Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

Long Hồ Vĩnh Long Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Nhà Thơ Chúc Anh.



Ray Rứt Bụi Tro

Sáu Phượng ơi, em đồng hành cùng Sáu để tưởng nhớ hoài mưa tháng 6 nha.
(9 Oanh)

Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Melbourne Vào Đông

(Ảnh: Kim Oanh)

Melbourne vừa mới bước vào đông
Cái lạnh cắt da buốt cả lòng
Hiu hắt hàng cây trơ trụi lá
Một mình lặng lẽ chỉ hoài trông...!


Yarra con nước lửng lờ trôi
Có thấu tình riêng những ngậm ngùi
Cảnh vật lng im lòng dậy sóng
Nhớ người biết đến thuở nào nguôi...!

Kim Oanh
ĐôngMelbourne 2020

Buồn Đêm Đông


(Ảnh Kim Phượng)

Mùa đông lại trở về
Không gian màu u tối
Mang nỗi buồn lê thê
Mang nỗi sầu hiu hắt

Hoàng hôn dần buông xuống
Ngồi tựa bên rèm thưa
Gậm nhấm một nỗi buồn
Man mác mối tình xưa

Chiều đông sương xuống lạnh
Em người đẹp bên song
Sống quãng đời cô quạnh
Trong vắng lặng cô phòng

Lạnh buốt suốt đêm đông
Em hãy còn xuân mộng
Có thấy lòng ray rức
Có thấy lòng nhớ mong

Thời gian chừng lắng động
Thương giấc mộng xuân thì
Hỡi ai người tri kỷ
Có thấu nỗi niềm riêng

Kim Phượng
6/6/2020

Đông Sang



Mây bay mờ thấp đã sang đông
Tạm biệt mùa thu thổn thức lòng
Hoa cúc úa tàn vàng cánh khép
Nắng gầy heo hắt vắt nghiêng song
Bấc về nghe rét luồn hoang vắng
Mưa phất xiên chiều lạnh cõi không
Cô tịch cành xương sương xuống đọng
Bên trời băng giá tuyết đơm bông

Bằng Bùi Nguyên

Rồi Nữa Một Mai



Một mai tôi đã đi rồi,
Có ai thơ thẩn, đêm ngồi ngắm trăng?
Ai người chuốc rượu cô Hằng?
Và ai ôm Nguyệt, say nằm dưới hoa?

Một mai tôi sẽ đi xa,
Bóng mây vàng vẫn bay qua đỉnh trời.
Cánh mây xưa ở Quê tôi,
Có ai thấy bóng một thời vàng son?

Một mai tôi sẽ chẳng còn,
Có cơn gió tự Sài gòn thổi qua,
Mang theo hơi ấm bên nhà.
Có ai nghe gió xót xa thở dài?

Chúng mình... rồi nữa một mai,
Lớp con cháu chắt, tương lai nối dòng,
Được bao nhiêu cháu Anh Hùng?
Có về dựng lại Núi Sông thanh bình?

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

Không Oán Mà Oán, Oán Mà Không Oán!


UNG ĐÀO 雍陶(805—?), tự là Quốc Quân, người đất Bì Đô, đậu Tiến Sĩ năm Đại Hòa. Ông từng giữ các chức vụ Thị Ngự Sử, Quốc Tử Mao Thi Bác Sĩ, Giản Châu Thứ Sử... Ông là bạn thơ của Trương Tịch, Vương Kiến, Giả Đảo ... thuộc phái Giang Hồ Quái Đản. Sống dưới đời Vãn Đường khi vận nước đã suy vi, xã hội ngày một xuống dốc, khi đi dạo đến bên cầu Thiên Tân, nhìn thấy cảnh hoang tàn đổ nát của cung điện ngày xưa, xúc cảnh sanh tình, nên ông đã rất cảm khái mà làm bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt bất hủ nầy. 

天津橋春望              THIÊN TÂN KIỀU XUÂN VỌNG

津橋春水浸紅霞, Tân kiều xuân thuỷ tẩm hồng hà,
煙柳風絲拂岸斜。 Yên liễu phong ty phất ngạn tà.
翠輦不來金殿閉, Thuý liễn bất lai kim điện bế,
宮鶯銜出上陽花。 Cung oanh hàm xuất Thượng Dương hoa.
雍陶                         Ung Đào

Chú thích:
THIÊN TÂN KIỀU 天津橋 : Cây cầu bắt ngang dòng Lạc Thuỷ từ đời Tuỳ Dương Đế, ở phía nam của thành Lạc Dương, kinh đô trước đây của nhà Đường, thường được gọi là Đông Đô.
TẨM : là Ngâm Nước, là Chìm trong nước.
HỒNG HÀ: là Ráng màu đỏ. Ở đây chỉ Ráng Chiều.
PHẤT 拂: Có bộ Thủ là Tay bên trái. Có nghĩa là PHỦI, như Phất Trần là Phủi bụi, nghĩa phát sinh là Phe Phẩy, Đong Đưa.
THUÝ LIỄN: là Xe của Vua đi lại trong cung do dê kéo.
HÀM : là Ngậm, ở đây nghĩa là THA.
THƯỢNG DƯƠNG CUNG 上陽宮: Là một trong những hành cung lớn đời Đường, nằm ở tây nam thành Lạc Dương, do Đường Cao Tôn Lý Trị xây dựng vào năm Càn Phong thứ 2 ( 667 ) . Lúc bấy giờ Lạc Dương là Đông Đô, vua ngự và nghe việc triều chính ở đây. Năm 705, khi bị Đường Trung Tôn ép phải thoái vị, Võ Tắc Thiên cũng ở cung này cho đến chết. Đường Huyền Tôn cũng từng làm yến tiệc lớn ở trong cung nầy. Nhưng sau loạn An Lộc Sơn ( 755-763 ), Thượng Dương Cung bị tàn phá nghiêm trọng, về sau dần dà hoang phế, đến đời Đường Đức Tôn thì bỏ phế hẵn. UNG ĐÀO sanh năm 805, nên khi đi dạo đến đây thì Thượng Dương Cung đã bị bỏ phế lâu rồi !

Dịch nghĩa:
NGẮM VẺ XUÂN TRÊN CẦU THIÊN TÂN

Khi ta lên cầu Thiên Tân để ngắm vẻ xuân thì thấy ráng chiều đỏ thắm như in ở dưới nước. Tơ liễu như mây như khói theo gió đung đưa bên bờ sông trong ánh nắng chiều. ( Thiên nhiên của mùa xuân thì vẫn đẹp như thuở nào ) Nhưng... xe của Vua đã không còn ngự đến nữa, và điện vàng thì đóng kín im ỉm, những con chim oanh cũng bỏ cung mà tha cả những cánh hoa của Thượng Dương Cung bay ra ngoài!

Thật cảm khái! Mùa xuân thì cảnh vật mỗi năm vẫn thế, nhưng thời thịnh trị phồn vinh của nhà Đường thì một đi không trở lại ! Đọc bài nầy, làm ta lại nhớ đến những bài trước :

Đình thọ bất tri nhân khứ tận, 庭樹不知人去盡,
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa ! 春來還發舊時花。
(Cây cỏ biết đâu người đi hết,
Xuân về lại trổ những hoa xưa !)

và ...

Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến, 舊時王謝堂前燕,
Phi nhập tầm thường bách tính gia ! 飛入尋常百姓家。
(Trên rường Vương Tạ én ngày xưa,
Đã bay hết cả vào nhà dân gian !).

Chẳng những chim én, mà chim oanh cũng đã bỏ đi rồi, lại còn tha cả những đóa hoa của cung Thượng Dương ra ngoài nữa chớ !

Một điều thật thú vị là ....

Bài thơ nầy thường " bị " hiểu lầm là một bài thơ CUNG OÁN với cách giải thích như sau :
Cảnh xuân đẹp bên cầu Thiên Tân với ráng chiều đỏ thắm, với liễu rũ như tơ ở hai bên bờ, làm cho nàng cung nữ chợt động tình xuân, nhưng xe vua không tới và điện vàng thì luôn khóa kín, khiến nàng càng tủi phận mình hơn khi thấy chim oanh tha một cánh hoa ra khỏi Thượng Dương Cung. Hoa còn được chim tha ra ngoài chớ thân phận cung nữ của mình biết ngày nào mới được giải thoát cho đây ?!

Quả là một sự hiểu lầm đầy thi vị !!!...

Diễn nôm: :
NGẮM XUÂN BÊN CẦU THIÊN TÂN

Thiên Tân bóng nước ráng in hồng,
Tơ liễu mơ màng bên bến sông.
Chẳng thấy xe vua cung khóa kín,
Ngậm hoa oanh nọ vượt tường đông!

Lục bát:
Nước xuân in bóng ráng chiều,
Bên cầu tơ liễu hiu hiu gió lùa !
Điện vàng khóa, vắng xe vua,
Thượng Dương hoa được oanh vừa tha ra!

Ta vừa đọc qua bài Thiên Tân Kiều Xuân Vọng của Ung Đào, một bài thơ hoài cổ cảm khái trước tang thương biến đổi, vật đổi sao vời mà làm nên, nhưng lại " bị " hiểu lầm là một bài thơ CUNG OÁN, còn bài thơ Thu Tịch của Đỗ Mục là một bài thơ CUNG OÁN thì lại rất ít người phát hiện ra cái OÁN của nó. Nên tôi mới đề tựa cho bài nầy là : KHÔNG OÁN MÀ OÁN, OÁN MÀ KHÔNG OÁN! Chuyện văn chương lắm lúc oái oăm, lắt léo mà lại thú vị vô cùng !

Mời tất cả cùng đọc lại cả 2 bài thơ, so sánh nghiền ngẫm để cảm nhận cái hay ho sâu sắc mà lại rất nhẹ nhàng, thi vị của văn thơ !....


秋夕                         THU TỊCH 

銀燭秋光冷畫屏, Ngân chúc thu quang lãnh họa bình
輕羅小扇撲流螢。 Khinh la tiểu phiến phốc lưu huỳnh
天街夜色涼如水, Thiên giai dạ sắc lương như thủy
臥看牽牛織女星。 Ngọa khán Khiên ngưu Chức nữ tinh .
杜牧                         Đỗ Mục

Chú thích:
1. Ngân Chúc : Ngân là Bạc, ở đây là màu Bạc, màu trắng bạc. Chúc là đuốc. Hoa Chúc là Đuốc hoa, ở đây Chúc là cây Đèn Cầy, Cây Nến. Ngân chúc : là Cây Đèn sáp màu trắng bạc.
2. Họa Bình : là Bức bình phong có vẽ tranh của các nhà quyền quý thời xưa.
3. Khinh La : Khinh là nhẹ, La là Là, Lụa là, là Vải The. Khinh La : là loại vải the nhẹ để làm quạt. Trong bài " Khinh La Tiểu Phiến " : Là chiếc quạt con làm bằng lụa là của các tiểu thơ xưa thường cầm trên tay.
4. Phốc : Là chụp bắt.
5. Lưu Huỳnh : Lưu là Lưu động, là xẹt. Lưu Tinh : là Sao xẹt. Huỳnh : là con Đom đóm.
6. Thiên Giai : Giai là con đường. Thiên Giai : không phải là đường ở trên trời, mà là đường trong kinh thành, trong cung vua.
7. Lương Như Thủy : là Mát như nước.

Dịch nghĩa:
ĐÊM THU
Ánh sáng lung linh từ ngọn bạch lạp tỏa ra hòa với hơi thu làm cho tấm bình phong đẹp rực rỡ cũng nhuốm hơi lạnh lẽo, nàng phe phẩy chiếc quạt the để chụp bắt những con đom đóm đang lặp lòe bay lượn trong đêm. Đêm đang xuống trong những con đường của Kinh thành, hơi thu mát lạnh như nước trong đêm thanh vắng lặng, nàng ngữa nhìn sao trời để tìm ngắm hai sao Chức Nữ và Ngưu Lang.

Diễn nôm: 

Lung linh nến trắng bình phong lạnh,
Quạt lụa vờn theo đóm lượn thu.
Lấp lánh sao trời trong như nước,
Nằm xem sao Chức gặp sao Ngưu 

Lục bát:

Bình phong thu lạnh se se,
Quạt là nến trắng lặp lòe đóm bay
Trời thu như nước mát thay,
Ngưu Lang Chức Nữ đêm nay tương phùng!

Đêm thu với khí trời trong mát, với đom đóm bay lượn lặp lòe, rồi nằm mà ngắm sao Ngưu Lang Chức Nữ.... Rất bình dị và rất nên thơ ! Có ai ngờ được đây lại là một bài thơ Cung Oán !... Này nhé

... Ngọn bạch lạp đặt trên giá bằng bạc, bình phong có tranh họa rực rỡ, rõ ràng là cuộc sống của nhà quyền quý đế vương, ta càng xác định hơn với từ Thiên Giai : là đường trong Kinh thành , trong Cung Vua, và ai mới rảnh rổi mà nằm ngắm sao trời ?. Chỉ có những nàng cung nữ nhàn nhã, tội nghiệp trong lãnh cung mới rảnh rổi như thế mà thôi, và... một điểm tâm lý rất quan trọng nữa là, chỉ có những nàng cung nữ với tình xuân phơi phới, với nhựa sống tràn trề, mà phải giam mình trong chốn lãnh cung cô thân chiếc bóng, mới hâm mộ và ước ao được như Ngưu Lang Chức Nữ, mặc dù mỗi năm chỉ hội ngộ có một lần. Một lần, có còn hơn không !. Một số cung nhân may mắn... suốt đời mới gặp được vua một lần ! Lắm cô suôt cả cuộc đời, hết cả thanh xuân, cũng chưa được nhà vua một lần triều kiến... So với Ngưu Lang Chức Nữ thì còn đắng cay chua xót hơn nhiều ! Nên chi, mới ngưỡng mộ và ước ao được như Ả Chức và Chàng Ngưu, chớ còn đối với cuộc sống bình thường, thì có ai lại hâm mộ chuyện tình của Ngưu Lang Chức Nữ bao giờ ? ! Duy chỉ có nàng cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều mới ...

Mượn điều Thất Tịch mà thề bách niên .... mà thôi! 
" Bách niên " mà chỉ gặp nhau vào đêm " Thất Tịch " hằng năm, thì có ai ao ước mà làm gì !!!

Phải tinh ý lắm, ta mới cảm nhận được cái " Oán " trong bài thơ nầy, vì nó quá nhẹ nhàng và bình dị. Phải chăng cái oán đeo đẳng miên man lâu dần nên đã hòa vào cuộc sống và được chấp nhận như một sự tự nhiên tội nghiệp ! Không như nàng cung nữ của Ôn Như Hầu:

..... Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!... 
Khi... 
Cái oán đã lên đến cực điểm và trở thành bạo động! 

Thư pháp của Đỗ Chiêu Đức 杜紹德 với Bài thơ Thu Tịch.

Hẹn bài viết tới!
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức


Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

Răng Rứa Mô Tê - Sáng Tác Nguyên Chương - Đàn Hát Ân Nguyễn


Sáng Tác: Nguyên Chương 
Đàn Hát: Ân Nguyễn

Bóng Chiều Bâng Khuâng



Nhớ em đứng dưới lầu chuông
Dư âm còn đọng tiếng buồn thời gian
Em đi như cánh chim ngàn
Trút sầu tâm sự cho hoàng hôn rơi

Đông về buốt giá tim tôi
Tóc mây nào đọng tóc người trăm năm
Chuông buồn theo gió xa xăm
Tôi nghe băng giá âm thầm gọi tên

Đứng trên dốc nhớ mình ênh
Khoác lên chiếc áo sầu riêng một mình
Buồn như con gió vô hình
Thổi qua mùa nhớ chuyện tình phôi pha

Bây giờ em ở phương xa
Chiều đông còn lại mình ta với chiều
Chiều băng giá chiều tịch liêu
Chiều liêu xiêu đổ bóng chiều bâng khuâng.

Bằng Bùi Nguyên

Thu Xưa Ấy


Thu Xưa Ấy

Chợt tỉnh cơn mê giấc chập chờn
Bên đời ấm lạnh với cô đơn
Ai đem trả lại mùa thu cũ
Cho bớt cô liêu bớt tủi hờn

Kim Phượng
***
Cảm Tác

Thu Về


Cho bớt cô liêu bớt tủi hờn
Thu về để lá nắng mơn mơn
Lung linh mặt nước hồ xao gợn
Ngày ấy còn đầy giấc mộng ơi! ...

dovaden2010 (DVD)
***
Dấu Thu xưa

Giấc mộng thu xưa vẫn chập chờn
Nắng chiều nghiêng đổ bước cô đơn
Còn đâu hình bóng người năm ấy
Mặt nước lung linh gợn dấu hờn.


Chinh Nguyên-HNT 
 May.28.20

Mùa Thu Ta Mất Nhau - Họa Sĩ Nguyễn Sơn

Chim Và Mùa Thu
Mùa Thu Ta Mất Nhau
 Chiếc Ghế Mùa Thu
 Thu Buồn
Thu Kỷ Niệm

Họa Sĩ: Nguyễn Sơn


Vô Đề (Vạn Lý Phong Ba Nhất Diệp Chu) 無題 (萬裡風波一葉舟) - Lý Thương Ẩn



Nguyên tác                       Dịch âm 
無題 (萬裡風波一葉舟) Vô Đề (Vạn Lý Phong Ba Nhất Diệp Chu) 

萬裡風波一葉舟               Vạn lý phong ba nhất diệp chu,
憶歸初罷更夷猶               Ức quy sơ bãi cánh di do.
碧江地沒元相引               Bích giang địa một nguyên tương dẫn,
黃鶴沙邊亦少留               Hoàng hạc sa biên diệc thiểu lưu.
益德冤魂終報主               Ích Đức oan hồn chung báo chủ,
阿童高義鎮橫秋               A Đồng cao nghĩa trấn hoành thu.
人生豈得長無謂               Nhân sinh khởi đắc trường vô vị,
懷古思鄉共白頭               Hoài cổ tư hương cộng bạch đầu. 
                                          Lý Thương Ẩn
***
Dịch thơ: 

Không Đầu Đề (Sóng Gió Ngàn Trùng Một Thuyền Chao) 

Sóng gió ngàn trùng một thuyền chao
Ở đi chưa quyết định bên nào
Sông xanh đất lở lăn chầm chậm
Cát trắng hạc vàng bước lao đao
Ích Đức* hồn oan đền nợ chúa
A Đông** cao nghĩa lộng trời sầu
Đời người chả nhẽ long đong mãi
Hoài cổ thương quê tóc bạc mau 

Chú Giải 

* Ích Đức: Tức Trương Phi thời Tam Quốc. Câu này ý nói oan hồn của Trương Phi vẫn muốn đền đáp cái ơn tri ngộ của Lưu Bị đối với mình. 
** A Đông: Sách Tấn-thư, Ngũ-hành-chí chép một bài đồng dao có mấy câu này: 

 Dịch: 

A Đông phục A Đông, A Đông hỡi A Đông, 
Hàm đao du độ giang; Ngậm dao bơi vượt sông; 
Bất úy ngạn thượng hổ, Chẳng sợ cọp đỉnh núi, 
Đãn úy thùy trung long. Chỉ sợ rồng trong sông. 
A Đông là tiểu tự (nick name) của Vương Tuấn. 

Tấn Vũ đế nghe được bài đồng dao ấy bèn cho Vương Tuấn làm Long Tương tướng quân. Đến lúc chinh phạt nước Ngô, quân Giang Tây không ai dám vượt sông, chỉ có Vương Tuấn vượt sông chiếm lấy Mạt Lăng (nay thuộc Nam Kinh). 

Con Cò
Lời bàn của Con Cò:

Bài thơ Vô Đề (Vạn Lý Phong Ba Nhất Diệp Chu) là cả một tâm sự rối bời của Lý Thương Ẩn. Suy rộng ra, dường như nó còn nói lên cái tâm sự não lòng của dân Nam Kỳ trong tháng Tư Đen.. Những chữ viết nghiêng là nghĩa bóng. 
Hai câu đầu: 
Lý Thương Ẩn kẹt giữa hai thế lực đối nghịch nhau, u buồn cho thân phận, bực bội vì bất công. Ở hay đi chưa thể quyết định được. Ở thì chả nhẽ chịu giữ chức thư ký quèn suốt đời? Đi thì biết đi đâu? Nương náu nơi nào để sống chờ thời? 
Hai câu 3 & 4: 
Lý Thương Ẩn: Đất ở bờ sông xanh đang lở, lăn chầm chậm xuống nước (phe nhà vợ mà mình nương náu đang rạn nứt, dần dần bị loại khỏi triều đình). Cát trắng hạc vàng bước lao đao (chân ta đi thất thểu trong cảnh nghèo hèn). 
Hai câu 5, 6: 
Lý Thương Ẩn: Ta là người biết trọng ơn nghĩa (như Ích Đức và A Đông) mà sao không ai cứu giúp để ta long đong cả đời vậy? 
Hai cău 7, 8: 
Lý Thương Ẩn: buồn quá khứ, nhớ quê hương, thương thân thế sẽ làm ta già mau lắm. 
Lý Thương Ẩn chỉ dùng 56 chữ mà kể lể được những nét chính của đời mình, nói lên được tâm sự cay đắng của bản thân và gây được xúc động cho độc giả
Một thi hào lỗi lạc. Một trí thức lạc hướng. Một chiêm tinh gia cừ khôi.

***
Dịch nghĩa: 
Không Đề 

Vạn lý phong ba nhất diệp chu: Chiếc thuyền con một lá trồi hụp trong vạn dặm phong ba bão tố 
Ức quy sơ bãi cánh di do: Nhớ lại thôi việc về nghĩ trước đây mà phân vân càng giống như con dứu hoang dã. 
Bích giang địa một nguyên tương dẫn: Đất bên bờ sông xanh chìm xuống sẽ dẫn dắt chiếc thuyền con này. 
Hoàng hạc sa biên diệc thiểu lưu: Hoàng hạc đi trên bờ cát cũng làm nước bớt chảy 
Ích Đức oan hồn chung báo chủ: Hồn chung thủy của Trương Phi muốn báo oán cho chúa mình. 
A Đồng cao nghĩa trấn hoành thu: Nghĩa khí cao vời của Vương Tuấn đời Tấn sẽ mãi mãi chiếm ngự mùa thu. 
Nhân sinh khởi đắc trường vô vị: Cuộc sống lâu dài há có thể là vô nghĩa. 
Hoài cổ tư hương cộng bạch đầu: Nuối tiếc chuyện xưa và và thương nhớ quê hương, hai tình cảm phức tạp này đã làm cho mái tóc bạc trắng.

Dịch thơ: 

Không Đề 

Một con thuyền nhỏ trước phong ba, 
Phục vụ hưu non tính chẳng ra. 
Đất lở thuyền trôi theo nước xoáy, 
Hạc vàng đạp cát đẩy phù sa. 
Trương Phi chung thủy đền ơn chủ, 
Vương Tuấn anh hào thu ngợi ca. 
Cuộc sống lâu dài đâu vô nghĩa, 
Nhớ xưa thương nước bạc đầu a! 

No Title by Li Shang Yin 

A tiny boat in a ten thousand mile storm,
Serving or retiring early is the question.
Along the blue river, soil is eroding which stirs the boat,
Yellow cranes stepping on sand slow down the water flow.
Loyal Zhang Fei soul wants to avenge his master,
Brave Wang Jun spirit dominates wide autumn.
Life all along is not meaningless,
Nostalgia and homesickness contribute to gray hair. 

Phí Minh Tâm

***
Phong ba vạn dặm chiếc thuyền chao
Vạn dặm sóng xô một lá thuyền
Muốn về do dự mãi triền miên
Bích giang đất lở theo nhau sạt
Hoàng hạc bãi cồn chẳng ở yên
Ích Đức hồn oan còn báo chủ
A Đồng nghĩa cả giữ ngang biên
Đời người chẳng lẽ im lìm mãi
Nhớ cũ thương quê tóc bạc phiền! 

Lộc Bắc

Thu... Kìa


Hình Ảnh: Kim Phượng Thu Melbourne & Vài Ảnh Sưu tầm
Sáng Tác: Nguyễn Trọng Cầu
Ca Sĩ Thái Thanh
Thực Hiện: Kim Oanh
***
Xướng:

Thu... Kìa

Lá thu lại rụng,rụng rồi kìa
Phượng ở Viêt Nam, Phượng Úc kia
Vẫn thắm chung màu không xé lẻ
Vẫn tươi một sắc chẳng phân chia
Kim Oanh chắc lộn khi lồng nhạc
Thái mỗ đâu say lúc uống bia
Nghe mãi nhìn hoài đâu muốn dứt
Lá thu lại rụng, rụng rồi kìa …

Thái Huy
***
Các Bài Họa:
Thu Đến!

Lá rụng! Nay thu lại đến kìa!
Chim trời cá nước giỡn ngoài kia.
Hồng lam mây lãng xa mờ đón,
Cúc thắm bướm vờn cận ấm chia.
Bạn hữu vui mừng hò hát xướng,
Thân bằng phẩn khởi cốc nâng bia.
Mừng thu vạn vật chung tình tự,
Lá rụng! Nay thu lại đến kìa!

Hồ Nguyễn 
(02-6-2020)
***
Đắm Thu


Đắm đuối hồn Thu lá rụng kìa
Loan mờ khói trắng tỏa ngoài kia
Làn mây ủ tím cùng chung quyện
Ánh nắng đan hồng chẳng tách chia
Lũ bướm khoe màu bay luẩn quẩn
Đàn chim trải cánh vút xa lìa
Cung đàn tiếng hát vang hoà nhịp
Đắm đuối hồn Thu lá rụng kìa 

Minh Thuý Tháng 6/1/2020
***
Cơn Gió Heo May

Cơn gió heo may lất phất kìa,
Mùa Thu đã đến núi rừng kia.
Nơi đây lá rụng rơi lưu luyến,
Chốn ấy bạn còn chịu cách chia.
Đất nước xa rồi bao kỹ niệm,
Non sông còn chắc những văn bia ?!
Thu làm lữ khách buồn thân quá…
Cơn gió heo may lất phất kìa !

Liêu Xuyên
***
Thu V

Lạc lối rừng phong sắc đỏ kìa!
Ngỡ ngàng khách lạ đến rồi kia
Bướm cười khúc khích vì hoa ngủ
Lá rụng lào xào bởi gió chia!
Giữa chốn êm đềm mơ họa cảnh
Trong lòng hăm hở muốn mời bia
Thu về ngơ ngẩn hồn ai đó...
Lạc lối rừng phong sắc đỏ kìa!

Như Thu
06/02/2020
***
Tám Vần Thu

Thu đến,ô hay!Đến nữa kìa
Lá Thu rơi rụng sắc vàng kia
Việt Nam hoặc Úc Thu đâu xẻ
Mỹ Quốc hay Anh Thu chẳng chia
Thời khắc Thu xoay bền tựa núi
Đất trời Thu chuyển vững như bia
Mấy mùa Thu trước khơi niềm nhớ
Nay đến,ô hay! Thu nữa kìa ...

songquang
20200602
***
Vườn Thu

Em thấy không em cánh bướm kìa
Chập chờn trong nắng ở đàng kia.
Bên hoa âu yếm tình chan chứa
Trên cánh dịu dàng phấn sẻ chia.
Cảm khái chiều tàn thơ ngập ý
Mơ màng ly rót cốc tràn bia.
Vườn thu hiu hắt lòng xao xuyến
Vương vấn hồn ta cánh bướm kìa!

MaiLoc
6-2-2020
***
Xào Xạc Rừng Xưa

Xào xạc rừng xưa,gió lộng kìa
Thu vàng nắng úa rụng ngoài kia
Thuyền đang ngược bến chiều ly biệt
Nước vẫn xuôi dòng phía cách chia
Đất khách thầm mơ vui gặp bạn
Quê nhà lặng ước thỏa khui bia
Đoàn viên giấc mộng hoài dang dở
Xào xạc rừng xưa,gió lộng kìa

Lý Đức Quỳnh
3/6/2020
***
Hương Thu
[Ctkt]

Hỡi cánh thu sang lá đổ kìa!
Ươm vàng ngõ mộng, mộng vàng kia
Ơn Hằng sáng tỏ không ngăn lối
Nghĩa bạn tươi cười chẳng cách chia
Gió vẫn yêu đời đi dạo cảnh
Trăng còn mến bạn cứ mời bia
Hương tình rộn rã ngời sông nước
U ẩn ly tan, Nguyệt hát kìa!

Đức Hạnh

05 06 2020

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

Mùa Thu Không Trở Lại - Mùa Thu Melbourne - Australia(Kim Oanh)



Hình Ảnh: Kim Phượng Thu Melbourne & Vài Ảnh Sưu tầm
Sáng Tác: Nguyễn Trọng Cầu
Ca Sĩ Thái Thanh
Thực Hiện: Kim Oanh

Phượng Tím Bên Đường


Hè về thơ thẩn dạo bên đường
Phượng Tím gần nhà rụng thấy thương
Cành tựa đuôi xoè, mời cánh bướm
Bông như chuông rủ, tỏa mùi hương
Ve ngân rả rít vang vòm lá
Chim đậu la đà vỡ hạt sương
Tháng sáu mưa nhiều, hoa giã biệt
Miên man tôi nghĩ lẽ vô thường!

Duy Anh
Orlando FL. 06/02/2020

Về Thăm Cai Lậy



(Hồi ức “Về thăm Cai Lậy” ( thuộc tỉnh Định Tường) năm 2016, nhớ chuyện xưa gặp lại người cũ năm 1969 . NC)

Từ Chợ Gạo tôi về thăm chốn cũ
Nắng hanh vàng còn đọng mấy hàng cây
Trên đồng xanh chim sáo hót gọi bầy
Như chào đón người xưa quay trở lại

Về Cai Lậy nghe trong lòng thư thái
Con phố buồn giở trở giấc xôn xao
Nghe đâu đây tiếng ai hát ngọt ngào
Tim rung động một thời thương và nhớ

Năm sáu chín hành quân ngang phố chợ
Bỗng thấy như quen biết một bóng hình
Đang ôm con âu yếm, đứng lặng thinh
Tôi bỡ ngỡ nhận ra người năm cũ

Người yêu đó một thời ta mất ngủ
Nhớ làm sao không viết nổi thành lời
Chôn chặt vào tim hồn lạc chơi vơi
Ôm mối tình đầu làm mờ trang sách...

Giờ, kỷ niệm chợt hiện ra trước mắt
Ta quen em trong một dịp tình cờ
Lúc tuổi em mười tám nét ngây thơ
Mang thương nhớ trao nhau tình vừa chớm

Mới quen đó mà yêu nhau thật sớm
Vội thăm em mỗi thứ bảy trưa hè
Vui mọi bề quên cả lối hàng me
Tình đã chín nhưng chưa lần ngỏ cưới

Hương yêu thắm nồng trắng màu hoa bưởi
Hẹn mai nầy khi tốt nghiệp vẻ vang
Đem trầu cau làm lễ rước rình rang
Nhưng bất chợt ta phải vào quân ngủ

Xếp nghiên bút trong lòng buồn ủ rũ
Mắt rưng rưng em hứa giữ lời nguyền
Nghe quanh đây bao hạnh phúc triền miên
Nhưng sau đó tháng dài thưa thư tín

Đang trận chiến tin nàng sang bến khác
Tôi bàng hoàng nghe cay đắng chứa chan
Đem thân gầy ném vào chốn nguy nan
Cho quên hết những ngày tràn lửa khói

Chiến trường ác liệt không còn lời nói
Khi Cẩm Sơn lúc ngược Mỹ Phước Tây
Ăn cơm gạo sấy uống nước sông đầy
Đêm trăng lạnh súng ghìm bên miệng hố

Bỗng gặp lại người xưa không đúng chỗ
Ta ngỡ ngàng đặt câu hỏi tại sao
Bỏ ra đi cho đau khổ nghẹn ngào
Nàng e ngại trả lời rằng “xin lỗi”

Về Cai Lậy nhớ những ngày đen tối
Hơn nửa đời người dong ruỗi sớm trưa
Bên kia sông nghe giọng hát đò đưa
Tim lắng đọng trong chiều mưa biền biệt!


Kim Dung 
 (30/5/2020)

Nhân Thế



Ta bắt đầu làm thơ trong nỗi nhớ
Lấy phương trình tháo gỡ những phép căn
Biến thiên thanh luận giải trị số hằng
Mang đẳng thức cào phăng đời tiệm cận

Thuở hợp nhất nhủ lòng luôn cẩn thận
Luận tam tài định phận thiên địa nhân
Gói ngũ hành bón vén phép thập phân
Tìm sinh khắc cuốn dần thừa sang vũ

Bởi kinh dịch xuôi lòng luôn nhắn nhủ
Cao ly hình tuôn phủ tý tình trao
Bát quái về mượn hạt nắng hanh hao
Âm dương học nghêu ngao hình với bóng

Dạo cung bậc lắng mình hoà sức sống
Mí rề pha sáng tạo móng hương yêu
Đố son sí gợi nhung nhớ mỹ miều
La thăng giáng phủ điều âm giai trưởng

Viết tặng đời thêm vài khúc giao hưởng
Góp muộn phiền hoạ xướng bản bát ngôn
Lượm mót vần thắt thỏm ghép hoàng hôn
Quăng bản ngã sớm hôm cùng nhân thế.

Phan Thanh Xuân 
30/05/2020

Uống Trà Sáng Mưa



i Xướng:

Uống Trà Sáng Mưa

Sáng nay mưa gió lộng tơi bời
Mong bạn tri âm ghé đến chơi
Vài tách trà đưa khơi gợi ý
Một tâm sự ngỏ thốt nên lời
Nửa đời phiêu lãng vì chinh chiến
Trọn kiếp phong sương bởi nghĩa đời
Đến lúc chim bằng đà mỏi cánh
Lặng nhìn thế sự cứ đầy vơi

Lặng nhìn thế sự cứ đầy vơi
Mà xót thương thân dạ rối bời
Mỗi lúc hồn quê dâng ngọn bút
Là khi nợ nước dậy thơ đời
Đường xưa lắm kẻ còn chưa thức
Lối cũ bao người vẫn mãi chơi
Tâm sự gởi về miền cố quận
Cảm hoài nhân thế nhắn đôi lời

songquang
20200522
***
Các Bài Họa:

Nỗi Lòng Trai Viễn Xứ

Lưng còn tiếc chiếu, mộng bời bời
Huynh đệ chi binh họp đáo chơi
Tang tảng Thái dương nồng nhóm lửa
Tinh sương chiền chiện ngọt đua lời
Hương trà khai cảm hoài năm tháng
Thời khắc giao hoan đãi cuộc đời
Đã đủ vàng son cùng bỉ lụy…
Sao lòng khắc khoải mãi khôn vơi…

Sao lòng khắc khoải mãi khôn vơi…
Chuyện cũ năm canh đảo lộn bời
Mệnh nước nổi trôi hàng thế kỷ
Thân trai lửa đạn nửa dòng đời
Đã đành thuở ấy thua cờ thế
Chẳng biết bao giờ giã cuộc chơi
Mỗi độ ngắm trăng hồn nấc nghẹn
Nấu nung tâm sự lặng câm lời…


Cao Bồi Già
***
Mong Ngày Tàn Covid

Lòng cứ ưu tư, ruột rối bời
Buồn không được thỏa sức rong chơi
Đang khi covid chưa dừng bước
Giữa lúc người thân vẫn kiệm lời

Mỏi mệt thời gian sau cánh cửa
Âu lo ngày tháng cách dòng đời
Cuồng chân muốn được ra trời rộng
Không khí hít đầy căng phổi vơi

Không khí hít đầy căng phổi vơi
Mặc tình bay nhẩy tóc tung bời
Mở to đôi mắt nhìn thiên hạ
Trải rộng con tim đón cuộc đời
Cảm giác tự do đầy thoải mái
Tâm hồn hạnh phúc trọn vui chơi
Mong sao đến được mau ngày ấy
Ca hát liên miên đến cạn lời.

Sông Thu
***
Sống Hay Tồn Tại?

Giản đơn cơm áo cũng bời bời
Gạo chợ nước sông,chẳng phải chơi
Ngậm khổ,cam đành,tai điếc đặc
Hàm oan,nhẫn chịu,miệng im lời
Quyền tiền hợp lại xoay trời đất
Luật lệ bày ra ngự trị đời
Lủi thủi như cừu ngoan số phận
Dân nghèo trôi nổi kiếp chơi vơi

Dân nghèo trôi nổi kiếp chơi vơi
Hạnh phúc nào trong những nát bời
Tiếng nhạc u trầm quanh vực thẳm
Câu thơ ẩn ức giữa ao đời
Đói cơm nhiều trẻ xa trường học
Ấm cật lắm già nhập cuộc chơi
Mạnh được yếu thua,tôn chỉ sống
Buôn quan một vốn được muôn lời…

Lý Đức Quỳnh
***
Ưu Sầu Một Gánh!

(Họa 4 vần)

Bạn cũ ngày qua tiếp tục mời
Lẹ làng xin phép sẽ về chơi
Ba tuần trở lại êm đềm khúc
Tám buổi đoàn viên ngọt lịm lời
Mặc chúng dèm pha đừng để dạ
Dù ai chế nhạo mải yêu đời
Đêm tàn thao thức hằng suy nghĩ
Một gánh ưu sầu nỗi khó vơi!

Một gánh ưu sầu nỗi khó vơi!
Khổ đau, phiền lụy bủa vây đời
Trẻ giành nước phở nhìn cay mắt
Người ngủ bờ sông xót nghẹn lời
Biển giận la rầy nên gắng giữ
Trăng cười khuyên bảo nhớ ngừng chơi
Cà phê mỗi tháng nào sai hẹn
Non nước buồn thiu chả được mời!

Như Thu
***
Nỗi Buồn Mùa Covid19

Bó gối ngồi đây ruột rối bời
Tình hình đại dịch khó vui chơi
Bà con giã biệt buồn cay mắt
Bạn hữu ra đi nghẹn đắng lời
Cõi thế đìu hiu tình đoạn phận
Trần gian khắc khoải mộng xa đời
Hương lòng tưởng nhớ cầu siêu thoát
Ảo não cơn sầu ngập chẳng vơi

Ảo não cơn sầu ngập chẳng vơi
Trầm ngâm ký ức cuộn dâng bời
Còn đâu những lúc trao quan điểm
Đã hết từng khi kể chuyện đời
Chén Nguyệt giao hoà người giỡn hát
Ly trà giải trí kẻ đùa chơi
Vô thường thảm cảnh mùa Covid
Lắng nỗi niềm thương khó diễn lời

Minh Thuý
***
Nhớ Nhung

Nhớ nhung ai đó đến bời bời
Bao tháng ngày qua chẳng rỗi chơi
Mong mảnh thơ tình chia sẻ ý
Ước trang thi tứ góp thêm lời
Thả hồn mơ mộng bay cùng gió
Đón nắng tinh khôi dưỡng nối đời
Khúc ngoặt thời gian bao lạ lẫm
Ngẫm mình phận mọn mãi chơi vơi

Ngẫm mình phận mọn mãi chơi vơi
Nên cõi lòng luôn thấy rã bời
Nguyện khấn trời cao thay phận số
Cầu xin mưa móc xoá vân đời
Đêm trăng sáng tiếng đàn trầm bổng
Khúc dạ cầm du khách dạo chơi
Thầm nghĩ đến ai nơi viễn xứ
Gửi cho mây gió biết bao lời

Phượng Hồng
***
Nỗi Niềm

Tâm sự ngổn ngang dạ rối bời
Bồi hồi chuyện cũ mãi không vơi
Tình xanh thơ thới say sưa mộng
Điệp khúc đau thương ấp úng lời.
Đất khách người đi sầu vận nước
Quê hương kẻ ở hận dòng đời.
Đêm buồn vò võ hiên tây ngắm
Trong đáy ly hồng bóng nguyệt chơi.

Trong đáy ly hồng bóng nguyệt chơi
Đêm nay tâm sự cứ bời bời
Rượu sầu uống mãi sầu không dứt
Lửa hận dập hoài hận chẳng vơi.
Vun vút thời gian phai mái tóc
Buồn vương đất khách lạnh nguồn đời.
Mây Tần dừng lại cho ta nhắn
Vườn cũ tình quê gởi mấy lời!

MaiLoc
5-24-2020
***
Nỗi Buồn Thời Corona

Thân tặng chị Thanh Hoà

Mưa giống lòng ta cũng rối bời
Còn đâu ngày tháng thuở vui chơi
Nhìn con cuối phố càng rơi lệ
Ngó cháu ngoài song mãi nghẹn lời
Mấy vạn người già vừa tạ thế?
Bao trăm bạn trẻ mới xa đời?
Ôi con virus sao tàn ác
Nỗi sợ âm thầm chẳng thể vơi!

Nỗi sợ âm thầm chẳng thể vơi!
Mưa tuôn cảnh vật cũng tơi bời
Chén trà thiếu bạn không buồn uống
Game chữ vắng người chẳng muốn chơi
Vườn cỏ hoang tàn, xơ xác ngõ
Dung nhan tiều tụy, đắng cay lời
Cầu mong trở lại thời xưa đó
Cho mắt, môi xinh đẹp cuộc đời!

Thy Lệ Trang
***
Tuần Trà Mưa Sớm

Gió thổi hàng cây lá rối bời,
Sáng nay mưa nhỏ hết rong chơi.
Ngồi nhà độc ẩm buồn im tiếng,
Tựa cửa thầm mơ ngại mở lời.
Vị đắng trà khô thương sót phận,
Hương thơm hoa ướp thấy yêu đời.
Tâm tư theo khói dần tan loãng,
Trời tạnh , nắng lên ly cạn vơi.

Trời tạnh nắng lên ly cạn vơi,
Sớm nay dông nhẹ cảnh tơi bời.
Long lanh giọt nước trên cành lá,
Sạch sẽ lùm cây hết bụi đời.
Lối ngõ ồn ào người dạo bước,
Công viên lác đác khách dong chơi.
Phũ phàng mưa gió làm rơi rụng,
Thương những cánh hoa đến nghẹn lời.

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc.
***
Pha Trà Đợi Khách


Sáng sớm tâm tư thoáng rối bời
Người xưa hẹn đến để thăm chơi
Trà thơm pha sẵn chờ tương ngộ
Thơ đẹp coi thêm kẻo lỡ lời

Chắc hẳn bạn vàng chưa chán cảnh
Hay là xuân vãn hết yêu đời
Ồ không, hôm ấy bao hò hẹn
Rằng sẽ hàn huyên chuyện khó vơi

Song lẽ nào quên dẫu nói vơi
Theo nhau dai dẳng rối tơi bời
Bốn lăm năm vẫn chờ mong khách
Một sáng mưa tràn đợi khổ đời
Người biết ta đang nơi tị nạn
Ai thương kẻ nhớ chuyện rong chơi
Thì thôi cứ tới, xin mời nhé
Ngần ngại gì khi đã cạn lời ...

Hawthorne 24 - 5 - 2020
Cao Mỵ Nhân
***
Xử Thế

Càng nghĩ càng thêm trí rối bời
Đường trần sao lắm kẻ rong chơi
Sân si hung hãn lòng ganh tiếng
Ái ố khoe khoan dạ miệt lời
Kiếm bạn tri âm nan dưới thế
Tìm người tri kỷ khó trong đời
Tiền nhân giáo huấn bày hơn thiệt
Cư xử cho tròn chớ để vơi...

Cư xử cho tròn chớ để vơi...
Cho thân tự tại sống trên đời
Trui rèn đức hạnh nơi gian khổ
Học hỏi tinh khôn chốn nhộn chơi
Hào kiệt một thời vang giọng tiếng
Hiền nhân muôn thuở vọng thanh lời
Hương trà mỗi sáng màu thanh khiết
Cuộn chỉ se luôn ắt nát bời...

Người Sông Cửu
***
Trà Đắng

Covid gây bao việc rối bời
Tiếp nay mưa nữa hết đi chơi
Dân ta tháo ách-bằng muôn cách
Nhà nước kìn chân-với đủ lời
Để giữ an toàn chung lối xóm
Và mong làm xoa dịu giữa tinh đời
Nhưng không hiệu quả đâu ai chịu
Xác mỗi chồng thêm đâu có vơi…

Xác mỗi chồng thêm đâu có vơi
Lời than tiếng khóc-ruột như bời
Tách trà uống nguội thương nhân thế
Giọt đắng tăng cao xót cảnh đời
Nhìn cảnh sao đành gom tụ nhậu
Nghĩ tình không thể hả hê chơi
Xin vui cảm họa cùng huynh tỷ
Thực sự phần chung khó diễn lời.

Thái Huy 
5/24/20
***
Viết Trên Giường Bệnh

Trời xui tật bệnh...đọa bời bời
Thấu cảm nhân tình buổi "vãn" chơi
Con đến chăm nom yên tấc dạ
Bạn qua thăm hỏi ấm từng lời !
Nụ cười đón khách đằm nhân ngãi
Ánh mắt trao nhau thấm lẻ đời
Mọi vật ngoài thân vô niệm thức
Khôn màng thế sự...xót...nguôi vơi ?!

Khôn màng thế sự...xót...nguôi vơi
Quán chiếu thanh tâm bớt nhiễu bời
Khơi mạch thơ chân gìn nghĩa sống
Mượn con chữ mộc gói trang đời
Tiểu Tiên thú hứng mừng tri ngộ
Trà đạo thân tình tiếp khách chơi !
Bạo bệnh nhiều khi chê thuốc thánh...
Gượng tay... ọc ạch... tỏ thay lời.

4-6-2020
Nguyễn Huy Khôi

Phượng Xưa


Trưa vàng, cỏ biếc, trời xanh,
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.
(Trần Dạ Từ)

“Kính thưa quý khách, chúng ta sắp sửa đáp xuống phi trường Tambo. Thành phố Johannesburg chào đón quí khách với nhiệt độ 20 độ C…” 
Tôi choàng tỉnh, sau hơn mười tiếng đồng hồ mệt mỏi của chuyến bay xuyên lục địa. Phi cơ một lèo xuôi nam, từ Munich xuống Johannesburg, cùng kinh tuyến, bởi vậy, không chênh lệch giờ. Cất cánh tối Chủ Nhật, sáng Thứ Hai có mặt, đúng giờ cho họp hành, hội nghị. Nếu bay về hướng đông, tôi đã gần tới Bangkok, có thể cảm nhận được chút hơi hướm quê nhà Á Châu yêu dấu. 

Nơi đây, Johannesburg của nước Nam Phi, là hai thế giới trong một thành phố. Công ty tôi có quy định rất nghiêm ngặt về chuyện đi lại trong quốc gia này. Để bảo đảm vấn đề an ninh cho nhân viên, văn phòng luôn sắp xếp người đón đưa chu đáo. Tôi đảo mắt nhìn quanh, bắt gặp một người đưa cao tờ giấy có những mẫu tự ngoằn ngoèo, trông giống tên tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thấy tôi đến gần, người đàn ông nhoẻn miệng cười. Màu da đen sẫm làm răng anh ta như trắng hơn. Tôi liên tưởng đến quảng cáo kem đánh răng Hynos ở Việt Nam, cách đây mấy thập niên. Sau khi nhận mặt người quen, anh ta lịch sự thăm hỏi thường tình, nhanh nhẹn kéo phụ va-li cho tôi.

-Hi, Miss Thi. How are you? How was your flight? Chào Cô Thi. Chuyến bay của cô thoải mái chứ? 
Tôi mỉm cười:
-Cám ơn anh. Cũng tạm. 

Đó là chuyến bay đêm, a night flight. Các đồng nghiệp gọi đùa là nightmare flight. Anh ta tự giới thiệu: 
-Tôi là Moffat. Tôi sẽ đưa cô về Radisson Blu. Cô lo thủ tục nhận phòng. Tôi sẽ trở lại một tiếng đồng hồ sau đó, đón cô đến văn phòng. 

Tự nhiên trong đầu tôi chuyển tên Moffat thành Mô-Phật. Mô-Phật có khuôn mặt tròn tròn, hiền hậu, đôi chút dáng dấp của các chú tiểu. Nhưng nước da nặng màu bánh gai hơn màu bánh mật. Tôi luôn cố gắng sáng tác mẹo vặt “bồi dưỡng” trí nhớ ngắn hạn của mình. Phải làm như vậy, để nhớ tên, nhớ số, nhớ những chi tiết lặt vặt, mình không có cơ hội ghi chép. Lầm lẫn, hoặc quên có thể gây ra tình huống vụng về, khó xử.
Vừa trải qua những ngày đông đến sớm ở Munich, đôi ngày có mưa tuyết ướt lạnh, buổi sáng sương muối rét cóng, tôi thấy lòng mình rộn lên niềm vui, giữa bình minh, trong nắng sớm nhẹ nhàng của thành phố Johannesburg. 

Tôi lịch sự hỏi thăm về những chuẩn bị của Nam Phi cho mùa giải túc cầu thế giới năm 2010. Mô-Phật như trúng đài, kể huyên thuyên, chỉ trỏ khắp nơi: 
-Cô xem này, đây là đường xe điện ngầm, dẫn ra phi trường, dự định sẽ xong đầu năm tới. Cô có thấy bên kia không? Một cái cầu được xây song song, mới giải quyết thỏa đáng lượng xe cộ đông đảo.
Tôi dạ nhịp:
-Yes, yes, I see.
Tôi khơi thêm đôi ba câu hỏi để đáp lại tấm thịnh tình của Mô-Phật. Bỗng nhiên, mắt tôi như reo lên mừng rỡ, khi thấy những tàng hoa màu tím, như ngợp trời, điểm ít lá xanh, thật đẹp. Tôi vội đổi đề tài: 
-Moffat, mấy cây hoa màu tím là hoa gì xinh quá vậy? 
Mô-Phật vui vẻ: 
-Jacaranda đó cô ạ. Hoa mùa hè đấy. 


Tôi liên tưởng đến phượng hồng, hoa học trò của Việt Nam. Tai tôi nghe lan man những lời cắt nghĩa của Mô-Phật. Nhưng trí tôi lại bâng khuâng, lãng đãng đâu đâu với những câu hát… những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu… Phải rồi! Hoa mùa hè là phượng. Hoa học trò màu tím là phượng tím. Tại sao không! Sau này, tôi mới vỡ lẽ ra rằng mình quá lạc hậu. Biết bao nhiêu người xuýt xoa gọi Jacaranda là phượng tím tự hồi nảo, hồi nao. Chứ tôi nào phải người đặt tên cho Jacaranda đâu. Xe chạy gần những hàng cây, tôi kịp thấy những lá lăn tăn giống lá hoa phượng. Qua nhiều ngõ phố, những hàng phượng tím hai bên đường như chụm đầu tình tự với nhau. Trời ơi, giá mà bây giờ có thể níu cành, ngắt vài cánh hoa, chiếc lá, thích thú mê tơi. Tôi mằn mò quanh quẩn hỏi thăm Mô-Phật, muốn được xuống xe, chụp một tấm hình đứng cạnh phượng tím. Mô-Phật lắc đầu quầy quậy: 
-Không được đâu cô ơi. Cô nhìn thấy không? Sát sau hàng cây là những hàng rào, có ghi rõ công ty bảo vệ an ninh. Nếu cô lại gần, họ sẽ nổ súng. Hậu quả ra sao, ráng chịu. 
Thấy tôi thất vọng, Mô-Phật an ủi: 
-Hôm nào làm việc xong ở đây, cô thu xếp đi chơi Pretoria một chuyến. Ở đó cơ man là Jacaranda. Thể nào cô cũng toại nguyện. 
-Ừ, đành vậy. Chắc chắn tôi sẽ tìm dịp đi Pretoria.

Pretoria là thủ đô hành chánh của nước Cộng Hòa Nam Phi. Pretoria nổi tiếng với những hàng cây Jacaranda, rộ nở từ tháng mười. Mùa hoa, thành phố như như khoác chiếc màu xanh tím, yêu kiều, diễm lệ. Bởi thế, Pretoria còn được gọi là Jakarandastad, thành phố Phượng Tím. Mùa Jacaranda trùng vào mùa thi vào đại học. Cho nên, ở đó, thí sinh truyền miệng nhau rằng, nếu ai được hoa Jacaranda rơi trúng đầu, có quyền nghêu ngao rằng... Hôm nay ngày thi, bao nhiêu người đi. Xe! rộn rịp. Lớp! tràn người, niềm vui vấn vương... đây bao tiếng cười đắc ý khoe rằng, “Phen này ta trượt thì ai đậu cho” ...

Buổi chiều ở phòng họp, sau khi trình bày cho đồng nghiệp những phương án quản lý tín dụng, lúc tôi đề nghị nghỉ giải lao, là lúc điện thoại di động của tôi reo. Đám bạn đồng nghiệp đùa, ai đó đã sắp xếp giờ giấc rồi. 
-Thi đó hả? Nguyên đây, Nguyên Việt Nam, Nguyên Quảng Ngãi đây. 
Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Nghĩ thầm, trời đất, ở đâu Nguyên có số điện thoại của tôi. Tôi vui, nhưng không nén nổi tò mò: 
-Biết rồi, nhớ ra rồi, khỏi phải kê khai lý lịch. Làm sao Nguyên có số điện thoại của Thi vậy?
Tiếng Nguyên cười thích thú: 
-“Théc méc” làm chi. Thi có rảnh để nói chuyện không? 
Tôi vội giải thích: 
-Không rảnh. Thi đang đi làm ở Nam Phi. Nhưng nói chuyện vẫn được. 
Nguyên hối hả: 
-Đang ngồi chung với đám bạn bè cũ. Tụi nó chọc ghẹo Nguyên, thách Nguyên có dám gọi cho Thi hay không. 

Xem ra cuộc điện đàm còn nhiều điều hấp dẫn, tôi đưa tay ra dấu với đồng nghiệp xin thêm vài phút. 
Nguyên huyên thuyên: 
-Nhiều bài hát Nguyên thích lắm Thi ạ: Đường Xưa, Phượng Hồng… Bây giờ Thi cho phép Nguyên hát vài câu tâm đắc thôi nghen. 
Ủa, sao mà trùng hợp dữ vầy ha. Mới sáng nay, khi say mê ngắm những hàng phượng tím của Johannesburg, trí tôi đã reo lên, nhớ đến những câu: 

Cánh phượng hồng ngẩn ngơ
Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây 
Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu,
Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ...

Nguyên ê a: 
-Ai về sau dãy núi Kim Bôi, nhắn giùm tim tôi chưa phai nhoà... 
Tôi phì cười, cắt ngang:
-Ủa, Nguyên định giới thiệu cho trung tâm ca nhạc mời Thi đóng vai sơn nữ hả? 
Giọng Nguyên bỗng nghiêm chỉnh, đổi cách xưng hô: 
-Mình không biết tại sao. Mình rất thích bài hát này. Mỗi khi nghe những lời ca này, mình lại nghĩ đến bạn... Mà thôi, chắc Thi đến giờ phải làm việc há? Cho mình hát một câu nữa nghe, “Hỡi người xa xăm đó, biết nhau thì xa nhau…”

Tôi vẫn giữ tiếng cười. Nói với Nguyên, cho tôi gởi lời thăm bạn bè, chúc tất cả vui vẻ. Tôi nhủ thầm, hên quá, mình chưa xài điện thoại có hình. Không thôi, chắc Nguyên sẽ thấy tôi bổi hổi, bồi hồi. 
Trở về phòng họp, trí tôi lan man, không tập trung được. Cũng may, tôi đã “nhuyễn như cháo” mấy đề tài tôi trình bày, nên không lạng quạng. Sau màn thảo luận, hỏi đáp như thường lệ, tôi thở phào nhẹ nhõm, khi mọi người bảo không còn thắc mắc gì nữa. 
-Vậy chúng ta kết thúc buổi hội thảo hôm nay nhé.
Yogi rủ rê: 
-Thi đi ăn tối với tụi mình chứ? 
Tôi thoái thác: 
-Cám ơn Yogi. Hôm nay mình hơi mệt. Để tối mai nha. 


Tôi chỉ muốn ăn qua loa, dành thì giờ nghỉ ngơi và cho đầu óc rong chơi. Từ vuông cửa sổ phòng khách sạn, tôi nhìn mông lung xuống thành phố bên dưới. Trong nắng chiều tà, những tàng phượng tím đẹp quyến rũ lạ lùng. Cuộc sống đôi khi có những tình cờ kỳ diệu. Bao lần đến Johannesburg, mảnh đất ở phương nam châu Phi vẫn tạo nhiều ấn tượng trong tôi. Nhưng mãi lần này, tôi mới thấy những hàng phượng tím. Những cây Jacaranda bao năm khoe sắc ở thành phố này, chứ đâu phải mới rộ nở cho tôi ngắm lần này đâu! Thật lạ, thấy phượng tím, bỗng dưng tôi lại nhớ mấy câu hát trong bài Phượng Hồng, một bài hát dường như hơi thời thượng đối với tôi. Bài hát ra đời khi tôi đã sống xa Việt Nam. Lẽ thường, với tâm hồn “cổ” của tôi, thấy phượng, tôi tất nghĩ đến Yêu người! Yêu Phượng! Yêu hoa đầu mùa, yêu mầu rực rỡ, yêu em mù loà... Vậy rồi, vài tiếng đồng hồ sau, nhận điện thoại của Nguyên, của người bạn ấu thơ, nghe nhắc đến bài hát Phượng Hồng. Cảm giác mang mang, bâng khuâng, khó tả trong hồn. Hoàng hôn ở thành phố Johannesburg của Nam Phi, lục địa xa lắc quê nhà, tôi đang chầm chậm những bước lần qua lối xưa, tìm về ký ức của mấy chục năm trước. 

Thời mẫu giáo ở trường thầy Thống, tôi đã là học sinh chăm chỉ, khi bập bẹ đánh vần. Những năm tiểu học, tôi đều đặn hãnh diện mang những bảng danh dự đủ màu đem về nhà trình Ba Mạ. Xong lớp Năm, đám học trò tiểu học thi vào trung học. Ba Mạ cho tôi theo học luyện thi Đệ Thất ở trường thầy Khiêm. Thời ấy, đa số các học sinh lớp Năm ở Nữ Tiểu Học, Nam Tiểu Học đều “vâng lệnh song thân” đi dùi mài kinh sử ở các trung tâm luyện thi của thị xã Quảng Ngãi. Khi vào trường thầy Khiêm, con gái học chung với con trai. Nguyên là một trong những khuôn mặt nổi bật trong đám nam sinh trường thầy Khiêm. Nguyên nổi, nhờ học rất giỏi, mà phá phách cũng kinh khủng. Mấy gốc mận, gốc ổi, oằn thân vì những trò leo trèo của đám con trai. Chúng truy những trái mận chua, ổi chát. Đã đời, chúng săn đâu đó vài con sâu, cho ngo ngoe dọa, tụi con gái sợ hãi, mặt mày xanh lét. Nguyên có khi “thò què, thọt quẹt” lấy dây thun, quấn giấy tròn, bắn tụi tôi. May, các thầy giáo cấm tiệt không cho đem ná gỗ vào trường. Chớ không, những màn ẩu đả với món vũ khí này chắc hẳn khốc liệt lắm. Từ nhỏ, tôi có “tật” thích mình học giỏi và nể người học giỏi. Bởi vậy, tôi để ý đến Nguyên, luôn muốn làm sao giỏi cho bằng. Nguyên chọc phá, tôi quạu. Nhưng Nguyên học giỏi quá, làm tôi “nực” hơn. Cứ như vậy, thuở đó, hai đứa tôi “trộm nhìn nhau” ra vẻ... tình thù rực nắng. Hình như toàn bộ học sinh luyện thi ở trường thầy Khiêm đều đậu vào hai trường trung học công lập, nam sinh vào Trần Quốc Tuấn, nữ sinh vào Nữ Trung Học. Từ đó, chúng tôi... đường đời hai lối. Tôi hết xụ mặt vì bị địch thủ bắn dây thun. Tôi thôi ấm ức vì đối thủ nhanh tay hơn, tìm ra đáp số của bài toán đố hóc búa “vừa gà, vừa chó, bó lại cho tròn, đếm đủ 100 chân” hoặc phép tính động tử cùng chiều, nghịch chiều...Tôi hân hoan vào trường Nữ Trung Học, yêu kính thầy cô, mến thân bè bạn ở ngôi trường con gái gần bốn năm. 

Sau biến cố 1975, trường Nữ Trung Học dành cho học sinh trung học đệ nhất cấp, tên gọi trong chế độ mới là trường cấp II. Học trò trung học đệ nhị cấp, tức cấp III, chuyển sang trường Trần Quốc Tuấn, nam nữ học chung. Niên khóa 1975-1976, tôi vào lớp 10B, trường Trần Quốc Tuấn. Học môn chính là Văn và Anh Văn. Tôi gặp lại Nguyên, học lớp 10C, ban Toán Lý. Học khác lớp, khác ban, tôi chẳng ngó ngàng đến “cố nhân”, để “kình” nhau chuyện học hành như thuở học luyện thi. Vả lại, sau biến động 1975, cuộc sống êm đềm của gia đình tôi trải qua nhiều bất trắc. Đang là một học trò chỉ một đam mê học hành, tôi có nhiều trăn trở, âu lo khác. Tôi đâm ra thờ ơ sách vở. Ba tôi đang đâu đó nơi trại cải tạo. Nhà sách của Mạ tôi đã “cống nộp”. Giờ chỉ còn quán cà phê là phương tiện sinh sống của cả gia đình. Nhà không còn người giúp việc, tôi phải đảm trách việc “chạy bàn”. Quán cà phê của nhà tôi rất đông khách, rất nhiều nam sinh Trần Quốc Tuấn. Lúc đó, tôi chỉ là con bé 15, 16 tuổi, cái tuổi với những tự ái vặt, kỳ quái. Tôi không ngại cực thân, nhưng hơi tủi phận. Vì mình phải bưng bê phục vụ cho đám bạn, mà lúc gặp trên trường, mình nghinh nghinh, làm mặt lạ. Nguyên thỉnh thoảng đến quán cà phê cùng các bạn khác. Tôi tảng lờ, như chưa gặp những trang công tử này bao giờ. Mặt mày nhăn nhó, khó thương. Có lần, một tên trong đám “cá độ”:
-Đứa nào chọc cho cô hàng cà phê cười, tao đãi một chầu. 
Tôi mặc kệ, lạnh lùng dằn mấy tách cà phê xuống bàn. Tên khác lên giọng: 
-Thi hổng nói, hổng cười. Ờ, mà sao hông cười một nụ để bán cho được hàng. 
Tôi nín cười không được, vội tuôn ra sau nhà, bật cười rích rích. Rồi lại khoác bộ mặt lựu đạn ra đối đầu với khách hàng.

Hết năm lớp 10, nhà tôi bị tịch thu. Lý lịch đen ngòm. Mấy chị em tôi phải “di dân” vô Sài Gòn để có cơ hội cắp sách đến trường. Từ đó, hình ảnh Nguyên bị dồn chung với những kỷ niệm thời học luyện thi, mờ nhạt, dần trôi vào quên lãng. 
Cách đây nhiều năm, trong lần về Việt Nam cùng đại gia đình, tôi có vài “sự kiện lịch sử” đáng nhớ. Ngày nọ, tôi “ế độ”, bạn bè tôi lặn đâu mất tiêu. Nói theo giọng nam của đứa em họ: 
-Ủa, bữa nay chị hỏng có “mục”, có “nhọt” gì hết trơn dzẩy?
Chị tôi gạ, theo chị đến nhóm họp bạn của chị:
-Nghi học lớp chị nói, em hắn là bạn của mi! 
Tôi lơ đễnh: 
-Em ảnh tên gì vậy? 
-Ô, chị quên hỏi. Để chị gọi Nghi, rủ em hắn đến chơi luôn. 

Khi đến họp bạn, chị tôi dẫn tôi đến gặp anh Nghi. Tôi không hề nhớ chút gì về anh Nghi. Anh Nghi thân thiện: 
-Ngồi chơi đi em. Để anh gọi Nguyên, hối nó mau mau tới đây. 
Ồ, ồ, có phải Nguyên hồi tiểu học không hè, tôi nghĩ thầm. Anh Nghi điện thoại, nói nói, cười cười một hồi, rồi đưa điện thoại cho tôi: 
-Nguyên muốn gặp em nè. 
Tôi bỗng rụt rè: 
-Dạ, Thi đây. 
Một tràng cười khanh khách: 
-Trời đất, sao dạ thưa lễ phép quá vậy! Biết ai đây không? 
Nếu anh Nghi không nói là Nguyên, đành chịu, chớ biết sao nổi. Tôi làm ngon: 
-Biết chớ, biết chớ! 
Nguyên vội vàng: 
-Nguyên đang trên đường đến đó. Sẽ mang cho Thi một món quà đặc biệt. Chút nữa gặp nói chuyện nhiều nghe. 

Bạn bè chị tôi nói cười rân ran. Tôi ngồi hóng chuyện, ngọ nguậy nhìn ra cửa chờ Nguyên. Lát sau, thấy một “bác” với mái tóc muối tiêu, muối nhiều, tiêu ít, đang đi về phía bàn của tôi, tôi nhìn thoáng “bác”, rồi lại lóng ngóng dõi mắt tìm tìm Nguyên. Chợt nghe tiếng chào rất gần bên tai: 
-Thi hả? Về Việt Nam thấy vui không? 
Tôi ráng giấu nỗi ngạc nhiên, “ông bác” này là Nguyên đó sao. Tại Nguyên già sớm, hay tại tôi trẻ lâu. Ký ức tôi đang loay hoay tìm gạch nối giữa cậu bé láu lỉnh thuở xưa và ông bác tóc bạc bây giờ. Nguyên kéo ghế ngồi bên cạnh. Tôi đằng hắng, rồi hỏi một câu... lãng nhách: 
-Nguyên khỏe không? 
-Ừ, Thi thấy đó. Khỏe re như con bò kéo xe. Thi chắc vui triền miên. Thấy Thi cũng vậy, y như hồi xưa. 
Nếu bây giờ tôi khách sáo rằng, Nguyên cũng vậy, nghe chẳng thuận tai chút nào. Tôi giơn giỡn:
-Mấy chục năm qua rồi, mà Nguyên nói Thi giống như hồi xưa! Bộ, hồi đó Thi đã già sẵn rồi, nên giờ không già thêm sao? 
-Đó, đó, giống cái kiểu hỏi cắc cớ đó mà. 
Nguyên rút trong túi áo một bao thư đưa tôi:
-Món quà cho Thi đây. Nguyên giữ món quà này hơn 30 năm rồi đó nghen. 

Tôi hồi hộp quá chừng, cám ơn và xin phép khui quà. Trời ơi! Tấm hình chụp lớp học luyện thi vào trung học. Sau khi thi đậu, thầy Khiêm tổ chức cho các thí sinh đi du ngoạn ở Cấm Ông Nghè. Nguyên láu táu:
-Bao nhiêu năm bôn ba, có khi đầu đường xó chợ, Nguyên gởi tấm hình nhờ bà già cất chung với giấy tờ quan trọng. Cho nên tấm hình không bị thất lạc. Bao nhiêu năm, Nguyên cứ nghĩ, sẽ gặp lại Thi, để tặng Thi món quà này đó. 
Tấm hình này tôi đã mất ngay lần bị tịch thu nhà. Tôi mân mê tấm hình đen trắng, hơi có sắc vàng vì lâu năm. Dù hình cũ, nhưng sắc nét. Tôi có thể nhận ra các bạn bè trong hình. Đám học trò tiểu học mặc đồng phục đầm trắng, đứng ngay ngắn. Con gái hàng trước, con trai hàng sau. Thầy Khiêm và một thầy giáo khác đứng hai bên. Dễ thương quá trời. Tôi mừng rỡ: 
-Vui lắm đó Nguyên. Món quà rất, rất đặc biệt Nguyên à. Thi xin mượn đem ra tiệm chụp, rồi gởi lại Nguyên nghe. 
Nguyên cười nhẹ: 
-Không, đã nói là quà cho Thi mà. 
Tôi cảm động: 
-Vậy không biết nói chi hơn là cám ơn nhiều. 
Sau đó, tôi còn ở Việt Nam hai tuần lễ. Nguyên chẳng liên lạc với tôi. Chỉ nghe chị tôi kể: 
-À tình cờ hôm qua đi uống cà phê với Nghi, Nguyên có đi theo. Nó rù rì kể chuyện xưa cho chị nghe. Mà tụi bây học sau xa, chị có nhớ đứa nào là đứa nào đâu. 

Chúng tôi về lại Đức, Nguyên thỉnh thoảng gọi điện thoại tán gẫu với chị tôi. Qua những mẩu chuyện đó đây, tôi biết thêm chút chút về Nguyên. Nguyên lưu lạc vào Sài Gòn. Hòn ngọc viễn đông của cuối thập niên 70, rơi vào tận cùng của nghèo khổ, nhọc nhằn. Nguyên có bao nhiêu nghề không tên. Hùn vốn với ông anh họ bán giày dép, mũ nón, công an đuổi chạy mấy lần, không những mất mớ hàng, mà cả đôi dép mang trong chân cũng vuột luôn. Nguyên có thời kỳ xin được chân bỏ nước đá cho mấy quán cóc cà phê trước trường Cao Đẳng Sư Phạm. Lúc đó, Nguyên biết tôi đang học ở Đại Học Sư Phạm, nhưng không có ý tìm. Nguyên kể đùa với chị tôi, tại hồi đó em lam lũ quá, nghèo quá, nên ngại, không dám tìm con Thi. Chớ khá khá một chút, cũng đứng chờ nó đi học về, để cua nó. Đó là những điều Nguyên kể cho chị tôi nghe chuyện của những năm khốn khó. Chứ khi tôi gặp lại Nguyên, Nguyên trông đà có dáng dấp của “đại gia”. Đi đâu, tiền hô hậu ủng, đường đường chủ nhân ông, oai vệ lắm. Lần khác, chị tôi nghe Nguyên kể, có lần vượt biên, ghe con của Nguyên bị lọt lại, Nguyên phải nằm “khám” hết mấy tháng. Một trong những người đi chuyến đó, được nước Đức tiếp nhận trong chương trình nhân đạo. Nguyên nói đùa với chị tôi: 
-Phải chi em đi lọt, qua Đức, em gặp con Thi, em o nó được rồi. 
Chị tôi cười cười: 
-Em định tán cô nào, nhớ bỏ bớt chữ con trước tên, và đừng gọi là nó, mà gọi là cô ấy, gọi nàng... nghe cho êm tai. Với lại, con em chị, nhỏ đó “khíu chọ” ba vụ xưng hô lắm.
Nguyên cười khịt khịt: 
-Dạ, em biết chứ chị. Nhưng nghĩ tới con Thi, em chỉ nhớ tới con bé tóc bum bê nhỏ xí hồi học luyện thi à. Em nhớ tới đợt truyện của Duyên Anh, có con Thúy, thằng Vũ, thằng Khoa... Cho nên, chữ con dính như keo vô tên nó rồi. Lỡ con Thi kêu em là thằng Nguyên, em vẫn cứ thấy… tình tứ hà. 
Chị tôi đổi giọng: 
-Ừa, tùy ý chú mầy. Chị nói vậy cho vui, chớ chị hổng bàn ra, tán vô gì đâu nghen.

Phải chi, ngày xưa, thay vì giấu sách vở của tôi, Nguyên ép vài lá trứng cá trong tập tặng tôi. Phải chi, thay vì bắt con sâu dứ dứ cho tôi sợ điếng, Nguyên lấy lá dừa thắt cho tôi con châu chấu. Biết đâu, khi gặp lại, Nguyên không những tặng tôi tấm hình mấy chục học trò đứng lố nhố. Mà còn tặng thêm tấm hình, chỉ mỗi một cô bé mặc áo dài trắng, tóc ngang vai, ôm cặp đứng trước cổng trường Nữ Trung Học. Biết đâu, mặt sau tấm hình nghiêng nghiêng nét chữ nắn nót của tôi: 
Trưa vàng, cỏ biếc, trời xanh,

Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.

Tháng Bảy 2015
Hoàng Quân

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

Mùa Thu Hỡi!


Mùa Thu hỡi!
Lá có rơi xin thôi đừng vội vã
Cứ trên cành một mơ ước nhỏ nhoi










Thơ Và Ảnh: Kim Phượng
Vườn Thu Nhà Nàng


Đi Lệch Đường



Đêm hè chợt rét giữa khuya
Bỗng như cảm thấy giữa mùa lạnh căm
Bên hiên lá rớt âm thầm
Tưởng như ai đó về thăm xóm mình.

Đèn mờ vàng võ lung linh
Chập chờn hình bóng người tình cách xa
Mong sao chung một mái nhà
Hóa ra chung một lều hoa úa màu.

Bao lần mắt ướt nhìn nhau
Bao lần kề cận má dào, tay thô
Nhớ làm sao tuổi ngày thơ
Bây giờ xa thẳm bên bờ đại dương.

Hởi người còn nhớ yêu thương
Mà sao ngoảnh mặt cuối đường mà đi
Tiếc thay giữa tuổi xuân thì
Hai ta bỏ lỡ mà đi lệch đường…

Dương Hồng Thủy
29/05/2020

Giã Biệt Hạ Buồn



Mưa đi đâu mà hạ buồn ray rức
Phố quạnh hiu đâu tiếng nói người thương
Nắng lung linh soi chiếc bóng bên đường
Mối tình lỡ bỏ quên công viên lạnh 

Mùa thương nhớ, phượng hồng thay sắc tím
Tím đợi chờ,tím u uất chiều hoang
Vĩnh biệt mùa hè, ve sầu im tiếng
Người hỡi người mộng vỡ đã phai tàn!

Sài Gòn thuở, còn thương còn nhớ
Công viên chiều, hương gió thoảng lao xao
Chưa dám hôn, môi đã thắm ngọt ngào
Lời yêu ái mắt nhìn ai tha thiết 

Giờ đã khép trái sầu đôi mắt biếc
Phương trời anh, hoa tình trải hè sang
Thu qua chưa mà lá đã rơi vàng
Xác phượng đỏ, nắng gầy cơn mưa lệ 

Giã biệt từ đây, cơn mê tình ái
Cách xa nhau còn mấy nỗi u hoài
Vĩnh biệt hè, mối tình đầu anh nhé !
Nắng Sài Gòn, phượng xơ xác tàn phai 

Ngọc Quyên

Đóa Sen Trắng



Bài Xướng:

Đóa Sen Trắng 

Sen trắng lung linh sáng tuyệt vời,
Khách trần mơ mộng khắp muôn nơi.
Môi xòe đón nắng phơi trời rộng,
Cọng dẽo gìn thân hứng nguyệt ngời.
Đầm bẩn hương thơm không dính bẩn,
Gió hôi cánh mịn chẳng nhòa hôi.
Con người thiện tánh không hoen ố,
Tợ đóa hoa trinh khó lụy đời.

Hồ Nguyễn
(29-5-2020)
***
Các Bài Họa:

Hoa Sen Tinh Tấn

Hoa sen tinh tấn đẹp cao vời,
Đón Hạ sen bừng nở khắp nơi.
Quý phái sen hồng tươi rỡ rỡ,
Thanh cao sen bạch mượt ngời ngời.
Sen gần nước đục hương thơm ngát,
Sen cạnh bùn nhơ vị chẳng hôi.
Uy lẫm nâng đài sen Phật ngự,
Sen là gương sáng để cho đời.

Phương Hoa 
May 30th 2020
***

Quỳnh Và Trăng

Nguyệt-Hoa, duyên ấy thật cao vời,
Quỳnh đón trăng vàng tỏa đến nơi.
Cánh trắng rung rinh giờ hội ngộ,
Nhụy vàng run rẩy phút say ngời.
Gió đưa thoang thoảng mùi hương dịu,
Sương gột trong ngần khói bụi hôi.
Hò hẹn vài canh, tình đắm duối,
Đêm tàn...giã biệt mộng trong đời.


Sông Thu 
(30/05/2020 )
***
Đầm Sen

Đồng Tháp đầm sen đẹp tuyệt vời,
Lá xanh san sát khắp nơi nơi.
Lửng lờ cá đớp bong bóng nước,
Giữa cánh đồng mây rõ sáng ngời.
Sánh tựa khóm đào vườn bách thảo,
Quanh đây búp nụ chẳng tanh hôi.
Ghé ngang mới thấy mùi thanh tịnh,
Giây phút thiên nhiên ngoạn cảnh đời.


Trần Đông Thành
***

Hoa Sen

Hồ Sen nõn trắng cảnh xinh vời,
Thoáng đạt mây lờ lững khắp nơi.
Cánh mỏng khoe đài dương nhuỵ sáng,
Hương thanh nở búp dậy gươm ngời.
Nào nhơ dưới rễ bùn sình thối ,
Chẳng ố quanh đầm đất bẩn hôi.
Thánh thiện vươn mình dâng sức sống,
Loài hoa cúng Phật tạo gương đời.


Minh Thúy
(Tháng 5/30/2020)
***
Ngẫm Chuyện Đời

Lòng ôm mộng tưởng chốn xa vời,
Ý khởi mong cầu ruổi khắp nơi.
Hoa tự nhiên thơm hương mãi ngát,
Trăng nguyên thể sáng ánh luôn ngời.
Giàu sang vụng giữ thành nhơ nhớp,
Đói sạch hay gìn chẳng thối hôi.
Sen trắng sen hồng thanh khiết cả,
Do tâm vọng đọng bão giông đời.


Lý Đức Quỳnh
***

Sen Huệ Đôi Đường

Thôi nhé! Tình ta đã cách vời,
Đôi mình đành phải sống đôi nơi.
Mây trời hiu hắt càng u tối,
Sông nước lao đao hết rạng ngời.
Huệ thắm nắng mưa mà chẳng bẩn,
Sen dầm bùn đất vẫn không hôi.
Bụi trần rủ sạch đời ô trọc,
Duyên kiếp long đong mãi hận đời.

Toronto 1/6/2020
Nguyên Trần
***

Đóa Hoa Sen

Gương sen một đóa đỉnh cao vời,
Cánh mỏng Phật đài ở khắp nơi.
Thân thẳng vươn lên trời rạng rạng,
Bông xòe vượt trội đất ngời ngời.
Lá xanh, hoa nhụy vàng không bẩn,
Bùn nhảo, mùi hương ngát chẳng hôi.
Bửu Điện hào quang sen búp nở,
Đại Hùng trầm khói tỏa yêu đời!...

Mai Xuân Thanh 

(01/06/2020)
***

Đầm Sen Chùa Núi

Đầm sen chùa núi trải xa vời,
Cảnh đẹp nên thơ ngát khắp nơi.
Mườn mượt lá xanh trong nắng ấm,
Mơ màng bông trắng dưới trăng ngời.
Từ bùn nẩy nở mà tinh khiết,
Tự đục sinh sôi chẳng nhuốm hôi.
Phật ngự Liên Đài người kính bái,
Ướp trà gói cố đáp ơn đời.

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc 
(Jun.2/2020)
***
Sen

Quốc Hoa Sen xứng bậc cao vời
Hòa giữa muôn loài rộ khắp nơi...
Bông thắm nắng phơi màu quyến rũ
Lá xanh trăng tẩm sắc thanh ngời.
Mầm khơi gió sạch hương khôn vẩn
Rễ lọc bùn nồng nụ chẳng hôi
Mưa bão lặng thầm gìn tiết giá
Nguyên trinh đài các nhụy dâng đời!

03-6-2020
Nguyễn Huy Khôi
***
Dòng Hoa Sen Trắng

Thuyền đưa sen trắng khách du vời,
Kẻ đến người về tỏa mọi nơi.
Đưa dáng tinh khôi vào cõi tạm,
Lưu hồn thanh bạch dưới trăng ngời.
Giúp môi trường sống không ngừng sạch,
Để gió nam nồm tránh khỏi hôi.
Cánh vũm nhị vàng hương vạn thuở,
Liên tâm liên tử tặng cho đời.

Trần Như Tùng
***
Ngẫm Sen Và Người

Bàu sen đóa nở thật cao vời,
Dù ở trong sình ngát những nơi.
Nhị thắm khai nguồn hoa sáng tỏ,
Đài thơm thoát tục cảnh tươi ngời.
Hòa nơi đục nước tâm hoài sạch,
Ở chốn dơ bùn dạ chẳng hôi.
Thiết nghĩ nhân loài nhanh hoán cải...
Công minh chính trực tỏa duyên đời!

Đức Hạnh 
(03/06/2020)
***
Hoa Sen

Ao chùa bát ngát, nắng cao vời,
Hạ đến, Sen dường mọc khắp nơi.
Nhụy vượt đài non vàng rạng rỡ,
Bông vươn lá biếc trắng tinh ngời.
Hạt nằm trong búp đầy thanh vị,
Rễ bám dưới bùn chẳng xú hơi.
Tiêu biểu từ bi và trí dũng,
Liên Hoa tánh Phật rất thương đời.

Duy Anh 
(06-04-2020)