Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Nhớ Mưa Xưa


Tình em trắng tựa như bông
Gió lay nhẹ thổi bềnh bồng trôi đi
Mùa thu, em đã ra đi
Để anh, gói trọn tình si một mình.
(Gửi người con gái ngày xưa)
Australia ngày …tháng …..năm…..

Người xưa ơi!
Chiều nay nơi phương trời xa lạ, lòng nhỏ bồi hồi nhận được bốn câu thơ thiết tha giữ trọn một mối tình, một thời aó trắng của chúng ta.
Ba mươi năm! Vâng thời gian khá dài để xa nhau và không dài để quên nhau! Nhưng tại sao mình gặp nhau,quen nhau, để rồi lại xa nhau…và vĩnh viễn mất nhau? Ngày xưa đã qua đi? Không! Hình ảnh và kỷ niệm dường như còn lảng vảng quanh đây, còn đầy trong khối óc tràn ngập trong tim.
Tất cả vẫn còn hiện hữu nơi đây.Tình yêu của anh đẹp trắng trong như màu áo, như trang vở học trò của chúng ta thuở cấp sách đến trường. Nhớ ngày xưa ấy mỗi buổi đến trường anh lẽo đẽo theo sau, chân nhỏ cuống quít lòng hồi hộp, tay ghì lấy chiếc cặp vào lòng rồi tự trấn an."Không ! Có gì mà sợ, cứ tự nhiên đi nhỏ!"
Thế mà sao vẫn run run…lòng bỗng bâng khuâng!!! Một trưa tan lớp học hè về hai đứa vừa đổ dốc cầu Thiềng Đức, ngày hè mà trời lại trút cơn mưa, hai đứa đục mưa dưới hiên tiệm Tân Mỹ tay chân sao mà thừa thải, phủi hoài những hạt mưa đọng trên tóc, mái tóc cả hai đều ngắn làm nước mưa văng tung toé, chỉ nhìn nhau mỉm cười, rồi mắt lại ngó mông lung như là mong mưa mau tạnh nhưng nhỏ biết lòng anh đang thầm đọc những lời thơ của Nguyên Sa.

“Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cứ lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong tỏa đường về
Và em hỡi dừng chân đứng lạị”


Phải thế không anh? Vì lòng nhỏ cũng y như thế đấy! Và để rồi từ dạo ấy nhỏ thương hoài một mùa mưa…mưa nhẹ nhàng, mưa thấm ướt hai mái đầu xanh,và mưa làm ấm áp lòng nhau…cũng từ ngày ấy tình yêu đầu đời chớm nở với đôi học trò ngây thơ ngu ngơ, khờ dại….
Bao năm học bên nhau, vẫn âm thầm …vẫn im lặng…lòng đầy ấp những thân quen, những rộn ràng nhưng sao hai đứa chẳng nói chi nhau
Không biết cơ duyên nào đưa lối năm cuối lớp 12, anh lạc vào lớp của nhỏ lại cùng chia nhau những giờ học, mùa thi, chia nhau những hồi hộp, vui buồn, khó khăn khi gặp phải những bài hóc búa, anh đã giúp cho nhỏ trút hết những lo âu, từ tháng năm cùng chung lớp ấy, tình yêu đầu đời chín chắn hơn. Những thẹn thùng, khép nép của nhỏ, những rụt rè nhút nhát của anh đã làm đôi học trò ngần ngại với nhau, không nói một lời nàọ.
Sân trường ngày ấy rộng thênh thang, thế mà anh không có lối đi, lúc nào cũng chạm mặt người ta, mặt anh đỏ bừng, mặt nhỏ tái xanh sợ bạn bè biết được thì không yên với chúng. Những câu anh hỏi, nhỏ trả lời lạc đề hết trơn. Mỗi ngày vào lớp, anh đi ngang bàn nhỏ anh cũng giả vờ đánh rơi quyển vở, ngồi nhặt vở mà mắt thì cứ nhìn người ta… làm cho quả tim người ta cũng muốn rơi theo vở của anh thôị

Anh còn nhớ, đêm lửa trại cuối học kỳ? Trong trò chơi tuổi thơ, thầy cho đề tài nói nối đuôi về các loài cây, bọn con gái tha hồ mà nói: cây cóc, cây xoài, cây mận, cây ổi, cây me…vậy mà đến phiên anh, anh lại nói “cây si”.. các bạn nhao nhao phản đối ”làm gì có cây si trong vạn vật”? Thầy lại cứu bồ cho anh: “Có đó các em, cây si là cây to nhất mà người ta gọi là cổ thụ, mà cây cổ thụ là cây bồ đề”
Thế là chúng ta cùng nhau cười hồn nhiên vui vẻ. Trong ánh lửa trại rực rỡ sáng ngời đêm ấy, chắc cũng không sáng bằng ánh mắt anh khi thốt lên hai chữ “cây si” và nhìn người ta tha thiết, mặt người ta cũng đỏ bừng, thẹn thùng hơn màu lửa trại đêm nàỵ Anh còn nhớ! Lớp của mình nằm ngay góc hành lang trên lầu, nhìn ra cửa toàn là một màu xanh biếc của lá phượng, và mùa thi sắp về một màu đỏ thẳm của hoa, giờ ra chơi nhỏ thích đứng cạnh hành lang, từ trên lầu nhìn xuống những cánh phương rơi quyện vào những tà áo trắng trinh nguyên, tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp, anh luôn thẫn thờ nhìn trộm nhỏ từ một góc của hành lang bên kia, nhỏ giả vờ như không biết nhưng trong lòng xao xuyến lắm anh có biết chăng?


Con đường Gia Long từ trường về Văn Thánh đã in từng dấu chân của chúng ta trong suốt một khoảng đời học trò thơ mộng. Tuy chưa nói lời yêu thương chưa một lời hứa hẹn, nhưng thời gian đã khắc sâu những kỷ niệm ban đầu, một thời áo trắng thơ ngây trong sáng của chúng ta.
Một năm học cuối đầy kỷ niệm thương yêu .chúng ta cũng chia tay, giã từ thời học trò để bước vào một đời học trò xa lạ khác…Từ đó hai mái đầu xanh đã mãi mãi xa nhau…
Một mùa thu nhỏ đã ra đi, đi về một vùng trời xa lạ,vắng người và vắng cả tiếng cười..
Anh nói rầt đúng! Gió lay nhẹ thổi cánh hoa bồng bềnh trôi từ một bến bờ này sang một bến bờ kia biền biệt…Gửi lại quê hương trăm nhớ nghìn thương, gửi lại anh một khối u tình chưa kịp nói…

Người xưa ơi! Con đường Gia Long ngày nay còn ai đứng đợi, cơn mưa về có còn nhớ mái hiên xưa, sân trường Tống Phước Hiệp, lớp cũ anh có một lần đến viếng? Dáng xưa nào có còn cho anh một phút nhớ nhung không?
Nhưng chiều nay, bốn câu thơ anh gửi đến đã trả lời những câu hỏi của nhỏ rồi, cảm ơn anh vẫn còn nhớ những gì thương yêu cũ, cũng như nhỏ luôn yêu những gì đáng nhớ xưạ, cảm ơn cây cổ thụ vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt!!!

Đêm nay đi làm về trên xa lộ. Cơn mưa như thác đổ, cả đoàn xe tấp vào lề đường chờ bớt cơn giông, ngồi một mình trong xe, bơ vơ lạc lõng, nhỏ lại nhớ mưa xưa… mưa ngập trời mà sao tóc mình không ướt? Mắt nhỏ cay.. và mi… lại ướt , sao lòng mình lạnh buốt từng cơn.
Mưa ơi! Mưa ơi! Có biết chăng suốt một đời cánh hoa này mãi lao đao, vẫn trôi bồng bềnh không bến đỗ!?
Mưa rơi! Mưa rơi! Từng cơn mưa như tiếng lòng mình khóc ..lẽ loi…buồn trong một thành phố …
Không phải là …Vĩnh Long!

(Trường Tống Phước Hiệp Vĩnh Long - 2002)

Nhớ Mưa Xưa

Ngày xưa em lặng ngắm mưa
Mưa reo tí tách lòng chưa biết sầu
Cơn mưa nhẹ đến lần đầu
Làm tràn thương nhớ tình đầu em yêu

Tóc em ướt đẫm mưa chiều
Hạt rơi nhè nhẹ, ít nhiều trong em
Thân quen mưa ướt - Lòng mềm
Mưa chi nặng hạt êm đềm – Rơi nhanh!

Tình anh trong hạt long lanh
Mưa rơi! Rơi mãi tóc xanh phai màu
Mưa ơi! Hãy chở nỗi sầu
Tình đầu ta giữ dẫu màu tóc phai!

Kim Oanh
Australia một mùa mưa 
(Viết cho Đặc San Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp Cali 2005)

Phổ Nhạc, Đàn & Hát: Huynh Trưởng Suối Dâu

            


Mưa Ru Nỗi Nhớ


Mưa đến từng hồi như giởn chơi
Giọt buồn giọt nhớ chốn mù khơi
Thương về quê MẸ đầy thơ mộng
Bao kỷ niệm xưa đến đón mời

Mưa cứ gieo sầu đến với ai
Nhớ EM anh viết bức thơ dài
Kể bao chuyện cũ ngày xưa đó
Để thấy tình ta mãi đẹp hoài

Mưa bay từng hạt quyện trong sương
Anh viết thơ nầy với mến thương
Gởi đến về EM lời dấu aí
Cho lòng thoáng dịu nỗi tơ vương

Mưa vẫn nhắc hoài những chuyện qua
Thuở vừa quen biết đẹp như hoa
Trú mưa lạnh lẽo bên hiên nhỏ
Sấm sét kết tình hai chúng ta

Mưa vẫn theo ta khắp nẽo đường
Ướt hờ trên má để anh ... thương
Thẹn thùa , EM nhéo ... đời tươi đẹp
Kỷ niệm ngày xưa dưới mái trường

Mưa giờ vẫn đẹp , phải không EM ???
Tô điểm tình xa giấc mộng êm
Tình vẫn ngọt ngào như nắng mới
Như trăng lãng đãng sáng bên thềm

Nương gởi về EM những giọt hoa
Mưa nơi đất khách chốn mù xa
Giọt dài giọt ngắn , riêng EM đó
Dấu ái một thời bao thiết tha ...!

Hoàng Dũng

Thu Phân


Mưa vờn trên chiếc lá rơi
Vỗ vào mặt kiếng vết ngời buồn rưng
Lòng nghe quá khứ chập chờn
Có gì như những ghen hờn đan xen

Không gian le lói nắng chen
Giữa mưa và gió dọc triền chiều nghiêng
Thời gian như sững lặng yên
Mặc ta đối bóng giữa thiêm thiếp đời

Lá trìu trĩu giọt mưa rơi
Quặn trong ký ức khoảng trời nắng hong:
(Hoa khai mãn rộ nụ hồng
Rừng phây phẩy lá xanh ròng quan san)

Dư âm vọng lại cung đàn
Từ nơi phố núi bạt ngàn thông reo
Thời ta ngày tháng cheo leo
Trên đầu tiếng nổ vỡ theo tuổi tràn!

Cao Nguyên

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Vườn Thơ Thẩn Chúc Mừng Diễm Thy Tốt Nghiệp Đại Học


Kính thưa Quý Thầy Cô Anh Chị Em Vườn Thơ Thẩn
Ngày 20/08/2016 , gia đình Mai + Thắng đên Sài Gòn dự Lễ tốt nghiệp của con gái NGUYỄN LÊ DIỄM THY tại Đại học Kinh tế - Luật (UEL) Thủ Đức

Ngày lễ tốt nghiệp của con gái mình đợi đã lâu nhưng không biết sao lại tịt ngòi không sáng tác nổi một bài cho kịp thời điiểm báo tin.
Nhờ mấy người bạn bên facebook gửi chúc mừng mới nảy ra được ý và trình làng lên đây được 3 bài. Trong đó bài 2 và 3 là họa thoát vận và bài 1 tự sáng tác
Trình Vườn Thơ Thẩn với một chút tâm sự vui vui. 
Xin được chia sẻ niềm vui cùng Vườn Thơ Thẩn, quý Thầy Cô, Huynh Tỉ Muội.


Lễ Tốt Nghiệp

1. 
Một nụ khai mầm nở đóa hoa
Niềm vui lễ hội của chung nhà
Môi trường đã mở vươn tầm với
Khát vọng đang chờ dấn bước xa
Vất vả lưu truyền cho thế hệ
Gian nan khởi ước tự ông bà
Ngày qua thệ vững lòng nung nấu
Đón ánh dương hồng rộn khúc ca!

2.
Ra đời trước phải học thành nhân
Trải lắm gian lao mới cảm cần
Bé dại vui đùa duyên sách vở
Thơ ngây đón nhận mảng tình thân
Thời gian học tập dài năm tháng
Kết quả đan thành vững bước chân
Ngẫm lặng ngàn thương hồn phụ mẫu
Hoa hồng kết tủa những thâm ân!
3.
Hạnh phúc hôm nay đã vẹn tròn
Bao ngày góp lại điểm ngày son
Xuê xoang áo mão thanh màu sắc
Rực rỡ đèn hoa sáng cõi hồn
Sự nghiệp khơi nguồn vươn bước tới
Tương lai khởi xướng hướng sinh tồn
Thành tâm tưởng nhớ hồn cha mẹ
Thỏa mãn lòng mơ ước nguyện tròn!


Nguyễn Đắc Thắng 
20160825
***

Song Quang xin chia vui cùng gia đình thi hữu Nguyễn Đắc Thắng và cầu chúc cháu Diễm Thy đã công thành danh toại hầu mai sau giúp ích cho đời
Kính Chúc
Gia Đình Song Quang 
***


Anh Thắng chị Mai thân mến,
Không có niềm vui nào hơn niềm vui nầy! Phải không anh Thắng chị Mai?
Đó là niềm vui nhìn thấy ngày con tốt nghiệp ra trường. Người mình là vậy, giàu không ham bằng con đỗ đạt thành danh.
Chúc anh chị luôn tươi vui và cháu Diễm Thy thành công trên đường đời cùng tương lai ngày thêm tươi sáng.

Thân mến
Kim Phượng
***
 

Anh Thắng chị Mai ơi
Kim Oanh rất vui mừng khi được anh báo tin, cháu Diễm Thy đã tốt nghiệp Đại Học,  sau những năm dài miệt mài với đèn sách. 
Không hạnh phúc nào sánh bằng. Niềm mơ ước và kỳ vọng của anh chị nay đã thành sự thật.
Chúc mừng anh chị và mến chúc cháu Diễm Thy thành công mỹ mãn trên bước đường sự nghiệp trong tương lai.

Kính chúc
Kim Oanh
***
Chia sẻ niềm vui với anh chị Mai &Thắng
Chúc cháu Diễm Thy mọi sự tốt đẹp từ trên ban,và sau tiểu đăng khoa sẽ tiến tới đại đăng khoa.

Thái Huy
 

Đỗ Chiêu Đức Mừng Cho Bạn Thắng Mai



Chúc mừng bạn Nguyễn Đắc Thắng có con gái 
Mi Thanh Mục Tú, Đỗ Đạt thành tài!
Ai bảo sanh con gái không hảnh diện đâu?!

Mừng Cho Bạn

Đắc Thắng sanh con đẹp Diễm Thy,
Xuân xanh đã vượt cập kê thì.
Luật Khoa nổi tiếng trong gang tất,
Kinh Tế làm giàu chẳng mấy khi.
Tốt nghiệp vẻ vang cùng nội ngoại,
Vinh quy rạng rỡ cả tông chi.
Chúc mừng bạn hữu Vườn Thơ Thẩn,
Đắc Thắng có con giỏi Diễm Thy!

Đỗ Chiêu Đức
Kính mừng, Hè 2016.
***
Diễm Thy

Lúc cháu ra đời chọn Diễm Thy
Là mong hẹn ước buổi xuân thì
Như hoa DIỄM lệ mơ từng lúc
Tựa áng THY hồng mộng những khi
Dấn trải đường xa ân nội ngoại
Chuyên cần bước vững phúc tông chi
Từ trong ước nguyện hồn vươn thoát
Bản chất vui hòa nét Diễm Thy.

Nguyễn Đắc Thắng
20160826

Mai Xuân Thanh Thơ Mừng Cháu Diễm Thy


Xin chúc mừng cho gia đình bạn hiền Mai + Thắng

Thơ Mừng

Tươi sáng tương lai cháu Diễm Thy,
Thắng + Mai , con gái đậu vinh quy.
Có bằng tốt nghiệp vui lòng mẹ,
Kinh tế, Luật khoa, bố thưởng gì...
Chìa khóa vào đời nhờ kiến thức,
Mở mang trí tuệ đố ai bì...
Gia đình hạnh phúc, tay nghề vững,
Tài chánh an tâm cũng khỏe đi...

Mai Xuân Thanh 
Ngày 24 tháng 08 năm 2016

Quên Đi Mừng Cháu Thy Tốt Nghiệp Đại Học


Quên Đi cũng có ít dòng mừng với Gia Đình Đắc Thắng

Bài Xướng:

Mừng Cháu Thy Tốt Nghiệp Đại Học

Diễm Thy gái rượu Thắng và Mai
Dung hạnh công ngôn chẳng kém ai
Bao tháng chuyên tâm vùi sử sách
Mấy thu bền dạ hướng tương lai
Vâng lời cha mẹ mong thành đạt
Tốt nghiệp cử nhân tỏ sắc tài
Mừng chúc cháu My cùng nhắn nhủ
Đường lên phía trước vẫn còn dài.


Quên Đi
***
Bài Họa:


Đường Dài

Cuộc sống khơi nguồn tự ánh mai
Đường đi vạn nẻo vẫn luôn dài
Vinh quang tiếp nối tôn dòng tộc
Hạnh phúc chuyên cần hưởng thái lai
Gửi gắm niềm mơ vào tuổi trẻ
Hòa vang khúc hát hiện anh tài
Sinh tiền nguyện đắp xây nền tảng
Thắng lợi mai ngày chẳng kém ai!


Nguyễn Đắc Thắng
2016.08.26

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Thơ Tranh: Tiếng Lòng


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Sinh, Lão, Bịnh, Tử


Chia sẻ về « Sinh, Lão, Binh, Tử » « Sinh, lão, binh, tử » là quy luật ở đời. Ai nấy đều trải qua các giai đoạn này, không sớm thì chầy! Chúng ta giống như những du khách cùng đi một chuyến xe lửa dừng ở nhiều ga, xuống trước hay xuống sau mà thôi! 

1-Sinh Có quan niệm cho « cuộc đời là bể khổ » nên con người sinh ra đã khóc: «Thảo nào khi mới chôn nhau, Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!» (Cung oán ngâm khúc) Nguyễn Công Trứ cũng có tư tưởng như thế: «Thoắt sinh ra thì đà khóc choé Trần có vui sao chẳng cười khì?» (Chữ nhàn) Ki tô giáo cũng nói nhiều về khổ đau, coi cuộc đời như «thung lũng đầy nước mắt» (La vie est une vallée de larmes - Kinh Salve Regina) Đó chẳng qua chỉ là cái nhìn tiêu cực về cuộc đời. Đứa trẻ sinh ra không khóc là có vấn đề, bà mụ phải tìm cách làm cho nó khóc. Hơn nữa tiếng khóc của trẻ thơ là một phương tiện diễn tả để nó cho biết đói hay khó chịu trong người… Huống hồ con cái là sự tiếp nối của thế hệ đi trước, là dòng chảy liên tục của cuộc đời. Ông cha ta xưa kia khá khắt khe với phụ nữ không sinh đẻ, cho là: « Cây độc không trái, gái độc không con » Cuộc đời cũng có thể là « thung lũng đầy hoa hồng » (La vie est une vallée de roses). Sinh ra được làm con người, theo Phật giáo, không phải là dễ, giống như chú rùa mù sống vô lượng kiếp, mới trồi lên biển cả và chui lọt vào được một bọng cây nổi trên mặt nước! Nhìn chung thì hai quan niệm tiêu cực và tích cực tương tức, bổ xung cho nhau: có khổ mới biết sướng và ngược lại! 

Điển hình là trường hợp các Việt kiều, sau biến cố tháng 4 năm 1975, đã kinh qua bao nỗi thăng trầm, chịu đựng nhiều khổ đau, thoát chết sau những ngày lênh đênh trôi dạt trên biển cả trong khi đó một số thuyền nhân bị hải tặc giết hoặc bị hãm hiếp dã man. Hơn nữa họ phải làm lại cuộc đời từ đầu nơi xứ lạ quê người, ngôn ngữ, tập quán bất đồng, nay nhìn lại các thành quả mà con cái đạt được, họ cảm nhận sâu xa niềm vui to lớn, hạnh phúc vô biên, thấy mình may mắn như « tái ông thất mã »! Cũng như Thúy Kiều sau 15 năm truân chuyên mới biết tận hưởng cuộc sống thanh đạm an lạc bên cạnh vãi Giác Duyên ở thảo am, ven sông Tiền Đường: « Một nhà chung chạ sớm trưa Gió trăng lát mặt muối dưa chay lòng Bốn bề bát ngát mênh mông Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau » 

2-Lão Theo thống kê Liên Hiệp Quốc, tuổi thọ trung bình (Average age of death) ở các nước tiên tiến là 7783 tuổi, nữ sống lâu hơn nam, như vậy bây giờ phải nói là « cửu thập cổ lai hy » thay vì « thất thâp cổ lai hy »như xưa. Nhiều người tuổi cao vẫn còn hăng say hoạt động nên già mà không cảm thấy già nhưng cũng có người trẻ hoạt động uể oải, trì trệ lại cho cảm tưởng không già mà lại già! Hơn nửa đời dành cho sự nghiệp, gia đình, con cái, bây giờ thời gian còn lại không nhiều, mình nên quan tâm đến bản thân để sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc, việc gì muốn làm thì làm, việc gì làm không được thì bỏ qua, coi như là một sự giải thoát. Niềm vui lắm khi ẩn chứa trong các việc vụn vặt trong ngày như khi thức dậy còn duỗi chân, duỗi tay, bước xuống giường được, để đi pha một ly cà phê hoặc một bình trà, tự thưởng thức, cám ơn đời đã cho mình hưởng thêm một ngày hạnh phúc! Sống trên đời không thể nào luôn luôn gặp thuận duyên, vạn sự như ý, nếu cứ chăm chăm lo cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm phiền não! Cứ thản nhiên đối mặt với thực tại, rồi mọi sự sẽ qua, cũng xong! Phẩm chất cuộc sống của tuổi già tuỳ thuộc về cách tư duy của mỗi người: tư duy hướng thượng là không vụ lợi cá nhân, làm việc xã hội, nghĩ nhiều đến tha nhân ... làm cho tuổi già thêm sức sống, thêm niềm tự tin, thêm hương vị. Tư duy hướng hạ là thường suy nghĩ tiêu cực, bi quan yếm thế, khiến cho chóng già, chóng chết! 

3- Bịnh Già hay trẻ, ai mà không bịnh! Có người mang bịnh khi còn trong bụng mẹ (maladie congénitale), còn nhiều người mang bịnh vào thân do cách ăn uống (bịnh tùng khẩu nhập) hoặc tự mình gây ra bịnh (hút thuốc, say sưa nghiện ngập ...), người Pháp nói là «mình tự đào mồ bằng hàm răng» (on se creuse sa tombe avec ses dents) nên khi già phải nhận lãnh hậu quả! Người già cần để thì giờ chăm sóc bản thân bằng các hoạt đông thể chất lẫn tinh thần. Theo viện bảo vệ sức khỏe Pháp INPES (Institut national de prévention et d'éducation pour la santé) thì chúng ta nên để nửa giờ hoặc hơn mỗi ngày cho hoạt động về thể chất: nếu nhà có cầu thang thì leo lên xuống nhiều lần hoặc đi dạo, đi bơi, tập tài chi, khí công, càn khôn thập linh, thể dục v.v. Đồng thời cũng nên chọn cho mình một hoạt động tinh thần thích hợp như dịch thơ cổ, làm thơ, viết văn, viết nhật ký, nghe kinh, nghe nhạc, học vẽ, học viết thư pháp… Người xưa quan niệm « một tâm hồn lành mạnh chỉ có trong thể xác lành mạnh » (Mens sana in corpore sano). Người biết buông xả, sống thong dong, thanh thản, có khả năng ra đi nhẹ nhàng! Tuổi già ốm đau trông cậy vào ai? Bạn đời ư? Đệ nhị thân cũng già, chưa chắc đã khỏe hơn mình, nếu muốn giúp đỡ thì cũng lực bất tòng tâm! Trông vào con ư ? Chúng nó cũng có gia đình, con cái, rất bận rộn ở xã hội Tây phương bây giờ, cố gắng lắm thì sắp xếp cuối tuần hoặc chờ ngày nghỉ lễ lại thăm mà thôi! Tốt hơn là mình phải trông cậy nơi bản thân, phải siêng năng hoạt động cả thân lẫn tâm, ăn uống điều độ, đủ chất dinh dưỡng, đừng chờ khi ốm đau mới đi chữa bịnh thì « hơi muộn màng »: « Chỉ mong sống khoẻ, chết mau, Ốm lâu vợ khổ, thân đau, con buồn!» 


4-Tử Đã là con người, ai cũng không tránh khỏi cái chết: có người chết già, có người chết trẻ . Thần chết không phân biệt tuổi tác hay sang giàu và rất bình đẳng, nếu chôn chỉ chiếm « ba tấc đất » và nếu thiêu cũng ra tro bụi sau vài giờ ! Chúng ta cần học cách ứng xử như người dân Bhutan, một nước nhỏ bên triền núi Himalaya, coi cái chết như một phần của cuộc sống. Nhà hiền triết Khalil Gibran cũng cho là trong sự sống có cái chết, “sống chết là một như nước sông và nước biển khi hòa hợp với nhau” (La vie et la mort ne font qu'un, comme ne font qu'un la rivière et la mer ). Cứ mỗi giây, mỗi phút, có biết bao tế bào trong cơ thể chúng ta chết đi và biết bao tế bào được tạo ra, chỉ khác là nơi cơ thể người già lượng tế bào sinh ra ít hơn tế bào chết đi, có thể nói là “vô thường có mặt trong chúng ta, không cần tìm đâu xa!” Cuộc đời giống như một hành trình du lịch: cha mẹ lo cho lúc khởi hành, còn mình phải sửa soạn lúc kết thúc.Người xưa thường sắm trước áo quan hoặc xây kim tỉnh, ngày nay người ta mua bảo hiểm hậu sự (assurance-obsèques), cũng có người hiến xác để thể hiện ước muốn giúp ích cho y học sau khi đã trở về với cát bụi! Nếu một ngày nào đó, thần chết lên tiếng gọi thì hãy bình thản đón nhận vì coi như mình đã hết duyên với sự sống nên đành giã từ « cuộc chơi » (1): « Đường đời muôn vạn nẻo Không đến cũng không đi Bạn làm gì đó?- Chơi! » |[(1) Sống chết, theo lời pháp của một vị cao tăng, chỉ là « trò chơi cút bắt »; còn duyên thì biểu hiện, hết duyên thì ẩn tàng] Bài này vốn là bản đúc kết các suy tư và việc làm của tôi ở tuổi xế chiều, trước là tự xét lại những gì đã làm, đang làm hoặc chưa làm, sau xin chia sẻ với các thân hữu để đóng góp sự có mặt của mình với các đồng nghiệp và cựu học sinh vì còn tư duy thì còn hiện hữu như lời Descartes (Je pense, donc je suis). Chắc các thân hữu cũng có người suy nghĩ giống tôi, có người suy nghĩ khác, mỗi người hành xử theo hoàn cảnh thích nghi với mình khi phải đối mặt với cái chết. Rất trân kính! 

Hoài Việt DHĐ

Âm Thầm Ngồi Đợi Một Vầng Trăng Khuya



Âm Thầm Ngồi Đợi Một Vầng Trăng Khuya

Ai đem gió trải mặt sông
Hạ buồn hong tóc mênh mông mây trời
Ai đan áo rét bên đồi
Mà nghe Đông đến chơi vơi nỗi niềm.

Ai cười khuôn mặt chữ điền
Ai ngồi đốt lửa bên triền dốc xưa
Lá vàng ướt đẫm cơn mưa
Có vài giọt nhớ hương thừa quanh năm.

Ai ngồi nhả nhạc ngũ âm
Bên bờ vực thẳm âm thầm cô đơn
Ai đem tâm sự dỗi hờn
Chắt chiu nỗi nhớ nửa hồn thương đau.

Ráng chiều ai phết đậm màu
Ai đi mang hết ngọt ngào cố nhân
Ai người ngơ ngác bâng khuâng
Âm thầm ngồi đợi một vầng trăng khuya.

Dương hồng Thủy
***


Nửa Khuyết Ghép Vẹn Nửa Vầng Trăng Khuya

Nửa trăng khuya lặng trên sông
Mơ màng vớt những mêng mông đất trời
Ngẩng lên trăng lặn sau đồi
Tiếc nhung tiếc nhớ đầy vơi chung niềm

Vầng trăng ai khuyết gắng điền
Môt nửa trống vắng qua triền mơ xưa
Tình mộng tắm mát sương mưa
Rộn ràng hạnh phúc giao thừa đầu năm

Không gian dìu dặt thanh âm
Ru đời san sẻ nỗi thầm độc đơn
Gánh chung trắc ẩn tủi hờn
Hòa cùng nhạc khúc cho hồn bớt đau

Xuân sang tô thắm muôn màu
Pháo vang thôi hết nghen ngào thế nhân
Đôi vầng chờ đợi bâng khuâng
Nửa khuyết ghép vẹn tròn vầng trăng khuya

Kim Oanh

Ngẫu Thành 2 - 偶 成 - Nguyễn Trãi - 阮廌


       偶 成                                         Ngẫu Thành 2

世上黃梁一夢餘                   Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư,
覺來萬事總成虛                   Giác lai vạn sự tổng thành hư.
如今只愛山中住                   Như kim chỉ ái sơn trung trú,
結屋花邊讀舊書                   Kết ốc hoa biên độc cựu thư.
阮廌                                       Nguyễn Trãi
***
Dịch nghĩa:

Đời này cũng như một giấc mộng kê vàng mà thôi
Muôn việc khi nghĩ lại tất cả cũng không hề thực
Thế nên ngày hôm nay mới thích ở trong núi
Làm nhà cạnh vườn hoa và đọc những sách cũ xưa.

Dịch Thơ:
Chợt Viết Ra

Cuộc đời như giấc mộng trôi qua
Muôn việc gẫm suy ảo chính là
Nay núi tìm về theo ý thích
Dựng lều sách cũ đọc cùng hoa


Quên Đi
***
Chỉ Một Giấc Kê Vàng


Giấc mộng kê vàng mới thoáng qua,
Thành công, thất bại, ảo thôi mà.
Nay ta ở núi tùy duyên phận,
Sách cũ lều thơ đọc ngắm hoa!


Mai Xuân Thanh
***
Bất Chợt
Ngẫu Nhiên Ra Cớ Sự


Kê vàng một giấc mộng mông lung,
Mọi sự chung qui cũng số không.
Lên núi an nhiên mà tự tại,
Lều tranh đọc sách thưởng hoa hồng.


Mai Xuân Thanh
***
Ngẫu Nhiên Làm


Cuộc đời như giấc kê vàng thôi
Muôn sự hư không tỉnh mộng rồi.
Nay thích ở cùng rừng núi thẳm,
Bên hoa đọc sách dựng lều chơi.


Mailoc phỏng dịch
***
Chuyện Ngẫu Nhiên Mà Ra


Cuộc đời, rốt lại, giấc kê vàng;
Thức giấc, muôn điều thảy huyễn mang.
Vào núi, giờ đây, ta chỉ thích:
Dựng nhà, đọc sách cạnh hoa trang.


Danh Hữu dịch
***
Chuyện Ngẫu Nhiên


Cuộc đời như giấc mộng vừa trôi
Tỉnh giấc thực - hư chuyện đã rồi
Ẩn núi bây chừ ta chỉ thích
Dựng lều đọc sách ngắm hoa thôi!


Nguyễn Đắc Thắng
***
Ngẫu Nhiên


Cuộc đời chẳng khác giấc chiêm bao
Muôn sự xem ra có thực nào
Thích núi tìm về cho thỏa ý
Bên hoa đọc sách cạnh lều cao


Kim Phượng
***
Ngẫu Thành


Đời người như giấc kê vàng ấy,
Chợt tỉnh tay không muôn việc chưa.
Chỉ thích kết lều nơi núi thẵm,
Bên hoa ta đọc sách người xưa!


Đỗ Chiêu Đức

Nhớ Mông Lung - Xuân Diệu




Muôn nghìn thương nhớ tới bên tôi,
Tôi tới bên cây lẳng lặng ngồi.

Ánh sáng vấn vương chiều uể oải,
Sắt hè bông phượng rớt từng đôi.

Sắt hạ rung rinh bốn phía hè...
Hồn ai hiu hắt lá xanh tre?
Dịu dàng như có, như không có,
Biển ở xa xăm gởi gió về.

Hương ngây tội lỗi rải mơ màng
Da thịt du dương của những nàng
Tên tuổi mờ bay, thân chẳng định,
Mắt buồn đâu đã khép trong sương.

Có ai nhớ đến giữa lòng tôi
Phong cảnh trăm năm, buồn vạn đời.
Trong gió? Trong mây? Trong nắng ngả?
Từ đâu đưa lại tiếng chơi vơi!

Mà nhớ điều chi, hay nhớ ai?
Cũng không biết nữa. - Nhớ nhung hoài!
Những thời xa lắm, xưa, xưa quá,
Đến nỗi trong lòng sắc đã phai. 


Xuân Diệu
(Ân Nguyễn sưu tầm)

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Bài Thơ Tiễn Biệt Bạn Lê Kim Hiệp



Thắp nén nhang cho người nằm xuống
Khói đung đưa lay lắt chuyện cuộc đời
Bạn thân yêu ngủ yên trong đáy mộ
Chữ nghĩa buồn giờ thiếu vắng người thơ

Nhớ những đêm ngồi tâm sự đầy vơi
Những dòng thơ nửa chừng chưa kết thúc
Người đã đi về miền vĩnh cửu
Trang viết kia hiu hắt ánh trăng tà

Tôi lặng lẽ thắp nén nhang tiễn biệt
Khói chập chờn lãng đãng áng mây trôi
Tôi khóc bạn hay khóc tôi có lẽ?
Chữ nghĩa buồn giờ thiếu vắng người thơ

Bùi Ngọc Hiệp

Tặng Người Trong Tranh Nhị Kỳ


1
Tứ tuyệt lời thơ tặng bạn xưa
Cô nàng be bé chiếc răng thừa
Xuân thì hương thắm bao chàng luỵ
Ao ước được làm kẻ đón đưa
2
Yêu người hay mến áo bà ba
Hé nụ tầm xuân sắc mặn mà
Hàm tiếu mơ màng ai trộm ngắm
Bao người mến nhớ há riêng ta

Quên Đi

Biết Nói Gì Đây



Biết nói gì, em biết nói gì đây?
Điều cần nói, đã nói nhiều, nói hết
Lá xanh non cũng có ngày tàn chết
Em yêu anh, tình mãi mãi tròn đầy

Biết nói gì phải chăng là nỗi nhớ
Lời yêu thương, ngào ngọt tựa bài thơ
Không nói nữa em muốn nghe anh nói
Nói em nghe, anh hãy nói em nghe

Nói em nghe, lời dịu dàng êm ái
Anh nhìn em âu yếm cõi thiên thai
Mình bên nhau đâu cần biết ngày mai
Hãy khẻ nói yêu em nhiều, anh nhé

Nhớ nhung à, anh nhớ em lắm hả
Nếu cân đo, em chắc nhớ anh hơn
Ở kề cận mà sao còn thấy nhớ
Nếu phải xa, chắc khổ sở không ngờ

Nói yêu anh, nói nhiều lần, nhiều bận
Anh thích nghe, em sẽ vẫn nói hoài
Đến chừng nào anh thấy chán thì thôi
Lời yêu thương đâu dại gì chán nhỉ…

Như Nguyệt
2 tháng Tám, 2016

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Tiếng Mưa Ðêm - Đức Huy - Anh Tú

Tiếng mưa đêm dễ làm cho người ta cảm xúc, về những kỷ niệm, nhất là với người yêu nơi chốn xa, chỉ ước rằng em sẽ về để chúng ta cùng nhau đội mưa mà đi như năm nào còn bên nhau. Mưa còn rơi mãi thì nỗi nhớ càng dâng đầy.


Sáng Tác: Đức Huy
Ca Sĩ: Anh Tú
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Nhớ - Quên



Lâu rồi ta chẳng gặp nhau
Lâu rồi quên mất nỗi đau đôi bờ
Lâu rồi người có nhớ tôi
Lâu rồi – quên- nhớ- thì thôi cũng đành!
Tình như sợi chỉ mong manh
Tình như thuyền thúng chòng chành biển khơi
Thì thôi duyên nợ ai ơi!
Nhớ - quên- quên- nhớ bây giờ … như không

Ngoc Hải


Đôi Môi Cong




Sương đêm đọng trên làn mi chợt mát
Giọt lệ nào ngào ngạt vết son môi
Làn gió thổi cuộn tròn làn tóc rối
Anh nhớ em – nhớ suốt một cuộc đời.

Em vô tư gối mộng say sưa ngủ
Anh vào mơ đánh thức gọi em về
Em đứng lại ngả ba đường do dự
Bỏ cuộc tình đang rực lửa say mê.

Anh lạc lõng bên kia bờ vực thẫm
Thôi xa rồi bóng dáng một giai nhân
Thế là hết chia tay người say đắm
Bước cô đơn một kiếp sống phong trần.

Anh nhớ mãi đôi môi cong tím đỏ
Hơi thở thơm tho mật ngọt đậm đà
Anh chết lặng nếm từng đêm ngụm nhỏ
Nhưng bây giờ người cũ mãi đi xa.

Thôi nhé em - hãy ngủ say đừng thức
Để môi anh khẻ chạm mắt môi người !


Dương hồng Thủy

Tảo Hàn Giang Thượng Hữu Hoài 早寒江上有懷 - Mạnh Hạo Nhiên


早寒江上有懷

木落雁南渡,
北風江上寒。
我家襄水曲,
遙隔楚雲端。
鄉淚客中盡,
孤帆天際看。
迷津欲有問,
平海夕漫漫

***
Tảo Hàn Giang Thượng Hữu Hoài

Mộc lạc nhạn nam độ,
Bắc phong giao thượng hàn.
Ngã gia Tương thuỷ khúc,
Dao cách Sở vân đoan.
Hương lệ khách trung tận,
Cô phàm thiên tế khan.
Mê tân dục hữu vấn,
Bình hải tịch man man.

Mạnh Hạo Nhiên
***
Bài Dịch:
 Lá rừng đổ tiễn nhạn
Gió bấc lạnh sông dài
Chốn cũ còn không nhỉ
Ngàn trùng mây hỏi ai
Tha hưng dòng lệ cạn
Thấp thoáng cánh buồm xa
Mờ mịt đâu bờ bến
Biển đêm tối. Nhạt nhòa

08/01/2016

Phạm Khắc Trí


Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Nỗi Buồn Chim Sáo Sang Sông - Thơ Tiểu Vũ Vi - Nguyễn Minh Châu



Thơ Tiểu Vũ Vi 
Phổ Nhạc:Nguyễn Minh Châu
Tiếng Hát: Minh Nguyệt

Qua cầu Mỹ Thuận


             (Ảnh của Biện Công Danh)

Mời thầy ăn dĩa cơm tôm
Uống ly trà đá nghỉ chơn đợi đò
Mời cô mua giùm đi cô
Quít đường, cam mật, chuối khô, bánh phồng
Quán nghèo lồng lộng gió sông
Người qua Mỹ Thuận để lòng vấn vương
Cần Thơ xa mấy độ đường
Vĩnh Long, Sa Đéc một vườn trái ngon
Ai về đây buổi hoàng hôn
Nhìn bờ xanh tiếp bãi cồn xa xa
Mặt sông lồng bóng chiều tà
Một vùng mây nước hồng pha sắc trời
Ước gì đò cứ mãi trôi
Để ta theo nước một đời biển sông
Bây giờ cầu nối tây đông
Nối giùm đi những tấm lòng cách xa
Cầu dài mấy nhịp ai qua
Nhớ khi sáng sớm chiều tà sang sông
Trường giang một dãi mênh mông
Đò xưa đâu nhỉ hỡi dòng nước xuôi?

Khánh Hà

Một Luật Niêm Thú Vị

 

Độc Tiểu Thanh ký

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư, 
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư. 
Chi phấn hữu thần liên tử hậu, 
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư. 

Cổ kim hận sự thiên nan vấn, 
Phong vận kỳ oan ngã tự cư. 

Bất tri tam bách dư niên hậu, 
Thiên hạ hà nhân khấp tố như?
Nguyễn Du

Đây là bài thơ Đường Luật của Nguyễn Du được hậu thế biết nhiều nhất sau Truyện Kiều. Nhưng cũng là bài thơ gây tranh cải nhiều nhất.

Trước đây khá lâu, một trưởng bối là Linh Đàn còn đề nghị Bộ Giáo Dục đổi vị trí câu 1 và 2; cũng như cặp Thực và cặp Luận trong sách giáo khoa:

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ...

Như thế mới đúng niêm luật của thơ Đường Luật: (theo Newvietart.com)
Nguyễn Cảm Xuyên trong bài Tiểu Luận đăng trên Kiến Thức Ngày nay số 896 ngày 20/72015 có trích đoạn bài viết của GS Nguyễn Khắc: 
“...Bài thơ bị thất niêm do chữ thứ nhì của câu đầu là chữ “hồ” (vần bằng) không niêm với chữ thứ nhì câu 8 là chữ “hạ”(vần trắc); chữ thứ nhì câu 6 là chữ “vận” (vần trắc) không niêm với  chữ thứ nhì của câu 7 là “tri” (vần bằng) . Ngoài thất niêm, bài thơ lại thất luật: 6 câu đầu thuộc luật bằng, 2 câu cuối thuộc luật trắc(1). Việc thất niêm  thất luật này xảy ra với bài thơ chỉ do 2 câu cuối. Xem kĩ thì đây cũng không thuộc trường hợp do tác giả cố ý phá cách để tạo nét độc đáo trong nội dung..." 
Về việc này, Học giả Nguyễn Quảng Tuân viết: “...Có phải Nguyễn Du muốn “phá cách” chăng? Chúng tôi không cho là như vậy, vì các bài thơ “phá cách” đều được phá ngay từ câu mở đầu, chứ không có trường hợp nào sáu câu đầu làm theo luật bằng và hai câu cuối lại làm theo luật trắc.

Ý kiến được nhiều người ủng hộ nhất, là do chính Tác giả phá cách.
Riêng cá nhân tôi, không cùng quan điểm với bất cứ ý kiến nào bên trên, kể cả ý kiến cho rằng bài thơ do chính Tác giả phá cách.

Chúng ta cùng điểm lại các bài thơ Đường Luật của Ta cũng như Tàu có trước Nguyễn Du.
Ở Việt Nam, cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ  Nhân Tình Thế Thái thứ 21 có tên Dĩ Hoà Vi Quý:

Dĩ Hoà Vi Quý

Ở thế đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
Ðấy cậy đấy khôn, đây chẳng nhịn
Ðây rằng đây phải, đấy không thua 
Duật nọ hãy còn đua với bạng
Lươn kia hầu dễ kém chi cò 
Chữ rằng nhân dĩ hoà vi quý 
Vô sự thì hơn kẻo phải lo
Nguyễn Bỉnh Khiêm

Không như Nguyễn Du ở hai câu cuối, Trạng Trình nhà Ta không theo Niêm ở hai câu Thực.
Bây giờ chúng ta nhìn sang Tàu, ngược dòng thời gian, tìm đến những nhà thơ nổi tiếng thời Đường:

- "Thành Tây Pha Phiếm Chu" của Đỗ Phủ:
  Ở bài thơ này
 giống như bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thanh nga hạo xỉ tại lâu thuyền
Hoành địch đoản tiêu bi viễn phương
Xuân phong tự tín nha tường động
Trì nhật từ khan cẩm lãm khiên
Ngư xuy tế lãng dao ca phiến
Yến xúc phi hoa lạc vũ diên
Bất hữu tiểu chu năng đãng tương

Bách hồ na tống tửu như tuyền


- "Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài" của Lý Bạch :
Bài thơ này cũng như bài trên

Phượng hoàng đài thượng phượng hoàng du
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật

Trường an bất kiến sử nhân sầu

- "Chước Tửu Dữ Bùi Địch" của Vương Duy:
Riêng bài thơ này thì xem như toàn bài.

Chước tửu dữ quân quân tự khoan
Nhân tình phiên túc tự ba lan
Bạch thủ tương tri do án kiếm
Chu môn tiên đạt tiếu đàn quan
Thảo sắc toàn kinh tế vũ thấp
Hoa chi dục động xuân phong hàn
Thế sự phù vân hà túc vấn
Bất như cao ngọa thả gia san.
    


Qua 5 bài thơ của các thi nhân: Thi Hào Nguyễn Du, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thi Thánh Đỗ Phủ, Thi Tiên Lý Bạch và Thi Phật Vương Duy, 5 nhà thơ có thể nói nổi tiếng vào bậc nhất trong nền thi ca của Việt và Tàu, gợi cho chúng ta điều gì?
Chẳng lẽ cả 5 người đều thất niêm hay phá cách giống như nhau?
Hay còn một nguyên nhân nào khác, khiến các câu thơ không như Luật Niêm mọi người thường dùng ? 
Điều này thể hiện rõ nhất ở bài "Chước Tửu Dữ Bùi Địch" của Vương Duy.
Các câu 1; 3; 5; 7 có cùng Bằng Trắc hay nói chính xác hơn là Niêm với nhau.
Tương tự, các câu 2; 4; 6; 8 Niêm với nhau.
Qua nhận xét trên, chúng ta thấy các câu lẻ Niêm với lẻ. Các câu chẵn Niêm với chẵn.
Điều này hoàn toàn trái ngược với luật Niêm mà mọi người đều biết và sử dụng: 
- 1; 4; 5; 8 Niêm với nhau.  2; 3; 6 ;7 Niêm với nhau.

Riêng cá nhân tôi, thỉnh thoảng cũng có làm những bài thơ Đường Luật theo dạng này. Thí dụ như bài "Quê Xưa":

Quê Xưa

Đây con đường đất mảnh vườn xưa
Thấp thoáng xa xa mấy rặng dừa
Quê nghèo mái lá đìu hiu vắng
Xóm nhỏ lều tranh rải rác thưa
Cây rơm chỗ đó đêm trăng giỡn
Bến nước nơi này nghịch nắng trưa
Cảnh cũ còn vương trong ký ức
Tình quê thắm thiết nói sao vừa
Quên Đi

Kết Luận

Từ phân tích những bài Thơ Đường Luật ở trên, đã dẫn chúng ta đến một kết luận:
"Trong thơ Đường Luật trước đây đã tồn tại một luật Niêm thứ hai, nhưng ít được giới làm thơ ngày nay sử dụng (

tương tự như thơ Đường Luật gieo vần Trắc), cũng như ít thấy tài liệu nào nói đến.
- Luật Niêm thứ nhất : 1 - 4 ; 2 - 3 ; 5 - 8 ; 6 - 7 . Luật Niêm thông dụng.
- Luật Niêm thứ hai   : 1 - 3 ; 2 - 4 ; 5 - 7 ; 6 - 8 .
 Luật Niêm ngày nay ít thấy sử dụng
- Hoặc sự pha trộn giữa hai luật niêm trên.


Vì thế, tôi cho rằng bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký không hề sai luật cũng như không hề phá cách. Tác Giả đã sử dụng cả hai luật Niêm khi sáng tác bài thơ này. 

Bi đát hơn các bài thơ Đường Luật gieo vần Trắc, dạng luật Niêm này không được người làm thơ dùng, nên đã biến mất. Có lẽ thi hào Nguyễn Du là người cuối cùng sử dụng dạng này, khi "Độc Tiểu Thanh Ký" được ghi chép và lưu lại cho hậu thế.

Huỳnh Hữu  Đức

* Vườn Thơ Thẩn Xướng Họa theo dạng Thơ trên: