Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình
tiêu đề Nhãn
- BIÊN KHẢO
- CÂU ĐỐI
- CỔ THI
- GIA CHÁNH
- GIẢI TRÍ
- HÌNH ẢNH HỘI NGỘ
- HÌNH ẢNH NAY
- HÌNH ẢNH XƯA
- HỘI HỌA
- KHOA HỌC
- LỊCH SỬ
- LỜI HAY Ý ĐẸP
- LƯU NIỆM
- NHẠC
- SỨC KHOẺ
- SƯU TẦM
- THƠ
- THƠ CẢM TÁC
- THƠ DỊCH
- THƠ DIỄN NGÂM
- THƠ NHẠC
- THƠ PHỔ NHẠC
- THƠ SƯU TẦM
- THƠ TRANH
- THƠ TRANH NGHỆ SĨ
- TIN BUỒN
- TIN VUI
- VĂN
- VŨ HỐI THƯ HỌA
- VƯỜN THƠ VIÊN NGOẠI
- XƯỚNG HỌA
- YOUTUBE
Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013
Tơ Sầu
(Cảm tác từ Chuyện Sáng Thứ Bảy của anh Dương Hồng Thủy)
Thu vẫn là thu của đợi chờ
Lời trao ý thắm rộn niềm vui
Này đây còn đó bao hò hẹn
Một chiếc lá rơi đủ nhớ thầm
Trong lắng sâu hồn đã gặp nhau
Lòng những…tiếc chi một câu chào
Phương trời cách biệt thôi mơ ước
Những gì có được biết tìm đâu
Ngày tháng rộn ràng phút ngẫu nhiên
Hỏi người chưa gặp luyến lưu tìm
Vần thơ nắn nót từng đêm đã
Lỡ hẹn... vùi sâu vực thẳm buồn
Đã muộn màng mộng không thành mộng
Tơ buộc chữ đồng đứt đoạn tơ
Lưng mây bóng chiếc đôi nhạn lạc
Tơ sầu thầm kín những đớn đau
Kim Phượng
Chuyện Sáng Thứ Bảy
Anh sắp tàn Thu - em mùa Xuân
Nắng vương mây trắng chắc em mừng
Hởi người chưa gặp không hò hẹn
Sao mãi tim ta lặng nhớ thầm.
Không biết ngày nào ta gặp nhau
Sợ em ngoảnh mặt tiếc câu chào
Nhưng sao ta vẫn luôn mong ước
Em vẫn trao anh giọng ngọt ngào.
Mấy tháng quen em như giấc mơ
Từng đêm nắn nót mấy vần thơ
Gởi về bên ấy cho em đọc
Rồi ngóng hồi âm – mãi đợi chờ.
Thứ Bảy sáng nay bỗng gặp em
Cùng nhau tha thiết ngẫu nhiên tìm
Bài thơ Lỡ Hẹn mà em nhắc
Như thể chúng mình hai cánh chim…
Dương hồng Thủy
(26/10/2013)
Chuyện Cũ Chuyện Mới
Cách đây hai tháng, khi xem email, tôi thấy mailbox cuả mình có một bức thư lạ, với tiêu đề là: “Tìm bạn cũ” . Năm rồi, tôi có nhận được email cuả các bạn chuyển đến cũng với tiêu đề như vậy, với nội dung là” “Tìm bạn NVX, đi tàu HG-3711, đến đảo Bidong tháng 12 năm 1980. Bây giờ ở đâu, xin liên-lạc với bạn cũ là.... Bà con biết anh X ở đâu, xin chỉ dùm. Cám ơn. "Tôi nghĩ email nầy chắc cũng là tìm bạn cũ ở trại tị nạn như lúc trước, định liếc sơ qua rồi delete, nhưng đọc nội-dung thì thấy khác, đại khái là : “Kim Phượng được anh Tuyến cho biết email cuả anh. Không biết có phải là anh L., bạn học cùng lớp với KP những năm đệ Tam, đệ Nhị ở Trường Nguyễn Thông hay không? Nếu là lầm người thì xin anh bỏ qua coi như không có thư nầy?” Suýt tí nữa là tôi quăng nó vô “sọt rác” rồi.
Thực ra trước đó, người bạn thân từ thời trung học ở Vĩnh long là T. cũng cho tôi biết email cuả Kim Phượng ở Úc nhưng tôi cứ do dự mãi, chưa muốn gởi thư “làm quen”. Thứ nhất là vì xa cách đã hơn bốn mươi năm, không biết Kim Phượng còn nhớ đến mình không ? Thứ hai tôi có lướt qua trang web cuả cựu học sinh trường Tống Phước Hiệp, thấy có nhiều bài vỡ cuả KP, không dè bây giờ “nàng” là một người tài hoa, văn thơ có thừa, đã có tiếng tăm trong cõi văn chương net, tôi đâm “hãi” (nói theo ngôn ngữ Bắc kỳ). Mình “dại dột” viết thư làm quen e sẽ bị gán cho là “thấy sang bắt quàng làm họ”, không chừng nhận được một câu trả lời ngắn gọn nhưng sắc như lưỡi dao “ Xin lỗi anh là ai mà KP chưa hề biết. Xin đừng đuà giỡn”, thì thiệt là “ê mặt” hoặc nhẹ nhàng hơn nhưng thấm thía “À KP nhớ ra rồi, có phải anh L. ngày xưa học hành cũng chăm chỉ, nhưng mà tại vì anh ít nói quá (ý nói là cù lần, nhưng sợ đụng chạm nên phải nói vậy!) nên . Tụi nầy còn nhớ anh A, anh B, anh C.., còn anh thì phải nhắc bây giờ mới nhớ lại....”. Trời ơi, tưởng tượng cảnh phủ phàng đó, tôi thấy hơi bẻ bàng, tốt hơn hết mình nên “ôm phận gối rơm”. Sợ bị “đứng tim” bất tử, nên tôi ...lặn luôn, giả bộ như chưa hề biết email cuả Kim Phượng qua bạn T.. Rồi đến khi bất ngờ nhận được email hỏi thăm cuả Kim Phượng, phải nói tôi rất mừng và giải toả được những nổi băn khoăn “vu vơ” lúc trước. Thì ra bạn bè vẫn còn nhớ tới hình bóng “lu mờ, tẻ nhạt” cuả mình.
Thư từ qua lại vài lần, tôi nhắn KP gởi cho tôi một số hình ảnh cuả bạn bè cũ ở Vĩnh Long trong dịp Kim Phượ ng về Việt Nam năm 2011. Qua những tấm ảnh đó, tôi thật sự chỉ nhận ra có vài người, bên nam thì tôi nhận ra Phền với cái dáng điệu gầy gầy cố hữu, còn Tuyến thì đã có sẵn trong ký ức vì đã có liên-lạc và xem hình ảnh mà trước đó Tuyến gởi riêng cho tôi. Phía bên nữ thì tôi chỉ nhận ra KP, còn “sắc” lắm, có lẽ vì ở nước ngoài đã lâu, còn bao nhiêu bạn gái khác thì ...chịu thua. Tôi email nhờ KP nói tên từng người trong hình, nhờ đó tôi mới biết mặt chị Ngự, chị Lý, chị Hồng 49, bạn Châu v.v... là những người bạn đã từng học chung lớp Đệ Tam và Đệ Nhị ( năm 1967-1968). Bây giờ, tất cả đều đã khác xa lúc còn đi học vì đã trên 60 tuổi còn gì, đã lên chức ông bà thì làm sao mà còn cái nét cuả tuổi hoa niên, thành ra nếu bảo tôi quên bạn bè thì cũng oan cho tôi.
Viết đến đây tôi mới nhớ lại chuyện nầy. Tháng 2 năm 2013, tôi về VN thăm gia-đình lần đầu tiên sau 33 năm ở hải ngoại. Lúc đó tôi về VN chỉ có 2 tuần, thời gian quá ngắn mà chương trình dự định phải đi nhiều nơi từ chuyện thăm gia đình hai bên đến chuyện đi du-lịch. Do đó, bà xã tôi chỉ đi theo về Vĩnh Long chơi có một ngày rồi lại trở lên Sàigòn để ra Nha Trang thăm Ba Má và các em cuả nàng, tôi nán lại VL thêm hai ngày rồi sẽ ra Nha Trang ra mắt gia-đình bên vợ, vì chúng tôi cưới nhau ở Canada nên tôi chưa hề diện kiến cha mẹ vợ lần nào. Thời-gian ở lại VL quá ít, ngày đầu tiên tôi chỉ kịp theo người anh về quê ở Ngã TưLong Hồ thăm lại mồ mã ông bà, bà con lối xóm, và ôn lại kỷ niệm thời còn niên thiếu, nơi đó tôi đã chào đời, trải qua những ngày tháng êm đềm cuả thời thanh bình năm cho đến năm 1962, sau đó thì chiến-tranh lan tràn, đêm đêm nghe tiếng đại bác gần xa vọng về, đến khi lên trung-học thì ra thành phố ở nhà cuả người chị đi học.
Sau khi về thăm quê xong, tôi dành trọn ngày với gia-đình anh chị để rồi ngày mai phải trở lên Sàigòn, chị Năm tôi mới nói: “Thời gian cậu còn quá ít, chắc không thể đi thăm bạn bè được đâu, thôi để dịp khác. Nhưng có một người mà cậu không thể bỏ qua được, gấp gáp gì cũng dành chút thì giờ thăm người ta, kẻo bị trách. Nhưng mà thôi, chị không muốn nói trước, để dành sự ngạc nhiên cho cậu. Chiều nay chị sẽ dẫn cậu đi gặp người ấy”. Tôi hỏi: “Mình có cần mang quà gì theo không chị ?” – “Cậu khỏi lo, chị đã soạn quà cáp cuả cậu mang về, nên đã tính đâu ra đó hết rồi”.
Chiều hôm đó, các cháu đưa hai chị em tôi đến quán café Khởi Nguyên ở đường Hưng Đạo Vương. Hôm đó trời nắng đẹp, hứa hẹn một ngày vui cuối cùng ở VL. Quán có một sân vườn rộng , trồng hoa kiểng khá đẹp mắt. Bên trong khá vắng vẽ, chỉ có một vài người khách. Rảo mắt nhìn quanh, tôi giật mình, có hơi ngỡ ngàng và xúc động vì thấy một khuôn mặt rất quen ngồi ở một cái bàn nhỏ nằm sâu phía trong, khuôn mặt ấy đã nằm sâu trong tiềm thức bao nhiêu năm nay, nó vẫn có một chỗ riêng biệt trong trái tim mình dù tôi đã có gia-đình con cái từ lâu. Quá khứ và kỷ niệm như những cơn sóng ào ạt đổ về. Không cần phải có bà chị hướng dẫn, tôi biết mình phải làm gì. Tôi hồi hộp tiến về cái bàn đó và hỏi người mà tôi tin là bà chị muốn cho tôi gặp: “H đây phải không, sau bao nhiêu năm mà anh thấy H. vẫn không có gì thay đổi, em khoẻ không?”
Theo lẽ H cuả tôi, đã từng một thời yêu nhau tha-thiết thì lẽ ra khi gặp lại, nàng phải mừng rỡ, ít ra cũng có giọt ngắn giọt dài, xúc đông cho buổi hội ngộ sau hơn 30 năm mới phải. Không dè nàng vẫn ngồi yên đó mỉm cười, tôi hơi chột dạ, rồi thình lình có ai đó đấm vào lưng tôi một cái “bịch” đau điếng, tôi quay lại thấy một người đàn bà, hơi ngờ ngợ dường như có gặp đâu đó, bà ấy cật vấn tôi: “Nè!Việt kiều về nước, ỷ có tiền kiếm gái trẻ làm quen, không để ý đến gái già phải không. Còn nhớ ai đây không ?”
Tôi ú ớ chưa biết phải trả lời như thế nào thì cô gái trẻ đã mở cho tôi lối thoát: “Thưa Bác, đây là Má con, người mà Bác muốn tìm đó”. Thì ra cái bí mật đó bây giờ tôi mới hiểu. Cái người mà bà chị tôi muốn cho tôi gặp chính là H. “lớn” chứ không phải H. “nhỏ”, mà thực ra là con gái cuả nàng, giống mẹ như đúc, bảo sao tôi không bị lầm. Trước khi đến, bà chị đã sắp xếp với H. để cho con gái cuả nàng ngồi làm mồi nhử chứ chưa vội ra mặt, và quả nhiên tôi đã mắc bẩy vì quá hấp tấp, nhìn con mà tưởng mẹ. Bản sao “photocopy” mà tôi cứ tưởng là bản chánh “original” mới là tai hại!....
Đang ngồi ăn cơm, miên man nhớ lại chuyện cũ (mà tôi giấu nhẹm), tôi mỉm cười vu vơ. Bà xã bắt gặp, hỏi: “Đang ăn cơm mà tự nhiên cười một mình, bộ có chuyện gì giấu tui hả ?”. Tôi giật mình nhưng phản ứng “thần tốc”: “Thì nhớ lại cái chuyện sáng hôm qua lúc em đi shopping trong Yordale, em chạy theo gọi cô Mỹ Thanh (bạn cuả bả), lúc người ta quay lại thì không phải. Em thiệt là sớn sác !”. –“ Thì nhìn phiá sau nên có khi lầm người, có gì vui đâu mà anh cười”.
( Thưa các bạn, đây chỉ là hoạt cảnh cuả một vở kịch mà tôi dàn dựng để đọc cho vui thôi chứ chuyện đó không có thật, bởi vì tôi chưa hề trở về VN lần nào, mà cũng chẳng có ai là người yêu “bé nhỏ” để mà thương nhớ. Suốt những năm trung-học , tôi thuộc loại “cù lần”, chỉ mãi mê đèn sách nên chẳng có một mối tình để vắt vai, đó cũng có thể là một trong những lý do mà tôi không “lẻn trốn” về VN thăm bồ như nhiều ông Việt kiều khác. Điều tôi muốn nói trong vở kịch nầy là sau mấy mươi năm, mọi người đều đã già, gặp nhau ngoài đường dù là thân nhân hay bạn bè chưa chắc đã nhận ra nhau, mà nếu may mắn nhận ra thì có lẽ 90% là ....sai bét.)
Email và có lúc nói chuyện với KP qua phone, chị có cho biết là lúc về Vĩnh Long họp mặt với những người bạn cũ năm 2009, có nhiều ông mà năm xưa trong mấy năm học chung không hề nói một câu với phía con gái mà bây giờ tía lia như két, và chị cũng “than phiền” là ông nào cũng gọi chị bằng “em”, té ra chỉ có mình tôi là còn còn nể mặt bạn bè, biết “kẻ trên người dưới”, còn mấy ông bạn trong nước thì “ tới luôn bác tài”. Tôi đuà với chị: “Thay vì buồn, chị nên mừng, vì đàn ông, dù hời hợt chuyện gì nhưng với đàn bà họ quan sát kỷ lắm, nếu họ dám cho chị “xuống cấp” thì có nghĩa là chị còn “duyên” lắm đó.
Thử thời mười năm sau chị trở về thì mấy ổng sẽ đổi cách xưng hô liền”. Không chừng lúc đó chị lại trách (nữa): “Mình chưa già mà mấy ổng gọi bằng bà nầy bà nọ”. Có trường hợp “xuống cấp” nầy mới là phiền toái: tôi nghe nói nhiều ông Việt kiều hay quan chức tới quán bia ôm, già cở nào cũng bị mấy em tiếp viên đáng tuổi con cháu biến thành “anh” hết ráo. Hệ lụy là “khi vui chén rượu” rồi “về nhà biết tay”.
Thưa quí chị: ngày xưa vì có quá nhiều áp lực –tâm lý, gia-đình , xã hội, nên bọn con trai đâm “nhát” chứ không phải là không “thích” mấy chị đâu. Biết đâu có nhiều kẻ “yêu một mình”, yêu thầm mà không dám nói đó thôi. Ngày xưa đâu có cái vụ tổ chức tiệc sinh nhật để mời bạn bè tới nhà , đó cũng là cái cớ để dễ bề làm quen cuả học sinh thời nay. Có gan lắm thì chờ “em tan trường về” rồi đi theo sau mà tán tỉnh, nhưng mà cũng phải ngó trước ngó sau, rủi thằng em chạy xe đạp ngang qua thấy được về méc với ông bà già: “Ba ơi, con thấy anh (chị) Sáu đứng nói chuyện với....”, vừa bước vô nhà là thấy ông già cầm cây roi mây chờ sẳn: “Nhà thiệt vô phước, con cái không chịu lo học hành mà bày đặt bồ bịch, đi chơi lêu lỏng, cúi xuống... ”.
Con gái thì còn có lý do bào chữa: “ Tự nhiên cái thằng đó lẻo đẻo theo sau đòi làm quen chứ con có quen nó hồi nào đâu ba” , còn con trai thì “cứng họng” vô phương bào chữa, cam chịu lãnh đòn. Ôi có gì sung sướng hơn nếu “nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái giậu mồng tơi...”, tôi cho đó chỉ là cái may mắn hiếm hoi, không chừng là do duyên trời định. Bây giờ sau bao nhiêu năm gặp lại nhau, hoa nào cũng đã có chủ, từng tuổi nầy rồi thì đâu còn phải sợ ai nữa, bởi vậy mấy ổng phải nói để bù lại những gì ngày xưa muốn nói mà không nói được. Cho nên, nếu mấy “lão gia” có “tán” mấy chị chút ít thì cũng xin thông cảm.
Tôi chỉ học chung với Kim Phượng có hai năm ban B (Toán), bên nữ là thiểu số, đâu lối chừng 10 người. Bên nhóm con trai, tụi tôi chơi thân với nhau, chứ ít khi “dám” tới nhà bạn gái, vì thời đó ông bà già rất khó. Tôi nghĩ thời bây giờ thì cởi mở hơn, học sinh đứa nào cũng có cell phone, nên cứ gọi nói chuyện trực tiếp, khỏi bước tới nhà gặp cha mẹ, nếu cần thì “Allo” hẹn hò đâu đó nên dễ làm quen hơn.
Sau khi đậu Tú tài I thì chúng tôi chuyển qua trường Tống Phước Hiệp để học lớp Đệ Nhất, nhóm con gái lại còn “hiếm hoi” hơn, chỉ còn lối 5 người trong lớp ban B cuả tôi, lúc đó Kim Phượng lại chuyển qua học ban A (Sinh vật) nên không còn gặp nhau nữa (kể từ năm 1969), như vậy tính ra là 44 năm mới bắt liên lạc lại được với Kim Phượng. Incredible!
Ban Giảng huấn cuả các lớp Tam, Nhị cuả trường Nguyễn Thông cũng giống như bên trường TPH, chỉ có các lớp từ Đệ Thất đến Đệ Tứ thì có nhiều thầy không phải là cuả TPH, thường là những thầy dạy lâu năm có kinh-nghiệm chứ không phải tốt nghiệp ĐH Sư phạm, tuy nhiên có những người dạy rất hay. Như ở lớp Đệ Tứ có thầy Nguyễn Thông dạy Văn, thầy thuộc lòng nguyên bộ truyện Kiều, vào lớp giảng từ đầu tới cuối không cần nhìn bài soạn. Thầy là người miền Trung, không biết tại sao lưu lạc vô tới trong Nam, thầy quê ở Quảng Ngãi, là cái nôi cuả nhiều người làm “cách mạng” như TT.Phạm-văn-Đồng, Tướng Trần-văn-Trà, cho nên tôi không ngạc nhiên khi biết thầy nghiêng về phía cách mạng. Có lần bọn con trai tụi tôi đến thăm nhà thầy, thấy có nhiều tờ báo “Đối Diện”, là tạp chí đối lập với chính quyền VNCH thời đó, do một số Linh mục Công giáo chủ trương như Trần-hữu-Thanh,Trương-bá-Cần, Chân Tín, Nguyễn-ngọc-Lan. Họ viết nhiều bài nảy lửa như “Đường hay pháo đài”, “Hà Nội tôi thế đấy”.
Sau 1975, thầy Thông hoạt động công khai, không còn đi dạy nữa, mà đội nón cối đi làm cho cơ quan nào đó trong chính quyền mới. Tụi tôi hơi “rét”, không dám tới nhà thầy nữa, nguợc lại thầy đi kiếm tụi tôi để thăm. Mấy lần thầy ghé qua nhà tôi, nhưng lúc đó tôi đã đi làm ở Cần Thơ nên không gặp. Có một người mà tôi không ngờ “nằm vùng” là thầy DTĐ, đến khi 1975 mới biết, về sau được cất nhắc làm Hiệu trưởng trường LVL tức TPH cũ. Có lẽ ít ai biết thầy theo “cách mạng” là vì thầy dạy môn Toán lớp Đệ Ngũ, cho nên khi giảng bài không đề cập đến chuyện chính-trị, thời sự như các thầy dạy Văn Sử. Ngay cả thằng bạn học chung lớp với tôi là LV.Be, là cháu gọi thầy bằng Cậu, tôi chơi thân với nó lắm mà nó cũng chẳng hé nửa lời về thầy Đ. Công bình mà nói, thầy dạy cũng tận tâm, có điều hơi khó tánh, trên môi không bao giờ nở một nụ cười.
Năm Đệ Lục, tôi có học môn Văn với thầy DT.Huấn, tức thi sĩ Truy Phong. Thầy quê ở Trà Vinh. Ngoài việc dạy ở trường Nguyễn Thông, mỗi tuần thầy trở về Trà Vinh dạy trường Trần Trung Tiên. Thầy đi theo kháng chiến năm 1945, về sau trở về thành đi dạy. Sau 1975 cũng đi làm trong chính quyền mới như thầy Nguyễn Thông. Thầy có hai cá tính đặc biệt là quanh năm suốt tháng, lúc nào thầy cũng mặc nguyên bộ đồ màu trắng, mưa nắng gì cũng vậy, đến đổi sợi dây nịt cũng màu trắng luôn, không có màu gì khác. Miệng thầy lúc nào cũng nhóp nhép nhai cam thảo, như bây giờ mình nhai kẹo chewingum vậy.
Thầy Huỳnh Văn Cẩn dạy Pháp văn lớp Đệ Ngũ, đi dạy lúc nào cũng thắt cravate đàng hoàng. Thầy còn là Hiệu trưởng một trường tiểu-học tư-thục: trường Huỳnh Văn. Vô lớp thầy thường hay kể chuyện vui, thường là chuyện hay phá phách cuả thầy hồi còn nhỏ. Thầy kể có lần thầy núp trong bụi cỏ bên lề đường hổn chiến với đám trẻ con khác, lấy đá chọi không dè trúng xe đò Tô Kiên, trên đường từ Trà Vinh đi Sàigòn, chạy ngang qua đúng lúc, xe bị bể kiếng. Lơ xe rượt theo, thầy bỏ chạy thiếu điều tắt thở. Trong lớp có một chị rất xinh, tên Vân, biết chưng diện chút ít nên nổi bật hơn tất cả các nũ sinh khác (nhưng so với sự chưng diện cuả các nữ sinh thời nay thì tôi thấy các cô lúc đó cũng còn nề nếp và hiền), thầy ngứa mắt, hay nhắn nhủ xa gần qua hai câu thơ:
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam
“Cái gai” đó cũng không làm thầy khó chịu lâu đâu, vì đến năm Đệ Tam thì chị đã có một ông giáo sư dạy ở tỉnh khác, để ý cuới về làm vợ. Trong trường có cô Vân dạy môn Pháp văn lớp Đệ Tứ. Cô cũng là người biết chưng diện, sang trọng, quí phái, ra đường che dù, mang kiếng mát, thế mà thầy Cẩn có phê bình gì đâu. Đúng là :
Con gái son phấn thì chê
Đàn bà chưng diện ô-kê hết mình.Học Pháp văn qua nhiều thầy cô, tôi thấy cô Vân là người dạy hay nhất, cô dạy tận tâm, có căn bản. Mặc dù bây giờ không còn xủ-dụng tiếng Pháp nữa, nhưng tôi vẫn nhớ một ít văn phạm tiếng Pháp.
Một người đẹp nữa là Hoành-Hà, em cuả chị Hoành-Hải, năm chị Hải học đệ Nhị thì em chị đã lấy chồng, em rể là một ông Thiếu tá BĐQ. Tôi để ý là trong trường hể có cô nào đẹp là lần lần “mất tích”, không chờ phải tốt nghiệp Trung-học, Đại học đâu. Nói vậy e không công bằng và chạm tự ái cuả những cô tốt nghiệp Đại học. Cái gì cũng có ngoại lệ. Chẳng hạn trong lớp đệ Nhị có chị Công Tâm, người xinh đẹp, hiền hậu, nói giọng Bắc kỳ “dzễ thương” đến đổi thầy Kh dạy Toán mê mệt. Thầy quá tự tin, nghĩ mình cũng là dân Bắc kỳ như nàng thì chắc không có gì trở ngại, đến nhà xin gặp cha mẹ “nàng” cầu hôn, ông bà già cũng ưng ý, nhưng chị Công Tâm thì đành đoạn từ chối, nở bóp nát con tim cuả thầy. Rồi chị N cũng nết na, dịu hiền, khiến thầy H.T.N dạy Sử Địa cũng để ý, lần nào tới giờ cuả thầy là thầy gọi chị lên trả bài chứ không gọi ai khác. Tôi không rõ chị có bóp nát con tim cuả thầy như chị Công Tâm không?
Rồi tôi nghe nói lớp tôi có một chàng âm thầm theo đuổi chị Kim Phượng, nhưng giữ bí mật không cho bạn bè biết, sợ có kẻ nhảy vô phá đám. Cô Sâm dạy Triết Tống Phước Hiệp cũng là một người đẹp “tóc xoả bờ vai”. Cô chưa trang điểm mà cũng đã thấy đẹp rồi, huống hồ là có thêm son phấn như các bà thời nay, tôi dám chắc cô sẽ làm “rơi rụng” biết bao con tim. Đến đây thì các chị cũng hả hê: “Đó! ông nói gái đẹp có chồng sớm là sai bét rồi. Thiếu gì người đẹp tốt nghiệp Đại Học”. Như vậy là người đẹp còn sót lại cũng nhiều lắm, chứ không đến nỗi bị cướp “mất sạch” như tôi tưởng đâu. Tại mình “trắng tay” thì nghĩ cái gì cũng “tay trắng” thôi.
Bạn bè cùng lớp bên nữ thì tôi không biết nhiều, chỉ có chị Hoành Hải là có ghé thăm nhiều lần, chẳng qua chị Hải là người vui tính, miệng nói tía lia, nên mình không ngại khi nói chuyện. Mà cũng ngộ, người mà mình làm quen, tới lui thăm viếng công khai thì không có tình ý, bồ bich gì, còn có nhiều người thấy im im mà bồ bịch với nhau, bạn bè không hay. Còn bên nam thì tôi chơi thân nhiều người lắm, mỗi khi Hè hay Tết đến là tụi tôi thường đi chơi chung với nhau. Sau khi rời mái trường trung-học thì đi tứ tán, kẻ đi lính, người đi làm ở phương xa, cho nên ít khi gặp lại, chỉ có Tuyến là có mối giao hảo lâu hơn hết, tiếp tục cho đến ngày tôi rời khỏi nước. Tuyến đối xử với tôi hết lòng, mỗi lần tôi ghé thăm là vợ chồng T. tiếp đãi rất nồng hậu: món ngon, ruợu ngon T. đều để dành cho tôi. Tôi ái nái là chưa có dịp trở về để đền đáp mối ân tình bè bạn nầy.
Bạn bè cùng lớp với tôi năm xưa rất đàng hoàng, chỉ có một nhóm nhỏ có thể gọi là “băng đảng” như Vân An, Vui, Hiệp, chị Hồng50... Nhưng họ không có phá phách, cướp giựt, xì ke ma túy như băng xã-hội đen ngày nay. Nghĩ lại tthì học trò ngày xưa hiền hơn bây giờ rất nhiều, có lễ nghĩa, sống có nề nếp tôn ti trật-tự.
Bài viết nầy, tôi muốn ghi lại những kỷ-niệm cuả tuổi học trò, bởi vì nể lời Kim Phượng. “Nàng” cứ xúi tôi viết bài, tôi rầu hết biết “lỡ quen rồi tôi biết làm sao đây”, chẳng lẽ từ chối, mà đâu phải ai cũng viết lách, làm thơ dễ dàng như “nàng”. Cầm cây viết mà sao nó nặng chình chịch như cục tạ.Thôi thì tôi cũng ráng viết đại “trả nợ quỉ thần” cho xong, tới đâu hay tới đó, nếu có lạc đề như cậu học trò làm luận văn, bí quá, tả con mèo bốn chân thành con mèo nhà hai chân, báo hại tía nó phải một phen ‘xẩu mình” với má nó, thì cũng xin qúi bạn thông cảm tha thứ cho cái dỡ cuả người viết.
Canada, tháng 10/2013
Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013
Khúc Thu Sang
Mới hè mà đã sang thu
Sa mưa giăng mắc mây mù chiều hôm
Nhịp thời gian giục chân dồn
Vương trang nhật ký nửa hồn còn say
Người đi chưa ráo hơi tay
Đã nghe quạnh quẻ ô hay! Mình buồn
Dỗi hờn chi rứa trăng suông
Mây trời mặc gió về nguồn xa xôi
Lạy trời! Một khoảng xanh thôi
Để xưa thu mãi trong tôi dịu dàng
Hương Ngọc
Tuổi Mộng Mơ - Phạm Duy - Hình Bé Mãn Lộ
Cảm ơn anh Phú đã chụp những hình ảnh ngây ngô, dễ thương của Cháu Mãn Lộ
Hình ảnh này mang cảm xúc với ước mơ hồng đến mọi người thân.
Bà Oanh thương chúc Bé luôn mủm mỉm dễ thương, ngoan, họa giỏi để làm cô gái Việt xây mộng cho đời....
Bà Oanh
* Bé Mãn Lộ là thế hê thứ ba của CHS Nguyễn Trường Tộ.
* Bé Mãn Lộ là thế hê thứ ba của CHS Nguyễn Trường Tộ.
Sáng tác: Phạm Duy
Tiếng Hát: Thái Hiền
Ảnh: Trương Văn Phú
Trình Bày: Kim Oanh
Thế là…
Thế là tình vỗ cánh bay
Thế là thôi hết tháng ngày thương yêu
Thế là nắng sớm mưa chiều
Thế là ảo mộng tiêu điều từ đây
Thế là hết cả nồng say
Thế là trả lại thương vay cho người
Thế là tắt ngấm nụ cười
Thế là đếm hạt mưa rơi ngậm ngùi
Thế là cay đắng ngọt bùi
Thế là chua chát buồn vui với đời
Thế là như giọt sầu rơi
Thế là chiếc lá chơi vơi trong chiều
Thế là hẹn ước chi nhiều
Thế là trôi hết mọi điều ước mơ
Thế là tàn mộng tình thơ
Thế là trao trả vần thơ muôn mầu
Thế là quay lại từ đầu
Thế là tơi tả u sầu tình ơi!
Thế là đôi ngã chia phôi
Thế là thôi thế… thế thôi… đọa đày
Thế là tình vỗ cánh bay!!!...
8/2013
Thiên Thu
Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013
Lời Ru Của Suối
Vũ trụ thật bao la/ Giải Ngân hà lấp lánh/ Làn mây du theo gió/ Ngược chiều vầng trăng trôi.
Tư duy là hữu ngã/ Trong cõi thế gian này/ Hiện thực hay vô hình/ Tồn tại hay tan biến
Âm vang nhịp tim đập/Ngực thở hơi thì thào/ Tình cảm vấn vương hoài/ Yêu thương hận thù ghét.
Thể xác ta hữu hạn/ Tư tưởng không bến bờ/ Thân ta luôn trôi nổi/ Trên giòng đời mênh mông
Bập bềnh theo mệnh số/ Hay vững lái tay chèo/ Tuân lệnh từ khối óc/ Hay buông thả lang thang.
Nằm đây không gian tĩnh/ Tồn tại cõi riêng ta/ Vạn vật âm thầm động/ Tâm tư mình triền miên
Không tự kiểm soát được/ Phương hướng cuộc đời này/ Hãy hoà theo nhịp chuyển/ Của thiên hà vô biên.
Trầm tư và tưởng tượng/ Chắp cánh ta bay cao/ Đi cùng trời cuối đất/ Mất hút vào thinh không
Thân không còn hiện hữu/ Không bản ngã tư duy/ Không sinh cũng không diệt/ Tất cả đều hư vô!
ChinhNguyen/H.N.T.
USA, Thu 2012
(Thể văn bài này pha Tuỳ bút+Thơ Tự do nên được chủ ý trình bày với các dấu gạch chéo / để gợi ý đọc như một bài ca nhịp
Hòn Phu Tử
Phụ Tử nghìn năm tình vẫn còn,
Đá vẫn nằm trơ giữa các hòn.
Nghiêng nghiêng hùng dũng cùng trời biển,
Sừng sững thi gan nghĩa cha con.
Tạo hoá nêu gương cùng nhân thế,
Cội nguồn soi sáng tấm lòng son.
Đẹp thay tiếng tốt từng lưu dấu,
Muôn thuở vẹn toàn đạo cha con!
Phụ Tử danh thắng của Hà Tiên,
Cớ sao tạo hoá chẳng để yên.
Cha con bao thuở từng lưu tiếng,
Đất trời bỗng chốc cắt tình riêng!
Phút cuối thân cha trầm biển dữ(*),
Muôn đời tre lão giữ hồn thiêng!
Thương sao nghĩa cả còn vang mãi,
Hồn đá-tâm người lượng vô biên!
Dương Hồng Hưng
(*) Hòn Phụ bị gãy chìm xuống biển vào lúc 3 giờ 45 phút ngày 09-8-2006
Thầy Huỳnh Hữu Trí và CHS Tống Phước Hiệp Lớp 12 - NK 1975-1976 -2012
Ở tận xứ Vĩnh, có em từ lúc ra trường năm 76 mới gặp lại thầy cũ.
Làm toán trừ từ đó thấy đã ngót 36 năm mà mấy em vẫn chưa quên được thầy.
Quá hồi hộp khi ngồi ở bên kia đường của hàng rào trường Trung Học Tân An, đối diện nhà, chờ học trò
Học trò nói trên Điện Thoại là "gặp tụi em thầy sẽ nhớ liền".
Quả thật thầy còn nhớ mặt mà lại quên tên ba đứa.
Từ trái qua phải là Ngọc Như, Cô, Thầy, Mỹ Duyên, Kim Xuyến và Thúy Phượng
Huỳnh Hữu Trí
Sinh, Lão, Bệnh, Tử - Ngón Đời
Bạn bè dăm đứa khi xưa
Bây giờ thăm viếng cũng thưa thớt dần
Ðứa thì gối mỏi, đau chân
Ðứa thì đãng trí, tần ngần hay quên
Ðứa thì ngồi xuống, đứng lên
Ðau lưng, nhức khớp kêu rên luôn mồm
Ðứa thì lười biếng nhai cơm
Miếng ngon, miếng lạ chẳng thơm tho gì
Ðứa thì ba chân tập đi
Bước cao, bước thấp, bước thì nghiêng xiêu
Chập chờn giấc ngủ thiu thiu
Nhiều đêm thức trắng buồn hiu riêng mình
Ðứa ngồi một xó làm thinh
Mênh mang nghĩ chuyện nhục vinh cuộc đời
Răng long, tóc bạc trắng phơi
Mắt mờ, tai chẳng nghe lời nói…to…
Ðứa thì gầy guộc co ro
Miếng ăn, cái mặc chẳng lo được gì
Da nhăn, mặt xám.. ù lì..
Ðứa còn trần thế, đứa thì ra đi
Ðứa nay mồ cỏ xanh rì
Ðứa vào bệnh viện đi đi về về
Tay run, đầu nhức, mình tê
Sinh, lão, bệnh, tử, chẳng hề từ ai!
Bạn tôi kể hết cũng dài
Thôi thì tôi phải nói ngay về mình
Soi gương một phút lặng thinh!
Ồ! tôi giống lão già nhìn ..khó thương…(dễ thương)…*
Nguyệt Vân
Atlanta, đêm 3/07/13
*(Tùy đọc giả chọn chữ nào cũng được)
* --* -- * -- * -- *
Ngón Đời
(Cảm từ Sinh Lão Bệnh Tử của tác giả Nguyệt Vân,
chân thành cám ơn)
Vài năm nữa lửa tình sẽ tắt
Đem tim khô rao bán hàng sale
Ngồi lẩm cẩm đếm hoài mấy tuổi?
Mười ngón tay mỗi chục lần theo
.
Ngón thứ nhất mười năm nhỏ dại
Quấn chân cha tay mẹ đỡ đần
Tiếng ầu ơ lời ru sót lại
Tuổi hồn nhiên hoa mộng xa dần
.
Ngón thứ hai mộng lòng xuân nở
Nếm đắng cay mật ngọt của tình
Cửa trường học trường đời rộng mở
Ngỡ ngàng qua...xa lạ giật mình
.
Ngón thứ ba bơi giữa giòng đời
Tình mấy chuyến lỡ đò bến đợi
Yêu bao lần đứt đoạn tình rơi
Đành tủi phận duyên phần chưa tới
.
Ngón thứ tư nghèo xơ xát quá
Bạn bè xa...chồng vợ cũng xa
Ngồi chắt lưỡi tiếc tình lỡ trả
Muốn vay thêm nợ chậm sợ già
.
Ngón thứ năm mệnh trời định sẵn
Giàu khổ đau khốn khó bạc tiền
Thầy bói bảo sống tròn trăm chẳn
Đến chín mươi đời sướng như tiên
.
Ngón thứ sáu lục tuần vẫn khổ
Nợ tình duyên thuở trẻ di căn
Ôm chẳng hết buông thời sợ lỗ
Gánh gồng thêm khổ lụy nhọc nhằn
.
Ngón thứ bảy lai hi thất thập
Gói gém tình trong những giấc mơ
Chuyện ái ân ...gật gù...lập cập
Ừ.... lâu rồi... thôi! Chuyện vu vơ
.
Ngón thứ tám mắt mờ tay mỏi
Mọc thêm chân cây gậy dẫn đường
Dấu chân chim sâu hằn đá sỏi
Gò trán in sông rạch đường mương
.
Ngón thứ chín nằm thở ốc xy
Thầy bói hay.... sướng chẳng làm gì
Ngồi húp cháo mất còn chẳng biết
Cửa thiên đường gượng dậy ngại đi
.
Ngón thứ mười,,, lẫn rồi... sợ chết
Kiếp nhân sinh bách tuế vi kỳ
Gom góp chắt chiu rồi cũng hết
Trả lại đời tay trắng phân ly
Chiều nay nhẩm đếm... trời! Sáu chục
Phủi tay đời ngả ngớn cười vui
Tri kỷ ơi... mặc tình vinh nhục
Buồn vui gì... kẻ trọng người khinh
Phủ Hiền
(Cựu Học Sinh Nguyễn Trường Tộ)
Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013
Bước Chân Quen
CHS Tống Phước Hiệp Trong Chuyến Đi Biển Ba Động
Bãi biển Ba Động hãy còn sơ sài.
Từ trong ra ngoài, từ trái sang phải : Liên, Anh Minh, Dũng, Điệp Lê, Thơ, Thanh, Sương, Duyên.
Anh Minh đang giới thiệu một đặc sản của Ba Động : Chù Ụ rang me (con Chù Ụ rất giống với con Còng trong kinh rạch Miền Tây)
Các Món đặc sản của Biển Ba Động
Từ trái sang phải: Liên, Sanh, Thơ, Điệp Lê.
Từ trái sang phải: Dũng, Thơ, Diệp Lê, Anh Minh, Liên, Đức
Huỳnh Hữu Đức
Không Chủ Nhật
Tượng chúa buồn bên khung cửa mùa thu
Lá hắt hiu tràn ngập phố sương mù
Như những lá thư tình không kỷ niệm
Không Chủ Nhật không còn gì hoài niệm
Sân giáo đường mờ dấu bước em qua
Chiều chợt mưa cho yêu dấu nhạt nhòa
Đưa em về khu phố xưa lần cuối
Không Chủ Nhật quên đi tình đắm đuối
Không loài người còn chỉ có em thôi
Tình yêu nào ứa máu ngọt bờ môi
Hồn lên cao bồng bềnh rồi tan vỡ
Không Chủ Nhật mắt không còn bỡ ngỡ
Trộm nhìn nhau nghe lòng thấy bâng khuâng
Vọng kinh cầu xóa tan dấu ái ân
Lặng cúi đầu hiến dâng lời sám hối
Khiếu Long
Khăn Hồng
Chị bỏ vườn xanh mùa mưa tháng tám
Những ngọn cau già vừa mới trổ bông
Em tiễn chị đi bằng chiếc khăn hồng
Bên góc trái có thêu vài hoa cúc
Tất cả vườn xanh cùng buồn một lúc
Cây khế vàng trái chín rụng đầy sân
Em nhớ đêm xưa chị nói một lần
Chắc buồn lắm khi rời xa Nhơn Mỹ
Em muốn hỏi những chùm hoa thiên lý
Những con đường những mái ngói những hành lang
Sao chị hay thêu những đóa hoa vàng
Sao chị để mắt sầu như sơn nữ
Em muốn hỏi cả những chùm bông sứ
Những bờ ao những bồ ngót mùng tơi
Sao tóc chị bay như thể mây trời
Sao má phấn chị hồng như pháo
Chị bỏ vườn xanh vào mùa cam quít
Để em một mình với chiếc gàu xưa
Chị sang quê người buổi sáng buổi trưa
Em ở lại buổi chiều buổi tối
Em nhớ đêm xưa có lần chị nói
Vắng nhau rồi em nhớ gì không
Chị lấy ra xem một chiếc khăn hồng
Bên góc trái có thêu vài hoa cúc
Lâm Hảo Khôi
Thu Hát Cho Người - Vũ Đức Sao Biển - Suối Dâu
Kính mời quý Thầy Cô, anh chị và các bạn thưởng thức:
Nhạc Sĩ: Vũ Đức Sao Biển
Thực hiện và Tiếng Hát: Suối Dâu - Cựu Học Sinh Trường Trung Học PleiKu
Cũng Thôi, Thôi Nhé, Thôi Rồi, Thế Thôi
Tinh xa xưa vỡ tan rồi
Người xưa xin chớ đợi người đã xưa
* * *
Nghĩa thời gian là phôi pha
Nhớ nhau xin cứ coi là cố nhân
Chắt chiu chi chút tình trần?
Người đi có nghĩa người không trở về!
Mây ngàn gió thoảng nhiêu khê
Chỉ như đơn bóng trăng thề tắt ngang
Tình nằm trong nghĩa hợp tan
Người nằm trong nghĩa lầm than cõi đời
Một lần đã cuộc mù khơi!
Cũng thôi, thôi nhé, thôi rồi, thế thôi!
Vĩnh Trinh
Paté Chay
Nguyên liệu:
- 1 miếng đậu hũ tươi loại cứng để ráo nước, thấm cho khô và
bóp vụn
- 200g đậu đỏ nấu chín xay nhuyễn. (Tip là ngoài siêu thị có
bán đậu đỏ nấu chín cấp đông, mua về nấu luôn khỏi rã đông cũng được, tiết kiệm
được rất nhiều thời gian vì nấu đậu đỏ lâu lắm).
- 2 muỗng canh bơ đậu phộng
- 2 muỗng sữa bột (không có cũng được)
- 2 muỗng dầu olive
- 1 muỗng rượu brandy [không có cũng được!]
- 1 gốc hành boa rô và 3 củ hành tím băm nhuyễn
- Gia vị: muối, hạt nêm từ nấm, xì dầu, đường, tiêu
Cách làm:
- Vặn lò 180 độ, lửa trên dưới
- Phi thơm đầu hành boa rô và hành tím với dầu olive, cho
tất cả nguyên liệu vào xào và trộn đều, nêm nếm cho vừa miệng. Cho vào máy xay
thực phẩm xay nhuyễn.
- Thoa dầu olive vào khuôn rồi đổ hỗn hợp vào, làm láng mặt
rồi cho vào lò nướng khoảng 30-40 phút cho đến khi vừa vàng mặt.
- Khi paté chín lấy ra khỏi lò, dùng dao đi xung quanh khuôn
để dễ đổ pate ra khỏi khuôn.
Món này nhìn y chang paté gan gà nhưng rất thơm ngon, trét
vô bánh mì hoặc ăn với xôi.
Yên Đỗ Sưu Tầm
Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013
Tình Khúc Tháng Mười
Chúc mừng ngày Hai mươi tháng Mười
Khắc dấu cuộc tình tròn Ba năm
Bao nhiêu kỷ niệm còn nguyên đấy
Sao nghe trong lòng nỗi đắng cay
Lời ai còn đó ngày hôm qua
Hôm nay lật ngửa bàn tay ra
Còn đâu chỉ hai bàn tay trắng
Tìm chút hương xưa mà xót xa
Tình không bội bạc, không dối trá
Mà vẫn đắng cay lắm đoạn trường
Thôi đành vĩnh biệt tình huyền thoại
Hư ảo mà thôi có nghĩa gì!!!
Lời đắng cuộc tình xin nhắn gửi
Chúc tình người mãi mãi xanh tươi
Chúc người hạnh phúc bên đời thực
Còn ta đi nốt đoạn trần ai…
Đời người như một giấc chiêm bao
Tỉnh ra chỉ còn lại hư không
Từ nay cố xả buông tất cả
Tình muộn thiên thu đến bạc lòng
20/10/2013
Thiên Thu
Cõi Nào Bình Yên
Hãy suy ngẫm về những điều lành
Trong buổi sáng với nhiều nắng ấm
Hay mưa phùn gió rét căm-căm
Ta vẫn còn một điều sáng láng
Hằng hữu ở chân tâm.
Hãy suy ngẫm về cuộc sống trăm năm
Với bao điều hư ảo
Cơn say vùi điên đảo
Xé đời ta trăm nghìn mảnh thê lương
Và đâu đó ở cuối những con đường
Rất buồn bã trong nấm mồ cô độc
Em có thấy chiều thời gian thảm khốc
Những xanh tươi xua vội đến già nua
Trong cơn lốc say mùa
Rất điềm nhiên cuốn mất
Những sắc hương cùng bụi cát.
Hãy suy ngẫm về lẽ vô thường
Khi đớn đau cùng hạnh phúc
Hãy thắp lên ngọn đuốc
Soi sáng những ưu phiền
Có cõi nào bình yên
Trong lòng ta lặng lẽ
Lý Thừa Nghiệp
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)