Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Tân Cổ: Thương Lắm Miền Trung Ơi - Tác Giá Như Ý - Kim Trúc Trình Bày


Tác Giá: Như Ý 
 Kim Trúc: Trình Bày

Thương Về Miền Trung


Miền Trung ơi cảnh hoang tàn
Lũ về gia súc mùa màng cuốn đi
Trắng tay nào biết nói gì
Đói nghèo lại đến tim ghì nỗi đau


Nỗi buồn xé ruột đêm thâu
Ánh trăng vàng úa trên đầu làng thôn
Sương rơi, sương giá lạnh buồn
Lệ rơi , lệ mãi sầu tuôn nỗi đời


Nhìn theo cơn lũ cuốn trôi
Đồng bào cả nước thương người xót xa
Từ tâm gửi đến món quà
Mì tôm ...tiền bạc gần xa đổ về


Chia cùng người nỗi tái tê
Chia cùng người nỗi sầu thê thảm sầu
" Bí ơi thương lấy quả bầu
Cùng chung giàn nghĩa thắm sâu tháng ngày "


Xin cùng góp sức chung tay
Giúp miền Trung đỡ đọa đày gian nan
Cám ơn những tấm lòng vàng
Bàn tay cứu trợ vai mang nghĩa tình


Trầm Vân

Ôi Miền Trung!


Bài Xướng:

Ôi Miền Trung!

Bao người khắp chốn xót xa lòng
Khúc ruột miền trung giữa bão giông
Mưa lũ cuốn trôi đi tất cả
Ruộng vườn úng ngập chẳng còn mong
Tai trời ập đến làm sao tránh
Ách nước kèm theo khó thể phòng
Khổ nhọc suốt năm giờ tuyệt vọng
Dân nghèo tiếp nối cảnh long đong.


Quên Đi

***

Các Bài Họa:

Thiên Tai Miền Trung
( Họa hoán vận)

Miền trung gặp cảnh bão mưa giông
Ách nước ,người dân quá não lòng
Ngập úng ruộng vườn khôn dự đoán
Trôi phăng nhà cửa khó đề phòng
Quanh năm bận rộn lo làm lụng
Suốt kiếp nhọc nhằn nghĩ đếm đong
Ập xuống thiên tai đành hứng chịu
Lạy trời mau hết chỉ cầu mong

songquang
***
Ôi Miền Trung

Thế giới nơi nơi thảy chạnh lòng,
Miền Trung chìm ngập lắm cơn giông.
Trăm, ngàn, vạn hộ, đau thôi xót...
Bảy, tám, chín cơn, khổ hết mong !
Cơn lụt trời hành đành phải chịu...
Thiên tai nhân họa biết sao phòng ?
Lá lành đùm rách trong cơn dịch...
Tiếp giúp đồng bào chút... gạo đong !...

Đỗ Chiêu Đức
10-25-2020

***
Cứu Trợ

Lụt lội Miền Trung cũng chạnh lòng
Thu đông “bão nổi” những cơn giông
Cuồng phong sóng bạc đồng vô vọng
Úng thuỷ hoa màu lúa hết mong
Nóc mái bay nhà không chống đỡ
Đê điều vỡ đập chẳng canh phòng
Mì tôm tấm áo nên quyên góp
Cứu trợ từ tâm gánh gạo đong

Mai Xuân Thanh
Ngày 31/10/2020

Mùa Thu Đau

Mùa Thu Đau


Gió lên cho lá vàng bay
Để thu quyến rũ mời ai mềm lòng
Hương thu len lén vào song
Ve vuốt má hồng thiếu nữ mộng mơ
Lá bay cho cành cây trơ
Kiên gan chịu cảnh bơ vơ giữa trời
Suốt đông vượt nỗi chơi vơi
Chờ xuân hoa lá đâm chồi đẹp tươi.
Nghe chừng con chữ hổ ngươi
Kìa... cảnh chiếu đất màn trời dân ta
Nàng thơ lòng có xót xa
Xin chia sẻ với quê nhà tang thương.

Anh Tú
October 29, 2020

***
Mùa Thu Đau

Vàng bay mấy lá vàng bay
Mùa Thu quyến rũ lòng ngây ngất lòng
Gió luồn qua kẹt cửa song
Cho em thiếu nữ má hồng ước mơ…
Vàng bay theo lá cành trơ
Éo le nghịch cảnh chơ vơ lưng trời
Mùa Đông lạnh lẽo đầy vơi
Đợi mùa Xuân tới đâm chồi thắm tươi.
Ta ngồi gom chữ hộ người
Vẽ lên cái cảnh khổ đời dân ta
Lũ lụt lở đất xót xa
Miền Trung cần giúp mái nhà tang thương.

Dương hồng Thủy 

 30/10/2020

Sơn Thạch 山石 - Hàn Dũ


Nguyên tác         Dịch âm

山石                     Sơn Thạch 

山石犖確行徑微 Sơn thạch lạc xác hành kính vi,
黃昏到寺蝙蝠飛 Hoàng hôn đáo tự biển bức phi.
升堂坐階新雨足 Thăng đường toạ giai tân vũ túc,
芭蕉葉大支子肥 Ba tiêu diệp đại chi tử phì.
僧言古壁佛畫好 Tăng ngôn cổ bích phật hoạ hảo,
以火來照所見稀 Dĩ hoả lai chiếu sở kiến hy.
鋪床拂席置羹飯 Phô sàng phất tịch trí canh phạn,
疏糲亦足飽我饑 Sơ lệ diệc túc bão ngã cơ.
夜深靜臥百蟲絕 Dạ thâm tĩnh ngoạ bách trùng tuyệt,
清月出嶺光入扉 Thanh nguyệt xuất lĩnh quang nhập phi.
天明獨去無道路 Thiên minh độc khứ vô đạo lộ,
出入高下窮煙霏 Xuất nhập cao hạ cùng yên phi.
山紅澗碧紛爛漫 Sơn hồng giản bích phân lạn mạn,
時見松櫪皆十圍 Thì kiến tùng lịch giai thập vi.
當流赤足蹋澗石 Đương lưu xích túc tháp giản thạch,
水聲激激風吹衣 Thủy thanh kích kích phong xuy y.
人生如此自可樂 Nhân sinh như thử tự khả lạc,
豈必局束為人鞿 Khởi tất cục thúc vi nhân ky.
嗟哉吾黨二三子 Ta tai ngô đảng nhị tam tử,
安得至老不更歸 An đắc chí lão bất cánh quy.
                            Hàn Dũ
***
Dịch nghĩa
Đá Núi 

Đá núi gồ ghề, đường đi nhỏ hẹp,
Đến chùa vào lúc xế chiều, dơi bay về tổ.
Tới ngồi trên thềm, mưa đầu mùa vừa tạnh,
Lá chuối lớn, hột cây dành dành béo.
Sư bảo có bức tranh Phật cổ đẹp treo trên vách,
Đem đèn lại xem thì thấy không được bao nhiêu.
Sư chỉ giường nằm, phủi chiếu, dọn cháo ăn,
Cháo gạo lớn sơ sài cũng đủ làm ta no bụng đói.
Đêm đã khuya, ngủ yên, côn trùng im bặt,
Trăng ló khỏi đỉnh núi chiếu ánh sáng qua cửa.
Trời sáng, một mình ra đi, không theo đường có sẵn,
Vào ra, lên xuống trong sương khói thấp.
Núi hồng, suối biếc sáng tưng bừng,
Có lúc thấy cây thông cây lịch vây quanh.
Chính vào lúc đang đi, chân trần đạp trên đá suối,
Tai nghe tiếng nước róc rách, gió mát luồn trong áo.
Ta thấy kiếp người được như thế này là vui sướng rồi,
Há chẳng đang bị những trói buộc bởi cơm áo sao?
Thương thay cho hai ba người trong bọn ta,
Cứ an vui bị trói buộc cho đến hết đời, không biết quy ẩn.

Chú giải:

Giác: đá nhọn. Lao giác: lởm chởm. Kính: lối đi tắt. Vi: nhỏ. Sở: đại danh từ chỉ người hay vật. Biên bức: con dơi. Giai: bực thềm. Ba chi tử: cây dành dành. Ba tiêu: cây chuối. Trí: dựng lên. Sơ: sơ lược. Ky(cơ): đói. Cơ bão: đói no. Lĩnh: đỉnh núi. Phi: cánh cửa. Phi: lả tả (mưa hay tuyết rơi). Phân: lộn xộn. Lạn: sáng sủa. Mạn: đầy tràn. Phân lạn mạn: ánh sáng đầy tràn. Lịch: cây lịch. Vi: vây (chu vi). Xích túc: chân trần. Kích kích: mau, gấp. Cục xúc: điều nhỏ nhen. Khởi: chữ dùng để hỏi (như chữ hà). Ky: bó buộc, kiềm chế. Ta: tiếng than. Tai: lời than (thay). An: trợ ngữ (sao?). Chí: đến (thậm chí)

Dịch thơ

Đá Núi

Đường đèo đá nhọn khó đi thay,
Tới chùa ác lặn dơi loạn bay.
Lên thềm ngồi nghỉ mưa vừa ngớt.
Chi tử xum xuê lá chuối dài.
Vách xưa tranh Phật sư khen đẹp,
Đèn mờ ngắm mãi thấy gì đây!
Dọn giường giải chiếu tô cháo trắng,
No trong cơn đói bữa ăn chay.
Nằm nghỉ đêm sâu giun dế nín,
Đỉnh núi dòm song ánh nguyệt đầy.
Tảng sáng ra đi đường chẳng rõ,
Quanh co khấp khểnh sương sa dầy.
Núi hồng khe biếc lung linh nắng.
Tùng lịch người ôm chưa tròn cây.
Chân trần dẫm đá men dòng suối.
Nước réo gió ru tà áo bay.
Thú vui hiện hữu đời tự mãn,
Hà tất nhỏ nhen vẩn lòng này?
Thôi nhé bạn mình hai ba đứa,
Già rồi sao chẳng ẩn qui ngay?


Con Cò
***

Đá Núi

Đá núi ngổn ngang lối hẹp te
Đến chùa chiều xế lũ dơi về
Thềm hoang ngồi nghỉ mưa vừa tạnh
Chuối cây lá lớn, hạt dành khoe

Sư bảo trên tường tranh Phật đẹp
Đem đèn lại chiếu chẳng hay gì
Quét giường, phủi chiếu, bày tô cháo
Gạo tấm sơ sài đỡ đói khi!

Đêm vắng ngủ yên trùng nín bặt
Trăng thanh ló núi ánh len khe
Sáng lìa, bước lẻ đường không lối
Lên xuống, vào ra lớp khói che.

Núi hồng, suối biếc tưng bừng chiếu
Chỉ thấy thông sồi lớp lớp vây
Đương bước chân trần va đá suối
Nước nghe róc rách, áo tung bay

Kiếp người như vậy bao sung sướng!
Áo cơm trói buộc để làm chi?
Thương thay bè bạn dăm ba kẻ
An vui khú đế chẳng lui về!


Lộc Bắc
***

Phụ bản

Thác Yellow-Stone 

Lúc hoàng hôn gần tắt, thác Yellow-Stone có vẻ đẹp diệu kỳ, một vẻ đẹp Liêu Trai. Dẫy núi cao, không cây cỏ, chỉ có đá muôn mầu, nghiêng dốc xuống vực sâu. Thác ló ra giữa hai đỉnh núi bị mây che phủ trông giống như đổ xuống từ trên mây. Giai nhân váy ngắn không còn được ưa nhìn trước cảnh hớp hồn của thiên nhiên!

Gió nín thinh nghe thác đổ.
Mây xếp khăn nhuộm đỏ nắng chiều.
Rặng núi cao cẩm thạch mỹ miều,
Ngồi phơi nắng quấn mây kín cổ.
Thác ló ra từ vành mây đó,
Lăn xuống vực sâu, nguồn nước đổ,
Thành giải lụa trắng ngần,
Vắt trên lưng nàng núi khỏa thân,
Không lá hoa cây cỏ,
Chỉ có đá muôn màu rực rỡ,
Và tuyệt đỉnh cao sang.
Mây nhung thác bạc núi vàng,
Kim cương hạt nắng soi nàng thiên nhiên.
Này cô em!
Chắn lối ta vắy ngắn,
Áo lụa đào thiếu vải để lưng trần.
So với thác cô thua xa lắm!
Hãy xõa tóc che thân.
Hãy giữ mình im lặng.
Gác máy hình và gỡ kính râm.
Thác đang thủ thỉ thì thầm.
Núi đang xối nuớc tắm vầng Thái Dương.
Mây đang lơ lửng lên đường.
Màu đang thay áo dễ thương cực kỳ.
Mở tròn đôi mắt mê si,
Máy hình chả chụp đuợc gì cô ơi.
Hồn non hồn nuớc hồn trời,
Thơ không tả xiết ý thời nhỏ nhen.
Huống chi tấm ảnh nghèo hèn!


Mùa hè năm1988
Con Cò
 

Thư Gởi Cho Con

 

Nhà Của Ngoại

Ngôi nhà ngói đỏ rộng thênh thang 
Nhà ăn, vựa lúa cũng khang trang. 
Chung quanh bao bọc hàng dâm bụt, 
Hoa nở suốt năm đỏ hoặc hồng. 

Hai bên phải trái, sau vườn nhà. 
Ngọt ngon cam quýt, trái là đà 
Ổi,đào,na, khế… một khu nhỏ 
Mít,mận, xoài, dừa, trồng xa xa. 

Từ cổng vào nhà lót gạch đỏ, 
Hai hàng tỷ muội hoa nho nhỏ. 
Chậu cây, bụi kiểng nằm sân trước 
Hồ sen tuy bé nhưng hoa to 

Phần lớn bà con ở miền Tây 
Lợi tức quanh năm nhờ trái cây 
Cam, quýt, lúa, xoài nguồn lợi chính 
Chăn nuôi gà vịt thêm vui nhà. 

Hàng xóm láng giềng ở trong làng, 
Cư xử với nhau như họ hàng. 
Quê ngoại ngày xưa là kỷ niệm, 
Ước mong chốn cũ được bình an. 
***
Virginia ngày 29/1/15 

Gởi các con thương yêu, 

Má làm bài thơ “Quê Ngoại” lúc trời đang có tuyết. Má nhớ bà Ngoại quá nên vừa làm vừa… khóc. 
Ngày xưa bà Ngoại các con được người lớn xem như 1 trong những người đẹp trong làng. Dù bà Ngoại không đẹp đi nữa nhưng với Má,bà Ngoai vẫn là người phụ nữ đẹp, đáng yêu nhất. 

Ngoại các con da trắng, mũi cao, tính tình hiền hậu. Ngoại là con một nên ông bà Cố cưng lắm. Lúc được 16 tuổi đã có nhiều người xin cưới nhưng bà cố không gả. Bà cố muốn “ bắt rể” tức chàng rể phải mãi mãi ở nhà vợ chung với ba má vợ.Vã lại bà Ngoại con đâu muốn xa ông bà Cố, lập gia đình sớm. Má không giống bà Ngoại vì đen thui và cũng không giỏi giang dịu dàng nhưng dì Dung các con thì da trắng, đẹp người, ngoan ngoãn, chăm học.Trong gia đinh bà con ai cũng thương yêu dì Dung vì sớm mồ côi lại xinh xắn. Ong Ngoại các con mất lúc bà Ngoại 25 tuổi, dì Dung được 5 tháng, còn ẳm trên tay.Thật là: 

“Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. 

Không có hình bà Ngoại nên các con không hình dung được nhưng ông Ngoại là con nhà giàu, học trường Tây, người thành thị, cưới bà Ngoại là cô gái ở thôn quê,tuy con nhà khá giả nhưng đâu giàu bằng bên gia đình bên Nội, từ chối các đám khác giàu có, tân thời hơn . 

Khi ông ngoại các con mất ít lâu thầy T. Xuân bạn ông Năm theo bà Nội mấy năm, lấy lòng họ hàng bà con nên ai cũng nói vào, còn qua gặp ông cố Nội để xin cưới bà Ngoại. Lúc ấy thầy độc thân còn bà Nội đã 3 con. Thầy o bế, chìu các con của Ngoại nhất là cậu Hai. Sách cho thì đọc , kẹo bánh, quà thì lấy nhưng cậu hai nhất định không muốn bà Ngoại ưng thầy T. Xuân. Má và dì Dung còn nhỏ, đâu có ý kiến gì nhưng bà cố Ngoại thì bằng lòng lắm vì thầy con nhà tử tế và có nghề nghiệp vững chắc. 

Má nghĩ nếu bà Ngoại bước thêm bước nữa, Má sẽ có em khác cha, có ông cha ghẻ, cậu Hai con sẽ về ở bên Nội của Má và chẳng biết cuối cùng ra sao.Nghĩ đến Ngoại hy sinh tuổi thanh xuân, thời kỳ hoa mộng, tốt đẹp nhất của người phụ nữ, nuôi 3 con thơ một mình, Má thương bà Ngoại vô cùng. 

Bà Ngoại tính thương người hay giúp kẻ khó nên dì Dung và Má cũng ảnh hưởng phần nào. Ngoại cho học sinh nghèo tâp vở, quần áo mặc đi học, giúp tiền và thức ăn cho bà con nghèo...Dì Dung cũng thế, tặng học bổng học sinh giỏi, giúp tiền cho người nghèo thôn quê đi bệnh viện tuy không nhiều nhưng cũng giúp họ qua được lúc khó khăn. Má cũng ao ước có tiền để giúp kẻ khốn khó bất hạnh.Tiền bạc như mây bay, nước chảy,nếu giúp được người khác nên sẵn lòng, đừng ngần ngại các con yêu thương của Má. Ít ai giàu ba họ , chẳng ai khó ba đời. Má có người bà con lúc trẻ gia đình nôi, ngoại, bên chồng đều giàu có, khi ngủ có người quạt hầu, bóp chân, sáng sáng có người pha nước rửa mặt nhưng khi già thiếu thốn vì thời thế đã thay đổi,nhà cửa ruộng vườn mất hết. 

Má cám ơn các con đã hiếu thảo chăm sóc Ba tử tế lúc ba đau ốm dù lúc ấy còn nhiều bài vở nhà trường, lo cho Má đầy đủ khi các con tốt nghiệp, thường xuyên mua vé cho Má đi du lịch. Các con ngoan, học hành thành đạt, thương yêu nhau, gia đình hạnh phúc là má vui rồi, không cần thiết cho má đi du lịch nơi này nơi nọ đâu. Nếu bà Ngoại còn sống sẽ rất vui biết các con chọn nghề thầy thuốc vì có thể giúp người ốm đau bệnh tật.Đó là sự lưa chon của các con chứ Má biết nghề đó học khó lại nhọc nhằn, giờ giấc bất thường.Nghĩ mà thương các sinh viên trường thuốc.Tiền trường đã mắc mà sau Trung học phải học 10 năm đến 14 năm mới xong và có thể bị lây vì các bệnh truyền nhiễm. Riêng các con chịu khó chịu cực học hành nhưng cũng nhờ nước Mỹ tạo cơ hội dễ dàng các sinh viên con nhà nghèo di cư: cấp học bổng, cho vay tiền lời thấp... 
Má viết dài ngoằn không biết Út cuả Má đọc có hiểu không hay quên hết tiếng Việt rồi? 
Chúc các con và gia đình luôn bình an,mọi sự như ý tốt đẹp. 

Thương các con thật nhiều. 

Má 
Ngọc Hạnh 


Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Cầu Cho Cha Mẹ 7 - Sáng Tác: Phanxico - Ca sĩ: Gia Ân


Sáng Tác: Phanxico
Ca sĩ: Gia Ân

Nụ Hôn Vĩnh Biệt

(Ảnh: Kim Phượng)

    Nỗi mất mát lớn nhất của má là, ba qua đời. Nhưng, trong những ngày tang lễ, má không gào thét, kể lể hay khóc lớn tiếng, mắt ngấn lệ.

    Má rất bình tĩnh, đôi mắt đượm buồn, khuôn mặt không che giấu được nỗi đau, từ tốn đứng lên cảm tạ thân nhân, bạn bè và mọi người giúp đỡ trong tang lễ.
 
    Hai mươi hai năm qua, những hình ảnh ấy chưa xóa mờ và sâu đậm nhất là giây phút má cúi xuống, hôn lên khuôn mặt giá lạnh của ba…Nếu bên kia cửa tử còn có một đời sống...hẳn ba...

Ngàn năm mây trắng bay bay
Lần trang hồi ức từ rày chiêm bao
Ba giờ ở tận phương nao
Có nghe tiếng nấc nghẹn ngào trong tim
Vườn sau não nuột tiếng chim
Giọng kêu lẻ bạn gọi tìm người thương
Áo quan đời cõi vô thường
Má còn lưu luyến vấn vương nghĩa tình
Không gian trời đất lặng thinh
Mênh mông thế giới ngỡ hình như riêng
Cúi mình giây phút thiêng liêng
Nụ hôn đưa tiễn về miền xa xăm
Hương lòng quyện khói trăm năm
Ẩn trong khóe mắt âm thầm lệ ngăn
Bên nhau lúc tuổi tròn trăng
Nay đà sương tuyết chít khăn tang buồn
Nước đi rồi lại về nguồn
Nụ hôn vĩnh biệt mãi luôn nồng nàn
 

Kim Phượng

Tưởng Niệm Ngày Giỗ lần thứ 23
30.10.2020

Cây Hoa Giấy 31 Năm Tuổi Của Ba

  
(Cây Hoa Giấy của Ba tặng con gái 9 Oanh, năm 1989 )

Melbourne 30-10-2020

Ba thương yêu ơi.

Mới đó mà đã 23 năm trôi qua kể từ ngày ba ra đi. Nhưng ba ơi, ba vẫn chưa đi xa con. Nhất là khi nhìn cây hoa giấy, một món quà vô giá mà ba tặng cho con, cây hoa giấy cho con cảm giác ba luôn luôn hiện hữu, chở che và giúp sức cho con.

Ba yêu hoa giấy như thế nào, mà ba cố công, nâng niu chiết cành để cho các con mỗi đứa một cây vậy ba?Cây hoa giấy này đánh dấu kỷ niệm năm con gái của con, cháu Vi Vân chào đời. Đến nay đã được 31 năm tuổi rồi đó ba.

Vì điều này, con đi tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của loài hoa này như thế nào. Kết quả rất lý thú ba ơi.


Cây hoa giấy có nguồn gốc từ Brazil (Nam Châu Mỹ), được trồng rất rộng rãi, ở các tỉnh phía nam nước ta, tên khoa học là Bougainvillea. Loại cây thích hợp với khí hậu nhiệt đới. Cây hoa giấy là một loại cây cho hoa đẹp, ra hoa quanh năm với màu sắc rực rỡ. Cành vươn lên tìm ánh nắng hồng, đong đưa trong gió mới.


Hoa giấy thuộc họ cây leo, thân cây lúc nào cũng đầy gai nhưng hoa của nó lại rất mỏng manh. Nên có ý nghĩa cho sự bảo vệ cái đẹp. Hoa không sang trọng nhưng nét giản dị đáng yêu. Hoa giấy tượng trưng cho một tình yêu mộc mạc, đơn sơ.

Những cánh hoa giấy khắn khít vào nhau như anh em trong một nhà, ba má làm nhụy, đoàn kết để bảo vệ gia đình. Thế nên hoa giấy còn thể hiện tình cảm gia đình kết chặt một cách sâu đậm. 
Có một số người tin vào phong thủy, cho rằng hoa giấy có thể xua đuổi điều xấu mang đến cho căn nhà không gian bình yên.

Với ý nghĩa trên con liên tưởng đến ba, dù đi bất cứ đâu, hoàn cảnh nào. Ba vẫn luôn luôn cứng cõi, chịu đựng, đùm bọc, chở che cho những đứa con mỏng manh yếu đưối, giúp sức cho các con vươn lên trong cuộc sống, sống vui, sống đẹp, tính tình giản dị, đơn sơ hòa mình với mọi người trong xã hội.


Nhưng có lẽ điểm quan trọng nhất, ba má là nhụy, các con cánh hoa bao quanh, một sự đoàn kết thương yêu, san sẻ cùng nhau..... Hãy bỏ qua những điều không đẹp, để cả nhà được êm ấm như ước nguyện cuối cùng trước khi ba má ra đi phải chăng ba?!

Đẹp thay ý nghĩa của hoa
Tượng trương đoàn kết cả nhà yêu thương
Chịu đựng san sẻ tựa nương
Vươn trong nắng mới chẳng dường phôi phai
Công Ba chăm sóc tháng ngày
Hạnh phúc rực rỡ nhớ hoài tình Ba!

Con hy vọng nơi Thiên Đàng ba má mỉm cười hạnh phúc, nhưng ba ơi xin hãy tiếp tục giúp sức cho chúng con giữ vững ý chí và niềm tin như Nhụy và Hoa nha ba má của con. 



Thương yêu con gửi về Ba Má trong ngày kỷ niệm Giỗ 23 năm của Ba!

(30/10/1997-30/10/2020)
Kim Oanh


Thu Nhớ Người Đã Khuất


Đang ở nơi nào Em có hay? 
Một mùa Thu nữa đã về đây
Thu trước Em còn xem lá đổ
Em đi chẳng đợi đến Thu nầy.

Chiều Thu chạnh nhớ người đã khuất
Buồn dâng lên mắt, mắt cay cay
Nhìn chiếc lá vàng bay theo gió
Nhớ người khuất bóng cuối chân mây.

Nhiều đêm nghe tiếng mưa trên lá
Ngỡ bước chân Em trở về đây
Tĩnh giấc, Anh nhìn qua song cửa
Ngoài kia chỉ có gió lay cây.

Hơn nửa đường đời ta chung bước
Nay Anh cô độc tháng, Năm dài
Quãng đường cò lại, Anh một bóng
Vui buồn san sẽ biết cùng ai.

Thu nầy Anh nhớ Em Thu trước
Thắp nén hương trầm khói quyện bay
Anh gởi nhớ thương vào hương khói
Đang ở nơi nào Em có hay?

o Mã Sơn

Tam Canh Nguyệt 三更月 - Lê Thánh Tôn

 

三更月                  Tam Canh Nguyệt 


三更風露海天寥 Tam canh phong lộ hải thiên liêu,
一片寒光上璧霄 Nhất phiến hàn quang thượng bích tiêu.
不照英雄心曲事 Bất chiếu anh hùng tâm khúc sự,
承雲西進夜迢迢 Thừa vân tây tiến dạ thiều thiều.

黎聖宗                 Lê Thánh Tôn
***
Dịch nghĩa: 

Trăng Nửa Đêm

Nửa đêm biển trời mênh mông đầy sương và gió
Một vầng sáng lạnh xuất hiện trên khoảng không gian xanh biếc
Nhưng trăng không thể soi thấu chuyện khó khăn trong lòng của khách anh hùng,
Có lẽ trăng chỉ muốn theo đám mây đi về hướng tây trong đêm thăm thẳm.

Dịch Thơ: 

Tam Canh Nguyệt

1- 
Biển trời sương gió lúc canh ba
Giữa khoảng không xanh một ánh ngà
Nỗi khó anh hùng sao rọi thấu
Muốn cùng mây đến tận đoài xa.


2- 
Nửa đêm trời biển đầy sương 
Giữa không gian biếc một gương lạnh lùng
Khó soi trắc trở anh hùng
Nên theo mây đến tận cùng hướng tây.

Quên Đi
***
Trăng Canh Ba 

Sương với gió canh ba biển lặng
Một vầng trăng giá lạnh trời xanh.
Không soi tất dạ hùng anh
Cùng mây đêm vắng lang thang xứ đoài!

Mailoc 
Oct 22-2020
***
Trăng Canh Ba 

Biển trời sương gió lạnh canh ba 
Một khoảng tầng xanh rạng ánh ngà 
Tấc dạ anh hùng soi chẳng thấu 
Cùng mây thăm thẳm tận đoài xa 

Kim Oanh
***
Trăng Nửa Đêm

Nửa đêm sương gió mịt mờ trời
Trăng lạnh mới vầng biếc rọi soi
Chẳng thấu nỗi niềm người dũng sĩ
Mà cưỡi mây về hướng biển khơi 


songquang
***

Tam Canh Nguyệt

Trời biển đầy sương lúc nửa đêm
Một vầng sáng lạnh khoảng êm đềm
Anh hùng uẩn khúc sao soi thấu
Tây hướng cùng mây để cách thêm


Kim Phượng
24.10.2020



Hoàng Việt Văn Tuyển của Hi Văn Đường

三更月                 Tam Canh Nguyệt

三更風露海天寥 Tam canh phong lộ hải thiên liêu,
一片寒光上碧霄 Nhất phiến hàn quang thượng bích tiêu.
不照英雄心曲事 Bất chiếu anh hùng tâm khúc sự,
承雲而去夜迢迢 Thừa vân nhi khứ dạ thiều thiều.
黎聖宗                 Lê Thánh Tôn

Chú Thích:
Bài thơ trên đây được chép theo tài liệu trong "Hoàng Việt Văn Tuyển 皇越文選" của Hi Văn Đường 希文堂, nên khác với bản trong "thivien.net" ở:
- Chữ BÍCH 璧 (là Ngọc Bích) và BÍCH 碧 (là Xanh biếc)trong từ BÍCH TIÊU 碧霄 (Bầu trời xanh biếc) trong câu thứ 2.
- Từ TÂY TIẾN 西進 (Tiến về hướng tây) và NHI KHỨ 而去 (Mà đi) trong câu thứ 4. 

Nghĩa Bài Thơ:
Trăng Canh Ba (Trăng Nửa Đêm)

Lúc Canh ba nửa đêm, sương gió biển trời bao la mờ mịt. Một vừng sáng lạnh mọc lên trên nền trời xanh biếc. (Ánh trăng) không soi rọi chiếu vào những chuyện khuất tất trong lòng của kẻ anh hùng, mà vẫn thản nhiên cưởi mây bay về phía trời xa trong đêm trường mờ mịt !
Cảnh vật vẫn thản nhiên lạnh lẽo vô tình diễn tiến, đâu có biết gì đến những uẩn khúc trong lòng của những kẻ anh hùng đang bâng khuâng nhìn ngắm mà tâm sự chập chùng !

Diễn Nôm:
Tam Canh Nguyệt

Biển trời sương gió cảnh bao la,
Nền biếc một vầng sáng lạnh nhòa.
Chẳng thấu anh hùng lòng uẩn khúc,
Theo mây đêm vắng hướng trời xa!

Song thất lục bát:

Canh ba trời đất nhòa sương gió,
Sáng một vừng tỏ rõ trời xanh.
Chẳng soi uẩn khúc hùng anh,
Cưởi mây đêm vắng bay nhanh về ngàn! 

Đỗ Chiêu Đức

Trăng Nửa Khuya

1-
Gió sương lạnh đất trời khuya khoắt 
Tỏ một vừng vàng sắc khoảng xanh 
Chẳng soi tâm sự hùng anh
Canh ba lén cởi mây nhanh gió ngàn...

2-
Trời biển bao la sương gió lộng 
Một vừng sáng lạnh giữa vòm xanh
Không soi thấu nỗi lòng hào kiệt 
Trăng cởi mây bình thản lặng thinh...

Mai Xuân Thanh
Ngày 23/10/2020

***

Trăng Canh Ba

1-
Canh dài gió tản mịt mờ sương
Ánh một vầng quang rọi nẻo đường
Lẫn tránh anh hùng tâm sự uẩn
Mây về hướng tẻ vọng hà phương


2-
Canh ba gió tản màn sương
Vằng quang vẽ một vệt đường vô tâm
Đầy tâm sự uẩn khôn cầm
Mây vào đêm tối lặng câm khung trời

Mai Thắng 
201030


Thu Buồn


Xướng:
Thu Buồn

Giờ thu buồn đến cố nhân ơi,
Ngõ trúc đào hoa quạnh quẽ rồi.
Ta đứng lặng nhìn trăng diệu viễn…
Hờn mây tan tác lạnh lùng trôi!

Em ở trời xưa có nhớ ta?
Thu tàn hiu hắt ánh trăng tà.
Bài thơ ta gởi hồn theo gió,
Em hỡi còn không lệ thiết tha!

Nơi đây ta nhớ mùi hương cũ,
Ngọt thắm bờ môi mọng diễm kiều.
Vầng tóc nào thơm mầu quyến rũ,
Em cười rạng rỡ một trời yêu !

Ôi một trời yêu… vàng võ lạnh,
Còn chăng giấc mộng cố nhân sầu!
Nhiều đêm ta thấy mờ nhân ảnh,
Mái tóc hoàng hôn đã bạc mầu!

Thôi thì nét liễu đài trang cũ,
Nguyệt khuất mây mờ bến nước xưa.
Ta ở đây hoài trăng cổ độ,
Mộng cố nhân sầu xưa tiễn đưa!

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân
***
Họa:
Ngậm Ngùi


Thu sầu man mác hỡi người ơi!
Một mảnh trăng non đã khuất rồi
Vài chiếc lá vàng rơi lác đác
Thei dòng nước chảy lững lờ trôi...

Đêm buồn hiu hắt một mình ta
Ngắm ánh trăng khuya đã xế tà
Ngẵm lại đời người như chiếc lá...?
Phù du cõi tạm...hãy buông tha...

Từng bước âm thầm trên lối cũ
Đâu đây tìm lại bóng thu Kiều
Hoa rơi trước gió, cây sầu rũ
Đã vắng xa rồi thuở dấu yêu...

Cơn gió vô tình như thấm lạnh
Hồn ôi! lay đọng chút vương sầu
Trăng xưa cảnh cũ còn trơ đó
Mái tóc ngày xanh đã đổi màu

Mong tìm lại chút dư âm cũ
Dẫu đã mất rồi bóng dáng xưa
Buồn lắm...lỡ mai về cát bụi...
Chỉ mình hiu quạnh...có ai đưa...???

Bạc Liêu/29/10/2020
Hồng Vân
***
Vắng Người Yêu Dấu

Vắng người yêu dấu cảnh buồn ơi,
Lối ngõ rào hoa tẻ nhạt rồi.
Nguyệt khuyết sao mờ sương lạnh lẽo,
Vô tình mây bạc hững hờ trôi.

Em có bao giờ nghĩ đến ta,
Mồ côi chiếc bóng những chiều tà.
Nhớ thương vô hạn bờ vai ấy,
Mái tóc đen huyền phủ thướt tha.

Nhớ quá ngày nao trên lối cũ,
Con đê cao dẫn đến cầu kiều.
Có vòm lá liễu tàn buông rũ,
Sóng bước vui đùa thủa mới yêu.

Đôi bờ lau lách giờ khô lạnh,
Soi bóng buồn thiu dưới ngọn sầu.
Phảng phất trên sông vài ảo ảnh,
Tóc bay, mấy sợi đã phai màu.

Thu về mơ mộng ngày vui cũ,
Gọi cố nhân về lại chốn xưa.
Những giọt ngâu buồn như lệ đổ,
Lá vàng từng cánh gió may đưa. 

Mỹ Ngọc.
Oct.28/2020.
***
Hoài thu

Màn đêm buồn lắm chị Hằng ơi!
Chị rọi trần ai ngủ hết rồi.
Nhìn suốt không gian trăng diệu vợi
Mà hồi tưởng lại quá trình trôi.

Nơi đây luôn nghĩ thuở quê ta
Thấy lá vàng bay giỡn nguyệt tà
Trì giữ trong tâm nơi viễn xứ
Bao nhiêu phiền luỵ gởi mây tha

Mường tượng lối mòn vương xóm cũ
Tay trong tay áp, tới đầu kiều
Cùng nhìn trăng tỏ bầu thơ mộng
Tàng lá bên đường khuất dáng yêu

Song hành lối nhỏ ta đâu lạnh.
Hiện tại là thơ, kỷ niệm sầu
Hình bóng thân thương tô đậm nét
Hoạ đồ non nước nhạt tranh màu

Đành thôi! rời rả câu thơ cũ
Cách mấy núi đồi khuất lối xưa
Biền biệt chân mây, bao lá đổ
Thu xa, kẻ đón với người đưa.

Đặng Xuân Linh
30-10-2020

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Thành Kính Phân Ưu Anh Nguyễn Văn Quý(Bút Hiệu Quýdenver)

 



Như Giấc Chiêm Bao - Nhạc Sĩ Lam Phương - Tiếng Hát Tiểu Thu


Nhạc Sĩ: Lam Phương 
Tiếng Hát: Tiểu Thu
Thực Hiện: Đặng Hùng

Giọt Thu



(Tình khúc mưa số 61)

Chiều em qua giọt mưa rơi rơi
Tiếng mưa gieo nỗi nhớ không lời
Đèn rưng rưng mờ soi đêm tới
Mưa chập chùng lên mắt chơi vơi.

Tình yêu ơi giờ xa nơi đâu?
Mưa lắt lay gió cuốn u sầu
Đời xa nhau tình xưa dấu ái
Đêm mộng tàn quay quắt niềm đau.

Giờ nơi đây hàng liễu giăng giăng
Mưa phố vắng thênh thang thu vàng
Trần gian buồn cung thương réo rắt
Phím tơ chùng duyên thắm lìa tan.

Biệt ly nhau đường về cô liêu
Mưa lãng quên trong tiếng kinh chiều
Thu vẫn vàng lao xao lá úa
Đóm lửa tàn sám hối quạnh hiu 

Ngọc Quyên

Sóng



Hàng triệu triệu năm sóng vỗ bờ,
Nghìn thu núi đá vẫn trơ trơ.
Đời người trôi nổi theo năm tháng,
Như sóng lô nhô - Núi hững hờ.

Bọt sóng xua tan tình mộng đẹp,
Dấu xưa bến cát gió xoay mùa.
Bãi bờ réo gọi lời nguyền ước,
Con sóng phụ phàng bến bãi xưa.


Atlanta, Dec. 29, 1998
Thái Quốc Mưu

Tuyết Giữa Mùa Thu



(Mến tặng nhà giáo Bùi Bich Hà và quý vị ở CA)

Tuyết trắng sáng nay phủ khắp nơi,
Trời không có gió tuyết rơi rơi.
Nhà trường đóng cửa, trò nghỉ học,
Công chức ở nhà được thảnh thơi.

Tuyết giữa mùa Thu thật lạ đời,
Tuyết đến tự nhiên chẳng đợi mời.
Lá đỏ lá vàng chưa rụng hết,
Nhớ bạn miền Tây, quý vị ơi!


Virginia, ngày 15/11/18

Ngọc Hạnh

Hồn Thu - Màu Thu Nỗi Nhớ


Xướng:

Hồn Thu


Bởi có Mùa Thu lá mới vàng
Heo may về gọi nhớ miên man
Vòng tay em nối vòng tay mẹ
Ôm cả quê hương tiếng dịu dàng.

Nên Thu vẫn thắm tình nguyên vẹn
Sông núi dù xa mấy dặm ngàn
Anh vẫn còn em bên cánh cửa
Dù đời chia biệt chẳng ly tan.

Đất Mỹ xa xôi lòng chẳng Mỹ
Mang mang hồn lạc cõi trời Nam
Bốn mùa nhưng chẳng mùa riêng biệt
Màu nhớ y nguyên chẳng lụn tàn.

Gửi em chiếc lá vàng Thu cũ
Ép mãi trong tim thuở bẽ bàng
Duyên kiếp còn không thì cứ đợi
Thiên thu còn mãi mộng thênh thang.


Đăng Nguyên
***
Họa:

Màu Thu nỗi Nhớ

Vì Thu mắt nhuộm lá khô vàng
Gọi gió ru hồn cảnh dại man
Dịu vợi làn mây thêm quyến luyến
Trời sương khói trắng dậy mơ màng

Bởi nhớ mùa thu nào lỗi hẹn
Quê hương cách trở nước non ngàn
Từng đêm gối nguyệt em thầm khóc
Ủ cuộc tình này chẳng vỡ tan

Trời Âu đất Á sầu tê tái
Vẫn chập chờn sâu bóng Việt Nam
Thuở biết yêu thương hình dáng ấy
Đau cuồng cuộn mãi khó phai tàn

Ký ức thu buồn trăng giã biệt
Cầm tay nhỏ lệ gốc cây Bàng
Cung buồn phận số đành thêu mộng
Chẳng nhạt bên đời áo tím thang

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 10/9/2020

Y Học Thường Thức: Nhiễm Trùng Đường Tiêu Hóa (Bác Sĩ Hoàng Cầm)


Y HỌC THƯỜNG THỨC 

Nhiễm Trùng Đường Tiêu Hóa Bác Sĩ Hoàng Cầm 

Dấu hiệu và triệu chứng chung 

 Tiêu chảy, phân có thể có máu, chất nhầy.
 Ói, mửa.
 Đau quặn bụng.
 Sốt.
 Nhức đầu, đau mình mảy. 

Tiêu chảy nhiều lần có thể khiến thiếu nước trầm trọng trong cơ thể gây ra các triệu chứng: mạch yếu, miệng khô, môi nẻ, mắt trũng, nước tiểu đậm và ít. Tiêu chảy gây tử vong cao đối với trẻ em và người lớn tuổi. 

Nguyên nhân 

Nhiễm trùng đường tiêu hóa do thức ăn, uống bị nhiễm siêu vi trùng, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra. Siêu vi trùng Quá nửa các trường hợp nhiễm trùng đường tiêu hóa là do siêu vi trùng. Các loại siêu vi trùng thường thấy là: 
Rotavirus: gây tiêu chảy cho trẻ em gửi tại nhà giữ trẻ và người già trong viện dưỡng lão. Tiêu chảy có thể kèm theo ói mửa và sốt nhẹ, kéo dài trong một tuần lễ. Bệnh thường xảy vào mùa đông. Trong thời gian tiêu chảy, điều cần thiết là uống đủ nước. Trẻ em bị tiêu chảy mà có dấu hiệu thiếu nước trong cơ thể thì cần gặp bác sĩ để trị liệu, trường hợp thiếu nước nghiêm trọng phải truyền dịch. 
Norwalk virus tồn tại lâu dài trong môi trường nên thường gây tiêu chảy cho một nhóm người sinh hoạt chung nhiều ngày (sinh hoạt gia đình, du thuyền, cắm trại tập thể). Bệnh này lây gián tiếp khi ta sờ trúng siêu vi trùng trong môi trường rồi sờ lên mặt hay cổ mình. Ngoài tiêu chảy và ói mửa, người bệnh cảm thấy đau nhức mình mảy. Bệnh kéo dài khoảng 3 ngày. 

Vi khuẩn 

Vi khuẩn, ngoài việc làm ô nhiễm thức ăn và đồ uống, còn sinh ra độc tố đưa tới tình trạng ngộ độc thực phẩm. Các thức ăn dễ bị nhiễm độc tố: thịt gia cầm, bò, heo, trứng, sữa cùng các thuộc chất của sữa. Tiêu chảy, ói mửa, đau bụng thường tự chấm dứt sau vài ngày tới một tuần lễ. Trong thời gian lâm bệnh, chỉ cần ăn nhẹ, uống nước đầy đủ, thông thường không cần dùng thuốc. Trẻ em và người lớn tuổi có bệnh mạn tính cần gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể cho thuốc trụ sinh trong ít ngày, nếu thấy cần. Trẻ em thiếu nước nghiêm trọng, cần được nhập viện để truyền dịch. 
Cách phòng ngừa tốt nhất là giữ sạch đồ dùng đựng thức ăn, rửa tay kỹ trước khi làm món ăn, nấu chín thức ăn (rửa thớt bằng nước và xà bông). Tránh ruồi làm ô nhiễm thức ăn đã nấu chín. 
Sau đây là một số vi trùng làm ô nhiễm thức ăn: 
Campylobacter làm ô nhiễm sữa, thịt gà, vịt, chim, 
Salmonella làm ô nhiễm sữa, trứng, thịt gia cầm, heo, bò. Đa số người mắc bệnh dưới 20 tuổi. 
Shigella. Vi trùng có thể truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc hàng ngày. Tỷ lệ nhiễm trùng Shigella đường tiêu hóa cao tại các xứ nghèo. Trẻ em từ 1 tới 5 tuổi ở nhà giữ trẻ dễ bị tiêu chảy do loại vi trùng này vì lây lẫn nhau. 
Escherichia coli (thường gọi tắt là E. Coli) làm ô nhiễm nước uống, thịt, trái cây, rau, Vi trùng hiện diện trong đường tiêu hóa và phân loài súc vật ăn cỏ như trâu, bò, trừu. Vi trùng dễ làm ô nhiễm sữa trong khi ta vắt sữa và nhiễm trùng thịt khi ta giết những súc vật này. Độc tố của E. Coli ra có thể phá vỡ các hồng huyết cầu, gây suy thận cấp tính cho bệnh nhân trẻ em và người già yếu. Các trường hợp này cần được trị liệu tại bệnh viện. Trong trường hợp nhẹ, tiêu chảy, đau bụng giảm dần rồi ngưng trong vòng một tuần lễ. Cần uống nhiều nước, ăn thức ăn nhẹ, ít rau, ít chất béo. 
Phòng ngừa: cần rửa tay sạch trước khi làm món ăn, nấu chín thức ăn. Staphylococcus hoặc Clostridium Perfringens. Độc tố do các vi khuẩn này sinh ra gây ngộ độc thực phẩm. Tiêu chảy, đau bụng thường tự chấm dứt trong 1-2 ngày. Thức ăn bị nhiễm trùng thường là sữa, thịt gia cầm.Phòng ngừa: cần rửa tay sạch trước khi làm thức ăn, nấu thức ăn chín. 
Helicobacter Pylori. Vi trùng hình soắn như đinh ốc, lây qua thức ăn hoặc nước uống. Bệnh thường lan truyền giữa những người trong cùng gia đình, nhất là từ mẹ sang con nhỏ dưới 3 tuổi. Vi trùng sống và phát triển trong lớp màng nhầy của dạ dày và tá tràng, có khả năng làm hư màng nhầy dẫn tới tình trạng loét (xin đọc thêm bài “Loét dạ dày”). Cách phòng ngừa tốt nhất là giữ vệ sinh về ăn uống, Mẹ cần rửa tay sạch khi cho con ăn, trước và sau khi thay tã, lót. 

Ký sinh trùng 

Giardia lamblia. 
Ký sinh trùng này làm ô nhiễm giếng nước uống, suối, ao, hồ. Ký sinh trùng vào cơ thể do uống nước giếng hay tắm trong suối, ao, hồ có giardia. Vào cơ thể, ký sinh trùng sinh sản trên lớp màng nhầy của tá tràng, có thể gây ra tiêu chảy kinh niên hay cấp tính, làm ăn mất ngon, xuống cân. Trong trường hợp tiêu chảy thường tái phát, cần gặp bác sĩ. Chẩn đoán: tìm ký sinh trùng trong phân hay trong chất dịch hút ở tá tràng. 

Trị liệu: Metronidazole. 

Amip. Ký sinh trùng Amip gây bệnh kiết lỵ. Bệnh thường thấy ở xứ nóng như nước ta. Amip ở trong đất dưới dạng có vỏ bọc, vào đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống, thường tích tụ ở đoạn ruột già phân di chuyển chậm như đoạn dưới của đại tràng lên (ở bên phải bụng dưới) và đoạn cuối của đại tràng xuống (phía trái bụng dưới). Trong vỏ bọc, ký sinh trùng không gây bệnh. Sau khi tới ruột già, vỏ bọc bể, ký sinh trùng sinh sản trên lớp màng nhầy, làm loét màng nhầy, kích thích thần kinh ruột già, tức là gây bệnh kiết lỵ. 

Dấu hiệu và triệu chứng kiết lỵ:
 Bụng đau quặn.
 Mắc đi cầu gấp rút, phân ít, lẫn với nước, máu và chất nhầy.
 Vừa đi cầu xong, bụng lại quặn đau, phải đi cầu nữa.
 Sốt nhẹ, mệt. 

Ký sinh trùng có thể xâm nhập gan, làm bọc mủ trong gan khiến bệnh nhân có cảm giác nặng, đau ở phía dưới bên phải ngực. Trong ít trường hợp, ký sinh trùng có thể đi xuyên qua thành ruột già vào các mạch máu, rồi theo tuần hoàn mà tới phổi, não. 
Trị liệu: cần gặp bác sĩ. Thông thường thì các dấu hiệu, triệu chứng và khám lâm sàng đủ để chẩn đoán, nhưng bác sĩ cũng cho thử phân để tìm ký sinh trùng. Thuốc trị: Metronidazole, Emetine. 
Phòng ngừa: đình chỉ dùng phân người bón cây, rửa sạch rau, trái cây, rửa tay kỹ trước khi làm thức ăn và trước bữa ăn. 

Các loại ký sinh trùng khác. 

Các ký sinh trùng khác là giun và sán. 
Giun đũa, giun móc, giun kim rất phổ thông ở xứ có khí hậu nóng và ẩm như nước ta. 
Sán truyền qua người do ăn thịt có nhiễm ấu trùng sán. Giun và sán đều có thuốc chữa rất hiệu quả. Giun đũa là ký sinh trùng có nhiều nhất trong đường tiêu hóa của bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi, nhất là ở những nơi điều kiện vệ sinh công cộng thấp và phân người còn được dùng bón cây, Trứng giun vào cơ thể do thức ăn không nấu như rau sống, trái cây. 
Vào đường tiêu hóa, trứng nở ra ấu trùng, nhỏ li ti. Ấu trùng đi xuyên qua màng ruột vào các mạch máu, rồi theo máu đi tới tim, phổi. 
Tại phổi ấu trùng thoát ra khỏi mao quản, rơi vào tiểu phế quản rồi di chuyển ngược đường dẫn khí tới họng và trở lại đường tiêu hóa. Ấu trùng thành giun lớn (dài 20-40cm, ngang 3-5mm) ở ruột non, sống lâu chừng một năm. Giun cái thụ tinh, đẻ ra rất nhiều trứng, trứng theo phân ra ngoài. 

Chẩn đoán: 

Ấu trùng khi tới họng gây ho, khó thở, ngứa. Chụp phim phổi: nhiều hạt nám nhỏ trên khắp phim, 
Giun ở ruột: bụng căng lớn (thường là trẻ nhỏ), thỉnh thoảng lẩm nhẩm đau bụng. Đôi khi thấy giun trong phân hay giun bị ói ra ngoài qua mũi, miệng. 
Thử nghiệm phân: có trứng giun trong phân. Giun móc, dài khoảng 1cm, sống trong lớp màng nhầy của tá tràng. Ngoài việc hút máu để sống, giun móc còn làm cho ruột chảy máu liên tục, khiến người bệnh xanh xao, yếu đuối. 
Trứng giun theo phân ra ngoài. Trong đất ẩm và ấm, ấu trùng ra khỏi trứng sau 1-2 ngày. 
Ấu trùng có thể vào cơ thể người qua da tay và chân, khi tay và chân tiếp xúc vơi đất có ấu trùng. Sau khi chui qua da, ấu trùng theo tuần hoàn máu đi tới tim, phổỉ rồi tới đường tiêu hòa như trường hợp giun đũa. Chẩn đoán: Đau bụng, ăn mất ngon, tiêu chảy. Người lớn xanh xao, yếu mệt. Trẻ em xanh xao, chậm lớn. 

Thử nghiệm phân: có trứng giun và có tế bào máu trong phân. Giun kim, nhỏ như chiếc kim, kích thước: 10mm x 0.5mm. Lan truyền giữa những người cùng gia đình, phần nhiều là trẻ em. Trứng giun theo thức ăn vào miệng. Tới đoạn đầu ruột non, ấu trùng nở ra khỏi trứng, di chuyển xuống, sống ở đoạn đầu ruột già. Giun cái sau khi thụ tinh, di chuyển xuống vùng hậu môn đẻ trứng về ban đêm. 

Chẩn đoán:
-Ngứa ở vùng hẩu môn về ban đêm.
-Thử nghiệm phân: trứng và giun trong phân. Sán bò, sống trong ruột bò, dài trên 10m. Sán heo, sống trong ruột heo, dài khoảng 7m. 
Sán gồm một đầu bám vào thành ruột, hút thức ăn, thân gồm nhiều khúc nối tiếp nhau. 
Sán đẻ ra nhiều trứng, trứng nở ra ấu trùng. Ấu trùng di chuyển tới các cơ. Trong cơ bắp, ấu trùng có vỏ bao bọc, tồn tại trong trạng thái bất hoạt. 
Sán vào người do ăn lòng bò, heo có chứa trứng sán, hoặc ăn thịt có chứa ấu trùng. Không nấu kỹ, ấu trùng còn sống, nảy nở thành sán lớn ở trong ruột non, đẻ ra trứng, trứng theo phân ra ngoài, làm ô nhiễm đồng cỏ hay thức ăn của heo. 

Chẩn đoán: 
Dấu hiệu chắc chắn là có trứng hay môt đoạn sán ở trong phân. 
Các triệu chứng và dấu hiệu khác thường không đặc biệt như: đau bụng, buồn nôn, thiếu máu. 

Tóm tắt 

Siêu vi trùng, vi khuẩn, ký sinh trùng qua miệng xâm nhập đường tiêu hóa. 
Dấu hiệu và triệu chứng: tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng, sốt nhẹ. Phân có thể có máu, chất nhầy. Tình trạng trên thường giảm dần và chấm dứt trong một tuần lễ. 
Khi bị tiêu chảy cần uống nhiều nước, ăn thức ăn nhẹ, nghỉ ngơi. 
Trẻ em và người già, cần gặp bác sĩ để được trị liệu, tránh những biến chứng do thiếu nước, muối khoáng gây ra. 
Ký sinh trùng ruột vẫn còn là vấn đề phổ thông. Vì vậy, hàng năm nên tới bác sĩ để khám sức khỏe và thử phân. Nếu có nhiễm trùng ruột, bác sĩ sẽ cho thuốc chữa. Chữa bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa có lợi ích cho cá nhân và làm giảm ô nhiễm môi sinh, ngăn ngừa ký sinh trùng lan sang người khác. 
Phòng ngừa bệnh cần được đặc biệt chú ý: rửa tay sạch trước khi làm món ăn, rửa sạch rau và trái cây trước khi ăn. Nấu chín thức ăn. Tránh ruồi làm ô nhiễm thức ăn. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Amip Entamoeba histolytica 
Ấu trùng Larva 
Giun kim Pinworm 
Giun móc Ancylostoma duodenale 
Giun đũa Ascaris 
Sán dây Tapeworm 
Tá tràng Duodenum

Bác Sĩ Hoàng Cầm

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Miền Trầm Hương - Thơ Tuệ Nga - Phổ Thơ Nguyễn Tuấn


Thơ Tuệ Nga
Phổ Thơ: Nguyễn Tuấn
Tiếng Hát: Thụy Long

Quê Hương


Bao giờ gặp lại quê hương
Giải dầu sương gió cha thường dầm mưa
Mẹ già thiếu trẻ con thưa
Một đời lận đận có thừa nỗi đau
Cô đơn trống vắng trước sau
Mẹ se thắt dạ một màu nắng tươi
Cha bên mẹ ấm nụ cười
Bếp hồng giữ lửa đợi người cách xa
Tháng năm lễ mẹ đã qua
Nay gần tháng sáu lễ cha dập dồn
Sáng chiều ráng đỏ hoàng hôn
Điệu ru tình mẹ ấm hồn nghĩa cha
Mai về đất tổ quê nhà
Mẹ đà khuất núi cách xa cuối trời
Nhớ thương đứt ruột cha ơi
Vì đâu nông nỗi tủi đời ly hương
Mẹ nghèo quanh quẩn ruộng vườn
Mãng lo mồ mả thắp hương nguyện cầu
Cho con hạnh phúc bền lâu
Song thân bồ tát, ơn sâu bên lòng...

Mai Xuân Thanh
 

Quê Hương Thu Nhỏ: Chiếc Ghe Chài



Từ khi ta bước đi mới hay mình đã mất
Trông ra nơi nào cũng thấy quê hương lượn quanh*
(Lời bài hát của Nguyễn Đình Toàn)

Im bến ghe chài đợi cậu tôi
Thoáng trông lòng chợt những bồi hồi
Trường giang sóng nước chờ khua mái
Thu nhỏ quê mình kỷ niệm ôi...



Thơ& Ảnh: Kim Phượng
Chiếc Ghe Chài Của Cậu Bảy, Ở Xã Đức Mỹ, Quận Càng Long, Tỉnh Vĩnh Bình
(2011)

Quê Hương


Tôi sinh ra và lớn ở đây
Muốn xin được chết cũng nơi này
Quê hương nghèo khổ nuôi tôi lớn
Ấp ủ hồn tôi năm tháng dài.
 
Thời loạn mẹ sinh cảnh khó nghèo
Lớn lên nhờ dưa mắm canh rêu
Gạo đỏ Cửu Long hồng máu thịt
Nước phèn Đồng Tháp sạm da nâu.
 
Bên những hàng cau những ngọn dừa
Cầu tre qua rạch bước đong đưa
Cánh đồng bát ngát cò bay lả
Tiếng hát ru hò nhịp võng trưa.
 
Xa tít đồng xa lúa bạt ngàn
Bình minh nắng sớm tỏa mơn man
Lăn tăn gió lướt trên đầu lúa
Rạng rỡ trời xanh sắc lúa vàng.
 
Mưa nắng hai mùa tiếp nối nhau
Mùa mưa giông bão nước dâng mau
Lũ về bốn phía trời và nước
Nước cuộn phù sa dưỡng đất màu.
 
Mấy thằng bạn nhỏ những ngày mưa
Lặn lội ra đồng bắt ốc cua
Thả lưới, giăng câu con nước nổi
Bẫy chim, ví chuột những ngày mùa.
 
Những buổi đến trường tay cắp sách
Con đường quê nắng bụi mưa bùn
Mấy thằng bạn học vui như pháo
Lưu dấu hoa niên dưới mái trường.
 
Non nước bùng lên cảnh lửa binh
Làng quê bom đạn dính đầy mình
Tuổi thơ với những ngày di tản
Ẩn ức căm hờn phải nín thinh.
 
Tuổi trẻ lớn dần theo chiến tranh
Làng quê không thể sống yên lành
Bước đi từ giã đời nghiên bút
Thầm xót xa mình phận mỏng manh.
 
Cuộc chiến kéo dài sau đỉnh cao
Vào đời với tuổi mộng mơ nhiều
Sự đời nghiệt ngã, thân cô thế
Đối diện thường xuyên với hiểm nghèo.
 
Cuộc chiến vụt tàn như định mệnh
thương đau - Tổ quốc bị an bày
Cuộc đời chiến bại thân tù tội
Đêm tối âm u phủ bóng dày!
 
Cái giá hòa bình thật xót xa
Quê hương tàn tạ mỗi ngày qua
Xã hội bần cùng và lạc hậu
Nỗi buồn vô sản khúc bi ca!
 
Giấc mộng đào sinh cứ sục sôi
Chiếc phao cứu rỗi lững lờ trôi
Số phận đẩy đưa người ở lại
Trò chơi con tạo khéo trêu ngươi!
 
Cuộc sống âm thầm trôi…vẫn trôi
Cuộc đời đọng lại lắm buồn vui
Nằm đây gặm nhấm đời thất bại
Ngắm ánh sao sa góc cuối trời!
 
Tôi vẫn còn đây, vẫn đợi chờ
Vẫn còn da diết một niềm mơ
Quê hương là cả đời sinh trưởng
Là cả tình yêu phủ bóng mờ!


Mai Thắng

Đà Lạt Chiều Thu


Quán Xuân Hương. Một ly cà phê, vài điếu thuốc có “cán“ hiệu Sàigòn là tiêu chuẩn cho mỗi người. Câu chuyện trao đổi giữa ba đứa chúng tôi vẫn như cũ: quãng đời đi học, ngày vào quân trường, buồn vui đời lính, nhục nhằn cải tạo rồi sóng gió, lất lây của hiện tại bấp bênh. 

- Dù sao thì trong đám tụi mình, mày vẫn sướng hơn hết. Nguyễn Duy Tân ngả người ra sau, nhìn tôi, nói. Giờ này tà tà ở đây và có vẻ thầy bà ra phết. 
- Cùng tuổi mà sao nó may mắn thế! Nguyễn Ngọc Thưởng tiếp lời. Ngoại trừ lúc đi lính và cải tạo thì hình như đời nó luôn được ưu đãi hơn mình. 
- Thì tại tao thuộc Tân Mão, còn tụi mày Nhâm Thìn. Khác nhau nhiều. Nhưng tụi mày tối về có người gãi đầu cho ngủ. Còn tao vẫn cu ky thì sao!? 
- Tại mày còn bày đặt kén chọn thôi. A! Hay là vẫn nặng tình với người đẹp nào đó trong mấy cành hoa của Trường mình ngày xưa? Tương tư bà nào mà coi bộ chung tình đến thế. 

- Tao nhớ rồi. Thưởng reo lên. Lần nào lên đây nó cũng chỉ quanh quẩn chỗ tụi mình, hay lòng vòng qua đường Thành Thái, Hải Thượng, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng. Mấy chỗ đó thì tao không biết, chứ còn khu Bá Đa Lộc này thì hai đứa tao là thổ địa. 
- Thú thật đi. Ai vậy? Mấy hôm nay được tin của người đẹp nào chưa? 
- Tìm được thì cũng không cho “đài phát thanh“ tụi mày biết đâu! Mệt cho tao lắm. 

- Dĩ nhiên là phải la làng cho mọi người biết. Thưởng nói. Tại vì mày giấu kỹ quá. Lên đây liên tục mà chưa thấy giới thiệu ai một cách chính thức. Toàn là em, rồi bạn thì ai mà tin mày chứ! Còn lần này thì không thấy ai hết. Mày làm gì mà tà tà thế! Lại còn ăn mặc như cán bộ. 
- Đúng đấy! Nếu không phải là bạn thì gặp mày ngoài đường tao đếch thèm nhìn. 
Tôi bật cười: 
- Gì mà dữ vậy!? 
- Thì mày cứ nhìn lại mình đi. Quần áo đồng phục. Màu xanh này lạ quá. Chưa thấy bao giờ. Nhưng nếu bỏ cặp kính cận ra thì mày trông hắc ám như công an kinh tế hay cán bộ phường khóm lắm. Bộ đồ này “chôm“ ở đâu vậy? 
- Tụi mình biết nhau thì không sao nhưng lỡ ai đó trong giới đồ bông không hiểu, tưởng mày “đổi màu“ rồi thì mệt lắm đó nghe! 

- Tụi bay khỏi lo cho tao. Ăn mặc như họ chỉ là bề ngoài thôi. Miễn là không biến chất. Vã lại, nhờ đám Thanh Niên Xung Phong này mà tao lên đây mấy lần rồi. Văn nghệ thôi mà. Có làm hại ai đâu. Lại được dịp du lịch thoải mái. Tụi mày nghĩ xem có đúng không!? 

- Thì đành là vậy. Thưởng đập nhẹ lên vai tôi. Nhưng mày cẩn thận vẫn hơn. Nhớ Đà Lạt quá thì viết lách rồi gửi lên cho tụi tao đọc. Còn không thì mau tìm một hộc tủ biết đi mà thảy vào đó cho rồi. Hay là đã có người nào trong mấy em “xung phong“ rồi chăng?! 

- Thôi! Tạm dừng ở đây. Chờ nó thật thà khai báo còn hơn đoán tới đoán lui. Bây giờ tao phải qua chợ phụ thằng em. Cho tao góp chút gió. 
Tân vừa nói vừa cho tay vào túi. 
- Tao cũng vậy. Mình chia tay là vừa. Thưởng tiếp lời, móc ngay một nhúm tiền từ túi quần. 
- Tụi bây khỏi lo. Đã có người trả rồi. 

Thấy cả hai trố mắt ngạc nhiên. Tôi chỉ vào phía trong, nơi có một bàn tay giơ lên vẫy vẫy, nói tiếp:
- Bố Kèn, tổng khậu của nhà hàng này đãi tụi mình. Nhóm bạn của Xí Nghiệp Chè Lâm Đồng giới thiệu hồi tháng 6 . Ổng kết tao luôn từ lúc đó. 
- Thằng này tài thật. Quen cả người trong nhà hàng mới khai trương này. Tân lẩm bẩm. Thôi thì mày chuyển lời cảm ơn bác giùm tụi này vậy. 

Tôi đưa tay chào người đầu bếp già mới quen rồi theo hai bạn bước xuống tam cấp. Chúng tôi tôi chia tay ngay trước quán. Tân qua đường, hướng về phía cầu Ông Đạo để lên chợ, Thưởng rảo bước về phía Thủy Tạ để leo dốc Palace về Bá Đa Lộc, còn tôi đứng tần ngần nhìn theo cả hai phía cho tới khi hai bạn hút bóng. 


Tháng 10! Tháng của Đà Lạt vào thu. Trời mây dìu dặt. Nắng nhạt, gió nhẹ. Bình thường thì gió từ mặt hồ Xuân Hương tạt lên, mang theo hơi nước đủ lạnh để khách bộ hành cho tay vào túi áo ấm. Nhưng lòng hồ đã khô cạn từ hôm 18/6/1984, là ngày tháo nước để sửa lại con đập tại cầu Ông Đạo- cũng là đường qua chợ và khu Hòa Bình- nghe nói đã bị rạn nứt, nên chỉ có chút bụi đỏ bay bay mỗi khi có xe qua lại trên đường. 

Đà Lạt như mang một vết nám trên mặt khi Xuân Hương bây giờ chỉ là một khối trũng khổng lồ, trơ trẻn. Lòng hồ mang màu nâu đỏ chạy mút tầm mắt từ đập nước đến tận vườn hoa Bích Câu. Thanh Thủy và Thủy Tạ nhìn nhau trơ đáy cột. Màu nắng, màu mây, màu trời không còn tấm gương phản chiếu nên đã cùng màu hoa và lá cỏ tạo thành một bức tranh nhức mắt vì sự tương phản kịch cỡm. 

Tôi chậm rãi thả bước xuống hồ để đi tắt qua sân Cù. Đến khi qua nửa bề ngang mới thấy một dòng nước nhỏ chảy dài và chẻ lòng đất thành một vết nứt mà từ phía trên đường lộ không thể nhìn thấy được. Vết nứt nhỏ mang dòng nước chảy từ hướng cuối hồ xuống đập nước và mất hút ngay đó. Tôi lẩn thẩn tự hỏi khi mở nước vào hồ thì sẽ phải mất bao lâu. Trong khi đó phải mất hai ngày, và một đêm mới xả hết nước xuống bên kia đập. 

Với tay như muốn đụng trời, tưởng chừng như có thể gom mây khi ngồi xuống thảm cỏ mềm mại trên sân Cù. Chiều thả bóng cây dài trên vùng đất nhấp nhô như sóng lượn của những triền đồi nho nhỏ. Tôi sảng khoái nằm dài trên cỏ và ngạc nhiên khi thấy rau má mọc đầy trên đất, giữa lớp cỏ thấp và mịn màng. Rau má! Chất sơ kèm sinh tố, cứu tinh của những người cải tạo khắp nơi, đưa tôi về núi rừng Hiệp Đức, nơi mà tôi cùng với những chiến hữu khác đã nếm mùi đói, rét, và những cực hình để hành xác nhưng được mang mỹ từ cải tạo! Cải tạo tư tưởng bằng hình thức lao động, nên sức lực của những người tù mang danh cải tạo viên được nặn, vắt đến tận cùng cạn kiệt. Con gì nhúc nhích là ăn. Lá gì nhai được là nuốt. May mắn cho những người tù khổ sai tại vùng rừng núi Quảng Nam là đã được thiên nhiên ban phát đọt dương xỉ, lá tàu bay và nhứt là… rau má. 

Đã gần 10 năm trôi qua nhưng hình ảnh cũ vẫn rõ nét trong đầu. Trong trại tù tại vùng rừng núi Trường Sơn, thì những chiều như hôm nay thật là hiếm, quí. Nhứt là khi có dịp vào rừng rút mây, đốn gỗ rồi thả theo suối cho trôi về tới trại, lần nào chúng tôi cũng tìm cách len lỏi thật sâu, đi thật xa vào rừng đốn, chặt cho thật nhanh rồi kéo dài thời gian để tận hưởng những giây phút “tự do“ khi không có cảnh vệ kè súng canh chừng. 

Mới đó mà đã như xa xôi lắm. Đúng 13 năm! Tính từ ngày lên Đà Lạt ghi danh học. Hình như từ dạo đó trở về sau là con số 26 của tháng 10 luôn là những dấu ấn thời gian không thể nào quên. Tình cờ ngẫu nhiên, hay sự trớ trêu của tạo hóa!? Lời nói của hai bạn lúc còn trên quán Xuân Hương làm tôi nhớ những ngày vào thu của thời mới lớn. Thời của những biến chuyển quan trọng trong đời sống vật chất lẫn tinh thần, và cũng là những lần định phận mà may mắn thay, đều suông sẻ trôi qua. 

Một năm sau ngày chọn Chánh Trị Kinh Doanh trên Đà Lạt thay vì du học tại Bỉ, thì tôi đã khoác áo lính và trên đường từ Đồng Đế đến Bình Thuận để tham gia công tác Chiến Tranh Chính Trị nhằm giải thích Hiệp Định Paris. Năm kế tiếp thì lại có mặt trên Pleiku trong chuyến thực tập Trung Đội Trưởng với các Tiểu Đoàn BĐQ biên phòng. Năm 1974 thì được về học Khóa Sĩ Quan Tiếp Liệu Binh Đoàn, cũng đúng ngày 26 tháng 10. Và mới 5 năm trước thì vượt biên suýt bị bắt tại Cà Mau. 

Ngần ấy sự kiện trong đời đủ làm tôi bâng khuâng mỗi khi tới khoảng thời gian chìm nổi trước đây. Hôm nay cũng là ngày 26 Tháng 10. Mùa thu. Một thứ bảy đẹp trời trên cao nguyên Lâm Viên. Thêm một lần lang thang thả bước. Thêm một chiều lãng đãng, mơ màng, tư lự như một khách nhàn du đang mở lòng để đón nhận những nét đẹp thầm lặng của núi đồi và hoa lá. 

Xong vài điếu thuốc và đảo một vòng nhìn ngắm cảnh vật chung quanh thì gió mát và êm ả làm tôi thấy buồn ngủ nên lại lững thững xuống đồi để băng qua bên kia lòng hồ, về hướng Thủy Tạ. Tôi thật sự không biết mình đang cần gì, tìm gì. Quá khứ và kỷ niệm thì luôn đầy ắp, nhưng người xưa thì không thấy đâu. Bạn tôi nói đúng. Lần nào có dịp trở lên đây tôi cũng đều cố gắng tìm đến những con đường mà họ đã nêu tên, hoặc tìm đến ngôi trường Đại Học nằm trên con dốc cuối sân Cù, chỉ để nhìn rồi nhớ. 

Lần nào cũng vậy, ngắn hạn hay dài ngày, tôi cũng đều cố gắng ghé ngang tìmcác bạn. Có khi gặp, khi không, chỉ để bắt tay sau vài câu thăm hỏi và hàn huyên qua loa rồi đi. Chiều nay cũng không ngoại lệ, tôi lòng vòng Đà Lạt cũng chỉ để lòng hòa tan vào con người và cảnh vật, chìm đắm vào khung trời kỳ ảo của hoài niệm mặc dù cường độ mộng mơ đã không còn nồng nàn như những năm xưa. Muốn được như thế thì phải loại bỏ những thứ tình cảm khác, đôi lúc cũng thiêng liêng không kém. Và cái giá phải trả là phải khoác bộ đồng phục Thanh Niên Xung Phong, theo họ lên sân khấu để nói những câu thoại sáo rỗng của kịch bản. 

Lời nói chỉ đầu môi, con người chỉ đóng kịch. Một hình thức hài kịch trong chính kịch của đời sống hiện tại! Tôi chỉ là một cái máy phát thanh biết suy nghĩ và biết diễn kịch, trên sân khấu và cả ngoài đời. Tất cả những việc này đều do bản năng sinh tồn và từ đó được dịp du lịch miễn phí. Tôi chợt nghĩ đến lời cảnh giác của hai đồng môn kiêm đồng đội. Tôi có thể bị hiểu lầm. Nhưng làm sao giải thích!? Có thuyết phục được ai chăng, khi mà những người gặp trên đường đều dành cho tôi cái nhìn thiếu thiện cảm. Có phải vì vậy mà nơi nào tôi đến gõ cửa hỏi thăm người xưa thì chỉ toàn nhận lại những câu lạnh lùng hay những cái lắc đầu không biết, không rõ và… không có?! 

Bước chân vô định lại đưa tôi ngang qua Hotel Du Parc trên đường Yersin, cũng là khách sạn Nguyễn Công Trứ của sĩ quan theo học các khóa Cao Đẳng Quốc Phòng, rồi qua trường Trí Đức bên đường Nhà Chung. Đó là những đoạn đường quen thuộc của những lần ghé thăm Đà Lạt và của thời trọ học huy hoàng nhưng ngắn ngủi.

Hàng tường vi bên cạnh Bưu Điện đã không còn, nhưng tà áo trắng tan trường và những nụ cười hồn nhiên vẫn thật đẹp làm sao! Tượng đài Nữ Vương Hòa Bình vẫn trầm lắng trong khuôn viên giáo đường. Hàng ghế sau cùng, bên trái vẫn muôn thuở chìm trong mờ ảo của bóng tối. Chưa đến giờ lễ Misa ban chiều nên ánh điện duy nhứt vẫn là ngọn đèn trên bàn thờ, nơi để Mình Thánh Chúa. 

Lờ mờ trên bệ quỳ của hàng ghế vẫn còn dấu tên khắc vội. Kỷ niệm duy nhứt của những ngày thần tiên sống đời trọ học xa nhà chỉ còn bấy nhiêu đó, nên lần nào lên đây tôi cũng đều ghé vào đọc vội câu kinh, chạm tay vào dấu khắc, rồi bồi hồi nhớ lại những lễ chiều êm ả, giản dị nhưng trang nghiêm bên cạnh vài bạn thân cùng chỗ trọ. 

Con dốc dẫn xuống bờ hồ và đập nước đã điểm vàng với từng khóm quỳ hoa bắt đầu nở rộ. Mùa Thu Đà Lạt đây rồi. Hoa vàng sậm với đốm nâu mang mùi ngai ngái của núi rừng là sắc hương đặc biệt của mùa thu cao nguyên. Hoa dại nên không được trân trọng đúng mức như Mimosa, nhưng màu vàng rực rỡ của quỳ hoa có mặt ở khắp các nẻo đường để âm thầm góp thêm màu sắc và vẻ đẹp cho cảnh trí. 


Tôi dừng lại ở cuối con dốc, định gõ cửa ngôi nhà ngày xưa là quán cà phê Không Tên, nhưng lại tần ngần một lúc rồi bỏ đi. Đã hỏi thăm một lần rồi. Người chủ mới có nói là không biết gì về chủ nhân cũng như tin tức của ông, và cũng không thấy ai ghé lại hỏi thăm như tôi đã làm khi trở lại Đà Lạt lần đầu, hai năm trước. 

Đang lầm lũi qua cầu để lên Hòa Bình thì có tiếng xe thắng lại kế bên. Hạnh, người Đội Trưởng Văn Nghệ của Xí Nghiệp Chè Lâm Đồng và Xuân Bình, Tổ Trưởng Tổ Kịch của Thanh Niên Xung Phong, cùng bước xuống xe “ca”, cười cười. 

- Đi đâu mà bỏ cả cơm trưa vậy “Xếp“? Hạnh nói trước. 
- May là gặp anh ở đây. Cứ sợ ông xỉn chỗ nào rồi là tiêu đời tụi này. Xuân Bình tiếp lời. 
- Tôi nhớ giờ dựng phông màn và chuẩn bị sân khấu mà! 

Tôi vừa nói, vừa leo lên xe. Dường như có bóng dáng của Nguyễn Duy Tân lướt qua phía bên kia đường với ánh mắt vô thưởng vô phạt, nhìn theo xe một hồi lâu. Buổi chiều nhàn du coi như chấm dứt. Sắp tới là đêm ca nhạc và kịch nghệ có bán vé vào cửa của Xí Nghiệp Chè Lâm Đồng và Thanh Niên Xung Phong. Đành phải tạm quên vở kịch ngoài đời để làm tròn vai diễn trên sân khấu. Ngoài đời hay trên sân khấu thì cũng là chiếc mặt nạ để tạm che nỗi lòng và tâm sự của một con người trong ngục tù bao la hình chữ S! 

Tôi lại nhớ tới câu chuyện trên quán, nhớ bạn có lẽ vẫn còn tất bật dù đã sắp hết một ngày. Mỗi người một hoàn cảnh riêng trong phận số chung. Nhưng tôi có phần nào thấm thía với lời than thở nhẹ nhàng của họ khi chợt nhận ra là ít nhứt, hôm nay, trong khi các bạn đó đang trả nợ cơm áo thì tôi nhởn nhơ tận hưởng hạnh phúc của núi đồi và phố xá Đà Lạt trong một chiều Thu. 

Tôi bất giác thở dài khi xe dừng lại bên hông rạp Hòa Bình. Một vài tiếng nữa thì màn kịch sân khấu bắt đầu và sau đó không lâu tôi lại trở về vở kịch của đời mình, một vở kịch không có cốt truyện, cũng không có không gian và thời gian nhứt định mà diễn viên, đạo diễn và khán giả cũng chính là mình. Là một trò chơi sinh tồn, là mặt nạ để hòa lẫn vào dòng đời nghiệt ngã và cũng là phương tiện duy nhứt để yên thân mà tìm thoáng hương xưa và kỷ niệm, đặc biệt là kỷ niệm với Đà Lạt đang vào thu như hôm nay. 

Huy Văn

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

You Say You Love ... (Bob Marley) - Lời Em Nói

 

Bài trên là của ca sĩ Bob Marley (1945-1981) theo như lời BS Đặng Vũ Vương và tôi tìm thấy trong cuốn " Book of my quotes" của Bob Marley. Marley người Jamaica, có số điã bán kỷ lục 75 triệu và được báo Rolling Stone xếp vào hàng thứ 11 trong 100 nghệ sĩ vĩ đại nhất của mọi thời đại.
(Hoàng Xuân Thảo)
***

Các Bài Dịch: 

Dịch:

Em nói em yêu mưa
Nhưng em lại mở ô khi trời mưa
Em nới em yêu mặt trời 
Nhưng em lại đi tìm bóng râm khi mặt trời tỏa nắng.

Em nói em yêu gió
Nhưng em đóng cửa sổ khi gió lùa
Đó là lý do tôi sợ
Em nói em cũng yêu tôi.
  
Dịch Thơ:

Lời Em Nói

Em thường nói em yêu mưa lắm!
Lại giương dù khi lấm tấm mưa.
Nói yêu giọt nắng ban trưa
Lại tìm bóng núp khi vừa nắng lên.

Em hay nói em thèm tiếng gió
Nhưng buông rèm khi gió hôn môi.
Lòng tôi nơm nớp em ơi!
Khi em cũng nói yêu tôi thật nhiều 

Mailoc phỏng dịch 
Oct -24-2020
***
Không Đề

Thấy mưa em nói rằng yêu
Mà sao lại chạy vào liều tránh mưa?
Bảo rằng yêu nắng buổi trưa!
Mà tìm bóng mát khi vừa chói chang 
Nói rằng yêu gió nồng nàn!
Thì em lại đóng cánh màn, rèm buông
Cho nên nghe tiếng yêu thương...
của em....tôi sợ,vấn vương rất nhiều

songquang 
***
Nghi Ngại

Nghe rằng em nói thích mưa
Sao dù lại mở ngăn ngừa giọt rơi
Em rằng cũng thích mặt trời
Cớ sao tìm chỗ tránh nơi nắng hồng
Em còn nói thích gió lồng
Sao rèm lay mạnh khép song vội vàng
Giờ em cất tiếng yêu chàng
Chợt anh cảm thấy bất an dạ này.

Quên Đi
***
Nghi Ngờ


Em rằng em rất yêu mưa
Sao khi mưa đổ che ô vội vàng
Em rằng em thích nắng tràn
Lại tìm bóng mát chói chang nắng về
Em rằng thích gió đê mê
Nhưng nhanh đóng cửa những khi gió luồn
Giờ nghe em nói yêu thương
Lòng tôi lo sợ nỗi buồn tình xa

Trầm Vân

***
Anh Sợ Tiếng Yêu Của Em

Em thường nói em yêu mưa lắm
Sao khi mưa lấy dù che mưa 
Em cũng nói thích trời đẹp nắng
Lại tìm râm che nắng ban trưa 
Vừa bảo rằng thương cơn gió nhẹ 
Lại màn che cửa đóng gió lùa 
Đó là những lý do anh sợ 
Khi em rằng: " Yêu anh lắm cơ "!

Locphuc
***
Thẩp Thỏm

Bậu rằng bậu rất CHỊU mưa,
Mưa vừa nhỏ giọt... bậu vừa giương ô,
Bậu rằng bậu THÍCH nắng khô,
Trời vừa hé nắng... bậu vô mái nhà.
Bậu rằng bậu MẾN gió qua,
Gió vừa thoang thoảng... rèm đà buông xuôi,
Bây giờ bậu nói THƯƠNG tui,
Lòng tui thấp thỏm rối nùi ... hỏng yên!


Đỗ Chiêu Đức
10-25-2020
***
Nghe Rằng Em Nói Em Yêu...!

Nghe rằng em thích ướt mưa
Giương dù, lấm tấm hạt vừa mới rơi
Nghe em thích nắng đầy trời
Mà sao vội núp bóng nơi râm mờ
Rằng em nói thích gió cơ!
Sao em đóng cửa, khép hờ rèm che ?
Nay yêu tỏ ý tôi nghe
Nên lòng sợ hãi nín khe em nè!


Mai Xuân Thanh

Hãy Hiểu Cho Em


Em yêu nắng bình minh vừa chiếu sáng
Xua màn đêm, đánh thức một ngày vui
Chim hót ca, lìa tổ, cánh tung trời
Ngàn hoa thắm rạng ngời trong nắng sớm

Em yêu nắng hoàng hôn, quầng ráng đỏ
Kết thúc ngày rạng rỡ một niềm vui
Hy vọng theo vào giấc ngủ say vùi
Dù đêm tối, cuộc đời sao vẫn đẹp

Cám ơn nắng giữa trưa cho ruộng tốt
Lá xanh ngời, hoa trái trổ đầy nương
Nhưng khôn ngoan, em phải nấp bóng râm
Kẻo đen sạm làn da và chóng mặt!

Em yêu cơn phùn lất phất nên thơ
Ngước mặt đón hạt mưa về trong mát
Ngắm đồng cỏ tươi xanh, mầm nẩy hạt
Chân tung tăng, miệng hát giữa ngàn hoa

Em thích nghe mưa nhịp giữa đêm hè
Cho giấc ngủ bình yên không mộng mị
Thích mưa dầm bên quán tranh chiều ấy
Hai ta ngồi nhẹ khuấy tách cà phê

Cám ơn mưa tuôn tràn xua hạn hán
Cho đất hồi sinh, sự sống đâm chồi
Nhưng gặp mưa ào ạt ở ngoài trời
Em vẫn phải dù che ngừa cảm lạnh

Em yêu gió nếu cùng đi dạp phố
Áo dài em quấn quýt bước chân anh
Hương quyện hòa, nhịp tim đập thêm nhanh
Giấu ánh mắt long lanh sau tóc rối

Làn gió thoảng làm phấn tung, hoa đậu
Trái sai oằn, mùa vụ bội thu hơn
Khô mồ hôi người lao động nhọc nhằn
Mát võng bé nhịp nhàng trong giấc ngủ

Nhưng gió mạnh, phong ba ngày bão lũ
Gây họa tai, tác hại đến khôn lường
Một mình em, sợ hãi kéo rèm buông
Đóng chặt cửa, bồn chồn mong hết gió

Em yêu anh, ngày đêm luôn tưởng nhớ
Mỗi phút giây mà ngỡ trọn thiên thu
Lời yêu thương xuất phát tự tâm tư
Muốn gắn bó lâu dài nhưng lại sợ...

Tình đôi ta gặp muôn ngàn cách trở
Ngoài con tim, còn lý trí khó qua
Đâu thể vì hạnh phúc của riêng ta
Bất chấp cả nếp nhà cùng đạo lý

Ta yêu nhau, khắc sâu tình cảm ấy
Nghĩa mặn nồng giữ kỹ ở trong tim
Nhưng anh ơi, xin hiểu, chớ buồn em
Khi chẳng thể cùng nhau chung cuộc sống.

Phương Hà
( 25/10/2020 )