tiêu đề Nhãn
- BIÊN KHẢO
- CÂU ĐỐI
- CỔ THI
- GIA CHÁNH
- GIẢI TRÍ
- HÌNH ẢNH HỘI NGỘ
- HÌNH ẢNH NAY
- HÌNH ẢNH XƯA
- HỘI HỌA
- KHOA HỌC
- LỊCH SỬ
- LỜI HAY Ý ĐẸP
- LƯU NIỆM
- NHẠC
- SỨC KHOẺ
- SƯU TẦM
- THƠ
- THƠ CẢM TÁC
- THƠ DỊCH
- THƠ DIỄN NGÂM
- THƠ NHẠC
- THƠ PHỔ NHẠC
- THƠ SƯU TẦM
- THƠ TRANH
- THƠ TRANH NGHỆ SĨ
- TIN BUỒN
- TIN VUI
- VĂN
- VŨ HỐI THƯ HỌA
- VƯỜN THƠ VIÊN NGOẠI
- XƯỚNG HỌA
- YOUTUBE
Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022
Giáo Đường Về Đêm!
Giáo đường vắng lặng bước chân quen
Một Niềm Phó Thác
Ân tình thánh hiến tấm lòng son
Âm thầm dõi bước theo chân Chúa
Chén đắng xin vâng ý nguyện tròn
Thập giá đeo mang dẫu tháng ngày
Oằn thân nặng gánh trĩu bờ vai
Vững lòng phó thác trong tay Chúa
Hồn xác nuôi con Chúa đoái hoài
Lắng tiếng chuông ngân khắp giáo đường
Hồng ân ban phát đấng tình thương
Chúa dòng suối mát con tìm đến
Là cỏ tựa đầu đón ánh dương
Kim Phượng
Giáng Sinh 2022
Mơ Ước Đêm Giáng Sinh
Giáng Sinh đến Em có cùng ai xem Lễ
Hay mơ màng chỉ nhớ đến Người xưa
Sánh cùng ai giữa mưa phùn lất phất
Tựa vào nhau khi gió bấc tràn về
Trời trở lạnh hay lòng Anh đang lạnh
Mơ cùng Em sóng bước đón Noel
Thật trọn vẹn mừng Đêm Thánh an lành
Niềm vui ấy biết bao giờ có được
Anh vẫn biết tình Anh trong huyền hoặc
Nhưng làm sao kềm chế trái tim yêu
Sóng tình dâng chỉ hướng mỗi một chiều
Anh cứ mặc cho tiếng lòng trôi dạt
Noel đến ước mơ kia cũng đến
Bao năm rồi cũng chỉ một ước mơ
Chúa trên cao ban phước kẻ dại khờ
Cho Con được thấy mơ thành hiện thực.
Quên Đi
Đêm Vọng
Ô Chuông nhà thờ đổ
Đêm vọng mừng Chúa tôi
Chỉnh tề quần áo đẹp
Đón mừng Chúa ra đời
Tình yêu vang tiếng gọi
Vinh danh Chúa trên trời
Bình an người dưới thế
Thiện tâm ghi lấy lời
Chấp tay lòng khẩn nguyện
Thế giới bình an luôn
Yêu nhau yêu mãi mãi
Buông bỏ hận thù riêng
Đêm nay mừng Chúa đến
Xóa tan bao tỵ hiềm
Cho tình yêu đích thực
Chúa diệu kỳ uyên nguyên
Đêm nay quỳ bên Chúa
Mở trải lòng vị tha
Tình yêu và mầu nhiệm
Cứu rỗi linh hồn ta.
Bằng Bùi Nguyên
Đưa Em Đi Chơi Noël
hai hàng thánh giá tối đen mỉm cười
đưa em mừng Chúa ra đời
cũng mừng ta hết một thời lang thang
đưa em đi giữa đêm vàng
hoa đăng hiển lộng "Thánh Đường Vương Cung"
đưa em: "đêm thánh vô cùng
quỳ bên máng cỏ, hiến lòng Ngôi Hai
đưa em, bước nhỏ, chân rời
qua cơn gió, thoảng những lời kinh đêm
đưa em về, phố buồn tênh
tay xanh gói nụ cười trên môi hồng!
12/1974 – 12/2022
BP
Chúa Ở Cùng Ta (Emmanuel)
Khi Bà vừa nói “Xin Vâng!”
Cửa Thiên Đàng rộng, muôn tầng mở ra
Thánh Linh bao phủ Maria,
Kính mừng Chúa ở cùng Bà, phúc thay!
Khai nguồn Cứu độ từ đây,
Ngôi Hai Thiên Chúa, hôm nay giáng trần.
Bởi lòng yêu mến thế nhân,
Chúa Hài Đồng chấp nhận phần đau thương!
Sinh nơi máng cỏ tầm thường,
Bê-lem đêm vắng, tuyết sương lạnh lùng.
Đôi ba em bé mục đồng,
Đến mừng “Thiên Chúa ở cùng chúng ta!”
Mấy con chiên nhỏ hiền hòa,
Thở hơi ấm áp, lân la tới gần.
Phút giây “Thiên Chúa Giáng Trần”,
Đất trời mầu nhiệm hợp phần giao thoa!
Từng cao, sao lạ sáng lòa!
Thiên thần hiện xuống, ngợi ca vang lời:
“Sáng danh Thiên Chúa, trên trời!”
“Bình an dưới thế, cho người thiện tâm!”
Ngôi Lời, mầu nhiệm âm thầm,
Nay mang xương thịt, giáng lâm dương trần.
Ngài hiện diện giữa thế nhân,
Hồng ân Thiên Chúa ở gần chúng ta!
Hân hoan mừng Chúa sinh ra!
Thấy Ngài là thấy Chúa Cha trên trời.
Ánh Chân, Thiện Mỹ sáng ngời!
Nguồn ơn Cứu Độ, muôn đời cậy trông!
Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia
Nhạc Tây Nguyên - Giáng Sinh Bản Làng - Ý Thơ: Trịnh Tây Ninh - Nhạc: Phạm Trung Phạm - Ca Sĩ Bích Hiền
Christmas Love(Joanna Fuchs) - Tình Yêu Mùa Giáng Sinh(Tình Yêu Mùa Giáng Sinh)
At Christmastime I think of all the gifts
That bring me great delight and sweet surprise,
But nothing in this world can bring such joy
As you do, when you look into my eyes.
And when I contemplate what Christmas means,
The caring and the giving--I confess,
You've given me the things I want the most:
Your love, your touch, your kiss, your warm caress.
The Christmas tree reminds me, with its lights
That just the thought of you sets me aglow;
You light me up from deep within my heart,
Because I cherish you, and love you so.
With you it's Christmas all the time, sweetheart.
I treasure every hour and every minute.
Your love is all I'll ever want because,
My life is so fulfilling with you in it.
By Joanna Fuchs
***
Hàng năm tới lễ Giáng Sinh
Em thường nghĩ tới quà mình được trao
Khiến em vui sướng biết bao
Ngạc nhiên thích thú từ lâu nay rồi
Tuy nhiên quả thực trên đời
Không gì mang lại nguồn vui dạt dào
Hơn tình anh tặng ngọt ngào
Khi anh âu yếm nhìn vào mắt em.
Giáng Sinh ý nghĩa vô biên
Em từng nghĩ tới những niềm thương yêu
Chăm lo, săn sóc, nuông chiều
Nhưng em thú thật bao điều cầu mong
Anh tặng, em đã thoả lòng:
Nào tình yêu chất ngất từng trời xanh
Vòng tay ve vuốt chân thành
Nụ hôn say đắm, lời tình dịu êm.
Cây Giáng Sinh rực ánh đèn
Lại khơi kỷ niệm khiến em bồi hồi
Nhớ về anh mãi khôn nguôi
Lòng em thắm sắc rạng ngời đẹp thêm
Anh khơi rực rỡ trong em
Tận cùng tâm khảm sáng lên tuyệt vời
Vì em yêu mãi anh thôi
Tình yêu chan chứa trùng khơi mặn mà.
Với anh thời khắc thăng hoa
Tháng ngày luân chuyển luôn là Giáng Sinh
Tâm em trân quý thật tình
Từng giờ từng phút đôi mình bên nhau
Tình anh chan chứa từ lâu
Em cho là đủ, mong cầu chi thêm
Có anh quả thật thần tiên
Đời em trọn vẹn trong thiên đường tình.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Lời Tình Hay Tiếng Thông Reo?
Duyên Phận - Dịch Giả: Nguyễn Hiến Lê
Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022
Preston Mùa Lễ Trọng
Bên Giáo Đường
Nghe sao lòng cảm thấy thương thương
Rạng ngời tà áo trong đêm Thánh
Anh ước dìu em một quãng đường...
Quên Đi
Lời Kinh Cầu...
Nụ cười duyên bỡ ngỡ cùng anh
Đêm Giáng Sinh hạnh phúc an lành
Bên hang đá nguyện xanh tình mãi
Tiếng chuông ngân từng hồi chậm rãi
Lòng mình hối hãi sợ đêm tan
Tay trong tay mơ màng ước hẹn
Đôi lòng giữ vẹn đến mùa sau..
......
Người ra đi .. trời tắt đèn sao
Người ở lại lòng đau trăm mối
Băng giá bao trùm lên muôn lối
Nguyện Ngài soi bóng tối con qua
Đêm nay dâng trọn bài Thánh ca
Lời cầu kinh thiết tha xưng tội
Xin tha thứ con chiên mắc lỗi
Bởi yêu người nỡ dối lòng... Không!
Kim Oanh
Đêm Giáng Sinh Đón Chúa Hài Đồng
Trong ngoài đèn sáng tựa sao sa
Gần như thức trắng chờ linh diệu
Thiên thần hiện xuống hát vang xa
Bê Lem, Đức Mẹ vốn đồng trinh
Thiên thần ca hát hiện nguyên hình
Đón Chúa Hài Đồng ngoài kia tuyết
Trong này nồng ấm Chúa vừa sinh…
“Chúa Tôi! Lạy Chúa" dù không đạo
Con vẫn tin con có Chúa Trời
Con thức tròn đêm chờ Giáng Thế
Của Chúa Ngôi Ba thật tuyệt vời
Trong gian nhà nhỏ cả nhà con
Đón Chúa Hài Đồng và Noel
Năm nào cũng thế rưng rưng lệ
Giọt lệ mừng vui đón Chúa về
Thư Khanh
Seattle Mùa Giáng Sinh
Tình Yêu Mùa Giáng Sinh 2022
Xóm nghèo mưa lạnh vai mềm tóc em
Giáng sinh trong cảnh êm đềm
Chúa ơi..có hiểu nỗi niềm thế nhân
Thác sinh lạc bước phong trần
Cuộc đời lưu lạc gian truân quá nhiều
Tóc bay lộng gió buổi chiều
Mất em ước nguyện tình yêu lâu dài....??
Mưa chiều Học Viện nhớ ai..??
Sao Anh nỡ để vai gầy...ướt mưa..!!???
mùa Giáng Sinh xưa...
Khỉ Già Dalat
Mùa Sao Sáng - Nguyễn Văn Đông - Đông Phương Tử - Kim Oanh Canada
Quà Giáng Sinh Tuyệt Vời
Thượng Đế Đã An Bài (Mục sư Bob Reid) - TháiLan Dịch
Khóc Cố Đại Tá Nhảy Dù Nguyễn Văn Minh
Giã biệt anh Minh, giã biệt rồi
Từ nay anh sẽ hết đơn côi
Xum vầy với chị nơi tiên giới
Để lại gương trong sáng tuyệt vời
Nợ nước lo tròn bổn phận trai
Tình nhà đã vẹn gánh hai vai
Phu thê đạo nghĩa ngời son sắt
Bạn hữu quê người vui sớm mai
Mới cùng đàm đạo mấy hôm qua
Bảo rằng một trong hai chúng ta
Chẳng biết ai người ra đi trước
Để lại kẻ kia giọt lệ nhòa
Hôm nay anh vội về miên viễn
Thoát chốn hồng trần lắm ngửa nghiêng
Chỉ người ở lại buồn thương tiếc
Khóc người bạn tốt đã quy tiên.
Cao Minh Nguyệt
Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022
Nhà Thờ Chúa Ki-Tô - Giáo Phận Orange County, Cali.
Mùa Giáng Sinh Xưa
Cây thông xanh nhấp nháy ánh đèn
Ở nơi xứ lạ, người ngoại đạo
Cũng một đời vui, tin với em…
Chưa lần quỳ trước danh Thiên Chúa
Anh chỉ vì em đến giáo đường
Nửa đêm theo bước chân về cuối
Xóm đạo bừng trong tiếng nhạc vang
Mừng Chúa chào đời, anh có em
Niềm tin yêu còn mãi không ngừng
Nhớ hôm em nhắc lời khấn nguyện
Mới đó, mà qua những bão giông…
Mỗi mùa Giáng Sinh, mỗi mùa đông
Trời lạnh ngoài kia, lạnh vô cùng
Không biết bây giờ nơi xóm đạo
Em có nhớ gì chuyện bể dâu..?
Cảm ơn em, tình yêu nhiệm mầu
Để rồi số phận chẳng tìm nhau
Lỡ mai cánh cửa trần gian khép
Mùa Giáng Sinh xưa, giờ phương nào..?
Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long
Mùa Lễ
Hoa Thịnh Đốn mùa lễ Giáng Sinh
Thủ đô rực sáng chiếu muôn hình
Đèn trang trí chập chờn kỳ ảo
Nhạc thánh ca trầm bổng trữ tình
Trời đất so màu Sao lấp lánh
Phố nhà đọ sắc Nến lung linh
Lòng thầm khấn nguyện ân Thiên Chúa
Nhân loại chung tâm hưởng thái bình
Nhất Hùng
Đêm Tìm Hương Quá Khứ
Nặng hồn sầu, đêm viễn phố lung linh
Ngồi đối bóng nhìn giọt đen đáy cốc
Thời gian như lắng đọng với u tình.
Tim rung mãi điệu Hời thương quá khứ
Nhớ rưng rưng trang sử lắm nghiệt oan
Người trầm mặc giữa sóng cuồng, mưa lũ
Đời như mây tán, tụ chốn bạt ngàn!
Đêm băng giá dệt mù sương lữ thứ
Thấm trong hồn từng ảo giác đông miên
Như con nước nhớ đò xưa, bến cũ
Lòng nhớ quê, nhớ cả lúc truân chuyên.
Bóng trùng khơi về ôm choàng ngõ tối
Màn sương buông, thăm thẳm lối mù tăm
Bên trí cạn treo nhánh phiền cô lữ
Đêm chập chùng và hồn chợt xa xăm.
Giọt buồn rơi vào lắng trầm viễn xứ
Ngụm đắng mang hoài cảm của ly tan
Hồn miên man giữa đêm trường tư lự
Bới tro than nhen nhúm lửa gọi đàn.
Khúc bi ca mang hương xưa vào mộng
Giá băng đang bàng bạc quyện không gian
Bóng cố hương nhòa trong trời đất rộng
Đêm còn dài, người vẫn đợi ánh quang.
Thu Nhớ Cố Nhân
Chợt nghe lòng thương nhớ chơi vơi
Nhớ cố nhân, người xưa năm cũ
Đã mất nhau hơn nửa cuộc đời.
Buổi chia tay, buồn rơi nước mắt
Tay trong tay, nói chẳng nên lời.
Kẻ ở lại chờ trong vô vọng
Người ra đi khuất cuối chân trời.
Ngày chia tay, ta còn xanh tóc
Nay mái đầu, tóc đã nhuộm sương
Mỗi độ Thu về trên đất khách
Nhớ người năm cũ lệ sầu vương.
Trần Công/Lão Mã Sơn
Cuối Thu Cảm Tác
Phong cảnh cuối Thu quá ngỡ ngàng
Hoa úa muộn phiền mơ rực rỡ
Lá vàng nức nở khóc ly tan
Đường trần như tiết sao tê tái!
Kiếp sống tợ tơ thật phủ phàng!
Hoài niệm tháng năm thời lẫm liệt
Vần thơ vương vấn với cung đàn
Lâm Hoài Vũ
02/12/2020
Câu Chuyện Lễ Giáng Sinh
Giáng sinh là mùa trang hoàng, tặng quà và vui chơi ăn nhậu. Nhưng nguồn gốc của Giáng Sinh thì ít người để ý tới. Người ta chỉ biết ăn mừng, coi như một kỷ niệm xa xưa mà không cần biết nó bắt đầu từ đâu và lúc nào. Đương nhiên người ta hiểu đó là ngày Chúa Giêsu sinh ra trong máng cỏ hang lừa ở Bethlehem mà không cần biết nó đúng hay sai. Nhưng các bạn có biết Lễ Giáng Sinh ở Mỹ thời thuôc địa đã bị cấm vào năm 1695 không?
Ở Âu Châu và Mỹ Châu thì Tinh Thần Giáng Sinh là tiếng chuông vang lên trong đêm đông tuyết phủ giá lạnh với hình ảnh ông già Noel/Santa Clause trên xe trượt tuyết và bày nai bay lướt trên không mù mịt tuyết rơi, được tả trong cuốn tiểu thuyết của Charles Dickens A Christmas Carol. Ở Á Đông và Việt Nam chúng ta thì từ ngày ảnh hưởng Tây phương và đạo Công Giáo, Giáng Sinh cũng hòa đồng vào văn hóa dân tộc và người ta cũng nhân ngày này để vui chơi, chúc mừng và tặng quà cho nhau. Đơn giản chỉ có vậy.
Nhưng có người coi ngày sinh nhật Chúa Giêsu chỉ là chuyện thần thoại, đóng khung trong các khu thương mại và các cửa hàng buôn bán nhộn nhịp khác thường với những câu chào hỏi chúc mừng nhau Merry Christmas kèm theo Happy New Year vì chỉ còn vài ngày nữa là sang năm mới rồi. Ngoài ra cứ mỗi năm, khi mặt tiền các ngôi thánh đường được trang hoàng, giăng mắc hoa đèn là người ta lại nhớ tới ngày sinh nhật của Chúa Giêsu Kito. Thế là “Giêsu là lý do của ngày lễ lớn Giáng Sinh này.”
Nhưng, có thật là Ngài hay không?
Trong cuốn sách của linh mục tiến sĩ Eart Count hệ phái Episcopol: 4,000 năm Lễ Giáng Sinh / 4,000 Years of Christmas, xuất bản năm 1997, tả lại một cách thích thú lịch sử việc trao đổi quà tặng trong bài hát ‘12 ngày của Lễ Giáng Sinh / The 12 days of Christmas’ và những tập tục bắt nguồn từ xứ Babylon thời xa xưa. Ông cho biết cành lá holly đã được thầy cả Druid dùng trong nghi thức tế lễ huyền bí và ngày 25 tháng 12 là ngày mừng lễ Mặt Trời của người La Mã hồi xưa chứ không phải là ngày mừng sinh nhật chúa Giêsu.
GIÁO HỘI SƠ KHAI CÓ MỪNG LỄ GIÁNG SINH KHÔNG?
Trong Tân Ước, chúng ta không thấy có chỗ nào nói các tông đồ mừng sinh nhật của Chúa Giêsu. Nhưng vào cuối thế kỷ III, nhà thần học công giáo Origen tuyên bố ai lấy lễ hội của dân ngoại để mừng Chúa Giáng Sinh thì có tội.
Vào thế kỷ I, dân thành Corinto ở Hy Lạp, đa số theo đạo đa thần. Phong tục của đạo là mua bán dâm ngay trong đền thờ, và các thầy cả thì tế lễ vật hy sinh cho các thần miễu Hy Lạp và La Mã.
Thánh Phaolo có lần đã viết thư gửi cho các tín hữu Corinto như sau: “Thế nghĩa là gì? Thịt cúng là gì? Ngẫu tượng là gì? Tuy nhiên, đồ cúng là ‘cúng cho ma quỉ, không phải cho Thiên Chúa’; mà tôi không muốn anh em hiệp thông với ma quỉ. Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỉ được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc với Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc với ma quỉ được.” (1Cr. 10:19-21).
Thánh Phaolo rõ ràng đã cảnh cáo và yêu cầu các tín hữu phải xa lánh bất cứ cái gì đụng chạm và liên quan đến tập tục của dân ngoại có thể gán cho mình cái nhãn hiệu là là “thông đồng với ma quỉ”!
Giống như các Kito hữu thời giáo hội sơ khai, họ mừng lễ thần Mặt Trời, tức thần Canh Nông, một lễ hội của dân La Mã thời xưa. Nhiều tôn giáo lúc đó mừng những lễ hội vào thời Đông Chí ở Bắc bán cầu khi mà ngày ngắn đêm dài. Họ cầu xin các thần thánh cho mặt trời mau trở lại để mùa đông qua đi cho lẹ, ngày dài trở lại.
Vào ngày Lễ Mặt Trời, người ta ăn nhậu say sưa, chơi bời buông thả phóng đãng và thi hành những tập tục trái với giáo huấn của chúa Kito. Tuy nhiên sau cùng nó cũng được biến thành lễ Giáng Sinh, mừng sinh nhật chúa Giêsu. Cái gì đã làm thay đổi các Kito hữu từ chỗ thánh Phaolo cấm không được thờ phượng ma quỉ và làm bất cứ cái gì liên quan tới dân ngoại đến chỗ chấp nhận và tham dự vào những tập tục của dân ngoại dưới danh hiện chúa Giêsu Kito?
TẠI SAO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO LẠI MỪNG LỄ GIÁNG SINH?
Đã có rất nhiều áp lực buộc những Kito hữu tân tòng phải theo lời dạy của thánh Phaolo mà từ bỏ việc thờ lạy lẫn lộn ngẫu tượng và Thiên Chúa. Nhưng lúc đó có hàng ngàn người muốn trở lại đạo mà không muốn từ bỏ những tập tục, nghi lễ của tôn giáo cũ của họ.
Tiến sĩ Count đã tóm tắt cuộc tranh đấu giằng co đó như sau: “Đối với dân ngoại, ngày lễ Mặt Trời là một ngày vui. Đối với tín hữu Kito giáo, lễ Mặt Trời là một tập tục ghê tởm, tôn thờ một vị thần nhơ nhớp không có thực. Ngoài ra các Kito hữu vẫn cố gắng phải làm công việc rất khó khăn và chậm chạp là mang những dân ngoại La Mã bê bối trở lại với Chúa.
“Lúc bấy giờ cũng có nhiều di dân vào sống trong hàng ngũ Kito hữu, và các Giáo hoàng cũng nhận thấy là mình đang phải đối đầu với sự xâm nhập của các tập tục của dân ngoại. Bỏ đi những tập tục về lễ Mặt Trời thì là một vấn đề nan giải. Lúc đầu Giáo Hội cũng có cấm đoán, nhưng vô ích. Giòng sông nước chảy đụng vào tảng đá mà đá không chuyển động thì nước bắt buộc phải chảy quanh nó mà thôi. Nếu không cấm được Lễ Mặt Trời thì phải làm quen với nó để hòa nhập vậy” (p.36).
TẠI SAO LẠI LÀ NGÀY 25 THÁNG 12?
Giáo hội chọn ngày 25 tháng 12 là ngày cuối cùng của lễ thờ Mặt Trời tiếp theo sau ngày lễ Thần Canh Nông, làm ngày sinh nhật chúa Giêsu.
Ngày này cũng là ngày đại lễ của đạo Mithra, một tôn giáo thờ mặt trời ở Ba Tư. Vào năm 274 A.D. hoàng đế La Mã Aurelian tuyên bố ngày 25 tháng 12 là ngày “sinh nhật mặt trời” là đấng vô địch. Đến thời con một Thiên Chúa là Đức Giêsu Kito giáng trần thì hình ảnh của Thiên Chúa là đấng tối cao bị lẫn lộn với ý tưởng về thần mặt trời trong đầu óc của hàng trăm ngàn người vừa mới trở lại đạo trên toàn đế quốc La Mã. Có lẽ vì thế Giáo Hội mới lấy ngày 25 tháng 12 làm ngày Lễ Giáng Sinh, sinh nhật của chúa Giêsu?
Thế là thay vì dựa vào sức mạnh của chúa Kito để thay đổi thế giới, danh hiệu Kito bị dân ngoại thay đổi hay đúng hơn được biến cải để hòa đồng!
Tiến sĩ Count thuật lại như sau: “Năm 742 AD thánh Boniface viết thư than phiền với Đức Giáo Hoàng Zacharias rằng…... ông làm việc khó nhọc để mang những người Franks và Alemans -bộ lạc Đức- trở lại đạo đã bị trở ngại vì những người công giáo La Mã ham vui hội hè bê bối tung trời ở ngay quê nhà mình. Dân Franks và Alemans đang sắp sửa trở lại đạo thì vì ham mê vui thú hội hè như người La Mã mà việc cải đạo bị trở ngại.
Khi thánh Boniface biểu họ xa lánh những tập tục vui thú đó thì họ nói họ mừng những ngày hội đó dưới sự bảo trợ của Rome. Cảm thấy bối rối và lo lắng, giáo hoàng Zacharias trả lời…..và công nhận rằng dân chúng trong thành Roma quá bê bối vào ngày lễ Giáng Sinh” (p.53)
THAY ĐỔI QUA NHIỀU THẾ KỶ
Qua những thế kỷ sau, lễ Giáng Sinh lại có những tập tục của dân ngoại ở Đức, Thuỵ Điển/Scandivania và Ái Nhĩ Lan/Celtic, được trang hoàng bằng những cây thông xanh và lá holly.
Vào thời Trung Cổ, ở Âu Châu người ta lại mừng Lễ Gáng Sinh kiểu lễ Thần Canh Nông. Tiến sĩ Penne Restad, trong In Christmas in America: A History, đã cho thấy một cuộc bàn cãi về đạo đức vào thời điểm đó như sau:
“Một số giáo sĩ đã cho rằng loài người sa ngã cần phải có những lúc xả hơi buông thả miễn là nằm trong khuôn khổ Kito giáo. Những vị khác thì lại chủ trương tất cả những vết tích của ngoại giáo cần phải được loại bỏ ra khỏi những ngày nghỉ ngơi vui hội. Những kitô hữu đứng giữa, không hăng hái nồng nhiệt lắm thì than phiền là Giáo Hội có những luật lệ vô lý lại toan tính thay đổi những tập tục cũ. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn còn hy vọng cuối cùng những cử chỉ/hành động thánh sẽ thay thế những điều phàm tục khi mà dân ngoại bỏ đi những cuộc vui chơi chè chén cũ và trở về với Kito giáo” (1996, p.6).
Buồn thay, mong ước đó đã không xẩy ra như ý. Tiếp theo thời Trung Cổ, một số nhà thệ phản đã cố gắng cải đổi Lễ Giáng Sinh nhưng chỉ thay đổi được chút ít. Thanh giáo Anh đã chống lại những nghi lễ Giáng Sinh và phản đối hoàn toàn, cho rằng không đúng tinh thần Kito giáo. Năm 1659 ngày lễ nghỉ đó đã bị hủy bỏ và cấm hẳn ở Massachusetts, nhưng vì nó quá phổ thông, được mọi người ưa thích nên cuối cùng vào năm 1681 lễ Giáng Sinh lại được chính thức công nhận trở lại.
Trên Tờ US News & World Report, tác giả bài “Tìm hiểu Lễ Giáng Sinh/In Search of Christmas” đã viết: “Khi Lễ Giáng Sinh cập bến bờ biển Mỹ Quốc, người ta ăn mừng lễ một cách khá đàng hoàng thanh sạch. Vào thời thuộc địa, ngày sinh nhật chúa Giêsu Kitô, nếu được mừng thì người ta đã mừng như một ngày lễ hội lớn…Nhưng Thanh Giáo ở New England lúc đó đã từ bỏ thẳng tay không coi là ngày lễ nghỉ nữa” (Dec.23,1996, p.60).
Vào thời đại tân tiến và kinh tế hiện giờ, nhiều Kito hữu lại đặt nặng vấn đề thương mại hơn là tôn giáo. Những cuộc biểu diễn, thi xe hoa với ông già Noel trên đường phố được bảo trợ bởi những công ty, nhà hàng, department stores để quảng bá hàng hóa bán nửa giá; truyền hình truyền thanh liên tục quảng cáo đủ mọi mặt hàng với giá rẻ. Lễ Giáng Sinh hiển nhiên đã trở nên ưu tiên hàng đầu về tiền bạc hơn là thờ kính Thiên Chúa. Nó được biến thành ngày Lễ Nghỉ. Tiếng Chúa Giáng Sinh đã bị lu mờ đi.
Tuy nhiên cũng có nhiều người nghĩ đến Lễ Giáng Sinh với tinh thần đạo đức tôn giáo hơn là vui chơi và thương mại. Nhưng phải chăng cuộc sống vội vã và tham lam của con người khi nghĩ tới Giáng Sinh đã có vấn đề rồi hay chính lễ Giáng Sinh tự nó cũng có cái gì lấn cấn?
HÃY ĐỂ CHÚA GIÊSU VÀO VỊ TRÍ CỦA NGÀI.
Lễ Giáng Sinh hiện đã trở thành ngày lễ nghỉ chính thức của Hoa Kỳ, nên ít ai chịu trở lại quá khứ mà coi lại giá trị thực của lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên bạn thử ráng thẩm xét vấn đề xem sao.
Đây là những dữ kiện: Ngày Chúa Giêsu chào đời không phải là ngày 25 tháng 12. Các môn đệ của Chúa cũng không chấp nhận những lễ hội thờ thần nhảm nhí và khuyên các Kito hữu phải xa lánh. Giáo Hội sơ khai không mừng lễ sinh nhật của Chúa Giêsu. Chọn ngày 25 tháng 12 làm ngày Chúa sinh ra đã dựa vào ngày lễ hội thờ thần Nông Nghiệp và thần Mặt Trời của dân ngoại.
Nhiều tập tục về Giáng Sinh, như trang hoàng cây thông, lá holy, hoa đèn, ông già Noel/Santa Clause, trao đổi quà tặng, không do kinh thánh mà từ những tôn giáo của dân ngoại. Qua dòng lịch sử, lễ Giáng Sinh là những ngày lễ hội ăn nhậu, chè chén say sưa, và bây giờ thì là cơ hội cho trẻ nít vòi vĩnh cha mẹ quà, đồ chơi hơn là nhớ đến Chúa Giêsu đã giáng trần trong cô đơn lạnh lẽo.
Vậy thì bạn nghĩ thế nào đây? Có người nói “Làm sao chúng tôi có thể vất bỏ lễ Giáng Sinh khỏi trẻ em được”. Có người lại nói “Lễ Giáng sinh là cơ hội đem mọi người lại với Chúa thì đâu còn là vấn đề nữa?”
Như chúng ta biết, thánh Phaolo viết thư khuyên các tín hữu sống trong cộng đồng dân ngoại ở Corinto như thế nào rồi. Ngài còn tiếp tục đặt vấn đề với họ: “…Làm sao sự công chính lại liên kết được với bất chính? Làm sao ánh sánh lại thông đồng với bóng tối được? Làm sao Đức Kitô lại hòa hợp với ma quỉ được? Làm sao người có đức tin lại chung phần với người không có niềm tin? Làm sao Đền Thờ Chúa lại đi đôi với tà thần được?
“Vì thế, ‘hãy ra khỏi dân ấy và rời xa chúng, Chúa phán như vậy. Đừng có đụng tới vật ô uế nào, và ta sẽ đón nhận các ngươi…’ Do đó…. chúng ta hãy tẩy rửa hồn xác cho sạch khỏi mọi vết nhơ và đem lòng kính sợ Thiên Chúa mà lo sống thánh thiện hoàn toàn” (2Cr 6:14-18; 7:1).
Quan điểm của thánh Phaolo về Lễ Giáng Sinh quả là thích hợp. Làm sao chúng ta có thể tuyên xưng thờ phượng Thiên Chúa bằng những truyền thống và tập tục của dân ngoại mà Chúa đã cấm bằng chính lời Ngài?
Câu hỏi quyết định là: Làm sao chúng ta có thể đặt Chúa Giêsu trở lại đúng vị thế của Ngài trong mùa lễ này là lễ mà Ngài chưa bao giờ khởi đầu và can dự vào? Đó là câu hỏi khó, nhưng lại rất quan trọng mà mỗi người chúng ta, quí vị và tôi nên tìm câu trả lời.
Tuy nhiên, cho là lễ Giáng Sinh ngày nay bắt nguồn từ lễ hội của dân ngoại, thiết nghĩ nó cũng chẳng có gì là sai trái mà còn có vẻ thức thời hợp lý ở thời đại thế giới toàn cầu hóa và hòa đồng tôn giáo hiện giờ, miễn sao nó đừng mang theo những hành động tội lỗi và thế tục.
Còn ngày 25 tháng 12 thì chắc không phải là ngày chúa Giêsu sinh ra. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong cuốn sách của ngài vừa xuất bản ngày 20-11-12: Jesus of Nazareth, The Infancy Narratives, cũng cho rằng ngày 25-12 không phải là ngày sinh nhật của Chúa, vì tu sĩ Dionysius Exiguus đã tính lầm, do đó lịch Công Giáo hiện giờ cũng bị sai, chậm đi mất cỡ 7 năm.
Fleming Island, Florida
Nguyễn Tiến Cảnh