Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2023

Bông Hồng Cài Áo -2015 - Ý: Thích Nhất Hạnh - Nhạc Nguyễn Thanh Cảnh - Ca Sĩ: Xuân Phú

 


Ý: Thích Nhất Hạnh 
Nhạc: Nguyễn Thanh Cảnh
Ca Sĩ: Xuân Phú

Đêm Tháng Bảy

 

Trong xã hội nhiều bôn chen tất bật
Trong dòng đời nghiệt ngã hám lợi danh
Trong tim con Má dường như biến mất
Trong cõi lòng phai hình bóng của Ba
Vu Lan đến thấy bồi hồi trong dạ
Thầm trách sao con cứ phải đua tranh
Chẳng nhớ đến đấng sanh thành khuất bóng.
Đêm Tháng Bảy khiến lòng con thấm lạnh
Lạnh tâm hồn lạnh bởi vắng tình thương
Thiếu lời khuyên răn dạy của Song Đường
Mà mãi mãi con chẳng còn nghe thấy
Nay lại ước tất cả bao điều ấy
Má Ba ơi giờ biết nói gì đây
Khi nghĩ lại con càng thêm xấu hổ.
Để đêm nay ngồi đối diện với lòng
Nghe thương nhớ trào dâng trong huyết quản.

Quên Đi

Em Về Đâu



Ngày tháng cũ trở thành nỗi nhớ
Quê hương mình buồn lắm em ơi
Từ khi Học Thuyết đổi đời
Tình mình đôi ngã lòng người khác xa

Anh ra đi mong ngày trở lại
Mang nỗi buồn nhớ mãi dáng xưa
Xa nhau đã mấy thu qua
Chợt nghe tuyết lạnh gió lùa qua song

Đêm sâu lắng côn trùng than thở
Xa nhau rồi hơi thở còn vương
Anh về tìm lại em thương
Bóng em không thấy phố phường quạnh hiu

Bước ngẩn ngơ phố buồn xa lạ
Lạ con đường rảo bước cô đơn
Buồn đêm giấc ngủ chập chờn
Nhớ Em nhớ mãi cõi hồn buồn tênh

Còn đâu nữa êm đềm một thuở
Tà áo bay cát trắng sân trường
Những chiều mê hoặc vấn vương
Chập chờn nỗi nhớ mùi hương dậy tình


Mặc Khách

Tâm Thư Kính Dâng Hiền Mẫu

 

Kính thưa hiền Mẫu.

Thuở Mẹ sanh tiền, quê hương khói lửa
Phận làm trai con chống giữ non sông
Không được sống cận kề bên từ Mẫu
Để sớm hôm con ấp lạnh, quạt nồng
Đền đáp phần nào công ơn dưỡng dục.

Ngày bỏ quê hương tình hình thôi thúc
Con ra đi không từ giã Mu Thân
Vì nhớ thương con, Mẹ già trước tuổi
Tháng Năm dài không có một ngày vui.

Khi con nhận được hung tin Mẹ mất
Con đang ở xa nửa vòng trái đất
Không vuốt mắt Mẹ vào lúc lâm chung
Suốt đời con, con buồn khổ vô cùng.

Tâm thư nầy con viết bằng nước mắt
Con xin trân trọng kính gởi Mẹ hiền
Con mong được Mẹ rộng lòng tha thứ
Cho lòng con vơi bớt nỗi ưu phiền.

Hoa Đô, Mùa Vu Lan
Trần Công/Lão Mã Sơn

Vu Lan Viếng Chùa

 

Tháng Bảy, viếng Chùa với bó hồng
Hoa màu trắng nghĩa: Mẹ Cha không!
Tăng Ni hướng dẩn lời kinh khởi
Phật Tử nương theo tiếng kệ lồng
Tế độ vong nhân, hồn vất vưởng
Cầu siêu tử sĩ, phách phiêu bồng
Vu Lan sám hối thành tâm nguyện
Cõi Niết song thân ắt quán thông...

Duy Anh
Rằm Tháng Bảy Quý Mão
30/8/2023

Dear Dad...(Anonymous) - Bố Thân Yêu...(Tâm Minh)

 

Dear Dad...

Did I ever say thanks
for all the toys you mended,
games we played,
outings to the park,
and the way
you always tried to cheer me
when I was down?
Did I ever say thanks
for the sacrifices you made
so I could be involved
in so many
enriching activities?
Did I ever say thanks
for working so hard
to provide for our family?
Did I ever say thanks
for having such faith in me
and always being there
when I needed you?
Most of all,
Did I ever say thanks for caring?
Dad, I love you.

Anonymous
***
Bài Dịch:

Bố Thân Yêu...

Có bao giờ con cám ơn
Về đồ chơi Bố giúp con sửa hoài,
Về trò vui Bố cùng chơi,
Hoặc là đi dạo ở ngoài công viên,
Và lời cổ động dịu hiền
Giúp con xua hết muộn phiền đau thương?
Có bao giờ con cám ơn
Về bao nhiêu việc Bố thường hy sinh
Để con có thể mặc tình
Tham gia sinh hoạt tốt lành tuổi thơ?
Khi nào con cám ơn chưa
Về bao công việc rất ư nhọc nhằn
Bố làm cực khổ tấm thân
Để gia đình sống đủ ăn bốn mùa?
Khi nào con cám ơn chưa
Vì rằng Bố có tâm tư vững bền
Dành cho con vạn niềm tin
Và con vẫn nhớ chẳng quên chút gì
Khi con cần giúp việc chi
Bố luôn có mặt cận kề giúp ngay?
Và trên tất cả điều này
Bố từng săn sóc bao ngày tháng qua
Có bao giờ con nhớ ra
Để mà cảm tạ thiết tha một lời?
Con yêu thương Bố suốt đời!

Tâm Minh

Ký Ức Cuộc Đời Từ Một Cuốn Phim


(Món quà kính tặng bố mẹ )

Cuốn phim, kéo tôi về với hoài niệm

Có lẽ một trong vài thói quen của tôi, mỗi khi xem một cuốn phim, đọc một đoản văn, truyện ngắn, truyện dài có liên hệ đến một vài dữ kiện hay hoàn cảnh nào có ít hay nhiều sự tương đồng với cuộc đời của tôi, thường mang đến cho tôi rất nhiều suy nghĩ. Những diễn biến trong tác phẩm lại kéo ký ức tôi về với những chuyện buồn vui, ngỡ ngàng và đôi khi cả những ước mơ, mộng tưởng ...đã xẩy ra trong quá khứ của đời tôi.

Suốt tuần lễ vừa qua, trong cái lạnh lẽo đầu đông của Thuỵ Sĩ, tôi đã dành khá nhiều thời gian xem tập phim tình cảm xã hội của VN: “Một đời giông tố “ cuốn phim được sản xuất năm 2017, diễn tả nỗi khốn khổ của một gia đình trong xã hội VN ở thời điểm trước năm 2000. Theo những hình ảnh trong phim, tôi đoán cốt truyện đã được dàn dựng trong một khu lao động nghèo nào đó thuộc khu sông nước của rạch Bến Nghé hay vùng thượng nguồn của kinh Đôi hay kinh Tàu Hũ, hai con kinh gặp nhau tạo ra ngã ba sông với cây cầu chữ Y của thành phố Sài Gòn.

Cuốn phim diễn tả cuộc sống đầy bạo lực của một gia đình nghèo khổ tại một vùng quê hẻo lánh sông nước tại tỉnh Đồng Tháp. Người chồng,người cha là một tên nát rượu, hàng ngày đánh đấm, chửi bới người vợ gầy gò và 4 đứa con ở tuổi thiếu niên rất tàn bạo, bắt phải cung ứng cho hắn ta thức ăn và rượu.... Rồi vào một ngày, trong cơn say xỉn, la hét đánh chửi vợ con đã dẫn đến một cuộc xô xát. Người vợ vì bảo vệ lũ con, giành giật cái dao với tên chồng điên loạn đã vô tình đâm lưỡi dao vào bụng chồng. Bà Lượm ( người vợ ) quá sợ hãi khi nghĩ mình không thể thoát khỏi tù tội vì tội giết chồng ( Phỉ ), khi đó đàn con bé dại không có ai nuôi dưỡng nên bà đã dẫn lũ con vội vã trốn khỏi địa phương. Cuộc trốn chạy này lại là khởi điểm mang lại một nghịch cảnh mới cho bà ta và 4 đứa con vì không có một tờ giấy cá nhân hay tiền bạc để được hòa nhập vào xã hội. Cuộc trốn chạy sai lầm do tính toán của người mẹ đã kéo theo biết bao nhiêu khổ ải cho 4 đứa con và cả cho chính bà ta.

Bà Lượm và lũ con tìm đến Sàigon, lang thang ngủ đường, ngủ chợ, sinh nhai với nghề “móc bọc“, thu gom đồ phế thải bán lấy tiền sinh sống. Trong hoàn cảnh thiếu thốn đó bà Lượm đã dẫn lũ con vào nghề “ đạo chích “, bà chỉ dẫn lũ con những mánh lới, khôn ngoan để tránh được sự nghi ngờ của công an khu vực. Bà đã biến lũ con từ kẻ trộm vặt thành một nhóm chuyên nghiệp, rất tài năng. Với những món tiền “đen đúa “ dơ bẩn đó bà đã để dành phòng lo cho tương lai của lũ con, trả ơn cho những ân nhân, những người đã giúp đỡ bà và lũ con trên đường lang bạt khi họ bị nạn cũng như chi trả cho những dịch vụ chạy án cho lũ con và cá nhân bà khi phạm tội.

Nhưng cuộc đời vốn dĩ không trôi chảy như người ta mong muốn, nhất là với những dạng người dùng con đường ma mãnh, vô đạo đức, ngồi xổm trên luật pháp để sinh nhai. Cuộc sống của bà Lượm và mấy đứa con không bình lặng, an bình như bà tính toán trong nghề đạo chích.Với biết bao nhiêu phiền toái nối tiếp xảy ra, con trai thì mang tội sát nhân, con gái thì bán trinh tiết cho ngoại kiều kiếm tiền chạy án, cá nhân bà vào tù vì nhận tội giết người thay cho con trai rồi bị đột quỵ nửa sống, nửa chết khi gặp lại người chồng mà mình đã tưởng rằng ông ta đã bị mình giết chết.

Cuốn phim đã được chấm dứt trong buồn tẻ thê lương không có hậu. Bà Lượm, một người mẹ thương yêu con nhưng với cá tính ma mãnh, khôn ngoan, nhiều tính toán. Bà đã tưởng rằng trong cuộc sống người ta chỉ có một con đường duy nhất, hữu hiệu nhất đó là kiếm tiền, dùng tiền để giải quyết khi gặp nghịch cảnh nhưng bà đã sai lầm vì thiếu cái nhìn của đạo đức. Cá nhân, khi theo dõi cuốn phim, trong phần ý kiến của người xem, tôi tìm thấy khá nhiều ý kiến tỏ ra thương xót và cảm thông cho nỗi thống khổ của bà Lượm. Riêng cá nhân tôi chỉ qua vài tập đầu tiên, khi nhìn rõ cá tính, bản chất “ tội phạm“ tiềm tàng trong con người của bà Lượm đã làm tôi chán ghét và có phần ngán sợ con người của bà ta. Người mẹ thương yêu con, đau xót cho con mình khi bị khổ sở là lẽ tự nhiên, nhưng không thể vì lý do đó mà dẫn dắt, huấn luyện, chỉ dạy mánh lới cho những đứa con của mình vào con đường tội lỗi. Người ta có thể dùng cái đẹp tốt, cái lương thiện… để giải quyết những cái sai trái, xấu xa của mình, nhưng người ta không thể dùng cái xấu, cái lưu manh để giải quyết nó. Nếu ai cũng dùng phương pháp vô đạo đức như vậy, thì xã hội chẳng còn ý nghĩa gì khi nói đến nhân phẩm cả. Đó là căn nguyên của đạo đức vậy!
***
Dĩ nhiên khi dành thời gian nhiều ngày để thưởng thức cuốn phim này, tôi hiểu rằng đó chỉ là một tác phẩm sáng tác, trong đó phải có ít hay nhiều hư cấu để tạo ra những khoái cảm cho người thưởng thức. Dù biết là thế, nhưng tôi vẫn dìm cảm xúc của mình vào cuốn phim, cho tôi những phút giây buồn vui theo từng diễn biến của phim. Hơn thế nữa cuốn phim đã kéo ký ức tôi về những quãng thời gian với rất nhiều gập ghềnh trong cuộc sống của tôi trong quá khứ, từ trẻ thơ cho đến ngày tôi rời xa quê hương định cư tại ngoại quốc. Trong tâm thái hoài cảm về dĩ vãng đó, tôi muốn viết ra đây một vài khổ ải của chính cá nhân và gia đình bố mẹ tôi trong những năm tháng khốn khổ xa xưa. Viết ra những khó khăn, trầy trụa trong quá khứ chẳng có nghĩa gì của than khóc, kêu ca. Ngược lại nếu có những tỏ bày về những thành công vui sướng thì cũng chẳng phải là một kiểu suy tôn mình với nhân gian. Tất cả những than khóc, kêu ca hay vui sướng hoan lạc trong cuộc đời tôi, có lẽ chỉ là những hoài niệm, đến nay, nó chẳng còn ý nghĩa gì với một ông già đang mong đợi ngày về với đất đá trong nhẹ nhàng, thoáng khoát vô lo. Xin người đọc hiểu cho tôi điều đó.

Thêm vào đó, tôi cũng muốn tôn vinh sự ngay ngắn, đạo đức của bố mẹ tôi, dạng người gần như thất học, thấp kém trong xã hội, đã bao lần rơi vào cảnh khốn cùng vì chiến tranh, thiên tai của một nước VN thời bom đạn, đói nghèo trong lịch sử. Đúng như vậy, bố mẹ tôi đã chọn lựa cách thức ứng xử trong khuôn khổ đạo đức, tình người khi gặp phải những nghịch cảnh trong cuộc sinh nhai. Nó hoàn toàn khác với cách thức dối trá, vô luân của bà Lượm trong cuốn phim. Tôi chỉ thu nhặt vài ba câu truyện của bố mẹ tôi trong thời tao loạn đó rồi xâu chuỗi lại thành môt bài viết coi như có thêm một món quà của tôi, đứa con trai đầu đàn dành tặng cho linh hồn bố mẹ tôi, song thân mà tôi luôn luôn kính yêu và cảm phục. Những sự kiện mà tôi nêu ra trong bài viết, không phải chỉ có tôi biết mà cũng còn vài ba người khác cũng biết, có thể là chính họ hay con cháu họ liên hệ đến câu truyện, họ vẫn còn sống tại VN hay hải ngoại.

Giá trị cái nhẫn vàng hồi môn của mẹ tôi.

Tôi sinh ra vào thời điểm trận đói kinh hoàng năm Ất Dậu (1946 ) vừa đi qua được khoảng nửa năm, tại một làng quê nghèo bên hữu ngạn sông Hồng thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định miền bắc Việt Nam.Tôi hoàn toàn không có ký ức nào của khoảng 4, 5 tuổi đầu đời ngoài những điều mà sau này khi lớn khôn bố mẹ tôi đã kể cho nghe. Nhưng sau tuổi lên 5, dù vẫn còn là đứa bé, tôi vẫn còn giữ khá nhiều những ký ức của chiến tranh Việt-Pháp, vài ba năm trước hiệp định Genève 1954.

Khoảng cuối năm 1951, làng tôi bị máy bay bỏ bom đốt phá, rồi thêm khốn khổ với những trận tây ruồng bắn giết, hiếp dâm … chưa hết lại thêm trận bão làm vỡ đê đoạn sông Hồng. Nước lên lai láng phủ kín ruộng vườn, gia đình tôi chỉ quay quẩn trong khu vườn của ông nội tôi bắt cá tôm, rau cỏ qua ngày. Thấy tình hình không thể sống được, bố mẹ tôi để căn nhà ọp ẹp lại cho ông chú còn độc thân, cùng cha khác mẹ với bố tôi rồi lại một lần nữa khăn gói lên đường nhắm hướng Hà nội tìm đường sinh sống. Trước đó vào khoảng năm 1947 khi tôi mới 1 tuổi, cũng vì loạn lạc chúng tôi đã trôi dạt lên Hà nội, lần đó được cơ sở thiện nguyện nào đó giúp đỡ cho sống trong một khu tập thể tại ngoại ô Hà nội. Tị nạn được khoảng vài ba tháng, thấy tình hình yên ổn nên bố mẹ tôi lại dắt díu trở về quê. Lần này ra đi với vẻ an tâm hơn vì nghĩ rằng sẽ được cưu mang như lần trước.

Sau 1 ngày vừa đi bộ, vừa đi thuyền… trên đường đi, gia đình tôi chúng tôi gặp vợ chồng bác Khôi, cùng lứa tuổi bố mẹ tôi, nhưng chỉ có 1 đứa con trai khoảng 3 tuổi, bà vợ đang thai nghén đứa con thứ 2. Gia đình bác Khôi từ một làng nào đó thuộc huyện Hải Hậu, phía nam huyện Xuân Trường của chúng tôi. Họ cho biết cũng như chúng tôi, vì giặc giã, vỡ đê nên cũng đành bỏ ruộng vườn tìm đường lên Hà nội sinh nhai. Thế là 2 gia đình chúng tôi dựa vào nhau để sống, thân tình như ruột thịt. Bác Khôi rất giỏi nghề cá, bác mang theo một cái lưới nhỏ, đi đến đâu có sông rạch bác đều bắt được vài ba con cá, con tôm dành cho các bữa ăn dọc đường, nhiều khi còn dư đem bán lấy tiền mua gạo nấu cơm… Chính nhờ vậy mà cả hai gia đình chúng tôi sống khá tốt trên đường đi lánh nạn . Theo tính toán thi 2 gia đình sẽ vào tỉnh thị Nam Định rồi băng qua tỉnh Hà Nam để vào Hà Nội. Nhưng một hôm khi chúng tôi đến phía Bắc của huyện Nam Trực, sát gần thủ phủ Nam Định, lúc đem vài con cá tôm ra chợ bán để mua gạo, bác Khôi gái đã trượt chân té ngã phải mang đến trạm xá huyện Nam Trực cứu chữa. Trạm xá quá èo ọt nên họ đề nghị chúng tôi nên đưa bác gái lên bệnh viện tỉnh Nam Định càng nhanh càng tốt vì bào thai đã bị động mạnh khi té. Vấn đề rất khó khăn cho chúng tôi là quá nghèo,ngay tiền chuyên chở lên tỉnh thị cũng đã khó khăn, chưa nói đến việc thuốc thang và viện phí. Trong tình huống quá cấp bách và nghèo khổ đó, chúng tôi tìm đủ mọi cách cầu xin những nhân viên trạm xá giúp đỡ nhưng hoàn cảnh ai ai vào thời loạn ly đó làm sao mà giúp nhau được.

Cuối cùng,bố mẹ tôi nhìn nhau, kín đáo nói với nhau vài câu rồi mẹ tôi bóp nắn vạt áo lấy ra một chiếc nhẫn vàng, đưa tận tay bác Khôi mà nói:
-Thành thật với bác, gia đình em chỉ có cái nhẫn này là tài sản duy nhất, bố mẹ đã cho em làm của hồi môn, vợ chồng em đã giữ nó 4, 5 năm nay, chưa bao giờ nghĩ đến việc bán nó dù bao lần chạy loạn, đói nghèo. Em cũng chưa bao giờ đeo nó vì ngại khoe của mà hại đến thân. Chúng em nghĩ rằng cố giữ nó, dành cho lúc khốn khổ mà dùng đến. Hôm nay với hoàn cảnh của bác gái, vợ chồng em đưa cho bác để có tí tiền lo cho bác gái lúc hoạn nạn, xin bác đừng chối từ. Việc chết sống của bác gái mới là điều quan trọng, việc trả lại cho chúng em coi như hãy tính sau, bác đừng lo lắng cho khổ thân.

Phải nói bác Khôi trai đã ngẩn ngơ, không thể tin được lòng tốt của bố mẹ tôi, người bạn mới quen biết vài ba ngày, chưa biết gì về gốc gác của nhau mà dám móc ruột ra giúp đỡ bác như vậy. Bác Khôi không dám nhận, có ý để cho sự sống chết của vợ mình theo định mệnh, may rủi… Sau một lúc đùn qua, đùn lại nhưng với những lời quyết liệt của bố mẹ tôi, bác Khôi chảy nước mắt:

-Thôi vợ chồng em đành mang ơn hai bác vậy, qua nạn này chúng em sẽ cố làm ăn, dành dụm để trả lại cho hai bác. Chúng em xin ghi nhận lòng tốt của hai bác.

Nhờ món tiền bán chiếc nhẫn, bác Khôi gái được chuyên chở lên bệnh viện tỉnh, có lẽ vì quá trễ nên bào thai đã phải lóc bỏ, sức khoẻ bác gái cũng không tốt, tinh thần sa sút vì mất đứa con nên nằng nặc đòi trở về quê. Cuối cùng bác Khôi trai đã chiều theo ý vợ mà tính toán trở về quê, còn chúng tôi tiếp tục hành trình lên Hà Nội. Trước khi chia tay, bác Khôi có hỏi địa chỉ của người em cùng cha khác mẹ của bố tôi ở làng để có dịp hồi trả lại món nợ cho mẹ tôi.

Sau này, qua hơn 1 năm trời khốn khổ kiếm sống tại Hà Nội, gặp chương trình tuyển quân thành lập quân đội Việt Nam do Mỹ và Pháp tài trợ. Nhờ sự chỉ dẫn của người quen, bố tôi đã đầu quân vào, đó cũng là điểm mốc khởi đầu cho cuộc sống mới, thay đổi rất lớn cho gia đình tôi sau này. ( Tôi đã viết kỹ hơn trong bài tuỳ bút : “ Hà Nội, hai người bạn thủa ấu thơ “, http://www.erct.com/2-ThoVan/LuuAn/HaNoi-Hai-nguoi-ban.htm).

Trong một lần, khi gia đình tôi sống chung với những gia đình lính tráng khác trong dẫy nhà phía sau của nhà chủ nhân, thình lình bác Khôi đến thăm. Qua lời bác kể thì bác đã gặp người em cùng cha khác mẹ của bố tôi tại làng nên biết được địa chỉ của chúng tôi mà tìm đến. Bác cho biết khi chia tay chúng tôi, bác đem vợ trở về làng, không biết vì sai trái của bệnh viện hay vì không thận trọng trên đường trở về làng, vết thương của bác gái bị nhiễm trùng và qua đời. Lo ma chay cho vợ xong, bác và đứa con trai sống với nhau tiếp tục lo việc đồng áng được khoảng một năm, nhưng cuộc sống cũng chẳng yên ổn nên hai bố con bán ruộng vườn và lại tìm đường lên Hà Nội. Bác và con trai nhờ sự cưu mang của một gia đình quen biết tại Hà Nội giúp đỡ vào phu khuân vác tại chợ Đồng Xuân. Vì nhớ đến món nợ mấy năm trước, bác đã để dành tiền lương cùng với tiền bán ruộng vườn ở làng quê, mang đến trả cho bố mẹ tôi. Nghe thố lộ chuyện bác gái bị mất vì tai nạn, mẹ tôi nhất định không muốn nhận lại món nợ và cho bác biết đời sống của gia đình chúng tôi đã an toàn, vào khuôn thước rồi. Chúng tôi không giàu có nhưng việc bấp bênh, lo sợ cho chết chóc, đói khổ như ngày xưa thời còn ở làng quê thì chắc chắn không xảy ra được nữa. Rồi những đẩy đưa giữa bố mẹ tôi và bác Khôi về món nợ cứ lập đi lập lại, cuối cùng bố mẹ tôi nói với bác:

-Sao bác cứ để lòng đến chuyện chúng em giúp đỡ bác trong lúc hoạn nạn thế nhỉ ? Tình nghĩa của vợ chồng em và hai bác đâu có phải vì chiếc nhẫn đó mà tăng lên hay giảm xuống đâu! Nó quý giá là đúng lúc túng quẫn chúng ta giúp đỡ nhau mà thôi. Hơn nữa, bác gái đã mất, bác hãy coi như món quà viếng của chúng em dành cho bác gái vậy, xin bác đừng chối từ mà làm tình nghĩa của chúng ta phai nhạt.

Cuối cùng vì sự quyết liệt của bố mẹ tôi, bác Khôi đành nhượng bộ. Từ đó tình nghĩa của gia đình chúng tôi và cha con bác Khôi rất gần gũi nhau.Chúng tôi thường thăm viếng, cho quà nhau trong suốt mấy năm sống ở Hà Nội. Nhưng tình nghĩa đó cũng chẳng kéo dài được bao lâu, năm 1954, gia đình tôi theo chủ nhân di cư vào Nam còn bố con bác Khôi ở lại, chúng tôi mất liên hệ với nhau từ đó. Viết lại câu truyện thấm đậm tình nghĩa này, tôi muốn tôn vinh lòng tốt của bố mẹ tôi, dành cho một người bạn mới quen, chưa biết gì về gốc gác của họ, mà đã dám bỏ ra món quà giá trị nhất đời của mẹ tôi để giúp đỡ họ. Khi họ nhớ đến, mang trả lại món quà, bố mẹ tôi không nhận lại chẳng phải vì giàu có mà bố mẹ tôi nghĩ rằng giá trị của lòng tốt, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn mới là vô giá và có ý nghĩa vậy.

Món nợ nần suốt đời của bố mẹ tôi.

Chúng tôi lên đến Hà Nội, tìm đến nơi tạm cư của lần đầu tiên gia đình tôi lên Hà nội, ngày đó chúng tôi đã được cơ quan thiện nguyện nào đó giúp đỡ, cung cấp thức ăn và chỗ ngủ. Nhưng lần này, khi đến nơi đó không còn nữa, nó đã biến đổi thành một trại đóng quân mới. Không quen biết ai, thế là gia đình chúng tôi đành sống chui nhủi ở sân nhà ga xe hoả, lề đường mất mấy ngày. Sau này nhờ hỏi thăm, tìm kiếm, bố mẹ tôi gặp được một người quen cùng làng, đã lên Hà Nội từ lâu, bà là vợ lẽ hay tình nhân của một vị bác sĩ tại Hà nội nên được goi là bà Đ. Bà Đ là một người rất xinh đẹp, sang trọng nức tiếng trong làng, ai ai cũng nghe tiếng và kính nể mỗi khi bà có dịp ghé về làng thăm họ hàng. Bà sống trong một căn nhà riêng biệt, cổ kính trên phố Kim Mã, có một khu vườn nhỏ trồng hoa, không có con nên bà sống với vợ chồng người cháu, lo việc bếp núc và coi nhà cho bà.

Gặp được bà Đ, đúng lúc vợ chồng người cháu của bà xin nghỉ việc về quê, không có ai trông nhà và nấu nướng, nên bà đã cho gia đình chúng tôi tá túc tạm tại căn nhà kho ở phía sau nhà, giúp việc nhà thay vợ chồng người cháu. Được khoảng 10 ngày thì vợ chồng người cháu trở lại làm việc, nhưng nhờ quen biết rộng vì đã sống rất nhiều năm tại Hà Nội nên bà giúp gia đình chúng tôi cùng với một gia đình khác cũng là dân phiêu bạt đến Hà Nội, thuê được một căn nhà lụp xụp, hở hang ở phố Hàng Bột, một khu còn sình lầy nghèo khổ và cũng là nơi thu gom rác thải của Hà nội. Dĩ nhiên, có mái nhà dù xơ xác nhưng có chỗ ăn ngủ với hai gia đình chúng tôi, đó là một may mắn rất lớn, không phải lang thang trên đường phố, lề đường… hàng ngày 4 người lớn vào thành phố tìm việc làm kiếm sống, lũ con ở nhà chơi đùa với lũ trẻ chung quanh. Ơn tình của bà Đ đã được bố mẹ tôi khắc sâu vào tâm khảm, hàng nhiều chục năm. Trong đoản văn ký ức này, tôi sẽ viết về bà nhiều hơn, cố lột tả được sự trả ơn, mang ơn của bố mẹ tôi dành cho bà. Với tôi nó có phần quá đáng nhưng lại nói lên bản chất biết và nhớ ơn của bố mẹ tôi, đã làm cho tôi mang nhiều ngẫm nghĩ.

Rồi những diễn tiến của thời cuộc, bố tôi vào quân đội, làm lính phục vụ cho một gia đình lãnh đạo trong quân đội, cũng như hàng triệu người khác, gia đình tôi hòa nhập vào phong trào di cư vào Nam năm 1954. Ban đầu chúng tôi đến Saigon với chủ nhân, tiếp tục kiếp tôi đòi, rồi theo chủ nhân lên Đà lạt làm rẫy khai hoang, làm rẫy được khoảng gần một năm thì chủ nhân thất thế, gia đình tôi trở lại Saigon. Căn nhà đầu tiên mà gia đình tôi và một gia đình đồng hương khác thuê tại ngõ 521 đường Lê Văn Duyệt, quận 3 Saigon. Sống tại đó được khoảng 1 năm trời, gia đình tôi càng lúc càng đông, nên bố mẹ tôi phải chuyển nhà đến xóm Tre ( ngõ 116 Tô Hiến Thành ) không xa nơi ở cũ. Chúng tôi sống trong xóm Tre này khoảng 5, 6 năm, khi tôi học lớp đệ lục trường Chu Văn An, gia đình tôi lại trở về xóm 521 Lê văn Duyệt, căn nhà mới này ở phần cuối xóm, còn căn nhà trước ở khoảng giữa xóm. Cuộc sống của gia đình tôi từ khi dọn trở lại xóm 521 Lê văn Duyệt tươi sáng hơn về mọi mặt lý do là mẹ tôi đã nhảy vào buôn bán chuối, phụ giúp cho đồng lương quân đội của bố tôi. Nhất là tôi, đứa con trai đầu đàn lớn khôn hơn, tôi vượt qua 2 bằng tú tài, thi đậu vào trung tâm nông nghiệp một cách khá dể dàng. May mắn vẫn là điều rất quan trọng, nhưng cũng phải kể đến sự cố gắng của cá nhân tôi khi nhìn thấy nỗi nhọc nhằn, hy sinh của bố mẹ tôi mà cố gắng học hành và làm việc. Đúng như vậy, tôi cảm nhận được bản chất dù có vẻ quê mùa nhưng lại ẩn tàng rất nhiều sắc thái đạo đức trong lối hành sử của bố mẹ tôi trong cuộc sống, chính nó đã kích thích, dậy dỗ tôi cố gắng vươn lên trong cách thức của trong sáng và nhân bản.

Có thể nói, trong suốt nhiều chục năm, gia đình tôi sống tại Sài Gòn, bà Đ luôn luôn đến nhà tôi chơi hay nhờ ông nội tôi, một thầy nho hoc xem bói cho bà ( tôi không biết lối bói này được gọi là gì, đại khái ông tôi đưa cho bà một cuốn sách bằng chữ Hán, bà lâm râm cầu khấn rồi mở cuốn sách ra và chỉ vào một chữ Hán trong sách. Ông tôi sẽ chiết tự chữ Hán đó và đoán quẻ ). Khi thì bà hỏi về công việc buôn bán, khi thì hỏi về ngày giờ xuất hành lo công việc ..v..v… Bất cứ lần nào bà đến nhà tôi, bà vẫn được bố mẹ tôi tiếp đón rất kính mến, mẹ tôi luôn luôn chuẩn bị bữa cơm đặc biệt dành riêng chiêu đãi bà nếu bà ở lại ăn cơm. Có một lần, lúc gia đình tôi còn ở căn nhà thuê trong xóm 521 Lê Văn Duyệt, thời gian đó gia đình tôi cũng vẫn còn khó khăn vì gia đình gồm 7 miệng ăn ( ông nội, bố mẹ và 4 anh em chúng tôi ),tất cả chỉ trông chờ vào tiền lương lính của bố tôi. Lúc đó tôi đã tạm lớn, với tuổi lên 10, đang học lớp tư trường tiểu học Chí Hoà. Hôm đó Bà Đ đến chơi, nhờ ông nội tôi xem bói, như mọi lần mẹ tôi lại phải tốn kém lo bữa cơm đặc biệt cho bà, nhìn thấy mẹ phải chắt bóp để chu cấp cho bữa cơm, với tí chút không vui tôi nói:
-Tại sao mẹ phải dè xẻn, bóp bụng mua đồ ăn cung ứng cho bác ấy như vậy ? Con thấy mẹ nên giới hạn lại vẫn hơn.
Mẹ nhìn tôi với vẻ không vui mà trả lời:
-Con hãy nhớ đến lòng tốt của bác ấy ngày chúng ta mới ra Hà Nội, nếu không có bác ấy rủ lòng thương mà giúp đỡ, có lẽ cả nhà ta đã chết vì đói lạnh rồi đó! Dù thế nào thì chúng ta vẫn phải biết nhớ ơn bác ấy.

Đúng như vậy, việc trả ơn của bố mẹ tôi cho bác Đ cứ kéo dài liên miên, hàng nhiều chục năm cho đến ngày tôi rời xa VN đi tu nghiệp Nhật bản, bác Đ vẫn đến chơi hay coi bói, bố mẹ tôi vẫn tiếp đãi bác ấy một cách chân thành như vậy. Rất nhiều lần bác đến nhà tôi còn mang theo nhưng gói hay túi xách buộc kín, đưa cho bố mẹ tôi, nhờ giữ hộ để vài hôm sau đến lấy hay nhờ người khác đến lấy. Bác không quên dặn bố mẹ tôi hãy cất nó vào chỗ kín đáo, không để mất vì đó là nhưng bịch cao khỉ, cao hổ cốt hay sâm nhung rất mắc tiền … Dĩ nhiên bố mẹ tôi làm như lời bác dặn.

Một lần, khi gia đình tôi sống tại căn nhà trong xóm Tre, bác Đ đến chơi, sau bữa cơm, bác gửi lại một gói hàng bao bằng giấy dầu, nói bố tôi cất vào gầm giường, giữ cho bác, mấy ngày sau bác sẽ đến lấy. Hôm sau đi học về, vào buổi chiều tối, khi tôi chui vào gầm giường tìm trái banh, tôi thấy gói hàng của bác gửi bị hở ra, có thể do dây buộc không kỹ hay do chuột moi móc. Tôi kéo gói hàng ra, đưa cho bố để gói lại cho bác, bố tôi cầm gói hàng lên, xem chỗ rách bể với thái độ bàng hoàng, sợ sệt. Gói hàng không phải là cao khỉ, cao hổ cốt hay sâm nhung, như bác Đ nói khi gửi mà là thuốc phiện! Sau một lúc bàng hoàng, run tay, bố tôi nói:
-Chết thật, nó mà lộ ra thì cả nhà mình đi tù! Tại sao bác ấy lại làm như vậy nhỉ ?…
Ngẫm nghĩ một tí bố tôi nói tiếp:
-Không biết những lần bác ấy gửi hàng cho mình trước kia có phải là thuốc phiện hay không ? Thât không thể ngờ được !

Rồi sau một lúc bàn luận với mẹ tôi, bố tôi gói kỹ lại món hàng lại cho nó vào chiếc sọt kèm mấy bó rau, quần áo cũ lờm xờm phía trên để ngụy trang rồi chở xe đạp lên tận nhà bác trong một ngõ hẻm đường Phan Thanh Giản để trả lại cho bác ấy. Khi về nhà Bố tôi cho biết lúc nhận lại bịch hàng bác Đ có vẻ ngạc nhiên rồi nói vài lời xin lỗi..v..v..

Sau lần đó, bác Đ hình như ít đến nhà tôi hơn, nếu đến thì cũng chi nhờ ông nội tôi xem bói rồi từ giã ra về, rất hiếm khi ở lại ăn cơm, có lẽ bác biết ý không vui và ngại ngần của bố mẹ tôi. Từ đó bác không bao nhờ mang bịch, gói hàng đến nhà tôi, nhờ giữ hộ nữa. Tuy nhiên bố mẹ tôi vẫn kính trọng, quý mến bác và luôn luôn nhớ ơn nhắc đến lòng tốt của bác dành cho gia đình tôi lúc khốn khó tại Hà Nội. Đôi khi bác có nhưng việc cần đến người giúp đỡ như khuân vác, thay bàn ghế, dụng cụ trong nhà ..v..v.. bác vẫn nhờ, gọi bố tôi giúp đỡ hay tìm thuê gọi thợ hộ bác. Hàng năm vào những dịp lễ tết, nhất là thời gian tôi lớn khôn, có khả năng kiếm tiền giúp gia đình, nhất là lúc tôi có một trang trại chăn nuôi gà heo nho nhỏ tại Tân Phú, Bà Quẹo... bố mẹ tôi vẫn quà cáp, biếu xén bác và không quên nói những lời cám ơn bác về sự giúp đỡ của bác xa xưa. Tình thân thiết, kính trọng, mang ơn và trả ơn bác Đ vẫn được bố mẹ tôi gìn giữ cho đến khoảng năm 1990 hay 1991 tôi được bố tôi báo tin là bác Đ đã ra người thiên cổ.

Hôm nay, sau khi thưởng thức cuốn phim “ Một đời giông tố “ với hình ảnh bà Lượm đã chỉ dẫn cho lũ con cách thức khôn ngoan để ăn trộm kiếm tiền giải quyết những nghịch cảnh trong cuộc sống của bà và lũ con. Trong đó có cả việc bà ta đã dùng món tiền tội lỗi, bẩn dơ đó để trả nghĩa ơn cho anh chị Hai, ông Ngoại những người ân nghĩa của gia đình bà. Sự việc đền ơn vô đạo đức đó đã dìm tôi vào với suy tư, hoài nhớ về bố mẹ tôi. Chúng tôi cũng nhận ân tình của bác Đ, tìm dịp trả lại ân nghĩa đó suốt đời, nhưng cách thức trong sáng hơn. Đúng như vậy, khi coi xong cuốn phim, suy ngẫm về cách thức trả ơn với đồng tiền bất đạo của bà Lượm và cách trả ơn nhân bản chân tình của bố mẹ tôi dành cho bác Đốc. Hai cách trả ơn hoàn toàn khác nhau, một bên gồm những đồng tiền đen đủi của trộm cắp, một bên mang sắc thái của thiện lương đáng phục và đó cũng là lý do làm tôi kính nhớ bố mẹ tôi vậy.

Suy ngẫm cuối đời của một ông già gần tuổi 80

Cuốn phim đã kéo ký ức tôi về với những tháng năm trầy trụa của gia đình tôi, ngày bố mẹ tôi còn tại thế, chúng tôi còn lăn lộn cực nhọc có phần nhem nhuốc với sinh nhai… Cuốn phim cũng đưa đến cho tôi cảm hứng mà viết ra vài sự kiện trong thời gian khốn khó đó như là lời tâm tình với người đọc và cũng để tôn vinh bản chất thiện lương, trong sáng của bố mẹ tôi, thành phần gần như thất học, đói nghèo trong giai đoạn tối sáng của lịch sử VN nhưng vẫn giữ được sự chân nguyên của đạo đức làm người.

Cũng từ cuốn phim đó, đã nhấn chìm tôi vào những suy tư, diễn biến của chính cuộc đời tôi. Niềm mơ ước lớn nhất của tôi là được bước vào nghề giáo, một ông giáo cấp trung học, tôi tự tin là mình có đủ căn bản và khả năng để làm một thầy giáo đúng nghĩa trong tất cả các môn học của ban trung học ngoại trừ môn sinh ngữ, một lãnh vực mà tôi biết rất rõ khả năng yếu kém của mình. Nhưng đến nay tuổi đời đã ngấp nghé 80, những cánh cửa của dịp may va mơ ước của đời tôi đã thực sự khóa kín mất rồi.

Có một lần trong dịp công tác tại Kenya, một quốc gia rất rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên giàu có và phong cảnh thiên nhiên rất hùng vĩ với núi non, sông hồ miền Đông Phi châu. Một hôm tôi và một nhóm sinh viên của phân khoa thực phẩm thuộc đại học quốc gia Nairobi trong căn phòng sinh hoạt của hội sinh viên. Nhóm sinh viên tưởng tôi là người Thuỵ Sĩ gốc Nhật bản, hỏi tôi rất nhiều về Nhật bản…. Tôi đã phải kể cho họ con đường tiến thân của tôi, một người VN chính gốc sang Nhật bản tu nghiệp và cũng là quê hương của vợ tôi, rồi vì đẩy đưa của thời thế đã mang tôi đến Thuỵ Sĩ và trở thành công dân Thuỵ Sĩ để hôm nay ngồi nói chuyện với họ. Một điều rất kỳ lạ, gần như hầu hết mọi sinh viên họ chẳng biết và hiểu một tí gì về VN, ngay cả khi tôi nói về cuộc chiến tranh VN kinh hoàng của mấy chục năm về trước họ cũng mù tịt ( có lẽ vì họ sinh ra khi cuộc chiến VN đã vào dĩ vãng, chỉ là một địa danh mù mờ trong kiến thức căn bản của họ ). Thế là tôi phải giải thích cho họ trên tấm bản thế giới trong phòng sinh hoạt ).

Trong buổi sinh hoạt đó họ đã hỏi tôi rất nhiều về VN, Nhật bản và Thuỵ Sĩ, liên quan đến tình cảm, viêc làm, suy tư, vả về ước muốn… của tôi về 3 quốc gia mà tôi rất gắn bó đó. Tôi chẳng ngại ngần cho họ biết, Nhật bản quê vợ của tôi, cũng là nơi tôi học thành tài, nơi đó tôi có đầy rẫy kỷ niệm, tôi yêu Nhật bản thật sự. Thuỵ sĩ là nơi đã mang đến cho tôi hiểu ý nghĩa rất thật của chữ ĐỊNH CƯ, cho tôi một cuộc sống thanh bình, thịnh vượng dẫn tôi đến vai trò của một chuyên viên đúng nghĩa…. tôi luôn luôn tự hào và hân hạnh khi cầm cuốn sổ thông hành màu đỏ của Thuỵ Sĩ. Còn Việt Nam, nơi tôi và tổ tiên tôi sinh ra, từng sống chết với nó, Việt Nam cũng là nơi tôi từng quằn quại với khổ đau, đói nghèo vì chiến tranh, thiên tai nhưng cũng là nơi tôi lớn khôn, thành tài và chôn dấu quá nhiều kỷ niệm. … Tôi rất yêu VN, tôi luôn luôn nguyện cầu cho VN yên bình, thịnh vượng không bị nhấn chìm trong chiến tranh, đói nghèo , thiên tai ….

Cuối cùng, tôi đã nói với họ một lời kết luận như sau : “ Nơi trú ẩn an toàn nhất là Lòng mẹ, Nơi mà chúng ta yêu thương, nguyện cầu, mong ước được phục vụ nhất đó là Tổ quốc, nơi chúng ta đã sinh ra, lớn lên và có đầy ắp những kỷ niệm “ .

Lưu An, Vũ Ngọc Ruẩn 
 (Zuerich, Switzetrland October.2022)

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Mẹ Đã Ra Đi – Nhạc, Lời & Tiếng Hát: Văn Duy Tùng


Nhạc, Lời & Tiếng Hát: Văn Duy Tùng

Giỗ Má

 

Con về máy động tuổi thơ
ngủ quên đáy mắt mẹ chờ cuối năm.
Con về lau giọt lệ thầm
sót trên khóe mỏi khóc câm. Những ngày.
Con về cầm lại đôi tay
trơ xương từ buổi trời bày cuộc chia.
Con về nối lại đoạn lìa.
Má đâu đó sáng, con khuya biệt mù.

Cao Vị Khanh

Tiếng Đàn Xưa

 

Con về thăm ngôi nhà của Mẹ
Giữa đìu hiu sương gió miên man
Bụi thời gian phủ nét rêu phong
Còn đọng lại một thời dĩ vãng...

Nhớ năm xưa...
Nhà vườn êm ả
Trái thơm ngon mùa vụ quanh năm
Đàn con nhỏ quây quần bếp lửa
Đêm Đông dài chờ đợi mừng Xuân
Quần áo mới và phong bì đỏ
Vui pháo nổ, bánh mứt đầy mâm
Tình Mẹ Con đầm ấm bên nhau ...

Nhớ năm xưa...
Đêm dài tĩnh lặng
Tay tiên Mẹ, đàn tranh ấn phiếm
Điệu Kim Tiền thanh thoát niềm vui
Lưu Thuỷ nhịp âm vang dòng suối
Gợi nhớ thương tiết tấu Nam Bình
Tâm an lạc nhàn du Đại Cảnh
Khúc Nam Ai gợi Ý Vô Thường.

Tiếng Đàn Xưa thao thức âm thanh
Nhập hồn con nỗi niềm cuộc sống
Tiếp hiện đời hỉ nộ trầm luân
Và Vô Thường vạn vật biến thiên
Giữ tâm tu bền chí vươn lên
Luyện trí não, Huệ thông thế sự.

Thời loạn ly chia lìa ngăn cách
Chốn phong trần lạc nẽo đường xa
Bao năm tháng hoài mong chốn cũ
Ngôi nhà xưa đầm ấm Mẹ Con.

Con lặng yên bên song cửa sổ
Giữa đìu hiu hương khói chiều buông
Huyền Không gởi gió tiếng đàn xưa
Âm vang lời Mẹ
... tơ đồng đan thanh
Buồn thương vang vọng một thời
Nhà xưa còn đó
... tình đời Mẹ Con!

Thiền Nhân

Bài Thơ Tạ Tội

 

(Kính dâng Hương Linh Mẹ kính yêu)

Hương trầm nghi ngút tỏa không gian 
Lung linh đèn nến quyện hương nhang 
Linh thiêng Mẹ hiểu lòng con đã 
Đau đớn muôn vàn lệ chứa chan 

Mẹ hỡi! Từ nay vĩnh biệt rồi!
Âm dương hai ngả đã ngăn đôi 
Mẹ đi sen nở hương hoa tiễn 
Mất Mẹ đời con vắng nụ cười 

Con nhớ sinh tiền Mẹ thích thơ 
Vần thơ Mẹ viết: “ Nhớ mong chờ 
Một ngày xum họp vui đoàn tụ 
Con hãy yên lòng thỏa ước mơ .”

Sao Mẹ ra đi quá vội vàng?
Con còn mờ mịt chốn hồng hoang 
Nhớ xưa Mẹ vẫn thường hay nhắc:
“ Mẹ sẽ chờ con phút khải hoàn .”

Kính Mẹ thứ tha bất hiếu nhi 
Không về đưa tiễn Mẹ ra đi 
Bài thơ con kính dâng lên Mẹ 
Là máu từ tim ướt thấm mi …

Lâm Hoài Vũ
(Trích thi tập Lưu Vong Trường Khúc)

Nén Hương Lòng

 

Ai mà chẳng nhớ mẹ, thương cha 
Còn sống hay là đã khuất xa 
Chữ hiếu đáp đền sao đủ được 
Lòng thành cung kính nguyện ban tha 
Nắng mưa khổ cực bu nào quản 
Nặng nhọc bôn ba bố há ca… 
Nay với Ngày Rằm nhang nến khấn, 
Vĩnh hằng thiên quốc hưởng an hòa. 

Thái Huy 
8/30/23,15/7 Quý Mão

Vu Lan Nhớ Mẹ

 

Sáu mươi năm xưa
Mẹ thăm con trong dịp lễ Vu Lan
gặp nhau 
hai Mẹ con cùng khóc

Mẹ  nói:
nhà mình Việt cọng tam thu
thằng 7 thằng 8 làm thuê làm mướn
con út bắt ốc mò cua
ruộng đất sạch trơn
trâu bò chẳng còn
thứ gì cũng thuộc về nhà nước!!!!

Khi chia tay
bao nhiêu tiền Mẹ cho con hết
chiếc nón lá trên đầu-Mẹ cũng đội cho con-

Công trường Phú Ninh 
trưa Hè
nóng-nóng dữ lắm-
Nóng thì mặc nóng

Người bạn tù
vừa khiên sỏi vừa làm thơ"
"Trên công trường sỏi điểm nào cũng nóng
"Nóng trong Tim và nóng trên da
"Trên công trường sỏi điểm nào cũng tiếc
"Tiếc ngày xanh và tiếc tương lai
"Trên công trường sỏi có những người thua cuộc
"Đứng trên quê hương mà mất quê hương!!!!

'"Nếu có thương
"xin người đừng hỏi
"vì câu trả lời
"LÀ NHỮNG DÒNG NƯỚC MẮT TUÔN!!!" 

Mẹ ơi
sáu mươi năm qua rồi
con vẫn nhớ mùa Vu Lan năm trước
Mẹ thì đã qua đời

Sân chùa chiều nay
đông người lắm
mà lòng con
trĩu nặng Mẹ ơi!
bởi vì con không được nhận đóa hoa màu hồng

Càng buồn hơn
Các đứa con
cũng nhận những đóa hoa màu trắng!!!
mẹ chúng mất trước ngày Nội lìa đời
bốn cha con là những kẻ mồ côi!!!

Mẹ ơi
sao người ta lại làm hai màu hoa
 Sao không làm một màu Hồng -để tưởng nhớ Mẹ thôi-
cho những người mất Mẹ bớt đau xót

Hoàng Long        
                  

Vu Lan Chùa Phổ Từ

  

 

“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông “
Tháng tám mùa Vu Lan hiếu hạnh
Trời thu phảng phất bóng mây hồng

Nắng hôn nhè nhẹ vòm hoa cỏ
Tứ chúng tràng lam hội tụ về
Trì tụng Mục Kiền Liên hiếu tử
Noi gương Đức Phật thoát lầm mê

Bàn vong khói tỏa bay nghi ngút
Thắp nén hương lòng tưởng phút giây
Lắng dạ nhìn dung nhan phụ mẫu
Công ơn dưỡng dục biển sông đầy

Bông cài chỉ một màu hồng thắm
Quan niệm thầy tôi hướng dẫn đà
Xác thịt người thân hòa cát bụi
Nhưng còn sống mãi đẹp bài ca

Thầy mong đệ tử đều an lạc
Né tránh màu hoa trắng tủi lòng
Dẫu trắng hay hồng con vẫn khóc
Rưng rưng ngấn lệ tủi đầy đong

Hồi chuông, tiếng mõ buồn ray rức
Nhớ lại xưa nhiều kỷ niệm mang
Theo mẹ sen dâng chùa Diệu Đế
Đạp xe với bạn đến Từ Đàm

Mái chùa một thủa thời êm ấm
Gieo hạt giống lành pháp dưỡng
ngôn
Bóng mát tâm linh hòa cuộc sống
Hương sen tượng Phật ngự tâm hồn

Giao mùa uyển chuyển vàng thu tới
Vẫn nở tràn hoa đẹp mái chùa
Bướm lượn chim ca bừng cảnh sáng
Phổ Từ tín ngưỡng chấp tay thưa

Minh Thúy Thành Nội
Tháng 8/27/2023

Vu Lan Tản Mạn


1. HẮN VÀ TÔI

Tên hắn là Mai Anh Tuấn.

Tôi để ý đến hắn, không phải vì cái tên với cái họ “lạ”, họ Mai. Cũng chẳng phải vì hắn là công tử con nhà giàu. Nghe nói ba hắn đi qua Mỹ từ ngày chạy loạn 30/4, nên cuộc sống mấy mẹ con rất ung dung khá giả. Mới học lớp 6 thôi, mà hắn đi học mặc quần tây áo sơ mi “đóng thùng” chỉnh tề, mang giày xăng-đan, tay còn đeo chiếc đồng hồ nữa cơ.

Tôi thích đôi mắt hiền của hắn, nhìn chúng tôi chơi đùa, khi bị cả lớp tránh xa, vì cái tội... “con nhà giàu”. Giờ ra chơi, thời buổi khó khăn, chúng tôi chỉ được củ khoai lang khoai mì, sang lắm là miếng xôi, cái bánh cam, còn hắn thì gặm bánh mì thịt, nên thường bị đứng bơ vơ ở một góc sân trường.

Tôi thích nhìn mái tóc của hắn, màu hạt dẻ, mềm mại, khi hắn hất cái đầu thì làn tóc bồng bềnh, vài cọng xoã trên trán, nhìn cũng…hay hay, và chẳng hiểu sao, tôi cũng thích nhìn cánh tay đeo đồng hồ của hắn, khi hắn đưa lên xem giờ, có vẻ rất điệu nghệ, dù hắn chỉ là thằng nhóc tì mười hai tuổi, cũng đã làm cho con nhóc tì là tôi để ý (dù là nhìn lén!). Nhưng với bản tính trẻ con, tôi mê chơi với lũ bạn, không thèm dòm ngó hay bận tâm nhiều đến thằng bạn thuộc “giai cấp” khác. Thậm chí, còn có rất nhiều lần, bực bội chuyện học hành, hoặc cãi lộn với bạn bè, tôi nổi sùng, “giận cá chém thớt”, đi ngang qua chỗ hắn với cái liếc mắt nhọn hơn dao găm, phớt lờ ánh mắt tội nghiệp của hắn đang nhìn theo dáng đi rất ư là ... hùng hổ của tôi.

Gia đình tôi có hai căn nhà, một kế bên Chùa Vĩnh Quang, một gần Nhà Thờ Đức Tin, nên tôi là cư dân của hai xóm này. Thuở bé, hễ mùa Vu Lan là tôi theo mấy đứa trong xóm chạy qua Chùa chầu chực thức ăn nhà Chùa phát thí cho… cô hồn các đảng. Lớn lên, tôi có thói quen dừng lại trước cửa Chùa, ngắm vườn Chùa nhỏ xinh với cây Ngọc Lan toả mùi thơm ngát. Hôm đó, tôi vừa có dịp đi ngang Chùa, thì có bóng người bước ra:
- Chào bạn, nhớ tôi không? Mai Anh Tuấn nè …
Nghe cái tên là tôi nhận ra cả người, và cả một thời “khi xưa ta bé”, nên hơi ngại ngùng:
- Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Sau năm học đó, bạn đi đâu?
- Nhà mình dọn qua Xóm Thuốc.
- Vậy sao hôm nay có mặt ở đây, bộ bên Xóm Thuốc không có Chùa sao?
- Có chớ! Nhưng tại hồi còn sống, mẹ của mình hay đi Chùa này.

Đôi mắt hắn, vẫn đượm buồn như năm xưa, giờ còn buồn hơn, khi kể về nỗi đau mất mẹ bất ngờ vì tai nạn, trong khi hắn đang đi chơi ngoài Vũng Tàu nên không kịp nhìn mặt mẹ lúc hấp hối.

Cây Ngọc Lan trong vườn Chùa rụng rơi mấy nhánh hoa, đậu trên vai hắn. Trên chiếc áo trắng của hắn còn gắn một bông hồng trắng mà tôi chợt nhìn ra. Cơn gió nhẹ thoáng qua, hắn lại hất mái tóc mềm mại như thuở nào, và tôi cũng kịp nhìn trên tay hắn có đeo chiếc đồng hồ. Mọi thứ thực, hư, hiện tại, quá khứ xuất hiện đan xen nhau, trong vườn Chùa rộn ràng kẻ qua người lại, nồng nàn mùi khói nhang, hoà với tiếng mõ tụng kinh từ chánh điện vang xa, và đôi mắt hắn u hoài, tiếc thương, xa xăm…là hình ảnh tôi mang theo về tận nhà, vào trong giấc ngủ mộng mị.

Và tôi biết, tôi chưa bao giờ ghét hắn. Giờ lại càng thấy gần gũi mến thương hơn, không phải vì hắn còn “hất mái tóc màu nâu bồng bềnh”, hay “tay đeo đồng hồ ấn tượng”, mà vì hắn cũng đang giống như tôi, mồ côi mẹ!

2. VẪN LÀ NHỮNG CÂU HỎI

Đang bữa cơm chiều, cả xóm bỗng chộn rộn lên vì tiếng khóc của bé Na, tôi cũng nhanh chân chạy qua xem, thấy ba nó là anh Tuấn thất thần, ngơ ngác đưa cho mọi người đọc lá thư của chị Hương, vợ anh, để lại, nói lời xin lỗi gia đình để được xuất gia đi tu, mà không nói tu ở đâu, chùa nào.

Chị Hương còn rất trẻ, trước đây không phải là “thiện nam tín nữ” xóm Chùa, vì chỉ có những ông già bà cả mới thăm viếng Chùa thường xuyên. Bỗng một năm trở lại đây, chị siêng năng đi Chùa, không những Chùa trong xóm mà cả các Chùa nơi khác. Chồng chị đi làm, chị ở nhà nội trợ nuôi con Na mới hơn 3 tuổi, nhưng nhờ hai bên nội ngoại gần bên nên chị cứ gửi con rồi đi Chùa, lúc đầu còn thỉnh thoảng, về sau thì đi miệt mài, có khi chiều tối đạp xe về nhà còn mặc nguyên bộ đồ lam màu xám. Dẫu vậy, việc chị đột ngột bỏ nhà đi tu, để lại con Na bé xíu vẫn làm cho bà con ngạc nhiên, bàn ra tán vào dữ dội.

Vài tháng sau, một cô trong xóm đi thăm người quen bên Hóc Môn, tình cờ nhìn thấy chị Hương, giờ đã cạo đầu, là một sư cô, đi chợ với một sư cô khác. Hai sư cô vui vẻ, thân thiết, nói chuyện cười đùa rất ý hợp tâm đầu. Chị hàng xóm liền bám theo đến ngôi Chùa hai sư cô (thật không hổ danh “tình làng nghĩa xóm” quan tâm để ý lẫn nhau), rồi về xóm báo cho gia đình chị Hương (từ nay xin gọi là sư cô Hương). Cả nhà sư cô gồm chồng con, ba má, và mấy chị em liền kéo đến Chùa đó, bé Na gặp mẹ là nhào tới ôm, khóc lóc đòi mẹ, rồi mỗi người một câu, sư cô Hương đành trở về nhà. Nhưng chỉ được vài tuần, sư cô lại bỏ đi, lần này lá thư nói rất rõ, sẽ đi thật xa, đừng ai tìm kiếm để sư được trọn tâm nguyện.

Dĩ nhiên, bé Na vẫn khóc, anh Tuấn vẫn rầu rĩ âm thầm chăm sóc con thơ, nhưng gia đình chẳng còn muốn tìm kiếm, dù có đôi lần, người ta vẫn bắt gặp sư cô Hương ở đâu đó, vẫn đi với sư cô lần trước, khi thì đi chợ, khi thì đi tụng niệm, hay đi Chùa nào đó, an nhiên thoải mái như là chẳng vướng bận gì.

Thỉnh thoảng mấy bà mấy cô trong xóm cũng tụm năm tụm ba nhỏ to với nhau, nghi ngờ chuyện đi tu của sư cô Hương, bởi lần nào cũng y chang như lần nào, hễ có ai dòm thấy sư cô Hương thì bên cạnh vẫn là sư cô kia, như hình với bóng, dính nhau như sam, rạng rỡ hạnh phúc phơi phới . Thực hư thế nào, nguyên nhân xuống tóc tìm về cửa Phật của sư cô Hương, chỉ có trời có Phật (và chính sư cô) mới biết, hơi đâu ngồi bàn tán tào lao. Riêng tôi, hình ảnh anh Tuấn cõng bé Na ra đầu ngõ mua cho nó gói khoai mì trộn dừa với muối đậu, rồi hai bố con dắt tay nhau đi dạo loanh quanh trong xóm những buổi chiều luôn làm tôi xót xa .

Thời gian trôi qua vùn vụt, cách đây mấy năm, tôi theo cô bạn Phật tử đến Chùa Trúc Lâm dự lễ Vu Lan kết hợp với chuyện… thưởng thức mấy món chay khoái khẩu, và cũng để diện kiến Thầy Thích Pháp Hoà, vị giảng pháp nổi tiếng với cộng đồng Người Việt khắp nơi mà tôi là “hàng xóm Edmonton” nhưng lại mới biết.

Trong lúc xuống bếp xem các sư cô làm thức ăn, tôi bất ngờ nhận ra sư cô Hương. Hỏi ra mới biết có nhóm sư cô cùng Phật tử từ Việt Nam qua Mỹ và Canada viếng các Chùa. Tôi mừng rỡ đến chào người hàng xóm cũ, nhưng Sư cô xua tay, nói không quen biết, chắc tôi lộn người. Tôi bèn kéo sư cô ra một góc riêng, chậm rãi nói rõ nhà tôi có ai, nhà sư cô có ai, tôi chơi với em gái sư cô tên gì, lúc đó sư cô mới hết đường chối cãi, mới chịu nhìn tôi, vội vã hỏi thăm vài câu xã giao. Rồi sau đó Chùa quá bận rộn, chúng tôi không nói được gì thêm.

Ngày hôm sau tôi quay lại Chùa tìm thì chú tiểu cho biết, sư cô bị cảm không thể tiếp khách. Thực lòng, tôi chỉ muốn gặp lại sư cô để hỏi han về xóm cũ, về gia đình sư cô, về bé Na giờ đây chắc cũng đã là thiếu nữ trưởng thành, chứ không hề có ý gì khác. Ngoài ra, tôi còn có ý chúc mừng, ngơi khen sư cô đã kiên trì với đường tu suốt ngần ấy năm, nhưng không hiểu sao sư cô lại trốn tránh, không muốn gặp tôi? Chả lẽ vì cái quá khứ đã có chồng con, hay vì một lý do nào khác nữa?

Còn cái câu hỏi từ thuở xưa cả xóm thắc mắc (chứ không riêng gì tôi), tại sao sư cô không chờ bé Na lớn hơn một chút rồi hãy xuất gia, mà lại bỏ nó bơ vơ khi nó còn quá bé bỏng ngây thơ?

Liệu sư cô có thấy tịnh tâm trong tiếng kinh kệ chuông mõ hàng ngày khi mà còn văng vẳng tiếng khóc của con thơ nhớ hơi mẹ, thì đã từ lâu không có câu trả lời, và bây giờ cũng chẳng còn quan trọng.

Kim Loan


Maman Au Jourd'hui, Maman Demain, Maman Toujours - Mẹ Hôm Nay, Mẹ Ngày Mai, Mẹ Của Muôn Đời( Thái Lan Dịch)

Maman Au Jourd'hui, Maman Demain, Maman Toujours

Qu'il est donc noble, ce mot, et tellement significatif!
Une maman est un trésor souvent caché, comme tout ce qui est précieux dans la vie.
Avec beaucoup de regret, j'aimerais que la mienne soit ici aujourd'hui, elle me manque tellement....
Et son absence se fait encore plus sentir lorsque j'ai de la peine.
Quel doux soulagement je ressentais en sa présence, à son simple regard doux et aimant; toute tristesse s’envolait et le soleil réapparaissait.
Jamais personne ne pourra remplacer dans mon cœur cet être fait de tendresse et même le
plus dur d'entre nous s'adoucit lorsqu'il prononce ce nom si doux à l’oreille.
En présence de notre maman, nous devenons de petits enfants.
Maintenant, c'est à mon tour de faire oublier les tracas des miens avec un sourire et un regard rempli
d'amour.
Que l’on soit d’un bout à l’autre du pays, de n’importe quelle couleur de peau, de langues différentes,
de métiers professionnels ou non, si nous avons des enfants, c’est notre rôle de mère qui doit être primordial.

Donc, cette journée est la vôtre et vous la méritez bien, soyez-en certaines.
Dans le mot "maman" j’y vois la tendresse, des larmes, de la déception, de la fierté, mais toujours un amour inconditionnel assuré.

Malgré toutes les intempéries que peut apporter la vie aux fils et filles, « maman » est toujours là.
Un de mes fils m’a souvent répété que, lorsque son pied était un peu croche, je savais comment le redresser avec un sourire de satisfaction qu’il pouvait percevoir sur mon visage.
Qui donc mieux qu’une mère peut faire ce miracle d’un simple regard ?

Aujourd’hui, je suis très fière d’avoir été avant tout une mère et c’est ma récompense de les voir grandir avec sagesse.
J’en remercie ma « maman » à moi qui m’a donné cette force ou ce caractère capable d’affronter un à un les petits désagréments qui ont fait d’eux ce qu’ils sont maintenant.

Être maman, c’est accepter de transmettre des valeurs à la société en lui offrant une relève saine et digne de continuer la trace de tous ceux et celles qui l’ont précédée,
en lui inculquant, par-dessus tout, le sens du beau.

Quel magnifique rôle, tellement important et surtout primordial pour l’avenir!
Réfléchissez-y, regardez autour de vous.
Vous y verrez le travail immense accompli par ces très chères mamans.
Une rose bien méritée pour chacune d’elles en cette journée particulière pour des personnes« spéciales» qui auront fait ou feront une génération «extraordinaire »!

Nguồn: Nicole Girard (Nicky )
***
Bài Dịch:

Mẹ Hôm Nay, Mẹ Ngày Mai, Mẹ Của Muôn Đời

Tiếng Mẹ nghe sao mà cao thượng,sao mà ý nghĩa vô cùng!
Một người mẹ luôn là một kho tàng được ẩn kín, như tất cả những điều quý báu nhất trên đời.
Mẹ ơi, con ước gì mẹ hiện hữu với con ngày hôm nay, con nhớ mẹ vô vàn, con thương tiếc mẹ của con biết bao...

Rồi những khi đau khổ con càng cảm thấy thiếu vắng mẹ hơn nữa.
Chỉ cần nhận biết được ánh mắt dịu dàng đầy yêu thương của mẹ, con đã
 cảm thấy được an ủi rất nhiều; tất cả những buồn đau đều tan biến và ánh dương lại xuất hiện, Mẹ ạ.

Người được tạo bằng sự âu yếm đó, không ai khác có thể thay thế Mẹ trong lòng tôi, và ngay cả bất cứ ai tính tình như sắt thép hoặc khó khăn nhất cũng dịu giọng lại khi cất lên tiếng ấy, tiếng gọi nghe sao êm tai quá ...

Tất cả chúng ta đều trở nên bé bỏng ấu thơ khi đến với mẹ.

Bây giờ đã đến lúc tôi phải làm cho những âu lo phiền muộn của chính các con tôi biến mất bằng nụ cười và mắt ánh mắt tràn ngập yêu thương.

Cho dù tất cả chúng ta sống ở bất cứ làng mạc xứ sở xa xôi nào, có bất cứ màu da đỏ đen trắng vàng, với ngôn ngữ khác hẳn nhau, làm nghề nghiệp thượng thặng hoặc tầm thường như thế nào đi nữa,..


Một khi ta sinh con, thì vai trò làm mẹcủa ta chiếm vị trí quan trọng nhất.

Nếu bạn biết được điều đó, thì nguyên cả ngày hôm nay chắc chắndành riêng cho bạn đó, bạn đáng được hưởng như vậy.

Khi nói đến "Mẹ", tôi nhìn xuyên thấu qua đó sự trìu mến, nước mắt, nỗi thất vọng, niềm tự hào, nhưng luôn luôn đi kèm với một tình yêu thương vô điều kiện vững chắc.

Cho dù mưa gió bão bùng mà cuộc đời có đem đến cho các con dù trai hoặc gái, "Mẹ" luôn luôn bên cạnh các con.

Con trai tôi thường nói với tôi rằng, mỗi một khi chân cháu bị đau, co quắp lại, tôi chỉ cần mỉm cười hài
lòng khi cháu nhìn tôi thì chân cháu trở lại bình thường.

Chỉ có Mẹ thôi, có còn ai khác có khả năng làm tan biến nỗi đau đớn như là phép màu như thế không ?

Ngày hôm nay, giờ đây, tôi đã rất hãnh diện trước hết đã là một người mẹ và tôi thật vui mừng khi nhìn thấy chúng trưởng thành một cách khôn ngoan, tôi tận hưởng món quà vô giá ấy.

Tôi cũng luôn biết ơn người "Mẹ" của tôi, Người đã truyền cho tôi sức mạnh hoặc cá tính mạnh mẽ có khả năng đương đầu từng bước một với những phiền toái và giúp chúng trưởng thành để chúng được như ngày hôm nay.

Làm Mẹ, là chấp nhận truyền đạt bao nhiêu giá trị cho xã hội bằng cách giao lại công tác lành mạnh và xứng đáng theo gương của những vị tiền bối bằng công việc khắc sâu vào tâm trí họ quan điểm về cái đẹp là việc quan trọng hàng đầu.

Ôi, vai trò mới tuyệt diệu làm sao, mới quan trọng làm sao, và nhất là một vai trò thật chủ yếu cho tương lai!
Bạn hãy suy nghĩ đi, hãy nhìn chung quanh bạn.
Bạn sẽ thấy công trình vĩ đại bao la mà những người mẹ quá đỗi thân yêu ấy đã thực hiện được.
Thế thì mỗi người ấy sẽ được tặng một cành hoa hồng vào ngày đặc biệt hôm nay, họ xứng đáng được như thế, hỡi những người"đặc biệt" đã hoặc sẽ tạo nên một thế hệ thật "phi thường"!

Nguồn: Nicole Girard (Nicky )- TháiLan dịch







Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Thương Cha - Sáng Tác: Phạm Đức Huyến - Tiếng Hát: Nguyễn Hồng Ân


Sáng Tác: Phạm Đức Huyến
Tiếng Hát: Nguyễn Hồng Ân

Đơn Giản Tuổi Già

(Ba Má & 10 đứa con - Trung Ngãi 1961)

Lúc về già nhận ra điều đơn giản
Thương Mẹ Cha đâu quản dặm đường xa
Mồ yên mã đẹp chưa màu nở hoa
Lắng nghe tiếng vọng là quà Cha Mẹ

Lời Cha Mẹ dạy vô tình xem nhẹ
Học chuyên thành tài sẽ sớm tương lai
Trí, đức, nghĩa, tình, xây giúp ngày mai
Cuộc đời ngắn nhưng dài gian khổ gặp

Giỏi nhịn nhường, rộng lượng chôn cố chấp
Giỗ Mẹ Cha không thắp nén hương đau
Không quà, trái ngọt, mâm đầy, cỗ cao
Lễ nghi khuôn phép nào màu thôi bỏ

Cốt Mẹ Cha từng về nơi sương gió
Có tiếc thương nấm cỏ cũng dần trôi
Rồi thời gian nhanh tóc bạc da mồi
Miền miên viễn ta ngồi suy nghĩ lại

Lời Mẹ Cha mang điều hay lẽ phải
Từ tốn bàn chậm rãi nói yêu thương
Bầu sữa ngọt xưa nào có hoang đường
Từng giọt khổ vô dường nuôi con lớn

Tuổi già có thú gì hơn
Điều đơn giản nhất! Dẹp hờn oán than
Dăm ba chuyện vặt vãnh chẳng nên màng!

Pleiku 14-8-2010
Lê Kim Hiệp

Một Lời Cho Cha

 

Kính dâng hương hồn Cha tôi và
nhớ ơn những người Cha nơi trần thế
SL

Mẹ là hoa cho đời thêm hương sắc
Để cho con thấy vẻ đẹp cuộc đời này
Cha là chim giang đôi cánh tung bay
Cho con biết có trời cao đất rộng

Cám ơn cha mẹ cho con đời sống
Giữa chốn hồng trần, kiếp sống nhân sinh
Dạy cho con biết thông lý đạt tình
Sống đạo đức trong tinh thần vui khỏe

Người đã viết rất nhiều về Tình Mẹ
Như nước nguồn, như biển cả mênh mông
Và ngọt ngào như lúa chín ngoài đồng
Con khôn lớn cũng nhờ giòng sữa Mẹ

Cha cũng đã góp phần nuôi dạy trẻ
Đã nhiều đêm cha thao thức canh thâu
Đã nhiều lần Cha lo lắng âu sầu
Khi con trẻ biếng ăn hay biếng học

Ngoài xã hội Cha lao tâm khổ nhọc
Đổ mồ hôi, tìm mọi cách sinh nhai
Trong việc làm, phải đấu sức tranh tài
Phải nhẫn nhục khi gặp điều không vừa ý

Cha và Mẹ bây giờ đà yên nghỉ
Gửi xương tàn nơi đất tổ quê hương
Con bây giờ vẫn còn ở dặm trường
Nhớ Cha Mẹ viết vần thơ nơi xứ lạ

Ân của Mẹ như trời cao biển cả
Nghĩa của Cha như đất rộng núi cao
Tình Mẹ Cha như giòng suối ngọt ngào
Nhớ Nghĩa Mẹ đừng quên Tình Cha nhé

Sương Lam


Mẹ Đi!

 

(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Anh Nguyễn Văn Sáu chuyển đến ngày 29/08/2023 tác phẩm Thơ “Mẹ Về” của Nhà Thơ Trần Kiêu Bạc (tên thật Trần ngọc Danh)
và tác phẩm phổ nhạc của Nhạc Sĩ Cung Đàn (tên thật Nguyễn Văn Sanh), cảm ơn và đáp lễ Nhà Thơ Trần Kiêu Bạc và Nhạc Sĩ Cung Đàn.)

Mẹ! Đi xa mãi không về!
Mẹ! Để Con thương khóc lê thê suốt đời!
Mẹ! Cù lao chín chữ biển khơi!
Mẹ! Công ơn ghi tạc không rời phút giây!

Mẹ! Lòng Mẹ như bát nước đầy trong mát!
Mẹ! Tình thương của Mẹ cho Con bát ngát, bao la!
Mẹ! Nghĩa Mẹ như nước Cam Lồ trong nguồn Hạnh Phúc chảy ra!
Mẹ! “Đói lòng ăn đọt chà là! Để cơm nuôi Mẹ! Mẹ già yếu răng”! Chân chồn, gối mỏi!

Mẹ! Đi để lại vài câu nói!
Mẹ! Đến ôm chầm những đứa con!
Mẹ! “Ai rằng công Mẹ như non! Thật ra công Mẹ lại còn lớn hơn”!
Mẹ! Đêm nay ngủ giấc không tròn! Nửa khuya nhớ Mẹ héo hon dạ sầu! Buồn quá!

Mẹ! “Mẹ già như chuối ba hương”! Có hiểu ra? Làm sao diễn tả?
Mẹ! “Như xôi nếp một, như đường mía lau”! Ngọt ngào hơn cả Mạch Nha!
Mẹ! Con nào dám bỏ Mẹ già!
Mẹ! Gối nghiêng con sửa! Chén trà con dâng!
Mẹ! Vu Lan cúi lạy ghi ân!
Mẹ! Nén hương thành kính tay nâng ngang mày!
Mẹ! Còn chẳng biết là may!
Mẹ! Đi tiếc mãi những ngày làm Con!
Mẹ! Con chỉ có lòng son!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 29/08/2023
14 Tháng 7 Âm Lịch Năm Quý Mão, Ngày Kỷ Mùi. Hành Hỏa, Trực Bế, Sao Vĩ. Cát Thần: Mẫu Thương, Kim Đường, Ngọc Đường

Trăng Thu Nhớ Mẹ

 

Tuần Phật Ðản mẹ thân yêu ngã té
Bốn giờ liền lạnh lẽo dưới nền hoa
Lời thống thiết mẹ kêu gào cứu mạng
Ðến tàn hơi thiên hạ chẳng ai qua…

Cửa then gài người ta không vào được
Hay bởi lòng người chẳng có từ tâm
Sợ họa tai làm ngơ không cứu giúp
Mang hình người mà tâm địa dã nhân

Sáu hôm sau mẹ ly biệt cõi trần
Vào giờ ngọ, đúng ngày rằm Phật Ðản
Mẹ ra đi chắc lòng không thanh thản
Bao thâm tình còn vương ở thế gian

Suốt một đời khổ cực mẹ đa mang
Cao niên kỷ mẹ võ vàng thân xác
Chẳng gấm lụa, chẳng xa hoa đài các
Ngày lẫn đêm một dạ nhất tâm tu

Kiếp con người … ôi một kiếp phù du
Thân tằm nhả sợi kén tơ cho đời

Nuôi con khôn lớn nên người
Chữ hiếu con trả là vui tất lòng
Nhưng khi con trẻ thành thân
Mẹ còn đâu nữa hiếu phần con lo …

Ðêm nay rằm Vu Lan con nhớ mẹ
Ba mốt niên trường vắng bặt bóng từ thân
Mùa Vu Lan, mùa báo hiếu hiền nhân
Mẹ yêu đã vĩnh biệt cõi trần … còn đâu!


Nguyễn Phan Ngọc An


Đón Mẹ Chợ Về

 

(Kính về Bố Mẹ nhân Mùa Báo Hiếu)

Ngày xưa mỗi lần được mùa 
Mẹ đi Chợ Huyện con chờ đầu thôn 
Đứng ngồi mong mỏi mong mòn 
Mặt trời xế bóng vẫn còn đứng trông 
Con đường làng giữa hạ sang 
Nắng chang chang quyện mùi thơm hương đồng 
Hai bên kinh rạch ra sông 
Nước trong leo lẻo mây lồng bóng em 
Trên cây si cổ tiếng chim 
Hát vang những khúc nhạc êm ngày mùa 
Thế rồi ..." a ! mẹ đã về "
Từ xa mẹ quảy thúng quà, đồ ăn 
Con mừng rỡ, Mẹ kéo khăn 
Lau mồ hôi giọt đang lăn má hồng 
Xoa đầu con: " Tội quá chừng ,
Đây con bánh bộp với đồng bánh đa! ".
Mẹ hôn dắt tay cùng về 
Con đường đất đỏ gồ ghề khó đi 
Thế mà em bước nhanh ghê 
Ngắm hàng cau biết, nhà kia đây rồi 
Cái sân gạch ...nắng bốc hơi 
Căn nhà ngói đỏ bố ngồi đọc thơ 
Bữa nay có thịt cá kho 
Bát canh mẹ nấu rất vừa miệng con 
Gạo đầu mùa vần than rơm
Nghĩa cha, Tình mẹ chứa chan dạt dào ...

Thư Khanh
(Nhớ về thuở ấu thơ)

Món Quà Vu Lan (Mạc Phương Đình) - My Vu Lan Present (Thanh Thanh)



mở cuốn an bum nhìn thấy mẹ
bóng mẹ năm nào nay đã xa
đêm nằm nghe gió lùa thao thức
mưa gõ vào tim nỗi nhớ nhà

đời sống hôm nay đầy đủ lắm
mà con không mẹ, chẳng còn cha
ngày xưa con sống ngu ngơ vậy
giờ biết thương yêu thiếu mẹ già

mẹ đã ra đi thời khó nhọc
quê nghèo nặng trĩu gánh bôn ba
sắn khoai nuôi mẹ ngày sau cuối
con mắc tù lao phải vắng nhà

gian khó một đời cha mẹ gánh
ơn dày nghĩa nặng chẳng phôi pha
mẹ ơi sầu tũi đường xa xứ
xin gửi hôm nay một chút quà?

tháng bảy Vu Lan mùa báo hiếu
âm dương cách trở mấy đường xa
nén nhang ngọn nến lung linh gió
chẳng khóc mà sao mắt lệ nhòa


Mạc Phương Đình
***
Bài Dịch:

My Vu Lan Present


I gazed in the album at my dear Mom’s picture
And realized that now is so far-off her figure
I listened to the rain as if on my heart flick
The wind blow making me agitatedly nostalgic

Although is abundant my current subsistence
Neither my Mom nor my Dad stays in existence
As a child I was so dull being by Mom kissed
Now that I know whom to love, Mom is missed

Mom departed this life during a difficult time
Scurrying beneath the burden in our poor clime
Until your last days on manioc hand to mouth
While I was in prison as a “puppet” of the South

Such a hard period Dad and Mom bore your part
That feeling of gratitude I bury deep in my heart
Dear Mom please accept from this sad son adrift
On this commemorative day my little humble gift

Vu Lan mid-seventh month, the filial duty event
Between life and death how far to suffer torment
Joss-sticks and candles spark, the wind uprears
I don’t cry but why my eyes get wet with tears

Translation by Thanh Thanh



Cúng Mẹ

Mẹ tôi quê Nam Ðịnh, thời con gái đã giỏi giang việc nhà và bán buôn, cô Ninh thường ra Hà Nội cất hàng về bán chợ quê, các đồ hàng xén cô mua ở tiệm mẹ anh Cừ và thế là cô quen anh Cừ, mỗi lần cô đến là anh cứ luẩn quẩn bên cô mà chẳng dám nói năng gì, cô Ninh hiểu ý chủ động tấn công anh công tử Hà Nội, lần đầu tiên rủ anh đi chơi bờ hồ, cô sốt ruột đợi anh ở ngoài đầu ngõ mãi anh Cừ mới thong thả ung dung từ trên gác bước xuống và ra gặp cô, anh mặc áo len, cổ quấn khăn quàng và đầu đội chiếc mũ nồi.
Cô Ninh đã phải kêu:
- Trời hôm nay mát mẻ có gió Ðông Bắc thổi về đâu mà anh khăn áo thế này?
- Tôi xin lỗi để cô đợi lâu, dù gió nào thì mẹ tôi cũng bảo nên mặc cho ấm khi đi ra đường, từ bé tôi đã quen thế rồi cô Ninh ạ..

Ngày anh Cừ đòi cưới cô Ninh chỉ một mình mẹ anh Cừ là vui vẻ chấp nhận, mẹ nào mà không hiểu con, bà biết con trai bà yếu đuối cả thể xác lẫn tinh thần, cô Ninh có đủ điều kiện, tư cách để chồng nương tựa.
Anh Cừ dáng nhỏ nhắn yếu đuối thư sinh con nhà giàu được cưng chìu từ bé.

Cô Ninh thì trái ngược hẳn, gái quê to cao lực lưỡng mạnh khỏe, cô cao hơn hẳn anh một cái đầu, hai vợ chồng đi bên nhau nhiều người không biết tưởng là hai ?dì cháu hay cũng là hai chị em dù cô Ninh kém anh Cừ 2 tuổi.. Cả họ hàng nhà anh Cừ đều phản đối, từ bà cô cho đến anh em anh Cừ, họ chê cô Ninh nhà quê ít học chữ nghĩa chưa đầy lá mít.
Khi cô Ninh về làm dâu nhà anh Cừ bà cô đã trêu chọc đứa cháu dâu khi cháu đang làm bếp:
- Cháu này, ở Hà Nội người Hà Nội mổ cá đằng lưng đấy nhé.
Cô Ninh chẳng lạ lẫm gì cách làm cá, ở quê mỗi khi nấu cơm làm cá cô vẫn mổ bụng cá và rửa sạch sẽ, nghe bà cô chồng nói cô Ninh ngây thơ tưởng dân Hà Nội làm thế và cô ngoan ngoãn vâng theo, mổ những con cá đằng lưng làm một phen trò cười cho nhà chồng. Họ càng cười càng thêm ghét cay ghét đắng con bé nhà quê được làm dâu nhà Hà Nội lại là nhà giàu sang.

Còn ông anh cả của chồng thì ghét cô ra mặt, chơi trò ném đá, nhà anh cả và nhà vợ chồng cô Ninh ở cạnh nhau, từ sân nhà bên này anh ném gạch sang sân nhà em bên kia một ngày mấy bận, cô Ninh không chịu nổi sự phá đám của anh chồng bèn dắt chồng đi thuê nhà nơi khác không thèm ở căn nhà mặt phố Hưng Ký của nhà chồng nữa. Cô yêu anh, cô đâu màng gì tới tiền của gia sản nhà anh.

Thời cuộc năm 1954 mẹ anh Cừ muốn lo cho các con đi Pháp nhưng anh Cừ đã nhanh chân theo vợ di cư vào Nam, lìa quê cha đất tổ, lìa cha mẹ anh em thân thuộc.Từ đấy anh Cừ nương nhờ vợ như trước đó anh từng được mẹ chở che.
Vào Nam anh Cừ thành một công chức còn cô Ninh lại xuôi ngược bán buôn, từ buôn bán nhỏ đến lớn. Họ xây được căn nhà 3 tầng lầu nơi các con sống từ nhỏ hay ra đời và lớn lên ở đây.
Ngày tôi lên 7 lên 8 học tiểu học mỗi lần bị bạn bè bắt nạt là tôi về mách mẹ, thế là mẹ tôi đến thẳng trường, không phải để gặp cô giáo mà để gặp đứa thủ phạm đã đánh tôi, bà hăm dọa thế nào mà từ đấy trở đi không đứa bạn nào dám ăn hiếp hay gây sự với tôi nữa
Chúng nó bảo nhau là mẹ tôi dữ lắm, mẹ tôi, Bà Chằn lửa.
Mỗi lần đứa bạn nào muốn đến nhà tôi chúng đều hỏi thăm tình hình:
- Ê Mai, chiều nay mẹ mày có nhà không?
- Có anh tao, hai đứa em tao và bố tao
- Ai cũng được miễn là không có mẹ mày, chiều tao đến nhà mày chơi nhá.

Tôi hãnh diện về người mẹ bà chằn lửả của mình vì được mẹ che chở an toàn và các bạn nể sợ, nhưng chỉ vài năm sau thì tôi hiểu cái danh từ mẹ bà chằn chẳng hay ho gì mà trái ngược lại nên tôi mặc cảm lắm với bạn bè vì mẹ mình
Ngoài vóc dáng to cao, nét mặt mẹ cũng chẳng hiền, đôi chân mày đậm, đôi mắt hơi xếch Tướng tá này mà đi đánh ghen thì các cô bồ nhí của bố tôi (nếu có) cũng phải chạy xa một đi không trở lại. Nhưng cũng may bố tôi chẳng bao giờ có ý định yêu thương ai ngoài mẹ, người con gái quê đã giáng tiếng sét ái tình dữ dội vào đời bố.

Ngày xưa ở quê quân ăn trộm cũng phải sợ mẹ tôi, nửa đêm chúng vào sân bắt trộm gà bị mẹ phát hiện đuổi theo đến cùng dù chúng đã biết điều ném trả lại những con gà để hối hả leo qua tường, mẹ leo không kịp nên tên trộm thoát nạn nhưng bầy gà đêm một phen hoảng sợ, gà xổ lồng bay tung toé và nhào nháo khắp sân.

Ở Sài Gòn có lần mẹ tôi bị cướp giật xâu chuỗi hột đeo trên cổ tại công trường Quách thị Trang, sợi giây đứt hột rơi tung toé xuống đất, không thể lấy được gì tên cướp bỏ chạy nhưng bà vẫn không tha tên cướp, bà huỳnh huỵch chạy theo và lấy cán dù kéo cổ tên cướp ngã lăn quay ra đường, bà giữ chặt nó rồi hô hoán mọi người bắt giao tới đồn cảnh sát sau đó bà mới thong thả lượm hột lên cho đến khi xâu chuỗi đầy đủ .
Lợi thế to con khỏe mạnh bà đã trấn áp tên cướp dễ như trò chơi trẻ con..
Nghe mẹ kể lại hai câu chuyện bắt trộm cướp này chúng tôi phục mẹ lắm và tôi đã dè dặt hỏi:
- Trộm cướp chưa lấy được món gì của mẹ sao mẹ không tha làm phước còn truy đuổi đến cùng?

Mẹ quắc mắt mắng tôi: - Mẹ chỉ làm phước cho người tử tế, quân bất lương thì nó phải trả gíả
Mẹ làm giàu từ hai bàn tay trắng nuôi chồng nuôi con sung sướng, lương của bố chỉ để nhà xài vặt, bố vẫn là công tử Hà Nội dù đã xa Hà Nội nhiêu năm, được mẹ hầu cơm hầu nước thương yêu và trân trọng.
Chắc đã quen được mẹ chìu lại đến vợ chiếu, bố kiểu cách và khó tính khác người.

Buổi sáng bố điểm tâm bằng tô phở nhưng phải là tô phở nóng, đến đúng lúc, nghĩa là khi bố ngồi vào bàn thì mẹ đã mua tô phở từ ngoài tiệm về đến nơi, không sớm hơn và không trễ hơn.
Tôi có lần phải đi mua phở về cho bố, bưng tô phở đặt trên cái đĩa mà tôi vẫn lóng cóng sợ tô phở nóng đổ ra tay, rón rén đi mãi mới về đến nhà tôi bị mẹ mắng ngay: - Con ngủ ở tiệm phở hay sao mà lâu thế?

Dĩ nhiên tô phở ấy bố tôi không ăn vì là tô phở không đúng lúc, bố thà nhịn đói chứ không ăn tô phở dù chỉ bớt nóng đi một chút. Thế là từ hôm ấy trở đi mẹ tôi độc quyền đi mua phở cho bố điểm tâm.
Mẹ đã tự tin nói với các con :- Thả bố chúng mày ra đường chẳng cô nào thèm nhặt, vì ai mà chìu nổi bố chúng mày ngoài mẹ .
Mỗi khi bố mẹ đi ra phố, bố chưa biết cầm dù che vợ là gì vì mẹ đã làm chuyện ấy, che cho bố khi trời nắng lúc trời mưa. Bố nói đùa với mẹ: - Bà khỏi cần che ô che dù làm gì, tôi đi bên cạnh bà, bóng bà to lớn đủ che chắn cho tôi rồi.
Và bố cũng từng nửa đùa nửa thật trước mặt vợ con: - Nếu bà chết trước thì tôi sẽ sống ra sao đây.
Mẹ gắt yêu: - Ông đừng nói gỡ. Nhưng nếu thế thì tôi sẽ là người chết sau để lo cho ông đến khi mồ yên mả đẹp rồi tôi chết ngay lập tức cũng vui lòng..

Chúng tôi cũng ước nguyện như mẹ, bố khó tính thế chúng tôi không đứa nào dám gần, mẹ tuy cũng khó tính nhưng vẫn cởi mở và gần gũi các con.
Mẹ làm mấy nghề một lúc, cho vay lời, cầm chủ hội, bán vải, cầm cố đồ đạc nhà cửa, những nghề cần bản lĩnh này đã thích hợp với mẹ, hầu như không ai dám trây lì hay quỵt tiền nợ của mẹ.
Có một con nợ cầm căn nhà mặt tiền không có khả năng trả nợ, thay vì xiết nợ căn nhà nhưng mẹ đã thương cảm cho cảnh nhà người ấy sa cơ thất thế nên gia hạn thêm để giúp người ấy tiếp tục kinh doanh nơi căn nhà mặt tiền, tiếp tục trả góp cho mẹ.

Nhà bà Tư trong xóm lao động gần nhà mang nợ mẹ dai như đỉa đói, nợ cũ chưa dứt lại chồng thêm nợ mới, lần đó bà Tư sai hẹn không trả tiền lời, mẹ tưởng bị bà Tư qua mặt, mẹ tức giận xồng xộc đến nhà bà Tư định sẽ mắng cho bà ta một trận và từ giờ trở đi đừng hòng bén mảng đến nhà mẹ để vay tiền nữa..
Khi đến nơi thấy ông Tư nằm trên chiếc phản xiêu vẹo ở gian ngoài, mình đắp chiếc chăn cũ rách như tổ đỉa và rên hừ hừ, bên cạnh ông vài ba đứa trẻ mặt nhem nhuốc và ngơ ngác sợ hãi khi thấy người đàn bà lạ bước vào với vẻ mặt dữ dằn đòi gặp mẹ chúng thì mẹ tôi đã chạnh lòng.
Bà dịu giọng hỏi lũ trẻ: - Mẹ chúng mày đâu?
Một đứa mếu máo đáp trong khi hai đứa còn lại thì đứng co rúm vào nhau :
- Má con đi qua nhà dì Hai mượn gạo chưa về.

Mẹ tôi quay về nhà và đến một cửa hàng gạo mua hẳn một tạ gạo nhờ chủ tiệm mang đến tận nhà bà Tư.
Mẹ bán vải bỏ sỉ, những xúc vải để đầy trong nhà không những anh chị em tôi muốn may gì thì may mà các bạn tôi đến chơi nhà, mẹ thấy đứa nào trầm trồ trước đống vải mới tinh đủ màu sắc mẹ tôi liền bảo:
- Cháu thích thì bác cho, bác cắt vải cháu may cái áo giống Mai nhé
Các bạn tôi thích mê, không phải chỉ thích vải mà thích cả mẹ tôi, trông tướng tá bà oai vệ như đàn ông mà sao dịu dàng hiền hậu thế.
Các bạn của anh tôi cũng được yêu chiều như thế, đến chơi nhà là được mẹ giữ lại nấu cơm cho ăn no nê mới ra về, các anh thân thiện và tự nhiên, có anh đến nhà tôi vừa vào đến cửa đã hỏi đùa:
- Mai ơi, nhà còn cơm nguội không cho anh ăn với
Mẹ tôi nghe được đã vồn vã: - Sao lại thế cháu, để bác đặt nồi cơm điện mà ăn ngay cho nóng sốt chứ.
Các bạn thời tiểu học của tôi khi ấy còn bé dại tưởng mẹ tôi dữ dằn, chúng không hiểu sau cái nhan sắc đàn ông đáng sợ ấy mẹ tôi là một phụ nữ giàu tình cảm rất đáng yêu. Các bạn của chúng tôi sau này đã hiểu thế, đã qúy mến mẹ biết bao.
Làm ăn mấy nghề như thế nhưng mẹ vẫn ôm đồm thêm khi có cơ hội, thấy một tiệm sửa xe gắn máy ở đường Hồng Thập Tự cần sang lại gía rẻ vì chủ tiệm đi xa mẹ đã sang lại ngay.

Anh chị em chúng tôi đều phản đối, nhà toàn phụ nữ, bố đi làm còn anh tôi đã là phi công bay bướm đời nào chịu làm anh thợ sửa xe gắn máy.. Bố tôi cũng răn đe cho có lệ vì biết mẹ đã quyết định là đâu vào đó khó mà thay đổi được: - Nhà này không ai biết sửa xe gắn máy đâu nhé.
Mẹ gạt đi : - Ông chỉ khéo lo, chưa biết thì làm cho biết, cả Sài Gòn này có bao nhiêu là xe gắn máy tha hồ kiếm tiền ông ạ.
Rồi mẹ nói đùa: - Tôi mà có vốn to thì buôn cả tàu bè máy bay nữa đấy
Anh tôi nhận xét: - Mẹ mà đi lính chắc cũng xông pha khắp 4 vùng chiến thuật, cũng lên cấp chỉ huy. ..

Những ngày đầu mẹ bảo chị em tôi thay phiên nhau lúc rỗi rảnh ra trông tiệm để câu khách vì khách sửa xe toàn là đàn ông, các anh khách hàng đến sửa xe đã gặp cô Mai, cô Lan cô Cúc và không thể nào không đến tiệm lần nữa khi xe bị hỏng. Mẹ tâm lý giỏi thật.
Chưa có tiệm sửa xe gắn máy nào ở Sài Gòn độc đáo như tiệm nhà tôi toàn là phụ nữ trông coi. Khi thì một bà gìa, khi thì cô thiếu nữ ra dáng nữ sinh bé bỏng thật dễ thương..
Nhưng người trông coi tiệm chủ yếu vẫn là mẹ, có các thợ chính thợ phụ sửa chữa hẳn hòi mà tay chân mẹ ít nhiều cũng dính dầu nhớt, dần dần mẹ thành thạo hầu hết những bệnh thông thường của xe gắn máy, khách mang xe đến tiệm sửa chỉ tả sơ sơ mẹ đã định xong bệnh chiếc xe và ra gía, gía cả phải chăng nên cửa tiệm càng được tín nhiệm đông khách.

Mẹ làm chủ hội, tính nhẩm mà vanh vách, hội non, hội gìa, tiền ai hốt hội, tiền ai đóng hội chết hội sống không sai sót bao giờ, nhiều khi tôi muốn giúp mẹ mang giấy bút ra cộng trừ chưa xong thì mẹ đã ra đáp số rồi
Không ngờ một người phụ nữ nhà quê ít học, chỉ xong bậc tiểu học trường làng mà lại tính toán nhanh nhẹn đến thế.
Anh cả tôi lái máy bay phi đoàn cảm tử, phi đoàn 219 chuyên chở lính biệt kích Mỹ. Phi cơ anh lái là một trong hai chiếc máy bay bị rơi trong một chuyến bay thả biệt kích Mỹ xuống vùng ngã ba biên giời Việt Miên Lào tháng Tư năm 1969. Anh mất tích không tìm thấy xác.

Mẹ tôi một thân một mình ra tận Ðà Nẵng vào phi đoàn để hỏi thăm tin tức của anh, mẹ không cho bố tôi đi vì sợ ông yếu sức yếu lòng không chịu đựng nổi nỗi đau này. Mẹ gánh vác cả nỗi đau cho bố..

Tin tức về con trai càng ngày càng mù mịt, ai cũng hiểu là máy bay rơi đồng nghĩa với phi công chết tan xác cùng với mảnh vụn máy bay trong bụi bờ nào đó, có người mẹ nào không đau đớn khi nghĩ đến từng mảnh vụn thịt xương con mình hoang lạnh nơi rừng sâu núi thẳm.
Mẹ tôi để hình anh Tùng trên bàn thờ hương khói, ngày máy bay rơi là ngày giỗ anh và thường than khóc gọi tên con: - Tùng ơi, con ở đâu? Sao con chết thảm thế con ơỉ? Rồi mẹ quay ra chửi từ đầu nguồn đến cuối nguồn vẫn là thằng Việt Cộng, mày vào xâm chiếm miền Nam Việt Nam con bà phải đi lính, mày bắn rơi máy bay con bà, mày giết con bà....
Mỗi năm cứ đến ngày giỗ anh Tùng là có vài đồng đội cùng phi đoàn 219 đến thắp nhang cho anh, nhìn thấy bạn của con, nhìn thấy những bộ quân phục như con mình đã từng mặc mẹ tôi và cả nhà lại rưng rưng nước mắt thương nhớ người thân của mình..

Biến cố 1975 mẹ chậm chân không đưa gia đình đi thoát như 1954, những nhà cửa tài sản kinh doanh của gia đình bị mất trắng chỉ còn lại căn nhà đang ở..
Mẹ tôi lại lặn lội bán buôn nhỏ ở chợ An Ðông để kiếm sống, mẹ ngồi giữa chợ đông bán gà vịt, công việc vất vả và nhếch nhác cả ngày.
Ðầu sóng ngọn gió nào cũng có mẹ xông pha. Ðúng như anh tôi đã nhận xét.
Vợ chồng con cái tôi đi diện HO đến Mỹ, gia đình em Lan đi vượt biển và đến Úc định cư, còn lại gia đình em Cúc ở lại với bố mẹ.

Bố tôi đã qua đời trước mẹ như mẹ và chúng tôi mong ước. Chúng tôi định bảo lãnh mẹ sang Mỹ hay Úc nhưng mẹ tôi từ chối và muốn ở với vợ chồng con gái út đến cuối đời..

***
Hôm nay ngày lễ Vu Lan tôi đi chùa lễ Phật đọc kinh báo hiếu Vu Lan. Khi cài lên áo bông hồng trắng tôi lại ngậm ngùi thương nhớ mẹ.

Ðặt hoa qủa lên bàn thờ tôi cúng mẹ với tất cả niềm yêu thương và hãnh diện. Người mẹ nhà quê của chúng tôi chữ nghĩa không đầy lá mít đúng như các người bên nội tôi đã chê bai khinh thường, nhưng người mẹ ấy đã bôn ba tất bật cả cuộc đời để bao bọc nuôi nấng chồng con một cuộc sống ấm no và hạnh phúc

Bà nội tôi đã chọn không sai nàng dâu. Bà nội đã có một nàng dâu tuyệt vời..

Nguyễn Thị Thanh Dương