Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Thơ Tranh: Vinh Ơi!


Thơ:Trần Gò Công/ Lão Mã Sơn
Thơ Tranh: Kim Oanh

Đợi chờ



Dẫu biết thời gian như vó câu
Dòng đời nào biết sẽ về đâu
Người đi kẻ ở buồn vương vấn
Bỏ lại sân ga những chuyến tầu
Khoảnh khắc biệt ly là mãi mãi
Nỗi lòng thổn thức gửi trao nhau
Tương phùng ươm mộng từng đêm vắng
Ai đó chờ ai bạc mái đầu


Yên Nhiên

Bến Đợi



Một mai bệnh lấn vào xương cốt
Để thấy trong lòng những xác xơ
Trăm năm nào có là miên viễn
Đôi mắt nhung kia sẽ dại khờ!

Sao chẳng trao nhau cuộc hò hẹn
Sao để lòng mình mãi thờ ơ
Chỉ một chữ TÌNH lên ngôi báu
Chỉ một người YÊU để đợi chờ!

Đã thấy gió lùa qua khung cửa
Mây thu lướt thướt kéo nhau về
Hồng nhạn thiên di về xứ nắng
Ai có xây cùng giấc mơ quê?

Mái nhà đơn sơ bên suối vắng
Dòng nước đơm từng khúc nhạc xưa
Ngàn năm tiếng thở trong dòng chảy
Vẫn làm rung động những hồn thơ!

Locphuc.


Trằn Trọc...

(Tranh: Họa Sĩ Nguyễn Tường Lân)

Đề Thơ:
Trằn Trọc...


Trằn trọc năm canh chẳng quạt hầu
Trăng tà thao thức bởi vì đâu
Gối chăn lạnh lẽo sầu hiu quạnh
Dõi nhớ người xa mãi tuyến đầu!


Kim Oanh
***
c Bài Họa& Cảm Tác:

Công Hầu

Thân trai giục giã mộng công hầu
Vò võ thân gầy có tiếc đâu
Gấm phủ màn xanh buông quạt quạnh
Ái ân thương nhớ bóng trăng đầu!

Lộc Bắc 
Oct19
***
Mộng Dưới Trăng

Quạt nằm bên em, chẳng người hầu!
Tình lang biền biệt mãi nơi đâu.
Trăng xanh quạnh quẽ soi trên gối
Thổn thức mình em giấc mộng đầu!

Mùi Quý Bồng

07 tháng 10 2019
***
Tiếc Thời Niên Thiếu

Nâng niu quý mến mẹ cha hầu
Thuở nhỏ ngây ngô có biết đâu ,
Lún lớn ra đời đơn chiếc quá!
Tiếc Thời Niên Thiếu tóc xanh đầu

LạcThủyÐỗQuýBái
***

Chàng chưa bỏ được mộng công hầu
Chẳng biết đêm trăng này nghỉ đâu?
Bỏ em trằn trọc bao đêm trắng
Mơ được kề vai lẫn tựa đầu.

Hoàng Xuân Thảo
***
1/Công Hầu


Khuyên chàng chớ bỏ mộng công hầu
Thi phận học tài biết được đâu.
Năm tháng nuôi chồng nàng chịu khổ
Vinh quang phú quý vợ công đầu.

2/Người Hầu


Rảnh rang không chịu kiếm người hầu
Duyên nợ ba sanh tránh được đâu.
Sống mới ba năm đà bốn đứa
Cùng nhau đùm bộc vợ đi đầu.

Phí Minh Tâm
***
Chàng đi thiếp không được theo hầu,
Tháng ngày cách biệt bởi vì đâu?
Người chốn phòng the buồn cô quạnh,
Kẻ nơi chiến-trận nhớ ngập đầu,

Đất nước thịnh suy trò thế-cuộc,
Cửa nhà còn mất chuyện bể dâu,
Đất khách quê người nay gặp lại,
Chút thơ xin họa một đôi câu.

Lê Xuân Cảnh
***
Mình em nằm dưới trời cao
Cô đơn thảm thiết biển sao không lời
Vượt biên thuyền anh ra khơi
Em chờ, em đợi suốt đời mình anh

Đồ Cóc
 

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

Thơ Tranh: Trắc Ẩn


Thơ: LCT
Thơ Tranh; Kim Oanh

Đóa Hoa Xưa


Một đóa hoa yêu vẫn mãi còn
Đêm về ấp ủ chút tình son
Giữ mãi trong tim làm kỷ vật
Của lối đi xưa dấu gót mòn

Hồn bướm mơ hoa về vườn cũ
Hương nào ngây ngất cõi lòng ta
Gió đẩy gió đưa người viễn xứ
Để cánh hoa yêu thiếu mặn mà

Rồi biết bao mùa cành thay lá
Bao lần hoa nở đón gió xuân
Hương xưa dù nhạt nhưng tình cũ
Vẫn giữ cho ai chỉ một lần.

Biện Công Danh
17/9/2018
* Ảnh của Tác Giả

Đêm Lạnh - Hạnh Ngộ



Bài Xướng:
Đêm Lạnh

Ta đợi đến tàn canh
Gió khuya lay động mành
Sương trời giăng phủ kín
Giấc mộng chừng mong manh
Em nhớ chăng lời hẹn
Đêm chờ chỉ có anh
Chơi vơi trong lặng lẽ
Như chiếc lá xa cành. 

Quên Đi
***

Bài Họa:

Hạnh Ngộ


Đêm tàn sắp điểm canh
Ánh nguyệt loáng qua mành
Soi dáng người em nhỏ
Lạnh vai áo mỏng manh
Vườn khuya ai bước nhẹ
Mình gặp phải không anh
Hạnh phúc tràn tâm sự
Niềm vui chín rộ cành

Kim Oanh

Mộng Đêm Thu



Bài Xướng:

Mộng Đêm Thu


Mộng hỡi đừng về trong giấc ngủ
Lá thôi xao động khuấy đêm thu
Trăng ngừng lơi lã trên cành liễu
Cho hồn liệm chết giữa thâm u

Trăng còn bỡn cợt hoài thế nhỉ
Lá vẫn lao xao chạm cành mềm
Giấc không tròn giấc lòng rộn nghĩ
Đêm tàn dần hết lại qua đêm

Ta muốn sống hoài trong bóng tối
Trăng đừng nghịch ngợm lẻn qua song
Dĩ vãng còn đây đong trí nhớ
Làm sao ngăn mãi được sóng lòng

Con trăng tròn khuyết bao lần nữa
Lá kia xào xạt rụng trước thềm
Năm canh trằn trọc không yên giấc
Mộng tàn dần hết lại sang đêm

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Mộng Đêm Thu


Trăng thức cùng ta đêm không ngủ
Trăng soi vằng vặc giữa mùa thu
Trăng tròn vành vạnh môi thôn nữ
Trăng quyến hồn khỏi chốn âm u

Gió cùng lá lả lơi vui nhỉ
Từng cánh rơi lả tả vai mềm
Mây đam mê che mờ suy nghĩ
Sắp canh tàn mong mãi là đêm

Đêm có Trăng không còn bóng tối
Trăng cùng ta trò chuyện song song
Quên đi dĩ vãng và nhung nhớ
Gợi mở tương lai vợi nỗi lòng

Khúc nhạc Ánh Trăng* ru hồn nữa
Âm thanh vào mộng ngủ bên thềm
Ôm bóng Trăng ngà yên một giấc
Bàng hoàng mở mắt_đã qua đêm!

(* Beethoven)

ChinhNguyen/H.N.T. , Oct.3.19
***
 Cảm Tác:

Giấc Mộng Đêm Thu
(Cảm tác và mượn ý thơ “Mộng đêm Thu” của Kim Phượng)

Hãy về đây cùng ta nằm ngủ
Để đi tìm giấc mộng đêm Thu
Giữa khuya huyền diệu thâm u
Vầng trăng lơi lả như ru liễu mềm

Áng Nguyệt còn bên thềm bỡn cợt
Lá trên cành bỗng chợt lao xao
Bởi cơn gió thổi rì rào
Làm tan giấc mộng đêm sâu không tròn!

Trăng lặn đi để còn bóng tối
Mộng đêm Thu chớ vội qua song
Cho ta chìm giấc cô phòng
Tìm về dĩ vảng sóng lòng trào dâng

Nguyệt tròn khuyết bao lần thêm nữa?
Ru hồn ta - được chửa không trăng?
Để còn gặp lại chị Hằng
Cho tròn giấc mộng,kẻo tàn đêm Thu!


songquang
20191011

Có Phải Thu Về



Xướng:
Có Phải Thu Về

Có phải thu về trong mắt em
Hồ thu vòm biếc sóng êm đềm
Cho anh hỏi nhỏ bờ mi chớp
Có chớp tình anh nhấp nháy đêm?

Có phải thu về trên tóc bay
Lá vàng se những sợi nắng gầy
Cho anh hỏi nhỏ làn tóc biếc
Có cột tình anh trong đắm say?

Có phải thu về trên má thơm
Dấu đỏ nồng nàn những nụ hôn
Cho anh hỏi nhé làn da mịn
Có ủ tình anh hoa ngát hương?

Có phải thu về trên dáng thon
Lá vàng rơi nép bước chân son
Cho anh hỏi nhỏ đôi tà áo
Lượn mãi mà sao đẹp chẳng mòn ?

Có phải thu về trên ngón tay
Mềm ru lá rụng dưới chân ngày
Cho hỏi ngón nào cầm giữ mộng
Cho thơ anh lượn ánh trăng ngây ?

Có phải thu về như khói sương
Tình xa ngơ ngác mộng thiên đường
Kỷ niệm mãi còn xanh phố đợi
Em một phương trời ngút nhớ thương

Trầm Vân
***
Họa:
Nghe chớm Thu về

Nghe chớm Thu về trong dáng em
Nghiêng nghiêng vóc liễu thoáng êm đềm
Tương tư ướm mộng trăng huyền thoại
Thương nhớ em chìm trong bóng đêm

Nghe chớm Thu vê hương áo bay
Giai nhân nhẹ bước dáng hoa gầy
Môi hồng mắt biếc cười e ấp
Lãng tử phong trần anh lịm say

Nghe chớm thu về trên tóc thơm
Chiều vàng thở nhẹ khói hoàng hôn
Giọt tình lấp lánh màu ân ái
Duyên cũ ngàn năm vẫn thắm hương

Nghe chớm Thu về trên cánh thon
Chừng như ngây ngất thoảng màu son
Gối chăn xiêu lệch thời vương vắn
Mắt mãi nhìn em vẫn chẳng mòn

Nghe chớm Thu về tay nắm tay
Trao nhau mê đắm những đêm ngày
Một thời xuân sắc qua nhanh quá
Đối bóng một mình anh ngất ngây

Nghe chớm Thu về theo giọt sương
Lá vàng sầu rụng trải ven đường
Tâm tư sâu lắng trong niềm nhớ
Đã mấy mùa qua trong tiếc thương.

Toronto 6/10/2019
Nguyên Trần

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

Nghe Vọng Cổ Nhớ Quê Hương - Tác Giả Viễn Châu - Kim Trúc Hát


Tác Giả: Viễn Châu 
Tiếng Hát: Kim Trúc 
 Thực Hiện: Katie


Mơ Miền Đất Hứa



Chìm trong mộng đẹp giữa ban ngày
Trái đất điên cuồng mãi tít quay
Mọi vật văng sâu vào vũ trụ
Riêng mình được đến tận thiên thai
Đàn tiên mấy khúc quên phiền muộn
Một chén quỳnh tương cũng đủ say
Cứ tưởng phen này đà thoát tục
Đâu ngờ tỉnh giấc vẫn trần ai.

Quên Đi

Thu Nhớ - Thu


Bài Xướng:

Thu Nhớ


Thơ thẩn rừng thu ngắm bóng mây
Dõi trông cánh nhạn dáng thu gầy
Mùa thu đan lối sao hờ hững
Thu sắc ngập trời chẳng ngất ngây
Vắng lặng nơi này trăng cũng nhạt
Hồn thu héo hắt lệ đong đầy
Rèm thu cung nhớ tay nâng phím
Thu hát cho người động cỏ cây 


Kim Phượng
***
Bài Họa:

Thu


Thu về chỉ lại hững hờ mây
Thu để đơn côi một dáng gầy …
Thu ấy ngời tươi mùa xao lãng
Thu này héo úa tuổi thơ ngây
Thu chan nỗi nhớ làm sao cạn
Thu chất niềm đau cứ mãi đầy
Thu tím hoàng hôn mờ mắt thẳm
Thu sầu ảo não xác xơ cây …


dovaden2010 (DVD)

Cung Dàn Xưa



Cung đàn xưa lỗi nhịp mấy trường canh
Nên thơ chết giữa dòng sầu đẵm lệ
Ðời thanh xuân phai tàn trong dâu bể
Người xa người héo úa những ngày xanh!

Ðêm thức giấc bùi ngùi nghe mưa đổ
Biết phương nào gởi nhớ mấy dòng thương
Ôi xa lắm…mịt mù xa cõi quạnh
Chốn đèo heo hay mé núi mờ sương.?

Nhớ từng đêm thềm xưa trăng rải ánh
Bản tình ca em hát quyện lời thơ
Mình ngây ngất hồn say vào cõi mộng
Thuyền yêu thương cứ mãi mãi xa bờ!

Ðó hạnh phúc hay thuyền trăng huyền ảo
Nàng tiên xa, xa khuất cõi vô cùng
Vẳng tiếng nhạc dư âm sầu đọng lại
Nghìn thu sau chưa chắc được tương phùng!

Em xa khuất phương trời sầu…viễn mộng
Dõi mắt tìm chỉ thấy núi rừng xanh
Ngoài biển xa chập chùng cơn sóng dữ
Trên bến đời hạnh phúc lại mong manh!

Anh vẫn viết những dòng thơ thương nhớ
Theo gió chiều thơ chấp cánh xa bay
Mong gặp lại cung đàn xưa tri kỷ
Bản tình ca dạo lại…- kiếp nào đây?!

Hàn Thiên Lương

Cửu Nhật Tề Sơn Đăng Cao 九日齊山登高 - Đỗ Mục


Nguyên tác:           Dịch âm:

九日齊山登高       Cửu Nhật Tề Sơn Đăng Cao

江涵秋影雁初飛   Giang hàm thu ảnh nhạn sơ phi,
與客攜壺上翠微   Dữ khách huề hồ thướng thuý vi.
塵世難逢開口笑   Trần thế nan phùng khai khẩu tiếu,
菊花須插滿頭歸   Cúc hoa tu sáp mãn đầu quy.
但將酩酊酬佳節   Đãn tương mính đính thù giai tiết,
不用登臨恨落暉   Bất dụng đăng lâm hận lạc huy.
古往今來只如此   Cố vãng kim lai chỉ như thử,
牛山何必獨沾衣   Ngưu sơn hà tất độc triêm y.

Đỗ Mục
*Cửu nhật là trùng dương, tiết ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, ngắm hoa uống rượu, còn để mừng thượng thọ ̣nữa.
***
Dịch thơ:Lên Núi Tề Ngày Mùng Chín

Sông ghì thu lại nhạn bay đi
Dẫn khách lên non uống bét nhè
Trần thế hiếm khi cười hở miệng
Phải cài hoa cúc khắp đầu về
Cứ say túy lúy chào thời tiết
Chẳng muốn lên rừng hận nắng suy
Kim cổ luân phiên đều như thế
Núi Ngưu sao để lệ tràn mi?


Con Cò

Lời bàn:
Nét lãng mạn trào lộng hiện rõ trong mỗi câu của bài thơ khiến cho mục tiêu thưởng rượu hưởng nhàn trong tiết thu của tác gỉa thật phong phú. (Chữ in nghiêng là lời bàn)
Hai câu 1, 2: 
Dáng đẹp của con sông như muốn kéo níu thu ở lại, mặc cho lũ nhạn trốn lạnh bay đi không thèm ngoái cổ nhìn. Trong cảnh đó, ta mang bầu rượu dẫn khách lên núi. Không thể mở đề hay hơn. Sông (bốc khói để giữ nhiệt) như muốn níu mùa Thu ở lại lâu hơn tí nữa. 

Hai câu 3, 4:
Tại thế gian này ít khi có dịp hở miệng cười. Vậy thì cứ cài hoa cúc đầy đầu lúc về nhà (ngày 9/9 âm lịch chỉ thưởng ngoạn hoa cúc bởi vì chỉ có loại cúc mùa thu vẫn tươi ở thời điểm này). Đời có lắm chuyện buồn, khi già thì dễ buồn hơn, có vui cũng chỉ vui nửa vời, cho nên chỉ cười nửa miệng.

Hai câu 5, 6:
Cứ uống say túy lúy để đáp ứng với thời tiết đẹp. Chả nhẽ lên rừng để hận ánh tà dương hay sao! Buồn thì dẫn bạn lên núi ngắm cảnh, uống rượu, chứ đừng kéo bạn vào phòng kín xoa.

Hai câu kết:
Việc đời từ xưa tới nay đều tuần tự như thế. Hà cớ gì mà dẫn xác lên núi Ngưu khóc ướt cả áo? Kẻ nào lên núi uống rượu mà khóc sướt mướt là dởm.
Bố cục chặt chẽ, niêm luật nghiêm chỉnh, lời lẽ trào lộng. Bài thơ điển hình của ngày song cửu. Tuyệt vời!
***
Dịch Nghĩa: 
Lên Núi Tề Ngày Mùng Chín

Sông ôm hình bóng mùa thu, nhạn mới bắt đầu bay đi tránh lạnh,

Cùng khách xách bầu rượu lên núi xanh biếc.
Ở gian thế khó gặp được dịp mở miệng cười,
Phải cài hoa cúc đầy đầu đem về nhà để lấy hên.
Chỉ nên say túy lúy mà tạ ơn ngày đẹp trời,
Không phải lên núi cao ngồi sầu hận ánh tà dương.
Xưa đến bây giờ chỉ có như vậy thôi,
Việc gì đứng trên núi Ngưu khóc nước mắt ướt đẩm cả áo.

Dịch Thơ:
Ngày Trùng Cửu

Sông đã vào thu nhạn hướng Nam
Bạn bè xách rượu núi xanh lam
Thế gian khó gặp dịp cười nói
Cài cúc đầy đầu ai cũng ham
Uống say túy lúy ơn ngày đẹp
Lên núi ngồi sầu đúng chẳng làm
Xưa nay mọi chuyện cùng như vậy
Nước mắt Ngưu Sơn đẫm có kham.

Phí Minh Tâm
* Ghi Chú:

Cửu Nhật: ngày Trừng Cửu mùng 9 tháng 9 âm lịch còn gọi là Tết Trùng Dương. Vào ngày này theo tục lệ người Trung Hoa, họ dắt nhau lên núi cao uống rượu cúc và đeo cành Thù du 茱萸 trong mình khi leo núi để đuợc hên. Không phải ngẫu nhiên mà Tết Trùng Cửu rơi vào ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch. Theo quan điểm dân gian, số 9 là số dương và là đỉnh cao nhất, tốt nhất, trân quý nhất trong một chu kỳ.
Tề sơn: có thể là một danh từ chung chỉ núi nước Tề. Nếu là một địa danh Tề Sơn thì ngày nay địa danh này không còn nữa mà chỉ có tên Tề Vân Sơn ở gần An Huy.
Thúy vi: Núi xanh (lam) nhạt. Trong bài Thu Hứng Bài 3, Đỗ Phủ cũng viết:
Thiên gia san quách tĩnh triêu huy,
Nhật nhật giang lâu tọa thúy vi,
Nghìn nhà thành núi rạng nắng mai yên tĩnh,
Ngày ngày ngồi trên lầu sông giữa núi xanh.
Ngưu sơn: Ngưu Sơn ở gần An Huy, xưa thuộc nước Tề.
Lê Nguyễn Lưu nói Ngưu Sơn là Tề Sơn hay chỉ là một núi ở nước Tề. Cái nào cũng hợp lý vì cùng trong một ngày lễ thì chí có đi núi đó, cớ nào lại đi 2 núi khác nhau. Vả lại Đỗ Mục phải quen thuộc với vùng An Hui vì Ông đã từng làm việc ở đây (anh Giám cho là bị đày).
Lệ triêm y: áo đẫm ướt nước mắt. Lên núi với bạn bè, dù có tủi thân vì lận đận, Đỗ Mục không phải vì cô độc mà khóc!

***
Translation: 
Going Back to Mountain Old Thatch Home in Late Spring

The river embraces the appearnce of autumn, the swallows begin to fly South.
With friends we carry jugs of wine up the blue mountains.
In the world it is a rare opportunity to open your mouth and laugh
Must adorn your head with a lot of chrysanthemums to take home for good luck.
Must be dead drunk and be thankful for a beautiful day.
You don’t climb a high mountain to sit there and hate the setting sun.
From memorable times to the present we do the same thing.
Why stand on Niushan and soak your shirt with tears.

Phí Minh Tâm
***
 Lên Núi Tề Sơn Ngày Trùng Cửu

Sông ngậm ảnh thu nhạn chớm đi
Lên cao cùng bạn xách bầu ly
Cõi trần khó gặp môi cười toét
Hoa cúc dắt tai lúc trở về
Túy lúy càn khôn chào nắng đẹp
Vào rừng đâu để hận tà huy.
Xưa qua, nay lại y như thế
Mình đứng núi Ngưu, khóc cớ gì?
Bát Sách
***
Mạt chược ai mê hơn Bát sách
Ông trên bà dưới cười khanh khách
Giao hoan ẩn ức lủng con cò
Phỗng quặt thú vui cau mặc khách
Uống rượu đầu non viết liễu trai
Vào phòng đóng cửa chơi dai nhách
Phóng khung hoa lá mong ù to
Bị tó bốn cun, ca hết sạch!

Lộc Bắc
***

 Lên Núi Tề Vào Tiết Thập Dương

Sông có hình thu, nhạn tính phi!
Lên non cùng bạn rượu tì tì (*)
Ta bà ít thấy môi cười cợt .
Đành chịu đê đầu(*) đội cúc về!
Túy lúy mơ màng chào tiết chuyển
Nên cần tỉnh táo hận chiều suy
Xưa qua, nay tới như nhau cả
Sao đến núi Ngưu lệ đẫm mi ?

LạcThủyÐỗQuýBái

(*) Tôi ưa câu ca dao Chúa Chổm uống rượu tì tì… và Đê đầu tư cố hương của Lý Bạch.

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

Thu Nhớ -Thơ Ngô Văn Giai - Nhạc Vĩnh Điện - Hoà Âm Quang Ngọc


Thơ: Ngô Văn Giai
Nhạc: Vĩnh Điện 

Hòa Âm: Quang Ngọc
Tiếng Hát:Thụy Long

Trở Về Quê Cũ



Tàn tro còn luyến tay người
Dưới cơn gió giật chửa rời cánh bay
Thôi anh, nuối thế gian này
Đã làm hết mức, bữa nay trở về
Ước nguyền hẹn với sơn khê
Xa quê, sẽ có ngày về cùng non
Tro tàn giữ tấm lòng son
Mây cao, biển thẳm, hồn còn giấc mơ
Trở về hẹn với trăng thơ
Đường xưa lối cũ, vẫn chờ bấy lâu
Năm xưa, khanh tướng công hầu
Năm nay, một nhúm tro mầu tà dương
Tro tàn như khách viễn phương
Trở về núi cũ mà nương cảnh nhà
Một mai, rũ dáng thu già
Theo anh, em sẽ mây xa trở về
Đắm mình giữa cảnh sơn khê
Cùng anh mình lại trăng thề nỉ non!

Locphuc

Cảnh Hồ Thu




Bài Xướng:
Cảnh Hồ Thu

Đặt xong giá vẽ cạnh bên hồ,
Mình đứng thả hồn chấm, phết, tô.
Dốc núi bao trùm sương xám nhạt,
Ven bờ ngập phủ lá vàng khô.
Chân trời lững thững mây vờn lượn,
Mặt nước bồng bềnh sóng gợn nhô.
Hiu hắt chiều Thu buồn viễn xứ,
Nỗi lòng giờ biết gửi về mô...

Duy Anh 
(Oct.1, 2019)
***
Các Bài Họa:
Thu Kiều Diễm

Lung linh cành trải bóng soi hồ,
Cảnh đẹp mỹ miều chẳng vẽ tô.
Lớp lớp vàng pha khoe sắc nắng,
Trùng trùng lá ẩm phết màu khô.
Gấm nhung hoà quyện tình gờn gợn,
Sông nước đón chào sóng nhấp nhô.
Thu đến tỏa tràn bao hạnh phúc,
Đông về kiều diễm bỏ đi mô?

Phương Hoa
OCT 1st 2019
***
Chiều Thu

Thu đến lung linh chiếu mặt hồ,
Thiên nhiên cảnh đẹp tựa tranh tô.
Núi trùm phủ lá mây đưa dáng,
Suối nước tia trào rưới hạ khô.
Chim réo kêu vang cành nhắn bạn,
Nai ngơ ngác bước dạo đồi nhô.
Chiều thu sáng chiếu tia hồng nhạt,
Nhớ bạn…. giờ nầy ở chốn mô!

 Hồ Nguyễn
(30-9-2019)
***
Chất nghệ

Chất nghệ,...lây lan sếnh mặt hồ,
Nét rung cành cọ thắm mầu tô.
Mắt đằm CÚC TÍM đùa sương tẩm,
Hồn đắm TRĂNG VÀNG giỡn gió khô.
Thăm thẳm TRỜI XANH mây bảng lảng,
Rì rầm NƯỚC BẠC sóng lô nhô.
Hòa trong cảnh sắc sầu thu gợn...
Mộng điệp chờ em,...biết chốn mô?

Nguyễn Huy Khôi
(02-10-2019)
***
Thu Nhớ

Ngả nghiêng dáng liễu lướt ven hồ,
Cây cỏ thay mầu sắc thắm tô.
Sáng sớm sương rơi trời mù mịt,
Chiều tà gió cuốn lá vàng khô.
Nương đồi khói mỏng chim bay lượn,
Bên bến lau buồn ngọn nhấp nhô.
Se sắt heo may nơi cố quận...
Ngạt ngào hoa sữa,biết tìm mô?

Thanh Hòa
***
Khoảnh Khắc Hồ Thu


Cà phê giá rẻ hướng ra hồ,
Một mảnh trời thu ai vẽ tô.
Bờ đó xênh xang gian miếu nhỏ,
Bên này phơ phất lá sen khô.
Một làn may gió, mây xanh dạo,
Đôi bóng sâm cầm, sóng nhấp nhô.
Từ buổi chiều nao ngâm ngợi ấy,
Gót hài thiện mỹ vãng nơi mô?

Trần Như Tùng 
(02-10-2019)
***
Nhìn Những Mùa Thu Đi...

Nhìn những mùa Thu lướt mặt hồ
Lá vàng rơi rụng vẽ màu tô
Ven bờ liễu rũ soi êm ả
Mép nước sóng đùa gợn nhấp nhô
Mỗi sáng sương giăng mờ lối nhỏ
Từng chiều gió cuốn động cành khô
Cỏ cây hoà quyện hồn ly khách
Thương cảm phận đời biết gởi mô ?!

songquang
20191002
***
Lửng thửng Dạo Hồ Thu

Lửng thửng chân đi dạo cảnh hồ,
Thu vàng hoa cỏ tựa tranh tô.
Con thuyền dưới nước đầy trăng sáng,
Chum liễu trên bờ ngập lá khô.
Tiếng nhạc xa đưa hồn lắng đọng,
Lời thơ vui đón sóng lô nhô.
Canh khuya gió lạnh sầu thi khách…
Viễn xứ nỗi lòng biết gởi mô!

Liêu Xuyên
***
Hồ Thu

Dương liễu, lộc vừng ở cạnh hồ,​
Mùa thu chuyển sắc tựa tranh tô.​
Cây in đáy nước che trời thẳm,​
Lá rụng ven bờ lấp cỏ khô.​
Chiều tím mây sa sương khói phủ,​
Trăng vàng nắng tắt đỉnh non nhô.​
Heo may hiu hắt sầu cô lữ,​
Dõi bóng quê nhà lạc chốn mô. ​

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc
Oct. 5/2019.​
***
Buồn Nhìn Hồ Thu


Nhẹ nhàng tươi đỏ cánh sen hồ
Rực rỡ đất trời nét điểm tô
Mắt biếc mờ phai bờ sóng ướt
Môi hồng thờ thẩn nụ sầu khô
Lời thơ kết nối câu hờ hững
Ý ́nhạc giao hòa cung nhấp nhô
Sóng vỗ triều dâng mây lãng đãng
Người xưa biề̀n biệt ở nơi mô

Toronto 11/10/2019
Nguyên Trần

Lý Bạch Ôm Trăng


Về cái chết của Thi Tiên LÝ BẠCH, có ba nguồn như sau: Một là uống rượu say chết; Hai là nhuốm bệnh mà chết; Ba là say rượu ôm trăng chết đuối. 

Theo sách Cựu Đường Thư thì cho là "Dĩ ẩm tửu quá độ, túy tử vu Tuyên Thành 以饮酒过度,醉死于宣城". 
Có nghĩa: Vì uống rượu quá độ mà say chết ở Tuyên Thành. Nguồn thứ hai, theo các sử gia khảo chính : Khi Lý Quang Bậc trấn thủ phía đông đất Lâm Hoài để chống lại loạn tướng An Lộc Sơn, lúc bấy giờ tuy Lý Bạch đã 61 tuổi cũng muốn đến đó để cùng chống giặc, nhưng giữa đường nhuốm bịnh trở về. Năm sau thì mất ở Đương Đồ huyện, huyện lệnh Lý Dương Băng là nhà thư pháp nổi tiếng về triện thư lúc bấy giờ. Nguồn thứ ba, là năm Càn Nguyên thứ 2 (759), Lý Bạch bị đày đến Vu Sơn, giữa đường gặp cơn đại hạn, nên triều đình ra lệnh ân xá tất cả phạm nhân. Trên đường trở về, khi đi ngang qua Đương Đồ huyện, thuyền đi trên sông Thái Thạch, Lý Bạch uống say nhảy xuống ôm vầng trăng dưới nước và bị chết đuối. Cái chết đầy thi vị nầy được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và mãi cho đến hiện nay.

Cái chết ôm trăng mặc dù không được chính sử ghi chép, nhưng lại được lưu truyền rộng rãi vì tính siêu thoát và thi vị của một Thi Tiên, mà ngay Thi Thánh ĐỖ PHỦ nhắc đến cũng phải trầm trồ là:

白也詩無敵, Bạch dã thi vô địch,
飄然思不群。 Phiêu nhiên tứ bất quần.

Có nghĩa:
Lý Bạch vô địch Thi Tiên,
Tứ thơ bay bỗng khắp miền nhân gian!

Khi Lý Bạch mất vì vớt trăng bên dòng Thái Thạch, Đỗ Phủ cũng đã nhớ bạn qua bài Thiên Mạc Hoài Lý Bạch 天末懷李白 như sau:

涼風起天末, Lương phong khởi thiên mạt,
君子意如何。 Quân tử ý như hà?
鴻雁幾時到, Hồng nhạn kỷ thời đáo,
江湖秋水多。 Giang hồ thu thủy đa.
文章憎命達, Văn chương tăng mệnh đạt,
魑魅喜人過。 Si mị hỉ nhân qua.
應共冤魂語, Ưng cộng oan hồn ngữ,
投詩贈汨羅。 Đầu thi tặng Mịch La. 

Có nghĩa:

Gió thu nổi ven trời,

Bạn hiền đã sao rồi ?
Tin nhạn bao giờ tới,
Sông hồ nước vẫn trôi.
Văn chương bất đắc chí,
Yêu quái mặc rong chơi.
Oan hồn cùng yên ủi,
Mịch La thơ tặng người !
Lục bát :
Gió thu hiu hắt bên trời,
Hỏi người quân tử độ rày ra sao ?
Trông tin hồng nhạn biết bao,
Sông hồ giờ đã dâng trào nước thu.
Văn chương ghét kẻ ôn nhu,
Đầy đường ma quái như thù ghét ghen,
Oan hồn cùng tỏ nỗi niềm,
Mịch La thơ trút niềm riêng tặng người! 

Ngoài ra Đỗ Phủ còn có hai bài thơ MỘNG LÝ BẠCH nữa. Vì Lý Bạch say trăng tự trầm trên sông Thái Thạch, nên trên Thái Thạch Cơ, bờ đá bên dòng Thái Thạch có rất nhiều danh thắng để tưởng nhớ đến Thi Tiên, như Lý Bạch Mộ 李白墓, Trích Tiên Lâu 謫仙樓, Tróc Nguyệt Đình 捉月亭... Tất cả những văn nhân thi sĩ, sứ thần nước ngoài khi đi sứ ngang qua đây đều có làm thơ tưởng nhớ đến Lý Bạch. Cụ Nguyễn Trãi nhà ta trong thời gian ở Trung Hoa cũng có bài thơ Thái Thạch Hoài Cổ 采石懷古 để tưởng nhớ đến Thi Tiên:

采石曾聞李謫仙, Thái Thạch tằng văn Lý Trích Tiên,
騎鯨飛去已多年。 Kỵ kình phi khứ dĩ đa niên.
此江若變為春酒, Thử giang nhược biến vi xuân tửu,
只恐波心尚醉眠。 Chỉ khủng ba tâm thượng túy miên.

Có nghĩa:

Thái Thạch từng nghe Lý Bạch say,
Cởi kình bay biết mấy năm nay.
Sông này nếu biến thành xuân tửu,
Lòng sóng e rằng vẫn ngủ say!

Lục bát:
Từng nghe Thái Thạch Trích Tiên,
Cởi kình bay mất bao niên trước rồi.
Nước sông biến rượu xuân trôi,
Chỉnh e lòng sóng say vùi ngủ yên!

Thi nhân Mai Nghiêu Thần 梅堯臣 đời Tống cũng có bài thơ THÁI THẠCH HOÀI CỔ để tưởng nhớ đến Lý bạch như sau :


青峰来合沓, Thanh phong lai hợp đạp,

势壓大江雄。 Thế áp đại giang hùng.
舟渡神兵後, Chu độ thần binh hậu,
城荒王氣空。 Thành hoang vương khí không.
山根魚浪白, Sơn căn ngư lãng bạch,
岩壁石蘿红。 Nham bích thạch la hồng.
弄月人何在, Lộng nguyệt nhân hà tại ?
孤墳细草中。 Cô phần tế thảo trung.

Có nghĩa:


Núi xanh chồng chất chập chùng,
Lượn quanh thế nước oai hùng chảy sang.
Thần binh thuyền mới sang ngang,
Thành không vương khí tan hoang mất rồi.
Cá sông quẫy sóng trắng ngời,
Núi nham hoa dại đỏ tươi la hồng.
Nào người giởn nguyệt bên sông,
Cỏ cao mồ vắng nghe lòng xót xa!

"Cỏ Cao Mồ Vắng" là ở vào đời nhà Tống, nhưng từ đời nhà Minh đến hiện nay thì đây là khu du lịch danh thắng nổi tiếng thu hút rất nhiều danh nhân thi sĩ đến du ngoạn và đề thơ. Cả đến những người không ra gì cũng đến đề thơ "con cóc" đầy khắp cả tường, cả những cây xung quanh mộ của Thi Tiên Lý Bạch để nâng cao thân phận của mình, để chứng tỏ "ta đây" cũng là tay ..."Thơ Thẩn !". Cho nên, danh sĩ Mai Chi Hoán 梅之煥 ở cuối đời Minh, khi đi ngang qua đây ghé viếng mộ Lý Bạch, thấy cảnh đề thơ bát nháo của người đời đã cảm khái mà ... đề thơ rằng:

採石江邊一堆土, Thái Thạch giang biên nhất đôi thổ,
李白之名高千古; Lý Bạch chi danh cao thiên cổ;
來來往往一首詩, Lai lai vãng vãng nhất thủ thi,
魯班門前弄大斧。 Lổ Ban môn tiền lộng đại phủ !

Có nghĩa:


Bên dòng Thái Thạch một mồ cao,
Lý Bạch thi tiên cao biết bao;
Tới tới lui lui thơ bát nháo,
Lỗ Ban múa búa, chả làm sao!

Ý của danh sĩ họ Mai là rất nhiều người ở trên đời nầy không biết tự lượng sức mình, cứ muốn làm thơ để sánh ngang hàng với Thi Tiên Lý Bạch, chả khác gì như dám cầm cây búa lớn mà múa trước cửa của ông tổ nghề thợ mộc là Lỗ Ban vậy. Thành ngữ "Múa búa trước cửa Lỗ Ban" cũng được hình thành do bài thơ nầy mà ra đó vậy.

Lý Bạch chẳng những là Thi Tiên, mà còn được người đời tôn là TỬU TIÊN 酒仙 nữa. Suốt ngày ông cứ lâng lâng trong men rượu. Ban đêm thì:

舉杯邀明月, Cử bôi yêu minh nguyệt,
對影成三人. Đối ảnh thành tam nhân.

Có nghĩa:

Nâng chén mời trăng sáng,
Đối bóng thành ba người. 


...và:

人生得意須盡歡, Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
莫使金樽空對月。 Mạc sử kim tôn không đối nguyệt.

Có nghĩa:

Người đời đắc ý cứ say vùi,
Đừng để chai không thẹn ánh trăng.

Ban ngày thì:

鐘鼓饌玉不足貴, Chung cổ soạn ngọc bất túc qúy,
但願長醉不願醒. Đản nguyện trường túy bất nguyện tỉnh.

Có nghĩa:

Chuông trống cao lương chưa đủ qúy,
Nguyện say tuý lúy thoả lòng đây.

... và:

五花馬,千金裘, Ngũ hoa mã, thiên kim cầu.
呼兒將出換美酒, Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,
與爾同銷萬古愁! Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu!

Có nghĩa:

Ngựa ngũ hoa, áo lông cừu,
Bảo trẻ mang ra đổi rượu mau,
Ta bạn cùng vơi vạn cổ sầu!

Ngoài Thi Tiên, Tửu Tiên ra, Lý Bạch còn là một KIẾM TIÊN 劍仙 mà ít có người đời biết đến. Ông là một kiếm khách hiệp nghĩa cứu khổn phò nguy như trong bài thơ HIỆP KHÁCH HÀNH nổi tiếng của ông đã được nhà văn Kim Dung triển khai thành bộ tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng cùng tên "HIỆP KHÁCH HÀNH" với các nhân vật Cẩu Tạp Chủng và Thiện Ác nhị sứ náo động giang hồ. Bài thơ Hiệp Khách Hành của ông có những vế thơ hào hùng của nhũng hiệp khách trượng nghĩa bất cầu danh, như:

...十步杀一人, Thập bô sát nhất nhân,

千里不留行。 Thiên lý bất lưu hành.
事了拂衣去, Sự liễu phất y khứ,
深藏身与名。 Thâm tàng thân dữ danh...

Có nghĩa:

Mười bước kiếm giết một người,
Ruổi dong ngàn dặm không lùi bước chân.
Rủ áo khi việc đã xong,
Mai danh ẩn tích không mong đáp đền.

Đó là Giai Thoại về Thi Tiên LÝ BẠCH ÔM TRĂNG.

Đỗ Chiêu Đức 

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2019

Cô Ðơn - Nguyễn Ánh 9 - Khánh Hà


Sáng Tác: Nguyễn Ánh 9
Ca Sĩ: Khánh Hà
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Về Mái Chùa Xưa



Từ buổi ra đi, nhớ chẳng vừa
Trở về thăm lại mái chùa xưa
Chùa đang quanh quẽ ngoài sương gió
Ta cũng phiêu bồng giữa nắng mưa
Bao lớp rêu phong mờ bụi phủ
Từng hồi chuông mõ quyện trầm đưa
Trôi theo vận nước cùng dâu bể
Chùa vẫn còn nguyên nét Đại Thừa!

Nguyễn Kinh Bắc

Tình Tạ Từ



Dìm nhung nhớ_xin giã từ Em nhé
Anh phải đi…thôi tiếc nhớ cũng đành
Xa em rồi hoang vắng ngập hồn anh
Hình bóng đó như vẫn còn ẩn hiện

Cắn chặt môi nghe tim mình rỏ máu
Từng điệu buồn luôn réo gọi trong tim
Tạ từ Em! Lòng chết lặng đứng im
Em nghe chăng ,hồn chơi vơi thương nhớ

Chợt gặp Em ngày về anh bỡ ngỡ
Vòng tay Em là điệp khúc bình yên
Làn môi Em như suối mát dịu hiền
Là tất cả yêu thương anh mơ ước

Em còn nhớ một mùa Thu thuở trước
Gió mưa giăng phủ kín con đường trơn
Bước chân em vội vã theo lối mòn
Em vẫn đến giữa khung trời ướt đẫm

Thế nhân hững hờ tình Em nồng ấm
Sưởi ấm lòng anh ngày tháng bơ vơ
“Cải tạo“ về trống vắng sống đơn sơ
Em vẫn đến cho dù đời cay đắng

Anh nhớ mãi ân tình Em trao tặng
Như linh đơn mầu nhiệm vực linh hồn
Bàn tay em xoa dịu nỗi cô đơn
Nay im vắng anh nghe lòng trĩu nặng….

Mặc Khách

Ba Đoản Khúc Tình Thu


1/ Vết Tình

Vô tình tìm thấy vết tình
Trên tờ lịch cũ ghi Quỳnh nở hoa
Trà sen chen vị đậm đà
Hương tình thoáng chốc môi hoà giao môi

Kiều Mộng Hà
***
Giao Bôi

Mời nhau chén ngọc giao bôi
Tình ơi, môi lại kề môi hẹn hò
Thì thầm tâm sự nhỏ to
Đêm Thu trăng sáng... con đò nên duyên
 Hồ Công Tâm
***
2/ Mi Cong

Chiều, mây lãng mạn chợt về
Hoàng hôn cuộn nắng mang hè giấu đi
Tôi còn trọn mối tình si
Giấu sâu che chắn...cong mi đóng rào

Kiều Mộng Hà
***
Ướt Mi

Song thưa vằng vặc trăng sao
Chia tay đêm ấy nghẹn ngào ướt mi
Thấu chăng một khối tình si
Trên dòng sông mộng người đi chưa về...
 Hồ Công Tâm
***
3/ Mưa Ngâu

Người xa tình héo lắt lay
Đêm thêm gió khóc...lá ray rứt sầu
Vẫn hoài câu hỏi người đâu ???
Thu vừa gõ cửa mưa Ngâu ngập hồn

Kiều Mộng Hà
Oct- 05- 2019
***
Kiếp Nào

Trang Kinh lần tụng vô ngôn
Giọt mưa tí tách nghe hồn thương đau
Duyên tình dan díu xưa sau
Hẹn nhau sưởi ấm đời nhau kiếp nào ?!!!

October 6th 2019
Hồ Công Tâm

Ký Sự Noumea (New Caledonia) - Tháng 7 Năm 2019

Vào đầu tháng 7 năm 2019, người viết (Nguyễn Cung Thông/NCT) và bà xã có dịp ghé thăm thủ đô Noumea của xứ New Caledonia (tiếng Pháp Nouvelle-Calédonie).
Bài viết này ghi lại vài nhận xét ngắn trong khoảng 11 ngày ở Noumea, chú trọng đến tiếng Việt dùng trong cộng đồng Việt Nam và nhận xét thêm về một số nhà ái quốc bị đày sang đây. Người viết xin cảm ơn các bạn địa phương đã giúp đỡ, trao đổi và chở đi gặp gỡ các gia đình người Việt ở Noumea: anh Roland Phạm Ngọc San, anh Phong Pascal Chu cùng gia đình anh Tình chị Thanh, gia đình anh Nguyễn Văn Miện, gia đình anh Diệm (Đinh Ngọc Riệm, Lãnh Sự Danh Dự) và rất nhiều gia đình khác nữa ở Noumea mà chắc cần hơn trang giấy này để ghi lại các chi tiết, nếu có sai sót gì thì xin các bạn đồng hương thông cảm và ‘nương tay’ cho, hay có thể liên hệ trực tiếp để làm bài viết chính xác hơn. Một tài liệu tham khảo quan trọng cho bài viết này là cuốn từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn. 
Các từ viết tắt trong bài này là VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển), TK (thế kỉ), A (tiếng Anh), P (tiếng Pháp), TTG (Tân Thế Giới, hay New Caledonia/A - Nouvelle Calédonie/P), HV (Hán Việt).

1. Hình chụp chung với các gia đình Chân Đăng 


Cụm từ Chân Đăng chỉ người VN đi làm mộ phu trên quần đảo Tân Thế Giới từ cuối TK 19. Nguồn gốc của cách dùng Chân Đăng là chủ đề của một bài viết trước đây2 (cùng tác giả NCT), bài viết này sẽ không bàn đến nữa. 

1) Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc)
email nguyencungthong@yahoo.com  

2) Bài "Tiếng Việt thời LM de Rhodes – chên đơng hay chân đăng/đâng/nâng? (phần 15)" cùng tác giả (NCT) vào đầu năm 2019. Có thể xem toàn bài trên mạng như 
Hình trên chụp người viết (NCT) cùng bà xã và anh chị em con cháu Chân Đăng dưới bức tượng Chân Đăng trong khu Á Châu (thành phố Noumea). Khu phố Á Châu cũng giống như các khu phố Tàu (Chinatown) trong các thành phố lớn, tuy nhiên các tiệm VN ở đây chiếm đa số so với các tiệm Tàu - ngược lại với trường hợp của Chinatown trong thành phố Sydney, Melbourne và Brisbane chẳng hạn (vào thời điểm tháng 7 năm 2019).
Nhân dịp viếng thăm Noumea thì người viết được đến gặp và trao đổi với gia đình cụ bà Bùi Thị Nhớn3 (trên 100 tuổi, một trong những người Chân Đăng cuối cùng). Xem hình bên dưới chụp ở nhà cụ Nhớn cùng gia đình.


Một điểm thú vị đáng được ghi lại ở đây là trong khi hàn huyên với gia đình cụ Nhớn, người viết được biết thêm là cụm từ Chân Đăng còn mang một nét nghĩa nữa hàm ý ‘già nua’ (hàm ý thuộc thế hệ cha ông) như theo lời chị Phạm Thị Hoa (con gái cụ Nhớn - người ngồi bên trái cụ). Vào khoảng đầu thập niên 1950, khi được gia đình giới thiệu/mai mối cho một ông người VN thì chị Hoa không đồng ý và nói "Tôi không muốn lấy ông Chân Đăng đó" (trích lời chị Hoa trong buổi nói chuyện tại nhà chị).

 2. Nem là chả giò 

Một món ăn rất phổ thông ở New Caledonia là nem. Sinh trưởng ở miền Nam, người viết rất ngạc nhiên khi nhận ra nem chính là loại chả giò mà mình rất quen thuộc. Nem hay nem rán ở miền Nam gọi là chả giò, chả cuốn, chả ram, chả nem so với miền Trung gọi là chả hay chả cuốn. Miền Bắc còn gọi chả giò hay nem là chả Sài Gòn. Hình bên dưới là một đĩa nem ở New Caledonia. Từ thời LM de Rhodes, ông đã ghi rõ nem là thịt bầm gói trong lá.
___________________
3) So với Youtube "GẶP NGƯỜI CHÂN ĐĂNG CUỐI CÙNG Ở NEW CALEDONIA" (27/7/2018) trước đây khoảng 1 năm - xem chi tiết trang https://www.youtube.com/watch?v=A1b052eTbA8  
thì năm nay cụ bà không còn khỏe lắm khi người viết (NCT) đến thăm gia đình. 

Hình chụp bên dưới - phù hợp với nét nghĩa nem (chua) trong các miền Trung và Nam hơn. Vấn đề trở nên thú vị khi thịt gói trong lá chuối cũng giống như món ăn bougna ở TTG và các đảo thuộc Thái Bình Dương. Có liên hệ nào chăng giữa các món ăn này - khi đi ngược dòng thời gian - không phải là trọng tâm của bài viết nhỏ này.

VBL trang 512

Một đĩa nem (chả giò) ở TTG 

3. Mùi là màu 

Khi viếng thăm nhà riêng ở Noumea, anh bạn mới quen tên là Phong Pascal Chu có kể lại chuyện gia đình về bà Binh Ngọc luôn dùng mùi chứ không dùng màu như mùi đen, mùi xanh. Anh bạn Phong rất ngạc nhiên về cách dùng từ như thế, nhưng người viết có giải thích là mùi là tiếng Việt từ thời VBL (xem hình chụp dưới) đến đầu TK XX thường dùng hơn là màu. Vì vậy mà các thế hệ cha ông có khuynh hướng dùng từ cổ như mùi thay vì màu.

VBL trang 489 

Gia đình của bạn Phong Pascal cũng từng đóng góp nhiều cho New Caledonia nên có một tên đường là Ngọc Chu-Văn (Ngoc CHU-VAN) - xem hình chụp bên dưới trích từ các phóng sự "Biết đâu nguồn cội - The Roots" "Người Việt ở Tân Thế Giới" của đài truyền hình VTV4.


Một điểm nên nhắc lại ở đây là tên đường Rue Ngoc CHU-VAN ngay bên cạnh tên đường Félix Franchette (người Pháp) cũng như tên đường Rue Nha DANG (Đặng Văn Nha4) ngay kế bên đường Louis Hénin (người Pháp) cho thấy phần nào đóng góp của người Pháp và VN trong lịch sử hình thành TTG.

_____________________
4) Ông Nha qua làm phu mỏ niken - trong thập niên 1930 - có con trai André Đặng Văn Nha (sinh năm 1936 ở TTG), là người giữ vai trò chủ chốt của hai nhà máy luyện niken tầm cỡ thế giới, theo cuốn hồi kí lịch sử "Bí ẩn Đặng" của hai tác giả Anne Pitoiset - Claudine Wéry. Cuốn này được dịch ra tiếng Việt và NXB Phụ Nữ phát hành vào tháng 2 năm 2010. Người đọc có thể xem bài viết liên hệ như trang 
Ông André Đặng Văn Nha qua Pháp học về sửa máy cùng với ông Chu Văn Ngà (chú của anh Phong Pascal), sau về lại TTG kinh doanh thương mại và trở thành "đại gia" và có tầm ảnh hưởng ở xứ này. 

4. “Quả gỗ” là quả cóc 

Một cách dùng khá đặc biệt ở Noumea là tên gọi quả cóc là quả gỗ - theo một số người Việt ở đây lâu năm thì quả này cứng và nếm như gỗ nên gọi là quả gỗ. Hình dưới chụp cây cóc đầy trái trước nhà anh chị Nguyễn Văn Miện5 (gốc Chân Đăng) ở Noumea - cùng với bà xã người viết (bên trái) và bà xã anh Miện (bên phải). 

Vào thập niên 1930, Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức) không ghi quả cóc so với các nghĩa khác như con cóc, cóc (chẳng) biết. Chính VNTĐ đã ghi cách dùng chân đăng với nét nghĩa mở rộng là cuộc sống tạm bợ, do đó sự vắng mặt của quả cóc cho thấy loại cây trái này không thông dụng và không gây sự chú ý từ các học giả VN khi soạn VNTĐ vào giai đoạn này. Điều này cũng có thể giải thích phần nào, khi qua TTG làm phu mỏ, cộng đồng người VN (đa phần là từ các tỉnh duyên hải Bắc Bộ) cũng không thấy dùng tên gọi "quả cóc" mà lại dùng "quả gỗ" - tên này người viết không thấy dùng ở trong tài liệu tiếng Việt đã xem qua cho đến thời điểm này. Cũng nên thêm một chi tiết ở đây là tác giả Mai Hương6 (Học Viện Quân Y) cho biết là ngoài Bắc còn gọi quả cóc (miền Nam) là quả sấu tầu. 

Từ thời tự điển của các giám mục Béhaine/Taberd (1772/1773-1838), cóc đã có một nét nghĩa nữa là cây cóc7, một thứ cây có gỗ rất cứng, nhưng không thấy ghi "quả/trái cóc". Khả năng lẫn lộn các cách gọi (sấu, trám, cóc ...) có thể là do có nhiều loại cóc (và sấu). Trong cuốc Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa, không thấy ghi quả/trái cóc nhưng có ghi quả sấu với tên (chữ Nho) là nhân diện: 
____________________
5)Anh Nguyễn Văn Miện đã về hưu, sinh năm 1945 ở TTG, con ông Nguyễn Văn Hậu (Chân Đăng) làm mỏ kền, số đăng kí là 2707. Khai sanh của anh ghi nhầm tên anh thành Én (mẹ của anh Miện tên là Nguyễn Thị Én), nên để tránh các rắc rối về sau, anh thêm hai mẫu tự Mi vào trước tên Én để thành Miện (theo lời anh Miện kể lại). 
6) Trích từ bài viết "Lợi ích sức khỏe của quả cóc" của Ths Mai Hương (Học Viện Quân Y) đăng trên trang Thời Báo.today (24/6/2017) hay trang Sức Khỏe & Đời Sống (17/5/2019) …v.v.
7) Học giả Huỳnh Tịnh Của thi ghi cây cóc là "tên cây, vỏ nó giống như da cóc" - Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Cóc có một dạng chữ Nôm dùng cốc HV 谷, hay thêm vào bộ trùng 虫 để chỉ (con) cóc. 
Nhân diện quả sấu vị cùng ngọt chua (trang 195) 
Nhân diện tử quả sấu (theo học giả Nguyễn Văn San trong Đại Nam Quốc Ngữ)

Các tài liệu Hán cổ cho thấy nhân diện tử 8 人面子 là một cách gọi quả cóc! Ngoài ra, cũng vì hình dạng và mùi vị mà quả cóc còn gọi là Nam Dương cảm lãm, Thái Bình Dương cảm lãm 太平洋橄欖、南洋橄欖 (cảm lãm là một cách kí âm/đơn âm hóa của trám). Các dữ kiện trên cho thấy khả năng lẫn lộn tên gọi loại quả này rất cao vì có nhiều giống rất gần nhau, cùng hình dạng và mùi vị ... Có lúc còn gọi cóc là táo (nam toan tảo 南酸棗), hay cau (tân lang thanh 檳榔青 theo Hải Nam Thực Vật Chí)!

5. "Về Việt" là về Việt Nam 

Trong các cuộc nói chuyện giữa người VN ở Noumea, đặc biệt có cách dùng "về Việt" có nghĩa là về thăm Việt Nam. Cách dùng ngắn gọn này có lẽ chỉ hiện diện ở trong ngôn ngữ các cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài, do đó mới phái sinh nhu cầu về thăm lại VN. Khuynh hướng nói gọn lại còn thấy trong tiếng Việt như Mỹ (Mỹ quốc, America), Sinh là Singapore, Mễ (Mễ Tây Cơ, Mexico) ...v.v.

6. Cách dùng bị so với thể bị động/thụ động (passive voice) 

Trong các cuộc nói chuyện với chị Ngọc Điệp, chủ nhà hàng Along Beach (Hạ Long Beach, tiếng Pháp đa phần không phát âm phụ âm h), người viết nhận thấy cách dùng bị của chị khá thú vị - như câu nói về nhà của chị ở gần biển (Anse Vata) "nhà tôi hơi bị mát". Cách dùng này giống như một số cách dùng trong tiếng Việt hiện nay, phản ánh phần nào kết quả của quá trình giao lưu ngôn ngữ9 đang xẩy ra giữa các cộng đồng người Việt ở Noumea và VN. Đây là một chủ đề liên hệ đến các khuynh hướng thay đổi trong ngữ pháp tiếng Việt hiện đại, cần được bàn sâu hơn và không nằm trong phạm vi của bài viết này. 

7. Họ "Cale" ở Noumea và các thế hệ cách mạng bị đày ở TTG 

Trong sổ niên giám điện thoại TTG, ngoài các họ phổ thông như Nguyễn, Phạm, Trần, Đinh - người viết thấy có ghi họ Cale (Calé, Ca-Lê) khá lạ - thoạt nhìn thì không thấy liên hệ gì đến tiếng Việt hay người Việt. Nhưng theo một số tài liệu/báo chí địa phương (Le Casino des Caledoniens) và trao đổi với gia đình con cháu thì họ Cale này xuất phát từ cách gọi Cả Lê, một cách gọi rất tôn trọng cho ông Lê Ngọc Liên (tên thật là Lê Manh Doan). Vì những hoạt động chống lại thực dân Pháp (td. đòi độc lập cho VN) nên ông Cả Lê bị đày sang TTG. 
Xem bảng án từ phiên tòa xử ông bên dưới, trích từ trang 10 
 8) Đại Nam Quốc Ngữ (sđd) còn ghi nhân diện tử, quỷ diện tử là các tên gọi của quả sấu. 
9) Một cách dùng lại không có bị như bài báo điện tử VNmedia (26/6/2019) có tựa đề "Á hậu Hoàng Oanh không áp lực khi đảm nhận vai trò MC Người kể chuyện tình" - xem trang này chẳng hạn 
hay bài báo (25/6/2019) "Nhiều sĩ tử không áp lực trước kỳ thi vì đã đỗ đại học" trang này 
https://vnexpress.net/giao-duc/nhieu-si-tu-khong-ap-luc-truoc-ky-thi-vi-da-do-dai-hoc-3942892.html v.v 10) Văn Khố các tỉnh hải ngoại và lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp (les Archives nationales d’outre-mer hay viết tắt là ANOM) có nhiều tài liệu rất hiếm quý như hồ sơ của ông Cả Lê Ngọc Tiên, Nguyễn Thuận Phong ... Các nhà cách mạng bị đày sang Tân Đảo, Tân Thế Giới ... Rất tiện để tham khảo chi tiết mà không cần phải đi đến địa phương để tìm kiếm - xem chi tiết trang này này http://anom.archivesnationales.culture.gouv.fr/caomec2/ v.v

Một điểm quan trọng cần nhắc ở đây là cộng đồng VN đã có mặt ở TTG từ những thập niên 1870, 1880 sau khi Pháp xâm chiếm Nam Kỳ (1859), tuy không nhiều như từ đầu TK XX qua những ‘chương trình mộ phu’ quy mô. Dựa vào tài liệu lưu trữ của Văn Khố các tỉnh hải ngoại và lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp (ANOM, xem phụ chú 8), các "tù nhân" VN bị đày qua Tân Đảo và Tân Thế Giới là Nguyen Van Xung (năm 1867), Tran Van Hap (1867), Tran Van Tuong (1867), Nguyen Van Ke (1866), Tran Van Lai (1865), Ho Son (1867), Le Van Dang (1868), Le Van Loi (1868), Ngo Van Xom (1868), Nguyen Van Banh (1868), Phan Van Da (1868), Tran Van Quoi (1868), Vo Van Nguon (1868), Hu Toa Dao (1869), Le Van Chu (1869), Le Van Giau (1869), Nguyen Van Khanh (1869), Nguyen Van Nhieu (1869), Nguyen Van Phuong (1869), Nguyen Van Thai (1869), Vo Van Nghi (1869) ...v.v.


Tên của ông Lê Ngọc Liên và Nguyễn Thuận Long11 trong danh sách "tội nhân" đi đày ở TTG, các tên họ cho thấy gốc người Pháp (Âu Châu), Algiers (Phi Châu), Việt Nam (Á Châu) ... Để ý trong danh sách trên có tên ông Phan Trọng Kiên12, cũng bị đày qua TTG cùng chuyến tàu "Calédonien" với các ông Nguyễn Thuận Long và Lê Ngọc Liên. Ông Kiên là anh của ông Phan Văn Trường (1876-1933), đều có những hoạt động ái quốc như tham gia dạy học cho Đông Kinh Nghĩa Thục ở Đông Ngạc và thường xuyên gặp nhiều trục trặc với chánh quyền Pháp đương thời.


Bia mộ của ông Lê Ngoc Liên (hay Cale ~ Cả Lê)


Có thể xem thế hệ ông Lê Ngọc Liên và Nguyễn Thuận Long là thế hệ thứ hai của các nhà cách mạng bị đày vì lòng yêu nước. Hình dưới chụp bia mộ của ông Nguyễn Thuận Long và nén nhang thắp lên để tưởng niệm nhà ái quốc đã hy sinh nơi xứ người (NCT, 4/7/2019). Mộ
__________________
11) Hai ông đều bị đày đến TTG cùng với ông Phan Trọng Kiên trên con tàu "Calédonien" vào ngày 16/5/1914. Mộ của hai ông Nguyễn Thuận Long và Ca Lê Lien cùng ở nghĩa trang Cimetière du 4è kilomètre (Noumea). Tất cả 6 tên người VN trong danh sách trên đều là tội phạm chính trị (complot contre la sûreté de l'Etat - âm mưu xâm phạm/phá hoại nhà nước/NCT) theo hồ sơ tòa án, 6 vị trên cùng đến TTG trên tàu Calédonien. 
12) Phan Trọng Kiên là anh thứ ba của LS Phan Văn Trường, anh cả là Phan Tuấn Phong (1865-1923) trong một gia đình có truyền thống yêu nước như tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ...v.v… Năm sinh ông Kiên là 1871, phù hợp với hồ sơ tòa án xử đày ông đi TTG vào năm 1913 (ghi tuổi ông là 43 tuổi, có lẽ thêm 1 tuổi theo kiểu âm lịch). Ông Phong bị đày ra Côn Đảo từ năm 1909, đến năm 1911 thì được tha, đưa về đất liền, xác bị quăng xuống biển. Ông Phan Trọng Kiên thì bị đày qua TTG. 

Của ông Nguyễn Thuận Long ghi rõ bằng ba thứ chữ Việt, Pháp và Nho - phản ánh ngôn ngữ thông dụng vào đầu TK XX. Ngoài ra, chữ ái quốc 愛囻 với chữ quốc viết bằng bộ vi (bao quanh, hàm ý lãnh thổ và lãnh hải của một nước) và dân 民 (hàm ý trăm họ, dân chúng ở trong một nước). Cách viết này không còn dùng nữa so với các dạng13 國 国 (quốc). Bia của ông Nguyễn Thuận Long ghi rõ "người quốc dân chân chính" so với tiếng Pháp grand patriote annamite (nhà ái quốc VN vĩ đại - NCT). Cả hai bia đều ghi bị đày vì lý do chính trị (déporté politique - hàm ý chống lại nhà cầm quyền đương thời là thực dân Pháp). Phân tích cách viết các chữ (Việt, Pháp, Nho) trên bia mộ14 trên cho ta nhiều thông tin rất thú vị và cần được tìm hiểu sâu xa hơn và không là trọng tâm của bài viết nhỏ này.

__________________
13) Chữ quốc 囯 gồm bộ vi 囗 (chu vi, lãnh thổ và lãnh hải) hợp với chữ vương ở trong 王, hàm ý nước có vua làm chủ (quân chủ) - dạng này từng hiện diện vào năm 507 SCN. Chữ quốc 国 gồm bộ vi 囗 và chữ ngọc ở trong 玉 (hàm ý dân chúng/ngọc ngà châu báu/tài sản trong một nước): chữ giản thể này được dùng (ưa chuộng) sau cách mạng lật đổ chế đổ quân chủ để lập ra thể chế dân chủ ở TQ. Trong quá trình hình thành chữ Hán, có khoảng 50 cách viết chữ quốc và mỗi cách viết đều có một nét nghĩa đặc biệt. 
14) Có khả năng một số bia mộ viết bằng chữ Nho của người Việt Nam mà ta vẫn tưởng là mộ của người Trung Quốc hay Nhật Bản … Người viết có bàn với anh Roland Phạm Ngọc San về vấn đề này ...v.v... Một câu chuyện đáng nhắc lại là theo anh Patrick (gốc ở Tân Đảo, đang làm hội trưởng hội ái hữu VN ở TTG) thì ở mỏ kền Noumea có những cửa phòng người VN (những mộ phu người Việt đã từng sống ở đây) ghi bằng chữ Nho ngoài cửa. Anh Patrick chắc là như vậy vì anh đã kiểm lại hồ sơ những mộ phu làm ở đây thì thấy toàn là người VN và anh có hình các hàng chữ này. 

Giấy khai tử (giấy chứng tử) của ông Nguyễn Thuận Long (10/11/1929), với chứng nhận của ông Ca Lé Lien và quan chức Pháp, dòng dưới cùng có chữ ký của ông Ca Lé Lien. Hình chụp từ tài liệu còn lưu trong Văn Khố15 TTG (Archives de la Nouvelle-Calédonie). Nhân đây, người viết xin được cảm ơn các ông Ismet Kurtovitch và JeanMoé Leonidas (thuộc Văn Khố TTG) đã tận tình giúp đỡ khi tra tìm tài liệu ở cơ quan này. 


_______________
15)Xem thêm chi tiết trên mạng của Văn Khố TTG TTG https://archives.gouv.nc/fr. Cùng với Văn Khố các tỉnh hải ngoại và lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp (ANOM), bạn đọc có thể tra cứu khá chính xác hồ sơ liên hệ đến các "tù nhân" VN đã bị đày ra ngoại quốc trong thời Pháp thuộc. 

Tóm lại, những ngày ở Noumea đã cho người viết biết đến nhiều thành viên của cộng đồng VN ở TTG, nhất là những buổi trò chuyện về ngôn ngữ, văn hóa và đời sống hiện nay ở địa phương này. Những chuyến về Việt thăm hỏi bạn bè, cùng những chuyến qua Noumea của các ca sĩ nổi tiếng từ VN, cho thấy giao lưu ngôn ngữ/văn hóa đã xẩy ra liên tục từ ngày có người VN định cư ở Tân Đảo và TTG. Ngoài ra, môi trường mạng Internet và báo chí/truyền thông cũng làm khoảng cách giữa người Việt khắp nơi gần nhau hơn trước, tuy nhiên các cách dùng như nem (chả giò), hiệu (cửa tiệm), lợn (heo), dứa (thơm) phản ánh đa số cộng đồng VN từ miền Bắc VN phù hợp với diễn biến lịch sử cận đại của cư dân Tân Đảo và TTG. Một số nhà ái quốc VN như Nguyễn Thuận Long, Lê Ngọc Liên, Phan Trọng Kiên16 (xem hình chụp danh sách bên trên) đã bị đày và qua đời ở TTG: nhờ vào các tài liệu của Pháp/bản xứ mà ta có thể hiểu rõ hơn hoàn cảnh các nhà cách mạng này đã phải sống đời lưu vong. Lịch sử VN cận đại, nhất là trong giai đoạn chống Pháp giành lại độc lập, đã viết rất ít (hay không đề cập đến) các vị này - có lẽ đến lúc phải cập nhật lại lịch sử cận đại cho thêm chính xác. Qua bài viết nhỏ này, hy vọng người đọc cảm thấy hứng thú để tra cứu tìm tòi thêm về tiếng Việt ở nước ngoài cũng như những nhà ái quốc đã bị vùi dập cả cuộc đời mà ít người biết đến. Các ảnh hưởng vùng (Nam, Trung, Bắc) và những mốc thời gian (1859, 1955, 1975) đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành cộng đồng người Việt và tiếng Việt ở nước ngoài.

8. Tài liệu tham khảo chính 

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999). 

_______(1774/Quảng Đông  Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ). 

2) Claudy Chêne (2019) "La situation des engagés Tonkinois sous contrat en NouvelleCalédonie et aux Nouvelles- Hébrides: d’une crise Tonkinoise à une crise permanente en Océanie" Revue TRANSVERSALES du Centre Georges Chevrier - 14 

________(2004) "Déportation tonkinoise en terre calédonienne" bài viết đăng trong cuốn "Île d’exil, terre d’asile" NXB Musée de la Ville de Nouméa.
3) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon). 

4) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon). 
________________
16) Thí dụ như ông Lê Van Dang (xem danh sách trong trang 7), bị đày qua TTG vì tội cố sát một người Pháp, sinh ra ở Huế (1826) và bị kết án ở Sài Gòn (1868) là đi đày chung thân (sans pourvoi - không được khiếu nại/ khoan hồng - NCT). Ông đến TTG (1870) trên con tàu Sybille và qua đời ở Ducos (31/3/1897). Xem chi tiết hồ sơ tòa án và thông tin thêm của ông còn lưu trữ trên trang này (ANOM) http://anom.archivesnationales.culture.gouv.fr/bagnards_dossiers_individuels/?nom=&nomEpouse=&prenoms=&alias=&date=&from=&to=&numMatricule=&territoire=Nouvelle-Cal%C3%A9donie&typenote=&note=&q=&order=dateAsc&start=2681&id=79482

________(1906) "Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon). 

5) Hội Khai Trí Tiến Đức (1931/1954) "Việt Nam Tự Điển" Nhà in Trung-Bắc Tân-Văn xuất bản năm 1931, NXB Văn Mới in năm 1954 (Sài Gòn, Hà Nội). 

6) Lã Minh Hằng (2013) "NGUỒN TƯ LIỆU TỪ VỰNG THẾ KỈ 17 - QUA KHẢO SÁT TRUYỆN ÔNG THÁNH INAXU" - bài viết cho Hội Nghị thông báo Hán Nôm Học năm 2013 - có thể xem toàn bài trang này http://xuandienhannom.blogspot.com.au/2013/12/nguon-tu-lieu-tu-vung-ky-17-qua-khao.html

_______(2013) "Khảo cứu từ điển song ngữ Hán-Việt Đại Nam Quốc Ngữ - nguyên bản Nguyễn Văn San" NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội 7) Nguyễn Quang Hồng (2015) "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" Tập 1 và 2 - NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội). 

8) Nguyễn Hồng (1959) "Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - Quyển 1 - Các Thừa Sai dòng Tên 1615 - 1665" NXB Hiện Tại (Sài Gòn). 

9) Gustave Hue (1937) "Dictionnaire annamite-chinois-français" Imprimerie Trung-hoà - NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937. 10) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire francais annamite" Imprimerie de l'union Nguyễn Văn Của (SAIGON) 

11) Hoàng Thị Ngọ (1999) "Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).
________ (1999) "Phật Thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh - chữ Nôm và tiếng Việt" NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội. 

12) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên. 

_________(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).
_________ “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).
__________ "Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

13) Vũ Thanh Sơn (2009) "284 anh hùng hào kiệt của Việt Nam" NXB CAND 14) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale). 

15) Nguyễn Cung Thông (2015) "Con người suy nghĩ bằng bụng, dạ, ruột, gan hay tim … óc? (phần 6.1)" có thể xem toàn bài trang này http://www.daophatngaynay.com/vn/tai-lieu/tu-dien-tham-khao/12869-con-nguoi-suy-nghi-bang-bung-da-ruot-gan-hay-tim-oc.html ... (2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVa RaDoiP1.pdf (2016) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes" - có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf

(2018) "Tiếng Việt thời LM de Rhodes - dạng bị (thụ) động (passive voice) - phần 8" - có thể xem toàn bài trang này chẳng hạn http://chimvietcanhnam.blogspot.com/
(2019) "Tản mạn về tiếng Việt 'hiện tượng đồng hoá âm thanh' (phần 4) – phong phanh hay phong thanh?" - có thể xem toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2019/01/07/tan-man-ve-tieng-viet-hien-tuong-dong-hoa-am-thanh-phan-4-phong-phanh-hay-phong-thanh/…v.v.

(2019) “Tiếng Việt thời LM de Rhodes - chên đơng hay chân đăng/đâng/nâng? (phần 15) - có thể xem toàn bài trên trang này chẳng hạn  ...v.v.
(2019) “Tiếng Việt thời LM de Rhodes: mùi, mồi, vị và bùi có cùng gốc - hiện tượng cảm giác kèm/synesthesia (phần 17)” - có thể xem toàn bài trang này http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-mi-moi-vi-v-bi-c-cng-goc-hien-tuong-cam-gic-kmsynesthesia-phan-17/ …v.v.

(2019) “Tiếng Việt thời LM de Rhodes: các từ chỉ màu sắc như ‘mùi xanh, sắc xanh, sắc biếc’ (phần 18)” - có thể xem toàn bài trang này http://conggiao.info/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-cac-tu-chi-mau-sac-nhu-mui-xanh-sac-xanh-sac-biec-phan-18-d-50952  …v.v… 

16) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội). 

17) VTV Đài Truyền Hình VN (2007) YouTube (3/2017) "Ký sự Tân Đảo" loạt bài phóng sự về người VN ở Tân Đảo và Tân Thế Giới.
18) VTV4 (31/7/2015) YouTube "Biết đâu nguồn cội - The Roots" bộ phim tài liệu về lịch sử hình thành và phát triển 120 năm của cộng đồng người Việt tại Nouvelle Calédonie.

Nguyễn Cung Thông 

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

Thơ Tranh: Hồn Thu


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tình Thu



Tôi đứng lặng giữa rừng thu xao xác
Mùa thu vàng bát ngát ở chung quanh
Gió cuốn theo bao chiếc lá lìa cành
Gió quằn quại như đất trời quằn quại
Mùa thu ơi , sao trùng trùng tê tái
Sao hồn tôi run rẩy tựa lá thu
Trời trên cao lớp lớp cuốn mây mù
Chim xoải cánh bỏ xa rừng núi cũ
Tôi như lá vàng nằm đây chết rũ
Đợi đông về tuyết phủ mộ phần tôi
Chút tình thu bàng bạc cũng qua rồi
Cây đứng đó thản nhiên chờ nhựa mới
Mai mốt đây khi mùa xuân về tới
Có còn ai hoài niệm dáng thu xưa

Khánh Hà

Yêu Thơ



Xướng: Yêu Thơ

Vốn số trời sinh đã thích thơ,
Lúc ngây ngơ ngốc đến bây giờ.
Vo ve tiếng gió như nguồn hứng,
Tí tách mưa nguồn tợ suối mơ.
Tối ngắm dáng trăng nghe Cuội gọi,
Đêm về mây nhớ bóng Hằng chờ.
Yêu thơ từ thuở xinh mi mắt,
Nay vẫn mê khi tóc bạc mờ.

Hồ Nguyễn
(17-9-2019)
***
Họa: Yêu Thơ

Cái thời trổ mã đã yêu thơ