Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

Vịt Tàu Kết Thân

Một bầy trên cỏ rỉa lông
Đám kia bơi lội dưới sông cả đàn
Vịt tàu lạc hướng cô nàng
Tìm nơi nương tựa gặp chàng hỏi thăm
Xin cô hãy cứ an tâm
Sẽ không lạc lối âm thầm đợi tin
Vịt tàu mừng đến lặng thinh
Đôi bên vui vẻ kết tình bạn thân


Thơ &Ảnh: Huỳnh Phương Trạch


Không Thương Được Người Cũng Đừng Nên Ghét...



Không Thương Được Người Cũng Đừng Nên Ghét
Để Tâm Thanh Tịnh Thiên Hạ Thái Bình
***


KHÔNG thù oán hận tánh khó ưa

THƯƠNG kẻ vô minh sống lọc lừa

ĐƯỢC giải thắng thua gây phiền não 

NGƯỜI kém bạn hơn tạo gió mưa


CŨNG bởi nghiệp duyên gây thuở nọ

ĐỪNG vì tội lỗi tạo khi xưa

NÊN hư tiêu trưởng tâm an tịnh*

GHÉT bỏ thị phi gắng sức ngừa 


ĐỂ mãi thảnh thơi trong Cõi tạm

TÂM bình gió lặng Đức dư thừa

THANH  nhàn tự tại nơi Trần thế

TỊNH luyện an nhiên sống đủ vừa


THIÊN nhiên ưu dải người lương thiện

HẠ giới tham si  hết chỗ ưa”

THÁI hoà an lạc về muôn lối

BÌNH đẳng tự do cảnh cũ xưa


Văn Ngọc 

Cuối năm Tân Sửu 

28-01-2022

*tám phong bất động

Những Màu Sắc Cuộc Đời


Cám ơn nhiều thỏi son, nhiều màu sắc,
Cảm hứng theo giai điệu của bốn mùa
Những người yêu son không thấy mình già
Thỏi son cũng điệu đà không có tuổi.

Thỏi son cũ hay thỏi son còn mới
Vẫn bên em như tri kỷ trong đời
Cầm thỏi son vẽ nét đẹp trên môi
Em tự tin bước ra ngoài đường phố.

Ngày hôm qua lộng lẫy môi em đỏ,
Em góp màu phù phiếm dẫu sẽ phai,
Một chút son cũng đủ để mua vui,
Dù chỉ một buổi chiều thôi. Ngắn ngủi.

Hôm nay em chọn màu hồng êm ái,
Nhìn đời màu hồng nhẹ như áng mây,
Tô son lên môi em mộng mơ đầy,
Dù có thể một ngày không may mắn.

Ngày mai em huyền bí màu son lạnh,
Trời mù sương nhưng anh sẽ nhận ra,
Em dùng màu son môi tím thiết tha,
Kề vai em cho ấm lòng thương nhớ.

Ngày kia em màu cam tươi rực rỡ,
Hay màu son nude đơn giản dịu dàng,
Em thế nào anh vẫn nhận ra em,
Trong khoảnh khắc giữa tình đời muôn ngã.

Mỗi màu son nói lên điều gì đó,
Nhưng màu nào cũng nói em yêu anh
Màu son phai nhưng tình vẫn trăm năm
Em là biển anh hãy là sóng nhé.

Nếu ngày nào chúng ta không gặp nữa,
Tình tưởng gần mà tình đã xa xôi,
Những màu son những màu sắc cuộc đời
Em sẽ cất nằm yên trong ngăn tủ.

Nguyễn Thị Thanh Dương
( Jan. 16. 2021)

Sài Gòn Của Tôi -Thơ Hồng Vân(Virginia) - Nhạc Trần Đại Bản - Ca Sĩ Diệu Hiền


Thơ Hồng Vân(Virginia)
Nhạc Trần Đại Bản 
Ca Sĩ Diệu Hiền

Văn Thiền 聞蟬 - Miên Thẫm

Văn Thiền 

Tống quân tằng thử địa, 
Nhất biệt hốt kinh niên. 
Sầu sát trường đình liễu, 
Thu phong khởi mộ thiền.

Các Bài Thơ Dịch:
(1)
Nghe Tiếng Ve

Tiễn chàng từng ở nơi đây,
Biệt ly một thoáng đã đầy một năm
Trường đình liễu rũ buồn căm,
Thu phong vang dậy tiếng ngân ve chiều.

(2)
Từng tiễn chàng nơi đây,
Ly biệt một năm đầy
Trường đình buồn liễu rũ,
Thu phong dậy ve sầu.

Mailoc
***
 聞蟬                      Văn Thiền

送君曾此地,  Tống quân tằng thử địa,  
一別欻經年。  Nhất biệt hốt kinh niên.  
愁殺長亭柳,  Sầu sát trường đình liễu,
秋風起暮蟬。  Thu phong khởi mộ thiền.  

Miên Thẫm
***
Dịch Thơ:

           Nơi này hai kẻ xa rời
Thế rồi cũng trọn năm trời chia tay
        Bên đình liễu úa xót thay
Chiều thu ảm đạm gió lay ve buồn.

Quên Đi
***
Nghe Tiếng Ve

(1)
Tiễn chàng năm ấy tại nơi đây
Thoắt đã tròn năm nỗi nhớ đầy
Rặng liễu âm thầm chau nét mặt
Tiếng ve theo gió thoảng ngân dài.

(2)
Tiễn chàng chính tại nơi này
Thoắt đà trọn một năm đầy xa nhau
Âm thầm rặng liễu mày chau
Gió thu vẳng tiếng ve sầu xót xa.

Phương Hà
***
Nghe Tiếng Ve

Tại nơi đây,tiễn chàng môt thuở
Đã xa nhau tính nhẩm tròn năm
Trường Đình,rặng liễu buồn căm
Gió Thu văng vẳng xa xăm ve sầu

Song Quang
***
Văn Thiền

Nơi đây lần tiễn biệt
Xa cách cả năm tròn
Liễu cạnh đình buồn rũ
Gió thu ve nỉ non


Kim Phượng
21.1.2022
***
Nghe Tiếng Ve
 
Chốn này tiễn bước người xa
Chia tay thoáng chốc đã qua năm tròn
Bên đình sắc liễu héo hon
Gió thu hiu hắt nỉ non ve sầu


Kim Oanh

Theo Cùng Tháng Giêng


Như thói quen của một ngày đầu năm, chúng tôi dọn dẹp vào góc thời gian những công việc cho ngày cuối tuần ít ỏi của một phụ nữ bận rộn với việc làm toàn thời và những việc riêng tư, để thảnh thơi trong ngày Tết, tôi dành cho mình những giờ phút thư thái ở ngôi chùa quen thuộc, nơi đã chứng kiến niềm vui gia đình và cả nỗi đau mất Cha Mẹ của mình, nơi chúng tôi tìm về với bình yên năm mới, để sau đó, sung sức, mạnh mẽ bắt đầu mười hai tháng trước mặt.

Tháng Giêng kéo tôi đi cùng với những cơn gió nóng trái mùa ở Sydney, cùng với những trận mưa rào xối xả mùa hè, rồi tỉnh bơ ngưng mưa đột ngột, như chưa từng biết tới những cơn giông cuồng nộ mà hậu quả lỗ chỗ vết mưa đá đi qua trên mui xe. Tháng Giêng êm ả đưa tôi về với chùa, với cỏ xanh mượt, trời biêng biếc và mùi trầm hương quyện theo gió, mà gió thì quyện vào tóc, vào áo dài ... khiến tóc và áo thơm hương rất Tết!

Tháng Giêng tôi về nghe tiếng chuông sớm, lòng trầm lắng bao bụi bặm của cuộc đời, giặt phơi tấm áo che chắn những ưu tư rất đời, ngồi lại bên hiên chùa ngắm con sáo lách cách nhảy nhót.

Mùa này người có thắp trầm hương
thổi đi trong ký ức vô thường
thấy ta về giữa mùa xuân ấy
hoa xác pháo tàn rơi bốn phương
(thơ của trang)


Tháng Giêng tôi về ngồi lại hiên chùa cũ, ngậm chút mứt gừng cay the cùng ly trà xanh của thầy trụ trì ban cho, nụ cuời tu hành hiền lành, nghe tiếng con ong rù rì đập cánh trong màu vàng vạn thọ rực rỡ, tháng Giêng trong tôi bỗng ngọt ngào như đuợc tắm trong trận mưa thuở nhỏ dưới muôn vàn hạt nắng thơm tho sân chùa.

Theo tôi tháng Giêng về giữa đời
Thay màu áo mới sớm tinh khôi
Mạch khơi nguồn sống từ chân tóc
Oà vỡ xuân thì trên đôi môi
(thơ của trang)

Tháng Giêng với nụ hồng bé bỏng cạnh tôi ấm áp cái hôn chúc mừng năm mới, ngập ngừng lời chúc tiếng Việt nghe như tiếng phong linh reo vui đầy hoan ca.

Xuân Nhâm Dần 2022
Lương Mỹ Trang
Sydney, tháng Giêng 2022

Chuyện tình Hai Sắc Hoa Ti Gôn Và Ai Là Tác Giả Của Những Bài Thơ TTKH

 

1*. Mở bài

Phong trào thơ mới ra đời sau năm 1930, thi sĩ không còn bị gò bó trong những nguyên tắc phức tạp của thơ Đường, thi sĩ tự do diễn đạt cảm nghĩ và cảm xúc của mình.

Bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn ra đời trong những năm đầu của phong trào thơ mới. Với nghệ thuật diễn đạt truyền cảm, nội dung đượm nét u buồn của một mối tình dang dở, tác giả TTKH đã cuốn hút giới yêu thơ, và ai là người sáng tác những bài thơ TTKH? Nhiều suy đoán khiến cho Hai Sắc Hoa Ti Gôn và TTKH trở thành một huyền thoại.

TTKH đã chìm trong bí ẩn một thời gian rất dài.

Hoa ti gôn, Antigone fleur, do người Pháp mang qua Việt Nam, trồng ở những biệt thự của họ. Hoa thuộc loại dây leo màu trắng và màu hồng, người Miền Nam gọi là bông nho.

2*. Câu chuyện mở đầu

Câu chuyện mở đầu. Chuyện ngắn “Hoa Ti Gôn” của tác giả Thanh Châu được đăng trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 174, xuất bản tại Hà Nội ngày 27-9-1937. Nội dung chuyện ngắn Hoa Ti Gôn kể lại mối tình buồn của một họa sĩ. Họa sĩ Lê Chất.

Họa sĩ nầy thường đạp xe đi tìm cảnh đẹp, tình cờ thấy một thiếu nữ với sắc đẹp quyến rũ đứng dưới giàn hoa ti gôn trước nhà. Lê Chất mải mê đứng nhìn người đẹp. Khi sắp bước vào nhà, thiếu nữ phát hiện có người nhìn mình.

Từ đó, ngày nào họa sĩ cũng đạp xe đến biệt thự cũ, nhìn giàn hoa, tìm hình bóng của thiếu nữ đã in sâu vào tâm trí ông.

Lê Chất đã được gặp nàng vài lần thôi. Thế rồi ngôi nhà vắng bóng mỹ nhân, nhưng hình bóng cũ vẫn không phai mờ trong lòng chàng họa sĩ đa tình. Một thời gian sau, Lê Chất nổi tiếng, tranh vẽ được ưa chuộng và bán giá cao, họa sĩ trở nên giàu có. Một hôm, trong một bữa tiệc, tình cờ gặp lại người đẹp dưới giàn hoa ti gôn năm xưa. Người đẹp dưới hoa cho biết tên là Mai Hạnh, chồng là một người có quyền thế và giàu có.

Những ngày sau đó, mối tình lãng mạn đã đến. Mai Hạnh thường đến thăm người họa sĩ. Họ dự định bỏ trốn đi xa, nhưng lại sợ dư luận khinh bỉ, tiếng đời mỉa mai, tiêu đời họa sĩ, nên việc không thành.

Chuyện tình dang dở dưới giàn hoa ti gôn của nhà văn Thanh Châu, truyền cảm hứng để bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn ra đời.

Ít lâu sau, bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn ra đời trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 179 ngày 30-10-1937. Tác giả là TTKh.

3*. Bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn của tác giả TTKh

(Chuyện tình Hai Sắc Hoa Ti Gôn -Hoàng Oanh ngâm thơ)

Hai Sắc Hoa Ti Gôn

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong
Và phương trời thẳm mờ sương cát
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: hoa giống như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi.

Thuở đó nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy

Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm!
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường

Từ đấy thu rồi, thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người.

Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng, tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm pha.

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi.

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo, chân mây trắng
Người ấy sang sông đứng ngóng đò

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng
(TTKH)

4*. Thương cảm một cuộc tình dang dở

Giới văn nghệ sĩ thương cảm mối tình Hai Sắc Hoa Ti Gôn

Ngay khi bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn ra đời, giới nghệ sĩ xôn xao, vừa ngậm ngùi thương cảm cho một cuộc tình dang dở, vừa xót xa cho hoàn cảnh bi đát của người thiếu nữ, mà tâm tình không có nơi nương tựa. Đã mất người yêu, mất mối tình đầu đời, và mất tình yêu của người chồng. Cô đơn quá:

Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ
----
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.

Thi sĩ Jean Leiba (Lê Văn Bái) có những câu thơ đề tặng TTKh:

Anh chép bài thơ tự trái tim
Của người phụ nữ lỡ làng duyên
Lời thơ tuyệt vọng ca đau khổ
Yên ủi anh và để tặng em.
(J. Leiba)

Thi sĩ Nguyễn Bính viết bài thơ Dòng Dư Lệ để tặng TTKH

Mở đầu:

Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Rỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.

(Trần Thiện Thanh - Nhật Trường)

Chuyện tình Hai Sắc Hoa Ti Gôn được nhạc sĩ Trần Trịnh phổ nhạc năm 1958, do Hoàng Oanh ngâm thơ và hát, làm não lòng người nghe.
Trần Thiện Thanh soạn nhạc, soạn giả Viễn Châu soạn lời ca vọng cổ, do Bạch Tuyết Hùng Cường trình diễn.
Nhạc sĩ Song Ngọc có bài “Nếu biết tôi lấy chồng”
Bản nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng tựa đề “Dĩ vãng một loài hoa” là hay nhất.
Câu chuyện cũng được dịch ra tiếng Pháp, đăng trên báo Pháp với tựa đề Deux Couleurs de Antigone Fleur, cũng gây xôn xao trong giới sinh viên Việt Nam du học thời đó.

Chuyện Hai Sắc Hoa Ti Gôn cũng là đề tài để người viết chuyện. Sau đây là chuyện khôi hài, bài “Hoa Ti-gôn hai sắc”

Hoa ti-gôn hai sắc

Người ấy thường hay dụ dỗ tôi
Bảo rằng chăn gối phải có đôi
Thuyền anh chỉ có mình em biết
Sào nhổ đi rồi, ôi hỡi ôi .... !! :-)

Người ấy thường hay liếc ngó tôi
Áo cài một nút núi đồi phơi
Ống voi, lưng xệ model mới
Người ấy thường hay ngơ ngẩn ngồi ... :")

Nếu biết rằng anh Ngựa Hoang rồi
Em dzìa lấy rạ thả trôi sông

Nhử mồi anh đến cho em cỡi
Hổng mát lòng thì cũng ......chạy rông... !!!!!
Tác giả. Mây Lang Thang

Nỗi đau khổ của người thiếu nữ với mối tình dang dở

Từ đấy thu rồi, thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ

(Nếu Biết Tôi Lấy Chồng -Song Ngọc -Phương Diễm Hạnh)

Mùa thu được văn nghệ sĩ dùng để tả nỗi buồn. Mùa hè nóng bức, mùa đông lạnh lẽo, mùa thu mát dịu, lá vàng rơi…là nguồn cảm hứng của văn, thi, nhạc sĩ.

Mùa thu là thời gian cảnh vật chuyển mình, lá hoa héo úa, lá vàng rơi. “Từ đấy thu rồi, thu lại thu. Lòng tôi còn giá đến bao giờ”. Do chu kỳ thời gian, thu đến rồi thu đi, hết năm nầy qua năm khác, tấm lòng băng giá của người phụ nữ biết đến bao giờ mới chấm dứt đây?. “Lòng tôi băng giá đến bao giờ”?.

Niềm đau được nhà thơ Xuân Diệu vẽ bằng một bức tranh buồn bã, ảm đạm vô cùng.

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”.
(Đây mùa thu tới của Xuân Diệu)

Không gì đau đớn cho bằng vợ bị người chồng hất hủi.

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người.
-----
“Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác
Gió hỡi làm sao lạnh rất nhiều”
(Bài Thơ Thứ Nhất-TTKH)

Câu chuyện tình của TTKh

(Soạn giả Viễn Châu - Vọng Cổ  Bạch Tuyết Hùng Cường)

Gặp nhau

Sau hơn 30 năm chìm trong vòng bí mật, năm 1970, nhà văn Nguyễn Vỹ tiết lộ, Thâm Tâm là bút hiệu của Nguyễn Tuấn Trình. Thâm Tâm làm thơ, Nguyễn Tuấn Trình làm nghề vẽ.

Nhà văn Nguyễn Vỹ là bạn của Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình, kể lại:
“Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình là một thanh niên đẹp trai, y phục lúc nào cũng bảnh bao, có phong độ hào hoa, lịch thiệp.
Một đêm, cả hai chúng tôi ở nhà trọ, nhậu ngà ngà say, Tuấn Trình kể lại cuộc tình của anh với cô Khánh.
Trần Thị Khánh là học trò lớp nhất trường tiểu học Sinh Từ, thi rớt vào trung học nên ở nhà giúp mẹ làm nội trợ. Nhà cô Khánh ở đường Sinh Từ, sát bên cạnh vườn Thanh Giám, nơi thờ Khổng Tử.

Vườn Thanh Giám

Trong nhiều bài viết, có tác giả cho rằng Vườn Thanh là Thanh Hóa, điều đó không đúng.
Thanh Giám là một thắng cảnh của Hà Nội, được xây từ thời nhà Lý, Vườn hình chữ nhật, tường bao quanh bằng đá ong, cao hai mét.
Đền thờ ở trong cùng, trước đền có Hồ Tròn, bên cạnh hồ có hai bia đá ghi tên tiến sĩ đời nhà Lê. Trong vườn có cây cổ thụ và nhiều cây kiểng, là nơi yên tĩnh, mát mẻ cũng là nơi các cặp trai gái hẹn hò, tâm sự.
Nhiều bầy quạ tối nào cũng bay về ngủ cho nên người Pháp đặt tên là Chùa Quạ (Pagode des Corbeaux). Tên chính thức là Đền Khổng Tử (Temple de Confucius).
Nguyễn Tuấn Trình thường đến thăm người cô nhà ở sát Chợ Hôm, ông thấy sáng nào cô Khánh cũng đi chợ ngang qua nhà người cô. Khánh là một thiếu nữ rất đẹp, gây ấn tượng trong tâm trí Tuấn Trình.

Vào khoảng tháng 2 năm 1936. Tuấn Trình 19 tuổi, cô Khánh 17 tuổi. Sau vài tháng theo dõi và tìm cơ hội làm quen, Tuấn Trình gặp mặt và làm quen được với cô Khánh. Lúc đó Tuấn Trình vẽ và viết bài cho tờ báo Bắc Hà, ông gởi báo tặng cô Khánh. Người thiếu nữ 17 tuổi cảm mến người nghệ sĩ tài hoa. Tình yêu chớm nở khi những cành ti gôn trước sân nhà cô Khánh hé nụ.

Lúc đó, Tuấn Trình lấy bút hiệu là Thâm Tâm, làm những bài thơ tỏ tình gởi tặng cô Khánh, nhưng cô gái 17 tuổi dè dặt, theo lễ giáo gia đình nên không ngỏ lời đáp ứng tình yêu tha thiết của Tuấn Trình.

Trong khi những cặp tình nhân trẻ dắt nhau đi du ngoạn những cảnh đẹp hữu tình của Hà Nội, thì Trần Thị Khánh vẫn từ chối lời mời đến nơi hẹn của Thâm Tâm, cô thường nói: “Thầy mẹ em nghiêm lắm. Gia đình em nghiêm lắm”. Cô thường lập đi lập lại câu đó.

Chỉ có hai lần Khánh đến nơi hẹn nhưng không lâu.
Lần thứ nhất. Một đêm trăng ở vườn Thanh Giám, đôi trai gái gặp nhau nhưng cả hai không nói được nhiều. Khánh run sợ. Tuấn Trình bối rối. Tất cả những lời lẽ bay bướm đã sắp sẵn, lúc đó quên hết.
“Thầy mẹ em nghiêm lắm” rồi Khánh chạy về nhà.

Lần thứ hai. Cũng tại vườn Thanh Giám, thái độ của Khánh lạ lùng, khó hiểu, rồi cô buồn bã hỏi: “Anh định bao giờ đến xin thầy mẹ em, cho chúng mình?”.
Chàng thi sĩ bối rối trước câu hỏi bất ngờ, đáp: “Anh chưa nghĩ đến chuyện ấy”.
Có lẽ Tuấn Trình cảm thấy mình chưa đủ điều kiện để được gia đình nhà gái chấp nhận, hoặc chưa đủ điều kiện để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Chỉ vì nghèo.
Hai bên còn viết thơ qua lại với nhau, cho đến một ngày…Tuấn Trình biết được người tình lên xe hoa.

Người tình lên xe hoa

Tuấn Trình biết được chồng của Khánh là một nhà buôn giàu có ở phố Hàng Ngang, 39 tuổi, đẹp trai, góa vợ, không con. Tiệc cưới rất linh đình, rước dâu bằng 10 chiếc xe citroen mới toanh. Cô dâu đeo nữ trang rực rỡ, mặc chiếc áo màu đỏ tươi, lộng lẫy ngồi bên người chồng mặc áo gấm xanh.
Trái với dự đoán, Khánh rất hạnh phúc với chồng.

Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình buồn vì mối tình dang dở, mất người yêu, vì thân phận nghệ sĩ nghèo, Tuấn Trình thức suốt đêm làm bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn, ký tên TTKh.
Để giữ bí mật, ông nhờ cô em họ chép lại bài thơ bằng mực tím, nét chữ con gái, bỏ vào bao thơ, dán kín và đem tới tòa soạn tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy.
Theo ông Nguyễn Vỹ thì cô Khánh không biết làm thơ cho nên tất cả những bài thơ tác giả TTKh là do Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình là tác giả.

Huyền thoại. Hai Sắc Hoa Ti Gôn sở dĩ nổi tiếng của thi ca thời đó là do những nhà thơ phụ họa, và được quần chúng yêu thơ phổ biến rộng rãi.

 (Dĩ Vãng Một Loài Hoa -Anh Bằng- Yến Phương)

Vài nét tổng quát về Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình

Tiểu sử Nguyễn Tuấn Trình

Nguyễn Tuấn Trình sanh ngày 12-5-1917 tại Hải Dương. Mất ngày 18-8-1950 tại Cao Bằng (33 tuổi). Ông thuộc gia đình nhà giáo nghèo, đông con, 7 anh chị em.
Học hết tiểu học, ông ở nhà phụ giúp gia đình, đóng sách và nấu bánh kẹo. Khoảng 1936, ông cùng gia đình lên Hà Nội. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, ông phải kiếm sống bằng làm đồ gốm, vẽ tranh ở Bờ Hồ, rồi viết bài đăng báo, và làm thơ. Bài của ông được đăng tải trên các báo: Ngày Nay, tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, báo Bắc Hà…

Năm 1946, ông tham gia kháng chiến, nhập ngũ và làm Tổng thư ký tòa soạn báo Vệ Quốc Quân. (sau là Báo Quân đội Nhân dân). Ngày 18-8-1950, trên đường đi công tác trong chiến dịch Biên Giới, ông mất sau một cơn bịnh đột ngột. Các đồng chí và người dân mai táng ông ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.

Vợ ông là bà Phạm Thị An (1920-2005- 85 tuổi). Ông có một con trai duy nhất tên Nguyễn Tuấn Khoa.

Vì sao Tâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình giữ bí mật về TTKh?

Có ý kiến cho rằng sở dĩ Nguyễn Tuấn Trình không cho biết sự thật về mối tình với TTKh, là do ông sợ bị bạn bè chê cười và chế giễu vì là người bị người tình đá. Nhưng theo tôi nghĩ thì có hai lý do để Nguyễn Tuấn Trình giữ bí mật chuyện tình và tác giả TTKh.

Trước hết, Nguyễn Tuấn Trình muốn giữ hạnh phúc gia đình của người thiếu nữ mà anh yêu, nói ra cũng chẳng có ích lợi gì, chẳng thay đổi được gì. Ván đã đóng thuyền rồi.
Kế đó, cần giữ bí mật để mọi người thương cảm cho người thiếu nữ với mối tình dang dở, đau khổ vì mất người yêu và mất hạnh phúc gia đình.

Người ta thương mến hoàn cảnh của người thiếu nữ, nhưng nếu người phụ nữ đó trở thành nhà thơ đàn ông với bút hiệu Thâm Tâm thì người ta chỉ khen nhà thơ có những bài thơ hay mà thôi. Không có huyền thoại.

Hơn nữa, năm 1946, Tuấn Trình tham gia kháng chiến, giữ chức vụ Tổng thư ký tòa soạn báo Vệ Quốc Quân. Trong hàng ngũ Việt Minh, thì những bài thơ ủy mị đó không mang quan điểm lập trường đấu tranh giai cấp vô sản, mà nó chỉ là sản phẩm của tiểu tư sản cho nên không còn lưu luyến với những bài thơ trong quá khứ.

Những bài thơ ghi tác giả là TTKh

“Bài Thơ Thứ Nhất” Tiểu Thuyết Thứ Bảy (20-11-1937)
“Đan Áo Cho Chồng” đăng trên Phụ Nữ Thời Đàm
“Bài Thơ Cuối Cùng” Tiểu Thuyết Thứ Bảy (23-7-1938)

Những bài thơ tác giả Thâm Tâm

Gởi Cho T.T.Kh (Thâm Tâm)
Màu Máu Ti Gôn (Thâm Tâm)
Dang Dở (Thâm Tâm)

Kết luận

Bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn nổi tiếng và trở thành huyền thoại, do những bí ẩn bao trùm suốt 30 năm.
Những bài thơ ký tên TTKh xuất hiện rồi biến mất, để lại trong lòng người yêu thơ những câu hỏi mà chưa có câu trả lời trong suốt một thời gian dài.
Chuyện tình người thiếu nữ đau khổ vì mất tất cả, mất mối tình đầu, mất người yêu đầu đời, mất hạnh phúc gia đình vì bị người chồng hất hủi khiến cho người yêu thơ xúc động và thương cảm.
Các nhạc sĩ: Trần Trịnh, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Song Ngọc phổ nhạc bài thơ.
Năm 1970, nhà văn Nguyễn Vỹ tiết lộ: TT là Thâm Tâm, bút hiệu của Nguyễn Tuấn Trình. Kh là người yêu Trần Thị Khánh.
Trên thực tế, Trần Thị Khánh sống rất hạnh phúc với người chồng giàu có.
Trần Thị Khánh không biết là thơ cho nên những bài thơ ký tên TTKh đều do Nguyễn Tuấn Trình là tác giả.

Trúc Giang MN

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

Quỳnh Về Trong Đêm Vắng - Nhạc&lời Phạm Anh Dũng - Hòa Âm Nguyễn Anh Huy - Hiếu Trang Hát


Nhạc&lời Phạm Anh Dũng 
Hòa Âm Nguyễn Anh Huy 
Hiếu Trang Hát

Hồn Quê



Nếu thật hồn quê không còn nữa?
Xuân về, cũng chỉ nụ hương thừa.
Dù mai có rộ vàng lối ngõ,
Thì vẫn đâu là hoa năm xưa!

Đỗ Bình

Mơ Hoa(Kim Phượng) - Flower Dreaming(Hương Cau Cao Tân)


Nghìn đêm thắp nến tình nhân ấy
Những đóa nồng nàn tỏa khóm cây
Dìu dịu hương đêm tuồng quấn quýt
Thầm mơ vui thú phút sum vầy

Kim Phượng
***
Thơ Dịch:

Flower Dreaming
by Kim Phượng on Valentine’s Day 2022

Lighting those Valentine candles for a thousand nights
The intensely scented blooms pervades the tree bushes in sight
The lightly night fragrance seems to be willing to entwine
While I am dreaming silently about the moment of reunion time

Translated into English by Hương Cau Cao Tân in Canada


Nụ Cười Hoa


Rải thơ vào cõi muôn trùng
Tôi đi sau trước buồn trông cửa đời
Gió mưa mấy thuở ngọt bùi
Tôi gom nhặt những niềm vui nỗi buồn

Tình yêu thương đã vuông tròn
Ngại gì gió dập mưa dồn đẩy đưa
Tôi trong tôi những hoa mùa
Nâng niu cho cả giấc mơ mộng vàng

Mong mùa xuân đến rộn ràng
Tôi còn tôi bước cao sang chiếu ngồi
Đó đây còn chén rượu mời
Chẳng quên ân nghĩa chẳng vơi chân tình

Tôi còn nhặt đoá tồn sinh
Kết thành một chuỗi thơ tình tặng em
Mùa xuân có cả hoa sim
Hương xuân như thắm đường in dấu về

Một đời tôi viết say mê
Dọc ngang mấy thuở thơ đề mấy phen
Tôi đi rũ bụi ưu phiền
Giữ lưu luyến của hồn nhiên cuộc đời

Tôi còn yêu lục bát tôi
Đã vàng thêm tuổi ngậm ngùi chân qua
Tận cùng đời nụ cười hoa
Tôi còn đi với thiết tha cõi hồng.

Feb 10/2022
Hoa Văn


Thương Về Xứ Huế Của Tôi



Xin gởi về em vạt nắng vàng
Mùa Xuân yêu dấu thuở em mang
Bao nhiêu khúc hát ngày xưa ấy
Nhớ những hẹn hò buổi học tan

Ôi Huế ngàn năm vẫn nhớ thương

Những ngày thơ mộng tuổi đến trường
Sông Hương, Núi Ngự bao kỷ niệm
Khúc hát Nam Bình nghe vấn vương

Chiều nay ai đợi bến Vân Lâu

Tiếng hò mái đẩy bến giang đầu
Đò ngang, đò dọc đêm trăng tỏ
Tiếng sáo từ xa vọng nỗi sầu

Tôi về thăm Huế xưa yêu dấu

Năm tháng phong sương tóc úa màu
Đứng trên cầu cũ nhìn non nước
Hỏi lòng, vận nước sẽ về đâu?

Đại Bàng 
(Xuân Nhâm Dần)

Nhỏ Nhoi

 

Bây giờ trăng đã bỏ hoa
Sao không soi sáng mái nhà lãng quên
Không tiền không cả anh em
Vòng tay lạnh lẽo lạ quen ngỡ ngàng

Bọt bèo bướm dại cỏ hoang
Lòng đau tìm chút dịu dàng hương xưa
Lang thang ăn nắng uống mưa
Chân mòn sỏi đá muối dưa lệ trào

Trời cũng đau đất cũng đau
Thương trời nhớ đất biết sao hẹn hò
Biển sâu sông rộng không đò
Đường tình mấy nẻo quanh co mơ hồ

Hoa tàn người cũng héo khô
Cuối bờ dâu bể mả mồ trôi sông
Đường mây lối gió bềnh bồng
Còn đâu một giọt bụi hồng nhỏ nhoi...

MD.07/26/02
LuânTâm

Buổi Sáng Hạnh Phúc


Những tháng ngày giá lạnh và những trận bão tuyết của mùa đông đã qua đi. Trời bắt đầu vào Xuân. Những con chim nhỏ ríu rít hót ca khắp vườn sau ngõ trước. Những chú sóc nâu, xám, cùng nhau nô đùa, chạy thoăn thoắt trên thảm cỏ xanh non, trên những cành cây đang đâm chồi, nẩy lộc. Bầu trời cao, xanh thăm thẳm. Những tia nắng ấm áp đã mang lại vẻ vui tươi cho vạn vật sau những ngày ảm đạm, vắng bóng mặt trời.

Trâm chầm chậm bước đi trên con đường nhỏ tráng xi măng dành cho người đi bộ, hít thở cái không khí trong lành của buổi bình minh. Tâm hồn Trâm nhẹ lâng lâng và cảm thấy như đang được vây kín bởi một niềm hạnh phúc vô biên. Trâm mỉm cười nghĩ tới mẹ, tới chị, tới các con, các cháu. Tất cả những người thân yêu của Trâm còn đang ngủ ngon hay còn đang "nướng" thêm một tí trên giường nệm êm ái hoặc cuộn tròn trong một cái chăn ngoài phòng khách.

Căn nhà nhỏ với bốn phòng ngủ, thường ngày chỉ có năm người: mẹ, chị Yến, cháu Hoài, Trâm và bé Tí. Nhưng cuối tuần và ngày lễ, căn nhà được tăng cường thêm: vợ chồng cháu Hữu, cháu Hùng từ Virginia qua, con trai và con gái Trâm, Tuấn và Bích, từ trường về, Chương, bạn của Hoài cũng có mặt đều đặn vì từ mấy năm nay Chương đã trở thành một phần tử của đại gia đình này. Diện tích của ngôi nhà được xử dụng tối đa vào những ngày đó.

Hoa, vợ cháu Hữu, luôn luôn quanh quẩn trong bếp để nấu những món ăn đặc biệt. Chị Yến loay hoay dọn dẹp. Hoài, Hữu, Hùng, Chương, Tuấn, Bích và bé Tí chuyện trò như pháo nổ đêm giao thừa. Mẹ Trâm ngồi dựa lưng vào ghế nệm dài, nét mặt rạng rỡ, thỉnh thoảng góp chuyện cùng con cháu. Con cháu chuyện trò càng ồn ào, bà càng vui. Tối hôm qua, các cháu chơi tam cúc và bầu cua tôm cá với bà. Sau đó, lại ăn bánh, uống trà mãi tới một giờ khuya mới đi ngủ. Đã mấy tháng nay gia đình Trâm mới có một buổi tối vui như thế vì thời gian sau này mẹ Trâm đau luôn, không ngồi và đi lại được.

Trâm nghĩ mẹ sẽ khỏe luôn vì mùa đông đã trôi quạ Nắng ấm sẽ làm mẹ khỏi bệnh đau lưng, nhức mỏi. Con cháu quây quần, niềm hy vọng đoàn tụ với các con các cháu còn kẹt lại Việt Nam, giúp mẹ tăng tuổi thọ. Những lúc con cháu bận đi làm, đi học, mẹ giở từng trang cuốn “album” nhỏ, ngắm nghía ảnh các con, các cháu, các chắt. Mẹ cũng thường mở cái hộp bánh LU, đựng đầy thư cũ, đọc đi đọc lại từng cái một. Sau cặp kính lão, thỉnh thoảng, những giọt lệ lại lăn dài trên đôi gò má hom hem.

Đã từ lâu lắm rồi, niềm vui của mẹ không trọn vẹn vì con cháu ở ba nơi cách biệt: Mỹ, Úc và Việt Nam. Mẹ thường xót xa khi nghĩ đến cảnh khổ cực của con cháu bên nhà. Mỗi lần ăn một miếng ăn ngon, mẹ lại chép miệng thở dài: “Tội nghiệp mấy đứa ở nhà, chẳng bao giờ được ăn như vậy.” Mẹ thường giữ lại những quần áo của các con, các cháu không còn mặc nữa, ủi phẳng phiu, gói vào từng bao ny lông, mẹ bảo: “Để dành, khi mấy đứa ở Việt Nam sang thì mặc.”

Mẹ Trâm đã tám mươi sáu tuổi, nhưng tóc vẫn đen, mắt vẫn tinh tường và tinh thần vẫn sáng suốt. Hồi mẹ tám mươi tuổi, mẹ từ giã con cháu ở Việt Nam, rời quê cha đất tổ, một mình qua Thái Lan rồi qua Úc ở với anh Dũng. Phải là người can đảm lắm mẹ mới quyết định được việc đi, ở này. Lòng nhớ thương, mong ước được gặp con trai và các cháu nội xa cách mười sáu năm trời đã khiến mẹ gạt lệ ra đi.

Ngày tiễn mẹ ra phi trường Tân Sơn Nhất, các anh chị và các cháu đã khóc cạn nước mắt khi nhìn cái bóng nhỏ và gầy của mẹ mất hút ở cuối hành lang ra sân baỵ Trong một bức thư gửi cho Trâm, anh Lê viết: “Em không thể tưởng tượng được nỗi đau buồn của cả nhà khủng khiếp như thế nào trong buổi tiễn đưa mẹ.”

Sau khi tiễn mẹ, anh Lê thôi hẳn làm thơ tình ái. Anh đã hoàn tất hai tập thơ “Ngợi Ca Mẹ” trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Có lẽ vì phải xa mẹ nên tình yêu thương mẹ bấy lâu vẫn nằm im trong tận đáy lòng bây giờ mới có dịp trổi dậy mạnh mẽ. Trâm còn nhớ bài thơ "Sau Ngày Mẹ Lên Đường" của anh Lệ Mỗi lần đọc lại bài thơ này, mẹ lại sụt sùi khóc.

Chiều tím, sương buông hè phố lạnh,
Một mình con đếm bước lang thang,
Hồn quê mấy mảnh trăng tan vỡ,
Chút mộng ngày xanh đã úa vàng.
Hàng cây rét mướt, buồn hiu quạnh,
Nhà mẹ đây, hình bóng mẹ đâu?
Lối chợ ai che màu áo cũ?
Hồn con lãng đãng mộng xưa sau!
Hỡi ơi đất rộng trời cao thẳm,
Hun hút ngày qua, khuất nẻo về,
Chợt ngước nhìn lên... lầu cửa đóng,
Chập chờn ai đó? Dáng ai kia?
Ngõ hẹp vang câu vọng cổ buồn,
Hồn con dào dạt sóng muôn phương,
Bây giờ mẹ Ở phương nào nhỉ?
Mây trắng giăng đầy mây nhớ thương.
Dĩ vãng còn nguyên dấu ngậm ngùi,
Con tìm đâu nữa, một giờ vui?
Trăm năm cuộc sống chừng mê hoặc,
Một thoáng vèo qua mấy tuổi đời!
Cho dẫu chưa mang sầu tử biệt,
Đã đeo nặng trĩu sầu sinh ly,
Hồn con từng vết dao ai chém?
Ai dỗ con từng cơn mộng mê?
Trời tháng mười không dưng trở lạnh,
Con bàng hoàng mấy tiếng ho khan,
Thời gian trở gót đi chầm chậm,
Nhớ tuổi xuân con cũng ố vàng.
Song cửa chênh vênh vầng nguyệt khuyết,
Nghìn thu chìm tiếng võng xa xưa,
Hồn tôi xoải cánh sầu vô tận,
Tìm dấu mòn qua tuổi ấu thơ.

Mẹ Trâm ở Úc được ba năm thì chị em Trâm đón mẹ qua Mỹ. Tám mươi ba tuổi, một lần nữa mẹ lại vượt đại dương một mình. Trâm đón mẹ Ở phi trường Los Angeles. Lẫn trong đám người ngoại quốc to lớn và nhanh nhẹn một dáng người nhỏ nhắn hiện ra. Mẹ Trâm đó, vẫn dáng đi khoan thai, vẫn cái khăn nhung đen mỏ quạ. Mẹ mặc áo gấm thất thể màu xanh lam có hoa nhỏ. Trâm ôm mẹ, hỏi mẹ có mệt không? Mẹ giơ hộp sâm đã thái thành từng miếng mỏng:
- Mẹ không mệt, vì mẹ ngậm sâm. Này, con ngậm đi một miếng.
Với mẹ, sâm là thần dược, ngậm sâm là mọi bệnh tiêu tan hết.

Mẹ và Trâm ở lại nhà Mai, bạn nàng, trong hai ngày rồi mới lấy máy bay về Washington D.C. Trong hai ngày, mẹ vẫn khỏe nên Trâm và Mai đưa mẹ đi phố, đi chợ Việt Nam. Nắm tay mẹ đi giữa phố phường, Trâm tưởng như mình đang ngược dòng thời gian, cùng mẹ đi ngắm phố Hàng Ngang, Hàng Đào của Hà Nội năm xưa.


Từ ngày mẹ sang Mỹ, gia đình Trâm tràn ngập niềm vui. Những ngày nghỉ, con cháu quây quần quanh mẹ. Các con Trâm bắt đầu tập chơi tam cúc để chơi với bà. Những ngày giỗ, Tết, mẹ làm cơm canh cúng các cụ rất thịnh soạn và mong các con các cháu có thể về tham dự đầy đủ. Mẹ thích đọc báo và ngâm thơ Mẹ nhớ cả những bài thơ mà mẹ làm khi Trâm còn nhỏ.

Những chuyện xảy ra trong đời mẹ, mẹ nhớ như vừa xảy ra ngày hôm quạ Tuấn, con trai Trâm, là đứa cháu đã có công nhất trong việc giúp bà sống lại với quá khứ. Sau những giờ làm bài, học bài trong căn phòng đóng kín cửa, Tuấn thường ôm bà và hỏi han đủ chuyện. Những câu hỏi mà cháu đã hỏi bà không biết bao nhiêu là lần. Cháu hỏi, là đã thuộc câu trả lời của bà. Nhưng vì biết rằng đó là một nhu cầu, một hạnh phúc của bà nên cháu cứ hỏi, hỏi hết ngày này qua tháng khác.
- Bà ơi! Hồi ông cưới bà, bà mấy tuổi? Bà có biết mặt ông trước ngày cưới không?
- Bà có mấy anh chị em nhỉ? Cháu nhớ bà là út, chị của bà là bà Nga, bà Ngạn, bà Khiết, còn những ai nữa hả bà?
- Bà ơi, tại sao bà Nhỡ, chị của ông ngoại lại ở tuốt trên Yên Bái? Tại sao sư già lại tu ở chùa Cầu Bây?
- Hồi cụ ngoại mất ở Huế, bà có vào không? Mộ cụ để ở chùa Vạn Phước phải không bà? Đám tang cụ chắc to lắm?
Mắt bà cười, miệng bà cười, đáp lời cháu:
- Hồi ông cưới bà, bà mới mười ba tuổi, ông mười sáu, đang học ở Hà Nội, bà không biết mặt ông trước ngày cưới. Cưới xong ông lại ra Hà Nội, bà ở nhà quê với cụ, cụ góa chồng, bà Quỳnh đã lấy chồng ở Hà Nội, bà Nhỡ lấy chồng ở yên Bái, sư già đi tu nên cụ cưới bà về cho nhà đỡ vắng vẻ.
- Cụ người Huế nhưng cụ Ông người Bắc Ninh. Sau này cụ vào thăm bà Quỳnh nên mất ở Huế. Lúc cụ đau, bà vào thăm, cụ dặn bà nếu cụ mất ở Huế, cố mang xương cốt cụ về Bắc Ninh. Vì loạn lạc, bà không làm được theo lời cụ dặn dò, thành ra, mộ cụ Ông và mộ Ông ngoại ở Bắc Ninh. Mộ cụ bà ở Huế, mai mốt mộ bà ở Mỹ.

Mẹ Trâm góa chồng từ năm bốn mươi tuổi. Và từ đó, vũ trụ của mẹ là sáu anh chị em Trâm. Hồi bố Trâm mất, anh Dũng ở Hà Nội không về dự đám tang được vì Việt Minh chiếm đóng quê Trâm. Được tin bố mất, anh bỏ bữa cơm chiều ở nhà chị Tú, ra bờ hồ, ngồi khóc một mình. Ít lâu sau, anh lo đón mẹ và anh chị em Trâm ra Hà Nội. Anh đi làm rất vất vả để giúp gia đình. Anh Dũng là tấm gương sáng cho anh chị em Trâm trong suốt cuộc đời. Anh chị em Trâm yêu thương, đùm bọc nhau trong mọi hoàn cảnh, dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Trâm mở cửa bước vào nhà. Mẹ và tất cả mọi người đã quây quần ngoài phòng khách. Hoa và Bích đang loay hoay trong bếp chuẩn bị bữa ăn sáng. Mẹ ngồi ở ghế dài, mặc cái áo len màu trắng. Tuấn bá cổ bà hỏi:
- Tối hôm qua bà được bao nhiêu tiền hả bà?
Mẹ cười rất vui với ánh mắt sáng và cái miệng móm mém:
- Kể cả tiền keng anh Hoài cho, bà được mười tám đồng.
Tuấn đùa:
- Bà cho cháu nhé, bà thương cháu nhiều nhất mà!
- Mấy đứa ở bên này sướng rồi! bà để dành khi nào đủ cho mỗi đứa ở Việt Nam mười đồng thì bà gửi.
Tuấn hỏi:
- Thế bà đã để dành tiền gửi về Việt Nam để làm giỗ cụ chưa?
- Có, nhưng bà chưa gửi. Còn những mấy tháng nữa cơ mà!

Ngừng một lúc, mẹ tiếp:
- Bà vẫn muốn gửi một món tiền kha khá để các bác làm vốn. Rồi mỗi năm cứ lấy tiền lời ra để mà làm giỗ, làm Tết, không biết có được không?
- Cháu thấy như vậy là hay nhất, mỗi năm bà khỏi phải lo lắng gửi về mà ở nhà vẫn có tiền.
- Với lại bà già rồi, sống nay, chết mai, biết gửi được mấy lần nữa?
Tuấn hôn lên vầng trán nhăn của bà:
- Bà không có chết. Bà sẽ sống lâu trăm tuổi. Bà còn đi ăn đám cưới cháu. Bà còn kể chuyện cổ tích cho con của cháu nghe nữa cơ mà!
Bé Tí đang ngồi xem truyền hình, nghe anh nói, phá lên cười:
- Anh Tuấn đã tìm được cô nào chưa mà đã nói chuyện đám cưới và có con?
Tuấn mỉm cười, nhìn Trâm trả lời em:
- Mẹ thích cô nào là anh cưới cô đó, anh khỏi cần phải mất công đi tìm, vì mai mốt anh ở với mẹ mà!
Bé Tí hỏi:
- Thế nhỡ vợ anh cũng muốn ở với bố mẹ cô ấy thì anh tính làm sao?
- Thì ở chung hết. Con anh sẽ có cụ, bà nội, bà ngoại và bố mẹ, tha hồ mà được chiều.
Bé Tí lại cười:
- Anh Tuấn có bằng Tiến sĩ về “Xạo” hồi nào vậy?
Hoài đáp giùm Tuấn:
- Từ hồi nó lên ba tuổi. Nhưng mà nó xạo dở ẹc, nghe là thấy xạo rồi.
Tuấn nói:
- Như vậy tức là anh Hoài Xạo hay lắm? Thế thì em nhận anh làm sư phụ, anh chịu không?
Từ trong bếp, Hoa nói vọng ra:
- Mấy người đàn ông dọn bàn để ăn sáng! Bánh cuốn nóng hổi đây, lẹ lên kẻo bà đói bụng.
Hoài lè nhè:
- Đàn ông không vào bếp. Đàn ông không dọn bàn! Đó là truyền thống dân tộc, mình phải gìn giữ.
Bích tuyên bố dứt khoát:
- Thế thì đàn ông nhịn đói. Để đàn bà ăn hết!

Nói qua nói lại một lúc, cuối cùng, việc dọn bàn vẫn là của nhà bếp với sự trợ giúp của bé Tí. Đàn ông không phải nhịn đói, và hôm nay, gia đình Trâm vẫn giữ được "truyền thống dân tộc."

Trong khi ăn, cả nhà “hội thảo" rất sôi nổi về đàn ông và đàn bà ở xã hội Việt Nam và xã hội Mỹ. Phái nữ gồm Bích, Hoa, bé Tí đã gầm thét lên vì những bất công mà phụ nữ ở xã hội Việt Nam phải gánh chịu. Phái nam gồm Hữu, Hoài, Hùng và Chương thở ngắn than dài vì “đầu thai lầm thế kỷ”, nên đã phải sống trong xã hội Mỹ, một xã hội bênh vực quyền lợi của người phụ nữ một cách quá lố. Tuấn, không hiểu vì sợ chị Bích đòi lại đĩa bánh cuốn nóng hổi với những lát chả lụa thái mỏng và hành phi thơm phức, hay vì cảm thông với cả hai phe mà trong trận chiến, Tuấn chỉ ngồi im, chỉ thỉnh thoảng mỉm cười phụ họa.

Trong lúc Hùng ca ngợi người phụ nữ Việt Nam thuở xưa "Công, dung, ngôn, hạnh, tam tòng tứ đức", hy sinh cho chồng con... thì Bích ngừng ăn, trợn mắt, hét lên:
- Đàn ông Việt Nam ngày xưa khôn lắm! Không cho đàn bà đi học, để cho ngu đi, để họ bảo gì phải nghe nấy! Đàn ông viết sách, làm thơ giả vờ ca ngợi phụ nữ để phụ nữ phải ép hồn, ép xác mà sống theo mẫu người mà các ông đã nặn ra. Nào là “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu... ”
Các cụ Ông lại còn cho các cụ bà có "cái quyền" đi cưới vợ bé cho chồng nữa chứ! Thử hỏi có người đàn bà nào khùng đến nỗi muốn đi cưới vợ khác cho chồng không?
Chương cười khà khà:
- Hùng bắt trúng "đài" của Bích rồi đấy! Coi chừng chạy không kịp đó nhé!
Sau khi ăn điểm tâm và dọn dẹp xong, bé Tí nhanh nhảu trải tấm mền xanh và một miếng bìa ra giữa phòng khách:
- Nào, ăn kem bốn màu với bà, cho bà vui (Chơi tứ sắc). Anh Hoài, bác Yến, anh Hùng vào đây. Cháu chơi ké với bác Yến.

Những quân bài nhỏ xíu, bốn màu, được xoa xoa trên tấm bìa cứng, được bốn người chơi bài cầm gọn ghẽ trên taỵ Những đồng tiền keng, chạy qua chạy lại từ người này sang người khác. Tiếng cười nói rộn rã. Trâm ngắm mẹ, nét mặt mẹ thật vui và hiền hậu.

Ngoài kia, nắng đã lên cao. Nắng xuyên qua cành lá, lung linh rọi vào phòng khách qua khung cửa kính. Trâm mỉm cười, hài lòng với buổi sáng hạnh phúc mà Trâm đã may mắn có được. Trâm tận hưởng và sẽ luôn luôn giữ mãi trong lòng, để được yêu thương, để được sống./.

Lê Thị Nhị
(Tuyển tập Ngày Về)

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2022

TĐ - Tiếng Trống Mê Linh(Phần Cuối)- Soạn Giả Việt Dung&Vĩnh Điền - Song Ca Kim Trúc - An Lê


Soạn Giả Việt Dung&Vĩnh Điền
 Song Ca Kim Trúc - An Lê

Tháng Chạp Thơm Hương

(Ảnh: Tác Giả chuyển)

Tháng Chạp ai gửi gió sang đây
Mùa khô héo lá, nắng Sydney
Thèm mưa nơi ấy nồng vị biển
Hoà lẫn hương gừng trong nắm tay

Cuối năm dồn buớc qua Newtown
Tóc úa hạ vàng nắng hanh hao
Mũi kim đau cánh tay phía trái
Che khuất môi cười ai đó trao

Tháng Chạp treo rồng phượng, đỏ vàng
Tôi treo mùa phượng tím sắp tàn
Ngộ quá hạ xuân về chung phố
Nếu mai chưa nở, Tết hay chăng?

Tháng Chạp củi khô chờ giao thừa
Như còn Ba Má những ngày xưa
Ấm hơi sùng sục mùi nếp chín
Tưởng ở quê nhà đêm Ba Mươi

Tưởng như mùa xuân trong mùa hạ
Hội hè chợ Tết tiếng cười vang
Sân chùa Phước Huệ màu sen thắm
Khói pháo vương đầy trong không gian

Tháng Chạp gởi dùm tôi hồn Tết
Tôi gởi mộng về bao tháng năm
Ai đem Ba Má và xuân cũ
Dấu ở nơi đâu mấy độ rằm

Cố hương năm tận gom bồ kết
Nấu lại dùm tôi nồi nước xông
Chao ơi nhớ quá mùi hoa bưởi
Gội tắm sạch trơn mối bận lòng

Gởi dùm tôi mùa Tết xa xôi
Trừ tịch đêm quanh chỗ riêng ngồi
Vị báo tạ tình xin lỗi hẹn
Tháng Chạp quê nhà mưa có rơi?


Lương Mỹ Trang
Sydney 1/2022

Mừng Xuân Họp Mặt Biên Hòa



1/

Hai bảy tháng hai ta gặp nhau
Đồng hương xứ Bưởi gửi lời chào
Nhâm Dần cọp rống xua u ám
Tân Sửu trâu cày chịu đớn đau
Covid gieo kinh hoàng khắp chốn
Vaccine thuốc chích cứu đồng bào
Biên hòa hội ngộ mừng Xuân mới
Tay bắt mặt mừng dạ xuyến xao.

2/

Đầu Xuân kính chúc Tết nơi nơi
Nắng ấm Cali đẹp rạng ngời
Chào chị "Hội Hoa Xuân"khoe sắc
Mừng anh "Phước Lộc Thọ" đón mời
Nâng ly tiếp rước Nhâm Dần đến
Rót chén chia tay Tân Sửu rời
Rực rỡ cờ vàng bay phất phới
Biên Hòa Xứ Bưởi đón Xuân vui.

Nguyễn Thị Thêm

Hoa Tuyết Xứ Người



Lành lạnh hạt tuyết rơi
Bên đời sầu lẻ bóng
Từng hạt kết thành hoa
Cho đời thêm hương sắc.

Tuyết phủ trắng như mây
Rơi theo tháng năm dài
Giá băng trong sương lạnh
Bên đời nào ai hay

Giọt đọng lại nhớ ai
Giọt tan đi u hoài
Giọt nào sầu tê tái
Giọt thương tình chưa phai.

Lạnh buốt giá mùa Đông
Hay lạnh mãi cõi lòng
Đông còn hoài tuyết phủ
Nơi xứ người xa xăm.

Xuân Tiên


Khó Quên - Sáng Tác Hồ Bảng - Hòa Âm Quang Đạt - Tiếng Hát Hạnh Nguyên


Sáng Tác : Hồ  Bảng
Hòa Âm: Quang Đạt
Tiếng Hát: Hạnh Nguyên

Sương Mù

( Ảnh: Tác giả)

Trời không lạnh nhưng sương mù dày đặc.
Tình không nồng nhưng cứ mãi lòng cay
Đời không dài nhưng đợi trông thăm thẳm.
Gặp nhau rồi chốc lại phải xa nhau..

Sương mù làm mối tinh si nặng trịu
Mưa lất phất lòng kẻ sĩ mênh mang
Hương trà ấm tình đông đến tan vỡ
Chút vần thơ vách thường thô viết vội


Jan.2022
Kim Vũ

Cổng Trường Thời Con Gái


Mỗi năm sau Tết, vào đầu tháng Ba là quê tôi bắt đầu có những cơn mưa sớm. Những cơn mưa đầu mùa bất chợt, tình cờ như mang hơi thở cho hai hàng bạch đàn dẫn vào sân trường trổ hoa. Hoa bạch đàn từng chùm tủa trắng trinh nguyên treo hai bên đường vào lớp học. Ngôi trường huyện nhỏ nhắn, nằm khuất phía sau cánh cổng mùa xanh như khoắc lên chiếc áo mới thật đơn sơ, dịu dàng của người con gái mới lớn. Trường có nam có nữ, nhưng chừng như thấy toàn là con gái. Giờ chơi, giờ về lúc nào cũng vậy, toàn là đám con gái bọn tôi chiếm ngự cả trường. Có lẽ đám con trai thường lẽo đẽo phía sau, nên lúc nào cũng lép vế, đếm hoài hổng thấy được bao nhiêu. Lại thêm tóc dài cao lén, đám con gái bọn tôi lấn lướt cũng là chuyện thường tình. Mà cũng ngộ, bọn họ lúc nào cũng chơi mạnh bạo, ăn nói lớn tiếng nhưng khi đối diện với đám “liễu yếu đào tơ” thì cứ thộn mặt ra, lúng ta lúng túng nói chẳng thành lời.

Nhưng hề gì, chẳng bận lòng chi chuyện đám con trai, “nắng mưa là bệnh của trời…”. Bận lòng chăng là mấy hàng quán phía bên kia cổng trường có những món ăn nào cho buổi học sớm, những buổi trưa ở lại học thêm hoặc hôm chiều “lao động”. Phải ăn lắt nhắt, ăn ngon và ăn hạp số tiền ít ỏi của má cho trong thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” này. Không nhiều hàng quán để đến nổi quên, nhưng cũng không ít để có thể nhớ hết. Thôi thì nhớ gì ghi lại trong bài viết như những hồi ức, những kỷ niệm đẹp khó quên một thời trước cổng trường con gái…

Chuối Nếp Nướng


Không biết tự bao giờ, hàng chuối nếp nướng và xôi bắp của bà Tư đã có trước cổng trường. Nằm hơi khuất bên hông con ngõ nhỏ, hàng chuối nếp nướng của bà Tư lúc nào cũng được đám học trò chiếu cố nhiều, nhất là chị em bạn gái chúng tôi. Từ lớn đến nhỏ, lớp 10 đến lớp đàn chị 12, đều là khách hàng trung thành của nó. Sáng sớm, từ xa đã nghe mùi khen khét của lá chuối, mùi nếp nướng bay loáng thoáng một góc đường. Tôi vẫn còn nhớ như in, trái chuối xiêm chín tới, sau khi lột vỏ sẽ được áo một lớp nếp vừa phải, bọc trong lá chuối xanh rồi nướng trên vĩ than đỏ hồng. Nhờ có lớp lá chuối này mà bên trong nếp và chuối không bị khét. Vị ngọt lịm của chuối chín quyện với độ dẻo thơm của nếp nướng thơm ngon từng miếng nhai nóng ơi là nóng trong miệng. Rồi thêm vị béo ngậy của nước cốt dừa được chan dọc theo viền vỏ bọc nếp bên ngoài, có chàng nào lở liếc mắt đưa tình cũng phải đành lòng mà nuốt nước miếng. Mỗi buổi sáng, chỉ cần một trái chuối nếp nướng chan nước cốt dừa là tôi có thể cầm cự hết cả bốn giờ học chẳng hề hấn gì! Buổi sáng thì mua vội mang vào lớp, vừa ăn vừa ôn sơ bài vỡ hay tán chuyện hôm qua. Buổi trưa thì ngồi ăn tại chỗ, vừa ăn vừa đưa mắt nhìn mấy đứa con trai đi qua đi lại, mắt liếc nheo tình.

Bánh Lá Dừa


Đây là món bánh thân thương suốt một thời đi học của tôi. Không nhiều chất liệu bên ngoài như chuối nếp nướng chan nước cốt dừa, bánh lá dừa cũng không kém phần ngon tươi, hấp dẫn. Bánh nhỏ, quấn lá dừa gọn nhẹ nên ăn dễ dàng không sợ “bầy hầy”, dính tay. Sau khi mở lớp lá dừa đã được nấu chín, bên trong là lớp nếp trộn dừa và chen lẫn đậu đen vừa béo lại vừa bùi. Chính giữa bánh lá dừa có hai loại: nhân đậu xanh và nhân chuối được phân biệt bằng màu dây buộc bên ngoài. Bánh có thể ăn nóng hay nguội, phần lớn là ăn nguội và có thể để dành một thời gian nhất định. Bánh bán không cần gian hàng riêng, treo đâu bán cũng được, tiện lợi vô cùng. Ngoài hương vị tuổi thơ, bánh lá dừa cũng đã vượt thời gian trải dài một thời con gái mới lớn, một món ăn đặc trưng của miền tây sông nước:

Mời anh mua bánh lá dừa
Bánh này em gói nếp mùa thiệt ngon
Anh mua về đãi bà con
Bánh em nóng hổi ngọt ngon hơn đường"

Quả thật không quá đáng khi nói bánh lá dừa “gói” nhiều mối tình của một thời mới lớn. Là những món quà tặng "cho ai đó" trong buổi ăn trưa phải ở lại trường cho lớp học thêm buổi chiều. Kín đáo, không quá sỗ sàng để có thể bị người ấy từ chối ngượng ngùng. Vừa có bánh ăn ngon ngọt béo, no lâu chắc bụng, lại làm cho người kia cũng có nhiều cơ hội nhớ mong! Vẫn cứ như hôm qua, tôi không thể quên món bánh lá dừa một cặp hai chiếc, của bao mối tình học trò ngày đó đã tặng trao.

Bánh Tằm Bì


Gánh bánh tằm bì bà Sáu nằm xeo xéo và hơi xa cổng trường. Đây là món ăn “truyền thống” của đám con gái bọn tôi, tuy có hơi xa xỉ và tốn chút thời gian thưởng thức. Thường thì tôi và đám bạn chỉ ăn sau buổi chiều lao động ở trường thấm đói, trước khi lấy sức đạp xe về nhà. Những cọng bánh tằm tươi còn thơm mùi bột, phía dưới là rau thơm và dưa leo bầm nhỏ, trải lớp bì hương vị thím, chan nước cốt dừa và nước mắm ớt là cả một trời ký ức. Ăn bánh tằm bì không được ăn nhanh, mà phải gắp từng đũa, từng đũa. Phải thưởng thức vị béo mặn đầu lưỡi, phải hít hà với vị cay xè của nước mắm ớt và nhai từng cọng bánh tằm, bì trong mọi kẻ răng. Món ăn thành quen, quen thành ghiền. Con gái có thể trễ một buổi hẹn "với ai", nhưng không thể lướt qua gánh bánh tầm bì mà không ngồi xuống kêu cho mình một dĩa!

Đậu Đỏ Bánh Lọt


Quán cà-phê dì Năm là một chái lợp lá che dài phía trước hiên nhà. Chia làm hai phần: phía trong là hàng cà-phê dành cho đàn ông con trai, phía lấn ra ngoài mặt đường là hàng bán món chè đậu đỏ bánh lọt cho bọn học trò nữ. Đây là điểm nhân chứng biết bao lá thư tình trao tay và những hẹn hò một thời mới lớn của tuổi học trò, trong đó có cả tôi. Còn nhớ rất rõ, đậu đỏ nấu mềm với những cọng bánh lọt mà xanh mùi lá dứa, hoặc màu trắng thêm nước cốt dừa béo ngọt. Tất cả trộn lẫn hòa tan với nhau, vừa thơm vừa ngọt béo bùi, có chút đá bào để phía trên thì mọi trưa nắng nóng hay chiều đổ mưa đều đậm đà bên bạn bè, hay anh chàng nào đó mà “mắt chớp”, môi tươi từng muỗng! Không hiểu sao, ở tuổi học trò thuở nọ, đám con gái bọn tôi ăn uống thứ gì cũng ngon, cũng một đời để nhớ.

Thấm thoát 40 năm trôi qua. Tất cả chợt xa rồi những ngày xưa một thời con gái. Mái tóc ngày nào đã rụng dần, ngả trắng màu thời gian. Ký ức vẫn nguyên vẹn với trái chuối nếp nướng, chiếc bánh lá dừa, dĩa bánh tằm bì và ly chè đậu đỏ bánh lọt đã theo tôi đi qua bao miền đất lạ, bao nhiêu năm tháng quê người. Người ta có thể trở lại nơi chốn, tìm về góc phố cổng trường ngày xưa,dù biết bao vật đổi sao dời. Nhưng không ai, không ai trong chúng ta có thể mang trở lại dòng thời gian đã vĩnh viễn trôi xa. Nhớ về một hàng quán bên đường, một gánh chuối nếp nướng trước cổng trường thời con gái ngày nào, là nhớ đến những khuôn mặt, những nụ cười mà nay đã có người còn, người mất. Xin những ngậm ngùi hãy ở lại quanh đây, cùng tôi thương về một thời trong nỗi nhớ...

“Tìm đâu những ngày thơ ấu qua?
Tìm đâu những ngày xinh như mộng?
Tìm đâu những ngày thơ?
Tìm đâu những chiều mơ?
Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ? "(1)

North Carolina - Nguyễn Kim Hoa
(1) Những Ngày Thơ Mộng – Hoàng Thi Thơ


Những Ngày Thơ Mộng - Tác giả Hoàng Thi Thơ - Ca sĩ Hoàng Oanh


Tình Yêu Đến Tình Yêu Đi


Tình Yêu đến, lúc nào ta không biết?
Khi bên nhau ta nói chuyện vu vơ
Hay phút giây ta trông ngóng đợi chờ
Người không đến, lòng ta buồn biết mấy

Tình Yêu đến, lúc nào ta không biết?
Khi chợt nhìn một ánh mắt say mê
Của chiều nao có gió sớm Thu về
Ta cảm thấy nhớ nhung buồn ray rức

Tình Yêu đến, lúc nào ta không biết?
Khi bàn tay chợt nắm một bàn tay
Hồn chơi vơi thoát khỏi thế giới này
Ta lặng lẻ nhìn nhau mà chẳng nói!

Tình Yêu đến, lúc nào ta không biết?
Khi môi ta trao đổi nụ hôn yêu
Nhịp đôi tim hòa nhịp một buổi chiều
Ta đã cạn bao nỗi niềm tâm sự

Tình Yêu đi, lúc nào ta chẳng rõ?
Khi gặp nhau, sao ta thấy hững hờ
Người ta yêu đã hết gợi hồn thơ
Nét duyên dáng ngày xưa thôi quyến rũ

Tình Yêu đi, lúc nào ta chẳng rõ?
Một đêm nào ta chợt thấy buồn tênh
Lịm hồn ta trong chán nản mông mênh
Ta cảm thấy người tầm thường đáng ghét!

Tình chợt đến, chợt đi và chợt mất!
Ta chợt yêu, chợt chán, chợt buồn tênh
Và hồn ta chợt phiêu lãng lênh đênh
Trong thế giới của Tình Yêu kỳ ảo

Sương Lam



Tranh Vẽ: Nét Đẹp Thời Gian - The Beauty Of Time - Mùi Quý Bồng

Nét Đẹp Thời Gian * The Beauty Of Time
hay
Mẹ Già Tựa Cửa Trông Con* Waiting For Her Son By The Window
Theo Một Bức Ảnh Trên Mạng.* After A Photo On The Internet
(bút bi trên giấy * ballpoint pen on paper, 11” x 14”)

Họa Sĩ: Mùi Quý Bồng