Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

Màu Nắng Lạ - Lời Nhật Hạ - Nhạc Huỳnh Thái Bình - Tiếng Hát Minh Châu


Lời: Nhật Hạ
Nhạc: Huỳnh Thái Bình
Nhạc Đệm: Đinh Sinh Long
Tiếng Hát: Minh Châu
Thực Hiện: Đặng Hùng

Điệp Khúc Thu Về



Nhớ một mùa Thu đẹp lạ thường
Mây chiều trải lụa nắng tơ vương
Chim Hoàng Oanh hót trong tàng biếc
Bẽn lẽn kìa ai má ửng hường

Em của lòng tôi để ý thương
Nét thon liễu yếu, vóc băng sương
Màu chanh áo lụa vàng như bướm
Hoàng Cúc bên nàng cũng tỏa hương

Muốn cùng ai dệt mộng uyên ương
Đứng trước bệnh " tư" một chữ "tương"
Nắn nót tình thư chưa dám gửi
Mòn con mắt đợi trước sân trường

Ánh mắt tình trao chuyện thế thường
Mưa dầm thấm đất, kết yêu đương
Tuổi bình minh dệt trời Thu mộng
Lòng Trúc hồn Mai ngập ánh dương

Nhập ngũ anh đi, giã phố phường
Hậu phương "bé" giữ vẹn yêu thương
Bốn vùng chiến thuật rày đây đó
Đời lính xông pha chốn chiến trường

Đất nước vận đen, bỗng nhiễu nhương
Binh đao lửa dậy ngút muôn phương
Bể dâu ly tán... sao tàn nhẫn?
Tím ruột xa lìa mẹ Việt thương!

Cắt nửa vầng trăng, chia dặm trường
Nửa nơi đất khách, nửa quê hương
Mênh mang sầu chất đời lưu xứ
Điệp Khúc Thu Về...thêm vấn vương!

Duy Anh

Mùa Thu Thì Thầm

 
 Photoshop by le tuan


Em đứng trong vườn ngắm lá thu

Hây hây má đỏ, thoáng hương tình

Gió thu mơn trớn bên viền áo

Mà ngỡ tay ai chạm bóng mình.

 

Gió thu nhắc khẽ em xinh quá

Có kẻ đang nhìn ở phía xa

Nơi ấy mù sương che bóng lạ

Người buồn lặng lẽ ngắm chiều tà.

 

Bên cổng thềm hoa hương ngọc lan

Môi thơm, mắt biếc, sương vừa tan

Gió thu vàng lá bàn tay ngọc

Vuốt nhẹ bờ vai, lời hỏi han.

 

Có một loài hoa mới rụng cành

Trong vườn vàng úa cỏ non xanh

Mà lòng ướt át như rơi lệ

Cho dáng hao gầy phận mong manh.

 

Đôi lúc thu buồn đến ngẩn ngơ

Ôm lòng thương nhớ tình bơ vơ

Hơi sương lành lạnh luồn theo gió

Đời vắng tình riêng chút hững hờ.

 

Lê Tuấn


Kỷ Niệm Xưa Ngày Tháng Trôi Qua, Biết Bao Giờ Quên!

Các Thầy Cũ Y Khoa Sài Gòn

Giáo Sư: Nguyễn Hữu & Bùi Duy Tâm
Giáo Sư: Trần Vỹ & Bùi Duy Tâm

Giáo Sư: Vũ Thị Thoa & Bùi Duy Tâm 

Giáo Sư: Trần Ngọc Ninh & Bùi Duy Tâm

Tổng Trưởng GS.Lê Minh Trí, Viện Trưởng GS.Trần Anh, Prof. Hoover
3 vị Giáo Sư Khoa Trưởng: Đào Hữu Anh, Bùi Duy Tâm, Vũ Quý Đài,
Giáo Sư Hoàng Tiến Bảo (ông Thầy được sinh viên yêu quý nhất)

Họp mặt các Thầy Y Khoa Saigon sau 30/4/1075 (tả tơi hoa lá!)
Bó thân về với.....Hàng thần lơ láo...Phận mình ra sao...(tù cải tạo, vượt biên,...)
Từ phải: GS.Phạm Biểu Tâm (hàng đầu), GS. Ngô Gia Hy (hàng 2), GS. Nguyễn Ngọc Kính (hàng 3)


Hình Ảnh: Bùi Duy Tâm

Đầu Thu



Bạch dương sắc úa đã phơi bày
Một chút hơi thu điểm đó đây
Nắng hạ còn vương trên mái tóc
Cánh diều vẫn lượn giữa từng mây
Chim muông xào xạc khua cành lá
Ong bướm la đà lướt cỏ cây
Đồi núi chờ mong thay áo mới
Gió ngàn rục rịch chuyển heo may

Thanh Hòa

Tống Linh Triệt* Thượng Nhân 送靈澈上人 - Lưu Trường Khanh

 

送靈澈上人Tống Linh Triệt* Thượng Nhân 

Lưu Trường Khanh 劉長卿  Liú Cháng Qīng

(Thân tặng ÔC và nhóm LTCD 21)

* Linh Triệt 靈澈 (746-816) là một nhà sư rất lỗi lạc thời Đường, hiệu là Nguyên Trừng, tên tục Tính Thang, quê ở Hội Kê (nay là Thiệu Hưng, Chiết Giang). Ông xuất gia ở chùa Vân Môn, Hội Kê lúc nhỏ và tu ở chùa Trúc Lâm,

Nhuận Châu, nay là Trấn Giang, Giang Tô. Tuy tiếp thu Phật học, ông chăm chỉ đọc sách, có năng khiếu thi văn. Vào cuối thời Kiên Trung, ông sống ở Ngô Hưng Hà Sơn, du giảng và ngao du với hai nhà sư và cũng là nhà thơ: Linh Nhất 靈一 và Kiểu Nhiên 皎然. Các ông thường xướng họa thơ với nhau. 

Trở lại phía nam, đến Lư Sơn, và sau đó là Việt Châu. Ông xướng họa thơ với Lưu Trường Khanh, Hoàng Phủ Tằng... Vào năm Đức Tông Hưng Nguyên đầu tiên (784), Kiểu Nhiên đã viết một cuốn sách cho Bao Cát và Lý Thư, hai nhà lãnh đạo của giới văn học đương thời, và bài thơ của ông đã được đánh giá cao.

Vào thời điểm đó, các nhà thơ như: Kiểu Nhiên, Lưu Trường Khanh, Quyền Đức Dư, Liễu Tông Nguyên, Lưu Vũ Tích, Lữ Ôn Đẳng, đều có giao du với ông. 

Vào năm Trấn Nguyên thứ sáu (790), ông lại đến Trường An, nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Vào cuối năm Trấn Nguyên, Lưu Ngữ làm Trung Quý tức giận, ông bị vu cáo oan, nên bị chuyển đến Đinh Châu, và sau đó được ân xá về Đông Ngô. Đầu năm Nguyên Hòa, ông thăm lại Giang Tây, sau đó đến

Giản Châu, Hồ Châu. Vào năm Nguyên Hà thứ 4 (809), ông sống ở Sơn Đông

Lâm chùa Lộc Sơn và trở về Giang Tây. Cuối cùng Ông đuợc mời đến chùa Khai Nguyên ở Huyền Châu và mất tại đây năm Nguyên Hòa thứ 11 (816).

Ông làm khoảng 2.000 bài thơ, trong đó 300 bài đã được các đệ tử tổng hợp lại thành 10 tập Linh Triệt Thi Tập灵澈诗集. Ngoài ra thơ của Ông còn được sưu tầm trong 50 năm từ Đại Lý đến Nguyên Hòa để hát thưởng cho dân chúng, và được biên soạn thành 10 tập Thù Xướng Tập 酬唱集. Ông giỏi về Luật Học, và là tác giả của 21 tập Luật Tông Dẫn Nguyên 律宗引源. Nhưng tất cả đều bị thất lạc, không có tập nào tồn tại cho đến ngày nay. Toàn Đường Thi  全唐詩 còn giữ được 16 bài thơ của ông và một số đoạn viết. 

Nguyên Tác    Phiên Âm:

送靈澈上人 Tống Linh Triệt Thượng Nhân
蒼蒼竹林寺 Thương thương Trúc Lâm tự
杳杳鐘聲晚 Yểu yểu chung thanh vãn
荷笠帶斜陽 Hà lạp đới tà dương
青山獨歸遠 Thanh sơn độc quy viễn

Ghi chú:  

Thượng nhân: người có đạo đức cao; người bên trong có đạo đức và trí tuệ, bên ngoài có đức hạnh; con cháu gọi cha mẹ hoặc ông bà. 
Thương thương: màu xanh đậm
- Trúc Lâm Tự: chùa ở Nhuận Châu, nay là Trấn Giang, Giang Tô. Nay có chùa
Trúc Lâm trên núi Thái Sơn ở Yên Đài, Sơn Đông; và chùa Trúc Lâm ở Vũ Hán, Hồ Bắc 
- Yểu yểu: mờ nhạt, mông lung, xa cách
- Hà lạp: nón làm bằng lá sen, có vành rộng
- Tà dương: phía tây của ngọn núi, buổi chiều tà
- Thanh sơn: núi xanh, nơi ẩn cư; tên núi Thanh Sơn/Thanh Linh Sơn, ngày nay ở đông nam Đang Đồ, An Huy.
Sư Linh Triệt ở chùa Trúc Lâm đến thăm thi nhân Lưu Trường Khanh. Chùa ở khá xa nên chỉ nhìn thấy màu xanh thăm thẳm và tiếng chuông vọng lại từ xa.
Khi sư ra về trời về chiều nắng đã dịu, nhưng vẫn còn chiếu trên chiếc mũ rộng vành. Khung cảnh cô tịch, sư đi một mình về núi xanh.

Dịch Nghĩa:  

Tiễn Sư Linh Triệt 

Chùa Trúc Lâm trong đám cây xanh xanh rậm rạp
Chuông chiều nghe văng vẳng từ xa thẳm
Chiếc nón lá vành to nhuộm ánh nắng xế
Một mình về núi xanh xa xôi. 

Dịch Thơ:  
Tiễn Sư Linh Triệt

Chùa Trúc Lâm xanh rậm 
Hồi chuông vọng thật xa 
Một mình về núi vắng.
Vành nón hứng nắng tà.
Thể thất ngôn
Vùng Trúc Lâm cỏ cây xanh thẳm
Chuông chùa văng vẳng thoảng dư âm
Nắng chiều đổ xéo trên vành nón
Núi xanh đơn độc bước âm thầm.

On Parting With Buddhist Master Ling Che by Liu Chang Qing

The Bamboo Forest Temple looked dark dark green,
From far away resounded the late afternoon temple bell.
The broad rim hat carried the light setting sunshine,
Alone he returned to the blue mountain, his retreat.

On Parting With The Buddhist Pilgrim Ling Che by Liu Changqing

From the temple, deep in its tender bamboos,
Comes the low sound of an evening bell,
While the hat of a pilgrim carries the sunset
Farther and farther down the green mountain. 300 Tang Poems

On Parting with the Buddhist Master Ling Che by Liu Changqing 

O green, so green: your Bamboo Forest Temple,
From afar, come faintly: its bell’s evening tolls.
Broad hat on your back, while the sun is yet to set,
Alone you return to your distant green hills abode.
Translated by Andrew W.F. Wong  (Huang Hongfa)    譯者: 黃宏發

Phí Minh Tâm biên soạn

***

Tiễn Thiền Sư Linh Triệt  

Chùa Trúc Lâm thanh thoát,
Chuông xa nghe mong manh,
Mũ loe che nắng tắt,
Đơn côi về núi xanh.

Con Cò. 

***

Tống Linh Triệt Thượng Nhân

Thương thương Trúc Lâm tự,
Yểu yểu chung thanh vãn,
Hà lạp đới tà dương,
Thanh sơn độc quy viễn.

Bài này không nhiều chữ khó:

- Thương thương là mầu xanh đậm của cỏ, viết với bộ thảo.
- Yểu yểu là sâu xa, thăm thẳm, dịch là văng vẳng cũng được.
- Đới, hay Đái, là mang theo.
- Hà là sen, lá sen.
- Lạp là cái nón rộng vành (không phải mũ)

Bài thơ rất giản dị, dễ hiểu, đọc xong ta tưởng tượng ra cảnh một nhà sư (Linh Triệt) tới thăm bạn là Lưu Trường Khanh. Khi Lưu tiễn khách là lúc trời đã về chiều, nhưng còn chút nắng (tà dương) … Chùa Trúc Lâm xanh xanh. Chùa xanh vì đã cũ, rêu phong phủ đầy, khi chiều tà, thấy mầu xanh đậm hơn. Tiếng chuông chiều từ chùa văng vẳng vọng lại. Nhà sư đội nón lá sen rộng vành, còn chút nắng chiều rọi trên nón, trông tựa như chiếc nón mang theo ánh tà dương...

Nhà sư một mình trở về núi xanh xa xa, là nơi chùa toạ lạc. Cảnh trí thanh thoát, êm đềm, lộ rõ vẻ an nhàn, thoát tục của bậc chân tu.

Nếu ngẫm cho kỹ, thì cả bài thơ, trừ câu thứ 2 nói về tiếng chuông, 3 câu còn lại cốt ý tả mầu xanh: Chùa xanh đậm, nón lá sen mầu xanh, núi xanh… Không hiểu khi làm bài thơ, tác giả có dụng ý như vậy không? Sau đây là bài dịch:

Tiễn Thượng Nhân Linh Triệt.

Xanh xanh chùa Trúc Lâm,
Văng vẳng tiếng chuông chiều,
Nón sen mang vạt nắng,
Núi xanh về tịch liêu.

Bát Sách.
***
Tiễn Thiền Sư Linh Triệt  

1-

Chùa Trúc Lâm xanh xám
Chuông chiều buông ảm đạm
Nón sen nhuốm nắng tà
Cô lẻ về non thẳm.

2-

Trúc Lâm chùa cổ nhạt nhòa
Chuông chiều thong thả điểm qua tiếng buồn
Nón sen nhuốm ánh tà dương
Đơn côi thiền trượng lên đường non xanh!

Lộc Bắc
***
Cảm Tác:

Chùa Tam Thanh sâu trong hang
Mờ mờ sương phủ bóng vàng hoàng hôn
Tiếng chuông vang vọng đổ dồn
Thầy tăng tay nải bồn chồn đường xa

Đồ Cóc
***
Góp ý của Mirordor:
蒼蒼=thương thương. 蒼=thương đứng một mình có nghĩa xanh hay lục. Nhiều người Tàu, cũng giống nhiều sắc dân khác trên thế giới, ít có khả năng phân biệt các sắc xanh và lục nên chữ nghĩa họ dùng cho các màu này cũng thiếu chính xác.  蒼蒼 có nghĩa là màu lục đậm, để nói về cây cối. Từ Wiktionary:
蒼蒼
1. ( literary , of  vegetation )  dark   green ;  luxuriantly  green
o0o
hà lạp: nón làm bằng lá sen, có vành rộng
荷 đọc là hạ thay vì hà có nghĩa là 背着=bối trứ, mang trên lưng và 荷笠=hạ lạp có nghĩa là 背着斗笠=bối trứ đấu lạp, mang (thay vì đội) nón trên lưng. 笠 =lạp là cái nón; 斗笠=đấu lạp là cái nón gần giống hệt nón lá Việt và là tên người Tàu dùng để gọi nón lá Việt. (tài liệu từ  送灵澈上人_百度百科 )

Huỳnh Kim Giám

Napoléon, Trận Chiến Cuối Cùng


Hôm nay chủ nhật, Thanh Vân được các con dẫn đi xem triển lãm về Napoleon. Người Pháp rất ngưỡng mộ vị Đại Đế của mình và dù cuộc triển lãm đã bắt đầu từ ngày 28/5/2021 và sẽ kéo dài đến ngày 19/12/2021, số người đến xem vẫn đông, vẫn phải mua vé trước.

Cuộc triển lãm cho trưng bày những vật dụng của Napoleon dùng hàng ngày, như khi ra trận mạc, ông ngủ trên cái giường xếp và lều trại của ông rất đơn giản. Tuy người ta bảo ông nhỏ con nhưng thực sự Napoleon cao 1m68.
 

Gốc gác từ đảo Corse, cậu bé Bonaparte mới 10 tuổi đã được cha gởi qua lục địa Pháp đi học. Thông minh, giỏi toán nhưng cậu bé bị bạn bè trêu chọc vì có giọng nói của người ở đảo, nên cậu thường cô độc

Cuối đời, bị người Anh giam lỏng ở đảo Sainte-Hélène, dù vẫn có nhiều người hầu cận, ông kéo dài những ngày vô vị buồn nản và từ trần tại đây năm 1821, hưởng thọ 52 tuổi


Năm 2015, Thanh Vân đã có viết một bài về “Napoleon, Trận chiến cuối cùng”, dịp kỷ niệm 200 năm ngày ông thua trận ở Waterloo và bị bắt đem đi đày ở đảo. Kính mời đọc chuyện một nhân vật lẫy lừng nhưng có kết cuộc buồn thảm.

Napoléon, Trận Chiến Cuối Cùng

Youtube : Video Napoléon - Trận Chiến Cuối Cùng:

Cách đây 200 năm, vị Đại Đế người Pháp đã chinh phục và thâu tóm một phần lớn lãnh thổ Âu Châu từ đất nước xứ Tây Ban Nha đến bờ cõi Ba Lan chỉ trong vòng 15 năm lại bị bại trận vào ngày 18 tháng 6 năm 1815 tại Waterloo trước hai đạo quân Anh và Phỗ (Prussiens, thuộc nước Đức, ngày nay). Sau ngày lịch sử đó, Napoléon bị đưa ra đảo Sainte Hélène và từ trần tại đây 6 năm sau, vào năm 1821 hưởng thọ 52 tuổi.


Dù đã 200 năm, trận Waterloo và nhân vật Napoléon vẫn được người ta nhắc đến, một người dân bình thường ở một góc trời nào đó trên trái đất, khi hỏi về vị Đại Đế này, họ đều biết. Có thể nói, Napoléon là người Pháp nổi tiếng nhất địa cầu.

Tại sao có trận chiến Waterloo?


Sau nhiều thất bại đầu tiên trong cuộc đời quân sự của mình: tổn thất nặng nề vì thời tiết khắc nghiêt trong cuộc tiến quân trên lãnh thổ Nga, mất Tây Ban Nha, sau đó thất bại trước lực lượng Liên Minh, họ đã tràn vào đến thủ đô Pháp. Nên vào ngày 11/4/1814 tại lâu đài Fontainebleau, Napoléon dưới áp lực của Liên Minh Âu Châu và cả áp lực của chính các tướng lãnh của mình vì các vị tướng này đã quá chán ngán chiến tranh, tất cả ép buộc Napoléon phải từ ngôi. Liên Minh vẫn công nhận danh hiệu Hoàng Đế của ông và cam kết chu cấp cho ông một số tiền hưu bổng hậu hĩnh với điều kiện là ông phải đi ngự trị “ngai vàng mới” ở đảo Elbe, nói cách khác là ông bị lưu đài nhưng vẫn dành cho ông nhiều danh dự. Elbe là một hải đảo nhỏ nằm trên Địa Trung Hải ở gần đảo Corse và không xa bờ biển nước Ý. Nhưng không đầy một năm sau, ngày 1/03/1815, Napoléon dùng thuyền vượt biển trở về Pháp.


Lý do khiến Napoléon rời đảo Elbe là vì có nguồn tin ông sẽ bị Liên Minh áp tải đem đi một đảo khác xa xăm hơn; hay có tin ông sẽ bị ám sát. Thế là với 1 000 quân lính trung thành, Napoléon vượt biển trở về cố quốc. Ngày 1/03/1815 tàu cập bến tại bờ biển Golfe Juan không xa thành phố Cannes, Napoléon xuyên rừng vượt núi, trong 20 ngày, đi theo một lộ trình ngõ ngách nhằm tránh phải đối đầu với quân đội hiện thời của nhà vua Louis thứ 18 ( vua này là em ruột của vua Louis 16, người đã bị xử trảm vào ngày 21 tháng giêng năm 1793 sau cách mạng Pháp) Vua Louis thứ18 được Liên Minh đưa lên ngôi vàng để trám chỗ trống của Napoléon để lại.

Vua Louis thứ 18.

Vào thời điểm ấy, tháng 3 năm 1815, quân đội dưới thời Đế Quốc của Napoléon đã bị rã hàng trong thời gian ông bị đưa ra đảo Elbe . Tuy vậy, trên đường trở về Paris, Napoléon không gặp một sự kháng cự nào của quân hiện tại, mà trái lại đi đến đâu dân chúng và rồi lính tráng đều ngã theo hàng ngũ của ông. Thế là Napoléon trở về Paris, sau 9 tháng cầm chân tại đảo Elbe , trong vinh quang với sự ủng hộ rầm rộ của quần chúng. Biết Napoléon sắp trở về thủ đô, nhà vua Louis 18 vội vã lên xe đi lánh nạn ở Hòa Lan bỏ trống quyền lực cho vị Đại Đế hồi hương này.


Về phần Liên Minh Âu Châu gồm Anh, Áo, Phỗ, Nga, Hòa Lan, Bĩ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, trong thời gian Napoléon bị cầm chân tại đảo Elbe, Liên Minh đã mở cuộc họp tại Vienne, thủ đô nước Áo để bàn tính về việc chia chác lại lãnh thổ “hậu Napoléon”. Khi hay tin vị Đại Đế này tự ý trở về Pháp họ liền ra một tuyên cáo : không công nhận Napoléon và liệt ông vào thành phần “ngoại pháp luật”, rồi họ cùng ký kết với nhau một hợp ước đồng lòng chống lại Napoléon, tìm cách hủy diệt vị Đại Đế này bằng mọi giá. Ngoài ra họ còn quyết định vận dụng 150 000 quân ở mỗi nước, tổng cộng là 700 000 quân tức khắc và con số này sẽ lên 1 triệu quân vào vài tháng sau, để đối đầu với người đã từng làm các quốc gia họ phải thua trận trong 15 năm, khi Napoléon cầm quyền cũng như đã làm cho họ điêu đứng, chao đao... Nhưng khi trở về kỳ này , Napoléon lên tiếng là ông không còn muốn chiến tranh và đã đưa sứ giả đến mọi quốc gia Âu Châu khác để bày tỏ thiện chí hóa bình của chính phủ mới của mình. Mặc dù vậy, Liên Minh Âu Châu không mải mai tin tưởng vị Đại Đế mà quá khứ xâm lăng vẫn còn ám ảnh trong tâm trí họ, nên họ gạt bỏ ngoài tai những tuyên bố, những kêu gọi đầy thiện chí của “ vị hung thần “ (l’ogre) đã làm họ hoảng sợ những năm trước.


Biết được các QG khác tẩy chay mình mà còn đang vận dụng rầm rộ quân lính để đổ dồn vào bao vây nước Pháp. Vào tháng tư năm 1815, trong một thời gian ngắn, không đầy 2 tháng, Napoléon vội vã, tổng động viên được 125 000 quân lính để đối đầu với 2 đạo quân Anh và Phổ, bất chấp 2 đạo quân này đông gấp đôi với 220 000 ngưới.. Ông quyết định ra quân trước nhằm chận đánh 2 đạo quân Anh và Phổ đang đóng trên đất Bĩ chắn biên giới Pháp về phía Bắc, trước khi đạo quân Áo và Nga sễ tiến đến tiếp sức, siết gọng kềm chống lại ông.


Bắt buộc phải ra quân, Napoléon muốn đánh nhanh để Liên Minh không có thì giờ phối hợp quân đội chống mình. Chiến lược của ông là đánh phủ đầu quân đội của Anh và Phổ khi ông lần lượt tấn công họ từng nhóm một. Muốn tìm một lối thoát vì biết là mình sắp bị bao vây khắp mọi nẻo, Napoléon quyết định ra quân, ông nghĩ là sẽ diệt lần lượt toán quân này rồi toán quân khác, sau đó vào chiếm thủ đô Bĩ, Bruxelles. Như vậy khi tàn phá đội quân Anh và Phổ ông không những làm một cú nổi bật, mà từ đó sẽ uy hiếp Liên Minh, bắt họ phải nhượng bộ. Kế hoạch của Napoléon là len vào giữa 2 đạo quân Anh và Phổ để chia rẽ họ rồi lần lượt diệt từng nhóm. Ông đã dùng chiến lược này nhiểu lần, nhất là trong khi đi đánh ở Ý năm 1796, khi ông chỉ là Tướng Bonaparte và chiến thắng quân Áo một cách vinh quang.

Ra quân lần đầu này, ngày 16/6/1815 Napoléon chiến thắng dễ dàng ở Ligny (phía Bắc thành phố Charleroi) trước đạo quân Phỗ được điều khiển bởi tướng Blücher. Không biết tại sao, sau khi nghĩ suy, 12 tiếng đồng hồ sau, Napoléon ra lệnh cho tướng Grouchy đem 33 000 quân (tương đương với 1/4 số lượng quân lính mình) đuổi theo tàn quân Phổ để tận diệt và để cầm chân họ;

Hai ngày sau, 18 tháng sáu, Napoléon quyết định tấn công quân Anh dưới quyền chỉ huy của Công Tước Wellington tại một nơi không xa làng Waterloo, 20 cây số vào phía nam thủ đô Bruxelles của nước Bĩ.

Vì đâ thắng được quân Phổ 2 ngày trước, Napoléon lòng đầy tự tin, dự định tấn công quân Anh vào sáng sớm. Nhưng Trời đã không thuận lòng ông, chiều hôm trước, mưa tầm tã kéo dài làm mặt đất trở nên sình lầy, khó mà vận chuyển đạo pháo binh nặng nề, nên cuộc tấn công không tiến hành như dự định mà phải chờ đến hơn 11 giờ trưa cho đất có phần khô ráo. 11 giờ 30, Napoléon ra lệnh tiến quân. Đoàn Bộ Binh tinh nhuệ với 20 000 quân ùa lên sáp lá cà với quân Anh trong tiếng hô vang rền “Vive l’Empereur” (Hoan hô Đại Đế, Muôn năm Đại Đế). Nhằm để hỗ trợ nhóm Bộ Binh, đoàn Kỵ Binh cỡi ngựa tiến lên trên dãi đất còn ướt đẫm bùn lầy, những con ngựa khó khăn vướng víu trong đám sình bùn, trong khi đó quân Anh dàn trận theo kiểu hình vuông, chắc nịch như thỏi đá. Những người kỵ binh thiện chiến nhất của Napoléon (les cuirassiers) đã phải vượt lên tấn công 4 lần đạo quân Anh kiên trì, gắn bó như keo, không lay chuyển. Công Tước Wellington, ra lịnh cố thủ vì ông được tin là tàn quân Phổ đang quay trở lại để tiếp ứng quân Anh. Thực vậy, đoàn quân Phổ bị thua trận 2 ngày trước đang chia làm 3 nhánh, trên đường tiến đến phía sau để tấn công quân Pháp về phía hữu. Chính vì nhận được tin mật phấn khởi đó nên Wellington vững lòng ra lịnh cho quân Anh liều chết dù giá nào cũng phải cố thủ.

4 giờ chiều, 33 000 quân Phổ đầu tiên (trong số 70 000 quân) xuất hiện và đánh dồn vào 10 000 quân Pháp từ phía sau. Với 1 chống 3, quân Pháp vẫn vững vàng, nhưng bằng mọi giá quân lính Napoléon phải đẩy lùi đạo quân Anh vẫn dàn trận theo hình vuông ở phía trước. Chính vì vậy vị Nguyên Soái Michel Ney của Pháp đưa đoàn quân cảm tử cuối cùng tiến lên. Vào 6 giờ chiều, những người lính thiện chiến của Tướng Michel Ney gần đẩy lùi quân địch. Công Tước Wellington thật sự lo lắng vì súng đạn đã gần cạn và quân trấn thủ của ông cũng đã suy sụp gần hết. Nguyên Soái Michel Ney phấn khởi, chỉ cần một đoàn bộ binh tiếp tế là trận chiến kể như thành công, ông gởi người về hậu cần xin Napoléon cho bổ xung Bộ Binh. Vị Đại Đế kêu Trời, hét lên : Bộ Binh tiếp viện, ta tìm ở đâu ra bây giờ!


Trong giờ phút thập phần căng thẳng đó, nhóm thứ hai và thứ ba của tàn quân Phổ xuất hiện từ phía hữu, tấn công thẳng vào đoàn quân Pháp làm hổn loạn cả chiến trường. Trời đã sập tối, 7 giờ chiều, Napoléon cố tìm lối thoát, quyết định cho đội binh cận vệ của mình ra trận, để cố một lần cuối phá vở quân Anh phía trước mặt. Đội cận quân cảm tử này (les grenadiers) tấn công thẳng vào quân Anh với sự hổ trợ chung quanh của toán quân Pháp đã hiện diện. Quân Anh nhờ đã đóng quân ở vùng này từ nhiều tháng trước nên hiểu rõ địa hình, địa lợi , họ đặt pháo binh từ trên đồi cao, bắn xuống dồn dập vào đạo quân dũng cảm Pháp, những người lính trước ngã gục, người phía sau vẫn tiến tới. Vào phút đó, bất chợt một đội lính Anh ẩn núp trước từ lúc nào trong ruộng lúa mì, vụt xuất hiện và nả súng thẳng vào nhóm cận binh của Napoléon làm họ ngỡ ngàng không trở tay kịp. Cuộc tiến quân của nhóm cận binh Pháp xem như bị phá vỡ, lại có tiếng hét vang lên “ Cận Quân rút lui “ làm họ càng hốt hoảng nên rối loạn. Đám quân này bị bao vây tứ phía. 3 đội Cận Quân ưu tú của Napoléon bị súng nả thẳng vào, họ ngã xuống như rạ. Quân Anh dùng loa kêu gọi đầu hàng nhưng một vị Tướng khác của Pháp, Tướng Cambronne, trên lưng ngựa, bị kẹt giửa đoàn quân Anh đã can trường hét lên: “Cận Binh thà chết chứ không hàng” (La Garde meurt et ne se rend pas). Vài phút sau vị tướng này bị thương ở đầu và ngã xuống.


Tối hôm đó, 10 giờ khuya, trước khi cùng đoàn tùy tùng rút lui trở về Pháp, Napoléon trong chiếc lều trại của mình hướng mắt nhìn về phía Waterloo âm thầm khóc. Ông khóc vì mỏi mệt, vì chán ngán và buồn thảm vì một đạo quân hùng dũng, tinh nhuệ bị tan nát chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Trận chiến Waterloo ở một làng quê về phía Nam nước Bĩ, đã kết thúc cuộc đời binh nghiệp của vị Đại Đế lừng danh. Nhiều nhà sữ học từ 200 năm qua vẫn tìm hiểu lý do khiến một vị tướng lẫy lừng, một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất của lịch sữ, một vị Tướng duy nhất mà từ Kim chí Cỗ, từ tiền sữ đến cận đại đã thắng nhiều trận chiến trong một thời gian kỹ lục, thật ngắn, với một số quân ít ỏi, thiếu trang bị, vũ khí không đầy đủ để đối đầu với những địch quân hùng mạnh hơn như Áo, Anh, Nga, Phỗ, thế mà ngày giờ này 18/06/1815 Napoléon lại thua trận ở Waterloo. Các nhà sữ học nghiên cứu, phân tách ; hay là :

- Tướng Grouchy lẽ ra phải đem 33 000 quân đến tham trận chứ không nên đuổi theo quân Phỗ mà lại đuổi theo quá trễ, 12 giờ sau, nên không biết là đạo quân này đi về hướng nào,

- Hay lỗi tại Nguyên Soái Michel Ney đã đưa Kỵ Binh vào trận quá sớm, đáng lý ra phải chờ Pháo Binh hỗ trợ nã súng canon vào đội quân Anh đang dàn hàng theo hình vuông rồi mới đưa Kỵ Binh vào.

- Nếu Trời không mưa để đất không bị sình lầy, Kỵ Binh và Pháo Binh tiến lên dễ dàng thì thế cờ đã đổi khác. Và Pháo Binh vì đất còn ướt đẫm nên hiệu quả của những viên đạn canon bị giảm thiểu vì viên đạn khi chạm đất sình lầy không nổ tung lên được như thường lệ;

- Về phần Napoléon cảm sốt, bịnh tật (bịnh trĩ, một căn bịnh rất thông thường nơi những người kỵ mã nên ngày đó ông ngồi đứng khó khăn, không lên lưng ngựa ra quan sát chiến trường và ông còn cả bịnh “bí đái” ) và khởi mầm bịnh ung thư bao tử,nên ông mất đi rất nhiều tài binh lược. Napoléon đã giao phó gần hết trận chiến cho Nguyên Soái Michel Ney. Và điều khác nữa, cuộc tiến quân thần kỳ của Napoléon đã quá quen thuộc, không còn làm đối thủ ngạc nhiên. Hơn nữa Napoléon không ngờ là Liên Minh đã biết rành chiến lược của ông, nên sau những lần hội họp , họ đồng lòng quyết định là bao giờ cũng kết thành một khối, không tách rời ra; và lúc nào, bằng mọi giá nào, cũng phải cố gắng đến cứu hàng ngũ bạn. Đường lối của Liên Minh chống Napoléon trong trận Weterloo đã ấn định trước mà ông không hề hay biết.

Chỉ trong 4 ngày chiến đấu tổng cộng số lính tử vong cho cả 3 đạo quân là 23 000 người , 65 000 thương binh nghĩa là ¼ tổng số lượng quân tham trận, trong đó có thêm 10 000 con ngựa chiến cũng phơi thây. Waterloo là một trong những trận chiến tàn khốc, sát phạt nhất của chiến tranh thời Đại Đế.


Vào năm 1808 nhà văn học Đức, Goethe đã viết: ”Danh tiếng của Napoléon sẽ càng ngày càng lớn mạnh mỗi khi mà người ta hiểu rõ nhiều hơn về ông“ ( Napoléon grandira à la mesure qu ‘on le connaîtra mieux) Điều tiên đoán này quả không sai. Người Trung Hoa đã phiên dịch tiểu sữ Napoléon từ năm 1837, Nhật Bản rất ngưỡng mộ vị Đại Đế này và Nam Hàn mua đứt bản quyền quyển sách nói về Napoléon của nhà văn Pháp Max Galo. Phần nào đó, Napoléon đã được thần tượng hóa.


Dù thua trận ở Waterloo, Napoléon vẫn được xem là vị Tướng lẫy lừng nhất. Stendhal đã viết vào năm 1818 rằng : « Napoléon xứng đáng nối danh Alexandre le Grand và César » (Après tant de siècles, Alexandre et César avaient un successeur). Ngày nay đại đa số khộng biết gì nhiều về Công Tước Wellinton hay Tướng Blücher, mà đâu đâu tiếng tăm của Napoléon cũng nổi như cồn. Từ ngày ông qua đời đến nay số lượng sách báo trên thế giới viết về ông lên đến 80 000 bản. Một kỹ lục! Như vậy, người ta tự hỏi: chiến thắng sau cùng nhất trong trận Waterloo là về phần ai ?

Thanh Vân
Paris, 20 tháng 7 năm 2015.
---------------------
Tài liệu tham khảo:
- Waterlo 1815 (Thierry Lentz) - La tragédie des Cents Jours (Jacques Olivier Boudon)
- Les Cents Jours, La dernière erreur de Napoléon (Point de Vue, Histoire)
- Napoléon, Le héro absolu (L’express - Hors-série)
- Waterloo, La chute de l’Aigle (Figaro Histoire)
- Mon histoire de France (Hachette Jeunesse)  
- L’essentiel de l’Histoire (Carel Dumesnil) 


Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

Góc Buồn...


Hoa bốn mùa 
Xuân Hạ Thu Đông
Mơn man len gió 
...thoảng hương nồng
Nhỡn nhơ ong bướm 
...gây lưu luyến
Cớ sao héo hắt 
...đóa hoa lòng.

Vườn xưa vẫn 
...không cài then đóng
Đêm nguyệt chờ 
...thôi chỉ hoài mong
Quay quắt đợi 
...mà ai mãi biệt
Để góc buồn 
...nỗi nhớ mênh mông

(Kim Oanh 14.10.2021)


Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh

Tình Xuân

Tình chợt đến nồng nàn hương mười sáu
Dáng thanh tân đượm màu áo học sinh
Hồn bâng khuâng biết lòng mình rộn rã
Tuổi mơ non thèm hái quả mộng đầu

Người từ đâu bắt vương sầu mong đợi
Biết vui buồn gió mới chuyển mùa sang
Hồn mang mang buổi chiều vàng nhạt nắng
Sáng tinh mơ hồn trống vắng lặng im

Bầy sẻ nhỏ cất tiếng chim buổi sáng
Khẽ gọi đàn sớm họp bạn mùa xuân
Giây phút ấy tim một lần rất lạ
Vườn tâm tư ai đó đã vừa qua

Xuân trở giấc hương tình ca lại đến
Tay trong tay hò hẹn chuyện bền lâu
Niềm mơ ước giấc mơ đầu hiện thực
Bút mực thơm tay thả tự tình xuân

Melbourne Đầu Xuân 2021
Kim Phượng

Mùa Thu Tôi

 

Khi chiếc lá mùa hè khô úa
Vàng heo may gió rủ nhau về
Mang hơi lạnh sáng ngày nắng muộn
Áo quen người tay chợt buồn ghê!

Mùa thu tôi, mùa thu ghé lại
Chút hương xưa dẫu đã phai mờ
Tìm quanh quẩn một phần trí nhớ
Môi mắt người trong giấc ngủ mơ

Mùa thu tôi, mùa thu ước hẹn
Con sông dài nước rẽ về đây
Như bịn rịn trước giờ ra biển
Tình như mây tình cũng vơi đầy...

Mùa thu tôi, mùa thu trên tay
Mười ngón thon đan tháng cùng ngày
Ở một nơi mùa thu chợt tới
Ở một nơi mùa thu ai hay?

Mùa thu tôi, mùa thu đánh mất
Khi lá bay tựa cánh chim trời
Có hoàng hôn nhẹ trong ánh mắt
Có môi người sưởi ấm môi tôi..!

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Thu Tao Ngộ

 

(Trích đoạn Hương Xuân Paris)

27 03 2010, câu lạc bộ Văn Hóa VN Paris tổ chức buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật Hương Xuân.
Mở đầu nhà thơ Đỗ Bình phát biểu: "Paris đã vào mùa nhưng chắc hẳn chúng ta vẫn không quên Thu Tao Ngộ vừa qua. Nói về Thu Tao Ngộ là gợi nhớ một kỷ niệm đẹp mà các anh chị đã góp phần dệt lên bức tranh muôn sắc đó. Hôm nay nhận được bài nhạc của anh Phạm Đình Liên phổ thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu, bài thơ viết để tặng tất cả mọi người tham dự. Thơ nhạc quyện ý nhau lại được hòa âm và giọng hát hay, bài hát sẽ lưu lại với đời cùng Thu Tao Ngộ."

Tại sao tôi lại ca ngợi Thu Tao Ngộ? Xin mạn phép qúy anh chị cho tôi được trình bày vài nhận xét về Mùa kỷ niệm đó:
Thu Tao Ngộ bắt nguồn từ tình cảm của những tâm hồn nghệ sĩ đến với nhau. Họ là những văn nghệ sĩ phương xa muốn đến Paris thăm một số bằng hữu văn nghệ lão thành, trong đó có nhà văn Hồ Trường An, GS Võ Thu Tịnh, GS Minh Châu Thái Hạc Oanh, Học giả TS Thái Văn Kiểm.vv…mà tình trạng sức khỏe của các vị đó kém. Ngoài ra còn muốn thăm những văn nghệ sĩ khác như nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, nhà thơ Phương Du, nhà thơ Đỗ Bình. Buổi sinh hoạt đã quy tụ rất đông giới trí thức văn nghệ sĩ ở Paris đến tham dự. Trong số ấy nhiều người đã tuổi cao, sức khỏe kém, có người tuổi đã ngoài 90. 

Sau lần tao ngộ giáo sư Võ Thu Tịnh đã từ giã bạn hữu vĩnh viễn ra đi về cõi vĩnh hằng, học giả Thái Văn Kiểm trở về quê hương cội nguồn và lưu lại đó hết đoạn cuối đời. Trong chúng ta mỗi người hoàn cảnh gia đình và sức khỏe đều khác nhau, đối với các bạn văn nghệ sĩ phương xa có lẽ chẳng bao giờ các bạn có thể tập hợp đông đủ những khuôn mặt thân quen cùng ý tưởng, chung chuyến sang thăm Paris như mùa Thu Tao Ngộ để có cùng kỷ niệm? Phần chúng tôi, do tuổi đời và sức khỏe cũng khó có thể thực hiện một Thu Tao Ngộ khác! Trong suốt mấy chục năm sinh hoạt văn hóa ở Paris, chúng tôi đã từng tổ chức nhiều sinh hoạt, đã từng đón tiếp các bạn ở khắp nơi từ phương xa đến, và cũng có nhiều loạt bài viết từ văn thơ đến báo chí ở khắp nơi nói đến. Riêng tuần báo Đại Chúng ở W.DC có lần đã cho in một kỳ báo đặc biệt tặng sinh hoạt CLB mang chủ đề:"Bên Trời Tưởng Nhớ". Thật là qúy hóa và trận trọng hai chữ «Văn Hóa». Thu Tao Ngộ lần này cũng được báo chí khắp nơi đăng tải, đặc biệt tạp chí Cỏ Thơm ở Virginia đã dành cho nhiều bài viết trong số đặc biệt. Các văn thi nhạc sĩ đã cùng nhau sáng tác nói lên tâm tình mùa kỷ niệm mà mãi đến hôm nay sang năm khác, mùa mới vẫn nhắc lại Thu xưa trong sinh hoạt Hương Xuân Paris 2010.

Bây giờ tôi xin nói đến phần văn nghệ của Thu Tao Ngộ. Có lẽ các bạn phương xa ít có dịp biết đến những ca sĩ được chọn trong chương trình? Paris tuy là thủ đô ánh sáng của thế giới và là nơi hòa nhập mọi màu sắc nên những bản sắc riêng khó mà tách rời một cõi. Nhưng lại thiếu phương tiện truyền thông như TV, Radio bằng tiếng Việt như ở Mỹ, hơn nữa người Việt lại ở rải rác khắp nơi không tập trung như Cali, Houston, W.DC…do đó muốn quảng bá đến công chúng là vấn đề nhiêu khê! Hơn nữa những ca sĩ ở Paris thích thầm lặng, ít muốn báo chí viết về mình trừ những sinh hoạt mang tính văn hóa hay ttừ thiện. Chúng tôi chọn những khuôn mặt hát cho Thu Tao Ngộ là nhìn ở mặt văn hóa, những nhạc phẩm chọn lọc đã nổi tiếng vang bóng một thời, phần nghệ thuật cao. Trong nghệ thuật về diễn xuất về thanh nhạc, giới thiệu những giọng ca mà có người đã hơn 80 tuổi là chúng tôi chọn một chất giọng của dĩ vãng, những tâm hồn yêu văn nghệ.


Xin được nói vài nét về những giọng ca đó:
Ca sĩ Oanh Oanh: Người đẹp, một thời vàng son trên đài Pháp Á Sài Gòn năm xưa vào cuối thập niên 40, đầu thập niên 50, mặc dù tuổi đời cao nhưng vẫn không quên sân khấu, rời xa tiếng hát. Giọng hát của chị đã vượt thời gian đến với những người hâm mộ năm xưa có mặt trong hội trường hôm nay như một lời cảm ơn đầy tha thiết qua bài lừng danh: Serenatacủa Enrico Toselli.
Ca sĩ Minh Cầm, người trong hoàng phái, học dương cầm từ lúc còn nhỏ, cùng thời với Hà Thanh, nhưng vì thuở ấy cô sinh viên tài sắc vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Huế 59, mới được bổ nhiệm đi dạy học thì cô giáo đâu dám cất tiếng hát lời ca ! Cũng may sau đó Minh Cầm theo chồng là GS Phạm Đình Liên sang Pháp định cư. Những năm đầu ở Paris Minh Cầm theo học piano tại nhạc viện.

Vào những thập niên 50, 60 người Việt ở Paris rất ít nên ngôn ngữ sử dụng hàng ngày là tiếng bản xứ. GS Phạm Đình Liên qua Pháp du học năm 54, sau một thời gian ở Paris anh chị Phạm Đình Liên dời về dạy vật lý tại đại học Grenoble nên tiếng hát, tiếng đàn theo dòng thời gian loãng đi! Cho đến năm 1999, GS Phạm Đình Liên hưu trí, anh chị về lại Paris, lúc đó mới có cơ hội tiếp xúc với người Việt đông đảo, và máu văn nghệ bừng lại. Năm 2004 Câu Lạc bộ Văn Hóa VN Paris đã tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa Quốc Tế FIAP một buổi văn học nghệ thuật về đề tài Hán Nôm do học giả Đỗ Thông Minh từ Tokyo sang, và ra mắt CD Việt Nam Mến Yêu với tiếng hát Minh Cầm và phần nhạc đệm của nhạc sĩ Phạm Đình Liên. Buổi sinh hoạt quy tụ hơn 400 khách mời trong giới văn học nghệ thuật.. Tiếp năm 2005 Minh Cầm cho ra đời thêmViệt Nam Mến Yêu 2.

Với hai CD đủ để thỏa ước vọng ccủa người yêu tiếng hát điệu nhạc. Trong âm nhạc có những luyến láy, dấu ngân, dấu lặng… Minh Cầm cũng thế, bỗng dưng bị bệnh bứu cổ cần phải mổ. Sau phẫu thuật, bị tắt thanh! Hàng ngày Minh Cầm rất khó khăn khi đàm thoại, đang là con chim sơn ca líu lo cao vút, bỗng tắt tiếng hót, chỉ còn thều thào, chị rất khổ tâm! Nhưng nhờ ý chí phấn đấu của chị rất mãnh liệt:“Phải lcất tìếng nói cho đời thêm hân hoan”Minh Cầm đã bỏ thì giờ đi luyện thanh, tập lại những âm thanh bập bẹ ban đầu, chị rất can đảm vượt qua những khó khó của tuổi đời, và cố gắng tập nói và sau đó tập hát. Chị theo học thêm đàn dương cầm của một vài nhạc sĩ Jazz hầu giữ niềm tin, tcủng cố sức mạnh ý chí rằng âm nhạc sẽ giúp chị có lại âm thanh, và Minh Cầm đã thành công. Chúng tôi chọn chị hát trong chương trình nhằm khuyến khích và cũng để cho những khách từng hâm mộ tiếng hát chị ở Paris hiện có mặt trong Thu Tao Ngộ vẫn lưu luyến: Ttiếng hát một thời vẫn còn.

Tiếp theo tôi xin nói đến ca sĩ Đỗ Qyuên, chị là con của BS Phạm khắc Hy vị đại sứ NVCH đầu tiên ở Paris. Đỗ Quyên theo gia đình qua Pháp từ lức còn nhỏ, ngay từ thập niên 50 thuở còn bé Đỗ Quyên may mắn trời phú cho một chất giọng tốt, âm vực rộng và cao được gia đình cho học piano, nhưng Đỗ Quyên lớn lên lại theo học ngành quản trị kinh doanh, sau khi tốt nghiệp chị làm việc hoàn toàn người bản xứ nên giỏi tiếng Pháp hơn tiếng Việt! Vì thấm nhuần văn hóa tây phương chị chỉ biết những bài hát Pháp, và hát chẳng khác gì ca sĩ Pháp. Đỗ Quyên kết hôn với một người đồng hương là giáo sư đại học dạy toán ở Paris. 
Gs Nguyễn Ngọc Minh đi du học lúc còn rất trẻ, tính của anh trầm lặng ít nói, ngôn ngữ hàng ngày là Pháp ngữ, mãi đến sau năm 75 Đỗ Quyên tiếp xúc với nhiều đồng hương chị mới ần dần thông thạo tiếng việt. Anh chị cư ngụ trong khu vực sang trọng nhất Paris, lại hiếu khách nên rất đông bạn bè lui tới. Đỗ Quyên là người rất đam mê văn nghệ, thích nhạc việt nên đã theo học hát một số thày người đồng hương, nhưng những thày giỏi thì thường khó tính, bắt chị tập lại căn bản đòi hỏi thời gian dài luyện tập, nhưng chị chỉ muốn hát ngay để vui với các bạn. Chị tự tin mình hát hay nên không cần tập luyện lâu, do đó các thày của chị đành chào thua! Dù bị chối từ chị vẫn không bỏ cuộc, lại tìm đến các thày dạy nhạc hàm thụ, cấp tốc. Ở đây chị học thêm nhạc lý và luyện ngón đàn piano. Âm nhạc là môn nghệ thuật dễ nghe nhưng khó bắt chước, không phải muốn uốn là được. Sự say mê đã khiến chị có ảo tưởng tiếng hát sẽ vút tận trời, và Đỗ Quyên ao ước muốn mang số vốn âm nhạc học được trình làng trên một sâu khấu đầy ánh đèn màu, hát cho công chúng là người đồng hương thưởng thức. 


Thời cơ đã đến chị được mời tham gia trong một chương trình văn học nghệ thuật ở Paris. Sau buổi trình diễn ấy nhiều cây bút đã viết về buổi sinh hoạt, trong đó có đoạn của Hàn lâm GSTS Lê Mộng Nguyên viết về chị : 'Ca khúc được trình bày do cô Đỗ Quyên…'.Từ ngữ "Cô " thay vì "ca sĩ" viết từ nhà phê bình văn học nghệ thuật Lê Mộng Nguyên đã khiến cho Đỗ Quyên choáng váng vì tự ái ! Ở Paris có một số cây bút chuyên phê bình văn học nghệ thuật được mọi người trong giới làm văn học nghệ thuật qúy trọng: Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc(sang Úc định cư), Đặng Tiến, và những cây bút vừa sáng tác vừa phê bình: Nguyễn Thùy, Hồ Trường An, Lê Mộng Nguyên, Đỗ Bình, ...vv…. 
Bài báo đăng trên tạp chí Nghệ Thuật ở Montréal đã khiến Đỗ Quyên kiểm nghiệm lại khả năng của mình so với lời nhận xét của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên. Phải mất một thời gian sự tự ái của chị dần dần lắng xuống và đã chuyển hóa thành lòng tự trọng biết qúy trọng sự thật. Chị đã cảm ơn tôi về sự giải thích, và cho biết sẽ đi học nhạc lại từ đầu. Đỗ Quyên đã ghi danh vào nhạc viện Neuilly theo học ngành opéra nhiều năm với các giáo sư âm nhạc nổi tiếng ở Paris: Bà Intammusso, Bà Nicole Rivière và đã tốt nghiệp năm 2008. Với chất giọng soprano ca sĩ Đỗ Quyên đã trình bày không micro tại những nhà hát thính phòng Paris nhiều nhạc phẩm cổ điển của các đại nhạc sĩ: Mozart( Le Noche di Figaro), Hendel(Largo Opéra «Xerxes»), Bizet(Carmen), trích đoạn Opéra:Les Voilles Don Carlos của Verdi :…vv…Từ một người thích hát để trở thành ca sĩ Đỗ Quyên đã trải qua biết bao thử thách và bỏ vào âm nhạc một thời gian khá dài. Có lẽ bây giờ Đỗ Quyên đã ngộ được cái «danh», mà chỉ chú tâm trên mặt nghệ thuật, nhưng nếu cái danh nghệ được người đời trao tặng thì phải biết trân qúy nó để giữ hương thơm chung cho đời?

Những người có tâm hồn nghệ sĩ chẳng phải đợi đến lúc sáng tác, hay trình diễn trên sân khấu lúc đó mới thành nghệ sĩ. Những tâm hồn được gọi là nghệ sĩ trước tiên phải chân thật với lòng mình, sau đó biết rung cảm trước ngoại cảnh để ngoại cảnh hoà với tâm cảnh cảm được cái đẹp của thiên nhiên, cái hay của đời, và cái tiềm ẩn sâu lắng trong con người? Hát cho đời thêm hân hoan có lẽ chính là động cơ giúp cho những ai muốn tâm hồn mình vui tươi trong cõi âm nhạc đầy giai điệu màu sắc. Hồn ta nào khác như một ánh sao băng thoáng trên bầu trời thăm thẳm từ một hành tinh xa xăm nào đó lạc xuống trần, rồi đọng trên kẽ lá thành những hạt sương mai. Nhưng chẳng may vô tình có ngọn gió lướt qua lay động cành cây làm vỡ những viên ngọc trời thành muôn mảnh, thì trước khi tan biến nó vẫn dựng lên cái huy hoàng của bình minh.

Đỗ Bình

Mùa Thu Năm Xưa


Em không mang mùa Thu đến
Em không tiễn mùa Thu đi
 
Em ra đi mùa Thu
Cây trong vườn khô lá
Vườn rau cũng úa màu
 
Em ra đi mùa Thu
Để cho anh
Những niềm đau thương nhớ
 
Ngày em đi
Các con còn tuổi dại khờ
Anh phải đóng hai vai
Lo dạy dỗ con thơ
 
Ngày nay
Các con đã yên bề gia thất
Và anh
Bình an
Chốn Thiên đường
 
Phật day:
Qúa khứ đã qua -đừng nhắc lai-
Tương lai chưa tới-đừng mơ tưởng viễn vông-
Hãy vui với những gì mình đang có
 
Thế nhưng,
Những chiều Thu buồn như chiều nay
Mây mù giăng xuống thấp
Anh nhớ lại mùa Thu xưa
 
Ôi!mùaThu xưa
Không có
“Con Nai vàng ngơ ngác
“Đạp trên lá vàng khô”
Chỉ có một ông già
Buồn ngơ ngác
Đạp trên sân cỏ khô!!!
 
Hoàng Long

Bạc Đầu Cô Đơn


Xướng: 

Bạc Đầu Cô Đơn

Thu về cho lá thu vàng
Heo may như tiễn hạ tàn ra đi
Nghe trong gió tiếng rù rì
Lời yêu em rót thầm thì bên vai

Bóng em nghiêng đổ thêm dài
Em đi để lại riêng ai ân cần
Một mình ta giữa cõi trần
Cô đơn còn đó lúc gần khi xa

Em như trong ngọc trắng ngà
Còn ta một gã quỉ ma bao ngày
Mắt em lóng lánh trăng đầy
Thuyền mơ chở hết thơ ngây một dòng

Mình ta lặng bước vân phong
Biết ai mà gữi tiếng lòng đến nhau
Cô đơn cho tới bạc đầu
Trăm năm nào biết có cầu thương yêu

Đời ta nay đã đổ chiều
Còn đâu mà dám mơ điều rủi may
Chữ tình như cánh chim gầy
Bay sao cho thoát đám mây tím buồn
 
Suốt đời ôm nỗi cô đơn…
 
Camthành Sept 10, 2017
(Trong Tuyển Tập Thơ Tha Nhân "NON NƯỚC NGHIỆT OAN'' sắp xb)
Tha Nhân
***
Họa:   
Tình Đơn
(Ghi lại tâm sự của một người bạn vượt biển
bị hải tặc giết người yêu vào mùa Thu năm 1979)

Lại mùa Thu đến úa vàng 
Hồn ta hoài niệm khóc nàng đã đi 
Tan vào biển sóng rầm rì 
Giữa cơn thác loạn súng ghì trên vai 

Tiếng khóc nức nở, than dài 
Hải tặc gầm thét mặc ai đoái cần 
Trời ơi ! Em đã lìa trần .
Tim ta chết lịm xác dần ly xa …

Còn đâu thân thể ngọc ngà!
Từ đây vĩnh biệt mình ta tháng ngày 
Rưng rưng giọt lệ lăn đầy 
Trên đôi môi héo thấm cay mấy dòng 

Sao đời mấy lượt cuồng phong!
Giờ đây cuối nẻo đường hầm xa nhau 
Trách trời làm lỡ duyên đầu 
Để chim lẻ bạn tủi sầu vì yêu 

Thu về sương phủ nắng chiều 
Dấu chân lữ thứ bao điều không may 
Hằn trên vầng trán hao gầy 
Đi trên xác lá đắng cay phận buồn 

Tim hồng vương vấn tình đơn …
 
Lâm Hoài Vũ
Oct 14 , 2021

Dinh Dưỡng Ở Tuổi Già - Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức

 

Tại sao lại có chuyện đa dạng, cân bằng, dinh dưỡng cao?

Thưa lý do là vì ngoài các chất dinh dưỡng chung thì mỗi loại thực phẩm lại có những chất mà chỉ riêng mình mới có. Cho nên, bữa ăn cần phải có nhiều món ăn khác nhau. Chẳng hạn ta chỉ ăn thịt cá mà quên món rau tươi xanh, thì là điều thiếu sót rất đáng trách vì thịt cá không có chất xơ của rau. Mà chất xơ lại rất cần cho cơ thể.

Đa dạng nhưng không “hổ lốn”, hỗn độn, nhất bên trọng, nhất bên khinh mà cần theo một tỷ lệ đã được nghiên cứu chỉ định. Đó là sự cân bằng giữa các loại thực phẩm. Thông thường các nhà dinh dưỡng khuyến cáo nên dùng từ 45-55% chất carbohydrate từ cơm, gạo, mì, rau trái, 25-30% chất béo và phần còn lại là chất đạm thịt cá, các loại hạt.

Và món ăn phải có giá trị dinh dưỡng cao, tức là có đủ các chất mà cơ thể cần để hoạt động, để tái tạo tế bào hư hao, để trẻ thơ tăng trưởng. Các thực phẩm như đường tinh chế, rượu chỉ cho calori mà không cho chất dinh dưỡng, cho nên nếu tiêu thụ nhiều chỉ làm cho cơ thể phì lộn, béo bệu.

Dù ở tuổi già, nhưng quý lão niên vẫn cần năng lượng để làm việc, để duy trì sức khỏe tuổi cao đồng thời, nếu dinh dưỡng tốt, cũng có thể phòng tránh được một số bệnh như bệnh loãng xương, bệnh tim, bệnh cao huyết áp, thiếu hồng cầu, sa sút trí tuệ Alzheimer và vài loại ung thư. Chẳng may mà cụ nào đang mắc một vài trong các bệnh vừa kế thì dinh dưỡng đúng cách cũng khiến cho bệnh nhẹ nhàng, hồi phục mau hơn.

Hỏi rằng có một công thức dinh dưỡng nào toàn hảo cho tuổi thọ trường sinh, thì câu trả lời là không có. Nhưng những lời khuyên thực tế sẽ là: thực phẩm phải đa dạng, phẩm chất dinh dưỡng cao và các chất dinh dưỡng phải cân bằng.

Về số lượng chắc chắn là nhu cầu của quý cụ sẽ ít hơn là khi còn trung niên trai tráng, vì bây giờ đâu còn phải lao động chân tay cật lực. Do đó quý cụ vẫn cần các chất dinh dưỡng chính như mọi người. Đó là chất carbohyrat (chất bột, đường), chất dạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước.

Con người, nói chung, không giống các sinh vật khác ở chỗ là ta không phải di chuyển để lùng kiếm thức ăn hay e ngại không kiếm đủ thức ăn. Mà ta lại có mối lo là làm sao không chỉ-ngồi-đó-mà-ăn hoặc ăn-quá-nhiều. Lý do là tại nhiều quốc gia, thực phẩm quá dư, chỉ muốn ăn gì và có tiền là xong. Nhưng ăn nhiều mà không vận động, tiêu dùng thì thật là nguy hiểm.

Sau đây là một số điều cần làm để có dinh dưỡng tốt cho tuổi già:


1_ Biết lựa thức ăn thích hợp.

Tại Hoa kỳ, năm 1990 một đạo luật liên hệ tới việc liệt kê phẩm chất, thành phần của thức ăn đã được ban hành với mục đích để giới tiêu thụ dễ chọn lựa thức ăn thích hợp với nhu cầu của mình. Các quốc gia khác cũng phụ họa, làm theo.

Nhãn hiệu (Food label) đó không hoàn toàn đáng tin cậy, nhưng ít nhất cũng có giá trị hướng dẫn. Ta nên coi kỹ bảng phân tích này để lựa thức ăn thích hợp với cơ thể của mình.

2_ Khi nào thì ăn?

Tất nhiên sẽ có câu trả lời: Thấy đói là ăn. Vậy khi nào thì đói, đói bụng hay đói con mắt? Lại nữa: ăn để sống hay sống để ăn?.

Người phương Tây có thói quen: ăn bữa sáng bữa trưa nhẹ, bữa tối thịnh soạn. Kể ra cũng tiện, vì sáng dậy vội vã đi làm, chỉ đủ thì giờ để chiêu một ly cà phê.

Trưa ngồi ở sở vừa làm việc vừa nhai miếng bánh mì kẹp chả mới làm tối hôm qua, kèm theo quả chuối, ly coke.

Tối về rảnh rang, làm một bữa cơm rượu no nê, rồi lên giường ngủ.
Thế là cholesterol trong máu tăng cao, những tảng mỡ không mời mà ngang nhiên xâm lấn vùng bụng, vùng hông.

Từ hơn ba chục năm trước, tại viện Đại Học Chicago, nhà dinh dưỡng Clarence Cohln đã chứng minh rằng những người ăn một bữa no mỗi ngày thì cholesterol sẽ cao hơn những người nhâm nhi nhiều lần trong ngày. Ðây có lẽ cũng là lý do mà cholesterol ở nữ giới, lúc thiếu thời, thấp hơn ở nam giới, vì quý bà hay ăn quà vặt. Còn quý ông thì nhồi nhét một bữa cho xong.

Ăn một bữa no cũng bắt buộc sự biến hóa thực phẩm phải làm việc quá sức, vị tố tiêu hóa, nhất là Insulin, phải tiết ra nhiều trong một thời gian quá ngắn, đôi khi có khuyết điểm.

Tốt hơn hết là tuổi già cứ nhâm nhi, chia phần ăn ra nhiều phần nhỏ rồi ăn lai rai nhiều lần trong ngày.

3_ Hỏi rằng ăn bao nhiêu cho đủ?

Xin thưa là các cụ Á đông ta quan niệm để sống lâu chỉ nên ăn” ba phần đói, bẩy phần no”. Để còn hơi thòm thèm, sau này còn muốn ăn món đó nữa và cũng để tránh ăn quá nhiều.


Các nhà dinh dưỡng lại khoa học hơn. Họ khuyên:

-Nam giới trên 50 tuổi tiêu thụ khoảng 2000 calo nếu ít hoạt động, 2200-2400 calori nếu hoạt động vừa phải và nếu còn rất hoạt động lại cần nhiều hơn: 2400-2800 calo mỗi ngày.
Với nữ giới thì theo thứ tự như trên sẽ là 1600 calori, 1800 calori và từ 2000-2200 calori.

4_ Làm sao để ăn ngon?

Ăn uống đứng đầu tứ khoái (ăn, ngủ, sinh lý, “đổng ìa”). Nhưng nhiều vị cao niên lại chẳng muốn ăn hoặc thấy món ăn nhạt tuếch, vô vị. Trở ngại này có thể là vì răng không còn nhiều, lợi viêm sưng, nhai nuốt khó khăn, nước miếng giảm hoặc đang uống nhiều dược phẩm trị bệnh làm giảm khẩu vị; hoặc cô đơn lủi thủi ăn uống một mình.

Hãy thổ lộ với các nhà chuyên môn dinh dưỡng, y tế để cùng nhau giải quyết.
Lựa nấu món ăn ưa thích, cho thêm chút gia vị màu mè để món ăn hấp dẫn hơn. Và cũng tìm thêm bạn để đồng thực, đồng ẩm.

5_ Giới hạn thực phẩm có nhiều chất béo nhất là mỡ động vật.

Chất béo bão hòa làm tăng cholesterol trong máu. Chất béo từ thực vật, bất bão hòa, làm giảm cholesterol.

Giản dị nhất là ăn thịt nạc, thịt gà, vịt bỏ lớp da đầy mỡ; hấp hay nướng nhiều hơn là chiên; thay thịt bằng cá, rau, trái cây; uống sữa ít chất béo.

6_ Ăn thực phẩm có nhiều rau, trái cây hạt ngũ cốc

Các thực phẩm này tương đối vừa rẻ lại tốt lành và cũng có nhiều năng lượng.
Các nhà dinh dưỡng khuyên nên dùng 5 đơn vị trái cây và rau mỗi ngày, 6 tới 11 đơn vị hạt ngũ cốc. Mỗi đơn vị là lượng thức ăn mà ta thường dùng như là một bát cơm, một quả táo cỡ trung.
Nên nhớ là trên thế giới có cả hàng trăm triệu người ăn chay mà họ vẫn sống lâu. Như vậy ăn chay chắc phải có một gía trị dinh dưỡng nào đó.

Lại nữa: phần ăn của các lực sĩ vô địch trước khi tranh giải đều có nhiều carbohydrate, là một lý do để ta tăng số lượng rau và trái cây trong bếp và trên bàn ăn của chúng ta.

7_ Một vài ý kiến về chất đạm protein.

Cơ thể được cấu tạo bằng chất đạm. Chất này có nhiều nhất trong thịt động vật nhưng cũng có trong thảo mộc, nhất là các cây thuộc họ đậu như đậu hoà lan, đậu cô ve, đậu nành.
Khoa học đã chứng minh là một khẩu phần có nhiều thịt động vật làm tăng hiểm họa bệnh tim.
Do đó, tới tuổi cao, nên theo một chế độ thực phẩm với thịt nạc, sữa ít chất béo, nhiều rau, trái cây.

8_ Nước và muối cũng cần được lưu ý.

Trong cơ thể, tỷ lệ nước lên đến 60% trọng lượng, mỗi ngày thận lọc gần hai trăm lít máu và thải ra 1/100 dung dịch nước. Như vậy cơ thể cần có một số nước tối thiểu để tồn tại. Trung bình, cần uống 1 lít rưỡi nước mỗi ngày, và uống thêm khi nào thấy cần để tránh tình trạng khô nước hay loãng tiểu.
Nước không có calories, không có khoáng chất, đôi khi không mất tiền mua lại còn là chất bôi- trơn (lubricant) tốt cho cơ thể.

Với muối, chỉ cần một phần tư thìa cà phê mỗi ngày là đủ. Dân chúng dùng nhiều muối, như người Nhật, thường có nhiều nguy cơ cao huyết áp.

9_ Tăng tiêu thụ chất xơ


Gần đây, chất xơ (fiber) trong rau và trái cây được nhắc nhở tới nhiều vì có công dụng trong việc hạ thấp lượng cholesterol trong máu, tăng tốc độ di chuyển của thức ăn trong ruột, tránh táo bón và viêm ruột.
Chất xơ không có giá trị dinh dưỡng mà chỉ làm đầy bao tử, cho nên còn có tác dụng giúp ta giảm béo mập...

10_ Dùng bổ sung sinh tố và khoáng chất

Các vi chất này có tác dụng xúc tác trong việc chuyển hóa thức ăn và có nhiều trong các loại thực phẩm. Tuy nhiên, ở người cao tuổi, khẩu phần nhiều khi không được cân bằng và có thể thiếu một vài loại sinh tố, khoáng chất. Vì vậy nên dùng thêm một phân lượng phụ trội.

Kết luận

· Để sống già sống khỏe, cần có dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, đa dạng.
· Hãy tiêu thụ nhiều loại thực phẩm khác nhau.
· Hãy giới hạn các thực phẩm “rỗng”, chỉ có calori mà không có chất dinh dưỡng, như rượu, nước có hơi, bánh ngọt.
· Hãy lựa thực phẩm có ít cholesterol, chất béo.
· Và phòng tránh ngộ độc, tiêu chảy với vệ sinh an toàn thực phẩm. Ăn chín, uống sôi, rau trái sạch, rửa tay thường xuyên.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D.

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

Thơ Tranh: Người Ở Đâu


Thơ: Lê Thị Yến
Thơ Tranh: Kim Oanh


Không Còn Mùa Thu


Sáng Tác:Việt Anh
Ca Sĩ: Thy Dung
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Thơ Và Hoa

 

Nàng Thơ tôi ở phương nào

Còn mong lên nụ còn cao tuổi chờ

Sông đời đã cạn dòng mơ

Tôi đi tìm lại vần thơ ngậm ngùi

 

Mùa hoa xưa vẫn bồi hồi

Tôi gom từng chiếc lá đời phân vân

Tấu lên khúc nhạc phong trần

Trái tim thơ cũng tần ngần ở đi

 

Như hoa không nở đường về

Tôi bâng khuâng với duyên kia phận này

Rượu hồng đã hết men cay

Hương này phấn nọ gió bay bụi tình

 

Tôi tìm tôi kiếp phù sinh

Duyên thơ phận bút như hình bóng qua

Nhớ người tôi lại nhớ hoa

Nhớ câu thơ ý lời chia đã từng

 

Đường đi còn chút nắng hồng

Cũng hơ ấm nửa cõi lòng thi nhân

Nàng thơ xin cứ phù vân

Rượu đời đã cạn thì thầm giấc hoa

 

Tình thơ đẹp chẳng nhạt nhoà

Thiết tha lẽ trước đậm đà lẽ sau

Cõi thơ hoa vẹn sắc màu

Tạ tình thơ tạ tình nhau cuộc đời.


 Hoa Văn