hôm tiết lộ với mẹ của Dũng :
- Bác ơi, con thấy Dũng của bác đang mê một cô tiếp viên phòng trà, con sợ bác một ngày có cháu nội không chính thức đó bác.

Vì anh bạn " quý " này, Dũng phải mất mấy ngày chống chế, né tránh những vặn hỏi của gia đình.

MỘT LẦN ÂN CẦN ...


Từ hai ngày trước, tin tức đài truyền thanh loan báo Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Nam sẽ gặp trận bão lớn, kéo dài vài hôm. Trời đầy đặc mây xám. Gió thổi ào ào từng đợt, rung chuyển cả những hàng cây lớn. Rồi mưa trút xuống. Con đường Thuận Kiều ngay trước Bệnh Viện Chợ Rẫy cũng ngập nước vài tấc. Hôm ấy, Dũng không phải trực gác gì, nhưng anh ở lại bệnh viện không về nhà, vì di chuyển quá nguy hiểm. Là Nội Trú, anh thường ở trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Quy chế nội trú, cho anh có một phòng nhỏ tại nhà thương.

Gió mạnh. Cành lá, cây cối đổ ngổn ngang trên nhiều đường phố. . Hồng Vân dùng Taxi đến thăm anh, bất ngờ. Nàng đã đến đây vài lần. Nghe tiếng gõ cửa phòng, Dũng mở cửa. Hồng Vân xuất hiện, thật đẹp, dáng vui hồn nhiên. Đôi mắt nai mở to. Tóc và áo ướt vì mưa lớn khi nàng ra khỏi xe. Nàng hơi run vì lạnh. Anh kéo nàng vào phòng, hôn trên đôi môi rồi ôm nàng thật lâu, như muốn trút nỗi nhớ nhung sau mấy ngày bão tố không gặp nhau, như để truyền hơi ấm ... Lúc buông nàng ra, áo anh cũng bị ẩm chút nước mưa. Dũng ân cần:
- Em bị mưa ướt hết, sợ bị cảm mất. Em thay đồ đi, dùng tạm bộ đồ ngủ này của anh vậy. Áo quần của em để anh hong cho khô.
Hồng Vân rụt dè cầm bộ đồ ngủ anh vừa trao, nàng giao hẹn:
- Nhưng anh phải quay mặt đi cho em thay đồ nha.
- Anh bằng lòng.
Dũng nói rồi làm một cử chỉ mạnh, xoay người về hướng khác. Nhưng chỉ 10 giây sau, anh hơi nghiêng đầu, nhìn về phía nàng. Hồng Vân la khẽ trách anh, với nụ cười xinh:
- Anh ăn gian quá à!

Căn phòng hẹp nhưng ấm cúng. Chỉ có một giường nhỏ, kiểu giường bệnh viện. Một chiếc bàn con, một chiếc ghế. Dũng đành kéo Vân cùng ngồi trên giường, Anh ôm nàng trong vòng tay. Thăm hỏi và trao nhau những nụ hôn. Nàng cho biết vì trời mưa bão, chợ không họp, phòng trà buổi tối cũng đóng cửa. Anh nói:
- Cám ơn em. Em không "đến thăm anh một chiều mưa", mà "em đến thăm anh một ngày giông bão", quý hơn thăm khi chỉ có mưa rơi.

Bên ngoài trời vẫn còn giông gió mạnh. Nhưng khung cảnh bão tố ngoài trời lại như thêm kích thích để hai người tình trẻ tuổi, cảm thấy ấm cúng hơn khi có bên nhau, trong một căn phòng nhỏ, thấy gần gũi với nhau hơn, cần sự che chở yêu thương của nhau lúc sấm chớp liên hồi ... Dũng và Hồng Vân như vẫn còn chưa đủ ấm vì thời tiết lạnh và vì áo mỏng. Anh ôm nàng, cùng nằm xuống chiếc giường nhỏ, dùng mền che đắp cho cả hai . Anh úp mặt trên mái tóc đen huyền, nhẹ vuốt ve trên tóc, rồi phía sau cổ, rồi trên lưng người tình. Anh từ tốn đưa tay dọc theo đường rãnh lưng, qua từng đoạn của lưng người yêu. Rồi anh chuyển hướng, nhẹ mở từng nút phía trước áo nàng. Bàn tay đưa trên từng vùng nhỏ nơi phiến ngực. Ngực người thanh nữ căng cứng, như thêm sức sống. Nàng run rẩy trong tay anh, không phản đối một cử động nào của anh. Nàng thì thầm, giọng như van nài:
- Đừng phá em nghe anh!

Anh không nói gì, chỉ tiếp tục hôn nàng. Mặc dù có lời yêu cầu yếu ớt của nàng ngày mưa bão ấy, nàng đã "một lần ân cần trao thân" cho anh, như lời hát trong một bài ca... Giã từ thơ ngây, giã từ một thời con gái.

ĐOẠN KẾT


Rồi gia đình Dũng cũng biết chuyện. Cả nhà, nhất là mẹ anh, lúc cảnh cáo mạnh mẽ, khi khuyên can nhẹ nhàng, bảo anh nên dứt khoát không tiếp tục liên lạc với Hồng Vân nữa. Anh ở trong một tình trạng khó khăn, tiến thoái lưỡng nan. Vừa không muốn làm buồn lòng gia đình. Vừa không muốn hy sinh tình yêu của mình với Hồng Vân. Nàng đã yêu thương anh thật tình. Cho anh cả cuộc đời con gái. Không bắt anh một hứa hẹn, không đòi hỏi anh một ràng buộc nào. Anh có nỡ phụ tình nàng không. Dũng vì lo suy nghĩ, anh ít đến phòng trà hay lui tới nàng thường xuyên như trước. Hồng Vân tủi hờn, có cảm tưởng của người bị tình phụ. Nàng lại bị một bà Trung Tá cho đàn em đến đánh ghen rất dữ dội, dọa sẽ tạt át xít vì bà nghe nói ông chồng bà đang say mê nàng, như trường hợp cô vũ nữ Cẩm Vân. Đồng thời, nàng lại thấy trễ nguyệt kỳ hơn nửa tháng. Lo nghĩ, buồn phiền, không ngủ được. Hồng Vân mua thuốc an thần. Mới đầu để uống cho dễ ngủ, cho quên niềm muộn phiền. Rồi đêm qua, trong một phút thiếu tự chủ, nàng uống luôn 10 viên thuốc, mong lìa đời. May mắn nàng qua khỏi, vì được cấp cứu sớm, với sự tận tình của chính người yêu. Nàng cũng không có thai. Chỉ vì bị nhiều áp lực, dồn ép, lo lắng nên rối loạn kinh kỳ.

Dũng suy nghĩ thêm nhiều đêm, sau khi nàng qua khỏi tình trạng hiểm nghèo. Cuối cùng anh quyết định theo tiếng gọi của tình yêu, của trái tim. Anh không theo sự đòi hỏi hay áp lực của gia đình. Anh nói mạnh với Lãm, bạn anh:
- Hạnh phúc của cuộc đời phải do chính mỗi người quyết định. Yêu thương một người con gái nghèo, ở giai cấp khác, có hoàn cảnh khổ không phải là điều xấu xa, sai trái.
Anh hết sức săn sóc Hồng Vân. Khi nàng hồi phục, anh thân ái nói:
- Anh sẽ sống bên em trọn đời. Em đừng đi làm ở phòng trà nữa. Hãy tiếp tục giúp Má, bán hàng ngoài chợ. Anh tìm cách đi làm thêm, phụ giúp cho em.

Dũng cũng không lui tới các nơi ăn chơi nữa. Anh đi trực gác thêm tại các bệnh viện tư của người Hoa bên Chợ Lớn. Bệnh viện Sùng Chính, bệnh viện Quảng Đông, bệnh viện Tiều Châu. Đi làm thêm, nhiều đêm không ngủ nhưng anh rất vui vì tự lập, và lại giúp được gia đình người yêu, không phải nhờ tới gia đình của anh. Thù lao do anh đi trực gác cũng khá, đủ tiếp đỡ cho gia đình nàng.

Sau khi tốt nghiệp cuối năm học chót, Dũng nhận lệnh trưng tập, ra một đơn vị tác chiến. Những lần nghỉ phép về Sài Gòn, mỗi giây phút bên nhau là mỗi giây phút hạnh phúc cho hai người tình.

Cuối tháng tư năm 75, vào những ngày hỗn loạn tại miền Nam, do một may mắn tình cờ, Dũng có cơ hội đem được Hồng Vân, cùng mẹ và hai em nàng di tản sang Hoa Kỳ. Cha mẹ anh làm nghề kinh doanh, tiếc gia sản to tát đang có do nhiều năm vất vả tạo dựng nên, không muốn rời bỏ Việt Nam vào những ngày dầu sôi lửa bỏng lúc tàn cuộc chiến.

Dũng và Hồng Vân chính thức thành vợ chồng sau ngày xa đất nước. Trong lúc anh học tu nghiệp để trở lại nghề cũ, nàng đi làm nhân công cho một hãng xưởng, giúp anh lo gia đình. Anh đã mau chóng hành nghề trở lại. Họ có 3 người con, hai đã trưởng thành, học hành theo bước chân và nghề nghiệp của anh.

Hồi đầu thập niên 90, lúc các con chưa xong bậc trung học, lần đầu tiên Dũng đem gia đình về thăm nhà. Cha mẹ anh đã già đi nhiều, nhưng rưng rưng nước mắt, vui mừng đón người con trai ngày xưa không vâng lời, thân mật ân cần với người con dâu một thời là "thương nữ", và trìu mến nhìn những đứa cháu nội dễ thương.

Trần Văn Khang

Phần phụ lục:
Không phải truyện tình thương nữ nào cũng có kết thúc đẹp như truyện tình của Hồng Vân và Dũng. Một bài thơ, cũng có câu "bất tri vong quốc hận", hình như tựa đề là THƯƠNG NỮ, kể chuyện một thi nhân ngày trước đi hát ả đào, gặp một thương nữ đàn hay hát ngọt. Vì cảnh loạn ly, cô cũng lưu lạc từ miền quê ra đô thị, làm nghề hát xướng cho đời mua vui. Rồi một hôm tủi hờn cho son phấn, buồn với kiếp cầm ca, cô tìm cách xa cõi đời. Bài thơ như sau: 

Tôi quen cô gái miền quê loạn
Lạc nẻo Thành Đô dạo tiếng đàn
Trăng gió lạnh lùng tơ phím oán
Đêm về băng giá nhịp lời than

Tôi biết tâm tư sầu trĩu nặng
Giận buồn thân thế, thẹn long đong
Hôm nao vắng khách hờn ca vẳng
Gợi nỗi niềm riêng phận má hồng

Chiều nọ cô tìm tôi thủ thỉ
Em từ quê cũ hận tha hương
Người ơi, son phấn đầy vơi nhỉ
Một kiếp chua, cay, mặn, chán chường

Hôm qua hoa héo miền hương phấn
Lại một ca nhi trút nợ đời
Ai trách "bất tri vong quốc hận"
Tôi nhìn lệ nóng ngập ngừng rơi 
(Thơ Song Nhất Nữ)