Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Thơ Tranh: Lời Mẹ Cha

Thắp nén nhang lòng dâng Ông Bà, Bamá trong Ngày Nhớ Ơn Cha 3/9 và tưởng nhớ anh trai


Thơ: Lê Kim Hiệp
Hình Ảnh: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hình Bóng Người Thương


Đã lìa cõi tạm trần gian
Trở về cát bụi mây ngàn cách xa
Phù du một kiếp vội qua
Lấy chi đền đáp bao la biển đời
Nhớ ơn công đức cao vời
Tâm con ghi khắc những lời khuyên răn
Mơ tìm trong cõi vĩnh hằng
Đêm nay bóng cũ phải chăng Ba về 


Kim Phượng
Ngày Nhớ Ơn Cha 2017


Nhớ Ơn Ba - 3/9/2017


Hình Ảnh & Thơ: Kim Oanh


Tiểu Luận Chữ Hiếu


Trên Face Book có bạn hữu mong muốn tôi viết về đề tài “Hiếu Đạo”, nhân ngày tuyên dương Cha “Father’s Day” hàng năm vào đầu tháng 9 tới. Đây là theo truyền thống phương tây và ở nước Úc này. 

Cố nhớ lại xem ở Việt Nam xưa nay có cái truyền thống tuyên dương công trạng của người cha hay không? Quả thực, ai thì không biết, chứ riêng tôi, nay đã ngoài thất tuần {bảy bó rưỡi} thì chẳng hề thấy có một ngày nào trên tờ lịch Đông Phương {Lịch con nước} ghi nhận ngày “Công cha” cả. 
Thế nhưng tìm vào những câu ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ thì quả là không ít đâu nhé. Chắc rằng văn hóa Việt Nam ta khá khiêm nhường về cái “Đức” của người làm cha, nên chỉ nhắn nhủ qua những câu ca dao, tực ngữ hay ngạn ngữ mà thôi. 
So với công lao dưỡng dục nuôi con của người Mẹ, thì người Cha tuy là chủ cột trong gia đình vẫn bị thiệt thòi hơn một chút. Chả thế mà người đời có câu: “Gà Trống nuôi con” mang đầy tính thương hại, cảm thông cho người đàn ông nào bị “góa vợ” cô độc nuôi con thơ. Nhắc tới chữ “Hiếu” thì phải kể tới giáo lý của Cụ Khổng qua những kinh điển ngàn năm cũ rich đó là “Tứ thư, Ngũ kinh” mà qua biết bao nhiêu triều đại Quân chủ ở Việt Nam thường lấy đó làm đề thi cho các thí sinh qua các kỳ thi cử từ cấp huyện tới trung ương để nhặt các ông “Trạng” phân bổ quan quyền các cấp hành chính của triều đại đương quyền. Thiệt là hữu dụng, hoặc vô dụng tùy theo bản chất của con người được bổ nhiệm, hay của thực trang tốt xấu của triều đại đó. Khổ nỗi, cái ngày xửa, ngày xưa ấy, thì những sự kiện trên đều là quyền độc tôn thực thi của đấng mày râu mà thôi. 

Chính vì cái lý này mà nhân gian bình công cho giới làm Cha rất ư là cẩn trọng, khen chê cũng hết sức chừng mực, bởi giới mày râu tuy có công nuôi con duy trì dòng họ nhưng cũng không ít trường hợp gây họa sát thân cho cả dòng tộc. Cái luật “Chu di Tam Tộc, hay Cửu Tộc” của các triều đại xưa đó, quả thực đã hại tới danh dự và trách nhiệm của người làm Cha. Cái gương tày liếp của Cụ Nguyễn Trãi Công thần mấy triều nhà Lê cũng khiến lòng người hãi sợ cho cái kiếp làm Cha. 

Trong dân gian ta thường nghe thấy ngạn ngữ “Trời sinh, Đất dưỡng” hay “Cha sinh, Mẹ dưỡng” không biết có phải của Cụ Khổng hay không, họa là của một giáo lý trong đạo giáo nào đó mà trở thành câu thành ngữ của nhân gian. Hai câu này tuy hai mà một vì “Trời sinh, đất dưỡng” = “Cha sinh, Mẹ dưỡng” Có tính ví von thu hẹp không gian và thực tế mối quan hê trong gia đình. Rõ ràng không hề nhắc tới công Cha nuôi dưỡng con cái, cái công “sinh” thật là mơ hồ làm sao, trẻ thơ làm sao hiểu cho thấu đáo, đến ngay kẻ làm Cha nhiều người còn hiểu lờ mờ nữa là. Tuy nhiên, trong ca dao Việt Nam cũng thường nhắc tới “Hiếu Đạo” mà trong sách giáo khoa mấy trăm năm nay bằng Việt ngữ thường dạy học sinh trong các cấp phổ thông, hoặc ông bà, cha mẹ hay trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thường nhắc tới, đó là bài ca dao thể thơ lục bát dễ nhớ, dễ thuộc không tựa đề, không tác giả:

“Công Cha như núi thái sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng Thờ Mẹ Kính Cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là Đạo con”




Học và đọc thuộc lòng bài ca dao này, suốt cả cuộc đời cho tới cái niên đại 2017 này, tôi suy ngẫm hoài theo thói thường tình thì cứ như nước chảy qua cầu, cứ như gió thoảng qua tai, hiểu mà chẳng hiểu chi ráo. “Cho tròn chữ Hiếu” thì làm sao cho tròn? Có khả năng làm tròn hay không? Ngày trước làm con, bây giờ làm cha, rồi làm ông Nội, ông Ngoại nữa, tôi thực không biết cái tiêu chí nào, cái điều lệ nào để hiểu, để biết đám con cái mình, chúng làm tròn chữ hiếu với mình đây, cũng tự hỏi chính bản thân mình đã làm tròn chữ hiếu với đấng sinh thành ra mình chưa nữa? Mông lung và bát ngát. Lại nữa, trong ca dao nhắc ta “Một lòng Thờ Mẹ, Kính Cha”, tìm hiểu về những gì ông Khổng viết ra và qua những tình tiết trong các truyện cổ tích hay trong đời sống hiện tại, 75 năm cuộc đời chứng nhân cho chữ Hiếu thì chỉ thấy các hành động, những biểu thị trong các lễ tang, nhất là những thủ lệ cho con trai, con dâu trong gia tộc khi chịu tang cha mẹ, thật là bất nhẫn mà đời nay chẳng còn mấy ai theo nổ, mà còn cho là “hủ lậu”, ngay tới chính quyền hiện nay ở khắp các nước Á châu bị ảnh hưởng của Đạo Khổng cũng không thể chấp nhận được, mà còn đòi hủy bỏ. [Đây nói tới những thủ tục chịu tang 3 năm, cắm lều sống cơ khổ bên mộ phần cha mẹ 3 năm không làm việc gì cả]. 

Như vậy là “Đạo làm con thờ kính cha mẹ để báo hiếu đó sao? Đó là những cái biết sơ đẳng, cái thấy trong các tập quán nhân sinh qua đời sống hàng ngày. Chính vì thế, nên tôi có cái lối suy luận riêng của mình trong bốn câu thơ ca dao trên. Cũng xin mạnh dạn mạn đàm qua trang tiểu luận này. Hầu mang thiển ý này trình bày cái quan điểm thực hành chữ hiếu trong đạo sống làm con trong gia đạo. Những mong các qúy bạn hữu quan chiêm trong những lúc “trà dư tiểu nhậu” bàn loạn cho vui, giải khuây lúc mệt nhọc qua những thời gian lao lực kiếm cơm, áo, gạo, tiền cho bản thân và cho gia đình, biết đâu chừng cũng giúp ích cho văn hóa Việt.

Ngay câu đầu “Công cha như núi Thái sơn”, tôi thường tham vấn một số học giả, một vài Cụ cao niên. hỏi núi Thái sơn là ngọn núi nào ở Việt Nam? Câu trả lời là ở VN không có núi Thái Sơn, chỉ ở Trung Quốc mới có núi Thái Sơn. Nghe mà nổi đóa, nhưng cố nhịn vậy biết sao bây giờ! Câu ca dao VN thì liên quan gì tới cái nước Trung Hoa kia chứ! Nhớ lại Việt Nam có câu truyện huyền thoại về “Dê đực đẻ con” nói về ông Trạng thần đồng VN. Truyện rằng nhà vua nghe đồn ở một làng nọ có một chú mục đồng là thần đồng thông minh hay chữ tuyệt đỉnh, mới sai Tể tướng triều đình tới làng đó tìm Trạng. Khi tới ngõ nhà thầy nho dạy học cho trẻ trong làng, nhìn thấy chú nhỏ trần truồng đang đánh đáo, chơi khăng thì gọi lại hỏi thăm nhà của Trạng. Chú nhỏ nói: Nếu ngài đoán chữ giỏi, đoán trúng chữ tôi hỏi, thì tôi chỉ đường cho, bằng không thì phải trả bằng quan tiền. 
Được sự đồng thuận của Tiên sinh, Trạng đứng dạng hai chân và giang ngang hai tay rồi hỏi là chữ gì? Quan Tể tướng lắc đầu, chịu thua, rồi hỏi lại, Trạng nói là chữ Thái [太]. Thì ra chữ Đại [大] thêm nét chấm [hạ bộ giữa háng] là chữ Thái [thời đó VN có chữ Nôm tạng chữ viết giống như chữ Hoa mà người tàu đang dùng bây giờ]. Thật là hữu lý, Thái Sơn là ngọn núi ở trên Trời [Thượng Thiên]. 
Như vậy, Công Cha cao tại thượng Thiên không có chỗ nào dưới trần thế này với tới. Đúng với cái nghĩa “Trời sinh”, mà khi từ thượng Thiên giáng mưa xuống trần gian thì trước khi “mưa móc” thường phải có sấm sét. Trong tình yêu nam nữ gọi là “tiếng sét ái tình” cũng mang tải cái ý này, mà sấm sét giáng trần thường nhằm vào nơi có chất kim loại mà đánh xuống, chính vì vậy con người thường dùng giây kim loại tiếp đất để đón những tia sấm sét đánh xuống khi bắt đầu cơn mưa. Hiểu như vậy thì công Cha thuộc Kim trong hệ thái ngũ hành [Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ] luân chuyển biến thiên. Đó cũng là dấu “Sắc” đánh dấu từ cao bên phải xuống phía bên trái, là một trong ngũ âm của tiếng Việt ngữ [sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng]. Vậy ta có thể luận rằng: “Sắc là Kim tại thái sơn”, đó là cái Tình của Cha.


Tiếp theo câu thứ hai: “Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Sau sấm sét là có cơn mưa đổ nước xuống trái đất. Nước nguồn khởi đầu từ ngọn thác hướng Tây rồi theo giòng chảy xuống hướng Đông kết thúc ra biển, như “Lòng Mẹ bao la như biển Thái bình dạt dào”. Nguồn nước là nguồn sống của muôn vạn vật, chẳng thế mà nhân loại cứ bám theo nguồn nước mà sinh sống, lấy sông ngòi làm ranh giới bản làng, quốc gia. Thật đúng là “Đất dưỡng” hay “Mẹ dưỡng”, nước tức là Thủy trong ngũ hành là vạch ngang từ phải trên cao, vạch xuống thấp sang trái tức là dấu “Huyền” trong năm dấu ngũ âm của tiếng Việt, ngũ hành tương sinh [Kim sinh Thủy]. Cho nên mới gọi là nghĩa Mẹ. Vậy ta có thể luận rằng: “Huyền vi Thủy mạc suối nguồn tây đông”, đó là cái Nghĩa của Mẹ.

Câu thứ ba: “Một lòng Thờ Mẹ, Kính Cha”. Khi nói đến chữ “Thờ”, đồng nghĩa là thờ cúng, tức phải thắp nén hương dâng lên ban thờ Tổ Tiên trong gia hộ. Nén hương tức Mộc trong ngũ hành [Thủy sinh Mộc] khi nén hương cháy thân hương sẽ đổ xuống thành hình dấu “Hỏi” trong năm dấu ngũ âm của tiếng Việt, trước khi rơi rụng thành tàn nhang. Trong tâm tưởng của hành động “Thờ” tất nhiên phải tôn “Kính” các bậc tiền bối tổ tiên. Vậy ta có thể luận rằng: “Hỏi rằng Mộc trổ ai trồng”, tức cái ơn Cha Mẹ sinh ra ta, đó là hành động Thờ Mẹ, Kính Cha.

Câu cuối cùng: “Cho tròn chữ Hiếu, mới là Đạo con”. Hai chữ “Hiếu” và “Đạo”, ý nghĩa chỉ về hành động của người con đối với bậc Cha, Mẹ trong cuộc sống hàng ngày, sao cho phải Đạo làm người con tốt, thuận hòa, lắng nghe theo sự chỉ dẫn, dạy bảo nâng đỡ của Cha Mẹ như câu: “Cá không ăn muối cá ươn, Con cưỡng cha mẹ, trăm đường con hư”. Mối tương quan trong quan hệ phụ tử, mẫu tử, là mối giây ràng buộc “nhân-quả” trong luật “Nghiệp-duyên” chẳng khác nào mối liên quan giữa ngũ hành biến thiên vận chuyển trong “tương sinh” của [Kim, Thủy. Mộc, Hỏa, Thổ] hay trong tương khắc của [Kim. Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ], Cho nên luận rằng: “Ngã thân chấp Hỏa sao mong giải phiền”, dấu Ngã [~] biểu tượng cho “Hỏa” [chuyển pháp luân của Phật]. Và “Nặng căn Thổ lượng nhân duyên”, “Nặng” là dấu chấm [.] tức quả địa cầu mang hình tròn thu nhỏ cũng biểu tượng cho Tâm điểm vậy. 
Thuận theo sự vận chuyển của ngũ hành là sống theo Đạo lý tự nhiên. Lấy lương tâm mà hành xử theo cái lý của Đạo “Dụng Tâm ứng xử”, đó là Đạo lý Việt, Đạo lý “Vuông Tròn” được thể hiện qua sự tích “Bánh Chưng, bánh dày”, Bánh chưng vuông, bánh dày tròn. Bánh dày biểu tượng cho Thiên, bánh chưng biểu tượng cho Điền địa. Hình vuông và hình tròn là hai hình rất cân đối viên mãn, không có sự khiếm khuyết, nếu ta kẻ một đường thẳng qua Tâm điểm của hình, thì ta có thể chia nhiều phần bằng nhau, chẳng hề sai lệch. Là biểu tượng cho sự công bằng, bác ái, bình đẳng trong mọi sinh hoạt của mối quan hệ tương tác giữa người với người, dù ở trong bối cảnh quan hệ nào. Nhất là trong mối quan hệ Phụ tử, mẫu tử. Thê cho nên mới thực sự là: “Vuông tròn đạo Lý thừa truyền Hiếu sinh”. 

Để kết luận bài tiểu luận này, tôi xin ghi lại bài thơ lục bát, hầu luận bàn về “Hiếu Đạo” mà Tiền nhân muốn nhắn nhủ thế hệ con cháu sau này. Bài thơ như sau:

Sắc là Kim tại Thái sơn
Huyền vi Thủy mạc, suối nguồn tây đông
Hỏi rằng Mộc trổ ai trồng?
Ngã thân chấp Hỏa, sao mong giải phiền
Nặng căn Thổ lượng nhân duyên
Vuông Tròn Đạo lý, thừa truyền Hiếu sinh.

Rất mong được các bạn hữu chia sẻ những cảm nghĩ của mình về Đạo Hiếu sinh, xuyên qua những cảm nhận và sự thông thái của các bạn. Mong lắm thay, Thân chúc mọi người được vạn sự an lành, vui vẻ.

Nguyên Khang

Niềm Đau Thế Kỷ - Bão Harley 2017



Cơn bão dữ đã vô tình kéo đến
Xoáy vào lòng thành phố biển Houston
Cây cối đổ ngói tôn bay khắp hướng
Nhà há mồm nuốt những trận mưa ngông

Nước như biển chảy trên dòng xa lộ
Trắng nơi nơi chìm làng mạc phố phường
Đường quen cũ ngựa xe chìm đáy nước
Một thiên tai giáng xuống rất kinh hoàng

Sóng giận dữ vung bàn tay võ sĩ
Đấm mặt mày thị trấn Galveston
Đất loang lở nước xua tràn bờ cõi
Bão lên cơn cuồng nộ thét vang trời

Lũ tiếp tục dâng lên vùng đất mỡ 
Ngâm hoa mầu cây trái gốc hư hao
Người thiệt mạng gia cầm không lối thoát
Dù văn minh cũng đã lắm cơ hàn

Gió vẫn thét mưa ầm ầm trút nước
Cảnh màn trời chiếu đất rất tang thương
Ai thấu nỗi cho niềm đau thế kỷ
Trời gây chi bao thống khổ đoạn trường

Cảnh bão lũ nghĩ đến quê hương Việt
Mỗi mùa đông đều nơm nớp lo âu
Xứ sở nghèo cơm ăn còn chưa đủ
Còn thiên tai rình rập trút cơ cầu

Nếu quả thật có bàn tay thượng đế 
Thì trái tim từ ái chết lâu rồi
Vạn sanh linh từ hồng hoang đã khổ
Không ai cần thứ ân huệ này đâu.

Thủy Lâm Synh
Aug. 30, 2017

Trăng Căng Mộng - Tình Trăng



Trăng Căng Mộng

Trăng tôi căng nhựa tình
Tròn lẵng những yêu tinh
Sao em đóng cửa sổ
Bỏ tôi ngoài một mình

Ðêm cạn dần đêm buông
Háo hức cũng như không
Trẻn trơ bên khung cửa
Chờ đợi em đổi lòng

Em bỏ tôi ngoài trời
Riêng mộng khép phòng côi
Ðẩy đưa cùng chăn gối
Em có thấy đơn côi?

Giữa một trời bơ vơ
Sương rướm cả mộng mơ
Cỏ cây dầy séo cả
Những đóm sao mơ mờ

Em hạnh phúc chăng em
Trong chiếc tổ dịu êm
Hay cũng đi tìm kiếm
Rúng động của nỗi niềm

Ðêm đã tàn một đêm
Trăng đã ngã đồi mềm
Mai trăng tôi sẽ cạn
Còn gì để chờ em

Tịnh
***
Cảm Tác:
Tình Trăng

Trăng ai căng nhựa tình tơ
Cho tôi dệt võng gối mơ mộng chờ
Lo lắng cửa sổ khép hờ
Lỡ đêm qua vội trăng vờ đừng đi​

​Nhưng rồi trăng lặng lẽ di​
Bên song riêng bóng cố ghì thời gian
Mong mùa trăng ghé lại thăm
Tình tơ kết chỉ nhả tằm se duyên

Phòng côi dành một góc riêng
Bóng trăng cũng đủ soi nghiêng ghé nằm
​Trăng ơi sáng lắm đêm rằm​
Lòng đây mắc cở ​bởi thầm đắm say

Yêu lắm trăng hởi có hay
Hạnh phúc dù phải chia hai đêm ngày
Trăng cạn tình chẳng phôi phai
Nhớ nhung hò hẹn phương này chờ trăng.

Kim Oanh

Am Cỏ Ngày Xưa



Am cỏ bây giờ đã hết vui
Tàng cao trăng bóng chếch dần lui
Từ hôm chén ngọc vừa say khướt
Có những vần thơ đã ngủ vùi
Khách đến rồi đi ai trở lại?
Người thương vẫn đợi rượu chưa khui
Bỗng nghe tiếng nhạn từ xa lắm
Tha thiết lời xưa dạ rối nùi!

Cao Linh Tử
27/7/2017

Không Tên 6



“Ngày mái tóc không còn xanh được nữa,
Ngày đôi tay thôi dệt mộng phù hoa,
Thì em sẽ vì anh mà mở cửa,
Trông lên trời đếm hàng vạn sao sa.”
...
Ngày đôi chân không còn đứng vững nữa,
Dù em có mở cửa cũng bằng thừa,
Bởi anh thích nằm nghiêng ôm gối mộng,
Đón trăng về soi sáng một thời xưa.

Một thời nào nhân gian còn tình ái,
Anh đón nhận ngọc ngà trong đôi tay,
Để say mèm với da thịt nồng cháy,
Về đi em ngủ với anh đêm nầy.

Anh sẽ làm mưa gió khắp thân ngà,
Em sống lại một lần như em đã,
Để bây giờ em không còn trách nữa,
Và cũng đừng nhìn sao trời xót xa.

Em đừng chờ khi mái tóc bạc màu,
Rồi ta sẽ cùng chóng nạn bên nhau,
Còn gì vui hơn khi còn bay bướm,
Vườn hoa xinh ngõ trống đón ta vào.

Để anh đi ngày mai vẫn còn đó,
Đợi anh về là tình yêu thuở nhỏ,
Em sẽ còn sống lại mái tóc xanh,
Không còn ghen với vầng trăng mờ tỏ.

Oakland, 13 Oct 2011
Hải Rừng
Tặng cho người mà suốt đời vẫn chưa thoát
khỏi chiếc lồng phù thủy của một tình yêu.

Ức Giang Liễu 憶江柳 - Bạch Cư Dị

Bạch Cư Dị khi xa Giang Nam hai năm ông quay quắc nhớ hàng dường liễu ông trồng, rồi sợ có người nào đó nở bẻ cành chơi.


Ức Giang liễu
Nguyên tác: Bạch Cư Dị

憶江柳

曾栽楊柳江南岸,
一別江南兩度春。
遙憶青青江岸上,
不知攀折是何人。
白居易
Tằng tài dương liễu Giang Nam ngạn,
Nhất biệt Giang Nam lưỡng độ xuân.
Dao ức thanh thanh giang ngạn thượng,
Bất tri phan chiết thị hà nhân.

Dịch nghĩa:
Nhớ liễu bên sông

Từng trồng dương liễu ở bờ sông Giang Nam,
Từ khi cách biệt Giang Nam,đã hai lần xuân sang.
Vẫn xa nhớ bờ sông xanh xanh,
Chỉ không biết ai đã đến bẻ cành liễu.

Dịch Thơ:

Nhớ Liễu Bên Sông

Bến Giang Nam từng trồng dương liễu
Xa Giang Nam lòng trĩu hai xuân.
Nhớ bờ liễu biếc xinh xinh,
Ai người lại nỡ tay vin bẻ cành?


Mailoc phỏng dịch
***
Nhớ liễu bên sông


Ta trồng rặng liễu ở Giang Nam
Cách biệt hai năm chẳng ghé thăm
Vẫn nhớ bờ sông xanh ngút mắt
Biết ai đã đến, đã vin cành?

Phương Hà phỏng dịch
***
Ức Giang Liễu
(Nhớ Hàng Liễu ở Giang Nam)

Từng trồng liễu ở bờ sông
Giang Nam hai lượt xuân đông chưa về
Màu xanh xanh biếc trên đê
Người từ đâu đến mân mê bẻ cành.

Quên Đi
***
Liễu Giang Nam

Giang Nam trồng liễu ở bờ sông
Cách biệt hai năm một tấm lòng
Nhớ bóng hàng dương xanh bát ngát
Ai vin bẻ nhánh, xót người mong

Mai Xuân Thanh

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Thơ Tranh: Tình Người


Thơ: Bảo Trâm
Photo:AP
Thơ Tranh: Kim Oanh


Đẹp Những Bàn Tay



Xướng: Đẹp Những Bàn Tay

Mưa làm phố thị biến thành sông
Đẹp những bàn tay gắng cõng bồng
Lội cứu ai gào trong gió bão
Đi tìm kẻ kẹt giữa trời giông
Tình yêu bảo chị xoa tang tóc
Trách nhiệm mời anh giúp cộng đồng
Xứng bậc an dân phò đất nước
Muôn người thoát nạn nhớ hoài công

Bửu Tùng

30/08/2017
***
Các Bài Họa:
Nghĩa Tình


Phút chốc con đường biến biển sông
Bao nhiêu vật dụng nổi bềnh bồng
Trời gào giận dữ cây cành sập
Gió thổi điên cuồng sấm sét giông
Thảm hoạ đau thương cùng ý hướng
Tai ương khốn khổ hợp tâm đồng
Houston tình nghĩa đầy chan chứa
Hữu sự ...ra tay chẳng tiếc công

Minh Thuý

Tháng 8_2017
Cơn bão Harvey vùng Houston _Texas
***
Thiên Tai!
(Họa vui)

Phố xá liên hồi - biến biển sông,
Người trôi nhà nát - nổi bềnh bồng,
Nước dâng vùn vụt hùa mưa bão,
Sóng vỗ ào ào lại sét giông,
Kiến nghị ông trời ra sắc lệnh,
Ban ân người thế hoá da đồng,
May ra chịu trận - khi chơi lố,
Thỏa chí tang bồng- hỡi hoá công!

Trương Văn Luỷ***
Tình Người


Đường phố biến thành những nhánh sông
Tham gia cấp cứu cố mang bồng
Chung đưa kẻ nạn qua mưa lụt
Hợp đở người già thoát bão giông
Khó nhọc không nan khơi tính thiện
Hy sinh đâu ngại góp tâm đồng
Tình thương chẳng biệt phân quen lạ
Cảm phục bao người đã hiến công

Bảo Trâm
***
Bão Lụt Houston

Houston bão dữ mấy hôm rày,
Thấp thỏm muôn người lo lắng thay!
Gió giật khắp nơi bao đổ vỡ,
Nước tràn ngàn lối mấy đêm ngày.
Mưa tuôn xối xả xe tràn nước,
Sấm chớp bão bùng nóc tốc bay.
Trường học cơ quan đều đóng cửa,
Mênh mông là nước tựa sông dài!

Đỗ Chiêu Đức
Bão Harvey 2017


Bâng Khuâng



Bài xướng: Bâng Khuâng

Bảy chục tuổi dư, chiếc bóng tôi
Tấm thân lữ thứ sống trong đời...
Nỗi buồn đất khách " thơ " ai họa ?
Tâm sự quê hương cá biển khơi
Khắc khoải, bâng khuâng trời viễn xứ
Đoái hoài ray rứt bạn theo thời
Tình xưa rạn nứt nên hàn gắn
Nghĩa cũ tri âm quá khứ rồi ... !

Mai Xuân Thanh
Ngày 25 tháng 08 năm 2017
***
Các Bài Họa:
Nỗi Niềm Lữ Thứ

Tuổi đà thất thập bạn cùng tôi,
Chìm nổi tha hương đến cuối đời.
Tuổi trẻ lên đường vì chiến loạn,
Trung niên xa xứ vượt trùng khơi.
Tóc xanh mơ ước chưa tròn mộng,
Đầu bạc phiêu linh sắp hết thời.
Đợi đến ngày nao qui cố quốc ?
Chắc đà rủ xác xứ xa rồi !!!

Đỗ Chiêu Đức
***
Nỗi Niềm

Vào ra chỉ có bóng và tôi
Bạn hữu dần vơi ở cuối đời
Vất vả khắp nơi trên đất nước
Bôn ba mọi chốn cách trùng khơi
Lặng buồn nhớ lại ngày chung lớp
Tiếc nuối hoài thương thưở thiếu thời
Muốn được trở về năm tháng cũ
Gặp bao nhiêu kẻ đã xa rồi

Phương Hà
***
Khắc Khoải

Bạn bè xa cách chỉ còn tôi
Cứ tưởng như đang lạc bước đời
Kẻ ở trời nam còn ngóng đợi
Người nơi đất khách biệt ngàn khơi
Nên đành chấp bút đề đôi vận
Có thế lòng vơi được nhất thời
Trao đổi thi ca cùng xướng hoạ
Bấy nhiêu cũng cảm thấy vui rồi

Quên Đi
***
Bâng khuâng & Khằc khoải

Bên đèn in vách bóng cùng tôi !
Đất khách thương thân lạc cỏi đời
Chí lớn chôn vùi nơi chiến địa
Tài hèn mất dấu chốn ngàn khơi
Bâng khuâng đầu bạc mơ không trọn
Khắc khoải ngày xanh để lổi thời
Ngoảnh mặt thôi đành ! nhìn thế sự
Tấn tuồng dâu bể đổi thay rồi !

Song Quang
08/26/17
***
Bâng khuâng


Ngồi buồn cảm khái đọc thơ tôi
Lắng trải hồn qua những chặng đời
Bổng bật cười vang thằng ngốc tử
Chợt thèm trêu cợt đứa man khơi
Tự do khao khát say trời mộng
Facebook kết giao thỏa chí thời
Xã hội còn muôn điều chán nản
Làm ma tưởng bụt khó vui rồi!

Mai Thắng 

 170827
***
Khi Tình Chia Xa

(Nương vận bài thơ "bâng khuâng" của MXT)

Người đi bỏ lại một mình tôi
Viễn xứ bơ vơ giữa chợ đời
Thầm nhủ hương tình chưa trọn vẹn
Mà như ý ngỏ mộng trùng khơi
Cõi lòng hiu hắt thân oằn mõi
Nổi nhớ nhung mang trót một thời
Dù phút phân ly còn quyến luyến
Ngấn sầu lên mắt lệ dâng rồi !

Song MAI Lý Lệ

8/29/2017

Mai Tôi Đi Trời Mùa Mưa Tháng 9 - Thơ Khiếu Long - Phổ Nhạc Hồng Tước



Thơ: Khiếu Long
Phổ Nhạc & Tiếng Hát: Hồng Tước


​Kẻ Thù Của Bộ Não


10 kẻ thù của bộ não

Não là một trong những bộ phận lớn nhất cơ thể và là trung tâm điều khiển mọi hoạt động, chức năng cơ thể, tuy nhiên cũng là một trong những bộ phận dễ tổn thương nhất. Cùng tham khảo 10 loại hành vi có hại cho bộ não.

1• Ăn nhiều đường: Đường có trong hầu hết thức ăn chúng ta ăn mỗi ngày. Ăn quá nhiều đường trong thời gian dài khiến cơ thể giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng và đạm, khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến phát triển não.

2• Ô nhiễm không khí: Não cần nhiều ôxy để hoạt động. Thường xuyên phải hít thở không khí ô nhiễm đồng nghĩa lượng ôxy cung cấp cho cơ thể và não sẽ giảm.

3• Ăn quá nhiều không chỉ khiến tăng cân mà còn gây áp lực lên các động mạch não, giảm năng lực thần kinh.

4• Nói quá ít: Não cũng giống cơ bắp, tập luyện sẽ giúp phát triển. Thường xuyên giao tiếp và tham gia các cuộc đối thoại vận dụng trí óc là các bài tập cho não bộ.

5• Thiếu ngủ: Ngủ ít hơn sáu tiếng mỗi ngày là một cảnh báo với bộ não. Thiếu ngủ thường xuyên khiến các tế bào não chết, dẫn tới giảm ý thức, có vấn đề về thở và tầm nhìn.

6• Lười suy nghĩ sẽ khiến khả năng của não giảm đi. Hãy giữ não luôn năng động bằng các hình thức như giải ô chữ, sắp chữ...

7• Không ăn sáng làm giảm đường huyết, não không được cung cấp đủ dinh dưỡng. Nếu không ăn sáng trở thành thói quen, não sẽ bị lão hóa nhanh chóng.

8• Hút thuốc làm co rút các dây thần kinh não. Hút thuốc cũng là thủ phạm của các bệnh như Alzheimer và Dementia.

9• Ngủ trùm đầu khiến cơ thể không hít thở đủ ôxy, nguyên liệu cần thiết cho não hoạt động.

10• Điện thoại cầm tay nói riêng và các thiết bị điện tử nói chung đều tỏa ra bức xạ. Một nghiên cứu của Thụy Điển cho thấy bức xạ từ điện thoại di động gây đau đầu. Nhiều nghiên cứu còn gắn dùng điện thoại di động với ung thư, cả ung thư não.

Trần Ngọc sưu tầm

Họa Tử Do Tống Xuân - Tô Đông Pha (1032 - 1101)


Họa Tử Do Tống Xuân
Tô Đông Pha (1032 - 1101)

Mộng lý thanh xuân khả đắc truy
Dục tương thi cú bạn dư huy
Tửu lan bệnh khách duy tư thụy
Mật thục hoàng phong diệc lại phi
Thược dược anh đào câu tảo địa
Mấn ti thiền sáp tưởng vong ki
Bằng quân tá thủ pháp giới quán
Nhất tẩy nhân gian vạn sự phi

Dịch Xuôi : Họa Bài Tống Xuân Của Tử Do
Tuổi xuân giờ chỉ còn tìm lại được ở trong mộng
Đành chỉ muốn mượn mấy câu thơ để ca tụng ánh nắng chiều vương cho vui mà thôi
Rượu tàn người mệt chỉ muốn đi ngủ
Mật chín ong vàng lại biếng bay ngang
Thược dược anh đào đã rơi vương vãi đầy mặt đất
Mái tóc bạc với chiếc giường thiền ngẫm ra cũng đã lỡ làng ,đã muộn mất rồi
Vậy nên xin được nương nhờ cửa Phật cho học môn Pháp Giới Quán
Để mong được rũ sạch hết một lần mọi chuyện thị phi ở cõi đời này

Tống Xuân

Thanh xuân nay chỉ còn vào mộng 
Dệt mấy câu thơ tặng nắng tàn 
Người bệnh rượu say thèm ngủ đẫy 
Ong vàng mật chín biếng bay ngang 
Anh đào thược dược còn vương vãi 
Tóc bạc giường thiền đã muộn màng 
Đành cậy nhà sư môn giới quán 
May chăng buông được chuyện nhân gian 


Phụ Chú: Tử Do là em của Tô Đông Pha 

Lời Thêm: Tôi đã phân vân "rũ" , "bỏ" , "quên" ...cuối cùng lại lựa chữ "buông" ,với ý nghĩa phần nào còn luyến tiếc , trong câu "may chăng buông được chuyện nhân gian" ̣ Vâng , lúc này ở vào giữa bờ sinh tử , nhân gian vẫn là nơi tôi đã sống cho thương yêu dù đã một đời thương khó , sớm chịu cảnh đọa đầy ̣ Xin được thân quen cầu chúc cho nhau ít nhiều may mắn trên đường đi tìm cái không thể , may chăng đem lại được chút an nhiên nào chăng , ở những ngày tháng còn lại này ? Cầu chúc an lành ̣ Trân trọng ̣ 

Phạm Khắc Trí
 07/27/2017

Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Thơ Tranh: Lặng Chiều


Thơ: Nguyễn Gia Khanh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mưa Tháng Tám


Mưa tháng Tám rạt rào ôm nỗi nhớ
Những nụ mùa run rẩy dưới trời đông
Từng cánh lá chuyển màu bay lãng mạn
Thẩn thơ hồn đôi mắt ướt bên song

Mưa tháng Tám thầm thì giăng kín lối
Nhạt bờ môi đơn gối lạnh tha hương
Vòng tay chờ lạnh lùng băng giá
Chết giữa thâm u khúc đoạn trường

Mưa tháng Tám đêm rồi chẳng ngủ
Mở hồn thơ khép ước mơ xưa
Chao ơi nén thở dài trăn trở
Hãy trả cho nhau khoảng trống vừa...

Kim Phượng

Tầm Dương Khúc




Thuyền hoa nép ánh trăng vàng
Lung linh bóng liễu dịu dàng trong sương
Tỳ bà réo rắt cung thương
Đàn ai thổn thức Tầm Dương đợi chờ
Tỏ bày nàng mượn tiếng tơ
Giang Châu Tư Mã ngẩn ngơ tấc lòng
Xót thay phận bạc má hồng
Xuân tàn kỹ nữ ước mong bến về
Tri âm choàng tỉnh cơn mê
Nguyệt cầm lặng lẽ buồn lê canh tàn.


Quên Đi



Sợi Nhớ



Xướng: Sợi Nhớ
Thể lộc lư

Ai đem sợi nhớ bỏ ngang đường
Vướng phải cho hồn em vấn vương
Bàng bạc mây ngà giăng khắp nẻo
Chập chùng trăng sáng tỏa ngàn phương
Bao năm chất ngất niềm tâm sự
Một phút nguôi ngoai nỗi đoạn trường
Ánh biếc thu ba gờn gợn sóng
Thuyền tình đã cặp bến yêu đương

Lơ lững thuyền trăng tỏa ngát hương
Ai đem sợi nhớ bỏ ngang đường
Bướm tình đắm đuối bên hoa nắng
Quân tử nồng nàn cạnh mỹ nương
Lều mộng cùng nhau hòa nhịp thở
Vườn chiều chung bước đẫm hơi sương
Buông rèm, một cõi êm đềm qúa
Thế sự ngoài kia: cuộc hí trường

Mênh mông ngỡ lạc bến Tầm dương
Phơi phới hồn say rất lạ thường
Gió đẩy sao buồn rơi đỉnh núi
Ai đem sợi nhớ bỏ ngang đường
Cho chàng vẩy mực: tranh Hoài cảm
Để thiếp đề thơ: khúc Luyến thương
Chén rượu ân tình nồng má thắm
Trăng trời lồng lộng sáng như gương.

Đưa bước người đi mấy dặm trường
Mịt mờ bóng tối, chập chùng sương
Trăng thề nửa mảnh...trăng thề úa
Rượu tiễn tràn ly...rượu tiễn buồn
Trời dệt tơ sầu giăng lối mộng
Ai đem sợi nhớ bỏ ngang đường
Ngõ về mây tím che vần vũ
Gió cợt đêm dài...lạnh buốt xương !

Mình em vò võ chốn sông Tương
Hiu hắt đèn mờ nhuộm tiếc thương
Tuyết lạnh - chân trời thăm thẳm tuyết
Gương sầu- mắt lệ nhạt nhòa gương
Hình xưa xé nát...chôn đôi ảnh
Hồn cũ rã rời...lạc bốn phương
Khép mắt...ngỡ ngàng duyên mộng ảo
Ai đem sợi nhớ bỏ ngang đường

Thy Lệ Trang
* * *
Các Bài Họa:
Nỗi Niềm
Thể lộc lư

Biết em hối hả sắp lên đường
Canh cánh bên lòng cứ mãi vương
Về đấy vui vầy niềm hạnh phúc
Ở đây trăn trở nỗi đơn phương
Trò đời y hệt màn bi kịch
Cảnh sống khác chi cuộc hí trường ?
Kẻ chốn lầu son, người cát bụi
Đôi ta cách biệt, biết sao đương

Chắc phải cam đành biệt sắc hương
Biết em hối hả sắp lên đường
Cùng người lý tưởng xây lầu mộng
Mặc kẻ cơ hàn bám rẩy nương
Đã chẳng kể gì thân với thể
Thì đâu ngần ngại gió cùng sương ?
Ngày ngày mài miệt tìm phương sống
Hy vọng đời ta bớt đoạn trường

Thôi thì giã biệt khúc du dương
Dâu bể xưa nay cũng lẽ thường
Nhìn cảnh lăng xăng lo sánh lể
Biết em hối hả sắp lên đường
Hẳn rằng đã hết thời mơ mộng
Còn lại chỉ là nỗi nhớ thương
Xin chúc người đi nhiều thuận lợi
Cuộc đời mãi mãi sáng hơn gương

Cứ để mình ta gánh đoạn trường
Cả đời chưa thoát cảnh màn sương
Đêm dài thảm não bao trăn trở
Ngày kéo lê thê mấy tủi buồn !
Bày tiệc hân hoan mừng hạnh phúc
Biết em hối hả sắp lên đường
Để sầu, để nhớ loang vườn cũ
Cho lạnh lòng ai thấu tận xương

Chao ôi, lòng dạ nát như tương
Tự hỏi vì sao cứ nhớ thương ?
Bậu đã khuất rồi, đâu thấy bậu ?
Gương đà vở đỗ, khó lành gương
Người đi biền biệt xa ngàn dậm
Kẻ ở bơ phờ ngóng tứ phương
Gối chiếc, mền đơn dài luyến tiếc
Biết em hối hả sắp lên đường

Thục Nguyên
* * *
Cuộc Lữ
Thể lộc lư

Cuộc lữ lông bông chẳng ngõ đường
Tơ vò chỉ rối mộng hoài vương
Tình mơ hạnh ngộ về muôn nẻo
Nghĩa ước tao phùng tới viễn phương
Trả nhớ trăng sao ngoài cõi lặng
Tìm nguôi lửa đóm giữa đêm trường
Thôi lòng rượt đuổi ê chề bóng
Trọn sống nơi này hiện hữu đương

Dông dài tự thuở gió cời hương
Cuộc lữ lông bông chẳng ngõ đường
Ảo ảnh say sưa bờ quảng nguyệt
Liêu hồn đuối đắm sóng tình nương
Lao xao một thoáng đưa người mộng
Rún rẩy bao niềm tiễn gót sương
Trả lại rong rêu miền lặng vắng
Đời côi lủi thủi bóng miên trường

Vẫn thế,sinh tồn phía hướng dương
Lòng nhen lửa sống giữa vô thường
Chân đời lảo đảo thôi mây gió
Cuộc lữ lông bông chẳng ngõ đường
Chất liệu sầu đau làm hạnh phúc
Nguồn yêu não lụy hóa tình thương
Sông dài sóng nước theo dòng chảy
Rọi bóng soi hình rõ thấy gương

Dù chưa hỷ lạc vị xuân trường
Bớt đọa thân dầm mãi lạnh sương
Lắng xuống khi lòng đau đớn khổ
Trườn qua lúc dạ chán chê buồn
Con tằm thuận thảo còn tơ lụa
Cuộc lữ lông bông chẳng ngõ đường
Giữa chốn trần lao đời vấp ngã
Ai chờ mộ địa trắng vùi xương

Buổi ấy chia dòng xót bến Tương
Ân tình gió dạt lệ ngùi thương
Từ ly nẻo ái không lành phận
Cách biệt khung tình đã vỡ gương
Cũng lúc sâu lòng soi ảo giác
Thêm lần tỉnh trí thấy chân phương
Thuyền trôi cõi vọng đâu bờ bến
Cuộc lữ lông bông chẳng ngõ đường

Lý Đức Quỳnh
* * *
Sợi Nhớ BỏNgang Đường
Thể lộc lư

Vui sao thấy được nó bên đường
Sợi nhớ siêu nhiên tung vãi vương
Sợi nhỏ sợi to phô tuyệt sắc
Sợi dài sợi ngắn hướng ngời phương
Tần ngần suy nghĩ nhiều đêm trọn
Mắc mớ miên man cả tháng trường.
Đem nỗi ngờ nghi vào trí tưởng
Trầm mình chỗ đó để mà đương

Dù cái thứ này thoảng chút hương
Vui sao thấy được nó bên đường
Vô tình rơi mất niềm đau dậy
Hữu ý mong cầu dạ xấu nương
Là thứ mẹo mưu ta tỉnh trí
Là đồ thất lạc họ đằm sương.
Cõi lòng rối rắm thêm phiền toái
Dẫn dắt ta vô với loạn trường.

Nhờ vào ánh sáng của vầng dương
Nhất thiết phải nghiên dẫu chuyện thường.
May đó nhìn vô lề dưới cỏ
Vui sao thấy được nó bên đường.
Là nam hay nữ đâu mà biết
Dẫu nữ hay nam cũng đáng thương
Cha mẹ dạy đừng ham của lạ
Vâng lời ta giữ vững tâm gương

Nhân nghĩa đang trong cõi chiến trường
Ra ngoài đêm tối phủ màn sương
Giả làm như thật nâng li đắng
Gian lẩn vào ngay chạm chén buồn
Hứng lấy dễ chui tầng dưới ngục
Vui sao thấy được nó bên đường.
Bầu trời văn hóa khuyên tri đủ
Miếng lớn tuy ngon khó tránh xương.

Ngày xưa rau muống gắn cùng tương
Cuối xóm đầu làng lưu mến thương
Muối mặn hương đồng say đắm cảnh
Gừng cay cỏ nội sáng bừng gương.
Nên bà nên cụ nghiêm bao chốn
Đưa cháu đưa con sáng mọi phương.
Ta trách sợi kia ai thả ẩu
Vui sao thấy được nó bên đường

Trần Như Tùng* * *
Nỗi Lòng Quân Tử...!

(Lộc lư ngũ bộ )

Chợt gặp thuyền quyên thả bước đường.

Trái tim mở khóa dệt tơ vương...
Dòng đời việc thế chia muôn ngả.
Ý nghĩ lòng ta hướng một phương!
Quán nước muốn mời trang thục nữ.
Độc hành nghỉ bước khách can trường.
Phải duyên tương ngộ cho ao ước.
Khúc Phụng Cầu Hoàng cậy đảm đương.

Lâng lâng hồn quyện ngát dư hương.
Chợt gặp thuyền quyên thả bước đường.
Mơ lúc ngọc châu về hợp phố.
Mộng khi quân tử gặp tân nương...
Sắt son gắn kết từ xuân trẻ.
Hạnh phúc chung hòa tới tóc sương.
Má tựa vai kề bao thắm thiết.
Se tơ nguyệt lão tặng duyên trường.

Man mác chiều dâng lạt bóng dương
Chim về tổ ấm lẽ thông thường.
Mắt nhìn cây gạo hoa bừng nở.
Chợt gặp thuyền quyên thả bước đường.
Êm ả cung tơ thêu mộng ước.
Mơ màng sáo ngọc dệt yêu thương.
Dòng sông khói sóng dần lan tỏa.
Lấp lánh Hằng nga đã chiếu gương.

Chia xa...tim buốt tựa đông trường...
Cất bước trên đường nhuốm gió sương.
Nửa mảnh trăng soi thân lẻ bóng.
Nửa vầng nguyệt đọng quán đơn buồn.
Duyên mong lá thắm buông dòng biếc
Chợt gặp thuyền quyên thả bước đường.
Tư lự dặm dài chân lữ thứ.
Quên trời bấc lạnh thấm vào xương.!

Hữu ý?Vô tình? cách bến tương!
Để lòng quân tử dậy niềm thương.
Trách luồng gió buốt luồn tê dạ
Cho áng mây sầu phủ tối gương.
Gặp gỡ làm chi trong một thoáng?
Âm thầm nuối tiếc trải ngàn phương.
Có còn cơ hội về nơi ấy..?
Chợt gặp thuyền quyên thả bước đường

Trần Lệ Khánh

6-8-2017
* * *
Mùa Thương
Thể lộc lư

Không nỡ bỏ em mấy dặm đường
Tình chàng quay quắt vẫn còn vương
Bôn ba khắp nẻo muôn ngàn hướng
Xông xáo ta bà mấy vạn phương
Hạnh phúc êm đềm vui bể ái
Vui vầy đắm đuối ngát tình trường
Hôn nhân là cả đời mơ ước
Chẳng dám giỡn đùa “yêu “ với “ đương “

Còn thương còn nhớ đậm mùi hương
Không nỡ bỏ em mấy dặm đường
Khổ cực chưa nàn nơi núi thẳm
Gian truân chẳng nệ chốn đồi nương
Cùng nhau yêu ái mùa giông bão
Đồng thuận sẻ chia kiếp gió sương
Số kiếp do ta cài đặt hết
Thủy chung chẳng sợ lạnh đêm trường

Hạnh phúc gia đình tợ ánh dương
Chắt chiu gìn giữ chớ xem thường
Nâng niu quý thiếp từng giây phút
Không nỡ bỏ em mấy dặm đường
Cho dẫu đi đâu lòng vẫn nhớ
Ví như sống thác mãi còn thương
Tình mình sao giống duyên tiền định
Con cháu đời sau noi tấm gương

Ái yêu nhạt nhẽo trong tình trường
Như cỏ hoa cành thiếu ngậm sương
Đời vắng người thương - đời tẻ nhạt
Rượu không tri kỷ - rượu u buồn
Sao đành quên thiếp từng giây phút?
Không nỡ bỏ em mấy dặm đường
Thấu hiểu ly tình bao tháng lạnh
Đông về thao thức lạnh rêm xương!

Tiếc tiễn em xa dòng chảy Tương
Đắm chìm trong bể ái bi thương
Nghìn năm một bóng,,,, nhòa tăm tối
Miên viễn thân côi ,,,,lộng sáng gương
Rũ rượi hồn xưa đà khép kín
Độc côi tình cũ vẫn đơn phương
Thu tàn “say tít “ ngày đưa tiễn
Không nỡ bỏ em mấy dặm đường

Hoành Châu (Vĩnh Long)

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Thơ Tranh: Guốc Rơi


Thơ Và Thơ Tranh: Kim Oanh


Vui Tao Ngộ

     
(Từ trái : Tùng - Kiễm – Hiệp –Tư –Tòng)

Hẹn nhau đến vào một ngày đầy nắng
Quán Cây Cau sung sướng vẫy tay chào
Bao mái đầu pha sương đến bên nhau
Ly cà phê đắng vẫn ngọt ngào tha thiết.

Bao câu chuyện đời sống vui sinh hoạt
Trao nhau rộn rã đến quên ưu phiền
Người tham gia kẻ yên lặng lắng nghe
Ai nấy đều rộn lên niềm hoan hỉ.

Không có rượu nhưng say túy lúy
Say men tình bè bạn với tương thân
Gió hiu hiu nâng hồn nhẹ lâng lâng
Tiếng nói cười trầm hùng như điệu vũ.

Nhìn cuộc sống với bao điều ấp ủ
Noi gương tốt ta sát cánh cùng nhau
Danh dự chung bằng hữu hãy nêu cao
Vui tao ngộ điểm tô màu rực rỡ.

Đinh Thị Hiệp
(kính tặng anh Tùng để kỷ niệm ngày gặp nhau tại quán cà phê Cây Cau -
P.An Bình – Cần Thơ ngày 12/08/2017).
***
Hồ Nguyễn bịnh cảm cúm không đến họp mặt gỡi bài thơ chung vui

Mừng Ngày Vui Tao Ngộ

Từ Sài Gòn, Kim tỉ trở về đây
Chỉ mong gặp đủ thất tinh này
Tiệc chay đại tỉ mời đông đủ
Kim Tây nhóm trưởng cũng vui lây

Tuy chưa gặp mặt mà rất thương
Cứ nghĩ trước đây có gặp thường
Cần Thơ - Sài Gòn không xa lắm
Nhìn nhau ta biết chính đồng hương

Biết tên, chưa biết tuổi thì sao?
Tỉ tỉ hay muội muội thế nào?
Con chim cánh cụt phân vân lắm
Người mập hay gầy, thấp hay cao
Lúc nhỏ muội sống ở Chí Hòa
Ngã ba ông tạ chẳng bao xa
Về lại Cần Thơ học trung học
Đại học trở lên đường Cộng Hòa

Vì vậy có thể gọi đồng hương
Cũng đi thực tập ở các trường
Dưới quyền hướng dẫn của thầy Tấn
Mê thơ, mê nhạc chuyện văn chương

Vài hàng chào tỉ, muội mới quen
Ra mắt bài thơ mấy chữ quèn
Mà đúng là bài thơ con cóc
Không đầu, không cuối chỉ lèn èng.

28.8.2017

Hồ Nguyễn
***
Duyên Thơ


Hai người mới gặp mà dai
Nói qua nói lại dài dài không ngưng
Bắt ngây nói mãi không dừng
Nói hoài hết Tết, lại mừng Tết sau

Trơn đường đứt thắng té nhào
Một người bịnh hoạn làu bàu không thôi
Vui bao nhiêu thế đủ rồi
Ma thơ nó nhập câu mồi liên miên

Văn chương gặp gỡ là duyên
Sợi lòng giăng mắc nối liền dòng thơ
Chiếc cầu nối nhịp hai bờ
Dù không muốn gặp lững lờ được đâu

Tao phùng kiếm khách đối đầu
Chờ rằm trăng sáng dưới lầu so gươm

Kim Quang

Mai Em Về


Em sẽ về.
Biết đâu đó
Mai em về thăm chị
Mang tình quê nối lại nhịp đường quê.
Em sẽ về
Nhớ đôi bàn tay ấm
Mái tóc màu mây giữa tiết thu phân
Từng tiếng thơ ru – những lời tình tự
Từng bước chân êm muôn ngàn tinh tú
Còn gì nữa không – cho em ẩn náu . . .
Biết mai ta đi – kịp nói lời chào?

Hồ Việt Kim Chi
***
Cảm Tác: Anh Chờ Em Về

Em đi trời cũng đượm buồn
Mưa bay mờ mịt gió luồn song thưa
Dường như võng mẹ giao thừa
Đợi người xa vắng vẫn chưa thấy về.

Gió đưa bụi chuối sau hè
Nhớ em càng lúc càng thê thãm sầu
Em đi xứ lạ đã lâu
Đò đang đợi khách qua cầu người ơi!

Quê người em xây mộng đời
Bỏ người ở lại chơi vơi muộn phiền
Đêm nay u uất niềm riêng
Gởi em một giấc cô miên ai hoài…

Thẩn thờ nhìn ánh sao mai
Dường như có tiếng thở dài đâu dây!

Dương hồng Thủy
29/08/2017

Bão Lụt Houston



Bão Lụt Houston

Houston bão dữ mấy hôm rày,
Thấp thỏm muôn người lo lắng thay!
Gió giật khắp nơi bao đổ vỡ,
Nước tràn ngàn lối mấy đêm ngày.
Mưa tuôn xối xả xe tràn nước,
Sấm chớp bão bùng nóc tốc bay.
Trường học cơ quan đều đóng cửa,
Mênh mông là nước tựa sông dài!

Đỗ Chiêu Đức

Bão Hervey2017
***
Các Bài Họa:
Chúc Bạn Bình An

Mưa gió Houston bữa hổm rày
Bà con Người Việt cũng lo thay
Đường hư nước lụt lưu thông tối
Đất lở lũ tràn đợi suốt ngày
Xe chạy lộ trình không thoát nước
Khách ngồi bó gối có tàu bay ?
Anh đồ Chiêu Đức bình an khỏe
Cảm tạ đất trời phước báu dài...!

Mai Xuân Thanh
Ngày 28 tháng 08 năm 2017
***
Thăm Hỏi Sẻ Chia

Nghe bão Hervey mấy bữa rày
Đổ vào đất Mỹ dữ dằn thay !
Mưa tuôn Hà Bá chơi cùng lộ
Gió giật Di Phong hét cả ngày
Lo lắng Anh Đồ hao sức khỏe
Vui mừng nhà cửa thoát đường bay
Quê ta cũng bị trời u ám
Thăm hỏi mà chia sẻ vắn dài.
Cao Linh Tử
29/8/2017
***
Bão Harvey

Harvey tràn tới quá ư rày…
Cô bác Houston vất vả thay
Chống nước oằn lưng đà mấy bữa
Chờ Trump mỏi mắt cà nguyên ngày
Dân lo di tản bằng đường thủy
Ông đến tham quan với máy bay
Chửa rõ sao đây phần trợ cấp
“Fema” ghé mắt hẳn còn dài.

Thái Huy

8-28-17
***
Thiên tai 

Lo lắng thiên tai mấy bữa rày
Houston bão lụt thật buồn thay
Mây trời xám xịt như khuya tối
Bụi đất đen sâu dẫu sớm ngày
Mưa đổ từng cơn nhìn nước ngập
Gió lùa mấy đợt ngó cành bay
Bao người cuốn quýt lo di tản
Trời đất có nghe tiếng thở dài ?

Minh Thuý
Tháng 8_2017
***
Thăm Hỏi

Thăm hỏi sư huynh mấy bữa rày
Hervey cơn bão dữ dằn thay
Cuồng giông hũy sạch khi tràn phố
Nạn nước tàn hoang suốt cả ngày
Lũ lớn còn đang màn dọa nạt
Nhà neo vẫn ngại nóc dần bay
Houston Mỹ quốc trời dân chủ
Hãy vững lòng tin bước tiến dài.


Mai Thắng
***
170829
Mừng Bạn Thoát Bão

Bão dữ hung hăng mấy bữa rày
Tróc nhà, ngập lộ thật ghê thay
Thiên tai đổ ập ngay từng phố
Thiệt hại tăng lên cứ mỗi ngày
Mừng bạn nhà an và sức vững
Giữa cơn gió giật với mưa bay
Cầu mong gia đạo luôn yên ổn
Trong lúc bão giông vẫn kéo dài.

Phương Hà
***
Bão Harvey và lời thăm hỏi

Bão tố Houston mấy bửa rày!
Dân tình khốn khó khổ thân thay
Nước dâng khắp chổ đường không lối
Điện cúp mọi nơi trãi lắm ngày
Gió giật cây cao,nhà đỗ xập
Mưa tràn sấm chớp xẹt như bay
Cầu an Chiêu Đức cùng thi hữu
Dù bão Harvey có kéo dài

Song MAI Lý Lệ

Đừng Vội


Mặc dù Tô Đông Pha là một nhà thơ nhà văn nổi tiếng, làm quan thời Bắc Tống của đất nước Trung Hoa! Nhưng ông là một người rất hiểu lễ nghĩa, nhân từ và dân dã, ông thường ăn mặc giản dị, đi ngao du sơn thủy và đàm đạo với các vị tăng nhân khắp nơi!!!

Một ngày nọ, trên đường ngao du đến Hàng Châu, vừa khát vừa mệt nên thấy có một ngôi chùa, Đông-Pha liền bước vào để xin chén nước uống và nghỉ ngơi!
Phương-Trượng của ngôi chùa ra tiếp, thấy Đông Pha ăn mặc bộ đồ cũ, đầy bụi đường xa, không thấy có gia nhân ngựa xe đi cùng! Nên nghĩ đây là một người khách hành hương bình thường, nên tỏ ý không coi trọng! Nhưng vì đã ra đến nơi, nên vẫn phải tiếp mặc dù trong bụng không muốn!!!

Vị Phương-Trượng chỉ cái ghế ngay sân nói:
- Ngồi!
Rồi quay sang Chú Tiểu đứng cạnh bảo:
--Trà!
Chú Tiểu bưng lên cho Đông-Pha một chén trà pha từ bao giờ nguội ngắt!
Sau khi ngồi nói một vài câu chuyện, Vị Phương Trượng mới thấy Đông Pha không phải người tầm thường như lúc đầu ông ta nghĩ, vì thấy ăn nói hoạt bát, hiểu biết, càng nhìn lại càng thấy phong thái đĩnh đạc, phi phàm! Liền mời vào trong một gian nhà gần đấy ngồi, bảo cho đỡ nắng!!!
Vào phòng, Vị Phương Trượng chỉ ghế nói:
- Mời ngồi!
Lại nói với Chú Tiểu:
- Mời trà!
Sau khi trò chuyện, Vị Phương Trượng kinh ngạc khi biết vị khách này chính là đại thi nhân tiếng tăm lừng lẫy Đông Pha cư sĩ, thì liền mời ông vào một căn phòng rộng lớn trong điện và không ngớt cúi đầu nói:
- Kính mời ngồi!
Và nói với Chú Tiểu:
- Kính trà thơm!
Chú Tiểu mang lên chén trà nóng thơm ngào ngạt!!!
Ngồi nói chuyện thêm một hồi, Đông Pha xin cáo từ, Vị Phương Trượng liền xin Đông Pha để lại bút tích bằng thơ để kỷ niệm ngày ông ghé thăm chùa!!!

Đông-Pha mỉm cười, rồi viết 2 câu:
Tọa, Tỉnh tọa, Thỉnh thượng tọa!
Trà, kính trà, kính hương trà! 

Dịch là:
"Ngồi, mời ngồi, kính mời ngồi!
Trà, mời trà, kính trà thơm!".

Vị Phương Trượng xem xong xấu hổ đỏ bừng mặt không nói được lời nào! Từ đó trở về sau không còn dám phân biệt khách khi tiếp đón nữa!!!

Đông Pha cư sĩ đã để lại cho hậu thế hai bài học lớn:

* Thứ nhất: Người thông minh, hiểu biết không nhìn vẻ bề ngoài, mà đánh giá người khác!!!
* Thứ hai: Người có đạo đức, tu dưỡng thì không sợ người khác đánh giá sai mình! Càng không tức giận khi bị coi thường và không quan tâm đến thái độ của người khác! Ngọc sáng thì tự nó sẽ luôn tỏa sáng!!!

​TNS-Lệnh Hồ Công Tử,  Sưu-Tầm

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Thu Hát Cho Người - Vũ Đức Sao Biển - Vũ Khanh


Sáng Tác: Vũ Đức Sao Biển
Ca Sĩ: Vũ Khanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Nói Chuyện Tình Em



(Họa thơ Võ Đình Cử)

Duyên nợ lỡ làng - bất cứ đâu,
Đò dù nẻo khuất - bến in sâu,
Dòng sông chiếc bách cơi làn nước,
Dặm cát chòm mây dấy thoạt đầu,
Nếu chốn cung thiền tâm lạc hướng,
Thì công chú cuội nước qua cầu,
Sang ngang chở nặng - niềm cay đắng,
Thử hỏi đời người - ai biết sau?

Trương Văn Lủy

Thầy Hay Thợ? - Ơn Nghĩa Cao Dày



Thầy Hay Thợ?

Tài đức gì đâu được gọi thầy?
Chỉ là lão thợ hết thời đây
Đường tu chửa đến đuôi bờ giác
Vốn học không rồi cục gạch xây
Tiêu khiển bạn đời thơ với thẩn
Hành thiền công quả búa và cây
Khuôn hòm cái khánh qua ngày tháng
Tài đức gì đâu dám nhận thầy.

Cao Linh Tử
15/8/2017
* * *
Ơn Nghĩa Cao Dày

Công Cha nghĩa Mẹ với ơn Thầy
Tài đức trau giồi khắc cốt đây
Thế hệ mai sau cần gắng giữ
Tiền nhân đời trước bỏ công xây
Mẹ Cha nhân hậu thơm hoa trái
Con cháu hiền lương phúc cội cây
Cuộc sống mỗi ngày thêm hữu dụng
Công Cha nghĩa Mẹ há quên Thầy

Kim Phượng

Cảm Thu


 Cảm Thu
“Bát vỹ đồng âm”

Bởi bệnh nên xa Lãm Nguyệt hoài
Thu về trở tiết thấy hoa khai
Mong người cốt cách lưu thừa thãi
Ước bạn tâm can giữ miệt mài
Tưởng những tung hoành nơi đại hải
Đâu ngờ tàn tạ giữa trần ai
Thẫn thờ gieo cấy vần tê tái
Vớt chữ ly tao cũng đọa đày

Lê Đăng Mành
***
Các Bài Họa:
Nhớ Bạn

Bạn đau vắng bóng Nguyệt Hiên hoài
Đào rụng sen tàn nay cúc khai
Có phải ngọc lưu chưa biệt đá
Hay là thép cất ngán tô mài
Nghiên đang đằm ý thơ hơn Thế
Bút vẫn ươm vần tứ vượt Ai
Tri kỷ tri âm luôn ngưỡng mộ
Bạn ơi! trở lại chén vơi đầy

Trần Lệ Khánh
18-8-2017
***
Tráng Sĩ Thương Ca

Tự nhiên bỗng cảm thấy u hoài
Thu đến lòng buồn đã sớm khai
Tay yếu không cầm thanh kiếm sắc
Thân cô chẳng múa chiếc dao mài
Đơn thân lay lắt mưa và gió
Độc mã tương phùng ai với ai?
Đường vắng quạnh hiu lòng tím ngắt
Nhìn ra trước mặt chốn lưu đày!

Trịnh Cơ (Paris)
***
Cõi Thu

Chớm thu khói sóng đã u hoài
Lặng nhánh hoa thầm lác đác khai
Thẫn nhạn trời hoang dằng dặc vỗ
Phờ giun đất lạnh quẩn quanh mài
Bóng côi chiều quyện màu biên tái
Đàn lẻ đêm hòa tiếng khóc ai
Thẩm thấu trùng liêu vào nhật nguyệt
Sầu đưa lữ thứ viễn phương đày

Lý Đức Quỳnh
***
Thu Về

Trời sao hành bạn trở đau hoài ?
Hoa của xuân, hè đã mãn khai
Mà đức tâm can còn khổ luyện
Tài hoa nghiên bút cứ trui mài
Trở về phím loạn vui cùng bạn
Ở lại giường đơn tủi với ai
Mạch sống thu về vừa dịu mát
Phải xa Lãm Nguyệt tưởng lưu đày.

Phan Tự Trí
***
Bạn Tôi Đón Thu

Cái nỗi tương tư gọi nhớ hoài
Nhớ gì , thành thật hãy mau khai.
Thưa : thơ Như Thị châu từng gặp
Thưa : dáng Nguyệt Hiên ngọc đã mài.
Câu chữ tung hoành ngang với thế
Bút nghiên rạng rỡ kém chi ai.
Người vui xướng họa cùng ta đó
Thư thái tình thu giảm bệnh đày 

Trần Như Tùng
***
Vào Thu
“Bát âm”

Vào thu lại cứ nhớ nhung hoài
Hoa cúc bên thềm nhụy mãn khai
Nghe giọt mưa rơi chèo gác mái
Ngắm tranh thuỷ họa bóng sơn mài
Tâm tư khắc khoải thời biên ải
Thân xác hao gầy chốn khổ ai
Nắng dãi mưa dầm nơi cuối bãi
Làm sao quên được cảnh lưu đày!

NS-Canada
***
Bạn Đã Về

Bỗng nhiên vắng bóng bạn đâu hoài
Đang tính hỏi thăm đã thấy khai
Bởi tại cơn đau còn quấy nhiễu
Cho nên thơ phú ít dùi mài
Giờ đây tĩnh dưỡng quên bi lụy
Mai mốt phục hồi hết khổ ai
Phần số trời ban ta chấp nhận
An vui hạnh phúc ắt đong đầy

Trương Ngọc Thạch
8/19/2017
***
Vuốt Râu "Cọp" Chơi...

Bộ hết vận sao cứ mãi "đày" ?
Tào lao dẫu có bực lòng ai
Thương con chữ xót vì ham dũa
Tội bạn bè cay vẫn cố mài
Hồn lặng- đâu lo ngày tận thế
Tâm bình- chẳng tiếc buổi sơ khai
Bỏ, buông...ước nguyện từ lâu lắm
Mắc mớ chi mô chịu khổ hoài???

Thy Lệ Trang
***
Vui Cùng Bạn Hữu

Mẹ về Tây Trúc để ưu hoài
Gạt lệ hôm nay mở bút khai
Luôn nhớ bạn thơ đêm gối trở
Hằng thương tứ vận sáng sơn mài*
Chạnh người thi sỹ khi đau bệnh
Cám bóng Nguyệt Hiên để vắng ai
Giờ lại chung vui cùng bạn hữu
Đành thôi thấm lạnh giọt châu đày

Phạm Kim Lợi
*Ý nói mài mực để viết
***
Thu Mong Ước

Thi nhân vẫn cứ lặng thinh hoài
Hoa Cúc , Sen hồng vẫn nở khai
Có phải đèn khuya thơ chuốt luyện
Hay chăng Trăng sáng chữ trau mài
Nguyện cầu kẻ sĩ đừng vướng bệnh
Mong ước bao người chẳng khổ ai
Lá trải vàng thu đầy lối mộng
Bước chung bạn hữu lắng bệnh đày

Minh Thuý
***
Quyện Mãi Đây

Vận hạn chưa qua cứ bệnh hoài
Sen tàn hạ tận lộ cúc khai
Thân già tuổi lão luôn rèn dũa
Lực yếu sức mòn mãi luyện mài
Mở ý khui hương cùng bạn hữu
Bày tình tỏ sắc với tình ai
Nơi vầy Lãm nguyệt phô hoa ngát
Viễn xứ hòa đưa quyện mãi đầy.

Hương Thềm Mây
20.8.2017
***
Quả Vị

Vận còn cả núi nói sao đày??
Tui trách phận tui dám trách ai
Thăm bệnh bài thơ thay nhát dũa
Viếng câu thị nở ngỡ dao mài
Phát tâm nghịch độ tâm bồ tát
Nghẹn tiếng thuận duyên tiếng bất khai
Buông, xả vẫn nghe lòng tím tái
Độ sanh quả vị ước mong hoài!!!

Lộc Bắc
***
Thái Bình

Âm thanh rộn rã vọng vang hoài
Những sớm hồng tươi vạn đóa khai
Ríu rít chim ca,đùa trước ngõ
Mượt mà tóc thả, tựa bên ai
Câu hò dìu đặt ngày tô, chuốt
Tiếng hát mênh mang mỗi luyện, mài
Thuận thảo thiên thời vui trọn vẹn
An bình địa lợi ước mơ đầy

Thanh Hoà

Tình Đầu Dang Dở

(Truyện rút ngắn)

Lúc ấy xa xưa, thế giới chiến tranh lần 2 vừa dứt. Nước Việt Nam bắt đầu ly loạn. Thuở đó, nó là nam sinh của trường Trung học Pétrus Ký. Em là nữ sinh trường Trung học Gia Long.
Không biết cơ duyên nào cho nó gặp và làm quen được em. Khuôn mặt trái soan, làn da mịn, mái tóc đen kẹp thả dài sau lưng. Chiếc ào bà ba trắng, cái quần lảnh mỷ-a đen mềm, kèm theo cái nón lá máng khỷu tay đang ôm cặp sách. Tất cả, tất cả hình ảnh đó…của em làm nó ngẩn ngơ. Từ dạo ấy, mỗi trưa hết giờ học, nó vội vàng đạp xe đến trường Gia Long gặp em. Coi như có hẹn, tan trường rồi, em chưa vội về, lóng nhóng cổng trường chờ nó. Dắt xe đạp cùng em đi bộ. Hai đứa song đôi dưới hàng cây dầu cổ thụ cao ngất. Bóng mát trải dài dọc theo con đường chạy trước trường. Em không dám ngồi cùng xe cho nó chở vì sợ có ai thấy dị nghị.

(Nữ sinh Gia Long thập niên 50)

Đi chung với nhau như vậy cũng thường, nhưng chẳng dám nói gì, chỉ để thấy nhau thôi. Nếu không, trong lòng sẽ mang nhiều nổi nhớ. Cũng có lần, nó bạo gan nắm tay em. Em giật mình, nhìn nó rồi nhìn chung quanh sợ có ai trông thấy. Em vẫn để yên bàn tay em trong lòng bàn tay nó. Ấm áp, mềm mại, run run. Tim nó đập mạnh. Má em ửng hồng. Vẫn không một lời nào. Chỉ thấy nhít môi e thẹn.
Nhiều ngày trôi qua. Một hôm, nó đến đón, không thấy em. Chờ mải không thấy em. Nó lặng lẽ một mình đạp xe đi. Thơ thẩn. Mấy hôm liền như vậy. Lo lắn, nó tìm ngưới để hỏi thăm. Tin cho biết: Em vừa mới lên xe hoa theo chồng, làm dâu nơi tỉnh khác.

Lớn lên trong thời chiến mà lại thất tình, nó bỏ Pétrus Ký, làm đơn xin dự thi và được trúng tuyển vào học Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Trường VBQGĐL thời kỳ nó vào có tên là École Des Officiers Interarmes à Dalat, (dịch là Trường Sỉ Quan Liên Quân Đà lạt). Từ đó, nó sống đời binh nghiệp, để nằm yên nơi đáy lòng mối tình đầu dang dở.
Mản khóa, tốt mghiệp ra trường. Nó cầm Sự Vụ Lệnh đi trình diện đơn vị mới. Nơi đây, nó biết trách nhiệm của nó. Nó bắt đầu biết yêu đồng đội, ý thức được lý do đất nước loạn ly.
Bao năm chiến đấu, khi nơi Nghĩa Lộ Sơn La miền Bắc, lúc chỗ Đầm Dơi đất mũi miền Nam. Hiệp định Genève 1954, vỉ tuyén 17 với dòng Bến Hải chia cắt đôi bờ. Đứng bên nầy dòng sông, nhìn qua bên kia bờ Bắc đau xót. Giờ đây, nó chiến đấu dưới bóng cờ vàng Quốc Gia, theo con đường lựa chọn. Đi đây đi đó gặp lắm bóng hồng. Có bóng hồng nào làm nó bâng khuâng, tự đáy lòng, thức dậy mối tình đầu dang dở. Nó vẫn là một người lính độc thân đeo cấp bậc sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Bộ áo bà ba của cô con gái Gia Long năm nào vẫn còn nỗi niềm trong nó!
Qua nhiều năm tù cải tạo. Sau cùng nó thành người lính già xa quê hương, sống lưu vong nhiều nơi trên đất khách.

Nó là bạn cùng lớp với tôi ở Pétrus Ký, vừa qua đời đến nay chưa giáp một năm, tại Paris 13, Pháp Quốc. Không thân nhân, chỉ có bạn bè thông báo và chia buồn!
Thương!

Nguyễn Văn Tỷ
27-82017

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Thơ Tranh: Quê Hương Của Ai


Thơ: Chân Diện Mục
Thơ Tranh: Kim Quang


Nhịp Cầu Trường Xưa


Tuổi già tóc bạc da mồi
Tóc buồn còn níu một thời tóc xanh
Câu thơ nghiêng nhớ chòng chành
Thả về ngày ấy long lanh nụ cười

Câu thơ lem bụi phấn rơi
Bay qua bục giảng chỗ ngồi lớp xưa
Những ngày ngọt nắng thơm mưa
Quần xanh áo trắng cũng vừa lướt ngang

Gió bay qua dãy hành lang
Tiếng chim ríu rít vội vàng nối đuôi
Khai trường tiếng trống bồi hồi
Những bàn tay vội ghi lời thầy cô

Tập trang trắng tuổi ngây thơ
In dài nét chữ dại khờ mến yêu
Giờ chơi điểm tiếng chuông reo
Bước chân nhún nhẩy trong veo tâm hồn

Câu thơ tình nghĩa vấn vương
Hàng cây nép cạnh mái trường xanh nghiêng
Mùa thu lướt nhẹ bên thềm
Lá vàng nỗi nhớ rơi mềm lòng thu

Câu thơ vẽ bóng học trò
Người quê nhà kẻ bên bờ trùng khơi
Rất gần nào có xa xôi
Dắt dìu kỷ niệm về nơi trường mình

Câu thơ thắp nến lung linh
Soi ngôi trường cũ nghĩa tình sáng trong
Qua sông nhớ nhịp cầu sông
Qua trường là ngọn gió lồng lộng thương

Trầm Vân


Đạo Đức Kinh Chương 38 - Lão Tử


LMĐ:
Xin được thưa, về Đạo Đức Kinh của Lão Tử , ngoài Chương 1 nói về Đạo , tôi trích và chuyển dịch thêm Chương 38 nói về Đức để thân quen nhàn lãm ̣ Và, để chia vui cùng nhau cái thú tìm hiểu ngôn ngữ của người xưa , nhớ lại một thời học trò được Thày nói về đạo Lão , về thuyết Vô Vi (không làm), về Bất Ngôn Chi Giáo (dạy mà không cần nói ) , về Tri Giả Bất Ngôn, Ngôn Giả Bất Tri ( người khôn không nói , người nói không khôn ) ... nghe vui tai mà có hiểu gì đâu , dù ngay cả đến bây giờ cũng đã gần 1 đời đọc sách ̣PKT 08/25/2017 


Đạo Đức Kinh - Chương 38

Lão Tử: 
Thượng đức bất đức thị dĩ hữu đức / Hạ đức bất đức thị dĩ vô đức / Thượng đức vô vi nhi vô dĩ vi / Hạ đức vô vi nhi hữu dĩ vi / Thượng nhân vi chi nhi vô dĩ vi / Thượng nghĩa vi chi nhi hữu dĩ vi / Thượng lễ vi chi nhi mạc chi ứng / Tắc nhương tý nhi nhưng chi // Cố // Thất đạo nhi hậu đức / Thất đức nhi hậu nhân / Thất nhân nhi hậu nghĩa / Thất nghĩa nhi hậu lễ / Phù lễ giả trung tín chi bạc nhi loạn chi thủ / Tiền thức giả đạo chi hoa nhi ngu chi thủy / Thị dĩ đại trượng phu / Xử kỳ hậu bất cư kỳ bạc / Xử kỳ thực bất cư kỳ hoa / Cố khứ bỉ thủ thử

Thu Giang Nguyễn Duy Cần: 

Đức mà cao là không có đức bởi vậy mới có đức / Đức mà thấp là không mất đức nên không có đức / Đức mà cao thì không làm lại không cậy đó là có làm / Đức mà thấp thì không làm lại cho là có làm / Nhân mà cao thì làm nhưng không cho đó là có làm / Nghiã mà cao cũng làm lại cho là có làm / Lễ mà cao thì làm nếu không được đáp thì xăn tay mà lườm //Vì vậy // Mất Đạo rồi mới có Đức / Mất Đức rồi mới có Nhân / Mất Nhân rồi mới có Nghĩa / Mất Nghĩa rồi mới có Lễ / Lễ chỉ là cái vỏ mỏng của lòng trung tín mà cũng là đầu mối của hỗn loạn / Tiền thức là hoa của Đạo mà cũng là gốc của ngu / Ấy nên bậc đại trượng phu / Ở chỗ dày không ở chỗ mỏng / Chuộng trái không chuộng hoa / Nên bỏ đây mà giữ đó

Nguyễn Hiến Lê: Người có đức cao thì (thuận theo tự nhiên) không có ý cầu đức cho nên có đức / người có đức thấp thì có ý cầu đức cho nên không có đức / Người có đức cao thì vô vi (không làm) mà không có ý làm (nghĩa là không cố ý vội vì cứ thuận theo tự nhiên) / Người có đức thấp cũng vô vi mà có ý làm (nghĩa là cố ý vô vi ) / Người có đức nhân cao thì (do lòng thành mà) làm điều nhân chứ không có ý làm (không nhắm một mục đích gì ) / Người có lòng nghĩa cao thì làm điều nghĩa mà có ý làm (vì so sánh điều nên làm - điều nghĩa - với điều không nên làm ) / Người có đức lễ cao thì giữ lễ nghi và nếu không được đáp lại thì đưa cánh tay ra kéo người ta bắt phải giữ lễ nghi như mình // Cho nên // Đạo mất rồi sau mới có Đức (Đức ở đây hiểu theo nguyên lý của mỗi vật ) / Đức mất rồi sau mới có Nhân / Nhân mất rồi sau mới có NghĨa / Nghĩa mất rồi sau mới có Lễ / Lễ là biểu hiện sự suy vi của sự trung hậu thành tín / là đầu mối của sự hỗn loạn / Dùng trí tuệ để tính toán trước thì (mất cái chất phác) chỉ là cái loè lẹt (cái hoa) của đạo, mà là nguồn gốc của ngu muội / Cho nên bậc đại trượng phu (người hiểu đạo )/ giữ trung hậu thành tín mà không trọng lễ nghi / giữ đạo mà không dùng trí xảo / Bỏ cái này mà giữ cái kia 

Charles Muller: True virtue is not virtuous therefore it has virtue / Superficial virtue never fails to be virtuous therefore it has no virtue /True virtue does not "act" and has no intention / Superficial virtue "acts" and always has intentions / True humaneness "acts" but has no intentions / True rightness "acts" but has intentions / True propriety "acts" and if you don't respond / They will roll up their sleeves and threaten you // Thus// when the Tao is lost there is virtue / when virtue is lost there is humaneness / When humaneness is lost there is rightness / And when rightness is lost there is propriety / Now "propriety" is the external appearance of loyalty and sincerity / And the beginning of disorder / Occult abilities are just flowers of the "Tao" /And the beginning of foolishness / Therefore the Master dwells in the substantial / And not in the superficial / Rests in the fruit and not in the flower / So let go of that and grasp this 

Phạm Khắc Trí:
Người có đức cao, không nghĩ đến đức, mà thật ra là có đức / Người có đức thấp, không nghĩ đến đức, đương nhiên là không có đức / Người có đức cao, khi không làm, nói là không làm / Còn người có đức thấp, khi không làm , có thể nói là có làm /Người có nhân cao làm mà coi như không làm / Người có nghĩa cao làm là coi như có làm / Người có lễ cao làm , nếu không được đáp ứng , lại muốn bắt người ta phải theo ý mình // Cho nên // Mất Đạo thì còn Đức / Mất Đức thì còn Nhân / Mất Nhân thì còn Nghĩa /Mất Nghĩa thì còn Lễ / Nhưng cái Lễ phù phiếm này chỉ là lòng trung tín không thực và là đầu mối của hỗn loạn / Mọi nghi thức xếp đặt tôn sùng Đạo chỉ là hào nhoáng lòe loẹt và là nguồn gốc của mê tín ngu xuẩn / Vậy nên người thật hiểu đạo / hãy bỏ "đó" mà giữ "đây" / nên chuộng cái chất thật mà không nên chuộng cái giả tạo / nên chuộng quả mà không nên chuộng hoa