Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Thơ Tranh: Sớm Mai


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Mong Manh



Bốn bề lạnh ngắt bến sông
Quạnh hơi thu vắng chờ trông mỏi mòn
Đường trần lầy lội gót son
Nước mênh mong nước héo hon xuân thì
Đàn lòng quặn thắt người đi
Tàn tro khơi lại còn gì nữa đâu
Vẳng xa ai nắn phím sầu
Vết thương ngày cũ mũi khâu chửa lành
Đêm tàn canh đã tàn canh
Nước mênh mông nước mong manh cuộc tình

Kim Phượng

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Thơ Tranh: Tìm Đâu Gốc Phượng Hồng Năm Cũ


Thơ: Nhị (Cố quân)
Thơ Tranh: Kim Oanh

Sài Gòn Nỗi Nhớ



Tháng Tư về, nhớ Sài Gòn yêu dấu
Vì Sài Gòn ta ngày đêm chiến đấu
Lổi đạo làm con, không viếng Mẹ,Cha
Thời thế đổi thay, Sài Gòn gục ngã.

Ta trở thành người chiến bại, lưu vong
Ta ra đi, một chiều mưa gió lộng
Giọt mưa buồn, như nước mắt tiễn đưa
Lòng tan nát, một đi không trở lại

Nhìn Sài gòn lần cuối, lòng tê tái
Biết đến bao giờ mới gặp lại nhau?
Xứ lạ quê người, ngày tháng qua mau
Không quên Sài gòn,(dù) bao năm cách mặt

Ta thương Sài Gòn hai mùa mưa nắng
Nhớ Sài Gòn, trong đêm trường thanh vắng
Gặp Sài Gòn trong giấc mộng đêm dài.
Sài Gòn ơi! Hãy chờ ta trở lại

Trong thời gian gần lắm, chẳng xa đâu
Sẽ có một ngày tàn cuộc biển dâu
Sài Gòn sẽ là ”Sài Gòn” muôn thuở
Sài Gòn ơi! Sài Gòn là nỗi nhớ
Cuả bao người chiến bại sống tha hương.

Hoa Đô, Mùa Tháng Tư Đen
Lão Mã Sơn/ Trần Gò Công

Chập Chùng

(Bóng Núi - Paulle Minh)

Chập chùng bóng núi với trời xa
Mờ mịt sương giăng níu nguyệt tà
Nung thức hàng cây mùa lửa hạ
Giấu lòng uất nghẹn nỗi đau ta!


Kim Oanh

Thiên Thai



Xướng: Thiên Thai

Lưu Nguyễn ngày xưa lạc động tiên,
Bồng bềnh trong gió thoảng hương duyên.
Nhạc trời réo rắt trong hoa lá,
Sỏi đá reo vui dưới mạn thuyền
Trong vắt âm ba lay khóm trúc, 
Lờ mờ sương khói phủ đào nguyên.
Thiên Thai khách lạ quên trần thế,
Ngơ ngẩn hồn ai chốn ngọc tuyền.

Ngọc tuyền ngơ ngác Bướm trần gian
Chốn đấy Hoa Xuân cũng ngỡ ngàng.
Tiên-tục tình duyên say nhịp phách,
Ái ân ngày tháng đắm cung đàn.
Tiếng quyên bất chợt, lòng xao xuyến,
Làng cũ bồi hồi dạ xốn xang.
Từ giã, người về, quê lạ hoắc,
Động xưa tìm lại, cảnh hoang tàn.

Mailoc
4-14-18
***
Các Bài Họa:
Nghe Nhạc Động Lòng
(Từ bản Thiên Thai của Văn Cao, Hoàng Oanh hát)

Động trời xác bướm lại mơ tiên
Ngọc nữ mông trần muốn kết duyên
Hai gã lang thang tìm hái thuốc
Một đường lắc léo đậu neo thuyền
Mê man vũ nhạc tình thơ mộng
Lấp lửng giam mình chốn thảo nguyên
Cổ máy thời gian dường hỏng hóc
Thiên thai biến mất chỉ lâm tuyền.

Tuyền thủy xuôi dòng bến thế gian
Xa rời tiên giới bỗng ngơ ngàng
Nghê Thường mất hẳn đàn công múa
Âm hưởng còn chăng gió núi đàn
Đã mấy trăm mùa không tống tiển
Chừng hơn một phút dứt ca xang
Nghe rồi chợt thấy mình ngơ ngẩn
Chuyện thuở xa xưa giấc mộng tàn!

Cao Linh Tử

16/4/2014
***
Thiên Thai

Họa vui

Ta như đang sống giấc mơ Tiên
Ta lạc Đào Nguyên hay hữu duyên?
Ta tiếp cận mây vờn dáng liễu
Ta hòa với gío lướt con thuyển
Ta say tiêng hát như Kim Trọng(*)
Ta cất lời ca giống Khuất Nguyên(*)
Ta cảm đang quay cùng trái đất
Ta nhìn thật rõ chốn lâm tuyền.

Lâm tuyền khác hẳn cõi dương gian
Bởi thế tỉnh ra quá ngỡ ngàng(**)
Nếu biết hẳn không sai nhịp phách
Đâu hay mới để lạc tơ đàn
Âm nghe thấy chỏi“sol-la-sí”(***)
Giọng cảm không đều “hồ xử xang”(***)
Ngó lại thấy mình nằm dưới võng
Quẩn quanh mùi rượu vẫn chưa tan.

(*)ép ý một chút,xin quí huynh tỷ thong cảm
(**)Xin dung lai tu nay
(***) cai nay cung vay

Thái Huy
***
Lưu Nguyễn

Cảnh đẹp mơ màng,lạc lối tiên
Phiêu bồng Lưu Nguyễn gặp lương duyên
Kỳ hoa rực rỡ chen bờ suối
Dị thảo đềm êm trải mé thuyền
Vút bổng âm hòa reo lũng núi
U trầm khói lãng tỏa nguồn nguyên
Nghê thường ngọc nữ yêu kiều đón
Chuốc khách đê mê chén tửu tuyền

Tửu tuyền chếnh choáng mộng nhân gian
Ấp ủ bồng lai,cũng ngợ ngàng
Phách tục say sưa trời nhạc vũ
Hồn tiên chấp chới đỉnh thơ đàn
Thiên thai khởi ý sầu tơ lụa
Cõi thế nghe lòng nhớ xự xang
Dứt áo,tìm quê,nhà chẳng gặp
Đào nguyên trở lại…lá hoa tàn

Lý Đức Quỳnh
***
Muốn Đến Thiên Thai

(Họa đọan 1 Thiên Thai của MaiLoc"

Lòng trần cũng muốn đến đào nguyên
Lưu Nguyễn Thiên Thai gặp nữ Tiên
Để ngắm hoa tươi vườn Thượng Uyển
Và ngâm nước mát suối Cam Tuyền
Biết đâu kiếm được người trong mộng
Hoặc sẽ tương phùng kẻ hữu duyên
Mơ ước chỉ là mơ ước hảo
Tỉnh ra bến có bóng con thuyền

Song Quang
4/16/2018

Hồi Hương Ngẫu Thư Kỳ Nhị - Hạ Tri Chương 659 - 744

Lại một năm sắp qua, một mùa xuân mới lại về, tôi ngồi chép lại mấy vần thơ xưa trong Mây Tần - PKT 2012 để gọi là tạ ơn tri kỷ và để cùng với thân quen đọc cho vui với nỗi vu vơ trong những ngày cuối năm này. PKT 01/23/2017 



1/ Hồi Hương Ngẫu Thư Kỳ Nhị

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao thôi
Nhi đồng tương kiến bất tuơng thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai
Hạ Tri Chương (659-744)

Bài Dịch:
Từ nhỏ xa nhà nay trở lại
Giọng quê không đổi chỉ già thôi
Cháu con chào đón tưởng người lạ
Cười hỏi Cụ là ai đến chơi 

Phạm Khắc Trí
***
2/ Hồi Hương Ngẫu Thư Kỳ Nhị

Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa
Cận lai nhân sự bán tiêu ma
Duy hữu môn tiền Kính Hồ thủy
Xuân phong bất cải cựu thời ba

Hạ Tri Chương (659 - 744)
***
Bài Dịch:

Quê nhà cách biệt bao năm tháng
Dâu bể đổi thay đã mấy mùa
Duy chỉ hồ xưa ngoài ngõ vắng
Gió xuân vẫn gợn sóng năm xưa?


Phạm Khắc Trí

Những Câu Nói Hay(3)


1. Sống cuộc đời của mình, theo mong muốn của người khác là lãng phí cuộc đời của bạn. Steve Jobs 

2. Trong đời có nhiều việc không muốn làm nhưng vẫn phải làm, đó là trách nhiệm. Có nhiều việc muốn làm nhưng không thể làm, đó là số phận. 

3. Làm những điều bạn thích: đó là tự do Thích những đều bạn làm: đó là hạnh phúc 

4. Thế giới đã chịu tổn thất lớn, không phải là sự tàn ác của người xấu, mà là sự yên lặng của những người tốt. - Napoleon 

5. Thời gian là thứ chúng ta cần nhất nhưng cũng là thứ chúng ta tiêu xài hoang phí nhất 26. Hãy biết cách tự gây áp lực để bản thân vươn lên và tỏa sáng.

7. Nếu bạn cố tìm kiếm một người hoàn hảo, bạn sẽ không có nỗi 1 người bạn trong đời. – Nhân vi thập toàn

8. Hãy sống vì chính mình; bình thường nhưng không tầm thường

9. Thế giới càng suy đồi thì những hành động bình thường càng dễ được coi trọng. – Khuyết danh

10. Những người thành công luôn có 2 thứ trên môi là sự yên lặng và nụ cười. Mark Zuckenberg.

VVQ Sưu tầm

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Nước Mắt Quê Hương - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly



Nhạc: Trịnh Công Sơn 
Tiếng Hát:Khánh Ly 
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Hương Cố Hương


Người chốn phương trời, ta một phương
Từ khi đôi ngã bước đôi đường
Cánh chim vạn dặm mờ nhân ảnh
Đất khách muôn trùng lạnh gió sương.
Sầu rụng đêm tàn đêm mộng ảo
Trăng lên đỉnh ngự trăng canh trường.
Nhưng còn riêng mảnh tình xuân trước, (*)
Với túi thơ đời hương cố hương.

South Dakota, tháng 4.2018.
Mặc Phương Tử
(*) Gặp lại người năm xưa sau hơn 20 năm.

Tuổi Thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 2

(Ảnh của Tác Giả gửi)

Khi tôi được hai tuổi má lại có bầu lần này thì ba hồi hộp lắm không biết trai hay gái rất may là nhà nghèo và không có gia đình bên chồng,chớ cái mững đẻ toàn con gái chắc má tôi bị đày vào lãnh cũng rồi,vì người tàu trọng nam khinh nữ,mong có con trai để nối dõi tông đường ... cuối cùng ngày khai hoa nở nhụy lần thứ sáu cũng tới 
Lần này má tôi sanh quý tử ....CON TRAi ...là con trai đó,ai cũng mừng dùm má tôi lấy chồng năm mười tám, đến ba mươi tuổi mà sanh tới đứa thứ sáu rồi(chắc tại ngày xưa không có tivi không có điện)

Mừng nhứt là ba tôi ... chỉ tội cho chế hai chế ba ngần ấy tuổi đầu(9,10tuổi)bồng em mệt xỉu cứ hai năm một đứa,bồng em đến đổi bên hông nổi hột ... chế hai ốm yếu nên bồng em nhiều hơn còn chế ba thì phụ việc nhà(gánh nước thì khỏi bồng em là vậy con nhà nghèo thì chịu thiệt thòi là thế)
Ai sao tôi hổng biết! Chị em tôi từ nhỏ tới lớn(12 tuổi)đeo bùa mãn năm,tôi nhớ người ta lấy giấy quyến màu vàng loại mõng mà dai rồi dùng mực tàu màu đỏ vẽ quằn quện lên gọi là bùa,xếp lại thành hình tam giác lấy vải đỏ bọc lại rồi kết với sợi dây chỉ màu vàng hoặc đỏ đeo vào cổ giống như đeo dây chuyền,hể dây này cũ thì đi "thỉnh"dây khác.ôi lúc xưa sao người ta mê tín quá dzậy,bịnh không đi BS mà đi cúng đi vái,cúng vái thế nào bịnh hoạn ra sao? mà khi lớn lên tôi thấy còn bốn đứa con gái,người chị giữa hổng thấy hỏi má:nói chết hồi mấy tuổi rồi !! Hú hồn tui cũng uống thuốc bằng nhang khói không, bịnh thì đi "thỉnh" xác cô hai hốt thuốc .

Lúc sau này ba tôi chịu nhập tịch nên có giấy tờ đầy đủ có thể làm ăn buôn bán để kiếm tiền nuôi mấy chiếc tàu há miệng(không còn làm khách trú nữa,mà là Hoa kiều sống tại Việt nam)nên dọn nhà ra rạch giá ở xóm gần rạp hát Hoà Lạc, khoảng giữa đoạn đường rạp hát và trại hòm tám cảnh nên tuổi thơ của tôi diễn ra tại cái xóm nhỏ 
lao động này,những chuyện xãy ra trước 5,6 tuổi tôi không nhớ chỉ nhớ những trò chơi dân gian mà tôi đã trải qua ...... nào chiền chiền,nhảy cao,nhảy dây,tạt lon,bắn đạn cu li không tiền thì bắn bằng hột nhản,trò cút bắt năm mười mười lăm,tôi không từ món nào cả,con trai chơi được là tôi chơi được,thật ra đồng trang lứa với tôi thì toàn là con trai,con gái lớn hơn thì chê tôi nhỏ,nhỏ hơn thì hổng có ai ngoài con nhỏ con dì tôi nhỏ hơn một tuổi,nên tôi thường chơi chung với nó .

CHIỀN CHIỀN:


Người Bắc gọi là đánh đủa, có tiền thì mua banh nhồi(nghĩa là nó chạm đất thì nhồi tưng lên, còn không tiền thì lấy trái chanh trái ổi gì cũng được) cộng với một bó đủa tre mười mấy cây ít nhiều tuỳ ý môn này thì mấy thằng con trai hổng thích, nên tui chơi với mấy đứa con gái nhỏ hơn .... ỐI TRỜI ƠI !!! Tui lết theo trái banh hổng biết là rách bao nhiêu cái quần, cái rách đầu gối, cái rách đái quần cái nào rách tui dấu dưới đáy rương(rương của tui là thùng giấy)

TẠT LON:


Tụi tui lấy lon sữa bò không vẽ vòng tròn bao quanh cái lon rồi cách mấy thước vẽ lằn ranh đứng sau lằn ranh cầm chiếc dép mà tạt khi nào lon lăn khỏi vòng tròn là thắng nhưng có nhiều khi cũng chọi trúng mấy đứa đứng gần, nên trò này ưa cải lộn 

BẮN ĐẠN:

Mấy đứa có tiền thì mua đạn bằng thủy tinh đủ màu rất đẹp,còn nếu không tiền thì bắn bằng hột nhản,nền đất mềm chỉ cần dộng gót chân xuống sấy sấy vài ba vòng là có ngay một lỗ nho nhỏ đủ để viên bi tròn lọt xuống,mấy đứa tui kêu là bắn cu li.

CÚT BẮT (5-10-15)


Chiển xùm đứa nào thua thì úp mặt vô tường điếm số 5-10-15-20 cho tới 100 còn mấy đứa kia chạy trốn đủ chổ trong kẹt tủ trong góc mùng dưới gầm gường,đủ thứ chổ.Trò chơi này tui hổng mấy gì thích vì lâu quá có khi tìm hổng ra,có khi trốn trong góc mùng rồi ngũ quên luôn .

CHƠI U:


Tụi tui chia thành hai nhóm vẽ vòng vuông đứng bốn góc, bên nào chiển xùm thua thì chạy trước một đứa rượt một đứa chạy, đứa chạy phải chu miệng ra nói ..U..U .. rồi chạy tới phe mình đứng bốn góc chạm tay vào nó để đứa đó chạy tiếp hơi,nếu đứt hơi giữa chừng chưa chạm tới bạn phe mình cũng thua.

NHẢY CAO:


Lấy dây thun kết lại thành cọng dây dài, rồi hai đứa đứng dang xa chừng ba bốn thước căng sợi dây thun trên vạc áo để mấy đứa kia nhảy qua, rồi tới nút một nút hai nút ba(tính theo nút áo) có một lần tui mặc chiếc áo mất chiếc nút cuối nên nút một của tui là nút hai của người ta, nên tụi nó có đứa nhảy không qua 
Thế nên chị ta mỗi lần chơi trò này thì chạy về thay áo mất nút này, có một lần bị thằng bạn cao quá nó đứng xa chạy lấy trớn để nhảy qua tống vô tui một đạp ná thở luôn(nó thì vô tình chỉ tại mình cố ý ăn gian mặc áo mất nút làm chi cho ra cớ sự, về đâu dám nói đi pha nước đường mà uống) vì nghe nói uống nước đường tan máu 
bầm(phải có tiền mua cục nước đá nặn thêm miếng chanh,thì tuyệt ... )

ĐÁ CẦU:


Con trai thì tụi nó đá bằng cầu lông(vì trên cái vòng tròn nho nhỏ dẹp có gắn bốn năm cọng lông gà, lúc đầu tui đá hổng được nên lấy giấy báo cũ cắt từng sợi từng sợi nhưng không đứt lìa còn giữ lại một chút,rồi cuốn tròn lại cái phần không bị đứt lấy cọng dây thun cột chật lại sau đó giũ ra cho bung tròn rồi tập đá,loại này của tụ không bị đứt lấy cọng dây thun cột chật lại sau đó giũ ra cho bung tròn rồi tập đá,loại này của tụi con gái,tui thích đá cầu lông hơn vì khi mình đá nó kêu cách .. cách .
Tui tập đá loại bằng giấy trước cho quen chân,rồi đá cầu lông theo kiểu rút một chân phải lên đá mặt ngoài phía bên mắt cá,quen rồi tui đá mặt trong của bàn chân Ôi sao tui tài đến thế,tụi bây đá được tao cũng đá được(ý tui nói tụi con trai)

TẮM SÔNG:


Nhà tui nằm gần đường Minh mạng cạnh con sông vàm trư ngã ba đầu voi chia thành ba nhánh, ngã chảy về miệt đi Vĩnh thuận ngã ra chợ cầu tàu mỹ, ngã chảy qua xóm phật giáo hoà hảo dài theo trại cưa Triệu xuân Triều rồi chảy ngang cầu đúc ra biển khơi, tắm sông mà tui đâu có biết lội(bơi) nên tui đi tiệm chú tám sửa xe đạp mướn cái béc si(ruột bánh xe hơi bơm lên) chui vô giữa để tập lội nhưng khổ nổi tập kiểu này nhưng tui cũng hỏng biết lội vì có một lần tui thử bỏ béc si ra chìm uống nước gần chết. Thế là mỗi lần tắm sông phải có đồ nghề không thì ngồi trên cầu phóng xuống nước chụp từng cây cột người cấm để buộc ghe. 
Nhưng tui thích tắm sông hơn tắm nhà vì ngâm mình cả tiếng đồng hồ vừa tiết kiệm nước, chế ba tui hỏng phải đi gánh từng đôi, lúc ấy xóm tui chưa có phông tên nước và điện còn phải đốt đèn dầu(khoảng năm60-65). Ôi dòng sông tuổi thơ của tôi .....

ĐÁ BANH:


Đá cầu hoài cũng chán nên tụi nó rũ tui chơi đá banh, hùn tiền lại đi tiệm cái ký võ thành mua trái banh đá, thế là bọn tụi tui chuyển qua chơi đá banh,nhưng đá banh thì phải có khoảng sân rộng, đi qua sân vận động thì xa quá con nít ai cho đi, đá trên đường thì phải tránh xe vả lại đường lộ làm đá tụi tui đá bằng chân không có dép, chân nào chịu nổi nên tụi tui qua sông, bên ấy có khoảng đất trống ... 
mấy thằng bạn nhỏ của tôi biết lội thì lội qua sông, còn tui chạy đi tiệm sữa xe chú 8 mướn cái béc si rồi chui vào giữa nhảy xuống sông tụi nó vừa bơi vừa kéo ... thế là cả đám qua sông,đem banh ra đá cuộc chơi tưng bừng hoa lá vang vội cả một khúc ven sông ..... Ôi những "Cầu Thủ tí hon đi chân đất " đám lục lăng này qua sông cũng nhiều lần rồi cũng thuận buồm xuôi gió kéo đi rồi kéo về (béc si)cũng mấy chục lần .
Nhưng có lần chơi một hồi rồi cải cọ, cái thằng con gái(Tòl) giận bỏ đi,chút quay trở lại mèn đét ơi ...!! Tụi nó lội qua sông về bên kia hết rồi,chỉ bỏ lại cái ruột vỏ xe và tui 
Cuối cùng tui phải ôm cái béc si bự tổ chảng, đi dọc bờ sông lên "đò ngang" ở bến Triệu xuân Triều ..... xuống đò người ta la om sòm : 
-Sao mày có bánh xe hỏng lội về bển,đi đò làm gì 
Tui hỏng biết lội 
- hỏng biết mày ôm cái vỏ xe bự tổ chảnh qua sông chi,rồi bây giờ đi đò về ?
Bạn tui kéo, giờ tụi nó lội về rồi 
- Nếu dzậy mày phải xuống sau để khách xuống trước, qua tới bển mày lên trước cho trống chổ (sao cũng được miễn qua sông là được )
...... Qua tới bển còn cái màn năn nỉ chỉ nhà vì không có tiền trả tiền đò, lũ bạn mắc dịch của tui, về tao chửi cho mà coi !!!! Nhưng tui đâu có chửi vì nếu chửi lần sau tụi nó không rủ tui đá banh với ai ??? NHỊN ...NHỊN ... rồi cũng quên , con nít mà ...

Thôi chào các bạn hôm sau kể tiếp trò chơi mới, lớn một tí rồi tìm môn giải trí khác vừa giúp người vừa giúp mình .....

Chủ Nhân Mời



Chủ Nhân Mời

Vũng Tàu đẹp lắm bạn bè ơi!
Tiên cảnh bồng lai giữa đất trời.
Dạo Bãi Sau mời nhìn tận mắt
Du Thùy Vân khó tả bằng lời.
Danh lam thắng cảnh nhiều nơi ngoạn
Sân đấu công viên lắm thú chơi.
Biển bạc rừng vàng đây hội đủ
Chủ nhân hiếu khách xướng thơ mời!

Vũng Tàu, 24-01-2018
Tú Rớt Trần Đình Thư
***
Các Bài Họa:
Sức Hút Vũng Tàu

Cảnh đẹp Vũng Tàu gọi ới ơi
Đồng Nai tiếng vọng đến vang trời
Tương tư biển sóng hồn du lãm
Mộng tưởng non ngàn trí dạo chơi
Vọng Nguyệt* đằm tay tình ngỏ ý
Tầm Dương** ngợp mắt nghĩa trao lời
Thiên nhiên khéo tạc miền sơn hải
Giục khách đường xa chẳng đợi mời!

Lý Đức Quỳnh
Đồng Nai,25/1/2018
*Vọng Nguyệt:Bãi Vọng Nguyệt nằm ở dưới chân Núi Nhỏ.
**Tầm Dương:tên khác của Bãi Trước
***
Vụng Câu Mời

Vũng Tàu ta đó bạn đời ơi
Biển thuận người xinh dạo nắng trời.
Bãi tắm trong lành tùy hứng bạn
Hải ngư ngon đậm khó qua lời.
Pháo đài Phước Thắng nên tìm hiểu
Lễ hội Nghinh Ông hãy dự chơi.
Bãi Trước, ác tà chìm cõi lục
Vui từ khám phá, vụng câu mời.

Trần Như Tùng
***
Muôn Thu Huế


Huế thơ cảnh đẹp thiết tha ơi
Gấm vóc giang sơn tuyệt đất trời
Vỹ Dạ trăng về hưng phấn dạo
Nam Giao Nắng đổ thỏa thê chơi
Sông mơ Như Ý tình đưa tiếng
Bến mộng Văn Lâu gió thả lời
Vằng vặc muôn thu duyên sắc Huế
Trang đài nón lá nở môi mời.

Hương Thềm Mây
GM.Nguyễn Đình Diệm

13.4.2018
***
Tạ Lòng Thi Khách

Vũng Tàu đẹp lắm bạn thơ ơi...
Tung cánh Hải Âu giữa biển Trời.
Núi Nhỏ ánh dương tô thắm má.
Đảo Long vần bút nở xanh lời.
Bãi Sau nhắn gió không quên sóng!.
Bờ trước hỏi thuyền có ghé chơi?
Ý viết hồn nghiên đang bỡ ngỡ...
Cảm ơn Thi Khách thiệp trao mời..!

Trúc Lệ Trần Lệ Khánh
14-4-2018.

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

SàiGòn Ơi! Nhớ Quá! - Nhạc&Lời Trần Chương Lương Hoà Âm: Phan Thanh Hùng


Nhạc&Lời: Trần Chương Lương(MinhLương)
Hoà Âm: Phan Thanh Hùng
Ca sĩ Lệ Tuyền
Thực Hiện: Tấn Vinh

Quốc Tổ Hùng Vương



Dù ai lưu lạc đường xa
Nhớ ngày Giỗ Tổ, tháng Ba, mùng Mười
Tổ Hùng Vương, mười tám đời
Trường tồn thiên địa, rạng ngời trăng sao

Đền Hùng ở Phủ Lâm Thao
Trên sườn Nghĩa Lĩnh, non cao chập chùng
Giữa sông Lô và sông Hồng
Giang sơn cẩm tú, một vùng địa linh
Giống nòi Quốc tổ khai sinh
Công ơn lập quốc, định hình núi sông
Chim có tổ, người có Tông
Việt Nam nguồn gốc con Rồng, cháu Tiên
Toàn dân ở khắp mọi miền
Một lòng thờ kính Tổ Tiên muôn đời
Dù ai đi ngược về xuôi (*)
Nhớ ngày giỗ Tổ, mùng Mười, tháng Ba

 (*)ca dao
Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

Nhớ Ngày Giỗ Tổ



Bài Xướng: Nhớ Ngày Giỗ Tổ

Mười tám đời Vua dựng nước ta,
Bốn ngàn năm cũ có đâu xa.
Hà Đồ Hồng Lạc còn ghi dấu,
Dòng giống Rồng Tiên mãi chẳng nhòa.
Dựng nước Tổ Tiên đà gắng sức,
Giữ nhà con cháu quyết xông pha.
Dù cho đi ngược về xuôi vẫn...
Luôn nhớ Mùng Mười giỗ Tháng Ba!

Đỗ Chiêu Đức
***
Các Bài Họa:
Nhớ Ngày Giỗ Tổ

Vua Hùng quốc tổ nước non ta
Nguồn cội truyền thừa chẳng thể xa
Tạc dạ can trường luôn vững chãi
Lưu tâm nhật nguyệt khó phai nhòa
Lương tri quảng đại đường mang mở
Trí tuệ cao tầm lối rọi pha
Hội nhập văn minh cùng thế giới
Mùng Mười mãi nhớ…dẫu bôn ba.

Lý Đức Quỳnh
***
Tổ Quốc Ta


Nước Việt ngàn đời Tổ Quốc ta,
Hình cong chữ S, Thái Bình xa.
Trường sơn ngạo nghễ còn sừng sững,
Biển đảo trùng khơi chẳng thể nhoà.
Gấm vóc non ngàn xương trắng đắp ,
Anh hùng liệt nữ máu đào pha.
Toàn dân muôn một lòng son sắt,
Chẳng sợ bao giờ mấy chú Ba.

Mailoc
***
Theo Bước Vua Hùng


Vua Hùng gầy dựng nước Nam ta
Từ đất liền gần đến đảo xa
Biển bạc bao la trời gió lộng
Rừng xanh bát ngát núi mây nhòa
Bao trang lịch sử lòng dân tỏ
Những cuộc trường chinh xương máu pha
Truyền thống muôn đời luôn bất khuất
Đối đầu ngọn sóng, vượt phong ba.

Phương Hà
***
Nhân Ngày Giỗ Tổ


Tự hào đất nước Việt Nam ta
Truyền thống lâu đời dẫu xót xa
Vạn thuở Hóa đồng thêm sáng rõ
Nghìn năm Bắc thuộc mãi không nhòa
Yêu thương một ý hừng tâm chiếu
Đoàn kết muôn lòng ánh trí pha
Dào dạt khắp nơi tình bốn bể
Vua Hùng cổ vũ: Vượt phong ba.

Phan Tự Trí
***
Giỗ Tổ Hùng Vương


Xưa Người dựng nước : Tổ dân ta
Phải nhớ công ơn đó chẳng xa
Mười tám Vua Hùng luôn in dấu
Bốn ngàn Văn Hiến chẳng phai nhoà
Rồng Tiên nòi giống lo xây đắp
Quốc Tổ anh linh chiếu sáng pha
Xuôi ngược ở đâu lòng vẫn nhớ
Mùng Mười tháng mấy ...đấy là...Ba

Mai Xuân Thanh
***
Nhân Ngày Giỗ Tổ


Tự hào đất nước Việt Nam ta
Truyền thống lâu đời dẫu xót xa
Vạn thuở Hóa đồng thêm sáng rõ
Nghìn năm Bắc thuộc mãi không nhòa
Yêu thương một ý hừng tâm chiếu
Đoàn kết muôn lòng ánh trí pha
Dào dạt khắp nơi tình bốn bể
Vua Hùng cổ vũ: Vượt phong ba.

Phan Tự Trí

***
Hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương


Giỗ Tổ Hùng Vương đúng tháng ba
Mùng mười ,dân Việt nhớ khôn nhòa
Rừng vàng,đồi núi cao vời vợi
Biển bạc ,bình nguyên hải đảo xa
Bắc thuộc ngàn năm còn hận mãi
Rồng Tiên Âu Lạc ấy dân ta
Công lao gầy dung luôn ghi khắc
Lịch sử còn ghi mãi khó pha

songquang
Mùng 10 tháng 3 al
***
Nhớ giỗ Hùng Vương 

Hùng Vương giỗ tổ Tháng Ba ta
Dân nhớ Ngày Mười đến chẳng xa
Đất nước ghi ơn còn mãi vậy
Non sông lưu dấu có đâu nhoà
Ruộng nương góp sức liều dâng cả
Văn hoá gom tài quyết hiến pha
Con cháu Âu Cơ theo tiên tổ
Ngoại xâm thề chống dẫu phong ba 

Minh Thuý
Tháng 4_2018
***
Vua Sống Gần Dân

Mười tám Hùng Vương trong trí ta
Vua gần làng chạ chứ không xa.
Dạy dân trồng tỉa cho đời thuận
Chung sức bắn săn để sống nhòa.
Vĩnh viễn trống đồng thêm quý giá
Lâu dài tín ngưỡng chẳng phôi pha.
Đúng là Quốc Tổ non sông Việt
Hội giỗ ngày mười tháng thứ ba .

Trần Như Tùng
***
Nhân Ngày Giỗ Tổ

Chân dung Đấng sáng lập quê ta
Trên bốn ngàn năm tuy đã xa
Lac vẫn còn đây hằng nhớ mãi
Hong luôn hiện diện chẳng phai nhòa
Ngày Mùng Mười-sử thời ghi dậm
Tháng Thứ Ba-dân tiếp xông pha
Giữ vững tiền đồ cho xứng đáng
Cháu con ra sức chống phong ba.

Thái Huy
26/4/18

Tìm Đâu Gốc Phượng Hồng Năm Cũ



Tìm đâu gốc phượng hồng bên góc phố
Tà áo xưa từ độ đó phai rồi
Biết tìm đâu thời cắp sách xa xôi
Tôi đứng đón, tôi ngồi thơ đợi nắng

Tìm đâu gốc phượng hồng trưa gió lặng
Cánh ve sầu văng vẳng tiếng ve ru
Nhịp guốc ai vang...mây xám giăng mù
Cơn mưa hạ đến, tay dù giọt ướt

Tìm đâu gốc phượng hồng bao năm trước
Và áo xưa giờ xuôi ngược chốn nào
Con phố buồn, góc đường cỏ xanh cao
Thơ tôi khóc! Nhớ thương màu phượng cũ

Nhị-Cố Quận


Một Giấc Mộng Xuân



Phố cũ nhìn lạ lẫm
Người về lạc bước vỉa hè quen
Tiếng ve sầu râm ran

Khung trời xanh tuổi dại
Đường xưa em nón nghiêng tóc thả
Hoa nắng động lao xao

Quả bàng khô rụng khẽ
Nồi kê ai bếp còn đỏ lửa
Rượu Tầm Dương quên say

Sóng êm sau lũ dữ
Phận bèo ngơ ngác lạc bờ xa
Ta mất nhau rồi sao?

Phạm Khắc Trí

Kỹ Thuật Cắt Cành Cây Ớt Khi Cuối Mùa - Toan Trinh Garden


Hướng Dẫn & Thực Hiện: Toan Trinh
 

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Bỏ Trường Mà Đi



Thuở ấy xa xưa nhớ những ngày
Vừng hồng rực rỡ buổi ban mai
Mini tà vạt lay trong gió
Cô giáo ô đen nhẹ gót hài

Bím tóc đơn sơ điểm cúc vàng
Cổng trường chưa vội bước thênh thang
Một bầy ngổ ngáo đua nhau ghẹo
“Người lớn” tỏ ra có những chàng

Cát bụi tháng Tư có chút gì
Bỏ trường bỏ lớp vội mà đi
Cành cao sắc phượng đang loang máu
Như thở than cùng khóc biệt ly

Kim Phượng

Trăng Cố Nhân



Ngoài kia lơ lửng một vầng trăng
Lẵng lặng nhìn thôi không nói năng
Như tự bao giờ luôn đúng hẹn
Xin gọi em là Trăng cố nhân

Có phải em về từ đại dương
Đêm nao lồng lộng gió ngàn phương
Tàu đi êm ả như trong mộng
Biển tắm trăng vàng ta tắm hương

Hay em về từ đại mạc xa
Đêm nao thao thức giải ngân hà
Chi chít đầy trời sao lấp lánh
Tưởng mình tan biến giữa bao la

Em đóa nguyệt rằm muôn thuở xưa
Khi ẩn bên này hiện bên kia
Nhân gian tưởng thấy trăng tròn khuyết
Lai láng trăng vàng luôn sẻ chia

Em vẫn muôn đời em đơn côi
An bình tĩnh tại cõi xa xôi
Nguời mãi bao năm tìm bắt bóng
Một phút nhìn lên, trăng rạng ngời

Khánh Hà

U Cư kỳ I - 幽居其一 - Nguyễn Du


Thanh Hiên thi tập 清軒詩集 là tập thơ chữ Hán đầu tiên của Nguyễn Du (阮攸; 1765–1820, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên). Thi tập này được ông viết vào những năm trước 1802, để nói lên tình cảnh, tâm sự của mình trong hoàn cảnh lênh đênh, lưu lạc hoặc trong thời gian ẩn náu ở quê nhà, lúc gia đình đã sa sút theo đà sụp đổ của chế độ Lê - Trịnh.

Sau đây là hai bài thơ U CƯ của ông được làm trong khoảng thời gian lưu lạc ở quê vợ ở Thái Bình mà ta tạm gọi là...
Mười năm gió bụi: (1786 - khoảng cuối 1795 đầu năm 1796): tức năm Tây Sơn bắt đầu đưa quân ra Bắc Hà, cho đến năm Nguyễn Du trở về quê nhà ở Hồng Lĩnh.
  
* Bản chữ Hán cổ của bài U Cư (1):

幽居其一                 U Cư kỳ I

桃花桃葉落紛紛, Đào hoa đào diệp lạc phân phân, 
門掩斜扉一院貧。 Môn yễm tà phi nhất viện bần. 
住久頓忘身是客, Cửu trú đốn vong thân thị khách, 
年深更覺老隨身。 Niên thâm cánh giác lão tùy thân , 
異鄉養拙初防俗, Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục, 
亂世全生久畏人。 Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân. 
流落白頭成底事, Lưu lạc bạch đầu thành đễ sự, 
西風吹倒小烏巾。 Tây phong xuy đão tiểu ô cân.

阮攸                          Nguyễn Du

Chú Thích:

* Lạc Phân Phân: là rơi lả tả, nếu là mưa thì là Mưa lất phất.
* Yễm:là Đóng. Tà Phi: là cánh cửa xéo, là cánh cửa xiên xẹo, chỉ nhà nghèo.
* Đốn Vong: là Quên bẵng đi.
* Lão Tùy Thân: là Cái già nó đeo đuổi theo thân mình.
* Dị Hương: là Quê hương lạ, chỉ ở xứ người.
* Dưỡng Chuyết: là Nuôi nấng cái vụng về, ý chỉ giả ngây giả dại.
* Tây Phong: Gió tây là gió mùa thu.
* Tiểu Ô Cân: Cái khăn thâm(đen) nhỏ vấn trên đầu.

Nghĩa Bài Thơ:
Ở Nơi Vắng Vẻ
Hoa đào cùng lá đào rơi lả tả, ta đóng cái cửa xiêu vẹo để nhốt một sân nghèo nàn lại. Ở nơi xứ lạ lâu ngày ta cũng quên bẵng đi mình là người khách tha phương. Năm tháng càng chồng chất càng cảm thấy cái già luôn đeo đuổi bên mình. Ở nơi quê hương xa lạ nầy ta luôn giả ngây giả dại để đề phòng những đứa phàm tục tiểu nhân. Ở trong thời lọan lạc muốn bảo toàn mạng sống nên lâu dần gặp ai cũng thấy lo sợ.Đem thân lưu lạc đến bạc đầu mới ra nông nổi thế nầy. Đến đổi gió tây vừa vi vút thổi thì cái khăn thâm quấn đầu cũng sút ra rớt xuống!

Diễn Nôm:
Ở Nơi Hẻo Lánh (1)

Tơi bời hoa lá đào rơi rụng,
Nghiêng nắng chiều buông khép cửa nghèo.
Quên bẳng lâu ngày thân đất khách,
Buồn trông năm hết cái già đeo.
Quê người giả dại e tai tiếng,
Thời lọan giữ mình sợ họa theo.
Lần lữa bạc đầu nên đến nỗi...
Khăn ô lỏng rớt gió tây vèo!

Lục Bát:
Lá hoa đào lả tả rơi,
Cửa nghiêng xiêu vẹo khép lơi sân nghèo
Quên thân đất khách bao chiều,
Năm chồng tháng chất già đeo đẵng sầu.
Giả ngây xứ lạ bấy lâu,
Sợ người ly loạn chỉ cầu sống yên,
Bạc đầu nên nỗi ưu phiền,
Gió tây thổi rớt khăn niền đầu thâm.

Đỗ Chiêu Đức
***
U Cư 1

Đào hoa xơ xác lá tơi bời
Xiêu vẹo túp lều cử khép lơi
Đất khách lâu quên năm tháng lụn
Cái già đeo đẵng nắng chiều rơi
Ưu tư giả dại nơi thôn dã
Canh cánh vờ ngu để sống đời
Thấm thoát hoa râm buồn quạnh quẽ
Khăn thâm gió thổi rớt mòn hơi

Mai Xuân Thanh 

U Cư Kỳ II 幽居 其二 - Nguyễn Du


* Bản chữ Hán cổ của bài U Cư (2):

幽居 其二            U Cư kỳ II

十載風塵去國賒 Thập tải phong trần khứ quốc xa,
蕭蕭白髮寄人家 Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia.
長途日暮新遊少 Trường đồ nhật mộ tân du thiểu
一室春寒舊病多 Nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa
壞壁月明蟠蜥蜴 Hoại bích nguyệt minh bàn tích dịch,
荒池水涸出蝦蟆 Hoang trì thủy hạc xuất hà ma.
行人莫誦豋樓賦 Hành nhân mạc tụng Đăng Lâu Phú,
强半春光在海涯 Cưởng bán xuân quang tại hải nha!
阮攸                     Nguyễn Du

Chú Thích:

* Thập Tải:là Mười năm. Quốc ở đây không phải là Nước mà là chỉ Quê hương. Xa : là Xa xôi.
* Tiêu Tiêu Bạch Phát: là Tóc bạc hoa râm.
* Hoại Bích: Tấm vách hư, bức tường đổ.
* Tích Dịch: Chỉ chung các loại Thằn lằn, Tắt kè, rắn mối, kỳ nhông.
* Hà Ma: Từnầy còn đọc là HÀM MÔ: chỉ chung ếch nhái ểnh ương.
* Đăng Lâu Phú: Bài phú tỏ lòng nhớ quê nhà của Vương Xán, một trong Kiến An thất tử. Vương Xán tránh nạn đến ở nhờ Lưu Biểu ở Kinh Châu, lên lầu thành Giang Lăng, nhớ nhà mà làm bài phú này.
* Cưởng Bán: là Qúa nửa, là Hơn phân nửa.

Nghĩa Bài Thơ: 

Bỏ quê hương ra đi suốt mười năm trường trong gió bụi, Đầu đã bạc lốm đốm rồi, mà còn phải ăn nhờ ở đậu nhà người ta. Hoàn cảnh hiện nay của ta là cảnh đường đi còn dài mà trời đã về chiều, lại không tìm ra được bạn mới ! Giữa mùa xuân trong căn nhà lạnh ngắt nầy, nhiều bệnh cũ lại tái phát. Dưới ánh trăng sáng, cắc kè rắn mối leo trên vách đà đổ nát. Trong ao hoang, nước đã cạn khô, chỉ còn thấy ếch nhái loi ngoi. Trong hoàn cảnh nầy, ai xa quê hương chớ nên đọc bài phú Đăng lâu. Ôi, Quá nửa đời người, mà ta vẫn còn ở nơi chân trời góc biển nầy!

Diễn Nôm:

Ở Nơi Hẻo Lánh (2)

Mười năm gió bụi nước non nhà,
Tóc bạc lơ thơ gởi xứ xa.
Ngàn dặm chiều tà người lát đát,
Một nhà xuân lạnh bệnh là đà.
Trăng soi vách đổ thằn lằn chắc...
Nước cạn ao hoang ếch nhái oa...
Chớ đọc Đăng Lâu thân viễn xứ,
Tuổi xuân qúa nửa đã trôi qua!

Lục Bát:

Mười năm xa xứ phong trần,
Hoa râm đầu bạc gởi thân ở nhờ.
Đường chiều bè bạn lơ thơ,
Một nhà lạnh lẽo bơ phờ bệnh xưa.
Thạch sùng trăng chiếu vách thưa,
Ếch nhái nước cạn đợi mưa ao nhà.
Đăng Lâu Phú chớ ngâm nga,
Tuổi xuân qúa nửa người xa ven trời!

Đỗ Chiêu Đức
***
U Cư 2

Gió bụi mười năm kiếp viễn phương
Phất phơ đầu bạc sống ly hương
Nắng tà phiêu bạt dân thưa thớt
Xế bóng cô đơn bệnh bất thường
Nguyệt chiếu thằn lằn ôm đỡ cột
Ao hoang ếch nhái vẵng bên đường
Đăng Lâu phú chớ nên ngâm đọc
Nửa kiếp cao niên luống đoạn trường!

Mai Xuân Thanh
Ngày 21 tháng 04 năm 2018

Những Câu Nói Hay(4)


1. Đừng mong người khác thuận theo ý mình, vì như thế sẽ sinh tự kiêu. – Khổng tử

2. Bạn đứng thứ mấy trong lớp không quan trọng, vấn đề là bạn phải thể hiện được đẳng cấp khi bước ra khỏi xã hội. – Bill Gate

3. Nếu tình bạn là điểm yếu nhất của bạn thì bạn chính là người mạnh mẽ nhất. – Abraham Lincoln

4. Người không bao giờ sai lầm là người không làm gì cả!

5. Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp và hãy nhìn xuống thấp để biết mình chưa cao.

6. Đừng bao giờ đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. – Itachi Uchiha

7. Rập khuôn là cái tử của tự do và là kẻ thù của phát triển. – J.F. Kennedy 

8. Nếu hành động của bạn thôi thúc người khác ước mơ nhiều hơn, học tập nhiều hơn, hành động nhiều hơn và trở nên tốt đẹp hơn, bạn chính là một nhà lãnh đạo thật sự. J.Q.Adam 

9. Người phụ nữ tìm nhiều người đàn ông trong một người đàn ông. Người đàn ông tìm một người phụ nữ trong nhiều người phụ nữ. 

10. Đừng bao giờ quyết định những vấn đề lâu dài trong lúc cảm xúc đang ngắn hạn. – Khuyết danh

VVQ Sưu tầm

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

Xuân Lạnh – Thơ Bửu Truyền – Nhạc Hà Phương


Thơ: Bửu Truyền 
Nhạc: Hà Phương 
Tiếng hát: Thanh Hoa 
Thực hiện: Yên Dạ Thảo



Cách Biệt



Trăm năm thệ ước dẫu tàn hương,
Chinh chiến lan tràn lạc tứ phương.
Nguyệt lão vầy duyên chừng dẫn lối,
Chỉ hồng se mối tưởng chung đường.
Vũng Liêm em đợi sầu nhung nhớ,
Mỹ Thuận anh chờ nỗi luyến thương.
Cách biệt đôi đàng từ thuở ấy,
Người đi vạn nẻo mịt mù sương.


Nguyễn Thành Tài

Dạo Cảnh Niết Bàn - Chánh Niệm Làm Đẹp Cuộc Đời



Xướng:
Dạo Cảnh Niết Bàn

Dạo cảnh thong dong nắng xế tàn
Vui cùng sông nước bóng chiều sang
Chùa xa vách đá mây tan tụ
Núi lặng ven rừng gió chuyển lan
Thiện pháp dìu thân về bến lạc
Lòng lành dẫn ý đến bờ an
Non thiền tận hưởng vô tâm ý
Tuổi lão ngao du cảnh Niết Bàn

Hương Thềm Mây
GM Nguyễn Đình Diệm
***
Các Bài Họa:
Chánh Niệm Làm Đẹp Cuộc Đời

Tuổi đời lần lựa sắc phai tàn
Nào khác đò chiều lỡ chuyến sang
Phật pháp kiên trì thân tỉnh giác
Vườn tâm giải đãi cỏ tràn lan
Trót không duyên nợ do phần số
Chẳng trọn đường trần giữ phận an
Sắc tức thị không tròn chánh niệm
Vô thường tỏ rõ cớ chi bàn

Kim Phượng


Kể Về Cơm Thố Chợ Cũ Năm Xưa


Cơm là thực phẩm chánh của người Việt mình từ xưa đến nay. Có nhiều loại cơm quen thuộc như cơm trắng, cơm tẻ, cơm nếp, cơm chiên, cơm vắt, cơm nguội, cơm tấm, cơm tay cầm, v.v.. Nhưng cái tên “cơm thố” nghe lạ tai với không ít người Việt mình ở hải ngoại.

Cơm thố là cơm gì? Chợ Cũ ở đâu?

Cơm thố là làm chín gạo trong cái thố nhỏ bằng cách chưng cách thủy. Mỗi thố cơm tương đương độ một chén cơm nhỏ. Đây là cách nấu cơm cầu kỳ theo truyền thống của một số dân tộc người Hoa. Theo như kể lại, cơm thố có mặt ở Sài Gòn-Chợ Lớn vào thập niên 30-40 của thế kỷ trước. Đến thập niên 70, do khăn gói gió đưa từ Gò Công lên Sài Gòn, tôi mới có cơ hội làm quen với vài “món ngon vật lạ” ở đô thành hoa lệ trong đó món cơm thố Chợ Cũ.

Chợ Cũ Sài Gòn nguyên là chợ Bến Thành, đã có trước khi Pháp chiếm Gia Định. Chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, gần thành Gia Định, bến nầy dân gian gọi là Bến Thành và chợ có tên là chợ Bến Thành. (xem thêm Lịch sử chợ Bến Thành)


Tháng 2 năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định, quân triều đình Huế dùng chiến thuật hỏa công, thành phố và chợ Bến Thành bị thiêu hủy. Năm 1860, sau khi “bình định” xong Gia Định, Pháp đã cho xây cất lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ, cột bằng gạch, sườn gỗ và lợp lá.Vào năm 1887, Pháp cho lấp con kinh, sát nhập hai con đường lại làm một, thành đại lộ Charner, nay là đại lộ Nguyễn Huệ. Khu chợ càng trở nên đông đúc mà phần nhiều là của người Tàu, người Ấn và người Pháp.

Năm 1912, vì chợ cũ kỹ nên Pháp lựa chọn một địa điểm khác để xây cất một khu chợ mới lớn hơn. Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (sau nầy là bến xe Sài Gòn), tức là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay.

Khu chợ Bến Thành cũ được gọi là Chợ Cũ tới nay. Nên có câu ca dao:

Chợ Bến Thành dời đổi,
Người sao khỏi hợp tan.
Xa gần giữ nghĩa tào khang,
Chớ ham nơi qườn quới, (mà) phụ phàng bạn xưa!

Ngon mà giá bình dân là những tiệm cơm thố nằm góc đường Tôn Thất Đạm – Hàm Nghi. Đa số người đến tiệm là người Việt gồm đủ thành phần xã hội. Người ra vào tiệm tấp nập chủ yếu vì món cơm thố ngon thơm, dẻo và luôn luôn nóng mà giá cả rất “bèo” như tiếng Sài Gòn bây giờ.

Phần tôi lần đầu tiên được ông bạn vong niên mời ăn cơm thố Chợ Cũ. Vào tiệm thấy người ta kêu những món mà từ nhỏ tôi chưa được ăn bao giờ như cá hấp, gà nướng, bồ câu quay, canh cải bẹ xanh nấu với cá thác lác v.v..

Thấy có người vào ăn một hơi cả chục thố cơm, mà đồ ăn chỉ với một dĩa cá mặn rất ư là khiêm nhường. Cơm thố Chợ Cũ từ đó đã gây cho tôi nhiều ấn tượng về thế giới ẩm thực của người Hoa. Sau này trở thành dân Sài Gòn, có nhiều dịp ăn cơm thố, tôi mới khám ra nhiều điều thú vị và bí mật về thế giới cơm thố từ lối nấu, cách ăn của Tàu đã du nhập vào người Việt.

Như ở tiệm cơm thố Bac-Ca-Ra sau rạp chiếu bóng Nam Quang (?) thực khách hầu như chỉ có người Việt. Tiệm nổi tiếng nhờ chiêu “khách gọi món gì tiệm nấu món nấy,” bất kể món gì, từ món “cá hàm dỉ,” canh cải bẹ xanh nấu gừng, đến món cá chưng, cá hấp v.v.. Thế mà thực khách ai nấy đều vui vẻ chờ đợi!

Nay nói về cái thố hấp cơm.



Thố là dụng cụ để đựng bằng sành sứ, là đồ dùng trong gia đình như chén, dĩa, tô, tộ. Thố có nhiều cỡ kiểu, có loại có quai/ không quai, có loại có nắp/ không nắp. Ngày xưa, nhà giàu ở miền Tây thường hay chưng một cặp thố kiểu loại lớn, trên bàn thờ trông cho sang.

Thố kiểu nhỏ được dùng đựng nước cúng, đơm cơm, đựng cơm rượu xôi vò v.v.. dọn trên bàn thờ trong ngày giỗ, ngày Tết. Thố bằng sành thì được dùng để hấp cơm, tiềm thuốc bắc. Thố kiểu làm bên Trung Hoa, còn thố sành được làm ở Bình Dương.

Nồi và xửng hấp cơm thố cũng rất đặc biệt.

Nồi to, trong nồi đặt cái xửng lớn có hai, ba từng hấp, xửng đan bằng tre có nhiều lỗ thoát hơi lớn bằng ngón tay cái. Phần chứa nước sôi của nồi hấp có chỗ tiếp thêm nước nóng mà không cần dời các từng chứa cơm, tránh không làm cho cơm bị “hót hơi.” Các thố cơm sắp thưa và đều trong mỗi từng hấp để còn chỗ cho hơi nước bốc lên từng trên cùng.

Gạo dùng nấu cơm thố

Gao nàng hương Chợ Đào

Là loại gạo ngon đặc biệt như gạo Sóc Nâu, gạo hột dài, gao nàng hương Chợ Đào.

Cho ít gạo, đã được gúc sạch để ráo nước, vào từng cái thố sành. Tùy theo loại gạo mà gia giảm nước. Nước chỉ được châm vào thố một lần mà thôi, không được châm thêm. Tất cả đều do kinh nghiệm của người bếp làm sao cho cơm vừa ăn, không khô, không nhão.

Người bếp phải biết chắc từng cơm nào đã chín để chuyển qua từng khác, bằng cách chồng nhiều từng cơm đã chín lên nhau để chỉ giữ cơm luôn được nóng.

Hấp cơm thố quả là cầu kỳ và công phu! Cơm thố như vậy là “cơm trắng đặc biệt,” không giống như cơm trắng thường nấu bằng nồi đất mà chúng ta ăn hằng ngáy ở nhà. Hột gạo trong thố được làm chín bằng cách hấp nên mùi thơm của gạo len ẩn vào trong ruột hột cơm, làm cho cơm thố thơm hơn cơm nấu. Cơm thố còn có đặc tánh nữa là giữ nóng lâu, để nguội hấp lại mà không bị khô. Đặc tính nầy cơm nấu thường không có.

Vào tiệm cơm thố, “phổ ky” bưng lên, ăn bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu. Bạn không cảm thấy ăn cơm thừa của người khác. Thố cơm bé xíu, trông hấp dẫn, và hai đũa là hết. Bạn thấy ngon hơn ăn cơm bới trong nồi.

Được biết tới nay vẫn còn một tiệm cơm thố kỳ cựu ở số 45, đường Tản Đà, quận 5, Chợ Lớn, mang bảng hiệu tiếng Việt là Giang Nam, nổi tiếng nhờ bán độc nhứt món cơm thố, không bán thêm mì hủ tiếu như tiệm khác. Bảng hiệu cơm thố Giang Nam có mặt vào khoảng 1942, nhờ được đạo diễn phim Người Tình (quay năm 1992) chọn để tái hiện cảnh sanh hoạt hàng ngày của Chợ Lớn thời thập niên 30-40 thế kỷ trước, làm cho cơm thố Giang Nam thêm tiếng tăm.

Cũng nên phân biệt cơm thố với cơm tay cầm.


Cơm tay cầm là loại phục vụ cho nhiều người, dọn chung cho cả bàn cùng ăn. Cơm tay cầm là cơm nấu chung với thức ăn, là cơm tổng hợp, người ăn không phải ăn kèm với thức ăn nào khác. Thức ăn như hải sản, gan heo, gà quay… hấp chung với cơm trắng trong cái nồi nhỏ có một một quai, gọi là tay cầm. Cơm tay cầm cũng được làm chín bằng cách hấp cách thủy, sau khi chín có tiệm còn bắc xoong cơm tay cầm lên bếp lửa cho cơm khét phần dưới.

Tại Little Saigon đó đây còn có tiệm còn bán món cơm tay cầm. Riêng món cơm thố Chợ Cũ của tôi chỉ còn là “vang bóng một thời.” Khoa học tiến bộ, nấu cơm bằng nồi điện, làm cho cơm thố Chợ Cũ đã bị lùi vào trong ký ức! Đúng là đời sống văn minh làm cho “Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” như lời Chân Quê của Nguyễn Bính!

Kể cũng tiếc…

Nam Sơn Trần Văn Chi

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Thơ Tranh: Chiếc Khăn Tình


Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Quang


Người Mơ




Ngậm ngùi nhớ nước mộng mơ
Nhớ non non núp mây mờ nơi nao
Nhớ người một nẻo ngày nào
Nhớ mong môi mắt ngọt ngào ngẩn ngơ
Nhớ nàng nắng nhẹ nhởn nhơ

Tiếng Thanh


Một Lần Dang Dở - Ngậm Ngùi



Bài Xướng: Một Lần Dang Dở

Lòng anh chìm đắm quạnh hiu
Vắng em vắng cả phố chiều năm xưa
Mưa về rải hạt lưa thưa
Cành thu trút lá đong đưa nỗi sầu
Nhớ người qua cuộc bể dâu
Trăng kia khuất lối bên cầu biệt ly
Bơ vơ nhìn bóng em đi
Một lần dang dở xuân thì theo anh.

Biện Công Danh
13/4/2017
*Hình phụ bản của Tác giả
***
Ngậm Ngùi

Giao mùa gió thoáng hiu hiu
Lật trang ký ức gợi chiều hạ xưa
Nắng phai sắc nhuốm vàng thưa
Nặng lòng ve khóc buồn đưa phượng sầu
Vương thân mang kiếp tằm dâu
Đành ôm một mối cơ cầu chia ly
Lỡ làng vuột mất tình đi
Ngậm ngùi nuốt lệ… thôi thì xa anh

Kim Oanh
14/4/2018
***
Đợi

Mưa rây sùi sụt hắt hiu
Xốn xang hoài niệm một chiều thu xưa
Triền sông lau sậy lưa thưa
Cuốc kêu rạc bãi nhặt thưa não sầu!
Tơ tằm khó lường tiền đâu
Thầm thương giải yếm đứt cầu,...từ ly
Sợ nhìn đau bóng người đi
Chôn vùi mộng giấc tuổi thì ...đợi anh.

25-8-2019
Nguyễn Huy Khôi
***
Bài Cảm Tác: Đợi Chờ

Lòng em hiu hắt chơi vơi
Vắng anh vắng cả bầu trời yêu thương
Đông về buốt giá vấn vương
Ngoài kia gió lạnh tuyết sương giăng trời
Chợt nghe xao xuyến bồi hồi
Mây kia có nhớ khung trời năm xưa
Bóng người chìm khuất trong mưa
Thời gian có đợi đông đưa cuộc tình

Cẩm Hồng
17/4/2018

Gánh Hàng Rong



Xướng: Gánh Hàng Rong

Bên hè ngã vật buổi ban trưa
Giấc ngủ say mê chẳng thiếu thừa
Gót ngọc phơi hàng rong nghỉ sức
Thân ngà úp mặt nón che mưa
Cưu mang lắm hẻm năm dài bám
Lặn lội bao đường tháng lụn đưa
Xã hội thiên đàng vơ vẩn mãi
Oằn vai mấy nữa bảo đang vừa

Mai Thắng.
 170920
***
Các Bài Họa:
Gánh Hàng Rong


Tàu hủ oằn vai mỗi sớm trưa
Tiếng rao lảnh lót mến thương thừa
Mảnh mai nhịp gánh trên đường phố
Nhằn nhọc len mình dưới nắng mưa
Vị ngọt vui lòng bao khách gọi
Hương thầm quen mắt mấy thu đưa
Từ lâu người cũ không còn thấy
Ký ức hồi nao chợt mới vừa…

Cao Linh Tử
30/9/2017
***
Chân Cứng Đá Mềm

Cô bán hàng rong suốt buổi trưa
Thức khuya dậy sớm vốn không thừa
Lo buôn hàng chạy nhanh theo gió
Bận bán quà đi lẹ dưới mưa
Cái hẻm nằm sâu quen thuộc đón
Con đường hun hút lạ xa đưa
Thiên đàng cuối nẻo sao chưa thấy
Ngớ ngẩn đâu đây mấy cũng vừa...

Mai Xuân Thanh
Ngày 29 tháng 09 năm 2017
***
Gánh Hàng Rong

Đổ lửa quê mình nắng giấc trưa
Liên tu quạt mấy cũng như thừa
Đứng nhìn chị tám gồng phơi nắng
Ngồi ngó bà năm gắng đội mưa
Hụt hững lời rao-khi được gọi
Vụng về ai réo-lúc tay đưa
Cám ơn rối rít rồi nhanh nhảu
Lo bữa cho con kịp vận vừa…

Thái Huy
9-29-17
***
Gánh Hàng Rong

Vất vả thân già giữa phố trưa
Sướng thời đang thiếu khổ đang thừa
Đôi vai chở cả vòng sinh kế
Một gánh trải đều cảnh nắng mưa
Tất bật đường đời bao trắc trở
Xót xa phận số mãi đong đưa
Kiếp tằm tơ đã dường như cạn
Cái nợ áo cơm thật khó vừa.

Quên Đi
***
Nhọc nhằn


Gánh nặng oằn lưng mỗi sớm trưa
Nỗi lo cơm áo biết sao vừa
Thương con khát sữa không yên giấc
Xót mẹ mơ nhà chẳng dột mưa
Nắng dội chang chang, da xám lại
Chân mài liên tục, gót chai đưa
Mỗi ngày dành dụm đôi đồng lẻ
Áo Tết cho con cũng chẳng thừa.

Phương Hà