Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Thơ Tranh Xuân Cảnh


Thơ Dịch: Phạm Khắc Trí
Thơ Tranh: Kim Oanh

“Ly Cà Phê Trên Tường”

 

  Tôi ngồi cùng người bạn trong một quán cà phê nổi tiếng tại một thị trấn lân cận của Venice, Ý, thành phố của ánh sáng và nước. 

      Khi chúng tôi thưởng thức cà phê, một người đàn ông bước vào và ngồi xuống chiếc bàn trống bên cạnh chúng tôi. Anh gọi người phục vụ và nói:
- Hai ly cà phê, một ly trên bức tường kia.
      Chúng tôi khá quan tâm khi nghe gọi thức uống như thế và quan sát thấy người đàn ông được phục vụ một ly cà phê nhưng trả tiền cho 2 ly.
       Khi anh đi khỏi, người phục vụ dán một mảnh giấy lên tường, trên mảnh giấy ấy có ghi hàng chữ “Một Ly Cà Phê”. 

       Trong lúc chúng tôi còn ngồi đó, hai người đàn ông khác vào quán và gọi 3 ly cà phê, 2 ly trên bàn và 1 ly trên tường. Họ uống 2 ly cà phê nhưng trả tiền cho 3 ly và rời đi. Lần này cũng vậy, người phục vụ làm tương tự, anh dán một mảnh giấy lên tường, trên mảnh giấy ấy có ghi hàng chữ “Một Ly Cà Phê”.
       Có điều gì đó làm chúng tôi thấy lạ và khó hiểu. Chúng tôi uống hết cà phê, trả tiền rồi rời đi.


      Vài ngày sau, chúng tôi có dịp quay lại quán cà phê này. Trong lúc chúng tôi đang thưởng thức cà phê, một người đàn ông ăn mặc tồi tàn bước vào. Khi anh ngồi xuống ghế, anh nhìn lên tường và nói:
- Một ly cà phê trên tường.
      Người phục vụ mang cà phê đến cho anh với sự tôn trọng như thường lệ. Người đàn ông uống cà phê và đi khỏi mà không trả tiền.
      Chúng tôi ngạc nhiên chứng kiến tất cả sự việc, lúc người phục vụ tháo một mảnh giấy trên tường và bỏ nó vào thùng rác.

      Giờ thì chúng tôi không còn ngạc nhiên nữa – sự việc đã rất rõ ràng. Sự tôn trọng tuyệt vời dành cho người nghèo được thể hiện bởi các cư dân ở thị trấn này đã làm đôi mắt chúng tôi đẫm lệ.

      Hãy suy ngẫm những điều người đàn ông này mong muốn. Anh bước vào quán cà phê mà không phải hạ thấp lòng tự trọng… Anh không cần xin một ly cà phê miễn phí… không cần hỏi hay biết về người đang cho anh ly cà phê này… anh chỉ nhìn vào bức tường, gọi thức uống, thưởng thức ly cà phê của mình và rời khỏi quán.
     Một ý nghĩ thật sự đẹp. Có lẽ đây là bức tường đẹp nhất mà bạn từng nhìn thấy. 

Vô Danh
Lâm Hảo Khôi sưu tầm

Câu Đối: Xuân Mộng - Quên Đi


Câu Đối: Quên Đi
Tranh: Hữu Đức


Sợi Nắng Mong Manh - Sợi Khói Mơ Màng


Sợi Nắng Mong Manh

Nắng rơi! nắng rơi! Từng sợi mềm môi
Nắng rơi! nắng rơi! Từng mối khôn rời
Cuộn tình lứa đôi nhạc dìu dặt lối
Một lần trong đời thương nhớ nào vơi

Sợi nắng mong manh giá lạnh hồn tôi
Sợi thương quyện lấy sợi nhớ chưa rời
Sợi phai chạm lối mưa vội ướt mi
Từ người bước đi chết tuổi xuân thì

Nắng rơi! nắng rơi! Mùa sang xuân tới
Tắm mới nồng nàn nỗi nhớ miên man
Dù tha thiết mấy chỉ là dĩ vãng
Nắng rơi úa vàng… khổ lụy tràn lan 


Kim Oanh
16/01/ 2015
* * *
Các Bài Họa:
Giọt Sương Mong Manh

Cuối năm! Sương rơi! ướt lạnh bờ môi
Nhớ chiều Đà Lạt hai đứa xa rời
Lỗi nhẹ nhàng em chia tay rất vội
Tôi nghẹn ngào nuốt hơi thở chơi vơi.

Giọt sương nào đã ủ lạnh tim tôi
Gió Đông nào còn quyến luyến không rời
Cuộc tình nào làm đôi mi vội ướt
Người hay tôi dìm chết tuổi xuân thì ?!

Mùa Đông qua mau đón chào Xuân tới
Tôi và em ngập nỗi nhớ lan man
Khơi bếp lửa tìm giọt sương từng sợi
Nắng vàng ơi ! về phơi sắc cành lan.

Dương Hồng Thủy
( 17/01/2015)
* * *
Sợi Khói Mơ Màng

Sầu trôi! Sầu trôi! Khói quyện làn môi
Sầu trôi! Sầu trôi! Thân thể rã rời
Ngây ngất trời đêm đường về lạc lối
Cuộc tình ngở ngàng ray rứt sao vơi

Sợi khói mơ màng chìm vào trong tôi
Tiệc rươu chưa tàn sao vội xa rời
Hờn trong khóe mắt buồn kín bờ mi
Lung linh cảm giác mộng ảo xuân thì

Tình ơi! Tình ơi! Bước chân ai tới
E ấp dịu dàng bước vội miên man
Áo em mờ nhạt chìm trong dỉ vãng
Hương gió đưa về tựa đóa Hoàng lan

Tâm Hiền
* * *
Giọt Lệ Long Lanh!

Lệ rơi ! lệ rơi ! chát mặn bờ môi.
Lệ rơi ! lệ rơi ! từng giọt khôn rời.
Hờ hững cuộc tình cuối đường rẽ lối.
Một lần xa người, nỗi nhớ đầy vơi !

Giọt lệ long lanh giá buốt hồn côi.
Giọt đắng nối tiếp giọt cay tuôn rơi.
Giọt đầy, giọt vơi nặng ướt bờ mi.
Lặng tiễn người đi một thuở xuân thì !

Lệ rơi ! lệ rơi ! lại mùa xuân tới.
Âm thầm, lặng lẽ gợi nhớ miên man
Chua xót đớn đau chôn chặt dĩ vãng.
Lệ rơi khô cằn, héo đoá Kim lan !!!

Hai Lúa

Yêu Em


EM thường nói, vì nợ từ kiếp trước
Nên kiếp nầy đành phải trả mà thôi
Anh mỉm cười, đúng rồi xin trả hết
Chớ đừng ngừng tội lắm đó ai ơi

EM thường hỏi, hỏng hỉu sao lại dính
Để giờ nầy muốn gở cũng hỏng ra
Anh mỉm cười, xưa EM còn say sóng
Nên anh dìu từng bước tháng ngày qua

EM thường trách, anh cứ làm EM khóc
Để đêm buồn nằm nghe tiếng mưa rơi
Anh mỉm cười, EM ơi vì cuộc sống
Cho chúng mình cay đắng ngọt đầy vơi

EM thường kể, những ngày thơ thuở nọ
Thích mùi hương hoa sứ cạnh bên nhà
Anh mỉm cười, phải chi anh có mặt
Sẽ hái về kết tặng EM vòng hoa

EM thường nhắc, bởi vì EM chậm bước
Nên anh còn vương vấn những tình xưa
Anh mỉm cười, EM luôn là hiện hữu
Còn đó là tia chớp những chiều mưa

EM thầm khẻ, kiếp nầy thôi đành lỡ
Dẫu giàu nghèo cũng chấp nhận mà thôi
Anh mỉm cười, EM yêu ... mình vui sống
Đón xuân về, hạnh phúc ấm bờ môi.

Hoàng Dũng

Vấn An Cha Mẹ Dịp Lễ Tết


Nắng dịu mong manh lạnh lẽo buồn,
Lá rơi lác đác lại mưa tuôn.
Mây đen bao phủ trời u ám,
Điện sáng màn đêm rả rít luôn.

Công việc chưa xong ngày chóng hết,
Đang làm dang dở tối đành buông.
Chân thành nhân hậu sao may rủi,
Quỹ quyệt gian manh lại tấn tuồng.

Mùa này ít nắng cũng hay mưa,
Đất lở kẹt đường chậm chuyến trưa.
Chạy vội đêm dài lo lái vững,
Nhanh chân trời sáng sợ chi thừa

Về thăm cha mẹ dù gian khổ,
Đến viếng song thân biết mấy vừa !
Nghĩa mẹ công cha lo báo đáp,
Cù lao cúc dục rõ lòng chưa !

Mai Xuân Thanh
Ngày 12 tháng 12 năm 2014

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Xướng Họa: Ông Đồ

Cùng Bạn.
Mỗi năm khi xuân về, gần Tết, tôi hay đọc lại mấy bài thơ như Chợ Tết của Nguyễn văn Cừ , những bài thơ xuân của Bàng Bá Lân, Nguyễn Bính v...v.. để thấy lòng mình xao xuyến bồi hồi nhớ quê xưa. Trong các bài thơ loại ấy tôi thích nhất bài Ông Đồ của Vũ Đình Liên làm tôi vừa xúc động vừa xót xa thương cảm khôn nguôi.
Có thể nói đây là bài thơ bất hủ và bất tử trong vườn thơ Việt Nam ta.
Vũ Đình Liên sinh năm 1913, quê gốc Hải Dương, mất năm 1996 tại Hà Nội , ông là một trong những người mở đầu và góp phần vào phong trào thơ mới. Ông vừa là nhà thơ vừa vừa là nhà giáo, ông dạy môn Pháp văn, ông dịch rất nhiều thơ tiếng Pháp, nhiều nhất là thơ của Beaudelaire.
     Cảm khái với một bài thơ buồn, lòng tôi cũng buồn theo, xin mạo muội gởi đến các Bạn một bài Họa của tôi, cũng có thể cho là "hàng nhái" cũng được miển được thả hồn cùng Vũ Đình Liên trong những ngày đầu xuân nơi quê thứ hai của tôi. 
Xin cám ơn 
Thân kính 
Mailoc 
                           

ÔNG ĐỒ                                   NỖI LÒNG


Mỗi năm hoa đào nở                    Mỗi lần đào rộ nở
Lại thấy ông đồ già                      Bỗng nhớ cha mẹ già
Bày mực tàu giấy đỏ                    Căn nhà xưa mái đỏ
Bên phố đông người qua             Vận nước bao lần qua


Bao nhiêu người thuê viết            Nỗi lòng bao lần viết
Tấm tắc ngợi khen tài                  Lại xúc động, không tài
“Hoa tay thảo những nét             Chữ mờ tay run nét
Như phượng múa rồng bay"       Tuổi đời gió cuốn bay


Nhưng mỗi năm mỗi vắng           Quê hương giờ xa vắng
Người thuê viết nay đâu?            Vườn cũ nay còn đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm           Mắt nhòa khăn lệ thắm
Mực đọng trong nghiên sầu        Sao ta mãi ôm sầu?
Ông đồ vẫn ngồi đấy                   Hồn xưa vẫn còn đấy
Qua đường không ai hay             Nào ai biết ai hay
Lá vàng rơi trên giấy                   Vần thơ dệt trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay               Theo áng mây Tần bay

Năm nay đào lại nở                     Năm nay đào rực nở
Không thấy ông đồ xưa               Ôi! nhớ quá quê xưa
Những người muôn năm cũ        Bùi ngùi kỷ niệm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?                    Trong hồn ta bao giờ?

Vũ Đình Liên                             Mailoc
                                                   2-4-15

Chuyện Chẳng Có Gì Hết

Thật vậy, chuyện chẳng có gì hết. Nhưng sao nó cứ đeo theo ám ảnh tôi từ mấy hôm nay. Tôi cứ nghĩ đến nó, nhớ rõ từng chi tiết, hình ảnh, từng xúc động trong lòng mình lúc đó. Để rồi trăn trở băn khoăn, không biết những người khác – những người Việt Nam cũng lưu vong như tôi – có cùng một tâm trạng như tôi hay không, nếu họ chứng kiến câu chuyện chẳng có gì hết này. Đó là lý do tôi muốn kể lại những gì tôi đã nghe thấy cách đây mấy hôm. Và tôi nghĩ: kể lại, chắc sẽ làm nhẹ bớt những gì từ bao lâu nay tôi chất chứa trong lòng… 


...Hôm đó, tôi đi mua đồ ở siêu thị. Sau khi kiểm điểm lại những gì mà vợ tôi dặn mua – một danh sách mười mấy món – tôi đẩy xe caddie lại xếp hàng để ra két. Vì đông người nên hàng thật dài, kéo sâu vào hành lang giữa hai dải kệ đầy bánh kẹo. Tôi đứng ở cuối cái đuôi, kiên nhẫn đợi, bởi vì người xếp hàng đã đông mà caddie của người nào cũng đầy ăm ắp.

Phía trước tôi, cách hai người, có ba con đầm tuổi choai choai chắc đi chung nên thấy xô đẩy nhau cười nói. Chúng nó nói chuyện với nhau, nói lớn tiếng như chúng đang ở ngoài đồng và như đứa này cách đứa kia hàng trăm thước! Một đứa bỗng lấy ra một điện thoại di-động bấm nút rồi nói chuyện. Vì hai đứa kia đang nói lớn tiếng nên nó phải la lớn hơn để người đối thoại mới nghe. Đại khái, nó hỏi: " Hôm qua mày đi với thằng nào ? ... Super... Ừ ! Ừ !... Thằng Alex hả ?... Génial ! ... Ừm ! Ừm ! … Génial ! ... Rồi mày làm sao ?...Ừm ! Ừm !...". Bỗng nó rú lên vừa nhảy cẫng vừa hét vào máy: " Ố ! Ố !...Super ! Super ! Génial !... Ờ… Thôi ! Mày gọi lại tao há ! Bye ! " Nó đóng máy lại mà mắt môi vẫn còn đầy kích động! Có vài người nhìn nó, nhưng cái nhìn dửng dưng. Chẳng thấy có ai cau mày hay lắc đầu nhè nhẹ để thấy họ có phản ứng, dù là gián tiếp! Coi như chuyện bình thường…

Tôi thì tôi không chịu được! Thật là mất dạy. Mà ở xứ Pháp này, cái thứ mất dạy như vậy, đầy! Chẳng còn nề nếp gì hết, chẳng còn lễ độ gì hết, chẳng còn kiêng nể gì hết. Loạn!

Chính trong lúc đó tôi nghe phía sau tôi giọng đàn bà nói tiếng Việt Nam: " Sophie ! Đừng làm như vậy ! Mẹ nói đừng làm như vậy !". Ngạc nhiên, tôi nhìn lại : đứng ngay sau tôi là một thiếu phụ Việt Nam tuổi độ ba mươi và một đứa bé gái tóc vàng mắt xanh cỡ chừng bảy tám tuổi. Thấy tôi nhìn, cô ta mỉm cười gật đầu chào, rồi tiếp tục nói với đứa con : " Mẹ dạy con làm sao ? Muốn cái gì cũng phải hỏi ý mẹ trước. Thứ này ở nhà con còn tới hai hộp lận, ăn chưa hết mà con lấy nữa làm gì ?" Đứa bé đứng cúi đầu. Cô ta nói tiếp, giọng hơi gằn : " Sophie ! Nhìn vào mắt mẹ nè !" Đứa bé ngước lên nhìn mẹ, đôi mắt xanh chớp chớp. Người mẹ vừa nói vừa chỉ hộp bánh nằm trong caddie : " Con đem hộp bánh trả lại trên kệ hàng cho mẹ! Đừng làm cho mẹ giận, Sophie !" Đứa bé làm theo lời mẹ, rồi trở về nắm ống tay áo mẹ giựt giựt nhẹ, giọng như sắp ướt nước mắt : " Mẹ đừng giận con, nghe mẹ. Mẹ đừng giận con…"

Ngạc nhiên, tôi nói : " Cháu nói tiếng Việt giỏi quá, há cô !". Mẹ nó cười tươi : " Dạ, lúc nào nó nói chuyện với cháu nó cũng nói bằng tiếng Việt. Còn nói với ba nó thì nó nói tiếng Pháp". Rồi cô ta quay qua nói với con : "Chào ông đi con". Con bé khoanh tay cúi đầu : "Dạ chào ông". Tôi đưa tay xoa đầu nó, nói được có một tiếng "Giỏi" rồi nghẹn ngang. Tôi vội nhắm mắt quay mặt đi để che giấu niềm xúc động. Nhắm mắt mà tôi vẫn thấy đứa bé khoanh tay cúi đầu chào, một cử chỉ rất tầm thường nhưng sao nó bật lên cho tôi hình ảnh quê hương, cái quê hương ngàn trùng xa cách ? Từ lâu, rất lâu – có lẽ cũng gần ba mươi năm – tôi không còn thấy cái cung cách lễ độ đó. Ở Việt Nam, phần lớn các bà mẹ đều dạy con như vậy. Bây giờ, trên xứ Pháp xa xôi này, một người mẹ Việt Nam trẻ tuổi chẳng những dạy đứa con lai nói rành rọt tiếng Việt mà còn dạy cả cung cách Việt Nam nữa. Người mẹ đó bỏ xứ ra đi, đã biết mang theo những gì quí nhứt của quê hương. Hình ảnh Việt Nam bỗng ngời lên trước mắt…

Trả tiền xong, tôi quay lại nói : "Thôi ! Chào cô nghen! Thấy cô dạy cháu bé như vậy, tôi thật cảm phục. Ở đây, hiếm lắm, cô biết không ?". Cô ta cười : "Dạ! Có gì đâu? Mình là người Việt Nam mà bác. Dạ ! Chào bác". Bé gái đang phụ mẹ chất đồ lên quầy cũng ngừng tay nhìn tôi cúi đầu chào… Thấy thương quá!

Trên đường về tôi miên man nghĩ tới người thiếu phụ trẻ tuổi đó và thấy quí những người như vậy vô cùng. Không phải tại vì hiếm mà quí. Mà tại vì nhờ có những người như vậy cái gốc Việt Nam vẫn còn, vẫn có trên khắp các nẻo đường lưu vong.

Rồi liên tưởng nhắc tôi một thằng bạn. Tụi tôi quen thân nhau từ nhỏ. Lớn lên, nó làm trong nhà nước, tôi làm hãng tư, nhưng vẫn thường gặp nhau. Nó di tản trước tháng tư 75 rồi định cư ở Pháp. Tôi bị kẹt lại, sống mấy năm trời lận đận. Sau đó tôi vượt biên. Rồi cũng định cư ở Pháp. Chúng tôi lại gặp nhau ở Paris. Nó làm việc cho nhà nước Pháp, cuộc đời ổn định từ lâu. Tôi lêu bêu một dạo rồi trôi qua Phi Châu mới có công ăn việc làm. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau…

Phải hai mươi năm sau, về Paris tôi mới lại gặp nó. Nó có nhà ở dưới tỉnh, cách Paris cả ngàn cây số. Nhân dịp lên Paris ở hai ngày để dự đám cưới thằng cháu, nó tìm gặp lại tôi ở nhà một người bạn chung. Nói chuyện suốt cả buổi chiều vẫn chưa thấy đã. Sau đó, nó biên cho tôi địa chỉ của nó trên một tờ giấy nhỏ, tôi nhìn mà nhớ lại thuở thiếu thời. Hồi đó, nó là một trong vài thằng viết chữ đẹp nhứt lớp, cho nên ông thầy chỉ định nó mỗi buổi sáng vào lớp trước giờ học để viết trên đầu tấm bảng đen cái thứ trong tuần và ngày tháng năm. Hồi thời đó, được chỉ định như vậy, "hách" ghê lắm ! Bây giờ, tuồng chữ của nó vẫn còn đẹp như xưa nhưng cứng rắn hơn.


Mấy hôm sau, tôi viết cho nó một bức thư dài, nhắc lại những kỷ niệm cũ mà hôm gặp lại nhau còn quên chưa kịp nhắc. Thằng con tôi bảo tôi viết xong đưa nó đánh vào máy vi tính rồi in ra cho tôi. Máy của nó có hệ VNI nên đánh chữ Việt Nam được. Tôi nói : "Không! Ba muốn gởi thư viết tay, nó trang trọng hơn. Ngoài ra, khi bạn của ba cầm lá thư trên tay, chưa đọc, chỉ nhìn tuồng chữ thôi, ông ta cũng sẽ thấy được ba trong từng nét bút. Còn thư đánh máy, nó không mang một bản sắc nào hết, nó cứng ngắt, vô hồn…"

Mươi ngày sau, tôi nhận được lá thư hồi âm của nó. Thư đánh máy và bằng tiếng Pháp. Tôi cảm thấy thật hụt hẫng. Tôi đâu có dè nó "mất gốc" đến độ như vậy ! Tôi chỉ còn nhìn ra được thằng bạn tôi ở cái chữ ký, còn lại là một thằng tây nào đó chớ không phải một thằng Việt Nam ! Tôi chua xót, nhưng cũng ráng đọc cho hết bức thư trước khi thả nó rơi vào sọt rác. Tình bạn mà tôi đã dành cho nó từ thời tuổi nhỏ chắc cũng đã rơi theo vào sọt rác, nghe nhẹ như hơi thở dài…

Đó ! Câu chuyện không có gì hết mà tôi muốn kể lại. Suy cho cùng, chắc nó có mang một "cái gì đó" chớ không phải "không có gì hết". Tại vì tôi không thấy. Chớ nếu nó không "nói" lên cái gì hết thì tại sao tôi cứ phải nghĩ ngợi băn khoăn ?

Có lẽ tại vì lâu nay tôi thường nghe người Việt lưu vong than đã mất quê hương, mà tôi thì cứ cho là chuyện bình thường, chẳng có gì phải suy nghĩ. Chính cái cung cách khoanh tay cuối đầu chào của cô bé tóc vàng mắt xanh đã bắt tôi phải suy nghĩ. Nếu người Việt lưu vong giống thằng bạn của tôi thì đúng là họ đã để mất quê hương thật. Còn như họ giống mẹ con người thiếu phụ trẻ tuổi mà tôi gặp trong siêu thị thì làm sao nói mất quê hương ? 

Quê hương còn nguyên đó chớ, thể hiện bằng tư duy, bằng ngôn ngữ, bằng phong cách đặc thù Việt Nam. Đó là cái gốc mà mình đã mang theo, chỉ cần một quyết tâm gìn giữ, vun bồi là nó sẽ đâm chồi nẩy lộc… Còn hay hơn nữa : mình nên bắt chước người mẹ trẻ tuổi đó, coi chuyện gìn giữ cái gốc là chuyện tự nhiên, ai ai cũng phải làm. 

Tôi nhớ hoài câu nói của cô ta : "Dạ! Có gì đâu ? Mình là người Việt Nam mà bác!". Và tôi tin chắc: một người như cô ta chẳng bao giờ than rằng đã mất quê hương!

Bây giờ thì tôi thấy "câu chuyện không có gì hết" thật sự không phải không có gì hết!

Tiểu Tử

Xuân Về Cảm Hứng


Tết này hơi cực bạn bè ơi
Đành chỉ vui Xuân có mấy lời
Nhà mướn chủ đòi tăng chút đỉnh
Nước ga Bill trước đã lên rồi
Vợ đòi uốn tóc tiền chưa lãnh
Con muốn mua game nũng nịu vòi
Vẫn biết đồng lương là cố định
Chi sao cho đủ hỡi ông trời

Thái Hanh

Thơ Tranh: Ám Ảnh


Thơ&ThơTranh: Kim Quang

Tuyết Trắng


Đợi người lắt lay cánh trắng
Từng chung mưa chiếc dù hồng
Vì đâu xuôi về bến lặng
Để tàn đông, úa bông vông

Biết người đi còn ngoảnh lại
Lòng thầm nhớ bóng chim xa
Vì sao, ngại ngần không nói
Tình trao tuyết lẫn trăng tà

Ơi người, xin thôi lẩn tránh
Tìm nhau chung bước vào xuân
Để nghe rung từng nhịp thở
Mượn thời áo trắng bâng khuâng

Tin người không quên kỷ niệm
Vần thơ ẩn chứa nồng nàn
Xin cho một lần gặp lại
Khối tình tuyết trắng chưa tan.

Phong Tâm

Chào Nguyên Xuân - Bùi Giáng


Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường(1) phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người

Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng: những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau

Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà



Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào


Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân 


Bùi Giáng
(Suối Dâu sưu tầm)
(1)Miên trường: giấc dài, cõi chết.


Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Xướng Hoạ: Đông Xưa


Bài Xướng:
Đông Xưa


Gặt mướn ngày đông cực rất nhiều
Trời già thử dạ các con yêu
Chén cơm để giữa đồng mông quạnh
Gan ruột phơi trần chốn tịch liêu
Lúa chín vàng bông người sắp đói
Bếp hồng thiếu gạo cảnh dần xiêu
Sức trai cố xử nguồn sinh lực
Ướt lạnh bườn qua, sợ một điều…

Cao Linh Tử
***
Bài Họa:
Khi Xuân Về

Xuân kề Ba Má phải lo nhiều
Tất cả cũng vì đám trẻ yêu
Cực khổ đâu màng thân ốm yếu
Đắng cay chịu đựng chủ quan liêu
Chỉ cần con cái ngày thêm lớn
Đủ khiến song đường dạ chẳng xiêu
Nay tết sắp về càng thấm thía
Công ơn trời biển biết bao điều...


Quên Đi
***
Đói Ngày Tết, Hết Ngày Mùa

Sinh ra cảnh ngộ khó khăn nhiều,
Cha mẹ vì con bảo bọc yêu.
Gặt mướn đồng không mông quạnh quẽ,
Làm thuê nước trắng lạnh cô liêu.
Năm cùng tháng tận lo ngày Tết,
Hết gạo qua ngày đói sắp xiêu.
Trai trẻ gầy nhom hao sức lực,
Tang bồng hồ thỉ nói bao điều...

Mai Xuân Thanh


Em Là Nắng Xuân


Mùa xuân nắng ngần
Ánh dương long lanh
Hồn anh sa mạc
Nụ tình bỗng trổ xanh

Mùa xuân nắng lạ
Đánh thức chân mây
Đón em..guốc nhịp
Mấy đường tơ bay

Mùa xuân nắng hồng
Nối gót theo hương
Em về thơ đậu
Duyên tình..uyên ương

Áo em nắng lụa
Lên mướt chiều xuân
Hồn anh ngã … tận
Quên mình cõi … thân

Mùa Xuân biếc đầy
Nắng mới thênh thang
Tầm xuân chín ngọn
Hoá môi em gần

Tình mơ như nắng
Chao giữa … xuân ngân
Hồn anh sỏi đá
Cũng … vỡ bừng hoa tâm

Em là Mùa xuân … nắng
Hong ấm đời anh
Dẫu mai … cát bụi
Còn xin giữ mãi
Ân cần … tình nhau …

Hồng Thúy

Dê Trong Văn Hoá Việt Nam

Theo tuần tự, Giáp tàn Ất đến, Ngọ đi thì Mùi tới. Năm Giáp Ngọ sắp qua, tiếp theo là Ất Mùi. Mời Các Vị chuẩn bị đón năm Ất Mùi cùng chúng tôi qua chuyện Dê.  

Theo tài liệu trong Bildschromik der Welt Geschichte của nhà xuất bản Coventgarden dẫn chứng loài Dê Bezoarziegen có cách đây 50 000 năm.  Thời đồ đá loài người săn bắn dê làm thực phẩm.  Dê sống trên đồi núi hoang dã tại : Á Châu, Âu Châu và Phi Châu.  Ðược người ta đêm về nuôi thuần hóa, sử dụng thành gia súc, sáu con vật nuôi thông dụng : dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu

Dê là một trong ba thứ lễ vật đặc biệt để cầu cúng, tế dâng thần thánh như heo và bò.  Dê có tên khoa học Caprasp, thuộc loại động vật có vú (Mammalia), bộ móng chân (Artiodactyla), loại nhai lại (Ruminantia) có sừng rổng (Bovidae). Dê có 8 răng cửa hàm dưới  và răng hàm, không có răng cưả hàm trên.  Dê nuôi gốc giống Capra Prisca. Các loại (Steinbock)sơn dương (Gaemse) Linh dương. Schneeziege sinh sống ở Rocky Mountains trên cao 4000m ở Hoa Kỳ;  Iberissche Steinbocke vùng Bán đảo Tây Ban Nha; schraubenziege dê rùng ở Pakistan và Himalaya...
Hiện nay người ta cho rằng dê có nguồn gốc từ các loài dê rừng: nhóm dê châu Âu, châu Á và dê châu Phi.  Dê rừng sừng dài cong cả mét, so với dê nuôi  sừng nhỏ và yếu hơn, hoặc không có sừng, tai dài hay ngắn hơn tùy giống.  Riêng màu sắc và lông dài ngắn thay đổi tùy theo từng vùng, có loại lông dài mịn như lông cừu.  Loại dê Angoraziege lông dài biến chế len ở Thổ Nhỉ Kỳ (Turkey). Thủ đô Ankara tên cổ Angora.  Nên có tên len Angora (phát xuất từ Angora gốc ở Thổ). Vùng Kaschmir, độc lập năm 1947, có dê Kaschmirziege sống biên giới India và Parkistan có lông tốt, chế biến len vải (cashmere) phẩm chất cao
Dê ăn cỏ cây, các chồi non đủ loại, không kén ăn nhưng thích thay đổi nón ăn, lá dâu có lẽ hấp dẫn với dê hơn. Các loại dê đều thích leo trèo. Có thể nhảy từ mỏm đá nầy sang chỗ khác cao xa hơn.  Dê có thể nhịn nước lâu ngày trong sa mạc, có sức chịu đựng mưa nắng, tuyết phủ...
Dê đực có sức mạnh về sinh lý, thừa sức sống phục vụ cho một đàn dê cái, 100 dê cái chỉ cần 4 dê đực.  Mỗi ngày một con đực làm "nhiệm vụ" trên 5 lần, nhưng vẫn khoẻ chạy nhảy!  Con dê đực có mùi hôi để quyến rũ phái tính?  Có người cho rằng mùi hôi phát ra từ  dưới sừng, và có thể từ mồ  hôi ?
Trong Thập Nhị Địa Chi 12 con Giáp, dê đứng hàng thứ 8. Tính theo tháng (tháng giêng tính từ Dần), tháng Sáu thuộc tháng Mùi và trong ngày giờ Mùi từ 13 –15 giờ . Con người thuần dưỡng dê và nó trở thành con vật nuôi trong nhà, cung cấp thịt sửa vv... Trong đời sống, chuyện về dê nhiều ý nghĩa khá đa dạng, sinh động, hấp dẫn và đầy ngụ ý.

1 - Dê Trong Lịch Sử

Trong tác phẩm "Hịch Tướng Sĩ", Hưng Đạo Vương cũng có nhắc đến hình ảnh con dê và coi đó là biểu hiện của bọn sứ giả Mông Cổ chỉ bằng loài dê chó nhưng hống hách, ngạo mạn:  
Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình 
Đem thân dê chó mà ngạo mạn tể tướng.
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu có câu gởi phần tâm sự và lời chê trách người cộng tác với thực dân, làm tay sai dày xéo dân tộc khổ đau vì nô lệ:
         Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó
         Mùi tinh chiên vấy đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.
Từ xưa người ta hay dùng dê để tế lễ. Theo Ðại Nam thực lục Chính Biên,  Triều đại vua Minh Mạng (1791-1840), mùa Ðông năm Minh Mạng (1836) thứ 17, nhà vua sai mua 220  dê đực và 100 dê cái, chọn 20 con dê đực giao Tể sinh làm lễ vật tế lễ Nam Giao, đặt tại đàn Thượng có thịt dê ướp dương hải.  Minh Mạng (1840) thứ 21, cho dân chúng miền Trung các dê giống để nuôi, ai nuôi nhiều thì có thưởng.v.v.

Các Năm Mùi  trong lịch sử


Quý Mùi (503): Ngày 12/9/503 là ngày sinh của Lý Bôn ( ? - 548), tức Lý Bí, quê ở Long Hưng. Tháng 1- 542, Lý Bí kêu gọi dân chúng khởi nghĩa chồng công quân Lương. Thứ sử Tiên Tư khiếp sợ bỏ chạy về nước. Tháng 2-544, Lý Bí xưng Lý Nam Đế. Niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Triều Tiền Lý khởi nghiệp từ đấy.


Tân Mùi (791): Năm 766, Phùng Hưng (761-802) quê Sơn Tây cùng anh em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Đường. Cuộc chiến đấu kéo dài 20 năm (766-789). Đến năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng cùng các tướng chiếm được thành Tống Bình (Hà Tây), được tôn hiệu là Bố Cái Đại Vương.


Kỷ Mùi (1019): Năm sinh của Lý Thường Kiệt (1019-1105). Năm 1061, ông được cử vào trấn giữ vùng núi Thanh Nghệ hiểm trở. Năm 1077, quân Tống đem 10 vạn quân, 1 vạn ngựa chiến, cùng 20 vạn dân phu sang xâm lược nước ta. Quân giặc bị quân dân ta đánh chặn ngay từ cửa Ải Lạng Sơn. Ngày 18/1/1077, quân Tống tiến đến bờ Bắc sông Cầu và bị chặn lại hơn 2 tháng. Đến đúng lúc giặc Tống bị dồn vào tính thế khốn quẫn tại sông Như Nguyệt (Bắc Ninh), Lý Thường Kiệt ra lệnh quân dân Ðại Việt tấn công, giặc Tống thua rút quân về nước.


Đinh Mùi (1427):  quân ta chém tướng Liễu Thăng ở núi Mã Yên và hơn 1 vạn quân giặc. Tướng Vương Thông hết hy vọng vào viện binh đã xin đầu hàng. Ngày 10/12/1927, Lê Lợi(1385-1433) và Nguyễn Trãi (1380-1442) cho Vương Thông đến "Hội thề Đồng Quan" chúng xin hứa không bao giờ xâm lược Đại Việt nữa.


Năm Ất Mùi (1595): Sau khi đánh bại quân nhà Mạc, Trịnh Tùng (?- 1623) khôi phục cố đô Thăng Long vào năm 1592. Năm Ất Mùi (1595), Trịnh Tùng bắt đầu tổ chức bộ mày cai trị theo quy mô của bậc đế Vương. Từ đấy bắt đầu thời kỳ vua Lê – chúa Trịnh.


Kỷ Mùi (1859): Pháp đánh chiếm Gia Định, Trương Định (1820-1864) tổ chức khởi nghĩa chống giặc ở Gò Công, Tân An, được triều đình Huế giao chức lãnh binh.


Đinh Mùi (1907): Thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại phố Hàng Đào, do việc vận động của Phan Chu Trinh(1872-1926) với các nhà Nho tiến bộ. Ông Lương Văn Can (1854-1927) làm Hiệu trưởng, giám học là ông Nguyễn Quyền và một số nhà trí thức; học giả nổi tiếng


2 - Những dược thảo mang tên Dê/Dương


*Cà Dái dê còn gọi cà tím tên khoa học / Solanum melongena họ cà Solanaceae chứa chất violanin.

*Dương Ðề / Rumex wallichii  họ rau Polygonaceae. Rễ và lá chứa anthraglucosid.

*Dâm Dương Hoắc/ Herba epimedii, thuộc họ Hoàng liên gai Berberidaceae.

*Cây Sừng Dê/Semen Strophanthididivaricati  còn gọi là dương giác nữu, đương giác ảo chứa  các chất Glucosid.

*Dương Ðề Thảo/ Emilia Sonchifolra họ cúc Compositae

*Dương San Hô/ Euphorbia tithymaloides họ thầu dầu Euphorbiaceae

*Dương Xuân Sa/ Amomun Villosum họ gừng Gingberaceae chứa saponin.

*Dương Ðào/ Averrhoacarambola.

3 - Dê Trong Ca Dao, Tục Ngữ


Hình ảnh dê trở nên sinh động, gần gũi hơn qua những trò chơi và lễ hội truyền thống. Nếu như ở phương Tây, có trò chơi đếm cừu thì ở Việt Nam có trò bịt mắt bắt dê rất vui vẻ, Trò chơi này thường được tổ chức trong các ngày vui (Hội đầu xuân, trung thu..) hoặc các cuộc chơi thể thao văn hoá dân dã, với cách khác nhau tùy thuộc đối tượng tham dự. Đối với trẻ con, trò chơi này là thú vui hồn nhiên, nhưng đối với các cô cậu thanh niên, thiếu nữ là một dịp để tiếp cận, đụng chạm về thể xác vui đùa với nhau, vượt qua ranh giới nam nữ của phong kiến.

Giả vờ bịt mắt bắt dê
Để cho cô cậu dễ bề... với nhau.

Trong nghệ thuật, trong tranh bức vẽ hai dê qua cầu diễn tả hai chú dê húc nhau, giữa chiếc cầu cong do chẳng con nào chịu nhường đối phương hay còn gọi là bạng nhau. Bức Mẹ con nhà dê là sự âu yếm của dê mẹ đối với dê con hiếu động. Mô tả đặc sắc nhất là bức bịt mắt bắt dê của làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) Vẽ cảnh chú dê vừa chạy trốn vừa ngoái nhìn đôi thanh niên nam nữ mặt bịt kín đang lần mò tìm bắt nó.

Trong ca dao, văn học, dê cũng hiện lên sinh động:
Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân !!.

Trẻ em nhà quê khi chơi trò dung dăng dung dẻ thường thuộc lòng bài đồng dao vui nhộn
Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Cho Cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp.
Hay những câu thơ như:
Ru em buồn ngủ buồn nghê
Con tằm chín đỏ con dê chín mùi (muồi)
Con tằm chín đỏ để lại mà nuôi
Con dê chín mùi làm thịt em ăn.

Dê được lấy làm đối tượng cho nhiều câu ngạn ngữ, tục ngữ, thành ngữ, ca dao sinh động, dân dã như:
         Bán bò tậu ruộng mua dê về cày
Chê cách thức làm ăn không biết tính hay thuật ngữ đánh giá sự kể lể tản mạn, dài dòng huyên thuyên những chuyện lặt vặt, ngoài lề:
Cà kê dê ngỗng 
Kinh Nghiệm lựa chọn những việc phù hợp với năng lực, hoàn cảnh:
         Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng.
Thuật ngữ nổi tiếng: Treo đầu dê, bán thịt chó chỉ về sự không thống nhất giữa nội dung và hình thức, chỉ người nói một nơi, làm một nẻo, nói và làm không ăn khớp nhau, trong câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Lận thế treo dê mang bán chó
Lập danh cỡi hạc lại đeo tiền.

Chớ quen bán chó mua dê. 
Vui cùng hạc nội, ham chi gà lồng.

Máu bò cũng như tiết dê
dù hai thứ tiết khác nhau người ta ăn tiết canh dê không ai ăn tiết canh bò ám chỉ con người không rõ ràng trong các vần đề. Dương chất hổ bì có nghĩa là cái chất là chất dê như da là da cọp, dùng bề ngoài loè loẹt, giả dối để lừa bịp che đậy thực chất bên trong.

Trong binh pháp cũng có kế: "Thuận thủ khiên dương (tiện tay dắt dê) "
Hay thuật ngữ "Xua dê cừu đi đấu với hổ báo" chỉ về sự không tương quan lực lượng.

Trong văn chương và trong văn hóa Việt nam, hình ảnh con dê thường bị nhìn dưới một khía cạnh châm biếm. Vì con dê đực có khả năng truyền giống rất mạnh, nên người ta thường ví những ông có máu thích lang chạ trong vấn đề tình ái và tình dục với biệt hiệu Dê xồm.
Tục ngữ Việt nam có câu:
Bươm bướm mà đậu cành bông
Ðã dê con chị, lại bồng con em.
Những "ông dê xồm" này bị người đời coi khinh, vì họ không theo khuôn phép thuần phong mỹ tục. Cho nên tục ngữ Việt nam mỉa mai những người này là
Phượng hoàng đậu nhánh sa kê
Ông thần ổng hổng vật mấy thằng dê cho rồi.
Người ta cũng thường liên hệ giữa con dê và người có máu dê và thường chỉ trích và cảnh cáo những kẻ già đa tình hay sàm sỡ một cách bừa bãi, có ngày gặp tai nạn:
Dê xồm ăn lá khổ qua
Ăn nhiều sâu rọm, chết cha dê xồm

Hay:
Ông già ông đội nón cồi
Ông dê con gái, ông Trời đánh ông.

Ông kia coi dáng nhu mì
Cứt dê bỏ bị, mà đi suốt làng.

Thế gian, ba sự khôn chưa
Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ.

4 - Dê Trong Thơ Văn

Nhà vua Lê Thánh  Tôn đã có hai bài Vịnh Tô Vũ, trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập cũng có nói về loài dê:
Biển bắc xuân chầy dê chẳng nghén
Trời nam thu thẳm nhạn không thông.
Trong truyện nôm Tô Công phụng sứ, khuyết danh, gồm có 24 bài đường luật, tương truyền có từ thời Mạc, thế kỷ 16, nhân chuyện Lê Quang Bí đi sứ Trung Quốc, bị nhà Minh giữ lại 18 năm ở Nam Ninh:
Hơi dê hãy ngấu manh tơi lá
Tuyết nhạn còn in cái tóc lông.

Trong Lục Vân  Tiên, bộ mặt của Bùi Kiệm đã từng giở trò với Kiều Nguyệt Nga, trở thành trơ trẽn qua câu thơ:
Con người Bùi Kiệm máu dê
Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng từng miêu tả về những nhu cầu tính dục khá thầm kín thông qua từ ngứa, buồn/châm, húc:
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.
Trong Số Đề (một hình thức cờ bạc dựa vào sổ số kiến thiết ở Việt Nam), mỗi con số đề có vẽ hình một súc vật trong đó số 35 kèm hình con dê số băm lăm có nghĩa là hiếu sắc. Và hình tượng dê, trong nghĩa tiêu cực, chỉ áp dụng cho đàn ông.

Ở Trung Hoa có nhiều điển tích gắn liền với con dê, chứng tỏ nó gần gũi trong cuộc sống của người Trung Quốc, nổi tiếng thì có điển tích Dương xa (tức xe dê kéo), Theo sách Tấn thư, Tấn Vũ Đế (thời Chiến quốc) thường dùng xe dê kéo đi mỗi đêm trong cung cấm, hể dê dừng ở cửa phòng cung phi nào tức đêm ấy nhà vua sẽ ngủ với cung phi đó. Nên hàng trăm cung phi mỗi đêm tìm lá dâu non loại lá mà dê thích ăn rồi đặt trước cửa phòng để xe dê dừng lại. Nếu không được vua đến tìm thú vui, thì người cung nữ cảm thấy cô đơn lạnh lẽo. Và điều này được phản ánh qua tác phẩm Việt Nam là Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn  Gia Thiều:
Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào
Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ
Dấu dương xa đám cỏ quanh co

Nhà thơ Bùi Giáng cũng có một thời kỳ chính ông cũng một thời chán đời về mua dê và chăn dê ở quê nhà, núi đồi Quế Sơn tỉnh Quảng Nam, trong khoảng từ (1945 đến 1952), ông đã có bài thơ cảm khái trong đó mô tả về loài dê:
         Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh
         Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
         Nhảy múa tung sườn núi vút dòng khe
         Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
         Vang vang lên đồi núi giọng be be
         Ngẩng đầu lên! dê ơi anh thong thả
         Ðeo vòng vào em nghển cổ cong xinh
         Ngẩng đầu lên! đây lòng anh vàng đá
         Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên...
Hay những câu thơ khác về con dê của nhà thơ này:
         Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm
         Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu
         Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh
         Này đây em Hoa Cà hỡi! chiếc nâu
                          (mô tả về từng con dê).
Và:
         Dành riêng mình – dê hỡi hiểu vì sao?
         Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
         Gán đời mình trọn kiếp với dê sao.

5 - Dê Trong Ẩm Thực Việt Nam


Thịt dê là một món được ưa chuộng. Vào thời cổ đại ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Thịt dê là thức ăn ngon và bổ qua các món ăn nổi tiếng như Cà ry Dê Ấn Độ, Lẫu Dê, rượu Huyết Dê và rượu Dê Hàm Nàm (Theo tự điển của Thanh Nghị gọi là Hàng Nàm).
Ở nước ta hiện nay, có hai giống dê khá phổ biến. Dê ta có hình vóc nhỏ, cao chừng 50cm, nặng trung bình khoảng 20kg, lông nhiều màu sắc (thường là màu vàng), tai đứng rất linh hoạt. Còn giống dê lai thì mình dài, cao chừng 70cm, nặng khoảng 40kg, mắt sâu và mí thường húp lên, tai to và cúp, lông  màu trắng, khoang trắng vàng, trắng nâu hay trắng đen. Thịt dê được coi là đặc sản của Việt Nam với các món: tái dê, lẩu dê, nem dê, thịt dê hầm, thịt dê nướng, dê nhựa mận, thịt dê quay, sốt vang... Mỗi món ăn đều qua các cách nấu nướng khác nhau và có hương vị riêng của nó nhưng điều quan trọng là phải khử được mùi hôi khó chịu ở dê. Dê đực hay dê cái đều có tuyến xạ (ở hai bên gốc sừng, sát ngay bờ phía sau) tiết ra mùi hoi riêng biệt để tìm nhau. Mùi hôi này rất khó ngửi, nếu đã nhiễm vào thịt rồi thì nấu nướng món gì cũng không sao ăn được. Muốn khử mùi hoi đó, người ta thường cho dê uống rượu mạnh rồi đuổi nó chạy quanh cho dê kêu to và thở mạnh để tháo mồ hôi ra càng nhiều càng tốt, rồi mới cắt tiết, hoặc là đánh đập cho dê kêu la nhiều sẽ ra mồ hôi (điều này, nếu ở tại một nước văn minh như Pháp, Mỹ..., mà hành hạ thú vật kiểu đó, sẽ bị truy tố. Xin mách quí vị và các bạn một phương thức thật giản dị, trước khi nấu nướng, chỉ cần chà xát và ướp thật nhiều gừng thì thịt sẽ không còn mùi gì cả). Sau đó, cắt đầu dê để riêng mổ moi nội tạng ra, nhét các thứ lá chát và thơm vào bụng dê, như lá sung, lá ổi, lá sả, khâu kín lại bằng dây thép rồi đem thui. Tốt nhất là thui bằng rơm. Dê càng già (nhất là dê đực già) thì càng phải làm kỹ mới khử được mùi hôi của nó.
   Dê được nuôi còn nhằm mục đích  lấy sữa. Trung bình một con dê cái cho khoảng 3-4 lít sữa/ngày. Lập kỷ lục lượng sữa vắt được hàng năm cao nhất là một con dê giống Toggenburg được gia đình Katrina Western ở Chico (bang Texas, Mỹ) nuôi. Kỷ lục này được ghi nhận trong sách Kỷ lục Guiness là 4.068kg sữa trong 365 ngày, tức gấp đôi mức trung bình đối với dê nuôi. Ở nước ta có thể vắt ở mỗi con dê cái trung bình nửa lít sữa trở lên một ngày tuy cho sữa còn ít nhưng sữa đặc sánh, béo hơn và có mùi vị thơm ngon hơn.
  Bình thường, thời gian cho sữa của một con dê được tính theo công thức tuổi thọ trừ ba năm. Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ. Sách Kỷ lục Guiness ghi nhận con dê cái Baba của gia đình Freund-Nelson (Northport) là con dê có thời gian cho sữa dài nhất trong lịch sử. Qua đời ngày 13/10/1995 trong lúc đang được chủ vắt sữa, con Baba sống được 16 năm. Tuy nhiên, nếu quy đổi ra năm dê theo công thức mà các nhà khoa học sử dụng (1 năm người bằng 8 năm dê), tuổi của Baba là 112. Chào đời năm 1979, hơn 1 năm sau Baba bắt đầu cho sữa và suốt gần 15 năm sau đó nó cho sữa mỗi ngày không nghỉ. Sau khi Baba chết, gia đình Freund-Nelson tổ chức một lễ hỏa táng rất trọng thể. Dù sao 5 đứa con của gia đình này đã lớn lên nhờ bầu vú của Baba.
***
Huỳnh Hữu Đức biên soạn theo: advite.com - wikipedia.org - luongvancan.org - giaoxuvnparis.org