Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Ngàn NămTiếng Nước Tôi - Sáng tác: Văn Duy Tùng -Trình Bày: Tuyết Mai ft. Lê Vũ Phương


Sáng tác: Văn Duy Tùng
Trình Bày: Tuyết Mai ft. Lê Vũ Phương

Miền Trung Thương Nhớ

 

Miền Trung sỏi đá khô cằn
Anh hùng, hào kiệt xuất thân nơi nầy
Ngự Bình, núi vẩn còn đây
Giòng Hương Giang nước chảy hoài . Huế ơi !
Ai về có nhớ quên tôi
Câu hò Mái Đẩy ngọt lời sắt son
Trường Tiền mấy nhịp chon von
Phượng soi bóng lá, tóc còn gió bay
Một lần ghé lại nơi đây
Nhớ Sen Đại Nội , nhớ ai dịu dàng
Nón bài Thơ, ngón tay ngoan
Dáng thơ e ấp, tiếng đàn thuyền trăng
Ai về Ga Hội , KimLăng
Hỏi thăm Bến Ngự còn chăng bóng người ?
Chim bay biển Bắc xa rồi
Tim nhau suốt kiếp, lỗi lời hẹn xưa
À ơi! Câu hát gió đưa
Vân Lâu vẩn đợi, người chưa thấy về.


Hoàng Phượng

Nhan Sắc

 

Bức chân dung không giống
Dù tô sửa nhiều lần
Vẫn lạc thần trống rổng
Như tượng sáp vô hồn

Dù màu son có nhạt
Mắt biếc vẫn trữ tình
Anh xin em hãy cứ
Giữ nguyên nhân dáng mình

Giữ nụ cười đằm thắm
Giữ ánh mắt sáng ngời
Đừng tô thêm gì nữa
Nét đẹp tự nhiên thôi

Hãy như thơ Nguyễn Bính
Chỉ thương mỗi chân quê
Thơm hương đồng cỏ nội
Xanh biếc dòng sông mê

Hãy giữ dây lưng đũi *
Cứ mặc yếm lụa sồi
Áo tứ thân còn đó
Khăn mỏ quạ đừng rời

Cứ thế thôi em nhé
Chân chất nét quê mình
Như lúa xanh con gái
Trên cánh đồng nguyên trinh

Nét cọ nào vẽ được
Chân tâm trái tim người
Màu sắc nào tô được
Để lấp thời gian trôi

Cố làm gì em nhỉ
Khi ngày tháng phai phôi
Dù cố tô, chỉnh, sửa
Vẫn chỉ là mình thôi

Hãy cứ như thuở ấy
Xanh xuân chẳng hề phai
Hãy cứ yêu chân chất
Mặc giông gió đường dài

Đừng như người ca kỷ
Trên sân khấu diễn tuồng
Khi màn nhung khép lại
Son phấn nhòa lệ tuông

Mỗi sáng mai nắng dậy
Là ngắn bớt thì thời
Nhưng em ơi hãy nhớ
Chân chất vẫn tuyệt vời.

Túy hà

*Ý thơ Nguyễn Bính

Chiều(Xuân Diệu) - Evening( Thomas D. Le)

 

Chiều

(Tặng Nguyễn Khắc Hiếu)

Hôm nay trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...
Lá hồng rơi lặng ngỏ thôn,
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương.
Phất phơ hồn của bông hường,
Trong hơi phiêu bạt còn vương má hồng.
Nghe chừng gió nhớ qua sông,
E bên lau lách thuyền không vắng bờ.
Không gian như có dây tơ,
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều,
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn. 


Xuân Diệu
***
Evening


(To Nguyễn Khắc Hiếu)

Today the weightless clouds ascend aloft.
Joyless I am, yet know not why.
The roses' leaves fall quiet on rustic paths
While virgin dew covers the founts of love.
Floating about, the soul of rose wanders,
Spreading under its breath sweet love's beauty.
It seems the wind hungers to cross the stream,
Yet fears the reeds reveal the empty boat.
It seems the air is in a tangled web
That each step tears and each move rips.
Serene the eve lingers in dusky haze.
Though safe my heart wallows in mild soft gloom.

Translated by Thomas D. Le
16 February 2009


Một Thoáng Phù Du

 
Ta chợt gặp nhau, thoáng ngỡ ngàng
Mắt buồn xa vắng tựa đông sang
Duyên xưa lỡ dở nào ai hiểu
Giờ đứa một nơi cách dặm ngàn

Người đó, tôi đây mấy bước gần
Nhưng chừng vạn dậm, giọt sầu dâng
Khẽ khàng ánh mắt thầm trao đổi
Thương tiếc tình xưa, chẳng đẹp phần

Thương quá thời gian, như giấc mơ
Còn chăng nỗi nhớ đọng trong thơ
Bao mùa Ðông đến, đầy vương vấn
Chữ nghĩa tình si, đến dại khờ

Ta lại rời xa, như thuở nào
Chân đi quyến luyến, mắt buồn trao
Chiều Ðông như chợt thêm sầu vắng
Quyện lấy vần thơ, tay khẻ chào

Tôi về thầm gọi cố nhân ơi
Phố chợ chợt như vắng tiếng người
Hay tại lòng mình đang giá lạnh
Nên sầu vương đọng, giọt mưa rơi ....

Hoàng Dũng

Huế Nghìn Trùng Xa Cách Của Tôi

 

Đến với ngôi trường thân yêu Đại Học Sư Phạm Huế là một sự sắp xếp của Định Mệnh (đã an bài?)
Tôi được sinh ra và lớn lên ở thành phố Sương Mù, xứ sở của Ngàn Hoa, Ngàn Thông, . . . tất cả những ngôn từ mỹ miều mà các văn thi sĩ đã tặng cho thành phố trong tim tôi.

Đến khi phải chuyển trường từ em bé chưa lớn đến nơi PHẢI lớn để tự mình quyết định ngã rẽ của tương lai, của cuộc đời sáng hay không sáng, tôi thật bỡ ngỡ, nhưng chị cả của tôi đã vẽ cho tôi từ vài năm trước là mình sẽ có viễn cảnh qua với chị ấy bên xứ Gà Lôi (Gaulois- xứ của thủ đô Ánh Sáng Paris) để đạt được ước nguyện làm nghề cứu người, nơi nhiều đêm tôi cứ mơ sẽ được đến thăm bao nhiêu thắng cảnh mà từ bé chỉ được nhìn thấy trên sách vở. Thật là một ước mơ thần tiên!!.

Nhưng rồi ông Trời khéo sắp xếp để rồi . . .

Miền sông Hương thơ mộng là cội nguồn của tôi với Hương Trà, Tiên Nộn, quê của Ba và Me tôi lại là nơi ấp ủ thời Vàng Son yêu quý của tôi, sau thời gian tuổi thơ đầy hạnh phúc bên cha mẹ anh em ở cái thành phố miền cao nguyên trữ tình ấy.

Những ngày tháng êm đềm trôi qua bên thân phụ, tuy người rất bận rộn với công việc nhưng cũng thường cho tôi đến nơi chôn nhau cắt rốn của người và của Me tôi, tôi thật sự yêu mến biết bao dòng Hương thơ mộng và những con lạch, nhánh sông nhỏ ở những ngôi làng tuổi nhỏ của Ba Me tôi.

Hương Trà của Ba tôi, những con lạch, những khóm tre đan vào nhau, những cánh đồng lúa xanh mướt, mùa lúa chín thì không có hương thơm nào sánh bằng, và suốt đời vẫn nghe được mùi hương đậm đà ấy trong tim... - đây là lần đầu tiên đứa nhà quê mới biết cây lúa của Đất Mẹ, việc cày cấy cực nhọc như thế nào, người dân lam lũ bán lưng cho trời, hàng giờ dầm mưa dãi nắng, ôi có được hạt lúa phải đánh đổi bằng bao nhiêu mồ hôi nước mắt..! Thuở xưa chưa có máy cày còn vất vã hơn biết đường nào! Có lúc người nông dân còn phải kéo cày thay trâu...Xót xa...!!! Ước mong sao các thế hệ thứ 2, thứ 3 ở xa quê hương, một ngày tìm về chứng kiến tận mắt công khó của Cha Ông để có được hạt cơm thơm bùi..!

Dòng sông tuổi nhỏ ở Tiên Nộn của Me, ôi hiền hòa thầm lặng, những ngọn sóng nhỏ vỗ vào bờ tạo cảm giác lâng lâng,… nước mắt bỗng dâng trào khi trở về thăm thời gian gần đây, biết rằng thời đó các Mệ , các O đã giặt giũ, gánh nước sông về nhà để dùng… May mà Ngoại tôi vô Dalat sớm, và Me tôi thì sinh ra ở xứ Hoa Đào ấy nên không phải chịu , lao đao vất vả như các O nội trợ xa xưa… Ước gì cậu và me bên còn ở bên con để kể cho con nghe... anh chị tôi được diễm phúc về sống bên Ngoại ít lâu, chị kể có lần hai cậu dành nhau hột xoài, thế là ông Ngoại phạt cậu lớn, cậu buồn và tức, tại sao làm anh phải nhường nhịn? cậu lấy bút mực vẽ hột xoài trên vai, Ngoại tôi nhìn thấy và thương cậu quá đỗi...

Cậu bơi rất giỏi, và dòng sông ấy chỉ là trò đùa với cậu, có lần chị tôi mới thấy cậu đó mà thoắt cái đã sắp sang bờ bên kia, chỉ có chỏm đầu nhô lên thụp xuống, chị tưởng cậu đã chết trôi, vừa khóc vừa la "Nhậu, nhậu ơi "...
Ôi xứ Huế đẹp làm sao! Lúc đó tôi mới thầm cám ơn Định Mệnh đã cho tôi đến gần với Đất Mẹ thay vì lại đi khám phá xứ người.

Đồi Thiên An thơ mộng, với tiếng thông reo ngút ngàn như ở xứ buồn của tôi, lúc nớ mình mới bắt đầu “được” lớn, chưa bao giờ đi một mình với ai, nên chưa có "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy"...trên ngọn đồi thơ mộng này, thật giống Thung Lũng Tình Yêu của xứ Sương Mù, để bi chừ lại gom bao kỷ niệm thêm nữa- tiếc thay! - Các chùa Từ Đàm, Từ Hiếu, trang nghiêm cổ kính…các lăng tẩm uy nghi lộng lẫy của các vua là những nơi sinh hoạt lớp, mùa đông rét mướt mưa dầm, mùa hè nắng cháy khô rát, với bao kỷ niệm dấu yêu, ... những buổi trại liên lớp, liên trường, những lần đi cứu lụt ở các miền quê hẻo lánh, mới biết được nỗi khổ "trời hành cơn lụt mỗi năm…" của xứ đất khô cỏ cháy, người dân thương yêu lao đao như thế nào...

Những môn học cùng với liên lớp, thầy Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu, thầy Khoa Trưởng Sư Phạm Nguyễn Đức Kiên, thầy Khoa Trưởng Khoa Học Nguyễn văn Hai, thầy Khoa Trưởng Văn Khoa Nguyễn Quới ...

Đại Học Khoa Học, Thầy Nhơn, với những bài thật sâu sắc về Toán Học,… cách giải thần kỳ của Thầy, giọng nói Huế rất cương quyết, vững chãi thân thương làm sao…nhưng rồi học với Thầy không được bao lâu lại nghe tin Thầy bị nạn trên đèo Hải Vân… Con xin dâng nén hương muộn đến Thầy kính quý...

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Ông Cọp của sinh viên Huế- còn xin lỗi Thầy- (và chắc là của Saigon nữa, vì Thầy phụ trách các môn Hoá Vô Cơ & Hữu Cơ của các trường Y Dược... với những giờ đứng tim ở Giảng Đường C...

Cô Hạnh Nhơn xinh đẹp giỏi giang , Thầy Ấm dạy Anh Văn, Thầy Nguyễn Ngọc Mỹ, Thầy Chính dạy môn Môi Trường Sống cùng Thầy Nguyễn văn Hai và nhiều thầy cô khác...

Cha Lefas, Cha Oxarango, thầy Bùi Thế Cần, giảng về văn học nước Pháp, về ngôn ngữ La Tinh ở Đaị Học Sư Phạm & Văn Khoa, bao nhiêu khám phá về những tinh hoa của văn học các nước, những nhận xét kiến thức uyên bác của các thầy.


Khung Trời Đại Học, với bao chuyện trong mơ, những lá thư ...nhờ người vào lớp trao lại.

"Anh theo Ngọ về..."
..................
" Anh trao vội vàng
Chùm hoa mới nở
Ép vào cuốn vở ...." *

Rồi những lần vừa ra khỏi cổng trường, rùng mình khi thấy ai đi với nhiều bạn "dữ dằn" tài xế máy bay, rồi theo mình và cô bạn Kim Thanh một đoạn đường từ trường về đến cư xá, ngày thường mình đi chỉ mươi phút, tại răng hôm nớ thời gian lại vô cùng tận không biết! Hai cái chân cứ xoắn vào nhau, không bước nổi! Ôi nếu như Ba trông thấy thì sao ta? Ừ nhưng mà không sao, vì mấy ngày trước, khi họ về xứ biển và gởi thư, mình đã đưa Ba xem rồi... bạn bè thì đã thấy và khiếp rồi, tưởng mình là dân chơi thứ thiệt, biết đâu rằng mình chỉ mới gặp họ trên phi trường khi đi đón cậu em từ Dalat ra thôi mà...

Và những sinh hoạt của Viện Đại Học, thi đấu giải Cầu Lông của trường, của Viện, hồi hộp làm sao khi "khán giả đặc biệt" đang dõi theo quả cầu ( hay nhìn vẻ mặt căng thẳng của mình vậy ta? Ôi…) - Hay của Liên cư xá , và "họ" đứng trên lầu nhìn xuống làm hắn bủn rủn tay chân...
Những lần đi sinh hoạt với lớp Pháp, anh Trưởng lớp thật sốt sắng, dễ thương vô cùng, lên chùa Từ Đàm, đồi Thiên An, các Lăng tẩm của các vị vua... các bạn ơi, còn nhớ hay quên...? Thân thương quá đỗi!
Giờ đây, có bạn đã ra đi, bạn có mỉm cười khi Lan nhắc đến những giờ phút thần tiên của lớp mình?

Lần đi trại Liên lớp Pháp ở biển Thuận An, những sinh hoạt thi đấu, mọi người đều vui chơi như những tháng ngày thời Trung học...Trên đường về, khi thấy cô gánh cá bị đổ cả mâm xuống đất, mình đã không ngại xuống nhặt cá dùm cô ấy, - đúng ra mình chẳng nhớ chi tiết ấy, nhưng có người mới nhắc lại và "cảm phục biết bao cử chỉ nhân ái của L"- người có biết L là "Hướng Đạo sinh Giúp Ích”, người ạ!
Những đêm Đaị Học Sư Phạm, đêm Luật Khoa, đêm Y Khoa . . . sao mà đáng yêu, thơ mộng, và đáng quý đến vậy!

Ai đã đưa mình về, trên Cầu Mới, ai đang ở đâu nhỉ?

Rồi "Café chị Giang"- ngày ấy mình chỉ biết Café Tổng Hội, -- (mới đây qua truyện rất siêu của một người rất siêu, mình mới biết ngày ấy các người "pro" gọi là Café Chị Giang- L cám ơn người nha)-- nằm đối diện trường Khoa Học, mà mình và bạn chỉ mới vô được 1, 2 lần, vì luôn thấy các anh nam đầy trong ấy, ngại chi lạ...và rồi lại "mắc nợ" cái band Aid*, vì trước đó đi xe gắn máy của Sơn Tinh Thủy Tinh Y Khoa, bị ngã, và băng tay, khi vô đó, bỗng dưng gặp người kia, "họ" thấy băng cần phải thay, và đưa cho mình cái band aid… rứa là mắc nợ… và chưa trả được nợ, người ạ...

***
Nhưng rồi, ngôi sao của mình không sáng như đàn chị đàn anh, họ đã có thể trãi dài những kiến thức do công lao miệt mài của Thầy Cô đến các học trò của họ. Họ đã có thể ươm mầm để bao khu vườn luôn rực rỡ dưới ánh bình minh.

Còn khóa của chúng tôi, chưa xong được 4 năm thì đã vội vàng tan đàn xẻ nghé!
Đất nước loạn lạc, trường lớp, cô thầy, bạn bè khắp nơi người còn kẻ mất, đớn đau biết mấy!
Hơn ba năm ở giảng đường, bây giờ còn lại gì? Mớ kiến thức chưa hoàn thành! Ngày Đại Đăng Quang không được hãnh diện để Cha Mẹ vui lòng, Thầy Cô mãn nguyện. Số kiếp sao đọa đày đến vậy!
Bạn bè cùng khóa, người vẫn tiếp tục đến trường để hoàn tất chương trình, còn số đông đã tứ tán khắp nơi, làm đủ nghề hạ vàng thượng cám, người ra đi mãi mãi, người may mắn đến quê hương thứ hai . . .

Huế của tôi ơi, trường Đaị Học Khoa Hoc, Sư Phạm, Văn Khoa thương mến, quý thầy cô và bạn bè của tôi, tôi vẫn luôn nghĩ về và thương nhớ nhiều.

Xin cảm ơn Định Mệnh đã đưa đẩy tôi được biết thêm về Quê Cha Đất Tổ
(Ba tôi phải di chuyển vì việc làm của người, và anh chị tôi đã đi học xa, các em thì dở dang, chỉ có tôi là chuyển cấp học, và Me rất sợ có bà nào "khiêng" Ba đi mất vì Ba con rất "phong", nên tôi đi theo Ba ra Đất Thần Kinh)…

Những dòng này con xin kính dâng Ba Me thương kính, con chưa đền đáp công lao Sinh Thành.
Xin dâng các Thầy Cô, con chưa được hân hạnh nói lời Cảm Tạ.
Và gởi đến các bạn đồng môn khắp nơi, nghĩ về hành trang cuối cùng của mình để đi Vào Đời, với lòng xót xa và yêu thương vô hạn.


Xin mượn 13 chữ trong bài hát Tạ Ơn *của nhạc sĩ Trịnh công Sơn:

“Dù đến rồi đi, tôi cũng xin Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời . . .”

- Xin Tạ Ơn

Thái Lan



Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

Riêng Một Góc Trời - Nhạc Sĩ Ngô Thuỵ Miên - Piano Lê Xuân Cảnh - Tiếng Hát Đào Thành An


Nhạc Sĩ Ngô Thuỵ Miên
Piano Lê Xuân Cảnh
Tiếng Hát Đào Thành A
Đêm Hát Nhạc Tình Ca, Hội Quán Phù Tang - San Jose, CA

Có Phải

 Thơ & Trình Bày: Người Phương Nam


Tự Xét Mình



Thoáng cái tám lăm đã tới rồi
Đêm nằm tự xét cái thằng tôi (*) 
Đền ơn Thầy, Bạn: chưa đầy đủ!
Báo hiếu Mẹ Cha: mới nửa vời  
Hỉ xả từ bi…: còn thiếu sót!
Sân si ái ố….: vẫn chưa vơi!
An bần lạc đạo, vui duyên nghiệp
Gắng tiếp tu thân & cảm tạ Trời.
 
Nguyễn Tích Lai
(*)thơ của Cụ Tú Xương

Bốn Ngàn Năm Tuổi Đá

 

Này hỡi viên đá sỏi!
Tại sao ngươi ưu phiền?
Tại sao ngươi ngấn lệ?
Ôm mối sầu triền miên!

Quê hương từ rừng hoang,
Mẹ cha là sông núi.
Cơn địa chấn kinh hoàng!
Trôi dạt về đồng nội.

Đỉnh Trường Sơn ngạo nghễ!
Với lịch sử hùng anh,
Trải qua bao thế hệ,
Sừng sững giữa trời xanh!

Tổ tiên ngươi hiển hách!
Nay thân sỏi lót đường!
Thuộc giống nòi cẩm thạch,
Mà đọa đầy tang thương...!

Sỏi nằm đây nhớ rừng,
Hồn gửi về sông núi!
Thời gian như nhựa đường,
Phủ lên đời đen tối!

Cho nên ngươi uất hận!
Cho nên ngươi ưu phiền!
Bốn ngàn năm tuổi đá,
Ôm mối sầu triền miên...!


Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

Nhớ Nhà - Quê Hương

 

Xướng:
Nhớ Nhà

Năm hết chao ôi! nỗi nhớ nhà,
Chạnh lòng cô lữ tuyết sương sa.
Quê xưa mờ mịt tim se sắt,
Tóc trắng xơ rơ mắt nhạt nhòa.
Bịn rịn xót thương tờ lịch cuối,
Giật mình choàng tỉnh giấc Nam Kha.
Mơ màng cứ ngỡ thời thơ ấu,
Xao xác bên sông vẳng tiếng gà.

Tiếng gà ngày ấy mãi trong ta,
Những sáng tinh sương lúc ở nhà
Thôn xóm mơ màng còn ngái ngủ,
Chuông chùa thong thả cứ ngân nga.
Rao rao tháng chạp heo may sớm
Lạch tạch bót đồn tiếng súng xa.
Trong bếp điểm tâm mẹ dọn sẳn,
Cà phê ấm áp cạnh cha già.

Mailoc

(Cali những ngày cuôi năm)
***
Bài Họa:
Quê Hương

Vẫn nhớ như in một xóm nhà
Trên vùng đất ruộng ngập phù sa
Quê xưa, kỷ niệm còn ghi đậm
Cảnh cũ, thời gian chẳng xóa nhòa
Tóc bạc, ngậm ngùi thân lữ thứ
Phận già, nhòa nhạt mộng Kinh Kha
Bao giờ trở lại thôn làng ấy
Nghe mỗi chiều hôm tiếng gọi gà. (*)

Tiếng gọi gà xưa nhắc nhở ta
Những đêm trăng sáng trước sân nhà
Dặt dìu tiếng sáo sau bờ trúc
Lấp lánh dòng sông dưới ánh nga
Giọng trẻ cười đùa quanh bếp ấm
Tiếng chuông ngân vọng tự chùa xa
Quê hương, nỗi nhớ luôn đau đáu
Khắc khoải trong tim lúc tuổi già.

Phương Hà
(*) Gọi gà về chuồng mỗi buổi chiều

Lời Ai Điếu Ngậm Ngùi(Đặng Toản) - A Grief Eulogy( Cung Thị Lan)

 

Lời Ai Điếu Ngậm Ngùi

1/
Bởi chưa thể cười khi nhận vết dao đâm
Nên xin được khóc bằng lòng chân thật
Khi hằng xem tin chiến sự NGA-UKRAINE
Và mới hôm qua
Trận động đất ở THỔ NHĨ KỲ & SYRIA
Khi những người xung quanh đang đào bới những đống bê tông vụn gãy
Tìm người chết và nạn nhân sống sót
Sau trận khiêu vũ của gạch đá và sắt thép
Tôi cũng muốn đào bới tâm hồn mình
tìm đôi từ ngữ
Để viết bài ai điếu ngậm ngùi


2/
Khi ánh đuốc của sự thù hận đã lóe lên
Trong thi thể của một trái phá
Tôi rơi vào chiều sâu của một vệt tím than
Dù chưa nhiễm qua một lần phóng xạ
Nhớ ánh mắt gầy trơ như một vệt khói loang của một cụ già UKRAINE
Trên cao ốc vừa nhận món quà Giáng Sinh và năm mới
Là một quả tên lửa
Gửi đi từ địa chỉ gần Mát x cơ Va
Và mới hôm qua đây
Dáng đờ đẫn dại vô hồn của người cha THỔ NHĨ KỲ
Tuyệt vọng nắm tay đứa con gái thân yêu
Thò lên khi toàn thân bị đè bẹp dí dưới khối bê tông
Tôi không biết giấc mơ và cảm xúc của bé Hoài Nam có giống như các cháu bé THỔ NHĨ KỲ và SYRIA hay không
Nhưng tôi đoán có lẽ cũng giống như cảm giác của một con sóc bị xe cán chết
Trên đường về nhà mà tôi thấy hôm nay
Chắc chắn là đau đớn gấp vạn lần khi hôm nay trong giờ làm việc
Vì lơ đãng tôi đã gõ búa vào đầu ngón tay cái
Quá đau buồn tôi muốn cầu nguyện trực tiếp bằng cách nhắn tin tới chú bé trai 9 tuổi người Nhật Bản
Đã sống sót sau vụ sóng thần năm 2011
Em đã từ chối phần ưu tiên
Đứng sắp hàng sau cùng để nhận lương thực cứu trợ
Trong cái lạnh mùa đầu xuân Nhật Bản
Em hãy ban tôi một chút vô úy
Làm hành trang đi nốt quãng đường đời

3/
Tôi muốn viết một bài thơ bằng tâm tư rối loạn
Như đường bay lảo đảo của một con chim bị thương
Trong không gian bao la đang vang vang bài học về lòng yêu thương con người
Và chắp tay cầu nguyện
Thượng Đế!
Tôi bắt đầu tập nhìn mọi việc bằng cái nhìn của lời kinh Phật nói về Khổ đế
Dường như tất cả các nạn nhân là học sinh lớp lớn nhất
Trong kỳ thi khảo hạch cuối cùng
Những bài thu hoạch được viết và nộp từ cảm giác đau đớn tuyệt vọng của trọn vẹn thân tâm
Tôi chợt hiểu vì sao kinh Pháp Hoa lại có ngài Thường Để Bồ Tát
Tôi bắt đầu khóc tự trong lòng khóc ra, như mưa bấc
Và thương cho thân phận của chính mình
Khi hoàng hôn đang tưới lên những cánh đồng hướng dương
Một màu đỏ thẫm
Màu môi của mặt trời
Và cánh đồng đang mọc lên
Rừng cây thập giá

Houston ngày 8 tháng 2 năm 2023
Viết bên máy Laser CNC
Đặng Toản/ BTT
***
Bản Dịch Sang Tiếng Anh:

A Grief Eulogy

1/ 
Because I could not smile when receiving a stab wound
When watching war news RUSSIA-UKRAINE
And just yesterday
An earthquake in TURKEY & SYRIA
When the people were digging through piles of broken concrete
Find the dead and the survivors
After the collapsing of bricks and iron
I also want to dig my soul
finding some words
To write a grief eulogy

2/
When the torch of hatred has flashed
In the corpse of a mortar
I fell into the depth of a purple streak
Even though I haven't been exposed to radiation once
Recalled the bewildered eyes like a trail of smoke of an old woman.

UKRAINE
The top of the building received a Christmas and New Year gift,
It was a rocket
Sent from the address that near Moskva
And just yesterday
The dreary senseless of a Turkish father
Desperately holding his dear daughter's hand
poking out when her whole body was crushed under the concrete block
I don't know if Hoai Nam's dreams and feelings are the same as those of Turkish people and Syrians
But I guess it's like the feeling of a squirrel being run over by a car
On the way home that I saw today
It must be painful more thousand time during working hours
By distraction, I hammered the ax on the tip of my thumb
I was so sad that I would like to pray directly by texting a 9 year old Japanese boy
Survival after the 2011 tsunami
He declined the priority part
Standing in the last line to receive a relief food
In the cold early spring of Japan
Please give me a little fearlessness
Making luggage for the rest of my life

3/
I am writing a poem with a confused mind
Like the unsteady flying of a wounded bird
In the vast space is resounding the lesson of love of humankind
And clasped hands in prayer
God!
I began to practice seeing things from the point of view of the Buddhist scriptures on the Truth of Suffering
It seems that all the victims are students in the oldest class
In the final exam
The essays are written and submitted from the pain and despair of the whole body and mind
I suddenly understood why the Lotus Sutra has the Bodhisattva Chang De
I started to cry from my heart, like pouring rain
And feel sorry for myself
When the sunset was watering the sunflower fields
A crimson color
red color of the sun
And the field is growing
A forest of Crosses

 Cung Thị Lan

Sự Khác Nhau Giữa Tiếng Chuông Nhà Thờ & Tiếng Chuông Chùa


Tiếng chuông mang nhiều ý nghĩa khác nhau như: tiếng chuông đồng trở thành hiệu lệnh trong các chùa chiền, làm thước đo thời gian để các tăng ni tuân thủ giờ giấc; tiếng chuông giúp con người được thanh tịnh, xua tan những mệt mỏi, lo toan hàng ngày. Chiếc chuông đồng làm tăng thêm sự uy nghi, linh thiêng của ngôi chùa.

Vậy tiếng chuông nhà thờ và tiếng chuông chùa khác nhau như thế nào?
Một bên hướng ngoại và một bên hướng nội!
Nếu để ý nhắm mắt lắng nghe sẽ thấy có sự khác biệt thú vị trong tiếng chuông chùa và nhà thờ.
Cả hai đều là chuông đồng, loại khí cụ dùng với mục đích gây sự chú ý của con người, hướng suy nghĩ tập trung về nơi đức tin mình có, xả bỏ những áp lực lo lắng hiện tại và chữa lành thân tâm.
Thiết kế và cơ cấu hoạt động: 

CHUÔNG NHÀ THỜ:


Nguyên chất từ đồng đỏ và đồng vàng, chế tạo khó hơn chuông chùa, thời gian nóng chảy khi đúc lâu hơn, chiều dài của chuông ngắn hơn nhưng độ dày và trọng lượng nặng hơn. Phần miệng loe ra, hoạt động bằng cách rung đẩy chuông để con lắc tác động vật lý từ bên trong...đặc biệt chuông luôn được đặt rất cao so với mặt đất.

Phân tích ngũ hành có:

Con lắc (kim) + chuông (kim) + hành động rung lắc nhịp càng nhanh về sau theo thể động (Thủy ) + vị trí trên cao giúp khuếch đại âm thanh vang xa theo chiều hướng ngang (hỏa) = Âm Chủy vang nhiều vọng ít kết thúc nhanh - sự Hỉ lạc
Tiếng chuông sẽ giống như : Đi ..đi..đi..ta đi..ta đi .
"Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở_trích kinh thánh Mt 7:7 ".
Tiếng chuông thúc giục con người hãy thay đổi đi, mở lòng ra ,đi tìm chân lý, học hỏi và thực hành đức tin của mình - hướng Ngoại.

CHUÔNG CHÙA:


Chế tác từ nguyên liệu là đồng đỏ thanh khiết, không lẫn tạp chất, thiếc chuẩn và sẽ được nung chảy ở nhiệt độ cao. Khi đồng đã ở dạng lỏng, người thợ tiến hành pha thêm tỷ lệ các kim loại Thiếc - Đồng, thời gian nóng chảy đúc nhanh hơn, kết cấu thân dài không loe vành, sử dụng chày gỗ tác động từ bên ngoài và treo không quá cao so với mặt đất.

Phân tích ngũ hành có:

Chuông (kim)+ chày (mộc) nhịp không nhanh chuông đứng im không rung lắc, theo thể tĩnh nên âm thanh theo chiều hướng thẳng đi xuống (thổ ) = Âm Thương trầm độ vang ít nhưng độ vọng nhiều kết thúc lâu - sự Định tâm
Tiếng chuông sẽ giống như: Vô ..vô ..đi vô ..đi vô .
"Canh phòng tâm thật kỹ càng! Hãy tự mình cứu lấy mình! Mỗi người hãy tự thắp đuốc mà đi. Trích kinh Pháp cú từ 155 -327"

Tiếng chuông là lời nhắc nhở mỗi người hãy thực hành thiền minh sát Vipassana mỗi ngày để quán chiếu bản thân trên con đường giác ngộ - hướng nội.

Mỗi lần nghe tiếng chuông ngân nơi cửa Phật là lòng tôi như được thức tỉnh, chở che giữa chốn Thiền định, thanh tịnh.

Trong 6 tầng số điện từ âm thanh Solfeggo:

- Chuông chùa âm hưởng Rê - Mi từ 417 - 569hz giúp loại tắc nghẽn tâm thức, cân bằng ADN, thôi thúc tình cảm và xả bỏ phức tạp.

- Chuông nhà thờ âm hưởng Sol - La từ 529 - 890hz đánh thức giác quan, kết nối cộng đồng, tăng cảm xúc và cân bằng suy nghĩ hướng tích cực.
Tùy vào cơ chế hoạt động mà tạo ra tần số tác động riêng biệt.

Lắng nghe âm thanh, hiểu về cuộc sống....
Sẽ thấy cuộc đời này thi vị, đa dạng và đẹp làm sao.

Tác giả: Bella 
Nguồn: FB Linh Mục Mi Trầm
(Nguyễn Tích Lai Sưu Tầm)


Họa, Phúc Trong Ngày


Giữa tháng 7, gia đình tôi qua California và ở lại đó 2 tuần. Những ngày tham dự Đại Hội mừng ngày Thành Lập Binh Chủng Biệt Động Quân ( năm thứ 62 ) và thăm các cô, chú tôi tại San Jose, là những hạnh phúc nồng nàn trong 4 ngày có mặt tại "vùng đất có thung lũng hoa vàng".
Chuyến lái xe trở xuống quận Cam ngày 20/07/2022, là một cuộc thử thách sự chịu đựng và tính nhẫn nại của người tỉnh lẻ miền đông, đối với "con rùa giao thông" miền viễn tây. Trong giờ cao điểm của một ngày hè, đoạn đường khoảng 45 dặm từ phía Bắc Los Angeles ( thuộc Santa Monica ) về tới Bolsa, bỗng dài thăm thẳm khi xe cộ nhích từng thước một suốt gần 3 tiếng đồng hồ.

Đến nhà trọ ( kiểu vacation home, tìm thấy trên báo Người Việt ), mang đồ đạc vào phòng, sắp xếp tạm mọi thứ, là chỉ nằm phè trên giường để tận hưởng không khí từ chiếc máy lạnh tỏa lan. Lim dim cho đã sau đoạn đường 390 dặm và hơn 7 tiếng lái xe. Khi chỗi dậy đã thấy chiều nghiêng bóng xế. Gọi một vòng những người cần gặp mặt trong những ngày kế tiếp là đã tới giờ cơm tối.

Thấy cả nhà khỏe khoắn mà mừng ơi là mừng, bởi con gái cứ than đau bụng từ cả tuần qua. Còn vợ cũng phờ người sau khi ôm vô lăng suốt đoạn đường gần 800 dặm cho 2 bận đi, về, chưa kể thời gian chở con mấy lần đi Antioch gặp bạn và làm "chauffeur" chở tôi lòng vòng thăm các Chiến Hữu, lẫn thân nhân bên Nội trong mấy ngày "ham vui" trên San Jose.

21/07/2022
Đêm "hăm hở" hẹn hò với bạn bỗng mang dấu hiệu chẳng lành, khi sáng ngủ dậy thấy mình...nghẹt mũi!
- Anh có bị sốt không? Có thấy nặng đầu không? Vợ lo lắng hỏi.
- Không! Nhưng cổ hơi ngứa. Mũi hơi bị nghẹt. Giống như triệu chứng bị cảm lạnh.
- Để em cạo gió cho!

Nói là làm. Nhưng gió thì không có lằn nào đủ gọi là ..."đỏ rần", còn giọng nói thì đúng là mang âm thanh của người bị trúng mưa, hay cảm mạo phong hàn. Hát thử một đoạn của "Tôi Đưa Em Sang Sông" thì may quá, " Gót chân..." còn vững vàng và nốt "La" vẫn còn nghe rất ngọt! Tuy vậy, vợ vẫn không cho theo để gặp ông sếp cũ của Liên Đoàn. Chúng tôi có hẹn qua nhà người cựu Liên Đoàn Trưởng để lấy thanh long và chai nước lựu ông tự chưng cất riêng cho tôi.
- Bác Đại không khỏe. Anh coi chừng lây bệnh cho bác ấy. Không tốt!
Vợ bắt nằm "nhà", sẵn dịp canh cho con ăn và uống thuốc khi cháu ngủ dậy. Cô "công chúa" cứ bị đau bụng râm ran suốt cả tuần qua. Đồng thời, hai vợ chồng "xù luôn" cuộc hẹn với một chị bạn ở "Gà Bistro" lúc 12 giờ trưa cho chắc ăn. Chị bạn thông cảm, gởi câu chúc lành và "Hẹn gặp anh chị lần tới!".

Lại một vòng "điểm danh" những đồng đội quân trường và ngoài đơn vị.
- Cảm cúm thì nhằm nhò gì. "Cô Vít" tao còn không ngán nói chi tới ho hen, nghẹt mũi!
Nghe anh chàng cựu trưởng đài Cáp ngầm ở Cam Ranh, kiêm đồng đội quân trường nói vậy cũng yên tâm. Vui nhứt là lúc anh bạn bác sĩ từ miền trung phần PA gọi con, hỏi:
- Còn đau bụng không?
- Dạ, từ sáng tới bây giờ chưa thấy đau!
Lúc đó đã là 8 giờ tối ( giờ bên miền Tây Hoa Kỳ ). Nghe con gái nói vậy, bữa cơm gia đình ăn thấy ngon ơi là ngon!

22/07/2022
Sáng dậy thấy bình thường. Cà phê vẫn "ngọt" cổ và pâté chaud thì... hết sẩy! Nhưng khi tôi thức dậy sau giấc ngủ trưa, thì cổ họng lại ngứa ngáy và mũi nghẹt nhiều hơn. Lại hát thử điệp khúc của "Tôi Đưa Em Sang Sông", thì lần này thì "Gót chân và Em..." đúng là chìm lĩm mất tiêu. Tiếng khào khào trong cổ càng làm tôi muốn ho nhiều hơn và mạnh hơn mới thấy...đã ngứa!
Đành phải gọi "xù" đêm họp mặt của dân Đà Lạt tại nhà hàng Diamond Seafood. Bên kia phone là giọng nói có vẻ lo lắng lẫn tiếc rẻ của người sư muội đồng môn, kiêm đại diện ban tổ chức buổi "Họp mặt khoáng đại", có phụ diễn văn nghệ của Thụ Nhân Đà Lạt.
- Uổng quá! Sao lại bệnh vào giờ phút chót như vậy!?

Gọi "xù" luôn buổi họp mặt vào ngày hôm sau cho chắc ăn, vì biết là không thể nào gặp bạn đồng khóa được, nhứt là buổi hàn huyên được tổ chức tại tư gia. Rất dễ lây lan, cho dù chỉ là loại cảm xoàng, huống chi mình có thể đã bị "Cô em mắc dịch đó ve vuốt"! Nghĩ cũng tiếc cho cơ hội gặp lại những gương mặt thân quen của ngày nào. Dường như tôi không có "duyên" với những lần "hội hè, đình đám" của những người đã từng gắn bó với Đà Lạt qua bao thời kỳ, bao năm tháng.

24/07/2022
10h Đang chờ một bạn Lính đến "gắp" ra cà phê Factory, thì anh bạn Mũ Đỏ mang biệt danh "Đại Sư", gọi nhắn ra quán gì đó gặp nhóm bạn đồng khóa 8 Chánh Trị Kinh Doanh trên Đà Lạt.
- Bà con nhắc mày quá trời! Ra đây gặp và ăn sáng với mọi người nghe!
- Không được đâu! Ai mà nghe tao ách xì, hay ho một tiếng là xỉu ngay tại chỗ. Vã lại, tao "kẹt" ngoài Factory rồi!

Có tiếng bạn cười. Vài giọng nữ phụ họa câu chào hỏi, kèm theo tiếng gọi mời.
-Ừ! Tao có thấy mày nhắn tin cho mấy đứa Đồng Đế. Thôi thì tùy duyên vậy!
Lại một phen tiếc rẻ vì không có dịp gặp lại bạn xưa. Vừa cúp phone thì anh chàng "cáp ngầm" đã tới ngoài sân. Anh bạn cùng đại đội thuở trong quân trường quay đầu xe, rồi "phán" ngay:
- Mày đừng quá lo ba mớ chuyện về "Cô Vít"! Chỉ là thứ cảm cúm loại mới thôi! Còn test hả?!!! Tao đã thử rồi. Cỡ nào cũng positive cả! Tao nhỏ mấy giọt nước lạnh vô, nó cũng cho Dương tính như thường!

Nghe nói vậy, tôi đoán là anh bạn "cường điệu" cho vui và để trấn an thôi, nhưng cũng thấy khá yên tâm. Tại cà phê Factory, chiếc quán thuộc loại "lão làng" của quận Cam; năm chàng cựu Sinh Viên Sĩ Quan cùng đại đội của quân trường Đồng Đế ngồi đấu láo ngoài hiên, quanh một chiếc bàn con. Không có tay nào đeo mặt nạ. Nhìn chung quanh thì từ trong quán ra tới lối đi bên ngoài, hầu như không ai màng tới việc đeo mask.
- Cả nhà tao "dính chấu" hồi tháng rồi. Mấy ngày là xong!
Anh chàng "cáp ngầm" thoải mái phát biểu. Một bạn khác phụ họa
ngay:
- Bọn mình đã được chích TAB. Nghe nói miễn nhiễm trọn đời đó tụi bay.
- Thiệt không cha nội! 50 năm rồi đó nghe!
- Thiệt chứ sao không!? Miễn nhiễm suốt đời đó! Mà mày có máu O thì không phải lo! Máu O có kháng thể mạnh lắm!

Nghe vậy, tôi lại càng mừng hơn. Cho nên tới đúng ngọ, sau khi chia tay với nhóm bạn Đồng Đế, thay vì nhờ anh bạn "Cáp Ngầm" đưa về nhà trọ; thì tôi thả chân ra quán Tam Biên, nằm cách Factory chỉ một khoảng đậu xe, để tiếp tục nốc cà phê và ăn trưa với vợ chồng một huynh trưởng và hai anh "Cọp" mới chia tay mấy ngày trước đó trên San Jose.

Đang chuyện trò rôm rả thì tôi giựt mình, khi đọc thấy Text message của vợ. Nàng nhắn tin đã dính "Cô Vít", nên dặn tôi mua Tylenol cùng với Vitamin D3 Supplements và Airborne Gummies. Gọi vợ hỏi thăm con, thì vợ nói con đã thử và may quá, kết quả là một gạch đỏ. Negative! Sau bữa ăn, anh bạn gốc Liên Đoàn 8 BĐQ tốt bụng chở tôi đi một vòng để gởi tiền về VN cho một Chiến Hữu trong Liên Đoàn chúng tôi đang cần trợ giúp khẩn cấp, sau đó vào Walmart ở đường Gilbert mua thuốc cho vợ, rồi mới về "nhà".

18h30- Giấc trưa ngủ muộn, nên thức dậy đã thấy cảm giác trong người "không khá được"! Nghe tôi ho khan vài tiếng là vợ nói ngay:
- Anh chắc chắn là dính "Nó" rồi đó!
- Nhưng không thấy tức ngực, hay bị sốt! Chỉ nghẹt mũi thôi!
- Chính nó đó! Anh uống Tylenol, ngậm D3 ngay đi! Để em pha nước chanh với mật ong cho uống. Tốt lắm!
Nhìn vợ lăng xăng mà thấy thương quá đỗi! Đã bệnh mà còn phải lo cho hai cha con. Chợt cay mắt khi nghe vợ hứa với con là ngày mai sẽ mua hamburger của In- N- Out cho cháu. Cháu đã mấy lần nhắc ba mẹ mua món ăn mà cô "công chúa" không đời nào bỏ qua, mỗi lần sang du lịch bên quận Cam!

Bữa cơm tối, dù toàn là những món khoái khẩu đều không thể nuốt trôi. Nhìn con xanh xao, thấy vợ ủ rũ mà lòng tôi buồn vô hạn. Mấy hôm nay, tôi nhờ có mấy người bạn Lính- toàn là dân "bạt mạng"- ghé đón, nên còn có cơ hội la cà ngoài quán cà phê, còn vợ con thì hầu như bị "cấm cung" ngay trong phòng. Vợ thích ăn uống, con "mê" shopping. Vậy mà hai mẹ con chẳng được đi đâu để tha hồ xuýt xoa với ba mớ quần áo, giày, dép, bóp đầm và mỹ phẩm "on sale" ở các cửa hàng thời danh tại quận Cam.

22h00- Nỗi cảm khái chưa kịp lắng xuống thì vợ than:
- Sao thấy tức ngực, khó thở quá anh ơi!
Tôi điếng hồn buông quyển sách xuống, chồm qua giường. Đặt tay lên trán vợ thì thấy hâm hấp nóng. Tôi hỏi dồn:
- Em cần uống thuốc gì không?
- Đã uống đủ rồi! Anh gọi anh Tường giùm em.
Người bạn bác sĩ bên miền đông, sau khi hỏi han rồi nghe vợ ho khan và cổ họng như muốn tắt tiếng, bèn nói ngay:
- Nếu như đã hơn 10 phút, mà nãy giờ không bớt ngộp thở thì nên vào ngay ER. Đừng chần chừ. Suy phổi thì nguy to!
Nhưng vợ không chịu cho tôi gọi Ambulance, vì rất sợ vào bệnh viện. Phần thì vợ lo cho con ở nhà lạ, tứ cố vô thân, chồng lại đang không được khỏe. Phần khác thì vẫn giữ một niềm tin vào sự hộ phù của Đấng mà nàng tôn thờ, nên vợ chỉ nhờ tôi đắp khăn lạnh lên đầu, rồi nằm đó chịu trận. Tôi đã mấy lần cầm phone định gọi xe cấp cứu, nhưng đều bị vợ cương quyết lắc đầu, từ chối.

25/07/2022

0h30- May thay! Nhiệt độ giảm. Vợ đang ngủ ngon. Hơi thở đều đặn. Mừng húm! Tôi bồi hồi nghĩ tới hình ảnh hai vợ chồng trong ER còn con gái một mình trong nhà trọ. Không có ba mẹ bên cạnh, con chắc là phải bối rối và lúng túng mọi bề. Lâu nay cháu tùy thuộc hầu như mọi mặt vào cha mẹ. Lại được cưng chiều. Tới mức mẹ phải làm dữ mới chịu tập, rồi thi lấy bằng lái xe ngay trước khi vào Đại Học. Những thứ liên quan tới gia chánh hay nội trợ hoàn toàn dựa vào mẹ. "Công chúa" chẳng đụng tới móng tay. "Cưng quá riết nó hư!" Vợ thường mắng yêu như vậy!
1h30- Con từ phòng bên gọi cho ba.
- Con đau bụng quá!
- How bad!?
- Sharp pain! Unbearable!
Vợ nghe phone reo, đã tỉnh giấc nên chồm ngay dậy, vội vàng qua phòng con. Chỉ vài giây sau là vợ lú đầu ra:
- Anh quơ cái áo khoác và túi sách của em, rồi ra xe ngay. Phải đi cấp cứu liền!
- Để anh gọi 911 cho nhanh.
- Không sao đâu!
- Coi chừng nó bị...
- Em nhấn bụng nó rồi. Đau quanh rốn. Không phải ruột dư!

Không đầy 5 phút sau chúng tôi từ Ward đã ra tới đường Mcfadden, rồi Brockhurst. Vợ quẹo trái, trực chỉ hướng Orange Coast Memorial Hospital. Tôi sốt ruột:
- Em bật đèn Emergency để phóng cho nhanh!
- Không cần đâu ba! Con còn chịu được.
- You sure?!
- Sure!

Đã 3 năm nhưng hình như Orange Coast Medical Center vẫn còn đang sửa chữa, hay xây thêm cái gì đó nên rào chắn tùm lum, bảng chỉ dẫn và ba mớ cọc chỉ đường cắm, giăng tá lả! Phải hỏi thăm một chàng Security mới biết lối băng qua khoảng sân đậu xe vừa hoàn tất, để vào tận cổng Emergency.

Họ chỉ cho một người vào với bệnh nhân, nên vợ phải ở trong xe, chờ ngoài Parking. Thấy vợ "đừ" quá nên tôi cũng không an tâm, vì chỉ mới mấy tiếng trước đây thôi, nàng cũng có thể là người phải bước qua cổng ER này.
- Em OK không?
- Em không sao! Có gì gọi em nha!
Tôi gật đầu rồi theo con và người y tá trực đi vào bên trong.

Vẫn là khung cảnh quen thuộc của 3 năm trước, khi tôi đưa nhạc phụ vào đây. Nhưng lần này đã quá nửa đêm. Khu vực nhận bệnh khẩn cấp vắng lặng. Một sự yên lắng lạ thường khi mà giới truyền thông không ngớt ra rả đưa tin Nam Cali đang bị một biến thể mới lạ của Covid-19 tràn ngập. Khu vực cấp cứu chìm trong tĩnh lặng của giấc đêm. Không có những rộn ràng của bước chân qua lại. Không có tiếng loa gọi trên hệ thống PA ( Public Announcement ). Âm thanh bấy giờ chỉ là tiếng nhạc nhè nhẹ phát ra từ chiếc TV trên tường và lời đối đáp giữa con gái và cô y tá thư ký.

2h00. Xong thủ tục giấy tờ là con vào bên trong. Y tá chẩn mạch, gắn máy đo Oxy, hỏi thêm chi tiết về bệnh tình. Chừng 10 phút sau, con được đưa ngay vào chiếc giường đầu tiên của khu nhận bệnh mang số 25. Nơi này có gắn tấm bảng hiệu khá to. Trên đó thấy có ghi tên một bác sĩ họ Nguyễn.

Cháu là bệnh nhân duy nhứt nằm trong dãy phòng 4 giường này! Con đã vào ER 3 lần trong đời, nhưng đây là lần đầu tiên bị "lụi" kim để truyền dịch ( IV ). Chỉ là một bịt nước muối ( Salty Water ) có pha Morphine chống đau. Tôi thấy nhẹ nhõm khi cháu giơ ngón tay cái với ba. Trên màn hình của Monitor, có các số 117/71 (83) cho tim mạch và 99 cho Oxygen.

Vừa text xong mấy chữ cho vợ yên tâm thì bác sĩ- một người trạc tuổi trung niên, họ Nguyễn- vén màn, bước vào.
- Where's the pain coming from?
- The whole abdominal area!
Con gái vừa trả lời vừa đưa tay chỉ ngang vòng bụng. Bác sĩ nhấn quanh rốn, đưa mắt chờ câu trả lời. Cháu gật đầu. Nhấn sâu xuống bụng dưới, phía bên phải. Cháu lắc đầu. Bác sĩ gật gù:
- I'm gonna order a blood work and a CT Scan. Just to make sure...!
Cuộc khám nghiệm chấm dứt. Một lát sau, y tá phòng xét nghiệm tới lấy máu. Một người khác tới "xin chữ ký" để lập hồ sơ gởi bảo hiểm. Mãi đến hơn 1/2 tiếng sau đó, mới có người đến đẩy giường bệnh tới phòng CT Scan.
- It's about just 15 minutes!
Nói xong, chàng y tá đẩy giường đi. Tôi ngồi lại. Bịch IV cũng đã được tháo dây truyền dịch hồi nào không hay! Không khí đã lắng, bây giờ càng thêm tĩnh mịch.

3h30- Text vài chữ cho vợ an tâm. Nàng đáp lại bằng câu:
- Anh cũng nên ngủ một chút.
Cuộc trao đổi trên phone tiếp tục:
- Em mới cần lấy sức. Khi nãy...
- Nãy giờ em thấy khỏe hẳn. Mừng quá!
- Còn nặng đầu không?
- Hết rồi! Cũng không còn sốt.
- Vậy nhắm mắt một chút đi!
- Em đi đổ xăng cái đã. Còn không tới một nấc.

Phone cúp. Tôi ngồi thừ người trên ghế. Nghĩ tới tình cảnh trong đêm mà thầm cảm ơn Chúa- Mẹ đã an bài mọi việc cho gia đình chúng tôi. Rõ ràng là vợ tôi đã bị Covid hành hạ suốt mấy tiếng đồng hồ. Người phát lãnh. Sốt kịch liệt. Gương mặt từ tái xanh tới đỏ hồng. Khó thở suốt cả 1/2 tiếng đồng hồ. Hai viên Tylenol. Hai tiếng đồng hồ đắp khăn ( nhúng nước đá ) trên đầu. Ngủ chưa được bao lâu, vợ đã vụt chỗi dậy khi nghe con gọi, than đau bụng.

Chỉ có tình Mẹ dành cho Con mới mang lại năng lượng tuyệt vời như vậy! Lời cầu nguyện chắc chắn đã được Ơn Trên chuẩn nhậm. Từ lúc ra khỏi "nhà", cho tới khi đưa con tới ngay trước cổng Emergency của bệnh viện, vợ im lặng lái xe. Vẻ quyết tâm đọng tràn lên gương mặt mới dăm phút trước vẫn còn hằn nét mệt nhoài. Lòng mẫu tâm không chỉ bao la mà còn sâu lắng đến vô tận. Thật tuyệt vời và mầu nhiệm thay!

4h00- Y tá đẩy giường của con trở lại phòng. 15 phút của anh chàng hóa ra kéo dài tới gần 45 phút! Con than lạnh. Y tá mở ngay tủ đựng mền ấm, nằm ngay bên cạnh cửa ra vào, lấy ra 2 tấm mền đắp cho con. "Công chúa" cám ơn, nhắm mắt dỗ giấc. Tôi lại đắm chìm trong suy tư lẫn kinh cầu. Đúng 3 năm trước, cũng tại khu cấp cứu này, tôi chứng kiến cảnh lạc hồn của nhạc phụ và nghe những lời nói sau cùng của ông, gồm toàn là lời cảm ơn Thượng Đế, Chúa, Phật, con Người và cuộc Đời- từ trong tận cùng vô thức của trung khu thần kinh- phát ra liên tục suốt gần 2 tiếng đồng hồ.

Ông ngoại của cháu qua đời trong phòng ICU ba ngày sau đó, chấm dứt chuỗi ngày cô đơn trong viện dưỡng lão ở Garden Grove; cùng với hầu hết các bệnh viện và trung tâm lọc máu tại Nam Cali, vì những cuộc giải phẫu và điều trị do các biến chứng của suy thận, trụy tim, đặt ống lọc máu, viêm gan cấp tính và nhiễm trùng máu do sưng phổi, cùng nhiều nguyên nhân khác.

5h00- Good news!
Bác Sĩ họ Nguyễn nói ngay khi vén màn bước vào phòng, rồi tiếp:
- Not Appendicitis! But you've got IBD! Be careful from now on!
Quay sang tôi, BS Nguyễn nói thêm:
- Bệnh nhân phải ăn uống kỹ lưỡng. Bằng không sẽ tái đi, tái lại cả đời!
Con gật đầu, tỏ dấu hiệu đã hiểu rõ câu nói. Bác sĩ Nguyễn cho biết sẽ ký giấy xuất viện và cho toa mua thuốc; căn dặn vài điều cần thiết liên quan tới việc lấy hẹn để gặp một ông, hay bà bác sĩ nào đó trong vùng Westminster, chúc may mắn, rồi rời phòng.
"Cám ơn Trời Phật"! Vợ gởi lại câu text sau khi nhận tin mừng. Hơn 4 tiếng hồi hộp cũng không uổng công chờ đợi.
- Em nhớ ông Ngoại.
- Anh cũng đọc kinh cầu cho ba.
- Nhưng sao họ bắt chờ lâu quá! Thấy coi bộ vắng lắm mà?!
- Chắc không phải thập tử nhứt sinh, nên họ không gấp gáp chăng?

Có Trời mới biết mấy ông, mấy bà bác sĩ đọc cái gì, tìm cái gì khi chăm bẵm dán mắt vào màn hình của computer. Thời gian trong ER vốn mang tính cách tâm lý nên dài đăng đẳng. Phập phồng, lo âu, nghĩ ngợi linh tinh, có khi toàn là những hình ảnh não lòng vì quá lo lắng cho người thân. Người bệnh thì đã bệnh rồi. Thân nhân ngồi chờ bên giường cũng muốn bệnh theo!

5h45- Discharge!
Y tá đưa một xấp giấy, nói vài ba câu, chúc may mắn rồi thâu lại tờ trên cùng, nơi có chữ ký nhận được xuất viện. Phần còn lại là chi tiết khám máu, một "hồ sơ" ghi phần giải thích bệnh trạng và toa thuốc; gồm 6, 7 loại khác nhau. Tổng cộng hơn 4 tiếng đồng hồ từ lúc đến, cho tới khi ra khỏi cửa Emergency!
Vợ mừng rơn! Mặt mày tươi tỉnh mặc dù...
- Chỉ nhắm mắt để đó. Không ngủ được chút nào. Còn anh?...
- Cũng như em! Đọc kinh và cầu nguyện...
- Mình quả thật rất may mắn!
Được nhiều ơn phước mới đúng! Tôi thầm nghĩ như vậy. Phía băng sau, con bấm phone, text lia lịa. Có lẽ cháu cũng đang báo tin lành đến bạn bè khắp nơi, đặc biệt mấy "nhóc tì" bên miền đông. Nơi đó, giờ này đã vừa xong giờ khởi động cho một ngày sinh hoạt.

6h30- "Bà xã ông có sao không?"
Câu text của anh bạn Mũ Đỏ trên San Jose làm tôi thoáng cay mắt. Đêm qua, khi quýnh quáng đắp nước đá cho vợ, tôi có nhận phone của chàng họ Phan hỏi thăm. Tôi chỉ vắn tắt hồi đáp vài lời cho bạn, báo tin vợ bệnh. Sáng, bạn dậy sớm theo thói quen. Trước khi vào phòng gym là bạn gõ vài chữ cho tôi. Tôi gởi một câu text, tóm tắt tình hình trong đêm. Bạn gọi tôi, bày tỏ sự ngạc nhiên khi biết trong đêm Mẹ bớt bệnh, nhưng Con thì phải vào cấp cứu. "Sao mà xui quá vậy?!".

Sau câu text ghi lời cảm thán của bạn không lâu, là một loạt phone và text của Mũ Đỏ, Mũ Nâu, Mũ Xanh, Mũ Đen, Mũ lưỡi trai từ Nam, Bắc Cali gởi lời thăm hỏi và chúc lành. Huynh Đệ Chi Binh là như vậy đó! Cảm động hết biết! Họa đến bất ngờ nhưng Phúc cũng tràn đầy. Ngồi ăn sáng bên nhau mà hai vợ chồng cứ luôn miệng mở đầu bằng...Nếu như...!?

7h00- Cứ thế, tôi nằm đó, nghĩ ngợi về câu hát "Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình...". Không chỉ bao la như biển mà còn phải sâu thẳm đến tận cùng. Bởi trong đêm, tôi chứng kiến sự mầu nhiệm rất thiêng liêng của tình Mẫu Tử. Sức mạnh nào tiềm ẩn trong lòng? Nguồn ơn nào đã vực người Mẹ đang bị Covid hành hạ, bật dậy để đưa Con vào bệnh viện?

Quả thật nếu như vợ vào cấp cứu, rồi sau đó con gọi than đau như vậy, thì tôi sẽ phải làm gì, hay làm được gì?! Bây giờ thì con đã ngủ ngon và vợ cũng vừa thiêm thiếp. Tôi len lén qua mở cửa phòng bên, nhìn con rồi quay về phòng mình, khe khẽ nằm xuống bên vợ. Chiếc mask bình thường hay làm tôi ngộp thở, nhưng hiện giờ mặc dù mũi đang khịt khịt, mà mắt thì cứ như bị nhòa nhạt từng hồi, tôi vẫn thấy thoáng lòng chi lạ! Một đêm "kinh hoàng" đã qua. Đêm không ngủ để đón nhận họa, phúc trong ngày. Ngày mới đã đến. Một ngày không thể nào quên trong đời!

Huy Văn ( HUỲNH VĂN CỦA )

( Để thay lời cảm ơn sự giúp đỡ và quan tâm của Phong Châu Trần Kim Đại, Mũ Nâu Lê Văn Tòng, Hoàng Trung Sơn, Mũ Đỏ Trần Phan Kiệt, "Cáp Ngầm'' Nguyễn Nhựt Hoàng cùng vài bạn đồng khóa 8 CTKD Texas và 4/72B Đồng Đế )

Dư Âm Một Dòng Họ

( Cao Bá Quát)

Quý vị độc giả yêu văn chương cụ Cao Bá Quát quá, lại thấy tôi họ Cao, nên có ý hỏi thêm, thật ra muốn thử xem chất vàng thau có lọt vào họ Cao dòng dõi Cao Chu Thần, ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội không?

Chao ôi, bây giờ chẳng những có hàng trăm quyển sách nói đầy đủ về vị quan triều Nguyễn, danh sĩ Cao Bá Quát, tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường, sinh năm 1809, nhưng bây giờ lại đồ chừng tác giả “Tài tử đa cùng phú” này, sinh ước khoảng 1808 tới 1810.

Và qua đời năm 1855, nhưng bây giờ các sách sưu tầm trên lại in tuỳ thuộc người nhật tu là 1853 thì hơi sớm với nhiều dữ kiện ghi trong các bản tiểu sử, và 1865, thì có vẻ muộn hơn cũng trong các tư liệu đã phổ biến xưa nay.

Nên cứ theo bình thường ghi chép là cụ Cao Bá Quát với chuỗi đời ngắn ngủi ở dương gian (1809-1855 ), nếu như có thật chuyện bị tử hình cùng nạn tru di tam tộc, mà trước nhất là cùng 2 con trai: Cao Bá Phùng (sinh năm 1832) và Cao Bá Thông (sinh năm 1845) bị ảnh hưởng tận tuyệt.

Thì làm sao còn được quý vị hậu duệ tên tuổi như thi sĩ, kịch tác gia, Cao Bá Thao (1909-1994) bút hiệu Thao Thao, với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng, như:

Dưới Trăng ( 1935 )
Bờ Suối ( 1935 )
Thuyền Mơ ( 1936 )
Duy Tân (1936 )
Ải Bắc (1942)
Trăng Nước ( 1943 )

Còn rất nhiều các tác phẩm văn suôi, biên khảo vv…

Nhưng phải kể tới 2 kịch thơ:

Quán Biên Thuỳ và Người Mù Dạo Trúc, đã gây nhiều ấn tượng ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc năm 1950.
Thuở đó, trước cuộc đi cư năm 1954, ba tôi có cho chị em chúng tôi đi coi 2 kịch nêu trên ở Hải phòng.

Thi sĩ Thao Thao Cao Bá Thao cũng bị ảnh hưởng của Nhân Văn Giai Phẩm do các văn nghệ sĩ Bắc Hà chống đối bạo quyền Cộng sản năm 1956, thi sĩ Thao Thao cũng bị tập trung cải tạo từ 1960 đến 1966.
Nay con trai thứ hai của thi sĩ Thao Thao Cao Bá Thao là nhà sử học Cao Bá Nghiệp ở Hà Nội, hẳn công trình nghiên cứu của giáo sư phải đặc biệt hơn về dòng họ .

Và như vậy, nhà sử học Cao Bá Nghiệp đã tìm ra nhiều chi tiết quanh việc tử của cố tổ Cao Bá Quát.
Thí dụ:người anh song sinh Cao Bá Đạt, đã tưởng Cao Bá Quát chết theo vận nạn tru di tam tộc ( họ cha, họ mẹ và họ vợ ), ông tự sát trên đường vô kinh, năm 1854 vv…hay là Cao thi sĩ thất lộc tại trận tiền, trong chuyện theo giặc Lê Duy Cự chống đối triều đình vua Tự Đức. ..chẳng hạn.

Vua Tự Đức (1829 – 1883) triều Nguyễn, là bậc đế vương văn chương hào sảng, rất trọng tài danh lỗi lạc của quý vị danh sĩ như Nguyễn Văn Siêu ( 1799- 1872 ), Cao Bá Quát (1809-1855).

Nhà vua đã không ngớt lời ca tụng 2 cặp bài trùng là nhị vị Siêu, Quát vừa nêu, và nhị vị hoàng thân là Miên Thẩm Tùng Thiện Vương ( 1819- 1870) và Miên Trinh Tuy Lý Vương ( 1820- 1897 ) :

Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường

(Vua Tự Đức)

Song, bậc danh tài Cao Bá Quát vẫn không thần phục nhà vua văn hoa chữ tốt này, vị vua trẻ hơn Cao Bá Quát tới 20 tuổi, và trẻ hơn Nguyễn Văn Siêu tới 30 tuổi, thì sự thực có thua sút lời hoa, ý gấm nhị vị tài danh Siêu, Quát cũng không là điều phải ngạc nhiên .

Huống hồ, bậc danh tài Nguyễn Văn Siêu, bạn thân nhất của Cao Bá Quát, lại từng là thầy dạy học cho anh em vua Tự Đức thủa niên thiếu, gồm :

Hoàng tử Nguyễn Phước Hồng Bảo
Hoàng tử Nguyễn Phước Hồng Nhậm, sau lên ngôi, là vua Tự Đức vậy.

Trong văn học sử, danh tài Cao Bá Quát, ngoài thân thiết với Nguyễn Văn Siêu ra, Cao Bá Quát có thân tình với nhị vị vương tôn Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương .

Về những mâu thuẫn giữa Cao Bá Quát với vua Tự Đức, thì rất nhiều …phải cả một cuốn sách dày mới tạm chứa hết các giai thoại Cao Bá Quát bất phục vua Tự Đức về mặt văn chương .
Tôi thích đọc nhất giai thoại sau.

Đó là một buổi chầu, tất nhiên đầy đủ các quan văn võ triều đình. Vua Tự Đức phán rằng: Đêm qua, vua đã nằm mơ thấy 2 câu thơ tuyệt tác, đọc các khanh nghe:

Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai
(vua Tự Đức)

Quý quan văn võ tấm tắc khen hay quá.

Thi sĩ lừng danh Cao Bá Quát cười, rồi xin tâu vua:
Muôn tâu thánh thượng, thần cũng đã may mắn được nghe qua rồi …

Vua Tự Đức nghĩ là 2 câu thơ của ngài, đã bao giờ xuất tứ đâu, sao Cao Bá Quát lại nói đã nghe đâu đó hè, nhà vua truyền Cao Bá Quát đọc xem.

Danh tài Cao Bá Quát liền khấu đầu, rồi ứng khẩu đọc ngay,
Thưa rằng:

Vô Đề

Bảo mã tây phương huếch hoác lai
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai
Xuân nhật bất văn sương lộp bộp
Thu thiên chi kiến vũ bài nhài
Khù khờ thi tứ đa nhân thức
Khểnh khạng tương lai vấn tú tài …

(Cao Bá Quát)

Thưa quý vị, riêng bài thơ này cũng có mấy bản khác nhau, là những chữ thường gọi Hán nôm vv… mà tôi thì không chuyên học hỏi được nhiều, nên tôi chỉ muốn đưa ra những chữ bình thường dân dã, để thấy được cái tài ứng đối mau chóng của nhà thơ lão luyện Cao Bá Quát:

Không Đề

Ngựa quý từ phương tây “huếch hoác” lại
Người “huênh hoang” nhờ cậy dìu về
Trong vườn chim oanh “khề khà” hót
Ngoài đồng hoa đào “lấm tấm” nở
Ngày xuân chẳng nghe tiếng sương “lộp bộp”
Mùa thu chỉ thấy mưa “bài nhài”
Thi tứ “khù khờ” mà nhiều người biết
“Khệnh khạng” mang đến hỏi ông tú tài …


Đề cập tới thi tài xuất chúng của nhà thơ Cao Bá Quát, không thể nào không ngưỡng mộ khẩu khí một danh nhân, tiêu dao phong cốt mà khẳng khái vương giả.

Mặc dầu cụ xuất thân từ giai cấp trung lưu, nhưng vẫn đầy khí phách anh hùng mã thượng, thí dụ, Cụ ngạo mạn khi bị giam trong tù:

Một chiếc cùm lim chân có …đế
Ba vòng xích sắt bước thì …vương


Chao ôi, còn gì tột đỉnh hơn vương, hơn đế chứ, vậy mà chiếc cùm có chân, tức cái đế, và ba vòng xích trói chân, hễ bước đi thì vướng víu, khó khăn.

Đầu thập niên 80 thế kỷ vừa qua, thi sĩ kịch tác gia Cao Bá Thao, bút hiệu Thao Thao nêu trên, từ ngoài Bắc vô Saigon thăm thân nhân, bằng hữu thơ văn …

Khá đông quý cụ chơi thơ cổ điển như thi sĩ Bùi Khánh Đản, Trình Xuyên, Linh Điểu, Trác Ngọc, Thừa Phong …vv, chuẩn bị đón chào, vì quý cụ quen nhau ở Hà Nội từ trước 1954, hay biết tiếng thi sĩ Thao Thao lâu rồi.
Đã tổ chức mấy buổi hội thơ Đường luật tại các tư thất quý cụ miền Nam.
Thường những buổi hội thơ như thế, tôi hay được mời tới để làm xướng ngôn viên giới thiệu khách dự và điều khiển chương trình đọc, ngâm thơ các bài xướng, họa cùng các nghệ sĩ diễn ngâm vv…

Quý cụ Linh Điểu, Nguyễn Vạn An (nhà báo chuyên nghiệp) nhắn tôi tới gấp, để diện kiến thi sĩ Thao Thao Cao Bá Thao:
“Cô Cao Mỵ Nhân phải đến vì có anh Cao Bá Thao”, quý cụ kêu nhau bằng anh (vì cùng thế hệ các cụ). Cụ Trình Xuyên và cụ Linh Điểu còn thêm câu:

“Cô phải đến để nhận …họ hàng chứ”

Tôi toát mồ hôi lạnh vì sợ, lâu nay quý cụ “Đường luật” ở Saigon cứ đùa giới thiệu tôi là cháu bao đời cụ cố Cao Bá Quát.

Trong lúc chỉ có ba tôi có thời làm ở phi trường Gia Lâm, và đã mất ngay khi cộng sản tràn vào miền Nam ( 1976 ), cũng ba tôi mới biết làng Phú Thị, huyện Gia Lâm ở đâu.
Tất nhiên tôi trốn luôn việc đi diện kiến thi sĩ Thao Thao Cao Bá Thao, cụ mới chính là cháu nội trực hệ danh tài Cao Bá Quát.

Quý cụ thi sĩ miền Nam cứ hỏi thăm tôi hoài việc không đi thăm nhà thơ Cao Bá Thao, lại nghĩ rằng tôi là sĩ quan chế độ cũ, mới ra tù cải tạo, ngại có điều bất trắc, vì thuở đó, các văn nghệ sĩ bị chiếu cố nhiều lắm, có số bị bắt vì quần tam, tụ ngũ, hội hè thơ phú, đàn ca…

Bây giờ ở trong nước, và ngay tại quê hương cụ cố Cao Bá Quát, hậu duệ chính thống của đại danh thi sĩ Cao Bá Quát, đã có nhà sử học Cao Bá Nghiệp sưu tầm thiết lập lại gia phả chính thống Cao Tông, ít nhất có những phần khả tín.

Bởi vì thời gian kể từ khi thi sĩ Chu Thần Cao Bá Quát lâm nạn 1855 tới nay 2017, mới có 162 năm, chưa xa lắm với bất cứ dòng họ nào

Huống chi với cụ cố Cao Bá Quát danh tiếng vang lừng, xem như vừa cận đại thôi, làm sao quê hương bản quán quên lửng được, thành mang danh con cháu một dòng họ Cao nhánh khác, tôi cũng hãnh diện và cùng ngưỡng mộ tiền nhân, thiên tài xuất chúng từ giữa thế kỷ thứ 19 tới nay …

Cao Mỵ Nhân


Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

Dưới Giàn Hoa Cũ - Nhạc Và Lời Tuấn Khanh - Tiếng Hát Nguyên Bích


Nhạc Và Lời: Tuấn Khanh
Tiếng Hát: Nguyên Bích

Xuân Bên Vườn Hoa Lewis Ginter

 

Trời xanh màu nắng thiên thanh
Trong vườn dạo bước độc hành tìm vui
Bên chân hoa cỏ mỉm cười
Thủy Tiên vẫy gọi vui tươi đón chào
Ô kìa Xuân đến rồi sao
Cây khô tỉnh giấc vươn cao trẩy mầm
Dưới lòng đất, dế gọi thầm
Tỏ lời tình tự ái ân xoay vòng
Bây chừ chưa hết mùa Ðông
Xuân nay đến sớm trong vườn muôn hoa
Hương nồng ủ kín Ðông qua
Từ dòng đất lạnh thở ra với đời
Ngắm nhìn cảm nhận người ơi
Vàng ươm cánh mỏng tuyệt vời vẫy tay
Sương hôn má phấn hây hây
Hoa cười e ấp ngất ngây lòng người.

Lewis Ginter Botanical Garden - 021323
Y Thy Võ Phú

Tưởng Niệm Công Chúa Huyền Trân

  

Tưởng Niệm Công Chúa Huyền Trân

Bài 1

Nửa gánh giang san, nửa gánh tình,
Đồ Bàn bái biệt tóc đương xanh.
Lạnh hồn tháp cổ trơ vơ đứng,
Vắng tiếng chuông đưa, gạch với mình.
Trăm năm quạnh quẽ lòng non nước,
Vạn thuở tang thương lối đế kinh.
Cánh Tiên nung phiến tình quân tử,
Tưởng áo ai bay trước tháp linh.


Bài 2

Tháp dựng uy nghiêm trực diện trời
Gạch nung ròng rã Pháp lên ngôi.
Chật lòng tháp hẹp tâm cung kính
Cao vút mây xanh những đổi dời.
Đứng với phong sương bày thế sự,
Hỏi cùng non nước biết đầy vơi.
Anh hùng há thẹn hùng anh khí,
Gửi lại hư không một trận cười.

Bài 3

Chiến thuyền vượt sóng giữa trùng khơi,
Khăn tang chưa vấn kịp, chàng ôi!.
Mưa khuya lệ nhỏ lòng thê thiết
Nắng sớm sương tan giọt thảm rơi.
Biển xanh thiếp gởi hờn cô phụ,
Cung ngọc chàng ôm hận mạt thời.
Gió lạnh sao như lòng thiếp lạnh,
Quê xa mù mịt nhớ không nguôi.


Bài 4
 
Đổi áo công nương khoác áo ni,
Bến sông từ tạ bước chân đi.
Hai hồi trống giục cờ theo gió,
Nay tiếng chuông đưa cũng bến này.
Nắng hạ trời cao mây bát nhã,
Mưa thu biển thẳm nước từ bi.
Khi về bái tạ ân từ phụ,
Chôn tóc huyền xưa dưới tượng đài.

Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm
(8/2022)
***
 

Mẹ Huyền Trân Ở Đâu?!

(Bài Hát Nói tạm thay cho Bài Họa bốn bài Đường Thi Vô Đề của Nhà Thơ Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm tưởng niệm Công Chúa Huyền Trân gởi đến ngày 10/09/2022)

Huyền Trân Công Chúa
Nét đẹp đoan trang, quý phái trên tranh lụa ánh vàng!
Vẻ u hoài phảng phất trong dáng dấp cao sang!
Mà ghi đậm trong sử xanh! Xin được thắp nén nhang tưởng nhớ!

Vạn dặm theo chồng còn bỡ ngỡ!
Ngàn Thu nợ nước mãi băn khoăn!
Hoàng Thượng Chế Mân! Phải đừng sơ suất đi săn!
Thì dòng đời của Hậu chắc sẽ in hằn giai thoại khác!

Rồi lặng lẽ xuất gia tu hành cho đến thác!
Bỏ con thơ ở lại! Hoàng Tử Chế Chí ngơ ngác! Mẹ đâu?
Mẹ về Quê Ngoại ngậm sầu!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 10/09/2022

Nay Tôi 78


Xướng:

Nay Tôi 78


Nay tôi bảy tám bó vui rồi
Thấm thoát thời gian lặng lẽ trôi
Cơm nước chay trường dầu tóc bạc
Nắng mưa khô hạn dẫu da mồi
Quen nhau mấy thuở Vườn Thơ Thẩn
Bằng hữu một thời xướng họa thôi
Bảy tám sinh thần bên mái ấm
Các con đỗ đạt sống tươi cười…


Mai Xuân Thanh
Feb. 20, 2023
***
Bài Họa:

Mừng Tuổi 78


Cổ hy cộng tám quá vui rồi!
Êm ả thời gian vẫn cứ trôi.
Con cháu đều công thành danh toại,
Anh em cùng tóc bạc da mồi.
Vườn thơ xướng tác theo không nghỉ,
Thân hữu gieo vần họa chẳng thôi.
Nhất xứ, Xuân Thanh là bạn đó,
Sống vui sống khoẻ mãi luôn cười!

Đỗ Chiêu Đức
02-20-2023
***
Nay Tôi 78

Sinh nhật Xuân Thanh 78 rồi
Chắc từng lên xuống tới êm trôi
Mừng huynh thọ hưởng-ly đầy rượu
Chúc bạn xuân vui-chén ắp mồi
Gia đạo thảnh thơi chi mãn nguyện
Các con thành đạt thỏa thời thôi
Quả là nhất đấy so thiên hạ
Cùng với men say đắc chí cười.

Thái Huy 
Feb.20/23
*** 
Hơn  Trăm Nụ "Tuế " 

Bảy tám mùa xuân, đẹp quá rồi
Bao nhiêu phiền muộn đã buông trôi
Tiền tài, danh lợi không vương bả
Địa vị, vinh hoa chẳng vướng mồi
Một chút thơ ca cho tốt vẻ
Đôi lần đàn sáo để vui thôi
Bát tuần, cửu thập, rồi thêm nữa
Chúc bạn hơn trăm nụ " tuế " cười.


Hawthorne 21 - 2 - 2023
Cao Mỵ Nhân
***
Sinh Nhật 78

(cô nhạn xuất quần)

Ngưỡng bảy mà tăng được tám rồi
Khung trời nước Mỹ tuyệt vời trôi
Thời gian chải tóc nên đầu bạc
Cuộc sống mòn da giẫm tảng mồi
Kiến giải ôn hòa thân thiện nữa
Câu vần gắng thảo miệt mài thôi
Lần leo đạt mấy đều công quả
Hạnh phúc là đây diễm ảo cười.

Mai Thắng
230222

Vấn Quân Hà Nhật Qui - Nguyên Tác Hán Việt: Đặng Trần Côn

 

Vấn Quân Hà Nhật Qui 
Nguyên Tác Hán Việt: Đặng Trần Côn


Ức tích dữ quân tương biệt thì
Liễu điều do vị chuyển hoàng ly
Vấn quân hà nhật qui
Quân ước đỗ quyên đề
Đỗ quyên dĩ trục hoàng ly lão
Thanh liễu lâu tiền ngữ ý nhi
Ức tí́ch dữ quân tương biệt trung
Tuyết mai do vị thức đông phong
Vấn quân hà nhật qui
Quân chỉ đào hoa hồng
Đào hoa dĩ trục đông phong khứ
Lão mai giang thượng hựu phù dung
Vấn quân hà nhật qui

Đặng Trần Côn
***
Diễn Nôm: Đoàn Thị Điểm

Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý Nhi lại gáy trước nhà líu lo
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyện gió đông
Phù Dung lại nở bên sông bơ sờ
Hỏi Chàng Ngày Nào Về

Đoàn Thị Điễm

***
(Mây Tần - PKT)

Nhớ xưa vào lúc chia tay nhau
Oanh vàng chưa hót trên cành liễu
Hỏi chàng ngày nào về
Chàng hẹn mùa quyên sau
Nay đã bao mùa oanh đã già
Liễu xanh trước lầu bầy én ríu rít líu lo
Nhớ xưa vào ngày chia tay nhau
Mai trắng đầy trời đâu đợi xuân
Hỏi chàng ngày nào về
Chàng ước mùa đào sau
Nay đã bao lần xuân qua đào nở
Phù dung trên sông, sớm nở tối tàn

Phạm Khắc Trí
Mây Tần


Ngọc Lan

 
(Ngọc Lan (áo dài sậm màu) tại ca đoàn giáo xứ Đức Tin, Hạnh Thông Tây Gò Vấp thuở ấy. Người phía cuối đeo mắt kiếng là anh Quang.)

Gia đình tôi thuở ấy có hai căn nhà, nên tôi là cư dân của cả hai xóm liền kề nhau: Xóm Chùa và Xóm Ðạo.
Ngôi chùa Vĩnh Quang nhỏ xíu, nằm đầu con hẻm rộng. Chùa nhỏ nên vườn chùa cũng xinh xinh, với các loại cây trồng làm bóng mát và nhiều loại hoa kiểng, tạo nên một màu xanh tươi êm đềm sau cánh cửa sắt vững chãi làm cổng chùa. Tôi thích nhất cây Ngọc Lan cổ thụ ngay góc sân, những buổi trưa vắng có dịp đi ngang qua, mùi thơm của hoa toả lan phảng phất theo những ngọn gió lay thật dễ chịu, nhè nhẹ đi vào lòng người, làm quên hết những âu lo bận rộn đời thường, dù chỉ là trong phút giây.

Mỗi mùa rằm tháng bảy, tôi hay theo lũ bạn trong xóm đến chùa để “xí” thức ăn chùa cúng cho… cô hồn các đảng. Ði theo chúng cho vui, chớ tôi yếu ớt làm sao giành giựt được nhiều lộc chùa, cùng lắm chỉ được vài khoanh chuối, mấy miếng khoai lang, nhưng tôi không hề buồn, vì tôi còn mê thứ khác thú vị hơn, đó là …Ngọc Lan. Thường thì chúng tôi chỉ được nhặt những cụm hoa rụng rơi dưới sân chùa, nhưng vào những dịp lễ lớn nhộn nhịp, sư cô cũng vui vẻ rộng lòng từ bi, thoải mái chiều chuộng đám trẻ. Sư cô sai người dùng cái cây dài để hái Ngọc Lan cho chúng tôi. Những cánh hoa thon dài, trắng muốt, thanh tao, được tôi nâng niu đem về nhà, thả vào ly nước, đặt trong phòng ngủ, tha hồ mà thả hồn lãng đãng với làn hương quyến rũ.

Rồi tôi lớn lên, không còn đến chùa chơi đùa với đám bạn bè vì đứa nào cũng bận chuyện học hành. Tuy nhiên, mỗi khi đi học về, hoặc đi chơi xa trở về, khi đến đầu ngõ vườn chùa, tôi cảm nhận được ngay mùi Ngọc Lan quen thuộc vẫn còn đấy, đợi chờ tôi trong lặng lẽ, và bao mệt mỏi bỗng như tan biến, hồn tôi mềm yếu như áng mây trời, xuyến xao nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ xung quanh ngôi chùa nhỏ bé.

Chỉ cách hơn một con đường là qua xóm đạo xứ Ðức Tin. Nơi đây, cũng có “hoa” Ngọc Lan, đẹp xinh, nhưng đặc biệt là “hoa” … biết nói và … biết hát, sau này tiếng hát ấy đã đi vào trái tim biết bao nhiêu người hâm mộ.


Chị ấy tên thật là Thanh Lan. Thực ra, chị không phải là cư dân xóm tôi, mà là ở Xóm Mô, kế bên. Lũ trẻ con chúng tôi, thời mới bị “giải phóng”, chỉ có niềm vui chạy ra vườn chùa, hoặc đến sân nhà xứ chơi những trò chơi trên mảnh sân xi măng rợp đầy bóng mát: tạt lon, ô quan, nhảy dây, banh đũa, thiên đàng địa ngục hai bên… Nhưng vì vườn chùa thường hay kín cổng cao tường, hầu như lúc nào cũng lặng im thanh tịnh cho việc khói nhang cùng tiếng mõ tụng kinh, nên chúng tôi tụ tập ở sân nhà thờ hoặc sân nhà Cha xứ thường xuyên hơn. Chúng tôi mãi mãi nhớ ơn Cha xứ luôn mở rộng cổng cho chúng tôi vào chơi đùa, quậy phá. Buổi tối, Cha còn mở cửa nhà, cả lũ ùa vào ngồi trên thềm đá hoa mát lạnh xem ti vi, chương trình “Những Bông Hoa Nhỏ”. Khi chương trình ti vi chuyển qua mục Thời Sự, chúng tôi lại bị lùa ra sân vì đến giờ ca đoàn tập hát! (Không hiểu sao lúc ấy lại tập hát ở nhà xứ mà không phải ở nhà thờ? Chắc là thỉnh thoảng cần Cha đệm đàn piano chăng?).

Tuy còn bé, nhưng tôi cũng nghe các anh chị lớn và chòm xóm xung quanh bàn tán về một giọng ca solo nữ của ca đoàn, nên cũng hớn hở chen lấn ngoài cửa sổ, dưới tàn cây mận cổ thụ của nhà xứ, chỉ để say sưa ngắm nhìn nhan sắc dịu dàng và nghe tiếng hát của chị Thanh Lan. Dáng người nhỏ bé, mái tóc dài, đôi mắt buồn và giọng nói miền Nha Trang êm ái, chúng tôi thấy chị đẹp nhất cả nhà thờ, cả giáo xứ, chị chính là hoa hậu trong lòng chúng tôi. Người yêu của chị là anh Quang, một trong những ca trưởng của ca đoàn giáo xứ. Anh ít nói, khiêm nhường, là sinh viên Ðại Học Y Khoa. Hai anh chị đúng là một đôi trai tài gái sắc. Trời đêm long lanh đầy sao, gió mát rượi, tan buổi tập hát, chị khép nép đi bên anh ra về, tay ôm chồng sách Thánh Ca, còn anh mang cây đàn guitar, khuôn mặt thông minh với đôi kính cận, nụ cười hiền hoà. Chu choa ơi, lãng mạn còn hơn phim Hàn Quốc, làm cô bé tôi nhiều lần mộng mơ, ước gì sau này lớn lên cũng có một tình yêu nên thơ như thế. Nhà chị Lan khá giả trong khi nhà anh Quang nghèo hơn, nhưng chuyện tình của họ được hai bên gia đình và cả giáo xứ cổ vũ, nên khi gia đình chị Lan tổ chức vượt biên cũng mang anh Quang đi theo.


Mà cuộc đời luôn có những định mệnh bất ngờ, qua đến Mỹ thì không hiểu sao họ không đi chung đường nữa. Anh Quang có tiếp tục học Y Khoa hay không, cuộc sống ra sao, hạnh phúc hay khổ đau, tôi không biết được. Còn chị Lan, số phận đẩy đưa, trở thành một ca sĩ nổi tiếng với nghệ danh Ngọc Lan. Tiếng hát của chị từng “làm mưa làm gió” ở hải ngoại thập niên 80s, 90s lay động thổn thức hàng triệu khán thính giả với nhiều bài hát ghi dấu ấn của chị: Mưa Trên Biển Vắng, Như Ðã Dấu Yêu, Buồn, Lệ Ðá, Tiếc Thương, Nghe Những Tàn Phai, Mắt Lệ Cho Người …

Hồi tôi ở trại tị nạn Thailand, đi đến bất cứ lô nhà nào, cũng đều nghe người ta mở máy cassette băng nhạc của Ngọc Lan, cả ngày lẫn đêm. Nhiều lần, tôi còn khóc nức nở theo giọng ca đầy mê hoặc, buồn tái tê: “Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời! Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời…”. Tiếng hát liêu trai, như sương khói mong manh, đã ủi an vỗ về những mảnh đời tha hương trên đất tạm dung, quên đi những ngày dài đợi chờ, buồn tênh…

o O o


Và buồn thay, một bông hoa đẹp, cả hương lẫn sắc, đã phải úa tàn khi đang ở đỉnh cao của tuổi xuân và sự nghiệp, như câu thơ “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.

Nàng ra đi, nhưng tiếng hát còn vang vọng, âm ỉ trong trái tim những người yêu nàng. Riêng cư dân xứ đạo Ðức Tin, cuối thập niên 70s, vẫn nhớ mãi hình ảnh một thiếu nữ mảnh mai, giọng ca ngọt ngào, mang tên loài hoa tươi sáng, âm thầm toả hương ngây ngất:

Ngọc Lan xinh đẹp, dịu dàng
Buồn vương đôi mắt, nồng nàn lời ca
Mong manh như một kiếp hoa
Luyến lưu hương sắc thiết tha dâng đời

Có một bài hát mang tên Ngọc Lan của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, từng được nhiều ca sĩ thử sức nhưng chỉ có tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh trình bày là hoàn hảo hơn cả. Tôi biết, nhạc sĩ đã sáng tác bài này từ rất lâu, xa lắc xa lơ ngoài miền Bắc thuở đất nước chưa bị chia cách, nhưng tôi cứ ngỡ như bài hát được viết cho những đoá Ngọc Lan “nhành liễu nghiêng nghiêng, tà mấy cánh phong, nắng thơm ngoài song” của Xóm Chùa, và đặc biệt là viết riêng cho đoá Ngọc Lan biết nói của Xóm Ðạo chúng tôi: “Bông hoa đời ngàn xưa tới nay. Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây, cho tơ trùng đàn hờ phím loan…”, nghe sao mà trầm bổng, thiết tha và buồn rười rượi như đôi mắt của nàng.

o O o

Giờ đây nơi tha phương, những ngày cùng tháng tận của một năm, khi trời Canada đổ tuyết mịt mùng trắng cả không gian vào tháng Mười Hai, những giai điệu Thánh Ca Giáng Sinh bắt đầu vang lên, tôi lại tìm nghe tiếng hát Ngọc Lan vào những đêm khuya vắng, day dứt u hoài những tiếng vọng quá khứ, nơi Bóng Nhỏ Giáo Ðường của một miền dĩ vãng yêu thương:

“Có ai về miền quê lửa khói, cho tôi nhắn vài câu …?!”

Kim Loan