Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2018

Cánh Hoa Chiều - Nhạc Sĩ Song Ngọc - Lưu Hồng



Nhạc Sĩ Song Ngọc
Ca Sĩ: Lưu Hồng 
Thực Hiện:Nguyễn Thế Bình

Tháng 6 Bây Giờ Trời Mưa


Tháng 6 về anh thức trọn đêm nay
Mãi ngắm mê say hoa quỳnh màu tím
Như hình ảnh em từ đâu ẩn hiện
Ngõ hồn chơi vơi lưu luyến hao gầy!

Từ buổi chiều qua - có mưa bóng mây
Anh đưa bàn tay ngón dài, ngón ngắn
Hứng từng giọt mưa bay như bụi phấn
Ủ trong tay mê mẩn lúc đêm về.

Tháng 6 nào với những kỷ niệm mỹ miều
Thuở quen nhau nay chỉ còn hoài niệm
Mưa cuối Hạ - vào Thu như tìm kiếm
Chút dư thừa chiêm nghiệm thuở quen xưa !

Tháng 6 về anh thơ thẩn nhìn mưa
Nghe thổn thức bồi hồi trong nỗi nhớ
Tháng 6 ơi đôi ta thành duyên nợ
Thương làm sao nhịp thở lúc bên nhau.

Tháng 6 bây giờ ngồi ngắm ngàn sao
Dù mưa tạnh bóng hình trăng trốn biệt
Tháng 6 ơi tâm tình sao tha thiết
Khi ve buồn da diết ở quanh tôi...

Dương hồng Thủy
02/06/2018

Con Két Halsbåndparakitt Hay Psittacula Krameri

Trong thế giới loài vật cũng có bao nhiêu chuyện tình thắm thiết khiến nguời ta không khỏi bàng hoàng nguỡng mộ, xót thuơng... Như tình của những đôi thiên nga, những con chim yến và đôi cò.

Chuyên con két của tôi thì thực tế chưa có đuợc đoạn kết tình tứ như tôi mong muốn. Tôi xin kể sơ về con két.


Mùa hè năm ngoái, bỗng nhiên có con két, như trong hình, xuất hiện trên một cây bạch duơng ven đuờng. Ai nhìn thấy cũng ngạc nhiên, vì từ truớc tới giờ đâu có thấy con két nào lảng vảng tới chỗ lạnh lẽo này, dù là vào mùa hè, chỉ có những loại chim quen như bồ câu, quạ khoang, chim cu, chim sẻ...Vậy có thể là két nhà ai nuôi và nó xổ lồng. Mà đúng vậy, chủ nhân của nó rao tìm trên trên mạng, trong mục chó, mèo mất tích.


Qua lời rao thì biết nó tên là Halsbåndparakitt hay Psittacula krameri, giống két từ Á Châu và Phi Châu, nhưng có khả năng sống đuợc ở miền ôn đới và nguời ta hay nuôi nó trong lồng. Chủ nhân nó tuở̉̉̉ng ai bắt đuợc nên muốn xin lại nhưng có lẽ thấy nó́ đang sống tự do, hạnh phúc ngoài trời nên không nở bắt nhốt nó lại, đành thỉnh thoảng mang thức ăn đến cho nó thôi.


Suốt mùa đông không biết nó xoay sở ra sao nhưng đầu mùa xuân này lại thấy nó đậu chỗ cũ. Vài nguời bàn với nhau cuới cho nó con vợ, cho nó lập tổ uyên uơng, đẻ trứng, nở con ở đây. Thế là một nguời đã đến tiệm tìm mua con két mái cùng loại.


Khi thả con mái ra để nó gặp bạn đời, thật hồi hôp không biết "tụi nó" sẽ ra sao. Con mái bay lên đậu trên một cành cây, gần chỗ con trống, cả hai gục gặc cái đầu, nói gì với nhau đó và rồi con trống bay qua đậu gần con mái.


Đó chính là mong uớc của tôi, còn tuơng lai thì ...Que Sera, Sera 
(Mấy hôm nay, tụi nó bay đi đâu rồi không biết nữa, đành thôi cá nuớc chim trời)


Khánh Hà
*Câu chuyện thật, hình phụ bản sưu tầm

Mừng Mùa Phật Đản


Mừng Mùa Phật Đản  

"Ngát đoá vô ưu mùa Khánh Đản
Gieo mầm giác ngộ ánh Từ Quang"
(Trích bài thơ MNPĐ của PTT)

NGÁT hương trầm tỏa khói bay sang
ĐÓA cúc xinh tươi đượm sắc vàng
VÔ lượng ân sâu lời Pháp giảng
ƯU quyền đức trọng tiếng kinh lan
MÙA Xuân tứ đại ươm tâm thức
KHÁNH Hạ huyền vi huấn thế gian
ĐẢN Phật đài sen nâng gót ngọc
GIEO MẦM GIÁC NGỘ ÁNH TỪ QUANG

Song Quang
Rằm tháng 4 âm lịch,Mùa Phật Đản 2018
***
Các Bài Họa: 

Mừng Phật Đản Sinh


Ngát đoá vô ưu mùa Khánh Đản
Gieo mầm giác ngộ ánh Từ Quang

NGÁT trầm khói tỏa quyện hương sang
ĐÓA tỏa viên thành rực rỡ vàng
VÔ niệm từ bi lời pháp nhủ
ƯU tâm hỷ xả tiếng Phật lan
MÙA lành ngũ giới gìn lương thức
KHÁNH thiện tam quy giữ dạ an
ĐẢN nhựt Như Lai chào vạn cỏi
GIEO MẦM GIÁC NGỘ ÁNH TỪ QUANG

Hương Thềm Mây
GM.Nguyễn Đình Diệm - 30.5.2018
***
Mừng Ngày Phật Đản 

Ngát đoá vô ưu mùa khánh đản
Gieo mầm giác ngộ ánh từ quang

NGÁT trầm hương toả khói huyền lan
ĐÓA nở ngàn hoa khắp nẻo đàng
VÔ ngã chuyên bền tâm tụng niệm
ƯU thời giải thoát nỗi cưu mang
MÙA duyên hạ thế cầu an lạc
KHÁNH điển hồng ân tiếp đạo vàng
ĐẢN nhật vinh ngời danh Phật tổ
GIEO MẦM GIÁC NGỘ ÁNH TỪ QUANG.

Mai Thắng
180601
***
Mừng Khánh Đản

Dâng đóa hoa sen mùa Phật Đản
Soi vầng nguyệt tịnh chiếu thiền quang

DÂNG hồi kinh nguyện nắng ngời sang
ĐÓA mãn viên khai rực ánh vàng
HOA tuệ đạo đời tham dục nhiếp
SEN lòng tâm ý thiện từ lan
MÙA tri kiến giải về chân thật
PHẬT pháp tu hành chuyển ác gian
ĐẢN thể nhiệm mầu NHƯ LAI tạng
SOI VẦNG NGUYỆT TỊNH CHIẾU THIỀN QUANG

Lý Đức Quỳnh

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Thơ Tranh: Mừng Khánh Đản


Thơ: Lý Đức Quỳnh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nhớ Mùa Đản Sinh



Sáng ra
Tưới nước vườn chùa
Cho hoa lá cỏ nở đùa sắc hương
Giữa trưa
Thả giấc vô thường
Bên thềm mây trắng mười phương tụ về.

Chiều lên
Nắng rụng sơn khê
Gió hiu hắt ngọn
Tư bề thanh âm.
Tụng một bài kinh thậm thâm
Nghĩa vi diệu
Pháp Hoa Rằm, nguyệt viên.

Đêm về
Nhịp tiếng chuông thiền
Trầm hương thoảng
Khắp cả miền nhân gian.
Nữa khuya
Nghe giọt sương tan
Giữa dòng nhân ảnh
Xô tràn bể dâu.

Ngày lên
Đã rựng hương màu
Tiếng chim gọi nắng lao xao gió lùa
Bên trời sương khói đong đưa
Ánh hồng đại nhật
Nhớ mùa Đản Sinh.

Mặc Phương Tử
Chùa Kỳ Viên,
South Dakota, thượng tuần tháng 5.2017

Tháng Sáu Nhớ Người



Lại về tháng Sáu cơn mưa
Đổ về nỗi nhớ che dù tình xưa
Gió bay nghiêng ngả bóng mùa
Hạ vàng lên cánh gió lùa tóc bay

Nghiêng cành phượng vĩ mưa gầy
Đỏ môi người đỏ đắm say ngày nào
Tiếng chim mừng hót xôn xao
Tóc em xõa ngát lối vào thiên thai

Chỉ là mấy lọn tóc dài
Cột tình tôi với miệt mài nhớ thương
Môi hồng tóc ngát làn hương
Cột vần thơ với con đường chiêm bao

Dịu dàng ánh mắt ngọt ngào
Ngất ngây là nụ môi trao nồng nàn
Bên nhau chỉ thấy xuân sang
Biết đâu một buổi xuân tàn lạnh đông

Lại về tháng Sáu mưa giông
Xuân đi mang cả ấm nồng xuân đi
Tình xa cánh gió lỡ thì
Phiêu bay đôi ngả chia lìa lứa đôi

Lại về tháng Sáu nhớ người
Biết em phương ấy có vui hay buồn
Cơn mưa ray rức từng cơn
Câu thơ thầm lặng dỗ hờn dỗi em

Phương trời gió lạnh từng đêm
Câu thơ xin được đắp mền nhớ nhung
Tình xưa đã trót đèo bòng
Chiếc dù xưa mãi che chung mối tình

Trầm Vân


Suối Thơ



Suối con rỉ rả như muôn thuở
Nguồn nước trong veo chảy lững lờ
Lan gắn có còn trên mái tóc
Thẹn thùng như thuở một đêm xưa

Tiếng Thanh

Hoa Phượng, Tình Hè - Nỗi Buồn Phượng Vỹ


Hoa Phượng, Tình Hè

Phượng về báo Hạ đến đây rồi,
Thầy bạn chia tay tản khắp nơi.
Ba tháng nghỉ hè, buồn thắm thía,
Năm năm cấp sách, nhớ xa vời!
Nhà trường đóng cửa, không thầy giảng,
Hồ tắm khóa rào, chẳng trẻ bơi.
Sinh hoạt tạm ngưng, lòng khắc khoải,
Vô tư phượng đỏ giỡn mây trời!

Khôi Nguyên
(Đặc biệt tặng cô tên hoa Phượng)
***
Cảm Tác:

Nỗi Buồn Phượng Vỹ


Sắc máu rưng rưng hạ gọi mời
Ve sầu trổi giọng khắp nơi nơi
Sân trường háo hức trang lưu bút
Hoa nắng lim dim tuổi ngọc thời
Áo trắng reo vui còn luyến nhớ
Mộng mơ ấp ủ vội buông lơi
Chim đàn nghiệt ngã xa trường lớp
Phượng vỹ bơ vơ một góc trời


Kim Phượng

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Thơ Tranh: Mừng Phật Đản Sinh


Thơ: Hương Thềm Mây
Thơ Tranh: Kim Oanh


Kinh Tắm Phật


Con dâng nước tắm Như Lai
Báo thân thanh tịnh lễ đài trang nghiêm
Chúng sanh năm trược đảo điên
Nhiếp căn trần cấu tịnh thiền pháp thân

Catyla Phật không sanh
Cũng chưa từng diệt dưới cành sala
Bất sanh không diệt maha
Hóa thân* thị hiện Đạt Đa vào đời

Tháng tư hoa cỏ rạng ngời
Cung vua Tịnh Phạn đón người đản sanh
Ngự hầu tiên thánh rồng trời
Sen vô nhiễm nở không rời bước hoa
Ba nghìn thế giới hoan ca
Con quay về tắm Phật Đà tại tâm
Án mâu ni, mâu ni, tam mâu ni, tát bà ha.

Như Thị
* Hóa thân là cái thân Phật hiển hiện ra để tiện giáo hóa chúng sinh. Ví dụ Phật Thích Ca cũng là một hóa thân của Phật, một vị Hóa Phật.
“Cho hay đức Bụt Thích già,
Hóa thân bách ức khắp hòa mười phương.”
(Chân Nguyên –Thiền Tông bản hạnh)

Nắng Tháng Năm



Nắng tháng năm hôm nay rơi vừa đủ
Vài loài hoa rủ cánh giã biệt xuân
Thoáng bâng khuâng chuyện đến đi mới cũ
Là đời thường sao ta mãi bận tâm

Nắng cuối tháng năm hôn từng chiếc lá
Âu yếm gá thêm dáng dấp đậm đà
Xanh càng xanh cho tràn đầy sức sống
Muôn thuở thiên nhiên nét đẹp ngọc ngà

Nắng tháng năm dìu từng cơn gió mát
Chim trên cây hát khúc đón chào hè
Mẹ trẻ đẩy xe con thơ đi dạo
Chợt nhớ về khúc Tình Mẹ hằng nghe

Nắng tháng năm hè lại về đầu ngõ
Gặp bao lần vẫn bỡ ngỡ trong tim
Hoài niệm ước mơ không thành... khắc khoải
Con đường xa mỏi gối tiếp đi tìm

Anh Tú
24/05/2018
Ảnh Stamford, Connecticut, USA _May 23, 2018 - Của Tác Giả

Tình


(Ảnh - Nguyễn Thành Tài)

Bài Xướng: Tình

Tình ơi!Tình đứng một mình,
Bên kia dốc suối gọi Tình ới ơi !!!
Tình ơi! Tình đứng chơi vơi,
Bên kia dốc suối nhìn trời bơ vơ.

Tình ơi! Tình chớ hững hờ,
Bên kia dốc suối Tình chờ mấy thu.
Tình ơi! sương xuống mịt mù,
Bên kia dốc suối Tình mờ trong sương.

Tình ơi! Tình đã trót thương
Bên kia dốc suối Tình vương với Tình...!!!


Nguyễn Thành Tài
***
Các Bài Họa:

Thương

Thương ơi !Nhớ ngồi một mình,
Trong đêm khuya khóc cuộc tình hỡi ơi !!!
Thương ơi ! Niềm nhớ chưa vơi,
Nỗi buồn đầy ắp, hỏi trời vu vơ.

Thương ơi ! Thương nỡ ơ hờ,
Cho tim đau nhói vì chờ mỗi thu.
Sao thương cứ mãi mịt mù
Trùm bao hy vọng, tình mờ cõi sương

Một lần đã trót yêu thương
Nhớ đây ghi khắc vấn vương cuộc tình


Minh-Hồ
26.05.2018
***
Mình Ơi

Mình ơi, tôi mãi yêu mình
Một đời khắn khít chung tình mình ơi !...
Bên mình, hạnh phúc khôn vơi
Xa mình, suy nghĩ tơi bời vẩn vơ...

Khi mình xa vắng ơ hờ
Lòng tôi quặn thắt nỗi chờ thiên thu
Mắt dâng lệ tủi như mù
Bóng mình nhòa nhạt lờ mờ như sương...

Trao mình trọn nỗi yêu thương
Cùng mình, tôi mãi vấn vương chữ tình.


Sông Thu
( 26/05/2018 )
***
Vương!

(Thương yêu về Ba Má)

Suốt đời Ba vẫn gọi Mình
Thiết tha Má cũng thuận tình Mình ơi!
Đến giây phút cuối chẳng vơi
Quyết không xa cách về Trời chơ vơ

Nghĩa tình chẳng thể ơ hờ
Mộ chung một nấm đợi chờ thiên thu
Chia nhau ấm lạnh mưa mù
Thiên Đàng hương quyện ẩn mờ khói sương

Cõi trần ngắn ngủi trọn thương
Tử quy vinh phúc hồn vương đậm tình


Kim Oanh
***
Chữ Tình

Tình non nước đối với mình,
Xóm giềng,con cháu nhiều tinh lắm ơi !
Sống nơi xứ lạ chơi vơi,
Bạn bè lui tới ít hồi bơ vơ.

Không ai có vẻ hững hờ,
Đều vui vẻ mãi suốt hè đến thu.
Mỗi khi sương tuyết mịt mù,
Gởi về quê giúp, chẳng chờ hết sương.

Ra đi lòng nặng yêu thương,
Gia đình,đất nước vấn vương Chữ Tình

Thanh Khang
Toronto 26-5-2018
***
Thắm Tình

Bao năm nhắc nhở riêng mình
Một lòng trân quý cuộc tình nhỏ ơi!
Khi buồn an ủi chóng vơi
Giữa miền đất lạ mây trời chơ vơ

Ngày xưa giả bộ ơ hờ
Để ai năn nỉ mong chờ suốt thu
Tim kia thổn thức rối mù
Bây chừ hai kẻ mắt mờ tóc sương

Cho dầu tuổi hạc...mãi thương
Kề vai má tựa tơ vương thắm tình...

Như Thu
***
Tình Bóng Và Tôi

Gọi hình của bóng là "mình"
Tiếng kêu êm ái trữ tình bóng ơi !
Mà sao bóng vẫn im hơi ?
Làm tôi hụt hẫng buông lời vu vơ

Hỏi gì...bóng chỉ ậm ờ
Hình in trên vách mập mờ hơi Thu
Tình giăng ảo ảnh xa mù
Hình ta với bóng nhạt mờ như sương

Thế rồi nhìn bóng ta thương
Ta đâu bóng đó mà vương vấn tình

Song Quang
***
Tơ Tình


Khi thương thì gọi là mình
Hờn nhau nghiêng ngã “chữ tình”… mình ơi!
Mai nầy duyên nợ cạn vơi
Trách ta hay trách ông trời vẩn vơ?

Dệt tình chớ dệt “tình hờ”
Hoa không ươm mộng đợi chờ tình thu
Mưa không trĩu giọt sa mù
Trăng không buồn nở đêm mờ hơi sương

Lá duyên nếu gởi người thương
Thì xin giăng sợi tơ vương mượt tình! …

Yên Dạ Thảo
29.05.2018
***
Bài Cảm Tác:
Gọi "Mình Ơi"!


Gọi "anh" em đổi là "mình"
Anh ôm mới bảo : đúng tình mình ơi!
Chữ "anh" sao thấy xa vời
Như bao người khác,thấy ...đời không thơ


Từ đây,em chớ ơ hờ
Cứ "mình ơi" gọi đừng chờ sang Thu
Tình mình đâu có lù mù
Gọi nhau cho đến nhạt nhoà tóc sương

Mình ơi ! trân trọng yêu thương
Như thời....ta mới vấn vương đường tình

Song MAI Lý Lệ

6/1/2018

Đất Phương Nam I - Từ Vùng Đất Biên Đến Tỉnh Biên Hòa-Đồng Nai (Phần 1)

                                             Ga Biên Hoà
Tổng Quan Về Vùng Biên Hòa Của Xứ Đàng Trong: 

Năm 939, dưới thời nhà Ngô thì vùng biên trấn của Đại Việt là vùng Thanh Hóa. Đến năm 1069, vùng biên trấn xuống đến Quảng Bình và Quảng Trị. Năm 1307, sau khi nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm thì vùng địa đầu biên trấn của Việt Nam được thêm hai châu Ô-Lý, mở rộng đến Thừa Thiên. Năm 1425, đến Thuận Hóa. Năm 1471 đến Qui Nhơn. Năm 1611 đến Phú Yên(1). Năm 1653 đến Nha Trang. Vào năm 1658, dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, quốc vương Cao Miên là Nặc Ong Chân đem quân qua đóng tại Mô Xoài, tức vùng Bà Rịa sau nầy, nằm về phía Nam của vương quốc Champa thời đó, gần tới thành Khánh Hòa, Phú Yên. Từ thành Mô Xoài, quân của Ông Chân liên tục xâm phạm vùng biên trấn Phú Yên, chúa Hiền bèn sai Phó tướng quân Yến Vũ Hầu, Tham mưu Minh Lộc Hầu, Tiên phong Cai Đội Xuân Thắng Hầu đem 3.000 quân đi trong 2 tuần là đến thành Mô Xoài (Bà Rịa) của nước Cao Miên. Quân ta phá thành và bắt sống Nặc Ong Chân, giải về Quảng Bình. Tuy nhiên, chúa Hiền ra chỉ dụ xá tội cho Ong Chân, phong làm Cao Miên Quốc Vương, rồi cho quan quân đưa về Chân Lạp. Đến năm 1674, theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, vua nước Cao Miên là Nặc Ong Nộn bị Nặc Ong Đài đánh đuổi phải chạy sang lánh nạn ở xứ Đàng Trong. chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần bèn sai tướng Dương Lâm Hầu ở dinh Thái Khang, làm Thống suất và Tham mưu Diên Phái Hầu làm Hiệp lý biên vụ, đưa quân tiến đánh Chân Lạp. Vào mùa hè năm 1674, quân ta phá được 3 thành: Sài Côn, La Bích và Nam Vang. Nặc Ong Đài thua chạy vào rừng rồi chết ở đó. Nặc Ong Thu(2) xin hàng với xứ Đàng Trong. Tháng 6 năm 1674, chúa Hiền nghị sự với triều đình và phê chuẩn cho Nặc Thu làm Chính vương Cao Miên, vì là dòng đích. Nặc Thu đóng dinh tại thành Vũng Luông; trong khi Nặc Nộn được làm Phó vương, đóng dinh tại thành Sài Côn. Đến năm 1693 thì vùng địa đầu biên trấn của Việt Nam được mở rộng xuống đến Bình Thuận. Tuy nhiên, trước đó vào năm 1680, chúa Nguyễn đã ưng thuận cho các di thần nhà Minh đi khẩn hoang tại các vùng hoang địa của vùng Đồng Nai và Mỹ Tho. 

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì Biên Hòa có lẽ là nước Bà Lị ngày xưa, sau là Bà Rịa và Đồng Nai. Trong Đường Thi, nước Bà Lị nằm về phía nam của Chiêm Thành về sau bị Chân Lạp thôn tính. Trong lịch sử Nam Tiến, hai sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Nam Tiến vào thế kỷ thứ XVII(3) đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện của cả vùng đất phương Nam. Thứ nhất là công nữ ngọc Vạn về làm hoàng hậu xứ Chân Lạp vào năm 1620; và thứ nhì là quan Thống Suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược hai xứ Đồng Nai và Gia Định vào năm 1698. Sau hai biến cố lịch sử nầy, xứ Đàng Trong bắt đầu chính thức thiết lập bộ máy hành chánh trên vùng đất nầy. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, năm 1620 sau khi đoàn tùy tùng theo công nữ Ngọc Vạn về Oudong thì những lưu dân người Việt từ các tỉnh miền Trung cũng bắt đầu xuôi Nam lập nghiệp. Riêng sử Khmer đã ghi lại một cách không mấy thân thiện rằng sau khi lên ngôi vua Chey Chetta II đã cho xây cung điện nguy nga tại Oudong rồi cử hành lễ cưới long trọng với một nàng công nữ xinh đẹp của Việt Nam. 

Hoàng hậu Sam Đát, tên Khmer của công nữ Ngọc Vạn, người đã đem theo nhiều đồng hương sang Cao Miên. Trong số nầy có người làm quan trong triều, có người làm nghề thủ công, có người buôn bán, vân vân. Theo hồi ký của giáo sĩ người Ý tên Christofo Borri, đã từng sống tại Qui Nhơn từ năm 1618 đến năm 1622, chúa Nguyễn đã viện trợ cho vua Chân Lạp cả tàu thuyền và binh lính để chống lại quân Xiêm. Christofo Borri cũng chép lại cuộc tiễn đưa công nữ Ngọc Vạn sang Oudong như sau: “Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn bị vũ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh đô Oudong, thì dân chúng Khmer, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Trung Hoa đã tụ họp đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh.” Hai năm sau, tức vào năm 1623, vua Chey Chetta II chấp thuận cho xứ Đàng Trong thiết lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor và Kas Krobei(4). 

Đây chính là hai tụ điểm quan trọng trong việc khai sanh ra Biên Trấn Biên Hòa sau nầy. Khi những lưu dân Việt Nam phiêu lưu đến đây thì vùng nầy đã có những bộ tộc cổ cư trú tại đây, đông nhất là bộ tộc Stiêng, thuộc họ Nam Á, nhưng thuộc nhóm Môn-Khmer(5). Các bộ tộc Mạ, Cho Ro, M’Nông(6). Ngoài ra, còn có người Champa, Chu Ru và Raglai, thuộc họ Nam Đảo, sống rải rác từ cao nguyên Lâm Đồng qua Bình Phước. Để rồi đến năm 1698, đời vua Lê Hy Tông, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào làm Kinh Lược, lấy xứ Lộc Dã, tức Đồng Nai lập thành huyện Phúc Long (Phước Long), đặt dinh Trấn Biên, chiêu mộ lưu dân của các vùng Quảng Bình trở vào Nam vào lập thôn ấp. Đối với lịch sử Nam Tiến của Việt Nam, từ “Biên Trấn” có một ý nghĩa rất đặc biệt. “Biên Trấn” là vùng đất địa đầu nơi biên địa. Như vậy kể từ năm 1698, vùng đất Biên Hòa Nông Nại biến thành vùng địa đầu biên trấn của Đại Việt. 

Cấu Tạo Địa Chất Vùng Đồng Nai-Biên Hòa: 

Hồi đó xứ Đồng Nai hay huyện Phước Long hoặc dinh Trấn Biên là một vùng đất bao la bạt ngàn chạy dài từ Biển Đông, tức vùng Bà Rịa đến bên bờ tả ngạn sông Sài Gòn, tức sông Tân Bình ngày đó. Về phương diện địa chất học, vùng Đồng Nai-Biên Hòa được xếp vào các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. 

Vùng Đồng Nai-Biên Hòa là vùng đất tiếp giáp giữa miền Nam cao nguyên Trung Phần và Nam Phần. Đây là vùng tiếp giáp giữa các tỉnh cao nguyên đất đỏ như Lâm Đồng và Bảo Lộc. Đây là vùng đất chủ yếu của miền hạ lưu sông Đồng Nai và các phụ lưu của nó. Vì là vùng chuyển tiếp của cao nguyên Trung Phần nên vùng Đồng Nai-Biên Hòa có địa hình thấp dần từ Bắc đến Nam và các cửa sông ở vùng Tây Nam. Tuy vùng vùng Đồng Nai-Biên Hòa không phải là vùng hoàn toàn đất đỏ như các vùng Bình Long và Phước Long, nhưng nó cũng nằm trong vùng đất đỏ với một nét đặc sắc riêng biệt, vì đây là vùng chuyển tiếp từ vùng rừng núi của cao nguyên Nam Trung Phần sang vùng đồng bằng sông nước miền Nam. 

Trên mười ngàn năm nay, vùng này được bồi đắp bởi phù sa đất đỏ của sông Đồng Nai lên vùng nham thạch cổ của một vùng núi lửa đã ngưng hoạt động từ lâu. Đây tuy không phải là vùng bạt ngàn những rừng cao su và những núi đồi ngút ngàn, nhưng vùng nầy cũng có những dòng sông ngắn với đỏ ngầu phù sa, và đất đỏ bụi mù về mùa nắng, nhưng lầy lội về mùa mưa. Tuy có địa hình tương đối bằng phẳng nhưng về phía Bắc Đồng Nai hãy còn nhiều ngọn núi mồ côi(7) và có khuynh hướng thấp dần theo hướng Bắc Nam. Riêng các vùng đất nằm về phía Bắc như Phú Lý, Cát Tiên và Núi Tượng giữa các sông Mã Đà, Sà Mách, Đồng Nai và La Ngà... Ngoài núi Tượng, vùng nầy còn có những ngọn núi khác có độ cao từ 200 đến 800 mét. Đây là phần núi cuối cùng còn sót lại của dãy Trường Sơn, nằm rải rác giữa Lâm Đồng và Tân Phú, cũng như trong các vùng Định Quán và Xuân Lộc. Đây là vùng đất đỏ, một vùng đồi núi chạy dài từ biên giới Việt Miên đến Long Thành, Phước An và ra tận biển Đông, từ Phước Chánh qua Bình An(8), qua vùng Đồng Nai cho đến Bà Rịa và Vũng Tàu. 

Vùng này có các con sông lớn như Sài Gòn, Đồng Nai, và sông Bé, chảy qua miền đất đỏ mang nét đặc sắc riêng biệt là sự pha trộn chuyển tiếp từ miền núi đồi đất đỏ của cao nguyên Trung phần đến những cánh đồng bạt ngàn của miền Tây. Miền Đông với những rừng cao su bạt ngàn, những núi đồi chạy dài với những dòng sông đỏ ngầu đất phù sa. Đây còn là một vùng đất đầy sức sống của dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu Nam tiến. Bắt đầu từ Đồng Nai, mảnh đất có chiều dài lịch sử mới hơn 300 năm nhưng mang đầy vết chân kiêu hùng của những người đi mở nước. Toàn vùng phía Bắc và Đông Bắc của vùng Đồng Nai-Biên Hòa có loại đất đen và đất đỏ với độ màu mỡ cao, chiếm khoảng 39,1 phần trăm diện tích toàn vùng, rất thích hợp cho các loại cây công nghiệp như cao su, trà, cà phê và hạt tiêu... Càng về phía Nam, địa hình đất đai càng trở nên thấp dần với những đồi núi thấp với độ cao từ 20 đến 200 mét. Phần lớn đất đai của vùng nầy được bồi đắp bởi lớp phù sa cổ có màu đỏ vàng và xám. 

Dọc theo các bờ sông, địa hình đất đai chỉ có độ cao từ 5 đến 10 mét, hoặc có nơi chỉ cao từ 2 đến 5 mét mà thôi. Thế đất nầy trũng dần giữa các nhánh sông và tạo thành từng dãy đất hẹp có chiều rộng thay đổi từ vài chục mét đến vài cây số. Về phía Nam của vùng Biên Hòa như các vùng Long Thành và Nhơn Trạch... là vùng trũng nằm trên trầm tích đầm lầy của vùng biển cổ, có nơi thấp hơn cả mực nước biển trung bình. Đất ở đây có màu bùn đen(9). Đây là loại đất thích hợp cho việc trồng các loại cây như đậu, mè, và cây hạt điều... Riêng đất đai về phía Nam, dọc theo các bờ sông Mã Đà, Sà Mách, Đồng Nai và La Ngà thuộc vùng phù sa mới, đất cát... rất thích hợp cho việc trồng các loại cây lương thực, rau quả và các cây hoa màu khác. Nói chung, đa phần địa hình của vùng Đồng Nai-Biên Hòa có độ dốc khoảng 15 độ, chỉ có khoảng dưới 8 phần trăm có độ dốc trên 15 độ mà thôi. Vùng Đồng Nai-Biên Hòa có nhiều nhóm đất khác nhau, như đất xám chiếm khoảng 40 phần trăm diện tích toàn vùng; đất đen chiếm 22 phần trăm; đất đỏ chiếm 19 phần trăm. Ngoài ra, còn khoảng 5 phần trăm đất phù sa bùn dọc theo các bờ sông.

Những Người Minh Hương Tiên Phong Đi Khai Phá Vùng Nông Nại: 

Tưởng cũng nên nhắc lại, đến năm 1693 thì vùng địa đầu biên trấn của Việt Nam được mở rộng xuống đến Bình Thuận. Tuy nhiên, trước đó vào năm 1679, chúa Nguyễn đã ưng thuận cho các di thần nhà Minh đi khẩn hoang tại các vùng hoang địa của vùng Đồng Nai và Mỹ Tho. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức: “Tháng 4 năm 1679, quan Tổng binh thủy lục trấn thủ các xứ ở Long Môn, thuộc hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông của nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến; quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài, cùng Phó tướng là Trần An Bình, dẫn quân binh và gia nhân hơn 3.000 người cùng 50 chiến thuyền vào kinh bằng hai cửa Tư Dung và Đà Nẳng(10). 

Sớ tâu lên rằng những người nầy tự xưng là người nhà Minh bỏ trốn đi, họ thề quyết tận trung với nước, nhưng nay đã thế cùng lực tận, vận nhà Minh đã dứt, họ không thể thần phục Thanh triều, nên chạy sang nước Nam, nguyện được làm dân mọn. Lúc ấy hư thực chưa rõ, vả lại, họ ở xa mới đến, y phục và ngôn ngữ bất đồng, nhất thời thật khó giải quyết. Nhưng họ đang cùng quẫn mà chạy sang, lại bày tỏ lòng trung thực, về nghĩa cũng không thể từ chối được. 
Vả lại, xứ Đông Phố đất đai màu mỡ có đến ngàn dặm, mà triều đình chưa rảnh rỗi để lo liệu, chi bằng tận dụng sức lực của họ, giao cho họ khai hoang đất đai để ở, ấy cũng là một cách làm mà được nhiều điều lợi. Nghĩ vậy, triều đình mới tổ chức khao đãi ân cần, rồi chuẩn y cho giữ nguyên chức hàm, phong cho quan tước rồi lệnh cho tới Nông Nại(11) làm ăn, gắng sức khai thác đất đai. Mặt khác, triều đình còn hạ chỉ dụ cho quốc vương Cao Miên biết việc nầy để không xảy ra chuyện ngoài ý muốn.(12) Đến năm 1698, một biến cố lịch sử quan trọng đã xãy ra khi chúa Nguyễn sai quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh(13) làm quan kinh lược tại vùng Mô Xoài Bà Rịa. Nghĩa là năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh chính thức khai sanh vào sổ địa bạ của xứ Đàng Trong toàn thể vùng đất Gia Định xưa vốn thuộc vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI, rồi sau đó trực thuộc vương quốc Chân Lạp. Kỳ thật, trên thực tế đây là vùng đất đã bị bỏ hoang ngay từ khi vương quốc Phù Nam vừa bị tiêu diệt cho đến cuối thế kỷ thứ XVI, đầu thế kỷ thứ XVII, khi những lưu dân cùng khổ người Việt lác đác đến đây tìm lẽ sống, rồi sau đó là cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức: “Gia Định xưa nguyên là đất của Chân Lạp (Chenla)(14). Đây là vùng đất phì nhiêu màu mỡ, địa lợi có đủ ruộng đồng, đầm phá, sông biển; muối, lúa, đậu rất nhiều. 

Các tiên hoàng liệt thánh triều ta chưa rảnh để mưu tính việc xa nên tạm để đất nầy cho Cao Miên ở, đời đời xưng là Nam Phiên, lo việc triều cống không bao giờ dứt.” Đây cũng là lần đầu tiên xứ Đàng Trong thiết lập bộ máy hành chánh trên vùng đất nầy. Năm 1698 cũng là năm vùng đất Biên Hòa Nông Nại biến thành vùng địa đầu biên trấn của Đại Việt. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, năm 1620 sau khi đoàn tùy tùng theo công nữ Ngọc Vạn về Oudong thì những lưu dân người Việt từ các tỉnh miền Trung cũng bắt đầu xuôi Nam lập nghiệp. 

Riêng sử Khmer đã ghi lại một cách không mấy thân thiện rằng sau khi lên ngôi vua Chey Chetta II đã cho xây cung điện nguy nga tại Oudong rồi cử hành lễ cưới long trọng với một nàng công nữ xinh đẹp của Việt Nam. Hoàng hậu Sam Đát, tức công nữ Ngọc Vạn, đã đem theo nhiều đồng hương sang Cao Miên. Có người làm quan trong triều, có người làm nghề thủ công, có người buôn bán, vân vân. Theo hồi ký của giáo sĩ người Ý tên Christofo Borri, đã từng sống tại Qui Nhơn từ năm 1618 đến năm 1622, chúa Nguyễn đã viện trợ cho vua Chân Lạp cả tàu thuyền và binh lính để chống lại quân Xiêm. Christofo Borri cũng chép lại cuộc tiễn đưa công nữ Ngọc Vạn sang Oudong như sau: “Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị vũ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh đô Oudong, thì dân chúng Khmer, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Trung Hoa đã tụ họp đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh.” Hai năm sau, tức vào năm 1623, vua Chey Chetta II chấp thuận cho xứ Đàng Trong thiết lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor và Kas Krobei(4). Đây chính là hai tụ điểm quan trọng trong việc khai sanh ra Biên Trấn Biên Hòa sau nầy.

Người Long Hồ 
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011 
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Nhấp vào Links:

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Thơ Tranh: Mừng Mùa Phật Đản


Thơ: Song Quang
Thơ Tranh: Kim Oanh

Kính Mừng Phật Đản



Xướng: Kính Mừng Phật Đản

Thế giới ba ngàn tỏa ngát hương
Như Lai thị hiện cuộc đời thường
Thiên cung Bồ Tát nhập thiền định
Ấn Độ Gia Hoàng đón ngự vương
Đất chuyển thân - nghênh trăng bát nhã
Biển chao mình - vỗ gió thanh lương
Ta bà mừng đấng Thế gian giải
Mầu nhiệm hào quang ánh cát tường 

Quảng Trị, Mừng Phật Đản lần th 2652 (2018)
Cư Sĩ Như Thị
***
Các Bài Họa:
Cứu Độ


Liên hoa thất bộ tự nhiên hương
Tỏa ngát Như Lai đóa tịnh thường
Thị hiện trần gian hoằng Phật pháp
Đản sanh nhiệm thể giải ma vương
Khai tâm bát nhã về chân thật
Mở lượng từ bi đến thiện lương
Thập nhị nhân duyên dòng chuyển hóa
Ngời soi chánh đạo tuệ minh tường

Lý Đức Quỳnh
***
Kính Mừng Phật Đản


Kính mừng Phật Đản ngát trầm hương
Bảy bước đài sen đóa tịnh thường
Thị hiện Như Lai ban giáo pháp
Hoằng dương Điều Ngự chuyển ma vương
Trên bàn hương án trang nghiêm tỏ
Dưới cõi Ta bà tịnh độ tường
Bát chánh khai đường tâm thiện rải
Vô minh thức tỉnh dạ hoàn lương.

Hương Thềm Mây GM.Nguyễn Đình Diệm 
28.5.2018
***
Đức Phật Giáng Sinh Ban Phước Nhân Loại


Tháng tư ngày tám tỏa thiên hương..
Thân Phật giáng sinh xuống cõi thường.
Cứu độ chúng sinh tâm đại hải.
Truyền lưu chính pháp đức Quân Vương.
Đưa kinh giác ngộ khai lòng sáng.
Vượt sóng trầm luân độ thiện lương
Cứu khổ từ bi ban khắp chốn.
Nhân dân hướng đạo sống an tường.

( Diệu Phước )
Trúc Lệ Trần Lệ Khánh.
28-5-2018.
***
Lễ Phật Đản

Sân Chùa đại chúng lạy dâng hương
Sắc khí tươi vui khác cảnh thường
Từ phụ mười phương ngài hoá giải
Cha lành bốn biển đấng ân vương
Trầm luân bể khổ dìu an pháp
Giác ngộ đường lầm chuyển thiện lương
Phật Đản muôn nơi mừng lễ lớn
Thâm sâu Tứ Diệu Đế minh tường

Minh Thuý
Tháng 5-2018
***
Haò Quang Tỏ Rạng


Giáng sinh Phật Đản ngát trầm hương,
Cổ tự đàn trai cúng lệ thường.
Tam bảo quy y tầm tánh Phật,
Siêu sinh Tịnh độ át ma vương.
Thành tâm sám hối tâm thanh tịnh,
Vững chí thiền tu chí thiện lương!
Thế giới tam thiên đều phổ độ…
Hào quang tỏ rạng khắp vân tường!

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân
***
Kính Mừng Phật Đản


Nhang đèn hoa qủa ngát đưa hương,
Hỉ kính Như Lai giáng thế thường.
Bệnh lão khổ ly chơn cuộc thế,
Siêu sinh tịnh độ chính vì vương.
Mười phương Phật tử đều thuần khiết,
Tám hướng nhân sinh thảy thiện lương.
Quán thế đạo vàng đồng phổ chiếu,
Linh quang nhất tịch ánh muôn tường.

Đỗ Chiêu Đức
***
Tự Nhủ

Quán thân bất tịnh ngát trầm hương..
Để nguyện bình tâm ấy vạn thường.
Buông xả bờ mê nào mải vọng.
Quay về bến giác chẳng hoài vương.
Cùng thôi sân hận thôi phiền não
Từ bỏ tham si bỏ bất lương
Sắc bất dị không từ ngũ uẩn.
Vui thay ta sống giữa am tường.

Phan Tự Trí
***
Ơn Đức Cao Vời

Đảnh lễ tâm thành thắp nén hương
Lành thay Phật đến cõi vô thường
Ngài khuyên quán chiếu vòng sinh tử
Đạo giảng xa rời nẻo vấn vương
Đã tránh lục căn tìm tĩnh lặng
Đâu màng ngũ uẩn sống hiền lương
Con dùng chánh pháp mà nương tựa
Ngọn đuốc bừng soi quá tỏ tường!

Như Thu


Mộng Lý Dịch Ngẫu Thành 濛裡驛偶成 - Lê Cảnh Tuân


Mộng Lý Dịch Ngẫu Thành

Đoản trạo các tình sa,
Tiền thôn nhật dĩ tà.
Tự vô hoàn tự hữu,
Yên tế lưỡng tam gia. 

Dịch Nghĩa:

Mái chèo ngắn gác lên bãi cát
Nhìn về xóm trước, mặt trời đã xế chiều.
Cảnh hư ảo như không lại có,
Trong lớp khói mờ có hai ba mái nhà.

Dịch Thơ:

Nơi Trạm Mộng Lý
(1)
Mái chèo ngắn vừa tựa trên cát,
Thôn trước mặt nắng gác non tây.
Nửa hư nửa thực cảnh nầy
Vài ba mái lá khói xây lam chiều.

(2)
Chèo vừa gác trên bãi,
Thôn trước nắng về tây.
Cảnh mơ màng thực ảo,
Mái lá khói chiều xây.

Mailoc
***
濛裡驛偶成   Mộng Lý Dịch Ngẫu Thành

短棹擱晴沙, Đoản trạo các tình sa,
前村日已斜。 Tiền thôn nhựt dĩ tà.
似無還似有, Tự vô hoàn tự hữu,
煙際兩三家。 Yên tế lưỡng tam gia!

Chú Thích:

* Mông Lý Dịch: Dịch quán tên là MÔNG LÝ.
* Ngẫu Thành: Ngẫu nhiên mà làm thành.
* Trạo là Mái chèo; Các là Gác lên;Tình là Nắng, là Khô ráo.
* Yên Tế: là Khói mờ ở chân trời.

Dịch nghĩa:

Ngẫu nhiên viết thành ở quán dịch Mông Lý
Mái chèo ngắn vừa gác lên bãi cát khô lúc thuyền vừa cặp bến, khi ánh nắng chiều đà nghiêng chiếu xóm thôn trước mặt; ta nhìn thấy xa xa trong sương khói mơ màng mấy nóc nhà ai ẩn hiện như có như không ở phía chân trời.
" Tự vô hoàn tự hữu ", như có lại như không; mơ hồ vô định " Sắc tức thị không, không tức thị sắc ". Bài thơ mang một ý thiền của " sắc sắc không không !"

Diễn Nôm:

Chèo vừa gác lên cát,

Xóm trên ánh nắng tà.
Khói mờ không như có,
Xa xa mấy nóc gia!

Lục bát:

Chèo vừa gác bến cát khô,
Xóm trên nắng ngã mơ hồ chiều rơi.
Có không sương khói chơi vơi,
Chập chờn mấy nóc bên trời nhà ai!

Đỗ Chiêu Đức
***
Ngẫu Hứng Đề Thơ Ở Trạm Mông Lý

Chèo gác trên bãi cát
Hoàng hôn buông bát ngát
Xóm thôn khuất sương mờ
Ẩn hiện nhà rải rác.

Phương Hà 
***
Mộng Lý Dịch Ngẫu Thành 
1/
Mái chèo ngắn vừa trường bờ cát 
Thôn phía trước,nắng tắt chiều buông 
Hư hư thực thực như sương 
Bên trời khói tỏa nhà,vườn xa xa 

2/
Mái chèo ngắn gát trên bờ 
Mấy thôn trước mặt nắng mờ nhạt rơi 
Cảnh như hư thực chơi vơi 
Mái nhà khói tỏa chân trời xa xa 

SongQuang

Tuổi Thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 6

 Nói trở lại đi học nhưng thật ra tui có nghĩ ngày nào đâu, vì lớp nhỏ nên chỉ học một buổi còn buổi ở nhà chơi nên mới tập gầy sòng bị ăn đòn hoài mà đâu có tởn nhưng có khi không cấm thì lại chán (đấy mới thấy cái gì càng cấm thì lại muốn làm còn thả giàn thì lại chán... thiệt là tình)

Lớp Đệ Thất năm đầu trường NTT - 1969

Rồi năm sau tôi lên lớp ba học với cô Linh nhà cô bên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đi vào trong rẫy, nhà cô có vườn cây ăn trái, xoài ổi chuối mận đủ thứ nên tôi thương hay đến nhà cô chơi để hái ổi, thế rồi tôi quay sang thích cảnh hương đồng gió nội, ngoài giờ học thường hay rủ đám bạn nhỏ của tôi đi hái bẻ xoài, xóm nhà cô cũng có nhiều nhà vườn tụi tui đến đó vừa hái vừa mua (vì vô vườn tự hái đem ra mới cân tính tiền) đám lục lăng này trước khi đi đem theo muối ớt hái xuống ăn liền tại chỗ, ăn hỏng nổi nữa mới mua về nhà ăn tiếp, cạnh nhà tôi có đứa con gái bằng tuổi tôi nhưng nó có tật cả hai chân đi không được nên đi vườn ổi vườn xoài thường thay phiên mà cõng nó theo, từ vườn ổi tụi tui đổi qua đi vườn dừa qua khỏi cổng tam quan gần cầu rạch miễu

Nói đến vườn dừa tôi nhớ chế ba tôi và người bạn ngang nhà, thường thường tết nhứt lễ lạc học sinh và các cặp tình nhân non hay hò hẹn đi vườn dừa để mà tâm sự, thời đó tình yêu tình bạn chỉ có vậy, nó đơn sơ và mộc mạc lắm người ta thì tâm sự chỉ uống nước dừa chớ đâu có ăn thịt dừa, chế tôi và bạn thấy uổng quá nên ăn uống phần của mình xong xin thêm gần chục trái nại lấy thịt dừa ăn thêm, đến khi trên đường đạp xe về đâu có tới nhà phải ghé khu nhà lầu 20 căn ở bến Triệu xuân Triều giải bầu tâm sự (cầu tiêu nơi mé sông) cuộc sống cứ êm đềm trôi rồi lên lớp nhì học với cô giáo Hà thì tui lại lết tới nhà cô ở đầu voi gần xác kim xê (là nhà nhưng lại giống cái am thờ phựợng lên xác hát bóng rổi cũng cúng vái rồi thỉnh thuốc táng) thuốc táng làm bằng gì thì tôi không biết chỉ nhớ rằng tôi có một đứa em gái nhỏ hơn thằng em trai hai tuổi, khi em 6,7 tuổi bị bịnh má tôi dắt đi bác sĩ vài hôm bịnh tình cũng thuyên giảm nhưng lại nghe lời người ta nói đi BS cả tuần rồi tiền nào chịu nổi (đâu phải thuốc tiên uống một lần là hết) nên má tôi đổi qua hốt thuốc táng, tôi nhớ thuốc gì mà nó như bột+bột nghệ giống như tàn tro gói từng gói nhỏ, đem về mà hòa với nước ấm rồi cho bịnh nhân uống, uống đâu một hai lần thì em tôi vong mạng (thật ra em bị bịnh suyển khi ho cuống họng co lại không nở ra, đã vậy còn cho uống loại thuốc (hay bột) hoà với nước sền sệt thì làm sao thở nổi......ÔI... thương thay cho những đứa trẻ đầu thai trong những gia đình nghèo cha mẹ mê tín thiếu hiểu biết thì số phận hên xui.
Tụi nó không có quyền lựa chọn, thế là em gái nhỏ của tôi về Tây phương cực lạc (lỗi tại ai nhưng má tôi luôn nói là tại số, số gì số đề hay kiến thiết?

Trở lại chuyện nhà cô giáo của tôi, sau giờ học hoặc buổi chiều tôi thường 
ghé nhà cô nên nhà cô có mấy anh chị em tôi đều thân quen cả có khi ăn cơm chiều tại đó bài nào không hiểu thì nhờ cậu em cô dạy, ba má cô có tiệm bán vật liệu xây dựng trong rạch sỏi gần bến xe lam, ÔI TRỜI ơi thích cô giáo rồi thích luôn cả người nhà của cô, tui không hiểu tại sao tui lại thích cô giáo cũng nhờ thế mà tôi thích học không còn bê tha cờ bạc.

Tôi nhớ không lầm thì năm học lớp nhứt thì có chương trình viện trợ nên mỗi ngày (hay mỗi tuần) phát sữa nấu sẵn cho học sinh uống bồi bổ, tôi và vài đứa bạn đến nhà cô giáo Thắm ngang trường Vĩnh Huề khiêng sữa qua trường.... ôi cũng biết làm công quả (công quả gì tui... chỉ tại khoái uống sữa đi phụ để được uống thêm). Rồi cũng tại trường này cũng vì tật ham chơi U. Giờ chơi hết, trống vô còn chơi ráng chạy xáng vô thằng kia quá mạnh ngay lỗ mũi phun máu tưởng không có gì nhưng thật ra bị chinh sống mũi, đó là hậu quả của sự chơi đùa quá độ

Rồi lại hết niên học cuối của bậc tiểu học chuẩn bị thi lên”ĐỆ THẤT”
Nếu thi rớt thì phải học lớp tiếp liên chờ năm sau thi lại
Nếu thi đậu thì được học trường công lập NGUYỄN TRUNG TRỰC
Nếu rớt thì học trường tư Võ Văn hoặc trường Phó Điều 
Hoặc trường bán công lập Lâm quang Ky
Tôi cũng khăn móp đi thi, thi thì thi biết bao nhiêu thì thi bấy nhiêu.
Thi xong khi có kết quả niêm yết ai ai cũng náo nức đi xem coi đậu rớt thế nào, còn tôi lại hững hờ vì ba tôi có hứa nếu tôi thi rớt thì sẽ cho tôi đi học trường Trọng Ni với thằng em trai (trường học tiếng tàu phải đóng tiền nên cho con trai đi học còn con gái học tiếng Việt đúng là trọng nam khinh nữ).
Sao ba không nói trước nếu mà tôi biết trước sẽ làm cho rớt, thi muốn đậu thì khó chớ muốn rớt thì làm bài sai thì rớt liền ....
Nhưng xui cho tôi lại thi đậu, đòi đi học trường tàu ba lại không cho, thế là chế hai lại dắt đi may áo dài chờ ngày khai giảng đi học trường Nguyễn Trung Trực
Ngày xưa gần bãi trường học sinh thường trao đổi viết lưu bút ngày xanh để làm kỷ niệm lúc xa nhau còn giữ chút tình bạn bè tui cũng vậy.
À quên kể chuyện chế ba tôi khi sắp nghĩ hè cũng trao lưu bút ngày xanh.
Thường thường thì bạn bè hay viết lời hay ý đẹp cảm nghĩ lúc xa nhau vậy.
À quên kể chuyện chế ba tôi khi sắp nghĩ hè cũng trao lưu bút ngày xanh 
Thường thường thì bạn bè hay viết lời hay ý đẹp cảm nghĩ lúc xa nhau, nhưng lúc ấy phong trào thi văn lên cao, nào Nguyễn Bính, TTKH, Nguyễn tất Nhiên ....
Thay vì viết lưu bút thì bạn chế lại chép thơ tặng bạn, trên mỗi bài thơ tôi thấy đề tựa bài thơ, tên thi sĩ .... rồi thêm tên người bỏ công ra chép nên ghi là 
“ Chép sĩ” tôi thắc mắc hỏi chế sao bạn chế ghi vậy:
Thì người ca = ca sĩ
Người làm thơ =thi sĩ
Người viết văn = văn sĩ 
Người vẽ tranh = họa sĩ
Còn nó chỉ chép thơ lại thì không phải là chép sĩ thì là gì? hỏng biết gì hết 
TRỜI !!!

Ngày tựu trường niên học mới của bậc trung học, lần này tôi tự đi cùng mấy đứa bạn thời tiểu học chớ không phải với đám bạn tuổi thơ mặc dầu vẫn còn ở chung xóm cũng còn chơi chung nhưng không còn phá phách nữa vì đứa nào cũng phải đi học và có thêm bạn mới 
Tôi phải thức sớm thay quần áo nào quần đen áo dài trắng, ở trong phải mặc thêm chiếc áo lót mỏng mặc áo dài cài nút bóp bên hông cổ áo cao làm tôi khó chịu tay thì xách cặp táp (loại cặp da dành cho học sinh đi học) từ nhà tôi ở xóm Hoà Lạc đi ngang chợ qua cầu cá tới được trường chắc phải hơn cây 
số, thế mà tôi phải lội bộ đi về ngày bốn lựơt dưới cái nắng chang chang
Ôi ... con đường mở mang trí tuệ sao nhiều chông gai, học được hay không được còn chưa biết cái công tôi cuốc bộ thì dài lê thê nào guốc nào tập nào nón còn chiếc áo hai tà cứ bay phất phơi, lúc đó tôi thấy con đường tôi học chẳng đẹp tí nào !! Như bài văn của Thanh Tịnh:
"Hằng năm cứ vào mùa thu lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc" Ôi nghe sao mà thi vị quá.
(Bút tích của Nhà Văn Thanh Tịnh)

Thử đi ngày bốn lượt như tôi mỗi lượt hơn cây số thì hỏi có còn nên thơ hay không? nhưng thích hay không thích cũng phải đi, ai cũng vậy không riêng gì tôi, nhà người ta giàu có xe đạp chạy hoặc có anh chị chở bằng xe Honda. 

Thưa quí vị tại sao tôi ưa nói về cái nghèo nhưng tôi không trách ai cả và không bao giờ mặc cảm về nó, vì nghèo không phải là một cái tội, chỉ thấy thương những đấng sinh thành cuộc đời lam lũ nắng sớm chiều mưa vẫn ráng tảo tần nuôi cả bầy con ăn học, để con cái có tương lai tốt đẹp đó là một sự hy sinh vô bờ bến tôi xin nghiêng mình kính cẩn các đấng sinh thành dù của dân tộc nào

Trước khi khai giảng một hai tuần có giấy niêm yết danh sách tên họ, học phòng nào, phòng ở dãy nào, ngày tựu trường đến ngay phòng mình sẽ học, rồi điểm danh xếp chỗ ngồi, khổ nổi thầy(cô) lúc xếp tên phân nam nữ thì căn cứ theo tên đa số trai văn nữ thị hoặc nhìn theo tên là biết trai hay gái còn thằng nhà tôi tên thì tên con trai lại không có chữ lót nên ai cũng tưởng con trai tới lúc kêu tên vô lớp mới vỡ lẽ, thôi em ngồi tạm bên dãy con trai một hai ngày xong sẽ đổi lại, lại có một đứa con trai mà tên Hà mỹ Linh nên nó phải qua bên con gái ngồi tạm chờ đổi lại, tôi thiệt là không hiểu đẻ ra rồi mới đi làm khai sinh, mà cũng đặt tên nhầm. Xong rồi tôi đổi qua ngồi bên nữ Linh qua bên nam, tôi ngồi ở bàn chót tại vì ai cũng ngồi trước cả rồi (hỏng sao hỏng sao tôi thích vậy mà)

Ngồi trước tôi con nhỏ có mái tóc dài chấm vai, tui thấy nó điệu quá trời.Tay lúc nào cũng cầm chiếc khăn mù xoa che cằm, tóc thì lúc nào cũng xoả nghiêng che nửa bên mặt, mới học đệ thất mà ỏng ẹo dzậy, nên chướng mắt tui nói với con nhỏ ngồi kế bên, tui làm bộ gác chân lên băng ghế ngồi của nó lâu lâu đụng nó một cái, nó cứ nhích dần nhích dần rồi xây ra sau nói: xin bạn đừng gác chân... tui làm bộ xin lỗi rồi chốc lại gác chân tiếp, nó bực mình mà hỏng biết làm sao, đến chừng hai ba ngày sau tui hỏi nó mấy tuổi sao điệu quá vậy. Bày đặt che khăn, thì nó giở khăn ra ...Ồ Thì ra bên cằm nó nổi mụn nhọt 
Rồi tui làm quen và chơi chung với nó và con nhỏ ngồi cạnh tôi, nó xưng tên là Kim Liên nhỏ kia tên Diệu còn tôi định xưng tên tụi nó nói biết rồi vì có hai đứa ngồi lộn chổ mấy bữa nay ....

Giờ chơi chạy giỡn tôi thường hay cột hai tà áo lại với nhau, chạy cho lẹ 
Học trung học khác dưới tiểu học, học sinh ngồi tại lớp thầy cô chạy bở hơi
vì mấy dãy phòng học cách xa nhau và mỗi dãy có nhiều lớp, còn nhà vệ sinh thì xa hơn cuối các dãy lớp, nên hơi bất tiện, vì nếu khẩn cấp thì đi hỏng kịp
Năm đó tôi học dãy đầu phòng gần cuối dãy, đi vệ sinh thì phải ngang phòng giám thị mới qua khỏi dãy lớp, trung học trống vô, ra chơi hay trống về đều bấm chuông reo, cái chuông thì gần cánh cửa trong phòng giám thị nên có hôm tui canh gần tới giờ ra chơi giả bộ xin đi tiểu, tiện tay bấm chuông reo luôn, thế là được ra chơi sớm, được vài lần thì có ông giám thị đứng đó nên thôi
Giờ nhớ lại sao lúc nhỏ mình phá quá.
Năm đệ thất học với thầy Vĩnh Du, cô Bạch Tuyết, thầy Quang ...
Sao mới 11,12 tuổi mà bắt học nhiều môn quá, nào sử, văn, toán, anh văn (pháp văn)... lúc sau này tui không có giờ rảnh để mà đi tụ tập, sáng chiều hai buổi đi bộ đến trường cũng đủ phờ râu, tối về còn phải làm bài tập.

Gần trường hai bên đường có mấy hàng quán bán xôi, bánh mì, nước đá và có nhà giữ xe đạp vì đa số học sinh hai trường Nguyễn trung Trực và Lâm quang Ky đều đi học bằng xe đạp, các anh chị lớp lớn hơn thì có người đi bằng xe Honda nên cũng phải gởi xe, kế bên trường là nhà quán bánh mì của ông Giáo tôi thường đi học sớm vì trừ hao đường xa trể giờ nên hay ghé quán bánh mì ăn sáng (lúc này ba má phát tiền cữ mỗi buổi sáng cho các con ăn quà bánh) hai chế tôi có bửa nhịn ăn để dành tiền mua thứ khác lúc ấy hai chế cũng 16,17 rồi. Còn cái thằng tôi có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu. 
Ăn riết rồi nhẳn mặt thành quen hôm nào quán đắt quá cũng phụ việc chạy ra sau nhà đem dùm rau bánh.... lâu lâu lại thấy có người bày hàng bôm mực paker (ba ke) vì lúc đó học sinh không dùng viết mực chấm bình nữa, mà cây viết có mực sẵn rồi nhưng khi hết mình phải bôm thêm ....

Lây lất rồi cũng qua một niên học thì đến ngày bãi trường học sinh được nghĩ hè ba tháng tạm xa rời sách vở quay về với cuộc chơi, nhưng bây giờ không chơi trò trẻ con nữa, thích đi vườn ổi vườn xoài dù phải đi bộ hơn cây số qua bên rẩy xóm chùa phật lớn hoặc vườn xoài vườn dừa qua khỏi cổng tam quan
Những đôi chân trần tụi tui lội hằng trăm cây số (nói quá lố)
Tụi tui không có bẻ trộm, nhưng nhà vườn cho mình tự bẻ ăn bao nhiêu thì ăn đem ra mới tính tiền, mà đám này đem theo muối ớt mắm ruốc ăn tại chỗ ngồi chơi cả buổi rồi hái ăn tiếp, chán chê tê tái mới mang ra cân, số lượng mua về sợ còn ít hơn số lượng trong bụng nữa là....

Đầu năm tết Mậu thân tỉnh lỵ bị pháo kích và tấn công trường học đóng cửa người dân tạm ngưng buôn bán vài ngày, đường xá vắng hoe, thiết quân lực 
Ba má tôi nghỉ buôn bán, ba tôi hổng có chuyện làm, làm thêm một đứa con
Nên gần cuối năm tôi có thêm thằng em trai nhỏ hơn một con giáp, thằng em trai kế tôi mất ngôi vị độc tôn 
Sau đó mọi việc trở lại bình thường chỉ có giờ thiết quân lực vẫn giữ nguyên từ nửa đêm về sáng.

(Xin chào hẹn lại kỳ 7 chuyện thời trung học và chuyện thằng con gái dần dần thành đứa con gái nhưng không thích yểu điệu thục nữ.)

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Câu Đối: Kính Mừng Phật Đản - Lê Đăng Mành


Câu Đối & Trình Bày: Lê Đăng Mành


Vĩnh Long



Có ba trường mất tên tiêu xác
Còn một trường còn xác tiêu tên
Nước trôi qua cầu đâu trở lại
Đứng tựa cầu lòng sóng cuộn mây đùn

Trương Văn Phú
* Hình phụ bản của Tác Giả


Yêu Và Nhẫn


( Bài Họa - Riêng tặng một người)


Tình buồn hiện đại khác nào xưa
Dị giáo mà yêu chẳng lọc lừa
Em giữ điều răn mà tự trói
Ta gìn giới luật bị đong đưa
Nén lòng nghiệt ngã đành cam chịu
Nhận chỗ thiệt thòi tránh gởi thưa
Tin Chúa tin Trời nên nhẫn, nhẫn…
Tin ngày xán lạn tạnh cơn mưa.

Cao Linh Tử
31/1/2018

Em Còn Nhớ Ta



Xướng:Em Còn Nhớ Ta
(Tung hoành trục khoán)

"Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta"

ĐÃ trải một thời, khói lửa qua
HẾT rồi tuổi trẻ, xác thân già
SẮC cờ tươi thắm luôn huyền ảo
MÀU áo oai hùng đã bạc pha
CHINH phụ âm thầm nơi cố quận
CHIẾN binh phiêu bạt chốn trời xa
CŨ xưa kỷ niệm đầy cay đắng
CÒN CÓ BAO GIỜ EM NHỚ TA

Thanh Trương
Saigon 22/5/2018
***
Các Bài Họa:
(Tung hoành trục khoán)
Bao Giờ Gặp Lại

"Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta"

ĐÃ luống Thôn Đoài chạy giặc qua
HẾT theo loạn lạc trẻ tìm già
SẮC phai mắt hiện sầu u uẩn
MÀU nhạt môi đằm héo đắng pha
CHINH phục niềm đau người cuối nẻo
CHIẾN cùng nỗi khổ kẻ phương xa
CŨ giăng lối mộng Sơn Tây mãi
CÒN CÓ BAO GIỜ EM NHỚ TA

Minh Thuý
***
Nhớ Chăng Em


"Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta"

Đàbốn thập niên lặng lẽ qua
HẾT bao hy vọng ấm tim già
SẮC hoa nhật ký đà phai héo
MÀU mực thư tình cũng nhạt pha
CHINH phụ niềm đau luôn khắc đậm
CHIẾN tranh nỗi hận vẫn chưa xa
CŨ rồi kỷ niệm, sao hoài tiếc
CÒN CÓ BAO GIỜ EM NHỚ TA?

Sông Thu
***
Còn Có Bao Giờ…


"Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta"

ĐÃ sống một thời hận khóc qua,
HẾT cơn binh lữa tội đời già.
SẮC vàng tê tái cờ rơi ngã,
MÀU đỏ oan khiên máu thấm pha!
CHINH phạt dân sầu đau ruột thắt,
CHIẾN tàn súng gãy nát đồn xa!
CŨ đường nhân ái buồn tan tác…
CÒN CÓ BAO GIỜ EM NHỚ TA!

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân
***
Có Bao Giờ .....?


"Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta"

ĐÃ biết người đi mãi mãi xa
HẾT thời mơ mộng bởi tâm già
SẮC hoa rồi sẻ phai tàn úa
MÀU tóc làm sao khỏi nhạt pha
CHINH mã mòn chân đời gió bụi
CHIẾN trường bốc khói nạn can qua
CŨ càng ký ức thêm lòng đắng
CÒN CÓ BAO GIỜ....EM NHỚ TA?

Song Quang
5/23/2018

“EM YÊU ANH” Ba Chữ Viết Hoa.



Ngọc Ngà đã hoàn thành ổ bánh bông lan nướng lò đúng như trong video trên net chỉ dẫn. Thành phẩm ngon lành vì đã được người làm bánh chăm chút với tất cả tấm lòng.
Ngọc Ngà học làm món bánh bông lan vì mấy lần thấy mẹ anh hàng xóm làm bánh cho anh ăn và anh thích. 
Hôm nay cô sẽ mang tặng anh hàng xóm ổ bánh này.

Bác Tài là bạn thân cùng xóm với mẹ Ngọc Ngà từ thời còn ở Việt Nam, sang Mỹ tình cờ ở cùng thành phố, rồi hai bà đã rủ nhau cùng xây nhà, chọn hai lô đất ưng ý trên cùng một con đường.
Thế là tình bằng hữu càng ngày càng thêm gần gũi và thân thiện, các con đôi bên gia đình cũng quen biết nhau thân tình như hai bà mẹ.
Ngọc Ngà nhỏ hơn anh Phượng 8 tuổi, nên anh xem cô như em út luôn nhưng Ngọc Ngà nhất định không xem Phượng như anh hai của mình, điều ấy chỉ một mình cô hiểu..
Ngọc Ngà hí hửng mang ổ bánh sang nhà Phượng thì thấy có chiếc xe lạ đậu trước cửa, cô đoán chắc bạn anh đến chơi. Hôm nay là cuối tuần mà.
Mặc kệ khách là ai, bánh đã làm vì anh, đã mang sang cho anh thì cô phải giao tận tay anh.

Ngọc Ngà bấm chuông cửa, Phương mở cửa. Cô bước vào nhà.
Khách của Phượng là một cô gái trẻ đẹp ăn diện lộng lẫy. Linh tính như báo cho Ngọc Ngà biết cô gái quen với Phượng không chỉ là bạn hữu thông thường.
Ngọc Ngà lúng túng với ổ bánh bông lan trên tay:
- Bánh em mới làm…mang sang cho anh Phượng….. ăn thử …thôi em về nhé……
Phượng đỡ ổ bánh và quay ra giới thiệu:
- Khoan đã em, sẵn gặp để anh giới thiệu luôn. Đây là Kiều Loan người yêu của anh, còn đây là cô em của anh tên Ngọc Ngà.
Ngọc Ngà nghe xong còn tưởng mình nghe lầm, lòng cô bỗng chông chênh như say sóng, may mà Phượng đã lấy ổ bánh bông lan nếu không chắc ổ bánh cũng run rẩy theo bàn tay cô và rơi xuống đất thôi.
Anh Phượng đã có người yêu? Sao giờ này anh mới đưa về nhà? Sao giờ này cô mới được biết.? Chơi với anh gần gũi thế mà cô không hề đoán ra trái tim anh đã có chủ nhân 

Kiều Loan duyên dáng mỉm cười:
- Chào em, anh Phượng có cô em gái xinh thế, chắc là em họ ? vì nhà anh Phượng chỉ có một mình anh.
Nhìn hai người mỉm cười với nhau Ngọc Ngà bỗng lạnh lùng:
- Anh Phượng không họ hàng gì với em đâu, em chỉ là hàng xóm, một đứa em hàng xóm mà thôi.
Phượng vui vẻ hẳn lên chắc vì có người yêu bên cạnh:
- Ngọc Ngà này, anh cắt bánh ngay bây giờ mời Kiều Loan cùng ăn thử và anh chị sẽ chấm điểm tài làm bếp của em nhé.
- Vâng ạ.
Ngọc Ngà đáp và hiểu thế nào là trong héo ngoài tươi
Cô đi xuống bếp chọn lấy con dao răng cưa để Phượng cắt ổ bánh, chàng âu yếm đưa một lát bánh cho Kiều Loan, nàng ăn một chút và khen:
- Ngon đấy cô em hàng xóm của anh Phượng ạ, bánh nở mềm mại.

Phượng vui đùa:
- Anh thích ăn bánh bông lan lắm, mai mốt em làm cho anh ăn thử nữa nhé. Bao giờ em lấy chồng anh sẽ mừng em bất cứ món quà nào em thích.
- Lỡ em thích những thứ anh không mua được thì sao?
- Ái chà, anh biết em chẳng nỡ lòng nào đòi hỏi qùa đắt gía ngoài túi tiền anh đâu, bao lâu nay anh biết tính em rồi..
Qùa em muốn là vô gía đối với em thôi. Nhưng có lẽ chẳng bao giờ em được nhận
Ngọc Ngà buồn bã nghĩ thế nhưng bề ngoài cô vẫn cố nở một nụ cười để rút lui:
- Thôi em về, chị Kiều Loan và anh Phượng ngồi chơi vui vẻ nha.
***

Trời đất đã vào xuân, tháng ba hoa cỏ nở, cây cành thêm nhánh non, lá đâm chồi nẩy lộc…Ngoc Ngà vẫn thích ngắm hoa Bluebonnet màu xanh tím duyên dáng trải dọc theo xa lộ thành phố cô đang ở, hoa nở từ tháng ba nhưng rực rỡ vào đầu tháng tư. 
Anh cũng thế, Phượng từng nói mỗi khi đi làm về nhìn hoa Bluebonnet trên đường về là anh hết mệt mỏi ngay, anh chỉ muốn hoa Bluebonnet không chỉ có vào mùa Xuân mà có quanh năm suốt tháng.

Tim cô thắt đau, anh và cô giống nhau nhiều thứ lắm, hoa Bluebonnet cũng yêu, hoa Anh Đào cũng thích và cả cái chuông gió sau nhà cũng vô tình sao chép của nhau. Lần đầu tiên ra vườn nhà anh Ngọc Ngà thấy cái chuông gió Ngọc Ngà đã trách anh bắt chước chiếc chuông gió cô mua về treo bên patio nhà mình. Anh khẳng định:
- Anh thề với em là anh thích chuông gió từ đời nào rồi, đâu phải nhìn chuông gió nhà em anh mới biết thích nó. Với lại chỉ mình em là biết thích chuông gió sao? Người ta sản xuất chuông gió để bán cho hàng triệu người.

Nhiều sở thích, nhiều suy nghĩ giống nhau thế mà chẳng có duyên. Cô từng ấp ủ giấc mơ được anh yêu và một ngày nào đó cùng anh đi ngắm hoa Anh Đào, hoa đẹp và nên thơ cho những người đang yêu. Biết đâu anh và chị Kiều Loan kia đã từng hạnh phúc bên nhau đi ngắm hoa Anh Đào? Còn cô, chỉ có một mình, chỉ một trái tim vỡ có ngắm hoa thì hoa cũng sẽ buồn sẽ khóc.

Cô hay khóc và dễ khóc, anh biết điều đó và anh thường trìu mến đùa cợt với cô như một người anh vui tính và độ lượng, anh bảo cô là “thùng nước mắt chuyên khóc…vô cớ”. Nay cô có cả biển nước mắt để khóc vì anh đấy. Anh đã thuộc về ai.
Mẹ từng nói với Ngọc Ngà bố con mất, nhà có ba mẹ con, ước gì mai này con lấy chồng ở ngay thành phố này để gần mẹ, anh con đã ở xa, con mà ở xa nữa thì mẹ sẽ buồn lắm. 
Ôi, giấc mơ của mẹ cũng là giấc mơ của Ngọc Ngà, lấy chồng cùng thành phố, cùng xóm, cùng một con đường nữa chứ…Nhưng mà ước mơ ấy bỗng xa vời vợi…… 

Mẹ anh và mẹ Ngọc Ngà đã từng ước gì anh và Ngọc Ngà yêu nhau nhưng họ không dám mơ nữa vì thấy hai đứa chỉ đối đãi nhau như tình anh em không hơn không kém.
Nghe mẹ kể thế Ngọc Ngà quặn lòng, chẳng ai hiểu Ngọc Ngà, ngay cả anh nữa...
Bây giờ Ngọc Ngà sợ hãi cái ngày kinh khủng, ngày anh lấy Kiều Loan, vai kịch sĩ của cô từ hôm biết anh có người yêu cô vẫn tỏ ra bình thản khi anh sang nhà cô hay khi cô sang nhà anh mỗi khi có việc chắc sẽ buông màn để trở về với con người thật của mình.
Cảm giác nhận tấm thiệp hồng của người mình thầm yêu chắc sẽ làm trái tim tan vỡ của cô thêm tan nát, rồi cô sẽ phải tham dự đám cưới của anh, không biết cô sẽ dấu vào đâu những giọt lệ rơi?

Hôm nay anh vừa gởi cô vài dòng tin nhắn: “Sang nhà anh gấp, anh có chuyện cần em giúp”
Chiều chủ nhật hai vợ chồng bác Tài chở nhau đi shopping chỉ còn anh ở nhà, sao anh không hẹn với người yêu mà ở nhà một mình?
Mở cửa cho cô vào nhà, bộ mặt tỉnh bơ của anh bỗng thay đổi, anh nói như rên :
- Anh lo qúa em ơi…
Cô đã quen với những lời nói, những trò đùa của anh, cô thản nhiên ngồi đối diện anh:
- Biết rồi, anh ốm tương tư chị Kiều Loan hôm nay không đến thăm anh chứ gì?
Anh vẫn rên rỉ:
- Chị Kiều Loan chẳng liên quan gì đến chuyện này, anh đang lo muốn chết đây. 
- Anh chết đi, em sẽ ngồi bên mộ khóc cho anh phải chui ra khỏi nấm mồ.
- Em đanh đá nhỉ, biết trả đũa anh rồi. Anh cho em điểm mười lộng lẫy...
Anh đến ngồi bên cạnh cô và khoe bàn tay năm ngón gầy: 
- Thấy chưa? Anh héo hon gầy gò vì một người…
- Vì chị Kiều Loan ? Có phải anh đã bị chị ấy bỏ rơi?
- Kiều Loan nào bỏ rơi anh ! Anh đang bị bỏ bùa…
Bàn tay năm ngón gầy của anh bỗng nắm lấy bàn tay Ngọc Ngà và xiết mạnh đến không ngờ:
- Là em đấy. ..

Thật bất ngờ và khó hiểu, Ngọc Ngà không biết là thực hay mơ khi rõ ràng bàn tay cô đang nằm trong bàn tay anh. Thái độ khác thường ngày của anh, ánh mắt lung linh của anh sau đôi mắt kính nhìn cô thăm thẳm đợi chờ làm cô choáng ngợp bồi hồi.. Nhưng cô vẫn không để mình gục ngã dễ dàng vì anh, cô vênh mặt:
- Em đã làm gì anh chứ ?
Bàn tay anh xiết chặt bàn tay cô hơn, ấm áp hơn:
- Anh muốn nói “Anh yêu em” yêu từng phút từng giây, từng ngày từng tháng.. Anh khờ qúa hôm nay mới nói ra cái điều mà đáng lẽ nên nói sớm hơn. 
Ngọc Ngà ngạc nhiên cố rút bàn tay ra:
- Anh nói lung tung gì thế, anh và chị Kiều Loan yêu nhau lắm mà…
- Đúng là anh đã…. yêu Kiều Loan, nhưng chỉ là một màn kịch thôi. Em hiện diện bên cạnh anh bấy lâu, qúa quen thuộc, qúa thân tình, anh cảm tưởng em chỉ xem anh như một người anh nên anh không dám nghĩ gì hơn dù anh đã thầm yêu em tha thiết. Anh kể tâm sự và hỏi ý kiến cô bạn thân làm cùng phòng trong sở làm, cô góp ý với anh vở kịch “người yêu Kiều Loan” đến nhà để “ra mắt” em xem em phản ứng thế nào. Em có nói với anh là thứ bảy sẽ làm thử món bánh bông lan cho anh ăn Sau hôm đó gặp em, Kiều Loan đã cả quyết với anh rằng em cũng có cảm tình với anh cho nên hôm nay anh mới dám nói lên tiếng lòng mình mặc dù vẫn cảm thấy lo lo….
- Anh lo sợ gì ?
- Anh vẫn lo là cô ấy phán đoán sai thì anh đã không có tình yêu lại mất cả tình cảm của cô em gái nhà hàng xóm. Nghĩa là anh sẽ mất em tất cả.

Anh dí dỏm:
- . Chắc anh phải….. đi bác sĩ mắt xem lại mắt mình, chỉ nhìn xa mà không biết nhìn gần. Chúng ta có nhiều điều giống nhau, hiểu nhau, nếu không có vở kịch kia thì biết đâu anh sẽ đi lạc một bước đường tình.
Phượng đổi giọng trìu mến :
- Anh vô tình qúa phải không em. Bây giờ thì anh hiểu …thùng nước mắt của em không hoàn toàn vô cớ, biết đâu có cả những giọt nước mắt đã khóc vì anh.
- Anh đừng có nói đùa nữa được không….
- Anh có thể đùa với em hàng triệu lý do, hàng triệu lần, nhưng lần này thì không.
Ngọc Ngà nhìn anh thật lâu và hiểu là anh không đùa không nói dối, cô ngỡ ngàng và trách:
- Màn kịch của anh và chị Kiều Loan đã làm em buồn và thất vọng biết bao nhiêu. May mà em chưa ra cầu Golden Gate nhảy xuống biển đấy nhé.
Anh nghiêm trang:
- Cho anh xin lỗi, chàng ngốc của em đã hiểu ra rồi, cả hai chúng ta đều thầm yêu nhau, nhưng em không thể nào yêu anh hơn anh đã yêu em đâu
Ngọc Ngà mỉm cười:
- Dù anh nói “Anh yêu em” cả triệu lần Em chỉ nói “Em yêu anh” một lần thôi nhưng hơn anh ở chỗ cả ba chữ “Em yêu anh” đều viết hoa.rực rỡ trong trái tim em. 
Hai người hôn nhau, nụ hôn dài như một thế kỷ và anh thì thầm:
- Môi em ngon ngọt qúa, anh …thèm môi em hơn cả thèm ăn món bánh bông lan tuyệt vời của em làm hôm anh và Kiều Loan nếm thử nữa đó…. ….

Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Jan. 15, 2018)