Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

Tình Mãi Thiên Thu - Nhạc & Lời: Đỗ Bình - Hòa Âm: David Đông - Ca Sĩ Khắc Dũng


Nhạc & Lời: Đỗ Bình
Hòa Âm: David Đông
Ca Sĩ: Khắc Dũng

Mất Mát

  
(Tranh: Đinh Trường Chinh)

Ta lại về đây thăm chốn xưa
Hàng dừa cát trắng tắm trong mưa
Giọt buồn trời khóc hay ta khóc?
Biển sóng chập chờn nước đong đưa

Có phải đây là quê của ta?
Nha Trang ngày ấy nhận không ra
Còn đâu cảnh cũ người xưa cũ?
Lạ bước trên đường đi thật xa

Phố biển yêu thương của ta ơi!
Ngày xưa thân ái mất đâu rồi?
Thùy dương cát trắng còn đâu nữa?
Phố xá lao xao người những người….

Có phải đây là nhà của ta?
Hay quê ta ở tận nơi xa?
Trở về chỉ thấy mình với bóng
Lữ khách bơ vơ kẻ mất nhà

Cung Thị Lan
2005


Con Đường Tình Yêu

 

Con đường ấy cứ như là điểm hẹn
Xui ta đi rồi lại khiến ta về
Từ mờ sáng trong sương trùng khói điệp
Đón em về anh đợi quán cà phê
Ta đã thở vào nhau đêm hương xuống
Có sương che khói chắn ở quanh mình
Ta chỉ có trời đêm ta chung sống
Ngày chia xa qua ánh mắt vô tình
Cũng từ ấy bao lần đêm trăn trở
Trước ai kia mãi mãi thuở trăng tròn
Mắt đã dặn từ nay đừng thờ thẫn
Lòng vẫn hoài thương nhớ một vầng trăng
Chính là em chứ còn ai khác được
Làm bao đêm giọt nhớ cứ loang thầm
Chính là em anh yêu từ kiếp trước
Đến bây giờ chưa kết buộc trăm năm
Thì dẫu vậy vẫn là duyên là nợ
Duyên chưa qua và nợ vẫn chưa tàn
Thì dẫu vậy vẫn chưa chồng chưa vợ
Vẫn lặng thầm ràng buộc để đa mang..!

Thanh Chau

Nắng Bay


Ngó qua ngọn tóc chiều im
Thấy trăm năm cũng êm đềm mây trôi
Nâng niu câu lục bát rời
Ngược xuôi hôm sớm bên đời tay nâng

Nghe lòng đôi chút bâng khuâng
Bước đi bước ở âm thầm trăng sao
Tình đi muôn thuở ngọt ngào
Áo thơ tô điểm nụ đào cánh bay

Đường khuya sao nọ trăng này
Chút ân tình vẫn ngập đầy hồn thơ
Lối trần thế bụi phủ mờ
Đời như hạt cát đồi bờ trần ai

Rồi mai cửa gió mây cài
Mưa thanh cao xuống đôi vai ngọt ngào
Chỉ còn tiếng gửi lời trao
Ân sâu nghĩa nặng sáng sao trăng rằm

Yêu đời thêm vững bước chân
Yêu trần thế để thấy vần thơ sang
Nắng mưa giây phút huy hoàng
Tuyết sương tô điểm từng trang thơ tình

Yêu hoa nên thấy yêu mình
Trọn đời thi phú tình xanh bốn bề
Cõi lòng lục bát mưa che
Hồn thơ duyên bút đường về nắng bay.

03/29/2023
Hoa Văn

 

Đoàn Thị Điểm Và Chinh Phụ Ngâm

Bà Đoàn Thị Điểm là nữ thi sĩ nổi tiếng hàng đầu trong lịch sử văn học nước Việt.  Danh tiếng của Bà dính liền với thi phẩm Chinh Phụ Ngâm.


ĐOÀN THỊ ĐIỂM


a) Đoàn Thị Điểm


Bà Đoàn Thị Điểm hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, sinh vào đầu thế kỷ thứ 18 đời nhà Hậu Lê.


Trong phần đầu của quyển Chinh Phụ Ngâm Khúc, Giáo sư Nguyễn Huy viết về tiểu sử của bà.

Bà Đoàn thị Điểm là người làng Hiếu Phạm huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh, em gái ông Tiến sĩ Đoàn Luân.  Kén chồng mãi tới năm 30 tuổi, bà mới lấy lẻ ông Tiến sĩ Hạo Nhiên Nguyễn Kiều đương tại chức Thượng thư.  Ông là người huyện Từ Liêm, nay là phủ Hoài Đức, Hà Đông.  Họ ông là Nguyễn nên có sách chép là Nguyễn Thị Điểm và nhầm Bà là em gái ông Nguyễn Trác Luân, người ở Đường Hào, Hải Dương (Mỹ Hào, Hưng Yên bây giờ).


Bà mất năm 1746 tại Nghệ An trên đường theo chồng đi nhậm chức, hưởng thọ 45 tuổi.


Cuộc đời dù ngắn ngủi bà cũng để lại những thi phẩm được truyền tụng: Chinh Phụ Ngâm Khúc Diễn Nôm, Tục Truyền Kỳ...

Ngày nay, Wikipedia còn tìm được những tác phẩm khác của bà Đoàn Thị Điểm:

Nữ Trung Tùy Phận (1401 câu thơ)

Bộ bộ thiềm - Thu từ (Bộ bộ thiềm - Bài hát mùa thu)

Hồng Hà phu nhân di văn (được chồng bà là ông Nguyễn Kiều chép lại).


b) Đoàn Thị Điểm và Đoàn Luân

{Theo bài viết của học giả Đỗ Chiêu Đức}


Theo truyền thuyết...

Khi lên 6 tuổi, một hôm, bà Đoàn Thị Điểm đang học Sử Ký 史記 Trung Hoa, thì ông anh đến lấy một câu trong Sử Ký ra câu đối như thế nầy:

              Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi.

               白   蛇   當   道, 貴   拔   劍   而   斬   之.


Bà Điểm liền lấy một câu cũng trong Sử Ký đối lại rằng:

         Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng Thiên nhi thán viết.

                黄   龍   負   舟, 禹   仰     天   而   歎   曰.

Có nghĩa:

     - Rắn trắng giữa đường, Ông Quý (Lưu Bang Hán Cao Tổ) tuốt gươm mà chém Đó...

     - Rồng vàng đội thuyền, Ông Vũ (Hạ Vũ Vua Nhà HẠ) ngửa mặt lên Trời mà than Rằng...

      Cái hay của đôi câu đối nầy là đều lấy trong Sử Ký và đều kết thúc bằng một Hư Tự: Chữ CHI ở đây là Phiếm chỉ Đại từ, còn chữ VIẾT là một Trợ Từ.


 Có lần, ông Đoàn Viết Luân từ ngoài đi vào nhà, thấy em gái đang ngồi bên rổ kim chỉ, liền đọc:

      Huynh lai đường thượng tầm song nguyệt.  兄来堂上尋双月,

Có nghĩa:

        - Anh lên nhà trên tìm 2 mặt trăng.

Song nguyệt là 2 mặt trăng, mà theo chữ Nho, 2 chữ Nguyệt 月 ghép lại là chữ Bằng 朋 là Bè bạn, bằng hữu, nên câu trên còn có nghĩa là: Anh lên nhà trên tìm BẠN, chứ không phải tìm 2 mặt trăng.

Bà Điểm liền đối lại rằng:

            Muội đáo song tiền tróc bán phong.    妹到窗前捉半風.

Có nghĩa:

          - Em đến trước cửa sổ bắt nửa làn gió.

            Bán Phong 半風 là nửa làn gió, mà cũng có nghĩa là phân nửa ở bên phải của chữ Phong 風 tức là chữ Sắt 虱 có nghĩa là con Rận. Nên câu đối trên có nghĩa là: Em đến trước cửa sổ để bắt rận.


Khi hay tin chị dâu sanh được con gái đầu lòng trong đêm rộn rịp vui mừng, Bà Điểm đã đùa với anh rằng:

                Bán dạ sinh hài, Hợi Tý nhị thời vị định.

                  半 夜   生   孩, 亥   子   二   時   未   定.

Có nghĩa:

       - Nửa đêm sanh con, Hợi Tý 2 giờ chưa định, ý muốn nói không biết là giờ Tý hay giờ Hợi.


Đoàn Viết Luân liền đối lại:

             Lưỡng tình tương phối, Kỷ Dậu song hợp nãi thành.

               两     情     相     配, 己   酉    双    合   乃   成.

Có nghĩa:

          - Hai tình phối hợp nhau, Tỵ Dậu 2 bên hợp nhau mà thành.


Với lối chơi chữ, 2 chữ Hợi 亥 và Tý 子 ghép lại thành chữ Hài 孩; chữ Tỵ 巳 và chữ Dậu 酉 ghép lại với nhau thành chữ Phối 配. Ta còn gọi đây là lối đối chiết tự. (Nói thêm: Đúng ra chữ PHỐI 配 được ghép bởi bộ DẬU 酉 và bộ KỶ 己. Nhưng trong phép Tử Vi thì TỴ DẬU SỬU là Tam Hạp, nên mới mượn âm TỴ 巳 mà đọc chữ KỶ 己 cho nó thành TỴ DẬU SONG HỢP mà thôi. Đây cũng là một cách CHƠI CHỮ của người xưa đó!).

 

Một hôm, cơm chiều và tắm rửa xong xuôi, bà đang xăm xoi trước gương thì ông anh đến, thấy cô em gái ngồi trước gương, ông anh bèn tức cảnh buộc miệng đọc ra 1 vế đối như sau:

             Đối kính họa mi, nhất điểm khuyên thành lưỡng điểm

            對   镜   画 眉, 一   点    圈     成   两 点, 

Có nghĩa: 

      - Ngồi trước gương mà kẽ chân mày, thì chấm 1 chấm sẽ vòng thành 2 chấm.


Xin nói thêm về câu đối nầy, có người viết chữ KHUYÊN thành chữ PHIÊN 翻 là Lật, lật (thuyền), lật (trang nầy qua trang khác). Phiên Dịch 翻譯: là chuyển từ ngôn ngữ nầy qua ngôn ngữ khác.... Ý nghĩa không được chính xác bằng từ KHUYÊN 圈 là Vẽ vòng. Thành ngữ về trang điểm của các bà các cô có câu: KHUYÊN KHUYÊN ĐIỂM ĐIỂM 圈圈點點. Nghĩa đen là: khoanh khoanh chấm chấm, nghĩa bóng là động tác chấm phá trên khuôn mặt khi trang điểm. Nên thiết nghĩ: Chữ KHUYÊN 圈 đúng hơn chữ PHIÊN 翻 là vậy!

 

Vì bà tên là Điểm (chấm), nên cũng có nghĩa là ngồi trước gương thì 1 cô Điểm thành ra 2 cô Điểm. Câu đối khá hóc búa, nên bà không đối được ngay lúc đó, buồn lòng bà thả bộ ra bờ ao sen, thì thấy ông anh cũng đang đứng đó ngắm trăng. Xúc cảnh sinh tình, bà ứng khẩu đối ngay câu đối của ông anh như sau:

             Lâm trì ngoạn nguyệt, độc luân chuyển tác song luân. 

            臨 池   玩    月,    獨   輪    轉   作   雙   輪。

Có nghĩa: 

       - Đứng bên bờ ao ngắm trăng, thì 1 vầng trăng đơn độc sẽ thành ra 2 vầng trăng.

 

Chữ LUÂN là Mạo từ (Article), Nhất Luân 一 輪, là một vầng, Độc Luân 獨輪: là một vầng trăng đơn độc. mà cũng là tên của ông anh quý hóa của bà. Đứng ở bờ ao ngắm trăng thì một anh Luân sẽ thành 2 anh Luân, một anh trên bờ, 1 anh là cái bóng dưới ao. Thật xuất sắc!

                                     

Về vế đối nầy, cũng có bản ghi là:

        Lâm trì ngoạn nguyệt, CHÍCH luân chuyển tác song luân.


Nhưng xét chữ CHÍCH 隻: nghĩa là Chiếc: Nhất chích thuyền 一隻船: là Một Chiếc thuyền. CHÍCH nghĩa là CON, vd: Nhất chích điểu 一隻鳥: là Một Con chim, Nên CHÍCH cũng là Mạo từ (Article). Nếu là Hình Dung Từ thì CHÍCH có nghĩa là đơn lẻ, nhưng lại thường được dùng trong câu hơn là dùng để bổ nghĩa cho một từ đơn. Vd: Cô thân CHÍCH ảnh 孤身隻影: là Cô thân CHIẾC bóng...

Lại xét chữ LUÂN 輪 cũng mang hai Từ loại khác nhau: Danh từ, LUÂN 輪 có nghĩa là cái Bánh xe (có bộ XA bên trái 車). Nếu là Mạo từ thì Nhất Luân Nguyệt 一輪月 là Một Vầng Trăng. Vì vậy, mà lấy chữ CHÍCH để bổ nghĩa cho chữ LUÂN, cùng là Mạo từ với nhau cả, nên xét thấy không được ổn, vì LUÂN ở đây là Mạo từ chớ không phải là Danh Từ (Bánh xe). Danh từ ở trong câu đối nầy là NGUYỆT (Mặt trăng). Hơn nữa ĐỘC 獨 mà chuyển thành SONG 雙 nghe vẫn xuôi tai hơn là CHÍCH 隻 với SONG 雙. Đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi, tôi chọn bản nào thấy hợp lý thì theo mà thôi!


c) Đoàn Thị Điểm và Sứ Tàu


Tương truyền đến đời vua Lê Thuần Tông, sứ Trung Hoa sang nước ta.  Bà Đoàn Thị Điểm bèn dựng quán bán rượu bên đường.  Ở các cột quán dán chi chít câu đối, trong quán bày la liệt sách vở.  Sứ giả vào quán thấy lạ, có ý trêu cô bán hàng bèn đọc câu:

An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh.  (An Nam một tấc đất, chẳng biết có mấy người cày).

Bà đối liền:

Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất.  (Bắc quốc các đại phu, đều do đấy mà ra cả)


d) Đoàn Thị Điểm và Cống Quỳnh


Năm 1930, ông Trúc Khê xuất bản ở Hà Nội quyển "Sự Tích Ông Trạng Quỳnh", trong đó có những giai thoại văn chương lý thú giữa bà Đoàn Thị Điểm và ông Cống Quỳnh.

Theo ông Trúc Khê, có ông Nguyễn Quỳnh đậu Cử nhân (Hương cống) khoa Cảnh Hưng, đời vua Lê Hiển Tông.  Vì ông có văn chương hay và nhất là giỏi về khẩu tài nên người ta còn gọi ông là Trạng Quỳnh, thay vì là Cống Quỳnh (cho người đổ Hương Cống).


Đây là những giai thoại giữa bà Đoàn Thị Điểm và ông Cống Quỳnh.

Một buổi tối, Thị Điểm rũ màn trải chiếu sắp đi ngủ, Quỳnh liền trước vào nằm giương cột buồm lên.  Thị Điểm lên giường vô tình sờ phải, giật mình ngỡ rắn, sau mới biết là Quỳnh, bèn đọc ngay một câu đối để chữa thẹn:

Trướng nội vô phong phàm tự lập.  (nghĩa là: Trong trướng không có gió mà buồm dựng)

Quỳnh liền đối ngay rằng:

Hung trung bất vũ thủy trường lưu.  (nghĩa là: Trong bụng không mưa mà nước chảy xiết)

Điểm lại đọc câu nữa:

Cây xương giồng (rồng), giồng đất rắn, long vẫn hoàn long.  (Long là rồng).

Quỳnh lại đối ngay:

Quả dưa chuột, chuột thẳng gang, thử chơi thì thử.  (Thử là chuột).

Sau đó Quỳnh bỏ đi.


Hôm sau Thị Điểm tắm, Quỳng gõ cửa đòi vào xem, Điểm dẫy nẫy không cho vào, Quỳnh cứ đứng kè nhè mãi.  Điểm tức mình mới đọc một câu bảo hễ đối được thì mở cửa cho vào xem:

Da trắng vỗ bì bạch

(Bì bạch là da trắng)

Quỳnh nghĩ mãi không sao đối được.


e) Câu "Da trắng vỗ bì bạch"


Muốn Đối được câu "Da trắng vỗ bì bạch" ta phải tìm hiểu những đặc điểm của nó vì câu đối (vế đối dưới) cũng phải có những đặc điểm tương tự hay tương phản.


1. Về âm thanh, câu "Da trắng vỗ bì bạch" có những đặc điểm:

Câu có 5 chữ và 3 tiết tấu: "da trắng", "vỗ" và "bì bạch".  Theo phép đối cho câu 5 chữ thì trong vế đối dưới những chữ cuối của mỗi tiết tấu phải đối âm với những chữ cuối của mỗi tiết tấu tương ứng trong vế đối trên (xướng).  (Theo phép Đối của Diên Hương).

Ba chữ cuối của ba tiết tấu của vế xướng là chữ thứ 2 là "trắng" (âm trắc), chữ thứ 3 là "vỗ" (âm trắc) và chữ thứ "bạch" (âm trắc).  Như vậy chữ thứ 2, thứ 3 và chữ thứ 5 của vế đối dưới đều phải có âm bằng (đối với âm trắc).


2. Về loại từ, câu "Da trắng vỗ bì bạch" có đặc điểm:

Da là danh từ (chữ thứ 1). Trắng là tính từ (chữ thứ 2), Vỗ là động từ (chữ thứ 3) và Bì bạch (chữ thứ 4 và 5) là tính từ.

Như vậy những chữ trong vế đối dưới cũng phải theo thứ tự có tương tự về loại từ như vậy, tức là chữ thứ 1 là danh từ, chữ thứ 2 là tính từ, chữ thứ 3 là động từ còn chữ thứ 4 và 5 là tính từ.


Ngoài 2 đặc điểm thông thường, câu "Da trắng vỗ bì bạch cỏn có những đặc điểm riêng:


3. Về văn phạm của câu văn, câu "Da trắng vỗ bì bạch" có những đặc điểm:

Chủ từ "Da trắng" bị "vỗ" (tự nó không vỗ được).  Chữ "bì bạch" là trạng từ của động từ "vỗ".

Câu đối cũng phải có những đặc điểm tương tự như vậy.


4. Về chữ nghĩa, câu "Da trắng vỗ bì bạch" có những đặc điểm:

"Bì bạch" là tiếng Nôm nhưng cũng là Hán ngữ.  Theo Hán ngữ, Bì = da.  Bạch = trắng.  Tuy nhiên Da trắng = Bạch bì chứ không phải là Bì bạch (theo văn phạm của Hán ngữ).  Nhưng dịch theo nghĩa "nôm" từng chữ là: "Da - trắng - vỗ - bì - bạch" = "Da - trắng - vỗ - da - trắng".

Câu đối cũng phải có những đặc điểm tương tự như vậy.


Đây là câu xướng và đối:

Câu xướng (vế trên): Da trắng vỗ bì bạch

Câu đối (vế dưới): Rừng sâu mưa lâm thâm


Câu "Rừng sâu mưa lâm thâm" đối chỉnh vì những lý do:

1. Về âm thanh:

Da - trắng (âm trắc) - vỗ (âm trắc) - bì - bạch (âm trắc)

Rừng - sâu (âm bằng) - mưa (âm bằng) - lâm - thâm (âm bằng)

2. Về loại từ:

Da (danh từ) - trắng (tính từ) - vỗ (động từ) - bì bạch (tính từ)

Rừng (danh từ) - sâu (tính từ) - mưa (động từ) - lâm thâm (tính từ)

3. Về văn phạm:

Da trắng (chủ từ) - vỗ (động từ) - bì bạch (trạng từ)

Rừng sâu (chủ từ) - mưa (động từ) - lâm thâm (trạng từ)

"Da trắng" bị "vỗ" (bị người ta vỗ) - "Rừng sâu" bị "mưa" (bị trời mưa) thì cũng tương tự. 


4. Về chữ nghĩa:

- Đặc điểm của câu "Da trắng vỗ bì bạch":

"Bì bạch" là tiếng Nôm nhưng cũng là Hán ngữ.  Theo Hán ngữ, Bì = da.  Bạch = trắng.  Tuy nhiên, Da trắng = Bạch bì chứ không phải là Bì bạch.  Dịch theo nghĩa "nôm" từng chữ là: "Da - trắng - vỗ - bì - bạch" = "Da - trắng - vỗ - da - trắng".  


Theo tiếng Nôm, Bì bạch = tiếng to nhỏ trầm bổng, không đều nhau, phát ra liên tiếp như tiếng vỗ vào vật mềm hay ướt.  (Việt Nam Đại Từ Điển).


- Đặc điểm của câu "Rừng sâu mưa lâm thâm" cũng tương tự:

"Lâm thâm" là tiếng Nôm nhưng cũng là Hán ngữ.  Theo Hán ngữ, Lâm = rừng.  Thâm = sâu.  Tuy nhiên Rừng sâu = Thâm lâm chứ không phải là Lâm thâm.  Dịch theo nghĩa "nôm" từng chữ là: "Rừng - sâu - mưa - lâm - thâm" = "Rừng - sâu - mưa - rừng - sâu".


Theo tiếng Nôm, Lâm thâm = (Mưa) nhỏ nhưng mau hạt và kéo dài. (Việt Nam Đại Từ Điển).


Kết luận: Còn có thêm 1 câu Đối ngoài câu "Rừng sâu mưa lâm thâm".


Xướng:

Da trắng vỗ bì bạch (Da - trắng - vỗ - da - trắng)

Đối 1:

Rừng sâu mưa lâm thâm (Rừng - sâu - mưa - rừng - sâu)

Đối 2:

Vợ hiền nhìn thê lương (Vợ - hiền - nhìn - vợ - hiền)

CHINH PHỤ NGÂM 


Chinh Phụ Ngâm Khúc là một thi phẩm Hán ngữ do tác giả là ông Đặng Trần Côn.  Thi phẩm được viết bằng Hán tự (chữ Hán, chữ Nho) theo thể thơ Trường Đoản Cú, nhiều câu dài tới 11 chữ và cũng có những câu ngắn có 3 chữ.  Bài thơ được bà Đoàn Thị Điểm dịch ra Việt ngữ, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm; và theo thể thơ Song Thất Lục Bát (tất cả 412 câu thơ).


Ông Đặng Trần Côn đậu Cử nhân, bổ làm quan Huấn đạo.  Đến năm 1740, đời Lê Hiển Tông, ông được thăng làm Tri huyện Thanh Oai (Hà Đông), và sau làm đến chức Ngự Sử đài.  Ông có để lại nhiều tác phẩm như:

Chinh Phụ Ngâm

Tiêu Tương bát cảnh

Trương Hàn tư thuần lư

Trương Lương bố y

Khấu môn thanh

Tiểu thuyết Bích Câu kỳ ngộ.


Chinh Phụ Ngâm Khúc bản chữ Quốc ngữ với chú thích vào thời Việt Nam Cộng Hòa từ Giáo sư Nguyễn Huy.


Ngày nay có nhiều khám phá mới về thi phẩm Chinh Phụ Ngâm.


A. Dịch giả của Chinh Phụ Ngâm


Chinh Phụ Ngâm từ xưa đến giờ luôn được biết có tác giả bản Hán ngữ là ông Đặng Trần Côn và dịch giả chuyển sang Việt ngữ (diễn Nôm) là bà Đoàn Thị Điểm. 

Vào đầu thế kỷ 20, đã có một bài thơ của ông Phan Huy Ích chứng minh là ông có dịch Chinh Phụ Ngâm.


TÂN DIỄN "CHINH PHỤ NGÂM KHÚC" THÀNH NGẪU THUẬT


Nhân Mục tiên sinh “Chinh phụ ngâm”
Cao tình dật điệu bá từ lâm                    (Từ điệu cao kỳ đã truyền bá ở chốn từ lâm)
Cận lai khoái trá tương truyền tụng       (Ai cũng truyền tụng lấy làm khoái trá lắm)
Đa hữu thôi xao vi diễn âm                    (Đã có nhiều người đã diễn Nôm)
Vận luật hạt cùng văn mạch túy             (Theo luật vận thì không được tinh túy trong mạch văn)
Thiên chương tu hướng nhạc thanh tầm (Phải theo thiên chương hiệp với nhạc thanh)
Nhàn trung phiên dịch thành tân khúc    (Nay nhân buổi nhàn đã dịch ra thành khúc mới)
Tự tín suy minh tác giả tâm.                    (Tự tin là suy minh được tâm tư của tác giả).

(Phan Huy Ích)


(*) Chú thích: Nhân Mục tiên sinh lả Đặng Trần Côn, người làng Nhân Mục.


Theo ông Đông Châu, trên Nam Phong tạp chí số 106, một con cháu họ Phan là ông Phan Huy Chiêm dựa theo ghi chép trong gia phả họ Phan gửi thư cho ông rằng bài thơ này được Phan Huy Ích làm khi hoàn thành diễn Nôm tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn.
Bài này được một số học giả dùng làm căn cứ chứng minh bản dịch vốn được cho là của Đoàn Thị Điểm là do Phan Huy Ích diễn Nôm. 


Tuy nhiên, thực tế bài này chỉ thể hiện Phan Huy Ích có diễn Nôm Chinh phụ ngâm khúc, nhưng chưa chứng minh được bản dịch đó là bản được lưu truyền rộng rãi, nhất là có câu:


Đa hữu thôi xao vi diễn âm


Do đó các học giả vẫn giữ ý kiến cho rằng bà Đoàn Thị Điểm là dịch giả bản dịch phổ thông được dùng từ trước tới nay trong giáo dục văn chương.

 

Hiện nay theo Wikipedia, 

Chinh Phụ Ngâm có tất cả 7 bản dịch và phỏng dịch bằng các thể thơ Lục bát (3 bản) hoặc Song thất Lục bát (4 bản) và có tất cả 6 dịch giả: Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Ích, Nguyễn Khản, Bạch Liên am Nguyễn (?) và 2 tác giả khuyết danh.

Bản dịch thành công nhất và phổ thông từ xưa đến giờ theo thể Song thất Lục Bát.  Dịch giả của bản này được các học giả cho là bà Đoàn Thị Điểm (1705-1748) ngay từ đầu nhưng gần đây có xu hướng nghiêng về ông Phan Huy Ích (1751-1822).


B. Ảnh hưởng từ Đường thi của bản Hán ngữ


Ông Đặng Trần Côn chịu ảnh hưởng rất nặng từ Đường thi.  Bản Chinh Phụ Ngâm Khúc bằng Hán ngữ của ông có nhiều Đoạn rất giống như nhiều bài Đường thi của thi nhân Trung Quốc nhất là Lý Bạch tuy rằng trong thời của ông Đặng Trần Côn thì có thể coi đó là một vinh dự (honor) hay là một phong trào "ước lệ" (conventional) của thi nhân.  

Thi nhân cổ điển đều dùng điển cố hay mượn 1, 2 câu thơ của tiền nhân nhưng không có quá đáng như ông Đặng Trần Côn viết Chinh Phụ Ngâm.  


Với xu hướng như trên, có thể có nhiều Đoạn khác cũng có cùng đặc tính như vậy nhưng những bài Đường thi tương quan chưa được tìm ra.

 

Đây là một số Đoạn như vậy được tìm thấy.  


1) Ảnh hưởng từ bài Đường thi "Tái Hạ Khúc 6" của Lý Bạch


Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (câu 5-12)


Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây

Chín tầng gươm báu trao tay

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.

Nước thanh bình ba trăm năm cũ

Áo nhung trao quan vũ từ đây

Sứ trời sớm giục đường mây

Phép công là trọng niềm tây sá nào.


Nguyên bản Hán ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn:


Cổ bề thanh động Trường Thành nguyệt

Phong hỏa ảnh chiếu Cam Tuyền vân

Cửu trùng án kiếm khởi đương tịch

Bán dạ phi hịch truyền tướng quân

Thanh bình tam bách niên thiên hạ

Tòng thử nhung y thuộc vũ thần

Sứ tinh thiên môn thôi hiểu phát

Hành nhân trọng pháp khinh ly biệt.


Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Tái Hạ Khúc 6" của Lý Bạch:


TÁI HẠ KHÚC 6

Phong hỏa động sa mạc

Liên chiếu Cam Tuyền vân (*)

Hán hoàng án kiếm khởi

Hoàn triệu Lý Tướng quân (*)

Binh khí thiên thượng hợp

Cổ thanh lũng để văn

Hoành hành phụ dũng khí

Nhất chiến tĩnh yêu phân.

(Lý Bạch)


Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Tái Hạ Khúc":


KHÚC HÁT DƯỚI ẢI 6

Lửa báo nguy động rung sa mạc

Núi Cam Tuyền sáng át cả mây

Hán hoàng chống kiếm nơi tay

Truyền vời tướng Lý định ngày xuất chinh

Khí thế quân trào dâng cao ngất

Trống khua vang tới khắp lũng ngoài

Xông pha ngang dọc hùng oai

Chỉ trong một trận hết loài quái yêu.

(Nguyên Minh dịch)


(*) Chú thích:

Cam Tuyền: núi có cung vua, thường đốt lửa để báo giặc tới.

Lý tướng quân: là Lý Quảng, một đại tướng của nhà Hán.



2) Ảnh hưởng từ 2 bài Đường thi của Lý Bạch là "Kết Miệt Tử" và "Tái Hạ Khúc 3":


Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (câu 17-24):


Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt

Xếp bút nghiêng theo việc đao cung

Thành liền mong tiến bệ rồng

Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao

Giã nhà đeo bức chiến bào

Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.


Nguyên bản Hán ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn:


Lương nhân nhị thập Ngô Môn hào

Đầu bút nghiên hề sự cung đao

Dục bả liên thành hiến minh thánh

Nguyện tương xích kiếm trảm thiên kiêu

Trượng phu thiên lý chí mã cách

Thái sơn nhất trích khinh hồng mao.

Tiện từ khuê khổn tòng chinh chiến

Thu phong minh tiên xuất Vị kiều.


Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Kết Miệt Tử" của Lý Bạch:


KẾT MIỆT TỬ (*)

Yên nam tráng sĩ Ngô Môn hào (*)

Trung trúc trí duyên ngư ẩn đao (*)

Cảm quân ân trọng hứa quân mệnh

Thái sơn nhất trịch khinh hồng mao.

(Lý Bạch)


Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Kết Miệt Tử":


GẢ ĐAN BÍ TẤT

Ngô Môn có bậc anh hào

Lòng đàn bụng cá dấu dao tung hoành

Đền ơn vua, quyết dâng mình

Một gieo núi Thái, nhẹ tênh lông hồng.

(Trần Trọng San dịch)


(*) Chú thích:

Yên Nam tráng sĩ: là Cao Tiệm Ly, người ở miền nam nước Yên

Ngô Môn hào kiệt: là Chuyên Chư, người nước Ngô

Kết miệt tử: gả đan bí tất (vớ), chỉ người quyết báo ơn.  Do câu trong sách Hán thư: "Vương sinh sai Trương Thích Chi đan bí tất rồi tha cho đi".

Trúc: tên một loại nhạc khí ngày xưa.  Cao Tiệm Ly dấu dao trong đàn trúc để ám sát Tần Thủy Hoàng.

Duyên đao: dao không sắc bén

Ngư ẩn đao: Chuyên Chư dấu dao trong bụng cá để hành thích Vương Liêu của nước Ngô.


Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Tái Hạ Khúc 3" của Lý Bạch:


TÁI HẠ KHÚC 3

Tuấn mã như phong kiều

Minh tiên xuất Vị kiều (*)

Loan cung từ Hán nguyệt

Sáp vũ phá thiên kiêu

Trận giải tinh mang tận

Doanh không hải vụ tiêu

Công thành họa Lân các (*)

Độc hữu Hoắc Phiêu Diêu. (*)

(Lý Bạch)


Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Tái Hạ Khúc 3":


KHÚC HÁT DƯỚI ẢI 3

Ngựa hay như gió phi nhanh

Roi kêu cầu Vị từ thành phóng ra

Giương cung, trăng Hán lìa xa

Lắp tên, phá nát chẳng tha giặc trời

Trận tan, tắt hết sao rồi

Trại không, mù biển đã trôi đi dần

Công thành, hình vẽ gác Lân

Hoắc Phiêu Diêu, chỉ ghi phần tướng quân.

(Anh Nguyên dịch)


(*) Chú thích:

Vị kiều: tên cái cầu, nơi nhà Đường chống giữ rợ Đột Khuyết.

Hoắc Phiêu Diêu: tên tướng nhà Hán lập nhiều chiến công được tạc tượng ghi công ở Kỳ Lân các.

Lân các: là Kỳ Lân Các.


3) Ảnh hưởng từ bài Đường thi "Tái Hạ Khúc 1" của Lý Bạch.


Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (câu 33-40):


Lòng thiếp tợ bóng trăng theo dõi

Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên san

Múa gươm rượu tiễn chưa tàn

Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo

Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử

Tới Man Khê bàn sự Phục Ba

Áo chàng đỏ tựa ráng pha

Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.


Nguyên bản Hán ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn:


Thiếp tâm tùy quân tự minh nguyệt

Quân tâm vạn lý Thiên sơn tiền

Trịch ly bôi hề vũ Long tuyền

Hoàn chinh sáo hề chỉ hổ huyệt

Vân tùng Giới Tử liệp Lâu Lan

Tiểu hướng Man Khê đàm Mã Viện

Quân phi trang phục hồng như hà

Quân kỵ kiêu mã bạch như tuyết.


Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Tái Hạ Khúc 1" của Lý Bạch.


TÁI HẠ KHÚC 1

Ngũ nguyệt Thiên sơn tuyết (*)

Vô hoa chỉ hữu hàn

Địch trung văn "chiết liễu"

Xuân sắc vị tằng khan

Hiểu chiến tùy kim cổ

Tiêu miên bão ngọc an

Nguyện tương yêu hạ kiếm

Trực vị trảm Lâu Lan. (*)

(Lý Bạch)


Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Tái Hạ Khúc 1":


KHÚC HÁT DƯỚI ẢI 1

Tháng năm tuyết Thiên san

Không hoa, chỉ lạnh tràn

Nghe sáo vang "chiết liễu"

Chưa từng ngắm xuân sang

Sáng đi theo trống trận

Đêm gối yên sa tràng

Nguyện đem kiếm bên lưng

Chém ngay chúa Lâu Lan.

(Trần Trọng San dịch)

KHÚC HÁT DƯỚI ẢI 1

Tháng năm núi Thiên san còn tuyết

Không thấy hoa, chỉ tuyệt lạnh lùng

Sáo đưa "chiết liễu" mông lung

Nét xuân muôn thuở chẳng từng qua đây

Sáng giao chiến động mây chiêng trống

Tối gối đầu yên ngọc ngủ an

Nguyện dùng bảo kiếm lưng ngang

Chém ngay đầu giặc Lâu Lan rửa hờn.

(Nguyễn Phước Hậu dịch)


(*) Chú thích:

Thiên Sơn: tên núi ở Tân Cương

Chiết liễu: tên khúc nhạc biệt ly; Chiết liễu = bẻ cành liểu.

Lâu Lan: đời Hán Chiêu Đế, Tướng Phó Giới Tử chém vua nước Lâu Lan.  Nước Lâu Lan ở Tây Vực (Tân Cương bây giờ).


4) Ảnh hưởng từ bài Đường thi "Quan San Nguyệt" của Lý Bạch.


Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (câu 33-34 và câu 73-76)


Lòng thiếp tợ bóng trăng theo dõi

Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên san

......... 

Nay Hán xuống Bạch thành đóng lại

Mai Hồ về Thanh Hải dòm qua

Hình khe thế núi gần xa

Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao.


Nguyên bản Hán ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn:


Thiếp tâm tùy quân tự minh nguyệt

Quân tâm vạn lý Thiên sơn tiền

...........

Kim trêu Hán hạ Bạch Đăng thành

Minh nhật Hồ khuy Thanh Hải khúc

Thanh Hải khúc, thanh sơn cao phục đê

Thanh sơn tiền thanh khê đoạn phục tục


Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Quan San Nguyệt" của Lý Bạch:


QUAN SAN NGUYỆT

Minh nguyệt xuất Thiên san (*)

Thương mang vân hải gian

Trường phong kỷ vạn lý

Xuy độ Ngọc Môn quan

Hán hạ Bạch Đăng đạo (*)

Hồ khuy Thanh Hải loan (*)

Do lai chinh chiến địa

Kỷ kiến hữu nhân hoàn

Thú khách vọng biên sắc

Tư quy đa khổ nhan

Cao lâu đang thử dạ

Thán tức vị ưng nhàn.

(Lý Bạch)


Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Quan San Nguyệt":


TRĂNG NƠI QUAN ẢI, NÚI NON

Trăng sáng ló Thiên san

Giữa biển mây mênh mang

Gió lan xa vạn dặm

Thổi đến Ngọc Môn quan

Bạch Đăng quân Hán xuống

Thanh Hải giặc Hồ tràn

Xưa nay nơi chiến địa

Không thấy ai về làng

Lính thú trêng biên sắc

Nhớ quê khổ muôn vàn

Trên lầu cao đêm tối

Chắc không ngơi thở than.

(Trần Trọng San dịch)


(*) Chú thích: 

Thiên Sơn: tên núi ở Tân Cương

Bạch Đăng: tên thành nơi Hán Cao Tổ bị rợ Hung Nô bao vây

Thanh Hải: tên đất ở phía Tây tỉnh Cam Túc.


5) Ảnh hưởng từ 2 bài Đường thi "Hoài Thủy Biệt Hữu" của Trịnh Cốc và "Xuân Tứ" của Lý Bạch.


Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (Câu 57-64 và câu 273-280)


Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.
..........................................
..........................................
Trông bến Nam bãi che mặt nước
Cỏ biếc um, dâu ướt màu xanh
Nhà thôn mấy xóm chông chênh
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm.
Trông đường bắc đôi chòm quán khách
Rườm rà cây xanh ngắt núi non
Lúa thành thoi thóp bên cồn
Nghe thôi ngọc địch véo von bên lầu.

Bản Hán ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn


Lang cố thiếp hề Hàm Dương

Thiếp cố hề Tiêu Tương

Tiêu Tương yên cách Hàm Dương thụ

Hàm Dương thụ cách Tiêu Tương giang

Tương cố bất tương kiến

Thanh thanh mạch thượng tang

Mạch thượng tang, mạch thượng tang

Thiếp ý quân tâm thùy đoản trường?

.................................

..................................

Vọng quân hà sở kiến, giang biên mãn bạch tần

Yên thảo phi thanh lũ, Tần tang nhiễm lục vân

Nam lai tỉnh ấp bán phong trần

Lạc nhật bình sa nhạn nhấy quần.

Vọng quân hà sở kiến, dịch lộ đoản trường đình

Vân gian Ngô thụ bích, thiên tế Thục sơn thanh

Bắc lai hòa thử bán hoang thành

Vi vũ giang lâu địch nhất thanh.


Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Hoài Thủy Biệt Hửu" của Trịnh Cốc:


HOÀI THỦY BIỆT HỮU

Dương Tử giang dương liễu xuân

Dương hoa sầu sát độ giang nhân

Sổ thanh phong địch ly đình vãn

Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần.

(Trịnh Cốc)


Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Hoài Thủy Biệt Hữu":


TỪ BIỆT BẠN BÊN SÔNG HOÀI THỦY

Đầu bến sông Dương xanh liễu dương

Hoa dương buồn giết khách sang ngang

Sáo vang mấy tiếng đình chiều tối

Bạn đến Tiêu Tương tôi tới Tần.

(Trần Trọng San dịch)


(*) Chú thích:

Hoài thủy: tên sông ở tỉnh An Huy và tỉnh Giang Tô

Dương tử giang: người Tây phương thường gọi sông Trường Giang là Dương tử giang.
Tiêu Tương: tên sông ở huyện Linh Lăng, tỉnh Hồ Nam.

Tần: tên nước ở tỉnh Thiểm Tây ngày nay, kinh đô là Hàm Dương.


Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Xuân Tứ" của Lý Bạch:


XUÂN TỨ

Yên thảo như bích ty

Tần tang du lục chi

Đương quân hoài qui nhật

Thị thiếp đoạn trường thì

Xuân phong bất tương thức

Hà sự nhập la vi.

(Lý Bạch)


Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Xuân Tứ":


XUÂN TỨ

Cỏ Yên dường sợi tơ xanh

Dâu Tần cũng nảy những cành le te

Đương khi chàng muốn về quê

Chính là khi thiếp đang tê tấm lòng

Gió xuân đâu có quen cùng

Cớ chi lại cứ vào trong màn là.

(Trần Trọng Kim dịch)


6) Ảnh hưởng từ bài Đường thi "Cửu Biệt Ly" của Lý Bạch:


Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (câu 141-148):


Tin thường lại người không thấy lại

Hoa dương tàn đã trải rêu xanh

Rêu xanh mấy lớp chung quanh 

Dạo sân một bước trăm tình ngẩn ngơ

Thư thường tới người chưa thấy tới

Bức rèm thưa lần dãi bóng dương

Bóng dương mấy buổi xuyên ngang

Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai.


Nguyên bản Hán ngữ Chinh Phụ Ngâm của của Đặng Trần Côn:


Tích niên ký tín khuyển quân hồi

Kim niên ký tín khuyển quân lai

Tín lai nhân vị lai

Dương hoa linh lạc ửy thương đài

Thương đài thương đài hựu thương đài

Nhất bộ nhàn đình bách cảm thôi

Tích niên ký thư đính thiếp kỳ

Kim niên hồi thư đính thiếp qui

Sa song tịch mịch chuyển tà huy

Tà huy tà huy hựu tà huy

Thập ước giai kỳ cửu độ vi.



Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Cửu Biệt Ly" của Lý Bạch:


CỬU BIỆT LY

Biệt lai kỷ xuân vị hoàn gia

Ngọc song ngũ kiến anh đào hoa

Hướng hữu cẩm tự thư (*)

Khai cam sử nhân ta

Thử trường đoạn, bỉ tâm tuyệt

Vân hoàn lục mấn bãi sơ kết

Sầu như hồi phiêu loạn bạch tuyết

Khứ niên ký thư báo Dương Đài (*)

Kim niên ký thư trùng tương thôi

Đông phong hề Đông phong

Vị ngã xuy hành vân sứ tây lai

Đãi lai cảnh bất lai

Lạc hoa tịch tịch ủy thanh đài.

(Lý Bạch)


Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Cửu Biệt Ly":


LÂU NGÀY XA CÁCH

Chàng đi mấy xuân chưa về nhà

Cửa ngọc năm lần đào nở hoa

Huống còn tờ thư gấm

Mở phong mà xót xa

Đến nỗi lòng nầy đau tựa cắt

Tóc xanh biếng chải làn mây thắt

Buồn như gió lộng tóc tơi bời

Năm ngoái gửi thư đến Dương Đài

Năm nay gửi thư lại giục ai

Gió Đông hề! gió Đông

Vì ta thổi mây tới miền Tây

Chờ đợi mãi sao mà chẳng tới?

Hoa rơi lặng lẽ lớp rêu đầy.

(Trần Trọng San dịch)


(*) Chú thích:

Cẩm tự: đời Tần, Đậu Thao đi trấn thủ Tương Dương, đem theo người thiếp yêu.  Vợ là Tô thị làm hơn 200 bài thơ dệt lên bức gấm gửi cho chồng.  Đậu Thao xem chữ gấm (cẩm tự), cảm động liền cho xe đón về Tương Dương.  "Đề chữ gấm phong thôi lại mở" (Chinh Phụ Ngâm).

Dương Đài: tên núi ở huyện Vu Sơn, tỉnh Tứ Xuyên.  "Tìm chàng thủa Dương Đài chốn cũ" (Chinh Phụ Ngâm).


Bài thơ "Cửu Biệt Ly" của Lý Bạch còn ảnh hưởng tới Đặng Trần Côn trong những câu thơ Hán ngữ khác:


(Đoàn Thị Điểm dịch)

Cẩm tự đề thi phong cánh triển     Đề chữ gấm phong thôi lại mở

Kim tiền vấn bốc tín hoàn nghi     Gieo bói tiền tin dở còn ngờ


(Đoàn Thị Điểm dịch)

Tầm quân hề Dương Đài lộ           Tìm chàng thuở Dương Đài lối cũ

Hội quân hề Tương Giang tân       Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa


7) Ảnh hưởng từ bài Đường thi "Trường Tương Tư" của Lý Bạch.


Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (câu 203-212):

Sắc trời đằng đẵng bấy niên

Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa

Hương gượng đốt hồn đà mê mãi

Gương gượng soi lệ lại chứa chan

Sắt cầm gượng gẩy ngón đàn

Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng (trùng)

Lòng gửi gió Đông có tiện

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên

Non Yên đâu chẳng tới miền

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.


Nguyên bản Hán ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn:


Sầu như hải

Khắc như niên 

Cưỡng viện cầm, chỉ hạ kinh đình loan phượng trụ

Cưỡng cổ sắt, khúc trung sầu yết uyên ương huyền

Thử ý xuân phong nhược khẳng truyền

Thiên kim tá lực ký Yên Nhiên

Yên Nhiên vị dị truyền

Ức quân thiều thiều hề lộ như thiên.


Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Trường Tương Tư" của Lý Bạch:


TRƯỜNG TƯƠNG TƯ

Nhật sắc dục tận hoa hàm yên

Nguyệt minh như tố sầu bất miên

Triệu sắt sơ đình phụng hoàng trụ

Thục cầm dục tấu uyên ương huyền

Thử khúc hữu ý vô nhân truyền

Nguyện tùy xuân phong kỷ Yên Nhiên

Ức quân điều điều cách thanh thiên

Tích thời hoành hoa mục

Kim tác lưu lệ tuyền

Bất tín thiếp trường đoạn

Quy lai khán thủ minh kính tiền.

(Lý Bạch)


Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Trường Tương Tư":


NHỚ NHAU HOÀI

Hoa lồng khói biếc lặn tà dương

Trăng trong như lụa lòng buồn thương

Đàn Triệu vừa ngơi trụ Phượng hoàng

Đàn Thục toan gẩy dây uyên ương

Khúc nầy có ý không ai truyền

Mong gởi gió xuân đến Yên Nhiên

Xa cách trời xanh, nhớ khó quên

Ngày xưa mắt gợn sóng

Nay thành suối lệ phiền

Đoạn trường ai chẳng tin lòng thiếp

Hãy về mà ngắm bóng gương in.

(Trần Trọng San dịch)


NHỚ NHAU HOÀI

Bóng tà dương hoa lồng khói biếc

Trăng như tơ sầu giấc không yên

Đàn Triệu vừa dứt tiếng huyền

Thục cầm lại gởi khúc uyên ương liền

Ý nhạc hay, thất truyền xin gởi

Nhờ gió xuân đưa tới Yên Nhiên

Cao xanh ngăn cách khó quên

Làm em càng nhớ chàng nơi phương trời

Mắt ngày xưa lả lơi gợn sóng

Nay suối tuôn lệ nóng nhớ chàng

Vì ai đòi đoạn tâm can

Về đây đối bóng xin chàng hãy tin.

(Cao Nguyên dịch)

 

Triệu sắt: vì người nước Triệu giỏi đàn sắt nên thường gọi đàn nầy là "Triệu sắt".  Sắt là loại đàn có 25 dây.

Thục cầm:Tư Mã Tương Như người nước Thục giỏi gẩy đàn cầm, nên đàn nầy thường được gọi là Thục cầm.  Cầm là loại đàn có 7 dây.

Yên Nhiên: tên núi ở Mông Cổ ngày nay.  Đời Đông Hán, Tướng Đậu Hiến đánh thắng Thiền Vu (vua Hung Nô), lên núi nầy khắc chữ trên đá ghi chiến công của mình.


Chiến công của Đậu Hiến ở Yên Nhiên cũng ảnh hưởng đến những câu thơ Hán ngữ của Đặng Trần Côn:

 (Đoàn Thị Điểm dịch) 

Tiệp sắc tinh kỳ từ tái nguyệt        Bóng cờ xí giã ngoài quan ải

Khải ca tướng sĩ bối biên phong   Tiếng khải ca trở lại thần kinh

Lặc công hề Yên Nhiên thạch       Non Yên tạc đá đề danh

                                                      Triều thiên vào trước cung đình dâng công. 


8) Ảnh hưởng từ bài Đường thi "Khuê Oán" của Vương Xương Linh.


Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (Câu 45-48 và câu 296-300)


Quân trước đã gần ngoài Doanh Liễu

Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương

Quân đưa chàng ruổi lên đường

Liễu dương biết thiếp đoạn trường nầy chăng.

...................

Lòng nầy hóa đá cũng nên

E không ngại ngọc mà lên trông lầu

Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu

Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong

Chẳng hay muôn dặm ruổi giong

Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng?


Nguyên bản Hán ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn


Tiền quân bắc Tế Liễu

Hậu kỵ tây Tràng Dương

Kỵ quân tương ủng quân lâm tái

Dương liễu na tri thiếp đoạn trường

.................

Hữu tâm thành hóa thạch

Vô lệ khả đăng lâu

Hồi thủ trường đê dương liễu sắc

Hối giao phu tế mịch phong hầu

Bất thức ly gia thiên lý ngoại

Quân tâm hữu tự thiếp tâm phầu


Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Khuê Oán" của Vương Xương Linh:


KHUÊ OÁN

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu

Xuân nhựt ngưng trang thướng thúy lâu

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc

Hối giao phu tế mịch phong hầu.

(Vương Xương Linh)


Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Khuê Oán":


KHUÊ OÁN

Phòng khuê nàng chửa biết buồn

Ngày xuân điểm phấn tô son lên lầu

Chợt trông dương liễu xanh mầu

Xui chồng tìm cái phong hầu mà chi?

(Trần Trọng San dịch)



C. Lẫn lộn về Thời gian và Không gian


Truyện Chinh Phụ Ngâm bắt đầu với báo động có quân xâm lược đến Trường Thảnh (Vạn lý trường thành) tức là từ phương Bắc ở ngoài Trường Thành (Tràng Thành).  Người Chinh phu vâng lệnh vua từ kinh đô đi chinh chiến chống giặc. 


Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt

Khói Cam tuyền mờ mịt thức mây 


Hàm Dương là kinh đô thời nhà Tần.  Đến thời nhà Tây Hán thì có tên là (kinh đô) Tràng An.  Nhà Đông Hán dời kinh đô về Lạc Dương.  Sau thời kỳ Loạn Ngũ Hồ và nhà Đông Tấn rồi thời kỳ Nam Triều Bắc Triều; nhà Tùy rồi nhà Đường thống nhất lại Trung Quốc và kinh đô lại là Tràng An (Trường An).  

Theo Chinh Phụ Ngâm, kinh đô là Hàm Dương tức là vào thời nhà Tần nhưng Vị kiều (Cầu Vị) trong Chinh Phụ Ngâm là một chỗ ở kinh đô lại chỉ có tên vào thời nhà Đường.  Hàm Dương và Tràng An ngày nay là thành phố Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây.  


Thay vì đi ra Trường Thành ở Tây Bắc của kinh đô Hàm Dương để đánh giặc thì đoàn quân lại đi về Đông Nam đến Tiêu Tương.  

Tiêu Tương là bến ở sông Tương thuộc về tỉnh Hồ Bắc. 


Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

 

Ngay từ đầu, Chinh Phụ Ngâm chúng ta thấy Đặng Trần Côn sai về thời gian và không gian.  

Theo đúng lời thơ, người Chinh phu và người Chinh phụ là người ở kinh đô nhưng dùng 2 địa danh trong 2 thời điểm cách nhau từ thế kỷ thứ 3 tr CN (Nhà Tần và Hàm Dương) và thế kỷ thứ 8 (bắt đầu nhà Đường và Vị kiều).

Người Chinh phu phải đi chống giặc ở Tây Bắc kinh đô (Hàm Dương, thuộc tỉnh Thiểm Tây bây giờ) nhưng lại đi về hướng Đông Nam đến Tiêu Tương (thuộc tỉnh Hồ Bắc ngày nay)!


Hơn nữa nếu dùng thời nhà Tần (với kinh đô Hàm Dương) cho bối cảnh đương thời của Chinh Phụ Ngâm thì Đặng Trần Côn lại nhắc quá khứ chinh chiến trong thời nhà Hán, có sau nhà Tần? 



Sau đó người Chinh phu đóng quân ở tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc, gần kinh đô  (Hàm Dương hay Tràng An): Lũng Tây, Hán Dương ... Người Chinh phụ có tới tìm mà không gặp.  Rồi bà lại nghĩ rằng chàng đang ở núi Yên Nhiên, thuộc Nội Mông bây giờ ở cực Bắc của biên thùy Trung Quốc. Hồn mộng của bà lại nghĩ người Chinh phu ở Hồ Bắc (Giang tân, Dương đài, Tương phố).  Thật ra Dương Đài thuộc tỉnh Tứ Xuyên bây giờ. 


Đây là 2 bản đồ để chứng minh:


BẢN ĐỒ TRUNG QUỐC QUA CÁC THỜI KỲ – TỔ VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI KHOA NGỮ VĂN ĐẠI  HỌC SƯ PHẠM TP. HCM


Tập tin:Bản đồ hành chính Trung Quốc.png – Wikipedia tiếng Việt


Cuối cùng, Chinh Phụ Ngâm kết luận rằng người Chinh phu thắng trận đánh bại vua Hung Nô (Thuyền Vu) ở nước Nhục Chi trong thời nhà Hán, ngày nay là  miền Tây Trung Quốc ở vùng Tân Cương ngày nay, theo tưởng tượng của người Chinh phụ.  Kết luận lại lẫn lộn về thời gian.


Chinh Phụ Ngâm dùng bối cảnh trong cả 3 thời kỳ: nhà Tần, nhà Hán và nhà Đường, cho thời gian chỉ có 3 năm mà người Chinh phu phải đi xa.  Điều này chứng tỏ tác giả kém hiểu biết về lịch sử? 


Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com mục Thơ Văn phần Đọc Thơ Lịch sử.


Tài liệu tham khảo:

1) Điển Cố Từ Thơ (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com 

2) Chinh Phụ Ngâm Khúc (Nguyễn Huy chú giải)

3) Sự Tích Ông Trạng Quỳnh (Trúc Khê)

4) Đoàn Thị Điểm (Wikipedia)

5) Việt Nam Đại Từ Điển (Nguyễn Như Ý chủ biên)

6) Anh em Đoàn Thị Điểm (Đỗ Chiêu Đức) - ptgdtdusa.com