Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2025

Đón Mừng Chúa Xuân - Sáng Tác: Phạm Đức Huyến - Ca Sĩ: Thanh Hòa


Sáng Tác: Phạm Đức Huyến
Ca Sĩ: Thanh Hòa

Người Tình Năm Mới


Tôi đón tết, đón người tình muôn thuở,
Theo mùa xuân anh đúng hẹn lại về,
Anh rộn ràng trên khắp nẻo đường quê,
Anh ra biển anh lên rừng xuống phố.

Đón anh về chín ngọt ngào hoa qủa,
Vườn thơm hương lộng lẫy những sắc hoa,
Chợ búa vui bán những món làm qùa,
Món ngày tết tình quê hương dân tộc.

Tôi mơ thấy anh trong làn gío thoảng,
Trong nắng hanh hao những ngày cuối năm,
Nắng gió này làm khao khát tình xuân,
Rượu chưa uống mà lòng say đến thế.

Đêm ba mươi tết không gian rất lạ,
Tôi chờ mong giây phút đón giao thừa,
Khoảnh khắc diệu kỳ anh bước vào nhà,
Năm mới đến tình chúng mình cũng mới.

Sắc màu thời gian anh là huyền thoại,
Tết màu gì mà anh trẻ mãi thôi,
Tình yêu màu gì mà nhớ nhau hoài,
Tình yêu và mùa xuân không có tuổi.

Đến với nhau ba ngày xuân rất vội,
Tôi yêu sao mồng một tết tưng bừng,
Tôi nếm đậm đà mùi vị bánh chưng,
Tôi nếm ngọt ngào mứt gừng mứt bí…

Mồng hai tết tôi vẫn còn vừa ý,
Tôi soi gương tóc rẽ lại đường ngôi,
Làm đẹp cho anh, làm đẹp cho đời,
Mùa xuân đến ai mà không rạo rực.

Vui với anh còn ngày mồng ba tết,
Ngày cuối cùng anh ở lại bên tôi,
Tình có hạn kỳ, mình lại xa xôi,
Mười hai tháng những ngày dài thương nhớ.

Mồng bốn tết anh đã là qúa khứ,
Anh ra đi như một giấc mơ tàn,
Mâm cỗ tiễn xuân hương khói hóa vàng,
Cho đến ra giêng tôi còn nhớ tết.

Nguyễn Thị Thanh Dương


Tự Tình Ngày Đầu Năm


Viết gì đây biết viết gì
Thôi thì ngoậy đại chữ lì chữ ngông
Trẻ luôn lổng bổng lồng bồng
Lúc già thì lại lông nhông tối ngày
Không thân không thích cùng ai
Gặp thì tay bắt múa may quay cuồng
Nhiều đêm cô độc luông tuồng
Mãi mê hưởng thụ về nguồn thân tâm
Bạn ư ? Họ chẳng hồi âm!
"Nơ-pa"? Thây kệ... âm thầm lo thân *
Quanh đi ngoảnh lại dần lân
Sớm hôm vững lái ga chân tà tà
Canh dài ai đã cùng ta
Thân nầy lẽ bóng la cà quán khuya
Đến khi sực nhớ nên dìa
Con đường trước mặt ...sao chia nhiều lằn!
Ngõ nào thì gọi "đường trăng"
Ngõ nào xoá bỏ cùng mằn xấu xa
Cám ơn các vị bạn ta
Nói chơi khuây khoả cho qua tháng ngày

Nguyễn Cao Khải 
Tết Ất tỵ 2925
(*ne pas)

Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu? (Duy Khánh) -Xuân Này Mẹ Ở Nơi Đâu(Đèo Văn Trấn)

 

Nguyên tác: Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu

Xuân này con về mẹ ở đâu
Quê nghèo xuân về mưa hắt hiu
Vườn xưa xơ xác hoa rơi rụng
Xuân về không mẹ nụ hoa kém tươi

Xuân này con về mẹ ở đâu
Bao mùa xuân hẹn con vẫn đi
Đời trai như cánh chim phiêu bạt
Bao lần xuân về
Để mẹ hoài ngóng trông

Mẹ ơi trong thời chinh chiến
Bao mùa xuân con chẳng về nhà
Thanh bình chưa kịp vui cùng mẹ
Lại đành xa cách quê hương

Mẹ ơi bao mùa xuân đến
Bao lần con mong mỏi ngày về
Xuân này con về quê tìm mẹ
Thì mẹ giờ đã ra đi

Xuân này con về mẹ ở đâu
Quê nghèo xuân buồn thêm hắt hiu
Còn đâu năm tháng xưa thơ dại
Giao thừa bên mẹ
Ngồi kể chuyện tích xưa

Tác giả: Duy Khánh

***
Thơ cảm tác:

Xuân Này Mẹ 
 Ở  Nơi Đâu

Con về thăm mẹ quê nghèo xác xơ
Mưa phùn giăng mắc hắt hiu
Vườn xưa xơ xác hoa lá tiêu điều
Nụ hoa côi kém mỹ miều

Con về nhưng mẹ phiêu diêu nơi nào
Bao xuân con vẫn mong cầu
Đời trai như chinh chiến dãi dầu gió sương
Có ngày trở lại quê hương

Nay về thăm mẹ, mẹ không có nhà!
Mẹ ơi chinh chiến lâu dài
Bao mùa xuân đến trong thời loạn ly
Cho nên con chẳng được về

Quê nhà ăn tết cận kề mẹ yêu
Thanh bình chưa được bao lâu
Lại đành nhắm mắt qua cầu biệt ly
Mẹ ơi ,xuân đến rồi đi

Bao lần mong mỏi ngày về đoàn viên
Xuân nay về với mẹ hiền
Ngỡ ngàng, mẹ đã lên thiên quốc rồi!
Xuân này con dạ bồi hồi

Con về thăm mẹ, mẹ thời ở đâu
Dù Xuân tươi thắm muôn mầu
Nhưng Xuân vắng mẹ quê nghèo buồn thêm
Còn đâu năm tháng êm đềm

Tuổi thơ bên mẹ những đêm Giao thừa
Bếp hồng mẹ kể tích xưa ....


MMờng So Đèo Văn Trấn

Thư Xuân Gửi Mẹ

 

Thơ Hàn Thiên Lương
Thơ Tranh: Tố Lang


Chợ Tết Tầm Xuân

   

Chờ em dạo chợ tầm xuân
Ngày nào áo trắng hồng quần tóc mây
Trời thương biển nhớ đào mai
Líu ho chim hót hoa bay bướm chào

Chung dòng suối ngọt chiêm bao
Chung hồn thơ mộng trăng sao cùng mình
Chung đường hoa bưởi mưa tình
Chung ca dao mẹ hát đình thương cha

Dìu em thơm tết quê nhà
Bánh chưng nếp mới thiết tha mộng lành
Ngọt ngào kỷ niệm dỗ dành
Gà mờ học gáy hoa chanh học trò

Lần đầu tiên chung chuyến đò
Gió chiều tóc rối thơm tho thẹn thùng
Chợ hoa tết hẹn dạo chung
Dù mưa dù nắng xin đừng leo cây

Người đi dư hương còn đây
Người về nằm mộng thơ đầy gối ôm
Em ơi tết đến biết hôn

Anh ơi hôn tết hồng ơn chung tình...

MD.01/27/14
LuânTâm

Ngày Đầu Năm

 

Đưa tay chào tiễn ngày cuối đông
Đầu năm câu chúc nhớ ghi lòng
Mong anh vận tốt ôm nhiều bạc
Cầu chị hanh thông ẵm lắm tiền
Không nghe kẻ chúc lời nhân nghĩa
Chẳng thấy người khen đạo hiếu hiền
Ví bằng thiên hạ đều thế cả
Cuộc đời thành hai chữ đảo điên

Phong Châu

Long Vĩ Xà Đầu

(nguồn:H.K.Tiết)

Lúc nhỏ, tôi là một đứa bé có nhiều thắc mắc làm người bị hỏi khó trả lời: ‘’tại sao gọi là viết máy ? có thấy máy gì đâu !? viết nguyên tử có giống bom nguyên tử ? tại sao gọi ‘’ăn’’ Tết ? tại sao thằng con trai (đã ’thằng’’ lại thêm ‘’con’’ )? ’’’tại sao gọi xe lôi (miền Tây), ai ‘’lôi’’ ?’’ vv Một trong số những thắc mắc vẫn còn theo tôi mấy chục năm sau, là ‘’12 con giáp’’.

Như nhiều người, tôi cứ nghĩ ‘’12 con giáp’’ là thú Việt, gốc Tàu đến hôm, đọc một bài viết trên ‘’mạng’’ mới biết, rất có thể là Tàu vay mượn Ta, căn cứ vào cách gọi, (bộ) chữ viết tên các con thú và sự khác biệt ‘’thỏ’’ (Tàu)/ ‘’mèo’’ (Ta). Mặc dầu những lý do đưa ra của nhà ngôn ngữ học Nguyễn cung Thông không thuyết phục (tôi) gì mấy nhưng nó cho biết một xuất xứ mới về nguồn gốc ‘’12 con giáp’’ ! Có thể lắm chứ. Cho đến nay, tôi vẫn chưa đọc được một giải thích nào ’’khả tín’’ về chuyện này ! Tại sao lại ‘’chuột, trâu ,cọp … heo’’ mà không là những con khác ? Con bò, con beo, con kiến, con chim, con bướm vv? – Tại vì đó là những con vật ‘’thân thiết’’ với ta, giúp đỡ ta, nhưng vẫn bị ta ăn thịt dài dài ( ‘’giúp vật , vật trả ơn / giúp nhơn, nhơn ăn thịt’’!) , ngay cả con …Rồng (‘’gan rồng’’ !) ? Tại sao lại là thú vật mà không là … các loài khác ? -Loài hoa chẳng hạn. Cúc, Đào, Hồng, Huệ, Lan, Mai, Hải -Đường ,Sim vv chả đẹp hơn Tý Sửu Dần .. sao ? ‘’Dạ, em sinh năm Quý Đào’’, nghe chả đỡ quê hơn Quý Mùi sao? vv

‘’Thập nhị .. thú quân’’ không chỉ xuất hiện trong lịch Tàu và các quốc gia chịu ‘’ảnh hưởng’’ nó (Nhật , Hàn, Việt) mà còn ở các quốc gia có nền văn hóa/văn minh khác : Miên, Thái, Miến, Ba Tư vv Nếu lấy 12 con giáp Tàu làm căn bản thì Miên giống Tàu. Trong khi Việt : Mèo (thay vì Thỏ) / Hàn: Cừu ( thay vì Dê) / Nhật : cừu ( thay Dê), heo rừng (thay heo-nhà) / Thái : Rắn hổ-mang Naga (thay Rồng) / Mã Lai : hươu chuột (cerf-souris) thay cho ‘’thỏ’’, rùa thay cho ‘’heo’’ ( có lẽ Hồi giáo không ăn heo ? ) / Ba Tư : Cá voi thay cho Rồng vv Riêng Miến Điện thì ‘’nghèo nàn’’ hơn, chỉ có 8 con thú: Ca-Lâu-La (chim thần), Cọp, Sư Tử, Voi ( có ngà), Voi (không ngà) Chuột , Naga (rắn thần) , trong đó có 2 bà chằn lửa: Cọp cái Biên Hòa (cọp 3 móng !) , Sư Tử Hà Đông và 2 ông (?) có vòi : có nanh (ngà)/ không nanh!

12 con giáp Việt Nam:


- Là Âm Dương hòa hợp, lần lượt xen kẻ. Hể Dương trước : Tý, thì Âm sau : Sửu vv Nhái theo một lời hát Y Vân ( Anh đâu, em đó )‘’Dương ở đâu thì Âm ở đó’’. Có điều, Mùi thuộc Âm (?!), thành ra cái tên Dương Dê Mùi (họ Dương, tên Mùi) không có ‘’cơ sở’’! Phải Vương Dê Mùi đọc theo Nam kỳ giá sống thôi!

- 7 con có ‘’4 chân’’ (tí, sửu, dần,ngọ,mùi,tuất,hợi ). Một con 2 chân (gà : móng thường, móng đỏ). Hai con : lúc 2, lúc 4 chân là mèo (ngủ trong góc hay mèo ‘’ngáy ngủ trên tay anh’’) và khỉ : 4 chân lúc chạy, leo trèo ; 2 chân (2 tay) lúc làm trò … khỉ , và 2 con khuyết tật (không có chân, chẳng cánh) : thìn,tỵ .

- 2 cặp ‘’đi đôi ‘’nhau cũng là ‘’bà con’’ nhau (giống nhau) : cặp Dần/Mẹo, cặp Thìn/Tỵ (thân vừa có vẩy, vừa .. dài, một tung hoành trên không, một uốn éo sát đất).

Tuy trúng tuyển vào danh sách 12, được dùng để lấy số tử vi, đoán mạng, dựng vợ, gã chồng, được đi vào’’văn học sử’’ vv nhưng 12 con, con nào cũng bị thiên hạ .. chửi lia chia : Hôi như Chuột . Ngu như Trâu (Đàn gảy tai Trâu). Dữ như Cọp. Ăn vụng như Mèo (khác với ăn vụng với mèo). Lộn … xộn như Rồng! Ác độc như Rắn. Mất nết như Ngựa (đ. ngựa). ‘’Dê’’ như ..Mùi (khác với mùi như Dê). Phá như Khỉ. ‘’Ấy’’ như Gà. Bị chửi như Chó (đồ chó đẻ, chó chết, con đ. chó). Dâm (dơ) như Heo (phim con heo, làm trò con heo) hay ăn như Hạm! 12 anh, anh nào cũng bị ‘’nhân dân’’ đấu tố ! Nên tôi không hiểu sao ‘’12 con giáp không giống con nào !‘’ lại là một câu mắng?!

Cùng với Adam và Eva, Rắn là con vật xuất hiện đầu tiên trong Kinh Thánh, là hiện thân của Xấu và Tốt, của giết người và cứu người! 33% nhân loại sợ rắn (ophiophobie) nhưng không biết trong 33% đó, bao nhiêu phần trăm là Kinh Sợ Nhất? Bởi vì tôi thuộc vào cái phần trăm ‘’kinh sợ‘’ đó! Khi có trí khôn thì tôi đã sợ loài bò sát rồi (trừ ‘’bò sát … lại gần anh tí nữa đi em’’/ ca khúc của Mặc thế Nhân ), nhất là con Rắn!

Rắn là con giáp xuất hiện nhiều nhất trong nhiều lãnh vực:

1/ ‘’Lịch sử’’ ( Giai thoại ‘’Lệ Chi viên’’)

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ông Ngô Sĩ Liên ghi : ‘’4/8/1442, vua Lê Thái Tông (19 tuổi), trên đường đi tuần thú về, ghé vườn ‘’vải’’ nghĩ qua đêm. Sáng ra, cận thần khám phá vua chết! Ở bên vua suốt đêm chỉ có bà Nguyễn thị Lộ (42 tuổi ?), vợ thứ của Đại Thần Nguyễn Trãi. Bà Lộ văn chương, tài sắc vẹn toàn nên rất được vua yêu mến, phong làm Lễ Nghi Học Sỹ để dạy các cung nữ, nhưng, nghe nói, Thái Tông cứ vời vào cung làm.. ‘’lễ’’ với vua hoài hà! Vì là người duy nhất kề cận trước khi vua chết nên ‘’cô giáo’’ Lộ bị triều đình kết tội giết vua. Nguyễn Trãi cũng bị vạ lây! Cả hai bị hành hình, gia đình cụ Nguyễn bị ‘’tru di tam tộc’’. Đến đời Lê Thánh Tông (cháu nội Lê Thái Tông), cụ Nguyễn mới được vua phục hồi tước vị vì cho rằng Cụ bị hàm oan!

Tương truyền kiếp trước bà Lộ là con rắn con, mẹ bị Nguyễn Trãi đập chết nên đầu thai thành cô bán chiếu gon Tây Hồ, chờ dịp báo thù. Nhờ đối đáp thơ với Nguyễn Trãi ( Nguyễn Trãi : ‘’.. Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi ? Đã có chồng chưa được mấy con ? / Thị Lộ ‘’ … Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ (16 tuổi ?). Chồng còn chưa có, có chi con ! ‘’, nên được quan mến, quan yêu, cưới về làm thiếp.

Về cái chết của vua : có nghi vấn cho là ông vua trẻ bị ‘’thượng mã phong’’ (ở tuổi 19 ?!), nghi vấn khác bảo bà Lộ (42 tuổi) thuốc vua. vv Không có nghi vấn nào đáng tin cả (không có chứng cớ)! Bà Lộ chỉ là cái cớ để người ta giết cụ Nguyễn. Vụ án ‘’vườn vải’’ là một cuộc ‘’soán ngôi, giết Đại thần’’. ‘’Rắn báo oán’’ là chuyện mấy ông râu quặp có vợ tuổi .. Tỵ đặt ra để ‘’báo thù’’ thôi !

2 / Tôn giáo:

Trong Thiên Chúa giáo, rắn là con vật mà Đức Chúa Trời ‘’yêu cho roi, cho vọt’’. ‘’Yêu’’ nên rắn (đồng) được đưa ra như biểu tượng của sự khôn ngoan ( Mt, 10,16) và cứu người trong sa mạc (Ds, 21, 4-9). ‘’Cho roi, cho vọt ‘’( ‘’sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn cả đời" (Kinh Thánh) vì nó đã xúi cô Eva ăn trái cấm, rồi Eva lại ‘’dụ khị’’ Adam (một người dễ thương, dại khờ, cả tin bạn gái (khác với ‘’dại gái’’) nên ‘’ghé răng cắn vào’’, để rồi thấy ‘’sự thật’’ không quá đỗi phủ phàng (nhờ đó mà biết thế nào là nét quyến rũ của những ‘’tuyết lê/ bồng đảo’’ vv )

Ôi, ngay người-đàn-ông-đầu-tiên Chúa tạo, đã ‘’khổ sở (?)’’ vì cái … xương sườn, thì con cháu họ .. cũng vậy, là phải quá rồi!

Trong Phật Giáo, rắn được xem như một Linh vật. Trong Phật Giáo Đại Thừa (Tàu, Việt, Nhật vv) rắn được đồng nhất với rồng nên có thuyết cho rằng khi Phật đản sinh, có con rồng 9 đầu phun nước thơm tắm Phật. Hình ảnh Rồng xuất hiện nhiều trong kiến trúc chùa chiền. Ngược lại, trong Phật Giáo Tiểu Thừa (Miên, Thái, Lào, Miến vv), chỉ thờ rắn thần Naga (Mãng Xà) vì theo truyền thuyết, khi Đức Phật đắc đạo, một hôm mưa bão, tơi bời, thì rắn Naga (7 đầu) từ ở cây Mucalinda, nơi Đức Phật ngồi, chui ra, uốn quanh Ngài nhiều vòng, dựng thành một bức tường cao chắn gió, và dương 7 cái đầu của mình làm tán che mưa cho Phật. Hình, tượng rắn xuất hiện đầy dẫy trong kiến trúc các chùa Nam Tông .

3/ Y học:

So với Đông y, rắn không được ‘’dụng’’ nhiều trong dược phẩm (thuốc-Tây) (?). Nhưng nó lại là biểu tượng của ‘’corps medical’’ (Y, Dược). Y : rắn quấn quanh cậy gậy; Dược : rắn quấn quanh ly. Theo truyền thuyết Hy Lạp, rắn tượng trưng cho các vị thần ‘’danh y’’ (như thần Asclepius và con gái ông : thần Hygieia). Trên thực tế, nọc rắn được y giới ‘’dĩ độc trị ..bệnh’’, cũng như chuyện lột da của nó được xem như một ‘’tái sinh’’, như ‘’thầy thuốc cứu người’’! Chọn biểu tượng rắn quấn quanh ly thuốc thì tôi hiểu nhưng tại sao lại chọn cây gậy để quấn? Có phải để nêu lên ý nghĩa vị-tha ‘’lấy tình thương xóa bỏ hận thù’’ của rắn, bị đập nhưng vẫn quấn quanh cây ’‘Đã … tỵ bổng’’ của người ‘’đánh .. nó phải đánh dập đầu’’?
2 con rắn quấn quanh cây gậy thì lại có ý nghĩa khác . Đó là biểu tượng của thần Caduceus (?), vị thần của thương mại và giao tiếp, biểu tượng cho những tổ chức, những sản phẩm y tế .

Nếu Thánh Tổ Quân Y Việt Nam Cộng Hòa là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thì huy hiệu của Quân Y VNCH là một con rắn độc .. đáo : ‘’Quên mình-Cứu người’’! Xin thắp nén tâm hương tưởng nhớ đến những Quân nhân (Bác sĩ, Y Tá vv) Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trên chiến trường!

4/ Quân sự:

Ngày 20/12/1967 là ngày mà một tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn Mãng Xà Vương (Thái Lan), dù bị 2 tiểu đoàn Việt Cộng tập kích bất ngờ, nhưng đã chống trả mãnh liệt, gây tổn thất nặng nề cho địch, mang đến chiến thắng ở Bàu Nâu (Long Bình/Biên Hòa) .

5/ Thực phẩm:

Trong những món ‘’khoái khẩu, tới luôn’’ của ‘’dân nhậu’’ miền tây, là món thịt rắn (Cần chi cá lóc, cá trê. Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều): rắn xào sả ớt, rắn cuốn lá lốt nướng, cháo rắn hổ đậu xanh, rắn nướng muối ớt, rắn dồi, rắn kho tương, rắn xé phay, rắn xào rau ngố, rắn lằn hầm sả vv

Năm đệ ngũ, tôi được ‘’Thầy’’ tôi dắt về quê, thăm một người bạn học thời niên thiếu của Thầy tôi. Ở đây tôi được ăn gỏi rắn, rắn nướng và cháo rắn hổ. ‘’Xà thực’’ thì phải đi đôi với ‘’xà tửu’’ (trừ tôi !), được rót ra từ một hủ lớn ngâm nguyên một con rắn (!) , là thứ rượu ‘’ông uống bà khen hay’’ !

6/ Điện ảnh:

Cùng với Ngựa và Chó, Rắn cũng là một ‘’minh tinh’’ trong thế giới điện ảnh. Thanh Xà-Bạch Xà là một trong những phim Tàu nổi tiếng ở miền Nam ngày xưa. Không những thế, rắn còn là một vũ nữ tuyệt vời, uốn éo, lắc lư theo ‘’tiếng sáo thiên thai’’ Ba Tư, Ấn Độ.

7/ Võ Hiệp:

Như Hổ quyền, Hầu quyền, Xà quyền là một trong những thế võ nổi tiếng, dựa theo cách di chuyển (uốn lượn, trường nhanh, phóng xa …), cách ra quyền: bàn tay gập lại như đầu rắn, lối tấn công (quấn siết, cắn, mổ ..),vv của Rắn.

Trong các bộ : Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, có lẽ Bạch Đà Trang chủ Tây Độc Âu Dương Phong là một cao thủ bị nhiều người ghét nhất vì độc ác. Đối nghịch 180 độ với ông là Bắc Cái Hồng thất Công. Từ tánh tình đến võ công. Nếu Giáng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng là 2 tuyệt chiêu của Bắc Cái thì Hàm Mô Công và Linh Xà Quyền (thêm vũ khí là cây Xà trượng với hai con rắn độc ở đầu) là hai tuyệt chiêu của Tây Độc. Võ học hai ông là Rồng với Rắn nhưng hai ông như Chó với Mèo, gặp nhau là gây lộn rồi đánh lộn. Trận đấu sinh tử trên núi Hoa Sơn, kéo dài mấy ngày đêm vẫn bất phân thắng bại. Trọng thương, hết sức, hai ông già quay sang đấu võ miệng (truyền chiêu thức) qua Dương Qua. Cuối cùng, khi hóa giải một tuyệt chiêu của Bắc Cái, Tây Độc bỗng hết điên. Và hai cao thủ Tây, Bắc ôm nhau, cùng nhau cười cho đến chết ! Một kết thúc tuyệt vời, đầy nhân bản, của Kim Dung !

8/ ‘’Xiệc’’


Tôi gọi ‘’xiệc’’ vì không biết dịch ‘’spectacle’’ (‘’ở đây’’) là gì!
Ấn, Miên, Thái là 3 xứ tôn thờ Rắn, nhất Châu Á . Nhưng chỉ có người Thái là vừa thờ vừa ‘’thương’’. Thương nên mới vuốt ve, hôn hít. Tưởng đâu chỉ đối với rắn ‘’hiền’’ nhưng mới hôm rồi, lần đầu tôi thấy, trong một phóng sự truyền hình, nói về ngôi làng Mãng Xà Vương (village des Cobras Royaux) ‘’Ban Kok Sa-Nga’’ ở Thái, về sinh hoạt hằng ngày với Rắn, về một buổi trình diễn ‘’rắn’’ cho du khách, với cái đinh buổi ‘’spectacle’’ là màn ‘’hôn rắn hổ mang’’: chum môi hôn lên đầu rắn! Rắn hổ mang là một trong những loài rắn cực độc (Vua mà !) ! Không cần đến ‘’phập’’, chỉ cần nọc nó phun (có thể đến 2m !) văng vào mắt là từ ‘’lờ mờ nhân ảnh’’ đến chỉ thấy ‘’một màu đen’’ (mù) . Đã có mấy người ‘’sinh nghề tử nghiệp‘’ trong màn trình diễn này. Người hôn rắn trong phóng sự cho biết, mỗi

lần trình diễn, anh kiếm được 12€ ! Mạng sống một người Thái Lan bằng giá một bao thuốc Pháp! Đó là Thái Lan. Còn Việt Nam ?!!! Một nghệ sĩ nhí khác, 8 tuổi, trình diễn màn ‘’chơi với rắn (hiền)’’ thì được trả 4€. Mộng ước của em là lớn lên sẽ hôn Rắn Hổ Mang như ‘’niên trưởng 12€ ’’. Cầu xin trong tương lai, ‘’lần đầu em ghé môi hôn’’ sẽ không là lần cuối. Không bao giờ !

9/ Văn chương:

Văn:

Nói về tên Rắn, trong sách xuất bản hải ngọai, có tác phẩm ‘’Rồng Rắn’’ (1989) của Lê thị Huệ (1953), viết về những thành viên của một gia đình di cư, sống ở Hội An, trong bối cảnh của một miền Nam nhiều biến động, thập niên 60s-75. Tuy tác giả gọi là truyện dài, nhưng lại chia thành nhiều ‘’tiểu truyện’’, có thể đọc riêng biệt nhau, không cần theo thứ tự. Quốc nội có ‘’Nhật ký Rồng Rắn’’ của Trung Tướng Cộng Sản ‘’phản kháng’’ Trần Độ (một trong những lý thuyết gia của Đảng, thập niên 50s -60s ! ) viết trong hai năm Thìn (2000) & Tỵ (2001), chỉ trích Đảng.Ông Trung Tướng bị khai trừ khỏi Đảng, bị Công An theo dõi 24/24 vv Nhiều người khen ông can đảm, trung thực. Riêng tôi thấy, trước nhất, đó là chuyện ‘’nội bộ đảng’’, thay vì đóng cửa dạy nhau, thì ông Trần công khai ‘’lên tiếng’’. Ông chê bai chính quyền nhưng ‘’vẫn tán thành và ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng‘’ (!). Ông đồng ý với con đường ‘’Bi Đát’’ đã áp đặt một chủ nghĩa ngoại lai trên đất nước ! Chuyện ‘’giải phóng miền Nam’’, với ông, vẫn là chuyện ‘’phải làm’’ !!!

Câu đối:

Trong các câu đối ‘’Rắn’’ người ta thường nêu 2 câu dưới đây của bà Đoàn thị Điểm (xuất) và ông Trạng Quỳnh (đối)

‘’Cây xương rồng trồng đất rắn, long vẫn hoàn long
Trái dưa chuột tuột thẳng gang, thử chơi thì thử’’

Câu xuất của bà Điểm: 20/20 điểm ! Chữ Hán, chữ Nôm, vần hợp, âm kêu, nghĩa đen, nghĩa bóng ! Câu đối của ông Quỳnh khá chỉnh. Chữ : ‘’trái’’ đối ‘’cây’’. Chuột/ Thử (tiếng Hán) đối Rồng/Long (chữ Hán). Nghĩa : ‘’long’’(không chặt) được đối bằng ‘’thử’’ (làm thử). Âm: ‘’chuột/tuột’’ đối ‘’rồng/trồng’’. Câu trên Rồng/Rắn, câu dưới : Dưa chuột/dưa gang (‘’gang tay’’ trong câu đối)

Có một ‘’version’’ khác, tuy ít được nói tới, nhưng tôi thấy chỉnh hơn:

‘’Cây xương rồng trồng đất rắn, long vẫn hoàn long
Trái dưa chuột, vuột miệng mèo, thử chơi thì thử’’

Cặp ‘’mèo’’ đối ‘’rắn’’ (thú) hay hơn ‘’gang’’ (trái cây) đối ''rắn'' (thú). Nhưng đó chỉ là ‘’rắn’’ theo nghĩa danh từ. ‘’Rắn’’, nghĩa tĩnh từ (rắn chắc), thì không version nào đối được! Về âm: ‘’chuột / tuột / thử ‘’ không đỡ nổi 3 âm ‘’rồng/trồng/long’’ !

Câu xuất của bà Điểm độc đáo nhưng còn có người đối. Chả bù với câu dưới đây, của một hậu sinh ‘khả úy’’ ( thế kỷ 20, 21 ? ) ,nghe nói, vẫn chưa gặp được ‘’kỳ phùng’’ :

‘’Tối ba mươi, rắn nằm trên xà, chuột bò tới xem thử, rắn nuốt chuột chẳng còn tí tị (Tý , Tỵ) ‘’ !
Rắn, xà, chuột, thử, Tý, Tỵ! Đối sao đây?!!

Thơ:

Năm 2013, đọc trên ‘’mạng’’ , thấy mấy câu Rắn mới, lạ (?), xin ghi lại đây để đọc cho vui, chứ tôi không (dám) có ý kiến gì hết . Ghét / yêu, tùy người đối diện !

Thanh trước xà nhi khẩu,
Hoàng phong vĩ thượng châm.
Lương ban giai khả độc,
Tối độc phụ nhân tâm!

(Miệng của con rắn bị kẹt trong ống tre từ nhỏ.
Trên cái đuôi của con ong vàng
Cả hai đều khá độc,
Nhưng cực kì độc là lòng dạ đàn bà !)

Thơ về Rắn, từ mấy thế kỷ nay, e chưa có bài nào qua mặt bài thơ của thần đồng Lê quý Đôn (1726-1784) ! Trong ‘’Giai thoại làng Nho’’cụ Lãng Nhân ghi :

‘’Hồi tám chín tuổi,một bữa Lê mải chơi bỏ học, cha (Thượng thư bộ Hình Lê Phú-Thứ đời Lê dụ Tôn) gọi về đét cho mấy roi, mắng:

- Đồ rắn đầu rắn cổ

Lê đọc ngay tám câu Đường-luật, mỗi câu có tên một thứ rắn:

Chẳng phải liu điu, vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn, hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng dối trá
Lằn lưng , đành chịu vọt năm ba
Từ rầy Châu-Lỗ chăm nghề học (*)
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia’’

Đã gọi là ‘’giai thoại’’ thì đọc cho biết, cho vui, chuyện tác giả (thật, giả) là chuyện phụ. Đọc thơ hay như gặp một…giai nhân. Thấy hay, thấy đẹp là đủ rồi. Cần chi xuất xứ, tính danh . Cứ như Đinh Hùng : ‘’chửa biết tên nàng, biết tuổi nàng / mà sầu trong dạ đã hoang mang’’ ! Mấy cái khác là chuyện nhỏ ! Nhưng phải công nhận bài thơ tài tình quá ! Mỗi câu có tên một loài Rắn. Cậu Đôn quả là một đứa bé Rắn Mắt !

Thêm về xà:

Xà bát : rắn bò hình chữ bát
Xà bần : rắn bần tiện
Xà bông : rắn yêu bông
Xà cạp : rắn thích cạp (hơn cắn)
Xà cừ : rắn cừ khôi
Xà lan: rắn bị bệnh truyền nhiễm (lây lan)
Xà lách: rắn lái Honda ở Sài Gòn
Xà lệch: rắn ăn nói lệch lạc
Xà lô (salaud): rắn lái .. hủ lô
Xà lê: rắn ngồi lê đôi mách
Xà lỏn: rắn hay cười lỏn lẻn / Xà rông ( là ‘’ông’’ xà lỏn )
Xà lim: rắn ngủ lim dim
Xà nhà: rắn trong nhà
Xà niểng: rắn ‘’xỉn’’
Xà nẹo: rắn uống bia ôm
Xà ngang : rắn ngang ngược
Xà ngầu: rắn ‘’anh chị’’
Xà ích: rắn làm tài xế xe … ngựa
Xà quần: quần rắn
Xà quyền: như nhân quyền, là quyền của Rắn
Xà chưởng: bàn tay .. rắn
vv

Ca dao, thành ngữ:

Trứng rồng lại nở ra rồng / Liu điu lại nở ra dòng liu điu.
Tuổi Tỵ rắn ở bọng cây/ Nằm khoanh trong bụng có hay chuyện gì .
Đi đâu gặp rắn thì may (?) / Về nhà gặp rắn thì hay bị đòn (?) .

(chắc lấy ý câu : đi đâu gặp ...rượu mà say / về nhà gặp …vợ thì hay bị đòn ?)

Hang hùm, miệng rắn: nơi nguy hiểm
Cõng rắn cắn gà nhà (vác rắn thì đúng hơn/ Không tay, chân làm sao cõng?) = Rước voi về dầy mã tổ
Dần,Thân,Tỵ, Hợi tứ hành xung
Nói rắn nói rồng: dài dòng, toàn chuyện vô bổ
Vẽ rắn vẽ rồng / Vẽ rắn thêm chân : bày đặt thêm nhiều chuyện cho thêm rắc rối
Rắn trong lỗ bò ra: khéo ăn , khéo nói
Rắn đổ nọc cho lươn: đổ thừa
Đánh rắn phải đánh dập đầu: quân sự / đánh ngay người chỉ huy
Thao láo như mắt rắn ráo: soi mói
Đầu rắn, mắt chuột: người gian xảo.
Khẩu phật, tâm xà
Đầu rồng, đuôi rắn: lúc đầu phát, sau lại suy !
Rắn già rắn lột, người già người chột vào hang: già thì phải chết
Sư hổ mang, vãi rắn rết: sư vãi ‘’quốc doanh’’
Chém rắn đuổi hươu: làm hại kẻ xấu lẫn người tốt
Len lét như rắn mồng năm: mặt mày, thái độ sợ sệt
Xà cung thạch hổ (thấy cây cung tưởng rắn, thấy hòn đá tưởng cọp): đa nghi như Tào Tháo
vv
…………………………………………….

‘’Long vĩ Xà đầu’’ là 4 chữ đầu của 4 câu sấm Trạng Trình mà trước 75, hầu như người miền Nam nào cũng biết. Bởi người ta đã quá ngao ngán, mệt mỏi, vì cái sách lược chính trị ‘’khó hiểu’’ của Đồng Minh nhớn (đánh mà không muốn thắng ! ), nên chỉ biết dựa vào ‘’sấm’’ để lên tinh thần. Nhưng, tưởng vậy mà không phải vậy. Với cái ‘’thái-bình’’ áp đặt sau Ất-Mão-75, ‘’tỉnh mộng, sáng mắt’’, nhớ lại, nghiệm lại, người Việt Nam mới thấy mấy câu sấm đó ‘’ứng’’ với Thế Chiến Thứ Hai hơn !

Ở miền Nam, ‘’Tý vĩ Sửu đầu khởi chiến tranh’’ với sự ra đời của ‘’Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam’’ (Lính Bắc, ‘’Tên’’ Nam) ngày 20/12/1960 Canh Tý / quận Châu Thành (Tây Ninh) .Từ đó, chiến tranh bắt đầu lan rộng, leo thang, đưa đến chuyện ‘’Long vĩ xà đầu khởi đổ quân’’ của những người lính Lữ Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, ngày 8/3/1965 Ất Tỵ, đổ bộ lên bãi biển Phú Lộc (Đà Nẳng). 60 năm sau, Ất Tỵ 2025, vẫn chưa thấy một viễn tượng‘’niên lai’’ thật sự nào cho Việt Nam ! Làm sao ‘’kiến thái bình’’ khi vẫn còn những đàn áp, bỏ tù những người đấu tranh, đòi hỏi nhân quyền, khi vẫn còn nhiều người tìm cách chạy ra khỏi nước ?!

Ngược lại, năm rồi, nhiều người đã đặt lại câu hỏi ‘’liệu sẽ có một thế chiến thứ 3 không ? ‘’. Khi, hôm 21/11, ‘’Chủ Tịch’’ Poutine ra lệnh, lần đầu, bắn ‘’thử’’ hỏa tiển Orechnik (không trang bị đầu đạn hạt nhân) vào Ukraine, trả đũa việc Hoa Kỳ ‘’cho phép’’ quốc gia này sử dụng hỏa tiển bắn xa ATACMS, không kích các địa điểm quân sự ở Nga (Bắn vào nước người ta thì được nhưng cấm người ta bắn trả. Đểu thế, Poupou ?!). Đây cũng là một trả lời của Hoa Kỳ, sau khi > 10.000 lính Bắc Hàn do Poutine thuê, sang Nga ‘’tiếp viện’’ ! Đũa 2 bên trả qua, trả lại, chỉ có người dân Ukraine là ăn hỏa tiển dài dài ! Chiến tranh Nga-Ukraine bước vào một mức độ mới, khốc liệt hơn ? Một số người Châu Âu bắt đầu nói đến chuyện ‘’các hầm trú ẩn hỏa tiển nguyên tử (Nga)’’.

Lại thêm một ‘’Long vĩ Xà đầu’’ ?!

– Tôi không nghĩ thế . Mà trái lại !
Xâm lăng một nước nhỏ như Ukraine mà trên 3 năm rồi vẫn chưa đạt được những mục tiêu đặt ra, cho thấy Quân Lực của Poutine không qúa tinh nhuệ, hùng hậu như người ta tưởng.Trước đây đã nhờ tổ chức đánh mướn Wagner, sau đó, thả tù thành phần bất hảo chịu đăng lính, bây giờ thuê lính Bắc Hàn ! Không nói đến chuyện kiếm tân binh để bù đấp quân số hao hụt (đã 200.000 chết ! **), chưa nói đến nền kinh tế thời chiến (tập trung vào sản xuất vũ khí), đến số ‘’tiền tử’’ khổng lồ phải trả cho gia đình các binh sĩ tử vong. Kéo dài cuôc xâm lăng, chắc chắn sẽ tác động đến cuộc sống người dân Nga (vật chất / tinh thần) ! Dù nhất quyết không lùi, nhưng ‘’Ác thần’’ sẽ không có đủ khả năng, tiềm lực, để tiếp tục cuộc chiến (một số chuyên gia ước định là khoảng từ 12 đến 20 tháng!). Khi hăm he sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, là lúc Poutine đã hết đường binh, phải mang ‘’thần hộ mạng’’ ra hù. Tôi tin là sẽ không một cường quốc quân sự nào trên thế giới (kể cả láng giềng Tàu) chấp nhận chuyện Poutine vượt đèn đỏ (trừ Bắc Hàn ?) để ‘’chết chùm cả đám’’! Biết thế, nên Poutine đang tung hết mấy thành công lực chơi cú chót, tấn công Ukraine ào ạt, chưa lúc nào như lúc này. Để lấy thế thượng phong trước khi ông Trump vào tòa Bạch Ốc. Và Tổng Thống Zelensky, lần đầu, nói đến 2 chữ ‘’đàm phán’’. Có thể, bước đầu, sẽ là một ‘’ngưng bắn’’ kiểu ‘’Hiệp Định Paris (ai ở đâu, yên đó !!! ) trong một thời gian ’’? Tỵ Ngọ niên lai kiến ‘’thái bình’’? - Hy vọng thế !

Như một câu hát của Hoài An trong ‘’Tâm sự ngày Xuân’’ (1966), Tết là dịp để chúng ta ‘’cùng xuân quên hết những chuyện buồn năm đã qua’’.

Long vĩ Xà đầu: tiễn chân Rồng, bắt tay Rắn, xin ghi lại đây mấy câu thơ cổ

Thay cho lời ‘’Cung chúc tân xuân’’

龙 驾 祥 云 门 接 福
蛇 浮 瑞 气 户 迎 春

Long giá tường vân môn tiếp phúc
Xà phù thụy khí hộ nghênh xuân
(Rồng cưỡi mây lành, nhà đón phúc
Rắn dâng điềm tốt, hộ mừng xuân) (nguồn : internet )

BP

(*) : Châu : quê hương Mạnh Tử / Lỗ : quê hương Khổng Tử / có bản ghi ‘’Trâu-Lỗ’’ ( Rắn Trâu )

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2025

Đầu Năm Đi Lễ -Thơ: Như Nguyệt - Nhạc: Mai Phạm - Trình Bày: Huỳnh Lợi - Hát Bè: Hợp Ca Nắng Mới


Thơ: Như Nguyệt 
Nhạc: Mai Phạm
Trình Bày: Huỳnh Lợi
Hát Bè: Hợp Ca Nắng Mới

Chúc Xuân Mùng Hai Tết

 

Pháo nổ tạch đùng đón Chúa Xuân
Phố xá ôi đông vui quá chừng
Eden rộn rịp người mua sắm
Hoa cúc dưa hành với bánh chưng

Mùng Hai ta vẫn còn đón Tết
Vẫn cứ yêu xuân vui với đời
Vẫn tiếng pháo hoa vang rộn rã
Phố vẫn dập dìu đông người qua

Hồng Vân

Yến Lạc Mùa Xuân

 
 
Mùa xuân là mùa sum vầy
Sao chim ngơ ngác lạc bầy kêu hoang
Ngoài song hiên nắng rực vàng
Nỡ quên viếng mảnh sân tàn mù tăm
Thờ ơ lướt qua chỗ nằm
Tay không dài đủ níu trăm năm về
Đành thôi gác lại nguyện thề
Chân sa một bước tứ bề sương giăng
Mùa xuân: áo mới, tình nhân
Khúc ca gợi nhớ, trễ tràng dấu yêu
Soi gương gom nhặt tịch liêu
Gởi người trùng dặm, dáng kiều vọng phu
Mùa xuân: khát vọng lãng du
Mồ côi cánh yến thiên cư một mình


Thanh Hà

Tuyết Rơi Xuân Về



“Xứ mình trời đã vào Xuân
Xứ người trời vẫn chưa tàn mùa Đông”

Mỗi năm Đông đến mệt đời
Trần gian đón nhận tả tơi lệ trời
Cao xanh cắc cớ trêu người
Sợ rằng không tuyết dễ lơi nỗi buồn
Thế nên tuyết đổ, mưa tuôn
Tuyết mưa…mưa tuyết để vương thêm sầu

Từng chùm bông tuyết một màu
Trắng phao cành đọng như Đào trổ hoa
Hay là Mai Bạch quê nhà
Cùng nhau đua nở ngợi ca Xuân về
Xứ người Đông lạnh tái tê
Mùa Xuân trở lại bên lề lưu vong

Đón Xuân bên những cành thông
Đậm tình bằng hữu, ấm lòng tha nhân
Tha nhân có thấy bâng khuâng
Xứ người Đông lạnh đón Xuân quê nhà
Dẫu rằng cách trở nghìn xa
Ngày Xuân lễ tục Ông Bà giữ mang

Bàn thờ dâng chút khói nhang
Chút Thơ, chút Rượu, Mai vàng chào Xuân
Thịt Kho, Dưa Giá, Bánh Chưng
Mai vàng, Đào thắm tượng trưng vậy mà
Mỗi năm Xuân đến mọi nhà
Khói hương xin giữ nếp nhà Việt Nam

Hoàng Mai Nhất


Tết Của Tôi


Tết Nguyên Đán, ngày Tết của quê hương Việt Nam thân yêu. Đối với tôi, ngày đó mới thật sự cảm nhận được là ngày tết.

Tôi quả là bạc bẽo với nước Mỹ, một quốc gia đã mở rộng vòng tay đón nhận gia đình tôi trong lúc bơ vơ, không cửa, không nhà. Nước Mỹ đã cho chúng tôi cơ hội làm lại cuộc đời mới, đầy đủ, vững vàng, thoải mái. Vậy mà tôi vẫn chưa hoàn toàn nghĩ được đây là quê hương của tôi và chưa bao giờ cảm thấy Tết Mỹ là tết của mình. Với tôi, đó chỉ là ngày đầu năm dương lịch.

Lẽ ra tôi phải nhận nước Mỹ là quê hương thứ 2 của tôi mới phải, vì thời gian tôi sống ở Mỹ còn dài hơn thời gian tôi ra đời, lớn lên và sống ở Việt Nam.

Gần nửa thế kỷ dài đằng đẵng với bao nhiêu biến cố đổi thay mà tôi vẫn không sao quên được những kỷ niệm ở Việt Nam, nhất là mỗi lần Tết đến.
Cái không khí rộn ràng đón tết từ ngoài chợ, ngoài đường phố như lan vào mỗi gia đình. Già trẻ, lớn bé ai cũng náo nức sửa soạn đón tết.

Bà ngoại tôi bắt chị người làm lau chùi tranh ảnh, vật dụng trang trí trong nhà cho sạch bóng. Bộ tách trà cổ xưa quí giá bầy trong tủ kính cũng được mang ra rửa thật sạch để sẵn cho ông bà pha trà, đối ẩm đêm giao thừa .
Mỗi năm bộ tách trà chỉ được dùng một lần vào dịp tết. Bà ngoại tôi nói bộ tách trà này là đồ cổ vô cùng hiếm quí, bà không dám dùng thường ngày, nhỡ lỡ tay làm vỡ phí đi .

Tết đến, nhà tôi lúc nào cũng có một chậu mai tứ quí, hoa nở đầy từ gốc đến ngọn. Bởi vậy mỗi lần đón xuân ở đây, dù hoa đào có đẹp rực rỡ tới đâu, mẹ tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tới những bông mai vàng của những ngày tết ở quê nhà.
Chưa kể bà ngoại tôi còn cầu kỳ gọt những củ thủy tiên thật công phu. Bà tính toán làm sao mà hoa của bà bao giờ cũng nở đúng giao thừa .


Trước tết mấy tuần, bà ngoại tôi đã ngồi cặm cụi cắt củ cải, xu hào, cà rốt, tỉa thành hình hoa rất đẹp để làm dưa món . Bánh chưng mà ăn kèm với dưa món kiểu Huế của bà là tuyệt cú mèo .
Cơm tết của bà không bao giờ thiếu món thịt đông, dưa hành, cá thu kho. Bà còn nấu bóng nữa .Bóng của bà là bóng cá thứ thiệt chứ không phải “bóng bì dởm” họ giả làm bóng cá như bây giờ.

Súp vây cá của bà cũng vậy, phải là thứ vây cá hảo hạng. Tôi mê nhất là món mực khô xào với xu hào, cà rốt, món này bà làm rất công phu. Bà chọn những con khô mực thật ngon, rửa thật kỹ với nước gừng, ngâm cho mực mềm, lấy dao thật sắc thái chỉ những con mực khô cùng với xu hào, cà rốt, sau đó xào lên, rắc chút ngò và tiêu vào, thơm phức. Món măng khô hầm giò heo của bà cũng rất đặc biệt. Măng khô bà luộc tới 3 lần nước. Măng của bà ăn ngon như miếng thịt gà, giò heo bà luộc sơ lên với nước muối trước, sau đó bà mới nấu, thành miếng giò heo của bà ăn rất thơm ngon. Tất cả thức ăn ngày tết tự tay bà nấu nướng, bà không sai người làm. Mỗi lần bà nấu, tôi với chị người làm phải đứng bên cạnh. Chị người làm để bà sai vặt , còn tôi bà nói “muốn học nấu ăn phải đứng nhìn tận mắt mới nấu đúng cách được.”

Bà ngoại tôi quê ở Bắc Giang. Bà rất thông minh, đảm đang, làm ăn giầu có. Bà là người quyền lực nhất của đại gia đình.

Mẹ tôi thì ngược lại, bà là con cưng, ngay từ bé mẹ tôi đã hay đau ốm, cứ xuống bếp là mẹ tôi ho nên bà ngoại hết sức cưng chiều, không cho mẹ tôi làm gì hết. Do đó mẹ tôi không biết nấu nướng, cỗ bàn gì cả. Tất cả bí quyết nấu ăn bà ngoại truyền hết cho tôi, nhưng tôi lại hơi lười “hồi ở Việt Nam thôi , chứ từ ngày sang Mỹ , tôi làm việc như trâu mà không biết mệt” nên “ học” thì nhiều , mà “hành” thì ít. Bởi vậy nghệ thuật nấu nướng những món ăn cổ truyền ngày tết của người Bắc tôi cũng chả nhớ được bao nhiêu. Bà còn dậy tôi têm trầu cánh phượng và gọt thủy tiên, cách hãm thủy tiên sao cho hoa đừng nở sớm quá. Cái mục này đối với tôi công phu và cầu kỳ quá, tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ làm, nên tôi chỉ giả vờ chăm chú nghe cho khỏi bị la. Tội nghiệp bà ngoại, hết hơi dặn dò dậy bảo, trong khi “con cháu lười” của bà tuy vâng vâng, dạ dạ, làm bộ hiểu, nhưng thực ra đầu óc nó đang để tận đâu đâu.

Sau khi lập gia đình, bao nhiêu lần Tết đến ở Việt Nam, tôi đều cố gắng giữ truyền thống làm cơm ngày Tết kiểu của bà ngoại. Nhưng dĩ nhiên không được đặc biệt và đầy đủ lệ bộ như của bà. Nhưng cái không khí Tết thì gia đình nhỏ bé của tôi cũng rộn ràng, tưng bừng lắm. Những ngày gần Tết tôi lo đi mua hoa mai trước tiên. Tôi không khó tính phải là mai tứ quí, miễn là hoa và nụ thật nhiều là tôi rinh về.


Thay vì cầu kỳ đi chọn mua những củ Thủy tiên rồi về nhà ngồi kiên nhẫn gọt tỉa như bà ngoại. Tôi chọn mua mấy chậu hoa thược dược đủ màu và mấy chậu cúc đại đóa xếp thành hàng dài ở hành lang trước nhà. Dĩ nhiên không thể thiếu hai chậu quất trĩu quả vàng au. Tôi hài lòng khi thấy ngôi nhà rực rỡ hẳn lên. Mua hoa xong là đến mục đi mua quần áo mới cho các con. Dĩ nhiên tôi cũng mua ké cho mình một bộ. Mùng 1 Tết trẻ con phải mặc quần áo mới đi chúc tuổi ông bà Cố và bà ngoại để được tiền lì xì. Các món ăn ngày Tết bà ngoại dậy, tôi quên trước quên sau nên trước khi nấu thế nào tôi cũng phải hỏi lại bà cho chắc ăn, riêng cái khoản kiêng cữ ngày Tết tôi nhớ không sót một chi tiết nào.

Bà dặn cả nhà ,ngày mùng 1 Tết ai cũng phải vui cười, dù có điều gì phật ý cũng phải bỏ qua, nếu buồn bực là suốt năm sẽ phải buồn bực. Không ai được quét nhà hay đổ rác vì như vậy là quét và đổ hết tiền bạc đi.

Những năm đầu đón Tết trên đất Mỹ tôi đã không còn kiêng cữ được như lời bà ngoại dặn. Ngày mùng 1 Tết tôi cũng vẫn đi làm, vào giờ nghỉ ăn Lunch tôi vừa ăn vừa nhớ những ngày Tết ở quê nhà, nhớ ông bà ngoại tôi đã qua đời, nhớ mẹ tôi lúc đó còn kẹt lại Việt Nam và nước mắt cứ mặc sức tuôn ra không sao ngăn lại được. Không biết có phải vì tôi cứ khóc vào ngày mùng 1 Tết hoài nên những năm đầu sống trên đất Mỹ lúc nào tôi cũng thấy buồn, thấy tủi đến rơi nước mắt và luôn tiếc nhớ những ngày sống ở quê hương.

Ngày Tết vui nhất của tôi là đúng 10 năm sau ngày phải rời bỏ Việt Nam thân yêu, năm đó mẹ tôi mới qua được Mỹ xum họp với gia đình. Tết đầu tiên căn nhà tôi ở có được không khí vui vẻ của ngày Tết và từ tết đó tôi lại bắt đầu “nói theo giọng chế riễu của ông chồng tôi” dở cái trò kiêng cữ ngày mùng 1 Tết. Thấm thoát đã 45 lần đón Tết trên đất Mỹ. Mẹ tôi đã gần trăm tuổi , mẹ đã lẫn nên chẳng còn tỉnh táo để hỏi tôi như mẹ vẫn thường hỏi mỗi lần Tết đến “Bao giờ mẹ con mình mới được trở về sống ở Việt Nam ?” Tôi vẫn trả lời cho mẹ vui và hy vọng “có thể vài năm nữa thôi mẹ”.

Trả lời mẹ xong tôi quay vội đi để tránh ánh mắt thật buồn của mẹ và câu nói nghe thật nát lòng “biết mẹ còn sống được tới ngày đó không?”
Mẹ ơi con thật có lỗi, con đã nói dối mẹ. Tối hôm đó tôi đã xúc động làm bài thơ “Mỗi độ Xuân về”,


Anh hỏi em mỗi độ Xuân về trên đất Mỹ
Em có bao giờ nghĩ đến Việt Nam không?
Có chứ anh, em vẫn thường tự hỏi
Những cội mai vàng có còn nở đầy bông
Chợ Tết Sài Gòn có còn đông như trước?
Chợ Hoa đường Nguyễn Huệ,
tài tử giai nhân có còn dập dìu chen chân bước?
như những ngày đất nước mình còn hai chữ tự do
Làm sao em quên được khi lúc nào mẹ cũng âu lo
Nghĩ đến những người thân còn kẹt lại
Tối ngày mẹ cứ thở ngắn , thở dài
Hỏi mãi hỏi hoài
Bao giờ mình mới được về sống ở Việt Nam?
Biết trả lời sao mẹ yêu dấu của con
Khi con biết ngày về còn xa lắm
Có một điều con biết là chắc chắn
Mẹ sẽ phải gửi nắm xương tàn trên đất của người ta.
Nhìn mắt mẹ buồn em cảm thấy xót xa
Em biết mẹ đang nhớ quê nhà nhiều lắm
Mẹ vẫn nói mẹ nhớ nhất cây hoa mai vàng thắm
Trước ngõ nhà ta mỗi độ xuân về ...

Xuân Viễn Xứ - Thơ Hồng Thủy Nhạc Nguyễn Ánh 9

Hồng Thủy

 

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2025

Thầm Gọi Tên

 

Đường về đất Vĩnh xa xăm
Mai vàng rực rỡ gọi thầm tên em
Dạt dào thầm kín khêu đèn
Gió đêm trở giấc hương quen mộng về


Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Thế Kỷ Xuân

 

Nửa thế kỷ xuân đã xa
Nửa đời xuân sắc can qua phai tàn
Nửa trời quên lãng ngổn ngang
Nửa phương tìm ánh trăng vàng hắt hiu

Nửa hồn phách bước liêu xiêu
Nửa thân gục ngã tiêu điều xác xơ
Nửa lần tìm bóng trăng mơ
Nửa ôm hụt hẫng vật vờ xuân tan

Nửa thế kỷ xuân về ngang
Nửa đời sương phụ muộn màng hương xưa
Nửa đêm bóng tối song thưa
Nửa ngày tia nắng cũng vừa chạm nhau

Nửa hồi ức cũ còn sao?
Nửa hai phương ghép xuân nào còn đây
Nửa tâm sự cạn chén say
Nửa xuân thế kỷ vị cay càng nồng!

Kim Oanh
Xuân Ất Tỵ 2025

Chúc Mừng Người Cũ Vui Xuân Mới

 

HỶ tín năm nay được an lành 
THANH bình trên khắp cõi nhân sinh
HẠNH duyên đan kết tình thêm chặt
MIÊN viễn ngàn hoa nét đẹp xinh
MAI nở rộn ràng khoe sắc thắm
OANH vàng vang tiếng hót mừng xuân
ĐẰNG xa đã biết người quen cũ
TÂM ý giao hòa vô tự kinh.

PS. Hoa Đào khắp nước chỉ màu hồng và màu đỏ, duy chỉ ngoại thành Thăng Long mới có Bích Đào. Vua Quang Trung truyền hệ thống dịch trạm khẩn cấp tốc hành đem cành Bích Đào về Phú Xuân tặng Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân để thưởng Xuân. Trên đường tốc hành xuôi Nam, đoàn vận sứ Thăng Long gặp đoàn vận sứ Phú Xuân mang cành Hoàng Mai tuyệt đẹp của Làng Kim Long ra Thăng Long để mừng tin thắng trận.
Hoa Đào nở, hoa Mai cùng nở
Hậu phương vui, tiền tuyến càng vui.
Do vậy, xin tặng quý hiền hữu bốn vần thơ mừng Xuân.

NGỌC ngà nhẹ gót vu quy
HÂN hoan duyên kết phụng nghi cung đình
CÔNG lao chàng ngút sử xanh
CHÚA công nương tử thanh lành Đào Mai.

Sadhu, sadhu, sadhu!

Trần Việt Long

LK Cám Ơn( Ngân Khánh) & Mùa Xuân Của Mẹ( Trịnh Lâm Ngân) - Song Ca: Trần Văn Phú & Kim Oanh (Canada)

 Em gái Kim Oanh ơi ơi…
Tết sắp đến rồi, hôm nay chi xin gửi một liên khúc nhac Xuân mới góp mặt vào vườn thơ Long Hồ xin đuợc mời cả nhà mình thưởng thức trong những ngày Xuân nha!

Thân mến chúc song Kim dễ thương của xứ Úc và gia đình sang năm mới luôn dồi dào sức khỏe, an khang hạnh phúc và vạn sự cát tường nhé!
Phùng Kim Oanh (Canada)


Sáng Tác: Ngân Khánh - Trịnh Lâm Ngân
Trình Bày: Trần Văn Phú & Kim Oanh (Canada)

Chúc Tết



(Hoạ vận thơ NmDuoi)

Tết Tỵ đến rồi chúc bạn ta
Tân niên phước lộc thọ nhiều đa
Đầu năm mừng tuổi Cha và Mẹ
Mùng một tạ ơn Ông với Bà
Bốn chậu hoa xuân bày trước cửa
Một mâm ngũ quả chưng trong nhà
Đình làng mở hội dân tề tựu
Cầu nguyện cho mưa thuận gió hoà

Vinh Hồ

Ngày 15/1/2025

Giao Thừa Xứ Lạnh



Đêm Giao Thừa ơ xứ Trời. Tây
Tuyết trắng khắp phủ đó đây
Khói lửa năm xưa còn vang vọng
Dân lành đói rách vẫn còn đây
Giàu sang lắm của tiền vung vải
Thiếu thốn người nghèo lắm nợ vay
Thuở trước rừng vàng với bạc bể
Bây giờ xơ xác lỗi ai đây


Văn Ngọc
Giao thừa 2024-2025


Nhớ Tết Tết Thương

 
(Ảnh của Tác Giả)

Nay tết buồn thêm hay bớt vui
Ngày qua sao ngậm đêm tới ngùi
Không trăng răng cắn môi mai trắng
Gối tuyết chăn sương gió ngược xuôi

Mắt mỏi gót mòn dư lệ đá
Mây ngủ khói vùi hết hồn thơ
Sóng bạc đầu trần ai tiên cá
Sắc không bóng gió biết đâu ngờ

Chiều xuống buồn lên bàng hoàng hôn
Cỏ hoa ngày cũ bướm xuân khôn
Lời ngon tiếng ngọt chưa bay bổng
Vỏ ốc kề tai qua cầu hồn

Tết nhớ tết thương thân thích tết
Dành trọn cười vui cho người nhà
Bể sầu giấu kín cho ta hết
Tâm hương cha mẹ lễ ông bà...

MD.02/10/18
LuânTâm

Mừng Xuân

  
 
Thu Đông khứ Xuân lai,
Vườn Xuân mai nở chào.
Nụ tầm xuân xanh ngát,
Trổ chồi non nỏn nà.

Bầu trời mây trắng trong,
Tiếng chim muôn thảnh thót.
Bình minh giấc mơ vàng,
Hôm trước tặng cành mai.

Tâm lòng em hé mở,
Thẹn thùng đón Xuân vào.
Anh đến mang mùa Xuân,
Tim rung động rộn ràng.

Thở hơi Xuân trong gió,
Ôi mùa Xuân tuyệt vời.
Mừng nàng Xuân ghé chào,
Tết an khang hạnh phúc.

Xuân đến hoa đua nở,
Muôn thú vui đón mừng.
Thảnh thót tiếng đàn ca,
Ngân vang theo trong gió.

Nhân sinh lòng sảng khoái,
Tinh thần thoải mái hơn.
Sinh hoạt thêm hăng hái,
Cho mùa Xuân mới này.

Lê Huy Trứ

Những Mùa Xuân Kỷ Niệm


Đó là những mùa Xuân ở trại tị nạn.
Tôi đã có bốn cái Tết trong trại Panatnikhom và Sikiew, Thailand.

Tết đầu tiên thật nhiều kỷ niệm và bất ngờ, vì lúc đó chúng tôi vừa nhập trại trong khi còn hơn một tuần nữa là Tết. Tôi và ba cô bạn đi chung chưa kịp gửi thư cho thân nhân ở nước ngoài để ca bài ca “xin tiền”. Ai lo bận bịu đón Tết thì lo, còn chúng tôi thì lo đi mượn tiền để mua vài vật dụng cần thiết như tấm trải nhựa, tre nứa, dây nilon để làm “nhà” (phải “an cư” mới “lập nghiệp” tỵ nạn được chớ!).

Khoảng một tuần trước Tết, có một nhóm mấy thanh niên đến thăm vì nghe nói chúng tôi là dân Gò Vấp, nên muốn nhận “đồng hương đồng khói”. Họ là những người trẻ như chúng tôi, nên câu chuyện mau chóng trở nên thân mật và rôm rả:
- Mấy em ở vùng nào?
- Dạ, gần chợ Xóm Mới ạ! Còn các anh?
- Mấy anh thì ở khu chợ Gò Vấp, kéo dài trên đường Lê Quang Định.

Ôi, nếu còn ở Việt Nam, thì Xóm Mới và khu Lê Quang Định cách xa nhau, như kẻ đầu sông người cuối sông, có khi cả đời cũng chẳng gặp nhau, nhưng vì nơi đây trên xứ người, lại mang thân phận tỵ nạn, nên bỗng dưng “tình mến thương” dạt dào. Nhìn mặt mũi chúng tôi còn “ngơ ngác nai vàng” và bộ dạng xốc xếch như mới chui ra từ vùng kinh tế mới, nên các anh động lòng trắc ẩn, nổi máu “Lục Vân Tiên”:
-Thôi, hãy cứ vui hưởng đời t
 nạn trước đã! Buổi chiều giao thừa mời các em đến nhà đón Tết, có món chè đậu xanh và bánh chiên.

Chúng tôi sung sướng nhận lời, ít ra cũng có “độ” như mọi người xung quanh. Vài ngày sau, tôi gặp lại Thầy giáo xóm cũ ở Việt Nam. Thầy chẳng dạy tôi ngày nào nhưng là hàng xóm và là bạn đánh cờ tướng với ba tôi. Thầy mừng rỡ hỏi thăm chuyện chòm xóm và trước khi ra về cũng không quên mời chúng tôi đến nhà Thầy 8 giờ tối giao thừa ăn chè đậu đỏ và đậu phộng da cá chiên bơ. Chúng tôi lại sung sướng nhận lời, vì tiệc của mấy anh đồng hương là 5 giờ chiều, nên vẫn còn thời gian để “chạy sô” qua nhà ông Thầy giáo.

Vậy mà vẫn chưa hết, chỉ hai ngày trước Tết, một cô bạn trong nhóm tôi tình cờ gặp lại bạn tù vượt biên ngày xưa khi chúng tôi đang xếp hàng chờ lãnh nước. Qua vài câu trao đổi, thấy chúng tôi còn bơ vơ chưa có tiền tiếp tế, người bạn này cũng mời chúng tôi ăn chè đậu đen và bánh ngọt đêm giao thừa lúc 10 giờ tối. Lần này thì chúng tôi không còn… sung sướng nữa, đành phải gật đầu, mà trong lòng đã bắt đầu bội thực... chè. Kể từ ngày đó, chúng tôi không dám đi lang thang trong trại, vì sợ gặp người quen mời ăn... chè thì làm sao dám từ chối?!

Sau đêm giao thừa chạy ba “sô” để ăn chè đậu xanh, chè đậu đỏ, và chè đậu đen, chúng tôi ngán chè đến tận mấy tháng trời. Chẳng lẽ câu “ớn chè đậu” là do chúng tôi phát minh ra!?
Tôi cũng chẳng ngờ người Việt mình vẫn mang theo những phong tục tập quán quê hương. Đêm giao thừa, nhiều người vẫn chưng hoa quả, nhang khói ngay trước cửa nhà như bàn thiên tại Việt Nam. Sáng mồng một, tôi và mấy cô bạn còn đang ngủ nướng sau một đêm ăn chè liên tục, đã nghe tiếng người xôn xao đi chúc Tết, nên cũng vội vã trở dậy, sắp xếp lại chỗ ở cho gọn gàng để xuất hành đầu năm.
Chúng tôi dự tính đi lang thang một vòng trại rồi về nhà ăn mì gói với thịt hộp, và ngôi Chùa sát bên khu nhà được chúng tôi thăm viếng đầu tiên. Người ta ra vào tấp nập, khói hương ngào ngạt, chúng tôi được Thầy trụ trì tươi cười tiếp đón có lẽ vì bộ dạng “nhà nghèo” với bộ quần áo Cao Ủy, khác với áo quần tươm tất của những người khác. Sau vài câu thăm hỏi, biết rõ chúng tôi là “ma mới” nhập trại, Thầy đứng lên, rồi bảo:
-          Các con chờ đây, Thầy có chút quà cho mấy đứa.


Chúng tôi liếc mắt nhìn nhau với ánh mắt rạng ngời hy vọng, chứa chan niềm vui. Tết nhứt chắc Thầy sẽ lì xì chứ còn gì nữa! Ôi, thế là chúng tôi có thể dẹp mấy gói mì gói để ra chợ ăn hủ tíu, nghĩ tới mà bụng reo liên hồi vì thèm. Hoặc ít ra Thầy sẽ cho chúng tôi thức ăn, mấy dĩa xôi và mấy dĩa bánh tét nhưn chuối ngoài bàn thờ kia cũng hấp dẫn vô cùng. Lát sau Thầy quay trở lại, trao cho chúng tôi một túi ni lông kha khá ... nặng, tôi bẽn lẽn hỏi Thầy:
- Cái gì ở trỏng vậy Thầy?
- Là tem thư, phong bì, giấy, bút... chứ còn gì nữa. Tụi con mới vừa nhập trại chưa liên lạc được với gia đình mà!?
Chúng tôi cười méo xẹo, lí nhí cám ơn, nhưng hình như Thầy hiểu được nỗi “khát khao” của chúng tôi nên cười mỉm chi:
- Chút nữa sau giờ Ngọ, Chùa có đãi cơm chay cho phật tử, các con nhớ ở lại dùng bữa tân niên với nhà Chùa nghen.
Chúng tôi lại nhìn nhau, vui mừng. Một bữa cơm chay, có thể không đậm đà bằng tô hủ tíu ngoài chợ, nhưng chắc chắn là ngon hơn mì gói.
Vậy đó, cái Tết đầu tiên tại trại tỵ nạn của tôi thắm đượm tình người với nhau khi khó khăn bỡ ngỡ .

Ba cái Tết sau đó thì tôi đã trở thành một người tỵ nạn thực sự với kinh nghiệm Tết đầy mình. Người Việt nổi tiếng cần cù và thông minh, nhất là trong cái khó ló cái khôn, nên Tết đến cũng tìm ra được vài hương vị quê mình dù đang lạc loài nơi trại tỵ nạn. Từ đầu tháng Chạp, trời Thailand cũng se lạnh, nắng hanh vàng và gió Xuân mát rượi vào những buổi sáng. Chẳng biết ai mách bảo với người Thái, mà lúc này ra chợ đã thấy hàng hóa phong phú hơn ngày thường: dưa hấu, trái cây, hoa tươi, đậu xanh, nếp, măng, củ hành, dừa khô làm mứt và các sạp thịt, bò, gà, cá tôm cũng nhiều thêm nên hầu như nhà nào cũng có nồi thịt kho trứng và hành muối.

Chiều hăm ba đưa Ông Táo, đã nghe người ta bảo nhau đi mua bánh chưng, bánh tét, tôi cũng đi dạo ngay một vòng làm cuộc “phỏng vấn bỏ túi”. Ở một điểm nấu bánh tét, kẻ gói bánh, người buộc dây, rồi đặt vào nồi, chộn rộn tiếng cười nói. Tôi hỏi chị chủ nhà:

- Gạo, thịt, đậu xanh thì mua ở chợ. Còn lá chuối, củi lửa, nồi bự chị mua ở đâu?
- Cưng ơi, có tiền mua tiên cũng được, chị nhờ người Thái ra ngoài mua gì chẳng có.

Rồi chị dẫn tôi ra mảnh đất kế bên lô nhà, ở đó mấy thanh niên đang hì hục đào một lỗ sâu khoảng ba gang tay, đặt mấy cục gạch ống xung quanh, là nơi để nấu bánh tét đêm nay, khung cảnh tưng bừng, ấm áp, làm vơi đi nỗi lòng những người con xa quê.

Ngoài món mứt dừa đi đâu cũng thấy các bà các cô ngồi bên chảo trổ tài khéo, có chị còn làm món hiếm như mứt gừng dẻo thái sợi, mứt tắc, mứt cà chua, tôi đi một vòng hỏi thăm đều được mời ăn thử cũng đã thấy no bụng.

Sau màn bánh tét và mứt, người ta rủ nhau tìm các cành cây khô đem về nhà, cắt hoa mai bằng giấy vàng, nhụy đỏ, lưa thưa lá xanh, dán lên cây, điểm thêm vài tấm thiệp màu mè, là có ngay một cành mai, dù là bằng giấy, nhưng vẫn “rực rỡ mùa Xuân” như thường.

Hai câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, vậy mà cũng gần đủ trong trại tỵ nạn. Này nhé, nồi thịt kho trứng, hành muối thì hầu như ai cũng có, bánh chưng bánh tét đã nấu xong, chỉ việc… mua về. Câu đối thì sao? Xin vào Chùa hay Nhà Thờ, sẽ thấy ngay hai hàng câu đối đỏ viết theo lối thư pháp mới, bay bướm như rồng bay phượng múa được đặt uy nghi trang trọng hai bên bàn thờ.

Và các bạn có tin không, đêm giao thừa cũng có pháo. Tuy không nhiều, nhưng đã có người mua được bên ngoài đem vào trại. Giao thừa năm ấy, tôi vừa đi lễ nhà thờ về, đã có mấy người bạn làm chung ghé qua, mang theo một dây pháo chuột làm quà mừng tuổi. Khi đồng hồ chỉ 12 giờ đêm, chúng tôi châm ngòi đốt pháo, rồi lác đác nghe vài tiếng pháo vọng lại, xen lẫn tiếng đập, gõ nồi niêu xoong chảo thay cho tiếng pháo, rồi tiếng cười nói, chúc tụng nhau giữa những bữa liên hoan đón phút giao mùa làm cho đêm Xuân trên xứ người bớt nỗi quạnh hiu.

Mỗi sáng mồng một, chúng tôi luôn có chương trình “xuất hành đầu năm”, đi chúc Tết những người thân quen, bạn làm chung, lũ học trò nhỏ. Đến đâu cũng được mời ăn uống, dù chỉ là miếng bánh, ly trà, nhưng những câu chuyện luôn rôm rả, đầy lạc quan cho một ngày không xa trên quê hương thứ hai.

Khắp nơi trong trại, thiên hạ đi qua lại cũng đủ vui. Chùa và Nhà Thờ là hai nơi nhộn nhịp nhất, ngoài các buổi lễ tôn giáo, còn có đầy đủ các phong tục ngày Tết như lắc xăm bên Chùa và bên khuôn viên Nhà Thờ có các gian hàng vui chơi ngày Tết do đội Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách.

Khi trời xẩm tối, các khu nhà trong trại, dưới ánh đèn dầu hoặc ánh đèn điện xài bình accquy, đây đó là những nhóm người tụ tập ăn uống mừng Xuân, chơi đánh bài, và bỗng vang lên tiếng đàn guitar thùng bập bùng điệu bolero da diết, với giọng ca nam trầm ấm, đầy tâm sự:

Ôi nhớ Xuân nào thuở trời yên vui - Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi …”, buồn muốn khóc.

Nói đến khóc, tôi cũng phải nhắc đến những giọt nước mắt của những đứa con xa quê mẹ trong những ngày Tết. Ngay trong nhóm chúng tôi, một cô bạn mới sáng mồng một của Tết đầu tiên đã ngồi khóc sụt sùi nức nở, đòi về Việt Nam ăn Tết với… Má! (cái này thì ai chiều cho nổi?). Các bà các cô ở gần sợ xui vội chạy qua dỗ dành, vừa năn nỉ vừa răn đe mới xong. Khi đi chúc Tết người này người kia, đôi khi thấy ai đó cặp mắt đỏ hoe, sưng vù, khỏi cần hỏi cũng biết đêm qua khóc vì nhớ pháo giao thừa, nhớ gia đình thân thương.

Rồi thì ba ngày Tết cũng trôi qua, không đầy đủ hương sắc như ở quê nhà, nhưng đó là những cái Tết “đặc biệt” trong lòng mỗi người Việt đã từng sống qua đời trại tỵ nạn.

Cuộc sống mới trên quê hương thứ hai, có đôi lần tôi nằm mơ thấy được trở lại trại tỵ nạn một buổi sáng mùa Xuân, đang theo dòng người rộn ràng đi chợ sắm Tết. Có một người đứng chờ tôi bên cây me già nơi ven đường, trước sân trường học ESL. Người ấy đã ngại ngùng, bối rối trao tặng tôi mấy đóa hồng đàm tiếu còn đẫm những hạt sương long lanh. Ôi, Xuân của đất trời đẹp xinh, và Xuân trong lòng tôi cũng lâng lâng, quá đỗi ngọt ngào như đôi mắt của người trao hoa.

Những mùa xuân đời vẫn đến rồi đi, nhưng những mùa xuân êm ái như xuân tỵ nạn Thailand của tôi (và của các bạn, ở một trại tỵ nạn nào đó), dù không quay trở lại, cũng sẽ sống mãi trong ký ức của chúng ta khi mỗi độ Xuân về.

Edmonton, Xuân Ất Tỵ 2025

Kim Loan

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2025

Đầu Xuân Cầu Cho Gia Đình - Sáng Tác: Phanxicô, Tiếng Hát: Lý Hoàng Kim – Thủy Tiên – Bích Hà


Sáng Tác: Phanxicô
Tiếng Hát: Lý Hoàng Kim – Thủy Tiên – Bích Hà

Chúc Xuân

 

Đầu Xuân năm Ất Tỵ
Nào ta cùng nâng ly
Nhấp một ngụm Whisky
Chúc gia đình hoan hỉ
Sức khỏe được như ý
Không cần sâm Cao Ly
Tìm được bạn tri kỷ
Tình yêu luôn bền bỉ
Có con cháu hủ hỉ
Vợ chồng son hiệp ý
Có cu tý (cái mà ) …cu tý

Việc làm lương hậu hỉ
Tiền vô toàn đô Mỹ
Tiền Việt thì bạc tỷ
Chủ thương bạn bè quý
Đau ốm hết tức thì
Nghèo khó bỏ ta đi

Nguyện năm nay Ất Tỵ
Quẳng đi gánh sầu bi
Bớt so đo ganh tỵ
Buông được tánh ích kỷ
Không ngó cao mộng mị
Ít tính toán chi ly
Chẳng ảo vọng cầu kỳ
Dẹp bỏ tánh sân si
Thêm được tánh từ bi
Năm mới đạt thiện Mỹ
Nào nâng ly cụng ly
Tân Xuân… cung hỉ cái mà cung hỉ

Kim Trúc 
Tết Ất Tỵ 2025

Mừng Xuân Mới

  
Đêm trừ tịch. Buồn! Giở từng trang nhật ký
như đối gương tìm lại tuổi xuân thì
Thẹn lòng khi qua lứa cổ lai hy
vẫn lạc bước, loay hoay ngoài mấy cõi.

Cõi nào vang từng âm cuồng sóng gọi
của quê nhà sau oan nghiệt thê lương?
Đã bao năm lạc vào cõi mù sương
nhìn thế sự đảo điên thời mạt vận!

Đã đành phải lưu vong vì định phận
vẫn không cam lòng chia cách quan san
Từ viễn phương dõi theo bóng mây ngàn
mang Xuân thắm về nhuộm màu nắng ấm.

Không lẽ đời mãi xuôi dòng xa thẳm
khi bôn ba tận chớp bể mưa nguồn?!
Đến bao giờ lại thấy bóng cô thôn
ngập hương lúa hòa hương lòng phơi phới?

Bước mòn mỏi trên đường xa vời vợi
mà hẹn lần, hẹn lựa một ngày mai
Ngày bình minh rạng rỡ xóa đêm dài
trong tiếng pháo rộn ràng mừng xuân mới!

Đã 50 năm! Xuân đời ơi... Hãy đợi
một mùa hoa rộn rã khúc hoan ca
Đoán mãn khai cùng nắng ấm chan hòa
sẽ tô thắm quê hương ngày hạnh ngộ!

Huy Văn

Cung Chúc Tân Xuân - Thịnh Nguyễn

 
Thân chúc các anh chị và gia đình năm mới dồi dào súc khỏe, vạn sự như ý.
Nguyễn V. Thịnh và gia đình

Thịnh Nguyễn

Vọng Xuân - Đêm 30 Nhớ Mẹ

 

Cánh nhạn mai đào tạo nét Xuân
Tâm tư rộn khúc nhạc mừng Xuân
Quê nhà phố cũ Xuân còn thắm?
Đất nước làng xưa cảnh có Xuân?
Mấy thuở Xuân về lan vị Tết?
Bao lần Tết đến đẫm hương Xuân?
Hoa Xuân Ất Tỵ vờn trong nắng
Biệt xứ tha phương vọng tưởng Xuân...

Belgique một ngày đầu năm 2025
Tuyết Phan
 

Đêm 30 Nhớ Mẹ

Đêm 30 ở quê nhà,đì đùng tiếng pháo gọi chào Xuân sang.Mẹ ngồi bên bếp lửa hồng,trông nồi bánh tét cúng ông cúng bà...

Em thì ăn củ khoai lang, Mẹ vừa nướng chín ngon lành cho em.Đêm 30 ở quê nhà,nhớ nồi bánh tét Mẹ vừa nấu xong...

Mùi thơm như sữa Mẹ hiền,ấm lòng như những vần thơ dịu dàng.Mẹ đem hương vị mùa Xuân, gói trong chiếc bánh chưng xanh mặn tình...

Giờ đây con ở quê người, nhớ thương về Mẹ bùi ngùi cõi tâm.Mẹ hiền là cả mùa Xuân, mang bao hương vị ngọt ngào cho con...Mẹ hiền vĩnh biệt cõi trần...Từ đây Xuân cũng rời xa con rồi...

Tuyết Phan
Belgique Đêm 30 nhớ Mẹ
Tháng Chạp 2024

Xuân Ly Hương - Xuân Cách Biệt


Xuân Ly Hương

Đây khách ly hương vạn dặm trường
Quê nhà cách trở nhớ thương thương
Mùa xuân mường tượng qua dư ảnh
Lối cũ thềm xưa chạnh vấn vương

Hương cốm ngây ngây ửng má đào
Hồn xuân dào dạt nắng xôn xao
Nụ hồng trao gửi mong chi nữa
Lần lựa qua rồi giậu chắn thưa

Người ấy quên chưa xuân đã về
Loan kề má tựa nhớ chi nhau
Khổ đau ôm trọn riêng mình biết
Lòng khách ly hương cách biệt lời.

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Xuân Cách Biệt


Non nước giờ đây cách dặm trường
Lòng ta cứ mãi nhớ nhớ thương
Làm sao quên được mùa Xuân cũ
Trọn cõi lòng ta mãi vấn vương!

Nhớ ai ngày dó má ửng đào
Trộm nhìn lòng dạ thật xôn xao
Nay đời ly xứ mong chi nữa
Chỉ cảnh đông tàn lạnh gió thưa!

Biết chứ giờ đây xuân đã về
Thương nhau tha thiết má vai kề
Niềm đau đâu để ai riêng biệt
Muốn tỏ cùng ai đã nghẹn lời!

Hàn Thiên Lương

Xuân Về với Mai Vàng Xứ Mỹ và Mai Vàng Xứ Việt

Hoa Mai Xứ Việt chưng trong nhà Ba Má Suong Lam ngày Tết

Đây là bài số bảy trăm bốn mươi sáu (746) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ ORTB.

Mỗi lần Xuân về Tết đến là tôi lại nhớ đến Ba Tôi nhiều hơn khi nhìn hình ảnh hoa mai vàng rực rỡ chào đón Xuân sang, tôi lại nhớ Ba tôi nhiều hơn vì Ba tôi rất yêu hoa mai.
Năm nào nhà ba má tôi cũng có một bình hoa mai chưng Tết dù là trong những năm sau cuộc đổi đời nhà tôi không còn khá giả như xưa. Và từ đó tôi cũng yêu màu vàng của hoa mai giống như Ba tôi.

Khi định cư ở Portland, Oregon, trong một dịp tình cờ đi ngang qua nhà một nguời bạn vào tháng Ba mùa Xuân, trái tim tình cảm của tôi xúc động khi thấy bụi hoa vàng của hoa Forsythia nở đẹp ở sân trước vườn nhà của người hàng xóm nhà bạn tôi. Thế là tôi tìm mua ngay một cây hoa Forsythia này về trồng ở sân trước vườn nhà tôi và tôi đặt tên cho hoa Forsythia này là Hoa Mai Xứ Mỹ để nhớ về Hoa Mai Xứ Việt mà Ba tôi ưa thích.

Mời Bạn cùng tôi tìm hiểu về Hoa Mai Xứ Mỹ Forsythia này nhé.

 

Mai Vàng Xứ Mỹ


Hoa Forsythia được đặt tên để vinh danh ông William Forsyth (1737-1804), người Scotland, một nhà thực vật học, người chủ quản  phụ trách chăm sóc vườn thượng uyển của  hoàng gia Anh Quốc và cũng là hội viên  sáng lập của  Royal Horticultural Society.

 

 Đây là loại hoa có màu vàng rực rát đẹp, có 4 cánh nhọn, mọc thành chùm liên kết nhau  trên  mỗi cành cây.  Cây hoa có thể cao từ 1 đến 3 mét. Ở Mỹ hoa Forsythia thường nở vào tháng Ba báo hiệu mùa Xuân đế. Hoa có thể sản xuất loại đường lactose. Hoa có thể mọc ở các nước Á Châu:  Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn.

 

 Người viết thường cắt cành hoa Forsythia vào chưng Tết để thay cho mai vàng ở quê nhà.  Phu quân của người viết đã cắt cành hoa 11 ngày trước Tết, cắm vào nước ấm, thì hoa sẽ nở đúng vào ngày Tết.Trong những ngày hội Tết do Cộng Đồng Việt Nam Oregon tổ chức hằng năm trước đây, chúng tôi đã cắt một vài cành hoa Forsynthia ở vườn nhà đem vào bán gây quỹ cho Hội Cao Niên cùng với hoa đào của vườn nhà bác Kiên. Thật là vui!

 

Theo một tài liệu khác mà người viết sưu tầm được thì hoa Forsythia còn được gọi là Liên Kiều được mô tả như sau:

 

Liên Kiều

Tên khoa học:

Forsythia suspensa Vahl. Họ Nhài (Oleaceae).

 

Mô Tả:

Cây cao 2-4m. Cành non hình gần như 4 cạnh, có nhiều đốt, giữa các đốt ruột rỗng, bì không rõ. Lá đơn, phiến lá hình trứng, dài 3-4cm, rộng 2-4cm, mép có răng cưa không đều. Cuống lá dài 1-2cm. Lá thường mọc đối. Hoa màu vàng tươi, tràng hình ống, trên xẻ thành 4 thùy, đài cũng hình ống, trên cũng xẻ thành 4 thùy, 2 nhị, nhị thấp hơn tràng. Một nhụy 2 đầu nhụy. Quả khô hình trứng, dẹt, dài 1,5-2cm, rộng 0,5-1cm, 2 bên có cạnh lồi, đầu nhọn. Khi chín mở ra như mỏ chim, phía dưới có cuống hoặc  chỉ còn sẹo. Vỏ ngoài màu vàng nâu nhạt, trong quả có nhiều hạt nhưng phần lớn rơi vãi đi, chỉ còn sót lại 1 ít:

Đa số nhập của Trung Quốc.

 

 Vị thuốc Liên Kiều  có thể dùng để chữa nhiều bệnh.

Tác dụng:

+ Thông lợi ngũ lâm, tiểu tiện bất thông, trừ nhiệt ở Tâm (Dược Tính Luận).

+Thanh nhiệt, giải độc, giải phong nhiệt ở biểu (Trung Dược Học).

+Thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, tan mủ (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Chủ trị: Trị ôn nhiệt, đơn độc, ban chẩn, ung nhọt thủng độc, lao hạch, tiểu bí, tiểu buốt (Trung Dược Đại Từ Điển).

Kiêng kỵ:

+ Chỉ mát mà không bổ, bệnh ung nhọt đã vỡ mủ thì không dùng. Hỏa nhiệt thuộc hư cũng kiêng dùng. Tỳ Vị hư yếu, phân lỏng: cẩn thận đừng dùng (Dược Phẩm Vậng Yếu).

+ Người thuộc âm hư nội nhiệt và ung nhọt đã vỡ: không dùng  (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Tỳ hư, tiêu chảy: không dùng (Trung Dược Học).

+ Sốt kèm khí hư: không dùng (Trung Dược Học).

+ Mụn nhọt thể âm, mụn nhọt đã lở loét: không dùng (Trung Dược Học).

Liều dùng: 12 – 20g.

( Nguồn: Trích trong thaythuoccuaban.com)

 

Năm nào cũng vậy, nhà tôi phải có một một cành mai do ba tôi tự đi mua về chưng trong nhà để đón Tết.  Sau này ba tôi già yếu lắm nên không thể tự đi chọn cành mai được nữa, cô em gái thứ hai của tôi phải khuân về nhà chậu hoa mai từ vườn nhà của cô đem về chưng trong nhà để ba tôi ngắm hoa maì vui tuổi già. Mỗi lần Xuân về Tết đến, nhìn hoa mai vàng là tôi lại nhớ đến ba tôi và ngày Xuân sum họp gia đình vui vẻ ngày xưa. Và vì thế, khi sang Mỹ tôi đã trồng cây hoa Forsythia  ở sân trước nhà tôi có màu hoa vàng như hoa mai Việt Nam là thế đó.

 

 Một lý do khác, khi còn là một cô thiếu nữ, tôi mơ ước có được một mái nhà nho nhỏ với “hoa vàng trước ngõ, khóm trúc sau hiên” có vẻ lãng mạn trữ tình cho mái ấm gia đình của mình. Mơ ước đó được diễn đạt qua bài thơ “Nếu Anh muốn là người yêu của Em” mà tôi đã viết từ mấy chục năm về trước:

 

Nếu Anh muốn là người yêu của em,
Không cần anh có xe hơi, nhà lầu, biệt thự...
Em chỉ mơ một mái nhà nho nhỏ
Với hoa vàng trước ngõ, khóm trúc bên hiên
Em chỉ mơ hai đứa chúng mình
Cùng nhau ngắm trăng lên hoa nở ...

 

Nếu Anh muốn là người yêu của em ,
Không cần anh có những vần thơ như
Xuân Diệu, Nguyên Sa hay Nguyễn Bính
Nhưng ... anh phải biết làm thơ ...
Để tặng em
Vì em thích làm thơ và chép thơ
Trên những trang giấy màu hồng đầy tình cảm
Và em sẽ ... làm thơ tặng anh
Chúng mình sẽ cùng ngâm bài thơ "Đôi ta"
Nhưng ... anh không được mê say nàng Thơ
Vì ...vì....em sẽ ghen !!!

  (Thơ Sương Lam)

 

Ai mà không có những mơ ước, nhất là lúc tuổi học trò ngây thơ vụng dại, phải không bạn?
Nhưng không phải mơ ước nào cũng trở thành hiện thực được vì cũng phải tùy duyên, bạn ạ.
May mắn thay, mơ ước của người viết đã trở thành “The dream comes true” dù chỉ là một nửa và đã phải đợi hơn cả mấy chục năm sau mới đủ thiện duyên phát triển thành hiện thực nơi xứ người.
Trong hiện tại, người viết đã có được “hoa vàng trước ngõ” ở sân trước và “khóm trúc bên hiên” ở vườn sau, nhưng phu quân của người viết lại không biết làm …thơ!
Mời xem youtube Hoa Vàng Trước Ngõ do tôi thực hiện giới thiệu Hoa Mai Xú Mỹ Forsythia:

Bây giờ chúng ta tìm hiểu về Hoa Mai Xứ Việt nhé.

Tôi thích sưu tầm tài liệu về Hoa Mai Xứ Việt đem về đây chia sẻ với bạn hữu đọc cho vui ba ngày Tết. Tài liệu về hoa mai rất phong phú nên tôi chỉ giới thiệu một vài nét đặc biệt về Hoa Mai Xứ Việt mà thôi Mời Bạn cùng đọc với tôi nhé.

 

Mai Vàng Xứ Việt


Nguồn gốc của hoa mai

Cây mai có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo sách “Trân hương bảo ngự” của Phí Cung Ấn, đời Minh chép rằng: “Đắc Kỷ ái lãm hàn mai, Trụ tằng ngự tuyết đồng lãm chi”. Nghĩa là Đắc Kỷ thích ngắm hoa mai trong giá lạnh. Trụ vương thường đội tuyết cùng ngấm. Như vậy, cách đây đã hơn 3000 năm, cây mai đã có mặt trên đất nước Trung Quốc.Người Trung Quốc vốn nặng tình với mai từ lâu lắm và xem Mai, Tùng, Cúc thuộc nhóm “Tuế tàn tam hữu”. Ý nói chịu được tuyết lạnh chẳng khác bật trượng phu khí tiết vững vàng, chịu được mọi nghịch cảnh và không bao giờ khuất phục bạo quyền.

Người Trung Quốc vốn nặng tình với mai từ lâu lắm và xem Mai, Tùng, Cúc thuộc nhóm “Tuế tàn tam hữu”. Ý nói chịu được tuyết lạnh chẳng khác bật trượng phu khí tiết vững vàng, chịu được mọi nghịch cảnh và không bao giờ khuất phục bạo quyền.

Mai có xuất xứ từ cây hoang dại, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới.

Yêu mai, người Trung Quốc xem hoa mai là quốc hoa, cũng như hoa đào là quốc hoa của người Nhật, có lẽ vì vậy mà họ đặt tên cho mai khá cầu kỳ. theo sách “Mai phổ” thì loại hoa mai có sáu cánh tròn đẹp như hoa thuỷ tiên nên gọi là “Thủy tiên mai”, hoa có từng cặp gọi là “Uyên ương mai”, gọi hoa màu đỏ hồng gọi là “Yên chi mai”, mai có đài hoa màu xanh đậm gọi là “Lục ngạc mai” rồi “Hạc đình mai”…nhưng tựu chung cũng nằm trong 4 loại chính: Bạch mai: Sắc trắng như tuyết; Hồng mai: Sắc hồng như máu; Thanh mai: Sắc vàng tươi hay vàng đậm; còn có Mặc mai: màu đen hay tím đen (loại này không thấy trồng phổ biến).

Mai có xuất xứ từ cây hoang dại, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới, đặc biệt với khí hậu miền Nam. Cây mai sinh trưởng và phát triển mạnh, có tuổi thọ cao và nếu được chăm sóc chu đáo sẽ cho hoa nhiều và có màu sắc đẹp. Cây mai mỗi năm rụng lá một lần vào cuối mùa Đông (tháng 1 – tháng 2 Dương lịch) và nở hoa vào đầu mùa Xuân, chỉ riêng mai Tứ Qúy là nở hoa quanh năm.

Đã từ lâu hoa mai đã được mọi người chiêm ngưỡng, tượng trưng cho những gì đẹp đẽ thanh tao. Mỗi khi hoa mai nở rộ là mỗi lúc lòng người hớn hở nao nao, là dấu hiệu mùa xuân đang về. Hoa mai và ngày xuân là một biểu tượng không thể thiếu cho phần lớn các sắc dân cư ngụ trong vùng Á Châu. Khi nói đến ngày xuân, người ta liên tưởng đến ngày đầu năm, thật vậy, ngày Tết Nguyên Đán mà thiếu vắng bóng dáng hoa mai là một điều thiếu sót lớn mà mọi người trong chúng ta đều mặc nhiên công nhận. Đã từ lâu hoa mai đã đóng một vai trò quan trọng trong văn học Á Đông, đó là nguồn cảm hứng của biết bao danh nhân.

Ý nghĩa của hoa mai

Miền Bắc có hoà đào thì miền Nam có hoa mai. Màu vàng của hoa mai từ lâu được xem là màu tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Người ta chưng hoa mai vào dịp Tết với mong muốn một năm mới phát tài, giàu sang. Theo quan niệm của nhiều người, nhà nào có hoa mai nở càng nhiều cánh thì nhà đ Hoa mai tượng trưng cho phẩm đức nhẫn nại và đức hy sinh cao cả, sự bền bỉ của người Việt Nam.

Cây mai có rễ cắm sâu vào lòng đất, không bị gục ngã trước gió bão. Nó cũng có thể chịu đựng được mọi loại thời tiết, kể cả khắc nghiệt. Bởi vậy mà mai còn tượng trưng cho phẩm đức nhẫn nại và đức hy sinh cao cả, sự bền bỉ của người Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, mai còn là biểu tượng cho sự cao thượng, quyền quý.
Những đóa mai vàng nở rộ trong tiết xuân còn cho thấy niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc, tình yêu thương, tinh thần đoàn kết và gắn bó mọi người lại với nhau.
Vậy là bây giờ bạn đã hiểu được ý nghĩa của hoa mai và hoa đào trong ngày Tết rồi đấy. Chúc bạn có một cái tết thật vui và đầm ấm bên gia đình.

Phân loại các loại hoa mai tại Việt Nam

Cách phân loại 1

Trên thế giới có hơn 20 loại mai khác nhau. Riêng tại Việt Nam, có khoảng 8 loại, gồm: Bạch Mai, Hồng Mai, Hoàng Mai, Nhất Chi Mai, Mai Tứ Quý, Mai Chiếu Thủy, Song Mai.

Ở Việt Nam có 8 loại hoa mai.

·       Song mai: Hoa màu trắng muốt, ra hoa và kết trái từng đôi nên được gọi là song mai.

·       Mai mơ: Còn gọi là Hạnh mai, thông tục gọi là cây mơ. Tên khoa học là Prunes Mume (Armeniaca Mume), xếp vào họ Rosaceae, có khoảng 300 loại. Cây mai mơ cao từ 6 – 9m, lá rộng tròn và dài, đầu nhọn, có răng cưa. Hoa nở vào đầu xuân, sau đó mới nẩy lá, đài hoa đỏ tía hoặc xanh thẫm, hoa thường có 5 cánh với hai sắc: trắng và hồng. Hoa mai mơ sắc trắng còn được gọi là Lục Ngạc Mai. Hoa kết thành quả, quả khi chưa chín có màu xanh, khi quả chín có màu vàng. Trái có vị chua ngọt, mùi thơm phảng phất rất lâu.

Tại miền Nam, vì thuộc khí hậu nhiệt đới và gần đường xích đạo hơn so với miền Bắc, ngày Tết luôn rơi vào lúc thời tiết nóng, nên ta có thể tìm thấy các loại mai như mai Chiếu Thủy, Nhất chi mai, mai Tứ Quý, Bạch mai, Hoàng mai, Nam mai và một loại mới, đó là mai trắng Miến Điện.

·       Mai chiếu thủy: Cây mai chiếu thủy là loài cây đa niên có tên khoa học là Wrightia Religiosa, cao khoảng 1,5m. Lá dài, nhỏ, mọc thành đôi. Hoa nhỏ 5 cánh, mọc thành chùm nhỏ li ti, màu trắng tuyền, có mùi thơm dịu dàng, dễ chịu. Cuống hoa dưới luôn luôn hướng xuống đất nên được gọi là mai Chiếu Thủy.

·       Nhất chi mai: hoa màu trắng pha hồng, thường gặp ở miền Nam. Cây nhất chi mai có gốc to xù xì, thân gỗ đen bóng. Lá nhỏ, có màu xanh non, phần đầu nhọn nhìn giống hình mũi mác. Hoa nhất chi mai nhỏ hơn so với các loại khác gồm nhiều cánh mỏng, ban đầu có màu trắng, đến gần khi hoa tàn thì chuyển dần sang màu đỏ. Hoa có thể mọc bông đơn hoặc thành chùm.

·       Mai tứ quý: là loại mai có 5 cánh màu vàng tươi, tên khoa học là Ochna Astropurpur. Hoa không nhiều, nhưng tự trổ, không cần trảy lá trước. Loài hoa này được coi là một loại mai kiểng. Vì loài hoa này nở quanh năm, mùa nào cùng có thể trổ hoa nên còn được gọi là mai Tứ Quý. Ngoài ra còn có tên gọi khác là “Mai đỏ”, nguyên do chính là khi hoa tàn 5 cánh hoa vàng rụng hết và 5 đài hoa bên dưới liền biến thành đỏ sẫm. Các đài hoa thay vì xòe ra như trước khi tàn, lại úp vào ôm lấy nhụy, trông như đóa hoa búp vậy. Nhụy hoa bên trong kết hạt, từ màu xanh khi còn non đổi sang màu đen lúc già, to dần, đẩy 5 đài hoa lại nở bung ra lần thứ hai như một đóa hoa mai màu đỏ, chính vì lẽ đó mà mai Tứ Quý còn được gọi là Nhị Độ mai (hoa nở 2 lần, trước vàng, sau đỏ).

·       Bạch mai: cây cao 15m, hoa có mùi thơm dễ chiu như mai Chiếu Thủy. Hoa bạch mai có dáng như hoa sứ, màu trắng trong tượng trưng cho sự tinh khiết, có từ 6 đến 8 cánh tròn lớn, dày, nhụy vàng, có mùi thơm thoang thoảng hòa lẫn sương đêm, thuộc loại hoa hiếm. Mai trắng rất yếu, khó chăm sóc và nuôi dưỡng. Có nhiều ở vùng núi Bà Đen – Tây Ninh, hay ở Bến Tre, Hà Tiên.


Bạch mai.

·       Nam mai: là một loại mai trắng có rất nhiều ở vùng “Nam kỳ lục tỉnh”, đó chính là cây Mù U. Cây mù u có tên khoa học là Ochrocarpus samensis,thuộc họ Guttiferae (măng cụt). Cây mù u thân mộc, lá mù u to bản, dày, kích thước bằng bàn tay người lớn. Trái mù u tròn, to cỡ ngón chân cái, không ăn được. Hột mù u ép làm dầu thắp đèn (nhiều khói, ít sáng). Hoa mù u 5 cánh trắng và to như hoa Bạch mai.

·       Hoàng mai: mai vàng, còn được gọi là Lạp mai. Lạp là sáp ong, được ví với màu vàng tươi nhuận của hoa mai. Còn hiểu cách khác thì Lạp nguyệt là tháng chạp, vậy Lạp mai là loài hoa mai chỉ nở một lần trong năm vào cuối tháng chạp (tháng 12 âm lịch). Tại Việt Nam, nơi có nhiều mai vàng nhất là trong những khu rừng thuộc dãy Trường Sơn, thuộc các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Khánh Hòa. Rừng ở các tỉnh cao nguyên cũng có, nhưng ít hơn.

·       Hồng mai: Tên khoa học của cây Hồng mai là Jatropha pandurifolia thuộc cây thân gỗ, chiều cao chỉ khoảng 1 – 4cm. Lá cây màu xanh thẫm, mọc đơn lẻ và xẻ thùy. Hoa hồng mai 5 cánh, màu hồng xinh và nhị hoa vàng tươi. Hoa mọc thành cụm ở các đầu nhánh và nở rải rác quanh năm chứ không chỉ vào mùa xuân. Quả của hồng mai khi chín thì có màu nâu đen.


Mai vàng.

·       Mai vàng mọc trên rừng còn gọi là “Mai núi”. Mai núi do phải chen tìm đất sống với những cây khác ở địa thế khắc nghiệt trong cuộc sinh tồn nên dáng cây có vẻ đẹp đặc biệt. Hoa lại có nhiều cánh. Có hoa có từ 12 đến 18 cánh.

·        

·       Một loại mai vàng khác mọc ở triền cát, rừng ven biển được gọi là “Mai Động”. Dáng cây mai động suông, tròn, hoa ra chi chít, cánh nhỏ. Các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình, Quảng Trị đổ vào, kéo dài đến tận đồng Nai, Tây Ninh, nơi nào cũng có mai vàng.

(Nguồn: sưu tầm trên internet) 

 

Kính chúc quý bạn hữu nhiều sức khỏe và an lạc để đón chào Xuân Ất Tỵ 2025

Chúc Mừng Năm Mới



Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 746- ORTB 1177-1-22-2025)