Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

Thu Khát Khao (Thơ Kim Oanh) - Thư Họa Vũ Hối

  

Thơ: Kim Oanh
Thư Họa: Vũ Hối

Như Một Mùa Thu


Lá đã vàng rồi, thu đã sang
Phương xa lớp lớp trắng sương ngàn
Đâu đây tiếng nhạn trong chiều vắng,
Còn đọng mùa xưa những lá vàng.

Năm tháng hoài hương bao kỷ niệm
Lòng đời chưa ráo vết thu xưa,
Rừng phong dẫu có phai màu lá,
Mạch chuyển còn xanh tiếp lại mùa.

Những lá vàng bay về tịch liêu
Gởi bao tâm sự lại trong chiều.
Đường mây vẫn mãi về vô tận
Còn mất, nào ai được bấy nhiêu?

Như lịch tuần lưu của đất trời
Kiếp người muôn việc cứ dần trôi.
Nhục-vinh mấy cuộc hưng rồi phế,
Thành bại, hay chăng tiếng ở đời!

Thu đã sang rồi, thu sẽ qua
Còn chăng ở lại cõi lòng ta.
Mấy mùa điểm sắc, và thu nữa...
Vẫn một tin yêu khắp vạn nhà.!

South Dakota, Chớm thu 2021.
Mặc Phương Tử

Mây Lá Mùa Thu


Mây mùa Thu
không đẹp như ca dao
không xanh
không trắng
không vàng
Mây mùa Thu
mờ nhạt
như tóc người già bạc màu vì năm tháng
Lá mùa Thu không xanh
Lá mùa Thu
vàng võ nhăn nheo
như da người già nằm trên giường bệnh
Ôi! tuổi già
như mây,lá mùa Thu
Ai bảo mùa Thu đẹp?
Ai bảo mùa Thu buồn 
Tôi nói:
Mây .Lá chiều Thu nay:
"Hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết"

Hoàng Long
chiều cuối Thu 2017

Hoa Thơ

 

Bài Thơ Xướng:

Hoa Thơ
 
Thơ Thẩn Vườn luôn đủ sắc hoa
Thân yêu trang Blog của bao nhà
Thi nhân chốn chốn vui từ hứng
Tinh tú nơi nơi thả vận ngà  
Phải lúc phong vân mùa hội tụ 
Hay đây cú điệu buổi giao hòa
Đưa hương gởi tặng mời thân hữu   
Bút mực văn kề nối ý xa.

Quên Đi
***

Các Bài Thơ Họa:


Vườn Thơ Xướng Họa

Vườn thơ xướng họa nở ngàn hoa
Vẳng tiếng ngâm nga rộn cửa nhà
Ngợi bóng trăng treo chòm trúc lão
Khen làn gió gợn khóm tre ngà
Bạn bè chốn chốn luôn thân ái
Tình cảm nơi nơi mãi thuận hòa
Tao nhã niềm vui ngày tuổi hạc
Nhẹ nhàng lan tỏa khắp gần xa


Phương Hà
( 30/08/2021 )
***
Vườn Thơ Thẩn

Vườn thơ lan tỏa vạn hương hoa,
Danh Hữu hương thân vốn cụ nhà.
Mai Lộc vững vàng vung bút thánh,
Phương Hà diễm lệ múa tay ngà.
Xuân Thanh có mặt từng cây số,
Hữu Đức hữu tâm nỗi bão hòa.
Kim Phượng Kim Oanh vang đất Vĩnh,
Thái Huy Hồng Thủy kẻ miền xa !...


Đỗ Chiêu Đức
09-01-2021

***
Thơ Thẩn Cùng Quý Vị Thi Nhân VTT

Tiêu biểu thân quen những đoá hoa
Quý Thầy Cô Giáo cũ quê nhà
Quên Đi, Chiêu Đức, hai bồ chữ
Mailoc, Sông Thu, bút ngọc ngà (1)
Kim Phượng, Kim Oanh, lòng hiếu khách
Thái Huy, Thầy Trí, dạ trung hoà
Vườn Thơ Thẩn biết bao tình nghĩa
Danh Hữu, Mỵ Nhân ở chốn xa…!


Mai Xuân Thanh
September 01,2021

***
Căn Nhà Xưa

Ngôi vườn thuở ấy bướm cùng hoa
Cổ kính, ven sông một mái nhà.
Thủy tạ sen hồ vờn nước biếc
Đêm khuya thôn xóm lộng trăng ngà.
Thanh bình cuộc sống đời an lạc
Êm ả tháng năm cảnh thái hoà.
Ly loạn một thời nền trống vắng
Bồi hồi kỷ niệm đã đi xa!


Mailoc 8-30-21
***
Hoa Thơ

Thẩn Thơ,Thơ Thẩn trổ muôn hoa
Thân hữu xưa nay cũng một nhà
Góp ý tìm vui bên khóm cúc
Gieo vần cảm hứng dưới trăng ngà
Vườn xuân vẫn đợi-lòng nhân ái
Cánh én đừng quên-sự hiệp hòa
Xin thỉnh tỷ huynh cùng tụ lại
Thật ra trong,ngoại có chi xa.

Thái Huy 30/8/21
***
Tri Âm Hoa

Mỗi vần thơ chính một lời hoa
Thanh sắc vườn ai rực rỡ nhà
Cúc trúc mai lan đều kết ngọc
Hồng đào mận lý đã vươn ngà
Hoàng liên khắc kỷ vui an tịnh
Cẩm chướng khai tâm đẹp thái hoà
Bốn mùa mộ điệu ân tình khách
Nhật nguyệt tri âm vạn dặm xa ...

Hawthorne 30 - 8 - 2021
Cao Mỵ Nhân
***
Vườn Thơ

Thi nhân tô điểm nét tinh hoa
Xướng họa chung vui thể một nhà
Kết chữ gieo vần truyền cảm hứng
Đề thơ khai bút động tay ngà
Khu vườn vẫn thắm cầu mưa thuận
Hoa trái còn xanh cậy gió hòa
Hạt giống từ tâm cùng tưới tẩm
Thâm tình bằng hữu thoảng hương xa

Kim Phượng
***
Vườn Thơ Thẩn

Cứ thẩn thơ cùng đợi trỗ hoa
Hồn nhiên cổ kính tự sân nhà
Khu vườn thủy tạ hồ xanh biếc
Ngữ mạng tâm đồng khoảng bớt xa
Trải tháng năm dài vui thiện mỹ
Tìm hương liệu cũ thắm nhân hòa
Thăng trầm diễn biến là quy luật
Kỷ niệm chung lòng ngẫu hứng ta.

Mai Thắng – 210912

Về Đưa Con Sáo Sang Sông - Nhạc & Lời Yên Sơn - Hòa Âm & Trình Bày Nguyễn Hậu


Nhạc & Lời Yên Sơn 
Hòa Âm & Trình Bày Nguyễn Hậu


Vầng Trăng Kỷ Niệm



Trong lòng mỗi người đều có những vầng trăng
Vầng trăng có khi tròn khi khuyết
Và cũng có khi biến mất trên bầu trời
Nhưng
Vầng trăng trong lòng
Là những vầng trăng của kỷ niệm
Sáng mãi không thôi.
Những đêm trăng tỏ
Nằm nghe bà kể chuyện, ngủ quên
Mùa trung thu, trăng “mười bốn”
Nặn con giống, mau mau chờ cắt bánh
Trăng tròn “đêm rằm”
Rước đèn ca hát với chị em
Vầng trăng “mười sáu”
Nô đùa trốn núp ở sân sau

Vầng trăng
Ôi! những vầng trăng
Thuở ấu thơ
Thanh bình trong sáng
Để đến khi mười tám
Tuổi trăng tròn, mơ mộng đến mai sau….
…Tàn thu, lá úa, nước qua cầu

Nhìn trăng phương Bắc nhớ mầu trăng xưa

Sao Khuê

Quét Lá Sân Chùa

Năm chú Thảo 6 tuổi, ông nội quyết định xuất gia.

Tin được chuyển đi cho tất cả mọi thành viên trong gia đình. Kể cả các cô chú đang sinh sống ở nước ngoài.

Trong buổi tiệc họp mặt đoàn viên nhân ngày giỗ bà cố. Ông nội ngồi trên ghế salon đặt ở giữa nhà, các con cháu dâu rể đứng ngồi xung quanh. Ông nội uống một ngụm trà rồi thong thả nói:

-  Hôm nay các con đã về đây đầy đủ, ba cũng tuyên bố một việc mà ba suy nghĩ rất lâu. Như tất cả các con đều đã biết. Ba quyết định vào chùa để tu.

- Ba tu tại gia như bây giờ được rồi. Ba đành bỏ tụi con đi tu thiệt sao?  Ba chú Thảo rướm nước mắt nói.

- Nếu ba giận tụi con điều gì thì ba nói. Tụi con sẽ sửa sai. Ba đừng vô chùa tu mà tội nghiệp chúng con. Chú Ba nghẹn ngào.

Ông nội không nói gì, Từ tốn đứng lên và chậm rãi đến bàn thờ Phật thắp thêm hương. Cả nhà nhìn theo dáng đi của ông nội. Không ai nói một câu nào. Có tiếng thút thít lẫn tiếng thở dài của nhiều người. Chú Thảo quay lại nhìn mẹ, nhìn các cô chú bác. Mọi người đều lặng lẽ thật buồn nhìn theo ông nội.

Còn chú, chú không hiểu tại sao ông nội đi tu. Mà đi tu là làm sao? Phải ông nội bị cạo đầu trọc lóc không? Ông nội có ôm bình bát đi vòng vòng trong xóm xin ăn không? Trời nắng chang chang làm sao ông nội chịu cho được. Rồi nhà ông nội ai ở, ai lo cơm nước cho ông nội. Ai nấu nước nóng cho ông tắm. Chân ông nội đau ai bóp cho ông. 

Cứ nghĩ đến ông nội không có ở nhà là chú muốn khóc. Con chó Ki chắc cũng sẽ nhớ ông nội như chú. Giá mà còn bà nội thì chắc ông nội không đơn độc để muốn đi tu. Chú nhớ bà nội. Nhớ mùi bã trầu, nhớ những lần mưa dầm chú rúc vào lòng bà nội để nghe bà kể chuyện đời xưa. Bà nội ơi! Ông nội muốn đi tu rồi bà nội ơi! Ai cản được ông nội bây giờ.

Ông nội chú rất nghiêm, chưa bao giờ chú thấy các cô chú bác trong nhà dám cãi lời hay tỏ vẻ không kính trọng ông nội. Ông nội ít nói, nhưng khi ông nói giọng trầm, ấm nhưng rất nghiêm. Ông có nhiều con và nhiều cháu, nhưng ông chưa bao giờ tỏ vẻ nuông chiều, thiên vị hay gần gũi quá thân mật với một đứa cháu nào. Khi các cháu còn bé, đôi lần ông bồng trên tay nựng nịu rồi trả về cho cha mẹ. Ông cũng không nô đùa hay thích chơi với trẻ con. Ông có thế giới riêng của ông. Sự oai nghiêm trầm tỉnh của ông đã khiến ông là tâm điểm của đại gia đình. Khi ông có một quyết định nào không ai có thể làm trái ý kể cả bà nội.  

Cuộc đời ông nội đã trải qua một chặng đường không ít gian lao. Một thân một mình ông dấn thân lập nghiệp. Với tuổi còn trẻ ông tự mưu sinh và nuôi dưỡng mẹ già và lo cho các em. Ông nội là ông anh cả mà các ông chú ngưỡng mộ và kính trọng. Ông là một người đầy quyền lực trong gia đình. Một người ông mà lũ cháu vừa sợ vừa kính yêu. Ông như một cội tùng già gốc rễ thật to và chắc chắn. Uy lực của ông lớn như bóng mát to lớn bao trùm một đại gia tộc. Chú không biết đi tu ra làm sao, nhưng cứ nghĩ ông nội sẽ không ở trong căn nhà từ đường to lớn này chú lại tủi thân muốn khóc.

Nhà chú Thảo cách nhà ông nội chỉ mấy bước chân. Ba chú cất nhà ngay trong đất vườn ông nội. Mỗi khi nấu một món ngon, ba chú lại bưng qua nhà nội mời ông ăn trước. Còn chú hay lẽo đẽo theo ông nội hỏi ông cái này, cái nọ. Chú muốn ông nội sai bảo chú làm việc và thích nghe ông nội khen:

-Chà! Cái thằng giỏi đa.

Chỉ một câu ông nội khen mà chú thấy mở cờ trong bụng.

Ông nội thật chậm đốt nhang và cung kính quỳ lạy ba lạy. Cả nhà cũng quỳ trước bàn Phật và lạy với ông. Ông trở lại ghế ngồi, uống thêm một ngụm trà, nhìn qua các con một lượt rồi chậm rãi nói:

- Ba không trách gì các con,cũng không hờn giận ai hết. Ba biết mình già rồi, nhưng nếu bây giờ ba không lo tu thì không còn kịp nữa. Các con yên tâm, sức khỏe ba còn tốt còn tự lo cho mình được. Ba muốn những ngày còn lại là được sống cho ý nguyện của mình. Ba muốn quy y Tam Bảo để thực tâm sám hối, yên tỉnh cuối đời , dẹp bỏ phiền muộn và giải thoát.

- Nhưng rồi ai sẽ săn sóc cho ba. Tụi con... Chú Tư chưa nói hết câu, ông nội đã đưa tay bảo ngừng lại

- Ba hiểu hết, các con đừng khuyên can ba nữa. Ba sẽ làm một sa di, mà sa di phải tự mình học và thực hành cam khổ. Các con đừng lo. Ba sẽ làm được. Ba giao hết nhà cửa, vườn đất cho các con. Từ nay ba không quan tâm tới nữa. Các con hãy đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau.

Chú Tám quỳ xuống, ôm lấy chân ông nội mà khóc:

- Ba ơi! Ba suy nghĩ lại đi. Ba tu ở nhà cũng được mà. Con cháu cả bầy mà ba sao nỡ bỏ hết vào chùa ở một mình vậy ba.

Ông nội nắm tay đỡ chú Tám dậy. Ông cười:

-Có gì mà phải khóc.  Ba đi tu là thoát ly phiền não mà. Hãy mừng cho ba chớ. Ba đã xin với thầy rồi. Tháng sau vào ngày rằm ba sẽ vào chùa quy y như ý nguyện.

Căn nhà chìm trong bầu không khí thật ảm đạm. Ông nội đã quyết, không ai có thể làm ý chí ông thay đổi. Ông nhất định bỏ tất cả những lụy phiền đời thường, xuất gia tu hành. Ông cắt đứt sợi dây phiền não đã ràng buộc ông. Đó là 10 đứa con và 34 đứa cháu nội ngoại. Trong đó có chú Thảo.

Ngày ông Nội làm lễ xuất gia, cả nhà ai cũng lên chùa. Con cháu về đầy đủ, quỳ chật trong chánh điện. Mặc dù Thầy trụ trì đã giảng một bài pháp để mọi người hoan hỉ mà mừng cho ông nội đã thoát ly ái dục về nương tựa Phật. Nhưng không ai có thể không rơi nước mắt khi thấy ông nội dường như nhỏ lại trong lớp áo sa di. Đầu ông đã cạo trọc và dáng đi của ông đã từ tốn giờ lại còn chậm hơn, chậm hơn theo từng bước chân chánh niệm.

Ông nội đi tu được một tuần chú Thảo khóc đòi đi theo ông nội. Ba chú không nở để con bỏ học lên ở trong chùa. Nhưng cũng không yên tâm để cha một mình làm một sa di già cô độc. Mặc dù thầy trụ trì xem cha như thúc phụ nhưng nguyên tắc nhà chùa người tu phải hành đạo ngay trong sinh hoạt hàng ngày. Không biết ông có thích ứng được không? Thế là sau mấy ngày suy nghĩ, ba chú đồng ý đem con lên chùa làm thị giả cho ông nội. Chú Thảo rời gia đình từ lúc đó.

Chùa khiêm nhường nằm trong một thôn xóm ở Thủ Đức. Nơi đây đã nhiều năm về trước Sư Bà đã được một Phật Tử cúng dường miếng đất để xây dựng ngôi chùa nhỏ để tu. Đây là ngôi chùa thứ hai mà Sư Bà thành lập sau khi ngôi chùa cũ đã tan nát trong một một lần pháo kích.

Sư Bà về đây sống với một chú tiểu mà sư bà nhận làm con. Chú tiểu ấy là Thầy trụ trì bây giờ. Lúc Sư Bà về đây, Thầy khoảng  12 tuổi, đang bước vào trung học.

Nghe ông nội kể lại nhà cha mẹ Thầy ở cùng xóm với gia đình ông nội. Khi Thầy còn bé, cha mẹ đút một miếng thịt hay miếng cá là Thầy đều ói ra không ăn được. Do đó vô hình chung Thầy đã ăn chay từ nhỏ cho đến tận bây giờ.

Hồi đó cả làng chỉ có một nhà thờ và một ngôi chùa nhỏ của Sư Bà. Nhà thờ nằm giữa làng rất rộng rãi khang trang, có nhiều con chiên sùng đạo. Chuông nhà thờ vang vang thôi thúc mỗi sáng mỗi chiều. Con chiên tấp nập, cuộc sống an vui.

Cuối làng, nơi yên tĩnh nhất là  ngôi chùa của Sư Bà. Sau này chùa cũng có đại hồng chung nhưng chỉ đánh vào những dịp lễ lớn. Còn thì Sư Bà chỉ dùng  mõ và chuông khánh giản đơn. Chuông nhà thờ vang xa đến tận ngôi chùa cuối làng. Và đó cũng là thời gian con chiên đi nhà thờ, người bên lương  cũng chuẩn bị lên chùa để tụng kinh sám hối.

Sư Bà từ phương xa về đây khai đất lập chùa để Phật Tử có nơi nương náu tâm linh. Những ngày mới đến thật vô cùng khó khăn với đất lạ, người không quen. Lúc ấy Sư Bà là một sư cô còn trẻ, vâng lệnh Sư Ông đi tìm nơi lập mái chùa riêng. Sư Ông sau khi giúp phát hoang miếng đất và cất lên một thảm am tranh lá thì giao lại cho Sư Bà. Ngài và các đệ tử quay về chùa tổ. Cũng may người dân nơi đây khao khát có một mái chùa nên hết lòng bảo bọc sư bà và tích cực làm công quả.

Người góp công, kẻ góp sức. Ông thầy giáo già hiệu trưởng trường làng  là một Phật tử thuần hành. Ông kêu gọi phụ huynh học sinh theo đạo Phật đến chùa giúp một tay. Cuối tuần ông hay dẫn các học sinh bên lương đến chùa để làm cỏ hay dọn dẹp vệ sinh. Từ từ trên miếng đất cuối làng hoang vu thành hình một ngôi chùa khang trang, rộng rãi mái lợp tôn, vách bằng đất đơn sơ nhưng ấm cúng và là nơi nương tựa tâm linh. Vườn chùa được trồng cây ăn trái, bông hoa để Sư bà cúng Phật.

Vì đây là vùng định cư của đa số dân miền Bắc di cư lập nghiệp nên niềm tin tôn giáo của họ rất mãnh liệt và có phần háo thắng. Ngôi chùa nhỏ là cái gai trong mắt của một số tín đồ cuồng đạo. Sư Bà chịu không ít những lời thóa mạ hay phá phách để khiêu khích người tu hành nản lòng bỏ đi nơi khác.

Nhiều lần họ quăng phân vào sân chùa. Có lần phân bay vào dính tượng ông Thiện đứng trước chùa. Sư Bà im lặng dọn dẹp, lau chùi. Có khi họ trét vào vách khi Sư Bà đi khỏi. Những hoa trái cúng ngoài bàn hộ pháp hay cúng vong đều bị đánh cắp. Thỉnh thoảng lại có vài người đến gây hấn một cách vô lý. Thế nhưng Sư Bà không nản lòng mà coi đó là thử thách trên con đường hành trì Phật Pháp. Phá mãi cũng chán, lần hồi những người nơi đây đều thấy rằng có thêm một ngôi chùa cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tín ngưỡng của mình. Ngôi chùa nhỏ và vị sư cô trẻ đã có những ngày bình yên. Phật Tử cũng hoan hỉ có nơi để đến tụng kinh, cầu nguyện và tu tập.

Thầy là bạn hồi nhỏ của chú Út chú Thảo. Hai người mỗi ngày sau giờ học đều thích lên chùa lễ Phật. Trong vườn chùa có trồng nhiều cây ăn trái rất ngon và sư bà thì rất yêu thương con nít. Sư Bà dạy cho các chú học chữ, học kinh, tập đánh mõ, đánh chuông và cho các chú ăn thức ăn chay thật ngon do chính tay Sư Bà nấu.

Mỗi khi có người trong làng bệnh nặng hay qua đời, Phật tử đi theo Sư Bà tụng kinh cầu an hay cầu siêu. Các chú cũng được đi theo. Các chú còn trẻ con nên năng động, hay nghịch hay đùa. Sư Bà thường phạt bằng cách bắt quỳ hương sám hối.

Năm thầy 7, hay 8 tuổi gì đó, Thầy bỏ nhà lên chùa ở luôn, gia đình làm thế nào Thầy cũng không chịu về. Cuối cùng cha mẹ Thầy đồng ý cho Thầy xuất gia và Sư Bà nhận Thầy làm dưỡng tử. Thầy được Sư Bà cạo trọc đầu, chỉ chừa cái vá ở trước mỏ ác. Thầy chính thức làm một chú tiểu nhỏ dễ thương. Theo ngày tháng chỗ tóc ấy dài ra. Thầy móc nó ở vành tai trông rất buồn cười.

Thầy học chung cùng lớp ở trường làng với chú út. Dù đã được Sư Bà cho xuất gia, nhưng tính tình Thầy rất hiếu động, hay nghịch phá và ham chơi. Do đó Thầy thường bị Sư Bà phạt quỳ hương. Chú út của chú Thảo lén Sư Bà thổi cho nhang mau tàn để được đi chơi với nhau. Sư Bà có lúc giả vờ như không biết chỉ mỉm cười khoan dung. Nhưng có lúc cũng phạt hai chú cùng quỳ hương vì cái tội gian dối không thực hành đúng tam quy, ngũ giới của nhà Phật.

Bà nội chú Thảo kể về Sư Bà với một lòng tôn kính. Chính Bà Nội đã cúng dường Đại Hồng Chung cho chùa. Bà nội tâm niệm đem tiếng chuông nhà Phật vang xa, để mọi người nghe mà bớt làm điều ác. Ai có gây lộn hay ăn cắp ăn trộm cũng giật mình mà dừng lại.

Sư Bà là một người uyên bác kinh sách, giỏi nấu ăn cũng như thêu may. Nghe nói Sư Bà xuất thân từ một gia đình danh giá nhưng không biết vì sao chọn con đường tu hành. Có những mùa An Cư Kiết Hạ. Sư Bà  vào tịnh thất một hoặc hai tháng. Sư Bà phải tịnh khẩu và không giao tiếp với bất cứ ai trong thời gian nhập Hạ. Mỗi khi có việc thật cần Phật Tử viết giấy lòn vào cửa phòng để hỏi. Cửa phòng thật ra chỉ là một liếp cửa được đan bằng những cây trúc nhỏ và được trét đất cho kín.

Mùa mưa, đất ẩm, kiến từng đàn bò vào phòng, Phật tử muốn tìm cách diệt kiến nhưng Sư Bà viết giấy gửi ra không cho sát sanh. Chỉ khuyên là mỗi đêm nên cầu nguyện và tụng kinh cho kiến đi hướng khác. Ngày Sư Bà ra Hạ với một thân thể gầy nhom, người đầy những vết ghẻ vì kiến cắn. Phật Tử ai thấy cũng đau lòng.

Khi chiến tranh đến hồi ác liệt, ngôi chùa vắng cuối làng bị nhiều lần pháo kích lẫn đụng độ nên hư hại nặng. Lần pháo kích cuối, đạn pháo rơi vào ngay chánh điện. Ngôi chánh điện tan hoang, Phật bể nát, vườn chùa xơ xác.

Rất may một Phật tử của Sư Ông biết tin này, đã cúng dường một phần miếng đất của mình ở Thủ Đức để Sư Ông cho đệ tử mình lập một thảo am nương náu. Sư Bà chia tay Phật Tử, rời bỏ ngôi chùa đổ nát dẫn Thầy ra đi. Thầy rời bỏ làng quê, gia đình, người thân và người bạn thời thơ ấu để theo Sư Bà.


 Sư Bà về đây được một thời gian thì người Phật Tử giàu lòng bố thí đó cúng dường nguyên phần đất của mình để theo con. Sư Bà từng bước xây dựng thành ngôi chùa nhỏ để tiếp tục tu hành và hoằng dương Phật Pháp. Thời gian trôi qua Thầy lớn dần không còn là một chú tiểu nhỏ mà là một vị tăng sĩ được tu học ở Cao Đẳng Phật Học và sau này là Viện Đại Học Vạn Hạnh tại Thành Phố Sài Gòn.

Chú Út của chú Thảo vào quân đội và theo từng chuyến hải hành ra khơi. Mỗi khi tàu về bến có dịp chú lại ghé chùa thăm Sư Bà và người bạn cũ. Một người tu hành, một người lính chiến hai mảnh đời trái ngược nhau, nhưng tình bạn của họ không vì vậy mà thay đổi.

Ngày 30 tháng tư năm 1975, chú Út theo tàu di tản ra nước ngoài. Thầy về chùa cùng Sư Bà tiếp tục tu hành. Sư Bà viên tịch Thầy chính thức làm trụ trì ngôi chùa này. Khi ấy Thầy đã là một Đại Đức được nhiều người kính nể.

Những ngày Bà Nội chú Thảo còn sống, bà cũng hay lên chùa của Sư Bà để thăm viếng và cúng dường. Bà thường dặn dò con cháu. "Nếu một mai nội có nằm xuống thì tuyệt đối không được giết gà, vịt, heo làm đám. Phải cúng chay, tổ chức đám ma đơn giản. Không được rước thầy tụng về tụng kinh đám ma. Họ ê a để lấy tiền chứ không có công đức gì. Hãy lên chùa Sư Bà, thỉnh Thầy về tụng kinh cho nội. Thầy tu từ nhỏ, ăn chay từ nhỏ, con người đạo đức, kinh pháp uyên thâm, sẽ giúp cho hương linh nội siêu thoát."

Lễ tang bà nội, Thầy đến nhà và cùng tăng chúng tụng kinh siêu độ hương linh một cách chí thành. Tình hàng xóm láng giềng ngày xưa bây giờ thêm gắn bó. Thầy tôn kính ông nội như một người bác họ. Dìu dắt ông nội trên con đường tu tập tại gia. Ông Nội cũng thỉnh thoảng lên chùa ở lại với Thầy để nghe kinh và nghe Thầy giảng Pháp. Lần lần ông nội giác ngộ, không muốn sống ở nhà với những ràng buộc của gia đình con cái. Ông không còn muốn vướng bận về nhà cửa, đất đai, những vui buồn đời thường do con cháu tạo ra. Ông dứt khoát tìm con đường giải thoát.

Thầy nói với ông nội: Đi tu không bao giờ là muộn, miễn mình có thể dứt bỏ được trần duyên, tâm không bị ràng buộc bởi tham, sân, si, ái, dục là con đường tu rộng mở. Thầy sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho ông nội lên chùa Thầy tu hành.

Và thế ông nội chú Thảo trở thành một sa di già trong ngôi chùa này. Chú Thảo vì thương ông nội cũng theo ông lên chùa mà không biết rằng số phận mình đã thay đổi từ đây.

Ông Nội được Thầy cho ở một căn phòng nhỏ sau hậu liêu gần phòng của Thầy. Phòng nhỏ nhưng cũng tạm đầy đủ tiện nghi cho một tăng sĩ già. Chiếc giường nhỏ, bàn viết, kinh sách là gia tài bây giờ của ông nội.

 Khi chú Thảo đến ở, Thầy cho đem vô một cái ghế bố để chú Thảo làm giường. Từ đây chú Thảo không còn lo lắng cho ông nội như lúc chú còn ở nhà. Chú là thị giả, là người sẽ phục vụ nội mỗi khi ông cần. Chú rất vui mỗi khi ông nội sai bảo. Tối đến chú chờ nội lên giường rồi chú mới đi ngủ. Mà thật lạ, trong giấc ngủ say của trẻ con, chú lại có cảm giác đêm đêm nội lại đến đắp mền hay tấn mùng cho chú.

Cảm giác yêu thương và hạnh phúc đó khiến chú gần gũi với nội hơn. Chú không còn sợ ông nội như xưa. Ông nội đi tu dường như ông ít nghiêm hơn. Ông hay cười,nụ cười hiền lành ấm áp.

Chú thương ông nội vô cùng. Có ông nội chú không còn thấy nhớ nhà mà lại thích được ở đây cùng ông hàng ngày tụng kinh lễ Phật.

Mỗi ngày ông nội dậy sớm, chú Thảo cũng dậy sớm theo. Ông nội đi lên chánh điện chú cũng lên theo. Nội ngồi tụng kinh chú cũng cầm kinh tập đọc theo. Nội thỉnh mỏ, chú cũng tập thỉnh chuông. Những nghi thức ở chùa chú cũng tập theo nhuần nhuyễn. Nhờ tụng kinh chú biết đọc, biết viết nhanh hơn. Chú muốn làm chú tiểu được cạo đầu như ông nội nhưng chú chưa được phép của cha mẹ để xuất gia.

Hè đã hết, chú quyết định ở chùa luôn với ông nội nên thầy trụ trì xin cho chú đi học ở trường Tiểu học gần chùa. Cha mẹ chú Thảo sợ chú sẽ giống ông nội đi tu luôn nên kêu chú về nhà nhưng chú không chịu. Chú quyết ở đây để chăm sóc ông nội..

Mỗi sáng sớm ông nội dậy sớm tụng kinh và đi thiền hành, chú Thảo cũng đi từng bước đi theo. Ông nội lấy chổi quét sân chùa, chú giành lấy làm nhưng nội không cho. Ông nói quét lá cũng là quét đi phiền não tạp niệm, đó cũng là tu. Chú chưa biết tạp niệm là gì nhưng chú cũng tập quét lá theo ông nội. Chú kiếm chỗ lá rụng nhiều để quét cho nội khỏi làm nhiều đau lưng. Quét qua một lát chổi, chú tập niệm "Nam Mô A Di Đà Phật" như ông nội. Chú cười thật tươi khi sân đã quét xong. Chú rót cho nội một tách trà rồi đưa ông ngồi xuống ghế nghỉ ngơi. Ông nội nhìn chú thương yêu, chú tắm mình trong nụ cười yêu thương đó. Chú hốt những rác bỏ vào thùng và lẩm bẩm: "Những tạp niệm phiền não gì đó của ông nội hãy vào hết đây" rồi chú tung tăng đến trường.

Ông nội không được khỏe, ông  đau lưng nhiều và không muốn ăn. Chú Thảo buồn lắm cứ loanh quanh bên nội. Buổi sáng ông nội không ngồi lâu tụng kinh được. Buổi tối cúng sám hối cũng vậy. Ông được thầy trụ trì cho phép ngồi ghế hay đứng lên nếu quá đau. Mỗi buổi sáng, chú Thảo dậy sớm hơn lo cho nội và quét hết sân để kịp giờ đến trường. Chú lại đổ rác và nghĩ một mình "Sao tạp niệm và phiền não hốt mỗi ngày mà ông nội vẫn than đau. Sao mình không đau dù chạy nhảy, làm việc nhiều hơn ông. Nội đã già lại hay đau thật tội nghiệp làm sao"

Hôm nay chú Tám rước ông nội về nhà để đi Bác Sĩ. Chú Thảo thấy mình thật cô đơn. Căn phòng chỉ còn mình chú, chú nhìn qua giường ông nội trống trơn. Chú đã làm bài xong nhưng không thể nào chợp mắt. Chú lên chánh điện và quỳ xuống tụng một thời kinh cầu bình an cho  nội. Không có ông nội, chú cũng dậy sớm lễ Phật và quét sân chùa trước khi đi học. Mỗi lát chổi chú không nghĩ gì khác ngoài cầu cho ông nội chú mau lành bệnh.

Một tuần sau ông nội về chùa, chú Tám nói chú muốn giữ ông nội lại cho con gái theo dõi điều trị nhưng ông nhất quyết về chùa. Ông nói đã xuất gia phải ở chùa để tụng kinh niệm Phật. Ông nhớ chùa và nhớ không gian yên tĩnh ở đây.  Ông nội bị bệnh thoái hóa cột sống và thần kinh tọa nên đau đớn lắm. Mỗi buổi chiều Trầm con gái chú Tám chạy qua chùa chích thuốc, thăm bệnh ông nội. Chú Tám cũng nấu canh chay gửi sang cho ông tẩm bổ. Có một lần vì thương cha ăn chay không đủ chất bổ dưỡng, chú lén mua thịt về hầm lấy nước cốt rồi nấu canh chay gửi qua chùa. Ông nội nếm thử rồi không ăn. Ông kêu Trầm đem về và nói từ nay ông không ăn đồ ăn chú Tám nấu nữa. Chú Tám sợ quá phải qua chùa quỳ sám hối, ông nội mới tha cho.

Ông nội bệnh càng ngày càng nặng, những cơn đau làm ông nội sa sút thấy rõ. Bác sĩ khuyên nên đem ông về nhà. Mỗi khi tỉnh lại ông nội đều nhìn chú Thảo thương yêu, dặn dò chú ráng học giỏi và làm điều tốt, nhất là nghe theo lời dạy dỗ của thầy trụ trì. Ông nội không dậy nỗi để ăn hay uống nước, chú Thảo phải nhiểu từng giọt sữa vào miệng cho ông nội cầm hơi. Thầy nói nội khó thể qua khỏi nên chư tăng ở chùa thay phiên nhau tụng kinh cầu an. Các chùa khác quanh vùng cũng cử từng phái đoàn tăng ni chúng đến tụng kinh bên giường ông nội. Một ngày ông nội yếu dần, thầy gọi cả đại gia đình đến chùa để nhìn mặt ông lần cuối. Con cháu đông đủ cùng thầy trụ trì  chuẩn bị tang sự cho ông nội. Hôm đó chú Thảo đứng bên giường ông  nội, nhìn thấy hơi thở ông yếu dần rồi từ từ dừng hẳn. Thầy dặn đừng ai đụng đến thân thể nội, ai muốn khóc ra ngoài mà khóc, hãy để nội nghe kinh và nhẹ nhàng theo Phật. Các thầy liên tục tụng kinh, gia đình nhất tâm niệm Phật theo hồi chuông mõ. Nội nằm im mắt nhắm yên bình như đang ngủ. Gần dứt hồi kinh, thầy chuẩn bị lấy khăn phủ mặt nội thì bỗng dưng nội mở mắt. Ông nội nhìn khắp lượt và sống trở lại khiến ai cũng hoảng kinh.

Ông nội kể rằng tự dưng ông thấy mình hết đau nhức, người nhẹ nhàng như muốn bay lên. Ông thấy một vùng sáng trắng bao bọc xung quanh và như cuốn ông đi. Ông không hiểu điều gì đang xảy ra nên cứ đi theo vùng sáng ấy. Ông đến bên một chiếc cầu, ông đặt chân lên cầu và đi vài bước. Chợt nghe tiếng tụng kinh vang vọng, ông sực nhớ rằng tới giờ  tụng kinh sám hối buổi tối nên vội quay quả trở về chùa. Ông nói ông chạy nhanh lắm sợ trễ giờ cúng và ông tỉnh lại thấy mình nằm trên giường.

Thầy và các sư ông chùa khác đều rất mừng coi như đó là hiện tượng lạ, là phước báo hồi sinh của ông nội. Con cháu mừng khôn xiết. Chú Thảo ôm lấy nội mà khóc vì vui. Lạ là khi tỉnh lại, ông nội hết đau đớn, người khỏe mạnh tâm hồn lạc quan vui vẻ.

Thầy cho xây thêm phòng để các khóa tu học có nơi ăn ở cho các tăng sinh. Ông nội được thầy giao ngó chừng mọi việc khi thầy đi vắng Ai cũng thương và kính trọng ông tăng già hiền lành tốt bụng. Các phòng đã xong, các khóa học đã mãn, thỉnh thoảng ông nội được Thầy dẫn đi làm Phật sự. Ông nội làm thị giả cho Thầy, chú Thảo làm thị giả cho ông nội, chú Thảo cảm thấy mình hạnh phúc và đầy phước báo khi vẫn còn được chăm sóc cho ông nội mỗi ngày.

Thầy nói ông nội đã giúp thầy chăm sóc chùa mỗi khi thầy đi vắng. Ông nội xuất gia chưa lâu nhưng đức độ và lòng từ bi khiến mọi người kính trọng. Do vậy thầy dự tính sẽ để ông nội an trú trong sân sau chùa khi ông nội mất. Ông nội sẽ là hộ pháp bảo vệ ngôi chùa này. Ngay những ngày còn sống, thầy cho ông nội chọn phần đất riêng mình. Ông nội chọn một góc cuối vườn chùa. Thầy đã xây cho ông nội một ngôi tháp nhỏ ở đó.

Một năm sau khi tháp ông nội xây xong, một đêm ông nội trở dậy, ông không đánh thức chú Thảo mà tự mình đi vệ sinh. Có lẽ ông bị chóng mặt nên đã té ngã ngay trong căn phòng của hai ông cháu. Ông nội bất tỉnh hai ngày là mất.  Đám tang ông nội không quá bi thương vì ai cũng hiểu đã đến giờ ông nội ra đi. Con cháu bịt lên đầu chiếc khăn màu vàng tang chế. Chú Thảo không dám khóc lớn sợ bị thầy la, chỉ lén lau nước mắt, cầu nguyện Phật Di Đà rước hương linh ông nội về nơi Cực lạc. Mọi người tụng kinh cầu nguyện, các tăng ni các chùa đến tụng kinh tiễn đưa vị sa di già về nơi an trú. Đó là ngôi tháp nhỏ nằm khiêm nhường sát hàng rào cuối chùa. Ông nội mãi mãi nằm đây với ngôi chùa ông đã chọn. Đây là mái nhà cuối đời của ông, nơi ông không bao giờ vướng bận chuyện của cải, vườn tược, gia đình, con cháu.

Sau đám tang ông nội, cha mẹ chú Thảo đến xin Thầy rước chú về nhà. Chú quỳ xuống xin cha mẹ cho chú chính thức quy y. Chú nói bao năm sống bên ông nội, ngôi chùa này ví như nhà của chú. Chúc muốn suốt đời ăn chay tu hành, tụng kinh đốt nhang cho ông nội.

Mẹ chú Thảo khóc, ba chú ngồi trầm ngâm. Ông đã đoán được điều này ngay khi cho con lên chùa với cha. Cả tuổi thơ chú Thảo gắn bó ở đây, chú sẽ không thích hợp khi trở về cuộc sống đời thường. Ông gửi gấm chú Thảo lại cho Thầy trụ trì và ra về. Thầy bắt chú Thảo phải hoàn tất những khóa học và vượt qua những bài thi do Thầy quy định Thầy mới chấp thuận cho chú Thảo xuất gia.

Ngày chú Thảo chính thức cạo tóc quy y, Thầy cũng cạo đầu cho chú như thầy ngày xưa Thầy được Sư Bà cạo. Cũng chừa một chỏm tóc phía trước để dài vắt sau vành tai. Có lẽ Thầy muốn nhìn lại mình ngày xưa. Bây giờ ông nội mất, đi đâu Thầy cũng dẫn chú Thảo theo. Chú là thị giả của Thầy trụ trì. Mỗi sáng, theo thói quen chú Thảo dậy sớm, ra thắp hương ngoài tháp rồi mời hương linh ông nội vào nghe kinh. Sau thời kinh chú đi quét lá sân chùa. Những lá cây bàng trồng trong khuôn viên chùa rụng không nhiều nhưng chú cũng thích quét. Chú cố gắng quét thật chậm như ông nội mà không được. Chú còn phải đi học, đến trường và còn bài vở phải làm. Chú dừng chổi và chợt hỏi mình ên:

-Ông nội ơi! bài vở ở trường có phải là tạp niệm không ông nội?

Nguyễn thị Thêm


Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Biết Bao Kỷ Niệm Thật Êm Đềm!

Hà Ngọc Thuần gặp gỡ Đào Hoàng Nga ở đâu nhỉ?Mối Tình Gió Khơi đó nghe!

Hà Ngọc Thuần và Đào Hoàng Nga ơi,
Hà Ngọc Thuần-Đào Hoàng Nga và Bùi Duy Tâm biết bao kỷ niệm thật êm đềm, phải cả một cuốn album mới ghi lại các hình ảnh thân thương giữa 2 chúng ta.
Bây giờ chỉ nhắc sơ qua vài chuyện thật ý nghĩa trong đời thôi nhé!

Ai xui Bùi Duy Tâm làm Báo GIÓ KHƠI và là Linh Hồn của tờ báo với vai CHỦ BÚT

Biết bao kỷ niệm với anh em Hà Ngọc Thuần-Hà Ngọc Lương và với gia đình Đào Hoàng Nga
(Cụ thân sinh và 2 anh em Đào Hoàng Đức, Đào Hoàng Trung)

Mấy ai còn giữ được hình ảnh Mai Văn Hòa, Vô Địch Bóng Bàn Thế Giới tại Tokyo,
làm cho đối thủ Nhật Bản (đương kim vô địch thế giới) phải khóc sướt mướt vì thua trận trung kết.

Đi Tù vài lần rồi Vượt Biên qua mấy cuộc Biển Dâu mà còn giữ được các kỷ vật như vậy đó!


 ---- o0o---

Nguyễn Đức Năng ơi,
Đây là hình ảnh của một số nhân vật có liên hệ mật thiết với bạn đấy:
 (GS.Nguyễn Khắc Minh (hình chụp khoảng một năm trước khi ông qua đời vì ung thư đại tràng di căn)

(GS. Nguyễn Khắc Hoạch, Khoa Trưởng Văn Khoa Đại Học Saigon ngồi bên trái Bùi Duy Tâm, trước mặt là GS. Lê Văn Thới, Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học Saigon, cuối bàn là GS. Nguyễn Văn Ái, Viện Trưởng các viện Pasteur VN, bàn bên kia là GS.Chu Phạm Ngọc Sơn. Ngồi trước mặt Bùi Duy Tâm là GS. Nguyễn Cao Hách, Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa Saigon (trong bữa tiệc Tổng Thống Park Chung Hi đãi các lãnh đạo giáo dục y tế VN sang Hán Thành Seoul năm 1967 dự lễ tấn phong Tổng Thống Đại Hàn)

Nhạc Sĩ Phạm Duy và GS. Trần Văn Khê tại tư gia Bùi Duy Tâm, San Francisco năm 1988

Từ trái: Thái Thanh-Vợ tôi-Thái Hằng
(trong chuyến lên chơi nhà chúng tôi tại San Francisco năm 1989, rủ bạn bè gần xa đến hằng đêm đàn ca vui chơi )

Tất cả đã ra người thiên cổ (trừ GS.Chu Phạm Ngọc Sơn kém tôi 2 tuổi)
Ôi, những người bao năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ!

Bùi Duy Tâm

Thơ Đã Đổi Vần


Bụi cúc hoe vàng một góc sân
Kìa như lấp ló bóng thu gần
Loay hoay mấy chốc vàng thu lửa
Thảng thốt đâu ngờ điệu sóng ngân
Bỡ ngỡ tình đầu trao nghệ sĩ
Bâng khuâng đoạn cuối đợi thi nhân
Hương thu lãng đãng vờn trong nắng
Có phải lời thơ đã đổi vần.

Lê Mỹ Hoàn
9/10/2021

Malagueña Salerosa - Cô Gái Málaga Kiều Mỵ

Jeane Manson là một ca sĩ Hoa Kỳ, rất nổi tiếng ở Âu Châu qua bản nhạc Avant De Nous Dire Adieu mà cô trình bầy bằng tiếng Pháp. Bản nhạc này là phiên bản Pháp Ngữ của bản Porque El Amor Se Va tiếng Tây Ban Nha. Jean Manson cũng đã hát bằng tiếng Tây Ban Nha bản nhạc này. Sau đây là một bản nhạc Tây Ban Nha khác mà Jean Manson hát thật hay.


Malagueña Salerosa

Qué bonitos ojos tienes

Debajo de esas dos cejas

Debajo de esas dos cejas

Qué bonitos ojos tienes

Ellos me quieren mirar

Pero si tú no los dejas

Pero si tú no los dejas

Ni siquiera parpadear

Malagueña salerosa

Besar tus labios quisiera

Besar tus labios quisiera

Malagueña salerosa

Y decirte niña hermosa

Eres linda y hechicera

Eres linda y hechicera

Como el candor de una rosa

Si por pobre me desprecias

Yo te concedo razón

Yo te concedo razón

Si por pobre me desprecias

Yo no te ofrezco riquezas

Te ofrezco mi corazón

Te ofrezco mi corazón

A cambio de mi pobreza

Malagueña salerosa

Besar tus labios quisiera

Besar tus labios quisiera

Malagueña salerosa

Y decirte niña hermosa

Eres linda y hechicera

Que eres linda y hechicera

Como el candor de una rosa

Y decirte niña hermosa....


***

Phóng Tác:

Cô Gái Málaga Kiều Mỵ


Đôi mắt em mới đẹp biết bao

Dưới cặp lông mày đầy quyến rũ.

Ôi, dưới hàng lông mày rạng rỡ

Mắt em sáng như những vì sao


Đôi mắt ấy muốn ngắm nhìn anh 

Nhưng sao em cố tình lảng tránh.

Sao em không để chúng nhìn anh, 

Dù chỉ một chớp mắt thật nhanh? 


Cô gái Málaga dễ thương 

Đôi môi em anh muốn được hôn

Anh muốn gắn môi anh trên ấy

Hỡi cô gái kiều mỵ mê hồn.


Anh muốn nói với em là em 

Đẹp kiêu sa khiến anh mê mẩn

Cho hồn anh rộn rã lên men

Em đẹp tựa đóa hồng trinh nguyên.


Nhưng nếu em chê anh nghèo khó

Không thể tặng em sự giầu sang

Thì anh xin chấp nhận điều đó 

Vì anh nghèo, sự thật rõ ràng.


Những mà em ơi, để bù lại 

Anh tặng em trọn trái tim này, 

Trái tim yêu nồng nàn, bỏng cháy, 

Anh dâng em bằng cả hai tay.


Cô gái Málaga dễ thương 

Đôi môi em anh muốn được hôn

Anh muốn gắn môi anh trên ấy

Hỡi cô gái kiều mỵ mê hồn.


Anh muốn nói với em là em 

Đẹp kiêu sa khiến anh mê mẩn

Cho hồn anh rộn rã lên men

Em đẹp tựa đóa hồng trinh nguyên. 


Người đẹp ơi, điều anh muốn nói...


Mùi Quý Bồng

(phóng tác, và thêm chút...gia vị)

04/25/2019


Cô Liêu


Sông thu nhè nhẹ sóng cô  liêu 
Chiếm lấy hồn ta suốt buổi chiều 
Thoảng tiếng chuông chùa Thiên Mụ gọi  
Ru hồn mục tử tiếng thông reo 

Cảnh đó người đây sầu cổ độ 
Người về Tây Trúc gió trăng theo 
Đêm tiếp nối ngày... mòn mỏi đợi 
Hồn ta tơ tưởng một đôi điều...


Thư Khanh
Seattle- 2021 

Một Thoáng Mơ Phai

(Bản Đồ - Tác giả phát họa)

Có những kỷ niệm tưởng chừng như đã quên, sẽ không bao giờ trở lại, nhất là trở lại trong một khung cảnh hoàn toàn xa lạ như xứ Đức nơi tôi đã đến cách đây 50 năm và ở lại cho đến bây giờ.... Thế mà, khi đọc câu chuyện Bình Đông Bình Tây với cội Mai già, rồi hôm nay thêm câu  chuyện "Khu Nancy ở Saigon" của anh Nguyễn Minh Nữu thì tâm hồn tôi đã bay bổng trở về với khung cảnh ngày xưa với những hình ảnh không xa khu Nancy bao nhiêu - Đại lộ Cộng Hòa – Tất cả như ....Rồi mùa xuân qua đây lạc loài, đường quen xưa bùi ngùi, một thoáng mơ phai ("Một Thoáng Mơ Phai" của Trần Thái Hòa).

Từ cư xá Chu Mạnh Trinh vùng Phú Nhuận, gia đình ba mẹ tôi dọn về Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Quốc gia ở đại lộ Cộng Hòa. Ngày ấy tôi mới bắt đầu vào lớp 3 trường tiểu học Phan đình Phùng (đường Nguyễn Thiện Thuật, thuộc khu Bàn Cờ).

Trung Tâm Huấn Luyện nằm đối diện với trường trung học Petrus Ký trên đại lộ Cộng Hòa. Trung Tâm có những dãy cư xá dành cho học viên là các ông trưởng ty, quận trưởng, đến tu nghiệp, tham dự khóa học, một câu lạc bộ có thể chứa đến hơn 200 người, một sân thể thao rất rộng có cả sân bóng chuyền và một xạ trường tập bắn súng rất tân tiến dưới hầm, bên trên xạ trường là 2 sân đánh vũ cầu trong nhà..... Ba tôi là người điều hành Trung Tâm và cũng là một giảng viên nên được cấp nhà ở ngay trong khuôn viên của Trung Tâm.

Thuở ấy anh em chúng tôi chỉ biết có 2 nhà hàng xóm: nhà bác Mộc có 2 cô con gái và nhà bác Khôi có 2 thằng con trai. Hai cô con gái nhà bác Mộc nhỏ tuổi hơn nên hai chị em chỉ quanh quẩn trong nhà, ít khi ra sân chơi. Có lẽ 2 cô cũng sợ anh em chúng tôi vì chỉ toàn là con trai. Phá làng phá xóm là bọn tôi gồm 2 cậu con trai hàng xóm cộng với 6 anh em của tôi vị chi là 8. Là đứa con gái duy nhất trong bọn nên tôi đánh đu theo những trò chơi của con trai.
Ngoài thời gian ở trường, về đến nhà, chúng tôi đem banh ra sân, chia làm 2 đội để đá với nhau mà không cần có trọng tài. Chạy theo trái banh dưới trời nắng nổ đom đóm mắt mà vẫn không dành được trái banh trong chân mấy thằng con trai, tôi luôn tự hỏi "sao không lấy thêm vài trái banh vào sân để khỏi dành nhau". Làm sao tôi biết được là môn đá banh được cả thế giới yêu chuộng cũng chỉ vì 1 trái banh mà 22 cầu thủ phải "dành" nhau trong mỗi trận đá là cả một tài nghệ, một kỹ thuật ăn tiền, là thắng thua chỉ vì 1 trái banh. Đã chạy trối chết để dành trái banh, toát cả mồ hôi, tóc tai tèm nhẹp, lại thêm bị cát nóng chà xát vào ống quyển, đau đến chảy cả nước mắt mà cũng không rớ được tới trái banh đang được ông anh kềm trong chân!! Con nít đá banh thì làm gì có giày có vớ nhà nghề như mấy cầu thủ mà chỉ là những đôi chân trần của bầy nhóc tì, cho nên môn đá banh sớm bị tôi cho ra rìa, không tham gia nữa.

Thiếu "cầu thủ" nên anh em tôi bày ra chơi tạt hình. Có được bao nhiêu tiền cắc dành dụm, anh em tôi rủ nhau đi mua những xấp hình ở tiệm chạp phô trên đường Lý Thái Tổ gần nhà. Tiệm nhỏ xíu nhưng mua gì cũng có. Mua mấy xấp hình về rồi ngồi cắt thành từng tấm hình nhỏ. Mỗi lần chơi phải chồng 5-6 tấm của phần mình, xong mỗi đứa cầm 1 chiếc dép, đứng lui ra sau cách chồng hình khoảng 5-6 thuớc. Từ đó phải tạt chiếc dép làm sao cho trúng chồng hình cao cao đặt trong vòng tròn phía đằng trước. Hình tạt được bao nhiêu là thuộc về mình bấy nhiêu. Chỉ vài lần tạt hình là biết ngay đứa nào giỏi đứa nào dở ngay. Thằng em kế của tôi tạt hình rất thiện nghệ.
Sau này tôi mới "ngộ" ra là nó ăn gian. Khi tạt, tôi hay đứng thẳng đuột người, tạt chiếc dép ra đằng trước, phần lớn dĩ nhiên là tạt hụt, không "ăn" được tấm hình nào. Còn nó thì vừa bước tới 1-2 bước vừa tạt, nên tạt lần nào xấp hình cũng bay tung tóe... Môn này tôi cũng ô rờ voa, rút lui vì chỉ mất tiền vô ích mà còn bị nó chọc quê "tạt gì mà dở ẹc!".

Đến mùa mưa, cây cối cỏ sậy trong khuôn viên Trung Tâm mọc um tùm nên có rất nhiều dế. Dế lửa, dế than, gáy vang trời khi tắt mặt trời... Lúc đó tôi chưa biết phân biệt dế đực và dế mái. Cứ thấy con dế đang bò men theo vách tường là tóm cổ, nhét vào chai sirô, không cần biết dế thuộc giới tính nào. Sau này khôn ra mới biết là dế mái không bao giờ có vân trên cánh và dĩ nhiên là hiền khô, không biết đá!!! Con dế đực nào có nhiều vân trên cánh là dế háo chiến, đá trăm trận trăm thắng. Dế than màu đen và dế lửa màu nâu. Dế lửa đá "ngầu" hơn dế than v...v... Trước khi đem dế ra đá phải cho dế ăn cỏ non, ăn xong phải làm cho nó say bằng cách cho nó quay vù vù trong không khí. Dế quay tít nên bị chóng mặt, thả xuống dế đi lảo đảo, nhào vô tấn công đối thủ ngay. Mà muốn cho dế quay thì phải dùng một sợi tóc dài.Tóc thì mấy thằng con trai nhà tôi làm gì có, toàn húi cua. Thế là mái tóc dài lúc nào cũng bù xù của tôi được trưng dụng tối đa: đứa giựt bên này, đứa giựt bên kia. Hết chống đỡ chỉ còn nước la oai oái!! Ban đêm, đứa nào cũng đem dế theo vào phòng ngủ, nhét dưới gối. Đêm khuya dế bắt đầu nỉ non, gáy vang trời. Bọn con nít chúng tôi ngủ say làm sao biết được là mấy con dế thần sầu quỹ khốc của chúng tôi đã làm phiền cha mẹ mình. Sáng hôm sau ngủ dậy mới biết là những cái hộp đựng dế của chúng tôi
đang nằm lăn lóc ngoài vườn, và mấy chiến sĩ dế cũng đã tung cánh chim tìm về tổ ấm là các hang hóc đâu đó trong vườn. Thế là hết mùa đá dế....

Trong 2 thằng hàng xóm của tôi có thằng em là thằng Phát, lâu lâu nó lại thích làm dáng yểu điệu như thục nữ nên tôi cũng có "bạn gái". Để làm con gái, Phát phải nhặt các lọn gỗ bào khá dài quăn tít kẹp lên mái tóc ngắn ngủn của nó. Dạo đó hai đứa tôi thích bắt chước hai cô ca sĩ Lệ Thanh và Thanh Thúy. Sân khấu của chúng tôi là mái hiên của câu lạc bộ. Mỗi ca sĩ ôm một "Microphone" là chậu cây mai cao ngang tầm chúng tôi. Lúc hát, hai ca sĩ làm bộ lấy tay hất "mái tóc" là những lọn gỗ bào ra đằng sau, mắt thì liếc làm duyên với đám khán giả là bầy con trai ngồi bên dưới.... Phát học trường Tây, đi học có xe Cyclo đưa đón. Tôi thì cuốc bộ đến trường, đi chung với cậu em học sau tôi một lớp. Sáng ra chưa tỉnh ngủ, hai chị em tôi ra đến bùng binh Cộng Hòa, ở đây rộng thoáng, gió các ngã đường thổi về, lạnh đến co ro.... Hai chị em tôi có bữa phải ngồi thụp bên lề đường vì gió, rồi dựa lưng nhau ....nhắm mắt ngủ một chặp, trước khi băng qua đường Phạm Biểu Chánh rồi Hồng Thập Tự để sang bên kia bùng binh là đường Nguyễn Thiện Thuật, nơi có trường tiểu học Phan Đình Phùng của chúng tôi.
Ngoài những trận đá banh, chạy đua, tạt hình hay vật lộn chung với bọn con trai, Phát và tôi rất "ghiền" chơi riêng với nhau, hết bày trò chơi này đến trò chơi khác cho đến tối mịt mới chịu về nhà. Trò chơi mà hai đứa tôi thích nhất là làm "đậu đỏ bánh lọt": cạo phấn trắng hòa với nước
lạnh vào chén để làm nước dừa, cắt dây thung màu xanh lá cây ra từng khúc ngắn làm bánh lọt và dây thung màu đỏ làm đậu đỏ. Trong khuôn viên Trung Tâm trồng rất nhiều cây trứng cá.
Đến mùa trứng cá chín, hai đứa tôi hái từng rổ trứng cá, bóp ra làm chè Kê..... Cho đến một ngày, hình như là sinh nhật của tôi, Phát rủ tôi đi hái hoa ở công viên trước hội trường lớn của

Trung Tâm. Gió mát hây hây, mây trắng bay trên đầu, đang mải mẻ hái hoa, bỗng dưng Phát quay nhìn tôi rồi nói "tụi mình giống vợ chồng ghê há!". Không hiểu sao, một cảm giác là lạ, rờn rợn chợt đến trong tôi. Cũng "thằng Phát" của mọi ngày, sao bữa nay nó nói gì mà giống như người lớn! Từ đó tôi hay lãng tránh Phát, không muốn chơi riêng với Phát nữa. Không có bạn gái, Phát mon men làm quen với 2 cô con gái nhà bác Mộc. "Ghét" Phát ăn nói kỳ cục nhưng thấy Phát có bạn mới, tôi lại tức, tức hay ....ghen?? Sau này gia đình tôi không còn ở Trung Tâm nữa mà dọn về Trương Minh Ký. Trước ngày sang Đức, nghe mẹ tôi kể là bác Khôi trai đã mất và Phát thì vào Biệt kích Dù của Mỹ....

Trường Petrus Ký nằm bên kia đường, đối diện với Trung Tâm Huấn Luyện. Hai bên đại lộ ngày ấy có hai hàng cây Điệp và cây Phượng trồng xen kẽ. Hè đến, hoa Điệp màu hồng và hoa Phượng màu đỏ nở rộ rất đẹp. Những trái Phượng dài dài màu xanh, mọc chen lẫn trong đám hoa đỏ ối, hoạ hoằng lắm mới có trái chín khô rơi nằm chỏng chơ trên mặt đất. Cây Điệp thấp hơn và trái Điệp cũng nhỏ hơn, màu đen. Mùa hè trái Điệp thi nhau rụng đầy lề đường. Anh em tôi thường lượm trái Điệp, đập ra lấy hột làm bi bắn ná....Mùa hè đến cũng là mùa thi tuyển vào đệ thất của các nam sinh. Kết quả của cuộc thi tuyển thường được đọc qua Microphone vang cả một khúc đường từ sáng cho đến trưa. Phụ huynh và các tuyển sinh đứng chờ trước cửa từ sáng sớm để nghe kết quả. .... Hết phần xướng danh, ngưòi thì mừng rỡ vui mừng vì trúng tuyển, kẻ thi rớt thì tiu nghỉu buồn xo, tiếng xe gắn máy, tiếng cười nói..... Đại lộ Cộng Hòa ngày ấy không biết đã chứng kiến bao lần cảnh vui mừng sung sướng hay đau khổ dở khóc dở cười của các cậu học trò Saigon. Các anh em trai nhà tôi đều là học sinh của ngôi trường cổ kính Petrus Ký.


Năm tôi thi vào đệ thất trường Trưng Vương là năm có trận lụt rất lớn ở miền Tây. Bài luận văn thi tuyển năm đó có đề tài đại khái là "em nghĩ gì về nạn lũ lụt ở miền Tây". Con bé 10 tuổi đầu là tôi lúc đó chẳng nghĩ gì đến cảnh nhà trôi, đường lở, cầu sập, người chết, đói khát ....mà chỉ "bận tâm" một điều duy nhất là lũ lụt như thế này thì học trò làm sao đi thi đệ thất, giấy mực đâu mà thi? Thế là con bé hý hoáy viết đến 2 trang giấy, chỉ lo suy nghĩ làm thế nào để mua giấy mực cho học sinh để đi thi trong mùa lũ lụt. Bài luận của tôi nghe ông bác chấm thi kể lại được tới ...2 điểm. Kết quả dĩ nhiên là trợt vỏ chuối.

Để chờ kỳ thi đệ thất năm sau, tôi được gửi vào học bán trú trường Thánh Linh trong khu Chợ Quán do các bà sơ điều hành - Học lớp Tiếp liên - Các sơ ở đây mặc áo chùng đen và khăn lúp trên đầu cũng màu đen nhưng không nhớ hay không biết các sơ thuộc dòng nào. Chỉ nhớ một điều là có Sơ Anna hiền dịu dạy làm luận văn, sơ Therèse hay cười dạy may thêu và hát thánh ca.
Nhưng nhớ nhất là sơ Anné, bà sơ dạy Toán và dữ hơn bà chằng!!! Có một lần làm bài kiểm Toán, cả lớp chúng tôi cọp dê nhau nên làm sai bét cả đám. Sơ Anné giận lắm, tuyên bố là trả tập vở lại, không thèm chấm điểm. Cả lớp không ai dám nhúc nhích đến bàn của sơ để lấy tập vở của mình về. Đứa này chờ đứa kia .... cho đến khi nguyên chồng vở Toán bị sơ Anné quẳng xuống chuồng gà bên dưới. Lúc đó 3-4 đứa trong lớp mới dám chạy xuống sân, nhặt lại mấy quyển vở toán đem lên, thì sơ chỉ lạnh lùng phán một câu "vở dính đầy phân gà, mấy em đem về nhà chép lại vào quyển vở mới, tuần sau nộp lại". Lúc đó đã gần cuối năm học, vở chép cũng đã gần hết cuốn.... Ngồi chép lại những bài toán từ đầu năm mà "hận" sơ Anné không bút nào tả xiết.... Có
lẽ đây là hình phạt nặng nhất trong cuộc đời đi học của tôi và có lẽ cũng nhờ đó mà hè năm sau tôi thi đậu vào đệ thất Trưng Vương.


Năm tôi đậu vào đệ thất Trưng Vương cũng là năm đảo chính Tổng
 Thống Ngô Đình Diệm. Ngày khai giảng thì còn xa nhưng ở nhà không biết làm gì cho hết ngày nên tôi thường đạp xe đạp lên trường TV để xem lại kết quả thi đậu của mình. Từ đường Cộng Hòa, rẽ tay phải vào đường Hồng Thập Tự, cứ thế mà đạp cho tới gần sở thú thì rẽ vào Nguyễn Bỉnh Khiêm là đến. Ngôi trường TV lúc đó vẫn còn rất xa lạ với tôi. Tên học sinh trúng tuyển được niêm yết trong một lồng kính treo trên tường. Tên tôi trên bảng niêm yết vẫn nằm nguyên ở vị trí cũ, số 17, chẳng có gì thay đổi, nhưng sao lần nào nhìn thấy tên mình, lòng tôi cũng rộn ràng xôn xao khó tả. Ngày nhập học vào đệ thất năm đó cứ bị hoãn đi hoãn lại. Tôi lại lấy cớ đi xem thông cáo về ngày khai giảng, lại hùng hục đạp lên trường rồi đạp về ....Năm ấy, mãi đến gần cuối tháng 11 năm 1963, tôi mới được bước chân vào ngôi trường của một thời áo trắng Trưng Vương.

Sau này, khi đã trở thành cô thiếu nữ dậy thì, mỗi lần chạy ngang Trung Tâm Huấn Luyện trên đường Cộng Hòa, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ lại cả một quãng thời thơ ấu của mình..... Dạo đó tôi thường đến đại học sư phạm trên đường Nguyễn Trải để chơi vũ cầu. Các anh chị trong hội ai cũng là sinh viên hoặc đã đi làm việc sau khi xong đại học. Tôi là con bé duy nhất còn ở bậc cuối trung học. Chơi vũ cầu xong mọi người thường kéo nhau đi ăn đậu đỏ bánh lọt ở
Khu Nguyễn Thiện Thuật. Là cô em nhỏ nhít trong hội nên tôi luôn được các anh hoặc các chị thay nhau bao ly chè. Một hôm, đang vui vẻ ăn ly chè sâm bổ lượng thì một bà chị, lúc đó chị đã là giáo sư trường Gia Long, báo tin Phiên, cũng là hội viên của hội vũ cầu, sắp lấy vợ, hỏi tôi có biết chưa. Nghe chị hỏi mà tôi tưởng mình nghe lầm nhưng vẫn cố làm tỉnh để trả lời "dạ, em
biết rồi!".

Phiên là sinh viên Kiến trúc năm thứ hai, sinh hoạt trong ca đoàn "Gió Khơi" (ca đoàn áo nâu của Lê văn Khoa). Mỗi lần ca đoàn trình diễn ở Quốc gia âm nhạc tôi luôn được Phiên mời đi nghe chàng hát. Sinh nhật 17 tuổi của tôi Phiên đến dự với bức tượng "Manneken Pis" bằng thạch cao. Những buổi tối chơi vũ cầu đánh đôi chung với Phiên, Phiên bao sân bên dưới, tôi ôm lưới đứng trên chờ những trái bỏ nhỏ của bên đối thủ.... Đôi khi lỡ bộ, chạy không kịp, ngó lui ra đằng sau cầu cứu Phiên. Bốn mắt cứ giao nhau như thế này thì thua là cái chắc!!! Phiên hay đến nhà tôi, lấy cớ là "kèm toán" cho bạn. Một lần Phiên rủ tôi đi nghe nhạc ở "Đêm Màu Hồng". Đang lo không biết phải xin phép ba mẹ như thế nào để đi chơi với chàng thì may thay có ông anh họ là sĩ quan Hải quân đóng ở Nha Trang về phép ghé thăm. Thế là lấy cớ "tháp tùng" theo ông anh, tôi hẹn với Phiên ở Đêm Màu Hồng. Không khí Đêm Màu Hồng tối hôm đó thật là ấm cúng dễ thương, dạo đó ban Thăng Long chuyên trình diễn ở đây. Tiếng hát của Hoài Trung, Thái Thanh như quyện lấy cả không gian tràn ngập khói thuốc. Đây là lần đầu tiên tôi biết đến không khí phòng trà. Ra về, chia tay nhau trước cửa ĐMH, tiếng xe, tiếng cười nói xôn xao nhưng vẫn không át được tiếng đại bác xa xa vọng về....
Thế rồi, đùng một cái, chẳng hiểu sao, Phiên bỏ đi lấy vợ!! Nghe tin mà tê tái cả lòng. Tự ái, tôi
đem bức tượng "Manneken Pis" đến nhà trả lại cho chàng. Món quà duy nhất Phiên tặng cho tôi,
Ngày đám cưới của Phiên tôi xách xe Honda đến hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hồ tắm NBK một
ngày mưa, mưa lất phất, mây mù giăng thật thấp, chỉ có vài mạng đang mải miết bơi.... Ngày ấy tôi chỉ còn biết bơi trong mưa cho quên sầu, bơi cho bớt hận.... Mưa mỗi lúc một nặng hột.
Thành phố bắt đầu lên đèn. Phóng Honda về lại nhà, tóc ướt, mắt ướt không biết vì mưa hay vì khóc cho mối tình mới chớm từ nay thôi đành chôn kín tận đáy lòng....

Ba năm sau (trước 75), trong một chuyến về thăm nhà, tình cờ tôi gặp lại Phiên trên đường Duy Tân, gần công trường Con Rùa và cũng gần trường Kiến trúc của chàng.... Bầu trời SG hôm ấy thật cao, lá cây xanh hai bên đường tỏa bóng mát xuống con đường. Hai chiếc Honda chạy chầm chậm song song bên nhau như ngày nào. Bao kỷ niệm ngày xưa chợt ùa về.....
Thành phố Saigon của tôi giờ đây đã thay đổi quá nhiều. Lần cuối cùng trở về sau hơn 35 năm, tôi không nhận ra đâu vào đâu. Hỏi người đi đường thì thường nhận được một cái tên lạ hoắc.
Cảm giác "không còn thuộc về nơi đây nữa" luôn chế ngự trong tâm tư. Lần đầu tiên và cũng là cuối cùng, chúng tôi ở khách sạn "Continental" ở góc đường Tự Do. Thèm sầu riêng, chúng tôi mua một trái của một xe gác ở lề đường Lê Lợi. Biết là không thể đem vào Hotel nên chúng tôi ghé vào con hẻm trên đường Lê Lợi có quán cóc dựng bạt bán cà phê, có các ghế đẩu bằng nylon cho khách ngồi.... Bà chủ quán sốt sắng kéo ghế mời 2 quý khách đang lúng túng với trái sầu
riêng trên tay, lăng xăng giúp chúng tôi xẻ trái sầu riêng có múi vàng lườm thơm phứt.... Những tình cảm thân thuộc nồng ấm như thế này lâu lắm rồi chúng tôi mới có lại...Nhưng mời mãi, năn nỉ mãi mà bà vẫn không chịu ăn cùng!!

Ăn trái sầu riêng vừa xong thì trời đổ mưa.....
Đứng trú mưa dưới tấm bạt trĩu nước của quán cà phê, chàng của tôi mời ông bạn mới làm quen cũng đang trú mưa điếu thuốc lá. Khói thuốc bay tỏa trong không gian, trời lạnh nên khói thuốc không bay cao mà quyện lấy cả 3 chúng tôi.... Tiếng kể chuyện giọng SG đặc sệt xen lẫn tiếng mưa rả rich sao ấm cúng và thân thương như một thuở xa xưa!!!


(Cảm tác nhân đọc "Khu Nancy của Saigon" của Nguyễn Minh Nữu)

Mainz, tháng 9/2021
Mỹ Nga

Các Hệ Sinh Thái Trong Truyện Kiều

Abstracts

Truyen Kieu, known as The Tale of Kieu, is widely known as one of the most significant work in Vietnamese literature. It recounts the life of  Kiều, a beautiful and talented young woman who had to sell herself to save his father from prison. This paper explores the different ecosystems in which Kieu  met during her vicissitudes in this novel: terrestrial ecosystems, aquatic ecosystems, grasslands ecosystems, desert,  autumn forests, estuary ecosystems

1.Thế nào là hệ sinh thái? 


Hệ sinh thái là một hệ thống trong đó có sự tương tác, tương liên, tương thuộc giữa mọi loài (như thực vật, động vật, vi khuẩn ..) với các yếu tố xung quanh của môi trường (đất, nước, không khí.. ) .Như vậy, để xác định một  hệ sinh thái, phải có một môi trường sống (sa mạc, rừng cây, nước sông, nước biển, ao hồ ..), một tập hợp các loài sinh vật và sự liên hệ nhiều chiều giữa các sinh vật với nhau và với môi trường sống.

Sau đây là vài ví dụ về vài hệ sinh thái: 

Hệ sinh thái rừng  (forest ecosystem) là một tổng thể gồm các thực vật, từ cây gỗ, cây bụi, thảm mục cho đến các động vật, vi sinh vật tương tác với nhau và với môi trường tự nhiên như đất, nước, khí hậu. Hệ  thống nhận năng lượng từ mặt trời với mưa, nắng, ánh sáng.. và năng lượng từ đất với các dưỡng chất. Trong hệ sinh thái rừng có sự tương quan ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cây rừng (cao, thấp, lùm bụi, cây leo ..) và giữa các cây rừng với các sinh vật khác trong quần xã đó .

Hệ sinh thái cửa biển (estuary ecosystem) có sự tương tác giữa các sinh vật trong vùng cửa biển như tôm, cá, phiêu sinh vật, tảo,  với dòng nước pha trộn nước ngọt, nước mặn với thuỷ triều lên xuống mỗi ngày; 

Vài đặc điểm của hệ sinh thái:

A/-Tuổi đời các hệ sinh thái có thể trẻ như khi mới thành hình, (rừng cây con, ao hồ mới tạo thành ..) và với thời gian, hệ sinh thái già đi, tiến đến hệ sinh thái cao đỉnh (climax) và lúc đó thì cân bằng sinh thái tự nhiên được thiết lập. Vài ví dụ về hệ sinh thái cao đỉnh trong thực vật: rừng thông phương bắc (toundra), thảo nguyên (savanna), rừng mưa nhiệt đới (tropical rainforest)

B/- Số lượng các loài cũng như số lượng cá thể từng loài cũng dao động: các hệ sinh thái sa mạc chỉ có một số loài cây chịu đựng được sự khô hạn trong khi hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới chứa nhiều loài sống chằng chịt với cây leo, mây, tre, dương sĩ .., 

C/- Trong một hệ sinh thái luôn xảy ra sự trao đổi vật chất và năng lượng trong nội bộ quần xã, giữa các quần xã với các thành phần bên ngoài của nó.Ví dụ : hệ sinh thái nông nghiệp (agricultural ecosystem) tiếp nhận năng lượng tự nhiên (ánh sáng, gió, mưa ..) và năng lượng bổ sung của loài người như trong câu: nhất nước, nhì phân, tam cần ... Khi ta bón phân chuồng, phân mục cho cây cối, chính là để giúp năng lượng cho các vi sinh vật trong đất nhờ đó chúng phân huỷ để tạo ra chất vô cơ nuôi cây. 

D/- Quy mô  các hệ sinh thái có thể vi mô như một cái ao, một gốc cây, một sân cỏ hoặc vĩ mô như một dòng sông, một cánh rừng, một vùng khí hậu (hệ sinh thái sa mạc, hệ sinh thái rừng ôn đới..) nhưng dù nhỏ hay lớn  thì luôn luôn có sinh vật tác động đến môi trường và môi trường thay đổi lại tác động trở lại sinh vật, như vậy giữa sinh vật và môi trường có ảnh hưởng đến nhau. 

E/ -Sự tương tác giữa các sinh vật trong hệ sinh thái được thể hiện qua các khía cạnh sau đây: U ith 

- Chuỗi thức ăn (food chain): ví dụ như sâu bị ếch ăn nhưng ếch bị rắn ăn và rắn bị chồn ăn; chồn bị chim đại bàng ăn. Nói khác đi, loài này bắt loài khác làm mồi và lại trở thành con mồi cho vật khác to hơn mà tục ngữ ta nói: cá lớn nuốt cá bé. Một ví dụ khác: đầu tiên là thực vật như cây cỏ, tiếp đến là những loài ‘ăn cỏ’ như trâu bò, ngựa, dê, nai trong rừng, tiếp đến là những động vật ăn thịt các cấp (trong đó người là động vật ở cuối chuỗi thức ăn ). 

- Lưới thức ăn (food web). Trong khi chuỗi thức ăn chỉ theo một con đường: lớn nuốt bé thì trong lưới thức ăn, cùng một con vật bị nhiều loài khác đến ăn : con chuột có thể bị rắn, bị chồn, bị chim, bị người bắt ăn. Lưới thức ăn cho thấy thực vật và động vật đều liên hệ với nhau để tồn tại . Như vậy, các loài không thể tồn tại một cách biệt lập mà   phải dựa vào nhau mà  sống trong nhiều mối tương quan : cái này có  vì  cái kia có, cái này không vì cái kia không

- Bậc dinh dưỡng (niveau trophique). Trước tiên, ta có những sinh vật sản xuất đầu tiên, còn gọi là các sinh vật ‘tự dưỡng’ (autotroph) chúng tạo ra thức ăn nhờ quang hợp . Trên mặt đất, đó là thực vật ; dưới mặt nước đó là những phiêu sinh thực vật. Ngoài các sinh vật tự dưỡng, ta có những sinh vật ‘dị dưỡng’ (heterotroph) bao gồm bốn loài như loài ăn cỏ, loài ăn thịt, loài ăn tạp và loài ăn rác rưới. Ví dụ: trong hồ ao, tia sáng mặt trời xuyên qua nước và giúp các loài tảo xanh phát triển; trong ao có các loài sen, súng; ven bờ có các lau sậy. Trong ao, có các vi động vật sống nhờ các tảo xanh; các sâu bọ ăn các vi động vật và lại làm mồi cho chim cá. Các loài cò ven ao ăn cá. Và khi các loài này chết đi sẽ bị các loài khuẩn phân huỷ.

Tóm tắt, ta phân biệt 3 bậc quan trọng: đầu tiên là các loài sản xuất (producers) có thể qua sự quang hợp mà tạo được các chất hữu cơ (C6H12O6) từ những chất vô cơ như CO2, H20. Ví dụ: cây, cỏ, rong tảo , rồi đến các loài tiêu thụ (consumers) là các loài phụ thuộc vào các sinh vật khác để sinh tồn. Ta phân biệt các loài tiêu thụ bậc 1 như thỏ, bọ rùa, ốc, châu chấu, các loài tiêu thụ bậc 2 như mèo, chim, chồn, các loài tiêu thụ bậc 3 chúng ăn các loài tiêu thụ bậc 2 như  chó sói,  gấu, cọp, sư tử và sau cùng là các loài phân hủy (decomposers) chúng phân hủy chất hữu cơ xác chết để tạo ra các chất vô cơ cần cho sự quang hợp . Đó là các vi cơ thể trong đất (khuẩn, nấm ..)

Như vậy, chuỗi thức ăn có dạng tổng quát: 

sinh vật sản xuất → sinh vật tiêu thụ bậc 1 → sinh vật tiêu thụ bậc 2 → sinh vật tiêu thụ bậc 3 → ... → sinh vật phân huỷ

2. Tìm hiểu các hệ sinh thái trong truyện Kiều.

Qua nhiều năm lưu lạc, từ khi gặp chàng Kim bên bờ suối nhân lễ Thanh Minh đến khi đoàn tụ lại với Kim Trọng, nàng Kiều đã gặp nhiều hệ sinh thái khác nhau trong đó để dề hệ thống hoá, ta phân biệt hai hệ sinh thái chính: hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái dưới nước. Trong mỗi hệ sinh thái lại có thể phân chia ra nhiều loại . Ví dụ trong hệ sinh thái trên cạn, ta có thể liệt kê hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đồng cỏ .. và trong hệ sinh thái dưới nước, có thể là hệ sinh thái sông suối, hệ sinh thái cửa biển ..

21. Hệ sinh thái trên cạn. (terrestrial ecosystems)  

Khi nàng Kiều tiễn chân Thúc sinh về quê vợ, tác giả đã lồng vào cảnh mùa thu:

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi 


Rừng phong Nguyễn Du nói trên là rừng ôn đới có lá rụng (temperate deciduous forest). Loại rừng này có ở các vùng miền hạ lưu sông Dương Tử, sông Hoàng hà, nghĩa là các vùng khí hậu ôn đới . Loại rừng này cũng có nhiều bên Âu Châu (Pháp, Đức ..) và ngoài cây phong (tên Latin là Acer, họ Aceraceae), còn có nhiều loại cây khác như cây orme, (Ulmus, họ Ulmaceae), cây chêne (Quercus, họ Fagaceae), cây tilleul (Tileus, họ Tiliaceae), cây frene (Fraxinus, họ Oleaceae), cây hêtre (Fagus, họ Fagaceae). 

Tầng thấp hơn có các loại cây aubépine (Crataegus, họ Rosaceae), cây chèvrefeuille (Lonicera, họ Loniceraceae), cây noyer (Juglans, họ Juglandaceae) ...Gần mặt đất, trong loại rừng ôn đới này có nhiều loài dương xỉ, thảm cỏ tươi, thảm cỏ mục. Động vật thì gặp các loài chồn, chim, sóc ..

Vào mùa hạ, khi nhiệt độ bắt đầu nóng, nghĩa là khi:


Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông


thì cường độ quang hợp của thực vật rừng rất mạnh, cây cối toả được nhiều oxy hơn. 

Vào mùa thu, khi trời chớm lạnh, nhiều đoàn chim trời bay qua các khu rừng ôn đới này để đến các vùng nắng ấm phía Nam và vào xuân vừa dứt, các đàn chim trở lại về phía Bắc.

Cũng khi trời vào thu thì nhiệt độ hạ thấp, nước ngầm trong đất bị đông lại nên thực vật phải thích nghi với sự thay đổi khí hậu bằng cách rụng lá, nhưng trước đó, lá cây từ từ chuyển màu từ xanh sang màu vàng, màu đỏ, -nhuốm màu quan san - như mọi rừng ôn đới có lá rụng ở Canada.

Tưởng cũng cần nói thêm là trên thế giới, tùy theo khí hậu, ta có những loại rừng khác nhau. Vài ví dụ: tại Việt Nam, Indonesia, Mã Lai cũng như vùng Amazone bên Brésil, có rừng mưa nhiệt đới (tropical rainforest), có nhiều tầng cây con chằng chịt. 

Cũng có loại rừng khô nhiệt đới (tropical seasonal forest) khi có mùa khô kéo dài như các rừng Đông Bắc Ấn độ, Đông Bắc Thái Lan. 

Miền Bắc Canada và Siberia thì có rừng thông phương Bắc (forêt boréale de conifères, tức Northern coniferous forest) có các cây bouleau (Betula, họ Betulaceae), cây épinette, tiếng Anh là spruce (Picea, họ Pinaceae) . 

Hệ sinh thái rừng nhận năng lượng ở nhiều dạng khác nhau, có thể là quang năng (ánh nắng) giúp cây cỏ tạo ra những chất liệu qua hiện tượng quang hợp, hoá năng (các chất hoá học cây tạo ra (tinh bột, các glucose ..), phân bón ..), nhiệt năng (giúp cho các thành phần trong hệ sinh thái điều hoà được nhiệt độ ), động năng (giúp cho hệ sinh thái vận động như gió, giúp sự luân chuyển các dưỡng liệu từ đất lên cây, từ cây xuống đất, .). Lá cây rụng sẽ tạo một tấm thảm gồm gỗ mục, thân cây mục, rễ cây mục và giúp các vi cơ thể trong đất thức ăn . Các vi cơ thể chuyển hoá, phân hủy chất hữu cơ để tạo ra chất vô cơ nuôi lại thực vật. Cây cối lại giúp cho các loài động vật phát triển, từ loài bị ăn sang loài đi ăn, từ những ký sinh sang các loài dọn rác. Các chất hữu cơ của thực vật và động vật chết đi sẽ bị biến đổi thành chất vô cơ nuôi lại cây cối  và cứ thế, hữu cơ chuyển thành vô cơ và vô cơ biến thành hữu cơ từ ngàn xưa đến ngàn sau, không ngừng nghỉ, với những chu trình quen thuộc như chu trình đạm, chu trình cacbon trong đất .

Rừng phong cũng như các loại rừng khác có khả năng hấp thu, dự trữ và giải phóng khí cacbonic, khí oxy và các chất khoáng. Cũng thế, rừng phong giảm dòng chảy, giữ lại một phần lượng nước mưa và như vậy, giảm xói mòn, lũ lụt. Thực vật rừng cũng có khả năng bốc và thoát hơi nước nên trong khí quyển có nhiều hơi nước bốc lên cao làm nguồn nước mưa .

Trên kia là nói về rừng ôn đới trong đó có cây phong là cây chiếm dạng ưu thế .Nhưng ở ven sông, thường có nhiều đất ẩm thì thực vật cảnh hay quần xã thực vật  thường gặp là một loại rừng khác, có tên là rừng ở bờ nước (riparian forest)  với những loài lau sậy: 

 Quanh co theo giải giang tân
Khỏi rừng lau đã tới sân Phật Đường

hoặc cây liễu như trong câu:

Sông Tần một dải xanh xanh
Loi thoi bờ liễu mấy cành dương quan

Ngoài hệ sinh thái rừng, có hệ sinh thái đồng cỏ  (grasslands ecosystem). Thực vậy, nàng Kiều gặp Kim Trọng nhân lễ Thanh Minh, tại một vùng gồm các đồng cỏ mút ngàn: 


Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa    


Tại lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du cũng lại nhắc đến các đồng cỏ :


 Buồn trông nội cỏ rầu rầu. 

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh


Đó là hệ sinh thái cấp vĩ mô. Nhưng ở cấp vi mô, ta cũng bắt gặp cỏ xanh ở nhiều chỗ khác:


-Một vùng cỏ mọc xanh rì

Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu

hoặc:

-Lối mòn cỏ nhạt màu sương

Lòng quê đi một bước đường một đau


Trên nấm mồ của Đạm Tiên cũng chỉ là một đám cỏ úa:


Sè sè nấm đất bên đường

Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh


Nhưng về mặt diễn tiến sinh thái, vườn cỏ không phải chỉ mãi mãi là vườn cỏ mà từ từ, nếu để hoang không ai đoái hoài thì sẽ tăng thêm các loài thực vật khác nữa. Ví dụ: khi Kim Trọng sau khi đi hộ tang người cha về và trở lại chỗ nàng Kiều ở thì khu vườn xưa kia thơ mộng bao nhiêu thì nay cảnh nhà sa sút bấy nhiêu; khu vườn với sân không những đầy cỏ hoang: 


Xập xè én liệng lầu không 

Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày


 mà còn thêm cây lau:


Đầy vườn cỏ mọc lau thưa

Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời 


Ngoại cảnh như vật tác động đến tâm quyển : Càng ngao ngán nỗi càng ngơ ngẩn dường


Hệ sinh thái đồng cỏ có nhiều ở Trung Quốc vì đó là sự tiếp nối tự nhiên của quần xã đồng cỏ, còn gọi là thảo nguyên (steppe) từ phía Trung Á (Kazakhstan, Uzbekistan, Nội Mông , Mông cổ ). Loại thảo nguyên này ở Trung Quốc được bất hủ hoá qua  bài thơ cổ của Bạch Cư Dị :

 

“Ly ly nguyên thượng thảo,

Nhất tuế, nhất khô vinh

Dã hỏa thiêu bất tận

Xuân phong xuy hựu sinh ..”


với lời dịch của  Tản Ðà:


” Ðồng cao cỏ mọc như chen,

khô tươi thay đổi hai phen năm tròn,

lửa đồng thiêu cháy vẫn còn,

gió xuân thổi tới mầm non lại trồi ..”


Hệ sinh thái đồng cỏ, ngoài thực vật mà chủ yếu là các loài cỏ thấp như Stipa grandis, Artemisia sp.. còn có các động vật khác như chuột, thỏ, cào cào, rắn, chồn, quạ . Trong hệ sinh thái này, mạng lưới thức ăn đầu tiên gồm các loài cỏ hoặc cây thấp, tiếp đến là các loài ăn cây cỏ  như thỏ, sóc, sâu bọ; rồi đến các loài động vật ăn mồi nhỏ như thằn lằn, rắn, loài dơi, chồn..;sau cùng là các loài ăn mồi lớn như diều hâu, chó sói đồng cỏ (coyote)

Đồng cỏ giúp chăn nuôi và  là nơi chứa thuỷ tổ các loài ngũ cốc, như lúa mì, lúa mạch, kê, lúa miến . Các đồng cỏ hiện vẫn là nơi chứa các gen di truyền giúp con người lai tạo các giống kháng bệnh. Nhờ đồng cỏ người Mông Cổ mới có nhiều giống ngựa đi chinh phục nhiều nơi trên thế giới vào thế kỷ 12-13. Trong lịch sử, đế quốc Mông Cổ,  nhà Nguyên từng cai trị Trung Hoa và từng xâm chiếm Việt Nam. 

Đồng cỏ có thể gặp ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như ở miền Bắc Nam Mỹ (gọi tên là llanos), ở vùng ôn đới mà điển hình là các đồng cỏ gọi là prairie ở miệt Manitoba, Saskatchewan ở Canada, gọi là pampa ở Argentina, đồng cỏ steppe ở Trung Á
Hệ sinh thái đồng cỏ nằm giữa hệ sinh thái rừng và hệ sinh thái sa mạc . Thực vậy, nếu có nhiều mưa hơn thì đã thành rừng và nếu ít mưa hơn thì đã trở thành sa mạc. Đất đai ở hệ sinh thái này không quá khô như trong sa mạc, nhưng không đủ ẩm để giúp cây rừng mọc. Vào mùa xuân, tuyết đã tan đi, khí hậu ấm hơn nên thường có cỏ non , đúng như trong thơ Kiều nói trên. 

Ngoài đồng cỏ, trong truyện Kiều, ta cũng bắt gặp hệ sinh thái đồi cát ở hai chỗ:

- Khi nàng Kiều ở lầu Ngưng Bích:


Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia


Khi ở nhà Hoạn Thư chạy trốn:

 Mịt mù dặm cát đồi cây
Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương.

Trong hệ sinh thái đồi cát, thông thường có 3 nhóm thực vật khác nhau: gần bãi biển, có các nhóm cây bò như rau muống biển (Ipomoea pes-caprae, họ Convolvulaceae), rau sam biển (Sesuvium portulacastrum) ..nghĩa là các loài rễ  dài có thể bám được các hạt cát và chịu đựng được chất mặn. Vào phía trong, có những bụi thấp, cây thấp rồi phía sâu, khi đồi cát đã ổn định mới có cây cao hơn và bụi cây thấp dưới tán. Sự hình thành các đồi cát là nhờ có hai yếu tố : lượng cát dồi dào ven biển và gió thổi mạnh lôi cuốn các hạt cát bay đi xa. Gió càng mạnh, thì lượng cát bốc đi càng nhiều và xa . Vì đồi cát vừa có khí hậu đất khô ráo, vừa nghèo dưỡng liệu nên thực vật gồm những loài thảo mộc chịu được khô khan. Có những đồi cát trắng nhưng cũng có những đồi cát xám, cát vàng.  Như vậy, đồi cát tạo thành một hệ sinh thái vì do tương tác của địa quyển (cát), phong quyển (sức gió thổi ), sinh quyển (thảo mộc), thủy quyển (nước ngầm)

22. hệ sinh thái ở nước (aquatic ecosystems). Hệ sinh thái ở nước có thể là môi trường nước ngọt như sông suối, ao hồ, nhưng cũng có thể là nước mặn ở đó thực vật và động vật tác động với các tính chất lý hoá của môi trường.

Đây là những cảnh nên thơ của một chiều xuân, bên cạnh dòng suối : 

Bước lần theo ngọn tiểu khê
Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh             

Nao nao dòng nước uốn quanh

Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang

Ven bờ suối có nhiều cây liễu rủ bóng thướt tha bên cầu:

Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
Với chỉ vài câu thơ như trên, chúng ta đã cảm nhận thế nào là một hệ sinh thái sông suối: đó là thủy văn (dòng nước), địa mạo (ghềnh), thảo mộc ven bờ (bông lau, cây liễu)

Địa mạo như núi, đồi, ghềnh thác dĩ nhiên tác động đến thủy văn: gần ghềnh thác, dòng suối còn phải tránh né các chướng ngại xung quanh chứ không phải chảy xuôi như ở miền đồng bằng . Đó là lý do cụ Nguyễn Du dùng chữ uốn quanh; chỉ khi nhiều tiểu khê họp nhau lại thì mới trở thành con sông. Trong địa mạo học (geomorphology), người ta nói có những tiểu khê bậc 1, các tiểu khê bậc 1 họp nhau lại thành tiểu khê bậc 2, rồi nhiều tiểu khê bậc 2 họp lại thành dòng suối và nhiều dòng suối mới họp thành con sông. Vì dòng suối còn hẹp nên chỉ cần nhịp cầu nho nhỏ.. Nhưng hệ sinh thái không phải chỉ có không khí, nước, đất tức môi trường tự nhiên mà có cả con người .Cảnh và tình luôn luôn đi đôi với nhau . Ở đây, trong môi trường tự nhiên nên thơ như ghềnh, dòng nước uốn quanh thì tâm hồn hai chị em thơi thới, thư giãn: 


Chị em thơ thẩn giang tay ra về. 


Cũng thế, với chiếc cầu nho nhỏ gần mả Đạm Tiên  trong cảnh chiều tà thì cả ba yếu tố đó như chiều tà (khí quyển), dòng suối nhỏ (thuỷ quyển ), con người (nhân quyển ), dòng nước nao nao, ngập ngừng (thuỷ văn ) đã tác động tương tác với nhau lên não bộ, làm nao nao tâm thức con người lúc đó. Tâm và cảnh như vậy có tác động qua lại với nhau chứ không đứng riêng rẽ nghĩa là có phản ứng thuận nghịch, có đan xen lẫn nhau, tạo ra một hệ sinh thái đúng nghĩa của nó:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ 


 Tại sao ta gọi là hệ sinh thái sông suối ? Là vì ở hệ sinh thái này, có sự tương tác giữa các thành tố như sau:

- Môi trường khí hậu như mưa, nắng:

- Môi trường địa mạo như ghềnh, thác, đồng bằng

- Đầu vào (input) như nước từ suối nhỏ chảy vào sông con, sông lớn

- Đầu ra (output) như nước chảy xuôi đến biển

- Dòng nội lưu (throughput) như chuyển hoá, kết tủa, trầm tích trong dòng sông: nước hoà tan các chất dinh dưỡng cho đời sống thực vật, nước chuyên chở các chất đi xa, nước nhờ ánh sáng mặt trời gây bốc hơi tạo thành mây và mưa rơi tái tạo chu kỳ nước

- Vòng phản hồi (feedback loops) như khi sông bị ngập lụt thì thảo mộc ven bờ có thể giúp cản bớt dòng chảy tràn; khi sông cạn thì thảo mộc ven sông giúp điều hoà nước vào hệ thống.
Trong bất cứ một vòng phản hồi nào, các thông tin về  kết quả một hành động hay một biến đổi nào đều trở lại đầu vào . Nếu các dữ kiện mới này làm tăng cùng chiều với các kết quả trước, ta có phản hồi dương với kết quả tích lũy thêm, còn nếu các dữ kiện mới đó đi ngược lại với các kết quả trước, ta có phản hồi âm

Ngoài hệ sinh thái sông suối, cũng có hệ sinh thái cửa biển:

Nàng Kiều đầu tiên ở  lầu Ngưng Bích gần cửa biển với câu:


Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu


và lần thứ hai khi nàng Kiều muốn trầm mình trên sông Tiền Đường trong hai câu sau:


Triều đâu nổi tiếng đùng đùng

Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường

hoặc:


Ngọn triều non bạc trùng trùng

Vời trông còn tưởng cánh hồng mới gieo


Cửa biển của mọi sông ngòi đều có một đặc điểm chung: đó là nơi có pha trộn dòng nước ngọt và dòng nước mặn; đó là nơi có nước thuỷ triều  lên (ngọn triều non bạc trùng trùng) hay xuống (ngọn nước mới sa ) và vì môi trường thiên nhiên có tính cách đặc thù như vậy nên thực vật là rừng ngập mặn, địa mạo có bãi đất lầy theo thủy triều, đầm phá, san hô v.v 

Hệ sinh thái cửa biển là nơi nước ngọt pha trộn với nước mặn để có môi trường nước lợ, nghĩa là không ngọt, không mặn .Hệ sinh thái này nhận mọi dưỡng liệu từ sông ngòi, từ biển và từ đất ven bờ . Với dòng thủy triều lên xuống, gió thổi nên các dưỡng liệu bị phân tán, pha trộn, hòa tan và tạo nên một môi trường sinh sống cho nhiều  loài thực vật và động vật khác nhau: rừng ngập mặn, dừa nước.. Rừng ngập mặn ở vùng Triết Giang, Phúc Kiến trong truyện Kiều cũng có cấu trúc tương tự như rừng ngập mặn ở Việt Nam, nghĩa là có nhiều cây đước, cây bần bám trụ bùn non với những hệ thống rễ chằng chịt như kiềng 3 chân, nuôi dưỡng con người với củi, than đước, cua, tôm, chim chóc, khỉ, vượn, mật ong ..

Hệ sinh thái cửa biển là nơi cư trú nhiều loài chim và đặc biệt, khi hoàng hôn xuống, có nhiều đàn cò trở về tổ nghỉ đêm, là nơi sinh sản của nhiều loài sinh vật biển (tôm, cá  ..) là nguồn thức ăn của các loài chim biển di cư  cũng là nơi tạo điều kiện cho giải trí, thư giãn

3. Kết luận.

Qua các vần thơ bất hủ của Nguyễn Du trong truyện Kiều, chúng ta đã hình dung được các phong cảnh thực vật ở Trung Quốc thời nhà Minh. Các vần thơ ấy đã phả vào các hệ sinh thái một ‘hồn người’ để đi sâu vào tâm thức chúng ta, từ sự thanh thản quý phái lúc nàng Kiều gặp Kim Trọng lần đầu đến sự buồn rầu miên viễn dẫn đến sự trầm mình trên sông Tiền Đường.  

Tuy nhiên, những hệ sinh thái nói trên, từ đồng cỏ bạt ngàn trải dài với nắng vàng nghiêng ngả, đến cửa biển với đồi cát mịt mù ngày nay đang bị áp lực dân số kéo theo đô thị hoá, kỹ nghệ hoá nên càng ngày mai một. Khó thấy lại những cảnh như:

Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc non phơi ánh vàng

 Với dân số thế giới càng năm càng tăng, nhất là tại các nước đang mở mang, loài người đã phá hủy các hệ sinh thái vốn nuôi nấng con người từ thời con người xuất hiện. Cuộc đảo lộn các hệ sinh thái thiên nhiên với sự mất đi của sự đa dạng sinh học hiện nay đang kéo theo một số vấn nạn khác như nước biển dâng, băng hà tan, bão tố nhiều với cuồng phong kéo theo lụt lội, chuồi đất. Thực vậy, các hệ sinh thái thiên nhiên có vững mạnh thì sức khoẻ con người, -cả thể chất lẫn tâm linh-, mới vững mạnh .Con người như vậy phải ý thức rằng tài nguyên thiên nhiên không phải là ‘rừng vàng biển bạc’ như ngày xưa vì con người đã vượt quá ‘ngưỡng sinh học’; con người phải ý thức rằng đa dạng sinh học, sức khoẻ của các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững đều liên hệ đến nhau, do đó phải tìm cách sống hài hoà với thiên nhiên trong niềm cảm thông sâu xa với hành tinh ta đang sống vì chúng ta chỉ còn MỘT hành tinh duy nhất này ở được mà thôi 

Thái Công Tụng