Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Có Bao Giờ Em hỏi - Phạm Duy & Duyên Anh


Sáng Tác: Phạm Duy - Duyên Anh
Ca Sĩ: Trần Thái Hòa
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Con Dốc


Những con dốc cuộc đời
Chân lòng bước khôn nguôi
Máu me lê đá, sỏi
Dưới hay ở trên đồỉ
Những con dốc của lời
Như chiếc cầu chơi vơi
Bắc lui rồi bắc tới
Làm sao hiểu được người
Tôi vặn vẹo với tôi
Người uốn lưỡi nụ cười
Tưởng chừng sợi dây nối
Chợt đứt đoạn mà thôi
Ba, bốn, năm, bảy người
Ngoặc ngoẹo những từ rơi
Hốt lên. Ráp. rồi hỏi
Càng thêm những rối bời
Tôi nặn chữ rã rời
Cào cấu cạn lòng tôi
Sót dư vài chữ cuối
Của mưa nắng một thời
Thì như giọt mưa rơi
Ướt lắm cũng khô thôi
Chẳng còn một gạch nối
Giữa người và một tôi
Những con dốc cuộc đời
Trèo hoài mãi thế thôi
Bao giờ rồi sẽ tới
Có lẽ giờ trút hơi

Tịnh


Nhớ Bạn



Bài Xướng: Nhớ Bạn

Trời vừa hửng nắng vẫn nhiều mây
Nhớ bạn tâm giao. nhớ những ngày
Câu phú đổi trao nơi cố quận
Bài thơ xướng hoạ xứ trời tây
Thầm thì bến mộng nghiên chờ bút
Nháo nhác tầng không nhạn lạc bầy
Kẻ sĩ còn vương màu mực viết
Bao người . . tưởng đã ngấm men say ?!!

Phạm Kim Lợi
***
Các Bài Họa:
Vọng Buồn


Ngoài trời giông bão, ủ ê mây
Buồn bã tâm tư nhớ tháng ngày
Đầu hạ nghe ve niềm khắc khoải
Cuối đông gửi gió chuyện riêng tây
Đêm tàn cám cảnh trăng lu bóng
Nắng tắt thương thân vạc lẻ bầy
Viễn xứ xa xôi nghìn cách trở
Tri âm đâu đó hỏi còn say?

Cao Bồi Già
12-10-2017
***
Tình Say


Ta buồn thổ lộ với vầng mây
Có thấu tim yêu bận suốt ngày?
Do bởi hồn si tràn nỗi nhớ
Cũng vì môi mọng bủa niềm tây
Trông người tri kỷ về ru giấc
Mơ cánh chim uyên đến họp bầy
Ôm mối tương tư lòng hụt hẫng
Nghiêng bầu rượu đắng vỗ tình say!

Như Thu
***
Bạn Ở Nơi Đâu

Ngày nao cùng vịnh cảnh trời mây
Sáng cạnh chiều bên thuận mỗi ngày.
Người muốn kinh qua miền ước nguyện
Tâm cần chu đáo chuyện riêng tây,
Ta thường ngâm ngợi thơ mong bạn
Đêm thoảng bâng khuâng ngựa nhớ bầy.
Bậu ở nơi nào giờ có mạnh
Làng chờ đón lại bút vui say 

Trần Như Tùng
***
Mùa Lụt


Ngửa mặt nom trời,đụng tới mây
Đen thui thủi suốt cả đêm ngày
Bờ sông nước ngập lên triền núi
Ngõ xóm đê tràn úng mé tây
Não tựa gà con nhìn ngóng mẹ
Buồn như nghé ọ gọi trông bầy
Khuây đời mượn chữ qua mòn sống
Giá có men nồng,được chết say

Lý Đức Quỳnh
***
Mây


Tôi thường ngơ ngẩn dõi vầng mây
Biến đổi không trung suốt tháng ngày
Sáng nhuộm nắng hồng soi bãi biển
Chiều in ráng đỏ phủ thềm tây
Nhấp nhô cừu trắng thân chen nhóm
Sừng sững thanh lam khói tụ bầy
Phơ phất áo trăng vàng lộng lẫy
Đêm nằm ngây ngất mộng hồn say

Sông Thu
***
Xa Nhau


Từ buổi chia tay mãi nhớ ngày
Trời thu ảm đạm phủ nhiều mây
Hôm nay đã tách không chung bọn
Mai mốt sao gom hết cả bầy
Tim nát người đi đầy nỗi nhớ
Hồn tan kẻ ở nặng niềm tây
Rồi ra mỗi ngả đời trăm hướng
Hội ngộ khi nào cạn chén say

Thanh Hòa
***
Tình Bạn

Trăng vàng lấp lánh vướng làn mây!
Tình bạn cách xa những tháng ngày
Một cuộc phiêu linh từ chốn ấy
Muôn chiều vương vấn đến miền tây
Giữa trời thánh thót chim kêu bạn
Trong dạ bâng khuâng tiếng gọi bầy
Ngước mặt nhìn trời - sương gió lạnh
Mong bù nắng ấm - thỏa mê say!

Trương Văn Lủy
***
Chiều Thu

Ráng đỏ thu chiều nhuộm núi tây
Nồng cơn gió lạnh ủ bao ngày
Soi hồng đến tận từng hoa cỏ
Giát bạc lên từng mỗi đám mây
Mực thắm tình thơ sang mở hội
Tầng cao cánh nhạn ruổi theo bầy
Sân đình rộn rã vui già, trẻ
Khúc nhạc quê nhà hát thật say

Phạm Duy Lương
***
Lại Thỏa Say

Gió vẫn âm thầm nỗi nhớ mây
Dù mưa nắng chửa tạnh bao ngày…
Cho hồn mộng mãi tràn cơn bấc
Để bóng chiều càng dạt cõi tây
Đã chẳng hề toan đường rẽ lối
Thì đâu dám nghĩ cảnh tan bầy
Mai rày bão tố thôi vần vũ
Giấc nguyệt phong rồi lại thỏa say!

Nguyễn Gia Khanh
***
Trời Và Mây

Trời đẹp nhờ thêm những áng mây
Tạo ra khác biệt giữa bao ngày
Khi xanh thẳm thẳm như làn nước
Lúc xám âm u tựa quạ bầy
Cừu trắng nhấp nhô trên đỉnh núi
Ngựa hồng sải bước ở phương tây
Mây tô sắc vẻ cho trời ấy
Dễ khiến lòng người ngây ngất say.

Phương Hà
***
Nắng Vườn Thơ 

Lắng đọng tâm hồn gởi gió mây
Nghĩ suy người bạn vắng lâu ngày
Nơi đây sương khói mờ quê Mẹ
Phải đó trăng sao nhạt cảnh tây ?
Bướm lượn cùng hoa chung nhập đám
Chim bay về tổ hợp gom bầy
Vườn thơ cây lá vàng phai mộng
Chờ đón người về bút hoạ say 

Minh Thuý
Tháng 10_2017
***
Tình Bạn Thơ

Chiều tàn buồn bã vẽ lên mây
Nắng hấp hối đi tiễn biệt ngày
Thấy cảnh hắt hiu thêm não nuột
Tin người vắng lặng động riêng tây
Bên triền hữu hạn chờ lên tiếng
Giữa mé vô biên ước gọi bầy
Xin nguyện dưỡng nuôi nguồn bản thiện
Ngồi khều trăng gió thỏa tình say

Như Thị
***
Gửi Bạn Thơ

Thôi đừng để gió phải hờn mây
Cho nắng xôn xao đợi mỗi ngày
Mực đọng im lìm bên án sách
Trăng tàn ủ rủ giữa lầu tây
Vườn thơ thi hữu còn chung lối
Cánh én mùa xuân chẳng rã bầy
Bạn hỡi ! hãy nhìn muôn lá đổ
Dừng chân nhè nhẹ...ngẩn ngơ say!

Thy Lệ Trang
***
Còn Mộng Ngát Say?

Lặng lẽ bên chiều giữa áng mây
Mỏi chưa cánh nhạn sải đêm ngày ?
Người đi chớm lạnh ôm phòng chiếc
Thơ lãng se buồn vọng gác tây
Bài họa lười trau mong gặp bạn !
Đường tơ ngại chuốt ước vui bầy !
Về khuya giấc điệp đưa hồn tới
Đẫm ánh trăng tà mộng ngát say ?

Phan Tự Trí
***
Nhớ Bạn

Tiết dịu ngày đông một ít mây
Trầm ngâm chạnh nhớ thuở xưa ngày
Tuổi thơ lăn lóc vào binh lửa
Chiến cuộc tan rồi đượm nỗi tây
Chén rượu cơ hàn tay nắm mộng
Chiều thương ám ảnh cảnh xa bầy
Vần thơ khí phách buồn ngâm lại
Gửi bạn phương trời nhắc cuộc say.

Mai Thắng 
171019

Dạng Thơ Thú Vị



Bối Cảnh Thi Đàn Việt Nam Thập Niên 30 Thế Kỷ 20

Thơ Mới, tên gọi để phân biệt với các dạng thơ cũ như Lục Bát, Cổ Phong, Đường Luật Thi..., một dạng thơ mang bóng dáng như thơ của Tây Phương. Phan khôi đã từng lên tiếng chỉ trích Đường Luật Thi trên Đông Pháp Thời Báo vào năm 1928 :" Bó buộc quá làm mất cả sinh thú.."
Đến năm 1932, phát súng khởi điểm cho Thơ Mới là bài "Tình Già" của Phan Khôi, một dạng thơ mới thật sự ra đời, cùng với sự hưởng ứng mạnh mẽ và sự xuất hiện các bài Thơ Mới của những nhà thơ như Lưu Trong Lư, Nguyễn thị Manh Manh, Thanh Tâm, Thế Lữ, J. Leiba...
Thành trì của Đường Luật Thi nghiêng ngửa. Có thể ví Thơ Đường Luật bấy giờ giống như bóng dáng Cụ Đồ trong "Ông Đồ" của Vũ Đình Liên, hay Chúa Sơn Lâm nơi Vườn Thú trong "Hổ Nhớ Rừng" của Thế Lữ...người cố gắng chóng chỏi, để bảo vệ Thơ Đường Luật, bấy giờ có Tản Đà được coi là đại diện, cùng một số nhà nho khác như Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Duy Từ, Thái Hỉ, Nguyễn Văn Hanh...
Đến năm 1936, phong trào Thơ Mới thắng thế và áp đảo hoàn toàn. Lưu Trọng Lư kiêu hãnh viết trên Hà Nội Thời Báo:

Đôi lời nhắn nhủ bạn làng nho
Thơ thẩn thẩn thơ khéo thẩn thờ
Nắn nót miễn sao nên bốn vế
Chẳng thơ thì cũng cóc cần thơ.

Sức Sống Mãnh Liệt của Đường Luật Thi

Những tưởng Thơ Đường Luật sẽ khuất phục sau gần 10 năm bị tấn công dữ dội. Nhưng thật khó cho Phan Khôi, Lưu Trọng Lư...vì Đường Luật Thi đã bám rễ vững vàng trong mấy ngàn năm, nên không dễ gì chịu mất vị trí quan trọng trên thi đàn trong nước vì Thơ Mới. Ngày nay, Thơ Đường Luật, tuy gò bó nhưng vẫn được giới làm thơ yêu chuộng.
Ngoài những dạng thơ Đường Luật có từ trước, như Thủ Vỹ Ngâm, Tiệt Hạ, Liên Hoàn...Các nhà thơ Đường của thế kỷ 20 trở lại đây, cũng sáng tác ra nhiều dạng mới, làm phong phú thêm Thơ Đường Luật như:  Bát Điệp, Ô Thước Kiều, Khoán Thủ, Ngũ Độ Thanh...
Tuy hiện tại Thơ Đường Luật rất đa dạng, nhưng có một dạng rất đặc biệt và thú vị xuất từ thế kỷ 15. Một dạng rất riêng của người Việt. Đó là dạng thơ Thất Ngôn Xen Lục Ngôn.

Dạng Thơ Thất Ngôn Xen Lục Ngôn

Có lẽ trong chúng ta, không ai không biết đến bài thơ "Đánh Đu" của nữ Sĩ Hồ Xuân Hương:

Đánh Đu

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới
Hai hàng chân ngọc duổi song song
Chơi xuân có biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không.

Nhưng theo một số tài liệu được kiểm chứng xác minh, thì bài thơ này được Nữ sĩ sửa lại từ bài thơ "Cây Đánh Đu" từ thời Lê Thánh Tôn:

Cây Đánh Đu

Bốn cột lang nha cắm để trồng
Ả thì đánh cái ả thì ngong
Tế hậu thổ khom khom cật
Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng
Tám bức quần hồng bay phới phới
Hai hàng chân ngọc đứng song song
Chơi xuân hết tất xuân dường ấy
Nhổ cột đem về để lỗ không.
Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập

Điểm lạ ở bài thơ này ở hai câu 3 & 4, chỉ có 6 chữ. Có phải khi ấn loát hay ghi chép lại bị thiếu chữ? Thưa không, đây là một dạng thơ Đường Luật xuất hiện thời kỳ đầu của nhà Hậu lê.

Sự Hình Thành Dạng Thơ Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn

Kể từ khi Nguyễn Thuyên viết bài "Văn Tế Cá Sấu" bằng chữ Nôm, được ca tụng, đã khiến các thi nhân của ta có thêm động lực, bắt đầu sáng tác thơ Nôm theo Luật Đường. Thơ Nôm viết theo luật thơ Đường, lần đầu tiên mang tên gọi là thơ "Hàn Luật" được ghi chép trong " Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục" triều Nguyễn do Phan Thanh Giản chủ biên.
Vào Thời Trần, Thơ Nôm phát triển rất mạnh, nhưng hầu hết là các dạng thơ Đường Luật, Lục Bát..., riêng thơ Nôm Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn không hề xuất hiện trong triều đại Nhà Trần. Mãi đến thời kỳ đầu của Nhà Hậu Lê, ta mới thấy xuất hiện trong "Quốc Âm Thi Tập "của Nguyễn Trãi.

Năm 1407 vua nhà Minh bên Tàu sai tướng Trương Phụ sang thôn tính nước ta. Lúc bấy giờ, nước ta đang vào triều đại Hồ Quý Ly quốc hiệu Đại Ngu. Cuộc chống giặc ngoại xâm thất bại, vua tôi nhà Hồ bị bắt gần hết. Trong số các quan lại thoát được có Nguyễn Trãi. Nơi ông trốn lánh lâu nhất là Côn Sơn. Trong khoảng thời gian này, ngoài việc lên kế sách để đuổi giặc xâm lăng, ông còn thay đổi dạng thơ Đường luật thành một dạng riêng cho mình. Không những thế, các vua, quan từ đó về sau cũng sáng tác Thơ Đường Luật dạng này. Đó là dạng thơ mà ngày nay gọi tên là " Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn".
Từ đó dạng thơ này được thi nhân các triều Hậu Lê, Nguyễn tiếp tục sáng tác.

Một Số Bài Thơ Và Tác Giả Tiêu Biểu

Mạn Thuật 4

Giũ bao nhiêu bụi bụi lầm,  
Giơ tay áo đến tùng lâm.  
Rừng nhiều cây rợp hoa chầy động,  
Đường ít người đi cỏ kíp xâm.  
Thơ đối tục hiềm câu đối tục,  
Chủ vô tâm ỷ khách vô tâm.  
Trúc thông hiên vắng trong khi ấy,  
Năng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm.
Nguyễn Trãi

Người Ăn Mày

Góp giang sơn xách một quai, 
Lượng bằng sông biển chẳng từ ai! 
Vườn đào ngõ mận từng len lỏi, 
Gác tía lầu son mặc nghỉ ngơi. 
No biết thế tình mùi mặn nhạt, 
Quản bao nhật nguyệt bữa đầy vơi! 
Vương tôn thuở trước làm sao tá ? 
Bái tướng phong hầu, ấy những ai ?
Lê Thánh Tôn

Mẫu Đơn

Dưỡng cẩn vườn tiên của hạ thường 
Trăm hoa tươi tốt đã khiêm nhường 
Thức tươi chiếm được xuân thiên hạ 
Giá trọng kham khoe đất Lạc Dương 
 
Khắp trong đời khen quốc sắc 
Hơn chúng bạn khải hoa vương 
Dầu thêm hay thốt hay cười nữa 
Thấy mặt trong lòng những đoạn trường
(Khuyết Danh Thời Hậu Lê)

Nhân Tình Thế Thái 12

Cầu may cuốc nguyệt gánh yên hà
Nào của nào chăng phải của ta 

 Đêm đợi trăng lồng bóng trúc
Ngày chờ gió thổi tin hoa

Thấy cơ doanh mãn cho hay chửa
Phải đạo trung thường chớ có qua
Dẫu lấy thánh kinh noi thửa học
Ví chưng xuất xử đạo thờ cha
Nguyễn Bỉnh Khiêm

Ngôn Ẩn Thi Tập Bài 1

Trên đầu đã rối tóc hoa râm 
Lẩn thẩn còn chơi đám cát lầm 
Nẻo lợi danh tuy dở bước  
Lòng trung hiếu hãy bền cầm 
Khôn chửa đủ mùi kim cổ 
Dại nào lường máy thiển thâm 
Miễn trọn cho cùng nhân sự chửa 
Thôi thôi rất lẽ thuận thiên tâm
Nguyễn Hữu Chỉnh


Ngoài ra Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng có bài thơ thuộc dạng này nhưng với dạng Tứ Tuyệt:

  Cùng Quan Tế Tửu Họ Phạm

Kìa ai tỉnh, kìa ai say (*)
Kìa ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày 
Khoan khoan xin hãy dừng tay lại 
Chớ mó hang hùm nữa mất tay.

(*) có bản viết:
                Ông đồ tỉnh ông đồ say
                Sao ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày...
hay là: 
           Say hay tỉnh tỉnh hay say
           Trêu hoa ghẹo nguyệt giữa ban ngày...
Kết Luận

Là một người yêu nước, có tinh thần tự chủ mạnh mẽ, Nguyễn Trãi muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào Thơ của Tàu, Ông đã tự mở cho mình một lối đi riêng bằng cách sửa đổi số chữ trong bài Đường Luật Thi. Con đường được vạch ra, ông đi trước, các thế hệ sau nhất là những thi nhân Triều Hậu Lê đã hưởng ứng mạnh mẽ, tỏ rỏ sự độc lập của đất nước .

Tính đến nay, đã tìm được gần 1000 bài thơ Thất Ngôn Xen Lục Ngôn cho hậu thế. Nhìn chung, có 4 nhà thơ làm dạng này nhiều nhất. Đó là Nguyễn Trãi với Quốc Âm Thi Tập, vua Lê Thánh Tôn và Hội Tao Đàn với Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm với Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập và Nguyễn Hữu Chỉnh với Ngọc Ẩn Thi Tập.

Tôi thường hỏi: "Trong hiện tại, Thơ Đường Luật cũng phát triển rất mạnh, tại sao thế hệ chúng ta không hưởng ứng và phổ biến sự bất khuất của Nguyễn Trãi nói riêng và dân tộc Việt nói chung, qua dạng Thơ Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn?". Với suy nghĩ này, thỉnh thoảng tôi có làm một số bài thơ Đường Luật theo dạng này, gần đây nhất là bài "Tập Tành Thơ":

Tập Tành Thơ

Nhớ xưa tập tểnh học làm thơ
Mới viết đôi câu đã đẫn đờ
Lục Bát vần lưng nghe lủng củng
Luật Đường niêm đối thấy ngu ngơ
 
Tự Do ư Tự Do hử
Thơ Mới ơ Thơ Mới quờ
Cứ tưởng dễ dàng nên bắt chước
Ai dè rắc rối thiệt không ngờ.
                      
Huỳnh Hữu Đức biên soạn

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Đến Với Chúa



Chớ kiêu ngạo để lòng thanh khiết
Bởi ta chỉ là hạt bụi thôi em
Dưới mặt trời không thay được trắng đen
Và không thể trường tồn vĩnh cửu

Ta là bụi của kiếp trần thế kỷ
Thật mỏng manh và yếu đuối vô cùng
Chốt cuộc đời chỉ còn lại hư không
Dù cố giữ có còn không đâu biết

Trong trăm năm bụi trần một kiếp
Trong kiếp người đâu tránh được trầm luân
Nên chỉ có tình yêu ở lại
Với con tim nhân ái vô ngần

Thôi thì cứ yêu đời đi nhé
Dù ta chỉ là hạt bụi hư vô
Đến với Chúa sẽ được lòng thanh khiết
Để yêu người và ta được yêu ta ..

Bằng Bùi Nguyên


Nỗi Niềm


Xướng: Nỗi Niềm

Nỗi niềm dằn vặt mỗi thu sang
Mái tóc bạc phơ khách ngỡ ngàng.
Vi vút thời gian ngày tháng lụn,
Bâng khuâng cánh hạc nắng phai tàn
Bạn bè lác đác xa bàn rượu,
Tri kỷ lưa thưa khóc bạn vàng,
Khắc khoải đỗ quyên sầu cố quốc,
Hồ trường dốc cạn, tối dần lan.

Mailoc ( Cali vào thu 2017 )
***
Các bài Họa: 
Tâm Sự (Ưu Tư)

Tâm sự ưu tư, thu bước sang,
Cao niên tóc bạc sớm ngơ ngàng
Thời gian tợ bóng bên song lẹ,
Ngày, tháng đưa thoi chốc nắng tàn.
Bằng hữu chia tay nhà dưỡng lão,
Nhân tình bịn rịn chốn non vàng.
Bâng khuâng hồi tưởng về quê mẹ,
Kẻ lạ người quen lẫn lộn lan !

Mai Xuân Thanh

Ngày 06 tháng 10 năm 2017

Nỗi Niềm

Và em đã ghé bến giàu sang
Và kẻ tình si chẳng ngó ngàng
Và để đường xưa nên vắng lặng
Và cho lối cũ hóa điêu tàn
Và đời hai trẻ mang cô quạnh
Và cuộc sống ta nhuốm võ vàng
Và thế là xong cơn mộng dữ
Và trời mây tối kéo dần lan…

Thái Huy
10-7-17
***
Phiền muộn

Lặng buồn ngồi ngắm mỗi mùa sang
Ngày tháng qua đi chẳng ngó ngàng
Tuổi trẻ hôm nào như ngọn lửa
Thân già đến lúc tựa tro tàn
Bạn bè lần lượt đi biền biệt
Dung mạo dần thêm nhuốm võ vàng
Tự nhủ đừng buồn, đời vốn thế
Mà sao phiền muộn cứ tràn lan.

Phương Hà
( 07/10/2017 )
***
Nỗi Niềm

Tiếng quốc thưa dần thu đã sang
Trông trời mây nước bỗng ngơ ngàng
Liên miên gió bão toàn thân nhức
Lây lất ngày đêm vạt nắng tàn
Ngạo nghễ chân mây chùm ráng đỏ
Băn khoăn tuổi hạc lá cây vàng
Quay cuồng sáng tối tuồng suy thịnh
Ta ở trên đầu vệt sóng lan.

Cao Linh Tử
8/10/2017

Về Miền Tây Bài - Phần 9


Về phía Tây Bắc của Vĩnh Long là Sa Đéc. Sa Đéc các Sài Gòn 132 cây số về phía Tây Nam. Trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì một phần của Sa Đéc thuộc Vĩnh Long, một phần thuộc tỉnh Định Tường. Ngay khi xăm chiếm Nam Kỳ, Pháp nâng Sa Đéc lên hàng tỉnh, đặc tỉnh lỵ tại xã Tân Vĩnh Hòa, nằm bên hữu ngạn sông Cửu Long, đối diện với rạch Cao Lãnh. Về vị trí, phía Bắc giáp Hồng Ngự và Cao Lãnh (Kiến Phong), Nam giáp Cần Thơ, Tây giáp An Giang, và Đông giáp Mỹ Tho. Tổng diện tích Sa Đéc là 1.320 cây số vuông, tuy nhiên, phần đất nằm về phía Đồng Tháp Mười hãy còn hoang vu vì ủng phèn lâu năm. Tổng dân số Sa Đéc theo thống kê của La Cochinchine vào năm 1924 là 205.515 người, gồm đa số là người Việt, kế đó là người Hoa. Sa Đéc hầu như không có người Miên. Khí hậu tỉnh Sa Đéc cũng thuộc miền bán nhiệt đới, nóng và ẩm như các tỉnh khác trong vùng. Ngành trồng lúa nước vẫn là chính yếu của tỉnh Sa Đéc. Sau khi chiếm Nam Kỳ, người Pháp đã cho đào kinh Đồng Tiến, đi An Long và Hồng Ngự, xẻ dọc Tháp Mười theo hướng Nam Bắc, và một con kinh khác từ tỉnh lỵ Tân An vô Mộc Hóa. Họ cũng cho đào rất nhiều kinh chạy theo hướng Đông Tây, nhằm dễ dàng chuyên chở lúa gạo ra sông lớn, nhưng vô hình trung những con kinh này lại cũng giúp xả phèn và dẫn thủy nhập điền, nên khoảng đầu thế kỷ 20, đất đai vùng Sa Đéc trở nên tốt hơn và thu hoạch mỗi vụ mùa cũng cao hơn. Sa Đéc nổi tiếng với những vườn cau, vườn dừa, vườn cây ăn trái xanh mát, chạy dọc theo bờ sông Cửu Long từ Cái Tàu Thượng, xuống vùng Tân Vĩnh Hòa, Nha Mân, Cái Tàu Hạ... 
Từ khi được nâng lên thành tỉnh, Sa Đéc phát triển về mọi mặt, lúa sản xuất mỗi năm mỗi tăng, cây trái rau quả dư dùng cho toàn tỉnh, còn xuất cảng sang Cần Thơ hay đưa lên Sài Gòn. Cũng như Vĩnh Long, Sa Đéc được bao bọc hai phía Đông Bắc và Tây Nam bởi hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, nên ngành thủy sản của Sa Đéc phát triển rất mạnh, cá khô, tôm khô dư dùng trong tỉnh, đặc biệt là ngành bắt tôm nước ngọt phát triển rất mạnh ở Sa Đéc. Vào thời đệ nhất Cộng Hòa, chính quyền đã nâng đở thành lập nhà máy chế biến bánh phồng tôm Sa Giang, chẳng những nổi tiếng ở vùng Nam Kỳ, mà còn nổi tiếng trên toàn quốc, và ngày nay đã được biết tiếng trên khắp thế giới. Trong mỗi bữa tiệc, món ăn giáo đầu ít khi nào thiếu món bánh phồng tôm Sa Giang chiên. 

Ngay từ thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ, Sa Đéc đã có rất nhiều chợ rất phồn thịnh như chợ Phú Hữu, Phú Nhuận, Mỹ Long, Mỹ Xương, Mỹ Trà, Hội An, Lai Vung, Long Hưng, Mỹ An Hưng và Hòa An....Sau khi người Pháp chiếm Sa Đéc, họ cho xây cất khu hành chánh và khu vực cư trú cho nhân viên chánh phủ rất đẹp ở tiểu đảo, có con rạch nhỏ ngăn cách với đất liền mà họ gọi là Passe-Nord. Tuy nhiên, chỉ hơn trăm năm sau, toàn khu ấy đã bị nước cuốn đi gần hết, nó lở dần và lở dần, đến năm 1974 hầu như đã sụp lở gần hết. Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản sáp nhập tỉnh Sa Đéc vào tỉnh Đồng Tháp, gồm hai tỉnh Sa Đéc, Kiến Phong, và một phần của Mộc Hóa để thành lập tỉnh Đồng Tháp. Về thắng cảnh, cách thị xã Sa Đéc chừng 3 cây số có vườn hoa Tân Quí Đông, nơi đây người ta trồng đủ các loại hoa và cây cảnh, đặc biệt là hoa hồng. 

Trong quận Lai Vung, đoạn sông Hậu Giang chảy qua xã Định Hòa, có một cồn cát trắng mịn, trông giống như một nàng tiên nằm phơi mình trong nắng, nên dân địa phương gọi đây là “Cồn Tiên”. Với không khí trong lành và cảnh thiên nhiên thơ mộng, không riêng người dân trong tỉnh Sa Đéc thường đến đây thưởng ngoạn mà từ từ dân chúng các vùng phụ cận cũng đổ xô đến đây nghỉ ngơi trong những ngày hè oi bức. Bên bờ Tiền Giang, khúc sông chảy ngang qua khu Cái Tàu Hạ và Nha Mân có một bãi sông thiên nhiên rất đẹp, cát ở đây mịn và trắng không thua gì cát biển Nha Trang, lại thêm phong cảnh làng quê bình dị và hoa trái sum suê, nên An Hòa là nơi tắm sông lý tưởng cho cư dân trong vùng. Trong quận Lấp Vò có chợ chiếu Định Yên, theo các bô lão kể lại thì chợ chiếu Định Yên đã có cách nay trên 150 năm, ngay trước thời kỳ Pháp chiếm Việt Nam. Điểm đặc biệt là chợ chỉ họp về ban đêm, có lẽ vì suốt ngày bà con trong vùng Định Yên lúc nào cũng bận rộn với việc đồng áng hay ruộng rẫy nên họ chỉ đi chợ về đêm mà thôi. Hàng hóa duy nhất torng chợ chỉ là chiếu hoặc nguyên liệu để dệt chiếu hay đệm mà thôi. Hàng năm người ta ước lượng có trên cả triệu đôi chiếu được bán ra tại chợ này. 


Về di tích đình chùa, tại thị xã Sa Đéc có chùa Kiến An do những người Hoa gốc Phước Kiến xây dựng vào năm 1924. Ban đầu chùa là nơi giảng dạy chữ Phước Kiến cũng như phong tục tập quán của người Phước Kiến, về sau này không riêng gì người Hoa trong tỉnh Sa Đéc mà người Hoa trong khắp miền Nam cũng thường xuyên tới lui lễ bái. Điểm đặc biệt là toàn bộ chùa không có kèo mà chỉ có đòn tay ráp mộng lại với nhau, và cảnh quang của chùa tuy thanh u nhưng không kém phần trang nghiêm và lộng lẫy của lối kiến trúc cổ. 

Tại thị xã Sa Đéc còn có chùa Hương hay Phước Hưng Cổ Tự, chùa được xây cách đây hơn 100 năm, đặc biệt tại chùa hãy còn một pho tượng phật bằng đất sét thếp vàng đã được đắp cách nay trên 100 năm. Cũng tại thị xã Sa Đéc còn có ngôi chùa Bà, đã được xây dựng cách nay trên 100 năm. Đây là nơi người Hoa thờ Bà Thiên Hậu (Thiên Hậu Thánh Mẫu), hằng năm người ta tổ chức lễ vía Bà rất trọng thể vào hai ngày 23 tháng 3 và mồng 9 tháng 9 âm lịch. Ngoài ra, tại Cái Tàu Hạ thuộc quận Châu Thành, có đình Tân Phú Trung, được xây vào đầu thế kỷ thứ 19, đến năm 1858 được vua Tự Đức sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh. Đình có lối kiến trúc cổ, cột kèo được làm bằng toàn những gỗ quý, nên đã trên 200 năm nay mà vẫn còn nguyên vẹn. Trong đình có nhiễu bức liễn cũng được làm bằng gỗ quý và khắc chạm rất công phu. Hằng năm đến ngày 17 tháng 4 và 12, 13 tháng 5 âm lịch người ta tổ chức lễ cúng đình rất long trọng. Tại quận Lấp Vò có đình Định Yên, được xây từ năm 1909 để ghi nhớ công ơn ông Phạm văn An, người đã có công khai phá vùng đất này. 

Hằng năm người ta tổ chức lễ cúng đình rất lớn vào những ngày 16 và 17 tháng 4 cũng như ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch. Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Sa Đéc của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp. 

(Trang 40 - 42)
Người Long Hồ

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Thành Kính Phân Ưu Cựu Giáo Sư Phạm Thị Kim Chi Trường Trung Học Nguyễn Thông Tiền Thân Trường Tống Phước Hiệp Vĩnh Long




Hội Ái Hữu CHS Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm, Bắc California Chia Buồn Cùng Cô Phạm Thị Kim Chi

CHIA BUỒN

 
Chúng tôi vô cùng thương tiếc khi nhận được tin:
Phu Quân của GS Phạm Thị Kim Chi, 
Cựu Hiệu Trường Nữ Trung Học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, là:
 
Thầy TRẦN VĂN KỲ
Pháp Danh CHÁNH ĐẠO
 
Nguyên Thanh Tra Trung Học Việt Nam Cộng Hòa.
Chủ sự Phòng Ngân Sách Nha Trung Học, Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa.
 
Sanh ngày 14 tháng 9 năm 1934
Tạ thế sáng ngày 11 tháng 10 năm 2017 tại Houston, Texas.
 
Hưởng thượng thọ 84 tuổi 
 
Linh cửu hiện quàn tại Nhà Quàn Vĩnh Phước:
8514 Tybor Dr., Houston, TX 77074
Điện thoại: 713-771-9999
 
Trước sự mất mát lớn lao nầy.
Chúng tôi  thuộc Hội Ái Hữu  CHS  Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm, Bắc California. 
Xin thành kính chia buồn cùng Phạm Thị Kim Chi và Tang Quyến.
 
Nguyện cầu  Hương Linh Thầy TRẦN VĂN KỲ sớm về Cõi Cực Lạc.
 
ĐỒNG THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
 
  
Hội Ái Hữu CHS PHAN THANH GIẢN - ĐOÀN THỊ ĐIỂM, Bắc California.
 

Giang Nguyệt - Thơ Hương Chiều - Phổ Nhạc: Nguyễn Hữu Tân


Thơ Hương Chiều 
Nhạc: Nguyễn Hữu Tân 
Hòa âm: Phan Thanh 
Trình bày: Lệ Tuyền
Thực Hiện: Lưu Tòng


Mưa Đêm


Còn mãi mưa hoài vỗ giấc êm
Ngỡ như ai đó gọi bên thềm
Mờ mờ giăng kín màng mưa bụi
Người hỡi có về nối mộng thêm.

Lắng tiếng mưa đêm rợn nhớ người
Lệ thầm rơi xé nát tim côi
Cõi xa một mảnh đời u uất
Mòn mỏi chờ nhau tận cuối đời.

Khóc…

Kim Phượng

Đà Lạt Mến Yêu Revisit


Hoa nở mùi hương theo gió lay
Chiều nay một bóng nhớ thương ai...
                    ***
Tôi đến bên em chỉ một lần
Một lần thôi cũng đủ bâng khuâng
Cam Ly suối bạc vương ghềnh đá
Than Thở chiều xưa tiếng xa gần

Xuân Hương in bóng người năm cũ
Mơ màng ru ngủ những hàng thông
Đêm thâu ánh điện vàng thung lũng
Thương mãi người xa một tấm lòng.

Đà Lạt ôi bao giờ trở lại?
Mimosa còn nỡ mãi trong tim
Tiếng người yêu nay biết đâu tìm
Tôi lạc lõng giữa giòng thơ năm cũ.

Biện Công Danh

Tháng 10 Cần Thơ l


Tháng 10 Cần Thơ lập Đông hay chưa
Chim chìa vôi chuyền nhau cành vú sữa
Mưa đêm qua lá hoa còn ướt sũng
Anh ngồi đây mơ hình bóng người xưa !

Tháng 10 Cần Thơ trở lạnh đầu mùa
Mấy chiếc du thuyền lặng im bến đợi
Nhớ băng ghế em ngồi chưa kịp tới
Mưa trong lòng – mưa tạt ướt qua mành.

Tháng 10 Cần Thơ nước bủa vây quanh
Sóng vỗ mạn tàu rì rào kể lể
Dựa đầu anh làm lành khi đến trễ
Cơn gió chiều thấm lạnh bụi mưa bay.

Tháng 10 Cần Thơ anh đếm từng ngày
Em không đến nên thiếu người trong mộng
Từ chân trời em bơi đôi cánh mỏng
Vút lên cao bỏ lại tháng năm dài.

Em xa rồi chợt nhớ bóng hình ai
Chờ đợi mãi dù em không lần hẹn
Tháng 10 năm nay nước sông ngập bến (*)
Nên người em trìu mến biệt tăm rồi !


Dương hồng Thủy
(*) con nước sáng 09/10/2017 ( 20/8 âl Đinh Dậu)

Bài Thơ Chưa Đặt Tựa



Thà đừng bẹo dáng trước gương
cho người quân tử lầm thương uổng tình.

Có những người thơ lặn mất tiu
Bây giờ lớp học bỗng đìu hiu
Ông thầy bó gối trông đờ đẫn
Trà nguội lò than lửa cũng xìu

Triệu đồng một ký gỗ huỳnh hương
Tạc bức thiên thần để nhớ thương
Mối mọt hởi ơi đang gậm hết
Tiếc công chẳng mấy tiếc tình vương.

Người ta khoái trá ghẹo ông già
U bảy mươi rồi tuổi đáng cha
Vương vấn làn mây chiều ãm đạm
Muộn màng tiễn ngọc đến tha ma

Dù không tri kỷ cũng hồng nhan
Cũng tiếc hương yêu buổi sắp tàn
Chia sẻ vu vơ tình một bó
Cho dù ai mím bật cười khan.

Cao Linh Tử

1/9/2017

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Hư Ảo Trăng - Phạm Anh Dũng - Mai Hương



Nhạc: Phạm Anh Dũng
Ca Sĩ: Mai Hương
Thực Hiện: Quýdenver

Mùa Thu Hương Lúa Và Thơ



Cánh cò trắng
Điểm đồng xanh
Hiu hiu con gió, mong manh nắng vàng
Chiều xa
Xóm nhỏ
Thu sang
Mây về dệt mộng trên ngàn khói sương.

“Thu không”
Nào thuở quê hương
Cảnh thanh bình
Vẫn chiều buông cuối ngày
Hữu cơ, từng nấm trong tay
Em tung rải
Hạt ngọc đầy ruộng xa.

Mai sau
Cây lúa nên hoa
Đồng thơm hương lúa, quê nhà thêm hương
Còn tôi
Đời vẫn tha phương !
Ươm bao ý sống tình trường vào thơ.

Lòng trang trải
Bước sông hồ
Vui buồn mấy cuộc tung hô thăng trầm.
Như cây lúa vẫn âm thầm
Tỏa hương từ thuở ngàn năm quê mình.

Như tình thơ
Vẫn tồn sinh
Tiếp cho tim máu dụm dành cuộc chơi
Em mang hương lúa vào đời
Tôi gom ý sống cho lời thơ xanh.

Nghìn thu
Cát bụi du hành
Góp hương cho cuộc phù sinh muôn trùng.
Châu phú, An Giang tháng 6.2013.
Mặc Phương Tử