Nền Âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX là một nền âm
nhạc không cân đối. Nó rất mạnh về hoạt động ca khúc phổ thông nhưng rất yếu về
hoạt động khí nhạc và ca khúc nghệ thuật.
Trong thực tế, cả hai thể loại này đều cần
thiết. Một loại nhắm đến việc phục vụ những nhu cầu hàng ngày, còn một loại
nhắm đến việc nâng cao và cách tân nghệ thuật.
Âm Nhạc Phổ Thông (Popular Music) Là Gì?
Đó là tên gọi của các ca khúc mà chúng ta
hát, chúng ta nghe hàng ngày. Là loại âm nhạc không đòi hỏi người sáng tác phải
nỗ lực đưa ra những phát kiến mới về kỹ thuật và mỹ thuật âm nhạc. Trong nhạc
phổ thông, người sáng tác có thể thoải mái sử dụng những yếu tố kỹ thuật và mỹ
thuật âm nhạc sẵn có từ trước và được quần chúng yêu thích. Xét về bản chất, âm
nhạc phổ thông cũng giống như văn chương phổ thông, chủ yếu nhắm đến những mục
đích mang tính xã hội, chính trị hoặc thương mại thay vì nhắm đến mục đích
thuần túy nghệ thuật. Khi nghe một bản nhạc phổ thông, đọc một bài thơ bình
dân, một tiểu thuyết phổ thông hay xem một bức tranh bình dân thì người nghe,
người đọc hoặc người xem không cần phải được trang bị vững vàng về vốn liếng
kiến thức, cũng không cần phải vận dụng trí năng để hiểu và cảm thụ tác phẩm.
Nói tóm lại, một tác phẩm phổ thông, dù là nhạc, văn, thơ hay họa, cũng đều là
việc sử dụng những công thức, những nguyên tắc sẵn có. Do đó, nó dễ hiểu và dễ
cảm thụ. Hay nói cách khác, nó dễ sáng tác và dễ tiêu thụ.
Âm Nhạc Nghệ Thuật (Art Music) Là Gì?
Là tên gọi chung của các tác phẩm giao
hưởng, concerto, những bài độc tấu, song tấu, tam tấu, hợp xướng… dành để biểu
diễn cho các loại nhạc cụ như guitar, piano, violon…
Một tác phẩm âm nhạc nghệ thuật đích thực
thì đầy tính sáng tạo, mới lạ và khó khăn. Âm nhạc nghệ thuật là một thử thách
to lớn về nhiều phương diện đối với người sáng tác lẫn người nghe. Nó đòi hỏi
nơi khán thính giả sự tập trung lắng nghe; đồng thời, cũng phải có kiến thức về
âm nhạc, bao gồm cả ký âm pháp.
Hiện tượng ca khúc phổ thông đầu tiên xuất
hiện ở nước ta vào những năm 1930 với một số ca khúc mới được sáng tác và ghi
lại theo ký âm pháp Tây phương. Trong những ngày đầu, hầu hết những người sáng
tác ca khúc đều tự học hoặc chỉ có trình độ nhạc học căn bản. Các tác phẩm của
họ chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa lãng mạn Pháp cuối mùa về lời ca và
không khí phòng trà bên trời Tây về âm nhạc. Rồi các nhạc sĩ có thể pha thêm
vào tác phẩm của họ một chút thang âm ngũ-cung bình-quân-luật trong giai điệu
và ít nhiều tính cách dân tộc chủ nghĩa trong lời ca. Nhưng đối nghịch với
những đặc trưng của dân ca cổ truyền, đặc trưng của ca khúc phổ thông Việt Nam
là việc các nhạc sĩ ấy đã sử dụng các yếu tố nhạc tính Tây phương trong hòa âm,
trong thang-âm bình-quân-luật, trong bố cục theo dạng A-B-A, trong việc sử dụng
nhóm nhạc nhẹ để đệm cho giọng hát và trong việc xây dựng tiết tấu trên sườn
của các điệu khiêu vũ phổ thông như tango, cha cha cha, rumba, slow…
Trong giai đoạn này, có thể những nhạc sĩ
đầu tiên của nền Tân nhạc không nhắm vào mục đích thương mại. Nhưng do vốn
liếng âm nhạc của họ bị hạn chế, nên giá trị tác phẩm của họ chỉ ngang với,
hoặc kém hơn các các ca khúc phổ thông ở Tây phương thời bấy giờ. Qua một giai
đoạn tình ca, ca khúc phổ thông được sử dụng để tác động vào tinh thần kháng
chiến chống thực dân, đế quốc. Sau thời kỳ đó, nó lại quay về với những cảm
nghĩ bình thường, trở thành một món giải trí hàng ngày cũng như đã nhanh chóng
trở thành một hiện tượng giống hệt như hiện tượng ca khúc thương mại ở Tây
phương và đạt đến đỉnh điểm trong hậu bán thế kỷ XX.
Như thế, sự ra đời của ca khúc phổ thông
chính là sự ra đời của nền Tân nhạc Việt Nam. Ngay từ đầu, nó đã nhanh chóng
nắm vai trò thống lĩnh trong hoạt động âm nhạc ở nước ta và vẫn còn giữ vị trí
ấy cho đến ngày nay. Quả thực, khán thính giả Việt Nam đã bị choáng ngợp bởi
hiện tượng này đến độ, đối với đại đa số người, khái niệm “âm nhạc” hoàn toàn
đồng nghĩa với khái niệm “ca khúc phổ thông”. “Nhạc” chỉ còn có nghĩa là “bài
hát”.
Nếu xét trên ba phương diện: tổng thể âm
thanh, thái độ trình diễn, thưởng ngoạn và ý niệm về vai trò của âm nhạc, ta có
thể thấy những điều sau đây:
- Về tổng thể âm thanh, ngay từ đầu ca khúc
phổ thông đã mang nặng vẻ Âu hóa. Và đến nay, gần như hoàn toàn Âu hóa, chỉ còn
mơ hồ những nét giả-Đông-phương trong những thang âm ngũ-cung bình-quân-luật.
- Thái độ trình diễn và thưởng ngoạn cũng
bị Âu hóa ở mức độ đó! Việc kết hợp ca khúc với ban nhạc nhẹ và sinh hoạt khiêu
vũ là một bằng chứng rõ ràng. Ca khúc phổ thông cũng mang một ý niệm về vai trò
của âm nhạc: hầu như hoàn toàn xa rời với truyền thống ca hát dân gian ngày
xưa. Trong khi truyền thống ca hát dân gian bao gồm những bài hát trong lao
động, hát ru con, hát lễ bái, hát giao duyên… thì ca khúc phổ thông hôm nay chỉ
chủ yếu là sinh hoạt giải trí và mang tính tiêu dùng.
Khi nghe ca khúc phổ thông, hầu hết đa số
chúng ta không “lắng nghe” phần nhạc mà chủ yếu là theo dõi bằng lời. Về phần
nhạc, khán thính giả chỉ nghe một cách dễ dãi, nhàn tản. Hơn nữa, do không có
kiến thức âm nhạc nên không nhận ra hay không quan tâm đến tính cách Âu hóa
nặng nề của phần nhạc.
Trong khi đó, ngay từ đầu người viết ca
khúc phổ thông cũng không nhắm đến việc tạo nên những tác phẩm âm nhạc nghệ
thuật, một loại âm nhạc đòi hỏi nơi khán giả sự tập trung lắng nghe và phải có
kiến thức về âm nhạc. Thực tế cho thấy, một số ca khúc được viết với chủ ý
nghiêm túc về nghệ thuật âm nhạc và giá trị văn học trong ca từ đã không thể
trở thành phổ thông. Để tác phẩm được phổ thông, tác giả chỉ cần nhắm tới việc
sáng tác ra những lời hát chuyên chở những tâm tình mà khán thính giả muốn và
dễ dàng thu nhận. Những bài hát này, tốt nhất nên được đặt vào những mô thức
giai điệu đơn giản và dễ nhớ. Chính điều này, đã đẩy phần âm nhạc trong ca khúc
phổ thông xuống hàng thứ yếu.
Đối với các nhạc sĩ viết ca khúc nghệ thuật,
phần nhạc đệm đóng vai trò rất quan trọng. Trong khi đó, các nhạc sĩ viết ca
khúc phổ thông hầu như không bao giờ có ý niệm gì về nhạc đệm. Để rồi khi hát
lên, người hát thường chỉ hát trên nền nhạc ứng diễn của ban nhạc nhẹ, hoặc nền nhạc được phối khí, mà
người phối khí thường không phải là tác giả. Bản phối khí ấy thường rập khuôn
theo các công thức thịnh hành và hầu như lệ thuộc hoàn toàn theo thẩm mỹ chủ
quan của người phối khí, thậm chí trái ngược với quan điểm mỹ học của tác giả.
Nói cách khác, mỗi ca khúc có thể được trình diễn trên vô số nền nhạc khác
nhau, thậm chí hoàn toàn tương phản nhau trên nhiều phương diện.
Thực tế cho thấy, phần lời quan trọng đến
độ có nhiều nhạc sĩ đã phân loại ca khúc của chính mình căn cứ theo chủ đề của
phần lời chứ không phải theo cấu trúc của phần nhạc. Tất nhiên, nếu chỉ căn cứ
theo phần nhạc, chúng ta sẽ thấy giữa các “thể loại” ca khúc của họ không có sự
dị biệt nào đáng lưu ý trong âm nhạc. Sự đối nghịch giữa phần ý và phần lời
trong ca khúc phổ thông Việt Nam đã có từ lâu, nhưng do phần lớn khán thính giả
Việt Nam chỉ tập trung chú ý vào phần lời nên không nhận ra sự đối nghịch này!
Hơn nữa, không chỉ khán thính giả, mà phần lớn các nhạc sĩ sáng tác ca khúc
cũng chỉ chủ yếu tập trung vào phần lời. Phần nhạc chủ yếu chỉ được dùng như
phương tiện để chuyên chở phần lời.
Sự quan trọng của phần lời còn dẫn đến một
số hiện tượng đáng lưu ý. Một là, xảy ra hiện tương bình luận ca khúc như bình
thơ; trong đó, người bình luận chỉ hoàn toàn bàn về phần lời và gạt bỏ phần
nhạc, hay cùng lắm là phát biểu vài ý nghĩ đầy cảm tính và hoàn toàn phi nhạc
học. Hai là, hiện tượng xuất bản những tuyển tập lời ca thuần túy không có dòng
nhạc. Và ba là, hiện tượng lời ca tạo ảnh hưởng đến văn học. Qua đó, chúng ta
có thể thấyrất nhiều tác phẩm thơ và văn chương trích dẫn hay vay mượn lời ca. Tuy
nhiên, cho dù lời ca đóng vai trò quan trọng như thế nào, giá trị văn học của
lời ca thường kém hẳn về phẩm chất nghệ thuật nếu so với thơ. Tính cách hấp dẫn
của lời ca đối với quần chúng không chủ yếu nằm trong nghệ thuật, tạo nên cái
mới lạ như thơ mà ngược lại, nằm trong sự truyền cảm trực tiếp qua trung gian
cái quen thuộc và đầy khuôn sáo của lời ca cộng với sự hỗ trợ của những giai
điệu dễ nhớ. Điều này, có thể giúp chúng ta hiểu tại sao một dân tộc có truyền
thống thơ lâu dài như Việt Nam,
đến hôm nay lại bị quyến rũ bởi lời ca phổ thông hơn là thơ. Chính cái quen
thuộc và đầy khuôn sáo mới là cái chuyên chở những cảm nghĩ gần gũi nhất đối
với con người bình thường. Do đó, họ yêu và cần chúng! Thế nhưng, không nhất
thiết ai cũng yêu ca khúc phổ thông chủ yếu vì phần lời. Ta có thể nhìn thấy
những con người không cần lưu ý đến cả phần lời, mà chỉ cần một thứ âm thanh và
vài ngôn từ nào đó, nhẹ nhàng hay kích động để được thoải mái mơ màng hay
chuyển động gân bắp theo điệu khiêu vũ.
Được xem là một loại hình chủ đạo ở Việt Nam,
ca khúc phổ thông đã có những thành tựu đáng kể. Trong đó, thành tựu đầu tiên
là thành tựu về phương diện âm nhạc. Nhờ sự ra đời của nó, chúng ta mới có ý
niệm về nhạc sĩ (composer). Trước đây, âm nhạc cổ truyền Việt Nam tồn tại chủ yếu nhờ truyền khẩu,
bởi ký âm pháp quá thô sơ nên không thể ghi chép chính xác âm nhạc. Do không
ghi âm lại cũng như không chép xuống giấy được, nên chúng ta vừa không có nhạc
sĩ, vừa phải chịu nạn thất truyền. Cả những sườn giai điệu đơn giản cũng phải
bị mất mát hết vì ký ức con người có hạn!
Nhưng dẫu sao, việc thu nhận ký âm pháp Tây
phương để sáng tác ca khúc phổ thông cũng là một bước tiến quan trọng, tạo tiền
đề cho ý thức sáng tạo âm nhạc và là nhịp cầu để chúng ta hiểu biết âm nhạc thế
giới, để những yếu tố văn hóa đặc thù Việt Nam không hiện trên bề mặt nông cạn theo
kiểu bày hàng quảng cáo mà tiềm ẩn bên dưới những cấu trúc hình tượng, ý tưởng
hết sức phức tạp và trừu tượng. Đó là những tác phẩm nghệ thuật đương đại mang
tính quốc tế, nghệ thuật của “một” thế giới “đa” văn hóa. Trong đó, tính cách
Việt Nam
đan quyện vào những tính cách khác một cách hết sức tinh tế và sinh động. Chúng
ta cũng nhất định phải biết ơn những nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên đã mạnh dạn bước ra
khỏi nền Âm nhạc Dân tộc Cổ truyền để bước vào nền Tân nhạc.
Tín Đức