Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2024

Em Đến Thăm Anh Đêm 30 (Pre 1975) - Lời: Nguyễn Đình Toàn - Nhạc:Vũ Thành An - Ca Sĩ: Khánh Ly


Lời: Nguyễn Đình Toàn
Nhạc:Vũ Thành An
Ca Sĩ: Khánh Ly

Xuân Giáp Thìn 2024

 

Giáp Thìn chính hiệu chú Rồng Xanh,
Giáng thế mang theo lắm chuyện lành.
"Long Phụng Trình Tường" vui hỉ hạ,
"Long Phi Phụng Vũ" đón thanh bình.
Thầy Cô, Bạn Học đều an lạc,
Thân Hữu, Đồng Hương thảy rạng danh.
Cầu chúc Xuân nay toàn thế giới,
Hòa Bình Hạnh Phúc đón Rồng Xanh!


Đỗ Chiêu Đức
01-27-2024

Tết Giáp Thìn

 

Giáp Thìn dẫu đón tết xa nhà
Cũng sắm qua loa để gọi là
Cũng biện xôi chè dăm hộp mứt
Cũng bày ngũ quả một bình hoa
Cũng câu đối đỏ cùng chai rượu
Cũng bánh chưng xanh với gói trà
Cũng đợi giao thừa chờ tống cựu
Cầu gia đạo hạnh phúc an hòa

nhất hùng

 

Xuân Buồn

 

Một mùa xuân nữa lại về rồi
Làn gió dịu dàng hôn mắt môi
Rồng đến mang theo niềm khát vọng
Mèo đi chở hết giọt sắu rơi
Một đời phiêu bạt lòng xa vắng
Trọn kiếp tha hương dạ rối bời
Vò võ cô đơn không đón Tết
Tháng ngàу hiu hắt lạnh lùng trôi.


Toronto 7/2/2024
Nguyên Trần

Bán Cà Rem Mồng Một Tết

 

Ta,
thằng bán cà rem
mồng một Tết không thèm nghỉ

Gặp ta,
không nói
em cúi đầu
có vẻ trầm tư

Em ơi
bận tâm chi hai chữ danh với giá
có nghĩa gì đâu hai tiếng giá và danh
Anh bán cà rem đâu có bán nhân tình

Xưa,
Hàn Tín giữa chợ luồn trôn
Nay,
ngã ba đường
anh đứng bán cà rem
cũng thường thôi có chi đâu mà em thương hại

Ngã ba đường ta đứng bán cà rem
nhìn thiên hạ quần là áo lượt
CŨNG NHÀN THÔI!!

Hoàng Long

Nhân Tết Giáp Thìn 2024, Tản Mạn về Rồng Qua Ca Dao Việt Nam

Rồng là con vật đứng đầu trong bộ Tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng.

Và như chúng ta biết, Rồng là con vật không có thật trên thế gian và Rồng do trí tưởng tượng của con người mà có trong chuyện cổ tích.

Trong 12 con giáp, Rồng đứng thứ Năm và có thể nói là con vật cao quý nhất vì lúc nào Rồng cũng ở trên … mây. 
Riêng kho tàng Ca Dao, Tục Ngữ Việt Nam không thiếu những câu nói về Rồng, điển hình
 
          Thuyền Rồng chở ván mù u
          Người khôn ở với người ngu bực mình.
 
Trong lãnh vực yêu đương, hãy nghe anh chàng văn hoa ví von
          Rồng nằm bể cạn phơi râu
          Mấy lời anh nói dấu đầu hở đuôi
 
Nhưng đôi khi, tình yêu đã làm cho “chàng Rồng” ta gồng mình hỏi thẳng thừng
          Rồng giao đầu, Phụng giao đuôi,
          Nay tui hỏi thiệt : Mình thương tui không mình?
 
Văn chương Việt Nam phong phú nên câu ca dao trả lời cũng rất văn hoa, trữ tình
          Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
          Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây…
Để diễn tả cảnh vợ ngóng chồng, ca dao Việt diễn tả
          Thế gian được vợ hỏng chồng
          Có đâu như rồng mà được cả đôi
 
Diễn tả sự hiếu thảo của con cái đối với Cha Mẹ, người đời diễn tả ước mơ đó như sau
          Bao giờ cá chép hoá long
          Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa
 
Tình yêu, duyên phận đôi khi rất tình cờ, tình cờ nưng trữ tình như qua câu ca dao
          Tình cờ anh gặp mình đây
          Như cá gặp nước, như mây gặp rồng
 
Để rồi nhớ nhung lúc xa nhau cũng rất văn hoa
          Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây
          Như con chèo bẻo xa cây măng vòi
 
Tình nghĩa vợ chồng trong Xã hội Viêt Nam như chúng ta biết rất gắn bó bất chấp hiểm nguy (điển hình trong thời chiến của Việt Nam trước 1975) cho nên Ca Dao Việt Nam cũng ví von
          Có chồng thì phải theo chồng
          Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo...
 
Diễn tả sự chung thủy, tính thủy chung trong tình yêu cũng mượn Rồng để đề cập đến
          Trăm năm ghi tạc chữ đồng
          Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai
 
Để ví von người phụ nữ lấy được ông chồng khôn ngoan, ca dao Việt Nam có câu
          Phận gái lấy được chồng khôn
          Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng
 
và qua câu ca dao sau đây cho ta thấy giá trị cao quý của “Rồng”
          Một ngày dựa mạn thuyền rồng
          Còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài ….
Không chỉ có  CA DAO mà ngay cả Tục Ngữ Việt Nam cũng đề cập đến RỒNG, điển hình như
          Rồng đến nhà tôm
          Rồng bay phượng múa
hay
          Cá chép hóa Rồng
          Ngọc ẩn long tu
 
Xin được mở ngoặc thêm ở đây chút xíu để nói về Rồng (trích dẫn / tóm lược theo internet và mạn phép được diễn đạt theo văn phong học Việt Văn của một cựu học sinh ban Toán (Ban B) trước 1975 thời Việt Nam Cộng Hòa. Mong quý thưác giả hoan hỷ cho mọi sơ sót !).
 
Quý vị cũng biết dưới chế độ phong kiến, Rồng tượng trưng cho Vua (long thể) còn được mệnh danh là Thiên Tử (con trời). Vì vậy, các bộ phận trên thân thể cho đến những đồ dùng hàng ngày của “Thiên Tử” đều được gắn với hình tượng con Rồng: long nhan (mặt vua), long bào (áo của vua có thêu rồng), long xa (xe dành cho vua), long sàng (giường để vua nằm)…
 
Với truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, Rồng là niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn của người Việt Nam. Nếu chúng ta nhìn hình thể đất nước Việt Nam từ Bắc đến Nam với hình cong chữ S, có thể nói là không khác gì con Rồng nằm uốn khúc dọc theo bờ biển và các địa danh (theo internet) như : Long Ðổ, (rún Rồng), Long Biên, Thăng Long (tên thủ đô Việt tộc vào thế kỷ thứ 6), Vịnh Hạ-Long (đây là kỳ quan thế giới công nhận), Bình Long, Phước Long, Long Thành, Long Khánh, Long Hải (bải tắm đẹp ở Vũng Tàu), Long Bình, Long An (nếu ai đi trên đường từ Sài Gòn về Miền Tây thì sẽ qua cầu Bến Lức thuộc Tân An ngày xưa (thuộc  Long An), Long Hồ (nằm trong lãnh thổ Vĩnh Long), Long Mỹ (thuộc về Chương Thiện), Thới Long (là một xã thuộc quận Ô Môn, Tỉnh Cần Thơ tức Hậu Giang ngày nay, nơi đây có nhiều cây trái danh tiếng nhứt là Cam, Bưởi…). Ở Miền Tây có 2 địa danh mang tên Long, trở thành tỉnh lỵ, không những có những cây lành trái ngon ngọt nữa, đó là Vĩnh Long và Long Xuyên. Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1899-1902) Cầu Long Bình thuộc tỉnh An Giang, Cầu Thăng Long bắc ngang qua hai làng Đông Ngạc và Võng La. Cầu Rồng bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng)… (sưu tầm và biên soạn lại).
Suốt quá trình Việt Nam bị đô hộ và sau đó phải “giao lưu văn hóa với Trung Hoa”, khái niệm Rồng của Trung Hoa mới du nhập vào nước Việt Nam ta. Từ đó, người Việt mới có khái niệm Rồng như là một con vật linh thiêng, trong hệ thống Tứ Linh: Long, Lân, Quy, Phụng và cũng từ đó, trong ngôn ngữ, từ long hay Rồng mới gắn liền với cương vị đế vương, vua chúa, hay những thực thể cao quý. Như một loạt từ sau đây:
 
          Long thể: thân thể vua
          Long nhan: mặt vua
          Long sàng: giường vua
          Long ngai: ngai vua
          Long cổn, long bào: áo vua
          Long châu, long thuyền: thuyền vua…

Và hình ảnh tưởng tượng của Rồng cũng đã chi phối cách mô tả ngoại hình các bậc vua chúa của nhà văn: râu rồng, mũi rồng, đi nhẹ như nước, ngồi vững như non v.v…
Đó là trong ngôn ngữ và văn chương. Còn trong ngôn ngữ và văn học dân gian, từ Rồng, hình tượng Rồng được dùng mở rộng hơn và không có hệ thống. Nên đề cập về hình tượng Rồng, từ rồng trong ngôn ngữ và văn học dân gian vì thế chỉ có tính chất phiếm luận.
Dấu ấn trong tâm thức người Việt Nam cũng được diễn tả qua tục ngữ, thành ngữ, ca dao vì con Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con Rồng cháu Tiên của người Việt. Các vị Vua Việt Nam xăm lên đùi mình hình ảnh rồng để giữ truyền thống của cư dân ven biển. Đến đời Vua Trần Anh Tông (1293-1314) mới chấm dứt tục xăm rồng trên đùi. Rồng tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên Tử (bệ rồng, mình rồng). Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là vật linh thiêng đứng vào hàng bậc nhất trong Tứ Linh Long, Lân,Quy, Phụng. Đặc biệt, hình tượng con Rồng Việt Nam tương phản với hình tượng con rồng độc ác, tượng trưng cho cái xấu của các nước phương Tây.
* Vài nét về hình tượng Rồng qua các triều đại phong kiến Việt Nam
Hình tượng Rồng từ thời Hùng Vương đã được hình dung là con vật thân dài, có vẩy như cá sấu, được chạm trên các đồ đồng. Qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, con rồng Việt Nam xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Hình ảnh Rồng bay lên (Thăng Long) tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, được lấy làm tên cho mảnh đất đế đô. Rồng thời Lý tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nên xuất hiện trong khung cảnh của nước, của mây cuộn. Rồng thời nhà Lý mình dài như rắn, thân trơn nếu là con nhỏ, còn con lớn thì thân có vẩy, lưng có vây. Hình tượng con rồng thời Trần có nhiều biến đổi so với thời Lý. Rồng xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng uy nghi, đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳn, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi rồng có nhiều dạng, khi thì đuôi thẳng và nhọn, khi thì xoắn ốc. Các vảy cũng đa dạng. Có vẩy như những nửa hình hoa tròn, nhiều cánh đều đặn, có vẩy chỉ là những nét cong nhẹ nhàng.
Rồng thời nhà Lê thay đổi hẳn. Rồng không nhất thiết là một con vật mình dài, uốn lượn đều đặn mà ở nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là cái mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm tứ linh tượng trưng cho uy quyền của vương triều rồng đứng đầu trong tứ linh. Ba vật thiêng kia là: Lân (tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa), Quy (tượng trưng sự bền vững của xã tắc) và Phụng (tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại).
Rồng thời Trịnh Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hóa, đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi. Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ… Phần lớn mình rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.
Hiện nay hình tượng con Rồng tuy không còn tính chất thiêng liêng, tối thượng nhưng vẫn được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật…
Trong mọi thời điểm nào, con rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt.
 
* Rồng trong tâm thức người Việt qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao
Theo cách tính dân gian của người xưa, trong một Giáp có 12 năm. Khởi đầu bằng năm con Chuột (Tí) và kết thúc bằng năm con Lợn (Hợi). Qua thống kê ở một tài liệu khoa học gần đây về 12 con vật này cho thấy đây là những con vật có tần số xuất hiện khá cao trên tư liệu thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Trong số này, chỉ có tên gọi các con vật như: Khỉ, Dê, có vị thế thấp hơn, những con vật còn lại đều có tần suất xuất hiện cao.
Trong số 12 con vật được dùng vào hệ 12 Con Giáp thì Rồng ở vị trí thứ 5. Rồng là con vật tuy chưa ai nhìn thấy diện mạo thật của nó thế nào nhưng trong lịch sử và nghệ thuật, trong văn học và đời sống của người Việt, Rồng là con vật xuất hiện nhiều hơn cả, xuất hiện một cách vừa thực vừa hư, vừa gần, vừa xa, vừa giản dị lại vừa linh thiêng. Có thể nói Rồng là một con vật huyền thoại. Hình tượng Rồng là một biểu tượng văn hóa, phương Tây thường đối lập với sức mạnh “chính nghĩa” và cuối cùng bị sức mạnh chính nghĩa đánh bại.
Con Rồng ở phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng là hình ảnh đẹp, là biểu tượng của sự cao cả, thiêng liêng và sức sống vĩnh hằng. Hình tượng con Rồng rất quen thuộc trong tâm thức người Việt. Người Việt có tục thờ cúng Lạc Long Quân, có tục xăm mình bằng hình Rồng. Mỗi khi nói đến “Con Rồng Cháu Tiên”, người Việt Nam ta đều cảm thấy hãnh diện, tự hào.
Trong suốt chiều dài tháng năm dựng nước và giữ nước, hình tượng Rồng đã gắn chặt với đất nước Việt Nam, con người Việt Nam từ tên sông, tên núi, tên đất, tên người. Nào là Vịnh Hạ Long – cảnh quan thiên nhiên được xếp hạng di sản văn hóa thế giới; thủ đô nước Việt từ năm 1010 đến nay vẫn được gọi là đất Thăng Long (Rồng bay). Con sông lớn nhất phía Nam đang chuyển tải phù sa, cấp nước cho vựa lúa Nam Bộ được gọi là Sông Chín Rồng (Cửu Long Giang); có hàng trăm địa danh gắn với tên Rồng trên khắp đất nước Việt Nam chúng ta. Trong dân gian, Rồng tượng trưng cho thần linh và điềm lành, Rồng đi mây về gió, có thể đem lại sự tốt tươi cho cây cối, muôn vật:
         
          Rồng đen lấy nước thì nắng
          Rồng trắng lấy nước thì mưa?
 
Người Việt ngày xưa thường cầu khẩn Long Vương ban cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu. Hình tượng con Rồng muôn vàn dáng vẻ, màu sắc rực rỡ, không chỉ xuất hiện trong các truyền thuyết, thơ ca, trên các sản phẩm mỹ nghệ, điêu khắc mà Rồng còn được thể hiện trong nhiều phong tục tập quán, lễ hội dân gian… Nhiều người chọn đặt tên con trai là: Long (Rồng) với mong muốn con mình sẽ có sự uy vũ, cương nghị của đấng nam nhi. Thời phong kiến, Rồng trở thành biểu tượng của quyền lực thiên tử. Chỉ có Vua mới được mặc áo thêu rồng. Hình tượng rồng mang vẻ cao quý, tôn nghiêm, tượng trưng cho uy quyền: Long nhan, Long trượng, Long thể… Rồng đứng đầu trong Tứ Linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Mặc dù chịu ảnh hưởng của nhà nước phong kiến, Rồng vẫn gần gũi với cuộc sống dân gian. Nhiều khi Rồng được dân gian lấy làm vũ khí đấu tranh chống áp bức cường quyền, để phê phán những thói hư tật xấu nịnh bợ trong xã hội:
          Vóc rồng thì để hầu vua
          Vải thô, lụa xấu thì chừa cho dân
Truyền thuyết Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đã đi vào ý niệm, tiềm thức đã làm cho người dân Việt tự hào mình là “con Rồng cháu Tiên”. Rồng đi vào trong tâm thức của người Việt từ trò chơi trẻ con: rồng rắn lên mây. Rồng được chạm khắc trên các đình làng, cổng xóm; trong Tranh Tết Đông Hồ, Hàng Trống mỗi dịp Tết đến Xuân về (theo internet, ngưng trích dẫn).
 
Trong ngôn ngữ dân gian, Rồng xuất hiện với tần số lớn trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Trong hôn nhân vì nhiều lẽ, người con gái tài sắc bị gả ép lấy phải người chồng không ra gì, rồng trong câu ca dao sau được so sánh như một sự nghịch lý trớ trêu kể trên:
          Rồng vàng tắm nước ao tù
          Người khôn ở với người ngu bực mình
Tuy nhiên tư duy về Rồng trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao của người Việt cũng khá phức tạp, không phải lúc nào cũng thống nhất trong các ý kiến về hình tượng đó. Để chỉ người giàu sang đến thăm người nghèo hèn có thành ngữ: “Rồng đến nhà tôm”, còn khi con người thỏa mãn về mong ước cao sang nào đó thì lại nói: “như Rồng gặp mây”.
Phê phán những thói ba hoa, dân gian ta cũng mượn Rồng để diễn tả:
          Trong lưng chẳng có một đồng
          Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe
Từ ngữ trong tiếng Việt, kiểu kết hợp “Rồng – Phượng” cũng như trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao thường được hiểu theo nghĩa tích cực (positiv). Giống như người có kiểu chữ viết phóng khoáng, không gò bó thì ứng với thành ngữ: “rồng bay phượng múa”.
Các kết hợp “rồng – mây”, “rồng – phượng”, “rồng – vây” trong tiếng Việt đều được hiểu theo nghĩa tích cực, đẹp đẽ, được vận dụng vào trong những bối cảnh thuận lợi, phát triển. Còn các kết hợp “rồng – giun”, “rồng – liu điu” lại theo chiều hướng tiêu cực (negativ), hoàn toàn tương phản. Ví dụ nói đến tình cảnh chung đụng vợ chồng mà một người chẳng ra gì làm mình bực bội lại có ý liên tưởng: “Rồng ở với giun”. Các kết hợp “Rồng – Phượng” có khi vẫn được dân gian dùng với ý nghĩa phê phán: “chạm rồng trổ phượng” (ngoài nghĩa đen còn có nghĩa phê phán sự tô điểm rườm rà thái quá !!!).
Nói cho cùng hình ảnh Rồng được người Việt Nam ta sử dụng khá đa dạng nhằm diễn đạt các quan điểm, nhận thức, tư tưởng phong phú về đời sống:
          Ăn như rồng cuốn
          Làm như cà cuống lội sông
 
Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, kính chúc đồng hương mọi chuyện đều hạnh thông như “CÁ GẶP NƯỚC – NHƯ RỒNG GẶP MÂY” (theo internet)!
 
Bây giờ, trước khi viết đoạn kết xin trở lại với Ca Dao và Tục Ngữ về Rồng.
Dân gian quan niệm, tản mạn về rồng như sau:
          Cá gáy hóa rồng

Quan niệm này cũng được Ca Dao Việt Nam đề cập đến :
          Mồng bốn cá đi ăn thề.
          Mồng tám cá về cá vượt Vũ môn.

Vũ môn, tức cửa Vũ gồm có ba tầng. Ở Việt Nam ta cũng có điểm này và đó là nơi mà người xưa tưởng là cá trải qua cuộc thi khảo sát về trình độ và năng lực. Nếu vượt qua ba cấp Vũ môn thì sẽ hóa rồng (!)
 
Từ khái niệm cụ thể đó, thành ngữ “cá hóa rồng” thường dùng để chỉ việc thi cử thành đạt của sĩ tử ngày xưa. Dân gian đã từng nuôi ước mơ:
          Biết bao giờ cá gáy hóa rồng,
          Đền công ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa
 
Khái niệm này cũng được mở rộng, dùng để ám chỉ cho việc người con gái lấy được người chồng xứng đáng, Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam diễn tả điều này như sau :
          Phận gái lấy được chồng khôn,
          Xem bằng cá vượt Vũ môn hóa rồng.
 
Để diễn tả sự chung thủy vợ chồng, Việt Nam ta có câu:
          Lấy chồng thì phải theo chồng,
          Chồng đi hang rắn, hang rồng, cũng đi.

Người đời nói Rồng nở từ trứng và ở hang nhưng trong dân gian cũng có một quan niệm khác: rồng cũng sinh sản như rắn:
          Trứng rồng thì nở ra rồng,
          Hạt thông thì nẩy cây thông rườm rà.
                  
Xa hơn nữa, trong ngôn ngữ và văn học dân gian của Việt Nam, Rồng là một yếu tố ví von, so sánh để biểu đạt một số sinh hoạt của con người như ăn, nói, viết, giao tế, thời vận, tình yêu, nhận định về con người và cuộc sống.

Ngay cả về chuyện ăn cũng có thành ngữ: “ăn như rồng cuốn“. Rồng cuốn tức là rồng hút, chỉ hiện tượng vòi rồng trong tự nhiên, như cách tiên đoán về thời tiết:
          Rồng đen uống nước thì nắng,
          Rồng trắng uống nước thì mưa.

Về chữ viết, người văn hay chữ tốt thường được ca ngợi như
          ” Rồng bay Phượng múa “.
và “nói như rồng” là để khen tặng người có tài nói thao thao bất tuyệt:


Tuy nhiên trái lại nếu một người mà
          Trong lưng chẳng có một đồng,
          Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe.
thì lời nói trở thanh vô giá trị.

Nhưng nên coi chừng, bao giờ cũng cần nói đúng thực chất, phù hợp với kiến thức mà mình nếu không dễ trở thành khập khiễng: “nói những lời như rồng như rắn”. Thêm yếu tố rắn ở trên làm chuyển đổi tức khắc giá trị nội dung của câu nói:
          Học chẳng biết chữ cua, chữ còng,
          Nói những lời như rồng, như rắn!

Riêng trên phương diện giao tế, dân gian Việt Nam dùng thành ngữ: “rồng đến nhà tôm” để vừa bày tỏ sự khiêm tốn, nhún nhường của gia chủ, vừa gián tiếp ca ngợi người khách quý. Nhưng có khi, đó cũng là cách mai mỉa:
          Mấy đời rồng đến nhà tôm.
          Tôi đến nhà chị không môn thì bầu.

Âu cũng là một lối giao tế thực dụng. Và quen thuộc nhất là Rồng chỉ thời vận. Thành đạt Hạnh thông như là “rồng gặp mây”.
Thường chỉ người thành đạt khoa cử:
          “Như cá gặp nước, như rồng gặp mây”

Nhưng nếu mất yếu tố thời vận thì chỉ là “Rồng nằm ở cạn”,
không còn vùng vẫy, múa may gì được, mà chỉ còn trơ hình hài:
          Rồng nằm bể cạn giơ râu,
          Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi.
 
Hay đau khổ hơn là:
          Rồng vàng tắm nước ao tù,
          Người khôn ở với đứa ngu bực mình.

Dễ thường mấy khi rồng mây được dùng để chỉ lứa đôi, vì những hình tượng khác quyến rũ hơn, như: mận – đào, loan – phượng, yến – oanh, gió – trăng v.v… nhưng điều đó cũng có:
          Mấy khi Rồng gặp mây đây,
          Để Rồng than thở với mây vài lời.
          Nữa mai Rồng ngược mây xuôi,
          Biết bao giờ lại nối lời Rồng Mây.

Xa hơn nữa, “lời rồng mây” cũng là lời hẹn thề, lời nước non hay là lời hứa thủy chung.

Một kiểu nói khác bày tỏ sự ước ao cao sang, biểu hiện một tâm lý hưởng thụ :
          Một ngày dựa mạn thuyền Rồng,
          Còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài.

Cách nói trên tất nhiên bị phủ định bằng một suy nghĩ chín chắn hơn và xác thật hơn:
          Chớ tham ngồi mũi thuyền rồng,
          Tuy rằng tốt đẹp, nhưng chồng người ta.

Và quả thật, dân gian chúng ta đã xét đoán đúng giá trị, nhìn đúng thực chất con người, không lệ thuộc những thứ trang sức phù hoa trang hoàng sang trọng:
          Dù ngồi cửa sổ chạm rồng
          Chăn loan gối phượng, không chồng cũng hư

Nhưng sâu sắc và không kém chua chát là lời cảm thán sau đây:
          Khen ai khéo dựng bình phong,
          Bên ngoài long phượng, trong lòng gạch vôi!
 
Hoặc nhằm để mỉa mai, phê phán lối sống thiếu trách nhiệm, đánh lừa người và đánh lừa cả chính mình ca dao Việt Nam chúng ta cũng không bỏ qua nên có câu:
 
          Học chẳng biết chữ cu chữ cò
          Nói những chữ như rồng như rắn
 
Tóm lại, tâm thức về Rồng – hình ảnh con vật vừa hư, vừa thực, vừa cao quý thiêng liêng, vừa gần gũi là cách tiếp cận uyển chuyển, phóng khoáng đầy tự tin của người Việt Nam.
Rồng đã trở thành biểu tượng văn hóa, một biểu tượng thiêng liêng gắn với tâm thức về cội nguồn dân tộc Việt Nam. Trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao, Rồng lại càng thể hiện độc đáo nhiều ý nghĩa, mang biểu tượng của sự cao cả, thiêng liêng và tồn tại mãi mãi …
 
Ca dao và tục ngữ truyền khẩu Việt về Rồng thì còn rất nhiều nhưng người viết chỉ có thể trích dẫn một số ít ca dao trên đây, góp nhặt được trên internet. Rất tiếc bài viết có giới hạn nên tôi không thể trích dẫn hết để trình bày cùng quý độc giả, mong thông cảm. Đa tạ.
 
Hy vọng là bài tạp ghi trên cũng đủ gói ghém ý nghĩa sâu sắc của Ca Dao Việt, có thể nói là căn bản của Nền Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam.
 
Kính chúc Quý độc giả một Năm Mới Giáp Thìn 2024, “AN KHANG THỊNH VƯỢNG”.

* © Lê Ngọc Châu 
(Nhân Tết Giáp Thìn2024, Nam Đức, ngày 18.01.2024)
 
– Tài liệu tham khảo: Phỏng tác theo ca dao và thành ngữ góp nhặt trên internet.
– Nguồn u.a.: http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=article&p=4640

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2024

Long Hồ Vĩnh Long Chúc Mừng Xuân Giáp Thìn 2024

 

Giữa Lòng Đêm


Lòng đêm đen đen tối đen như mực

Hướng quê nhà hồi tưởng nét thân quen
Bàn thờ gia tiên ngũ quả nhang đèn
Hàm tiếu vươn vai vén màng trừ tịch

Ríu rít nói cười vang vang ngoài ngõ
Nhắp rượu mừng lời chúc thọ đầu năm
Phút thiêng liêng hồn quyện ngát hương trầm
Trời viễn xứ thả hồn về quê cũ

Nhủ lòng trong tim quê hương thu nhỏ
Cánh chim bằng lẻ bạn giữa lòng đêm
Thời gian ơi trở ngược phút êm đềm
Cho bối rối bên mai vàng khoe sắc

Kim Phượng
Đêm Trừ Tịch 2024

Quà Xuân Của Má

  

"Má của Con Má của Con
Tình Người mãi mãi ánh trăng tròn..."

Nhớ lại những năm còn nhỏ, mỗi khi gần tết, Má tôi thường gom những khúc củi lớn để dành nấu bánh tét. Hình ảnh của Má với nồi bánh Tét mỗi Xuân về, tôi không thể nào quên được. Mãi sau này, khi các con lớn lên có gia đình, Má vẫn nấu bánh tét và mang cho mỗi đứa vài đòn để đón Xuân. Đó chính là món quà mừng năm mới của Má gởi cho anh em tôi.
Bánh Tét của Má, quà Tết cho Con, thường xuyên cho đến những năm gần cuối đời của Người. Bây giờ, mỗi khi xuân về, tôi đều nhớ lại.

Năm nay chờ xuân sang
Ngồi buồn vì nhớ Má
Bao nhiêu cái tết qua
Không có quà năm mới
Của Má gởi cho con
Chỉ còn trong ký ức
Má ơi !...Má của con...

Và năm nay, xuân sắp về, hình ảnh Má và những đòn bánh Tét vẫn lại đến với tôi

Xuân Về Nhớ Má

Năm tháng vô tình lặng lẽ trôi
Má tôi tuy đã hết tuổi Trời
Nhưng hình bóng Má cùng Bánh Tét
Luôn mãi theo tôi đến trọn đời...
Lại một mùa xuân nữa Má ơi
Con nghe trong gió tiếng ru hời
Sông nước vẫn còn xuôi ra biển
Thì Má trong tim vẫn đậm tình...
Bên bếp lửa hồng đêm trừ tịch
Người ngồi canh củi nấu bánh xuân
Reo sôi tiếng nước trong tĩnh mịch
Mường tượng tiếng cười của mẹ quê...
Trời dần khuya gió về thêm lạnh
Môi héo khô nhưng rạng ngời vui
Tình của Má trong từng chiếc bánh
Quà cho con mỗi độ xuân sang...
Nay tết đến sao nghe thiếu vắng
Bánh giao thừa và dáng dấp thân quen
Con ngồi đây lòng đang nghèn nghẹn
Quà Tết đâu?...Con nhớ Má... Má ơi!...

Quên Đi


Ảm Đạm Đêm Giao Thừa

  

Mùa Xuân ấy giờ đây như đã mất
Bao năm chờ tiếng pháo thật khai Xuân
Đếm thời gian trôi tối sẫm đêm mừng
Từ xa xăm cõi núi rừng vang vọng

Thuở em xưa đậm làn môi nóng bỏng
Từng chở xe đầy sức sống tràn dâng
Vườn tình xưa gieo lắm hạt hồng trần
Mùa gặt lỡ niềm đau dần chua xót

Rồi người thân đi không lần trở gót
Để giao thừa lành lạnh giọt sương rơi
Nhớ nhung ai hồi tưởng lại khung trời
Đầm ấm cũ! Đêm nay đời vô nghĩa

Đầu năm mới tìm vui nghe mai mỉa
Rượu đắng cay mằn mặn nỗi chia xa!

Vĩnh Long 3-2-2011
Lê Kim Hiệp

Mãi Xuân Xưa

  

Tuổi xuân bước qua tuổi già bước tới
Thời gian không chờ không đợi một ai
Nhan sắc phôi phai thay đổi vóc hài
Tết trở lại đẹp hoài trong ký ức

Đêm Ba Mươi dạ rộn ràng náo nức
Ánh lửa hồng đỏ rực bếp hiên ngoài
Gió vờn lay tóc ướp hương con gái
Mắt thắm tình ngây dại phải lòng ai

Tuổi xuân bước qua tuổi già bước tới
Tiếc một thời Tết vời vời nhớ thương!
Dẫu bao năm tóc điểm trắng pha sương
Xuân vẫn ngự dù muôn phương ly xứ!

Kim Oanh



Màu Áo Mới Thương Ơi

 

Cách nhau một mùa đông
bên nắng hiền rất nhẹ
bên gió luồn lá trở
hai nỗi nhớ lạ lùng

Bao năm rồi mười năm
chưa một lần gặp lại
người vẫn ngồi hai mươi
bên con đường nắng vội

Mùa xuân mang mùa đông
lòng người như sông cạn
giữa hai bờ mênh mông
con sóng đời đã khác

Hôm nay chợt nhớ người
những ngày đông báo tết
bóng quê nhà vời vợi
màu áo mới thương ơi...

Cận Tết Giáp Thìn, 2024
Nguyễn Vĩnh Long

Mộng Chiều Xuân - Sáng Tác: Ngọc Bích - Tiếng Hát: Đình Lộc


Sáng Tác: Ngọc Bích
Tiếng Hát: Đình Lộc


Đêm Giao Thừa Nghe Dân Ca(2008)

 

Đêm nay là đêm Giao-thừa,
Ai đem tuyết trắng trải dài mênh-mông!
Cô đơn xứ Mới sầu đong
Khung trời thương nhớ, véo von ngàn trùng.

Dân ca rạo rực trong lòng,
Trời quê xanh thẳm, dòng sông chảy dài
Rộn ràng bánh mứt, cành mai
Mọi người hớn hở, thiên thai đang chờ.

Dân ca ngọt diệu mộng mơ
Diều tôi trở lại bến bờ quê xưa
Mùa Xuân lễ Hội đón đưa
Trai tài gái sắc đua chen với đời.

Dân-ca ngọt lịm lòng tôi,
Hình xưa ảnh cũ bồi hồi trong tim!
Nụ cười khóe mắt long lanh,
Hồn tôi ngơ ngác, tưởng chừng đang mơ!

Vội vàng lấy giấy làm thơ..
Vần thơ lai láng, ngẩn ngơ u-buồn!
Lệ mờ, tay lại run run..
Dân ca ơi hỡi, thôi đừng ghẹo tôi!

Tô Đình Đài

Thư Xuân Gửi Mẹ(Hàn Thiên Lương) - Spring Letter To Mom( Thanh Thanh)

  


Thư Xuân Gửi Mẹ

Tết này con không thể về thăm Mẹ
Đường xa xôi cách trở mấy trùng dương
Con nhớ lắm, Mẹ già sầu cô lẻ
Mãi đợi chờ con trẻ biệt quê hương

Con ở đây xứ người đời vắng lạnh
Không pháo hồng, con quên mất Mùa Xuân
Đêm Ba Mươi vẫn ngồi bên khung máy
Bỗng quê nhà hiển hiện nỗi bang khuâng

Kính dâng Mẹ cả lòng con thương nhớ
Nhớ dòng sông nhánh nhỏ chảy quanh nhà
Nhớ lời ru khi con còn tấm bé
Nhớ Mẹ hiền tóc trắng tựa màu hoa

Xin dâng Mẹ tấm lòng con lữ thứ
Cách xa rồi tin nhắn cũng mù tăm
Con vẫn mơ thuyền xưa về bến cũ
Chuyện tương phùng đâu biết đến bao năm

Nỗi niềm đau dày vò đời vong quốc
Con lỡ rồi, từ buổi mất quê hương
Xin tạ lỗi Mẹ Hiền và Non Nước
Xin nguyện cầu Quê Mẹ hết đau thương…

Hàn Thiên Lương
***
Spring Letter To Mom


This New Year I cannot visit Mom;
The road is far away and not easy as a prom.
I miss you so much, old Mother lonely & sad
Forever waiting for child that had left his pad.

I am here in a cold, deserted land
Without fireworks, I forget Spring now bland.
Night Thirty still sitting by the computer frame
A sudden home image emerges, at me to aim.

Dear Mother, I miss you with all my heart,
I miss the small river round our house as a part,
I miss your lullaby when I was a baby,
My gentle Mother with white hair the flowers may be.

I wish to send You all my nostalgic soul.
Far away the messages can't finish their role.
I still dream of old boat returning to old port,
But to how long the reunion has to resort.

This pain torments through my exile stand.
I misdid it since I lost my homeland.
I’m sorry, gentle Mother and dear Nation,
Let's pray to end our Country’s damnation.

Translation by Thanh Thanh


Mùa Xuân Hoa Nở Trong Lòng


Mùa Xuân nhìn đâu cũng thấy hoa: hoa trước nhà, hoa sau nhà, ra khỏi nhà thì thấy hoa nở trước nhà hàng xóm, trên lối đi, sao mà đẹp quá! Tiếng chim hót trên cành cây, ngọn cỏ. Một đàn chim sẻ đậu trên cột đèn, trên dây điện, ôi sao mà đẹp. Mùa Xuân đẹp, trong lòng nở hoa, yêu đời, lạc quan, yêu người nên thấy hoa nào cũng đẹp, đẹp vô cùng.

Tôi thích nhìn hoa nở trong mùa Xuân, hoa của đất Trời và hoa nở trong lòng mình. Buổi sáng, đọc lời chúc Tết, lời nào cũng tốt đẹp. Tôi thích những lời tốt đẹp và mong sự tốt đẹp đến với những người thân của tôi. Tôi cầu mong thế giới hòa bình, đừng có chiến tranh, nhà nhà được bình yên, buổi tối đi ngủ không cần đóng cửa, tiền rớt ngoài đường không ai lượm như thời vua Nghêu, vua Thuấn.

Chúng tôi mơ ước các hãng xưởng làm khí giới đóng cửa vĩnh viễn. Không có súng đạn, không có chiến tranh, không có người không nhà ở ngoài đường. Người nào cũng có nhà để ở, trẻ con được đến trường học, cứ 2 người thì có một người tốt nghiệp đại học như người Do Thái, hay người nào cũng tốt nghiệp đại học. Không khí trong lành ở khắp nơi, nước sạch cho mọi người, mọi gia đình êm ấm, đám cưới xong là sống tới già, tới chết, sinh con cháu đầy nhà, người già, người trẻ sống chung với nhau, khoa học tiến bộ, khoa học để phụng sự con người chứ không phải chế vũ khí để giết người vô tội.

Mọi người khỏe mạnh, bệnh viện ít người đến, vì không ai có bệnh. Sống lành mạnh, tập thể dục, thể thao hàng ngày, ăn uống lành mạnh, thở không khí trong lành, cho nên ít người bệnh. Người nào cũng sống trên 130 tuổi, như một làng ở Nhật, người nhỏ tuổi nhất là 105, hàng ngày tập võ, đi làm, người cao tuổi là 125, trí óc vẫn thông minh, đi câu cá, bắn chim, trồng rau cải, ca hát, tập võ mỗi ngày.

Sống vui, sống hạnh phúc, sống thương yêu, thương yêu người trong gia đình của mình, thương yêu hàng xóm, thương yêu người bất hạnh. Sống trong sự thương yêu và thương yêu người khác. Sống với nụ cười trên môi, sống với trong tim nở hoa.

Sống cởi mở, sống với trái tim yêu thương, sống không thù hận, không ghen ghét, đời sống sẽ đẹp hơn, hoa sẽ nở trong tim, hoa sẽ nở trong vườn, nụ cười trên môi, tiếng cười reo vui như chim hót trên cành cây, trên sân cỏ, đời đẹp lắm.

Ngày nhìn hoa tươi thì ngày nào cũng là ngày của mùa Xuân, ngày nào cũng là ngày của yêu thương, yêu thương thật lòng, thật dạ của mình. Thế giới này không thể thiếu nụ cười, không thể thiếu tiếng cười, không thể thiếu yêu thương.

Tình cảm có sức mạnh vạn năng, niềm tin vào Đấng Tối Cao đem sức sống mãnh liệt cho con người. Có người gần chết nhưng có người mà họ yêu thương nhất trên đời này chợt đến thì người gần chết cũng ngóc đầu dậy, cũng mỉm cười thật tươi, bởi vì có hoa nở trong lòng, hoa bất diệt, đó là tình yêu vĩnh cửu.
Mùa Xuân ở khắp nơi, mùa Xuân của đất Trời, và mùa Xuân ở trong lòng mình. Vậy mà không hiểu tại sao có người than với chúng tôi rằng:
- Tìm một người để yêu thương mà tìm hoài không ra.
Tôi nói:
- Ai bảo khó quá, người đó phải như thế này, như thế nọ.

Khi mình yêu thương thì cứ yêu thương, không cần người đó có thương mình hay không cần biết, người đó không thương mình thì tốt hơn. Tình yêu một chiều sẽ tốt hơn. Nhiều người có nhiều quan niệm khác nhau. Có người tìm người lý tưởng, người đó phải biết nhảy đầm, phải rộng rãi, phải xài tiền như nước, phải có kiến thức, phải lịch sự giữa đám đông, phải nhiều thứ phải, nhưng những người có điều kiện tốt thì những người đó đã có người bên cạnh rồi.

Hãy yêu mùa Xuân như yêu chính mình, mùa Xuân đẹp, hoa nở rực Trời, mùa Xuân ấm áp, chim hót líu lo ngoài vườn. Mùa Xuân vui với ánh nắng chói chang, mùa Xuân với tim nở hoa, mùa Xuân với mơ ước tràn đầy, và mùa Xuân với yêu thương ấm áp.

Người sống yêu thương người khác và được yêu thương bao giờ cũng khác với người khác. Người được yêu thương lúc nào khuôn mặt cũng tươi như hoa nở, nụ cười hồn nhiên như trẻ thơ, tiếng cười reo vui suốt ngày, mặt mày không nhăn nhó, không than vãn, không khóc lóc, ánh mắt tươi, hy vọng tương lai rực rỡ. Người được yêu thương làm việc gì cũng thành công, mình thương mình, mình thương người khác thì làm việc gì cũng thành công. Người thành công là người không than vãn, không khóc lóc, chỉ trích người này, người nọ, không bất mãn với chính mình, và không chỉ trích người khác. Người được yêu thương là người không đố kỵ thấy người khác giỏi hơn mình thì chê bai, thấy người khác thành công hơn mình thì chỉ trích họ. Người thành công trong việc làm rất phóng khoáng, vui tươi, dễ dàng, vào tiệm ăn, người bồi chưa đến thì không nhăn nhó, ra đường kẹt xe thì không khó chịu, nhường cho người qua mặt mình một cách vui vẻ. Đi chợ thấy người già bưng thùng thức ăn nặng để lên xe, giúp đỡ mang lên xe cho họ. Đó là niềm hạnh phúc được giúp đỡ người khác. Người yêu mình và yêu người khác biết nhường nhịn, biết tươi cười, biết bỏ qua những điều phiền muộn mà người xung quanh gây ra cho họ.

Người biết yêu mình và yêu người khác không bao giờ khó khăn với chính mình và khó khăn với người xung quanh mình.

Mong mọi người yêu thương chính mình và yêu thương người khác thì đời này đẹp lắm, mùa Xuân sẽ nở hoa bên ngoài và hoa sẽ nở trong lòng mình.

Orange County, 1/2024
Kiều Mỹ Duyên


Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024

Nguyễn Vĩnh Long Chúc Trang Long Hồ Vĩnh Long Mừng Xuân Mới 2024

 



Xuân Vắng

 

Xuân về rồi đó nhỏ
Sao để anh thế nầy
Lang thang qua chợ phố
Nhìn thiên hạ vui vầy

Sao nỡ đành thế nhỏ
Bỏ mình anh lại đây
Đón xuân về bỡ ngỡ
Trời vô tình bay mây

Sao mình xa quá nhỏ
Lá bao giờ xa cây
Cho tình vương mắt đỏ
Và nỗi nhớ thêm đầy

Xuân chắc anh sẽ buồn
Nhỏ vô tình đâu biết
Anh lạc mất mùa xuân
Tình đi đâu biền biệt

Xuân để anh một mình
Có nhỏ nào biết không
Anh là anh tội tình
Nên nhỏ bắt nhớ mong

Đành hưởng xuân như thế
Anh buồn quá nhỏ ơi!
Giờ xuân đến mặc kệ
Riêng anh, anh chẳng mời...!

Thanh Chau

Còn Cội Mai Già

  

Sao con đành bỏ đi
Để Mẹ già hiu quạnh
Dưới hiên nhà gió lạnh
Mẹ đứng lặng nhìn theo

Con quay đầu nhìn lại
Khắc ảnh Mẹ vào tim
Một mai đời đau khổ
Biết Mẹ đâu con tìm

Bên kia bờ biển đông
Khói sầu dâng mênh mông
Quê nhà chìm khuất bóng
Nước mắt con thành sông

Con tìm Mẹ trong mơ
Mẹ buồn tóc bạc phơ
Vườn khuya hoa cau rụng
Nước mắt Mẹ thành mưa

Hai mươi năm biền biệt
Hồn con gởi quê nhà
Xót Mẹ già một bóng
Lòng dõi bước con xa

Xuân năm nay con về
Mồ Mẹ phủ cỏ xanh
Dưới hiên nhà gió lạnh
Con đứng lặng nhình quanh

Còn đây cội mai già
Xưa Mẹ thường lảy lá
Nay đang độ nở hoa
Mà Mẹ đời đời xa.

Khánh Hà 

Tết Đất Khách

 

Tuy không đầy đủ giống quê nhà
Hải ngoại vẫn mừng đón tết ta
Cũng tất niên tưng bừng múa hát
Cũng liên hoan rộn rịp đàn ca
Cũng mai cúc bánh trà hàng mã
Cũng trống cờ lân pháo chợ hoa
Thăm bạn bè, tân xuân chúc tụng
Chúc năm mới mạnh khỏe an hòa

nhất hùng

Xuân Ơi!

 

Xuân ơi sao để hoa tàn
Vì đâu nỗi nhớ ngập tràn về đây
Lạc loài từng bước phương nầy
Thầm đau giấc mộng bèo mây thuở nào.

Sông xa sóng vỗ rì rào
Thuyền rời bến mộng lạc vào cõi mê?
Đời thôi một cõi đi về
Vừa vui phút chốc, tứ bề quạnh hiu.

Hoa xuân rực rỡ bao nhiêu
Tả tơi rơi rụng giữa chiều nắng phai.
Lòng riêng trọn nỗi u hoài
Thơ hồn kết tụ những ngày thương mong.

Xuân sao không thấy nắng hồng
Mịt mờ hiu quạnh chập chùng mây bay
Tình xuân chẳng chút hương say
Hồn bơ vơ quá đắng cay nỗi mình.

Xuân đời úa cõi nhân sinh
Hoa lòng tan tác nụ tình tả tơi
Giọt mưa hay giọt lệ người
Lòng canh cánh nhớ im lời tỏ phân!

Dáng xuân như bóng phù vân
Bao lần thoáng hiện mấy lần tàn phai
Thoạt trông mái tóc hoa cài
Mà nay buồn thấy tóc đầy tuyết sương/

Hàn Thiên Lương


Tết Võ Vàng!

   

Tết Võ Vàng!

Bên hiên vẫn đóa hoa còn vàng cánh
Gió nhẹ nhàng mơn trớn chiếc lá xanh
Sao hắt hiu một bóng nép sau mành
Trong góc tối quẩn quanh nhiều nỗi nhớ…

Quá khứ ngừng trôi trôi về một thuở
Con đường xưa rạng rỡ nét xuân sang
Đua theo mùa chim ríu rít hót vang
Mình hòa nhịp râm ran lời dấu ái…

Xuân đến xuân đi xuân âm ỉ mãi
Ước nguyện dòn son sắt mỏng dần phai
Hương quyện gió lệch quay chiều hướng khác
Tết võ vàng hồn tan nát nào hay…

Kim Oanh
***
Bài Cảm Tác:

Tết Võ Vàng!


Thủa đêm chưa biết ưu phiền
Những hoa sứ nở trắng miền lãng du
Thủa hè chưa có ngày thu
Nắng đong đưa những câu ru ạ ời
Thủa xuân lộc biếc đâm chồi
Hàng cây khua những tiếng cười đuổi nhau
Thủa đường, gót nhỏ xôn xao
Trái tim có ánh mắt nào vướng ngang?!
..........
Hôm nay, hiên nở mai vàng
Có người ôm Tết-võ-vàng nhớ… xuân!

BP

Gọi Tên Tháng Chạp

 

Tôi viết bài thơ buổi sớm mai
Gió sương lạnh thổi ở hiên ngoài
Vàng rơi chiếc lá bay đầu ngõ
Thung lũng chợt buồn thu nhạt phai.

Nghe tiếng ai kêu tên tháng chạp
Giọt sương đọng buồn ướt trang thơ
Làm rung nhánh lá hoa lay động
Chám đến hồn tôi phút dại khờ.

Tháng chạp mưa rơi lại thấy buồn
Nhớ người xa vắng mảnh tình con
Đông về nhóm lửa hương tình cũ
Thắm thiết môi hôn bỏng nét son

Tìm nhặt tàn phai chuyện nước non
Vẫn mong xoá hết nỗi đau mòn
Ân tình lỡ hẹn còn chưa gặp
Mây nước trời xa chạm đáy hồn.

Lê Tuấn

Ngũ Quả Ngày Tết

 

Trong văn hóa Á Đông, số 5 có ý nghĩa tượng trưng đặc biệt.
Đó có thể là Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, và Thổ.
Đó có thể là Ngũ Phúc: Phú (giàu có), Quý (sang cả), Thọ (sống lâu), Khang (khỏe mạnh), và Ninh (an toàn).
Trong kinh Vu Lan Bồn do Đức Phật thuyết pháp. Để cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ, Mục Kiền Liên cần chuẩn bị các lễ vật để cúng dường chư Tăng. Trong đó, có ngũ quả.
Rằm tháng bảy là ngày Tự Tứ.
Mười phương Tăng đều dự lễ này.
Phải toan sắm sửa chớ chầy,
Thức ăn trăm món, trái cây năm màu.

Ngũ quả (5 loại trái cây) tượng trưng cho Ngũ Căn-Ngũ Lực: Tín, Tấn, Niệm, Định, và Tuệ.
Trong việc chọn ngũ quả thể hiện lòng thành dâng cúng tổ tiên, thần thánh, người dân miền Nam Việt Nam đã có cách chơi chữ thú vị theo cách "đồng âm, khác nghĩa."
Đó là dùng 5 loại trái cây: mãng cầu, thơm, dừa, đu đủ, và xoài.
Tên 5 loại trái cây đó ghép lại, đọc thành: Cầu Thơm Vừa Đủ Xài.
Bởi, theo cách phát âm của người miền Nam, "vừa" đọc là "dừa", còn "xoài" đọc là "xài."
Có người thay trái thơm bằng trái sung, khi ghép lại, thành: Cầu Sung Vừa Đủ Xài.
Cũng vì thế, người dân Nam bộ thường tránh chưng những thứ trái cây có tên "nghe" xui xẻo, như trái chuối, vì "chuối" đọc thành "chúi", tức "chúi nhủi", cắm đầu xuống, tức thất bại.
Trái lê là "lê lết", hàm ý không khá nổi.
Trái táo, là trái nhập từ Pháp, có tên Tây là "pomme". Người Việt đọc là "bom", nghe lại giống tiếng Anh là "bomb", tức trái bom nổ. Chơi chữ tới 3 tầng lận!
Sầu riêng không được chưng, vì có chữ "sầu". Còn ớt chắc không được vì "cay như ớt". Mướp lại càng không, vì là… "rách như xơ mướp"!
Cam, quýt thì sao? Tục ngữ có câu:"Quýt làm, cam chịu", hàm ý mình phải chịu oan ức vì lỗi người khác làm ra.
Thế nhưng, cũng có người cắc cớ, dùng những loại quả đặc biệt:
Vú sữa, Măng cụt, Dừa, Đu đủ, trái Vải, và Sầu riêng.
Mâm "lục quả" này, hẳn dành riêng cho quý vị đàn ông "hảo ngọt"?


Nhân dịp Xuân về, xin tặng quý độc giả ba bài thơ "Ngũ Quả".

Tết Bình An

Cầu mong năm mới yên vui.
Vừa lòng tất cả mọi người lạ quen.
Đủ đầy gạo, muối, thuốc men.
Xài tiền làm phước, càng thêm nhiều tiền!


***
Tết Thịnh Vượng

Cầu cho thiên hạ nơi nơi.
Vừa giàu, vừa khỏe, lại vừa tâm an.
Đủ đầy hạnh phước thế gian.
Thơm danh người thiện đa mang việc đời.


Tết Thái Hòa

Cầu tình yêu ấy mãi tươi mầu.
Sung sướng bên nhau thật dài lâu.
Vừa nhiều tiền bạc, vừa nhiều phước.
Đủ cả cháu con, đủ rể dâu.
Xài hoài vẫn giầu…

Trịnh Bình An
(Tháng Giêng-Giáp Thìn-2024)
Ghi chú:
Bài gởi ra, đã nhận được lời phê bình từ một bậc đàn anh. Như sau:
"Trong bài có 1 chỗ không đúng. Người Việt nói trái 'bom' (nổ) là từ tiếng Pháp 'bombe' vì khi đó (Thế Chiến 1 & 2) người Việt chỉ biết tiếng Pháp là chính. Khi đó người Việt nói 'bom' cũng không hẳn là 'bomb/bombe' (Pháp dội bom xuống lòng chảo Điện Biên Phủ) mà nó cũng có thể là mìn/bộc phá. Đọc sử sẽ thấy năm 1924 Phạm Hồng Thái đặt 'bom' ám sát Toàn Quyền Merlin.

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2024

Tân Cổ Mùa Xuân Đó Có Em - Anh Việt Thu - Nguyễn Thiện Thanh - Kim Trúc - Dũng Trà


Sáng Tác: Tân Nhạc: Anh Việt Thu
Cổ Nhac: Nguyễn Thiện Thanh
Trình Bày: Kim Trúc & Dũng Trà

Riêng Lòng Ta…

 


Gió mùa xuân hoa cười hớn hở
Nắng trưa hè nức nở ve kêu
Chiều thu mây xám đìu hiu
Ðêm đông gió bão tiêu điều cỏ cây
Thời tiết đổi: bốn mùa tuần tự
Riêng lòng ta một chữ thủy chung
Ðầu Xuân cho chí cuối Ðông.


Nguyễn Thùy


Quê Xưa Ngày Tết

 

Quê tôi náo nức mỗi xuân sang
Vang khúc nhạc vui nhịp rộn ràng
Rạng rỡ trước đình hàng pháo đỏ
Thắm tươi ngoài ngõ dãy mai vàng
Phất phơ cờ quạt bay đầy phố
Ròn rã cồng chiêng vọng cả làng
Đây lắc bầu cua, kia chợ tết
Rước Lân cầu phúc lộc an khang

nhất hùng

Trả Hết Cho Người - Trả Lại Em Yêu

 

Bài Xướng:

Trả Hết Cho Người


Trả hết thương đau lúc dỗi hờn
Bên đời thấm lạnh lúc cô đơn
Tay buông dĩ vãng sầu quay quắt
Nước mắt quanh buồn cuộn nhớ thương.

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Trả Lại Em Yêu

Xin trả nợ duyên chớ giận hờn
Đôi bờ cách biệt gối chăn đơn
Tuổi trời hồn lạc, thân queo quắt
Sống trọn xuân thì khỏi tiếc thương!

Lộc Bắc
Jan 24


Xuân Hạnh Phúc

 

Loan phụng hòa minh thuận ý trởi 

Nên tình chồng vợ sáng muôn nơi 
Từ thời chinh chiến nơi quê mẹ 
Đến lúc lưu vong ở xứ người 

Thế sự thăng trầm như giấc mộng 
Tình đời biến đổi tợ mây trôi 
Đôi tim son sắt tròn duyên mộng 
Hạnh phúc bên nhau suốt cuộc đời 

Hạnh phúc bên nhau suốt cuộc đời 
Tuổi già an hưởng đã lên ngôi 
Rể ngoan chăm chỉ nên danh phận 
Con hiếu siêng năng thắm nụ cười 
Ra phố người đời khen đẹp lão 
Về nhà êm ấm sáng cơ ngơi 
Năm mươi năm cưới như huyền thoại 
Tỉnh nghĩa phu thê quá tuyệt vời!!!

Lâm Hoài Vũ
Feb 15 .2023

Rồng

 

(Thủ Nhứt Thanh)

Rồng đứng thứ năm Giáp đó đa
Rồng là hư cấu, vật linh mà.
Rồng mang phong cách hoàng gia đó
Rồng khoác giống dòng chúa tộc nha.
Rồng lộn tung mây nào thấy chán
Rồng bay lướt gió vẫn coi pha.
Rồng do truyền thuyết tiền nhân viết:
Rồng kết cùng Tiên, chủng Việt ta!


Duy Anh
Xuân Giáp Thìn 2024

Cảm Xúc Tờ Lịch Cuối

 

Xé lịch nhìn tờ cuối quý sao
Bâng khuâng cảm xúc chợt dâng trào
Thân già Tết tới còn nghe rộn
Tuổi hạc Xuân về cũng thấy nao
Gợi cảnh quê xưa chè nấu cúng
Bừng hôm bếp cũ mức rim ngào
Chừ đây tiếp nối tìm hương vị
Trống trải xa nhà nhớ biết bao

Minh Thúy Thành Nội
Tháng 12/31/2023

Tạp Ghi Và Phiếm Luận: Tuổi Thìn Rồng Ở Thiên Đình


Tuổi Thìn Rồng ở thiên đình
Làm mưa làm gió ẩn mình trong mây.

TÝ, SỬU, DẦN, MÃO, THÌN... THÌN 辰 là ngôi thứ 5 trong Thập Nhị Địa Chi 十二地支, cầm tinh con RỒNG; Chữ Nho gọi Rồng là LONG 龍, là con thú đứng đầu trong Tứ Linh 四靈 : LONG LÂN QUY PHƯỢNG 龍麟龜鳳. Chữ LONG 龍 là tượng hình của một con vật thần thoại và cũng là một trong 214 bộ của "CHỮ NHO...DỄ HỌC" theo diễn tiến của chữ viết như sau:

Giáp Cốt   Văn Kim   Văn Đại   Triện Tiểu   Triện Lệ Thư

Ta thấy:
Giáp Cốt Văn và Kim Văn là hình tượng của một loài thú bò sát như rắn ngẩn cao đầu, trên đầu có sừng, đang há miệng và trong miệng có răng, trông rất hung ác. Đến Đại Triện thì phần đầu được viết to ra và phần mình và đuôi được rút ngắn lên bên phải, kịp đến Tiểu Triện thì lại thêm vài nét trên lưng tượng trưng cho kì vi, đến Lệ Thư thì các nét được kéo thẳng như chữ viết hiện nay LONG 龍 là RỒNG.
RỒNG là con vật thần thoại trong truyền thuyết Trung Hoa từ đời thượng cổ; có sừng, có vảy, có móng vuốt, có râu ria, Có thể ngắn có thể dài, có thể lớn có thể nhỏ, khi mờ khi tỏ, biết kéo mây làm mưa; mùa xuân thì bay lên trời, mùa thu thì lặn xuống vực sâu, biến hóa vô cùng.

Năm 2024 là năm GIÁP THÌN 甲辰. GIÁP là ngôi đầu của Thập vị Thiên Can là : GIÁP, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Qúy. THÌN là ngôi thứ năm của Thập nhị Địa Chi là "Mười hai con giáp : Tý, Sửu, Dần, Mão, THÌN, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dẫu, Tuất, Hợi". GIÁP theo Dịch lý ngũ hành thì Đông phương Giáp Ất thuộc Mộc, là mùa Xuân, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, chủ màu Xanh. THÌN là Rồng, nên GIÁP THÌN là con rồng mang màu sắc của cây cỏ, là con Rồng Xanh, chữ Nho gọi là Thanh Long 靑龍 hay Thương Long 蒼龍 gì cũng được. Lạm bàn về chữ THANH và THƯƠNG như sau :
* THANH 靑 : là chữ Hội Ý. Có phần trên là bộ SANH 生 chỉ thực vật cây trái còn sống (chưa chín); Phần dưới là chữ ĐAN 丹 chỉ động vật còn đỏ hỏn khi mới được sanh ra. Nên THANH là Màu xanh nói chung, chỉ còn tươi còn trẻ còn non, như THANH SƠN 靑山 là Núi Xanh; THANH MAI 靑梅 là Mai còn xanh non; THANH NIÊN 靑年 là Tuổi Xanh, tuổi còn trẻ...
* THƯƠNG 蒼 : là chữ Hài Thanh. Có phần trên là bộ THẢO 艹 chỉ Hoa cỏ; Phần dưới là chữ THƯƠNG 倉 (là Bồ lúa) chỉ Âm. Nên THƯƠNG là màu xanh lá cây, là màu xanh tươi của hoa cỏ; như THƯƠNG THÚY 蒼翠 là Xanh biếc; THƯƠNG ĐÀI 蒼苔 là Rêu xanh; THƯƠNG THIÊN 蒼天 là Trời xanh...

Nên...
Năm GIÁP THÌN 2024 là năm của con Rồng Xanh, của Thương Long hay Thanh Long; mà THANH LONG 靑龍 là một trong Tứ Linh 四靈 của Thiên Tượng 天象 trên trời, nên là một trong Tứ Tượng 四象. Căn cứ theo âm dương ngũ hành THANH LONG là con linh thú ở phương đông, thuộc hành Mộc nên có màu Xanh, đại biểu cho mùa Xuân và thuộc quẻ Chấn trong Bát quái.

THANH LONG hay THƯƠNG LONG còn là một nhóm Bảy vì sao ở hướng đông trong Nhị Thập Bát Tú. Bảy sao đó là :

1. Sao GIÁC là GIÁC MỘC GIAO 角木蛟 : là con Giao long.
2. Sao CANG là CANG KIM LONG 亢金龍 : là con Rồng vàng.
3. Sao ĐÊ là ĐÊ THỔ LẠC 氐土貉 : là con Cáo.
4. Sao PHÒNG là PHÒNG NHẬT THỐ 房日兔 : là con Thỏ.
5. Sao TÂM là TÂM NGUYỆT HỒ 心月狐 : là con Chồn.
6. Sao VĨ là VĨ HỎA HỔ 尾火虎 : là con Cọp.
7. Sao CƠ là CƠ THỦY BÁO 箕水豹 : là con Beo.

Bảy sao đó hình thành hình tượng của một con Rồng Xanh trên bầu trời Đông : GIÁC là hai sừng của rồng, CANG là cổ của rồng, ĐÊ là móng vuốt trước của rồng, PHÒNG là bụng của rồng, TÂM là tim của rồng, VĨ là đuôi của rồng, CƠ là móng vuốt sau của rồng. Bảy chòm sao này xuất hiện giữa trời tương ứng với mùa Xuân.

Hình tượng 7 nhóm sao THANH LONG trong Nhị Thập Bát Tú

Hai sao PHÒNG và TÂM gần nhau nhất trong nhóm Thanh Long, có nhiều đặc điểm tương đồng về độ sáng, cấu tạo, chu kỳ,... nên thường được ví như là hai chị em sinh đôi. Còn trong đời nhà Minh, Chỉ Huy Sứ Cẩm Y Vệ được gọi là THANH LONG.

NĂM THÌN là năm đứng sau năm Mão, là năm của con RỒNG, con vật thần thoại không có thật. GIỜ THÌN là từ 7 - 9 giờ sáng, là giờ mặt trời bắt đầu chiếu ánh sáng rưc rỡ lên vạn vật. THÁNG THÌN là Tháng Ba Âm lịch trong năm với tiết Thanh Minh và Cốc Vũ, cây lúa đã bắt đầu xanh tốt để trổ bông. Theo Tử Vi Đẩu Số thì người tuổi Thìn sẽ hợp với người tuổi Tý và tuổi Thân, cách nhau 4 tuổi; Thân Tý Thìn TAM HẠP mà ! Còn TỨ HÀNH XUNG là Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, cách nhau 3 tuổi; trong đó THÌN-TUẤT là 2 tuổi chánh xung với nhau, cách nhau 6 tuổi. Nên ngày xưa trai gái muốn kết hôn thì các ông bà hay coi tuổi. Hễ cách nhau 2 tuổi, 4 tuổi hoặc 8 tuổi thì TỐT, còn cách nhau 3, 6 hoặc 9 tuổi thì rất XẤU, vì sẽ lọt ngay vào Tứ Hành Xung của 3 nhóm : Tý Ngọ Mẹo Dậu hay Dần Thân Tỵ Hợi hoặc Thìn Tuất Sửu Mùi. Chạy trời cũng không khỏi nắng !

THÌN là RỒNG, là con vật thần thoại sống ở trên trời như câu hát dân gian ở đầu bài viết :

Tuổi Thìn Rồng ở thiên đình,
Làm mưa làm gió ẩn mình trong mây.

Theo Hào Cửu Ngũ của quẻ Càn trong Kinh Dịch《易經.乾卦》中,解説「九五爻」có câu :... Vân tòng long, phong tòng hổ 雲從龍,風從虎... Có nghĩa : Mây theo rồng, gió theo cọp, và chính xác hơn là "Long ngâm vân xuất, Hổ khiếu phong sanh 龍吟雲出, 虎嘯風生" Có nghĩa : Rồng rống thì mây sanh, Cọp gầm thì gió nổi. Nên Rồng và Mây thường hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh thật đẹp thật hùng vĩ trên bầu trời, nên cổ nhân mới ví những người quan trường đắc chí hay thi đậu ngày xưa như là "Rồng Mây gặp hội". Trong bài hát nói Kẻ Sĩ của cụ Nguyễn Công Trứ có câu :

RỒNG MÂY khi gặp hội ưa duyên,
Mang quách cả sở tồn làm sở dụng.

RỒNG MÂY hay MÂY RỒNG còn dùng để chỉ các bậc vua chúa ngày xưa, như khi gặp gỡ Thúy Kiều, Từ Hải đã bảo nàng :"Lại đây xem lại cho gần, Phỏng tin được một vài phần hay chăng ?" Thúy Kiều "ngắm" Từ Hải xong bèn đáp :

Thưa rằng : Lượng cả bao dong,
Tấn Dương được thấy MÂY RỒNG có phen!
Rộng thương cỏ nội hoa hèn.
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau...

Ý của Thúy Kiều là : Tôi biết là ông có chí lớn rồi, có ngày ông sẽ khởi binh như Đường Cao Tổ đã khởi binh ở Tấn Dương để gầy dựng nên nhà Đường vậy! Có ngày ông sẽ thấy Mây Rồng, tức là có ngày ông sẽ xưng hùng xưng bá hay làm vua gì đó. Chừng đó ông đừng có quên thân "cỏ nội hoa hèn" là tôi đây nghen, thân bèo bọt của tôi còn chờ để trông cậy vào ông đó ! Thấy Thúy Kiều nói trúng tim đen của mình, làm cho Từ Hải cũng cảm thấy sướng rơn và cũng rất tự hào mà hứa hẹn :

Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau!

Từ Hải gặp Thúy Kiều như Rồng Mây gặp hội

RỒNG vừa bay trên trời lại vừa lội dưới nước; Bay trên trời là THIÊN LONG 天龍, còn lội dưới nước là THỦY LONG 水龍. Theo truyền thuyết dân gian cổ xưa ảnh hưởng bởi Đạo Giáo, RỒNG còn là vua ở dưới nước, được xưng tụng là LONG VƯƠNG 龍王, quản về thời tiết mưa gió của dân gian, nên những năm thiên tai hạn hán là phải cúng bái cầu đảo xin Long Vương ban cho mưa xuống. Vì khoa Địa Lý Học ngày xưa chưa phát triển, nên dân chúng cứ lầm tưởng là chung quanh đất liền mà ta ở gồm có bốn biển lớn, nên mới có câu "Tứ hải giai huynh đệ 四海皆兄弟", có nghĩa : Bốn biển đều là anh em với nhau cả; và cũng vì thế mà ta cũng có TỨ HẢI LONG VƯƠNG 四海龍王, là Bốn ông vua Rồng của Bốn biển.
Năm Thiên Bảo thứ 10 đời Đường Huyền Tông (751), nhà vua đã ban chỉ sắc phong xưng hiệu của Tứ Hải Long Vương như sau:

1. Đông Hải Long Vương phong hiệu là : Quảng Đức Vương 廣德王.
2. Nam Hải Long Vương phong hiệu là : Quảng Lợi Vương 廣利王.
3. Tây Hải Long Vương phong hiệu là : Quảng Nhuận Vương 廣潤王.
4. Bắc Hải Long Vương phong hiệu là : Quảng Trạch Vương 廣澤王.

Theo truyện "Phong Thần Diễn Nghĩa" và "Tây Du Ký" thì Tứ Hải Long Vương có tên gọi như sau :

1. Đông Hải Long Vương tên là : Ngao Quảng 東海龍王:敖廣。
2. Nam Hải Long Vương tên là : Ngao Khâm 南海龍王:敖欽。
3. Tây Hải Long Vương tên là : Ngao Nhuận 西海龍王:敖潤。
4. Bắc Hải Long Vương tên là : Ngao Thuận 北海龍王:敖順。

Tứ Hải Long Vương

Đó là theo Đạo Giáo, còn trong Phật Giáo thì có đến Bát Bộ Thiên Long, thường được gọi là THIÊN LONG BÁT BỘ 天龍八部, bao gồm 8 loại thiên thần, chúng sinh, qủy quái, nhưng vì lấy "Thiên Chúng 天眾" và "Long Chúng 龍眾" làm đầu nên mới gọi là "Thiên Long Bát Bộ". Gồm có 8 bộ sau đây:

1. THIÊN CHÚNG 天眾 : là thiên thần (Deva), đứng đầu bởi Đế Thích 帝釋. Thiên chúng trong Phật giáo là con người vẫn còn trong Tam giới 三界 (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới 欲界、色界、無色界)và Lục Đạo 六道(Thiên, Nhân, A Tu La, Súc sinh, Ngạ qủy, Địa ngục 天、人、阿修羅、畜生、餓鬼、地獄).
2. LONG CHÚNG 龍眾 : là rồng (Naga) nhưng không có chân, trông giống như một con mãng xà lớn, là chúa tể các loài trong nước. Kinh Phật kể rằng một con rắn tên là Mucilinda đã cuộn thành một cái tàn che cho đức Phật nhập định trong một cơn giông bão.
3. DẠ XOA 夜叉 : (Yaksha) là Qủy thần (là thần ăn được quỷ) có thể tốt có thể xấu. Rất nhiều Dạ Xoa đã được Phật chuyển hóa thành Thần Hộ Pháp. Đứng đầu có "Dạ Xoa Bát Đại Tướng" có nhiệm vụ bảo hộ chúng sinh.
4.CÀN THÁT BÀ 乾達婆 : (Gandharva) Còn gọi là "Thần Thơm", không ăn thịt, không uống rượu, chỉ ngửi mùi thơm, nên thân thể tỏa mùi thơm nồng nặc, là nhạc thần phục thị cho Đế Thích.
5. A-TU-LA 阿修羅 : (Asura) Nam rất xấu còn nữ thì thật đẹp. Thường hay ganh tị và đánh nhau với Đế Thích và thường bị thua, rất đau khổ không được vui sướng mặc dù có thể giàu có nhưng bị tâm ganh ghét đố kị làm cho đau khổ.
6. CA LÂU LA 迦樓羅 : (Garuda) là Chim đại bàng cánh vàng đầu có một cái bướu to gọi là Như Ý Châu, tiếng kêu bi thảm, được người Trung Hoa bản địa hóa thành Đại Bàng Kim Xí Điểu. Ca Lâu La thích ăn rồng, khi chết chất độc xông lên cháy tiêu thành tro, chỉ còn một trái tim xanh biếc
7. KHẨN NA LA 緊那羅 : (Kinnara) là Thần Âm nhạc của Đế Thích, giống người nhưng không phải người, vì trên đầu có một cái sừng, giỏi múa hát.
8. MA HẦU LA GIA 摩睺羅伽 : (Mahoràga) là Đại Mảng Xà Thần, là thần rắn, mình người đầu rắn. Còn có tên là Địa long (Rồng trên mặt đất).

Nhà văn Kim Dung đã mượn tên tám loại qủy thần phi nhân sức mạnh hơn người, mang hình dáng giống người nhưng không phải là người nầy để ám chỉ từng nhân vật trong bộ truyện võ hiệp THIÊN LONG BÁT BỘ của mình như : Kiều Phong, Hư Trúc, Đoàn Dự, Du Thản Chi, Mộ Dung Phục, A Tử, Vương Ngữ Yên, Tần Hồng Miên...

Ngoài ra, trong Phật giáo còn có một LONG NỮ 龍女 tiếng Phạn là Nāga-kanya, nên còn đưọc dịch là Na Gia Long Nữ 那伽龍女, là con gái thứ ba của Sa-Kiệt-La Long Vương 娑竭羅龍王, chính là cô bé cầm tịnh bình với nhành dương liễu đứng bên cạnh Quan Thế Âm Bồ Tát đó. LONG NỮ còn có tên là THIỆN NỮ LONG VƯƠNG 善女龍王. Còn phía bên kia của Quan Âm Bồ Tát là Thiện Tài Đồng Tử, là Hồng Hài Nhi con của Ngưu Ma Vương và Thiết Phiến Công Chúa đó.
Còn theo《Liễu Nghị Truyện 柳毅傳》của Lý Triều Uy 李朝威 đời Đường thì...
Vào những năm Nghi Phụng đời Đường, có thư sinh là Liễu Nghị đi thi lạc đệ nên trở về phương nam. Khi đi ngang qua Kinh Dương của đất Thiểm Tây, gặp một cô gái chăn dê bên bờ sông; mặt mày buồn bã cứ trông về phía Nam mà rơi lệ. Liễu Nghị bèn hỏi rõ ngọn ngành, thì ra cô ta là Long nữ, con gái thứ ba của Động Đình Long Quân, gả cho con thứ của Kinh Hà Long Vương, bị ức hiếp đủ điều, lại bị đày lên chăn dê ở bờ sông vắng vẻ lạnh lẽo nầy. Liễu Nghị mới ngạc nhiên hỏi rằng : Thần tiên cũng chăn nuôi và ăn thịt dê sao ? Long Nữ đáp : Đây kông phải là dê thật mà chỉ là hóa thân của những công cụ để làm mây làm mưa mà thôi! Cảm thông với nỗi bất hạnh của Long Nữ, Liễu Nghị quyết định chuyển hướng đi về Nhạc Dương của Động Đình Hồ để đưa tin dùm cô gái. Khi đến nơi, theo lời chỉ dẫn dùng cây kim thoa của cô gái đưa cho gỏ ba cái vào một thành giếng cạn ở Nhạc Dương làm kinh động thuỷ Dạ Xoa đi tuần theo ven hồ đến đưa Liễu Nghị đi gặp Động Đình Long Quân. Sau khi biết con gái bị bạc đãi, Long Quân rất đau lòng, còn chưa biết tính sao thì người em trai là Tiền Đường Long Quân đã nổi giận hiện thân thành một con xích long bay thẳng đến Kinh Hà giết hết toàn gia của Kinh Dương Quân, đón Long Nữ trở về sum họp với gia đình. Cảm ơn cứu giúp của Liễu Nghị, Long Nữ muốn lấy thân mình báo đáp, nhưng với lòng chính trực và thiện lương của kẻ sĩ "Người quân tử vì nghĩa chớ không vì lợi" Liễu Nghị đã từ chối, rồi từ biệt Long nữ để về nhà. Long Nữ càng tỏ ra kính trọng nhân cách của Liễu Nghị hơn, nên mới âm thầm theo Liễu Nghị về tận nhà. Nào ngờ mấy mươi ngày ở long cung thì trên đời đã qua mấy chục năm rồi. Không còn ai nhận biết Liễu Nghị là ai nữa, may mà có Long nữ theo sau lại rước chàng về lại long cung để cùng chung sống những ngày hạnh phúc bên nhau.
Còn trong truyện Thần Điêu Hiệp Lữ của Kim Dung thì Tiểu Long Nữ là đồ tôn của Lâm Triều Anh nữ sĩ và là sư phụ của Thần Điêu Đại Hiệp Dương Quá. Hai thầy trò nầy đã bức phá khỏi vòng lễ giáo lúc bấy giờ mà yêu nhau và kết hợp làm chồng vợ với nhau.

Trong đời sống dân gian ngày xưa thì RỒNG là đấng chí tôn, là thiên tử, là con của trời, là ông vua cao cao tại thượng, như trong Cung Oán Ngâm khúc Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã cho nàng cung phi nói về Vua như sau :

Mày ngài lẫn MẶT RỒNG lồ lộ,
Sắp song song đôi lứa nhân duyên.

Mặt Rồng là mặt của nhà vua, nói theo chữ Nho là LONG NHAN 龍顏. Tất cả những thứ gì của vua, chung quanh vua đều phải gán thêm chữ LONG vào. Như Thân thể của vua là LONG THỂ 龍體. Áo của vua mặc là LONG BÀO 龍袍. Giường của vua ngủ là LONG SÀNG 龍床. Xe của vua đi là LONG XA 龍車... Nhớ hồi nhỏ hay nghe bà con lối xóm nói chơi khi ai đó ban đêm cứ nằm trăn trở hoài không ngủ được là "Long Thể bất an, vì Long Sàng có rệp !" Rệp cắn quá nên không thể ngủ được ! Lại nhớ...
Có một bận trong một "tua" du lịch đi thăm cố đô Huế, có anh hướng dẫn viên du lịch trẻ tuổi có tính hài hước. Khi nhắc đến chữ LONG dùng cho nhà vua anh ta đã thao thao bất tuyệt kể tiếp : Nào là ngựa của vua cởi là LONG CÂU 龍駒, nhãn của vua ăn là LONG NHÃN 龍眼, đồng hồ của vua đeo là "LONG-GHIN" (Longines)... làm cho mọi người trên xe đều cười ồ. Rồi anh ta ra câu đố cho mọi người đoán xem là : Khi nhà vua cưới vợ ngoại quốc sanh ra đứa con... thì đứa con đó gọi là LONG gì ? Mọi người trên xe đều ngưng cười, trầm ngâm suy nghĩ. Bỗng có tiếng của một cô gái trẻ cất lên : LONG gì thì tui hổng biết, nhưng rõ ràng đó là đồ "LAI GIỐNG" mà ! Sau phút ngẩn ngơ, mọi người chợt hiểu ra vì cái giọng Nam kỳ Lục Tỉnh "LAI GIỐNG" hay "LAI DÓNG" gì cũng thế !
Trở lại với con Rồng ở dưới nước là Long Vương, là vua của sông dài biển rộng, mặc sức vẫy vùng, những loài thủy tộc khác trông thấy đều phải sợ oai mà tránh xa ra cả. Nhưng khi lội vào vùng nước cạn, xoay sở khó khăn thì lũ tôm xú tép riu cũng lờn mặt mà dễ ngươi, như ông bà ta thường nói :

龍游淺水遭蝦戲; Long du thiển thủy tao hà hí,
虎落平原被犬欺。 Hổ lạc bình nguyên bị khuyển khi.
Có nghĩa :
- Rồng bơi nơi nước cạn thì tôm tép cũng giởn mặt. Còn...
- Cọp mà xuống đồng bằng thì lũ chó cũng dễ ngươi.

Cũng như cụ Nguyễn Du đã viết về Từ Hải trong Truyện Kiều khi sa cơ thất thế là:

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn!

RỒNG là con linh vật cao qúy mà các con vật khác đều muốn hóa thân thành Rồng. Như cá chép hóa rồng trong thành ngữ "Lý Diệu Long Môn 鯉躍龍門". Cá Chép chữ Nho là Lý Ngư 鯉魚. Diệu 躍 là Nhảy; nên Lý Diệu Long Môn là "Cá chép nhảy qua Long Môn" thì sẽ hóa thành rồng. Theo sách《Thái Bình Quảng Ký 太平廣記》Quyển 466 Long Môn 卷四六六“龍門” có ghi :
Khi vua Vũ trị thủy, mở đường dẫn nước sông Hoàng Hà ra biển, thế nước rất lớn, nhưng đến Mạnh Tân của Lạc Dương thì chậm lại. Cá chép nơi đây lội ngược dòng nước lên đến Y Khuyết Long Môn của Lạc Dương; Nơi đây ba đào chuyển động sóng dậy ngất trời. Đàn cá chép đều hăng hái cố gắng nhảy lên để vượt qua. Con nào vượt qua được thì hóa thành rồng, con nào không vượt qua được té trở lại đầu đập vào đá nên còn để lại một vệt đen trên trán (chi tiết nầy giải thích cho vệt đen trên đầu các con cá chép mà ta thường thấy).
Thi Tiên Lý Bạch đời Đường trong ba bài thơ ngũ ngôn cổ phong《Tặng Thôi Thị Ngự 贈崔侍御》có các câu như sau :

黃河三尺鯉, Hoàng Hà tam xích lý,
本在孟津居, Bổn tại Mạnh Tân cư.
點額不成龍, Điểm ngạch bất thành long,
歸來伴凡魚。 Quy lai bạn phàm ngư.
Có nghĩa :
Con cá chép mình dài ba thước (khoảng 9 tấc Tây) của sông Hoàng Hà, vốn là ở nơi bến Mạnh Tân. Vì muốn thành rồng mà không được nên để lại một vết trên trán. trở về làm bạn với các bạn cá phàm tục khác.

Hoàng Hà ba thước lý ngư,
Mạnh Tân là chốn cựu cư bao ngày.
Hóa rồng vỡ mộng về đây,
Như bao cá khác bạn bầy cùng nhau.

"Cá Chép Hóa Rồng" còn dùng để chỉ những người quan trường đắc ý, tuổi trẻ tài cao, một bước lên mây như các thư sinh ngày xưa thi đậu Trạng Nguyên, Tiến Sĩ vậy... Đó là các sĩ tử ngày xưa, ai cũng muốm hóa Rồng, không đa tình đáng yêu như cô gái Nam bộ hát trên sông nước...

Khá khen con cá hóa long,
Hóa Long không hóa, hóa lòng thương anh!
...qủa là tình nghĩa thắm thiết biết bao nhiêu!

Không phải chỉ riêng cá chép muốn hóa rồng, mà các bậc cha mẹ ngày xưa lẫn ngày nay đều cũng muốn cho con mình lột xác để hóa rồng, nên ta lại có thành ngữ "VỌNG TỬ THÀNH LONG 望子成龍". Có nghĩa : Mong mõi cho con được thành rồng. Không phải thành con rồng thật, mà là muốn cho con cái của mình có được những thành công vượt bực hơn người thường như : Thi đậu làm quan lớn hay phát tích làm giàu to như Vương Khải Thạch Sùng ngày xưa, như Bill Gates, Elon Musk... cuả ngày nay. Song song với thành ngữ "VỌNG TỬ THÀNH LONG 望子成龍"là "VỌNG NỮ THÀNH PHỤNG 望女成鳳". Con trai thì thành Rồng, còn con gái thì thành Phượng. Phượng của ngày xưa là có chồng làm quan lớn hay được tuyển làm phi tần của nhà vua; còn Phượng của ngày nay là các bà các cô có thành tích trên chính trường không thua nam giới như : Bà cựu Thủ Tướng của nước Đức Angela Merkel, cựu ngoại trưởng của Hoa Kỳ bà Hillary Rodham Clinton... hay có được một tấm chồng giàu sang phú quý...
Vọng tử thành long                         Vọng nữ thành phụng

LONG là RỒNG tượng trưng cho Vua, PHỤNG là PHƯỢNG tượng trưng cho Hoàng hậu; nên LONG PHỤNG dùng rộng ra thường để chỉ giới qúy tộc cao sang quyền qúy và phổ cập hơn nữa là dùng để chỉ những người có tướng mạo đoan trang uy nghi qúy phái hay những người có tài năng xuất chúng vượt trội hơn những người khác... đều được gọi là "NHÂN TRUNG LONG PHỤNG 人中龍鳳" có nghĩa là "Rồng Phượng trong đám người tầm thường". Tương tự như con người, chữ viết đẹp, những nét thư pháp bay bướm còn được ví như là LONG PHI PHỤNG VŨ 龍飛鳳舞, tức như là RỒNG BAY PHƯỢNG MÚA vậy ! Trong dân gian để tôn vinh cái thời gian đẹp nhất của con người khi kết hôn, cô dâu chú rể được ví như là Long là Phượng với hình ảnh của Rồng và Phượng xoay tròn quấn quít lấy nhau trong 4 chữ LONG PHỤNG TRÌNH TƯỜNG 龍鳳呈祥, có nghĩa Hình ảnh rồng phượng mang đến điềm lành cho cô dâu chú rể. Bánh cưới có hình rồng phượng gọi là LONG PHỤNG BỈNH 龍鳳餅. Sẵn lạm bàn thêm về 4 chữ LOAN PHỤNG HÒA MINH 鸞鳳和鳴, có nghĩa : Chim LOAN và chim PHƯỢNG cùng hòa chung tiếng hót với nhau.

LOAN PHỤNG 鸞鳳 : là chim Loan và chim Phượng Hoàng. LOAN 鸞 cũng là một loại chim thuộc hàng qúy tộc, tuy không bằng được PHỤNG HOÀNG 鳳凰 là chúa tể của các loài chim mà trăm loại chim khác phải bay đến để chầu chim Phụng Hoàng với thành ngữ BÁCH ĐIỂU TRIỀU PHỤNG 百鳥朝鳳. Còn thành ngữ LOAN PHỤNG HÒA MINH 鸞鳳和鳴 là chỉ hai loài chim qúy tộc cùng kết thân với nhau và cùng nhau cất tiếng hót như sự hòa hợp vui vẻ giữa vợ chồng với nhau. Nên thành ngữ Loan Phụng Hòa Minh thường dùng để chúc cho đôi tân hôn trong đám cưới là như thế đó.
Riêng loài Phụng Hoàng 鳳凰 thì Phụng là con trống và Hoàng là con mái. Như thành ngữ PHỤNG CẦU KỲ HOÀNG 鳳求其凰 là : Con chim trống PHỤNG cầu thân với con chim mái HOÀNG của nó. Đây cũng là tên của bản đàn nổi tiếng mà Tư Mã Tương Như đã đàn để quyến rủ người đẹp Trác Văn Quân. Như trong "Bích Câu kỳ ngộ" có câu:

Cầu Hoàng tay lựa nên vần,
Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào.

Nhưng khi đi với LONG là RỒNG thì PHỤNG là PHƯỢNG lại trở thành con chim mái, như PHỤNG QUAN 鳳冠 là cái Vương Miện có hình chim Phượng hoàng của Hoàng Hậu đội trên đầu. PHỤNG LIỄN LOAN NGHI 鳳輦鸞儀 : là nghi thức đón vương phi hay hoàng hậu, là hai cái càng kiệu (đòn kiệu) chạm hình chim Phượng, xung quanh vây màn thêu chim Loan ; hoặc trên kiệu có tạc hình của con chim Loan ngậm màn trướng. Như khi Từ Hải đã xưng vương rồi cho 10 vị tướng quân đi đón Thúy Kiều với đầy đủ:

Sẵn sàng PHƯỢNG LIỄN LOAN NGHI,
Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng.

Vì RỒNG là biểu tượng của vua chúa, là tượng trưng cho giới qúy tộc, là hiện thân của những người tài giỏi... Nên ai cũng thích rồng, hoặc tỏ ra ta đây rất thích rồng, như câu truyện ngụ ngôn DIỆP CÔNG HIẾU LONG 葉公好龍, có nghĩa : "Ông họ Diệp thích Rồng" sau đây :
Theo sách "Thái Bình Ngự Lãm quyển 389 太平御覽.卷三八九", phần《Trang Tử 莊子》Dật Văn 逸文 kể : Học trò của Khổng Tử là Tử Trương, tư chất thông minh, siêng năng cần học, biết phép đối xử với người chung quanh nên kết giao rộng rãi. Ông ta muốn tiến thân trên đường hoạn lộ, nghe tiếng Lỗ Ai Công chiêu hiền đãi sĩ, bèn tìm đến mong được trọng dụng. Nhưng ngày tháng cứ dần dà mãi mà chẳng thấy Lỗ Ai Công hỏi han gì đến cả. Ông ta bỏ đi và nhờ người kể lại câu chuyện sau đây với Lỗ Ai Công :"Thẩm Chư Lương 沈諸梁 người nước Sở, là Huyện doãn của Diệp huyện, nên mọi người đều gọi ông ta là Diệp Công 葉公. Diệp Công rất thích rồng, nên trong nhà ngoài ngõ đâu đâu cũng có hình dáng của con rồng, không phải khắc nên thì là vẽ nên. Ngay cả màn trướng gối nằm đều có thêu hình rồng. Một con rồng ở trên trời biết được nên rất cảm động, muốn cho ông ta biết được rồng thật là như thế nào, nên mới thừa dịp một đêm mưa gió hiện xuống nhà của Diệp Công. Thấy trời đổ mưa Diệp Công ra đóng cửa trước, bất ngờ thấy một cái đầu rồng to tướng hiện ra trước mắt, nhe nanh múa vuốt, ông ta hoảng hốt bỏ chạy vào nhà thì thấy nguyên một cái đuôi rồng to lớn từ phía sau nhà vươn tới, sợ qúa ông ta bèn ngất ngay tại chỗ. Con rồng rất ngạc nhiên, cứ ngỡ ông ta sẽ rất vui mừng khi thấy được rồng thật. Nào ngờ ông ta lại chết điếng như thế nầy. Thì ra Diệp Công chỉ thích những cái biểu tượng như rồng chứ không phải thật sự thích con rồng thật". Tử Trương kể câu chuyện nầy để châm biếm Lỗ Ai Công chỉ thích hư danh, muốn được tiếng là chiêu hiền đãi sĩ, chứ thật ra chẳng biết xem trọng kẻ sĩ gì cả. Gặp người hiền tài tìm đến mà cứ dửng dưng như không. Sau...
Thành ngữ DIỆP CÔNG HIẾU LONG 葉公好龍 được dùng rộng ra để chỉ những người chỉ biết chạy theo xu hướng của thời đại. Người ta thích thì mình thích, người ta có thì mình cũng phải có theo, mà không biết có để làm gì. Làm ra bộ như ưa thích đến chừng gặp phải thực tế thì chẳng những không thích mà còn sợ hãi nữa là đằng khác. Âu cũng là chuyện thường tình của thói đời mà thôi !

Diệp Công hiếu Long

Rồng hiện xuống thì gọi là GIÁNG LONG 降龍 hay LONG GIÁNG 龍降 như "chú tiểu Lan chỉ tay nói với anh chàng Ngọc" trong quyển tiểu thuyết Hồn Bướm Mơ Tiên, tác phẩm đầu tay của nhà văn Khái Hưng, mà cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn là : "Thưa ông, chùa Long Giáng kia rồi !". Lưng chừng một trái đồi cao, mái ngói mốc rêu chen lẫn trong đám cây rậm rịt, bốn góc gác chuông vượt lên trên từng lá xanh um... Sự tích Chùa LONG GIÁNG ở Bắc Ninh theo lời kể của chú tiểu Lan như sau:

Thái Tổ nhà Lý, khi còn hàn vi, nhờ đạo Phật rất nhiều nên lúc Ngài lên ngôi rồi, Ngài dốc lòng chăm chỉ sửa sang các chùa chiền. Đến đức Nhân Tôn vì bận việc chinh phục Chiêm Thành và chống chọi với nước Tàu nên trễ nãi đạo Phật.
Ngọc Hoàng Thượng đế muốn giúp nhà vua tỉnh ngộ, liền cho một nàng tiên nga giáng thế đầu thai, tức là Văn Khôi công chúa. Công chúa nhan sắc diễm lệ một thời, nhưng khi lớn lên, chỉ ngày đêm học đạo tu hành. Sau vì nhà vua cố ý kén phò mã, công chúa liền đương đêm lẻn bước trốn đi, nhờ có các thần tiên đưa đường tới nơi này xin thụ pháp với đức Cao Huyền hòa thượng.
Về sau có thám tử báo tin, đức vua mấy phen cho quan quân đến chùa đón công chúa về triều. Công chúa nhất định không nghe. Nhà vua nổi giận, truyền quan quân phóng hỏa đốt chùa. Ngọn lửa vừa nhóm, bổng một con rồng vàng hiện lên phun nước tắt ngay. Vì thế chùa này mới lấy tên là chùa Long Giáng từ thuở ấy...

"Hồn Bướm Mơ Tiên" với mái chùa Long Giáng dưới ngòi bút của nhà văn Khái Hưng đã để lại một câu chuyện tình vừa đẹp vừa nên thơ vừa lãng mạn của bối cảnh lịch sử và phong trào văn học mới lúc bấy giờ.

Chữ 降 nếu đọc là GIÁNG thì có nghĩa là Sa xuống, Hiện xuống. Như Tiên GIÁNG trần, như chùa Long GIÁNG đã nói ở trên. Còn nếu đọc là 降 HÀNG thì có nghĩa là Đầu HÀNG, là HÀNG phục. Như "HÀNG LONG THẬP BÁT CHƯỞNG 降龍十八掌" trong các truyện võ hiệp của Kim Dung vậy. Đây là bộ chưởng pháp mạnh mẽ thuộc loại dương cương "MƯỜI TÁM CHƯỞNG CÓ THỂ HÀNG PHỤC RỒNG"; Uy lực của loại chưởng pháp nầy ta có thể thấy qua trong điện ảnh hay đọc qua các truyện với Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ, Hồng Thất Công và Quách Tĩnh trong Anh Hùng Xa Điêu và trong Thần Điêu Hiệp Lữ. Đây là pho chưởng pháp trấn bang của Cái Bang.
Có rất nhiều người thắc mắc là không biết hết được tên của 18 chưởng pháp nầy. Xin được trình bày rất vắn tắt theo tài liệu tìm thấy trên mạng như sau:

1. Kháng Long Hữu Hối 亢龍有悔:
Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch; Tượng Thượng Cửu. Tư thế của Quách Tĩnh khi học chiêu thức nầy là chân trái hơi chùn xuống, cánh tay phải cong vào, cổ tay xoay một vòng tròn đánh ra một chưởng,"vù" một tiếng, nhánh cây tùng phía trước mặt kêu răng rắc rồi gãy rơi xuống đất.
Nhờ có chiêu này, Quách Tĩnh đã khiến cho Sâm Tiên Lão Quái Lương Tử Ông, một cao thủ hắc đạo đã phải sất bất sang bang mấy bận, mà không làm gì được Quách Tĩnh cả, mặc dù chàng ta chỉ mới học được có một chiêu duy nhất nầy mà thôi !

2. Phi Long Tại Thiên 飛龍在天:
Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch; Tượng Cửu Ngũ. Chiêu nầy phải phi thân lên trên không, rồi từ trên đánh xuống, uy lực vô biên. Quách Tĩnh phải mất ba ngày mới học xong chiêu thức nầy.

3. Kiến Long Tại Điền 見龍在田:
Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch; Tượng Cửu nhị. Khi ông Ngư áp sát Hoàng Dung; Quách Tĩnh đã vận kình vào chưởng trái, chưởng phải đưa thẳng ra theo thế Kiến Long Tại Điền để phòng hờ Ngư ông tấn công.

4. Hồng Tiệm Ư Lục 鴻漸於陸:
Thuộc quẻ Tiệm trong kinh Dịch; Tượng Cửu Tam. Khi gặp Mai Siêu Phong, Quách Tĩnh vội vàng đánh ra hai chưởng "Hồng Tiệm Ư Lục" và "Lợi Thiệp Đại Xuyên 利涉大川" bức Mai Siêu Phong lùi lại xa xa để cho Hoàng Dung phi thân lên rường mà chạy...

5. Tiềm Long Vật Dụng 潛龍勿用:
Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch; Tượng Sơ Cửu. Quách Tĩnh kêu lên :"Không xong rồi!" tay trái đã bị Mai Siêu Phong nắm lấy tê rần, nên vội vàng co tay phải lại, hai ngón trỏ và ngón giữa đưa lên, nửa quyền nửa chưởng đánh vào trước ngực của bà ta, đó chỉ là nửa chiêu của "Tiềm Long Vật Dụng".

6. Lợi Thiệp Đại Xuyên 利涉大川:
Thuộc quẻ Di trong kinh Dịch, Tượng Thượng Cửu. Đã dẫn giải về chiêu thức ở trên.

7. Đột Như Kỳ Lai 突如其來:
Thuộc quẻ Ly trong kinh Dịch; Tượng Cửu Tứ. Quách Tĩnh nghe tiếng của nàng kêu lên, tinh thần phấn chấn, tay trái đánh một chưởng, do chính là "Đột Như Kỳ Lai".

8. Chấn Kinh Bách Lý 震驚百里:
Thuộc quẻ Chấn trong kinh Dịch; Chấn là Hanh. Âu Dương Phong đánh bồi thêm chưởng thứ hai, chưởng thứ nhất kình phong chưa dứt, thì chưởng thứ hai đã ập tới. Quách Tĩnh bèn vội vàng đưa cả hai tay lên đẩy mạnh về phía trước, đó là chiêu Chấn Kinh Bách Lý có uy lực rất mạnh mẽ trong Hàng Long Thập Bát Chưởng

9. Hoặc Diệu Tại Uyên 或躍在淵:
Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch, Tượng Cửu Tứ. Quánh Tĩnh đánh ra chưởng thứ hai là Hoặc Diệu Tại Uyên. Tay trái đánh ra trước, tay phải lòn dưới tay trái đánh ra sau, chưởng lực đánh thẳng vào bụng của đối phương.

10. Song Long Thủ Thủy 雙龍取水:
Chiêu thức nầy có nguồn gốc từ kinh Phật, còn đợi tra cứu.

11. Ngư Diệu Ư Uyên 魚躍於淵:
Chiêu thức nầy cũng có nguồn gốc từ kinh Phật.

12. Thời Thừa Lục Long 時乘六龍:
Thuộc quẻ Càn trong kinh Dịch, thuộc Càn Nguyên... Thế trượng rất mạnh bay về phía Giản Trưởng Lão, Quách Tĩnh nhảy lên phía trước đứng chặn ở giữa, xuất chưởng Thời Thừa Lục Long đánh về phía trượng đang phóng tới rất mạnh. Trượng bị nghiêng về một phía, Quách Tĩnh vội vàng đưa tay trái đón lấy.

13. Mật Vân Bất Vũ 密雲不雨 :
Thuộc quẻ Tiểu Súc trong kinh Dịch, Tiểu quá Lục Ngũ. Quách Tĩnh xuấy chiêu Mật Vân Bất Vũ, hai chưởng thay nhau đánh về phía trước đầu của Cừu Thiên Nhận, cánh tay trái gạt đi cây sào phía trước mặt, thân mình tiếp tục hạ xuống trước mũi thuyền địch.

14. Tổn Tắc Hữu Phu 損則有孚 :
Thuộc quẻ Tổn trong kinh Dịch, Ngươn Kiết. Quách Tĩnh thừa cơ đứng vững trên mũi thuyền, xuất thêm một chiêu rất ít khi sử dụng trong Hàng Long Thập Bát Chưởng, đó là chiêu "Tổn Tắc Hữu Phu".

15. Long Chiến Ư Dã 龍戰於野 :
Thuộc quẻ Khôn trong kinh Dịch, Thượng Lục... Nào ngờ chiêu Long Chiến Ư Dã rất ư áo diệu, có thể thực có thể hư; thấy Cừu Thiên Nhận chận ngay vai trái của mình, Quách Tĩnh bèn đưa chưởng phải lên đánh "bùng" một tiếng, đánh ngay vai phải và ngực làm cho Cừu Thiên Nhận bay luôn ra cửa.

16. Lý Sương Băng Chí 履霜冰至 :
Thuộc quẻ Khôn trong kinh Dịch, Sơ Lục. Quách Tĩnh vội hít sâu vào, hai khủy tay hơi nâng cao, hữu quyền tả chưởng, một đánh thẳng một xô ngang, một nhanh một chậm cùng đánh ra một lúc, đó là chiêu Lý Sương Băng Chí.

17. Đê Dương Xúc Phiên 羝羊觸蕃 :
Thuộc quẻ Đại Tráng trong kinh Dịch, Cửu Tam. Quách Tĩnh tránh qua hai mũi Thấu Cốt Đinh của Lương Tử Ông, hai tay vừa kiếm vừa chưởng, ra chiêu Đê Dương Xúc Phiên phóng thẳng vào mình Lương Tử Ông.

18. Thần Long Bãi Vỹ 神龍擺尾 :
Thuộc quẻ Lý trong kinh Dịch.... Lê Sanh nghe phía sau có hơi gió và vạt áo cũng lay động, trong một thoáng bèn đưa ngược tay ra phía sau quét ngang một chưởng đúng là chiêu Thần Long Bãi Vỹ.
Đó là 18 chưởng được tìm thấy trên mạng google của bộ "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện".


Các thành ngữ có chữ LONG mà ta thường gặp có:

* TÀNG LONG NGỌA HỔ 藏龍臥虎 : hay NGỌA HỔ TÀNG LONG, là Rồng ẩn Cọp nằm. Nơi mà rồng cọp ẩn mình. Thường dùng để chỉ nơi các cao nhân, anh hùng hào kiệt ẩn náo; cũng dùng để chỉ hang ổ của các tay anh chị, sào huyệt của các băng đảng xã hội đen.
* LONG NGÂM HỔ KHIẾU 龍吟虎嘯 : là Rồng gầm Cọp rống. Thường dùng để chỉ cái tiếng tăm thanh thế của những người có quyền thế, của hai kẻ giang hồ, hai tay anh chị đang gầm gừ với nhau.
* LONG TRANH HỔ ĐẤU 龍爭虎鬥 : là Rồng và Cọp tranh đấu với nhau. Thường dùng để chỉ hai đối thủ, hai thế lực ngang tài ngang sức tranh đấu với nhau một cách quyết liệt, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào !
* HÀNG LONG PHỤC HỔ 降龍服虎 : là Hàng phục cả rồng lẫn cọp, chỉ người có khả năng siêu việt, có thể làm nên những chuyện phi thường mà người khác không thể làm được.

* LONG BÀN HỔ CỨ 龍蟠虎踞 : là Rồng cuộn khúc, Cọp ngồi chồm. Chỉ thế đất hùng vĩ hiểm trở. Theo sách《Ngô Lục 吳錄》của Trương Bột 張勃 đời Tấn ghi chép : Cuối đời Đông Hán, Lưu Bị phái Gia Cát Lượng đến Kim Lăng (Nam Kinh ngày nay) để liên kết với Đông Ngô cùng chống quân Tào Tháo. Gia Cát Lượng đến Kim Lăng thấy phía đông có dãy Chung Sơn hùng vĩ như rồng uốn khúc, phía tây có Thạch Đầu Thành như con cọp đang ngồi chồm thủ thế, địa thế vô cùng hiểm trở và hùng vĩ, bèn khen rằng :"Chung Sơn LONG BÀN, Thạch Đầu HỔ CỨ, thử đế vương chi trạch 鍾山龍盤,石頭虎踞,此帝王之宅". Có nghĩa : "Núi Chung Sơn như long bàn, thành Thạch Đầu tựa hổ cứ. Đây quả là chốn cư ngụ của bậc đế vương !".
* LONG MÃ TINH THẦN 龍馬精神 : Đây là câu thiệu mà ta thường thấy các chủ nhân ông sau khi ăn Tết xong mở cửa khai trương lại thường dán trong tiệm hay trong công xưởng, vì các ông chủ sợ nhân viên sau khi ăn Tết rồi thì uể oải vì còn nhớ cái không khí vui vẻ của ngày Tết mà làm việc một cách lôi thôi. Nên dán 4 chữ LONG MÃ TINH THẦN là muốn cho mọi người phấn chấn tinh thần lên xông xáo như rồng bay ngựa chạy vậy.

Thành ngữ về LONG về RỒNG còn rất nhiều, kể không xiết kể... Vì RỒNG là linh vật có thể thông thiên triệt địa, lên trời xuống đất, nên mọi người đều mơ ước, thấy người sang nên muốn bắt quàng làm họ. Người Hoa thì thường tự hào là LONG ĐÍCH TRUYỀN NHÂN 龍的傳人, có nghĩa là truyền nhân của RỒNG, là con cháu hậu duệ của RỒNG. Còn người Việt Nam chúng ta thì cũng thường tự hào rằng mình thuộc dòng giống CON RỒNG CHÁU TIÊN là con cháu của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ.

Mong rằng trong năm GIÁP THÌN 2024 nầy, mọi người đều cố gắng phát huy cái truyền thống RỒNG của mình để cho mọi gia đình đều được AN KHANG THỊNH VƯỢNG, VUI VẺ HẠNH PHÚC và suốt năm cứ bay lượn như RỒNG trên mây vậy.

Mong lắm thay!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức