Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Phan Nguyệt Vân Tốt Nghiệp Khoá Đại Học Sư Phạm Ban Văn Chương Sài Gòn Đầu Tiên


Chị Phan Nguyệt Vân tốt nghiệp khoá ĐHSP ban Văn Chương Sài Gòn đầu tiên, 
Chị Nguyệt Vân ngồi hàng đầu, thứ ba từ bên trái. Hình như bức ảnh này chụp khóa ĐHSP Văn Chương khi ra trường. Khóa này có nhiều người nổi tiếng.

Chị Nguyệt Vân ngồi giữa, cạnh cô Giám Thị Hưng

Thanh Vân

Mưa Hồng

 

Nhìn mưa, trong giọt mưa rơi
Thấy người nămcũ bên trời xa xăm
Một mình một bóng âm thầm
Trải qua cuộc sống thăng trầm đảo điên
Vùi sâu tất cả ưu phiền
Tấm thân phiêu bạt khắp miền quê hương
Quanh năm vất vả trăm đường
Nữ nhi dãi nắng dầm sương khổ nhiều
Tóc mây sơ xác tiêu điều
Tuổi xuân giáng dấp yêu kiều còn đâu

Nhìn mưa, tâm trạng u sầu
Tiếc thương người lỡ chuyến tâu ngày xưa
Thời gian thấm thoắt thoi đưa
Biệt ly đã ngót bôn mươi năm dài
Mưa rơi, rơi mãi, rơi hoài
Cuốn trôi chiếc lá bên ngoài song thưa
Cuộc đời thân phận đẩy đưa
Ngàn trùng xa cách bên bờ đại dương
Kẻ đi người ở đôi đường
Ước mơ trở lại quê hương có ngày

Ngày mai đất nước đổi thay
Con Hồng cháu Lạc sẽ quay về nguồn
Gặp nhau nước mắt mưa tuôn
Cho vơi dĩ vãng nửa hồn thương đau
Nhưng Trời không đổ mưa Ngâu
Chỉ mưa lấm tấm sắc màu đẹp tươi
Mắt môi bừng nở nụ cười
Vòng tay đan kết mộng đời chờ mong
Nhìn mưa, ôi hạt mưa hồng!

ChinhNguyen/H.N.T. 
Thu 2013

Chữ Tình( Nguyễn Công Trứ) - Tâm Lòng(Lê Huy Trứ)


Chữ Tình

Mưỡu: 

Chữ tình là chữ chi chi, 
Dẩu chi chi cũng chi chi với tình. 
Sầu ai lấp cả vòm trời, 
Biết chăng chăng biết hỡi người tình chung? 

Nói: 

Đa tình là dở, Đã mắc vào đố gỡ cho ra! 
Khéo quấy người một cái tinh ma, 
Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy! 
Đã gọi người nằm thiên cổ dậy, 
Lại đưa hồn lúc ngũ canh đi.
 Nực cười thay lúc phân kỳ, 

Trông chẳng nói, xiết bao nhiêu biệt lệ. 
Tình huống ấy dẩu bút thần khôn vẽ, 
Càng tài tình càng ngốc, càng si. 
Cái tình là cái chi chi?

Nguyễn Công Trứ
***
Cảm Tác

Tâm Lòng

Mưỡu: 

Tâm lòng bản lai chi chi?
Dẩu chi chi cũng chi chi tâm lòng.
Bản Tâm che khuất mặt lòng,
Vô minh chẳng biết bởi lòng nhị tâm.

Nói:

Vọng tâm lòng khổ,
Tâm lọt lòng rồi khó thoát ra.
Khéo quấy lòng một cái tâm ma,
Trói lòng kẻ thiền tâm biết mấy!
Đánh thức tâm lòng nơi mộ dậy,
Lại chạnh lòng lúc ngủ tâm đi.

Cười lúc đau lòng khổ tâm
Tâm chẳng động, lòng không còn phân biệt.
Tâm lòng này chỉ trí tuệ ngộ thông,
Lòng tham ái, tâm càng sân si.
Tâm lòng diện mục chi chi?

Lê Huy Trứ


Nhớ Thu Xưa

 
 
Tháng chín hoa đô đã chớm thu
heo may lành lạnh gió vi vu
lá vàng hờ hững rơi vài chiếc
cảnh gợi niềm riêng khách lãng du

Mùa thu năm ấy lúc ra đi
nào biết từ đây mãi biệt ly
xa mặt cách lòng buồn não nuột
sao em đành vội bước vu quy

Ngày dài gặm nhấm buồn ly hương
không thể nào vơi nỗi vấn vương
từ ấy trong tôi thu đã chết
thu khơi nỗi nhớ, nhớ người thương

Thu này viễn xứ bước cô đơn
kỷ niệm trong mơ mãi chập chờn
dáng cũ hương xưa tâm vẫn tưởng
vóc mai mùi tóc nét em hờn

Thời gian thấm thoát mấy thu rồi
nước chảy bên cầu lặng lẽ trôi
người ở bên trời còn có nhớ
nơi này da diết nhớ khôn nguôi

nhất hùng

Nỗi Đau Của "Người Vô Tổ Quốc"


Dallas, một buổi chiều cuối tuần thật đẹp với mùa Thu tới...

Đến Cộng Đồng Người Việt Dallas để thưởng thức công trình không nhỏ và bao nhiêu thì giờ mồ hôi nước mắt của cô đạo diễn xinh đẹp đa tài Thanh Tâm-

Bản thân tôi không phải là thuyền nhân, nhưng cũng như bao nhiêu gia đình- vô số- cũng có người thân chịu đắng cay khổ nhục , những ngày chỉ có nước biển và trời rộng bao la..biết đi đâu, về đâu bây giờ..???
Bộ phim 105 phút không dài cũng không ngắn- đã được thực hiện trong hơn 2 năm trời, đoàn làm phim đi rất nhiều nơi, có lúc bị đuổi như đuổi tà ma... ôi bao đắng cay! nhìn vài phút con thuyền chòng chành trong bão tố,..thấy được tàu lớn tưởng như được phao cứu hộ, nhưng rồi họ lại bỏ đi- nhắm mắt tưởng tượng nếu mình ở trong trường hợp đó, đói khát, vô vọng...!!
Rồi bao nhiêu là thảm cảnh với hải tặc Thái Lan...
Rồi bao nhiêu khổ cực khi mới đến xứ người...
Có một cư dân người Canadian đã kể về nỗi đau tủi khi được nhận Huy hiệu "Vô Tổ Quốc" khi xin nhập quốc tịch Canada...
Đau xót đến tận đáy con tim..Tổ Quốc, Đất Mẹ của chúng ta là đâu? Nơi dung thân của Thuyền nhân là đâu đây?
Ôi, đau xót ...!
Và khi biết được thảm cảnh của nhiều trăm nghìn người đã vùi thây dưới lòng biển do điều kiện tồi tệ lúc lênh đênh, hoặc do lũ độc ác hải tặc, thì nỗi đau lên đến tận cùng...

Mời quý vị xem đề đau cũng thuyền nhân và gia đình... sống lại những giờ phút với họ...
Nghẹn ngào cùng với họ...
Tại sao? tại sao? Người Da Vàng chúng tôi lại chịu QUÁ nhiều Thương Đau?
Người Vô Tổ Quốc...!!!

Một lần nữa, cảm ơn đạo diễn Thanh Tâm, - một bạn trẻ - lòng nhiệt huyết, tình thương bao la đối với Đất Mẹ...
Bao nhiêu công sức mồ hôi nước mắt của cô ( cô phải cầm ngôi nhà gia đình cô đang sống để làm phim)...
Chính phủ Canada có tài trợ một phần kinh phí, nên trong phim nói về đất nước đầy tình người này...
Và ở phần cảm ơn cô có ghi lời cảm ơn tất cả những đất nước đã cưu mang gia đình Thuyền Nhân-

Mong sao các thế hệ hậu duệ sẽ đón xem bộ phim và hiểu được phần nào những thảm cảnh trong muôn vàn Thảm Cảnh của Miền Nam Việt Nam Dấu Yêu...
Chúc Thanh Tâm và gia đình thật nhiều Sức khỏe để tiếp tục thực hiện hoài bão của mình- kế hoạch cho bộ phim sắp tới, cho NƯỚC VIỆT-

Cảm ơn quý vị đã đọc bài viết thô thiển này

*** Co' phát hành DVDs về bộ phim, mời quý vị ủng hộ- Xin cảm ơn quý vị

Thái Lan

Tết Trung Thu Mid Autumn Festival 2024


Thân chào quý vị, chúng tôi có mặt rất sớm, trong ngày Tết Trung Thu của các em trường Kenmore Middle School, chương trình trình bắt đầu lúc 12:00 giờ trưa, mà chưa tới 11 giờ hội trường đã khá đông phụ huynh và các em. Trước khi tường trình những diễn vui nhộn của tuổi thơ, của những hậu duệ tương lai người Việt hải ngoại, chúng tôi xin báo cáo sơ khởi những tổ chức trẻ tham gia phục vụ người thật trẻ (trẻ em). Họ có mặt để làm những công việc gì cho các em. Xin nói rõ thêm những tổ chức trẻ này gồm dĩ nhiên là những người trẻ, học thức và có thực lực hẳn hoi, không như những hội đoàn hữu danh vô thực. Lần lượt chúng tôi sẽ xin trình bày rõ hơn, những công việc thiết thực của các em.

Năm nay là năm thứ 36 các em tổ chức Tết do: Hội Việt Kids. Make us More Visible. Trường Việt Ngữ Thăng Long. Vietnamese Uniformed Services Association (VUSA), Vietnamese American Celebrating Freedom (VACF), George Mason University Vietnamese Student Association (GMUVSA), National Organization of Vietnamese American Leadership (NOVAL), và các đoàn hướng đạo gồm những liên đoàn (LĐ): LĐ Gia Định, LĐ Potomac, LĐ Hùng Vương, LĐ Sài Gòn và LĐ Thăng Long.

Chưa tới 12:00 giờ trưa hội trường đã gần đầy, bên hông là những hàng quán của các anh em hướng đạo, đã bày biện đầy món ăn, từ xôi chè, nước uống, bánh trái, thức ăn trưa đầy đủ. Cho dù bên trong hội trường những gian hàng trò chơi, nơi chụp hình lưu niệm cho gia đình các em tham gia chợ tết, đặc biệt những gian hàng của những anh em quân nhân tại ngũ người Mỹ gốc Việt với đầy đủ tài liệu lôi cuốn các em, nhưng hội trường bỗng nhiên vắng lặng, vì là giờ trưa, phụ huynh và các em đổ xô ra ngoài hành lang để mua đồ ăn. Khu ăn uống ôi thôi là chộn rộn, toàn là trẻ em với nhau, người mua, người bán tíu ta tíu tít, nhiều em vừa ăn nhưng tay không rời lồng đèn để chơi. Toàn khu ăn uống vui nhộn đã vẽ lên một bức tranh thanh bình tuổi trẻ, hạnh phúc của những vợ chồng trẻ với con thơ. Hành lang hội trường thật tiện nghi, rộng rãi cho những gian hàng, đủ chỗ cho các em qua lại dành ăn vui đùa, một khu bàn ghế mênh mông cho phụ huynh và các em họp mặt gia đình ăn uống, nhà vệ sinh sạch sẽ. Đúng là tiện nghi của American. Thấy đấy mà mất đấy, chỉ trong thoáng chốc là các em lại ùn ùn chạy vô hội trường, chơi trò chơi, thi vẽ. Ban tổ chức bắt đầu phát lồng đèn, các em rước đèn chạy lung tung, thế là đám đông trở lại, hàng quán bên ngoài bỗng vắng hẳn đi và họ cũng đã bán đồ ăn gần hết rối.

Các đoàn hướng đạo thành lập những trò chơi, các em mặc đồng phục trông rất đẹp mắt, Việt Kids là tổ chức làm Tết Trung Thu hàng năm, dạy các em tiếng Việt từ lúc 2 tuổi, trau dồi văn hoá Việt cho các em để từ từ các em vẫn giữ lại gốc gác của mình là người Việt Nam. VACF là tổ chức lâu đời, thường tổ chức ngày diễn hành độc lập July 4 parade tại Washington DC và văn hoá Việt trong ngày Asia Fiesta là ngày chính phủ Mỹ cho những người Á Châu làm rất lớn tại Washington D.C.vào tháng 5 mỗi năm. Trường Việt Ngữ Thăng Long của các bạn trẻ hướng dẫn bởi anh Hoàng Vi Kha, hàng năm đã đào tạo rất nhiều các em học sinh viết và nói tiếng Việt. Tổ chức “Make Us Visible” là một tổ chức của những người trẻ đã can thiệp mạnh mẽ vào hệ thống trường công của Mỹ để dạy thêm về người Mỹ gốc Á (Asian American history in school).

Nhà Việt Nam là một tổ chức bất vụ lợi, đã đóng góp văn hoá Việt trong cộng đồng Việt tại Mỹ trong nhiều năm qua, một người rất sáng trong nhà Việt Nam là anh Hoàng Đức Long, anh Long đã được cô bác tín nhiệm bầu anh làm chủ tịch Cộng Đồng Washington D.C, Maryland và Virginia. Chúc mừng ông tân chủ tịch Hoàng Đức Long.

Những tổ chức VUSA, NOVAL, GMUVSA, đều có hoạt động hữu hiệu trong hội chợ, mục đích dạy dỗ các em và tìm những mầm non nhân tài, chúng tôi có nói chuyện với Trung Tá Nguyễn Phương US Army LTC thì được biết quân đội Mỹ đưa phái đoàn nhà binh Mỹ để hợp tác tạo niềm vui cho các em và tìm kiếm những trẻ em tài giỏi.


Lúc hai giờ chiều là cao điểm nhất, hội trường đã đông nghẹt các em và phụ huynh, có thể lên tới cả ngàn trẻ em và người lớn. Tiếng nhạc ồn ào đã nổi lên do anh Hùng DJ với dàn nhạc và một EmCee thật tài giỏi, anh Thịnh trẻ tuổi nói giọng miền Nam sành sỏi mạch lạc, nói tiếng Việt đâu ra đấy bắt đầu điều khiển chương trình. Toán chào kính của các em hướng đạo đã tiến lên sân khấu, một em hướng đạo đã điều khiển buổi lễ chào cờ Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà. Một điều làm tôi xúc động chảy nước mắt khi nghe bài quốc ca VNCH các em hát, đến câu kết với giọng trẻ thơ truyền cảm, các em đã hát lên… “Công dân ơi mau hiến thân dưới cờ, công dân ơi mau làm cho cõi bờ vẻ vang nòi giống xứng danh dòng giống lạc hồng.” Tương lai chúng ta là các em, xin mở rộng vòng tay giúp cho tuổi trẻ.

EmCee Thịnh bắt đầu trình diễn 5 thành viên trong ban tổ chức tết Thu năm 2024, năm thứ 36: Luật sư Mary Margaret, anh Long, anh Quảng (HB), Tínị Dinh Favila và luật sư Uyên Đinh. Ngay sau khi được giới thiệu Mary Margaret đã phát đi hàng trăm bao lì xì có $2.00 mỗi bao. trong đó, mục đích không phải cho các em mà để các em lì xì cho con lân khi nó đến gần.

Ban tổ chức, từ trái: Anh Long, Tínị Đinh Favila, LS Mary Margaret,đại diện Arlington County, LS Uyên Đinh, anh Quảng (HB).

Màn trình diễn đầu tiên vang động hội trường, cộng đồng Đại Hàn đã tham dự tết Trung Thu, một đoàn trống với gần hai mươi tay trống, đồng phục kiểu võ sĩ với dây vàng vắt chéo lên vai, uy dũng bước lên sân khấu, hai tay hai dùi trống đưa thẳng lên trời. Mở màn là 3 nghệ sĩ Đại Hàn, người đứng giữa có một sợi lụa dài lê thê trên đỉnh mũ, anh ta vận dụng cái cổ mà quay sợi lụa dài như một giải lụa quấn quanh, trong khi hai người nghệ sĩ hai bên đã dùng một cái cây sắt nhỏ cứng, quay tròn cái đĩa trên đó, thỉnh thoảng anh lại tung cao cái đĩa lên trời và nhanh chóng hứng lại cho nó tiếp tục quay tròn mà không rơi xuống đất. Thế rồi tiếng trống ào ào nổi lên đoàn người đánh trống thi thố tài năng; họ vừa đánh, vừa múa, tiếng trống vào nhịp, điệu múa đồng nhất tạo hội trường như mây bay, như gió cuốn. Chỉ trong ít phút trình diễn mà đoàn nghệ sĩ Đại Hàn đã chinh phục các em và phụ huynh. Khi tiếng trống vừa dứt thì tiếng vỗ tay thay thế vang động hội trường.


Ban tổ chức thật có tầm nhìn, không đóng khung Tết Trung Thu cho riêng các em Việt, mà họ mời những cộng đồng bạn tham gia, người ta cũng thấy rất nhiều sắc dân người da trắng, da màu, người Xì dắt con cái theo để vui chơi và học văn hoá VN.

Đoàn trống vừa cúi đầu chào tạm biệt thì đoàn lân của Liên Đoàn Hùng Vương xuất hiện, ba con lân thi nhau lăn lộn nhào múa, hội trường vừa vang động tiếng trống trường thành của đoàn võ sĩ Đại Hàn, nay được thay thế bằng tiếng phèn la inh ỏi. Không biết là bao nhiêu trẻ em với phong bao lì xì có tiền sẵn, các em nhào ra cho tiền vào miệng con lân, ba con lân, miệng to quá sức, các em đút tiền vào bao nhiêu là nó cũng nuốt hết. Đến lúc vãn tuồng múa lân thì các em mới bỏ cái đầu lân xuống ngả mũ chào, thì than ôi, các em trong Liên Đoàn Hùng Vương bé mà giỏi quá, các em chỉ trạc 11, 12 tuổi mà múa lân hay như người lớn.


Màn trình diễn kế tiếp thời trang áo dài, năm ngoái trong Tết Trung Thu năm thứ 35, ban tổ chức chỉ có ba em được giải thưởng, năm nay để khuyến khích các em mặc áo dài, ban tổ chức nói bất cứ em nào, mặc áo dài đều có phần thưởng, thế là cả trăm em có áo dài lên sân khấu, ban tổ chức đã dành vinh dự cho giáo sư Kim Oanh lên lì xì cho các em. Họ dạy các em lễ phép biết cúi đầu cảm ơn trước khi nhận phong bì lì xì của cô Kim Oanh; cũng nên nhắc lại tết Trung Thu năm ngoái 35 năm, các em đã mời trường Gia Long cùng đến vinh danh cho giáo sư kim Oanh vì cô có công dạy các em âm nhạc, lưu truyền văn hoá Việt ở xứ người. Dù không hiện diện trong buổi lễ, ban tổ chức đã đặc biệt cảm ơn cô giáo Mộng Hoa và cô Chử Nhất Anh, hai cô không hiện diện nhưng đã cho các em nhiều tiền để chơi tết Trung Thu. Cô Nhất Anh và cả gia đình Nhất, Nhị, Tam, Tứ Anh đã cùng thành lập hội giáo dục trẻ em, dậy tiếng Việt hơn 40 năm qua. Hôm nay các em trong ban tổ chức, cho dù thành đạt kỹ sư, bác sĩ, luật sư nhưng hầu hết các em đã là học trò tiếng Việt của cô Mộng Hoa và cô Nhất Anh, hay là học trò âm nhạc của giáo sư Kim Oanh. Cảm ơn quý cô đã giữ cho văn hoá Việt được sống nơi quê người.


Sau hết không thể không nói đến những ân nhân, bạn bè bằng hữu của chúng tôi, hàng năm đều cho tiền các em để tổ chức Tết Trung, lòng thương trẻ em và giữ lại văn hoá Việt cho các em đã thể hiện Tết Trung Thu cho 36 năm qua xin kể những số tiền các em phải chi dùng.

Tiền thuê trường học để có hội trường, thuê nhân viên của Arlington county trong những công việc, an ninh, hành chánh và vệ sinh.

Tiền mua lồng đèn, tiền mua bảo hiểm an toàn cho các em, tiền mua áo dài, tiền li xì cho đoàn lân, âm thanh, tiền mua đồ chơi làm giải thưởng.

Ban tổ chức bán vé cho các em $1.00/mười vé, mà nếu mua 55 vé chỉ có $5.00. Các em có thể dùng vé chơi các trò chơi vừa vui, giải trí và có phần thưởng. Thật vô cùng cảm ơn tấm lòng quảng đại của quỳ cô bác và quý anh chị, đã giúp cho các em. Xin bày tỏ lòng biết ơn và nói rằng Tết Trung Thu tùy thuộc vào tấm lòng của các bác trong Cộng Đồng Việt Nam, xin giữ cho truyền thống này được sống còn. Nguyên văn tiềng Mỹ:

“…So the bottom line is Tet Trung Thu relies on the generosity of Cac Bac in CDVN to keep this tradition alive!”

Đinh Hùng Cường
Tường trình tại Tết Trung Thu Arlington, Virginia

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

Cánh Nhạn Chiều Đông - Tác Giả : Hoàng Song Việt - Tiếng Hát Kim Phượng(Canada)


Tác Giả : Hoàng Song Việ
Tiếng Hát Kim Phượng(Canada)

 

Vầng Thơ Của Riêng Anh

 

Thơ anh là nỗi nhớ
Chuỗi ngày với mộng mơ
Lời yêu chưa bày tỏ
Mong tình đẹp như thơ

Thơ anh niềm trống vắng
Cho nắng phải hờn ghen
Chiều Thu vàng héo úa
Nên hoài nỗi nhớ em

Thơ anh cả nỗi niềm
Giữ mãi tình trong tim
Khi Đông về giá lạnh
Dấu chân lạc bước tìm

Thơ anh giòng dư lệ
Ép vào nỗi thương vay
Trái tim lòng Vương vấn
Nhưng người có nào hay

Thơ anh hoài xa vắng
Lời tình thơ mong manh
Cho vần thơ vơi cạn
Tình ta phút lỡ làng

Thơ anh giòng mực tím
Ghi lại tuổi học trò
Khi tình đầu tắt lịm t
Mang hoà nỗi vu vơ

Thơ mong là nắng ấm
Sưởi lòng lúc giá băng
Cho tình thêm sâu đậm
Tình thôi hết ngỡ ngàng

Thơ em giòng suối mát
Xoa dịu nỗi niềm đau
Lời thơ hòa điệu nhạc
Giòng đời mãi trôi mau

Nguyễn Vạn Thắng

Về Phố Gặp Mưa

 

Ta về phố Cổ gặp mưa
Mưa từ Khổng miếu mưa qua chùa Cầu
Mưa rơi nặng hạt trên đầu
Mây đen vần vũ nhuộm màu nhớ Thương
Cô đơn đếm bước trên đường
Nhìn người qua lại đi tìm - Hương xưa
Ngày xưa hai đứa đội mưa
Bây chừ mưa dội - Hương xưa đâu rồi??
Mưa rơi mưa mãi mưa hoài
Mưa nổi bong bóng phập phồng thuyền trôi
Trò chơi thuở bé xưa rồi
Ngày nay nhớ lại - Nhớ hoài Hương xưa


Hoàng Long
tháng 8/2912

Gió ơi! - Gió Thơ Thương Mộng

  

Gió Ơi...!

Sớm đông gió từ phương ai
Gõ vào khung cửa nhẹ lay giấc nồng
Say say cùng gió bềnh bồng
Tình gió dìu dặt khơi lòng xuyến xao

Sớm đông tiếng gió thì thào
Rót vào hương đượm lời trao ngọt ngào
Mơ mơ trời chớ sớm mau
Đắp chăn ký ức đẹp màu thời gian

Sớm đông gió đã ghé sang
Giá băng nắng hạ xua tan sương mờ
Nhớ nhớ đời bỗng nên thơ
Gian phòng hạnh phúc đợi chờ gió ơi!


Kim Oanh
Melbourne sớm đông
11.7.2024
***
Thơ Cảm Tác:

Gió Thơ Thương Mộng

Thu đông nắng nhẹ gió mơ
Thổi tan sương sớm ngây thơ mộng thường
Chăn tằm biển nhớ sông thương
Ấm êm kỷ niệm thiên đường tầm xuân...


MD.08/26/24
LuânTâm
Thân cảm tặng "Gìó Ơi..."

Hành Trình Khám Phá Quinta Da Regaleira Gardens Và Palace, Sintra, Portugal, 22/9/2024

(Ảnh của Tác Giả)

Hành trình khám phá Quinta da Regaleira Gardens và Palace: một chuyến đi đậm chất huyền bí và kỳ th

Từ ngày 22/9/2024, PL và OX Barry bắt đầu chuyến du lịch 16 ngày đi thăm hai nước Portugal và Morocco.

Ngày hôm qua. 25/9/2024, trong chuyến hành trình đến Lisbon, chúng tôi đã có cơ hội tham gia tour du lịch đến Quinta da Regaleira, một trong những viên ngọc quý của Sintra. Đây không chỉ là một cung điện đẹp mắt mà còn là một khu vườn rộng lớn với kiến trúc độc đáo và những con đường bí ẩn, được bao quanh bởi thiên nhiên tươi đẹp.

Để đến được Quinta da Regaleira, chúng tôi đã vượt qua một đoạn đường xa, rất dốc và khó khăn. Mưa lâm râm làm cho con đường lát đá trở nên trơn trượt, khiến mỗi bước chân thêm phần thử thách. Mặc dù mệt mỏi, nhưng cảnh tượng cung điện hiện ra trước mắt thực sự khiến chúng tôi quên đi mọi mệt nhọc.

Cung điện Quinta da Regaleira gây ấn tượng mạnh với kiến trúc theo phong cách Gothic và Phục hưng, toát lên vẻ huyền bí, gợi cảm giác như đang bước vào một câu chuyện cổ tích. Tuy nhiên, điểm nổi bật thực sự của nơi này chính là khu vườn – một mê cung của những lối đi hẹp, bậc thang dốc, hang động, và đường hầm. Chúng tôi đã phải băng qua những đường hầm dài và tối trước khi bước vào một khu vườn kỳ diệu, nơi thiên nhiên hòa quyện với kiến trúc một cách tinh tế.

Mỗi góc của khu vườn là một khám phá thú vị. Từ tháp nhìn ra toàn cảnh Sintra cho đến giếng thiêng – một công trình nổi tiếng với hệ thống bậc thang xoắn ốc sâu hun hút, tạo cảm giác như đang đi vào tâm linh của quá khứ.

Dù mệt mỏi sau cuộc hành trình, cảm giác được hòa mình vào vẻ đẹp của thiên nhiên và sự bí ẩn của lịch sử đã khiến chuyến đi trở nên đáng nhớ hơn bao giờ hết. Quinta da Regaleira thực sự là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến Sintra, nơi vẻ đẹp và huyền thoại giao thoa để tạo nên một không gian vừa kỳ vĩ vừa mơ màng.

Xin mời cùng PL đi thâm cung điện Quinta da Regaleira và khu vườn độc đáo qua hình ảnh trong link dưới đây.

Kính chúc sức khỏe và an vui.

Thân quý,

PLang


 Tiếng Anh:

The Journey to Explore Quinta da Regaleira Gardens and Palace: A Mystical and Fascinating Adventure

Since 9/22/2024, my husband and I have been on a 16-day trip visiting two countries, Portugal and Morocco.

Yesterday, 9/25/2024, during our trip to Lisbon, we had the opportunity to join a tour to Quinta da Regaleira, one of the hidden gems of Sintra. This place is not only a stunning palace but also features a vast garden with unique architecture and mysterious pathways surrounded by beautiful nature.

To reach Quinta da Regaleira, we had to walk up a steep and challenging path. The light rain made the cobblestone road slippery, adding to the difficulty of the journey. Although we were tired, the sight of the palace emerging before us truly made all the effort worthwhile.

The architecture of Quinta da Regaleira, with its Gothic and Renaissance influences, leaves a lasting impression, evoking the feeling of stepping into a fairy tale. However, the real highlight of this place lies in its gardens – a labyrinth of narrow pathways, steep stairs, caves, and tunnels. We had to pass through long, dark tunnels before stepping into a magical garden where nature and architecture harmonize in a captivating way.

Each corner of the garden offers a new discovery. From the tower overlooking the entire Sintra landscape to the mystical Initiation Well – a famous structure with its deep spiral staircase, it feels like a journey into the spiritual past.

Despite the exhaustion after the journey, the feeling of being immersed in the beauty of nature and the mystery of history made the trip all the more unforgettable. Quinta da Regaleira is truly a must-see destination in Sintra, where beauty and legend intertwine to create a space both grand and dreamlike.

I would like to invite all of you to join me in visiting Quinta da Regaleira and its beautiful gardens through the images in the link below.

Wishing you all good health and happiness.

Sincerely,
PLang

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

Ngày Đầu Thu


Ngày đầu thu có mưa lành lạnh
Đang chuyển mình vàng sắc úa thay
Hòa với đất phà hơi thở nhẹ
Vấn vương lòng lá đợi chờ ai
Dáng thu xa gió thầm hò hẹn
Xào xạc lên ngà ngọc ước mơ


Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Mùa Thu Úc Châu



Mộng

 

(Tặng Thanh-Thanh)

Em đến thăm anh lúc nửa chiều,
Nắng vàng nhạt nhạt, gió hiu hiu;
Tre nghiêng trước ngõ như chào đón,
Hoa rắc hàng hiên, lá rải lều .

Nhà anh vắng quá, gọi không ai;
Em đoán anh đang chép soạn bài 
Rón rén vô phòng em nói bỡn:
- Ô kià, thi sĩ nhớ nhung ai?

Nhưng không! anh ngủ giữa chiều mơ,
Sách gối, bên tay giấy mấy tờ,
Và bút chì lăn bên lọ mực...
Biết rồi: anh ngủ giữa hương thơ.

Em đến bên bàn lục vở anh
Viết bừa dăm chữ lên bià xanh,
Bảo rằng em ghé thăm anh đó;
Ðang giấc thần tiên, thức chẳng đành.

Gió thổi bên hiên rụng lá vàng,
Lá rơi làm dậy cả không gian;
Giật mình em tỉnh ─ À ra mộng
Ðã dẫn em đi vạn dặm đàng.

Em cách xa anh vạn dặm trường,
Làm sao gặp được? nhớ nhung vương.
Em mong anh cũng luôn luôn mộng,
Ðể gặp nhau và đỡ nhớ thương!

Nhưng, khốn chưa! vừa ra khỏi mơ
Bỗng thương không bến, nhớ không bờ.
Tháng ngày cách biệt người yêu dấu,
Buồn nhớ trông anh luống thẫn thờ...

Kiều Ngọc


Nỗi Nhớ

 

Mỏi gối chồn chân tủi phận già
Đường đời dong ruổi tháng ngày qua
Quê nhà biền biệt đêm thao thức
Đất khách xa xôi dạ nhớ nhà
Nhớ buổi chia ly lời ước hẹn
Nửa đời viễn xứ mộng còn xa
Nào ai cám cảnh đời lưu xứ
Nỗi nhớ niềm thương mắt nhạt nhòa....


Ngư Sĩ

Đoạn Trường TươngTư

 

Nửa đêm thương núi nhớ rừng
Nửa mê nửa tỉnh đón mừng trăng sao
Như gót tiên như áo màu
Cây lành trái ngọt xôn xao hẹn hò

Tóc mộng mơ mắt học trò
Gần xa tình tứ con đò ngược xuôi
Như nũng nịu như cười cười
Mênh mông mây khói bóng người hứng thơ

Chưa đầm ấm đã hững hờ
Hai tay bỗng lạnh môi chờ hết ngoan
Chưa thề hứa đã dã tràng
Đường nào kỷ niệm lang thang bốn mùa

Chưa nắng sớm đã chiều mưa
Nỗi buồn thi rớt còn chưa đau bằng
Không thèm ngủ không thèm ăn
Chỉ thèm say đắm hàm răng dỗi hờn

Không ngai vàng không giang sơn
Không trạng nguyên không biết đờn biết ca
Lỡ lầm ta giận mình ta
Không thân không thích không nhà không quê

Trái tim lăn lóc bên lề
Tình si lẽo đẽo đi về tay không
Hình như bóng gió sầu đông
Đò xưa bến cũ nước sông lạnh lùng

Mơ hồ nhóm lửa hồng xuân
Khói tan hương cũ phong trần áo xưa
Hồn đau nắng hạn trông mưa
Mưa sao đành bỏ ruộng dưa vườn cà

Ngày nào yểu điệu thướt tha
Ngày nào đuổi bướm hái hoa thanh bình
Tung tăng chim hót cho nhìn
Sương tan trong mắt ngỡ tình không tan

Khi áo trắng khi áo vàng
Áo xanh áo đỏ bàng hoàng tương tư
Áo hồng áo tím thực hư
Áo nâu áo xám hiền từ như tiên

Tơ hồng chưa kết nợ duyên
Mây hồng chưa chở về miền chiêm bao
Như hoa mai như hoa đào
Mưa rừng gió núi vì sao hững hờ

Xa xôi cát bụi dật dờ
Ngày đêm trơ trọi đợi chờ nắng mưa
Cho dù đến chính điện chùa
Cũng chưa xin được chút bùa bình an

Cho dù đến tận suối vàng
Cũng chưa gặp được đò sang chung tình...


MD 06/20/03
LuânTâm

Vô Thường



Mỗi ngày đến phòng gym.
Tôi đảo mắt đi tìm
Ông bạn già quen thuộc
Vui tính và cũng hiền .
Mình đã quá bảy mươi
Chân cẳng đều rã rời
Vào đây tập thể dục
Có bạn cũng thêm vui.

Hai đứa mình quen nhau
Bằng bước đi trên máy.
Bằng mồ hôi nhễ nhại
Mệt thở hộc xì dầu!

Thường tập xong hai đứa
Đi đến phòng xông hơi.
Chuyện trên trời dưới đất
Chuyện bão nổi đổi đời.
Sáng nay giờ bơi lội.
Đông quá bên hàng tôi
Anh đi qua hàng khác.
Ít người bơi thảnh thơi.

Anh vẫn còn khỏe mạnh
Bơi cũng còn khá nhanh
Tôi nhủ thầm trong bụng
Thật là mừng cho anh.

Kìa! ở cuối hồ bơi
Sao anh nằm thảnh thơi
Thật lâu không nhúc nhích
Kiểu bơi gì vậy trời!.

Chúng tôi đến bên cạnh
Khiêng anh lên thật nhanh
Tim anh không còn đập
Ra đi trong an lành.
Anh chết trong hồ bơi
Nước trong vắt tuyệt vời
Gia đình không hay biết
Không trăn trối một lời.
Cả phòng gym xôn xao
Đứng im như lời chào
Băng ca chuyển thi thể

Hồn anh về nơi nao.
Tôi cúi đầu thật buồn
Tử nghiệp kìa con đường
Một sát na ngừng thở
Để lại bao tiếc thương.
Bạn già ơi! bạn già.
Vô thường cuộc đời ta
Mình mới vừa trò chuyện
Mà giờ đành cách xa.

Nguyễn thị Thêm
26/03/2022

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Phiếm Về Nhân Quả


Rất nhiều người vẫn luôn thắc mắc NHÂN QỦA là gì ? Xin thưa, NHÂN 因 là hạt giống, còn QỦA 果 là cái trái do hạt giống đó tạo ra; Theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" thì chữ NHÂN là chữ dùng Tượng hình để Chỉ sự, có diễn tiến chữ viết như sau:

Giáp Cốt   Văn Đại     Triện Tiểu    Triện Lệ Thư
Ta thấy:
Từ Giáp Cốt Văn đến Đại Triện là hình tượng của một hạt giống bên trong có hình dáng của một cây mầm; đến Tiểu Triện thì các nét được kéo thẳng ra cho giống hình chữ viết, và kịp đến Lệ Thư đời nhà Tần thì đã giống như là chữ viết hiện nay: NHÂN 因 là Hạt giống. Hạt Giống thì sẽ nảy mầm và phát triển thành một giống cây, trái nào đó; nên NHÂN hiểu rộng ra, còn có nghĩa là Nguyên Nhân, là lý do phát sinh của một sự kiện hay sự việc nào đó...
Còn...
QỦA 果 cũng là một chữ được hình thành bằng Tượng hình và Chỉ sự theo diễn tiến của chữ viết như sau:

Giáp Cốt     Văn Đại    Triện Tiểu    Triện Lệ Thư

Ta thấy:
Từ Giáp Cốt Văn đến Đại Triện là hình tượng của một cái cây phía trên kết một trái có 4 múi hình tròn, đến Tiểu Triện thì các nét vẽ được kéo thẳng cho thành chữ viết và đến chữ Lệ thì đã hình thành như chữ viết hiện nay : QỦA 果 là Trái. KẾT QỦA 結果 là Kết thành Trái. Khi dùng rộng ra thì KẾT QỦA là Rốt cuộc, là thành tựu cuối cùng của một động thái hay việc làm nào đó. Ta hay hỏi : Kết Qủa của việc đó ra sao ? Có nghĩa là :"Đến cuối cùng thì sự việc đó đưa đến những hệ lụy hay thành đạt nào ?".
Nói chung...
NHÂN là Hạt Giống, QUẢ là cái Trái do hạt giống đó phát triển mà có được, như câu của ông bà ngày xưa thường nói:

種瓜得瓜, Chủng qua đắc qua,
種豆得豆。 Chủng đậu đắc đậu.

Có nghĩa:
- Trồng dưa thì được trái dưa, còn...
- Trồng đậu thì có trái đậu.


Đó là cái nguyên lý không bao giờ thay đổi trong đời sống của con người. Nên ông bà lại thường hay nhắc nhở ta rằng "Gieo NHÂN nào thì gặt QỦA nấy. Ác lai thì ác báo, làm dữ thì gặp ác, ở hiền thì gặp lành. Cọng rau nào thì con sâu đó; Hạt giống nào thì sẽ cho ra trái đó, không sai chạy bao giờ.
Trong Phật giáo, thì NHÂN QỦA tiếng Phạn là hetu-phala,chỉ Nguyên Nhân và Kết Quả. Phật giáo cho là nhất thiết chư pháp, mọi việc trên đời đều theo Luật Nhân Quả mà sinh ra hoặc mất đi. NHÂN là cái Gốc để phát sinh ra sự việc, còn QỦA là cái Kết của sực việc được sinh ra. Nên "Có NHÂN tất phải có QỦA, và có QỦA vì đã có NHÂN". Như câu nói trên của ông bà ta là có xuất xứ từ câu kệ trong Niết Bàn Kinh《涅槃經》như sau:

種瓜得瓜, Chủng qua đắc qua,
種李得李。 Chủng lý đắc lý.

Có nghĩa:
- Trồng dưa thì được dưa, còn...
- Trồng mận thì được mận (Lý).

Ông bà ta đổi chữ LÝ 李 thành chữ ĐẬU 豆 chắc có lẽ là để cho ăn vận với một câu nói trong chương thứ 73 của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh 老子《道德经》第七十三章 như sau :

(種瓜得瓜, Chủng qua đắc qua,
種豆得豆。 Chủng đậu đắc đậu).
天網恢恢, Thiên võng khôi khôi,
疏而不漏. Sơ nhi bất lậu!

Có nghĩa:
- Lưới trời lồng lộng, tuy...
- Thưa mà chẳng để lọt mất (bao giờ)!

LƯỚI TRỜI (Thiên võng) ở đây chỉ cái lẽ phải tự nhiên ở đời, cũng là cái lẽ phải của Trời luôn công bằng chính trực, thưởng thiện phát ác một cách rõ ràng không thiên vị một ai và cũng không ai trốn thoát được cả !
Nho Giáo cũng nói rằng : Nhân hữu thiện nguyện, Thiên tất hựu chi 人有善願,天必佑之。Có nghĩa : "Con người mà có những nguyện ước lương thiện, thì trời sẽ che chở giúp đỡ cho những người đó". và luôn khuyên răn người đời :

善有善報,惡有惡報。Thiện hữu thiện báo, Ác hữu ác báo.
不是不報,日子未到。 Bất thị bất báo, Nhật tử vị đáo.

Có nghĩa :
- Hiền thì có báo ứng hiền, Ác thì có báo ứng ác.Trước mắt...
- Không phải là không có báo ứng, chỉ vì ngày tháng chưa tới mà thôi !

Một câu kệ nữa trong TAM THẾ NHÂN QỦA KINH 《三世因果經》như sau :

欲知前世因, Dục tri tiền thế NHÂN,
今生受者是; Kim sinh thụ giả thị;
欲知來世果, Dục tri lai thế QỦA,
今生作者是。 Kim sinh tác giả thị.

Có nghĩa :
- Muốn biết cái NHÂN của đời trước, thì hãy xem, đó...
- Chính là sự hưởng thụ đời nầy của ta đó; Còn như...
- Muốn biết cái QỦA đời sau của ta sẽ ra sao, thì hãy xem...
- Việc làm của ta ở đời nầy đây, thì sẽ rõ !...

Nếu đời nầy ta được giàu sang phú quý là do cái NHÂN đời trước ta biết tu nhân tích đức; Còn nếu đời nầy ta nghèo khổ khó khăn là do đời trước ta phóng túng ăn chơi... Còn như muốn biết cái QỦA của đời sau, thì hãy xem việc làm của ta ở đời nầy. Nếu đời nầy ta biết làm việc thiện và tích đức, thì chắc chắn đời sau của ta sẽ được sống an vui sung sướng, còn như đời nầy ta chỉ biết ăn chơi đàng điếm thì đời sau chắc chắn sẽ đói khổ cơ hàn; hay đời nầy ta chỉ biết làm ác hại người thì đời sau sẽ bị lục đạo luân hồi thác sinh thành súc vật cầm thú chớ không được làm người nữa !...
Không phải như những Sàm tăng, Dâm tăng, Ác tăng, Tham tăng hiện nay thường hay nói một cách ngu muội và dốt nát là : Làm Thợ hồ kiếp nầy là do kiếp trước phá nhà. Làm Bác sĩ kiếp nầy là do kiếp trước giết người. Làm Nhà giáo kiếp nầy là do kiếp trước đốt sách... Nếu kiếp trước đi phá nhà, giết người, đốt sách... thì chắc chắn sẽ bị đánh xuống 18 tầng A-Tỳ địa ngục chẳng được siêu sinh, làm sao còn có được "kiếp nầy" mà nói, và nếu may mắn còn có được kiếp nầy thì chắc chắn sẽ bị thác sinh thành súc vật, chớ làm sao còn làm được Bác sĩ, Thầy giáo, Thợ hồ ?!... Vì...
Nếu kiếp trước giết người mà kiếp nầy được làm Bác sĩ, thì cái NGHIỆP LỰC chuyển hóa bị đão lộn càn khôn, Lục đạo Luân hồi sẽ bị "tẩu hỏa nhập ma" làm cho cái Ma Tâm Tà Tâm của con người ngày càng bùng phát mạnh mẽ hơn, tín đồ Phật tử sẽ tranh nhau đi giết người để kiếp sau được làm Bác sĩ... Từ bi bác ái, bát nhã ba la mật đa... bị "phá sản" hoàn toàn, xã hội sẽ băng hoại theo các Ma tăng Sàm tăng... của thời mạt pháp!

Trở lại với Nhân Qủa Luân Hồi. Có người nêu thắc mắc : Trong xã hội trước mắt có rất nhiều người làm đủ điều ác đức, hống hách ngang tàng, nhưng sao họ vẫn sống giàu sang phú qúy; và có rất nhiều người nhân đức làm rất nhiều điều từ thiện, nhưng sao cuộc sống của họ vẫn khó khăn trắc trở, lao đao lận đận ? Như vậy, chẳng hóa ra là "Thiện vô thiện báo, Ác vô ác báo 善無善報,惡無惡報" sao ?! Vậy thì "Luật Nhân Qủa" ở đâu, làm sao cho người đời tin tưởng đây ?!
Thực ra, LUẬT NHÂN QỦA là phải thông qua tam thế, là ba đời ba kiếp, chớ không thể xét trong một lúc được. Ví dụ như : Có người chí thú làm ăn tích lũy gởi ngân hàng rất nhiều tiền. Bây giờ, giở chứng ăn chơi hút sách cờ bạc hiếp người... chẳng lẽ lại không cho anh ta rút tiền để dành trong ngân hàng ra để đền bù trả nợ cho người khác hay sao ? Lại như, có người trước đây ăn chơi đàng điếm, thiếu nợ ngập đầu. Bây giờ lãng tử hồi đầu, chí thú làm ăn, siêng năng cần cù... nhưng chả lẽ biết quay đầu hướng thiện rồi khỏi phải trả cái nợ mà trước đó đã thiếu hay sao ?!
Cái người ác đức mà vẫn sống giàu sang, vì cái đức cái thiện của kiếp trước còn chưa hết; Cũng như người hiền lành người lương thiện mà vẫn sống nghèo khổ khó khăn là vì cái Nghiệp làm ác của kiếp trước còn chưa dứt. Cái qúa trình chuyển hóa từ ÁC sang THIỆN, từ THIỆN sang ÁC; hay nói cách khác, Cái qúa trình chuyển hoá từ NHÂN sang QỦA và từ QỦA sang NHÂN đó, được gọi là NHIỆP LỰC 業力. Và...
Cái NGHIỆP LỰC nầy là phải do chính ta phải tu tập giác ngộ, sống thật tốt rồi mới chuyển hóa được. Cho nên mới nói là : Muốn biết cái QỦA của kiếp sau thì hãy xem việc làm (TÁC NGHIỆP) của ta ở kiếp nầy. Nhưng khi TÁC NGHIỆP viên mãn, NGHIỆP LỰC đã đầy đủ thì sẽ không phải đợi đến kiếp sau, mà chuyển hóa ngay ở kiếp nầy, cái đó ta thường gọi là QUẢ BÁO NHÃN TIỀN là báo ứng liền ngay trước mắt. Như lời của con ma Đạm Tiên nói với Thúy Kiều khi Kiều tự trầm ở sông Tiền Đường là :

...."Tâm thành đã thấu đến trời,
Bán mình là hiếu, cứu người là nhân.
Một niềm vì nước vì dân,
ÂM CÔNG CẤT MỘT ĐỒNG CÂN ĐÃ GIÀ,
Đoạn trường sổ rút tên ra,
Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau.
Còn nhiều hưởng thụ về lâu,
Duyên xưa đầy đặn Phúc sau dồi dào...

NGHIỆP LỰC có thể chuyển xấu thành tốt, mà cũng có thể chuyển tốt thành xấu, tùy theo sự giác ngộ và việc làm của ta mà chuyển hóa. Trong văn chương thì gọi nghe nên thơ hơn là NGHIỆP DUYÊN 業緣, như những lời Tam Hợp Đạo Cô nói với sư Giác Duyên về Thúy Kiều là :

Sư rằng :"Song chẳng hề chi,
NGHIỆP DUYÊN cân lại nhắc đi còn nhiều.
Xét trong TỘI NGHIỆP Thúy Kiều,
Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm.
Lấy tình thâm trả tình thâm,
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.
Hại một người cứu muôn người,
Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng.
Thuở công đức ấy ai bằng ?
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi.
Khi nên trời cũng chìu người,
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau !...

NHÂN QỦA lại có cái NGUYÊN LÝ của Nhân Qủa. Ví dụ như : Sức khoẻ có Nhân Qủa của sức khoẻ. Muốn có sức khoẻ tốt thì phải giữ cho lòng thanh thản, sống yên vui trong cuộc sống dưỡng sinh bình thường; Nếu làm ngược lại, thì dù cho có niệm Phật đọc kinh để cầu cho có sức khoẻ cũng không thể có được. Đó là cái NGUYÊN LÝ : Gieo Nhân nào thì sẽ gặt qủa nấy. Muốn có tiền thì phải làm việc, lao động cần cù; Muốn có tiếng tốt thì phải biết giữ gìn nhân cách; Muốn người khác tin tưởng thì phải giữ gìn chữ tín... Sức Khoẻ có Nhân Quả của Sức Khoẻ, Đạo Đức có Nhân Qủa của Đạo Đức, Tín Ngưỡng có Nhân Qủa của Tín Ngưỡng... Ta không thể đem cái nọ xọ qua cái kia được. Đi du lịch nhiều thì bị hết tiền, chớ sao lại bị bại liệt được ?; Nằm võng nhiều sẽ bị cong lưng, chớ sao lại hết phước ?; Hát karaoke nhiều thì bị khô cổ khan tiếng, chớ sao lại thành ma câm ?. Thế thì các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tụng kinh suốt ngày có bị thành ma câm không ? Hay là sợ thành ma câm nên các vị "hổng thèm" gỏ mõ tụng kinh nữa ?!

Vả lại, từ NHÂN đến QỦA còn có một chữ DUYÊN nữa. Nhân nào cho ra Qủa nấy là đúng với Nguyên Lý rồi, nhưng luôn có cái DUYÊN chen vào, vì vậy mà Thành Qủa sẽ khác đi. Ví dụ như truyện "ÁN TỬ" trong đời Xuân Thu sau đây :

Một lần Án Tử vâng lệnh vua Tề đi sứ sang nước Sở. Vua Sở định làm nhục để thử tài của Án Tử, nên sau khi ban rượu, thì cho lính dẫn một người bị trói đi ngang qua. Vua Sở mới hỏi là người đó phạm tội gì ? Lính đáp, đó là một người ở nước Tề, phạm tội ăn trộm ngựa. Vua Sở bèn cười mà quay sang hỏi Án Tử là : "Người nước Tề hay ăn trộm lắm hay sao ?". Án Tử mới đứng dậy chắp tay thưa rằng : "Thần nghe nói, cây quít trồng ở phương bắc thì cho trái to và ngọt, nhưng khi đem trồng ở phương nam thì lại cho trái nhỏ và chua, là bởi vì đâu ? Đó là đều do Thủy Thổ mà ra cả ! Nay người nước Tề ở nước Tề thì không trộm cắp, sang qua ở nước Sở lại sinh ra trộm cắp, thần nghĩ chắc cũng do cái Thuỷ Thổ bất đồng mà sinh ra như thế chăng ?! Vua Sở cười rằng : "Ta vì muốn nói chơi mà bị nhục !". Thế mới biết kẻ cả không nên nói chơi bao giờ !


Cái "THỦY THỔ " mà Án Tử đã nói ở trên, chính là cái "DUYÊN" trong Nhân Qủa đó. Cũng "hạt giống" đó cho ra "Trái đó", nhưng lớn, nhỏ, chua, ngọt có khác. Vì đâu ? Vì khí hậu thời tiết, đất đai thổ nhưỡng khác nhau, vì cái "DUYÊN" khác nhau. Cái Duyên trong nhà Phật chính là cái Hoàn cảnh, điều kiện sống mà ta gặp phải, nên mỗi người đều có một cái DUYÊN RIÊNG của mình. Cũng cùng kinh doanh nhưng thành đạt lớn nhỏ thì có khác nhau, chính là do cái DUYÊN mà mình gặp phải đó ! Như...
Các Ma tăng, sàm tăng có cái Duyên với tu hành, lại có cái Duyên với các tín đồ Phật tử trong thời buổi này, nhưng lại không biết giữ mình tu tập cho nghiêm chỉnh đứng đắn, lại lợi dụng niềm tin của Phật tử, lợi dụng cái Duyên mà mình có được để làm giàu cho bản thân, kêu gọi Phật tử phải cúng dường bằng tiền có mệnh giá lớn, để cho Tham Sân Si che lắp cả Phật tính, rồi lại "Đắc ý vong hình 得意忘形" quên mất mình là ai, vọng tưởng mình là Thích Ca, Bồ Tát nên lại dám cả gan sửa đổi cả các "Giới luật thanh quy 戒律清規" trong Ngũ Giới Cấm, đổi giới cấm thứ 3 là TÀ DÂM thành KHÔNG PHẢN BỘI, để mặc sức mà TÀ DÂM chăng ?! KHÔNG PHẢN BỘI là phải trung thành với Thầy, không được tố giác những việc làm xấu xa đồi bại của Thầy với người khác ?! Nhưng cuối cùng cái Nghiệp Lực đã viên mãn, cái Duyên cũng đã đến mức cùng cực, nên chỉ cần "Những bước chân âm thầm lặng lẽ nhưng lại có tác dụng như sấm sét của sư MINH TUỆ" làm cho các Ma tăng Sàm tăng... tất cả đều hiện nguyên hình để chịu sự chế tài của Phật pháp và của Luật Nhân Qủa. Vì làm qúa nhiều điều xằng bậy, nên mới bị Qủa Báo Nhãn Tiền, chớ không cần phải đợi đến kiếp lai sinh. Như cụ Nguyễn Du đã viết :

Có Trời mà cũng tại ta...

Truyện NHÂN QỦA gần đây đang lan truyền mạnh mẽ ở vùng Đông Bắc Trung Hoa là truyện về tướng Lâm Bưu, một trong Bộ Tứ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc thời tiền Cách mạng Văn Hóa như sau :
Ai cũng biết Dương Gia Tướng 楊家将 là khai quốc công thần của nhà Tống. Tống Thái Úy Dương Nghiệp 楊業 (tức Dương Lệnh Công) bị gian thần Phan Nhân Mỹ hãm hại, nên bại binh ở Kim Sa Than bị quân Liêu bắt rồi nhịn đói 3 ngày mà chết. Cùng chết với ông còn có 4 người trong Thất Lang Bát Hổ và 2 tướng bị bắt : Duy chỉ có người con thứ 5 là Ngũ Lang đột phá vòng vây chạy lên Ngũ Đài Sơn lánh nạn, rồi bái hòa thượng Tuấn Kiến xin được xuất gia và an thân nơi cửa Phật. Cây thiết bổng mà Dương Ngũ Lang sử dụng khi đánh trận hiện nay vẫn còn được bảo quản trong Tàng Trân Lâu của nhà chùa. Lúc bấy giờ Thái Bình Hưng Quốc Tự được xây dựng từ năm Công Nguyên 982, Dương Ngũ Lang là chủ trì đời thứ 2 của chùa. Người đời sau vì sự trung nghĩa oanh liệt của Dương Gia Tướng mà đổi tên chùa thành NGŨ LANG MIẾU 五郎廟 suốt hơn một ngàn năm nay. Nào ngờ...
Ngày 13 tháng 9 năm 1970 Lâm Bưu 林彪 là Phó Chủ Tịch Trung Ương Đảng và là Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương đưa bộ đội đến Ngũ Đài Sơn mang theo đầy đủ bom mìn để giật sập Ngũ Lang Miếu và Kim Cang Quật ở bên cạnh, gây nên những tiếng nổ rền vang rung động cả núi rừng và khói lửa mịt mù cả vùng trời của Ngũ Đài Sơn, và ra lệnh đuổi hết trên 300 tăng ni xuống núi bắt phải hoàn tục; chỉ để xây nên một hành cung biệt phủ riêng cho gia đình mình. Với trình độ khoa học kỹ thuật của ngành xây dựng lúc bấy giờ mà Lâm Bưu đòi hỏi biệt phủ phải sáng sủa mà không được thấy ánh đèn, phải thoáng khí mát mẻ mà không được thấy quạt gió... và phải hoàn thành trong vòng một năm. Qủa là những đòi hỏi xa xỉ và qúa đáng của một kẻ võ biền ngu ngốc mà hống hách ! Khi biệt phủ hành cung xây xong, gia đình của Lâm Bưu chỉ ở được có một ngày duy nhất mà thôi ! Vì...
Ngày 13 tháng 9 năm 1971, gia đình Lâm Bưu, cùng với vợ là Diệp Quần, con trai là Lâm Lập Qủa, cùng các phụ tá và phi hành đoàn gồm 9 người trên chuyên cơ 256 AP-ATL bị rớt ở Thị trấn Bối Nhĩ Hách của Mông Cổ. Tất cả 9 người đều bị tử vong. Mọi người nghe tin đều cho đó là Luật Nhân Qủa, là cái Qủa Báo của những kẻ phá chùa phá miểu và bức hại tăng ni. Ngày máy bay rớt cũng chính là ngày mà Lâm Bưu hạ lệnh cho bộ đội đặt bom phá Ngũ Lang Miếu của một năm sau đó. Hình ảnh chụp được trong ngày phá chùa giữa lửa khói mịt mù hôm đó có ẩn hiện hình của Văn Thù Bồ Tát là vị Bồ Tát mà tất cả các tự miếu ở Ngũ Đài Sơn đều thờ phượng.

Trước mặt Phật Đà và Bồ Tát, chúng sinh đều bình đẳng như nhau, đều không thoát khỏi Lục Đạo Luân Hồi. Những con vật bị ta giết hại để ăn thịt, những người bị ta hãm hại đến bước đường cùng, đến tán gia bại sản, đến chết... Những sự sợ hãi, phẫn nộ, hờn oán đó khó mà tiêu trừ cho được mà ngày càng tích lũy và đè nặng tâm tư của ta hơn. Nên nếu đã lỡ làm ác thì phải biết sám hối tu tập để giải trừ phần nào đó tội nghiệt của mình đã gây nên.
Oán có đầu, nợ có chủ; Phật và Bồ Tát chỉ là người trung gian điều hợp, khuyên ta hướng thiện để nhẹ bớt lỗi lầm và cũng khuyến khích thế nhân nên từ bi hỉ xả, bao dung cho những người lầm đường lạc lối biết quay đầu trở lại. Nói chung là...
Tất cả các tôn giáo ở trên đời nầy đều khuyên ta hướng thiện, làm nhiều việc thiện để hồi hướng công đức. Có thế, mới có thể quân bình được tâm lý và khơi dậy các thiện nguyện ở trong lòng, kết nhiều thiện duyên để hóa giải nhất thiết hờn oán ở trên đời nầy; và có thế mới tạo nên được những nghiệp duyên tốt đẹp trong NHÂN QỦA, LUÂN HỒI luôn luôn đang vận hành trong TUẦN HOÀN của đời sống nhân sinh !

NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT !
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

Nỗi Nhớ Mùa Thu - Lời Dzuy Sơn Tuyền - Nhạc: Liên Bình Định - Ca Sĩ: Diệu Hiền


Lời Dzuy Sơn Tuyền
Nhạc: Liên Bình Định
Ca Sĩ: Diệu Hiền

Thu Buồn

 

Mưa đổ bên thềm giọt lệ ngâu
Dàn ai hiu hắt gợi thêm sầu.
Xa xăm… thơ thẩn chiều ly biệt
Cách trở … ngậm ngùi cuộc biển dâu!
Mấy độ sương giăng mờ ngõ trước
Bao mùa lá rụng kín vườn sau!
Đâu đây tiếng sáo u buồn quá
Cây lá vì thu cũng đổi màu!

21-9-2024
Hàn Thiên Lương

Thu Nhớ

 

Hôm nay mùa Thu đến
Lất phất gió heo may
Lá rụng đầy trước ngõ
Ta buồn Thu nào hay!

Heo may báo Thu sang
Lá đổ dọc ven đàng
Tâm đong đầy nỗi nhớ
Để hồn ta đi hoang

Heo may đã lại về
Chiều vắng dài lê thê
Hàng cây buồn ủ rũ
Chờ lữ khách trở về

Hôm nay bước vào Thu
Đường phố lấp sương mù
Quán khuya đèn hiu hắt
Tiếng nhạc buồn như ru

Nhớ mùa Thu năm xưa
Tiếc nuối đong sao vừa
Em bước sang lối khác
Một mình ta trong mưa!!

Quạnh hiu hàng cây thưa
Lơ lửng chiếc lá đưa
Lặng lẽ đời lữ thứ
Khi nào về hay chưa!?...

Tha Nhân
Camthành Aug 26, 2019

Trẻ Mãi Như Trăng

 

Vầng trăng một nửa mời chào,
Nửa kia vương tóc mái đầu sáng trăng
Nửa, nên em mới nhớ chàng
Đêm nghiêng hai bóng đầu làng hẹn nhau.
Trăng vàng, sợ tóc trắng phau
Lấp la lấp lánh lao xao gió hè
Đáp câu anh hỏi, rụt rè
Vân vê tà áo, e dè: -Dạ... thương!
Thương rồi nên mới chung đường
Trăng treo hai bóng cho tường lòng yêu
Bây giờ trăng vẫn còn treo
Tóc anh bạc thật, em theo anh hoài.
Ngày nào vai vẫn sánh vai
Chúng mình sẽ mãi trang đài như trăng!

Á Nghi

Xuân Hy Vọng 2



Thu và Đông đã uể oải ra đi
Cho xuân đang vội vã chuyển mình
Cỏ xanh mơn mởn du tình
Đón chào cuộc sống hồi sinh bắt đầu

Thời gian qua chắng biết đi đâu
Trừ bệnh viện như thoi đưa đẩy
Thuốc thang trăm thứ bầy hầy
Tối tăm mặt mũi cả ngày lẫn đêm

Bây giờ được thảnh thơi thêm
Com-pu-ter tha hồ xử dụng
Thời gian linh động ung dung
Hồn thơ mở cánh bay tung khắp trời

Nhưng việc nhà chẳng để buông lơi
Vẫn cắt cỏ đều đều như trước
Vẫn tập hít thở bình thường
Mỗi sáng đi bộ ngoài đường 3 miles.

Chẳng dự tính gì cho ngày mai
Việc cần đến ắt thì sẽ đến
Lo lắng không bằng vận hên
Chỉ mong được sống bình yên đủ rồi

Đón mừng mùa xuân mới mẻ thôi
Tinh thần tràn ngập vẻ tinh khôi
Cho dù thân xác phai phôi
An nhiên chấp nhận cái tôi thường tình.

CN-HNT, 
Oct.11.22
 

Nguyễn Vỹ (1912- 1971) & Nam Thu Hòa Khúc


Nam Thu Hòa Khúc

Thu ơi, ai nhuộm lá thu vàng?
Lá ngập tơi bời đến ải quan!
Cây cỏ ngậm ngùi sầu thế hệ,
Nước non vương vấn hận thời gian.
Vườn thơ vắng bướm, hương tàn tạ,
Cánh nhạn tung mây, gió phũ phàng!
Ôi mảnh hồn Trăng từ vạn kỷ,
Gieo chi đất bụi một màu tang?
( Nguyên Vỹ1960)

Nhà thơ, nhà báo, nhà văn Nguyễn Vỹ, quê làng Tân Hội, quận Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Từ cố hương, ông dấn thân vào nghiệp cầm bút mà trong bài thơ trào phúng của ông:

“Thời thế bây giờ vẫn thấy khó
Nhà văn An Nam khổ như chó
Mỗi lần cầm bút nói văn chương
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương
Và nhìn chúng mình hì hục viết
Suốt mấy năm giời: kiết vẫn kiết”!

Tuy than thở như vậy nhưng Nguyễn Vỹ theo cái nghiệp trong suốt bốn thập niên.

Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở quê, lên trung học Pháp-Việt ở Quy Nhơn (1924-1927), tham gia bãi khóa để tang nhà cách mạng Phan Châu Trinh nên bị đuổi học, phải ra Hà Nội học tiếp. Sau khi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Vỹ dạy học tại trường trung học Thăng Long, Hà Nội. Vừa dạy học, vừa làm thơ, viết văn, viết báo... Nguyễn Vỹ là tên thật, các bút hiệu khác: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền.

Cuộc đời ông trải qua nhiều sóng gió và nghiệt ngã nhất với nghề báo.

Nguyễn Vỹ cộng tác với nhiều tờ báo lớn bấy giờ như: Tiếng Dân (Huế), tuần báo Đông Tây, Văn Học tạp chí ra ngày 1/12/1936 (tiền thân của Phổ Thông bán nguyệt san), tuần báo Phụ Nữ, L'Ami du Peuple, La Patrie Annamite... Năm 1937, Nguyễn Vỹ ra đời tuần báo Le Cygne, đả kích chính sách thực dân Pháp, nên chỉ phát hành được 6 số thì báo bị đóng cửa, bị tòa án Pháp ở Hà Nội kết án tù 6 tháng và đóng phạt 3.000 đồng.

Sau khi chiếm Đông Dương, năm 1942 Nhật bắt giam ông ở ngục Trà Khê (Quảng Ngãi), sau đó đày ông đến Củng Sơn (Phú Yên), sau khi Nhật thất trận, đầu hàng Đồng minh, Nguyễn Vỹ mới được trả tự do. Ra khỏi tù, Nguyễn Vỹ về quê Quảng Ngãi sống một thời gian.
Năm 1946, Nguyễn Vỹ vào Sài Gòn sáng lập nhật báo Tổ Quốc, đả kích chính sách thực dân, nên bị đóng cửa! Năm 1948, Nguyễn Vỹ lên Đà Lạt lập tuần báo Dân Chủ cũng bị chính quyền rút giấy phép!
Năm 1952, Nguyễn Vỹ lại về Sài Gòn sáng lập nhật báo Dân Ta, nhưng chưa được một năm thì bị đóng cửa. Năm 1958, Nguyễn Vỹ sáng lập bán nguyệt san Phổ Thông, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút cho đến khi mất trong tai nạn giao thông cuối năm 1971.

Tác phẩm tiêu biểu:


Văn: Đứa Con Hoang (tiểu thuyết) Hà Nội, 1936. Grandeur et Servitude de Nguyễn Văn Nguyên (tập truyện ngắn Việt Nam bằng Pháp văn) Hà Nội, 1937. Chiếc Bóng (tiểu thuyết), Hà Nội 1941. Chiếc Áo Cưới Màu Hồng (tiểu thuyết), Sài Gòn 1957. Dây Bí Rợ (tiểu thuyết), Sài Gòn 1957. Hai Thiêng Liêng I & Hai Thiêng Liêng II (tiểu thuyết), Sài Gòn 1957, Mồ Hôi Nước Mắt (tiểu thuyết), Sài Gòn 1965. Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (ký ức văn học), Nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn, 1970…

Tuấn, Chàng Trai Nước Việt I & Tuấn, Chàng Trai Nước Việt II, Sài Gòn, 1970. Đây là biên niên sử của đất nước nửa đầu thế kỷ XX. Ông có trí nhớ rất tốt để ghi lại từng chi tiết xảy ra trong giai đoạn lịch sử.

Thơ: Tập Thơ Đầu - Premières Poésies (thơ Việt và Pháp), Hà Nội, 1934. Hoang Vu (thơ) Sài Gòn 1962, Buồn Muốn Khóc Lên (thơ), Sài Gòn 1970…


Cuộc đời làm báo của Nguyễn Vỹ “ba chìm bảy nổi” nên luôn luôn nghèo vẫn ở nhà thuê (vợ ông làm hiệu trưởng trường mẫu giáo Trí Hương ở Đà Lạt) thế nhưng ông từ chối nhận giải nhất Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc thời Đệ Nhất Cộng Hòa cho bộ tiểu thuyết Hai Thiêng Liêng hiện kim lúc đó khoảng 60 ngàn đồng. Nguồn tin cho rằng ông là nhà hảo tâm, làm báo được đồng nào ông đều trợ cấp cho những học sinh, sinh viên nghèo. Mỗi mùa mưa bão miền Trung, ông lại cùng bạn trẻ ở các thi văn đoàn Thằng Bờm đi huy động quyên góp từng lon gạo, từng chiếc áo cũ để mang về trợ giúp bà con miền Trung.

Chuyến đi cuối cùng của ông là về Cần Thơ thăm người bạn. Trên đường về ghé Bến Tre thăm người bạn thân thiết là ông Đạo Dừa (Nguyễn Thành Nam). Khi về tới địa phận Long An thì bị tai nạn. Đó là ngày 4/2/1971.

Tang lễ nhà thơ, nhà báo, nhà văn Nguyễn Vỹ được tổ chức tại chùa Xá Lợi (Sài Gòn) và được an táng tại Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Năm 1983, nghĩa trang di dời để làm công viên, di cốt nhà thơ được hỏa táng đưa về chùa Giác Ngạn.


Thời học sinh, tôi thích tờ Phổ Thông tạp chí, Giám Đốc, Chủ Bút: Nguyễn Vỹ, số I ngày 1/11/1958. Vào năm 1960 mục Đáp Bạn Bốn Phương của Diệu Huyền rất ăn khách. Sau nầy Nguyễn Vỹ sáng tác Thơ Lên Ruột ký bút hiệu Diệu Huyền, và mục “Mình Ơi…” ký tên Cô Diệu Huyền đủ chuyện trên trời dưới đất, Đông Tây, kim cổ rất thú vị. Tác phẩm Tuấn, Chàng Trai Nước Việt của Nguyễn Vỹ từ bản thân ông trải qua thăng trầm của bản thân và lịch sử qua hình ảnh Tuấn.

Mùa Thu California bắt đầu, nhân bài thơ Nam Thu Hòa Khúc của nhà thơ Nguyễn Vỹ, tôi viết đôi dòng về ông để tưởng nhớ đến người đã an giấc nghìn thu.


Little Saigon, September 2024
Vương Trùng Dương

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

Má Ơi,

 

Hoa đào đua nở hiên ngoài, Úc châu đã vào xuân. Từng đợt cánh mỏng chao mình trong gió, gợi con nhớ khoảnh khắc cận kề ngày xa Má. Má ra đi...đến cuối đường tàu nhân gian, vào một chiều tắt nắng, về tận cõi xa xăm, trùng trùng cách biệt.

Đã hai mươi hai năm trôi, vẫn thế, gió lạnh từng cơn thổi về, mưa chiều vẫn rơi, giọt dài giọt ngắn nào ngơi. Không đi dưới mưa sao lòng con rét mướt. Giữa đất trời quê nội, giữa đồng không mông quạnh, Má có lạnh không.
Khơi lại hương tàn, đếm những năm xa, thầm gọi Má ơi. Thả hồn về nền xưa chờ đợi, đón hương đồng thoang thoảng. Dẫu sái mùa còn mơ màng thương đòng đòng đua trĩu, đẹp như dung nhan thời con gái của Má lúc về làm dâu nhà Nội.

(Người mẫu Kim Phượng)

Má biết không Má, xa xôi mấy, con vẫn tìm thấy Má qua tấm ảnh ngày thơ, con làm “người mẫu” cho “nhiếp ảnh gia” cậu Năm thử tay nghề, chuẩn bị khai trương tiệm chụp hình Hiệp Thành tại chợ Giồng Ké, của gia đình mình. “Người mẫu” với chiếc áo má may, cổ dún? Không...không...nào ai ngờ áo đã sút nút cổ, Má chưa kịp sửa, con đã dùng kim tây thay nút cài lại. Điều kỳ diệu thay, đàng sau bức ảnh là thủ bút Má đã viết cho con gái.
Quả ngày đó con cực thiệt. Chừng ấy tuổi đầu con trông em...bảy Hiệp, tám Hội. Lớn hơn một chút...trông chừng chín Oanh, mười Diệp và út Hữu.

(Thủ Bút Của Má Viết Cho Con Gái)

Viết thư cho Má khi đầu đã điểm sương. Tội con lớn lắm, những ngày Má còn nơi quê nhà, những năm con rời xa Vĩnh Long. Má mong thư con từng ngày...từng ngày...nhưng con không đã...Bây giờ nói ra có ích chi đâu, chỉ là nuối tiếc...Giá Má còn, cho bút con tuôn mực. Má biết không, vừa bước chân đến ngưỡng cửa tự do, trăm mối lo, ngàn nỗi riêng. Bây giờ nói ra, chỉ chuốc hai tiếng biện minh. Con khóc. Hạt lệ sương thầm, khóc có vơi. Có muộn không Má. Một đời được bao nhiêu điều mong ước, nhưng lắm khi chỉ mong một điều, mà nào có được.
Thư cho Má. Má còn đâu nữa mà mong. Bên kia thế giới, Má có đọc được thư con. Bên bờ huyệt lạnh, Má ơi nương gió về, ngõ chờ là đây, bao mong mỏi, chút ngỡ ngàng, hân hoan lẫn háo hức chờ. Chờ Má về, nhưng quanh đây chỉ giăng giăng một màu trắng đục. Lắm khi chỉ mong một điều, mà nào có được.
Con như hạt sương trên cỏ, mang nỗi buồn chuyển dời của nhân thế. Nước non ơi, bèo mây hỡi, kiếp người có sinh, có diệt. Sẽ có một ngày, một ngày nào đó, người rõ mặt người. Hiện tại, có chăng chỉ là chiêm bao, tỉnh ra lại tiếc Má trong mộng của con.
Cảm ơn hoa đã đến nhắc nhớ ngày Má ra đi và con không cảm thấy lẻ loi khi nhìn những cánh rơi rơi. Hoa đào ơi, còn có nhớ Người xa. Bây giờ Má đời đời yên ngủ, để con thao thức nghe buồn tận cõi xa.

Má ơi, dầu gì dẫu gì, con vẫn viết, thả con chữ rong theo... quấn quýt bên lời cầu nguyện của một người, đến với Má nghe Má.

Kim Phượng
24.9.2024 Lần Giỗ Má thứ 22


Cùng Má Kể Chuyện Đời Xưa!

  
(Căn Nhà ở Vĩnh Long)

Má thương yêu ơi! Đêm nay con được giây phút yên bình để cùng má nhắc chuyện đời xưa nha má.
Hai chữ " đời xưa" luôn mang một nỗi ưu hoài, nhưng cũng là một hồi ức đẹp... đẹp hoài trong tâm trí con.

Hoài bão của ba má là dốc hết mọi công sức để đưa con cái lên tỉnh ăn học, từ chị hai, chị ba, anh tư, chị 5, chị 6, anh 7, anh 8 lên Vĩnh Long. Ba má cất căn nhà ở Đường Văn Thánh, Vĩnh Long. Ngang nhà xe Vĩnh An, lộ trình Vĩnh Long -Vĩnh Bình.

Ở Giồng Ké( xã Trung Ngãi) chỉ còn lại con và 2 đứa em nhỏ nữa. Con lớn lên trong sự hướng dẫn và dạy bảo rất nghiêm minh và cũng được chăm sóc tỉ mỉ, được tưng tiu hơn anh chị con.

Mỗi sáng mở cửa tiệm xong, má chải tóc, cột nơ cho con tươm tất, con xách cái giỏ bằng dây gân màu hồng phấn rất đẹp do cô Tám móc cho con, đi chợ mua xôi, bắp, hay khoai cho cả nhà ăn sáng.

Một sáng, có người phụ nữ vào tiệm hỏi mượn con dao chẻ cau, vì bà đi bán cau, quên mang theo dao. Má bảo con vào nhà bếp lấy dao, má căn dặn, cầm mũi hướng xuống đất, đi từ từ. Khi con đưa dao má bảo con cầm sống dao và đưa đằng cán cho người ta. Đấy là giữ sự an toàn cho mình và người mượn dao.

Má dạy cách vệ sinh tay chân, xếp quần áo ngăn nắp.cách ăn cách uống. 
Khi ăn, cái muỗng đưa lên miệng phải xoay ngang, húp không được nghe tiếng, đôi đũa gác xuống mỗi khi chan canh. Thích món nào, phải nhìn kỹ và gắp, không được quơ đũa chọn lựa. Không được quơ đũa vào tô canh. Ăn phải cho sạch không được thừa mứa thức ăn.
Có khách đến nhà dùng cơm, mình phải ngồi gần nồi cơm, vừa bới cơm vừa canh chừng nếu thấy cơm còn ít thì mình ngừng ăn nhường cho khách" ăn coi nồi ngồi coi hướng " là vậy nha con.

Những lúc bán buôn bận rộn, con kè kè một bên ba để xem ba trét xuồng bị hư, ba tự đóng khuôn đúc gạch. chầm lá lợp nhà, chăm sóc gia súc, trồng trọt, ba vừa làm vừa hướng dẫn cho con nghe. Mới 4 tuổi mà đã học nghề rồi đó má.hihihi...

Năm con lên 5 tuổi, mỗi lần cô Tám từ Sài Gòn về thăm gia đình, cô bó chổi bông cỏ nhỏ nhỏ, xinh xinh vừa tầm của con. Ba má thường nói. Trong đám cháu, cô tám thương con Oanh nhứt.Cũng vì thương nhứt nên con cũng cực nhứt, con quét nhà thường xuyên vì con thích cây chổi nhứt. ở quê không ai có được chổi bông cỏ này.

6,7,8 tuổi thì công việc cũng "nâng cấp" lên hihihi...Anh chị con đi xa, con xem như trưởng trong nhà, nghe oai quá phải không má. Nhưng má ơi, con sợ lắm mỗi khi phơi củi, xay bột, bồng bột phơi khô, chẻ nấm rơm phơi khô, đập vỏ tôm khô, để tiếp tế lương thực lên tỉnh cho anh chị phòng khi mùa mưa có ăn

Ba chẻ củi chỉ cách con sắp xếp phơi, để khi trời mưa bưng chạy cho lẹ, khi đóng củi gửi đi, ba dùng bánh xe cũ để bó lại gọn gàng và chắc chắn. Xe Vĩnh An là phương tiện gửi đồ tốt nhất vì ngang nhà ở Vĩnh Long.

Tiền bạc, của cải trong nhà, cất giấu ở đâu, chỉ chỗ nào, má giao hết cho con, để phòng hờ bất trắc xảy ra. hay chiến tranh loạn lạc.
Thời đó con không thấy gì là cực nhọc, mà trong lòng có chút hãnh diện và tự tin. Vì sao con được như vậy. Cũng nhờ ba má đã đặt trọn tình thương yêu, tín nhiệm nơi con.

Hết một thời tuổi thơ, đến thời thiếu nữ, khi phơi đồ, đồ lót phải có áo phủ lên che lại. Mỗi khi má sai con đi chợ, má dạy con từ cách nói, nói cho dịu dàng, nói cho đẹp lòng người bán người mua, cách trả giá không được ép giá người ta, vì người ta nghèo, cũng cực nhọc đi kiếm miếng ăn, cách trả tiền phải đưa 2 tay, đưa tận tay. Tuyệt đối luôn nói tiếng cám ơn và dạ thưa tử tế.

Cách ngồi khi lựa hàng, phải xoay người ngồi nghiêng không được ngồi thẳng vào người bán. Mình phải giữ phép lịch sự. Má ơi, con nhớ hoài nét đẹp này, ngày nay con nhắc hoài cho con gái con và kể bạn bè con về đức tính cao quý của má. Con rất hãnh diện về má của con.


Ba má thương yêu! Suốt đời con làm sao đền đáp hết ân tình này cho ba má của con đây!
Bởi vậy ngày con ra đi khỏi Việt Nam, con hứa là " Bất cứ giá nào con cũng bảo lãnh cho ba má rời Việt Nam", trong nhà 9 anh chị em ai cũng xong đại học. Bạn con cũng xong đại học. Còn con gác việc học của con để đi làm vì điều kiện bảo lãnh Ba má được đi Úc định cư. Con tâm sự với bạn thân, con không bằng ai. Bạn con nói rằng " bằng cấp hiếu thảo của con hơn mấy cái bằng cấp đại học nữa". Con rất xúc động,là một niềm an ủi vô biên và cũng là động lực giúp con bỏ đi mặc cảm thua kém của mình.Con vui lắm vì ít ra có người hiểu được con.

Con cám ơn ba má đã đào tạo cho con được lãnh bằng cấp hết sức quý giá này và con sẽ trang trọng đóng khung treo vào lòng con và mãi mãi ....đời đời không bao giờ phai dấu.

Má ơi, đêm đã khuya lắm rồi, con kể chuyện trong nước mắt, cùng lời hiệp nguyện đặc biệt từ phương xa của một người dành cho má. Má biết mà phải không má!

Đêm nay cũng là đêm cách nay 22 năm ba đón má về cùng ba hưởng hạnh phúc nơi thiên đường!

Thương yêu con gửi về má!

9 Kim Oanh của má
Melb. 24.9.2024