Tôi vừa đến chỗ làm, mấy đứa chạy đến báo tin:
- Thằng Anthony không đi làm mà cũng không phone…
- Có ai phone cho gia đình người thân nó chưa? Trong office có cuốn sổ danh sách staffs, cuốn màu xanh đó!
- Chỉ có số phone của nó thôi, không thấy nó bắt máy, đâu còn số phone nào khác.
- Kỳ vậy cà! Nó đâu phải là đứa như thế!
Tên đầy đủ của nó là Anthony James Cardinal, có người gọi tắt là A. J. Nhìn thoáng qua nước da trắng trẻo, và nếu không để ý cái last name “Cardinal” rất phổ biến của nhóm thổ dân phía bắc tiểu bang Alberta, không ai có thể biết nó mang hai dòng máu, nửa da trắng và một nửa “native” mà dân Việt tại Canada thường gọi là “dân da đỏ”, dù da của họ không hề đỏ. Chỗ làm của tôi thường có học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian vào cuối tuần hoặc mùa Hè. Ða số những đứa trẻ đó, không thiết tha gắn bó với công việc cho lắm, chúng coi như giai đoạn tạm bợ kiếm chút tiền xài vặt, nên có hứng thì làm, không hứng thì ở nhà chơi, nhất là mấy đứa da đỏ.
Ðất nước Canada thuở xa xưa thuộc về những bộ tộc da đỏ, rồi làn sóng di dân từ Châu Âu xâm nhập khai phá, nên dân da đỏ phải kéo nhau về sống tập trung nơi những vùng cực bắc của Canada, gọi là territories, và rải rác ở các nơi khác. Vì vậy, chính phủ Canada đã có chương trình ưu ái đặc biệt bù đắp cho cộng đồng người da đỏ nên nhiều người thường ỷ lại, chẳng chịu làm lụng, mà ở nhà hưởng tiền trợ cấp ung dung nhàn rỗi, thậm chí có khi còn be bét rượu chè, trở thành những người lang thang, homeless. Nói vậy là “vơ đũa cả nắm” vì vẫn còn những người da đỏ siêng năng đi làm, học hành tiến thân hoặc ít ra cũng có cuộc sống tự lực, không lạm dụng các chương trình phúc lợi xã hội của chính phủ.
Anthony là một trong số đó, vừa học xong trung học là vào làm full time. Nó làm việc chăm chỉ, có trách nhiệm, thân thiện hoà nhã, sẵn sàng giúp đỡ mọi người nên ai cũng yêu mến. Dáng người cao ráo, mái tóc màu nâu mềm mại bồng bềnh, và khuôn mặt điển trai, chỉ có đôi mắt hơi buồn. Nó rất lịch sự như một gentleman, câu nói nào cũng có “please” với “thank you” liên tục, với giọng nói nhỏ nhẹ, có đôi khi tôi không nghe rõ, nó còn chịu khó cúi nghiêng người, nói vào tai tôi chậm rãi từng chữ.
Anthony vào làm được vài tuần tôi mới biết khu chung cư của nó cùng trên con đường về nhà tôi, nên tiện đường tôi đưa nó về. Còn lúc đi làm thì nó vẫn đón xe bus vì nó làm sớm hơn tôi.
Trên xe, tôi hỏi han chuyện trò, mới biết thêm về gia đình nó. Ba nó da đỏ, mẹ nó da trắng, hai người sinh được nó và thằng em trai, đến năm nó mười tuổi thì ba mẹ nó chia tay, nó ở với ba, còn mẹ nó mang thằng em đi tiểu bang khác.
Rồi ba nó tái hôn với một người phụ nữ da đỏ, sanh thêm đứa em gái mà nó đang ở chung nhà. Còn mẹ nó sau vài năm thì biệt tăm tích, vì nghiện rượu và “depression” nên đã giao thằng em của nó cho một gia đình khác làm con nuôi. Nó bảo, nó rất nhớ mẹ và em, nhưng chẳng biết làm cách nào để tìm được.
Từ đó, tôi càng thương nó nhiều hơn. Thỉnh thoảng tôi làm cơm chiên, chả giò, mang đến chỗ làm cho nó ăn. Mà đâu chỉ riêng tôi, vài người khác trong shift làm cũng thường mang đồ ăn cho nó vì thương cá tính và hoàn cảnh của nó.
Bởi vậy ai cũng lo lắng khi nó không đi làm mà không biết lý do, chị Ruth người da đen nói với tôi:
- Hay là tối nay tan ca, tụi mình đến nhà nó. Em thường chở nó về nên biết nhà, đúng không?
- Tôi chỉ thả nó xuống đầu ngõ, trong đó có 4-5 chung cư, ai biết nó ở chỗ nào!
Mấy ngày sau, Anthony đi làm trở lại, mọi người mừng rỡ hỏi han. Nó kể, bữa đó nó bị đau nhói ở ngực rồi gần như ngất đi, bất tỉnh. Sau đó vào bệnh viện nằm cấp cứu chẳng biết gì. Bác sĩ phát hiện một khối u gần lồng ngực, nhưng ở vị trí khó lấy biopsy nên sẽ phải mổ mới biết khối u lành hay ác tính.
Thấy cả nhóm hoang mang lo sợ, nó trấn an:
- Mọi người đừng lo, vị bác sĩ chuyên khoa có nói rằng, đa số các bướu trong trường hợp này đều là lành tính, chỉ có 1% là ác tính thôi, xin mọi người cùng cầu nguyện cho con.
Ðêm đó trên đường đưa nó về, nó tâm sự riêng với tôi, hôm ấy là buổi làm cuối, vì ca mổ sẽ tiến hành trước lễ Giáng Sinh một tuần, nhân dịp này, nó sẽ xin nghỉ thêm vài tháng hoặc có thể dài hơn nữa. Nó sẽ đi về tiểu bang Manitoba nơi ông bà ngoại và các cậu, các dì nó đang sinh sống tại một town nhỏ vùng ngoại ô, vừa để dưỡng bệnh và để truy tìm mẹ và đứa em trai mà nó rất nhớ mong.
Nhìn đôi mắt nó buồn buồn, giọng nói đã nhỏ nay như có gì nghẹn lại, nghe câu được câu mất, nhưng tôi vẫn cảm nhận được nỗi lòng của nó. Tôi cũng buồn:
- Mọi người sẽ rất nhớ con mùa Giáng Sinh này đấy!
Nhớ hồi Giáng Sinh năm ngoái, nhóm ca tối chúng tôi có tiệc potluck tại chỗ làm như mọi năm. Anthony khệ nệ ôm một nồi slow-cooking nóng hổi và một khay bánh bannock (đọc là ba-nek) đến chung vui với khuôn mặt tự hào rạng rỡ. Nó giới thiệu bannock là món bánh truyền thống của dân da đỏ, bánh rất đơn sơ làm bằng bột mì, vo viên từng miếng, ấn cho dẹp rồi chiên áp chảo, nhưng là món không thể thiếu trong các dịp lễ lạc, cưới hỏi của những giống dân thiểu số tại Canada.
Rồi đến cái nồi “elk stew” đang bốc khói ngào ngạt. Nó bảo, đó là thành quả của ba nó trong một đêm đi săn được một con elk (một loại nai rừng). Nó đã phụ giúp ba lóc, ướp thịt, và cả đêm hầm món stew có một không hai này của bữa potluck. Ai cũng xúm vào thử món “elk stew” hấp dẫn và lạ miệng, chẳng đoái hoài đến món mì xào và chả giò của tôi đang ế ẩm. Và chính Anthony chứ không phải ai khác, đã khéo léo ăn một dĩa thật đầy với hai món của tôi, và còn xin thêm một dĩa mang về, dễ thương hết sức.
Có lúc tôi ngắm nhìn nó rồi tự hỏi, vẻ lịch thiệp, nhẹ nhàng ngọt ngào đó từ đâu ra? Vì mẹ nó là một dân da trắng nghiện rượu, sống u ám không có ngày mai. Còn ba nó là một đàn ông da đỏ điển hình, hoang dã, vô tư lự, thoải mái đến bất cần (tôi có gặp vài lần khi ông ta đến đón Anthony). Niềm đam mê của ba nó là các loại súng săn, là chiếc xe truck bụi bặm, lái vào bìa rừng khu vực ngoại ô thành phố Edmonton săn bắn thú rừng suốt bốn mùa, rồi đem về nhà chế biến nhâm nhi với rượu, bia trong khi xem các trận đấu hockey trên tivi. Nào phải nó sinh ra trong một gia đình nề nếp, cao sang, nên tính cách của nó như một bông hoa tự nhiên giữa vùng đầm lầy. Hay là nó thừa hưởng từ ông bà nội, ngoại mà tôi chưa có dịp tìm hiểu thì đã đến ngày nói lời chia tay.
Ðến ngõ nhà nó, tôi dừng xe lại, chẳng biết nói gì nữa vì đã nói hết tâm tư suốt chặng đường. Tôi mở lock xe và nói:
- Good luck and see you again someday?!
Nó bước ra khỏi xe, rồi cúi xuống bên cửa xe, vẫy tay chào tôi với nụ cười như mọi khi:
- Thank you for everything. Merry Christmas!
Tôi gật đầu, nhìn theo dáng cao gầy của nó bước đi trong màn đêm. Trời tháng Mười Hai lạnh buốt, hôm ấy tuyết không rơi, nhưng những cụm tuyết chưa tan hết của những ngày đông còn đầy ắp, rải rác hai bên vỉa hè nhấp nhô dưới bóng đèn đường che khuất bóng của nó nhỏ dần trong phố hẹp.
Tự dưng nước mắt tôi bỗng trào ra vì thương nó sắp lên bàn mổ với nỗi cô đơn vắng bàn tay mẹ ruột ôm ấp (nó chỉ mới 19 tuổi thôi mà), nhưng lòng tôi cũng ấm áp vì biết rằng nó sẽ được trở về với tình thân bên ngoại, sẽ tìm ra dấu vết của mẹ và đứa em trai thân yêu .
Giáng Sinh này chắc sẽ vui, nhé Anthony!
Kim Loan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét