Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

Chiều Nay Không Có Em - Nhạc: Ngô Thụy Miên - Tiếng Hát Mã Thị Lợi


Nhạc: Ngô Thụy Miên
Tiếng Hát Mã Thị Lợi

Mưa Thu

 

Cơn mưa giăng nhớ phương trời
Ai cầm dù biếc che người phương xa
Ai lau mái tóc mượt mà
Mà lòng sũng ướt tình qua êm đềm?

Mưa từ ký ức mưa êm
Bao năm còn ướt tóc mềm người thương
Mãi còn ngan ngát làn hương
Bay ngang ảo mộng ngát phương trời chờ

Nỗi buồn lau mãi chưa khô
Sóng buồn thương vỗ đôi bờ trùng khơi
Người đi bỏ lại nụ cười
Rơi trên góc phố chỗ ngồi hẹn nhau

Cơn mưa rơi lạc về đâu
Áo người bay đã qua cầu phiêu du
Tay cầm mấy giọt mưa thu
Đánh rơi nỗi nhớ che dù bóng ai

Trầm Vân

Lời Tỏ Tình

 

Buổi sáng hôm nay thật mỹ miều
Ngàn hoa rộ nở gió hiu hiu
Rộn ràng đàn bướm chen đôi cánh
Ta nhớ em ơi nhớ thật nhiều.

Đêm hè cây lặng đứng chờ sương
Ngày nắng chùm tuôn đổ xuống đường
Ta nói thật lòng yêu lắm lắm
Sao em còn tiếc một lời thương

Câu nói tỏ tình đã gởi đi
Ngày qua lại chẳng có tin gì
Có công mài sắt mong rằng sẽ
Mật ngọt tình yêu đến hạn kỳ.

Quên Đi

Chào Anh Yêu Buổi Sáng( Như Nguyệt) - Bonjour, Mon Chéri( Wissai/NKBá)

 

Chào Anh Yêu Buổi Sáng

Chào buổi sáng anh có nghe chim hót
Chim mùa Xuân ca hát khúc tao phùng
Chào buổi sáng, anh có nhìn hoa nở ?
Có đợi chờ, có trông ngóng thơ em?

Chào buổi sáng bên anh đã gần trưa
Vẫn bận rộn vẫn quay cuồng cuộc sống?
Chào buổi sáng nơi em đời cô đọng
Sống êm đềm, hoa vẫn nở, cô liêu

Chào buổi sáng một ngày tươi nắng ấm
Mây đủ mầu đủ sắc, gió reo vui
Chào buổi tối, chúc anh yêu ngon giấc
Chào tình nhân, người yêu dấu xa vời

Quách Như Nguyệt
May 30th, 2012
***

Dịch Thơ:

Bonjour, Mon Chéri!

Good morning, do you hear birds twittering,
Birds of Spring singing songs of reunion?
Good morning, do you look at flowers blooming?
Do you wait for, look forward to emails of mine?

Good morning, it must be near noon where you are.
Still busy, still driven to distraction by a hectic life?
Good morning, it's lonely where I reside.
Life goes by gently, flowers still bloom in solitude.

Good morning, a bright day awash with sunshine,
Clouds with varied colors driven by joyous winds.
Good night honey, have a sound sleep tonight.
Goodbye, my darling, my love of far away.

Translated by Wissai/NKBá

Những Nỗi Đam Mê


Thời gian thoảng như cơn gió, bốn mùa qua nhanh. Trời vào xuân hoa lá chớm nở đường phố Paris rợp ngát cây xanh. Ở những khu vườn cảnh(jardin d'agrément) những cây Đỗ quyên, Pieris, Hortensia đua nhau nở hoa rất đẹp, nhưng khi hoa tàn lá vẫn còn đẹp tạo màu sắc cảnh vườn quyến rũ. Màu xanh tươi của lá non, màu vàng rực rỡ của hoa Forsythia, màu hoa đào thắm cùng với sắc màu của những loài hoa khác Paris nếu nhìn từ trên cao như một tấm thảm muôn sắc. Màu vàng rực rỡ của hoa Forsythia làm tôi nhớ đến những nụ mai vàng của quê hương và cũng gợi lại màu lá thu Paris.
 
Mùa thu ở đây tuyệt đẹp những hàng cây phong (Erable) màu lá vàng rực rỡ như những thỏi vàng phản chiếu trong nắng. Cây Erable có nguồn gốc từ phía bắc Trung Hoa, những cành đầy lá vàng chen lẫn những cây Sequoia màu lá hồng bắt nguồn từ vùng California và Nevada Hoa Kỳ, những loại phong này làm tăng vẻ đẹp Paris. Nói về Thu làm tôi gợi nhớ một kỷ niệm đẹp về lần Tao Ngộ mà các bạn văn nghệ sĩ đã góp phần dệt lên bức tranh muôn sắc đó. Thời xưa người nghệ sáng tác hay trình diễn thường để giải bày những ẩn tình sâu kín trong tâm hồn, hay đưa ra những thông điệp nhằm hướng dẫn người khác theo con đường Chân Thiện Mỹ cho đúng với châm ngôn "Dĩ Văn Tải Đạo". Ngày nay khoa học đã tiến bộ vượt bực khiến con người có dịp xét lại lại quá khứ nên nhiều quan niệm về những giá trị đạo đức, thẩm mỹ cũng có nhiều thay đổi.
 
Trong cuộc sống, con người khi đã đầy đủ về vật chất thì tinh thần cũng thôi thúc đòi hỏi nhiều hơn và lãnh vực văn học nghệ thuật cũng thay đổi theo quy luật tiến hóa. Do đó, hôm nay người thưởng thức và người đọc ngày càng nhiều, và trình độ kiến thức của họ rất cao rộng, nhiều khi còn cao hơn người viết vì thế con đường nghệ thuật lại càng gian nan hơn! Chẳng có một tác phẩm nào mà không rung động chân thật từ tâm hồn. Người được công chúng yêu mến trao tặng cho "cái danh nghệ sĩ" nên trân qúy nó giữ cái hương thơm chung cho đời, tránh để chất nghệ thuật héo tàn làm thất vọng giới hâm mộ!
Những Tâm Hồn nghệ sĩ chẳng phải đợi đến lúc sáng tác hay trình diễn trên sân khấu mới thành nghệ sĩ, cũng đâu phải viết nhiều cho có số lượng mà thành văn thi sĩ "lớn". Người nghệ sĩ thực tài chỉ cần một số ít tác phẩm đắc ý, gởi trong đó những suy tư trăn trở về thân phận con người quê hương, đất nước thì cũng đủ ý nghĩa cho đời. Trong văn học nghệ thuật Việt Nam và thế giới đã có biết bao người thành danh chỉ dăm bài thơ, ít nhạc phẩm hoặc vài ba cuốn sách. Trong thế giới nghệ thuật đầy kỳ bí và mơ mộng, tâm hồn nghệ sĩ vụt sáng nào khác như một ánh sao băng thoáng trên bầu trời thăm thẳm. Hay những tâm hồn đó từ một hành tinh xa xăm lạc xuống trần rồi đọng trên kẽ lá thành những hạt sương mai. Nhưng chẳng may, hoặc vô tình có ngọn gió lướt qua lay động cành cây làm vỡ những viên ngọc trời thành muôn mảnh! Thì trước khi tan biến, nó vẫn dựng lên cái huy hoàng của bình minh.

Hội Thơ Ba Lê

Ba Lê Thi Xã là hội thơ mà các nhà thơ theo khuynh hướng Thơ Mới nhưng thích làm Thơ Đường xướng họa, do hai thi sĩ Hương Bình giáo sư Cao Văn Chiểu và thi sĩ Hàm Thạch luật gia Nguyễn Xuân Nhẫn đồng sáng lập. Hội thơ quy tụ nhiều trí thức, khoa bảng, như giáo sư đại học, bác sĩ, luật gia, học giả, dịch giả…vv.. có tâm hồn thơ, nhiều người đã thành danh trong làng văn học. Ba Lê Thi Xã rất khép kín, khắt khe chọn lọc người vào hội. Còn câu lạc bộ Văn Hóa VN Paris thành lập sau lại là một vườn hoa nhỏ nhiều màu sắc hương thơm đã mở rộng để đón nhận những tâm hồn đồng điệu nên hầu hết các nhà thơ trong Ba Lê Thi Xã đều sinh hoạt trong đó. Những bông qúy dù hương thơm ngào ngạt muôn sắc rực rỡ thì cũng có lúc hoa tàn. Nhà thơ cũng thế, sau một thời gian dài đã cống hiến cho đời bao áng thơ hay rồi đến lúc tuổi hạc cũng giã từ cõi tạm để về cõi vĩnh hằng, nhưng những vầng thơ hay và nhân cách của họ vẫn còn để lại trong sách và lòng người.
Những nhà thơ trong Ba Lê Thi Xã đã khuất núi:

Nhà thơ Cô Đầu Ðào Trọng Ðủ, nhà thơ Hương Bình Cao văn Chiểu, nhà thơ Hàm Thạch Nguyễn Xuân Nhẫn, nhà thơ Bằng Vân Trần Văn Bảng, nhà thơ Ðoàn Ðức Nhân, Nhà thơ Huỳnh Khắc Dụng, nhà thơ Lương Giang Phạm Trọng Nhân, nhà thơ Phượng Linh Ðỗ Quang Trị, nhà thơ Thường Xuân Nguyễn Đình Đạo, nhà thơ Việt Hoài, nhà thơ Song Thái Phạm Công Huyền, nhà thơ Hương Giang Thái Văn Kiểm, nhà thơ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, nhà thơ Võ Thu Tịnh, nhà thơ Hồ Trọng Khôi, nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu, nhà thơ Vũ Nguyên Bích, nhà thơ Vũ Linh, nữ sĩ Vân Nương Trần Thị Vân Chung, nữ sĩ Minh Châu Thái Thị Hạc Oánh, nữ sĩ Liên Trang Phạm thị Ngoạn (Ái nữ Cụ Phạm Quỳnh), nữ sĩ Thanh Liên, nữ sĩ Thanh Thanh Thân Thị Ngọc Quế.

Những nhà thơ hiện còn sống:

Nữ sĩ Quỳnh Liên Công Tằng Tôn Nữ Quỳnh Liên, nữ sĩ Phạm Thị Nhung, nhà thơ Khuê Trai Vũ Quốc Thúc, nhà thơ Hoài Việt Nguyễn Văn Hướng, nhà thơ Tạ Dương Hồng Lê Khắc Phẩm, nhà thơ Cung Chi Đinh Đồng Thượng Sách, nhà thơ Ðỗ Bình (ít tuổi nhất).

Sau khi hai nhà thơ Hương Bình Cao Văn Chiểu và Hàm Thạch Nguyễn Xuân Nhẫn mất, hai nhà thơ nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oánh và nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu là cột trụ của hội thơ. Nữ sĩ Minh Châu tiếp tục chăm lo vườn thơ Ba Lê Thi Xã cho đến ngày bà qua đời hội thơ cũng ngưng hoạt động!
Ở Paris rất nhiều người làm thơ, có người tự in thành tập tặng bạn bè và có những bài thơ được phổ thành nhạc nhưng tác giả những bài thơ đó không phải là người sống chết với thơ cùng thơ thăng trầm đi hết cuộc đời, mà chỉ là những cảm xúc được viết ra để giải trí thoả nỗi niềm trong một khoảnh khắc, hoặc nở rộ trong một thời gian ngắn rồi chấm dứt! Những người được đời tặng cho là nhà thơ ở đây là những người yêu thiên nhiên, biết vui buồn với nỗi niềm tha nhân, của quê hương và sự thăng trầm của đất nước. Họ đắm say thơ, trân trọng thơ dù bị đời quên lãng vẫn cùng thơ đồng hành suốt đường dài. Đó là những nhà thơ theo khuynh hướng Thơ Mới, Thơ Tự do, trong số đó có người nổi tiếng và đã ra nhiều tác phẩm. Dù thơ của họ có những bài thơ thật xuất sắc, độc đáo, nhưng không được mời vào Ba Lê Thi Xã lý do:"Nổi tiếng chưa chắc là do thơ hay" ! Thật ra hội thơ Ba Lê Thi Xã có mời thì chắc gì họ đã vào hội thơ ? Vì các nhà thơ này đang độc lập thênh thanh trong cõi riêng chẳng ai muốn bị ràng buộc vào gò bó phải làm những bài thơ xướng họa khuôn sáo không hợp với sở thích cảm xúc mà bài thơ còn bị đem ra phê bình trước những nhà thơ khác. Trong số các nhà thơ đó có cũng người không làm được thơ Đường!

Một số các nhà thơ ngoài hội:

Những nhà thơ dưới đây theo khuynh hướng thơ Mới và thơ Hiện đại nhưng có một số người làm thơ Đường rất xuất sắc:
Trúc Cư Nguyễn Đương Tịnh, Thu Tâm Võ Thu Tịnh,Văn Bá Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Thùy, Đặng Tiến, Vũ Nguyên Bích, Thi Vũ Võ Văn Ái, Kiệt Tấn, Bồng Phạm Văn Thoại, Duyên Anh, Hồ Trường An, Minh Đạo, Kim Thành Xuân, Hoa Tiên Phan Thế Nghiệp, Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh, Ngân Đoài, Trọng Lễ, Quyện Tâm Nguyễn Xuân Lang, Thế Huy, Hàn Lệ Nhân, Cổ Ngư, Nguyễn Tấn Phước, Tào Văn Trạch, Tôn Thất Phú Sĩ, Nguyễn Tất Tài, Thanh Hương Trần Văn Cảnh, Võ Hùng Anh, Lê Đình Thông, Đức Nguyên, Diệp Thanh, Hồ Minh Đào. Nguyễn Thanh Thân. Các nhà thơ nữ : Tiêu Nương, Dã Thảo, Thụy Khanh, Bích Xuân, Thụy Hương, Hà Lan Phương, Việt Dương Nhân, Hoàng Bích Đào, Chân Phương Lê Mỹ, Thiên Định, Hoàng Minh Tâm, Huyền Mi, Xuân Nương, Bô Pha, Từ Thạch, Nguyễn Mây Thu, Ngọc Thanh, Kim Lan, Thanh Hương Caroline….

Hồ Trường An khởi bút làm thơ, ký giả kịch trường, đã ra tác phẩm thơ nhưng thành danh nhà văn. Thi Vũ Võ Văn Ái khởi bút làm thơ, dạy học, đã ra tác phẩm thơ nhưng thành danh nhà báo. Duyên Anh khởi bút làm thơ, dạy nhạc, đã ra tác phẩm thơ nhưng thành danh nhà văn. Thế Huy khởi bút làm thơ đã ra tác phẩm thơ nhưng thành danh nhà báo. Trúc Cư Nguyễn Đương Tịnh khởi bút làm thơ, biên khảo nhưng thành danh bác sĩ, nhà văn. Văn Bá Nguyễn Văn Ba khởi bút làm thơ đã ra tác phẩm nhưng thành danh bác sĩ, kịch tác gia. Đặng Tiến, Nguyễn Thùy khởi bút làm thơ đã ra tác phẩm nhưng thành danh giáo sư , nhà nghiên cứu và phê bình văn học. Kiệt Tấn khởi bút làm thơ nhưng đã ra tác phẩm văn, thành danh nhà văn. Bồng Phạm Văn Thoại, khởi bút làm thơ, viết nhạc đã ra tác phẩm nhưng thành danh giáo sư, nhạc sĩ, Bình & Huyên Nguyễn Trọng Bình và Huyên, khởi bút làm thơ chung nhưng đã ra tác phẩm văn. Thành danh giáo sư, nhà văn. Nguyễn Tấn Phước khởi bút biên khảo, làm thơ Pháp đã in tác phẩm thơ và trúng giải thơ Pháp. thành danh TS thần học, nhà biên khảo và là thành viên hội Les Écrivains Combattants, một hội quy tụ nhiều nhà văn lớn của Pháp. Lê Mộng Nguyên, khởi bút làm thơ viết nhạc. Những tác phẩm đã in viết bằng Pháp ngữ về luật pháp, xã hội, và Việt ngữ phê bình thơ, tiểu thuyết, âm nhạc. Thành danh giáo sư, nhà biên khảo, nhạc sĩ. Là thành viên Hàn Lâm Viện Khoa học Pháp Quốc Hải Ngoại.
Thuở ấy người Việt ở Paris đều yêu thơ và rất trân trọng các nhà thơ nên tiếng thơ càng tăng giá trị. Có một điều đặc biệt, hầu hết những nhà thơ nữ ở Paris dù tuổi đời khác nhau nhưng đều là người đẹp mà trời ban cho tài sắc. Có lẽ họ là phu nhân của các danh nhân, trí thức khoa bảng, quan chức của Sài Gòn năm xưa nên phong cách dịu dàng khiến giới hâm mộ thơ càng quý mến.

Nguồn gốc hội thơ:

Hội Thơ Ba Lê ra đời bắt nguồn từ những vị trong Hội Cao Niên Việt Nam trụ sở là một tòa nhà cao tầng tại số 14 Bld de Vaugirard, Paris 15è do tòa thị chính Paris cấp. Thuở ấy tôi còn trẻ nhưng thường mượn phòng nơi hội cao niên để sinh hoạt văn hóa. Trong một buổi họp các bạn thơ để đặt tên nhóm thơ, nhà thơ Hương Bình tức GS Cao Văn Chiểu đề nghị tên : Ba Lê Thi Xã, nhà thơ Hàm Thạch tức Luật gia Nguyễn Xuân Nhẫn đề nghị: Hội thơ Ba Lê, ông nói:
"Hội Thơ Ba Lê hay Ba Lê Thi Xã gì cũng như nhau, nhưng Ba Lê Thi Xã nghe có vẻ âm hưởng hội thơ thời vua Tự Đức của thi sĩ Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương, mà nhà thơ Cao Bá Quát đã có câu thơ chế diễu:
"Ngán thay cái mũi vô duyên,
Câu thơ Thi Xã con thuyền Nghệ An!"


Nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oánh liền phát biểu:

"Tôi là cháu của Tùng Thiện Vương đây, còn chị Quỳnh Liên là cháu của Tuy Lý Vương, chúng tôi được mời đến tham dự hội thơ chứ đâu phải là người khởi xướng mà liên quan đến chuyện ngày trước. Dùng danh xưng Ba Lê Thi Xã nghe nó thơ và khiêm tốn, còn dùng Hội Thơ Ba Lê sợ sẽ đụng chạm đến các hội thơ khác."
Từ đó nhóm thơ mang tên: Ba Lê Thi Xã, lúc đầu các nhà thơ chỉ đến họp bạn rồi xướng họa Đường Thi mặc dù trong đó chỉ có nhà thơ, học giả Đào Trọng Đủ là thực sự theo khuynh hướng Đường Thi nghĩa là ngoài thơ Đường ông không làm một thể loại khác; những người còn lại đều theo khuynh hướng Thơ Mới nhưng thích làm thơ Đường, thơ rất chỉnh và hay nhưng rất ít làm, vì sợ đem ra bình phẩm.

Các thi sĩ ở xa thường có thơ xướng họa:

Anh Quốc: nhà thơ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, nữ sĩ Vân Nương Trần Thị Vân Chung. Canada: nữ sĩ Song Hường. Mỹ: nữ sĩ Trùng Quang.

Những thi sĩ ở xa có thơ được đọc trong Ba Lê Thi Xã:

Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Song Hường, Trùng Quang, Hà Thượng Nhân, Dương Huệ Anh, Hồ Công Tâm, Hà Bỉnh Trung.

Thuở ấy tôi chỉ dự thính mà không tham gia vào hội thơ vì không muốn bị ràng buộc. Mãi đến năm 1990 tôi mới gia nhập Ba Lê Thi Xã và là người trẻ nhất cho đến lúc hội ngưng hoạt động. Sau một thời gian ở trong hội tôi đề nghị mỗi lần họp thơ nên đưa ra những bài thơ đắc ý nhất không bó buộc ở thể loại. Với đề nghị đó hội thơ trở nên khởi sắc, các nhà thơ không còn quá thận trọng bị gò bó gượng ép làm những câu vần điệu khung theo quy luật. Hội thơ đã mời một nhà thơ theo khuynh hướng thơ Tự do đó là nhà thơ Hoài Việt TS Nguyễn Văn Hướng, tác giả 4 thi tập: "Tôi yêu 1962,Tình Em Nho Nhỏ 1962, Ngày Mẹ về 1978 và Quê Người in năm 1987" , ngoài ra ông còn là người chủ trương tuyển tập Làng Xưa Phố Cũ. Ông là người duy nhất làm thơ Tự Do trong hội có lẽ vì chịu ảnh hưởng sâu đậm thi ca Pháp mặc dù ông đã làm thơ ở quê nhà trước khi đi du học năm 1950.

Nhà thơ Hoài Việt, nhà thơ Hồ Trọng Khôi, học giả Hương Giang Thái Văn Kiểm, học giả Võ Thu Tịnh, nhà thơ Song Thái, nhà thơ Phương Du, nữ sĩ Minh Châu, nữ sĩ Phạm Thị Nhung, nhà báo Tô Vũ, nhà văn Từ Nguyên …. là những người quan trọng không thể thiếu cho những buổi sinh hoạt văn hóa, ra mắt sách ở Paris mà tôi là người tổ chức. Nhà thơ Hồ Trọng Khôi, nhà thơ Võ Thu Tịnh làm thơ hay, những bài thơ quê hương thì được mọi người biết nhưng những bài thơ trữ tình lại không phổ biến. Nhà thơ Hương Giang Thái Văn Kiểm và nhà thơ Võ Thu Tịnh làm thơ từ hồi còn trẻ do đó muốn tôi giới thiệu hai người là thi sĩ hơn là học giả, giáo sư, nhưng cái khung "hàn lâm" khiến hai ông không dám phá nguyên tắc để sáng tạo vì sợ bị phê phán nên đã cản bước hai ông trở thành một thi sĩ như mong muốn!

Trong một lần sinh hoạt Câu lạc bộ Văn Hóa VN Paris, chẳng biết vô tình hay cố ý, chính nhà thơ Võ Thu Tịnh đã làm cho những nhà thơ Ba lê Thi Xã không còn dám xướng họa Thơ Đường như trước vì bị ông chế diễu làm thơ không có sáng tạo, chỉ dựa nhau thù tạc! Hôm đó thay vì nói về một đề tài văn hóa, giáo sư Võ Thu Tịnh kể một câu chuyện:
"Có một lần họp thơ vào giữa mùa đông, tuyết phủ trắng xóa Paris, nhưng những nhà thơ vẫn dầm tuyết đến hội. Tôi không phải nhà thơ nhưng vì nể lời mời nên đến. Hôm đó có người đưa ra bài thơ cũ tả phong cảnh mùa hè Paris để các bạn họa, thế là những bài họa tả về mùa hè thật hay dù ngoài trời tuyết giăng đầy! Tôi tự hỏi các nhà thơ đã lấy nguồn cảm hứng từ băng giá mùa đông để viết về mùa hè, hay do hoài niệm?"

Sau khi nghe câu chuyện kể không khí trong phòng bỗng im lặng ngột ngạt, thấy vậy tôi góp ý vào câu chuyện giáo sư Tịnh vừa kể để không khí bớt nhột nhạt:
"Theo thiển ý tôi, bài họa “vội vã” dễ trở thành bản sao; nên khó có sự đồng cảm để đồng điệu vì thiếu ngoại cảnh gây cảm xúc thật, nhất là bài họa nếu chỉ dựa vào vần mà quên phần cốt lõi tứ thơ thì bài họa đó sẽ thành một bài thơ khác, như thế người họa phải vịn vào vần của kẻ khác mà đi thì còn đâu sáng tạo của thi sĩ?! Nhưng nếu bài thơ được một thi sĩ họa thì bài họa đó sẽ có sự đồng cảm cộng hưởng để thành bài thơ hay và đôi khi còn hay hơn cả bài xướng."

Nhà thơ Phương Du tiếp lời:

"Thời xưa các nhà nho đều là giới khoa bảng, giỏi thơ phú vì thi cử cũng bằng thi phú. Do đó khi các nhà thơ xướng họa đều phải tuyệt tác họ mới dám khoe nhau".

Nhà phê bình Nguyễn Thùy tiếp lời:
" Thời nay đã khác với thời xưa từ đời sống vật chất đến ngoại cảnh, nhất là người làm thơ trình độ không đều nhau ảnh hưởng đến những bài họa. Nếu bài thơ được đông người họa thì bài họa sẽ có nhiều câu chữ giống nhau? Chắc hẳn điều đó không do sự đồng điệu mà do niêm luật bó buộc nên câu chữ được chọn cho không sai luật. Tuy nhiên sẽ có những bài họa tuyệt hay, hay hơn cả bài xướng. Từ đó, những buổi họp thơ trở nên ít xướng họa."
 
Những Nhà thơ đặc biệt trong Ba Lê Thi Xã:

Cố Nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oánh là một khuôn mặt tiêu biểu cột trụ của hội, bà rất khắt khe trong lãnh vực văn học nghệ thuật. Trước 1975 bà là giáo sư trường Quốc Gia Cao Ðẳng Mỹ Thuật. Năm 1971 bà triển lãm tranh lụa tại Ðại Hàn và Nhật Bản. Năm 1972 đã trưng bày một cuộc triển lãm tranh lụa và sơn dầu tại Alliance Française Sài Gòn. Năm 1977 tham dự triển lãm salon “ Artistes Française“ ở Grands Palais, tại Paris. Nam Paris. Minh Châu làm thơ ngay từ lúc còn trẻ, số lượng thơ cho đến lúc cuối đời cả ngàn bài, nhưng nhà thơ loại bỏ rất nhiều, chỉ tuyển chọn hơn trăm bài đắc ý chứa những nỗi niềm về quê hương để lưu lại cho đời. Nữ sĩ không làm những bài Đường thi để trình làng, hoặc gởi những tạp chí, thỉnh thoảng bà mới làm những bài thơ Đường xướng họa chỉ để tạc thù với các bạn.

Nhà thơ Minh Châu theo khuynh hướng Thơ Mới, Bà mạnh dạn bỏ qua những niêm luật quá gò bó của dòng thơ cổ điển, bỏ đối , thả lỏng luật để biến thể hòa vào trào lưu theo sự chuyển xoay của dòng thi ca thời đại, hầu có thể diễn đạt hết những cảm xúc trong tâm hồn Đặc sắc nhất là một số bài thơ Mới và thơ Ðường, ở thể thơ đó Minh Châu đã dùng những ngôn ngữ của hội họa đưa vào dòng thơ cổ điển để bài thơ của mình có màu sắc ngôn ngữ hình tượng giúp vần thơ nhẹ nhàng trong không gian rộng lớn, theo luật, giữ luật nhưng lại lướt trên luật hòa theo dòng cảm xúc thành ngôn ngữ sáng tạo. Với những hình ảnh tuyệt vời của thiên nhiên trong con mắt nghệ sĩ có cảm nhận và sự rung cảm khác nhau. Cũng là ngôn ngữ thơ, những ngôn ngữ trong thơ Thiền khác với ngôn ngữ thơ tình, thơ quê hương, thơ đấu tranh, thơ thiên nhiên…

Cố thi sĩ Bằng Vân Trần Văn Bảng

Tốt nghiệp Y Khoa Đại học Hà Nội năm 1940, nếu tính từ năm 1935 (khóa đầu tiên có luận án Tiến sĩ Y khoa trình ở Đại học Y Khoa Hà Nội) đến niên khóa 1940 thì BS Trần văn Bảng là 1 trong số 115 bác sĩ đầu tiên ra trường ở Đại Học Y Khoa Hà Nội. 1956-1956 giám đốc bệnh viện Chợ Quán.
Ông là một con người đặc biệt, năm xưa mê thơ hơn chức giáo sư đại học y khoa, chức trưởng phòng nghiên cứu về bệnh cùi (1963-1975) thuộc viện Pasteur:Trung tâm nghiên cứu bệnh nhiệt đới. Ông là thành viên hội thơ Trúc Liên từ đầu thập niên 60, hội quy tụ nhiều nam nữ thi sĩ nổi tiếng như Chung Anh, Vân Nương, Thu Nga, Trùng Quang, Đông Xuyên….vvv… Thi sĩ Bằng Vân đã sống với thơ và thơ đã nhập vào ông thành phong cách sống. Dù say thơ, từng làm thơ xướng họa với các thi nhân nhưng Bằng Vân vẫn xem mình như một nhà thơ tài tử, vì tay phải vẫn cầm ống nghe, tay trái viết theo tiếng lòng.
May thay cạnh ông thời trẻ là những văn thi sĩ nổi tiếng như Lãng Nhân, Vũ Hoàng Chương, Tchya. Nguyễn Hiến Lê, Vũ Bằng, Đỗ Đức Thu..vv.. đã hiểu ông, khuyến khích nên thơ ông càng ngày càng điêu luyện sắc bén. Sau biến cố năm 75 thơ ông trở nên độc đáo mang tính phê phán, châm biếm. Nói như nhà thơ Phương Du:
"Trong số các nhà thơ châm biếm VN như Tú Xương, Tú Mỡ…thi sĩ Bằng Vân là một Tú Gân."

Với bản tính nghệ sĩ bất cần nên hơi khác người, ông thường bị xem là kẻ bơi ngược dòng, ngông sĩ, thích bông đùa. Đôi khi thấy ông tay xách bao đi chợ đựng sách báo và thức ăn, ông vào nhà hàng ngồi chung bàn tiệc với các bạn văn thơ, ông không dùng thức ăn của nhà hàng, ông không ăn chay nhưng mang phần ăn của mình ra ngoài ăn, ông dành tiền phần ăn mua sách ủng hộ các văn thi sĩ.
Các bạn thơ ở Paris đều hiểu và phục ông lắm, chẳng ai thắc mắc những lúc ông "hứng" như thế. Ăn xong, vào phần thảo luận văn thơ ông diễn thuyết như sáo. Một số bài thơ trong thi tập Mếu Cười dưới bút hiệu Lưu Văn Vong là ông tự họa để diễu mình và châm biếm đời. Ông rất quý tình bạn, nhất là tình nghệ sĩ nên viết thi tập Duyên Thơ Tình Bạn, Sợi Tơ Lòng dưới bút hiệu Bằng Vân.
Trong số các nhà thơ nữ ở Paris ông quý nhất nữ sĩ Thanh Thanh Thân Thị Ngọc Quế tác giả thi tập Giọt Nước Cành Sen, và nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương còn ở quê nhà, đa số thơ ông ca ngợi những thi sĩ cùng thời với ông. Hình bìa của thi tập Huyền Thoại Tình Và Thơ, do phu quân của nữ sĩ Thanh Thanh là họa sĩ Dương Cẩm Chương trình bày, người nghệ sĩ này thích vẽ tranh hơn làm bác sĩ khám bệnh.

Có lần chúng tôi họp bạn văn ở nhà hàng Đào Viên để đón nhà thơ Viên Linh từ Hòa Kỳ sang, GS, nhà báo Đặng Văn Nhâm từ Đan Mạch qua. Trong số những người đến sớm có tôi, nhà văn Hồ trường An, nhà thơ Bằng Vân, nhà thơ Phương Du, nữ sĩ Quỳnh Liên, nữ sĩ Thụy Khanh.vv.Nhà thơ Bằng Vân hỏi nhà văn Hồ Trường An:"Sao ông viết về phụ nữ nhiều thế, ca vừa thôi chứ !?" Đang vui bỗng bị hỏi câu đó, nhà văn Hồ Trường An: "Chỉ mình tôi “ca, bộ ông không ca sao ?!"
Thi sĩ Bằng Vân cười ha hả:"Thế là chúng ta đồng điệu,… Viết về cái đẹp cái hay của phụ nữ là đề tài mà từ ngàn xưa giới văn học nghệ thuật đã làm, chúng ta chỉ là người đi sau phát hiện ra cái hay, cái đẹp để ca ngợi.".
Thi sĩ Bằng Vân dáng người dong dỏng cao như tây phương, mái tóc dầy trắng như cước bồng bềnh trông rất nghệ sĩ. Khuôn mặt của ông điển trai trông đẹp lão, miệng ông luôn cười, hé chiếc răng nanh làm tăng vẻ duyên dáng. Thi sĩ bằng Vân vốn có một kiến thức rất uyên bác, lại có tài ăn nói. Nhà thơ đã nâng cao giá trị những nhà thơ ở Paris thời đó vì cách sống rất nghệ sĩ của ông. Chính ông là người chủ trương tuyển tập: Thi Mục Y Giới Văn Thi Nghệ Sĩ.

Có lần học giả GS Lê Hữu Mục qua Paris diễn thuyết về Truyện Kiều do hội Dược sĩ tổ chức, ông được mời đến hội Thơ để đàm luận thi ca, và giới thiệu vài nét về cuốn Ngục Trung Nhật Ký mà ông vừa viết. Ở Ba Lê Thi Xã ông gặp được thi sĩ Bằng Vân, cặp nghệ sĩ Bằng Vân Lê Hữu Mục hòa nhau diễn thuyết khiến các nhà thơ hiện diện nghe say mê quên cả trình bày thơ mình. Một người nổi tiếng như BS Trần Văn Bảng đến khi lìa đời ở tuổi 88 vào năm 1998. Tiễn ông chỉ ít bạn thơ và gia đình, hôm đó trời lạnh dưới 5 độ C, tuyết rơi phủ ngập đường. Trong băng giá, có một người nghệ sĩ cả đời dùng thi ca để nói lên nỗi đau của thân phận con người, ông ra đi mà nỗi niềm nhân thế vẫn còn vương !

Cố thi sĩ Song Thái Phạm Công Huyền, nhà cựu ngoại giao VNCH, tác giả nhiều tập thơ và nhiều bài biên khảo, luận thơ trên báo. Ông là người mệnh danh làm thơ nhanh, nhà thơ đi 10 bước có thể làm được một bài thơ Lục Bát, hoặc thơ Đường, nhưng ít bài độc đáo. Những bài đó chỉ để biểu diễn, sau đó vứt bỏ ! Nhờ nổi tiếng, ông được nhà báo Bát Vân tức nhạc sĩ Lê Minh Hải ái mộ. Ông Lê Minh Hải qua Pháp vào thập niên 60, là chủ một nguyệt San Tân Dân Xã ở Paris phát hành khắp Âu Châu và Mỹ. Ông rất ngưỡng mộ nữ sĩ Vân Nương và phu quân của bà là Cố luật sư Lê Ngọc Chấn, có thời làm Đại sứ VNCH ở Anh Quốc, nên ông đã tự đặt tên: “Tao Đàn Hải Ngoại ”rồi đưa lên trang báo và phong chức cho chúng tôi: nhà thơ Song Thái là chủ tịch, nữ sĩ Vân Nương Lê Ngọc Chấn là Phó, còn tôi là tổng thư ký. Nói qua về nữ sĩ Vân Nương, tác giả nhiều tập thơ, có những bài nổi tiếng, trong đó có thi tập Mây Viễn Phố viết sau này. Nữ sĩ Vân Nương là nhà thơ nữ duy nhất ở Pháp có chân trong các hội thơ danh tiếng của Việt Nam từ đầu thập niên 60 thế kỷ trước.

Thơ của tôi được bà cảm nên đã chuyển vài bài qua Pháp ngữ và còn làm tặng một ít bài thơ. Nhận được báo của Bát Vân Lê Minh Hải tôi đọc mà rùng mình, sợ bằng hữu hiểu lầm, tôi vội phôn ngay đến nhà báo Bát Vân để hỏi nhưng ông không có nhà! Hôm sau, nữ sĩ Vân Nương ở dưới tỉnh Dordogne miền Nam nước Pháp gọi lên Paris, bà đọc báo của Lê Minh Hải tưởng tôi đã nhận lời tham gia nên gọi phôn hỏi về chuyện Tao Đàn Hải Ngoại, sau khi hiểu câu chuyện bà quyết liệt đòi tờ báo cải chính, bà còn viết thư cho tôi nhờ nói giúp bỏ tên nữ sĩ ra. Sau khi liên lạc được với nhà báo Lê Minh Hải, tôi yêu cầu ông cải chính. Nhà báo Lê Minh Hải vui vẻ nói:“Điều đó chỉ là do ý tốt của tôi muốn những nhà thơ khắp nơi đứng chung với nhau để thành vườn thơ.” Sau đó ôngđã dẹp bỏ ngay cái “Tao Đàn” đó vào bóng tối. Ít lâu sau thì ông qua đời mang theo nhiều tâm huyết và hoài bão! Có lần nhà thơ Song Thái nói chuyện trong một buổi sinh hoạt văn hóa về đề tài :Những Phong Tục Tập Quán Việt Nam, thời gian ấn định dành cho mỗi diễn giả 25 phút. Bài nói chuyện của ông kéo dài hơn một giờ, khán giả thấy vậy đồng loạt vỗ tay để cho ông ngưng nói, nhưng ông lại nghĩ rằng mọi người thích nghe nên đã cảm ơn và tiếp tục nói đến hết bài ! Nhà thơ Song Thái sống đến 101 tuổi, dù tuổi cao nhưng ông vẫn thuộc nhiều thơ.

Cố thi sĩ Hồ Trọng Khôi, cựu ngoại giao VNCH, người nổi tiếng ở Paris về thơ Quê hương trữ tình, ông có tài ứng khẩu thành thơ và là nhà biên khảo, tác giả cuốn Tận Thế Hay Không.
Cố thi sĩ , GS Võ Thu Tịnh,
Bút hiệu Thu Tâm, Tô Vũ, chuyên biên khảo về văn học V.N cho các tạp chí Pháp ngữ, Việt ngữ tại Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Thụy Điển. Đã xuất bản 20 đầu sách Pháp Việt. Tác giả nhiều bộ sách viết về văn hóa VN, Nguyên Giám Đốc Thông tin Trung phần (Huế 1955-56), rồi Nam phần (Saigon 1955- 1961). Trong thời gian ấy, làm trưởng phái đoàn Báo chí Cộng Hòa Miền Nam VN dự hội nghị Ban Dung (Nam Dương 1955) với tư cách quan sát viên. Năm 1961 từ chức Giám đốc, làm giáo sư các tư thục Sài gòn (Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng, Nguyễn Công Trứ, Thăng Long...). Sáng lập viên và chủ nhiệm tạp chí văn hóa chính trị Mùa Lúa Mới (Huế 1955-56) với sự cộng tác của Võ Phiến, Nguyễn Văn Xuân, Đỗ Tấn. Năm 1966, di cư sang Vientiane, Lào, làm Hiệu Trưởng các Trung học tư thục Aurore và Trung học Việt kiều Ai Lao tại Vientiane. Biên tập viên các báo Lao Sapada, Vientiane News, Vientiane 1967-1975), Sáng lập viên và Chủ bút tạp chí biên khảo về văn hóa Lào Bulletin des Amis du Royaume Lao (BARL, Vientiane 1970-1975).

Giáo sư Võ Thu Tịnh trải dài theo tuổi đời, đến giây phút cuối cùng ông để lại nhiều công trình nghiên cứu, những bộ sách giá trị. Ông giỏi nhạc, yêu văn thơ và làm thơ rất nhiều, nhưng vì bản tính khiêm nhường ông không nhận mình là thi sĩ. Trong thi ca, nếu thi nhân gọi nguồn thơ bằng những lời âu yếm: Nàng thơ, vì thơ là cái đẹp, cái chân, cái thiện, tìm trong cõi phiêu bồng đầy mơ mộng đó có chút gì đã mất, đã qua để sống với ký ức trở về tuổi xanh, nên thơ được trân trọng, được xem như nghệ thuật của nghệ thuật. Qua những câu chuyện văn chương khi tiếp chúng tôi ở nhà riêng, một cách thân tình ông nói:“Tôi chỉ làm vần những ‘đoản văn’, không dám nhận mình là nhà thơ!” Thoạt nghe tôi nghĩ ông nói bóng gió tình trạng thi ca hiện nay nhà thơ và số lượng quá nhiều! Nhưng tôi thấy trong đôi mắt ông chứa đầy chân tình hàm chứa một sự lo lắng về dòng thi ca hiện đại ở trong nước cũng như hải ngoại. Ông mở tủ lấy những tập bản thảo đã cũ cho tôi và nhà văn Nguyễn Thùy xem nào là Đường Thi, nào là Thơ Mới từ hơn nửa thế kỷ trước đến nay. Ông đọc cho chúng tôi nghe, quả thật thơ ông rất hay và sâu sắc. Tôi chợt hiểu tại sao một con người mang đầy tâm hồn thi sĩ, làm thơ đã từ lâu có những bài rất hay, rất lãng mạn nhưng lại ít phổ biến. Phải chăng do tính cẩn trọng ông không dám vượt ra khuôn khổ tìm kiếm những cái mới ? Ông muốn những bài viết phải có tài liệu chứng minh, mà thơ thì nửa hư nửa thực lúc nào tâm hồn cũng bay bổng, không thực tế, làm ảnh hưởng đến những bài nghiên cứu của ông.
Mặc dù thích thơ văn nhưng ông chọn một con đường an toàn dồn tâm trí vào sự nghiên cứu văn hóa dân tộc. Do đó ông nén nguồn thơ ấy vào cái khung lộng son, thỉnh thoảng vẫn làm thơ nhưng không đeo đuổi nghiệp thơ, không muốn vượt qua khuynh hướng hàn lâm để chuyên tâm về mặt sáng tác thơ văn như bao nghệ sĩ khác. Là một người bản tánh đôn hậu, cần mẫn, chăm chỉ học hỏi và nghiên cứu nên kiến thức rất uyên bác, Giáo sư Võ Thu Tịnh là một học giả, một người thầy hơn là một nghệ sĩ, vì thế tôi không ngạc nhiên khi ông không nhận mình là thi sĩ. Dù không nhận mình là nhà thơ nhưng ông đã giúp cho một số người mới làm thơ bằng cách góp ý, nâng những cánh thơ làm bóng ngôn ngữ chuyên chở được hồn thơ hoàn thành thi phẩm, nhờ đó trở thành thi sĩ trong vườn thơ hải ngoại.

GS Võ Thu Tịnh sống rất thanh cao dù nghèo, vật chất không dư giả như những người khác nhưng lại giàu tình người, hay giúp người. Nhà của ông thường được bạn bè lui tới thăm hỏi, trú ngụ, ngay cả đôi người chưa quen biết cũng đến trú ngụ ông cũng sẵn lòng. Tuy nghèo nhưng ông lại dám san sẻ tiền bạc để giúp một ai đó trong cơn ngặt nghèo. Có lần ông kể: Thời Đệ Nhất Cộng Hòa ông có được đề cử làm Tỉnh Trưởng, Đại Sứ nhưng ông từ chối, có lẽ ông thích Văn học hơn là Chính trị. Ông sống rất thanh đạm, sống nghèo, sống thiếu nhưng lúc nào cũng bình an, luôn giữ cái ‘hạo nhiên’ của một kẻ sĩ, phần nào như một Nguyễn Công Trứ ‘’Ngã kim nhật tại tọa chi địa, Cổ chí nhân tằng tiên ngã tọa chi, Ngàn muôn năm âu cũng thế ni, Ai hay hát và ai hay nghe hát’: ‘Cái chỗ mà ngay nay ta đang ngồi đây, người thời xưa cũng đã từng ngồi rồi, có phải trong thời gian ngàn năm qua, xưa hay nay cũng chỉ là tấn tuồng diễn đi diễn lại mãi chăng?
 
Trong cái không gian nầy, thử hỏi ai là người trong cuộc (hay hát) đang múa men trên sân khấu của đời, mà ai là khách bàng quan (nghe hát) khán giả đang xem tấn tuồng kia đang diễn ra’ (Tình Tự Dân Tộc – trang 273) để rồi cũng như Nguyễn Công Trứ xác định vị trí, thân phận mình ‘Không Phật, không Tiên, không vướng tục’. Do đó, Ông ít lui tới đám đông, ngoại trừ lúc được mời. Người ta biết đến ông, lui tới với ông hơn là ông giao du, tiếp xúc. Vào ngày 07 tháng 10 năm 2001, Câu lạc bộ Văn Hóa VN Paris tổ chức chiều sinh hoạt nghệ thuật chủ đề Thu Đất Khách, nhiều văn nghệ sĩ ở khắp nơi về Paris. Nhà thơ Hoàng Xuyên Anh từ Hoa Kỳ sang Paris được giáo sư TS Lê Mộng Nguyên giới thiệu thi phẩm và tác giả. Nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh từ Na Uy sang thuyết trình về đề tài: Tự Lực Văn Đoàn Ngôi Nhà Ánh Sáng. Văn thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật từ Na Uy sang thuyết trình đề tài: Người Cầm Bút Lưu Vong. Phần tác phẩm và tác giả, nhà thơ Đỗ Bình giới thiệu Những Tác Phẩm Nghệ thuật Điêu Khắc của nữ điêu khắc gia Vương Thu Thủy, và một tác phẩm văn chương của đạo diễn Trần Song Thu. Nhạc sĩ Lão thành Xuân Lôi nói về nhạc phẩm Nhạt Nắng của ông sáng tác 1955 vang bóng một thời, và Nhạc sĩ lão thành Trịnh Hưng nói về nhạc phẩm Lối về Xóm Nhỏ, sáng tác vào giữa thập niên 50 từng vang bóng một thời. Gs Võ Thu Tịnh thuyết trình về đề tài: Sự Xuất Hiện Thơ Mới và tâm Sự Người làm Thơ, ông đã phát biểu:“Thơ là sự nổi loạn trong ngôn ngữ. Ngày xưa không có tiểu thuyết người ta dùng thơ để làm nhịp nhàng câu ca dao tục ngữ để dễ nhớ về đất nước mình. Đó là một hình thức lưu truyền ký ức của đoàn thể…”

Đây là lần đầu tiên GS Võ Thu Tịnh nói chuyện ở Paris với hơn 400 khách mời chọn lọc. Người Việt Paris khám phá tài diễn thuyết của ông, và kể từ đó ông được mời đi diễn thuyết khắp nơi Giáo sư Võ Thu Tịnh cả một đời tận tụy cho văn hóa dân tộc, là một học giả nhưng viết rất giản dị, dễ hiểu, không dài dòng, văn hoa. Dù nói đến những vấn đề cao sâu như Đạo Khổng, Đạo Lão, Đạo Phật hay Đạo Chúa, ông diễn giải rất mạch lạc, ai đọc cũng hiểu ngay. Một điều cần để ý trong các trước tác của ông là đề cập đến vấn đề gì, ông cũng nêu dẫn chứng rõ ràng giúp người đọc vững tin là điều ông nói có luận cứ xác thật.

Rất tiếc, con người tài đức như Ông, sinh phải thời buổi nhiễu nhương đành đem cất giấu mọi đau khổ nhân sinh, mọi cảnh tình đau đớn của dân tộc, đất nước vào cảnh sống cô đơn của mình, để chuyên chú vào việc trước tác văn học, văn hóa hầu giúp bây giờ và thế hệ về sau biết gìn giữ, tôn quí những gì hay đẹp của dân tộc, của nhân sinh. Chúng tôi: nhà văn Nguyễn Thùy, nhà biên khảo Mỹ Phước, nhà thơ Nguyễn Mây Thu, Thúy Hằng và tôi vào nhà thương thăm giáo sư Võ Thu Tịnh, trước phút lâm chung giáo sư còn dặn chúng tôi: "Hãy cố gắng đi trọn con đường văn hóa, cố bảo tồn và phát huy nó” .
Cố thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái
Nguyên là viện trưởng viện Pasteur Việt Nam (Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang 1955 1975), giáo sư Y Khoa Đại Học Sài Gòn bộ môn Vi- Sinh- Vật- Học, từ năm 1955- 1975 được nhóm Ba Lê Thi Xã gọi là “ẩn sĩ ”vì ít tham dự đám đông, thỉnh thoảng họp thơ nhưng khi xuất hiện miệng luôn tươi cười và âm thanh tiếng cười vang khắp phòng, kèm theo lời góp ý là những vần thơ độc đáo. Ông là tác giả 4 thi tập:Những Vần Thơ Lưu Niệm, Tình Thơ Paris, Duyên Kiếp Thiên Tình,Nghĩa Nợ Tình. Trước năm 75 với những tác phẩm: Khoa Học và Đức Tin, Giới Thiệu Tư Tưởng của Teilhard de “Chardin”do Kim Lai Ấn Quán xuất bản Sài Gòn 1965. Ông là anh của thi nhạc sĩ Tử Phác, người từng có những nhạc phẩm :Tiếng Hát Quay Tơ ,Tiếng Hát Lênh Đênh…vv.., vang bóng một thời, Tử Phác cũng làn nạn nhân trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm năm xưa với vai trò thơ ký tờ báo.
Cố thi sĩ Phương Du, BS Nguyễn Bá Hậu
Là hiền sĩ. Ông tốt nghiệp y khoa bác sĩ năm 1951, sau đó phục vụ trong QLVNCH, là một trong 10 vị bác sĩ đầu tiên trong ngành quân y. Sau khi giải ngũ ông cùng gia đình sang Pháp định cư năm 1971. Nhà thơ Phương Du theo khuynh hướng Thơ Mới nhưng có nhiều bài Đường Thi, nhất là Thơ Xướng Họa. Ông là tác giả của 3 tập Thơ : Tha Hương 1, 2 Tình Thương, và tập biên khảo: Hoa Tâm. Ngoài ra ông còn soạn nhạc và thực hiện 3 CD Thánh Ca. Nhà thơ Phương Du là một khuôn mặt nổi, từng đảm nhận nhiều trách vụ trong sinh hoạt văn hóa VN ở Paris.

Cố thi sĩ Vũ Nguyên Bích (Quốc Hùng),

Tác giả viết lời ca khúc Mưa Chiều Kỷ Niệm, ông là một nhà khoa học ảnh hưởng văn hóa Pháp nên làm thơ Tự do và thơ Pháp ngữ, thỉnh thoảng mới làm thơ Đường. Ông tham dự hội là khách mời nhưng vẫn góp ý luận thơ;

Nhà thơ Gia Trạng Lê Ngọc Quỳnh (tuổi ngoài 90)

Nhà nghiên cứu tử vi và biên khảo. Ông làm thơ xướng họa, hiện còn sống và đã xuất gia từ lâu và đang tu ở Chùa). Ông tham dự là khách mời nhưng vẫn làm thơ xướng họa và luận thơ.
Hai nhà thơ Vũ Nguyên Bích và Gia Trạng thường bàn sâu về một bài thơ, chẻ đôi con chữ tìm những điểm thiếu sót về mỹ học trong bài thơ để phê bình.

Cố thi sĩ Vũ Linh (GS Đại Học)

Là người làm thơ Đường nhanh nhất hội, thơ có thể đọc xuôi và đọc ngược, nhưng trong hội không ai công nhận ông là nhà thơ mà chỉ xem ông là khách mời tham dự buổi sinh hoạt thơ, ông biết nhưng vẫn không buồn vì làm thơ chỉ để giải trí. Ông là người rất giỏi kỹ thuật thơ, có khả năng sắp xếp con chữ rất nhanh nhưng toàn là câu chữ của người mà không sáng tạo!
 
Câu Chuyện Văn Học

Buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật để tưởng niệm thi sĩ Hàn Mạc Tử do câu lạc bộ Văn Hóa VN Paris tổ chức. Hôm đó, ngoài phần đọc những bài thơ chọn lọc trong thi tập: Lệ Thanh, Gái Quê, Đau Thương của Hàn Mạc Tử, các văn nhân thi sĩ còn bàn đến những nét hay đẹp trong thơ, cuộc tranh luận tuy không sôi nổi nhưng rất hào hứng. Nữ sĩ Minh Châu, Gs Thái Hạc Oánh cho rằng trong thơ Hàn Mặc Tử có nhiều bài siêu thực, nhất là giai đoạn ông bị bệnh:

"Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô.
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra"

(Say Trăng)

Nhà thơ Song Thái Phạm Công Huyền lại bảo thơ Hàn Mạc Tử nặng chất tình dục:
"Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi…..
.. Ô kìa ! bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe …"

( Bẽn Lẽn)

Nhà biên khảo Lương Giang Phạm Trọng Nhân, cựu ngoại giao VNCH, một trong những diễn giả diễn thuyết hay của Paris, ông nói :
“ Theo tôi thơ Hàn Mặc Tử là thơ trữ tình lãng mạn khởi đi từ quê hương đến tình yêu đôi lứa….Những bài thơ trong thi tập Lệ Thanh, Gái Quê và một số bài trong Đau Thương mang dòng thơ trữ tình lãng mạn: Mùa Xuân Chín, Đây Thôn Vỹ Dạ, Trăng Vàng Trăng Ngọc, Những Giọt Lệ… Ông đọc:

"…Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ… "

(Những Giọt Lệ)

Ông đọc tiếp bài khác: Đây Thôn Vỹ Dạ:

“…Mơ khách đường xa, khách đường xa;
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?”


Nói đến Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử là nói đến cách sử dụng hình ảnh linh động chứa ẩn dụ và mang nhiều ý nghĩa khác nhau:
“Trăng, trăng, trăng! Là trăng, trăng trăng!
(Trăng Vàng Trăng Ngọc)

Nhà thơ Hồ Trọng Khôi đặt câu hỏi:

"Tại sao vào những đêm trăng rằm thi sĩ Hàn Mạc Tử lại cảm thấy đau đớn hơn ? Có phải cơ thể người bị phong nan y dị ứng với mùa trăng?"

Nhà thơ Bằng Vân ngồi im lặng bỗng lên tiếng:

"Chẳng phải mỗi lần trăng lên là hành hạ các vết đau của Hàn Mạc Tử, vì người bị phong nan y các ngón chân tay trong cơ thể đều tắc các mạch máu và tê dại thì làm sao mà đau đớn ! Do đó cơn đau ở đây là nỗi đau trong tâm hồn, chứ không phải đau thể xác."

Nhà thơ Phương Du cho rằng thơ Hàn Mạc Tử thiên về tâm linh, ông nói:"Nhà thơ Hàn Mạc Tử vì mắc bệnh nan y bị người đời ruồng bỏ nên đức tin vào Thiên Chúa của ông trở nên vững mạnh, do đó ở những ngày cuối đời nguồn cảm hứng của Hàn Mặc Tử đã chuyển sang tâm linh, đơn cử như bài Thánh Nữ Đồng Trinh Maria.":

"Maria! linh hồn tôi ớn lạnh !
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến…”


Nhà thơ Vân Uyên góp ý bằng cách đọc một bài thơ của ông để ca ngợi 4 người “đặc biệt” đã trải qua vòng tử sinh mà nhà thơ gặp trong đời, bài thơ mang tên:Đọc Thơ Bốn Người trong đó có những đoạn về thi sĩ Hàn Mạc Tử:
“Đốt trầm hương tựa án thư, Ý tình sinh tử đọc thơ bốn người. Uống trăng say mộng khóc cười, Hú hồn gánh huyết giữa trời hư vô. "Máu đã khô rồi thơ cũng khô! Hồn ơi! Phiêu lạc đến bao giờ"

Nhà thơ Vân Uyên giải thích hai câu thơ sau của Hàn Mạc Tử:
 
“ Khi làm câu thơ ấy tâm hồn Hàn Mặc Tử đau đớn tột độ vì nguồn thơ sắp cạn, thi sĩ biết mình đã kiệt lực sắp chết trong lúc tuổi đời còn đang kết trái nở hoa ! Hàn Mặc Tử là người công giáo có đức tin mãnh liệt nhưng theo tôi thi sĩ chưa thực sự hiểu đạo. Câu thơ “ Hồn ơi! Phiêu lạc đến bao giờ ”; đã minh họa sự vô định của Hồn sau khi lìa xác; thay vì phải về Nước Chúa.”

Buổi lễ tưởng niệm Hàn Mạc Tử chấm dứt nhưng đề tài này vẫn kéo dài mãi đến nhiều năm sau.

Vài Sinh Hoạt của CLB Văn Hóa VN Paris


Vào lần khác ngày 25 03 2003, một buổi sinh hoạt văn học nghệ những người hiện diện: Nhà thơ Dương Huệ Anh từ miền Cali nắng ấm đến Paris, nhà văn Hồ Trường An từ Troyes lên, nhà văn Võ Đức Trung từ Lille đến, cùng các văn thi hữu Paris, học giả Võ Thu Tịnh, nhà thần học TS Nguyễn Tấn Phước, nhà thơ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu, GSTS Phạm Đình Liên, nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oánh, nữ sĩ Quỳnh Liên, nhà thơ nữ Thụy Khanh, nhà thơ nữ Hà Lan Phương, nhà văn Trần Đại Sỹ, nhạc sĩ Xuân Lôi, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, nhạc sĩ Trịnh Hưng, nhạc sĩ Tr ọng Lễ ,họa sĩ René, nhà báo Nguyễn Bảo Hưng, nhà báo Song Nguyễn, nữ điêu khắc gia Vương Thu Thủy, đạo diễn Trần Song Thu, dịch giả Liều Phong.VV…

Nhà thơ Đỗ Bình giới thiệu vài nét về nhà thơ Dương Huệ Anh:

“ Tôi xin trân trọng giới thiệu đến qúy văn hữu, nhà thơ Dương Huệ Anh, Cụ hiện là Chủ tịch Thi Đàn Lạc Việt miền Bắc Cali nơi quy tụ rất nhiều văn nghệ sĩ, chúng ta đã từng đón tiếp những người trong thi đàn Lạc Việt khi sang thăm Paris như nhà thơ Yên Bình, nhà thơ nữ Ngọc An, nhà thơ nhữ Hoàng Xuyên Anh, nhà thơ nữ Ngọc Bích, nhà thơ nữ Sương Mai, trong thi đàn Lạc Việt có những vị liên lạc trao đổi thơ với chúng ta như nữ sĩ Trùng Quang ,(Hội thơ Trúc Liên, Quỳnh Dao ), nữ sĩ Đinh Thị Việt Liên( Hội thơ Thi Lâm Hợp Thái,Thi Đàn Quỳnh Dao 1962 – 1975), thi sĩ Hà Thượng Nhân, thi sĩ Trình Xuyên , thi sĩ Hàn Nhân…"

Nhà thơ Dương Huệ Anh:

“ Kính thưa quý vị, cảm ơn quý vị đã không quản thì giờ , đường xa cho chúng tôi gặp mặt ngày hôm nay. Thú thật, đối với qúy vị về văn thơ tôi là người đi sau mặc dầu tuổi tác thì có thể nhiều hơn một số người. Tôi xin đề nghị xin đừng gọi chữ cụ nghe nó già quá mà chính tôi cũng không muốn già, vì già khó làm thơ lắm không còn thơ thẩn được! Do đó xin đề nghị mình cứ coi nhau như văn thi hữu anh em nó sảng khoái tự do hơn. Xin phép được giới thiệu về sinh hoạt của chúng tôi:Thi Đàn Lạc Việt được thành lập năm 1992 với hình thức hết sức khiêm tốn khởi đi từ nhóm thơ, chủ trương: Bảo tồn và phát huy văn học nghệ thuật VN ở hải ngoại. Qua 1993 thành lập thành Thi Đàn bên cạnh đó chúng tôi thành lập thêm Cơ Sở Văn Học Nghệ Thuật vì quan niệm rằng thơ phải có bộ môn diễn ngâm đi theo dù rằng tự thơ nó có nhạc rồi nhưng để chuyên chở đi xa cần có bộ môn nhạc. Mặc dù có những hạn chế về sức khỏe, phương tiện nhưng chúng tôi cũng cố gắng đóng góp cho văn học về phương diện thơ cơ sở đã xuất được 8 tập, trung bình mỗi năm là một tuyển tập. Ngoài ra chúng tôi còn xuất bản một tuyển tập văn Xuân Thu không định kỳ, khi nào có tiền thì chúng tôi ra. Đây là một tuyển tập được chăm sóc kỹ, nhưng sau khi ra được hai số phải đổi thành tam cá nguyệt nhưng cũng không liên tục vì nhiều khó khăn tài chánh. Sự tự lực của chúng tôi không đủ nuôi dưỡng tuyển tập, do đó cuối cùng đành phải ra định kỳ vài năm ra một bản!

Nói về phương diện cá nhân thì có nhiều anh chị em có nhiều sáng tác rất đáng kể. Xin cho phép tôi được trình bày những đóng góp của cá nhân: Năm 1955 in tác phẩm Thơ Xanh rồi ngưng dù vẫn sáng tác, mãi đến năm 1990 bắt đầu lại và đã xuất bản khoảng 10 tập thơ Sau những thi tập đó tôi sản xuất khá nhiều nên gom 4,5 tập vào nhau. Vì thế năm 1997 in 6 tập vào nhau lấy tên Tổng Tập 1 gồm 6 thi tập: Gót Ngọc Quan Âm Lấm Bụi Trần ,(thơ đạo), Thương Cả Trăm Hoa, Hai Mươi Năm Lưu Vong, Ba Mươi Năm trước, Thơ Hồng”

Nhà thơ Vân Uyên bỗng hỏi:
“Bao giờ thì có thơ Tím?”
Dương Huệ Anh: “Sắp có rồi, tôi chỉ không có thơ màu đỏ thôi, trong tương lai chúng tôi sẽ có đủ các thứ màu.”
Dương Huệ Anh nói tiếp: “Sau đó tôi chuyển sang văn vì ai cũng khuyên là thơ nhiều quá rồi không có ai đọc đâu!”
Hồ Trường An: “Ai Nói Vậy? ”
Dương Huệ Anh:“Một nữ sĩ ở Cali nói với tôi:Ông in Thơ dày quá không ai đọc!”
Dương Huệ Anh: “Tôi in thế này trước hết để cho tôi đáp ứng được phần tài chánh của tôi. Sau đó tôi chuyển qua văn, Truyện ký thì đúng hơn vì dựa vào chuyện có phần tôi trong đó. Tôi tôi đặt tên là Những Cánh Thư Hồng dày khoảng 500 trang. Như quý vị đã biết biển văn học nó mênh mông lắm nên tôi chuyển sang giới thiệu tác giả giới thiệu các nhà thơ khoảng 100 nhà thơ in năm 2001”
Đỗ Bình: “Xin cho biết, thế nào là một tác phẩm hay, tác phẩm đó dựa theo tiêu chuẩn nào để đánh giá?”
Dương Huệ Anh: “Nói là giới thiệu tác giả, tôi không làm công việc phê bình mà chỉ viết theo lối tản mạn về văn học, bởi vì nói nghiêm túc quá ít người đọc, mà có lẽ mình cũng không đủ sức chưa đủ thì giờ chưa đủ khả năng nên tôi chọn thể loại này. Nhưng khi ra sách cũng có nhiều người phê bình lắm vì họ cho rằng đây là một biên khảo văn học. Anh em không hiểu, không đọc kỹ lời trần tình của mình ban đầu! Nên họ cho là biên khảo văn học có lẽ đối với họ là đứng, nhưng đối với tác giả hơi oan vì mình không chủ trương như vậy mà chỉ là tản mạn văn học!”

Lê Mộng Nguyên: “Cuốn phê bình văn học Thi Nhân VN của Hoài Thanh Hoài Chân chẳng hạn? ”
Dương Huệ Anh: “Vâng, đúng thế. Chúng tôi rất thành thật xin quý vị chỉ giáo, tôi nghĩ rằng mình không thể biết hết được dù mình sống tới trăm tuổi, ? Xin quý vị chỉ những khuyết điểm chúng tôi xin sẵn sàng thụ lãnh. Xong cuốn này anh em phê bình dữ lắm nhưng cũng có nhiều người khem và vài người ta không tán thành! Sau cái này chúng tôi nghỉ và chuyển qua một cái khác, tôi hơi tham vọng mà cái tham vọng đó không phải là cái xấu không đáng kết án, nó không phải là cái tội. Tôi nghĩ có nhiều khía cạnh quá cái nào mình cũng muốn đi sâu vào xem mới biết mới hiểu được. Sau đó tôi viết cuốn: Vài Nhà Thơ Việt Thế Kỷ Hai Mươi, trong tập chúng tôi viết không phân biệt trong nước ngoài nước, Bắc Nam, tuy nhiên mình phải tránh những gì gây xúc động với độc giả. Nhưng khi đem in gặp nhiều khó khăn vì phải tự lực cánh sinh! Tôi xin phép được dừng ở đây nếu quý vị có muốn sáng tỏ điều gì tôi xin thưa. xin cảm ơn quý vị.”

Đỗ Bình giới thiệu vài nét về nhà văn Võ Đức Trung:
 
“Tác giả nhiều tập truyện, biên khảo. Là một người khiêm tốn giữ được phẩm chất của một cựu giáo chức. Là người chủ xướng thực hiện cuốn Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca VN Hải Ngoại gồm những bài thơ đắc ý của nhiều tác giả có chung một hoàn cảnh ly hương trong số các nhà thơ hải ngoại. Thời gian chúng tôi chuẩn bị cho thi tập mất 2 năm, khi đưa ra thảo luận tại nhà tôi lúc đó gồm: Nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh, nhà văn Nguyễn Hữu Nhật, nhà văn Võ Đức Trung và tôi, trong thảo luận thì được biết cái Tựa sách này đã được các nhà thơ Diên Nghị, Song Nhị , Duy Năng ở Cali đã chọn từ lâu và sắp in, họ muốn thực hiện một tập văn học ghi dấu một giai đoạn đời 25 năm xa xứ. Sau đó tôi đã liên lạc với các nhà thơ trên để giải thích sự việc của chúng tôi và đề nghị họ chọn một cái tựa khác. Khoảng một tuần sau họ trả lời là đồng ý, và đã chọn cái tựa khác cho tuyển tập là : Lưu Dân Thi Thoại, hay 25 Năm Bút Luận do Cội Nguồn xuất bản."

Nhà văn Võ Đức Trung phát biểu:

“ Nhận được phôn của anh Đỗ Bình mời tôi nghĩ là lên Paris họp bạn văn nghệ như mọi khi, nhưng khi xem lại thư mời tôi thấy quan trọng quá nên lấy làm ái ngại ! Tôi ở tỉnh lẻ, thỉnh thoảng mới về Paris sinh hoạt sợ phát biểu sẽ trở ngại , hơn nữa như anh Đỗ Bình và Hồ Trường An biết; tôi viết văn về đồng quê mộc mạc nếu có gì sơ xuất mong các anh chị thứ lỗi cho. Tôi xin tâm tình tại sao tôi lại có ý định thực hiện cuốn Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca Hải Ngoại. Kể từ sau biến cố năm 1975 mọi người ồ ạt bỏ nước ra đi, dòng thi ca lúc đầu gần như tan tác, cho đến đầu thập niên 80 thì khởi sắc vì số ít nhà thơ vượt thoát ra ngoài được đã bắt đầu viết, hồn thơ còn nhiều tâm tư cảm xúc, nhưng đến cuối thập niên 80 thì bắt đầu có chiều hướng đi xuống vì đa số phải hội nhập với cuộc sống mới ! May mắn thay là qua thập niên 90 có một số nhà thơ trong diện anh em H.O khi vừa đặt chân đến nơi định cư họ đã cầm bút lại, dòng thi ca lại dâng cao qua những bài thơ tố cáo sự đàn áp và nhà tù trong chế độ CS, chúng tôi muốn bảo tồn và lưu trữ những sự kiện đó qua thi ca nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới biết muôn vàn khó khăn ! Chúng tôi tiếp xúc 350 tác giả nhưng phải chọn lựa như thế nào khi cuốn sách chuẩn bị in chỉ giới thiệu có 24 tác giả mà không kêu sự đóng góp? Cuốn 1 đã phát hành vào tháng 2 vừa rồi, chúng tôi nhận được thư, điện thư, và phôn đến chúc mừng và khích lệ, điều đó là một món quà tinh thần đối với chúng tôi trong công việc bảo tồn văn hóa VN nơi xứ người.”

Nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oánh: “Có người bảo viết để khen nhau là tâng bốc mà không phải là phê bình văn học nghệ thuật ?”

Đỗ Bình:“Theo tôi, viết về những tâm hồn phụng sự cái đẹp của người nào đó đã lao tâm lao trí trên con đường văn học nghệ thuật là việc làm đáng khen. Trong lãnh vực phê bình văn học ở hải ngoại hiện nay còn hiếm vì rất ít người chịu dấn thân làm công việc này, người am tường văn học thì già yếu, dần dần ra đi; còn lớp trẻ dù có bằng cấp cao nhưng lại am tường văn hóa xứ người! Do đó người làm công việc phê bình rất quý vì nhờ họ đã khám phá ra những điều ẩn chứa trong tác phẩm để giới thiệu đến công chúng những chân dung của những người sáng tác. Đánh giá một tác phẩm tùy theo trình độ của người đọc và còn phải đợi thời gian, nhưng hiện tại vẫn cần những người điểm sách, giới thiệu khái quát về nội dung lẫn hình thức để giúp bạn đọc đi vào trọng tâm đỡ mất thời gian.”
Và sau đây tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý vị nhà văn Hồ Trường An : Tác giả gần 50 đầu sách về trường thiên tiểu thuyết, tiểu thuyết,và biên khảo, phê bình.”

Nhà văn Hồ Trường An:

“Thưa các bậc niên trưởng, và qúy văn hữu:Tôi làm văn nghệ tùy vào cảm hứng vui đâu chuốc đó chứ không nhất định cái gì, nếu cảm thấy hứng là làm. Cần phê bình là phê bình, khi tôi viết về biên khảo không phải là viết toàn sự nghiệp văn học của tác giả nào, mà viết từng cuốn chứ không dám ôm đồm. Nếu có cảm hứng làm thơ thì làm những bài thơ Đường, vui đâu chuốc đó. Tôi có một đức tính: Nếu ai khen thì cũng mừng, còn ai chê thì cũng ráng chịu trận chứ không một lời nào đính chính trên báo hết. Bởi càng đính chính thì càng làm cho người ta làm dữ!. Do đó ai chê tôi thì chê; ai khen thì mừng tôi không có một phản ứng, thật ra tôi không có buồn, mình làm một món ngon người này ăn thì khen người kia ăn thì chê, kẻ thích mì người thích hủ tíu, còn có người ăn mì ăn hủ tíu nhiều quá lại thích ăn bún riêu. Quý vị đã đọc qua cuốn biên khảo Thập Thúy Tầm Phương thì cuốn biên khảo thứ tư Tôi đang viết cuốn: Tập Diễn Ngưng Huy trong đó có hai người hiện diện ở đây là anh Võ Đức trung và chị Thụy Khanh: Tôi xin giải thích cái tựa sách: Tập: kết tập, Diễm là đẹp, Ngưng là ngưng lại, Huy là ánh sáng, ánh sáng ngưng đọng lại tôi rút ra từ Hồng Lâu Mộng chứ không phải do tôi đặt. Tóm lại tôi không có chủ trương gì lớn lao, tôi không có tham vọng. Xin dứt lời.” Nói Thêm về nhà văn Hồ trường An:
Đỗ Bình: “Từ bao lâu nay người ta tranh cãi về những chuẩn mực trong văn học nghệ thuật giữa cái hay và cái dở. Trong khi đó thích hay không thích chỉ là chủ quan của người đọc. Tôi thấy hôm nay người làm thơ ngày càng nhiều, đó là điều đáng mừng vì tâm hồn thơ sẽ giúp cho đời thêm hoa, bớt đi sự cay đắng. Nhưng tiếc thay có những bài thơ đạt được cả tứ thơ lẫn cấu trúc thì không nổi tiếng, nhưng có bài chẳng phải là thơ lại được quảng cáo rầm rộ !”

Nữ sĩ Minh Châu (Tác giả và tác phẩm viết riêng):
“Tại sao không phải là thơ, văn xuôi khác thơ ở điểm nào?”

Đỗ Bình: “Một bài viết cẩu thả, viết cho lấy có, chỉ dựa vào thể tự do để gọi là “thơ” thì chưa chắc đã là một bài thơ, và cũng không thể gọi là văn xuôi? Thơ hiện đại và tự do rất gần gũi với văn xuôi, nhưng làm một bài thơ tự do, hay một bài thơ hiện đại rất khó ! Nhưng khi đã thành thơ thì bài đó sẽ đặc sắc và độc đáo. Theo tôi, một bài thơ hay phải bao gồm mỹ học và ý thơ.”

Nhà báo Nguyễn Bảo Hưng:“Văn xuôi là ngôn ngữ thực dụng của kinh nghiệm diễn giải bằng lý trí để mô tả hoặc giải thích một sự vật hay một ý niệm, thơ là một cảm xúc của tâm hồn được diễn tả bằng nghệ thuật.”

Nhạc sĩ Tịnh Hưng, tác giả những nhạc phẩm nổi tiếng một thời: Lối Về Xóm Nhỏ, Tôi Yêu.: “Thưa các bậc trưởng thượng và quý Anh Chị, cách nay vài tháng chúng ta có làm buổi Kỷ niệm 65 năm sinh hoạt văn học nghệ thuật của nhạc sĩ Xuân Lôi và cũng mừng lễ thượng thọ 85 tuổi để vinh danh người nghệ sĩ lão thành. Hôm đó thật đông, đầy đủ các khuôn mặt văn nghệ sĩ, điều đó nói lên được cái tình nghệ sĩ là chúng ta biết thương yêu và trân trọng nhau thì có khác nào những bài viết khen.”
Nhạc sĩ Xuân Lôi (Tác giả và tác phẩm viết riêng):“ xin chào các quý vị tôi xin độc tấu Hạ Uy Cầm nhạc phẩm Xa Quê Hương điệu valse lente nhạc của Xuân Tiên, lời Đan Thọ viết ngày 28 05 1956.”
GS TS âm nhạc Quỳnh Hạnh:
“ Âm nhạc, ngoài sự thưởng ngoạn ra còn có giá trị về khoa học. Đó là Musicothérapie hay Phương Pháp Trị Bệnh Bằng Âm Nhạc. Thực vậy, bộ môn trị bệnh này có từ thời Hy lạp cổ xưa, phối hợp với trị bệnh bằng suối nước nóng, mục đích làm êm dịu thần kinh và xua đuổi đi những sự lo âu, phiền nảo… Ở Châu Á cũng có cụ Khổng Phu Tử có nói trong Lễ Nhạc : Nhạc là để giáo hóa lòng người…Ngày nay qua những bài thuyết trình tại Đại Học Sorbonne, Đại Học Y Khoa de Paris, các Phân khoa Tâm Lý Học cũng gây được chú ý của người nghe, nhất là giới trẻ quá nhiều lo âu trong cuộc sống hằng ngày và củng để xả Stress..”

Nhà văn Trần Đại Sỹ(Tác giả và tác phẩm viết riêng):

“thật là một hân hạnh cho tôi được gặp quý vị, nhất là một người tôi biết rằng hôm nay tôi sẽ gặp, là người mà tôi mắc nợ ngay từ lúc tôi học 6ème mà bây giờ tôi được đến để trả nợ đó là ông Lê Mộng Nguyên. Thưa quý vị lúc đầu tiên tôi học nhạc là thầy Hùng Lân đã đem bản Trăng Mờ Bên Suối dạy tôi. Hễ cứ nói đến ông Lê Mộng Nguyên dù ông có làm cả ngàn bản nhạc thì tôi cũng chỉ biết có Trăng Mờ Bên Suối. Hôm nay tôi có chút quà văn nghệ xin tặng lại hai bộ cuối cùng tiểu thuyết lịch sử là bộ Nam Quốc Sơn Hà thuật lại chiến công Lý Thường Kiệt đánh sang Tống, Anh Hùng Đông A Dựng Cờ Bình Mông tức là giai đoạn 1 đánh quân Mông Cổ lần thứ nhất, còn đánh Mông Cổ lần thứ hai chưa in xin tặng giáo sư.”
GS TS Lê Mộng Nguyên (Tác giả và tác phẩm viết riêng):
“Xin cảm ơn anh Trần Đại Sỹ , tôi rất cảm động không nói gì được.”

Võ Đức Trung: “Riêng về anh Lê Mộng Nguyên cái bài Trăng Mờ Bên Suối hay quá hay! Nói thiệt anh, cho dù anh có làm hằng trăm bài khác hay như vậy cũng không rung động được tôi nữa, là bởi vì bài Trăng Mờ Bên Suối khi tôi nghe lên là tôi nhớ đến thuở còn trẻ của tôi khi đi ngang những dòng suối có nước chảy róc rách có những tảng đá tôi băng qua, lại thêm những vần trăng ở quê hương không thể nào quên được những thứ đó nó ngấm vào tâm hồn của tôi nên nghe bài hát có thể chảy nước mắt.”

Trần Đại Sỹ:“Tôi xin trả nợ người đàn anh nhưng cũng ít gặp, tôi qúy ông lắm đó là ông GS,Bs Nguyễn Văn Ái, đây là bộ Giảng Huấn Khoa Tình Dục bằng Y Học Trung Quốc (sexologie médicale Chinoise) bây giờ tôi viết sang tiếng việt,
bản tiếng Tây thì chưa xong, bản tiếng Anh và Trung Hoa thì ra rồi. Đây gồm 3 quyển, thưa quý vị: “Người ta cứ bảo sách “dâm thư”, nhưng đây là sách giáo khoa, xin tặng đàn anh, đáng lẽ tôi phải tặng ông Phương Du Bs Nguyễn Bá Hậu nhưng ông Phương Du tu rồi sắp sửa thành linh mục đến nơi rồi. Thưa quý vị mục đích của sách này là làm sao giữ được sức khỏe tăng tiến tuổi thọ, nhiệm vụ nó quan trọng như vậy, xin kính biếu đàn anh.”

Đỗ Bình

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

Kẻ Bán Vầng Thơ - Mặc Mặc - Kim Trúc


Sáng Tác: Mặc Mặc
Trình Bày: Kim Trúc

Hoa Anh Đào

 

Là Anh sao lại thêm Đào
Để cho tình cứ lộn nhào khó phân
Cánh hồng phai rụng đầy sân
Đẹp như hoa cưới đón chân em về.

Ngàn tia nắng chiếu đam mê
Cành nghiêng đào nở ven đê lối mòn
Nụ hôn nhẹ in dấu son
Hoa Đào đã rụng ngập hồn thi nhân.

Hoa rơi hương tóc mùa xuân
Đón em hoa trải dưới chân thảm hồng
Cơn gió lạnh trời cuối đông
Cành hoa lay động phiêu bồng hoa bay.

Một cánh hoa rơi trên tay
Giấc mơ là thật chứa đầy trang thơ
Tình yêu như vẫn đợi chờ
Không như cánh bướm hững hờ chiều xuân.

Lê Tuấn
Cảm tác về hoa Anh Đào

Trời Sang Thu! Mưa Thu



Úc Châu Vào Thu

Mùa Thu đến!
Không lá rơi trắng trời mưa tầm tã
Len vào hồn băng giá kết mù sương
Mưa nhớ ai từng giọt lệ trời tuôn
Tâm tư khép gió luồn cơn mưa lạnh

Mới hôm nào vòng tay quanh dĩ vãng
Đi dưới mưa tràn ngập những vấn vương
Vị tình yêu say khướt những con đường
Quên đau xót buồn thương hoa phượng rũ

Trời vào Thu!
Dáng cô phụ vùi sâu trong mưa lạnh
Gói buồn riêng từng mảnh kiếp tha hương
Mưa nơi đây ray rứt suốt canh trường
Không lá rơi trắng trời mưa tầm tã

Từng thu qua mỗi mùa phai sắc lá
Đếm trên tay vàng đá mối tình gầy
Biết bao lần kỷ niệm hãy còn đây
Thương cảm sầu rưng rưng mưa xứ lạ

Mùa Thu hỡi!
Úc Châu mùa này cơn mưa kỳ lạ
Nắng chợt lên mưa đến những bất ngờ
Như lòng người so quá đổi thờ ơ
Thu ỡm ờ chưa định kỳ thay sắc

Nếu có rơi xin thôi đừng vội vã
Cứ trên cành mơ ước một nhỏ nhoi
Và gọi người bằng tiếng nói cỏ cây
Bằng lời cuối…

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Trời Sang Thu!

Tay trong tay ấm lòng mưa không lạnh
Nước xuôi giòng tóc ướt toả thơm hương
Mưa liên miên từ lúc trống tan trường
Vẫn đón em về dưới mưa tầm tã

Ta đã trải bao mùa Thu rụng lá
Lá rơi rơi phủ vai áo em gầy
Kỷ niệm còn in dấu mãi quanh đây
Cho niềm vui bừng lên nơi xứ lạ

Chinh Nguyen/H.N.T.
May.8.24
***
Mưa Thu

Mưa mà cứ ngỡ lá ngàn rơi
Thu đến ô hay nước ngập trời!
Tầm tã bên song buồn diệu vợi
Rã rời lẻ bóng nhớ đầy vơi
Gương soi phấn nhạt-đây mình hẳn?
Ôm gối phòng đơn-đó bạn ơi!
Bao nỗi đau thương nơi đất khách
Vẫn luôn canh cánh nhớ thương người.

Thái Huy 
5/12/24

Về Nơi An Lạc



Những đóa hồng tươi thắm
Đẹp như tuổi mười ba
Giờ đây đã tàn tạ
Là rác hay là hoa?
Kiếp người ta cũng vậy
Khi tuổi đã về chiều
Chân bước đi xiêu xiêu
Thì than ôi !buồn khổ lắm!
Làm sao đời bớt khổ
Không có cách gì hơn
Trong lúc tuổi còn non
Hãy quyết tâm tu học
Tâm hồn sẽ thảnh thơi
Khi nhắm mắt lìa đời
Sẽ về nơi an lạc

Hoàng Long
 

Nỗi Nhớ Bao La

 

Nhớ Sài gòn yên vui một thuở
Một thiên đường giữa cõi trần ai
Với không gian bóng mát cây dài
Ai cũng có một vài kỷ niệm

Mỗi cuối tháng rủ nhau ra tiệm
Chiều cuối tuần ghé bến Chương Dương
Nhìn ghe thuyền nghe dạ vấn vương
Vì chinh chiến làm quê hương cháy bỏng

Giữa Sài gòn ta không lạc lõng
Dù trưa hè nắng nóng cháy da
Qua biết bao năm tháng xa nhà
Ôi vẫn nhớ hàng me xanh mát

Trời Sài gòn xanh, cao bát ngát
Áo Sài gòn mát lụa Hà Đông
qua sông nào cũng nhớ Cầu Bông
Giữa Sài gòn ta không lạc lõng

Xuân Bảy Lăm ta bỗng mất Sài gòn
Và màu cờ vàng tươi thắm sắt son còn
Bao đại lộ không còn nghe tên tuổi
Kiếp tha phương dặm trường rong ruổi

Nghe nặng đầy nỗi nhớ niềm thương
Nỗi nhớ thương tà áo Trưng Vương
Và man mác đường Gia Long áo trắng
Sân Văn Khoa những chiều đẹp nắng

Ôi giờ đây cay đắng cỏ hoa
Nhớ Sài gòn tan nát cõi lòng ta
Một nỗi nhớ bao la bất tận
Một nỗi nhớ dâng trào uất hận

Nghĩ cho cùng còn căm giận chính ta
Không quyết tâm vì nợ nước thù nhà tranh đấu
Lời sông núi không đáp bằng xương máu
Nên thua mưu chồn cáo Trường Sơn

Trải một cơn dâu bể tang thương
Sài gòn đã mất tên từ đó!
Càng nghĩ càng thẹn cùng cây cỏ
Điệu buồn dài năm tháng gõ trong tim

Nên giờ đây ký ức cố đi tìm
Màu dĩ vãng từ dấu chân hoài niệm
Rừng kỷ niệm biết đâu mà đếm
Lối thiên đàng mất kiếm được sao

Chuyện phong thần chỉ có trong chiêm bao
Bên thắng cuộc đã chôn sâu tất cả
Ba mươi năm đó chỉ là cát đá
Vạn nẻo cuộc đời một giấc nam kha!

Sài gòn sống giữa lòng ta
Ngàn năm nhớ mãi câu ca Sài gòn
Thà như tượng đá kia mòn
Để cho lịch sử vàng son trường tồn

Bạch Đằng nắng đẹp hoàng hôn
Chương Dương vẫn đón ghe xuồng tắp vô
Ruổi rong vui kiếp thương hồ
Lâu lâu ghé bến thủ đô yêu kiều

Ngân nga vài tiếng chuông chiều
Nghe như tiếng nhạn buồn kêu nước ròng
Gọi tên năm tháng đau lòng
Nhà Bè nước chảy hai dòng ngược suôi

Chữ Y ba ngả chia đôi
Ai qua Bình Chánh đặng tôi đưa về
Thủ Thiêm rọi ánh trăng thề
Bóng phà hiện giữa giấc mê ngậm ngùi

Hỡi ai chia ngọt xẻ bùi
Hỡi ai đành nỡ chôn vùi tháng năm
chôn vùi ngày tháng xa xăm
Tự Do Công Lý biệt tăm xa vời

Một niềm đau hãy nhớ đời
Ngựa hồng đã chết bên trời quê hương
Sài gòn để nhớ để thương
Tháng Tư đau đớn để tang phượng buồn

M S Đèo Văn Trấn


Nàng Vevette - Henry Gréville - Thái Lan Dịch

 

Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be.

Vừa nghe tiếng kêu, đám cừu cái mang thai và cho con bú vội vàng đứng dậy và đến ngay ra rào chắn.
Những con đến sau cùng leo lên lưng những con khác để hưởng hơi ấm của mặt trời, và mấy anh chàng cừu đực đã phải dùng sừng để đẩy lùi những kẻ không theo hàng.
- Này, này, từ từ đi nào, anh phụ việc ở nông trại vừa nói vừa đến gần tấm chắn, chúng bay sẽ được thả ra ngay mà, cỏ vẫn còn ướt đó các con ạ! Này Jean, ông chủ muốn xem bọn cừu non.
Cửa nông trại đã đóng chưa em?
- Dạ rồi ạ - một giọng nói từ xa đáp lại. Và rồi ta nghe tiếng hàng rào nặng chịch đập mạnh vào cái nẹp bằng đá, và tiếng cái móc sắt va vào đá hoa cương.
- Đi đi nào, anh phụ việc vừa ra lệnh vừa uể oải lùa đàn cừu và tháo thanh chắn ngang, rồi đẩy tấm chắn ra, vừa lùi lại vài bước để không bị bọn chúng tông vào.
Bỗng dưng được thả ra ngoài, bọn cừu đực trở nên hoảng sợ, và đứng bất động ở ngưỡng cửa hẹp và thấp,chúng nhìn về phía trước và lo sợ có thể bị mắc vào cái bẫy nào chăng.

Một làn gió ấm mang đến mùi hương quen thuộc từ vách đá ướt, hơi ẩm từ biển, mùi cỏ xén gọn bởi hàm răng chắc của chúng, rồi đùng một cái chúng nhảy vài bước là ra đến khoảng sản rộng phía trước.
Chúng không dừng chân trước cái máng ăn chẳng còn hấp dẫn nữa mà hướng về phía tấm chắn để ra ngoài không khí rộng mở. Những con khỏe mạnh dẫn đầu, rồi đến đám cừu mẹ đang thúc cừu con mới sinh, chân bước chưa vững, tất cả chúng lao nhanh đến đợi ở tấm chắn chưa chịu bật ra.
- Ôi, này này, sao chúng bay vội thế nhỉ! anh phụ việc nhẫn nha bước đi trên sân đầy bùn sình bằng đôi giày làm bằng gỗ sồi dính đầy rơm mới cắt, dấu giày in sâu trên đất. Bọn bây làm như thể cả tháng trời chưa thấy được bầu trời xanh của Chúa nhân lành!
- Thả chúng ra đi con- một giọng nói mạnh bạo trả lời anh ta-
Ông chủ nông trại vừa mới đến, ông đứng ở ngưỡng cửa, đầu đội chiếc mũ rộng vành, đang đếm đàn cừu, và rất hài lòng khi thấy tất cả súc vật đều tốt khỏe; mắt liếc nhanh từ đám cừu đang mang bầu, rồi đám cừu con mập mạp, mãn nguyện nhìn bọn cừu đực oai hùng trở nên đáng gờm khi phải đối phó với lũ chó hàng xóm.
Men theo bức tường đất, anh phụ việc len lỏi qua đám súc vật để đến hàng rào, và đẩy đoàn quân nhút nhát sang một bên. Tất cả đều lùi lại, trừ ba anh cừu đực vẫn tiếp tục nhìn ra đường với vẻ dữ tợn. Anh phụ việc đẩy chúng thêm lần nữa cũng không làm chứng sợ hãi, chúng kêu vang lên để gọi đàn cừu.
- Cái bọn súc vật này, chúng không hiểu là phải cài then bên trong để cho chúng vào khi chúng ở ngoài sân, và chúng không thể xổ lồng mà chạy ra ngoài khi chúng bị nhốt trong này! Khổ thế!
Anh cừu đực gầm gừ một lúc, nhưng rồi khi anh phụ việc đẩy cổng rào ra, thì cả bọn chúng nhảy bổng lên như bay và túa ra ngoài.

Khi tiếng đàn súc vật đã vang ra ngoài xa, người chủ trại từ từ thả tay xuống, nhìn bầu trời bây giờ đã xanh ngát và thở dài.
Đồng hồ trong nhà sau lưng anh từ từ buông chín tiếng, rồi mọi việc trở nên yên ắng, chỉ còn nhịp gõ đều đặn và đục của con lắc.
Từng giọt mưa nối tiếp nhau rơi trên mái tranh mới lợp lại, và mang theo một chút u sầu trên mái chung quanh căn nhà im vắng; một giọt rơi nhẹ vào má anh; lấy tay vuốt giọt nước một cách máy móc, anh lại buông một tiếng thở dài, như thể giọt nước mắt này từ căn nhà đã khuấy động trong anh tất cả những giọt nước mắt của trái tim mình.
- Bà Mary ạ, anh quay vào trong nhà và nói, -Trời hết mưa rồi , và rất đẹp, bà có thể đem bé ra ngoài chơi được rồi đó bà ạ.
Một phụ nữ luống tuổi bước ra, đang ôm một bé thơ vào lòng một cách thận trọng và thương mến như thể đó là Hài nhi Giêsu bằng sáp, chú bé có vẻ hơi xanh xao và vẻ mặt không tươi vui, đôi mắt xanh to tròn nhìn khắp cũng để tìm kiếm một vật thể mà bé rất yêu mến để có được niềm vui.
- Bà hãy mang bé đi dọc theo hàng rào, nắng nhẹ và trời ấm nơi ấy, người cha nói, vừa nhìn cậu bé một cách buồn bã hơn là đôi mắt bé diễn tả.
Ông ta đến gần và âu yếm hôn khuôn mặt nhỏ và xanh xao của bé; bé nhẹ nhàng đưa tay lên miệng cha nhưng không mỉm cười, và người cha đau lòng phải lùi lại một chút để bà giúp việc không nhận thấy nỗi buồn về tình trạng của đứa con trai duy nhất của ông.
Đột nhiên mắt đứa bé sáng lên; nó đưa cánh tay yếu ớt chỉ vào một vật mà nó rất thích thú, và từ từ phát âm cái tên ngắn gọn và dễ dàng:
- Vevette!
Người cha nhìn theo hướng tay bé chỉ, thấy cô gái trẻ đang đi ngang phía bên kia sân, cô bỗng đỏ mặt lên khi cảm thấy có người đang nhìn mình, và bước nhanh hơn.
- Vevette! đứa trẻ gọi lần nữa, và gần như muốn khóc.
- Này cháu ơi, bé muốn cháu đến gần, vậy hãy bước lại đây một chút, ông chủ trại nói thật to, giọng vang rõ.

Vevette băng qua sân và đến gần họ. Đứa bé dang tay ra đòi bế; cô ôm lấy nó, và nó liền bắt đầu chơi đùa với mái tóc xoăn của cô, với chiếc mũ vải, với đôi tai xinh của cô. Cô ấy đã quen chơi với bé những trò chơi này, gọi nó bằng những cái tên thật âu yếm, chơi ú òa đằng sau vai của bà giúp việc, và truyền vào cơ thể yếu đuối và đầy âu lo này tất cả niềm vui của tuổi thanh xuân của chính mình.
- Thằng bé chỉ yêu cháu thôi, ông chủ buồn bã nói trong khi đứa trẻ, lúc nãy đã bắt đầu mỉm cười, giờ đây lại cười ra thành tiếng khi nhận được sự trìu mến yêu thương từ cô bạn lớn.
- Dạ không đâu, thưa ông chủ. Bé yêu ông nhiều hơn cháu, và điều đó hoàn toàn đúng, vì Ông là cha của bé! - cô gái trẻ nói một cách khéo léo tế nhị, điều này khiến đôi má cô lại đỏ hồng lên lần nữa. - Ông hãy nhìn xem cậu ấy nhìn ông như thế nào thưa ông -
Cô bé đưa nó ra cho người cha đang tràn đầy cảm xúc, bé vẫn tiếp tục mỉm cười. Ông dang tay ra và bé đã ôm lấy ông. Vevette giao nó cho ông và liền đi về phía chuồng cừu.
Vừa nhìn thấy cô ấy biến mất, khuôn mặt nhỏ bé cau lại, cái miệng thì mếu, và đứa bé mồ côi rên rỉ gọi:
- Vevette!
- Tội nghiệp con tôi! người chủ lẩm bẩm, - con không cần Vevette, mà cần mẹ con kia. Nhưng nỗi đau của con và của cha cũng sẽ không mang lại người mẹ tội nghiệp của con được, con ơi!
Ông đưa bé lại cho bà giúp việc và đi đến xem những chú bê con mới sinh ở chuồng bò.

Vợ Laurent qua đời đã mười tám tháng và niềm vui được làm cha đã trở nên u buồn trước sự ra đi quá sớm của người mẹ trẻ.
Cũng không phải là tình yêu của anh đối với cô ấy quá đậm đà sâu sắc, nhưng thói quen ở bên nhau, sự dịu dàng của người vợ tội nghiệp, cô thường hay đau ốm và luôn kiên nhẫn, đã khiến ân tình của anh đối với cô ấy thành sự quyến luyến và thương xót.
Cô ấy tha thiết mong muốn có một đứa con trai, – nỗi khát khao này dành cho anh hơn là cho chính cô ấy ; vì chỉ có những người làm chủ một mảnh đất, một nông trại mới biết nỗi buồn tàn khốc như thế nào khi nghĩ đến việc sau này chết đi mà không có người ruột thịt thừa kế.
Có công gầy dựng suốt một đời, rồi lại bỏ sức ra tiết kiệm, tiếp tục từ gia sản xưa nay của ông cha, rồi đem làm giàu cho những người không họ hàng ư? Còn nếu như ngày nay gieo hạt để rồi mai kia nhìn thấy mùa gặt của con cháu hậu duệ thì có phải là hăng hái hơn không nào!
Cô cảm nhận rằng mình sẽ không qua khỏi kỳ sinh nở, người phụ nữ trẻ tội nghiệp không quen với những công việc nặng nhọc ở đồng áng, nhưng cô ấy đã luôn cầu nguyện để có được một mụn con trai .Và đứa con cầu khẩn đã hiện hữu với họ, nhưng người mẹ đã ra đi, và bà đã không kịp kéo dài cuộc đời để biết được sự sống sót của núm ruột thừa kế như là một phép lạ Thượng Đế đã ban cho, vì bé thật yếu đuối.

Từ đó, người chồng kéo dài cuộc sống vò võ đơn côi, ngày càng trở nên buồn tẻ hơn trong ngôi nhà giàu có và hiu quạnh, mọi thứ đều dư dật, ngoại trừ niềm hạnh phúc.
Laurent muốn suy nghĩ về những điều thiết thực, nhưng anh ấy không thể quên được nỗi u sầu của bao kỷ niệm trong tâm anh. Một ngôi nhà, một tổ ấm sẽ ra sao nếu không có người đàn bà quán xuyến mọi thứ, như là một cơ thể mà không có linh hồn? Thật đau buồn biết bao khi nhìn cái tủ gỗ sồi, cao và sáng bóng, với những chiếc đèn treo tường bằng đồng, tất cả những thứ đẹp đẻ sang trọng đều vô ích khi người nữ chủ nhân không tự tay mình xếp áo quần giặt thơm tho vừa mới giặt xong vào trong kệ tủ ... và ngay cả ngôi nhà ngăn nắp tươm tất này cũng thật buồn và nặng nề , quá im vắng; nếu như có giọng nói của bà chủ, cho dù cô ấy ra lệnh hoặc la mắng các cô giúp việc chểnh mảng công việc chẳng thú vị hơn sao!
Trong khi người giữ trẻ dắt em bé đi, từ chuồng gà đến chuồng thỏ, rồi đến đàn vịt, khu vườn, qua đến đàn ong nhan nhãn tiếng vo ve của chúng đang bận rộn bên những chùm hoa húng tây nở rộ và đến những tổ ong, nơi ấy vẫn treo những mảnh vải đen để tang cho cô ấy, Laurent đi tham quan khắp nơi như thường lệ.

Từ kho thóc đầy cỏ đến máng lợn làm bằng gỗ thô sơ, hàng ngày ông đều đến kiểm tra từng ngóc ngách nhỏ nhất của trang viên, và chính sự giám sát cẩn thận này đã giúp ông không có bất cứ điều gì để lo âu, mà khiến ông là một người chủ rộng rãi, nhưng vẫn là một người chủ giàu có.
Sau khi xem lại cửa chuồng đã được đóng chưa, rằng không có ai đụng đến chìa khóa cửa hầm chứa đầy những thùng rượu táo lớn được xếp ngay ngắn, ông vào chuồng ngựa và nhặt một chiếc vòng đeo cổ ngựa rơi xuống đất, rồi đến chuồng bò, tất cả đều đã được hoàn hảo, và rồi ông đi ngang chuồng cừu mà đúng ra vào giờ này không có ai ở đó để xem mọi việc có ổn không.

Nhưng ông đứng bất động trước ngưỡng cửa khi nhìn thấy Vevette ngồi trên một tảng đá, trong tia nắng đến từ cánh cửa, đang ôm một con cừu non trong lòng và trên tay là một cốc sữa. Chiếc tạp dề vải màu xanh trắng với những ô vuông nhỏ, đã được dệt và xe sợi ở trang trại, đang làm màn che cho khỏi gió lùa vào, bảo vệ con vật bé nhỏ vẫn còn yếu đuối, gần như không có mảnh lông nào trên thân thể nó.
- Này cô bé, cô đang làm gì thế ? Laurent ngạc nhiên hỏi.
- Dạ thưa ông chủ, con cừu này được sinh ra từ tuần trước. - Cô gái trẻ trả lời, khuôn mặt lại e thẹn ửng đỏ ngước nhìn lên - cừu mẹ đã có hai con sinh đôi, và chỉ cho con kia bú mà không để ý đến con này; cháu đã cho nó bú mười lần rồi, mẹ nó đá nó ra và nó sẽ chết nếu cháu không đến; mẹ nó chỉ chăm cho con kia thôi, ông ạ. Thật tội nghiệp! Đâu phải lỗi của nó đâu! Ông nhìn xem trông nó mũm mĩm dễ thương làm sao!
Cô nhúng một miếng vụn bánh mì nhỏ gói trong mảnh vải vào cốc sữa , giống như ta làm cho trẻ sơ sinh để chúng không khóc, rồi bỏ vào miệng chú cừu bé nhỏ, chú ta mút một cách ngon lành, và lấy tạp dề quấn vào người nó, cô nói tiếp:
- Thật là kỳ cục phải không thưa ông, có những bà mẹ chỉ yêu một đứa con, còn đứa kia thì không thích? chú bé tội nghiệp , hôm trước cháu nhìn thấy nó bị mẹ bỏ lại, đang run rẩy trong đống rơm, con mẹ không mang nó vào chuồng. Thế nên cháu đã để nó rời xa mẹ nó và cho nó bú. Nay mai là nó có thể ăn được ít cỏ, vì nó đã khoẻ hơn nhiều rồi ạ.
- Rồi cô vẫn giữ nó trong lòng sao ? Laurent mỉm cười nói.
Vevette nhún vai, vẻ thương xót chú cừu non và lại đỏ mặt.
- Dạ để cho nó được ấm áp và cảm thấy vui thưa ông, cô ấy nói và mỉm cười, vừa cúi đầu e thẹn; cháu nghĩ rằng làm như thế khiến nó vui và nó tưởng rằng mình cũng có mẹ.
Cô hé tạp dề ra một chút và ta thấy chú cừu đã no nê, đang ngủ, nép vào lòng cô, trong tư thế hạnh phúc và đang được ấm êm.
Laurent nhìn cô gái trẻ rồi nhìn con vật và bỗng nhiên nhận ra mình thật bối rối, anh cảm thấy trong thâm tâm dâng lên một cảm xúc thật lạ và mới mẻ, anh đưa mắt nhìn quanh chuồng cừu.

Căn này to và cao, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè, có cửa sổ nhỏ hướng phía Tây, cửa lớn về phía đông, có thể mở được để thông gió. Rơm bị gãy nát do bọn súc vật dẫm đạp tạo thành màu vàng thật ngọt ngào, và những nhánh cỏ ba lá xanh rải rác đây đó làm thành những đốm đen, đặc biệt là gần máng cỏ; một mùi thơm của lông len của đàn cừu xen lẫn với cây xanh tràn ngập căn phòng tạo cảm giác mềm mại như những tấm lông cừu được phơi trong phòng vào ban đêm.
Cho dù không cố ý, ánh mắt của Laurent vẫn quay quả nhìn cô gái, nàng vẫn ngồi bất động và như thể đang thiu thiu trong cái nóng của mặt trời đã lên cao.
- Cháu ở đây với chúng tôi bao lâu rồi? ông hỏi.
- Dạ thưa bốn năm ở trại Madeleine này rồi, thưa ông, Vevette giật mình trả lời vì cô đang mơ màng.
- Cháu bao nhiêu tuổi ? ông lại hỏi mà cũng không biết tại sao mình lại hỏi câu này.
- Dạ đến lễ Ba Vua này thì cháu được mười tám tuổi, thưa ông, cô ấy trả lời, lễ phép ngẩng đầu lên, nhưng mắt vẫn nhìn xuống.
- Lễ Ba Vua, lễ Giáng Sinh… Ủa nhưng mà sao cháu không về thăm gia đình vào dịp lễ này sao hở cháu? Tất cả những người phụ việc đều đã về hết rồi... tại sao cháu lại không đi?
- Dạ cháu không có gia đình, cô gái trả lời, giọng nói và khuôn mặt đều không thay đổi. Dạ chắc ông nhớ rõ rằng cháu không còn cha hoặc mẹ nữa.
- Các dì của cháu ở phía đồng cỏ kia phải không?
Vevette không trả lời.
- Chẳng lẽ đã có chuyện gì không may xảy ra với họ sao? Bỗng dưng Laurent quan tâm đến Vevette và gia đình cô bé.
Cô nhẹ nhàng lắc đầu.
- Dạ không có chuyện gì đâu, thưa ông, cô nói, giọng nhẹ nhàng và đượm buồn; nhưng về chuyện gia đình, hoặc là mọi người đều tốt hoặc đều không tốt: một khi ta không thích nhau thì sẽ xâu xé nhau, phần cháu thì cháu thích bình an.
- Họ đối xử không tốt với cháu sao? Laurent lại muốn biết thêm nữa
- Nếu nói về gia đình ấy, thì cháu muốn ở lại đây. Các dì của cháu không thích cháu; các dì ấy muốn phải đầy của cải, nhưng đôi tay cháu thì lại trống trơn, không có gì cả
- Thật sự cháu không có gì sao, Vevette? ông chủ cảm thấy thương cảm cho cô bé.
- Dạ cháu có ngôi nhà nhỏ và khu vườn do cha mẹ tội nghiệp của cháu để lại, nhưng chẳng có lợi lộc gì, vì cháu không thể cho thuê đất và nhà; thêm nữa, cháu còn có tiền lương của ông cho cháu nữa, cô bé trả lời. Nhưng họ muốn thứ khác cơ, họ thích ăn ngon. Thêm nữa, cách họ xử sự rất khác, không giống như ở đây, nên cháu thích ở đây hơn là về thăm họ. Cháu thích sống ở đây hơn bất cứ nơi nào khác.
Cô định đứng dậy nhưng chú cừu lại rên rỉ, thế là cô đành ngồi xuống lại và ôm nó.
- Cô là một cô gái ngoan, Vevette,người chủ nói, ngỡ ngàng và cảm động đến tận đáy lòng khi nghe cô bé bày tỏ tâm sự mộc mạc của cô. Cháu có muốn được tăng lương không? Ta sẵn sàng chìu theo ý thích của cháu, cháu muốn gì hãy nói cho ta biết, vì cháu là người làm việc giỏi nhất ở đây; hơn nữa, bà chủ đây vốn yêu thương cháu hết mực.
Vevette hơi quay đầu lại và , cô trả lời, giọng run run:
- Dạ thưa ông, dạ tùy ông thôi ạ; dạ sở dĩ cháu làm việc cho ông bà rất tốt, hết lòng với ông bà, không phải vì cháu muốn nhiều tiền, nhưng mà vì cháu rất yêu kính bà chủ, vì con trai yêu dấu rất xinh xắn của bà, và của ông chủ ạ.

Đến lượt Laurent đỏ mặt, hơi xấu hổ, và anh ấy định đi ra ngoài nhưng lại đổi ý.
- Vevette nè, anh nói, nếu con cừu còn tiếp tục sống, ta sẽ tặng cho cháu đó, cháu rất đáng được thưởng. Cháu không cần phải bán nếu cháu muốn giữ nó lại; nó sẽ nhập chung vào đàn với những con khác. Đó là con cừu đực hay sao?
- Dạ nó là một con cừu cái.
- Bây giờ nó là của cháu, và ngay cả những cừu con khi nó sinh được cũng là của cháu. Bây giờ ta phải đi đây, gặp cháu sau, chào Vevette.

Laurent đi ra cửa và ánh nắng mặt trời ùa vào. Nhưng dường như những gì ông chủ vừa nói không làm cho cô bé vui; cô ấy vẫn đưa tay vuốt nhẹ lên đám lông mịn và mượt của con cừu. Cô cảm thấy vừa vui vừa không thích, cô cũng không biết tại sao. Đáng lý ra ông ấy không nên nói về tiền lương; tiền lương có ích gì chứ, trong khi cô đã có cái ăn và nơi nương náu rồi? Ngôi nhà này chính là nơi cô muốn sinh sống và ở cho đến cuối cuộc đời mình.
Và rồi cô áp môi mình lên trán con vật và hôn nó. Kể từ nay, nó thuộc quyền sở hữu của cô; và đây là lần đầu tiên trong đời cô nhận được một món quà, cô rất vui thích ; nhưng rồi khi hôn chú cừu, cô cảm thấy trên má có giọt nước mắt rơi xuống.
Bế chú cừu đang ngủ say, cô nhẹ nhàng đặt nó trong máng cỏ đầy rơm, và bước ra ngoài để còn làm những việc khác. Khi băng qua khoảng sân rộng, cô nhìn thấy chú bé con của ông chủ; cậu bé đang có tập những bước đi đầu tiên, với sự giúp đỡ của bà vú, cậu bước những bước đi chập chững dễ thương và vụng về nhưng thật cảm động khiến bà mẹ nào nhìn thấy cũng phải vừa khóc vừa cười sung sướng. Bỗng dưng như có một linh tính nào đó cậu bé quay đầu sang phía cô và gọi Vevette vừa đưa tay ra đòi cô.

Vevette biết rằng ông chủ sẽ không nói gì nếu như cô bỏ công việc để chơi với cậu bé một chút ; hơn nữa, dù có bị mắng, cô cũng không thể cưỡng lại niềm vui khi nhìn thấy nụ cười của bé và nhận nụ hôn từ đôi môi xinh của bé; cô liền bước đến. Sắp đến chỗ bé, cô cúi xuống, đang tay mình ra; bé mỉm cười mãn nguyện và tin tưởng vào cô, liền thoát ra khỏi đôi tay đang giữ mình, chập chững vài bước rồi ngã vào tạp dề của cô gái, mặt cô đỏ hồng lên vui thích và hãnh diện.
- Lạy Chúa tôi, cậu chủ đã đi được rồi! Cậu ấy đã đi một mình được rồi ! người vú già kêu lên, giơ hai tay lên trời. Trở lại đây, bé con yêu quý của tôi, hãy cho mọi người thấy là cậu đã thật sự lớn!

Nhưng bé không muốn rời xa cô bạn của mình và cứ quay đầu đi.
Giọng nói to của Laurent vang lên.
- Ôi, con tôi đã tự đi một mình được rồi! Đây là lần đầu tiên mà con bước đi được, con yêu quý của ta!
- Qua với ba cháu đi nào, nhanh đi nào, bé yêu dấu, Vevette dịu dàng nói.
Cậu bé ngập ngừng ngước nhìn cha, rồi vừa được cô gái nắm tay, vừa được khích lệ nên cậu đã vượt qua khoảng cách ngắn để đến với cha; – đột nhiên, Vevette rút tay lại, và đứa trẻ, cảm thấy không vững liền ngã vào vòng tay của Laurent, anh cảm động và rất mừng vui, liền nhấc nó lên rồi lại đặt chú bé xuống.
Chân vừa chạm đất, bé liền gọi:
- Vevette!
Và vẫn vịn vào đầu gối của Laurent, bé dang đôi tay nhỏ xíu của mình về phía cô. Nhưng nàng đã biến mất, để cho hai cha con bên nhau, để ông ấy hưởng hạnh phúc dâng tràn.
- Vevette! Laurent kêu lên, anh muốn cô ấy ở lại. Sự hiện diện của cô gái bên con trai anh dường như mọi việc đều ổn định. Khi cô ấy ở bên bé, không bao giờ có tiếng khóc .Chỉ có cô mới có thể đoán bé muốn điều gì, và chỉ có cô mới kềm được những vòi vĩnh của cậu. Nhưng cô đã đi rồi, như mọi lần sau khi thấy cậu bé cứ muốn cô thôi. Cô có vẻ thẹn thùng và muốn anh không để ý đến điều ấy.
Bà Mary bế cậu bé đi, nhưng từ xa ta vẫn nghe bé la hét.

Laurent bước qua phía bên ngoài cùng, vùng sân có rào chung quanh để thăm những con bò cái tơ mới sinh xong. Anh bước đi, đầu cúi xuống, như những người nông dân thường làm khi rảo bước đi, như thể tìm kiếm báu vật gì dưới đất; hai tay chắp sau lưng, nghiêng người về phía trước, anh không hiểu tại sao mà từ nãy giờ anh vẫn cứ miên man suy nghĩ về cô hầu gái ấy, cô gái mà con trai yêu dấu của anh vẫn luôn yêu mến
Đó là sự thật; và Vevette không có gia đình, vì những người nuôi nấng cô ấy không quan tâm đến cô. Ba của cô là người lương thiện nhưng là nông dân không khéo xoay sở; chút tài sản khiêm tốn đã tiêu tan và nỗi đau buồn đã làm suy mòn sức khỏe ông ấy. Người mẹ đã sống sót được vài năm, thật vất vả để mấy mẹ con có thể tồn tại trong những điều kiện tệ nhất ; sau đó bà cũng ra đi, và cô bé mồ côi đã phải tự đi làm để có miếng ăn.
Laurent đã gặp cô tại buổi tuyển chọn người giúp việc ở trụ sở Madeleine, nơi tụ tập những người đi làm thuê . Đội chiếc mũ vải màu trắng, đôi mắt long lanh ngấn lệ, tay ôm gói đồ nhỏ bé cô buồn bã nhìn vào đám đông, tìm kiếm một khuôn mặt tử tế, trong đầu chọn một người chủ theo ý mình, rất mừng nếu được làm việc với người chủ này, hoặc lo sợ nếu phải đến ở với người chủ khác có vẻ không hiền lành.
Sáng hôm đó cô đã đóng cửa ngôi nhà nhỏ bằng đá xám của mình, ngôi nhà mà chỉ mình cô làm chủ ; rồi vừa đi vừa khóc cô dạo quanh một vòng khu vườn, đút chìa khóa vào túi và cô e ngại sẽ không tìm được người chủ theo ý mình.

Liệu có ai thích mình không, với đôi tay nhỏ nhắn, vóc dáng tuy xinh nhưng quá mảnh khảnh... Nếu họ thấy cô quá ốm yếu, liệu cô có phải trở về ngôi nhà hoang buồn tẻ chăng? Và còn cái ăn thì kiếm đâu ra? Liệu cô có phải đi xin từng mẩu bánh mì từ làng này qua làng khác, miếng ăn mà cô mong mỏi biết bao có được từ sức lao động của mình?
Lúc đó vợ của Laurent đã đến bên cô gái và nhận ra một khuôn mặt thành thật, đã thuê cô ấy để chăm sóc đàn bê và cừu con cùng đàn gà.
Từ đó, khuôn mặt trong trắng ngây thơ và đôi mắt nhân từ của cô bé luôn hướng về bà chủ như hướng về phía mặt trời mọc. Luôn đi theo từng bước chân của bà, cô đã học được tất cả những công việc của nông trại không chút trở ngại khó khăn nào
Khi sức khỏe người phụ nữ dần dà kém đi, thì chính Vevette đã âm thầm nhận lãnh hết phần việc của bà thêm vào công việc của mình và hoàn thành mọi thứ, miệng luôn nở nụ cười.

Laurent nhớ lại những việc này, và nhiều thứ khác nữa. Trong đầu anh hiện ra người phụ nữ hấp hối đang dựa vào Vevette, cố gắng hít thở khí trời đã không thể lẻn vào phổi của bà nữa, – anh nhìn thấy cô gái gương mặt mệt mỏi, vẫn đang ôm người phụ nữ tội nghiệp đang vật vã đau đớn trong vòng tay trong khi tất cả mọi người trong nhà đều kiệt sức và ngủ vùi, – ngay cả anh và tất cả những người giúp việc, – chỉ có Vevette vẫn canh thức để chăm chút cho người đã khuất, thay nến và phủi tấm trải giường cho thẳng làm như thể bà chủ có thể nhìn thấy giường chiếu vẫn chỉn chu.
Rồi còn thằng bé con yêu quý của anh! cô đã dành cho nó bao nhiêu là dịu dàng yêu thương! Bao nhiêu đêm cô bé đã ôm nó trong tay, vừa đi quanh nhà vừa hát những đoạn ru còn không có nguồn gốc, không sâu sắc, nhưng bao nhiêu lời hát vô nghĩa ấy thật du dương, ru vào giấc ngủ nồng nàn và quên đi những khổ đau của cuộc đời! Vậy nên chẳng có gì khó hiểu khi thằng bé cứ quấn quít bên có, chỉ muốn cô bên cạnh ngày đêm, vì cô đã đem tất cả tình yêu thương của mình để ôm ấp cậu ấy

Trong khi anh đang nhớ về những ngày qua, Laurent cảm thấy dâng lên trong lòng mình tình cảm dịu dàng đối với Vevette. Chính cô là người đã khiến việc người vợ của anh ra đi vơi buồn đau rất nhiều, vậy mà anh chưa làm gì cho cô cả. Thật hối hận vì sự vô ơn của mình, anh nhìn đám bò cái tơ rồi từ từ quay trở lại.
Khi đi ngang chuồng bò, nhìn thấy máng ăn của chúng, anh nhận ra rằng có nguồn suối từ dưới gốc cây liễu luôn mang nước đến cái áo mà bọn súc vật thường đến uống nước rồi lượn lờ tưới cho đầm sen và đem sự tươi mát cho cánh đồng bên cạnh. Anh dừng lại, trầm tư: tại sao những ngọn suối vẫn chảy, không cần chăm sóc mà tưới đẫm nước cho muôn vật, tại sao đất luôn rộng rãi mang nước và đồng cỏ cho súc vật, mà trẻ con lại không có mẹ và đám cừu non không có mẹ cừu của chúng?
Mặt trời rọi ra những tia nóng bỏng. Không khí oi nồng khiến Laurent muốn nhắm mắt lại, rồi ngủ thiếp đi.Trong giấc mơ, anh nhìn thấy bầy đàn súc vật đông đảo hơn, trên đồng cỏ rộng lớn hơn, kéo dài xuống tận bờ biển.

Gió thổi mạnh lên, và những ngọn sóng màu xanh biếc trông giống đàn cừu của anh. Lo âu, anh đưa mắt tìm đàn cừu nhưng chỉ thấy chúng trên mặt biển, anh hét to lên nhưng chỉ có tiếng vang vọng lại, rồi những con vật biến mất, anh chỉ nhìn thấy cỏ và đại dương đang nổi sóng .
Trong giấc mơ, Laurent bước nhanh về phía nông trại, có lẽ giờ này người chăn cừu đã lùa chúng về: nhưng không có bóng người ở ngưỡng cửa, và ở kho thóc cũng không; không có một con gà, con chó nào cả, không có một dấu vết về sự sống hoặc sự hiện diện của con người. Lòng se thắt, anh chạy vào sân, rồi vào chuồng cừu, nó thật cao, rộng lớn và u tối làm sao! Rất tức giận vì sự chểnh mảng của đám người giúp việc, anh bước nhanh vào bên trong, và thấy chuồng cừu sao mà cứ dài ra, để lộ những đám rơm rạ nhàu nát và máng cỏ thì trống trơn.
Đột nhiên, ở đầu bên kia, một điểm ánh sáng lan rõ dần, và từ khắp mọi phía những chú cừu con ẩn trốn trong góc, từ dưới máng cỏ, từ bên dưới đám rơm rạ, đứng bật dậy kêu be be về hướng phía tia sáng. Những cái đầu bé nhỏ và như đang van nài quay lại cùng một phía, và hàng ngàn tiếng kêu be be oang oang lên. Laurent thấy trong cả đám cừu non ấy chẳng có lấy một con cừu mẹ nào để nuôi chúng, và tất cả đám đều là cừu mới sinh, còn rất non yếu.
Trong giấc mơ, anh cựa quậy không yên và lo âu: --Rồi bọn chúng sẽ ra sao đây; ai sẽ nuôi bầy cừu non này đây? Chắc chúng sẽ chết mất!

Bỗng trong tia sáng đang lan rộng ra đó anh nhìn thấy hình dáng của Vevette. Cô bé đang đưa ra cho đám cừu lòng bàn tay tràn đầy sữa của mình và chúng tha hồ uống nguồn sinh lực không cạn ấy; vài cọng cỏ lòi ra từ tạp dề của cô, và những chú cừu đã no say bước theo cô, lưỡi thè ra để đớp những ngọn cỏ ba lá hồng và thơm ngát-
Ánh sáng từ cô gái trẻ tỏa ra từ mái tóc vàng của cô ấy, từ chiếc nón nhỏ, đôi bàn tay hồng hào, nơi mà những chú cừu con nốc những ngụm sữa một cách say mê, và nhất là nụ cười của cô, thật giản dị và dịu dàng làm sao, lan như nước hoa trên những con vật mồ côi đang xúm xít dành chỗ chung quanh cô. Laurent cảm thấy thật bình yên khi cô đến gần , và đàn cừu đã tìm được người chăm sóc và che chở. Nhưng ánh sáng tỏa ra từ Vevette đã trở nên quá chói lọi làm anh bị lóa mắt và phải đưa tay lên vì xốn mắt, anh bỗng tỉnh dậy.
Mặt trời xuyên qua cành cây sồi, và soi vào mặt anh; vẫn còn ngái ngủ, anh đứng bật dậy, nhìn xung quanh mình và thấy chỉ có một mình. Anh muốn ngủ lại để giấc mơ được tiếp tục ; bức tranh xinh xắn ấy vẫn còn trong tâm trí và anh mong muốn được biết kết cục như thế nào, cũng giống như bọn trẻ khi đọc truyện thần tiên luôn muốn biết hồi kết thúc…nhưng rồi anh biết mình đang cô đơn và nông trại thì ở tít xa kia. Thế là anh buộc lòng phải bước trở về, những bước đi chậm rãi, và luôn suy nghĩ miên man về cô hầu gái mà con trai của anh hằng yêu mến.

Anh tìm thấy một sự êm dịu kỳ lạ khi anh tự trách móc những điều sai trái của mình đối với co bé mồ côi; trái tim anh tràn đầy niềm hối hận đang đập thật nhanh trong lồng ngực như chưa bao giờ đập, tuy thế anh vẫn cảm thấy một sự yên tĩnh dâng lên trong lòng; bước chân đưa đến khoảng sân ở nông trại mà anh vẫn không hiểu được niềm vui này đến từ đâu, thay vì phải hổ thẹn và bối rối.
Sau khi ăn trưa, thay vì đi cùng những người hầu trở lại làm việc, anh vào phòng, và sắp xếp giấy tờ cho việc làm ăn của mình. Mọi thứ đều ổn, chuồng trại súc vật của anh ấy đều ổn , anh không nợ ai cả, chỉ có vài người thiếu anh một ít tiền. Anh cảm thấy hạnh phúc – vui thích vì biết mình dư của cải nhưng vẫn cảm thấy bối rối khi nghĩ đến sự vô ơn của mình đối với Vevette.
Màn đêm đang dần buông xuống; đàn cừu được đưa về sớm để tránh sương lạnh đang được lùa vào chuồng ; người chăn cừu đã thả tấm rào chắn xuống và đám súc vật, vui thích với không khí trong lành và cỏ non buông mình trên đám rơm rạ thơm tho sạch sẽ; chúng nằm khoe những bộ lông vàng mượt nhìn thật êm ái. Tia nắng trời chiều xuyên qua cửa sổ trãi dài trên tảng đá lớn trong chuồng.
Thôi thúc bởi một điều ước ao là ít ra mình cũng tìm thấy lại được hình ảnh dễ thương trong giấc mơ vừa qua, Laurent đến thăm đàn cừu vừa mới trở về chuồng, và thật ngạc nhiên và vui mừng làm sao, trờng tia nắng rạng rỡ, anh ta nhìn thấy cô gái vẫn ngồi trên tảng đá và vẫn cho chú cừu non bú mớm cùng một cách như lúc sáng.

Cảm thấy xúc động trên cả mức độ tự mình có thể thừa nhận, Laurent bỗng giật mình. Tiếng giày của anh nện vang trên nền nhà khiến cô gái ngẩng đầu lên.
- Ôi, cháu lại đến đây với chúng nữa cơ à! Laurent nhẹ nhàng bảo - Cậu cừu bé này thật là háu ăn phải không?
- Dạ thưa ông, từ lúc nãy, khi cháu cho nó bú thì ông đã dùng cơm chiều, rồi lát nữa ông lại còn bữa khuya nữa; thế thì nó cũng phải được ăn tối chứ ạ! cô gái vừa trả lời vừa cười, cảm thấy dạn dĩ hơn khi nghe giọng nói vui vẻ của người chủ.
Ta bỗng nghe tiếng hét xé tai của cậu chủ nhỏ vang lên trong không khí tĩnh mịch ban chiều. Chú ta đã gân cổ réo la từ hơn một tiếng rồi, và dường như không có điều gì dỗ dành chú bé được.
- Cậu bé tội nghiệp đang khổ sở, đang rất buồn và khó chịu, Vevette buồn bã lẩm bẩm, vừa quay đầu qua phía bên kia sân.
Laurent lưỡng lự nhìn cô, anh không hiểu, anh cũng không biết mình đang cảm thấy như thế nào. Anh bỗng nhìn con cừu no nê chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, và anh thấy dường như từ cô gái trẻ tỏa ra một sự bình yên trầm lặng, gần như trang trọng. Anh nhớ lại những hình ảnh về Lòng Bác Ái mà anh đã thấy trong các sách kinh kệ, và tự hỏi tại sao trong hình họ lại không ôm những con cừu thay vì trẻ con. Và lẽ dĩ nhiên họ sẽ giống như hình Vevette ngay giờ phút này đây.
- Cô thích những em bé phải không? người chủ trang trại vừa hỏi vừa đến gần cô giúp việc.
- Dạ vâng, thưa ông chủ, cháu yêu tất cả các bé nhỏ! Những chú chim bé, những chú cừu con, những đứa bé thơ. Tất cả chúng đều cần thức ăn ngon và tình thương ấp ủ, những chú bé con rất thân mến! Khi nói lên những điều này, mặt cô lại ửng đỏ; toàn bộ khuôn mặt xinh đẹp của cô toát lên vẻ dịu dàng và tình yêu thương ấm áp từ trái tim của người hiền mẫu.

Laurent vẫn nhìn cô bối rối, lo lắng, cảm thấy một tràn những ngôn từ mà anh chưa bao giờ thốt ra đang dâng lên tận miệng mình và không biết làm thế nào để phát ra.
- Ông thấy đấy, thưa ông chủ, cô gái trẻ trả lời, bọn nhỏ này cần tình thương hơn là của ăn để nuôi chúng lớn. Điều cần thiết là phải hiểu chúng muốn gì và khi ta yêu chúng, ta sẽ luôn hiểu, đó là điều chúng muốn trên hết mọi việc.
Ta nghe tiếng gào khóc của cậu bé bên ngoài; không còn tia nắng nào nữa và trong chuồng cừu thật âm u, chỉ thấy hai đốm nhỏ trắng của cái nón và chiếc khăn tay của Vevette. Giấc ngủ và sự bình yên đã lan tỏa trên toàn bộ đàn cừu, trên cô gái, trên chú cừu non của cô ấy.
Laurent chạy ra ngoài, điều này từ lúc không còn đi học anh chưa bao giờ làm, và quay lại ngay, bế con trên tay mình. Bé đang vùng vẫy, đá tung và gào thét. Anh không nói lời nào, chỉ đặt bé lên đầu gối của Vevette, cô bé thật ngạc nhiên nhưng rất vui và vòng tay ôm lấy bé. Đứa trẻ vui thích và chú cừu thỏa thuê thu mình bên nhau trong chiếc váy len, và trong chuồng cừu là sự im lặng tuyệt đối.

Tiếng thở đều của đàn cừu vang đầy trong căn phòng rộng; cậu bé đang nằm gọn trong lòng cô gái, người thiếu nữ đã biết tình cảm làm mẹ là như thế nào, cậu cảm thấy hạnh phúc và không còn đòi hỏi gì thêm nữa. Trời đang tối dần và Vevette bối rối tự nhủ rằng lẽ ra cô nên đi, rằng phải đặt chú cừu vào máng cỏ và đi vào nhà chuẩn bị bữa tối. Nhưng Laurent vẫn đứng khoanh tay trước mặt cô, mắt nhìn vào ba sinh vật và không nói điều gì. Cô cúi đầu xuống và đỏ mặt vì cảm thấy lần này Laurent nhìn cô không phải bằng cái nhìn của một người chủ.
Giọng nói của người cha trầm ấm và rất dịu dàng vang lên trong màn đêm:
- Cô thích những sinh vật bé nhỏ, những em bé, vậy cô hay giữ bé con của tôi, Vevette; thằng bé chỉ thích cô mà thôi, và nó đã chọn đúng người. Cô sẽ là mẹ của con tôi.


 Henry Greville (La Bergerie)
Thailan dịch