Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Đoản Khúc Tình Thiên Nhiên


1- Gió reo lên âm điệu rì rầm / hàng cây như bàn tán thì thầm vẻ xinh xinh của mầm xanh duyên dáng / 
    Ngàn hoa thắm thi nhau đua nở / cỏ cùng cây say đắm ngất ngây / tất cả đều say sưa trong vũ khúc mơ huyền để đón chào ngày Mầm Xanh xuất hiện 
[Mầm xanh xuất hiện, SG 56]

2- Em ạ/có bao giờ em nằm yên lặng/để khung trời khép nhẹ trong bờ mi/đưa tầm mắt theo dõi con tàu về miền quê hẻo lánh/
    Dư ảnh cuộc đời vui chập chờn trong đợt khói / thanh âm cuộc sống động văng vẳng trên bánh xe / tất cả mất đi rồi...khi con tàu dừng lại một bến nào xa xăm /
[Thư cho người đi xa, SG 58]

3- Gió đại dương rời rợi thổi về / len lén sẽ uốn mình qua kẽ lá / Khúc nhạc tấu rung lên ngàn tiết điệu / bản trường ca giao động vạn âm thanh / 
    Nghe hay chăng tiếng thông reo lên âm điệu mơ hồ / xa xăm từ lòng đất / thì thào qua hơi thở / một trời sao êm đềm say nhịp chuyển / và sương đêm thầm lắng giữa u huyền /
   Mây trắng lững lờ trôi / hương gió miên man rung động lá cành / phấn thông vàng rơi lả tả / nụ thông cái nở môi cười. 
   Say đắm men đời thơm ngát / phấn thông vàng cùng nụ cái / tay vòng tay ắp ủ mộng ngày xanh.
[Tiếng thông reo, Phan Rang 59]

4- Nếu Tràng-Lớn được định nghĩa là một vùng lòng chảo bao la, trũng trũng dưới chân núi Bà-Đen thì nơi đây gồm những đồi thấp trập trùng bên ngọn Chứa-Chan. Nếu là thi sĩ chuyên sáng tác những thiên anh hùng ca vĩ đại thì anh sẽ ưa thích Tràng-Lớn hơn bởi vì từ dưới vùng đất trũng nhìn lên ngọn Bà-Đen ôi sao hùng vĩ ! Còn nếu là nhà tiểu thuyết đường rừng, anh sẽ chọn vùng này vì bên đồi chuối xanh tươi, có một giòng suối mà đêm đêm tiếng nước chảy ào ào vọng vào bên giường ngủ đã thêu dệt cho anh vài hình ảnh chuyện tình sơn nữ.

Ở đây, mỗi buổi sáng sớm anh thường nhìn về phía núi Chứa Chan, thấy vòm trời hửng sáng đẹp tuyệt vời bên kia núi. Mỗi khi đi bên bờ suối, anh thường để tầm mắt trôi theo giòng nước chảy xiết cho tới chỗ suối bị che khuất sau những lớp cỏ ngút ngàn. Vậy Em, hỡi Nàng Tiên yêu dấu của tôi ơi! Hãy chắp cho tôi đôi cánh tự do để tôi bay đến vùng ánh sáng bên kia núi, để được nhìn thấy bên đó có cái gì? Hay biến tôi thành chiếc lá trôi về miền đất trũng để tôi được biết nơi đó là đâu? Biên cương của trí óc tôi là núi đó, lãnh vực của trí óc tôi chỉ kéo dài từ đây tới miền đất trũng hẻo lánh nào đó, chắc chắn nó hiện hữu nhưng chính tôi cũng không được biết nó ở nơi nào.

[ TCNTVTTTCT, Xuân Lộc 75] 
ChinhNguyen / H.N.T. 
 7/2016


Vỡ Òa Nỗi Nhớ


Tình xa thương nhớ lửng lơ
Một ngày gặp lại bất ngờ : ồ em
Mắt rưng rưng giọt lệ mềm
Vỡ òa nỗi nhớ đôi tim ngậm ngùi

Nhớ sao ngày ấy bồi hồi
Cầm tay nhau dắt ngày trôi dịu dàng
Dắt chiều qua phố lang thang
Tiếng chim ríu rít ngân vang tiếng lòng

Hẹn hò chưa hết mùa đông
Đã nghe xuân đến bềnh bồng phiêu du
Bầu trời xanh biếc che dù
Nụ hôn chếnh choáng giấc mơ nồng nàn

Thế rồi khói lửa ly tan
Đành rời quê mẹ vội vàng em đi
Bỏ quên mái tóc xuân thì
Bỏ quên tình lỡ tay ghì nỗi đau

Sóng xô bão gãy nhịp cầu
Hồn rơi xuống đáy vực sâu bão bùng
Nỗi đau xé ruột chia chung
Se đôi mái tóc thắt vòng trái ngang...

Lửa tình ngỡ đã lụi tan
Bất ngờ gặp lại tro tàn lửa khơi
Muốn hôn lại ngại ngần môi
Chồng con em đã...nghẹn lời hỏi thăm

Bao năm trăng khuyết nửa vầng
Giấc mơ chẳng thể một lần tròn trăng
Cuộc tình hai phía dùng dằng
Tình không duyên nợ mãi dầm nhớ thương

Trầm Vân

Thất Thểu Ca



Ngồi buồn bắt cóc làm thơ!
Chôm thêm mấy vận lờ quờ đem ngâm
Ơ ầu … gió lộng cành trâm
Lá bay nhè nhẹ sang thăm vườn điều
Ngày hanh giọt nắng liêu xiêu
Chiều buông giấc ngủ cô liêu đêm dài
Có gì không ở tương lai?
Còn gì không hỡi tháng ngày đi hoang?
Quê hương đất mẹ điêu tàn
Vết ngầm độc tố tràn lan mọi miền
Dài cơn nắng hạn oan khiên
Cửu Long cạn nước tưới chuyền ngày sau
Những con đập chắn thượng đầu
Những lòng ích kỷ gieo sầu cuối sông
Ngậm ngùi nhìn nước biển Đông
Len vào sâu thẳm nội đồng không tan
Thương con cóc chẳng kêu than
Tiếng uềnh lạc giọng tiếng oang lạc loài
Còn đâu huyền thoại kiện trời!

Nguyễn Đắc Thắng
20160610

Tiếng Rao Hàng Của Người Việt Thời Pháp Thuộc

Tiếng Rao Hàng Của Người Việt Thời  Pháp thuộc cũng đi vào lịch sử của đất nước ta. 
Những tiếng rao không chỉ chứa đựng giai điệu ngọt ngào, trong nó còn có cả hương thơm, mùi vị, màu sắc, có tính kích thích tất cả các giác quan của chúng ta. 

Tiếng rao của những người bán hàng rong khiến cho phố phường tại các đô thị của Việt Nam trở nên rất sinh động. Điều này khiến cho những người nước ngoài cảm thấy thú vị. Tuy vậy, rào cản ngôn ngữ thường khiến cho họ không hiểu gì cả. 

Để “giải mã” những âm thanh đặc biệt kể trên, vào năm 1929, tác giả Pháp F. Fénis đã xuất bản một cuốn sách mỏng có tiêu đề “Hàng rong và tiếng rao trên đường phố Hà Nội” (Les marchands ambulants et les cris de la rue à Hanoi). Cuốn sách gồm 40 trang đã mô tả khá đầy đủ về các loại hình hàng rong và tiếng rao tương ứng ở Hà Nội thông qua hình ảnh và khuôn nhạc minh hoạ. 
Những hình vẽ minh hoạ trong ấn bản này do các học viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có Tô Ngọc Vân – người sau này trở thành hoạ sĩ nổi tiếng của Việt Nam – thực hiện.

Dưới đây là bản scan của một cuốn “Hàng rong và tiếng rao trên đường phố Hà Nội” đang được lưu giữ tại một thư viện của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Paris. 

Bìa cuốn “Les marchands ambulants et les cris de la rue à Hanoi”.. 
Lời nói đầu của tác giả F. Fénis. 
Phần lớn các tiếng rao ở Hà Nội là dành cho các loại bánh làm từ gạo. Bên cạnh đó cũng có các món ăn dạng sợi như bún, phở, các loại hoa quả, đồ uống v..v. Cũng có một số tiếng rao không liên quan đến việc ăn uống như tiếng rao của các hàng thu mua chậu, bát sứ vỡ, giẻ rách sắt vụn… 
“Ai dâu chín của nhà ra mua”. 

“Bánh giò bánh dày”.

“Se cấu se cấu” (kem vani). 
“Ai bánh chưng bánh cốm ra mua”. 
Gánh hàng tào phớ. 
Gánh hàng tào hủ. 
“Chum chậu bát sứ vỡ hàn không”. 
“Ai giẻ rách sắt vụn bán không nào”. 
Những người bán hàng rong tụ tập ở khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm. 

“Ai bánh Tây ra mua”. 
“Nước vối nóng ăn thuốc không”. 
“Ai mua ngô rang hạt dẻ ra mua”. 


“Ai bánh cuốn ra mua”. 
“Ai cháo đậu xanh ra mua”. ‘Ai cháo đậu xanh chè đậu đen ra mua”. 
“Le bánh cuốn”. 
“Ai mua bánh vừng không”. 

“Bánh giò bánh giày”. 
Chè hạt sen. 
“Ai mía ra mua” 
Ai bánh Tây ra mua. 

“Ai có chai cốc vỡ bán không”. 
 “Ai kẹo vừng kẹo lạc kẹo bột trạm ô mai ra mua”. 
 Lời giới thiệu về các món ăn ở trên. 
“Ai lạc rang ra mua”. 
“Ai nem sốt mua”. “Ai nem mua đi”. 
“Trung Bắc, Thực Nghiệp, Khai Hoá” (tên của 3 tờ báo thời thuộc địa). 


(Tổng hợp từ BELLE INDOCHI) 
Vũ Thị Bạch Hằng sưu tầm

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Nỗi Niềm


Thơ: Du Tử Huỳnh
Thơ Tranh: Kim Oanh


Ô Cửa



Ngôi trường cũ có bao nhiêu ô cửa
Để tôi về đếm những đám mây
Tôi sẽ gọi một bầy chim sẻ nhỏ
Những con chim từ xa vắng lạc bầy

Tôi sẽ đứng như một người thiên cổ
Lớp học buồn, như từ cõi cô đơn
Thầy ngồi đó, đôi vai gầy tóc bạc
Chút ngậm ngùi, cơn nắng đọng hòang hôn

Tôi sẽ về để biết mình bé dại
Hôm nào đây, chạy đuổi cuộc hành trình
Sông núi ấy, hai bên bờ cách trở
Đứa nào còn, nào mất giữa đao binh

Tôi sẽ nhớ một người tôi yêu dấu
Người nào đâu, về lại buổi hôm qua
Dấu chân nhỏ như vết hài vạn cổ
Đôi mắt nào theo dõi cuộc đời ta

Tôi sẽ nghe những hồi chuông lễ sớm
Đứng bên cầu tôi sẽ đợi chờ ai
Trong sương muối, người còn mang áo trắng
Trắng cả vùng trời, trắng cả đời trai

Tôi cũng hiểu rồi cuối cùng thua lỗ
Khi bỏ trường tôi ra đứng bờ sông
Người bên ấy đang đợi thuyền ghé bến
Tôi bên này, mưa bấc lạnh căm căm

Dù dối lòng như cuộc đời chàng Dũng
Vì đám mây bên ô cửa gọi mời
Tôi bỏ xứ lao đầu vào binh lửa
Coi cuộc đời như một chuyện rong chơi

Và người ấy qua dòng sông sương muối
Tôi lên rừng theo dòng thác binh đao
Và người ấy theo sông về biển lớn
Tôi tội tù trả nợ kiếp bò trâu

Giờ thiếu phụ đã nằm trong lòng biển
Tôi về Đông, về Bắc, biết về đâu
Trăng thiếu phụ tôi mang vào song cửa
Cho một lần, cho vô tận thiên thu

Trần Hoài Thư


Hạ Vẫn Huy Hoàng


Bài Xướng:

Hạ Vẫn Huy Hoàng


Hoa nắng buông cành để lả lơi
Phơi mình uống nắng ve vang trời
Từng bầy én lượn bao xuân đã
Mấy tháng hạ về những lệ rơi
Dĩ vãng một thời đang sống lại
Khung trời kỷ niệm dẫu xa rời
Phượng hồng hẳn chết hè hôm ấy
Không! Vẫn hương thầm sắc chẳng vơi.

Kim Phượng
***
Bài Họa:
Họa Y Đề Với Kim Phượng

Gạo tiền cơm áo chửa buông lơi 
Thế sự bon chen bực thấu trời! 
Loáng thoáng tình xuân tan biến mất
 Xanh lè chiếc lá chực chờ rơi 
Tháng ngày lây lất đang còn lại 
Cánh áo te tua sắp sửa rời 
Hạ vẫn huy hoàng trên nóc chợ 
Sông Tiền lặng lẽ nước dần vơi! 

Cao Linh Tử 
14/7/2016

Một Dạng Thơ Đường Luật Độc Đáo


Không Đề

Nối nghiệp nhà xưa học một kinh, 
Chẳng ngờ lạc đến áng công danh. 
Thân xưa đã có duyên hương lửa, 
Lộc nặng ơn nhờ đức thánh minh. 
Lỗi bước, già nên chịu dại, 
Hay cơ, trẻ khá làm thinh? 
Phúc nho hoạ trong đời trị, (*)
No ấm cũng nhờ phúc thái bình.
         Nguyễn Bỉnh Khiêm

Khi đọc bài thơ này, có lẽ sẽ không ít người ngạc nhiên cùng những thắc mắc tuần tự hiện ra. Đây là thơ thuộc thể loại nào, sao lại có đến 3 câu 6 chữ? Có phải do viết thiếu chăng? Hay là thơ Đường Luật phá cách? 
(*) Những câu có chữ viết đứng trong các bài thơ của bài viết này là những câu 6 chữ.

***

Năm 1407 vua nhà Minh bên Tàu sai tướng Trương Phụ sang thôn tính nước ta. Lúc bấy giờ, nước ta đang vào triều đại Hồ Quý Ly quốc hiệu Đại Ngu. Cuộc chống giặc ngoại xâm thất bại, vua tôi nhà Hồ bị bắt gần hết. Trong số các quan lại thoát được có Nguyễn Trãi. Nơi ông trốn lánh lâu nhất là Côn Sơn. Trong khoảng thời gian này, ngoài việc lên kế sách để đuổi giặc xâm lăng, ông còn thay đổi dạng thơ Đường luật thành một dạng riêng cho mình. Không những thế, các vua, quan từ đó về sau cũng sáng tác Thơ Đường Luật dạng này. Đó là dạng thơ mà ngày nay gọi tên là " Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn".

Ức Trai Lão Tiên Sinh đã đan xen bao nhiêu câu 6 vào? ở vị trí nào? như thế luật Bằng Trắc và Niêm, Đối có thay đổi không? 

Để giải đáp những câu hỏi trên, chúng ta cùng tìm hiểu qua thơ của Nguyễn Trãi trong quyển "Quốc Âm Thi Tập". 

Quốc Âm Thi Tập gồm hơn 250 bài thơ Nôm, không có tựa đề, chỉ đánh số thứ tự. Để tiện cho việc tìm kiếm, có nơi đã tuỳ theo nội dụng đặt cho tựa đề. Những bài thí dụ bên dưới hầu hết tôi lấy từ Thivien.net. 
- Chỉ có 1 câu 6 chữ, như "Ngôn Chí 2". Đó là câu thứ 8:

Vừa sáu mươi dư tám chín thu, 
Lưng gầy da xí tướng lù khù. 
Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào Hứa, 
Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng Chu. 
Bát cơm xoa nhờ ơn xã tắc, 
Gian lều cỏ đội đức Ðường Ngu.
Tơ hào chẳng có đền ơn chúa 
Dạy láng giềng mấy sĩ nhu

Bài thơ trên làm theo luật Trắc. Tác giả đã bốt đi chữ dầu của câu 8
- Bài "Tự Thán 15", có 2 câu 6 chữ nhưng không đi liền nhau.1 câu nằm trên cặp Đề, 1 câu nằm ở cặp Kết:

Lòng người man xúc nhọc đua hơi, 
Chẳng cóc nhân sinh gửi chơi. 
Thoi nhật nguyệt đưa qua mấy phút, 
Áng phồn hoa họp mấy trăm đời. 
Hoa càng khoe tốt, tốt thì rữa, 
Nước chớ cho đầy, đầy ắt vơi. 
Mới biết doanh hư đà có số, 
Ai từng cải được lòng trời.

Đây là bài thơ Luật Bằng, Tác giả có thể đã bỏ chữ thứ nhất hoặc chữ thứ 5 ( nếu không áp dụng Nhất Tam Ngũ Bất Luận, thì tác giả bỏ bớt chữ thứ 5) trong các câu 6 chữ
- Bài Thơ có 2 câu Đề là 6 chữ như bài "Mạn Thuật 4" dưới đây:

Giũ bao nhiêu bụi, bụi lầm, 
Giơ tay áo đến tùng lâm. 
Rừng nhiều cây rợp hoa chầy động, 
Đường ít người đi cỏ kíp xâm. 
Thơ đới tục hiềm câu đới tục, 
Chủ vô tâm ỷ khách vô tâm. 
Trúc thông hiên vắng trong khi ấy, 
Năng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm.

Chúng ta thấy bài thơ này đều đúng theo Đường Luật Thi luật Trắc, Tác giả chỉ bỏ bớt chữ thứ nhất ở hai câu Đề
- Bài "Thuật Hứng 24" dưới đây có cặp Thực 6 chữ 

Công danh đã được hợp về nhàn 
Lành dữ âu chi thế nghị khen 
Ao cạn vớt bèo cấy muống 
Đìa thanh phát cỏ ương sen 
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc 
Thuyền chở yên hà nặng vạy then 
Bui có một lòng trung lẫn hiếu 
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen. 

Đây là bài thơ Luật Bằng, như thế ở hai câu Thưc, Tác giả đã bỏ bớt chữ thứ 5 
- Một của câu Đề và Cặp Thực là 3 câu 6 chữ như bài" Tự Thán 10"

Tơ tóc chưa hề báo sở sinh, 
Già hoà lủ, tủi nhiều hành. 
Chông gai nhẹ đường danh lợi, 
Mặn lạt no mùi phế tình. 
Sách một hai phiên làm bậu bạn, 
Rượu năm ba chén đổi công danh. 
Ngoài chưng phần ấy cầu đâu nữa, 
Cầu một ngồi coi đời thái bình.

Đây là bài thơ có Luật Trắc, Như vậy Tác giả đã bỏ chữ thứ nhất ở 3 câu 6 chữ.
- Ở bài "Ngôn Chí 2" có 4 câu 6 chữ ở các cặp Luận và Kết

Lểu thểu chưa nên tiết trượng phu, 
Miễn là phỏng dáng đạo tiên nho. 
Chà mai đêm nguyệt dậy xem bóng, 
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu. 
Dưới công danh đeo khổ nhục, 
Trong dại dột có phong lưu. 
Mấy người ngày nọ thi đỗ, 
Lá ngô đồng thuở mạt thu.

Bài Thơ Luật Trắc, Như vậy các chữ thứ nhất của 4 câu cuối đã được Tác giả bỏ
- Đặc biệt bài "Mạn Thuật Kỳ 4" có đến 6 câu 6 chữ, chỉ còn 2 câu kết là 7 chữ 

Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay, 
Trong thế giới phút chim bay. 
Non cao non thấp mây thuộc, 
Cây cứng cây mềm gió hay. 
Nước mấy trăm thu còn vậy, 
Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay. 
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết, 
Bui một lòng người cực hiểm thay.

Với bài thơ này, cũng là bài thơ Luật Trắc, thế nhưng tác giả không chỉ loại bỏ chữ đầu câu 1, mà còn có chữ thứ 5 các câu 1, 3, 4. Riêng hai câu 5 và 6, có thể Tác giả đã bỏ các chữ thứ 6 trong câu cho đúng với Luật Thơ Đường.

Tóm lại, Qua các thí dụ và nhận xét trên, ta có thể rút ra những nguyên tắc trong thơ Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn như sau:
- Vẫn giữ đúng Luật của Đường Luật Thi.
- Số câu 6 chữ có thể nằm trong giới hạn từ 1 đến 6 câu (sở dĩ tôi dùng chữ có thể vì tôi đã được đọc một bài thơ Lục Ngôn lại viết theo Đường Luật Thi, nhưng quên ghi chép lại, giờ tìm chưa ra).
- Các câu 6 chữ nằm bất cứ vị trí nào trong bài thơ.
- Để theo đúng Luật Đường Thi và khi ngâm nga nghe cho êm, nên Tác giả đã tuỳ nghi mà bỏ các chữ ở các vị trí khác nhau. Nhưng thông thường, các chữ thứ nhất và thứ 5 được bò nhiều nhất.

Trải dài suốt triều Hậu Lê cho đến thế kỷ 19, dạng thơ này được khá nhiều nhà thơ sử dụng:

1/Lê Thánh Tôn 
Người Ăn Mày

Góp giang sơn xách một quai, 
Lượng bằng sông biển chẳng từ ai! 
Vườn đào ngõ mận từng len lỏi, 
Gác tía lầu son mặc nghỉ ngơi. 
No biết thế tình mùi mặn nhạt, 
Quản bao nhật nguyệt (ngày tháng) bữa đầy vơi! 
Vương tôn thuở trước làm sao tá? 
Bái tướng phong hầu, ấy những ai?

2/ Hội Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú

Đêm Trung Thu Không Trăng
Lượt là vằng vặc rạng tơ hào, 
Phải mịt mù nay vì cớ nao? Nhân bởi hắc vân ngất phủ, 
Há rằng ngọc thỏ hay lao. 
Hằng Nga lấy đấy làm rông vát, 
Thục Đế tuồng ni kẻo ước ao. 
Mựa đắng đêm nay chăng thấy nguyệt, 
Thu qua đông đến quế càng cao.

3/ Tác giả Khuyết Danh Thời Hậu Lê

Mẫu Đơn

Dưỡng cẩn vườn tiên của hạ thường 
Trăm hoa tươi tốt đã khiêm nhường 
Thức tươi chiếm được xuân thiên hạ 
Giá trọng kham khoe đất Lạc Dương 
Khắp trong đời khen quốc sắc 
Hơn chúng bạn khải hoa vương 
Dầu thêm hay thốt hay cười nữa 
Thấy mặt trong lòng những đoạn trường

4/ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Cương Thường

Trời phú tính ở mình ta, 
Đạo cả cương thường năm mấy ba. 
Tôi hết ngay, chầu chức chúa, 
Con hằng thảo, kính thờ cha. 
Anh em mựa nỡ điều hơn thiệt, 
Bầu bạn cho hay nết thực nhà. 
Nghĩa vợ chồng xem rất trọng. 
Ở đầu phong hoá phép chưng nhà.

5/ Nguyễn Hữu Chỉnh

Ngôn Ẩn Thi Tập Bài 1

Trên đầu đã rối tóc hoa râm 
Lẩn thẩn còn chơi đám cát lầm 
Nẻo lợi danh tuy dở bước 
Lòng trung hiếu hãy bền cầm 
Khôn chửa đủ mùi kim cổ 
Dại nào lường máy thiển thâm 
Miễn trọn cho cùng nhân sự chửa 
Thôi thôi rất lẽ thuận thiên tâm

Ngoài ra Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng có bài thơ thuộc dạng này:

Cùng Quan Tế Tửu Họ Phạm

Kìa ai tỉnh, kìa ai say (*)
Kìa ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày 
Khoan khoan xin hãy dừng tay lại 
Chớ mó hang hùm nữa mất tay

(*) có bản viết:

Ông đồ tỉnh ông đồ say
Sao ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày...

hay là: 

Say hay tỉnh tỉnh hay say
Trêu hoa ghẹo nguyệt giữa ban ngày...

Tính đến nay, đã tìm được gần 1000 bài thơ Thất Ngôn Xen Lục Ngôn cho hậu thế. Nhìn chung, có 4 nhà thơ làm dạng này nhiều nhất. Đó là Nguyễn Trãi với Quốc Âm Thi Tập, vua Lê Thánh Tôn và Hội Tao Đàn với Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm với Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập và Nguyễn Hữu Chỉnh với Ngọc Ẩn Thi Tập.

Là một người yêu nước, có tinh thần tự chủ mạnh mẽ, Nguyễn Trãi muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào Thơ của Tàu, Ông đã tự mở cho mình một lối đi riêng bằng cách sửa đổi số chữ trong bài Đường Luật Thi. Con đường được vạch ra, ông đi trước, các thế hệ sau nhất là những thi nhân Triều Hậu Lê đã hưởng ứng mạnh mẽ, tỏ rỏ sự độc lập của đất nước .

Trong ý nghĩ cá nhân, tôi thường hỏi: tại sao thế hệ chúng ta không hưởng ứng và phổ biến sự bất khuất của Nguyễn Trãi nói riêng và dân tộc Việt nói chung, qua dạng Thơ Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn này.

Huỳnh Hữu Đức biên soạn

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Nếu Anh Đừng Hẹn -Nhạc Sĩ: Dạ Cầm & Lê Dinh- Tiếng Hát Thu Cúc



Nhạc Sĩ: Dạ Cầm & Lê Dinh
Tiếng Hát: Tô Thị Thu Cúc

Năm Qua Tháng Lại



Ờ thì nhắc lại một lần
nhắc em chút đỉnh dần dần đỡ quên
ngõ nào vắng ngõ chiều lên
hiên xưa đã cũ rêu thềm rất xanh

đậm đà là chút  nắng hanh
nắng xiên trứng cá trên cành cây khô.

Ờ thì hồi đó tới giờ
anh lơ ngơ bước hụt chờ bóng em.
con chim sâu nhỏ từng quen
kêu chim chíp lạ chừng quên người về
từ ngày lăng lắc bỏ quê
chân đi đã mỏi chưa hề gặp nhau.

về đây anh đứng bên rào
chiều phai bóng nắng lòng đau mấy tầng.

Ờ thì mắt đỏ rưng rưng
bóng em lẫn quất như gần như xa
nhớ em vừa mới hôm qua
còn như hơi thở mặn mà hương quen

cùng trời cuối đất tìm em
tìm em suốt kiếp bóng chìm biệt tăm.
Ngày qua tháng lại âm thầm
con tim khô héo bóng tăm biệt mù

Ờ thì tình đã thiên thu
kẻ đi người ở ai bù cho ai.
nhớ thương là một cái gai
lể tươm vết sẹo mưng ngoài mủ trong

năm qua tháng lại quay mòng
như con vụ gỗ chạy vòng lối đi.

Ờ thì nhắc lại làm chi
tuổi xanh đã mất xuân thì đã tiêu
về đây bóng nắng phai nhiều
hoàng hôn hình đã tan chiều tím sông.

 Trần Phù Thế
(Từ Thi Tập Đọc Khan Giọng Tình)

Hương Thầm- Dấu Yêu Tình Tan



Xướng: Hương Thầm

Lặng thầm buông xuống đời nhau
Yêu thương nhuộm tím sắc màu thời gian
Gởi hương theo gió qua ngàn
Trao tình sương nắng vương mang bốn mùa

Du Tử Huỳnh
14/07/2016
***
Họa: Dấu Yêu

Dấu yêu từ buổi xa nhau
Hoàng hôn nhung nhớ tím màu không gian
Sầu dâng ngun ngút mây ngàn
Góc đời hiu quạnh riêng mang từng mùa

Kim Oanh
***
Cảm Tác:Tình Tan

Lối xưa đôi bóng tìm nhau
Pense tím lót ngõ vào trần gian
Trách ai chia cách dậm ngàn
Hoa nay vẫn tím, tình tan theo mùa


Biện Công Danh

Mảnh Vụn

Nhà vợ chồng Quới cách nhà tôi ba căn. Cả hai căn nhà cùng nằm bên con rạch nhỏ của cống Mụ Nghệ chảy vào xóm ngoại ô Thị xã. Mùa mưa sắp đến, Quới tạm nghỉ đi làm thuê một ngày để ở nhà mua chục lá lợp chèn lại cái mái dột nhiều nơi. Quới leo lên mái nhà, vợ đứng dưới chuyền lên cho anh từng tấm lá.

Sáng nay, xóm tôi bổng vắng tiếng hót của những chú chim chìa vôi quen thuộc. Nghĩ mà giận cho bọn săn chim, chúng vác súng săn vô xóm vài hôm thì không còn bóng dáng chú chim nào trên cây bằng lăng nơi mé rạch. Xóm nhỏ nầy vốn yên tĩnh, lại yên tĩnh nhiều hơn. Nhưng sự yên tĩnh bị phá vỡ khi vợ Quới gào thét với đứa con trai:
- Binh!...Mày có biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Sao còn nằm nướng trong mùng…Tao kêu một tiếng nữa thì đời mầy tàn… như cục đá mài dao.

Vẫn không có tiếng thằng Binh trả lời, vợ Quới gằn giọng gọi to hơn:
- Binh…Binh…

Am giọng sau cùng của Quới nghe rất to và nặng. Như bất lực trước sự lì lợm của con, vợ Quới ngừng tay đưa lá, rút cây chổi lông gà vắt trên vách lao vào giường quất túi bụi vào đứa con mười bốn tuổi đang ngủ. Chị vừa quất vừa la cùng lúc giọng thằng bé vừa kêu trời vừa khóc thét. Như quen cảnh nầy, Quới bình thản chèn tiếp những lỗ thủng trên mái nhà, không hề có thái độ nào với vợ, mặc dù vợ anh luôn miệng réo anh xuống xử lý thằng con. Nhưng khi chị chưởi:
- Đồ lì lợm!...Mày giống cái thằng cha mày…

Quới nhảy phắt xuống đất trong lúc thằng Binh bị đòn đau chạy bổ ra con hẻm. Cọc vé số vừa nhận ở đại lý chiều qua bị mẹ nó ném theo sau lưng đổ tung trên đường đất. Quới đến trước mặt vợ, gằn giọng hỏi:
- Bà nói cái gì?...Nói lại tôi nghe coi.
Như bị chạm vào thần kinh, vợ Quới la hét khai ra những chuyện xấu của chồng và con và những chuyện không vui trong gia đình. Cái quá khứ khổ đau của Quới được chôn kỹ bổng bị quật mồ. Biết mình vô phương khuyên can vợ, Quới quay ra phân trần với mấy người hàng xóm:
- Bà con thấy không, nhà tôi dột nát không lo chèn lại, cứ kiếm chuyện làm cho gia đình tan nát thêm thôi.
Những người trong xóm định vào can thiệp nhưng lại e dè, họ sợ khi can thiệp, thì quá khứ không đẹp của họ sẽ bị vợ Quới quật mồ. Những người đứng xem và tôi, chưa kịp mở miệng nữa lời, vợ Quới quay sang huơ tay nói xẵng:
- Mấy người về hết đi, đèn nhà mấy người cũng tối thui thôi.
Mọi người tản ra, tôi cũng thụt vô nhà. Giọng đanh đá của người đàn bà ấy cứ đuổi theo sau tôi vào tận trong nhà. Tôi dùng cái head phone của chiếc máy Cassette chụp kín vành tai rồi mở thật lớn những bài hát tiền chiến trữ tình. Giọng chanh chua của vợ Quới không có chỗ thẩm thấu vào màng nhĩ tôi, nó lại tìm đường chui vào tận đáy lòng tôi. Tội nghiệp cho cái xóm nhỏ nầy quá. Ai đã cướp mất tiếng chim chìa vôi buổi sáng để giờ đây có người thay vào đó những lời đanh đá khó nghe.
Tôi buồn quá! Đi thôi!...
* * *
Trong công viên Thị xã Vĩnh Long có một quán cà phê không “xập xình” tiếng nhạc, chỉ có những giọng hót thanh tao của những loài chim cảnh. Tôi nghe ông bạn ngồi uống cà phê gần đó khen giọng hót của chim:
- Đúng là chim khôn kêu tiếng rảnh rang…
Tôi ngồi nhấm nháp chút cà phê mong hưởng thụ được một khoảnh khắc thanh thản trong ngày. Giống chim được nuôi nhiều nhất ở đây là chim chìa vôi. Nhìn chúng, tôi nhớ những chú chim chìa vôi đậu trên nhánh bằng lăng trước nhà. Người ta treo hơn hai mươi chiếc lồng chim trên cây sào tầm vông trông thật vui mắt. Chủ của các lồng chim ấy cũng ngồi quây quần uống cà phê và nói chuyện nuôi chim. Đối với họ, nuôi và huấn luyện chim là một thú tiêu khiển đầy nghệ thuật. Vậy mà họ chịu khó dạy chúng hót. Còn tôi, dạy con nói những điều hay lẽ phải sao khó vô cùng. Các con tôi không chửi thề là một điều may mắn.
Mỗi sáng, lũ chim được mang đến sân nầy thi nhau đấu hót. Chú chim nào cũng muốn trình diễn hết tài năng của mình nên thốt lên những giai điệu bổng trầm thánh thót. Có khi chúng cùng bạn láng giềng ở chiếc lồng bên cạnh cùng xướng lên một điệu gì đó nghe rất vui nhộn.

Giữa lúc mọi người đang thưởng thức tiếng chim, có hai người mang hai chiếc lồng ra một góc sân mở cửa và áp hai lồng vào nhau. Hai chú chim chìa vôi hiếu chiến ấy không thèm hót nữa, chúng lao vào nhau cấu xé rất dữ tợn. Bây giờ tôi mới thấy bọn chìa vôi cũng đối xử vơi nhau rất võ biền. Những ấn tượng đẹp về loài chim nầy tan biến trong tôi. Tôi vừa trốn chạy cuộc cãi vã của con người mong được hưởng những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống, lại gặp chuyện ấu đả của loài chim. Có giọng của một đứa trẻ cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
- Chú Hiệp! Mua dùm con vài tờ vé số để con về kịp giờ đi học. Hôm nay bán ế quá…
Nghe gọi đúng tên, tôi giật mình nhìn thằng bé. Thì ra nó là thằng Binh. Đứa bé hàng xóm mỉm cười thân thiện với tôi. Nụ cười ấy không thể giấu một nỗi buồn đang chìm xuống trong lòng nó. Tôi thân thiện hỏi nó:
- Bán ế tại bữa nay có chuyện buồn phải không?
Anh mắt long lanh của thằng Binh cụp xuống trong im lặng. Tôi tự trách mình là kẻ khơi dậy niềm đau của một người bạn nhỏ. Để xóa lỗi mình, mong thằng Binh quên đi lời tôi vừa nói. Tôi lảng sang chuyện khác:
- Cứ lấy đại cho chú năm tờ không cần lựa.
Nhét năm tờ vé số vào túi quần xong, tôi móc túi trao nó mười ngàn và nghĩ thầm trong bụng: “Nếu trúng độc đắc, mình sẽ cho nó vài triệu chắc nó mừng lắm”. Thằng Binh lí nhí cám ơn tôi rồi bước sang bàn bên cạnh. Nó đi rồi tôi giật mình nhớ lại số tiền hai mươi ngàn vợ tôi đưa mua thức ăn cho cả nhà dùng trong ngày bây giờ chỉ còn lại mười ngàn. Tôi nhủ lòng: “Thôi kệ, mình sẽ nói với vợ chịu khó ăn tằn tiện một bữa để lấy tiền mua một niềm vui. Biết đâu chiều nay mình… trúng số”.

Ngày nay, niềm vui đến với tôi rồi ra đi chẳng một lời từ biệt, còn nỗi buồn đi rồi lại đến với tôi như một người khách không mời.
Tôi buồn quá! Về thôi!...
* * *
Về đến nhà, hình ảnh đầu tiên tôi thấy được là thằng Ti, con trai lớn của tôi đang ghì đầu vào máy vi tính chơi trò chơi điện tử.. còn con bé Khuê ba tuổi đang khóc nhè đòi mẹ. Vợ tôi loay hoay ngoài mé rạch giặt một thao quần áo to tướng. Chẳng ai bận tâm đến chuyện con bé Khuê đang kêu khóc. Tôi ẵm nó lên dỗ dành rồi quay sang thằng Ti ôn tồn nói:
- Ti! Con đừng chơi nữa, gần thi học kỳ rồi sao không xem lại bài vở?
Thằng Ti không nghe lời tôi nói, nó cừ vùi mắt vào trò chơi đang hiển thị trên màn hình. Nhớ thằng Binh bên hàng xóm, tôi giận con mình. Cũng may, tôi không ầm ĩ quát tháo như những lần trước. Tôi lựa lời khuyên bảo nó:
- Con nhường máy cho ba làm hình cho khách. Có hàng gắp, ba cần làm ngay.
Thằng Ti từng hứa với tôi, khi tôi cần sử dụng máy tính để làm việc kiếm tiền sinh sống, nó sẽ giao lại máy cho tôi làm việc. Giờ đây, nó có dịp thực hiện sự tôn trọng lời hứa của nó, nó vào trong lấy tập học ra xem lại bài vở trong ngày.

Tôi bày trò chơi cho con Khuê để nó vui không vòi vĩnh mẹ đang bận rộn việc nhà.
Trong những món đồ chơi của Khuê, có một bức tranh nó rất thích. Đó là bức tranh “ngôi nhà hạnh phúc của thỏ nâu”. Bức tranh ấy được vẽ trên gỗ thông rồi cưa ra thành từng mảnh vụn có đường nét ngoằn ngoèo giành cho trẻ con lắp ráp. Nhưng con bé không muốn tháo ra ráp lại như anh nó từng chơi, nó chỉ muốn ngắm trọn vẹn ngôi nhà hạnh phúc đó thôi. Trước kiểu chơi của nó, tôi có cảm giác như nó sợ vỡ tan cái hạnh phúc của ngôi nhà đáng yêu ấy.


Vợ tôi giặt đồ xong quay sang vo gạo nấu cơm và ra ngoài rạch gọt trái bầu chuẩn bị nấu canh. Tôi thấy vợ mình làm việc thiếu tính khoa học nên góp ý:
- Nhà mình nấu cơm bằng bếp điện, em nên bắt nồi cơm lên bỏ đó trước khi giặt quần áo. Làm như vậy mới kịp cho thằng Ti ăn trước giờ vào lớp.
Đang mệt vì những công việc nội trợ, lại nghe tôi… “dạy đời”. Vợ tôi nổi cáu:
- Mệt muốn chết không ai tiếp cứ cà nhõng đi uống cà phê, còn tốn tiền mua vé số, chưa chắc trúng… Anh có giỏi thì vô đây mà làm thay cho tôi.

Thường tôi không thể chịu đựng nổi thái độ đó của vợ, tôi sẽ nổi nóng quát tháo ngay lập tức: “ Thì em cũng ra ngoài làm thay công việc của tôi đi”. Nhưng hôm nay xảy ra quanh tôi bao nhiêu chuyện đời cần suy gẫm, tôi lặng im. Không khí gia đình trầm xuống khá nặng. Bỗng nhiên con bé Khuê khóc ré lên một cách bực dọc. Tôi quay lại nhìn nó. Thì ra căn nhà “hạnh phúc” của nó đã vụn ra nhiều mảnh. Tôi vỗ về rồi cùng nó ráp lại bức tranh. Trong lúc chơi với con tôi chợt hiểu ra từ sáng đến giờ tôi là kẻ trốn chạy nỗi buồn. Nhưng khi nỗi buồn tồn tại ngay trong căn nhà tôi đang sống, tôi không thể nào trốn chạy được.
Con gái tôi không thể ráp lại được bức tranh “căn nhà hạnh phúc” thì tôi cũng khó ráp lại những mảnh vụn đời mình. Do đo, tôi cùng con bé ráp lại bức tranh. Ráp xong nó nhìn tôi mỉm cười sung sướng. Trong ánh mắt biết ơn của nó còn long lanh ngấn nước.

Ngọc Hiệp

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Ngậm Ngùi - Phạm Duy - Lệ Thu

Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau
Tay anh em hãy tựa đầu
cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.



Sáng Tác: Phạm Duy
Ca Sĩ: Lệ Thu
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Xướng Hoạ Cảm Khái Khúc Hồ Trường




Xướng: Cảm Khái Khúc Hồ Trường

Kẻ trượng phu ghi tạc ngũ thường
Chí hùng tàn lụn bước ly hương
Nam thiên bao thuở tình sâu đậm
Tổ quốc trọn đời dạ vấn vương
Khóc hận gươm thiêng nằm rỉ sét
Não nùng chiến mã gục đau thương
Câu thơ yên ngựa đành mai một
Bi tửu mềm môi khúc đoạn trường.

Quên Đi
***
Các Bài họa:

Khúc Ca Hoài Hận

Chấp nhận ra đi, một lẽ thường
Gác lại tình riêng, biệt cố hương
Bao năm đằng đẵng, lòng luôn nhớ
Nửa kiếp phong trần , dạ mãi vương
Tóc đã sương pha ngày tháng đợi
Hồn còn lệ ứa nỗi niềm thương
Ôm đàn gảy khúc ca hoài hận
Buốt nhói trong tim nốt đoạn trường.

Phương Hà
***
Vô Thường

Bơ vơ lạc giữa cõi vô thường 
Đắm đuối mơ màng chốn sắc hương 
Mới thấy sum vầy cười hỉ hạ 
Đã nghe ly biệt khóc sầu vương 
Triền miên con nước không ngừng nghỉ 
Lặng lẽ cái già chẳng xót thương 
Vạn pháp muôn đời trò biến ảo 
Sắc không, không sắc vẫn miên trường 

Mailoc
Cali 4-16-14
*** 
 Tự An

Sáng nắng chiều mưa chuyện vẫn thường
Chữ rằng hữu xạ tự nhiên hương
Ưu phiền lìa biệt sầu vô ngại
Hoan lạc hành thiền khổ bất vương
Mấy thuở huy hoàng thôi muối tiếc
Một giờ an tĩnh giữ yêu thương
Hoàng hôn lãng đãng tà huy nhuộm
Được mất nhân gian cuộc hí trường.

Cao Linh Tử
17/4/2014

Chỉ Có Hai Điều Thôi


Có 2 điều bạn nên tiết kiệm, đó là sức khỏe và lời hứa.
Có 2 điều bạn phải cho đi, đó là tri thức và lòng tốt.
Có 2 điềubạn phải thay đổi, đó là bản thân và nhận thức.
Có 2 điều bạn phải giữ gìn, đó là niềm tin và nhân cách.
Có 2 điềubạn phải trân trọng, đó là gia đình và hiện tại.
Có 2 điều bạn phải tự mình thực hiện, đó là lao động và chịu trách nhiệm với việc mình làm.
Có 2 điều bạn phải lãng quên, đó là đau thương và hận thù.
Có 2 điều bạn phải khắc ghi, là công ơn Mẹ Cha và sự giúp đỡ của người khác.
Có 2 điềubạn buộc phải có để là người thành công, đó là đam mê và lòng kiên trì.
Có 2 điều bạn không được làm, đó là hãm hại người khác và phản bội lòng tin.
Có 2 điềubạn phải bảo vệ, đó là danh tín và lẽ phải.
Có 2 điều bạn phải chấp nhận, là cái chết và sự khác biệt.
Có 2 điều bạn phải kiểm soát, đó là bản năng và cảm xúc.
Có 2 điều bạn phải tránh xa, đó là cám dỗ và sự ích kỷ.
Có 2 điều bạn luôn phải xử dụng mà đừng hà tiện, là tiền bạc và kinh nghiệm.
Có 2 điều bạn không được sợ sệt, là cái ác và sống thật.
Có 2 điều bạn phải nuôi dưỡng, là tình yêu và sự bao dung.
Có 2 điều mà bạn cần phải đạt được trong cuộc sống, đó là thành đạt và hạnh phúc.
Có 2 điều bạn phải luôn sẵn sàng, đó là khó khăn và ngày mai.


Yên Đỗ sưu tầm