Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Một Mình (Alone) - Thơ: Vi Khuê - Nhạc: Trần Uyên Thi - Tiếng Hát: Quỳnh Lan


Thơ: Vi Khuê
Nhạc: Trần Uyên Thi
Tiếng Hát: Quỳnh Lan

Thăm Mộ Chiều Mưa

 

(Tưởng nhớ  ngày 22-6)

Chiều mưa lên mộ thăm nàng
Thời gian lâu đã lòng càng nhớ thương
Phôi pha năm tháng như dường
Nghe còn đậm nét thoảng hương ngày nào

Hồn nhiên mơ mộng trăng sao
Em nô đùa hát cất cao giọng vàng
Gọi hoa dần nở Xuân sang
Báo mùa ong bướm vương mang vườn tình

Nhớ nhung hồi tưởng bóng hình
Thuở thời áo trắng nguyên trinh học trò
Phượng hàng bật khóc âu lo
Em đi để lại tơ vò đời anh

Giờ nằm đáy mộ lạnh tanh
Nguyện cầu mưa mãi kết nhanh đường về
Trăng sao lạc nẻo sơn khê
Mình anh đơn độc tư bề đêm đen!

Pleiku 4-8-2011
Lê Kim Hiệp

Thạch Thảo Tiếc Thương!

  

(Tưởng nhớ anh trai và ngày 22-6)

Sớm mai loé ánh bình minh
Pleiku còn phủ trắng tinh sương mờ
Ai đi có biết ai chờ
Núi rừng ai bước thẫn thờ vắng tênh
Suy tư dạ ngồn ngang thêm
Không gian cảnh vật hai bên ngỡ ngàng
Nỗi buồn đơn độc riêng mang
Mặt trời rạn vỡ đêm đang buông màn
Đồi cao nắng úa nhạt vàng
Tối trời phủ xuống nghĩa trang tiêu điều
Đây rồi nấm mộ dấu yêu
Đặt cành Thạch Thảo khơi nhiều tiếc thương!

Kim Oanh
(Bài Dịch)

Pleiku Thương Nhớ!

  
(Tưởng nhớ anh trai và ngày 22.6)

(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Nhà Thơ Kim Oanh, Nhạc Sĩ Trần Đại Bản, Hòa Âm Quang Đạt, Nữ Ca Sĩ Duyên Quỳnh đã chuyển đến tác phẩm “Pleiku Diễm Tuyệt”.
Trong bài Họa Hát Nói này có tên một số danh lam, thắng cảnh của Pleiku)

Mưỡu:

Kim Oanh dìu áng thơ qua!
Đại Bản phổ nhạc! Sương sa, gió vời!
Hòa âm! Quang Đạt chuyển dời!
Duyên Quỳnh thánh thót! Quên đời kiếp nay!

Hát Nói:

Phố núi Pleiku! Em má đỏ, môi hồng, mắt biếc!
Giáng ngọc, mày ngài diễm tuyệt! Từ hình dáng đến thanh âm!
Đỉnh Núi Hàm Rồng gào thét tiếng “Yêu Em”! Suối lệ khôn cầm!
Núi Lửa Chư Đăng Ya! Nham thạch rầm rì lâng lâng Lửa Tim cháy mộng!

Tình yêu cuối? Vẫn đang vang lộng!
Hạnh ngộ đầu? Còn mãi vọng ngân?
Biển Hồ T’Nưng gợn sóng tha thiết mong đón Chúa Xuân!
Thác Chín Tầng vội vã lao mình đuổi theo mỹ nhân! Đâu còn nữa?

Đồi Thông Hà Tam rì rào, xào xạc! Thầm khóc trong niềm thương, nỗi nhớ!
Biển Hồ Chè miên man dòng ký ức thuở tình lỡ! Mê say!
Chiều phai! Ngậm tủi! Buồn đầy!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 05/06/2024


Dạ Du 夜 遊 -Trần Văn Lương

 

Bài Xướng:

Dạo:

Người trần thế, kẻ u minh,
Mấy ai biết được chính mình là ai?


Cóc cuối tuần:

夜 遊

月 隱 雨 雰 雰,
路 邊 一 古 墳,
孤 身 無 墓 誌,
墳 裏 是 何 人?

陳 文 良


Âm Hán Việt:

Dạ Du


Nguyệt ẩn, vũ phân phân,
Lộ biên, nhất cổ phần,
Cô thân vô mộ chí,
Phần lý thị hà nhân?


Trần Văn Lương

Dịch nghĩa:

Đi Chơi Đêm

Trăng trốn, mưa lả tả,
Bên đường, một nấm mồ xưa,
Trơ trọi một mình không có mộ bia,
Trong mộ là người nào?

Phỏng dịch thơ:

Đi Chơi Đêm

Trăng khuất, gió mưa bay,
Nấm mồ cũ lất lây,
Mộ bia rày chẳng có,
Nằm đó chính ai đây?


Trần Văn Lương
Cali, 6/2024
Lời than của Phi Dã Thiền Sư:

Thực ra, ai là người cần đến câu trả lời:
- Người đi chơi đêm ư?
- Người dưới mộ ư?
- Cả hai ư?
- Không ai cả ư?
Hỏi người là ai, sao bằng hỏi chính mình là ai!
Than ôi, ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng,
thọ giả tướng... làm sao bỏ được đây!
Hỡi ơi!

***
Họa Vận:

Dạo:

Xin cho thiển thổ một voi,
Gọi là lấp liếm lấy người tử sinh.

(Truyện Kiều)

新墳                Tân Phần
旭日照霜雰, Húc nhật chiếu sương phân
江邊新丘墳。 Giang biên tân khâu phần.
翠翹雙淚落, Thúy Kiều song lệ lạc,
徐海是良人! Từ Hải thị lương nhân!
杜紹德 Đỗ Chiêu Đức

Nghĩa bài thơ:

Mộ Mới

Ánh nắng của buổi ban mai chiếu qua màn sương dày đặc, chiếu lên...
Nấm mộ mới bên bờ sông, trong khi...
Thúy Kiều đang nhỏ hai hàng lệ, vì người trong mộ là...
Từ Hải, là chồng của nàng!

Diễn Nôm:

Tân Phần

Nắng mai chiếu rọi màn sương,
Bên bờ mộ mới sầu thương một nàng.
Thúy Kiều lệ nhỏ hai hàng,
Anh hùng Từ Hải là chàng lương nhân!


Cảm thán:

Trăm năm nào có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì!*

Đỗ Chiêu Đức
(*) Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều
***
Các Bài Dịch Khác:

Đi Đêm

Thế gian mắt thịt ảo hình
Hỏi người trong mộ, hỏi mình mai sau!?

Trăng khuất mưa bay bay
Bên đường núm đất bày
Cô thân bia chẳng có
Trong mộ xác thân ai?

Lộc Bắc
Jun24

***
Đêm Nào

Nguyệt ẩn, gió nhẹ bay
Mồ hoang sợ gì lây
Bia danh đâu cần biết
Người, Tôi, đồng cảm đây
.

Song Nghiên
Texas 6/2024.
***
Chơi Đêm

Trăng khuất, mưa phất phơ,
Bên đường một nấm mồ,
Thân cô, bia chẳng có,
Trong mộ, biết người mô.

Bát Sách

***
Đêm Qua

Trăng khuất qua dần lất phất mưa
Bên đường trơ trọi nấm mồ xưa
Nằm dây lây lất không bia mộ
Dưới mộ là ai? chẳng thốt thưa!

Kim Oanh
***
Đừng Chấp Tướng! 

Dạo:

Hoàng hôn mà tưởng “bình minh”?!
Giật mình! Hốt hoảng! Là “mình”! Chẳng ai!


Ngã Tướng thường “siêu” theo gió bay!
Xem nào! Nhân Tướng vốn “hay lây”!
Chúng Sinh Tướng vẫn luôn “Không, Có”!
Thọ Giả Tướng! “Qua rồi”! Đến đây!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 21/06/2024
16 Tháng 5 (đủ) Âm Lịch Năm Giáp Thìn, Ngày Bính Thìn. Hành Thổ, Trực Khai, Sao Quỷ. Cát Thần : Thập Linh, Nguyệt Đức, Thời Đức.

Sương Lạnh Chiều Đông


Bạn ta,

Bác Sĩ Lê văn Lân (1931 – 2013) có một bài viết thú vị về tên các cô gái Huế ( sinh đẻ hoặc sinh sống ở Huế ) trong đó , tác giả ghi nhận 2 đặc điểm chánh: nhiều tên ''kép'' ( Diệu -Hương, Tịnh-Nhơn..) và ''lạ'' (ít thông dụng): Túy Nhạn , Thọai Ba vân vân.Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Lê.

Từ lâu, tôi có cảm tình với (đa số) tên những cô gái Huế (sau khi đọc ''Cổng Trường Vôi Tím'' của Nhã Ca.
Trước hết, họ làm tôi liên tưởng đến những người… nổi tiếng, qua cái tên đôi của họ. Như Túy Hồng, Trùng Dương, Thanh Lan, Thái Thanh, Nhã Ca, Kim Cương vân vân. Dĩ nhiên những cái tên-đôi đó không phải là không có trong các gia đình người Nam hay Bắc nhưng khi gọi thì ''chúng ta'' thường gọi tên-đơn . Kim Hoàng gọi là Hoàng, Tuyết Mai là Mai. Ít nghe ai gọi tên-đôi như ''ngoài'' Huế. Sau đó, tên-đôi các cô gái ở Huế thường là những tên ''nguyên thủy'' (original) và mang những ý nghĩa đặc biệt, cho thấy người đặt tên phải là một bậc thâm nho , túc học , không thuộc giới Hoàng phái , quan lại thì cũng là người văn hay, chữ tốt (?). Như Tri-Túc (tri túc tiện túc … / Nguyễn công Trứ ), Hỷ-Khương, Thứ-Vọng, Đông-Nghi, Đạp – Thanh (hội Đạp thanh / Kiều) vân vân. Và, trong những cái tên đó có Lục Hà.
Tố Cần, Lục Hà, Phương Thảo, Liên Như, Tử Chi... là tên của 7 thiếu nữ trong một gia đình ''cổ kính'' mà bố là ông Trần Kiêm Phổ, trưởng tộc họ Trần Kiêm ở Huế. Theo anh Trần Kiêm Đoàn, một người trong gia tộc Trần Kiêm , Lục Hà (1939) là tên của người con gái thứ tư trong 10 anh chị em. Năm 14 tuổi, sau khi đoạt giải nhất trong cuộc tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Huế (1953), Lục Hà chánh thức bước vào giới văn nghệ qua tên gọi Hà Thanh (âm-thanh của Hà hay ''dòng sông xanh'', một trong những ca khúc giúp chị Hà đoạt giải).

Cùng với Nam Phương hoàng hậu, kịch sĩ Kim Cương, sư cô Phùng Khánh Trí Hải, minh tinh Marilyn Monroe, ca sĩ Hà Thanh là một trong những người đẹp mà trung niên thi sĩ Bùi Giáng tương tư ngày đêm ( ông gọi là ''Hà Thanh Nương Tử''). Nghe nói nhà văn Mai Thảo cũng đã ra Huế xin cưới nhưng chị từ chối. Năm 1970 Hà Thanh lập gia đình với Trung Tá Thiết Giáp Bùi thế Dung(nguyên thứ trưởng Quốc Phòng VNCH trong chánh phủ giờ thứ 25 Vũ văn Mẫu ). Trong khi ông Dung đi tù cải tạo, chị Hà Thanh sang Mỹ năm 84 theo diện đoàn tụ.
Có những bài hát mà ca sĩ này hát ''tới'' hơn ca sĩ khác. ''Tới'' hơn có thể là dễ ''cảm'' thính giả hơn mà cũng có thể là hay hơn ( vì hợp giọng , hợp ''ton''). Nên chi mà chúng ta có Thái Thanh – Phạm Duy, Khánh Ly – Trịnh công Sơn, Châu Hà – Văn Phụng, Lê Uyên – Phương, Nhật Trường – Trần thiện Thanh (tuy hai mà một!), Chế Linh – Tú Nhi ( tuy một mà hai!), Lệ Thu – Từ công Phụng, Thanh Lan – Nhạc.. Pháp, Duy Quang – Phạm Duy vân vân và, với tôi, Hà Thanh – Nguyễn văn Đông.

Hè 1995, lúc ghé thăm bà chị ở vùng Normandie, tình cờ thấy cuốn cassette ''Hải Ngoại Thương Ca'' của Hà Thanh (lúc đó mới biết là chị ''ra được nước ngoài''), tôi bèn sang… lậu băng, đem nghe trong xe suốt mấy trăm cây số . Trong cuốn băng đó chị Hà Thanh (tôi gọi là chị vì chị Hà bằng tuổi bà chị thứ Tư của tôi ) hát các sáng tác của nhiều nhạc sĩ. Nhưng chỉ ở lại trong tôi 3 ca khúc: ''Hải ngọai thương ca'' (một mùa xuân kết muôn hoa lòng / người về đây nối câu tâm đồng), ''Nhớ một chiều xuân''( chiều nay thấy hoa cười / chợt nhớ một người) ''Mấy dặm sơn khê'' ( anh đến thăm / áo anh mùi thuốc súng / ngoài mưa khuya lê thê..) của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông. Và lúc đó, mới trở về trong tôi ''Hàng hàng lớp lớp'', cũng là một sáng tác của họ Nguyễn.


''Còn đây giây phút này / Còn nghe tiếng hát, nụ cười xinh tươi / còn trong ánh mắt còn cầm tay nhau .. '' Làm sao quên được ''Hàng hàng lớp lớp'', bài hát lần đầu tôi xuất hiện trước ''công chúng'' (!), trong đêm lửa trại trường tôi, cách đây mấy chục… năm? Cậu học sinh trường Nam tiểu học cộng đồng ( lớp Nhất - thầy Tỏ / CM2), mặt nạ (masque) kéo lên đầu, áo trắng tay ngắn, quần ''short'' đen, run run ''cống hiến thầy cô và các bạn ca khúc Hàng hàng lớp lớp''. Người bạn NPH đêm đó, cũng là người bạn duy nhất đã tiếp tục chia cùng tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm của tuổi học trò trong suốt chiều dài tiểu, trung, đại học (H. còn nhớ đêm lửa trại đó không, H?). Nhưng ''Hàng hàng lớp lớp'' tôi hát là theo version ''Kinh Kha'' của anh Hùng Cường, sau này, qua chị Hà Thanh, thì ''Hàng hàng lớp lớp'' mang một ''khuôn mặt'' khác: "khả ái" hơn, đầy nữ tính hơn ( nữ tính không phải vì do giọng nữ trình bày)!

Mỗi ca sĩ, ngoài giọng hát trời cho khác nhau ( thổ, kim, ấm áp, chắc nịch, bỗng trầm…), đều mang một sắc thái (cách hát) riêng biệt. Như Thái Thanh ở chỗ ''lảnh lót'', Khánh Ly ở những âm (dấu) hỏi, Khánh Hà nức nở, Thanh Lan nhí nhảnh (nhạc Pháp), Lệ Thu ngân dài vv Với Hà Thanh đó là luyến láy. Nói thế không phải là chỉ có Hà Thanh mới luyến láy (bên Nam có Từ Công Phụng và Anh Khoa) nhưng cái luyến láy của chị Hà đặc biệt: đúng chỗ, nhẹ nhàng, vừa phải và sang cả. Ngần ấy thứ hợp vào nhau, khiến cho những luyến láy trong tiếng hát Hà Thanh là những luyến láy mà chỉ Hà Thanh mới có ( cho đến giờ phút này ). Khiến cho, tuy nghĩ Hà Thanh - Nguyễn văn Đông, nhưng chính một ca khúc của nhạc sĩ Mạnh Phát mới đưa tiếng hát chị Hà vào trái tim tôi: ca khúc ''Sương lạnh chiều đông'' ( Chiều xưa phai nắng dấu mòn đưa lối / Soi bóng chung đôi mà hóa chia phôi..). Như tiếng chuông chùa, như bài thánh ca, chị Hà Thanh ''dấu mòn đưa lối'', đưa thanh tịnh, an bình vào cõi lòng tôi. Lẽ dĩ nhiên tôi yêu bài hát vì nét nhạc, lời ca Mạnh Phát (cũng là tác giả các ca khúc: Chuyến đi về sáng viết chung với Trần thiện Thanh); Nỗi buồn gác trọ; Dấu chân kỷ niệm; Khúc nhạc đồng quê; Ngày xưa anh nói vân vân) nhưng cũng vì tiếng hát Hà Thanh! Nếu không nghe chị Hà, có lẽ ''Sương lạnh chiều đông'' chỉ là sương lạnh chiều đông, đọng đó rồi tan đi, trong tôi! Yêu nhất là câu ''10 năm mơ kết mây thành mây trắng''.

Bây giờ, khi gõ những dòng chữ này, tôi mới nhận ra chính ca khúc Hà Thanh - Mạnh-Phát này đã giúp tôi viết ra được, 25 năm trước, những ca từ trong ca khúc nhân dịp ''10 năm tình cũ'' của ''chúng tôi'': ''Chàng chỉ là mây trắng / mấy năm đời lãng quên rồi! / Chàng chẳng là chiếc nôi / ru ai ngủ vùi …''!
" …
Mười năm mơ kết mây thành hoa trắng
Mây vỡ hoa tan ,tàn giấc mơ hoa
… "
Chị Hà Thanh mất ngày 1/1/2014. Lúc sinh tiền, có lẽ chị là một ca sĩ ''tu hành'' nhiều nhất. Và chị đem tiếng hát đó phục vụ ''đạo – đời'' trong những album thiền-ca.

Nhạc sĩ Mạnh Phát có ''Mười năm mơ kết mây thành mây trắng'' nhưng chị, chị Hà Thanh, có bao giờ chị mơ kết mây thành hoa trắng? Tuy hỏi nhưng em biết chị đã để nhiều năm ''mơ kết mây thành hoa trắng'', những đóa bạch hoa cài lên mái tóc, lên áo cưới ngày anh Dung đưa chị lên xe hoa . Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên. 1970, ca sĩ Hà Thanh kết duyên cùng Trung Tá Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 11 Bùi thế Dung 1975: anh đi tù, chị làm thiếu phụ nuôi con. Phải đợi đến 15 năm sau ''đoạn trường'' mới được ''tân thanh'' trên xứ người ! Nhưng chỉ được hai năm thì ''Mây vỡ hoa tan, tàn giấc mơ hoa''! (có lẽ vì thế nên chị tìm nỗi vui qua câu kinh, tiếng kệ?).

Bây giờ không phải anh mà là chị .''Chị lên đường trăm hướng'' để nhiều người ''ở lại sầu thương''!

Xin cám ơn chị đã mang những ca khúc tuyệt vời , cùng những luyến láy tuyệt vời vào lòng người yêu nhạc. Bằng một giọng ca nhẹ nhàng, êm ái, sang trọng, đầy nữ tính

Em kính chúc hương hồn chị sớm về cõi vĩnh hằng, chị Hà Thanh!

BP
29/1/2014


Sương Lạnh Chiều Đông

Chiều xưa phai nắng dấu mòn đưa lối.
Soi bóng chung đôi mà hóa chia phôi.
Sương lạnh chiều đông vương tiếng thở
của người nguyện đợi chờ nghẹn ngào giờ tiễn đưa.

Chợt thấy lòng như rớt giữa hư vô.
Đưa tiễn nhau đi ngại những đêm mưa.
Đêm chập chờn buông lên giấc mộng
Em vẫn thường gặp anh như lúc xưa nơi sân trường.

Anh lên đường trăm hướng.
Em ở lại sầu thương.
Buốt giá câu thơ những lúc đêm mờ,
Ướp cánh hoa xưa vẫn nhớ hương chờ / mà đắm trong nghẹn ngào.

Mười năm mơ kết mây thành hoa trắng.
Mây vỡ hoa tan tàn giấc mơ hoa.
Anh hãy về đây đêm giá lạnh
Vẫn nghe nồng hơi ấm của tâm hồn tròn mơ.

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

Nhớ Nụ Cười –Thơ: Lê Phạm Dĩnh - Nhạc: Văn Duy Tùng - Ca Sĩ: Lê Vũ Phương


Thơ: Lê Phạm Dĩnh 
Nhạc: Văn Duy Tùng
Ca Sĩ: Lê Vũ Phương 

Thơ Tình Mùa Hạ

 

Trời bây giờ, tháng 5, mùa hạ,
Anh đang những ngày, đợi em đến thăm,
Dẫu khó khăn nào, em cũng đến,
Chắt chiu tình nồng, đốt lòng nhau chút ấm.

Anh vừa ăn buổi chiều xong,
Một bát sắn lát, cũng vừa đủ no,
Một chút muối, cũng vừa đủ mặn,
Thêm nữa, điếu HOA MAI cáu cạnh, bạn cho,
Bên song sắt, anh thả hồn theo khói.

Cây phượng vỹ đầu hiên nhà đã trổ bông,
Đã lâu, anh không chút bình yên để xem hoa nở,
Nhưng chiều nay sao quá đỗi phân vân,
Trong lòng anh, thắm một trời phượng đỏ.

Phượng, là tấm gương soi sáng tỏ,
Nhìn lại mình, nhan sắc, thiếu thời qua,
Trang sử đời, những mất còn khép, mở.
Dấu tàn phai ngày tháng nhạt nhoà.

Hơn nửa đời người, mấy phen lầm lỡ,
Nhìn lại mình, tay trắng bàn tay,
Cũng muốn khóc, đôi lần, mắt đã cạn,
Muốn cười lên, môi thảng thốt chua cay.

Như lòng đợi, em và con đã đến,
Chiều mưa bay, thứ bẩy trời sương,
Trong tim yêu, lửa tình rực cháy,
Rạo rực lòng như thuở mới yêu đương.

Đan vào nhau 10 ngón tay thật chặt,
Nụ hôn nào e ấp gởi trao,
Mắt biếc, tình si, lòng ngây dại,
Ngan ngát hương yêu tự thuở nào.

Cảm ơn đời, còn cho ta hy vọng,
Cảm ơn em, còn đứng lại, đợi chờ,
Ta còn em, còn con, còn một trời sức sống,
Thì còn ta, với trăm nỗi ước mơ.

Trại tù Gia rai, 1982.
Lê mai Lĩnh.

Đồng Hương Hổng Hiểu - Ngã Ba Ngã Bảy Lối Tình



Ngã ba, tư, sáu: ngả nào?
Em về yểu điệu tiếng chào xã giao!
Anh về mắt mở, mày chau
Ra vô nhung nhớ má đào hồng xinh.
Khuya lơ, khuya lắc một mình
Năm ngăn, bảy nắp chữ tình mộng mơ
Hiền hòa mộc mạc tiểu thơ
Lòng anh sao sóng vỗ bờ yêu thương?
Ngã năm, ngã bảy mấy đường?
Dở quê, dở tỉnh một phương ngóng hoài!
Đồng… hương, khác… khói lạ thay
Sao xin địa chỉ, một hai cười hoài?

Á Nghi, 
25-11-2012
***
Bài Cảm Tác:

Ngã Ba Ngã Bảy Lối Tình

Ngã ba ngã bảy ngả nào
Em về xin cái liếc chào dễ thương
Tóc bay xao xuyến gió luồn
Chỉ xin rơi xuống làn hương mơ màng.
Tháng Mười lá đổ thu sang
Nụ cười em ngát cúc vàng trổ bông
Nhớ ai đôi má ửng hồng
Hay thơ anh lượn vào trong ngõ hồn.
Gió qua chớm nhẹ nụ hôn
Nghiêng qua vai những bồn chồn nhớ mong
Chợt nghe thấp thỏm trong lòng
Lỡ mai em bước theo chồng vu quy
Là thơ anh sẽ lỡ thì
Vòng tay ảo mộng ôm ghì xót xa.
Ngã năm ngã bảy ngã ba
Em về, thơ viết lên tà áo bay
Đưa em về ngọn gió say
Nghiêng nghiêng giọt nắng qua ngày lung linh.

Trầm Vân


Không Gian Hai Chiều Của Đạo Làm Con

(Tranh: Họa Sĩ Lê Phổ)

Ca dao nước ta nói nhiều về chữ hiếu, nổi tiếng nhất là câu:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Hai câu đầu ‘‘núi Thái Sơn’’ và ‘‘nước trong nguồn’’ là nói đến không gian hai chiều của đạo làm con; chiều cao : núi Thái Sơn, và chiều dọc ‘‘nước trong nguồn’’.
Câu 4 nói đến ‘‘đạo con’’, ý tưởng sẽ được diễn nghĩa sau đây.
Trước hết, ta nói qua về chữ ‘‘hiếu ’’ : chữ Hán.
Chữ ‘‘hiếu’’ bộ ‘‘lão’’ trên bộ tử , có nghĩa là con cái cưu mang cha mẹ già yếu. Sách
Luận Ngữ có câu : Ðệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ : chữ Hán, chữ Hán (Học nhi - chữ Hán) có nghĩa là con em trong nhà phụng dưỡng cha mẹ, ra đường thì kính nhường huynh trưởng.

Ca dao còn có câu:

Kim ô gần gác non đoài
Cù lao chín chữ biết ngày nào xong.
Cù lao chín chữ tóm tắt công ơn cha mẹ, từ khi sinh ra ta đến khi ta khôn lớn:

1 - sinh chữ Hán: sinh ra.
2 - cúc chữ Hán: nâng niu.
3 - phủ chữ Hán: bú mớm.
4 - súc chữ Hán: chăm sóc.
5 - trưởng chữ Hán: ăn mặc.
6 - dục chữ Hán: dạy dỗ.
7 - cố chữ Hán: lo lắng.
8 - phục chữ Hán: uốn nắn.
9 - phúc chữ Hán: che chở, hi sinh.

Sau đây là lai lịch ‘‘núi Thái Sơn’’ và ‘‘nước trong nguồn’’:

Thái Sơn - chữ Hán- nằm ở phía Bắc thành phố Thái An, Sơn Ðông, bên Tầu. Ðiểm cao nhất là đỉnh Ngọc Hoàng, cao 1.545 mét.

Còn ‘‘nước trong nguồn’’, theo nhà nghiên cứu Ðỗ Thành, ‘‘Trong Nguồn’’ là vùng đồng bằng miền trung của sông Hoàng Hà. Hiện nay tên Hán Việt là Trung Nguyên.

Câu ca dao được truyền tụng rộng rãi trong dân gian còn nói tới ‘‘đạo con’’ là muốn nâng chữ hiếu lên thành ‘‘đạo’’.

Tam giáo đều đề cao chữ hiếu. Ðạo Ðức Kinh ( chữ Hán) do Lão Tử biên soạn, trong chương ‘‘Hạ Kinh’’ luận về chữ ‘‘Ðức’’, khuyên ‘‘tri nhân giả trí, tử tri giả minh’’: khi biết mình, có lòng hiếu thảo mới là sáng.

Sách Hiếu Kinh ( chữ Hán) của đạo Khổng cho rằng đạo thờ kính cha mẹ là gốc của chữ đức.

Ðạo Phật có kinh Vu lan và kinh Báo ân: ‘‘Hàng năm, cứ đến rằm tháng Bảy thì tự hiếu, cúng dường Vu lan’’.

Ðạo công giáo chủ trương ‘‘hiếu đạo từ tâm’’. Trong sách Ðệ Nhị Luật, điều răn thứ bốn trong ‘‘Mười điều răn’’ nói đến việc thờ kính cha mẹ.

Bốn câu ca dao nói đến không gian hai chiều của việc thờ kính cha mẹ.

Chúng tôi có bài lục bát sau đây, tuy vẫn giữ hai chiều không gian, nhưng lấy không gian nước ta, thay vì núi Thái Sơn và Nước Trong Nguồn, thay cho lời

Kết luận:

Cha là dẫy núi Trường Sơn
Là cây đòn gánh bắc cầu bắc nam
Hai miền thúng lúa đầy tràn
Nuôi con khôn lớn lo toan một lòng
Mẹ là bóng mát ngô đồng
Mùa xuân tô điểm hoa hồng tươi vui
Sang hè nắng chiếu bên song
Mùa thu sương tuyết cất công muộn màng
Đông về lá rụng đầy sân
Mẹ tôi lặng lẽ suối vàng biệt ly.

Lê Ðình Thông
Paris, 16/04/2024

Từ Thiên Cổ

 

Dịch bệnh
hung hăng,
Thiên tai
quậy phá,
Chinh chiến
lan tràn…

Khôn cùng…
Biết bao giờ hết khổ?
Dằng dặc
đáng thương,

Mãi mãi…
Ngàn năm!

Nguyễn-Khắc Tiến-Tùng

Trích trường ca Tiến Lên Tiền Sử
ST 624

"Đạo Đức" Theo Triết Lý Đông Phương


Trong văn hóa Đông phương của xã hội Việt Nam, quan niệm "Đạo Đức" thường là của Nho Gia (và Nho Giáo) từ Khổng tử và nó khác với "Đạo Đức" của Phật Giáo Nguyên Thủy và hoàn toàn khác với khái niệm "Đạo Đức" của Đạo Gia (Lão tử và Trang tử). 

 

a) Đạo Đức của Nho Gia (và Nho Giáo)  

 

*

Với bối cảnh quốc gia xã hội vào thời Xuân Thu như trên, Khổng Tử nghĩ rằng muốn cho quốc gia xã hội có trật tự thì trước hết phải Chính Danh.  Mục đích của Nho Học từ Khổng tử là "trật tự của quốc gia và xã hội".

 

Chính Danh có nghĩa là mọi vật (hay đúng hơn là mọi người) trong thực tại cần phải hợp với cái Danh nó mang.  Đó là chính trị của Khổng Tử: “Ắt phải Chính Danh” (LuậNgữ13.3).  Đó là phép trị dân: “Chúa (sovereign) cho ra chúa, tôi (subject) cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con” (LN 12.11).  Nói cách khác mỗi cái danh bao hàm một số điều kiện tạo nên bản chất một loại sự vật mà danh liên hệ đến.  

Vậy trong những tương quan của con người (nhân luân) trong xã hội, mỗi cái Danh đều bao hàm một số trách nhiệm (responsibilities) và bổn phận (duties) nào, và những cá nhân mang danh ấy phải có những trách nhiệm và bổn phận phù hợp với Danh ấy.  Đó là ý nghĩa lý thuyết “Chính Danh” của Khổng Tử.  

 

Ta có thể nói Chính Danh là Luân lý (hợp lý cho Nhân luân).  Nhân luân là những tương quan của con người (= Nhân) trong xã hội như: chúa tôi, cha con, chồng vợ, anh em và bạn bè

 

Chính Danh = Rectification of Names

Nhân luân = Social relationships, Human relationships

Luân lý = Social ethics 

 

*

Từ đó mỗi cá nhân phải có năm Đức (5 virtues), hay Đức tínhNhân Nghĩa Lễ Trí và Tín với Tín là biết Mệnh (Mệnh Trời).  Đó là Nho Học (Triết học của Nho Gia).

Từ Nho Học với những triết lý như trên, theo Khổng Tử, người Quân tử phải học và hànhvà tin theo triết học nầy.  Đó là Đạo (the Way) hay Nho Đạo, thực tế là về 5 Đức (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) nên còn gọi là Đạo Đức (Virtues of the Way).

 

b) Đạo Đức của Phật Giáo Nguyên Thủy 

 

Từ ngữ Giới (Sila, tiếng Phạn) của Phật Giáo thường được dịch là "Đạo đức" với cùng một nghĩa.  Anh ngữ vẫn dùng một từ ngữ cho cả 2 là Morality

 

*

Từ ảnh hưởng của Ấn Độ Giáo, Phật Giáo tin rằng Con người phải có Chánh Giới là Trì giới mà không phạm tất cả 10 Ác Nghiệp là để khi tái sinh theo lục đạo thì không phải tái sinh theo khổ đạo vào những cõi "khổ" như cõi địa ngục, cõi của ngạ quỷ hay cõi của thú vật.  Sanh mạng ở trong những cõi này thì hoàn toàn chịu khổ và không bao giờ tu hành đạt được giác ngộ để thoát khỏi tái sinh luân hồi được. 

Trì Giới giúp Con người tái sinh trong cõi Trời (Thiên) hay cõi Con người.  Sanh mạng trong cõi Con người và những cõi Trời (Thiên) có thể tu hành đạt được giác ngộ để giải thoát khỏi tái sinh luân hồi.  Do đó Con người đang sống trong sinh kiếp phải Trì Giới mà không phạm tất cả 10 Ác Nghiệp.

{Theo Essential Buddhism của Mizuno} 

 

Giới (= world = thế giới) của Tam Giới khác với Giới (= morality) của Trì Giới.

 

10 Giới cấm (còn gọi là Thiện Giớiđể không tạo 10 Ác nghiệp:  

         1. Không nói dối (Not to lie)

         2. Không dùng vọng ngữ tức là ngôn ngữ xấu (Not to use bad language): không nói với lưỡi 2 chiều.

         3. Không nói xấu người khác (Not to slander others): không ác khẩu.

         4. Không nói thêu dệt một cách phóng dật (Not to speak frivolously)

         5. Không sát sinh (Not to kill)

         6. Không trộm cướp (Not to steal)

         7. Không tà dâm (Not to commit adultery)

         8. Không tham muốn (Not to covet)

         9. Không giận dữ (Not to give way to anger)

        10. Không giữ tà ý (Not to hold false volition).  Tà Ý là ý định vi phạm ngũ (5) trọng giới (giới 1-5).

 

*

Trì Giới (theo 10 Thiện Giới) để không tạo tất cả 10 Ác Nghiệp là điều quá khó khăn, không một Con người nào có thể làm được trong trọn một sinh kiếp của mình! 10 Ác Nghiệp lại quá khắt khe và hơn nữa có nghiệp lại mơ hồ không rõ ràng nên Con người dễ phạm Ác Nghiệp hoặc nhiều khi phạm Ác Nghiệp mà không biết. 

 

Tuy biết được những yếu điểm này, Phật Giáo Nguyên Thủy có đưa ra phương pháp Tứ Chính Cần (4 right efforts) của Chánh Tinh Tiến (Right Effort) nhưng cũng mơ hồ và không rõ ràng.

Tứ Chính Cần (The 4 Right Efforts = Catvàri-samyakprahànàni).  (Cần là siêng năng)  

Tứ Chính Cần là:

         Điều Ác (Evil) đã sinh cần phải siêng năng đoạn diệt

         Điều Ác (Evil) chưa sinh cần phải siêng năng giữ đừng cho sinh ra

         Điều Thiện (Good) đã làm cần phải siêng năng làm thêm

         Điều Thiện (Good) chưa có cần phải siêng năng tạo ra

 

*

Trì Giới trong Bát Chánh Đạo:

         Chánh Ngữ (Right Speech = Samyag-Vàcà / Sammà-Vàcà)

         Chánh Nghiệp (Right Action = Samyag-Karmànta / Sammà-Kammanta)

         Chánh Mệnh (Right Livelihood = Samyag-Àjìva / Sammà-Àjìva)

         Chánh Tư Duy (Right Thought = Samyag-Samkalpa / Sammà-Sankappa)

         Chánh Tinh Tiến (Right Effort = Samyag-Vyàyàma / Sammà-Vàyàma)

 

Chánh Ngữ là Trì Giới không tạo khẩu nghiệp:

                  Không nói dối (Not to lie)

                  Không dùng vọng ngữ tức là ngôn ngữ xấu (Not to use bad language): không nói với lưỡi 2 chiều.

                  Không nói xấu người khác (Not to slander others): không ác khẩu.

                  Không nói thêu dệt một cách phóng dật (Not to speak frivolously)

 

Chánh Nghiệp là Trì Giới không tạo thân nghiệp:

                  Không sát sinh (Not to kill)

                  Không trộm cướp (Not to steal)

                  Không tà dâm (Not to commit adultery)

 

Chánh Tư Duy là Trì Giới không tạo ý nghiệp:

                  Không tham muốn (Not to covet)

                  Không giận dữ (Not to give way to anger)

                  Không giữ tà ý (Not to hold false volition).  Tà Ý là ý định vi phạm Ngũ Trọng Giới.

 

Chánh Mệnh là sống một Đời sống (sinh hoạt) Trì Giới theo đúng Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Tư Duy.

Chánh Tinh Tiến là "tinh tiến" luôn luôn cố gắng tránh không làm điều Ác và chỉ làm điều Thiện trong tương lai mặc cho quá khứ.

 

Trì Giới là 1 trong 3 ngành của Phật Giáo.  Đó là Trì Giới (Giới), Thiền Định (Định) và Giác Ngộ (Tuệ). 

c) Đạo (và) Đức của Đạo Gia (Lão tử và Trang tử) 

 

Lão tử* khởi xướng ra khái niệm "Đạo" (Dao, Tao) và "Đức" (De, Te).  Khái niệm này làm căn bản cho phái triết học của Lão tử ghi trong sách Lão tử.  Do đó phái triết học này có tên là Đạo Đức Gia và sách Lão tử có tên là là Đạo Đức kinh.  Sau đó Đạo Đức Gia được gọi tắt lại là Đạo Gia. 

 

Đạo:

         Sự vật (muôn vật, vạn vật) thì hữu danh dù cho nó vô thể hay hữu thể.

         Lão tử nghĩ rằng bởi vì có mọi sự vật thì cần phải có cái gì do đó mọi vật sinh ra.  Cái "cái gì" ấy được ông gọi là Đạo.  Đạo là cái bởi đó muôn vật sinh ra.   

         Đạo là vô danh, là vô thể, là cái do đó mọi sự vật sinh ra.

         Mọi sự vật đều hữu danh.  Nhưng để đối lập với những gì hữu danh, Lão tử nói đến vô danh.  Những gì ngoài sự vật là vô danh.  Cái "Đạo" của Đạo Gia là một khái niệm về loại nầy, ngoài sự vật và vô danh.

 

Đức:

         Đạo là cái bởi đó mọi vật sinh ra.  Khi sinh ra, riêng mỗi vật đều nhận từ cái phổ biến một phần từ Đạo gọi là Đức.  

         Đức của mỗi vật là cái mà tự nhiên* đã phó cho riêng mỗi vật.  

         Tóm lại, Đạo là cái bởi đó mọi vật sinh ra và Đức là cái bởi đó mọi vật trở thành vật.

 

Anh ngữ không có tiếng để dịch ra nên vẫn dùng tiếng Tàu, viết theo bính âm (pinyin) là Dao (hay Tao) và De (hay Te) trong Anh ngữ cho Đạo và Đức của Đạo Gia.

 

Sau Lão tử có Trang tử*.  Cả hai là 2 triết gia tiêu biểu của Đạo Gia.

Triết lý của Trang tử từ triết lý của Lão tử nhưng có sự khác biệt:

         Theo Lão tử, Đạo là cái bởi đó mọi vật sinh ra và Đức là cái bởi đó mọi vật trở thành vật.  Trang tử cũng quan niệm giống như Lão tử về Đạo và Đức nhưng nói rõ hơn Đức là cái bản tính và khả năng của mỗi vật.  

         Lão tử áp dụng Đạo Thường và Đức vào đường lối xử thế (thường được biết là Vô Vi).  Trang tử áp dụng Đạo và Đức vào đường lối đạt hạnh phúc tương đối và tuyệt đối. 

 

d) Đạo Gia đối với Nho Gia và Phật Giáo

 

Do đó quan niệm Đạo Đức của Đạo Gia, Nho Gia và Phật Giáo hoàn toàn khác nhau.  Chỉ có Đạo Gia có ý kiến đối nghịch với Đạo Đức của Nho Gia và Phật Giáo.

 

* Đạo Gia đối với Phật Giáo

 

Đức (của Đạo Gia) đã có sẵn trong mọi vật.  Nếu theo Đức thì có đường lối sống giản dị và hành động Vô Vi tự nhiên không giả tạo và cưỡng chế.  Theo Lão tử, người có cuộc sống và hành động hợp với Đức (của Đạo Gia) thì ở ngoài vòng phân biệt thiện ác (distinction of good and bad).

Đạo Đức kinh viết:

         Nếu thiên hạ đều biết đẹp là đẹp, ấy là có xấu.  Thiên hạ biết thiện, ấy là có bất thiện.

 

* Đạo Gia đối với Nho Gia (Nho Giáo)

 

Vì vậy Lão tử khinh bỉ những đức tính của Nho Gia như "nhân nghĩa lễ trí tín", vì theo Lão tử những đức tính ấy chỉ là suy đồi của Đạo và Đức (của Đạo Gia).

Đạo Đức kinh viết:

         Mất Đạo ("Dao") mới có Đức ("De").  Mất Đức mới có Nhân (human heartedness).  Mất Nhân mới có Nghĩa (righteousness).  Mất Nghĩa mới có Lễ (ceremonials).  Lễ là suy đồi của trung tín (loyalty and good faith), bước đầu của rối loạn (disorder of the world).

 

Ở đây ta thấy sự tương phản hiển nhiên giữa Đạo Gia với Nho Gia.

 


Bs Phan Thượng Hải biên soạn và giữ bản quyền

 

Bài viết này là trích đoạn trong bài "Lịch Sử Triết Lý của Đạo Gia" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com

 

 

Tác Phẩm Thơ Ngày Vội Của Lê Mỹ Hoàn


Cái chết luôn luôn là một ám ảnh lớn đối với con người. Thế nhưng, có người lại còn đưa trí tưởng tượng đi quá một bậc, nghĩ đến hẳn cái cõi u linh huyền hoặc mà người chết sẽ phải đi tới. Ở cái cõi giao thoa giữa sống và chết ấy vì còn mang đặc tính hoạt náo của dương thế nên được tác giả đặt cho cái tên là Phiên Chợ Âm Cung. Với món cháo lú ăn vào trước khi đi đầu thai được bán trong quán.

Rộn ràng như có tiếng cười
Nghe trong quán lú ai mời mọc suông
Một đêm phiên chợ âm cung
Phần kia mộ địa đang cùng đợi ai
Ly tan cũng một nơi này
Về đêm bất tận, về ngày hư không

Những bài thơ trong Ngày Vội hầu như chưa bao giờ xuất hiện trên văn đàn hải ngoại cho dù những bài thơ ấy đã được viết ra từ lâu, rất lâu…Như lời tâm sự của tác giả:
Mỹ Hoàn lúc nhỏ đã bị ảnh hưởng của cha mẹ và các cô chú trong nhà về một nền âm nhạc và thi ca đổi mới, trong đầu luôn phảng phất âm hưởng của những bản nhạc lãng mạn như “Giọt Mưa Thu”, “Con Thuyền Không Bến”, ‘Buồn Tàn Thu” v.v… mà thỉnh thoảng những người lớn thường hát, Cho đến ngày hôm nay vẫn còn nhớ những câu thơ mẹ đã từng đọc cho nghe:

Ngày Xuân chị em đi hái hoa
Vườn mai đứng dưới gốc mai già
Hoa mai trắng xóa trong xuân tươi
Một chị một em xuân mấy mươi

Bao nhiêu năm cho tới bây giờ vẫn không quên, vẫn sống một đời sống không được thiết thực cho lắm, bởi vì thi ca, âm nhạc ảnh hưởng con người. Mỹ Hoàn rất thích làm thơ nhưng chỉ làm vài bài thơ con cóc rồi vội cất đi không dám đưa cho ai coi, chỉ có một độc giả duy nhất là chính mình, lo đi học rồi đi làm không bao giờ mơ tới giấc mơ làm thơ để trở thành thi sĩ.
Nhưng rồi biến cố 75 đã làm cho bộ mặt miền Nam hoàn toàn thay đổi, từ ấm no sung túc trở nên nghèo đói lạc hậu bởi sự xâm chiếm của quân Cộng Sản Bắc Việt, Nghe những chuyện kể về sự tận cùng cơ cực ngoài Bắc, hốt nhiên Mỹ Hoàn viết nên những vần thơ đầu tay tự trái tim mình, và đã trải tâm sự qua những bài thơ “Thiên Đàng Quay Lộn” hay “Một Lần Nữa Em Qua Bờ Bến Hải”… Đến khi thoát được nạn cộng sản và nhiều năm trôi qua, cũng chỉ là trăn trở những mất mát đau thương, những hoài niệm cố quốc. Những vần thơ thiếu lãng mạn, thiếu những âm từ bay bổng nên cam đành nằm im trong mộ địa mà thôi.
Cơ duyên dun rủi, nhờ người chị họ là Nguyễn Tường Nhung khuyến khích, nên Lê Mỹ Hoàn đã lục lại, và gom thành tập thơ. Với một quãng đường thơ trải dài hàng mấy chục năm với gần trăm bài thơ diễn tả nhiều hoàn cảnh, nhiều tâm trạng khác nhau,

***

Tại sao lại là "Ngày Vội"?

Hãy thử nghĩ, nếu một người còn sống, và còn mạnh khỏe như Mỹ Hoàn mà dám viết những giòng thơ tả cái cõi âm u huyền hoặc mà ít ai dám nghĩ tới thì với người ấy hẳn là đời sống con người quá ngắn ngủi, năm tháng đi quá mau, một ngày như mọi ngày mà vẫn quá … vội.
Một đời người thường có những điều gì? Tình Yêu e ấp, Tình Thương đầm ấm, những Biến Động không ngờ, và rồi Đau Thương, rất nhiều đau thương . Lê Mỹ Hoàn cũng không ngoại lệ . Tuổi mới lớn, ai đã không từng yêu? Người con gái mới lớn, lần đầu nếm vị ngọt và cũng vị đắng tình yêu – Nên cô học trò Mỹ Hoàn làm một bài thơ, đặt là Yêu:

Yêu

Đang đi trên con đường thong thả
Mùa xuân êm ả đưa cánh tay mềm mại
dâng đời những bông hoa mới
Chân bước từng bước
hồn là những câu thơ buông nhẹ
Đường đời cũng nhẹ buớc cung mây
Sao bỗng dưng khựng lại
Tâm tư nghiêng ngả bóng vai gầy
tấm khăn quàng tơi tả
Cứ tưởng như đường đời bằng phẳng
Hôm qua ra đường những trận mưa
ướt mặn môi
mới biết nước mắt rơi
Xót xa đám cỏ run rẩy bên vệ đường
Mình yêu thực hả?
Thôi đi, rồi cũng như chiếc lá
bay ngoài cửa sổ
Rồi cũng như cụm mây kia
đủ màu lục, tím, đáng yêu
Biến hóa hình dạng phù thủy
lờ lững dần qua…
***
Hẳn quý vi đều từng nghe ca khúc Kỷ Vật Cho Em của Phạm Duy với người Anh trở về hết sức thương tâm . Còn với Lê Mỹ Hoàn, người Anh trở về không trên chiếc băng ca, không trên trực thăng sơn màu tang trắng, cũng không chống nạng gỗ tật nguyền … Thế nhưng, người Anh ấy mang trong lòng những vết thương sâu thẳm, những nỗi đau không bút mực nào tả xiết.

Anh Trở Về

Tôi thấy anh trở về
Chân không đi giày đinh
mình không mặc chiến bào
không ba-lô
vai không đeo súng
Anh thẫn thờ mắt nhìn vô tận
anh thì thào, anh đã mất tất cả rồi
chúng đã lấy sạch của anh, cả nền
hòa bình mà anh đang chiến đấu.
Tôi thấy anh trở về
Giọng buồn như ngàn năm tôi chưa thấy
Chưa bao giờ anh lại buồn như vậy
Anh tiếp tục lập lại, thì thầm
mắt vẫn không hồn
Tự do dân chủ đã mất rồi
Anh không bảo vệ được non sông,
đất mẹ của chúng ta
Anh úp mặt vào hai bàn tay
Anh bật khóc nức nở
Những giọt nước mắt cùa anh
Nhỏ vào trong tim tôi.
Tôi thấy anh trở về
Mái hiên nhà thật là yên lặng
Không nắng buổi chiều
Nhưng bóng anh vẫn đổ
chiếc bóng đậm màu và thê lương
Anh vẫn thì thầm
Mẹ ơi! Con không giữ được non sông này
không bảo vệ được mái nhà ngàn năm cho mẹ
con không còn súng đạn
không còn vũ khí
không máy bay, xe tăng
chiến trường tan nát
Anh nức nở hơn lên
Những giọt nước mắt của anh chảy qua tim tôi.
Những giọt nước mắt của các anh chảy qua tim tôi,
qua tim mọi người,
cho Quê Hương,
cho một Nền Cộng Hòa đã mất.
***
Trở lại với tập thơ Ngày Vội, sẽ thấy Lê Mỹ Hoàn không cố định trong một thể loại thơ nào . Nhiều bài là thơ Lục Bát, thơ bảy chữ, thơ năm chữ, và cả thơ tự do . Dường như các giòng thơ tự động bật lên mỗi khi tác giả xúc động, và thế là bắt buộc phải cầm lấy cây bút … Bình An rất thích những bài thơ tự do của Chị Mỹ Hoàn, nhưng có những bài thơ vần điệu trồi lên thật bất ngờ, như bài thơ "Đôi Bạn"
Thoạt nghe tựa, ta sẽ nghĩ ngay đến "Đôi Bạn" Dũng và Loan của Nhất Linh, nhưng sẽ bị chưng hửng, vì Đôi Bạn của Lê Mỹ Hoàn là tình bạn giữa người và ...sách.

Đôi Bạn

Tủ sách nghiêng dựa mé tường vôi
Sách vở dường như đã mệt nhoài
Bên cạnh thân ngồi yên bất động
Tuyết sương bạc trắng một thời trôi
Lớp bụi thời gian chừng không hẹn
Nhưng ta cùng đi tận cõi đời
Bâng khuâng mỏi lối về trăm tuổi
Nhìn nhau héo hắt nụ cười vui.
***
Với chỉ 3 bài thơ, Bình An không thể giới thiệu tuyển tập "Ngày Vội" cho thật trọn vẹn, nhưng hy vọng, quý vị có thể thấy được vài đặc điểm của thơ Lê Mỹ Hoàn: giản dị, chân thật và đầy trân trọng đối với cuộc sống, cho dù đó là vui hay buồn, cho dù rồi sẽ qua đi, quá nhanh, quá …vội .

(TBA 2018)

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Thu Về Hôm Nao - Thơ Phạm Anh Dũng - Nhạc Nguyên Bích - Hòa Âm & Piano Lê Minh Trí - Ca Sĩ Vân Châu


Thơ Phạm Anh Dũng Nhạc Nguyên Bích
Hòa Âm & Piano Lê Minh Trí
Ca Sĩ Vân Châu

Lạ Hay Quen..

 

Em, Anh là lạ hay quen?

Lạ sao nhung nhớ chẳng quên được nào

Lạ sao tìm đến bên  nhau

Lạ sao gặp mặt lại chào tiếng yêu?

Quen  sao kẻ sớm người chiều

Quen sao đôi ngã, đôi miền, đôi nơi

Quen sao lời chẳng trao lời

Quen sao chẳng một hướng trời nhìn chung?!


Nguyễn Thùy

 

Em Là Tất Cả

 

Em là gió reo vui trong nắng ấm
Là mây ngàn tô điểm cả trời xanh
Là bóng cây rọi mát xuyên qua cành
Là điệp khúc ru hồn trong đêm vắng v

Em là nắng sưởi lòng theo năm tháng
Cho phượng về đỏ thắm mùa Hè sang
Để ve sầu hòa khúc nhạc reo vang
Mang rung cảm cho tim hòa nhịp sống

Em là biển, dậy lên theo gió lộng
Để bão về cuốn lấy tình mong manh
Giòng suối mơ vỗ giấc ngủ dịu dàng
Cho tình mãi là chuỗi ngày thơ mộng

Là phiến đá em nằm yên bất động
Như mơ màng theo tháng đợi chờ trông
Cho cơn mưa dịu mát dấu tình hồng
Rêu phủ kín cho tình lên tiếng gọi

Em là hoa khi nắng về chiếu rọi
Là nụ hồng trong gió tỏa hương thơm
Là cành lan khoe sắc gọi tình nồng
Tim anh mãi ...vì em say đắm mãi...

Nguyễn Vạn Thắng

Tháng 6 Của Cha