Tháng tám. Anh lặng tìm đọc lại tin em. Trong ký ức ố vàng năm tháng. Kỷ niệm đếm ngược từng trang. Nỗi nhớ len ngang hơi thở. Nỗi buồn buổi hẹn hò dang dở. Một chiều, dạo phố cổ cùng nhau.
Saigon mưa chiều nay thoảng nhẹ. Tiếng lá rơi luợn vòng rất khẽ. Trong ngỡ ngàng hạ đã đi qua. Lặng thầm một cơn gió lạ. Em gửi theo cơn chiều cuối hạ. Nhắc ta là.. Hà Nội…đã vào thu.
Gửi E…
“Tôi đi tìm một nửa của riêng tôi “ Tìm mãi.. cho đến giờ. May mắn sao. Đã thấy. Cảm ơn Chúa, đã gọi tình yêu em thức dậy. Em là điều diệu kỳ. Người mang đến cho tôi..
Chàng thanh niên hai mươi lăm tuổi, con nhà giàu có nhưng không thích sống chung với Cha Mẹ nơi phố phường.Chàng tìm đến một miền quê hẻo lánh cạnh sườn đồi ,cùng các nông dân cuốc bẩm cày sâu sống qua ngày.
Sáng sáng ,được nghe tiếng suối reo, tiếng chim hót. Chàng cảm thấy khoan khoái lạ thường. Chàng xuất khẩu thành thơ:
NayTa bỏ phố về rừng
Ngồi bên khe suối
Thấy mình thảnh thơi
Sáng nghe chim hót
Chiều ngắm hoàng hôn
Những đêm trăng sáng
Phong cảnh tuyệt vời
Quên hết sự đời
Trăng sao là bạn
Cỏ cây là nhà
Ta đã xa lánh phồn hoa
An bần lạc đạo
Vô vàn an nhiên
Chiều chiều,chàng rong chơi bên sườn đồi ,nhìn chim bay về tổ ,ngắm mặt trời lặn ,chàng nhớ câu hát ngày xưa Mẹ chàng thường hát:
Chim bay về núi tối rồi
Anh không toan liệu còn ngồi chi đây!?
Và chàng cũng nhớ câu thơ của ai đó:
" Ta đi qua -đồi cao quá đỗi
"Ta đi về -đồi quá đỗi cao
"Ta nhìn đồi -đồi nhìn ta
"Ta thân quạnh quẽ -đồi già cô đơn!!"
Rồi chàng lại nhớ Ngộ Đạt Quốc Sư ngày xưa .....
Đang suy nghĩ vẩn vơ thì có tiếng chuông từ đồi cao vọng lại.Chàng nhớ ra hôm nay là ngày rằm tháng bảy-Lễ Vu Lan Báo Hiếu-Chàng vội lên đồi để vào chùa đốt nhang niệm Phật nguyện cầu cho cửu huyền thất tổ được siêu sanh tịnh độ.
Buổi lễ chấm dút ,Phật tử ra về ,chỉ còn một vị Sư trẻ.chàng bước tới chắp tay ,cúi đầu đảnh lễ.Vị Sư trẻ nhận ra chàng là người bạn thân thời niên thiếu,học chung lớp chung trường.Hai người ôm nhau mừng rỡ .Vị Sư mời chàng ra sân ,cùng nhau ngồi bên bàn đá cạnh gốc Đa già -hàng huyên tâm sự. Chàng hỏi:
-Ban đi tu từ lúc nào và vì sao phải đi tu?
-Tôi đi tu từ năm mười tuổi.Tôi đi tu vì tôi thích đi tu -Thế thôi!-
-Tôi nghĩ bạn có căn tu từ kiếp trước
Vị Sư hỏi:
- Bạn con nhà giàu sao không ở thị thành cùng kinh doanh với Cha Mẹ bạn?
-Phố phường ồn ào quá .Tô yêu thiên nhiên ,cỏ cây hoa lá...Tôi thích nơi yên tịnh để đọc sách ,làm thơ .Tôi đang nghiên cứu về Phật pháp.
Vị Sư hỏi:
-Bạn đã xuất bản tập thơ nào chưa?
-Thơ tôi làm chỉ để tôi đọc -Thơ tôi là thơ con cóc-
-Thơ con cóc mới thật là thơ -là thơ thiền đó bạn-
-Cảm ơn bạn
-Bạn có thể cho tôi nghe một bài thơ "Con cóc" của bạn??
-Vâng ạ.
Thầy Ở Nơi Mô
Kính dâng hương linh thầy Bùi Đình Nhận
Xưa,
thầy dạy toán
Mất nước
thầy tính toán làm ăn
tậu xe than-chạy đường Vũng Tàu Bà Rịa
tìm đường vượt biển vượt biên
Xưa
phấn trắng bảng đen
ngồi gần các thầy cô-nước hoa thơm phức-
Nay
ngồi chung với heo gà ,cứt đái tanh hôi
Ôi! cuộc đổi đời sao mà oan nghiệt!!??
Khỉ vượn làm người
những thằng quốc trì -ta cũng vâng vâng dạ dạ
Xưa
xe hư -đem ra tiệm sửa
nay ,
phải ngửa lưng giữa đường hì hục sửa xe
trưa hè nóng bỏng
phỏng lưng cháy trán
Khách hàng thì than vản:
lẹ dùm cho -kẻo cá ươn cá thối-
ta dạ dạ vâng vâng
Thầy ơi
ngày vợ em đau
thầy cho em một trăm bạc
giúp em qua cơn hoạn nạn
Đến thăm thầy
chiếc xe than còn đó
thầy đi biền biệt phương nào?
Thầy đã vượt biển vượt biên??
Thầy ơi
Bây chừ thầy ở nơi mô??
Vị Sư khen bài thơ hay lắm và hỏi tiếp:
-Vậy bạn muốn xuất gia không??
-Để tôi suy nghĩ
Hai người hàn huyên khá lâu, sương khuya đã xuống,ướt đẫm hai vai. Chàng cáo từ.
Hai tuần sau chàng chào tạm biệt bà con lối xóm và lên Chùa Xin Xuất Gia.
1. Sài Gòn vui vẻ, xuề xòa. Dù Nam-Trung- Bắc cũng bà con thôi. 2. Sài Gòn đông đúc những người. Tìm nơi muốn đến, ông Trời chịu thua. May nhờ có bảng dựng kia. Đọc rồi tìm tới, “ ra dìa” (a) cám ơn. 3. Sài Gòn không thích thiệt-hơn. Bắt tay “xong nhé” , giận hờn bỏ qua. 4. Sài Gòn gái đẹp như hoa. Không kênh kiệu lắm, mặn mà, dễ thương. Sài Gòn trai giống Tây Phương. Lịch sự, tháo vát, lại thường không khoe. 5. Sài Gòn ăn uống khỏi chê. Món Nam-Trung- Bắc tụ về ở đây. Bún bò, chả cá, cơm Tây. Bánh mì, cơm tấm, cơm chay tuyệt vời. 6. Sài Gòn sáng-tối đông vui. Phố mười giờ tối mà người vẫn đông. Tây ba-lô, Mỹ ung dung. Tận hưởng cái thú lòng vòng chơi đêm. 7. Sài Gòn “quá đã” (b) công viên. Tao Đàn bóng mát là miền vui chơi. 8. Sài Gòn vốn dĩ thương người. “Trà đá miễn phí kính mời bà con.” 9. Sài Gòn biết nói “cám ơn”. Một câu lễ độ đẹp hơn bạc vàng. 10. Sài Gòn kính trọng tài năng. Giống như nước Mỹ, mảnh bằng tính sau. Sài Gòn cơ hội làm giàu. Của người tài giỏi, nhịp cầu tiến thân. Sài Gòn “Hòn Ngọc Viễn Đông” Thế giới tìm tới, hết lòng ngợi ca. Đào Văn Bình (California ngày 8/12/2013)
(*) Nhân bài viết “Sài Gòn có 10 điều dễ thương” của một người sinh ở Hà Nội nhưng thích sống ở Sài Gòn của tạp chí Guu. (a) Ra về (nói theo giọng Nam ngày xưa) (b) Thích quá
Tờ lịch ghi ngày cuối Hạ vừa rớt xuống, mùa thu bắt đầu. Hoa Thịnh Đốn đón thu bằng một ngày mưa thu.
Mưa Thu lành lạnh, thoảng từng cơn gió nhẹ, rơi từng sợi nhỏ nhưng rả rích, suốt ngày rồi lại cả đêm. Trời thu không nắng, buồn lắm, mây thu đã bạc lại bạc thêm, tụ thành một màu xám nhạt, không tiếng Chim, không bóng Sóc, im ắng lạ thường. Thược Dược vườn sau, có phải hợp tiết trời không mà còn bung lớn. Hoa và ngọn cây với những tán lá chớm vàng chớm đỏ nhưng vắng chùm nắng toả nên không lung linh chẳng lấp lánh.
Đêm Thu, mưa tuy nhẹ nhưng nghe mồn một từng giọt từng giọt tí tách bên hiên, gợi buồn, gợi nhớ về kỷ niệm, làm thao thức cả đêm.
Nhớ bạn ấu thơ, bạn buổi hoang đàng, nhớ cố nhân, nhớ như in từng kỷ niệm những ngày xa xưa ấy.
Nhắm mắt, cố tìm giấc ngủ, vẫn không sao ngủ được, bật dậy, viết xong bài thơ mới chìm vào giấc điệp.
Đây là bài số sáu trăm tám mươi (680) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.
Người viết có nhiều bạn vì cái tánh ưa cười và cái tánh thích xã giao rộng rãi của tôi.
Khi còn ở Việt Nam, tôi đã làm ở Bộ Xã Hội 8 năm sau khi ra trường QGHC năm 1967 và phụ trách việc cứu trợ nạn nhân chiến cuộc nên tôi có dịp gặp gỡ và tiếp xúc nhiều người.
Qua đến xứ Mỹ tôi không tiếp tục làm công chức được nữa mà lại làm việc trong ngành giáo dục nên tôi lại có cơ hội tiếp xúc với học trò, với phụ huynh học sinh, với đồng nghiệp trong 20 năm trời nên các "chủng tử giao tế nhân sự" của tôi vẫn có cơ hội phát triển mạnh.
Tôi lại thích sinh hoạt cộng đồng, làm việc xã hội nên lại có thêm bạn thật, bạn ảo trong đời sống.
Tôi lại hay "tía lia" thăm hỏi người này, hỏi han người khác nên tôi có nhiều bạn là thế đấy, khác hẳn phu quân của tôi là mẫu người ít nói, trầm tĩnh nên ít có bạn. Bạn cuả tôi là bạn của chàng.
Đúng là "luật bù trừ" của tạo hoá đã kết hợp chúng tôi nên duyên chồng vợ. Chúng tôi cũng biết nhường nhịn nhau, hoà hợp sống chung hòa bình với nhau hơn 50 năm rồi, chứ không phải như những người trẻ thế hệ sau này, dầu đang sống ở hải ngoại hay ở Việt Nam, dễ dàng xa nhau nếu có sự bất đồng ý kiến trong cuộc sống.
Một phần khác, tôi cũng tin rằng mỗi người có một phúc duyên khác nhau, nên tôi cũng có rất nhiều người bạn tốt giúp đỡ tôi một cách thiện nguyện trong nhiều lĩnh vực dù rằng chúng tôi chưa một lần thực sự gặp nhau ở ngoài đời.
Xin cảm ơn lòng tốt của quý anh chị em đã giúp tôi trong quá khứ, trong hiện tại và có thể trong tương lai nữa khi chúng ta có phúc duyên gặp gỡ. Người viết không thể nêu tên hết quý vị bạn tốt cả nam lẫn nữ này vì sợ thiếu sót tên vì nhiều người quá, nhưng quý bạn chắc cũng tự biết "mình là ai" rồi vì bạn đã giúp tôi. Smile!
Đặc biệt khi viết bài viết này, tôi lại nhận được một ảnh ghép rất đẹp với hình ảnh tôi mới chụp trong tháng 9-2023, đang cười duyên dáng với chữ Phúc ở dưới ảnh. Thật tình tôi không biết bạn ai đã thực hiện ảnh này và được đăng ngay trong tài khoản Photos Google của tôi.
Các nhân viên của dịch vụ Photos Google và Youtube Google cũng thường giúp đỡ người viết rất nhiều trong việc thực hiện hình ảnh đẹp và youtube. Xin đa tạ lòng tốt của quý vị.
Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường nghe nói đến bạn đạo, bạn tri âm, bạn tri kỷ, bạn sơ giao, bạn cố tri, bạn vàng, bạn đời, bạn đường, bạn lòng, bạn trăm năm, bạn vàng, bạn nối khố, bạn chiến đấu, bạn lý tưởng, bạn văn nghệ, bạn thơ văn, bạn đọc v..v..
Khi bạn cần một người để sưởi ấm trái tim tình cảm của mình, bạn thích “tìm bạn bốn phương” qua sự trung gian của báo chí, của các dịch vụ phụ trách việc kết bạn cho bạn với một lệ phí nho nhỏ.
Gần đây, nhờ sự phát triển của kỹ thuật điện toán, quý vị nào thích dạo trên mạng lưới toàn cầu để tìm bạn để đấu hót, để học hỏi, để chia sẻ tâm tình thì bạn sẽ có thêm những người “bạn ảo” trong cõi ảo “internet” mịt mù nữa. Bây giờ có nhiều người tham gia vào mạng lưới xã hội Facebook để kết thêm bạn, đa số là những người trẻ. Riêng người viết, thật là “nhà quê” vì không tham gia vào mạng lưới này. Tôi vẫn còn e ngại sẽ vướng bận thêm những điều phiền toái khác, mặc dầu đã được mời gọi tham gia nhiều lần.
Theo Thánh Kinh, Thượng Đế khi thấy ông Adam sống cô độc một mình buồn quá nên Ngài bèn lấy cái xương sườn của ông Adam mà tạo ra bà Eva để ông Adam có bạn chuyện trò cho vui.
Như vậy, có thể kết luận: Bạn là một thực thể rất cần thiết trong đời sống con người, phải không Bạn?
Mèn ơi, nói chuyện về Bạn thì đã có rất nhiều danh nhân trí giả đã để lại nhiều “lời hay ý đẹp” liên quan đến hai chữ “Tình Bạn” này.
Danh ngôn Đông Phương đã có những câu như sau:
“Tứ hải giai huynh đệ”
Khổng tử
“Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, người nịnh hót ta là kẻ hại ta”
Tuân Tử
“Có ba hạng bạn hữu ích: Bạn ngay thẳng, bạn thật thà, bạn học vấn uyên thâm”
Nho Giáo
“Không phải tất cả những người cười với anh đều là bạn, cũng không phải tất cả những người làm anh bực mình đều là kẻ thù của anh”
Ngạn ngữ Mông Cổ
Danh ngôn Tây Phương đã có những câu như sau:
“Hãy cho biết anh giao du với những ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào”
Cervantes
“Tôi yêu những gì đã cũ: bạn cố tri, thời gian xa xưa, nếp sống cũ, sách cũ, rượu lâu năm”
Goldsmith
“Tình bạn làm niềm vui tăng gấp đôi và nỗi khổ giảm đi một nửa”
Francis Bacon
“Cách duy nhất để giữ bạn bè là không bao giờ mắc nợ họ một tì gì và cũng chẳng bao giờ để họ mắc nợ mình một tí gì”.
Paul De Kock
Bây giờ, người viết xin mời bạn đọc hai câu chuyện cảm động rất ngắn dưới đây cũng khá hay hay về tình bạn và tình chồng vợ.
1-Chung riêng
Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn.
Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, Hai đứa ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên…
Uống chung một ly rượu mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rể còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta…
Nga Miên
2-Bàn tay
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu nay mình quá vô tình.
Nga Miên
Mấy ai trên đời tìm được người bạn tri kỷ tri âm như như Bá Nha Tử Kỳ qua câu chuyện dưới đây:
Bá Nha giỏi đàn. Chung Tử Kỳ thích nghe đàn. Mỗi khi Bá Nha đàn bản “Cao Sơn”, Tử Kỳ khen:
- Thật là hay! Vòi vọi hùng tráng như Thái Sơn chất ngất.
Khi Bá Nha tấu khúc “Lưu Thủy”,
Tử Kỳ khen:
- Hay lắm! Mênh mông trôi chảy như Trường Giang cuồn cuộn.
Một hôm Tử Kỳ lâm bệnh và qua đời. Bá Nha đến viếng tang, tiếc thương thảm thiết rồi cắt đứt dây đàn, không bao giờ đàn nữa.
- Từ đó hai tiếng “Đoạn huyền” (cắt đứt dây đàn) dùng để chỉ tri âm.
Bình:
“ Gặp trang kiếm khách nên trình kiếm
Không phải nhà thơ chớ nói thơ”
Thiền tổ Bồ Đề Đạt Ma chín năm ngó vách, Thiền sư Vô Ngôn Thông mấy năm ẩn mình, chính là đợi kẻ tri âm vậy.
(Nguồn: Thiền là gì? Biên soạn Giác Nguyên)
Người viết còn nhớ khi còn học tại trường nữ trung học Gia Long, tôi rất thích môn học Giảng Văn dạy về thơ văn cổ điển và hiện đại. Tôi rất thích những bài thơ của Nguyễn Khuyến viết về nhàn và bạn, đặc biệt là bài thơ Bạn Đến Chơi Nhà dưới đây thật là hiền hòa, đôn hậu. Mời Bạn cùng thưởng thức.
Bạn Đến Chơi Nhà
Đã bấy lâu nay bác tới nhà.
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.
Nguyễn Khuyến
Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi- MCTN 680-ORTB 1109-9202023)
Chợt thấy bay qua chiếc lá vàng Mới hay trời đã chớm thu sang Sương buông áo mỏng trăng mờ bóng Nắng trải tơ thưa liễu rũ hàng Một thoáng hương xưa buồn chất ngất Đôi dòng thơ cũ nhớ mang mang Bâng khuâng nghe gió chiều hiu hắt Tâm sự vơi đầy những ngổn ngang
Nghe bản nhạc “Wish you were here”, N lại nhớ đến mối tình lãng đãng, puppy love, chưa thể gọi là tình… trong trại tị nạn của mình.
Cách đây 6, 7 năm, N gửi bài viết này cho nhóm bạn Trưng Vương đọc. Một cô bạn TV email cho N bảo anh của cô ấy cũng học ở Taberd, hơn N và cô ấy 1 lớp, chắc thế nào cũng biết H. (nhân vật mà N viết trong truyện này). Nó gọi phone: "Mày cho tao biết tên của thằng bạn mày đi, dễ quá mà, tao sẽ tìm được ra “nó” ngay cho mày." N nói với MT là không muốn. N viết vì thích viết, viết để dành làm kỷ niệm chứ N không nghĩ là N muốn gặp lại làm gì. "Cái gì đã qua rồi hãy để cho nó qua." N nói với Tâm như thế....
Một chị bạn trong nhóm Vũng Tầu sau khi đọc, cũng đã gửi subject: "Tin quan chọng cho nữ sĩ Như Nguyệt!". Chị đã gửi link của trường trung học Taberd, đề nghị cách thức nếu N muốn tìm lại H thì phải làm sao..v..v..
*N có quá mâu thuẩn lắm không?! Trong bài viết N đã viết rằng... N mong H sẽ đọc được và biết đâu H sẽ tìm cách liên lạc với N. Bây giờ muốn bắt liên lạc lại với H dường như không khó lắm, không còn là 1 chuyện viễn vông như N nghĩ, N lại chối từ.
*Dù N đã khăng khăng nói MT là N không muốn nhờ nó giúp, từ chối ngoay ngoảy, vậy mà khoảng 1 tuần sau; MT cũng gửi cho N hình của mấy anh Taberd học cùng lớp với anh của nó. Mở ra xem, N hồi hộp quá! Vừa mới open file là thấy ngay hình của H., ngay chóc!!! H không thay đổi lắm. N nhìn tấm hình hoài. Có nghĩa nếu gặp H ở ngoài đường, N sẽ nhận ra ngay. Bồi hồi nhưng rồi N ... im rơ luôn, không trả lời cho M. Tâm luôn. Gặp lại, liên lạc lại để làm gì? Trước đó là bạn nhưng bây giờ có còn là bạn nữa không?! Hoàn cảnh thay đổi, con người thay đổi, tình cảm thay đổi. N thấy lòng không được ổn cho lắm nhưng sau đó thấy bình yên, ok trở lại. Chưa phải là tình yêu. Bâng khuâng để làm gì!!!??
Nếu rảnh, các anh chị đọc giải trí dăm ba phút nhé.
Làm thế nào em vá tim tôi vỡ?
--- Tôi quen anh chàng ở trại tị nạn Indiantown Gap, Pennsylvania, trong một dịp đi party đưa tiễn những người rời trại. Chàng lớn hơn tôi 1 tuổi, rời Việt Nam có 1 mình, bố mẹ và anh ruột là bác sĩ ở V.N. Sở dĩ tôi nhắc đến chi tiết này, vì biết đâu chàng có dịp đọc bài này và biết đâu chừng chàng sẽ tìm cách liên lạc với tôi. Biết đâu đấy, biết đâu tôi sẽ có cơ hội gặp lại một người bạn thuở xa xưa, hay ít nhất chúng tôi cũng sẽ gọi phone, nói chuyện với nhau.
H -tôi tạm gọi chàng là H- học ở trường Taberd. Ở H, tôi có dịp nhìn thấy tôi. Một người bạn khác phái, nhưng gần bằng tuổi nhau, lãng mạn như nhau, hiểu nhau rất dễ. Tôi thấy tôi hợp với H lắm. Cảm thấy gần gũi, thông cảm, rung động (1 tí xíu thôi) và thân thiết nhất trong những người bạn khác phái hồi còn ở trong refugee camp (trại tị nạn).
Năm 1975, con trai, đàn ông VN đi tị nạn rất là nhiều so với đàn bà, con gái thời đó. Vào trong trại là thấy ngay sự chênh lệch. Trong trại, cô nào coi được được là có rất nhiều người trồng cây si. Trại lính ở Pennsylvania có barrack đàng hoàng, có giường nệm hai tầng hoặc một tầng để ngủ. Người Mỹ sang lắm, nghe nói họ mướn nguyên một đội đầu bếp từ Mariott Hotel để nấu ăn cho người tị nạn.
Nhiều lúc ăn sáng, trưa hoặc tối trong nhà ăn (mess hall) khi tôi đi lên lấy sữa uống hoặc lấy thêm thức ăn, lúc về lại chỗ ngồi, tôi đã thấy có tình thư để sẵn. Thư tỏ tình, viết bằng văn xuôi, bằng thơ, ca dao, đủ hết… hay có, dở có, đôi khi tôi cũng chẳng hề biết tác giả là ai?! Ở trong trại đã có 4 người serious (nghiêm trọng) nói chuyện với bố mẹ tôi về chuyện cưới hỏi tui đó các bạn ạ. Bố mẹ họ nói chuyện hoặc nếu họ đi 1 mình như trường hợp ông chồng “tương lai” của N. khi đó, ổng gan lắm, ổng dám mời mẹ của N qua barrack của ổng để thủ thỉ nói là yêu thương N và muốn làm đám hỏi với N ngay từ trong trại!!! Thiệt là kỳ cục các bạn ui, tui đây thiệt là khó chịu và bực bội, tui còn nhỏ xíu à mờ họ cứ nói chiện làm đám hỏi, đám cưới, gã với xin!!!
Sau khi N làm phù dâu cho 1 chị bạn ở trong trại. Cô ruột của cô dâu làm mai cho N với 1 anh “già” hơn N nhiều, hơn N đến 8,9 tuổi là dược sĩ. Mẹ N hỏi ý của N, tức quá N bèn: “Bộ nuôi con tốn cơm lắm sao mẹ đòi gã con đi?”
Ấy... mà nhờ thế, nhờ được anh trưởng barrack (được bầu ra để lo cho cả barrack) “thương” nên N đã chẳng phải làm gì cả. Công tác vệ sinh dọn dẹp, lau chùi sạch sẻ cho barrack, anh trưởng trại đã thiên vị, không để tên của N vào danh sách. Số N đúng là số nhàn, sướng thiệt ha các bạn? Sở dĩ có chuyện ấy xẩy ra cho N lúc đó, chẳng phải vì N sắc nước hương trời gì đâu (í thế mờ tui cứ …tưởng bở, tưởng tui có …giá nhắm, delicious nhắm, hihiii..) mà vì do tâm lý của mấy anh độc thân lúc bấy giờ, mấy ảnh sợ rằng khi xuất trại sẽ không thể hoặc khó tìm được người đồng hương để lấy nên mấy ảnh cứ phải chạy theo sau tán tỉnh, bám theo để tỏ tình với mấy cô túi bụi, loạn xà ngầu!
Có những buổi sáng thức dậy thật sớm, N đã thấy ngay cửa sổ có để những đoá hoa hồng của 1 anh chàng đang trồng cây si nào đó? Hoa hồng hái trộm bên đường, chứ không phải mua mới là tình. Trong những người theo N, có anh C. , mà hơn hai năm sau trở thành chồng (hay là…một nạn nhân của tui đây? Hí hí). Ảnh đã chơi trò tâm lý, đưa thơ cho chị bạn của N (chị Kim Hoa) sau khi đi lễ ra. Chị KH lại đưa cái thơ đó cho cô em của N. Trong thơ anh C viết 1 câu.. ảnh hưởng đến cả cuộc đời của N: “Anh thề trước mặt Chúa, anh yêu N thật lòng….” làm cho N cảm động quá xá quà xa. Well, chuyện tình của anh C và N, N sẽ kể sau. Bây giờ, trở lại chuyện tình “puppy love” giữa N và H. nhé.
Puppy Love
Với tôi, H nhìn… có lý lắm, rất đẹp trai, khuôn mặt mắt mũi đều đặn, rất sáng sủa thông minh; chắc tại tôi thích anh chàng nên tôi thấy H chẳng có khuyết điểm gì hết, chẳng chê vào đâu được. Anh chàng rất bạo dạn, sau tiệc trà, tôi và cô em đang trên đường về thì H chạy theo, đi bên cạnh làm quen, bắt chuyện với tôi. H nói tiếng Bắc, giọng thật ngọt ngào và thật dễ thương. Có những buổi chiều tối, H. đến barrack tìm tôi, hai đứa ngồi ngoài “porch” gỗ nói chuyện đến khuya lắc khuya lơ. Ở gần ngay chỗ chúng tôi ngồi có những cụm hoa hồng dại (gọi là hoa hồng tỉ muội hoặc hoa tường vi thì phải?). Những đóa hoa nho nhỏ xinh xinh nở rộ, tỏa ra một mùi thơm ngạt ngào nức mũi. Chúng tôi hay nhìn ra khoảng không gian trước mặt, núi đồi bao la hùng vĩ. Chúng tôi nói chuyện với nhau mê mãi, đôi khi từ lúc bầu trời đang hoàng hôn rực rỡ ngã qua mầu tím thẫm cho đến khi cả bầu trời đổi sang mầu xanh đen trong vắt, điểm lấp lánh vạn vạn ánh sao trời. Những ngày có trăng -trăng ở Pennsylvania lớn, to hơn trăng ở Việt Nam mình- ánh trăng như mê hoặc, như muốn thôi miên hai đứa chúng tôi, H. bảo nhìn trăng đẹp như thế chắc nhiều người có cảm hứng để làm thơ. Chúng tôi gặp nhau đều đặn; hai, ba, bốn ngày một tuần, từ khi cây xanh lá mùa hè tươi thắm -ở rặng núi xa xa- đến khi cây lá chuyển sang mầu cam, vàng, nâu, tím…. thu ảm đạm.
Bố mẹ tôi tỏ vẻ không bằng lòng, không thích tôi mang tiếng đàn đúm; nói chuyện với … trai khuya khoắc, cho nên sau này, cứ khoảng 9:00 tối là tôi đành phải chào tạm biệt H, hai đứa chúc nhau ngủ ngon, đôi khi H cứ ngần ngừ, đang nói chuyện với nhau vui, anh chàng không thể hiểu được tại sao tôi lại quy tắc đến như thế, tại sao tôi lại phải đi ngủ sớm như thế nhưng H. chẳng bao giờ thèm hỏi lý do và tôi cũng chẳng bao giờ giải thích.
H lúc nào cũng tỏ vẻ ta đây già dặn hơn tôi, tính tình hơi tự phụ, hơi ta đây. H mới chưa đầy 17 tuổi, còn nhỏ, nên chưa.. . biết đời là gì, chắc tưởng mình… ngon lắm! Tôi lúc đó chắc cũng … giống như chàng ta mà thôi, cho nên thay vì không ưa, tôi lại rất thích cái kiêu kiêu của H. Tôi thấy “cái tính kiêu hãnh” đó, nó dễ thương và quyến rũ làm sao.
Rời khỏi Việt Nam; tôi hay buồn bã, thấy nhớ quê hương yêu dấu, nhớ bạn bè. Ở một nơi chốn hoàn toàn xa lạ, tôi bị hụt hẫng, mất mát nên khi quen H , có được một người bạn tâm đầu ý hợp như H, tôi vui lắm. Có những lúc H lại barrack tôi chơi, gặp một vài anh bạn khác hoặc bạn gái của tôi đang có mặt ở đó, H không thèm ở lại nói chuyện với mọi người mà lạnh lùng bỏ đi về (những lúc đó tôi thấy H rất…. khó ưa! chẳng thèm hòa đồng vui vẻ với các bạn của tôi gì hết). Ngoài việc đó ra, hai đứa tôi rất hợp “gu”. Tôi thấy tôi được cảm thông. Tôi cảm thấy H rất hiểu tôi. Tôi thoải mái kể đủ mọi chuyện cho H nghe, về bạn bè tôi, nỗi nhớ nhà và những kỷ niệm xa xưa thời còn bé. Hai đứa tôi nói chuyện đủ đề tài, bàn luận về thơ, nhạc và những quyển sách đã đọc qua (làm như là “intellectual” lắm vậy đó ). H và tôi nói hoài không hết chuyện. Thời gian trôi qua thật nhanh những lúc chúng tôi ở cạnh bên nhau. Tôi thấy vui quá chừng chừng! Có nhiều hôm tôi thấy mình mong cho chiều đến để tôi được gặp H sớm hơn.
Quen nhau hơn 5 tháng thì H từ giã để ra đi. Buổi tối trước khi đi, H ghé đến barrack chào tôi. Cặp mắt H thật buồn. H đưa cho tôi một quyển thơ H viết tay do H làm (tôi ngạc nhiên lắm vì không bao giờ ngờ H cũng biết làm thơ). H nhìn tôi lần chót thật lâu, ánh mắt nhìn lạ lắm làm tôi cảm thấy hơi ngượng ngượng. Chúng tôi chưa bao giờ đụng chạm nhau. Khi đó, lúc chia tay nhau, H cũng chỉ đứng đó nhìn tôi. Không một cái nắm tay, không bắt tay nhau, không ôm nhau, chẳng biết “hug” nhau từ giã!
Tôi nói: “Sáng mai N. sẽ dậy sớm đi tiễn H”.
H. bảo tôi: “H. mong lắm! Rất mong gặp N sáng mai, N chịu khó thức dậy sớm được không? -ngập ngừng một chút- nhưng H không nghĩ là N sẽ dậy sớm, sẽ tiễn H đi đâu!” H rành tôi…. 6 câu! Tôi không đi thật.
Tôi đọc những bài thơ, những đoạn thơ của H làm; thấy cảm xúc vô cùng, thấy tim mình đập mạnh hơn, loạn xà ngầu, hồi hộp. Anh chàng của tôi quả thật biết yêu sớm và tâm hồn quá là ướt át! N trích ra 2 bài thơ của H làm nha:
Bé đã đến tháng ngày êm ả nhất
Mang trong hồn những nụ xứ tinh anh
Anh đứng gọi từng môi cười chất ngất
Từng sợi buồn lây lất ở chung quanh
Bé đã đến áo mây trời bay lạc
Có bàn tay vẫy gọi bước chân người
Có tình yêu làm thơm ngát bờ môi
Có khói nhớ thả lên trời - sợi biếc
Bé đã đến trên tay đời tưởng tiếc
Mà thời gian bay mãi đến vô cùng
Anh yêu bé một tình yêu thánh thiện
Đã dệt đời anh xanh ước mơ
Dẫu trăm năm tình có phai đi hết
Bé vẫn về trong anh dáng nai hiền
*****
Cũng như một buổi chiều
Tôi đưa em (về) dưới mưa
Mặt trời đã chết, và
Mùa hè nay đã hết
Một thời nay đã qua
Cho cuộc tình trôi mau
Để cuộc đời thương đau
Khỏi xót xa khôn cùng
Sẽ có một buổi chiều
Như buổi chiều hôm nay
Mưa buồn che phố vắng
Lòng nhớ em quá đỗi
Mai ta xa ta em rồi
Khi cây xanh thay lá
Cùng em, mùa thu đến
Cho mãi mình mất nhau
Ngàn đời….
(bài thơ này, H làm trong một tờ giấy được xé rời ra, kẹp trong trang chót. Có lẽ H làm bài thơ này trước khi đưa quyển thơ cho tôi)
***Mặc dù không tiễn H. nhưng nhiều năm sau; tôi có nghĩ, tưởng tượng ra cảnh nếu tôi dậy sớm đi gặp H lần chót, tiễn H đi:
Tiễn Anh
(ca sĩ: Kana Ngọc Thúy, nhạc: Lê Quốc Thắng)
Sáng sớm lạnh bước chân đi bỗng nặng
Buổi chia tay mây ủ rũ mây buồn
Sáng sớm khói sương mây buông mờ ảo
Phút giây này nhớ nhé, vẫn còn nhau
Tiễn anh đi tránh nhìn vào đôi mắt
Đôi mắt anh như muốn nói vạn lời
Tiễn anh đi, mất tình bạn một thời
Em dám nào hứa hẹn bạn thương ơi!
Tiễn anh đi, biết có ngày gặp lại?
Tiễn anh đi chốn xa tắp mịt mù
Anh biết không, hai ta còn trẻ quá!
Chẳng thể nào ước tính chuyện tương lai
Tiễn anh đi, chúc may mắn an bình
Không bắt tay, chẳng ôm nhau từ giã
Xin đừng buồn, chia tay vui vẻ nhá
Đừng mong gì, tiếc nuối buổi chia xa
Quên em đi, tương lai dài trước mặt
Quên em đi, tình tị nạn bọt bèo
Quên em đi, đôi mắt chớ dõi theo
Vững tâm nhé, vui sống đời sống mới
Không quên anh nhưng cố gắng thảnh thơi
Tuổi mới lớn, chẳng vội gì yêu nhớ
Tuổi mới lớn em còn nhiều mơ ước
Tuổi thần tiên còn thương bạn nhớ trường
Anh đi nhé, quên đi tình thơ ấy
Em quay về tìm lại tuổi thơ ngây
(Như Nguyệt.May 8th, 2011)
*** Vài ngày sau khi H đi, tôi đã có ngay thư của H gửi vào trong trại. Tôi say mê đọc. Chữ H xấu nhưng cách viết thư rất hay, rất tự nhiên và dễ thương (hay tại tôi thích anh chàng nên cái gì của anh chàng tôi đều thấy hay và “interest” hết!)
Vì chờ đi qua Úc (tôi có bà chị đang được học bổng du học bên Úc) nên gia đình tôi ở trại tị nạn khá lâu. Mãi đến giữa tháng 10, bố mẹ của tôi mới quyết định đi Mỹ, cả gia đình mới rời khỏi trại. Khi gia đình tôi đến New Hamshire, H viết thư cho tôi rất đều, một ngày có khi 2,3 lá. Tôi thích đọc thư H nhất trong tất cả những lá thư tôi nhận được, mà lúc đó thì tôi có rất nhiều thư, thư theo đường bưu điện bay tới tấp đến mỗi ngày. Thư “nuôi” tôi lớn, thư an ủi, vỗ về; làm cho tôi bớt thấy bơ vơ, lạc lỏng ở một đất nước hoàn toàn khác biệt, rất lạ xa. Lúc nào H. cũng bắt đầu rất dễ thương: Nguyệt này, Nguyệt à, Này Nguyệt à, Nguyệt ạ, Hey! Darling…. Tôi còn giữ hết thư của H., mới vừa đọc lại 1 lá thư, có đoạn: ……. Tôi định đánh máy lại một đoạn thư H. viết cho tôi, rất hay, rất dễ thương (hì hì, đến giờ này mà tôi vẫn thấy như thế!); nhưng đổi ý.
Ở Laconia, một thành phố nhỏ của New Hampshire; tôi nhớ lại một bài thơ tôi làm năm tôi 13, 14 tuổi:
Tại Sao
Tại sao mặt trời chọn tôi để rực rỡ
Tại sao mặt trăng chọn tôi để sáng
Tại sao những bông hoa chọn tôi để nở
Những vì sao chọn tôi để long lanh
Chim chóc chọn tôi để hát vang
Cây cối, cỏ non chọn tôi để tươi xanh…
Giấc mơ của tôi, ôi những giấc mộng lành
Và tại sao?
Ở mãi cuối trời kia…
Cả anh cũng chọn tôi để nhớ?
Như Nguyệt
Và tôi cũng viết nhật ký, cũng làm thơ..
*****
H hay gọi điện thoại cho tôi. Mỗi lần H. gọi đến, tôi thấy mừng ghê lắm, lòng hớn hở, rộn ràng, thấy thích, thấy vui! Mỗi lần chúng tôi nói chuyện với nhau vài tiếng hoặc hơn là thường, không biết chuyện ở đâu ra mà nói thấy dễ dàng quá thế, chẳng bao giờ đủ. Lúc đó, tiền điện thoại “long distance” rất là đắt mà nhiều khi H. im lặng không nói năng gì hết. H. bảo H. thích nghe tôi nói. Tôi thấy sốt ruột, sợ tốn tiền của H nên cứ nói huyên thuyên. Có nhiều lần tôi thử im lặng không nói gì xem sao, thì thấy H cũng cứ để mặc kệ. Đường giây điện thoại giữa chúng tôi trống rổng, im lìm! Qua không gian lặng lẽ như tờ, có đôi khi, tôi nghe được tiếng anh chàng thở nhẹ nhàng, đều đặn và đã thầm tự hỏi không biết chàng có nghe thấy tiếng tôi thở, chàng có nghe được nhịp đập trái tim tôi?
* Chàng hay gửi cho tôi quà, những tape nhạc, ô mai cam thảo, chocolate. Ngày Valentine năm 1977, H gửi cho tôi cái còng đeo tay bằng vàng 24 trạm trỗ rồng phượng thật công phu kèm theo một tape nhạc và một post card -hình 2 chân người chổng ngược thẳng đứng, ngoi lên trên mặt một hồ nước giữa nhiều chỏm đá lổm chổm, rải rác chung quanh- có hàng chữ đậm: “WISH YOU WERE HERE!”. Cũng nhờ H. mà tôi mới biết được ban nhạc Pink Flloyd. Tôi thích nghe bản nhạc “Wish You Were Here” mà H gửi cho tôi lắm, nhất là khúc nhạc dạo đầu, nghe đi nghe lại hoài không thấy chán, vừa nghe tôi vừa thấy nhớ H thật nhiều….
How I wish, how I wish you were here.
We're just two lost souls swimming in a fish bowl, year after year…
Wish you were here
https://www.youtube.com/watch?v=IoAeYros81c
With lyric:
http://www.youtube.com/watch?v=L-rnmSQXE9Q
***Mùa hè năm 1977, tôi lấy chồng. Buổi tối, trước ngày đám cưới, H gọi cho tôi.
Nói chuyện với nhau một hồi lâu, sau đó tôi mới lấy hết can đảm để nói với H : “Ngày mai là ngày đám cưới của N.”
H la lên, lập lại: “Đám cưới của N ?!? N lấy chồng? Có thật không?”.
Rồi bên kia điện thoại lặng đi, im lìm! Không gian nặng nề, khó thở! Tôi cầm điện thoại, kiên nhẫn đứng chờ, tim thấy nhói đau! Sau năm ba phút H mới nói tiếp, giọng nghẹn ngào: “Sao N. đi lấy chồng sớm quá? Còn nhỏ quá mà đã lấy chồng!!! N. có biết, sẽ có nhiều người phải cuộn mình trong chăn vì N. hay không?”
Tôi im lặng, chẳng biết phải trả lời thế nào. “N. có biết tình cảm của H dành cho N không phải đơn thuần là tình bạn hay không? Tại sao, tại sao N. lại phải đi lấy chồng bây giờ? Sao N. không cho H. một cơ hội?”.
Tôi nghe H. nói mà lòng buồn vô hạn, chẳng biết phải nói gì. H. nói tiếp: “H. biết phải làm sao bây giờ? Sao N. không bao giờ kể cho H. nghe chuyện N. sẽ lấy chồng? Chuyện gì cũng nói cho H nghe, mà chuyện quan trọng nhất như thế này, sao em (lần đầu tiên H gọi tôi bằng em) không nói?” Lại im lặng. Vài phút sau: “Tối nay, nếu H không gọi lại, chừng nào em mới định nói cho H biết?”.
Tim tôi bỗng như muốn héo queo! Tôi gượng nói với H., bao nhiêu hơi sức trong người tôi tự dưng bay đi đâu hết, giọng tôi yếu ớt, thều thào: “Em sợ H buồn, H. đừng buồn em nha, cho em xin lỗi!”.
Giọng H trầm trầm buồn bã, anh nói chầm chậm, từ từ: “Em định dấu H đến bao giờ ? Từ hồi trong trại, lâu rồi, H thương em lâu lắm rồi, H đang cố gắng tạo dựng sự nghiệp, định khi nào em lớn hơn H mới cầu hôn, H tưởng em biết chứ? Từ đây về sau, H. sẽ không bao giờ gọi cho em nữa, không viết thư, sẽ không bao giờ liên lạc nữa... Sẽ không bao giờ mình có dịp gặp lại nhau, cho dù H vẫn mãi thương em, chẳng bao giờ H quên em.”
Tôi nói với H, giọng run run, miệng tôi khô: ”Sao H. không gọi cho N. nữa. H. cứ gọi cho N. đi, đâu có sao đâu? H. vẫn là bạn thân nhất của em mà…..please, please! Please still keep in touch with me!!!…”, nước mắt tôi trào ra không ngăn nỗi!
H. ngắt lời tôi: “Một lần nữa, tình cảm của H. dành cho em không phải là tình bạn. Nếu H. không gọi cho em tối nay, chắc là H. cũng không hề biết ngày mai em lấy chồng!” rồi H. nói nho nhỏ, giọng như muốn khóc: "How can you mend a broken heart….”
(H thích bản nhạc này, đã gửi tape nhạc cho tôi, từng hát qua phone cho tôi nghe nữa…)
How can you mend a broken heart:
https://www.youtube.com/watch?v=frA2K5oqm54
And how can you mend a broken heart?
How can you stop the rain from falling down?
How can you stop the sun from shining?
What makes the world go round?
How can a loser ever win?
*****
Mai em lấy chồng
(Nhạc: Nguyễn Hữu Tân. Ca sĩ: Huỳnh Huệ Mẫn)
Mai Em Lấy Chồng
Mai em lấy chồng chắc anh buồn lắm
Mai em lấy chồng hoa thắm tàn phai
Mai em lấy chồng lòng còn vương vấn
Em về với chồng anh chớ bi ai
Mai em lấy chồng anh có buồn không?
Ai bảo yêu em chẳng bao giờ ngỏ
Ai bảo yêu em mà chẳng tỏ tình
Em tưởng tình mình, tình bạn thong dong
Mai em lấy chồng lòng thấy phân vân
Em sắp sang sông bây giờ mới nói
Sao anh không nói thương em lâu rồi?
Để đến bây giờ muộn quá, buồn thôi!
Mai em lấy chồng, muốn khóc, bâng khuâng
Đâu ngờ tình mình quá đỗi phù vân
Sao anh không thể vẫn là bạn tốt
Nói chi biệt ly, ngớ ngẩn em buồn!
Q. Như Nguyệt
****
Lần nói chuyện cuối cùng của chúng tôi diễn tiến như thế đó, ngắn ngủi, khoảng 45 phút, đẫm đầy nước mắt, giữa những tiếng cười nói ồn ào của những cô bạn đến chơi với tôi ngày cuối trước khi đám cưới, giữa những bận bịu trăm công nghìn việc của một cô dâu sắp lấy chồng. Tôi, cô dâu sắp lên xe bông -lẽ ra tôi phải vui mừng hạnh phúc lắm mới phải- mà sao khi đó, tôi lại thấy buồn bã quá, buồn ơi là buồn, buồn não nuột! Chợt nhận ra rằng mình mới mất đi một cái gì rất quý. Mất đi và vĩnh viễn sẽ không bao giờ tìm lại được. Tôi đã chẳng bao giờ ngờ có ngày H nói H thương tôi! Còn có ý định muốn hỏi cưới tôi trong tương lai nữa chứ!
Và khi H nói ra, H ơi.. thì đã quá muộn màng! Trễ quá! Trễ quá rồi! Làm sao em có thể trở lại cái thời mà em chưa quyết định lấy chồng? Tại sao em lại phải lấy chồng khi còn đang tuổi mộng? Buồn quá, tiếc cái thời nhởn nhơ trong sân trường đại học quá H ơi! Còn nhỏ tuổi, em nào đâu biết có những quyết định trong cuộc đời mình xẩy một ly là đi một dặm, là đổi thay, là ảnh hưởng đến suốt cả một đời người! Em đâu biết rằng mình hay đi tìm, đi kiếm thú thương đau!! Có quá trễ lắm không? Lúc đó, em còn quá trẻ để biết mình muốn gì, lúc đó em thật sự còn dại khờ, ngu ngơ, mù mờ quá! Hai chữ yêu thương? Hai chữ yêu thương mơ hồ! Em nào dám xóa đi, xóa hết để làm lại từ đầu. Rồi tất cả cũng sẽ qua đi thôi, đành phải quên đi thôi! Ôi! Mối tình của tôi.. một mối tình trẻ thơ, puppy love. Tôi lại có thêm một mối tình chưa thể gọi là tình!
Thế đó mà thời gian qua nhanh như chớp mắt. Bao nhiêu năm qua rồi, chẳng biết bây giờ H ở nơi nao? Ở phương trời nào? H có đang hạnh phúc?
****
H đã không giữ lời. Anh có liên lạc qua thư từ với tôi dù thưa thớt dần, vẫn thỉnh thoảng gửi những tape nhạc anh thấy hay cho tôi nghe -và có gọi phone tất cả khoảng 8, 9 lần- khoảng trong vòng ba năm sau cái đêm hôm đó, cho đến khi tôi sinh thằng con trai đầu lòng, H mới thật sự chấm dứt liên lạc với tôi.
Khi tôi ra làm Loan Officer, Mortgage Broker, lúc làm quảng cáo, tôi có đăng hình trên báo, thỉnh thoảng, tôi đã nghĩ thầm: “Biết đâu khi thấy hình mình đăng trên báo, H sẽ gọi cho mình?”
Tôi hay mơ mộng nên nghĩ vẩn vơ như thế, chứ tôi biết chuyện gì đã qua thì hãy để cho qua. Tôi đóng lại một trang sách trong cuộc đời mình đã từ lâu, mấy chục năm rồi còn gì nữa? H có thể vẫn còn đang ở tiểu bang ngày xưa H ở, chứ nào có dọn qua Cali để mà đọc báo ở quận Cam? Ấy vậy mà đẹp! Thật là đẹp! Tôi mãi mãi vẫn còn là một cô bé 15, chưa đầy 16 tuổi rất dễ thương nơi anh, và anh… với tôi , anh mãi mãi vẫn là một người bạn tri kỷ khác phái mà tôi hằng quý mến. Tôi thích, tôi thương H nhưng tôi không nghĩ là tôi yêu H. Nếu có phải là tình thì tình của chúng tôi nhẹ nhàng ghê lắm, nhẹ hơn mây, mà mây thì thoảng bay có bao giờ ngừng lại? Mối tình của chúng tôi đẹp như hoa mà hoa nào không tránh khỏi úa tàn? Nếu tình thơ mộng như trăng, thì trăng cũng lúc tròn, lúc khuyết; nếu lấp lánh như sao, thì những vì sao cũng thay đổi, lúc tỏ, lúc mờ…
Đổi Thay
(Nhạc: Nguyễn Hữu Tân. Ca sĩ: Thúy Nga)
Tôi thích ấp ủ, trân quý kỷ niệm và nghĩ nếu là tình, thì đó là một mối tình thật đẹp! Một mối tình khi tôi còn rất đỗi ngây thơ. Một mốt tình trong trắng, thuần khiết, dễ thương, dễ thương như H vậy!
Trái tim của tôi có bao nhiêu ngăn? Ngăn nào dành cho bố mẹ, ông bà, tổ tiên? Ngăn nào dành cho anh, cho chị, cho em. Ngăn nào dành cho quê hương, cũ và mới. Ngăn nào dành cho thế giới, cho nhân loại. Ngăn nào cho tình người, tình yêu, tình bạn? Chỉ biết rằng, trong trái tim tôi, ở một góc nào đó, H lúc nào cũng có một chỗ đứng thật đặc biệt, vững vàng!
Trăng nay mười bốn rất chi tròn Và đẹp hơn kia gái một con Càng ngắm cô Hằng, Hằng ẻo lả Cứ khen chị Nguyệt, Nguyệt lon ton Giữa khung trời rộng làm nheo mắt Trong cảnh đêm thu khiến ngợp hồn Thôi nhé đừng trêu thân lữ khách, Để đây gợi nhớ-Đó cô thôn.
Đi trong vàng lá giữa mùa thu Sương khói chiều hôm tỏa mịt mù Ai đó một mình trên nẽo vắng Thả hồn theo tiếng gió vi vu!? Hay đứng chờ trăng,,, trăng viễn xứ Nhìn mây, mây cứ mãi bay bay Bơ vơ lệ thấm hồn cô lữ Viễn mộng tình quê mấy dặm dài! Tôi cũng như người mãi nhớ thương: Quê xưa, xóm cũ, mảnh trăng buồn Vàng thu mấy độ mưa ngâu lạnh Một thoáng tình yêu mãi vấn vương! Tôi cũng như người mãi đợi trông Mùa thu hội ngộ đẹp tương phùng Ở đây chỉ thấy rừng hiu hắt Ngàn lá úa vàng gợi nhớ nhung! Tôi biết người buồn tôi chẳng vui Trong tôi có vạn nỗi ngậm ngùi Quê hương biền biệt, đời xa vắng Một chút ân tình…cũng nhạt thôi
Cuối Thu chớm lạnh chốn gieo neo Chiếc lá lìa cành héo quắt queo Gió thổi nổi trôi trên mặt suối Trăng soi chìm dập dưới chân đèo Chiều buông càng thiếu tình nhân ái Ngày tắt tăng thêm mắt cú mèo Một túp lều che đời thất thế Ai hơn ta chứ …Cái phần nghèo!
Tha Nhân (Một đêm trong rẫy ở suối Cóc,xã Tân Thành ,Đ. Xoài ,Đ.Phú sông Bé cuối năm 1986) *** Họa:
Không Sẽ“ Nghèo “
( Hồi tưởng thời gian tù ở Trảng Lớn -Tây Ninh )
Rừng già lạnh lẽo nắng buông neo Mặc áo rách tươm…phơi xác queo Bụng đói cải trời tăng khí lực Tay run dao rựa rớt lưng đèo Mắt hoa nào khác người say rượu Tiếng ngọt hình như cô gái Mèo Thỏ thẻ trên môi cười chúm chím: “ Này anh ! Cố gắng …sẽ không nghèo “ . Lâm Hoài Vũ Oct 30 , 2019 *** Sau Tù Cải Tạo Về
Thu sớm đi về trong xóm neo . Vườn sau gió rụng lá cong queo . Hòn non bộ đứng trên hồ cá . Bà vác củi dừng chân dốc đèo . Này bạn nhâm nhi vài cốc rượu . Nhà em khoản đãi cà ri mèo . Say đi quên hết đời gian xảo . Vui thú ai hơn cái cảnh nghèo .
Tố Nguyên *** Thu Nghèo!
Thu về lá rụng cảnh buồn neo Gió thổi vi vu thoáng tịch queo Đường vắng cây trơ vì lạnh đến Nhà đơn một bóng bởi không đèo Người thân xa cách theo thời loạn Bạn quý còn đây nương chó mèo Trà rượu tháng ngày cùng chiếc bóng An nhiên tự tại để vui nghèo
Hoàng Dũng Oct 30 , 2019 (Trích thi tập 45 Năm Lưu Vong – Hoa Tiên 47) ***
Cảnh Vượt Biên
Tàu đón vượt biên đã nhổ neo Người đông chật ních nằm cong queo Gian nan trốn thoát băng rừng rậm Khổ cực tìm đường lội suối, đèo Sóng dập mọi người đều kiệt sức Thuyền chao trẻ nhỏ yếu như mèo Ơn Trời Phật hộ qua nguy hiểm Cập bến tự do thoát cảnh nghèo.
Mỗi lần hay tin một nhân vật ‘’nổi tiếng’’ nào của ‘’thời-VNCH’’, thời tôi mới lớn, ''ra đi'', tôi đều thoáng chút ngậm ngùi! Chỉ cái tên của họ không thôi, đã kéo về trong tôi cả một trời quá khứ : những ngày niên thiếu ngu ngơ, những đêm mất ngủ bơ phờ .Tình thơ qua tình mơ ! Chiều tím, chiều nhớ thương ai / Người em tóc dài. Không, ngày đó, tôi không là ‘’chiều’’, tôi chưa là ‘’chiều’’, chưa biết nhớ thương ai, tóc thề hay tóc demi-garçon, nhưng đã nghe tim xôn xao, đã thấy lòng buồn bã, khi ngồi trong chiều tím, khi lặng nghe ‘’Chiều Tím’’.
So với ngày và đêm, chiều xuất hiện nhiều trong âm nhạc Việt Nam. Chiều mưa (biên giới) hay chiều nắng (bến xưa), chiều đông sương lạnh hay chiều xuân mộng thắm, ‘’chiều lang thang trên đường’’ hay ‘’chiều một mình qua phố’’, ‘’chiều chậm đưa chân ngày’’ hay ‘’chiều chưa đi màn đêm rơi xuống’’ vv buổi chiều nào cũng làm cho người ta xao xuyến.
Tôi yêu ca khúc ‘’Hình ảnh một buổi chiều” ( nhạc: Lâm Tuyền / lời: Dạ Chung) vì, trước hết, là mấy câu in dưới tên bài hát: “Anh không giữ trong tay một kho tàng hay danh vọng nào cả. / Mà chỉ giữ có hình ảnh một buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm mái tóc em “. Câu văn 29 chữ nhưng hay nhất, đẹp nhất là ở 7 chữ cuối : “khi nắng vàng nhuộm mái tóc em’’ ! Nắng vàng có thể là nắng chiều hay nắng sáng nhưng nếu đó là hình ảnh một buổi … sáng thì không chắc người ta có thể giữ nó hơn là giữ một kho tàng. Người viết câu văn lãng mạn tuyệt vời ấy là Dạ Chung, bút hiệu trong âm nhạc của tài tử kiêm đạo diễn Hoàng vĩnh Lộc (Xin nhận nơi này làm quê hương / Người tình không chân dung / Người về từ đỉnh núi / Con búp bê nhồi bông..) . Ông cũng là đồng tác giả với nhạc sĩ Hoàng Trọng ca khúc nổi tiếng ‘’Người tình không chân dung” (1971), vinh danh Người Lính VNCH ( nhạc Hoàng Trọng ). Lời hát của Dạ Chung Hoàng vĩnh Lộc vừa đẹp, vừa trang trọng, khởi từ hình ảnh cái nón sắt nằm lăn lóc bên bờ lau sậy nhưng lại tác động mạnh vào tâm cảm người nghe ! Nó nhắc cho nhiều người nhớ rằng đất nước vẫn còn đang chiến tranh và ở ngoài kia tiền tuyến, vẫn có những người-chiến-sĩ đang chiến đấu, đã hy sinh, chịu tàn phế, tật nguyền , để người hậu phương nơi đây có được những ngày tháng an bình
Ca khúc được sáng tác 1971 nhưng lời hát như một lời tiên tri: ‘’ … Trong cái nón sắt của anh mặt trời vẫn có đó ban ngày và ban đêm mặt trăng và muôn muôn triệu triệu vì sao vẫn còn đó, tất cả vẫn còn đó vẫn còn đó .
Nhưng anh, bây giờ anh ở đâu? Con ễnh ương vẫn gọi tên anh trong mưa dầm, tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất mẹ.
Dạo tháng Ba tên anh lẫn trong tiếng sấm đầu mùa mưa nghe như tiếng gầm phẫn nộ đến từ cuối trời.
Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt trên bờ lau sậy này
Anh là ai? Anh là ai? Anh là ai? ‘’ .
Dạo tháng Ba ….! Tại sao lại tháng Ba, mà không là tháng Tư, tháng Năm ( những tháng đầu mùa mưa?) Có phải vì tháng Ba là ‘’tháng Ba …. gãy súng’’, dù không mưa, vẫn có những tiếng thét gầm phẫn nộ của những người Lính bị bỏ rơi ?! Và anh? Bây giờ anh ở đâu ?!!!
Với tôi, Dạ Chung không phải là một ‘’parolier’’ có tài, mà anh là một thi sĩ viết lời ca hay, hay vô cùng ! Như ông Đinh Hùng. Tài thơ của Đinh Hùng thì … khỏi nói! Ông là một thi sĩ có những lời thơ du dương, nhịp nhàng bậc nhất thời tiền chiến ! Đinh Hùng không bao giờ viết lời ca, trừ một lần : đó là khi ông viết lời cho ca khúc Chiều Tím của nhạc sĩ Đan Thọ!
Ông Đan Thọ không sáng tác nhiều ( chỉ độ mươi bài ) nhưng hầu như sáng tác nào cũng.. ‘’thọ’’, ''thọ'' như tên người viết, như tuổi sống người viết.
Theo ông Nguyễn đình Toàn (Bông Hồng Tạ Ơn): một hôm (đầu thập niên 60s?) ngồi ở ‘’La Pagode’’ với thi sĩ Đinh Hùng và nhà văn Thanh Nam, nhạc sĩ Đan Thọ trình làng một sáng tác mới viết . Vì biết đàn (mandoline), nên Đinh Hùng tình nguyện viết lời ca. Khi viết xong, 3 người gặp lại nhau, và Thanh Nam đề nghị lấy hai câu ‘’Chiều tím’’ trong lời ca làm tựa bài hát .
Như Dạ Chung, những sáng tác của nhạc sĩ Đan Thọ (mà tôi biết) chỉ là những hợp soạn, đa số là phổ thơ, nổi tiếng nhất là ‘’Tình quê hương’’ ( thơ Phan lạc Tuyên, cousin các ông Phan lạc Phúc , Phan lạc Tiếp, Phan Lạc Giang Đông ). ‘’Chiều Tím’’ cũng có thể xem như một ca khúc phổ thơ bởi vì lời hát đẹp như lời thơ, được viết bởi một trong những thi sĩ tài hoa !
Ông Đan Thọ qua đời hôm 4/9/2023, ở tuổi 99. Ai rồi cũng sẽ ra đi. Nhưng cái tuổi mà tôi cho là …. ‘’đẹp’’ nhất, … ‘’hên’’ nhất để ‘’đến hẹn lại lên (tàu)’’ là 99 ( 2 con 9 ''nút'' ! )
‘’Từ đấy đàn nhớ thanh âm / Trùng ( không phải ‘’chùng’’ như nhiều người hát ) dây vĩ cầm ‘’. Không, không phải ‘’từ đấy’’. Bây giờ, từ hôm 4/9/2023, phải hát là ‘’ từ đây’’. Từ đây đàn mất thanh âm . Vĩ cầm đã trùng dây! Khi ‘’người xa vắng rồi ‘’ thì không chỉ hoa rơi, lá rơi . Mà cả buổi chiều, buổi chiều-tím-của chúng-ta’’, cũng đã rơi! Cũng đã tàn hơi!
Sau ‘’tiếng-vĩ-cầm’’ Đan Thọ 20 ngày, chủ nhật 24/9 vừa qua, là ‘’tiếng-tây-ban-cầm’’ Quốc Dũng, một nhạc sĩ rất gần ''chúng tôi'' ( thế hệ 50s), cũng đã bặt tiếng, sau nhiều năm bệnh hoạn, ở tuổi 72! Trước 75, lúc mới lớn, dù không phải là ‘’fan’’, tôi đã nhìn anh Quốc Dũng với đôi mắt khâm phục. Cùng với các thế hệ đàn anh: Phạm Duy, Lệ Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Nam Lộc, Tùng Giang vv anh Quốc Dũng đã đưa nhạc trẻ Việt Nam đến gần với tuổi trẻ Việt Nam ( nhạc trẻ ‘’nhạc ngoại quốc, lời Việt’’ chỉ gần với giới trẻ Sài Gòn và 1, 2 thành phố lớn). Anh Quốc Dũng viết những ca khúc vui nhộn ( Bên nhau ngày vui , Mai, Điệp Khúc Mùa Xuân vv .. ) cũng như ‘’êm dịu ‘’ ( Cơn gió thoảng, Em đã thấy mùa xuân chưa, Biển Mộng..vv ) . Đã thế, lại là tài tử đẹp trai ! Cùng thế hệ Quốc Dũng, người ta cũng ''nói đến'' tài -tử ‘’tiếng hát học trò’’ Nguyễn Chánh Tín ( Nghìn trùng xa cách/ Phạm Duy): môt ‘’nói đến’’ mà tôi thấy chẳng dây mơ rễ má gì nhau !
Trước ông ‘’Chiều-tím’’, ngày 18/8, Trung tướng Phạm quốc Thuần, cựu Tư Lệnh Vùng 3 Chiến Thuật (1973-1974) ‘’ra đi’’ ở tuổi 97. Trước ông ‘’Trung Tướng’’, ngày 11/7, là Đại tá TQLC Cổ Tấn Tinh Châu (1935), nguyên Chỉ Huy Trưởng đặc khu Rừng Sát (Gia Định), từ trần ở tuổi 88. Trước đó nữa , ngày 1/4, là Chuẩn Tướng Thiết Giáp Trần Quang Khôi (1935), Tư Lệnh Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn 3! Đó là chưa nói đến những người LÍNH đã ''ra đi'' từ đầu năm nay!
Cầu mong hương hồn các vị , được bình yên nơi cõi vĩnh hằng!
Nếu tôi không lầm , sau khi Thủ Tướng Trần thiện Khiêm, vị Đại Tướng cuối cùng, từ trần (2021), trong 48 Trung Tướng của QLVNCH, chỉ 3 vị còn tại thế là các Trung Tướng : Trần Văn Trung (1926), Tổng Cục Trưởng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Nguyễn bảo Trị (1929) ,Tổng Cục Trưởng Cục Quân Huấn, Nguyễn vĩnh Nghi (1932), cựu Tư Lệnh Vùng 4 Chiến Thuật (1972- 1974). Các chỉ huy cao cấp khác là 3 Tư Lệnh Sư Đoàn : Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh (1929) của Sư Đoàn 3/ Vùng 1 , Thiếu Tướng Phan đình Niệm (1931) của sư đoàn 22 / vùng 2 ,Chuẩn Tướng Huỳnh văn Lạc (1927) của sư đoàn 9 / vùng 4 . Bên ''Nhảy Dù'' , là 2 Lữ Đoàn Trưởng : Đại Tá Nguyễn Thu Lương (1934) của Lữ Đoàn 2 và Trung Tá Nguyễn văn Đỉnh (1939 ?) của Lữ Đoàn 1 . Binh chủng ''Thủy Quân Lục Chiến'', là Đại Tá Tư Lệnh Phó ‘’Tango’’ Nguyễn Thành Trí (1935 ) , Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng 468 Ngô văn Định (1935) . Đơn vi Biệt Cách Dù vẫn còn con chim đầu đàn : Đại Tá Phan Văn Huấn (1933 ) vv
Không đủ thông tin hết các binh chủng QLVNCH nhưng tôi nghĩ, các vị đều ở tuổi hạc … kim cương (trên hạc vàng một bậc). ‘’Đã mang nghiệp LÍNH vào thân’’ thì họ chả sợ gì chuyến hành quân lần cuối chữ của tướng Đảo)!
Quân sự hay Dân sự, những người đã đóng góp đời mình vào công cuộc bảo vệ quê hương, dựng xây đất nước, phát triển văn hóa nghệ thuật vv trong 21 năm Tự Do miền Nam, những ‘’ông đồ’’ đã ra đi hay ‘’vẫn ngồi đó’’, dù bây giờ ‘’qua đường không ai hay'' nhưng tôi tin là, dẫu cho lịch sử có bị viết lại, bóp méo bởi ''Bên Thắng Cuộc'' (chữ của Huy Đức), Sự Thật bao giờ cũng vẫn là Sự Thật. Sẽ có một ngày, các thế hệ mai sau của Việt Nam, khi học Lịch Sử, đến thời điểm 54-75 ở miền Nam, sẽ ngậm ngùi tự hỏi:
Đây là bài số sáu trăm bảy mươi sáu (676) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.
Đông Phương có một vài lời dạy rất hay liên quan đến việc nói năng như:
* “Bịnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” tạm hiểu là bịnh hoạn là do ăn uống những chất độc từ bên ngoài đem vào miệng. Còn tai họa là do những lời nói không tốt từ miệng phát sinh ra.
* Suốt đời làm phải, một câu bạc ác đủ đổ đi cả.
(Gia ngữ)
* Lời nói như tên, không nên bắn bậy, đã lọt vào ai thì không tài nào rút ra được nữa.
(Lục tài tử)
* Tâm không bình, khí không hoà thì nói hay lầm lỗi.
(Hứa Hành)
* Câu nói trái ý, tất phải xem câu ấy hợp lý không?
Câu nói chiều lòng, tất phải xét coi câu ấy có vô lý không?
(Kinh Thư)
* Loạn sinh ra từ lời nói.
(Kinh Dịch)
(Nguồn: Trích trong Thuật Xử Thế Của Người Xưa-Nguyễn Duy Cần)
Nhà Phật có ngũ giới dạy những người con Phật phải gìn giữ để được sống an lành, hạnh phúc, trong đó có giới không được nói dối. Ngũ giới là:
1- Không sát sanh
2- Không trộm cắp
3- Không tà dâm
4- Không nói dối
5- Không uống rượu
Ca dao tục ngữ Việt Nam cũng có nói:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
hoặc là
Chim khôn hót tiếng rảnh rang
Người khôn ăn nói dịu dàng dễ thương.
Hay là
Vàng thì thử lửa thử than
Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời
Qua những lời sưu tầm nêu trên, chúng ta thấy lời nói rất là quan trọng. Vì thế chúng ta phải thận trọng khi nào nên nói, khi nào nên im lặng. Chúng ta phải luôn luôn “học ăn, học nói, học gói, học mở”, Bạn nhỉ?
Khi nói về sự im lặng, người viết sực nhớ đến câu chuyện Thiền vui vui dưới đây:
Giới không nói
Bốn thiền sinh giao ước với nhau tu thiền trong một ngày một đêm không được nói chuyện. Đầu hôm họ đều im lặng không nói, mãi đến nửa đêm đèn đuốc lụn tàn sắp tắt, một thiền sinh buột miệng nói:
- Á! Đèn sắp tắt.
Thiền sinh thứ hai nghe thế liền rầy:
- Tại sao huynh nói?
Thiền sinh thứ ba lại quát:
- Các anh quên rồi sao?
Thiền sinh thứ tư mở miệng cười:
- Ha ha! Chỉ có tôi là không nói.
-
(Nguồn:Thiền là gì? Giác Nguyên)
Bình:
Phật dạy: Nói năng như Chánh Pháp; Im Lặng như Chánh Pháp. Ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý thì Ý nghiệp làm chủ. Thế nên, muốn tịnh khẩu trước hết phải tịnh tâm. Tâm tịnh rồi thì nói, nín đều hợp đạo, cần gì im lặng
Nhưng xã hội bây giờ loạn lắm, nhiều người đã bị lường gạt mất tiền khi có người lợi dụng chương trình trí tuệ nhân tạo AI để giả giọng nói người thân quen mượn tiền hay bảo gửi tiền cho thân nhân như trường hợp mới đây mà ông chủ Quán Ven Đường Huỳnh Chiếu Đẳng phải nêu lên trong một email mới gửi tới hôm nay để bà con cảnh giác. Xin ông chủ QVD cho phép người viết được trích đăng dưới đây nhé:
Trí tuệ nhân tạo nguy hiểm
Gia đình một cô bạn tôi vừa bị kẻ gian lừa mất khoảng 10 ngàn Mỹ Kim. Đây là một tổ chức quốc tế: Cô bạn tôi ở Mỹ, con cô ấy đang đi làm ở Phi Luật Tân, mà nó làm thế nào biết rõ về gia đình cô ấy: Nó dùng AI làm một hình ảnh của cô ấy, dùng âm thanh giả giọng nói của cô ấy giống y hệt, nó gọi cho con cô ấy qua Facebook, bảo con cô ấy là cô ấy cần tiền gấp, phải gửi cho một người ở VN, tên là ... số ngân hàng là .... (ở một thành phố cao nguyên miền Bắc) con bé này quá thương mẹ và quá dễ tin, vội vàng nhờ bà dì ở VN gửi về cái địa chỉ đó cho nhanh, vì nó ở Phi thì gửi lâu hơn, cuối cùng mới biết là không phải mẹ mình gọi, mà là kẻ gian dùng AI để lừa nó! Thật là đau! Vì thế các bạn nên cẩn thận và báo tin cho bằng hữu quyến thuộc về chuyện này, vì đây là chuyện thật, cô bạn tôi là người thật việc thật, không phải là faked news để đùa chơi nha các bạn . Thuấn HCD: Cám ơn chị Thuấn. Tôi cũng có người bạn bị tương tợ như vậy. FaceBook bị chiếm account, kẻ gian dùng FaceBook để gạt người bạn khác của account bị chiếm. Tóm tắt là khi có ai mượn tiền hay xin tiền thì nên liên lạc lại bằng cách khác (double check). Hiện giờ AI giả giọng nói một người y như thật. From: On Behalf Of Thuan Do Trong trường hợp này, Bạn cần im lặng không tin ngay lời nói này và nên liên lạc lại bằng cách (double check) là tốt nhất theo lời đề nghị của ông HCD.
Mời Bạn xem Youtube
Có 6 Điều Cái Miệng Cần Tu, Như Nhiên Thích Tánh Tuệ
Sách nói Như Nhiên Thích Tánh Tuệ Pháp Thoại Như Nhiên Thích Tánh Tuệ Giảng pháp Thơ nhạc Phật giáo
https://www.youtube.com/watch?v=V075Sv3gCoo
Như Nhiên Thích Tánh Tuệ
Và đọc bài thơ
Hai kiểu Im Lặng
Tráng Sỹ:
– Im lặng không phải là câm
Im lặng là để ngấm ngầm ra tay!
– Im lặng không phải là cay (cay cú)
Im lặng là để phơi bày trắng đen
– Im lặng không phải là hèn
Im lặng là để chờ phen trả thù.
– Im lặng không phải là ngu
Im lặng là để đánh đu với đời.
Thầy Tu:
– Im lặng không phải là câm
Im lặng là để Quán tâm của mình,
– Im lặng không phải bất bình
Im lặng để khỏi sự sinh trùng trùng.
– Im lặng để sống đại hùng
Thắng mình hơn thắng ba quân bên ngoài.
– Im lặng, chẳng hơn thua ai
Im lặng là để tâm này thênh thang..
(Như Nhiên Thích Tánh Tuệ)
Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 676-ORTB 1105-82323)